Ngày 04-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 18 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:04 04/08/2019
Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 13-21

“Những gì ngươi sắm đó sẽ về tay ai ?”


Bạn thân mến,

Cuộc sống của con người thật đẹp nhưng cũng thật là phù vân, phù vân là gió thổi mây bay tan trong vũ trụ bao la, phù vân là tụ lại rồi tan nhanh khi có cơn gió thổi tới. Đời sống là phù vân, tiền tài danh vọng địa vị là phù vân, tất cả đều là phù vân, và mạng sống của con người ở trần gian này cũng chỉ là phù vân, phù vân như hoa cỏ sớm nở chiều tàn và trở về với nơi đã làm nên nó: bụi đất.

Tiền bạc là phù vân

Giàu có cho lắm thì cũng như phú ông tronng bài Tin Mừng là cùng: tiền bạc của cải không có nơi để cất giữ nên phải làm thêm kho lẫm để tích trử, nhưng ông ta không hề tích lủy những việc lành phúc đức để khỏi phải hối hận trước toà phán xét của Thiên Chúa, thất khốn nạn khi đang hưởng thụ của cải tiền bạc thì Thiên Chúa đến đòi lại linh hồn, trở tay có kịp không ?!

Tình cảm cũng chỉ là phù vân

Con người ta sống cần phải có tình cảm: tình yêu vợ chồng, tình bạn, tình thầy trò.v.v…. tất cả tình cảm ấy đều là nhu cầu thiết thực của con người, để con người vươn lên sống với chức phận làm con người của mình. Nhưng những tình cảm thân thiết này cũng chỉ làm bạn với chúng ta cho đến khi quan tài của mình nằm trong nấm mồ, thì cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thiết, bạn sơ giao, cũng tiếc nuối đưa tiễn chúng ta đến phần mộ rồi họ trở về, chứ họ không cùng đi với chúng ta qua thế giới bên kia, và rồi một vài tháng sau thì họ cũng sẽ quên mất người thân vừa qua đời của mình.

Việc làm tốt

Chỉ có một người bạn thân sẽ đi với chúng ta khi chúng ta từ giã cõi đời này, đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm khi còn sống. Tiền tài danh vọng sẽ qua tay người khác khi chúng ta nhắm mắt, cha mẹ, con cái bạn bè và những người thân yêu, dù yêu thương chúng ta đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ đưa chúng ta ra đến phần mộ rồi họ trở về, nhưng những việc làm tốt đẹp có ích cho mọi người mà bạn và tôi đã làm khi còn sống, cũng sẽ có ích cho chúng ta khi chúng ta đến trước tòa Thiên Chúa để chịu phán xét…

Bạn thân mến,

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và hằng ở cùng bạn và tôi trong mọi hoàn cảnh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng làm cho cái phù vân trở thành lời ca chúc tụng Ngài trong cuộc sống của chúng ta, và chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta không trở nên phù vân nhờ cái chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su.

Tiền tài, danh vọng và ngay cả mạng sống của con người cũng đều là phù vân nay còn mai mất, bon chen vất vả khổ cực cả đời rồi cũng tay trắng ra đi về với cát bụi…

Cái duy nhất còn lại và trung tín với chúng ta đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm vì tha nhân mà thôi…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát vừa diễn ra tại El Paso, Texas.
Đặng Tự Do
03:14 04/08/2019

Khoảng hơn 10g sáng thứ Bẩy 3 tháng Tám, Patrick Crusius, 21 tuổi, cư ngụ tại Allen, Texas, là một thanh niên da trắng quá khích, có đầu óc phân biệt chủng tộc, trang bị một khẩu tiểu liên tự động đã nổ súng bắn vào những khách hàng trong siêu thị Walmart trong Trung tâm thương mại Cielo Vista ở El Paso, Texas.

Vụ nổ súng bi thảm này được coi là tai hại nhất trong nhiều năm qua tại Texas. Các phụ huynh tập trung rất đông tại siêu thị Walmart để mua sắm cho mùa tựu trường sắp tới. Ít nhất có 3,000 người trong siêu thị và hàng trăm nhân viên bán hàng.

Cảnh sát cho biết họ nhận được cú điện thoại đầu tiên liên quan đến vụ nổ súng này vào lúc 10:39 và đã đến ngay hiện trường. Dù vậy, vẫn có đến ít nhất 20 người bị thiệt mạng và 26 người khác bị thương. Tổng thống Mễ Tây Cơ Andrés Manuel López Obrador nói rằng ba người Mễ Tây Cơ đã thiệt mạng trong vụ nổ súng ở thành phố biên giới El Paso, Texas. Trong khi, Bộ trưởng Ngoại giao Mễ Tây Cơ Marcelo Ebrard nói rằng sáu người Mễ Tây Cơ đã bị thương trong vụ này.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), và Đức Cha Frank J. Dewane của giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây về vụ nổ súng bi thảm này:


Thứ Bảy tuần này, chưa đầy một tuần sau những trường hợp bạo lực liên quan đến súng đạn khủng khiếp ở California, một vụ nổ súng kinh hoàng, vô nghĩa và vô nhân đạo khác đã diễn ra, lần này tại một trung tâm mua sắm ở El Paso, Texas.

Có một cái gì đó thật xấu xa tận căn bản vẫn tại trong xã hội của chúng ta khi các địa điểm nơi mọi người tụ tập tham gia vào các hoạt động hàng ngày của cuộc sống có thể bất thình lình trở thành hiện trường của bạo lực và sự khinh miệt đối với cuộc sống của con người. Bệnh dịch bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục vô phương kiểm soát và lan rộng khắp đất nước chúng ta.

Mọi thứ phải thay đổi. Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi phải có những luật lệ hiệu quả giải quyết đến nơi đến chốn lý do tại sao những vụ bạo lực súng giết người không thể tưởng tượng như thế này cứ lặp đi lặp lại, và tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta. Là những người có đức tin, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và xin ơn chữa lành cho tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng. Nhưng phải có các hành động cũng là điều cần thiết để chấm dứt những hành động ghê tởm này.

+ Đức Hồng Y Daniel DiNardo,
Chủ tịch USCCB

+ Đức Cha Frank J. Dewane
Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn USCCB



Source:USCCB
 
Đức Phanxicô viết cho các linh mục: “Cám ơn chúng con vì việc phục vụ của chúng con”
Vũ Văn An
20:43 04/08/2019


Theo Vatican News, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 160 ngày Thánh Gioan Vianey, Cha xứ Ars, qua đời, Đức Phanxicô đã viết cho 400,000 linh mục hoàn cầu một lá thư chân tình bày tỏ lòng biết ơn đồng thời khích lệ các ngài trong bầu khí ảm đạm do sai phạm của một phần rất nhỏ trong số các ngài gây ra.

Trong lá thư, ngài bày tỏ sự gần gũi của ngài với “các anh em linh mục, những người không ồn ào” để lại mọi sự ngõ hầu dấn thân vào cuộc sống hàng ngày của các cộng đồng; những người lao nhọc trong các “giao thông hào”; những người đối đầu với những hoàn cảnh đa dạng khôn nguôi trong cố gắng “chăm sóc và đồng hành với dân Chúa”.

Với những người ấy, ngài viết “Tôi muốn nói một lời với từng chúng con, những người, thường không thanh la não bạt và chịu nhiều mất mát bản thân, giữa những mệt mỏi, bệnh hoạn và sầu buồn, vẫn thi hành sứ mệnh của chúng con trong việc phục vụ Thiên Chúa và giáo dân của mình. Bất chấp các gian khổ trên đường hành trình, chúng con đang viết lên những trang sử tươi đẹp nhất của đời sống linh mục”.

Đau đớn

Lá thư của Đức Giáo Hoàng mở đầu bằng một cái nhìn về vụ tai tiếng lạm dụng: “Trong những năm tháng này, chúng ta đã chú ý hơn đến tiếng khóc, thường im lặng và bị đè nén, của các anh chị em chúng ta vốn là nạn nhân của sự lạm quyền, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục bởi các thừa tác viên thụ phong”. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích, ngay cả khi không “chối bỏ hay bác bỏ các tổn hại do một số anh em của chúng ta gây ra, quả không công bằng khi không bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả các linh mục đã trung thành và quảng đại hiến cuộc sống để phục vụ người khác. “Vô vàn linh mục biến cuộc sống của họ thành một việc thương xót trong các lĩnh vực hoặc tình huống thường là thù địch, bị cô lập hoặc bị làm ngơ, thậm chí còn có nguy cơ đến tính mạng của họ”. Đức Giáo Hoàng cám ơn họ “vì gương sáng can đảm và thường hằng của họ” và ngài viết rằng" trong những thời điểm hỗn loạn, tủi hổ và đau đớn này, chúng con chứng minh rằng chúng con đã vui vẻ đặt cuộc sống của mình lên tuyến đầu vì Tin Mừng ". Ngài mời gọi họ đừng nản lòng, vì "Chúa đang thanh tẩy Nàng Dâu của Người và hoán cải tất cả chúng ta cho chính Người. Người đang để chúng ta chịu thử thách để làm chúng ta nhận ra rằng không có Người, chúng ta chỉ đơn giản là cát bụi”.

BIẾT ƠN

Hạn từ chủ yếu thứ hai là "biết ơn". Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ rằng "ơn gọi, hơn cả sự lựa chọn của chúng ta, là một lời đáp lại lời kêu gọi tự do của Chúa". Đức Giáo Hoàng khuyên các linh mục "trở về với những khoảnh khắc rực rỡ" lúc chúng ta trải nghiệm lời kêu gọi của Chúa để tận hiến trọn cuộc sống của chúng ta để phục vụ Người, để nói tiếng "vâng" đó vốn phát sinh và phát triển tại tâm điểm cộng đồng Kitô giáo”. Trong các giây phút khó khăn, mỏng dòn, yếu đuối, “cám dỗ tồi tệ nhất là tiếp tục suy nghĩ ủ ê các rắc rối của chúng ta”. Điều quan trọng - Đức Thánh Cha giải thích - "là trân trọng nhớ đến sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của chúng ta và ánh mắt thương xót của Ngươi, một ánh mắt luôn truyền cảm hứng để chúng ta đặt cuộc sống của chúng tôi lên tuyến đầu vì Người và vì dân của Người. Lòng biết ơn "luôn là vũ khí mạnh mẽ. Chỉ khi nào chúng ta biết chiêm niệm và cảm thấy chân thành biết ơn vì mọi cách thế chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, lòng quảng đại, tình liên đới và tín thác của Thiên Chúa cũng như ơn tha thứ, sự nhẫn nại, chịu đựng và cảm thương của Người, chúng ta mới có thể để Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự tươi mới có thể đổi mới (chứ không chỉ vá víu) cuộc sống và sứ mệnh của chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cảm ơn các anh em linh mục của mình "vì lòng trung thành với các cam kết của họ". Ngài nhận xét “Điều thực sự có ý nghĩa” là trong một xã hội và văn hóa “phù phiếm”, vẫn có những người khám phá ra niềm vui của việc hiến sinh. Ngài nói, “cảm ơn chúng con” vì đã cử hành Bí tích Thánh Thể hàng ngày và cử hành bí tích hòa giải, mang chúng ra sống một cách "không nghiêm khắc hay lỏng lẻo", chịu trách nhiệm đối với giáo dân và "đồng hành với họ trên con đường hoán cải". Ngài cảm ơn họ vì đã loan báo Tin Mừng "cho tất cả mọi người, với sự nhiệt tình":

“Cảm ơn chúng con vì những thời điểm lúc, bằng một cảm xúc tuyệt vời, chúng con đã ôm lấy tội nhân, chữa lành vết thương... Không gì cần thiết hơn điều này: để người ta năng lui tới, gần gũi, sẵn sàng xích lại gần thân xác anh chị em đau khổ của chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng nói “Trái tim một mục tử là một trái tim "đã phát triển một ý thích tâm linh muốn là một với giáo dân của mình, một mục tử không bao giờ quên rằng mình phát xuất từ họ... điều này, ngược lại, sẽ dẫn đến việc tiếp nhận một lối sống đơn giản và khắc khổ về cuộc sống, từ khước các đặc quyền không liên quan gì đến Tin Mừng”.

Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng cảm ơn và mời các linh mục tạ ơn "vì sự thánh thiện của dân Chúa", được biểu lộ nơi các cha mẹ nuôi dạy con cái họ bằng tình yêu bao la, nơi những người đàn ông và đàn bà làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình họ, nơi các tu sĩ bệnh hoạn, già nua không bao giờ để mất nụ cười”.

KHUYẾN KHÍCH

Hạn từ thứ ba là "khuyến khích". Đức Giáo Hoàng muốn khuyến khích các linh mục: "Sứ mệnh mà chúng ta được kêu gọi bước vào không miễn thứ cho chúng ta khỏi đau khổ, đau đớn và thậm chí hiểu lầm. Đúng hơn, nó đòi hỏi chúng ta phải đối đầu với chúng một cách thẳng thừng và chấp nhận chúng, để Chúa có thể biến đổi chúng và làm chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với chính Người”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: Một kiểm tra tốt để biết cách tìm ra trái tim của chủ chăn "là tự hỏi bản thân chúng ta đối phó với nỗi đau đớn như thế nào. Thực thế, đôi khi, có thể xảy ra việc chúng ta cư xử như thầy Lêvi hoặc vị tư tế của câu chuyện ngụ ngôn Người Samaria nhân hậu, những người làm ngơ người đàn ông nằm trên mặt đất, những lần khác chúng ta lại tiếp cận với đau đớn một cách trí thức và tìm cách lẩn trốn vào công thức sáo rỗng (như "sống là như thế, chúng ta không thể làm gì khác"), kết cục nhường chỗ cho định mệnh thuyết". Còn nếu không, chúng ta có thể sát gần lại một lối sống xa cách chỉ mang lại sự cô lập và loại trừ”.

Đức Giáo Hoàng cũng cảnh báo chống lại thứ mà Bernanos vốn gọi là “thuốc độc quý giá nhất của ma quỷ ", đó là "nỗi buồn ngọt ngào mà các Giáo phụ phương Đông gọi là acedia (biếng nhác tẻ lạnh). Nỗi buồn làm tê liệt lòng can đảm để tiếp tục làm việc, cầu nguyện", một điều "làm vô hiệu mọi nỗ lực biến đổi và hoán cải, gieo rắc ghen ghét và thù địch ". Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời họ cầu xin “Chúa Thánh Thần ngự đến và đánh thức chúng ta, làm rung chuyển tính lờ đờ của chúng ta", thách thức việc nhắm mắt theo thói quen và "chúng ta hãy suy nghĩ lại cách làm việc theo thói quen của chúng ta; chúng ta hãy mở mắt và tai ra, và trên hết trái tim của chúng ta, để không thỏa mãn với sự việc như chúng hiện là, nhưng không nằm ỳ một chỗ trước Lời sống động và hữu hiệu của Chúa phục sinh”.

Đức Thánh Cha nấn mạnh rằng: "Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã có thể chiêm niệm niềm vui luôn được tái sinh với Chúa Giêsu Kitô ra sao. Một niềm vui "không phát sinh từ những nỗ lực ý chí hay trí tuệ mà từ sự tin tưởng khi biết rằng những lời của Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô vẫn tiếp tục hành động".



Đức Giáo Hoàng giải thích: chính trong lời cầu nguyện, "chúng ta trải nghiệm được sự bấp bênh diễm phúc nhắc chúng ta nhớ làm môn đệ luôn cần sự giúp đỡ của Chúa và giải thoát chúng ta khỏi khuynh hướng Promethean nơi những người chỉ biết dựa vào sức mạnh của mình". Lời cầu nguyện của mục tử "được nuôi dưỡng và nhập thể trong trái tim của dân Chúa. Nó mang dấu chỉ các vết thương và niềm vui của dân mình".

Một sự ủy thác "giúp giải thoát chúng ta khỏi đi tìm các câu trả lời nhanh chóng, dễ dàng, làm sẵn; nó cho phép Chúa trở thành Đấng chỉ đường hy vọng, chứ không phải công thức và mục tiêu của riêng chúng ta. Vì vậy, "chúng ta nhìn nhận sự yếu đuối của mình, đúng thế; nhưng chúng ta cho phép Chúa Giêsu biến đổi nó và liên tục hướng chúng ta về phía sứ mệnh ".

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng để khuyến khích một trái tim, không được bỏ qua hai dây liên kết có tính cấu thành. Đầu tiên là mối liên hệ với Chúa Giêsu: Đây là lời mời không làm ngơ "việc đồng hành thiêng liêng, có một người anh em để nói chuyện, thảo luận và biện phân con đường của chính mình". Dây liên kết thứ hai là với người ta: "Đừng rút lui khỏi giáo dân của chúng con, hàng linh mục và cộng đồng của chúng con, càng không nên tìm cách ẩn mình trong các nhóm khép kín và ưu tuyển, một thừa tác viên dũng cảm là một thừa tác viên luôn luôn di chuyển".

Đức Giáo Hoàng yêu cầu các linh mục "gần gũi với những người đau khổ, không xấu hổ, hiện diện gần gũi với sự khốn cùng của con người và thực sự biến tất cả những kinh nghiệm này thành của riêng chúng ta, như bí tích Thánh Thể." Trở thành "những người xây dựng các mối liên hệ và hiệp thông, cởi mở, tin tưởng và chờ đợi trong hy vọng sự mới mẻ mà Nước Thiên Chúa mong muốn mang lại cho đến tận ngày nay”.

CA NGỢI

Hạn từ cuối cùng được đề xuất trong thư là "khen ngợi". Không thể nói về lòng biết ơn và khích lệ mà không suy niệm về Đức Maria, người "dạy chúng ta lời ca ngợi có khả năng nâng tầm nhìn của chúng ta hướng về tương lai và khôi phục lòng hy vọng vào hiện tại". Vì "nhìn vào Đức Mẹ là quay trở về với việc tin vào sức mạnh cách mạng của lòng dịu dàng và tình âu yếm". Đức Giáo Hoàng kết luận : Vì lý do này, “nếu đôi khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ muốn rút vào chính mình và các vụ việc của chính mình, an toàn khỏi mọi con đường bụi bặm của cuộc sống hàng ngày. Hoặc hối tiếc, phàn nàn, chỉ trích và mỉa mai chiếm thế thượng phong và khiến chúng ta mất đi khát vọng tiếp tục chiến đấu, hy vọng và yêu thương. Vào những lúc như thế, chúng ta hãy nhìn vào Mẹ Maria để ngài giải phóng ánh mắt của chúng ta khỏi “mọi điều hỗn loạn” từng ngăn cản chúng ta chú ý và cảnh giác, và do đó có khả năng nhìn thấy và tôn vinh Chúa Kitô sống động giữa dân của Người”.

Những lời cuối cùng của bức thư như sau: “Thưa anh em, một lần nữa, tôi liên tục cảm ơn anh em ... Xin cho chúng ta luôn để cho lòng biết ơn của chúng ta đánh thức sự ca ngợi và nhiệt tình đổi mới đối với thừa tác vụ xức dầu cho anh chị em của chúng ta bằng lòng hy vọng. Xin cho chúng ta trở thành những người có cuộc sống làm chứng cho lòng cảm thương và lòng thương xót mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta".
 
Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje lớn chưa từng có sau quyết định của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
07:59 04/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong suốt 30 năm qua, mỗi năm đều có một lễ hội giới trẻ tại Medjugorje. Năm nay là lễ hội giới trẻ lần thứ 30 tại Medjugorje. Tuy nhiên, đây là lễ hội giới trẻ Medjugorje lần đầu tiên được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Công Giáo sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố những quyết định mới nhất về tình trạng của địa điểm hành hương nổi tiếng này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tường thuật biến cố này.

Xin được nhắc lại như sau: Hôm Chúa Nhật 12 tháng 5, Đức Thánh Cha đã chính thức cho phép tổ chức các phái đoàn hành hương về Medjugorje, hay còn gọi là Mễ Du.

Thông báo này được Đức Tổng Giám Mục Luigi Pezzuto, Sứ thần Tòa Thánh tại Bosnia-Herzegovina và Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, là Đặc sứ của Đức Thánh Cha được sai đến đây để tìm hiểu các nhu cầu mục vụ, công bố hôm Chúa Nhật 12 tháng Năm trong Thánh lễ, tại đền thờ giáo xứ nơi đã chứng kiến hàng triệu người hành hương.

Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay: “Việc cho phép này nhằm giúp cho các chuyến hành hương về Trung tâm Mễ du đạt được nhiều thành quả và ân thánh Chúa” chứ không có nghĩa là Tòa thánh đã xác nhận các tường thuật rằng Đức Mẹ hiện ra tại đây, cũng như các tuyên bố của các thị nhân là “xác thực”. Giáo hội vẫn tiếp tục nghiên cứu và điều tra!

Với quyết định này của Đức Thánh Cha các cuộc hành hương về Medjugorje của các giáo phận, giáo xứ sẽ có thể hành hương về đây một cách chính thức chứ không tư riêng như trước đây.

Quyết định của Đức Thánh Cha được công bố sau một năm, kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2018 khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Hoser của Tổng giáo phận Warszawa-Prague Ba Lan, làm Đặc sứ của ngài để quan sát và thẩm tra về các nhu cầu mục vụ ở Medjugorje.

Trong số sáu người nhận mình đã được thị kiến thấy Đức Mẹ lúc còn trẻ thì ba người quả quyết rằng họ vẫn tiếp xúc với Mẹ Maria “Nữ hoàng hòa bình” hàng ngày vào mỗi buổi chiều, bất kể họ đang ở đâu: Đó là Vicka (sống ở Medjugorje), Marija (sống ở Monza) và Ivan (sống ở Hoa Kỳ, nhưng anh thường về Medjugorje).

Một người thứ tư là Mirjana cho hay cô thường được Đức Mẹ hiện ra vào ngày thứ hai hàng tháng, nhưng bây giờ thì cô chỉ được thấy Đức Mẹ mỗi năm một lần.

Trong bối cảnh đó, hôm 1 tháng Tám, hơn 50,000 người trẻ từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Medjugorje để lễ hội giới trẻ lần thứ 30 với chủ đề “Hãy theo Ta”.

Thánh lễ khai mạc đã do Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma chủ tế, vào ngày 1 tháng 8. Lễ hội kéo dài 6 ngày sẽ được bế mạc vào ngày 6 tháng 8 với thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa chủ tế.

Đức Hồng Y De Donatis bắt đầu bài giảng của mình bằng cách bày tỏ sự kinh ngạc về ân sủng mà Chúa liên tục tuôn đổ trên chúng ta. Ngài nói, “Tất cả mọi thứ đều là ân sủng.”

Ba dấu chỉ

Đức Hồng Y nói rằng để lắng nghe Chúa Giêsu khi Ngài nói ‘Hãy theo Ta, điều cần thiết là chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta và lấp đầy chúng ta với thượng trí của Thiên Chúa.”

“Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta về người ký lục của Giao ước mới, là người thông thái theo Tin Mừng.” Đức Hồng Y đã mô tả ba dấu chỉ trong số những điều khác mà chúng ta có thể kín múc từ người ấy.

Dấu chỉ thứ nhất: Người chài lưới tốt lành

“Vương quốc thiên đàng - như chúng ta vừa nghe - tương tự như một lưới đánh cá. Nó được ném xuống biển để vớt càng nhiều cá càng tốt. Các ngư dân sau đó chọn cá tốt để ăn và loại bỏ những cá không vừa ý. Mỗi Kitô hữu, cũng giống như một ngư dân tốt lành, là người luôn dõi mắt nhìn biển cả bao la là tâm trí mình để giữ lại những suy nghĩ thánh thiêng và loại bỏ những tư tưởng vô dụng hoặc độc hại,” Đức Hồng Y nói.

Và ngài hô hào rằng:

“Hãy dũng cảm. Phúc Âm mời gọi chúng ta thanh tẩy những suy nghĩ của mình để chào đón tư tưởng của Chúa Kitô. Một trái tim truyền giáo đòi buộc phải có một tâm trí tự do!”

Dấu chỉ thứ hai: Hãy Tìm kiếm chân trời sự thật

“Chúa Giêsu đã đề cập đến một cuộc Phán Xét. Cuộc Phán Xét này là một ánh sáng hạnh phúc của sự thật, chứ không phải là một cuộc phán xét của một bạo chúa. Đó là chiến thắng chung cuộc của tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả những ai tin. Đối với những người đã từ chối Chúa Kitô, ánh sáng đầy lòng nhân lành này sẽ làm nổi bật sự thật của một cuộc sống không sinh hoa kết quả.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng rằng chúng ta phải “trông đợi sự phán xét thực sự của Thiên Chúa bằng cách ngay lập tức đặt mình vào chân trời sự thật. Một Kitô hữu trẻ tuổi sẽ rất khôn ngoan khi người ấy nói về sự thật, tìm kiếm chân lý, và loan báo chân lý.”

Dấu chỉ thứ ba: Cũ với mới

Cuối cùng, Đức Hồng Y giới thiệu dấu chỉ thứ ba. “Phúc Âm ngày hôm nay nói với chúng ta rằng người ký lục của Nước Trời là người Kitô hữu biết rút ra những điều cũ và mới từ kho báu của trái tim mình. Biểu hiện tuyệt vời có thể được sử dụng để hiểu mối quan hệ giữa cũ và mới là thế này Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước. Nhưng, Tân Ước chỉ có thể được hiểu đầy đủ khi tham chiếu đến Cựu Ước. Cũ và mới đều cần có nhau để mở ra với nhau.”

Đức Hồng Y De Donatis kết luận rằng: Kitô hữu đích thực không nên bị gán cho nhãn hiệu bảo thủ hay duy truyền thống. Kitô hữu đích thực bảo tồn hương vị thơm ngon của bánh mì. Hương thơm và ngon miệng chính xác bởi vì nó được nhào và nướng bằng một công thức cổ truyền.


Source:Vatican News

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Victoria Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
04:14 04/08/2019
Melbourne, Tại Nhà thờ Thánh Đa Minh vùng Camberwell lúc 10 giờ 45 sáng, ngày 3/8/2019. Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Victoria, thuộc Tỉnh Dòng Đức Mẹ Lên Trời Úc Châu, đã long trọng dâng Thánh lễ đồng tế mừng bổn mạng kính Thánh Đa Minh là tổ phụ của Dòng Đa Minh trên toàn thế giới.

Hình kỷ niệm


Xem hình

Trước thánh lễ, Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu, đại diên của Ban Phục Vụ Victoria đã lên đọc sơ lược về tiểu sử Thánh Đa Minh là tổ phụ Dòng thuyết giáo, đã có công phục vụ giáo hội trong lúc giáo hội gặp gian nan bởi các người lạc giáo gây chia rẽ. Và Thánh Đa Minh lập dòng giảng thuyết để kêu gọi được thành phần trẻ trở về cùng giáo hội.

Đoàn đồng tế do Linh mục Phê Rô Nguyễn Văn Toàn Chánh xứ Nhà thờ Thánh Đa Minh chủ tế cùng với Linh mục Lê Đình Thông OP đồng tế. Ca đoàn Đa Minh phụ trách phần thánh ca thật sốt sắng làm cho buổi lễ thêm long trọng hơn. Đoàn đồng tế lên hôn bàn thánh thì trở xuống cùng Liên huynh Victoria đọc kinh thần vụ kinh sáng.

Trong phần công bố tin mừng. Linh mục Lê Đình Thông đã công bố tin mừng của Thánh Mathew (5, 13-16) nói về ánh sáng và muối đất. Cả hai thứ không thể thiếu trong đời sống của con người.

Linh mục chủ tế Nguyễn Văn Toàn đã chia sẻ sâu hơn về đoạn tin mừng này, xin tóm tắt. Cả hai, ánh sáng và muối đất đều rất cần thiết cho chúng ta. Nhưng ánh sáng và muối đất phải được dùng cho đúng, ánh sáng có trách nhiệm chiếu sáng đến muôn nơi để xua tan đi bóng tối, những người đoàn viên cũng mang lời Chúa đến với mọi người, như ánh sáng có trách nhiệm soi sáng đến mọi nơi. Muối cũng như vậy, muối có vị mặn dùng để làm gia vị để chúng ta nêm nếm vào thức ăn. Các món ngon, vật lạ nếu không có muối sẽ nhạt nhẽo, mất ngon. Chúng ta cũng là những hạt muối đất tầm thường, nhưng nếu được dùng đúng nơi, đúng chỗ sẽ tăng thêm hương vị cho đời, và nhất là dùng lời Chúa như muối sẽ làm cho lời Chúa được dễ dàng đưa đến từng người về món ăn thiêng liêng để mọi người hiểu biết về Chúa hơn.

Sau thánh lễ, chị trưởng phục vụ lại lên cám ơn đến quý cha, quý soeur, cám ơn mọi đoàn viên đã đáp lại lời mời, không quản đường xá xa xôi, trong thời tiết giá lạnh. Các cụ đã không ngại tuổi già, sức yếu đã về mừng bổn mạng của dòng thật sốt sắng.

Chị mời gọi mọi người cùng chụp với nhau một tấm hình kỷ niệm trước khi qua hội trường nhà dòng để chung vui với nhau bữa ăn trưa thân mật.
 
Tu sĩ xuất ngoại
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
10:29 04/08/2019
Những nâm gần đây, tu sĩ Việt Nam xuất ngoại khá nhiều, một phần để đáp ứng những nhu cầu nội tại, một phần đề hưởng ứng lời kêu mời gửi tu sị Việt Nam sang, để bù đắp sự thiếu hụt ơn gọi tại một vài nước bên Âu Châu. Thực sự, một số dòng như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Mân Côi Chí Hòa và Đa Minh v.v… đã làm công việc này từ mấy năm nay. Còn lại, phần chính yêu là các giáo phận cũng như dòng tu gửi tu sĩ đi học, để có người về giảng dạy trong các chủng viện và học viện hay làm những công việc mang tính chuyên môn trong các lãnh vực giáo lý, giáo dục, xã hội, truyền thông, v.v…

Theo một bài báo trên VietCatholic vào dịp Đại Hội Tu Sĩ Việt Nam ở Mỹ, hiện nay có chừng 2000 nữ tu thuộc nhiều dòng tại Việt Nam đang làm việc và du học bên đó, ấy là chưa kể con số các linh mục và tu sĩ. Như vậy đủ chứng tỏ “hiện tượng” tu sĩ xuất ngoại hiện nay là một thực tại.

Điều này là một sự kiện đáng mừng cho Hội Thánh tại Việt Nam. Nó chứng tỏ sinh lực của giới tu sĩ và mối bận tâm của các vị có trách nhiệm muốn chuẩn bị cho Giáo Hội những giáo sư chuyên nghiệp, để giảng dạy trong các chủng viện và học viện, đồng thời tạo được những nhà chuyên môn có phẩm chất để làm việc trong nhiều địa hạt khác nhau. Thành quả của mối bận tâm đó là một số các vị được tấn phong giám mục mới đây, đều là những du học sinh ở nước ngoài về.

Tuy nhiên, vấn đề không hẳn là đơn giản và dễ dàng, vì muốn gửi đi thì không phải lúc nào và ai cũng được, mà phải chuẩn bị: chuẩn bị tài chánh, (nếu không tìm được học bổng), chọn người có đủ diều kiện và chú tâm làm công việc được giao phó. Ở xứ người có nhiều điều hay và cảnh lạ, nhưng cũng không thiếu các trở ngại, như ngôn ngữ, khí hậu, phong tục, thực phẩm, học vấn, v.v…

Người được đi du học thường dễ bị cám dỗ coi mình thuộc thành phần ưu tuyển. Có thể là như thế. Nhưng thiết tưởng nên dẹp bỏ thái độ này. Người khiêm nhường sẽ được quí mến và nể trọng hơn. Ngoài ra là trong thời gian học tập sẽ phải vất vả với việc tiếp thu kiến thức và “vật lôn” với những cuộc thi cử. Vì những nỗi “éo le” này mà có người không chịu nổi, đành phải “bán đồ nhi phế”. Rút kinh nghiệm này, những ai sắp được đi du học nên kiểm nghiệm xem mình có đủ sức chịu thử thách về nhiều phương diện trong thời gian này không.

Còn một vấn đề nữa là khi du học về, có người được bổ nhiệm vào những công việc phù hợp với môn mình đã học, có người lại được đặt vào những chỗ không thích hợp, hay được giao cho những công việc không ăn nhập gì với ngành mình đã học.

Đối với các nam tu sĩ hay linh mục thì đỡ hơn, còn đối với nữ tu thì nhiều khi có vấn đề. Vấn đề ở chỗ các chị em học chuyên môn một ngành nào đó, khi về nước lại được chỉ định làm một việc không liên quan gì đến ngành đã học, như tốt nghiệp về Tâm Lý, khi về lại được giao cho chức vụ Giám Đốc Nhà Trẻ và những trường hợp tương tự như thế, v.v… Thật là đáng tiếc !

Điều đáng mừng nữa là hiện nay có chừng 1.200 linh mục dòng triều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, đó là chưa kể chừng 200 linh mục Việt Nam đang du học ở đây. Trong số này, nhiều người có bằng cấp và chuyên môn cao. Những vị này có thể về nước giúp, khi nào hoàn cảnh cho phép. Ngoài ra, lại có hai vị làm vẻ vang cho giới linh mục và tu sĩ Việt Nam, đó là linh mục Matthêu Nguyễn Khắc Hy, SSS, một nhà thần học người Việt, hiện là Giám đốc Đại Chủng Viện Assumption Seminary, San Antonio; L.m. Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ hiện là Viện Trưởng Viện Thần Học Giáo Hoàng Thánh Bonaventure, Roma; và linh mục Lê Minh Thông, nay là giáo sư Trường Kinh Thánh Gĩê-ru-sa-lem, v.v... Trường này rất danh tiếng; ai xuất thân ở trường này chỉ cần đề trên danh thếp: cựu sinh viên Trường Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem là đủ rồi. Như thế, là giáo sư thì laị càng có thế giá hơn.

Cuối cùng, tu sĩ xuất ngoại là một cơ hội tốt. Thiết tưởng quí vị hữu trách trong vấn đề này nên biến thành một chính sách từ đầu đến cuối, nghìa là từ việc tìm người để cử đi, tìm nơi để cử đến, hướng dẫn môn học và liên lạc thường xuyên với đương sự trong thời gian du học, nhằm nâng đỡ khuyến khích thiện chí, và khi đi du học về thì bổ nhiệm vào những công việc tương xứng và phù hợp với khả năng và ngành học đương sự đã theo đuổi.

Như vậy sẽ tránh được sự lãng phí, vì dùng người không đúng chỗ và đúng việc, lại vô hình trung, làm giảm thiểu hiệu năng của người được bổ nhiệm.
 
Giáo Đoàn Mt. Pritchard Sydney Mừng Bổn Mạng.
Diệp Hải Dung
21:30 04/08/2019
Chiều Chúa Nhật 04/08/2019 Giáo đoàn Mount Pritchard Sydney đã hân hoan long trọng mừng kính Lễ Bổn Mạng Thánh Tử Đạo Việt Nam Micae Nguyễn Huy Mỹ tại nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard, Sydney.

Xem Hình

Đúng 1 giờ Giáo Dân và các Hội Đoàn, Đoàn Thể, Phong Trào, quý Quan Khách Úc-Việt tập trung trong khuôn viên nhà thờ và sau ba hồi chiêng trống , Cha Remy Bùi Sơn Lâm Tuyên úy Trưởng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney xông hương tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ và kiệu cung nghinh tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ rước vào nhà thờ. Cuộc rước kiệu rất long trọng và trang nghiêm, mọi ngưòi cùng lên Đức Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Mừng cầu cho Giáo Đoàn và Cộng Đồng, Ngoài các Hội Đoàn Đoàn thể, các Giáo Đoàn bạn còn có Hội Đoàn người Ý tham dự.

Sau khi tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ đã tiến vào nhà thờ và an vị trên cung thánh. Một Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể thay mặt Giáo đoàn đọc tiểu sử về Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Ngài đã chịu mọi sự cực hình tra tấn dã man với 500 roi đòn rướm máu nhưng vẫn kiên cường chịu đựng để Vinh Danh Chúa và cuối cùng Ngài vui vẻ chấp nhận cái chết để nêu gương cho hậu thế và làm chứng nhân cho Thiên Chúa, trong khi đó trên màn ảnh Projector cũng chiếu bản tiểu sử của Thánh Mỹ bằng Anh Ngữ để cho quan khách Úc được biết đến vị Thánh anh hùng Việt Nam mà Giáo đoàn đã chọn làm Bổn Mạng.

Sau đó Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Giáo đoàn ngỏ lời chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn đặc biệt chúc mừng Xứ Đoàn Thiến Nhi Thánh Thể mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Xứ Đoàn và giới thiệu quý Cha gồm có Cha Anthony Grelogent Chính xứ, Cha Phó xứ Johon Mello, Cha Paul Văn Chi, Cha Trần Văn Trợ, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Văn Thịnh, Cha Trần Bạch Hổ và Cha Phan Quốc Trực hiện diện trong Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết nói gương các Thánh Tử Đạo dạy rằng thành công của cuộc sống không phải là những chức vụ hay tài sản chúng ta đang có, nhưng là kết hiệp mật thiết với Chúa mỗi ngày một hơn trong cuộc sống và giúp người khác đồng hành với chúng ta trên hành trình đến với Chúa…Thánh lễ hôm nay chúng ta cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta được luôn trung thành theo Chúa và thoát khỏi tinh thần thỏa hiệp chỉ vì một chút dễ dãi lợi lộc. Một cuộc sống trung thành theo Chúa Giêsu và không thỏa hiệp với thế lực sự dữ là cuộc sống thành công của một KiTô hữu, còn những việc khác chỉ là phù vân …

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Anthony Fregolent Chính xứ Mt. Pritchard lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn và Ngài khuyến khích giáo dân trong Cộng Đoàn hãy noi gương Thánh Nguyễn Huy Mỹ luôn bền vững Đức Tin. Cha nói trong những năm tháng qua Giáo Đoàn cũng đã đóng góp giúp ích cho Giáo xứ rất nhiều .

Kế tiếp ông Mai Phước Thành Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney đại diện Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể , Huynh Đoàn Dòng Ba Đa Minh và Lòng Chúa Thương Xót. Ông ngỏ lời khen ngợi Giáo đoàn đã phát triển lớn mạnh và tích cực đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng trong những thời gian qua. Sau cùng ông Nguyễn Ngọc Thảnh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Mt. Pritchard lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Quan Khách Úc-Việt, quý ân nhân, và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn.

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở tham dự buổi tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng bên hội trường nhà thờ và thường lãm văn nghệ do Ca đoàn Ngôi Ba Mt. Pritchard và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trình diễn với những tiết mục Vũ, Đơn Ca, Song Ca rất đặc sắc và kết thúc bế mạc 3.30pm

Diệp Hải Dung
 
Gia Đình Phạt Tạ hạt Hóc Môn: Sơ kết 2 năm hoạt động và chia tay cha Linh hướng
Jos Hoàng Mạnh Hùng
21:38 04/08/2019
Sau giờ chầu Thánh Thể lúc 8g30 sáng thứ Sáu 02/08/2019 tại nhà thờ Gx. Tân Hưng, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCS) giáo hạt Hóc Môn đã tiến hành họp thường kỳ tháng 8/2019, sơ kết 2 năm hoạt động và chia tay cha Tổng linh hướng (TLH) kiêm Linh hướng (LH) giáo hạt Hóc Môn.

Cùng tham dự phiên họp có cha TLH Vinhsơn Nguyễn Văn Hồng, cha LH Xđ Tân Hưng Gioakim Nguyễn Thành Tựu. Đại diện BCH GĐPTTTCG TGP Sàigòn, BCH GĐPTTTCG giáo hạt Thủ Thiêm, BCH xứ đoàn Thủ Thiêm, các vị cựu BCH GĐPTTTCG giáo hạt Hóc Môn khóa trước và gần 100 đoàn viên, thành viên thuộc 17 xứ đoàn trong giáo hạt.

Xem Hình

Sau khi giới thiệu thành viên tham dự, các tham dự viên đã nghe báo cáo sơ kết hoạt động tháng 07/2018, triển khai công tác tháng 08/2019 và bài huấn đức của cha Gioakim theo đoạn Tin Mừng Gioan (15, 9-12) “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” với một số ý chính:

- Nếu không ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu thì đời sống Đức tin sẽ bị trăn trở trong cuộc sống.
- Khi đeo huy hiệu Thánh Tâm trên ngực, ta sẽ cảm nhận được tình yêu của Chúa ngay trong bản thân, gia đình và trong toán.
- Chúa đã mời gọi: “Anh em hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).
- Không theo tình thương của Chúa và dùng làm nền tảng thì sẽ sinh đối chọi trong việc làm.
- Biết đặt ý mình trong ý Chúa, theo ý Chúa chứ đừng theo ý mình và hãy đặt Trái Tim tình thương của Chúa làm điểm tựa cho cả cuộc đời.

Tiếp theo anh trưởng BCH giáo hạt đã tóm tắt báo cáo Sơ tổng kết 2 năm hoạt động của GĐPTTTCG giáo hạt Hóc Môn theo tài liệu in sẵn và phổ biến đến các xứ đoàn. Trong phần ý kiến đóng góp, đại diện Xđ Lạc Quang đã cho biết việc
phát triển đoàn viên bị hạn chế vì nhiều xứ đoàn không tìm được người để mời gọi vì già cả lớn tuổi, sinh hoạt nhiều hội đoàn, bận lo sinh kế…. Đoàn thể muốn phát triển cần có phương hướng đi ra vùng ngoại biên.

Qua ý kiến đó, cha TLH đã chia sẻ nếu muốn phát triển thì phải có hồn tông đồ trong làm việc, tích cực hoạt động. Câu nói đi ra vùng ngoại biên là nhắm vào những giáo dân mới nhập cư, những gia đình di dân. Hãy mang tình thương đến với họ, để thu hút họ đến với mình. Đồng thời ngài cũng nhắc nhở chung cho đoàn thể về việc thành lập cấp toán là cơ cấu trong sơ đồ tổ chức. Những nơi vì điều kiện không thể chia thành toán do ảnh hưởng hoạt động trước mắt hãy chia thành nhóm để đọc kinh, sau đó tìm ra con người quản lý rồi mới đến lập thành toán.

Thay mặt hơn 2.000 đoàn viên giáo hạt Hóc Môn, anh trưởng BCH giáo hạt đã phát biểu chia tay và tặng qùa lưu niệm nhân dịp cha TLH nhận bài sai thuyên chuyển về giáo hạt Thủ Thiêm. Cha TLH cho biết về nhiệm sở mới là chấp nhận hi sinh để ra đi gánh vác sự nghiệp truyền giáo, rao giảng Tin Mừng. GĐPTTTCG giáo hạt hãy hết lòng cộng tác với cha linh hướng mới, giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của đoàn thể trong giáo phận. Riêng xứ đoàn Tân Hưng hãy tiếp tục là xứ đoàn vững mạnh. Đó là niềm vui và là món qùa quý giá của ngài trong thời gian tới.

Anh Trưởng BCH GĐPTTTCG TGP Sàigòn cũng phát biểu qua báo cáo sơ kết, mặc dù GĐPTTTCG giáo hạt Hóc Môn là một đơn vị mạnh, nhưng cũng còn một số vấn đề yếu kém mà BCH hạt Hóc Môn đã nhìn thấy được khuyết điểm của mình. Hãy cùng nhìn lại lửa nhiệt thành trong công tác tông đồ. Đặt trọng tâm vào việc đọc kinh gia đình.

Việc tổ chức bầu cử lại BCH nhiệm kỳ mới. Các xứ đoàn tùy theo sự chỉ đạo của cha linh hướng. Trong năm tới BCH TGP sẽ triển khai việc tham dự các Thánh lễ Chúa Nhật tại giáo điểm Bình Khánh (Cần Giờ) để có nhiều Kitô hữu đến hỗ trợ vận động truyền giáo. Mong hạt Hóc Môn là đơn vị tiên phong trong việc này.

Buổi họp chấm dứt lúc 12giờ 05 cùng ngày. Cử tọa cùng đọc kinh bế mạc và nhận phép lành từ cha TLH.
 
Văn Hóa
Tu sĩ và Con - Cũng như Rơm và Lửa
Maria Trang Đài
11:46 04/08/2019
TU SĨ VÀ CON - CŨNG NHƯ RƠM VÀ LỬA!

Lửa gần rơm rồi có ngày cũng cháy
Mẹ thường nhắc lời khuyên dạy người xưa.
Ông bà ta không thuận miệng nói bừa,
Mà đúc kết kinh nghiệm đưa ra đó.

Mẹ thường bảo con, đừng nên nhòm ngó
Hay thân mật to nhỏ với người tu.
Mẹ chỉ sợ một ngày con quáng mù,
Rồi trái tim yêu người tu con ạ!


Người tu sĩ là hoa thơm cỏ lạ
Dâng lên Chúa với cả những tốt tươi.
Chỉ nhìn thôi nhưng khi nở nụ cười,
Là đốn tim biết bao người dương thế.

Con biết không, đường họ đi không dễ?
Phải tôi luyện từng ngày để hiến dâng.
Cũng yếu đuối nên đừng quá đến gần,
Chỉ sợ rơm cũng có phần sẽ cháy.


Ai biết được những điều dù đã thấy
Nhưng vô tình khơi dậy nơi bản thân
Nên con tập cho mình sống ngại ngần
Với tu sĩ con cần có khoảng cách.

Mẹ vẫn thường bảo con nhiều thử thách
Luôn đặt ra với cách thức khác nhau
Với tu sĩ con hãy luôn nguyện cầu
Để họ sống trọn nhiệm mầu dâng hiến.


Con hãy nhớ, đừng bao giờ xao xuyến
Để tâm trí thêm lời lẽ biện minh
Cho những gì không phải của riêng mình
Cố với lấy chẳng an bình hồn xác.

Tu sĩ - con, không phải hình tam giác,
Nhưng hai đường rất khác biệt song song
Từ hướng đi cho đến cả cõi lòng
Nên họ rơm, con đừng chồng thêm lửa.


Maria Trang Đài
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 05/08/2019: Á Châu tương lai của Giáo Hội
Giáo Hội Năm Châu
19:31 04/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Nước nào đào tạo nhiều linh mục nhất? Việt Nam đứng thứ mấy trong bảng sắp hạng của CARA

Quốc gia nào sản sinh ra nhiều linh mục nhất so với quy mô dân số Công Giáo? Phải chăng là Brazil, cường quốc của Công Giáo Mỹ Latinh? Phải chăng là Cộng hòa Dân chủ Congo, với một Giáo hội phát triển nhanh chóng vượt bậc? Phải chăng là Phi Luật Tân nơi dân số Công Giáo ổn định nhất trên thế giới?

Câu trả lời là: không phải quốc gia nào trong số những quốc gia này. Quốc gia đang đào tạo nhiều linh mục Công Giáo nhất trên thế giới, tính theo bách phân dân số Công Giáo thế giới, thật đáng ngạc nhiên là Miến Điện. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới đầy thuyết phục của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động tông đồ, gọi tắt là CARA, của Đại học Georgetown.

Các nhà nghiên cứu không đưa ra các suy đoán nhưng tìm hiểu đến nơi đến chốn lý do tại sao Miến Điện, nơi Phật giáo chiếm một đa số áp đảo lại là một điểm nóng trong ơn gọi linh mục. Miến Điện chỉ có 750,000 người Công Giáo trong cả nước – chiếm chỉ một phần trăm dân số thôi. Nhưng Giáo hội được lãnh đạo bởi một nhân vật năng động là Đức Hồng Y Charles Maung Bo. Ngài có một tầm nhìn minh mẫn về Giáo hội như một lực lượng trung gian giữa đa số Phật giáo và các nhóm thiểu số bị bao vây và thường xuyên bị ức hiếp. Có lẽ tấm gương của ngài đang truyền cảm hứng cho những người Công Giáo Miến Điện khác cống hiến cuộc đời của họ cho Giáo hội.

CARA nhận thấy rằng sau Miến Điện, là quốc gia có tỷ lệ tân linh mục so với bách phân dân số Công Giáo cao nhất trên thế giới, nước đứng thứ hai là Thái Lan (một quốc gia đa số Phật giáo khác), tiếp đến là Togo, Việt Nam và Bangladesh. Như thế, bốn trong số năm quốc gia hàng đầu thuộc về Á châu và một quốc gia thuộc Phi châu.

Điều này thật bất ngờ vì chúng ta không quen nghĩ Công Giáo là một hiện tượng ở Á châu. Chúng ta có xu hướng nhìn về Âu châu, Mỹ Latinh và Phi châu vì chỉ có ba phần trăm người Á châu theo Công Giáo và chỉ có hai trong số 48 quốc gia Á châu là nơi có đa số dân theo Công Giáo, là Phi Luật Tân và Đông Timor.

Nhưng trong những thế kỷ tới, bức tranh tổng thể có thể thay đổi. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila đã từng tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài rằng, theo nhận định của ngài, tương lai của Giáo hội là ở Á châu. Chúng ta có thể hình dung rằng chỉ trong thế kỷ này thôi có thể có một vị Giáo Hoàng người Á châu.

Mới hôm thứ Bảy 13 tháng Bẩy, dòng Đa Minh đã bầu ra nhà lãnh đạo Á châu đầu tiên trong lịch sử 800 năm của mình, Cha Gerard Timoner người Phi Luật Tân. Đã có những quốc gia có cộng đồng thiểu số Công Giáo như Ấn Độ và Nam Hàn đang gửi một số lượng lớn các nhà truyền giáo ra nước ngoài. Có lẽ trong tương lai, hầu hết các linh mục tại các giáo xứ phương Tây là những người đến từ Á châu cũng như từ Phi châu.

Còn các nước khác thì sao trong nghiên cứu CARA? Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 50 trong số 108 nước có trong nghiên cứu này. Khá hơn một chút, ở vị trí thứ 49, là Vương quốc Anh (được định nghĩa là Anh quốc, xứ Wales và Tô Cách Lan). Cả Hoa Kỳ và Anh quốc đều vượt xa các quốc gia Công Giáo truyền thống như Tây Ban Nha (thứ 73), Đức (thứ 75), Ái Nhĩ Lan (bao gồm cả Bắc Ái Nhĩ Lan, thứ 78), Á Căn Đình (thứ 98) và Pháp (thứ 99). Cầm đèn đỏ ở cuối bảng là Bỉ nơi vẫn được coi là thành trì của Công Giáo.

Thống kê của CARA dựa trên các số liệu gần đây nhất về việc phong chức linh mục (trong năm 2015, 2016 và 2017) và dữ liệu dân số Công Giáo năm 2017 từ Tòa thánh Vatican được nêu trong Niên Giám Thường Niên của Giáo Hội. Để tránh kết quả sai lệch, các nhà nghiên cứu chỉ bao gồm các quốc gia có ít nhất 100,000 người Công Giáo, có ít nhất 9 linh mục được thụ phong từ năm 2015 đến năm 2017 và tối thiểu một vị được thụ phong trong mỗi ba năm được nghiên cứu.

Nghiên cứu mới chỉ cung cấp một thước đo sơ bộ về sức sống của Giáo Hội tại các quốc gia. Phi Luật Tân, chẳng hạn, đứng thứ 95 trong số 108 quốc gia. Tuy nhiên, đây là một trong những Giáo Hội sống động nhất trên thế giới, với các Thánh lễ ngoài trời lớn không tưởng tượng nổi, và gửi vô số nhà truyền giáo ra nước ngoài và đào tạo ra các nhà lãnh đạo có tầm vóc toàn cầu như Đức Hồng Y Tagle.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng CARA cho phép chúng ta so sánh sức khỏe tương đối của Công Giáo trên toàn thế giới (mặc dù thận trọng). Các kết này nói với chúng tôi một điều quan trọng: các bộ phận của Giáo hội ở Á Châu đang phát triển vượt mọi mong đợi. Chúng ta cần hiểu tại sao Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam và những nơi tương tự có thể tạo ra sự phong phú của các ơn gọi linh mục mặc dù người Công Giáo chỉ là một thiểu số. Phải chăng nhỏ bé đôi khi thực sự lại là một lợi thế. Phải chăng sự nhỏ bé ấy có thể ràng buộc các thành viên của Giáo hội lại với nhau và cho họ cảm giác cấp bách về sứ vụ truyền giáo là điều chúng ta không tìm thấy ở các quốc gia đa số Công Giáo?

Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Nhưng nhờ vào nghiên cứu của CARA, chúng ta biết nhiều hơn một chút về Giáo hội toàn cầu so với trước đây.

2. Đức Hồng Y Turkson cho biết “nhiều người ngày nay phải làm việc trong những điều kiện bất hợp pháp và bấp bênh”

“Các mục tiêu mong muốn hòa bình, an ninh và thúc đẩy hòa nhập xã hội không thể đạt được nếu chúng ta không quan tâm đến các cam kết chung nhằm bảo đảm cho tất cả mọi người có công ăn việc làm bền vững, công bằng và tự do, những việc làm xây dựng xung quanh người và nhu cầu phát triển con người toàn diện”. Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện đã viết như trên trong thông điệp Ngày Du lịch thế giới, được tổ chức vào ngày 27 tháng 9 năm nay, với chủ đề “ Du lịch và Công ăn việc làm: một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta”.

Trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y nói: “Nơi nào không có công ăn việc làm, thì nơi đó không thể có sự tiến bộ, không có phúc lợi, và rõ ràng, không thể có một tương lai.” Do đó, công ăn việc cần phải được xem không chỉ “là một công việc” , mà theo nghĩa nào đó là điều mà thông qua đó con người đạt được sự viên mãn như một hữu thể trong xã hội và trên thế giới.

Công ăn việc làm đóng một vai trò thiết yếu trong việc đạt được sự phát triển nhân bản không thể thiếu được của cả cá nhân từng người và toàn bộ cộng đồng trong đó người đó sinh sống.

Tập trung vào “một số vấn đề ảnh hưởng đến công ăn việc làm trong ngành du lịch”, Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện chỉ trích tình trạng hiện nay theo đó “nhiều người phải làm việc trong điều kiện bấp bênh và đôi khi là bất hợp pháp, với mức lương chết đói, buộc phải làm những việc lao động khổ sai, thường xa gia đình, có nguy cơ cao bị căng thẳng , và phải tuân theo các quy tắc của cuộc chạy đua cạnh tranh với nhau”.

Đức Hồng Y bày tỏ sự phẫn nộ đối với “việc khai thác lao động ở các nước nghèo nơi là điểm đến hàng đầu của ngành du lịch” và lên án các “hành vi bạo lực không thể chấp nhận được đối với người dân ở nước chủ nhà” như việc mua dâm trong kỹ nghệ du lịch tình dục.

3. Lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho tổng thống Bashar al-Assad gây ra những tranh cãi tại Syria

Một lá bức thư “dũng cảm” của Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ra những tranh luận tại Syria: lá thư được đánh giá cao “trong hàng ngũ những người đối lập chiến đấu chống lại sự lãnh đạo của Damascus”; nhưng vấp phải những chỉ trích và “hiểu lầm” rất lớn trong số những người trung thành với tổng thống Bashar al-Assad.

Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu tổng thống “bảo vệ cuộc sống của người dân” và “những cơ sở hạ tầng chính yếu” của đất nước.

Các nguồn tin Giáo Hội tại thủ đô Damascus nói với thông tấn xã AsiaNews của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, rằng cuộc chiến tại Syria là một vấn đề hết sức tế nhị, cho nên các phản ứng tương phản nhau đã nổi lên xung quanh bức thư của Đức Giáo Hoàng gửi cho tổng thống Assad.

Trong thư - được Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện trao tận tay tổng thống Assad trong một cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo” đang diễn ra tại Idlib. Ngài sử dụng từ “hòa giải” đến ba lần khi khuyến khích ông Assad hãy có những “cử chỉ quan trọng” đối với hòa bình, an ninh cho những người vô phương tự vệ và quyền được hồi hương của những người lưu vong.

Những người trung thành với tổng thống Assad, bao gồm một số lớn các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô ở Syria tỏ ra dị ứng với những lời chỉ trích vị tổng thống mà họ đặt nhiều kỳ vọng trong việc bảo vệ các tín hữu Kitô.

Những người trung thành với tổng thống Assad tỏ ra đồng tình với các cố gắng mạnh tay của ông trong việc tái chiếm cứ điểm cuối cùng của đất nước tại thành phố Idlib vẫn còn nằm trong tay các nhóm chống chính phủ được Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm thánh chiến hỗ trợ.

Idlib là tiền đồn của quân nổi loạn nhằm mở ra các cuộc tấn công mới. Đối với nhiều người Syria, dẹp tan Idlib bằng mọi giá, là bước phải làm để tái lập nền hòa bình tại Syria. Chính vì thế, ngay trong hàng ngũ các Giáo Hội Kitô tại Syria, nhiều vị không đồng tình với Đức Giáo Hoàng. Thông tấn xã Asia News cho biết như trên.

4. Nan đề của các tín hữu Kitô tại Mosul và vùng đồng bằng Nineveh

Trong công cuộc giải phóng Mosul và vùng đồng bằng Nineveh, một lữ đoàn Kitô Giáo, gọi là Lữ đoàn Babylon, đã được hình thành để giải phóng các vùng lãnh thổ lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sau khi thành phố này được giải phóng, lữ đoàn này đã được giải tán. Tuy nhiên, Lực lượng Huy động Nhân dân của người Shiite không bị giải tán và ngày càng lớn mạnh.

Sau chiến thắng Mosul, Kitô hữu lũ lượt trở về cố hương, tái xây dựng lại cuộc sống. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AsiaNews của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, các nguồn tin Giáo Hội trong vùng cho biết trong mấy tháng gần đây mỗi tuần có hàng chục gia đình Kitô hữu đã lặng lẽ dọn đi vì không chịu nổi những sách nhiễu gây ra từ các tiểu tổ nằm vùng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn còn sót lại. Họ cũng phải chịu cả những khó khăn gây ra từ các chiến binh trong Lực lượng Huy động Nhân dân của người Shiite.

Phong trào Al-Hashd Al-Shaabi, quy tụ các chính trị gia Kitô hữu, đang có ý muốn khôi phục lại Lữ đoàn Babylon để bảo vệ các Kitô hữu trong vùng.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Louis Sako cho biết ngài không tán thành ý kiến này:

“Thay vì hình thành một lực lượng dân quân Kitô giáo, chúng tôi khuyến khích các thanh niên của chúng ta tham gia vào quân đội chính thức Iraq và các ngành cảnh sát liên bang, trong khi những người trong các khu vực Kurdistan của Iraq nên tham gia vào quân Peshmerga của người Kurd.”

“Chúng tôi tôn trọng quyết định cá nhân tham gia vào phong trào Al-Hashd Al-Shaabi hoặc các tổ chức chính trị khác, nhưng tạo thành 'lữ đoàn' Kitô hữu thì không nên vì điều đó mâu thuẫn với tinh thần Kitô giáo là kêu gọi yêu thương, bao dung, tha thứ và hòa bình.”

Tuy nhiên, nếu không có một lực lượng nào bảo vệ họ, các Kitô hữu có lẽ sẽ sớm biến mất khỏi vùng phía Bắc Iraq.