Ngày 04-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 18 Quanh Năm 05/8/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:52 04/08/2018
Bài Ðọc I: Xh 16, 2-4. 12-15

"Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: "Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?"

Chúa liền phán cùng Môsê rằng: "Ðây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: 'Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi'".

Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: "Man-hu", có nghĩa là: "Cái gì vậy?" vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: "Ðó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54

Ðáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

Xướng:

1) Ðiều mà chúng tôi đã nghe,

đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay,

chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai:

đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa.

2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh,

và Người đã mở rộng các cửa trời.

Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn,

và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời.

3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh;

Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê.

Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người,

tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm.

Bài Ðọc II: Ep 4, 17. 20-24

"Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Ðức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Ðức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 24-35

"Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giê-su đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu".

Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến".

Họ thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".

Họ liền thưa Người rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".

Ðó là lời Chúa.

 
Chúa Nhật 18 B : Hai của ăn mả một hạnh phúc
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:22 04/08/2018
CN 18B

Hai của ăn mà một hạnh phúc

Năm ngày Chúa Nhật liên tiếp của năm B, từ CN 17 đến CN 21, ta đã được và sẽ được nghe nói về đề tài bánh. Nhiều bánh quá đến độ chán chê. Mà đúng là no nê chán chê thật, nếu đó là bánh, của ăn phần xác. No nê sẽ chán chê. Nhưng cũng có một thứ bánh no nê mà không chê chán. Đề tài hôm nay là phân biệt hai thứ bánh.

Nhưng trước hết ta hãy rảo qua bối cảnh của đoạn Tin Mừng được trích hôm nay. Số là cách đây mấy tuần, ta nghe đọc: Chúa thấy đám đông thì động lòng thương, và động lòng thương, thì Chúa liền dạy dỗ họ nhiều điều. Rồi đợi đến chiều tối, cũng động lòng thương đám đông đó, Chúa hoá bánh ra nhiều nuôi sống họ. Họ thấy vậy mừng quá, muốn kông kênh ông có phép biến hoá bánh ít ra bánh đa này lên làm vua, để khỏi lo khi làm ăn thua lỗ không cơm đổ vào miệng, thì đã có ông này hoá bánh ít dùm cho. Chúa biết vậy, nên trốn đi. Nhưng nào trốn được, họ cuối cùng cũng lần ra chỗ nấp của Ngài, mà không cần treo giải 30 triệu đôla như ai đó chỉ chỗ núp của Saddam Hussein đã được. Ông hoá bánh ra nhiều ấy trốn bên kia Biển Hồ chứ đâu ! Khi gặp lại, dân lại còn xã giao chào hỏi : thầy đến đây bao lâu rồi vậy. Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,26). Và sau đó là một cuộc đối thoại về của ăn làm ta sống mãi.

Vậy là có của ăn mau hư nát và có lương thực trường sinh.

1. Của ăn hư nát

Của ăn mau hư nát, ai cũng rõ, chính là thức ăn bỏ miệng. Dẫu cho hư nát nhưng nó làm cho ta sống, thiếu nó là chết… đói. Thức ăn này bỏ qua đêm, nhất là mùa hè oi bức, sẽ dễ hư thiu. Ngay bánh manna bởi trời xưa dân Do Thái ăn trong 40 năm sa mạc, mà ai lấy nhiều quá, ăn không hết, để qua hôm sau là liền có sâu bọ giòi. Hư thối ngay. Huống gì là bánh không phải bởi trời, như thức ăn mua ở chợ (chợ Đầm) đây. Cũng có luật trừ là khi đi trong Sa mạc, ngày thứ sáu được lấy 2 phần, vì ngày thứ bảy ngày hưu, nên manna cũng hưu, nghỉ rơi, ngừng rớt.

Nhưng câu nói của Chúa Giêsu về hai thứ thức ăn: hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, thì thức ăn hư nát không chỉ là của ăn nhai được, mà là những gì làm cho người ta ra hư nát, tức là : của cải vật chất, tiền tài, danh vọng, mà ai cũng thèm ăn : ăn tiền. Ăn tiền dễ hư người, dễ nát thây. Mấy vụ xử bắn 12 phát nát thây dành cho các ông Tăng kim Phụng, Phạm nhật Hồng là một ví dụ. Năm Cam cũng vậy. Vậy hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hư nát. Mà vì loại của ăn thứ hai: lương thực thường tồn.

2. Của ăn thường tồn

Đức Giêsu hé cho thấy của ăn này vượt xa manna xưa, tuy nó cũng rơi từ trời xuống đó. Người Do thái khoe : “Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: ‘Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.’" Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Vậy chẳng phải tìm đâu xa: bánh bởi trời đích thực, chính là Đấng bởi trời ngự xuống. Chính là Đức Giêsu Kitô.

Khi hoàng đế Napoléôn nước Pháp, người chinh phục gần như cả Âu Châu, sau bị đày sang đảo Sainte Hélène, người viết tiểu sử cùng đi theo. Một hôm, thấy gần đến ngày gần đất xa trời của ông trời con một thời là Nã Phá Luân, người viết tiểu sử liền hỏi: “Ngài vui lòng cho biết: trong suốt cuộc đời của ngài, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất?” Napoléôn suy nghĩ hồi lâu, rồi nói: “Tôi nhớ nhất ngày hạnh phúc trong đời của tôi là ngày, lâu lắm rồi, khi tôi còn bé: đó là ngày tôi được rước lễ lần đầu.”

Ngày hạnh phúc nhất của Nã Phá Luân đại đế không phải là ngày ngài lên ngai vàng, không phải là ngày chiến thắng vẻ vang khắp trời Âu và vùng Châu Phi phía Bắc. Cũng chẳng phải ngày cưới Josephine xinh đẹp hoặc ngày lấy Marie Louise đáng yêu. Mà là ngày rước lễ thứ nhất.

Nhưng chúng ta không phải chỉ là rước Chúa lần thứ nhất, mà lần thứ ngàn, thứ muôn, thứ vạn. Tuổi càng cao, Chúa càng vào nhiều lúc. Cả ngàn, chục ngàn lần rước Chúa, ta có xem đó là lương thực thường tồn, là ngày hạnh phúc nhất nhì cuộc sống hay không ? Chắc là chưa. Tôi cũng thế. Ngày nào cũng rước. Có ngày hai ba bốn bận. Nhưng không thấy si-nhê gì. Tại sao ? Có 2 lí do : vì chúng ta chưa đưa Chúa vào bánh, và vì chúng ta rước Chúa chứ chưa phải rước tấm bánh bẻ ra.

a. Chúng ta chưa đưa Chúa vào bánh. Chúa không có trong bánh. Nietzsche là triết gia, tổ của vô thần. Ông đã từng nói Thiên Chúa đã chết rồi. Ông lý luận : Thiên Chúa phải chết, con người mới làm Chúa được. Tại Braxin, có người đệ tử của Nietzsche làm một tấm bảng to, trên đó ghi rõ : Thiên Chúa đã chết. Ký tên Nietzsche. Ít ngày sau, cũng trên tấm bảng đó, hiện lên dòng chữ: Nietzsch đã chết. Ký tên, Thiên Chúa.

Không thể để Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Ta thường rước lễ như là ăn bánh chứ không phải rước Chúa, dẫu cho khi LM xướng “Mình Thánh Chúa Kitô, ta Amen, tức tôi tin rõ ràng. Nhưng ta sau lễ, làm như không có Chúa trong ngày. Chúa chết ngay khi mình nhai bánh.

b. Rước Chúa, nhưng chưa phải là lĩnh tấm bánh bẻ ra. Ta rước Chúa cho lòng ta hạnh phúc, ta chịu lễ cho phần rỗi của riêng ta. Đó chưa phải là Thánh Thể, tấm bánh bẻ ra. Bẻ ra là chia sẻ. Chứ không phải bẻ ra cho nhỏ để dễ nuốt trôi. Nếu ta rước lễ ngàn vạn lần mà không một lần nào ta chia cơm sẻ bánh cho người đói ăn, là ta chưa rước tấm bánh bẻ ra. Hãy thử mà xem, khi ta chia sẻ, ta sẽ có hạnh phúc, và như thế ta có thể nói như Napoleon nói: ngày hạnh phúc là ngày rước Chúa, tấm bánh bẻ ra.

Và như thế ta có thể kết hợp hai thứ bánh. Biến bánh hay hư nát thành của ăn thường tồn. Đưa của ăn cho người túng thiếu, kèm theo tình yêu là phẩm tính của Thiên Chúa, là ta có được của ăn thường tồn mang lại hạnh phúc trường sinh.

Trong trận nội chiến ở Tây Ban Nha, một người lính bị thương nặng được đưa về bệnh viện dã chiến. Chàng có hy vọng là sẽ bình phục nhưng chàng lại không chịu ăn. Các y tá, các nữ tu đã tìm mọi cách thuyết phục, nhưng chàng từ chối mọi thức ăn đem tới. Một người bạn thân của chàng, biết chàng nhớ nhà ; nên anh tình nguyện đi tìm nhà của người bị thương để mời bố chàng tới. Đến nhà của người bạn, anh kể rõ hoàn cảnh. Người cha của người bị thương chuẩn bị lên đường thì mẹ chàng gói cho con bà một tấm bánh. Người bị thương vui mừng khi thấy cha chàng tới và nhất là khi nghe cha chàng nói: “Này con, đây là tấm bánh mẹ con đã nướng”. Người con tươi nét mặt nói: “Vâng, bánh mẹ con làm, cho con một miếng”. Từ đó chàng bắt đầu trên đường bình phục. Chàng ăn bánh có tình của mẹ trong bánh. Bánh có tình yêu, là bánh có Chúa ngự. Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.

Có hai thứ của ăn. Của ăn hư nát và lương thưc thường tồn. Hãy dùng của ăn hư nát giúp người khác để nó biến thành lương thực thường tồn mang lại niềm vui, hạnh phước và phúc trường sinh. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nicaragua rút khỏi việc tổ chức các sự kiện WYD vì những hỗn loạn chính trị.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:22 04/08/2018


(Vatican News) Các giám mục Công Giáo Nicaragua nói rằng quốc gia này sẽ không đứng ra tổ chức cho các bạn trẻ hành hương tham dự “Những ngày ở giáo phận”, hướng tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) vào năm 2019 tại Panama do tình hình chính trị xã hội hiện nay của đất nước.

Quyết định trên đã được Phó Thư ký của Phòng Thanh Niên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nicaragua là cha Jhader Hernandez gởi ra và đã báo cho Đức Ông Jose Domingo Ulloa, Chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức WYD năm 2019.

Trong thư, cha Hernandez đã cám ơn ban tổ chức đã chọn nước Nicaragua để đứng ra tổ chức sự kiện này, nhưng giải thích rằng vì tình hình chính trị hiện nay của đất nước nên sẽ không an toàn cho các bạn trẻ hành hương đến thăm viếng nước này.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2019

Tháng Giêng 2019: Ngày Giới Trẻ Thế giới, trước đây đã từng được tổ chức tại Dever, Manila, Paris, Toronto, Madrid, Rio de Janeiro and Krakow. Năm nay sự kiện này sẽ được tổ chức tại thành phố Panama, thuộc Panama.

Trước buổi cử hành chính của WYD, thường quy tụ khoảng 3 triệu người trẻ trên khắp thế giới, là một sự kiện kéo dài 14 ngày trước đó gọi là “Những ngày ở Giáo Phận”. Hai tuần lễ này là cơ hội để cho các bạn trẻ hành hương sinh hoạt tại các giáo phận nơi quốc gia đứng ra tổ chức dẫn tới WYD.

Đây là lần đầu tiên, những ngày của các giáo phận sẽ được tiến hành tại nhiều quốc gia. Năm nay ĐGH Phanxicô yêu cầu Những ngày trong các Giáo Phận được mở rộng cho các giáo phận ở Panama, Cost Rica và Nicaragua – vì ngài mong mỏi Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ bao trùm toàn bộ vùng Trung Mỹ.

Rút lui vì sự an toàn.

Trong thư gởi cho Đức Ông Ulloa, Cha Jhader Hernandez nói rằng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo đã có một quyết định rất đáng tiếc là rút lui khỏi việc tổ chức Những ngày trong Giáo Phận vì sự an toàn cho các bạn trẻ hành hương và các nhân viên mục vụ tại Giáo Hội ở đây.

Ngài kết thúc lá thư với lời cám ơn Panama về những thông điệp và sự giúp đỡ thường xuyên mà họ đã dành cho nhân dân Nicaragua trong thời gian khó khăn này.

Panama chiến đấu để có được kinh nghiệm này.

Trong một thông cáo báo chí có tên là “Nicaragua trong trái tim của WYD”, Ủy Ban Tổ Chức Panama đã kêu gọi các bạn trẻ hành hương hãy sống với kinh nghiện “Những ngày ở Giáo Phận” tại Costa Rica và Panama. Họ nói rằng hai quốc gia này đang chuẩn bị để chào đón và cùng sống hai tuần với các bạn trẻ hành hương và rằng sự kiện này là một trong những sự kiện phong phú đánh dấu, trong một cách đặc biệt, đời sống của những người trẻ.

Cái gì dẫn đến quyết định này.

Nicaragua đang trải qua thương đau của một cuộc khủng hoảng, sau khi cả nước nổ ra cuộc chống lại Tổng Thống Daniel Ortega và vợ của ông là, Phó Tổng ThốngRosaria Murillo. Ortega đang bị cáo buộc làm xói mòn nền dân chủ và quyền con người. Những người chống đối nói rằng ông này đã trở thành một loại vua chúa tàn bạo và đồi bại giống như chính quyền Somaza Cánh Hữu đã bị lật đổ, một thể chế mà trước đây ông đã từng tham gia chống lại trong cuộc cách mạng Sandinista.

.
Source: Vatican News Nicaragua withdraws from hosting WYD events amid political crisis
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Victoria mừng kính Thánh Tổ phụ Đa Minh
Trần Văn Minh
01:40 04/08/2018
Melbourne, vào lúc 10:30 sáng Thứ Bảy Ngày 4/8/2018. Tại Ngôi Thánh đường Thánh Đa Minh cổ kính số 816 trên đường Riversdale, vùng Camberwell, Victoria. Liên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, thuộc Tỉnh Dòng Đức Mẹ Lên Trời, đã dâng lễ trọng thể mừng kính Thánh Đa Minh tổ phụ Dòng.

Xem hình

Với một ngày cuối tuần tương đối đẹp của những ngày tháng cuối Mùa Đông. Trời không mưa, nhưng cái se se lạnh vẫn còn đeo bám các đoàn viên lớn tuổi. Trong những bộ áo chống lạnh to đùng, mọi người gặp nhau mừng rỡ chào nhau thật vui vẻ. Các đoàn viên trong liên huynh đoàn từ khắp nơi theo những chiếc xe Tram quen thuộc, hay được cháu con chở, từ khắp mọi vùng kéo nhau về Nhà thờ Thánh Đa Minh cổ kính, mà mọi người âu yếm gọi là “Nhà thờ mẹ.” Để cùng nhau dâng lễ mừng bổn mạng Thánh Đa Minh, mà mọi đoàn viên goi là Thánh Tổ Phụ của dòng.

Trước khi dâng lễ mừng kính thánh tổ phụ. Ông Nguyễn Hoa Kỳ Ban Phục vụ Liên Huynh Việt Nam Úc Châu đã lên thông báo về đại hội liên bang vào cuối Tháng Chín. Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu đại diện cho Liên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Victoria đã lên đọc tiểu sử Thánh Đa Minh.

Thánh lễ do Linh Mục Nguyễn Văn Toàn OP. Chánh xứ Nhà thờ Thánh Đa Minh thay mặt cho linh mục Tổng linh hướng của Liên Huynh Victoria chủ tế. Ban phục vụ Liên huynh đoàn Victoria, cùng với các ban phục vụ các huynh đoàn và đông đảo đoàn viên trong đồng phục áo dòng, thuộc các Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh về hiệp dâng Thánh Lễ. Cùng nhau đọc kinh Thần vụ trước khi dâng lễ.

Trong bài chia sẻ, Linh mục chủ tế cũng chia sẻ bài tin mừng nói về muối và ánh sáng, cả hai đều rất cần thiết cho đời sống con người về mặt thể lý. Nhưng nói về khía cạnh đức tin, thì ý nghĩa sâu sa của muối và ánh sáng thì người tông đồ rất cần khi đi rao giảng. Sống trong thời của Thánh Đa Minh, các nhóm lạc giáo rất nhiều và họ gây nhiều khó khăn cho giáo hội, nhưng Thánh Đa Minh đã dùng tài thuyết giảng để lôi kéo mọi người quay lại hợp nhất cùng giáo hội.

Trong dịp lễ mừng bổn mạng. Liên Huynh Victoria đã vui mừng đón nhận hai đoàn viên tuyên khấn trước Liên Huynh Victoria, Cha Linh hướng và sự chứng giám của cộng đoàn. Sau khi phát bằng chứng nhận cho hai chị. Mọi người đã vui mừng chúc mừng hai đoàn viên vừa tuyên khấn và toàn thể Liên Huynh đoàn đã cùng nhau lập lại lời tuyên hứa.

Sau lời cám ơn của vị đại diện Liên huynh Victoria, quý vị đại diện ban phục vụ và toàn thể đoàn viên liên huynh đoàn hiện diện được mời lên chụp hình lưu niệm và sau đó mời qua hội trường dùng bữa trưa trong tình thân ái.

Mọi người vui vẻ và cảm tạ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Đa Minh đã ban cho buổi sáng trời đẹp, và nhất là mọi người đã được sự bình an trong năm qua, để cùng nhau về ngôi nhà thờ cổ kính và đầy yêu thương, cùng nhau gặp gỡ để mừng kính Thánh Đa Minh tổ phụ của Dòng.
 
Đại Hội Công Giáo Việt Nam Tại Lộ Đức Pháp : Đức TGM Nguyễn Chí Linh Diễn Giảng Về Đức Mẹ Với Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lê Đình Thông
20:35 04/08/2018
Lộ Đức (04/08/2018) – Trong khuôn khổ Đại Hội Công Giáo Việt Nam ‘‘Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam’’ diễn ra tại Lộ Đức từ 03 đến 05/08/2018 kỷ niệm 30 năm tuyên phong các thánh Tử đạo Việt Nam, chiều 04/08, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam đã thuyết giảng về đề tài Đức Mẹ và các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Mở đầu, linh mục Gilbert Nguyễn Kim Sang, Đại diệnTuyên úy đoàn, Trưởng ban Tổ chức bày tỏ lòng biết ơn Đức TGM Chủ tịch HĐGM Việt Nam đã cử hành Thánh lễ khai mạc đại hội tại Vương cung Thánh đường Notre-Dame du Rosaire và Thánh lễ tại hang đá Massabielle, chiều nay còn diễn giảng về chủ đề của Đại Hội tại hội trường Thánh Giáo Hoàng Piô X.

Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, khoảng 1000 tín hữu đã chăm chú theo dõi lời diễn giảng lôi cuốn của vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam. Ngài đã phác họa hình bóng của người mẹ qua những vần ca dao, qua hình tượng vuông tròn. Với sự gợi ý của diễn giả, nữ tu Lan Chi (Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, tốt nghiệp Thanh nhạc) với giọng ca điêu luyện, đã trình diễn ca khúc Lòng Mẹ của Y Vân :

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,

Tình Mẹ tha thiết như giòng suối biển ngọt ngào,

Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì ràọ

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêụ

http://www.lyricenter.com ]

Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thụ

Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.

Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.

Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thợ.

Diễn giả còn nói về sự tích con dốc tử thần mang tên Mẹ Ơi ở Ninh Thuận: Trước giờ lâm tử trên dốc đá, người con thường thốt lên lời thân thương Mẹ Ơi.

Sau đó, Đức TGM Giuse đã lược thuật những trang sử bách hạo đạo Công Giáo dưới triều Nguyễn, Đức Mẹ đã hiện ra ở La Vang để cứu vớt đàn con vì một lòng giữ đạo mà phải gặp khốn khó.

Hành trình của các thánh tử đạo Việt Nam cũng như tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ các thánh tử đạo Việt Nam chính là hình ảnh Đức Mẹ dưới chân thánh giá.

Đại Hội Công Gíáo Việt Nam tại Lộ Đức lầy chủ đề Nữ Vương các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói lên lòng tôn kính đối với Đức Mẹ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn các tiền nhân tử đạo gieo ytrồng lúa mạ xanh tươi cho đồng lúa truyền giáo tại quê nhà.

Buổi diễn giảng kết thúc trong bầu khí hiệp nhất giữa các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

Lộ Đức, ngày 05/08/2018

Lê Đình Thông

Hình ảnh : Linh Đan

 
Kiệu Đức Mẹ Lộ Đức Cầu Cho Đất Nước Việt Nam
Lê Đình Thông
22:20 04/08/2018
Kiệu Đức Mẹ Lộ Đức Cầu Cho Đất Nước Việt Nam

Lộ Đức (03/08/2018) – 21 giờ ngày 03/08, hàng ngàn tín hữu người Việt từ khắp nơi trên nước Pháp cùng hàng chục ngàn người đến từ nhiều quốc gia đã rước kiệu Đức Mẹ từ hang đá Massabielle đi quanh linh địa Lộ Đức.

Toàn thể đoàn rước hướng về Đức Mẹ, qua bản thánh ca của Hải Linh, cầu nguyện cho quê hương Việt Nam yêu dấu hiện hiện chìm đắm trong cơn nguy biến :

Mẹ ơi, đoái thương quê hương Việt Nam

Trời u ám chiến tranh điêu tàn

Một bóng đơn côi áo khăn mỏng manh

Giữa đại dương tan nát băng trình

Đàn con nhớ thương quê hương lòng đau

Sầu non nước tháng năm bạc đầu

Từng bước ly hương xót xa đời nhau

Mắt lệ rơi trên khắp năm châu

Mẹ ơi, đoái thương chúng dân sầu đau

Mẹ ban phước Thánh Ân nhiệm màu

Tổ quốc thân yêu qua cơn bể dâu

Nước Việt Nam giông bão tan mau

Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam

Trời u ám, chiến tranh điêu tàn

Mẹ hãy giơ tay ban phước bình an

Nước Việt Nam qua phút nguy nan.

Trong cảnh núi rừng Pyrénées trùng điệp, lời nguyện xin thật là cảm động. Khách hành hương nước ngoài tuy không hiểu được ý nghĩa lời ca, nhưng qua tiết tấu trầm hùng và giọng ca tha thiết cũng hiểu được phần nào tâm nguyện chân thành của cộng đoàn nước Việt. Tấm lòng thành từ con dân nhiều nước hẳn sẽ được Đức Mẹ nhậm lời.

Lộ Đức, ngày 05/08/2018

Lê Đình Thông

Hình ảnh : Lương Công Bình
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương : Siêu Phẩm Văn Học ‘Truyện Kiều’
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
19:45 04/08/2018

Về tác giả Nguyễn Du



Nhà thơ Nguyễn Du có chánh quán làng Tiên Điền (nay là Xuân Tiên), xưa thuộc trấn Nghệ An, nay là tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng ông được sinh ra năm 1766 tại kinh đô Thăng Long (phường Bích Câu, gốc của tác phẩm ‘Bích Câu kỳ ngộ’ kể về cuộc tình Tú Uyên-Giáng Ngọc), trong lúc cha ông làm quan vào thời chúa Trịnh Sâm (nhà Trịnh lấn quyền vua Lê). 20 năm sau, vì thời thế, ông về sống tại Tiên Điền, rồi ra làm quan nhà Nguyễn (để có dịp đi sứ qua Tầu năm 1813). Thiên hạ tin rằng lòng ông vẫn hướng về nhà Lê cho tới ngày tạ thế vào năm 1820.

Ông có tên ‘chữ’ là Tố Như, khi viết thì lấy hiệu là Thanh Hiên. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, lấy vợ tên Trần thị Tân, gốc Kinh Bắc (Bắc Ninh). Trước khi viết truyện ‘Kiều’ bằng chữ Nôm, ông đã nổi tiếng với ‘Thanh Hiên thi tập’, ‘Bắc hành tạp lục’ và ‘Nam Trung tạp ngôn’ bằng chữ Hán. Chưa kể một số văn thi phẩm lớn nhỏ khác.

‘Truyện Kiều’ là tên gọi thông thường theo tên nhân vật chính trong tác phẩm của ông; còn lúc sáng tác, Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là ‘Đoạn trường tân thanh’, nghĩa là ‘Tiếng nói mới về một nỗi đau đến đứt ruột’. Đoạn trường tân thanh được sáng tác không phải do nhà thơ đơn thuần tưởng tượng, hư cấu để viết ra, mà ông viết dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết ‘chương hồi’ bằng văn xuôi của Trung Quốc, có tên là ‘Kim Vân Kiều truyện’ (truyện về Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều) của một tác giả hiệu là ‘Thanh Tâm Tài Nhân’( sống vào thế kỷ 16 đời Minh ).

Trong thời đại của Nguyễn Du các nhà thơ sáng tác thường dựa theo một tác phẩm của Trung Quốc như thế. Nói chung Nguyễn Du dựa khá sát vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân khi viết lại Truyện Kiều : cụ thể là những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đều là những nhân vật lấy từ Kim Vân Kiều truyện; những tình tiết, biến cố, cốt truyện trong Truyện Kiều hầu hết đều có trong Kim Vân Kiều truyện. Nhưng cái đặc sắc của Nguyễn Du là tuy dựa vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng lại hết sức sáng tạo, ở chổ Nguyễn Du không phải nhằm chuyển dịch tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân sang tiếng Việt, mà ông tái tạo, bổ sung vào đó những điều mà ông từng day dứt, trăn trở, và với tài năng nghệ thuật tuyệt vời của mình, ông đã thể hiện lại bằng ngôn ngữ và thể thơ dân tộc Việt Nam, cho nên tại quê nhà,tác phẩm của Nguyễn Du có sức sống mãnh liệt hơn và có chiều sâu trí tuệ mà nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân không có được.

Hiểu với Nguyễn Du về truyện Kiều :



Truyện Kiều là truyện về cuộc đời của một người con gái bất hạnh, có tên là Vương Thúy Kiềụ. Người con gái ấy có tài, có sắc, xuất thân trong một gia đình bình thường, lớn lên nàng yêu một chàng trai là Kim Trọng, nhưng rồi tai họa đã xảy đến cho gia đình : cha và em của nàng bị bắt, bị đánh đập, nhà cửa bị cướp phá sạch sành sanh. Thúy Kiều không có cách nào để cứu nguy cho gia đình, nàng buộc lòng phải bán mình cho người khác để lấy tiền chuộc cha và em; từ đó cuộc đời nàng trải qua không biết bao nhiêu là tai họa : nàng bị lừa lọc phải hai lần làm kỹ nữ ở nhà chứa, làm lẽ, đi ở...

Có thể nói một câu truyện thê thảm về vận mệnh của một người con gái như thế, bản thân nó đã có sức gây xúc động lớn. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, câu chuyện thê thảm ấy lại không thuần túy là vận mệnh của một người con gái, hay nói cách khác là, thông qua vận mệnh của một người con gái, nhà thơ đã nói lên vận mệnh của con người nói chung. trong một xã hội bất công tàn bạọ. Nhà nghiên cứu Hoài Thanh cho rằng vấn đề đặt ra trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vấn đề quyền sống của con người trong xã hội phong kiến. Nhà thơ Chế Lan Viên thì viết : “Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc, Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên...”

Nói cho đúng, khi viết tác phẩm của mình Nguyễn Du không hoàn toàn ý thức hết những điều ông đã trình bày. Với một quan niệm truyền thống, ông cắt nghĩa những bất hạnh của Thúy Kiều chính là do mâu thuẩn giữa Tài và Mệnh : Thúy Kiều nhiều tài, nên số phận của Thúy Kiều bi thảm. Tuy quan niệm là như thế, nhưng khi tái hiện cuộc sống vào tác phẩm, Nguyễn Du đã hết sức trung thực, nên vấn đề đặt ra trong tác phẩm của ông có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều so với những gì mà ông đã phát biểụ. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là cảm hứng về thân phận con người : Con người sẽ sống như thế nào giữa một xã hội bất công, tàn bạo. Khi xây dựng nhân vật Thúy Kiều, nhà thờ muốn thể hiện ở nhân vật này tất cả những gì là ưu tú, là tinh hoa của con ngườị Thúy Kiều, không phải chỉ có tài sắc khác thường như các cô gái khác trong văn học cổ, mà Thúy Kiều là tuyệt đỉnh của tài sắc; và không phải chỉ có tài sắc, mà Thúy Kiều còn có ý thức sâu sắc về cuộc sống của mình và của xung quanh. Có thể nói Nguyễn Du muốn xây dựng nhân vật Thúy Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa của con người. Một nhân vật như thế lẽ ra phải được sống một cuộc đời tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng vì nàng sống trong một xã hội bất công, tàn bạo nên cuối cùng những phẩm chất cao qúy nhất của nàng lại trở thành những tai họa đối với nàng. Do có tài có sắc, Thúy Kiều đã trở thành miếng mồi ngon cho cái xã hội đó xâu xé.

Độc giả đánh giá rất cao Nguyễn Du :



Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, ông hết lòng thương yêu và trân trọng con người, mà phải thể hiện những cảnh con người bị vùi dập trong tác phẩm, nên ngòi bút của ông nhiều khi phẫn nộ và nhiều khi lại cay đắng, chua xót. Có người nhận xét: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy”. Cố nhiên đã yêu thương con người thì phải chống lại những lực lượng chà đạp con người. Về phương diện này có thể nói Truyện Kiều là một bản cáo trạng lên án đanh thép tất cả những lực lượng chà đạp con người. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chà đạp Thúy Kiều không phải một vài con người cá biệt nào, mà là cả một xã hội, từ kẻ đại diện cho cái xã hội ấy như bọn quan lớn, quan bé, gia đình quan lại, đến bọn thừa hành như đám nha lại, rồi những kẻ sống bằng nghề buôn bán nhan sắc của phụ nữ… Trong cái xã hội này, sau thế lực của bọn qúy tộc là thế lực của đồng tiền. Đồng tiền thực sự đã trở thành một tai họa đối với con người. Đồng tiền chi phối việc xử kiện của bọn quan lại; đồng tiền đã biến những nho sĩ như Mã Giám Sinh, Sở Khanh thành những tên ma cô dắt gái; đã biến Thúc Sinh thành một kẻ ăn chơi trác táng… Đồng tiền có thể mua bán cả cái trinh tiết thiêng liêng của người phụ nữ…

Sống trong một xã hội như vậy những kẻ xấu, bất lương thì tha hồ lộng hành, còn người tốt, lượng thiện thì không có chỗ để tồn tại. Thúy Kiều bị dày vò đủ đường, mà chỉ có một người duy nhất dám bênh vực nàng là Từ Hải, thì cái xã hội ấy lại coi Từ Hải là giặc, và cuối cùng bằng một sự phản bội xấu xa đã giết chết Từ Hải. Trong Truyện Kiều, Từ Hải bị giết và sau đó Thúy Kiều tự tử trên sông Tiền Đường là những kết thúc bi thảm nhưng không thể khác được. Việc Thúy Kiều được cứu sống, rồi được tái ngộ Kim Trọng với biết bao chua xót, bẽ bàng ở cuối truyện không hề làm giảm ý nghĩa ‘tố cáo’ của tác phẩm, mà đúng như nhà thơ Xuân Diệu nhận xét, nó là “bản cáo trạng cuối cùng” của tác phẩm này.

Một số người còn nói Nguyễn Du chọn đề tài ‘Kim Vân Kiều truyện’ là vì ông thấy số phận của Thuý Kiều có phần giống cảnh ngộ của ông. Thuý Kiều vì gia biến mà phải bán mình chuộc cha, đem thân làm vợ người khác nên không trọn lời nguyền với Kim Trọng. Nguyễn Du mượn cảnh đó để nói lên nỗi lòng của mình, vì vận nước thay đổi mà phải đem thân làm bề tôi cho một triều đại khác nên không trọn đạo trung quân với nhà Lê. (việc Kiều bán mình chuộc cha đã nhân danh chữ ‘Hiếu’, rồi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng đã nhân danh chữ ‘Trung’; và trong mười lăm năm lưu lạc, không lúc nào không nhớ thương Kim Trọng, Kiều vẫn nghĩ mình giữ vẹn chữ ‘Trinh’ với chàng). Mặt khác, ông cũng không thể đưa thực trạng xấu xa của xã hội phong kiến Việt Nam vào trong tác phẩm của mình. Vì vậy, ông mượn câu chuyện của Trung Quốc để viết là để tránh khỏi bị triều đình nhà Nguyễn bắt tội.

Truyện Kiều không những có nội dung sâu sắc, mà nghệ thuật của nó cũng đạt đến một thành tựu rực rỡ. Nói đến thành công trong nghệ thuật Truyện Kiều, trước hết người ta thường nói đến thành công của nhà thơ trong việc vận dụng tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc, với tất cả 3254 câu. Nói cho rõ, giá trị của tập truyện này nằm chính ở căn bản văn chương, ở kỹ thuật miêu tả, tự sự và diễn đạt tình cảm của tác giả. Trong Truyện Kiều có sự kết hợp sức nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Truyện Kiều có không ít từ Hán Việt và điển cố lấy trong sách vở, với lối diễn đạt đài các, qúy phái, nhưng tất cả đều được sử dụng có liều lượng, đúng nơi, đúng lúc, nên đều hợp lý. Mặt khác trong Truyện Kiều lại có nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày, ca dao tục ngữ nhưng tất cả cũng được sử dụng có chọn lọc tinh vi, khéo léo, kết hợp hài hòa với ngôn ngữ bác học. Thể thơ lục bát trong Truyện Kiều được nhà thơ khai thác triệt để khả năng biểu hiện của nó, tinh tế, giản dị mà có âm vang, có thể diễn đạt được nhiều sắc thái của cuộc sống và những nét tinh vi, tế nhị trong tình cảm của con người.

Đứng về mặt nghệ thuật, cho đến nay Truyện Kiều vẫn là hòn ngọc sáng nhất và là đỉnh cao chói lọi nhất của tiếng nói Việt Nam, của văn học dân tộc. Thiên tuyệt bút này của Nguyễn Du là sự kết tinh tinh hoa của cả quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển nền văn học cổ điển viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Nó cũng được xem là hòn đá tảng, đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật văn học dân tộc sau này. Nếu như thi hào Nguyễn Du khiêm tốn cho rằng những "lời quê chắp nhặt" của ông chỉ đủ "mua vui một vài trống canh", thì giờ đây, thế hệ con cháu hôm nay đã biết phát huy, sáng tạo với nhiều hình thức thể hiện đa dạng, phong phú để Truyện Kiều ngày càng lan tỏa, ăn sâu vào đời sống, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người.

Xin nhắc lại : người ta thán phục Nguyễn Du với nghệ thuật dẫn truyện, đi kèm nghệ thuật miêu tả, bao gồm miêu tả con người lẫn miêu tả thiên nhiên, cảnh vật. Nhà thơ thường miêu tả rất tiết kiệm. Chỉ cần một vài câu thơ ông đã có thể khắc họa rõ nét được ngoại hình của một nhân vật hay dựng lên được một bức tranh phong cảnh. Nhưng tuyệt diệu nhất của nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều là miêu tả nội tâm nhân vật. Có thể nói trong văn học cổ không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm của nhân vật như Nguyễn Du, nhất là nội tâm của nhân vật Thúy Kiều. Có thể nói chính nhờ chiều sâu nhân bản ở nội dung của tác phẩm lại được thể hiện với nghệ thuật tuyệt vời, nên Truyện Kiều của Nguyễn Du trở nên bất hủ, sống mãi với thời gian. Việc đọc và tìm hiểu Truyện Kiều là một đường tắt đi vào văn hóa truyền thống Việt Nam. Thành ra học giả Phạm Quỳnh đã thốt lên “Truyện Kiều còn thì tiếng nước ta còn; mà tiếng nước ta còn thì nước ta sẽ ‘mãi’ còn”.

Vang danh khắp chốn :



Cho tới nay, Truyền Kiều đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã liệt Truyện Kiều vào hàng di sản thế giới. Vào dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật, Nguyễn Du đã được xưng tụng là ‘danh nhân văn học’ hoàn vũ.

Riêng tại Việt Nam, khả năng khái quát của nhiều cảnh tình, ngôn ngữ, trong tác phẩm khiến cho quần chúng tìm đến Truyện Kiều, như tìm một điều dự báo. Bói Kiều rất phổ biến trong quần chúng ngày xưa. Ca nhạc dân gian có dạng Lẩy Kiều. Sân khấu dân gian có trò Kiều. Hội họa có nhiều tranh Kiều. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Giai thoại xung quanh Kiều cũng rất phong phú. Tuồng Kiều, cải lương Kiều, phim Kiều cũng ra đời. Nhiều câu, nhiều ngữ trong Truyện Kiều đã lẫn vào kho tàng ca dao, tục ngữ.

Truyện Kiểu có giá trị nội dung và nghệ thuật đạt tới trình độ xuất sắc, điêu luyện, thể hiện tài năng bậc thầy của thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều xứng đáng là đỉnh cao chói lọi của thi ca dân tộc. Truyện Kiều được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu thích. Nguyễn Du được tôn vinh là đại thi hào, ( đã là Danh nhân văn học thế giới ). Tên tuổi của ông đã mang lại vẻ vang cho nền văn học nước nhà. Cái nghệ thuật cao tay của thi hào còn nằm ở chỗ dù có mượn một tích truyện, một nhân vật nước ngoài để sáng tác, nhưng sau khi tác phẩm đó đã đến tay người đọc, đã lọt vào dân gian, thì nó hoàn toàn trở nên sản phẩm của đất nước, cũng như những giá trị ưu việt, về văn hóa và tinh thần của một dân tộc, là thuộc kho tàng chung của loài người.

Cái vĩ đại của Nguyễn Du là ở chỗ đã biết khai thác, một cách sâu sắc và ở một mức độ rất cao, nếu không nói là tuyệt vời, những khả năng tiềm tàng to lớn của tiếng dân tộc, và càng làm cho ta nhận thức rõ cái giá trị của nó. Truyện Kiều là một sự vận dụng thiên tài kho tàng văn học dân gian. Nó không chỉ nói lên tính phong phú của tiếng Việt, có thể dùng những lời rất thanh nhã để tả những sự việc rất tục, rất sỗ sàng. Và ngược lại, cũng có thể dùng những tiếng rất tục, rất phàm mà câu văn và ý vẫn không mất tính chất thanh nhã. Văn truyện Kiều đẹp không phải chỉ ở chỗ tác giả dùng toàn những tiếng nôm na mà bất cứ người dân Việt nào, lọt lòng mẹ ra, cũng quen tai thuộc miệng, nhưng còn ở chỗ nó trở thành những phương ngôn, tục ngữ, ca dao, câu ví, cũng như nó đã thành hình thức diễn đạt duy nhất và phổ biến nhất cái ‘triết học bình dân’ của ta, đã bao đời cũng từng là hình thức phong phú nhất của nền văn học dân gian Việt-nam.

Năm 1926, Rene Crayssac, một nhà thơ người Pháp, khi dịch Truyện Kiều ra tiếng nước mình, đã viết bài nghiên cứu có đoạn viết: "Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, trong bất kỳ thời đại nào". Ông so sánh "Trong tất cả nền văn chương Pháp, không một tác phẩm nào được phổ thông, được toàn dân sùng kính và yêu chuộng bằng quyển truyện này ở Việt Nam". Cuối cùng ông kết luận : "Sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc".

Di chúc cuối của Nguyễn Du :



Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ Tài.


Thực tế trong đời sống xã hội hiện nay luôn có sự đan xen tồn tại giữa cái tốt và cái xấu, cái tích cực và tiêu cực…thì lòng người cũng thế, cái Tâm con người cũng vậy. Điều đáng nói là người có Tâm, sống trung thực, sẵn sàng hy sinh quên mình cứu giúp người hoạn nạn, lại là những con người bình thường, sống an bình hạnh phúc…Nguyễn Du để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển Việt Nam có được giá trị của một ‘bức tranh đời’, với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng,” chất chứa trong một trái tim lớn.

Cụ Vân Hạc, trong sách ‘Truyện Kiều chú giải’, có viết rằng bên nhà Phật bảo rằng con người may rủi là do cái ‘nghiệp’, chứ không hề có liên hệ chi với ‘ông Trời’ hay đấng ‘Tạo hóa’. (các triết gia Tây phương coi đó là triết lý ‘vô thần’). Còn Nho giáo thì lại ưa thuyết ‘Thiên mệnh’ : Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên.

Còn bên đạo Chúa thì sao ? Cái Tâm là gốc ở con tim, là câu chuyện ‘yêu thương tha nhân như chính mình’. Mà tình yêu đã khởi đầu từ Thiên Chúa : Ngài vì thương yêu mà tạo dựng và cứu chuộc. Ngôi Hai xuống thế dạy bài học yêu thương xả thân tuyệt hảo. Ngài mời gọi tất cả hãy tới với Ngài để học bài học căn bản cho cuộc hạnh phúc tối hậu “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Cái TÂM cao cả nhất nằm tại chỗ này.

Nếu cụ Nguyễn Du viết từ đầu truyện “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, thì nhờ cái TÂM cao cả này, cái ‘Tài’ và cái ‘Mệnh’ sẽ hết ghét nhau. Nghĩa là nếu có đủ TÂM theo đường Chúa dạy, thì ta sẽ có thể sống trong hoàn cảnh ‘Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai’ !

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sống Khoẻ
Nguyễn Đức Cung
07:44 04/08/2018
SỐNG KHOẺ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Giầu sang đâu phải bạc, vàng
Sống vui, sống khoẻ mới là giầu sang.
(nđc phóng ngữ)

It is Health that is real Wealth
And not pieces of gold and silver
(Mahatma Gandhi)