Ngày 03-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhà quản lý khôn ngoan
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
07:48 03/08/2016
NHÀ QUẢN LÝ KHÔN NGOAN

Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm C

Nếu ai hỏi “bạn là ai?”, chúng ta sẽ dễ dàng trả lời: “Tôi là...”, và thêm vào đó: học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, sĩ quan, thương gia... Nhưng cái mà “tôi là” ấy, lại chỉ xoay quanh chuyện vật chất tầm thường mà thôi: tiền bạc, chén cơm, manh áo...

Bởi vậy, cho dù là một anh nông dân nghèo hay một vị tổng thống đầy quyền uy, sang trọng, tất cả đều bằng nhau ở chỗ chỉ là những kẻ kiếm tiền.

Nhưng đời người chỉ có thế thôi sao? Sao mà đơn giản và tầm thường đến mức lạ thường! Sống cả một đời long đong. Đến lúc rời bỏ cuộc đời, những gì còn lại chỉ là một mớ bụi đất. Dài lắm cũng chỉ trăm năm sau, chẳng ai còn tiếc xót một người đã khuất.

Đó là ý nghĩa và mục đích của đời người đó sao? Tôi xin lỗi. Nếu đời người chỉ có thế, thì một con gà cũng đã làm như thế: ngày ngày bới móc để nhét đầy bụng, rồi đến một ngày nhận lấy một cái chết nào đó. Vậy là hết đời. Có khác chăng là do con người là động vật bậc cao, có hiểu biết. Nhưng trong trường hợp này, có hiểu biết mà làm gì. Thà không hiểu biết còn đỡ bi quan, đau đớn.

Đúng là bi quan và đau đớn! Nhưng điều đó chỉ xảy ra đối với những ai chỉ biết đặt đích điểm đời mình nơi trần thế. Bi quan và đau đớn cho bất cứ ai tham vọng đến mức ảo tưởng rằng, mình là chủ của cuộc đời và là chủ của chính mình, của tất cả những gì mình có, mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra...

Trong đức tin vào Thiên Chúa, nếu bạn và tôi biết chân thành nhìn lại cả một kiếp làm người, chắc chắn sẽ có những suy nghĩ rất khác.

Chính đức tin cho ta niềm lạc quan, yêu đời, yêu người, yêu những giá trị trần thế đã tôn vinh sự sống con người, dẫu là mồ hôi, nước mắt đi nữa.

Nói cho cùng, câu trả lời cuối cùng cho lời hỏi “bạn là ai”, vẫn phải là câu trả lời nằm trong chiều kích đức tin.

Chỉ có nằm trong chiều kích đức tin mới là câu trả lời trọn vẹn nhất, đẹp nhất.

Đó chính là câu trả lời mà Chúa Kitô dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi chỉ là nhà quản lý”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa kể dụ ngôn về một nhà quản lý. Đó là người được chủ trao cho bổn phận lo phân phối lúa thóc cho những người làm công.

Nếu đó là nhà quản lý khôn ngoan và trung tín, anh ta sẽ làm tròn bổn phận của mình, và làm một cách chu đáo.

Nhưng nếu anh ta cho rằng, chủ sẽ về muộn, nên ra oai tác oái đối với những người thuộc quyền của mình. Không tròn bổn phận, không chu đáo trong công việc, không sẵn sàng chờ đợi chủ trở về đã vậy, anh ta còn đánh đập tôi trai, tớ gái, ăn uống say sưa... thì đó là người thiếu khôn ngoan vì đã không trung tín.

Vì không tự nhận chân ra mình, không biết mình nên người quản lý mới ra oai tác oái.

Là quản lý, lại dám làm những điều vượt quá điều mà chủ còn chưa làm như thế, anh đúng là thiếu khôn ngoan. Hành động vượt trên quyền hành của một người chủ, người quản lý dại khờ ấy tất bị chủ truất phế và đánh phạt.

Chúa Giêsu tiếp tục cho ta biết: Chủ của người quản lý ấy “sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ lọai trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung...”.

Hình ảnh nhà quản lý là chính tôi và bạn.

Nếu là nhà quản lý khôn ngoan, ta hãy trở về với chính mình như một nhà quản lý, trở về với một sự thật không thể chối từ!

Ngày xưa, Tổ tông loài người cũng đã từng ảo tưởng về một ông chủ lớn lao nào đó. Dấn thân vào trong tội, nhằm thực hiện một giấc mơ chủ nhân, Tổ tông đã phạm tội tày trời: Đòi đứng vào vị trí của một Thiên Chúa quyền năng. Do điều đó, Tổ tông đã chống lại Thiên Chúa của mình.

Cũng do chính điều đó, thay vì nên cao trọng, Tổ tông đã tự chuốc lấy một kết cuộc bi đát và nghiệt ngã: xa cách Thiên Chúa, bản tính loài người của chính mình suy yếu, dễ sa đà trong tội, suốt cuộc đời phải chuốc lấy nhiều rủi ro, phải lầm than, vất vả và chết... Hậu quả ấy còn tiếp tục trải dài trên con cháu.

Bài học trong tội Tổ tông, hình như bạn và tôi chưa thuộc. Vì chúng ta vẫn tham lam, vẫn ham mê làm chủ lắm.

Ví dụ: Ai đó ăn mừng vì vừa mới mua một miếng đất, mới xây một căn nhà, mới tậu một chiếc xe..., người ấy kể là mình làm chủ. Nhưng anh ta có biết chăng, miếng đất ấy, căn nhà ấy, chiếc xe kia... đã từng có không biết bao nhiêu người “làm chủ” giống như anh. Rồi đến một ngày, người khác sẽ thay anh “làm chủ” chúng.

Hóa ra tất cả chỉ là chủ hờ, đúng hơn, chỉ là người quản lý tạm bợ mà thôi.

Bạn có nhiều của cải ư? nhưng chỉ cần một cơn dư chấn trong lòng đất, một trận cuồng phong, một cơn sóng thần, một trận bão vô tình quyét ngang, bỗng chốc trở thành trắng tay.

Ngay đến bản thân của bạn còn mong manh trước thiên tai nữa là của cải! Biết bao nhiêu người, sau một tích tắc, trở thành góa phụ. Hoặc một lần bước vào một chuyến xe định mệnh nào đó, bỗng dưng trở thành kẻ mồ côi.

Đừng nói chi đến đất đai, nhà cửa, xe cộ, tiền của..., ngay cái gia sản quý giá nhất, gắn liền với bản thân từng người không thể thiếu được là sức khỏe, là mạng sống, ta cũng chẳng thể làm chủ.

Chiều hôm nay còn đi dạo phố, ngày hôm sau đã ra người thiên cổ. Đang sống bình an, khỏe khoắn, bỗng dưng bác sĩ kết luận có một khối u trong não, trong phổi...

Hóa ra cái gia sản quý giá ấy tưởng như của mình, không ai có thể lấy được, cũng chỉ là tạm bợ.

Ta vẫn chỉ là một nhà quản lý không hơn, không kém.

Càng trớ trêu hơn khi nhận ra rằng, giây phút mất chức quản lý cũng không do bản thân định đọat, vì không ai có thể biết mình chết lúc nào.

Cuộc đời mỗi người chỉ là quản lý. Vì thế, có cố vươn lên để làm ông chủ cũng không thể được. Vì không ai thoát chết.

Cái chết tàn nhẫn tước mất của ta tất cả mọi thứ trên trần gian.

Nhưng có một điều cái chết không thể làm gì được, đó là ý thức từng ngày sống của mình để trở thành nhà quản lý trung tín và khôn ngoan trước mặt Chúa.

Bởi vậy, bạn và tôi đừng bám víu vào cuộc đời này như là cùng đích của mình. Nhưng “hãy sắm những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát”.

Vì nhà quản lý trung tín và khôn ngoan là người biết quản lý ơn Chúa, chứ không phải của cải.

Hãy quản lý ơn Chúa ban các trung tín và khôn ngoan để sinh hiệu quả tốt nhất cho chình bản thân mình là sự sống trong Chúa.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:07 03/08/2016
89. NGẢI TỬ CẦU THUỐC.
Ngải tử theo hầu Tuyên vương.
Một hôm, lúc vào trào kiến nhà vua thì mặt mày âu sầu, Tuyên vương cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi Ngải tử tại sao ?
Ngải tử trả lời:
- “Con trai tôi đột nhiên bị bệnh muốn nói cho đại vương hay, nhưng nghĩ đây là chuyện nhỏ, cho nên mắc cở không muốn nói, bây giờ mặc dù người ở triều đình, nhưng lòng thì nhớ về đứa con nhỏ.”
Tuyên vương nó:
- “Tại sao ông không nói sớm, ta có thuốc tốt, thật có thể nói là thuốc đến thì bệnh tiêu tan.”
Thế là sai người đi lấy thuốc đưa cho Ngải tử, Ngải tử bái tạ mà trở về để cho con uống thuốc, hai, ba giờ sau, đứa con chết mất tiêu.
Sáng ngày hôm sau, lúc Ngải tử vào triều thì rất là buồn thảm, Tuyên vương lại hỏi Ngải tử, sau đó mặt mày bi thiết, và nói:
- “Con ông chết thật thương tâm, ta quyết định ban tiền bạc để giúp ngươi tống táng.”
Ngải tử nói:
- “ Con tôi chết không đáng để cho đại vương ban ơn, nhưng tôi cũng xin một thứ như đại vương vậy.”
Tuyên vương hỏi vật gì, Ngải tử nói:
- “Tôi chỉ muốn xin được thang thuốc mà hôm trước đại vương ban cho đứa con của tôi.”
(Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư 89:
Nếu bác sĩ cho bệnh nhân uống nhầm thuốc mà chết, thì ông bác sĩ ấy có nước đi “ủ tờ” và giải nghệ gấp gấp, nhưng nếu nhà vua mà cho nhầm thuốc thì biết kiện ai bây giờ, cách hay nhất của Ngải tử là xin lại thang thuốc ấy, để nhà vua khỏi ban cho người khác, đúng là khôn ngoan.
Thánh Mác-xi-mi-li Ma-ri-a Kôn-bê đã xin được chết thay cho người tử tội, ngài chết nhưng người tử tội và dòng họ con cháu của ông được tồn tại trên mặt đất, ngài không những chết thay cho một người mà cho nhiều người.
Sống vì người khác là lý tưởng của người Công Giáo, lý tưởng này bắt nguồn từ thập giá của Đức Chúa Giê-su, Ngài đã chết thay cho nhân loại được sống. Và hơn hai ngàn năm qua, lý tưởng cao đẹp này của Ngài đã có rất nhiều người noi theo vì tha nhân mà phục vụ.
Có một bài hát mà tôi rất tâm đắc, mỗi khi sinh hoạt với các hướng đạo sinh hay các đoàn thể trẻ khác tôi đều xướng lên: “Nào ta cất bước theo Chúa đi vào đời, hành trang ta mang trên vai phục vụ mọi nơi...Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ (màng)...” Một bài hát nói lên trọn tâm tình của người Công Giáo khi phục vụ tha nhân.
Phục vụ là đem gánh nặng của người khác bỏ lên vai mình, và đem tình yêu của Thiên Chúa đặt trong tim của tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:08 03/08/2016

22. Phục tùng mệnh lệnh là hoàn mỹ, cần nhất là linh hồn tiếp nhận những bảo ban của bề trên mà không một chút ý kiến.

(Thánh Magdalena de Pazzi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủ tịch Tổ Chức Hiệp Sĩ Columbus tuyên bố: Không có lý do gì để bỏ phiếu cho những chính trị gia ủng hộ phá thai.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:33 03/08/2016
Chủ tịch Tổ Chức Hiệp Sĩ Columbus tuyên bố: Không có lý do gì để bỏ phiếu cho những chính trị gia ủng hộ phá thai.

Toronto, Canada (EWTN News/CNA): Tại cuộc họp quốc tế của Tổ Chức Hiệp Sĩ Columbus, chủ tịch Carl Anderson đã nói với các thành viên tham dự rằng cử tri Công Giáo cần ngưng ngay việc bỏ phiếu cho những chính trị gia ủng hộ phá thai.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người Công Giáo trong tiến trình chính trị và lời của ngài đặc biệt quan trong cho chúng ta là những công dân trung thành với niềm tin Công Giáo.” Ông Anderson đã nói như vậy vào ngày 2 tháng Tám.

Lời kêu gọi của ông Anderson trong Đại Hội của Tổ Chức Hiệp Sĩ Columbus tại Toronto đã nhắc lại lời đề nghị của ông trước đây tại Đại Hội vào năm 2008 ở Quebec.

“Chúng ta cần chấm dứt trò khuynh hoạt chính trị của những người ủng hộ phá thai đối với những cử tri Công Giáo. Đã đến lúc cần dứt khoát sự khuấy nhiễu người Công Giáo với việc phá thai giết người. Đã đến lúc ngưng ngay việc tạo ra những cái cớ để bầu cho những chính trị gia ủng hộ phá thai.”

Ông nói thêm “Phá thai là giết người vô tội trên một quy mô rộng lớn,”

Ông Anderson nói rằng chính trị không có nghĩa là đảng phái, nhưng đại diện cho lợi ích chung, cho giá trị đạo đức và tôn giáo hầu đem lại sự tự do, dân chủ cho người dân.

Quyền quan trọng trên hết trong các giá trị này là “ quyền bình đẳng về phẩm giá của mỗi người và quyền mỗi người được tự do thực hiện niềm tin tôn giáo mình.”

“Chúng ta sẽ không bao giờ thành công trong việc xây dựng nền văn hóa sự sống nếu chúng ta cứ tiếp tục bỏ phiếu cho những chính trị gia ủng hộ văn hóa sự chết.”

Ông chia sẻ về vấn nạn chính trị là một người nên hay không nên ủng hộ một ứng cử viên có nhiều phẩm chất tốt nhưng lại ủng hộ phá thai.

“Một số người muốn ủng hộ đảng của mình thì tìm cách bào chữa cho những ứng cử viên phò phá thai qua việc đánh giá cân bằng phức tạp. Họ cho rằng những phẩm chất khác quan trọng đủ để bù đắp cho việc ứng cử viên ủng hộ phá thai.”

“Nhưng quyền phá thai không phải chỉ là một vấn đề khác về chính trị. Đó là trong thực tế, một chế độ cho phép hợp lệ phá thai dẫn đến kết quả là trên 40 triệu người chết.”

Ông nói thêm rằng 40 triệu sinh mạng là một con số lớn hơn dân số của cả nước Canada.

“Có vấn đề chính trị nào có thể nặng ký hơn việc tàn phá con người này ? Câu trà lời tất nhiên sẽ là không có.”

Vào năm 2008 ông đã kêu gọi những người Công Giáo trung thành với niềm tin hãy xây dựng một nền chính trị mới không giống như hiện nay, nhưng căn cứ vào sự cống hiến của họ cho việc “ xây dựng một nền văn hóa sự sống mới.”

Trong lời phát biểu mới đây, ông Anderson nói rằng người Công Giáo cần “suy nghĩ theo những cách mới” để xây dựng “một nền văn minh của tình yêu.”

Bài nói chuyện của ông đề cập đến việc hợp thức hóa trợ tử, những đe dọa tự do tôn giáo, việc bách hại các tín hữu tại Trung Đông và những vụ sát nhân vì sắc tộc năm 2015 tại một nhà thờ của người da đen ở South Carolina và những vụ bạo động sắc tộc mới đây ở Hoa Kỳ trong năm nay.

Ông Anderson nói thêm rằng có 8 trong số 10 người Mỹ sẽ tránh phá thai, trong khi có khoảng 6 trong 10 người Canada sẽ ủng hộ việc hạn chế này.

Một đa số đáng kể người Mỹ coi việc phá thai là sai đạo đức và không muốn tiền thuế của họ được dùng cho quỹ phá thai.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Người Công giáo phải ngừng bỏ phiếu cho các chính trị gia ủng hộ phá thai
Hồng Thủy Op
17:06 03/08/2016
Toronto, Canada – Người Công Giáo phải thôi bỏ phiếu cho những chính trị gia ủng hộ phá thai; đó là lời tuyên bố của hiệp sĩ Carl Anderson, Thủ lãnh Hội hiệp sĩ Columbus, một hội dành cho nam giới Công Giáo, trong kỳ đại hội vào ngày 2 tháng 8.

Ông Anderson nói: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm tham dự vào tiến trình chính trị của người Công Giáo. Lời của ngài về tầm quan trọng của việc là những công dân trung thành của người Công Giáo, quan trọng đặc biệt đối với chúng ta.

“Chúng ta cần chấm dứt việc thao túng chính trị dùng các lá phiếu của người Công Giáo của các người ủng hộ phá thai. Đây là thời gian để kết thúc sự can dự của người Công Giáo với việc giết người phá thai, là thời gian để ngăn chặn việc tạo ra duyên cớ để bỏ phiếu cho các chính trị gia ủng hộ phá thai.” Ông nói thêm: “Phá thai là giết người vô tội trên quy mô lớn”.

Theo ông, các chính trị gia không phải là đảng phái, nhưng là đại diện cho lợi ích chung, cho luân lý và giá trị tôn giáo và làm cho các tổ chức dân chủ tự do có thể hoạt động. Quan trọng nhất trong số các giá trị này là, ông nói: “phẩm giá bình đẳng của mỗi cuộc sống con người và quyền tự do thực hành tôn giáo của mỗi người. Chúng ta không thể thành công trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống nếu chúng ta tiếp tục bầu cho các chính trị gia ủng hộ nền văn hóa chết chóc”.

Suy tư về việc chúng ta có nên ủng hộ một chính trị gia có nhiều điểm hấp dẫn nhưng lại ủng hộ phá thai, ông Anderson nhận định. “Một số người ủng hộ đảng phái đã tìm cách bào chữa cho việc ủng hộ các ứng cử viên ủng hộ phá thai thông qua một hành động cân bằng phức tạp. Họ cho rằng các vấn đề khác đủ quan trọng để bù đắp cho hỗ trợ phá thai của một ứng cử viên. Nhưng quyền phá thai không chỉ là một vấn đề chính trị khác. Trong thực tế, nó là một chế độ pháp lý gây ra hơn 40 triệu cái chết mỗi năm.” 40 triệu, con số này lớn hơn toàn dân số Canada.

Ông cho biết 8/10 người Mỹ hạn chế đáng kể việc phá thai trong khi 5/10 người Canada ủng hộ những hạn chế thiết yếu. Một phần lớn người Mỹ xem phá thai là sai phạm luân lý và không muốn tiền thuế được dung chi trả cho việc phá thai.

Năm 2008, trong kỳ đại hội ở Quebec, ông Anderson cũng mời gọi người Công Giáo trung thành xây dựng một nền chính trị mới không theo nguyên trạng, nhưng theo sự cống hiến của họ để “xây dựng một nền văn hóa sự sống”.

Trong bài phát biểu lần này ông nói ông nên thêm rằng người Công Giáo cần suy nghĩ theo những cách thức mới để xây dựng “một nền văn minh tình thương”. Bài phát biểu của ông thảo luận về các vấn đề như trợ tử hợp pháp, các đe dọa tự do tôn giáo, cuộc bách hại các Kitô hữu Trung đông, những kể giết người phân biệt chủng tộc tại một nhà thờ da màu ở Nam Carolina và bạo lực chủng tộc mời ở Hoa kỳ năm nay. (CAN 2/8/2016)

(Source: Radio Vatican)
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olimpic ở Rio
Lm. Trần Đức Anh OP
17:07 03/08/2016
VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu chúc cho thế vận Olimpic sẽ khai diễn ngày 5-8-2016 tại Rio, góp phần kiến tạo một nền văn minh trong đó trổi vượt tinh thần liên đới giữa mọi người với nhau.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 4-8-2016, ĐTC nói:

"Giờ đây tôi muốn gửi lời chào thân ái đến nhân dân Brazil, đặc biệt là dân thành Rio de Janeiro, đang đón tiếp các vận động viên và những người hâm mộ đến từ các nơi trên thế giới, nhân dịp thế vận hội Olimpic. Trong một thế giới khao khát hòa bình, bao dung và hòa giải, tôi cầu mong tinh thần các cuộc tranh tài thế vận Olimpic có thể gợi hứng cho tất cả mọi người, các tham dự viên cũng như các khán giả, chiến đấu ”một cuộc chiến tốt đẹp” và cùng nhau hết thúc cuộc chạy đua (Xc 2 Tm 4,7-8), mong ước đạt được một phần thưởng, không phải là một huy chương, nhưng là một cái gì quí giá hơn nhiều: đó là thực hiện một nền văn minh trong đó có tình liên đới hiển trị, dựa trên sự nhìn nhận rằng tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất, bất luận những khác biệt về văn hóa, màu da hoặc tôn giáo. Và đối với nhân dân Brazil, đang tổ chức lễ hội thể thao này trong tinh thần vui tươi và lòng hiếu khách đặc thù, tôi cầu chúc cho lễ hội này là một cơ hội để vượt tháng những thời điểm khó khăn và dấn thân trong ”hoạt động đồng đội” để xây dựng một đất nước công bằng và an ninh hơn, nhắm đến một tương lai đầy hy vọng và vui tươi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!”.

Thế vận hội Olimpic mùa hè lần thứ 31 sẽ tiến hành từ ngày 5 đến 21-8 này ở Rio de Janeiro, thành phố 12 triệu dân cư, với sự tham dự của các vận động viên đến từ các nước hoàn cầu và gồm 28 bộ môn thể thao và 48 bộ môn thể dục. (SD 3-8-2016)
 
Sứ điệp cho Ngày Quốc Tê Du Lịch 27-9-2016
Linh Tiến Khải
17:08 03/08/2016
Nội dung sứ điệp Hội Đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động gửi ngày Du lịch quốc tế 27 tháng 9

** Từ nhiều thập niên qua du lịch đã trở thành một kỹ nghệ phồn thịnh, hằng năm thu vào cho các quốc gia trên thế giới một số tiền rất lớn hàng trăm tỷ mỹ kim. Số khách du lịch gia tăng hàng năm và lên tới hàng tỷ người.

Con số khách du lịch khổng lồ ấy tạo ra cả một chuỗi các công việc phục vụ thuộc đủ loại. Bắt đầu là các phương tiện di chuyển bao gồm các hãng máy bay, các hãng xe du lịch, giới taxi, và mọi sinh hoạt di chuyển lớn nhỏ, đầy đủ tiện nghi cũng như thô sơ như xe xích lô đạp, xe xích lô máy, kiệu, voi, cáng. Tiếp đến là chuỗi các khách sạn, và hàng quán ăn uống giải khát, với các đặc sản đủ loại. Rồi các quán bán hàng trăm ngàn thứ kỷ niệm đầy màu sắc, và các hãng sản xuất các kỷ niệm ấy, tạc tượng đúc tượng, huy động cả đạo binh chuyên viên thủ công nghệ mọi loại. Không thể kể hết tất cả các dịch vụ và công ăn việc làm gắn liền với kỹ nghệ du lịch. Vì thế chính quyền các quốc gia có nhiều thắng cảnh đẹp hay các di tích lịch sử đều nỗ lực đầu tư vào kỹ nghệ du lịch và nghiên cứu kỹ lưỡng mọi sinh hoạt giúp phát triển du lịch, cũng như mở các trường đào tạo các nhân viên đủ loại cho ngành du lịch. Lý do vì hằng năm kỹ nghệ du lich có thể thu vào cho ngân quỹ quốc gia hàng trăm tỷ mỹ kim, và nhất là nó tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người thuộc đủ mọi ngành nghề và trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Tại Âu châu Italia là một trong các nước thu hút nhiều khách du lịch nhất, mỗi năm vài chục triệu người, vì Italia chứa đựng tới 70% gia tài nghệ thuật trên toàn thế giới. Du khách tới Italia không chỉ viếng thăm các thắng cảnh, các viện bảo tàng, các kho tàng nghệ thuật đủ loại, từ kiến trúc tới điêu khắc và hội họa, mà còn để hành hương các đền thánh, và củng cố cuộc sống tinh thần nữa. Đây là lý do tại sao các nước âu châu thành lập nhiều trung tâm đào tạo các chuyên viên cho kỹ nghệ du lịch và đòi hỏi những ai làm việc trong các lãnh vực này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, để các khách hàng luôn luôn được tiếp đón ân cần niềm nở, và không thể chê trách họ vào đâu được. Một lần được phục vụ vui vẻ, lịch sự, niềm nở chu đáo họ cứ muốn trở lại mãi khi có dịp. Chính vì thế các nhân viên phục vụ phải có tay nghề cao, và đôi khi phải biết nhiều thứ tiếng ngoại quốc, khi làm việc trong các khách sạn có tầm cỡ quốc tế.

** Song song với mọi sinh hoạt liên quan tới du lịch, công việc mục vụ cho khách du lịch cũng được Giáo Hội đặc biệt chú ý. Nhân Ngày du lịch quốc tế 27 tháng 9 Hội Đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động đã công bố sứ điệp gửi ngày này.

Sau đây là nội dung sứ điệp cho năm nay tựa đề “Du lịch cho tất cả mọi người: thăng tiến khả thể đại đồng”. Sứ điệp viết: “Du lich cho tất cả mọi người: thăng tiến khả thể đại đồng” là đề tài đã được Tổ chức du lịch quốc tế lựa chọn cho Ngày du lịch quốc tế sẽ được cử hành vào ngày 27 tháng 9. Toà Thánh tham gia vào sáng kiến này ngay từ lần đầu tiên, vì ý thức được tầm quan trọng to lớn của lãnh vực này, cũng như các thách đố nó đề ra, và các cơ may nó cống hiến cho việc loan báo Tin Mừng.

Trong các thập niên qua số người có thể hưởng nếm một thời gian nghỉ ngơi đã gia tăng rất nhiều. Theo thống kê của Tổ chức du lịch thế giới trong năm 2015 đã có 1 tỷ 184 triệu khách du lịch quốc tế, và theo dự kiến trong năm 2030 con số này sẽ lên tới 2 tỷ. Bên cạnh đó cần thêm vào số người du lịch địa phương nữa.

Với việc gia tăng con số là ý thức ảnh hưởng tích cực, mà ngành du lịch có trên nhiều lãnh vực của cuộc sống, với nhiều nhân đức và tiềm năng. Tuy không phải là không biết vài yếu tố hàm hồ hay tiêu cực của nó, nhưng chúng tôi xác tín rằng du lịch nhân bản hóa, vì nó là dịp nghỉ ngơi, là cơ may giúp hiểu biết nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa, là dụng cụ phát triển kinh tế, thăng tiến hòa bình và đối thoại, khả thể giáo dục và giúp con người lớn lên, là thời gian của các cuộc gặp gỡ với thiên nhiên và môi trường giúp lớn lên về mặt thiêng liêng, đó là chỉ kể ra vài đặc điểm tích cực của du lịch.

Tiếp tục sứ điệp Hội đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động viết: Dựa trên lượng định tích cực này và ý thức được rằng du lịch đặc biệt, và thời gian rảnh rỗi nói chung, là một đòi buộc của bản tính nhân loại, biểu lộ ra trong chính nó một giá trị không thể từ chối được, được huấn quyền yểm trợ, chúng ta phải kết luận rằng du lịch không chỉ là một cơ may, mà phải là một quyền của tất cả mọi người, và không thể bị hạn chế đối với các giai tầng xã hội nào đó hay đối với vài vùng địa lý xác định. Cả Tổ chức du lịch quốc tế cũng khẳng định rằng du lịch là một quyền rộng mở trong cùng một cách thức cho tất cả các cư dân trên thế giới… và không chướng ngại nào được phép hiện diện trên con đường của nó. Vì thế, có thể nói tới một “quyền du lịch, chắc chắn là việc cụ thể hóa của quyền “nghỉ ngơi, giải trí, bao gồm trong nó một sự hạn chế có lý các giờ làm việc và các ngày nghỉ được trả lương”, được khoản 24 của Bản tuyên ngôn nhân quyền công bố năm 1948 thừa nhận.

** Tuy nhiên, việc quan sát thực tại chứng minh cho thấy rằng quyền ấy không ở trong tầm tay của tất cả mọi người, và còn có nhiều người tiếp tục bị loại trừ khỏi quyền này.

Trước hết tại nhiều quốc gia đang trên đường phát triển, nời các nhu cầu nền tảng không được bảo đảm, quyền này chắc chắcn xem ra như một cái gì xa vời, và đề cập tới nó xem ra cũng là một chuyện nhẹ dạ, cho dù sinh hoạt này cũng được giới thiệu như là một tài nguyên chống lại nạn nghèo túng. Nhưng cả trong các nước có kỹ nghệ phát triển hơn chúng ta cũng tìm thấy nhiều giai tầng xã hội không thể đạt được việc du lịch một cách dễ dàng. Vì thế, trên bình diện quốc tế, người ta đang thăng tiến điều gọi là “du lịch cho tất cả mọi người”, nó có thể được hưởng bởi bất cứ ai, và nó hội nhập các ý niệm “du lịch có thể đạt được” “du lịch có thể chịu đựng nổi”, “du lịch xã hội”.

Qua ý niệm “du lịch có thể đạt tới” người ta hiểu nỗ lực để bảo đảm rằng các mục tiêu và các dịch vụ du lịch có thể đạt được cho tất cả mọi người, một cách độc lập với căn tính văn hóa, các hạn hẹp thường xuyên hay các hạn hẹp tạm thời thể lý, tâm thần hay cảm giác, hoặc các nhu cầu đặc biệt, như nhu cầu mà các trẻ em và người già đòi hỏi.

Ý niệm “du lịch có thể chịu đựng nổi” bao gồm dấn thân để sinh hoạt này của con người tôn trọng một cách tối đa có thể đối với các khác biệt văn hóa và môi sinh của nơi tiếp đón khách du lịch, chú ý tới các âm hưởng hiện tại và tương lai. Thông điệp “Laudato si” của ĐTC Phanxicô có thể là một trợ giúp lớn trong việc quản trị thụ tạo, mà Thiên Chúa đã giao phó cho con người.

** Về phiá mình “Du lịch xã hội” yêu sách không loại trừ những người có một nền văn hóa khác biệt, có ít tài nguyên kinh tế hơn, hay sống trong các vùng ít được ưu đãi hơn. Trong số các nhóm thuộc giai tầng này có người trẻ, các gia đình đông con, các người tàn tật và người già, như Luật quốc tế luân lý du lịch nhắc tới.

Vì vậy, cần phải thăng tiến một “nền du lịch cho tất cả mọi người”, để nó là loại du lịch luân lý đạo đức và có thể chịu đựng nổi, trong đó được bảo đảm viêc đạt tới thực thụ thể lý, kinh tế và xã hội, bằng cách tránh mọi loại kỳ thị. Đạt tới một đề nghị loại này sẽ chỉ là điều có thể, nếu có thể tin tưởng nơi cố gắng của tất cả mọi người, các nhà chính trị, các nhà kinh doanh, các người tiêu thụ, cũng như nỗ lực của các hiệp hội dấn thân trong lãnh vực này.

Giáo Hội đánh giá tích cực các cố gắng đang thực hiện một nền du lịch cho tất cả mọi người, các sáng kiến “đặt để du lịch thực sự phục vụ việc hiện thực của con người và phát triển xã hội”. Đã từ lâu Giáo Hội cũng đang cống hiến phần mình vào việc suy tư lý thuyết, cũng như vào nhiếu sáng kién cụ thể, trong đó có nhiều sáng kiến đi hàng đầu được thực hiện với các khả năng kinh tế hạn hẹp, với biết bao nhiêu tận tụy, và chúng đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp.

Ước chi dấn thân của Giáo Hội cho một nền du lịch cho tất cả mọi người được sống và hiểu như là chứng tá sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa đối với những người khiêm tốn nhất”

Thành phố Vaticăn này 24 tháng 6 năm 2016 Ký tên Hồng Y Antonio Maria Vegliò Chủ tịch, TGM Joseph Kalathiparambil Thư ký.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ ban bí tích thêm sức tại Giồng Qúyt, GP Vĩnh Long
Người Giồng Trôm
07:56 03/08/2016
HỌ ĐẠO GIỒNG QUÝT & GIỒNG ỔI: THÁNH LỄ BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC, NGHI THỨC TRAO BAN DÂY BĂNG QUỚI CHỨC VÀ LÀM PHÉP BÀN THỜ

Chiều hôm nay, 3 tháng 8, là ngày hồng ân của họ đạo Giồng Quýt – Giáo Phận Vĩnh Long. Tưởng chừng cơn mưa sẽ đến bởi mây đen kéo đến dày đặc trên bầu trời Giồng Quýt nhưng rồi ơn Chúa đã làm cho bầu trời mát dịu.

Xem Hình

15 giờ 00 cộng đoàn cùng cất lên lời ca “Nhịp nhàng vui bước đi lên đền thánh Ngài, dâng câu ca ngợi tình thương Chúa chan hòa. Đây con dâng Ngài niềm tin mến thiết tha, Thu qua Đông tàn lòng thành quyết không phai nhòa. ..” và cùng hướng về đoàn đồng tế cất bước từ Nhà Xứ. Khởi đầu đoàn rước là Thánh Giá nến cao, 61 thiếu nhi và một số người lớn nhận Bí Tích Thêm sức, 36 quới chức và quý cha đồng tế. Người đi cuối cùng đoàn đồng tế cũng là Chủ tế Thánh Lễ chiều hôm nay là Đức Giám Mục Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long.

Để bước vào Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô ngỏ lời với cộng đoàn: “Anh chị em thân mến ! Chúng ta họp nhau nơi đây trong ngôi nhà thờ họ đạo chúng ta để dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ này chúng ta sẽ tham dự nghi thức ban Bí Tích Thêm Sức và nghi thức trao ban dây băng cho Ban Quới Chức. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa chúc lành cho các công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều tốt đẹp như Thánh Ý Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn Thánh Thần của Ngài, hướng dẫn chúng ta thấu hiểu giáo lý của Chúa, thấu hiểu giáo lý của Chúa để chúng ta sống để ta sống đức tin, tuyên xưng trong cuộc sống hàng ngày. ..”

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại lòng tin của người ngoại đạo như người phụ nữ Cana hôm nay. .. Tại sao Chúa Giêsu lại khước từ lời xin của bà cũng như các môn đệ ngăn cản bà đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dùng hình ảnh đời thường để không chấp nhận lời yêu cầu của bà ta nhưng rồi người phụ nữ không chịu thua và bà lấy hình ảnh của con chó con để bộc lộ niềm tin của bà với Chúa Giêsu.

Kế đến, Đức Cha gợi lại cho cộng đoàn những ơn của Chúa Thánh Thần. .. chúng ta phải siêng năng cầu nguyện, siêng năng lãnh các bí tích. ..

Để kết, Đức Cha nói: “... Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa mỗi người chúng ta và đặc biệt cầu nguyện các em sắp chịu phép Thêm Sức hôm nay. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng trên chúng con biết làm điều phải làm, nói điều đáng nói, suy nghĩ lẽ phải. Xin Chúa thánh Thần ban tràn đầy ơn của Người và chúng lành cho tất cả chúng con nhân ngày chúng con lãnh bí tích Thêm Sức hôm nay”.

Sau bài chia sẻ của Đức Cha Phêrô, cộng đoàn cùng hát xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên cộng đoàn và rồi Cha G.B Nguyễn Thành Bảo – Cha Sở họ đạo Giồng Quýt và Giồng Ổi - giới thiệu với Đức Cha 61 em thiếu nhi thuộc họ đạo Giồng Quýt và Giồng Ổi và một số người lớn đủ điều kiện để lãnh Bí Tích Thêm Sức. Rất đặc biệt trong Thánh Lễ trao ban Bí Tích Thêm Sức hôm nay có một cụ bà ngoài tám mươi tuổi lom khom lên nhận ơn Chúa Thánh Thần. Để bày tỏ lòng ưu ái, Dì Phụ Trách Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn cộng đoàn Giồng Quýt đã nhận bà cụ làm “con đỡ đầu”.

Đức Cha thỉnh vấn các em sẽ lãnh Bí Tích Thêm Sức hôm nay và rồi các em tuyên xưng đức tin.

Đức Cha xức dầu Thánh ghi dấu ơn Chúa Thánh Thần trên các em.

Nghi thức ban bí tích Thêm Sức kết thúc là nghi thức nhận 36 ông bà vào hàng Quới Chức của họ đạo Giồng Quýt và Giồng Ổi.

Nghi thức trao băng Quới Chức khép lại là nghi thức làm phép Bàn Thờ mới của nhà thờ Giồng Quýt.

Trước khi nhận phép lành cuối Lễ, một vị đại diện Quới Chức của họ đạo ngỏ đôi lời cảm ơn Đức Cha, quý cha, quý ân nhân.

Những tấm hình lưu niệm được ghi lại trong ngày hồng phúc này.

Nguyện xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên hai họ đạo Giồng Quýt và Giồng Ổi. Xin cho hai họ đạo luôn là chứng nhân đức tin của Chúa giữa quê hương Đồng Khởi – Bến Tre này.

Người Giồng Trôm
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngửa tay nhận tiền để họa cho dân
Phạm Trần
22:29 03/08/2016
NGỬA TAY NHẬN TIỀN ĐỂ HỌA CHO DÂN

Thảm trạng môi trường miền Trung của Formosa đang làm hàng triệu dân đói mà các viên chức đảng và nhà nước lại tìm cách đổ lỗi cho nhau khiến cả nước hoang mang.

Trước tiên, hãy nghe Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trưởng Trần Hồng Hà tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 02/08/2016:”Theo Luật Đất đai năm 2003 cũng như Luật Đất đai năm 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư mà theo các tiêu chí như khu vực khó khăn để đầu tư…, Hà Tĩnh được coi là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên. Như vậy, theo cả Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là được 70 năm. Như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu, đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014 thì thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép thuê được 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để xem xét trên các góc độ: Nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn… Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền cho phép. Trong trường hợp các bạn nêu, việc này thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra, kiểm tra rồi. Đối với Hà Tĩnh, tôi cho rằng, việc cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm cùng với cho thuê đất 70 năm ở đây là sai thẩm quyền vì UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê với thời hạn đáng nhẽ phải do Chính phủ quyết định.” (Cổng thông tin của Chính phủ, 02/08/2016)

Như vậy rõ ràng Hà Tĩnh đã tự ý qua mặt Chính phủ khi cấp giấy phép cho nhà đầu tư nước ngòai là Formnosa Đài Loan.

Trước đó, ngày 22/7, Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, qua cuộc thanh tra năm 2014 đã kết luận chỉ rõ:” Hà Tĩnh đã cấp phép cho Formosa thuê đất trong 70 năm là không đúng thẩm quyền (tỉnh chỉ được cấp phép thuê đất trong 50 năm). Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, kiến nghị Thủ tướng thống nhất cấp phép 70 năm cho Formosa, sau đó Thủ tướng chấp thuận.

"Nếu xem xét theo Luật đầu tư năm 2014, những trường hợp như của Formosa được phép cấp đến 70 năm. Nhưng thời điểm năm 2012 Hà Tĩnh cấp phép như vậy là trái thẩm quyền."

Khi nói đến trách nhiệm của việc làm tắc trách này của Hà Tĩnh ông Khánh khẳng định:”Không cần chỉ ra người cụ thể nhưng đương nhiên các lãnh đạo ở thời điểm đó phải có trách nhiệm, và đến nay việc kiểm điểm trách nhiệm của các lãnh đạo Hà Tĩnh chưa được nghiêm túc."

Thanh tra đã kết luận Hà Tĩnh làm bậy từ năm 2014 mà hai năm sau (2016) khi xẩy ra vụ cá chết mà các viên chức có trách nhiệm vẫn chưa chịu kiểm điểm trách nhiệm thì Bộ Chính trị và Chính phủ sợ ai ?

VÕ KIM CỰ LÀ AI ?

Báo chí trong nước viết rõ:”Thời điểm 2008-2010, ông Võ Kim Cự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp cấp phép đầu tư cho dự án Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý.

Từ tháng 8/2010 đến nay, ông Cự kinh qua nhiều vị trí, là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa 13, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội từ 1/2015 và hiện nay là Bí thư Đảng đoàn Liên minh Hợp Tác Xã Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.” (VNEXPRESS, 22/07/2016)

Vẫn theo VNExpress, chính ông Cự cũng đã thừa nhận tại buổi công bố kết luận thanh tra khi ấy rằng:“Việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là không phù hợp.”

Nhưng tại cuộc họp báo ngày 25/07/2016, sau ít ngày lẩn tránh phóng viên, ông Võ Kim Cự lại đảo ngược mọi chuyện.

Ông nói với báo chí tại hành lang Quốc hội:”Việc ký giấy chứng nhận đầu tư là đúng luật, đúng theo Nghị định 108 và quyết định 72 của Thủ tướng, đặc biệt là luật Đầu tư, Đất đai. Thời hạn 70 năm là đúng điều 34 của luật Đầu tư và điều 67 của luật Đất đai. Đối với những dự án lớn, quy mô lớn, nhưng thu hồi chậm nằm trong khu vực vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất…, có quyết định, điều khoản quy định rõ ràng.

Việc này Hà Tĩnh không thể tự đặt ra được, đồng thời, khi đảm bảo đúng quy trình, nhà đầu tư có yêu cầu thì tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng đồng ý, sau đó, giao cho các bộ, ngành hướng dẫn, quy trình, thẩm định… Hiện văn bản còn nguyên vẹn cả.

Chính phủ đồng ý ở công văn 869 cấp phép, Thủ tướng có văn bản số 926 đồng ý cấp phép 70 năm. Việc cấp phép như vậy là đúng và phù hợp.

Khi được yêu cầu nói rõ hơn về trách nhiệm của lãnh đạo trong thực thi?

Ông Cự đáp:”Ký quyết định là đúng quy định của luật pháp còn để vi phạm đấy thì thủ phạm và nguyên nhân là Formosa thì rất rõ và chúng ta đang xử lý nghiêm túc.”

Một phóng viên bảo:”Nhưng Formosa có tiền sử là đi đến nước nào gây ô nhiễm nước đấy?”

Ông Cự trả lời:”Văn bản hồ sơ chúng tôi vẫn giữ nguyên đây, chưa có bộ nào bảo là không đồng ý Formosa hay bảo Formosa có vấn đề gì cả.”

Ông Cự cũng bác ý kiến cho rằng Hà Tĩnh đã cấp phép qúa nhanh, chỉ trong hai tháng, đặc biệt cho Formosa. Ông nói:”Không thể có gì đặc biệt, đã làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi, đúng quy định của luật pháp, không bỏ qua bất kỳ giai đoạn nào, đúng theo nghị định 108, đúng theo luật Đầu tư, đúng các quy định của Chính phủ…không rút ngắn thời gian, không bỏ qua, vẫn đủ trình tự và ý kiến tất cả các bộ ngành liên quan, không thiếu bộ nào.” (Theo VietNamNet)

Như vậy thì ai nói đúng ? Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trưởng Trần Hồng Hà và Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh bảo ông Cự làm sai còn ông Võ Kim Cự thì đưa ra bằng chứng nói ông “đã làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi, đúng quy định của luật pháp” ?

Như vậy là “cốt đổ chi đồng, đồng đổ cho cốt” để mặc cho dân khốn đốn.

QUỐC HỘI –CHÍNH PHỦ -GIÁO PHẬN VINH

Vậy tại sao Quốc hội lại bác ý kiến của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và một số Đại biểu khác yêu cầu Quốc hội thành thành lập Ủy ban điều tra riêng về vụ Formosa ?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích trong cuộc họp báo ngày 27/07/2016:”Riêng với sự cố ô nhiễm môi trường do tập đoàn Formosa gây ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ các cơ quan hữu quan đã tập trung triển khai và tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt, phát hiện nguyên nhân, khắc phục hậu quả và đã đạt được kết quả bước đầu.

Hiện các cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm của cá nhân, tập thể có liên quan.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ủy ban thường vụ Quốc hôi đã chỉ đạo Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường chủ động nắm tình hình, làm việc với các bộ ngành địa phương có liên quan để báo cáo kết quả.”

Ông Phúc còn cho biết:“Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng giao Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường trực tiếp giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và và khu kinh tế ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Trong đó có hoạt động của tập đoàn Formosa báo cáo kết quả cho Quốc hội để tiếp tục theo dõi giám sát.”

Tổng Thư ký Quốc hội kết luận:”Với những hoạt động đã có này của Quốc hội, Formosa đã không được bổ sung vào chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội 2017.”

Nhưng kinh nghiệm qúa khứ đã chứng minh Quốc hội chẳng giám sát được ai. Bằng chứng chưa bao giờ Quốc hội phát giác được các ổ tham nhũng trong Đảng và Chính phủ. Quốc hội cũng đã bất lực không thanh lọc được hàng ngũ cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền và mua bằng, bán cấp.

Từ lâu, Quốc hội cũng đã biết cả nước phải sống chung với ô nhiễm môi trường và thực phẩn độc hại đem vào từ Trung Quốc mà có làm được gì đâu ?

Vụ Formosa qúa lớn và cực kỳ nguy hại cho người dân và đất nước nên Quốc hội mới nhìn thấy. Vậy còn hàng trăm nhà máy và dự án kinh tế có bàn tay Trung Quốc đã và đang tiếp tục xả thải chất độc phá họai Việt Nam thì chưa thấy Quốc hội “giám sát” là tại sao ?

Nhưng đâu phải Formosa chỉ thải chất độc ra biển mà còn chôn giấu khỏang 400 tấn thải khô có chất độc tại ít nhất 10 địa điểm trong địa hạt Hà Tĩnh mà cũng chưa thấy Quốc hội nhẩy vào “giám sát” thì Quốc hội là của ai ?

Trước những khốn khó tột cùng của người dân tại các vùng bị nạn ở miền Trung, lần đầu tiên Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng loạt đưa ra những tuyên bố trấn an dân để lấy lại niềm tin là chính.

Trong chuyến thăm và làm việc với cử tri tại huyện Kỳ Anh và Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 03/08/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ hứa:”Chính phủ sẽ rà soát lại từ cấp Trung ương tới địa phương đối với những cá nhân có liên quan tới cấp phép, xây dựng và vận hành dự án này. “Cho dù có mục đích vì sự phát triển của địa phương mà thiếu hiểu biết hoặc kém trách nhiệm hoặc cố ý làm trái thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Chính phủ sẽ công bố cho đồng bào, cử tri cả nước biết.”

Trong khi ấy, tại cuộc họp báo của Chính phủ hôm 2/8 (2016), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng hứa: “Đối với dự án Formosa, hiện đang giao cho Bộ Tư Pháp kiểm tra toàn diện tính pháp lý; giao Bộ KH&ĐT (Khoa học-Đào tạo), TN&MT (Tài nguyên & Môi trường) rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư, quá trình cấp phép, cấp xả thải của các cơ quan và tỉnh Hà Tĩnh. Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ là không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, công khai trước nhân dân.”

Cuối cùng, gặp cử tri Hải Phòng ngày 03/08 (2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lập lại lới hứa: ”Chính phủ theo dõi sát sao hoạt động của Formosa Hà Tĩnh và sẽ đóng cửa nếu họ tái phạm.”

Nhưng hứa và hy vọng là một chuyện, còn có làm được hay không là chuyện khác. Chắc chắn nhân dân không còn lựa chọn nào ngoài ngồi “chờ cho sung rụng” với ước mơ không phải ăn thêm qủa thối môi trường của Formosa. Chỉ tiếc rằng, khi ngửa tay ra nhận khỏan tiền đền bù 500 triệu của Formosa, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã hí hửng như kẻ thắng cuộc mà chưa biết hết thiệt hại của dân và của đất nước đến mức độ nào bây giờ và trong tương lai.

Cho đến nay, người dân chỉ được nghe những dự đóan Nhà nước sẽ công bố kết qủa thử nghiệm nước biển và sự an tòan cho dân được sống không bị nhiễm độc. Chưa có viên chức thẩm quyền nào cho biết khi nào thì dân mới được an tâm và có công ăn việc làm ổn định như trước ngày cá chết 06/04/2016.

Vì dân không thể di dời như dân du mục thời xưa nên khi nào hàng ngàn người dân đã ăn cá nhiễm độc ở miền Trung chưa được khám nghiệm để biết sức khỏe vẫn an tòan thì mối lo tuyệt nòi không phải là chuyện khó xẩy ra.

Vì vậy mà hôm 27/07/2016, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh, nơi có địa bàn thiệt hại nhiều nhất trong vụ Formosa đã yêu cầu Nhà nước cấp bách cứu dân khỏi kiệt quệ thêm về kinh tế và tài chính.

Ngoài ra kiến nghị này cũng yêu cầu Nhà nước: “Buộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường thiệt hại căn cứ trên cơ sở thực tế đã xảy ra và thiệt hại kéo dài trong tương lai. Thiệt hại này bao gồm chi phí khôi phục môi trường biển và những tổn thất mà người dân đã và sẽ gánh chịu.

Truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với Công ty Formosa và những cá nhân tổ chức liên quan căn cứ trên những quy định của pháp luật.”

Cuối cùng Giáo phận Vinh của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đã dứt khoát: ”Yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa để đảm bảo môi trường sống ổn định lâu dài cho người dân.”

Khi đưa ra đề nghị khẩn trương này, Giáo phận Vinh có thể đã nhìn thấy hiểm họa Formosa không chỉ ngắn hạn mà cơn ác mộng sẽ còn dài lắm vì không ai dám bảo đảm sẽ không có một thảm họa cá chết thứ hai ở Hà Tĩnh. -/-

Phạm Trần

(08/016)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên ngoại thường, và Rước lễ dưới hai hình
Nguyễn Trọng Đa
07:45 03/08/2016
Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên ngoại thường, và Rước lễ dưới hai hình

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con hiểu rằng việc sử dụng các thừa tác viên ngoại thường cho Rước Thánh là chỉ là “ngoại thường". Con cũng hiểu rằng việc cho Rước lễ dưới hai hình cho tất cả các tín hữu đã được cho phép, bởi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, với giá trị dấu hiệu đầy đủ của nó. Như vậy, câu hỏi của con là: cái nào cắt cái nào? Con gần như chưa bao giờ nghe rằng, việc cho Rước lễ dưới hai hình tại giáo xứ diễn ra, mà không cần đến các thừa tác viên ngoại thường. Vậy liệu thật là tốt hơn để tránh sử dụng các thừa tác viên ngoại thường, là chỉ cho rước Mình Thánh mà thôi không? Hoặc liệu thật là tốt hơn để cho Rước lễ dưới hai hình, và nhờ sự giúp đỡ của các thừa tác viên ngoại thường, trên cơ sở thông thường không? – V. D., New York, Mỹ.

Đáp: Tôi có thể nói rằng từ ngữ "ngoại thường" có nhiều sắc thái của ý nghĩa, và điều này có thể dẫn đến một số nhầm lẫn.

Từ quan điểm phụng vụ, một thừa tác viên ngoại thường là một người thực hiện một hành vi phụng vụ trong sự ủy nhiệm đặc biệt, và không phải là một thừa tác viên thông thường. Như vậy, trong trường hợp cho Rước lễ, các thừa tác viên thông thường là các Giám mục, linh mục và phó tế. Như vậy, việc cho Rước lễ là một phần thông thường của thừa tác vụ của các vị.

Bất cứ ai khác cho tín hữu Rước lễ là một thừa tác viên ngoại thường. Nghĩa là, đó không phải là một phần thông thường của chức năng phụng vụ của họ, nhưng họ đã làm phận vụ này nhờ sự ủy nhiệm của hàng giáo sĩ. Các thầy giúp lễ nhận sự ủy nhiệm này cách đương nhiên (do nhiệm vụ đương nhiên, ex officio), tức là do chức giúp lễ của thầy. Thầy cũng có thể tráng chén khi vắng phó tế, cũng như đặt Mình Thánh và cất Minh Thánh theo một cách đơn giản, trong giờ chầu Thánh Thể.

Tất cả các thừa tác viên khác hoạt động trong sự ủy nhiệm thông thường của Giám mục địa phương; họ thường hoạt động thông qua cha xứ, hay một sự ủy nhiệm đặc cử (ad hoc) của linh mục đang cử hành Thánh lễ, để ứng phó hoàn cảnh khó khăn.

Do đó, qui chế của thừa tác viên ngoại thường là không phụ thuộc vào tần số của thừa tác, nhưng đúng hơn liên quan đến bản tính của chính thừa tác. Ngay cả nếu một thừa tác viên ngoại thường giúp cho Rước lễ hàng ngày trong nhiều năm liền, người ấy không bao giờ trở thành một thừa tác viên thông thường được, theo ý nghĩa giáo luật hay phụng vụ.

Một trường hợp khác của khái niệm về thừa tác viên ngoại thường là vai trò của một linh mục đối với bí tích thêm sức trong nghi lễ Latinh. Bộ Giáo Luật, các điều từ số 882 đến 888, nói rằng Giám mục là thừa tác viên thông thường của phép Thêm sức, nhưng luật tiên liệu khả năng của các linh mục ban phép Thêm sức, dưới một số điều kiện nhất định.

Đối với hầu hết các bí tích khác, đặc biệt là phép Giải tội, phép Thánh Thể, phép Truyền chức thánh và phép Xức dầu các bệnh nhân, không có khả năng của các thừa tác viên ngoại thường.

Tuy nhiên, việc sử dụng hiện nay của từ ngữ ‘ngoại thường” là không rõ ràng trong qui định phụng vụ. Thí dụ, huấn thị "Redemptionis Sacramentum" năm 2004 nói: "Các tín hữu thường được rước Thánh Thể trong Thánh Lễ hay vào thời gian được chính nghi lễ ấn định, nghĩa là liền sau khi linh mục chủ tế rước lễ. Linh mục chủ tế có nhiệm vụ cho rước lễ, và, nếu có dịp, các linh mục khác hay các phó tế giúp ngài; Thánh Lễ không được tiếp tục khi các tín hữu chưa rước lễ xong. Các thừa tác viên ngoại thường có thể giúp linh mục chủ tế, theo đúng các quy tắc của giáo luật, chỉ trong trường hợp cần thiết" (số 88, Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Tài liệu này cũng đề cập đến việc cho Rước lễ dưới hai hình như sau:

"[100] Để biểu lộ rõ ràng hơn cho các tín hữu tính viên mãn của dấu chỉ bàn tiệc Thánh Thể, giáo dân cũng được rước lễ dưới hai hình trong những trường hợp các sách phụng vụ được dự liệu, với điều kiện phải dạy trước đó phải luôn luôn giảng dạy cách thích hợp về các nguyên lý tín lý đã được Công Đồng chung Trentô ấn định trong lãnh vực này".

“[101] Để cho giáo dân rước lễ hai hình, phải để ý một cách thích hợp đến các hoàn cảnh, mà việc đánh giá trước tiên là thuộc quyền Giám Mục giáo phận. Phải tuyệt đối loại bỏ việc này khi có một nguy cơ, dù là rất nhỏ, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa. Để đảm bảo một sự phối hợp rộng rãi hơn trong lãnh vực này, các Hội Đồng Giám Mục cần công bố những quy tắc liên quan chủ yếu về “cách cho các tín hữu rước lễ dưới hai hình và về phạm vi của quyền cho rước lễ dưới hai hình này”; những quy tắc này phải được Tông Toà, nghĩa là Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, xác nhận” (Bản dịch, như trên).

Như vậy, trong khi việc Rước lễ dưới hai hình được đánh giá cao, có thể có những trường hợp, mà trong đó sự thận trọng đề nghị bỏ qua nó, do các khó khăn thực tế kéo theo. Do đó, Huấn thị "Redemptionis Sacramentum" tiếp tục nói trong số 102:

"Không được cho giáo dân rước với chén thánh, nếu, vì số người rước lễ đông, khó mà lường được lượng rượu cần thiết cho Thánh Lễ ; quả nhiên, phải tránh nguy cơ “còn dư quá nhiều Máu Chúa Kitô phải rước cuối buổi cử hành”. Phải hành động như thế đó trong những trường hợp sau đây : khó tổ chức cho giáo dân rước lễ với chén thánh ; việc cử hành đòi hỏi sử dụng một lượng rượu mà khó biết chắc chắn được nguồn gốc và phẩm chất của nó ; cho một cử hành xác định, không có đủ số các thừa tác viên có chức thánh, cũng như các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ được huấn luyện thích hợp ; một số lớn dân chúng khăng khăng vì nhiều lý do, không chịu rước lễ với chén thánh, việc này có kết quả là làm mờ nhạt đi cái có thể gọi là dấu chỉ hiệp nhất” (Bản dịch, như trên).

Từ văn bản này, chúng ta có thể viện dẫn rằng, ít nhất về nguyên tắc, các qui tắc Giáo Hội nhìn nhận khả năng sử dụng các thừa tác viên ngoại thường, được huấn luyện tốt, để cho tín hữu Rước lễ dưới hai hình. Do đó, thay vì một qui định cắt một qui định khác, vấn đề là cần đánh giá tất cả các hoàn cảnh thích hợp, trước khi quyết định phải làm gì. Việc chỉ sử dụng thực tế các thừa tác viên ngoại thường dường như không phải là lý do đủ, để cho tiến hành việc cho Rước lễ dưới hai hình, nếu đã có các thừa tác viên hợp lệ và đủ điều kiện.

Trong khi việc cho Rước lễ dưới hai hình được ban với lợi ích thiêng liêng không thể nghi ngờ, nó không là một giá trị tuyệt đối và, như các qui định gợi ý, nó nên được bỏ qua, nếu có bất kỳ nguy cơ làm ô uế nào, hoặc do các khó khăn thực hành nghiêm trọng.

Không ai bị tước đoạt mọi ân sủng, do không rước từ chén thánh, vì Chúa Kitô được tiếp nhận toàn bộ và đầy đủ trong một trong hai hình.

Sau bài trả lời trên đây, một người tên Drogheda, Ai-len, yêu cầu làm rõ về vai trò của thầy giúp lễ liên quan đến việc tráng chén. Sau khi tổng hợp các tài liệu có liên quan, ông hỏi: "Thưa cha, liệu con là đúng không, khi con nghĩ rằng nếu thầy giúp lễ, phó tế và linh mục có mặt, thì thầy phó tế tráng chén; nếu linh mục và phó tế có mặt, thì thầy phó tế tráng chén; và nếu linh mục và thầy giúp lễ có mặt, thì thầy giúp lễ tráng chén?”.

Vâng, bạn nói đúng! Đây là thủ tục thích hợp trong các trường hợp được mô tả ở trên.

Một số bạn đọc khác đã hỏi các câu hỏi cụ thể, về việc cho Rước lễ dưới hai hình. Một người ở Calgary, Alberta, hỏi: "Có phải là thích hợp để rước lễ dưới hai hình trong các Thánh Lễ ngày thường và Thánh Lễ Chúa Nhật Mùa Thường Niên, hoặc việc này nên dành cho ngày lễ trọng và lễ buộc khác? Nếu có nhiều hơn một Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật, liệu chỉ nên thực hiện việc Rước lễ dưới hai hình, trong một trong các thánh lễ ấy, hay liệu nên thực hiện trong mọi thánh lễ của ngày đó?"

Bạn ạ, không có câu trả lời phổ quát cho câu hỏi này. Sự quyết định khi nào được cho Rước lễ dưới hai hình, nay chủ yếu thuộc Đấng Bản quyền địa phương, và trong một số trường hợp, có thể uỷ quyền quyết định cho cha xứ.

Việc cho rước Máu Thánh trong giáo xứ vào ngày thường là rất hiếm, nhưng Giám mục có thể cho phép sự thực hành này, nếu hoàn cảnh bảo đảm nó. Việc này là khá phổ biến trong các chủng viện, tu viện và trong các cuộc tĩnh tâm.

Tương tự như vậy, có thể có lý do thực tiễn tốt, về tại sao một giáo xứ cho Rước Máu Thánh trong một số thánh lễ vào ngày Chúa Nhật, thí dụ, nếu một Thánh Lễ đặc biệt là quá đông người, nên có mối nguy hiểm thực sự là Máu Thánh có thể đổ ra ngoài, hoặc quá kéo dài thời gian Rước lễ. Trong các trường hợp đó, các lý do cần được giải thích cho tín hữu, để họ có thể lựa chọn tham dự Thánh lễ nào.

Cuối cùng, một bạn đọc ở Colorado hỏi: "Nếu thân mình, máu, linh hồn và thiên tính của Chúa Kitô đang hiện diện trong cả bánh và rượu được truyền phép, người ta có Rước lễ hai lần không, nếu người ta Rước lễ dưới hai hình? Nếu không, tại sao?"

Câu trả lời là không! Lý do là phức tạp hơn. Việc Rước lễ luôn liên quan đến sự tham dự Thánh Lễ, và bối cảnh của sự hoàn thành hy tế thánh, và không được nhìn thấy chỉ từ quan điểm của học thuyết về sự hiện diện đích thật. Đây là một lý do tại sao các linh mục khi cử hành Thánh lễ, phải Rước lễ dưới hai hình, với các ngoại lệ hiếm hoi.

Thậm chí nếu một người đôi khi có thể rước lễ ngoài Thánh Lễ, điều này luôn liên quan trong một cách nào đó, đến hy tế, mà trong đó bánh thánh được truyền phép.

Trong ánh sáng này, đối với các tín hữu, việc Rước Lễ trong Thánh lễ là cao điểm, và hoàn tất sự tham gia của cá nhân mỗi người vào hy lễ thánh. Từ quan điểm của dấu hiệu, sự hoàn tất này là đầy đủ hơn, khi người ta Rước lễ dưới hai hình, nhưng đó là, có thể nói như thế, hai khoảnh khắc của một hành động duy nhất của việc Rước lễ.

Cũng không có bất kỳ sự khác biệt nào, từ quan điểm sự Rước lễ, trong việc rước Máu Châu Báu trực tiếp từ chén thánh, hoặc bằng cách nhúng Mình Thánh vào Máu Thánh, và Rước lễ.

Đồng thời, trong khi việc Rước lễ dưới hai hình là một dấu hiệu đầy đủ hơn, của sự tham gia trong Thánh lễ, sự việc rằng Chúa Kitô hiện diện đầy đủ trong cả hai hình có nghĩa rằng việc Rước một hình là đủ cho việc Rước Lễ rồi. (Zenit.org 16-12-2008, 6-1-2009)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Đào Lỗ Chôn...Đầu! Matt 15:21-28
Nguyễn Trung Tây
04:44 03/08/2016


□ Nguyễn Trung Tây
Đào Lỗ Chôn...Đầu! □ Matt 15:21-28


Người phụ nữ là người nước ngoài trong ánh mắt người Do Thái.

Sinh ra làm người dân xứ Canaan, một điều mà cô không được chọn,

Nó chỉ xảy ra vào thời điểm một người đàn ông và một người phụ nữ (thông qua một khế ước hôn nhân) biết nhau một cách rất thân mật, cô sau đó được đưa (đẩy?) vào cõi trần. Người đàn ông và người phụ nữ này (chuẩn mực xã hội gọi bố mẹ) gốc Canaan; kết quả, cô (con gái) được bị đóng dấu với thương hiệu như sau,

Quốc Gia: Canaan,

Giới Tính: Nữ.

Trên tất cả, vì dòng máu Canaan cô thừa hưởng, người phụ nữ trở thành kẻ thù với người Do Thái.

Bởi vì thịt da Canaan, cô bị coi là hạng người thấp hèn so với người Do Thái, những người mà tổ tiên của họ đã từng xâm chiếm và sau đó nuốt gọn đất đai của tổ tiên cô. Vâng, người Do Thái nói Canaan là đất của chúng tôi bởi Adonai Elohim đã từng hứa với Abraham, Isaac và Giacóp, tổ tiên của chúng tôi. Mời bạn đọc Kinh Thánh, Sách Sáng Thế Ký...

Vâng, cô ấy thì nghĩ ngược hẳn lại, "Canaan mới thực sự là đất của chúng tôi bởi Ba’al và nhiều vị thần khác đã mặc khải điều này với tổ tiên chúng tôi từ ngày đầu tiên của vũ trụ."

Những màn tranh luận kiểu như thế này sẽ không bao giờ kết thúc, nhưng thực tế là Israel đang thừa hưởng phần lớn diện tích mảnh đất trong quá khứ được sở hữu bởi dân Canaan.

Quốc gia Canaan đã bị xóa tên. Nó đã biến mất theo làn gió, nhưng may mắn thay người Canaan vẫn còn tồn tại; Tyre và Sidon là hai vùng đất vẫn còn những người Canaan (của một quốc gia bị xóa sổ) định cư.

Vì lý do gì đó không được giải thích, Đức Giêsu, một người Do Thái ở tuổi ba mươi và môn sinh của Ngài lang thang tới vùng đất của dân ngoại, vùng đất của nền văn hóa mà họ khinh thường, họ thậm chí gọi những người của vùng đất này là (xin lỗi) chó...

Và thật tình cờ phái đoàn hành hương gặp người phụ nữ Canaan.

Mặc cho những dị biệt về chủng tộc, người phụ nữ lớn tiếng năn nỉ người đàn ông Do Thái.

Cô thậm chí còn gọi ông, "Con vua David," vị vua đã xóa sổ quốc gia Canaan...

Cô làm như vậy bởi vì tình thương dành riêng cho cô con gái đang bị quỷ ma hành hạ từ thể xác cho tới tinh thần.

Nhưng, thật là ngạc nhiên, Đức Giêsu của một tình yêu bao la tỉnh bơ phớt lờ trước lời cô cầu xin.

Người phụ nữ chắc chắn phải bị thương tổn.

Bởi Đức Giêsu bịt tai nhắm mắt làm ngơ trước lời cô cầu khẩn.

Nhưng người phụ nữ đã không cho phép cảm tính cá nhân có quyền kiểm soát suy nghĩ của riêng mình, cô tiếp tục năn nỉ, năn nỉ lớn tiếng đến nỗi những người môn đệ của Đức Giêsu phải nhập cuộc,

"Ơi Thầy! Xin ban cho cô ấy bất cứ điều gì cô ấy muốn, nếu không, cô vẫn tiếp tục đi theo và hét lớn tiếng sau lưng chúng ta... "

Tới giây phút này Đức Giêsu mới chịu mở miệng giải thích thái độ kỳ lạ của mình, "Ta chỉ được gửi đến các chiên lạc nhà Israel."

Ôi! Trái tim của người phụ nữ một lần nữa bị gai nhọn xuyên thủng bởi một lời nói sao quá vô tình như vậy.

Cô ấy có thể đã tự trách chính mình, "Bởi vì nền văn hóa Canaan của tôi, lời cầu xin của tôi bị quẳng thẳng vào thùng rác, lời năn nỉ của tôi chẳng có nghĩa gì với người đàn ông Do Thái nổi tiếng với tài chữa bệnh... Oh! Đau khổ biết bao với cảm giác bị coi thường... "

Nhưng, mặc cho tâm hồn bị thương tổn, người phụ nữ đã không bỏ cuộc. Cô đi thêm một bước đi mới, lần này, cô quỳ xuống ngay trước mặt Đức Giêsu, "Ôi! Xin thương đến tôi. "

Vâng, người phụ nữ thực sự đặt mình ngay dưới bàn chân của người đàn ông Do Thái... Cô hy vộng tư thế khiêm nhường này có thể di chuyển "trái tim cứng rắn" của người đàn ông...

Nhưng cô đã lầm! Hoàn toàn sai lầm!

Đức Giêsu nói một lời, một lời chắc chắn gây sốc cho độc giả Kinh Thánh của muôn thế hệ, "Không ai lấy thức ăn của trẻ em và ném cho chó..."

Bingo! Yahtzee! Tuyệt vời!

Gọi thiên hạ là chó trong nền văn hóa Trung Đông là một sỉ nhục lớn.

Tâm hồn người phụ nữ một lần nữa lại bị tổn thương,

Đức Giêsu đã làm lơ trước lời cô cầu xin, và bây giờ Ngài lại "thử thách đức tin của cô" (một người nào đó có thể thích cụm từ “thử thách đức tin”, một nỗ lực để hiểu tại sao danh từ “những con chó” xuất hiện trong câu truyện Tin Mừng này).

Người phụ nữ có thể đã nói với chính mình: "Đủ rồi! Quá đủ để tôi cam tâm nhẫn nhục. Tôi B... BỎ. "

Và rồi sau đó, cô bỏ đi tìm kiếm một nơi, đào một cái lỗ, chôn đầu sâu vào lỗ để cô gặm nhắm nỗi đau tổn thương của riêng mình...

Tại sao không!

Đó là một trong những cách trần gian thông thường phản ứng khi bị tổn thương...

Oh! Tổn thương!

Nhưng, thật là ngạc nhiên, người phụ nữ không bỏ đi nhưng tiếp tục bước tới, lần này cô “đi sát với chủ đề." Cô phản ứng thật bất ngờ, "Vâng, thưa ngài. Ngài nói rất đúng, nhưng ngay cả những con chó cũng có thể ăn những vụn bánh rơi từ bàn ăn của ông chủ chứ. "

Ôi! Tuyệt vời! Tuyệt!

Người phụ nữ xứ Canaan được trời ban cho một khả năng ứng xử đối đáp thật tuyệt vời!

Ngay lúc đó, Đức Giêsu đổi ý. Ngài cất tiếng ca ngợi người phụ nữ ngay nơi công cộng, "Này chị! Chị có một đức tin thật là tuyệt vời ..."

Bạn thân,

Tại thời điểm chúng ta cầu nguyện,

Có những lúc hình như Thiên Chúa làm ngơ không chú ý đến lời cầu nguyện.

Hình như Thiên Chúa đóng chặt cả hai vành tai trước những lời cầu xin.

Nếu bạn đã từng cảm nghiệm những tình huống khó khăn như thế, mời bạn, chúng ta hãy hướng tới "vị thánh quan thầy," Người Phụ Nữ Canaan.

Học hỏi từ vị thánh, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, không dừng ngang, chúng ta sẽ không đào lỗ chôn...đầu, cái đầu đang mang đầy thương tích, nhưng tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục gõ cửa, và kiên nhẫn chờ đợi giây phút,

Giây phút cánh cửa thiên đàng sẽ mở tung ra...

Những gì chúng ta cầu nguyện cuối cùng được thiên đàng gật đầu...

Ơi bạn, đừng bỏ cuộc!

Làm ơn, đừng đào lỗ!

Làm ơn, đừng bao giờ làm như thế!

□ Dig A Hole To Bury Head! □ Matt 15:21-28

The woman was a foreigner to the Jews.

Something that she did not choose, i.e., to be born a Canaanite person.

It just happened at the moment a man and a woman through a marriage bond knew each other in a very intimate manner, she was then brought (or pushed) to life. This man and this woman (called the parents by social norm) were Canaanite; as a result, she (the daughter) was branded with this following stamp,

Nationality: Canaan,

Sex: Female.

Above all, because of the Canaanite blood she inherited, the woman became an enemy to the Jews.

Because of her Canaanite flesh, she was considered inferior to the Jews, whose ancestors invaded and then possessed the land of her ancestors. Well, the Jews said Canaan is our land as Adonai Elohim promised to Abraham, Isaac and Jacob, our ancestors. Read the Bible, the Book of Genesis…

Well, she certainly believed the opposite, “Canaan is indeed our land as Ba’al and many other gods revealed to our ancestors from the first day of creation.”

The argument would never end, but the reality is that Israel inherited the majority of the land once was possessed by the Canaanites.

The nation was erased. It was gone with the wind, but the people fortunately remained; Tyre and Sidon were two one many places where the remnants of the lost nation resettled.

For whatever reason that was not explained, Jesus, a Jew in his thirties and his Jewish company travelled to the lands of the Gentiles, whom they culturally considered inferior, they even called them dogs…

And they encountered the Canaanite woman.

In spite of cultural conflict, she raised her voice to the Jewish man.

She even addressed him, “Son of David,” the king who finished the nation Canaan.

She overcame the cultural barrier between her and Jesus because of her love for her daughter, who was tormented by a devil.

But, surprisingly, the loving Jesus ignored her pleas.

The woman must have feel hurt.

Because Jesus shut his ears to hers.

But she did not allow her feeling to control her mind, rather she kept raising her voice so loud that Jesus’ disciples jumped into the scene,

“Oh! Please, master, give her whatever she wants, otherwise, she continues to shout after us…”

Jesus explained his strange behavior, “I’m sent only to the lost sheep of Israel.”

Ouch! The heart of the woman was again pierced with such a comment.

She might have beaten herself, “Because of my Canaanite background, my plea is ignored, my voice is insignificant to the ears of this famous Jewish healer… Oh! How much my feelings are hurt...”

But, despite feeling hurt, the woman did not quit. She moved to next step, this time she knelt in front of Jesus, “Oh! Please.”

Well, the woman really put herself at the feet of the Jewish man… She expected this posture might move the “obstinate heart” of the man…

But she was wrong! Totally wrong!

Jesus said a statement that surely shocked the readers of the Bible, “No one takes the food of the children and throw it to the dogs…”

Bingo! Yahtzee! Perfect!

Calling someone dogs in Middle Eastern culture is culturally an insult.

The woman must feel deeply hurt again,

Jesus ignored her, and now in a very critical way “challenged her faith” (someone might prefer this phrase as an attempt to understand why the word dogs find a place in this episode!).

The woman might have said to herself, “That’s it. No more! Too much for me to handle. I Q….QUIT.”

She would then go away to look for a place to dig a hole to bury her head into it and to nurse her hurt feeling and her resentment…

Why not!

That is one of the common ways human beings react when feeling hurt…

Oh! Hurt feelings!

But, surprisingly, the woman neither gave up nor quit, but rather “stick to the subject.” Amazingly, she responded to Jesus’ statement by an unexpected response,

“Yes, sir. You are right, but even the dogs can eat the scraps that fall from the master’s table.”

Well! Well! Well!

How good the woman is in communication!

At this moment, Jesus changed his mind. He praised the woman in public, “Woman, you have a great faith…”

Dear friend,

At the moment we pray,

Sometimes it seems like God does heed our prayer.

It seems like God shuts both His ears to our pleas.

If you have ever been in such difficult circumstances, let us turn to our “patron saint,” the Canaanite woman.

Learning from her, we will not quit, we will not dig a hole to bury our heads, but keep asking, keep knocking, and patiently wait for the moment,

The moment the door opens…

What we ask is eventually granted…

Please, don’t quit!

Please, don’t dig a hole!

Please!

□ Nguyễn Trung Tây

www.nguyentrungtay.webs.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mình Một Bóng Ao Hè
Vũ Đình Huyến, Lm
18:29 03/08/2016
MÔT MÌNH MỘT BÓNG AO HÈ
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Môt mình một bóng ao xanh ngắt
Ngẫm nghĩ cuộc đời xanh rất xanh.
(bt)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 27/07– 03/08/2016: Chứng tá của Natalia về Lòng Thương Xót Chúa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:51 03/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sự ác không kết thúc ở Auschwitz

Chiều tối thứ Sáu 29/7, Đức Thánh Cha đã xuất hiện ở cửa sổ của Tòa Tổng Giám mục Krakow để chào các tín hữu đang tụ họp trong quảng trường đối diện. Ngài đã chia sẻ các hoạt động của ngài trong ngày.

Đức Thánh Cha gọi ngày thứ sáu là ngày của đau thương, ngài nói: “Thứ sáu, là ngày chúng ta ghi nhớ sự chết của Chúa Giêsu và chúng ta đã cùng với các bạn trẻ ngắm Đàng Thánh giá - đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu cho tất cả chúng ta”. Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ: “Chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu đau khổ, nhưng không chỉ với Chúa Giêsu của 2000 năm trước đây, nhưng của ngày hôm nay. Có rất nhiều, rất nhiều người đang đau khổ: các bịnh nhân, những người sống trong chiến tranh, những người không nhà không cửa, người đói khát, những người nghi ngờ trong cuộc sống, người không cảm thấy hạnh phúc hay đang chịu gáng nặng của tội lỗi…”

Đức Phanxicô cũng kể về cuộc viếng thăm tại bịnh viện nhi đồng và chia sẻ là Chúa Giêsu cũng đang đau khổ trong các trẻ em đau bịnh này. Câu hỏi “tại sao các trẻ nhỏ phải đau khổ” luôn chất vấn ngài. Ngài nói: “Đó là một mầu nhiệm và không có câu trả lời cho những câu hỏi như thế…”. Nhắc lại các cuộc thăm viếng trại tập trung Auschwitz-Birkenau vào ban sáng, ngài nói có quá nhiều đau thương, tàn ác; làm sao mà chúng ta, những con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có thể làm những điều như thế?

Đức Thánh Cha khẳng định: Sự ác không kết thúc ở Auschwitz, ở Birkenau. Ngay cả hôm nay, khi chúng ta hành hạ con người, những tù nhân bị tra tấn ngay lập tức để họ phải cung khai. Thật là khủng khiếp! Ngày nay vẫn còn sự độc ác này. Chúng ta nói, vâng, ở đó chúng tôi đã thấy sự độc ác của cách đây hơn 70 năm. Họ đạ bị bắn, bị treo cổ, bị chết ngạt… thế nào. Nhưng hôm nay nhiều nơi trên thế giới, những nơi đang chiến tranh, cũng xảy ra giống như vậy!

Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ: Trong thực tế này, Chúa Giêsu đã đến mang chúng ta trên đôi vai của Ngài. Ngài xin chúng ta cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những Giêsu của ngày nay trên thế giới: người đói khát, người nghi ngờ, người bịnh tật cô đơn, những người mang gánh nặng của nghi ngờ và tội lỗi, những người đang rất đau khổ… Chúng ta hãy cầu nguyện cho rất nhiều trẻ em đau bịnh, những người vô tội phải mang vác Thánh giá ngày từ khi còn thơ bé. Và chúng ta cầu cho rất nhiều người nam nữ ngày nay bị hành hạ tra tấn tại các quốc gia trên thế giới, cầu cho các tù nhân đang sống chồng chất trong các nhà tù như các con vật.

Đức Thánh Cha kết luận: “Mỗi người ở đây là một tội nhân. Tất cả chúng ta đều có gánh nặng của tội lỗi chúng ta.

Đức Thánh Cha hỏi: Ở đây, ai là người không có tội, xin giơ tay lên!

Nhưng Thiên Chúa yêu chúng ta: Người yêu chúng ta! Hãy cùng nhau cầu nguyện cho những người này, những người ngày nay đang đau khổ trên thế giới có quá nhiều, quá nhiều sự xấu. Và khi có nước mắt, em bé tìm kiếm mẹ của mình. Ngay cả chúng ta các tội nhân, chúng ta là những em bé, chúng ta tìm đến mẹ của chúng ta và cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ của chúng ta, mỗi người bằng ngôn ngữ của mình”.

Mọi người đọc kinh Kính mừng bằng tiếng của mình và Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả. Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người ngủ ngon, xin cầu nguyện cho ngài và hẹn tiếp tục một ngày Giới trẻ tốt đẹp ngày mai. Ngài cám ơn mọi người.

2. Chứng tá của Natalia về Lòng Thương Xót Chúa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong buổi canh thức tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Krakow, Ba Lan, sau khi theo dõi các vũ điệu Ba Lê với 5 tiểu đề: niềm tin cho người nghi ngờ, niềm hy vọng cho người nản chí, tình yêu cho người dửng dưng lãnh đạm, sự tha thứ cho người đã làm sự ác, niềm vui cho những người sầu muộn; các bạn trẻ thế giới đã nghe ba chứng từ.

Trong phần sau, Như Ý xin giới thiệu chứng từ thứ nhất của cô Natalia, người Ba Lan.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hồi năm 2012, cô Natalia là chủ bút của một tạp chí về thời trang ở Lodz, thành phố lớn thứ 3 của Ba Lan. Cô thành công trong nghề nghiệp, quen biết nhiều bạn đẹp trai, trải qua hết lễ này đến lễ khác, ăn chơi thoải mái và coi đó như ý nghĩa cuộc đời. Cho đến một hôm ngày 15-4-2012, cô tỉnh dậy với nỗi lo lắng băn khoăn vì lối sống của mình không có gì là tốt đẹp. Natalia kể: Con hiểu rằng mình cần phải đi xưng tội ngay trong ngày hôm đó. Con không biết rõ phải xưng tội phải phép như thế nào. Con tìm trong trang mạng google từ “confessione, xưng tội”. Trong một bài, con đọc được câu này: Thiên Chúa đã chết vì yêu thương chúng ta. Con hiểu rõ hoàn toàn ý nghĩa câu đó.. Chúa đã chết vì tình yêu đối với con, Chúa muốn ban cho con sự sống trọn vẹn, trong khi con khép mình trong sự dửng dưng. Con vào bếp và hút một điếu thuốc.

Con thấy rõ tình trạng của con trong lúc đó và con bật khóc. Con lấy một tờ giấy và bắt đầu liệt kê các tội của con. Các tội ấy thật là rõ ràng trước mắt con, và con thấy mình đã phạm chống lại tất cả 10 giới răn. Con cảm thấy nhu cầu cấp thiết cần nói với một linh mục ngay. Con tìm trên Internet và thấy lúc 3 giờ chiều có giải tội ở Nhà thờ chính tòa. Con chạy lại đó, tâm hồn rất sợ sẽ bị linh mục nói với con rằng: Tội của con quá nặng, cha không thể làm gì cho con”. Dầu vậy, con cũng tìm được can đảm và đến xưng tội. Khi con vừa chấm dứt, vì linh mục nói: Đây thật là một sự xưng tội thật đẹp!. Con không hiểu vị linh mục muốn ám chỉ điều gì, trong những điều con xưng thú chẳng có gì là đẹp cả!

Cha giải tội hỏi con: “Con có biết hôm nay là ngày gì không? Là Chúa Nhật lòng thương xót. Con có biết mấy giờ rồi không? Là đúng 3 giờ chiều, giờ của lòng thương xót. Con có biết con đang ở đâu không? Ở nhà thờ chính tòa, nơi mà thánh nữ Faustina Kowalska vẫn cầu nguyện hằng ngày khi người sống tại thành phố Lodz này. Bấy giờ Chúa hiện ra với thánh nữ và nói là Ngài muốn tha thứ trong ngày ấy tất cả các tội lỗi, dù nặng nề đến đây đi nữa. Các tội của con đã được tha, con đừng để chúng trở lại trong đầu óc con nữa. Hãy bứng chúng khỏi đầu con”. Đó là những lời thật mạnh mẽ. Con đi xưng tội tưởng là mình sẽ đánh mất sự sống đời đời... Con bước ra khỏi nhà thờ như từ một bãi chiến trường trở về: rất mệt nhưng đồng thời con hết sức vui mừng, với một tâm tình chiến thắng và xác tín rằng chính Chúa Giêsu đang trở về nhà cùng với con”.

3. Ba từ ngữ quan trọng trong đời sống hôn nhân gia đình

Trong buổi nói chuyện với các bạn trẻ từ cửa sổ của Tòa Tổng Giám mục Krakow tối ngày 28 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ các đôi vợ chồng trẻ hãy tế nhị, lịch sử với nhau, cám ơn và xin lỗi nhau.

Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha: “Người ta nói với tôi là có nhiều người trong các bạn hiểu tiếng Tây Ban Nha, nên tôi sẽ nói bằng tiếng này. Họ cũng nói rằng hôm nay có một nhóm đông đảo ở quảng trường này là những đôi tân hôn, những đôi vợ chồng trẻ. Khi tôi gặp một người trẻ mới kết hôn, nam hay nữ, tôi nói với họ: “Đây là những người có can đảm!” lý do vì không dễ lập một gia đình, không dễ dấn thân cam kết trọn đời, cần phải có can đảm. Và tôi chúc mừng họ vì họ có can đảm như vậy.

Nhiều khi họ hỏi tôi làm sao để gia đình luôn tiến bước và vượt qua các khó khăn. Tôi gợi ý cho họ luôn sử dụng 3 từ, 3 lời diễn tả 3 thái độ, có thể giúp các bạn sống đời sống hôn nhân, vì trong đời sống này có những khó khăn. Hôn nhân là cái gì thật đẹp, thật là huy hoàng mà chúng ta cần phải bảo tồn. 3 từ đó là: xin vui lòng, cám ơn, xin lỗi.

- Xin vui lòng. Hãy luôn hỏi người bạn đường của mình - vợ hỏi chồng và chồng hỏi vợ: “Anh (em) nghĩ sao? Chúng ta là như thế nhé?”. Đừng bao giờ quên nói: xin vui lòng nhé!

- Lời thứ hai là cám ơn. Bao nhiêu lần người chồng phải nói với vợ: Cám ơn em! và bao nhiêu lần người vợ phải nói với chồng: “Cám ơn anh!” Clam ơn nhau, vì bí tích hôn phối được cả hai ban cho nhau. Và tương quan bí tích này được duy trì nhờ tâm tình biết ơn: “Cám ơn”.

- Lời thứ ba: xin lỗi! Đó là một lời rất khó nói lên. Trong hôn nhân - giữa vợ và chồng - luôn luôn có vài điều thông cảm thông, không hiểu nhau. Biết nhìn nhận điều đó và xin lỗi. Xin lỗi mưu ích nhiều.

Có nhiều gia đình trẻ, nhiều đôi vợ chồng mới cưới, những người khác sắp sửa cưới; các bạn hãy nhớ ba từ ấy, đã giúp đỡ rất nhiều trong đời sống hôn nhân: xin làm ơn, cám ơn, xin lỗi. Nào tất cả cùng nói to: xin làm ơn, cám ơn, xin lỗi.

Tốt lắm, tất cả những điều này rất đẹp! Thật là đẹp nói điều đó trong đời sống hôn nhân. Nhưng trong đời sống vợ chồng luôn có những vấn đề hoặc những tranh luận. Thường xảy ra là vợ chồng tranh luận với nhau, to tiếng, cãi lẫy và nhiều khi đĩa bay! Nhưng các bạn đừng sợ khi xảy ra như vậy. Tôi cho các bạn một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. Các bạn biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh ngày hôm sau rất nguy hiểm. Có thể có người nào trong các bạn hỏi: “Nhưng thưa cha, làm sao con có thể làm hòa được?”. Không cần phải nói, chỉ cần một cử chỉ [...] và an bình được tái lập. Khi có tình yêu thì một cử chỉ cũng dàn xếp được mọi sự.

Trước khi ban phép lành, tôi mời gọi các bạn hãy cầu nguyện cho tất cả các gia đình hiện diện nơi đây, cầu cho các đôi tân hôn, cho những người đã kết hôn từ lâu và biết điều mà tôi vừa nói với các bạn, và cầu cho những người sắp kết hôn. Chúng ta cùng nhau đọc một kinh Kính Mừng, mỗi người trong tiếng của mình.

Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha còn nói: “Các bạn hãy cầu nguyện cho tôi, thực vậy, hãy cầu nguyện cho tôi! Chúc các bạn ngủ ngon và nghỉ ngơi!

4. Đức Thánh Cha kính viếng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Sáng thứ Bẩy, 30 tháng Bẩy, trong lúc các bạn trẻ Ba Lan và quốc tế đi bộ khoảng 15 cây số từ Krakow đến Cánh đồng Lòng Thương Xót, thì Đức Thánh Cha tiếp tục cuộc viếng thăm của ngài, bắt đầu là cuộc kính viếng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Đức Thánh Cha đến nhà nguyện Thánh Nữ Faustina Kowalska, ở Lagiewniki, một khu vực của thành Krakow, cách tòa Tổng Giám Mục 6 cây số. Tại đây có tu viện của các nữ tu dòng Đức Mẹ Maria Thương Xót, nơi thánh nữ Faustina đã sống 5 năm quan trọng nhất với những mạc khải thần bí thánh nữ nhận được. Thánh Gioan Phaolô 2 đã 3 lần viếng thăm nơi này và Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đến đây một lần vào năm 2006.

Bên cạnh nhà nguyện cũ, một ngôi nhà thờ lớn hơn được xây dựng từ năm 1999 và được hoàn tất vào năm 2002, nằm ở quận Lagiewniki trên đường Faustyny. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba đến thăm đền thờ này. Mỗi năm hàng triệu khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tấp nập đến kính viếng đền thánh này.

Tháng 3 năm 1981, trong khi cầu nguyện tại ngôi mộ của Thánh Faustina tại nhà thờ này, bà Maureen Digan ở Massachusetts cho biết đã được lành bệnh. Digan đã bị chứng phù bạch huyết hàng mấy chục năm nay, và đã trải qua 10 lần giải phẩu và bị cắt cụt một chân. Digan nói rằng khi đang cầu nguyện tại ngôi mộ của sơ Faustina cơn đau liên tục của cô đã khỏi hẳn.

Khi trở về Mỹ, năm bác sĩ ở Boston nói rằng cô đã được chữa lành mà không thể giải thích được về mặt y khoa. Việc lành bệnh của Digan đã được Tòa Thánh tuyên bố là phép lạ vào năm 1992 và mở đường cho việc phong chân phước cho sơ Faustina Kowalska.

Ngày 17 Tháng Sáu 1997 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm và cầu nguyện tại ngôi mộ của Thánh Faustina. Ngài công bố rằng đền thánh này là thủ đô kính Lòng Thương Xót Chúa.

Khi đến khu vực gần tu viện của các nữ tu dòng Đức Mẹ Thương Xót ở Lagienewki, Đức Thánh Cha đã được Nữ tu Bề trên Tổng quyền, cũng như Bề trên tu viện tiếp đón tại cửa nhà nguyện, trước sự hiện diện của 300 người trong đó có 80 trẻ nữ được nhà dòng trợ giúp. Tiến vào bên trong nhà nguyện Thánh Nữ Faustina, trước sự hiện diện của 150 nữ tu, Đức Thánh Cha cầu nguyện trước bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót và bên dưới bàn thờ tại đó mộ của thánh nữ Faustina. Bức ảnh được vẽ theo chính lời Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ trong lần hiện ra vào năm 1931 trong phòng của thánh nữ ở thành phố Plock. Do sự chỉ dẫn của thánh nữ Faustina, họa sĩ Eugeniusz Kazimirowski ở Vilnius đã họa bức ảnh này lần đầu tiên vào năm 1934 bên dưới có ghi hàng chữ 'Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa'. Về sau nhiều bức ảnh khác cũng được vẽ ra theo bức ảnh này.

Từ nhà nguyện thánh nữ Faustina, Đức Thánh Cha tiến ra Đền Thánh mới kính Lòng Thương Xót của, chỉ cách đó 200 mét. Ngài đứng ở sân thượng trước thánh đường, chào thăm và chúc lành cho hàng ngàn tín hữu chờ đợi bên dưới, rồi chào thăm một số gia đình với những người con nhỏ bị bệnh tật, trước khi Bước qua Cửa Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Liền đó, Đức Thánh Cha đã ngồi giải tội cho 8 bạn trẻ được chọn theo 3 ngôn ngữ: Italia, Tây Ban Nha và Pháp.

Sau khi giải tội và quì cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, và chào thăm hàng ngàn tín hữu hiện diện trong thánh đường. Ngài cũng nhắn nhủ rằng: “Ngày hôm nay, Chúa muốn cho chúng ta cảm thấy sâu đậm hơn nữa lòng thương xót bao la của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa Giêsu! Cho dù chúng ta nghĩ tội lỗi và thiếu sót của chúng ta lớn lao nặng nề.. Chúng ta hãy lợi dụng ngày này để lãnh nhận lòng thương xót Chúa. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ từ bi thương xót”.

5. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho 2 ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Ba Lan.

Giã từ Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót lúc gần 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha đến Đền Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, chỉ cách đó 1 cây số. Đền thánh thứ hai này được Đức Hồng Y Dziwisz cựu bí thư của Đức Cố Giáo Hoàng cho khởi công xây cất trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015. Ngoài thánh đường còn có Bảo Tàng viện Gioan Phaolô 2, một tháp quan sát, một trung tâm diễn thuyết và hội nghị, một nhà trọ cho các khách hành hương, và một trung tâm chỉnh hình.

Khu vực Đền Thánh cũng có liên hệ tới Đức Gioan Phaolo 2: nơi này trước kia có hãng hóa học “Solvay”: khi còn là một sinh viên trong thời thế chiến thứ hai, Karol Wojtila, vị Giáo Hoàng tương lai, đã làm việc tại đây như công nhân, cho đến tháng 9 năm 1940 thì làm việc trong mỏ đá ở địa phương, năm sau đó, Người được chuyển đến làm việc trong xưởng lọc nước bẩn.

Đền thánh kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz khởi công xây cất từ năm 2008 và được chính thức khánh thành vào tháng 6 năm 2013. Đền thánh có tên là “Đừng sợ” lấy từ một câu nói thời danh của vị Giáo Hoàng Ba Lan. Bên cạnh đền thánh cón có các công trình phụ như Trung Tâm Văn Hóa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để trưng bày những di sản của vị Giáo Hoàng đã lãnh đạo Giáo Hội vào thiên niên kỷ thứ ba. Các công trình xây dựng ngày càng được mở rộng và phát triển nên du khách đến thăm trong những ngày này vẫn thấy nhiều công trường xây dựng bận rộn. Dù vậy, địa điểm này đã thu hút rất nhiều khách hành hương từ mấy năm qua.

Đền thánh có hai tầng: phần trên là Nhà thờ chính với 6 nhà nguyện quanh gian chính. Phần dưới là Nhà thờ có hình bát giác, gồm nhiều nhà nguyện nhỏ, chứa đựng các thánh tích liên quan đến thánh Gioan Phaolô 2, nhất là một ống đựng máu của vị thánh Giáo Hoàng, do các bác sĩ ở bệnh viện Gemelli trao lại cho Đức Hồng Y Dziwisz bấy giờ còn là bí thư riêng của Đức Gioan Phaolô 2. Thánh tích này được đặt tại bàn thờ bằng cẩm thạch ở trung tâm Nhà thờ các thánh tích.

Trong thánh đường, ngoài các linh mục, tu sĩ và chủng sinh cũng có hàng chục Giám Mục Ba Lan đồng tế với Đức Thánh Cha. Hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ quảng trường bên ngoài.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn 20 kể lại biến cố 8 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, cửa nhà đóng kín. Chúa đứng giữa họ và chúc lành, trao ban bình an và Thánh Thần, cùng với ơn tha thứ tội lỗi cho họ, nghĩa là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng sai các môn đệ: “Như Cha đã sai thầy, Thầy cũng sai các con đi” (v.21). Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục tu sĩ hãy ra khỏi mình, đừng khép kín, trái lại hăng say ra đi; và hãy tiếp tục viết lên những trang Tin Mừng bằng cách hành động từ bi bác ái. Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu sai đi. Ngay từ đầu Chúa muốn Giáo Hội đi ra ngoài, đi tới thế giới. Chúa muốn Giáo Hội cũng làm như Ngài đã làm, như Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần thế: không phải như một kẻ hùng mạnh, nhưng trong thân phận người tôi tớ (Xc Pl 2,7), không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (Mc 10,45) và để mang Tin Vui (Xc Lc 4,18). Những người được Chúa sai đi trong mọi thời đại cũng phải như vậy. Chúng ta thấy một điều trái nghịch này: trong khi các môn đệ đóng kín cửa nhà vì sợ hãi, thì Chúa Giêsu sai họ ra đi thi hành sứ mạng; Chúa muốn các cánh cửa mở toang và các môn đệ đi ra ngoài để phổ biến ơn tha thứ và an bình của Thiên Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Linh.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng:

“Lời kêu gọi này cũng được dành cho chúng ta. Làm sao không nghe thấy vang vọng lời mời gọi long trọng của thánh Gioan Phaolô 2: “Hãy mở cửa!”?. Nhưng trong đời sống linh mục và thánh hiến của chúng ta có thể thường xảy ra cám dỗ muốn phần nào khép kín trong chính mình hoặc trong các môi trường của mình, vì sợ hãi hoặc vì thoải mái, tiện lợi. Nhưng hướng đi mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta chỉ có một chiều mà thôi: đó là ra khỏi chính mình. Đó là một cuộc xuất hành không có vé trở về. Đây là thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình, mất mạng sống vì Chua (Xc Mc 8,35), đi theo con đường hiến thân.

“Đàng khác, Chúa Giêsu không thích những con đường được đi nửa chừng, những cánh cửa để hé mở, những lối sống nước đôi. Ngài yêu cầu hãy lên đường nhẹ nhàng, ra đi, từ bỏ những an ninh của mình, và chỉ tìm chắc chắn nơi một mình Chúa mà thôi.

“Nói khác đi, cuộc sống của các môn đệ thân thiết nhất như chúng ta được kêu gọi trở thành, được dệt bằng tình yêu cụ thể, nghĩa là phục vụ và sẵn sàng; một cuộc sống không có những không gian khép kín và tư sản để sống thoải mái. Ai đã chọn làm cho cuộc sống của mình hoàn toàn phù hợp với cuộc sống của Chúa Giêsu thì không chọn nơi riêng tư, nhưng đi tới nơi nào mình được sai đến; sẵn sàng đáp lại vị kêu gọi mình, và cũng chẳng chọn thời giờ riêng. Nhà mà họ ở không thuộc về họ, vì Giáo Hội và thế giới là những nơi mở rộng cho sứ mạng của họ. Kho tàng của họ là đặt Chúa ở trung tâm cuộc sống, không tìm kiếm sự gì khác cho mình. Họ xa tránh những hoàn cảnh lợi lộc, đặt họ ở vị trí trung tâm, họ không đứng lên những bục cao lung lay của quyền lực trần thế, không tìm cuộc sống tiện nghi làm suy yếu việc loan báo Tin Mừng, không phí phạm thời gian để đề ra những dự phóng tương lai vững chắc và nhiều lợi nhuận, để khỏi bị nguy cơ trở nên cô lập và u tối, khép kín mình trong những bức tường chật hẹp của sự ích kỷ vô vọng và thiếu niềm vui. Hài lòng trong Chúa, họ không mãn nguyện với cuộc sống tầm thương, nhưng nồng nhiệt khát khao làm chứng ta và đi đến người khác; họ thích rủi ro và ra ngoài, không bị bó buộc phải theo những lộ trình đã vạch sẵn, nhưng cởi mở và trung thành với những lộ trình được Chúa Thánh Linh chỉ dẫn: họ không chấp nhận sống vất vưởng, nhưng vui tươi loan báo Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh sự gắn bó của môn đệ đối với Chúa Giêsu và khẳng định rằng:

“Đối với chúng ta là môn đệ Chúa, điều rất quan trọng là đặt nhân tính của chúng ta tiếp xúc với thân mình của Chúa, nghĩa là mang trọn con người của chúng ta đến với Chúa, với lòng tín thác và hoàn toàn chân thành, cho đến tận cùng. Như Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina, Ngài hài lòng khi chúng ta nói tất cả với Chúa, Chúa không mệt mỏi vì cuộc sống của chúng ta mà Ngài đã biết, Chúa đợi chúng ta chia sẻ, thậm chí kể lại cuộc sống hằng ngày của chúng ta cho Chúa (Xc Nhật ký, 6-9-1937). Như thế chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa, trong một kinh nguyện trong sáng, và không quên phó thác những lầm than, cơ cực và cả những chống cự của chúng ta. Trái tim Chúa Giêsu bị chinh phục bằng sự cởi mở chân thành, do những tâm hồn biết nhìn nhận và khóc lóc vì những yếu đuối của mình, tín thác rằng chính tại đó mà lòng thương xót của Chúa sẽ hành động.

Trong phần cuối của bài giảng, Đức Thánh Cha nói về câu cuối cùng của Tin Mừng theo thánh Gioan theo đó có nhiều dấu lạ khác được Chúa Giêsu thực hiện (v.30) những không được ghi chép trong sách này. Sau phép lạ vĩ đại về lòng thương xót của Chúa, chúng ta có thể nghĩ là không cần phải thêm điều lạ nào khác. Tuy nhiên, vẫn còn một thách đố, một khoảng trống cho các dấu chỉ được chúng ta thực hiện, chúng ta là những người đã lãnh nhận Thánh Thần Tình Yêu và chúng ta được kêu gọi phổ biến lòng thương xót. Ta có thể nói rằng Tin Mừng, cuốn sách sinh động về lòng thương xót của Chúa, cần phải được đọc đi đọc lại liên tục, sách nào có những trang chưa viết ở cuối: đó là cuốn sách vẫn còn bỏ trống, chúng ta được kêu gọi viết lên với cùng một lối sống, nghĩa là thực hiện những công việc từ bi bác ái. Tôi hỏi anh chị em: những trang sách của mỗi người chúng ta như thế nào? Chúng có được viết hằng ngày không? Hay là chúng ta để trắng các trang sách ấy?

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta trong công tác này! Mẹ là Đấng đã hoàn toàn đón nhận Lời Chúa trong cuộc sống (Xc Lc 8,20-21), xin Mẹ ban cho chúng ta ơn trở thành những văn sĩ sống động của Tin Mừng; xin Mẹ Từ Bi Thương Xót dạy chúng ta chăm sóc cụ thể những vết thương cảu Chúa Giêsu nơi các anh chị em chúng ta đang ở trong tình trạng túng thiếu, những người xa gần, người bệnh cũng như người di dân, vì chính khi phục vụ người đau khổ chúng ta tôn kính thần mình của Chúa Kitô.

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Dzwisz, Tổng Giám Mục sở tại và cũng là vị đặc trách về giáo sĩ thuộc Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Đức Thánh Cha.

Sau phép lành, Đức Thánh Cha đã trở về tòa Tổng Giám Mục Krakow, để dùng bữa trưa tới 12 bạn trẻ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: mỗi châu lục có 1 người nam và một người nữ đại diện, cộng thêm với 2 bạn trẻ nam nữ người Ba Lan.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/7 – 03/08/2016: Những hình ảnh đẹp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow 2016
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:08 03/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha thăm trại tử thần Auschwwitz

Lúc 7 giờ sáng Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện toà Tổng Giám Mục Krakow. Sau đó vào lúc 8 giờ 15 ngài đi xe đến phi trường Balice cách đó 16 cây số để lấy trực thăng quân sự bay đến Oswiecim cách đó 30 cây số. Máy bay đã tới nơi sau nửa giờ bay.

Đón tiếp Đức Thánh Cha có Đức Cha Roman Pindel, Giám Mục Bielsko Zywiec, và ông thị trưởng thành phố. Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng theo đoàn tuỳ tùng trong cuộc viếng thăm này.

Lúc 9 giờ 20 phút Đức Thánh Cha đi xe đến viện bảo tàng Auschwitz cách đó 700 mét.

Cuộc viếng thăm đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi. Xe chở Đức Thánh Cha đã dừng bên ngoài cổng chính của trại tập trung bên trên có hàng chữ “Lao động giải phóng con người”. Đức Thánh Cha đã được ông giám đốc Viện bảo tàng tiếp đón. Ngài đi bộ vào bên trong, rồi lên chiếc xe nhỏ chạy bằng điện để đến Khu số 11. Khi đến một sân nhỏ nơi mật vụ Đức quốc treo cổ các tù nhân, Đức Thánh Cha đã dừng lại cầu nguyện rồi hôn cây cột gỗ. Đây là nơi cha Massimiliano Kolbe đã hy sinh nhận chết thế cho một người cha gia đình.

Bà Thủ tướng Beata Maria Szydlo đã đón tiếp Đức Thánh Cha trước cửa vào khu 11. Ngài đã gặp 11 nạn nhân sống sót của trại tập trung, ôm hôn và nói chuyện với từng người. Người cuối cùng trao cho ngài một cây nến. Đức Thánh Cha đã cầm cây nến thắp ngọn đèn dầu ngài tặng cho trại tập trung và thinh lặng cầu nguyện trước bức tường nơi quân Đức Quốc Xã đã xử bắn hàng ngàn tù nhân trong hai năm, bằng cách bắn vào đầu họ rồi lôi xác vào lò hoả thiêu, từ mùa thu năm 1941 đến mùa thu năm 1943. Sau đó các vụ xử bắn được chuyển qua trại tập trung Birkenau. Bức tường này đã bị phá nhưng năm 1946 các cựu tù binh của trại đã xây lại.

Sau khi tưởng niệm các nạn nhân đã bị xử bắn tại đây, Đức Thánh Cha vào thăm căn phòng nơi cha Massimilano Kolbe bị bỏ chết đói. Hình phạt bỏ đói được quân Đức Quốc Xã dùng trong thời gian ban đầu. Các tù nhân được chọn trong nhóm có một người tù bỏ trốn, bị bỏ chết đói trong các phòng bên duới lòng đất. Cha Kolbe đã chết đói trong phòng số 18. Đức Thánh Cha được cha Bề trên tổng quyền và cha bề trên tỉnh dòng Phanxicô viện tu hèn mọn tiếp đón, rồi ngài xuống các phòng bỏ đói thăm căn phòng nơi cha Kolbe qua đời. Ngài đã vào ngồi trên ghế và thinh lặng cầu nguyện một lúc lâu. Hiện nay có một bản khắc kỷ niệm cái chết hy sinh của ngài, bên cạnh có một cây nến do Đức Gioan Phaolô II để lại. Trước khi rời khu nhà số 11 Đức Thánh Cha đã ký tên vào sổ lưu niệm. Ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha: “Lậy Chúa xin thuơng xót dân Ngài, Lậy Chúa xin tha thứ cho biết bao tàn ác”.

2. Đức Thánh Cha thăm lò hoả thiêu Birkenau

Tiếp đến Đức Thánh Cha đi xe sang thăm trại tập trung Birkenau cách đó 3 cây số. Trại tập trung này rộng 175 mẫu và là trại tập trung lớn nhất cũng gọi là Auschwitz II. Nó được quân Đức Quốc Xã bắt đầu xây năm 1941 trong làng Brzezinka. Dân làng bị đuổi đi nơi khác và nhà cửa của họ bị tàn phá để lấy chỗ cho trại tập trung. Tại Birkenau quân Đức Quốc Xã đã xây dựng các hệ thống tiêu diệt tinh vi nhất gồm 4 lò hoả thiêu với các phòng hơi ngạt, 2 phòng hơi ngạt tạm thời trong nhà của dân.

Có khoảng 300 dẫy nhà bằng gỗ và gạch làm nơi ở cho các tù nhân bị trưng dụng cho lao động và để cho chết dần chết mòn. Vào tháng 8 năm 1944 số tù nhân tại Birkenau lên tới 100.000 người. Tưởng cũng nên biết rằng trong thời đệ nhị thế chiến đã có 1.000 linh mục Ba Lan cứu sống người Do thái. Các nữ tu đã cho người Do thái tá túc trong 300 tu viện và cơ cấu khác nhau trên toàn nước Ba Lan. Hồi năm 1939 số linh mục tu sĩ Ba Lan là 18.000. Hàng giáo sĩ bị quân Đức Quốc Xã bách hại một cách có hệ thống, khiến cho 4.000 vị và 6 Giám Mục đã bị nhốt trong các trại tập trung, và ít nhất có 2.800 vị đã chết.

Trước đài tưởng niệm các nạn nhân có 1,000 người gồm thân nhân của các nạn nhân và một số các tù nhân còn sống sót chờ Đức Thánh Cha. Đài tưởng niệm này đã được khánh thành năm 1967 giữa lò hoả thiêu số II và số III. Có 426 dự án đã được đề ra. Dự án vĩnh viễn đã do các kiến trúc sư Ba Lan và Italia thực hiện. Toàn đài tưởng niệm gồm nhiều lớp, khiến ta nghĩ tới các hòm chôn người chết và các bia mộ, trong khi yếu tố cao nhất biểu tượng cho ống khói của lò hoả thiêu. Trước đài tưởng niệm có các tấm bia tưởng niệm bằng 23 thứ tiếng khác nhau của các tù nhân. Bảng tưởng niệm viết: “Hãy luôn mãi để nơi này là tiếng thét của tuyệt vọng và là một cảnh cáo cho nhân loại, nơi quân Đức Quốc Xã đã giết chết 1,5 triệu người, phụ nữ, trẻ em, đa số là người Do thái, đến từ các nước Âu châu. Auschwitz Birkenau 1940-1945”.

Sau khi đi bộ qua cổng chính, Đức Thánh Cha đã lên xe chạy bằng điện tiến vào trại. Ngài đã được bà Thủ tướng và ông giám đốc trại tiếp đón. Một rabbi do thái hát thánh vịnh 130, sau đó Đức Thánh Cha đã đến trước các tấm bia thinh lặng cầu nguyện rồi thắp lên một ngọn nến. Ngài tiếp tục thăm hết các bia tới tấm bia cuối cùng có tên của 25 người được coi là “Các người công chính của các quốc gia”.

Sau khi thăm đài tưởng niệm Đức Thánh Cha đã tặng tràng hạt mân côi cho các nạn nhân sống sót ngồi ở mấy hàng ghế đầu.

3. Đức Thánh Cha thăm bệnh viện nhi đồng Prokocim

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tông du Ba Lan nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, sau chuyến viếng thăm trại tử thần Auschwitz, lúc 16:30 Đức Thánh Cha đã thăm bệnh viện nhi đồng Prokocim tại Krakow.

Bệnh viện nhi đồng Prokocim là bệnh viện trực thuộc Đại Học Y khoa Thánh Tâm theo cùng một hình thức với bệnh viện Gemelli ở Rôma.

Đây là nhà thương nhi đồng lớn nhất Ba Lan, do các tu sĩ Dehoniani điều khiển, hàng năm chữa trị cho khoảng 30.000 trẻ em và khám bênh phát thuốc cho 200.000 em. Việc xây cất nhà thương đã do các người Ba Lan sống bên Hoa Kỳ đề xướng, và được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ. Trong 5 thập niên qua nhà thương đã chữa trị cho 900.000 trẻ em. Nhà thương này nổi tiếng vì chuyên giải phẫu tách rời các trẻ em sinh đôi dính vào nhau, chữa phỏng và các thứ bệnh về tim của trẻ em.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã thăm nhà thương ngày 13 tháng 8 năm 1991. Nhà nguyện của nhà thương còn giữ vài thánh tích của ngài. Hàng ngày tại đây đều có thánh lễ cho trẻ em, cha mẹ, các nhân viên y tế và sinh viên y khoa, vì nhà thương cũng là đại học. Mình Thánh Chúa cũng được chầu suốt ngày tại đây.

Lúc 4 giời rưỡi chiều Đức Thánh Cha đã đi xe díp đến nhà thương cách toà tổng giám mục 9 cây số. Ngài đã được bà thủ tướng và vị giám đốc nhà thương tiếp đón tại sảnh đường. Hiện diện có 50 trẻ em bệnh nhân, cha mẹ các em, các bác sĩ y tá và sinh viên y khoa.

Đáp lời chào của bà thủ tướng Đức Thánh Cha nói lên lý do ngài đến thăm nhà thương:

Tôi muốn ở gần mỗi trẻ em đau yếu một chút, bên cạnh giường các em, ôm các em vào lòng, từng em một, lắng nghe từng em một, mỗi em một chút, và cùng nhau thinh lặng trước các câu hỏi không có câu trả lời tức khắc. Và cầu nguyện.

Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu gặp gỡ các người đau yếu, tiếp đón họ và Ngài cũng sẵn lòng đi tìm họ. Ngài luôn luôn nhận ra họ, nhìn họ như một bà mẹ hiền nhìn đứa con không khoẻ mạnh, và cảm thương họ. Như là các kitô hữu tôi uớc mong biết bao có khả năng gần gũi người bệnh theo kiểu của Chúa Giêsu, trong thinh lặng, với một cái vuốt ve, với lời cầu nguyện. Rất tiếc xã hội của chúng ta bị ô nhiễm bởi nền văn hóa “gạt bỏ” chống lại nền văn hoá tiếp đón. Và các nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ chính là những người yếu đuối nhất, giòn mỏng nhất; và đó là một sự tàn ác. Trái lại, thật là đẹp trông thấy rằng trong nhà thương này các trẻ em bé nhỏ và cần được giúp đỡ được tiếp đón và săn sóc. Nhờ dấu chỉ này của tình yêu mà anh chị em cống hiến cho chúng tôi! Đó là dấu chỉ của nền văn minh đích thực, nhân bản và kitô: đặt để các người bị thiệt thòi nhất vào trung tâm của sự chú ý xã hội chính trị.

Tiếp tục bài phát biểu Đức Thánh Cha nói:

Đôi khi các gia đình phải một mình lo lắng cho chúng. Phải làm gì đây? Từ nơi này trong đó tôi trông thấy tình yêu cụ thể , tôi muốn nói: chúng ta hãy nhân nhiều lên các công trình của nền văn hóa tiếp đón, các công trình được linh hoạt bởi tình yêu kitô, tình yêu đối với Chúa Giêsu bị đóng đinh, đối với thịt xác của Ngài. Phục vụ với tình yêu thương, dịu hiền những người cần sự giúp đỡ khiến làm cho chúng ta tất cả lớn lên trong nhân bản; và nó mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu: ai chu toàn các việc lành phúc đức, thì không sợ hãi cái chết.

Tôi khích lệ tất cả những ai đã khiến cho lời mời gọi của Tin Mừng trở thành một lựa chọn cuộc đời: các bác sĩ, y tá, tất cả những ai làm việc trong lãnh vực y khoa cũng như các tuyên uý và các người thiện nguyện. Xin Chúa giúp anh chị em chu toàn công việc của mình, tại đây cũng như tại mọi nhà thương trên toàn thế giới. Và xin Người thưởng công cho anh chị em, bằng cách ban cho anh chị em sự an bình nội tâm và một con tim luôn luôn có khả năng dịu hiền.

Xin cám ơn tất cả mọi người về cuộc gặp gỡ này! Tôi mang anh chị em trong tim và trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Đức Thánh Cha đã tặng nhà thương bức tranh “Trước cửa” của nghệ sĩ Piero Casentini, diễn tả một cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu: thánh Phêrô và các tông đồ đương đầu với người bệnh đi tìm Chúa Giêsu thấp thoáng đàng sau cánh cửa của một căn nhà. Các gương mặt được trình bầy theo rẻ quạt để người nhìn có thể quan sát từng gương mặt một.

Đức Thánh Cha đã nói chuyện và vuốt ve các trẻ em trong đó nhiều em bị bệnh ung thư, trước khi đi thăm vài khu vực của nhà thương đại học. Tiếp đó ngài lên nhà nguyện và được linh mục tuyên uý Lucjan Szezepaniak tiếp đón. Đức Thánh Cha viếng Mình Thánh Chúa và quỳ cầu nguyện một lát.

4. Đức Hồng Y Tagle nói Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là thời gian đầy ân sủng và cơ hội yêu thương phục vụ

Cùng với khoảng 800 Giám mục và 50 Hồng Y hiện diện tại Cracovia tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, Philippin, vui mừng khi nhìn thấy hàng trăm ngàn bạn trẻ đang tham dự sự kiện này với đức tin và lòng nhiệt thành.

Đức Hồng Y chia sẻ: “Mỗi cử hành Ngày Quốc tế Giới trẻ là độc nhất. Đối với tôi nó là một sự bùng nổ của ơn Chúa. Tôi luôn thấy ấn tượng khi nhìn thấy khía cạnh này của cuộc sống – đó là khía cạnh của tuổi trẻ: khoảng thời gian này qua đi nhưng là thời gian tràn đầy ân sủng và cơ hội để yêu thương và phục vụ. Nhìn những người trẻ quy tụ lại, bởi đức tin, với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là lòng thương xót, mang lại cho tôi niềm hy vọng cho thế giới, cho nền văn hóa ngày nay, cho tương lai của thế giới, của xã hội và cho tương lai của Giáo Hội. Tôi rất là cảm động!”

Như lời Đức Thánh Cha nói, Giáo Hội muốn học từ những người trẻ và cả thế giới cũng đang nhìn vào các bạn trẻ. Đức Hồng Y Tagle nhìn nhận, chính ngài, không chỉ như một con người, mà như Giám mục, như Hồng Y, ngài cũng đã học nhiều điều từ người trẻ, đặc biệt các bạn trẻ từ những gia đình nghèo, những gia đình đau khổ: họ là những thầy dạy vĩ đại của ngài.

Đức Hồng Y cũng nói về quà tặng của Caritas Ba Lan cho Đức Thánh Cha, là một dây các phép (stola) và 2 đôi giày, sau đó Đức Thánh Cha sẽ tặng lại để bán đấu giá và số tiền thu được sẽ lập một trạm xá lưu động cho các người tị nạn Syria ở Li băng.

Hy vọng của Đức Hồng Y về Ngày Quốc tế Giới trẻ là Thiên Chúa ban sức mạnh cho các bạn trẻ. Ngài hy vọng các bạn trẻ luôn mở rộng con tim của họ ra với Thiên Chúa, để Thiên Chúa ban sức mạnh và họ sẽ trở nên người có lòng thương xót, để họ tôn trọng và luôn cởi mở với người khác, với các người ngoại quốc và những người đau khổ.

5. Dù thời tiết xấu và phải cuốc bộ, 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc

Theo nguồn tin của cảnh sát 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc diễn ra tại cánh đồng Lòng Thương Xót hôm Chúa Nhật 31 tháng 7, vượt xa dự đón 1.8 triệu của ban tổ chức.

Campus Misericordiae hay Cánh đồng Lòng Thương Xót là một địa điểm được thiết kế đặc biệt cho Đêm Canh Thức và Thánh lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Địa điểm này nằm cách trung tâm Krakow 15km về phía đông nam trong vùng Brzegi giữa Nowa Huta và Wieliczka.

Chính quyền thành phố Krakow cho biết 7 cây cầu mới tinh đã được xây dựng để tạo điều kiện giao thông thuận lợi từ thành phố Krakow vào khu vực này.

Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở của Krakow và hệ thống giao thông vận tải không thể cung cấp các phương tiện giao thông cho hàng mấy triệu bạn trẻ di chuyển từ trung tâm thành phố Krakow và các vùng phụ cận đến địa điểm này nên ban tổ chức quyết định là tổ chức đi bộ.

Dù thời tiết xấu và phải cuốc bộ, khoảng 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc.

Trước khi Đức Thánh Cha sang Ba Lan, Gazeta Wyborcza, tờ báo được coi là thuộc hàng đông độc giả nhất ở Ba Lan, thường có xu hướng phê bình Giáo Hội Công Giáo, bày tỏ lo ngại là Cánh đồng Lòng Thương Xót có thể bị ngập nặng nếu mưa to và trong trường hợp như vậy Ba Lan không có khả năng ứng cứu con số hàng triệu người tại đây. May mắn là chuyện này đã không xảy ra.

Gazeta Wyborcza từng là tờ báo vận động chống lại việc bổ nhiệm Đức Cha Stanisław Wielgus, là người đã có một mối quan hệ không rõ ràng với mật vụ cộng sản thời Xô Viết, vào ngày 6 tháng 12 năm 2006. Một tháng sau đó, ngày 6 tháng Giêng 2007, Tòa Thánh lại phải buộc vị tân Tổng Giám Mục thủ đô Ba Lan từ chức đột ngột.

6. Panama sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2019

Khác với dự đoán cuả nhiều người về khả năng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo sẽ được tổ chức ở một nước Á Châu hay Phi Châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng Panama sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới vào năm 2019.

Sau lời tuyên bố này, Đức Thánh Cha đã mời các giám mục Panama có mặt đến bên Ngài để cùng ban phước lành với Ngài.

“Cuối cuộc cử hành này, cha cùng tất cả các bạn tạ ơn Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót vô hạn, đã cho phép chúng ta trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới này”, Đức Giáo Hoàng nói thế; Người cảm ơn Đức Hồng Y Dziwisz và Đức Hồng Y Rylko, “không mệt mỏi trong các nỗ lực làm cho ngày này trở thành có thể, và “vì những lời cầu nguyện kèm theo việc chuẩn bị cho biến cố này” .

“Tôi cũng cảm ơn tất cả những người đã đóng góp vào kết quả thành công của nó. Một lời cám ơn lớn xin ngỏ với các các bạn, các bạn trẻ thân mến! Các bạn đã làm đầy Krakow với sự nhiệt tình lây lan đức tin của các bạn. Thánh Gioan Phaolô II, từ trên trời, hẳn đã vui mừng, và Người sẽ giúp các bạn loan truyền niềm vui Tin Mừng ra khắp mọi nơi”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Trong những ngày này, chúng ta đã trải nghiệm vẻ đẹp của tình huynh đệ phổ quát của ta trong Chúa Kitô, tâm điểm và là niềm hy vọng của cuộc sống chúng ta”. “Chúng ta đã nghe thấy tiếng của Người, tiếng nói của Đấng Chăn Chiên Lành, Đấng đang ngự giữa chúng ta. Người nói chuyện với tất cả các bạn trong trái tim các bạn. Người đã canh tân các bạn bằng tình yêu của Người và Người đã tỏ cho các bạn ánh sáng sự tha thứ của Người, sức mạnh ân sủng của Người. Người đã làm cho các bạn trải nghiệm thực tế của cầu nguyện. Những ngày này đã đem đến cho các bạn một “làn gió mới” thiêng liêng giúp các bạn sống cuộc sống thương xót khi các bạn trở về xứ sở và cộng đồng của các bạn “.

Đức Giáo Hoàng quay về phiá ảnh Đức Nữ Trinh Maria ở bên cạnh bàn thờ, vốn được Thánh Gioan Phaolô II tôn kính tại đền thờ Kalwaria. “Đức Maria, Mẹ chúng ta, dạy chúng ta cách làm cho kinh nghiệm của chúng ta ở đây tại Ba Lan được sinh ích. Mẹ nói với chúng ta làm những gì Mẹ đã làm: đừng để lãng phí những hồng phúc mà các bạn đã nhận được, nhưng gìn giữ nó trong trái tim các bạn để nó có thể phát triển và sinh hoa trái, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Nhờ cách này, mỗi người các bạn, bất kể các hạn chế và thiếu sót của mình, có thể là một nhân chứng cho Chúa Kitô bất cứ nơi nào các bạn sống: ở nhà, trong các giáo xứ của các bạn, trong các hiệp hội và các nhóm của các bạn, và nơi học tập, làm việc, phục vụ, giải trí của các bạn, bất cứ nơi nào Chúa quan phòng dẫn các bạn tới “.

Trước khi mời mọi người hiện diện cùng đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha kết luận:

“Tin tưởng vào lời cầu bầu của Mẹ Maria, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ hành trình của người trẻ trong Giáo Hội và trên thế giới, và làm cho các bạn trở thành các môn đệ và chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa”.

7. Một phóng viên qua đời trong khi tường thuật Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Một phóng viên của đài truyền hình RAI của nhà nước Italia đã qua đời ở tuổi 58 trong khi đang thi hành nhiệm vụ tường trình chuyến tông du Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô trong khuôn khổ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow.

Hãng tin Ý ANSA cho biết Anna Maria Jacobini được phát hiện đã chết trên giường trong phòng khách sạn của cô vào ngày thứ Sáu 29 tháng 7 và người ta tin cô đã chết từ đêm hôm trước. Thông tấn xã này cho biết cô có phàn nàn với đồng nghiệp đêm thứ Năm rằng cô cảm thấy mệt mỏi. Cái chết của cô đã không được tường trình ngay lập tức vì bà mẹ 94 tuổi của cô phải được thông báo trước.

Jacobini điều khiển một chương trình các vấn đề Công Giáo hàng tuần trên RAI và trong quá khứ từng tường trình các chuyến tông du của các vị giáo hoàng, một việc khá gây mệt mỏi cho các phóng viên, những người thường phải làm việc từ trước bình minh cho đến nửa đêm.

8. Đức Thánh Cha khánh thành trung tâm cho người nghèo của Caritas Krakow

Ngày Chúa Nhật 31 tháng 7 là ngày cuối cùng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ba Lan. Ban sáng, lúc 8:45h, ngài khánh thành 2 cơ sở mới của Caritas Ba Lan. Cơ sở thứ nhất là Ngôi Nhà của Lòng Thương Xót dành cho người nghèo và người cao niên. Cơ sở thứ hai là một trung tâm dinh dưỡng dành cho những người túng thiếu.

Trong thời kỳ cộng sản, Caritas Ba Lan bị xóa sổ hoàn toàn và chỉ được khôi phục lại từ năm 2004. Nhiệm vụ Caritas của Ba Lan là hỗ trợ các dự án trong nước và nước ngoài ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của người nghèo và những người bị thiệt thòi. Phạm vi rộng lớn của Caritas bao gồm việc thành lập các trung tâm giúp đỡ những phụ nữ bị bỏ rơi trong lúc mang thai, những phụ nữ bị buộc hành nghề mãi dâm, các trung tâm điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, và cung cấp cứu trợ khẩn cấp cho các nước sau các thảm họa tự nhiên hoặc chịu ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang tại các nước ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và châu Âu.

Trung tâm dinh dưỡng đang được Đức Thánh Cha khánh thành là trung tâm thứ 41 trên toàn cõi Ba Lan cung cấp 250,000 bữa ăn cho trẻ em suy dinh dưỡng và những người túng thiếu. Sáu năm trước đây, vào năm 2010, Ba Lan bị lũ lụt thảm khốc tới mức Thủ tướng Ba Lan gọi đó là “thảm họa tồi tệ nhất trong 160 năm qua”. Caritas Ba Lan đã trợ giúp của hơn 66,000 nạn nhân lũ lụt.

Sau nghi lễ khánh thành, lúc 10h, Đức Thánh Cha đến “Campus Misericordiae” nghĩa là “Cánh Đồng Lòng Thương Xót” để chủ sự thánh lễ bế mạc.

9. Đức Thánh Cha gặp các tình nguyện viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Lúc 5h chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đến khu vực Tauron để gặp các tình nguyện viên và các mạnh thường quân giúp tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với những người trẻ tuổi rằng ngài không biết có thể tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới tại Panama hay không.

Trong bài diễn văn sau cùng trong chuyến tông du 5 ngày tại Ba Lan, Đức Thánh Cha đã ca ngợi các nguyện viên Ngày Giới trẻ Thế giới vì công việc khó khăn của họ, Đức Thánh Cha đã trao bài nói chuyện được chuẩn bị sẵn cho các bạn trẻ và ứng khẩu đề cập đến một số vấn đề.

Ngài nhắc nhở những người trẻ rằng nếu họ muốn đại diện niềm hy vọng cho tương lai, họ phải nhớ nguồn gốc của họ.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi phải tự hỏi bản thân mình, tôi đến từ đâu... ký ức về con người, gia đình, và lịch sử của tôi là gì. Ký ức về con đường tôi đã đi qua và tất cả những gì chúng ta đã nhận được từ người lớn. Một người trẻ tuổi không ký ức không thể là một ngọn hải đăng của niềm hy vọng cho tương lai”.

Và Đức Thánh Cha đã mời tất cả những người trẻ tuổi nói chuyện và lắng nghe cha mẹ của mình, sau đó là các bậc ông bà và những người cao tuổi là những người đại diện cho sự khôn ngoan của một dân tộc.

Một điều kiện cần thiết khác là nếu bạn muốn trở thành một ngọn hải đăng của niềm hy vọng cho tương lai, bạn phải sống hiện tại với lòng can đảm, “không được sợ hãi.”

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Tôi không biết là tôi sẽ được có mặt ở Panama hay không, nhưng tôi có thể đảm bảo với các bạn là Phêrô sẽ có mặt ở đó!”.

Và, Đức Giáo Hoàng kết luận: “Phêrô sẽ hỏi bạn xem bạn đã trò chuyện với ông bà của mình và với người cao tuổi hay chưa để có được ký ức; ngài sẽ hỏi bạn xem bạn có đủ can đảm và gan dạ để sống phút hiện tại; ngài sẽ muốn biết là các bạn đã gieo mầm cho tương lai hay chưa.”

Có 21,000 bạn trẻ ghi danh làm tình nguyện viên trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, trong đó có 7,000 các bạn trẻ Ba Lan.

10. Đức Thánh Cha bất ngờ nói “Do Widzenia” với người Ba Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô đã “bất ngờ” nói “Do Widzenia”, nghĩa là tạm biệt, với người dân Ba Lan vào tối Chúa Nhật trước khi khởi hành từ Krakow về lại Rôma sau chuyến tông du 5 ngày của ngài.

Xuất hiện bất ngờ tại ban công Tòa Tổng Giám mục Krakow lần thứ tư trong năm ngày qua, Đức Thánh Cha đã cảm ơn và chia tay với nhiều người, đặc biệt là các bạn thanh niên, tụ tập tại quảng trường bên dưới.

Bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn tất cả mọi người vì sự chào đón nồng nhiệt và đồng hành với ngài trong những ngày qua.

Ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài và đọc kinh Kính Mừng trước khi ban phép lành cho những người hiện diện. Sau cùng, ngài nói “Do Widzenia”, nghĩa là tạm biệt.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sân bay quốc tế Gioan Phaolô II để về Rôma. Mưa lớn đã khiến các quan chức phải rút ngắn buổi lễ chia tay với Đức Thánh Cha.

Một buổi lễ có trải thảm đỏ với sự hiện diện của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã phải đổi thành một cuộc trò chuyện ngắn ở bên trong nhà ga. Không có bài phát biểu nào trong dịp này. Đức Phanxicô được một chiếc xe hơi chở tới máy bay giữa âm thanh của một dàn nhạc quân đội.

Ông Duda và các viên chức nhà nước và Giáo Hội Ba Lan, che dù, nói lời chia tay ngắn ngủi với Đức Phanxicô tại chân cầu thang của chiếc Boeing 787 Dreamliner thuộc Hãng Hàng Không Ba Lan, trước khi chiếc máy đưa ngài về Rôma.

Chuyến bay bị trễ so với chương trình và Đức Thánh Cha đã về đến sân bay Fiumicino lúc 9h30 tối.

Sau hai giờ bay, Đức Giáo Hoàng đã trở lại Vatican vào tối Chúa Nhật kết thúc chuyến tông du thứ 15 của ngài bên ngoài nước Ý.