Ngày 03-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chân dung Thánh Gioan Maria Vianney
Trầm Thiên Thu
01:51 03/08/2013
Hồi thiếu niên, tôi được biết Thánh LM Gioan Maria Vianney qua các tập truyện Hạnh Các Thánh, và tôi đã rất “ấn tượng” với vị thánh “không giống ai” này. Việc Chúa làm quá kỳ lạ! Quả thật, “điều gì là không thể với loài người thì vẫn có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 19:26). Ngài bị rủa là “con lừa”, nhưng “con lừa” Vianney đã làm nên trò trống đáng kể!

Có lẽ không người Công Giáo nào lại không nghe danh của Thánh Linh mục Gioan Baotixita Maria Vianney (Jean Baptiste Marie Vianney, John Baptist Mary Vianney – lễ nhớ vào ngày 4-8 hằng năm), gọi tắt là Gioan Vianney, và thường gọi là Curé d’Ars (cha sở xứ Ars). Tại sao? Vì ngài quá nổi tiếng, nổi tiếng cả về sự học dốt, cả về nhân đức khiêm nhường và lòng đạo đức thánh thiện.

Cha mẹ ngài là ông Matthêu Vianney và bà Maria Beluze, cả hai là người Pháp. Gia đình có 6 anh chị em, Thánh Gioan Vianney là con thứ tư. Gia đình Vianney nhân hậu, hay giúp người nghèo, và đã từng đón tiếp Thánh Bênêđictô Giuse Labre (bổn mạng những người đi bộ) khi thánh nhân đi qua xứ Dardilly trên đường tới Rôma.

Mẹ của Thánh Gioan Vianney là một phụ nữ rất sùng đạo, bà cho con trai biết đạo rất sớm. Thánh Gioan Vianney nói: “Tôi mắc nợ mẹ tôi, các nhân đức của mẹ tôi dễ dàng đi vào lòng con cái, và con cái sẵn sàng làm những gì được nhìn thấy”. Ngài có bản chất tốt, với đôi mắt xanh và tóc nâu. Về sau, ngài nói: “Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu. Tôi quen như thế nơi tòa cáo giải, từ miệng của các hối nhân”.

Thánh Gioan Vianney là người có cách nhìn xuyên suốt mọi trở ngại và có những hành vi tưởng chừng như không thể có. Ngài khao khát làm linh mục nhưng lại không đủ điều kiện vào chủng viện, vì sức học quá yếu kém nên ngài đã phải cố gắng hết sức để có thể vượt qua chính mình.

Thời đó, La ngữ là ngôn ngữ chính của Giáo Hội, vì thế mà chủng viện được gọi là Trường La-tinh. Nhưng ngài không học nổi La ngữ nên buộc ngài phải dừng bước. Nhưng mơ ước làm linh mục trong ngài vẫn cháy bỏng khiến ngài tự tìm thầy dạy riêng. Sau thời gian dài vật lộn với sách vở, ngài được thụ phong linh mục. Thánh Ý Chúa thật kỳ diệu!

Ngài muốn dâng hiến vì vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Ngài quyết tâm phải thánh thiện từ nhỏ, và điều đó đã hoàn tất nơi ngài. Mọi lời ngài nói ra đều được nói bằng tâm tình sùng kính và yêu mến Chúa. Thành công của ngài khó ai có thể bắt chước. Ảnh hưởng của ngài không thể bỏ qua, và kết quả không thể tranh luận.

Lúc 20 tuổi, ngài rất khó khăn để học làm linh mục. Sau nhiều gian truân lắm, thầy Gioan Vianney mới được chấp nhận trở thành linh mục. Thầy Mathias Loras, có thể là người thông minh nhất của ngài trong chủng viện, được phân công giúp ngài học, và cũng rất nóng tính. Một hôm, hết chịu nổi khả năng của Gioan Vianney, Mathias Loras (12 tuổi) đã bạt tai Gioan Vianney trước mặt các chủng sinh khác. Mathias Loras thấy nóng mặt, nhưng cậu vẫn quỳ xuống trước mặt Gioan Vianney để xin lỗi. Mathias Loras có một trái tim vàng. Gioan Vianney cảm thấy buồn và bật khóc, rồi ôm lấy Mathias Loras đang quỳ dưới chân mình. Việc này bắt đầu một tình bạn khăng khít. Mathias Loras về sau làm nhà truyền giáo tại Hoa Kỳ, rồi làm giám mục giáo phận Dubuque, nhưng không bao giờ quên kỷ niệm xưa.

Một ngày kia, một giáo sư thần học thừa lệnh giám mục đến khảo sát Gioan Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục hay không. Tuy đã cố hết sức học hành, nhưng thầy Gioan Vianney vẫn không thể trả lời được câu nào cho trôi chảy. Bực mình và nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Gioan Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì chứ?”. Nếu ở Việt Nam, chắc hẳn Gioan Vianney bị rủa là “dốt đặc cán mai” hoặc “đầu bã đậu”.

Tuy nhiên, Gioan Vianney vẫn khiêm tốn và bình tĩnh trả lời: “Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3.000 quân Philitinh. Vậy với cả con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”. Quá tuyệt vời! Tuy học lực kém cỏi, chẳng bằng ai, nhưng ngài lại có cách trả lời rất thông minh. Đúng là Chúa Thánh Thần tác động nơi ngài!

Và rồi “con lừa” Gioan Vianney đã làm nên trò trống là làm rạng danh Thiên Chúa và mưu ích cho Giáo Hội rất nhiều. Cùng với Catherine Lassagne và Benedicta Lardet, ngài đã lập Nhà La Providence (Chúa Quan Phòng), một nhà dành cho các cô gái “sa cơ, lỡ vận”. Ngài tin rằng Thiên Chúa sẽ ban các điều cần cho tinh thần và thể lý của những người coi Nhà Chúa Quan Phòng là nhà của mình.

Những việc “bất khả thi” luôn ám ảnh ngài. Tài mọn, trí hèn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục vào năm 1815, lúc ngài 29 tuổi. Sau 3 năm ở xứ Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars – một giáo xứ nhỏ và “hoang vu” tại Pháp quốc. Khi vừa đặt chân đến xứ Ars, ngài đã quỳ xuống hôn mảnh đất này. Hành động đặc biệt này đã được Chân phước GH Gioan Phaolô II noi gương mỗi khi ngài đến nơi nào đó.

Trong thời gian quản nhiệm xứ Ars, một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện, ngài gặp nhiều giáo dân sống lạnh nhạt và sống khá “thoải mái”. Ngài muốn giúp họ ăn chay nghiêm ngặt và ngủ ít vào ban đêm, vì có một số quỷ chỉ có thể bị xua đuổi bằng việc cầu nguyện và ăn chay.

Lm Gioan Vianney cố gắng đạt được điều mà nhiều linh mục ước muốn, nhưng đó là điều khó. Không thể làm trong một sớm một chiều, mà phải kiên nhẫn thay đổi từng chút. Ngài nhận định: “Nếu một linh mục không muốn mất linh hồn, thì ngay khi giáo xứ gặp rắc rối, linh mục đó phải vượt qua mọi toan tính của con người, không sợ bị khinh thường và bị thù ghét. Linh mục đó không cần phải biện hộ, dù bị sát hại. Mục tử muốn làm sứ vụ thì luôn phải cầm gươm trong tay. Chính Thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Corintô: Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?”. (*)

Trong các bài giảng đầu tiên, Thánh Gioan Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ Ars: Báng bổ, nguyền rủa, không coi trọng ngày Chúa Nhật, chỉ ưa tụ tập ăn nhậu và múa hát ở các quán xá, hát những bài ca trơ trẽn và ăn nói tục tĩu. Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người”.

Thánh Gioan Vianney không bao giờ nghĩ xứ Ars sẽ thay đổi cho đến khi có 200 người sống theo Mười Điều Răn của Chúa, Sáu Điều Răn của Giáo Hội và hoàn tất nhiệm vụ trong cuộc sống. Điều này có đòi hỏi quá nhiều để đổi lấy Nước Trời? Chúa Giêsu nói: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22). Nếu chúng ta hỏi họ làm gì trong ngày Chúa Nhật, có thể họ sẽ trả lời: “Tôi bán linh hồn cho ma quỷ và đóng đinh Chúa Giêsu... Tôi đã được tiền định xuống hỏa ngục...”. Đó có thể là lời được nói ra hoặc chỉ được nói thầm trong lòng!

Thánh Gioan Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars. Không còn làm việc ngày Chúa Nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn. Cuối cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia đình cũng hết. Lòng chân thật trở nên tính cách chung. Thánh Gioan Vianney viết: “Xứ Ars không còn là xứ Ars xưa nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ. Cả xứ Ars trở nên một cộng đoàn đạo hạnh. Ngài vui mừng dạy giáo lý cho trẻ em và dạy chúng làm bổn phận.

Thánh Gioan Vianney thánh hóa mình trong công việc và luôn sống trong thế giới siêu nhiên, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một con người và một linh mục. Ngài nói: “Thật tốt đẹp biết bao khi làm mọi việc đều kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành! Hồn tôi ơi, hãy can đảm! Nếu ngươi làm việc với Thiên Chúa, ngươi sẽ thực sự làm việc, và Ngài sẽ chúc lành cho công việc. Ngươi sẽ bước đi và Ngài sẽ chúc lành cho những bước chân. Mọi thứ đều được ghi công. Hãy dâng mọi đau khổ nhỏ lên cho Chúa. Tốt đẹp biết bao nếu biết dâng mình, dâng ngày, dâng mọi sự cho Chúa!”.

Trong thư an ủi người anh em họ là Lm Chalovet, Thánh Gioan Vianney viết: “Tôi vội viết những dòng này để nói anh đừng bỏ đi, dù có những thử thách mà Chúa muốn anh chịu đựng. Hãy can đảm! Nước Trời đủ để làm phần thưởng cho anh. Hãy nhớ rằng ma quỷ trong thế giới này muốn giành lấy các Kitô hữu tốt lành. Anh đang trong hành trình tử đạo. Nhưng phúc thay nếu anh là người tử đạo vì bác ái! Đừng để mất triều thiên vinh hiển đó. Chính Chúa Giêsu đã nói: ‘Phúc cho ai chịu bách hại vì Ta’. Xin chào tạm biệt. Hãy kiên trì và chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Nước Trời... Hãy can đảm lên, hỡi người anh em! Chúng ta sẽ sớm thấy Thiên đàng vinh quang. Sẽ không còn thập giá cho chúng ta! Thật là thiên phúc! Chúa Giêsu đã yêu chúng ta quá nhiều và Ngài sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc!”.

Từ nhỏ, Thánh Gioan Vianney đã yêu mến Đức Mẹ. Khi là linh mục, ngài luôn cố gắng truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ. Các gia đình trong xứ Ars đều có tượng Đức Mẹ trước nhà, và trong nhà nào cũng có ảnh Đức Mẹ với chữ ký “M. le Curé” (Cha sở Maria, tức là Lm Gioan Maria Vianney). Năm 1814, ngài cho dựng tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại nhà thờ xứ. Tám năm trước đó, ngày 1-5-1836, ngài đã dâng xứ Ars cho Đức Mẹ Vô Nhiễm. Những ngày lễ Đức Mẹ, giáo dân rước lễ rất đông, và nhà thờ không bao giờ vắng người. Chiều các ngày lễ Đức Mẹ, không ai muốn bỏ lỡ các bài giảng của ngài về Đức Mẹ. Người nghe rất phấn khởi khi nghe ngài nói về sự thánh thiện, sức mạnh và tình yêu của Đức Mẹ.

Giáo dân xứ Ars nói với nhau: “Cha xứ của chúng tôi luôn làm những điều ngài nói và thực hiện những điều ngài giảng. Không bao giờ thấy ngài nghỉ ngơi thoải mái”. Ngài ăn chay nghiêm ngặt, đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Ngài ngủ ít, mà chỉ nằm trên chiếc chiếu giản dị, và việc ăn uống của ngài cũng rất sơ sài, có khi chỉ là mấy củ khoai. Thánh Gioan Vianney đọc sách nhiều, và thường đọc hạnh các thánh. Ngài ấn tượng với cách sống thánh thiện của các thánh, ngài muốn chính ngài và người khác cũng noi theo những tấm gương đạo đức đó. Cách sống của ngài khiến chúng ta phải thẳng thắn tự xét mình rất nhiều! Đúng là “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

Ngài nói: “Nếu chúng ta không là thánh bây giờ, thật bất hạnh cho chúng ta, vì thế mà chúng ta phải nên thánh ngay bây giờ. Trong lòng chúng ta không có tình yêu thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm thánh”.

Từ năm 1827, bắt đầu có nhiều người đổ về xứ Ars. Khách hành hương đến từ Pháp, Bỉ, Anh và từ Mỹ châu. Động lực chính của khách hành hương là muốn xưng tội với vị thánh sống và nghe lời khuyên của cha sở thánh thiện của xứ Ars. Tất cả là hồng ân Chúa, việc Chúa làm, chứ ngài không bao giờ xía vào chuyện riêng của người khác. Ngài hoàn toàn không tò mò, thọc mạch, hoặc chỉ trích giáo dân. Cũng như Thánh Giám mục Phanxicô Salê, ngài có biệt tài “thấy những cái mà người khác không thấy”. Khi giải tội, ngài thực sự thương yêu các hối nhân, đến nỗi ngài thường khóc ngay tòa giải tội. Người ta hỏi sao ngài khóc thì ngài trả lời: “Tôi khóc vì bạn không khóc”.

Người ta nói rằng “phép lạ vĩ đại của cha sở xứ Ars là tòa cáo giải”, vì ngài giải tội suốt ngày suốt đêm. Cũng có người nói rằng “phép lạ vĩ đại nhất của cha sở xứ Ars là hoán cải tội nhân”. Một hôm, có người tới xưng tội, người này chỉ đến nhà thờ vào ngày lễ Giáng sinh và Phục sinh. Thánh Gioan Vianney hỏi: “Ông xưng tội bao lâu rồi?”. Người này trả lời: “Bốn mươi năm rồi”. Ngài ngạc nhiên: “Bốn mươi năm thật sao?”. Người này nói: “Dạ, đúng là bốn mươi năm”. Và rồi người đàn ông này đã trở lại và chết tốt lành.

Ngày nay, mỗi năm có hơn 500.000 lượt người đến thăm giáo xứ nhỏ bé Ars để kính viếng thi-hài-không-hư-nát của một Đại thánh nhân của Giáo Hội Công Giáo. Cuộc đời Thánh Gioan Vianney là câu chuyện dài về sự thánh thiện và đức khiêm nhường, ngài có trí thông minh kém cỏi nhưng rất thông minh về Thiên Chúa. Ngài chỉ thành công khi trở thành linh mục, ngài đã hoán cải cuộc đời rất nhiều tội nhân và ảnh hưởng mọi lớp người.

Suốt đời linh mục, ngài rất coi trọng việc giải tội vì ngài muốn mọi tội nhân được giải hòa với Thiên Chúa. Từ năm 1827, Lm Gioan Vianney trở nên nổi như cồn khắp thế giới, người từ khắp nơi bắt đầu tuôn đến xứ Ars để được gặp “thánh sống” và xin ngài linh hướng. Năm 1855, số khách hành hương lên tới 20.000 lượt người mỗi năm. Do đó, có những ngày ngài giải tội 11 giờ hoặc 12 giờ vào mùa Đông, và thậm chí là 16 giờ vào mùa Hè. Ngài không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu. Khi nhiều người biết đến ngài, ngài dành thêm thời gian để phục vụ Thiên Chúa, thậm chí ngài có rất ít thời gian để ngủ vì ngài thường xuyên bị ma quỷ “quấy rầy”.

Ngài không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu. Khi nhiều người biết đến ngài, ngài dành thêm thời gian để phục vụ Thiên Chúa, thậm chí ngài có ít thời gian để ngủ vì thường xuyên bị ma quỷ “quấy rầy”. Ăn ít và ngủ ít, khuôn mặt ngài rất khắc khổ, má hóp, da nhăn, tóc hóa “bạch kim” vì hết mình làm công việc mục vụ đến nỗi quên cả chăm sóc bản thân và hành xác theo quan niệm ngày xưa. Ngài rất sùng kính Đức Mẹ và Thánh Philomena – Trinh nữ Tử đạo, vì chính ngài đã cầu xin Thánh nữ chữa khỏi bệnh cho ngài.

Thánh Gioan Vianney sinh sinh ngày 8-5-1786 tại TP Dardilly (Pháp quốc). Ngày 4-8-1859, Lm Gioan Vianney trút hơi thở cuối cùng để về với Chúa tại xứ Ars (Pháp quốc), làm cha sở xứ Ars được 41 năm. Ngài được ĐGH Piô X tôn phong chân phước, và được ĐGH Piô XI tôn phong hiển thánh năm 1925. Ngài còn được tôn phong là bổn mạng các linh mục, thế nhưng có những linh mục vẫn chưa thực sự noi gương ngài để trở thành khí cụ hiệu quả của Thiên Chúa!

Cuộc đời Thánh Gioan Maria Vianney là mục tử đích thực, vì ngài đã thực sự hoàn tất theo Thánh Ý Chúa, đúng như lời Thầy Chí Thánh Giêsu đã xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).

Trong phòng áo lễ của tu viện, Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta treo tấm bảng ghi: “Xin linh mục của Chúa dâng lễ này như Thánh lễ mở tay, như Thánh lễ sau cùng, như Thánh lễ chỉ dâng duy nhất một lần trong đời mà thôi”. Một nữ tu mà có ý tưởng sâu sắc, đầy chất thần học, và ý hướng thánh thiện quá, vì cử hành thánh lễ là cử hành bí tích, nhiệm vụ rất quan trọng!

Có quy-trình-trao-đổi thế này: Nếu linh mục là vị Thánh, giáo dân sẽ thánh thiện; nếu linh mục thánh thiện, giáo dân sẽ tốt lành; nếu linh mục tốt lành, giáo dân sẽ tử tế; nếu linh mục tử tế, giáo dân sẽ vô tín ngưỡng. Thánh Gioan Vianney đã và đang nhắc nhở chúng ta nhiều điều lắm! Hãy tự đấm ngực chứ đừng vỗ ngực, tự nhận lỗi mình, đừng biện hộ bằng những cái NẾU, VÌ, BỞI, TẠI, GIÁ MÀ,...

Lúc sinh thời, Thánh Giáo hoàng Piô X (1835-1914) đã xác định: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, tôi sẽ chết nghèo hèn”. Ngài đã tỏ ra lúng túng vì một số nghi thức long trọng dành cho ngài trong lễ đăng quang giáo hoàng. Ngài nói trong nước mắt: “Nhìn kìa! Người ta cho tôi mặc đẹp biết bao!”. Rồi ngài nói thêm: “Phải chấp nhận như thế là việc đền tội. Họ dẫn tôi đi với lính tráng vây quanh như Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt trong vườn Gếtsimani vậy”. Hay quá! Tuyệt quá! Nhân đức quá!

Hình ảnh vị Giáo hoàng Phanxicô đang cho chúng ta thấy rõ nét chân dung Đức Kitô: Nghèo khó, khiêm nhường, giản dị, hòa nhã, tươi cười,…

Ngày 9-7-2013, trong khu vườn Vương Cung Thánh Đường Buenos Aires, nơi trước đây ĐHY Jorge Mario Bergoglio đã cai quản trước khi trở thành vị Giáo hoàng của Mỹ Châu Latin đầu tiên trên thế giới, bỗng dưng xuất hiện bức tượng chân dung ĐGH Phanxicô. Bức tượng chân dung này do nghệ sĩ Fernando Pugliese thiết kế, và họ cũng chỉ muốn tỏ lòng quý mến ngài thôi. Nhưng khi hay tin như vậy, ngài đã gọi điện thoại cho những người hữu trách phải gỡ bỏ ngay lập tức bức tượng tạc ngài ra khỏi khu vườn đó. Độc đáo lắm!

Và rồi ngày 22-7-2013, khi đáp trực thăng tới Rio de Janeiro để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới, ĐGH Phanxicô đã đích thân xách cặp chứ không để cho ai xách dùm. Ngài muốn đến gần các bạn trẻ nhưng không ai cho ngài tới vì lý do an ninh, ngài bảo: “Tôi như bị nhốt trong lồng vậy”. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều mà chấn chỉnh cách sống và lề thói làm việc. Vì chúng ta còn rất quan liêu, mỗi cấp mỗi “định dạng” và “mặc định” khác nhau. Hãy “sớ gáy” mình trước, đừng vội trách ai!

Lạy Thánh Gioan Vianney, xin cho chúng con biết noi gương thánh thiện của ngài, và xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con để chúng con có thể mau mắn hoán cải và sống theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
 
Lễ thánh Gioan Vianney ''Chủ chiên phải có mùi chiên''
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:53 03/08/2013
LỄ THÁNH GIOAN MARIA VIENNEY

Hình ảnh và video cuả một bé trai 9 tuổi làm Đức Thánh Cha Phanxicô rơi lệ đã lan tràn 'như lửa cháy' trên cộng đồng mạng trong những ngày qua.

Lúc xe của Đức Thánh Cha đi qua, một cậu bé trai tên là Nathan de Brito, mặc áo thun cuả đội banh Brazil, đã len lỏi chạy theo Đức Thánh Cha một hồi rất lâu, rồi khi chiếc xe tạm ngừng thì đã vượt qua hàng rào an ninh, leo lên ôm lấy ngài và noí trong nước mắt: "Đức Thánh Cha ơi, con muốn trở thành một linh mục cuả Chuá Kitô, làm đại diện cho Chuá Kitô"

Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất xúc động, Ngài nói với em rằng:"Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng Cha xin con cũng cầu nguyện cho Cha", sau đó Ngài lau nước mắt cho em, ôm lấy em và nói, "Kể từ hôm nay thì ơn Kêu Gọi cuả con là chắc chắn nhé".

Phải khó khăn lắm người ta mới gỡ em ra khỏi Đức Thánh Cha và kéo cậu xuống.

Cậu bé Nathan còn tiếp tục tung nụ hôn tới cho Đức Thánh Cha, cho đến khi một nhân viên an ninh giỗ dành cậu và đưa cậu về với gia đình.

Theo tin từ Brazil cho biết thì em Nathan là một cư dân cuả khu phố Cabo Rio, và sau khi sự việc xảy ra thì em đã được chào đón như một vị anh hùng.

Hãng truyền hình O Globo TV mô tả rằng: "Mọi người đều đã biết về ước muốn làm linh mục cuả em và muốn biết thêm về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và làm thế nào mà em đã có đủ can đảm để vượt qua hàng rào các nhân viên bảo vệ."

Bạn bè của em thì hãnh diện vì 'một trong những người cuả chúng' đã được gặp Đức Giáo Hoàng, còn gia đình de Brito thì cho biết họ cảm thấy "rất may mắn."

Còn cảm tưởng cuả em?

"Em cần phải học thêm thần học", cậu bé nói với một nụ cười, thêm rằng em sẵn sàng làm "tất cả mọi thứ" để theo đuổi ơn gọi làm linh mục cuả em.Keyla Fernandes, cô giáo của em, cho biết de Brito có điểm học xuất sắc và hạnh kiểm tốt."Hạnh kiểm tốt chứng tỏ em đã thấm nhuần các đức tính Kitô giáo, chẳng hạn như đức vâng lời," cô nói.

Còn Cha Xứ Valdir Mesquita dự đoán rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng cuả em "sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác muốn làm linh mục."

Kể từ khi em lên năm hay sáu tuổi, "em đã nói rằng em muốn trở thành một linh mục,". Cha Mesquita nói. "Cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ lưu lại trong trái tim cuả em và mãi mãi thay đổi cuộc sống của em". (x.vietcatholic.org).

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Vianney, bổn mạng các Linh mục.

Từ thửa nhỏ, Gioan Vianney khao khát làm linh mục. Sau này ngài kể: “Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết điều xấu”. Không đủ điều kiện vào chủng viện vì sức học yếu nên ngài đã phải cố gắng hết sức để có thể vượt qua. Ước mơ làm Linh mục trong ngài luôn cháy bỏng.

Tài mọn, trí hèn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục vào năm 1815, lúc 29 tuổi. Sau 3 năm ở xứ Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars, một giáo xứ nhỏ và xa xôi Khi vừa đặt chân đến xứ Ars, ngài đã quỳ xuống hôn mảnh đất này.

Trong thời gian quản nhiệm xứ Ars, một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện, ngài gặp nhiều giáo dân sống lạnh nhạt và sống buông thả trong tội lỗi.

Cha sở Vianney đã kiên nhẫn để thay đổi lòng người từng chút và từng ngày.Trong các bài giảng đầu tiên, cha sở Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ Ars như: báng bổ, nguyền rủa, không coi trọng ngày Chúa Nhật, chỉ ưa tụ tập ăn nhậu và múa hát ở các quán xá, hát những bài ca trơ trẽn và ăn nói tục tĩu. Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người”.

Cha sở Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars. Không còn làm việc ngày Chúa Nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn. Cuối cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia đình cũng hết. Lòng chân thật trở nên tính cách chung. Cha sở Vianney viết: “Xứ Ars không còn là xứ Ars xưa nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ. Cả xứ Ars trở nên một cộng đoàn đạo hạnh.

Năm 2010, tôi có đi hành hương đến thăm Xứ Ars.

Thăm nhà xứ, tôi thấy tất cả các căn phòng vẫn còn giữ nguyên trạng như những ngày thánh nhân còn sống, quá đơn sơ và nghèo nàn…Nhà bếp lụp xụp, khói đen phủ kín tường gạch trét vôi, mấy cái nồi niêu soong chảo cũ kỷ treo trên tường. Cái nồi luộc khoai lang treo lơ lững, bên dưới có bóng điện nhỏ như ngọn lửa cháy, chiếu rõ màu đen bụi khói qua năm tháng. Khoai lang luộc là thức ăn hàng ngày của cha xứ.

Cái bàn ăn bằng gỗ cùng với hai cái ghế gỗ nhỏ toát lên cuộc sống đạm bạc của chủ nhân. Cầu thang gỗ dẫn lên gác. Căn phòng nhỏ thấp, nơi thánh nhân sống hơn 30 năm, có chiếc giường bị cháy xém do ma quỷ đốt, một cây súng dài rất cổ treo trên tường, nghe kể là các vị Hội đồng giáo xứ trực nhà xứ đem vào để bảo vệ cha xứ, một cái đồng hồ như là sáng kiến đặc biệt của cha Vianey chia đều công việc 24 giờ trong ngày của ngài. Trong phòng còn có quan tài bằng gỗ sồi, sau 40 năm chôn trong lòng đất, khi khai quật ngôi mộ, xác cha thánh vẫn còn tươi nguyên, một phép lạ Chúa ban. Bị ma quỹ quấy phá nhiều năm, cha thánh chuyển qua phòng khác là nơi dành cho Đức Giám Mục khi đến đây ban phép Thêm Sức. Căn phòng thứ hai này cũng rất nhỏ và thấp, các đồ dùng trong phòng rất giản dị, nghèo nàn. Cái bàn nhỏ bên trên còn để cuốn sách nguyện, từ đó nhìn lên có tượng thánh giá, có mấy tượng ảnh Đức Trinh Nữ Maria, cái giường ngũ nhỏ kê sát tường, nơi thánh nhân ngũ cho đến khi qua đời, đôi giày bạc màu thời gian với khổ chân người nông dân vẫn còn đó, bên cạnh có tủ sách khá nhiều cuốn sách dày, được biết ngài đã đọc và và đánh dấu nhiều trang sách. Thật quá đơn sơ khi nhìn ngắm các vật dụng. Căn phòng ọp ẹp này lại là nơi sinh sống của một con người vĩ đại trong sự giản dị thanh thoát.

Nối giữa hai căn phòng ấy hiện nay là phòng trưng bày những đồ dùng hàng ngày như áo lễ, áo dòng, dù, sắc…tôi cảm động nhất khi nhìn và đọc lịch sử về cái áo lễ, mẹ của ngài đã dành nhiều thời gian để may cho con trai cái áo lễ vì nhà quá nghèo, ngày lễ mở tay, cha Gioan Maria Vianey đã mặc áo lễ do bàn tay mẹ làm nên vào năm 1810. Trên gác là kho lúa mì, cha xứ dùng để nuôi các em cô nhi. Chúa hay làm phép lạ cho kho lúa có đầy để nuôi trẻ mồ côi.

Sau đó,thăm nhà thờ và cử hành Thánh lễ tại chính bàn thờ mà ngày xưa Thánh nhân hằng ngày vẫn dâng lễ, đặt dưới tầng hầm.

Giáo Hội Pháp xây dựng nơi hành hương nổi tiếng này với dáng vẻ hiền lành, đơn giản, khiêm tốn, đúng với cuộc đời của vị thánh đã sống ẩn khuất suốt 41 năm trong âm thầm, lặng lẽ hy sinh vì đàn chiên. Ngay đến Vương cung Thánh đường bằng đá cẩm thạch được dân chúng đóng góp xây dựng sau khi ngài được tuyên Thánh, cũng được xây nối liền sau ngôi nhà thờ năm xưa với gác chuông cũ rêu phong, những khung cửa sổ bạc màu. Bước vào nhà thờ, tôi nhìn thấy tòa giải tội nơi Thánh Gioan Vianney đã từng ngồi miệt mài mỗi ngày hàng chục tiếng đồng hồ, bất kể mùa hè hay mùa đông. Tôi ngồi nơi tòa giải tội vài phút và thầm cầu nguyện với cha thánh. Bên phải Nhà thờ có bàn thờ dâng lễ, phía trên có thi hài cha thánh. Nhiều người đang quỳ gối cầu nguyện sốt mến. Thánh lễ được cử hành hầu như liên tục trong ngày. Hai ngày tĩnh tâm tại đây, tôi chứng kiến nhiều đoàn hành hương đến cầu nguyện và dâng lễ.

Bí quyết nên thánh của Cha sở Vianney là nguồn trợ lực vô biên từ Bí tích Thánh Thể, và con đường mục vụ khởi đầu bằng tòa giải tội. Ngài không thông hiểu tiếng La tinh, nhưng lại thấu hiểu được tâm hồn con người. Ngài có những lời khuyên đơn sơ, nhưng lại dễ lay động lòng người. Ngài khuyên hối nhân bằng lời yêu thương nhẹ nhàng đầy Thần Khí nhưng lại hiệu quả lớn lao cho người ta trút bao gánh nặng tội lỗi, đắng cay khổ đau. Ngài miệt mài nơi tòa giải tội để đánh thức niềm tin và đưa người ta trở về với Chúa. Biết bao con người đã tìm lại bình an và niềm vui từ tòa giải tội này. Biết bao tâm hồn đón nhận ơn Chúa từ bí tích hòa giải. Ngồi nơi tòa giải tội của cha Vianney mà tâm hồn lâng lâng niềm hạnh phúc trong sứ vụ linh mục. Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng : mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ toà giải tội bước ra. Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hoà với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Như thế Cha Vianney là người rất hạnh phúc. Chúa phán với tiên tri Edêkiel: "Edêkiel, Ta đã đặt ngươi làm kẻ canh thức Israel. Nếu ngươi không khuyến cáo các người ác bỏ đàng tội, thì nó sẽ phải chết. Nhưng Ta sẽ hỏi tội ngươi về máu nó đã đổ ra" (Ed 3,17-18). Món nợ của Linh mục đối với Chúa là phải làm hết sức mình để cứu đoàn chiên khỏi tội. Vinh quang của Linh mục là được chia sẻ vinh quang của Đức Mẹ và các thánh là những người đã cộng tác với Đức Kitô trong việc cứu con người khỏi tội lỗi.

Thánh Gioan Maria Vianney đã sống một cuộc đời thánh thiện, toàn tâm toàn lực phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em. Ngài ăn uống kham khổ, sống đơn sơ nhiệm nhặt. Ngài hy sinh hãm mình hằng ngày để xin Chúa biến đổi lòng của từng anh chị em giáo dân, giúp họ biết sống thân tình với Chúa, biết thờ phượng Chúa trên hết mọi sự.

Để có được năng lực tốt nhất mà phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em của mình, thánh nhân hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa. Ngài chìm lắng suốt đời trong cầu nguyện. Cả một ngày sống của cha sở Venney là một ngày sống để cầu nguyện. Thánh nhân bắt đầu ngày cầu nguyện của mình từ nửa đêm về sáng, khi mới một giờ đêm. Khi mọi người còn đang yên giấc, ngài đã vào nhà thờ, quỳ trước nhà tạm, thầm thỉ với Chúa, chiêm ngắm Chúa.

Cha sở Vianney miệt mài ngồi tòa giải tội. Ngài hầu như đọc được tất cả những điều sâu kín trong lòng người, khiến người ta tìm lại được niềm tin, sự bình an của tâm hồn.

Linh đạo Linh mục chính là nên thánh trong công việc mục vụ hàng ngày.Trong ngày Tiếp Kiến chung vào ngày Thứ Tư, 16.5.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giám Mục không phải là Giám Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, Linh Mục không phải là Linh Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân: để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài để bảo vệ họ khỏi chó sói.”.

Trong bài giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào lúc 9giờ30, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 28.3.2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đòi hỏi các Linh mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình mùi của chiên, ngài nói: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình.”.

Qua đó, Đức Thánh Cha muốn căn dặn các Linh mục rằng, cũng như người chăn chiên là phải sống gần gũi, sống lăn lộn với đàn chiên, phải sống chết với đàn chiên để lo lắng chăm sóc, bảo vệ và thăng tiến đàn chiên của mình, đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt người ấy nữa, thì người Linh mục, người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải vậy. Linh mục phải biết sống dấn thân trọn vẹn cho cộng đoàn giáo xứ, cho các linh hồn, không những một cách công bằng, vô vị lợi và bất thiên tư, nhưng còn biết xả thân hy sinh cho quyền lợi chính đáng của giáo dân, biết lấy mọi nỗi thống khổ, mọi khó khăn vất vả và mọi gian lao khổ cực của giáo dân làm của riêng mình, và hết lòng tìm cách an ủi, giúp đỡ họ theo khả năng có thể của mình.

Cha sở Vianney “là mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”, ngài là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh nhân, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng của ngài. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:09 03/08/2013
CHUẨN BỊ TRƯỚC.
N2T

Tham quân Hoàn Đạo Cung, mỗi lần đi săn cùng Nam quận công Hoàn Huyền, nơi lưng đều mang một sợi dây thừng đỏ thắm mềm mại. Hoàn Huyền hỏi ông ta :
- “Ông già rồi, mang sợi dây thừng làm gì vậy ?”
Hoàn Đạo Cung trả lời:
- “Mỗi lần ngài đi săn, nếu có chút gì đó không phấn khởi, thì thích trói tay thủ hạ. Tôi dự liệu cho mình, không sớm thì muộn cũng sẽ bị ngài trói, cho nên đã chuẩn bị trước sợi dây thừng này, lỡ ngài dùng sợi dây thừng vừa thô vừa gai mà trói thì đau lắm !”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư :
Người khôn ngoan là người biết chuẩn bị trước.
Các thánh là những người luôn chuẩn bị trước cho cuộc hành trình về quê trời của họ, hành trang của họ gồm có :
Gậy là đức cậy,
Giày là đức mến,
Lương thực là Thánh Thể,
Dụng cụ y tế là bí tích giải tội,
Y phục là bác ái,
Nón an toàn là khiêm tốn. Tất cả những thứ cần dùng này đều được các ngài bỏ vào trong ba-lô là đức tin.
Đã được chuẩn bị đầy đủ và lên đường với ân sủng của Chúa, nên các thánh đã đi tới mục tiêu của mình, dù cho trên đường đi gặp nhiều khó khăn và đôi lúc hầu như mất phương hướng.
Những người Ki-tô hữu là những người đang trên đường về quê trời, họ cũng được trang bị trước một số hành trang như các thánh, nhưng đi tới đích hay không thì đều hệ tại họ có kiên nhẫn bền chí với ơn gọi nên thánh và sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống của mình hay không mà thôi.
Thiên Chúa đã chuẩn bị trước cho tôi một ba-lô đức tin và những thứ cần thiết ở trong ba lô đức tin ấy làm hành trang, tôi đã sử dụng nó để tiến về quê trời, hay sử dụng nó vào những cuộc du ngoạn vô ích ở cõi hồng trần, và có khi nguy hiểm đến sự sống đời đời của tôi ?
--------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:11 03/08/2013
Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 13-21
“Những gì ngươi sắm đó sẽ về tay ai ?”


Bạn thân mến,
Cuộc sống của con người thật đẹp nhưng cũng thật là phù vân, phù vân là gió thổi mây bay tan trong vũ trụ bao la, phù vân là tụ lại rồi tan nhanh khi có cơn gió thổi tới. Đời sống là phù vân, tiền tài danh vọng địa vị là phù vân, tất cả đều là phù vân, và mạng sống của con người ở trần gian này cũng chỉ là phù vân, phù vân như hoa cỏ sớm nở chiều tàn và trở về với nơi đã làm nên nó: bụi đất.

Tiền bạc là phù vân
Giàu có lắm thì cũng như phú ông tronng bài Tin Mừng là cùng: tiền bạc của cải không có nơi để cất giữ nên phải làm thêm kho lẫm để tích trử, nhưng ông ta không hề tích lủy những việc lành phúc đức để khỏi phải hối hận trước toà phán xét của Thiên Chúa, thất khốn nạn khi đang hưởng thụ của cải tiền bạc thì Thiên Chúa đến đòi lại linh hồn, trở tay có kịp không ?!

Tình cảm cũng chỉ là phù vân
Con người ta sống cần phải có tình cảm: tình yêu vợ chồng, tình bạn, tình thầy trò.v.v…. tất cả tình cảm ấy đều là nhu cầu thiết thực của con người, để con người vươn lên sống với chức phận làm con người của mình. Nhưng những tình cảm thân thiết này cũng chỉ làm bạn với chúng ta cho đến khi quan tài của mình nằm trong mộ, thì cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thiết, bạn sơ giao, cũng tiếc nuối đưa tiễn chúng ta đến phần mộ rồi họ trở về, chứ họ không cùng đi với chúng ta qua thế giới bên kia, và rồi một vài tháng sau thì họ cũng sẽ quên mất người thân vừa qua đời của mình.

Việc làm tốt
Chỉ có một người bạn thân sẽ đi với chúng ta khi chúng ta từ giã cõi đời này, đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm khi còn sống. Tiền tài danh vọng sẽ qua tay người khác khi chúng ta nhắm mắt, cha mẹ, con cái bạn bè và những người thân yêu, dù yêu thương chúng ta đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ đưa chúng ta ra đến phần mộ rồi họ trở về, nhưng những việc làm tốt đẹp có ích cho mọi người mà bạn và tôi đã làm khi còn sống, cũng sẽ có ích cho chúng ta khi chúng ta đến trước tòa Thiên Chúa để chịu phán xét…

Bạn thân mến,
Hôm qua và hôm kia tôi đã đi dâng thánh lễ ở hai viện dưỡng lão khác nhau trong khu vực tôi chịu trách nhiệm truyền giáo, tôi đã giúp cho những cụ già nhìn lại cuộc sống của mình: Lúc còn trẻ họ (các cụ già) thì bôn ba thức khuya dậy sớm để kiếm tiền và tích lũy bạc tiền cho mình và cho con cái, bây giờ tuổi đã cao, không được ở nơi nhà cao cửa rộng mà mình đã đổ mồ hôi để gầy dựng, con cái một hai tháng mới đến thăm một lần, nói qua loa vài chuyện rồi trở về với gia đình riêng của nó, tuổi già lụm khụm lui tới trong viện dưỡng lão cô đơn, mới thấy cuộc đời tiến tài danh vọng là phù vân và phù vân, do đó chúng ta chỉ còn có một công việc cần phải làm mà khi còn trẻ chúng ta không làm hay chưa làm tốt, đó chính là chuẩn bị thời giờ còn lại chăm sóc cho linh hồn mình bằng lời cầu nguyện và những việc làm tốt, có ích lợi cho linh hồn mình cũng như cho linh hồn người khác.

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và hằng ở cùng bạn và tôi trong mọi hoàn cảnh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng làm cho cái phù vân trở thành lời ca chúc tụng Ngài trong cuộc sống của chúng ta, và chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta không trở nên phù vân nhờ cái chết và sống lại của Chúa Giê-su.

Tiền tài, danh vọng và ngay cả mạng sống của con người cũng đều là phù vân nay còn mai mất, bon chen vất vả khổ cực cả đời rồi cũng tay trắng ra đi về với cát bụi…

Cái duy nhất còn lại và trung tín với chúng ta đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm vì tha nhân mà thôi…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:13 03/08/2013
N2T

25. Khi chúng ta cầu nguyện thì chúng ta nói chuyện với Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta đọc Thánh Kinh, thì Thiên Chúa nói chuyện với chúng ta.

(Thánh Isidore)
-------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:14 03/08/2013
THƯƠNG TIẾC
Khi ngài đến nhận xứ khoảng vài tháng đầu, thì có rất ít giáo dân thích ngài, vì ngài rất thẳng thắn trong lập trường, trong sáng khi giảng dạy, nhiệt tình trong công việc, nghiêm khắc trong lễ nghi, vui vẻ hòa đồng khi sinh hoạt...
Mấy năm sau, ngài lại được bài sai đi nhận xứ khác, giáo dân kẻ buồn người khóc vì họ thấy giá trị tinh thần mục tử nơi con người của ngài...
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tầm nhìn của ông phú hộ
LM. An-phong Nguyễn Công Minh
22:23 03/08/2013
CN 18C : Tầm nhìn của ông phú hộ

(bài giảng của cha Hàm)

Tại Pa-lét-tin người ta thường đem những vấn đề tranh cãi đến xin các ra-bi phân xử. Đối với nhân vật trong đoạn này, ông coi Chúa Giê-su là một vị thầy có thế giá có thể giải quyết vấn đề cho ông. Nhưng Chúa Giê-su từ chối không muốn tham dự vào vấn đề tranh chấp về tiền bạc. Có những người đến với thẩm quyền tôn giáo không phải để xin những chỉ dẫn về đời sống thuộc linh, mà lại xin giải quyết những vấn đề vật chất. Chúa Giê-su không đáp lại yêu cầu này, không phải không nhạy cảm về những bất công có thể có trong phạm vi gia đình, nhưng Ngài không muốn can thiệp vào những việc không liên hệ trực tiếp đến sứ mạng cứu rỗi : "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?"

Có thể câu trả lời này chứa đựng một thông điệp cho thời đại chúng ta, cảnh cáo chúng ta đừng lẫn lộn những nhiệm vụ của Giáo Hội và Nhà Nước. Địa hạt của Giáo Hội là thuộc linh, thẩm quyền của Giáo Hội không phải là để quyết định những vấn đề kinh tế và chính trị. Tuy nhiên Giáo Hội có những cống hiến và ghi khắc những nguyên tắc liên quan đến các vấn đề luân lý và quyết định về sự công bình và lẽ phải trong mọi lãnh vực nhân sinh.

Chúa Giê-su đã từ chối đứng ra "chia gia tài", nhưng Ngài đã nhìn sâu vào căn nguyên lời yêu cầu và thấy rằng người ấy đã bỏ qua luật lệ dân sự để đến nhờ một vị thầy tôn giáo giúp đỡ là do lòng tham lam thúc đẩy. Nhân cơ hội này Chúa chỉ dạy cho kẻ theo Chúa phải có thái độ nào đối với vấn đề vật chất, và Ngài dạy qua một câu chuyện. Câu chuyện về lão phú hộ ngu dại dạy ta rằng tiền của không tạo nên nội dung thật của sự sống, cho nên chỉ mải lo tìm kiếm vàng bạc mà quên Thiên Chúa là điều khờ dại.

Có hai điều đáng chú ý về người giàu này :

- Ông ta không hề nhìn xa hơn chính mình : không có dụ ngôn nào nhiều chữ "mình" như trong dụ ngôn này : "Hoa màu của mình, kho lẫm của mình, thóc lúa và của cải của mình, linh hồn của mình." Đó là những chữ rất khó nghe mà người ích kỷ hay dùng đến. Người giàu ích kỷ chỉ biết nỗ lực tập trung vào mình. Có lời phê bình nổi tiếng về người ích kỷ như sau : "Có quá nhiều cái tôi trong vũ trụ của hắn !" Khi người này đã có của cải dư dật, ông không bao giờ nghĩ đến việc chia sẻ. Tất cả thái độ của ông đi ngược lại hẳn với tinh thần Ki-tô giáo. Thay vì từ chối mình, ông ta lại bảo vệ mình một cách khiêu khích ; thay vì tìm hạnh phúc trong sự san sẻ, ông ta đã cố sức bám lấy hạnh phúc bằng cách bám chặt lấy của cải. Luật sống của John Wesley là tiết kiệm hết sức mình và ban phát hết sức mình. Khi ông ở Oxford ông có số lương là ba mươi bảng Anh một năm. Ông tiêu hai mươi tám bảng và cho đi hai bảng. Khi lương của ông tăng lên sáu mươi, rồi chín mươi, rồi một trăm hai mươi đồng một năm, ông cũng chỉ tiêu xài hai mươi tám bảng, còn bao nhiêu thì cho đi. Khi viên kế toán trưởng của công ty đồ gia dụng xin ông gửi bảng liệt kê những gì cần mua, ông trả lời "Tôi có hai thìa cà phê bạc tại Luân đôn và hai cái tại Bristol, đó là tất cả đồ bằng bạc mà tôi có hiện giờ, và tôi không mua thêm cái nào nữa trong lúc biết bao nhiêu người chung quanh tôi không có bánh ăn." Châm ngôn La-mã có câu : "Tiền bạc khác nào nước biển, ai càng uống nó thì càng khát thêm." Bao lâu người ta có thái độ giống như người giàu ngu dại thì người ta cứ ước ao được giàu thêm mãi -và đó là thái độ ngược với tinh thần Ki-tô giáo.

- Ông ta không hề nhìn xa hơn thế giới của mình. Mọi chương trình của ông ta chỉ đặt nền tảng cuộc sống lẩn quẩn trong thế giới của ông ta. Sau đây là cuộc đàm thoại giữa một chàng thanh niên ham hố và một ông lão hiểu đời :

Chàng nói : "Tôi sẽ học buôn bán." Ông lão hỏi : Rồi sao nữa ? Rồi sao nữa ? –"Tôi sẽ mở hiệu buôn." Rồi sao nữa ? –"Tôi sẽ dựng nên cơ nghiệp lớn !" Rồi sao nữa ? – “Tôi sẽ trở về già, hưu hạ và sống bằng tiền bạc của tôi !" Rồi sao nữa ? – “Ờ có lẽ một ngày kia tôi sẽ chết.” Rồi sao nữa ?

Câu hỏi sau cùng như một lưỡi dao. Người nào không hề nghĩ rằng có một thế giới bên kia thì người đó sẽ có ngày phải gặp một bất ngờ và cũng khủng khiếp.

Khi giải thích dụ ngôn này của Chúa, thánh Anatasiô đưa ra lời khuyên : "Ai sống như phải chết mỗi ngày – vì biết rằng cuộc sống này tự nó là tạm bợ, không chắc chắn - sẽ không phạm tội, vì lòng sợ hãi Chúa dập tắt một phần lớn lòng tham lam ; trái lại, ai nghĩ mình còn sống lâu sẽ dễ dàng để cho mình bị dục vọng cai trị."

Người Do-thái hay kể truyện dụ ngôn về A-lịch-sơn Đại đế. Vị danh tướng mệt mỏi vì đi bộ đường xa, bèn ngồi nghỉ bên bờ một suối kỳ lạ. Ông uống nước và cảm thấy sảng khoái lạ lùng. Ông nhúng cá muối vào nước cho đỡ mặn và ngạc nhiên khi thấy nước làm cho cá có vị ngon lạ thường. Ông tự nghĩ : “Chắc hẳn đây không phải là nước thường, nó phải phát xuất từ một kỳ diệu nào, ta phải lần đến tận nguồn xem sao." Ông đi mãi cho tới cổng thiên đàng. Cổng khóa, ông gõ cổng xin vào, nhưng bên trong chỉ có một tiếng đáp lại : "Ngươi không được vào đây, vì cổng này thuộc về Chúa." Vị đại tướng trả lời ngạo nghễ : "Ta là Chúa của trái đất. Ta là A-lịch-sơn chiến thắng, không mở cửa cho ta sao ?" – “Không, chúng ta chẳng biết kẻ chiến thắng nào hết. Chúng ta chỉ biết những người đã chiến thắng dục vọng thấp hèn của mình, chỉ những người công chính ngay thẳng, mới được vào thiên đàng.”

A-lịch-sơn giận dữ như điên cuồng, nhưng chẳng ảnh hưởng chi hết đến người giữ cổng thiên đình. Ông đổi ra o bế và hối lộ, nhưng vẫn vô hiệu, bèn nài nỉ lần chót : "Ta là vua lớn và được mọi nước suy phục. Dầu không cho ta vào thiên đàng, nhưng ít ra cũng cho ta vật gì đem về để chứng tỏ với người thế gian rằng ta đã được đến nơi chưa từng có ai đến.” Người gác cổng đáp : "Đây, hỡi tên khùng kia, ta cho ngươi điều ngươi xin, cầm về và tìm hiểu ý nghĩa của nó. Nó sẽ cho ngươi bài học khôn ngoan mà chưa từng có ai dạy ngươi. A-lịch-sơn vồn vã đưa tay nhận gói quà và vội vàng trở về trại quân mở ra coi. Lạ quá, trước mắt ông, chỉ là một mảnh sọ người. Giận dữ, ông quẳng mảnh xương xuống đất, la to : “Đây là quà tặng cho vị vua anh hùng sao ? Công ta lặn lội vất vả chỉ xứng như thế này sao ?” Nhưng trong đoàn tùy tùng có một người thông thái, ông khuyên vua : "Tâu đức vua, xin chớ khinh vật nhỏ bé này, nó có tính chất rất lạ kỳ đáng đức vua để ý. Hãy cân nó với vàng bạc báu vật của đức vua, thử xem bên nào nặng hơn.” Theo lệnh vua, họ đem cân tới, mảnh sọ một bên, còn bên kia chất vàng bạc, bảo ngọc … Lạ thay, xương vẫn nặng hơn. Người ta chất thêm vàng, bạc, bửu thạch nữa … Xương vẫn nặng hơn. Càng thêm bao nhiêu, mảnh xương càng nặng hơn bấy nhiêu !

Vua kinh ngạc : "Một mảnh sọ lại nặng hơn bấy nhiêu vàng bạc ! Có gì nặng hơn mảnh sọ này không ?” Nhà thông thái đáp : "Thưa có, chỉ một chút đất thôi." Ông liền lấy đất phủ lên mảnh sọ, lập tức, xương mất hết trọng lượng, nhảy bồng lên, bên vàng bạc hạ xuống. A-lịch-sơn la hoảng : "Cái này còn lạ hơn nữa !" Nhà thông thái giải thích : "Mảnh sọ này là lỗ mắt con người, dầu nhỏ bé, nhưng sự ham hố của nó không có giới hạn. Hết thảy của cải trần gian không làm no thỏa sự ham muốn của nó. Nhưng khi nó bị đất che phủ và chôn vùi trong mồ mả, thì sự ham hố trần thế của nó mới hết.

Chúa Giê-su phán : "Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì ? Hoặc lấy gì mà đổi được linh hồn mình ?"

Mới mấy ngày qua, ta mừng lễ thánh An-phong. Thánh Anphongsô có lẽ hiểu được điều này, khi chàng rởi bỏ toà án với câu nói : “Hỡi thế gian ta đã biết bộ mặt thật của ngươi rồi. Vĩnh biệt ngươi, hỡi pháp đình.” Và từ đó An-phong chọn Chúa.

Chúng ta noi theo nhà phú hộ kia hay nương theo vị thánh sáng lập dòng Chúa Cứu Thế ?

An-phong Nguyễn Công Minh ghi lại
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Bênêđictô XVI và Năm Đức Tin
Lm Matthêu Nguyễn Khắc Hy S.S.
02:13 03/08/2013
Trong Năm Đức Tin, kính mời anh chị em theo dõi một số những bài giải thích tín lý do linh mục Matthêu Nguyễn Khắc Hy S.S. phụ trách trong suốt năm nay, với hy vọng giúp chúng ta tái khám phá đức tin và hiểu biết hơn những tín lý căn bản Giáo Hội dạy.

Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI VÀ NĂM ĐỨC TIN

Lời giới thiệu:

Năm Đức Tin được Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI khởi xướng qua việc công bố Tông Thư Tự Sắc Porta Fidei (Cánh Cửa Đức Tin) trong đó Ngài nói rõ lý do, mục đích và những hướng dẫn cho việc cử hành năm Đức Tin.

Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 2012 – kỷ niệm 50 năm công đồng Vatican II và 25 năm xuất bản cuốn Giáo Lý Công Giáo – cho đến ngày 14 tháng 11 năm 2013, dịp lễ Chúa Kitô Vua. Trọng tâm là động viên Kitô hữu tái khám phá đức tin của mình để tìm lại “niềm vui và sự hăng hái tìm gặp Đức Kitô,” đồng thời đối diện với chủ nghĩa tục hoá và những thách đố khác đang làm khủng hoảng đức tin của nhiều Kitô hữu.

Nói chuyện với thành viên Thánh Bộ Tín Lý ngày 27 tháng 1 năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nói đến “hiện nay tại nhiều nơi, đức tin có nguy cơ bị dập tắt, như một ngọn lửa đang tàn” vì “những khủng hoảng đức tin sâu xa, nhất là mất dần ý thức tôn giáo” trong đời sống.

Năm Đức Tin nhấn mạnh đến chưong trình Tân Phúc Âm hoá, một nổ lực đã được khai tâm từ thời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhằm củng cố đức tin cho Kitô hữu, nhất là những người “đã đánh mất căn tính của mình,” và rao giảng cho thế giới biết sự cần thiết phải có Thiên Chúa trong đời sống xã hội.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta sẽ có dịp học hỏi nhiều về đức tin Công Giáo mà chúng ta đã lãnh nhận. Như tiêu đề của Tự Sắc Porta Fidei- Cánh Cửa Đức Tin, nhắc nhở mọi Kitô hữa đã bước qua ngưỡng cửa đức tin là bí tích rửa tội, giờ đây cần mở lại cánh cửa đó để đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần khai sáng tâm trí và hâm nóng lại nhiệt tình sống đạo.

Trong bài viết đầu tiên của loạt bài về Năm Đức Tin, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về nguyên nhân và động lực (có tính cách cá nhân) thúc đẩy Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI công bố năm Đức Tin này.

Bênêdictô XVI Đối Thoại Với Thế Giới Hiện Đại

Là một chuyên viên (peritus) trẻ cho các nghị phụ tại công đồng Vatican II, là một thần học gia trong những năm hậu Công Đồng, là Bộ Trưởng thánh bộ Tín Lý Đức Tin trong 25 năm, Đức Thánh Cha Bênêdictô đã tỏ ra dè dặt trong vấn đề đối thoại với thế giới hiện đại. Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, có tên là Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes- được xem là văn kiện mở đường cho những đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới, và được nhiều thần học gia lấy làm điểm xuất phát cho phong trào “đem đạo vào đời” hay “Thiên Chúa nhập thể để Giáo Hội nhập thế”.

Nhưng Đức Thánh Cha Bênêdictô không hoàn toàn đồng nhất với tư tưởng diễn dịch đó. Ngược lại, Ngài có nhiều thắc mắc và cẩn trọng khi suy tư về Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng. Trong nhiều bài viết và phát biểu, Đức Thánh Cha Bênêdictô cho là cách giải thích của nhiều thần học gia đưong thời về Hiến Chế này là sai lầm, hoặc vì họ hiểu sai lạc, hoặc vì họ cắt nghĩa bản văn không đúng với bối cảnh của nó. Đức Thánh Cha Bênêdictô đã nhiều lần nhắc nhở các thần học gia cần đọc Hiến Chế này không như một bản văn độc lập, nhưng chung với những văn kiện khác cúa Công Đồng, nhất là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen gentium – Ánh Sáng Muôn Dân để thấy rõ những gì Thánh Công Đồng muốn dạy, và để soi tỏ những yếu tố chưa rõ ràng trong Hiến Chế Gaudium et Spes.

Chính thần học gia trẻ J. Ratzinger (Đức Thánh Cha Bênêdictô) đóng vai trò chủ động trong việc soạn bản thảo cho Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng này. Trong thảo luận, Ngài đưa ra những tiềm năng nguy hiểm mà nhiều nghị phụ, và nhất là các thần học gia bấy giờ, quá lạc quan và phấn khởi khi nói đến đối thoại với thế giới hiện đại. Qua cái nhìn nhân chủng học và vũ trụ học của Teihard de Chardin (một thần học gia Pháp có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ), một số các nghị phụ và các chuyên viên cố vấn (peritus) đã quá vội vàng đồng hoá niềm hy vọng Kitô hữu với niềm tin của thế giới hiện đại qua những tiến bộ của con người, nghĩa là, Giáo Hội không còn đối nghịch với “Đời” vì cả hai cùng nhắm đến một mục đích cao cả là phục vụ công ích cho con người và xã hội.

J. Ratzinger cho rằng đây chính là yếu điểm “đơn sơ” của các nhà thần học cắt nghĩa Hiến Chế với sự nhầm lẫn giữa thành quả khoa học và hy vọng Kitô giáo. Ngài sợ họ tập trung quá nhiều và mầu nhiệm nhập thể (Thiên Chúa làm Người), mà quên đi mầu nhiệm Thập Giá (Đức Kitô chết vì không cùng một quan điểm về Chân Lý và Luân Lý với thế giới Ngài sống).

Chúng ta có thể nói được rằng với Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng không là giấy phép tùy tiện cho những đối thoại liên tục giữa Giáo Hội với thế giới hiện đại, mà là những cảnh báo về tiêu chuẩn hạn chế cần quan tâm trong những đối thoại đó. [1]

Với Đức Thánh Cha Bênêdictô, đối thoại với thế giới chỉ thật sự đồng nhất khi thế giới (mà danh từ Việt Nam tinh khéo gọi là Thế Gian) được tinh lọc, thánh hoá. [2]

Ratzinger cũng đã nhiều lần nói đến sự cần thiết tái khám phá Công Đồng Vatican II khi Ngài công khai phê bình sự cởi mở của Công Đồng đã bị nhiều thần học gia diễn dịch sai lạc. [3] Theo Ratz¬inger, thế giới hiện đại rõ ràng không cùng quan điểm với Giáo Hội khi bàn về Chân Lý, về Thiên Chúa, quan niệm Tội, Đúng- Sai v.v…

Vì thế, Kitô hữu cần tái khám phá căn tính mình “trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Jn 17:14-16).

Bênêdictô XVI và Hiện Trạng Âu Châu

Từ khi làm giáo hoàng, Bênêdictô XVI tiếp tục ưu tư của vị tiền nhiệm Đức Thánh Cha John Paul II, đã nhiều lần lên tiếng về khủng hoảng đức tin Công Giáo nói riêng, và đức tin Kitô giáo nói chung, ở châu Âu. [4] Theo thống kê về con số, Kitô hữu vẫn gia tăng ở Á Châu và Phi Châu, nhưng con số những người hoặc công khai từ chối đức tin Kitô giáo, hoặc không sống đức tin Kitô giáo, ngày càng nhiều ở Châu âu và Bắc Mỹ. Các nhà thờ vắng bóng giáo dân. Họ không muốn đề cập đến tôn giáo trong học đường hay ngoài xã hội. Ở nước Đức, nhiều Kitô hữu rút tên mình ra khỏi danh sách đóng thuế cho nhà thờ, vì họ tự hỏi tại sao lại đóng thuế cho nhà thờ khi họ không còn tin nữa.

Bên cạnh đó, mức sinh sản của người Âu Châu thấp. Họ nghĩ đến hưởng thụ cá nhân và không nghĩ đến tương lai có con cái hay cho con cái. Ngay cả khi chết, nhiều người không muốn chôn cất theo nghi thức tôn giáo cổ truyền tốn kém, mà chỉ rải tro trên những nơi họ muốn.

Âu châu tục hoá thật sự đang trở lại thời kỳ vô thần, không theo nghĩa là không tin có Thiên Chúa, nhưng theo một dạng vô thần mới ở đó con người sống không cần Thiên Chúa, và nếu có Thiên Chúa thì Ngài cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống con người.

Khi không tin vào Thiên Chúa, con người lần mò tìm kiểm cho mình một đối tượng làm căn bản cho giá trị đạo đức và trật tự xã hội. Về mặt sinh hoạt, khi Thiên Chúa và tôn giáo không giải đáp được những nhu cầu hiện tại của con người, họ đặt hy vọng vào khoa học kỹ thuật, một Vị Cứu Tinh mới của họ.

Đức Giáo Hoàng lên tiếng rằng khủng hoảng Âu Châu gắn liền với khủng hoảng Giáo Hội. Với nền văn hoá Hậu Hiện Đại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đặt nặng quyền của con người hơn là nghĩa vụ của họ đối với tha nhân, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã cảnh cáo rằng con người đang tự tiêu diệt mình vì tính ích kỷ, khi con người là đối tượng mà xã hội phục tùng hơn là phục tùng xã hội. Đức Thánh Cha Bênêdictô còn khẳng định rằng chỉ có một giải pháp cho khủng hoảng hiện tại là Âu Châu cần quay về với nguồn gốc Kitô giáo của mình.

Khủng Hoảng Triết Lý Nhân Bản Dẫn Đến Khủng Hoảng Đức Tin

Việc Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI quan tâm cách đặc biệt đến tình trạng đức tin và sống đạo của Âu Châu đã quá rõ ràng. Cho đến ngày nay Âu Châu vẫn đóng vai trò then chốt cho nền tảng đức tin và các sinh hoạt của Giáo Hội. Dù con số giáo dân ở Á Châu và Phi Châu đang gia tăng, nhưng ảnh hưởng về đời sống đạo vẫn còn lệ thuộc vào tư tưởng Âu Châu rất nhiều.

Khi lên ngôi giáo hoàng và chọn tên Bênêdictô, Đức Thánh Cha đương nhiệm không chỉ muốn nhắc đến vị tiền nhiệm Bênêdictô XV (1914-1918) người có công hạn chế thiệt hại thế chiến thứ nhất chia rẽ âu châu, mà Ngài còn nhắm đến thánh Bênêdictô, đấng sáng lập dòng Biển Đức và là quan thầy của Âu Châu vì những đóng góp của thánh nhân cho di sản Kitô giáo không thể chối cãi được trong văn hoá Âu châu. [5]

Âu châu đang gặp khủng hoảng với chính những giá trị đã tạo ra nó, và đang bị thoái hoá vì chính những giá trị đó bị hiểu sai lạc.

Khủng hoảng phát xuất từ thành quả Tự Do và Dân Chủ trong xã hội. Tự Do (freedom), một tiến bộ của xã hội, đã bị giáng cấp xuống thành quyền tự quyết cho chính cá nhân mình. Tự Do hiểu theo lối cá nhân chủ nghĩa tùy tiện này hoàn toàn tiêu cực và trống rỗng. Dân Chủ (democracy), một thành quả của nhân loại, được coi như một lá chắn (hay bùa hộ mạng) bảo vệ cho Tự Do cá nhân qua việc trưng cầu ý muốn của đa số. Nói cách khác, trong xã hội, con người đòi quyền tự do tuyệt đối cho mình, và họ dùng lá bùa Dân Chủ để bảo vệ các quyền căn bản này. Ví dụ, Tự Do luyến ái, đồng tính, phá thai, trợ tử, vô thần… được bảo vệ bởi hiến pháp của một đất nước dân chủ.

Đức Thánh Cha Bênêdictô nhấn mạnh rằng Tự Do và Dân Chủ là những món quà tuyệt vời của nhân loại, nhưng nếu không bị ràng buộc bởi mục đích tìm công phúc cho xã hội và tìm chân lý, chúng sẽ trở thành những nguyên tắc trống rỗng, dẫn đến hình thành chủ nghiã tương đối (relativism), chủ nghiã hư vô (nihilism), chủ nghĩa yếm thế (cynicism), và kết qủa là con người “ngây thơ” cổ động cho một văn hoá sự chết mà họ cho là phục vụ cho lợi ích (hưởng thụ) của họ. [6]

Theo Ratzinger, Âu châu không chịu rút ra bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, áp dụng phương thức tự quyết (self-determination) cho mình mà không cần Thiên Chúa hay tôn giáo như một yếu tố bảo đảm tính khách quan của Chân Lý, của Tự Do, của Luân Lý Đúng-Sai. Chủ nghĩa cộng sản dùng vũ lực chính phủ (khác với các nước khác dùng lá phiếu Dân Chủ) để củng cố thêm quyền tự định đoạt này. [7]

Theo Đức Thánh Cha Bênêdictô, Âu Châu đang rối loạn với những hệ tư tưởng lẫn lộn mà không có một hướng đi rõ ràng, ngoại trừ điều mà nhiều người cho là “tín lý bất khả ngộ” của xã hội, đó là: tự do cá nhân cần phải được tôn trọng (tuyệt đối).

Khi quyền tự quyết (tự do cá nhân) được cổ võ mà thiếu cơ sở luân lý hay sự đồng thuận về luân lý, con người sẽ rơi vào tình trạng hổn loạn dẫn đến tự hủy diệt. Ví dụ, khoa học đã thành công Tạo Sinh Vô Tính (cloning) chó, mèo, dê, cừu… Vậy việc gì ngăn cản những khoa học gia điên rồ rồi đây sẽ tạo ra những con người trong phòng thí nghiệm với mục đích cá nhân, hay các nhà độc tài tạo ra con người với mục đích quân sự?

Vậy đâu là nền móng Luân Lý- Đạo Đức của xã hội? Đức Thánh Cha Bênêdictô trả lời là Sự Thật, vì như Chúa Giêsu nói “Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta” (Jn 8:32). Chính Chúa Giêsu Kitô là Sự Thật (Jn 24:6). Vì thế, Ngài là nền tảng Luân Lý-Đạo Đức cần có của xã hội.

Triết lý Âu Châu ngày nay lặp lại tư tưởng thời Phục Hưng, cho rằng Sự Thật là sản phẩm của xã hội được quyết định bởi đa số (nhiều người thì đúng, ít người thì sai). Với Bênêdictô, Chân Lý và Tự Do không là sản phẩm con người mà là quà tặng con người đón nhận. Chân Lý được Thiên Chúa mặc khải trong lịch sử, và chính nó trở thành nền tảng Luân Lý của con người khi Thiên Chúa ban cho con người khả năng nhận thức và áp dụng Chân Lý đó trong từng hoàn cảnh sống của xã hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nghĩa là, Chân Lý và Luân Lý là giới răn Thiên Chúa truyền ban, không phải là lựa chọn do con người đặt ra và làm chủ. Kết qủa của một xã hội tự tạo Chân Lý hay tiêu chuẩn Đạo Đức bằng ý kiến đa số hay ý của kẻ mạnh sẽ dẫn đến một xã hội phi lý, phi luân lý, và diệt vong.

Đức Thánh Cha Bênêdictô thực sự chất vất và ưu tư về sự khập khểnh trong tương quan giữa Khoa Học Kỹ Thuật và Gía Trị Đạo Đức con người ngày nay khi Âu Châu loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài hiến pháp và đời sống thường ngày của họ.

Đây cũng là lí do mà những xã hội khác (Phi Châu, Á Châu và các nước Hồi Giáo) đã lên án lối sống thác loạn và loại trừ tiêu chuẩn sống của Âu châu như một mẫu mực cho đời sống con người. [8]

Đức Thánh Cha Bênêdictô kêu gọi mọi Kitô hữu cần ý thức “chống lại trào lưu thế giới”, can đảm “lội ngược dòng” để rao giảng tin mừng Chúa Kitô và đem lại đức tin cho Âu Châu, một giải pháp duy nhất cứu họ khỏi diệt vong.

Kết Luận

Năm Đức Tin cần thiết, trước hết và trên hết, là cho sự sống còn của Âu Châu. Theo Đức Thánh Cha Bênêdictô, khủng hoảng Châu Âu là sự xung đột giữa Tin hay Không Tin, giữa hệ tư tưởng Lý Luận Luân Lý dựa trên Thiên Chúa là Đấng Bảo Đảm cho tính tuyệt đối của nó, và hệ tư tưởng Tuyền Duy Lý xuất phát từ sau thời Phục Hưng, hưng thịnh nhất là sau thế kỷ 17. Âu châu đang chối bỏ căn tính của mình khi loại Thiên Chúa và giá trị Kitô giáo ra khỏi những luật lệ chính trị quốc gia, với mục đích tạo một xã hội tục hoá trong đó con người có thể đứng lại với nhau và sống công bằng mà không cần Thiên Chúa.

Giải pháp duy nhất cho khủng hoảng này là quay trở về với Đức Tin Kitô giáo. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nói: “Lúc này đây, Âu châu và thế giới cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa… Là những Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm duy trì sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới, vì chỉ có sự hiện diện này mới có sức mạnh gìn giữ con người khỏi tự huỷ hoại chính mình.” [9]

Đây chính là mệnh lệnh Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta: “các con là ánh sáng thế gian… là muối cho đời” (Mt 5:23-26).

------------------
Chú thích:
[1]Bất đồng đưa đến chia rẽ giữa những thần học gia sau công đồng. Năm 1972, Joseph Ratzinger cùng với Hans Urs von Balthasar, Karl Lehmann, Henri de Lubac và những thần học gia khác xuất bản nguyệt san thần học Communio thay thế cho nguyệt san Concilium mà họ cho là quá cấp tiến, và “muốn thiết lập một hệ thống giáo huấn thứ hai”. Xem “Nicht ich habe mich geändert, sondern die Andern”, trong Joseph Ratzinger, Zur Lage des Glaubens: Ein Gespräch mit Vittorio Messori (Munich/Zurich/Vienna: Neue Stadt, 1985), p. 16.
[2] Đức Thánh Cha Benedict XVI dùng động từ “trừ tà” để chỉ việc thanh luyện này trong thế gian trong bài viết “Angesichts der Welt von heute”, in Dogma und Verkündigung, (1973) p. 201.
[3] J. Ratzinger có những phê bình tiêu cực khi thấy một số các thần học gia cấp tiến (như Edward Schillebeeckx và cụ thể là Johann Baptist Metz khai thác thần học chính trị của ông) cho là họ theo tinh thần Vatican II khi giới thiệu tư tưởng hậu-Marxist vào trong thần học suy niệm của họ. Với Ratz¬inger, hiểu như vậy về Gaudium et spes là sai khi nói đến những cởi mở và hợp thời của công đồng, vì Giáo Hội sẽ không bao giờ ngừng tiến trình hội nhập với xã hội. Xem Joseph Ratzinger, “Der Katholizismus nach dem Konzil—Katholische Sicht”, in Auf Dein Wort hin. 81. Deutscher Katholikentag (Paderborn: Bonifacius, 1966), pp. 245–266; “Der Weltdienst der Kirche. Auswirkungen von Gaudium et spes im letzten Jahrzehnt”, in Internationale katholische Zeitschrift Vol. 4 (1975), pp. 439–454.
[4] J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, (Ignatius press, 2006) p. 145.
[5] Xem bài phát biểu buổi triều yết của Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày 27 tháng 4 năm 2005 với giáo dân.
[6] Văn hoá sự chết được tìm thấy trong việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hoá học (như thuốc phiện) để hưng phấn con người. Bên cạnh đó, thanh niên Âu Châu sống hiện tại mà sợ tương lai. Họ thường trì hoãn việc lập gia đình, nếu không nói là không muốn có gia đình vì thêm khó khăn. Xem J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 140.
[7] J. Ratzinger, Europe: Today and Tomorrow, (Ignatius Press, 2007) p. 67ff.
[8] Các nước Hồi Giáo ngày càng củng cố căn tinh tôn giáo của họ (đôi khi với phương thức cực đoan) là câu trả lời cho ảnh hưởng Âu Châu mà họ không chấp nhận cho con cái họ sau này. J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 138-139.
[9] J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 165.
 
Ý cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tháng Tám
LM. Phan Du Sinh
04:23 03/08/2013
Tháng Tám này, ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tập trung vào các cha mẹ và thầy cô, cũng như Giáo Hội Công Giáo tại Châu Phi.

Ý cầu nguyện chung tập trung vào cha mẹ và thầy cô bởi vì vai trò của họ trong việc giúp khuôn đúc những thế hệ trẻ, cũng như truyền đạt đức tin và các giá trị kitô giáo.

Đối với ý cầu nguyện cho việc truyền giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cầu nguyện cho sự tăng trưởng của Giáo Hội Châu Phi, và công việc cổ võ hoà bình và công lý trên đại lục này.
 
Đại hội giới trẻ thế giới 2016 tại Krakow đã ra mắt trang web chính thức
Jos. Tú Nạc, NMS
12:26 03/08/2013
Đại hội GTTG Krakow 2016 đã ra mắt trang web chính thức

Romereports – Đại hội GTTG sẽ được diễn ra tại Krakow, Ba lan vào năm 2016. Chỉ sau vài giờ Đức Thánh Cha đưa ra tuyên bố ở Ba Tây, trang web chính thức của Ngày GTTG2016 được khai trương.

Đức Hồng Y Stainslao Dziwisz, từng là thư ký riêng của Chân Phước Gio-an Phao-lô II, đã cho ra mắt video này, với mục đích nhắc nhở mọi người rằng vào thời điểm đó, Đức Gio-an Phao-lô II sẽ trở nên thánh.

Trang web này có thể được tiếp xúc bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, và Ba Lan.

Trang web này dành một phần cống hiến cho Đức Gio-an Phao-lô II, người mà đã dành hầu như cuộc đời mình cho Krakow. Tại thành phố này, ở đó ngài đã theo học ở một chủng viện bí mật và đã phục vụ với tư cách là một linh mục và giám mục.

Trang web này cũng biểu thị những đền thờ chính ở Brakow, như Divine Mercy, hay trung tâm giáo hoàng “Do not be Afrait” (Đừng Sợ), được xây dựng để vinh danh Đức Gio-an Phao-lô II. Tại trung tâm đó, có một bảo tàng viện của Đức Giáo Hoàng Ba Lan, một giáo khu và một trung tâm tình nguyện.

Qua video này, người sử dụng có thể được giúp đõ để biết nhiều hơn về thành phố này, nơi sẽ diễn ra Ngày GTTG sắp tới.

Jos. Tú Nạc, NMS
 
Đức Giáo Hoàng gửi sứ điệp nhân kết thúc thánh Ramadan, ngài kêu gọi Kitô hữu và người Hồi giáo tôn trọng lẫn nhau
Lã Thụ Nhân
18:41 03/08/2013
Nhân kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp thúc giục tăng cường giáo dục nhiều hơn nữa nhằm thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau giữa Hồi giáo và Kitô giáo.

Trong sứ điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến vị thánh trong tông hiệu của ngài, Thánh Phanxicô Assisi, để giải thích cách tiếp cận của ngài và kêu gọi đối thoại liên tôn giữa hai tôn giáo.

Ngài cho hay cuộc cuộc đối thoại như thế phải dựa trên sự giáo dục và thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo, nhất là với những thế hệ trẻ hơn. Trong sứ điệp của mình, Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự đau đớn khi thấy các cuộc tấn công nhắm vào các vị lãnh đạo tôn giáo và những nơi thờ tự.

Hằng năm, Tòa Thánh Vatican đều đưa ra những sứ điệp tương tự gửi đến người Hồi giáo, nhằm đánh dấu sự kết thúc tháng chay Ramadan. Tuy nhiên, lần cuối cùng đích thân vị Giáo Hoàng ký tên vào sứ điệp là vào năm 1991 với chữ ký của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp:

Thân gửi đến anh chị em Hồi giáo trên toàn thế giới,

Tôi hết sức vui mừng chào thăm anh chị em khi anh chị em cử hành 'Id al-Fitr, để kết thúc tháng Ramadan, tháng chủ yếu dành riêng cho việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí cho người nghèo.

Cho đến nay, đó là một truyền thống, nhân dịp này, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn gửi đến anh chị em một sứ điệp cầu chúc tốt đẹp, cùng với một chủ đề được đề nghị để cùng suy tư. Năm nay, năm đầu tiên trong triều giáo hoàng của tôi, tôi quyết định đích thân ký tên vào sứ điệp truyền thống này và gửi đến anh chị em, những người bạn thân yêu, như một diễn tả của sự quý trọng và tình thân hữu dành cho tất cả những người Hồi giáo, nhất là các vị nhà lãnh đạo tôn giáo.

Như anh chị em đã biết, khi các Hồng Y bầu chọn tôi làm Giám Mục Rôma và là Chủ chăn Hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo, tôi đã chọn tên "Phanxicô", một vị thánh rất nổi tiếng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến mỗi người một cách sâu sắc, đến mức được gọi là "hiền huynh hoàn vũ". Ngài yêu mến, giúp đỡ và phục vụ người khốn cùng, bệnh tật và nghèo khó, ngài cũng hết sức giữ gìn công trình sáng tạo.

Tôi được biết rằng những chiều kích gia đình và xã hội được hưởng sự nổi trội đặc biệt đối với người Hồi giáo trong giai đoạn này, và điều đáng chú ý là có một số điểm tương đồng trong những phạm vi này đối với đức tin và thực hành Kitô giáo.

Năm nay, chủ đề mà tôi muốn suy tư cùng anh chị em và tất cả những người sẽ đọc sứ điệp này, những người lưu tâm đến cả Hồi giáo và Kitô giáo là: Thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau qua giáo dục.

Chủ đề năm nay nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong cách chúng ta hiểu biết nhau, được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. "Tôn trọng" có nghĩa là thái độ tử tế dành cho người mà chúng ta đã lưu tâm và quý trọng. "Lẫn nhau" có nghĩa đây không phải là tiến trình một chiều, mà là điều gì đó được cả hai phía chia sẻ.

Những gì chúng ta được mời gọi tôn trọng trong mỗi người trước hết là tất cả sự sống của người ấy, toàn vẹn thân thể người ấy, phẩm giá của người ấy và các quyền bắt nguồn từ phẩm giá đó, uy tín, tài sản, đặc tính dân tộc và văn hóa của người ấy, những ý kiến và lựa chọn chính trị của người ấy. Do đó, chúng ta được mời gọi suy nghĩ, nói và viết trong sự tôn trọng người khác, không chỉ với sự hiện diện của người đó, nhưng luôn luôn và ở khắp mọi nơi, tránh chỉ trích bất công hoặc phỉ báng. Gia đình, nhà trường, các tôn giáo giảng dạy và tất cả các hình thức truyền thông có vai trò phải thực hiện để đạt được mục tiêu này.

Đối với sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ liên tôn, nhất là Kitô giáo và Hồi giáo, chúng ta được mời gọi tôn trọng tôn giáo của người khác, tôn trọng giáo lý, biểu tượng, và các giá trị của nó, nhất là tôn trọng các vị lãnh đạo tôn giáo và những nơi thờ phượng. Thật đau đớn khi có những cuộc tấn công vào các vị lãnh đạo tôn giáo hay những nơi thờ phượng!

Rõ ràng, khi chúng ta tôn trọng tôn giáo của những người láng giềng chúng ta hoặc chúng ta mang đến cho họ những lời chúc tốt đẹp của chúng ta vào những dịp lễ tôn giáo, chúng ta đơn thuần tìm cách chia sẻ niềm vui của họ, mà không cần đề cập đến nội dung niềm tin tôn giáo của họ.

Liên quan đến việc giáo dục giới trẻ Hồi giáo và Kitô giáo, chúng ta gợi lên cho người trẻ của chúng ta suy nghĩ và phát ngôn tôn trọng các tôn giáo khác và các tín hữu của họ và tránh chế nhạo hay phỉ báng đức tin và thực hành tôn giáo của họ.

Chúng ta đều biết tôn trọng lẫn nhau là điều căn bản trong bất kỳ mối quan hệ con người nào, nhất là trong số những người đã tuyên xưng niềm tin tôn giáo. Bằng cách này, tình bạn chân thành và lâu dài có thể phát triển.

Khi tôi tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh vào ngày 22 Tháng Ba năm 2013, tôi đã nói: "Không thể thiết lập mối liên kết đích thực với Thiên Chúa, trong khi bỏ qua những người khác. Do đó, thật là quan trọng để tăng cường đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau, và tôi nghĩ nhất là đối thoại với Hồi giáo. Trong Thánh Lễ đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của tôi, tôi đánh giá rất cao sự hiện diện của rất nhiều vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo từ thế giới Hồi giáo". Với những lời này, tôi mong muốn nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng hết sức của đối thoại và hợp tác giữa các tín hữu, nhất là những người Kitô và những người Hồi giáo, và cần phải làm cho nó được đề cao.

Với những tình cảm này, tôi nhắc lại hy vọng của tôi rằng tất cả các Kitô hữu và người Hồi giáo có thể trở thành những người khởi xướng đích thực sự tôn trọng và tình thân hữu lẫn nhau, nhất là thông qua giáo dục. Cuối cùng, tôi gửi đến anh chị em lời cầu cầu nguyện tốt đẹp của tôi, cầu chúc sự sống của anh chị em tôn vinh Đấng Toàn Năng và mang đến niềm vui cho những người xung quanh.

Chúc mừng Đại lễ tất cả anh chị em!
Từ Vatican, ngày 10 tháng Bảy, 2013
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
Người Công Giáo Ai Cập trước những gọng kềm của lịch sử
Đặng Tự Do
19:01 03/08/2013
Phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập đã nói với Đài phát thanh Vatican rằng các Kitô hữu của quốc gia đang sống trong một không khí sợ hãi vì các cuộc biểu tình liên tục của những người ủng hộ vị Tổng thống đã bị lật đổ là ông Mohamed Morsi.

"Có rất nhiều thành viên của nhóm Huynh đệ Hồi giáo trong lực lượng dân quân, chiếm đóng nhiều trọng điểm ở Cairo và các thành phố khác của Ai Cập," Cha Rafic Greiche nói. "Họ ném lựu đạn Molotovs vào các tín hữu và đôi khi cả vào bên trong nhà thờ, họ viết những khẩu hiệu đe dọa và chửi bới trên tường và cửa các nhà thờ, đặc biệt là thóa mạ Đức Giáo Chủ Coptic Tawadros. Họ gặp các linh mục và gọi các ngài là những kẻ phản bội, về hùa với quân đội."

"Đó là một môi trường bạo lực," ngài nói thêm, "và mọi người đang sợ hãi."

Tiếp theo những cuộc biểu tình của đông đảo người dân Ai Cập, hôm 03 Tháng 7 năm 2013 quân đội Ai Cập đã đảo chính lật đổ tổng thống Mohamed Morsi.

Vào đêm 03 tháng bảy, quân đội Ai Cập đã ra một tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Mohammed Morsi ,hiến pháp của Ai Cập bị tạm đình chỉ. Họ hứa rằng một cuộc bầu cử tổng thống sẽ sớm được tổ chức.
 
Âm nhạc Brazil trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ
LM. Phan Du Sinh
21:51 03/08/2013
Brazil nổi tiếng về âm nhạc. Trong kỳ Đại hội Giới Trẻ Quốc tế, có rất nhiều âm nhạc. Nghi thức kết thúc được đánh dấu bằng một vũ điệu cộng đồng flash mob đông đảo, khi hàng triệu người nhảy múa theo bài hát mang tên “Phanxicô”.

Nhưng có một dãy những thể loại âm nhạc khác nhau để chọn lựa. Những ngày trước đó, giai điệu cổ điển hơn đã được cất lên trong các nhà hát của thành phố Rio, chẳng hạn bài ca chính thức của Đại hội Giới Trẻ Quốc tế đã được một ban nhạc chơi, để chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô trên sân khấu.

Trong đêm canh thức cầu nguyện tại bãi biển Copacabana với Đức Thánh Cha, những giai điệu mạnh mẽ đã được chơi. Âm nhạc cổ điển là một phần không thể nghi ngờ gì nữa của cuộc tụ họp đám đông.

Cũng có những trình diễn sống động, những trình diễn solo chẳng hạn, như thế này.

Trong số các tài năng âm nhạc, những trẻ em cũng đóng một vai trò then chốt hết ngày này sang ngày khác. Đôi khi, dường như có một bài hát không chuẩn bị sẵn, để làm cho đám đông sẵn sàng đón tiếp Đức Giáo Hoàng.

Những giây phút cảm động, chẳng hạn cảnh này khi một nhạc quỳ gối hát và cầu nguyện trong buổi chầu Mình Thánh Chúa, được khắp thế giới nhìn thấy.

Nhưng có lẽ bài hát in đậm trong tâm trí quần chúng là bài hát tên “Phanxicô” bằng tiếng Bồ Đào Nha. Giai điệu lôi cuốn, được xác nhận là bài hát ưa thích, với hàng triệu người, ca lên suốt kỳ Đại hội Giới Trẻ Quốc tế.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Trình Xá Hà Nội: Hội Chợ Hè Cho Các Em Thiếu Nhi.
Tin Yêu
12:45 03/08/2013
Giáo Xứ Trình Xá Hà Nội: Hội Chợ Hè Cho Các Em Thiếu Nhi.

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Lc 18,6)

WTGPHN - Hôm nay, ngày 02 tháng 8 năm 2013, cha Antôn Ngô Văn Thông - phó xứ Thạch Bích, Trình Xá đã tổ chức chương trình hội chợ hè với chủ đề: “Vui học cùng Thầy Giêsu” cho các em thiếu nhi giáo xứ Trình Xá thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội. Ngài tổ chức hội chợ với mục đích nhằm đem lại cho các em thiếu nhi sự vui vẻ, lòng hăng say học hỏi Giáo lý, chăm chỉ đi nhà thờ, đi lễ….

Xem Hình

15h30 chiều, hội chợ bắt đầu bằng giờ cầu nguyện do cha phó Antôn chủ sự, cùng với sự tham gia đông đủ của các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh của các em trong giáo xứ.

Ngay sau giây phút khai mạc, các em tỏa ra các gian hàng trò chơi trúng thưởng, để bắt đầu thi thố tài năng, giành về những vé trúng thưởng có giá trị đổi quà.

Với các sinh hoạt của hội chợ, các em được cùng nhau mua sắm, vui chơi thỏa thích và ăn uống trong các gian hàng đã được chuẩn bị trong khuôn viên thánh đường.

Nhằm tạo sân chơi mùa hè, để khích lệ và giáo dục các em, cha Antôn đã phát phiếu cho tất cả các em nhỏ khác, Công Giáo cũng như tôn giáo bạn. Ban tổ chức cũng dự liệu cho các em bé có thể đổi vé chơi trực tiếp lấy quà, không cần tham gia trò chơi. Chính vì thế, ngay từ những phút đầu, quầy đổi quà rất đắt khách.

Sau gần hai tiếng đồng hồ thi thố tài năng với các trò chơi “truyền thống” như: Đá bóng vào gold, ném vòng cổ chai, bịt mắt đánh trống, ném bóng vào chậu, đường về thiên quốc… em nào cũng hớn hở vui mừng vì những phần quà đạt được.

Cao điểm của ngày vui là thánh lễ tạ ơn kết thúc chiến dịch hè và cầu nguyện cho các em. Trong bài giảng, cha Antôn đã chia sẻ và mời gọi các bậc phụ huynh cộng tác chăm lo cho các em thiếu nhi. Bởi vì các em là niềm vui của gia đình, là hy vọng của tổ quốc, là tương lai của Giáo Hội. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Đầu tư cho thiếu nhi là đầu tư cho tương lai…

Sau thánh lễ là phần bốc thăm trúng thưởng xen lẫn các tiết mục văn nghệ của các em thiếu nhi và của các bạn giới trẻ đến từ giáo xứ Thạch Bích, các bạn giới trẻ giáo họ Cao Bộ…Phần này thật hấp dẫn và sôi động. Giải độc đắc là một chiếc xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng và nhiều giải thưởng hấp dẫn khác.

Chương trình được khép lại với vũ điệu “Hiến Tế” của tất cả các bạn trẻ. Mọi người ra về với niềm vui dâng trào hiện rõ trên khuôn mặt quý phụ huynh và đặc biệt là các em thiếu nhi.

Cầu chúc các em luôn vui và hăng say thăng tiến trên còn đường yêu mến Chúa, chăm chỉ học hành, luôn biết vâng lời ông bà, cha mẹ, hầu xứng đáng là niềm vui của gia đình, là hy vọng của tổ quốc và là tương lai của Giáo Hội.

Tin Yêu
 
Đại hội hành hương của các CĐCGVN tại Pháp: Sống Đức Tin theo gương tiền nhân
Trần Văn Cảnh
13:09 03/08/2013
ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC

CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI PHÁP

« Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam

Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »

từ 01 đến 05/08/2013

Lộ Đức, ngày 02/08/2013: Học hỏi về các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Những người ghi tên tham dự Đại Hội của 31 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã dầy đủ trở về Lộ Đức ngày 01/08/2013. Thêm vào đó còn rất nhiều người không ghi tên mà cũng đến tham dụ. Ngày khai mạc đã khai mạc đúng như dự liệu. Chủ đề ngày khai mạc, 02 tháng 08 năm 2013 xoay quanh việc HỌC HỎI VỀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Hai hoạt động quan trọng trong ngày là: 1- Thánh lễ khai mạc “Sống Đức Tin theo gương các Thánh Tử đạo Việt Nam”; Và 2- Học hỏi trao đổi về « Các Thánh Tử Đạo Việt Nam »

1. Thánh lễ khai mạc « Sống Đức Tin theo gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam »

Trong phiên họp thứ ba chuẩn bị Đại Hội, các Tuyên Úy đều đồng ý kính mời Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh chủ tế và giảng lễ cho thánh lễ khai mạc Đại Hội.

Ngày khai mạc Đại Hội 02/08/2013 đã đến. Đúng 8giờ 30, một đoàn đồng tế đông đảo, có Thánh Giá đi đầu, các chú giúp lễ mang đèn nến, các thầy phó tế, khoảng 30 cha tuyên úy các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, ba phụ tế chính: cha Georges COLOMB, Bề Trên Tổng Quyền Thừa Sai Hải Ngoại Paris, cha Bernard Fontaine, Giám đốc Ủy Ban Quốc Gia Mục Vụ Ngoại Kiều Giáo Hội Pháp, cha Gilbert Nguyễn Kim Sang, Tổng tuyên úy các cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại pháp, Đức ông chủ tế Giuse Mai Đức Vinh, kiệu ảnh Dức Mẹ Lavang và ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam do 4 nữ tu khiêng.

Xem Hình

Chia sẻ Lời Chúa, Đức Ông đã gợi lại 2 mục tiêu của Đại Hội là « Chúng ta quy tụ về linh địa Lộ Đức cuối tuần này với hai mục đích: thứ nhất cùng nhau cử hành Năm Đức Tin, thứ hai cùng nhau mừng lễ Bạc Phong Thánh của 117 vị Tử Đạo Tiền Nhân.(1988-2013) ». Từ hai mục đích này, vấn đề đặt ra sẽ là: Làm sao « Sống Đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam » ? Đức Ông đã đưa ra một trả lời rất cơ bản và thực tế, dựa vào Giáo Lý về Bí Tích Thêm Sức. « Hỏi một người đã chịu phép Thêm Sức có những bổn phận nào ? – Thưa có ba bổn phận: 1) Bền vững sống đức tin. 2) Can đảm bênh vực đức tin. 3) Nhiệt thành truyền bá đức tin. Một cách vắn gọn, tôi xin chia sẻ từng điểm ».

Rồi Đức Ông đã lấy gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam để quảng diễn ba bổn phận Đức Tin.

11. Bền vững sống Đức Tin. Nhìn vào đời sống các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, chúng ta thấy các ngài đã bền vững sống đức tin như thế nào. Chắc chắn các ngài đã sống đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn hơn chúng ta rất nhiều: - về phạm vi tôn giáo, các ngài phải chọn lựa giữa đạo cổ truyền, ‘đạo thờ ông bà, đạo thờ thần tượng’ với ‘Đức tin vào Thiên Chúa Duy Nhất, vào Đức Kitô Cứu Thế’. - Về phạm vi gia đình và xã hội, các ngài phải giữ vững những truyền thống cơ bản của gia đình, không đa thê, nhưng chung thủy một vợ một chồng, phải gẩy bỏ những dị đoan, những tập tục cổ hủ, mà trung kiên sống luân lý Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. -Về bổn phận công dân, một đàng các ngài phải trung thành với vua-chúa, phải kính trọng quan quyền, bảo vệ và xây dựng tổ quốc, nhưng một trật, các ngài phải cương quyết, quả cam trước những gièm pha, đe dọa, hành hạ và bách hại hà khắc của vua quan. - Về phạm vi văn hóa, các ngài đã khôn ngoan không những bảo vệ phát triển mà còn thăng hoa và phúc âm hóa những giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc, bằng việc đón nhận và sống chết với văn hóa Tin Mừng, chính là văn hóa của Đức Tin.

12. Can đảm bênh vực Đức Tin. Đọc hạnh tích các thánh Tử Đạo, chúng ta có nhiều bằng chứng về điểm này. Tôi xin nêu lên ba trường hợp làm thí dụ.

Can đảm bênh vực và hãnh diện ‘đạo mình theo là đạo thật’. Sử chép về thánh linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh như sau: Khi tàu chở tù nhân cập bến Thuận An để đi Phú Yên, quan cai tù cầm giấy điểm danh. Đến lượt thày Lê BảoTịnh, ông thêm câu ‘Lê Bảo Tịnh, tòng gia tô tà đạo’. Thày Tịnh cứ ngồi yên, không trả lời, dù quan gọi ba bốn lần. Quan nổi nóng quát lên ‘Thằng nào láo, gọi mà không thưa’. Lúc ấy thày Tịnh mới lên tiếng: “Tôi đây, tôi không thưa vì quan gọi tôi là người theo tà đạo. Đạo tôi theo, đạo tôi sống là đạo thật, có tam cương ngũ thường rõ ràng. Bao giờ quan gọi tôi là ‘theo đạo Giatô, bỏ chữ tà đạo đi, lúc đó tôi mới thưa’ (DMAH 3 tr.135).

Can đảm bênh vực và hãnh diện về đức tin và danh xưng Công Giáo: Như thánh Phaolô hãnh diện về ơn gọi làm tông đồ và kêu gọi kitô hữu hãy hãnh diện về đức tin Kitô giáo của mình (2Cr 10,17; Ep 1,4+4,4; 1Tx 1,4). Thánh chủng sinh Toma Trần Văn Thiện, tử đạo năm 1838, khi quan tòa hỏi ‘Thiện, mày có phải là người Công Giáo không?’, chú Thiện đã dõng dạc trả lời: ‘Vâng, thưa quan lớn, tôi là ngưòi Công Giáo, cha mẹ tôi cũng là người Công Giáo. Tôi nhất quyết sống đức tin Công Giáo mà cha mẹ tôi đã sống và đã dạy tôi” (DMAH 2 tr.245).

Can đảm tôn kính và hãnh diện về ảnh Thánh Giá. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hiểu hơn ai hết rằng: Thánh Giá là tiêu biểu của đức tin Công Giáo, nên các ngài thà chịu đòn, chịu hành nhục và chịu chết chứ nhất định không bước qua, không làm một dấu chỉ gì xúc phạm đến cây Thánh Giá. Như các vị thánh khác, bà Agnès tử đạo năm 1700 đã thẳng thắn thưa với quan tòa: “Xin quan cho tôi được nói: làm sao tôi có thể chà đạp lên ảnh Chúa mà tôi hằng tôn kính. Thưa quan, tôi quyết thà chịu chết chứ không chà đạp ảnh Thánh Giá đâu” (DMAH1 tr.80).

13. Nhiệt thành truyền bá đức tin Như thánh Phaolô, các thánh Tử Đạo Việt Nam sẵn sàng chịu mọi khổ nhục, kể cả chịu chết, để Tin Mừng được rao giảng (1Tx 2,2-7). Các Ngài đã truyền bá đức tin như thế nào? - Sau đây là ba trong hàng ngàn trường hợp cụ thể.

Truyền giáo bằng lời cầu nguyện kiên trì: Thánh linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh, tử đạo năm 1857, luôn kêu gọi cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ngài đã viết cho các chủng sinh lúc còn ngồi tù: ‘Các con hãy chăm lo việc cầu nguyện, vì người ta được ơn trở lại đạo, phần lớn là do lời cầu nguyện, hơn là nhờ lời giảng khuyên’ (DMAH 3 tr.174).

Tuyền giáo bằng công việc bác ái. Như nhiều linh mục, thày giảng, nữ tu và trùm họ, ông trùm Phêrô Ki nổi tiếng về lòng yêu thương người nghèo và chôn cất người chết. Nhà ông đã trở thành nhà thương săn sóc các bệnh nhân. Ông lợi dụng những cơ hội đó để rao giảng Tin Mừng. Vì thế, ông bị tố cáo, bị bắt, bị hành hạ và sau cùng được chết vì đức tin năm 1665. (DMAH 1tr.56).

Truyền giáo bằng việc xây dựng cộng đoàn: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ý thức rằng một trong những cách truyền giáo hữu hiệu là chứng tỏ cho lương dân thấy tinh thần đoàn kết, và xây dựng cộng đoàn hay họ đạo. Đó là những hoạt động tông đồ cụ thể của các vị thánh trùm họ Emmanuel Lê Văn Phụng (+1859), Antôn Nguyễn Đích (+1838), Giuse Nguyễn Văn Lựu (+1854); của những giáo dân can tràng Matthêu Lê Văn Gẫm (+1847), Michael Nguyễn Huy Mỹ (+1838), Annê Lê Thị Thành (+1841). Việc làm của các ngài là dấu cất đồ thờ phượng, che giấu các linh mục và thày giảng, là cho mượn nhà làm nơi giáo dân tụ họp đọc kinh dâng lễ, là liên lạc, chuyển thư, chở đồ, đón thừa sai, là bênh vực giáo dân, bảo vệ họ đạo, là thăm viếng những gia đình Công Giáo gặp khó khăn, bị quan quyền xách nhiễu, là góp tiền chuộc các linh mục, thày giản hay giáo dân bị bắt, là thăm viếng các tù nhân đức tin, là tham dự các cuộc hành quyết để khích lệ những người bị án tử vì Đạo Chúa, và sau cùng là lo an táng các ngài cho mồ yên mả đẹp.

Sau thánh lễ tạ ơn, Các Cộng đoàn đã ra trước Vương Cung Thánh Đường Mân Côi để chụp hình lưu niệm. Hình riêng cho từng Cộng Đoàn, cho tất cả các Cộng đoàn đã vậy, mà cho cả các cá nhân, các gia đình, các nhóm, ban, hội,..Nhiều người vui vẻ lẩm bẩm hát thầm bài Tán Tụng Hồng Ân, Có người ca to bản «Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í a), thần trí tôi mừng vui vời vợi,…

Và cha Tổng Tuyên Úy Gilbert Nguyễn Kim Sang đã lợi dụng sự hiện diện của cha Bernard Fontaine và Georges Colomb để tổ chức một tiếp tân trên Cité Saint-Pierre để cám ơn hai cha và hai tổ chức mà hai cha điều hành là Sở Mục Vụ Ngoại Kiều Quốc Gia Pháp và Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Một món quà đã được kính biếu hai cha để tiễn chân cha Bernard Fontaine sẽ nhận sứ mệnh mới và kính chào cha Georges Colomb trong chức vụ Bề Trên Tổng Quyền Thừa Sai Hải Ngoại Paris.

2. Học hỏi trao đổi về « Các Thánh Tử Đạo Việt Nam »

14 giờ 30, tất cả các tín hữu tham dự Đại Hội đã được mời tham dự học hỏi và trao đổi về một trong ba đề tài.

21. Đề tài 1: « Lịch sử cấm đạo và bắt đạo thời các Thánh Tử Đạo Việt Nam » do Gs Trần Văn Cảnh trình bày, tại phòng Gioan XXIII.

Về vấn đề cấm đạo tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng như các vị đại diện Giáo Hội Công Giáo thường chỉ nói đến giai đoạn 1625-1862, từ sác lệnh cấm đạo 1925 của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và kết thúc với lệnh cấm và bách đạo cuối cùng của vua Tự Đức, trước khi ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 với Pháp, trong đó, khoản 1 cho tự do giảng đạo và giữ đạo.

Được trao trách nhiệm gợi ý, Gs Cảnh xin đề nghị cùng cộng đoàn tìm hiểu đề tài này theo chiều hướng tiến triển lịch sử Công Giáo Việt Nam. Và vì mục tiêu của Đại Hội nhằm noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Gs xin chỉ giới hạn vào hai thời kỳ Bảo Trợ (1533-1659) và Tông Tòa (1659-1960), những thời kỳ mà 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh năm 1988. Những việc xẩy ra trong thời Chính Tòa (1960-hôm nay), chưa đủ những dữ kiện lịch sử chắc chắn, ông xin nhường cho các nhà nghiên cứu lịch sử.

Trong thời kỳ Bảo Trợ 1533-1659, với những sự cố lịch sử đã được ghi nhận, người ta thấy rằng: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có bị cấm đạo và sự bách hại đã bắt đầu, dẫu còn nhẹ nhàng. Đã có 8 sắc chỉ cấm đạo, 5 do Chúa Trịnh tráng và 3 do các Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan. Ở Đàng Ngoài, dưới thời Trịnh Tráng, vị tử đạo đầu tiên là ông Phanxicô, tử đạo năm 1630 ở Hà Nội. Ở Đàng Trong, dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan, Á Thánh Anrê Phú Yên là người tử đạo đầu tiên, đã bị lao đâm và chém đầu ngày 26/07/1644 ở Phú Yên.

Trong thời kỳ Tông Tòa (1659-1960), thêm vào 8 sắc chỉ cấm đạo đã có ở thời Bảo Trợ do các Chúa Trịnh Nguyễn, các Chúa Trịnh ra thêm 12 sác chỉ: 4 thánh tử đạo; các Chúa Nguyễn ra thêm 5 sác chỉ. Đưới thời Tây Sơn, 6 sắc chỉ đã được ban hành: 2 thánh tử đạo. Vua Minh Mạng ra 7 sắc chi: 58 thánh tử đạo. Vua Thiệu Trị ra 2 sắc chỉ: 3 thánh tử đạo. Và vua Tự Đức ra 13 sắc chỉ: 50 thánh Tử Đạo. Vị chi 45 trên 53 sắc chỉ cấm đạo đã được ban hành trong thời Tông Tòa. Đây là thời kỳ ác liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử cấm đạo và giết đạo Công Giáo ở Việt Nam, nhất là ba vua nhà Nguyễn và Văn Thân. Tổng số các vị tử đạo là 130.000, hầu như 100% đều chịu chết trong thời Tông Tòa này.

Trong số 130.000 người đã bỏ mình vì đức tin, có 117 vị đã được Giáo Hội nâng lên hàng Chân Phúc, qua bốn đợt: Năm 1900 do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, năm 1906 do Đức Giáo Hoàng Piô X, năm 1909 do Đức Giáo Hoàng Piô X và năm 1951 do Đức Giáo Hoàng Piô XII. Rồi ngày 19.06.1988 trước 80.000 người tham dự, 117 vị Chân Phước Tử Đạo trên đây đã được tuyên phong Hiển Thánh bởi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Rôma.

22. Đề tài 2: « Ba binh sĩ Đinh Đạt, Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể tuyên xưng đức tin đến giọt máu cuối cùng » do Ls Lê Đình Thông, tại phòng Mgr Gerlier.

Ba binh sĩ Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể đều là các tín hữu bình thường. Trong năm tước vị thượng đại phu, hạ đại phu, thượng sĩ, trung sĩ và hạ sĩ, không thấy có binh sĩ. Trong hàng tứ dân sĩ, nông, công, thương cũng không thấy bóng dáng người lính thú: ‘‘Ngang lưng thì thắt đai vàng, Đầu đội nón dấu vai mang súng dài.’’ (ca dao Việt Nam). Đề tài này cho phép chúng tôi đề cập ba khía cạnh sau đây:

Ý nghĩa cộng đoàn: Nói đến người tín hữu là nói đến cộng đoàn. Thay vì giới thiệu một chứng nhân duy nhất, chúng tôi trình bầy tấm gương sống đạo của ba binh sĩ, chết cùng năm 1839. Thứ tự trước sau căn cứ vào mẫu tự: Đạt, Huy và Thể. Ba vị thánh mang họ Đinh, họ Phan và họ Bùi, tượng trưng cho trăm họ nước ta.

Về lứa tuổi, thánh Đinh Đạt chịu chết năm 36 tuổi, thánh Phan Viết Huy, 44 tuổi, thánh Bùi Đức Thể, 47 tuổi. Các ngài đều ở tuổi trung niên. Trong số các tham dự viên hành hương Lộ Đức đến từ các cộng đoàn Công Giáo trên khắp nước Pháp, có nhiều bạn trẻ. Việc tử đạo của thánh Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thế là thông điệp tin, cậy, mến trong năm đức tin, cũng là năm Đại hội Giới trẻ Thế giới (JMJ) tại Rio (Brazil) từ 23 đến 28/07/2013.

Các ngài đều theo đuổi binh nghiệp. Tình huynh đệ vốn là lẽ sống của người Kitô hữu: ‘‘Tất cả đều là anh em với nhau’’ (Mt 23,8). Ngoài ra còn là tình huynh đệ chi binh giữa ba vị thánh binh sĩ.

Ý nghĩa thần học: Ba thánh tử đạo ‘‘hy sinh mạng sống mình vì trung thành làm chứng cho Đức Kitô.’’ (Cv 7,55-60). Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), các ông Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể vào kinh đô Huế. Đợi đến lúc nhà vua vi hành trong thành nội, hai ông sấp mình, đệ đơn xin nhà vua cho được chết vì đạo. Sự việc này nhắc lại Tin mừng người lữ hành (évangile des pèlerins) theo thánh Luca (Lc 24,13-35): hai môn đệ trên đường về làng cũ Emmau, được đồng hành với Chúa Giêsu Phục sinh.

Ý nghĩa văn hóa dân tộc: Từ Bắc xuôi Nam: thánh Đinh Đạt chịu chết ở làng Phú Nhai thuộc tỉnh Nam Định. Hai thánh Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể tử đạo ở cửa Thuận, qua phá Tam Giang. Cả ba đều là các binh sĩ yêu nước thương nòi, tôn trọng truyến thống văn hóa dân tộc. Việc ba ngài cùng nhau chịu chết là tam nhân đồng hành tuẫn giáo vị đạo (三人同行殉敎爲道). Đại hội Hành hương Lộ Đức năm nay quy tụ các cộng đoàn Việt Nam trên khắp nước Pháp, giúp ta học hỏi tấm gương nghĩa liệt của các thánh tử đạo nước Nam: trung quân ái quốc, tuyên xưng đức tin đến giọt máu cuối cùng.

23. Đề tài 3: « Chứng nhân hôm qua và ngày nay » do Lm Hà Quang Minh, tại phòng Polyvalente de la Forêt.

Hôm qua, cha ông chúng ta đã chết vì đạo. Hôm nay, chúng ta không chết vì đạo. Nhưng Giáo Hội quê nhà gặp nhiều sóng gíó. Giáo Hội Pháp quốc đối diện với tục hoá làn tràn. Chúng ta, người Kitô hữu, chứng nhân của Chuá Giêsu. Nghĩ gì ? làm gì ? Có gì khác biệt ? Có gì giống nhau giữa tử đạo và chứng nhân tin mừng ? Và tại sao lại phải là chứng nhân ? Người đi trước để lại gì cho người đến sau ? Có con đường nào khác không ? Đâu là đường dẫn đến hạnh phúc. Xưa kia, thánh Phêrô đã tuyên xưng với Chúa Giêsu: « Bỏ thầy con biết theo ai » Chúng ta có thể nói được câu này không ?

Để trả lời cho những vấn nạn này, cha Hà Quang Minh đã gợi ra những trả lời qua 4 cái nhìn.

1. Tử đạo trong lịch sử Giáo Hội. Tử đạo có nghiã là chết vì đạo. Lấy cái chết để minh chứng đức tin. Có chết cũng không chối đạo. Vì đạo là chân lý, là lẽ phài, là sự sống, là con đường duy nhất dẫn đến sự sống thật, sự sống vĩnh cửu. Đức Giêsu, nhân chứng tử đạo tiên khởi. Chứng tá cuả các cộng đoàn Công Giáo đầu tiên. Nguyên nhân các cuộc bách hại này, hoặc là vì chống lại nhóm Pharisien, Saducéen, các tư tế, thầy thượng phẩm; hoặc là vì lý do tôn giáo, nghĩa là vì Kitô giáo là độc thần, không chấp nhận bất cứ một Thiên Chuá nào khác ngoài Thiên Chuá tối cao, Thiên Chuá cuả Abraham, Isaac, Jacob, đầng sáng tạo trời đất và muôn loài muôn vật và con một Người là đức Giêsu Kitô.

2. Cuộc bách hại người Công Giáo tại Việt nam. Theo lịch sử VN, dấu tích cấm đạo đầu tiên bắt đầu năm 1533. Sắc chỉ vua ban nói đến một người ngoại quốc tên là I-nê-Khu đến giảng đạo tại vùng Sơn Nam ( Nam Định ngày nay). Sau đó, qua nhiều gian đoạn đời Chuá Trịnh, Chuá Nguyễn, nhà Tây Sơn, các vua triều đại Nguyễn, lệnh cấm đạo được liên tiếp ban hành, dưới nhiều hình thức khác nhau. Tính từ năm 1740 đến 1883 ( khoảng thời gian cuả 117 thánh tử đạo) có cả thẩy 58 sắc chỉ. Tất cả đều nêu lý do tôn giáo. Để tránh mọi sự ngộ nhận, Toà Thanh đã giới hạn thời kỳ phong thánh, từ năm 1740 ( thời Chuá Trịnh ) đến năm 1883 ( trước thời Văn thân ). Sự giới hạn này nói lên sự khôn ngoan cuả bộ Đức Tin. Trên danh sách xin phong thánh, có hết thấy là 1285 vị (trong hai đợt xin là 14/11/ 1917 và 21/1/1975). Nhưng chì có 117 vị được tôn phong hiển thánh năm 1988 và thầy André Phú Yên, chân phước năm 2000. Tính ra chỉ có 1/10 danh nhân được chấp nhận.Tuy nhiên chúng ta phải công nhận là tất cả những ai đã chết vì danh đức Kitô ( con số ước lượng là 130.000 ngàn người) đều được xem là Chứng Nhân Tin Mừng.

3. Giá trị tu đức cuả ơn tử đạo. Từ vì đạo không phải là một tai nạn ngoài ý muốn, cũng không phải là một chiến lược, chiến thuật do Giáo Hôi Công Giáo đưa ra để mưu đồ một sự nghiệp, một thể chế. Tử đạo là loan báo Tin Mừng, là rao giảng đức tin Kitô bằng chính mạng sống cuả mình. Gương tử đạo của tiền nhân vừa là một tiếng gọi lên đường vừa là một nơi nương tưạ. Lên đường hoà nhập với các chứng nhân hôm qua và hôm nay. Lên đường đồng hành với 117 thánh tử đạo là nơi nương tựa vững vàng. Trong mọi thử thách, chúng ta dựa nương vào gương sang cuả các ngài để vững bước trên con đường đức tin, đức cậy và đức mến.

4. Chứng nhân ngày nay. Giáo Hội và những thách đố cuả văn minh đô thị. Những thay đổi về tổ chức xã hội, guồng máy kinh tế, tiến bộ kỹ thuật, khoa học… đã kéo theo những thay đổi trong quan hệ gia đình, hàng xóm, xứ đạo.Những thay đổi này đã gây khó khăn cho việc truyền giáo và đặt lại quan hệ giữa đạo và đời: Từ làng ra tỉnh, Xu hướng hưởng thụ, Cá nhân chủ nghiã, Cách mạng « mai 68 »,.. Giáo Hội Công Giáo không thể có thái độ dửng dưng trước hiện trạng xã hội và thế giới hôm nay; không thể « giả điếc làm ngơ » chờ cho thời cuộc thay đổi. Nhưng Giáo Hội phải có thái độ nào cho hợp tình, hợp lý ? Đó là câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra.

Hướng đi cho tương lai chung. Chúng ta đang sống trong một xã hội kinh tế thị trường. Cách đây 30 năm, người ta xài tiếng « xã hội tiêu thụ » (société de consommation), bây giờ người ta dùng « xã hội thị trường » (société de marché). Đặc điểm của xã hội thị trường là quan hệ giữa người với người trở thành quan hệ đổi chác. Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, trong công nghị về Tân Phúc Âm Hóa đã đưa ra một số các chủ đề.

Một linh đạo « Niềm vui chứng nhân » cho Công Giáo Việt-Pháp. Từ nhiều thập niên qua, hai hướng đi « duy trì căn tính » của di dân và « hội nhập » của dân địa phương thường đặt song song với nhau, chưa tìm được một điểm chung.Vấn đề đặt ra là làm sao tìm ra một linh đạo khả dĩ giúp hai bên xích lại gần nhau, đồng hành với nhau, sống hiệp thông với nhau. Hướng đi cho tương lai có thể là sống niềm vui chứng nhân, nhất là khi sự cộng tác cuả một số tín hữu Công Giáo Việt Nam trong các giáo xứ Pháp rất được tín nhiệm, và khi tại một số điạ phận, các linh mục, tu sĩ Việt Nam rất được tín nhiệm và đã đảm nhận những trách vụ quan trọng.

LỜI KẾT

Về dự Đại Hội Lộ Đức 01-05/08/2013, hợp tâm hợp ý với Đức Ông chủ tế Giuse Mai Đức Vinh, với cha Tổng Tuyên Úy Gilbert Nguyễn Kim Sang, với hết các cha Tuyên Úy của các Cộng Đoàn, để « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam - Sống Đức Tin theo gương tiền nhân », các giáo dân Việt Nam tại Pháp đã biểu lộ lòng muốn noi gương các Thánh Tử Đạo Viêt nam, muốn sống Đức Tin, trung thành với Chúa, với phúc âm, với Giáo Hội.

Họ đã dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa vì đã ban cho họ được 117 Thánh Tử Đạo. Họ đã tạ ơn các Thánh Tử Đạo Viêt nam, vì các ngài đã là những hạt giống mang lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội Việt Nam. Họ đã dâng Thánh Lễ để chung lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Lavang nhận lời bầu cử của các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo, cho họ được thật sự « bền vững sống đức tin, can đảm bênh vực đức tin và nhiệt thành truyền bá đức tin » theo gương của các Thánh Tử Dạo Việt Nam.

Họ đã học hỏi về lịch sử cấm đạo và bắt đạo ở Việt Nam, về gương của ba thánh binh sĩ: Đinh Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể đã tuyên xưng đức tin đến giọt máu cuối cùng và về

Chứng nhân hôm qua và ngày nay. Họ muốn hiệp thông cùng Giáo Hội Việt Nam, như lời Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN, rằng « làm sao chúng ta có thể quên tấm gương sống động của Các Thánh Tử Đạo và biết bao người “đã làm chứng cho Đạo yêu thương bằng đời sống thấm đẫm tinh thần cầu nguyện và bằng cả sự hiến dâng mạng sống”? Nhờ ôn lại lịch sử, chúng ta biết trân trọng hơn gia sản đức tin mà các bậc tiền nhân để lại, đồng thời can đảm giữ vững và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh ».

Và cùng nhau, họ dâng lời hoan ca tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam:

« Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa,

Bài ca thấm nhuộm máu hồng,

từng đoàn người anh dũng tiến lên hy sinh vì Tinh yêun ».

Lộ-Đức, Ngày 02/08/2013

Trần Văn Cảnh
 
Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng 65 Năm Legio Mariae Hiện Diện Tại Việt Nam
Ban Truyền Thông HĐ/Senatus Việt Nam
15:46 03/08/2013
Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng 65 Năm Legio Mariae Hiện Diện Tại Việt Nam

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và mừng Đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đồng thời mừng kỷ niệm sinh nhật tròn 65 tuổi của Legio Mariæ hiện diện trên dải đất Việt Nam (12/08/1948 - 12/08/2013).

Xem hình ảnh

Sáng thứ Bảy, 03/08/2013, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu vực trước cổng nhà thờ giáo xứ Thị Nghè đông vui, nhộn nhịp hơn mọi ngày thật nhiều bởi các loại xe máy, xe hơi và cả xe taxi đổ về thật đông đảo từ quý ủy viên và hội viên Legio thuộc các Hội đồng Regia Xuân Lộc, Comitæ Sài Gòn I, Comitæ Sài Gòn II, Curiæ và Præsidia trực thuộc, cùng hợp nhất dâng lời cảm tạ trong bầu khí sốt sắng của Đại lễ. Mọi người diện với những bộ quần áo đẹp nhất của mình để hòa chung niềm vui với Hội Đồng Senatus Việt Nam; Quý Cha Linh Giám đón chào Đức Giám Mục giáo phận Lạng Sơn – Cao bằng về chủ tế Thánh lễ. Nhà thờ được trang hoàng thật đẹp với rất nhiều hoa..

Trước khi diễn ra thánh lễ tạ ơn là buổi họp định kỳ hàng tháng với phần phúc trình của hai Hội đồng Regia Xuân Lộc, Curia Thủ Đức II và Præsidium Đức Mẹ Trung Gian Các Ơn trực thuộc Hội Đồng Senatus Việt Nam. Trong buổi họp lần này có sự hiện diện đặc biệt của Đức Cha Giu-se Đặng Đức Ngân.

Đúng 10g30’, thánh lễ được bắt đầu. Mở đầu Thánh lễ, anh Gio-an La-san Vũ Đức Hiếu, Trưởng Hội đồng Senatus Việt Nam đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Legio Mariæ Việt Nam với chặng đường 65 năm qua, cùng những lời chúc mừng gửi đến Đức Cha chủ tế, quý Cha Linh Giám đồng tế và tất cả các ủy viên và hội viên Legio tham dự thánh lễ nhân ngày truyền thống của Legio Mariæ Việt Nam.

Chủ tế Thánh lễ là Đức Cha Giu-se và 10 quý Cha Linh Giám thuộc các Hội đồng Senatus Việt Nam, Comitium Sài Gòn II và Curiæ. Trong lời đầu lễ, Đức Cha Giu-se ngỏ lời chào quý Cha Linh Giám đồng tế và anh chị Legio: “Hôm nay, chúng ta quy tụ nhau nơi đây hân hoan mừng lễ tôn vinh Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời, đồng thời mừng kỷ niệm 65 năm Legio Mariæ hiện diện tại Việt Nam. Chúng cùng tạ ơn Chúa và xin tình yêu của Chúa tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta Ơn của Người, để chúng ta can đảm ra đi làm chứng nhân tin mừng tình yêu của Chúa nơi muôn dân. Với Ơn lành của Chúa và những hoạt động tông đồ của chúng ta sẽ lan tỏa làm nên dấu ấn Hội Thánh hôm nay, và cũng là giá trị truyền giáo đẹp nhất trong mọi môi trường xã hội tại Việt Nam. Với tất cả tâm tình đó, chúng ta cùng nhau bước vào thánh lễ trong tâm tình tạ ơn với lòng chân thành sám hối trong hành trình sống đạo của mình”.

Trong phần giảng lễ, Đức Cha Giu-se đã nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng lễ tôn vinh Đức Nữ Trinh Ma-ri-a - Mẹ Thiên Chúa Nhập Thể, Mẹ Giáo Hội và Mẹ chúng ta được lên trời cả hồn lẫn xác. Niềm vui của chúng ta lại càng lớn hơn nữa, vì hôm nay, phong trào Legio Mariæ mừng kỷ niệm 65 năm hiện diện tại Việt Nam. Khi chúng ta cùng hiện diện nơi ngôi Thánh đường này để mừng ngày kỷ niệm cũng là để tôn vinh Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, người Mẹ trên trời của mỗi người chúng ta. Trong Tin mừng mà chúng ta vừa nghe (x. Lc 1, 39-56) bài ca Magnificat, bài ca tuyệt diệu của niềm vui đã xuất phát từ tâm hồn của Mẹ Ma-ri-a để ca tụng Thiên Chúa, để loan báo kỳ công của Ngài. Mẹ Ma-ri-a hằng mong mỏi để Danh Chúa được tôn vinh được trở nên cao cả trên trần gian này và trong cuộc đời của Mẹ cũng như sự hiện diện của Mẹ ở giữa chúng ta. Mẹ biết rằng, nếu chúng ta luôn tin tưởng và vâng phục sống Lời của Thiên Chúa cao cả thì chúng ta cũng sẽ được trở nên giống như Người, vì cuộc sống trần gian của chúng ta có ơn thánh và gương lành của Mẹ Ma-ri-a để can đảm vượt qua những thăng trầm của cuộc đời.

Trong thế giới ngày nay, với lối sống thực dụng của mình luôn coi con người là chủ tể của vũ trụ, luôn muốn Thiên Chúa của chúng ta biến mất đi, sợ rằng Ngài không ban được cho chúng ta sự tự do như ý muốn của loài người. Thế nhưng, nếu một khi Thiên Chúa đã biến mất đi khỏi lịch sử của con người, thì con người cũng chẳng trở nên tốt đẹp hơn một tí nào, và rút cuộc, con người đơn thuần cũng chỉ là một sản phẩm của cuộc tiến hóa, để con người chỉ có thể đem ra dùng, bị lợi dụng, và bị lạm dụng, bị chà đạo, bị khinh bỉ mà thôi. Chỉ có khi nào Thiên Chúa được tôn vinh cao cả thì nhân loại mới có thể trở nên tốt lành hơn..

Hãy can đảm bước đi trong linh đạo Hội Thánh, hãy can đảm bước đi trong đức tin mà chúng ta đã theo đuổi, hãy can đảm phục vụ bằng giá trị tình yêu thương và phục vụ, bởi vì Mẹ trên trời luôn đồng hành đỡ nâng chúng ta. Tình yêu là tin tưởng, là dấn thân, là chấp nhận như lời mời gọi của Chúa Giê-su Ki-tô: ‘Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn mình’ (Ga 15, 13). Chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Đức Ma-ri-a, xin Mẹ nguyện cầu cho mỗi người chúng ta được chia sẻ với Mẹ mối phúc vì đã tin vào Chúa (x. Lc 1, 45). Xin cho mỗi người trong Năm Đức Tin được sống đức tin mạnh mẽ bằng niềm xác tín vào tình yêu của Chúa với tấm lòng rộng mở, hoán cải, chia sẻ yêu thương, để sinh nhiều hoa trái và sự sống của Chúa cho hết mọi người..”

Trước khi thánh lễ kết thúc, Cha Phê-rô Nguyễn Công Danh, Linh Giám Hội đồng Senatus Việt Nam đã nói lời chân thành cảm ơn Đức Cha Giu-se, xin Chúa ban dồi dào Thánh ân và sức khỏe trên Đức Cha để ngài cống hiến phục vụ Giáo Hội, cách riêng qua giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng thân yêu của ngài.

Tiếp lời, anh Gio-an La-san Vũ Đức Hiếu cũng có lời chân thành tri ân đến Đức Cha, quý Cha Linh Giám đồng tế, quý chức HĐMVGX Thị Nghè, quý ủy viên và hội viên Legio thuộc các cấp Hội đồng đã không quản ngại đường xá xa xôi và thời gian quý báu đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và tích cực cầu nguyện, cộng tác tổ chức thánh lễ mừng kỷ niệm 65 năm Legio Mariæ hiện diện tại Việt Nam được thêm tốt đẹp. Kế đến, các em Junior đã mang bó hoa tươi thắm kính dâng lên Đức Cha và quý Cha Linh Giám.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha Giu-se đã tâm tình chia sẻ: “Kính thưa quý Cha Linh Giám và quý anh chị Legio, chúng ta đã gặp gỡ nhau trong tinh thần đức tin, trong tinh thần của sự hiệp nhất rất thân thương nơi phụng vụ, yêu thương với Giáo Hội, với thế giới và với con người theo linh đạo của phong trào Legio. Trải qua chặng đường 65 năm Legio Mariæ Việt Nam với những thách đố và khó khăn vẫn còn đó, nhưng con đường của Chúa vẫn tiếp tục và đó cũng là con đường Hội Thánh đang đi và chúng ta đang viết lên giá trị đức tin tình yêu của Chúa qua phục vụ theo tinh thần linh đạo Legio Mariæ. Ở đâu chúng ta làm công việc vì Chúa và công việc vì Hội Thánh, cho dù gặp khó khăn thử thách thì vẫn âm thầm hoạt động và phát triển như lời mời gọi của Chúa: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24). Có như thế mới nảy sinh giá trị Tin mừng tình yêu đẹp nhất nơi Hội Thánh và nơi xã hội con người. Với tâm tình đó xin chúc mừng Legio Mariæ Việt Nam, quý Cha Linh Giám, Hội đồng Senatus và các cấp Hội đồng..”

Sau Thánh lễ, quý anh chị Legio thuộc các cấp Hội đồng cùng chụp hình lưu niệm với Đức Cha và quý Cha Linh Giám. Kết thúc thánh lễ, mọi người ra về mang theo trong mình hành trang với quyết tâm là hạt muối đơn sơ ướp mặn cho đời và chút men để Tin mừng được lan rộng khắp nơi như là món quà nhỏ để tạ ơn Chúa đã yêu thương qua ơn gọi hoạt động tông đồ giáo dân và tri ân những ai đã yêu thương nâng đỡ cho ơn gọi này.

Xin cho những bước chân của người Quân binh Mẹ Ma-ri-a đi tới, đều rộn rã tiếng cười, nồng nàn tình yêu thương, và thắm đậm tình con người. Xin cho môi trường hoạt động tông đồ, luôn ngập tràn ánh sáng tình yêu, hy vọng và bình an của Chúa.

VÀI NÉT VỀ LEGIO MARIÆ VIỆT NAM

Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, Giáo Hội Việt Nam được vinh dự tiếp nhận tổ chức Legio Mariæ lần đầu tiên tại Nhà thờ Hàm Long ngày 12/08/1948 dưới thời Cha Sở Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê (sau này là vị Hồng Y Tổng Giám Mục Hà Nội tiên khởi tại Việt Nam +). Từ khởi điểm này, tổ chức Legio Mariæ, ngày càng khuếch trương rộng ra khắp cả nước, trong thập niên 50 của thế kỷ trước, từ các đơn vị thấp Præsidia (cấp giáo xứ), các hội đồng Curiæ (cấp giáo hạt), các hội đồng Comitiæ (cấp giáo phận), các hội đồng Regiæ (cấp liên giáo phận). Trên dải đất quê hương Việt Nam, nhờ Hồng Ân Chúa ban, được sự tín nhiệm và cho phép của giáo quyền khắp nơi, Legio Mariæ Việt Nam đã và đang hoạt động trên 26/26 giáo phận, với 4.262 Senior Præsidia – 52.492 hội viên hoạt động – 78.807 hội viên tán trợ – 17.104 hội viên Junior (trích báo cáo của Hội đồng Senatus VN tháng 12/2012).

* Hình thành Legio Mariae tại Việt Nam:

1- Tại Tổng Giáo phận Hà Nội:

Præsidium đầu tiên “Đức Mẹ Lên Trời” được thành lập vào ngày 12/8/1948 tại Nhà thờ Hàm Long.

- Curia, ngày 15 tháng 04 năm 1954

- Comitium, ngày 21 tháng 03 năm 2005

2- Tại Tổng Giáo phận Huế:

Præsidium đầu tiên “Đức Mẹ Đi Viếng Bà I-sa-ve” được thành lập vào ngày 04/11/1951.

- Curia, ngày 07 tháng 10 năm 1954

- Comitium, ngày 15 tháng 08 năm 1997

- Regia Huế, ngày 15 tháng 06 năm 2012

- Regia Nha Trang, ngày 16 tháng 04 năm 2003

3- Tại Tổng Giáo phận Sài Gòn:

Præsidium đầu tiên “Đức Mẹ Thông Ơn Thiên Chúa” được thành lập vào ngày 27/06/1954 tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

- Curia, ngày 04 tháng 10 năm 1955

- Comitium, ngày 04 tháng 08 năm 1957

- Senatus, ngày 01 tháng 05 năm 1960

- Regia Xuân Lộc, ngày 08 tháng 12 năm 2011.

Riêng tại TGP. Sài Gòn, hình thành tổ chức Legio Mariæ (cấp toàn quốc, Hội đồng Senatus Việt Nam ngày 01/05/1960, Cha Linh giám Senatus tiên khởi là Cha Giu-se Phạm Văn Thiên sau này là Giám mục GP. Phú Cường +).

** Phát triển tính đến tháng 06/2013:

Hiện nay Legio Mariæ Việt Nam đã có mặt 26/26 Giáo phận, với hệ thống tổ chức:

• 1 Senatus Việt Nam (cấp toàn quốc)

Trụ sở: Nhà thờ giáo xứ Thị Nghè 22B XVNT, P.19, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM;

• 3 Regiæ (cấp Liên giáo phận)

• 33 Comitiæ (cấp giáo phận)

• 320 Curiæ Senior (cấp giáo hạt) 58 Curiæ Junior

• 4.262 Præsidia (cấp giáo xứ 2.243) 918 Præsidia Junior.

(Lưu ý: Cấp giáo xứ nhiều hơn trong Niên Giám 2005 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, vì có một số giáo xứ có từ 3 đến 6 Præsidia trở lên.. để đáp ứng nhu cầu mục vụ tông đồ).

• 52.492 hội viên hoạt động

• 88.695 hội viên bảo trợ và tán trợ

(Các số liệu trên có thể thay đổi tùy theo thời điểm phát triển Legio Mariæ)

• Tại Campuchia: 2 Curiæ

• Tại Lào: 2 Curiæ.

Từ khi thành lập Præsidium đầu tiên “Đức Mẹ Lên Trời” ngày 12/08/1948 tại Nhà thờ Hàm Long, đến 12/08/2013 là 65 năm. Legio Mariæ đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng Legio Mariæ tại Việt Nam không còn hoạt động được nữa, nhưng nhờ có Mẹ Ma-ri-a luôn luôn đồng hành, nâng đỡ, hướng dẫn, ban ơn, củng cố tổ chức Legio Mariæ tại Việt Nam được tồn tại cho đến hôm nay, mà còn có cơ hội để phát triển qua hai Giáo Hội nước bạn: Campuchia và Lào.

Với đời sống Đức Tin, Đức Ái và Đức Khiêm Nhường theo gương Đức Mẹ Ma-ri-a của các bậc tiền nhân còn sống cũng như đã ra đi, các Ngài đã gầy dựng Legio Mariæ trong hy sinh gian khổ với một tấm lòng quảng đại nhưng đầy tràn tình yêu Thiên Chúa. Các Ngài đã để lại cho thế hệ kế thừa một gia sản thiêng liêng quý giá, đó là một đại gia đình năng động và đầy tinh thần đoàn kết yêu thương. Sự hăng say cầu nguyện cùng với những công việc Bác Ái, Thăm viếng… đã trở nên những khí cụ cho Legio Mariæ có thể đem Chúa đến cho mọi người. Nhờ Mẹ Ma-ri-a và cùng với Mẹ, các Hội viên Legio Mariæ trở nên những chứng nhân tình yêu cho Tin Mừng được loan báo đến muôn dân.

Nhìn lại 64 năm qua tuy thăng ít trầm nhiều nhưng đã đựơc Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a thương gìn giữ cho tới nay đang từng bước đi lên. Quý hội viên Legio Mariæ hôm nay sống lại với tâm tình Tạ ơn Thiên Chúa đã luôn nâng đỡ và hướng dẫn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi những ai chân thành tìm kiếm Chúa, “Vì tình Chúa thương ta thật mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv 117,2). Từ buổi sơ khai 1948 ấy đến nay, Legio Mariæ đã đem lại cho Giáo Hội Việt Nam nhiều hoa trái tốt đẹp, làm cho vườn nho của Chúa ngày càng phong phú phát triển, cánh đồng truyền giáo Việt Nam được thêm nhiều chiến sĩ can trường dấn thân phục vụ tha nhân, đem nhiều linh hồn về với Chúa, đào tạo được nhiều thợ gặt lành nghề.

Mong rằng Legio Mariæ Việt Nam sắp tới sẽ cải thiện và khắc phục được nhiều khó khăn vất vả để đời sống hoạt động tông đồ không còn là những hạn chế..

Ban Truyền Thông HĐ/Senatus Việt Nam
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Xin cầu Nguyện cho các Cha Mẹ của các linh mục đã qua đời
Lm Peter Võ Sơn
02:01 03/08/2013
Xin cầu Nguyện cho các Cha Mẹ của các linh mục đã qua đời

Xin Quý Đức Cha, Quý Ông và Quý Cha dâng Lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn Ông Bà Cố mới qua đời, Ông Bà Cố đang bệnh, và cầu nguyện cho Quý Cha và Gia Đình.

Ông Cố Antôn Mai Viết Khương đã qua đời (84t) - An táng tuần trước.
Thân phụ của Cha Antôn Mai Viết Đại
Chaplain Nhà Tù
15501 Bruce B. Downs Blvd. #1904
Tampa, FL 33647, 352-689-5232
daimai_36@hotmail.com

Bà Cố Maria Nguyễn Thị Lệ (83t) - An táng ngày hôm nay, ngày 2 th áng 8.
Thân Mẫu của Cha Thomas Nguyễn Thái Thành
Christ the King Church
742 Arlington Road N
Jacksonville, FL 32211-7399 / 904-725-4974
parishctk@ctkcatholic.com

Bà Cố của Cha Hùng mới qua đời ở Việt Nam hôm nay, ngày 2 th áng 8.
Rev. Peter Nguyễn Văn Hùng, SOLT
Archdiocese of Santa Fe
19 Calle De La Iglesia
La Joya , NM 87028 / 505-861-3522
hungsolt@yahoo.com

Xin Thiên Chúa đón nhận các Linh Hồn Ông Bà Cố mới qua đời vào chốn bình an và hạnh phúc muôn đời.

Ông Bà Cố đang bệnh:
Ông Cố Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Long đau nặng
Thân phụ của Cha Cựu Chủ Tịch Liên Đoàn Joseph Nguyễn Thanh Liêm
St. Peter the Rock
3594 Barnesville Highway
P.O. Box 280
The Rock, Georgia 30285 / 706-648-2599
revliem@yahoo.com

Kính báo,
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ