Ngày 02-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cách dùng của cải đời nầy
Lm. Đinh Lập Liễm
05:02 02/08/2013
Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN C

CÁCH DÙNG CỦA CẢI ĐỜI NÀY

A. DẪN NHẬP

Người đời coi trọng tiền của, coi nó như chìa khóa thành công trong cuộc đời vì người ta tôn vinh nó bằng câu :”Có tiền mua tiên cũng được”. Có người coi mục đích cuộc đời chỉ là kiếm cho ra nhiều tiền để hưởng thụ, cho nên họ đã để cho lòng đam mê tiền của chi phối họ, xúi dục họ làm những điều sai trái. Họ coi tiền của là một bảo đảm vững chắc cho cuộc sống của họ. Nhưng tác giả sách Giảng viên thì nói :”Phù vân, ôi phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”(Gv1,2). Như vậy, tiền của có phải là một bảo đảm cho cuộc sống không ?

Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay không chỉ trích việc thu tích của cải để làm giầu, cũng không khinh chê của cải. Ngài chỉ khuyên người ta trong khi thu tích tiền của để làm giầu thì đồng thời cũng phải biết làm giầu trước mặt Thiên Chúa. Đừng bắt chước người phú hộ ngu ngốc chỉ biết thu tích cho nhiều của cải vật chất để hưởng thụ, coi của cải như một bảo đảm vững chắc cho cuộc sống để ăn chơi xả láng, mà bỏ quên Thiên Chúa, quên cả linh hồn mình. Vả lại, con người đâu có phải sống được mãi, một khi phải chết thì những của cải đó để cho ai ?

Đối với chúng ta tiền của không có gì là xấu vì tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên thì đều tốt. Tuy thế, tiền của cũng có thể trở nên một đứa đầy tớ trung thành của chúng ta mà cũng có thể trở nên một ông chủ khắc nghiệt biến chúng ta thành những tên nô lệ khốn nạn của nó. Chúa khuyên chúng ta hãy tránh thói tham lam, hãy biết chia sẻ. Một trong những cách làm giầu trước mặt Thiên Chúa là biết chia sẻ, biết giúp đỡ những người túng thiếu. Tất cả những gì chúng ta cho đi đều còn ở lại với chúng ta và đó là cơ sở để Chúa ban thưởng bội hậu cho chúng ta trên quê hương vĩnh cửu.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Gv 1,2 ; 2,21-22

Côhêlét là tác giả sách Giảng viên, đã thu góp những tư tưởng thâm thúy và khôn ngoan của nhiều thế hệ. Ngay câu mở đầu, tác giả đã khẳng định :”Phù vân, ôi phù vân, tất cả là phù vân”.

Tư tưởng này diễn tả một cái nhìn bi quan về cuộc sống của con người trên trần gian, nhưng lại rất đúng. Nếu chỉ đứng trên quan điểm nhân sinh trần tục mà nhìn thì ý nghĩa của cuộc đời chẳng qua là một sự phù phiếm, và do đó, đời không đáng sống. Bởi vì :

- Có người suốt đời làm ăn vất vả để thu tích của cải vật chất nhưng khi chết đi lại phải bỏ lại tất cả.
- Nhiều tiền nhiều của mà phải áy náy, đêm ngủ không yên thì ích lợi gi ?

Thái độ bi quan này của tác giả chất vấn chúng ta : Đời không còn một giá trị nào khác nữa sao ?

+ Bài đọc 2 : Cl 3,1-5.9-11.

Thánh Phaolô nhắc nhở cho tín hữu Côlôssê cuộc sống mới của họ sau khi chịu phép rửa tội.

Thật vậy, nhờ phép Rửa tội, người tín hữu đã trở nên con người mới và hy vọng sẽ được sống cùng Thiên Chúa mãi mãi. Vì thế, họ phải cởi bỏ con người cũ theo tính xác thịt với những đam mê trần tục, hãy mặc lấy con người mới theo hình ảnh của Đức Giêsu Kitô.

Do đó, người môn đệ của Đức Giêsu cần biết cân nhắc các yếu tố trong cuộc sống và chọn lựa : đừng tìm những sự dưới đất mà hãy tìm những sự trên trời.

+ Bài Tin mừng : Lc 12,13-21.

Đức Giêsu từ chối can thiệp vào vấn đề phân chia gia tài giữa hai anh em. Sở dĩ Đức Giêsu từ chối làm trọng tài trong vụ tranh chấp gia tài vì Ngài cho rằng của cải không thể đảm bảo cho cuộc sống đúng nghĩa.

Dụ ngôn về người phú hộ thật là phù phiếm. Mặc dầu anh ta có biết lo liệu, nhưng anh ta chỉ có cái nhìn thiển cận : chỉ lo hưởng thụ mà không lo gì đến sự tích lũy những của thiêng liêng không hư nát.

Theo nhận định của Đức Giêsu, anh ta là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền mà bảo đảm cho đời mình. Chết đi anh để của cải lại cho ai ? Nếu anh ta khôn thì hãy chia sẻ cho những người nghèo, thì khi anh chết đi, gia sản của anh sẽ biến thành kho tàng không bao giờ hư nát. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Kho tàng không hề hư nát.

I. ĐỒNG TIỀN LIỀN KHÚC RUỘT.

Người ta thường nói :”Đồng tiền liền khúc ruột” nói lên cái tâm lý của con người yêu chuộng tiền của mình có, cố giữ lấy, không thể tin ai, buông cho ai được. Động đến tiền là cảm thấy đau xót như “Của đau con xót” : tâm lý đau xót khi của cải bị mất mát cũng như con cái bị người ngoài bắt nạt, hành hạ.

1. Người ta đánh giá cuộc đời

Đời là một cuộc chiến đấu. Phải chiến đấu để mà sống. Nhưng khi nói tới cuộc sống người ta chỉ nghĩ đến cơm ăn áo mặc, nhà ở, phương tiện di chuyển và giải trí. Nó chỉ là đời sống vật chất. Vậy còn đời sống tinh thần thì sao , nhất là đời sống siêu nhiên ?

Nhìn vào cuộc sống, không biết thi sĩ Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu suy tư thế nào mà phát biểu một câu có tính cách triết lý :

Đời đáng sống hay không đáng sống
Nhấp chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm ?

Nếu có phải trả lời cho thi sĩ thì phần lớn người ta sẽ trả lời là đời đáng sống, nhưng sống để làm gì ? Ta hãy nghe một số sinh viên Mỹ trả lời trong một cuộc phỏng vấn :
Năm 1987, Hội đồng Quốc gia Hoa kỳ đặc trách giáo dục, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn các sinh viên sắp mãn Đại học về mục đích cuộc đời của họ trong tương lai : Họ muốn gì ? Họ nhằm điều gì trước hết ? Kết quả như sau : 75% trong số 200.000 sinh viên được hỏi ý kiến đã trả lời cho biết :”Mục đích cuộc đời tương lai của họ là làm sao kiếm được thật nhiều tiền”. Các sinh viên này cho biết :”Sau khi học xong, họ muốn có một việc làm tốt với đồng lương cao để sống thoải mái”.

2. Giá trị cuộc đời.

Người ta nói :”Có tiền mua tiên cũng được”. Tiên là nhân vật tưởng tượng trong truyện thần thọai, tượng trưng cho người đẹp nhất, quí nhất. Đây là quan niệm đề cao đồng tiền : có tiền mua gì được nấy. Vì vậy người ta mới nói :

Đồng tiền là tiên là phật
Là sức bật của con người
Là nụ cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý…

Trong cuộc tương giao của con người trong đời sống xã hội, đồng tiền vẫn giữ vai trò chủ chốt, nó chi phối sự tương giao, nó làm lệch cán cân công lý, nó có thể đổi trắng ra đen, như người ta nói :

Đồng tiền không phấn không hồ,
Đồng tiền khéo điểm, khéo tô mặt người.

Qua kinh nghiệm của cuộc sống, trước sức mạnh của đồng tiền chi phối con người, thi sĩ Nguyễn bỉnh Khiêm đã phải than một cách chua cay :

Nếu không điều lợi khôn thành dại,
Đã có đồng tiền dở cũng hay.

Ngạn ngữ La tinh có nói :”Tiền của là tên đầy tớ rất tốt, nhưng lại là người chủ rất xấu”. Và người ta cũng nói chơi với nhau :”Vô văn bất nhóc nhách”, có ý nói không có tiền của, không thể làm gì được.

3. Lòng tham của con người

Khi từ quan về ở ẩn, thi sĩ Nguyễn công Trứ khuyên người ta đừng chờ đợi những gì quá sức mình, hãy biết dừng lại, bằng lòng với những cái mình đang có, cũng như thi sĩ biết hưởng cái thú an nhàn trong bài thơ “Chữ Nhàn” :

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.
Biết đủ tức là đủ, đợi đủ biết bao giờ đủ,
Biết nhàn tức là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ nhàn.

Ông Esope, một thi sĩ ngụ ngôn của Hy lạp, đã nói lên cái lòng tham vô đáy của con người trong câu truyện sau đây :

Truyện : Ông già và con ngỗng.

Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói :”Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất.

Ông già nghèo đưa con ngỗng về nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một quả trứng ngỗng bằng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái.

Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại và nói :”Trước đây đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”.

4. Người ta đánh già đồng tiền

Người đời cũng có kinh nghiệm về đồng tiền : nếu ta biết dùng tiền của cho đúng mức, cho xứng đáng thì nó trở thành đầy tớ trung thành của ta; nhưng khi ta không biết dùng nó thì nó sẽ quay trở lại làm một người chủ khắc nghiệt và biến ta thành một tên nô lệ khốn nạn của nó.

Nhưng dù sao, con người lên voi xuống chó là lẽ thường. Tiền của đem con người lên, nhưng cũng chính tiền của đã hạ con người xuống. Và sau cùng con người cũng sẽ phải chết và của cải cũng tiêu tan theo, ra đi chẳng mang được gì ngoài hai bàn tay trắng :
Vua Ngô băm sáu tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.

II. ĐỨC GIÊSU VỚI VẤN ĐỀ TIỀN CỦA

1. Vấn đề phân chia tài sản

Theo luật Do thái (Đnl 21,17), trong việc thừa kế, người con trai cả được hưởng trọn phần di sản nếu là bất động sản, nghĩa là đất đai và nhà cửa. Và người con trai cả ấy cũng nhận được, theo luật pháp qui định, phần gấp đôi các động sản. Luật pháp này chung cho toàn bộ Đông phương cổ đại, và nhiều nền văn minh trong dòng lịch sử ; luật ấy muốn gìn giữ di sản của gia tộc với việc lập nên “người gia trưởng” được hưởng đặc quyền : Đó là quyền con trưởng. Đức Giêsu đối diện với điều đó (Quesson).

Nhưng trường hợp ở đây, hình như người con trưởng chiếm hết phần gia tài mà không chịu thừa kế bằng cách dùng uy tín để gây áp lực với người con trưởng bất công, vì Ngài được coi như một rabbi nổi danh, Ngài làm cách có uy quyền.

Đức Giêsu đã từ chối không muốn tham dự vào việc tranh chấp về tiền bạc. Đức Giêsu không đáp lại yêu cầu này, không phải không nhạy cảm về những bất công có thể có trong phạm vi gia đình, nhưng Ngài không muốn can thiệp vào những việc không liên hệ trực tiếp đến sứ mạng cứu rỗi. Câu trả lời của Ngài ngụ ý rằng Ngài chỉ chú trọng đến công cuộc thuộc linh và Ngài không muốn xâm phạm vào địa hạt luật pháp dân sự hay chiếm đọat địa vị của nhà cầm quyền :”Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay chia gia tài cho các anh”?

2. Dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc

Đức Giêsu đã từ chối “chia gia tài”. Việc từ chối này có ý nói lên rằng, tuy Ngài có quyền xét xử kẻ sống kẻ chết (Cv 10,42), nhưng sứ mạng lịch sử của Ngài ở trần gian là sứ mạng tôn giáo chứ không phải việc trần tục. Nhân dịp này Ngài nhắn nhủ với tích cách cảnh cáo rằng cần phải tránh mọi thứ tham lam, vì của cải không làm cho đời sống được bảo đảm. Lời cảnh cáo này có ý nhắc khéo rằng đừng an tâm, đừng cậy dựa vào bất cứ một vật nào khác ngoài Thiên Chúa.

Để nói lên ý tưởng đó, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc. Dụ ngôn này cho thấy rằng người phú hộ rất thành công về ngành nông nghiệp. Sự thành công này làm cho ông ta say sưa và suy tính đến việc mở mang rộng lớn kho lẫm của ông. Trong cảnh sống giầu có, sung túc này, ông ta vui chơi ăn uống thả dàn, không nghĩ đến Thiên Chúa, bỏ quên cả linh hồn của mình; nhưng ông ta không nghĩ rằng :”Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi” thì lúc đó :”Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”?

Ông ta không hề nhìn xa hơn thế giới của mình. Mọi chương trình của ông ta chỉ đặt nền tảng cuộc sống luẩn quẩn trong thế giới của ông ta.

Truyện : Rồi sao nữa ?

Ngày xưa, thánh Philipphê Nêri muốn thuyết phục Phanxicô Spazzano, một sinh viên Rôma , đã hoàn toàn tin tưởng ở sự hướng dẫn của ngài về một chân lý ngàn năm. Một hôm Phanxicô Spazzano hớn hở đến báo tin cho ngài biết mình đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp. Thánh nhân trả lời :
- Khá lắm. Cha xin mừng với con. Nhưng rồi con sẽ làm gì ?
- Con sẽ làm trạng sư, sẽ biện hộ ở tòa án.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ có nhiều tiền.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ lập gia đình.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ sống hạnh phúc.
- Rồi sao nữa ?
Chàng sinh viên suy nghĩ một lúc rồi trả lời :
- Rồi… rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.
- Rồi sao nữa ?
Chàng sinh viên im lặng bỏ đi, trầm tư và u buồn. Tuy nhiên, câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, chàng cứ bị ám ảnh hoài. Và để đảm bảo cho cái “Rồi sao nữa” kia, cuối cùng, chàng từ giã đường trần khóac áo tu trì.

Khi giải thích dụ ngôn này của Chúa, thánh Athanasiô đưa ra lời khuyên :”Ai sống như phải chết mỗi ngày – vì biết rằng cuộc sống này tự nó là tạm bợ, không chắc chắn – sẽ không phạm tội, vì sợ hãi Chúa dập tắt một phần lớn lòng tham lam ; trái lại, ai nghĩ mình còn sống lâu sẽ dễ dàng để cho mình bị dục vọng cai trị”.

Trong dụ ngôn này Đức Giêsu có ý nói lên sự nguy hiểm của giầu sang, và sự tham lam của cải vật chất. Vì vậy, Ngài dùng dụ ngôn này để cảnh giác cho hết mọi người : Người giầu có lo tích trữ của cải, cũng như người nghèo tham lam của cải. Ở đây Chúa trách người con trưởng tham lam chiếm đọat gia tài mà không chia cho người em, đồng thời Ngài cũng trách người em vì ham mê của cải mà tranh chấp gia tài với người anh.

III. CHÚNG TA VỚI VẤN ĐỀ TIỀN CỦA.

1. Ưu tiên hàng đầu của cuộc sống

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại những gì là ưu tiên hơn cả trong cuộc sống. Những lời sách Giảng viên đã nhắc nhở chúng ta :”Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh mặt trời”. Chúng mô tả một quan điểm bi đát về cuộc sống, nhưng điều chúng ta muốn nói khiến chúng ta phải hỏi :”Mục đích của đời sống là gì” ? Chắc chắn không phải là tích lũy của cải – của cải trong mọi trường hợp phải để lại đàng sau.

Những sự vật trần gian không bao giờ có thể thỏa mãn tâm hồn con người. Chỉ Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta hạnh phúc mà tâm hồn chúng ta khao khát. Vì thế thánh Phaolô nói :”Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Và Đức Giêsu khuyên chúng ta :”Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Cái làm cho chúng ta giầu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc làm gì, nhưng chúng ta là gì.

2. Tiễu trừ tính tham lam

Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ nói về những người giầu có, nhưng nói với tất cả mọi người vì bất cứ ai cũng có tính tham lam. Người nghèo cũng tham lam của cải như người giầu, không phải vì có nhiều tiền bạc hay ít của cải làm cho một người ra tham lam, nhưng khi người ta bị ám ảnh bởi của cải vật chất, người ta không còn biết thế nào là đủ. Túi tham vô đấy, chẳng bao nhiêu cho vừa. Người La mã có câu ngạn ngữ :”Của cải như nươc muối, bạn càng uống thì càng khát”.

Sách Giáo lý Công Giáo số 2536 dạy như sau :”Điều răn thứ mười cấm chỉ sự thèm thuồng, ước ao của cải trần gian cách vô độ; nó cũng cấm tính tham lam thái quá, sinh ra từ sự đam mê vô độ, sự giầu có và quyền lực do sự giầu sang mang lại”.

Chúng ta thường nghe nói :”Tham thì thâm”, quả là đúng. Trên đời này không thiếu gì những người có lòng tham và ích kỷ đến nỗi muốn đi mượn hòm để chôn mình thay vì bỏ tiền ra mua. Cũng có những người vất vả suốt cả đời lo thu tích của cải đến nỗi không dám ăn no, ngủ ngon, để rồi nửa đời người còn lại phải dùng của cải đã thu tích để bồi dưỡng lại sức khỏe đã mất chỉ vì lòng ích kỷ và tham lam quá mức. Thật vậy, những người quá lo thu tích của cải sẽ trở nên mù quáng, họ liều mình đánh mất không những tự do mà còn mất cả đời sống mình.

Truyện : Ham mê của cải.

Ham mê của cải tiền bạc là cái tật mà xưa nay có ngàn lẻ một chuyện từng được kể. Nhưng thời nay lại có câu chuyện lý thú thế này : Một thanh niên nọ tình cờ nhặt được một đồng đôla bằng bạc trên đường. Thế là từ đó, mỗi lần đi đâu, anh đều cúi đầu xuống để chú tâm tìm kiếm. Kết quả là sau ba mươi năm anh ta nhặt được 3,5 đôla tiền bằng bạc, 37 đồng nửa đôla bằng đồng, gần 18.500 nút áo đủ cỡ, khoảng 14.400 cây kim may và kim gút đủ lọai. – Nhưng anh phải đổi bằng cái tật khòm lưng. Một tâm trạng bi quan cộng thêm một tính khí khó thương. Vì đôi mắt anh từ lâu đã không nhìn lên bầu trời và bao hoa lá cỏ cây xinh đẹp… Tính ham mê của cải đã “giết chết con người anh”.
Phương pháp làm cho chúng ta được hạnh phúc là biết chấp nhận. Hạnh phúc không phải là có cái chúng ta mong muốn, nhưng là chấp nhận cái chúng ta có. Dù giầu hay nghèo, hạnh phúc là bằng lòng với cái mình đang có, và ngay cả cái mình không có nữa. Hãy biết chấp nhận mọi sự như chương trình của Thiên Chúa đã sắp đặt với lòng biết ơn rằng có Thiên Chúa là có tất cả mọi sự (Dt 13,5-6). Một người không bằng lòng với những cái mình đang có sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Họ luôn sống trong bất mãn và đau khổ, vì lúc nào cũng tham muốn có thêm.

3. Hãy biết chia sẻ

Chúa dạy chúng ta :”Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Cái làm cho chúng ta giầu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc là làm gì, nhưng chúng ta là gì.
Antoine de Saint Exupéry nói :”Khi giờ sau cùng của bạn giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều mà bạn đã trở thành”.

Có hai cách xài của cải đưa đến hai kết quả khác nhau :

a) Xài một cách ích kỷ cho riêng mình, kết quả là không bảo đảm cho sự sống đời đời.
b) Dùng tiền của để làm giầu trước mặt Thiên Chúa thì kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.

Thực ra, khi người giầu chia sẻ của cái cho người nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi.

Augier đã nói một câu chí lý :”Trong dự tính của Thiên Chúa, người giầu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, không ai “ê hề của cải, dư xài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”(Lc 12,19) chính là những kẻ ăn cắp.

Thánh Tôma Aquino quả quyết :”Những người giầu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”.

4. Phần thưởng bội hậu trên trời

Trong bài dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu không đả kích sự tích lũy của cải. Ngài không phê phán công việc làm ăn của mỗi người, mà chỉ đả kích ý nghĩ khờ dại của một số người khi họ lấy việc thu tích của cải vật chất là quan trọng hơn sự tích lũy của cải thiêng liêng.

Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay : Hãy dùng của cải đời này mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa”(Lc 12,21). Đó chính là nghệ thuật làm giầu đích thực.

Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó. Cho dù có xây bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ngân hàng, cũng chỉ là con số không. Chúng ta chỉ thực sự giầu có trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta dốc cạn kho cho người nghèo khó, mở hầu bao giúp kẻ khốn cùng. Chúa phán :”Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”(Lc 12,33).

Ở Kenya bên Phi châu có một vị thừa sai kể rằng có một số dân Phi châu vẫn còn giữ tập tục lấy đi tất cả quần áo người chết đang mặc trước khi chôn cất người ấy. Một trong những mục đích của tục lệ này nhằm nói lên rằng chúng ta rời khỏi thế gian này cũng y hệt như khi chúng ta vào thế gian. Đây chính là điều thánh Phaolô đã đề cập đến trong thư thứ nhất gửi cho Timôthê :”Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó”(1Tm 6,7).

Tuy thế, chúng ta có thể mang đi theo khi đi ra khỏi đời này với những cái mà chúng ta làm giầu trước mặt Thiên Chúa, tức là tất cả những gì chúng ta đã cho đi. Những cái chúng ta đã cho đi làm thành một kho tàng trên trời dành riêng cho chúng ta. Những cái chúng ta đã cho đi ở trần gian này vẫn còn tồn tại không bao giờ hư nát, và đấy cũng là những công nghiệp chúng ta dâng cho Chúa để được hưởng hạnh phúc đời đời.
Truyện : Cho một được mười triệu.
Đang lững thững đi trong một đường phố, có một người ăn mày đến xin bố thí, người kia móc túi da đưa cho một đồng bạc.
Tám hôm sau, nhà từ thiện đã hết sức ngạc nhiên, vì ông nhận được bức thư nặc danh, trong có ngân phiếu 10 triệu quan. Bức thư viết thế này :
Có lẽ ông còn nhớ một hôm ngao du ở Nice, ông đã bố thí cho một người ông tưởng là hành khất. Trong 10 người tôi ngửa tay xin, chỉ có một ông đã thí cho một đồng bạc. Xin ông biết cho rằng : tôi đây là một nhà triệu phú đã trá hình làm người hành khất đó, với mục đích là nắm được phần thưởng trong cuộc đánh đố. Tôi đã được cuộc, vậy xin ông cho phép tôi chia với ông số tiền thuởng đó.

Truyện rất hào hứng này, đã được tất cả các báo thuật lại và là truyện có thật. Người ta đoán ông Ernest Ingram chủ tiệm vàng ở Nice bên nước Pháp, chính là vai chủ động trong truyện.


 
Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ 18 Thường niên năm C 28.7.2013
Mai Tá
08:13 02/08/2013
Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ 18 Thường niên năm C 28.7.2013

“Tình sớm rụi bới rơm tình sớm cháy,”
“Tôi làm sao can đảm ngắm tro tàn?”
(dẫn từ thơ nguyễn Tất Nhiên)
Lc 12: 13-21
Là nhà thơ, người tuy viết: “Tôi không can đảm ngắm tro tàn”, nhưng dám làm. Là nhà Đạo, ta thấy Chúa hỗ trợ/giùm giúp người nghèo khó/thấp hèn như thánh Luca ghi, thế mới gan!
Trình thuật, thánh Luca đã can đảm ghi lại Lời Chúa nói về thân phận người nghèo rất xuyên suốt. Xuyên và suốt, về cảnh Chúa Giáng hạ có mục đồng nghèo tụ tập bên Ngài, có Đức Mẹ ca vang bài “Xin Vâng” quyết tuyên dương người nghèo, và về tình cảnh kẻ bị cướp giữa đường trong truyện kể về người Samaritanô hiền, đều là “Tin Vui” cho người nghèo khó/thấp hèn, thánh-sử đà ghi rõ.
Tin Mừng thánh Luca còn cam kết: nghèo khó/thấp hèn là điều kiện sống “chẳng đặng đừng” không chỉ dành cho người trần thế, mới như thế. Nhưng, vẫn là điều “không thể thiếu” dành để cho đồ đệ năng nổ, cũng giống vậy.
Chép Lời Chúa, thánh Luca ghi bằng tiếng Hy Lạp chỉ động-thái có “sở đắc” hoặc “sở hữu”, rất nhiều thứ. Từ vựng này, gồm hai nghĩa: nghĩa đầu, chỉ về sự vật mình sở hữu; nghĩa sau, là về: sự vật “sở đắc” con người mình. Nghĩa đầu, đơn giản nói về “tài nguyên nhân vật lực” mình từng có. Nghĩa sau, thánh-sử diễn giải rõ bằng truyện kể, có ẩn dụ. Thật ra, bằng từ-vựng đồng âm hoặc đồng nghĩa, thánh Luca thường đề cập đến những người như bị “quỷ tha ma bắt” làm sở hữu, rất mạt rệp.
Ở sách Công Vụ, thánh Luca lại cũng viết: thánh Phêrô không “sở hữu” của cải/bạc tiền, nên tiền bạc/vật chất không thể “sở đắc/khống chế ngài được. Bởi thế nên, thánh-nhân lại vẫn dạy: “Anh em hãy bán đi mọi của cải mình sở hữu”, và: “Hãy từ bỏ mọi ‘sở đắc’ vật chất, rất chóng qua”. Đó, lại cũng là điều hay/lẽ phải để ta suy tư thêm các đoạn khác được thánh sử viết mang ý nghĩa thứ hai.
Với những người Do thái nào quyết tâm giữ luật Torah, tất cả mọi sự đều thuộc về Chúa. Với người giữ luật Torah của Do thái, thì mỗi người và mọi người cũng đều thuộc về Chúa. Nói cách khác, sự vật/của cải người nguời sở hữu, cũng đã ‘sở đắc’ chính con người họ, khi sở-hữu-chủ đính-kết với lý lịch thật sâu sát của họ. Kết cục, thì sở-hữu-chủ lại đã quên rằng mình chỉ là tạo vật thuộc về Chúa, mà thôi. Và khi đã quên chuyện này, người người lại sẽ để mất căn-tính của mình, và cũng mất cả Thiên-Chúa, nữa. Trong khi đó, Đức Giêsu muốn nối-kết tình-trạng nghèo đói/thấp hèn với căn-tính thường tình của môn đệ Ngài. Chúa làm thế, mỗi khi Ngài mặc-khải cho môn đệ Ngài biết những điều như thế.
Trình thuật hôm nay, thánh Luca lại cũng sử dụng ‘tư-tưởng-làm-nền’ rút từ bản văn Tin Mừng do thánh Máccô viết, nhưng thánh-sử lại đã thêm vào đó một đôi Lời của Chúa không thấy ghi ở Tin Mừng thánh Máccô. Điều ghi thêm, là sự việc môn đệ Chúa đã “bỏ mọi sự”, để theo Chúa. Như thế có nghĩa: khi đã theo Chúa rồi, thì đồ đệ Ngài lại có rất nhiều việc/nhiều thứ để thực-hiện, trong đó có cả việc tự biến mình thành người nghèo khó/thấp hèn, như Ngài từng nhủ khuyên.
Là dân con của Chúa, tức: còn phải làm nhiều hơn nữa chứ không đơn giản chỉ trở nên nghèo hèn về vật-chất, thôi. Bởi, bên ngoài và đằng sau của cải vật chất, vẫn có thứ gì khác hấp dẫn hơn. Gọi đó là thứ gì khác, là bởi ta có thể thấy nó, khao khát nó như sự vật rất thể-chất. Ta làm thế, là bởi mình có thể nắm bắt hoặc ‘sở đắc’ cũng như khống chế nó.
Nỗi niềm khao khát của ta là biến tất cả mọi sự vật thành “sự thể rất vật chất” để mình có thể nắm trọn được nó và biến nó trở của cải cho riêng mình. Điều này áp dụng cho con người ở quanh sự vật nữa. Ta vẫn muốn đối xử với con người như sự vật chứ không phải nhân vị, để rồi ta có thể điều khiển/chỉ huy họ. Và điều này áp dụng cả vào khao khát của ta với Chúa, nữa. Sở dĩ ta gộp Chúa ở đây, là vì ta xử sự với Chúa như Sự Vật to tát hòng điều khiển Chúa làm những việc theo cách của ta. Ta muốn hiểu mọi “sự vật” và khao khát hiểu biết Chúa giống như thế. Tiến trình này là nguồn gốc của sự giàu sang có hết một ‘sự vật’.
Vấn đề là: ta có thực hiện được bản chất nghèo khó bằng cách khiến cho yếu tố ‘khống chế’ sự vật đi vào với tiến trình linh đạo của ta được không? Có thể, tính ‘khó nghèo’ như thế mới thực sự có nghĩa đối với ta. Thế nhưng, kết cuộc một hoàn thành cũng phi phỏng, rải rác. Đó có thể là não-trạng truất quyền sở gữu, cởi bỏ tính-cách sở-hữu-chủ hết mọi sự; có như thế, mới không coi con người như sự vật, không coi Chúa là Sự Vật rất to lớn. Cởi bỏ mọi sở hữu hoặc tính ‘sở đắc’ sự vật thể-chất không chỉ là biểu tượng của thể-loại suy nghĩ này thôi, nhưng còn là bước diễn-tiến bé nhỏ hạn hẹp trên đường đưa tới đó nữa.
Tính đơn sơ/giản dị, rày có nghĩa: ta không tùy thuộc vào việc đã có hoặc không có tài sản vật chất theo mức độ tư riêng/đặc biệt nào hết. Sống giản đơn, sẽ giúp ta tỏ ra sẵn sàng để Chúa thực hiện những điều kỳ diệu trong đời ngang qua ta mà đến với người nghèo khó/thấp hèn.
Hạnh phúc, là biết học hỏi cách sống giản đơn/chân phương nhưng lại ‘sở đắc’ rất ít sự vật thể chất. Thật ra, ta có thể đạt niềm vui sở đắc càng ít sự vật thể chất lại càng tốt. Cuộc sống của ta, sẽ không bị người khác đánh giá bằng sự kiện mình có được bao nhiêu của cải/vật chất hoặc mình đang ở tình trạng nào giàu hay nghèo, mà hỏi rằng ta có để cho sự vật thể-chất sai khiến ta hay không, mà thôi.
Sự sống của ta, không là những gì mình sắm được hoặc làm ra; mà là: những mình có thể tạo ra nhưng không làm thế, một phần vì ta được dạy là mình chẳng cần làm thế. Sự sống, là: ta có thể đạt đến giai đoạn nào đó khi không nghĩ về sự vật nào mình thiếu thốn, bởi đã quên là mình thiếu thứ đó.
Với ta, mỗi ngày là khám phá mới tuy nhỏ, nhưng tin chắc đó là khám phá khá thích thú. Ta không đeo đuổi bình an/hạnh phúc hoặc bất cứ thứ gì. Ta đã ngưng không còn rong ruổi chạy theo tiền tài vật chất, từ lâu. Có thể cuộc sống của ta chỉ nhất thời, không ổn; nhưng, ta luôn có tự do trong đó. Tự do, có được sự an ninh/an toàn trên mức tuyệt vời. Nhất là khi ta kết hợp hài hoà điều mình ao ước với điều mình có nhu cầu, để rồi cuối cùng mình nhận ra là mình không có cả hai.
Cuối cùng thì, xét về tâm trí, ta sẽ không ở chốn miền nào khác, rất xa lạ. Bởi, cuộc sống không gia tăng tình trạng thăng trầm, “lên voi xuống chó” suốt năm này qua tháng nọ hoặc trở thành bánh xe lao động như chu kỳ vỡ đổ. Hẳn người người đều nhớ câu chuyện tự thuật của mũi tên Zênô lúc nào cũng cam-đoan chỉ nửa đường tới đích chứ không nhắm thẳng và đi tới. Điều mà mũi tên kia muốn nói, là: nó không bao giờ bảo đảm sẽ tới đích, nhưng luôn vui vẻ, mãn nguyện. Khi ta trở nên nghèo đói, thấp hèn, chính là ngưng thấy mình như mũi tên Zênô, thật đó thôi. Tức: ta không bao giờ đạt tới đích điểm, nhưng cũng làm được việc gì đó cho người khác.
Và từ đó, ta trở thành con người luôn sẵn sàng cho người khác mình vừa gặp mà không mang theo hành lý, nên người khác không cần gì thứ đó. Như thế, tức là ta cảnh giác mọi người về thân phận của ta. Thân phận, trở thành người đồ đệ của Chúa. Đúng thế. Ít ra, ta cũng đã học biết cách để có thể trở thành những người như thế, để Chúa dùng. Dù hiện tại, ta mới chỉ đạt nửa đường, như mũi tên Zênô.
Trong tâm tình cảm nghiệm được như thế, ta lại sẽ ngâm vang lời nhẹ nhàng, rất ý thơ, rằng:

“Tình sớm rụi bới rơm tình sớm cháy,
Tôi làm sao can đảm ngắm tro tàn?
(Nguyễn Tất Nhiên – Tình Một Hai Năm)

Sớm cháy hay sớm rụi, là tình của rơm, của cỏ khô chỉ vài năm. Tình của người người, dù nửa vời nhưng không dễ thiêu dễ đốt, cách phí phạm. Tình của người, sẽ là tình của người nghèo khó/thấp hèn, nhưng vui sống. Suốt một đời. Không thôi.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch
 
Tin, động tác phát tự con tim: điều này thật ra có nghĩa gì?
Mai Tá
08:15 02/08/2013
Tin, động tác phát tự con tim: điều này thật ra có nghĩa gì?
(bài 6)

Chương I

Phần I
(tiếp theo)


Suy tư có sự đồng thuận

Đồng thuận giữa nhận thức và sự thể không hẳn là nhận thức:
Ở đây, tôi muốn diễn rộng thêm đôi chút chung quanh chủ đề về tư-duy thuộc loại “suy tư với” và “suy-tư có sự đồng thuận”. Nhưng, tưởng cũng nên tháo gỡ một vài uẩn-khúc về ngôn ngữ, trước đã.

Tư-duy, là nỗ-lực đến với nhận-thức, còn gọi là “hiểu biết”. Thế nên, ta bắt đầu bằng từ-vựng “biểu biết”, trước nhất. Trong những lần chuyện trò/than-vãn, ta nghe người đối-đáp thường hay nói: “Biết mà, hết xẩy!” hoặc: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!” Nói thì nói thế, chứ những người nói câu đó, lại không thể biết là mình “hiểu biết” những gì, hoặc “hiểu biết” sự việc được bao nhiêu, hoặc “biết” rõ tại sao lại như thế, mà chỉ muốn bảo: “Vẫn biết là như thế, nhưng sao tôi vẫn thấy nó thế nào ấy!...”

Tác giả Timothy Radcliffe, o.p. có kể lại câu chuyện: lần đó ông ghé cộng-đoàn Dòng Đa Minh của mình ở Oxford, nước Anh. Hôm ông cử hành Tiệc Thánh Thể và trao Mình Chúa cho anh em trọng tuổi ở trong Dòng, thì: khi nâng Mình Thánh Chúa lên và trao cho người anh em ấy và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô!”, thì: người anh em này liền đáp lại: “Biết mà cha! Tôi vẫn làm thế mỗi ngày mà!”

Về nhận thức/hiểu biết, lại cũng có nhiều thứ. Có thứ, ai cũng hiểu và cũng biết, thật rất rõ. Chẳng hạn như, khi ta nói: “Chúng ta đang nắm vững sự thật. Và sự thật, tự nó, rõ rành rành!” Còn thứ khác, ta lại không nắm rõ nó ra như thế nào. Kịp khi ấy, ta chỉ biết mỗi trợn tròn đôi mắt, rồi thở dài thườn thượt một vài giây, những mong chẳng ai đẩy ta đi xa hơn nữa, với những thắc mắc đại loại như thế. Vậy nên, có thể nói: Có nhiều cấp độ về tính nền tảng kiên cố, an toàn cũng như bất-toàn trong “hiểu biết”.

Nhiều lúc hoặc cũng nhiều lần, ta lại đã tuyên bố rằng mình cũng “biết” một số sự việc, và có bằng chứng để “tin” là như thế. Để rồi, ta đảo mắt nhìn quanh xem có ai đồng-thuận hoặc chống-đối lời tuyên bố của ta không. Và rồi, cứ thế “có bé xé to”; sau đó, dĩ nhiên có nhiều lúc ta kết thúc lời tuyên bố của mình bằng từ-vựng nào đó, như thể bảo: mình “hiểu biết” sự việc cũng rành rọt lắm lắm. Xem như thế, tức là: ta cũng đã biết, dù mức độ hiểu biết của ta không hẳn là hoàn chỉnh.

Thông thường, nhiều khi ta cũng rất “biết” mà chẳng cần tiếp cận nhận-thức bằng nỗ lực nào do chính ta đạt được, hoặc không cần có sự tiếp tay của bất cứ ai.

Nhiều trường hợp cho thấy: khi ta “tin” vào người nào, lại đặt hết tin tưởng vào sự “hiểu” và “biết” của người ấy, cụ thể như: khi ta cho ai mượn tiền chẳng hạn, thì ta hoàn toàn tin tưởng người ấy. Bên tiếng Anh có từ-vựng rút từ tiếng “Phạn” để chỉ về sự mua bán/đổi chác các hiện kim.

Cũng xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm, rằng: có điều lý thú là: nguồn gốc tiếng “Phạn” ấy lại cũng thấy ở tiếng La-tinh qua cụm từ “Credo” mà tiếng Anh dịch là “Creed” (tức: “Tin kính”) và “credit” (tạm dịch là: tin tưởng), cả hai đều xuất phát từ một nguồn gốc tiếng Phạn.

Xem như thế, ta có thể “tin” vào sự thật-thà của người khác -ở đây là người mượn tiền- và/hoặc: tin vào sự trung-tín của “người khác” đó. Đi xa hơn, ta có thể lắng tai nghe “người khác” bảo ban và rồi, tự đưa ra những gì “người khác” ấy đem đến cho ta. Thế đó, là động-tác trung tín, cống hiến, sủng mộ và đồng tâm/quyết chí với “người khác”. Và điều này, đem đến cho ta ý nghĩa về những gì mà “người khác” nói với ta, là rất đúng. Và, ta “tin”.

Xem như thế, rõ ràng là có một thứ hấp-lực và lời gọi mời từ “người khác” ấy, đối với ta. Những chuyện như thế, khiến ta có cảm giác: đó là những chuyện mật thiết, rất “ở nhà”, lại cũng quen. Hệt như, chuyện người nhà từng nói với ta. Và, ta thấy thích thú một điều, là: người đó nói thật với ta.

Thật ra, ta tự mình đi tìm “nhận thức/hiểu biết” và từ đó ta còn “biết” nhiều hơn nữa, nhờ mình “tin” vào nhận-thức/hiểu biết của ai đó. Ở đây, cũng có một chút ý-nghĩa của sự thật ở nơi ta, và ta càng đi xa hơn nữa với mớ kiến thức về sự khiêm tốn cũng như sự việc khiến ta quyết chí để “người khác” lôi kéo mình về với họ, và sự việc là do họ làm thế. Và, hiểu biết của ta bao giờ cũng bị bó chặt vào những gì mình không biết hoặc chưa biết hết. Ta thường xuyên gặp gỡ những người mà thật ra ta không quen hoặc không biết, và chính họ cũng chẳng biết điều gì, do họ quá “sở đắc” các hiểu biết của họ. Kiếm tìm một hiểu biết, thường là hoặc phải là: sự tìm kiếm rất khiêm nhu, từ tốn.

Khi ta hoặc “người khác” biết ăn/biết nói, thường có nhiều cách để ta quyết làm cho bằng được những việc như thế. Việc như thế, không phải lúc nào cũng giống như sách giáo-khoa chuyên giải-mã mọi thứ, và mọi sự. Trong đó, vẫn ẩn chứa nhiều biểu tượng, ẩn-dụ và có khi còn có cả thi-ca cũng như lời “nói bóng nói gió”, ám chỉ nữa. Và như thế, lại có sự “đoán già đoán non”, đến độ ta chỉ hiểu có phân nửa sự thật mà thôi. Toàn bộ sự thật của ta –nếu gọi được như thế- vẫn kết-hợp-làm-một với thứ gì đó tuy mù mờ nhưng cũng khá chắc; và, cả những thứ/những sự lẫn lộn, nhào quyện vào nhau cách sao đó ta thật không rõ. Bởi thế nên, ta cần giải-quyết tính-cách rõ ràng/chắc nịch ở bên trong tâm-trí ta; và thông thường, cũng cần có sự tiếp tay của người khác nữa.

Có thể là, ta vẫn đi đến xác-tín rồi bảo rằng: sự thật bao giờ cũng cao cả hơn bất cứ ai và/hoặc tất cả mọi người trong ta. Sự thật ở trong ta, nhưng không phải để trao ban cho riêng mình ta. Ta không tạo ra được sự thật. Cũng không sở hữu sự thật. Mà, chính nó “sở đắc” ta. Và, theo nghĩa này, sự thật khiến ta bớt tập-trung vào chính mình. Nó làm rã rượi và kém đi cơ cấu có trải nghiệm về tánh vị-kỷ của ta, rồi hội tụ ta và mọi người lại với nhau. Nó kéo ta vào với sự thể khả dĩ vượt quá kinh nghiệm từng trải về xa cách/tách-biệt có thể xảy đến.

Cũng nên nhớ: ở đây, tôi chưa nói đến điểm dị-biệt của niềm tin, một chút nào. Có thể nói, phần lớn hoặc tất cả những gì ta đề cập ở trên về tư-duy nghiêm-chỉnh và có tính triết-lý thực. Có lẽ, tôi cũng sẽ làm như thế. Bởi, lâu nay tôi vẫn đeo đuổi tìm kiếm những gì bị quên lãng/bỏ sót trong quá khứ; nay, tôi lại sẽ xem xét sự việc mình chưa đạt được sự thật ở đâu hết.

Thế đó, là tư-duy. Tiếng La-tinh cổ, gọi đó là “ngẫm nghĩ”. Từ-vựng này, hàm-ngụ một nỗ-lực cho ta thấy điểm tới vẫn chưa đạt. Bởi, đó không chỉ là “hiểu biết” thôi, mà là phấn đấu hết sức lực để tạo hiểu biết. Và, ta cũng chưa đạt điểm-tới đó. “Ngẫm nghĩ”, chuyên chở một ý nghĩ về những chuyện như thế và cứ thế xảy đến về sau. Cũng tựa hồ như bé em bập-bẹ mãi câu “tại sao thế này?” “tại sao thế kia?”, rất nhiều lần. Hỏi như bé, cả vào khi bé biết mình không có được câu trả lời thoả đáng, khi ngôn-ngữ và từ-vựng đà hết chữ. Chính đó, là lúc tư-duy khởi sự như từng khởi từ đó, trong kinh ngạc. Khả năng không thể nói ra, là địa hạt của “tư-duy”. Khi có người hỏi: “Bạn đang suy tư về những gì thế?” Lúc đó, ta sẽ yêu cầu người hỏi bỏ liên-tự “về” kia đi. Bởi tôi đây, chỉ mới tư-duy có một chút nhưng chắc chắn không phải: “về” bất cứ thứ gì tư riêng, đặc biệt. Đôi khi, ta cũng ngồi xuống mà tư-duy, suy cho kỹ hoặc chỉ ngồi xuống, thế thôi. Như thế, không phải là nghĩ hoặc suy “về” cái gì đúng hoặc “về” cái gì sai, hết. Cũng không phải “về” bằng chứng hoặc chẳng có bằng chứng, nào hết. Cũng không phải, “về” sự thể đặc biệt nào chỉ xâm nhập vào sự thể và cung cách có được tư-duy, thôi.

Ở đây, tôi muốn nói thêm đôi điều để khẳng định rằng: phần lớn những gì là tư-duy đích-thực lại là “suy-tư với”. Tôi có thể “suy-tư cùng” với ai đó, tức: cùng đồng hành trong suy tư, tức: suy tư “với” người nào đó, thế thôi. Cũng như thể, tôi đang suy-tư với anh, với chị...với mọi người đang ở đây như tôi từng tư-duy khi trước, chỉ mỗi thế. Đó là sự việc tương đối rất hiệp thông, có quan hệ mật thiết. Riêng tôi, ít lâu nay tôi quen biết linh mục nọ, một hôm có người hỏi là: cụ có tin Chúa không? Thì, cụ trả lời trong tích tắc, ngay rằng: Vâng. Tôi thật tình tin tưởng rằng tôi đang tin vào Ngài...

Nay, tôi lại giả thuyết có tầm kích ‘trí-tuệ’ về chuyện đó. Chuyện đó, lại là tầm kích “cảm xúc” về những việc như thế đó. Nhưng, tôi vẫn cảm thấy nó như cứ quyện vào nhau. Và có thể, quý vị cũng có cảm giác tương tự như thế. Và cụm từ “cảm giác” đây, bao gộp cả hai tầm kích mà ta vừa nói đến. Tôi, thì tôi nghĩ rằng: cảm giác là những cảm xúc có giác quan giống như thi-ca. Và sự thể: hai tầm kích này cứ quyện vào nhau đến độ ngày nay đôi lúc người ta bảo: nó mang tính-chất rất “quan hệ” của niềm tin, tức: có tầm mức quan trọng để ta tập trung nhấn mạnh vào đó, bao lâu mà khiá cạnh trí-tuệ được gộp vào với khiá cạnh của “cảm xúc”, thế thôi.

Xin cho tôi được tiếp tục bàn thêm một chút nữa về cụm từ “ý-nghĩa”. Đôi khi ta có thể ở trong loại-hình quan-hệ nào đó với ai khiến cho ta, tự thân, dám đồng thuận với câu hỏi như thể hỏi rằng: người khác ấy là ai; nhưng lại muốn hỏi: họ có nói cho ta biết về những gì, và có bảo là: ta không biết và sẽ không thể “hiểu biết” bằng cách nào khác. Xem thế thì, tư-duy là “suy-tư với” người nào, để rồi ta có thể diễn rộng cụm-từ “suy-tư với” qua cụm từ “suy-tư có sự đồng-thuận”. Sự hiện diện của ai đó mà mình từng “tin tưởng” sẽ thay đổi lối suy-tư thông thường của mình vào với “suy-tư có sự đồng-thuận”. Dĩ nhiên, quý vị sẽ ngạc nhiên hoặc có lẽ sẽ phản đối đường lối này, nhưng thánh Augustinô từng mô tả “niềm tin” bằng cụm từ mà tiếng La-tinh thường vẫn gọi, là: “Cum assensu cogitate” (tức: tư-duy có sự đồng-thuận). Và thánh Tôma Akinô cũng không ngại ngần gì mà không mượn câu nói đó của thánh Augustinô để tùy nghi.

Cũng nên chiêm-niệm thêm nguồn tư-tưởng mà thánh Tôma Akinô từng viết trong bộ sách có tên là “Summa Theologica” (tức: “Tổng Kết Tư Tưởng Thần Học”) ở chương 2a-2ae, câu 1-2 về “niềm tin”. Thánh Tôma cũng từng chọn lập-trường của thánh Augustinô để chống lại Denys và như thế, là đồng-thuận với trường phái phương Tây, với truyền thống La-tinh hơn truyền-thống phương Đông Hy Lạp. Cùng với quan-điểm/lập trường của thánh Augustinô, thánh Tôma Akinô chấp-nhận tiến-trình tâm-lý như đã đề-cập trong cuốn “Những Lời Xưng Thú” của thánh Augustinô) quyết đi vào với khoảnh-khắc có ý-thức về “niềm tin”, và đứng vững ở đó mãi. “Tư-duy có sự đồng-thuận” bao gồm những sự việc như thế. Còn truyền-thống Đông Phương, đúng ra là một huyền-bí có sẵn, khiến tiến-trình này được vinh-thăng.

Tư-duy tiến-triển, là tư-duy xuyên suốt cùng người khác. Và, tư-duy hoà-đồng, lại có nghĩa: cùng nhau bàn bạc để suy-tư. Đó là trào-lưu trí-tuệ đã thảo luận thật kỹ nhưng chưa đạt tầm nhìn trong-sáng về sự thật. Tư-duy mà lại thiếu tính kiên định vào phút cuối và thiếu cả sự đồng-thuận trong-suốt có khả-năng duy-trì quyết-tâm chọn lựa (như trí tuệ vẫn ngờ), hoặc nghiêng phía này thay vì phía khác (như nó từng ngờ), hoặc nghiêng về một phía có động-cơ nghiêm-trọng, nhưng lại cứ sợ phía bên kia nói đúng hơn (tức có chủ trương rạch ròi). “Tin”, là sự thể đạt được từ quá trình biện-luận như thế, nhưng mạnh mẽ hơn, bởi nó đòi nghiêng về một phía, mà lại không có được tầm nhìn trong sáng, về lâu về dài.

Thánh Tôma Akinô xem ra cũng không ngại ngần chuyện song-hành bằng kiểu-cách tham-gia cấp độ “tin-tưởng” ở mức thấp, để có thể sẻ san đôi điều với cấp độ ở trên cao; và, những gì ở cấp độ trên cao ấy, lại san sẻ đôi chút với cấp độ cao hơn nữa. Xem thế thì, “tin” là quà tặng luôn chảy từ Đức Giêsu xuống với môn đệ, rồi xuống với các lãnh đạo của Hội thánh để rồi cứ thế tuôn đổ xuống trên ta. Từ đó, ta đi vào và cùng với ngành sư-phạm của mình để rồi, từng chút và từng chút, việc đó khiến ta học cách “tin tưởng” mỗi ngày nhiều hơn. Tôi thiểt nghĩ, thánh Augustinô đã tạo nguồn-cội cho thánh Tôma AKinô tham-khảo chuyện này. Một lần nữa, ta cũng nên xem thêm cuốn “Những Lời Xưng Thú” của thánh-nhân, để thấy rõ hơn.

Có thể, có người lại sẽ hỏi về sự việc như thế. Hỏi, là hỏi rằng: phải chăng trong tiến-trình tổng-thể mọi sự-việc, ta có khám phá ra được ý-nghĩa của lập trường tư riêng tuy không độc nhất nhưng có sự hiện-diện tích-cực của cái tôi ôm choàng tất cả không? Cái “tôi” đây, có phú-ban hữu-thể nhỏ là tôi đây với đảm bảo là tất cả mọi sự sẽ tiến triển bên trong cái “Tôi” được thăng-hoá cách tích cực trên cái tôi nhỏ bé này không? Xác tín sự thể này, có là cơ sở cho niềm tin đích-thực, không? “Tin” có đi vào động-tác phát tự con tim không? Có là kết quả của sự-thể rất vô-biên là mẹ đẻ đã sản-sinh ra trẻ bé là kẻ tin không? Chắc chắn, đây là tiến trình xảy ra bên trong nội-tâm ta. Thế nên, có người lại những hỏi: thế đó có là tiến trình xuất ra bên ngoài, nhờ đó ta dám bảo: tiến-trình này còn diễn tiến cả trong Chúa nữa, đúng thế không?

Nếu đúng là như thế, thì tôi cũng ngờ rằng: giả như “niềm tin” sẽ mãi mang tính chất tâm-lý thể-hiện qua tư-duy đơn độc, hoặc nó có là kết cuộc “từng chút lại từng chút” của tiến trình/luận-cứ tâm-tư trên cấp độ của chính nó...

Ở ngoài đời, ta chỉ biết có chút ít hoặc chẳng “hiểu biết” Thứ Gì khác biệt hết, thì làm sao ta lại nói là mình vẫn đang “tin” được?

Ở đây, tôi chỉ gợi hứng để ta đi vào với những gì mình nhắm hướng mà đi đến trong diễn trình này. Tôi đang bước ra khỏi, ít là mẫu-mã của niềm tin “có ý thức”, tựa như mẫu-mã vẫn chủ-đạo niềm tin, bấy lâu nay. Bằng cung cách đề nghị như thế, tôi lại đã nhận ra rằng: mình đang đi vào chiều hướng thoát ra khỏi nền thần-học cổ-điển lẫn ngành giáo-dục tâm-lý về niềm tin, cũng rất mới.

Nhưng trong khoảnh khắc hiện tại, ta vẫn còn nhiều điều để nói về “niềm tin” đang đi tới do bởi những cam kết có ý-thức.

Thật vậy. Nếu lấy ví dụ bảo rằng: sự đồng-thuận có ý-thức về mẫu-mã chứng-thực cách tư-riêng khả dĩ đã được sử dụng để giới thiệu cho mọi người về chiều-kích khá phong-phú của niềm tin. Tỉ như, ta cứ coi niềm tin như hoạt-động giúp ta chọn mục đích sống trong đời, hoặc đặc biệt hơn, nó lại trình bày niềm tin như sự lựa chọn niềm vui để được vui hơn thế nữa, trong cuộc đời. Có thể, đó cũng là lý do tại sao một số người lại thấy được tính-chất tương-hợp trong việc mặc lấy niềm tin tương tự như việc dấn thân vào với hôn-nhân. (Tuy nhiên, cũng xin mở ngoặc ở đây, để hỏi: thế còn, với những người không tin vào thứ gì hết hoặc chẳng tin một ai thì sao?)...

(còn tiếp)
-----------------
Lm Kevin O’Shea CSsR
Mai Tá lược dịch
 
Chuyện biết rồi vẫn cứ nói
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:22 02/08/2013
CHUYỆN BIẾT RỒI VẪN CỨ NÓI

(Chúa Nhật XVIII TN C)

Tiền, bạc, của cải, một đề tài mà tín hữu Kitô dường như nghe đã quá nhiều. Oái ăm thay, những người thường lên giọng về đề tài của cải, tiền bạc thì hầu như ít bị chi phối bởi đồng tiền bát gạo kiểu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hay ‘dãi dầm mưa nắng’ để có cái lót dạ và sinh hoạt cho bản thân và gia đình.

Cuộc đời thật lắm điều trớ trêu. Chuyện nghịch lý như không còn là chuyện lý thuyết. Người hô hào “vô sản” thì của tiền hằng hà vô số. Người cam kết sống khó nghèo thì thật khó mà nghèo. Người chủ trương duy vật thì rất chi là chủ quan, duy ý chí, lại còn mê tín đủ điều. Người mong được rỗi linh hồn thì quá lo lắng chuyện nhà cửa, tiện nghi vật chất, cơ sở…Dù nghịch lý hay trớ trêu, thì chúng ta cũng phải đối diện với Lời hằng sống truy vấn chúng ta về thái độ của chúng ta với của cải, bạc tiền.

Ngài Côhêlét lớn tiếng: “Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân”(x.Gv 1,2). Của cải, bạc tiền thảy đều chóng qua như gió thổi, như mây nổi, như chim bay. Thưa Ngài Côhêlét: Phù vân đây, chóng qua đấy, nhưng cuộc đời này không thể thiếu gió, vắng mây. Hễ bắt tay làm việc gì, dù lớn nhỏ, dù xây Nhà Thờ, nhà xứ hay lo cho con cái sắp vào niên học mới… thì thảy đều phải bước qua ngưỡng cửa “đầu tiên” là “tiền đâu?” Phù vân mà rất thân thiết, vì đồng tiền dính liền khúc ruột.

Thánh Tông đồ dân ngoại nói với tín hữu Côlôxê rằng hãy hướng lòng trí đến những gì thuộc về thượng giới và đừng chú tâm đến những gì thuộc về hạ giới. Thưa thánh nhân: “đói thì đầu gối phải bò”; “có thực mới vực được đạo”… Đôi tay ngài đã không từng sần sùi, chai sạm với nghề dệt lều vải đấy ư? Và ngài đã không từng kết án những người lười biếng, không chịu lao động đấy sao?

Quả thật vẫn có đủ đầy những luận lý để bào chữa cho thái độ sống quyến luyến với của cải vật chất. Dĩ nhiên chẳng ai dám to gan nói xóc, nói xỉa ngài Côhêlét hay thánh Tông đồ dân ngoại, nhưng vẫn có đó những lời nói cạnh, nói khía đến các “đấng bậc làm thầy” trong Giáo Hội. Các ngài đâu có lo bữa mai chạy bữa hôm như chúng mình. Các ngài đâu có quặn thắt khi con cái ốm đau hay phải chịu cái cảnh nợ nần chồng chất. Thế nhưng dù có biện bạch cách này cách khác thì chúng ta cũng phải chân nhận sự cám dỗ của đồng tiền và sức mạnh của vật chất. Chúng có thể huỷ hoại hạnh phúc chúng ta ngay trong cuộc đời này và có thể làm nguy hại hạnh phúc vĩnh cửu. Trong thực tiển, dù lắm khi sức mạnh của đồng tiền như “là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng…”, nhưng chính Chúa Kitô đã từng minh định: Không được làm tôi hai chủ. Không được vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của (x.Mt 6,24). Và Người còn cảnh tỉnh chúng ta rằng người giàu có vào Nước Trời khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim (x.Mt 19,24).

Của cải, tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại là tốt đẹp vì đều do Thiên Chúa dựng nên. Thế nhưng cần phân biệt những cái tốt mang tính giới hạn, vì nó chỉ là phương tiện chứ không phải là cùng đích. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”(Lc 12,15). Và cũng chắc chắn rằng không phải nhờ của tiền dư giả mà hạnh phúc vĩnh cửu được bảo đảm. Theo thánh Phaolô thì tham lam là một hình thức thờ ngẫu tượng. Ngẫu tượng chỉ có thể dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong. Xin đừng quên tham lam là mối tội thừ hai trong “bảy mối tội đầu”.

Thiên Chúa không hề chỉ dạy chúng ta xem thường của cải vật chất và cũng chẳng bảo chúng ta khinh rẻ các tiện nghi vật chất. Người đã minh nhiên truyền lệnh cho chúng ta lao tác không chỉ để có cái sinh nhai mà còn để có điều kiện phát triển và hoàn thiện đúng phận người, loài thọ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình Người đã dựng nên, vốn là hình ảnh của Người (x.St 1,27). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần tìm kiếm vật chất, của tiền với mục đích gì? Điều đáng trách của người phú hộ trong câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể đó là đã không biết trả lời câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”(Lc 12,20).

Cái “ngốc”của người phú hộ là khi ra sức thu tích của cải mà “không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Nếu giả như viên phú hộ trả lời rằng của cải của con sẽ để lại cho con cháu hầu giúp chúng có điều kiện phát triển hoặc để phần nào đó giúp cho người bất hạnh thoát cảnh nghèo khổ thì có lẽ ông ta chẳng bị nguyền rủa là “đồ ngốc”.

Làm giàu truớc mặt Thiên Chúa chính là chiếc chìa khoá giúp chúng ta thoát ra khỏi sự tham lam vị kỷ. Hạn từ giàu khiến chúng ta liên tưởng đến sự phong phú, đến tình trạng được có nhiều hơn. Ai là người giàu có trước mặt Thiên Chúa? Không chút ngại ngần, xin thưa đó là người có tấm lòng quảng đại, vị tha. Vẫn từng có đó những con người lắm tiền, nhiều của cải mà con tim luôn rộng mở, tấm lòng rất quảng đại, vì Danh Chúa, vì hạnh phúc của đồng loại như ông Tôbia, hoặc như bà Gioanna, vợ ông Khuda, bà Sudana và nhiều bà khác mà tin mừng Luca ghi lại (x.Lc 8,3). Tuy nhiên, sự cám dỗ của vật chất cũng đã và đang làm nhiều người băng hoại. Cha ông chúng ta vốn cảm nghiệm rằng khi của tiền càng phình ra thì con tim thường bị bó hẹp lại. Biết bao nghĩa tình mẹ cha con cái, bao nghĩa tình huynh đệ đã nhạt nhoà, đổ vỡ chỉ vì chút của tiền, chút lợi lộc đang nhan nhãn trước mắt chúng ta đây đó.

Để nên giàu có ở đời này thì hoạ hiếm mới có chuyện đột xuất như trúng số độc đắc mà thường là do quá trình kinh doanh, tích luỷ có mục tiêu, có phương pháp và biện pháp thích hợp, hữu hiệu. Cũng vậy, để nên giàu có trước mặt Thiên Chúa, tức là ngày càng biết sống quảng đại, vị tha, vì Danh Chúa và vì hạnh phúc đồng loại thì không gì hơn hãy tìm phương thế và biện pháp để mở rộng tấm lòng của mình. Một kinh nghiệm sống từng được chia sẻ như sau: một giáo dân thú nhận rằng mình rất ngại ngần với chuyện “làm phúc, bố thí” cho người ăn xin. Tìm cặn kẻ nguyên cớ mới vỡ lẽ đó là vì trong túi anh ta thường chỉ có những tờ bạc mệnh giá lớn (50 hay 100 ngàn đồng trở lên). Sau khi được mách bảo rằng hãy luôn để trong túi một số “tiền lẻ”, thì anh ta đã tập được thói quen tốt là làm phúc bố thí cho người nghèo. Sau một vài lần sống theo lời khuyên rằng thỉnh thoảng làm một hành vi quảng đại gấp ba, gấp bốn, thậm chí gấp mười sự tính toán của bản thân, thì tấm lòng của anh ấy đã rộng thêm và như đã vượt qua một mức nào đó. Và chẳng biết tự bao giờ, chuyện lấn cấn khi “làm phúc bố thí” cho người nghèo vốn có trước đây như biến mất. Một nhân đức (thói quen tốt) đã hình thành. Không biết ở mức độ nào nhưng anh ta đang làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
WYD: Một bé trai 9 tuổi đã làm Đức Thánh Cha rơi lệ.
Têrêsa Thu Lan
07:56 02/08/2013
Hình ảnh và video cuả một bé trai 9 tuổi làm Đức Thánh Cha rơi lệ đã lan tràn 'như lửa cháy' trên cộng đồng mạng trong những ngày qua.

Lúc đó là hôm thứ Sáu ngày 26 tháng 7 khi xe cuả Đức Thánh Cha đi qua phố Rio, một cậu bé trai tên là Nathan de Brito, mặc áo thun cuả đội banh Brazil, đã len lỏi chạy theo Đức Thánh Cha một hồi rất lâu, rồi khi chiếc xe tạm ngừng thì đã vượt qua hàng rào an ninh, leo lên ôm lấy ngài và noí trong nước mắt: "Đức Thánh Cha ơi, con muốn trở thành một linh mục cuả Chuá Kitô, làm đại diện cho Chuá Kitô"

Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất xúc động, Ngài noí với em rằng:"Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng Cha xin con cũng cầu nguyện cho Cha", sau đó Ngài lau nước mắt cho em, ôm lấy em và nói, "Kể từ hôm nay thì ơn Kêu Gọi cuả con là chắc chắn nhé".

Phải khó khăn lắm người ta mới gỡ em ra khỏi Đức Thánh Cha và kéo em xuống.

Cậu bé Nathan còn tiếp tục tung nụ hôn tới cho Đức Thánh Cha, cho đến khi một nhân viên an ninh giỗ dành em và đưa em về với gia đình.

Theo tin từ Brazil cho biết thì Nathan là một cư dân cuả khu phố Cabo Rio, và sau khi sự việc xảy ra thì em đã được chào đón như một vị anh hùng.

Hãng truyền hình O Globo TV mô tả rằng: "Mọi người đều đã biết về ước muốn làm linh mục cuả em và muốn biết thêm về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và làm thế nào mà em đã có đủ can đảm để vượt qua hàng rào các nhân viên bảo vệ."

Bạn bè của em thì hãnh diện vì 'một trong những người cuả chúng' đã được gặp Đức Giáo Hoàng, còn gia đình de Brito thì cho biết họ cảm thấy "rất may mắn."

Còn cảm tưởng cuả em?

"Em cần phải học thêm thần học", cậu bé nói với một nụ cười, thêm rằng em sẵn sàng làm "tất cả mọi thứ" để theo đuổi ơn gọi làm linh mục cuả em.

Keyla Fernandes, cô giáo của em, cho biết de Brito có điểm học xuất sắc và hạnh kiểm tốt.

"Hạnh kiểm tốt chứng tỏ em đã thấm nhuần các đức tính Kitô giáo, chẳng hạn như đức vâng lời," cô nói.

Còn Cha Xứ Valdir Mesquita dự đoán rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng cuả em "sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác muốn làm linh mục."

Kể từ khi em lên năm hay sáu tuổi, "em đã nói rằng em muốn trở thành một linh mục," Cha Mesquita nói. "Cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ lưu lại trong trái tim cuả em và mãi mãi thay đổi cuộc sống của em."

Nhắc lại sự việc đó trong bài phát biểu tại buổi họp ngày 30 tháng 7 để cảm ơn các nhân viên Ngày Giới trẻ Thế giới 2013, Đức Tổng Giám Mục Orani Tempesta của Rio de Janeiro cũng nói rằng tình cảm của cậu bé (dành cho Đức Thánh Cha) "là điển hình của toàn thể người dân Brazil."

 
Cải tổ giáo triều và tương lai của Viện Công Trình Tôn Giáo
Bùi Hữu Thư
01:24 02/08/2013

Thực hiện những đề nghị của các Hồng Y trên thế giới

ROME, 1 tháng 8, 2013 (Le Monde vu de Rome) – Việc cải tổ giáo triều Đức Thánh Cha thực hiện cùng với nhóm tám Hồng Y đã do các đề nghị của các Hồng Y trên thế giới đề ra trong các buổi họp trước mật nghị. Còn về phần Viện Công Trình Tôn Giáo (Institut pour les Oeuvres de Religion: IOR), Đức Thánh Cha lúc này chưa lên tiếng: ngài muốn lượng giá các giải pháp khác nhau, và đòi hỏi có sự trong sáng và thành thật.

Ngày nghỉ, ngày làm việc

Thực vậy Đức Thánh Cha đã làm việc ngày thứ ba 25 tháng 7 tại dinh thự Sumaré ở Rio de Janeiro, về việc cải tổ giáo triều, theo nhật báo Tây Ban Nha La Razon. Đức Thánh Cha đã hội thảo vấn đề này với chủ tịch Uỷ Ban Lâm Thời là Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, tổng giám mục Tegucigalpa (Honduras), một người Đức Thánh Cha đã khen về khả năng tổ chức.

Đức Hồng Y đã đề nghị với Đức Thánh Cha từ nay đến tháng 10, việc soạn thảo một tài liệu thu thập các ước mong của các Hồng Y. Một công việc có tính cách tập thể.

Những hoạt động song hành tại giáo triều

Một trong những mục tiêu của công việc của uỷ ban là tránh những hoạt động song hành của các ban ngành trong giáo triều khi cùng làm việc với những đề tài song song, thí dụ, Hội Đồng Giáo Hoàng cho việc Cổ Võ Tân Phúc Âm Hóa và Thánh Bộ Truyền Giáo các Dân Tộc.

Về phần IOR, Hồng Y Maradiaga cho hay ngài mong ước sẽ trở thành một “ngân hàng đạo đức.”

Đây là bản dịch về sự can thiệp của Đức Thánh Cha về vấn đề này trên chuyến bay Rio-Rome (28-29 tháng 7, 2013):

Những điều tôi làm trong bốn tháng qua có hai khía cạnh: nội dung về những gì phải làm, tất cả đều đến từ các đề nghị của các Hồng Y. Đây là những gì các Hồng Y đã yêu cầu nơi vị sẽ trở thành giáo hoàng. Tôi nhớ rằng chính tôi đã đòi hỏi rất nhiều điều, nghĩ rằng giáo hoàng sẽ là một vị khác …

Sự thực hành tập thể tính (collegialité)

Chúng tôi đã yêu cầu thành lập một Ủy Ban gồm tám Hồng Y. Chúng tôi biết rằng điều quan trọng là phải có những tham vấn bên ngoài, không phải là những tham vấn hiện có bên trong. Điều này đôi khi đi theo chiều hướng của một sự trưởng thành của các mối tương quan giữa thể chế công nghị và ưu vị thẩm quyền (des relations entre la synodalité et la primauté). Nghĩa là tám Hồng Y này phải giúp đỡ cho thể chế công nghị, hỗ trợ các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới có thể phát biểu trong chính việc điều hành Giáo Hội.

Có rất nhiều đề nghị đã được đề ra nhưng chưa áp dụng, như việc cải tổ Văn Phòng Thường Trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục, về phương thức điều hành, cũng như Uỷ Ban Hậu Thượng Hội Đồng, sao cho có tính cách tham vấn thường trực; như những mật hội của các Hồng Y, với các đề tài không hoàn toàn chính thức – như việc phong thánh, nhưng cũng đề cập đến các vấn đề khác, v..v… Nội dung đến từ đó.

Những việc khẩn cấp phải thi hành

Khía cạnh thứ hai là cơ hội. Tôi thú thật là trong tháng đầu của giáo triều của tôi , tôi đã tổ chức uỷ ban tám Hồng Y, và đó là điểm đầu tiên. Về phần kinh tế, tôi dự trù sẽ lo liệu vào năm tới, vì đây là việc rất quan trọng cần phải làm. Nhưng chương trình nghị sự phải thay đổi vì những hoàn cảnh xẩy ra mà quý vị đã biết và công luận đã hay, do đó đã xuất hiện các vấn đề cần phải đối phó.

Trước tiên, vấn đề của IOR, hay phải chọn con đường nào, chọn khúc quanh nào, làm sao tổ chức lại, làm sao giúp cho thanh sạch hơn.

Rồi chúng tôi đã có buổi họp cua uỷ ban 15 Hồng Y lo vấn đề kinh tế cho Tòa Thánh. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Và trong khi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, chúng tôi đã thấy cần phải thành lập một Uỷ Ban Tham Vấn dộc nhất về tất cả các vấn đề kinh tế của Tòa Thánh. Biết rằng vấn đề kinh tế đã xẩy ra bên ngoài chương trình nghị sự, nhưng những việc này đã xẩy ra trong việc điều hành, chúng tôi đang đi theo chiều này, nhưng bên kia người ta ném cho trái banh, thì mình phải đỡ. Phải không? Cuộc đời là như vậy, nhưng có thế thì đời mới đẹp tươi.

Viện Công Trình Tôn Giáo (IOR), một tương lai đang mở rộng

Tôi trả lời câu quý vị hỏi về Viện Công Trình Tôn Giáo, tôi xin lỗi, tôi đang nói tiếng Tây Ban Nha.

Tôi không biết Viện Công Trình Tôn Giáo sẽ ra sao; có người nói rằng tốt hơn là nên có một ngân hàng, người khác lại muốn phải trở thành một Qũy Tương Trợ; có người khác lại cho rằng cần phải được đóng cửa. Tôi tin tưởng vào việc làm của các nhân viên IOR, và của Uỷ Ban. Chủ Tịch IOR vẫn như cũ; tuy nhiên giám đốc và phó giám đốc đã xin giải nhiệm.

Tôi không biết nói sao về kết cấu của câu chuyện này, nhưng cũng tốt đep, vì chúng ta đang tìm kiếm giải pháp, chúng ta cũng chỉ là con người. Cần phải tìm kiếm những gì tốt hơn, nhưng tính chất của IOR – hoặc là một ngân hang hay một qũy tương trợ -, Dù cho IOR sẽ trở thành cái gì, một điều chắc chắn là chúng ta muốn có sự trong sáng và thành thật. Cám ơn quý vị.
 
Những con số chính thức của Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil
Đặng Tự Do
18:13 02/08/2013
Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil đã thành công vượt quá lòng mong ước của nhiều người. Dưới đây là những con số chính thức do Ban Tổ Chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil đưa ra:

Mặc dù chỉ có 427,000 người hành hương đã đăng ký chính thức, lễ khai mạc ngày Giới Trẻ Thế giới hôm thứ ba, 23 Tháng Bảy, đã thu hút 600,000 người. Đến ngày thứ Sáu, số lượng khách hành hương tăng lên đến 2 triệu.

Đêm Canh Thức hôm thứ Bảy 27 tháng 7 với buổi cầu nguyện tại bãi biển Copacabana đã thu hút con số đáng kinh ngạc là 3.5 triệu người. Thánh Lễ Chúa Nhật là sự kiện lớn nhất, với 3.7 triệu người tham dự.

Gần nửa triệu người hành hương đến từ 175 quốc gia, và 60 phần trăm trong số họ ở độ tuổi từ 19 đến 35. Những nước có số lượng lớn nhất của người đăng ký tham dự là Brazil, Á Căn Đình, Mỹ, Chile và Ý.

Có hơn 7800 linh mục tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Các tín hữu nhận Thánh Thể hơn 4 triệu lần, trong các Thánh Lễ khác nhau trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Các khách hành hương đã chi tiêu khoảng 1,8 tỷ Reais, tức là 784 triệu Mỹ Kim.
 
Câu trả lời của Đức Phanxicô về đồng tính luyến ái
Vũ Văn An
20:27 02/08/2013
Câu hỏi chót trong chuyến bay của Đức Phanxicô từ Rio trở lại Rôma là về Đức Ông Ricca, đại diện ngài tại Viện Các Công Trình Tôn Giáo, và nhân đó về nhóm vận động đồng tính. Câu trả lời của ngài về đồng tính nguyên văn như sau: “Nếu một người là người đồng tính và đang kiếm tìm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà tự cho mình quyền phán xét người ấy?”

Câu trả lời trên đang gây nhiều phản ứng sôi nổi ở cả hai phía bên này hay bên kia các cộng đồng đồng tính, khiến Nicole Winfield của Associated Press, ngày 31 tháng 7, chạy hàng tít “Các nhận định cách mạng của Đức GH Phanxicô về đồng tính và phụ nữ không làm vừa lòng mọi người”.

Winfield cho rằng khi dùng từ “gay” rồi hỏi: thì sao? Đức Phanxicô đã dựng đứng Vatican và rũ sạch cái hơi hám bài đồng tính ra khỏi nền văn hóa của nó. Trước đó, ngài đã làm say mê hàng triệu tín hữu và các phương tiện truyền thông chính dòng. Điều này bảo đảm thành công cho việc ngài đã được bầu lên để thực hiện: không những cải tổ nền hành chánh rối loạn của Vatican mà còn cả chính Giáo Hội nữa.

Sử gia Giáo Hội Alberto Melloni cho rằng "ngài đang phục hồi tính khả tín cho Giáo Hội Công Giáo”. Ấy thế nhưng, niềm phấn khởi này xem ra không được mọi người chia sẻ.

Việc ngài vừa ngăn cấm các linh mục thuộc một dòng tu không được cử hành Thánh Lễ La Tinh theo kiểu xưa mà không có phép xem ra đi ngược lại khuynh hướng “phục hồi” của Đức Bênêđíctô XVI, người từng cho phép việc cử hành này. Vatican đã chính thức bác bỏ lối giải thích này. Nhưng xem ra, phe duy truyền thống tỏ ra không mấy hài lòng.

Cũng theo Winfield, trong một cuộc phỏng vấn gần đây của tờ the National Catholic Reporter, TGM Philadelphia là Đức Cha Charles Chaput cho hay những người Công Giáo cánh hữu “nói chung không thực sự vui vẻ” với Đức Phanxicô.

Nói cho ngay, ngài không thay đổi chi đối với giáo huấn của Giáo Hội. Ngài không nói điều gì hay làm điều gì ngược lại tín lý; mọi điều ngài nói và làm đều cổ vũ các quan niệm Kitô Giáo về yêu thương kẻ có tội chứ không yêu thương tội lỗi và phải có một Giáo Hội biết cảm thương, biết chào đón và nhân từ.

Tuy nhiên, giọng điệu và ưu tiên tự chúng có sức thay đổi, nhất là khi chịu xem sét các vấn đề vốn không được nhấn mạnh bao nhiêu, như học lý Giáo Hội về phá thai, về hôn nhân đồng tính và nhiều vấn đề khác từng được Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II nêu ra.

Nhật báo Vatican, tức tờ L'Osservatore Romano, sử dụng chữ “gay” lần đầu tiên trong lịch sử 150 năm của nó vào hôm Thứ Tư vừa qua, trong một bài báo tỏ ra ngạc nhiên trước sự thay đổi do Đức Phanxicô đem lại.

"Chỉ trong một vài chữ, nết mới mẻ đã được nói lên rành mạch mà lại không đe dọa gì tới truyền thống của Giáo Hội... Bạn có thể thay đổi mọi sự mà không thay đổi qui luật căn bản, những qui luật mà truyền thống Công Giáo vốn dựa vào”.

Tôi là ai mà dám phê phán họ

Về câu nói “tôi là ai mà dám phê phán họ?” tức người đồng tính thiện tâm đi tìm Thiên Chúa, giới đồng tính nhận định rằng Đức Phanxicô không hẳn cấp tiến như bề ngoài cho thấy. Đó là nhận định của nhà thần học David Berger, được tờ Spiegel Online ghi nhận.

Nên biết rằng tờ Spiegel Online đã ghi nhận rất nhiều phản ứng tích cực của người đồng tính đối với câu nói trên của Đức Phanxicô. Boris Dittrich, giám đốc biện hộ của chương trình đồng tính thuộc Human Rights Watch, chẳng hạn, phát biểu rằng: “Đức GH Phanxicô dùng một giọng điệu khác và nhân hậu hơn vị tiền nhiệm người Đức của ngài khi nói tới những người đồng tính. Tôi coi quan điểm của ngài... như lời kêu gọi hàng giáo sĩ Công Giáo Rôma tại nhiều quốc gia lên tiếng và phản đối khi người đồng tính nam nữ bị bắt hay bị kỳ thị bởi nhà cầm quyền tại đất nước họ... Từ nay trở đi, hàng giáo sĩ Công Giáo Rôma không thể nhìn theo hướng khác được, mà phải ủng hộ nhóm dễ bị tổn thương này để họ hội nhập vào xã hội họ đang sống”.

Christian Weisner, phát ngôn viên chi bộ Đức của Phong Trào Cải Tổ Công Giáo Quốc Tế, cho rằng “Đây là cuộc đảo chính lớn đối với các linh mục đồng tính, những người xưa nay vốn buộc phải dấu diếm khuynh hướng đồng tính của mình. Đây là lời tuyên bố mạnh mẽ và là dấu hiệu quan trọng cho thấy Đức Phanxicô không sợ thực tại”.

Nick Squires của tờ Telegraph, London, cho rằng dù không thay đổi chính sách của Giáo Hội Công Giáo coi khuynh hướng đồng tính không có tội, nhưng hành vi đồng tính thì có tội, nhưng Đức Phanxicô cho thấy ngài nhìn nhận một số linh mục đồng tính, và điều này chấp nhận được miễn là họ giữ lời khấn độc thân. Quan điểm của ngài quả có thương cảm hơn, bao gồm hơn.

Ngài cũng mặc nhiên làm dịu giáo huấn trước đây của Giáo Hội Công Giáo cho rằng đồng tính luyến ái dẫn tới các thảm họa như nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, một giáo huấn vốn bị các nhóm tranh đấu quyền lợi đồng tính lên án là lầm lẫn sâu xa và có tính kỳ thị người đồng tính.

Nichi Vendola, một trong ít chính trị gia Ý công khai đồng tính, thì cho rằng “Trong ít lời, Đức GH Phanxicô đã thực hiện được điều kỳ diệu, là tách biệt vấn đề đồng tính với vấn đề ấu dâm”.

Chiến Dịch Nhân Quyền, nhóm tranh đấu quyền lợi lớn nhất của đồng tính Hoa Kỳ, trong một tuyên bố, cho rằng nhận định của Đức Giáo Hoàng “biểu tượng cho một thay đổi có ý nghĩa trong cung giọng”, ít nhất cũng khác với cung giọng của vị tiền nhiệm, là người, năm 2005, quyết định rằng những người có khuynh hướng đồng tính không nên làm linh mục.

Thay đổi cung giọng, chứ không thực chất?

Nhưng chỉ có thế, Đức Phanxicô không hề bác bỏ nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo coi hành vi đồng tính là một tội. Tờ báo trung tả Đức Süddeutsche Zeitung viết rằng “trong cuộc họp báo, Đức Giáo Hoàng rất khôn khéo trong việc né tránh vấn đề thực sự gai góc, là liệu người đồng tính có ngang hàng với người khác trước mặt Chúa hay không, khi họ ở độc thân”.

Đây cũng là nhận định của Berger. Trước đây, Berger vốn là một thần học gia, giáo sư tại Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Rôma và là chủ bút nguyệt san Công Giáo Theologisches. Nhưng năm 2010, sau khi công khai hóa mình là người đồng tính, ông rời chức vụ, và cho xuất bản cuốn tự truyện "Der heilige Schein: Als schwuler Theologe in der katholischen Kirche" (Một Gian Dối Thánh: thần học gia đồng tính trong Giáo Hội Công Giáo). Ông hiện là chủ bút tạp chí đồng tính MÄNNER.

Berger bảo: có gì vỡ bờ đâu, người đồng tính nghĩ gì khi có ai đó bảo họ: tôi không muốn kỳ thị gì anh chị, nhưng anh chị đừng sống cái khuynh hướng ấy! Theo giáo huấn, hành vi đồng tính vẫn là một tội. “Chính vì thế, tôi càng cảm thấy bị đẩy ra bên lề nhiều hơn”. Đã đành ngài có nhấn mạnh đến việc đừng kỳ thị người đồng tính, nhưng khi nói rằng người đồng tính không nên quảng bá khuynh hướng của họ, thì nào có khác chi tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng ủng hộ các đạo luật cấm "tuyên truyền đồng tính”.

Theo Eun Kyung Kim của TODAY ngày 30 tháng 7, đây cũng là nhận định của Đức HY Dolan của New York: nhận định của Đức Phanxicô về người đồng tính cho thấy một thay đổi trong cung giọng trong Giáo Hội Công Giáo, chứ không phản ảnh bất cứ thay đổi nào về chính sách.

Giáo huấn của Giáo Hội xưa nay vẫn là phải đối xử với mọi người cách xứng đáng, dù ta không thừa nhận lối sống của họ. Đức HY Dolan nói rằng: “Điều Đức Giáo Hoàng nói là đừng quên còn có một yếu tố khác nữa trong giáo huấn của Thiên Chúa, tức ta phải đối xử với mọi người một cách có phẩm giá và kính trọng, đừng phán đoán tâm hồn họ, phải yêu thương và kính trọng họ”.

Đức HY Dolan cho hay nhận định của Đức Giáo Hoàng không làm ngài ngạc nhiên, nhưng là phản ứng của mọi người. “Điều này không thể giải thích như một thay đổi đối với giáo lý Giáo Hội hay đức tin và luân lý Giáo Hội. Nó chỉ thay đổi trong cung gọng mà thôi”. Việc không nên phê phán tâm hồn con người vốn là giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng ta có quyền phê phán hành động của người ta. Phải tôn trọng người đồng tính, nhưng hành vi đồng tính thì phải bị kết án. Điều này chưa bao giờ thay đổi.
 
Top Stories
Pope seeks to align Church hierarchy with the pews
Philip Pullella/ Reuters
09:39 02/08/2013
VATICAN CITY (Reuters) - Some say his trip last week to Brazil, capped by a Mass for 3 million on Copacabana Beach, and the 80-minute, unfiltered news conference on the plane back to Rome, were the real start of Pope Francis's pontificate.

During the flight, he fielded 21 questions on subjects ranging from scandals at the Vatican bank to women in the Church to why he carries his own briefcase. But perhaps the comments that revealed most about the type of Church he envisions came in response to a question about gays in the Vatican.

"If a person is gay and seeks God and has good will, who am I to judge?" he said, pointing out that the Church's Catechism says homosexuals should not be marginalized, and should be treated with respect and integrated into society.

It was the first time any pope had uttered the word 'gay' in public - using it five times - and was another sign that he has his ear closer to the ground than his predecessor Benedict, whom he succeeded as head of the world's 1.2 billion Catholics in March.

It also chimed with the Church precept of "loving the sinner and hating the sin", a notion not always evident in Benedict's pronouncements; a 2005 document he approved said homosexual tendencies were "objectively disordered", and in a 2010 book he described homosexuality as "one of the miseries" of the Church.

"'Who am I to judge' may end up being the most-quoted five words spoken by a modern pope," said John Thavis, author of the best-selling book The Vatican Diaries and who covered the Vatican for 30 years for the U.S.-based Catholic News Service.

"Pope Francis has realized the simple truth, that when the Church preaches on pelvic and political issues like birth control, abortion and same-sex marriage, many people stop listening. So instead of repeating the rules and revving up the 'culture of death' rhetoric, he's focusing on another essential side of Christianity, mercy and compassion. And of course, that's much more inviting," Thavis said.

Much the same point was made by a senior Vatican official, who asked not to be named.

"What is the benefit of hammering on about issues where the position is already well known, either embraced or not?" he said.

"What is the immediate association we want in people's minds when the Catholic Church is mentioned? A stern governess, or one who teaches the same values by being approachable, kind, understanding and patient?"

TRICKLEDOWN EFFECT

It's about "putting people before dogma", said Paul Vallely, author of "Pope Francis - Untying the Knots".

It's also about changing perceptions, without moving on substance.

"Pope Francis clearly wants to change the image of the Church from that of a top-down organization that issues edicts and runs by rules to a more populist model of a Church of evangelizers," said David Gibson, a U.S.-based Catholic author of several books who once worked at the Vatican.

"In viewing all people as sinners - like himself, as he notes - and making no distinctions but stressing the pursuit of holiness and doing good, Francis is very much in line with where Catholics in the pews tend to be, and their clergy, too," he said.

Unlike Benedict, who was either a professor or Vatican official most of his life, Francis has always been a pastor.

"He knows what Catholics in the trenches think," said John Allen, correspondent for the National Catholic Reporter, a U.S. publication, and author of several books on the Vatican and the Church.

"He wants to lift up the rest of the Church's teaching, especially its social gospel. Doing so may invite a lot of people, beginning with alienated Catholics, to take another look," Allen said.

Some forecast a trickledown effect.

"When Francis speaks in a whole new register about gays, or when he is so open and easygoing and informal in his dealings with people, the clergy will take notice," said Gibson. "They may not like it, but they also know they need to get with the program."

Others were bemused by the media reaction.

"It's amazing what attention a colloquial paraphrase of the Catholic Catechism can attract," said Father John Paul Wauck, a professor at Rome's Pontifical Holy Cross University, a conservative institution.

During the press conference on the plane the pope referred to the Church's Universal Catechism, which says that while homosexuality is not a sin, homosexual acts are.

Wauck, who is a member of the conservative Church group Opus Dei, said Francis wanted people to see the greater picture of the "joyful message" of Christianity.

"If you were pope and had to identify the most crucial misunderstandings afflicting the world today, you might well not settle on a familiar list of moral faults, but rather focus on more fundamental issues about how we relate to God. Without understanding those fundamental issues, there is little hope of appreciating or accepting moral rules," Wauck said.

What will the future hold for the Church under Francis?

"The Church is still coming to terms with this new pope, who, as one cardinal put it, 'plays for the same team but kicks the ball in an entirely different direction'," said Vallely.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành hương Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe từ Úc Châu
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng
05:35 02/08/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
410 thí sinh dự kỳ tuyển sinh vào Đại Chủng viện Vinh Thanh
Tân Hưng
09:16 02/08/2013
Một kỷ lục vừa được xác lập vào sáng ngày 1/8/2013 vừa qua khi có tới 410 sĩ tử thuộc giáo phận Vinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào khóa XIV- Đại Chủng viện Vinh Thanh. Đây là con số đông đảo nói lên sự phong phú ơn gọi thiên triệu trên mảnh đất Nghệ - Tĩnh – Bình giữa thời đại khủng hoảng đức tin hiện nay…

Nụ cười và nước mắt, niềm vui và nỗi buồn, niềm sung sướng xen lẫn sự tiếc nuối đã làm bao thí sinh bâng khuâng với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là tất cả những gì được ghi nhận trong khoảnh khắc thi cử đầu tiên này.

Đúng 6h15 sáng, lễ khai mạc đã được cử hành cách long trọng tại khuôn viên Chủng viện. Tham dự buổi lễ có Đức Giám Mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, cha Giám đốc Đại Chủng viện G.B Nguyễn Khắc Bá, cha Phó Giám đốc Phêrô Nguyễn Văn Hương, đội ngũ quý cha giáo sư, quý thầy giám thị và đông đảo thí sinh

Trong bài phát biểu khai mạc, linh mục G.B. Nguyễn Khắc Bá hân hoan chào mừng các bạn trẻ đã và đang theo đuổi ơn gọi thiên triệu với một tâm hồn hân hoan tự nguyện. Ngài đã ca ngợi lòng quảng đại dâng hiến và đồng thời nguyện chúc các sĩ tử đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi này.

Tiếp lời Cha Giám đốc Đại Chủng viện, trong huấn từ gửi đến 410 ứng sinh đang có mặt, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên đã chia sẻ về sự phong phú ơn gọi linh mục – tu sỹ của giáo phận Vinh. Ngài vui mừng nhận định rằng đây có thể là kỳ thi tuyển sinh vào chủng viện có số thí sinh đông đảo nhất trên thế giới hiện nay. Qua đó, Đức Cha Phêrô cũng ân cần căn dặn các bạn ứng sinh hãy luôn tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng của Chúa dẫu biết rằng trong cuộc thi thì sẽ có kẻ thắng, người thua.

Sau lễ khai mạc ngắn gọn nhưng đầy đủ và ý nghĩa, các thí sinh đã bước vào giờ làm bài: Từ 7h – 9h30, thi văn nghị luận; từ 10h – 11h30, thi tổng hợp kiến thức Kinh Thánh, Giáo lý, văn hóa xã hội. Sau phần dự thi hai môn chính này, các thí sinh sẽ tiếp tục trải qua phần thi phỏng vấn kéo dài khoảng 15 phút về động lực cũng như hành trình ơn gọi bản thân. Dự kiến đợt phỏng vấn sẽ kết thúc vào chiều ngày 2/8/2013.

Trao đổi với chúng tôi, các nhà chuyên môn và sĩ tử nhận định đề thi văn bám sát thực tiễn và nhất là phân hóa được trình độ thí sinh. Đề năm nay tập trung vào thông điệp đầu tiên của triều đại Tân Giáo hoàng – thông điệp Lumen Fidei. Nguyên văn đề như sau: Hãy trình bày sự hiểu biết của mình và khai triển câu nói trong thông điệp Ánh sáng Đức tin của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 29/6/2013: “Được đan kết cách tuyệt diệu, đức tin, đức cậy, đức mến là động lực của đời sống Kitô hữu hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn nơi Thiên Chúa”.

Về phần thi tổng hợp kiến thức, một thí sinh đến từ giáo xứ Kẻ Tùng, Hà Tĩnh cho biết rằng nội dung của các câu hỏi khá thân thuộc. Tuy nhiên, theo lời anh thì cần phải đọc kỹ và hiểu biết chắc chắn nếu không sẽ rất khó phân định giữa các đáp án được đưa ra. Do đó, các thí sinh phải thật bình tĩnh, không nóng vội và làm bài cẩn thận thì mới mong đạt điểm tối đa.

Với việc lựa chọn 40 thí sinh xuất sắc nhất trong tổng số 410 ứng cử viên, kỳ tuyển sinh vào Đại Chủng viện Vinh Thanh đã và đang lập ra những kỷ lục mới về số thí sinh tham dự, tỉ lệ chọi, sự hấp dẫn và độ “quyết liệt”. Đây là niềm vui, niềm tự hào và là nguồn lực quan trọng góp phần hướng tới sự phát triển của Giáo Hội trong tương lai.
 
Đại hội hành hương Lộ Đức của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp
Trần Văn Cảnh
14:03 02/08/2013
ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI PHÁP

« Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam

Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »

từ 01 đến 05/08/2013

Lộ Đức, ngày 01/08/2013: Ngày vào Đại Hội

Cách đây 7 năm, từ ngày 03 đến 07/08/2006, các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã trở về Lộ Đức để kỷ niệm « 30 năm hành trình Đức Tin 1976-2006 ». Năm nay, từ 01 đến 05, các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp lại trở về Lộ Đức một lần nữa, để « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam - Sống Đức Tin theo gương tiền nhân ».

Xem Hình Ảnh

Sau cơn lụt mới đây, nhờ những đóng góp từ mọi thành phần dân Chúa, một số những cơ sở của Trung Tâm Hành Hương Thánh Địa Lộ Đức đã tạm thời được sửa chữa và chỉnh trang. Mặt trời sáng và nóng như chưa từng thấy trong ngày 01/08/2013, khiến Ban Điều Hành Trung Tâm Hành Hương đã phải thay thế buổi rước kiệu Thánh Thể vào lúc 17 giờ bằng một cuộc chầu Thánh Thể trong nhà thờ hầm, Vương Cung Thánh Đường Piô X, vừa tạm sửa xong những thiệt hại do nạn lụt mới đây và có thể xử dụng được tử đầu tuần này. Các cuộc hành hương có thể thực hiện được. Câu tiếng Việt trên hang đá Massabielle vẫn y nguyên « CON HÃU ĐẾN UỐNG VÀ RỬA Ở SUỐI NÀY ».

Đại Hội Lộ Đức năm nay đã được Tuyên Úy Đoàn chuẩn bị từ phiên họp 28/05/2012. Ghi tên về tham dự có 31 cộng đoàn: Antony, Autun-Chalon, Avignon, Bordeaux, Cergy Pontoise, Châteauroux, Clermont-Ferrand, Dijon, Ermont, Grenoble, Lille, Lyon, Marne La Vallée, Marseille, Nantes, Nice, Oyonnax, Paris, Poitiers, Reims, Rennes, Rouen, Saint-Etienne, Sarcelles, Sevran, Strasbourg, Toulouse, Troyes, Valence, Versailles và Villiers Le Bel.

Tổng cộng ghi tên chính thức có tất cả 893 người, trong đó, 849 người là giáo dân, 22 là nữ tu sĩ, 3 là nam tu sĩ, và 19 là linh mục. Số người đền tham dự mà không ghi tên có thể được ước lượng khoảng 200. Vị chi tổng số tham dự được ước lượng khoảng 1200 người.

Đại Hội đã được một chuẩn bị, tổ chức và thực hiện một cách tập thể, do 13 ban làm việc khác nhau:

Đại diện Tuyên Úy Đoàn: Cha Nguyễn Kim Sang

Ban Trưởng thành: Cha Lâm Thái Sơn

Ban Giới Trẻ: Cha Vũ Thái Hòa

Ban Thư ký: Gs. Trần văn Cảnh, Cha Lâm Thái Sơn

Ban Tiếp tân và Thủ quỹ: Sr. Nguyễn thị Hảo

Ban Thánh nhạc: Cha Vũ Mộng Thơ

Ban Phụng vụ: Cha Nguyễn Xuân Nghĩa

Ban Trang trí: Cha Mai Thanh Tuyền

Ban Trật tự: Cha Nguyễn Kym Thanh

Cha Nguyễn Đức Dũng

Ban Thuyết trình và Báo chí: Cha Hà Quang Minh

Ban Tài liệu: ĐÔ Mai Đức Vinh

Ban Y tế: Sr. Nguyễn thị Kim Thoa

Ban Văn nghệ: Anh Võ Tri Văn

Ngày 01/08/2013, Các Cộng Đoàn đã trở về Lộ Đức bằng nhiều phương tiện khác nhau, người lấy máy bay, người lấy xe lửa tốc hành TGV, người đi xe ca, người đi xe riêng. Những người lanh nhất đã đến Lộ Đức từ 31/07/2013. Nhưng đa số đã đến vào ngày 01/08/2013, từ sang, trưa, chiều; Có nhóm đã chỉ đến trước 24 giờ đêm 31/07. Tạ ơn Chúa, tất cả mọi Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ghi tên đã trở về được Lộ Đức trước ngày 01/08, như chương trình đã dự liệu. Mỗi người đã được trao một khăn quàng mầu vàng ghi hàng chữ đỏ “ĐẠI HỘI LỘ ĐỨC 2013 - 25 NĂM PHONG THÁNH” và một cuốn sách 60 trang, ghi đầy đủ chương trình của đại hội. Trong tài liệu này, cha Gilbert Nguyễn Kim Sang, Tổng Đại Diện Tuyên Úy Đoàn, đã thay mặt Tuyên Úy Đoàn, gửi mỗi tín hữu hành hương “LỜI NGỎ” sau đây.

Lời ngỏ

" Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa,

Bài ca thấm nhuộm máu hồng,

từng đoàn người anh dũng tiến lên hy sinh vì Tinh yêu "

Lời thánh ca trên đây của Hoàng Khánh và Kim Long đã vang vọng trong các thánh đường từ khi Giáo Hội nâng lên hàng Chân Phước 117 vị tử đạo Việt Nam vào những năm 1900 (64 vị), 1906 (8 vị), 1909 (20 vị) và 1951 (25 vị). Và lời thánh ca đó còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa khi ĐGH Gioan-Phaolô II, ngày 19/6/1988, nâng 117 vị Chân phước nầy lên hàng Hiển thánh để Giáo Hôi hoàn vũ mừng kính các ngài hàng năm vào ngày 24/11.

25 năm đã trôi qua từ khi ĐGH Gioan-Phaolô II tôn phong117 Thánh Tử-Đạo Việt-Nam (1988-2013). Một bước nhỏ trong dòng lịch sử dài hơn 2000 năm của Giáo Hội, nhưng đó là một bước lớn cho Giáo Hội Việt-Nam. Máu của các ngài đã đổ ra để thắm nhuộn mảnh đất quê hương và làm cho hạt giống Tin Mừng phát sinh và triển nở trong lòng dân tộc Việt-Nam.

Là con cháu của các Thánh Tử-Đạo Việt-Nam, chúng ta không thể quên ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh của các Ngài, hiên ngang tiến ra pháp trường để hiến thân vì Tinh yêu. Là con cháu của các ngài, chúng ta không thể lật qua trang sử vẻ vang của Giáo-Hội mẹ để tựu về Lộ-Đức " MỪNG 25 NĂM TUYÊN PHONG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT-NAM - SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG TIỀN NHÂN. "

Nguyện xin các Thánh Tử-Đạo Việt-Nam cầu bàu và phù giúp chúng ta luôn trung thành với niềm tin và biết noi gương các Ngài đễ minh chứng cho Tình yêu của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù phải gặp những khổ giá của cuộc đời.

Nguyện xin Mẹ Maria Lộ-Đức luôn hướng dẫn chúng ta tìm về Nguồn Suối trường sinh là Chúa Kitô, Con của Mẹ, và từng bước, từng bước, theo gót chân Ngài tiến bước trên đường thánh thiện, hầu ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng với các Thánh Tử-Đạo Việt-Nam mà ca ngợi Thiên Chúa Tinh Yêu.

Tuyên úy đoàn xin chân thành cám ơn quí Ông Bà Anh Chị Em đã tích cực tham gia vào việc tổ chức Đại-Hội nầy và cũng xin cám ơn quí Cộng đoàn đã hưởng ứng lời mời gọi cũa Tuyên úy đoàn ghi danh tham dự Đại Hội, sống tình đoàn kết và hiệp thông với Giáo-Hội mẹ tại quê nhà.

Xin kính chúc tất cả quí Ông Bà Anh Chị Em được nhiều ơn thiêng trong kỳ Đại-Hội, để rồi khi trở về với cuộc sống hằng ngày tại địa phương, quí Ông Bà Anh Chị Em sẽ là những gương sáng xứng danh là con cháu các Thánh Tử-Đạo Việt-Nam.

LọĐức, Ngày 01/08/2013

Trần Văn Cảnh
 
Văn Hóa
Tôi Hét Lên!
Nguyễn Trung Tây, SVD
06:05 02/08/2013
□ Nguyễn Trung Tây

Tôi Hét Lên!


Nhưng Chúa bảo ông ta: "Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ vê tay ai?" (Luca 12:20).

Tôi mệt nhọc với cuộc đời,

Tôi khò khè với cuộc sống!

Tôi làm hãng cam, làm anh cai.

Tôi đếm tiền.

Tôi, vợ đẹp.

Tôi, con khôn.

Tôi ung thư.

Tôi hét lên!



Hai mươi năm rồi, ngày nào tôi cũng mệt thở không ra hơi, đầu nhức căng căng, tim đập hồi hộp, thần mắt khờ khạo; bởi sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, hốt hoảng như người bị ma đuổi, tôi phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm. Nước ấm dội xuống cuống cuồng, tôi sấy tóc hối hả, tôi chải tóc vội vàng, tôi mặc quần áo thật lẹ, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra xe, xe đề máy, tôi biến mất vào dòng đời xe cộ ngược xuôi.

Tách rời dòng xe đen nghìn nghịt như những con bọ hung đông lạnh không nhúc nhích trên xa lộ chằng chịt dọc ngang, tôi kiếm đường tắt, hốt hoảng bẻ trái, lừa lừa quẹo phải, tôi bực bội bấm còi, tôi phóng vội vàng vào hãng cam.

Ngồi nhặt những trái cam tươi, tôi xếp vào thùng đều đặn như người máy. Ngồi đếm những quả cam bóng lực lưỡng da căng tròn, tôi xếp vào thùng gỗ, đường rầy dây chuyền lăn đều đẩy tới những vòng quay. Nơi cuối đường, thùng gỗ đầy cam chầm chậm lăn vào lòng xe vận tải. Đầy những thùng cam, xe vận tải đề máy quay tròn mười sáu bánh xe lăn tới những nẻo đường xa lộ. Xe vận tải khác trống hoắc lầm lì lăn bánh tới, nóng nẩy chờ đợi những thùng gỗ cam tươi chất đầy lòng xe…

Hai mươi năm của cuộc đời vừa qua, tôi ngồi nhặt cam, xếp cam, lương khá. Thoạt tiên là mười lăm đồng. Năm năm sau lương tăng lên. Năm thứ bẩy, tôi hóa thành anh cai, nhận được lương phụ trội làm xếp. Được làm anh cai, tôi tới hãng sớm hơn, ở lại cũng trễ hơn. Nhưng cũng chẳng sao. Sớm và trễ đều hóa ra những đồng tiền bạc trăm bạc ngàn vào ngày thứ Sáu cuối tuần. Bởi thế tôi hăng hái lao vào nghề xếp những trái cam vô thùng gỗ. Cuộc đời bỗng dưng ngập những tiền là tiền. Cuối tuần, cầm tờ ngân phiếu hãng cam trả với bốn con số, tim tôi đập mạnh, niềm vui tiền bạc dâng lên tê tê đầu lưỡi, bao nhiêu nhọc nhằn cực khổ bởi sáng dậy sớm, chiều về trễ, hốt hoảng tranh giành đường đi trên xa lộ tự nhiên tan biến bởi những đồng tiền vào ngày thứ Sáu cuối tuần.

Tôi hát nho nhỏ,

“Tiền là tiên là Phật,

Là sức bật của tuổi trẻ,

Là sức khỏe của tuổi già”.

Tiền!

Có tiền là có tiên. Vợ tôi đã đẹp giờ lại càng thêm đẹp bởi những đồng tiền của hãng cam. Nàng sửa cằm, bơm môi, nâng ngực, cắt mắt, nàng đẹp rực rỡ, nàng ăn trắng mặc trơn. Tôi muốn ăn Phở, nàng nấu Phở nước trong. Tôi muốn ăn cháo lòng rắc tiêu sọ, cơm sườn tàu hủ ky, nàng lái xe Bimmơ xuống phố mua cơm cháo. Tôi muốn hút thuốc ba số 5, nàng ghé vào tiệm mua cho tôi mấy cây. Cẩn thận, nàng còn mua thêm mấy gói thuốc con mèo. Con tôi hai đứa, mịn da đẹp thịt, học hành giỏi giang trong trường đại học tư thục nhờ lương bốn số cuối tuần của anh cai hãng cam. Nhà tôi cất cao nhất khu đồi, bốn phòng rộng thênh thang. Hai vợ chồng tôi một phòng, căn phòng có màn cửa nhung. Một đứa con gái, một đứa con trai, mỗi đứa một phòng. Mỗi phòng căn bản là một TV và một máy vi tính. Cạnh phòng ăn là bar rượu rộng thênh thang. Dưới hầm nhà, xếp đều tăm tắp những chai rượu VSOP, rượu vang đắt tiền. Cạnh phòng ăn, tôi gọi người tới biến thành căn phòng có ghế da hơi nằm dài theo dõi dàn máy home theater hiệu Sony chiếu phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến. Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, phim Việt Nam, tôi nằm dài coi trong rạp nhà, mà tưởng là mình đang ngồi coi trong rạp màn ảnh 4D bốn chiều.

Cuộc sống tôi thênh thang. Xe Bim-mơ, vợ tôi một cái, tôi một cái. Tôi yêu vợ, yêu con, và yêu cuộc sống!

Bởi yêu vợ và yêu con, tôi anh cai hãng cam làm thêm ngày thứ Sáu, thứ Bẩy, và luôn cả ngày Chúa Nhật. Hai chục năm rồi, ngày nào tôi cũng đi làm.

Tôi đếm tiền mỏi tay!

Tiền giấy đếm, sướng những đầu ngón tay.

Tôi hạnh phúc mênh mông!

Đời tôi màu hồng.

Chuồn chuồn bay đầy trên cánh đồng cỏ xanh.

Chuột đồng no nê căng tròn rong chơi trên đồng lúa vàng.

Cá chem chép vàng ươm êm đềm bơi lội dọc theo bờ sông đỏ màu phù sa.

Tôi, thiên đàng trần thế!

Hồn ơi, vui lên!



Sáng hôm qua, như thường lệ, tôi dậy sớm, cổ họng đau ran rát.

Đi khám,

Bác sĩ nói,

— Ung thư cuống họng.

Lần đầu tiên trong đời tôi nếm vị thuốc.

Những lần chạy chemotherapy, tóc tôi rụng, đầu tôi sói sọi!

Thân thể xanh xao. Mặt bủng da chì!

Tôi vàng như những trái cam mà có một thời tôi xếp xếp gói gói vào thùng gỗ năm xưa.

Tôi húp phở, phở không ngon.

Tôi chán những chén cháo lòng rắc tiêu sọ.

Tôi ói ra những miếng cơm sườn nướng tàu hủ ky.

Tôi ho sặc sụa với hơi thuốc ba số 5, thuốc đầu con mèo.

Tôi nhổ ra phèn phẹt ngụm rượu đỏ Cabernet Sauvignon.

Tôi giờ này chỉ còn nuốt được những viên thuốc ung thư.

Sáng sáng nhìn qua khung cửa,

Bình minh rực rỡ,

tôi mơ sức khỏe.

Tôi khóc! Trời ơi, sao đời phù vân!

Nếu biết thế, tôi sẽ không sống như tôi đã từng sống hơn hai mươi năm vừa qua.

Trời mùa hạ xanh tươi, nhưng sao tôi thấy lá vàng đong đưa bên khung cửa.

Tôi hối tiếc cho những ngày xưa, những ngày còn sung mãn.

Cuối tuần, vợ tôi ghé vào viếng thăm.

Mười ngón tay của nàng, mầu hồng tô son thơm mùi phưng phức. Cặp môi trái tim, mắt phượng mở lớn, đôi ngực căng tròn, nước hoa từ thân thể nàng bốc mùi thơm hăng hắc. Tôi nhìn nàng, dáng nàng sang, tóc nàng đen óng sợi tóc dầy, tôi mơ ước sức khỏe ngày xưa.

Nàng hỏi, “Bao giờ anh về?”

Con tôi hôn lên vầng trán, “Thôi, con phải về,

Ngày mai con có bài thi cuối khóa.

Chúc bố chóng bình phục”.

Nhưng tôi vẫn tuột dốc.

Ung thư cổ họng gậm nhấm ăn mòn thân xác.

Tôi rớt xuống.

Tôi chạm đáy vực sâu.

Tôi đốt nến, nhìn lên tượng thánh giá.

Tôi đôi môi mấp máy như Hàn Mặc Tử:

“Ave Maria, Thánh Nữ Đồng Trinh,

Xin chữa con!

Xin cứu con.

Nếu bây giờ,

Phép lạ xẩy ra,

Con sẽ vẫn đi làm ở hãng cam,

Con sẽ vẫn làm anh cai,

Nhưng con sẽ không đi làm thêm ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật.

Bởi con đã nhận ra đời sống này vô thường!

Có đó rồi mất đó,

Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!”.

Nhưng phép lạ không xẩy ra.

Tôi tiếp tục mệt nhọc với ung thư,

Tôi khò khè với bệnh tật!

Ung thư tiếp tục phá nát cuống họng!

Tôi nằm dài trên giường bệnh,

Con tôi hỏi, “Bố ơi, bao giờ bố về?”.

Tôi khóc, không nói được nữa, bởi ung thư đã phá rách toang cổ họng.

Tôi run run năm đầu ngón tay, viết lên trên tờ giấy trắng tinh, “Sao hai đứa con gầy vậy?”

Con tôi nói, “Bố ơi! Mẹ bỏ đi rồi!”.

Tôi hét lên! Tiếng hét cuồn cuộn xoáy sâu đẩy tôi rơi xuống vực thẳm!

Tôi mở mắt ra,

Người ướt đẫm mồ hôi!

Nhìn qua khung cửa,

Tôi nhận ra bình minh thứ Bẩy cuối tuần rộn ràng khua vang.

Bên khung cửa,

Có chú chim nho nhỏ say mê hót vang khúc hát bình dị, “Good morning! Chào bình minh buổi sáng”.

Tỉnh cơn ác mộng,

Tôi KHÔNG hốt hoảng như người bị ma đuổi, phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm như mọi ngày trong hai mươi năm qua.

Nhưng tôi quỳ bên chân giường, tôi đọc một lời kinh nho nhỏ với Chúa, với Phật, và với Bụt.

Thấy tôi bước xuống nhà pha ly café buổi sáng, vợ tôi ngạc nhiên hỏi,

— Ủa, không đi làm sao?

Tôi đáp cộc lốc,

— Không!

Nhưng mặt tươi như hoa, nhìn qua khung cửa, hát nho nhỏ một bài ca…

□ Nguyễn Trung Tây

www.nguyentrungtay.com
 
Cảm Nghiệm Tình Hiệp Thông
Tuyết Đinh
08:29 02/08/2013
Cảm Nghiệm Tình Hiệp Thông

Biến cố linh mục Gioan Baotixita Ngô Văn Bao đến thăm San Jose rồi vĩnh viễn ra đi về Nước Chúa cho tôi diễm phúc như được xem một cuộn phim sống động rất thật, nhiều xúc cảm, rất hoàn hảo và rất là Công Giáo! Theo Thánh Vịnh 11 câu 7 : “Quả thật CHÚA là Đấng công chính, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan”.

Thánh Nhan thiêng liêng huyền nhiệm được chiêm ngưỡng hôm nay, bắt đầu lúc 12 giờ trưa thứ bảy ngày 27 tháng 7 năm 2013 trong nhà thờ St. Maria Goretti bởi cha Bao nằm bất động trước bàn thờ sau khi được anh em linh mục của ngài và cộng đoàn phụng vụ tháp tùng tiến vào thánh đường. Quanh bàn thờ, Đức Cha Thomas Daly, giám mục phụ tá giáo phận San Jose, cha Hùynh Lợi, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Lavang, cha Phan Thế Lực, người anh linh tông của cha Bao, Đức ông Đĩnh, Cha Khánh, cha Tân, cha Hoan, cha Tĩnh… tổng cộng 16 linh mục và 4 phó tế vĩnh viễn. Cha Bao được ấp ủ bởi các cha thuộc giáo phận San Jose, giáo phận Xuân Lộc. Trong số linh mục đồng tế có cha đang du học ở Pháp, có cha đang du lịch… không quen biết người quá cố cũng chẳng liên hệ gì đến cộng đồng phụng tự San Jose hay Xuân Lộc; khi biết tin cũng đến tiễn đưa người anh em ra đi trước mình. Cuối thánh lễ, cộng đoàn giáo sĩ này vây quanh người anh em linh mục quá cố, cùng nhau hát bài Lạy Nữ Vương Thiên Đàng bằng tiếng Latinh rất cảm động.

Giới tu sĩ nam nữ thuộc các Hội dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn hải ngoại, Tu Hội Tình Thương, Đaminh, Mến Thánh Giá Los Angeles… tham dự thánh lễ tiễn đưa và cầu nguyện cho cha Bao rất sốt mến. Phần giáo hữu chúng tôi, hưởng ứng lời kêu gọi và dìu dắt của bậc lãnh đạo tinh thần nên thương mến cha Bao như cha nhà. Nhiều hội đoàn, phong trào, đoàn thể, huynh đoàn thay nhau cầu nguyện tại nhà quàn và tham dự thánh lễ thật đông đảo.

Đức Giám Mục Xuân Lộc đã ưu ái gửi linh mục sinh viên du học Phạm Ngọc Thuỷ từ tiểu bang Pensylvania đến phối hợp với cha Lợi và cha Lực để cả ba cha cùng là tấm gương tận tụy hy sinh, vất vả lo cho cha Bao thật chu đáo.

Thưa cha Bao,

Cảm ơn Cha đã đến San Jose với chúng con. Cha đã tạo cơ hội cho chúng con có dịp ôn lại tinh thần “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ!” của truyền thống con dân Việt Nam và tính cách hiệp nhất,, bác ái vô vị lợi của Giáo Hội. Qua bài giảng do cha Thủy, con rất phục sự hy sinh can trường của cha, can đảm theo đuổi ơn gọi qua những năm tháng dài học hỏi trong một môi trường rất nhiều khó khăn gian nan lận đận. Khi thi hành nhiệm vụ linh mục, cha đã được chọn, được sai đến những vùng nghèo khó không hứa hẹn gì cho dân chúng có thể vươn lên về mặt kinh tế; chẳng hạn như vùng đất sét Russeykeo... Thế mà cha vẫn cùng cha phó, các thầy giúp xứ, các nữ tu và con chiên bổn đạo xây dựng được một ngôi thánh đường hữu hình khang trang và vun xới cho ngôi đền thờ vô hình trong tâm hồn các tín hữu. Đức Cha Thomas Daly của chúng con đã nhận xét rất tinh vi về gương sống chứng nhân tử đạo của cha thật là hào hùng.

Con cảm ơn quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Cha, quý Phó tế, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa đã hướng dẫn, đồng hành trong biến cố đặc biệt này. Trên hết, con cảm tạ Đức Kitô đã dạy dỗ, làm gương, uốn nắn chúng con biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Con cũng cảm ơn Chúa ban cho chúng con tình yêu, ân sủng, sức khoẻ, thời giờ, phương tiện… để chúng con thể hiện tấm lòng nhiệt thành cách chí tình đối với cha Bao.

Con kính cẩn chào cha Bao.

Chúc Cha thượng lộ bình an.

Một người con Xuân Lộc đang được may mắn sống trong giáo xứ Đức Mẹ Lavang San Jose
 
Thánh chức Linh mục
Trần Đinh Phan Tiến
09:07 02/08/2013
THÁNH CHỨC LINH MỤC !

Thánh chức linh mục đến trọn đời
Khuyên ai gìn giữ chẳng hề lơi
Ôm ấp trong tim hơn báu vật
Vì tình Thiên Chúa ở với mình
Chiếc áo “Giêsu” là áo lễ
Được khoác vào mình để tiến dâng
Khước từ tất cả, khi đoan hứa
Sắt son chung thủy đến trọn đời.

HỒNG PHÚC ĐẸP TƯƠI !

Hồng phúc đẹp tươi vì thánh chức
Hơn cả ngọc châu vì trung thành
Được nhận phải đâu vì công sức
Nhưng bởi do nơi Đấng Tạo Thành
Hào quang thánh chức chính “Giêsu”
Sơ ý buông rơi ,đời ân hận
Nắm chắc, giữ chặt sẽ vinh quang
Cám dỗ sẵn sàng ta đối diện
Nhưng đừng mắc bẫy bởi satan
Sụp đỗ tan tành trong chốc lát
Một đời chăm chút và nâng niu
Hồng ân thánh chức xin ghi nhớ
Đẹp hơn tất cả của thế trần
Thiêng liêng sáng giá, vật nào sánh ?
Cao cả tuyệt trần, tiếng “ xin vâng”
Bên “Người” từng bước đời thánh hiến.

(Mừng Tân chức Lm F.X Trần Kim Ngọc- Tu sĩ OP., 06/08/2013)
 
Chút Tình Riêng
Anmai, CSsR
20:27 02/08/2013
CHÚT TÌNH RIÊNG

Ở đời, có những chuyện riêng người ta giữ kín trong lòng chỉ để cho lòng mình biết. Thế nhưng cũng có những chuyện riêng như là kỷ niệm, như là niềm vui người ta muốn gửi đến cho những người thân quen khi có dịp. Kỷ niệm riêng, chút tình riêng ấy sẽ ở lại mãi trong lòng người cảm nhận.

Dăm ba năm trước, khi về chủ sự Lễ Hành Hương Minh Niên tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, Đức Cha Phêrô phụ tá không ngần ngại nói lên tâm tình, nói lên tình riêng của mình. Đức Cha nói rằng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng là nơi rất thân quen từ những ngày còn làm thầy và khi đã lãnh sứ vụ linh mục. Ngài thường lui tới nơi mảnh đất thiêng này và đặc biệt với Núi Đức Mẹ để thủ thỉ, để thỏ thẻ với Mẹ lòng của Ngài. Trở về Đền Đức Mẹ dâng Lễ lại nhớ lại hình ảnh ngày xưa và lại nhớ lại những ơn lành Mẹ trao ban cho Ngài.

Mới đây, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - giám mục giáo phận Cần Thơ - cũng trở về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để dâng lễ mừng kính Thánh Anphongsô đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế.

Cảm xúc trào dâng, Đức Cha lại gửi đến tâm tình hết sức riêng và hết sức đặc biệt của Ngài : "Ngay từ nhỏ, lúc đó tôi khoảng chừng 8 tuổi. Mỗi lần đi Lễ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, sau Lễ, mẹ tôi dẫn tôi ra núi Đức Mẹ đọc kinh rất lâu". Còn nhỏ tôi chẳng hiểu gì nhưng tôi nghĩ rằng mẹ tôi nói với Đức Mẹ : "Mẹ ơi ! Con là người vợ góa, nhiều con thơ, một mình con không làm nổi gì đâu, Mẹ không tiếp sức thì con không làm gì được".

Đức Cha ngừng lại một chút vì xúc động, tình thương của người con nhớ về mẹ của mình lại trào dâng, ngừng lại hơi nghẹn lời một chút rồi Ngài tiếp : "Mẹ tôi cầu nguyện với Mẹ và rồi Mẹ tôi nuôi các con ăn học. Tôi năm đó 8 tuổi, đứa út mới có 1 tuổi. Mẹ tôi nuôi chúng tôi và chúng tôi, anh em chúng tôi đứa nào cũng biết đọc biết viết. Mẹ tôi cầu nguyện với Đức Mẹ. Đó là bài học cho chính tôi, mỗi khi tôi gặp khó khăn thử thách thì chạy đến Đức Mẹ. Lúc tới đây, trước khi thăm các cha các thầy, tôi đã tới núi Đức Mẹ để cầu nguyện".

Các Đức Cha có chút tình riêng với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nói như thế. Nếu có dịp được nói, tôi cũng sẽ nói như thế này :

Ngày còn bé, chắc cũng vào khoảng 8 tuổi, Dì ruột của tôi ở Gia Kiệm, cứ mỗi lần Dì về Sài Gòn là Dì lại dẫn tôi lên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Mỗi lần lên nhà thờ Dòng thì Dì lại dẫn tôi quỳ trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở cánh trái của nhà thờ. Chẳng biết Dì nòi gì nhưng chỉ thấy Dì cầu nguyện với Đức Mẹ thật lâu. Chưa hết, Dì còn dẫn tôi ra trước núi Đá của Mẹ để cầu nguyện thật lâu.

Khi xem lại hình kỷ niệm của gia đình, chỉ còn được vài tấm hiếm hoi. Có một tấm giá trị đó là hình cưới của ba mẹ tôi. Nhìn trong ảnh lại hình ảnh thân quen hiện ra đó là bức ảnh lưu niệm ngày cưới của ba mẹ tôi được chụp trước núi Đức Mẹ cùng với Cha Eugène Larouche Dòng Chúa Cứu Thế. Lại dính dáng đến Mẹ Hằng Cứu Giúp tại ngôi đền thiêng thánh này.

Không chỉ thế, ông bà ngoại tôi cũng là giáo dân của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Cha Gioan Nguyễn Văn Thính trước khi mất cũng đã cho tôi những kỷ niệm về ông bà ngoại.

Cả cuộc đời cứ ở trong bàn tay của Mẹ Hằng Cứu Giúp thì phải.

Ba mẹ cưới nhau cũng ở ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp này, khấn dòng cũng tại ngôi Đền này, lãnh sứ vụ linh mục cũng tại ngôi Đền này và ... hy vọng chết cũng được chết trong tay của Mẹ ở ngôi Đền này.

Chắc có lẽ không chỉ các Đức Cha, bản thân tôi nhưng rất, rất nhiều người hơn một lần đến đây với Mẹ và ít nhiều gì đó cũng đã nhận ơn lành của Chúa đến từ Mẹ. Và như thế, tình riêng của mỗi người ngày mỗi ngày lại sâu lắng, lại trào tràn đến với những ai chạy đến Mẹ.

Ngày này đây, ngày mỗi ngày và hàng giờ, hàng phút mỗi khi cổng Đền Thờ mở, lúc nào cũng có người đến với Mẹ để thỏ thẻ, thủ thỉ tâm tình với Mẹ. Cứ nhìn vào quyển sổ tâm tình với Mẹ ta nhận ra tình riêng của con với Mẹ. Những quyển sổ dày đặc lời xin ơn, lời tạ ơn cũng chưa nói hết tình riêng của những người đến đây. Nhiều và nhiều ơn lành khác mà chỉ người nhận và người trao ban mới biết mà thôi.

Tình riêng với Mẹ là vậy. Con thưa với Mẹ, Mẹ nghe con, Mẹ hiểu con và con yêu Mẹ.

Chút tình riêng cộng lại thành tình yêu lớn tại ngôi Đền Thánh Thiêng này.

Những ai đến với Mẹ chắc chắn sẽ không phải về tay không bởi lẽ lòng Mẹ bao la như mây trời và mênh mông như biển lớn.

Anmai, CSsR



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thác Đổ Trên Ngàn
Vũ Đình Huyến, Lm
21:41 02/08/2013
THÁC ĐỔ TRÊN NGÀN
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Ầm ầm thác đổ từ trời xuống đây
Nhìn xa cứ ngỡ ngàn mây
Buông làn tóc trắng ươm đầy mộng mơ.
(Trích thơ của Hoa TT)