Ngày 05-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nếu chúng ta có thể nhìn thấy
Lm. Minh Anh
01:04 05/07/2022

NẾU CHÚNG TA CÓ THỂ NHÌN THẤY
“Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”.

Corrie Ten Boom nói, “Niềm tin như một radar có thể nhìn thấy, xuyên qua sương mù, thực tại của mọi thứ ở khoảng cách rất xa mà mắt thường không thể nhìn thấy. Niềm tin nhỏ bé đưa linh hồn bạn lên tận thiên đàng, nhưng niềm tin lớn sẽ kéo thiên đàng xuống tận linh hồn bạn. ‘Nếu chúng ta có thể nhìn thấy’ mọi sự bằng mắt của niềm tin, bạn và tôi đã nên thánh từ lâu!”.
Kính thưa Anh Chị em,

Với ý tưởng của C.T. Boom, ‘Nếu chúng ta có thể nhìn thấy’ như Chúa Giêsu nhìn thấy, thấy quyền năng và tình thương của Chúa Cha; chúng ta đã làm bao việc lạ lùng cho thế giới, cho anh chị em mình cùng với Ngài! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta mở lòng mình ra để có thể nhìn thấy những gì Thiên Chúa thấy; và làm những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta làm.

‘Nếu chúng ta có thể nhìn thấy’ những gì Chúa Giêsu thấy, “Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ”. Ô hay! Chúa Giêsu không chỉ thấy bằng mắt, Ngài còn thấy bằng tim! Cũng thế, với đôi mắt và trái tim của Chúa Giêsu, các môn đệ Ngài sẽ đưa về cho Ngài thật nhiều linh hồn bởi một lực hút lặng lẽ nhưng thật mạnh mẽ! Họ không cần những bài diễn văn hoa mỹ hay những bài thuyết giáo lưu loát. Tại sao? Những người đang lắng nghe họ sẽ đọc thật nhanh trong ánh mắt và trái tim người nói ‘một lòng xót thương và một sự thấu cảm!’. Để rồi, chỉ cần người ấy nói, “Lối này”, và họ sẽ đi theo! Đừng sợ trở thành tông đồ của Chúa Kitô! Nhiều người đã sẵn sàng cho những gì trái tim chúng ta thổn thức, những gì đôi tay chúng ta làm, đúng với điều chúng ta nói… hơn là những gì chúng ta nghĩ, là đã sẵn sàng cho một ý tưởng hay!

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, qua Hôsê, Thiên Chúa lấy làm tiếc vì Israel ‘đã không nhìn thấy’ quyền năng của Ngài khi họ buông mình cho các bụt thần, “Chúng đã lấy vàng bạc mà đúc tượng thần!”. ‘Nếu có thể nhìn thấy’ với tấm lòng của Chúa Kitô, chúng ta sẽ không tỏ ra bi quan khi đối mặt với nền ‘văn hoá sự chết’ hoặc ‘văn hoá chối từ Thiên Chúa’; và sẽ biết rằng, Chúa Kitô vẫn đáp ứng đầy đủ sự khát khao của con người, bất chấp lịch sử khốn khổ, đớn đau, hoặc buông thả bản thân của nó. Những ai càng xa Chúa, càng có nhiều dấu hiệu cho thấy họ cần Ngài, cần lòng thương xót của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca là một lời kêu gọi; đúng hơn, một lời mời, hãy mở mắt nhìn xem việc Thiên Chúa làm, “Nhà Israel! Hãy tin cậy Chúa!”.

Đứng trước các tội nhân thì sao? Hãy nhìn họ như Chúa Giêsu nhìn! Ngài nhìn họ cách nhân ái và xót thương; “Hãy xỏ chân vào giày của người khác!”. Nếu thấy tha nhân như Ngài nhìn thấy, hẳn chúng ta sẽ không lên án, không xét đoán; trái lại, con tim chúng ta sẽ rộng mở để cảm thông và chỉ muốn chữa lành. Hãy để Chúa Kitô bước vào trái tim mình! Bởi lẽ, những gì Ngài không được phép chạm vào sẽ không bao giờ biết xót thương! ‘Nếu chúng ta có thể nhìn thấy’ sự hiện diện và sức chữa lành của Ngài, chúng ta sẽ đối xử với tha nhân như Ngài đối xử!

Anh Chị em,

“Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”. Chúa Giêsu nhìn đám đông và ‘tiếng của lòng thương xót’ đã trỗi dậy trong trái tim Ngài. Cũng thế, lúc này đây, Chúa Giêsu đang thấy bạn, thấy tôi và Ngài cũng động lòng xót thương! Ngài thấy chúng ta từ đời đời với tất cả những gì làm nên từng người; Ngài xót thương chúng ta, những kẻ yếu hèn gói trong những vỏ bọc một xác thân tro bụi. Càng thấy, Ngài càng yêu! Tình yêu Ngài lớn đến độ hạ mình trở nên Tấm Bánh để chúng ta được nên một với Ngài. Vậy, ‘nếu chúng ta có thể nhìn thấy’ tình yêu và nguyện ước của Ngài cho từng người “bằng một niềm tin đủ lớn, thì chúng ta đã nên thánh từ lâu”. Chớ gì hôm nay, bạn và tôi nên giống Ngài, biết nhìn tha nhân và các biến cố bằng đôi mắt và con tim của Ngài; đồng thời, làm những gì Ngài yêu thích! Và như thế, chúng ta đang “kéo thiên đàng xuống tận linh hồn mình”, một linh hồn đang chống chọi với ba thù giữa biển đời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin mở mắt tâm hồn và mắt trái tim con. Vì giá mà ‘con có thể nhìn thấy’ những gì Chúa muốn con nhìn thấy, con đã nên thánh từ lâu, và anh chị em con cũng đã nên thánh từ lâu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 06/07: Anh em hãy đến với các con chiên lạc Nhà Israel – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
02:28 05/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

“Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.”

Đó là lời Chúa
 
Yêu thương tha nhân bằng sự quan tâm phục vụ
Lm. Đan Vinh
04:51 05/07/2022

CHÚA NHẬT 15 TN C
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37
YÊU THƯƠNG THA NHÂN BẰNG SỰ QUAN TÂM PHỤC VỤ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 10,25-37
(25) Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (26) Người đáp : “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” (27) Ông ấy thưa : “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình” (28) Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. (29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (30) Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy lê-vi đi tới chỗ ấy cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (33) Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy, và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.(36) Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (37) Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

2. Ý CHÍNH :
Bài Tin mừng hôm nay gồm hai phần :
- Phần một Đức Giê-su đã đồng ý với một nhà thông luật phải giữ Luật Mô-sê là “mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như yêu mình” như điều kiện để được sống đời đời.
- Phần hai là dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân hậu, qua đó Người dạy ông phải vượt qua điều tùy phụ của Luật để thực hiện điều quan trọng hơn là thực thi bác ái phục vụ tha nhân.

3. CHÚ THÍCH :
- C 25-28 : + Người thông luật : Từ này ám chỉ các Kinh sư Do thái, là những nhà thông thái hiểu biết về Luật Mô-sê và có nhiệm vụ giải thích Lề luật cho dân chúng tại các hội đường Do thái. + Đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người : Các người thông luật thường tự cao, nghĩ mình là giỏi và không cần phải hỏi ai cả. Ở đây họ hỏi Đức Giê-su chỉ nhằm thử thách và gài bẫy để có dịp bắt bẻ Người mà thôi.+ Làm gì để được sống đời đời? : Người thông luật thuộc phái Pha-ri-sêu, là phái tin có đời sau và có sự kẻ chết sống lại, nên ông đã đặt ra câu hỏi này, trái với các người phái Sa-đu-xê-ô không tin kẻ chết sống lại (x. Cv 23,6-8).+ Trong Luật đã viết gì? : Người Do thái gọi 5 cuốn sách đầu trong bộ Thánh kinh Cựu ước là các sách Luật Mô-sê vì do chính Mô-sê và các đồ đệ của ông đã viết ra. 5 cuốn sách đó là: Sáng thế ký, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật. + Ông đọc thế nào? : Đức Giê-su trả lời bằng một câu hỏi, buộc người đối thoại phải tỏ rõ lập trường của mình ra trước. + Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa... : Người thông luật đã đọc kinh Shê-ma là lời cầu nguyện hằng ngày của dân Do thái. Kinh này gồm hai câu rút ra từ 2 sách Luật là Đệ nhị luật (Đnl 6,5) và Lê-vi (Lv 19,18). Điều đó cho thấy Cựu ước đã chuẩn bị trước cho Tân ước. + Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm...” : Để được sống đời đời thì phải sống yêu thương. Lòng mến Thiên Chúa và yêu người thân cận luôn phải đi đôi với nhau.
- C 29-30 : + Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý : Người thông luật muốn chứng tỏ mình thực tâm muốn tìm hiểu. Ông ta mở rộng vấn đề bằng một câu hỏi khác bên ngoài bộ Luật và độ khó nhiều hơn so với câu hỏi trước đã có sẵn đáp án trong Luật. + “Ai là người thân cận của tôi?” : Câu hỏi này mở đường cho Đức Giê-su bày tỏ quan điểm mang tính cách mạng của Người, khác với quan niệm cổ truyền hẹp hòi của các nhà thông luật của dân Do thái về đối tượng phải yêu mến. Đó là phải yêu cả kẻ thù của mình nữa! + Con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô : Con đường này dài gần 25 cây số, băng ngang hoang địa Giu-đa, thời đó có nhiều băng trộm cướp ẩn núp hoạt động.
- C 31-33 : + Thầy tư tế đi xuống : Tư tế là người thuộc dòng dõi A-ha-ron có nhiệm vụ dâng chiên bò sát tế trong Đền thờ. Vị này đi xuống Giê-ri-khô vì thành này dành cho gia đình các tư tế ở. + Thầy Lê-vi¬ : hay trợ tế, thuộc dòng dõi Ghéc-sôn, là một trong ba ngành lớn của dòng họ Lê-vi (x. St 46,11). Các thầy trợ tế Lê-vi có nhiệm vụ đàn hát trong các buổi thờ phượng tại Đền thờ. + Một người Sa-ma-ri kia : Sa-ma-ri là một miền đất nằm ở giữa hai miền là Ga-li-lê phía Bắc và Giuđê phía Nam của nươc Do thái. Dân miền này bị người Do thái coi là dân lai căng và khinh thường họ. Vì trong cuộc lưu đày vào năm 721, một số người Do thái ở miền này đã không bị đi lưu đày. Họ ở lại và dựng vợ gả chồng lẫn lộn với dân Ni-ni-vê từ Ba-tư kéo xuống. Dân Sa-ma-ri này thờ Đức Chúa tại núi Ga-ri-dim, và không hành hương lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem như người Do thái. Họ cũng có thái độ thiếu thân thiện như không cho những người Do thái đi hành hương Giê-ru-sa-lem vào ở trọ trong làng của họ (x. Lc 9,53).
- C 34-35 : + Lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương : Người Sa-ma-ri này đã làm động tác sơ cấp cứu theo y học sơ đẳng thời bấy giơ, là dùng dầu để làm giảm đau và dùng rượu để rửa sạch vết thương. + Hai quan tiền : Tương đương 2 ngày công lao động thời đó (x Mt 20,9).
- C 36-37 : + “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” : Như vậy, chúng ta sẽ trở thành thân cận của người gặp nạn kia nếu chúng ta yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ họ. + Hãy làm như vậy : Đức Giê-su chấp nhận lối xử thế của người Sa-ma-ri. Người đề nghị nhà thông luật hãy làm như người Sa-ma-ri. Tình thương Ki-tô giáo không biên giới, không cần biết người cần giúp đỡ có cùng chủng tộc, tôn giáo với mình hay không.

4. CÂU HỎI :
1) Lòng tin về mầu nhiệm kẻ chết sống lại của hai phái tôn giáo thời Đức Giê-su là Pha-ri-sêu và Sá-đu-xê-ô khác nhau thế nào?
2) Sách Luật Mô-sê gồm có mấy cuốn và là những sách mào?
3) Hằng ngày người Do thái ngoan đạo phải cầu nguyện bằng việc đọc kinh Shê-ma, kinh này được rút ra từ sách nào? Lời kinh ấy nêu ra hai bổn phận nào người Do thái phải làm?
4) Đức Giê-su dạy người Pha-ri-sêu hãy làm theo gương của ai trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy” (Lc 10,37).

2. CÂU CHUYỆN :

1) TRÁNH THỜ Ơ TRƯỚC NỖI ĐAU CỦA THA NHÂN :

Cách đây ít lâu trang mạng Te-le-graph và các trang mạng khác ở Trung Quốc và trên thế giới đều đồng lọat phát đi một đọan video clip và bình luận về tai nạn tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông mà nan nhân là một bé gái 2 tuổi tên Duyệt Duyệt (Yue Yue) đang đi ngòai đường tại khu chợ ổ gần nhà, và đã bị một chiếc xe tải nhỏ đụng phải. Đoạn video clip từ một máy quay bảo vệ an ninh tại hiện trường cho thấy viên tài xế xe tải sau khi đụng bé Duyệt Duyệt ngã ra đường, đã chỉ dừng lai một chút rồi lại tiếp tục chạy khiến bánh sau chiếc xe cán qua người bé lần thứ 2. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở hành động phi nhân tính của gã tài xế. Chính thái độ thờ ơ của những người qua đường sau đó mới khiến người Trung Quốc băn khoăn tự hỏi không biết tương lai đất nước của họ sẽ đi về đâu?

Thực vậy : trong suốt 7 phút từ lúc bé Duyệt Duyệt gặp nạn, lần lượt đã có tới 18 người đi ngang qua nơi cô bé bị nạn nằm trên đường, nhưng chẳng một ai quan tâm giúp đỡ. Người đầu tiên là một thanh niên mặc áo phông trắng và quần thể thao, đi qua bé gái nằm sõng soài trên đường, máu tuôn ra trên mặt, nhưng anh ta đã ngó lơ. Tiếp theo là một người đi xe đạp nhìn thấy em đã chạy vòng qua tiếp tục đi. Anh ta đã ngóai lại xem có phải một người bị nạn đang nằm ở đó hay không, rồi lại thản nhiên đạp xe đi tiếp. Khi máu tuôn ra nhiều hơn, một người đi xe đạp nữa xuất hiện. Người này không chút quan tâm tới số phận của đứa trẻ. Ba con người vô cảm vừa nói đã không giúp đỡ bé Duyệt Duyệt đáng thương, dù chỉ làm một việc đơn giản là kéo cô bé vào bên vệ đường. Sự thờ ơ của họ đã dẫn tới sự kiện một tài xế xe tải khác đi tới, do đang nói chuyện diện thọai không nhìn thấy bé Duyệt Duyệt trên đường nên đã cán xe lên người em. Sau lần bị xe đè này, bé Duyệt Duyệt đã không còn cử động nữa. Liên tiếp sau đó, rất nhiều người đi xe đạp và cả một số người đi xe chở hàng qua khu vực nạn nhân nằm vẫn không hề quan tâm tới bé Duyệt Duyệt. Cũng có một người phụ nữ dắt theo đứa con đi qua, thấy bé Duyệt Duyệt bị nạn lại rảo chân bước nhanh hơn ngang qua em...

Chỉ tới khi một nữ lao công quét đường 58 tuổi đi tới, thì bé Duyệt Duyệt mới được cứu giúp. Bà này vội hạ túi đồ xuống và lôi đứa trẻ sang một bên đường để tránh cho bé khỏi bị xe cán tiếp. Rồi bà tri hô lên yêu cầu được trợ giúp. Bấy giờ mẹ đứa trẻ nghe thấy hớt hải từ trong nhà chạy ra và vội mang con đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, sự can thiệp đã quá muộn. Các bác sĩ nói rằng bé Duyệt Duyệt do bị chảy máu nhiều nên bị suy hô hấp và còn bị chấn thương sọ não nghiêm trọng không được cấp thời cứu chữa nên khó có cơ hội hồi phục lại được và cuối cùng đã chết trong nỗi tiếc thương của cha mẹ và người thân của em.

Chính thái độ thờ ơ của nhiều người khi tai nạn xảy ra khiến bé Duyệt Duyệt đã bị chết thảm vì không được kịp thời giúp đỡ. Người cuối cùng ra tay cứu em lại là một người nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái. Còn chúng ta sẽ làm gì nếu chứng kiến cảnh bé gái bị tai nạn nói trên?

2) TỨ HẢI GIAI HUYNH ĐỆ :

Một đạo sĩ Ấn giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau :
- "Làm thế nào để xác định lúc nào đêm cũ qua đi nhường chỗ cho ngày mới bắt đầu?"
Sau vài phút suy nghĩ, một đệ tử giơ tay xin trả lời :
- "Thưa thầy, đó là khi ta phân biệt được một con thú từ xa là con bò hay là con ngựa".
Câu trả lời đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý. một đệ tử khác lên tiếng :
- "Là khi từ đàng xa ta phân biệt được cây xoài hay cây mít".
Vị đạo sĩ lại lắc đầu. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết đáp án của thầy, ông mới ôn tồn nói :
- "Đó là khi ta nhìn vào mặt của bất cứ ai mà nhận ra đó là anh em của ta. Vì nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi".

3) CON NGƯỜI CHỈ ĐƯỢC HẠNH PHÚC KHI BIẾT QUẢNG ĐẠI CHO ĐI :

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau : ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao đặt giữa thành phố và đặt tên bức tượng là “Ông Hoàng Hạnh Phúc”, như biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc cho người dân trong thành.

Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên hỏi rằng :
- Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà !
- Ông hoàng trả lời : Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?
- Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương Bắc.
- Hãy làm ơn giúp ta một đêm nay thôi.
- Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói : Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì?
- Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì đứa con trai bệnh nặng mà bà lại không tiền mời bác sĩ đến chữa. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
- Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo được cho con trai khỏi bệnh.
- Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo gần đó. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác. Cứ thế hết ngày này sang ngày khác, con chim én lần lượt lấy các đồ trang sức quý giá của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã trở lạnh rất nhiều.

Vào một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én nằm chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và chim én nhỏ bé kia mang lại.

4) PHẦN THƯỞNG CỦA HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI LÀ NIỀM VUI TÂM HỒN :

Một lần kia, một người Mỹ lái xe đưa gia đình đi du lịch đến Alaska trong một nhà xe di động. Bỗng nhiên trục xe bị gãy khiến ông rơi vào tình huống khó khăn ngay ở nơi đồng trống. Ông cho vợ con xuống xe và một mình đi bộ tìm người giúp đỡ, vì lúc bấy giờ chưa có điện thoại di động như ngày nay.

Sau khi đi được một dặm thì đến một nông trại, ông vào gặp và trình bày cho chủ nông trại biết hoàn cảnh khó khăn đang gặp phải. Chủ nông trại tỏ ra thông cảm, ông ta lái xe công nông đến kéo chiếc xe và nhà xe di động về nông trại để sửa chữa hàn lại cái trục bị gãy. Khi công việc hoàn tất, người du khách nói :
- Tôi phải trả ông bao nhiêu?
- Ông không phải trả gì cả.
- Nhưng tôi nghĩ tôi phải trả công cho ông theo phép công bằng.
- Thì ông đã trả công cho tôi rồi đó.
- Ông nói gì tôi không hiểu.
- Ông đã cho tôi cảm giác hạnh phúc khi giúp được gia đình ông vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Người du khách ngạc nhiên vì đã gặp được một người tốt bụng có lòng quảng đại như vậy. Còn chúng ta sẽ làm gì để cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ không công người lâm cảnh khốn khó?

3. THẢO LUẬN :
Cần làm gì khi gặp một người bị nạn trên đường để vừa thi hành được đức bác ái, lại vừa khôn ngoan phòng tránh bị hiểu lầm mình đã gây tai nạn?

4. SUY NIỆM :

1) “Cứ làm như vậy là ông sẽ được sống đời đời” :
Người thông luật đã hỏi Đức Giê-su và sau đó ông đã tự tìm ra đáp án trong Luật Mô-sê : “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như yêu chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là ông sẽ được sống”.

2) “Ai là người thân cận của tôi?” :
Người thông luật lại hỏi Đức Giê-su : “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về người Sa-ma-ri tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Đang khi hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Sa-ma-ri ngoại đạo dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc và sẵn sàng trả thêm tốn phí săn sóc nạn nhân cho chủ quán. Qua đó cho thấy người thân cận của chúng ta là mọi người đang cần được trợ giúp. Người thân cận có thể không phải ai khác mà là chính những người cùng sống chung một nhà, cùng sinh họat trong nhóm, là một bà hàng xóm, là cô bạn đang ở chung phòng, là người thân mà chúng ta đang phải chịu đựng thói hư… Tóm lại là tất cả những ai đã và đang gây ra đau khổ cho chúng ta… Tất cả đều có thể được chúng ta yêu thương và sẽ trở nên người thân của chúng ta. Chỉ cần dừng lại, cúi xuống phục vụ là họ đang từ một người xa lạ hay đáng ghét lập tức trở thành thân quen, từ kẻ thù hóa thành bạn hữu của chúng ta.

3) “Kẻ đã thực thi lòng thương xót” :
Yêu thương không chỉ là cho đi một cái gì, nhưng còn là cho đi chính bản thân, là quên mình để hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibram đã nói chí lý : "Bạn cho đi quá ít khi mới cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi". Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng muốn được yên thân, con người càng bị vong thân. Các tín hữu chúng ta chỉ trở thành con Thiên Chúa khi dám chịu thiệt thòi vì người khác như mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã phát biểu : "Ki-tô hữu là người trao ban chính thân mình cho tha nhân".

Thánh Au-gút-ti-nô dạy : “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Quả thực, khi yêu rồi thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì trong bất kỳ tình huống nào. Bấy giờ chúng ta sẽ có sáng kiến để phục vụ tha nhân là những người nghèo khổ bất hạnh đang sống gần bên chúng ta cách hữu hiệu. Khi đã yêu, chúng ta sẽ biết cách làm cho một kẻ xa lạ trở thành người thân, kẻ thù địch trở nên bạn hữu theo gương người Sa-ma-ri trong Tin Mừng.

4) “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” :
Qua dụ ngôn này Đức Giê-su muốn dạy nhà thông luật và các tín hữu chúng ta bài học: hãy yêu thương bằng hành động cụ thể. Sở dĩ hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi” là vì sợ : sợ bị ô uế theo Luật khi đụng vào xác chết; Sợ bị bọn cướp quay lại; sợ bị phiền hà... Nhiều người trong chúng ta cũng không dám giúp đỡ tha nhân gặp nạn là do chúng ta cũng sợ bị tốn nhiều công sức, tiền bạc và thời giờ... Đang khi người Sa-ma-ri trong dụ ngôn đã vượt qua những nỗi sợ hãi ấy. Tông đồ Gio-an đã khuyên các tín hữu : "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm" (1 Ga 3,18).

Tình yêu thực sự đòi thể hiện bằng các hành động cụ thể cá nhân và tập thể như sau : Thực hành yêu thương hôm nay là phải biết “nghĩ đến người khác” : Sẵn sàng bị lấm lem chân tay quần áo, sẵn sàng đối mặt với những rắc rối có thể xảy ra cho mình. Vặn âm thanh vừa đủ nghe lúc ban đêm để tôn trọng láng giềng đang cần được nghỉ ngơi; Không đổ rác thải ra đường hay vứt xuống sông lạch để tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra nên có những hoạt động bác ái tập thể như chia sẻ quà Tết quà Giáng Sinh cho người nghèo, mở lớp học tình thương cho trẻ bụi đời, chăm sóc người già neo đơn… Tránh làm những gì gây phiền hà cho tha nhân. Chẳng hạn : Khi rước kiệu Thánh Thể ra đường lộ, cần tránh gây ách tắc giao thông. Chúng ta đọc kinh ca hát và tưởng rằng ta đang làm sáng danh Chúa. Nhưng có biết đâu rằng các tài xế xe hơi, xe máy và bao hành khách đang bức xúc vì bị ngãng trở trễ giờ hẹn và thêm lòng thù ghét đạo...

5. LỜI CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho mắt chúng con nhìn thấy được nỗi đau trong ánh mắt kẻ khác, đặc biệt là của các người thân trong gia đình chúng con. Xin cho tai chúng con biết lắng nghe tiếng khóc của kẻ khác, nhất là của những người cùng chung huyết thống với chúng con. Xin cho chúng con biết thương xót những ai đang lâm cảnh khốn cùng, cho chúng con đừng bao giờ phớt lờ bỏ đi vì ngại vất vả cực nhọc hay sợ bị lừa dối... Xin cho chúng con biết nói với họ : “Này anh, tôi có thể giúp gì được cho anh không?” rồi giúp đỡ phục vụ họ với hết khả năng.- AMEN.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:52 05/07/2022

21. Mong đợi, giống như một đồ đựng, đồ đựng càng lớn thì chứa được càng nhiều, đồ đựng càng nhỏ thì chứa được càng ít. Mong đợi lớn thì được ân điển nhiều, mong đợi nhỏ thì được ân điển ít.

(Thánh Sibyllina)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 05/07/2022
2. BUỘC UỐNG NƯỚC KHÙNG

Ngày xưa, ở một nước nọ có một nguồn nước, tên là “nước khùng”.

Người trong nước uống nguồn nước này, nên không một ai là không phát khùng, chỉ có nhà vua vì uống nước giếng nên không bị bệnh khùng.

Tất cả người dân trong nước đều bị khùng, do đó mà họ lại cho rằng nhà vua mới thật là người điên, thế là họ hợp lại bắt giữ nhà vua, và bắt vua phải trị bệnh điên của mình.

Họ vừa dùng ngải để đốt vua, vừa châm cứu bằng kim châm bạc vừa sắc thuốc rót vào, có phương pháp gì cũng đều đem ra dùng.

Nhà vua chịu không nổi sự dày vò ấy nên cũng đành phải uống “nước khùng”, và cũng bắt đầu nổi khùng như mọi người.

Đợi đến khi quần thần lớn nhỏ, ai ai cũng phát khùng lên như thế, thì mọi người mới vui mừng hớn hở.

(Tống thư)

Suy tư 2:

Lúa mì và cỏ lùng cùng nhau phát triển trong một đám ruộng, nếu không chú ý thì ta khó mà phân biệt được đám lúa non và cỏ lùng, vì chúng nó tương tự giống nhau, do đó mà ông chủ không cho đầy tớ đi nhổ cỏ lùng, vì sợ lầm, sơ ý mà nhổ luôn cả lúa, nhưng để một thời gian dài (đến mùa gặt) cả hai cùng lớn lên, thì rất dể dàng phân biệt lúa và cỏ lùng.

Người xấu thời buổi này có khi diện mạo bên ngoài “bảnh” hơn người tốt, khó mà phân biệt được, họ cũng đi lễ nhà thờ, cũng đi rước lễ, cùng làm vài ba việc phúc đức, nhưng trong lòng thì đầy ăm ắp mưu kế hại người. Cũng có khi họ vung tay trái lên án người xấu, nhưng tay phải thì bắt tay ủng hộ việc làm của người bất chính, và thế là chúng ta khó mà phân biệt được ai là người xấu và ai là người tốt !

Nếu tôi không có lập trường vững chắc được bám sâu vào trong nền tảng của đức tin, thì tôi cũng sẽ bị bắt buộc uống “nước khùng” là a dua vào đám đông vui buồn theo “thời tiết” nóng lạnh, là đồng hóa với những trào lưu của thời đại nghịch cùng đức tin “nhìn gà hóa cuốc”, và lúc đó tôi cũng sẽ rất dễ dàng lầm tưởng người xấu thành người tốt và người tốt thành kẻ xấu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng Giám Mục Santa Fe cho biết nhà thờ chính tòa phải bị thế chấp để giúp thanh toán các trường hợp lạm dụng của hàng giáo sĩ
Đặng Tự Do
16:44 05/07/2022


Tổng giáo phận Santa Fe đang yêu cầu các giáo xứ hỗ trợ cung cấp ít nhất 12 triệu đô la trong số 75 triệu đô la cần thiết để đáp ứng các điều khoản của thủ tục phá sản theo Chương 11 xuất phát từ hàng trăm vụ kiện lạm dụng của hàng giáo sĩ - và một phương pháp để giúp tài trợ khoản nợ sẽ là thế chấp Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô thành Assisi.

Trong một lá thư ngày 17 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục John C. Wester đã thông báo cho các giáo xứ về ý định thế chấp nhà thờ chính tòa Santa Fe, được nhiều người coi là trung tâm tình cảm và tinh thần cho người Công Giáo Rôma ở New Mexico.

“Nếu giá trị thị trường không đủ để thế chấp khoản vay, thì một tài sản bổ sung có thể được yêu cầu nhằm thế chấp khoản vay,” Đức Cha Wester viết. “Bất kỳ tài sản nào được thế chấp sẽ không bị mất vì cam kết trả nợ tập thể của các giáo xứ.”

Trong thư, Đức Cha Wester viết rằng tổng giáo phận phải chi 65 triệu đô la vào ngày 30 tháng 9 và 10 triệu đô la cuối cùng vào ngày 31 tháng 3, 2023.

Để làm được điều đó, các giáo xứ trong tổng giáo phận sẽ cần cung cấp chung 12 triệu đô la.

Đức Cha Wester viết: “Con số này vượt quá số tiền mặt của giáo xứ và việc bán tài sản của giáo xứ đã cam kết vào năm ngoái cho lệnh tái phân luồng các giáo xứ.”

“Tôi cầu nguyện để số tiền ít hơn 12 triệu đô la, nhưng nó phụ thuộc vào các nguồn lực khác mà chúng tôi đang tích cực tìm kiếm và sự hào phóng và hỗ trợ liên tục của anh chị em. Chúng tôi hiểu rằng điều này sẽ đòi hỏi một sự hy sinh vô cùng quan trọng của tất cả các giáo xứ bây giờ và trong những năm tới.”

Bức thư cũng chỉ ra sự hợp tác từ các giáo xứ riêng lẻ là rất quan trọng.

Đức Cha Wester viết: “Điều cấp thiết đối với toàn Tổng giáo phận là mỗi giáo xứ phải hợp tác và hỗ trợ mọi nỗ lực để kết thúc điều 11”.

Tổng giáo phận, theo bức thư, đang tìm kiếm các khoản vay từ hai công ty cho vay Công Giáo, Công Giáo Order of Foresters và Notre Dame Federal Credit Union.

“Vẫn còn nhiều chi tiết cần giải quyết với họ, nhưng rõ ràng là họ sẽ đưa ra những điều khoản rất có lợi,” Đức Cha Wester viết.

Sau một quá trình kéo dài 4 năm, tổng giáo phận vào tháng 5 đã đạt được thỏa thuận trị giá 121,5 triệu đô la liên quan đến ít nhất 375 người cáo buộc các linh mục lạm dụng tình dục.

Những người tố cáo vẫn phải chấp thuận các điều khoản và một cuộc bỏ phiếu dự kiến vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, với số tiền được phân phối vào tháng 10, các luật sư cho biết vào tháng 5.

Mặc dù tổng giáo phận dựa một phần vào tiền bảo hiểm để tài trợ cho việc dàn xếp, nhưng tổng giáo phận cũng bán đấu giá một số tài sản và thu tiền quyên góp sau những cáo buộc kéo dài chống lại một số linh mục của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên tổng giáo phận phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn như vậy: Các đơn kiện chống lại các linh mục vào đầu những năm 1990 đã gây náo loạn các nhà thờ và giáo dân.

Nhà thờ Chính tòa, được xây dựng vào những năm 1800 dưới sự chỉ đạo của Đức Tổng Giám Mục Jean Baptiste Lamy, là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất ở New Mexico. Ngôi thánh đường này đã được Đức Bênêđíctô XVI nâng lên thành vương cung thánh đường vào năm 2005.
Source:Santa Fe News
 
ĐTC lên án vụ xả súng vô nghĩa, kêu gọi chấm dứt bạo lực sau cuộc tấn công trong cuộc diễn hành ngày 4 tháng 7
Đặng Tự Do
18:07 05/07/2022
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ đau buồn về vụ xả súng hàng loạt dẫn đến cái chết của ít nhất 6 người và làm bị thương khoảng 30 người khác tại một cuộc diễu hành ngày 4 tháng 7 ở ngoại ô Highland của Chicago hôm thứ Hai.

Trong một bức điện thay mặt Đức Thánh Cha gửi cho Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, Đức Thánh Cha đã lên án “vụ xả súng vô nghĩa”, kêu gọi bác bỏ mọi hình thức bạo lực.

Theo Vatican News, bức điện được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gửi thay mặt Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y truyền đạt sự gần gũi về mặt tinh thần của mình cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công này.

Robert E. Crimo III, một thanh niên 22 tuổi đến từ Highland Park, đã bị bắt vào cuối ngày thứ Hai liên quan đến vụ nổ súng.

Crimo đã được xác định trước đó trong ngày là một người có liên quan đến vụ nổ súng.

Bức điện của Đức Thánh Cha cho biết ngài đã cùng với “toàn thể cộng đồng cầu nguyện xin Thiên Chúa Toàn năng ban cho những người chết được nghỉ yên muôn đời, đồng thời chữa lành và an ủi cho những người bị thương và tang quyến.”

“Với đức tin vững chắc rằng ân sủng của Thiên Chúa có thể hoán cải ngay cả những trái tim chai sạn nhất, giúp chúng ta có thể từ bỏ điều ác và làm điều thiện, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để mọi thành viên của xã hội từ chối bạo lực trong tất cả các hình thức của nó và tôn trọng sự sống ở mọi giai đoạn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc sứ điệp của mình bằng một phép lành Tòa Thánh “như bảo chứng về sức mạnh và ơn bình an trong Chúa”.

Công viên Highland là một vùng ngoại ô giàu có cách Chicago khoảng 20 dặm về phía bắc dọc theo Hồ Michigan.

Trong một tuyên bố, Hồng Y Blase J. Cupich của Chicago cho biết ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và những người phản ứng đầu tiên. Ngài cũng lên tiếng mạnh mẽ chống lại tai họa bạo lực súng đạn.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Cláudio Hummes người Brazil qua đời ở tuổi 87
Đặng Tự Do
18:41 05/07/2022
Đức Hồng Y Cláudio Hummes, tổng giám mục hiệu tòa của São Paulo, Brazil, đã qua đời hôm thứ Hai sau một thời gian dài bị bệnh.

Vị Hồng Y, người có vai trò quan trọng trong Thượng hội đồng Amazon 2019, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến sinh nhật lần thứ 88 của ngài. Ngài qua đời vì bệnh ung thư phổi, theo nhà báo người Brazil Mirticeli Medeiros.

Cái chết của ngài đã được thông báo vào ngày 4 tháng 7 bởi Hồng Y Odilo Pedro Scherer, tổng giám mục hiện tại của São Paulo. Tòa Giám Mục São Paulo cho biết thi thể của Đức Hồng Y Hummes sẽ hiện diện để anh chị em giáo dân kính viếng và cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa São Paulo.

Đức Hồng Y Hummes, một thành viên của Dòng anh em hèn mọn, là chủ tịch của Mạng lưới Giáo hội Liên Amazon, gọi tắt là REPAM, và Liên Hội Đồng Giám Mục Amazon, gọi tắt là CEAMA, mới được thành lập.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Hummes làm tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng về Khu vực Amazon và là thành viên của Ủy ban tiền Thượng hội đồng. Với tư cách là tổng tường trình viên, Đức Hồng Y Hummes chịu trách nhiệm viết báo cáo cuối cùng của Thượng hội đồng.

Ngài cũng là tổng trưởng Bộ Giáo sĩ của Vatican từ năm 2006-2010, sau khi được phong làm Hồng Y vào năm 2001.

Ngài được biết đến với các hoạt động xã hội của mình, bao gồm các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đói nghèo và bảo vệ người dân bản địa.

Là một người bạn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi Đức Phanxicô đắc cử, Đức Hồng Y Hummes đã ôm lấy ngài và nói, “đừng quên những người nghèo.”

Đức Hồng Y chào đời tại Montenegro, Brazil, vào ngày 8 tháng 8 năm 1934, cha là người Đức gốc Brazil và mẹ là người Đức.

Ngài lấy tên là Cláudio khi gia nhập dòng Phanxicô, và được thụ phong linh mục năm 1958.

Trước khi trở thành giám mục, ngài dạy triết học trong các chủng viện và giáo sư tại một trường đại học Công Giáo. Ngài là bề trên tỉnh Dòng Phanxicô Rio Grande do Sul từ năm 1972 đến năm 1975 và là chủ tịch của Liên hiệp các Tỉnh Dòng Phanxicô Mỹ Châu Latinh.

Cha Hummes đã học tại Viện Đại kết Bossey ở Geneva, Thụy Sĩ, và sau đó trở thành cố vấn về các vấn đề đại kết cho Hội Đồng Giám Mục Brazil.

Vào tháng 3 năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Santo André, và tháng 12 sau đó, kế nhiệm Đức Cha Jorge de Oliveira.

Ngài trở thành tổng giám mục của Fortaleza vào năm 1996 và tổng giám mục của São Paulo vào năm 1998.


Source:Catholic News Agency
 
Ai vũ khí hóa Thánh Thể? Các chính trị gia chứ không phải các giám mục
Vũ Văn An
23:32 05/07/2022

Việc cấm các chính trị gia phò phá thai rước lễ ở Hoa Kỳ đã có từ lâu, nhưng nó đạt tới đỉnh cao khi Joe Biden được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Cùng với ngày ông nhậm chức, đã có một động thái đáng kể của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để chính thức ngăn cản những người phò phá thai một cách cực đoan như ông rước lễ. Nếu không có sự can thiệp của Vatican, động thái ấy đã trở thành sự kiện lịch sử. Còn nhớ, hồi ấy, Giám Mục của San Diego là Robert McElroy, người vừa được Đức Phanxicô nâng lên hàng Hồng Y, lên tiếng cho rằng: đừng nên vũ khí hóa Phép Thánh Thể. Hiển nhiên lúc ấy vị Giám Mục này có ý nói về Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nay thì cha Matthew P. Schneider, Đạo Binh Chúa Kitô, nói ngược lại: các chính trị gia chứ không phải các Giám Mục vũ khí hóa Phép Thánh Thể. Mời qúi độc giả cùng đọc bài nhận định của cha (https://www.patheos.com/blogs/throughcatholiclenses/2021/07/who-is-weaponizing-the-eucharist-politicians-not-bishops/ ):



Gần đây, nhiều quan tâm đã nảy sinh về việc các giám mục tuân theo thực hành mục vụ có tính lịch sử và nhấn mạnh rằng người ta nên ăn năn trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Những ai cứ khăng khăng lên Rước lễ khi biết mình không nên làm thế là vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể vì mục đích riêng của họ. Các giám mục không vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể.

Dưới đây tôi xin giải thích lý do tại sao điều này lại vũ khí hóa, truyền thống lâu đời của Giáo hội, và tại sao lập luận của một số chính trị gia đã không đúng. Vũ khí hóa là dùng Thánh Thể, chính Thiên Chúa, và sử dụng Thánh Thể không phải cho việc thờ phượng hay cho Thiên Chúa, mà cho một mục đích nào đó khác: điều chỉnh Thánh Thể để Thánh Thể trở thành một vũ khí.

Lãnh nhận khi không nên là vũ khí hóa

Khi ai đó biết mình không nên Rước lễ, nhưng vẫn Rước Lễ, thì họ đã phạm tội phạm thánh. Phải có một lý do nào đó khiến chúng ta lãnh nhận khi chúng ta không nên lãnh nhận. Nói chung, chúng ta muốn điều gì đó giống như chứng tỏ mình là người Công Giáo tốt hơn chính chúng ta, muốn tránh ngượng nghịu, sợ người khác nghĩ xấu về chúng ta, hoặc một mục đích giống như vậy: ít nhất đó là những gì đã diễn ra trong tâm trí tôi khi tôi làm như vậy lúc còn là một thiếu niên và những người khác đã nói với tôi đó là những gì diễn ra trong tâm trí họ khi họ lãnh nhận Thánh Thể một cách không xứng đáng. Đấy chính là việc vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể cho các mục đích của chính chúng ta. Điều này áp dụng cho bất cứ người nào trong chúng ta từng phạm một tội trọng hoặc một người đã tạo ra một vụ tai tiếng nghiêm trọng trước công chúng do lập trường của họ trái với đức tin Công Giáo và luật tự nhiên.

Bí tích Thánh Thể là chính Chúa Giêsu, vì vậy không bao giờ được sử dụng cho những mục đích khác. Thực vậy Sách Giáo lý nói rằng Người là “nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (1324). Lạm dụng một người như một phương tiện chứ không phải như một mục đích luôn luôn là hành động xấu, nhưng còn xấu hơn thế khi đó là một ngôi vị thần linh như Chúa Giêsu Kitô.

Giáo hội có điều luật 916 đề nghị rằng những người như vậy, ngay cả khi vấn đề không có tính công khai, hãy tự chế đừng lãnh nhận Thánh Thể. Sau đó, Giáo luật 915 dạy những người có hành động gây ra tai tiếng nghiêm trọng công cộng cho Giáo hội phải bị từ chối cho rước lễ nếu họ không chịu tự mình tuân theo điều 916.

Việc lạm dụng như vậy có thể được gọi là “vũ khí hóa” Bí tích Thánh Thể. Nó đang sử dụng Bí tích Thánh Thể như một công cụ để thắng trong các tình huống xã hội hoặc chính trị.

Lịch sử từ khước cho rước lễ

Từ khước Bí tích Thánh Thể đã là một thông lệ trong hầu hết lịch sử Kitô giáo. Mục đích là giúp người ta hối cải và được chuẩn bị thích đáng. Một số người lập luận rằng chúng ta không nên bao giờ phán xét, nhưng Giáo hội chưa bao giờ phán xét bất cứ ai là không thể rước Thánh Thể vĩnh viễn: Giáo hội chỉ yêu cầu người ta chuẩn bị thích đáng với lòng sám hối.

Ba thí dụ nổi tiếng nhất về việc từ khước cho các chính trị gia lãnh nhận các bí tích đều đã dẫn đến sự ăn năn và thay đổi lối sống. Tôi hy vọng trường hợp này cũng được như vậy.

Đầu tiên, chúng ta có Thánh Ambrôsiô, người đã tuyệt thông Hoàng đế Thêôđôsiô sau vụ Thảm sát Têsalônica. Thêôđôsiô hoặc đã ra lệnh hoặc không ngăn chặn vụ thảm sát, nhưng Tổng Giám mục của thủ đô của ông (Milan) đòi ông phải đền tội trước khi phục hồi ông.

Thứ hai, Đức Gregory VII đã ra vạ tuyệt thông cho Henry IV của Đế quốc Rôma Thánh Thiện vì đã bổ nhiệm giáo dân làm giám mục. Henry IV phủ phục bên ngoài trời trong trận bão tuyết trong ba ngày ở Canossa trước khi vạ tuyệt thông được dỡ bỏ.

Thứ ba, Henry II của Anh bị vạ tuyệt thông vì liên quan đến cái chết của Thánh Thomas Becket. Henry đã đưa ra một đề nghị mà những người khác coi đó như một mệnh lệnh. Henry đã đền tội công khai bằng hàng trăm cú đánh vào lưng trước Nhà thờ trước khi phép tuyệt thông được dỡ bỏ.

Lập luận của các chính trị gia không đúng

Chúng ta hãy khảo sát từng câu một trong các lập luận của một số chính trị gia:

Chúng ta tin sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước cho phép đức tin của chúng ta hướng dẫn các nhiệm vụ công cộng của chúng ta và phục vụ tốt nhất các cử tri của chúng ta. Bí tích Rước lễ là trọng tâm trong đời sống của những người Công Giáo thực hành đạo, và việc vũ khí hóa Bí tích Thánh thể đối với các nhà lập pháp Dân chủ ủng hộ quyền tiếp cận phá thai hợp pháp và an toàn của phụ nữ là điều mâu thuẫn. Không có viên chức dân cử nào bị đe dọa hay bị từ chối Bí tích Thánh Thể vì họ ủng hộ và từng ủng hộ các chính sách trái với giáo lý của Giáo hội.

Câu đầu tiên của họ rất đúng, vì đức tin của chúng ta nên hường dẫn các nền chính trị của chúng ta.

Điều bị coi là mâu thuẫn

Câu thứ hai của họ rất hay cho đến dấu phẩy vì Bí tích Thánh Thể là trọng tâm trong đức tin của chúng ta. Sau dấu phẩy, câu này mắc nhiều lỗi lầm.

• Lỗi đầu tiên là cho rằng đây là việc thống thuộc đảng phái. Chính vì họ ủng hộ một quan điểm công khai gây tai tiếng – tức chúng ta nên có khả năng giết trẻ sơ sinh một cách hợp pháp - trái với đạo Công Giáo và luật tự nhiên. Tôi xin đưa ra hai thí dụ để chứng minh điều này. Thứ nhất, John Bel Edwards, thống đốc đương nhiệm của Đảng Dân chủ của tiểu bang Louisiana sẽ không bị yêu cầu tự chế Rước lễ. Ông mô tả quan điểm phò sinh của mình là: “Đó là cách tôi được dưỡng dục. Đó là điều mà đức tin Công Giáo của tôi yêu cầu ”. Mặt khác, Susan Collins, đương kim thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện Maine, người tự nhận là Công Giáo, đã bày tỏ quan điểm công khai gây tai tiếng ủng hộ việc phá thai nhiều lần nên bị từ chối rước lễ.

• Thứ hai, họ cho rằng đây là vũ khí hóa Thánh Thể trong khi thực sự nó đang bảo vệ Thánh Thể khỏi việc vũ khí hóa của họ. Christine Rousselle của Catholic News Agency cảnh cáo về mối nguy hiểm sắp tới: “Tôi chuẩn bị tinh thần để xem một đoạn video thiển cận từ một chính trị gia tự ý trình diện mình với một linh mục, người không nhận ra ông là ai để rước lễ và trái tim tôi tan nát.” Và theo sau nhận định vừa rồi là câu “Don’t Weaponize the Eucharist” cho thấy ý tưởng này mỉa mai đến mức nào.

• Thứ ba, không hề có điều gọi là phá thai “an toàn” vì một đứa trẻ luôn phải chết. Mục tiêu luôn phải là biến việc phá thai thành điều không thể suy tưởng được và không bao giờ được thực hiện nhưng việc qui định là bất hợp pháp việc người ta phá thai con cái người khác là một bước đi đúng hướng cần thiết.

• Thứ tư, họ cho là một mâu thuẫn nào đó khi mâu thuẫn thực sự là việc họ tự trình diện để Rước lễ như những người Công Giáo tốt trong khi thúc đẩy văn hóa sự chết.

Không có chính trị gia?

Thứ ba, họ cho rằng không có chính trị gia dân cử nào bị đe dọa hoặc từ khước Bí tích Thánh Thể. Nghĩ như thế là trái với sự thật:

• Năm 2007, các giám mục Châu Mỹ Latinh lưu ý rằng các chính trị gia nên biết rằng họ không thể rước lễ trong khi ủng hộ việc phá thai, an tử, và các tội ác nghiêm trọng khác đối với cuộc sống hoặc gia đình.

• Năm 2007, Đức Giám Mục Thomas Tobin của giáo phận Providence đã nói với một dân biểu từ giáo phận của ngài không được rước lễ.

• Năm 2007, các nhà lập pháp Mexico đã bị từ chối Rước lễ vì hợp pháp hóa việc phá thai và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã ủng hộ động thái này.

• Năm 2008, Kathleen Sebelius, khi đó là thống đốc bang Kansas, đã bị giám mục yêu cầu không tự trình diện để rước lễ.

• Năm 2010, các giám mục Tây Ban Nha tuyên bố các chính trị gia đã bỏ phiếu cho luật nới lỏng các hạn chế phá thai không nên tự trình diện để rước lễ.

• Vào năm 2012, các giám mục Uruguay cho biết các chính trị gia đã bỏ phiếu để hủy bỏ tội hình phá thai không nên rước Thánh Thể.

Kết luận

Chúng ta đừng vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy bảo vệ nó khỏi các chính trị gia và những người khác gây tai tiếng công khai, mưu toan vũ khí hóa nó cho mục đích của họ. Thánh Thể là Thiên Chúa và nên được bảo vệ. Các điều 915 và 916 là luật, không phải đề nghị.
 
Văn Hóa
Và Con Tim Đã Vui Trở Lại
Nguyễn Kim Ngân
11:41 05/07/2022
Và Con Tim Đã Vui Trở Lại

Bà cụ tôi mất đã gần tám tháng nay. Buổi chiều ra nghĩa trang để coi xem mộ phần bà cụ đã được xây cất tới đâu, thì hỡi ơi, một quang cảnh đìu hiu bầy ra trước mắt: nơi bà cụ nằm chỉ là một lớp cỏ xanh, không có một cái gì đánh dấu đây là mộ phần của bà, nhang hoa hôm Mother’s Day đã được dọn sạch, theo đúng lịch trình của nghĩa trang đã đành, nhưng ngay cả cây thánh giá gỗ, đơn sơ mộc mạc, ghi tên bà, để tạm thời ghi chỗ bà an nghỉ, trong khi chờ đợi phần mộ được xây lên cũng không còn ở đó nữa. Tôi đứng lặng trước ngôi mộ “vô chủ”, bùi ngùi và xót xa thế nào ấy. Trong khi chờ đợi nhân viên phụ trách trả lời điện thoại, tôi đưa mắt rảo bốn chung quanh. Bà cụ tôi nằm lọt thỏm giữa cả một rừng mộ bia, lớn có, nhỏ có, đủ cỡ, đủ kiểu. Ngay bên trái là một ngôi mộ xây cao ngất ngưởng, nổi bật hơn những ngôi mộ chung quanh. Người quá cố có một cái tên được đặt theo kiểu hoàng tộc, thật kêu và thật dài, thế nhưng người nằm đó lại yểu mệnh, vắn số: ra đời mới được 10 ngày đã trở về với cát bụi. Bên phải bà là mộ ông bà cố, và chính bà cố, hơn hai năm trước khi qua đời, đã là người sống chung nhà với bà cụ tôi. Như vậy hai bà vẫn còn có duyên với nhau “cả ở đời này lẫn đời sau.” Nhìn qua, nhìn lại, nhìn xa, nhìn gần, nỗi ngậm ngùi trong tôi không chỉ không nguôi ngoai đi chút nào, mà trái lại còn có vẻ như ứa đầy và dâng cao hơn nữa.

Trên đường về, tôi mang theo nỗi buồn của buổi chiều nghĩa trang khi đứng trước mộ phần hoang lạnh của bà cụ tôi, cùng với nỗi thất vọng hơn nữa khi biết tin nhân viên phụ trách đang đi nghỉ hè dài hạn, nên không có mặt để tiếp tôi.

Cứ tưởng như thế là tôi sẽ phải kết thúc một ngày dài lê thê và buồn thảm. Thế nhưng, y hệt như một tia chớp bừng lên, tôi bỗng lặng cả người khi nghe linh mục chủ lễ đọc dòng cuối bài Tin Mừng Thánh Lễ Chúa Nhật: “…anh em hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:20). Không dưng, câu này gợi cho tôi những lần hồi hộp đến đứng tim của những ngày đi coi kéo bảng. Trong những ngày xa xưa ấy, cứ thi xong vài ba tuần, thì học trò nhốn nháo rủ nhau đi coi kéo bảng tại các trung tâm mà mình đã đến dự thi. Riêng tôi thì đích thân trải nghiệm những cảm xúc khôn tả ấy trong cả ba kỳ thi: Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài 1 và Tú Tài 2. Thật là một quang cảnh khó diễn đạt, vì có kẻ như điên dại, la hét om xòm khi thấy tên mình được ghi trên bảng vàng, nhưng có người thì lại thất vọng ê chề, thở dài não nuột khi tìm mãi mà không thấy tên mình đâu cả. Sĩ tử gọi nhau ơi ới, khoe nhặng xị cả lên, nổ như pháo Tết những lời chúc mừng nhau, hay ngậm ngùi âm thầm chia sẻ vài lời ủi an, “phân ưu” cho những kẻ “học tài thi phận.”

Hóa ra, tuy đã bao nhiêu lần nghe đọc câu Tin Mừng này, nhưng mãi đến hôm nay, nó mới thực sự đánh động lòng tôi, sau buổi chiều nghĩa trang buồn da diết. Tôi

thấy lòng vui sướng hân hoan, tự nhủ rằng, tên ghi trên mộ bia thì quý thật, nhưng rồi cũng phai tàn theo năm tháng. Mà cho dù không bia mộ, không thánh giá, không ngày tháng năm sinh hay tử chăng nữa, thì tên mẹ tôi cũng đã vẫn được ghi trên trời, trong cung lòng Thiên Chúa rồi. Điều tuyệt diệu nhất chính là cái tên ấy, dù có tầm thường, vô danh trước mặt thiên hạ, nó cũng mãi mãi còn đó, không bao giờ biến mất. Và tim tôi bỗng vui trở lại!

Lễ Độc Lập Hoa Kỳ

July 4, 2022

Nguyễn Kim Ngân
 
VietCatholic TV
Nga mất 15 triệu USD vì quả 155 ly của Ukraine. Dân biểu Nga đòi uy hiếp Mỹ bằng vũ khí siêu thanh
VietCatholic Media
02:54 05/07/2022


1. Pháo binh Ukraine đã phá hủy một hệ thống phòng không của Nga trị giá đến 15 triệu USD.

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 5 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết biết pháo binh của họ đã phá hủy một hệ thống hỏa tiễn Pantsir-1S của Nga. Hệ thống này được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga vào năm 2012 và được thiết kế để bảo vệ một khu vực hạn chế trước máy bay của đối phương.

Cùng với tuyên bố này là đoạn phim thu được từ Lực lượng Đặc nhiệm Liên quân Ukraine.

Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp cho biết: “Một đòn đúng chỗ đã có thể tước đoạt trang thiết bị trị giá 15 triệu đô la của quân Nga ở thảo nguyên Donbas.”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine giải thích rằng “Pantsir-S1 là hệ thống pháo và hỏa tiễn phòng không tự hành của Nga. Nó được sử dụng để bảo vệ các đối tượng dân sự và quân sự khỏi bị không quân đối phương tấn công.”

“Hệ thống này được phát triển bởi Trung Tâm Thiết kế Tula của quân Nga. Khu phức hợp Tula được thành lập vào năm 1994, kể từ đó nó đã được hiện đại hóa nhiều lần. Cuối năm 2012, hệ thống phòng không Pantsir-S1 đã được quân đội Nga sử dụng.”

“Thời gian triển khai của tổ hợp xạ thủ lên đến 5 phút. Nó có thể bắn đồng loạt 12 hỏa tiễn 57E6-E và có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao tới 15 km và ở cự ly cách xa các xạ thủ 20 km. Hệ thống này cũng có thể bắn các quả đạn pháo thông thường bay xa tới 4 km. Chi phí là 15 triệu đô la”.

NewsWeek đã liên hệ với Lực lượng Đặc nhiệm Liên quân Ukraine để có thêm bình luận, cũng như Bộ Quốc phòng Nga, nhưng chưa nhận được hồi âm vào thời điểm viết bài.

Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà Điện Cẩm Linh vẫn gọi là “cuộc hành quân đặc biệt”. Ngày 4 tháng 7 đánh dấu ngày thứ 131 của cuộc xâm lược.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 4 tháng 7, Nga đã mất khoảng 36.200 binh sĩ, 1.589 xe tăng, 3.754 xe bọc thép chiến đấu, 804 đơn vị pháo binh, 246 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 105 hệ thống phòng không, 217 máy bay chiến đấu., 187 máy bay trực thăng, 658 máy bay không người lái, 144 hỏa tiễn hành trình, 15 tàu chiến, 2.629 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu, cùng 65 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Các lực lượng Ukraine đã tấn công một kho đạn của Nga ở vùng Donetsk vào ban đêm, gây ra một vụ nổ lớn.

Trong bản báo cáo hôm thứ Ba 4 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Nga và các lực lượng thân Nga hiện đang chuyển trọng tâm sang khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine sau khi chiếm được thành phố Lysychansk ở vùng Luhansk.

Trong bối cảnh đó, các lực lượng pháo binh Ukraine đã chuyển hướng tấn công vào các kho đạn và các sở chỉ huy của đối phương. Tối thứ Hai, rạng sáng thứ Ba 5 tháng 7, kho đạn lớn của quân Nga tại thành phố Snizhny, Donetsk đã trúng phải hỏa tiễn của quân Ukraine.

Một đám khói khổng lồ bốc lên trong không khí trong khi một địa ngục kinh hoàng khói lửa bao trùm kho đạn. Thỉnh thoảng, những tiếng nổ lớn lại vang lên suốt đêm.

Snizhny là một thành phố nằm trong vùng Donetsk ở miền đông Ukraine, trên biên giới với vùng Luhansk của phe ly khai thân Nga.

NewsWeek đã liên hệ với Lực lượng Bộ binh của Các lực lượng Vũ trang Ukraine, cũng như Bộ Quốc phòng Nga, để đưa ra bình luận thêm, nhưng chưa nhận được phản hồi vào thời điểm viết bài.

3. Thành viên Quốc Hội Nga kêu gọi Putin di chuyển vũ khí siêu thanh đến khoảng cách có thể tấn công vào Mỹ

Thành viên Duma Quốc gia Nga, hay vắn tắt là Hạ Viện Nga, Andrei Gurulyov đã phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga và thảo luận về sự cần thiết của một giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Ông Gurulyov cho biết việc di chuyển vũ khí siêu thanh của Nga đến khoảng cách gần lãnh thổ Mỹ sẽ buộc Tổng thống Joe Biden phải đi đến bàn đàm phán với Nga và ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột.

Phóng viên Julia Davis của Daily Beast cảnh báo rằng:

“Các nhà tuyên truyền trên kênh truyền hình nhà nước Nga đang chủ trương tạo ra một cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba khác, lần này, với hỏa tiễn siêu thanh, để buộc Hoa Kỳ phải đưa ra những nhượng bộ”

“Họ cũng đề xuất phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine và cảnh báo các nước khác: 'Bạn là người tiếp theo Ukraine.'“

Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang chạy đua để phát triển hỏa tiễn siêu thanh. Hỏa tiễn siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ Mach 5, tức là 5 lần nhanh hơn tốc độ âm thanh.

Hôm thứ Năm, 30/6, Ngũ Giác Đài tuyên bố thất bại trong cuộc thử nghiệm Common Hypersonic Glide Body, gọi tắt là CHGB, trong bối cảnh lo ngại rằng Mỹ đang tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong việc phát triển các loại vũ khí này. Khi cuộc chiến bùng nổ ở Ukraine, Vladimir Putin đã nhiều lần khoe khoang về sức mạnh vũ khí siêu thanh của đất nước mình.

Andrei Gurulyov nói: “Ngay bây giờ, họ đang cung cấp hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, pháo phản lực, họ sẽ cung cấp bất cứ thứ gì cho Ukraine để ngăn chặn chúng ta giành chiến thắng”

“Tiếp theo, họ sẽ gửi máy bay, hệ thống phòng không, sau đó là hệ thống chống hỏa tiễn, vân vân và vân vân, họ sẽ không lùi bước.”

Gurulyov cũng mô tả cách Nga có thể thành công trong việc “phi quân sự hóa và phi Quốc Xã hóa Ukraine”.

Ông nói: “Chúng ta cần có một cuộc khủng hoảng tốt, giống như cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba.”

“Tại sao? Bởi vì trong cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba, có một mối đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ của Hoa Kỳ mà họ không thể có phản ứng ngay lập tức.”

“Chúng ta nên tạo ra những tình huống tương tự vì Mỹ đứng sau tất cả những điều này và những nước khác đang bị đe dọa phải hùa theo Mỹ”.

“Chúng tôi đi trước tất cả mọi người với vũ khí siêu thanh, vũ khí siêu thanh của chúng tôi không chỉ có trên các tàu sân bay truyền thống mà còn được đưa đến gần các vùng lân cận của Hoa Kỳ”.

“Với thời gian bay tối đa là năm phút, Biden sẽ ngồi đó lắp bắp, nhưng những người còn lại sẽ nghĩ cách thương lượng”.

“Đó là kịch bản duy nhất để chúng tôi có thể phi quân sự hóa và phi Quốc Xã hóa Ukraine.”

Gurulyov sau đó ám chỉ rằng Nga muốn đến bàn đàm phán để giải quyết xung đột.

Ông nhấn mạnh rằng trong bất kỳ cuộc chiến nào, bạn không thể luôn luôn giành chiến thắng, và thừa nhận rằng cuối cùng cũng phải có những thất bại.

Nhà báo Nadana Fridriksson, người phát biểu sau Gurulyov, ám chỉ rằng Nga có thể xâm lược các quốc gia khác sau khi cuộc xung đột Ukraine kết thúc.

“Những quốc gia trong không gian hậu Xô Viết, quyết định chơi với sự trung lập, trung lập của phương Tây, họ nên hiểu rằng họ sẽ là người tiếp theo,” cô ta nói. “Không sớm thì muộn, chiến dịch Ukraine sẽ kết thúc, và sau Ukraine, đến lượt một nước khác”.

Nước khác mà Nadana ám chỉ được nhiều người cho rằng là Lithuania hay Slovakia, quốc gia vừa can đảm tặng cho Ukraine tất cả các chiến đấu cơ MiG-29 của mình.

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

4. NATO thay Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu trong tình thế mới

Trong cuộc họp khoáng đại tại Madrid, các quốc gia thành viên của NATO đã quyết định tăng quân số lên hơn gấp 7 lần, cụ thể là từ 40.000 quân lên 300.000 quân. Trong bối cảnh đó, họ cũng đồng ý chỉ định một Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu trong tình thế mới.

Hôm thứ Hai 4 tháng 7, Tướng Christopher Cavoli của Quân đội Hoa Kỳ đã đảm nhận quyền chỉ huy các Chiến dịch Hành Quân của Đồng minh trong một buổi lễ tại Trụ sở Tối cao của các lực lượng Đồng minh ở Âu Châu. Tướng Cavoli kế nhiệm Tướng Tod Wolters của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, người đã tại vị từ năm 2019.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khen ngợi Tướng Wolters vì “cam kết quên mình với Liên minh của chúng ta”, bao gồm cả công việc của ông đối phó với đại dịch COVID, các nhiệm vụ hỗ trợ ở Afghanistan và “phản ứng với tốc độ và sức mạnh trước cuộc xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine”. Ông cũng cảm ơn Tướng Wolters vì đã lãnh đạo việc phát triển và thực hiện “một nhóm kế hoạch phòng thủ hoàn toàn mới của NATO”, mở đường cho các quyết định mang tính chuyển đổi tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid.

Tướng Stoltenberg nói: “Bạn hoàn toàn đơn giản là một nhà lãnh đạo phù hợp, đúng vị trí, vào đúng thời điểm. Để ghi nhận sự phục vụ xuất sắc của Tướng Wolters đối với Liên minh, Tổng Thư ký đã trao tặng ông Huân chương Phục vụ Xuất sắc của NATO.

Sau đó, Tổng Thư ký hoan nghênh Đại tướng Cavoli, lưu ý rằng sự nghiệp quân sự 35 năm của ông đã trải dài khắp thế giới, từ Bosnia đến Iraq, Afghanistan và Phi Châu.

Về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Âu Châu trong nhiều thập kỷ, với hơn 100.000 quân, Ông Stoltenberg nói: “Các bạn tham gia cùng chúng tôi tại một bước ngoặt đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương, được đánh dấu bằng sự cạnh tranh chiến lược gia tăng và sự trở lại của xung đột tàn bạo đối với Âu Châu. Tôi biết các bạn sẽ tiếp tục phục vụ NATO với cùng sự lãnh đạo và cống hiến mà bạn đã luôn thể hiện”.

Các hoạt động của Bộ chỉ huy Đồng minh chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện tất cả các hoạt động của NATO. Tướng Cavoli là Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu thứ hai mươi. Người đầu tiên chiếm vị trí này là Tướng Dwight D. Eisenhower, là người sau đó đã trở thành Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ.

5. Hàng chục quốc gia tập hợp tại Thụy Sĩ để xây dựng một lộ trình “Kế hoạch Marshall” cho Ukraine

Các nhà lãnh đạo của hàng chục quốc gia, cũng như các tổ chức và công ty quốc tế đang tập hợp tại Thụy Sĩ để xây dựng một lộ trình “Kế hoạch Marshall” nhằm tái thiết Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc.

Diễn biến này xảy ra ngay trong bối cảnh Nga vẫn đang ráo riết tấn công trong vùng Donbas.

Trong cuộc họp báo, bà Simonetta Myriam Sommaruga một chính trị gia người Thụy Sĩ, từng là tổng thống Thụy Sĩ trong các năm 2015 và 2020, cho rằng không thể cho là quá sớm để triệu tập một hội nghị như thế này vì mức độ tàn phá kinh hoàng do Nga gây ra tại Ukraine, và bà không tin rằng Nga có khả năng kéo dài một cuộc chiến tiêu hao trong bối cảnh phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu và

Bà Sommaruga cũng đã từng lãnh đạo Bộ Môi trường, Giao thông, Năng lượng và Truyền thông Liên bang từ năm 2019, trước đó là Bộ Tư pháp và Cảnh sát Liên bang. Bà cũng từng là Phó Tổng thống Thụy Sĩ trong những năm 2014 và 2019.

Diễn biến cũng xảy ra ngay trong bối cảnh Nga cho biết họ đã chiếm được thành phố Lysychansk, miền đông Ukraine, trong vùng Severodonetsk Raion của vùng Luhansk. Điều này hiện cũng đã được xác nhận bởi quân đội Ukraine, họ cho biết họ đã rút quân khỏi thành phố sau khi giao tranh ác liệt để “bảo toàn tính mạng của quân trú phòng”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, đã tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine sẽ chiếm lại thành phố “nhờ vào việc tăng cường cung cấp vũ khí hiện đại.”

Sự sụp đổ của Lysychansk diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi thành phố Severodonetsk gần đó rơi vào tay người Nga.

Sloviansk, một thành phố phía đông Ukraine ở vùng Donetsk, đã bị pháo kích hôm Chúa Nhật, dẫn đến cái chết của ít nhất 6 người và 20 người khác bị thương, theo thị trưởng thành phố, Vadim Lyakh.

Thống đốc Luhansk của Ukraine, Serhiy Haidai, tuyên bố rằng các lực lượng Nga hiện có khả năng chuyển trọng tâm sang khu vực Donetsk lân cận.

6. Bộ Tư lệnh Không quân loan tin san bằng một căn cứ Nga.

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 5 tháng 7, Bộ Tư lệnh Không quân loan tin đã san bằng một căn cứ Nga tại Melitopol bằng hệ thống hỏa tiễn, Buk-M1. Đây là căn cứ thứ hai trong số 4 căn cứ của quân Nga tại thành phố này.

Bộ Tư lệnh Không quân cho biết: “Đối với mọi hành động của quân Nga, các chiến sĩ phòng không của chúng tôi có câu trả lời của riêng mình, bởi vì tinh thần chiến đấu của người Ukraine không một phút giây nào tàn lụi!”

NewsWeek đã liên hệ với Bộ Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine để có thêm bình luận, cũng như Bộ Quốc phòng Nga, nhưng chưa nhận được trả lời vào thời điểm viết bài.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong bản báo cáo chiều Chúa Nhật, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Không quân Ukraine đã hoàn thành khoảng 15 nhiệm vụ bay theo nhóm, tiêu diệt tới 10 xe tăng và 20 xe chiến đấu bọc thép của đối phương.

“Vào ngày 2 tháng 7 năm 2022, lực lượng không quân Ukraine đã thực sự hoạt động trên tất cả các hướng trên khắp các mặt trận, Vùng Mykolaiv, Vùng Zaporizhzhia, Vùng Kharkiv, Vùng Donetsk và Vùng Luhansk, đã hoàn thành khoảng 15 nhiệm vụ bay theo nhóm.”

Máy bay ném bom và máy bay tấn công của Ukraine đã phá hủy hai trung tâm chỉ huy của Nga, 20 xe thiết giáp và 10 xe tăng.

Ngoài ra, hai kho đạn dã chiến và pháo tự hành của địch cũng bị phá hủy.

Tiếng nổ đã được nghe thấy ở Melitopol đêm qua. Thành phố đã bị Nga chiếm đóng từ cuối tháng Hai.
 
Đức Thánh Cha lên án hành động dã man của quân Nga tại Ukraine. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục San Francisco
VietCatholic Media
05:24 05/07/2022


1. Đức Giáo Hoàng giảm lịch trình các hoạt động công khai trong tháng Bảy

Đức Giáo Hoàng sẽ giảm bớt lịch trình hoạt động của mình, nhưng sẽ tiếp tục chào đón công chúng trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Lịch nghỉ hè có thể cho phép Đức Giáo Hoàng hồi phục tình trạng đầu gối bị đau. Ngài vẫn cam kết thực hiện một chuyến thăm có tới Canada vào cuối tháng.

Không giống như những người tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn không rời Rôma trong mùa hè, nhưng thích một lịch trình nhẹ nhàng hơn tại Vatican thay vì đến nghỉ tại dinh thự mùa hè của Đức Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo.


Source:Holy See Press Office

2. Tổng thống Georgia đến thăm Vatican để dự buổi hòa nhạc đặc biệt tại nhà nguyện Sistine

Tổng thống Salome Zourabichvili của Georgia đã tham dự một buổi hòa nhạc đặc biệt vào ngày 26 tháng 6 tại nhà nguyện Sistina nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa quốc gia vùng Caucasus này với Tòa thánh. Dàn hợp xướng của Nhà thờ Holy Trinity của Tbilisi đã hát bài thánh ca Chính thống giáo của Georgia.

Nằm ở khu vực Caucasus, quốc gia 4,9 triệu dân này có 83% dân số theo Chính thống giáo và 11% theo Hồi giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến tông du ở đó vào năm 2016.

Tổng thống Zourabichvili đã tweet: “Nghe thấy những bài thánh ca của người Georgia trong các bức tường của Nhà nguyện Sistina là một khoảnh khắc xúc động sẽ lưu lại trong sách lịch sử của chúng tôi. Tôi gởi lời biết ơn sâu sắc nhất đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”
Source:Vatican News

3. Đức Thánh Cha lên án hành động dã man của quân Nga tại Ukraine

Hôm thứ Năm vừa qua, như đã làm trong những lần khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cáo buộc một cách rõ ràng “tâm lý chinh phục, bành trướng và đế quốc” của người Nga ở Ukraine, và một lần nữa đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra mà ngài định nghĩa là một “cuộc xâm lược tàn bạo và vô nghĩa” đã làm thay đổi thế giới.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc họp tại nhà trọ Santa Marta với một phái đoàn từ Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople đến Rôma tham dự lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, là các vị thánh bảo trợ của Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Sau khi cảm ơn sự hiện diện của những người đại diện cho Tòa Thượng Phụ Istanbul trong dịp này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, sự hòa giải giữa các Kitô hữu – bị tách biệt kể từ cuộc ly giáo năm 1054- là cần thiết, “trong khi thế giới thấy mình bị sốc bởi một chiến tranh xâm lược tàn ác và vô nghĩa, trong đó nhiều Kitô hữu chiến đấu với nhau. Đối mặt với tai tiếng của chiến tranh, trên tất cả, chúng ta không cần phải cân nhắc nhưng phải khóc, giúp đỡ và hoán cải. Chúng ta phải thương tiếc những nạn nhân vì quá nhiều máu đã đổ, vì những cái chết của rất nhiều người vô tội, những đau thương của gia đình, thành phố, của cả một thị trấn: bao đau khổ cho những người đã mất đi những tình cảm yêu quý nhất và buộc phải ra đi.”

Đức Phanxicô cũng kêu gọi “giúp đỡ những anh chị em này: đó là lời kêu gọi bác ái, là những người Kitô hữu, chúng ta phải thực thi trước Chúa Giêsu di cư, nghèo khổ và bị thương”.

Trong một ám chỉ đến Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Kirill, người đã chúc lành cho “chiến dịch đặc biệt” của Putin, Đức Thánh Cha nói “chúng ta phải hoán cải để hiểu rằng các cuộc chinh phạt vũ trang, bành trướng và chủ nghĩa đế quốc không liên quan gì đến Vương quốc mà Chúa Giêsu đã công bố, không liên quan gì đến Chúa Phục sinh, Đấng ở vườn Giệtsimani đã yêu cầu các môn đệ từ bỏ bạo lực, bỏ gươm trở lại vị trí của nó 'bởi vì tất cả những người cầm kiếm sẽ chết bởi thanh kiếm'“

Hôm thứ Tư, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, nhân lễ hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng đã có những lời lẽ mạnh mẽ lên án những hành vi man rợ của người Nga trong vụ bắn hỏa tiễn tầm xa vào siêu thị ở thành phố Kremenchuk, làm cho ít nhất 20 người chết và 50 người bị thương, 36 người mất tích.

“Mỗi ngày tôi đều mang trong lòng mình đất nước Ukraine thân yêu và đang bị dày vò, nơi tiếp tục bị thiêu rụi bởi những cuộc tấn công man rợ, như vụ tấn công trung tâm mua sắm Kremenchuk. Tôi cầu nguyện rằng cuộc chiến điên rồ này có thể sớm kết thúc, và tôi tiếp tục lời mời gọi kiên trì, không mệt mỏi, trong lời cầu nguyện cho hòa bình: xin Chúa mở ra những con đường đối thoại mà con người không muốn hoặc không thể tìm thấy! Và chúng ta đừng lơ là trong việc cứu trợ người dân Ukraine, những người đang chịu rất nhiều đau khổ.”

Trong suốt cuộc chiến này, Đức Giáo Hoàng đã bị một số người chỉ trích và coi là “người ủng hộ Nga” vì chưa bao giờ đề cập đến Nga và tổng thống của nước này, Vladimir Putin, trong tất cả các diễn từ, với mục đích để ngỏ một kênh đối thoại và hòa giải, như các nguồn tin của Vatican giải thích. Thay vào đó, Tòa thánh, thông qua “bộ trưởng ngoại giao”, Tổng giám mục người Anh Paul Gallagher, đã nói về “sự xâm lược” của Nga đối với Ukraine và ủng hộ sự “toàn vẹn lãnh thổ” của nước này.

Vào giữa tháng 6, Đức Giáo Hoàng cũng ám chỉ Nga là một “siêu cường” muốn “tự áp đặt mình chống lại nguyên tắc tự quyết của các dân tộc”, ở phần đầu Thông điệp cho Ngày Thế giới về Người nghèo lần thứ IV.
Source:La Nacion

3. Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone: Nhiệm vụ của chúng ta tại Hoa Kỳ thời hậu Roe

Đức Cha Salvatore J. Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco, vừa có bài viết trên tờ First Things, với nhan đề “Our Task in Post-Roe America”, nghĩa là “Nhiệm vụ của chúng ta tại Hoa Kỳ thời hậu Roe”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Năm 1974, Thẩm phán Harry Blackmun, tác giả của phán quyết Roe kiện Wade, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng Roe “sẽ được coi là một trong những sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử của tòa án hoặc một trong những quyết định lớn của tòa án”.

Đó là một tiên báo. Hôm thứ Sáu, Tòa án Tối cao đã đảo ngược phán quyết có lẽ là sai lầm lớn nhất của tòa án này từ trước đến nay. Với phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, quyền giết người vô tội đã được đưa vào lịch sử hiến pháp của chúng ta. Khi nói đến các quyết định của Tòa án Tối cao thể hiện một sự thiếu tôn trọng đáng ghê tởm đối với phẩm giá bình đẳng của mỗi con người, chỉ có phán quyết trong vụ Dred Scott kiện Sandford mới sánh được với phán quyết Roe về mức độ sai lầm quá sức nghiêm trọng.

Sau nửa thế kỷ, khoảnh khắc mà rất nhiều người trong chúng ta hết lòng hy vọng, làm việc và cầu nguyện, đã đến. Tôi đã bắt đầu cầu nguyện trước các cơ sở phá thai khi tôi được thụ phong linh mục vào năm 1982. Giáo xứ đầu tiên của tôi nằm gần một trong những nhà máy tử thần này, vì vậy bản thân tôi đã làm công việc này vài thập kỷ.

Chúng ta sẽ không phải là con người nếu chúng ta không dành một chút thời gian để vinh danh những anh hùng ủng hộ cuộc sống, những người đã làm việc trong rất nhiều năm để biến điều này thành hiện thực.

Đức Hồng Y John O'Connor đã hô hào các tín hữu và khiển trách các chính trị gia. Cha Richard John Neuhaus đã giúp tạo nên một liên minh những nhà trí thức vượt qua những khác biệt về tôn giáo. Tiến sĩ Bernard Nathanson là một trong nhiều người chuyển đổi sang chính nghĩa phò sinh. Là một người theo chủ nghĩa vô thần, ông đã tự mình thực hiện 5000 vụ phá thai trước khi phản đối việc giết người. Bộ phim Silent Scream của ông đã nhân bản hóa đứa trẻ chưa chào đời trong bụng mẹ và buộc những người ủng hộ việc phá thai phải thừa nhận rằng phá thai là một hành động bạo lực. Tôi biết ơn khi nhớ lại nhiều nhà nữ quyền ủng hộ cuộc sống, những phụ nữ đã lên tiếng nói rằng phá thai không tốt cho phụ nữ và cũng chẳng phải là một cách để thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ.

Một trong số họ là Tiến sĩ Mildred Jefferson, tiền thân của các nhà lãnh đạo ủng hộ cuộc sống ngày nay như Marjorie Dannenfelser, Kristan Hawkins và Lila Rose của chính vùng Vịnh này. Tiến sĩ Jefferson là nữ bác sĩ da đen đầu tiên đến từ Harvard và là giáo sư giải phẫu nổi tiếng tại Trường Y Đại học Boston. Năm 1970, khi Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ từ bỏ Lời thề Hippocrate để tuyên bố rằng phá thai là hợp pháp, bác sĩ Jefferson đã trở thành một nhân vật hàng đầu quốc gia lên tiếng phản đối việc giết chết những đứa trẻ trong bụng mẹ. Sau khi cô xuất hiện trong loạt phim truyền hình công cộng năm 1972 “The Advocates”, Tiến sĩ Jefferson nhận được một lá thư từ một chính trị gia đang nổi của California. Ronald Reagan viết: “Tôi ước tôi có thể nghe được quan điểm của bạn trước khi luật của chúng tôi được thông qua. Bạn đã nói rõ không thể chối cãi rằng phá thai là cướp đi mạng sống của một con người. Tôi biết ơn bạn.”

Trong năm mươi năm, những người ủng hộ cuộc sống đã làm công việc khó khăn để giữ cho lương tâm của quốc gia được tồn tại. Chúng ta biểu tình, chúng ta cầu nguyện trước các phòng khám, chúng ta duy trì các trung tâm trợ giúp mang thai khi các phụ nữ gặp khủng hoảng để giúp phụ nữ lựa chọn cuộc sống, chúng ta tiến hành các khóa tĩnh tâm chữa bệnh cho phụ nữ và nam giới chịu hậu quả của việc phá thai, chúng ta thành lập các tạp chí như Human Life Review để cung cấp kiến thức về vấn đề này. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực pháp lý để đưa ra vụ án chính nhằm lật ngược phán quyết Roe kiện Wade. Những người khác cố gắng đào tạo và lựa chọn các thẩm phán, những người sẽ tôn trọng và không làm trái cam kết quốc gia của chúng ta đối với quyền bất khả xâm phạm được sống. Những người được kêu gọi tham gia trong chính trường đã làm việc để bầu ra các tổng thống và các thượng nghị sĩ, là những người sẽ xác nhận các thẩm phán như vậy cho Tòa án tối cao.

Cùng nhau, chúng ta kiên trì. Và hôm nay, thật khó để không cảm thấy như chúng ta vừa chiến thắng.

Nhưng sự thật thì cuộc lật đổ Roe không phải là thắng lợi cuối cùng mà là sự khởi đầu của một chặng đường mới và gian nan hơn về phía trước. Mục tiêu của chúng ta không phải là tạo ra một nền văn hóa nơi phá thai là bất hợp pháp, mà là nơi điều đó là không thể tưởng tượng được. Để làm được điều đó cần có tình yêu thương hy sinh dành cho cả các mẹ những đứa con của họ.

Sẽ có những cuộc biểu tình, đe dọa và náo động. Tôi yêu cầu anh chị em không lùi bước mà hãy nhân đôi cam kết của mình. Trên hết, tôi yêu cầu anh chị em cầu nguyện - bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được.

Và sau đó, bắt đầu công việc: Hãy gọi cho một trung tâm trợ giúp mang thai địa phương và cam kết quyên góp hàng tháng. Hỗ trợ các nhà lãnh đạo chính trị, những người không chỉ hạn chế phá thai mà còn cung cấp các nguồn lực mới cho các bà mẹ đang gặp khủng hoảng. Tình nguyện đồng hành cùng các bà mẹ đơn thân không chỉ trong thai kỳ, mà còn cả sau này. Ăn chay một ngày mỗi tuần và quyên góp số tiền anh chị em tiết kiệm được cho Tổ chức bác ái Công Giáo hoặc các tổ chức khác cung cấp cho các bà mẹ có nhu cầu. Và những người đàn ông, hãy trả lời tiếng gọi làm cha cho những trẻ mồ côi.

Vào ngày thứ Sáu vừa qua, Tòa án Tối cao đã đảo ngược nửa thế kỷ phân biệt đối xử đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Cuối cùng thì chúng ta cũng được tự do để làm việc vì một nền văn hóa phò sinh và tình yêu cho mỗi con người. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.https://www.firstthings.com/web-exclusives/2022/06/our-task-in-post-roe-america
 
Lữ đoàn trưởng xe tăng Nga tử trận. Melitopol: Ukraine hy sinh nổ tung cầu để bao vây quân Putin
VietCatholic Media
16:36 05/07/2022


1. Lữ đoàn trưởng xe tăng Nga tử trận

Vladimir Putin đã mất thêm một sĩ quan cấp tá trong bối cảnh giao tranh gay gắt ở Ukraine khi lực lượng của ông ta phải chịu một loạt những thất bại nhục nhã.

Các phương tiện truyền thông của Nga đã tường trình về lễ tang của Lữ đoàn trưởng xe tăng Nga tử trận tại Donbas.

Trung Tá Yegor Alexandrovich Meleshenko, 43 tuổi, thiệt mạng ở vùng Donbas khi đang chiến đấu. Meleshenko, tư lệnh lữ đoàn xe tăng số 51 đến từ Berdsk, là đại tá thứ 58 đã thiệt mạng kể từ khi Putin ra lệnh cho quân đội của mình tràn qua biên giới vào ngày 24 tháng 2.

Lễ tang cho viên Trung Tá đã được tổ chức lúc 12 giờ trưa ngày thứ Ba 5 tại số 49 phố Ivanova, và sau đó thi hài được an táng tại nghĩa trang Berdsk.

Trong lễ tang, Thị trưởng Berdsk là ông Evgeny Shesternin nói: “Trung Tá Yegor Meleshenko, tốt nghiệp Trường võ bị cao cấp Novosibirsk năm 2002. Ngày 4 tháng 7, nếu còn sống, anh ấy sẽ bước sang tuổi 44. Yegor Alexandrovich đã tham gia vào các hoạt động quân sự để bảo vệ Liên bang Nga, và đã từng tham gia các hoạt động quân sự ở Chechnya”.

“Vì sự tận tâm phục vụ, Meleshenko đã được Bộ Quốc Phòng Liên bang Nga trao tặng huy chương ‘xuất sắc trong nghĩa vụ quân sự’, huy hiệu ‘phục vụ ở Caucasus’, huy hiệu ‘xuất sắc trong công vụ’, và được truy tặng ‘Huân chương Dũng cảm’. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới vợ của anh ấy - Elena, các con, người thân và bạn bè của người anh hùng”.

Ông Evgeny Shesternin cho biết Meleshenko là người thứ hai trong làng Tolmachevo đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Ukraine. Người trước đó là Trung úy Andrei Smolkin 25 tuổi cũng đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Donbas.

Hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Trung Tá Meleshenko không được phiá Nga công bố. Tuy nhiên, tối thứ Ba 5 tháng 7, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã công bố một cuộc điện đàm của một người lính và vợ anh ta. Căn cứ vào những trao đổi của người lính, Trung Tá Meleshenko chết ngày 24 tháng 6 trong trận Sievierodonetsk, chỉ một ngày trước khi quân Ukraine triệt thoái hoàn toàn khỏi thành phố này. Hàng chục chiếc xe tăng Nga bị bắn cháy trong khi quân Ukraine cố gắng rút lui.

Cuộc chiến, hiện đã kéo dài hơn 4 tháng, cũng đã chứng kiến cái chết của ít nhất 11 tướng lĩnh Nga - mặc dù con số thiệt mạng thực sự có thể cao hơn do chính quyền Nga có xu hướng che giấu mức độ tử vong.

Các nhà phân tích cho rằng ông Putin không hề mảy may xúc động trước quy mô thiệt hại về nhân mạng của quân Nga - hiện được cho là lên tới hơn 36.000 người.

Cái chết của ông đã đẩy số sĩ quan cấp cao của quân đội Nga thiệt mạng lên gần 60 người, và diễn ra chỉ vài ngày sau khi có thông báo rằng Trung Tá Pavel Kislyakov, một sĩ quan dù, đã bị giết ở Ukraine.

Kislyakov, 40 tuổi, chỉ huy của một đơn vị lính dù nổi tiếng của Nga, đã được an táng hôm thứ Năm với đầy đủ lễ nghi quân cách tại quê hương của anh ta ở vùng Moscow.

2. Nhà lập pháp Nga đề xuất tuyên bố Hoa Kỳ là 'Nhà nước khủng bố'

Một nhà lập pháp Nga đã đưa ra đề xuất tuyên bố Mỹ là “quốc gia khủng bố”, lập luận rằng các quan chức Mỹ đang cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo cần thiết để tấn công vào các thành phố của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga, Phó Chủ Tịch Duma Quốc gia, tức là Hạ Viện Nga, Oleg Morozov đã tấn công Hoa Kỳ sau vụ nổ hôm Chúa Nhật ở thành phố Belgorod của Nga gần biên giới Ukraine, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và nhiều ngôi nhà bị hư hại.

Lãnh đạo khu vực, Thống đốc Vyacheslav Gladkov, cho biết ít nhất 11 tòa nhà chung cư và 39 nhà riêng bị hư hại. Mạc Tư Khoa cho biết đây là một vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine, mặc dù Ukraine không tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ việc này.

Morozov, một thành viên của đảng Nước Nga Thống nhất, cáo buộc Mỹ cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine.

Ông nói với RIA Novosti: “Giờ đây, rõ ràng là các thông tin tình báo của Hoa Kỳ được sử dụng để bao vây các thành phố của Nga”.

“Trên thực tế, đây là sự tham gia vào cuộc chiến tranh về phía Hoa Kỳ và là một sự gây hấn chống lại Nga,” Morozov tiếp tục.

Ông thúc giục: “Điều này nên được công khai trên tất cả các nền tảng quốc tế, yêu cầu triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và tuyên bố Hoa Kỳ là một quốc gia khủng bố.”

Mạc Tư Khoa đã nhiều lần cáo buộc Kyiv thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích vào Belgorod và các khu vực khác gần biên giới Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược quốc gia láng giềng vào ngày 24/2.

Belgorod cách biên giới với Ukraine khoảng 40 km về phía bắc.

Sau vụ nổ hôm Chúa Nhật tại thành phố này, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết “cuộc tấn công hỏa tiễn đã được lên kế hoạch có chủ đích và được thực hiện nhằm vào dân thường ở các thành phố của Nga.”

Gladkov đã viết trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng một đứa trẻ 10 tuổi và một người đàn ông phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng trong số những người bị thương khác.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng Ukraine đã tấn công thành phố này bằng 3 hỏa tiễn Tochka-U. Nga cho biết lực lượng phòng không của họ đã phá hủy cả ba hỏa tiễn trên không, nhưng các mảnh vỡ của một trong số chúng đã rơi xuống các tòa nhà dân cư.

Newsweek không thể xác minh độc lập các báo cáo của Nga.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết Mỹ không tham gia vào các quyết định tấn công của quân đội Ukraine.

New York Times đưa tin rằng phát biểu của ông được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ cho biết họ đã chia sẻ thông tin với Ukraine về vị trí của soái hạm Mạc Tư Khoa hàng đầu của Nga trước khi nó chìm ở Hắc Hải vào tháng 4.

“Chúng tôi đã không cung cấp cho Ukraine thông tin tấn công cụ thể soái hạm Mạc Tư Khoa,” Kirby nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi không liên quan đến việc Ukraine quyết định tấn công con tàu này và các hoạt động mà họ thực hiện. Chúng tôi không hề biết trước về ý định tấn công con tầu của Ukraine. Người Ukraine có khả năng tình báo của riêng họ để theo dõi và tấn công các tàu hải quân Nga, như họ đã làm trong trường hợp này”.

Phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov vào thời điểm đó cáo buộc Mỹ, Anh và các thành viên NATO khác “liên tục” cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine.

3. Thị trưởng lưu vong của Melitopol cho biết cầu đường sắt chính bên ngoài Melitopol đã bị phá hủy

Một cây cầu đường sắt quan trọng nối Melitopol và Tokmak do Nga chiếm đóng đã bị nổ tung vào cuối tuần qua, thị trưởng lưu vong của thành phố miền nam Ivan Fedorov cho biết như trên.

Phát biểu trực tiếp trên kênh truyền hình Rada của Ukraine, Fedorov cho biết giao thông đường sắt từ Melitopol đến Berdiansk đã “hoàn toàn tê liệt” vào hôm Chúa Nhật. Các báo cáo truyền thông địa phương cũng xác nhận cây cầu đã bị phá hủy.

Một vụ nổ đã làm nổ tung ngôi làng Lyubimivka do Nga chiếm đóng, hãng tin Ukraine Ria-Melitopol đưa tin trên Telegram, và cho biết thêm rằng quân đội Nga đã sử dụng cây cầu để vận chuyển thiết bị quân sự.

Ria-Melitopol cũng báo cáo rằng trước khi cây cầu bị đánh sập một lượng lớn thiết bị quân sự của Nga đã được nhìn thấy di chuyển ra ngoài Melitopol, bao gồm cả các đoàn xe tăng và xe bọc thép, về phía Kherson và Zaporizhzhia.

Theo thị trưởng Fedorov, lực lượng Ukraine đã phá hủy sân bay Melitopol vào đầu ngày Chúa Nhật. Ông nói thêm rằng một vụ hỏa hoạn tại căn cứ của Nga nằm ở đó vẫn tiếp diễn vào thứ Hai.

Quân đội Nga đã chiếm Melitopol kể từ đầu tháng 3, sử dụng thành phố này cho các cuộc tấn công liên tục vào các vùng lãnh thổ phía nam của Ukraine.

4. Thủ tướng Thụy Điển sẽ ủng hộ chính sách mở cửa của NATO ở Kyiv

Thụy Điển “sẽ ủng hộ chính sách mở cửa của NATO” đối với Ukraine, Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết hôm thứ Hai trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv.

“Chính sách mở cửa” của NATO dựa trên Điều 10 của hiệp ước thành lập khối, trong đó quy định rằng bất kỳ quyết định mời một quốc gia nào tham gia liên minh đều phải dựa trên sự đồng thuận của tất cả các đồng minh.

“Điều tôi có thể nói với bạn là khi chúng tôi trở thành thành viên, chúng tôi sẽ ủng hộ chính sách mở cửa của NATO dành cho các bạn,” Andersson nói cùng với Zelenskiy. “

Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã hoàn tất các cuộc đàm phán gia nhập vào thứ Hai tại Trụ sở NATO ở Brussels. Cả hai nước đã chính thức xác nhận sự sẵn sàng và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết chính trị, pháp lý và quân sự mà tư cách thành viên NATO đòi hỏi. Liên minh NATO cho biết trong một tuyên bố.

Cả hai nước đều giữ vị thế trung lập trong nhiều năm, nhưng sự ủng hộ đối với tư cách thành viên NATO trong các quốc gia này đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Andersson cũng cho biết Thụy Điển cũng “sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt tiếp theo” chống lại Nga.

“Tôi nghĩ rằng có nhiều ý kiến khác nhau trong Liên minh Âu Châu rằng đó có phải là con đường đúng đắn về phía trước ngay bây giờ hay không,” Andersson nói. “Nhưng chúng tôi sẵn sàng thực hiện các hành động được đồng thuận trong Liên Hiệp Âu Châu,” cô nói thêm.

Zelenskiy nói, “Tôi muốn chúc mừng Thụy Điển và cá nhân Thủ tướng về quyết định lịch sử của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid về việc Thụy Điển gia nhập liên minh theo một thủ tục được đẩy nhanh.”

5. Tổng công tố viên cho biết Ukraine đóng băng tài sản trị giá 12 triệu USD của Nga và Belarus

Văn phòng Tổng công tố Ukraine thông báo đóng băng số tài sản trị giá 12 triệu USD thuộc về các doanh nghiệp Nga và Belarus.

Các tài sản bao gồm 300 container đường sắt được phát hiện vi phạm các quy định hải quan Ukraine.

“Để bảo đảm tài sản được bảo quản làm bằng chứng và khả năng có thể tịch thu những thứ này, Văn phòng Tổng công tố đã áp đặt lệnh phong tỏa, dựa trên quyết định của các thẩm phán điều tra của Tòa án quận Shevchenkivskyi của Kyiv”

Cục An ninh Kinh tế và Trốn thuế Quy mô lớn của Ukraine đang tiến hành cuộc điều tra.

6. Zelenskiy nói rằng việc tái thiết Ukraine không chỉ là “việc khôi phục những bức tường mà chúng ta đã có”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong bài phát biểu hàng đêm trên truyền hình trước cả nước đã ca ngợi hôm thứ Hai là “ngày rất quan trọng” khi một hội nghị dành cho sự phục hồi đất nước của ông đã bắt đầu tại Lugano, Thụy Sĩ.

Nhưng ông nói rằng việc tái thiết Ukraine nên vượt ra ngoài “việc khôi phục những bức tường mà chúng ta đã từng có và những bức tường đã bị phá hủy do pháo kích”.

“Ukraine phải trở thành quốc gia tự do nhất, hiện đại nhất và an toàn nhất ở Âu Châu - theo mọi nghĩa của từ này, đặc biệt, về môi trường của chúng ta. Tôi chắc chắn là chúng ta sẽ làm được.”

Zelenskiy cảnh báo rằng những nỗ lực phục hồi không nên chỉ tập trung vào những năm tiếp theo mà còn cả hiện tại.

“Các lực lượng Ukraine đã giải phóng hơn một nghìn khu định cư khỏi quân chiếm đóng và những khu định cư mới được bổ sung mỗi tuần. Bây giờ, ví dụ, ở miền nam nước ta. Những khu định cư đã bị phá hủy trên quy mô lớn. Và điều này cũng có nghĩa là cần phải có những quỹ khổng lồ để khôi phục cơ sở hạ tầng, để mang lại thuốc men và các dịch vụ xã hội, để khôi phục đời sống kinh tế bình thường.” Ông nói thêm rằng “một phần đáng kể của nền kinh tế đã bị phá hủy, đặc biệt là ở các vùng vừa được giải phóng “.

“Đó là lý do tại sao sự phục hồi của Ukraine không chỉ là về những gì cần phải làm sau này, sau chiến thắng của chúng ta, mà còn về những gì cần phải làm vào lúc này. Và chúng ta phải làm điều đó cùng với các đối tác của chúng tôi, với toàn bộ thế giới dân chủ. Làm ngay bây giờ.”

Zelenskiy kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách chúc mừng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người dân Hoa Kỳ nhân Ngày Độc lập, nói rằng việc đối phó với cuộc tấn công hàng ngày của Nga đòi hỏi “những nỗ lực siêu phàm.”

“Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác - đây là về nền độc lập của chúng ta, tương lai của chúng ta, và số phận của toàn bộ người dân Ukraine”
 
Đức Thánh Cha tiếp Elon Musk, kẻ thù của Putin, tại Santa Marta. Tình trạng khốn đốn của TGP Santa Fe
VietCatholic Media
16:42 05/07/2022


1. Đức Thánh Cha tiếp ông Elon Musk tại Santa Marta

Theo Paolo Rodari trên tờ La Repubblica, hôm 1 tháng 7 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một trong những người đàn ông giàu nhất hành tinh, Elon Musk, người bảo trợ của Tesla và SpaceX, cùng với bốn trong số bảy người con trai của ông. Rodari viết rằng “Đức Thánh Cha thấy mình đứng trước một trong những người giàu nhất thế giới, nhưng theo nguồn tin từ Oltretevere, ông Elon Musk rất dễ gần, giản dị và trên hết là có khiếu hài hước. Trong buổi tiếp kiến, Elon Musk đã thể hiện niềm tin của mình vào tương lai của nhân loại, và Đức Thánh Cha thích điều này. Ông Musk nhắc lại nhiều lần “Công nghệ sẽ cứu thế giới”.

Elon Reeve Musk sinh tại Pretoria, Nam Phi vào ngày 28 tháng 6 năm 1971. Ông là một doanh nhân Nam Phi có quốc tịch Canada và đã nhập tịch Hoa Kỳ. Là một trong những doanh nhân quyền lực nhất thế giới, ông giữ các vai trò như Ban Điều Hành và giám đốc kỹ thuật của công ty hàng không vũ trụ SpaceX, Ban Điều Hành và kiến trúc sư sản phẩm của tập đoàn ô tô đa quốc gia Tesla, đồng sáng lập và điều hành Neuralink, chủ tịch SolarCity, người sáng lập Công Ty The Boring và đồng sáng lập PayPal và OpenAI. Ông cũng đề xuất một hệ thống giao thông siêu tốc được gọi là Hyperloop, hệ thống này vẫn đang được phát triển.

Người ta biết rất ít về cuộc gặp gỡ giữa Ông Elon Musk và Đức Thánh Cha Phanxicô kéo dài 40 phút.

Một trong những giả thuyết hiện đang lan truyền giữa những người theo dõi tài khoản của doanh nhân này là Musk đến Ý cùng gia đình để mừng sinh nhật: Musk sinh ra ở Pretoria, Nam Phi, vào ngày 28 tháng 6 năm 1971. Do đó, ông vừa tròn 51 tuổi. Ông dành một vài giờ ở Rôma, và sau đó rời đi Venice.
Source:Sismografo

2. Chiến Tranh Không Gian: Tướng Mỹ cho biết Elon Musk đã phá hủy chiến dịch thông tin sai lệch của Putin với mạng Internet không gian Starlink

Một Chuẩn tướng của UNITED hợp tác chặt chẽ với Starlink và SpaceX đã ca ngợi nỗ lực của các công ty trong việc cung cấp kết nối internet cho người dân Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga.

Elon Musk đích thân hứa sẽ giao các thiết bị Starlink cho Ukraine sau các chiến dịch tấn công và phá hủy hệ thống internet hiện có của Nga.

Starlink là một chương trình internet qua vệ tinh hoạt động dưới sự điều hành của SpaceX

Vào ngày 26 tháng 2, hai ngày sau khi Vladimir Putin điều động quân đội của mình, một quan chức Ukraine đã tweet:

“Elon Musk, trong khi bạn cố gắng chiếm đóng sao Hỏa - Nga cố gắng chiếm Ukraine! Khi hỏa tiễn của bạn hạ cánh thành công từ không gian - hỏa tiễn của Nga đang tấn công người dân Ukraine! Chúng tôi yêu cầu bạn cung cấp cho Ukraine các trạm Starlink và làm sao cho những người Nga lành mạnh đứng vững.”

Cuối ngày hôm đó, Musk trả lời “Dịch vụ Starlink hiện đang hoạt động ở Ukraine. Nhiều thiết bị đầu cuối khác đang trên đường đến. “

Ngày nay, người Ukraine dựa vào Starlink để chuyển tiếp thông tin tình báo quân sự, giữ liên lạc với gia đình của họ và cập nhật thông tin về nhận thức của thế giới về cuộc xung đột.

Elon Musk tuyên bố Nga đang cố gắng và thất bại trong việc hack vệ tinh Starlink của ông.

Cuộc xâm lược hung hăng của Putin đối với một quốc gia có chủ quyền luôn phụ thuộc vào việc kiểm soát các tường thuật ở cả Ukraine và Nga.

Nhưng Starlink đã cung cấp một phương tiện cho người dân và một chiếc micrô cho nhà lãnh đạo Ukraine - “Tác động chiến lược là, nó đã phá hủy hoàn toàn chiến dịch thông tin của Vladimir Putin,” Chuẩn tướng Mỹ Steven Butow nói với Politico.

“Cho đến ngày nay, Putin chưa bao giờ có thể khiến tổng thống Ukraine Zelenskiyy im lặng,” Chuẩn tướng Butow nói thêm.

Tổng thống Zelenskiyy đã công khai ca ngợi Starlink và tất cả những gì nó đã làm để giữ cho nỗ lực và tinh thần của người Ukraine.

“Đôi khi chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với những nơi đó. Mất liên lạc với những người đó là mất kiểm soát hoàn toàn, mất thực tế, “Zelenskiyy nói với tờ Wired.

“Tôi thực sự biết ơn sự hỗ trợ của Starlink,” Zelenskiyy nói.

Những người lính Ukraine cũng có chung tình cảm. Anh cho biết: “Không có liên lạc nào giữa chúng tôi với thế giới bên ngoài nếu không có Starlink”.

15.000 thiết bị Starlink đã được giao cho Ukraine, theo SpaceX.

3. Tổng Giám Mục Santa Fe cho biết nhà thờ chính tòa phải bị thế chấp để giúp thanh toán các trường hợp lạm dụng của hàng giáo sĩ

Tổng giáo phận Santa Fe đang yêu cầu các giáo xứ hỗ trợ cung cấp ít nhất 12 triệu đô la trong số 75 triệu đô la cần thiết để đáp ứng các điều khoản của thủ tục phá sản theo Chương 11 xuất phát từ hàng trăm vụ kiện lạm dụng của hàng giáo sĩ - và một phương pháp để giúp tài trợ khoản nợ sẽ là thế chấp Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô thành Assisi.

Trong một lá thư ngày 17 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục John C. Wester đã thông báo cho các giáo xứ về ý định thế chấp nhà thờ chính tòa Santa Fe, được nhiều người coi là trung tâm tình cảm và tinh thần cho người Công Giáo Rôma ở New Mexico.

“Nếu giá trị thị trường không đủ để thế chấp khoản vay, thì một tài sản bổ sung có thể được yêu cầu nhằm thế chấp khoản vay,” Đức Cha Wester viết. “Bất kỳ tài sản nào được thế chấp sẽ không bị mất vì cam kết trả nợ tập thể của các giáo xứ.”

Trong thư, Đức Cha Wester viết rằng tổng giáo phận phải chi 65 triệu đô la vào ngày 30 tháng 9 và 10 triệu đô la cuối cùng vào ngày 31 tháng 3, 2023.

Để làm được điều đó, các giáo xứ trong tổng giáo phận sẽ cần cung cấp chung 12 triệu đô la.

Đức Cha Wester viết: “Con số này vượt quá số tiền mặt của giáo xứ và việc bán tài sản của giáo xứ đã cam kết vào năm ngoái cho lệnh tái phân luồng các giáo xứ.”

“Tôi cầu nguyện để số tiền ít hơn 12 triệu đô la, nhưng nó phụ thuộc vào các nguồn lực khác mà chúng tôi đang tích cực tìm kiếm và sự hào phóng và hỗ trợ liên tục của anh chị em. Chúng tôi hiểu rằng điều này sẽ đòi hỏi một sự hy sinh vô cùng quan trọng của tất cả các giáo xứ bây giờ và trong những năm tới.”

Bức thư cũng chỉ ra sự hợp tác từ các giáo xứ riêng lẻ là rất quan trọng.

Đức Cha Wester viết: “Điều cấp thiết đối với toàn Tổng giáo phận là mỗi giáo xứ phải hợp tác và hỗ trợ mọi nỗ lực để kết thúc điều 11”.

Tổng giáo phận, theo bức thư, đang tìm kiếm các khoản vay từ hai công ty cho vay Công Giáo, Công Giáo Order of Foresters và Notre Dame Federal Credit Union.

“Vẫn còn nhiều chi tiết cần giải quyết với họ, nhưng rõ ràng là họ sẽ đưa ra những điều khoản rất có lợi,” Đức Cha Wester viết.

Sau một quá trình kéo dài 4 năm, tổng giáo phận vào tháng 5 đã đạt được thỏa thuận trị giá 121,5 triệu đô la liên quan đến ít nhất 375 người cáo buộc các linh mục lạm dụng tình dục.

Những người tố cáo vẫn phải chấp thuận các điều khoản và một cuộc bỏ phiếu dự kiến vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, với số tiền được phân phối vào tháng 10, các luật sư cho biết vào tháng 5.

Mặc dù tổng giáo phận dựa một phần vào tiền bảo hiểm để tài trợ cho việc dàn xếp, nhưng tổng giáo phận cũng bán đấu giá một số tài sản và thu tiền quyên góp sau những cáo buộc kéo dài chống lại một số linh mục của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên tổng giáo phận phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn như vậy: Các đơn kiện chống lại các linh mục vào đầu những năm 1990 đã gây náo loạn các nhà thờ và giáo dân.

Nhà thờ Chính tòa, được xây dựng vào những năm 1800 dưới sự chỉ đạo của Đức Tổng Giám Mục Jean Baptiste Lamy, là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất ở New Mexico. Ngôi thánh đường này đã được Đức Bênêđíctô XVI nâng lên thành vương cung thánh đường vào năm 2005.
Source:Santa Fe News