Ngày 05-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy nên bé mọn
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
01:05 05/07/2017
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 14 thường niên, năm A.

Hãy nên bé mọn

Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan và thông thái biết, Cha lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy” (Mt 11, 25).

Trong lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu nhắc đến những người “bé mọn”. Người “bé mọn” là ai mà lại được Cha yêu thương tỏ mình để mạc khải cho họ? Họ chính là người nghèo của Chúa. Họ là những người nhiệt thành đi tìm Chúa. Họ thấy mình cần Chúa, ước mong được Chúa ngự vào tâm tư mình.

Vì thế, cái “bé mọn” mà Chúa ưu tiên tỏ mình không chỉ là nghèo vật chất, thiếu thốn cái ăn, cái mặc, mà còn bao gồm nhiều thái độ sống tốt như: sống siêu thoát trước vật chất, khước từ sự tham lam vật chất, khiêm nhường, đói tình thương, thiếu thốn đời sống tinh thần, bị cướp bóc văn hóa, bị tước đoạt từ vật chất, tình yêu đến nội tâm… Đúng hơn, họ là những người bé mọn trước thế gian, nhưng lớn lao trước Chúa.

Nếu người bé mọn trước thế gian được Chúa yêu thương mạc khải cho, thì ngược lại, người không bé mọn – họ được Chúa Giêsu gọi là “người khôn ngoan và thông thái” – sẽ xa Chúa diệu vợi. Nói nặng hơn, họ sẽ đui mù trước Chúa, bởi bị Chúa “che giấu” mầu nhiệm bản thân Người. Bằng câu chuyện cụ thể sau đây, ta có thể hiểu “người khôn ngoan và thông thái” mà Chúa Giêsu nói đến là ai.
Người đàn ông đến xin cho con trai ông được rước lễ trọng thể, nhân dịp giáo xứ chúng tôi tổ chức rước lễ trọng thể vào một ngày giữa tháng 7, dù con ông đang học giáo lý ở một giáo xứ khác. Tôi đồng ý với điều kiện, cha xứ, nơi mà em đang học giáo lý cho phép.

Nếu chuyện chỉ có thế thì không còn gì đáng nói. Nhưng lần thứ hai, đến gặp tôi, ông cho biết, con ông học trường tư, nội trú, có tiếng là nghiêm khắc trong vấn đề kỷ luật và học tập. Đầu tháng 7, con ông tựu trường để vào lớp 12.

Bình thường, trường đã nghiêm khắc. Bây giờ lên lớp 12, chắc chắn trường sẽ còn nghiêm khắc hơn. Con ông không dám và cũng không được phép nghỉ học bất cứ ngày nào. Trong khi tuần đầu của tháng 7 là tuần các em chuẩn bị rước lễ trọng thể ở giáo xứ chúng tôi tĩnh tâm. Nhưng vì luật của nhà trường như thế, người đàn ông đòi tôi phải cho em khỏi tĩnh tâm, và vẫn cho phép em cùng được rước lễ chung với các học viên khác.

Nghe xong câu chuyện, tôi buồn, thở hắt ra mà không biết phải nói lời nào. Chọn lựa của người Công Giáo thời nay là như thế sao: Sự học hành thay Thiên Chúa. Kiến thức ở đời thay lý lẽ đức tin. Giá trị trần thế thay giá trị Nước Trời. Cái chóng qua thay cho vĩnh cửu. Kiến thức đức tin bị đạp xuống hàng thứ yếu, đẩy kiến thức học vấn của đời tạm bợ vượt lên hàng chủ yếu.

Kiến thức đức tin là đường lối của Thiên Chúa, là phương hướng dẫn con người đến gặp chính Thiên Chúa, lại bị đạp xuống hàng thứ yếu, có khác gì Thiên Chúa đã bị người ta đẩy xuống để cuộc đời vượt lên! Hóa ra đời mới là “Thiên Chúa” của họ, còn Thiên Chúa lại bị họ biến thành một thứ xa xí phẩm nào đó, có cũng được, không có cũng không sao. Mà kẻ loại chính Thiên Chúa không ai khác hơn là chính con cái trong nhà, là người Công Giáo chính hiệu, là chính con Thiên Chúa.

Đáng thương cho lối suy nghĩ nông nổi dẫn đến cả một quyết định, cả một chọn lựa sai lầm lớn không thể nói hết. Người ta chấp nhận hình thức và sẵn sàng phục vụ thứ hình thức ấy một cách giả trá thay cho thực chất, thay cho lòng yêu mến Chúa thật. Chỉ cần đánh lừa lương tâm rằng, con tôi đã lãnh bí tích rồi, thế là đủ, chẳng cần để ý đến việc nó có hiểu biết gì về bí tích mà nó lãnh nhận hay không.

Người đàn ông trong câu chuyện bên trên muốn trang bị cho con của ông giàu có về sự học hành, lớn lao về đường công danh, bảo đảm cho tương lai đời nó.

Khi trang bị cho con mình, ông cũng đồng thời nghĩ tới ông, nghĩ tới gia đình ông bằng một giấc mơ thiên đàng trần thế về danh giá ở đời, về sự nổi nang, ngưỡng mộ trong ánh mắt mọi người xung quanh.

Nhưng ông lầm. Tìm kiếm thông thái và khôn ngoan trần thế mà không tháp nhập trần thế vào sự cứu độ siêu nhiên, ông có thể tìm được thành công trần thế, nhưng chắc chắn đời đời vắng bóng siêu nhiên.

Chỉ trong sự cứu độ siêu nhiên của Chúa, người ta mới đạt tới vĩnh cửu. Vì thế, nếu chỉ tìm kiếm trần thế, đó là sự đánh cắp đời mình, cắt đứt vĩnh cửu. Cắt đứt vĩnh cửu là làm ngắn đời mình.

Chính ông đã tự gieo, cũng như đã gieo vào tâm tư của con ông lối suy nghĩ, lối sống làm ngắn đời mình. Ông đã đánh cắp đời mình đã vậy, lại còn đánh cắp đời con của ông. Nguy hiểm hơn khi sự đánh cắp này có dấu hiệu “di truyền”.

Không biết có bi quan lắm không, nếu nói rằng, một khi con ông “thừa hưởng” thái độ đánh cắp ấy của ông, thì nó sẽ còn bao nhiêu lần đánh cắp như thế đến bao nhiêu thế hệ con người! Siêu nhiên mà vắng bóng, vĩnh cửu mà bị đánh mất, Thiên Chúa bị đẩy xa đời người, thông thái và khôn ngoan vẫn cứ là dốt nát.

Qua lời cầu nguyện cùng Chúa Cha, “Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan và thông thái biết, Cha lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy”, Chúa Giêsu dạy ta phải có thái độ phó thác tuyệt đối của một người có tinh thần nghèo khó trọn vẹn.

Chỉ có trong ta tinh thần của một người nghèo, ta mới thấy mình chẳng là gì, chẳng có gì. Tất cả là bởi Chúa, phát xuất từ Chúa. Đối với Kitô hữu, chúng ta cần biết rằng, chính bản thân ta cũng chỉ là bụi đất, rồi sẽ trở về bụi đất. Tất cả những hy vọng, những tìm kiếm, những bươn chãi, những tranh giành, những vất vả, những hao mòn lặn lội mới có trong cuộc đời này… đều chỉ là hư không, tất cả chỉ là một trò ảo thuật.

Ta không là chủ đời mình, càng không bao giờ là chủ những gì mình tạo ra. Cùng với sự tắt thở của thân xác, ngay lập tức, ta trở nên thối rữa, nhơ nhớp. Vì thế, Chúa Giêsu dạy ta phải có thái độ phó thác tuyệt đối cho Chúa như một người bé mọn, chẳng có gì.

Phó thác tuyệt đối cho Chúa là làm giàu Thiên Chúa cho đời mình. Thiên Chúa là Vĩnh Cửu. Ai làm giàu Thiên Chúa, người đó bước vào vĩnh cửu. Vì thế, chỉ những ai biết làm giàu Thiên Chúa cho đời mình mới là người thật sự khôn ngoan.

Cuộc đời mà ta đồng hành với nó, chỉ là người bạn bạc bẽo. Lẽ nào ta chọn sự bạc bẽo làm chúa thay Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Đấng mà ta phải tôn thờ suốt đời!

Đừng quên rằng, những người chỉ biết tìm kiếm sự thông thái, tìm kiếm khôn ngoan trần thế sẽ bị Chúa che giấu. Họ chỉ là những kẻ dại khờ, đui mù trước Chúa.

Chúa chỉ mạc khải chính Chúa cho những người bé mọn. Đó là những người nghèo khó thật sự, là những người phó thác trọn đời mình trong tay Chúa thực sự.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Chúng con xin lặp lại chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà Vinh danh Cha rằng: Chúng con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan và thông thái biết, Cha lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy, nên suốt đời, chúng con nguyện trở thành người nghèo của Cha, và là người bé mọn trong Nước Cha, biết phó thác đời mình trong tay Cha. Xin dẫn dắt chúng con đi tới, để chúng con hạnh phúc mãi mãi vì được ở trong nhà Cha.
 
Học Trường Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:58 05/07/2017
Học Trường Giêsu

Suy niệm Chúa Nhật XIV thường niên – năm A

(Mt 11, 25 - 30)

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay là lời chúc tụng tạ ơn của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Khi Chúa cầm lấy chén, tạ ơn (x. Mt 26,27); Lời tạ ơn diễn tả tâm tình của tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa. Chúa Kitô thường quen tạ ơn. Người tạ ơn vì biết trước rằng Chúa Cha đã nhận lời. Người tạ ơn vì sức mạnh uy quyền toàn năng của Thiên Chúa hiển hiện nơi Người để Người tỏ uy quyền toàn năng của Đấng Tạo Hóa ra trước mặt thiên hạ. Người tạ ơn vì công trình cứu chuộc Người đã hoàn tất, và Người tạ ơn vì việc Người làm để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Như vậy, hiện tại hóa hy tế đời đời của Chúa Kitô trên thập giá trong Thánh Lễ được hiểu như là một hành động tạ ơn cao cả nhất. Chính trong nghĩa đó mà từ "Thánh Thể" là hành động tạ ơn được nên trọn vẹn. Chúa Giêsu đã dâng hiến thân mình thay cho mọi tạo vật trên thế giới. Người cũng mời gọi các tạo vật phải tạ ơn Đấng Tạo Hóa cho xứng.

Tiếp theo hành động tạ ơn là lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến trường Giêsu và học bài “Hiền Lành Và Khiêm Nhường”. Bài đọc I cho thấy, Đấng Messia mà Giacaria nói tới trong Cựu Ước, Đấng ấy không đến trong quyền uy với vũ khí hủy diệt, nhưng đến với một thứ vũ khí đặc biệt là “hiền lành và khiêm nhường”. Vua hòa bình ngồi trên lưng lừa, không đến để giết chết mà để cứu sống (x. Dcr 9,8-10).

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Ngài quí chuộng những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường. Chính Ngài đã mạc khải cho họ, trong khi lại giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy (x. Mt 11,25-30).

Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Chúa” và “hãy học cùng Chúa” bài học : “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.

Hiền lành, theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh Thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo. Hiền lành thì phải tránh tính nóng nảy. Hiền lành hay hiền hậu là đức tính tốt lành của người có lòng thương người, không độc ác, nhưng có đức hạnh và hay làm điều thiện.

Lịch sử minh chứng, con người ở mọi nơi mọi thời thường say mê quyền lực và muốn thống trị, sai khiến người khác theo ý mình, nên theo một số người thì hiền lành và khiêm nhường có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Trái lại, cũng có rất nhiều người cho rằng, người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được nhân đức khiêm nhường và hiền lành, họ đáng được ca tụng.

Hiền lành và khiêm nhường ngày nay không còn được đánh giá cao như xưa. Trước kia, lời khen ngợi tốt nhất mà ta có thể trao tặng cho người khác khi gọi họ là “người hiền lành khiêm nhường”. Nhưng ngày nay, bạo lực lại phổ biến hơn hiền lành dễ thương.

Người hiền triết và khôn ngoan, thường khó đi vào trong các mầu nhiệm Nước Trời, vì họ không mở lòng mình ra để đón nhận các mạc khải của Thiên Chúa; Thiên Chúa không ngừng mạc khải chính mình, nhưng họ thì lại tự tin vào hiểu biết của chính mình; vì thế, mạc khải của Thiên Chúa không làm họ ngỡ ngàng được. Trái lại, người đơn sơ như trẻ nhỏ lại đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa; họ giống như tấm bọt biển khô hấp thấm nước vậy, họ ngỡ ngàng và thán phục trước mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp, họ là học giả khôn ngoan, nhưng khiêm tốn trước Thiên Chúa, họ có thể hiểu biết về Thiên Chúa.

Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc hiền nhân quân tử có cái nhìn khác. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.

Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền lành chớ không phải bạo lực”.

Nhà hiền triết Mạnh Tử nói: “Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân (Đạo trời không riêng một người, Luôn gia ân cho kẻ hiền lành).

Ông Gandhi nói: “… Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. 100.000 người Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn kia phải sợ ? Bất bạo động đâu phải chịu lụy kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng sức mạnh của cả tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài”.

“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” là thông điệp Đức Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta. Người đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Người thôi.

Vậy, chúng ta hãy thực hiện được lời Chúa dạy, cố gắng vượt thắng tính nóng nảy và hay trả thù của mình. Đứng trước tấm gương của những người hiền lành nhịn nhục, không ai dám coi họ là những người hèn nhát mà phải suy tôn họ là anh hùng.

Trong bài giảng “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5,1-12). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Chỉ có người theo học trường Giêsu, quyết học bài học hiền lành và khiêm nhường cả đời, chỉ có người biết cư xử với lòng khoan nhân, mới tìm được an bình và hạnh phúc trên cõi đời nầy cùng sự nghỉ ngơi miên viễn khi đã ‘ra trường’.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm nhường thật trong lòng, để chúng con được kể vào số những kẻ bé mọn của Tin Mừng, những người Thiên Chúa Cha hứa mạc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 05/07/2017
73. CẮT MẤT KHỐI U
Ở đất Di Môn có một người trên trán có một khối u dài, bộ não bị hỏm vào nên khối u hình như thay thế cái đầu, cho nên ngũ quan rất khó mà phát huy hết tác dụng.
Viên quan quản lý đất Ảnh (tên một địa phương cổ xưa ở Trung Quốc) ở biên cương thấy vậy, thì rất tội nghiệp và muốn cắt giùm khối u ấy cho anh ta.
Có người nói:
- “Khối u này quá lớn không thể cắt được.”
Nhưng viên quan ấy không nghe và vẫn tiến hành cắt bỏ khối u ấy, qua hai ngày sau thì người ấy chết.
Người trong thành đều trách mắng viên quan, hắn ta không chịu chấp nhận, lại còn nói:
- “Tôi chỉ biết là cắt bỏ khối u ấy mà thôi, cho dù anh ta đã chết nhưng khối u thì không còn nữa vậy !”
(Úc Ly tử)

Suy tư 73:
Cắt được khối u, nhưng người đã chết thì có ích gì nữa chứ ? Con người ta chỉ hưởng được cái hạnh phúc vật chất, cái đẹp thể lý khi còn sống mà thôi, chứ nếu chết đi rồi thì có đẹp như tiên cũng vô ích.
Linh hồn của chúng ta rất đẹp và rất quý, quý hơn tất cả vàng bạc châu báu trên thế gian gộp lại.
Linh hồn đẹp là bởi vì nó phản ảnh lại hình ảnh của Thiên Chúa, nó quý bởi vì Con Thiên Chúa đã hy sinh chết trên thập giá để chuộc lại. Nó quý giá như thế nên Đức Chúa Giê-su đã cảnh cáo chúng ta: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi ?”
Không được ích gì cả khi linh hồn đã chết.
Tại sao nó chết ?
Tại vì chúng ta cho rằng, tất cả các việc như tham dự các bí tích, thánh lễ, lần chuỗi Mân Côi, học hỏi giáo lý.v.v... là những khối u không đẹp đối với trào lưu văn minh hưởng thụ, cần cắt bỏ và loại bỏ ra khỏi cuộc sống của mình; tại vì chúng ta cho rằng, tham dự các bí tích là chuyện của con nít, của các ông bà già quê mùa, là chuyện nhảm nhí, là khối u làm mất thì giờ cần phải cắt bỏ không thương tiếc...
Đó chính là nguyên nhân làm cho linh hồn của mình chết đời đời vậy.
Uổng thay !!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 05/07/2017

6. Chúng ta nhận đau khổ như thế nào, thì cũng phải cầu nguyện như thế.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hãy cầm lấy và đọc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:14 05/07/2017
Chúa Nhật 14 Thường niên A

Hãy cầm lấy và đọc

Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy về đời sống đức tin và siêu nhiên mà còn dạy cách sống nhân bản. Những ai học theo giáo huấn của Người sẽ trở thành con người sống dễ thương, dễ mến và do đó sẽ thành công trong cuộc đời.

Sứ điệp Chúa Giêsu gởi đến Chúa Nhật hôm nay là: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

- Hiền lành là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, không cứng cỏi. Hiền lành là nhân đức bao gồm tâm thế bên trong và phản ứng bên ngoài. Tâm thế bên trong luôn êm ái, hoà nhã, nghĩ tốt về người khác, yêu thương, khoan dung, thông cảm; phản ứng bên ngoài luôn nhẹ nhàng, tôn trọng.

- Khiêm tốn là chấp nhận đứng thấp, ở dưới như Gioan Tẩy Giả khiêm tốn “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”.

Chúa Giêsu hiền lành, dễ thương trong lòng. Người luôn yêu thương người khác. Đặc biệt là những người bé mọn. Người luôn muốn và làm điều tốt cho mọi người. Người không lên án, không thành kiến với những người mà xã hội coi là xấu xa, tội lỗi. Lời nói và hành động của Người luôn toả ra sự dịu dàng, nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Người không nặng lời, không kết án, Người sống bằng tình thương. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu chẳng những dễ thương với người phụ nữ mà còn dễ thương đối với những người đã tố cáo chị ta. Những người này tự cho mình là công chính. Chúa Giêsu không la, không quát, không hét, không hò, Người chỉ thinh lặng cúi xuống hiền từ dùng ngón tay viết lên cát. Bị hỏi mãi Chúa mới trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá trước đi”. Họ rút lui bắt đầu từ những người lớn tuổi. “Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8,1-11).

Chúa Giêsu dạy chúng ta sống hiền lành, dễ thương. Người khuyên chúng ta bắt chước người mục tử trong dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7). Người mục tử không hề đánh đập, giận dữ, quát tháo, hay kéo lê con chiên lạc về mà lại tử tế đặt nó lên vai mình, vác về đàn. Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (Lc 15,11-32). Người cha không mắng chửi đứa con đầy lầm lỗi trở về, cũng không cãi cọ, không xua đuổi mà lại ôm hôn và dọn tiệc ăn mừng. Chúng ta có thể kể rất nhiều ví dụ trong Phúc âm về sự hiền lành, dễ thương của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Người không ngừng đi xuống. Từ trời cao, Người đã hạ mình xuống trần thế. Từ thân phận là Thiên Chúa, Người đã hạ mình xuống làm một người lao động bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là Đấng thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tôi đòi. Là Đấng Hằng Sống, Người đã tự nguyện chết khổ đau. Suốt cuộc đời, Người không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa đã quỳ trước mặt nhân loại, Thiên Chúa rửa chân cho con người. Ôi lạ lùng thay! sự khiêm nhường thẳm sâu của Thiên Chúa. Trong khi con người kiêu ngạo, muốn vươn lên làm Chúa thì Thiên Chúa lại hạ mình xuống làm người.

Trong khi con người thấp hèn, muốn nâng mình lên bằng cách chà đạp người khác thì Thiên Chúa cao cả lại hạ mình xuống nâng con người lên. Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là hèn nhát mà trái lại là dũng mãnh cam đảm, hạ mình để phục vụ. Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nô lệ, nhưng trái lại là một cử chỉ đầy tình yêu. Hạ mình là con đường của Thiên Chúa. Khiêm tốn là khuôn mặt của Thiên Chúa. (ĐTGM Ngô Quang Kiệt).Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống nên những ai kiêu căng, tìm cách nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường, nhỏ bé mới gặp được Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã “ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp lòng Cha” (Mt 11,25-26).

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng. (Mt 11,29). Vậy hãy ghi danh vào học trường Giêsu. Hãy học bài học hiền lành, dễ thương, không những chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa mà Thiên Chúa sẽ rũ sạch mọi vất vả, âu lo và chúng ta sẽ tìm được nguồn bình an cho tâm hồn (Mt 11,28). Hãy học bài học Giêsu, hãy học với Thầy Giêsu.

Augustinô là một thanh niên có tư chất thông minh nhưng lỡ đi lạc đường. Về phương diện trí thức, Augustinô ỷ mình thông thái, dùng kiến thức của mình để truy tìm những học thuyết uyên bác. Kết quả là lạc vào bè rối Manikê. Về phương diện luân lý, Augustinô sống buông thả theo những đòi hỏi của xác thịt, kết quả là một cuộc sống tội lỗi. Thế rồi một hôm, trong lúc tâm hồn đang trống rỗng, vô vị, Augustinô bỗng nghe một tiếng nói từ đâu đó vang lên: “Tolle et lege” (hãy cầm lấy và đọc). Augustinô thấy trước mặt một cuốn Kinh Thánh, Ngài cầm lên, mở ra và gặp ngay đoạn thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Đừng sống theo xác thịt nữa, mà hãy sống theo Thánh Thần”. Cuộc hoán cải của Augustinô đã được dọn đường nhờ sự cầu nguyện và hãm mình của mẹ Ngài là thánh Monica, nhưng chính câu Thánh kinh này là yếu tố quyết định thay đổi cuộc đời Thánh nhân. Trở nên một giáo phụ, một triết gia, một thần học gia, một vị thánh lỗi lạc, rất mực thánh thiện của Giáo Hội, Augustinô nhờ việc học hỏi về Chúa Giêsu qua Thánh kinh.

Chúng ta cũng hãy học với Thầy Giêsu qua Lời Chúa mỗi ngày. Yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa để Lời Chúa biến đổi đời chúng ta sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hãy học hỏi Tin mừng và hãy để Tin Mừng soi sáng lòng trí của mình. Hãy múc lấy sức mạnh từ ân sủng của Bí tích Hoà Giải và Bí tích Thánh Thể. Hãy siêng năng Chầu Thánh Thể. Đó là sứ điệp Lời Chúa gởi đến cho chúng ta trong Chúa Nhật này. Học với Thầy Giêsu suốt đời, lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ, đó là điều cần thiết để mỗi người được Thầy Giêsu mạc khải và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa huấn luyện đào tạo giáo lý viên giáo phận Xuân Lộc
Sr. Mary Phương Trâm, OP
08:14 05/07/2017
GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC KHỞI ĐỘNG CÙNG ĐUỐC HỒNG

Chớm hè, Giáo lý viên Giáo phận Xuân Lộc đã háo hức với các khóa huấn luyện đào tạo Giáo lý viên mang thương hiệu Đuốc Hồng được tổ chức hàng năm tại Giáo xứ Thái Hòa, Giáo hạt Hòa Thanh, Giáo phận Xuân Lộc. Năm nay, với chủ đề “Giáo Lý viên, sứ giả lòng thương xót của Chúa”, khóa đào tạo Giáo lý viên được tổ chức thành 4 đợt, mỗi đợt 3 ngày dành cho Giáo lý viên của 3 hoặc 4 giáo hạt trong Giáo phận Xuân Lộc.

Xem Hình

Đợt thứ nhất của khóa huấn luyện năm nay đã được khai mạc vào 9 giờ sáng thứ Hai ngày 03/7/2017 tại khuôn viên Giáo xứ Thái Hòa. Với sự tham dự của 168 Giáo lý viên đến từ các Giáo hạt Gia Kiệm, Hố Nai, Phú Thịnh và Phuóc Lý trong Giáo phận Xuân Lộc. Trong nghi thức khai mạc, Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Trưởng ban Giáo Dục Công Giáo Giáo phận Xuân Lộc đã mời gọi các bạn Giáo lý viên tham dự khóa với tinh thần 3 bước: Bước ra, bước cùng và bước đến. Bước ra là bước ra khỏi chính mình để đến với Chúa; Bước cùng là bước đi cùng anh em, bạn hữu của mình và bước đến là đến với người khác, đến với các em thiếu nhi của mình.

Trong ba ngày huấn luyện các bạn Giáo lý viên sẽ được học các kỹ năng sinh hoạt theo phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể; phương pháp sư phạm giáo lý, trang bị thêm các kiến thức về giáo lý… Mỗi ngày các khóa sinh được rèn luyện đời sống tâm linh theo từng mục tiêu như: Giáo lý viên sống và làm bạn với Đức Kitô; Giáo lý viên đón nhận lòng Chúa xót thương để ngày cuối cùng các khóa sinh sẽ được huấn luyện để trở thành sứ giả Lòng thương xót Chúa cho các em.

Ba ngày sống bên nhau trong tất cả các sinh hoạt của khóa, các bạn Giáo lý viên xóa dần những khác biệt để hòa chung trong một đại gia đình Giáo lý viên của giáo phận, chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong việc dạy giáo lý của mỗi giáo xứ. Từng khoảnh khắc sống của ba ngày huấn luyện là những giây phút quý giá của mỗi khóa sinh. Đặc biệt, các khóa sinh được trau dồi đời sống tâm linh, học cách đến với Chúa qua các Thánh lễ vào buổi sáng, các giờ Viếng Thánh Thể buổi trưa và hồi tâm buổi tối. Với những bài hát, điệu múa sôi động xen giữa các tiết học; các giờ viếng Thánh Thể, sám hối và những giây phút bên nhau trong Thánh Lễ các bạn Giáo lý viên Giáo phận Xuân Lộc một lần nữa đã thắp sáng ngọn Đuốc Hồng trong tinh thần tin yêu và phục vụ.

16 giờ ngày 05/7/2017, nghi thức bế mạc khóa huấn luyện đầu tiên đã kết thúc với sự hiện diện của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc. Sự hiện diện và những chia sẻ của Đức Cha đã thổi bùng ngọn lửa tông đồ nơi các Giáo lý viên, là niềm an ủi, khích lệ lớn lao cho các Giáo lý viên khi đón nhận sự quan tâm và nâng đỡ từ vị chủ chăn của mình.

Được biết khóa huấn luyện đặc biệt dành cho các Chủng sinh thuộc Khóa X, Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã diễn ra từ ngày 01/6 đến ngày 04/6/2017 tại Giáo xứ Thái Hòa với sự tham dự của 70 Chủng sinh.

Sr. Maria Phương Trâm, OP.
 
Hoa tình thương vẫn tỏa hương : Cảm nhận về Hội Bạn Những Người Cùi
Lm Dom Nguyễn Đức Trung
08:36 05/07/2017
HOA TÌNH THƯƠNG VẪN TỎA HƯƠNG

Tôi đến California vào những ngày cuối tháng năm, cái nóng quái của mùa hè như trêu ngươi sức khỏe con người, sự khô khốc làm héo khô nhiều thảm cỏ xanh mượt mà hôm nào? ( dẫu đầu năm 2017 bang California có mưa lớn dư tràn nước, sau bao năm hạn hán, nhưng người dân vẫn được kêu gọi tiết kiệm nước, và để dành nước thiên nhiên phòng khi khô hạn), đón chúng tôi ở phi trường LosAngeles là các bác trong Hội Bạn Những Người Cùi, xin cho tôi gọi là Người Phong. Hôm sau đến trụ sở của Hội, gọi cho oai, Hội không có cơ sở vật chất bên ngoài, nhưng các thành viên của Hội đều là trụ sở khi cần, thấy nam phụ lão ấu đầy đủ, và mọi người liền tay làm việc không ngơi nghỉ, những cánh thư gởi check, gởi vé số dự thưởng, gởi những tâm tình đến Hội, cho sự kiện ngày truyền thống hàng năm, năm này vào ngày Chúa Nhật 04/6/2017.

Mặc dầu chưa đến giờ khai mạc, dù là ban trưa, nhưng rạp Saigon Performing Arts Center, 16149 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708.đã chật ních những người về thưởng thức chương trình văn nghệ gây quỹ thường niên của Hội, những ca sỹ gạo cội, những nghệ sỹ trẻ trung, những MC truyền cảm, như làm sinh động hơn chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ đề “Tạ Ơn Trên, Người Vẫn Thương Người”

Điều làm cho tôi suy nghĩ, ở một xứ sở thực dụng, cuộc sống vội vã, người ta không có đủ giờ dành cho chính mình và gia đình, nhưng sao vẫn bao la tình người, và những người bệnh nhân Phong ở Việt Nam có cao sang gì, có bà con gì, sao lại được sự quan tâm, yêu thương của Hội Bạn Người Phong như thế, có yếu tố nào khác nữa không? Hoàn toàn không, không có sự thương hại, hay thương mại, nhưng là sự đồng cảm, phải chăng Hội muốn làm chuyện nổi tiếng? không, muốn nổi thì xứ Cờ Hoa này có nhiều cách như “Scandal” hoặc câu “Like”. Người Việt Nam có câu “ Thấy sang bắt quàng làm họ” vậy những con người ở Hội này, làm công việc này, đúng lý chúng tôi là những người sát sườn phải làm trước cho bệnh nhân phong, thế nhưng chúng tôi chưa làm được, nhưng bà con đã vì cái “Tâm”, nên không những làm được mà còn làm khá tốt. Quả thực, làm bạn với ai chứ, bạn với Người Phong thì được cái gì, chỉ thêm tốn tiền? Không phải tôi muốn “xông hương” những tấm lòng của những người trong Hội đâu,

Bắt đầu nhen nhóm từ những lần về thăm quê hương Việt Nam, một số anh chị đi làm phúc và bén duyên với những mảnh đời bất hạnh của bệnh nhân phong trên dải hình chữ S này, tôi chợt nhớ đến một bài thơ của Hàn Mặc Tử, chủ đề của bài thơ là : “Anh Điên”

Anh nằm ngoài sự thực

Em ngồi trong chiêm bao

Cách nhau xa biết mấy

Nhớ thương quá thì sao?

Phải chăng, mấy vị này bị “điên”, nên : “Cách nhau xa biết mấy, nhớ thương quá thì sao” đã lập thành Hội Bạn Người Cùi, và đến nay bước qua tuổi 23, những anh chị dấn thân từ ban đầu không phải không có sóng gió, nhưng vì muốn thực sự bạn với Người Phong, nên sẵn sàng “ Cùi không sợ lở” để công tâm với Hội, nay Hội Bạn với Người Phong, không dừng ở Cộng Đoàn Tustin, California, được chính phủ Mỹ công nhận hợp pháp, mà còn rộng khắp trên các tiểu bang Hiệp Chủng Quốc, và còn nhiều nước khác nữa,

Hội không có cha linh hướng, nhưng vẫn đi đúng hướng, điều mà Đức Giáo Hoàng Phan xi cô: kêu gọi “ Giáo Hội Phải đi đến những vùng ngoại biên” họ đã thực hiện, và Hội cũng đã tạo sự hòa đồng không phân biệt tôn giáo, thấy nhiều hội viên là tôn giáo bạn, thấy có nhiều Ni, Sư tham gia. Những giáo dân thiện chí điều hành Hội bằng sự nhiệt tình yêu thương, sẵn sàng bằng những đồng tiền còm của lương hưu để điều hành Hội, một “Cộng Đồng Cơ Bản” đáng khen, cần sự nâng đỡ và khích lệ của nhiều người, tôi thấy Hội đang làm những bước, như trong bài thơ Lời Dâng của Tagore số 10 Đỗ Khánh Hoan dịch thuật:

“ Chỗ này là thảm hoa, nhưng người không bước vào, người lại đứng bên kia, bên những người nghèo khó…”,

Bao năm ta cày rã vai ra, thôi bây giờ nghỉ ngơi ta tận hưởng, nhưng không, đôi chân có mỏi, tay có run thật, nhưng tim vẫn đập nhịp của yêu thương, chính vì vậy, nhiều người đã dành hết quỹ thời gian mà mình đáng được hưởng để dành cho hoạt động của Hội.

Khi được mời đại diện cho bà con bệnh nhân phong Việt Nam nói lời tri ân, tôi thật sự khâm phục những con người: tự nhiên lấy Người bệnh nhân Phong làm bạn, nghe đâu có người đã trăng trối cho con cái, thực hiện di chúc sau khi mãn phần, tặng hết tiền phúng điếu dành cho Hội để lo cho Người Phong, nhiều người trúng giải xổ số của chương trình không ngần ngại tặng hết lại cho Người Phong, nhiều người cũng giảm chi tiêu cá nhân để có chút quà dành cho Người Phong hàng tháng, nhiều ca sĩ, nghệ sỹ dùng lời ca tiếng hát và uy tín của mình để phục vụ chương trình văn nghệ không nhận thù lao, nhiều MC thành tiếng nói cho bệnh nhân phong, không phải vì thương hại, nhiều doanh nhân và bác sỹ cũng không ngừng đồng hành với Bạn Người Phong vì tình người, phải chăng vì lời răn của người xưa: “ Dù xây chín bậc phù đồ, sao bằng làm phước cứu cho một người “ cho nên lắm người tham gia như vậy, và còn rất nhiều người khác đang âm thầm, lặng lẽ nhưng kiến hiệu, làm nhiều việc không tên để Hội lớn mạnh và tồn tại. Tôi lần đầu được vào rạp để thưởng thức một chương trình văn nghệ đầy ý nghĩa, mặc dầu mấy ngày sau lỗ tai còn lùng bùng những âm thanh, nhưng vẳng đâu đây bài hát mà lời của nó vẫn ý nghĩa: “ Có một loài hoa, không hương không sắc mầu, không tàn hay vàng úa…”. Vâng, chúng ta Tạ Ơn Trên người vẫn thương người, đã cho chúng ta thưởng thức được hương vị của loài hoa đó, HOA TÌNH THƯƠNG VẪN TỎA HƯƠNG,

Bến Sắn, ngày 30/6/2017

Lm Dom Nguyễn Đức Trung
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ván bài đã lật ngửa : Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh trả lời phỏng vấn báo Église d'Asie
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:11 05/07/2017
BÀI ĐÃ LẬT NGỬA

Ngày 03-7-2017 Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục của giáo phận Huế và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi trả lời các câu hỏi của ban biên tập báo Église d’Asie của Pháp đã có nói hai câu sau:

“Chế độ Cộng Sản luôn là một chế độ độc tài, nên các nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp các tiếng nói đối lập…”.

“Nhà Nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng họ có quyền từ chối một vụ bổ nhiệm. Khi một ứng viên được đề cử làm giám mục, họ cần sự chấp thuận của Nhà Nước”.

Với nhiều Kitô hữu trưởng thành thì nội dung hai câu này không có gì mới lạ. Điều mới lạ là chúng được nói công khai từ miệng của đấng có vai vị cao nhất trong hàng Giáo phẩm Việt Nam hiện nay và được xem là đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Vì có cái quyền “phủ quyết” thì người của chế độ độc tài sẽ không chấp thuận một ứng viên giám mục nào đã từng có tiếng nói “đối lập” với một số đường lối chính sách của “Đảng” hay Nhà Nước dẫu cho những đường lối hay chính sách ấy là độc quyền hay độc tài, thậm chí có khi là quá bất công.

Ván bài đã lật ngửa qua lời phát biểu của Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.. Để có được một sự chấp thuận nào đó cho một ứng viên Giám Mục thì Nhà Nước luôn có một thời gian khá dài để tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi…với chính ứng viên. Vì thế, việc các đấng bậc cấp cao trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ít có tiếng nói liên quan đến chính trị, nhân quyền, luật lệ...thì cũng là điều dễ hiểu. Thực tế cho thấy là một thời gian ngắn sau khi làm giám mục thì dường như ít có đấng nào lên tiếng bảo vệ công lý, nói lời chân lý liên quan đến chuyện chính trị xã hội.

Thiên Chúa là Đấng Thượng trí vô song. Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động xuyên qua nhiều sự sắp xếp nhiều khi đậm tính nhân loại, để rồi làm cho Nước Trời hiển trị. Vì thế đoàn chiên Kitô vẫn luôn vững vàng sống trong hy vọng. Và niềm hy vọng ấy đã dần được củng cố bằng thái độ can đảm bảo vệ công lý, loan truyền chân lý của nhiều đấng bậc sau vài năm trong vai vị mục tử hàng đầu của các giáo phận, chẳng hạn như trường hợp của Đức Giám Mục Phaolô, giáo phận Vinh thời gian vừa qua hay như những lời Đức Tổng Giám Mục Giuse, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở trên…

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Đã Tan Hàng Rã Đám Chưa ?
Phạm Trần
21:15 05/07/2017
ĐÃ TAN HÀNG RÃ ĐÁM CHƯA ?

Đội ngũ lãnh đạo tuyên truyền và làm công tác bảo vệ độc tài cai trị cho đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã quáng gà trong lý luận để loạn ngôn trong hành động.

Hiện tượng này đang lên cao trong phong trào được gọi là “phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên” , thi hành song song với công tác đổi mới cơ cấu lãnh đạo trên mọi lĩnh vực sau Hội nghị Trung ương 5/Khóa đảng XII từ ngày 5 đến 10/05/2017

Đứng đầu chỉ huy đợt tiến công mới là Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tuy còn qúa sớm để kết luận phong trào làm sạch mới nội bộ đảng sẽ phải kéo dài bao nhiêu năm, nhưng hiện nay chưa có bằng chứng và yếu tố tốt để giúp đảng viên tin công tác khó khăn này sẽ kết thúc thành công vào cuối nhiệm kỳ khoá đảng XII, năm 2021.

CÁ NHÂN –LỢI ÍCH NHÓM

Lý do vì đứng đầu lực cản đổi mới và làm sạch đảng là sự tồn tại khó tróc rễ của bệnh “cá nhân chủ nghĩa”. Khuyết tật di căn này từ lâu đã ăn sâu và lan rộng trong nội bộ, bất chấp các đợt tự phê bình và phê bình trong đảng được thực hiện từ khoá đảng XI năm 2011.

Song song với “cá nhân chủ nghĩa” là “quyền lợi phe nhóm”, hay còn được gọi là “lợi ích nhóm” trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên có chức có quyền.

Hai kẻ nội thù này đã cấu kết với nhau để thi đua tham nhũng, tổ chức móc ruột các dự án kinh tế và đầu tư trong các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư của nước ngoài.

Đáng chú ý là các dự án kinh tế đã tiêu phí nhiều nghìn tỷ bạc của dân trong nhiều năm mà đảng cứ nhắm mắt cho đắp chiếu.

Báo chí Việt Nam liệt kê 12 dự án này gồm:

1. Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ

2. Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam

3. Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

4. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

6. Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc

7. Nhà máy Đạm DAP 1 Hải Phòng

8. Nhà máy DAP 2 Lào Cai

9. Dự án Ethanol Bình Phước

10. Dự án Ethanol Phú Thọ

11. Nhà máy Đóng tàu Dung Quất

12. Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai

Cũng đáng chú ý là khi công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục thất bại thì Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ biết than vãn còn nhiều khó khăn. Ông cho rằng công tác này không thể làm xong một sáng một chiều mà phải có thời gian, là việc làm lâu dài và của tòan dân.

Nhưng ai cũng biết tham nhũng và lợi ích nhóm là hai kẻ thù rất hung ác đối với những ai dám cả gan tố cáo chúng. Trong hòan cảnh phổ biến “chờ được vạ thì má đã sưng” , hay “quan tòa bao che tội phạm” ở Việt Nam bây giờ thì có cho ăn vàng dân cũng không dám nghe đảng xíu dại để lãnh đạn.

Người dân cũng biết hai kẻ nội thù này đã và đang làm suy thoái nền kinh tế và gây khó khăn trong đời sống cho hàng triệu người dân. Do đó, ưu tiên hàng đầu của nhà nước là phải thanh toán tham nhũng cho bằng được, với bất cứ gía nào, để cứu dân khỏi đòi nghèo và lạc hậu.

Đằng này, đảng lại tập trung phần lớn khả năng tài chính và nguồn nhân lực để tuyên truyền, vận động cho phong trào phòng, chống “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” trong nội bộ, là hai con đẻ của tham nhũng và lợi ích nhóm.

Lý do nhiều đảng viên muốn “tự biến xa đảng” vì khi thủ trưởng, trường phòng, chủ tịch xã, bí thư huyện, bí thư tỉnh, giám đốc sở v.v.. cứ giầu lên mãi mà mình thì muôn đời nghèo xơ, nghèo xác thì có ai còn chưa biết mình đã ngu để tiếp tục tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa giết người Mác-Lênin, hay cứ cắm đầu “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ?

Như vậy, thì có phải đảng đã sử dụng chiêu bài mập mờ “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” để trốn trách nhiệm đã thóai hóa trước nhân dân mà tiếp tục cầm quyền ?

Nhưng không chỉ có đánh lận con đen như thế mà lãnh đạo còn không dám nhận đảng đang rã đám vì một số không nhỏ đảng viên và người dân không còn tin đảng nữa.

Họ mất niềm tin vào đảng vì cán bộ đã ăn hết cả cái để dành của dân, và ngồi lên đầu dân từ đời cha đến đời con cháu để hút hết công sức và mồ hôi nước mắt lao động của dân. Đảng còn che đậy những thoả hiệp kinh tế mờ ám với Trung Quốc như ở Bauxite Tây Nguyên hay Formosa Hà Tĩnh, trong khi lại mặc thây cho Quân Trung Hoa tự tung tự tác thao túng chủ quyền ở Biển Đông.

Đảng còn che đậy không phải vì đảng đã hết thời và lãnh đạo xuống cấp khiến hàng ngũ tan rã. Những cái mồm loa tuyên truyền của Ban Tuyên giáo đảng chỉ nhận có một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên bị dao động trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các “thế lực thù địch” .

DIỄN BIẾN-CHUYỂN HÓA Ở ĐÂU ?

Bằng chứng từ ngày 27-12-2012, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Trung ương đã đứng ra phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay”.

Theo Tạp chí này thì :”Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đồng tổ chức. Hơn 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan đảng, các bộ, ngành ở Trung ương, các nhà khoa học tới dự Hội thảo.”

Cuộc hội thảo tuy quy tụ những cái đầu lớn, nhưng lại chỉ biết chạy tội cho đảng khi họ lập luận rằng:”Thuật ngữ “tự diễn biến” (TDB), “tự chuyển hóa” (TCH) chỉ thực sự xuất hiện gần đây sau chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống các nước xã hội chủ nghĩa và các nước có khuynh hướng tiến bộ không theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Bằng thủ đoạn chống phá, các thế lực thù địch tạo sự TDB, TCH từ bên trong nội bộ.” (Tạp chí Cộng sản 22/3/2013)

Từ cái nhìn rất chung chung, trốn tránh sự thật thê thảm đang làm lung lay tận gốc nền tảng tổ chức và lãnh đạo của đảng, các tham luận viên đã “vạch lá tìm sâu” xem “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” từ đâu mà có và kẻ đứng sau là ai.

TRẦN ĐẠI QUANG

Tiêu biểu như Trần Đại Quang, Đại tướng, Bộ trưởng Công an trước khi lên chức Chủ tịch nước thì quanh co rằng:”Tự diễn biến” là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong nội tâm người cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố tiêu cực và tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ chuyển sang hành động của chủ thể.”

Nhà báo Hà Đăng cho rằng:”tự diễn biến” là quá trình biến đổi từ bên trong cán bộ, đảng viên theo chiều hướng từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ. Biểu hiện rõ nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

“Tự chuyển hóa” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, nhưng ở cấp độ cao hơn. Đó là sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị lẫn đạo đức, lối sống, khiến cho cán bộ, đảng viên không còn là chính mình nữa, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành kẻ phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước ta, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù. TDB, TCH là nói về quá trình diễn ra trong chính nội bộ ta.”

Bài tổng thuật trên Tạp chí Cộng sản của Nguyễn Thị Vy trích quan điểm của một số tham dự viên khác nói rằng:” TDB, TCH trong nội bộ ta do nhiều yếu tố trước hết là nguyên nhân chủ quan và nhấn mạnh: Con đường đi lên CNXH ở nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề mới chưa được luận giải kịp thời; một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên ở các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất, chạy chức, chạy quyền, tranh giành, kèn cựa địa vị, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, vi phạm pháp luật và chuẩn mực văn hóa, đạo đức; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên và chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội và hệ thống thông tin đại chúng; tình trạng quản lý cán bộ, đảng viên lỏng lẻo dẫn tới hiện tượng chạy chức, chạy quyền; tác động của mặt trái của cơ chế thị trường v.v..”

Với mớ lập luận rông rài như thế, nhưng không người nào dám chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng viên là nhân dân đã ruồng bỏ trong thực tế Chủ nghĩa Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Có còn chăng là đối với thiểu số lãnh đạo và những đảng viên có chức có quyền được tiếp tục tham nhũng và cai trị để chia quyền lợi.

9 BIỂU HIỆN

Bằng chứng đảng viên tự mình tách ra khỏi đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ trong 9 biểu hiện nguyên văn như sau:

1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".

2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.

6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

Viết ra như thế, nhưng thay vì nhìn vào sự thật rằng mình đã thoái trào và đang bị nhân dân ruồng bỏ thì lãnh đạo lại chối quanh và tập trung đổ tội gây ra khủng hỏang cho “các thế lực thù địch” mà chính đảng cũng không biết chúng là ai và đền từ đâu.

Tuy nhiên lập luận này không mới mà chỉ nhắc lại những điều mọi người đã biết từ Khóa đảng VIII, thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Khi ấy, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng, chỉnh đốn đảng ra đời năm 1999.

Từ đó đến khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa đảng XII năm 2016, tổng cộng qua hơn 4 khóa đảng (mỗi khóa có nhiệm kỳ 5 năm) mà tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên cứ mỗi ngày một nghiêm trọng, tụt dốc thêm thì có phải là Đảng đã tan hàng và rã đám rồi không ? -/-

Phạm Trần

(07/017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Cách xếp đặt nhiều Chén thánh và Bình thánh trên bàn thờ.
Nguyễn Trọng Đa
07:35 05/07/2017
Giải đáp phụng vụ: Cách xếp đặt nhiều Chén thánh và Bình thánh trên bàn thờ.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha giúp tư vấn cho thủ tục đúng khi sắp xếp các Bình thánh và Chén thánh trên bàn thờ sau khi tiếp nhận lễ vật. Cho rằng trong một Thánh lễ đồng tế đông linh mục, sẽ cần nhiều Bình thánh và Chén thánh, liệu có là thích hợp để sắp xếp chúng đối xứng với vị trí trang trọng của Chén thánh và Bình thánh của chủ tế không? Có một số nhà phụng vụ tự xưng muốn nhấn mạnh rằng "chỉ có MỘT bánh và MỘT thân xác thôi", cho nên chỉ có Chén thánh và Đĩa thánh/Bình thánh của chủ tế được đặt ở trung tâm Khăn thánh, còn các bình phụ khác nên đặt “qua một bên”. Điều này dường như đối với tôi thật là khó hiểu khi truyền phép Bánh và Rượu. - I. M., Đảo Jersey, Vương quốc Anh.


Đáp: Trong số các quy chế rõ ràng nhất đề cập đến chủ đề này, là các quy chế được Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ công bố về việc Rước Lễ dưới hai hình. Mặc dù các quy chế này không có hiệu lực pháp luật bên ngoài Hoa Kỳ, nhưng chúng mang tính biểu hiện và đã được Tòa Thánh chấp thuận.

Trong số các gợi ý thực hành có các điều sau đây:

"32. Trước khi Thánh Lễ bắt đầu, rượu và bánh được đặt trong các bình với kích thước và số lượng thích hợp. Sự có mặt trên bàn thờ của một Chén thánh duy nhất và một Đĩa thánh lớn có thể biểu hiện một bánh và một chén, mà qua đó chúng ta tụ họp thành “Một thân thể của Chúa Kitô, một hiến lễ sống động tạ ơn”. Khi điều này là không thể được, cần lưu ý rằng số lượng các bình không nên vượt quá nhu cầu sử dụng.

"Trong Chuẩn bị Lễ vật:

"36. Bàn thờ được chuẩn bị với Khăn thánh, Khăn lau chén, Sách lễ và Chén thánh (trừ khi Chén được chuẩn bị ở một bàn cạnh) bởi thầy phó tế và các người giúp lễ. Lễ vật bánh và rượu được các tín hữu dâng tiến, và được tiếp nhận bởi Linh mục hay phó tế tại một nơi thuận tiện (xem GIRM, số 333). Nếu một Chén là không đủ cho việc Rước Lễ dưới hai hình cho các linh mục đồng tế, hoặc các tín hữu của Chúa Kitô, nhiều Chén thánh chứa đầy rượu được đặt trên một Khăn thánh trên Bàn thờ trong vị trí thích hợp. Thật là đáng khen rằng Chén thánh chính là lớn hơn các Chén thánh khác được chuẩn bị cho việc Rước lễ".

Một mặt, các quy chế này trình bày tình huống ưa thích của một Chén thánh và một Đĩa thánh lớn. Mặt khác, các quy chế nhường chỗ cho thực tế của nhiều tình huống khác nhau, và khôn ngoan tránh đưa ra các đề xuất cứng nhắc cho mọi hoàn cảnh.

Tính linh hoạt này cũng có thể được sử dụng để trả lời cho câu hỏi của bạn đọc trên đây.

Trong khi chắc chắn là vị trí trang trọng luôn phải được dành cho Chén thánh và Đĩa thánh của chủ tế, được đặt trực tiếp ngay trước mặt Ngài, các Chén thánh và Bình thánh khác có thể được bố trí bên cạnh Chén thánh chính trên một Khăn thánh lớn, hoặc trên các Khăn thánh khác được đặt trên Bàn thờ.

Trong một số lễ đồng tế quá đông linh mục cần nhiều bình, cần có một Khăn thánh đặc biệt lớn gần bằng Bàn thờ, được đặt trên Bàn thờ trước thánh lễ đồng tế ấy, để cho mọi Chén thánh và Bình thánh ở trong khu vực Khăn thánh này.

Trong số các yếu tố cần được quan tâm là số lượng các bình. Nếu chúng ta chỉ nói đến một hoặc hai bình phụ, thì việc có tất cả mọi thứ trên một Khăn thánh là thích hợp hơn. Còn nếu có nhiều bình, thì cần có thêm các Khăn thánh, được đặt theo cách như thế nào để không ngăn việc mọi người nhìn thấy Chén thánh chính và Bình thánh chính, và cũng tôn trọng sự đối xứng theo cảm thức chung và tính thẩm mỹ.

Các yếu tố khác cần được xem xét bao gồm kích thước của Bàn thờ, sự cung ứng dịch vụ cho các sự di chuyển khác nhau, số lượng các vị đồng tế và tín hữu, và phương pháp được lựa chọn cho việc cho Rước lễ. Bởi vì tất cả các điều này có thể thay đổi từ Thánh lễ này đến Thánh lễ khác, không có quy tắc phổ quát nào có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp được. (Zenit.org 25-9-2007)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thánh nữ Maria Goretti : Bông huệ nhỏ nhuốm máu
Đinh Văn Tiến Hùng
10:02 05/07/2017
Thánh Nữ MARIA GORETTI

Bông Huệ Nhỏ nhuốm máu

( Lễ kính ngày 6/7 )

*Bông Huệ nhỏ tuyết trinh nơi đồng nội,

Vượt lên cao tràn ngập nắng hồng ân,

Gió mưa lay, không vương mắc bụi trần,

Đẹp lòng Chúa, đem về vườn Thiên quốc.

“Xin kính chào Vị Nữ Thánh khả ái ! Hỡi Vị Tử Đạo dưới đất và Thiên Thần trên trời !

Từ nơi vinh quang, xin ghé mắt nhìn xuống đoàn con đây, đang yêu mến, tung hô và chúc tụng Ngài. Trên vầng trán Ngài ghi rõ danh tánh chói sáng hiển vinh của Chúa Kitô chiến thắng. Trên khuôn mặt tinh khiết Ngài tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh. Ngài là Vị Hiền Thê

dùng chính máu đào mình họa lại hình ảnh Chúa Kitô. Hỡi vị Nữ Thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên Thiên Chúa, xin phó dâng lên Ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng tôi. Tất cả đều ngưỡng phục lòng anh hùng của Ngài, nhất là muốn bắt chước Ngài trong nhiệt tâm giữ vững đức tin và bảo toàn phong hóa cao quí.

Từ nay các bậc làm cha mẹ chạy đến kêu cầu, xin Ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái.

Xin đặt vào vòng tay Ngài một trẻ thơ, cùng thanh thiếu nữ, hầu Ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui bước trên đường đời trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng.

Ước gì được như vậy.”

Đó là lời Đức Thánh Cha Piô 12 vào chiều thứ bảy 24/6/1950 trong khung cảnh Năm Thánh, khi tuyên phong Hiển Thánh cho thiếu nữ đồng quê 12 tuổi MARIA GORETTI, trước sự hân hoan nồng nhiệt của 500 ngàn khách hành hương từ khắp nơi đổ về, cùng sự hiện diện của thân mẫu và gia đình cô.

Maria Goretti sinh 16/10/1890 taị vùng đồi thơ mộng gần thành phố Corinaldo, nước Ý. Nhưng vì sinh kế cả gia đình phải chuyển đến vùng thôn quê sình lầy Ferriere di Conca. Là chị cả trong một gia đình 6 anh chị em, cô luôn noi gương cha mẹ là người đạo hạnh và cần mẫn.

Sống trong cảnh nghèo túng, Goretti không được đi học, nhưng có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria Đồng Trinh. Mồ côi cha từ năm lên 10, nhưng mỗi lần đi ngang mộ cha đều dừng lại cầu nguyện cho cha .

Gia đình sau khi cha mất trở nên túng quẫn hơn, cô luôn nâng đỡ tinh thần cho mẹ, xốc vác mọi việc trong nhà, đóng vai người mẹ thứ hai đối với các em, luôn săn sóc, dạy bảo và thúc giục các em cầu nguyện. Mỗi lần đi dự lễ, cô phải đi bộ 2 giờ đồng hồ, luôn là người đến sớm nhất và về sau cùng. Cô rẩt cẩn thận trong cách ăn mặc, nói năng hòa nhã khiêm tốn, tránh truyện trò thô tục…nổi bật nhất là nhân đức khiết tịnh như bông huệ tuyết trinh.

Từ ngày ba ngã bệnh rồi mất, để có người giúp đỡ công việc đồng áng và chia sể hoa lợi, gia đình cô phải đón nhận một gia đình khác gồm 2 bố con đến ở chung. Người con trai 19 tuổi tên Alessandro, đầu óc tràn đầy ý tưởng xấu, nên luôn nhìn Goretti với con mắt dục vọng. Cô luôn ở nhà săn soc các em khi mẹ làm việc ngoài đồng.

Nên một hôm, Alessandro đến cám dỗ cô phạm tội, nhưng cô rất sợ hãi và từ chối rồi tìm cách tránh xa chàng. Rồi 10 ngày sau, chàng ta lại dở trò cũ, cô khiếp sợ và nói : ‘Nếu anh làm điều đó, anh sẽ phải xuống hỏa ngục !’ Chàng ta túm lấy cô, nhưng cô dùng hết sức để vượt thoát và chàng đe dọa giết nếu tiết lộ với người khác.

Trưa ngày 5/7/1902, dưới nắng hè chói chang mọi người đang thu hoặch mùa đậu. Chàng ngưng việc đi thẳng về nhà, thấy Goretti ngồi dưới chân cầu thang vá áo và trông chừng em ngủ. Chàng ta mặt hầm hầm bước lên cầu thang vào phòng lấy một thanh sắt đã mài nhọn, quay xuống gọi : ‘Goretti vào đây nhờ một tí !.’ Cô vẫn ngồi không nhúc nhích và không trả lời.

Anh ta nhào tới nắm tay cô kéo vào trong nhà. Cô la lên : ‘Nếu làm điều đó anh sẽ phải xuống hỏa ngục. Buông tôi ra ! ‘

Điên lên vì bị từ chối, anh ta một tay nắm chặt tay cô, một tay cầm dao đâm túi bụi vào thân hình liễu yếu của cô bé. Cô gào to kêu cứu, nhưng không ai bên ngoài nghe thấy. Máu chảy thành dòng, tràn trên sàn nhà và cô gục ngã. Nhưng cô còn tỉnh, cố lết tấm thân nát nhừ ra gần cửa kêu cứu. Nghe tiếng kêu anh ta vội chạy lại, túm cổ cô đâm thêm nhiều nhát chí tử. cô bé bất hạnh phều phào kêu :

-‘Lạy Chúa tôi ! Lạy Chúa tôi ! Má ơi con chết mất !’ Rồi thiếp đi bất tỉnh…

Trong những giờ phút đau thương hấp hối, Goretti âm thầm cầu nguyện cùng Thánh Tâm Chúa và Mẹ

Maria. Cô sẵn sàng chờ đón giờ chết và tha thứ cho kẻ giết mình. Khi Linh mục mang Mình Thánh Chúa

đến, cô hớn hở đón nhận của ăn đàng trước khi về Thiên Quốc. Ôm ghì Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ hôn kính rồi thiếp dần. Những giây phút cuối đời, Goretti hơi thở bị tắt nghẽn vị bị ám ảnh những giây phút kinh hoàng phải đối phó với hành động xấu xa của Alessandro. Cử chỉ vô cùng mệt nhọc chống cự với một người vô hình. Sau cùng bằng sức tàn mong manh, cô vùng dậy như muốn trốn thoát, rồi trong giây lát lại buông mình nằm xuống bất động. Linh hồn trinh trong và xinh đẹp của Goretti từ từ ra khỏi xác bay về Thiên Quốc. Lúc đó là chiều Chúa Nhật ngày 6/7/1902, một ngày sau khi cô bị đâm 14 nhát dao.

Sau khi qua đời, Maria Goretti đã làm nhiều phép lạ. Nhưng phép lạ to lớn nhất là hoán cải được Alessandro, cô đã hiện về trong tù trao tặng chàng những bông huệ trắng tinh. Từ ngày đó chàng sống khiêm nhường thống hối tội lỗi mình. Chàng được phóng thích sau 30 năm tù và suốt đời sống độc thân.

Về sau chàng xin vào tu viện Dòng Phan Sinh Hèn Mọn Capuchin, miền bắc Ý, trở thành phần tử Dòng Ba, ngày ngày cần mẫn làm những việc hèn mọn cùng chay tịnh để đền tội đến trọn đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Ngày 28/4/1947, ĐTC Piô 12 phong Chân Phước cho Maria Goretti .

Ngày 24/6/1950, Ngài lại nâng lên bậc Hiển Thánh.

Rồi đặt Thánh Nữ làm Quan Thày và gương mẫu cho giới trẻ.

Hiện diện trong Lễ Phong Thánh, thân mẫu Thánh đã ngoài 80 tuổi và các em.

Maria Goretti trở thành vị Thánh tử Đạo vì bảo vệ đức Trinh Khiết khi mới 12 tuổi.

Hàng năm Giáo Hội mừng kính thánh Nữ vào ngày 6 tháng 7.

Lời kinh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 dâng kính Thánh Nữ :

“Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa !

Cô đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương, cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống. Cô cũng biết thế nào là nghèo đói, mồ côi và đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn, ân cần. Cô sống tốt lành không khoe khoang và yêu mến Tình Yêu Chúa trên mọi sự, đã đổ máu đào để khỏi phản bội Chúa và tha thứ cho người đã giết mình, cầu mong hạnh phúc Thiên đàng cho anh ta.

Xin hãy bầu cử cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, cùng biết thưa vâng theo chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi.

Hỡi Đấng là bạn hữu Thiên Chúa đang chiêm ngắm Chúa. Xin cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi những ơn xin cùng Ngài. Chúng tôi cảm tạ Ngài, hỡi Maria Goretti vì tình yêu Ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà Ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi- Amen.”

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú : Dựa theo tài liệu của Raymond Thư, CMC
 
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 17)
Vũ Văn An
19:41 05/07/2017
Chương 5: Thờ Phượng

Trong biệt ngữ của Công Giáo, các nghi lễ và nghi thức khác nhau của Giáo Hội được gọi chung là “phụng vụ”, tiếng La Tinh là Liturgia do tiếng Hy Lạp leitourgia, nghĩa là “việc” chỉ việc chung của nhà nước nhân danh dân mà làm. Trong tôn giáo La Hy, từ ngữ này được dùng để chỉ nghi lễ thờ cúng do một tư tế thực hiện nhân danh dân chúng, và từ đó, nó đã được du nhập vào từ vựng Công Giáo để chỉ việc thờ phượng công cộng của Giáo Hội. Trung tâm điểm của phụng vụ Công Giáo là Lễ Tạ Ơn, hay Thánh Lễ, được cử hành mọi ngày quanh năm, trừ Thứ Sáu Tuần Thánh, khi buổi thống hối được cử hành để tưởng niệm sự đau khổ của Chúa Kitô trên Thập Giá. Cả dịp này, các người thờ phượng cũng được rước lễ bằng Bánh và Rượu đã được truyền phép trong Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh. Thánh Lễ Chúa Nhật là cao điểm của mỗi tuần, được gọi là “tiểu Phục Sinh” vì nó cử hành chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết vào ngày Phục Sinh. Người Công Giáo ngày nay được coi là chu toàn bổn phận phải dự Thánh Lễ Chúa Nhật bằng cách dự Thánh Lễ tối thứ Bẩy, gọi là “Lễ vọng”.

Đối với đại đa số người Công Giáo trên thế giới, Thánh Lễ Chúa Nhật là trải nghiệm hàng đầu của họ về Giáo Hội. Phần lớn người Công Giáo không mấy chú ý tới các thăng trầm của Vatican hay hội đồng giám mục trong nước của họ, và thậm chí, một số rất đông đến việc gặp giám mục địa phương cũng không có. Họ biết những gì Giáo Hội dạy về phá thai, hay hôn nhân đồng tính, hay án tử hoặc di dân, nhưng phần lớn không thèm để ý tới cuộc tranh luận chính trị ở thế giới bên ngoài. Thay vào đó, họ quay sang Thánh Lễ để tìm của nuôi dưỡng thiêng liêng, sự an ủi, tình hiệp thông, hy vọng dành ít nhất một giờ mỗi tuần cho thánh nhan Thiên Chúa và tình đồng hành với gia đình đức tin của họ. Nếu một người Công Giáo nào đó cảm thấy thoải mái đối với Thánh Lễ Chúa Nhật tại giáo xứ địa phương, thì chắc chắn họ cũng cảm thấy thoải mái đối với Giáo Hội nói chung.

Có lẽ người Công Giáo dành thì giờ tranh luận về phụng vụ nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác. Một phần, vì ai cũng đi Lễ ít nhất một lần nào đó, nên tự nhiên họ cảm thấy mình có quyền có một ý kiến gì đó về nó. Một phần, cũng vì người Công Giáo, trong xương tủy, cảm thấy đây là điều đáng kể hơn cả, vì dù gì, mục tiêu tối hậu của Giáo Hội là dẫn người ta tiến sâu hơn vào mối tương quan với Thiên Chúa, và đối với đa số tín hữu, việc này một là diễn ra tại Thánh Lễ hai là chẳng diễn ra ở nơi nào khác. Thành thử, nhiều lượng thời gian và năng lực phi thường đã được đổ vào các vấn đề như có phải giang tay hay không khi đọc Kinh Lạy Cha, phải qùy hay đứng khi rước Lễ, rước Lễ bằng lưỡi hay bằng tay, và nên thưa “và cũng ở cùng cha” hay nên thưa “và ở cùng tinh thần cha” lúc linh mục ngỏ lời “Chúa ở cùng anh chị em!”. Những cuộc tranh luận như thế được gọi đùa là “các cuộc chiến phụng vụ”.

Lịch phụng vụ Công Giáo được tổ chức ra sao?

Đạo Công Giáo phát khởi trong một xã hội nông nghiệp, nơi việc đổi mùa là sự kiện nền tảng của cả sinh hoạt bản thân lẫn sinh hoạt xã hội. Giáo Hội cũng đánh dấu sự đổi mùa này bằng cách tổ chức năm thành các mùa phụng vụ khác nhau dựa vào những khoảnh khắc quan trọng của điều được gọi là “lịch sử cứu rỗi”, tức kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho thế giới. Để phù hợp với óc tưởng tượng bí tích của Giáo Hội, mỗi mùa phụng vụ có bộ biểu tượng và hình ảnh riêng của nó, gồm mầu sắc riêng trên lễ phục được linh mục mặc để cử hành Thánh Lễ và các trang trí trong nhà thờ cũng như tại các gia đình Công Giáo.

Có tất cả 6 mùa phụng vụ chính trong lịch Công Giáo:

Mùa Vọng: Mùa chuẩn bị cho việc Chúa Cứu Thế đến này bắt đầu 4 Chúa Nhật trước Lễ Giáng Sinh (chữ Advent của tiếng Anh chỉ việc đến). Về phương diện thần học, nó được hiểu không chỉ như thời kỳ mong đợi Chúa Giêsu hài đồng sinh ra mà thôi, mà còn theo nghĩa cánh chung tức chuẩn bị đón ngày Người đến lần thứ hai, để phán xét sau cùng và khởi đầu vương quốc Thiên Chúa trên trần gian. Biểu tượng chính của thời kỳ này là vòng hoa mùa vọng, vòng hoa xanh hoài với 4 cây nến. Nói một cách tổng quát, một cây nến được đốt lên mỗi tuần trong Mùa Vọng, kết thúc với cả 4 cây cùng được đốt lên trong phụng vụ sau cùng trước Lễ Giáng Sinh.

Mùa Giáng Sinh: Theo truyền thống, trong Giáo Hội La Tinh, ngày 25 tháng 12 đã được chỉ định để đánh dấu ngày sinh của Chúa Kitô, có lẽ vì đây là ngày hội của cổ Rôma mừng ngày đông chí. Ngày sinh thực sự của Chúa Kitô không ai rõ, dù nhiều học giả Thánh Kinh tin rằng phấn chắc nó xẩy ra vào cuối mùa Xuân. Dù sao, Lễ Giáng Sinh, tiếng Anh là Christmas, nghĩa là Thánh Lễ Chúa Kitô, là cử hành lớn của Kitô Giáo mừng sự Nhập Thể, nghĩa là việc Con Thiên Chúa mang lấy xác phàm nhân. Theo truyền thống, trong Giáo Hội La Tinh, Mùa Giáng Sinh kéo dài tới lễ Hiển Linh, tức ngày 6 tháng Giêng, nhưng hiện nay, nó kéo dài tới tận Lễ Chúa Kitô chịu Phép Rửa, tức Chúa Nhật sau Lễ Hiển Linh. Màu truyền thống của Mùa Giáng Sinh là trắng và vàng.

Mùa Thường Niên: Trong tiếng La Tinh “ordinal” chỉ số thứ tự, thành thử kiểu nói tiếng Anh “ordinary time” (mùa thường niên) nghĩa đen là “các tuần lễ được đánh số”. Hai thời kỳ này được gọi là “ordinary” cũng là theo nghĩa thứ tự, tức là chúng không tưởng nhớ bất cứ biến cố đặc thù nào trong lịch sử cứu rỗi. Chúng thường bao gồm 33 hay 34 tuần lễ trong năm. Nhóm thường niên đầu tiên diễn ra từ Mùa Giáng Sinh tới Mùa Chay, nhóm thường niên thứ hai diễn ra từ Lễ Hiện Xuống tới Mùa Vọng. Mùa Thường Niên được chấm phá bởi các ngày lễ như Lễ Mình Máu Thánh, Lễ Chúa Kitô Vua, và Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như một lô ngày lễ các thánh. Xanh lá cây là mầu của các thời kỳ này.

Mùa Chay: Là mùa thống hối chính của năm Công Giáo, Mùa Chay là thời kỳ chuẩn bị cho Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh. Nó bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro, khi linh mục xức tro lên trán người Công Giáo để nhắc họ nhớ rằng “là bụi đất, con sẽ trở về bụi đất”. Thông thường, tượng chịu nạn và ảnh tượng các thánh trong các nhà thờ Công Giáo sẽ được che bằng vải mầu tím, trong khi một số biểu thức hân hoan bị bỏ khỏi Thánh Lễ, và các lễ phục của các linh mục và phó tế mặc cũng ảm đạm hơn. Người Công Giáo được khuyến khích đi xưng tội trong Mùa Chay và nhịn ăn thịt vào các ngày thứ Sáu. Như đã nói ở chương 1, nét truyền thống trong văn hóa Công Giáo là hy sinh một điều gì đó trong Mùa Chay. Tất cả các phong tục này nhằm phát huy tinh thần hy sinh và thống hối, như một cách để thanh tẩy mình cho cao điểm phụng vụ Phục Sinh sắp tới.

Tuần Thánh: Tuần lễ trước lễ Phục Sinh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá, nhắc nhớ việc Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem. Một trong các trình thuật sự đau khổ của Chúa Kitô, gọi là “khổ nạn”, được đọc trọn vẹn trong Chúa Nhật Lễ Lá. Sau đó, trong tuần, Thứ Năm Tuần Thánh đánh dấu Bữa Ăn Tối Sau Cùng của Chúa Giêsu, được truyền thống coi như việc thiết lập ra Phép Thánh Thể. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh cũng bao gồm nghi thức tưởng nhớ việc Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ nhằm dạy tinh thần khiêm nhường và phục vụ, giả thiết phải nằm ở tâm điểm cuộc sống của người Kitô hữu. Ngày hôm sau, Thứ Sáu Tuần Thánh, nhắc nhớ sự chết của Chúa Kitô trên Thập Giá, mà truyền thống vốn cho đã diễn ra khoảng lúc 3 giờ chiều. Người ta mong người Công Giáo kiêng thịt và chỉ ăn một hay hai bữa ăn nhẹ vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày kế tiếp, Thứ Bẩy Tuần Thánh, là ngày Chúa Kitô an nghỉ trong mồ.

Mùa Phục Sinh: Lễ Phục Sinh là lễ hội lớn mừng sự sống lại của Chúa Kitô, đánh dấu sự chiến thắng của Người đối với sự chết và lời hứa sự sống đời đời cho những ai bước theo Người. Ngày Lễ Phục Sinh thay đổi tùy năm, do lịch mặt trăng đã sử dụng từ trước thời cận đại ấn định. Thánh Lễ vọng Phục Sinh được cử hành vào đêm giữa Thứ Bẩy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh, tiếp theo là chính Thánh Lễ Phục Sinh. Mùa phụng vụ Phục Sinh kéo dài 50 ngày sau đó, và bao gồm Lễ Thăng Thiên, khi Chúa Kitô sống lại lên trời sau một thời gian vắn vỏi lưu lại trần gian, và Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ của Chúa Giêsu, như đã được sách Tông Đồ Công Vụ mô tả. Mầu trắng là mầu truyền thống trong Mùa Phục Sinh, trừ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khi mầu phụng vụ là mầu đỏ, tượng trưng cho các lưỡi lửa của Chúa Thánh Thần trên đầu các môn đệ.

Hành vi thờ phượng nào của Công Giáo quan trọng nhất?

Nhất định là Thánh Lễ. Chữ Anh chỉ Thánh Lễ là “mass”; chữ này phát sinh từ câu La Tinh ở cuối Thánh Lễ khi linh mục đọc: “Ite, missa est”. Sách Lễ của các nước nói tiếng Anh dịch là: Go forth, the Mass is ended (Nghi Thức Thánh Lễ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch là: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an). Thoạt đầu, đây chỉ là cách giải tán, nhưng với thời gian, hạn từ “missa” mang một nghĩa sâu xa hơn. Ý niệm này trở thành có nghĩa: người thờ phượng không chỉ được giải tán mà còn được “ủy quyền”, lên đường mở rộng cảm nghiệm Thánh Lễ trong chính đời sống họ và trong sứ mệnh đang tiếp diễn của Giáo Hội trong thế giới. Xét chung, chỉ có người Công Giáo La Tinh gọi là Thánh Lễ. Người Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương thường gọi là phụng vụ thánh hay một kiểu nói khác.

Hành vi thờ phượng chính của Công Giáo này diễn biến qua nhiều năm tháng, một phần nhờ tiếp nhận các yếu tố từ các nền văn hóa chung quanh. Thí dụ, phần lớn các học giả phụng vụ tin rằng “nghi thức nhập lễ” khi chủ tế và các nhà lãnh đạo tiến lên bàn thờ không phải là thành phần trong cấu trúc nguyên thủy, nhưng là một điều hấp thụ được từ thực hành của Đế Quốc Rôma. Ấy thế nhưng, tại tâm điểm của nó, người ta tin Thánh Lễ bắt nguồn từ Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô với các môn đệ, khi Chúa Giêsu bẻ bánh, chia sẻ rượu và truyền cho họ “hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”.

Điều gì diễn ra trong Thánh Lễ?

Thánh Lễ được chia thành 5 phần chính:

1. Nghi thức nhập lễ: Linh mục chủ tế tiến vào cùng với phó tế, nếu có, và những người giúp lễ, trong khi cộng đoàn hát thánh ca. Ở phần lớn các nơi, cả bé trai lẫn bé gái đều được phép làm trẻ giúp lễ, nhưng một số giáo phận chỉ dành vai trò này cho các bé trai mà thôi, coi nó như con đường có tiềm năng dẫn tới chức linh mục, là chức chỉ người nam mới được lãnh nhận. Đôi khi, nhiều người khác nữa cũng tham gia cuộc rước, như các người đọc sách Thánh và các thừa tác viên Thánh Thể, tức các người giúp linh mục cho rước lễ. Sau khi đoàn rước đã tới bàn thờ, Kinh Thống Hối được cộng đoàn đọc cũng như các lời cầu nguyện ngợi Khen Thiên Chúa.

2. Phụng vụ Lời Chúa: Trong các Chúa Nhật, có ba bài đọc Sách Thánh, một bài từ Cựu Ước, một bài từ Tân Ước (thường là các thư của Thánh Phaolô) và rồi một bài từ một trong bốn sách Tin Mừng (Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan). Trong khi hai bài đầu có thể do các người đọc phụ trách, nhưng bài Tin Mừng thì được linh mục hay phó tế đọc. Sau đó, linh mục sẽ giảng. Rồi Cộng Đoàn đọc Kinh Tin Kính và “các lời nguyện giáo dân” hay những lời cầu xin Thiên Chúa vì các nhu cầu khác nhau.

3. Phụng vụ Thánh Thể: Sau khi bánh và rượu đã được đặt trên bàn thờ, linh mục dâng lời cầu nguyện trên của lễ. Rồi ngài bắt đầu một trong bốn Kinh Nguyện Thánh Thể, được coi như lúc chủ chốt của Thánh Lễ. Phần này gồm Kinh epiclesis, tức lời cầu xin nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, các của lễ trở thành mình và máu Chúa Kitô, và trình thuật lập phép Thánh Thể và lời truyền phép, nhắc lại Bữa Tiệc Ly và đọc các lời của Chúa Giêsu trên bánh và rượu. Phần này kết thúc bằng “tụng ca” (doxology), tức kinh nguyện ngợi khen để cảm tạ Thiên Chúa đã ban hồng phúc Thánh Thể.

4. Nghi thức hiệp lễ: Sau khi đọc Kinh Lạy Cha với nhau, cộng đoàn trao đổi “dấu bình an”, thường bằng cách bắt tay nhau và nói với nhau “Bình an ở với bạn”. Sau một kinh nguyện ngắn khác, linh mục hiệp lễ trước rồi ngài cùng với các thừa tác viên Thánh Thể sẽ cho cộng đoàn hiệp lễ. Ngày nay, ở phần lớn các nơi, người Công Giáo đứng khi hiệp lễ, thường nhận Mình Thánh vào tay. Nhiều nơi cho hiệp lễ “dưới cả hai hình” nghĩa là vừa nhận bánh thánh đã truyền phép vừa uống rượu đã truyền phép.

5. Nghi thức kết lễ: Sau lời giải tán ngắn, linh mục, phó tế, và những người khác thường diễn hành khỏi bàn thờ, đi xuống lòng nhà thờ để ra ngoài nhà thờ hay vào phòng áo lễ, trong khi cộng đoàn hát bài thánh ca cuối cùng.

Trong Thánh Lễ, ngôn ngữ nào được sử dụng?

Khi các Kitô hữu tiên khởi tụ họp nhau để thờ phượng, họ sử dụng ngôn ngữ họ vẫn nói hàng ngày, nghĩa là ở Trung Đông, họ dùng tiếng Aram, còn ở phần lớn các nơi khác, họ dùng tiếng Hy Lạp. Khi Kitô Giáo đâm rễ vào Đế Quốc Rôma, tiếng La Tinh trở thành ngôn ngữ tiêu chuẩn của việc thờ phượng và vẫn mãi là thế cho tới tận Công Đồng Vatican II, giữa thập niên 1960. Sau Vatican II, người ta được phép dùng ngôn ngữ bình dân (vernacular) để cử hành Thánh Lễ, nghĩa là ngôn ngữ nói của người bình dân. Tuy nhiên, bản văn nền tảng của Thánh Lễ vẫn được viết bằng tiếng La Tinh và vì tính rất quan trọng của Thánh Lễ trong đời sống Công Giáo, nên vấn đề phải dịch sao cho đúng nhất các bản văn La Tinh này sang các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới là một vấn đề được tranh luận gay go.

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho phép việc cử hành rộng rãi Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh, từng được dùng trước Vatican II. Ngài xác định rằng Thánh Lễ hậu Vatican II bằng tiếng bình dân là “hình thức thông thường” của việc cử hành Thánh Thể, còn Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh là “hình thức ngoại thường” và cho phép các linh mục cử hành Thánh Lễ kiểu cũ cách tư riêng bất cứ lúc nào các ngài muốn, còn cử hành nó cách công khai thì bất cứ khi nào có một nhóm giáo dân ổn định yêu cầu. Quyết định này được coi không những như một nhượng bộ đối với những người Công Giáo gắn bó với Thánh Lễ cũ, mà còn là một biểu thức tượng trưng nói lên xác tín của Đức Bênêđíctô rằng các cải tổ do Vatican đưa vào không có ý định triệt tiêu các lớp lang cũ hơn của truyền thống trong Giáo Hội.

Thánh Lễ có y hệt như nhau ở khắp nơi không?

Dù bạn không muốn đẩy quá xa việc so sánh, nhưng Đạo Công Giáo hơi giống quán ăn McDonalds của tôn giáo có tổ chức. Cả hai đều là những nhãn hiệu hoàn cầu có lần từng chiếm gần như độc quyền trên lãnh địa của mình, nhưng hiện nay, đang đối đầu với một cuộc cạnh tranh gắt gao từ nhiều phía khác nhau. Trong cả hai định chế, các đại lý (franchises) cũ đang rất chật vật nhưng họ thấy một phát triển nổ bùng ở các địa điểm mới. Cả hai cũng cố gắng pha chế thực đơn tiêu chuẩn với nhiều yếu tố khác nhau hợp với khẩu vị địa phương.

Trong Đạo Công Giáo, Thánh Lễ thường là nơi sự căng thẳng giữa thực hành phổ quát và việc thích ứng địa phương đạt tới độ sôi sục. Các yếu tố căn bản, như nghi thức dâng lễ và các lời truyền phép, phải như nhau ở khắp mọi nơi, bất kể Thánh Lễ được cử hành ở đâu hay sử dụng ngôn ngữ nào. Các khía cạnh khác, như loại âm nhạc chấm phá cho nghi lễ, phong thái diễn thuyết được linh mục dùng trình bầy bài giảng, nhà thờ trang trí ra sao, và cả tác phong của người tham dự nữa, tất cả có thể và thực đã phản ảnh nhiều phong tục của địa phương. Diễn trình lên khuôn phụng vụ để nói với kinh nghiệm của các nền văn hóa khác nhau được gọi là “hội nhập văn hóa” (inculturation) và việc tranh luận về các giới hạn của nó là bận bịu không cùng của người Công Giáo.

Về phương diện thần học, người ta tin rằng mọi Thánh Lễ đều sinh cùng một ơn ích thiêng liêng, và nhiều tác giả viết về phụng vụ, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đều cẩn trọng trong việc quá nhấn mạnh tới việc “trình diễn” như thể Thánh Lễ là một vở kịch, có hại cho ý nghĩa thần học thực sự của nghi lễ. Ấy thế nhưng, về phương diện hiện sinh, “cảm giác” về Thánh Lễ có thể và quả có khác nhau.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hướng Dương
Dominic Đức Nguyễn
09:10 05/07/2017
HƯỚNG DƯƠNG

Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Hoa hướng dương một mình đứng hiên ngang

Như tên gọi trong màu vàng rực rỡ

Hoa mặt trời vẫn âm thầm hé nở

Từng bông rạng ngời nào sợ bão giông

(Trích thơ của Hoa Cỏ May)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Dấu Đinh Cứu Chuộc
Nguyễn Bá Khanh
18:43 05/07/2017
DẤU ĐINH CỨU CHUỘC
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Xin cho con có đôi mắt Đức Tin
Để con nhìn ra dấu đinh của Chúa
Nơi những phận người khổ đau, tàn úa
Đinh nhọn cuộc đời chan chứa lệ rơi
(Trích thơ của Hương Nam)
 
Thánh Ca
Chúa sánh bước với con - Nhạc sĩ LM Hùng Cường - Trình bày Ca sĩ Thanh Lan
VietCatholic Network
10:55 05/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News