Ngày 01-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 13 Mùa Quanh Năm 02/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:13 01/07/2023

BÀI ĐỌC 1  2V 4:8-11,14-16a

Bài trích sách các Vua quyển thứ hai.

Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta khẩn khoản mời ông tới dùng bữa tại nhà bà. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông lại ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một người của Thiên Chúa, là một vị thánh. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên sân thượng, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lên ở đó.” Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lên trên lầu nằm nghỉ. Ông nói với tiểu đồng: “Nên làm gì cho bà ta?” Giê-kha-di đáp: “Tội nghiệp bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già.” Ông Ê-li-sa bảo: “Đi gọi bà ấy.” Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa. Ông Ê-li-sa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Rm 6:3-4,8-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.

Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  1Pr 2:9

Alleluia. Alleluia.

Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Alleluia.

TIN MỪNG  Mt 10:37-42

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Đó là Lời Chúa.
 
CN 13A TN: Lòng Hiếu Khách
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh
09:06 01/07/2023
CN 13A TN: Lòng Hiếu Khách

Có khá nhiều đề tài cho bài giảng hôm nay mà ta có thể rút ra được từ đoạn Tin Mừng vừa nghe. Nào là điều kiện theo Chúa (điều kiện nào); nào là vác thập giá theo Ngài (thập giá nào, vác làm sao); và cái "nào là" thứ ba là cái tôi muốn nói, đó là về tấm lòng: lòng hiếu khách : “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đó tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính”.

Đón tiếp cũng chính là điều mà Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ, vì bài đọc I, theo chỉ dẫn của Phụng vụ, là nhằm minh hoạ, nhằm nói rõ hơn cho bài Tin Mừng, thì chính bài đọc I hôm nay nói về một cuộc đón tiếp, nói về lòng hiếu khách.

Tôi nhớ trong một chương trình “chiếc nón kỳ diệu,” có 9 ô trống với câu hỏi là : “Người ngoại quốc, khi đến Việt-Nam, họ thường khen người Việt về điểm gì”. Lòng “hiếu khách” chính là câu trả lời trúng. Do đó hiếu khách không xa lạ gì đối với người Việt ta, vì đó là nét đẹp của dân tộc. Nhưng một dân tộc khác cũng có nét đẹp này không kém, mà có khi hơn, đó dân của Chúa Giêsu: dân Israel.

Thánh Kinh ghi lại ít là ba cuộc tiếp đón rất đẹp và rất dễ thương

1) Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ giả của Thiên Chúa, mà hoạ sĩ người Nga Roublev đã vẽ lại, và bức tranh này trở thành danh hoạ, được xem như diễn tả chính Ba Ngôi. Đáp lại tấm lòng của Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ Abraham có con trai đầu lòng (St 18): “Độ này sang năm, bà sẽ sinh cho ông một con trai”. Bà Sara cao niên, là vợ ông Abram lớn tuổi, nghe được, cười thầm trong lòng mà lớn thành tiếng haha, khiến 3 vị khách nghe ra được.

2) Một gia đình ở Su-nêm chẳng những tiếp đón ngôn sứ Elisa, mà còn dọn hẳn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Elisa cũng giúp họ thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc I) :

“Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: ‘Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.’ Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó. Ông nói với Giê-kha-di, tiểu đồng của ông: ‘Đi gọi bà Su-nêm.’ Nó đi gọi bà và bà đến trước mặt nó. Ông Ê-li-sa bảo nó: ‘Hãy nói với bà ấy: Bà đã quá lo lắng bận rộn vì chúng tôi. Chúng tôi biết phải làm gì cho bà đây? Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy quân đội cho bà không?’ Bà trả lời: ‘Tôi sống yên hàn giữa dân tôi.’ Ông Ê-li-sa nói với tiểu đồng: ‘Nên làm gì cho bà ấy?’ Giê-kha-di đáp: ‘Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già.’ Ông Ê-li-sa bảo: ‘Đi gọi bà ấy.’ Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa. Ông Ê-li-sa nói: ‘Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.’ Bà mới nói: ‘Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!’ Quả nhiên, bà ấy có thai, và năm sau, vào thời kỳ, vào độ mà ông Ê-li-sa đã nói, thì bà sinh con trai”.

3) Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại.

Qua những gương mẫu trên ta rút ra hai kết luận:

1) Phải mở lòng mới hiếu khách được. Nói kiểu khác phải quảng đại mới có thể tiếp đón bất cứ ai. Hiếu khách không vì hậu ý kiếm lợi, mà rất nhiều khi ngược lại, thiệt nhiều hơn: thiệt của, hao tiền, tốn giờ, tổn sức… :

-Abraham lo cho 3 người khách kia đi trong sa mạc sẽ bị đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi để lấy lại sức;

-Gia đình ở Sunam lo sợ ngôn sứ Elisa phải bơ vơ tứ cố vô thân ở một miền đất lạ, gia đình này đâu mong được gì. Khi ngôn sứ Elisa hỏi: “Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy quân đội cho bà không?" Bà trả lời: "Tôi sống yên hàn giữa dân tôi.";

-Gia đình Bêthania thì muốn Đức Giêsu và các môn đệ được nghỉ ngơi sau một thời gian mệt mỏi vì công việc rao giảng Tin Mừng. Nhiều nơi gọi nhà tiếp đón khách là nhà Betania.

Không mong lợi lộc gì, đó là kết luận 1. Và kết luận 2 là :

2) Người hiếu khách, tuy không mong lợi lộc gì, nhưng Chúa sẽ trả công bội hậu.

Trong cả 3 mẫu gương Kinh Thánh ta vừa nêu, phần thưởng Chúa trả là cái quí giá nhất của đời người: sự sống. Hai đứa con trai đầu lòng cho hai đôi vợ chồng son sẻ, và đặc biệt đứa con trai trong bài đọc I hôm nay lâm li hơn nữa:

Đứa trẻ lớn lên. Một ngày kia, khi đi kiếm cha nó ở giữa những người thợ gặt, nó nói với cha: "Ôi, cái đầu con! Cái đầu con!" Người cha bảo anh đầy tớ: "Bồng nó về cho mẹ nó." Người tớ trai bồng nó, đem về cho bà mẹ. Đứa trẻ ngồi trên đầu gối bà đến trưa, rồi nó chết. Bà lên đường và đi đến với người của Thiên Chúa ở núi Các-men, bà nói: "Nào tôi có xin ngài cho tôi được đứa con đâu? Tôi đã chẳng nói: "Xin đừng đánh lừa tôi, đó sao?" Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với ĐỨC CHÚA. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra. Ông Ê-li-sa gọi Giê-kha-di và bảo: "Đi gọi bà Su-nêm." Nó đi gọi bà; bà đến với ông, ông nói: "Bà hãy đem con đi!"

Còn gia đình Matta và Maria ở Betania thì mạng sống được trả lại cho Ladarô đã chết 4 ngày. Chúa là Đấng rộng lượng từ bi không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Con người tiếp các sứ giả của Ngài, Ngài sẽ trả lại vật quí hơn hết: sự sống, kể cả sự sống đời đời.

Nhiều cá nhân, nhiều dòng, nhiều chùa, nhiều nhà thờ có hình thức các “căn nhà mở” để đón tiếp những kẻ cơ nhỡ, tật nguyền nghèo đói đến trú ngụ ở ăn. Thật đáng phục.

Giáo xứ Vĩnh Phước chúng ta có cơ ngơi đón tiếp các đoàn ghé qua, hãy quảng đại đón tiếp. Giáo xứ lại có các khoá cầu nguyện Lời Chúa, cung cấp chỗ ăn chỗ ở miễn phí cho những người đến dự tuần cầu nguyện. Hiếu khách với những người anh em bé nhỏ của Chúa, Chúa sẽ trả lại những gì ta không ngờ. Xin nhắc lại lần nữa : Chúa không chịu thua lòng quảng đại của ta đâu.

Hôm nay, Chúa đã công khai hứa ban thưởng cho những ai tiếp đón giúp đỡ các môn đệ của Chúa. Dù chỉ cho môn đệ một chén nước lã thì Chúa cũng trả công. Mà sự trả công của Chúa thì vô cùng bội hậu. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Theo Chúa được gì? Yêu Chúa mức nào?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:47 01/07/2023
 
Phần thưởng
Lm. Minh Anh
15:52 01/07/2023
PHẦN THƯỞNG
“Người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu!”.

Trong siêu thị, một phụ nữ mất túi xách. Một cậu bé nhặt được, đưa tới phòng quản lý. Người phụ nữ vui mừng nhận lại nó, cô mở túi xem và mỉm cười, “Cám ơn cháu, 5 tờ 100 vẫn còn nguyên”. Cậu bé nhanh nhẩu thưa, “Cháu có thể đi đổi giúp cô!”. Xoe tròn đôi mắt, người phụ nữ ngạc nhiên! Cậu bé giải thích, “Đã lâu, cháu cũng nhặt giúp chiếc ví của một cô, nhưng cháu không được một ‘phần thưởng’ nào cả. Cô ấy không có tiền lẻ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không như cậu bé phải lắng lo, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay bảo đảm với chúng ta rằng, khi chúng ta làm một việc lành cho bất cứ ai, thì Thiên Chúa không bao giờ để bạn và tôi mất ‘phần thưởng!’. Đừng sợ Ngài không có ‘tiền lẻ!’. Ngài thưởng ‘tiền chẵn’ và còn hơn thế!
Mọi người làm việc tốt nhất khi họ biết có ‘phần thưởng’; nhân viên làm việc chăm chỉ hơn khi lương sẽ tăng. Kẻ chạy trốn bị truy nã gắt gao nhất khi giá thưởng lớn được công bố. Thế gian là vậy, nhưng Thiên Chúa thì không! Ngài là người Cha hào phóng không ai sánh tày; Ngài không keo kiệt. Trong thư Rôma, thánh Phaolô quả quyết, “Đấng đã không tiếc chính Con mình, nhưng đã trao nộp người Con ấy vì tất cả chúng ta, lẽ nào lại không ban cho chúng ta mọi thứ khác cùng người Con ấy?”.

Bài đọc thứ nhất cho thấy lòng quảng đại của hai vợ chồng thành Sunam. Họ đón tiếp thầy trò Êlisê. Họ hiếu khách đến nỗi dành cho người của Thiên Chúa một phòng trên lầu. Và Chúa không quên họ, Ngài thưởng cho họ một mụn con như lời hứa của vị khách, “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng một bé trai!”. Thánh Vịnh đáp ca diễn tả tâm tình của người cho lẫn kẻ nhận, “Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời!”.

Chúa luôn ban thưởng cho mọi việc tốt lành. Chính Chúa Giêsu đã nói, “Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, người ấy không mất phần thưởng đâu!”. Như vậy, sẽ rất thiếu sót khi chúng ta làm một việc lành nào đó cốt chỉ để nhận ‘phần thưởng’. Trên bàn làm việc của tổng thống Reagan, một tấm bảng ghi: “Không giới hạn nào đối với những gì một người có thể làm, hoặc nơi người ấy có thể đi nếu anh ta không bận tâm đến việc ai được ghi công!”. Trong Kinh Hoà Bình, Phanxicô Assisi viết, “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh; chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Anh Chị em,

“Người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu!”. Ai mất bằng Chúa Giêsu, nhưng ai được lại bằng Ngài? Ngài không chỉ cho “một bát nước lã”, nhưng cho cả ‘bát máu’, cả mạng sống! Carl Jung diễn tả, “Đừng níu kéo một người đang ra đi, bằng không, bạn sẽ chẳng gặp được người đang đến!”. “Người đang ra đi” là chính bản thân mình! Mẹ Têrêxa nói, “Khi bạn không có gì, bạn có tất cả!”. Đó chính xác là cách “vận hành của ‘kinh tế học thần thánh!’”. Ân sủng Chúa không ngừng tuôn đổ; vì thế, khi nắm chặt một cái gì đó, bạn không có khả năng nhận nhiều hơn. Buông bỏ khỏi những ràng buộc trần tục cho phép chúng ta nhận gấp bội. Một tác giả viết, “Có những thứ, bạn không bao giờ muốn buông bỏ; có những người, bạn không bao giờ muốn rời xa. Nhưng hãy nhớ, buông tay không phải là tận cùng thế giới, mà là khởi đầu của một cuộc sống mới!”. Và đó là ‘phần thưởng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, bỏ một thùng nước để khởi động máy bơm và có thêm nguồn nước dồi dào thực sự là điều khôn ngoan. Cho con nhớ một điều, Chúa không chỉ có ‘tiền lẻ’ mà cả ‘tiền chẵn’ và muôn ân huệ Thánh Thần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Những ngôi nhà thờ cánh cửa đang mở
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
21:49 01/07/2023
Chúa Nhật 13 TN A 2023

Có thể nói được, Tin mừng Gioan là một “câu chuyện tình dài” giữa một bên là Thiên Chúa và một bên là con người mà nhân vật Trung Gian chính “Lời đã hóa thành nhục thể” (Ga 1,14). Thật vậy, ngay từ “Bài Tựa mở đầu”, Thánh sử Gioan đã cho thấy sự “hào phóng vô tiền khoáng hậu” của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng “trao ban Con Một” (Ga 3,16), và sự “vô ơn phũ phàng” của con người, kẻ đã đóng cửa, chối từ “chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Tuy nhiên, ngài cũng khẳng định rằng: “Còn những ai đón nhận, tức là những kẻ ai tin danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Vâng, Lịch sử cứu độ phải chăng là một “quy trình biện chứng” của ba tác động đó: Thiên Chúa viếng thăm – con người tiếp nhận – và ơn cứu độ phát sinh. Và ngay từ Cựu ước, Thiên Chúa đã cho thấy ngài đã chuẩn bị cho chương trình Cứu độ cũng đi qua chu kỳ nầy, như các trình thuật sách Sáng Thế được công bố trong những ngày qua: Bài đọc 1 (Năm I) của thứ Bảy tuần 12 TN đã kể chuyện Thiên Chúa viếng thăm nhà Abraham, Abraham niềm nỡ đón tiếp và sau đó bà Sara mang thai trong lúc tuổi đã già.
Bàn Tiệc Lời Chúa của Chúa Nhật 13 TN A cũng chuyển tải đến chúng ta sứ điệp “Viếng thăm – Đón tiếp – và Tin Mừng cứu độ”.
Trước hết, Bài đọc 1 sách Các Vua hôm nay kể chuyện một bà sang trọng ở Shunem hào sảng đón tiếp tiên tri Ê-li-sê và nhờ đó được người của Thiên Chúa thông báo cho tin vui sẽ được sinh con: Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa… Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: "Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai". “Viếng thăm - Đón tiếp và Sinh con”. Phải chăng đây là ý nghĩa đầu tiên của sứ điệp Phụng vụ hôm nay muốn lôi kéo chúng ta liên tưởng tới hai tác động nầy của việc chọn lựa và sống đức tin: Đức tin chính là kết quả của việc Thiên Chúa đến viếng thăm và con người sẵn sàng mở rộng cửa lòng đón tiếp. Càng tỏ ra hào sảng bao nhiêu trước cuộc viếng thăm nầy sẽ nhận được “gấp trăm vạn lần hồng ân của Thiên Chúa tặng ban”.
Thực ra, thái độ “mở lòng niềm nỡ đón tiếp…”, xét cho cùng chỉ là một thái độ hay hành vi mang tính “nhân bản” trong tương quan xã hội, người với người… Khi nhắc đến khía cạnh này, tôi chợt nhớ tới hai câu chuyện đã một thời là “sự kiện hot” của thế giới truyền thông và làm chấn động khắp nước Mỹ, Anh và thế giới.
- Trước hết là câu chuyện “Cô bồi bàn Liz Woodward và bữa điểm tâm của hai chàng lính cứu hoả”: một cô bồi bàn nghèo sẵn sàng niềm nỡ đón tiếp và “bao” bữa điểm tâm cho hai chàng lính cứu hỏa vừa thức thâu đêm xông vào nơi hiểm nguy để cứu người… Cảm kích trước lòng tốt đón tiếp đầy quảng đại của cô, sau đó hai chàng lính cứu hỏa đã đăng thông tin lên facebook và kêu gọi mọi người đến điểm tâm tại quán nầy… Lòng tốt đó đã đánh động cộng đồng mạng và cô Liz Woodward đã nhận được sự quyên góp của thập phương một số tiền lớn để giúp cho người cha khuyết tật…
- Câu chuyện thứ hai liên quan đến hai cửa hàng McDonald’s tại thành phố New York (Mỹ) và thành phố York, hạt North Yorkshire (Anh). Cả hai tiệm ăn nhanh nổi tiếng nầy đã bị cộng đồng mạng tẩy chay, kết án…, đến độ sau đó phải lên tiếng xin lỗi và hứa đền bù, khi các nhân viên của hai tiệm nầy một mực từ chối không tiếp nhận những người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ vô quán mà không mang tiền theo…
Trên bình diện đời thường là như thế. Bánh sắt trao đi thì bánh chì trao lại. Riêng trong bình diện đức tin, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, không bao giờ hẹp hòi đối với những kẻ khiêm hạ luôn biết mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Phải chăng, Đức Maria là người cảm nhận sâu xa về chân lý nầy; và đã hát lên trong bài ca bất hủ “Magnificat”: “… Phận nữ tỳ hèn mọn Ngài đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều ca cả…” (Lc 1,46-55). Bao nhiêu chuyện kể trong Tin Mừng đã cho thấy: tất cả những kẻ đến với Đức Kitô, Ngài đều đón tiếp và thương ban giải cứu, cho dù chỉ cần “chạm vào gấu áo của Ngài thôi” (Lc 8,43-48)…
Đặc biệt, trong Tin Mừng Matthêô vừa được công bố, Đức Kitô muốn xây dựng vương quốc Nước Trời trong giai đoạn cơ bản phải được đặt trên nền tảng “văn hóa đón tiếp”: "Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy… Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu".
Nếu thế hệ những người Việt Nam vào thế kỷ 17 mà không có những bậc hiền nhân biết mở rộng vòng tay đón tiếp các thừa sai Dòng Tên như ông Khám lý Trần Đức Hòa…, thì chắc còn lâu nước Việt chúng ta mới có chữ Quốc ngữ và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa chắc được lớn mạnh như hôm nay…
Thế nhưng, cái ơn cả cả nhất mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho con người đó chính là “Người Con Một”; và một khi “Người Con Một” đó cắm lều ở giữa nhân loại, thì hồng ân cao cả nhất mà Ngài muốn tặng ban cho chúng ta chính là Lời chân lý, là Tin Mừng, là “Máu Thịt Người”, một thứ “Bánh Trường Sinh” mang lại sự sống đời đời (Ga 6,51).
Chính vì thế, việc mở lòng đón tiếp và tin nhận Đức Kitô vào chính cuộc đời mình luôn là một thách đố, một phân định, một chọn lựa “một mất một còn”, như chính Ngài khẳng quyết: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”.
Sở dĩ thế giới hôm nay có rất ít người được thuyết phục để tin Đức Kitô phục sinh và gia nhập vào Hội Thánh bởi vì có quá ít những người như Thánh Phêrô: “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai; vì Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67-69); hay như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21)…; và đó lại không là gì khác, chính là sống trọn hảo hồng ân của nhiệm tích Thánh Tẩy; hồng ân được biến đổi tận căn khi được cùng chết với Đức Kitô để được sống lại trong đời sống mới, như Thánh Phaolô xác quyết nơi thư gởi giáo đoàn Rôma mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người… Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Và chắc chắn, kẻ sống trọn hảo tâm tình “tiếp đón Thiên Chúa” thì cũng hiện thực thái độ đó, nhân đức đó trong tương quan với tha nhân. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội, người Kitô hữu, muốn thực hiện thành công chương trình “Tân Phúc Âm” hóa cho thế giới hôm nay thì phải” mở toang mọi cánh cửa” để con người gặp được Tin Mừng. Thay vì một nền mục vụ đóng cửa “bảo tồn” phải chuyển sang một mục vụ mở cửa “đi ra” để đón tiếp; như hình ảnh của “cánh cửa nhà thờ luôn mở” để mọi người đến và tìm thấy ơn cứu độ, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh họa trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng”: Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng” (x. Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng của Đức Giáo hoàng Phanxicô, số 47).
Theo thần học của Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta là những viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ của Thiên Chúa. Vâng, nhưng đó phải là những ngôi nhà thờ với những cánh cửa đang mở. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà thờ Công Giáo bốc cháy vào ngày kỷ niệm Dobbs ở Orlando, Florida
Đặng Tự Do
05:16 01/07/2023


Vụ hỏa hoạn xảy ra vào dịp kỷ niệm một năm lật ngược quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Các nhà điều tra của Sở cứu hỏa Orlando đang xem xét nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Công Giáo Incarnation hay Nhập thể ở Orlando, Florida, vào tối thứ Bảy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bên trong tòa nhà.

Vụ hỏa hoạn, được báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật vào khoảng 11:30 tối ngày 24 tháng 6, xảy ra vào dịp kỷ niệm một năm lật ngược phán quyết Roe chống Wade, là phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Trong suốt năm 2022, trong cả những tháng trước và sau khi Tòa án Tối cao hủy bỏ Roe, các nhà thờ Công Giáo và trung tâm hỗ trợ mang thai phò sự sống đã trở thành mục tiêu của những vụ phá hoại ủng hộ phá thai trên toàn quốc. CNA đã theo dõi các vụ phá hoại ủng hộ phá thai, trong đó có 110 vụ kể từ tháng 5 năm 2022.

Không rõ liệu vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Công Giáo Nhập thể có liên quan đến bạo lực của các nhà hoạt động phá thai hay không.

Theo Sở cứu hỏa Orlando, ngọn lửa bốc ra từ phía sau tòa nhà. Lính cứu hỏa đã có thể dập tắt ngọn lửa trong 22 phút và không có ai ở trong nhà thờ vào thời điểm đó. Không có thương tích đã được báo cáo từ vụ cháy.

Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra. Phát ngôn nhân của sở cứu hoả nói với CNA hôm thứ Hai rằng chi phí thiệt hại chưa được ước tính vào thời điểm này. Cha sở của nhà thờ, Cha William Holiday, nói với clickorlando.com rằng “nhà thờ vì mọi ý định và mục đích bên trong đã bị phá hủy”.

“Chúng tôi đã mất một số bức tranh, một số bức tượng và những thứ tương tự, nhưng có một số thứ trong đó, có một bức ảnh của Đức Trinh Nữ Maria trong đó” ngài nói.

Trong một tuyên bố vào Chúa Nhật trên trang web của mình, nhà thờ nói rằng họ vẫn sẽ tổ chức Thánh lễ Chúa Nhật tại hội trường bên cạnh nhà thờ. Tuy nhiên, giáo xứ khuyến khích giáo dân tham dự Thánh lễ tại các giáo xứ khác nếu có thể.

Giáo dân Karen Walker nói với WESH rằng “rõ ràng mọi người đều rất, rất buồn. Chúng tôi yêu nhà thờ của chúng tôi. Nó thật đẹp. Tôi không biết bây giờ ngôi thánh đường sẽ ra sao.”

WESH cũng báo cáo rằng 911 đã được gọi vào khoảng 11:30 tối thứ Bảy khi chủ một tiệm giặt ủi đối diện nhà thờ nhìn thấy ngọn lửa.


Source:National Catholic Register
 
Bách hại công khai: Tòa Giám Mục của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki bị khám xét
Đặng Tự Do
05:17 01/07/2023


Các quan chức thực thi pháp luật Đức đã khám xét một số tòa nhà của Tổng giáo phận Köln hôm thứ Ba như một phần của cuộc điều tra đang diễn ra về các cáo buộc khai man chống lại Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, tổng giám mục.

CNA Deutsch, hãng thông tấn đối tác tiếng Đức của CNA đưa tin, người ta cáo buộc rằng Đức Hồng Y Woelki có thể đã cung cấp lời khai sai về nhận thức của ông đối với các báo cáo về lạm dụng tình dục của một giáo sĩ trong tổng giáo phận.

Cuộc điều tra tập trung vào lời khai liên quan đến vụ lạm dụng của một linh mục đã qua đời vào năm 2019. Đức Hồng Y Woelki bị cáo buộc đã được thông báo về vụ việc sớm hơn những gì ngài đã tuyên thệ trước đó.

Việc tìm kiếm các tài liệu và email của tổng giáo phận nhằm xác định liệu cáo buộc khai man chống lại Đức Hồng Y Woelki có thể được chứng minh hay bác bỏ không.

Các cuộc lục soát được tiến hành đồng thời vào lúc 8 giờ sáng giờ địa phương bởi khoảng 30 cảnh sát và bốn công tố viên tại tổng cộng sáu địa điểm, bao gồm cơ sở của tổng đại diện và tòa tổng giám mục, cũng như tại cơ sở kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, quản lý lưu lượng email của Tổng giáo phận Köln.

Theo CNA Deutsch, các công tố viên cho biết hoạt động này “được thực hiện mà không gặp rắc rối nào”.

Văn phòng báo chí của tổng giáo phận đã xác nhận việc tìm kiếm và nói thêm: “Kinh nghiệm cho thấy rằng sẽ mất một thời gian trước khi có kết quả. Cho đến lúc đó, chúng tôi yêu cầu công chúng không coi cuộc điều tra mở là cơ hội để đưa ra phán quyết sơ bộ.”

Văn phòng công tố nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng các biện pháp này nhằm mục đích làm sáng tỏ nghi ngờ ban đầu nhằm thiết lập cả tình tiết buộc tội và xóa tội. “Ở giai đoạn này của quá trình tố tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội, vốn phải được tuân thủ trong quá trình tố tụng hình sự cho đến khi đưa ra phán quyết cuối cùng, là đặc biệt quan trọng.”

“Để tránh mọi hiểu lầm, cần lưu ý rằng bị cáo không bị buộc tội bao che hoặc tham gia vào bất kỳ hành vi lạm dụng nào.”

Đức Hồng Y Woelki đã phải chịu áp lực mạnh mẽ buộc ngài từ chức lãnh đạo của tổng giáo phận Köln, là giáo phận lớn nhất của Đức và cũng được cho là giàu nhất nước này. Tội lớn nhất của Đức Hồng Y Woelki là dám chống lại Tiến Trình Công Nghị Đức trong đó chủ trương phong chức linh mục cho phụ nữ, lật đổ luật độc thân linh mục, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và thay đổi đạo lý Công Giáo về tính dục.

Tình hình căng thẳng đến mức, Đức Hồng Y phải chịu vô số các tố cáo, đến mức ngài phải yêu cầu Tòa Thánh Thanh Tra Tông Tòa để xem các cáo buộc này có đúng hay không.

Vào tháng 9 năm 2021, Đức Giáo Hoàng đã xác nhận các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Woelki là không đúng sự thật sau chuyến Thanh Tra Tông Tòa tổng giáo phận và cho phép ngài nghỉ phép một thời gian. Khi vị Hồng Y 65 tuổi trở lại vào tháng 3 năm 2022, tổng giáo phận thông báo rằng ngài đã đệ đơn từ chức - là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa chấp nhận.

Các Giám Mục Đức thấy những khốn khó của ngài, ít người dám chống lại nhóm của Giám Mục Georg Bätzing và Hồng Y Reinhard Marx.


Source:Catholic News Agency
 
30 đảng viên Công Giáo của Đảng Dân chủ ký thư nhân ngày kỷ niệm Dobbs
Đặng Tự Do
05:18 01/07/2023


Ba mươi đảng viên Công Giáo của Đảng Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ đã ký một lá thư vào dịp kỷ niệm một năm quyết định Dobbs chống Jackson Women's Health thề sẽ tiếp tục ủng hộ việc phá thai bất chấp sự lật ngược của phán quyết Roe chống Wade.

Nhóm đảng viên Đảng Dân chủ, do Dân biểu Connecticut Rosa DeLauro dẫn đầu và bao gồm cả cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đã viện dẫn đức tin Công Giáo của họ và tông huấn Christifideles Laici của Thánh Gioan Phaolô II như những lý do để ủng hộ việc phá thai.

“Các nguyên lý cơ bản của đức tin Công Giáo của chúng tôi - công bằng xã hội, lương tâm và tự do tôn giáo - buộc chúng tôi phải bảo vệ quyền được phá thai của phụ nữ,” bức thư viết. “Đức tin của chúng tôi không ngừng thúc đẩy lợi ích chung, ưu tiên phẩm giá của mỗi con người và nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp một mạng lưới an toàn tập thể cho những người dễ bị tổn thương nhất của chúng tôi.”

“Chúng tôi cam kết thực hiện các nguyên tắc cơ bản ở trung tâm của giáo huấn xã hội Công Giáo: đó là giúp đỡ người nghèo, người thiệt thòi và người bị áp bức; bảo vệ những người rốt cùng trong chúng ta; và bảo đảm rằng tất cả người Mỹ thuộc mọi tín ngưỡng đều được trao những cơ hội có ý nghĩa để chia sẻ những phước lành của đất nước vĩ đại này,” bức thư viết.

Thứ Bảy đánh dấu một năm kể từ khi Tòa án Tối cao ban hành quyết định trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson lật lại vụ án Roe kiện Wade kéo dài gần 50 năm. Phán quyết Dobbs cho phép các lệnh cấm và hạn chế phá thai ở nhiều bang trên toàn quốc có hiệu lực.

Bằng cách lật lại Roe v. Wade, bức thư nói rằng “các thẩm phán tước bỏ quyền phá thai của phụ nữ và làm leo thang cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe sinh sản đang diễn ra ở đất nước này.”

Theo các đảng viên Đảng Dân chủ đã ký vào bức thư, các lệnh cấm và hạn chế phá thai “gây tổn hại không tương xứng cho những người đã phải chịu cảnh nghèo đói, phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc.”

Đảng Dân chủ cho biết: “Là người Công Giáo, chúng tôi tin rằng tất cả các cá nhân đều được tự do đưa ra quyết định cá nhân của riêng họ về cơ thể, gia đình và tương lai của họ. Đức tin của chúng tôi và Hiến pháp của đất nước chúng tôi yêu cầu không ai được áp đặt một quan điểm tôn giáo nào vào luật pháp hoặc quy định.”

“Là những người Công Giáo Dân chủ nắm lấy ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân như được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ trong tông huấn Christifideles Laici, chúng tôi tin rằng Giáo hội là ‘dân Chúa’, được kêu gọi để là một lực lượng đạo đức theo nghĩa rộng nhất.”

Cần lưu ý rằng việc nhắc đến tông huấn Christifideles Laici của nhóm này để ủng hộ phá thai là một sự xuyên tạc trắng trợn.

Thực vậy, Christifideles Laici được công bố năm 1988 sau thượng hội đồng giám mục năm 1987 về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân.

Trong tông huấn của mình, Đức Gioan Phaolô II kêu gọi giáo dân tham gia đầy đủ vào sứ mệnh của Giáo hội để đối đầu với sự thờ ơ ngày càng tăng đối với tôn giáo và những vi phạm chống lại phẩm giá con người.

Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Ai có thể đếm được số thai nhi không được sinh ra vì chúng bị giết ngay trong bụng mẹ, những đứa trẻ bị chính cha mẹ mình bỏ rơi và lạm dụng, những đứa trẻ lớn lên không được yêu thương và giáo dục?”


Source:Catholic News Agency
 
Đức Phanxicô với vị Bộ trưởng mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin: không dùng các phương pháp vô đạo đức để bảo vệ đức tin
Vũ Văn An
15:19 01/07/2023

Theo Elise Ann Allen của tạp chí CruxNow, Đức Phanxicô vừa bổ nhiệm Tổng Giám mục Víctor Manuel Fernández, người Á Căn Đình vào chức vụ Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández và Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires, nay là Giáo hoàng Francis, xuất hiện cùng nhau trong bức ảnh năm 2010 này. (Credit: Stock image)


Theo Elise, Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández được nhiều người coi là đồng minh thân cận và là người viết một số tài liệu quan trọng của Đức Giáo Hoàng

Trong một tuyên bố ngày 1 tháng 7, Vatican cho biết nhiệm vụ của Đức Hồng Y Dòng Tên người Tây Ban Nha Luis Ladaria với tư cách là người đứng đầu Thánh bộ Giáo lý Đức tin (DDF), chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh và người đứng đầu Ủy ban Thần học Quốc tế đã chấm dứt.

Thông báo cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández của La Plata, Á Căn Đình, kế vị Đức Hồng Y Ladaria, chính thức nhậm chức vào giữa tháng Chín.

Là người được Đức Phanxicô bảo trợ trong một thời gian dài, Đức Tổng Giám Mục Fernández được nhiều người coi là một trong những người viết các tài liệu cho Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả những văn bản mang tính bước ngoặt quan trọng như thông điệp sinh thái năm 2015 Laudato Si’ của ngài; tông huấn hậu thượng hội đồng năm 2016 của ngài về gia đình Amoris Laetitia; và tông huấn đầu tiên của ngài, Evangelii Gaudim, được xuất bản vào năm 2013 và được nhiều người coi là một văn bản thiết lập giai điệu cho phần còn lại của triều giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Trong số những điều khác, Đức Phanxicô đã giao nhiệm vụ cho Đức Tổng Giám Mục Fernandez phải bảo đảm để các tài liệu của Vatican không chỉ phản ảnh giáo lý lâu đời của Giáo hội mà còn “chấp nhận Huấn quyền gần đây”, gợi ý rằng một phần nhiệm vụ của ngài sẽ là duyệt xuất lượng của các cơ quan khác của Vatican để nhất quán với giáo huấn của Đức Phanxicô.

Là một linh mục vào thời điểm Đức Phanxicô được bầu chọn, Fernández được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm viện trưởng Đại học Giáo hoàng Á Căn Đình, và ngài là người được bổ nhiệm làm giám mục đầu tiên của Đức Phanxicô.

Được coi là một trong những vị giáo phẩm có ảnh hưởng nhất của Á Căn Đình, phần lớn là do mối quan hệ thân thiết của ngài với Đức Giáo Hoàng, Đức Tổng Giám Mục Fernández trong quá khứ đã được coi là nhà thần học cá nhân của Đức Giáo Hoàng do ảnh hưởng của ngài đối với các trước tác của Đức Phanxicô.

Ngài đã tham gia Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình năm 2014 và 2015, trong đó Đức Thánh Cha quyết định mở một cánh cửa thận trọng để cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ, và vào năm 2017, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Đức tin của Hội đồng Giám mục Á Căn Đình.

Đức Tổng Giám Mục Fernández trước đây là thành viên của Bộ Văn hóa Vatican và là cố vấn cho Bộ Giáo dục Công Giáo. Ngài hiện là thành viên của siêu bộ Văn hóa và Giáo dục mới.

Ngài đã xuất bản hơn 300 công trình, hầu hết đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Theo tiểu sử của Đức Tổng Giám Mục Fernández do Vatican cung cấp, các trước tác của ngài “cho thấy một nền tảng quan trọng trong Kinh thánh và sức mạnh liên tục của cuộc đối thoại thần học với văn hóa, sứ mệnh truyền giáo, linh đạo và các vấn đề xã hội”.

Vatican cũng cung cấp danh sách gần 50 cuốn sách và bài viết của ngài.

Bản tuyên bố công bố việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Fernández được kèm theo một lá thư cá nhân rất bất thường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bày tỏ kỳ vọng của ngài đối với Đức Tổng Giám Mục Fernandez trên cương vị mới là người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Phanxicô nói với Đức Tổng Giám Mục Fernández rằng nhiệm vụ chính của ngài “là bảo vệ giáo huấn bắt nguồn từ đức tin để ‘đưa ra lý do cho niềm hy vọng của chúng ta, chứ không phải như những kẻ thù phải vạch ra và lên án.’”

Trong quá khứ, Đức Phanxicô nói, bộ “đã sử dụng các phương pháp vô đạo đức,” mà không nói rõ ngài nghĩ gì về điều này.

Đức Thánh Cha nói, “đã có những thời điểm, thay vì thúc đẩy kiến thức thần học, những sai lầm có thể có về giáo lý đã bị bức hại. Những gì tôi mong đợi ở Đức Cha chắc chắn là một điều gì đó rất khác biệt”.

Ngài chỉ ra một số chức vụ nổi tiếng mà Đức Tổng Giám Mục Fernández đã nắm giữ, lưu ý rằng trong mọi trường hợp, ngài “được bầu chọn bởi các đồng nghiệp của Đức Cha, những người đã đánh giá cao sức thu hút thần học của Đức Cha.”

Ngài nói, với tư cách là viện trưởng của Đại học Giáo hoàng Công Giáo Á Căn Đình, “Đức Cha đã khuyến khích sự tích hợp kiến thức một cách lành mạnh,” và với tư cách là mục tử của giáo xứ Saint Teresita và sau đó là tổng giám mục La Plata, “Đức Cha đã biết cách đưa kiến thức thần học vào cuộc đối thoại với cuộc sống của dân thánh của Chúa”.

Một lĩnh vực mà Đức Phanxicô dường như muốn nhấn mạnh liên quan đến cuộc chiến chống lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Lưu ý rằng một bộ phận kỷ luật đặc biệt gần đây đã được tạo ra tại Bộ Giáo Lý Đức Tin; ngoài những điều khác, bộ phận này giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên; nhưng Đức Thánh Cha chỉ đạo Đức Tổng Giám Mục Fernández dành thời gian của mình ở nơi khác.

Nói chung, Đức Phanxicô dường như thúc giục Đức Tổng Giám Mục Fernandez khuyến khích khám phá thần học hơn là kiểm soát ranh giới của tính chính thống.

“Để không giới hạn ý nghĩa của nhiệm vụ này, cần phải nói thêm rằng đó là việc ‘tăng cường trí thông minh và thông truyền đức tin nhằm phục vụ việc rao giảng Tin Mừng, để ánh sáng của nó là tiêu chuẩn để hiểu ý nghĩa của cuộc sống, đặc biệt là đứng trước những vấn đề được đặt ra bởi sự tiến bộ của khoa học và sự phát triển của xã hội,” Đức Thánh Cha nói, trích dẫn thông điệp Laudato Si của ngài, thông điệp mà Đức Tổng Giám Mục Fernández được coi là đã viết ra ẩn danh.

Đức Thánh Cha nói, những vấn đề này, nếu chúng được đón nhận trong tinh thần truyền giáo, thì “‘hãy trở thành công cụ truyền giáo’, bởi vì chúng cho phép chúng ta tham gia vào cuộc đối thoại với ‘bối cảnh hiện tại trong điều chưa từng có trong lịch sử nhân loại.’”

Tiếp tục trích dẫn rộng rãi từ các tài liệu trước đó, bao gồm cả tông huấn Evangelii Gaudium năm 2013 của ngài, cũng được cho là do Fernández viết ra ẩn danh, Đức Phanxicô nói rằng Giáo hội “'cần phát triển trong việc giải thích lời mạc khải và hiểu biết về sự thật’ mà không hàm ý áp đặt một cách diễn đạt duy nhất.”

Đức Phanxicô lập luận rằng các dòng tư tưởng triết học, thần học và mục vụ khác nhau, “nếu chúng để cho Chúa Thánh Thần hòa hợp trong sự tôn trọng và yêu thương, thì cũng có thể làm cho Giáo hội phát triển.”

Ngài nói, sự tăng trưởng này sẽ bảo tồn giáo lý Kitô giáo “hiệu quả hơn bất kỳ cơ chế kiểm soát nào”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với Đức Tổng Giám Mục Fernández rằng công việc của ngài phải khuyến khích “' đặc sủng của các nhà thần học và nỗ lực của họ đối với nghiên cứu thần học', miễn là họ 'không bằng lòng với một nền thần học trên máy tính', với 'một logic lạnh lùng và cứng rắn tìm cách thống trị mọi điều.'”

Đức Phanxicô viết, “Sẽ luôn đúng là thực tại vượt trội hơn ý tưởng. Theo nghĩa này, chúng ta cần thần học chú ý đến tiêu chuẩn căn bản: coi ‘bất cứ quan niệm thần học nào đặt câu hỏi cuối cùng về sự toàn năng của Thiên Chúa và đặc biệt là lòng thương xót của Ngài’ đều không thỏa đáng”

Ngài kêu gọi tư tưởng thần học “biết trình bày một cách thuyết phục về một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, cứu độ, giải thoát, thăng tiến con người và kêu gọi họ phục vụ một cách huynh đệ”.

Ngài nói với Đức Tổng Giám Mục Fernández, điều trên sẽ chỉ xảy ra “'nếu việc công bố tập trung vào điều thiết yếu, điều đẹp nhất, tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời là điều cần thiết nhất'. Đức Cha biết rất rõ rằng có một trật tự hài hòa giữa các sự thật trong thông điệp của chúng ta, nơi mối nguy hiểm lớn nhất xảy ra khi các vấn đề thứ yếu làm lu mờ các vấn đề trung tâm.”

Ám chỉ một số lượng đáng kể các tài liệu của Vatican trong tương lai sẽ phải qua bàn của Đức Tổng Giám Mục Fernández trước khi được xuất bản, ngài nói, “Dưới tầm nhìn của sự phong phú này, nhiệm vụ của Đức Cha cũng bao hàm một sự quan tâm đặc biệt để xác minh rằng các tài liệu của chính Bộ và của các cơ quan khác có hỗ trợ thần học đầy đủ, phù hợp với chất đất mùn phong phú của giáo huấn lâu đời của Giáo hội, đồng thời chấp nhận Huấn quyền gần đây”.
 
Vị Giám Mục đe dọa trừng phạt trong tranh chấp phụng vụ tồi tệ nhất thế giới Công Giáo
Đặng Tự Do
18:39 01/07/2023


Trong lần leo thang mới nhất về tranh chấp phụng vụ nghiêm trọng nhất trong thế giới Công Giáo, vị Giám Quản Tông Tòa có thẩm quyền lớn nhất trong Giáo hội Syro-Malabar được Đức Giáo Hoàng chỉ định đã ban hành một sắc lệnh cáo buộc các linh mục và giáo dân “nổi loạn và thù hận chống lại giáo quyền” và cho họ đến hạn chót là ngày 2 tháng 7 phải tuân thủ một thể thức mới để cử hành Thánh lễ trước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Sắc lệnh dài bảy trang của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath đề ngày 22 tháng 6 và được gửi tới cha sở của nhà thờ chính tòa Đức Bà ở Ernakulam ở tây nam Ấn Độ, là một phần của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly.

Giáo Hội Syro-Malabar, có trụ sở tại Ấn Độ, là Giáo Hội lớn thứ hai trong số các Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông với Rôma, và đã vướng vào một cuộc tranh chấp gay gắt về phụng vụ trong nhiều tháng.

Vào năm 2021, thượng hội đồng của Giáo hội đã quyết định áp dụng một phương thức cử hành phụng vụ thống nhất, theo đó các linh mục quay mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa và sau đó là quay lên bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, rồi lại quay lại về phía cộng đoàn sau khi rước lễ.

Trong khi hầu như tất cả các giáo phận của Giáo hội đã áp dụng hình thức phục vụ mới, các giáo sĩ và giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, cho đến nay là khu vực tài phán lớn nhất của Syro-Malabar, đã bác bỏ nó, cho rằng việc đối mặt với mọi người trong suốt Thánh lễ là một biến thể phụng vụ hợp pháp và phù hợp với những cải cách của Công đồng Vatican II (1962-65).

Tranh chấp về cơ bản đã đóng cửa nhà thờ chính tòa Đức Bà và dẫn đến các cuộc biểu tình gây tranh cãi bên ngoài và đôi khi, ngay cả bên trong các nhà thờ Syro-Malabar.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy động thái mới nhất của Đức Cha Thazhath g sẽ giải quyết được vấn đề, khi các đại biểu từ một số giáo xứ đã tập trung vào hôm Chúa Nhật tại thành phố Kochi, nơi đặt Tòa Giám Mục của Đức Cha Thazhath, để đốt sắc lệnh của ngài trước công chúng.

Riju Kanjukkaran của “Alamaya Munnettam,” một diễn đàn của các giáo dân ủng hộ thông lệ hiện tại là chủ tế đối mặt với cộng đoàn trong suốt Thánh lễ, cho biết cuộc biểu tình được tổ chức để phản đối hạn chót vào ngày 2 tháng 7, là thời hạn do Đức Cha Thazhath ấn định, với sự tham gia của các đại biểu từ tất cả các giáo xứ trực thuộc tổng giáo phận.

Trong sắc lệnh của mình, Thazhath gọi tranh chấp, bao gồm cả việc đóng cửa nhà thờ đang diễn ra, là “một vấn đề vô cùng đau đớn và xấu hổ đối với Giáo hội của chúng ta.”


Source:Crux

 
Rước kiệu tại Rôma tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Đặng Tự Do
18:40 01/07/2023


Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã dẫn đầu một cuộc rước qua các đường phố của Rôma vào hôm Chúa Nhật để tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và mừng ngày lễ này được cử hành vào ngày 27 tháng Sáu.

Cuộc rước Mân Côi bắt đầu với Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Anphongsô Liguori ở Rôma, nơi lưu giữ ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,.

Hơn 70 linh mục và nữ tu tham gia cuộc rước kiệutheo sau một bức ảnh lớn của ảnh Đức Mẹ ở Via Merulana, con đường dẫn từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả.

Con đường hiện đại đi theo con đường lịch sử mà Đức Giáo Hoàng Gregoriô thứ 13 đã tạo ra cho các cuộc rước tôn giáo giữa hai vương cung thánh đường trong Năm Thánh 1575.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, là một bức họa Byzantine được vẽ trên gỗ, và được cho là có từ thế kỷ 13.

Bức ảnh được mang từ Hy Lạp đến Rôma vào gần cuối thế kỷ 15 và được cất giữ vào năm 1499 tại Nhà thờ Thánh Matthêu, tọa lạc tại khu vực ngày nay là Via Merulana, nơi những người hành hương đã tôn kính bức ảnh trong nhiều thế kỷ.

Linh ảnh cho thấy Đức Trinh Nữ Maria đang bồng Chúa Hài đồng, người đang được các tổng lãnh thiên thần Micae và Gabriel cho xem thánh giá, đinh và các dụng cụ khác trong Cuộc khổ nạn của Ngài. Trong hình ảnh, hài nhi Giêsu bị mất dép, điều này khiến một số người giải thích rằng Chúa hài nhi được miêu tả đã chạy vội đến vòng tay của Đức Mẹ.

Nhà thờ Thánh Matthêu đã bị phá hủy khi Rome bị quân đội Pháp của Napoléon xâm lược và linh ảnh đã bị thất lạc trong nhiều thập kỷ cho đến khi được phát hiện lại trong một nhà thờ của các Giáo phụ Augustinô vào những năm 1860.

Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín, người có ký ức về việc cầu nguyện trước bức ảnh linh ảnh khi còn là một cậu bé khi được treo trong Nhà thờ Thánh Matthêu, đã yêu cầu trả lại bức ảnh về vị trí ban đầu trên tuyến đường hành hương giữa Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và Đền Thờ Đức Bà Cả. Vào thời điểm đó, Dòng Chúa Cứu Thế đã xây dựng một nhà thờ trên địa điểm của Nhà thờ Thánh Matthêu trước đây.

Năm 1866, bức ảnh được rước trong một cuộc rước lớn qua các đường phố của Rôma đến Nhà thờ Thánh Alphonsô đệ Liguori của Dòng Chúa Cứu Thế, nơi bức ảnh được đặt trên bàn thờ cao. Tin tức về sự chữa lành thần kỳ lan truyền nhanh chóng khắp thành phố Rôma và hàng trăm người đã đến thăm đền thờ.

Hai tuần sau, chính Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín đã đến nhà thờ để cầu nguyện trước linh ảnh. Vị Giáo Hoàng kế nhiệm ngài, là Đức Giáo Hoàng Leô XIII, đã giữ một bản sao của linh ảnh trên bàn làm việc của mình để ngài có thể nhìn thấy bức ảnh liên tục trong ngày làm việc của mình.

Thánh Piô X đã gửi một bản sao của bức ảnh cho Nữ hoàng Ethiopia và ban ân xá 100 ngày cho bất cứ ai lặp lại câu “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu cho chúng con.”

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã cho đặt ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ngay trên chiếc ghế của ngài trong phòng ngai vàng. Ở đây mọi người có thể nhìn thấy nó ngay trên đầu ngài, như muốn nói: “Đây là Nữ hoàng thực sự của anh chị em!”

Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã xây dựng một nhà thờ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Boston, sau này được Đức Giáo Hoàng Piô XII nâng lên hàng vương cung thánh đường.

Source:Catholic News Agency
 
Nửa triệu người Công Giáo Đức bỏ đạo trong cuộc ra đi lịch sử
Đặng Tự Do
19:45 01/07/2023
Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, với hơn nửa triệu người Công Giáo đã được rửa tội rời bỏ Giáo hội vào năm 2022, theo số liệu do Hội đồng Giám mục Đức công bố ngày 28 tháng Sáu.

Theo CNA Deutsch, hãng thông tấn đối tác tiếng Đức của CNA, điều này đánh dấu số lượng rời bỏ Giáo hội cao nhất từng được ghi nhận, với 522.821 người chọn rời bỏ Giáo hội.

Tổng số người ra đi, kể cả số người chết, vượt quá 708.000 người, hoàn toàn trái ngược với 155.173 chịu phép Rửa Tội và 1.447 tín hữu mới được ghi nhận trong cùng thời kỳ. Các số liệu cho thấy một xu hướng tiêu cực trong lịch sử, với số người rời bỏ Giáo Hội tăng gấp đôi từ hơn 270.000 vào năm 2020 lên mức kỷ lục hiện tại.

Bất chấp những sự ra đi này, số liệu thống kê của Giáo hội cho năm 2022 cho thấy gần 21 triệu người ở Đức vẫn chính thức theo Công Giáo vào cuối năm, chiếm 24,8% dân số 84,4 triệu người của đất nước.

Một số giám mục Đức bày tỏ sự thất vọng về các con số. Giám mục Stefan Oster của Passau đã mô tả những con số này là “cao một cách đáng sợ”, trong khi Giám mục Bertram Meier của Augsburg thừa nhận nhu cầu của Giáo hội là lấy lại niềm tin bằng “sự kiên nhẫn và đáng tin cậy”.

Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã tuyên bố trên trang web của giáo phận rằng những con số “đáng báo động” nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục “thay đổi văn hóa” và thực hiện cấp tốc các nghị quyết của Thượng Hội đồng Đức như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái.

Tuy nhiên, nhiều người âu lo là Giám mục Georg Bätzing không bắt mạch được vấn đề. Tất cả những vấn đề do Thượng Hội đồng Đức đề ra đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng khác lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.

Một báo cáo năm 2021 của CNA Deutsch lưu ý rằng cứ 3 người Công Giáo ở Đức thì có 1 người đang cân nhắc rời bỏ Giáo hội.

Hội đồng Giám mục Đức hiện quy định rằng rời bỏ Giáo hội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông, một quy định đã gây ra tranh cãi giữa các nhà thần học và giáo luật.

Một dự báo năm 2019 của một dự án của các nhà khoa học tại Đại học Freiburg dự đoán rằng số lượng Kitô hữu nộp thuế nhà thờ ở Đức sẽ giảm một nửa vào năm 2060.

Bất chấp khủng hoảng, Giáo hội đã chứng kiến sự gia tăng nhẹ về số người tham dự Thánh lễ vào năm 2021, tăng từ 4,3% lên 5,7%, sau khi cuộc khủng hoảng coronavirus ngăn cản việc cử hành nhiều bí tích. Số lượng đám cưới trong nhà thờ cũng tăng từ hơn 20.000 trong năm trước lên 35.467 vào năm 2022.

Các số liệu không bao gồm dữ liệu về việc xưng tội, vì bí tích không được đưa vào thống kê của hội đồng giám mục.


Source:National Catholic Register
 
Bỏ Giáo Hội để vẫn được là người Công Giáo? Tình trạng tiến thoái lưỡng nan người Công Giáo Đức phải đối diện về thuế Giáo Hội
Đặng Tự Do
19:46 01/07/2023
Ký giả Jonathan Liedl của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “‘Leaving the Church to Stay Catholic’? German Faithful Face Church Tax Dilemma” nghĩa là “'Bỏ Giáo Hội để vẫn được là người Công Giáo'? Tình trạng tiến thoái lưỡng nan người Công Giáo Đức phải đối diện về thuế Giáo Hội.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Ngày càng có nhiều người Công Giáo Đức thực hành đạo không muốn tài trợ cho quỹ đạo gây tranh cãi của Giáo hội địa phương sau Tiến trình Công nghị; nhưng cách duy nhất để không phải trả 'thuế nhà thờ' là chính thức từ bỏ Giáo Hội Công Giáo ở Đức - và có nguy cơ mất khả năng tiếp cận các bí tích.

David Rodriguez, một người mang hai quốc tịch Đức-Tây Ban Nha, đã sống ở Đức trong 30 năm qua, rất yêu mến đức tin Công Giáo của mình. Là một giáo dân của giáo xứ Thánh Herz Jesu ở Berlin, anh ấy nói với Register rằng “các bí tích giống như nước mà tôi cần cho đời sống thiêng liêng.”

Nhưng bị sốc trước Tiến Trình Công Nghị của Đức được Hội Đồng Giám Mục chính thức hậu thuẫn — mà đầu năm nay đã chấp nhận một loạt các nghị quyết đi chệch khỏi các giáo huấn đã ổn định của Giáo hội — anh ta không còn muốn đóng góp tài chính cho Giáo Hội tại Đức. Rodriguez đang xem xét một biện pháp mà theo thông lệ hiện tại của Giáo Hội ở Đức, sẽ khiến việc tiếp cận các bí tích của anh ta gặp nguy hiểm: đó là bất hòa về mặt pháp lý với Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Đó là một bước ấn tượng, một bước liên quan đến việc công khai từ bỏ tư cách thành viên của mình đối với Giáo hội trước một quan chức chính phủ. Động thái này được nhiều người ở Đức coi là “sự tự rút phép thông công” trên thực tế, vì những người thực hiện nó bị cấm về mặt kỹ thuật không được cử hành Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hòa giải, các bí tích khác và thậm chí không thể được an táng theo nghi thức Công Giáo. Sự tham gia vào công việc của Giáo Hội cũng bị hạn chế, vì không thể giữ chức vụ hoặc công việc của Giáo hội, không được tham gia vào các hội đồng giáo phận hoặc giáo xứ, và thậm chí phục vụ với tư cách là cha mẹ đỡ đầu cũng bị cấm.

Nhưng ngoài việc chấp nhận bị rút phép thông công tự nguyện, công khai từ bỏ Giáo Hội hiện là cách duy nhất có thể để một người trưởng thành đã ghi danh chính thức là người Công Giáo ở Đức ngừng nộp Kirchensteuer, tức là “thuế nhà thờ” bắt buộc, vốn cung cấp phần lớn tài trợ cho các giáo phận Công Giáo của Đức và chắc chắn là tài trợ một phần đáng kể cho Tiến Trình Công Nghị.

Tiến Trình Công Nghị Đức đã bỏ phiếu để thực hiện một loạt các nghị quyết trái ngược với đức tin và kỷ luật chính thống của Giáo Hội tại cuộc họp cuối cùng của nó vào tháng 3 vừa qua - bao gồm việc chúc lành cho các mối quan hệ đồng giới, thúc đẩy nỗ lực phong chức cho phụ nữ và thực hiện các bước chuẩn bị để thành lập một hội đồng thượng hội đồng thường trực, là điều bị Vatican cấm. Thành ra, tiếp tục đóng góp là vi phạm lương tâm của nhiều người Công Giáo Đức mong muốn trung thành với Giáo hội hoàn vũ.

Do đó, trong khi nhiều người trong con số kỷ lục những người chính thức rời bỏ Giáo Hội Công Giáo ở Đức có thể làm như vậy vì không còn muốn tài trợ cho một đức tin mà họ không còn tin hoặc thực hành nữa, thì các tín hữu Công Giáo như Rodriguez đang ngày càng cân nhắc việc từ bỏ tư cách thành viên của họ vì một lý do khác: họ muốn từ bỏ Giáo Hội tại Đức để có thể tiếp tục là người Công Giáo.


Source:National Catholic Register
 
VietCatholic TV
Ukraine vượt sông Dnipro. Prigozhin trốn ở đâu? Putin giả xuất hiện ở nhiều nơi sau cuộc binh biến
VietCatholic Media
02:33 01/07/2023


1. Giao tranh dữ dội khi quân Ukraine tìm cách vượt sông Dnipro tấn công quân Nga ở bờ Đông

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy mùng 1 tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk cho biết đọ súng dữ dội đã xảy ra xung quanh cây cầu Antonivskyi bị hư hỏng nặng ở vùng Kherson, miền nam Ukraine.

Pháo binh quân Ukraine từ bờ phía Tây đã pháo kích dữ dội vào quân Nga để yểm trợ cho quân Ukraine đang tìm mọi cách để vượt sông Dnipro. Humenyuk cáo buộc người Nga đã cho nổ đập Nova Kakhovka để làm ngập lụt khu vực, cản đường tiến công của quân Ukraine từ phía Tây sông Dnipro vào các khu vực của tỉnh Kherson bị Nga tạm chiếm. Humenyuk cho biết mặt đất đã khô ráo và bây giờ là thời điểm phản công.

Vladimir Saldo, tên phản bội, là người Ukraine nhưng theo Nga và được bổ nhiệm làm thống đốc khu vực Kherson đã bác bỏ thông tin cho rằng Ukraine đã thiết lập được một đầu cầu để vượt sông; và nói rằng ít nhất 30 quân nhân Ukraine đã tử thương trong cố gắng vượt sông không thành công. Humenyuk đã bác bỏ tin này. Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã nhiều lần cố gắng bắt sống tên phản bội Vladimir Saldo nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công.

Một blogger quân sự Nga - một trong mạng lưới các nhà báo và nhà tuyên truyền Nga ủng hộ chiến tranh - đã tuyên bố hôm thứ Sáu rằng quân đội Mạc Tư Khoa đã cố gắng nhưng không thành công trong việc ngăn cản binh lính Ukraine tràn sang bờ đông.

“Có những người chết và bị thương ở phía chúng ta,” blogger người Nga viết. “Hiện tại đối phương tiếp tục giữ một đầu cầu nhỏ trên bờ phía đông của chúng ta.”

Hai blogger cho biết các chiến binh Ukraine đang ẩn náu dưới cầu Antonivskyi, và quân đội Nga đã bắn hỏa tiễn và rocket vào họ.

Một blogger quân sự khác của Nga cho biết nhóm Ukraine đang được hưởng lợi từ hỏa lực bao trùm mạnh mẽ, được phóng từ trọng pháo và súng cối ở bờ phía tây.

Tại sao biến cố này lại quan trọng: Các nhà phân tích tin rằng hành động của Ukraine ở Kherson được thiết kế để giữ chân quân đội Nga trong khu vực và ngăn cản việc họ tái triển khai tới mặt trận ở Zaporizhzhia, một khu vực cực kỳ quan trọng ở phía nam.

Giành lại Zaporizhzhia là chìa khóa để quân đội Kyiv cắt đứt miền nam Ukraine bị tạm chiếm khỏi bán đảo Crimea do Nga sáp nhập, nơi Kyiv kiểm soát từ năm 2014. Điều đó sẽ cắt đứt hiệu quả tuyến đường bộ giữa lãnh thổ mới bị tạm chiếm trong cuộc xâm lược năm 2022 của Nga và lãnh thổ mà Kyiv tuyên bố gần một thập kỷ trước.

2. Hệ thống phòng không Nga thất bại thảm hại trong cuộc đấu với Storm Shadow

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Air Defense System Spectacularly Fails Storm Shadow Test”, nghĩa là “Hệ thống phòng không Nga thất bại thảm hại trong cuộc đấu với Storm Shadow”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy hệ thống phòng không của Nga ở Ukraine không bắn hạ được hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow.

Trong một đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, bao gồm cả tài khoản Twitter mã nguồn mở OSINTtechnical, một hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga theo sau một hỏa tiễn Storm Shadow của Ukraine “ở tầm gần” đã không theo kịp và tiêu diệt được mục tiêu.

Pantsir-S1 là hệ thống hỏa tiễn và pháo phòng không tự hành của Nga. Đây là một hệ thống di động, tầm ngắn mà nhà xuất khẩu quân sự nhà nước Nga, Rosoboronexport, mô tả là “có thể tấn công hiệu quả nhiều loại vũ khí tấn công trên không”.

Nó được thiết kế để sử dụng chống máy bay, hỏa tiễn hành trình, đạn dẫn đường chính xác và hỗ trợ các đơn vị phòng không khác chống lại các cuộc tấn công lớn hơn.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã sử dụng hệ thống Pantsir-S1 trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và theo hãng theo dõi nguồn mở Oryx của Hà Lan, Nga đã mất 18 chiếc Pantsir-S1 kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Vương quốc Anh cho biết vào giữa tháng 5 rằng họ đang cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow, cung cấp cho Kyiv thứ được cho là khả năng hỏa tiễn tầm xa nhất của họ. Ukraine từ lâu đã yêu cầu tăng cường khả năng tấn công và các chuyên gia nói với Newsweek rằng hỏa tiễn Storm Shadow đã cho Kyiv cơ hội tấn công các mục tiêu kiên cố nằm sâu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Theo nhà sản xuất, các hỏa tiễn phóng từ trên không có tầm bắn vượt quá 155 dặm hay 250km và đã tấn công 100% các mục tiêu được Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine xác định, Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên phương tiện truyền thông xã hội vào cuối tháng Năm.

Đầu tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ca ngợi hỏa tiễn Storm Shadow vì đã “làm một công việc rất hữu ích và chính xác ở mặt trận” khi Ukraine tiếp tục đẩy mạnh phản công chống lại lực lượng Nga.

Các quan chức được Nga hậu thuẫn ở miền nam Ukraine cho biết Kyiv đã sử dụng hỏa tiễn để tấn công một cây cầu quan trọng nối vùng Kherson của Ukraine với bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.

Vào ngày 22 tháng 6, Vladimir Saldo, một quan chức được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn đóng vai trò là thống đốc của vùng Kherson, nơi Nga cũng tuyên bố rằng họ đã sáp nhập, cho biết hỏa tiễn Storm Shadow đã được sử dụng trên cầu Chonhar từ Kherson đến Crimea.

Điều này xảy ra hai ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết việc sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp hoặc hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp ở Crimea có nghĩa là London và Washington “bị lôi kéo hoàn toàn vào cuộc xung đột và sẽ dẫn đến các cuộc tấn công ngay lập tức đối với các trung tâm ra quyết định”

3. Tổng Tham Mưu Trưởng Hoa Kỳ Mark Milley cho biết cuộc phản công của Ukraine chống lại các lực lượng Nga đang có tiến triển chậm nhưng ổn định.

“Nó đang diễn ra chậm hơn so với dự đoán của mọi người. Tôi không ngạc nhiên,” Miley nói với các phóng viên báo chí. Nó đang tiến đều đặn, có chủ ý, di chuyển qua những bãi mìn rất khó khăn”.

Tướng Milley là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho việc cung cấp F-16 cho Ukraine. Ông nói: “Mọi người đều công nhận Ukraine cần một lực lượng không quân hiện đại hóa.” Nhưng ông cũng cảnh báo rằng “Nó sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể.”

Trong thời điểm hiện nay, Milley cho biết kế hoạch chi tiết về quy mô của các lớp huấn luyện F-16, các loại chiến thuật bay và địa điểm huấn luyện đã được soạn thảo bởi Mỹ và các đồng minh như Hà Lan và Anh là các nước đã cam kết cung cấp F-16 do Mỹ sản xuất. Kế hoạch huấn luyện đó đang được tiến hành tại Âu Châu.

Trong dịp kỷ niệm 79 năm D-day, Milley nói: “Bạn có thể nhìn lại chiến tranh thế giới thứ hai và một số trận chiến bọc thép lớn nhất từng diễn ra trong lịch sử, về cơ bản, ở các vùng của Ukraine.”

“Vì vậy, xe tăng rất quan trọng, cả đối với phòng thủ và tấn công, và việc nâng cấp xe tăng hiện đại, huấn luyện đi kèm với nó, khả năng sử dụng chúng, sẽ là nền tảng cho thành công của Ukraine.”

Tướng Mark Milley cũng nhấn mạnh rằng tốc độ chậm hơn là “một phần bản chất của chiến tranh”.

“Điều tôi đã nói là việc này sẽ mất 6, 8, 10 tuần. Nó sẽ rất khó khăn. Nó sẽ rất dài, và nó sẽ rất, rất đẫm máu. Và không ai nên có bất kỳ ảo tưởng nào về bất kỳ điều gì trong số đó,” Tướng Milley nói.

Bom chùm có thể xảy ra: Milley cũng nói rằng Hoa Kỳ đã “nghĩ về việc” cung cấp bom chùm cho Ukraine “trong một thời gian dài” nhưng ông không cho biết quyết định đã được đưa ra hay chưa.

CNN đưa tin hôm thứ Năm rằng chính quyền Biden đang xem xét mạnh mẽ việc phê chuẩn việc chuyển giao hỏa tiễn tầm xa với tầm bắn lên đến 306km cho Kyiv với quyết định cuối cùng dự kiến sẽ sớm được đưa ra từ Tòa Bạch Ốc.

Các bình luận của ông được đưa ra sau khi Hanna Maliar, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói với truyền hình Ukraine hôm thứ Sáu: “Nếu chúng ta nói về toàn bộ chiến tuyến, cả phía đông và phía nam, chúng ta đã nắm được thế chủ động chiến lược và đang tiến về mọi hướng.

“Ở phía nam, chúng ta đang di chuyển với những thành công khác nhau. Có ngày đi hơn một cây số, có ngày chưa đến một cây số, có ngày lên đến 2 cây số,” cô nói.

4. Tòa Bạch Ốc cho biết: Không đủ thông tin đáng tin cậy để xác định nơi ở của Prigozhin sau cuộc binh biến

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ Mark Walker cho biết ông đã nhận được báo cáo rằng người đứng đầu Wagner đang thực hiện mọi biện pháp để tránh gặp phải kết cục bi thảm. Theo báo cáo này, Prigozhin đã ẩn náu trong một căn phòng khách sạn không có cửa sổ ở Minsk, Belarus, để tránh bị ám sát sau cuộc nổi dậy ngắn ngủi của ông ta.

Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus cho biết Prigozhin đã đến Belarus hôm thứ Ba để bắt đầu cuộc sống lưu vong theo một thỏa thuận chấm dứt cuộc binh biến ngắn ngủi của ông chống lại quân đội Nga do các chiến binh Wagner của ông thực hiện.

Thượng nghị sĩ Mark Walker cho biết:

“Đã có một số cá nhân thực thể Nga xúc phạm Putin trong hơn một năm rưỡi qua, những người này đã rơi ra khỏi cửa sổ tầng năm, sáu hoặc bảy một cách bí ẩn”.

Khi được hỏi về các tuyên bố này của Thượng nghị sĩ Mark Walker, Thiếu Tướng John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, cho biết Chính phủ Hoa Kỳ hiện không có cái nhìn sâu sắc về nơi ở hiện tại của nhà lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin hoặc các chiến binh tham gia cuộc nổi dậy vào cuối tuần trước.

Trong cuộc họp báo chiều thứ Sáu 30 Tháng Sáu, Tướng Kirby nói:

“Chúng tôi không có thông tin mà chúng tôi cho là đủ đáng tin cậy để có thể xác nhận nơi ở của ông ấy,” Kirby nói và sau đó nói thêm: “Chúng tôi không có khả năng nói một cách hoàn hảo ở đây về vị trí của ông Prigozhin hoặc vị trí của tất cả các chiến binh của ông ấy. Tôi nghĩ bạn đã nghe Ngũ Giác Đài nói hôm qua rằng họ có dấu hiệu cho thấy ít nhất một số chiến binh Wagner đang ở Ukraine, nhưng không rõ có bao nhiêu hoặc họ đang làm gì”.

Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố Wagner là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia vào Tháng Giêng và trong tuần này, Bộ Tài chính đã ban hành lệnh trừng phạt đối với các công ty bình phong giúp nhóm tài trợ cho những nỗ lực của mình bằng vàng bất hợp pháp.

5. Vị tướng hàng đầu của Ukraine thất vọng vì chậm giao vũ khí như đã hứa từ phương Tây

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Sáu rằng các kế hoạch phản công của Ukraine đang gặp khó khăn do thiếu hỏa lực thích hợp, từ chiến đấu cơ hiện đại đến đạn pháo.

Zaluzhny nói với tờ Washington Post rằng ông thất vọng vì việc chuyển giao vũ khí như đã hứa từ phương Tây chậm chạp. Ông nói: “Tôi thấy bực mình khi một số người ở phương Tây phàn nàn về sự khởi đầu chậm chạp của cuộc phản công và quá trình đẩy lùi lực lượng xâm lược của Nga ở phía nam đất nước.”

Zaluzhny cho biết những người ủng hộ phương Tây của ông sẽ không tự phát động một cuộc tấn công nếu không có ưu thế trên không, nhưng Ukraine vẫn đang chờ đợi các chiến đấu cơ F-16 do các đồng minh hứa hẹn.

“Tôi không cần 120 chiếc máy bay. Một số lượng rất hạn chế sẽ là đủ,” ông nói với tờ báo.

“Nhưng chúng cần thiết. Vì không còn cách nào khác. Bởi vì đối phương đang sử dụng một thế hệ máy bay khác,” Zaluzhny nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông chỉ có một phần 30 đạn pháo mà Nga đang bắn, tờ Washington Post đưa tin.

Để vượt qua các bãi mìn của quân Nga, quân Ukraine dùng các xe M-58 phóng ra các dây mìn dài khoảng 90m, trước khi kích nổ chúng. Quá trình phá mìn này thường rất nguy hiểm vì các máy bay trực thăng Nga như Ka-52, được trang bị hỏa tiễn dẫn đường, có thể phóng hỏa tiễn từ xa vào các chiếc M-58. Lúc đó rất nguy hiểm vì các xe này chứa đầy mìn. Nếu không có F-16 để tấn công các trực thăng Nga từ xa, khả năng bảo vệ các xe M-58 này rất mong manh.

Sau cuộc binh biến do trùm Wagner Yevgeny Prigozhin lãnh đạo, nhận thức của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và phương Tây đã thay đổi sâu sắc, họ nhận ra những rạn nứt sâu xa trong xã hội Nga. Nỗi sợ Nga dùng đến vũ khí hạt nhân đã vơi đi rất nhiều. Trong thời gian chờ đợi các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư như F-16, Hoa Kỳ có thể sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống hỏa tiễn tầm xa của lục quân để tấn công vào các sân bay của đối phương nằm sâu phía sau giới tuyến.

6. Nhà phân tích Nga cho rằng 'Không nghi ngờ gì' Putin sử dụng thế thân sau cuộc binh biến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'No Question' Putin Using Body Double After Mutiny—Russia Analyst”, nghĩa là “Nhà phân tích Nga cho rằng 'Không nghi ngờ gì' Putin sử dụng thế thân sau cuộc binh biến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một chuyên gia đã nói với Newsweek rằng “không nghi ngờ gì nữa” rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng người đóng thế để xuất hiện tại buổi giao lưu công khai mới nhất của nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh sau cuộc nổi dậy vũ trang của Tập đoàn Wagner.

Sau cuộc nổi dậy quân sự của nhóm lính đánh thuê Wagner tiến về Mạc Tư Khoa hôm thứ Bảy, Putin đã xuất hiện trước đám đông yêu mến ở nước cộng hòa Dagestan miền nam nước Nga trong một biến cố mà Điện Cẩm Linh nói là một chuyến thăm để thảo luận về du lịch trong khu vực.

Nhưng cảnh quay từ chuyến đi của Putin đã nhanh chóng khơi lại những tin đồn lâu nay rằng nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh đang sử dụng người đóng thế thay vì tự mình chào hỏi người dân. Trong các clip lan truyền rộng rãi trên mạng hôm thứ Năm, Putin bắt tay với những người dân đang phấn khích và hôn lên đầu một nữ sinh khi cô tạo dáng chụp ảnh cùng nhà lãnh đạo Nga.

Mạc Tư Khoa đã phủ nhận việc Putin sử dụng người đóng thế. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov bác bỏ các báo cáo là “một lời nói dối khác” vào tháng Tư. Quay trở lại năm 2020, Putin nói với hãng thông tấn nhà nước Tass rằng ông đã được đề nghị sử dụng diễn viên đóng thế để xuất hiện trước công chúng vào đầu những năm 2000, nhưng ông “đã từ chối những diễn viên đóng thế này”.

Tuy nhiên, theo Matthew Wyman, giảng viên cao cấp về chính trị chuyên về Nga tại Đại học Keele của Anh, sự khác biệt rõ rệt so với các khuôn mẫu mà Putin quan sát được là “bất thường”.

“Rõ ràng đó không phải là Vladimir Putin,” ông nói với Newsweek hôm thứ Năm. “Đó là một thế thân.”

Wyman nói: “Hoàn toàn không thể tưởng tượng được” rằng nhà lãnh đạo Nga lại đích thân thực hiện một cuộc gặp gỡ như thế chỉ vài ngày sau khi sự ổn định trong chế độ cai trị của ông bị Wagner đe dọa.

Ông nói: “Bạn sẽ không thể có gan gặp gỡ bất kỳ nhóm người xa lạ nào.”

Đồng minh lâu năm của Putin và là người đứng đầu Nhóm lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã dẫn đầu một cuộc tiến công về phía Mạc Tư Khoa sau khi các chiến binh của ông ta giành quyền kiểm soát thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga. Mặc dù các chiến binh của ông đột ngột dừng lại cách thủ đô hơn 100 dặm, nhưng các chính trị gia và nhà phân tích phương Tây cho biết các sự kiện hôm thứ Bảy cho thấy “những rạn nứt” trong giới lãnh đạo của Điện Cẩm Linh.

Wyman chỉ ra sự khác biệt rõ rệt trong cách cư xử của Putin so với những lần công du trước.

Ông nói: “Theo mọi cách, Putin không hành động như vậy, đồng thời cho biết thêm ngôn ngữ cơ thể của ông ấy trong các clip phát ra từ Dagestan không phù hợp với những hành vi trong quá khứ của một người đàn ông không thể hiện cảm xúc một cách công khai”.

Có một số thay đổi có thể quan sát được đối với hành vi của người này, đặc biệt là “sự cởi mở khi đối mặt với đám đông”.

“Đây có lẽ là lý do chính tại sao những lý thuyết 'thế thân' này bắt đầu xuất hiện,” Wyman nói với Newsweek hôm thứ Năm.

Wyman nói thêm rằng Putin “rất, rất thận trọng về những người mà ông ấy cho phép đến gần mình”.

Nhiều thông tin trước đó cho biết, trong suốt đại dịch COVID-19, Putin đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm. Đầu năm nay, một cựu sĩ quan an ninh cấp cao của Nga nói rằng nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh “bao quanh mình bằng một hàng rào cách ly không thể xuyên thủng”.

“Putin được biết là không để bất kỳ ai lại gần mình (kể từ sau đại dịch COVID-19), và ở đây chúng ta thấy ông ấy chụp ảnh selfie với những người bình thường,” Miron nói.

Trong đoạn phim, Putin xuất hiện “cứng ngắc hơn và có vẻ thận trọng hơn nhiều trong cách di chuyển” so với các đoạn phim khác, Wyman lập luận.

Mặc dù từ chối thảo luận chi tiết về cách có thể đạt được sự giống nhà lãnh đạo Nga như vậy, Wyman cho biết chiến lược xung quanh việc xuất hiện trước công chúng, và ở Dagestan, chẳng có ý nghĩa gì.

Wyman nói: “Toàn bộ điều này không được tính toán ở bất kỳ cấp độ nào”.

Một số giả thuyết đã được lan truyền trong những năm gần đây, bao gồm cả việc Putin có nhiều thế thân. Các quan chức Ukraine đã nhiều lần nói rằng nhà lãnh đạo Cẩm Linh sử dụng thế thân. Andriy Yusov, phát ngôn viên của cơ quan tình báo quân sự của Kyiv, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 6 rằng Putin “sẽ không bao giờ nói chuyện với những cư dân địa phương”.

“Chúng tôi biết cụ thể về ba người thế thân liên tục xuất hiện, nhưng tổng cộng có bao nhiêu người thì chúng tôi không biết,” giám đốc tình báo quân đội Ukraine, Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, nói với The Daily Mail vào tháng 10 năm 2022 về những cuộc gặp gỡ rõ ràng của Putin với công chúng.

Budanov nói: “Cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể và dái tai” rất khác nơi những thế thân.

Wyman cho biết, Điện Cẩm Linh có thể hy vọng “khá tuyệt vọng” nhằm đưa ra hình ảnh “công việc vẫn diễn ra bình thường” sau cuộc binh biến.

Miron nói: “Ông ta muốn cho thấy đã chiến thắng sau thất bại này và giờ ông ta đang cố gắng giành lại sự ủng hộ.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để nhận xét qua email

7. Tòa Bạch Ốc thừa nhận cuộc phản công của Ukraine chưa đáp ứng được kỳ vọng nhưng cam kết tiếp tục hỗ trợ của Hoa Kỳ

Chính quyền Biden hôm thứ Sáu thừa nhận rằng giai đoạn đầu của cuộc phản công của Ukraine đã không đạt được thành quả như mong đợi nhưng nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt đào tạo, trang thiết bị và cố vấn.

“Như tôi đã nói, chúng tôi liên lạc thường xuyên với những người đồng cấp Ukraine,” Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Sáu. “Và họ đang thông báo cho chúng tôi — và chúng tôi tiếp tục làm những gì chúng tôi có thể làm để giúp họ phản công, cho dù đó là thông qua đào tạo, và như các bạn biết, họ vẫn đang được đào tạo cấp lữ đoàn, hoặc các khả năng bổ sung và chắc chắn có những cố vấn và thông tin. Ý tôi là, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ họ khi họ tiến hành các hoạt động tấn công này nhưng họ đi đâu và đi nhanh như thế nào, điều đó thực sự sẽ do họ quyết định.”

Một số thông tin cơ bản: Tuần trước, CNN đã báo cáo rằng các quan chức tin rằng cuộc phản công không đáp ứng được kỳ vọng, trong khi các tuyến phòng thủ của Nga đã được chứng minh là được củng cố vững chắc, khiến lực lượng Ukraine khó có thể chọc thủng chúng. Ngoài ra, các lực lượng Nga đã thành công trong việc phá hủy thiết giáp Ukraine bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và mìn, đồng thời triển khai sức mạnh không quân hiệu quả hơn. Một quan chức phương Tây cho biết lực lượng Ukraine đang tỏ ra “dễ bị tổn thương” trước các bãi mìn và lực lượng Nga “có năng lực” trong việc phòng thủ.

Về cuộc phản công, Kirby thừa nhận các lực lượng Ukraine “đã đạt được một số tiến bộ—và chính họ đã nói với thực tế rằng điều đó không nhiều như họ mong muốn, nhưng một lần nữa, chúng tôi tập trung vào việc bảo đảm rằng họ có những gì họ cần và sẽ tiếp tục làm điều đó.” Ông từ chối đưa ra mốc thời gian về việc cuộc xung đột có thể kéo dài bao lâu nữa.

8. NATO đang gần đạt được sự đồng thuận về tư cách thành viên của Ukraine

NATO đang gần đạt được sự đồng thuận về cách giải quyết vấn đề gia nhập của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới và nhằm mục đích cho thấy rằng họ đang tiến “trên và xa hơn” một lời thề trước đó với Kyiv, đặc phái viên Mỹ tại NATO cho biết.

AFP báo cáo rằng Kyiv, được hỗ trợ bởi các đồng minh NATO ở Đông Âu, đã kêu gọi cam kết tại cuộc họp ở Lithuania trong hai tuần nữa rằng họ sẽ tham gia liên minh quân sự khi chiến tranh với Nga kết thúc.

Trong cuộc họp báo tại Kyiv hôm 28 Tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea cho rằng Hoa Kỳ và các thành viên NATO phải ăn năn, vì tại hội nghị khoáng đại của NATO năm 2008 tại Bucharest, họ đã ngần ngại không muốn cho Ukraine trở thành thành viên vì sợ Nga. Nếu ngày ấy họ kết nạp Ukraine, cuộc chiến ngày nay đã không xảy ra.

31 quốc gia thành viên của NATO đang mặc cả về cách diễn đạt chính xác về tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine trong một thông cáo cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh.

Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, Julianne Smith, cho biết hôm thứ Năm rằng phiên bản cuối cùng có thể bắt đầu trả lời làm thế nào Ukraine cuối cùng sẽ trở thành một thành viên của liên minh.

Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta cảm thấy tự tin rằng chúng ta sẽ có thể đạt được một thỏa thuận sẽ phản ánh quan điểm của chúng ta và rằng người Ukraine sẽ tin tưởng và cảm thấy là có một điều gì đó vượt lên trên ngoài việc khôi phục lại các điều đã được đưa ra ở Bucharest.

Smith cho biết liên minh đang tiến gần hơn đến việc tìm kiếm sự đồng thuận về ngôn ngữ nhưng cô ấy không muốn đưa ra trước cụm từ cuối cùng.

9. Cuộc nổi loạn ở Nga của Wagner mang đến cho Ukraine một cơ hội độc đáo

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner's Russian Rebellion Gives Ukraine a Unique Opportunity”, nghĩa là “Cuộc nổi loạn ở Nga của Wagner mang đến cho Ukraine một cơ hội độc đáo.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Sau cuộc binh biến ngắn ngủi vào cuối tuần qua ở Nga bởi Tập đoàn Wagner, các nhà lãnh đạo Ukraine có thể nhận thấy lực lượng quân sự của họ sẽ thu được lợi ích từ sự hỗn loạn của Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Sáu, thủ lĩnh của Wagner, Yevgeny Prigozhin, tuyên bố quân đội Nga đã giết chết khoảng 30 binh sĩ của ông ta trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, và ông ta đã ra lệnh cho quân của mình hành quân đến Mạc Tư Khoa. Cuộc nổi dậy kết thúc vào ngày hôm sau sau một hiệp ước được Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian.

Tuy nhiên, bất chấp việc giải quyết nhanh chóng, vụ việc đã gây xôn xao dư luận quốc tế với những người chỉ trích Điện Cẩm Linh cho rằng Wagner đã vạch trần những điểm yếu nghiêm trọng trong khả năng lãnh đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kể từ cuộc nổi dậy ở Mạc Tư Khoa, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ca ngợi những thành công mới trên chiến trường trong cuộc phản công chống lại quân đội của Putin. Hôm thứ Hai, ông tuyên bố lực lượng của mình đã tiến vào “tất cả các khu vực” nơi họ tham gia các chiến dịch phản công.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh hôm thứ Ba cho biết Ukraine có khả năng đã chiếm lại vùng đất gần thị trấn Krasnohorivka, đây sẽ đánh dấu một trong những trường hợp đầu tiên Ukraine chiếm lại vùng đất mà Nga đã xâm lược kể từ năm 2014.

Một số nhà phân tích cho rằng Ukraine có thể tiếp tục lợi dụng tình hình tồi tệ của Putin.

Guy McCardle, quản lý biên tập của Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, gọi tắt là SOFREP, nói với Newsweek rằng Ukraine đã “đạt được những thành tựu có thể đo lường được rất có thể là do sự vô tổ chức ngày càng cực đoan trong quân đội Nga”.

“Cuộc nổi dậy mang lại cho Ukraine một sự thúc đẩy lớn về mặt chiến lược và tâm lý. Nó giống như bạn là một võ sĩ quyền anh và để đối thủ của bạn vật lộn trên dây: Đã đến lúc đấu loại trực tiếp,” McCardle nói.

Ông nói thêm: “Điều này chắc chắn sẽ khiến quân đội Nga cực kỳ mất tinh thần khi họ chứng kiến nhà lãnh đạo của mình bị biến thành trò hề trên trường quốc tế”. “Tệ hơn nữa, Putin đã nói rất cứng rắn, nhưng Lukashenko phải vào cuộc và khắc phục vấn đề.”

David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Cornell và giám đốc giảng dạy và học tập tại Cornell ở Washington, đã đồng ý. Ông nói với Newsweek rằng “cuộc đảo chính bị hủy bỏ có thể ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội Nga, nhiều hơn là nó bộc lộ sự hỗn loạn và kém cỏi”.

Silbey lưu ý rằng các chỉ huy Nga “sẽ làm mọi thứ” có thể để ngăn quân đội của họ nghe tin về cuộc nổi loạn của Prigozhin, cũng như biến vụ việc thành “sự phản bội đã được giải quyết nhanh chóng.”

“Nếu tinh thần quân đội Nga sa sút, họ có thể sẽ kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ lãnh thổ mà họ đã chiếm được—tại sao lại chết cho một quốc gia đang trong tình trạng hỗn loạn như thế này?” Silbey nói. “Nhưng đừng phóng đại điều đó; họ cũng đang bảo vệ mạng sống của mình, và đó là cách tập trung tâm trí khi một cuộc tấn công bắt đầu. Rút lui không phải là một hoạt động an toàn.”

Mark N. Katz, giáo sư tại Trường Chính sách và Chính phủ Schar của Đại học George Mason, nói với Newsweek: “Sự hỗn loạn gây ra ở Nga do vụ Prigozhin có thể tạo cơ hội cho Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga. “Thật vậy, điều này rõ ràng đã diễn ra ở một mức độ hạn chế. Tuy nhiên, khoảnh khắc này có thể không kéo dài lâu vì cả Putin và giới lãnh đạo quân đội Nga sẽ tập trung lại vào cuộc chiến ở Ukraine ngay khi có thể”.

Katz tiếp tục, “Có thể lính nghĩa vụ Nga muốn ngừng chiến đấu—như họ đã thấy lực lượng Wagner đã làm. Chúng ta dường như chưa đến gần một sự sụp đổ chung, nhưng đây là điều mà Mạc Tư Khoa phải lo ngại”.

Silbey lưu ý rằng lực lượng của Zelenskiy có thể hưởng lợi từ việc không có sự hiện diện thống trị của Wagner trên chiến trường.

Ông nói: “Việc giải tán Wagner mang lại cho người Ukraine một chút lợi thế, mặc dù điều đó phụ thuộc vào điều gì xảy ra với quân Wagner. “Nếu chúng được sáp nhập vào Quân đội Nga, thì hiệu quả có lẽ là rất nhỏ. Nếu không, thì nó còn quan trọng hơn nhiều.”

“Tôi nghĩ cuộc nổi dậy là dấu hiệu cho thấy giới tinh hoa của Nga đang bắt đầu dao động,” Silbey nói. “Prigozhin sẽ không mạo hiểm nếu anh ấy cảm thấy rằng nỗ lực này sẽ bị mọi người lên án và phản đối.”

“Tuy nhiên, việc ông ấy sống sót và tìm được lối thoát hiểm cho bản thân và người của ông ấy là rất quan trọng, vì nó làm nổi bật điểm yếu của Putin. Putin sẽ không cho phép điều đó nếu ông ấy có sự lựa chọn khác.”
 
Cộng đoàn Công Giáo Orlando, Florida mất ngôi nhà thờ cổ kính vì những kẻ thù hận đức tin
VietCatholic Media
05:14 01/07/2023

1. Nhà thờ Công Giáo bốc cháy vào ngày kỷ niệm Dobbs ở Orlando, Florida

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào dịp kỷ niệm một năm lật ngược quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Các nhà điều tra của Sở cứu hỏa Orlando đang xem xét nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Công Giáo Incarnation hay Nhập thể ở Orlando, Florida, vào tối thứ Bảy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bên trong tòa nhà.

Vụ hỏa hoạn, được báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật vào khoảng 11:30 tối ngày 24 tháng 6, xảy ra vào dịp kỷ niệm một năm lật ngược phán quyết Roe chống Wade, là phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Trong suốt năm 2022, trong cả những tháng trước và sau khi Tòa án Tối cao hủy bỏ Roe, các nhà thờ Công Giáo và trung tâm hỗ trợ mang thai phò sự sống đã trở thành mục tiêu của những vụ phá hoại ủng hộ phá thai trên toàn quốc. CNA đã theo dõi các vụ phá hoại ủng hộ phá thai, trong đó có 110 vụ kể từ tháng 5 năm 2022.

Không rõ liệu vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Công Giáo Nhập thể có liên quan đến bạo lực của các nhà hoạt động phá thai hay không.

Theo Sở cứu hỏa Orlando, ngọn lửa bốc ra từ phía sau tòa nhà. Lính cứu hỏa đã có thể dập tắt ngọn lửa trong 22 phút và không có ai ở trong nhà thờ vào thời điểm đó. Không có thương tích đã được báo cáo từ vụ cháy.

Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra. Phát ngôn nhân của sở cứu hoả nói với CNA hôm thứ Hai rằng chi phí thiệt hại chưa được ước tính vào thời điểm này. Cha sở của nhà thờ, Cha William Holiday, nói với clickorlando.com rằng “nhà thờ vì mọi ý định và mục đích bên trong đã bị phá hủy”.

“Chúng tôi đã mất một số bức tranh, một số bức tượng và những thứ tương tự, nhưng có một số thứ trong đó, có một bức ảnh của Đức Trinh Nữ Maria trong đó” ngài nói.

Trong một tuyên bố vào Chúa Nhật trên trang web của mình, nhà thờ nói rằng họ vẫn sẽ tổ chức Thánh lễ Chúa Nhật tại hội trường bên cạnh nhà thờ. Tuy nhiên, giáo xứ khuyến khích giáo dân tham dự Thánh lễ tại các giáo xứ khác nếu có thể.

Giáo dân Karen Walker nói với WESH rằng “rõ ràng mọi người đều rất, rất buồn. Chúng tôi yêu nhà thờ của chúng tôi. Nó thật đẹp. Tôi không biết bây giờ ngôi thánh đường sẽ ra sao.”

WESH cũng báo cáo rằng 911 đã được gọi vào khoảng 11:30 tối thứ Bảy khi chủ một tiệm giặt ủi đối diện nhà thờ nhìn thấy ngọn lửa.


Source:National Catholic Register

2. Bách hại công khai: Tòa Giám Mục của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki bị khám xét

Các quan chức thực thi pháp luật Đức đã khám xét một số tòa nhà của Tổng giáo phận Köln hôm thứ Ba như một phần của cuộc điều tra đang diễn ra về các cáo buộc khai man chống lại Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, tổng giám mục.

CNA Deutsch, hãng thông tấn đối tác tiếng Đức của CNA đưa tin, người ta cáo buộc rằng Đức Hồng Y Woelki có thể đã cung cấp lời khai sai về nhận thức của ông đối với các báo cáo về lạm dụng tình dục của một giáo sĩ trong tổng giáo phận.

Cuộc điều tra tập trung vào lời khai liên quan đến vụ lạm dụng của một linh mục đã qua đời vào năm 2019. Đức Hồng Y Woelki bị cáo buộc đã được thông báo về vụ việc sớm hơn những gì ngài đã tuyên thệ trước đó.

Việc tìm kiếm các tài liệu và email của tổng giáo phận nhằm xác định liệu cáo buộc khai man chống lại Đức Hồng Y Woelki có thể được chứng minh hay bác bỏ không.

Các cuộc lục soát được tiến hành đồng thời vào lúc 8 giờ sáng giờ địa phương bởi khoảng 30 cảnh sát và bốn công tố viên tại tổng cộng sáu địa điểm, bao gồm cơ sở của tổng đại diện và tòa tổng giám mục, cũng như tại cơ sở kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, quản lý lưu lượng email của Tổng giáo phận Köln.

Theo CNA Deutsch, các công tố viên cho biết hoạt động này “được thực hiện mà không gặp rắc rối nào”.

Văn phòng báo chí của tổng giáo phận đã xác nhận việc tìm kiếm và nói thêm: “Kinh nghiệm cho thấy rằng sẽ mất một thời gian trước khi có kết quả. Cho đến lúc đó, chúng tôi yêu cầu công chúng không coi cuộc điều tra mở là cơ hội để đưa ra phán quyết sơ bộ.”

Văn phòng công tố nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng các biện pháp này nhằm mục đích làm sáng tỏ nghi ngờ ban đầu nhằm thiết lập cả tình tiết buộc tội và xóa tội. “Ở giai đoạn này của quá trình tố tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội, vốn phải được tuân thủ trong quá trình tố tụng hình sự cho đến khi đưa ra phán quyết cuối cùng, là đặc biệt quan trọng.”

“Để tránh mọi hiểu lầm, cần lưu ý rằng bị cáo không bị buộc tội bao che hoặc tham gia vào bất kỳ hành vi lạm dụng nào.”

Đức Hồng Y Woelki đã phải chịu áp lực mạnh mẽ buộc ngài từ chức lãnh đạo của tổng giáo phận Köln, là giáo phận lớn nhất của Đức và cũng được cho là giàu nhất nước này. Tội lớn nhất của Đức Hồng Y Woelki là dám chống lại Tiến Trình Công Nghị Đức trong đó chủ trương phong chức linh mục cho phụ nữ, lật đổ luật độc thân linh mục, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và thay đổi đạo lý Công Giáo về tính dục.

Tình hình căng thẳng đến mức, Đức Hồng Y phải chịu vô số các tố cáo, đến mức ngài phải yêu cầu Tòa Thánh Thanh Tra Tông Tòa để xem các cáo buộc này có đúng hay không.

Vào tháng 9 năm 2021, Đức Giáo Hoàng đã xác nhận các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Woelki là không đúng sự thật sau chuyến Thanh Tra Tông Tòa tổng giáo phận và cho phép ngài nghỉ phép một thời gian. Khi vị Hồng Y 65 tuổi trở lại vào tháng 3 năm 2022, tổng giáo phận thông báo rằng ngài đã đệ đơn từ chức - là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa chấp nhận.

Các Giám Mục Đức thấy những khốn khó của ngài, ít người dám chống lại nhóm của Giám Mục Georg Bätzing và Hồng Y Reinhard Marx.


Source:Catholic News Agency

3. 30 đảng viên Công Giáo của Đảng Dân chủ ký thư nhân ngày kỷ niệm Dobbs

Ba mươi đảng viên Công Giáo của Đảng Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ đã ký một lá thư vào dịp kỷ niệm một năm quyết định Dobbs chống Jackson Women's Health thề sẽ tiếp tục ủng hộ việc phá thai bất chấp sự lật ngược của phán quyết Roe chống Wade.

Nhóm đảng viên Đảng Dân chủ, do Dân biểu Connecticut Rosa DeLauro dẫn đầu và bao gồm cả cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đã viện dẫn đức tin Công Giáo của họ và tông huấn Christifideles Laici của Thánh Gioan Phaolô II như những lý do để ủng hộ việc phá thai.

“Các nguyên lý cơ bản của đức tin Công Giáo của chúng tôi - công bằng xã hội, lương tâm và tự do tôn giáo - buộc chúng tôi phải bảo vệ quyền được phá thai của phụ nữ,” bức thư viết. “Đức tin của chúng tôi không ngừng thúc đẩy lợi ích chung, ưu tiên phẩm giá của mỗi con người và nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp một mạng lưới an toàn tập thể cho những người dễ bị tổn thương nhất của chúng tôi.”

“Chúng tôi cam kết thực hiện các nguyên tắc cơ bản ở trung tâm của giáo huấn xã hội Công Giáo: đó là giúp đỡ người nghèo, người thiệt thòi và người bị áp bức; bảo vệ những người rốt cùng trong chúng ta; và bảo đảm rằng tất cả người Mỹ thuộc mọi tín ngưỡng đều được trao những cơ hội có ý nghĩa để chia sẻ những phước lành của đất nước vĩ đại này,” bức thư viết.

Thứ Bảy đánh dấu một năm kể từ khi Tòa án Tối cao ban hành quyết định trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson lật lại vụ án Roe kiện Wade kéo dài gần 50 năm. Phán quyết Dobbs cho phép các lệnh cấm và hạn chế phá thai ở nhiều bang trên toàn quốc có hiệu lực.

Bằng cách lật lại Roe v. Wade, bức thư nói rằng “các thẩm phán tước bỏ quyền phá thai của phụ nữ và làm leo thang cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe sinh sản đang diễn ra ở đất nước này.”

Theo các đảng viên Đảng Dân chủ đã ký vào bức thư, các lệnh cấm và hạn chế phá thai “gây tổn hại không tương xứng cho những người đã phải chịu cảnh nghèo đói, phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc.”

Đảng Dân chủ cho biết: “Là người Công Giáo, chúng tôi tin rằng tất cả các cá nhân đều được tự do đưa ra quyết định cá nhân của riêng họ về cơ thể, gia đình và tương lai của họ. Đức tin của chúng tôi và Hiến pháp của đất nước chúng tôi yêu cầu không ai được áp đặt một quan điểm tôn giáo nào vào luật pháp hoặc quy định.”

“Là những người Công Giáo Dân chủ nắm lấy ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân như được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ trong tông huấn Christifideles Laici, chúng tôi tin rằng Giáo hội là ‘dân Chúa’, được kêu gọi để là một lực lượng đạo đức theo nghĩa rộng nhất.”

Cần lưu ý rằng việc nhắc đến tông huấn Christifideles Laici của nhóm này để ủng hộ phá thai là một sự xuyên tạc trắng trợn.

Thực vậy, Christifideles Laici được công bố năm 1988 sau thượng hội đồng giám mục năm 1987 về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân.

Trong tông huấn của mình, Đức Gioan Phaolô II kêu gọi giáo dân tham gia đầy đủ vào sứ mệnh của Giáo hội để đối đầu với sự thờ ơ ngày càng tăng đối với tôn giáo và những vi phạm chống lại phẩm giá con người.

Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Ai có thể đếm được số thai nhi không được sinh ra vì chúng bị giết ngay trong bụng mẹ, những đứa trẻ bị chính cha mẹ mình bỏ rơi và lạm dụng, những đứa trẻ lớn lên không được yêu thương và giáo dục?”


Source:Catholic News Agency
 
Giám đốc CIA bí mật đến Kyiv ngay trước binh biến. Putin thề trả đũa. Belarus mướn kẻ thù của Putin
VietCatholic Media
18:30 01/07/2023


1. Các quan chức Mỹ xác nhận Giám đốc CIA đã bí mật thăm Ukraine ngay trước khi cuộc binh biến xảy ra. Putin rất tức giận.

Giám đốc CIA, William Burns, đã tới Ukraine và gặp gỡ các đối tác tình báo và tổng thống Volodymyr Zelenskiy, một quan chức Hoa Kỳ đã xác nhận với AFP hôm thứ Sáu.

Chuyến đi không được đưa tin vào thời điểm đó và diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phản công. Trong chuyến đi của mình, ông Burns đã tái khẳng định “cam kết của Hoa Kỳ trong việc chia sẻ thông tin tình báo để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga”, AFP dẫn lời quan chức Mỹ cho biết như trên.

Theo tờ Washington Post, nơi đưa tin đầu tiên về chuyến thăm, các quan chức Ukraine đã chia sẻ kế hoạch giành lại lãnh thổ do Nga xâm lược và bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn vào cuối năm nay.

Quan chức Mỹ cho biết Burns “đã tới Ukraine thường xuyên hơn kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga hơn một năm trước”. Chuyến đi diễn ra ngay trước cuộc nổi dậy kéo dài 24 giờ do thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin lãnh đạo.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết trước và trong cuộc binh biến vào hôm thứ Bảy 14 Tháng Sáu, các đồng minh ở một số cấp độ khác nhau đã tiếp cận với các quan chức Ukraine, cảnh báo họ đừng lợi dụng sự hỗn loạn để tấn công bên trong Nga.

Mối lo ngại là Ukraine và phương Tây sẽ bị coi là đang giúp đỡ Prigozhin và đe dọa chủ quyền của Nga.

“Thông điệp là đừng làm rung chuyển con thuyền ở đây,” Mark Warner nói, đồng thời cho biết thêm rằng thông điệp đã được truyền đi ở cấp bộ trưởng ngoại giao, các cấp phó và thông qua các đại sứ.

Thượng nghị sĩ Mark Warner cho biết các quan chức Ukraine đã được thông báo rằng “Đó là vấn đề nội bộ của Nga”. Thông điệp đó cũng đã được lặp lại bởi các quan chức Mỹ và phương Tây khác một cách công khai.

“Người Ukraine đã được các đồng minh cảnh báo không được khiêu khích tình hình. Hãy tận dụng các cơ hội trên lãnh thổ Ukraine nhưng đừng để bị lôi kéo vào các vấn đề nội bộ hoặc tấn công vào các tài sản quân sự bên trong Nga”

“Chúng tôi không muốn thấy người Nga nói rằng cuộc binh biến này là sáng kiến của chúng tôi,” Thượng nghị sĩ Mark Warner nói. “Đó là điều mà người Nga luôn mong muốn để chứng minh rằng có những mối đe dọa đối với chủ quyền của Nga.”

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã có thể thu thập một bức tranh cực kỳ chi tiết và chính xác về các kế hoạch của người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin, dẫn đến cuộc nổi loạn ngắn ngủi của ông ta, bao gồm cả địa điểm và cách thức Wagner lên kế hoạch, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với CNN.

Chính vì thế, nhiều người cho rằng chuyến đi của Giám đốc CIA, William Burns, tới Ukraine, là để thông báo cho Ukraine và yêu cầu Ukraine không tấn công vào lãnh thổ Nga trong thời gian xảy ra chính biến.

Konstantin Remchukov, tổng biên tập của Nezavisimaya Gazeta, một tờ báo có quan hệ chặt chẽ với Điện Cẩm Linh, cho biết anh ta và nhiều cơ quan truyền thông đã được mời tham dự một cuộc họp với Putin vào hôm thứ Sáu 30 Tháng Sáu. Anh ta cho biết: “Thông điệp chính của Putin là ông ấy đang giải quyết tình hình. Ông ấy đang bắt đầu điều tra và sẽ hỏi mọi câu hỏi, tìm hiểu mọi thứ và đưa ra những kết luận cần thiết.”

Có hai vấn đề khiến Putin rất bực mình. Thứ nhất, trong cuộc binh biến, không một đơn vị trên mặt đất nào của Nga chống lại các lực lượng Wagner. Thứ hai, ngoài tướng quân ngày tận thế Sergei Surovikin, có thể có tới hơn 30 sĩ quan cao cấp khác biết trước cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, nhưng họ không báo cho ông ta.

2. Các blogger ủng hộ Cẩm Linh phản đối Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Pro-Kremlin Bloggers Turn on Putin”, nghĩa là “Các blogger ủng hộ Cẩm Linh phản đối Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Các blogger quân sự nổi tiếng ủng hộ Điện Cẩm Linh đang công khai đặt câu hỏi về phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với cuộc binh biến thất bại cuối tuần trước của Tập đoàn Wagner.

Trong khi nhiều người trong số những nhà văn này chỉ trích Điện Cẩm Linh và các cơ quan chức năng khác của Nga, một số người đã nhắc đến tên Putin để bày tỏ sự thất vọng của họ về cách ông đối phó với cuộc nổi dậy của nhóm lính đánh thuê.

Các blogger quân sự, còn được gọi là millblogger hoặc voyenkory, đã trở nên rất có ảnh hưởng ở Nga trong cuộc chiến của nước này với Ukraine. Nhiều phóng viên trong số này tuyên bố có kiến thức quân sự, trong khi những người khác nói rằng họ có liên quan đến quân đội của Putin ở Ukraine. Để thể hiện ảnh hưởng của các nhà báo này đối với dư luận Nga, Putin đã tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với một số blogger quân sự vào ngày 13 tháng 6 để thảo luận về các vấn đề liên quan đến chiến tranh.

Trong suốt cuộc chiến, những blogger này đã trực tiếp công kích những nhân vật như Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, nhưng phần lớn họ vẫn trung thành với Putin. Tuy nhiên, khi lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, vào thứ Sáu tuần trước, ra lệnh tấn công Mạc Tư Khoa sau khi ông nói rằng quân đội Nga đã tấn công quân đội của ông, một số blogger đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi Putin không đáp trả mạnh mẽ hơn. Những người khác đã tỏ ra bất mãn đối với việc Điện Cẩm Linh vinh danh lực lượng an ninh của Mạc Tư Khoa sau cuộc binh biến.

“Mọi người đều nghĩ rằng thế giới sẽ quay nhanh hơn gấp năm lần,” blogger quân sự nổi tiếng Alexander Sladkov đã viết trên Telegram về cách giải quyết cuộc nổi loạn của Putin, theo bản dịch của Agence France-Presse. “Vũ khí hạt nhân? Tổng động viên? Tuyên chiến với NATO?”

Sladkov tiếp tục ca ngợi Putin là người “lạnh lùng”, nhưng những người khác viết rằng phản ứng của Nga đối với cuộc nổi loạn khiến Điện Cẩm Linh trông yếu ớt.

“Lãnh đạo Bộ Quốc phòng ở đâu khi một đơn vị vũ trang đang tiến đến Mạc Tư Khoa?” blogger Yuri Kotenok đã viết, theo Agence France-Presse.

Trong khi đó, kênh Telegram nổi tiếng Govorit TopaZ chỉ trích Putin nhiều hơn, đặt vấn đề với nhà lãnh đạo Nga vì đã gọi các chiến binh Wagner là “những kẻ phản bội”.

“Putin đã mắc một sai lầm đẫm máu khủng khiếp, khi đơn phương gọi 25.000 binh sĩ nổi loạn là những kẻ phản bội quân đội Nga, mà cho đến gần đây đây họ là những thành viên của đơn vị duy nhất liên tục tấn công vào khu vực khó khăn nhất của mặt trận,” Govorit TopaZ viết trên Telegram.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

Cuộc binh biến ngắn ngủi của Prigozhin kết thúc một ngày sau khi nó bắt đầu. Hòa bình đã được môi giới dựa trên thỏa thuận rằng các cáo buộc của Điện Cẩm Linh sẽ được bãi bỏ đối với Prigozhin nếu ông ta đồng ý sống lưu vong ở Belarus. Hôm thứ Ba, Putin đã tổ chức một buổi lễ tại Điện Cẩm Linh dành cho các binh sĩ và quan chức thực thi pháp luật, cảm ơn họ vì đã ngăn chặn một “cuộc nội chiến”.

Kênh Battle_Z_Sailor Telegram đã chế giễu lực lượng an ninh có mặt tại buổi lễ, viết rằng những người được giao nhiệm vụ bảo vệ nước Nga đã sợ hãi trước phiến quân Wagner nhưng sau đó đã “tự tiến lên để nhận phần thưởng của nhà nước”.

Cũng bất mãn với buổi lễ này, Govorit TopaZ viết: “Ở Điện Cẩm Linh giờ đây, họ đang khen thưởng và ca ngợi theo đúng nghĩa đen những người không liên quan gì đến giải pháp không đổ máu cho cuộc xung đột.”

Đáng chú ý là Igor Girkin, một cựu sĩ quan quân đội Nga, hiện là một blogger quân sự nổi tiếng, trực tiếp chỉ trích tình hình liên quan đến Wagner. Trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Hai, anh ta yêu cầu xử tử Prigozhin, nói rằng điều đó là “cần thiết để bảo vệ nước Nga như một quốc gia.”

Sau khi Putin phát biểu trước cả nước hôm thứ Hai về cuộc binh biến thất bại, Girkin tiếp tục bày tỏ sự thất vọng của mình với tổng thống.

“Tôi chưa thấy điều gì đáng thương hơn trong màn trình diễn của một người đàn ông hơi giống tổng thống,” Girkin viết trên Telegram. “Sự nhầm lẫn vẫn tiếp tục.”

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã cho biết về cuộc tấn công của quân Ukraine từ bờ Tây sông Dnipro vào phía Đông của con sông này. Bản tin cho biết như sau:

Kể từ khoảng ngày 23 tháng 6, các lực lượng Ukraine gần như chắc chắn đã bắt đầu lại việc triển khai nhân sự tới bờ đông sông Dnipro ở tỉnh Kherson, gần cầu Antonovskiy đã đổ nát.

Giao tranh gia tăng ở bờ đông từ ngày 27 tháng 6. Lực lượng phòng thủ của Nga bao gồm các thành phần của Sư đoàn Dù cận vệ số 7 của Nga, là một phần của Nhóm lực lượng Dnipro, gọi tắt là DGF.

Trong những tuần gần đây, Nga rất có thể đã phân bổ lại các thành phần của DGF bảo vệ bờ sông Dnipro để củng cố khu vực Zaporizhzhia.

Cuộc chiến xung quanh đầu cầu gần như chắc chắn sẽ phức tạp do lũ lụt, sự tàn phá và bùn còn sót lại từ sự việc vỡ đập Kakhovka vào ngày 06 tháng 6 vừa qua.

4. Nga mất tinh thần bỏ chạy tại nhiều khu vực ở Bakhmut mất đến 35 hệ thống pháo trong 24 giờ qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy mùng 1 tháng Bẩy, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, trong khu vực thành phố Bakhmut, đã diễn ra 10 trận giao tranh, hơn 100 quân xâm lược bị tiêu diệt. Ngoài ra, theo hướng Liman-Kupiansk, ba trận giao tranh đã diễn ra và 22 quân chiếm đóng đã thiệt mạng.

Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết quân Ukraine đang dồn ép quân xâm lược từ hai bên sườn. Quân Nga mất tinh thần, bỏ chạy để lại nhiều khí tài chiến tranh, đặc biệt là các hệ thống pháo, nhưng họ kêu các chiến đấu cơ và trọng pháo bắn tới tấp vào quân Ukraine.

“Chỉ trong ngày hôm nay, kẻ thù đã bắn vào chúng tôi 445 lần từ pháo đại bác và nhiều bệ phóng hỏa tiễn, đồng thời thực hiện hai cuộc không kích. Tổng cộng có mười trận giao tranh diễn ra, 104 kẻ xâm lược bị giết, 166 bị thương và sáu quân nhân Nga đã bị bắt”.

Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy hai bệ phóng hỏa tiễn đa năng Grad, một hệ thống hỏa tiễn chống tăng, một phương tiện tuần tra trinh sát chiến đấu, một trạm quan sát chỉ huy cấp tiểu đoàn và ba kho đạn dược.

Cherevatyi cũng nói rằng kẻ thù đã cố gắng tấn công các vị trí của quân Ukraine theo hướng Liman-Kupiansk ba lần và thực hiện 303 cuộc tấn công bằng pháo binh. Trong quá trình đẩy lùi các cuộc tấn công, 22 kẻ xâm lược đã thiệt mạng và 50 người bị thương.

Như đã đưa tin, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã giành được thế chủ động chiến lược và đang tiến tới việc tái chiếm thành phố Bakhmut, và các thị trấn khác trong khu vực Donetsk.

Trong 24 giờ qua, 530 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với một xe tăng, 5 xe thiết giáp, 35 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 9 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 1 Tháng Bẩy, 228.870 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.042 xe tăng, 7.868 xe thiết giáp, 4.162 hệ thống pháo, 632 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 389 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 308 trực thăng, 3.545 máy bay không người lái, 1.261 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.794 phương tiện cơ giới và 580 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Tổng thống Belarus mời lính đánh thuê Wagner huấn luyện quân sự

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko hôm thứ Sáu đã mời lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đến Belarus để huấn luyện quân đội của ông trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập của Belarus, theo hãng thông tấn nhà nước Belta.

“Thật không may, họ, tức là những người lính đánh thuê Wagner, chưa có ở đây,” Lukashenko nói. “Và nếu những người hướng dẫn của họ, như tôi đã nói với họ, đến và truyền lại kinh nghiệm chiến đấu cho chúng tôi, chúng tôi sẽ chấp nhận kinh nghiệm này.”

Lukashenko cũng cho biết anh ấy không sợ các thành viên Wagner, vì anh ấy “đã biết họ từ lâu”.

“Đây là những người đã chiến đấu trên khắp thế giới để thiết lập một nền văn minh bình thường. Phương Tây ghét họ đến tận xương tủy,” ông nói.

Lukashenko cho biết thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, nhưng phương Tây không cảm thấy cần phải đối thoại để giải quyết nó.

Lukashenko cũng cáo buộc Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ “vũ trang cho Ba Lan với tốc độ chóng mặt.”

Ông nói: “Do đó, một điểm nóng căng thẳng khác đang được tạo ra, một thành trì khác đang được tạo ra cho sự xâm lược của quốc gia hiếu chiến nhất trên thế giới và thật không may, là quốc gia hùng mạnh nhất – đó là Hoa Kỳ.

Theo Lukashenko, phương Tây đang biến Ba Lan thành “một bãi huấn luyện ủy nhiệm” để sử dụng chống lại Belarus và Nga.

6. Truyền thông Nga cho biết: Các chiến binh quyết định ở lại với Wagner sẽ không được lệnh triển khai Ukraine

Các chiến binh quyết định ở lại nhóm bán quân sự tư nhân Wagner sẽ không được gửi đến cuộc xung đột ở Ukraine, nhật báo Vedomosti của Nga đưa tin hôm thứ Sáu, dẫn lời Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia.

“Cơ cấu nào không ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng thì không được tham gia hoạt động quân sự đặc biệt. Bởi vì nó phải hoàn thành các nhiệm vụ do bộ chỉ huy quân sự đặt ra, nó phải được cung cấp bởi Bộ Quốc phòng,” Kartapolov nói với Vedomosti.

Người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã từ chối ký hợp đồng với bộ quốc phòng, một tranh chấp đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc nổi loạn ngắn ngủi của ông vào cuối tuần trước.

Tuy nhiên, các chiến binh Wagner có thể ghi danh tham gia cuộc xung đột ở Ukraine nếu họ ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng, và tham gia huấn luyện, Kartapolov nói.

Kartapolov nói với Vedomosti: “Họ được gửi đến các trại huấn luyện trong vài tuần, nơi họ được huấn luyện. Và sau đó họ có một sự lựa chọn – hoặc ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng, hoặc về nước và ký hợp đồng với một cơ quan an ninh khác,” ông nói.

Trước khi giải ngũ, Andrey Kartapolov đã đeo quân hàm Thượng Tướng từ năm 2015. Từ ngày 19 tháng 9, 2021 ông ta là phó chủ tịch Duma quốc gia, phụ trách ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga.

Ngay sau khi cuộc binh biến nổ ra và kết thúc bằng giải pháp trùm Wagner lưu vong tại Belarus, Igor Girkin, cựu tư lệnh Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, người đã nổi lên nhờ lãnh đạo quân đội Nga trong thời gian sáp nhập Crimea năm 2014 đã kêu gọi chính phủ xử tử Prigozhin.

“Tôi không nghĩ rằng tất cả các chỉ huy và chiến binh của Wagner đều đáng bị xử bắn. Nhưng việc treo cổ người đầu bếp vì tội nổi loạn và sát hại các sĩ quan của chúng ta đơn giản là cần thiết để bảo tồn nước Nga như một quốc gia,” ông nói.

Hôm thứ Hai, 26 Tháng Sáu, khi tình hình vẫn đang hết sức nóng bỏng sau cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, Andrey Kartapolov đã lên tiếng bênh vực cho quân Wagner. Ông nói rằng ông thấy không có lý do gì để cấm Tập đoàn Wagner vì “họ không làm gì sai cả.”

Ông nói với hãng tin Vedomosti của Nga rằng các thành viên của Tập đoàn Wagner đang ở Rostov-on-Don như một phần của nỗ lực nổi dậy “đã tuân theo mệnh lệnh”.

“Họ không xúc phạm ai, không vi phạm gì cả. Không ai cáo buộc bất cứ điều gì về họ dù là nhỏ nhất—cả cư dân của Rostov, lẫn các quân nhân của Quân khu phía Nam, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật.”

Kartapolov cho biết Tập đoàn Wagner là đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất của Nga và điều này được mọi người, kể cả đại diện của Lực lượng Vũ trang Nga, công nhận.

“Và bắt giữ họ, tước vũ khí và giải tán họ - bạn không thể tưởng tượng được món quà nào tốt hơn cho NATO và người Ukraine. Bạn không cần phải làm điều đó, ông ta nói.

Các blogger quân sự Nga phò Điện Cẩm Linh đang cáo buộc Tướng Andrey Kartapolov có tên trong danh sách hơn 30 sĩ quan cao cấp trong quân đội Nga được cho là dính líu với Wagner.

Các nguồn tin tại Nga cho biết cáo buộc chống lại trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã bị hủy bỏ, các cuộc điều tra chống lại anh ta đã kết thúc. Tuy nhiên, các cuộc điều tra tại sao các đơn vị quân đội Nga không chiến đấu chống lại quân Wagner trong suốt cuộc binh biến vẫn đang được tiến hành.

7. Thủ tướng Thụy Điển hôm thứ Sáu cho biết người Thủ tướng Hung Gia Lợi đã bảo đảm với ông rằng Budapest sẽ không trì hoãn việc gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này, sau các báo cáo rằng quốc hội Hung Gia Lợi sẽ trì hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.

“Tôi đã nói chuyện với Viktor Orbán ngày hôm qua và ông ấy đã xác nhận rất rõ ràng rằng những gì ông ấy nói với tôi lần trước vẫn còn hiệu lực,” thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết hôm thứ Sáu.

“Hung Gia Lợi sẽ không trì hoãn quá trình phê chuẩn của Thụy Điển dưới bất kỳ hình thức nào,” ông nói với giới truyền thông. Theo các báo cáo của Reuters, Kristersson không nói rõ liệu những bình luận của Orban có ám chỉ một cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius hay không.

8. Hoa Kỳ lo ngại về các hoạt động của quân Wagner tại Phi Châu. Nga bác bỏ cáo buộc tấn công vào quân Wagner ở Lybia.

Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của nhóm Wagner của Nga ở Phi Châu và cáo buộc lãnh đạo của nhóm này, Yevgeny Prigozhin, đã dàn dựng việc rút các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc khỏi Mali.

Hoa Kỳ có thông tin cho thấy chính phủ chuyển tiếp của Mali đã trả hơn 200 triệu đô la cho Wagner kể từ cuối năm 2021, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Sáu 30 Tháng Sáu.

Trong khi đó, Mạc Tư Khoa cho biết nhóm lính đánh thuê Wagner, là nhóm gần đây đã thực hiện một cuộc binh biến ngắn ngủi ở Nga, sẽ tiếp tục hoạt động ở Phi Châu nếu các chính phủ ở lục địa này quyết định duy trì hợp đồng với nhóm quân sự tư nhân

“Tương lai của các thỏa thuận giữa các quốc gia Phi Châu và công ty quân sự tư nhân Wagner trên hết phụ thuộc vào chính phủ của các quốc gia liên quan,” Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

Sergei Lavrov đưa ra lập trường trên khi tham dự lễ khai trương Trung tâm Ngoại giao Nhân dân Quốc gia của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Mạc Tư Khoa vào ngày 30 tháng 6.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tấn công một căn cứ không quân ở miền đông Libya được sử dụng bởi lính đánh thuê của nhóm bán quân sự Nga Wagner vào đầu ngày thứ Sáu mà không gây ra bất kỳ thương vong nào, một quan chức quân sự nói với AFP.

Nguồn gốc của các cuộc tấn công qua đêm vào căn cứ không quân Al-Kharruba, cách Benghazi khoảng 90 dặm về phía tây nam, là “không rõ”

Các báo cáo được thực hiện bởi các trang web tin tức của Libya và Ả Rập tuyên bố rằng các cuộc tấn công đã được thực hiện từ máy bay của chính phủ Libya được Liên Hiệp Quốc công nhận. Nhưng chính phủ Thống nhất Quốc gia có trụ sở tại thủ đô Tripoli phủ nhận mọi liên quan. Cũng có các tin tức nói rằng cuộc tấn công là do Nga dàn dựng để mưu sát các thành viên cao cấp của quân Wagner. Sergei Lavrov phủ nhận mọi liên quan.

Tại Nga, cơ quan giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor đã chặn các phương tiện truyền thông có liên quan đến Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của nhóm lính đánh thuê Wagner đã tổ chức một cuộc binh biến ngắn vào thứ Bảy tuần trước, tờ Kommersant của Nga đưa tin hôm thứ Sáu.

9. Liên Hiệp Âu Châu xem xét kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để giúp tái thiết Ukraine

Các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Âu Châu đưa ra một đề xuất tập trung vào lợi nhuận từ tài sản cố định của Ngân hàng Trung ương Nga để hỗ trợ chi phí tái thiết Ukraine, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen tuyên bố hôm thứ Sáu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của các nhà lãnh đạo Âu Châu, cô von der Leyen nói: “Chúng tôi chứng kiến sự tàn phá to lớn mà Nga phải chịu trách nhiệm ở Ukraine và thủ phạm phải chịu trách nhiệm”.

Cô nói: “Không thể có chuyện Nga phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng của Ukraine mà không đóng góp vào việc sửa chữa và tái thiết.”

Ủy ban sẽ thực hiện “một đường lối rất thận trọng để làm việc với lợi nhuận thu được từ các tài sản bị đóng băng với sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế của chúng tôi,” von der Leyen nói thêm.

Phát biểu trong cùng một cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng chúng tôi nên duy trì nỗ lực cùng với các đối tác của mình để huy động tài sản có lợi cho Ukraine và tương lai của Ukraine”.

Tháng trước, phát ngôn nhân của Ủy ban Âu Châu Christian Wigand đã xác nhận rằng “hơn 200 tỷ euro hay 218 tỷ USD tài sản cố định của Ngân hàng Trung ương Nga” đã bị các nước Liên Hiệp Âu Châu tịch thu.

Ngân hàng Thế giới ước tính Ukraine sẽ cần ít nhất 411 tỷ đô la để khắc phục thiệt hại do chiến tranh gây ra.

Bối cảnh khác: Sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Liên Hiệp Âu Châu và Nhóm Bảy nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của nước này — khoảng 300 tỷ euro (327 tỷ USD) — cùng các biện pháp khác.

Khoảng 2/3 trong số đó, tương đương 200 tỷ euro hay 218 tỷ USD, nằm ở Liên Hiệp Âu Châu, chủ yếu nằm trong các tài khoản tại Euroclear có trụ sở tại Bỉ, một trong những cơ quan thanh toán bù trừ tài chính lớn nhất thế giới.

10. Reuters đưa tin, đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức 89 so với đồng đô la lần đầu tiên sau hơn 15 tháng vào thứ Sáu.

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Alexei Zabotkin cho biết doanh thu xuất khẩu giảm và cán cân thanh toán đang quyết định sự suy yếu của đồng rúp, là điều mà ông trấn an người dân Nga rằng không có rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, nhận xét rằng Nga đã thua trong cuộc chiến này. Khả năng quân Nga giữ được các vùng đất tạm chiếm hiện nay đang tuột khỏi tầm tay người Nga, nói chi đến việc chiếm thêm đất. Tiếp tục giằng dai không đi đến đâu như hiện nay sẽ làm cho nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng với các lệnh trừng phạt ngày càng gay gắt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.

11. Video cho thấy quân đội Nga từ chối mệnh lệnh ra tiền tuyến 'máy xay thịt'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video: Russian Troops Refuse Orders to Go to 'Meat Grinder' Front Line”, nghĩa là “Video cho thấy quân đội Nga từ chối mệnh lệnh ra tiền tuyến 'máy xay thịt'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một video mới được đăng trên mạng xã hội hôm thứ Năm cho thấy quân đội Nga ở Ukraine từ chối chiến đấu trong cái mà một trong những người đàn ông gọi là “máy xay thịt” của tiền tuyến.

WarTranslated, một dự án truyền thông độc lập chuyên dịch các tài liệu về cuộc chiến ở Ukraine sang tiếng Anh, đã chia sẻ đoạn video trên Twitter. Trong đoạn clip ban đầu xuất hiện trên Telegram, một trong những người lính cho biết ngày ghi hình là ngày 28 tháng 6 trước khi xác định lữ đoàn của mình là “Lữ Đoàn Xung Kích Z”.

“Ban đầu, khi đến khu vực hoạt động quân sự đặc biệt, chúng tôi có 150 người. Sau những trận giao tranh ác liệt, chúng tôi chỉ còn lại bằng ngần này,” anh nói, theo phụ đề tiếng Anh của WarTranslated, khi máy quay lia cho thấy chỉ có khoảng 20 người đàn ông đứng xung quanh anh ta.

Người lính này cho biết đơn vị của anh không được cung cấp thức ăn, nước uống hay đủ lượng đạn dược khi họ đóng quân ở “đường số 0”, một thuật ngữ khác để chỉ tiền tuyến của cuộc chiến.

“Thương binh chưa được di tản, người chết vẫn đang thối rữa ở đó. Những mệnh lệnh khủng khiếp được đưa ra mà không nên tuân theo. Chúng tôi thực sự tin rằng chúng tôi đang bị vô hiệu hóa. Chúng tôi đã phục vụ trong ba tháng, chưa bao giờ được trả lương,” anh ta nói.

“Họ vừa quay lại và nói rằng chúng tôi cần phải đi đến vạch số 0 tại ngôi làng Priyutny, thuộc vùng Zaporizhzhia, để đến máy xay thịt một lần nữa,” người lính nói thêm. “Mục đích của video này là chúng tôi sẽ gửi nó cho tất cả người thân của chúng tôi và chúng tôi từ chối tuân theo mệnh lệnh vì một số lý do đã nói ở trên.”

Kết luận, ông nói: “Chúng tôi đầu hàng quân cảnh. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi chết ở đây, họ sẽ không chết ở vạch số 0. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã bị giết bởi chính người Nga ở đây, không phải trong trận chiến.”

Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã báo cáo về cái mà họ gọi là các đại đội của “Lữ Đoàn Xung Kích Z”, mô tả các đơn vị này được tạo thành từ các cựu tù nhân.

Trong một thông cáo báo chí ngày 15 tháng 6, cục tình báo quân sự cho biết các đại đội của Lữ Đoàn Xung Kích Z có “hiệu quả chiến đấu cực kỳ thấp”. Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cũng cho biết “nghiện rượu, cướp bóc và đào ngũ đang nở rộ” trong Lữ Đoàn Xung Kích Z “do những tổn thất thảm khốc”.

Đoạn video quay cảnh quân đội từ chối tuân theo mệnh lệnh được đưa ra sau khi một đại đội của Lữ Đoàn Xung Kích Z khác bày tỏ sự bất bình về cuộc chiến trên một bài đăng trên mạng xã hội. Hãng tin Ukraine Obozrevatel đưa tin vào tháng 3 rằng một đại đội của Lữ Đoàn Xung Kích Z đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một video khi họ phàn nàn rằng họ không được cung cấp phù hợp khi bị đưa vào chiến hào ở khu vực Donetsk của Ukraine.

Theo Obozrevatel, đoạn video tháng 3 - trong đó có nội dung đòi tiền của quân đội - “đã gây được tiếng vang lớn ở Liên bang Nga.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
 
Rước kiệu tại Rôma tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tranh cãi Phụng Vụ ngày càng trầm trọng ở Ấn Độ
VietCatholic Media
18:38 01/07/2023

1. Vị Giám Mục đe dọa trừng phạt trong tranh chấp phụng vụ tồi tệ nhất thế giới Công Giáo

Trong lần leo thang mới nhất về tranh chấp phụng vụ nghiêm trọng nhất trong thế giới Công Giáo, vị Giám Quản Tông Tòa có thẩm quyền lớn nhất trong Giáo hội Syro-Malabar được Đức Giáo Hoàng chỉ định đã ban hành một sắc lệnh cáo buộc các linh mục và giáo dân “nổi loạn và thù hận chống lại giáo quyền” và cho họ đến hạn chót là ngày 2 tháng 7 phải tuân thủ một thể thức mới để cử hành Thánh lễ trước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Sắc lệnh dài bảy trang của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath đề ngày 22 tháng 6 và được gửi tới cha sở của nhà thờ chính tòa Đức Bà ở Ernakulam ở tây nam Ấn Độ, là một phần của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly.

Giáo Hội Syro-Malabar, có trụ sở tại Ấn Độ, là Giáo Hội lớn thứ hai trong số các Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông với Rôma, và đã vướng vào một cuộc tranh chấp gay gắt về phụng vụ trong nhiều tháng.

Vào năm 2021, thượng hội đồng của Giáo hội đã quyết định áp dụng một phương thức cử hành phụng vụ thống nhất, theo đó các linh mục quay mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa và sau đó là quay lên bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, rồi lại quay lại về phía cộng đoàn sau khi rước lễ.

Trong khi hầu như tất cả các giáo phận của Giáo hội đã áp dụng hình thức phục vụ mới, các giáo sĩ và giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, cho đến nay là khu vực tài phán lớn nhất của Syro-Malabar, đã bác bỏ nó, cho rằng việc đối mặt với mọi người trong suốt Thánh lễ là một biến thể phụng vụ hợp pháp và phù hợp với những cải cách của Công đồng Vatican II (1962-65).

Tranh chấp về cơ bản đã đóng cửa nhà thờ chính tòa Đức Bà và dẫn đến các cuộc biểu tình gây tranh cãi bên ngoài và đôi khi, ngay cả bên trong các nhà thờ Syro-Malabar.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy động thái mới nhất của Đức Cha Thazhath g sẽ giải quyết được vấn đề, khi các đại biểu từ một số giáo xứ đã tập trung vào hôm Chúa Nhật tại thành phố Kochi, nơi đặt Tòa Giám Mục của Đức Cha Thazhath, để đốt sắc lệnh của ngài trước công chúng.

Riju Kanjukkaran của “Alamaya Munnettam,” một diễn đàn của các giáo dân ủng hộ thông lệ hiện tại là chủ tế đối mặt với cộng đoàn trong suốt Thánh lễ, cho biết cuộc biểu tình được tổ chức để phản đối hạn chót vào ngày 2 tháng 7, là thời hạn do Đức Cha Thazhath ấn định, với sự tham gia của các đại biểu từ tất cả các giáo xứ trực thuộc tổng giáo phận.

Trong sắc lệnh của mình, Thazhath gọi tranh chấp, bao gồm cả việc đóng cửa nhà thờ đang diễn ra, là “một vấn đề vô cùng đau đớn và xấu hổ đối với Giáo hội của chúng ta.”


Source:Crux

2. Rước kiệu tại Rôma tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã dẫn đầu một cuộc rước qua các đường phố của Rôma vào hôm Chúa Nhật để tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và mừng ngày lễ này được cử hành vào ngày 27 tháng Sáu.

Cuộc rước Mân Côi bắt đầu với Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Anphongsô Liguori ở Rôma, nơi lưu giữ ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,.

Hơn 70 linh mục và nữ tu tham gia cuộc rước kiệutheo sau một bức ảnh lớn của ảnh Đức Mẹ ở Via Merulana, con đường dẫn từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả.

Con đường hiện đại đi theo con đường lịch sử mà Đức Giáo Hoàng Gregoriô thứ 13 đã tạo ra cho các cuộc rước tôn giáo giữa hai vương cung thánh đường trong Năm Thánh 1575.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, là một bức họa Byzantine được vẽ trên gỗ, và được cho là có từ thế kỷ 13.

Bức ảnh được mang từ Hy Lạp đến Rôma vào gần cuối thế kỷ 15 và được cất giữ vào năm 1499 tại Nhà thờ Thánh Matthêu, tọa lạc tại khu vực ngày nay là Via Merulana, nơi những người hành hương đã tôn kính bức ảnh trong nhiều thế kỷ.

Linh ảnh cho thấy Đức Trinh Nữ Maria đang bồng Chúa Hài đồng, người đang được các tổng lãnh thiên thần Micae và Gabriel cho xem thánh giá, đinh và các dụng cụ khác trong Cuộc khổ nạn của Ngài. Trong hình ảnh, hài nhi Giêsu bị mất dép, điều này khiến một số người giải thích rằng Chúa hài nhi được miêu tả đã chạy vội đến vòng tay của Đức Mẹ.

Nhà thờ Thánh Matthêu đã bị phá hủy khi Rome bị quân đội Pháp của Napoléon xâm lược và linh ảnh đã bị thất lạc trong nhiều thập kỷ cho đến khi được phát hiện lại trong một nhà thờ của các Giáo phụ Augustinô vào những năm 1860.

Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín, người có ký ức về việc cầu nguyện trước bức ảnh linh ảnh khi còn là một cậu bé khi được treo trong Nhà thờ Thánh Matthêu, đã yêu cầu trả lại bức ảnh về vị trí ban đầu trên tuyến đường hành hương giữa Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và Đền Thờ Đức Bà Cả. Vào thời điểm đó, Dòng Chúa Cứu Thế đã xây dựng một nhà thờ trên địa điểm của Nhà thờ Thánh Matthêu trước đây.

Năm 1866, bức ảnh được rước trong một cuộc rước lớn qua các đường phố của Rôma đến Nhà thờ Thánh Alphonsô đệ Liguori của Dòng Chúa Cứu Thế, nơi bức ảnh được đặt trên bàn thờ cao. Tin tức về sự chữa lành thần kỳ lan truyền nhanh chóng khắp thành phố Rôma và hàng trăm người đã đến thăm đền thờ.

Hai tuần sau, chính Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín đã đến nhà thờ để cầu nguyện trước linh ảnh. Vị Giáo Hoàng kế nhiệm ngài, là Đức Giáo Hoàng Leô XIII, đã giữ một bản sao của linh ảnh trên bàn làm việc của mình để ngài có thể nhìn thấy bức ảnh liên tục trong ngày làm việc của mình.

Thánh Piô X đã gửi một bản sao của bức ảnh cho Nữ hoàng Ethiopia và ban ân xá 100 ngày cho bất cứ ai lặp lại câu “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu cho chúng con.”

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã cho đặt ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ngay trên chiếc ghế của ngài trong phòng ngai vàng. Ở đây mọi người có thể nhìn thấy nó ngay trên đầu ngài, như muốn nói: “Đây là Nữ hoàng thực sự của anh chị em!”

Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã xây dựng một nhà thờ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Boston, sau này được Đức Giáo Hoàng Piô XII nâng lên hàng vương cung thánh đường.

Source:Catholic News Agency

3. Ý nghĩa linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Linh ảnh là một dụng cụ Thiên Chúa dùng để nói với con người. Nó tiếp tục con đường Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể làm người, để qua Ngài, Thiên Chúa tiếp tục ngỏ lời với con người.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như chúng ta có hiện nay mang những yếu tố của một truyền thống đã có từ trước, đó là truyền thống Đức Trinh Nữ Thương Khó (qua những biểu tượng của đồi Calvary), Đức Trinh Nữ Hodigitria (Mẹ Chỉ Đường Của Chúa Giêsu), và Đức Trinh Nữ Eleusa (Đấng Cảm Thương).

Chữ tắt Hy Lạp MP OY = Mẹ Thiên Chúa.mhcg_2_2

Chữ tắt Hy Lạp OAPM = Tổng lãnh thiên thần Micae.

Chữ tắt Hy Lạp OAPG = Tổng lãnh thiên thần Gabriel.

Chữ tắt Hy Lạp IC XC = Giêsu Kitô.

Màu vàng nền của Linh ảnh tượng trưng cho thiên đàng. Khi chiêm ngắm Linh ảnh, chúng ta được mời gọi đọc các ý nghĩa dưới ánh sáng của đức tin.

Ánh mắt của Đức Mẹ nhìn đến chúng ta và cái nhìn của Chúa Giêsu hướng về thánh giá dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Vì vậy, trong Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Linh ảnh này được gọi là “Linh Ảnh Của Tình Yêu”.

Đức Mẹ có dáng vẻ buồn, nhưng không phải nỗi buồn của tuyệt vọng. Vì Mẹ là người mẹ nên Mẹ lo lắng cho con.

Chúa Giêsu dường như nhìn về thánh giá nhưng cũng có vẻ nhìn xa hơn nữa. Ngài tín thác vào sự trung tín của Chúa Cha, nhất là trong cuộc Thương Khó.

Hai tay của Đức Mẹ mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt. Tay phải của Mẹ mà Chúa Giêsu đang nắm chính là trung tâm của Linh ảnh. Nó diễn tả mối tương quan độc nhất giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu, Đấng mà Mẹ cưu mang trong lòng. Tay trái của Mẹ nâng Chúa Giêsu. Đây là tư thế của Đức Giám Mục nâng Sách Tin Mừng trong phụng vụ. Đức Mẹ nâng Ngôi Lời Nhập Thể bằng tay trái của Mẹ.

Tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Đó là di sản thiêng liêng của Đức Mẹ để lại cho các tín hữu.

Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Biểu tượng sự sống như một “con đường” (đạo) cũng được Hội Thánh sơ khai sử dụng (x. Cv 9,2; 19,9). Kitô giáo là một cách sống, là đường đưa chúng ta đến sự sống hoàn hảo.

Ngôi sao trên đầu của Đức Mẹ là biểu tượng cho ánh sáng đức tin. Mẹ Maria là người nữ của đức tin một cách tuyệt hảo. “Em thật có phúc vì đã tin” (Lc 1,45). Bàn tay phải của Mẹ không chỉ tham gia vào đời sống trần thế của Chúa Giêsu mà còn chỉ cho chúng ta Đường (Đạo) để chúng ta đi theo, nếu chúng ta muốn sống như những người con của Chúa.



Source:Nhà Thờ Thái Hà