Ngày 31-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gia tài vĩnh cửu
Lm. Vinh Sơn scj
07:55 31/07/2016
Chúa Nhật XVIII Thường Niên C

GIA TÀI VĨNH CỬU

Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5,9-11; Lc 12,13-21

Đại văn hào Tolstoy kể lại câu chuyện về một người nông dân tên là Pakhom rất muốn có một ít đất đai. Ông ta dành dụm từng đồng và mua được bốn sào. Ông ta hết sức vui mừng. Tuy nhiên, ít lâu sau, ông ta cảm thấy còn chật chội, ông bèn bán bốn sào đất đó đi và mua tám sào ở một vùng khác. Nhưng điều đó không làm ông thoả mãn lâu, nên ông bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác.

Một buổi tối nọ, một người khách lạ đến. Pakhom đã nói về ước muốn của ông có thêm nhiều đất đai. Người khách lạ nói với ông rằng bên kia dãy núi nơi sinh sống của một bộ tộc. Những con người đơn sơ ở đây có rất nhiều đất đai muốn bán.

Ngày hôm sau, ông ra đi. Người tộc trưởng tiếp đón ông và nói: “Chỉ cần bỏ ra một ngàn rúp, ông sẽ có được một số đất đai mà ông rảo bước trong một ngày. Nhưng ông phải quay về điểm xuất phát cũng trong ngày hôm đó, nếu không kịp, ông phải chịu mất số tiền”.

Pakhom sung sướng rộn ràng. Suốt đêm đó ông không ngủ được mải nghĩ đến những đất đai sẽ thuộc về ông. Ngay khi mặt trời vừa ló dạng ở chân trời, người ta cắm một cái mốc trên đỉnh gò, và ông xuất phát. Có những người cỡi ngựa theo sau và đóng xuống đất những cọc để đánh dấu lộ trình mà ông đã đi qua.

Ông bước đi nhanh và mỗi lúc một nhanh hơn. Càng đi xa đất càng màu mỡ hơn. Trong lúc tham lam, ông đi một vòng thật lớn mà quên mất thời gian. Và rồi ông hoảng hốt khi thấy mặt trời bắt đầu xuống thấp. Ông quay đầu chạy về cái gò, nơi ông xuất phát thật nhanh. Khi ông vừa lên đến đỉnh gò thì mặt trời đã lặn. Tuy nhiên, ngay lúc đó ông đã ngã quỵ xuống, úp mặt trên đất.

“Tôi khen ngợi ông” người tộc trưởng nói “Ông đã có nhiều hơn bất cứ người nào mà tôi còn nhớ”. Nhưng Pakhom không đáp lại. Người ta lật ngửa ông lên. Ông đã chết. Chết không được gì…

Nhân vật Pakhom của câu chuyện trên gợi cho chúng ta hình ảnh người phú hộ giàu có mà Chúa Giêsu đã trình bày trong dụ ngôn người phú hộ làm giàu: Ông rất thành công về ngành nông nghiệp. Sự thành công này làm cho ông ta say sưa và suy tính tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình, vì kho cũ không đủ sức chứa nữa… Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp phá kho cũ và làm kho mới lớn hơn, rồi đưa tất cả hoa màu, của cải nhập kho, khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm. Với những cái kho lớn đầy hoa màu và của cải, người phú hộ tha hồ vui chơi, ăn uống chè chén say sưa. Ông thấy mình có tất cả dư thừa vật chất nên chẳng sợ đói và cần nhờ vả đến ai, đến Chúa cũng chẳng cần và sợ nữa. Vì tất cả của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc, không thiếu thốn cả đời, nơi đó ông đặt lòng mình (Lc 12,34). Nhưng thật ra có bền vững không, trộm cắp, cướp bóc, bão lụt, hỏa hoạn… có thể làm tiêu tan những gia tài của ông. Dù ông có giữ được bên mình cái kho đầy rẫy của cải khỏi những phong ba cuộc đời, ông cũng đâu ngờ rằng cái chết sẽ làm cho ông ra đi trắng tay tất cả. Người phú hộ sống rong cảnh sống giầu có, sung túc này, ông ta vui chơi ăn uống thả dàn, không nghĩ đến Thiên Chúa, bỏ quên cả linh hồn của mình; nhưng ông ta không nghĩ rằng: “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi” thì lúc đó :”Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”?

Khi giải thích dụ ngôn này, thánh Athanasiô đưa ra lời khuyên: “Ai sống như phải chết mỗi ngày – vì biết rằng cuộc sống này tự nó là tạm bợ, không chắc chắn – sẽ không phạm tội, vì sợ hãi Chúa dập tắt một phần lớn lòng tham lam ; trái lại, ai nghĩ mình còn sống lâu sẽ dễ dàng để cho mình bị dục vọng cai trị”.

Dụ ngôn thật sâu sắc truyền cho chúng ta sứ điệp: lo lắng cho kho vật chất của mình là việc phải làm nhưng đó không phải là mục đích của sự hiện hữu con người trong cuộc sống. Còn một mối bận tâm khác là kho tàng trên trời như thánh Phaolô đã khai triển cụ thể: “Anh em hãy tìm những sự trên trời” (Cl 3,2), nghĩa là làm giàu trước mặt Thiên Chúa, vì có đầy của cải mà không lo đời sau thì cũng bằng không trước Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy” tức là của cải đầy rẫy trong kho nhưng ra đi vẫn cứ hai bàn tay trắng trước mặt Thiên Chúa. Vâng, tất cả chỉ là: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2), lời Giảng Viên vang vọng.

Của cải vật chất, nếu là mối bận tâm duy nhất sẽ dẫn tới hậu quả: tay không, phù vân trước Thiên Chúa và ngay ở đời này, vì của cải anh em tranh giành lẫn nhau, tình huynh đệ bị tổn thương như người em và anh tranh chấp của thừa kế xin Chúa Giêsu phán xử. Tranh giành của cải vật chất mà tình nghĩa anh em rạn nứt, gia đình phân ly. Đó cũng là thực tế của ngày hôm nay ở khắp nơi: tình nghĩa anh em trở nên thù địch vì tranh chấp của cải vật chất.

Chăm chút cái kho để cho con cháu mai này, ôm mộng làm giàu để đảm bảo cuộc sống tương lai đều tốt. Vâng, thật ra của cải không xấu, xây kho cũng tốt thêm để bảo toàn cuộc sống tương lai, “Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12,15). Cái tham này chúng ta nhìn rõ nhất trong xã hội hôm nay, con người mơ tưởng giàu sang, từ mơ tưởng bắc cầu đến ham muốn mọi thứ không là của mình, tham cả trên mồ hôi nước mắt của anh em đồng loại. Lòng tham còn đưa con người ta bòn rút của công khi thi hành công vụ, đó chính là tham nhũng bất công, vì lợi ích cá nhân làm thâm thủng ngân quỹ. Cái tham này giống như là vơ vét của người khác để đưa vào kho cho chính mình, bề ngoài tưởng như không hại đến ai vì là “của công” mà, “cha chung đâu ai khóc”, nhưng cái tham lam này tổn hại đến cả một cộng đồng dân tộc, cho sự phát triển chung của đất nước. Cái tham đó như những con mọt gặm nhấm dần dần làm mục nát cả một nhân loại. Quê hương Việt Nam yêu dấu đang xuất hiện “hiện tượng tham này” và làm trì trệ phát triển của cả một dân tộc nó đã trở thành “quốc nạn”, chuyện “thường ngày ở huyện”, như một căn bệnh nan y bất trị.

Ngày hôm nay chúng ta luôn để tâm suy niệm và sống: tiền tài vật chất luôn là phương tiện của cuộc sống không phải là kho tàng. Chúa Giêsu đã loan báo kho tàng vĩnh cửu mà con người nên tìm kiếm: Đó là sự sống đời đời, sự sống có được dệt bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận (x. Lc 10,25-37). Thánh Phanxicô Asisi diễn giải: “Cho tức là nhận và khi chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Nhận kho tàng mà Chúa Giêsu hứa ban cho người quảng đại….

Người giầu xây mộng như mây trôi

Hạnh phúc kho tàng mục nát thôi

Người dại linh hồn mình thiệt mất

Người khôn tích trữ của muôn đời

(Lm. Khuất Dũng sss)

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 30/07/2016.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 31/07/2016
86. NGƯỜI MÙ HỎI VỀ MẶT TRỜI.
Có một người mù, từ trước đến nay chưa nhìn thấy mặt trời bao giờ, nên đi hỏi những người sáng mắt.
Có người nói với anh ta:
- “Hình dạng trạng thái của mặt trời giống như cái dĩa bằng đồng.”
Về nhà, người mù gõ gõ cái dĩa đồng, có tiếng kêu tinh tang, một ngày nọ, ngẫu nhiên anh ta nghe tiếng chuông đồng vọng lại, bèn cho rằng đó là mặt trời. Có một người khác nói với anh ta:
- “Mặt trời có thể phát sáng, giống như cây đèn cầy vậy.”
Người mù lại trở về nhà rờ rờ cây đèn cầy, nhớ kỷ hình dáng của nó; lại có một ngày, anh ta rờ đến cái ống sáo (tiêu), thì rất đắc ý nói:
- “Đây là mặt trời”.
(Tô Đông Pha tập)

Suy tư 86:
Không một người Ki-tô hữu nào thấy Thiên Chúa cả, nhưng ai cũng có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa qua cuộc sống của họ.
Có người thấy Thiên Chúa nơi những người nghèo, và thế là họ tận tâm phục vụ người nghèo: họ đã chạm đến Thiên Chúa trong cuộc sống...
Có người thấy Thiên Chúa nơi sách vỡ, và thế là họ nghiên cứu, suy tư, học hỏi: họ đã cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống...
Có người nhìn thấy Thiên Chúa nơi những người bị áp bức, bị đối xử bất công, và thế là họ đấu tranh cho công bằng xã hội, cho người bị ngược đãi: họ đã sờ tới Thiên Chúa trong cuộc sống...
Có người nhìn thấy Chúa nơi hành vi phục vụ của anh chị em, và thế là họ cũng bắt chước người anh em chị em ấy đi phục vụ người khác: họ đã “nắm” được Thiên Chúa trong cuộc sống...
Thiên Chúa luôn tỏ mình ra cho chúng ta trong cuộc sống, có điều là chúng ta có nhận ra Ngài hay không mà thôi ! Bí quyết để nhận ra Ngài đó chính là chúng ta phải có một tâm hồn quãng đại, một tinh thần khiêm tốn và một sự cầu nguyện liên lỉ không ngừng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:19 31/07/2016

18. Vâng lời là nhân đức đẹp duy nhất giành công lao của đức tin.

(Thánh Georginus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Đêm Canh Thức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Vũ Văn An dịch
00:04 31/07/2016
Các bạn trẻ thân mến, chào các con!

Quả là điều tốt đẹp được ở đây với các con trong buổi Canh Thức Cầu Nguyện này!

Vào cuối chứng từ mạnh mẽ và cảm động của mình, Rand đã yêu cầu chúng ta một điều. Anh nói: "Tôi tha thiết xin các bạn cầu nguyện cho đất nước thân yêu của tôi". Câu chuyện của anh, liên quan đến chiến tranh, đau buồn và mất mát, đã kết thúc bằng lời xin cầu nguyện. Còn cách nào tốt hơn cho chúng ta để bắt đầu buổi canh thức này bằng cách cầu nguyện?

Chúng ta đã đến đây từ các nơi khác nhau trên thế giới, từ các lục địa, các quốc gia, các ngôn ngữ, các văn hóa và dân tộc khác nhau. Một số người trong chúng ta là con trai và con gái của các quốc gia rất có thể đang mâu thuẫn và can dự vào các cuộc xung đột khác nhau hoặc thậm chí cả chiến tranh công khai nữa. Nhiều người khác trong chúng ta đến từ các quốc gia rất có thể có "hòa bình", không có chiến tranh và xung đột, nơi mà hầu hết những điều khủng khiếp xảy ra trong thế giới của chúng ta, chỉ đơn giản là một câu chuyện trên tin tức buổi tối. Nhưng các con hãy nghĩ về điều này. Đối với chúng ta, ở đây, hôm nay, đến từ các nơi khác nhau trên thế giới, sự đau khổ và những cuộc chiến mà nhiều người trẻ đang trải nghiệm không còn vô danh, một điều gì đó chúng ta đọc trong các báo chí. Chúng có một cái tên, chúng có một khuôn mặt, chúng có một câu chuyện, chúng rất gần gũi. Hôm nay, cuộc chiến ở Syria đã gây ra đau đớn và đau khổ cho rất nhiều người, cho nên nhiều người trẻ như người bạn Rand tốt lành của chúng ta, người đã đến đây và yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho đất nước thân yêu của mình.

Một số tình huống có vẻ xa xôi cho đến khi, một cách nào đó, chúng ta đụng đến chúng. Chúng ta không đánh giá một số sự việc vì chúng ta chỉ nhìn thấy chúng trên màn hình của một chiếc điện thoại di động hoặc một máy vi tính. Nhưng khi chúng ta tiếp xúc với cuộc sống, với cuộc sống của người ta, không chỉ là hình ảnh trên một màn hình, một điều gì đó mạnh mẽ đang xảy ra. Chúng ta cảm thấy cần phải can dự vào. Cần nhận ra rằng không còn những "thành phố bị lãng quên" nữa, nói theo từ ngữ của Rand, hoặc không còn anh chị em của chúng ta "bị bao vây bởi cái chết và giết chóc" nữa, hoàn toàn bất lực. Các con thân mến, Cha yêu cầu chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những đau khổ của tất cả các nạn nhân chiến tranh và cho nhiều gia đình Syria yêu quý và các nơi khác trên thế giới chúng ta. Một lần mãi mãi, ước gì chúng ta có thể nhận ra rằng không có gì biện minh cho việc đổ máu một người anh em hay chị em; không có gì quý giá hơn người bên cạnh chúng ta. Khi yêu cầu các con cầu nguyện cho điều này, Cha cũng xin cảm ơn Natalia và Miguel đã chia sẻ những đấu tranh và xung đột nội tâm của mình. Các con nói với chúng ta về cuộc đấu tranh của các con, và về cách các con thành công trong việc khắc phục chúng. Cả hai con đều là dấu chỉ sống động của những gì lòng thương xót của Thiên Chúa muốn thực hiện trong chúng ta.

Ở đây không có thời gian để tố cáo bất cứ ai hay bất cứ cuộc đánh nhau nào. Chúng ta không muốn phá bỏ. Chúng ta không muốn chinh phục hận thù bằng nhiều hận thù hơn, bạo lực bằng nhiều bạo lực hơn, khủng bố bằng nhiều khủng bố hơn. Chúng ta đang ở đây hôm nay vì Chúa đã kêu gọi chúng ta đến với nhau. Phản ứng của chúng ta đối với một thế giới có chiến tranh có một cái tên: tên của nó là tình anh em, tên của nó là sự hiệp thông, tên của nó là gia đình. Chúng ta chào mừng sự kiện này: phát xuất từ nhiều nền văn hóa khác nhau, chúng ta đã đến với nhau để cầu nguyện. Hãy để lời lẽ tốt nhất của chúng ta, lập luận tốt nhất của chúng ta, thành sự hiệp nhất của chúng ta trong lời cầu nguyện. Chúng ta hãy dành một phú để im lặng và cầu nguyện. Chúng ta hãy đặt trước mặt Chúa các chứng từ của bạn hữu chúng ta, và chúng ta hãy gắn bó với những người mà với họ "gia đình là một khái niệm vô nghĩa, căn nhà chỉ là một nơi để ngủ và ăn", và với những người sống với nỗi sợ hãi rằng những sai lầm của họ và tội lỗi đã khiến họ bị ruồng bỏ. Chúng ta cũng hãy đặt trước mặt Chúa "các trận chiến" của riêng mình, những cuộc đấu tranh nội tâm mà mỗi người các con mang trong tim mình.

Khi chúng ta cầu nguyện, Cha nghĩ tới các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Việc hình dung ra các vị có thể giúp chúng ta đánh giá cao tất cả những gì Thiên Chúa ước mơ hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta, trong chúng ta và với chúng ta. Ngày hôm đó, các môn đệ tụ họp nhau sau những cánh cửa khóa kín, vì sợ hãi. Các ngài cảm thấy bị đe dọa, bị bao vây bởi một bầu không khí bách hại từng dồn các ngài vào một căn phòng nhỏ và khiến các ngài câm lặng và tê liệt. Sợ hãi đã trùm phủ các ngài. Thế rồi, trong tình huống đó, một điều gì đó hết sức ngoạn mục, một điều gì đó hết sức vĩ đại, đã xảy ra. Chúa Thánh Thần và những chiếc lưỡi như lửa đến đậu trên mỗi người trong các ngài, thúc đẩy các ngài hướng tới một cuộc phiêu lưu chưa từng mơ ước.

Chúng ta đã nghe ba chứng từ. Trái tim chúng ta đã xúc động bởi các câu chuyện của họ, bởi cuộc sống của họ. Chúng ta đã thấy, giống các môn đệ, họ đã trải qua những khoảnh khắc tương tự, sống qua những thời điểm sợ hãi lớn lao, khi xem ra mọi sự đều đã đổ vỡ tan tành. Sự sợ hãi và khổ não phát sinh từ việc biết rằng rời khỏi nhà có thể có nghĩa là không bao giờ nhìn thấy người thân yêu nữa, sợ không còn cảm thấy được đánh giá cao và yêu thương nữa, sợ không còn sự lựa chọn nữa. Họ chia sẻ với chúng ta cùng những kinh nghiệm mà các môn đệ đã có; họ cảm thấy một thứ sợ hãi chỉ dẫn đến một điều: cảm thấy mình bị khóa cứng trong chính mình, bị mắc kẹt. Một khi chúng ta cảm thấy như vậy, sự sợ hãi của chúng ta bắt đầu day dứt và thế nào cũng bị "người chị em song sinh" của nó là tê liệt đến tham gia: ta cảm thấy tê liệt. Nghĩ rằng trong thế giới này, trong các thành phố và cộng đồng của chúng ta, không còn bất kỳ chỗ nào để trưởng thành, để ước mơ, để sáng tạo, để ngắm nhìn những chân trời mới - tắt một lời, để sống - là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Khi chúng ta bị tê liệt, chúng ta bỏ lỡ sự kỳ diệu của việc gặp gỡ những người khác, kết bạn, chia sẻ những ước mơ, đi bộ bên cạnh những người khác.

Nhưng trong cuộc sống, có một loại tê liệt khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Ta khó có thể hiểu lý do của nó. Cha muốn mô tả nó như một sự tê liệt xuất phát từ việc lẫn lộn nó với hạnh phúc của chiếc ghế sofa. Nói cách khác, là nghĩ rằng để được hạnh phúc, điều ta cần chỉ là một chiếc ghế sofa tốt. Một chiếc sofa khiến chúng ta thấy thoải mái, yên tĩnh, an toàn. Một chiếc sofa giống như một trong những chiếc chúng ta hiện có ngày nay với một đơn vị xoa bóp lắp sẵn để đưa chúng ta vào giấc ngủ. Một chiếc sofa hứa hẹn đem lại cho chúng ta nhiều giờ thoải mái giúp chúng ta trốn vào thế giới của trò chơi video và dành mọi thời gian để ngồi trước màn hình máy vi tính. Một chiếc sofa giữ chúng an toàn tránh khỏi bất cứ loại đau đớn và sợ hãi nào. Một chiếc sofa cho phép chúng ta ở nhà, không cần phải làm việc, hay lo lắng, bất cứ điều gì. "Hạnh phúc sofa"! Đó có lẽ là hình thức độc hại và nguy hiểm nhất của tê liệt, vì từ từ, từng chút một, không hề nhận ra nó, chúng ta bắt đầu gà gật, trở nên lơ mơ và thẫn thờ trong khi những người khác - có lẽ tỉnh táo hơn chúng ta, nhưng không nhất thiết tốt hơn chúng ta- quyết định tương lai cho chúng ta. Thực thế, đối với nhiều người, có được những đứa trẻ lơ mơ và thẫn thờ, nhầm lẫn hạnh phúc với ghế sofa là điều dễ chịu và tốt đẹp hơn. Đối với nhiều người, điều này thuận lợi hơn việc có những người trẻ tỉnh táo và ưa tìm hiểu, cố gắng đáp ứng giấc mơ của Thiên Chúa và mọi nỗi bồn chồn hiện có trong trái tim con người.

Mặc dù sự thật là một điều khác. Các người trẻ thân mến, chúng ta không vào thế giới này để "sống vô vị", để dễ dãi, để biến cuộc sống ta thành chiếc sofa thoải mái và thiếp ngủ trên đó. Không, chúng ta đến đây vì một lý do khác: để lại một dấu ấn. Quả rất buồn khi sống trên đời mà không để lại một dấu ấn nào. Nhưng khi chúng ta chọn dễ dãi và thuận lợi, chọn lẫn lộn hạnh phúc với tiêu thụ, thì kết cục, chúng ta sẽ phải trả một giá cao thực sự: chúng ta đánh mất tự do của mình.

Sẽ là một hình thức tê liệt rất lớn, bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc y hệt như thoải mái và tiện nghi, được hạnh phúc là có được một cuộc thiếp ngủ, hoặc được uống thuốc an thần, cách duy nhất để được hạnh phúc là được sống trong sương mù. Chắc chắn, ma túy là điều xấu, nhưng có rất nhiều loại ma túy khác được xã hội chấp nhận, mà kết cục nô dịch chúng ta không kém. Cách này hay cách khác, chúng cướp đi của chúng ta kho báu lớn nhất: tự do của chúng ta.

Các bạn thân mến, Chúa Giêsu là Chúa của liều lĩnh, của "nhiều hơn" vĩnh cửu. Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa của sự tiện nghi, an toàn và dễ dãi. Theo Chúa Giêsu đòi một liều lượng lớn của lòng dũng cảm, của sự sẵn sàng để đổi ghế sofa lấy đôi giày đi bộ và bước lên một con đường mới đầy thám hiểm. Để đi tiên phong trên những nẻo đường mở ra những chân trời mới có khả năng truyền lan niềm vui, niềm vui phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa và vọt lên trong trái tim các con với mọi hành vi thương xót. Để đi theo con đường "rồ dại" của Thiên Chúa chúng ta, Đấng dạy chúng ta gặp gỡ Người nơi những người đói, khát, trần truồng, bệnh hoạn, bạn bè gặp khó khăn, các tù nhân, những người tị nạn và di dân, và các người láng giềng cảm thấy bị bỏ rơi của chúng ta. Để đi theo con đường của Thiên Chúa chúng ta, Đấng khuyến khích chúng ta trở thành chính trị gia, tư tưởng gia, nhà tranh đấu xã hội. Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta đặt kế sách cho một nền kinh tế lấy cảm hứng từ tinh thần liên đới. Trong tất cả mọi khung cảnh các con hiện diện, tình yêu của Thiên Chúa đều mời gọi các con đem Tin Mừng đến, biến cuộc sống của các con thành một món quà cho Người và cho người khác.

Các con có lẽ sẽ hỏi cha: Thưa cha, điều đó không dành cho mọi người, nhưng chỉ cho một vài người được chọn mà thôi. Đúng, nhưng những người được chọn ấy đều là những người sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của họ với người khác. Như Chúa Thánh Thần biến đổi trái tim của các môn đệ vào ngày Lễ Ngũ Tuần thế nào, Người cũng đã làm thế với những người bạn đã chia sẻ chứng từ của họ với chúng ta như vậy. Này Miguel, cha sẽ sử dụng các lời lẽ của con. Con nói với chúng ta rằng ở "Facenda" trong ngày họ giao phó cho con trách nhiệm giúp làm cho nhà ấy được điều hành tốt hơn, con bắt đầu hiểu rằng Thiên Chúa đang yêu cầu con một điều gì đó. Đó là lúc mọi sự bắt đầu thay đổi.

Các bạn thân mến, đó là bí quyết, và tất cả chúng ta được kêu gọi để tham dự vào. Thiên Chúa mong đợi một điều gì đó nơi các con. Thiên Chúa mong muốn một điều gì đó nơi các con. Thiên Chúa hy vọng nơi các con. Thiên Chúa đến để phá vỡ tất cả các hàng rào của chúng ta. Người đến để mở mọi cánh cửa của cuộc đời chúng ta, những giấc mơ của chúng ta, cách chúng ta nhìn sự việc. Thiên Chúa đến để mở toang những gì đang khóa kín các con. Người khuyến khích các con mơ ước. Người muốn làm các con thấy rằng, với các con, thế giới có thể sẽ ra khác. Vì sự thực là, trừ khi các con cung hiến điều tốt nhất của các con, thế giới sẽ không bao giờ ra khác được.

Thời chúng ta đang sống không kêu gọi những người trẻ "ngồi xem truyền hình ăn khoai chiên" nhưng kêu gọi những người trẻ mang giày, hoặc tốt hơn, mang ủng thắt dây. Nó chỉ nhận các cầu thủ ở hàng đầu, không dành chỗ cho những người ngồi ấm cả ghế dài. Thế giới ngày nay đòi các con trở thành những người chủ đạo của lịch sử vì cuộc sống luôn luôn tươi đẹp khi chúng ta chọn sống nó cách trọn vẹn, khi chúng ta chọn để lại một dấu ấn. Lịch sử ngày nay kêu gọi chúng ta bảo vệ phẩm giá của chúng ta và không để cho người khác quyết định tương lai của chúng ta. Như đã làm vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa muốn làm một trong những phép lạ lớn nhất chúng ta có thể trải nghiệm; Người muốn biến bàn tay của các con, bàn tay của cha, bàn tay của chúng ta, thành các dấu chỉ sự hòa giải, hiệp thông, sáng tạo. Người muốn bàn tay của các con tiếp tục xây dựng thế giới hôm nay. Và Người muốn xây dựng thế giới đó với các con.

Có lẽ các con sẽ bảo cha: thưa cha, nhưng con có nhiều giới hạn, con là một kẻ tội lỗi, con có thể làm gì? Khi Chúa kêu gọi chúng ta, Người không lo lắng xem chúng ta là gì, đã là gì, hoặc chúng ta đã thực hiện hoặc không thực hiện những gì. Hoàn toàn ngược lại. Khi Người kêu gọi chúng ta, Người nghĩ tới mọi thứ chúng ta phải cho đi, mọi tình yêu chúng ta có khả năng truyền lan. Người đánh cuộc trên tương lai, trên ngày mai. Chúa Giêsu hướng chúng ta về tương lai.

Vì vậy, hôm nay, thưa các bạn, Chúa Giêsu đang mời các bạn, đang gọi các bạn, để lại dấu của bạn trên cuộc sống, để lại dấu ấn trên lịch sử, lịch sử của riêng các bạn và lịch sử của nhiều người khác nữa.

Cuộc sống ngày nay cho chúng ta biết: tập trung vào những gì chia rẽ chúng ta, những gì phân rẽ chúng ta là điều dễ dàng hơn nhiều. Người ta cố gắng làm chúng ta tin rằng khóa kín trong chính mình là cách tốt nhất để giữ mình an toàn, khỏi bị tổn hại. Hôm nay, các người trưởng thành chúng tôi cần các bạn dạy chúng tôi làm thế nào để sống trong sự đa dạng, trong đối thoại, để trải nghiệm chính sách đa văn hóa không như một mối đe dọa mà như một cơ hội. Các bạn hãy có can đảm dạy chúng tôi rằng xây cầu mới là điều dễ dàng hơn! Cùng nhau, chúng tôi yêu cầu các bạn thách thức chúng tôi đi theo con đường của tình huynh đệ. Để xây những cây cầu. .. Các bạn có biết cây cầu đầu tiên đã được xây dựng không? Đó là cây cầu mà chúng ta có thể xây dựng ở đây và bây giờ - bằng cách vươn tay ra và nắm lấy tay nhau. Nào, các bạn hãy xây dựng nó ngay bây giờ, ngay ở đây, cây cầu đầu tiên này: các bạn hãy nắm lấy tay nhau. Đây là cây cầu vĩ đại của tình anh em, và ước chi các cường quốc thế giới biết học hỏi để xây dựng nên nó. .. không phải để chụp hình đăng trên bản tin buổi tối nhưng để xây dựng những cây cầu ngày càng lớn hơn. Ước mong sao cây cầu nhân bản này sẽ là sự khởi đầu của thật nhiều cây cầu khác; nhờ cách này, nó sẽ để lại một dấu ấn.

Hôm nay Chúa Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, đang kêu gọi các bạn để lại dấu ấn của bạn trên lịch sử. Người, Đấng là sự sống, đang yêu cầu mỗi người trong các bạn để lại một dấu ấn mang lại sự sống cho chính lịch sử của riêng bạn và lịch sử của nhiều người khác. Người, Đấng là sự thật, đang yêu cầu các bạn từ bỏ những con đường bác bỏ, chia rẽ và trống rỗng. Các bạn có làm được điều này không? Bằng bàn tay và bàn chân, các bạn sẽ có câu trả lời nào cho Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống?
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016, Krakow, Chặng Đàng Thánh Giá
Vũ Văn An
01:37 31/07/2016
Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án tử hình, Cho khách đỗ nhà

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ


Trích Tin Mừng Thánh Luca:

Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem (Lc 9:51-53).

Lạy Chúa Giêsu, ngay từ cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa, và do đó tới cái chết, Chúa đã bị hắt hủi rồi, người ta đã không tiếp đón Chúa. Vì Chúa là khách lạ! Vì Chúa thuộc một dân tộc khác, tuyên xưng một tôn giáo khác… Chúa bị từ khước việc tiếp đón, một con người đang bước vào cõi chết…

Lạy Chúa, tất cả các điều trên nghe sao quen thuộc đến khiếp sợ, như thể trích thẳng ra từ báo chí của chúng con, nhắc chúng con nhớ đến tình huống trên các đường phố của chúng con. Chúng con từ chối việc tiếp đón những người đang đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, những người đôi khi chỉ xoay xở cho cuộc sống của họ (vì bị đe dọa tới mạng sống), những người đến gõ cửa đất nước chúng con, các Giáo Hội chúng con, và các căn hộ chúng con. Họ là người xa lạ, chúng con thấy kẻ thù ở trong họ, chúng con sợ tôn giáo của họ, và cả sự nghèo khổ của họ nữa!

Thay vì hiếu khách, họ thấy chết chóc: ở dọc bờ biển Lampedusa và các hải đảo Hy Lạp, trong các trại tị nạn đông đúc. Từ khước tiếp nhận mau chóng trở thành bản án tử hình thực sự. Lên họ, và do đó, lên Chúa, lạy Chúa! Trong ít năm qua, Chúa từng bị kết án tử hình trong con người của 30,000 gnười tỵ nạn. Kết án, bởi ai? Ai sẽ đồng ý với bản án này?

Chúa nói với chúng con hôm nay: Ta là khách lạ, Ta không có nơi đặt đầu. Ta sinh ra trong một máng cỏ, bị từ khước quán trọ. Ta biết vị đắng đót của lòng hiếu khách giả tạo, giống như ở nhà Simong Biệt Phái, không cho Ta nước rửa chân, không dầu ôliu xức đầu khô nẻ.

Chúa nhắc chúng con nhớ tới các môn đệ Emmau: khi họ mời “người khách lạ” dùng bữa, mắt họ mở ra và họ nhận ra… Chúa!

Vì thế, chúng con cầu xin Chúa thương mở mắt chúng con! Xin cho chúng con nhận ra Chúa! Nơi những người viếng thăm chúng con, những người bỗng nhiên thấy mình bên cạnh chúng con. Nơi những người không nhà, ngủ ở trạm xe lửa, ở cổng nhà chúng con, ở mương rãnh, gầm cầu. Chúa sống trong mọi người xa lạ. Và Chúa ngự trị, như một người thiếu thốn, bây giờ và mãi mãi. Amen.

Chặng thứ hai: Chúa Giêsu vác Thánh Giá; Cho kẻ đói ăn

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Máccô:

Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn, xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn." Người đáp: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi! " Các ông nói với Người: "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? " Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! " Khi biết rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá." (Mc 6:34-38).

Chúng ta cần gì nhất khi phải đối diện với thánh giá, như thánh giá đói khát của các anh chị em chúng ta chẳng hạn?

Chúng ta thường nghĩ như các tông đồ: hai trăm đồng bạc cũng không mua đủ bánh ăn… Hai trăm đồng bạc! Lương bẩy tháng ròng! Làm sao một lúc có được khoản tiền này? Thánh giá này vượt quá sức chúng ta…

Xem ra vô vọng, ta bèn nghĩ cách trao vấn đề cho người khác: để họ vào các nông trại và làng mạc quanh đây mà mua lấy thức gì đó để ăn.

Nhưng lạy Chúa, Chúa nói: chính anh em hãy cho họ ăn! Và Chúa hỏi: anh em có mấy chiếc bánh? Chúa hỏi không phải điều chúng con không có, mà là điều chúng con có! Và liệu chúng con có thể chia sẻ điều chúng con có không: năm chiếc bánh và hai con cá… Chúa không hỏi liệu số đó có đủ cho quá nhiều người như thế hay không, Chúa hỏi liệu chúng con có chia sẻ số đó hay không! Và ở đây, chúng con bắt đầu hiểu. Tại sao có nạn đói trên thế giới? Không phải vì thiếu cơm bánh, mà là thiếu liên đới. Trong thế giới chúng con, không hề thiếu cơm bánh, một phần ba thực phẩm sản xuất ra đã bị phí phạm. Đồng thời, cứ sáu giây, một trẻ em qua đời vì đói, và hôm nay, tối nay, gần 1 tỷ người khắp thế giới không biết liệu ngày mai họ sẽ có gì để ăn hay không.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con ngợi khen Chúa vì tất cả những người đang đem lòng thương xót tới các anh chị em đói khát của chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa vì những người khấn giữ nghèo khó để có thể đem giúp đỡ tới những người còn nghèo khó hơn họ. Họ chứng minh rằng, để có thể giúp đỡ, họ không cần những ngân khoản lớn lao cho bằng tấm lòng đại lượng! Xin Chúa ban cho chúng con tấm lòng ấy, đầy nâng đỡ và có khả năng chia sẻ, dù thiếu thốn. Xin Chúa phục hồi nơi chúng con sự hiểu biết việc ăn chay, không phải kiểu nhịn ăn để giữ sức khỏe, mà như việc thực hành yêu thương thực sự. Sau cùng, chúng con cầu xin cho tất cả những người mà Chúa để chúng con hiểu được thánh giá của họ nhờ chiêm niệm chặng Đàng Thánh Giá này, vì người đói khát và đang chết vì thiếu ăn. Lạy Bánh Hằng Sống! Xin Chúa giúp họ! Và tha thứ cho chúng con… Amen.

Chặng thứ ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất; Khuyên dạy kẻ có tội

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Máccô:

Người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng […] Chúa Giê-su […] bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi” [và rồi] “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!" (Mc 2:3-11).

Lạy Chúa Giêsu, thấy Chúa ngã, con nghĩ tới các sa ngã của con, nghĩ tới các tội trọng từng làm con hụt chân. Chỉ cần nhớ tới chúng, con cũng đã bị áp đảo rồi. Con không thể tự cố gắng mà đến với Chúa được. Con tê liệt, còn hơn cả người bại liệt kia. Ít nhất, ông ta còn để mình được giúp đỡ, bạn bè ông đưa ông tới Chúa. Con trốn tội lỗi trong cô đơn, con thừa nhận những người nhắc nhở bằng cái nhún vai hoặc, thường hơn, bằng cách tấn công họ. Con cám ơn Chúa nay con đang ở đây và được nghe điều Chúa nói với người tội lỗi tê liệt kia. Trước nhất, Chúa nói: này con, sau đó mới nói: con đã được tha tội rồi. Chúa không bắt đầu với tội lỗi. Chúa gọi con “này con”, cho dù con nghĩ con không còn quyền đó nữa: con không còn xứng đáng được gọi là con của Chúa nữa; hãy cư xử với con như Chúa cư xử với một trong các công nhân làm thuê của Chúa. Nhưng Chúa bảo: “công nhân làm thuê ư? Đâu được! không bao giờ!”. “Đây là nhẫn, giép và áo sống của con đây!” Con từng cảm nghiệm được điều này trong Bí Tích Hòa Giải rất nhiều lần. Không hề nhục nhã, nhưng tìm được phẩm giá của con! Chúa nâng con lên khỏi mặt đất biết bao nhiêu lần!

Lạy Chúa Giêsu, xin vinh danh Chúa trong mọi tòa giải tội khắp thế giới. Đầy lòng thương xót.Tha thứ không 7 lần, không 77 lần mà 777 triệu lần. Không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Xin Chúa hãy như thế nơi mọi vị giải tội! Xin Chúa làm việc này để Bí Tích Hoà Giải là một trải nghiệm thương xót và luôn luôn tôn trọng và cho mọi người. Chúng con cầu xin cho những người lần lữa không chịu xưng tội trong nhiều năm qua vì sợ sệt,xâu hổ hay lãng quên. Xin Chúa ban cho họ Thần Trí của Chúa, Đấng thuyết phục chúng con nhận tội, vì bí tích này được ban cho chúng con để tha các tội!Chúng con cũng cầu xin cho những người mà các quyết định sống đang cản trở họ không được lãnh bí tích giải tội. Xin Chúa hãy đánh động lương tâm họ; hãy gia tăng gấp bội tình yêu của họ; xin để chúng con được đồng hành với họ trong Giáo Hội. Xin Chúa cho chúng con say mê Giáo Hội, Giáo Hội không bao giờ không giúp người ta chống trả tội lỗi, cho dù Giáo Hội vốn bao gồm những người có tội. Thánh, Thánh, Thánh, Bạn mãi mãi của những người có tội! Amen.

Chặng thứ tư: Chúa Giêsu gặp Mẹ sâu bi của Người; Yên ủi kẻ âu lo

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Sách Gióp:

Xa-tan khiến Gióp mắc bẩy mụn nhọt. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Ba người bạn của ông Gióp nghe biết tất cả những tai hoạ xảy ra cho ông, liền kéo đến, mỗi người từ xứ sở của mình, Ê-li-phát người Tê-man, Bin-đát người Su-ác, Xô-pha người Na-a-mát. Họ bàn nhau đến để chia buồn và an ủi ông. Từ xa, họ ngước mắt nhìn, nhưng chẳng nhận ra ông. Họ bật khóc; mỗi người xé áo mình ra và rắc tro lên đầu. Rồi họ ngồi xuống đất, bên cạnh ông, suốt bảy ngày đêm, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn (G 2:7-8, 11-13).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa và Mẹ Chúa không có nhiều thì giờ để im lặng ở bên nhau. Người ta không cho Chúa bẩy ngày bẩy đêm. Một vài giây thôi, đủ rồi, để mắt nhìn mắt. Và tim nói với tim. Không một lời nói. Không cử chỉ nào. Chỉ là tình yêu cao độ!

Giống bạn hữu của Gióp, Mẹ Chúa phải đến, chịu đau khổ với Chúa, và an ủi Chúa. Giống họ, có lẽ ngài cũng khó nhận ra Chúa, bị thương, đầy máu, vừa trỗi dậy từ cú ngã. Truyền thống còn lưu giữ kỷ niệm nơi Chúa ngã và nơi Chúa gặp Mẹ Chúa, ở giữa đường mương chạy qua Giêrusalem và chuyên chở đủ thứ rác rưởi đồ dơ. Là ông Gióp thần thánh, Đấng duy nhất công chính, Chúa không ngã vào đống phân, nhưng ngã vào sự hôi thối của con người. Chúa, Đấng An Ủi Thứ Nhất. Chúa cần an ủi xiết bao trên đường thánh giá của Chúa! Chúa tìm được sự an ủi này trong cuộc gặp gỡ thinh lặng với Mẹ Chúa. Há không đúng sao việc chúng con nên an ủi người sầu khổ trong thinh lặng? Vì cùng nhau thinh lặng không phải chỉ là không nói. Đúng hơn, nó còn là cùng lắng nghe và chờ câu trả lời của Chúa. Bởi thế, Thánh Kinh nói rằng: Điều tốt đẹp là im lặng hy vọng Chúa giải phóng (Ac 3:26).

Lạy Mẹ Maria, đấng an ủi kẻ sầu khổ, chúng con muốn học tập sự hiện diện đầy thương xót và im lặng của Mẹ với những người đau khổ. Chúng con thờ lạy Chúa, lạy Chúa Giêsu Kitô và lạy Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, Đấng ủi an chúng con trong mọi nỗi sầu khổ của chúng con, để chúng con có khả năng an ủi những ai đang buồn sầu bất cứ cách nào bằng sự an ủi mà Thiên Chúa đã dùng để an ủi chúng con. Amen.

Chặng thứ năm: Ông Simong vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu; Viếng kẻ liệt

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Mátthêu:

Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người. Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (Mt 8: 14-17).

Chúa mang lấy sự yếu đuối và bệnh tật của chúng con. Ngược lại, Ông Simong không muốn vác thánh giá của Chúa. Ông không muốn giúp đỡ. Ông cần được người ta ép buộc… Con không có quyền phê phán ông ta. Con cũng muốn chạy trốn trước các bệnh tật và đau yếu của người khác không kém. Há chẳng phải vì con quên rằng Chúa là người đầu tiên tự vác lấy mọi bệnh tật và đau yếu của con sao? Chúa nói về Chúa: Ta đau yếu, nhưng con biết Chúa chủ yếu là một Thầy Thuốc, Đấng được phái tới cho người bệnh hoạn, chứ không phải người khỏe mạnh. Đã bao lần Chúa từng đến với con lúc con bệnh hoạn? Đã bao nhiêu lần Chúa đưa bàn tay Chúa cho con và kéo con lên? Khỏi những chứng bệnh nặng hơn sốt rét: khỏi ích kỷ, lười biếng, cứng lòng. Con không muốn từ chối Chúa điều con rất thường được cảm nhận từ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chúc tụng Chúa nơi tất cả những ai giúp đỡ người bệnh không chỉ vì nghề nghiệp, mà như một ơn gọi trong lãnh vực chăm sóc y tế: nơi các bác sĩ, y tá, mọi nhân viên của bệnh viện và bệnh xá. Chúng con ngợi khen Chúa vì từng vị tuyên úy và thiện nguyện viên bệnh viện luôn hỗ trợ họ. Vì các hội dòng tu sĩ mà đặc sủng là phục vụ người bệnh. Vì họ, chúng con cầu xin Chúa ban thêm nhiều ơn gọi mới. Chúng con chúc tụng Chúa vì các bác sĩ truyền giáo và vì mọi người hiến tặng luôn nâng đỡ việc làm của họ. Còn về chúng con, chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con lòng thiện cảm đối với mọi người bệnh. Lòng sẵn sàng cung hiến sự giúp đỡ sẵn lòng và tự ý. Lòng quảng đại trong việc hy sinh thì giờ để thăm viếng (tại nhà, tại bệnh viện, nhà dưỡng lão). Và trong lời cầu nguyện. Amen.

Chặng thứ sáu: Bà Vêrônica trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt; Viếng kẻ tù rạc

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Mátthêu:

Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người… Chúa Giê-su quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." (Mt 9:20-22).

Tin Mừng không ghi tên họ người đàn bà trên. Chỉ nhờ truyền thống mà nhớ là Vêrônica! Người đàn bà này, có lần được Chúa chữa khỏi chứng băng huyết, giờ đây không thể tiếp tục dửng dưng được nữa, khi thấy Chúa máu mê đầy người trên đường thánh giá. Hành vi thương xót của bà chỉ là có đi có lại. Chúa đã có lần giải thoát bà khỏi chứng băng huyết và dơ dáy, bây giờ bà lau máu khỏi mặt Chúa, và ít nhất trong giây lát, khôi phục vẻ trong sạch của nó.

Đầy máu, mồ hôi và bụi bặm, khuôn mặt của Đấng Bị Kết Án lại xuất hiện như mới trước mặt mọi người, đĩnh đạc như khuôn mặt của Chúa Giêsu thành Nadarét!

Há đó không phải là cách bà thấy Chúa sao, bằng con mắt trái tim, trước khi bà với tay lấy khăn ra? Bà thấy tù nhân với khuôn mặt của Con Thiên Chúa! An ủi tù nhân có ý nghĩa gì? Đây không phải chỉ là bất cứ hình thức an ủi nào. Mà là một cuộc gặp gỡ, giúp tù nhân tái khám phá ngay trong họ khuôn mặt của con cái nam nữ của Thiên Chúa, một hình ảnh lâu dài của Con Thiên Chúa, nguồn gốc mọi nhân phẩm lâu dài!

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thăm viếng chúng con trong mọi cơn sầu khổ của chúng con, trong các yếu đuối, thèm muốn và nghiện ngập của chúng con. Và Chúa luôn thấy trong chúng con các con trai con gái của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng con chỉ thấy trong chúng con toàn là tù nhân, bị nô dịch bởi ma túy, rượu chè, khiêu dâm, xúc cảm, cờ bạc, máy vi tính, điện thoại di động, tiền bạc, tiện ích, bất cứ điều gì! Với Chúa, khuôn mặt của mỗi người và mọi người chúng con đều bất biến là khuôn mặt một đứa con của Thiên Chúa. Cái nhìn của Chúa phục hồi cảm thức phẩm giá của chúng con! Nó vào sâu hơn khăn lau của bà Vêrônica.

Chúng con cầu xin Chúa giúp chúng con, như bà Vêrônica, sẵn sàng và có khả năng an ủi các tù nhân. Xin Chúa dẫn chúng con đến với những người đau khổ vì bất cứ sầu buồn hay yếu đuối nào. Xin dạy chúng con suy nghĩ một cách kính trọng đối với tất cả những ai đang ngồi tù, trong nhà tù, trung tâm giam giữ, trại lao động. Xin Chúa là đường dẫn tới họ. Amen.

Chặng thứ bẩy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai; Tha kẻ dể ta

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Mátthêu:

Người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng… Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền… Y liền tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ… Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia… ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? " Rồi tôn chủ trao y cho lính hành hạ (Mt 18:24-34).

Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ cho anh ta quá nhiều rồi! Chúa tha cho anh ta món nợ quá sức tưởng tượng! Mười ngàn quan tiền, 270 tấn vàng! Xin Chúa thứ lỗi con mới dám hỏi: Há Chúa lại không thể tha cho anh ta tội không biết dung tha kẻ mắc nợ anh ta đó sao? Chúa tha thứ các tội không thể tha thứ của anh ta… Tại sao Chúa lại không tha cho anh ta tội từ khước tha thứ? Từ khước tha thứ các xúc phạm phải chăng là một tội quá lớn? Há anh ta không có quyền đòi hỏi công lý hay sao? Anh ta có quyền. Nhưng đó không phải là chỗ anh ta phạm tội. Trọng điểm ở đây không hệ ở việc anh ta không thể tha thứ, mà hệ ở việc anh ta hoang phí tấm tình yêu từng được ban cho anh ta cách hậu hĩnh. Chúa tỏ lòng thương xót vô bờ bến cho anh ta, không phải để anh ta cảm thấy được thoát nợ, mà để anh ta cũng yêu người khác bằng cùng một tình yêu anh từng gặp được. Để anh ta cũng tha thứ bằng cùng một sự tha thứ anh từng gặp được. Chúa không đòi hỏi gì nơi anh ta mà chính Chúa không ban cho anh ta trước. Và ban một cách hậu hĩnh.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chúc tụng sự hiện diện và quyền năng của Chúa trong tất cả những ai tha thứ. Chúa là lòng thương xót giúp chúng con biết sẵn lòng tha thứ các xúc phạm. Ở chặng đàng thánh giá này, chúng con cầu xin Chúa: tiêu diệt con người cũ nơi chúng con! Giết chết kẻ mắc nợ không biết thương xót trong chúng con! Dạy chúng con biết sẵn lòng tha thứ, bằng cách cảnh giác, không đợi lời yêu cầu và chuộc lỗi của người làm sai. Ôi, lòng thương xót của Chúa lạ lùng xiết bao! Con muốn tin tưởng ở lòng thương xót của Chúa, cả khi Chúa kêu gọi con cung cấp lòng thương xót ấy cho người khác, tha thứ không do dự. Amen.

Chặng thứ tám: Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ Giêrusalem; Mở dạy kẻ mê muội

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Sách Tông Đồ Công Vụ:

Một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp, đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương và bấy giờ đang trên đường về nhà. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a… Ông Phi-líp-phê hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không? " Ông quan đáp: "Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải? "… Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su cho ông (Cv 8: 27-28, 30-31, 35).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhận ra sức mạnh và lòng thương xót của Thần Trí Chúa, Đấng nói với Thánh Philipphê đến gặp viên quan để dạy dỗ ông ta. Thương xót, vì người này là “khách lạ” và bị loại ra ngoài cộng đồng cầu nguyện và thờ phượng. Sức mạnh, vốn phát sinh trong đức tin và phép rửa. Chúng con muốn học hỏi từ Thánh Philipphê khả năng dạy dỗ kẻ mê muội, một lời giảng dạy đầy khiêm nhường, kích thích người nói biết đặt ra các câu hỏi quan trọng; một lời giảng dạy biết tập chú vào Chúa, vào biến cố chết và sống lại của Chúa, một lời giảng dạy dẫn người nghe nhận ra Chúa là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi. Ở chặng đàng thánh giá này, một mình Chúa cũng đã mạc khải cho chúng con khả năng dạy kẻ mê muội một cách đầy thương xót, Chúa nói với các phụ nữ đi theo Chúa: Hỡi các người con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Tôi; mà hãy khóc thương cho các bà và con cháu các bà (Lc 23:28). Chúa giảng dạy, vì Chúa yêu thương. Chúa giảng dạy ngay trong cuộc Khổ Nạn của Chúa, quên mình, vượt quá các đau khổ riêng của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chiêm niệm chặng đàng thánh giá này, chúng con học được rằng việc dạy dỗ luôn phải là một hành vi yêu thương và thương xót. Chúng con xin tạ lỗi vì những giây phút trong đời lúc chúng con dạy dỗ người khác một cách tức giận, kiêu căng, chỉ theo lối của mình, khi chúng con ương ngạnh trong các điều mình tin chắc. Chúng con xin tạ lỗi vì đã đánh bóng sự khôn ngoan của mình; bằng cách này, chúng con đã che phủ mất Chúa, nguồn khôn ngoan và là khôn ngoan nhập thể. Chúng con xin tạ lỗi vì mọi tình huống trong đó chúng con đã lạm dụng lòng tin của người khác, những người Chúa đã ủy thác cho chúng con trong ngành giáo dục. Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa cho mọi thầy cô, mọi giáo sư, mọi giáo lý viên, mọi nhà giáo dục, và trên hết, mọi cha mẹ: Xin Chúa đổ đầy sức mạnh và lòng thương xót nơi họ, để họ hướng dẫn và dạy dỗ những người được ủy thác cho họ. Đầy lời lẽ khôn ngoan và chứng từ thuyết phục. Lạy Thầy và Chứng Tá Chí Thánh, Đấng hằng sống và hằng trị đời đời. Amen.

Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã lần thứ ba; Lấy lời lành mà khuyên người

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Máccô:

Chúa Giê-su nói với các tông đồ: "Tất cả anh em sẽ vấp ngã”, ... Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không." Chúa Giê-su nói với ông: "hôm nay, nội đêm nay, … anh sẽ chối Thầy đến ba lần" (Mc 14: 27, 29-30).

Lạy Chúa Giêsu, ngay trước giờ khổ nạn của Chúa, Chúa đã chỉ cho các môn đệ hay lòng hoài nghi như một sa ngã và như cớ để sa ngã tiếp. Hoài nghi vốn bao hàm chạy trốn, phân tán và phản bội. Không hoài nghi chính mình, không hoài nghi chính sức mạnh của mình, nhưng hoài nghi Chúa, Chúa nói: tất cả các con sẽ lung lay đức tin vào Thầy.

Hoài nghi, lấy mất hết sức mạnh của con và hạ ván con. Hoài nghi liệu con có bao giờ ngã rồi trỗi dậy được không. Mỗi tội của con lại kéo theo một tội khác. Với mỗi tội tiếp theo, con càng ngày càng mất hy vọng. Hoài nghi nói với con: “bây giờ thành thói quen rồi; nó mạnh hơn bạn!” Lòng hoài nghi này sau cùng thành lòng hoài nghi chính Chúa! Nó bảo rằng Chúa không mạnh đủ để nâng con dậy. Chúa còn không muốn nâng con dậy là đàng khác. Liệu Chúa có thể yêu thương một người như con không? Hoài nghi cả thực tại của Vượt Qua. Hoài nghi cả mục đích và ý nghĩa đời con, cả sự quan phòng và lòng thương xót của Chúa.

Lấy lời lành mà khuyên người hoài nghi! Nhưng chúng con khuyên gì nơi người hết tự lực? Chúng con khuyên bảo được đến đâu một con người đã rơi vào cảnh bất lực và hoàn toàn ngã lòng? Làm thế nào chúng con chứng tỏ được hoài nghi là thứ dối trá, dối trá về chúng con và về Chúa?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa vì mọi câu hỏi đã được nêu lên trong chúng con khi dừng lại ở chặng Thánh Giá này. Chúng con không muốn các câu trả lời dễ dãi… Chúng con xin sự khiêm nhường cởi mở đối với Thần Trí Chúa, Thần Trí Khuyên Bảo chúng con nhận được khi chịu Thêm Sức, đối với sự khôn ngoan và thông suốt của Người. Xin Người linh hứng chúng con với những câu hỏi thích đáng và các câu trả lời chân thực. Chúng con ngợi khen Chúa vì tất cả những ai nâng đỡ người hoài nghi và không để họ cô đơn, nhất là, trong việc hoài nghi chính khả thể ăn năn và được giải thoát khỏi mọi yếu đuối. Chúng con ngợi khen Chúa vì những kẻ thân yêu của họ: gia đình, bạn bè, và các cố vấn viên; vì các vị giải tội, linh hướng, và điều trị viên. Vì tất cả những ai không mất niềm tin nơi người ta. Và nơi Chúa. Amen.

Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột quần áo; Cho kẻ rách rưới ăn mặc

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Luca:

Khi anh ta còn ờ ngoài xa, cha anh ta đã thấy anh ta, và vì đầy lòng thương, ông chạy ra đón con … hôn anh ta … và nói “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu” (Lc 15:20,22).

Khi qùy dưới chân cha mình, người con trai hoang đàng gần như trần truồng. Anh ta đã tiêu phí hết mọi sự, không những tài sản của mình, mà còn cả giá trị bản thân nữa. Anh ta trần truồng như một người nô lệ. Khánh kiệt, dù do lỗi của mình, anh ta đã bị lột cả chiếc áo sơ mi cuối cùng! Trần truồng, như Ađam và Evà trong địa đàng, sau khi phạm tội, mắt bỗng mở ra và biết mình trần truồng, và ẩn mình khỏi Chúa. Cũng thế, người con trai này có lẽ cũng muốn dấu sự trần truồng của mình, không cho cha anh thấy. Một kẻ tội lỗi, giống như Ađam và Evà. Xấu hổ và nhục nhã. Lạy Chúa Giêsu, cảnh tượng này giúp con nhìn sự trần truồng của Chúa trên đồi Gôngôta cách khác hẳn. Người ta không trưng bầy Chúa ngược với ý muốn của Chúa. Chúa chọn kết hợp với Ađam và Evà, với mỗi người con trai và con gái hoang đàng, trần truồng và nhục nhã vì tội lỗi. Trên Gôngôta, Chúa trở nên trần truồng không phải trước mặt những kẻ hành hình mà trước mặt Chúa Cha. Lời lẽ của người con trai hoang đàng: Thưa cha, con đã phạm tội chống lại cha… Con không đáng được gọi là con cha nữa, Chúa đã biến những lời này thành của Chúa. Chúa nói thế lúc trần truồng! Chúa là một với con, bị lột trần vì tội lỗi. Sự hợp nhất này đã cứu con. Vì Cha của Chúa không thể bình thản nhìn sự trần truồng của Con mình. Người lập tức mặc quần áo cho Chúa. Trong chiếc áo dài chấm đầu gối đẹp nhất, với khăn quàng bằng vàng quanh ngực (xem Kh 1:13). Trần truồng trong cái chết, nhưng khi Phục Sinh, Chúa lại một lần nữa được ăn mặc theo phẩm hàm qúy tử. Và chúng con được ở với Chúa.

Lạy Thiên Chúa, Cha chúng con, Chúa là Đấng đầu tiên mặc áo cho kẻ trần truồng. Chúng con cầu xin Chúa, hãy để chúng con bắt chước Chúa. Hãy dạy chúng con biết chia sẻ quần áo của chúng con, khi cần đến. Hãy giữ gìn chúng con, để chúng con thích chia sẻ như Chúa, với những áo dài tốt nhất, những quần áo mới, sạch và thẳng nếp, không cũ, sờn và không ai thiết. Hãy để chúng con giữ gìn nết na và khó nghèo trong y phục, để chúng con sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ những gì chúng con dành dụm được. Chúng con cầu xin điều này nhờ Đấng, qua việc chấp nhận sự trần truồng của chúng con, đã mặc cho chúng con tươm tất để dự cuộc sáng tạo mới. Amen.

Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thánh giá; Nhịn kẻ mất lòng ta

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Sách Tông Đồ Công Vụ:

Khi nghe những lời ấy (của Stêphanô), lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stê-pha-nô. Nhưng được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời… và kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ (Cv 7: 54-55, 60).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chúc tụng Chúa đã ban sức mạnh như trên cho người ta! Sức mạnh dưới hình thức kiên nhẫn, không hẳn trước mặt đau khổ cho bằng trước mặt những người gây ra nó. Ngay cả đối với những người bách hại. Lòng kiên nhẫn này không phải chỉ là cắn lưỡi mình. Mà còn là không lãnh cảm một cách ươn lười. Cũng không bình thản kiểu khắc kỷ, với cảm thức lạnh lùng hơn hẳn kẻ làm điều xấu. Sự kiên nhẫn của Thánh Stêphanô, sự kiên nhẫn của các vị tử đạo, là tình yêu đối với những kẻ làm điều sai. Nó là một chứng từ mạnh mẽ. Nó đầy sự im lặng thanh thản, chỉ bị tạm ngắt bởi lời cầu nguyện tha thứ. Nó là lời nói mạnh mẽ và hành vi thương xót cuối cùng. Lạy Chúa, sự kiên nhẫn của Thánh Stêphanô tượng trưng cho sự kiên nhẫn của Chúa; lời lẽ của ngài phản chiếu lời lẽ của Chúa: Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm. Nhưng vào lúc Thánh Stêphanô chịu tử đạo, ngài nhìn lên trời và được thấy Chúa! Ngài thấy Chúa trước mắt ngài, không phải sự bất công ngài chịu cũng không phải sự giận dữ của kẻ thù. Thị kiến này trùm phủ ngài và biến cải ngài, làm ngài giống như Chúa. Lời hứa của Thánh Kinh đã nên trọn nơi Thánh Stêphanô: chúng ta biết rằng khi điều này được mạc khải, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì chúng ta sẽ thấy Người trong chính bản tính của Người. Y như thế! Chúa đã mạc khải Chúa cho ngài và làm ngài giống như Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng kiên nhẫn và có lòng thương xót vĩ đại, xin cho chúng con đuợc dán mắt vào Chúa như Thánh Stêphanô. Xin cho chúng con khám phá ra lòng kiên nhẫn như một hành vi thương xót vĩ đại! Xin hãy đặt ngón tay Chúa lên môi miệng chúng con khi chúng con muốn thốt ra lời cay đắng và ghen ghét, hung hăng và ta thán. Xin dạy chúng con biết cầu nguyện cho kẻ thù của chúng con. Không báo oán những người xấu! Trái lại dơ má bên kia. Nếu có ai thưa kiện các con về áo trong, các con hãy trao cho họ cả áo khoác nữa. Nếu có ai bắt các con đi một dặm, hãy đi với họ hai dặm. Xin giúp chúng con không bị sự ác chinh phục nhưng chinh phục sự ác bằng sự thiện. Con chiên hiền lành bị mang đi giết, giống con chiên trước người xén lông, xin tỏ kiên nhẫn của Chúa nơi chúng con. Chúa hằng sống và hằng trị muôn đời. Amen.

Chặng thứ mười hai: Chúa Giêsu chết trên thánh giá; Cho kẻ khát uống

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Gioan:

Sau đó, Chúa Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát! " Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người (Ga 19:28-29).

Ta khát và các con đã cho Ta (không cho Ta) uống…

Người sắp chết muốn điều gì? Một đứa con đang hấp hối muốn được điều gì? Chúa đã được người ta đưa cho giấm chua. Cử chỉ cuối cùng của con người đối với Chúa. Mấy phút trước khi Chúa chết. Trò chế nhạo cuối cùng. Hành vi thù nghịch cuối cùng. Như thánh vịnh gia từng nói: “đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu! Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69, 21-22). Chúng con chẳng chừa điều gì! Cả sự chế nhạo trước ước muốn sau cùng của Chúa cũng không… Nó làm con khiếp đảm khi nghĩ rằng điều này có thể tái diễn cả hôm nay nữa. Rằng con có thể lãnh cảm, rằng con muốn trốn chạy khỏi ước muốn của những người cô đơn đang hấp hối. Đôi khi những người gần gũi con hấp hối. Hay con có thể bác bỏ ước muốn này bằng bất cứ điều gì: các phụ tùng đắt tiền, cần thay thế phụ tùng hiện có.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết các ước muốn của mọi trái tim con người. Chúa muốn làm họ no thỏa với Nước Trường Sinh, ai uống nó sẽ không bao giờ khát nữa. Nước mà Chúa ban này chính là Chúa Thánh Thần, Đấng, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, là tình yêu có bản vị. Xin để chúng con, giống như Chúa, khám phá và hiểu các ước muốn của con người và, cũng giống như Chúa, ra đi để thỏa mãn chúng. Xin để chúng con thực sự đứng với người khát, với ly nước, và với tình yêu, vốn là máng chuyển Nước Trường Sinh. Chúng con chúc tụng Chúa vì mọi người đang đồng hành với Chúa nơi những người hiện đang hấp hối. Vì mọi thiện nguyện viên và những ai trợ giúp các viện dành cho người hấp hối về phương diện tài chánh. Chỉ có Chúa mới thỏa mãn trọn vẹn mọi ước muốn của con người bây giờ và mãi mãi. Amen.

Chặng thứ mười ba: Tháo xác Chúa Giêsu khỏi thánh giá; Cầu cho kẻ sống và kẻ chết

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Tin Mừng Thánh Máccô:

Một người trong đám đông trả lời: "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám”... Người đáp: "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi." (Mc 9:17, 29).

Lạy Mẹ Maria, chúng con nhìn Mẹ, ngồi dưới chân Thánh Giá, xác chết Con Trai Mẹ ở trong lòng. Bất chấp sự đau đớn, Mẹ vẫn chuyên tâm cầu nguyện. Chính vì thế, Mẹ không bất lực, không mất sức mạnh, không bị đánh bại, không tan tác, nhưng được củng cố và sẵn sàng hợp tác vào công trình cứu rỗi của Con Trai Mẹ. Mẹ cùng thương xót với Người, là người thứ nhất trong chuỗi dài lịch sử những người hân hoan trong đau khổ vì họ, và trong thân xác họ đầy ắp những gì còn thiếu trong các khổ sầu của Chúa Kitô nhân danh nhiệm thể Người là Giáo Hội. Và họ làm thế trong cầu nguyện! Thực vậy, có một loại sự xấu, một số ma qủy và cơn cám dỗ chỉ có thể trừ khử được nhờ cầu nguyện mà thôi. Mọi “dụng cụ” khác đều vô hiệu. Chỉ còn cầu nguyện và ăn chay. Lạy Mẹ Maria, lời cầu nguyện của Mẹ trên đồi Gôngôta là một trải nghiệm của sức mạnh, không phải của yếu đuối. Nó là bằng chứng cho thấy lòng thương xót không bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lại bất lực cả! Như thế, khi một ai khác đầu hàng, lòng thương xót sẽ dùng khí giới mạnh mẽ là cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa vì những người không ngừng nghỉ trong cuộc chiến đấu thương xót vì người khác, cho dù mọi người khác đã buông tay. Chúng con cảm tạ Chúa vì những người, hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, vẫn cầu nguyện cho những người đã chết, một cách thảm hại và bất ngờ, vì sự cứng đầu, nổi loạn và từ khước trở lại của họ. Vì những người, nhờ kiên trì cầu nguyện, tiếp tục đồng hành với những ai không muốn làm bạn, cứ bơi lội trong sự ác, yếu đuối đến tận cùng hoặc không nhìn thấy sự ác họ đang làm. Chúng con cám ơn Chúa vì những người, qua việc cầu nguyện và ăn chay, luôn nâng đỡ những người bệnh thập tử nhất sinh, những người hấp hối và những ai đang than khóc người thân của mình. Chúng con cám ơn Chúa vì những người tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình một cách đầy hy vọng và kiên tâm khi không còn ai khác quan tâm nữa. Chúng con cầu xin Chúa đốt lên trong chúng con đặc sủng thương xót biết cầu nguyện cho người sống và người chết. Amen. Lạy Mẹ của lòng thương xót, xin Mẹ cầu cho chúng con.

Chặng thứ mười bốn: Táng xác Chúa Giêsu; Chôn xác kẻ chết

Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô
Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


Trích Sách Tôbia:

Tôi là Tô-bít… cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó. Một người dân thành Ni-ni-vê tố giác với vua rằng chính tôi là người chôn cất họ, nên tôi lẩn tránh… Thế là bao nhiêu của cải tôi có đều bị tịch thu (Tb 1: 3, 17, 19-20).

Phải chăng chôn cất kẻ chết thực sự là một hành vi quan trọng của tình yêu thương xót? Có đáng liều đến thế như ông Tôbia đi chôn cất kẻ chết không? Bị vua giận dữ, bị đe dọa sự sống, giầu có? Chúng ta hiểu đến đâu sự nhậy cảm này, trong một thế giới con số các gia đình không chịu lãnh xác người thân yêu qua đời từ bệnh viện về chôn; nơi các bà mẹ không luôn tới xem thân thể đứa con sơ sinh chết lúc mới sinh; và nơi, thân thể những đứa con trục thai bị đơn giản liệng vào đống rác? Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn giúp Chúa tạo ra một thế giới khác. Do đó, chúng con chúc tụng Chúa vì Ông Giuse Arimatêa, người muốn làm Tôbia cho Chúa. Và cho các Tôbia ngày nay. Chúng con chúc tụng Chúa vì những người chăm lo việc chôn cất những người không nhà. Vì những người giúp người nghèo và người neo đơn chôn cất người thân yêu của họ. Vì những người chăm sóc các huyệt mộ bị bỏ quên của những người vô danh. Những người chăm sóc các huyệt mộ của kẻ thù: binh sĩ của quân đội thù địch, thành viên các nhóm thiểu số sắc tộc hay quốc gia. Ước chi Chúa được chúc tụng vì những người chăm sóc các nghĩa địa lớn nhất trên thế giới và duy trì ký ức của các nơi như Auschwitz, Birkenau, Dachau hay Buchenwald. Xin Chúa che chở chúng con khỏi lãng quên hành vi yêu thương này. Xin Chúa thúc giục chúng con, để chúng con không bao giờ quên lãng việc chôn cất người thân yêu của chúng con. Để không bằng hữu nào của chúng con bị bỏ rơi khi than khóc kẻ thân yêu đã chết của họ. Xin để chúng con tưởng nhớ người chết bằng lời cầu nguyện riêng và bằng phụng vụ, và bằng việc thăm viếng các nghĩa trang. Amen. Xin giúp chúng con biết kính trọng sự chết! Nó là cửa đưa vào sự sống!
 
Bài Giảng của Đức Phanxicô lúc đi Đàng Thánh Giá tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow
Vũ Văn An
01:40 31/07/2016
Ta đói và các con cho Ta ăn, Ta khát và các con cho Ta uống, Ta là khách lạ và các con tiếp đón Ta, Ta trần truồng và các con cho Ta mặc, Ta bệnh hoạn và các con săn sóc Ta, Ta ở tù và các con thăm viếng Ta (Mt 25:35-36).

Những lời trên của Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi thường được đặt ra trong tâm trí chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa ở đâu, nếu sự ác hiện diện trong thế giới chúng ta, nếu có những người đàn ông đàn bà đói và khát, không nhà, biệt xứ và tỵ nạn? Thiên Chúa ở đâu khi những người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu, khi những chứng bệnh tàn ác phá vỡ các dây liên kết sự sống và tình âu yếm? Hay khi các trẻ em bị bóc lột và hạ nhân phẩm, và các em còn bị các chứng bệnh hiểm nghèo nữa? Thiên Chúa ở đâu, giữa những khổ não của những người hoài nghi và khủng hoảng tinh thần? Đây là những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời nếu xét về phương diện con người. Ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Người thôi. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Thiên Chúa ở trong tất cả những người trên”. Chúa Giêsu ở trong họ; Người đau khổ ở trong họ và đồng hóa với mỗi người trong họ một cách thâm sâu. Người kết hợp chặt chẽ với họ đến nỗi đã cùng họ tạo nên “một thân xác”, có thể nói như thế.

Chính Chúa Giêsu tự chọn đồng hóa với các anh chị em nói trên của chúng ta, chịu đau đớn và khổ não bằng cách đồng ý bước lên “con đường sầu khổ” dẫn tới Canvariô. Qua việc chết trên thánh giá, Người phó mình trong tay Chúa Cha, nhận cho mình và trong mình, một cách yêu thương tự hiến, các thương tích thể lý, tinh thần và tâm linh của toàn thể nhân loại. Qua việc tiếp nhận cây thánh giá, Chúa Giêsu đã tiếp nhận sự trần truồng, đói khát, cô đơn, đau đớn và chết chóc của con người nam nữ mọi thời. Đêm nay, Chúa Giêsu, và với Người có chúng ta, ôm hôn, bằng một tình yêu đặc biệt, các anh chị em của chúng ta từ Syria chạy trốn chiến tranh. Chúng ta chào mừng họ và nghinh đón họ bằng một tình âu yếm và bằng hữu huynh đệ.

Nhờ theo chân Chúa Giêsu trên Đàng Thánh Giá, một lần nữa, chúng ta hiểu ra sự quan trọng của việc noi gương Người qua 14 việc thương xót. Những việc này giúp chúng ta mở lòng ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, khẩn cầu ơn thánh để biết lượng định rằng không có lòng thương xót, chúng ta không thể làm được gì; không có lòng thương xót, cả cha lẫn các con cũng như bất cứ ai trong chúng ta, có thể làm gì được. Trước nhất, chúng ta hãy xem xét 7 việc thương người về phần xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kể liệt lào cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã nhận được nhưng không, thì hãy nhưng không cho đi. Chúng ta được kêu gọi phụng sự Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong mọi người bị hắt hủi, đụng đến thân xác thánh thiêng của Người trong những người kém thế, trong những người đói khát, trần truồng và bị giam cầm, trong người bệnh và thất nghiệp, trong những ai đang bị bách hại, trong các người tị nạn và di dân. Ở đấy, chúng ta tìm ra Thiên Chúa của chúng ta; ở đấy, chúng ta sờ thấy Chúa. Chính Chúa Giêsu nói cho ta biết điều đó khi Người giải thích tiêu chuẩn theo đó chúng ta sẽ bị phán xét: bất cứ khi nào chúng ta làm những điều ấy với một người bé nhỏ nhất trong các anh chị em của chúng ta, là chúng ta làm cho Người (xem Mt 25:31-46).

Sau các việc thương người về phần xác là các việc thương người về phần hồn: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội, yên ủi kẻ âu lo, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Trong việc tiếp đón những người bị ruồng bỏ phải chịu đau khổ về thể lý và những người tội lỗi phải chịu đau khổ về tâm linh, tính khả tín làm Kitô hữu của chúng ta đang lâm nguy.
Nhân loại ngày nay cần những người đàn ông và đàn bà, nhất là những người trẻ như các con, những người không muốn sống cuộc sống mình một cách “nửa đường”, những người trẻ sẵn sàng tự hiến đời mình để phục vụ các anh chị em nghèo nhất và yếu thế nhất, noi gương Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình hoàn toàn để cứu chuộc chúng ta. Đứng trước sự ác, đau khổ và tội lỗi, đáp ứng duy nhất có thể có đối với một môn đệ Chúa Giêsu là tự hiến, thậm chí hiến mạng sống mình, noi gương Chúa Kitô; đây là thái độ phục vụ. Những người tự gọi là Kitô hữu nếu không sống để phục vụ, thì đời họ không phục vụ bất cứ mục đích tốt lành nào. Với lối sống ấy, họ bác bỏ chính Chúa Giêsu Kitô.

Các con thân yêu, tối nay, một lần nữa, Chúa yêu cầu các con hãy lên tuyến đầu để phục vụ người khác. Người muốn biến các con thành đáp ứng cụ thể cho các nhu cầu và đau khổ của nhân loại. Người muốn các con thành các dấu chỉ của tình yêu thương xót của Người đối với thời nay! Để giúp các con khả năng thi hành sứ mệnh này, Người chỉ cho các con con đường cam kết bản thân và tự hy sinh. Đó là Đàng Thánh Giá. Đàng Thánh Giá là đường trung tín bước chân theo Chúa Giêsu cho đến cùng, trong các tình huống thường thường bi thảm của đời sống hàng ngày. Đây là một con đường không sợ thiếu thành công, tẩy chay hay cô đơn, vì nó đổ đầy tim ta bằng sự viên mãn của Chúa Giêsu. Đàng Thánh Giá là đường sống của chính Thiên Chúa, là “phong thái” của Người, phong thái được Chúa Giêsu mang tới cho cả những đường hẻm của một xã hội hay bị chia rẽ, bất công và thối nát.

Đàng Thánh Giá, một mình nó, đủ đánh bại tội lỗi, sự ác và sự chết, vì nó dẫn tới ánh sáng Phục Sinh rạng ngời của Chúa Kitô và mở ra nhiều chân trời sống mới mẻ và trọn vẹn hơn. Nó là đường hy vọng, là đường tương lai. Những ai quảng đại và tin tưởng bước theo đường này sẽ mang lại hy vọng và tương lai cho nhân loại.

Các người trẻ thân yêu, vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ấy, nhiều môn đệ tiu nghỉu trở về nhà họ. Nhiều môn đệ khác quyết định đi về vùng quê để quên đi cây thập giá. Cha hỏi các con: tối nay, các con muốn trở về nhà, về những nơi các con đang trú ngụ, với dáng vẻ nào? Tối nay, các con muốn trở về nhà để được một mình đối diện với các ý nghĩ của các con ra sao? Mỗi người các con phải trả lời cho thách thức mà câu hỏi này đặt ra cho các con.
 
Panama sẽ tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2019
Vũ Văn An
16:59 31/07/2016
"Đức Maria, Mẹ chúng ta, dạy chúng ta cách làm cho kinh nghiệm của chúng ta ở đây tại Ba Lan được sinh ích. Mẹ nói với chúng ta làm những gì Mẹ đã làm: đừng để lãng phí những hồng phúc mà các bạn đã nhận được, nhưng gìn giữ nó trong trái tim các bạn để nó có thể phát triển và sinh hoa trái, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần "

Panama sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 32, được tổ chức vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố như thế, vào cuối Thánh Lễ cử hành tại Campus Misericordiae (Cánh Đồng Lòng Thương Xót); Người đã mời các giám mục Panama có mặt đến bên Ngài để cùng ban phước lành với Ngài.

"Cuối cuộc cử hành này, cha cùng tất cả các bạn tạ ơn Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót vô hạn, đã cho phép chúng ta trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới này", Đức Giáo Hoàng nói thế; Người cảm ơn Đức Hồng Y Dziwisz và Đức Hồng Y Rylko, "không mệt mỏi trong các nỗ lực làm cho ngày này trở thành có thể ", và " vì những lời cầu nguyện kèm theo việc chuẩn bị cho biến cố này ".

"Tôi cũng cảm ơn tất cả những người đã đóng góp vào kết quả thành công của nó. Một lời cám ơn lớn xin ngỏ với các các bạn, các bạn trẻ thân mến! Các bạn đã làm đầy Krakow với sự nhiệt tình lây lan của đức tin các bạn. Thánh Gioan Phaolô II, từ trên trời, hẳn đã vui mừng, và Người sẽ giúp các bạn loan truyền niềm vui Tin Mừng ra khắp mọi nơi".

Người nói tiếp: "Trong những ngày này, chúng ta đã trải nghiệm vẻ đẹp của tình huynh đệ phổ quát của ta trong Chúa Kitô, tâm điểm và là niềm hy vọng của cuộc sống chúng ta". "Chúng ta đã nghe thấy tiếng của Người, tiếng nói của Đấng Chăn Chiên Lành, Đấng đang ngự giữa chúng ta. Người nói chuyện với tất cả các bạn trong trái tim các bạn. Người đã canh tân các bạn bằng tình yêu của Người và Người đã tỏ cho các bạn ánh sáng sự tha thứ của Người, sức mạnh ân sủng của Người. Người đã làm cho các bạn trải nghiệm thực tế của cầu nguyện. Những ngày này đã đem đến cho các bạn một "làn gió mới" thiêng liêng giúp các bạn sống cuộc sống thương xót khi các bạn trở về xứ sở và cộng đồng của các bạn ".

Đức Giáo Hoàng quay về phiá ảnh Đức Nữ Trinh Maria ở bên cạnh bàn thờ, vốn được Thánh Gioan Phaolô II tôn kính tại đền thờ Kalwaria. "Đức Maria, Mẹ chúng ta, dạy chúng ta cách làm cho kinh nghiệm của chúng ta ở đây tại Ba Lan được sinh ích. Mẹ nói với chúng ta làm những gì Mẹ đã làm: đừng để lãng phí những hồng phúc mà các bạn đã nhận được, nhưng gìn giữ nó trong trái tim các bạn để nó có thể phát triển và sinh hoa trái, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Nhờ cách này, mỗi người các bạn, bất kể các hạn chế và thiếu sót của mình, có thể là một nhân chứng cho Chúa Kitô bất cứ nơi nào các bạn sống: ở nhà, trong các giáo xứ của các bạn, trong các hiệp hội và các nhóm của các bạn, và nơi học tập, làm việc, phục vụ, giải trí của các bạn, bất cứ nơi nào Chúa quan phòng dẫn các bạn tới ".

Trước khi mời mọi người hiện diện cùng đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha kết luận:

"Tin tưởng vào lời cầu bầu của Mẹ Maria, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ hành trình của người trẻ trong Giáo Hội và trên thế giới, và làm cho các bạn trở thành các môn đệ và chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa".
 
Bài Giảng Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
17:31 31/07/2016
Các bạn trẻ thân mến, các con đã đến Krakow để gặp Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta chính cuộc gặp gỡ như thế giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông tên là Giakêu, tại Jericho (Lc 19: 1-10). Ở đấy, Chúa Giêsu không chỉ rao giảng hay chào hỏi mọi người; như Thánh sử nói với chúng ta, Người đi qua thành phố (v. 1). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn đích thân đến gần chúng ta, để đi cùng với chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta cho đến lúc chót, để cuộc sống của Người và cuộc sống của chúng ta thực sự có thể gặp nhau.

Một cuộc gặp gỡ tuyệt vời sau đó đã diễn ra, với Giakêu, giám đốc thu thuế. Như thế, Giakêu là một cộng tác viên giàu có của những kẻ chiếm đóng La Mã đáng ghét, người bóc lột chính nhân dân của mình, một người, vì tiếng xấu của mình, thậm chí không thể tiếp cận Thầy. Cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc sống của ông, và hàng ngày vẫn có thể thay đổi mỗi cuộc đời của chúng ta. Nhưng Giakêu đã phải đối mặt với một số trở ngại mới được gặp Chúa Giêsu. Ít nhất ba trong số các trở ngại này cũng có thể nói một điều gì đó cho chúng ta.

Trở ngại đầu tiên là tầm vóc nhỏ bé. Giakêu không thể nhìn thấy Thầy, vì ông nhỏ con. Cả ngày nay, chúng ta cũng có thể có nguy cơ không đến gần được Chúa Giêsu, vì chúng ta không cảm thấy đủ lớn, bởi vì chúng ta không nghĩ rằng mình xứng đáng. Đây là một cám dỗ lớn; nó liên hệ không những với lòng tự trọng, mà còn với chính đức tin nữa. Vì đức tin cho chúng ta biết: chúng ta là "con cái của Thiên Chúa ... đó là điều chúng ta là" (1 Ga 3: 1). Chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã mặc lấy nhân tính của chúng ta và trái tim Người sẽ không bao giờ xa cách chúng ta; Chúa Thánh Thần muốn ngự trong chúng ta. Chúng ta đã được kêu gọi để được hạnh phúc mãi mãi với Thiên Chúa!

Đó chính là "tầm vóc" đích thực của chúng ta, là bản sắc thiêng liêng của chúng ta: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa, luôn luôn. Vì vậy, các con có thể thấy rằng không chấp nhận chính mình, sống một cách rầu rĩ, tiêu cực, có nghĩa là không thừa nhận căn tính sâu xa nhất của chúng ta. Giống như ngoảnh đi khi Thiên Chúa muốn nhìn tôi, cố tình làm hỏng giấc mơ của Người đối với tôi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong con người hiện hữu của chúng ta, và không tội, không lỗi hoặc sai lầm nào của chúng ta làm cho Người thay đổi tâm trí. Còn đối với Chúa Giêsu - như Tin Mừng cho thấy - không ai là bất xứng, hoặc xa rời suy nghĩ của Người. Không ai là không đáng kể. Người yêu thương tất cả chúng ta với một tình yêu đặc biệt; Đối với Người, tất cả chúng ta đều quan trọng: các con là quan trọng! Thiên Chúa trông mong các con vì con người các con, chứ không phải vì những gì các con sở hữu. Trong mắt Người, những bộ quần áo các con mặc hoặc các loại điện thoại di động các con sử dụng là hoàn toàn không có liên quan chi. Người không quan tâm việc các con có hợp mốt hay không; Người quan tâm đến các con! Trong mắt Người, các con quý giá, và giá trị của các con là vô giá.

Đôi khi, trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đặt mục tiêu thấp hơn thay vì cao hơn. Những lúc đó, tốt hơn nên nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn trung thành, thậm chí còn cố chấp, trong tình yêu của Người dành cho chúng ta. Sự thực là, Người yêu thương chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta yêu bản thân mình. Người tin chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta tin tưởng vào chính mình. Người luôn "cổ vũ chúng ta"; Người là người hâm mộ lớn nhất của chúng ta. Người ở đó cho chúng ta, kiên nhẫn và hy vọng chờ đợi, ngay cả khi chúng ta quay vào trong chính mình và nghiền ngẫm các rắc rối và chấn thương trong quá khứ của mình. Nhưng nghiền ngẫm như vậy là không xứng đáng với tầm vóc thiêng liêng của chúng ta! Nó là một loại vi khuẩn lây nhiễm và ngăn chặn mọi sự; nó đóng mọi cánh cửa và ngăn cản chúng ta đứng dậy và bắt đầu lại. Mặt khác, Thiên Chúa là Đấng hy vọng một cách vô vọng! Người tin rằng chúng ta luôn luôn có thể đứng dậy, và Người ghét nhìn thấy chúng ta cau có và ảm đạm. Bởi vì chúng ta luôn là những con trai và con gái yêu quý của Người. Chúng ta hãy chú ý đến điều này vào hừng đông của mỗi ngày mới. Quả là điều tốt cho chúng ta nếu mỗi buổi sáng, ta đều cầu nguyện: "Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì đã yêu thương con; xin giúp con biết yêu cuộc sống của chính con!" Không yêu lỗi lầm của con, là điều cần được sửa trị, nhưng yêu cuộc sống riêng của con, vốn là một hồng phúc tuyệt vời, vì đây là thời để yêu thương và được yêu thương.

Giakêu phải đối mặt với một trở ngại thứ hai trong cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu: sự tê liệt do xấu hổ. Chúng ta có thể tưởng tượng những gì đang diễn ra trong trái tim ông trước khi ông leo lên cây sung đó. Đây hẳn phải là một cuộc đấu tranh - một đàng, là tò mò và uớc muốn lành mạnh được biết Chúa Giêsu; đàng khác, nguy cơ bị phát hiện như một người hoàn toàn kỳ cục. Giakêu là một nhân vật công cộng, một người đàn ông có quyền lực. Ông biết rằng, khi cố gắng leo lên cây đó, ông sẽ trở thành một trò cười cho mọi người. Tuy nhiên, ông làm chủ sự xấu hổ của mình, bởi vì sự lôi cuốn của Chúa Giêsu mạnh hơn. Các con biết điều gì xảy ra khi một người nào đó lôi cuốn đến nỗi chúng ta đem lòng yêu thương họ: kết cục, chúng ta sẵn sàng làm những điều mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm. Một điều gì đó tương tự đã diễn ra trong trái tim Giakêu, khi ông nhận ra rằng Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho Người, vì chỉ có Chúa Giêsu mới có thể kéo ông ra khỏi vũng lầy của tội lỗi và bất mãn. Sự tê liệt vì xấu hổ đã không cuỗm được tay trên. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Giakêu "chạy lên trước", "leo lên" cây, và rồi, khi Chúa Giêsu gọi ông, ông đã "vội vã leo xuống" (cc. 4, 6). Ông đã đánh liều, ông đã đặt cuộc sống của mình trên dây lơ lửng. Đối với chúng ta cũng thế, đây là bí quyết của niềm vui: không để sự tò mò lành mạnh bị ngột ngạt, nhưng đánh liều, bởi vì cuộc sống không phải là để bị giấu khuất. Khi nói đến Chúa Giêsu, chúng ta không thể khoanh tay ngồi chờ; Người hiến cho chúng ta sự sống - chúng ta không thể đáp ứng bằng cách ngồi nghĩ về nó hoặc "nhắn tin" vài lời!

Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ đem mọi sự kể cho Chúa trong tòa giải tội, đặc biệt là các điểm yếu của các con, các cuộc đấu tranh của các con và tội lỗi của các con. Người sẽ làm các con ngạc nhiên với sự tha thứ và bình an của Người. Đừng sợ nói chữ "có" với Người bằng cả trái tim của các con, đừng sợ đáp ứng một cách đại lượng và bước chân theo Người! Đừng để tâm hồn các con tê cóng, nhưng hãy nhắm mục tiêu yêu thương đẹp đẽ vốn cũng đòi hỏi hy sinh. Các con hãy nói "không" một cách cương quyết với thứ ma túy thành công bằng bất cứ giá nào và thuốc an thần chỉ biết lo lắng về bản thân và sự thoải mái của riêng các con.

Sau tầm vóc nhỏ bé và sự tê liệt vì xấu hổ của mình, có một trở ngại thứ ba mà Giakêu phải đối mặt. Nó không phải là một trở ngại nội tâm, nhưng là ở quanh ông. Đó là sự tức giận của đám đông; đầu tiên họ ngăn chặn ông và sau đó chỉ trích ông: Làm thế nào Chúa Giêsu lại có thể bước vào nhà ông, nhà của một kẻ tội lỗi! Chào đón Chúa Giêsu, chấp nhận một "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (Eph 2: 4) quả thực khó khăn xiết bao! Người ta sẽ cố gắng ngăn chặn các con, làm cho các con nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng xa xôi, cứng ngắc và vô cảm, tốt với người tốt và xấu với kẻ xấu. Thay vào đó, Cha chúng ta trên trời "khiến mặt trời của Người mọc cả trên người xấu và người tốt" (Mt 5:45). Người đòi hỏi chúng ta can đảm thực sự: can đảm để mạnh mẽ hơn cả sự ác bằng cách yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta. Người ta có thể cười nhạo các con vì các con tin vào sức mạnh nhẹ nhàng và khiêm tốn của lòng thương xót.
Nhưng đừng sợ. Các con hãy nghĩ tới huy hiệu của những ngày này: "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót" (Mt 5: 7). Người ta có thể xét đoán các con là người mơ mộng, bởi vì các con tin vào một nhân loại mới, một nhân loại bác bỏ hận thù giữa các dân tộc, một nhân loại từ chối không coi biên giới như các rào cản và có thể trân trọng các truyền thống riêng của mình mà không lấy mình làm trung tâm hay có đầu óc nhỏ mọn. Đừng nản lòng: với một nụ cười và vòng tay rộng mở, các con hãy loan truyền niềm hy vọng và các con là một chúc phúc đối với gia đình nhân loại của chúng ta, mà ở đây các con là đại diện một cách đẹp đẽ!

Ngày hôm đó, đám đông xét đoán Giakêu; họ dò xét ông, lúc trọng lúc khinh. Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều ngược lại: Người từ dưới nhìn lên ông (v 5.). Chúa Giêsu nhìn bên kia các lỗi lầm và thấy con người của họ. Người không dừng lại trước cái xấu đã qua, nhưng nhìn ra tương lai tốt đẹp. Ánh mắt Người không thay đổi, ngay cả khi nó không được đáp ứng; nó tìm cách đoàn kết và hiệp thông. Không có trường hợp nào nó ngưng ở những dáng vẻ bề ngoài, nhưng nhìn thẳng vào trái tim. Với cái nhìn của Chúa Giêsu, các con có thể giúp mang lại một nhân loại khác, mà không cần tìm kiếm sự thừa nhận nhưng tìm kiếm sự tốt đẹp vì chính nó, bằng lòng duy trì một trái tim tinh khiết và chiến đấu một cách hòa bình cho sự trung thực và công lý. Không dừng lại ở bề mặt của sự vật; không tin vào sự sùng bái của thế gian đối với dáng bề ngoài, các cố gắng thẩm mỹ nhằm cải thiện dáng vẻ của chúng ta. Thay vào đó, hãy "tải xuống" cái "liên kết" tốt nhất, đó là một trái tim biết nhìn thấy và loan tuyền sự tốt lành một cách không mệt mỏi. Niềm vui mà các con đã tự do nhận được từ Thiên Chúa, các con hãy tự do cho đi (x Mt10: 8): rất nhiều người đang chờ đợi nó!

Cuối cùng chúng ta hãy lắng nghe những lời Chúa Giêsu nói với Giakêu, những lời dường như có ý dành cho chúng ta hôm nay: "Hãy xuống đây, vì tôi phải ở lại nhà của ông ngày hôm nay" (câu 5.). Chúa Giêsu ngỏ cùng một lời mời ấy với các con: "Cha phải ở lại nhà của các con ngày hôm nay". Chúng ta có thể nói rằng Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu ngày hôm nay và tiếp tục vào ngày mai, trong ngôi nhà của các con, vì đó là nơi mà Chúa Giêsu muốn được gặp các các con từ bây giờ. Chúa không muốn ở lại trong thành phố xinh đẹp này, hoặc trong ký ức yêu thương mà thôi. Người muốn vào nhà của các con, cư ngụ trong cuộc sống hàng ngày của các con: trong việc học hành của các con, năm đầu làm việc của các con, tình bạn và tình âu yếm của các con, hy vọng và ước mơ của các con. Người hy vọng xiết bao rằng trong mọi “liên lạc” và “tán gẫu” hàng ngày, chỗ danh dự phải được dành cho sợi chỉ vàng xuyên suốt của cầu nguyện! Người mong muốn xiết bao được thấy lời Người có thể ngỏ với các con ngày qua ngày, để các con có thể biến Tin Mừng thành của riêng các con, để nó có thể phục vụ như một la bàn cho các đường cao tốc của cuộc sống!

Khi yêu cầu được đến nhà các con, Chúa Giêsu đã gọi các con bằng tên, như đã làm với Giakêu. Tên của các con quý giá đối với Người. Cái tên "Giakêu" có thể làm cho người ta nghĩ tới việc tưởng nhớ tới Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào bộ nhớ của Thiên Chúa: bộ nhớ của Người không phải là một "đĩa cứng" có thể "lưu" và "trữ" tất cả các dữ liệu của chúng ta, nhưng là một trái tim đầy lòng từ bi dịu dàng, một trái tim biết tìm niềm vui trong việc "xóa bỏ" trong chúng ta mọi dấu vết của cái ác. Ước mong cả chúng ta bây giờ cũng cố gắng bắt chước các bộ nhớ trung thành của Thiên Chúa và lưu trữ những điều tốt mà chúng ta đã nhận được trong những ngày này. Trong im lặng, chúng ta hãy ghi nhớ cuộc gặp gỡ này, chúng ta hãy duy trì kí ức về sự hiện diện của Thiên Chúa và lời lẽ của Người, và chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa tiếng nói của Chúa Giêsu khi Người gọi chúng ta bằng tên. Vì vậy, bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện âm thầm, nhớ lại và cảm ơn Chúa đã muốn chúng ta ở đây và đã đến đây để gặp chúng ta.
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới qua những con số
VietCatholic Network
20:26 31/07/2016
Một số nét đặc biệt về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 tại Balan, theo KAI có khoảng 920,000 người ghi danh tham dự chính thức từ 187 quốc gia trên thế giới. Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ước tính có khoảng gần 600,000 người tham dự Chặng Đàng Thánh Giá, và 1 triệu 600 ngàn người tham dự Đêm Canh Thức Thứ 7 ngày 30.7.2016. Cao điểm là Thánh Lễ Bế mạc tại Campus Misericordiae Cánh Đồng của Lòng Thương Xót gần Krakow với khoảng 2 triệu người tham dự cùng ĐGH Phanxico và 50 Hồng Y, 800 Giám Mục cùng 20 ngàn Linh Mục đồng tê.

Sau đây, Kính mời Quý Vị theo dõi Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico cho giới trẻ sau chặng đàng Thánh Giá lúc 6 giờ chiếu ngày thứ 6.

Ta đói và các con cho Ta ăn, Ta khát và các con cho Ta uống, Ta là khách lạ và các con tiếp đón Ta, Ta trần truồng và các con cho Ta mặc, Ta bệnh hoạn và các con săn sóc Ta, Ta ở tù và các con thăm viếng Ta (Mt 25:35-36).

Những lời trên của Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi thường được đặt ra trong tâm trí chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa ở đâu, nếu sự ác hiện diện trong thế giới chúng ta, nếu có những người đàn ông đàn bà đói và khát, không nhà, biệt xứ và tỵ nạn? Thiên Chúa ở đâu khi những người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu, khi những chứng bệnh tàn ác phá vỡ các dây liên kết sự sống và tình âu yếm? Hay khi các trẻ em bị bóc lột và hạ nhân phẩm, và các em còn bị các chứng bệnh hiểm nghèo nữa? Thiên Chúa ở đâu, giữa những khổ não của những người hoài nghi và khủng hoảng tinh thần? Đây là những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời nếu xét về phương diện con người. Ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Người thôi. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Thiên Chúa ở trong tất cả những người trên”. Chúa Giêsu ở trong họ; Người đau khổ ở trong họ và đồng hóa với mỗi người trong họ một cách thâm sâu. Người kết hợp chặt chẽ với họ đến nỗi đã cùng họ tạo nên “một thân xác”, có thể nói như thế.

Chính Chúa Giêsu tự chọn đồng hóa với các anh chị em nói trên của chúng ta, chịu đau đớn và khổ não bằng cách đồng ý bước lên “con đường sầu khổ” dẫn tới Canvariô. Qua việc chết trên thánh giá, Người phó mình trong tay Chúa Cha, nhận cho mình và trong mình, một cách yêu thương tự hiến, các thương tích thể lý, tinh thần và tâm linh của toàn thể nhân loại. Qua việc tiếp nhận cây thánh giá, Chúa Giêsu đã tiếp nhận sự trần truồng, đói khát, cô đơn, đau đớn và chết chóc của con người nam nữ mọi thời. Đêm nay, Chúa Giêsu, và với Người có chúng ta, ôm hôn, bằng một tình yêu đặc biệt, các anh chị em của chúng ta từ Syria chạy trốn chiến tranh. Chúng ta chào mừng họ và nghinh đón họ bằng một tình âu yếm và bằng hữu huynh đệ.

Nhờ theo chân Chúa Giêsu trên Đàng Thánh Giá, một lần nữa, chúng ta hiểu ra sự quan trọng của việc noi gương Người qua 14 việc thương xót. Những việc này giúp chúng ta mở lòng ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, khẩn cầu ơn thánh để biết lượng định rằng không có lòng thương xót, chúng ta không thể làm được gì; không có lòng thương xót, cả cha lẫn các con cũng như bất cứ ai trong chúng ta, có thể làm gì được. Trước nhất, chúng ta hãy xem xét 7 việc thương người về phần xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kể liệt lào cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã nhận được nhưng không, thì hãy nhưng không cho đi. Chúng ta được kêu gọi phụng sự Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong mọi người bị hắt hủi, đụng đến thân xác thánh thiêng của Người trong những người kém thế, trong những người đói khát, trần truồng và bị giam cầm, trong người bệnh và thất nghiệp, trong những ai đang bị bách hại, trong các người tị nạn và di dân. Ở đấy, chúng ta tìm ra Thiên Chúa của chúng ta; ở đấy, chúng ta sờ thấy Chúa. Chính Chúa Giêsu nói cho ta biết điều đó khi Người giải thích tiêu chuẩn theo đó chúng ta sẽ bị phán xét: bất cứ khi nào chúng ta làm những điều ấy với một người bé nhỏ nhất trong các anh chị em của chúng ta, là chúng ta làm cho Người (xem Mt 25:31-46).

Sau các việc thương người về phần xác là các việc thương người về phần hồn: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội, yên ủi kẻ âu lo, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Trong việc tiếp đón những người bị ruồng bỏ phải chịu đau khổ về thể lý và những người tội lỗi phải chịu đau khổ về tâm linh, tính khả tín làm Kitô hữu của chúng ta đang lâm nguy.

Nhân loại ngày nay cần những người đàn ông và đàn bà, nhất là những người trẻ như các con, những người không muốn sống cuộc sống mình một cách “nửa đường”, những người trẻ sẵn sàng tự hiến đời mình để phục vụ các anh chị em nghèo nhất và yếu thế nhất, noi gương Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình hoàn toàn để cứu chuộc chúng ta. Đứng trước sự ác, đau khổ và tội lỗi, đáp ứng duy nhất có thể có đối với một môn đệ Chúa Giêsu là tự hiến, thậm chí hiến mạng sống mình, noi gương Chúa Kitô; đây là thái độ phục vụ. Những người tự gọi là Kitô hữu nếu không sống để phục vụ, thì đời họ không phục vụ bất cứ mục đích tốt lành nào. Với lối sống ấy, họ bác bỏ chính Chúa Giêsu Kitô.

Các con thân yêu, tối nay, một lần nữa, Chúa yêu cầu các con hãy lên tuyến đầu để phục vụ người khác. Người muốn biến các con thành đáp ứng cụ thể cho các nhu cầu và đau khổ của nhân loại. Người muốn các con thành các dấu chỉ của tình yêu thương xót của Người đối với thời nay! Để giúp các con khả năng thi hành sứ mệnh này, Người chỉ cho các con con đường cam kết bản thân và tự hy sinh. Đó là Đàng Thánh Giá. Đàng Thánh Giá là đường trung tín bước chân theo Chúa Giêsu cho đến cùng, trong các tình huống thường thường bi thảm của đời sống hàng ngày. Đây là một con đường không sợ thiếu thành công, tẩy chay hay cô đơn, vì nó đổ đầy tim ta bằng sự viên mãn của Chúa Giêsu. Đàng Thánh Giá là đường sống của chính Thiên Chúa, là “phong thái” của Người, phong thái được Chúa Giêsu mang tới cho cả những đường hẻm của một xã hội hay bị chia rẽ, bất công và thối nát.

Đàng Thánh Giá, một mình nó, đủ đánh bại tội lỗi, sự ác và sự chết, vì nó dẫn tới ánh sáng Phục Sinh rạng ngời của Chúa Kitô và mở ra nhiều chân trời sống mới mẻ và trọn vẹn hơn. Nó là đường hy vọng, là đường tương lai. Những ai quảng đại và tin tưởng bước theo đường này sẽ mang lại hy vọng và tương lai cho nhân loại.

Các người trẻ thân yêu, vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ấy, nhiều môn đệ tiu nghỉu trở về nhà họ. Nhiều môn đệ khác quyết định đi về vùng quê để quên đi cây thập giá. Cha hỏi các con: tối nay, các con muốn trở về nhà, về những nơi các con đang trú ngụ, với dáng vẻ nào? Tối nay, các con muốn trở về nhà để được một mình đối diện với các ý nghĩ của các con ra sao? Mỗi người các con phải trả lời cho thách thức mà câu hỏi này đặt ra cho các con.
 
Trên đường từ Krakow trở về, Đức Phanxicô từ khước lên án Hồi Giáo
Vũ Văn An
19:40 31/07/2016
Vào ngày Chúa Nhật, nói với các ký giả trên chuyến bay từ Krakow trở về, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chối đánh đồng Hồi giáo với bạo lực; ngài nói rằng người Công Giáo cũng có thể gây chết chóc không kém và cảnh báo rằng Châu Âu đang đẩy giới trẻ của mình vào chủ nghĩa khủng bố.

"Tôi nghĩ đánh đồng Hồi giáo với bạo lực là không đúng", ngài nói với các ký giả như thế.

Đức Phanxicô bảo vệ quyết định của ngài không nêu tên Hồi giáo khi lên án vụ sát hại dã man một linh mục Công Giáo ở Pháp của bọn thánh chiến, trong một loạt các vụ tấn công gần đây ở Châu Âu được nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm.

"Trong hầu hết các tôn giáo, luôn luôn có một nhóm nhỏ cực đoan. Chúng tôi cũng có như thế".

"Nếu phải nói về bạo lực Hồi giáo, thì tôi cũng phải nói về bạo lực Kitô giáo. Mỗi ngày trên báo chí, tôi đều thấy bạo lực ở Ý, một người nào đó giết chết bạn gái của mình, một người khác giết mẹ vợ của mình, và những người này đều đã được rửa tội làm người Công Giáo."

Đức Giáo Hoàng đã phát biểu như trên, sau khi người Hồi giáo tham dự Thánh Lễ Công Giáo trong các nhà thờ khắp nước Pháp vào ngày Chúa Nhật trong tình liên đới và buồn sầu sau vụ sát hại vị linh mục; cổ họng ngài bị rạch tại bàn thờ trong nhà thờ của ngài.

Nhắc lại một nhận xét đã đưa ra trong cuộc tông du 5 ngày ở Ba Lan, nhân Đại Hội giới trẻ Công Giáo, Đức Phanxicô nói rằng tôn giáo không phải là hoạt lực đứng đàng sau bạo lực.

"Bạn có thể giết người bằng lưỡi cũng như bằng dao", ngài nói thế, rõ ràng ám chỉ khuynh hướng trong các đảng phái mị dân, chuyên kích động chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Ngài cho rằng Châu Âu nên nhìn ngay vào nhà mình, khi nói rằng "chủ nghĩa khủng bố ... mọc ở nơi thần tài được đặt lên hàng đầu" và "ở nơi không có lựa chọn nào khác".

Ngài hỏi: "Chúng ta đã để cho bao nhiêu người trẻ Châu Âu của chúng ta thiếu lý tưởng, không có việc làm, nên họ chuyển sang ma túy, rượu chè, và đăng ký với các nhóm cực đoan?"
 
Đêm Canh Thức – Chứng từ của các bạn trẻ và chia sẻ của Đức Thánh Cha
VietCatholic Network
22:11 31/07/2016
Quý vị và anh chị em đang theo dõi những hình ảnh trong Đêm Canh Thức diễn ra tại “Campus Misericordiae” nghĩa là “Cánh Đồng Lòng Thương Xót”.

Đây là một địa điểm được thiết kế đặc biệt cho Đêm Canh Thức và Thánh lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Địa điểm này nằm cách trung tâm Krakow 15km về phía đông nam trong vùng Brzegi giữa Nowa Huta và Wieliczka. Chính quyền thành phố Krakow cho biết 7 cây cầu mới tinh đã được xây dựng để tạo điều kiện giao thông thuận lợi từ thành phố Krakow vào khu vực này.

Đêm Canh Thức diễn ra lúc 19h nhưng từ giữa trưa các đoàn hành hương trong thành phố Krakow và sau đó là các đoàn cắm trại trong khu vực mỏ muối Wieliczka đã rầm rập lên đường … đi bộ hướng về Cánh Đồng Lòng Thương Xót. Ban tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới chỉ bố trí vài chục chiếc xe bus cho 2,000 các bạn trẻ khuyết tật không thể đi bộ được đoạn đường dài 30km cả đi lẫn về nếu tính từ trung tâm thành phố Krakow.

Hơn hai triệu bạn trẻ đổ ra đầy các tuyến đường hướng về Cánh Đồng Lòng Thương Xót, vừa đi vừa hát, tạo thành một cảnh tượng rất ngoạn mục.

Đúng 19h, Đức Thánh Cha đã bước qua cửa thánh tại cánh đồng Lòng Thương Xót với 5 đại diện của các bạn trẻ. Đêm Canh Thức chính thức được bắt đầu.

Chúng tôi ghi nhận có 47 vị Hồng Y, 800 vị giám mục và 20,000 linh mục tham dự trong Đêm Canh Thức tối nay cùng với Đức Thánh Cha.

Trong đêm canh thức, những người trẻ từ khắp thế giới sẽ cầu nguyện với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cánh Đồng Lòng Thương Xót. Họ sẽ thờ phượng Chúa trong cầu nguyện, khiêu vũ, và các bài hát, và các nghệ sĩ nổi tiếng ở Ba Lan và trên thế giới sẽ giúp họ trong việc này.

Ý tưởng chính của Đêm Canh Thức này là con đường tìm gặp Chúa Giêsu, Đấng là nguồn mạch của Lòng Thương Xót. Ý nghĩa của cuộc sống của con người là tìm ra con đường để đến với Ngài, và con đường này sẽ được trình bày cho giới trẻ bởi các hướng dẫn viên là những tông đồ của Lòng Thương Xót, là Chị Thánh Faustina và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Chờ đợi Đức Thánh Cha

Thời gian chờ đợi Đức Thánh Cha được lấp đầy bằng những lời cầu nguyện, các điệu múa Lednica, các bài hát, chứng tá từ các cá nhân và cộng đoàn và các hình thức tán tụng và thờ phượng khác.

Đức Thánh Cha sẽ bước qua cổng Năm Thánh Lòng Thương Xót với các đại diện của các châu lục và đi theo hướng tiến lên bàn thờ để bắt đầu buổi cầu nguyện. Bolesław Pawica - đạo diễn của sự kiện này nói với các ký giả rằng, cổng Năm Thánh Lòng Thương Xót và toàn bộ phối cảnh sẽ được thiết kế rất đơn sơ.

Các điệu vũ trên không

Để giúp những người trẻ tuổi tìm được con đường đến với Lòng Thương Xót Chúa trong những thách đố của cuộc đời mà các thanh niên phải đối mặt, đoàn múa nghệ thuật Mira với các nghệ sĩ chuyên nghiệp múa ba lê sẽ trình bày những điệu múa, những màn nhào lộn trên không, được phụ họa bằng âm nhạc và ánh sáng. Năm màn vũ nói lên những tình cảnh những người trẻ phải đương đầu trong thế giới đương đại. Màn vũ thứ nhất là “Đức Tin đối với những ai hoài nghi”. Màn thứ hai là “Hy vọng cho những ai đang nản lòng”. Màn thứ ba là “Tình yêu dành cho những ai lẻ loi”. Màn thứ tư là “Tha thứ cho những ai vấp phạm” và màn thứ Năm là “Niềm vui cho những người không được hạnh phúc”.

Ba chứng từ

1. Chứng từ thứ I là của cô Natalia, người Ba Lan. Hồi năm 2012, cô Natalia là chủ bút của một tạp chí về thời trang ở Lodz, thành phố lớn thứ 3 của Ba Lan. Cô thành công trong nghề nghiệp, quen biết nhiều bạn đẹp trai, trải qua hết lễ này đến lễ khác, ăn chơi thoải mái và coi đó như ý nghĩa cuộc đời. Cho đến một hôm ngày 15-4-2012, cô tỉnh dậy với nỗi lo lắng băn khoăn vì lối sống của mình không có gì là tốt đẹp. Natalia kể: Con hiểu rằng mình cần phải đi xưng tội ngay trong ngày hôm đó. Con không biết rõ phải xưng tội phải phép như thế nào. Con tìm trong trang mạng google từ ”confessione, xưng tội”. Trong một bài, con đọc được câu này: Thiên Chúa đã chết vì yêu thương chúng ta. Con hiểu rõ hoàn toàn ý nghĩa câu đó.. Chúa đã chết vì tình yêu đối với con, Chúa muốn ban cho con sự sống trọn vẹn, trong khi con khép mình trong sự dửng dưng. Con vào bếp và hút một điếu thuốc.

Con thấy rõ tình trạng của con trong lúc đó và con bật khóc. Con lấy một tờ giấy và bắt đầu liệt kê các tội của con. Các tội ấy thật là rõ ràng trước mắt con, và con thấy mình đã phạm chống lại tất cả 10 giới răn. Con cảm thấy nhu cầu cấp thiết cần nói với một linh mục ngay. Con tìm trên Internet và thấy lúc 3 giờ chiều có giải tội ở Nhà thờ chính tòa. Con chạy lại đó, tâm hồn rất sợ sẽ bị linh mục nói với con rằng: Tội của con quá nặng, cha không thể làm gì cho con”. Dầu vậy, con cũng tìm được can đảm và đến xưng tội. Khi con vừa chấm dứt, vì linh mục nói: Đây thật là một sự xưng tội thật đẹp!. Con không hiểu vị linh mục muốn ám chỉ điều gì, trong những điều con xưng thú chẳng có gì là đẹp cả!

Cha giải tội hỏi con: ”Con có biết hôm nay là ngày gì không? Là Chúa Nhật lòng thương xót. Con có biết mấy giờ rồi không? Là đúng 3 giờ chiều, giờ của lòng thương xót. Con có biết con đang ở đâu không? Ở nhà thờ chính tòa, nơi mà thánh nữ Faustina Kowalska vẫn cầu nguyện hằng ngày khi người sống tại thành phố Lodz này. Bấy giờ Chúa hiện ra với thánh nữ và nói là Ngài muốn tha thứ trong ngày ấy tất cả các tội lỗi, dù nặng nề đến đây đi nữa. Các tội của con đã được tha, con đừng để chúng trở lại trong đầu óc con nữa. Hãy bứng chúng khỏi đầu con”. Đó là những lời thật mạnh mẽ. Con đi xưng tội tưởng là mình sẽ đánh mất sự sống đời đời... Con bước ra khỏi nhà thờ như từ một bãi chiến trường trở về: rất mệt nhưng đồng thời con hết sức vui mừng, với một tâm tình chiến thắng và xác tín rằng chính Chúa Giêsu đang trở về nhà cùng với con”.

2. Chứng từ thứ hai do cô Rand Mittri, 26 tuổi người Siria ở thành phố Aleppo, một thành phố bị tàn phá, hoang tàn. Ý nghĩa cuộc sống bị xóa bỏ. Thành phố bị quên lãng. Cô trình bày chi tiết về cuộc sống người dân tại thành này bị chết chóc đe dọa.

Cô Rand phục vụ tại trung tâm Don Bosco ở Aleppo, đón nhận và giúp đỡ hơn 700 thanh thiếu niên nam nữ tìm đến đó để mong được thấy một nụ cười, nghe được một lời an ủi.. Anh xin ĐTC và mọi người cầu nguyện cho đất nước Siria yêu quí của anh.

3. Chứng từ thứ ba của anh Miguel 34 tuổi người Paraguay, ở thủ đô Asunción của nước này. Từ năm 11 tuổi Miguel bắt đầu nghiện ngập ma túy và sau đó vào tù ra khám nhiều lần, có lần phạm tội nặng Miguel bị án tù 6 năm.

Một lần sau khi ra khỏi tù, Miguel được một linh mục bạn của gia đình mời đến thăm một nơi gọi là Nông trại Hy vọng. Anh chấp nhận đến đó, và tại đây anh cảm thấy được chấp nhận và sống như trong một gia đình. Trong cộng đồng này, phương pháp chữa trị là Lời Chúa, sống lời Chúa.. Miguel cũng học cách tha thứ và dần dần anh được giao trách nhiệm trong cộgn đoàn. Từ 3 năm nay, Miguel đặc trách nhà ”Quo vadis, Thầy đi đâu” trong nông trại Hy vọng ở Cerro Chato bên Uruguay”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ thân mến, chào các con!

Quả là điều tốt đẹp được ở đây với các con trong buổi Canh Thức Cầu Nguyện này!

Vào cuối chứng từ mạnh mẽ và cảm động của mình, Rand đã yêu cầu chúng ta một điều. Anh nói: "Tôi tha thiết xin các bạn cầu nguyện cho đất nước thân yêu của tôi". Câu chuyện của anh, liên quan đến chiến tranh, đau buồn và mất mát, đã kết thúc bằng lời xin cầu nguyện. Còn cách nào tốt hơn cho chúng ta để bắt đầu buổi canh thức này bằng cách cầu nguyện?

Chúng ta đã đến đây từ các nơi khác nhau trên thế giới, từ các lục địa, các quốc gia, các ngôn ngữ, các văn hóa và dân tộc khác nhau. Một số người trong chúng ta là con trai và con gái của các quốc gia rất có thể đang mâu thuẫn và can dự vào các cuộc xung đột khác nhau hoặc thậm chí cả chiến tranh công khai nữa. Nhiều người khác trong chúng ta đến từ các quốc gia rất có thể có "hòa bình", không có chiến tranh và xung đột, nơi mà hầu hết những điều khủng khiếp xảy ra trong thế giới của chúng ta, chỉ đơn giản là một câu chuyện trên tin tức buổi tối. Nhưng các con hãy nghĩ về điều này. Đối với chúng ta, ở đây, hôm nay, đến từ các nơi khác nhau trên thế giới, sự đau khổ và những cuộc chiến mà nhiều người trẻ đang trải nghiệm không còn vô danh, một điều gì đó chúng ta đọc trong các báo chí. Chúng có một cái tên, chúng có một khuôn mặt, chúng có một câu chuyện, chúng rất gần gũi. Hôm nay, cuộc chiến ở Syria đã gây ra đau đớn và đau khổ cho rất nhiều người, cho nên nhiều người trẻ như người bạn Rand tốt lành của chúng ta, người đã đến đây và yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho đất nước thân yêu của mình.

Một số tình huống có vẻ xa xôi cho đến khi, một cách nào đó, chúng ta đụng đến chúng. Chúng ta không đánh giá một số sự việc vì chúng ta chỉ nhìn thấy chúng trên màn hình của một chiếc điện thoại di động hoặc một máy vi tính. Nhưng khi chúng ta tiếp xúc với cuộc sống, với cuộc sống của người ta, không chỉ là hình ảnh trên một màn hình, một điều gì đó mạnh mẽ đang xảy ra. Chúng ta cảm thấy cần phải can dự vào. Cần nhận ra rằng không còn những "thành phố bị lãng quên" nữa, nói theo từ ngữ của Rand, hoặc không còn anh chị em của chúng ta "bị bao vây bởi cái chết và giết chóc" nữa, hoàn toàn bất lực. Các con thân mến, Cha yêu cầu chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những đau khổ của tất cả các nạn nhân chiến tranh và cho nhiều gia đình Syria yêu quý và các nơi khác trên thế giới chúng ta. Một lần mãi mãi, ước gì chúng ta có thể nhận ra rằng không có gì biện minh cho việc đổ máu một người anh em hay chị em; không có gì quý giá hơn người bên cạnh chúng ta. Khi yêu cầu các con cầu nguyện cho điều này, Cha cũng xin cảm ơn Natalia và Miguel đã chia sẻ những đấu tranh và xung đột nội tâm của mình. Các con nói với chúng ta về cuộc đấu tranh của các con, và về cách các con thành công trong việc khắc phục chúng. Cả hai con đều là dấu chỉ sống động của những gì lòng thương xót của Thiên Chúa muốn thực hiện trong chúng ta.

Ở đây không có thời gian để tố cáo bất cứ ai hay bất cứ cuộc đánh nhau nào. Chúng ta không muốn phá bỏ. Chúng ta không muốn chinh phục hận thù bằng nhiều hận thù hơn, bạo lực bằng nhiều bạo lực hơn, khủng bố bằng nhiều khủng bố hơn. Chúng ta đang ở đây hôm nay vì Chúa đã kêu gọi chúng ta đến với nhau. Phản ứng của chúng ta đối với một thế giới có chiến tranh có một cái tên: tên của nó là tình anh em, tên của nó là sự hiệp thông, tên của nó là gia đình. Chúng ta chào mừng sự kiện này: phát xuất từ nhiều nền văn hóa khác nhau, chúng ta đã đến với nhau để cầu nguyện. Hãy để lời lẽ tốt nhất của chúng ta, lập luận tốt nhất của chúng ta, thành sự hiệp nhất của chúng ta trong lời cầu nguyện. Chúng ta hãy dành một phú để im lặng và cầu nguyện. Chúng ta hãy đặt trước mặt Chúa các chứng từ của bạn hữu chúng ta, và chúng ta hãy gắn bó với những người mà với họ "gia đình là một khái niệm vô nghĩa, căn nhà chỉ là một nơi để ngủ và ăn", và với những người sống với nỗi sợ hãi rằng những sai lầm của họ và tội lỗi đã khiến họ bị ruồng bỏ. Chúng ta cũng hãy đặt trước mặt Chúa "các trận chiến" của riêng mình, những cuộc đấu tranh nội tâm mà mỗi người các con mang trong tim mình.

Khi chúng ta cầu nguyện, Cha nghĩ tới các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Việc hình dung ra các vị có thể giúp chúng ta đánh giá cao tất cả những gì Thiên Chúa ước mơ hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta, trong chúng ta và với chúng ta. Ngày hôm đó, các môn đệ tụ họp nhau sau những cánh cửa khóa kín, vì sợ hãi. Các ngài cảm thấy bị đe dọa, bị bao vây bởi một bầu không khí bách hại từng dồn các ngài vào một căn phòng nhỏ và khiến các ngài câm lặng và tê liệt. Sợ hãi đã trùm phủ các ngài. Thế rồi, trong tình huống đó, một điều gì đó hết sức ngoạn mục, một điều gì đó hết sức vĩ đại, đã xảy ra. Chúa Thánh Thần và những chiếc lưỡi như lửa đến đậu trên mỗi người trong các ngài, thúc đẩy các ngài hướng tới một cuộc phiêu lưu chưa từng mơ ước.

Chúng ta đã nghe ba chứng từ. Trái tim chúng ta đã xúc động bởi các câu chuyện của họ, bởi cuộc sống của họ. Chúng ta đã thấy, giống các môn đệ, họ đã trải qua những khoảnh khắc tương tự, sống qua những thời điểm sợ hãi lớn lao, khi xem ra mọi sự đều đã đổ vỡ tan tành. Sự sợ hãi và khổ não phát sinh từ việc biết rằng rời khỏi nhà có thể có nghĩa là không bao giờ nhìn thấy người thân yêu nữa, sợ không còn cảm thấy được đánh giá cao và yêu thương nữa, sợ không còn sự lựa chọn nữa. Họ chia sẻ với chúng ta cùng những kinh nghiệm mà các môn đệ đã có; họ cảm thấy một thứ sợ hãi chỉ dẫn đến một điều: cảm thấy mình bị khóa cứng trong chính mình, bị mắc kẹt. Một khi chúng ta cảm thấy như vậy, sự sợ hãi của chúng ta bắt đầu day dứt và thế nào cũng bị "người chị em song sinh" của nó là tê liệt đến tham gia: ta cảm thấy tê liệt. Nghĩ rằng trong thế giới này, trong các thành phố và cộng đồng của chúng ta, không còn bất kỳ chỗ nào để trưởng thành, để ước mơ, để sáng tạo, để ngắm nhìn những chân trời mới - tắt một lời, để sống - là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Khi chúng ta bị tê liệt, chúng ta bỏ lỡ sự kỳ diệu của việc gặp gỡ những người khác, kết bạn, chia sẻ những ước mơ, đi bộ bên cạnh những người khác.

Nhưng trong cuộc sống, có một loại tê liệt khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Ta khó có thể hiểu lý do của nó. Cha muốn mô tả nó như một sự tê liệt xuất phát từ việc lẫn lộn nó với hạnh phúc của chiếc ghế sofa. Nói cách khác, là nghĩ rằng để được hạnh phúc, điều ta cần chỉ là một chiếc ghế sofa tốt. Một chiếc sofa khiến chúng ta thấy thoải mái, yên tĩnh, an toàn. Một chiếc sofa giống như một trong những chiếc chúng ta hiện có ngày nay với một đơn vị xoa bóp lắp sẵn để đưa chúng ta vào giấc ngủ. Một chiếc sofa hứa hẹn đem lại cho chúng ta nhiều giờ thoải mái giúp chúng ta trốn vào thế giới của trò chơi video và dành mọi thời gian để ngồi trước màn hình máy vi tính. Một chiếc sofa giữ chúng an toàn tránh khỏi bất cứ loại đau đớn và sợ hãi nào. Một chiếc sofa cho phép chúng ta ở nhà, không cần phải làm việc, hay lo lắng, bất cứ điều gì. "Hạnh phúc sofa"! Đó có lẽ là hình thức độc hại và nguy hiểm nhất của tê liệt, vì từ từ, từng chút một, không hề nhận ra nó, chúng ta bắt đầu gà gật, trở nên lơ mơ và thẫn thờ trong khi những người khác - có lẽ tỉnh táo hơn chúng ta, nhưng không nhất thiết tốt hơn chúng ta- quyết định tương lai cho chúng ta. Thực thế, đối với nhiều người, có được những đứa trẻ lơ mơ và thẫn thờ, nhầm lẫn hạnh phúc với ghế sofa là điều dễ chịu và tốt đẹp hơn. Đối với nhiều người, điều này thuận lợi hơn việc có những người trẻ tỉnh táo và ưa tìm hiểu, cố gắng đáp ứng giấc mơ của Thiên Chúa và mọi nỗi bồn chồn hiện có trong trái tim con người.

Mặc dù sự thật là một điều khác. Các người trẻ thân mến, chúng ta không vào thế giới này để "sống vô vị", để dễ dãi, để biến cuộc sống ta thành chiếc sofa thoải mái và thiếp ngủ trên đó. Không, chúng ta đến đây vì một lý do khác: để lại một dấu ấn. Quả rất buồn khi sống trên đời mà không để lại một dấu ấn nào. Nhưng khi chúng ta chọn dễ dãi và thuận lợi, chọn lẫn lộn hạnh phúc với tiêu thụ, thì kết cục, chúng ta sẽ phải trả một giá cao thực sự: chúng ta đánh mất tự do của mình.

Sẽ là một hình thức tê liệt rất lớn, bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc y hệt như thoải mái và tiện nghi, được hạnh phúc là có được một cuộc thiếp ngủ, hoặc được uống thuốc an thần, cách duy nhất để được hạnh phúc là được sống trong sương mù. Chắc chắn, ma túy là điều xấu, nhưng có rất nhiều loại ma túy khác được xã hội chấp nhận, mà kết cục nô dịch chúng ta không kém. Cách này hay cách khác, chúng cướp đi của chúng ta kho báu lớn nhất: tự do của chúng ta.

Các bạn thân mến, Chúa Giêsu là Chúa của liều lĩnh, của "nhiều hơn" vĩnh cửu. Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa của sự tiện nghi, an toàn và dễ dãi. Theo Chúa Giêsu đòi một liều lượng lớn của lòng dũng cảm, của sự sẵn sàng để đổi ghế sofa lấy đôi giày đi bộ và bước lên một con đường mới đầy thám hiểm. Để đi tiên phong trên những nẻo đường mở ra những chân trời mới có khả năng truyền lan niềm vui, niềm vui phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa và vọt lên trong trái tim các con với mọi hành vi thương xót. Để đi theo con đường "rồ dại" của Thiên Chúa chúng ta, Đấng dạy chúng ta gặp gỡ Người nơi những người đói, khát, trần truồng, bệnh hoạn, bạn bè gặp khó khăn, các tù nhân, những người tị nạn và di dân, và các người láng giềng cảm thấy bị bỏ rơi của chúng ta. Để đi theo con đường của Thiên Chúa chúng ta, Đấng khuyến khích chúng ta trở thành chính trị gia, tư tưởng gia, nhà tranh đấu xã hội. Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta đặt kế sách cho một nền kinh tế lấy cảm hứng từ tinh thần liên đới. Trong tất cả mọi khung cảnh các con hiện diện, tình yêu của Thiên Chúa đều mời gọi các con đem Tin Mừng đến, biến cuộc sống của các con thành một món quà cho Người và cho người khác.

Các con có lẽ sẽ hỏi cha: Thưa cha, điều đó không dành cho mọi người, nhưng chỉ cho một vài người được chọn mà thôi. Đúng, nhưng những người được chọn ấy đều là những người sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của họ với người khác. Như Chúa Thánh Thần biến đổi trái tim của các môn đệ vào ngày Lễ Ngũ Tuần thế nào, Người cũng đã làm thế với những người bạn đã chia sẻ chứng từ của họ với chúng ta như vậy. Này Miguel, cha sẽ sử dụng các lời lẽ của con. Con nói với chúng ta rằng ở "Facenda" trong ngày họ giao phó cho con trách nhiệm giúp làm cho nhà ấy được điều hành tốt hơn, con bắt đầu hiểu rằng Thiên Chúa đang yêu cầu con một điều gì đó. Đó là lúc mọi sự bắt đầu thay đổi.

Các bạn thân mến, đó là bí quyết, và tất cả chúng ta được kêu gọi để tham dự vào. Thiên Chúa mong đợi một điều gì đó nơi các con. Thiên Chúa mong muốn một điều gì đó nơi các con. Thiên Chúa hy vọng nơi các con. Thiên Chúa đến để phá vỡ tất cả các hàng rào của chúng ta. Người đến để mở mọi cánh cửa của cuộc đời chúng ta, những giấc mơ của chúng ta, cách chúng ta nhìn sự việc. Thiên Chúa đến để mở toang những gì đang khóa kín các con. Người khuyến khích các con mơ ước. Người muốn làm các con thấy rằng, với các con, thế giới có thể sẽ ra khác. Vì sự thực là, trừ khi các con cung hiến điều tốt nhất của các con, thế giới sẽ không bao giờ ra khác được.

Thời chúng ta đang sống không kêu gọi những người trẻ "ngồi xem truyền hình ăn khoai chiên" nhưng kêu gọi những người trẻ mang giày, hoặc tốt hơn, mang ủng thắt dây. Nó chỉ nhận các cầu thủ ở hàng đầu, không dành chỗ cho những người ngồi ấm cả ghế dài. Thế giới ngày nay đòi các con trở thành những người chủ đạo của lịch sử vì cuộc sống luôn luôn tươi đẹp khi chúng ta chọn sống nó cách trọn vẹn, khi chúng ta chọn để lại một dấu ấn. Lịch sử ngày nay kêu gọi chúng ta bảo vệ phẩm giá của chúng ta và không để cho người khác quyết định tương lai của chúng ta. Như đã làm vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa muốn làm một trong những phép lạ lớn nhất chúng ta có thể trải nghiệm; Người muốn biến bàn tay của các con, bàn tay của cha, bàn tay của chúng ta, thành các dấu chỉ sự hòa giải, hiệp thông, sáng tạo. Người muốn bàn tay của các con tiếp tục xây dựng thế giới hôm nay. Và Người muốn xây dựng thế giới đó với các con.

Có lẽ các con sẽ bảo cha: thưa cha, nhưng con có nhiều giới hạn, con là một kẻ tội lỗi, con có thể làm gì? Khi Chúa kêu gọi chúng ta, Người không lo lắng xem chúng ta là gì, đã là gì, hoặc chúng ta đã thực hiện hoặc không thực hiện những gì. Hoàn toàn ngược lại. Khi Người kêu gọi chúng ta, Người nghĩ tới mọi thứ chúng ta phải cho đi, mọi tình yêu chúng ta có khả năng truyền lan. Người đánh cuộc trên tương lai, trên ngày mai. Chúa Giêsu hướng chúng ta về tương lai.

Vì vậy, hôm nay, thưa các bạn, Chúa Giêsu đang mời các bạn, đang gọi các bạn, để lại dấu của bạn trên cuộc sống, để lại dấu ấn trên lịch sử, lịch sử của riêng các bạn và lịch sử của nhiều người khác nữa.

Cuộc sống ngày nay cho chúng ta biết: tập trung vào những gì chia rẽ chúng ta, những gì phân rẽ chúng ta là điều dễ dàng hơn nhiều. Người ta cố gắng làm chúng ta tin rằng khóa kín trong chính mình là cách tốt nhất để giữ mình an toàn, khỏi bị tổn hại. Hôm nay, các người trưởng thành chúng tôi cần các bạn dạy chúng tôi làm thế nào để sống trong sự đa dạng, trong đối thoại, để trải nghiệm chính sách đa văn hóa không như một mối đe dọa mà như một cơ hội. Các bạn hãy có can đảm dạy chúng tôi rằng xây cầu mới là điều dễ dàng hơn! Cùng nhau, chúng tôi yêu cầu các bạn thách thức chúng tôi đi theo con đường của tình huynh đệ. Để xây những cây cầu ... Các bạn có biết cây cầu đầu tiên đã được xây dựng không? Đó là cây cầu mà chúng ta có thể xây dựng ở đây và bây giờ - bằng cách vươn tay ra và nắm lấy tay nhau. Nào, các bạn hãy xây dựng nó ngay bây giờ, ngay ở đây, cây cầu đầu tiên này: các bạn hãy nắm lấy tay nhau. Đây là cây cầu vĩ đại của tình anh em, và ước chi các cường quốc thế giới biết học hỏi để xây dựng nên nó ... không phải để chụp hình đăng trên bản tin buổi tối nhưng để xây dựng những cây cầu ngày càng lớn hơn. Ước mong sao cây cầu nhân bản này sẽ là sự khởi đầu của thật nhiều cây cầu khác; nhờ cách này, nó sẽ để lại một dấu ấn.

Hôm nay Chúa Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, đang kêu gọi các bạn để lại dấu ấn của bạn trên lịch sử. Người, Đấng là sự sống, đang yêu cầu mỗi người trong các bạn để lại một dấu ấn mang lại sự sống cho chính lịch sử của riêng bạn và lịch sử của nhiều người khác. Người, Đấng là sự thật, đang yêu cầu các bạn từ bỏ những con đường bác bỏ, chia rẽ và trống rỗng. Các bạn có làm được điều này không? Bằng bàn tay và bàn chân, các bạn sẽ có câu trả lời nào cho Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống?
 
Dù thời tiết xấu và phải cuốc bộ, 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc
Đặng Tự Do
22:55 31/07/2016
Theo nguồn tin của cảnh sát 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc diễn ra tại cánh đồng Lòng Thương Xót hôm Chúa Nhật 31 tháng 7, vượt xa dự đón 1.8 triệu của ban tổ chức.

Campus Misericordiae hay Cánh đồng Lòng Thương Xót là một địa điểm được thiết kế đặc biệt cho Đêm Canh Thức và Thánh lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Địa điểm này nằm cách trung tâm Krakow 15km về phía đông nam trong vùng Brzegi giữa Nowa Huta và Wieliczka.

Chính quyền thành phố Krakow cho biết 7 cây cầu mới tinh đã được xây dựng để tạo điều kiện giao thông thuận lợi từ thành phố Krakow vào khu vực này.

Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở của Krakow và hệ thống giao thông vận tải không thể cung cấp các phương tiện giao thông cho hàng mấy triệu bạn trẻ di chuyển từ trung tâm thành phố Krakow và các vùng phụ cận đến địa điểm này nên ban tổ chức quyết định là tổ chức đi bộ.

Dù thời tiết xấu và phải cuốc bộ, khoảng 3 triệu người đã tham dự Thánh Lễ Bế Mạc.

Trước khi Đức Thánh Cha sang Ba Lan, Gazeta Wyborcza, tờ báo được coi là thuộc hàng đông độc giả nhất ở Ba Lan, thường có xu hướng phê bình Giáo Hội Công Giáo, bày tỏ lo ngại là Cánh đồng Lòng Thương Xót có thể bị ngập nặng nếu mưa to và trong trường hợp như vậy Ba Lan không có khả năng ứng cứu con số hàng triệu người tại đây. May mắn là chuyện này đã không xảy ra.

Gazeta Wyborcza từng là tờ báo vận động chống lại việc bổ nhiệm Đức Cha Stanisław Wielgus, là người đã có một mối quan hệ không rõ ràng với mật vụ cộng sản thời Xô Viết, vào ngày 6 tháng 12 năm 2006. Một tháng sau đó, ngày 6 tháng Giêng 2007, Tòa Thánh lại phải buộc vị tân Tổng Giám Mục thủ đô Ba Lan từ chức đột ngột.
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, ngày thứ ba, 29 tháng Bẩy, của Đức Phanxicô tại Krakow
Vũ Văn An
23:04 31/07/2016
Sau đây là bản tin ghi nhanh ngày thứ ba của Đức Phanxicô tại Krakow

8 giờ 55 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tới trại tử thần của Đức Quốc Xã tại Auschwitz-Birkenau để thăm địa điểm đau thương buồn thảm này.
Với cuộc viếng thăm này, ngài là vị giáo hoàng liên tiếp thứ ba thực hiện chuyến hành hương tới địa điểm các lực lượng của Adolf Hitler sát hại hơn 1 triệu người, phần đông là Do Thái.

Vatican và các giới chức Giáo Hội Ba Lan cho biết: Đức Giáo Hoàng sẽ bày tỏ nỗi đau buồn của ngài trong im lặng tại địa điểm này, tiếc thương các nạn nhân trong lời cầu nguyện và suy niệm thinh lặng.

Theo chương trình đã định, đáng lẽ Đức Phanxicô sẽ từ Krakow đi bằng máy bay tới Oswiecim, thị trấn nhỏ nơi tọa lạc trại tử thần trước đây, nhưng vì thời tiết xấu, ngài đã vượt 65 cây số bằng xe hơi.

9 giờ 20 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi bộ dưới chiếc cổng khét tiếng "Arbeit Macht Frei" tại Auschwitz, bắt đầu chuyến viếng thăm ảm đạm trại tử thần của Đức Quốc Xã.

Sau đó, ngài được một chiếc xe nhỏ đưa đi dọc theo các đường hẻm song song với các trại, và cầu nguyện tại địa điểm hành quyết và gặp gỡ các người sống sót của trại.

Ngài trở thành vị giáo hoàng liên tiếp thứ ba thực hiện chuyến hành hương tới nơi các lực lượng của Adolf Hitler sát hại hơn 1 triệu người, phần lớn là Do Thái. Nhưng Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm mà không có liên hệ bản thân nào với nơi này.

Đức Gioan Phaolô II xuất thân từ Ba Lan, lúc ấy dưới sự chiếm đóng của Đức, trong khi Đức Bênêdíctô XVI là một người Đức.

9 giờ 50 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp một ít người sống sót trại tử thần Auschwitz trong cuộc viếng thăm lịch sử địa điểm tưởng niệm ở miền nam Ba Lan.

Ngài dừng lại, bắt tay từng người và cúi xuống hôn các vị sống sót cao niên trên cả hai má.

Một phụ nữ hôn tay ngài. Ngài cũng dành giờ trao đổi ít lời với họ, dù điều họ nói không thể nghe rõ.

Sau đó, ngài mang theo một cây nến lớn mầu trắng và đặt ở Bức Tường Tử Thần, nơi các tù nhân bị hành quyết.

10 giờ 00 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện tại phòng giam tối tăm dưới đất ở Auschwitz, vốn giam vị thánh Công Giáo là thánh Maximilian Kolbe, một cha dòng Công Giáo người Ba Lan đã hy sinh mạng sống của mình lúc chiến tranh để cứu mạng sống của một người đàn ông khác có gia đình.

Một ít tia sáng từ chiếc cửa sổ tí hon là ánh sáng duy nhất chiếu trên khuôn hình mầu trắng của Đức Giáo Hoàng; ngài qùy gối trong ít phút để cầu nguyện trước khi làm dấu thánh giá và đứng lên.

10 giờ 30 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô rời Auschwitz và vượt 3 cây số tới Birkenau gần đó; đây vốn là một phần của quần thể tử thần nơi khoảng 1 triệu người Do Thái Âu Châu đã bị sát hại trong các phòng hơi ngạt.

Tại đây, ngài gặp 25 Kitô hữu Ba Lan từng liều mạng giúp người Do Thái thời Đức chiếm đóng xứ sở họ trong Thế Chiến Hai.

Tổ chức Yad Vashem của Israel đã công nhận 6,620 người Ba Lan là “Người Công Chính Giữa Các Dân Tộc” nhiều hơn bất cứ nước nào, phản ảnh sự thực này: Ba Lan là hy vọng của cộng đồng Do Thái lớn nhất tại Âu Châu trước Nạn Diệt Chủng.

Đức Phanxicô cũng gặp một vài đại diện của cộng đồng Do Thái Ba Lan, là cộng đồng lớn nhất Âu Châu trước chiến tranh nhưng nay nhỏ nhoi vì Nạn Diệt Chủng và chủ nghĩa chống Do Thái hậu chiến khiến nhiều người rời bỏ Ba Lan.

10 giờ 35 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp các người sống sót trại tử thần Đức Quốc Xã gần Bức Tường Tử Thần của Auschwitz, nơi các tù nhân, đa số là kháng chiến quân Ba Lan, bị hành quyết.

Một số người sống sót đã tặng Đức Phanxicô những đồ kỷ có liên quan đến nỗi thống khổ của họ. Một người tặng ngài bức hình đen trắng và chỉ cho ngài thấy cụ ở trong hình đó.

Trước đó, một số người sống sót nói với Hãng Tin A.P. rằng họ rất phấn khởi được gặp Đức Giáo Hoàng, một người rất có thế giá đối với họ.

Cụ Alojzy Fros, 100 tuổi, phát biểu: “đây là một điều vĩ đại đối với tôi”.

11giờ 05 sáng

Giáo sĩ trưởng Do Thái Giáo của Ba Lan đã đọc thánh vịnh thống hối trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Birkenau, vốn là thành phần của quần thể khét tiếng Auschwitz-Birkenau, nơi Quốc Xã giết hơn 1 triệu người, phần lớn là Do Thái.

Giáo sĩ Michael Schudrich, xuất thân từ Hoa Kỳ, đọc Thánh Vịnh 130 bằng tiếng Hípri, bắt đầu thế này: “Từ vực sâu con kêu lên Chúa, lạy Chúa”.

Thánh vịnh trên sau đó được một linh mục đọc bằng tiếng Ba Lan.

Trong khi đọc Thánh vịnh ấy, Đức Phanxicô đan tay vào nhau và cúi đầu trước một đài tưởng niệm các nạn nhân.

Cử tọa bao gồm các người sống sót trại Auschwitz mang khăn quàng sọc gợi nhớ trang phục mà các tù nhân buộc phải mặc, và các người Ba Lan đã giúp cứu người Do Thái.

11giờ 10 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp các Kitô hữu Ba Lan từng liều mạng giúp người Do Thái trong Thế Chiến Hai.

Lần lượt từng người, các vị cao niên người Ba Lan này đã bắt tay Đức Giáo Hoàng, một số hôn tay ngài. Ngài tặng mỗi vị một món quà đựng trong chiếc hộp nhỏ mầu đỏ.

Cuộc gặp gỡ tại Birkenau là lần đầu tiên một vị giáo hoàng gặp nhóm gọi là “Người Công Chính Giữa Các Dân Tộc”.

Rất ít những người công chính này còn sống. Những người còn sống thì lúc ấy chỉ mới là những thiếu niên hoặc người trẻ làm việc với cha mẹ họ để giúp người Do Thái.

11giờ 30 sáng

Im lặng là yếu tố mạnh mẽ trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại địa điểm của trại tử thần Đức Quốc Xã ở Auschwitz-Birkenau. Đức Phanxicô đã cho thấy: ngài sẽ không phát biểu trong chuyến thăm của ngài hôm thứ Sáu, mục đích để nhấn mạnh rằng không có lời nói nào có thể diễn tả sự khủng khiếp của những cảnh diễn ra trong Thế Chiến II.

Abraham Skorka, người bạn thân của Đức Phanxicô từ Á Căn Đình, đã nói trước đây rằng: "Ngài nói bằng thái độ nhiều hơn là bằng lời nói của ngài".

Bất chấp ý định của Đức Giáo Hoàng muốn giữ im lặng, ngài vẫn đã trao đổi vài lời với các Kitô hữu cao niên đã giúp cứu người Do Thái trong chiến tranh. Với hầu hết mọi người, ngài chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, bắt tay và đưa cho mỗi người một chuỗi Mân Côi.

11 giờ 45 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Auschwitz trong im lặng nhưng đã để lại một thông điệp trong cuốn sách dành cho khách của khu tưởng niệm: "Lạy Chúa, xin thương xót dân của Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho quá nhiều dã man..."

Ngài viết các lời trên bằng tiếng Tây Ban Nha, ký tên là "Franciscus" (Phanxicô).

Trước chuyến viếng thăm, Vatican cho biết: Các lời lẽ trong cuộc viếng thăm cuốn sách dành cho khách đã được dự tính là các lời lẽ duy nhất của ngài tại địa điểm này, vì ngài thích tưởng nhớ các nạn nhân trong im lặng hơn.

01 giờ 50 chiều

Một linh mục từ một ngôi làng, nơi Đức Quốc Xã từng giết một gia đình Ba Lan vì đã che chở người Do Thái, đã được chọn để đọc một bài thánh vịnh bằng tiếng Ba Lan khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới thăm địa điểm trại tử thần Birkenau của Đức Quốc Xã.

Một thánh vịnh bằng tiếng Hípri và Ba Lan là các lời nói công cộng duy nhất trong chuyến viếng thăm, trong đó Đức Phanxicô giữ im lặng.

Bài thánh vịnh đã được đọc to bằng tiếng Ba Lan bởi Cha Stanislaw Ruszala từ làng Markowa ở miền nam Ba Lan.

Năm 1944, binh lính Đức giết Jozef Ulma, người vợ đang mang thai của ông là Wiktoria và sáu đứa con của họ, độ tuổi từ 1 đến 8, cũng như tám thành viên của gia đình Goldman, Gruenfeld và Didner được gia đình Ulmas che chở.

02 giờ 30 chiều

Một nạn nhân sống sót các trại tử thần của Đức Quốc xã tại Auschwitz-Birkenau nói rằng quả là một điều tốt khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm địa điểm. Ngài đến thăm vào thứ Sáu và gặp 11 người trong số những người sống sót càng ngày càng ít hơn của trại.
Lidia Maksymowicz, 75 tuổi, cho biết trên Đài TVN của Ba Lan rằng quả là một “biến cố vĩ đại” đối với bà khi được gặp Đức Phanxicô.
Bà nói: "Đây là một điều phi thường khi vị Giáo hoàng này, người nhạy cảm đối với sự nghèo đói và nhục nhã của con người, đã có thể thấy nơi này, nơi con người bị đưa xuống mức thấp nhất của việc mất phẩm giá".

Bà chỉ mới 2 tuổi khi bị đưa đến trại và 5 tuổi khi trại được giải phóng bởi Hồng Quân Liên Xô vào năm 1945.

04 giờ 30 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một bệnh viện ở Krakow để gặp các trẻ em bị bệnh rất nặng, một số ngồi trong xe lăn, một số đeo máy.

Cuộc gặp gỡ với các trẻ em này diễn ra trong ngày Đức Phanxicô nhấn mạnh tới chủ đề đau khổ. Trước đó, ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm có tác động mạnh, diễn ra trong chiêm niệm im lặng, tại trại tử thần Auschwitz-Birkenau cũ.

Đức Phanxicô đã được chào đón tại bệnh viện bởi Thủ tướng Beata Szydlo, và sau đó bởi những tiếng reo hò của các em.

5 giờ 30 chiều.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay và vuốt đầu - một số trọc lóc - khoảng hai chục trẻ em ngồi trong xe lăn trong chuyến thăm một bệnh viện nhi đồng ở Krakow, miền nam Ba Lan.

Chuyến viếng thăm Bệnh Viện Nhi Đồng của trường Đại Học hôm thứ Sáu này là một phần trong ngày Đức Phanxicô dành riêng cho chủ đề đau khổ.

Trong hội trường chính, ngài đã gặp các bác sĩ, y tá và một số bệnh nhân, ở các độ tuổi khác nhau. Có những trẻ sơ sinh trong vòng tay cha mẹ, được nối với các thiết bị y khoa, các trẻ trai và trẻ gái bé nhỏ, và cả các thiếu niên.

Một bé trai và một em sơ sinh khóc trong lúc đọc các bài diễn văn.

Sau đó, Đức Phanxicô đến từng em, bắt tay, vuốt đầu và cằm trong cử chỉ một người cha.

Một bé gái đã tặng ngài một bản vẽ hình trái tim màu đỏ trên nền vàng. Đức Phanxicô nói: "Grazie" ( "cảm ơn").

07 giờ 35 tối

Sau cuộc viếng thăm trại Auschwitz, phần lớn trong im lặng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xúc động trước vấn đề sự dữ và đau khổ khi ngài gặp các người hành hương trẻ - một chủ đề có liên quan đến các tàn ác thời nay.

Tại Trại Auschwitz hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã không đưa ra nhận định công khai nào, chỉ viết trong cuốn sách dành cho khách: "Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa! Xin tha thứ cho quá nhiều tàn ác!"

Sau cuộc viếng thăm một bệnh viện nhi đồng ở Prokocim, Đức Phanxicô trở lại với chủ đề sự ác khi ngài nói chuyện với một nhóm lớn các khách hành hương. Ngài cho biết các lời của Chúa Giêsu: "Ta đói, các con đã cho ăn ..." đặt ra câu hỏi về sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới sự dữ và đau khổ.

Đức Phanxicô nói: "Thiên Chúa ở đâu, nếu sự ác đang hiện diện trong thế giới của chúng ta. Nếu có những người đàn ông và đàn bà đang đói và khát, vô gia cư, những người lưu vong và tị nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh?"
Ngài cho biết không có câu trả lời nào của con người, chỉ có câu trả lời của Thiên Chúa thôi.

08 giờ 15 tối

Vào ngày Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho chủ đề đau khổ, thời tiết là yếu tố làm cho tươi sáng.

Vào ngày thứ ba trong chuyến đi miền nam Ba Lan của ngài, Đức Phanxicô đã đến thăm trại tử thần cũ của Đức Quốc Xã tại Auschwitz-Birkenau, nơi có hơn 1 triệu người đã bị giết hại trong Thế Chiến II. Sau đó, ngài đã đến thăm các bệnh nhân của một bệnh viện dành cho trẻ em.

Dự báo cho biết thời tiết hôm nay không chắc chắn và có cơn mưa dông mạnh nhưng ngắn lúc Đức Giáo Hoàng đang ăn trưa và nghỉ ngơi tại Dinh Giám Mục Krakow, nơi ngài đang cư ngụ.

Nhưng khi đến lúc đi Đàng Thánh Giá ở ngoài trời trong một đồng cỏ mênh mông ở Krakow, thì các đám mây rút đi và ánh nắng mặt trời ấm áp chiếu vào những người tham dự và trình diễn viên.

08 giờ 30 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một cuộc trình diễn nghệ thuật về Đàng Thánh Giá, mà theo truyền thống, vốn được thực hiện vào Thứ Sáu Tuần Thánh và mô tả những giờ cuối cùng Chúa Giêsu vác thánh giá trước khi bị đóng đinh.

Hàng trăm ngàn người hành hương trẻ đã tham dự với Đức Phanxicô trong nghi thức này ở cánh đồng Blonia tại Krakow, miền nam Ba Lan.

Các điệu múa hiện đại, kịch câm, vẽ tranh tường, nhào lộn và âm nhạc, trong đó có một đoạn từ nhà soạn nhạc Samuel Barber, tạo ra một bầu không khí trầm tư.

Thành viên các nhóm từ thiện từ khắp nơi trên thế giới đã vác cây thánh giá khổng lồ giữa đám đông như một biểu tượng của đau khổ. Cuộc tụ họp kết thúc với bài diễn văn của Đức Phanxicô, trong đó ngài gợi lên hy vọng và chấm dứt bằng một lời cầu nguyện ngắn.

08 giờ 40 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi những người hành hương trẻ tỏ lòng thương xót đối với người tị nạn và những người bị bách hại khác.

Đức Phanxicô nói với những người hành hương trẻ tại Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow rằng các Kitô hữu được kêu gọi phục vụ Chúa Giêsu bằng cách giúp đỡ các người thiếu may mắn.

Ngài nói: "Chúng ta được kêu gọi phục vụ Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi tất cả những người đang bị hắt hủi; đụng chạm vào da thịt thánh thiêng của Người nơi những người thiếu may mắn, nơi những người đói khát, nơi những người trần truồng và bị cầm tù, những người bệnh và thất nghiệp, nơi những ai bị bách hại, người tị nạn và di dân".

Ngài ngỏ sứ điệp trên với một quốc gia Công Giáo và một khu vực rộng lớn hơn của Đông Âu vốn mạnh mẽ phản đối việc chấp nhận người tị nạn, đặc biệt là những người di cư Hồi giáo chạy trốn bạo lực ở Syria và Iraq.

09 giờ 15 tối

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: sự tàn ác của con người "không chấm dứt ở Auschwitz", và các tàn ác tương tự đang được giáng xuống các vùng chiến tranh trên toàn thế giới hiện nay; ngài trưng dẫn việc các tù nhân bị giam giữ trong những điều kiện vô nhân đạo và bị tra tấn.

Đức Phanxicô đến thăm trại tử thần cũ của Đức Quốc xã tại Auschwitz-Birkenau để bày tỏ nỗi buồn của ngài trong im lặng chiêm niệm và cầu nguyện. Vài giờ sau đó, ngài mới cuối cùng nói ra các cảm xúc của ngài khi nói chuyện với khách hành hương từ một cửa sổ nơi cư trú của Đức Tổng Giám Mục Krakow.

Ngài nói: "Đau đớn xiết bao! Tàn ác biết chừng nào! Có thế nào con người chúng ta, được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, lại có thể làm những điều này? ... Tàn ác không chấm dứt ở Auschwitz, ở Birkenau!".

Đức Thánh Cha nói tiếp: "Nhiều tù nhân bị tra tấn chỉ để làm cho họ phải nói. Thật kinh khủng. Ngày nay, có những người đàn ông và đàn bà trong nhà tù đông đúc. Họ sống – xin lỗi - như những con vật. Ngày nay, vẫn còn sự tàn ác này. Chúng ta nói, đúng, ở đó, chúng ta thấy sự tàn bạo của 70 năm trước đây, khiến người ta chết vì bị bắn hoặc bị treo cổ hay vì hơi ngạt".

"Ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, nơi có chiến tranh, điều tương tự vẫn đang xảy ra."

10 giờ 05 đêm

Phát ngôn viên của Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết ước tính có khoảng 800.000 người đã tham gia với Đức Thánh Cha Phanxicô trong nghi thức đi Đàng Thánh Gia đầy tính nghệ thuật tại cánh đồng Blonia ở Krakow.

Đức Phanxicô kêu gọi các người hành hương trẻ đang tham dự các buổi lễ của Ngày Giới trẻ Thế giới bày tỏ lòng thương xót đối với người tị nạn và những người bị bách hại khác; ngài nói rằng các Kitô hữu được kêu gọi phục vụ Chúa Giêsu bằng cách giúp đỡ những người thiếu may mắn.

Phát biểu từ dinh tổng giám mục ở Krakow, Đức Phanxicô cũng cho biết: sự tàn ác của con người "không chấm dứt ở Auschwitz", và những tội ác tương tự đang được giáng xuống các vùng chiến tranh trên toàn thế giới hiện nay. Các nhận định này được đưa ra sau khi Đức Phanxicô tới thăm Auschwitz trong im lặng, nhưng đã để lại một thông điệp trong cuốn sách dành cho khách của khu tưởng niệm: "Lạy Chúa, xin thương xót dân của Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho quá nhiều tàn ác”.

Đức Phanxicô ở Ba Lan đến Chúa Nhật.
 
Đức Thánh Cha bất ngờ nói “Do Widzenia” với người Ba Lan
Đặng Tự Do
23:19 31/07/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã “bất ngờ” nói “Do Widzenia”, nghĩa là tạm biệt, với người dân Ba Lan vào tối Chúa Nhật trước khi khởi hành từ Krakow về lại Rôma sau chuyến tông du 5 ngày của ngài.

Xuất hiện bất ngờ tại ban công Tòa Tổng Giám mục Krakow lần thứ tư trong năm ngày qua, Đức Thánh Cha đã cảm ơn và chia tay với nhiều người, đặc biệt là các bạn thanh niên, tụ tập tại quảng trường bên dưới.

Bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn tất cả mọi người vì sự chào đón nồng nhiệt và đồng hành với ngài trong những ngày qua.

Ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài và đọc kinh Kính Mừng trước khi ban phép lành cho những người hiện diện. Sau cùng, ngài nói “Do Widzenia”, nghĩa là tạm biệt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến sân bay quốc tế Krakow nơi ngài gặp riêng trong một thời gian ngắn với Tổng thống Ba Lan trước khi lên chiếc Boeing 787 của hãng hàng không LOT để về lại Rôma.

Sau hai giờ bay, Đức Giáo Hoàng đã trở lại Vatican vào tối Chúa Nhật kết thúc chuyến tông du thứ 15 của ngài bên ngoài nước Ý.
 
Đức Thánh Cha gặp các tình nguyện viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Đặng Tự Do
23:55 31/07/2016
Lúc 5h chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đến khu vực Tauron để gặp các tình nguyện viên và các mạnh thường quân giúp tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với những người trẻ tuổi rằng ngài không biết có thể tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới tại Panama hay không.

Trong bài diễn văn sau cùng trong chuyến tông du 5 ngày tại Ba Lan, Đức Thánh Cha đã ca ngợi các nguyện viên Ngày Giới trẻ Thế giới vì công việc khó khăn của họ, Đức Thánh Cha đã trao bài nói chuyện được chuẩn bị sẵn cho các bạn trẻ và ứng khẩu đề cập đến một số vấn đề.

Ngài nhắc nhở những người trẻ rằng nếu họ muốn đại diện niềm hy vọng cho tương lai, họ phải nhớ nguồn gốc của họ.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi phải tự hỏi bản thân mình, tôi đến từ đâu... ký ức về con người, gia đình, và lịch sử của tôi là gì. Ký ức về con đường tôi đã đi qua và tất cả những gì chúng ta đã nhận được từ người lớn. Một người trẻ tuổi không ký ức không thể là một ngọn hải đăng của niềm hy vọng cho tương lai”.

Và Đức Thánh Cha đã mời tất cả những người trẻ tuổi nói chuyện và lắng nghe cha mẹ của mình, sau đó là các bậc ông bà và những người cao tuổi là những người đại diện cho sự khôn ngoan của một dân tộc.

Một điều kiện cần thiết khác là nếu bạn muốn trở thành một ngọn hải đăng của niềm hy vọng cho tương lai, bạn phải sống hiện tại với lòng can đảm, “không được sợ hãi.”

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Tôi không biết là tôi sẽ được có mặt ở Panama hay không, nhưng tôi có thể đảm bảo với các bạn là Phêrô sẽ có mặt ở đó!”.

Và, Đức Giáo Hoàng kết luận: “Phêrô sẽ hỏi bạn xem bạn đã trò chuyện với ông bà của mình và với người cao tuổi hay chưa để có được ký ức; ngài sẽ hỏi bạn xem bạn có đủ can đảm và gan dạ để sống phút hiện tại; ngài sẽ muốn biết là các bạn đã gieo mầm cho tương lai hay chưa.”

Có 21,000 bạn trẻ ghi danh làm tình nguyện viên trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, trong đó có 7,000 các bạn trẻ Ba Lan.
 
Văn Hóa
Câu chuyện truyền giáo : Paraguay – Hội Ngộ Cafasa, Ypacarai Linh Mục Trong Năm Lòng Thương Xót Chúa
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
07:46 31/07/2016
PARAGUAY – HỘI NGỘ CAFASA, YPACARAI LINH MỤC TRONG NĂM LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Hưởng ứng lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Paraguay cho cuộc hội ngộ linh mục toàn của các linh mục đang làm việc trong các giáo xứ trong Năm Lòng Thương Xót Chúa nhằm có thời gian chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, phân tích những thực trạng xã hội và nói lên những thách đố, trăn trở cá nhân với các đấng bản quyền của mình. Chúng tôi sắp xếp công việc của giáo xứ và trường học với sự giúp đỡ của cha bề trên giám tỉnh dâng thánh lễ trong những ngày đi vắng để lên đường tham dự khóa thường huấn đặc biệt này.

Dù thư mời đã phát đi nhiều tháng trước cho 15 giáo phận trên toàn quốc, do công việc mục vụ giáo xứ và chi phí đi lại khá tốn kém cho những giáo phận ở xa, nên số tham dự chỉ khoảng 200 linh mục bao gồm 11 giám mục chính tòa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham dự Cuộc Hội Ngộ Linh Mục thú vị và để lại trong tôi một kỉ niệm đẹp trong đời sống linh mục.

Cuộc hội ngộ kéo dài 5 ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu trong những ngày lạnh nhất của năm ở Nam Mỹ tại Nhà Tĩnh Tâm thuộc Dòng Don Bosco có tên gọi là CAFASA (Casa de la Familia Salesiana: Ngôi Nhà của Gia Đình Sa-lê-diên) nằm trên một ngọn đồi khá đẹp thuộc quận Ypacarai, giáp ranh với Giáo Phận Caacupe-thủ đô Tinh Thần của người Paraguay.

Trong những ngày hội ngộ này chúng tôi có dịp chia sẻ với nhau về đời sống mục vụ, những khó khăn, những thách đố trong đời tu. Chúng tôi có dịp học hỏi và đem ra áp dụng trong thực tế những Giáo Huấn gần đây của Giáo Hội qua vị đại diện của Chúa Kitô là Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đến như Thông điệp về Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung “Laudato Sí” về môi sinh, Thông Điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives in Misericordia”, và nhất là Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Leiticia” về gia đình.

Ngày đầu tiên là ngày chào hỏi, làm quen giữa các anh em linh mục đến từ các giáo phận khác nhau và chia sẻ những kỷ niệm trong những năm đầu đời linh mục cũng như công việc mục vụ hiện tại. Nhóm chúng tôi có vị Tổng Giám Mục Dòng Don Bosco chia sẻ rất chân tình về ơn gọi của ngài. Ngài tâm sự rằng những năm đầu đời linh mục của ngài đầy ắp những nhiệt huyết và khi ngài nghe tin Tổng quyền của Ngài ở Roma mời gọi các linh mục trẻ từ khắp nơi lên đường đến Phi châu để truyền giáo. Ngài háo hức xin bề trên của ngài cho đi khai phá vùng đất truyền giáo Phi châu huyền bí như là người Paraguay tiên phong, nhưng khi về hỏi ý kiến của cha mẹ ruột ngài thì gặp trở ngại. Bố của ngài thì không nói gì nhưng mẹ của ngài đã ngăn cản khi thẳng thừng nói với ngài: “Con là đứa con út và khi mẹ sinh con mẹ đã 46 tuổi. Bây giờ con 36 và mẹ 82. Hãy để khi nào mẹ chết rồi con muốn đi đâu tùy ý con, nhưng bây giờ mẹ không muốn xa con”. Mãi đến 10 năm sau khi bà cụ tròn 92 tuổi thì bà mới mất, và may thay lòng nhiệt huyết truyền giáo của ngài vẫn còn khi ngài đã bước qua tuổi 46 để đến đất nước Mozambique của Phi châu thực hiện ước mơ truyền giáo trong vòng 15 năm đến khi được gọi về Paraguay làm giám mục. Hồi tưởng lại những giây phút ấy ngài nhận ra tất cả đều có sự quan phòng của Chúa và ngài luôn cúi đầu vâng phục thánh ý Chúa. Chúng tôi lần lượt được lắng nghe những linh mục lão thành, những linh mục đàn anh cũng như những linh mục nhỏ hơn mình chia sẻ những kỷ niệm vui buồn khó quên trong những năm đầu đời linh mục và cảm thấy trong mỗi người đều có sự nỗ lực và ơn Chúa giúp để sống ơn gọi tận hiến.

Các anh em linh mục cũng muốn nghe những chia sẻ của chúng tôi, một linh mục Việt Nam Á châu duy nhất trong Cuộc Hội Ngộ để xem anh hai lúa này có điều gì khác với họ. Một cách ngắn gọn và chân tình, chúng tôi chia sẻ với họ về 3 năm đầu đời linh mục của chúng tôi giống như một cuộc hành hương nay đây mai đó. Còn nhớ sau khi chịu chức linh mục, bề trên chỉ cho phép 21 ngày “vinh qui” với gia đình và người thân rồi sau đó phải tập trung về một nơi gọi là “Mission House” để chuẩn bị giấy tờ cho việc ra đi truyền giáo ở Paraguay. Tuy nhiên ngày ấy làm giấy tờ là một chuyện vô cùng khó khăn không giống như bây giờ. Vì thế, trong khi chờ đợi giấy tờ thì bề trên lại sai đi làm mục vụ bên Malaysia. Cái tết đầu đời của một linh mục lại ở bên xứ người nên vui buồn lẫn lộn. Sau khi có visa để đến Paraguay, chúng tôi lại bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha 4 tháng thì bề trên ở đây sai đi thực tập ở các giáo điểm truyền giáo xa xôi. 3 năm đầu đời linh mục là 3 năm đầy thử thách và tưởng chừng như muốn rút lui dù lòng nhiệt huyết truyền giáo vẫn có nhưng những năm ấy sao thấy thê thảm quá. Tuy nhiên, sau cơn mưa trời lại sáng. Khi mà mọi thử thách đã qua, ngôn ngữ đã nhuần nhuyễn, việc mục vụ đã quen dần thì bản thân cảm thấy bị “nghiện” sứ vụ truyền giáo. Thiết nghĩ Chúa muốn đào luyện chúng tôi thêm để chúng tôi có thể xác tín hơn về ơn gọi của mình vì người Việt Nam có câu: “Thương cho roi, cho vọt”. Kết thúc phần chia sẻ của từng người trong nhóm, chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn và những ngày kế tiếp chúng tôi tham dự cách tích cực hơn.

Trong các bài thuyết trình thì có lẽ sôi nổi nhất vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Leiticia” về gia đình, vì chính các linh mục làm việc mục vụ ở các giáo xứ là những người gần giáo dân nhất nên cần hướng dẫn mục vụ cụ thể. Khi vị tiến sĩ về giáo luật đề cập đến vấn đề tháo gỡ hôn nhân và những trường hợp li dị rồi tái hôn của những người Công Giáo thì rất nhiều câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giải quyết những trường hợp này. Ở Việt Nam thì một lời nói của linh mục “phán” ra thì đàn chiên nghe răm rắp vì nếu không sẽ bị cha xứ “dứt phép thông công” khi cãi lại cha dù đôi lúc cha không đúng! Ở đây thì không như thế vì rất nhiều giáo dân hiện giờ đã có bằng tiến sĩ giáo luật, phụng vụ, triết học… đang dạy ở các trường đại học Công Giáo và trong các Chủng viện nên các linh mục không phải muốn làm gì thì làm dù Paraguay là một quốc gia Công Giáo. Thật ra Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Leiticia” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đưa ra với mục đích là để giúp đỡ các gia đình cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa và biết rằng tất cả đều được chào đón trong Giáo Hội. Tất cả những điều này sẽ cần đến cái mà Đức Giáo Hoàng gọi là ‘các phương pháp mục vụ mới.’ (Xc. Amoris Leititia số 199). Giáo Hội, thông qua các mục tử- là cánh tay nối dài của Chúa, phải giúp đỡ mọi gia đình, và mọi người thuộc mọi hoàn cảnh sống, với nhận thức rằng, dù bất toàn, nhưng họ được Thiên Chúa yêu thương, và có thể giúp cho những người khác cảm nhận tình yêu đó. Như thế, các mục tử phải làm sao để mọi người cảm nhận mình được chào đón trong Giáo Hội, chứ không phải là những người ngăn cản họ hay nhiều lúc vì bực mình, thành kiến và tự cho mình là người ban phát các bí tích rồi hù dọa “dứt phép thông công” đối với những thành phần “khó bảo”. Linh mục ngày nay nên bỏ cơ chế “Xin-Cho” và áp đặt người khác làm theo ý mình. Linh mục ngày nay, nói theo cách của Đức Thánh Cha Phanxicô là chủ chiên phải biết ngửi mùi chiên.

Những buổi thuyết trình thật sống động và lí thú vì chúng tôi được đối thoại trực tiếp để giải đáp những thắc mắc mục vụ. Các giám mục tham dự cũng hào hứng phát biểu và chia sẻ những trường hợp đặc biệt trong giáo phận của các ngài vì không phải hễ làm giám mục là biết tất cả.

Ngoài những buổi thuyết trình, chúng tôi cũng có những sinh hoạt như đêm văn hóa để ca hát và kể chuyện cười, tổ chức đá banh giữa các giáo phận với nhau với sự tham dự của tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác hay chức vụ. Vui nhất là lúc đá banh, mấy cha lớn tuổi và các vị tổng đại diện các giáo phận cũng tham gia trong các đội với các linh mục trẻ cũng đá rắn và hò hét hết mình vì sợ đội mình thua. Còn nhớ lúc ở chủng viện, có một nhà đào tạo nói rằng để biết tính tình của một người thì cho người đó lái xe, cho người đó ăn uống buffe hay cho người đó vào sân bóng thì sẽ bộc lộ ngay hết bản chất xấu, tốt của mình. Điều đó cũng khá đúng trong trường hợp khi đã làm linh mục. Chúng tôi cứ phì cười khi thấy một cha tổng đại diện của một giáo phận lớn khi mới nhìn vào thì ai cũng nói cha này hiền, dễ thương. Nhưng khi ngài vào sân bóng với chúng tôi, ngài chơi xấu hết cỡ và la người này, mắng người kia vì ngài sợ thua. Mà thực sự mấy cha Nam Mỹ khỏe thiệt dù ông nào ông nấy cũng mập thù lù nhưng rất có sức và chạy như điên. Mình còn trẻ so với họ mà nhiều lúc chạy không kịp với họ.

Thật tâm tình và ấm cúng khi ở bàn ăn thì không hề phân biệt chỗ nào là của giám mục, chỗ nào là của linh mục vì ai đến trước thì phải xếp hàng lấy thức ăn và muốn ngồi chỗ nào thì ngồi. Bản thân chúng tôi rất ngại khi phải ngồi với các giám mục nên sau khi lấy thức ăn thì tìm chỗ nào khuất để ăn cho tự nhiên. Vậy mà trời xui, đất khiến hay sao mà trong 5 ngày cứ xoay tua lại phải ngồi đối diện với hầu hết các giám mục tham dự, và dĩ nhiên phải nói chuyện với các ngài. Vị giám mục chủ tịch hội đồng giám mục Paraguay có hỏi chúng tôi về tình hình Giáo Hội ở Á châu, đặc biệt là Giáo Hội tại Trung Quốc, Phi Luật Tân, Nam Hàn và Việt Nam dù ngài có biết qua báo chí nhưng không được rõ lắm và ngài hỏi chúng tôi về việc bắt đạo và tự do tôn giáo ở Trung quốc và Việt Nam khi ngài thấy hình ảnh công an đàn áp người Công Giáo và triệt hạ thánh giá. Chúng tôi cũng thông tin vắn tắt để ngài hiểu thêm tình hình về tự do tôn giáo của một số quốc gia châu Á và xin ngài hiệp ý cầu nguyện thêm cho Giáo Hội Công Giáo tại các quốc gia này. Ngài có viết một câu trong cuốn sổ của chúng tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Humanidad sin Divinidad (Dios) se convierte en animalidad, bestialidad y brutalidad” (tạm dịch: Nhân loại vắng bóng Thần Linh (Thiên Chúa) sẽ trở nên thú tính, cầm thú và tàn bạo). Nhân loại hiện nay cố gắng gạt bỏ Thiên Chúa ra cuộc đời họ nên họ đã chỉ biết sống cho chính mình và theo chủ nghĩa mackeno (mặc kệ nó) đang thống trị khiến con người đối xử với nhau tàn ác hơn. Chính vì điều đó mà nạn khủng bố, giết người mang rợ đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia Âu châu gần đây muốn gạt bỏ Thiên Chúa để rồi bây giờ phải nhận những hậu quả khó lườn khi những tên khủng bố nhân danh đấng Alla của họ để giết người vô tội. Các giám mục cũng cảnh báo với chúng tôi về các giáo phái mới vừa xuất hiện trong Giáo Hội và chống phá triệt để để bôi nhọ và làm hoen ố hình ành Giáo Hội mà đa phần là những người li khai, bất mãn, trong đó có các linh mục hồi tục. Hội Tam Điểm hay còn gọi là Hội Kín (Masonería) ngày càng phát triển cũng là một trở ngại lớn cho Giáo Hội Công Giáo khi rất nhiều người trong số họ đang nắm giữ quyền lực chính trị và tài chính ở đất nước nhỏ bé này và họ luôn tìm những xì-căng-đan trong hàng giáo sĩ để hạ nhục Giáo Hội. Nếu người nào yếu đức tin khi đọc các tít báo giật gân hay xem truyền hình về những tin tức đây đó về những vụ tai tiếng xảy ra trong Giáo Hội mà nguyên nhân sâu xa là do Hội Tam Điểm này đạo diễn.

5 ngày thường huấn và hội ngộ với các vị giám mục và anh em linh mục đang làm việc ở giáo xứ đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong sứ vụ linh mục vì biết rằng bên cạnh mình vẫn còn có những người đồng hành với sự trợ giúp của Chúa và Giáo Hội vẫn sống động dù trải qua những sóng gió. Những ngày hội ngộ như thế này làm chúng tôi nhớ lại những ngày còn ở Chủng Viện sống vui vẻ, hồn nhiên để nạp thêm năng lượng cả tinh thần lẫn thể xác để tiếp tục chiến đấu trong mặt trận truyền giáo.

Những ngày này ở đất nước Balan đang diễn ra kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXXI với sự tham dự hàng triệu bạn trẻ khắp Năm Châu quay quần với Đức Phanxicô, vị Đại Diện Chúa Kitô ở trần gian mới thấy sức sống của Giáo Hội thật trẻ trung và lời hứa của Chúa Giêsu với vị tông đồ cả Phêrô ngày xưa vẫn ứng nghiệm: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. (Mt 16,18). Dù biết bao chuyện đã và đang xảy ra với Giáo Hội như những trận cuồng phong muốn phá nát con thuyền của Chúa, có Chúa luôn đồng hành và hướng dẫn qua những con người thánh thiện, những người thành tâm, thiện chí, con thuyền Giáo Hội chỉ bị lung lay rồi tiếp tục tiến bước.

Hôm nay Chúa Nhật 18 thường niên năm C, kết thúc tháng 7 với lễ kính thánh Ignatio Loyola, nhà sáng lập Dòng Tên. Tin Mừng Chúa Nhật này nhắc nhớ chúng ta phải biết lựa chọn đúng trong cuộc sống với Chúa và với tha nhân, đừng lo vun vén của cải trần gian nhưng hãy biết lo tích trữ kho tàng trên trời. Nngày ta chào đời với tiếng khóc oa oa và thân thể trần truồng chỉ biết bám vào vú mẹ. Rồi ngày ta rời thế giới này cũng chẳng mang theo được gì trong chiếc hòm vô tri vô giác. Thánh Ignatio Loyala một thời ngang dọc nhưng đã biết tỉnh ngộ và làm mọi sự: “Cho vinh quang cao cả nhất của Thiên Chúa”. Lạy thánh Ignatiô Loyola xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn biết làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Amen.

31/07/2016 – Chúa Nhật 18 Thường Niên C

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Căn Nhà Dấu Yêu
Thérésa Nguyễn
18:45 31/07/2016
CĂN NHÀ DẤU YÊU
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Căn nhà nhỏ bé xinh xinh
Lại gần bên Chúa,
Chim về an thân.
(tn)