Ngày 30-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 30/07/2019
80. THẤY TA CÓ SỢ KHÔNG ?

Tiếng địa phương của người Giang Nam, người trong thành cảm thấy rất khó nhọc khi nghe họ nói.

Một lần nọ, có một người Giang Nam đi vào trong thành, lúc đang đi vội vả thì cái khăn tay trong tay áo rơi mất tiêu, bèn đi ven phố tìm và hỏi người qua đường:

- “Anh có thấy cái khăn tay﹝帕﹞ (1) của tôi không ?”

Sau đó thì hỏi một anh lính có tính thô bạo, anh lính này nổi giận lớn tiếng nói:

- “Ta thấy hàng ngàn hàng vạn, tại sao thấy mày lại sợ ﹝怕﹞chứ !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 80:

Giọng nói của mỗi miền đất nước thì có khi không giống nhau, có nơi thì nghe thanh thanh, có nơi thì nghe trầm trầm, có nơi thì nghe trọ trẹ, có nơi thì nghe êm tai và có nơi thì nghe chói tai, đó chỉ là phát âm mà thôi...

Lời Chúa thì luôn là Lời Hằng Sống cho những kẻ tin và thực hành, nhưng có người “phát âm” Lời Chúa rất khó nghe khiến cho người khác dễ hiểu lầm mà sinh tội.

Có người đem Lời Chúa “phát âm” thành lời của mình, họ nói Chúa dạy phải yêu hết mọi người nên họ bạ đâu yêu đó để rồi tự mình phá hoại hạnh phúc gia đình; họ nói Chúa dạy đừng lấy của thánh cho chó cũng đừng lấy ngọc trai cho heo nên họ coi thường những người ngoại giáo và những người vô thần...

“Phát âm” sai Lời Chúa không những “khó nghe” mà còn làm hại người khác, cũng như làm cho linh hồn của mình phải bị trầm luân trong lửa đời đời.

(1) 帕 đọc là pa, nghĩa là khăn tay; 怕 cũng đọc là pa, nghĩa là sợ. Đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:17 30/07/2019

2. Khói lửa dù nóng, nếu không bỏ vào trong than thì không lâu sau sẽ bị giập tắt; ánh sáng của đức hạnh dù lớn, nếu không dùng khiêm tốn để chôn giấu bảo vệ, thì không lâu sau cũng sẽ bị giập tắt.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:26 30/07/2019
81. ĂN CƠM VỚI CHỮ CÁ

Có một người rất là keo kiết, vì để tiết kiệm thức ăn nên mỗi lần trước khi ăn cơm thì viết một chữ “cá ướp” bên trong cái dĩa không, mỗi lần ăn cơm thì nói “cá ướp” rồi và cơm vào miệng...

Em của người này liên tiếp mấy miếng cơm, miệng liên tục nói “cá ướp”. Người keo kiệt này nghe thì rất đau lòng, nổi giận nói”

- Mày và cơm sao nhanh quá vậy coi chừng bị sặc, lại còn liên luỵ đến tao phải xuất tiền mua thuốc cho mày nữa chứ !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 81:

Có những nhà giàu không muốn hưởng dùng những của cải mà Thiên Chúa đã ban cho mình, họ tích trử bạc tiền cho mối mọt ăn còn mình thì ăn...tưởng tượng, con người ta một khi đã keo kiết với mình rồi, thì sẽ không còn có lòng thương hại đến ai nữa, họ thật là những người đáng tội nghiệp nhất.

Ăn “cá ướp” tưởng tượng thì sẽ không bao giờ no và mập béo được, cũng như những giáo dân không thích đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, họ tham dự thánh lễ “hàm thụ” qua máy phát thanh, họ ăn “tưởng tượng” Mình Thánh Chúa qua radio cho nên linh hồn họ không bao giờ được no và vẫn cứ...ốm đói, thật tội nghiệp cho họ.

Người Ki-tô hữu là những người giàu có nhất trần gian, bởi vì họ có những thứ cần dùng cho cuộc sống đời đời mà khỏi mất tiền mua, vì Thiên Chúa đã ban cho họ, đó là các bí tích và nhất là bí tích Thánh Thể.

Nhưng cũng có một số Ki-tô hữu đem của cải ân sủng thánh ấy cất vào kho ích kỷ của mình mà không dùng đến, cho nên họ vẫn làm việc bác ái trong tưởng tượng, họ phục vụ tha nhân trong tưởng tượng, họ yêu người trong tưởng tượng...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục Ba Lan bị 3 người đánh tàn bạo trong phòng thánh, máu đầy mặt. Tổng giáo phận xin cầu nguyện
Đặng Tự Do
03:50 30/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tổng giáo phận Szczecin-Kamień, Ba Lan, kêu gọi cầu nguyện cho Giáo Hội sau khi một linh mục bị ba người xúm lại đánh trọng thương, máu me đầy mặt

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai 29 tháng Bẩy, 2019, Đức Tổng Giám Mục Andrzej Dzięga của tổng giáo phận Szczecin-Kamień nằm ở phiá Tây Bắc của quốc gia này, giáp giới với nước Đức, đã lên tiếng xin các tín hữu cầu nguyện cho Giáo Hội tại Ba Lan sau khi một linh mục bị ba người xúm lại đánh trọng thương, máu me đầy mặt.

Vụ tấn công đã xảy ra chỉ vài phút trước thánh lễ 6 giờ chiều hôm Chúa Nhật 28 tháng Bẩy tại nhà thờ Thánh Gioan Tiền Hô tại Szczecin.

Vị linh mục bị đánh là Cha Aleksander Ziejewski, 68 tuổi, là cha sở của nhà thờ.

Trong đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Cha Ziejewski nói với EWTN Ba Lan rằng cha đang chuẩn bị bàn thờ cho thánh lễ chiều Chúa Nhật thì nghe tiếng hô cầu cứu của ông từ phát ra từ phòng thánh.

Khi ngài đến nơi thì thấy có 3 người lạ mặt đang trong phòng thánh cãi vã với ông từ. Họ đòi lấy các áo lễ trong tủ áo và các vật dụng khác để “đi làm lễ”.

Khi cha Ziejewski yêu cầu họ ra khỏi phòng thánh, họ xúm lại đánh ngài và tuôn ra những lời lẽ báng bổ xúc phạm đến Chúa và Giáo Hội. Một tên dùng một cỗ tràng hạt lấy từ phòng thánh làm vũ khí đấm vào mặt ngài khiến máu me chảy ra đầy mặt.

Ông từ và một người bảo vệ cho nhà thờ cũng bị đánh đấm túi bụi trước khi chúng ung dung bỏ đi.

Cảnh sát thành phố Szczecin nói ba tên tấn công, trong độ tuổi từ 27 đến 53 tuổi, đã bị bắt và bị thẩm vấn vào hôm thứ Hai.

Một phát ngôn viên của Tổng giáo phận Szczecin-Kamień cho biết cha Ziejewski sẽ phải trải qua các phẫu thuật cần thiết do mức độ nghiêm trọng của các vết thương.

Các nguồn tin địa phương cho rằng đây là một vụ cướp. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Andrzej Dzięga nghĩ rằng hành động này xuất phát từ lòng thù hận Công Giáo vì ba kẻ tấn công thực hiện vụ này giữa thanh thiên bạch nhật, và vào một thời điểm sắp xảy ra một Thánh lễ, như thế sẽ có nhiều người có mặt.

Đức Tổng Giám Mục xin anh chị em cầu nguyện cho cha Ziejewski và các nạn nhân khác, cho sự hoán cải và ăn năn của các thủ phạm, và cho Giáo Hội tại Ba Lan.

Ngài đặt câu hỏi tại sao ở vùng đất 96% dân số là người Công Giáo lại có thể xảy ra một vụ việc nghiêm trọng như thế. Trong tổng số 1,043,200 dân, Szczecin-Kamień có hơn 1 triệu người Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục cũng nhắc nhớ rằng vụ này diễn ra chỉ hơn một tháng sau một biến cố khác gây bàng hoàng cho Giáo Hội tại Ba Lan.

Hôm thứ Hai 10 tháng Sáu, một linh mục tại Wrocław, Ba Lan đã bị đâm nhiều nhát dao vào ngực và bụng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Tin tức này làm rúng động Giáo Hội tại Ba Lan vì tại quốc gia nơi đa số dân theo Công Giáo này, đây là lần đầu tiên xảy ra một biến cố như vậy.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là tường trình của Thanh tra cảnh sát Łukasz Dutkowiak về biến cố này.

Ông Łukasz nói rằng trong đời làm cảnh sát của ông chưa bao giờ ông gặp một trường hợp có người lại đi tấn công một linh mục dã man như vậy.

Vị Thanh tra cảnh sát cho biết cha Ireneusz Bakalarczyk, một linh mục nổi tiếng thánh thiện, rất được dân chúng trong vùng mến mộ, đang trên đường từ nhà xứ ra nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria tại trung tâm của thành phố Wrocław thì bị một người đàn ông 57 tuổi chặn đường ngài.

“Sau một cuộc đối thoại ngắn ngủi, y rút dao ra và đâm túi bụi vào ngực và bụng của cha Bakalarczyk. Anh chị em giáo dân đã kịp thời khống chế hung thủ và bắt giữ hắn trước khi cảnh sát đến hiện trường,” thanh tra cảnh sát Łukasz nói.

Ông khen ngợi anh chị em giáo dân đã dũng cảm can thiệp kịp thời và nhận xét rằng:

“Đó là những vết thương trí mạng. Nếu không có sự can thiệp của anh chị em giáo dân, cha Bakalarczyk chắc khó giữ được mạng sống.”

Rafal Kowalski, một phát ngôn viên của tổng giáo phận Wrocław nói rằng hung thủ không có ác cảm cá nhân nào với cha Bakalarczyk nhưng dường như muốn tấn công vào bất kỳ linh mục nào.


Source:Catholic News Agency
 
Tử Đạo Amazon
Vũ Văn An
19:00 30/07/2019


Tử đạo thế kỷ 20

Tử đạo bao giờ cũng là để minh chứng đức tin. Thành thử lý do khiến cái chết của một người được kể là tử đạo khi họ là mục tiêu của lòng hận thù đối với đức tin Công Giáo (in odium fidei).

Các tử đạo Việt Nam thời nhà Nguyễn chắc chắn là những người bằng lòng chết dưới tay những người hận thù đức tin Công Giáo để làm chứng cho đức tin này. Dấu chỉ rõ ràng nhất là họ từ chối quá khóa, tức bước qua tượng Chịu Nạn. Nhưng bước sang thế kỷ 20, dấu chỉ này không hiển nhiên như thế và đức tin Công Giáo được hiểu theo một nghĩa hết sức rộng rãi. Suy cho cùng, đức tin này được biểu lộ, được phát biểu bằng nhiều biểu thức khác nhau, rất khác nhau.

Việc phong chân phước cho triết gia Edith Stein, học trò của nhà sáng lập ra hiện tương học Husserl là một điển hình. Bà được kể là một người chết vì lòng hận thù đức tin Công Giáo của Đức Quốc Xã. Nhưng người Do Thái không đồng ý như vậy, họ lớn tiếng phản đối, cho rằng Bà chết trong trại tử thần Auschwitz cùng với người em gái ruột Rosa là vì họ là người Do Thái do chính sách hận thù Do Thái của Chủ Nghĩa Quốc Xã.

Đúng, Edith Stein là người Do Thái, có cha có mẹ hoàn toàn là người Do Thái sùng đạo. Nhưng bà đã trở lại Đạo Công Giáo, nhập dòng kín Cátminh, nhận tên là Teresa Benedicta e Cruce.

Theo các dữ kiện lịch sử, thì Quốc xã từng xếp người Do Thái trở lại Kitô giáo ở Hòa Lan, nơi chị em nhà Stein đang cư ngụ, ra ngoài danh sách các người Do Thái họ cần trừ khử. Nhưng vào ngày 20 tháng 7 năm 1942, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoà Lan cho đọc ở mọi nhà thờ khắp nước một tuyên bố công khai lên án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Quốc Xã.

Tuyên bố đó là tiếng vang của Thông Điệp lừng danh Mit brennender Sorge (với một lòng lo lắng bừng bừng) của Đức Giáo Hoàng Piô XI, công bố năm 1937, cực lực lên án chủ nghĩa Quốc Xã. Và động lực của thông điệp này chính là lá thư của Nữ Đan Sĩ Cátminh Teresa Benedicta e Cruce gửi cho ngài lúc Quốc Xã mới lên cầm quyền, trong đó, Bà thống thiết kêu gọi ngài bằng những lời chân tình sau đây:

“Là một đứa con của dân tộc Do Thái, là người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, trong 11 năm qua, cũng là một đứa con của Giáo Hội Công Giáo, con dám nói với Người Cha của Kitô Giáo về cái điều đang áp bức hàng triệu người Đức. Nhiều tuần qua, chúng ta từng chứng kiến những việc vi phạm tại Đức nhằm giễu cợt mọi cảm thức công lý và nhân tính, chưa kể tình yêu người lân cận. Nhiều năm qua, các lãnh tụ của Chủ Nghĩa Quốc Xã Đức vẫn liên tiếp truyền giảng lòng hận thù người Do Thái... Nhưng trách nhiệm, tựu chung, phải đổ lên đầu những ai đã đem họ đến mức này và trách nhiệm cũng phải đổ lên đầu những ai vẫn giữ im lặng trước những việc xẩy ra như thế.

Mọi điều đã xẩy ra và còn tiếp tục xẩy ra hàng ngày phát xuất từ một chính phủ tự gọi mình là ‘Kitô giáo’. Nhiều tuần qua, không những người Do Thái mà còn cả hàng ngàn tín hữu Công Giáo ở Đức, và, con tin, ở khắp thế giới, chờ đợi và hy vọng Giáo Hội của Chúa Kitô cất cao tiếng nói của mình để chặn đứng thứ lạm dụng danh nghĩa Chúa Kitô này. Há cái thứ ngẫu thần hóa nòi giống và quyền lực cai trị đang được giáng xuống ý thức công chúng bởi các phương tiện truyền thanh không phải là một lạc giáo hay sao? Há các cố gắng nhằm tiêu diệt dòng máu Do Thái không phải là một xúc phạm đến nhân tính hết sức linh thánh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, của Trinh Nữ diễm phúc và của các Tông đồ hay sao? Há tất cả những điều này không đi ngược 180 độ với đức hạnh của Chúa Tể và là Cứu Chúa của chúng ta hay sao, Đấng, ngay trên thập giá, vẫn cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình? Và há đây không phải là vết đen trên tiếng tăm của Năm Thánh vốn có ý trở thành năm hòa bình và hòa giải hay sao? Tất cả chúng con, những con cái của Giáo Hội và là những người đang nhìn các điều kiện hiện nay ở Đức bằng con mắt rộng mở, sợ Giáo Hội sẽ gặp điều tệ hại nhất nếu cứ tiếp tục giữ im lặng lâu hơn nữa”.

Chỉ 6 ngày sau đó, tức ngày 26 tháng 7 năm 1942, viên Reichskommissar, một thứ tổng toàn quyền của Quốc Xã tại Hòa Lan, là Arthur Seyss-Inquart hủy bỏ luật trừ trước của chính hắn, ra lệnh lùng bắt cả các người Do Thái đã trở lại Công Giáo.

Chị em nhà Stein cùng với 243 người Do Thái trở lại Công Giáo sống ở Hòa Lan bị SS bắt ngày 2 tháng 8 năm 1942 và tống giam tại các trại tập trung Amersfoort và Westerbork trước khi bị chuyển tới Auschwitz. Đức Quốc Xã biết rõ nguyên nhân và động lực khiến có Thông điệp của Đức Piô XI và tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hòa Lan. Họ biết rõ đức tin của Edith Stein và ai đến Berlin ngày nay, hẳn không thể không đến quảng trường Bebelplatz, gần Đại Học Humboldt, viếng nơi ghi dấu Quốc Xã đốt mấy chục ngàn tác phẩm của các nhà văn hóa Đức trong đó có trọn bộ các tác phẩm của Edith Stein. Bà cũng ý thức được điều đó, cho nên, theo Cha Ambrose Eszer, O.P, một viên chức của Bộ Phong Thánh, tại trại tập trung, được hỏi “chị là ai?” bà dõng dạc cung khai: tôi là người Công Giáo!

Vả lại, theo Cha Eszer, Bọn Quốc Xã rất quỉ quái trong chủ trương của chúng đối với Đạo Công Giáo: thời chiến, chúng tìm cách kiểm soát Giáo Hội trong khi kiên nhẫn chờ cho hết chiến tranh, sẽ tận diệt Giáo Hội và thay thế Giáo Hội bằng một giáo hội mới, hoàn toàn chịu ảnh hưởng các lý thuyết kỳ thị chủng tộc và đầy huyền thoại của Wagner. Do đó, chiến thuật của chúng là tránh tra vấn các nạn nhân về các niềm tin tôn giáo để không biến họ thành tử đạo. Cha Eszer cho rằng chúng tìm cách “loại bỏ bất cứ việc tuyên xưng đức tin nào”.
Chiến lược và chiến thuật của chúng không loại bỏ được việc Edith Stein chết “in odium fidei”, một điều đã được Bộ Phong Thánh chấp nhận bất chấp các phản đối ầm ĩ của phía Do Thái.

Tử đạo thế kỷ 21



Qua thế kỷ 21, quan điểm của Công Giáo về tử đạo còn khóang đạt hơn nữa. Điều này dễ hiểu vì quan điểm sống đức tin hiện nay, nhất là dưới thời Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng đầu tiên có cái đảm lược mang đức tin vào cả việc bảo vệ “ngôi nhà chung của chúng ta” là môi trường. Trong chiều hướng này, những tín hữu và giáo sĩ Việt Nam can đảm đấu tranh nhân vụ Formosa ở Hà Tĩnh xứng đáng được danh hiệu tử đạo nếu chết trong tay cường quyền.

Nhận định trên có thể chỉ là một suy diễn. Nhưng trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon, vừa được Tòa Thánh công bố, ta thấy những người bản địa Amazon đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của họ được gọi là “tử đạo”. Ta hãy đọc số 145:

“Làm Giáo hội ở Amazon một cách thực tế có nghĩa là nêu vấn đề về quyền lực một cách tiên tri, vì ở khu vực này, người dân không thể khẳng định quyền của họ chống lại các lợi ích kinh tế và định chế chính trị to lớn. Ngày nay, đặt vấn đề quyền lực trong việc bảo vệ lãnh thổ và các nhân quyền là liều mạng sống của mình, là bước lên con đường thập giá và tử đạo. Số các tử đạo ở Amazon rất đáng báo động (ví dụ, chỉ riêng ở Brazil, 1,119 người bản địa đã bị sát hại từ năm 2003 đến năm 2017 vì bảo vệ lãnh thổ của họ). Giáo hội không thể thờ ơ; ngược lại, nó phải giúp bảo vệ những người nam nữ đang bảo vệ nhân quyền và tưởng nhớ các vị tử đạo của họ, trong số đó có các nhà lãnh đạo như Nữ tu Dorothy Stang”.

Lẽ dĩ nhiên, Tài Liệu Làm Việc của một Thượng Hội Đồng Giám Mục chưa hẳn đã là quyết nghị của Thượng Hội Đồng này, mà dù có là quyết nghị của nó đi nữa, chưa chắc đã được huấn quyền của Đức Phanxicô chấp nhận đưa vào nội dung một tông huấn. Nhưng dù sao nó cũng phản ảnh một quan điểm nghiêm túc. Điều đáng nói ở đây là Tài Liệu đã tôn vinh một người chết vì tranh đấu cho những người tranh đấu bảo vệ lãnh thổ của họ, Nữ Tu Dorothy Stang và coi bà là một tử đạo.

Từ điển mở Wikipedia cũng gọi bà là “Tử đạo Amazon” với mấy dòng về bà như sau: “Nữ tu Dorothy Mae Stang, S.N.D., (7/6/1931 – 12/2/ 2005) là một thành viên người Ba Tây gốc Hoa Kỳ của Hội Dòng Nữ Tu Đức Bà Namur. Bà bị hạ sát ở Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, lưu vực Amazon thuộc Ba Tây. Nữ Tu Stang vốn là người lớn tiếng trong cố gắng bênh vực người nghèo và môi trường, và trước đây vốn nhận được nhiều đe dọa tới sinh mệnh từ những công ty đốn rừng và sở hữu chủ đất đai. Án phong thánh cho bà như một tử đạo và mẫu mực thánh thiện đang được xem xét tại Bộ Phong Thánh của Tòa Thánh”.

Án phong thánh ấy không được Wikipedia trưng dẫn từ nguồn nào. Và cũng không thấy các tài liệu của chính Hội Dòng của bà nhắc đến. Nhưng chúng cũng gọi bà là “người tử đạo đầu tiên của cộng đoàn” (xem https://vocationnetwork.org/en/articles/show/12-sister-dorothy-stang-her-dying-shows-us-how-to-live). Và tước hiệu “Vị Tử Đạo của Amazon” (“Martyr of the Amazon”) được dùng làm tựa sách ít nhất bởi Nữ Tu Roseanne Murphy. Tác giả và ký giả Rita Beamish, người vốn tường trình về Tòa Bạch Ốc, chính trị và chính sách ngoại giao cho Hãng tin Associated Press, cũng gọi bà là một vị tử đạo.

Vũ khí của tôi là cuốn Thánh Kinh

Thực ra bà đã bị hạ sát trong hoàn cảnh nào? Bà vốn sinh ra tại Ohio, Hoa Kỳ, gia nhập Hội Dòng Đức Bà Namur năm 17 tuổi và khấn trọn đời năm 25 tuổi. Đáp lại lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, năm 1966, lúc 35 tuổi, bà lên đường qua Ba Tây truyền giáo.

Các dữ liệu của Hội Dòng (https://www.sndden.org/who-we-are/where-we-are/latin-america/the-amazing-grace-of-sr-dorothy-stang) mô tả bà là người chọn lối sống khó nghèo nhất để giúp đỡ những người khác sống trong cảnh nghèo. Bà có lòng đam mê đối với người thuộc đủ mọi văn hóa, đối với công bằng xã hội, kiến tạo hòa bình, sự hợp tình hợp lý, và tôn trọng môi trường. Bà sở hữu rất ít của cải vật chất: một ít áo quần mầu sắc pha trộn, đồ dùng đơn sơ và cuốn Thánh Kinh được bà mang đi khắp nơi và đôi lúc gọi nó là “khí giới” của bà.

Vào một Thứ Bẩy mưa dầm tháng Hai năm 2005, bà mang cuốn Thánh Kinh đó khi lặn lội trên con đường mòn đầy bùn lầy dọc rừng già Amazon. Bà cố gắng đi tới Boa Esperança, một ngôi làng gần Anapu, nơi bà sống ở Pará, một tiểu bang phía bắc của Ba Tây. Khu vực này nằm ở bìa phía đông của Amazon, một vùng nổi tiếng giầu về tài nguyên thiên nhiên và cũng lắm bạo lực phát sinh từ các tranh chấp đất đai.

Chờ Nữ Tu sáng hôm đó là một nhóm nông gia có nhà cửa bị đốt san bằng trên mảnh đất được chính phủ liên bang cấp cho họ. Ở toàn tiểu bang Pará và ở một nơi như Boa Esperança, bằng khoán đất đai không luôn kết thúc bằng tranh cãi. Ở Pará, các công ty đốn rừng và các chủ trại nuôi súc vật giầu có dựa vào sự giúp đỡ của các chính trị gia và cảnh sát địa phương trong việc tạo mãi và trưng dụng tài sản của các dân tộc bản địa và nông gia bé nhỏ. Trong khi Nữ Tu Dorothy đang buớc về Boa Esperança, bà nghe những lời chửi bới của mấy người đàn ông lúc ấy đang ở bên cạnh bà. Mưa rơi sối xả lúc bà dừng lại và mở cuốn Thánh Kinh. Bà đọc cho họ nghe đoạn nói về người nghèo: phúc thay ai có lòng khó khăn vì Nước Trời là của họ. Nghe đến đó, họ lùi lại và nâng súng lên. Nữ Tu Dorothy giơ cuốn Thánh Kinh về phía họ và 6 phát súng nổ thẳng thừng. Bà ngã xuống đất, “tử vì đạo”.

Tài liệu kể tiếp: mấy ngày trước đó, Nữ Tu Dorothy cố gắng chặn đứng một vụ đốn rừng bất hợp pháp nơi những con cá mập đất đai lưu ý nhưng không có quyền hợp pháp. Bởi thế, các nhà cầm quyền tin rằng vụ hạ sát Bà đã được sắp xếp bởi một chủ trại nuôi súc vật ở địa phương với giá 19,000 mỹ kim. Nhưng nhiều người khác tin rằng chính tập đoàn đốn rừng và chăn nuôi súc vật đã góp tay vào việc trả giá cho sinh mạng của Nữ Tu Dorothy.

Họ đã hạ sát một người đàn bà trong tay chỉ có một cuốn Thánh Kinh, một người quyết định gia nhập một Hội Dòng ưu tiên làm việc giữa những người nghèo. Bà được toại nguyện khi được sống và làm việc trong gần 40 năm tại Ba Tây. Bà sớm ý thức được các vấn đề xã hội đang gây khốn khổ cho vùng bà đã chọn làm quê hương, nhất là việc áp bức các nông dân, dưới chế độ quân phiệt của các thập niên 1960, 1970. Những người làm việc cổ vũ các nhân quyền và quyền đất đai của các nông gia nhỏ bị coi là phản loạn và bị độc tài quân phiệt lùng bắt.

Thân phận người nghèo Amazon

Lịch sử Ba Tây cho hay đầu thập niên 1970, chính phủ khuyến khích người nghèo di chuyển tới vùng Transamazonia. Những người không đất đai coi đây là cơ hội để trở thành những chủ đất cày cấy. Nhiều người rời cư tới tiểu bang Pará để bắt đầu cuộc sống mới. Các Nữ Tu Đức Bà Namur đi theo đoàn người này, trong đó có nữ tu Dorothy, giúp họ xây dựng cuộc sống mới, tươi đẹp hơn. Nhưng khi tới đó, cảnh nghèo và bất an họ để lại sau lưng đã được thay thế bằng nhiều nan đề mới: các con cá mập đất đai sẵn sàng cướp hết đất đai họ đến đây để cày bừa. Các viên chức chính phủ không làm gì để ngăn chặn bọn chúng vì các chính trị gia và cảnh sát địa phương đã bị chúng mua chuộc.

Đoàn người khố rách áo ôm đành phải di chuyển sâu hơn vào rừng già. Dĩ nhiên, Nữ Tu Dorothy di chuyển với họ. Nhưng tình huống vẫn như trước. Qua thập niên 1980, họ hiểu rõ chính phủ Ba Tây có một kế hoạch khác cho vùng này. Họ dành 10.5 mẫu tây Anh ở vùng Bắc Ba Tây, trong đó, có Pará, cho các dự án khai mỏ, lọc dầu và nông thương (agribusiness).

Đối với các nông gia nhỏ, tình huống này giống như “Đavít chọi với Gôliát”, tức các công ty đa quốc, các đại doanh nghiệp, các công ty nuôi súc vật và khai thác gỗ...Chúng bắt đầu nuốt trửng rừng già”. Các nhà môi trường học ước lượng rằng Amazon mất 9,170 dặm vuông rừng mỗi năm và khoảng 20% trong số 1.6 triệu dặm vuông của nó đã bị đốn để tạo nên các đất trồng cỏ cho súc vật nuôi hay để thu lượm các loại gỗ quí như tuyết tùng (cedar), gụ (mahogany) và những gỗ qúy hiếm khác...

Đoàn người của Nữ Tu Dorothy lại vào sâu hơn nữa và cuối cùng cắm dùi ở Anapu, tiểu bang Pará năm 1982. Bà giúp họ sống có liên đới và tôn trọng môi trường. Bà làm việc với Ủy Ban Mục Vụ lo về đất đai của Hội Đồng Giám Mục Ba Tây. Bà cũng giúp cổ vũ các dự án tiểu thương có tính cách gia đình ở trong làng, thường tạo nên những người phụ nữ kiếm sống cho gia đình (women breadwinners).

Việc làm của Bà được nhiều người biết đến: Bà được hiệp hội luật gia Ba Tây trao giải thưởng nhân đạo và các viên chức của Tiểu Bang Pará bầu Bà là “Người Phụ Nữ Trong Năm”, vì công trình bảo đảm địa quyền cho các nông gia.

Tuy bầu Bà vào địa vị cao qúi như trên, nhưng chính quyền Pará lại có dự án mở một xa lộ trong vùng, làm cho giá đất lên cao và làm cho mức độ bạo lực cũng tăng theo.

Ỡ bình diện liên bang, Tổng thống da Silva bị vướng giữa lời hứa cấp đất cho 400,000 gia đình không đất đai và việc phải mở nhiều cánh rừng để hỗ trợ việc phát triển kinh tế. Áp lực bên ngoài còn phát xuất từ Qũy Tiền Tệ Quốc Tế, cơ quan đã cho Ba Tây vay hàng tỷ mỹ kim sau cuộc suy thoái năm 2002. Điều này rất nguy hiểm cho người dân Pará vì tranh chấp đất đai. Ủy Ban Mục vụ lo về đất đai của Hội Đồng Giám Mục Ba Tây gần đây tường trình rằng trong 30 năm qua, Pará là địa điểm của 40% số 1,370 vụ giết người liên quan đến tranh chấp đất đai.

Nữ tu Dorothy luôn đứng bên cạnh các nông gia bé nhỏ trong cuộc mưu cầu vô vọng của họ có được mảnh đất riêng để cày cấy. Bà không ngừng làm áp lực để chính phủ thi hành trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người dân. Bà không bao giờ đầu hàng, để mất hy vọng.

Tử đạo vì anh hùng phục vụ người khác

Sau khi Bà nằm xuống, các buổi lễ tưởng niệm Bà đã được tổ chức khắp thế giới và ngày 9 tháng 3 năm 2005, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết #89 tôn vinh cuộc sống của Bà. Ngày 10 tháng 12 năm 2008, Bà được Liên Hiệp Quốc truy tặng huy chương trong Lãnh Vực Nhân Quyền.

Còn Giáo Hội Công Giáo, người Mẹ thân yêu của Nữ Tu Dorothy thì sao? Như trên đây đã nói, Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon đích danh gọi bà là vị tử đạo. Thực ra, đây không phải là lần đầu bà được đại diện Giáo Hội Công Giáo gọi như thế. Năm 2015, lúc thông điệp Laudato Si’ về môi trường của Đức Phanxicô ra đời, bà đã được nhắc đến như một trong các Thánh Quan Thầy của Thông Điệp (xem https://cruxnow.com/church/2015/06/11/martyred-american-nun-could-be-the-patron-saint-of-the-popes-eco-encyclical/), song song với Thánh Phanxicô Assisi.

Thực vậy, theo John Allen trong bài báo trên, ngày 11 tháng 6 năm 2015, Đức Phanxicô đã gián tiếp nhắc đến một ứng viên khác cho tước hiệu Thánh Quan Thầy này, một người gần gũi với chúng ta hơn tuy chưa được phong thánh, đó là Nữ Tu Dorothy Stang, người đã bị sát hại vì bảo vệ rừng già Amazon và quyền lợi người nông dân nghèo.

Nhận định của John Allen đã được củng cố hai năm sau, khi Đức Phanxicô ban hành Tự sắc Maiorem hac dilectionem (Lòng Yêu Mến Lớn Hơn), ngày 11 tháng 7 năm 2017, đưa ra một tiêu chuẩn khác để được phong là tử đạo (xem https://www.thecatholictelegraph.com/pope-approves-new-path-to-sainthood-heroic-act-of-loving-service/43566). Tức hy sinh mạng sống trong một hành động anh hùng yêu thương phục vụ người khác. Theo National & World News, Đức Tổng Giám Mục Marcello Bartolucci, Tổng thư ký Bộ Phong Thánh, cho hay tự sắc nhằm “cổ vũ chứng từ anh hùng Kitô Giáo, (một điều) cho đến nay chưa có thủ tục chuyên biệt, chính vì nó chưa hoàn toàn xứng hợp với trường hợp tử đạo hay nhân đức anh hùng”.

Theo các qui định mới, việc hiến mạng sống phải đủ các điều kiện sau đây:

1. Tự do và sẵn lòng hiến mạng sống mình và anh hùng chấp nhận, vì tình yêu, một cái chết chắc chắn và sớm sủa; hành vi bác ái anh hùng và cái chết sớm sủa phải có liên quan với nhau.

2. Có bằng chứng đã sống thực các nhân đức Kitô giáo, ít nhất một cách thông thường, không cần phải anh hùng, trước khi hiến mạng sống mình cho người khác và cho đến lúc chết.

3. Có bằng chứng nổi tiếng về sự thánh thiện, ít nhất sau khi chết.

4. Một phép lạ được gán cho việc cầu bầu của ứng viên cần thiết để được phong chân phúc.

Trừ điều thứ 4, 3 điều trên Nữ Tu Dorothy đều đã đạt được. Và việc phong bà làm thánh tử đạo và quan thầy của môi trường chắc chắn không còn xa.

Thượng Hội Đồng Amazon và nguyên lý ưu tiên chọn người nghèo

Có thể nói, Đức Phanxicô khi công bố Laudato Si’ đã nghĩ đến Amazon và những người đã tự do và sẵn lòng hiến mạng sống mình bảo vệ không những môi trường nhưng cả những người có liên hệ mật thiết nhất với môi trường tức người nghèo mà trong nền văn hóa lợi nhuận tối đá, bằng bất cứ giá nào, vốn không thể tách rời khỏi nạn phá hoại thiên nhiên cho mục đích vị kỷ. Nghị trình của Ngài quả là một nghị trình nhịp nhàng, về lâu về dài, dẫn Giáo Hội đi theo con đường đã được chính Vatican II vạch ra trong Gaudium et Spes khi nói đến người nghèo. Dù sao, nguyên lý ưu tiên chọn người nghèo, được Vatican II khởi diễn, cũng đã được Cha Bề Trên Cả Dòng Tên, Dòng của Đức Phaxicô, là Cha Pedro Arrupe quảng diễn lần đầu tiên năm 1968, trong thư gửi các tu sĩ Dòng Tên ở Châu Mỹ La tinh, được Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 quảng diễn thêm, và được các Giám Mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) chính thức lên công thức tại các Hội nghị ở Medellin và Puebla, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến trong Centesimus annus năm 1991, và được đưa vào Tuyển Tập Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội năm 2004 (một công trình đã được tôi tớ Chúa là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khởi xướng). Ta không thể làm ngơ mãi. Mà người nghèo không đâu bị áp bức cho bằng Amazon, nơi họ bị tiêu diệt cùng với môi trường của họ trong tay những kẻ chỉ biết lợi nhuận.

Trong những điều đáng nói về Thượng Hội Đồng Amazon, chính là con đường anh hùng phục vụ môi trường và người nghèo này, một đường hướng đã đến lúc phải được bàn thảo nghiêm túc: ưu tiên chọn người nghèo, cho dù phải hiến mạng sống mình để bảo vệ họ như Nữ Tu Dorothy Stang.
 
Truyền thông Tòa Thánh bày tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của một sĩ quan cảnh sát, một tín hữu phi thường
Đặng Tự Do
21:18 30/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là đám tang rất lớn vừa diễn ra tại Italia khi người dân quốc gia này bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Trung Úy cảnh sát Mario Cerciello Rega, 35 tuổi, người vừa bị đâm chết hôm thứ Sáu 26 tháng Bẩy tại quận Prati của Rôma.

Ngay cả truyền thông Tòa Thánh cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với anh.

Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết vào chiều ngày 25 tháng Bẩy, một người đàn ông ngồi ở quảng trường Mastai đã bị đánh cắp một chiếc túi trong đó có 100 Euros và một chiếc điện thoại di động. Các camera tại hiện tường cho thấy hai thanh niên đã bỏ chạy cùng chiếc túi. Tuy nhiên, cũng có thể có những đồng bọn khác tham gia vào vụ này.

Người bị mất trộm đã gọi vào chiếc điện thoại bị đánh cắp của mình. Người ở đầu bên kia đòi tiền chuộc lại chiếc túi và điện thoại là 100 Euros và hẹn sẽ giao dịch vào khuya thứ Năm rạng sáng thứ Sáu tại một công viên ở quận Prati.

Người bị mất trộm đã báo cảnh sát. Trung úy Rega và một nhân viên cảnh sát tên là Andrea Varriale đã xuất hiện tại nơi giao dịch.

Hai tên trộm là Finnegan Lee Elder, 19 tuổi và Gabriel Christian Natale-Hjorth, 18 tuổi, quốc tịch Mỹ, đã rút dao đâm hai người cảnh sát. Trung úy Rega bị đâm 8 nhát dao trong đó có một nhát trúng ngay tim nên đã qua đời trên đường đến nhà thương. Cảnh sát viên Andrea Varriale bị thương nặng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Quân đoàn cảnh sát Carabinieri của Rôma đã mở cuộc hành quân truy bắt ráo riết. Tại khách sạn Le Meridien, họ đã bắt được hai tên hung thủ khi chúng đang chuẩn bị tẩu thoát khỏi Ý.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News hôm 27 tháng 7, cha Donato Palminteri, linh mục tuyên úy của Carabinieri, cho biết Trung úy Rega là một tín hữu Công Giáo tốt lành đến mức phi thường trong việc tham gia vào hàng loạt các công việc bác ái.

Bất kể những bận rộn của một sĩ quan cảnh sát, Trung úy Rega là một Hiệp Sĩ tích cực trong Hội Hiệp sĩ Malta. Anh phụ trách việc phân phát thức ăn cho người vô gia cư trên đường phố Rôma, tháp tùng những người bệnh và những người tàn tật trong những chuyến hành hương đến Assisi, Loreto và Lộ Đức.

43 ngày trước đó, chính cha Donato đã cử hành lễ cưới cho anh. Anh vừa nghỉ phép sau tuần trăng mật và vừa trở lại với công việc thường nhật thì bị đâm chết.

Ngài cho biết Rega được các viên chức cảnh sát khác biết đến như một người luôn luôn có tinh thần phục vụ và chăm lo cho mọi người.

Trong bài giảng trước những người than khóc anh tại giáo xứ Santa Croce làng Santa Maria del Pozzo thuộc quận Somma Vesuviana, gần Naples, nơi Rega được rửa tội và kết hôn cách đây chưa đầy hai tháng, Đức Tổng Giám Mục Santo Marcianò, là Tổng Giám Mục quân đội Ý, đã mạnh mẽ lên án tội ác.

“Những gì đã xảy ra là một tội ác quá bất công,” Đức Cha Marcianò nói, “Chúng ta hiện diện ở đây để tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục sinh. Tuy nhiên, điều đó không miễn trừ cho chúng ta, mà trái lại còn bắt buộc chúng ta, phải lên tố cáo những gì là tội ác và bất công.”

“Hôm nay, điều đó thúc đẩy chúng ta kêu lên kết hợp với rất nhiều giọng nói khác nhau của những người mà trong những ngày này đã tạo thành một ca đoàn duy nhất, làm chứng cho bản chất phi thường của người đàn ông và người cảnh sát Mario này, nhưng cũng yêu cầu công lý được thực hiện và để những sự kiện như thế này không xảy ra nữa.”

Ngài kêu gọi những người than khóc hãy lau khô nước mắt, và gọi các viên chức cảnh sát đang than khóc anh là “những người con trai trẻ của một quốc gia dường như đã quên đi những giá trị mà họ đang hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ”.

Đức Cha Marcianò nói rằng cái chết của Rega không nên là sự cam chịu trước cái ác, mà đúng hơn, nó đã làm sống lại ý thức về công lý, tính hợp pháp, nghĩa vụ và tình anh em trên khắp nước Ý. “Những người làm việc cho các tổ chức,” ngài nói, “phải phục hồi ý thức về đạo đức và trách nhiệm, để đừng đi lạc vào mê cung của tư lợi và tham nhũng.”

Đức Tổng Giám Mục đã gọi viên sĩ quan tử vong là “nhân chứng của tình yêu và đức tin, sâu sắc hơn những gì các bạn có thể tưởng tượng,” và ngài hy vọng rằng “ánh sáng của anh sẽ tiếp tục tỏa sáng cho quốc gia, thế giới và Giáo hội.”

Trong Thánh lễ an táng, bài đọc Tin Mừng đã được chọn cùng một bài đã đọc trong đám cưới của Rega.


Source:Crux Now
 
Nước nào đào tạo nhiều linh mục nhất? Việt Nam đứng thứ mấy trong bảng sắp hạng của CARA
Đặng Tự Do
22:34 30/07/2019


Nguyên bản tiếng Anh: Burma, not Belgium, is the future of the Church. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

Quốc gia nào sản sinh ra nhiều linh mục nhất so với quy mô dân số Công Giáo? Phải chăng là Brazil, cường quốc của Công Giáo Mỹ Latinh? Phải chăng là Cộng hòa Dân chủ Congo, với một Giáo hội phát triển nhanh chóng vượt bậc? Phải chăng là Phi Luật Tân nơi dân số Công Giáo ổn định nhất trên thế giới?

Câu trả lời là: không phải quốc gia nào trong số những quốc gia này. Quốc gia đang đào tạo nhiều linh mục Công Giáo nhất trên thế giới, tính theo bách phân dân số Công Giáo, thật đáng ngạc nhiên là Miến Điện. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới đầy thuyết phục của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động tông đồ, gọi tắt là CARA, của Đại học Georgetown.

Các nhà nghiên cứu không đưa ra các suy đoán nhưng tìm hiểu đến nơi đến chốn lý do tại sao Miến Điện, nơi Phật giáo chiếm một đa số áp đảo lại là một điểm nóng trong ơn gọi linh mục. Miến Điện chỉ có 750,000 người Công Giáo trong cả nước – chiếm chỉ một phần trăm dân số thôi. Nhưng Giáo hội được lãnh đạo bởi một nhân vật năng động là Đức Hồng Y Charles Maung Bo. Ngài có một tầm nhìn minh mẫn về Giáo hội như một lực lượng trung gian giữa đa số Phật giáo và các nhóm thiểu số bị bao vây và thường xuyên bị ức hiếp. Có lẽ tấm gương của ngài đang truyền cảm hứng cho những người Công Giáo Miến Điện khác cống hiến cuộc đời của họ cho Giáo hội.

CARA nhận thấy rằng sau Miến Điện, là quốc gia có tỷ lệ tân linh mục so với bách phân dân số Công Giáo cao nhất trên thế giới, nước đứng thứ hai là Thái Lan (một quốc gia đa số Phật giáo khác), tiếp đến là Togo, Việt Nam và Bangladesh [Tạ ơn Chúa. Đỡ quá, chúng ta cũng được hạng Tư thế giới, xin cho một tràng pháo tay]. Như thế, bốn trong số năm quốc gia hàng đầu thuộc về Á châu và một quốc gia thuộc Phi châu.

Điều này thật bất ngờ vì chúng ta không quen nghĩ Công Giáo là một hiện tượng ở Á châu. Chúng ta có xu hướng nhìn về Âu châu, Mỹ Latinh và Phi châu vì chỉ có ba phần trăm người Á châu theo Công Giáo và chỉ có hai trong số 48 quốc gia Á châu là nơi có đa số dân theo Công Giáo, là Phi Luật Tân và Đông Timor.

Nhưng trong những thế kỷ tới, bức tranh tổng thể có thể thay đổi. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila đã từng tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài rằng, theo nhận định của ngài, tương lai của Giáo hội là ở Á châu. Chúng ta có thể hình dung rằng chỉ trong thế kỷ này thôi có thể có một vị Giáo Hoàng người Á châu.

Mới hôm thứ Bảy 13 tháng Bẩy, dòng Đa Minh đã bầu ra nhà lãnh đạo Á châu đầu tiên trong lịch sử 800 năm của mình, Cha Gerard Timoner người Phi Luật Tân. Đã có những quốc gia có cộng đồng thiểu số Công Giáo như Ấn Độ và Nam Hàn đang gửi một số lượng lớn các nhà truyền giáo ra nước ngoài. Có lẽ trong tương lai, hầu hết các linh mục tại các giáo xứ phương Tây là những người đến từ Á châu cũng như từ Phi châu.

Còn các nước khác thì sao trong nghiên cứu CARA? Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 50 trong số 108 nước có trong nghiên cứu này. Khá hơn một chút, ở vị trí thứ 49, là Vương quốc Anh (được định nghĩa là Anh quốc, xứ Wales và Tô Cách Lan). Cả Hoa Kỳ và Anh quốc đều vượt xa các quốc gia Công Giáo truyền thống như Tây Ban Nha (thứ 73), Đức (thứ 75), Ái Nhĩ Lan (bao gồm cả Bắc Ái Nhĩ Lan, thứ 78), Á Căn Đình (thứ 98) và Pháp (thứ 99). Cầm đèn đỏ ở cuối bảng là Bỉ nơi vẫn được coi là thành trì của Công Giáo.

Thống kê của CARA dựa trên các số liệu gần đây nhất về việc phong chức linh mục (trong năm 2015, 2016 và 2017) và dữ liệu dân số Công Giáo năm 2017 từ Tòa thánh Vatican được nêu trong Niên Giám Thường Niên của Giáo Hội. Để tránh kết quả sai lệch, các nhà nghiên cứu chỉ bao gồm các quốc gia có ít nhất 100,000 người Công Giáo, có ít nhất 9 linh mục được thụ phong từ năm 2015 đến năm 2017 và tối thiểu một vị được thụ phong trong mỗi ba năm được nghiên cứu.

Nghiên cứu mới chỉ cung cấp một thước đo sơ bộ về sức sống của Giáo Hội tại các quốc gia. Phi Luật Tân, chẳng hạn, đứng thứ 95 trong số 108 quốc gia. Tuy nhiên, đây là một trong những Giáo Hội sống động nhất trên thế giới, với các Thánh lễ ngoài trời lớn không tưởng tượng nổi, và gửi vô số nhà truyền giáo ra nước ngoài và đào tạo ra các nhà lãnh đạo có tầm vóc toàn cầu như Đức Hồng Y Tagle.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng CARA cho phép chúng ta so sánh sức khỏe tương đối của Công Giáo trên toàn thế giới (mặc dù thận trọng). Các kết này nói với chúng tôi một điều quan trọng: các bộ phận của Giáo hội ở Á Châu đang phát triển vượt mọi mong đợi. Chúng ta cần hiểu tại sao Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam và những nơi tương tự có thể tạo ra sự phong phú của các ơn gọi linh mục mặc dù người Công Giáo chỉ là một thiểu số. Phải chăng nhỏ bé đôi khi thực sự lại là một lợi thế. Phải chăng sự nhỏ bé ấy có thể ràng buộc các thành viên của Giáo hội lại với nhau và cho họ cảm giác cấp bách về sứ vụ truyền giáo là điều chúng ta không tìm thấy ở các quốc gia đa số Công Giáo?

Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Nhưng nhờ vào nghiên cứu của CARA, chúng ta biết nhiều hơn một chút về Giáo hội toàn cầu so với trước đây.


Source:Catholic Herald
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Ngoài Giám mục, ai có thể cung hiến nhà thờ?
Nguyễn Trọng Đa
08:14 30/07/2019
Giải đáp phụng vụ: Ngoài Giám mục, ai có thể cung hiến nhà thờ?

Nói thêm về ai cầm Sách Tin Mừng.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Giám mục của chúng con đã qua đời cách đây hai năm. Hiện Giáo phận đang trống tòa. Chúng con chỉ có một Hội Đồng Tư Vấn, được Giám mục chỉ định trước khi ngài qua đời. Mới đây vị niên trưởng của Hội Đồng Tư Vấn đã làm phép hoặc cung hiến một nhà thờ. Câu hỏi của con là, vị này có thể dùng công thức cung hiến nhà thờ mà Giám mục thường dùng không? Đó là sự làm phép, hay là cung hiến nhà thờ trong trường hợp này? Liệu hiệu quả của nghi thức này là có khác gì so với nghi thức do Giám mục thực hiện không? - D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đáp: Đây có lẽ là một câu hỏi về giáo luật hơn là về phụng vụ, nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời tốt nhất có thể.

Trước hết, chúng ta có thể xem giáo luật nói gì về ai là người có thẩm quyền trong giáo phận, và điều gì xảy ra khi giáo phận trống tòa.

“Ðiều 134 §1. Trong luật, tiếng "Bản Quyền" ám chỉ, ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, cả Giám Mục giáo phận và những người đứng đầu - dù là lâm thời - một Giáo Hội địa phương hay một cộng đoàn tương đương nói ở điều 368, cùng những người hưởng quyền hành pháp thông thường tổng quát trong những nơi ấy, tức là: các tổng đại diện và đại diện Giám Mục; lại nữa, đối với các phần tử của mình, các Bề Trên cao cấp của các dòng tu giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng và các Bề Trên cao cấp của các tu đoàn tông đồ giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng, tức những người nắm giữ ít là quyền hành pháp thông thường.

“§2. Tiếng "Bản Quyền sở tại" ám chỉ tất cả những người nói ở trong §1, trừ các Bề Trên của các dòng và của các tu đoàn tông đồ.

“§3. Trong phạm vi quyền hành pháp, điều gì luật quy gán cho các Giám Mục giáo phận thì chỉ được ám chỉ cho thẩm quyền của Giám Mục giáo phận và những người được đồng hóa theo điều 381, §2, chứ không được áp dụng cho tổng đại diện hay đại diện Giám Mục, trừ khi có ủy nhiệm đặc biệt.

“Ðiều 368: Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Ðại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác.

“Ðiều 416: Tòa Giám Mục trở nên trống hay khuyết vị vì sự mệnh một của Giám Mục giáo phận, sự từ chức đã được Ðức Thánh Cha chấp nhận, sự thuyên chuyển hoặc cách chức được thông báo cho Giám Mục.

“Ðiều 419: Kể từ khi trống tòa, việc quản trị giáo phận, cho tới khi đặt được Giám Quản giáo phận, được chuyển sang Giám Mục Phụ Tá; nếu có nhiều Giám Mục Phụ Tá thì vị nào cao niên hơn cả xét theo thứ tự được tiến cử; nhưng nếu không có Giám Mục Phụ Tá, thì việc quản trị giáo phận chuyển sang Hội Ðồng Tư Vấn, trừ khi Tòa Thánh dự liệu thể khác. […]

“Ðiều 421 §1. Trong vòng tám ngày kể từ khi nhận được tin trống tòa; Hội Ðồng Tư Vấn phải bầu một Giám Quản giáo phận, tức là người tạm thời quản trị giáo phận, đừng kể quy định của điều 502 §3.

“§2. Nếu vì bất cứ lý do nào Giám Quản giáo phận chưa được bầu cử hợp lệ trong vòng thời gian đã ấn định, thì sự chỉ định Giám Quản sẽ chuyển sang Tổng Giám Mục; nếu chính tòa Tổng Giám Mục bị khuyết vị, hay tòa Tổng Giám Mục bị trống cùng một lúc với một tòa thuộc hạt, thì việc chỉ định Giám Quản thuộc quyền Giám Mục thuộc hạt cao niên nhất xét theo sự tiến cử.

“Ðiều 422: Giám Mục Phụ Tá, và nếu không có Giám Mục Phụ Tá thì Hội Ðồng Tư Vấn, phải lo thông báo cho Tòa Thánh sớm hết sức biết tin Giám Mục đã từ trần; và ai đã được bầu làm Giám Quản giáo phận cũng phải thông tri sớm hết sức cho Tòa Thánh biết việc mình đã được bầu.

“Ðiều 423 §1. Chỉ được chỉ định một Giám Quản giáo phận mà thôi; mọi thói quen trái ngược đều phải bị bài bác; nếu không, thì sự bầu cử sẽ vô hiệu. […]

“Ðiều 425 §1. Ðể có thể được chỉ định hữu hiệu vào chức vụ Giám Quản giáo phận, cần phải là tư tế nào đã đủ ba mươi lăm tuổi, và chưa bao giờ được bầu, được bổ nhiệm hoặc được đề cử cho chính tòa bị trống ấy.

“§2. Tư Tế được chọn làm Giám Quản giáo phận phải là người trổi vượt về đạo lý và khôn ngoan.

“§3. Nếu mọi điều kiện ấn định trong §1 không được tôn trọng thì Tổng Giám Mục, hoặc nếu chính tòa Tổng Giám Mục khuyết vị thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả xét theo ngày tiến cử, sau khi đã kiểm chứng sự việc, sẽ chỉ định Giám Quản cho lần đó. Những hành vi thực hiện do người được bầu lên trái ngược với quy định ở §1trên đây, đều vô hiệu do chính luật.

“Ðiều 426: Trong thời gian trống tòa, trước khi Giám Quản giáo phận được chỉ định, người nào quản trị giáo phận thì có quyền hành mà luật dành cho Tổng Ðại Diện.

“Ðiều 427 §1. Giám Quản giáo phận có mọi nghĩa vụ và quyền hành như Giám Mục giáo phận, ngoại trừ những gì xét theo bản tính sự việc hoặc chính luật pháp đã loại trừ.

“§2. Giám Quản giáo phận được hưởng quyền hành do việc đã ưng thuận sự bầu cử và không cần sự phê chuan của ai khác, nhưng phải giữ bổn phận nói ở điều 833, số 4.

“Ðiều 428 §1. Trong khi trống tòa, thì không được đổi mới gì cả.

“§2. Cấm những ai đảm nhiệm việc quản trị tạm thời giáo phận không được làm bất cứ việc gì có thể gây tổn thiệt cho giáo phận hoặc cho các quyền lợi của Giám Mục; đặc biệt cấm các vị đó và bất cứ ai khác nữa không được đích thân hay nhờ người khác lấy ra, tiêu hủy, sửa chữa bất cứ các tài liệu nào của phủ giáo phận.

“Ðiều 429: Giám Quản giáo phận có nghĩa vụ cư trú trong giáo phận và phải dâng thánh lễ cầu cho dân, chiếu theo luật điều 388” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh.)

Mặc dù bạn đọc này không nêu rõ vấn đề, tôi nghĩ rằng, do tình trạng trống tòa đã kéo dài hơn hai năm, chúng ta có thể đoán rằng linh mục mà bạn này gọi là thành viên cao cấp của Hội Đồng Tư Vấn, trong thực tế, là vị Giám quản của giáo phận, và do đó ngài có hầu hết các quyền bính của Giám mục, ngoại trừ trong một số vấn đề đặc biệt - thí dụ, các vấn đề đòi hỏi phải có đặc tính giám mục, như việc ban bí tích truyền chức thánh. Ngoài ra còn có một số hành vi pháp lý khác mà ngài không bao giờ thực hiện, và làm các hành vi khác chỉ với sự đồng ý của Hội Đồng Tư Vấn, và làm các hành vi khác ấy chỉ sau khi một năm trống tòa.

Sách Nghi thức của Giám mục, số 867, nói như sau về sự cung hiến nhà thờ:

“Bởi vì Giám mục đã được giao phó sự chăm sóc Giáo hội địa phương, nên ngài có trách nhiệm cung hiến lên Chúa các nhà thờ mới được xây dựng trong giáo phận của mình. Nếu ngài không thể chủ sự nghi thức, ngài nên giao chức năng này cho một Giám mục khác, đặc biệt là Giám mục phó hay Giám Mục Phụ Tá, là các vị giúp ngài chăm sóc mục vụ cộng đoàn, mà nhà thờ mới được xây dựng cho, hoặc, trong hoàn cảnh đặc biệt, ngài giao việc cung hiến cho một linh mục, mà ngài trao cho ủy nhiệm đặc biệt.”

Trong ánh sáng các điều trên đây, và đặc biệt nhận thấy thời gian trống tòa đã hơn hai năm, và không rõ khi nào tình hình hiện tại sẽ thay đổi, vị Giám quản giáo phận sẽ có thẩm quyền và quyền tài phán để cử hành nghi thức cung hiến một nhà thờ mới.

Khi cử hành nghi thức, ngài có thể bỏ qua các yếu tố nghi thức, vốn gắn liền với chức Giám mục, như sử dụng mũ Giám mục và gậy Giám mục. Trong việc này, vị Giám quản giáo phận là khác với các linh mục khác, những người tương đương về luật với các Giám mục một cách ổn định, chẳng hạn một vị Viện phụ tòng thổ hay vị Phủ Doãn Tông Tòa. Các vị này thường được cấp quyền sử dụng một số phù hiệu giám mục, trong việc thực hiện chức năng của họ.

Tuy nhiên, ngoài các yếu tố bên ngoài này, việc cung hiến nhà thờ sẽ là hoàn toàn hợp lệ, và không cần nghi thức bổ sung nào được yêu cầu sau khi một Giám mục mới sẽ đến giáo phận.

Sau khi tôi trả lời ngày 16-7-2019 cho câu hỏi về liệu ai mang Sách Tin Mừng khi rước vào nhà thờ, một độc giả từ Wagga Wagga, Australia, đã hỏi: “Liệu là đúng chăng để nói rằng khi Hội Thánh, trong các sách phụng vụ của mình, nói đến “một thầy đọc sách” (lector) mang Sách Tin mừng, Hội Thánh đề cập cụ thể đến một người chính thức được thiết định trong thừa tàc ấy, chứ không đơn giản là một "người đọc sách” (reader)? Trong trường hợp đó, dường như chỉ có một phó tế hoặc một thầy đọc sách đã được trao tác vụ mới mang Sách Tin Mừng trong đoàn rước đầu lễ. Hơn nữa, trong trường hợp không có phó tế hoặc thầy đọc sách, liệu linh mục có thể mang Sách Tin Mừng không?”

Mặc dù Sách Lễ cho rằng lý tưởng là sự hiện diện của các thừa tác viên được trao tác vụ, tôi không nghĩ rằng các quy chế là quá hạn chế, đến mức loại trừ rằng một người đọc được ủy quyền có thể thực hiện chức năng này. Theo Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

“101. Nếu không có thầy đọc sách, các giáo dân khác có thể được cử để đọc các bài Thánh Kinh. Họ phải có khả năng để chu toàn nhiệm vụ này và được chuẩn bị cẩn thận, để tín hữu khi nghe đọc sách thánh thì trong lòng nhận được tác động êm dịu và sống động của Thánh Kinh.”

Và Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma mô tả nghi thức đầu lễ như sau:

“120. Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây:

“a. Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương;

“b. Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ;

“c. Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác;

“d. Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài Ðọc, nâng cao lên một chút;

“e. Vị chủ tế.

“Nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Trong ánh sáng của điều trên, nếu người làm luật muốn giới hạn việc mang Sách Tin Mừng cho các thầy đọc sách đã có tác vụ, thì họ đã phải nói rõ ràng điều này trong luật phụng vụ rồi. Tuy nhiên, nếu các thầy đọc sách có mặt tại đó, rõ ràng họ sẽ được ưu tiên thực hiện chức năng này.

Mặc dù sẽ có một số trường hợp hơi bất thường, mà trong đó không có phó tế hoặc người đọc sách nào, hoặc người đọc, vì lý do nào đó, không thể tham gia vào cuộc rước, một linh mục có thể mang Sách Tin Mừng. Thông thường việc sử dụng Sách Tin Mừng là vào Chúa Nhật và ngày lễ trọng, mà trong đó hầu như khi nào cũng có một người đọc sách.

Tuy nhiên, nếu không có cuộc rước đầu Thánh lễ, Sách Lễ cũng đưa ra khả năng đặt Sách Tin Mừng lên bàn thờ, trước khi Thánh lễ bắt đầu. (Zenit.org 30-7-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/dedication-rites-for-a-church/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thì Thầm
Lê Trị
21:33 30/07/2019
THÌ THẦM
Ảnh của Lê Trị

Bên nhau thủ thỉ thầm thì
Nhẹ như gió thoảng tình mình dịu êm
(bt)