Ngày 30-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tìm Kiếm Kho Tàng – Viên Ngọc: Nước Trời
Lm. Vinh Sơn
07:55 30/07/2017
Chúa Nhật XVII Thường Niên A

I V 3, 5-12; Rm 8, 28-30; Mt 13, 44-52

Hằng năm cứ vào ngày 31 tháng 7 Giáo Hội mừng kính Thánh Ignatiô Loyola, Linh mục. Ignatiô sinh tại Lôyôla miền Cantabria nước Tây Ban Nha trong một gia đình giầu sang, phú quí và đầy thế giá vào năm 1493. Lớn lên như mọi chàng trai trong nước Tây Ban Nha lúc đó mang ý chí anh hùng, Ignatiô đã nhập ngũ và bị thương khi quân đội Tây Ban Nha giao tranh với quân đội Pháp ở Pampelune Năm 1523. Thời gian nằm bệnh viện dưỡng bệnh lâu dài tiếp theo sau đó, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh đã thúc giục Ngài:” Hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu”, Ngài tự hỏi - Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phanxicô và Dominico đã làm chăng?
Ơn trên thúc đẩy, Ignatiô bắt đầu khám phá ra mầu nhiệm nước trời trong ơn gọi của mình, Ngài đã bỏ thanh kiếm quí tộc của mình ở bàn thờ Đức trinh nữ Maria tại Mont-Serrat. Thánh nhân sống một đời sống họa lại tình yêu của Chúa Giêsu, Ngài đã sống khó nghèo như một người ăn mày, Ngài đã viết nhiều sách rất có giá trị về mặt đạo đức và thiêng liêng. Cùng với các cộng sự viên Ngài sáng lập Dòng Chúa Giêsu tức là Dòng tên châm ngôn của dòng là:"Tất cả cho vinh danh Chúa hơn".
Ignatiô thường cầu nguyện, "Xin ban cho con tình yêu và ơn thánh Chúa, thế là con giầu rồi, con không xin gì nữa".
Thánh Ignatiô gợi cho chúng ta hình ảnh Người làm vườn tìm thấy kho tàng trong Tin Mừng : muốn sở hữu thửa ruộng mà anh khám phá có kho báu trong đó. Anh vui mừng làm tất cả kể cả bán những gì anh có, để mua cho bằng được thửa ruộng hay như người thương gia làm tất cả để có được viên ngọc quý.
Chàng trai Ignatiô trước đây giàu sang quý tộc, danh giá, của cải và quý giá đã từng gắn bó với anh, nhưng một khi khám phá ra được kho tàng nước trời, tất cả phù hoa chẳng đáng giá gì nếu so với kho báu : mầu nhiệm nước Trời. Vì thế, như người Thương Gia chọn lựa và biết thẩm định giá trị của viên ngọc, anh mạnh dạn bán tất cả để có được kho báu nước Trời, hy sinh tất cả những gì mình có, anh lãi được cả nước Trời.
Thật thế kho báu - viên ngọc mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn người làm vườn tìm thấy kho báu, và người thương gia tìm mua viên ngọc, đó là hình ảnh ẩn dụ của Nước Trời. Tiền tài, danh vọng và tất cả mọi sự ở thế gian này cộng lại cũng không thể so sánh với Nước Trời. Ai muốn chiếm hữu hay muốn vào phải có lòng ước ao, dứt khoát đánh đổi tất cả như Dụ ngôn nhấn mạnh về nhân vật thương gia “ông bán tất cả những gì mình có” (Mt 13, 44.46). Điểm nhắm trung tâm của các dụ ngôn chính là Nước Trời; Nước Trời cao trọng hơn bất cứ tài sản nào
Nước Trời là một điều thiện hảo được đặt vừa tầm tay mọi người và tất cả được mời gọi bước vào, nhưng không phải tất cả đều “tìm thấy” Nước Trời, vì không phải mọi người đều khao khát đi tìm kiếm. Thật thế tìm kiếm với sự khao khát là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời (x. Mt 10,39; 12,29; 17,14; 18,13).
Con người sống trên trần thế luôn khát vọng trong toàn mỹ, tuyệt đối, hạnh phúc đó là sự khát vọng tự nhiên. Nhưng con người đã không thể thỏa mãn được các khát vọng đó. Con người mong bình an nhưng vẫn còn đó lo sợ. Con người mong luôn khoẻ mạnh vui tươi nhưng lại có thể bị đau bệnh bất cứ lúc nào. Thành công nhiều nhưng thất bại cũng không thiếu. Nước Trời sẽ làm cho con người vượt lên trên những khắc khoải lo âu đó, Tin Mừng đã dùng hình ảnh: “Ngài đi khắp các nơi… loan báo Tin Mừng về Nước Trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4, 23), hình ảnh chữa lành của lời rao giảng Nước Trời nói lên mọi nỗi khắc khoải lo âu bệnh tật của con người được Tình yêu Thiên Chúa chữa lành, đó là sự hoàn thiện của Nước Trời.
Cho nên cuộc đời người kitô hữu là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và nước Ngài không ngừng ), đó là kho tàng vô tận, được bình an và sự nghỉ ngơi đích thực như thánh Augustinô : "linh hồn con mãi khắc khoải, băn khoăn, cho đến khi nghỉ an trong Chúa" Chính Thiên Chúa sẽ thỏa mãn mọi khao khát của kiếp người; sẽ đem lại một niềm vui dạt dào cho những ai hết lòng tìm kiếm Người
Trong thực tế ngày hôm nay, dù tuyên xưng vào Chúa và mang niềm tin tìm kiếm Nước Trời, người kitô hữu vẫn mê mải tìm kiếm vật chất mà quên đi những giá trị của Nước Trời, anh em tín hữu vẫn còn nhiều lo lắng mọi sự thế gian: làm tất cả để giàu, để đẹp, chính vì mải mê đó mà quên đi những thực tại quê trời tìm kiếm. Người tín hữu hôm nay vẫn còn đặt tất cả mọi lo toan, lo lắng, quên Đức Kitô và nước ngài như thánh Augustino đã nhìn thấy trong cách sống con người: “Chúa Giêsu không đáng giá chút nào, nếu Ngài không được coi trọng hơn tất cả” . Phải chăng Chúa Giêsu không phải kho tàng, Nước Trời mà Ngài rao giảng không có giá trị gì với chúng ta chăng ?
Chúa Giêsu đã hứa với những ai dành trọn tâm cho việc tìm kiếm nước Chúa: “Trên hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Vâng, bạn để tâm hồn mình định hướng tìm kiếm nước Thiên Chúa, mình sẽ có được tất cả, vì nước Thiên Chúa mà bạn tìm được sẽ chiếm hữu bạn. Chính lúc đó, bạn sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc có Nước Trời, Nước Trời bắt đầu ở trong tâm hồn của bạn như lời nguyện Giáo Hội xác định : "Và cho chúng con được nếm trước những ân huệ Cha sẽ ban cho chúng con ở đời sau" (Lời tiền tụng các thánh Trinh Nữ và các thánh Tu Sĩ) và nhu thánh Phaolô xác tín : "bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt"(Pl 3,12)
Xin cho con xác định được đời mình luôn nỗ lực đi tìm kiếm Nước Trời: Ðánh đổi tất cả để chiếm lấy như hình ảnh :
Viên ngọc quí nằm dưới lòng đất sâu
Hãy tìm kiếm hãy đào bới !
Có thể anh không tìm thấy gì
Trong lần đầu tiên,
Có thể những người không biết gì về bí mật
sẽ cười nhạo anh làm anh buồn phiền.
Hãy cố gắng và kiên nhẫn,
Chính niềm tin sẽ trợ giúp anh.
Cứ tìm, cứ tìm mãi
Dưới bề sâu trong lòng đất.
(Theo Swâmi Paramanandan)
Đó là sự lao xao cần có và cần tìm đến, không biết có phải sự lao xao bằng hình ảnh mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nói tới:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người tìm chốn lao xao…

Lao xao trong tâm với ước mong luôn tìm kiếm kho tàng, ngọc quý - nước Trời….

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn


 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Tạ Ơn và Lập Lại lời Tuyên Khấn Tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland, Oregon Hoa Kỳ
Lê Quang Uyên
08:07 30/07/2017
Hằng năm vào trung tuần tháng 7 Hội Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt Miền Portland, Oregon USA đều long trọng tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn và Lập lại Lời Tuyên Khấn cho các chị em Nữ Tu của Hội Dòng. Năm nay được tổ chức tại Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, OR cho 6 chị em, sau một tuần lễ tất cả các chị em của Hội Dòng đang phục vụ ở các nơi như: Portland, Virginia, Sacramento CA đều quy tụ về để Tĩnh Tâm từ ngày 6 đến 13 tháng 7 năm 2017 tại Nhà Dòng ở 7408 SE Alder St Portland, OR.

Xem Hình

Thánh Lễ được Đức Cha Jonh G. Vlazny Cựu Tổng Giám Mục Giáo Phận Portland, Oregon Chủ Tế, cùng Đồng Tế có Đức Ông Giacôbê Phạm Văn Ninh cựu Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, quý Cha Phó Xứ và quý Cha khách, Thầy Sáu Paul Phạm cùng tất cả chị em Hội Dòng, quý Tu Sĩ Nam Nữ, đông đảo quý hội viên Hội Bảo Trợ Nhà Dòng và cộng đoàn giáo dân của giáo xứ tham dự.

Sau bài chia sẻ Lời Chúa của Đức Cha, tiến lên quỳ trước Cung Thánh để cử hành nghi thức Tuyên Khấn của 6 chị em trước sự chứng kiến của Đức Cha và Sơ Phụ Trách Hội Dòng Maria Bùi Thị Kim Chi gồm:

Nữ Tu Anna Nguyễn Linh Tuyền
Nữ Tu Maria Đặng Quỳnh Như
Nữ Tu Brigitta Vũ Nhật Minh Trâm
Nữ Tu Elizabeth Trần Thanh Lý
Nữ Tu Mary Trần Thu Huyền Wendy
Nữ Tu Anna Nguyễn Trang

Thật trang nghiêm và thánh thiện sau khi chấm dứt nghi thức Tuyên Khấn, tất cả các Sơ của Hội Dòng cùng cất cao giọng hát bài Lời Nguyện Của Người Mến Thánh Gía. Với những lời tâm tình hiến dâng cuộc đời bước theo Chúa, quyết chí sống theo Linh Đạo của Hội Dòng để dấn thân phục vụ tha nhân…
“Con xin được trung thành lời hiến thánh của đời con.
Là tình yêu thánh gía trong lòng cuộc sống mong manh.
Con xin được theo Ngài bằng vác thánh giá trên vai.
Giơ tay nhận ơn trời đổ vào thế giới hôm nay……”.

Trước khi Đức Cha Chủ Tế ban phép lành Kết Lễ là lời cám ơn và tri ân của Sơ Phụ Trách Hội Dòng Maria Bùi Thị Kim Chi đến Đức Cựu Tổng Giám Mục Giáo Phận, Đức Ông, Cha Chánh Xứ, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, Hội Đồng Giáo Xứ, quý hội viên Hội Bảo Trợ và cộng đoàn dân Chúa của giáo xứ đã đến Dâng Lễ Tạ Ơn và hiệp ý cầu nguyện cho các chị em Hội Dòng.

Kết Thúc Thánh Lễ là tiệc mừng tại Hội Trường giáo xứ do Hội Bảo Trợ phụ trách, quý Cha và cộng đoàn cùng ở lại chung vui với Hội Dòng và cùng nhau thưởng thức những tiết mục văn nghệ do quý Sơ và quý em tập sinh trình diễn.

Lê Quang Uyên
 
Văn Hóa
Em có nghe tiếng thì thầm của Mẹ ?
Sơn Ca Linh
21:51 30/07/2017
Em có nghe tiếng thì thầm của mẹ,
Vang đâu đó từ những cội sao già ?
Từ những con đường khuất nẻo quê xa,
Ruộng đã lên xanh hay đồng trơ cuống rạ…

Đã mấy trăm năm mẹ chúng mình vất vả,
Lại mang trên mình trăm vạn vết thương đau !
Bao đứa con yêu mẹ cắt rốn chôn nhau,
Rồi chứng kiến cảnh cảnh đầu rơi máu chảy !

Mẹ chăm chút từng đứa con hết thảy,
Dẫu non ngàn hay ốc đảo xa xăm.
Canh giấc cho con giữa rừng thẳm La Vang,
Bảo vệ an toàn giữa súng gươm Trà Kiệu !

Ơn thánh cho con mẹ không bao giờ thiếu,
Dẫu trèo non lặn suối, lẫn trốn, bôn ba…
Mẹ đi tìm từng đứa con lạc lối đi xa,
Đem về mái ấm của tình Cha muôn thuở !

Bốn trăm năm mẹ vẫn còn nặng nợ,
Dẫu có “ra riêng” nhưng con vẫn mãi là con !
Tình mẹ đong đầy và mãi mãi sắt son,
Cho dẫu biết bây giờ con đã lớn !

Mừng sinh nhật mẹ bốn trăm năm bừng sáng,
Chúng con về từ khắp nẻo muôn phương.
Nhìn mặt anh em trong bếp ấm từ đường,
Lặng khói hương và nghe tiếng thì thầm của mẹ !

Sơn Ca Linh
(Chút cảm nhận về cuộc hành hương ngày 26/7/2017, ngày khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm Loan Báo Tin Mừng của giáo phận Qui Nhơn)

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đồng Hoa Hướng Dương
Mỹ Lê
20:47 30/07/2017
ĐỒNG HOA HƯỚNG DƯƠNG
Ảnh của Mỹ Lê
Bình minh đến...nắng vàng trải nhẹ
Gió dịu dàng khe khẽ vờn hoa
Đắm say sắc thắm mượt mà
Cho hồn ngây ngất...y là cảnh tiên

Hoa trãi lối...khắp miền rộng lớn
Khi gió lùa sẽ gợn sóng hoa
Một vùng trời đất bao la
Vàng tươi ánh mắt...sóng hoa tuyệt vời
(Trích thơ của Hồng Cẩm)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 31/07/2017: Cháu bé Charlie Gard đã qua đời - Tuyên bố của Tòa Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:32 30/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Biến cố đau buồn: 160,000 người Đức bỏ đạo Công Giáo trong năm 2016

Gần một phần ba dân số Đức, tức là khoảng 23 triệu, người Đức là các tín hữu Công Giáo. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần. Những số liệu thống kê vừa được Hội Đồng Giám Mục Đức công bố cho thấy có khoảng 160,000 người Công Giáo đã bỏ đạo chỉ riêng trong năm ngoái, 2016.

Đức Hồng Y Gerhard Müller, người vừa bị bãi nhiệm khỏi chức vụ Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin nhận xét rằng biến cố này thật là “bi thảm”. Là một người Đức, Đức Hồng Y Müller, bày tỏ âu lo của ngài về tình trạng Giáo Hội tại quê hương mình, và toàn bộ châu Âu.

“Sự tham gia tích cực vào các hoạt động của Giáo Hội bị giảm sút rất nhiều, việc truyền lại đức tin cho con cái không phải như là một lý thuyết nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô đã phai nhạt. Ơn gọi tu sĩ cũng xuống dốc.”

Bên cạnh sự bành trướng không kềm lại được của chủ nghĩa thế tục, Đức Hồng Y nhận định rằng có một xu hướng thậm chí còn nguy hiểm hơn. Châu Âu, đã và đang trải qua một tiến trình “de-Christianisation”, trong đó người ta cố gắng loại bỏ Kitô Giáo.

“Đây là việc loại bỏ Kitô Giáo trên toàn bộ nhân học, trong đó con người được định nghĩa như một hữu thể không cần Thiên Chúa và hoàn toàn không có tính siêu việt. Tôn giáo được người ta cảm nghiệm như một thứ tình cảm, chứ không phải là việc tôn thờ Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Il Foglio Đức Hồng Y Gerhard Müller cũng lên tiếng kêu gọi một cuộc thảo luận “thanh thản” về 5 điểm hồ nghi liên quan đến Tông Huấn Amoris Laetitia do bốn vị Hồng Y đưa ra. Ngài than thở rằng đã phải nghe quá nhiều những lời lăng mạ đối với bốn vị Hồng Y đưa ra 5 điểm hồ nghi.

Đức Hồng Y nói:

“Tôi không hiểu tại sao một cuộc thảo luận bình tĩnh và thanh thản không được bắt đầu. Tôi không hiểu đâu là những trở ngại. Tại sao không thể tổ chức một cuộc họp để nói chuyện cởi mở về những chủ đề rất căn bản này?”

“Cho đến nay tôi chỉ nghe thấy những vu khống và lăng mạ chống lại các vị Hồng Y. Nhưng đây không phải là cách để chúng ta tiến về phía trước”.

Chúng ta có khả năng đối thoại với các tôn giáo khác, kể cả Hồi Giáo, nhưng không thể đối thoại trong nội bộ với nhau thì thật là một điều chua chát.

2. Cha mẹ của bé Charlie Gard quyết định chấm dứt cuộc chiến pháp lý để cứu mạng con mình.

Cuộc chiến nhằm cứu mạng cháu bé Charlie Gard đã kết thúc một cách bi thảm. Những giằng co pháp lý dai dẳng tại tòa án đã khiến cho cơ hội cứu mạng cháu bé trôi qua. Tiến sĩ Michio Hirano, một nhà thần kinh học của Mỹ, cho biết đã quá muộn để có thể điều trị cho em bé.

Luật sư Grant Armstrong, đại diện của cha mẹ cháu bé là hai anh chị Chris Gard và Connie Yates nói với quan tòa Francis rằng “thời gian đã hết” sau các báo cáo y tế mới nhất. Ông Armstrong nói rằng “cơn ác mộng của cha mẹ cháu bé đã được xác nhận” vì thế họ chấm dứt các tranh cãi pháp lý để cứu mạng con mình.

Chris Gard và Connie Yates ràn rụa nước mắt nói với các ủng hộ viên của họ là nếu ngay từ đầu con họ được đưa sang Mỹ điều trị cháu bé đã được cứu.

Tại Vatican, trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 25 tháng 7, Giám đốc bệnh viện Bambino Gesu là Mariella Enoc cũng chia sẻ quan điểm này. Bà nói:

“Tôi không chắc Charlie có thể được cứu hay không, nhưng chắc chắn rằng rất nhiều thời gian đã bị mất trong những cuộc tranh luận pháp lý vô bổ.”

Trong khi đó, tại London, Giám đốc bệnh viện Great Ormond Street là bà Mary MacLeod cũng tổ chức một cuộc họp báo than phiền rằng dân chúng tụ tập trước cửa bệnh viện la hét chửi bới, các bác sĩ và y tá của bệnh viện bị sỉ nhục trên đường phố và bệnh viện của bà nhận được hàng ngàn những tin nhắn đe dọa.

3. Tuyên bố của Tòa Thánh về trường hợp cháu bé Charlie Gard

Ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra một tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng “đang cầu nguyện cho bé Charlie Gard và cha mẹ của em và cảm thấy đặc biệt gần gũi với họ vào thời điểm đau khổ bất tận này.”

Ông Greg Burke nói thêm:

“Đức Thánh Cha cũng xin chúng ta tham gia trong lời cầu nguyện để họ có thể tìm thấy ơn an ủi và tình yêu của Thiên Chúa”.

Charlie Gard đã là trung tâm của một cuộc tranh cãi trên thế giới với một bên là cha mẹ của cháu bé, và những người ủng hộ họ trong đó có Đức Giáo Hoàng, tổng thống Donald Trump, nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác và nhiều người khác nữa; và bên kia là các bác sĩ ở bệnh viện Great Ormond Street và các quan toà ở London. Những điểm chính trong cuộc tranh cãi này là đạo đức y khoa, lời thề Hippocrates của các lương y, ai là người có quyền quyết định sự sống chết của một người khác, và xa hơn thế nào là ‘đáng sống’, thế nào là ‘gánh nặng của xã hội’.

Charlie Gard sinh ngày 04 tháng 8 năm 2016. Em chào đời “hoàn toàn khỏe mạnh”, đủ tháng với một “trọng lượng khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, từ tháng Chín, cha mẹ em nhận thấy em khó ngẩng đầu lên như các em khác. Em được chuyển vào bệnh viện Great Ormond Street cho trẻ em tại London vào ngày 11 Tháng Mười. Các bác sĩ nói bé Charlie bị một dạng bệnh Mitochondrial rất hiếm dẫn đến sự suy giảm cơ bắp và tổn thương não.

Một số trường hợp tương tự đã được chữa khỏi tại Hoa Kỳ. Vì thế, cha mẹ em muốn đưa em sang Mỹ điều trị thử nghiệm. Tuy nhiên, các bác sĩ tại bệnh viện Great Ormond Street quyết liệt cho rằng bệnh tình của em là vô phương cứu chữa và đòi rút các dây truyền sinh để em được “chết êm dịu”. Cha mẹ em xin được đưa con sang Mỹ điều trị nhưng các bác sĩ nói họ không có quyền “kéo dài sự đau đớn của con họ”.

Vì cha mẹ em cương quyết không chịu nên ngày 24 tháng 2 các bác sĩ kiện họ ra tòa nhằm xin án lệnh của tòa án chấm dứt các điều trị hỗ trợ sự sống.

Ngày 11 tháng 4, tòa án đồng ý cho các bác sĩ rút các dây truyền sinh. Cha mẹ cậu bé kiện tiếp lên tòa trên. Ngày 3 tháng 5, tòa trên lại chuẩn y phán quyết của tòa dưới. Hai anh chị hai anh chị Chris Gard và Connie Yates lại kiện lên Tòa Án Tối Cao. Ngày 08 tháng 6, Tòa án Tối cao cũng quyết liệt đòi chấm dứt các điều trị hỗ trợ sự sống cho bé Charlie.

Cha mẹ cậu bé kiện tiếp lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào ngày 20 tháng 6 nhưng cũng thất bại.

Câu chuyện đến tai các nhà lãnh đạo thế giới. Ngày 2 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp và đề nghị cấp hộ chiếu Vatican cho cháu bé được đưa sang bệnh viện Bambino Gesu của Tòa Thánh để điều trị miễn phí. Chính phủ Anh bác bỏ đề nghị này.

Ngày 3 tháng 7 tổng thống Mỹ, Donald Trump, can thiệp kêu gọi chính phủ Anh cho phép đưa Charlie sang Hoa Kỳ điều trị miễn phí; cũng thất bại. Ngày 19 tháng 7, trong một hành động vô tiền khoáng hậu, Quốc Hội Mỹ thông qua quyết định ban cấp tư cách thường trú nhân vĩnh viễn cho bé Charlie và cha mẹ cậu nhằm gạt chính phủ Anh và Tòa án Nhân Quyền Châu Âu sang một bên, và đưa họ sang Mỹ.

Trước đó, ngày 14 tháng 7, một thẩm phán Tòa án Tối cao ở Anh đã phán quyết rằng một chuyên gia người Mỹ được phép khám cho bé Charlie, và đưa ra ý kiến xem liệu đứa trẻ có nên được đưa sang Mỹ điều trị hay không.

Hôm Chúa Nhật 16 tháng 7, tiến sĩ Michio Hirano của Trung tâm Y tế Đại học Columbia, Hoa Kỳ đã bay suốt đêm sang Luân Đôn để cùng với một bác sĩ Italia do Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định kiểm tra Charlie Gard ngay tại Bệnh viện Greater Ormond Street vào sáng thứ Hai 17 tháng 7.

Tuy nhiên, đã quá trễ để cứu cháu bé.

4. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales về trường hợp của cháu bé Charlie Gard

Hôm thứ Ba 25 tháng 7, Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales đã ra một tuyên bố về trường hợp của cháu bé Charlie Gard sau khi cha mẹ của Charlie Gard quyết định chấm dứt cuộc chiến pháp lý nhằm cứu mạng con họ.

Các Giám Mục “bày tỏ sự thông cảm và lòng trắc ẩn sâu xa nhất” của các ngài đối với kết cục bi thảm này. Các ngài cho biết:

“Nhiều tuần nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo dõi với tình cảm và sự xúc động của ngài đối với trường hợp của cháu bé Charlie Gard và bày tỏ sự gần gũi của ngài với cha mẹ cháu. Ngài cầu nguyện cho họ, hy vọng rằng mong muốn của họ được tháp tùng và chăm sóc cho con mình cuối cùng không bị vùi dập”.

“Trên thực tế, chúng ta cũng cầu nguyện cho Charlie, cha mẹ và gia đình của bé, hy vọng rằng, như một gia đình, họ có thể nhận được sự ủng hộ và không gian để tìm lại sự bình an trong những ngày sắp tới. Sự chia tay của họ với cháu bé mà họ trân quý làm xúc động trái tim của tất cả những ai, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã theo dõi câu chuyện buồn và phức tạp này.”

Trường hợp của cháu bé Charlie Gard đã gây ra một làn sóng phản đối rất mạnh tại Luân Đôn. Họ tin rằng các bác sĩ tại bệnh viện Great Ormond Street vì muốn giữ thể diện nên đã quyết liệt không cho cháu bé được đưa sang Mỹ điều trị. Hàng ngày, dân chúng tụ tập tại cửa bệnh viện Great Ormond Street la ó chửi bới các bác sĩ và y tá; và email hăm dọa bệnh viện. Điều này có thể gây những ảnh hưởng bất lợi cho việc điều trị các trẻ em khác. Vì thế, các Giám Mục đã kết luận như sau:

“Chúng tôi tin rằng tất cả những ai tham gia vào các quyết định đau đớn này đã tìm cách hành động trong sự liêm chính vì lợi ích của Charlie. Tính chuyên nghiệp, tình yêu và sự chăm sóc cho trẻ em bị bệnh nặng liên tục được thể hiển ở bệnh viện Great Ormond Street trong những năm qua cũng đáng được công nhận và hoan nghênh.”

5. Bề trên các hiệp sĩ Thánh Mộ nói tình hình ở Jerusalem là “rất nguy hiểm.”

Vị đứng đầu các hiệp sĩ Thánh Mộ nói với một hãng thông tấn Ý rằng tình hình ở Jerusalem là “rất nguy hiểm.”

Bạo lực đã nổ ra sau khi Do Thái cài đặt máy dò kim loại tại đền thờ Hồi Giáo Al-Aqsa trên Núi Đền. Các máy dò kim loại đã được cài đặt theo sau một vụ nổ súng giết chết hai cảnh sát viên Israel.

Cha Francesco Patton, bề trên các hiệp sĩ Thánh Mộ, đã kêu gọi hai bên “tự chế để tránh một sự leo thang hơn nữa những căng thẳng và bạo lực; đồng thời cần đối thoại với nhau vì đó là một công cụ ngoại giao hòa bình giúp tìm ra những điểm đồng thuận và thỏa hiệp, cho phép hai bên tìm ra một giải pháp danh dự nhằm thoát khỏi những tình huống rất nguy hiểm hiện nay”

6. Tuyên bố của các Giám Mục Pháp nhân tưởng niệm một năm cha Jacques Hamel bị quân khủng bố Hồi Giáo giết chết

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã ra một tuyên bố nhân dịp tưởng niệm một năm cha Jacques Hamel bị quân khủng bố Hồi Giáo giết chết.

Hai tên khủng bố Hồi Giáo IS đã cắt cổ vị linh mục 85 tuổi vào ngày 26 Tháng Bảy 2016, trong khi ngài đang cử hành Thánh Lễ tại Saint-Etienne-du-Rouvray. Tháng Tư vừa qua, Tổng Giáo Phận Rouen đã khởi sự án phong chân phước tử đạo cho ngài sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô miễn thủ tục chờ đợi năm năm theo quy định chung.

Nhắc lại những “sự kiện không thể tưởng tượng khiến người ta không nói nên lời,” Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier, Chủ tịch hội đồng giám mục, nói rằng Cha Hamel là “một biểu tượng cho một cuộc sống chung với nhau, và sống cho nhau; một cuộc sống trung thực hàng ngày bắt nguồn từ tình yêu của Chúa Kitô.”

Đức Tổng Giám Mục cũng kêu gọi cầu nguyện cho nước Pháp vào ngày 15 tháng 8 tới đây, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, xin Chúa “nâng đỡ những ai trong đời sống bình thường của mình biết dấn thân cho người khác và với người khác.”

7. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Ấn về tình trạng bạo lực tôn giáo trong xã hội

“Bầu không khí chung trong xã hội chúng ta hiện nay là một sự sợ hãi bao trùm”. Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ đã nhận định như trên hôm thứ Hai sau một cuộc họp quy tụ 40 nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm lên án một làn sóng đánh đập những người Hồi giáo công khai trên đường phố gây ra bởi các thành phần cực đoan Ấn Giáo.

Các Giám Mục cho biết những người tham dự hội nghị đồng ý rằng “tư tưởng thù hận là một thực tế và cần phải có các hành động cụ thể và có phối hợp của chính phủ, các đảng chính trị, các nhà hoạt động xã hội dân sự, hệ thống tư pháp hình sự và các cộng đồng tôn giáo”.

Thủ tướng Narendra Modi, là một lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan, đã được bầu làm thủ tướng từ tháng 5 năm 2014 đến nay. Giáo Hội tại quốc gia này đã và đang trải qua một thời kỳ rất khó khăn dưới thời của Modi.

8. Đức Thánh Cha viết thư trả lời cho từng linh mục ở giáo phận Ahiara đã viết thư cho ngài

Sau khi yêu cầu các linh mục của giáo phận Ahiara, Nigeria, phải viết thư cho ngài bày tỏ sự tuân phục, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu viết thư cho từng linh mục đã tuân theo chỉ thị của Ngài.

Giáo phận Ahiara đã lâm vào tình trạng hỗn loạn kể từ tháng 12 năm 2012, khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Okpaleke làm Giám Mục giáo phận. Một số lớn các giáo sĩ và giáo dân đã phản đối việc bổ nhiệm này, khiến vị tân Giám Mục không thể thi hành sứ vụ của ngài. Tháng Bảy năm 2013, Đức Thánh Cha đã cử Đức Hồng Y John Onaiyekan Tổng Giám Mục của thủ đô Abuja, làm giám quản tông tòa.

Vào đầu tháng Sáu năm nay, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các linh mục Ahiara phải viết thư cho ngài, từng người một, để bày tỏ sự tuân phục quyền bính Giáo Hoàng và chấp nhận thẩm quyền Giám Mục của Đức Cha Okpaleke.

Trang web do các linh mục ủng hộ Đức Cha Okpaleke điều hành, đặt trụ sở ngay tại Ahiara, có một danh sách gồm 201 linh mục của giáo phận. Trong 201 vị này, ít nhất đã có 157 vị tuân thủ chỉ thị của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Thánh Cha cũng vừa bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Antonio Guido Filipazzi làm tân sứ thần Tòa Thánh tại Nigeria. Ngài đến thủ đô Abuja cùng với một số thư của Đức Thánh Cha viết riêng cho từng linh mục đã viết thư cho ngài.

Những vị nào bất tuân không viết thư cho Đức Thánh Cha thì nhận được một lá thư của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, có cả chữ ký của Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Lá thư cho biết họ đã bị treo chén.

Đến nay vẫn chưa có tin tức nào về phản ứng của Tòa Thánh đối với các vị viết vào một lá thư được soạn thảo sẵn theo lối “điền vào chỗ trống”. Nội dung lá thư này cũng thể hiện sự trung thành của họ đối với Đức Thánh Cha và Giáo Hội, xin lỗi vì từ chối việc bổ nhiệm giám mục, và hứa hẹn sẽ chấp nhận bất cứ ai mà Đức Giáo Hoàng quyết định là giám mục của Ahiara.

Tuy nhiên, lá thư làm sẵn này cũng gửi một lời cảnh báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô: “Với lòng hiếu thảo và với một lương tâm ngay thẳng, con phải nói trước rằng có thể con không thể làm việc tốt với ngài [tức là Đức Cha Peter Ebere Okpaleke] như giám mục giáo phận của con. Dẫu sao, trong giáo phận này an toàn cá nhân của ngài có thể bị đe dọa.”