Ngày 29-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 17 Mùa Quanh Năm 30/07/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:58 29/07/2017
Bài đọc 1: 1 V 3,5-12

Ngươi đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,

Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.

Hồi ấy, tại Ghíp-ôn, đang đêm Đức Chúa hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” Vua Sa-lô-môn thưa : “Lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con trẻ người non dạ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, đông không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, không một ai bì kịp.

Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 118,57 và 72.76-77.127-128.129-130
Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao!
Lạy Chúa, con đã nói:
phần của con là tuân giữ lời Ngài.
Con coi trọng luật Chúa truyền ban
hơn vàng muôn bạc triệu. Đ.
Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi,
theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây.
Xin chạnh lòng thương cho con được sống,
vì luật Ngài làm con vui sướng thoả thuê. Đ.
Vì thế, mệnh lệnh Ngài, con yêu quý,
quý hơn vàng, hơn cả vàng y.
Vì thế, theo mọi huấn lệnh Ngài, con thẳng bước,
lòng ghét mọi đường nẻo gian tà. Đ.
Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay,
nên hồn con tuân giữ.
Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng
cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường. Đ.

Bài đọc 2: Rm 8,28-30

Thiên Chúa đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

Đó là lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng x Mt 11,25

Allêluia. Allêluia. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Allêluia.

Tin Mừng: Mt 13,44-52

Người ấy về bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục bị giết tại Columbia “hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ”
Giuse Thẩm Nguyễn
09:12 29/07/2017
Linh mục bị giết tại Columbia “hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ”

(News.va) Tin từ Antioquia - Hội Đồng Giám Mục Colombia chia sẽ nỗi đau buồn thương tiếc Linh Mục Diomer Eliver Chavarria Perez đã bị ám sát vào chiều tối ngày 27 tháng Bẩy, đúng ngày sinh nhật thứ 31 của ngài tại giáo xứ Raudal. Thuộc làng Puerto Valdivia, thành phố Antioquia.

Đức Giám Mục giám quản của cha Chavarria Perez là Giám Mục Jorge Alberto Ossa Soto, thuộc giáo phận Santa Rosa de Osos đã ra thông báo kêu gọi sự hối cải của những kẻ sát nhân và tái khẳng định cương quyết chống lại mọi hình thức bạo động làm phương hại đến tính mạng và nhân phẩm con người.

Đức Giám Mục cũng cầu nguyện, xin Chúa an ủi gia đình cha và đồng thời cám ơn Chúa vì món quà đời sống linh mục “của người con và người anh em này trong việc truyền bá phúc âm, đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ”

Cha Diomer sinh năm 1986 tại Gomez Plata thuộc thành phố Antioquia. Cha được thụ phong linh mục vào ngày 19 tháng Ba năm 2012 và đang phục vụ tại giáo xứ San Pedro de los Milagros và Ruadal ở Puerto Valdivia.

Nguyên nhân cái chết của ngài hiện đang được khám nghiệm bởi các nhà chuyên môn.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp 3 Tại Xứ Hạnh Thông Tây Sàigòn
Người Giồng Trôm
09:19 29/07/2017
Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp 3 – Dấn Thân 13

Sáng ngày 29/7/2017 lúc 5g45’, các sa mạc sinh (SMS) đã có mặt tại Giáo xứ Hạnh Thông Tây để bắt đầu hành trình theo Anh Cả Giêsu của Sa mạc huấn luyện Huynh Trưởng Cấp III “Dấn Thân 13” do Liên Đoàn Anrê Phú Yên, TNTT Giáo Phận Sài Gòn tổ chức hàng năm.

Xem Hình

Mặc dù phải tập trung sớm nhưng khi có hiệu lệnh các bạn vẫn nhanh nhẹn tập trung vào hàng. Sau đó, năm đội bắt đầu dựng lều và trang trí bảng tên đội.

Đã trải qua các kì sa mạc huấn luyện cấp 1 và cấp 2, các SMS đã quen với các công việc trong sa mạc và tự giác nhận việc của mình nên nên lều các đội được dựng lên nhanh chóng cùng các bảng tên thể hiện khẩu hiệu tinh thần đội.

Trong nghi thức chào cờ, các SMS hân hoan chào đón sự hiện diện của Cha Tổng Tuyên úy TNTTVN Giuse Phạm Đức Tuấn, Cha Sa mạc trưởng Gioan Vianney Chu Minh Tân, Sa mạc phó trưởng Gioan Baotixita Trần Huyên, cùng các trưởng HLV trong Ban Điều Hành của sa mạc. Đồng hành còn có Trưởng Micae Ninh Đức Thành chủ tịch Liên Đoàn, trưởng Đôminicô Trần Quang Thuận phó chủ tịch Liên Đoàn, đặc biệt là sự có mặt của 55 SMS, trong đó có 2 SMS đến từ giáo phận Thái Bình cùng 11 SMS đến từ giáo phận Đà Lạt.

Với ý lực sống “cầu nguyện”, SMS đã thể hiện rõ tinh thần hồ hởi của mình qua các cử điệu của bài hát “Dấn thân ca”. Tinh thần huynh trưởng ấy vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng trong Thánh lễ, nhằm nhắc nhở mỗi huynh trưởng phải như Thánh Matta luôn biết lắng nghe lời Chúa để biết ý Ngài và cũng như Thánh Matta trong tinh thần phục vụ Chúa mà tận tình với công việc của một huynh trưởng – nhà giáo dục thiếu nhi.

Nhằm củng cố kiến thức về phong trào, các bạn SMS đã bước vào bài khóa “Ôn các nghi thức tại Đoàn” của Trưởng Đominico Trần Quang Thuận. Nối tiếp không khí học tập vui tươi, các SMS được rèn luyện thêm 1 kĩ năng qua bài khóa “Đọc sách, lực chọn nghiên cứu tài liệu” của Cha Sa mạc trưởng.

Kết thúc buổi huấn luyện sáng nay là giờ lãnh nhận Lời Chúa đã đánh động giữa các HLV và các bạn SMS trong việc lãnh nhận Lời Chúa, chính là nền tảng của phong trào TNTT. Chắc chắn tinh thần nhiệt thành và ngọn lửa yêu mến TNTT nơi mỗi SMS sẽ còn tiếp diễn và hun nóng trong suốt sa mạc “Dấn thân 13” đợt 1.
 
Tìm lại dấu chân xưa
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:10 29/07/2017
TÌM LẠI DẤU CHÂN XƯA

(Chút cảm nhận về cuộc viếng thăm Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương của Đức Tồng Giám Mục Leopoldo Girelii ngày 25.7.2017)

          Lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt, công cuộc truyền giáo đầu tiên nơi vùng đất mang tên Đàng Trong, nhất thiết gắn liền với những vị thừa sai Dòng Tên như Francesco Buzomi, Christoforo Borri (người Ý), Diogo Carvalho, Antonio Dias, Francisco De Pina (Người Bồ Đào Nha)…[1]

Xem Hình

          Chính vì thế, trong chương trình mục vụ Năm Thánh giáo phận Qui Nhơn mừng kỷ niệm 400 năm Loan Báo Tin Mừng, không thể không nhắc đến công ơn to lớn của những vị “tiền nhân đức tin” dày công đức đậm tài năng nầy, mà Lời Kinh Năm Thánh đã như một diễn tả chân tình :

“Suốt 400 năm qua, trên cuộc lữ hành đức tin đầy chông gai và thử thách, nhờ có Chúa luôn đồng hành hướng dẫn, nâng đỡ, trợ giúp, với lòng nhiệt thành của các vị thừa sai,/ bao hy sinh của các chứng nhân anh dũng, và công khó của các thế hệ cha ông, Lời Chúa đã lan rộng khắp nơi, hình thành các giáo phận của cả miền nam đất Việt.”[2]

          Trong khi đó, về mặt mục vụ văn hóa, Ban biên soạn lịch sử giáo phận đã cố công hoàn thành cuốn GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, mà phần quan trọng nhất và cũng là cốt yếu và công phu nhất, đó chính là tìm lại cội nguồn đức tin với điễm xuất phát chính là công cuộc truyền giáo đầu tiên tại Nước Mặn ; vừa như một cuộc “ôn cố” để tri ân cảm tạ, vưa là một cuộc lên đường để “tri tân’ và hướng tới tương lai, như lời giới thiệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn ở đầu trang sách :

“Trong tinh thần "ôn cố tri tân" chúng ta lần theo dấu vết lịch sử, trước là để cảm đội ơn Chúa đã luôn phù trì che chở và ban sức mạnh cho các bậc tiền nhân chúng ta; sau là để noi gương anh dũng của cha ông trong việc kế tục sự nghiệp mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin Mừng.”[3]

          Có thể nói được, toàn bộ ý nghĩa và tâm tình “uống nước nhớ nguồn” đó, đã kết tinh lại trong nghi thức kính nhớ tiền nhân mà cộng đoàn dân Chúa giáo phận đã long trọng cử hành trong đại lễ Khai mạc Năm Thánh vào chiều ngày 26/7/2017 tại “tổ đường” Làng Sông mà âm thanh vọng tưởng của bài Văn tế vẫn còn phảng phất đâu đó dưới những tàn sao lộng gió :

Cập bến Cửa Hàn, tung cánh nhạn, gieo hạt giống Tin Mừng Cứu độ.

Xuôi về Nước Mặn, tạo Quốc ngữ, xây móng nền công cuộc tông đồ !

Đêm thức trắng với lời nguyện kinh,

Ngày nhuộm hồng qua câu thuyết giảng.

Không quản đường xa, ghé Phú Yên ra Bắc, vượt thác qua ghềnh,

Chẳng nệ sông dài, rời Thuận Hóa vô Nam, trèo non lặn suối.

Thời “Bách Hại” nghiệt ngã, máu đổ đầu rơi, quyết bền lòng đôi câu nghĩa hiếu.

Lúc “Phân Sáp” điêu linh, má hồng in vết, đành vững dạ hai chữ tín trung.

Nhờ hy sinh cao lút non sông,

Men Tin Mừng làm vang dậy bao buôn làng trường sơn khuất nẻo.

Với ân đức bao la trời biển,

Lửa Phúc Âm thắp sáng lên những xóm thôn thảo dã xa khơi.[4]

          Nhưng nào có phải “tưởng niệm suông” để rồi quá khứ vẫn thuộc về quá khứ và nằm im trong những bảo tàng, những trang sách ! Lịch sử truyền giáo của Hội Thánh Chúa Kitô luôn là một cuộc lên đường mới mẻ, tinh mơ, sống động, như bước chân nôn nả ngày nào của cô Mai Đệ Liên vào ngày thứ nhất trong tuần, hay như cuộc viếng thăm mục vụ hôm nay của hậu duệ những nhà thừa sai người Ý cách đây 400 năm, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Vị Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Vâng đó là cuộc viếng thăm chủng viện Làng Sông và Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương của Vị Mục Tử kế nhiệm Tông Đồ, con cháu của các nhà thừa sai người Ý Buzomi, Borri…

          Nếu vùng đất mà cách đây 400 năm, bước chân của các vị thừa sai Dòng Tên đã ngang dọc một thời để truyền rao Tin Mừng, thì cũng trên những con đường quê thoảng mùi hương đồng nội ấy, dưới những tàn cây xanh rợp tiếng chim ca ấy, hậu duệ của các ngài lại tiếp bước để viếng thăm những căn hộ nghèo nàn ở giáo xứ Tân Dinh hay đến chia sẻ niềm vui và hy vọng cho những những nữ tu hồn nhiên trong sáng của Hội Dòng non trẻ Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương tại đất mẹ Làng Sông !

          Quả thật, trong những dòng đầu của “trang nhật ký Năm Thánh 400 năm của giáo phận Qui Nhơn”, phải dành riêng cho sự kiện viếng thăm mục vụ của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli tại Tân Dinh – Làng Sông chiều ngày áp lễ khai mạc Năm Thánh, 25/7/2017.

          Phải chăng đó là những bước “tìm lại dấu chân xưa” của thế hệ con cháu mà Đức Girelli là một vị đại diện, một vị truyền nhân thích hợp và chính đáng nhất ! 

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

(Cảm nhận sau ngày đại lễ khai mạc Năm Thánh 29/7/2017)


[1] Ban Biên soạn Lịch sử Giáo phận, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb Antôn & Đuốc Sáng, Đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017, tr.48-55

[2] Cẩm nang Năm Thánh Giáo phận Qui Nhơn 2017-2018, tr.78

[3] Ban Biên soạn Lịch sử Giáo phận, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb Antôn & Đuốc Sáng, Đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017, tr.5

[4] Lm. Giuse Trương Đình Hiền, Văn Tế kính nhớ tiền nhân, dịp giáo phận Qui Nhơn mừng 400 năm Loan báo Tin Mừng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tinh thần trái tim tỉnh thức
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:10 29/07/2017
Tinh thần trái tim tỉnh thức

Khi lên ngôi làm Vua cai trị nước Israel, nhà Vua trẻ tuổi Salomon đã không cầu xin Thiên Chúa cho mình được giầu sang phú qúy, sống lâu trường thọ, sức mạnh uy quyền dũng mãnh làm bá chủ thống trị mọi dân nước muôn năm vĩnh cửu, mưu lược chiến thắng đè bẹp quân thù.

Không, vua trẻ tuổi Salomon đã không cầu xin như thế. Nhưng cầu xin cho được một tinh thần có trái tim tỉnh thức biết phân biệt điều phải trái, điều tốt dữ, để cai trị đất nước. ( 1 Sách Các Vua 3,9).

Lời cầu xin khác thường của vua Salomon đơn thành và chan chứa lòng khiêm nhượng đó là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống con người, dù ở thứ bậc nào trong xã hội và vào thời đại nào.

Lời cầu xin tuy đơn giản nhưng lại rất cần thiết và hữu ích cho đời sống.

Nhưng thế nào là tinh thần trái tim tỉnh thức?

1. Hình ảnh trái tim người mẹ

Trong đời sống hằng ngày người mẹ nuôi con, nhất là trong suốt thời gian những năm tháng khi con còn thơ bé, là hình ảnh nói về tinh thần trái tim tỉnh thức rõ nét cùng sống động nhất.

Từ khi người con từ cung lòng mẹ mở mắt chào đời cho tới khi em bé biết nói, tất cả mọi nhu cầu em cần cho em đều cần đến mẹ hiểu nhận ra và làm cho em.

Em chưa biết nói, nhưng những tín hiệu không lời của em được mẹ em bắt nhận cùng phân biệt ra ngay được.

Em chưa có khả năng biết nói ra điều mình muốn, nhưng nhìn gương mặt em, làn da thớ thịt em, nghe em ê a, nghe tiếng em khóc la…là mẹ em nhận ra tín hiệu con mình đói đòi ăn, hay muốn được thay tã quần áo mới, đoán con mình đau yếu thế nào, biết em khó chịu mệt nhọc muốn được đi ngủ, hay em đã thức giấc đòi mẹ, nóng hay lạnh…

Tinh thần trái tim người mẹ luôn lúc nào cũng tỉnh thức bên con mình, dù ban ngày hay ban đêm cả trong giấc ngủ. Có thế, người mẹ mới nhậy bén cảm nhận ra được nhu cầu của con mình đang cần tới.

Khả năng này không ai huấn luyện cho người mẹ. Nhưng được Đấng Tạo Hóa phú bẩm ban cho tự nhiên như thế.

Vả khả năng tinh thần trái tim tỉnh thức này nơi người mẹ, tuy có mẫu số chung, nhưng lại cá biệt nơi từng người mẹ, và từng hoàn cảnh khác nhau. Có thể nói được Đấng Tạo Hóa đã đặt sẵn khả năng tinh thần trái tim tỉnh thức nơi mỗi người mẹ một làn sóng tần số của cột thu lôi riêng biệt để bắt nhận ra tín hiệu của con mình.

2. Hình ảnh trái tim trong kinh thánh.

Khi nói hay nghĩ đến trái tim, con người chúng ta thường có ý niệm hình ảnh về trái tim là nơi chốn của tình cảm, nhất là của tình yêu. Vì thế , khi nghe vua Salomon cầu xin cho mình tinh thần trái tim tỉnh thức, ta nghĩ ngay đến sự gì thấm nhuộm tình cảm, đến trực giác. Nhưng lời cầu xin của nhà vua trẻ tuổi Salomon tập trung hướng về điều gì khác hơn.

Theo Kinh Thánh và cũng theo hình ảnh tưởng tượng của con người, trái tim ở vị trí trung tâm thâm sâu trong mỗi con người. Trái tim là nơi chốn của lý trí sự hiểu biết, của những dự tính suy nghĩ, và cũng là nơi chốn của tình cảm và lương tâm.

Một trái tim tỉnh thức là một tinh thần chú ý biết lắng nghe, để hiểu biết cùng biết phân biệt được những điều đã nghe, đã cảm, đã nhìn quan sát nhìn thấy.

Trong đời sống giữa con người với nhau trong xã hội, biết lắng nghe và được chú ý lắng nghe không chỉ là một nghệ thuật, nhưng là nhu cầu rất cần thiết cho đời sống tinh thần cũng như thể xác.

Khả năng hay nhân đức tốt lành một tinh thần trái tim tỉnh thức này được diễn tả là sự khôn ngoan.

3. Sự khôn ngoan và vua Salomon

Sự khôn ngoan theo Kinh Thánh trước hết là sự thực hành trong đời sống với lòng cẩn trọng, để nhận ra con đường hành động cho đúng dẫn đến thành công. Sự khôn ngoan cũng đòi buộc sự hiểu biết qua sẵn sàng học hỏi, qua tiếp tục học tập đào tạo nghiên cứu, nhưng phải có lòng đơn thành khiêm nhượng cùng tôn trọng lẽ phải.

Sách Châm Ngôn ( Châm Ngôn 8) đã diễn tả đức khôn ngoan là trật tự do Thiên Chúa đã khắc ghi tạo dựng trong thiên nhiên, để con người có thể khám phá ra ý nghĩa trong những cấu trúc được sắp đặt có thứ tự trong thiên nhiên.

Khi con người càng hiểu biết nhiều hơn về trật tự trong thiên nhiên, họ càng hiểu nhận ra Thiên Chúa hơn. Đó là sự khôn ngoan.

Nhà vua trẻ tuổi Salomon cầu xin Thiên Chúa cho mình khả năng sự khôn ngoan. Vì Ông tin tưởng khả năng này có giá trị hơn được sống lâu dài, hơn sự giầu sang phú qúi, hơn quyền hành uy dũng bách chiến bách thắng, hay những điều các vua chúa thường hay theo đuổi mong muốn.

Đức Thánh Cha Benedictô XVI. năm 2011 đã có suy tư:

„ Thánh Phaolô viết „ Dân ngoại là những người không có Luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Mô-sê.15 Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải.“ ( Roma 2.14-17). Ở đây hai tư tưỏng căn bản tự nhiên và lương tâm được nhấn mạnh nói đến.

Lương tâm thật ra không là gì khác hơn là một tinh thần trái tim tỉnh thức mà Vua Salomon nói đến trong lời cầu xin, cũng không là gì khác hơn là ngôn ngữ của lý trí con người.“ (Đức Thánh Cha Benedictô XVI., Diễn văn ngày 22.09.2011ở Quốc Hội nước Đức bên Berlin).

Trong đời sống con người, khi khởi đầu một giai đoạn con đường đời sống mới, thường có những tâm niệm ước muốn lời cầu xin thầm kín hay bày tỏ công khai ra ngoài.

Nhà vua trẻ tuổi Salomon trong giờ phút lên ngôi trị vì đã cầu xin cho mình được có tinh thần trái tim tỉnh thức để biết phân biệt phải trái, lành dữ trong việc cai trị mang lại hoà bình cùng công lý cho người dân.

Phải chăng đây cũng là tâm niệm, công thức hay thước đo không chỉ cho những nhà chính trị cai trị đất nước xã hội, nhưng còn cho mọi người trong đời sống ở vào bất cứ địa vị hoàn cảnh nào!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thánh Ca
Chuỗi Ngọc Vàng Kinh – Trình bày Đình Trinh, Bích Hạnh, Cẩm Yến, Phương Thảo
Khắc Thái
00:09 29/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây