Ngày 29-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm tin Việt Nam: Chúa khó tánh!
Nguyễn Trung Tây, SVD
05:55 29/07/2008

Niềm tin Việt Nam: Chúa khó tánh!

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.

Dì Tư giọng thì thào nho nhỏ tuồng như sợ hàng xóm nghe lén,

— Tui biết nói cái này thiệt tình là không phải, nhưng tui thấy nhiều khi Chúa cũng khó tánh quá!

Ông Tư dừng ngang chung trà ngay cửa miệng, đôi mắt trợn tròn, ánh mặt chòng chọc nhìn thẳng vào ngay mặt vợ,

— Bà lóng rầy có thấy nóng sốt hay cảm cúm chi trong người hay không vậy?

Dì Tư cự nự,

— Ông ăn nói nghe lãng xẹt à. Người ta đang mạnh sân sẩn, tự nhiên ông mở miệng mời gọi thầy lang ghé vào nhà à…

— Thì không đau yếu mà sao tự dưng lại buông lời nói năng gì mà nghe kỳ cục như vậy? Mà bà nói Chúa khó tánh là khó ở chỗ nào?

Dì Tư buông liền một hơi,

— Thì tui nhớ đâu ở cái đoạn mà bà Martha than thở sao Chúa không để cho cô Maria vô bếp phụ bả một tay đó. Nghe bả càm ràm như vậy, Chúa mới mở miệng rầy bả, “Martha, Martha, con lo lắng nhiều chuyện quá. Maria đã chọn phần tốt nhất” (Luca 10:41-42). Mà ta nói cái phần tốt nhất lại là cái phần mà cô Maria cứ ngồi miết ở dưới chân Chúa, còn việc cơm nước trong nhà là cô ấy đổ hết lên đầu của cái cô chị (Luke 10:39). Thiệt tình…

Dì Tư chép miệng,

— Cái này là tui nói thật bụng đó nghen. Ai nói gì thì nói, tui vẫn khoái cái bà Martha hơn. Đàn bà con gái là phải như vậy. Khách khứa tới nhà là mình phải te te chạy ra rót nước, tay dâng cau mời trầu. Rồi đàn bà con gái là mình phải lẹ làng chạy xuống bếp, giết gà nấu cơm bầy lên mâm đồng mời khách. Như vậy mới là đàn bà con gái chứ…

Dì Tư dừng lại,

— Nhưng thiệt tình tui không hiểu tại sao Chúa lại cất tiếng khen cái cô em oang oang à. Còn cái cô Martha, Chúa đã không khen thì thôi, nhưng lại còn nói mấy câu làm người ta buồn. Ai thì không biết, chứ Chúa mà nói với tui như vậy là tui rầu thúi ruột luôn! Mình thì cứ lục đục loay hoay trong bếp chiên xào nấu nướng cho Chúa có miếng ăn ngon, mà Chúa lại không hiểu cho cái tâm thành của lòng mình. Hỏi sao mà cô Martha lại không buồn?

Dì Tư dừng lại nhìn ông Tư. Ông Tư nhíu mày nhìn vợ,

— Bà ơi, cái này người ta nói là học không thông, ôm gối bông cũng thấy nặng, cho nên Chúa nói gà mà mình nghe ra vịt là như vậy. Cái ông Luca ta nói ổng viết quyển Phúc Âm thứ Ba là có hơi khác với ông Máccô và ông Mátthêu…

Dì Tư nóng nẩy,

— Khác là khác như thế nào? Ông muốn nói cái chi thì cứ nói huệch toẹt ra đi. Nhằm ngay cái người chậm lụt rùa bò như tui mà ông cứ rề rà tuồng như người đứng gác chim cu núp núp ở trong bụi rậm không bằng…

Ông Tư chép miệng,

— Thì bà cũng phải cho tui nói có đầu có đuôi, như vậy bà mới hiểu tuồng hiểu tích chứ. Ta nói cái điều mà ông Luca muốn trình bày ở trong câu truyện của bà Martha là Chúa Giêsu chính là Lời Chúa là Tin Mừng...

Dì Tư đưa tay cản lại cấp kỳ,

— Ông nói chiện lạ! Chứ bộ mấy ông kia hổng có nói Chúa Giêsu là Lời Chúa là Tin Mừng hay sao?

— Không! Không! Bà nói đúng lắm. Bốn ông thánh sử là cả bốn ông, ông nào cũng nói Chúa Giêsu là Lời Chúa là Tin Mừng. Nhưng mỗi người có một cách nói khác nhau. Ta nói đối với ông Máccô, Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai chịu nhiều đau khổ. Còn đối với ông Mátthêu, Chúa Giêsu là Con Vua Đavít. Với ông Gioan, thì Chúa Giêsu là Lời, là Ngôi Lời xua tan đêm đen bóng tối. Nhưng riêng cái ông Luca này thì đặc biệt nhất. Đối với ổng, Chúa Giêsu không những là Lời Chúa, mà còn là số một. Tất cả những cái còn lại đều là thứ yếu, không có chi phải đáng bận tâm hết…

Dì Tư dừng nhai trầu thuốc, bĩu môi,

— Ông nói khơi khơi như vậy ai mà nói chẳng được...

Ông Tư cầm quyển Kinh Thánh đưa cho vợ,

— Bà không tin lời tui hén. Thì đây, nếu bà không tin tui thì bà đọc đoạn này đi. Đó, đó, đoạn Máccô 3:31-35 đó, rồi đây là đoạn Mátthêu 12:46-50, và luôn cả đoạn Luca 8:19-21 nữa đây nè. Cả ba đoạn này đều kể chuyện Đức Mẹ với mấy người anh em của Chúa đi kiếm Chúa đó, bà còn nhớ hay không?

Ông Tư dừng lại,

— Bây giờ bà đọc ba đoạn này đi, rồi bà nói cho tui nghe, bà thấy ba đoạn Phúc Âm này giống nhau và khác nhau ở chỗ nào?

Dì Tư cầm quyển Kinh Thánh lên, tay móc cặp kiếng lão trong túi áo đeo vào, tay lật ra từng trang, miệng đọc lẩm nhẩm… Năm phút sau, dì Tư dừng lại buông gọn một câu,

— Tui thấy cả ba đoạn Phúc Âm này đều giống y như nhau, có gì khác đâu.

Ông Tư buông lời chắc nịch,

— Bà có dám chắc với tui là cả ba đoạn Phúc Âm đều giống y như nhau hay không?

Dì Tư lại cúi xuống, mắt nhìn vào những trang Kinh Thánh một lần nữa, miệng lại đọc lẩm nhẩm,

— Ừa, thì tui cũng chỉ thấy có một điều hơi là lạ mà thôi…

— Điều gì lạ đâu? Bà nói đi…

— Thì ta nói trong khi Chúa trong Phúc Âm Máccô và của ông Mátthêu thì nói, “Ai mà làm theo ý Chúa, ý Cha trên trời, thì người đó là mẹ ta và anh em ta” (Mk 3:35, Matt 12:50), nhưng Chúa trong Phúc Âm Luca thì lại nói khác?

— Bà nói khác là khác như thế nào?

Dì Tư đeo lại cặp kiếng lão, mắt chăm chú dõi nhìn những hàng chữ trong chương thứ 8 Tin Mừng Luca,

— Lạ kỳ hén, ông Luca thì lại viết, “Mẹ ta và anh em ta là những người lắng nghe Lời Chúa” (Luca 8:21).

— Đó, bà đã thấy chưa?

— Ông nói thấy là thấy cái chi?

— Thì đoạn Kinh Thánh Luca bà vừa mới đọc có giống như đoạn Kinh Thánh kể chuyện hai chị em bà Martha và Maria đón Chúa vào nhà hay không?

Dì Tư dè dặt,

— Ông muốn nói đối với ông Luca, “Lời Chúa mới là chuyện quan trọng. Những cái còn lại đều là thứ yếu”?

— Thì chứ còn gì nữa. Cho nên ta nói câu chuyện chị em của bà Martha là một câu chuyện phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ không thể hiểu theo nghĩa đen cho đặng.

— Nghĩa đen với nghĩa bóng là cái gì? Ông nói cao xa quá, làm sao tui hiểu cho thấu! Có phải ông muốn nói là chuyện bà Martha nấu nướng với bà Maria nghe Lời Chúa không phải là câu chuyện có thật.

— Nè, nè! Cái này là bà nói chứ không phải tui nói đó nghen. Ý của tui là qua câu chuyện bà Martha và bà Maria, ông Luca muốn đề cao vai trò tối ưu của Lời Chúa trong đời sống đức tin. Cho nên nếu chỉ phân tích câu chuyện này theo nghĩa đen, bà đã hiểu lầm Chúa Giêsu và luôn cả cái điều mà ông Luca muốn nhắn gửi tới độc giả Kinh Thánh rồi. Bởi hiểu lầm như vậy, hèn chi bà than thở là Chúa khó tánh Nếu Chúa thiệt tình mà khó tánh, thì hai vợ chồng nhà mình là mệt cầm canh rồi đó nghen.

Dì Tư hờn mát,

— Ông nói chiện! Thì ai chẳng biết là hồi đó ông được ba má cho đi học nội trú trường đạo trên Sài Gòn, cho nên ông mới thấu hiểu Lời Chúa tường tận thấu đáo. Tui là phận nhà nghèo, hồi xưa không được đi học, cho nên ta nói bây giờ mà ông cha xứ chịu khó mở lớp Kinh Thánh là tui xách tập vở te te đi ngay, mà tui là tui ngồi ngay cái bàn đầu cho coi.

Ông Tư hưỡn đãi,

— Bà nói như vậy mà không sợ lọt tới tai cha xứ, ông ấy nghe được, ổng lại buồn. Cái này ta nói là tai nghe sao, tui nhắc lại nguyên tuồng làm vậy mà thôi. Tui nhớ có lần ông cha xứ than phiền là đã mấy lần ổng cất công mời mấy ông cha giáo về xứ mở lớp Thần Học Kinh Thánh cho người trong xứ. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng ai chịu ghi danh đi học hết. Hoặc ghi danh rồi, thì tới ngày học lại bỏ không tới lớp, làm cho ổng quê gần chết với mấy ông cha khách à...


Lời Chúa
Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Martha đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Martha thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Martha! Martha ơi! Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi” (Luke 10:38-42).

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin cho chúng con bớt đi những lo toan trần thế, nhưng hướng tâm hồn về hạnh phúc niềm tin, lòng yêu tha nhân, và nhân đức cậy trông vào Lời Chúa.

www.nguyentrungtay.com
 
Chúa ban lương thực cho loài người
Lm Giuse Đinh lập Liễm
10:08 29/07/2008
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A

CHÚA BAN LƯƠNG THỰC CHO LOÀI NGƯỜI

A. DẪN NHẬP.

Mọi sinh vật trên mặt đất này cần phải có một thứ lương thực thích hợp để nuôi sống. Con người cũng là một sinh vật nên cũng phải theo qui luật bất di bất dịch ấy. Nhưng con người lại khác với những sinh vật khác ở chỗ ngoài sự sống vật chất còn có sự sống tinh thần, sự sống thần linh mà lương thực trần gian không thể đáp ứng được. Căn cứ vào lời Chúa Giêsu nói với qủi đến cám dỗ Ngài: ”Người ta không sống nguyên bởi bánh”. Như vậy con người còn có một thứ lương thực đặc biệt khác, đó là lương thực thần linh.

Mọi người đói khát hãy đến với Chúa vì theo ý Chúa Cha, Đức Giêsu đã tự hiến dâng để làm dịu cơn đói khát luơng thực thiêng liêng ấy. Ngày nay Hội thánh dạy chúng ta: lương thực thần thiêng nuôi dưỡng chúng ta đó là Lời Chúa và Thánh Thể. Khi đã được Chúa nuôi dưỡng bằng luơng thực ấy, chúng ta cũng có trách nhiệm phải làm cho người khác cũng được nuôi dưỡng như vậy vì: ”Các con đã lãnh nhận nhưhg không thì cũng phải cho đi nhưng không”.

Thiên Chúa như nguồn nước, Ngài không ngừng thông ban ân phúc cho con người qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Lời Chúa, nên các môn đệ Chúa ngày nay mặc dù không có khả năng sản xuất ra lương thực nuôi dân, nhưng họ sẽ gắng sức, tận dụng tài năng, trí lực của mình để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, rồi trao ban cho con người để người người biết cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm giầu mặt đất và đem lại hạnh phúc cho nhân lọai.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Is 55,1-3: Khi thời gian lưu đầy ở Babylon sắp hết, tiên tri Isaia được sai đến kêu gọi toàn dân (-540) khi thoát cảnh lưu đầy trở về xây dựng lại đất nước, hãy “lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe thì sẽ được sống”. Thiên Chúa mời gọi người ta đến dự một bữa tiệc do Người khoản đãi. Bữa tiệc sẽ có những cao lương mỹ vị, hoàn toàn miễn phí, không phải trả đồng xu nào.

Với hình ảnh thức ăn và thức uống vật chất được tặng miễn phí cho người nghèo của Giavê, Isaia muốn dạy chúng ta phải biết thèm muốn và tìm lương thực tâm linh là Lời Chúa và tình thân hữu với Chúa.

Như vậy, hình ảnh bữa tiệc mang ý nghĩa tượng trưng:
- Tượng trưng cho sự thoả mãn những khát vọng của con người.
- Tượng trưng cho hạnh phúc Nước Trời.

+ Bài đọc 2: Rm 8,35, 37-39: Trong đoạn thư này, thánh Phaolô biểu lộ niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Kitô. Tình yêu của Chúa Kitô chiến thắng tất cả, vì thế không có gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô, dù bị gian nan thử thách như gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo.

Chúa yêu thương chúng ta như chưa có ai đã thương như thế bao giờ. Ngay từ bây giờ chúng ta tham dự cuộc sống thần thánh của Người trong khi chờ đợi chúng ta chia sẻ vinh quang của Người trên trời.

+ Bài Tin mừng: Mt 14,13-21:Thánh Matthêu mô tả việc Chúa Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều để nuôi hơn 5000 người ăn. Phép lạ cũng được cả bốn Thánh sử ghi chép lại, nói lên sự quan trọng của sự việc. Chiều đến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Họ chẳng cần phải đi đâu, anh em hãy cho họ ăn”. Việc biến hoá bánh ra nhiều là biểu tượng phép Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập sau này. Thánh Thể cũng sẽ là lương thực, là của ăn của nhân loại trên đường về quê trời. Và Chúa Giêsu cũng thiết lập vào một buổi chiều tối, Giáo hội tiên khởi cũng “bẻ bánh” lúc đêm về.

Phép Thánh Thể là bí tích của đoàn người đi trong sa mạc, trong đêm tối dưới ánh sáng Chúa Phục sinh, như ngày xưa dân Chúa đi qua sa mạc dưới ánh cột lửa và nhờ manna nuôi sống.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Lương thực dưỡng nuôi chúng ta.

I. NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI.

Con người được kết hợp bởi hai phần: linh hồn và thể xác. Mỗi phần có những nhu cầu khác nhau. Con người không những cần phải được thỏa mãn những nhu cầu vật chất nhưng còn những nhu cầu tinh thần nữa.

1. Nhu cầu vật chất.

Con người cũng như các sinh vật phải ăn mới có thể sống. không ăn không uống là chết, đó là qui luật tự nhiên cho mọi sinh vật trên mặt đất này. Người Việt nam chúng ta hay nói:
Dĩ thực vi tiên
hay
Có thực mới vực được đạo.
Người Tây phương cũng nói giống như thế: ”Ăn đã rồi hãy triết lý” (manducare priusquam philosophare).

Điều ấy chứng tỏ rằng ăn uống là cần thiết và cũng là điều kiện tất yếu của sự sống.

Một cuộc nghiên cứu có tính cách quốc tế cho biết một nửa dân số thế giới không được cung cấp đủ nuớc sạch và 450 triệu người mỗi đêm đi ngủ mà bụng đói meo. Nhiều nước châu Phi đã bị nạn đói hoành hành trầm trọng cần được Liên hiệp quốc cứu trợ.

Xem ra loài người được cho là thông minh nhất vẫn mãi mãi lo giải quyết cái ăn cái mặc. Và oái oăm thay vẫn những phương tiện tối tân như cơ giới hóa việc cầy cấy, gieo trồng lúa đúng khoa học kỹ thuật, thay trời làm mưa gió để tăng năng xuất, thế mà dường như thế giới loài người càng ngày càng nghèo hơn, đói khổ lan tràn. Ở Việt nam chúng ta, chương trình xóa đói giảm nghèo đang được xúc tiến mạnh mẽ, hy vọng dân chúng sẽ bớt nghèo đói. Phải chăng đói khổ mãi mãi là hậu quả của tội nguyên tổ mà con cháu loài người chúng ta phải lãnh đủ lời nguyền rủa của Thiên Chúa “phải khó nhọc bưới đất nhặt cỏ mới có của ăn” ?

Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên trái đất này, một trái đất phong phú, sản sinh ra đầy đủ đến dư thừa mọi lương thực chẳng những cho loài người mà còn cho muôn loài. Cho nên trên căn bản là Chúa bảo đảm cho con người được no nê.

2. Nhu cầu tinh thần.

Con người tuy cũng là con vật nhưng là một con vật có lý tính (Homo est animal rationale) không những chỉ đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu vật chất mà còn đòi hỏi thỏa mãn những nhu cầu cao hơn vật chất: đó là những khát vọng cao hơn và quí hơn như bình an sâu sắc, tình yêu chân thật, sự sống vĩnh cửu... Chân, thiện, mỹ tuyệt đối. Những khát vọng này không ai và không cái gì có thể thoả mãn cho chúng ta, ngoài một mình Thiên Chúa.

Chúa Giêsu rao giảng ở đâu thì người ta tấp nập kéo đến khắp nơi từ thành thị đến thôn quê. Người ta đến quấy rầy Chúa đến nỗi Ngài và các môn đệ không có thì giờ nghỉ ngơi ăn uống. Số người đến nghe Chúa rao giảng rất đông. Nếu chỉ tính riêng đàn ông mà đã tới 5000 người thì con số sẽ lên đến 10.000 hay 15.000 người nếu kể cả đàn bà và con nít. Họ say mê đi nghe Chúa giảng đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Như trong bài Tin mừng hôm nay, sau khi đã giảng dạy dân chúng lâu giờ, trời đã xế chiều, có lẽ vào khoảng 3 giờ chiều, các môn đệ giục Chúa cho họ về, vào làng mạc mà mua thức ăn, kẻo ở nơi hoang địa thì không có gì ăn và đêm đã xuống dần.

II. CHÚA THỎA MÃN NHU CẦU CON NGƯỜI.

Thánh Matthêu cho biết khi hay tin Chúa Giêsu xuống thuyền đi đến chỗ hoang vắng riêng biệt thì dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Chúa Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương vì họ như đàn chiên không có người chăn. Họ đến với Chúa như đến với vị mục tử nhân lành, họ đặt tin tưởng vào Chúa. Đáp lại, Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân và đáp ứng nhu cầu vật chất cho họ.

Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dầy của họ cũng phải nổi loạn khi không được cung cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn đang ở trong nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Bằng ấy thực phẩm thì nhằm nhò gì với một biển người như vậy ! Nhưng Chúa Giêsu cứ bảo họ ngồi xuống thảm cỏ để cho Người làm việc. Thánh Matthêu kể: ”Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được 12 giỏ đầy”.
Lời giảng của Chúa đã làm cho dân chúng say mê, Lời Chúa là thức ăn nuôi dưỡng và bồi bổ cho linh hồn. Tuy thế, Chúa không quên thỏa mãn nhu cầu vật chất cho họ, vì họ là con người có hồn có xác, phải được nuôi dưỡng đầy đủ. Như vậy Chúa thực hiện lời khuyên: ”Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác Người sẽ thêm cho”.

Ngoài thức ăn vật chất, Chúa Giêsu còn muốn hướng con người đến một thức ăn khác nữa, cần thiết hơn, qúi trọng hơn. Bởi đó, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta tiếp tục tuốn đến với Chúa mong Người tái diễn phép lạ ấy, nhưng Người đã lánh họ mà đi. Theo tường thuật của thánh Gioan, Người còn nói với họ: ”Các ngươi tìm Ta chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Hãy nỗ lực tìm kiếm thứ lương thực nuôi dưỡng sự sống muôn đời”. Thứ lương thực ấy chính là bản thân của Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta qua bí tich Thánh Thể.

III. CHÚA CẦN CHÚNG TA CỘNG TÁC.

Ở đây diễn tả lòng nhân đạo của các Tông đồ đối với dân chúng. Nhưng lòng nhân đạo này chỉ có tính cách hạn hẹp theo khả năng tự nhiên của con người, nên bất lực không thể lo cho họ ăn được. Vì thế ở đây muốn nói lên sự hạn hữu và bất lực của con người nơi các Tông đồ nhưng chính sự bất lực này làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trong việc làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng.

Chúa Giêsu biết rõ các Tông đồ bất lực trong việc cho dân chúng ăn no, nhưng Người vẫn ra lệnh cho các ông để chứng tỏ việc phân phát có ý nghĩa như một trung gian, cho dân chúng ăn là việc các Tông đồ làm được, còn việc làm cho có bánh nhiều là việc các Tông đồ bất lực thì chính Người sẽ làm thay (x Ga 6,6). (Trần hữu Thành, Suy niệm Tin mừng Chúa nhật năm A, tr 235-236).

Chúa Giêsu không muốn làm việc một mình, Ngài muốn cho chúng ta cộng tác, mỗi cái Ngài làm một nửa, Ngài để công việc còn “dang dở” cho chúng ta tiếp tục.

Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không có gì ăn. Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu; hoặc nói cách khác là có mà dở dang. Chúa không vất cái dở dang ấy rồi tự mình làm phép lạ. Chúa bảo đem cái dở dang ấy đến. Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều ? Sao Chúa ưa thích cái dang dở của các Tông đồ làm chi (Mc 6, 36-43) ?

Chúa thích làm phép lạ dang dở. Chúa làm có một nửa nên nhân loại mới được góp phần trong công việc trọng đại ấy. Cái dang dở Chúa để xẩy ra là dang dở huyền nhiệm. Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao. Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình. Chúa cũng không cứu con người khi con người không tự do lãnh nhận. Phép lạ của Chúa cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dự. Cái dở dang của Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào. Cái dở dang của Chúa thật là huyền diệu, sâu thẳm. (Nguyễn tầm Thường, Viết trong tâm hồn, tr 7)

Các Tông đồ chỉ kiếm cho Chúa được có 5 cái bánh và 2 con cá. Thật là một đóng góp quá nhỏ nhoi, nhưng thực ra, chỉ cần bằng ấy đã quá đủ đối với Chúa. Chúa không muốn làm phép lạ tự không mà có bánh cho họ ăn, nhưng Chúa muốn cho con người đóng góp một chút để cộng tác với Chúa. Như vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là kết quả của sự kết hợp giữa quyền năng vô biên của Chúa với sự cộng tác nhỏ bé của con người.

Việc này muốn dạy rằng để giải quyết kinh tế, con người với trí óc thông minh và sức lực sẵn có của mình tự tìm kiếm miếng cơm manh áo cách chính đáng trước, còn thiếu những gì Chúa sẽ bù đắp thêm. Cho nên phải tránh tính ỷ lại, lòng cậy trông kiểu giao khóan trắng cho Chúa an bài, còn mình ngồi không mà thụ hưởng hay kiêu căng tự phụ cho mình làm ra tất cả, chẳng ai giúp đỡ kể cả Thiên Chúa.

Truyện: Người chạnh lòng thương.

Me Têrêsa Calcutta thuật lại một câu chuyện như sau: Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào chi phí mua thức ăn cho những người nghèo.
Ở Calcutta mỗi ngày dòng Nữ tử Bác ái Truyền giáo chúng tôi phải cung cấp lương thực cho 9000 người. Bởi đó không lạ gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ tặng vào mục tiêu trên.
Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi:
- Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế ?
Họ trả lời:
- Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức linh đình, để dùng tiền đó giúp những người kém may mắn hơn chúng con..
Mẹ Têrêsa hỏi tiếp:
- Ở Ân độ, không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Tại sao các con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật lòng cha mẹ và họ hàng ?
Họ thưa:
- Chúng con yêu nhau và muốn tặng nhau món quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống bằng một hy sinh mà cả hai cùng đóng góp vào. (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, tr 106-107)

Hôm nay, Người cũng mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé và âm thầm của mình cho anh em. Người chờ đợi nơi chúng ta một chút lòng chạnh thương. Và cả thế giới được hưởng chung phép lạ lẫy lừng của Thiên Chúa.

Thực ra, con người chỉ tìm được ý nghĩa cho cuộc sống khi biết chia sẻ cho đi. Con người chỉ lớn lên theo mức độ của sự trao ban vô vị lợi mà thôi. Có biết trao ban thì con người mới thực sự triển nở trong nhân cách. Có biết trao ban thì con người mới vui sống và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Triết gia Platon quả quyết: ”Con người chỉ tìm được hạnh phúc khi làm cho người khác được hạnh phúc”. Thánh Phaolô cũng đã ghi lại khuôn vàng thước ngọc của Chúa Giêsu: ”Cho thì có phúc hơn nhận lãnh” (Cv 20,35).

Chúng ta hãy làm cho thế giới này được hạnh phúc. Chắc chúng ta cho rằng mình chỉ là hạt cát trong biển cả làm sao có thể làm gì cho thế giới ? Đúng vậy, chúng ta quá nhỏ nhoi và yếu đuối, tài hèn, nhưng Thiên Chúa chỉ cần chúng ta đúng góp phần nhỏ mọn của chúng ta như một dụng cụ trung thành, còn bao nhiêu hãy dành cho Chúa. Cậu bé với 5 cái bánh và 2 con cá làm sao có thể làm cho ngần ấy người ăn no lại còn thu được 12 thúng đầy ? Cậu không làm được, nhưng Chúa làm được. Thiên Chúa sẽ hoành chỉnh được những cái “dang dở” của ta.

Trong thời kỳ mới tìm hiểu đạo Chúa, Premanand đến liên lạc với Giám mục Whiley ở Ranchi. Ông viết: ”Vị giám mục đọc Kinh thánh với tôi mỗi ngày. Đôi khi tôi đọc tiếng Bangal. Càng sống gần vị giám mục, tôi càng đến gần ngài hơn, và Chúa Cứu thế càng được bầy tỏ cho tôi qua đời sống của ngài. Hành động và lời nói của ngài khiến tôi dễ hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều tôi đọc trong Kinh thánh mỗi ngày. Tôi có một sự hiểu biết mới về Chúa Giêsu khi tôi nhìn thấy cuộc đời yêu thương, hy sinh và từ chối bản thân của Chúa Cứu thế trong đời sống hằng ngày của vị giám mục, đối với tôi ngài thực sự là sứ giả của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cần những môn đệ để Ngài có thể làm việc qua họ, và nhờ họ đem chân lý và tình yêu của Ngài đến với đời sống của người khác. Không có những người như vậy, Ngài không thể làm việc. Phận sự chúng ta là làm những người đó cho Ngài. Người ta dễ lo sợ nản lòng đối với một công tác to lớn như vậy”.

Nhưng còn một điều khác trong câu truyện này có thể nâng cao tinh thần của chúng ta. Khi Chúa Giêsu bảo môn đệ cho đám đông ăn, họ bảo chỉ có 5 cái bánh và 2 con cá. Với những thứ họ mang đến đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ. Chúa đặt trên mỗi chúng ta một công tác trọng đại là truyền đạt Ngài cho người khác, nhưng Ngài không đòi hỏi chúng ta những tài năng, tiền của và những phẩm tính mà chúng ta không có. Ngài bảo chúng ta: ”Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo nàn, hãy mang đến Ta điều gì ngươi có, dù ít ỏi, và Ta sẽ xử dụng nó một cách lớn lao trong công việc của Ta”. (TVH, Tin mừng Chúa nhật, năm A, tr 192)

Chúng ta hãy kết thúc với bài thơ của Amado Nervo, một đại thi sĩ cũng là một nhà huyền bí, người Mễ tây Cơ. Bài thơ này tóm tắt sứ điệp và tinh thần bài Tin mừng hôm nay:

Con chỉ là một tia lửa,
xin biến con thành ngọn lửa.
Con chỉ là một sợi dây,
xin biến con thành chiếc đàn.
Con chỉ là một ngọn đồi cỏn con,
xin biến con thành ngọn núi.
Con chỉ là một giọt nước,
xin biến con thành một giòng suối.
Con chỉ là một cọng lông,
xin biến con thành chiếc cánh.
Con chỉ là gã ăn mày,
xin biến con thành một ông vua
”.
 
Chúa ban nhiều ân sủng
Nguyễn Dzân Thương
15:23 29/07/2008
CHÚA BAN NHIỀU ÂN SỦNG

Chúa Giêsu, là nguồn sống hy vọng
Là con đường, là suối mát tình thương
Là chân lý, soi dẫn mọi nẻo đường
Là nguồn sống, là an bình vĩnh cửu

Là nâng đỡ, những con người hẩm hiu
Chữa bệnh ngoài, và chữa cả nội tâm
Đi theo Ngài, vác thập giá âm thầm
Biết hy sinh, thăng hóa đời sống đạo

Lấy bác ái, để chinh phục cường bạo
Lấy khiêm nhường, để thắng tính kiêu căng
Lấy chân lý, soi dẫn những hoang đàng
Lấy đức tin, để vươn lên mà sống

Đi theo Ngài, tâm hồn phải mở rộng
Không hẹp hòi, sống ích kỷ, dối gian
Đem tình thương chiếu dọi khắp muôn ngàn
Đem hòa bình, đến những nơi tranh chấp

Giúp đỡ ai, những đất, nhà bị mất
An ủi ngay, những người đang khổ đau
Họ đau khổ, ta cúi xuống nguyện cầu
Để Chúa thương, ban thêm nhiều ân sủng.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 29/07/2008
ĐÁNH DẤU.

N2T


Sinh mệnh như một bình rượu ngon của người say.

Có một vài người đọc đọc chỗ ghi dấu trên bình, cũng là thỏa mãn rồi.

Có một vài người cần phải nếm mùi vị của nó.

Có một lần, Phật Đà cầm một đóa hoa, hỏi cách nhìn của chúng đệ tử, sau khi yên lặng vài giây thì mọi người đều phát biểu. Có một vị trích dẫn lý lẽ của triết lý, có vị khác làm thơ, lại có người muốn làm một so sánh có liên quan. Mỗi người đều muốn kiến giải của mình cao thâm vượt qua người khác !

Đó là một vài lời trên chỗ ghi dấu !

Ma-ca thì chăm chú nhìn đóa hoa cười mà không nói. Chỉ có mình anh ta là nhìn thấy tất cả !

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Có người khi cầu nguyện thì đọc hết kinh này qua kinh khác, đọc hết sách kinh này đến sách kinh nọ, họ như trả bài thuộc lòng với Thiên Chúa.

Có người khi cầu nguyện thì la thật lớn tiếng sợ Chúa bị điếc tai không nghe được lời họ cầu xin.

Có người khi cầu nguyện thì phải ngồi lên phía trước nơi gần bàn thờ, họ chuẩn bị thi thời trang áo quần cách dáng quỳ ngồi cầu nguyện.

Có người khi cầu nguyện thì đứng xa xa nơi ngưỡng cửa nhà thờ, đấm ngực ăn năn tội, họ thật lòng xin Chúa thứ tha tội cho mình...

Người vui vẻ trong mọi hoàn cảnh, làm tròn bổn phận của mình là người biết cầu nguyện khắp mọi nơi, trong mọi lúc, như ngắm nhìn một bông hoa mà không cần phải nói ra lời, bởi vì họ hiểu bông hoa đó là cả một công trình yêu thương của Đấng tạo hóa: Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:06 29/07/2008
N2T


23. Thân xác không có linh hồn thì không thể sống, linh hồn không cầu nguyện thì nhất định sẽ chết và sẽ sình lên hôi thối.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Nghị Quốc Gia Hoa Kỳ về Di Dân
Bùi Hữu Thư
00:28 29/07/2008

Hội Nghị Quốc Gia Hoa Kỳ về Di Dân



Hoa Thịnh Đốn: ngày 28 tháng 7, 2008: Ngày Thứ hai 28/8/08 là ngày khai mạc Hội Nghị Quốc Gia về Di Dân tại khách Sạn Hilton Hoa Thịnh Đốn. Có khoảng 1.000 người tham dự hội nghị, trong đó có sự hiện diện của Đức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giáo Phận Hoa Thịnh Đốn, Đức Hồng Y Edward M. Egan, Tổng Giáo Phận New York, Đức Giám Mục Agostino Marchetto, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ cho các Di Dân và người Du Mục, Đức Giám Mục Frank J, Dewane, Giám Mục Venice, Đức Giám Mục Nicolas A. Dimarzio, Giám Mục Brooklyn, Đức Giám Mục Alvaro Ramazzini, Giám Mục San Marco, Guatemala, Đức Giám Mục Rutillo del Riegio, Giám Mục Phụ Tá San Bernadino, Đức Giám Mục Jaime Soto, Giám Mục Sacramento, Đức Giám Mục Thomas G. Wenski, Giám Mục Orlando, và Đức Giám Mục John Charles Wester, Giám Mục Salt Lake City.

Bà Cecile Motus Phụ Tá Giám Đốc Văn Phòng Đa Văn Hóa của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã mời Cha Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tham dự. Cha Liêm đã đề cử cha Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ Tịch Liên Đoàn, và Ông Bùi Hữu Thư, Chủ Tịch Giáo Dân Miền Trung Đông Hoa Kỳ phó hội.

Trong thành phần các tham dự viên có rất nhiều giáo dân và nữ tu Việt Nam, trong đó có Ông Nam Lộc, MC của Hãng Đĩa Nhạc Asia và cũng là một LS lo việc di trú, Sơ Anne Nguyễn, Dòng Christian Charity và cô Lê Yến là hai người đang phục vụ tại Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề di dân và ti nạn. Cô Yến cho hay cô là một chuyên viên về luật pháp di trú.

Hội nghị được khởi sự với thánh lễ đồng tế dưới sự chủ tế của Đức Hồng Y McCarrick và các Đức Hồng Y và Giám Mục kể trên. Trong số các linh mục có một người Việt Nam là cha Nguyễn Đức Vượng. Bà Cecile Motus đã mời ông Bùi Hữu Thư đọc lời nguyện giáo dân đầu tiên bằng tiếng Việt cùng với 7 đaị diện các sắc dân khác. Bà Tracy McDonnell, ca trưởng Ca Đoàn Giáo Xứ St. Camillus Hoa Thịnh Đốn đã điều khiển thật xuất sắc ca đoàn Đa Văn Hóa. Được biết ca đoàn này đã được mời hát trong thánh lễ của Đức Thánh Cha Benedict XVI tại National Park vào ngày 17/4/08 vừa qua.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y McCarrick đã bắt đầu bằng tiếng Pháp, rồi chuyển sang tiếng Spanish và tiếng Anh. Ngài tỏ ra rất thông thạo hai ngoại ngữ Pháp và Spanish.

Sau thánh lễ là bữa cơm tối dưới sự điều hợp của Đức Giám mục John C. Wester, Giám Mục Salt Lake City và lời giới thiệu của Cựu Đại Sứ Johnny Young, Giám Đốc Điều Hành Các Dịch Vụ Di Dân và Tị Nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Diễn giả danh dự là Đức Hồng Y Mahony, Tổng Giám Mục Los Angeles. Trong bài thuyết trình, ngài đã định giá vai trò và tầm quan trọng của sự tham gia của Giáo Hội vào việc tranh luận của quốc gia về di dân. Ngài nhắc lại những điều Đức Thánh Cha Benedict XVI đã viết trong Tông Huấn Spe Salvi (Được Cứu Rỗi bởi Hy Vọng), và chủ đề của Hội Nghị là: “Canh Tân Niềm Hy Vọng và Tìm Kiếm Công Lý” được dùng là căn bản để thực thi sứ mệnh của Giáo Hội trong việc “đón chào các người khách lạ.”

Buổi nói chuyện của Đức Hồng Y đã chấm dứt lúc 9 giờ tối.

Ngày thứ ba 29/8/08, bà Julie Myers, Phó Bộ Trưởng Bộ Di Dân và Tăng Cường Hải Quan, Trong Bộ An Ninh Quốc Gia sẽ giải đáp về các cuộc ruồng bố và các chiến thuật mới để kiểm xoát biên phòng. Sau đó trong phiên họp khoáng đại với đề tài “Chương Trình Tị Nạn Hoa Kỳ: Các Vấn Đề Hiện Hữu và Chiều Hướng Hiện Tại”, do một thuyết trình đoàn trình bầy.

Kế tiếp là các buổi hội thảo tùy ý lựa chọn trong 10 đề tài khác nhau buổi sáng và buổi chiều, và kết thúc bằng một buổi trình chiếu phim ảnh: “Một Biên Giới, Một Thân Thể”, và “Cánh Đồng Mudan.”

Ngày thứ tư 30/7/08 đề tài trong phiên họp khoáng đại là: “Che Chở Những Người Dân Yếu Đưối Không Tự Bảo Vệ Mình.” do Dân Biểu Christopher H. Smith (Cộng Hòa, New Jersey) trình bầy với sự điều hợp của Đức Giám Mục Jaime Soto, Giám Mục Sacramento.

Từ 11:00 sáng các tham dự viên đã ghi danh sẽ được xe buýt chuyên chở tới Quốc Hội để gặp các nghị Sĩ và Dân Biểu của mình.

7 giờ tối là Bữa Tiệc có nghi thức ân thưởng để ghi ơn một nhân vật có công trong việc trợ giúp người di cư trong nhiều năm. MC của chương trình là cô Lisa Nguyễn Thùy Dương, Giám Đốc Điều Hành của VOICE. Thuyết trình viên là bà Immaculée Ilibagiza, một người sống sót của vụ diệt chủng tại Rwanda vào đầu thập niên 90.

Ngày thứ năm 31/7/08: Hội Nghị tiếp tục với 20 buổi hội thảo tùy ý lưạ vào buổi sáng và sẽ bế mạc vào lúc 12:15.

Cha Vượng và quý cha đồng tế
Đức Hồng Y McCarrick chủ tế
Ông Thư đọc lời nguyện giáo dân
Các Đức HY và Giám Mục đồng tế
Cựu Đại sứ Jonny Young, các nữ tu và các giáo dân tham dự thánh lễ
Ca Đoàn St. Camillus với Tracy McDonnell đàn keyboard
Quang Cảnh Hội Trường
Cha Vượng, Ông Nam Lộc (MC Asia), Ông Thư và Sơ Anne
 
Các Giám Mục Phi Luật Tân kêu gọi chính phủ cải cách nông nghiệp và bảo vệ sự sống
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:04 29/07/2008
Manila (AsiaNews) - Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân đang kêu gọi Tổng Thống Gloria Macapagal Arroyo trình bày về “phát triển nông nghiệp và các phương pháp kế hoạch hóa gia đình theo tự nhiên” nhân bài phát biểu hàng năm của bà về “tình hình đất nước” trước Hạ nghị viện.

Đức Tổng Giám Mục Lingayen-Dagupan của Oscar Cruz, Cựu Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Phi Luật Tân cho hay: “Tôi hy vọng và câu nguyện để [bài diễn văn của Tổng Thống] sẽ đề cập đến phát triển đất trồng trọt như là vấn đề trọng tâm”. Ngài nhấn mạnh rằng đó là nguyên tắc cơ bản để phát triển “lĩnh vực nông nghiệp”, là nguồn lực thiết yếu và là động lực mang tính truyền thống của nền kinh tế Phi Luật Tân. Đức Tổng Giám Mục Cruz nhấn mạnh: “Với Chương trình Cải cách Ruộng đất Toàn diện về tưới tiêu, phân bón và hiện đại hóa nông nghiệp, quá trình kinh tế xã hội Phi Luật Tân chắc chắn sẽ tiến lên”.

Đức Tổng Giám Mục Aniceto, Chủ tịch Ủy ban Gia đình và Sự sống Hội đồng Giám Mục Phi Luật Tân kêu gọi bà Arroyo tái xác nhận sự ủng hộ của bà về các phương pháp kế hoạch hóa gia đình theo tự nhiên, bác bỏ luật phò phá thai do một số nhà làm luật đệ trình. Ngài nói: “Tôi hy vọng Tổng Thống tái xác nhận lập trường của bà rằng sự sống là thiêng liêng và nền tảng của một nền cộng hòa vững mạnh là gia đình vững chắc, vốn là nền tảng của toàn bộ thường dân”. Ngài cũng bày tỏ hy vọng của ngài rằng vị nguyên thủ sẽ giữ lời hứa với các giám mục để nói về các phương háp kế hoạch hóa gia đình trong dịp đọc diễn văn của bà.

Cuối cùng, các Giám Mục tuyên bố rằng trong những ngày sắp tới sẽ có cuộc họp với các nhà lập pháp để thảo luận về những dự luật đang được xem xét trong nghị viện, trong đó có “luật phò phá thai” gây tranh cãi.
 
ĐGH sẽ viếng thăm Ả rập?
Phụng Nghi
12:54 29/07/2008
Viễn tượng sau đây dường như là chuyện không thể có: Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ là vị giáo tông đầu tiên trong thời đại mới đặt chân lên Bán đảo Ả rập.

Nhưng một cuộc viếng thăm như thế không thể xẩy ra được sao? Những lời đồn đoán về khả năng ĐGH thăm viếng vùng đất này đã gia tăng từ hồi đầu tháng 7 khi vua Hamad nước Baharain mời Đức thánh cha tới thăm nước ông. Nhà vua là vị quốc trưởng Ả rập đầu tiên chính thức ngỏ lời mời Đức giáo hoàng trong một buổi triều yết riêng, tiếp theo sau việc phó thủ tướng nước Qatar năm ngoái cũng ngỏ lời mời tương tự.

Cả hai cử chỉ nói trên nói lên một hiện tượng đáng chú ý đang xảy ra trong khu vực này: đó là sự gia tăng số người Kitô giáo sinh sống tại đây, và sự hiện diện của họ gây ra áp lực buộc các chính quyền Ả rập phải giúp đỡ họ. Bahrain, giống như hầu hết các quốc gia Ả rập, có một số lớn di dân. Người lao động nước ngoài nay chiếm 35 % dân số vương quốc này, trong khi đó tại Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tỷ lệ này là 80%, còn ở Kuwait là 60%.

Quả vậy, trong số dân 35 triệu người tại Bán đảo Ả rập có đến 40% là công dân nước ngoài. Một số lớn từ châu Á tới, theo Kitô giáo hoặc không theo đạo Hồi; trong số đó có một tỷ lệ đáng kể những người đến từ các vùng Kitô giáo truyền thống như Phi luật tân và miền nam Ấn độ.
Bán đảo Ả rập (mầu vàng) gồm 7 quốc gia


Theo thống kê, số người theo Kitô giáo nay chiếm gần 9% trong tổng số dân 720 ngàn người nước Bahrain. Tại Ả rập Saudi, Giáo hội Công giáo ước tính có tới 1 triệu 2 người Công giáo Phi luật tân, tăng từ 800 ngàn người vào năm 2005, biến họ thành nhóm di dân đông đảo nhất sau những người Ấn và Bangladesh.

Vì thế ta không ngạc nhiên khi các nhà cầm quyền trong vùng này bắt đầu chú ý đến hiện tượng đó. Suy cho cùng, sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế trong vùng Vịnh có được phần lớn là dựa trên lưng những người lao động di cư, và vì thế, ở một mức độ nào đó, sự tăng trưởng trong tương lai tùy thuộc vào tình trạng cuộc sống của họ.

Yếu tố này đã gián tiếp thúc đẩy Bahrain gửi một nhà ngoại giao gốc Do thái làm đại diện quốc gia này tại Hoa kỳ. Trong khi đó, một nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Qatar đã mở cửa hồi tháng Ba năm nay. Theo Giám mục Oaul Hinder, người đại diện ĐGH tại Ả rập, trú sở đặt tại Abu-Dhabi, thì các chính quyền trong vùng Vịnh đang “thi đua” với nhau về những sáng kiến đối thoại liên tôn giáo.

Nhưng con đường đi vẫn còn dài trước khi các quyền tự do tôn giáo đầy đủ được ban bố cho người dân, như những người Tây phương đang được hưởng, ngay cả ở một quốc gia có tự do tôn giáo như Bahrain. Nạn quan liêu và sự xa cách trong quan hệ giữa vua chúa với thần dân là lý do có sự chậm chạp về phát triển tự do tôn giáo. Điều này thật rõ rệt khi ta có dịp đến thăm một xứ đạo Công giáo trong vùng. Tổng cộng chỉ có 20 giáo xứ, do các nhóm linh mục điều hành, hầu hết là các cha thuộc dòng Capuxinô, đảm nhiệm coi sóc có khi cả hàng trăm ngàn giáo dân trong chỉ một xứ đạo, vì nhà cầm quyền không cho phép xây cất thêm nhà thờ.

Giáo hội đang nhẹ nhàng làm áp lực với các vương quốc để họ cho thêm giấy phép xây cất, nhưng cũng gia tăng thêm các mối quan tâm khác nữa.

Đặc biệt là Giáo hội muốn có được việc bảo đảm công ăn việc làm tốt hơn cho con chiên. Đa số di dân là những người không có năng khiếu chuyên môn, hay chỉ làm lao động chân tay, kiếm được khoảng 10 mỹ kim một ngày ngay cả trong những vùng rất giàu có.

Hàng triệu người đó sống trong các trại lao công tồi tàn và, có những trường hợp tồi tệ nhất, phải sống trong cảnh nô lệ của thời đại mới hoặc lao động theo giao kèo. Những người giúp việc nhà, đa số là giáo dân Công giáo Phi luật tân, còn đặc biệt bị nguy hiểm, với hàng ngàn vụ bị lạm dụng, gần như bị chủ nhà giam giữ, không được hưởng quyền gì và không được tự do đi lễ. Hơn nữa, hầu hết các tôn giáo không phải là đạo Hồi trong vùng Vịnh cảm thấy bất an và lo sợ có thể bị mời ra khỏi khu vực này bất cứ lúc nào.

Tất cả những vấn đề này có thể được đặt ra và có thể được giải quyết bắng một cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng, cuộc thăm viếng cũng tạo ra sự thúc đẩy rất mạnh cho những đối thoại liên tôn giáo.

Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho sự hiện diện của Đức giáo hoàng tại Ả rập, là các khuynh hướng cải cách hiện nay tại gia đình hoàng gia Hồi giáo Sunni tại Vương quốc Ả rập Saudi (House of Saud). Vua Abdullah là người đang từ tốn trong nỗ lực tiếp xúc với các tôn giáo và cải tiến theo thời đại mới. Tháng Sáu năm nay, ông đưa một số các vị lãnh đạo Hồi giáo tới Mecca để thảo luận về phương pháp tốt nhất nhằm đối thoại với các tôn giáo khác. Và hồi trung tuần tháng Bẩy, ông trở thành quốc vương Saudi đầu tiên chủ trì một cuộc hội nghị liên tôn, đem lại gần nhau các nhân vật trưởng thượng không chỉ từ Hồi giáo và Kitô giáo, mà còn cả Do thái giáo nữa.

Những cuộc hội họp ghi dấu mốc đó lại có thêm buổi gặp gỡ của ông với Đức giáo hoàng Bênêđictô năm ngoái tại Roma, những tiến triển khiêm tốn về tự do tôn giáo (chẳng hạn: các buổi thờ phượng riêng tư của người không theo Hồi giáo nay không bị trừng phạt nữa), và sự ngăn chặn thành công nạn khủng bố ở Saudi. Mặc dầu ông không thể nói thẳng ra là nhờ ở sự hiện diện của những người cực đoan trong chính quyền của ông, nhưng việc nhà vua sẽ hoan nghênh một cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng là chuyện ít người ngờ vực.

Chỉ có hai điều thực sự làm trở ngại cho cuộc viếng thăm như thế.

Trước hết, những người cực đoan chắc chắn sẽ phản đối. Vì thế, còn tuỳ thuộc nhiều vào các sáng kiến của Vua Abdullah và các nhà lãnh đạo Ả rập khác nhằm xoa dịu hoặc làm mất thế giá tiếng nói của nhóm người thiểu số đó.

Thứ hai, đối với Đức giáo hoàng, khó khăn là về vấn đề nghi thức ngoại giao – ngài nên thăm viếng những Quốc gia nào? Chẳng hạn, ngài có thể viếng thăm khu vực này mà lại không đến Ả rập Saudi? Giám mục Hinder nói: “Đối với tôi, sẽ là điều vui mừng rất mực nếu một ngày kia cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng có thể thực hiện được. Nhưng tôi thiết tưởng cũng cần có thời gian vì nhiều vấn đề liên quan phải giải quyết.”

Nếu điều đó quả thực xảy ra, Bênêđictô XVI cũng không phải là vị giáo tông thứ nhất du hành đến vùng này: Giáo tông Shenouda III, đứng đầu Giáo hội Coptic Ai cập đã viếng thăm Vương quốc Ả rập Thống nhất năm ngoái để khánh thành một nhà thờ Coptic mới tại Abu Dhabi. Tuy nhiên một cuộc thăm viếng của người kế nhiệm Thánh Phêrô, sẽ thu hút sự chú ý hơn nhiều và mang theo với nó một số phúc lợi hiển nhiên cho tất cả các dân tộc trong vùng.

Nguồn: Edward Pentin/Newsmax
 
Nhiều giám mục Anh giáo chống đối việc truyền chức Giám mục cho phụ nữ và người đồng tính
Peter Nguyễn Minh Trung
17:41 29/07/2008
CANTERBURY - Một nhóm đông những giáo sĩ cấp cao Anh giáo phát biểu tại Hội nghị Lambeth đang diễn ra tại Anh Quốc rằng: "Phải chấm dứt ngay sự tự do truyền chức Giám mục cho những người đồng tính cũng như chúc lành cho các cặp hôn nhân đồng giới tính nếu như Liên hiệp Anh giáo không muốn sự chia rẽ vĩnh viễn xảy ra trong lòng giáo hội."

650 Giám mục Anh giáo tham dự Hội Nghị
Nhiều vị Giám mục Anh giáo đã đưa ra phát biểu như vậy trong Hội nghị cấp cao Lambeth nhằm tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu hàn gắn rạn nứt lớn đang diễn ra trong lòng giáo hội Anh giáo xoay quanh việc truyền chức Giám mục cho phụ nữ và người đồng tính. Hội nghị Lambeth là hội nghị cao cấp của Liên hiệp Anh giáo được triệu tập 10 năm 1 lần bởi vị Tổng Giám Mục thành Cantebury. Hội nghị lần này quy tụ 650 Giám mục Anh giáo trên toàn thế giới tại Cantebury cũng đã yêu cầu các Giáo hội truyền thống tại Phi châu ngừng thiết lập các vùng tài phán của họ trên lãnh thổ Hoa Kỳ để các giáo hội Anh giáo tại Hoa Kỳ tránh khỏi sự tan vỡ do tranh cãi với nhau.

Hội nghị Lambeth đã bị gần 300 Giám mục Anh giáo nhiều nơi trên thế giới tẩy chay không tham dự vì nhiều hỗn loạn, đặc biệt khi họ thấy sự tham dự của Giám mục đồng tính Gene Robinson.

Giám mục đồng tính Robinson và bạn trai Dan Karslake
Rạn nứt thực sự đã xảy ra ngay từ năm 2003 với việc tấn phong Gene Robinson, người công khai đồng tính luyến ái làm Giám mục New Hampshire. Biến cố này đã gây chia rẽ giữa lớn lòng Giáo Hội Anh Giáo. Ngày mùng 10/06/2008, Giám mục Robinson đã thành hôn với ông Mark Andrew trong một nghi lễ dân sự và sau đó là trong lễ nghi Anh giáo tại nhà thờ chánh tòa St. Paul ở Concord, có thân nhân bạn bè tham dự. Cách đây vài tuần lại có hai Giám mục Anh giáo đồng tính lấy nhau, khiến cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury tiến sĩ Rowan Williams rơi vào cơn lốc tôn giáo dường như vô lối thoát..

Ngày mùng 01/07/2008, 1300 mục sư đã đe dọa ra khỏi Giáo hội Anh giáo nếu Giáo hội để cho phụ nữ làm Giám mục..

Tại Hội nghị Lambeth kỳ này, nhóm dẫn đầu bởi Giám mục Clive Handford từng là người đứng đầu Giáo hội Episcopal ở Trung Đông bày tỏ quan điểm rằng trong tương lai dài lâu, những thỏa thuận và niềm tin chung lẫn nhau là cần thiết để duy trì sự hiệp thông Anh giáo. Nhưng trong thời điểm cấp thiết hiện tại, nhóm của Giám mục Clive Handford yêu cầu ngay lập tức phải cấm việc truyền chức Giám mục cho những người đồng tính và chúc hôn cho những cặp cùng giới để ngăn chặn một "sai lầm không thể sửa chữa" trong Liên hiệp Anh giáo.

Linh mục nữ giới Anh giáo
Tuy nhiên Giám mục Handford nói rằng ông không diễn giải sự việc để bắt buộc vị Giám mục đồng tính của giáo phận New Hampshire là Gene Robinson từ chức.

Nhưng điều đó có nghĩa là Giáo hội Episcopal hứa sẽ không lập lại những vụ truyền chức như vậy nữa.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các Giám mục Anh giáo Phi châu tại các quốc gia như Nigeria, Kenya và Uganda phải rút lại quyền tài phán của họ trên lãnh thổ Hoa Kỳ, nơi họ đã thiết lập sự quản trị bên trên một số giáo phận bất mãn với liên hiệp Anh giáo về vấn đề truyền chức Giám mục cho phụ nữ và cho người đồng tính.

Tưởng cũng nên biết hôm 13/07/2008 vừa qua, Giám mục đồng tính Gene Robinson đã bị buộc không được đọc diễn văn của ông ta trước Hội nghị Lambeth.
 
Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Thánh trên truyền hình
Peter Nguyễn Minh Trung
17:42 29/07/2008
H2O News - Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ lên sóng truyền hình và đọc chương đầu tiên của sách Sáng thế (Genesis) trong khoảng một giờ đồng hồ. Sự kiện đặc biệt này sẽ diễn ra vào chiều ngày 05 tháng 10 sắp tới trên kênh truyền hình quốc gia Italia "RaiUno".

Giới hữu trách đài "Rai-Vaticano", ông Giuseppe de Carli cho biết về sự kiện chung này khi tham gia chương trình chạy bộ đọc Kinh Thánh có tên gọi "The Bible, Day and Night" (Thánh Kinh, Ngày và Đêm). Ông không cho biết là Đức Thánh Cha sẽ truyền hình trực tiếp sự kiện này hay ghi âm trước và sẽ phát sóng tại thời điểm đó.

Chương trình có hẳn 1 nhóm những người sẽ đọc Kinh Thánh từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá Jerusalem tại Rome cho đến hết ngày 11 tháng 10 với sự tham dự của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vào lúc kết thúc. Hãng thông tấn Zenit cho biết ĐHY Bertone sẽ đọc chương 22 của Sách Khải Huyền khi kết thúc chương trình.

Ý tưởng trên được khởi đi từ việc tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa thông thường lần thứ 12 từ ngày 5 đến 26/10/2008 tại Vatican với chủ đề "Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội".
 
Đức Cha Wilhelm Egger nói về cuộc nghỉ hè của Đức Thánh Cha
LM. Trần Đức Anh, OP
20:07 29/07/2008
Đức Cha Wilhelm Egger nói về cuộc nghỉ hè của Đức Thánh Cha

Trong 3 kỳ hè trước đây, ĐTC Biển Đức 16 đã đến nghỉ tại miền núi Val d'Aosta và Lorenzago di Cadore bắc Italia. Năm nay ngài tiếp tục chọn miền núi để nghỉ ngơi và hôm 28-7-2008, ngài bắt đầu chương trình nghỉ 2 tuần lễ tại Đại chủng viện ở Bressanone. Thành phố này có hơn 20 ngàn dân thuộc tỉnh tự trị Bolzano là một vùng, tuy thuộc về lãnh thổ Italia từ sau thế chiến thứ I, nhưng có đến gần 3 phần 4 dân chúng nói tiếng Đức, và chỉ có 1 phần 4 nói tiếng Ý, một phần nhỏ còn lại nói tiếng ladino. Nhân dịp ngài đến đây, người ta cũng tìm tòi và khám phá thấy rằng bà ngoại của ĐTC tên là Maria Tauber Peintner cũng là người miền này. Bà sinh ngày 29-6-1855 và về sau thành hôn tại Innsbruck rồi lập nghiệp tại miền Bavière bên Đức.

Bressanone ở cao độ 560 mét so với Địa trung hải và thuộc vùng có những núi cao khoảng 2.500 mét. Thành này họp với tỉnh lỵ Bolzano thành một giáo phận duy nhất với gần 470 ngàn tín hữu Công Giáo, do Đức Cha Wilhem Emil Egger, 68 tuổi, dòng Capuchino, coi sóc với sự cộng tác của 565 linh mục triều và dòng, đảm trách 281 giáo xứ. Ngoài ra giáo phận có 12 phó tế vĩnh viễn, 8 đại chủng sinh và hơn 600 nữ tu.

Đức Cha Egger cho biết từ lâu dân chúng trong giáo phận Bolzano Bressanone vẫn mong ước được ĐTC trở lại lãnh thổ của họ, và ước muốn này được thể hiện qua việc ĐTC chấp nhận đến nghỉ hè năm nay tại đây. Đức Cha nói: ”Tôi thiết nghĩ dân chúng cảm thấy rất hân hạnh vì sự chọn lựa của ĐTC và hành động này được coi là một sự quí mến của ngài đối với họ. Do phẩm chất cuộc sống cũng như do vị trí của Bressanone, nơi đây thực là một địa điểm nghỉ hè đối với nhiều người. Đây là miền du lịch và chúng tôi rất hài lòng vì ĐTC quyết định đến nghỉ ít ngày tại đây”.

Sau đây là cuộc phỏng vấn Đức cha Egger dành cho báo Quan sát viên Roma (Osservatore Romano) của Tòa Thánh, số đề ngày 27-7-2008.

H. Đức Cha và các cộng sự viên đã tổ chức thế nào để ĐTC được qua một kỳ nghỉ tại đây?

ĐC EGGER: ĐGH đã đến nghỉ hè nơi chúng tôi hơn 10 lần trước đây. Khi còn là Hồng Y, ngài đã nhiều lần cư ngụ tại Đại chủng viện Bressanone. Chúng tôi nghĩ là nên để ngài nhìn lại những nơi ngài đã quen thuộc và chúng tôi biết là ngài hài lòng về điều đó. Chúng tôi đã sửa sang lại căn hộ nơi ngài cư ngụ, căn hộ này quen được gọi là căn hộ của Giám Mục trong chủng viện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tân trang một số nơi trong đại chủng viện. Thực ra việc tân trang này vốn được lên chương trình cho những năm tới đây, nhưng vì ĐTC đến, nên chúng tôi quyết định thực hiện sớm hơn. Bên cạnh chủng viện có trường Cusanus, và trong dịp này, chúng tôi tạm thời đóng cửa để ĐTC được yên tĩnh hơn.. Đối với chúng tôi, ưu tiên đầu tiên là bảo đảm sự yên tĩnh cho ngài.

Trong chương trình, có vài cuộc gặp gỡ của ĐTC với các tín hữu: có hai buổi đọc kinh truyền tin và một cuộc gặp gỡ với các linh mục. Tại Bressanone có một quảng trường rất đẹp, đó là Quảng trường Nhà thờ chính tòa có thể chứa được 9 ngàn người. Các cộng tác viên của tôi cũng đã thị sát một số nơi yên tĩnh trong thành phố, nơi mà ĐTC có để đi dạo.

H. Thưa Đức Cha, cuộc nghỉ hè này, do khung cảnh thiên nhiên ở địa phương, cũng có thể là một lời mời gọi đặt lại vấn đề bảo vệ môi sinh..

ĐC EGGER: Tại Úc trong dịp Ngày Quốc tế giới trẻ vừa qua, ĐTC cũng đã nhấn mạnh nhiều đến vấn đề môi sinh. Tôi nghĩ sự hiện diện của ngài tại đây, nơi chúng tôi, cũng là một sứ điệp về vẻ đẹp thiên nhiên, vì ĐTC cảm thấy rất thoải mái trong môi trường thiên nhiên này. Sự hiện diện của ngài ở đây cũng là một sứ điệp gửi tới tất cả mọi người về sự cần phải bảo tồn vẻ đẹp của thiên nhiên. Sự hiện diện của ngài nơi phong cảnh tươi đẹp này cũng là để nghỉ hè, vì sự yên tĩnh và thinh lặng, đó là một sứ điệp tuyệt hảo, đối lại với sự căng thẳng thường nhật, chứng tỏ cần có những lúc nghỉ ngơi và thư giãn.

H. Đức Cha có thể mô tả một ngày tiêu biểu của ĐTC trong kỳ nghỉ của ngài tại đây hay không?

ĐC EGGER: Chúng tôi không biết rõ các ngày của ngài ở đây, nhưng chúng tôi biết khi còn là Hồng Y ngài đã sống những ngày hè của ngài ở đây như thế nào, và tôi nghĩ đó cũng là lối sống của ngài. Có những lúc ngài cầu nguyện, lúc khác ngài chuyện vãn với bào huynh Georg của ngài. Ngài cũng rất thích nghe nhạc. Chúng tôi đã cho đặt một đàn dương cầm trong phòng căn hộ của ngài và biết rằng ngài sẽ không ngại chơi đàn. Có những lúc ngài dành cho việc đọc sách, nhất là ngài thường vào thư viện của chủng viện. Khi ngài còn là Hồng y, chúng tôi cũng trao cho ngài chìa khóa thư viện để ngài sử dụng khi ngài muốn. Đây là một thư viện lịch sử rất có giá trị và có cả những sách mới thời nay và ĐGH biết rất rõ. Và dĩ nhiên là ngài cũng sẽ thực hiện những cuộc đi dạo giữa cây cối xanh tươi, tiếp xúc với thiên nhiên.

”Chắc hẳn ĐTC sẽ dành một phần lớn thời gian trong ngày để chuẩn bị cho sứ vụ mục vụ và giáo huấn của ngài. Khi còn là HY, ngài đã soạn những tác phẩm rất quan trọng tại Bressanone này. Ví dụ, tôi nhớ cách đây nhiều năm, ngài đã nói chuyện lâu giờ với ký giả Vittorio Messori để soạn cuốn sách nổi tiếng 'Tường trình về đức tin'. Trong một lần khác, ngài tiết lộ là trong kỳ nghỉ hè năm 2000 tại đây, ngài đã viết một phần cuốn sách về Chúa Giêsu. Tóm lại, nhờ môi trường xung quanh, và sự thanh thản vì không phải thi hành những công tác chính thức khác, sự yên tĩnh mà chúng tôi cố gắng tạo cho ngài, chắc chắn đó là những yếu tố thuận lợi cho việc nghiên cứu, suy tư, suy niệm và cầu nguyện của ĐTC tại đây.

H. Về những cuộc gặp gỡ chính thức của ĐTC trong những ngày nghỉ hè tại đây, Đức Cha có nghĩ đến điều gì đặc biệt cho ngài không?

ĐC EGGER: Chính quyền thành phố cũng đã sửa sang, làm đẹp hơn, nhân dịp ĐTC đến đây. Ví dụ, quảng trường nhỏ trước đại chủng viện, trước đây có nhiều ổ gà, nay đã được sửa chữa lại, vì đó là nơi gặp gỡ giữa ĐTC và dân chúng, như buổi đón tiếp ngài trưa hôm thứ hai vừa qua với ban nhạc và các trẻ em, không phải một cách long trọng, nhưng như một vị khách trở về nhà. Cũng có một số sáng kiến khác được lên chương trình để thực hiện như các buổi hòa nhạc và một cuộc triển lãm về đời sống thánh hiến.

H. Vào tháng 10 tới đây, sẽ có Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Hồi tháng giêng năm nay, Đức Cha đã được ĐTC bổ nhiệm làm Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM này. Đức cha có định nói chuyện với ngài về công nghị GM này hay không?

ĐC EGGER: Trước tiên, tôi phải bảo vệ sự yên tĩnh của ĐTC và điều này tôi cũng áp dụng cho bản thân mình nữa. Vì thế, tôi sẽ không để mình đưa ra bao nhiêu đề nghị. Nếu ĐTC muốn nói về điều đó thì tôi cũng rất hài lòng. Tôi biết ĐTC Biển Đức 16 từ lâu và ngài cũng biết tôi là một chuyên gia về Kinh thánh. Nói chuyện với ngài về Lời Chúa thực là điều rất thích thú vì ngài cũng là một đại chuyên gia về Kinh thánh. Ngài đã viết một cuốn chú giải rất hay về Hiến chế Dei Verbum Lời Chúa, của Công đồng chung Vatican 2. Khi còn là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ngài đã xuất bản và đã cộng tác rất nhiều vào văn bản về việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội. Nói chuyện với ngài về những điều đó thực là thích thú, nhưng tôi xin lập lại nhiệm vụ của tôi và các cộng sự viên của tôi là bảo đảm sự yên tĩnh cho ĐTC.

H. Dư luận quần chúng cũng quan tâm đến những khía cạnh kinh tế của cuộc viếng thăm nghỉ hè của ĐTC tại đây, Đức Cha nói gì về vấn đề này?

ĐC EGGER: Quê hương chúng tôi ở đây là một miền hiếu khách. Chúng tôi đã đóng góp vào nhiều sáng kiến, mới mục đích cổ võ ngành du lịch. Ví dụ các cơ quan chính phủ đã giúp cho các đội banh nổi tiếng được cư ngụ tại miền nay. Cũng vậy đối với cuộc viếng thăm của ĐTC cũng có những tài trợ. Phí tổn do giáo phận chúng tôi, các cơ quan công quyền, tỉnh và thành phố, và những người bảo trợ giúp đỡ. Về phần đại chủng viện nơi ĐTC cư ngụ, đã có các cuộc tu bổ, vì nhiều phòng không có nhà tắm nhà vệ sinh. Cũng vậy căn hộ nơi ĐTC ở cũng được sửa sang lại một chút. Tóm lại, đó không phải là những chi phí đặc biệt, chúng tôi chỉ thực hiện trước một năm chương trình tu bổ đã có trong chương trình. Tiếp đến thành phố đã thực hiện một số công trình thực sự là cần thiết, như sửa sang lại mặt đường tại quảng trường trước đại chủng viện.

(LM. Trần Đức Anh, OP chuyển ý)
 
70 ký giả tháp tùng chuyến tông du sắp tới của ĐTC tại Pháp từ ngày 12 đến 15 tháng 9 năm 2008
Đặng Thế Dũng
22:18 29/07/2008
Roma (Apic 29 tháng 7): Trong số 70 nhà báo được nhận tháp tùng trên chuyến bay cùng với Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Pháp quốc, từ ngày 12 đến 15 tháng 9 tới đây, có 20 nhà báo người Pháp, đại diện cho 17 cơ quan truyền thông khác nhau.

Và trong số 20 nhà báo Pháp này, 8 vị làm việc trong ngành báo chí, 6 vị làm việc cho các đài truyền hình, và 2 vị làm việc cho các hãng thông tấn.

Xét trên bình diện tôn giáo, thì trong số 70 nhà báo tháp tùng, chỉ có 8 vị là Công Giáo.

Về ngành báo chí, người ta có thể kể ra những cơ quan chính sau đây: nhật báo La Croix, tuần báo Gia Đình Kitô (Famille Chrétienne), nguyệt san Người Hành Hương (Pèlerin Magazine), nguyệt san Sự Sống (la Vie), nguyệt san Lộ Đức (Lourdes Magazine), nhật báo Le Figaro, nhật báo Miền Nam (la Dépêche du Midi), tuần báo Paris Match.

Được biết chuyến tông du Pháp vào tháng 9 tới đây là chuyến tông du quốc tế lần thứ 10, để mừng kỷ niệm 150 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức cho thánh nữ Bernadette.

Có hai địa điểm được viếng thăm: là thủ đô Paris (các ngày 12 và 13/07) và Lộ Đức (các ngày 13-15/07).

Bình thường tổng số các nhà báo được nhận tháp tùng trên chuyến bay chung với ĐTC là 70 vị. Nhưng trong chuyến tông du Australia vừa qua để cử hành Ngày Quốc tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney, thì chỉ có tổng cộng 44 nhà báo tháp tùng trên chuyến bay.

Giờ đây với chuyến tông du Pháp Quốc vào tháng 9, thì tổng số nhà báo được tháp tùng sẽ là 70 vị như thường lệ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
3000 giáo lý viên giáo phận Bà Rịa họp mặt tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu
Peter Nguyễn Minh Trung
08:29 29/07/2008
ĐẠI HỘI GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN BÀ RỊA MỪNG BỔN MẠNG
CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN, QUAN THẦY GLV GIÁO PHẬN BÀ RỊA


ĐỨC MẸ BÃI DÂU - Với tự sắc Ad Aptius Consulendum được Đức Thánh Cha Benedict XVI ký ngày 22 tháng 11 năm 2005 tại Vatican, lệnh truyền tách hẳn địa giới hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khỏi giáo phận Xuân Lộc và trở thành giáo phận Bà Rịa, giáo phận thứ 26 của Giáo hội Việt Nam, đồng thời bổ nhiệm Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm làm Giám mục tiên khởi của giáo phận Bà Rịa.

Ngày 05/12/2005, hàng chục ngàn giáo dân, hằng trăm chủng sinh, tu sĩ nam nữ và 33 vị Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Đức Viện Phụ, Đức Ông của Việt Nam mà dẫn đầu là Đức Hồng Y tổng trưởng Crescenzio Sepe cùng phái đoàn Tòa Thánh được sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng đến nhà thờ chính tòa Bà Rịa công bố tự sắc chia giáo phận và bổ nhiệm Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm (sau 13 năm là Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc) trở thành Giám mục chánh tòa tiên khởi.

Từ những biến cố đó, giáo phận Bà Rịa thành hình. Đức cha Thomas đặc biệt quan tâm đến việc dạy giáo lý, đào tạo các chủng sinh, huấn luyện giới trẻ…Ngài thường xuyên gặp gỡ các giới, các hội đoàn, mà đặc biệt là “cánh tay phải nối dài” của ngài – các Giáo Lý Viên (GLV) giáo phận.

Xin xem hình ảnh Đại Hội GLV 2008

Như thông lệ hằng năm, cứ đến ngày Lễ kính Chân phước tử đạo Anrê Phú Yên, Đức Giám Mục giáo phận lại gửi lời mời đến toàn thể các GLV trong giáo phận về tham dự Đại hội GLV cử hành tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu. Dịp Đại hội cũng là cơ hội đặc biệt trong năm quy tụ tất cả các GLV tại tất cả các giáo xứ, giáo hạt trong giáo phận lại với nhau, là cơ hội để gặp gỡ vị cha chung giáo phận, nghe huấn từ của ngài và, đặc biệt, trao bằng GLV cấp III cho các bạn GLV tham dự khóa huấn luyện Ra Khơi mùa hè của giáo phận.

GLV giáo phận Bà Rịa hầu hết ở trong độ tuổi rất trẻ. Trong số tham dự Đại hội GLV 2008 năm nay vào ngày 27.7.2008, có nhiều những GLV cấp III có năm sinh trong khoảng từ 1994 đến 1992.

Chương trình của ngày Đại hội GLV 2008 giáo phận Bà Rịa như sau:

- 07h30: Đón tiếp – Mỗi GLV nhận một sách chương trình tại lối lên nhà vòm.
- 08h00: Ổn định trong nhà vòm (các GLV ngồi theo giáo hạt, có bảng hướng dẫn).
- 08h30: Diễn nguyện Anrê Phú Yên (tại nhà vòm).
- 09h00: Giải lao.
- 09h15: Lên nhà thờ.
- 09h30: Gặp gỡ Đức Giám Mục.
- 10h00: Thánh lễ đồng tế do ĐGM chủ sự & nghi thức “Sai đi” cho các GLV Ra Khơi.
- Sau lễ: Cơm trưa & Giao lưu văn nghệ.
- 15h00: Nghi thức chia tay.

7h30 sáng, hơn 3000 GLV của 4 giáo hạt Long Hương, Phước Lễ, Vũng Tàu, Bình Giã thuộc giáo phận Bà Rịa đã tề tựu từ khắp nơi về Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, một trung tâm hành hương nổi tiếng được khắp nơi biết đến. Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, hiện do cha John Baptist Nguyễn Văn Bộ làm giám đốc, gồm một khu phức hợp nhiều văn phòng của giáo phận và các Dòng tu trải dài từ chân núi lên đến sườn núi. Với địa hình đặc thù và khí hậu biển mát mẻ kết hợp giữa rừng, núi và biển đã tạo thành điểm nhấn cho Trung tâm hành hương Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu cũng như Tượng đài Chúa Kitô Vua ở Tao Phùng.

Các GLV được đón tiếp tại nhà vòm, phía bên nhà khách của Bãi Dâu. Nơi đây vẫn thường đón tiếp và là chỗ nghỉ cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục khi tham dự Hội nghị thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhiều lần được tổ chức tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu.

Là Chúa Nhật nên khách hành hương thập phương đến Bãi Dâu rất đông nhưng thấy và biết hôm nay là ngày đặc biệt của các GLV nên tất cả đều vui vẻ rời khỏi nhà thờ Mẹ Thiên Chúa đi lên phía núi và linh đài Đức Mẹ nhường chỗ cho các GLV. Một số đông khách hành hương ngồi lại 2 bên hông nhà thờ để cùng tham dự với các GLV cũng như hiệp thông trong Thánh Lễ sắp diễn ra.

9h30, Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm – Giám mục chánh tòa tiên khởi giáo phận Bà Rịa tiến vào nhà thờ cùng với các cha đặc trách huấn giáo trong giáo phận. Khi Đức cha Trâm huấn dụ các GLV, ngài trình bày về một xã hội tiêu thụ, thực dụng, tục hóa, một xã hội cần nhiều lòng quảng đại và phục vụ, ngài ưu tư việc nhiều em nhỏ tại các giáo xứ chưa được dạy giáo lý. Ngài đề cao sứ mệnh giảng dạy giáo lý của các GLV, ngài cũng đề cập đến Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) vừa diễn ra từ 15 đến 20 tháng 07 tại Sydney – Australia. Ngài lặp lại lời Đức Thánh Cha Benedict XVI: “Các con có đang sống đời mình trong một cách thế mở ra không gian cho Thánh Thần Chúa giữa lòng một thế giới muốn quên đi Thiên Chúa, hay thậm chí phủ nhận Ngài dựa trên một cảm nhận sai lầm về tự do ?! Các con để lại cho thế hệ tương lai một di sản nào ? Các con tạo nên được sự khác biệt nào ? Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên và, một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng.”

Ngài kêu gọi các GLV tái khám phá Đức Kitô bằng việc kín múc từ viễn tượng phong phú của đức tin được các chứng nhân tử đạo để lại.

10h00, Thánh lễ đồng tế do Đức cha Trâm chủ sự cùng 10 linh mục gồm cha Tổng đại diện Paul Nguyễn Hữu Thời, cha giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu Nguyễn Văn Bộ cùng các cha đặc trách huấn giáo trong toàn giáo phận. Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm giảng lễ. Bài giảng nhấn mạnh đến đức tin hào hùng mà hơn 114.000 vị tử đạo Việt Nam đã hy sinh để minh chứng, đặc biệt là vị tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên. Đức cha cũng đề cập đến WYD 2008 Sydney, ngài kêu mời các GLV ra đi làm muối cho đời, làm ánh sáng cho thế gian.

Thánh lễ kết thúc lúc 11h30. Sau Thánh lễ, mưa nhẹ rơi, các bạn GLV được hướng dẫn ăn trưa và nghỉ ngơi tại nhà vòm, phần giao lưu văn nghệ có đại diện của các giáo hạt và 2 ca sỹ Công giáo nổi tiếng Phi Nguyễn, Kim Cúc tham gia và một nhạc phẩm đặc biệt do Linh mục Anthony Nguyễn Văn Toàn (chánh xứ Quảng Nghệ) trình bày.

Từ 12h00 đến 13h50, mưa rất nặng hạt.
15h00 chiều, nghi thức chia tay diễn ra, các bạn GLV ra về trong niềm vui được sai đi rao giảng Tin Mừng đến tận cùng thế giới, được sai đi làm muối ướp đời, làm men thấm đất, làm ánh sáng chiếu soi gian trần.

Đại hội lần III kỳ 2008 kết thúc tốt đẹp và ghi đậm dấu trong lòng các GLV giáo phận Bà Rịa.
 
Cảm nghiệm được tham dự Đại Hội Giáo Lý Viên tại Bãi Dâu
Peter Nguyễn Minh Trung
11:03 29/07/2008
HẢI SƠN - Hưởng ứng lời mời gọi của Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm, Giám mục giáo phận Bà Rịa, đoàn Giáo Lý Viên (GLV) giáo xứ Hải Sơn chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để tham dự ngày Đại hội GLV 2008 nhân dịp Lễ kính Chân phước Anrê Phú Yên, cũng là quan thầy GLV giáo phận Bà Rịa.

Xin xem hình ảnh Đại Hội GLV 2008

Sáng Chúa nhật 27/07/2008, đúng 06h15, GLV Hải Sơn chúng tôi vào chào cha chánh xứ Dominic Vũ Duy Hùng trước khi lên đường tham dự ngày đại hội. Cha xứ và chúng tôi đọc kinh nguyện tại tượng đài Đức Mẹ trước nhà xứ và ngài ban phép lành cho chúng tôi. Lãnh nhận phép lành từ vị linh mục chánh xứ xong, chúng tôi chào ngài lên đường…

Tưởng cũng nên nhắc lại giáo xứ Hải Sơn đã từng có 4 cha chánh xứ trước cha Hùng, đó là: cha Sơn, cha Paul Nguyễn Hữu Thời (nay là linh mục Tổng đại diện giáo phận Bà Rịa), cha Dominic Bùi Văn Án (nay là linh mục chánh xứ Bắc Hải, giáo phận Xuân Lộc), cha John Baptist Phan Kế Sự (nay là giám đốc Tu hội Tông Đồ Nhỏ tại giáo phận Xuân Lộc do Đức cố Giám mục Paul Mary Nguyễn Minh Nhật sáng lập).

06h40, chúng tôi lên đường. Trên đường đi chúng tôi cũng gặp khá nhiều đoàn xe chở các GLV giáo xứ khác trong giáo phận đang tiến về Bãi Dâu, chúng tôi – những người trẻ - háo hức hò hét chào nhau qua ô cửa kính xe mặc dù chưa hề quen biết, nhưng trong chính chúng tôi, chúng tôi tự biết, chúng tôi là những người cùng chung chí hướng.

Khi vào đến nội thành của thành phố Vũng Tàu, dọc theo đường Trần Phú gần đến Bãi Dâu, chúng tôi thấy rất nhiều GLV mặc đồng phục GLV giáo phận đang cùng rất nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại xem 1 chú cá voi con (khá lớn) nằm dài bên đường do bị mắc cạn. Không dừng lại, chúng tôi đi tiếp, chỉ 3 phút sau, khung cảnh núi biển Bãi Dâu hiện ra trước mắt đoàn GLV Hải Sơn chúng tôi.

Đúng 07h20, đoàn GLV giáo xứ Hải Sơn thuộc giáo hạt Long Hương chúng tôi đặt chân xuống mặt đất Bãi Dâu, hàng ngàn GLV đã tề tựu tại khuôn viên Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, khung cảnh Bãi Dâu tràn ngập màu áo xanh da trời và khăn quàng đỏ viền trắng – đồng phục GLV giáo phận khiến tôi liên tưởng đến ngày tụ họp của những bạn trẻ khắp nơi trên thế giới tại WYD 2005 Cologne, Germany cũng như WYD 2008 Sydney, Australia vừa diễn ra tuần trước. Các GLV chúng tôi ngay sau khi xuống xe được các thầy và linh mục đặc trách huấn giáo đeo khăn quàng trắng viền đỏ hướng dẫn vào hội trường nhà vòm để chuẩn bị nghi thức đón tiếp. Mỗi người đều nhận được 1 quyển sách nhỏ chương trình của ngày đại hội, kèm theo các bài hát trong Thánh Lễ, các bài hát sinh hoạt.

Tại nhà vòm, GLV Hải Sơn chúng tôi được bố trí ngồi ngay đầu dãy ghế có bảng ghi chữ “Giáo hạt Long Hương”, có lẽ do vào sớm hơn nên chúng tôi mới có vị trí khá tốt như thế. Đưa mắt nhìn một vòng, tôi thấy GLV các hạt còn lại như: hạt Phước Lễ I, hạt Phước Lễ II, hạt Vũng Tàu, hạt Bình Giã cũng đã tiến vào ngồi chật kín, mặc dù số lượng GLV chưa có chỗ còn rất đông đang chờ lượt vào của họ ở bên ngoài lối vào nhà vòm.

Linh mục Francis Xavier Nguyễn Văn Đạo chánh xứ Nam Bình, cũng là trưởng ban đặc trách huấn giáo giáo phận, đã thay mặt Ban Tổ Chức (BTC) chào đón tất cả các GLV từ mọi nơi trong giáo phận về tham dự đại hội. Kế đó, linh mục George Nguyễn Đức Phùng, SDB chánh xứ Phước Lộc kiêm trưởng ban đặc trách huấn giáo hạt Long Hương cũng ngỏ lời với GLV giáo phận.

Sau phần đón tiếp, các thầy cho sinh hoạt giao lưu. Không khí nhà vòm náo nhiệt hẳn lên, sức chứa của nhà vòm chỉ khoảng 800 người nhưng lại có đến 3000 GLV, chúng tôi phải ngồi sát lại gần nhau nhưng vẫn không đủ chỗ. Các bài ca cất lên, những vũ điệu vui tươi được tất cả các GLV hưởng ứng qua phần trình bày trước của các “vũ mẫu, vũ sư” là các thầy đặc trách huấn giáo trong giáo phận. Kết thúc phần sinh hoạt, diễn nguyện Anrê Phú Yên bắt đầu. Không khí khác hẳn so với trước đó, mọi người đều thinh lặng chăm chú đón xem, nhạc khúc hào hùng vang lên khi chân phước Anrê Phú Yên bị xử trảm. Ai cũng nhập tâm vào phần diễn nguyện và, có lẽ, mọi người đều có cảm nghiệm cho riêng mình. Phần trảm quyết chân phước Anrê của diễn nguyện đã khiến rất nhiều GLV đồng thanh hét lên khi chứng kiến máu bắn ra tung tóe và đầu của vị chân phước trẻ rơi xuống sàn sân khấu diễn nguyện. Người thủ vai Cha Alexander de Rhodes đã nhặt thủ cấp của Anrê và gói lại trong sự kinh hãi của nhiều người. Tất nhiên máu và thủ cấp chỉ là “hàng giả” nhưng diễn giống hệt như thật khiến mọi người khó có thể nhận ra. Tôi nghĩ chắc có lẽ phải diễn tập trước hàng tháng trời. Phần diễn nguyện đúng như BTC mong đợi, đã gây ấn tượng mạnh trong lòng mọi người.

08h50, hơn 200 GLV tham gia khóa tập huấn Ra Khơi hè 2008 được hướng dẫn lên nhà thờ trước để dợt nghi thức “Sai đi” và lãnh nhận bằng GLV cấp III do Đức cha giáo phận cấp trong thánh lễ sắp diễn ra. Tôi nhớ cũng ngày này năm ngoái, tôi cùng hơn 300 GLV Ra Khơi năm trước đã được Đức cha trao bằng GLV cấp III và “sai đi” “ra khơi” giữa lòng thế giới. Năm nay, tôi tin chắc các bạn GLV khóa 2008 cũng sẽ có những cảm nghiệm giống chúng tôi 1 năm về trước: hồi hộp, lo âu nhưng không kém phần trách nhiệm, háo hức, náo nhiệt của tuổi trẻ sắp đón nhận một vinh dự lớn lao.

09h00 đúng, chúng tôi được BTC hướng dẫn ra ngoài giải lao. Mặc dù đã có sự hướng dẫn của BTC cho từng đoàn đi ra nhưng do lối ra quá nhỏ mà số lượng GLV lại quá đông cho nên tình trạng “kẹt xe” như đã dự báo trước của BTC là không thể tránh khỏi cho dù đã phần nào giảm nhờ những chỉ dẫn luôn vang lên 4 phía qua các loa phát thanh.

Được giải lao 15 phút, chúng tôi tranh thủ hít thở không khí biển, có nhiều GLV thì tụ tập tại cửa hàng lưu niệm trên lưng chừng núi để mua sắm những món đồ Công giáo mang về làm quà tặng bạn bè, người thân và có lẽ cũng để kỷ niệm.

Đang loay hoay với những món hàng lưu niệm thì những hướng dẫn của các thầy vang lên từ phía nhà thờ trên núi yêu cầu tất cả các GLV tiến vào nhà thờ tập hát chuẩn bị đón tiếp Đức cha giáo phận. Lúc này là 09h10, mọi người ngay sau khi nghe thấy lệnh triệu họp lập tức theo các ngả cầu thang đá tiến lên nhà thờ.

Những khách hành hương thập phương đang ở trong nhà thờ đi ra nhường chỗ cho GLV chúng tôi. Họ đi ra bên núi và linh đài Đức Mẹ. Phần nhiều vẫn tụ tập xung quanh nhà thờ để cùng tham dự với chúng tôi.

Phần ổn định cho 3000 GLV chúng tôi tốn vừa vặn 5 phút, đúng vào 09h15 như dự tính của BTC. Thầy Joseph Vũ Minh Đạo đảm trách phần tập hát. Thầy Tuấn, thầy Khanh cùng các thầy khác tham gia phần hướng dẫn cho hàng trăm GLV không có chỗ ngồi vì nhà thờ đã chật cứng ra phía bên ngoài nhà thờ, đảm bảo sao cho mọi GLV đều thấy bàn thờ và nghe được những gì diễn ra. Năm nay tôi chú ý thấy thầy Joseph Nguyễn Công Luận từ ĐCV Giuse Sài Gòn về tham dự nhưng không đảm trách nhiệm vụ nào trong BTC. Năm ngoái thầy Luận là một trong những nhân vật trọng yếu trong BTC Ra Khơi 2007 và Đại hội GLV.

Tập hát xong, chúng tôi đang dợt lại những vũ điệu chào đón Đức cha thì đồng hồ đã điểm 09h30. Thầy Đạo nói mọi người quay về phía cuối nhà thờ chào đón Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm vì ngài đang tiến lên. Tất cả chúng tôi quay lại, vị cha chung 66 tuổi của giáo phận được cha George Nguyễn Đức Phùng, SDB, cha Alfonso Nguyễn Văn Thế, cha Francis Xavier Nguyễn Văn Đạo tháp tùng đang đi lên. Khung cảnh thật đẹp, hàng ngàn GLV quây quần bên Đức cha giáo phận giữa biển, rừng, núi, đất, trời. Còn nơi nào lý tưởng cho bằng nơi đây để quy tụ các GLV. Tôi nghĩ hiếm có nơi nào có nhà thờ đạt được khung cảnh như nhà thờ Mẹ Thiên Chúa ở giáo phận Bà Rịa chúng tôi.

Đức Giám Mục giáo phận tiến vào nhà thờ và được chúng tôi chào đón bằng vũ điệu của bài “Hãy làm cho Ngài lớn lên”. Sau khi an tọa trên ghế chủ chăn, ngài cũng chào mừng lại chúng tôi đã hướng ứng lời mời gọi của ngài tề tựu nơi đây.

Từ 09h35 đến 09h55, trong 20 phút ngắn ngủi, chúng tôi được Đức cha huấn dụ rất nhiều về một xã hội tiêu thụ, thực dụng, tục hóa, một xã hội cần nhiều lòng quảng đại và phục vụ, ngài ưu tư việc nhiều em nhỏ tại các giáo xứ chưa được dạy giáo lý. Ngài đề cao sứ mệnh giảng dạy giáo lý của các GLV, ngài cũng đề cập đến Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) vừa diễn ra từ 15 đến 20 tháng 07 tại Sydney – Australia. Ngài lặp lại lời Đức Thánh Cha Benedict XVI: “Các con có đang sống đời mình trong một cách thế mở ra không gian cho Thánh Thần Chúa giữa lòng một thế giới muốn quên đi Thiên Chúa, hay thậm chí phủ nhận Ngài dựa trên một cảm nhận sai lầm về tự do ?! Các con để lại cho thế hệ tương lai một di sản nào ? Các con tạo nên được sự khác biệt nào ? Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên và, một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng.”

Ngài kêu gọi các GLVtái khám phá Đức Kitô bằng việc kín múc từ viễn tượng phong phú của đức tin được các chứng nhân tử đạo để lại.

Kết thúc bài huấn dụ, Đức cha từ cung thánh nhà thờ tiến vào phòng áo thay lễ phục để cử hành thánh lễ. Đoàn rước kiệu Chân phước Anrê Phú Yên đã chờ sẵn ngài cùng các linh mục đồng tế phía bên trái nhà thờ.

Trong phẩm phục đỏ, đoàn đồng tế gồm 10 linh mục đặc trách huấn giáo của giáo phận, cha giám đốc Bãi Dâu John Baptist Nguyễn Văn Bộ, cha tổng đại diện Paul Nguyễn Hữu Thời và Đức Giám Mục tiến vào giữa lòng nhà thờ với bài ca “Anrê Phú Yên”.

Cha Anthony Nguyễn Văn Toàn công bố Tin Mừng Thánh Gioan, Đức cha giáo phận giảng lễ. Bài giảng nhấn mạnh đến đức tin hào hùng mà hơn 100.000 vị tử đạo Việt Nam đã hy sinh để minh chứng, đặc biệt là vị tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên. Đức cha cũng đề cập đến WYD 2008 Sydney, ngài kêu mời các GLV ra đi làm muối cho đời, làm ánh sáng cho thế gian.

Sau bài giảng là nghi thức “Sai đi” và cấp bằng GLV cấp III cho hơn 200 GLV Ra Khơi 2008. Đức cha vui vẻ đón nhận lời hứa của các GLV và sai các bạn “ra khơi” trở thành chứng nhân Tin Mừng. Bầu trời đổ gió mạnh, chúng tôi cảm nhận được hương vị gió biển tràn qua, lạnh thể xác nhưng ấm tâm hồn. Gió tựa hơi thở của Thánh Thần đã đến với chúng tôi và, chúng tôi cảm nghiệm được sức sống qua làn gió.

Ca hiệp lễ là bài “Khúc Cảm Tạ” du dương đi vào lòng người với ca từ cảm tạ tình yêu Thiên Chúa nhắc nhở chúng tôi về tình yêu và hồng ân mà mỗi chúng ta đã lãnh nhận cùng ý thức, trách nhiệm ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân muôn nước, làm chứng cho Đức Kitô để đáp trả tình yêu lớn lao ấy của Ngài. (www.khuccamta.net)

Lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, tôi cảm nghiệm như lời người bạn đã từng nói: “Phép lạ hằng ngày vẫn diễn ra trên bàn thờ, Bánh và Rượu hóa nên Mình và Máu Chúa Kitô. Nhưng có một điều mà không ai không công nhận rằng đôi khi cần phải có phép lạ nhãn tiền để lay động một tâm hồn nào đó.”. Tôi nghĩ phép lạ nhãn tiền không ở đâu xa, chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta đã là minh chứng hùng hồn về những hồng ân lớn lao từ Thiên Chúa.

Thánh lễ kết thúc cũng là lúc trời đổ cơn mưa phùn kèm gió mạnh. Bầu trời nửa sáng nửa tối. Chúng tôi được hướng dẫn xuống lại nhà vòm để dùng cơm trưa và giao lưu văn nghệ. Lúc này là 11h30.

Trời bỗng mưa nặng hạt, GLV Hải Sơn chúng tôi vẫn còn ở phía trên nhà thờ vì chưa đến lượt xuống. Lượt của chúng tôi gần như là lượt xuống sau cùng, Cha George Nguyễn Đức Phùng cũng mắc mưa cười đùa bảo với tôi và cháu gái của ngài rằng: “Có lẽ cha con mình phải làm liều đâm xuống, không thì hết ăn”. Thế là cả 3 cha con cùng đi nhanh từ nhà thờ lưng chừng núi xuống nhà vòm. Do mưa to nên ướt gần hết đồ.

Chúng tôi sau đó được phân chia ngồi theo giáo hạt để dùng cơm trưa và được nghỉ giải lao 15 phút.

Đúng 12h30, chương trình giao lưu văn nghệ bắt đầu, đội mưa lần nữa vào nhà vòm, tôi cùng một số bạn tỏ ra rạng rỡ khi bắt gặp Đức cha Thomas Nguyễn Văn Trâm, Giám mục giáo phận chúng tôi, mặc áo sơ mi trắng, quần tây kaki trắng, không đóng thùng, 2 tay che mưa, đang đi bộ 1 mình ra phía ngoài trời mưa. Vừa đi ngài vừa cười hiền từ và thỉnh thoảng nói vài câu với một số GLV. Tôi may mắn chụp được 2 tấm ảnh lưu lại khoảnh khắc hiếm thấy đó của một vị Giám mục.

Thầy Khanh cho biết Đức cha đã mời 2 ca sỹ công giáo nổi tiếng là Phi Nguyễn và Kim Cúc đến để giúp vui cho chúng tôi nhân dịp đại hội. Sau một số tiết mục mở màn lần lượt của GLV các giáo hạt là phần trình bày của ca sỹ Phi Nguyễn. Anh nói hài hước nhưng cũng thật: “Phi Nguyễn hôm nay chỉ được BTC cho hát 2 bài, nhưng trời mưa to quá nên cho dù hát xong cũng không về được, vì vậy nếu các bạn cứ vỗ tay là Phi Nguyễn sẽ hát hoài”. Sau khi trình bày xong 2 bài hát, BTC mời Phi Nguyễn nghỉ giải lao đôi chút nhưng anh vẫn còn đang có hứng nên đành làm trái lời BTC một chút xíu. Anh tiến xuống chỗ các GLV và mời các bạn lên sân khấu hát chung, một số bạn hưởng ứng đã lên múa minh họa cho anh. Các GLV vỗ tay cổ vũ cho Phi Nguyễn rất nhiều.

Đến lượt ca sỹ Kim Cúc cũng vậy, chị được khán giả GLV ủng hộ hết mình nên cũng hết mình theo. Chị như trẻ lại với các GLV, chị cởi giày, đứng lên ghế cao để mọi người đều nhìn thấy, chị đi xuống chỗ GLV chúng tôi và mời mọi người cùng hát, cùng múa. Một số bạn GLV lên sân khấu múa minh họa cho Kim Cúc. Kim Cúc kết thúc 2 bài hát thì tiếng vỗ tay vang rần lên từ bốn phía.

Mặc dù mưa rất to, nhiều bạn ngồi trong nhà vòm do không được che kín hết đã ướt sũng cả người, thế nhưng dù vậy khí thế vẫn rất trẻ và hừng hực mọi nơi.

Sau đó là phần trình bày đặc biệt của linh mục Anthony Nguyễn Văn Toàn với nhạc phẩm “Quê hương”. Nhiều bạn ở giáo xứ Quảng Nghệ do cha Toàn làm chánh xứ đã ùa lên sân khấu múa minh họa cho cha. Không khí rất sôi động.

Càng sôi động hơn khi tiết mục “Vũ điệu hoang dã” của GLV giáo xứ Ngọc Hà đại diện cho hạt Long Hương trình bày. Toàn thể GLV như sôi động cùng vũ điệu. Lúc này là 14h00. BTC mời cả Kim Cúc và Phi Nguyễn hát chung theo ý kiến của các GLV thế nhưng do đoàn GLV giáo xứ Hải Sơn chúng tôi phải về nên không tham dự được nữa. Chúng tôi cũng không ở lại dự được nghi thức chia tay ngày đại hội vào lúc 15h00.

Mưa giảm bớt khi chúng tôi lên xe ra về. Ngoái nhìn lại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, chúng tôi chào từ biệt. Gió vẫn thổi mạnh, mưa vẫn nhẹ rơi…chúng tôi chia tay nhau ra đi nhưng lòng vẫn ở lại trong nhau, trong Đức Kitô.

Đoàn GLV Hải Sơn chúng tôi hẹn gặp lại các bạn GLV giáo phận tại đại hội năm sau. Vậy là, lại có một điều gì đó linh thiêng khôn tả để chúng tôi mong chờ ngày Lễ kính Chân phước Anrê Phú Yên 2009.

Tạm biệt Đại hội GLV 2008 giáo phận Bà Rịa, chia tay Ngày Anrê Phú Yên truyền thống, Gió Thánh Linh lại thổi, chúng tôi ra về mà lòng nao nao. Nhớ lại lời Đức cha giáo phận và lời Đức Thánh Cha Benedict XVI tại WYD 2008 chúng tôi biết chúng tôi được sai đi với sứ mệnh cao cả của người Huynh Trưởng – Giáo Lý Viên: Chúng tôi được sai vào giữa lòng thế giới để làm muối ướp đời, làm men thấm đất, làm ánh sáng chiếu soi gian trần.
 
Tĩnh Tâm Giáo Lý Viên - Fort Worth – Texas
Clara Nguyễn Diễm Trang
15:22 29/07/2008
FORT WORTH - Trường Giáo Lý Việt Ngữ Chúa Kitô Vua thường tổ chức tĩnh tâm cho các thầy cô giáo lý viên, nhằm chuẩn bị tâm hồn mọi người bước vào năm học mới. Năm nay, nhân dịp Đức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên về giúp cho giáo xứ, chúng tôi có buổi tĩnh tâm sớm hơn thông lệ hàng năm. Chúa Nhật ngày 27 tháng 7 năm 2008, mặc cho nắng cháy trên 100 độ F của mùa hè Texas, hơn 30 thầy cô của gx chúng tôi và có thêm khoảng 20 thầy cô ở các gx bạn về tham dự.

Trong buổi tĩnh tâm này, ĐGM nhấn mạnh đến vai trò của giáo lý viên là Giáo Dục Đức Tin Kitô giáo cho thế hệ trẻ, đồng thời nhắc nhở cho chúng tôi ý thức về Ơn Gọi Giáo Lý Viên của mỗi người.
Trước hết, để làm tốt nhiệm vụ giáo dục đức tin, trước hết chúng ta phải sống đức tin. Đức tin là một sự sống, chúng ta cần nuôi dưỡng nó bằng cách đọc và suy niệm Lời Chúa; thường xuyên lãnh nhận các Bí Tích cách sốt sắng. Bên cạnh đó, việc cầu nguyện và siêng năng làm việc lành phước đức cũng là phương thế hữu hiệu để chăm chút cho đức tin lớn lên và vững mạnh. Đi đôi với việc nuôi dưỡng đức tin, chúng ta cần phải biết bảo vệ đức tin bằng những lề luật Chúa như giữ Mười Điều Răn, Tám Mối Phúc Thật, và các giáo huấn của Giáo Hội, đồng thời hiện đại hóa chúng cho phù hợp với môi trường và hoàn cảnh sống.

Phần thứ hai ĐGM nói về Ơn Gọi làm giáo lý viên. Ơn Gọi là điều tốt lành Thiên Chúa ban cho mỗi người cách nhưng không. Không phải ai cũng được mời gọi làm giáo lý viên mà phải có Ơn Thiên Chúa. Chúng ta cần nhận thức điều đó để sống xứng đáng Ơn Gọi của mình và luôn có ý thức trách nhiệm để chu toàn sứ mạng cao cả này. Trách vụ này không dễ chu toàn vì là việc làm không lương lại lắm lời ra tiếng vào nên dễ làm chúng ta chùn chân hoặc là dừng bước. Chúng ta đừng vì những tự ái cá nhân mà đánh mất ơn gọi, nghỉ, không làm giáo lý viên nữa. GLV cần trung thành và giữ vững ơn gọi của mình vì: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Nhà trường cần tổ chức các lớp đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo lý viên, riêng cá nhân mỗi người cũng cần có ý thức tự trau dồi và học hỏi để thăng tiến mỗi ngày.

Cuối cùng là phần hội thảo và đóng góp ý kiến xoay quanh ba câu hỏi ĐGM đặt ra:
1. Làm thế nào để chúng ta có thêm nhân lực cho đội ngũ giáo lý viên?
2. Làm thế nào để chúng ta có thể tổ chức các khóa huấn luyện cho GLV?
3. Làm thế nào để chúng ta mở thêm được các lớp học sau lớp Thêm Sức?

Đây là phần sôi động nhất trong buổi tĩnh tâm vì rất nhiều người đóng góp ý kiến về ba vấn đề được nêu ra. Mỗi người mỗi ý, từ nhiều góc độ khác nhau và nhìn bằng nhiều lăng kính khác nhau nhưng nói chung đều là những ý kiến rất hay. Qua đó, ĐGM đã giúp mỗi người nhìn lại chính mình, nhà trường cũng có dịp kiểm điểm lại các hoạt động để rồi điều chỉnh lại cho thích hợp, đồng thời vạch ra phương hướng hoạt động hữu hiệu hơn trong thời gian sắp tới.

Ngày nay, với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông: tivi, internet, cell phone… rất dễ làm con cháu chúng ta hư hỏng. Vì thế, trách nhiệm của cha mẹ ở nhà và thầy cô giáo lý viên ở trường rất nặng nề. Chúng ta cần làm thế nào để giúp con em mình vừa giữ vững đức tin, lại vừa giữ được tiếng nói, văn hóa và phong tục Việt nam? Thiết nghĩ mỗi người, tùy theo Ơn Chúa ban, sẽ cố gắng làm tốt vai trò và trách nhiệm mà Chúa và Giáo Hội trao phó cho chúng ta.

Giờ chầu Thánh Thể sốt sắng và trang nghiêm do Cha chánh xứ Louis Phạm Hữu Độ chủ sự đã kết thúc ngày tĩnh tâm của chúng tôi. Xin dâng lên Chúa những quyết tâm và ước nguyện bé nhỏ của từng người trong chúng con. Quỳ trước Thánh Thể, tôi để lòng mình mềm ra cho Chúa tác động và biến đổi… Như lời bài hát khai mạc ngày tĩnh tâm, giờ đây xin Chúa “biến chúng con thành những chiến sĩ theo Chúa Kitô, thành nhân chứng Nước Trời, cho muôn người trong khắp nơi”.
 
Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Thái Nguyên, Bắc Ninh
Dom. Thành Công
19:31 29/07/2008
BẮC NINH - Sáng ngày 29/07/2008, tại thánh đường Giuse giáo họ Oánh, thuộc giáo xứ Thái Nguyên, Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ tế thánh lễ ban Bí Tích Thêm Sức cho hơn 300 em thiếu nhi gồm giáo xứ Thái Nguyên, Yên Thuỷ và Bắc Kạn.

Hôm nay là ngày hội, ngày Thiên Chúa thi ân cho các em, những người sắp lãnh nhận ấn tín và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Vì thế, từ rất sớm các em ở những giáo xứ xa như Bắc Kạn, Yên Thuỷ đã phải lặn lội từ 40 đến 80 km để kịp đến trước giờ thánh lễ. Trên gương mặt các em lộ rõ niềm vui sướng, vì đây cũng là thành quả đánh giá việc học tập và cố gắng sau những năm tháng miệt mài học giáo lý.

Xem hình ảnh Lễ Thêm sức

Đúng 9 h, phái đoàn đã về đến giáo xứ. Phái đoàn gồm có: Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, giám quản giáo phận Bắc Ninh, cha Đại Diện giáo phận: Giuse Trần Quang Vinh, quí cha và quí thầy. Niềm vui, niềm mong ngóng vị chủ chăn về với đoàn chiên hôm nay như bị vỡ oà hoà trong tiếng chuông nhà thờ đổ, tiếng kèn đồng, tiếng reo hò, vỗ tay của bà con giáo dân. Cha xứ Phanxicô Nguyễn Đức Đại đã tiến ra chào đón ngài và phái đoàn.

Lúc 9h 15, đoàn rước đoàn nghi lễ từ từ tiến vào nhà thờ trong tiếng kèn đồng hùng tráng. Lòng nhà thờ hôm nay chỉ được dành riêng cho các em chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Tất cả các em đều trong trang phục áo trắng quần sẫm màu, đem khăn vai màu đỏ với hình thập giá, đứng theo hàng ngũ đã được sắp xếp, xen kẽ là những màu áo xanh của các anh chị huynh trưởng và giáo lý viên. Điều này cho thấy thánh lễ hôm nay đã được tập dượt và chuẩn bị thật chu đáo.

Bên ngoài nhà thờ, dưới cái nắng nóng nực của mùa hè, nhưng có rất đông đảo bà con giáo dân trú dưới bạt, hoặc dưới ô che để tham dự thánh lễ. Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse đã đặc biệt nhắn nhủ các em thiếu nhi: “Hôm nay các con lãnh nhận bí tích Thêm Sức đó là dấu hiệu cho biết các con đã trưởng thành trong đời sống đức tin. Các con sẽ tuyên xưng đức tin của mình và nhận lấy Chúa Thánh Thần. Lãnh nhận bí tích Thêm Sức, nhận lấy Chúa Thánh Thần còn mang một ý nghĩa khác, đó là các con phải ra đi làm chứng cho Chúa. Các con không phải chỉ còn đi lễ, đi đọc kinh, hay học giáo lý nữa nhưng là phải biết làm chứng bằng đời sống tốt của các con nơi trường học: phải là những người con ngoan, trò giỏi, những người bạn tốt; trong xã hội, các con phải sống tốt với mọi người. Làm sao các con đi đâu là đem bình an của người Công Giáo tới đó. Không bao giờ gây chia rẽ, oán thù, đánh nhau, cãi nhau, trái lại luôn đem tình yêu thương, yêu mến đến với mọi người. Đặc biệt, luôn trân trọng những người tàn tật, kém may mắn trên đời. Người đời thường chạy theo những người có của, có tiền, người Công Giáo hãy biết yêu mến những người nghèo hèn nhất, bé nhỏ nhất. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần xuống trên tất cả mọi người để chúng ta biết kết hợp sống tốt cả trong nhà thờ và ngoài xã hội, để tất cả trở nên chứng nhân của Chúa”.

Trong thánh lễ, các em chịu phép Thêm Sức được tham gia các công việc, như: giúp lễ, đọc sách thánh, hát đáp ca, đọc lời nguyện, dâng của lễ và các bài hát cộng đồng. Thánh lễ diễn ra trang nghiêm, sốt sắng. Cảm động hơn đó là phần các em tiến lên, tay cầm nến cháy để lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần qua việc xức dầu thánh.

Thánh lễ kết thúc lúc 11h, cuối thánh lễ, một em đã đại diện cho hơn 300 em bày tỏ lòng biết ơn, niềm vui sướng của mình lên Đức Tổng Giám Mục, cha Đại Diện, quí cha, thầy, sơ, các anh chị giáo lý viên, quí ban giáo xứ, ban hành giáo, các ban ngành và toàn thể cộng đoàn đã hiện diện trong thánh lễ cầu cho các em.

Ngày mai các em sẽ ra đi vào dòng đời: là gia đình, nhà trường, ngõ xóm… mang theo mình những hồng ân đặc biệt mà hôm nay Chúa Thánh Thần ban tặng. Lời mời gọi và nhiệm vụ mới sẽ theo ngay bên: các em hãy trở nên những chiến sĩ chứng nhân cho tình yêu của Chúa; hãy sống, hãy làm và hãy nói những gì các em đã được học và được Chúa Thánh Thần thúc bách.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Danh xưng ''Caritas Việt Nam'' được sử dụng và hoạt động tại Việt Nam
VietCatholic
12:36 29/07/2008
SAIGÒN - Theo văn thư số #23/2008/VT/BAXH, do Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, chủ tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ký ngày 21-07-2008, gửi tới các giáo phận và toàn thể Cộng đồng Dân Chúa, cho biết những tin tức như sau:

Uỷ Ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBBAXH/HĐGMVN) đã nhận được Công văn số 941/TGCP-CP của Ban Tôn Giáo Chính Phủ đề ngày 02-07-2008 cho phép UBBAXH/HĐGMVN được sử dụng tên Caritas Việt Nam và cho Caritas Việt Nam hoà nhập vào mạng Caritas Internationalis (Caritas Quốc Tế) cũng như các Caritas giáo phận được thành lập tại 26 giáo phận trên toàn quốc.

Chúng tôi xin tóm tắt đôi điều về tổ chức này:

1. Nhận thức

Tên Caritas, nguyên ngữ La tinh, có nghĩa là bác ái, yêu thương cách quảng đại, hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo hội. Giáo hội khuyến khích thành lập tổ chức Caritas trong tất cả các nước ở mọi châu lục. Caritas Internationalis (Caritas Quốc Tế) được thành lập năm 1951 và hiện nay có 162 tổ chức thành viên. Trụ sở đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy.

2. Vài hàng lịch sử

Caritas Việt Nam được Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam (HĐGM VN) thành lập vào năm 1965 ở Trung Ương và năm 1966 được thành lập tại các giáo phận. Tên của mỗi giáo phận được đặt sau tên Caritas để gọi, thí dụ như: Caritas Sài Gòn, Caritas Xuân Lộc, Caritas Huế… Mỗi Caritas giáo phận có văn phòng và hoạt động theo chương trình chung của Caritas Việt Nam đề ra cho những hoạt động bác ái xã hội như giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, các người nghèo khổ tàn tật… Đến tháng 6 năm 1976, Caritas Việt Nam được lệnh Nhà nước tạm ngưng hoạt động.

Sau khi UBBAXHVN được thành lập ngày 19-9-2001 trong đại hội 8 của HĐGMVN, Uỷ Ban đã chính thức xin phép Nhà nước lập lại Caritas Việt Nam với cơ cấu tổ chức từ giáo phận đến các giáo xứ cho phù hợp với các hoạt động bác ái xã hội trên toàn cầu.

3. Mục đích

Caritas Việt Nam có mục đích giúp HĐGMVN thực hiện các hoạt động bác ái xã hội với đường hướng sau đây:

1. Thăng tiến và phát triển con người toàn diện
2. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc
3. Phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội
4. Giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh

4. Tôn chỉ

1. Bảo vệ nhân phẩm: sự sống con người nhất là người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội.
2. Dấn thân hoạt động để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình
3. Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.
4. Bảo vệ môi trường sống trong sạch, lành mạnh

5. Nhiệm vụ

- Caritas Việt Nam có nhiệm vụ giúp HĐGMVN để thực hiện các công tác bác ái xã hội theo các mục đích và tôn chỉ trên.
- Hợp tác với các tổ chức từ thiện xã hội trong cũng như ngoài nước, để thực hiện các hoạt động bác ái xã hội.
- Phối hợp và tổ chức các hoạt động bác ái xã hội cùng với Caritas của các giáo phận để thực hiện các chương trình và dự án theo kế hoạch đề ra.

6. Hoạt động

Caritas Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo.

Caritas Việt Nam hoạt động theo nhu cầu. Caritas Việt Nam là một tổ chức tự nguyện đảm nhận các công tác xã hội. Caritas Việt Nam cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.

Caritas Việt Nam là một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Việc quản trị phải chặt chẽ, trong sáng, minh bạch, công khai và có hiệu quả cao.

Caritas Việt Nam hoạt động dựa trên sự cộng tác. Caritas Việt Nam tôn trọng sự dấn thân khác nhau và độc lập của các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, cá nhân và các đoàn thể tương trợ. Caritas Việt Nam luôn sát cánh với các cơ quan từ thiện khác.

7. Tổ chức

Caritas Việt Nam gồm Ban Thường Trực ở Trung ương và các Caritas tại 26 giáo phận trên toàn quốc.

- Ban Thường Trực ở Trung ương gồm:
+ Chủ tịch
+ Tổng thư ký
+ Phó tổng thư ký
+ Thư ký thường trực
+ Các chuyên viên của các phòng ban

- Caritas ở giáo phận gồm: 1 Chủ tịch và các thư ký trong các văn phòng trực thuộc.

Trong Đại hội X của HĐGMVN tổ chức tại Hà Nội từ ngày 08-10 đến ngày 12-10-2007, HĐGMVN đã bầu ra vị Chủ tịch mới của UBBAXH-Caritas Việt Nam là Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh cho nhiệm kỳ 2007-2010 và vị Tổng Thư ký được Đức Cha Chủ tịch chỉ định là linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

Vậy chúng tôi gửi thư này đến toàn thể Cộng đồng Dân Chúa để thiết tha mời gọi Quý cha, Quý tu sĩ và anh chị em tín hữu tham gia vào các hoạt động bác ái của Caritas Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng với việc thực thi tình yêu quảng đại của Chúa Kitô cho mọi người nhất là cho những người nghèo khổ, bệnh tật, già yếu, mồ côi, goá bụa, các nạn nhân xã hội như: người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, mại dâm, phá thai… chúng ta sẽ mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc cho dân tộc và nhân loại.

Kính chúc anh chị em luôn an mạnh và dồi dào ơn Chúa.

Xin tất cả anh chị em cùng cầu nguyện cho chúng tôi để hoàn thành trách nhiệm trong công việc, thúc đẩy tình bác ái của Chúa Kitô nơi mọi người.

Kính thư,

Giám mục, Đa Minh Nguyễn Chu Trinh
Chủ tịch UBBAXH/CARITASVN


Theo giấy phép của UB Tôn Giáo Chính Phủ do Ông Nguyễn Thế Doanh ký ngày 2-7-2008, trong đó nói chấp nhận đề nghị "về việc sử dụng tên Caritas Việt Nam"...
Thế nhưng trong văn thư nêu trên cũng cho biết "Tuy nhiên, hiện chưa có qui định Nhà nước về việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay mạng lưới các tổ chức phi chính phủ nước nogài lập chi nhánh hay tổ chức của mình ở việt nam, nên không đặt vấn đề thành lập chi nhánh Caritas quốc tế tại Việt Nam".

 
Văn Hóa
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (4)
Vũ Văn An
04:11 29/07/2008
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Qua ngày 17, việc đầu tiên là sáng sớm phải ra phi trường đón mấy người thân quen từ Mỹ qua tham dự WYD. Tất cả là 9 người. Dù mới từ máy bay bước xuống, ai cũng muốn dạo phố Sydney cho biết. Vợ chồng tôi phải phân chia công tác: tôi chở một số, nhà tôi chở một số đi loanh quanh các phố xá có đông người Việt sinh sống.

Tiến về Chippendale
Sau khi dùng cơm trưa, tôi đưa đoàn người lên Chippendale để lãnh thẻ tham dự WYD. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã bước sang ngày thứ ba, nên ở phố phường nào, ở ngả đường nào, người ta cũng gặp những người hành hương trẻ với chiếc túi mầu vàng đỏ sau lưng, tay cầm cờ hay một nhạc khí nào đó, ca hát, cười nói hân hoan. Bước chân của họ không một nét mệt mỏi, cứ thoăn thoắt bước đi, đi ngược đi xuôi, đi lên đi xuống…Hôm 14, đường hầm từ Ga Trung Ương dẫn lên Broadway chỉ lác đác dăm ba tốp hành hương, thì hôm nay, chật cứng những người như vậy. Tuy nhiên, trung tâm cấp phát thẻ WYD thì vắng hẳn so với những ngày trước. Nhân viên ở đấy cho chúng tôi hay: trung tâm sẽ đóng cửa từ 3 giờ chiều và sẽ mở lại lúc 4 giờ 45 để mọi người có dịp đi chào mừng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Nhìn đồng hồ, thấy chỉ còn 50 phút nữa. Nhưng nhân viên ở đấy trấn an: ‘kiu’ không dài, thế nào qúy vị cũng lãnh được thẻ kịp giờ. Hôm nay, thái độ của các thiện nguyện viên tại trung tâm này đã ‘biến đổi’ trông thấy: thay thế cho những tiếng la ngày nào, là những giọng nói nhỏ nhẹ dễ thương. Mới hay ‘áp lực’ đôi khi làm con người ra cau có, cứng cỏi.

Cô thiện nguyện viên hỏi chúng tôi: nhóm qúy vị là nhóm nào, may ra tôi giúp gì được chăng? Bèn trao cho cô số nhóm và tên người trưởng nhóm. Cô dặn bọn tôi đứng tại ‘kiu’ chờ rồi bỏ đi. Chỉ ít phút sau, cô tái xuất hiện, miệng tươi cười trao cho chúng tôi một phong bì lớn với số nhóm và tên người trưởng nhóm trên đó. Cô bảo: chúng tôi chờ qúy vị đã mấy ngày nay.

Chỉ còn lại một mình tôi và bác Anne-Marie Trần tại ‘kiu’ chờ đợi. Bác năm nay đã 82 tuổi, cư ngụ ở Hawaii, nhưng ‘nổi hứng’ tham dự WYD vào phút chót, nên dù chưa đăng ký, cũng lên đường qua Sydney. Gia đình tôi chưa bao giờ hân hạnh được biết bác. Đứa em họ của tôi làm trưởng nhóm, cư ngụ ở Anaheim, cũng chưa bao giờ được hân hạnh biết bác và nghe đâu hai người chưa bao giờ liên lạc với nhau, kể cả trong việc sắp xếp tham dự WYD lần này. Bác quen với một người trong nhóm của đứa em họ tôi. Từ Hawaii bay qua Sydney hôm trước, bác tính ngủ một đêm ở ‘airport lounge’ để sáng hôm sau tham gia nhóm của đứa em họ tôi. Nhưng nhân viên phi trường không cho phép. Bác phải dọn vào một phòng trọ tại một khách sạn cạnh Phi Trường. Đến số điện thoại của gia đình tôi, bác cũng không có để liên lạc. Tôi không dám hỏi sao bác lại gan cùng mình đến thế. Chỉ biết bác có một quá trình hoạt động xã hội rất đáng nể. Tại Việt Nam trước 1975, bác vốn là giám đốc của Lưu Xá Trinh Vương ở góc Lê Qúi Đôn và Ngô Thời Nhiệm, Sài Gòn, dành cho các nữ sinh viên từ Miền Trung vào học, dù một nách nuôi dạy 13 người con, trong khi chồng bác đã qua đời từ lâu. Qua Mỹ từ những ngày cuối tháng Tư năm 1975, trên một chuyến máy bay đặc biệt của một cơ quan thiện nguyện, từ Sài Gòn qua ngả Tokyo, Okinawa, bác bắt đầu đi học lại và sau mười năm dùi mài ‘kinh sử’, đã giật được mảnh bằng cao học về giáo dục. Sau đó, tham gia chương trình của Caritas, đi phục vụ người tị nạn Việt Nam ở Hồng Kông trong 5 năm, giúp đỡ khá nhiều người đi định cư tại các quốc gia đệ tam. Bác còn về Việt Nam và đưa khá nhiều trẻ em tàn tật qua Mỹ để chữa trị. Hiện nay, bác vẫn tiếp tục vận động ngân qũy giúp các linh mục tại Việt Nam thực hiện các dự án phát triển.

Bác Anne-Marie Trần
Càng nói chuyện với bác càng khám phá ra nhiều nét ngoại thường. Nhưng nét ngoại thường hơn cả vẫn là việc bác một mình qua Sydney dự WYD mà không đăng ký trước. Lại tới ngày 17 mới qua. Bởi thế, sau khi đưa bác từ phi trường về nhà, tôi loay hoay vào trang mạng của WYD08 ngay để may ra có thể đăng ký ‘muộn’ cho bác được chăng. Thủ tục đăng ký có vẻ suôi chẩy tốt đẹp, tôi nhận được cả số đăng ký 9041781. Nhưng chỉ có thế, màn ảnh để đóng tiền không thấy xuất hiện, nên không thể tiến thêm bước nữa để chắc mẩm là mình đã đăng ký. Thành ra, đứng đợi ở ‘kiu’ mà chẳng hiểu có được việc gì không. Hỏi thì cô thiện nguyện viên chỉ tươi cười trả lời: rất tiếc, không có ý kiến, qúy vị cứ chờ ở đây xem sao. Nhưng Chúa chẳng bỏ người thiện chí. Người em họ từ Anaheim của tôi bỗng hô to: bác ơi, khỏi cần đứng đợi. Sao vậy? Bọn em có 8 người, mà nhận được 9 thẻ lận. Họ có lầm không đây? Không, họ không lầm đâu. Bọn em đăng ký 9 người, nhưng phút chót có con bạn bỏ cuộc, tiền máy bay thì lấy lại được, mà tiền đăng ký thì không, nên mới dư một thẻ, em quên khuấy không nói cho anh và bác biết, xin lỗi!

Lỗi đâu mà xin, cám ơn hết lời cũng chưa đủ thì có! Thế là cả bọn cuốc bộ trở lại Ga Trung Ương, đáp tầu lửa lên Circular Quay hy vọng kịp giờ để được thấy đoàn tầu của Đức Giáo Hoàng băng qua Hải Cảng mà vào Barangaroo. Tôi định đưa nhóm tới tận địa điểm giới trẻ chính thức chào đón Đức Giáo Hoàng, nhưng phần vì sợ bác Anne-Marie Trần cuốc bộ tới lui Barangaroo không nổi, phần vì sợ ‘người ta’ không cho vào, vì mình vốn không ‘chịu’ trả tiền cho ngày hôm nay và cả ngày hôm sau nữa, nên đành tới Circular Quay vậy.

Vừa ra khỏi Ga, đã thấy cơ man người xếp hàng năm hàng sáu dọc theo Hải Cảng nhìn từ Opera House qua tận phía Harbour Bridge, kể cả những khúc trống giữa hai hàng Phà và các bến Phà đối diện với Ga Circular Quay. Giữa lúc ấy, chúng tôi nghe tiếng còi tầu hân hoan vang lên từ phía chân trời, và hai bên Hải Cảng đáp lại âm vang, nên vội chạy lại tham dự, đủ để thấy chiếc Sydney 2000 hai ba tầng đang từ từ tiến vào khoảng trống giữa hai chiếc phà đang đậu bất động tại bến. Khách thập phương đồng loạt giơ tay vẫy vẫy, những tiếng hô “Beneditto, Beneditto” vang động cả một khoảng trời bến bãi. Người dân Sydney cũng như khách thập phương như quên hết mọi chuyện, chỉ còn tập chú vào con tầu ở mãi xa xa kia, hy vọng thoáng nhận ra khuôn hình của người từ muôn dặm ‘nhân danh Chúa mà đến’. Mà nào có thấy. Chiếc Sony Cybershot của tôi ‘zoom’ hết cỡ cũng chả thấy Ngài nơi mô. Chiếc Sony Handycam của tôi cũng thế.

Đường Macquarie 17-07-08
Chờ cho đoàn tầu khuất nẻo sau Harbour Bridge, người dân Sydney và khách thập phương mới chịu rời khỏi chỗ đứng để tuôn về muôn ngả. Chúng tôi tìm đường đi ngược lên phía Opera House, nơi mà bác Anne-Marie rất muốn tới. Người tới chỉ dăm ba như chúng tôi, còn người về thì đông vô kể, vất vả lắm mới tới được điểm bắt đầu thấy Opera House. Và cũng là điểm chúng tôi không được phép tiến thêm. Bác Anne-Marie thấy phía đường đi dạo xát bờ biển dẫn tới Opera House trống trải, bèn đặt chân vào, nhưng bị nhân viên an ninh vỗ vai, ngăn lại, làm hiệu đi nơi khác. Đành xếp hàng phía sau một nhóm người đông đảo dường như đang đứng chờ để tiến vào Opera House. Nhưng chờ hoài, vẫn không thấy nhân viên an ninh cho mở cửa, bèn đoán bừa: chắc họ chờ cho bên trong ra bớt, họ mới mở cửa chăng! Nhưng nào có ai từ phía Opera House chịu ra ngoài này đâu. Đức Giáo Hoàng đã đáp tầu qua khỏi rồi, sao họ không chịu rời chân, cứ bất động mà ngồi, mà đứng trong khu vực tiền đình Nhà Hát vậy. Bác Anne-Marie bảo tôi: hình như phía tay phải có đường đi. Dẫn nhóm ra phía đó, vẫn không thấy có đường để tiến vào bên trong khu Nhà Hát. Nhưng từ đó có thể nhìn rõ về phía tiền đình Nhà Hát và nhìn lui về phía đường Macquarie. Khắp nơi, khách thập phương vẫn còn nán lại đông đảo, như chờ đợi một điều gì. Chả lẽ họ chờ Đức Giáo Hoàng đáp tầu trở lại đường cũ để về Nhà Thờ St Mary? Nhưng nếu thế, họ phải hướng ra Hải Cảng mới đúng, chứ sao lại hướng về phía đường xe chạy. Hỏi chị Trương Văn Quang đang đứng ở đó, được chị trả lời ‘như không’: cũng không biết đứng đây để làm gì!

Đã toan quay gót đưa nhóm trở lại Ga Circular Quay về lại Beverly Hills, thì Lan, một người trong đoàn ngăn lại: cháu nghe hình như đoàn xe của Đức Giáo Hoàng sẽ chạy qua đây lúc 4 giờ 45. Chỉ cần nghe câu ấy, nhóm người đang mệt nhoài sau một chuyến máy bay dài từ Los Angeles qua đây, rồi ‘bị’ chủ nhà ‘quay như dế’, dẫn đi lung tung khắp ngả, lên tinh thần như diều gặp gió, hân hoan đứng lại. Nhìn đồng hồ, mới hơn 3 giờ chút đỉnh. Hơn tiếng rưỡi nữa. Nhưng nào có xá. Bèn chia nhau tìm chỗ ngồi thoải mái trên bậc hiên cao một nhà hàng ở đầu đường Macquarie tính từ Opera House tính ra. Từ đó có thể nhìn phía trái thấy Nhà Hát Con Sò đang rực sáng dưới ánh đèn, và nhìn phía phải thấy Đường Macquarie dần dần chìm vào bóng tối dù đèn đường đã được bật lên. Từ xa, có bảng chữ điện chỉ lối vào Botanic Garden cho người có vé. Đức Giáo Hoàng sẽ từ Barangaroo cỡi giáo hoàng xa băng qua đường Macquarie vòng qua tiền đình Nhà Hát Con Sò để vào Farm Cove cho họ chiêm ngưỡng. Những người không có vé như chúng tôi vui vẻ chia nhau những khoảng trống thật nhỏ để có thể đứng xát hàng rào, hy vọng được thấy Ngài vụt qua.

Giáo Hoàng Xa
Người đàn bà ‘mũi lõ’ đứng bên cạnh thương hại vóc dáng thấp bé của tôi, lên tiếng an ủi: không sao ông ạ, tôi thấy rồi, ở lần Đức Gioan Phaolô II tới thăm ấy mà, giáo hoàng xa cao lắm, ít nhất cũng quá đầu tôi, nên đứng chỗ nào, cũng thấy Đức Giáo Hoàng cả. Nói thì nói thế, nhưng nào bà ấy có lui về phía sau để nhường chỗ cho tôi xát thêm hàng rào chút đỉnh. Đành bỏ đi thêm lên phía tay phải chút nữa, tức về hướng dẫn tới đường College. Ai cũng náo nức. Ai cũng bám xát hàng rào cản. Thỉnh thoảng lại leo lên tấm ngang của rào cản để cao hơn chút đỉnh mà quan sát hai bên. Bố đứng một hồi, rồi gọi con đến thay chỗ. Cứ thế luân phiên, làm sao mình chen chân vào. Thôi lại đành đi thêm chút nữa, cứ thế, cứ thế, sau cùng cũng lọt được vào rào cản. Nhóm Neocathecumenal Way mải lo ca hát những bài hát đạo với đủ ghi-ta, trống phách, nên ‘sơ ý’ để ‘kẻ lạ’ xâm nhập. Phải chịu nhóm này hết sức tích cực trong tuần lễ Đại Hội, bất cứ ở đâu, hễ có họ là có tụ tập ca hát, là có tượng ảnh biểu ngữ, khiến người ta đôi khi nghĩ đến những nhóm Hare Krishna ngày nào trên khắp phố xá Sydney. Chỉ khác, họ là anh em tôi. Họ làm tôi vững bụng. Tôi cần họ để duy trì và chia sẻ đức tin với anh chị em tôi. Nhờ họ một phần và một phần nhờ nhóm thanh niên đứng bên kia đường luôn miệng “Beneditto, Beneditto” rồi nhẩy vòng hân hoan phấn chấn, mà hơn một tiếng chờ đợi đã nhanh chóng qua đi. Khoảng 5 giờ 30, từ hướng tay phải, những chiếc xe hộ tống mầu trắng bật đèn pha từ từ xuất hiện. Rừng cờ muôn mầu được dương lên, vẫy vẫy phấp phới, người người reo hò ‘như bầy con nít’. Họ như trẻ lại: mười năm, hai chục năm, ba bốn chục năm như tôi chẳng hạn. Đến chẩy cả nước mắt khi nghĩ tới Sức Mạnh khiến chúng tôi quên chính thân phận mình. Tôi vội nâng handycam lên lia lịa quay hình ảnh Ngài vụt qua, không rõ ràng chi, nhưng chẳng hệ gì, “ít ra ông cũng có hình ảnh Ngài mãi mãi trong video”. Người thiếu phụ đứng cạnh tôi an ủi. Rồi nàng quay qua người chồng: “ba tiếng chờ đợi, mười giây thấy Ngài, vẫn đáng!”

Bác Annie-Marie Trần và nhóm hành hương ‘bị’ tôi hướng dẫn chắc cũng đồng ý như thế, bởi trên đường đáp xe lửa trở lại Beverly Hills họ không còn xìu xìu ển ển như lúc đi lãnh thẻ tham dự Đại Hội nữa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Lan
Dominic Đức Nguyễn
00:11 29/07/2008

LAN



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Ngàn năm xin mãi là hoa

Tặng cho đời chút ngọc ngà phù du.

(Trích thơ Nguyễn Đăng Trình)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền