Ngày 28-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa chạnh lòng thương
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
03:37 28/07/2008
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 14, 13 – 21

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta không khỏi sung sướng và cảm động. Lời Chúa quả đem lại muôn vàn an ủi và ân huệ cho con người. Mười người phong cùi được Chúa chữa lành không làm cho họ sướng ngất ngây và bỡ ngỡ ngạc nhiên như đang sống trong mơ sao ? Chúa làm cho anh mù Bactimê được sáng mắt phải chăng anh chẳng vui mừng như chết mới hồi sinh sao ? Tin Mừng của Chúa là như thế. Chúa luôn luôn can thiệp vào những trạng huống đời thường và làm cho đời sống con người thêm nhiều ý nghĩa. Chúa quan tâm lo lắng cho những người, cho đám đông theo Chúa để nghe Ngài giảng dạy. Chúa đã làm phép lạ cho bánh và cá hóa ra nhiều để nuôi sống họ. Đám đông thật hạnh phúc qui tụ xung quanh Chúa và được Chúa ban phát cho của ăn.

MỘT CÂU CHUYỆN. MỘT SỰ QUAN TÂM LO LẮNG VÀ TẤT CẢ ĐỀU HẠNH PHÚC VÌ ĐƯỢC NO LỜI CHÚA, NO CẢ CÁI BỤNG:

Được phục vụ công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc Kơho, tôi đã gặp nhiều câu chuyện đời thường của những anh chị em Dân tộc vừa cảm động, vừa cảm phục, có khi lệ rơi, có khi buồn cười. Một hôm như thường lệ, tôi đi thăm một buôn Dân tộc ở cách nhà xứ 20 cây số. Tôi tới một gia đình tên Bàp Giang: Bàp có nghĩa là bố của con gái tên Giang. Họ thường lấy đứa con đầu lòng để gọi như Bàp Giang, Me Giang ( Mẹ của Giang). Gia đình này thuộc loại trung bình, nhưng năm nay được mùa lúa. Cả gia đình mẹ cha và bốn đứa con đều mừng rỡ vì có lúa ăn cả mùa cái bụng sẽ no và gia đình khỏi phải lo lắng. Nhưng trong buôn còn có nhiều gia đình thiếu ăn, thiếu lúa, cái bụng vẫn còn đói. Tôi vào thăm gia đình này, vợ chồng của con Giang nói với tôi: ” Nè Bàp ( Cha ơi, năm nay gia đình con được mùa lúa, con sẽ cho năm gia đình trong buôn vay lúa vì gia đình họ không có đất ruộng, họ không có lúa, họ sẽ đói. Con nhất định bắt chước Chúa cho kẻ đói ăn vì Chúa đã nói: ” Ai cho kẻ đói ăn là cho chính Ta ăn mà “. Tôi nói với vợ chồng con Giang, con không sợ hết lúa, con cái của chúng con sẽ đói cái bụng, chúng sẽ khóc sao ? Vợ chồng của con Giang cười và nói với tôi: “ Thưa Cha, con muốn bắt chước Chúa, con muốn cho Chúa ăn mà. Nếu năm gia đình không có lúa con cho mượn, họ sẽ đói, con họ sẽ khóc, chúng con muốn làm một cái gì cho Chúa …Nghe vợ chồng con Giang nói, tôi sung sướng và cảm động biết bao ! Ước gì có nhiều người sống như vợ chồng con Giang. Tôi nghĩ họ cho năm gia đình mượn không chỉ lúa mà thôi, nhưng họ còn trao cả tấm lòng, cả ruột gan của họ (ngôn ngữ của người Dân tộc ). Tôi nghĩ tới đọan Tin Mừng của thánh Matthêu 14, 13 – 21 hôm nay: ” Chúa thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương” ( Mt 14, 14 ). Chữ chạnh thương nói lên tất cả con tim, tất cả tấm lòng nhân hậu của Chúa Giêsu: ” Người đến cho chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10 ). Chính vì thương dân, thương những người bệnh hoạn tật nguyền, thương nỗi đau khổ thể xác của dân mà: ” Chúa đã chữa lành những người bệnh họan tật nguyền “. Lòng nhân từ của Người đã không để dân chúng tự giải tán theo lời đề nghị của các tông đồ, nhưng Ngài đã ra lệnh cho các tông đồ: ” Chính anh em hãy cho họ ăn “ ( Mt 14, 16 ). Phép lạ đã xẩy ra khi chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá nhưng với sự cộng tác của con người, Chúa Giêsu đã cho “ năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà trẻ em “ ( Mt 14, 21 ) được ăn no nê mà còn dư thừa.

CHÚA ĐANG MỜI GỌI NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA:

Sống trong thế giới, nhiều nước quá giầu, lại có nhiều nước quá nghèo. Lương thực, vật chất không được phân bổ đồng đều. Có người đang đói lả, nhưng lại có người, có nước đem lương thực đổ xuống biển, xuống sông. Chúa đang mời gọi mọi người hãy có tấm lòng, hãy góp phần nhỏ bé, hy sinh, âm thầm của mỗi người. Chúa chờ đợi con người có chút lòng chạnh thương. Có lẽ nhiều người xung quanh ta hoặc ở xa ta, không chết vì thiếu lương thực nhưng đang chết vì thiếu những tâm hồn quảng đại, những tâm hồn biết chạnh lòng thương. Con người rất cần lương thực để sống nhưng cũng rất cần tình thương, sự chia sẻ, trái tim nhạy cảm, lòng quảng đại để tồn tại trong cuộc sống. Quanh chúng ta và trên thế giới có những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương. Chúa Giêsu bảo: ” Anh em hãy cho họ ăn đi “. Đây không chỉ là lời nói qua loa của Chúa trên bờ môi chóp lưỡi nhưng là một lệnh truyền, một lệnh giống như: ” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con “. Bởi vì yêu thương mà Chúa đã chết trên thập giá để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Con người thực ra chỉ tìm được ý nghĩa khi biết trao ban, khi cho đi: ” Cho thì có phúc hơn là lãnh nhận “( Cv 20, 35 ). Chúa đã làm gương khi để lại chính Thịt Máu cùa Ngài làm lương thực nuôi sống nhân loại. Chúa đã phán: ” con người không chỉ sống bằng cơm gạo, nhưng còn sống bằng Lời Chúa. Con người không chỉ sống thể xác đời này, nhưng còn sống mãi đời sau bằng cuộc sống vĩnh cửu. Điều này chỉ có Chúa mới làm được, chỉ có Chúa mới ban Lời hằng sống, Bánh trường sinh và sự sống vĩnh cửu. Chúa đang mời gọi người môn đệ Chúa phải canh tân cuộc sống, đổi mới con người giống Chúa đến nỗi phải như thánh Phaolô thốt lên:” Tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Con người đã sống sự sống của Chúa thì phải có lòng chạnh thương như Chúa Giêsu: ” Thấy đám đông dân chúng thì Người chạnh lòng thương “.

ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG:

Người môn đệ Chúa không thể dửng dưng trước những đau buồn, đói khổ của những người xung quanh. Mà muốn không dửng dưng thì người môn đệ phải biết vứt bỏ những gì là cồng kềnh, ngăn cản con người tới với anh em mình: từ bỏ con người ích kỷ, ghen tương, tham lam, tội lỗi để mặc lấy con người mới là Đức Kitô. Liệu có mấy người sống được như gia đình ông bà Giang trong câu chuyện trên kia ? Người môn đệ hãy bắt chước một Phanxicô khó khăn đã sống tận cùng cái nghèo nhưng lại là người sống giầu có nhất về tình yêu, về bác ái, chia sẻ. Một mẹ Têrêsa Calcutta đâu có đổ vàng đổ bạc cho nước Ấn Độ nhưng mẹ lại trao ban chính bản thân mình cho dân tộc, cho người nghèo, người đau khổ nưốc Ấn Độ. Biết bao gương của người khác mà chúng ta cần phải học đòi bắt chước.

Lạy Chúa, Chúa đã truyền cho các môn đệ: ” Chính các anh hãy cho họ ăn”. Chúa đã nuôi chúng con không chỉ bằng lương thực thể xác mà đã nuôi chúng con, nuôi nhân loại bằng chính Mình Máu của Chúa, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau của anh em chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ ?

1) Tại sao các môn đệ lại đề nghị Chúa giải tán đám đông ?

2) Tại sao các môn đệ chưa có lòng nhạy cảm như Chúa ?

3) Chúa nói gì với các môn đệ ?

4) Tại sao chỉ có 05 chiếc bánh và 02 con cá, Chúa đã làm phép lạ ?
 
Tình Yêu bằng hữu
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
07:46 28/07/2008
TÌM HIỂU TÌNH YÊU BẰNG HỮU

Tình Yêu Phileo (Frienship Love)

Tình yêu Bằng hữu trong Kinh Thánh Tân Ước gọi là Phileo(tiếng Hy lạp) là “Săn Sóc” và “Được Săn Sóc” trong đời sống Hôn nhân. Còn Tình yêu Agape là Tình yêu “vô vị lợi”, quên mình như Chúa.

Đây là loại tình yêu bạn cần có để nuôi dưỡng hạnh phúc Hôn nhân, sau khi có đứa con đầu lòng. Thiếu nó, đời sống Hôn nhân của bạn sẽ dẫn đến sự buồn tẻ. Trong Thánh lễ thành hôn, hai bạn đã thề hứa trước mặt Linh mục (Phó tế), nội ngoại đôi bên và Cộng đoàn dân Chúa là: “Anh nhận em làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh họan cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh ”.và em cũng thưa: “Em nhận anh làm chồng và hứa…”

Hai câu hứa xưa như trái đất này, vợ chồng đã thề hứa và thưa “Có” để yêu thuơng và săn sóc cho nhau trước vị đại diện Hội thánh, (nên nhớ là: chính hai vợ chồng làm nghi lễ Bí tích Hôn nhân với nhau) nó mang ý nghĩa gì và được thực hiện như thế nào?

Sau khi có đứa con đầu lòng, cả hai vợ chồng bắt đầu một đời sống bận rộn. Sự săn sóc mà hai người dành cho nhau đã bị giảm xuống, vì phải chăm sóc cho đứa con đầu lòng. Cuộc đối thoại, gần guĩ của hai người cũng bị thiếu sót. Nói chung, sự sinh hoạt riêng tư như tình cảm, đi chơi v.v.. giữa hai người đã bị giảm đi rất nhiều so với lúc chưa có đứa con đầu lòng. Một chị vợ đã than thở:

Tôi nghĩ rằng có nhiều cuộc Hôn nhân đã trở nên nhàm chán, sau khi có đứa con đầu lòng và những đứa kế tiếp? Tôi mong không phải ai cũng như vậy; nhưng đây là hòan cảnh của tôi. Chồng tôi và tôi không còn nói những chuyện tâm tình với nhau, thay vào đó là những mệnh lệnh và thiếu quan tâm đến nhau, hai chiều như lúc trước nữa. Chúng tôi chỉ nói tới những nhu cầu của con cái như chuyện học hành, sức khỏe…Nay con cái chúng tôi đã lớn và ra khỏi nhà, thế là chúng tôi chẳng còn gì để nói với nhau, tôi chẳng còn gì để phàn nàn về chúng. Chúng tôi xem TV, đọc báo; nhưng chỉ là những người cô đơn ngồi chung với nhau mà thôi. Thật là chán chường ! Thậm chí chúng tôi ngủ chung nhà; nhưng khác phòng. Bạn có cách nào giúp tôi sống thân mật trở lại như lúc chưa có con không?

Trên đây là câu chuyện của người phụ nữ đang chung sống với chồng sau ngày cưới 25 năm. Tiếp theo những lời than vãn này là: “Bạn ơi! Cuộc Hôn nhân của tôi quá buồn tẻ, đến nỗi người chồng chung sống sau 25 năm đã bỏ nhà ra đi để sống với người đàn bà khác, mãi hai tháng sau tôi mới phát hiện ra !?”

Qua câu chuyện của người vợ này, ta nhận thấy trong suốt 25 năm chung sống, cả hai người đều thiếu vắng một loại Tình yêu gọi là Tình yêu Phileo là săn sóc, hai chiều, tình bạn trong đời sống Hôn nhân của họ. Vì vậy, một nhà văn nói: “Hôn nhân là nấm mồ của Tình yêu.” Có thể đúng trong hoàn cảnh của người vợ này; nhưng không đúng với nhiều hoàn cảnh khác.

Kinh Thánh nói gì về Tình yêu Phileo này?

1/ Đức Giêsu đã dành Tình Yêu này cho môn đệ của Ngài như sau: “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu.” (Ga 13, 23) Nghĩa là ông Gioan ở sát ngực Chúa, Ngài qúy mến và hài lòng.

2/ Ông Phêrô tỏ Tình yêu Phileo của ông với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)

Nghiã là có tình cảm riêng tư, như đối với người bạn thân vậy.

Bạn nên nhớ rằng Tình yêu Phileo trong đời sống Hôn nhân là tình bạn (frienship love), cả hai người cần được đối xử với nhau như những người bạn nữa; chứ không phải đối xử với nhau như “chồng chúa vợ tôi”. Chúa Giêsu nói: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì những tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy cũng đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15)

Tóm lại, phần lớn các cặp vợ chồng trẻ, trung niên hay tráng niên xảy ra đổ vỡ là thiếu tình yêu Phileo, tình bạn này. Nếu họ tôn trọng, săn sóc, an ủi nhau như lúc ban đầu, họ dùng Tinh yêu Agape và Phileo như Chúa yêu thì các Gia đình sẽ hạnh phúc biết bao!!!
 
Nữ sinh Pháp và vấn đề ngừa thai nhân tạo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
12:38 28/07/2008
NỮ SINH PHÁP VÀ VẤN ĐỀ NGỪA THAI NHÂN TẠO

Cách đây đúng 40 năm - 25-7-1968 - Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978) ban hành thông điệp ”HUMANAE VITAE - Sự Sống Con Người”, bàn về vấn đề điều hòa sinh sản.

Thông điệp nhắc lại nguyên tắc nền tảng của giáo huấn Kitô liên quan đến sự sống con người, trong đó có việc ngăn cấm ngừa thai nhân tạo. Thông điệp gây tiếng vang rất lớn và kéo theo những chống đối thật sôi nổi, những phê bình thật gắt gao, nếu không muốn nói là ”chỉ-trích mất-dạy” đối với thông điệp của một vị Giáo Hoàng!

Mấy tháng sau - cùng năm 1968 - tại trường trung học quốc tế Saint-Germain-en-Laye ở Pháp, người ta đặt đề tài luận văn:

- Hãy mô tả biến cố lớn nhất mà bạn nghe nói đến.

Báo chí sau đó đã phổ biến bài luận văn của một nữ sinh 12 tuổi rưỡi. Khi giới thiệu bài luận văn ấy, giới báo chí đã chọn câu cuối cùng của bài luận văn để đặt cho tựa đề của bài luận văn:

- Chịu khổ đi trên con đường lót đá hay quay đi tìm con đường bằng cát mịn.

Sau đây là nguyên văn bài luận văn của cô nữ sinh.

Một đề tài mà chỉ người lớn mới bàn tới, nhưng lại rất sợ phải nói tới, đó là thông điệp mới ban hành của Đức Giáo Hoàng. Trong thông điệp này, Đức Giáo Hoàng nói với thế giới: ”KHÔNG ĐƯỢC DÙNG THUỐC NGỪA THAI”.

Tiếng ”KHÔNG” của Đức Giáo Hoàng thật rõ ràng, quyết liệt và thật đau thương, đã làm kinh ngạc và gây chấn độmg mạnh.

Như bao người, em cũng ngạc nhiên và bối rối. Như bao người, em cũng mong đợi nơi Đức Giáo Hoàng một quan điểm rộng rãi hơn. Và cũng như bao người, em miên man suy nghĩ về vấn đề ngừa thai nhân tạo. Quả là cái vòng lẩn quẩn không lối thoát. . Người nam và người nữ sau khi lập gia đình, lúc đối diện nhau, đã chạm trán với vấn đề:

- Hoặc là can đảm chấp nhận đau khổ để cho ra chào đời những đứa con cùng giống nòi, hoặc là mong muốn một ít dễ dãi nhưng được chấp nhận, cảm thông.

Tại sao em lại chọn vấn đề ngừa thai nhân tạo??? Lý do giản dị, bởi vì nó biểu tượng cho một bước nhảy phi thường trong tương lai, một loại thuốc, một cách chuẩn bị để giết chết các định luật thiên nhiên. Với phương thức này, con người ngăn cản những người con khác ra đời. Thật là khủng khiếp! Do đó Đức Giáo Hoàng nói: ”KHÔNG! KHÔNG ĐƯỢC LÀM THẾ!”

Ngài nói: ”Phải chịu đau khổ. Phải chấp nhận những gì THIÊN CHÚA ban cho anh chị em. Phải cố gắng đến cùng!”

Thật là giáo huấn rõ ràng, quyết liệt. Trong khi đó người ta chờ đợi một cái gì dễ dãi hơn, mềm dẽo hơn, chẳng hạn như:

- Người ta có thể làm như thế. . trong một số trường hợp, vv.

Nhưng Đức Giáo Hoàng lại nói: ”KHÔNG”. Ngài nói: ”Con người phải tuân theo luật lệ sơ đẳng nhất của thiên nhiên, chứ không phải chìu theo dễ dãi, hoặc những tiến bộ của khoa học”. Kinh Thánh viết: ”Con phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn” (Sáng Thế 3,19).

Thế nhưng, trong một căn nhà lụp xụp thuộc khu ổ chuột kia, 12 đứa nhỏ chết vì đói, vì cha mẹ chúng không có đủ lương thực nuôi chúng. Rồi một người đàn bà khác kiệt sức vì đã cho ra đời quá nhiều đứa con. Tại các nước thuộc thế giới thứ ba, người ta chết như rạ, chỉ vì người ta quá đông, quá đông và quá đông!!!...

Tuy nhiên, những lý lẽ để từ chối viêc ngừa thai nhân tạo lại có giá trị. Làm sao mà không nói “KHÔNG” được??? Bởi vì nếu nói: ”Có thể chấp nhận trong một số trường hợp” thì sẽ kéo theo những dễ dãi, những ”cóc-cần”, theo kiểu nói của nhiều người hiện nay. . Thật là một vấn đề khó nuốt! Một trường hợp lương tâm!

Câu trả lời thẳng thắn giống như khúc cũi khô, như bức rào ngăn chặn ước muốn, muốn giải quyết vấn đề cách đơn giản, không đặt nặng vấn đề. Đó cũng là câu trả lời của Đức Giáo Hoàng, quá quyết liệt đối với một số người.

Thật là một vấn đề vừa hóc-búa vừa tế-nhị, do đó mà các Đức Giám Mục Pháp, họp nhau từ vài tuần nay, đã làm cho giáo huấn của Đức Giáo Hoàng trở nên lững-lờ, mơ-hồ hơn khi nêu ra một số trường hợp ngoại lệ, một số luật trừ.

Nhưng câu kết luận vẫn là:

- ĐÂY LÀ MỘT TRƯỜNG HỢP LƯƠNG TÂM CHO MỌI NGƯỜI.

Và theo em, đây là câu trả lời giá trị. Còn lại, mọi người có quyền tự do để bàn cãi.

Em chọn vấn đề này thay vì các vấn đề khác, bởi vì theo em, các vấn đề khác, cho dù có quan trọng thế nào đi nữa, cũng không quan trọng bằng vấn đề sự sống con người.

Sự sống con người là vấn đề không cùng, là vấn đề thực sự của con người, theo đúng nghĩa nhất của danh từ. Đó là vấn đề, chịu khổ bước đi trên con đường đá sỏi, hay quay đi chọn một con đường khác dễ dài bằng cát mịn!

... ”THIÊN CHÚA đã dựng nên loài người giống hình ảnh Ngài. Ngài dựng nên người nam và người nữ. Chúa chúc lành cho họ và phán: ”Hãy sinh sản nhiều trên mặt đất và hãy cai trị mặt đất. Hãy cai quản cá biển chim trời, và tất cả các thú vật hoạt động trên đất” (Sách Sáng Thế 1,27-28).

(”MISSI”, Mars/1969, trang 90)
 
Lễ Chúa Cứu Thế
Lm JB Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R
14:21 28/07/2008
LỜI CHÚA (Ga 3, 13-18.21): “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Hôm nay, Chúa nhật thứ ba trong tháng bảy, anh em Dòng Chúa Cứu Thế khắp nơi trên thế giới hân hoan mừng lễ Chúa Cứu Thế tước hiệu của nhà dòng.

Hẳn đây là dịp để anh em Dòng Chúa Cứu Thế cũng như những ai quan tâm có cơ may chiêm ngắm dung mạo Chúa Cứu Thế.

Phụng vụ Lời Chúa trong lễ Chúa Cứu Thế (Ga 3, 13-18.21) soi sáng cho việc chiêm ngắm này.

I. CHÚA CỨU THẾ - TÌNH YÊU CHÚA CHA BAN TẶNG

Trong cuộc sống, người ta thường tặng quà cho nhau. Món quà diễn tả tương quan giữa người tặng và người nhận quà. Càng quí ai, người ta càng muốn tặng cho nhau người món quà có giá trị.

Hơn cả quà tặng, Chúa Cứu Thế chính là tình yêu Chúa Cha đã ban cho thế gian “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Bước vào trần gian, Chúa Cứu Thế tiếp tục yêu thương dâng trọn cuộc đời cho Chúa Cha và cho nhân loại “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(x. Ga 15, 13).

Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4, 16). Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và lan tỏa trên con người. Tình yêu ấy chảy đến đâu thì trào tràn sức sống đến đấy. Chúa Cứu Thế đã làm người để con người cảm nhận tình thương của Thiên Chúa hầu sống tình thương với nhau theo khuôn mẫu của Chúa “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Sống yêu thương theo khuôn mẫu của Chúa, không chỉ là thái độ nội tâm nhưng phải còn là lối sống cần được diễn tả ra bên ngoài, bởi đức mến chân thật được diễn ta bằng việc làm chứ không phải nơi “đầu môi chóp lưỡi” (1Ga 3, 18). Sống yêu thương, người ta sẽ bớt: bớt rắc rối, bớt phức tạp, bớt hằn thù, bớt xúc phạm đến nhau, bớt phạm tội… và phải thêm vào cuộc sống: những từ bỏ, hy sinh, chịu đựng, nhận hậu, tha thứ … vì đức mến thì: “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7).

II. CHÚA CỨU THẾ - NGUỒN ƠN CỨU RỖI

“Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1Ga 4, 16). Tình Chúa yêu con người thể hiện bàng bạc khắp nơi. Chính bởi yêu thương nên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (x. St 1, 27; 2, 4b-25). Cho dù con người có bội bạc nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ ngụp lặn trong nhơ nhớp tội lỗi; Người đã hứa ban ơn cứu độ (x. St 1, 15).

Chúa đã thực hiện lời hứa: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi !” (Gl 4, 4-6).

Chúa Cứu Thế đã được sai đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Như ông Mô-sê đã treo rắn đồng trong sa mạc, Chúa Cứu Thế cũng được treo lên (Ga 3, 14). Sách Dân số thuật lại: năm xưa, trong sa mạc, ai nhìn rắn bò trên mặt đất sẽ bị rắn cắn chết; trước tình thế đó “Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. (Ds 21, 9).

Cuộc đời không thiếu chuyện đề hèn “Phường gian ác nhởn nhơ khắp chốn chuyện đê hèn đầy dẫy nhân gian” (Tv 12, 9). Cuộc đời cũng là một cuộc giao tranh liên tiếp chống lại những đòi hỏi mù quáng của xác thịt, chống lại những phù hoa lôi cuốn của thế gian, những cơn cám dỗ của ma quỷ… Nếu người ta chỉ chú tâm vào những chuyện đề hèn, những tầm thường và sai trái xung quanh mình thì họ sẽ bị chúng cuốn hút và nhận chìm trong ấy.

Chúa Cứu Thế đã được “giương lên”. Nhìn lên Chúa người ta sẽ được cứu thoát khỏi những cạm bẫy thế gian, được nhắc nhở sám hối để được sống trong ân nghĩa của Chúa.

III. CHÚA CỨU THẾ - ÁNH SÁNG

Chúa Cứu Thế chính là tinh hoa Thiên Chúa Cha sai vào trần gian: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”(Dt 1,1-2).

Đến với Chúa cứu Thế là đến với ánh sáng “kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”(Ga 3, 21).

Chúa Cứu thế chính là ánh sáng. Ánh sáng của người sẽ xuyên thâu tâm can con người từng gang tấc, soi tận vào trong ngóc ngách xương tủy để con người nhận ra nẻo chính đường ngay. Dụ ngôn Lúa và cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30) trong phụng vụ Chúa nhật thường niên XVI A cho ta bằng chứng xác thực về điều này. Theo dụ ngồn này, như ông chủ Chúa có quyền cho thợ ra làm cỏ lùng nhưng Người đã không làm thế. Chúa đã kiên nhẫn đợi chờ cho đến mùa gặt là ngày tận thế. Đến ngày ấy, mọi sự sẽ được phơi bày. Nếu Chúa hành xử giang hồ theo cách thế con người thường làm, thẳng tay tiêu diệt nhau thì: không có thánh Phê-rô, không có thánh Phao-lô, không có thánh Ma-ri a mác-đa-la, không có thánh Au tinh… và rất có thể không tôi, không có anh, không có chúng ta, không có nhiều người trong nhân loại.

Mỗi dây phút trong đời người là những giây phút ân sủng và nhất là trong Thánh lễ này, Chúa cho con người được ánh sáng Chúa chiếu soi tâm hồn, hầu có thời gian ăn năn sám hối, để trong ngày phán xét, người lành có phúc được Chúa xếp vào loại lúa tốt tuyển chọn đưa vào kho lẫm của Chúa.

KẾT

Lễ Chúa Cứu Thế là một cơ may để anh em Dòng Chúa Cứu Thế và những ai quan tâm chiêm ngưỡng Chúa Cứu Thế là: Tình yêu Chúa Cha ban cho nhân loại – Nguồn ơn cứu rỗi- Ánh sáng.

Ở lại với Chúa người ta sẽ tìm được nguồn sức manh, được an ủi trong lúc cô đơn, được chia sẻ khi gặp đau khổ, được bênh vực khi bị ngược đãi, được nâng đỡ khi gặp gian truân, được soi sáng khi bị bế tắc, được thêm sức khi gặp thử thách, được bình an khi phải hy sinh, được cảnh tỉnh khi yếu đuối, được tha thứ khi bị vấp ngã, được hoán cải để biết thứ tha…

Nhờ ơn Chúa, anh em Dòng Chúa Cứu Thế sẻ được “mạnh mẽ trong đức tin, được phấn khởi trong đức cậy, được sốt sắng bởi lòng mến, được nung nấu lòng nhiệt thành…” (Hiến Pháp số 20).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:24 28/07/2008
HỎI TRỜI.

N2T


Một nhà sư tu hành hỏi sư phụ: “Trời đất, sông núi và tinh tú, từ đâu mà có ?”

Sư phụ trả lời: “Câu hỏi của con từ đâu mà có ?”

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Có những người hỏi để thử tài năng của người khác, đây là cái hỏi để thử sức nhau; có người hỏi để tìm cách bắt bẻ anh em, đây là cái hỏi của lòng kiêu ngạo; lại có người hỏi để tìm tòi học hỏi, đây là cái hỏi để mở mang kiến thức và cầu tiến...

Trời đất muôn vật và các tinh tú bởi đâu mà có, nếu sư phụ trả lời thì hóa ra công lao học hỏi lâu năm với sư phụ giống như khói lam chiều bay mất tiêu, nên cứ tự mình tìm hiểu và trả lời thì vừa xác tín vừa chắc chắn không sợ đánh mất niềm tin, bởi vì khi tự mình xác tín thì niềm tin này sẽ là sức mạnh vô song giúp họ vượt qua nhiều trở ngại trong cuộc sống.

Có những người Ki-tô hữu thích hỏi ông Trời tại sao con khổ thế này, tại sao cuộc sống quá bất công, tại sao ông Trời dựng nên con làm gì để con chịu nhiều bất hạnh ?

Ông Trời vẫn không lên tiếng, bởi vì ông Trời đã từng giây từng phút trả lời với họ trong cuộc sống của họ rồi, có điều là con mắt đức tin của họ chưa đủ sáng để nhìn thấy mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:25 28/07/2008
N2T


22. Cầu nguyện là một loại vũ khí mạnh, là phòng ngự, là nơi ẩn núp, là kho tàng.

(Thánh Augustine)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Khuôn mặt trẻ trung của Giáo Hội
Vũ Văn An
01:27 28/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Khuôn mặt trẻ trung của Giáo Hội

Hôm qua, ngày 27 tháng Bẩy, tại dinh mùa hè, trước khi đọc kinh truyền tin với khách hành hương, Đức Bênêđíctô XVI đã dùng các từ ngữ tốt đẹp để nói về Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 tại Sydney. Ngài ví ngày ấy như một Lễ Chúa Thánh Thần mới từ đó, khách hành hương được sai đi làm tông đồ cho người cùng thời với họ. Ngài nói với mọi người rằng: “Trong tâm trí cha, cha vẫn nhớ dịp hết sức đặc biệt ấy, trong đó cha cảm nghiệm được khuôn mặt trẻ trung của Giáo Hội. Nó như bức tranh ghép muôn mầu, tạo thành bởi thanh niên nam nữ khắp nơi trên địa cầu, tất cả cùng tụ tập nhau trong một đức tin duy nhất vào Chúa Giêsu Kitô”.

Đức Benedict XVI tại WYD 2008
Đức Thánh Cha cho hay giới trẻ tham dự biến cố trên được mệnh danh là “khách hành hương trẻ của thế giới”, một kiểu nói, theo Ngài, “đã nắm bắt được yếu tính của các cuộc gặp mặt quốc tế này do Đức Gioan Phaolô II khởi xướng. Những cuộc gặp mặt này thực tế đã tạo nên những khung cảnh cho các cuộc hành hương vĩ đại khắp thế giới, để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng niềm tin vào Chúa Kitô đã biến tất cả chúng ta thành con cái Thiên Chúa và là những người kiến tạo nền văn minh tình yêu”. Ngài còn thêm: “Ý thức về Chúa Thánh Thần, đấng bênh đỡ sự sống của Giáo Hội và của từng Kitô hữu, là đặc điểm của cuộc gặp mặt tại Sydney. Hành trình dài nhằm chuẩn bị tại các Giáo Hội địa phương đã đi theo chủ đề của các ngôn từ sau đây do miệng Chúa Kitô phục sinh phán với các tông đồ: ‘Chúng con sẽ tiếp nhận sức mạnh khi Chúa Thánh thần ngự xuống trên các con và các con sẽ là nhân chứng của Thầy”.

Khi nhận định về tuần lễ WYD, Đức Thánh Cha gọi các buổi sinh hoạt giáo lý là “các giờ phút suy niệm và hồi tâm hết sức cần thiết làm cho biến cố này thành một biến cố tác động sâu xa đối với lương tâm, chứ không phải là một biểu dương chỉ có tính bề ngoài. Đêm canh thức, ngay trong lòng thành phố, dưới Chòm Sao Phương Nam, là một bản đồng ca tha thiết kêu cầu Chúa Thánh Thần; và lúc bế mạc, trong lễ cử hành Thánh Thể đông đảo vào Chúa Nhật, cha đã ban Phép Thêm Sức cho 24 thanh niên nam nữ thuộc nhiều châu lục khác nhau, trong đó có 14 người là người Úc, cha đã mời gọi mọi người nhắc lại các lời hứa khi lãnh nhận Phép Rửa Tội”. Ngài khẳng định Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã “được biến đổi để trở thành Lễ Hiện Xuống mới, từ đó sứ mệnh của người trẻ, được mời gọi làm tông đồ cho người đồng thời, đã được phát động”.

Thời đại mới của Chúa Thánh Thần

Người ta còn nhớ, trong thông điệp gửi người hành hương WYD ngay khi tới Sydney, Đức Bênêđíctô XVI đã trích dẫn lời sau đây của Thánh Augustinô: “Nếu muốn trẻ trung mãi, các con hãy tìm kiếm Chúa Kitô”. Lời trích trên đây hết sức thích hợp không những đối với giới trẻ đang chờ được thấy Đức Giáo Hoàng, mà còn đối với bất cứ ai khác, kể cả các xã hội Tây Phương đang mỗi ngày một bị tục hóa hơn lên và thường là thù nghịch đối với sứ điệp của Chúa Kitô. Paul Kelly, chủ bút tờ The Australian, một tờ nhật báo đặt cơ sở tại Sydney, cho hay chủ nghĩa duy thế tục là một vấn đề. Trong một bài nhận định trước ngày khai mạc WYD, ông nhận xét rằng chủ nghĩa này không những muốn hạn chế tôn giáo vào lãnh vực hoàn toàn tư riêng, mà còn tìm cách “tạo ra một thứ chủ nghĩa vô thần làm tôn giáo chính thức trên thực tế để xua đuổi tôn giáo đích thực ra khỏi lãnh vực công”.

TT Kevin Rudd tại Barangaroo
Chủ đề trên đây vì vậy đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt tuần Đại Hội. Thủ Tướng Úc, Ông Kevin Rudd chẳng hạn, trong bài diễn văn chào mừng khách hành hương trong Thánh Lễ khai mạc vào ngày 15 tháng Bẩy, đã nhìn nhận tầm quan trọng của Kitô Giáo, một nhìn nhận nhiều người coi là quá thiên tôn giáo này nơi một nhà lãnh đạo chính trị. Ông Rudd tuyên bố: “Một số người nói không có chỗ cho đức tin trong thế kỷ 21. Tôi bảo họ sai rồi. Một số người bảo đức tin là kẻ thù của lý trí; tôi cũng nói họ sai rồi”. Thủ Tướng Úc tiếp tục ca ngợi vai trò của Kitô giáo trong việc phát triển giáo dục và cấp dưỡng người nghèo: “Và tôi xin thưa điều này, Kitô giáo vốn là một sức mạnh trổi vượt của sự thiện trên thế giới”.

Một thế giới tốt hơn

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong bài giảng tại thánh lễ cung hiến bàn thờ của Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary ngày 19 tháng Bẩy, đã đề cập đến thách thức đối với vai trò của tôn giáo trong thế giới. Ngài cho hay: “Nhân danh tự do và tự lập nhân bản, danh Thiên Chúa đã im lặng bị bỏ qua, tôn giáo bị thu gọn vào việc sùng kính tư riêng, và đức tin bị tránh né nơi quảng trường công cộng”.

Barangaroo 15-07-08
Trong nhiều diễn văn khác, Đức Giáo Hoàng luôn nhấn mạnh tới đóng góp tích cực của tôn giáo và các tín hữu. Như trong diễn văn ở buổi lễ chào mừng tại Dinh Chính Phủ ngày 17 tháng Bẩy chẳng hạn, Ngài nói đến việc khách hành hương tụ tập nhau để lắng nghe Lời Chúa và để học hỏi nhiều nhơn về đức tin Kitô giáo của mình. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là khởi đầu. Ngài nói thêm: “Họ mong mỏi dự phần vào biến cố đang hết sức tập chú vào các lý tưởng cao vời từng gợi hứng cho họ, và họ sẽ trở về nhà lòng đầy hy vọng và một quyết tâm đổi mới muốn góp phần vào việc xây đắp một thế giới tốt đẹp hơn”. Trong các bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến chủ đề Chúa Thánh Thần đã được chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới: “Các con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con và các on sẽ là nhân chứng của ta cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:9).

Theo Đức Thánh Cha, Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn khôn ngoan để người trẻ biết phải chọn nẻo đường nào, và cũng khích lệ để họ dấn thân đi theo nẻo đường ấy. Đức Giáo Hoàng không ngừng nhắc tới chủ đề về Chúa Thánh Thần trong các bài giảng của Ngài vào ngày hôm sau, mà cao điểm nhất là bài giảng trong Thánh Lễ Bế Mạc vào Chúa Nhật, 20 tháng Bẩy tại trường đua Randwick. Ngài giải thích rằng sức mạnh Chúa Thánh Thần, từng được khấn cầu, chính là sức mạnh của sự sống Thiên Chúa. Nó là sức mạnh sáng tạo, sức mạnh từng làm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và là sức mạnh đang dẫn dắt ta tới Nước Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến một thời đại mới đang ló hình. Ngài nhận định: “Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu công bố rằng một thời đại mới đã bắt đầu, trong đó, Chúa Thánh Thần sẽ được đổ tràn đầy xuống trên nhân loại”.

Việc đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần xuống này không phải chỉ là một sức mạnh soi sáng và ủi an mà thôi, mà còn là sức mạnh sáng tạo ra một thế giới mới nữa. Ngài nói: “Được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và rút tỉa được một cái nhìn phong phú của đức tin, một thế hệ Kitô hữu mới đang được kêu gọi góp phần xây đắp một thế giới, trong đó, quà phúc sự sống của Thiên Chúa được chào đón, kính trọng và trân qúy, chứ không bị từ khước, sợ sệt như một đe dọa và bị trừ khử”. Trong thời đại mới này, tình yêu sẽ không tham lam hay vị kỷ, nhưng trong trắng và tự do. Một thời đại mới sẽ xuất hiện, trong đó, người ta sẽ cởi mở với nhau và rạng rỡ niềm vui cũng như vẻ đẹp, một thời đại mới của hy vọng sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi nông cạn và dửng dưng. Thách Thức Trong bài giảng của mình, Đức Giáo Hoàng cũng nói rõ Ngài không phải chỉ đem lại hy vọng và khích lệ cho người trẻ, mà còn thách thức họ hãy góp phần xây dựng nên thời đại mới kia: “Các bạn trẻ thân mến, Chúa đang yêu cầu các bạn làm tiên tri cho thời đại mới này, làm sứ giả tình yêu của Người, lôi kéo người ta về với Chúa Cha và xây dựng tương lai đầy hứa hẹn cho toàn thể nhân loại”.

WYD 2008
Đức Bênêđíctô XVI cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho người trẻ. Ngài hỏi họ xem họ muốn để lại chi cho thế hệ tiếp theo, và họ sử dụng các ơn phúc và sức mạnh Chúa Thánh Thần ra sao. “Các con có sống cuộc sống của mình cách nào đó để mở rộng không gian cho Chúa Thánh Thần ngự xuống giữa một thế giới chỉ thích quên khuấy Chúa đi, có khi còn bác bỏ Người nhân danh thứ tự do bị họ quan niệm cách sai lạc nữa?” Thách thức trên cũng lả chủ đề của bài giảng Đức Giáo Hoàng ban bố trong buổi canh thức đêm hôm trước. Ngài đề cập tới việc phải làm nhân chứng ra sao trong một thế giới vốn được người ta mô tả như hết sức mỏng dòn và kiệt lực vì các vết thương. Đức Thánh Cha nhận định rằng nhiều vết thương do hiệu quả xấu của chủ nghĩa tương đối gây ra, một chủ nghĩa “không nhìn ra bức tranh trọn vẹn” vì nó làm ngơ các nguyên tắc “giúp ta có hể sống và triển nở trong hiệp nhất, trật tự và hoà hợp”.

Chìa khóa để nhìn ra trọn bộ bức tranh là mở lòng ra đón nhận hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng vốn gìn giữ ta trong hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo Hội. Sự hiệp nhất này chính là yếu tính của Chúa Thánh Thần, vì Người vốn là sự sẻ chia giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần cũng là yêu thương và tự hiến, “Hãy để tình yêu hiệp nhất thành thước đo của chúng con; tình yêu bền vững thành thách thức của chúng con; tình yêu tự hiến thành sứ mệnh của chúng con!”

Các hoa trái

Trước ngày khai mạc WYD, phần lớn báo chí Úc chú trọng tới các khía cạnh tiêu cực của biến cố này, như phí tổn cao và gây xáo trộn cho sinh hoạt bình thường của thánh phố.

Sydney trong những ngày WYD
Nhưng khi biến cố này đang diễn tiến, và người ta được tận mắt thấy Đức Giáo Hoàng và các nhân chứng và được dự phần vào các biến cố ngoạn mục như nghi thức Chặng Đàng Thánh Giá đầy xúc động, thì giới truyền thông tỏ ra hết sức ủng hộ. Nhiều bài bình luận nhắc đến tài tổ chức và cả sự kiện lực lượng cảnh sát không cần đến nhiều như các biến cố khác của tuổi trẻ Úc. Lúc từ giã Sydney lên đường về Rome, Đức Giáo Hoàng đã nhận định như sau: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho ta thấy rằng Giáo Hội có thể hân hoan với tuổi trẻ ngày nay và tràn trề hy vọng với thế giới ngày mai”. Đối với Giáo Hội tại Úc và khắp thế giới, thách đố là phải làm thế nào biến niềm hy vọng ấy thành hiện thực.

Thành công khó đo

Trên đây là nhận định của linh mục John Flynn, LC. Các cơ quan thông tấn khác cũng có nhiều nhận định tương tự. Theo hãng One News, thành công của WYD năm 2008 tại Sydney khó có thể đo lường được. Các người hành hương phấn chấn, các chính trị gia hân hoan và các nhà khoa bảng dè dặt, mỗi người đều có những nhận định riêng. Tuy nhiên ai cũng phải đồng ý một điều lễ hội kéo dài một tuần lễ này quả là một thành công đối với Sydney. Phòng Thương Mãi cho rằng Sydney đã dành lại được bùa mê (mojo) của mình, sau khi rơi tọt xuống thế lặng gió kể từ Thế Vận Hội năm 2000. Patricia Forsythe, giám đốc điều hành của Phòng này, cho hay: “Sau những chân trời tím ngắt của hậu Thế Vận, đây là tuần lễ Sydney dành lại được tước hiệu kinh thành tiếp khách số một của thế giới”.

Đức GH, TT Rudd và TH Iemma
Morris Iemma, Thủ hiến bang NSW, cũng hào hứng không kém. Ông bảo: “Thành phố đã mặc lại cái bùa mê thương ấn của mình, thành phố hạng nhất của thế giới, quả là thành phố hạng nhất của thế giới. Và chúng ta thấy điều ấy một cách rõ ràng suốt cả tuần lễ”. Ông cũng cho hay tiền bạc không thể mua được sự quảng bá tích cực mà WYD đã mang tới cho Sydney. Người hành hương từ 170 quốc gia cho hay nhiều người đã phải dành dụm suốt hai năm qua mới đủ tiền thực hiện chuyến đi của mình t1ơi Sydney lần này, nhưng họ thấy đồng tiền của họ đã được chi tiêu chính đáng.

Francesca Avi, 29 tuổi, một trong hơn 110,000 người hành hương quốc tế có đăng ký chẳng hạn, nói ằng Sydney là WYD thứ ba của cô. Cô cho hay: “Tôi đã tới Patis (1997) và Rome (2000) và bây giờ tới đây. Nơi đây tốt nhất xưa nay”.

Và người ở giữa tâm điểm biến cố, tức Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, rõ ràng hết sức cảm kích trước vẻ đẹp của Sydney. Trước cử tọa ngút ngàn ở trường đua Randwick, Ngài thổ lộ: “Ở đây tại nước Úc, tại mảnh đất Phương Nam của Chúa Thánh Thần này, tất cả chúng ta nhận được một cảm nghiệm không thể nào quên về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và sức mạnh của vẻ đêp thiên nhiênL”. Ngay như kỹ nghệ đua ngựa, là nhóm phản đối việc sử dụng trường đua cho WYD vì sợ các đường đua của mình bị hư hao, cũng rất hài lòng sau đó. Một phát ngôn viên của Câu Lạc Bộ Nài Ngựa Úc, trong khi quan sát ban tổ chức WYD đang cho thu dọn trường đua sau khi được hơn 400,000 sử dụng, đã cho biết: “Xem ra trường đua đã được giữ gìn rất tốt”.

Vậy tại sao vẫn không ưa?

Lý do có nhiều, nếu bạn cho rằng Kitô giáo có quá nhiều ảnh hưởng tại Úc. Giáo sư John Stratton, trưởng khoa nghiên cứu văn hóa tại Đại Học Curtin ở Perth chẳng hạn, đã cho rằng biến cố này đem lại cho chính sách đa tôn giáo một cú đấm trời đánh và cho thấy chính phủ quá ưu đãi Kitô giáo. Ông bảo: “sẽ tốt đẹp nếu ta có thể tuyên bố sẽ có một Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho Hồi Giáo tại Úc chẳng hạn. Nhưng tôi rất hoài nghi về phương diện tôn giáo vì nếu chuyện ấy xẩy ra, người ta sẽ la ó phản đối ghê lắm”. Ông cho hay ông quan tâm tới việc WYD sẽ tiếp tục nói lên việc nhích xa dần khỏi chủ nghĩa duy thế tục, một chủ nghĩa hết sức quan yếu đối với việc điều hành một tiểu bang tân tiến, một diễn trình, theo ông đã bắt đầu với chính phủ Howard trước đây. Stephen Juan, giảng sư tại khoa giáo dục và hoạt động xã hội tại Đại Học Sydney cũng đặt nghi vấn đối với việc đăng cai WYD. Ông bảo: “Biến cố này hết sức ngoại thường vì nhiều lý do. Nhưng ít ai có thể tưởng tượng người ta có thể dành cùng một sự ưu đãi như thế cho một nhóm Hồi Giáo kiểu này”.

Các chỉ trích trên xem ra quá khắt khe nếu xét đến khía cạnh Giáo Hội Công Giáo đã làm hết sức để nối vòng tay lớn với các tôn giáo khác trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Đức GH Bênêđíctô và Đức TGM, Hồng Y George Pell, đều đã dành thì giờ hết sức bận bịu trong những ngày WYD để gặp gỡ trao đổi với các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và cả Phật Giáo nữa. Đức HY Pell thưa với các nhà lãnh đạo này rằng: “Cùng với nhau, trong tư cách tín hữu, ta phải chứng tỏ được rằng đức tin chân thực vào Thiên Chúa la nguyên nhân đem lại hiệp nhất và hỗ tương, chứ không phải chia rẽ và hận thù”. Việc đối xử có tính ưu ái đối với Giáo Hội Công Giáo có thể do sự kiện ông Iemma và nhiều bộ trưởng khác là người Công Giáo, nhưng cũng do sự kiện này nữa: Công Giáo là tôn giáo đông người nhất của Úc. Cuộc thống kê dân số năm 2006 cho thấy 5 triệu người, tức quá 25% tổng số dân là Công Giáo. Chỉ có 340,000 người nói mình theo HỒi Giáo mà thôi. Trong nhiều tháng trước WYD, Đảng Xanh tại NSW chỉ trích phí tổn cao, cho rằng Giáo hội Công Giáo là ngườ thụ hưởng, thì Giáo Hội ấy phải chịu hết phí tổn. Nhưng Phòng Thương Mãi phản cung lại cho rằng biến cố này sẽ mang lại 231 triệu dollars, một con số tuy không chin1h xáchoàn toàn, nhưng vẫn được họ duy trì cho đến phút kết thúc đại hội. Chính phủ NSW thì khiêm tốn hơn, chỉ tiên đoán là 150 triệu mà thôi.. Có lẽ cònlâu mới có được bá cáo chính xác về khía cạnh này.

Randwick 20-07-08
Lợi nhuận tài chánh có ra sao, không hẳn là điều quan yếu. Người ta không thể lấy tiền bạc ra mà đo niềm hạnh phúc đã được biến cố này mang tới cho không biết bao nhiêu du khách và niềm hãnh diện nhờ nó mà Sydney đã dành lại được. Một tờ báo đã chạy hàng tít lớn như thế này: “Hết lòng đa tạ…nhân dân Sydney đã biểu lộ sự kiên nhẫn và cảm thông đến thế. Nhờ tài năng và thiện chí của các bạn, Sydney vẫn còn là thủ phủ chính cho các biến cố thế giới không bị ai tranh cãi”.
 
Ấn tượng về một Đêm Canh Thức diễm phúc WYD08 vẫn còn sống động trong tôi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:53 28/07/2008
Ấn tượng về một Đêm Canh Thức diễm phúc WYD08 vẫn còn sống động trong tôi

Đối với tôi, đêm canh thức tại trường đua ngựa Randwick là đêm ấn tượng nhất, đáng ghi nhớ trong những ngày diễm phúc được tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney.

Trời giá rét 6 độ c, hơn 200 ngàn người nằm ngũ giữa “màn trời chiếu đất”. Trong túi ngũ mỏng manh trải trên cỏ ướt, tôi không thể nào chợp mắt vì quá lạnh. Co mình rét mướt, ấm chân thì lạnh đầu, trùm đầu thì thì chân tê cóng nên phải co mình lại. Trăng 17 treo lơ lững lung linh chiếu rõ mồn một quang cảnh như chiếc giường khổng lồ với ngàn ngàn con người an giấc trong “khách sạn ngàn sao”. Càng về đêm sương khuya thêm ướt đẫm, nhiệt độ càng xuống thấp. Lạnh quá đi thôi, lạnh thấu xương.

Ngắm bầu trời đầy sao, tôi tự hỏi: lý do nào mà mọi người bỏ lại chăn ấm nệm êm để ngũ ngoài trời giá rét đêm nay? Tôi nghĩ về Giáo hội, nghĩ về Đức Thánh Cha…

1. Gặp gỡ - cầu nguyện

Các bạn trẻ tề tựu về đây để dự đêm canh thức với Đức Thánh Cha, nghe Ngài giảng và đón nhận phép lành Thánh Thể từ tay của Đấng đại diện Chúa Kitô. Đêm canh thức tuyệt diệu như đêm các Tông đồ tụ họp chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến mà Đức Thánh Cha đã gợi lên: “Các bạn trẻ thân mến, chúng ta lại được nghe lời hứa long trọng của Đức Kitô – “các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy”. Và chúng ta cũng đã nghe lời mời gọi của Ngài – “hãy làm chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1:8). Đây là những lời sau cùng Đức Giêsu nói cùng các môn đệ trước khi Ngài về trời. Các Tông Đồ nghĩ gì khi nghe những lời đó, thì chúng ta chỉ có thể đoán chừng mà thôi. Nhưng chúng ta biết rõ lòng yêu mến sâu sắc các Tông Đồ dành cho Đức Giêsu, và lòng tin tưởng đối với lời Ngài, đã khiến họ tụ họp với nhau và chờ đợi; không phải chờ đợi một cách bâng quơ, mà là cùng hiệp nhất trong lời cầu nguyện, với sự hiện diện của Đức Maria và các người phụ nữ đạo đức trong Phòng Tiệc Ly (Cv 1:14). Đêm nay, chúng ta cũng làm giống như vậy. Tụ họp nơi đây trước Cây Thánh Giá và Ảnh Tượng Đức Mẹ đã chu du qua nhiều nơi, và dưới ánh sáng tuyệt diệu của Chòm Sao Nam Thập Tự, chúng ta cùng cầu nguyện. Đêm nay, Cha cầu cho các con và cho giới trẻ trên toàn thế giới. Hãy noi gương các Đấng Bảo Trợ Thiêng Liêng của Đại Hội! Hãy đón nhận Bảy Ơn Chúa Thánh Thần! Hãy ý thức và tin tưởng vào sức mạnh Thánh Linh trong đời sống các con!

Mỗi người một cây nến cháy sáng, thinh lặng lắng nghe từng lời giảng huấn của Đức Thánh Cha. Các con thân mến, trong Bí Tích cao cả của Phép Rửa Tội, chúng ta – những người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa – được tái sinh, được trở nên con cái Thiên Chúa, một tạo vật mới. Và như thế, trong tư cách là con cái của ánh sáng Đức Kitô – được tượng trưng bằng ngọn nến sáng trong tay các con – chúng ta là chứng nhân của ánh sáng mà không bóng tối nào có thể phủ lấp (Ga 1:5). Đêm nay, tụ họp nơi đây dưới vẻ đẹp của bầu trời đêm lấp lánh ánh sao, tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm tri ân với Thiên Chúa vì hồng ân đức tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người đã cùng đồng hành khi chúng ta còn thơ bé đang chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc hành trình đức tin. Nhiều năm trôi qua và các con ngày nay đã khôn lớn, và đang tụ họp với nhau như những người trẻ tuổi cùng với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Lòng Cha tràn đầy niềm vui được hiện diện nơi đây với các con. Chúng ta hãy cầu khẩn cùng Chúa Thánh Thần: Ngài là người thợ của những kỳ công Thiên Chúa (Giáo lý Công Giáo, 741). Hãy để những hồng ân của Ngài sắp đặt cuộc đời các con! Cũng như Giáo Hội trải qua cùng một chuyến hành trình với tất cả nhân loại, các con được kêu mời để sử dụng cách khôn ngoan những ơn Chúa Thánh Thần trong những lúc vui buồn sướng khổ của cuộc sống hằng ngày. Hãy làm cho đức tin các con trưởng thành trong các việc học tập, thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Hãy gìn giữ các ơn Chúa Thánh Thần bằng lời cầu nguyện và nuôi dưỡng các ơn đó bằng các bí tích, và nhờ đó các con trở thành nguồn cảm hứng và nâng đỡ cho những người xung quanh. Cánh chung thì cuộc đời không phải là để thu vén cho riêng mình. Cuộc đời không chỉ có thành công mới đáng kể. Sống sung mãn thật sự là sống cải hóa từ nội tâm, là biết cởi mở cõi lòng cho năng lực của tình yêu Thiên Chúa. Khi lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần chính các con cũng có thể biến đổi gia đình, cộng đồng và quê hương quốc gia các con. Hãy trao tặng nhưng không những hồng ân mà các con đã lãnh nhận! Hãy để sự khôn ngoan, can đảm, lòng ngưỡng mộ và sùng kính đánh dấu sự trưởng thành của các con! Và giờ đây, khi sắp đến giờ chầu Thánh Thể, trong sự yên lặng tĩnh mịch và ngóng chờ, Cha xin lập lại những lời của Chân Phước Mary MacKillop khi ngài chỉ mới được 26 tuổi: “Hãy tin tưởng những lời thầm thì của Thiên Chúa trong tâm hồn các con!” Hãy tin tưởng vào Ngài! Hãy tin tưởng vào sức mạnh của Thánh Thần Tình Yêu.

Đức Thánh Cha đặt mình Thánh Chúa vào hào quang. Cả biển người mênh mông quỳ gối dưới nền đất lạnh. Thinh lặng, cầu nguyện. Chúa Giêsu Thánh Thể đã nối nết mọi người hiệp nhất nên một trong tâm tình yêu mến thờ phượng.

Dòng Bác ái đặt nhiều nhà vòm phủ bạt trắng.Suốt đêm nhiều người đến chầu Thánh Thể, nhiều người đến lãnh nhận bí tích hoà giải. Bầu khí cầu nguyện sốt mến bồi bổ thêm lòng tin cho muôn khách hành hương.

2. Tham dự Thánh Lễ

Các bạn trẻ về đây để tuyên xưng niềm tin, để biểu lộ lòng yêu mến Đức Thánh Cha, yêu mến Giáo hội và để học hỏi giáo lý. Tại thành phố Sydney, địa điểm chính của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, các bài giáo lý đã được diễn giảng tại 235 địa điểm, bằng 29 ngôn ngữ khác nhau. Đoàn Việt nam gặp gỡ sinh hoạt chung trong một hội trường lớn tại Liverpool, có 4 Vị Giám Mục giảng dạy giào lý, hàng trăm linh mục đồng tế với 4000 bạn trẻ.

Đức Thánh Cha tiến lên bàn thờ trước biển người...
Mọi người hành hương tham dự đêm canh thức để được cùng dâng Thánh Lễ Bế Mạc vào sáng Chúa Nhật 20 tháng 7 với Đức Thánh Cha.

Trước khi vào lễ đài dâng lễ, ĐTC đã dùng trực thăng bay trên khu vực trường đua Randwick và công viên Bách Chu Niên, để quan sát quang cảnh các bạn trẻ và tín hữu tụ tập chuẩn bị Thánh Lễ. Sau đó, vào lúc 9 giờ 30, ĐTC dùng xe bọc kính tiến qua các lối đi tại trường đua Randwick để chào các bạn trẻ và tín hữu, giữa tiếng reo hò vang dội của mọi người. Trên lễ đài, đã có khoảng 450 Giám Mục các nước trong phẩm phục mầu đỏ, cùng với hơn 4 ngàn linh mục đeo dây stola đỏ, sẵn sàng cho Thánh Lễ, trong khi hai ca đoàn hùng hậu gồm 300 ca viên và ban nhạc 80 người liên tục hát các bài thánh ca chuẩn bị. Tại khu vực danh dự đặc biệt có vị toàn quyền, thủ tướng liên bang, và các thủ tướng tiểu bang cùng với thị trường và chính quyền thành phố Sydney. Đúng 10 giờ sáng, ĐTC và 50 Hồng Y đồng tế từ từ tiến lên lễ đài được trải thảm đỏ, trong khi ca đoàn hát ca nhập lễ của lễ kính Chúa Thánh Thần, vì trong Thánh Lễ này, có 24 bạn trẻ được ĐTC ban phép thêm sức. Trong lời chào mừng đầu Thánh Lễ, ĐHY George Pell, TGM Sydney, đã nhắc lại lời ĐTC đã nói vài ngày sau khi được chọn lên kế vị Thánh Phêrô trên ngai Toà Roma, như sau: “Giáo Hội không già nua và bất động, nhưng trẻ trung”. Nhìn cộng đoàn đông đảo này, chúng con thấy rằng điều ĐTC nói, quả là sự thật. Giáo Hội sinh động và Giáo Hội trẻ trung. Chúng con thật hạnh phúc vì được tụ họp trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 này và hạnh phúc vì ĐTC đến với chung con nhân danh Chúa Giêsu”. Giảng trong Thánh Lễ, ĐTC đã mời gọi các bạn trẻ hãy dấn thân canh tân thế giới, nơi mà “sa mạc thiêng liêng” không ngừng lan rộng. ĐTC hy vọng thế hệ mới của những người Kitô, biết làm cho tình thương chiến thắng ích kỷ, làm cho niềm hy vọng chiến thắng trên sự hời hợt chóng qua. ĐTC đã mạnh mẽ quả quyết với các bạn trẻ rằng: “Giáo Hội đang cần đến sự canh tân thiêng liêng này! Giáo Hội đang cần đến Đức Tin của chúng con, cần đến lý tưởng và lòng quảng đại của chúng con!... Chúng con sẽ để lại gì cho thế hệ đến sau chúng con? Chúng con có biết xây dựng cuộc đời mình trên những nền vững chắc hay không? Chúng con có biết sống cuộc đời mình như thế nào, để còn dành chỗ cho Chúa Thánh Thần giữa một thế giới muốn bỏ quên Thiên Chúa, và cả từ chối ngài, nhân danh một quan niệm sai lầm về tự do? ĐTC khuyên bạn trẻ thế giới lấp đầy khoảng trống tâm linh trong đời sống thế tục bằng tình yêu Thiên Chúa. Ngài xin các bạn trẻ hãy cho phép tình thương của Thiên Chúa thấm nhập vào chiều dày của sự lãnh đạm, của sự mệt mỏi thiêng liêng, của sự mù quáng chiều theo tâm thức của thời đại. Ngài nhắc lại rằng “cầu nguyện là điều rất quan trọng: cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện cá nhân trong bí mật của con tim chúng ta, cầu nguyện trước Thánh Thể, và cầu nguyện trong phụng vụ giữa lòng Giáo Hội”.

ĐTC ban bí tích thêm sức cho 24 bạn trẻ, gồm 14 bạn trẻ người Úc, 10 bạn trẻ từ các nước ngoài, như từ Nam Phi, Việt Nam, Hoa Kỳ, Thuỵ Sỹ, Uruguay, quần đảo Fidji, Cộng Hoà Tchèque, và Océania. Sau Thánh Lễ, và sau khi đã xướng kinh Truyền Tin với cộng đoàn hiện diện, ĐTC đã công bố địa điểm cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới vào năm 2011: đó là Thủ Đô Madrid của Tây Ban Nha. Vào ban chiều Chúa Nhật, 20 tháng 7, tại Phòng Họp Lớn của Nhà Thờ Chính Toà Sydney, ĐTC đã gặp và cám ơn những vị ân nhân và Ban Tổ Chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, vì lòng quảng đại và những hy sinh của họ cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được thành công.

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney được đặt dưới sự bảo trợ thiêng liêng của 10 vị thánh, chân phước và đầy tớ Chúa, như sau: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Faustina Kowalska, thánh Maria Goretti, Thánh Pietro Chanal, Chân phước Peter To Rot, chân phước Mary MacKillop, chân phước Pier Giorgio Frassati, chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta, Đầy Tớ Chúa giáo hoàng Gioan Phaolô II, và cuối cùng là Đức Mẹ Maria dưới tước hiệu “Đức Bà của Thập Giá miền Nam”.

Chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Qantas của Úc, cất cánh vào lúc 10 giờ sáng thứ hai đưa Đức Thánh Cha về Rome. Người dân Sydney ngước nhìn mãi chiếc máy bay hãng Qantas chở Đức Thánh Cha cho đến lúc nó khuất dạng. Không khác gì các môn đệ ngày xưa cứ gián mắt lên bầu trời của riêng mình, hy vọng Thầy vẫn mãi ở đó, cứ mãi ở đó với chúng con. Nhưng Thầy đâu muốn chúng con cứ đứng mãi ở đấy. Thầy muốn chúng con lên đường và đi gặp Người tận mãi cuối đất, tận mãi cuối cùng thời gian.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI là vị chủ chăn thứ ba đến viếng thăm nước Úc, sau Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1995 và 1986, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1970.

Cuộc viếng thăm Úc lần đầu tiên của Đức Bênêđíctô XVI được mọi giới nhận định là thành công vĩ đại về mọi phương diện. Người thì cho là vì sự ấm áp của Ngài mà giới trẻ đã nồng nhiệt đáp ứng. Người lại cho là nhờ giới trẻ nồng ấm chào đón mà Ngài đã nồng ấm đáp lại.

Trưa Chúa Nhật 27 tháng 7, trước khi xướng kinh Truyền Tin với các tín hữu tại sân Nhà Nghỉ Mát ở Castelgandolfo, ĐTC Bênêditô XVI đã nói vài lời huấn đức, nhắc lại Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vừa kết thúc tại Sydney, hôm Chúa Nhật 20 tháng 7. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này đã được biến thành một Lễ Hiện Xuống Mới mà từ đó xuất phát sứ mạng của người trẻ, những kẻ được gọi trở thành những tông đồ giữa các bạn cùng tuổi, noi gương biết bao vị thánh và chân phước, cách riêng chân phước Pier Giorgio Frassati, mà thánh tích của ngài, được mang đến đặt trong Nhà Thờ Chính Toà Sydney, đã được tôn kính bởi hàng dài vô cùng tận các bạn trẻ tuôn đến. Mọi người trẻ nam nữ đã được mời gọi sống theo gương của các vị, chia sẻ kinh nghiệm sống trực tiếp với Chúa Giêsu, Đấng thay đổi đời sống của những “bạn hữu” ngài bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Tình Yêu của Thiên Chúa.Tôi còn giữ mãi trong mắt và trong con tim kinh nghiệm ngoại thường này, trong đó tôi đã được dịp gặp gỡ với dung mạo trẻ trung của Giáo Hội: một dung mạo giống như bức tranh kính màu muôn sắc, kết thành từ những người trẻ nam nữ đến từ khắp nơi trên thế giới, tất cả đều hiệp nhất với nhau trong đức tin duy nhất vào Chúa Giêsu Kitô. “Những người trẻ hành hương của thế giới”, người ta đã gọi họ như thế bằng cụm từ diễn tả tốt đẹp điểm thiết yếu của những ngày Quốc Tế Giới Trẻ được Đức Gioan Phaolô II khai sinh. Những cuộc gặp gỡ này kết thành những giai đoạn của một cuộc hành hương xuyên hành tinh trái đất, để biểu lộ cho biết như thế nào đức tin vào Chúa Kitô làm cho tất cả chúng ta trở nên con cái của một Cha duy nhất trên trời và trở thành những kẻ xây dựng nền văn minh tình thương.
 
Đức Thánh Cha nối kết Phép Thánh Thể với Quyền được Sống
Paul Anh
10:07 28/07/2008
Đức Thánh Cha nối kết Phép Thánh Thể với Quyền được Sống

QUEBEC CITY (LifeSiteNews.com) - Sự liên hệ mật thiết giữa Phép Thánh Thể và Quyền được Sống đã từ lâu được nhấn mạnh và được biết tới bởi những người Kitô Giáo vì theo Đức Thánh Cha, Phép Thánh Thể chính là một hồng ân đến từ Thiên Chúa cho đời sống của cả thế giới.

Đức Thánh Cha nói:

"Việc tham dự vào Phép Thánh Thể, không có tách rời chúng ta khỏi những hiện thực đương đại mà chúng ta đang phải diện đối; mà trái lại, vì Phép Thánh Thể chính là một hình thức biểu hiện ngang bằng với tình yêu của Thiên Chúa, do đó Phép Thánh Thể gọi mời tất cả anh-chị-em của chúng ta hãy cùng nhau diện đối với những thách đố hiện tại, để biến hành tinh này trở thành một nơi sinh sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Để hoàn thành được điều này, điều cần thiết là chúng ta phải biết chiến đấu liên lũy để tất cả mọi người được nhìn nhận và tôn trọng kể từ lúc thụ thai cho đến lúc chết đi một cách tự nhiên, để những xã hội giàu có của chúng ta biết đón nhận những người nghèo khổ và bé nhỏ nhất, để cho phép họ sống đúng với phẩm giá mà Thiên Chúa đã tác tạo nơi họ; để cho tất cả mọi người đều được sống, hòng để cho sự công lý và nền hòa bình trường cửu được triển nở trên khắp mọi lục địa."

Đức Thánh Cha giải thích thêm:

"Và để đáp ứng được với những thách đố này, thì những người Kitô Giáo phải biết đón nhận lấy sức mạnh của họ ngay từ chính mầu nhiệm của Phép Thánh Thể, để qua đó Thiên Chúa trao ban cho chúng ta những gì mà chúng ta đang cần, hòng có thể đối phó và chiến đấu một cách hữu hiệu về việc bảo vệ quyền sống cho tất cả mọi trẻ sơ sinh. Có như vậy thì cuộc sống Kitô Giáo của chúng ta mới có ý nghĩa đích thực được."
 
Đức Thánh Cha bắt đầu nghỉ hè tại Bressanone, Bắc Ý
LM Trần Đức Anh, OP
12:40 28/07/2008
VATICAN - Sáng 28-7-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã rời Castel Gandolfo, đi nghỉ hè 2 tuần lễ tại Đại chủng viện Bressanone, bắc Italia, cách Roma lối 600 cây số về hướng đông bắc, cho đến ngày 11-8 tới đây.

Ngài đáp máy bay của phủ thủ tướng Italia từ phi trường Ciampino của Roma và đến sân bay Dolomiti của thành phố Bolzano lúc 11 giờ 15. Tại đây, ĐTC đã được Đức GM sở tại, Wilhelm Emil Egger, dòng Capuchino, cùng với đại diện chính quyền địa phương đón tiếp, và ngài dùng xe về Đại chủng viện Bressanone vào lúc 12 giờ trưa. Dọc đường có đông đảo dân chúng tự động đứng hai bên đường chào đón ngài.

Một đoàn 40 binh sĩ miền sơn cước, Schuetzen, trong y phục truyền thống, cùng với ban nhạc thành phố và các trẻ em đã ca hát, tặng hoa chào mừng ĐTC tại quảng trường trước Đại chủng viện, trong khi chuông của các nhà thờ trong thành phố đổ hồi. Toán binh sĩ đã bắn súng chỉ thiên để chào mừng ĐTC.

Sau đó, ngài còn lên lầu một của chủng viện, ngó ra cửa sổ, nói bằng tiếng Đức và Ý để chào thăm và cám ơn dân chúng vì sự tiếp đón nồng nhiệt.

Trong 2 tuần lễ nghỉ hè, ĐTC sẽ chính thức gặp gỡ các tín hữu và công chúng 4 lần: đó là 2 buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật mùng 3 và 10-8 tại Quảng trường Nhà thờ chính tòa; thứ tư, 6-8, Lễ Chúa Hiển Dung, ĐTC sẽ gặp và nói chuyện với 350 LM, phó tế và chủng sinh thuộc giáo phận Bolzano. Ngoài ra, chiều thứ bẩy, 9-8, có buổi lễ trao tặng cho ĐTC công dân danh dự của thành phố Bressanone. Thứ hai, 11-8, ĐTC sẽ đáp máy bay trở về Castel Gandolfo.

Ngày 29-7-2008, Đức Ông George Ratzinger, từ Đức đến nghỉ hè với ĐTC. Khi còn là TGM giáo phận Munich bên Đức, ĐHY Joseph Ratzinger, cùng với bào huynh Georg đến nghỉ hè tại Đại chủng viện Bressanone. Thói quen này còn được tiếp tục hàng chục lần sau đó trong 24 năm ngài làm Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin. Lần chót vào kỳ hè năm 2004.

Giới báo chí đặc biệt chú ý đến kỳ hè của ĐTC. Có 250 ký giả đã đăng ký tại tòa GM Bolzano để có thể theo dõi và tường thuật kỳ hè của ngài, trong đó có nhiều ký giả từ Áo, chỉ cách miền Bressanone chừng 50 cây số.

Báo chí cũng nhắc lại sự kiện bà ngoại của ĐTC là người sinh trưởng tại miền nơi ĐTC đang nghỉ hè. Đó là Bà Maria Tauber Peintner, sinh ngày 29-6-1855 và về sau đến lập nghiệp tại Áo rồi tại miền Bavière bên Đức.
 
Thượng Nghị sĩ Obama và bức tường bụng mẹ
Phụng Nghi
13:22 28/07/2008
CHESAPEAKE, VA (Catholic Online) - Vị Thượng nghị sĩ bang Illinois, người chắc sẽ được Đảng Dân chủ mới trẻ trung hóa đề cử ra tranh chức Tổng thống, bước lên diễn đàn tại Đức, ánh sáng mặt trời chiếu sáng viền quanh chiếc bóng thô tháp của một con người điển trai.

Đám đông dân chúng phía dưới đã sẵn sàng đáp ứng nồng nhiệt tiếng nói trẻ trung đòi hỏi “đổi thay” đến từ Hiệp chủng quốc Hoa kỳ.

Quang cảnh dường như đã đi ra ngoài những điều dự đoán. Theo ước tính, có đến khoảng 200 ngàn người đã tập hợp tại nơi đây để nghe ông.

Những chiếc máy quay phim rà quét trên biển người, đại diện đủ mọi sắc tộc, làm lộ ra những niềm hy vọng dồn nén của một thế hệ mới muốn có một loại người lãnh đạo mới.

Ở đây cũng như những trường hợp tương tự suốt cuộc tranh cử của ông, trong đám đông đầy những người trẻ nồng nhiệt đáp ứng lời người ứng cử viên này.

Chúng tôi không thể không nghĩ đến việc đem đặt cạnh nhau những biến cố xảy ra trên thế giới hai tuần lễ vừa qua.

Chỉ mới trước đây ít ngày, 400 ngàn người trẻ tuổi nam nữ cũng như bao nhiêu người khác nữa đã tụ tập ở vùng đất cuối thế giới bên kia để lắng nghe một tiếng nói khác, tiếng nói của người kế nhiệm Thánh Phêrô, đó là Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney, Autralia.
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008


Là biên tập viên thông tấn xã CatholicOnline, chúng tôi đã loan tin cuộc tụ tập lịch sử này, đã đưa lên mạng các bài giảng thuyết, những diễn từ tuyệt vời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Vậy mà, có rất ít giới truyền thông thế tục đã chú ý theo rõi những biến cố lịch sử đó.

Tại đó, trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney, Australia, một thông điệp về đổi thay và hy vọng đích thực đã được rao truyền. Tuy nhiên, thông điệp truyền rao tại đó nói với giới trẻ rằng con đường đi tới đổi thay thực sự và lâu bền và nền hoà bình chân chính cần phải có ơn ban của Chúa và niềm hối cải.

Ở Đức, vị Thượng nghị sĩ cất tiếng nói bằng phong cách đặc sắc và tài hùng biện thiên phú. Bài diễn văn của ông tạo hứng khởi và làm cảm động đám đông

Mà, chúng tôi biết đó, chúng tôi đã nhận được những bức thư giận dữ gửi đến từ những người tưởng chúng tôi khuyến khích, ủng hộ ứng cử viên này chỉ vì lý do chúng tôi công nhận các sự kiện cho biết đây là một người có tài, thực sự biết nói năng.

Và, ông tới đúng vào lúc mà cả một thế hệ người nam nữ trẻ tuổi sẵn sàng muốn được thách đố để vượt lên trên những điều tầm thường và làm cho cuộc sống của họ có một mục đích cao cả hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là: ông sẽ dẫn dắt họ đi tới đâu?

Chung cuộc, chúng ta có một thế hệ đang tỉnh thức từ giấc ngủ của chủ nghĩa duy vật, chủ thuyết công cụ, chủ nghĩa hư vô, và được thách đố - như thế hệ chúng tôi – xây dựng một đường lối khác, một đường lối mới và tốt đẹp hơn.

Bài diễn văn của Obama cũng thật khéo léo.

Nó đan dệt bằng những lạc quan và rao truyền những niềm hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn. Nó cũng chứa đầy những lời lẽ đề cập đến việc phá bỏ “những bức tường” phân chia ngăn cách giữa chúng ta. Quả thật, những bức tường này cần phải giật sập.

Hiển nhiên, lối nói ẩn dụ này là một nỗ lực trực tiếp muốn lặp lại những lời từng gây hứng khởi của một nhà hùng biện chính trị khác là Ronald Reagan, ông này bất chấp lời cố vấn của những người “hướng dẫn”, đã kêu gọi Tổng thống Nga lúc đó là Mikael Gorbachev hãy “giật sập bức tường Bá Linh này”. Và ông đã thay đổi dòng lịch sử khi làm như thế.

Tập đoàn Obama biết rằng đây là cơ hội của họ để toàn cầu biết tới. Họ cũng là những người tài ba. Họ hiểu – khác với phe đối thủ - rằng nhân loại giao tiếp nhau bằng những ký hiệu. Đối với họ đây là cơ hội đặc biệt dành cho bộ ba: John F. Kennedy, Ronald Reagan và nay đến lượt ứng cử viên của họ là Barack Obama.

Dĩ nhiên, hai người kia đã là Tổng thống khi những lời họ nói vang dội giữa những đám đông người Đức. Còn người này mới là một ứng cử viên, dù ông có nói ông tới đây “không phải như một người ra tranh cử mà là một công dân”, nhưng ông cũng đã xuất hiện tại đây như là một ứng cử viên rồi. Nói cho cùng, ông chỉ mới là một Thượng nghị sĩ khóa đầu trong quốc hội Hoa kỳ. Ông lôi cuốn được đám đông chính bởi vì ông là một ứng viên ra tranh chức vụ Tổng thống.

Chuyện về ông là một tấm gương tuyệt vời về mảnh đất Hoa kỳ đầy hứa hẹn. Ông thành thật nói về quá khứ khiêm tốn của mình và, mọi người chúng ta phải công nhận rằng đó là một câu chuyện tuyệt vời xảy ra tại Mỹ.

Tôi muốn đi xa hơn để nói thêm rằng toàn văn bản diễn từ của ông nên trở thành một tài liệu trong các lớp học về tu từ, về chính trị, về lịch sử cho nhiều thập niên sau này. Chúng tôi đăng vào bản tin ngày thứ Sáu để cho các độc giả coi, vì rất đáng đọc.

Tuy nhiên chúng tôi cũng đăng tải – một lần nữa – bài thuyết giảng cuối đầy hứng khởi của Vị Đại diện Đức Kitô là Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trước đám đông hàng trăm ngàn người tại Sydney. Ngài nói với sự khôn ngoan đích thực và có thẩm quyền về đạo đức.

Thượng nghị sĩ Obama không thừa nhận rằng toàn bộ lớp người, những đứa trẻ trong ngôi nhà đầu tiên của loài người nơi bụng mẹ, là người thân cận của chúng ta. Ông nói về những quyền bất khả nhượng, nhưng không bao gồm những đứa trẻ này vào số những kẻ đầu tiên được hưởng các quyền đó, quyền được sống.

Ông cũng không bao gồm những con người bé nhỏ đó trong các điều ông đòi hỏi dành sự săn sóc cho người nghèo và mối quan tâm của ông về người di dân. Vậy mà, những bé thơ này bao gồm trong đó, nói theo lời của một nhân vật đáng trân quý nhất trong thời đại chúng ta, người “Mẹ” đã quá vãng, nay được tôn vinh là “Chân phước” Têrêxa Calcutta, “người nghèo nhất trong những kẻ nghèo.”

Những đứa bé trai bé gái nhỏ bé này bị đẩy ra khỏi ngôi nhà đầu tiên của chúng, là lòng dạ người mẹ, mỗi ngày hàng ngàn em. Không, đúng thực ra chúng bị giết, bị thiêu hủy, bị cắt khúc, trong một cuộc chiến xảy ra ngay trong lòng mẹ hoàn toàn với vũ khí giải phẫu và hóa chất. Và ông ta ủng hộ toàn bộ cuộc chiến đó, gọi điều ác này là một “quyền lợi’.

Thành thực mà nói, chúng tôi chúng tôi không thể đứng im, cứ để cho con người này đi tới mà không có ai đưa ra lời thách thức nào cả.

Chúng tôi bất mãn sâu xa vì cuộc tranh cử chức vụ Tổng thống Hoa kỳ đã trở thành đường lối như đã xảy ra. Chúng tôi là người phò sự sống, phò người nghèo, phò hôn nhân và phò hòa bình. Chúng tôi cũng không có tham vọng gì trong nền chính trị Mỹ.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chẳng bầu cho bất cứ ai không công nhận phẩm giá con người nơi một đứa trẻ còn trong bụng mẹ, những ai ủng hộ việc tiếp tục hành quyết những đứa bé này, che dấu điều ác dưới câu dối lừa của nền văn hoá phá thai, bảo rằng đó là một sự “chọn lựa”.

Một con người như thế không thích đáng được coi là người cổ võ cho nhân quyền. Ông không công nhận những quyền này được áp dụng đồng đều cho mọi người nam nữ ở mọi lứa tuổi, ở mọi giai đoạn. Ông có thể nói tất cả những gì ông muốn về việc giật sập những bức tường, nhưng thông điệp của ông vẫn còn là nông cạn cho đến khi nào ông tôn trọng bức tường trong lòng dạ người mẹ, là thánh đường của mọi con người.

Tôi mong muốn rằng Thượng nghị sĩ Obama sẽ đến lúc nhìn thấy được ý nghĩa của đức tin Kitô giáo ở nơi ông về chân lý căn bản này. Trong khi cầu mong như thế, chúng tôi phải nói đôi điều quan trọng để kết thúc.

Barack Obama là một diễn giả tài ba và là một trong những ứng cử viên có tài thiên bẩm nhất về chính trị trong thời đại chúng ta. Nhiều điều ông đã nói ở Bá Linh (Berlin), chúng tôi và bao nhiêu người khác đều đồng ý và hoan nghênh.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ủng hộ ông trong cuộc tranh cử này cho đến khi nào ông đi tới chỗ công nhận điều chúng tôi tin ông thực sự biết đấy là chân lý: đó là bổn phận liên đới của chúng ta buộc chúng ta phải trợ giúp mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi giai đoạn, suốt toàn bộ tiến trình cuộc sống, một quà tặng cao quý nhất.

Chúng tôi thay vào đó yêu chuộng một con người già nua hơn, con người khiêm tốn, vị Đại diện của Đức Kitô, người đã tới Sydney và truyền giảng chỉ một thông điệp có thể giúp cho toàn thế giới giật sập được những bức tường thù hận chia cách chúng ta, người đó là Bênêđictô Con người Từ tâm.

Ngài biết rằng bức tường trong bụng dạ người mẹ là một nơi thánh địa và ngài kêu gọi tất cả chúng ta bảo vệ những kẻ ở trong nơi trú ẩn đó, chống lại những người muốn giết hại chúng. Ngài nói lên sự thật cho những ai không bảo vệ trước hình thức khủng bố này, loại khủng bố chống lại trẻ thơ trong bụng mẹ được pháp luật chân chính che chở.

Tông đồ Phaolô, vị thánh không xa lạ gì với Barack Obama, đã viết những lời này cho Kitô hữu ở thị trấn Êphêsô về Đấng duy nhất có thể giật sập các bức tường, đó là Đức Giêsu Kitô:

Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá Người đã tiêu diệt sự thù ghét.

Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.

Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.

Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su.

Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.”


Đức giáo hoàng Bênêđictô hiểu rằng Thánh Phaolô nói về một nhân loại mới, đó là Giáo hội. Giải pháp căn bản để chấm dứt sự chia rẽ giữa chúng ta là cần phải có sự chuyển cải đích thực, chứ không phải những lời khoa trương hoa mỹ. Xin cám ơn Chúa vì chúng ta có được những nhà lãnh đạo tôn giáo cao cả trong thời đại chúng ta, như Đức giáo hoàng Bênêđictô, người đã nói tất cả sự thật cho chúng ta.

Chúng ta cũng cần những nhà lãnh đạo dân sự cao cả để phục vụ Quốc gia và công ích.

Tuy nhiên đó phải là những ông những bà không được lựa lọc trong số những người phải nghe theo tiếng nói của số người trọng bọn họ. Trong định nghĩa của mình, họ không được loại trừ những trẻ thơ vô tội đáng thương trong bụng mẹ. Chúng tôi sẽ không bao giờ xem xét đến việc ủng hộ ông cho tới khi nào Thượng nghị sĩ Obama nghe được tiếng kêu khóc của những đưa trẻ nằm sau bức tường bụng dạ người mẹ.

Lời khẳng định của ông muốn nói với uy thế luân lý đạo đức lại bị ngầm phá hoại bởi sự ủng hộ không nao núng cho cái được gọi là “quyền” phá thai. Thưa Thượng nghị sĩ Obama, còn bức tường đó thì sao, bức tường bằng thịt da, bức tường che chở cho thế hệ sắp tới? Trước đây, đó là nơi chốn an toàn nhất trên mặt đất này. Nay thì nó trở thành bãi chiến trường trong một chiến dịch khủng bố mới.

Nguồn: Keith Fournier/Catholic Online

Trích lời Obama tại Bá Linh (Berlin): “Những bức tường giữa các quốc gia vĩ đại nhất và các quốc gia nhỏ bé nhất không thể đứng vững. Những bức tường giữa các sắc tộc và bộ lạc, giữa người bản xứ và người di dân, giữa người Kitô giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, không thể đứng vững. Bây giờ là lúc những bức tường đó phải giật sập xuống.”
 
ĐTC Bênêđitô sẽ hành hương Đền Thánh Kính Đức Mẹ Pompêi vào ngày 29 tháng 10 tới
Đặng Thế Dũng
19:48 28/07/2008
Vatican (Zenit 27 tháng 7)- Đức Tổng Giám Mục Pompêi, Đức Cha Carlo Liberati, vừa ra thông cáo báo tin cho các tín hữu biết rằng Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI sẽ đến hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Pompêi, vào Chúa Nhật 19 tháng 10 tới đây.

Được biết Đức Mẹ Pompêi được tôn kính dưới tước hiệu “Đức Nữ Đồng Trinh của Chuỗi Mân Côi”.

Theo chương trình dự trù thì ĐTC sẽ dâng thánh lễ tại Đền Thánh Kính Đức Mẹ Pompêi của Chuỗi Mân Côi, và sau đó đọc Kinh Cầu Kính Đức Mẹ, nổi tiếng do chân phước Bartolo Longo biên soạn.

Thông cáo của Đức Tổng Giám Mục Pompêi, Đức Cha Carlo Liberati, còn cho biết thêm rằng ĐTC đến hành hương để “trao phó cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, những kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, lúc đó diễn ra tại Vatican, từ ngày 5 đến 26 tháng 10, bàn về chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”.

Cũng trong dịp nầy, ĐTC sẽ lên tiếng khuyến khích tất cả các giám mục của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới hãy chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Cùng với giáo hội tại Pompêi và với hàng triệu triệu tín hữu khắp nơi hằng ngày đọc kinh Mân Côi, ĐTC sẽ khấn xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa ban cho các gia đình được ơn sống hiệp nhất, cho các đôi bạn ơn sống trung thành với nhau và ơn can đảm giáo dục con cái sống Đức Tin.
 
Những thách thức ĐTC Bênêđitô XVI gởi đến các bạn trẻ tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney
Đặng Thế Dũng
22:51 28/07/2008
Quý vị và các bạn thân mến,

Những diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong những cử hành Ngày Quốc tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney, là những bài giáo lý nhiều ý nghĩa, xoay quanh đề tài Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn ngài xuống trên các tín hữu, để biến đổi họ thành những chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh. Sau khi bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, ký giả José Caetanô làm việc cho hãng tin Zenit, đã có bài tổng kết về những thách thức của Đức Thánh Cha dành cho các bạn trẻ quy tựu về Sydney, để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ như sau:


Trước hết, theo Ký Giả José Caetano, trong bài diễn văn đầu tiên khi ĐTC xuất hiện trong nghi thức tiếp đón chính thức vào thứ năm ngày 17 tháng 7, thì thách thức đầu tiên ĐTC gởi đến các bạn trẻ là thánh thức sống thánh thiện. ĐTC đã ngỏ lời với các bạn trẻ như sau:

“Qua tác động của Chúa Thánh Thần, ước chi những người trẻ họp nhau nơi đây để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, có được can đảm trở nên thánh. Đây là điều mà thế giới đang cần đến, hơn bất cứ điều gì khác!”

Với các bạn trẻ ngoài Công Giáo, ĐTC đã mời gọi hãy đến gần “lãnh nhận cái ôm hôn đầy yêu thương của Chúa Kitô, và hãy nhận “Giáo Hội Công Giáo như là nhà của mình.”

Cũng trong bài diễn văn này, ĐTC kêu gọi các bạn trẻ Kitô hãy làm chứng cho niềm hy vọng mà Chúa Giêsu Kitô mang đến cho họ trong Tin Mừng. Đây là cái nhìn về sự sống, trong đó tình yêu ngự trị và các hồng ân lãnh nhận đều được đem ra chia sẻ; đây là cái nhìn về sự sống, trong đó sự hiệp nhất được cũng cố thêm mãi, sự tự do gặp được ý nghĩa của nó trong sự thật, và thực thể của chính mình được gặp thấy trong sự hiệp thông tương kính.”

Sang ngày hôm sau, tức thứ sáu 18 tháng 7, khi gặp gỡ với các “bạn trẻ kém may mắn”, đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương nghiện rượu, nghiện ma tuý, và đã có lúc muốn tự tử, ĐTC không bỏ cuộc, mà ngược lại, ngài tin tưởng trao cho họ trách vụ hãy trở thành “những sứ giả của niềm hy vọng đối với tất cả những ai đang sống trong hoàn cảnh tương tự như họ trước đó.” ĐTC thách thức những người trẻ này như sau: “Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con hãy chọn sự sống, hãy chọn tình yêu thương, hãy làm chứng trước thế giới cho niềm vui phát sinh từ sức mạnh Chúa ThánhThần.”

Sang ngày thứ ba của Đại Hội, tức ngày thứ bảy 19 tháng 7, trong thánh lễ do ngài chủ tế với các giám mục Australia, dành cho chủng sinh và những tu sĩ nam nữ, ĐTC đã hướng về các chủng sinh và kêu gọi như sau: “Chúng con đừng lo sợ! Hãy tin tưởng vào ánh sáng! Hãy đưa vào trong tâm hồn sự thật mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai như sau: “Chúa Giêsu Kitô luôn là như vậy hôm qua, hôm nay và mãi mãi trong tương lai. Ước chi ánh sáng phục sinh tiếp tục đuổi xa đi những bóng tối!”

Rồi chiều tối thứ bảy, ngày Áp lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, với khoảng 235.000 bạn trẻ tham dự buổi canh thức, ĐTC đã vừa giải thích vừa thách thức như sau: “Sống thực sự cuộc sống của mình là để cho mình được biến đổi từ bên trong, là mở rộng tâm hồn đó nhận sức mạnh của tình thương Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con có thể biến đổi gia đình chúng con, cộng đoàn chúng con, và đất nước chúng con. Chúng con hãy phát huy những hồng ân Chúa Thánh Thần. Hãy làm sao để các ơn khôn ngoan, thông hiểu, mạnh mẽ, hiểu biết, và đạo đức, trở nên những dấu chỉ cho sự cao cả của chúng con!”

Cuối cùng, trong ngày Bế Mạc, tức Chúa Nhật 20 tháng 7, trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã thách thức hỏi khoảng 500.000 người trẻ như sau: “Chúng con sẽ để lại điều gì cho thế hệ kế tiếp chúng con?”. ĐTC đã yêu cầu họ hãy là “những tiên tri cho thời đại mới, hãy là những sứ giả của tình yêu Chúa”; hãy là “những kẻ có khả năng lôi cuốn anh chị em mình đến với Chúa Cha và có khả năng xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn thể nhân loại.”

Và lời thách thức đặc biệt của ĐTC dành cho một số bạn trẻ nam nữ nghe được tiếng Chúa mời gọi dấn thân trong đời tận hiến cũng như trong ơn gọi linh mục, như sau: “Chúng con đừng sợ thưa ‘Vâng’ đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu. Chúng con đừng sợ tìm gặp niềm vui trong việc thực thi thánh ý Chúa, vừa hiến thân trọn vẹn để đạt đến sự thánh thiện, vửa sử dụng những tài năng Chúa ban cho chúng con để phục vụ anh chị em!”

Lời thách thức cuối cùng của ĐTC, vào cuối thánh lễ bế mạc, sau khi đã xướng kinh truyền tin và tuyên bố Madrid làm địa điểm cho ngày Quốc tế Giới Trẻ năm 2011, là: “Hãy cho thế giới nhìn thấy niềm vui của chúng con được làm chứng cho Chúa Kitô!”
 
Top Stories
WYD pilgrims sent out as apostles, Pope says
VietCatholic
13:42 28/07/2008
Castel Gandolfo, Jul. 28, 2008 - At his Sunday midday audience on July 27, Pope Benedict XVI (bio - news) looked back at his trip to Australia for World Youth Day, which he described as a "new Pentecost" for the participants.

Speaking to the faithful who gathered in the courtyard of his summer residence at Castel Gandolfo to join him in praying the Angelus, the Holy Father said that the young people he met in Sydney represent "the youthful face of the Church." Their gathering for World Youth Day-- "a great pilgrimage across the planet"-- reinforces hope for the future, he said.

A main theme of the meeting in Sydney was "an awareness of the central role of the Holy Spirit," the Pope continued. He said that the young participants were able to profit from meetings and catechetical talks, but most of all the event left "a profound interior impression on people's consciences."

From Sydney, the Pope continued, the young participants in World Youth Day were sent forth with renewed purpose and dedication, "called to be apostles of their peers."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khai mạc đợt tập huấn Nâng Cao Năng Lực Ứng Phó Đại Dịch HIV tại Saigòn
Joseph Thiện
10:05 28/07/2008
Khai mạc đợt tập huấn: Nâng Cao Năng Lực Ứng Phó Đại Dịch HIV Và Trau Dồi Kiến Thức Tính Dục Học Ứng Dụng

SAIGÒN - Đứng trước đại dịch HIV/AIDS ngày đang một lây lan phát triển trong cộng đồng cùng với nhiều hoạt động chăm sóc, chữa trị, tuyên truyền phòng chống, giảm kì thị của giới Công giáo Việt Nam. Sáng nay, ngày 28/7/2008 lúc 07g30 tại Trung tâm Phao-lô Nguyễn Văn Bình số 44 Tú Xương, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phối hợp cùng Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình đã khai mạc đợt tập huấn Nâng Cao Năng Lực Ứng Phó Đại Dịch HIV Và Trau Dồi Kiến Thức Tính Dục Học Ứng Dụng cho gần 160 tu sĩ nam, nữ của 40 dòng tu trên toàn quốc.

Cha Nguyễn ngọc Sơn thuyết trình
Đợt tập huấn này kéo dài trong 3 ngày từ 28/7 đến 30/7/2008 với 10 đề tài được trình bày bởi các Linh mục, các bác sĩ, những chuyên viên có nhiều năm phục vụ những người có HIV/AIDS

Ngày thứ I (28/7/2008) với 4 đề tài

- Chương trình phòng chống HIV/AIDS của người Công giáo Việt Nam – Linh mục An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn

- Người tu sĩ đối diện với vấn đề giáo dục, xã hội và đại dịch HIV/AIDS – Linh mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp

- SIDA cơn sóng thần lặng lẽ - Thạc sĩ Tâm Đan

- Nhân hội nghị Công giáo thế giới 2008 – Genève (CHAN): Dự án phòng chống HIV/AIDS – những đường hướng mới – Linh mục GB. Phương Đình Toại

Ngày thứ II (29/7/2008) với các đề tài



- Phương pháp ABC – Bs. Lan Hải

- Đôi nét về HIV – Bs. Bùi Duy Luật

- Điều trị và chăm sóc người có HIV – Bs. Nguyễn Đăng Phấn

- Sống thử được và mất – Bs. Lan Hải

- Bảo vệ phụ nữ trước hiểm họa HIV/AIDS – Bs. Nguyễn Hoàng Tâm

Ngày thứ III (30/7/2008) với 2 đề tài



- Tình dục và giao ước (Phương pháp ABC ứng phó với đại dịch HIV/AIDS) – Bs. Lan Hải

- Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử - Ô. Đinh Viết Dự

- Cuối khóa học viên có buổi giao lưu với người có HIV/AIDS

Các học viên tham dự đợt tập huấn lần này được trang bị đầy đủ tài liệu gồm các nội dung thuyết trình của các thuyết trình viên, Tập huấn Mục vụ Ứng phó với HIV và AIDS cùng với nhiều tài liệu khác về HIV/AIDS. Học viên được chia thành những nhóm để thảo luận dựa trên đề tài được trình bày sau mỗi buổi học. Các thuyết trình viên cũng sử dụng những phương tiện nghe nhìn kỹ thuật số, phần mềm ứng dụng Power Point giúp cho việc chuyển tải nội dung thêm phần trực quan sinh động. Ngoài ra Ban tổ chức cũng thực hiện bữa ăn trưa và nhà nghỉ cho những học viên đến từ xa, có nhu cầu.

Cũng được biết thêm, qua đợt tập huấn này, Ban tổ chức hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm các đợt tập huấn khác với kiến thức nâng cao và dành cho nhiều đối tượng.
 
Giáo xứ Chúa Kitô Vua tại Fort Worth, Texas, học hỏi về Bí tích Thánh Thể
Clara Nguyễn Diễm Trang
18:10 28/07/2008
FORTH WORTH - Sáng thứ bảy ngày 26 tháng 7 năm 2008, khí trời mùa hè Texas không được thoáng mát cho lắm, nhưng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Chúa Kitô Vua – Fort Worth vẫn nô nức đến tham dự ngày hội thảo với Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên đến từ Giáo Phận Cần thơ. Tiếp bước Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế ở Quebec - Canada và Đại Hội Thánh Thể hằng năm ở Atlanta – Georgia mà Đức Cha là thuyết trình viên, Ngài chia sẻ lại cho chúng tôi đề tài: “Chúa Giêsu – Bí Tích Thánh Thể”.

Đức Cha Tri Biểu Thiên
Trước tiên, ĐGM gợi ra câu hỏi cho cộng đoàn tìm hiểu về “mầu nhiệm” và đi đến kết luận Bí Tích Thánh Thể cũng được coi như một mầu nhiệm – là điều có thật, vượt quá khả năng con người, nhưng nếu được tỏ ra thì chúng ta biết. Như vậy, “chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa mạc khải để ta có thể biết được những điều bí nhiệm” (Dn: 2, 28). Tiếp theo ĐGM nêu ra một câu hỏi có vẻ hốc búa mà Ngài cũng đã từng khai thác ở Đại Hội Thánh Thể: “Tại sao người Công Giáo chúng ta lại có thể tin, thờ, yêu mến một Đấng chết trần trụi và đầy máu me trên Thánh Giá?”. Giống như ở ĐHTT Atlanta, hình như cũng không ai trả lời câu hỏi này đúng ý Ngài một cách hoàn toàn. Ngài phải lần luợt dẫn dắt cộng đoàn đi từ cựu ước sang tân ước, để chứng minh cho mọi người thấy Chúa Giêsu là Đấng hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể.

Đức Cha xác định lý trí và đức tin không mâu thuẫn nhau nhưng hỗ trợ cho nhau. Ngài so sánh những điểm giống nhau và khác nhau giữa giao ước cũ và giao ước mới. Nếu bàn tiệc hiệp thông trong giao ước cũ, mỗi bên chia nhau ăn thịt và uống máu con chiên, thì nơi bàn tiệc giao ước mới,Chúa Giêsu chính là chủ lễ và là vật hiến tế, chúng ta dự phần thông hiệp trong bữa tiệc Mình Máu Chúa. Vì thế, Ngài kết luận, chúng ta tin thờ Chúa vì Ngài là Thiên Chúa thật, không ai khác. Chúng ta yêu mến Ngài vì Ngài tự nguyện trở thành vật hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha trong giao ước mới.

Cuối cùng là phần hội thảo, hỏi đáp thắc mắc rất phong phú và sôi nổi chung quanh đề tài Bí Tích Thánh Thể: điều kiện để rước lấy Mình Thánh Chúa; thế nào là tội? tội nặng, tội nhẹ; những quy cách rước lễ bằng tay, bằng miệng; phương thức bái thờ thánh Thể: cúi đầu hay bái gối? mỗi ngày được rước lễ bao nhiêu lần? ĐGM còn nêu lên một số điển hình về phương thức tổ chức các hoạt động để tỏ lòng sùng kính và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể tại Việt nam. Ngài kêu gọi và khuyến khích chúng ta nên sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, tham dự Thánh lễ sốt sắng hơn và nên rước lễ khi có đủ điều kiện, đừng làm qua loa, chiếu lệ hay có tính cách máy móc…

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, qua buổi học tập này, xin Chúa đổ tràn tâm hồn các tín hữu Chúa lòng sốt mến đối với Bí Tích Thánh Thể. Xin Mẹ Maria giúp chúng con biết siêng năng chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc nguồn sinh lực dồi dào cho đời mình. Cuối cùng con cũng cầu xin cho mọi người biết dọn tâm hồn mình xứng đáng hơn để rước Chúa vào lòng, xin cho Thánh Thể Chúa thôi không bị xúc phạm nữa để Ngài không phải đổ máu lần nữa vì tội lỗi chúng con.
 
Giáo Lý Viên Hạt Phú Yên mừng lễ kính chân phước Anrê Phú Yên
Minh Hoàng
22:16 28/07/2008
PHÚ YÊN - Hằng năm, cứ đến ngày mừng sinh nhật trên trời của Chân phước Anrê Phú yên, giáo lý viên chúng tôi lại có dịp gặp gỡ các giáo lý viên bạn trong Giáo hạt để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và sống đức tin với nhau.

Về tham dự lễ mừng có đại diện các đoàn giáo lý viên các giáo xứ bạn như Mằng Lăng, Sông Cầu, Tịnh Sơn, Đồng Tre, và một số đông các anh chị cựu giáo lý viên trong giáo xứ.

Chúng tôi chia thành 6 nhóm nhỏ, mỗi nhóm chọn một lấy một tình yêu của Á Thánh để cùng thảo luận và rút ra điểm chung nhất:

1. Một tình yêu trung thành với Chúa Giêsu. Một tình yêu trung thành chính là sự hy sinh mạng sống, nhận lấy cái chết để minh chứng cho tình yêu của ngài, là giáo lý viên biết nhận nguồn trợ lực từ nơi Chúa, hãy để cho những yếu đuối, những vấp ngã chết đi và tiếp tục cuộc hành trình theo Chúa trong sứ vụ rao giảng.

2. Một tình yêu can đảm đón nhận Thập giá. Nói đến Thập giá là nói đến sự chết, sự đau khổ, gian truân vất vả…

Tình yêu đích thực là tình yêu phải biết cho đi, biết hy sinh cho nhau:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua


Anrê đã yêu Chúa cho đến hết hơi, biết theo Chúa là hiến dâng mạng sống nhưng ngài vẫn chấp nhận.

Để thành một giáo lý viên phải vượt qua những khó khăn, những lời dị nghị chê bai, phải từ bỏ chính mình thì mới vác thập giá theo Chúa được.

3. Một tình yêu biết ơn và đáp trả. Di chúc sau cùng của Á thánh Anrê là:

Hãy lấy tình yêu đáp trả tình yêu

Hãy đem mạng sống báo đền mạng sống


Giáo lý viên nhận tình yêu từ Chúa thì cũng biết trao tình yêu lại cho các em. Khả năng của mỗi người đều do Chúa ban, hãy dùng khả năng đó để làm cho các em biết Chúa, đến gần Chúa, sống gần Chúa.

4. Một tình yêu loan báo Tin mừng. Sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, Anrê gia nhập hội thầy giảng, nói cho mọi người biết tình yêu của Chúa Kitô. Trên đường ra pháp trường, thầy đã khuyên bọn lính theo đạo Chúa, miệng luôn luôn hát ca danh Chúa. Giáo lý viên là một ngôn sứ nói lời của Chúa và đặc biệt trong thời đại hôm nay bằng cuộc sống chứng tá giữa đời thường chính là lời rao giảng tin mừng hữu hiệu nhất.

5. Một tình yêu khiêm hạ phục vụ. Được nhận vào nhóm thầy giảng, Anrê cố gắng học hỏi, giúp các Linh mục trong việc truyền giáo, giúp những người lương trở về tòng đạo và đặc biệt phục vụ giúp đỡ những người đau ốm bệnh tật. Lòng nhiệt thành xả thân, hăng say trong công việc giúp cho giáo lý viên cũng biết phục vụ các em trong yêu thương, phải biết khiêm tốn cầu nguyện để Chúa hướng dẫn ta trong mọi việc.

6. Một tình yêu vui tươi. Khi nhận bản án, Anrê chấp nhận với nét mặt vui tươi rạng rỡ: “Tôi rất mãn nguyện vì được trả món nợ của tôi với Đức Giêsu- Chúa chúng ta”. Có thể nói được đi theo Chúa là niềm vui của thầy Anrê. Được làm giáo lý viên là một ơn gọi Chúa ban, được làm giáo lý viên để đem Lời Chúa đến với các em, cho dù phải hy sinh tất cả thì giáo lý viên vẫn vui tươi khi nhìn thấy các em, từ nơi các em sẽ xoa dịu cho ta vơi đi những nhọc nhằn, những ghen ghét…

Nhờ vào những trao đổi với nhau mà giáo lý viên chúng tôi một lần nữa nhìn lại mình, nhìn lại những khiếm khuyết của mình để cùng nhau tiến bước trong sứ mạng rao giảng lời Chúa.

Sau thánh lễ tạ ơn, chúng tôi ngồi với nhau hồi tưởng lại giờ phút Anrê Phú yên tiến ra pháp trường để lãnh phúc tử đạo, cùng nhau hát lên bài ca ca ngợi Á thánh Anrê. Hình ảnh của một em lễ sinh trong vai Anrê thật hiền lành, thánh thiện hy sinh mạng sống vào tuổi thanh xuân dưới những nhát đâm chém của tên quan bắt đạo. Lúc này đây, không khí trở nên im lặng, Anrê ngã xuống nền ximăng trên sân nhà thờ Tuy Hoà, chắc chắn rằng trong mỗi người chúng tôi cũng đã ứa nước mắt vì quá cảm động. Đúng vậy, thầy giảng Anrê chết đi để mở đường cho Giáo hội Việt Nam có được 117 anh hùng tử đạo, thầy giảng Anrê chết đi để hôm nay có nhiều người trở lại đạo Chúa Kitô, thầy giảng Anrê chết đi để hôm nay có nhiều giáo lý viên bước theo ngài.

Nhớ lại trước đây một tuần, chúng tôi được tháp tùng với cha sở Jos. Trương Đình Hiền để đi dự ngày giáo lý viên của Giáo phận Phan Thiết. Sau bài thuyết trình của cha về Anrê Phú Yên - Cuộc gặp gỡ giữa hai đường mở cõi, các anh chị giáo lý viên của Giáo phận Phan Thiết đã xác tín lại niềm tin vào Á thánh Anrê, qua cha giảng thuyết, các tham dự viên như thấy một nhân chứng sống động qua hình ảnh của Chân phước Anrê Phú Yên mà họ đã chọn làm quan thầy bảo trợ, và từ đó ước ao được một lần trở về cội nguồn nơi Á thánh đã sống: “Cây lành sinh trái ngọt, đất thánh trổ người hiền

Chúng tôi thật hãnh diện và tự hào vì:

Trên quê hương Phú Yên có anh hùng trẻ tuổi

Dâng đời làm của lễ, cho rạng rỡ danh Cha
” (Trăng Thập Tự)

Giáo lý viên nguyện xin theo bước chân của ngài mà yêu mến Chúa, sắt son trung thành.
 
Giới thiệu bản nhạc 'Cho Con Vững Tin' trong CD Thánh Ca mới của Tam Ca Áo Trắng
VietCatholic
23:20 28/07/2008
Trong chuyến thăm gia đình tại Hoa Kỳ vào kỳ Hè 2008 này, Tam Ca Áo Trắng đã đến thăm Linh mục Quản Nhiệm và Cộng đoàn Mân Côi ở Claremont, Los Angeles, California, và đã trình bầy trong thánh lễ Chúa Nhật 27.7.2008 cho Cộng đoàn thưởng thức và cầu nguyện theo một số bài thánh ca trong CD Thánh Ca mới nhất mà Ba Chị Em vừa mới thực hiện xong ở Saigòn và vừa mới mang qua Hoa Kỳ.

Xin nhấn vào đây để Order CD Thánh Ca này

Như chúng ta từng đã nghe đến Tam Ca Áo Trắng trong nhiều năm qua, vì mỗi khi có những cuộc lễ lớn hay các chương trình diễn nguyện nào ở Saigòn và những miền phụ cận, thường thường đều có sự hiện diện của ba chị em này. Nhóm Tam Ca Áo Trắng là một hiện tượng ca nhạc tại Việt Nam chừng 15 năm qua. Tam Ca Áo Trắng gồm 3 chị em ruột là Tuyết Ngân (chị cả), Minh Tú và Minh Thư là 2 chị em sinh đôi. Ba chị em này lớn lên trong khung cảnh nhà thờ và từng tham gia ca đoàn hát thánh ca từ nhỏ.



Và ngay khi còn bé, cha mẹ đã cho các em đi sinh hoạt ở đội Sơn Ca Thiếu Nhi. Lúc đó, Minh Tú và Minh Thư là đôi song ca luôn đạt được giải nhất trong các cuộc thi văn nghệ của các nhà thiếu nhi còn Tuyết Ngân thì chỉ hát đơn ca với nhiều giải thưởng nhỏ, nhưng đó là niềm vui và hạnh phúc nhất của thời thơ ấu.

TCAT nổi danh vì lối trình diễn rất tươi mát, mà đằm thắm, nhí nhảnh nhưng hồn nhiên. Giọng ca của ba chị em rất đều và hòa điệu nhịp nhàng trong sáng. Những bài ca các cô hát lên là những rung cảm hồn nhiên vui tươi ca tụng tình yêu và thiên nhiên, luôn luôn đưa tâm hồn về một niềm vui cao thượng. Vì là con chiên ngoan đạo, nên ba chị em đã trình bày một số thánh ca vào đời rất được ưa chuộng.

Hiện tượng Tam Ca hát chung sau đó đã trở thành một "mốt" tại Saigòn và sau đó rất nhiều nhóm Ta Ca, Tứ Ca ra đời từ Hà Nội tới Saigòn...
 
Văn Hóa
Nhận định về giá trị cuốn phim ''FireProof'' sắp được trình chiếu
Anthony Lê
09:00 28/07/2008
Tuần trước qua sự lăng xê quá cở của giới truyền thông, cuốn phim "The Dark Knight" (Hiệp Sĩ Về Đêm) đã phải mất tới 180 triệu Mỹ kim để làm ra, tưởng rằng sẽ thu vào được lợi nhuận vượt qua cuốn phim "Batman" của Tim Burton, khi nó được trình chiếu ra mắt lần đầu tiên vào lúc nửa đêm.

Thế nhưng, rủi thay, chỉ vài ngày được trình chiếu ra cho công chúng, giới truyền thông trần tục lần này đã quay ngược ống kính để vạch trần ra bộ mặt thật của người diễn viên chánh đóng vai Batman là Christian Bale gốc người Anh Quốc. Tên này chính là một con người vũ phu và có tính bạo lực, qua việc hành hung cả mẹ ruột lẫn em gái của chính mình. Về sau đã bị cảnh sát Anh Quốc bắt vào hỏi cung, và sau đó đóng tiền để được tại ngoại hầu tra. Thế là doanh số thu vào của cuốn phim bị tuột dốc đi.

Điều đó nói lên cho chúng ta biết được điều gì qua cái được gọi là "nghệ thuật điện ảnh" tân tiến nhất của thời nay? Những cô cậu diễn viên điện ảnh như: Lindsey Lohan, Paris Hilton, Heath Ledger, Christian Bale, vân vân... là những loại người nào nếu không phải là những kẻ thất học, những kẻ ngu dốt, những kẻ có đời sống thác loạn, tội lỗi, những kẻ đắm chìm trong đời sống xác thịt, những kẻ có nền tảng đạo đức và luân lý bị băng hoại, bệnh hoạn, và suy đồi? Thế nhưng, những kẻ như vậy và những loại người như vậy, mới gây được tiếng vang, mới dành được sự nổi tiếng, mới kiếm được nhiều tiền, mới tự coi mình quan trọng hơn tất cả, kể cả chính Thiên Chúa đã tạo dựng ra chính họ?

Phải chăng đó là loại người mà chúng ta - những bậc làm cha làm mẹ - muốn hướng con cái của chúng ta tới? Chúng tôi không nghĩ vậy!

Khác với cuốn phim "The Dark Night" với thành phần diễn viên, đạo diễn và cả êkíp làm phim đều thuộc vào loại "bệnh hoạn" và đầy tính "thương mại hóa," còn trong cuốn phim "FireProof" vốn sẽ được trình chiếu vào Mùa Thu sắp tới, tức vào ngày 26 tháng 9 tới, tất cả mọi thành phần diễn viên chủ yếu, ngoại trừ đạo diễn và nhà sản xuất phim, tất cả các thành viên còn lại trong êkíp làm phim đều là những con người rất thật, sống thật với đời thường, và tình nguyện đóng phim miễn phí, để hòng cố mang một thông điệp duy nhất của họ, vào giới truyền thông tội lỗi và u ám rất mạnh bạo của thời nay rằng: vẫn còn đó, những người có tâm huyết thật sự vì tương lai của ngành điện ảnh, vì đạo đức của những người làm phim lẫn những người đóng phim, và vì tác dụng giáo dục Kitô Giáo mà nội dung cuốn phim muốn nhắn nhủ tới cho mọi tầng lớp.

Những diễn viên "tình nguyện" này, vì lòng yêu mến thiết tha chân chính vào những giá trị đạo đức nền tảng của đời sống đức tin Kitô Giáo; của đời sống hôn nhân lành mạnh giữa một người nam và một người nữ; của tình bạn thiết tha, chân thực và đầy tính nhân bản (tức tình bạn giữa Caleb và người thiếu úy của mình); của những tiếng cười vui nhộn, lành mạnh, đầy sản khoái và hết sức thông minh (giữa các lính cứu hỏa với nhau); của đời sống gia đình thuận thảo và đầy lòng yêu thương, đầy sự hổ trợ, bảo bọc, che chở và cứu giúp nhau (cha-mẹ của Caleb, của Kathleen, và cuộc sống gia đình của riêng Anh); của tình hàng xóm láng giềng (Ông/Bà Rudolf và Anh Caleb) tuy không nói nhiều, không ồn ào, nhưng cũng đủ dạy dỗ cho Caleb biết kiềm chế được những lúc nóng giận của riêng Anh; và quan trọng nhất chính là của việc cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa luôn hiện diện nơi mỗi gia đình, và luôn yêu thương con người hết thảy, dẫu con người có bội phản, có tìm cách né tránh, và chạy xa khỏi Ngài, Ngài vẫn không bỏ cuộc, vẫn âm thầm và kiên nhẫn đợi chờ "slow to anger, rich in kindness, quick to forgive, vân vân" đối với con người.

Phải xem qua cho được cuốn phim này, Quý Vị mới có thể cảm nghiệm được sức mạnh "ghê gớm" và "vô hình" mà cuốn phim muốn nhắn gởi lại cho từng người trong chúng ta!

Có rất nhiều lý do buộc mỗi người trong chúng ta, trong tư cách cá nhân lẫn tập thể, cần phải xem qua và ủng hộ cho cuốn phim này vì lẽ:

(1) Ngày Hôm Nay, những Cuộc Hôn Nhân trong và ngoài Giáo Hội, hay Giáo Xứ hoặc Cộng Đồng của Chúng Ta Đang Bị Tổn Thương:

Các nghiên cứu về hôn nhân cho thấy rằng có tới 50% những cặp hôn nhân đã phải ly dị ít nhất là một lần trong cả đời sống hôn phối của từng cá nhân. Hầu hết tất cả mọi người trong xứ đạo và cộng đồng của chúng ta cảm nghiệm được áp lực và những ảnh hưởng tai hại mà việc ly dị cứ mãi bủa vây lên đời sống của xứ đạo và của cộng đồng của chúng ta; và niềm hy vọng để cứu vãn những cuộc hôn nhân đang trên bờ vực thẳm chia cắt đó, lại quá mong manh, và quá suy yếu!

Cuốn phim này cung cấp cho xứ đạo, và cho cộng đồng của chúng ta có được một cơ hội lý tưởng nhất để mang đến niềm hy vọng và sự chữa lành cho những cuộc hôn nhân đang sắp tan vỡ và bị chia cắt trong xứ đạo và trong cộng đồng của chúng ta.

(2) Cuốn phim "FireProof" Không Phải là Cuốn Phim mang tính cách Thương Mại nhằm để kiếm vào Lợi Nhuận cho thật to, nhưng là Cuốn Phim Được Làm Ra Để Phục Vụ cho Các Nhóm Mục Vụ Gia Đình và Hôn Nhân (Marriage & Family Ministry) hay các Hội hoặc Tổ Chức Song Nguyền:

Hầu hết những cuốn phim thời nay, như đã có dịp phân tích trong bài viết của tuần trước về cùng chủ đề, đều được làm ra để giải trí tức thời và có rất ít cuốn phim cung cấp cho xứ đạo một cơ hội thực sự để làm công tác mục vụ cho cả hôn nhân lẫn gia đình.

"FireProof" là cuốn phim hoàn toàn mới mẽ, cuốn phim này được làm ra bởi một Giáo Xứ Công Giáo ở thành phố Albany thuộc tiểu bang Georgia. Cuốn phim cung cấp các cơ hội để mở ra cuộc đối thoại chung quanh các vấn đề có liên quan tới: cách giải quyết các xung đột lẫn các mâu thuẩn có trong đời sống lứa đôi; những sự khác biệt giữa bản tính của người nam và của người nữ; cách giải quyết và diệt trừ nạn đam mê về những hình ảnh khỏa thân, dâm dục, đồi trụy nơi giới nam; sự thương yêu và tha thứ cho nhau; và sau cùng chính là nhu cầu phải cần đến tình yêu thương của Thiên Chúa.

Cuốn phim "FireProof" thật sự giúp cho giáo xứ và Nhóm Mục Vụ Gia Đình và Hôn Nhân có được những khí cụ, kinh nghiệm và bài học hiệu quả và thiết thực nhất trong nổ lực làm sống lại đời sống hôn nhân gia đình lành mạnh!

(3) Một Cuốn Phim Cao Cấp Dành Được Sự Ủng Hộ và Sự Bảo Trợ Nhất Trí và Nồng Nhiệt Nhất của các Tổ Chức Phò Gia Đình và Phò Kitô Giáo Trên Khắp Cả Hoa Kỳ lẫn Thế Giới:

Cuốn phim "FireProof" sẽ được trình chiếu công khai tại tất cả các rạp chiếu bóng trên khắp cả nước Hoa Kỳ bởi hãng phim Provident Films. Mặc dầu chưa được chính thức tung ra cho công chúng, thế nhưng qua những lần xem duyệt trước (pre-screenings) cuốn phim đã dành được rất nhiều sự hổ trợ và ủng hộ của các Tổ Chức Phò Gia Đình, và Phò Kitô Giáo trên khắp cả thế giới như:



(a) Nhóm Đời Sống Gia Đình - Sự Giúp Đỡ cho ngày hôm nay, Niềm Hy Vọng cho ngày mai (FamilyLife - Help for today, Hope for Tomorrow);

(b) Tổ Chức Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình (AM-FM) - nhóm chuyên cung cấp các khóa giảng huấn và huấn luyện cho các cộng đoàn, các giáo xứ, các tổ chức mục vụ về hôn nhân và gia đình những kinh nghiệm, những khí cụ, những bài học thực tiễn nhất về cách giúp bảo vệ gia đình và gìn giữ hôn nhân;

(c) Nhóm Hôn Nhân Hình Dạng Chiến Thắng (WinShape Marriage) - là một nơi an toàn nhất dành cho các cặp hôn nhân tìm lại sự khát khao, sự mong ước, sự yêu thương, sự gần gũi, lẫn nhau, để hồi phục lại đời sống hôn nhân, và để cùng nhau sống đến lúc bạc đầu răng long trong tình yêu huyền nhiệm của Thiên Chúa;

(d) Nhóm Chú Trọng vào Gia Đình (Focus on the Family) của Tiến Sĩ James Dobson - người rất mạnh mẽ bảo vệ cho các giá trị của Gia Đình Truyền Thống trên khắp Hoa Kỳ lẫn thế giới, và cũng là người cực lực chỉ trích chính sách về Gia Đình của cả Obama lẫn McCain;

(e) Nhóm Nối Vòng Tay Lớn - Đến với Tất Cả Mọi Người vì Chúa Kitô (OutReach - Reach More People for Christ) - mang lại tình yêu của Thiên Chúa đến với tất cả mọi người, đến với hôn nhân và cả đời sống gia đình trong xứ đạo, trong cộng đồng, trong xã hội và trên cả thế giới;

(f) Nhóm Đồng Mục Vụ Gia Đình (Marriage co-Mission) - để cả hai cùng trở nên 1 cho nhau, và cho tương lai và sự phồn thịnh về đời sống tinh thần lẫn thể lý của các con;

(g) Nhóm Mười Cuộc Hẹn Hò Tình Yêu Vĩ Đại (10 Great Dates) - chuyên giáo dục những người trẻ về cách để có được một cuộc hẹn hò tình yêu vĩ đại, chân thành, và duy nhất suốt cả cuộc đời, vì nhau và vì Chúa Kitô;

(h) Nhóm Chuẩn Bị để Làm Phong Phú Thêm (Prepare - Enrich) - nhằm giáo dục người trẻ phải biết cách chuẩn bị thật kỹ như thế nào về tất cả mọi mặt trước khi bước vào đời sống hôn nhân, chứ đừng có yêu thương tức thời, yêu thương mù quáng và lụi tàn;

(i) Nhóm Tình Yêu Thương và Sự Kính Trọng (Love & Respect) - chuyên dạy những người trẻ về sự yêu thương và lòng kính trọng mà cả hai dành cho nhau đúng với mong muốn của Thiên Chúa;

(j) Nhóm Các Chuyên Gia Huấn Luyện về Hôn Nhân của Tiến Sĩ Gary & Barbara Rosberg (G&B) - chuyên huấn luyện cho giới trẻ thời nay có được những cuộc hôn nhân là nơi mà tình yêu đó chính là một thứ tình yêu rất thực, và lâu dài mãi mãi;

(k) Nhóm Trung Tâm về Mối Quan Hệ của Tiến Sĩ Smalley (Smalley Relationship Center) - chuyên dạy về cách đối thoại cần có trong tình yêu, để tôn trọng và lắng nghe được lẫn nhau;

(l) Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân Kitô Giáo (growthtrac Ministries) - chuyên nhấn mạnh và triển khai đến mối hôn nhân có Thiên Chúa và biết lấy Thiên Chúa làm nền tảng và cùng đích cho nhau;

(m) Nhóm Liên Đoàn Sứ Mạng Hoa Kỳ (Mission America Coalition) - là nhóm chuyên cổ võ cả Giáo Xứ mang trọn vẹn Phúc Âm của Thiên Chúa ra cả Quốc Gia lẫn Thế Giới;

(n) Nhóm Hôn Nhân Ngày Nay (Marriage Today) - nhóm chuyên cổ võ làm thế nào để tránh việc ly dị trong gia đình vì gia đình có một tương lai rất lớn, và là nền tảng không những cho xã hội mà cho cả Giáo Hội nữa;

(o) Nhóm Retrouvaille - Đường Dây về Đời Sống dành cho Các Cặp Hôn Nhân (Retrouvaille - A Life Line For Marriage Couples) - chương trình Hôn Nhân Công Giáo nhằm giúp phục hồi lại Hôn Nhân, giúp các cặp Hôn Nhân cùng nhau khám phá lại chính mình qua lăng kính của nhau, và qua lăng kính của chính Thiên Chúa;

(p) Nhóm Cho Mối Hôn Nhân Của Bạn (For Your Marriage) - cung cấp các nguồn thông tin huấn luyện về hôn nhân để có được một đời sống hôn nhân bền vững đến mãi muôn đời;

(q) Nhóm Gặp Gỡ Hôn Nhân Toàn Cầu (Worldwide Marriage Encounter) - gặp gỡ lại nhau trong tình yêu hôn nhân của Thiên Chúa, cho dẫu có lần giận dỗi, có lần dối lừa, có lần thiếu thủy chung, và thiếu sự thành thật đối với nhau; hay để tìm hiểu xem liệu hôn nhân có phải là ơn gọi cho các bạn hay không?.



(4) Hôn Nhân Lành Mạnh cũng cố Cộng Đoàn Xóm Đạo và Cộng Đồng Xã Hội:

Cộng đồng xã hội, và cộng đoàn xóm đạo của chúng ta ngày nay thường hay bị tan vỡ, thường hay bị sự bạo lực của súng đạn, của ma túy, của thuốc phiện, của cờ bạc, của sự trộm cướp,.... quấy phá và tấn công, nguyên do là vì sự tan vỡ của gia đình, sự tan vỡ của những cặp hôn nhân.

Những cuộc hôn nhân lành mạnh mang lại một xã hội lành mạnh, và một cộng đồng xóm đạo biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Rũi thay, các cuộc thống kê mới đây xoay quanh vào các cộng đoàn sắc tộc, trong đó có cả Á Châu của chúng ta nữa - ám chỉ rằng những cuộc hôn nhân đang vỡ vụn và đổ nát tại một mức độ báo động chóng mặt. Việc ly dị đã làm xâu xé các nền tảng và cấu trúc cơ bản của cộng đồng, và xóm đạo.

Thế nhưng, mọi chuyện tất nhiên không phải lúc nào cũng phải theo vết xe đổ nát đó cả! Các tổ chức của các cộng đoàn xóm đạo và của các cộng đồng xã hội đang phối hợp và liên kết cùng nhau để tạo ra một sự khác biệc bền bĩ và lâu dài cho những cuộc hôn nhân lành mạnh theo tính truyền thống.

Và dĩ nhiên, cuốn phim "FireProof" giúp cho tất cả các tổ chức thuộc cộng đoàn xóm đạo và các cộng đồng xã hội có được những khí cụ thiết thực và những bài học bổ ích để làm nên chuyện đó!

(5) Ủng Hộ cho Một Điều Lành Mạnh và Bổ Ích cho Tất Cả Mọi Giới Trong Gia Đình và Xã Hội Chính là Điều Mà Chúng Ta Cần Phải Cùng Nhau Làm và Cổ Võ:

Xin hỏi, tôi trong tư cách là người viết, sẽ hưởng ích được điều gì khi cứ mãi tốn thời gian và bút viết để "quảng cáo" cho cuốn phim này? Phải chăng, tôi được ăn phần trăm gì đó trong khi làm chuyện này ư?

Thưa, không phải như vậy! Tôi chẳng hưởng ích được điều chi cả, ngoại trừ sự bình yên và lắng đọng trong lương tâm của riêng tôi!

Cũng như một dàn diễn viên "tình nguyện" của cuốn phim, tôi nồng nhiệt cổ võ cho cuốn phim "FireProof" này sau khi được tham dự V.I.P. Pre-Screening là vì tôi là một người Công Giáo đích thực, đúng nghĩa - tuy tội lỗi cũng nhiều, nhưng vẫn luôn thao thức và trăn trở về đức tin của riêng mình.

Là một ký giả của VietCatholic, Thiên Chúa sẽ chất vấn tôi sau này, nếu như tôi nhận thấy được điều gì đó lành mạnh, đích thực và chân chính, mà không cùng chia sẽ cho những người khác - vốn không có thời giờ để tìm hiểu và đào sâu, hay phải quá bận rộn trước những gánh nặng của đời sống vất vã, khó khăn, và lam lũ thường nhật.

Tôi sẽ thẹn hổ với chính lương tâm của riêng mình, nếu như tôi không kịp thức tỉnh cho các độc giả thân yêu của tôi những cái gì là lành mạnh và suy đồi ở ngoài đó, khi tôi được Thiên Chúa diễm phúc soi sáng để có dịp kinh qua và nếm thử các mùi vị "cay đắng lẫn chua ngọt" ở ngoài đó.

Từng cơ hội mà Thiên Chúa cho tôi có dịp được tiếp cận, và được học hỏi qua, tôi buộc phải chia sẽ lại chúng cho tất cả mọi độc giả VietCatholic của tôi.

Tôi thao thức và trăn trở trước sức mạnh tàn phá kinh khủng của những cuộc hôn nhân bệnh hoạn, suy đồi, và tội lỗi giữa hai người đồng tính với nhau, hay những người đeo đuổi đời sống hôn nhân đa thê, đa phu, vân vân... và tôi phải có trách nhiệm dóng lên tiếng nói thật sự của lương tâm, của nền đạo đức Kitô Giáo, và của sự thật!

Nếu tôi thờ ơ trước những điều tôi cần phải làm, để có được giá trị nước Trời về sau, thì tôi sẽ không còn có đủ thời gian để đền tội, để hối lỗi lẫn ăn năn, nếu mai này Thiên Chúa "bất thần" gọi tôi về với Ngài. Khi đó tôi chẳng có gì cả để "khoe" với Ngài, rằng tôi đã không biết cách làm vẽ vang danh của Ngài khi tôi còn ở trần thế - mặc cho tôi phải trả giá bằng cách nào đi chăng nữa.

Trong tư cách là các độc giả, tôi nghĩ Quý Vị cũng có những suy nghĩ và trăn trở giống như tôi, thế thì tại sao chúng ta lại không bắt tay cùng nhau, để cứu vớt các cặp hôn nhân; các bạn trẻ đang điên cuồng lao vào con đường tình yêu một cách hời hợt, thiếu suy nghĩ; các cộng đoàn xứ đạo, và các cộng đồng xã hội của chúng ta - khi cố tìm hiểu và cổ võ cho cuốn phim có nội dung giáo dục đích thực và chân chính này?

Sức mạnh của Hollywood rất tàn bạo, và sức mạnh của giới truyền thông cũng bạo tàn không kém, nếu cuốn phim "FireProof" này nhận được sự ủng hộ và cỗ võ rất lớn của tất cả mọi người thuộc mọi giai tầng của xã hội, thì chắc hẳn giới truyền thông và Hollywood cũng phải bẻ mặt và xấu hổ, về những gì suy đồi và loạn luân mà họ muốn đầu độc lên đầu óc của chúng ta, muốn khống chế và lấn áp tâm hồn, thân xác, trái tim và tâm trí của chúng ta.

Đã đến lúc chúng ta phải can đảm nói Không trước những hành động đó của giới truyền thông trần tục và của Hollywood!

Quý vị hãy cùng tôi và qua lời cầu nguyện với Thiên Chúa, chúng ta phải hành động cùng nhau, phải làm sao cho Sự Thật, cho Sự Lành Mạnh, cho Đức Tin Kitô Giáo luôn được chiến thắng nơi xã hội tục trần này!

Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho những nổ lực chân chính và đích thực của chúng ta!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Giọt Mưa Trên Lá
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
00:10 28/07/2008

GIỌT MƯA TRÊN LÁ



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi

Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người.

(Trích ca khúc Giọt Mưa Trên Lá của Phạm Duy)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền