Ngày 25-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
26/07: Phúc cho những ai tôn thờ Thiên Chúa –Thánh Gioakim, Thánh Anna –Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:49 25/07/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Đó là lời Chúa
 
Phù vân và giá trị đích thực
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:01 25/07/2022
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

PHÙ VÂN VÀ GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC

Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi cho chúng ta chủ đề về ý nghĩa cuộc sống và thái độ cần có, đáng cho chúng ta suy gẫm và áp dụng vào đời sống mình. Chúng ta lần lượt tìm hiểu về sự phù vân được nói ở trong bài đọc I, về nền tảng của đời sống mới được nói trong bài đọc II, và thái độ cần có đối với của cải được đề cập trong bài Tin Mừng.

1- Mọi sự chỉ là phù vân

Trong bài đọc I, được trích từ sách Giảng Viên, ông Côhelét quả quyết: “Phù vân quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân... Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền.”

Theo các nhà chú giải, tác giả Côhelét là người tri thức, một người đứng đầu hay là người giảng dạy trong một cộng đoàn. Ưu tư của ông là đi tìm chân lý của cuộc sống, theo một lối tiếp cận rất hiện sinh và thực tế, chứ không theo lối trừu tượng, lý luận. Sách Giảng Viên khởi đi và kết thúc với một tư tưởng, một trực giác chủ đạo: “Phù vân, quả là phù vân!” Theo đó, vũ trụ cũng như đời người là một cái vòng xoay luẩn quẩn và nhàm chán. Xem ra cái nhìn của Côhelét rất bi quan yếm thế, tiêu cực về cuộc đời và con người. Nhưng lại rất thật, rất đúng. Nên cuốn sách này được xếp vào loại các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Ông quan sát cuộc đời và kết luận: mọi sự là phù vân. Theo tiếng Do Thái, phù vân được dịch từ một danh từ Hípri ‘hebel,’ có nghĩa là làn gió, làn khói, như hơi nước, không khí. Vì thế, hình ảnh này được dùng để chỉ những gì là phù vân, không bền chắc và chóng qua. Mọi cái như hơi nước, như khí, đều qua đi, không có giá trị gì cả: trời đất sẽ qua, con người sẽ phải chết, của cải, danh vọng, hưởng lạc cũng chẳng mang lại tích sự gì.

Kinh nghiệm này cũng chính là kinh nghiệm của chúng ta hôm nay, nhất là với những người đã từng trải trong cuộc sống. Nhiều lúc chúng ta cũng trải qua những kinh nghiệm không mấy sáng sủa: tình yêu, tiền bạc, danh vọng và hưởng lạc, cuối cùng chỉ là phù vân!

2- Đâu là giá trị cuộc sống?

Vậy thì sống để làm gì? Đâu là giá trị đích thực của cuộc sống? Vượt trên những gì là phù vân, cái gì tồn tại? Ông đi tìm kiếm lý lẽ của cuộc sống, bên trên và đằng sau vòng luẩn quẩn đó. Đối với ông, nền tảng đó chính là niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành và quan phòng, luôn hành động trong lịch sử và trong đời sống con người, đó là niềm hy vọng: dù mọi sự trong cuộc đời này có phù vân đến đâu, thì cuối cùng đời người sẽ “còn lại” một điều gì đó tốt đẹp mà cái chết cũng không cướp đi được. Như thế, lời của ông Côhelét xem ra tiêu cực, nhưng cuối cùng nó dẫn chúng ta tới một niềm tin và hy vọng rất tích cực. Tuy nhiên, niềm tin còn cần phải được Đức Kitô soi chiếu.

Chúng ta tìm thấy ánh sáng soi chiếu cho niềm tin này trong bài đọc II trích từ thư Côlôxê. Thánh Phaolô nói về niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh là nền tảng cho niềm hy vọng và đời sống mới của chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” Thánh Phaolô còn xác tín rằng được biết Đức Kitô là mối lợi lớn nhất. Ngài nói: “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8).

Quả thế, nếu Đức Giêsu không đến thế gian để cứu độ con người, mọi sự chỉ là phù vân. Cái chết sẽ chấm dứt mọi sự. Và nếu Đức Giêsu không chỗi dậy từ cõi chết, thì niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta trở nên hão huyền! Nhưng nhờ mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Người, giá trị cuộc sống được tái lập, con người được tạo dựng cho điều cao cả và vĩnh cửu, chứ không phải cho sự phù vân và hư mất. Với bí tích Rửa Tội, chúng ta được tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở thành con cái Thiên Chúa trong Thánh Thần.

Vì là con Thiên Chúa và được cứu độ bởi giá máu châu báu của Chúa Kitô, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng... Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu.” Đó là đời sống mới, con người mới trong Chúa Kitô.

3- Tránh lối sống hưởng thụ ích kỷ

Để sống như những con người mới, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta cảnh giác với thái độ tự thỏa mãn với của cải vật chất và hưởng thụ ích kỷ thú vui ở đời qua câu chuyện người phú hộ trong dụ ngôn. Theo đó, ông không bị lên án bởi vì ông ta giàu có, cũng không phải vì ông tự đảm bảo tương lai cho mình, nhưng ông bị lên án vì ông không quan tâm đến Thiên Chúa và tha nhân. Ông tự thỏa mãn với những gì mình có và hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết chia sẻ với tha nhân. Ông tự nhủ: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã.” Ông trở thành người tôn thờ của cải và sự giàu có của mình. Ông là người ngốc bởi vì ông không biết rằng, mọi sự là phù vân nếu thần chết gõ cửa mà cuộc đời không có Thiên Chúa.

Bài học mà Chúa Giêsu muốn gửi tới chúng ta là thái độ đúng đắn trước của cải vật chất. Cũng như mọi người, tất cả chúng ta đều muốn sống hạnh phúc, sống tốt. Thiên Chúa cũng muốn tất cả con cái Người không thiếu thốn những gì cần thiết cho cuộc sống. Biết làm giàu một cách lương thiện là một điều đẹp lòng Chúa. Có của cải vật chất không phải là điều đáng chê trách, đó là điều đáng ước ao. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tránh lối sống coi của cải là trên hết, hay biến chúng như một thứ ngẫu tượng cuộc đời, nhưng biết dùng tiền của để mưu cầu hạnh phúc đời này và đời sau, biết sử dụng tiền của để sống đẹp ý Chúa, và biết giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khó.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sự phù vân của cuộc sống, biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là chính Thiên Chúa và biết sống quảng đại chia sẻ với tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 25/07/2022
12. Đức ái có thể tăng thêm sức mạnh. (Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 25/07/2022
50. CON MỌT ĂN SÁCH

Con mọt gặm sách mà ăn, ăn cho đến no càng, bèn nghĩ rằng mình là người có học vấn nhất trên thế gian.

Một hôm, nó đi du ngoạn bên ngoài thì gặp con bọ hung, bọ hung ức hiếp nó; gặp con nhện, con nhện cũng ức hiếp nó.

Con mọt rất căm hờn, hỏi người:

- “Bụng tôi đầy những thơ văn, tự biết rằng mình thông Nho trong thiên hạ, tại sao chúng nó lại ức hiếp tôi như thế?”

Người cười nói:

- “Mặc dù mày tự nhận là cả bụng thơ văn, nhưng những thứ đó đều không tiêu hóa hấp thụ được, dù rất nhiều nhưng đâu có chỗ để dùng?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 50:

Có những người chữ nghĩa đầy bụng, học vấn uyên thâm, nhưng không biết cách cư xử với người hàng xóm, thế là bị hàng xóm tránh xa coi như người xa lạ; có những người hể mở miệng là nói văn chương, nhưng lại ngại nói một lời hay đẹp với tha nhân, cho nên họ đi đến đâu thì người ta ngao ngán đến đó...

Có một vài người Ki-tô hữu vỗ bụng khoe rằng mình thông hiểu Thánh Kinh chẳng khác gì cha sở, nhưng cuộc sống của họ thì một chút mô phạm cũng không có, cho nên họ trở thành những phèng la kêu phèng phèng làm điếc tai người khác.

Con mọt sách dù có cả bụng văn thơ chữ nghĩa nhưng ai cũng ức hiếp khinh chê, là bởi vì nó chỉ ăn giấy vào trong bụng chứ không phải chữ nghĩa.

Người Ki-tô hữu cũng sẽ bị người khác khinh chê, vì chỉ biết khoe khoang chữ nghĩa Lời Chúa trong Thánh Kinh, mà không thực hành Lời Chúa trong cuộc sống; bị hiếp đáp là vì họ không dùng Lời Chúa để nuôi dưỡng cây đức tin cho cứng cáp mạnh khỏe...

Ai muốn làm con mọt sách thì làm, nhưng người Ki-tô hữu thì phải trở thành chứng nhân của Phúc âm hơn là làm con mọt sách cả bụng văn chương mà không tiêu hóa (thực hành Lời Chúa) được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đừng bao giờ đánh mất hy vọng
Lm. Minh Anh
23:13 25/07/2022

ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH MẤT HY VỌNG!
“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”.

Charles Read viết, “Gieo một hành động, gặt một thói quen. Gieo một thói quen, gặt một tính cách. Gieo một tính cách, gặt một số phận!”. Gieo một điều thiện, gặt một niềm vui; gieo một niềm cậy trông, gặt cả mùa hy vọng! ‘Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng lạc quan của Charles Read được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay. Giữa một hoàn cảnh nghiệt ngã, có lúc dường như tuyệt vọng, bạn vẫn ‘Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’. Giêrêmia nói với dân, ‘Đừng tuyệt vọng!’; Chúa Giêsu nói với chúng ta, ‘Hãy cứ hy vọng!’.
Bài đọc Giêrêmia phản ánh mặt tối, cũng là mặt thực, của một dân bị Chúa nghiêm phạt. “Bước chân ra đồng nội, này kẻ chết vì gươm; quay gót trở về thành, nọ bao người đói lả!”. Các nhà lãnh đạo, các tiên tri và các thầy tế lễ cũng đang kiệt lực ở mút cùng của sự hiểu biết; từ vực thẳm, họ thưa lên, “Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao? Hay lòng Ngài ghê tởm Sion nữa?”; “Cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy?”; “Mong đến thời bình phục mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!”. Ấy thế, giữa những tàn khốc và tăm tối của cuộc khủng hoảng tôn giáo, chính trị như thế, dân Chúa vẫn không mất niềm cậy trông vào lòng thương xót của Ngài, “Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của chúng con”. Thật khó để có thể giữ niềm tin khi con người dường như không còn gì để mất; tuy nhiên, Thánh Kinh vẫn luôn truyền cảm hứng để chúng ta tiếp tục cậy tin và ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng’, cả khi “ở trong vực thẳm khổ đau”. Cứ kêu cầu Ngài, Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con!”.

Với dụ ngôn ‘cỏ giữa lúa’, Tin Mừng thừa nhận, không phải lúc nào công việc tốt lành của Thiên Chúa cũng xuôi thuận và được thế gian đón nhận. Hạng người mà Chúa Giêsu gọi là “kẻ thù” - luôn chống lại mục đích tốt đẹp của Chủ Mùa, người gieo giống tốt - sẽ tìm cách bóp chết lúa tốt. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo đảm, cuối cùng, mục đích của Thiên Chúa vẫn đi đến cùng, “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”. Chúa Cha đang làm việc và tiếp tục làm qua Chúa Giêsu, và con cái Ngài; và Ngài sẽ chiến thắng các thế lực của sự dữ, bảo đảm một sự toàn thắng cuối cùng. Phaolô đã diễn tả niềm xác tín này một cách cô đọng, “Ở đâu tội lỗi đầy tràn; ở đó, ân sủng càng chan chứa!”. Đó là nền tảng niềm hy vọng, một hy vọng không bắt nguồn từ con người nhưng phát xuất từ Thiên Chúa; mà với Phaolô, hy vọng đó “có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới!”.

Anh Chị em,

“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”. An ủi biết bao, khẳng định của Chúa Giêsu! Bởi lẽ, bao lâu còn trong thế giới, chúng ta còn phải chiến đấu; và cam go nhất vẫn là cuộc chiến trong lòng mỗi người. Cái ác dường như đang trên đà chiến thắng; nhưng đừng quên, nó không bao giờ là tiếng nói cuối cùng; cũng như cuộc chiến nội tâm là cuộc chiến trường kỳ nhất! Nhìn vào Chúa Giêsu, dường như Ngài đã thua cái ác và sự dữ khi chết ô nhục trên thập giá; vậy mà, Chúa Cha đã phục sinh Ngài; để sự dữ, người dữ, và việc dữ dần dần được biến đổi và được cứu. Vậy, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, đuối sức vì chiến đấu, chúng ta đừng bỏ cuộc. Hãy nhìn lên Ngài để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’. Không có Ngài, chúng ta bất lực. Vì thế, hãy kiên trì “gieo niềm cậy trông”, tựa nương vào Chúa; Đấng đang rộng mở Vương Quốc Ngài phía trước để chào đón các chiến sĩ Kitô, con cái Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, cuộc chiến mỗi ngày của con thật đáng quý trong mắt Chúa. Nên dù phải gian nan thử thách, xin dạy con nhìn lên thánh giá, để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tránh mọi thứ tham lam
Lm. Thái Nguyên
23:17 25/07/2022



TRÁNH MỌI THỨ THAM LAM
Chúa Nhật 18 Thường niên, năm C : Lc 12,13-21

Suy niệm

Ai cũng muốn tạo một cái “kho” riêng cho mình, và làm cho cái kho đó ngày càng bành trướng. Kho đó là tài sản, tiền bạc của cải, vật chất. Thế nhưng nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã thốt lên lời ai oán:“Mồi phú quý nhử làng xa mã/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh” (Cung oán ngâm khúc). Phú quý như một thứ “mồi nhử” có sức lôi kéo con người ghê ghớm; còn vinh hoa là một thứ “bả” mê hoặc, khiến người ta mất tỉnh táo, không còn làm chủ được bản thân nên sa vào cạm bẫy. Cũng vậy: “Còn bạc, còn tiền còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Thói đời đen bạc và lật lọng như thế, cũng chỉ vì lòng người ham mê và xây dựng cuộc đời mình trên tiền của vật chất.

Sách Giảng viên cho thấy tiền bạc của cải chỉ là phù vân: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” (Gv 1, 2). Phù vân diễn tả một khía cạnh vô thường của cuộc sống này. Có nghĩa là mọi sự hiện hữu như gió thoảng mây bay. Thánh Phaolô kêu gọi: "Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thương giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới." (Cl 3,1-5).

Còn bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự bi đát của việc ham mê của cải vật chất. Dụ ngôn mô tả người phú hộ hả hê với những của cải chất đầy các kho. Ông tưởng mình đã toan tính khôn ngoan để đời mình sẽ được hoàn toàn vui sướng, nhưng Chúa cho thấy nguy cơ: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Phải chăng Chúa muốn chúng ta nghèo khổ? Chắc chắn là không, vì của cải vật chất trên đời là ân ban của Chúa cho chúng ta hưởng dùng (x. Tv 71). Vấn đề không phải giàu hay nghèo, mà “phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác (x. Tm 6, 19).

Sở dĩ có những gia đình quá nghèo là vì làm một ăn hai, tiêu xài phung phí; nghèo vì lười biếng không chuyên chăm cần cù; nghèo vì bài bạc, nhậu nhẹt ăn chơi quá đáng; nghèo vì không biết dành dụm, tiết kiệm.

Lý do thứ hai có nhiều người nghèo vì tình trạng xã hội bất công, vì cường hào ác bá, vì bị giới người giàu bóc lột sức lao động. Cũng vậy, người tạo được công ăn việc làm cho người khác là người phúc đức, nhưng mướn với giá rẻ mạt thì chẳng khác nào người thất đức.

Lý do thứ ba là thiếu sự chia sẻ cho nhau. Nếu ai cũng rộng lòng chia sẻ thì chẳng có ai nghèo. Chúa cho có những người giàu hơn là để họ biết chia sẻ nhiều hơn. Rất buồn là nhiều Kitô hữu đã không sống được điều Chúa mong. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng:“Khi chúng ta tránh né, từ chối chia sẻ, ngừng ban tặng, và khóa kín bản thân mình trong cuộc sống tiện nghi…thì chẳng khác nào là một cuộc tự sát dần dần” (GE 272). Người giàu có nhất là người đã chia sẻ nhiều nhất. Đó mới là người giàu thực sự, giàu mãi mãi trong nước Thiên Chúa. Tiền của là ân phúc Chúa ban cho, nhưng vì không biết sử dụng tiền của đúng ý Chúa thì nó sẽ biến thành tai họa.

Sự giàu có đã làm ông phú hộ rơi vào 4 điều sai lầm trầm trọng sau đây: (1) Tính tham lam. (2) Trông cậy vào tiền của. (3) Không chia sẻ cho người thiếu thốn. (4) Chỉ lo hưởng khoái lạc cho riêng mình. Những lý do đó có thể khiến kẻ giàu mất phần rỗi. Cũng chính vì thế mà Đức Giêsu kết luận:“Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Những lời huấn dụ trong Kinh Thánh xem ra khó áp dụng vào cuộc sống đời thường, vì chúng ta thấy ai cũng đang mải mê lao động kiếm kế sinh nhai và vun đắp gia sản vật chất. Chúng ta nêu đủ lý do để biện minh cho sự tham lam và tích trữ của cải. Nhưng nếu cứ thế thì sớm muộn gì cũng sẽ lãnh lấy những hậu quả bi thảm. Tiền bạc của cải chẳng bao giờ đi đôi với bình an và hạnh phúc. Phải chăng tiền bạc đi vào cửa trước thì hạnh phúc lẻn ra khỏi cửa sau?

Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho hằng ngày dùng đủ. Biết đủ là đủ, để chúng ta còn có thời giờ “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”: là đời sống yêu thương bác ái, biết vươn lên khỏi những ti tiện tầm thường, đồng thời dấn thân phục vụ và chăm lo cho những người nghèo khổ, đau yếu, tật nguyền. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu tôi có thể giúp ít nhất là một người có đời sống tốt hơn, thì với việc đó thôi cũng đã đủ để làm thành lễ vật đời tôi rồi.” (GE 274). Đời sống Kitô hữu cao cả là như thế, biến đời mình thành của lễ dâng tiến, để Chúa thánh hóa và đem lại sự sống mới cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa cảnh giác nghiêm khắc về tiền của,
vì thấy nó là chính mối nguy cơ,
trở thành thần tượng người ta tôn thờ,
nên thiên hạ nói tiền là tiên phật,
nhưng sự thật cho thấy lắm oan khiên.
Tiền của dễ biến ta ra hà tiện,
bủn xỉn keo kiệt sinh lòng phản trắc,
bị mê hoặc nên lối sống nhập nhằng,
vì lợi lộc nên không còn ngay thẳng,
nguy hiểm nữa là người Ki-tô hữu,
trở thành kẻ hai lòng thờ hai chủ.
Tiền của khác nào một thứ ma lực,
làm điên đảo và tán tận lương tâm,
khiến người ta phải sống trong mê lầm,
nên Chúa gọi là tiền của bất chính,
vì lòng người đã bất trung bất tín,
không lạ gì có lối sống bất nhân.
Giá trị thực sự của cuộc đời con
đâu phải là tiền bạc hay của cải,
mà chính là một tấm lòng nhân ái,
để cho đi và chia sẻ không ngừng.
Xin cho con tránh mọi thứ tham lam,
đừng trở nên nô lệ cho tiền tài.
nhưng biết luôn mở rộng lòng bác ái,
biết dùng hết mọi cái Chúa ban cho,
để lo phụng sự Chúa và tha nhân,
dám dấn thân để làm đẹp cuộc trần,
là gia sản của đời con mãi mãi,
là an vui hạnh phúc chẳng tàn phai. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục Nigeria: Chính phủ liên bang đã từ chối giúp đỡ liên quan đến các vụ bắt cóc, giết người
Đặng Tự Do
05:06 25/07/2022


Chính phủ Nigeria có mọi thứ cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra nhằm vào các tín hữu Kitô giáo, nhưng họ đã từ chối giúp đỡ, một linh mục Công Giáo ở quốc gia Tây Phi cho biết.

Tình hình ở Nigeria đã khiến nhiều người tin rằng những gì đang xảy ra là “chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”, Cha Patrick Alumuku, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Abuja, nói với ACI Africa tại Đại hội Công Giáo Liên Phi về Thần học, Xã hội và Mục vụ Life, được tổ chức tại Nairobi từ ngày 19 đến 22 tháng Bảy.

Ngài nói rằng Giáo hội ở Nigeria không có khả năng bảo vệ người dân, bao gồm cả các linh mục từng là nạn nhân của các vụ bắt cóc và giết người, và chính phủ có vai trò trao quyền cho các nhân viên an ninh trong nước để bảo vệ những thường dân vô tội.

“Giáo hội mong muốn bảo vệ nhân sự của chính mình. Nhưng liệu Giáo hội có đủ năng lực để bảo vệ con người không? Giáo hội có quân đội không? Giáo Hội có cảnh sát không? “ vị linh mục người Nigeria nói thêm, “Chính phủ lẽ ra phải cung cấp cho cảnh sát bất cứ thứ gì cần thiết, đạn dược, hậu cần để có thể giải quyết việc này; nhưng có vẻ như chính phủ không quan tâm đến việc giải quyết những thách thức này “.

Ngài nói tiếp rằng, “Chính phủ tỏ ra bất lực. Trên thực tế, có những người cảm thấy rằng đây là chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”.

Vị linh mục của Giáo phận Makurdi, người được thụ phong vào năm 1981, cho biết ngài cảm thấy bối rối khi không có hành vi tàn bạo nào đối với các tín hữu Kitô ở Nigeria đã được giải quyết tại tòa án.

“Trong số tất cả những trường hợp các linh mục bị sát hại, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các linh mục đã bị bắt cóc, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các nhà thờ bị cháy hoặc bom phát nổ, không một người nào bị bắt, bị đưa ra tòa, bị xét xử và bị kết tội,” Cha Alumuku nói.

Cha Alumuku nói rằng các nhà thờ ở Nigeria đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ người dân của họ, bao gồm việc lắp đặt các chốt kiểm tra an ninh ở các lối ra vào để ngăn cản quân nổi dậy.

“Giáo hội đã làm những gì nên làm. Vào Chúa Nhật, thường có các cuộc khám xét an ninh nghiêm ngặt đối với những người cố gắng vào nhà thờ,” ngài nói với ACI Africa ngày 20/7.
Source:Catholic News Agency
 
‘Chí Lợi đang bị ốm nặng’, Đức Tổng Giám Mục than thở sau cái chết của những người nhập cư vô gia cư
Đặng Tự Do
05:07 25/07/2022

Trước cái chết gần đây của ba người nhập cư Venezuela vô gia cư chết trong một container vận chuyển, Đức Tổng Giám Mục Fernando Chomali của tổng giáo phận Concepción, Chí Lợi, nói rằng “Chí Lợi đang bị bệnh” và đề xuất một cách để chữa trị căn bệnh nghiêm trọng của họ.

“ Với tư cách là một con người, với tư cách là cháu những người di cư, là một người Công Giáo và là tổng giám mục của Concepción, tôi cảm thấy xấu hổ và bất lực trước cái chết của ba người Venezuela trong một thùng chứa hàng khi họ đang cố gắng lấy lại hơi ấm,” vị giám mục nói trong một lá thư gửi ngày 19 tháng 7 cho giám đốc tờ báo El Mercurio.

“Thật đau xót khi chứng kiến sự thờ ơ trước những tin tức này, điều này khẳng định rằng xã hội đang ốm nặng. Thật là phân liệt khi những người di cư chết trong điều kiện không giống con người và tin tức này đi kèm với những quảng cáo khuyến khích mua những căn hộ ở Miami. Cả hai cái cùng tồn tại theo cách tự nhiên nhất”

Đức Tổng Giám Mục than thở rằng “chúng ta đã quen với việc những người chết trên đường phố vì lạnh và đói, và sự phô trương dưới mọi hình thức.”

Ba người Venezuela không có giấy tờ tùy thân đã chết ngày 15/7 trong một thùng chứa mà họ sử dụng làm nhà vì ngộ độc khí carbon monoxide từ một chiếc lò sưởi mà họ đang sử dụng để cung cấp hơi ấm trong điều kiện nhiệt độ thấp vào mùa đông ở Nam bán cầu.

Cơ quan truyền thông Bío Bío ở Chí Lợi đưa tin rằng người quá cố, hai phụ nữ tuổi 19 và 21 và một người đàn ông ở độ tuổi 40, đã sống trong thùng chứa gần 5 tháng và sống sót bằng cách chặt và bán củi cũng như rửa xe hơi của những người đã đến đó.

Chiếc container mà họ chết nằm cạnh một đường ở thành phố Concepción trong một khu vực có chức năng là trung tâm lưu trữ cho các công ty và hiện được sử dụng làm bãi đậu xe buýt và xe tải.

Tổng giám mục của Concepción cũng lưu ý rằng “nỗ lực mà chúng tôi thực hiện với tư cách là một Giáo hội để hỗ trợ người di cư, người vô gia cư, người già bị bỏ rơi, trẻ em bị vi phạm quyền, là đáng ghi nhận.”

Tuy nhiên, ngài nói, “sự thờ ơ của một xã hội rõ ràng đã lạc lối khi phớt lờ những thực tế này là điều đau đớn.”

Đức Tổng Giám Mục cũng lưu ý rằng “khoảng cách giữa một nhóm nhỏ những người thống trị mạng xã hội với những phân tích trí óc của họ và một nhóm lớn những người không biết liệu họ có đi ăn ngày mai hay không là rất lớn”.

Chomali nhấn mạnh rằng “việc rút ngắn khoảng cách là cấp bách và chỉ có một cách: thoát ra khỏi chính mình, nhìn rộng ra mọi thứ và cam kết thực hiện một sự đoàn kết rõ ràng và hiệu quả”.


Source:Catholic News Agency
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Maskwacis: Tôi chân thành xin lỗi
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
20:41 25/07/2022


Lúc 9g sáng Chúa Nhật 24 tháng 7, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma trong chuyến tông du Canada từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Bẩy. Đây là chuyến tông du thứ 37 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ năm sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng. Đây cũng là chuyến tông du thứ hai của ngài trong năm nay, sau khi đã viếng thăm Malta trong hai ngày mùng 2 vả 3 tháng Tư vừa qua.

Lúc 11:20 máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Edmonton, tỉnh Alberta.

Lúc 10g sáng ngày thứ Hai 25 tháng 7, Đức Thánh Cha đã thăm Maskwacis, ngôi trường dành cho người bản địa Ermineskine trước đây, một trong những trường lớn nhất trong nước, cách Edmonton khoảng 100 km. Ngài đã gặp gỡ các dân tộc First Nations, Métis và Inuit. Tòa nhà gần đây đã được phục hồi sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2020.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Bà Toàn quyền,

Thưa Ngài Thủ tướng,

Kính gửi những người dân bản địa của Maskwacis và của vùng đất Canada này,

Anh chị em thân mến!

Tôi đã chờ đợi để đến đây và được ở với anh chị em! Ở đây, từ nơi gắn liền với những kỷ niệm đau thương, tôi xin bắt đầu điều mà tôi coi là một cuộc hành hương, một cuộc hành hương đền tội. Tôi đã đến quê hương của anh chị em để nói với anh chị em về nỗi buồn của tôi, để cầu xin sự tha thứ của Chúa, ơn chữa lành và hòa giải, để bày tỏ sự gần gũi của tôi và cầu nguyện với anh chị em và cho anh chị em.

Tôi nhớ lại những cuộc họp chúng ta đã có ở Rôma bốn tháng trước. Vào thời điểm đó, tôi đã được tặng hai đôi giày da thú như một dấu hiệu của sự đau khổ mà trẻ em bản địa phải chịu đựng, đặc biệt là những đứa trẻ không may trở về từ các các trường nội trú dành cho người bản địa. Tôi được yêu cầu trả lại đôi giày da này khi đến Canada; Tôi đã mang chúng đến, và tôi sẽ trả lại chúng khi kết thúc vài lời này, trong đó tôi muốn suy ngẫm về biểu tượng này, biểu tượng mà trong vài tháng qua đã khiến tôi cảm thấy đau buồn, phẫn nộ và xấu hổ. Ký ức về những đứa trẻ đó quả thực rất đau đớn; nó thúc giục chúng ta làm việc để bảo đảm rằng mọi trẻ em đều được đối xử bằng tình yêu thương, danh dự và sự tôn trọng. Đồng thời, những chiếc giày da thú đó cũng nói cho chúng ta biết một con đường phải theo đuổi, một hành trình mà chúng ta mong muốn cùng nhau thực hiện. Chúng ta muốn cùng nhau bước đi, cùng nhau cầu nguyện và làm việc cùng nhau, để những đau khổ trong quá khứ có thể dẫn đến một tương lai công bằng, hàn gắn và hòa giải.

Đó là lý do tại sao phần đầu tiên của cuộc hành hương của tôi giữa anh chị em diễn ra ở vùng đất này, nơi mà từ xa xưa đã chứng kiến sự hiện diện của các dân tộc bản địa. Đây là những vùng đất nói với chúng ta; những vùng đất làm chúng ta ghi nhớ.

Hãy nhớ rằng: thưa anh chị em, anh chị em đã sống trên những vùng đất này hàng ngàn năm, tuân theo những cách sống tôn trọng trái đất mà anh chị em đã nhận được như một di sản từ các thế hệ trước và đang lưu giữ cho những người chưa tới. Anh chị em đã coi nó như một món quà của Đấng Tạo Hóa để được chia sẻ với những người khác và được nâng niu trong sự hài hòa với tất cả những gì tồn tại, trong mối tương giao sâu sắc với tất cả thụ tạo. Bằng cách này, anh chị em đã học được cách nuôi dưỡng ý thức về gia đình và cộng đồng, cũng như xây dựng mối liên kết bền vững giữa các thế hệ, tôn trọng người lớn tuổi và quan tâm đến những trẻ nhỏ của anh chị em. Một kho tàng các phong tục và giáo lý đúng đắn, tập trung vào sự quan tâm đến người khác, sự trung thực, lòng dũng cảm và sự tôn trọng, sự khiêm tốn, thật thà và trí tuệ thực tế!

Thật đáng buồn là trái với những bước đầu tiên được thực hiện trên những vùng đất này, con đường của sự hồi tưởng sẽ dẫn chúng ta đến những nẻo đường tiếp theo. Nơi mà chúng ta đang tụ họp làm dấy lên trong tôi cảm giác đau đớn và hối hận sâu sắc mà tôi đã cảm thấy trong những tháng qua. Tôi nghĩ lại những tình huống bi thảm mà rất nhiều người trong số anh chị em, gia đình và cộng đồng của anh chị em đã biết; những gì anh chị em đã chia sẻ với tôi về những đau khổ mà anh chị em phải chịu đựng ở các các trường nội trú. Đây là những chấn thương một cách nào đó được đánh thức lại bất cứ khi nào đối tượng xuất hiện; Tôi cũng nhận ra rằng cuộc gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay có thể gợi lại những kỷ niệm cũ và đau đớn, và nhiều người trong số anh chị em có thể cảm thấy không thoải mái ngay cả khi tôi đang nói. Tuy nhiên, đúng là phải nhớ, bởi vì sự lãng quên dẫn đến sự thờ ơ và, như đã nói, “đối lập của tình yêu không phải là hận thù, đó là sự thờ ơ… và đối diện của sự sống không phải là cái chết, đó là sự thờ ơ” (E. WIESEL). Nhắc nhớ những kinh nghiệm tàn khốc đã xảy ra trong các các trường nội trú làm đau đớn, tức giận, gây đau thương, nhưng nó là cần thiết.

Cần phải nhớ rằng các chính sách đồng hóa và khai phóng, bao gồm cả hệ thống trường học nội trú, đã tàn phá như thế nào đối với người dân ở những vùng đất này. Khi những người thực dân Âu Châu lần đầu tiên đến đây, có một cơ hội tuyệt vời để mang lại một cuộc gặp gỡ hiệu quả giữa các nền văn hóa, truyền thống và các hình thức tâm linh. Tuy nhiên, phần lớn điều đó đã không xảy ra. Một lần nữa, tôi nghĩ lại những câu chuyện mà anh chị em đã kể: các chính sách đồng hóa đã gạt các dân tộc bản địa ra ngoài lề một cách có hệ thống; thông qua hệ thống trường học nội trú, ngôn ngữ và văn hóa của anh chị em bị gièm pha và đàn áp như thế nào; trẻ em bị lạm dụng thể chất, lời nói, tâm lý và tinh thần ra sao; họ bị bắt khỏi nhà của họ khi còn nhỏ như thế nào, và những chính sách ấy xóa nhòa vĩnh viễn mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ông bà và con cháu ra sao.

Tôi cảm ơn anh chị em đã cho tôi biết điều này, đã cho tôi biết về những gánh nặng mà anh chị em vẫn phải gánh, đã chia sẻ với tôi những kỷ niệm cay đắng này. Hôm nay tôi ở đây, ở mảnh đất này, cùng với những ký ức xa xưa, lưu giữ những vết thương lòng vẫn còn nguyên những vết sẹo. Tôi ở đây bởi vì bước đầu tiên của cuộc hành hương đền tội của tôi giữa anh chị em là một lần nữa cầu xin sự tha thứ, để nói với anh chị em một lần nữa rằng tôi vô cùng xin lỗi. Xin lỗi vì những cách thức mà trong đó, đáng tiếc là nhiều Kitô hữu đã ủng hộ tâm lý thực dân hóa của các thế lực áp bức dân bản địa. Tôi xin lỗi. Đặc biệt, tôi cầu xin sự tha thứ đối với những cách thức mà nhiều thành viên của Giáo hội và các cộng đồng tôn giáo đã hợp tác, đặc biệt là thông qua sự thờ ơ của họ, trong các dự án phá hủy văn hóa và đồng hóa cưỡng bức do các chính phủ thời đó thúc đẩy, mà đỉnh điểm là hệ thống các trường học khu nội trú.

Mặc dù các tổ chức bác ái Kitô giáo không vắng mặt, và có nhiều trường hợp nổi bật về sự tận tâm và chăm sóc trẻ em, nhưng tác động tổng thể của các chính sách liên quan đến trường học nội trú là rất thảm khốc. Điều mà đức tin Kitô của chúng ta cho chúng ta biết rằng đây là một sai lầm tai hại, không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Thật đau đớn khi nghĩ đến việc đất đai vững chắc của các giá trị, ngôn ngữ và văn hóa tạo nên bản sắc đích thực của các dân tộc anh chị em đã bị xói mòn như thế nào, và anh chị em đã tiếp tục phải trả giá cho điều này. Trước sự xấu xa đáng trách này, Giáo hội quỳ gối trước Thiên Chúa và cầu xin Ngài tha thứ cho tội lỗi của con cái mình (xem JOHN PAUL II, Tông Sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể [29/11/1998], 11: AAS 91 [1999], 140). Bản thân tôi muốn khẳng định lại điều này, với sự xấu hổ và minh bạch. Tôi khiêm tốn cầu xin sự tha thứ cho tội ác của rất nhiều Kitô hữu chống lại người dân bản địa.

Anh chị em thân mến, nhiều anh chị em và đại diện của anh chị em đã nói rằng việc cầu xin sự tha thứ không phải là kết thúc của vấn đề. Tôi hoàn toàn đồng ý: đó chỉ là bước đầu tiên, điểm khởi đầu. Tôi cũng nhận ra rằng, “nhìn về quá khứ, mọi nỗ lực cầu xin sự tha thứ và tìm cách sửa chữa những tổn hại đã gây ra đều là không đủ” và rằng, “nhìn về phía trước tương lai, không thể chừa ra bất cứ nỗ lực nào nhằm tạo ra một nền văn hóa có khả năng ngăn chặn những tình huống như vậy xảy ra “(Thư gửi dân Chúa, ngày 20 tháng 8 năm 2018). Một phần quan trọng của quá trình này sẽ là tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về sự thật của những gì đã xảy ra trong quá khứ và hỗ trợ những nạn nhân trong các trường nội trú trải qua việc chữa lành những tổn thương mà họ phải chịu đựng.

Tôi tin tưởng và cầu nguyện rằng các Kitô hữu và xã hội dân sự ở vùng đất này có thể phát triển khả năng chấp nhận và tôn trọng bản sắc cũng như kinh nghiệm của các dân tộc bản địa. Tôi hy vọng rằng có thể tìm ra những cách cụ thể để làm cho những dân tộc đó được biết đến nhiều hơn và được quý trọng hơn, để tất cả có thể học cách bước đi cùng nhau. Về phần mình, tôi sẽ tiếp tục khuyến khích nỗ lực của tất cả những người Công Giáo để hỗ trợ người dân bản địa. Tôi đã làm như vậy trong những dịp khác và ở những nơi khác nhau, qua các cuộc họp, những lời kêu gọi và cũng như qua việc viết một Tông Huấn. Tôi nhận ra rằng tất cả những điều này sẽ đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Chúng ta đang nói đến những quá trình phải thâm nhập vào trái tim. Sự hiện diện của tôi ở đây và sự cam kết của các Giám mục Canada là minh chứng cho ý chí kiên trì của chúng ta trên con đường này.

Anh chị em thân mến, cuộc hành hương này diễn ra trong nhiều ngày và ở những nơi cách xa nhau; mặc dù vậy, nó sẽ không cho phép tôi chấp nhận nhiều lời mời mà tôi đã nhận được để đến thăm các trung tâm như Kamloops, Winnipeg và những nơi khác nhau ở Saskatchewan, Yukon và các Lãnh thổ Tây Bắc. Mặc dù điều đó là không thể, nhưng xin hãy biết rằng tất cả anh chị em đang ở trong suy nghĩ của tôi và trong lời cầu nguyện của tôi. Hãy biết rằng tôi nhận thức được những đau khổ và tổn thương, những khó khăn và thử thách mà người dân bản địa ở mọi miền trên đất nước này phải trải qua. Những lời tôi nói trong suốt hành trình sám hối này có ý nghĩa đối với mọi cộng đồng và người bản xứ. Tôi ôm tất cả anh chị em với tình cảm.

Trong bước đầu tiên của cuộc hành trình, tôi muốn tạo không gian cho ký ức. Ở đây, hôm nay, tôi ở cùng anh chị em hồi tưởng lại quá khứ, cùng đau buồn với anh chị em, cùng cúi đầu trong thinh lặng và cầu nguyện trước những ngôi mộ. Chúng ta hãy cho phép những khoảnh khắc im lặng này giúp chúng ta khắc sâu nỗi đau của mình. Im lặng. Và lời cầu nguyện. Trước sự dữ, chúng con cầu xin Chúa nhân lành; Đối mặt với cái chết, chúng ta cầu nguyện với Chúa của sự sống. Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã lấy một ngôi mộ, nơi dường như là nơi chôn cất mọi hy vọng và ước mơ, chỉ để lại nỗi buồn, nỗi đau và sự cam chịu, và biến nó thành nơi tái sinh và phục sinh, khởi đầu của lịch sử cuộc sống mới và hòa giải phổ quát. Những nỗ lực riêng của chúng ta không đủ để đạt được sự chữa lành và hòa giải: chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta cần sự khôn ngoan thầm lặng và mạnh mẽ của Thánh Linh, tình yêu dịu dàng của Đấng An Ủi. Cầu mong Người làm viên mãn những mong đợi sâu sắc nhất trong trái tim của chúng ta. Cầu mong Người nắm lấy tay chúng ta và giúp chúng ta cùng nhau thăng tiến trên hành trình của mình.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Martin Ashe ban Bí tích Thêm Sức tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne.
Trần Văn Minh
05:57 25/07/2022
Melbourne, Thánh lễ 5 giờ chiều Chúa Nhật Ngày 24/7/2022. Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã hân hoan chào đón Đức Cha Martin Ashe, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, đã đến cộng đoàn dâng lễ và Ban Phép Bí Tích Thêm Sức cho mười em thuộc Cộng Đoàn.
Xem hình
Thánh lễ do Đức Cha chủ tế cùng với hai cha Tuyên úy cộng đoàn là quý cha Phạm Minh Ước SJ và Phạm Văn Ái SJ đồng tế. Phụ trách thánh ca cho thánh lễ là Ca đoàn Cecilia thật xuất sắc đã dùng lời ca tiếng hát, tiếng đàn điêu luyện với các cung bậc trầm bổng để nâng tâm hồn mọi người lên cùng Chúa để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần đến.
Đây là lớp thêm sức của cộng đoàn sau gần hai năm tránh mùa dịch Covid. Các em sau thời gian chờ đợi đều đã lớn hơn trước. Các em được gia đình vui mừng cùng về dâng lễ mừng cho các cháu đón nhận ơn Chúa Thánh Thần thêm sức cho các em để vững vàng đức tin trong cuộc sống.
Sau bài chia sẻ tin mừng và lời giới thiệu của Cha tuyên úy Phạm Minh Ước. Xin cho các em được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Đức Cha Martin Ashe đã cùng các em và cộng đoàn tuyên xưng Đức tin, sau đó Đức Cha Martin Ashe đã cùng hai cha đón nhận từng em lên để đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần thêm sức cho các em qua việc sức Dầu Thánh và ban phép cho các em.
Buổi lễ kết thúc sau khi Đức Cha và hai Cha tuyên úy đứng lại vui vẻ chụp hình với gia đình các em, Mọi người đều vui vẻ trong một niềm vui trọng đại trong đời sống đức tin của các em khi nhận Phép Bí Tích Thêm Sức.
 
Văn Hóa
Mười lối sống thất nhân tâm cần tránh
Lm. Đan Vinh
05:11 25/07/2022

BÀI 11
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – MƯỜI LỐI SỐNG THẤT NHÂN TÂM CẦN TRÁNH

1. LỜI CHÚA : Điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất : “Hãy yêu thương người bên cạnh như chính bản thân mình”. (x. Mt 22, 35-40).

2. CÂU CHUYỆN : ĐỪNG GÂY VỚI AI.

DALE CARNEGIE, tác giả sách "Đắc nhân tâm” nổi tiếng, kể lại câu chuyện sau :
"Trong một bữa tiệc, ông khách ngồi bên tay mặt tôi quả quyết rằng câu "Có một vị thần nắm giữ vận mạng của ta mà ta không thể cưỡng lại được" là câu trong sách Thánh kinh. Ông ta đã thực sự sai lầm khi nói như vậy. Để tỏ ra mình có kiến thức hơn ông nên tôi đã mạnh dạn lên tiếng công khai cải chính :
- Không đúng. Câu đó của thi hào Shakespeare.
Ông ta không chịu là mình đã sai nên cãi lại :
- Sao? Câu đó mà của Shakespeare sao? Không thể được ! Thậm vô lý ! Rõ ràng là trong Thánh Kinh mà ! Tôi nhớ rõ như thế.
Ngồi bên trái tôi là ông Grammond bạn cũ của tôi. Ông này đã nhiều năm nghiên cứu về Shakespeare. Cho nên chúng tôi quay lại yêu cầu ông ta phân giải xem ai đúng ai sai. Ông Grammond đá mạnh vào chân tôi dưới bàn làm hiệu, rồi tuyên bố :
- Anh Dale, anh lầm rồi. Rồi ông quay sang nói với người kia :
- Ông đã nói đúng. Câu đó ở trong Thánh Kinh.
Khi ra về cùng với Grammond, tôi nói :
- Anh biết câu đó là của Shakespeare mà, phải không?
Ông Grammond trả lời :
- Đương nhiên rồi. Nó ở trong vở kịch "Hamlet", hồi V, màn II. Nhưng, này anh Dale, chúng ta là khách trong một cuộc hội họp vui vẻ, tại sao anh lại muốn chứng minh cho mọi người thấy ông ấy đã sai lầm? Có phải làm như vậy thì người ta sẽ có thiện cảm với anh chăng? Sao không để ông ta giữ lại chút thể diện? Ông ta đâu có hỏi ý kiến của anh, thì tại sao anh phải tranh luận với ông ta? Tốt nhất là anh đừng nên gây sự với ai hết.

"ĐỪNG GÂY SỰ VỚI AI HẾT". Ông bạn già của tôi nói câu ấy nay đã khuất, nhưng lời khuyên đó, đến bây giờ vẫn còn giúp tôi rất nhiều. Mà hồi ấy tôi lại cần có bài học đó vô cùng. Sau vô số kinh nghiệm tranh luận đã trải qua, tôi nhận ra rằng : cách hay nhất để thắng một cuộc tranh luận là hãy tránh xa nó đi. Hãy trốn nó như trốn con rắn hổ, hoặc trốn một trận động đất vậy. Vì mười lần thì có tới chín lần những đối thủ của tôi, sau cuộc tranh luận, dù thua nhưng vẫn không phục thiện và vẫn tin chắc là họ đúng và sẽ trở thành kẻ thù của tôi sau này.
Phải chăng qua câu chuyện này, Dale Carnegie khuyên chúng ta hãy “ba phải”, lẩn tránh các cuộc tranh luận, giấu đi chính kiến của mình để làm vừa lòng kẻ khác? Không, ý nghĩa của câu chuyện là thế này : Muốn giữ được bạn bè, chúng ta nên tỏ thái độ lịch sự tối thiểu. Ngay cả khi chúng ta bất đồng ý kiến với họ mà chúng ta hoàn toàn có lý, cũng vẫn nên ứng xử nhã nhặn lịch sự.
Tóm lại : Chiến thắng đối thủ bằng sự thuyết phục, kèm theo thái độ tôn trọng và giữ danh dự cho họ, ấy mới thực là “đắc nhân tâm” vậy.

3. SUY NIỆM : MƯỜI LỐI SỐNG THẤT NHÂN TÂM CẦN TRÁNH NHƯ SAU :

1) Ích kỷ hại nhân : Chỉ nghĩ đến mình, ưa nói về mình và những gì mình thích, mà không quan tâm, không nghĩ đến người khác. Chẳng hạn : Khi xem truyền hình muốn mở chương trình phim mình thích, không cần nghĩ đến sở thích của những người khác đang cùng xem chung với mình.

2) Tính toán bủn xỉn, cư xử bất công : Tính tình nhỏ mọn chẳng hạn : không tự giác trả lại tiền dư; Ăn chặn tiền từ thiện. Không giúp không cho ai cái gì.

3) Tự tôn, kiêu căng, tự mãn : Thích “nổ” để tỏ ra hơn người. Thích kể công và khoe khoang thành thích của mình. Có thái độ khúm núm khiêm nhường giả tạo.

4) Thiếu tôn trọng người khác : Không biết “kính trên nhường dưới”. Thái độ hách dịch và xem thường người khác. Lấy ý mình làm trọng và không tôn trọng ý chung tập thể, dù biết mình sai. Ngắt lời người đang nói nếu họ nói trái ý mình. Thích phân tích động cơ và tâm lý của người khác để công khai phản bác. Nói hành nói xấu những kẻ vắng mặt.

5) Độc tài ác độc : Có lối hành xử cứng nhắc cửa quyền, không biết lắng nghe và thiếu thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người khác. Cư xử “ác nhân thất đức” thiếu tình người, có thái độ “cả vú lấp miệng em” hoặc “Lấy thịt đè người”.

6) Thủ đoạn xảo quyệt : Không trung thực trong lời nói và hành động. Thích kéo bè kết đảng để gây chia rẽ, làm mất tình đoàn kết nội bộ, hay vào hùa với số đông dù biết là sai trái bất công. Có thái độ “thượng tôn hạ đạp”, nghĩa là xu nịnh kẻ trên và khinh thường người dưới.

7) Chua ngoa cay nghiệt : Hay oán trách người khác, không bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại. Thích gây hấn và dễ nổi giận về những chuyện không đâu. Thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Lười biếng làm việc bổn phận. Lúc nào nét mặt cũng lộ vẻ u sầu chán nản.

8) Đầu óc thủ cựu thành kiến và không cầu tiến : Có lối suy nghĩ bảo thủ, không muốn thử nghiệm cái mới để cải tiến phương pháp làm việc. Không chịu học tập những người thành công để ngày một thăng tiến.

9) Thiếu lập trường, ba phải, nông cạn ấu trĩ : Làm việc vô nguyên tắc. Không có lập trường nên ai bàn gì cũng nghe. Hay thay đổi quyết định khiến người cộng tác không an tâm. Có cái nhìn thiển cận, ấu trĩ và thiếu nghiêm túc đối với những điều quan trọng.

10) Bất lịch sự trong giao tiếp : Thiếu nụ cười khi gặp gỡ tha nhân. Có thái độ bàng quang thờ ơ với việc chung. Thiếu nhiệt tình thi hành việc bổn phận và dễ dàng bỏ qua các công tác đã được cấp trên phân công.

4. SINH HOẠT : Trong những điều nói trên, bạn thấy điều nào thường gây thất nhân tâm cần cấp thời loại trừ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin giúp mỗi người chúng con tìm ra những sai sót khuyết điểm trong cách ứng xử để tu sửa, hầu ngày một thành công và nên hoàn thiện hơn.- AMEN.
 
Các phương cách gây thiện cảm
Lm. Đan Vinh
05:17 25/07/2022

BÀI 12
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - CÁC PHƯƠNG CÁCH GÂY THIỆN CẢM

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. SUY NIỆM :

DALE CARNEGIE (1888-1955)

ĐẮC NHÂN TÂM hay thuật gây thiện cảm là điều kiện quan trọng để thành công trong mọi việc. Sau đây là một số nguyên tắc giúp gây thiện cảm với tha nhân :

1) Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để gây được thiện cảm với người khác là phải có thiện cảm với người khác trước, thể hiện qua sự mỉm cười thân thiện, chủ động bắt chuyện làm quen với người mới và hiểu biết một số điều thông thường như : tên, tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh, nhà ở… của họ.
2) Cần theo nguyên tắc của Đức Khổng Tử dạy : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Trong Cưu Ước, Tô-bi-a cha đã khuyên Tô-bi-a con như sau : “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a).
3) Cần lưu ý về y phục của mình như người xưa dạy : “Y phục xứng kỳ đức” : Một người ăn mặc lịch sự sẽ dễ gây cảm tình của người khác hơn một kẻ ăn mặc cẩu thả lôi thôi.
4) Cần lọai bỏ tính khép kín cục bộ nhưng biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân. Luôn giữ nét mặt vui tươi khi tiếp xúc vì sự vui vẻ dễ chinh phục tình cảm của người đối diện hơn thái độ ủ rũ chán chường.
5) Hãy nhớ ngày sinh nhật của người khác và chủ động gọi điện, gửi thiệp hay quà mừng tùy theo tình trạng quen sơ hay thân. Bạn có thể tìm ngày sinh trên thẻ căn cước công dân, bằng lái xe hoặc sơ yếu lý lịch hay trên các trang … để biết ngày sinh của họ và ghi vào sổ tay để chúc mừng. Cần gọi đúng tên của người khác : Vì ai cũng nhạy cảm với tên của mình. Nhớ được tên để xưng hô là cách gây thiện cảm hiệu quả.
6) Về lời nói : Người xưa dạy : “Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Khi trả lời điện thọai bạn cần nói giọng vui vẻ chứ không miễn cưỡng ngay từ tiếng “alô” đầu tiên. Thánh Gia-cô-bê cũng dạy : “Mau nghe, chậm nói và khoan giận” (x Gc 1,19).
7) Khi nói chuyện cần nghe hơn là nói nhiều. Cần cho người nói cơ hội bộc lộ tâm tư tình cảm và những ưu tư rồi lắng nghe và khích lệ họ nói. Chỉ nên nói khi họ có thiện chí muốn nghe.
8) Ăn nói trung thực : Tránh khoe khoang thành tích của mình. Không phê bình chỉ trích người vắng mặt. Tránh ăn nói thô lỗ cộc cằn, cử chỉ thô bạo khiến người khác sợ hãi né tránh và đánh giá thấp về tư cách của bạn. Thánh Gia-cô-bê cũng có lời khuyên các tín hữu kềm chế miệng lưỡi của mình (x Gc 3,1-12).
9) Nên thảo luận để tìm chân lý chứ không tranh luận hơn thua vì dễ dẫn đến sự giận dỗi và thù ghét nhau.
10) Tập làm trạng sư bào chữa lỗi lầm của anh em hơn là nghĩ xấu, nói xấu vì sẽ đưa tới chia rẽ ly tán.
11) Cần khen cách thành thật và đúng lúc đúng chỗ. Tránh thói xu nịnh bợ đỡ hèn hạ như người xưa dạy : “Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải thì là thầy ta. Ai nịnh hót ta đó mới chính là kẻ thù của ta vậy”.
12) Hãy đi bước trước làm hòa với những ai đang hiểu lần và thù ghét mình noi theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su (x Mt 5,43-48).
13) Hãy bao dung độ lượng và dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm của người khác như Chúa dạy (x Mt 18,21-22).
14) Cần sửa lỗi cho nhau cách tế nhị và khôn ngoan (Mt 18,15-17).
15) Khi ứng xử cần đặt mình vào hòan cảnh người khác để cảm thông và giúp đỡ chân tình như lời Chúa phán : “Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
16) Đừng vạch lá tìm sâu, nhưng tập nhìn mặt tốt của người khác. Tránh mang định kiến hẹp hòi về người khác.
17) Cần tôn trọng ý kiến đa số trong tập thể và tránh lối hành xử độc đoán.
18) Cần cư xử cách trung thực quang minh chứ không giả dối che đậy.
19) Không can thiệp vào việc riêng của người khác nếu họ không yêu cầu.
20) Cần tế nhị kín đáo khi giúp đỡ bạn bè về tài chính để tránh cho họ khỏi bị mặc cảm tự ti.

3. SINH HOẠT : Hãy cho biết những nguyên nhân thường gây tranh cãi bất đồng giữa các thành viên trong tập thể là Gia Đình hay Cộng Đoàn?

4. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Chúa đã dạy các môn đệ, trong đó có các tin hữu chúng con hôm nay về cách đối nhân xử thế để gây thiên cảm với mọi người : “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta”. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi Lời Chúa là quên mình và nghĩ đến người khác, cụ thể là lắng nghe để cảm thông, để động viên chia sẻ, để khiêm nhường phục vụ tha nhân với hết khả năng, hầu nên chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt mọi người”. – AMEN.





 
Tránh thói ích kỷ hại nhân
Lm. Đan Vinh
05:22 25/07/2022

BÀI 13
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TRÁNH THÓI ÍCH KỶ HẠI NHÂN

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : XIN MÙ MỘT MẮT.

Có một chàng trai có số khổ, bởi đi đâu anh cũng đều than : “Tui khổ quá !” Ông bụt nghe anh ta kêu khổ như thế, nên ngày nọ đã hiện ra và nói với anh :
- Thôi con đừng than khổ nữa, ta cho con một điều ước. Nhưng điều ước này có một điều kiện là : khi con ước được điều gì thì người hàng xóm mà con thù ghét sẽ nhận được gấp đôi của con.
Chàng trai liền suy tính :
- Nếu ta muốn có 1 triệu USD để xài mà cái thằng hàng xóm chết tiệt kia ngồi không lại nhận được gấp đôi số tiền của ta hay sao?
Bỗng anh ta nảy ra trong đầu một ý nghĩ táo bạo để trả thù tên hàng xóm đáng ghét kia, nên anh liền vui vẻ thưa với ông Bụt như sau :
- Thưa bụt, con ước con bị mù 1 con mắt, để tên hàng xóm kia sẽ bị đui cả 2 con mắt luôn !

3. SUY NIỆM :

Chàng trai lẽ ra ước mong điều tốt để làm hoà với người hàng xóm và cả hai đều được hưởng hạnh phúc, thì lại làm điều ngược lại là ước cho mình bị mù một mắt để kẻ thù của anh bị mù hai mắt. Đó chính là biểu hiệu của thói ích kỷ hại nhân.
Ngày nay có lẽ nhiều người cũng có suy nghĩ ích kỷ như vậy : Thay vì chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân, thì lại vui khi thấy kẻ mình không ưa bị tai ương hoạn nạn. Thay vì ước mong điều lành cho tha nhân, thì lại tìm cách gây đau khổ bất hạnh cho kẻ mình không ưa.

4. SINH HOẠT :
Trong nhà hội có đông người, nhưng chỉ được bố trí có vài ba chiếc quạt mát. Bạn có nên để quạt ở chế độ đứng tại chỗ bạn đang ngồi, mà không cho ở chế độ xoay để nhiều người khác cũng được hưởng gió mát hay không? Tại sao?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói ích kỷ hại nhân, khi chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình và của các người thân, mà không biết nghĩ đến ích chung của tập thể. Xin cho chúng con biết quên mình để nghĩ đến người khác, hầu chúng con nên người trưởng thành nhân cách, và gây được thiện cảm với mọi người.- AMEN.


 
Nghĩ đến người khác
Lm. Đan Vinh
05:27 25/07/2022

BÀI 14
VĂN HOÁ ỨNG XỬ –NGHĨ ĐẾN NGƯỜI KHÁC

1. LỜI CHÚA :
Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : CHIẾC GIÀY CỦA GĂNG-ĐI.

MAHATMA GANDHI (1868-1948)

Sau một tiếng còi vang lên báo hiệu tới giờ khời hành. Chiếc xe lửa từ từ chuyển bánh và GĂNG-ĐI (Gandhi) từ sân ga vội chạy đến toa và vừa kịp bước chân lên toa hành khách thì tàu bắt đầu chạy. Bất ngờ một chiếc giày của ông bị vướng vào bậc thang để lên tàu và bị rơi xuống đường ray. GĂNG-ĐI không thể nhảy xuống nhặt lại chiếc giày đắt tiền vừa bị rơi kia khi con tàu tăng tốc. Bấy giờ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người gần đó, GĂNG-ĐI đã lập tức cúi xuống tháo luôn chiếc giày còn lại ném về phía chiếc giày vừa bị rớt xuống đường kia. Sau khi an vị, người hành khách ngồi bên cạnh đã thắc mắc hỏi ông tại sao làm như vậy, thì được GĂNG-ĐI trả lời : “Sở dĩ tôi ném chiếc giày còn lại xuống đường ray là để nếu có người nghèo nào đó lượm được chiếc giày thứ nhất, sẽ dễ tìm thấy chiếc thứ hai và có thể sử dụng được đôi giày của tôi !”.

3. SUY NIỆM :

- Có lẽ mỗi người chúng ta thường nghĩ đến mình hơn nghĩ đến người khác. Đó là thói ích kỷ cố hữu của con người. Có một trắc nghiệm để đánh giá trình độ trưởng thành của một người là : Bao lâu họ chỉ biết nghĩ đến ích lợi của bản thân, là họ vẫn còn trong tình trạng ấu trĩ về tâm lý. Chỉ khi họ biết quên mình để nghĩ đến người khác, thì mới thực sự nên người trưởng thành về nhân cách.
- Nghĩ đến người khác là thực hiện lời đức Khổng Tử : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Thánh kinh Cựu ước cũng đã ghi lại lời Tô-bi-a cha khuyên Tô-bi-a con như sau : “Điều con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15a). Thánh Phao-lô khuyên tín hữu thành Phi-lip-phê như sau : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).
- Chúng ta phải “nghĩ đến người khác” vì mọi cái chúng ta đang sử dụng đều do người khác mang lại và phải nhờ người khác mà ta mới có được như : cơm ăn, áo mặc, xe cộ, đồ dùng, điện nước, thuốc uống, kiến thức, luật pháp… Nếu không được người khác cung cấp giúp đỡ thì cuộc sống của chúng ta sẽ gặp nhiều bất hạnh. Do đó, đến lượt chúng ta, thật là công bình và chính đáng khi ta cũng phải biết nghĩ đến và phục vụ người khác theo khả năng của mình.
- Nghĩ đến người khác là cách ứng xử tốt đẹp : Nhưng để thực hiện được điều này, đòi người ta phải tập thành thói quen, thành một phong cách ứng xử có văn hóa. Sở dĩ GĂNG-ĐI lập tức cởi chiếc giày thứ hai quăng xuống đường ray bên dưới là do ông đã tập thành thói quen “nghĩ đến người khác”, nên khi có dịp là lập tức phản ứng ngay mà không cần thời gian suy nghĩ và bỏ lỡ cơ hội.
- Trong gia đình, cha mẹ Công Giáo cần tập “nghĩ đến người khác” theo gương Đức Giê-su. Cần giúp con cái ý thức và biết luôn “nghĩ đến người khác” ngay từ khi còn ấu thơ. Đây là điều kiện giúp chúng quên mình vị tha và hy sinh phục vụ tha nhân để nên người trưởng thành nhân cách, nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su và chu toàn sứ vụ làm chứng cho Người.

4. SINH HOẠT :
Để tạo thành thói quen ứng xử vị tha như GĂNG-ĐI, chúng ta cần phải làm gì ngay từ hôm nay? Bạn sẽ làm gì cụ thể để hình thành thói quen quên mình để nghĩ đến người khác ngay từ gia đình đến trường học và nơi sở làm?

5. LỜI CẦU :

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp mỗi người chúng con biết thực hành giới răn bác ái của Đức Giê-su Con yêu quí của Cha, bằng việc năng thực hành theo câu châm ngôn : “Nghĩ Đến Người Khác và Đáp Ứng Nhu Cầu”. Nhờ đó chúng con sẽ ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và trở thành chứng nhân của Chúa trước mặt mọi người.- AMEN.



 
Quên mình vị tha
Lm. Đan Vinh
05:33 25/07/2022

BÀI 15
VĂN HOÁ ỨNG XỬ –QUÊN MÌNH VỊ THA

1. LỜI CHÚA :
Thánh Phao-lô dạy : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hay tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).

2. CÂU CHUYỆN : ÍCH KỶ LÀ BẢN TÍNH TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI :
Bé Tâm bảy tuổi trước khi đi dự lễ Chúa Nhật, mẹ đưa cho bé hai đồng tiền xu mệnh giá 5 đồng và dặn rằng : “Con nhớ bỏ một đồng vào giỏ tiền thau nhà thờ trong thánh lễ để dâng cho Chúa giúp cho người nghèo, còn đồng tiền thứ hai con sẽ mua một gói xôi để ăn sáng sau khi lễ xong nghe chưa?”.
Tâm nắm chặt hai đồng tiền xu trong tay theo bố đi dự lễ. Trên đường đi chẳng may em đạp phải một hòn đá nên bị té xuống đất. Hai đồng tiền xu trong tay bị văng khỏi túi áo, một đồng nằm ở hè đường trên lối đi, còn đồng kia thì lăn xuống lỗ ga thóat nước bên đường và bị mất tăm. Em lồm cồm bò dậy nhặt đồng xu còn lại rồi thưa với Chúa : “Chúa ơi. Hôm nay thật xui cho Chúa quá. Cái đồng tiền xu con định dâng cho Chúa đã bị rơi xuống lỗ ga mất tiêu rồi. Còn đồng này là của con đó nha”.

3. SUY NIỆM :
Hầu như ai trong chúng ta cũng đều suy tính chọn phần lợi cho mình và dành phần thua thiệt cho người khác. Như trường hợp của bé Tâm trong câu chuyện trên : Em có thể bỏ đồng xu còn lại vào giỏ thau nhà thờ để dâng cho Chúa giúp cho người nghèo, vì em đã có lỗi bất cẩn làm mất đồng xu kia. Hoặc ít nhất với đồng xu còn lại, em có thể mua xôi một nửa cho mình và dâng vào nhà thờ phân nửa cho công bình. Trong thực tế, Giáo hội và những nguời nghèo chung quanh chúng ta nhiều lần đã chẳng nhận được gì, vì chúng ta đã tính toán ích kỷ để luôn có lợi cho mình và có hại cho tha nhân.

3. SINH HOẠT :
Tại sao bé Tâm trong câu chuyện trên lại chọn phần lợi cho mình và để phần bất lợi cho người nghèo?

4. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho con biết vượt qua thói xấu ích kỷ để tập sống quảng đại với tha nhân. Cho chúng con biết hy sinh để nhường quyền lợi nhiều hơn và nhĩa vụ ít hơn cho người khác, hầu ngày một nên trưởng thành về nhân cách và hy vọng sẽ được Chúa hưởng hạnh phúc viên mãn trên thiên đàng đời sau.- AMEN.








 
Anh Ba Bích
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
12:05 25/07/2022
Anh Ba Bích

(Nhân ngày lễ giỗ thứ 25 năm (1997 - (27.7) - 2022) của linh mục Phêrô Bùi Huy Bích)

Không biết cái “cốt hài hước” nó có từ đâu? Từ quê ngoại con cháu ông Lóc ở Đồng Cọ Quảng Ngãi, hay từ quê hương gốc Xoài của đống họ Bùi ở Bình Định? Nhưng có lẽ từ cả hai, nên “Anh Ba Bích”, con thứ hai sau người chị cả Châu, của bác Trang Gò Xoài, vừa hội đủ hai cái yếu tố “cực trọng” của khoa hài: “hài tỉnh bơ” như dân Quảng Ngãi “cãi lý” và “hài nổ banh” như dân Bình Định múa võ Quang Trung !

Vâng, nhớ đến cha Phêrô Bích, nguyên chánh xứ Mằng Lăng cho đến khi được Chúa gọi về đúng ngày “Thương binh liệt sĩ” - 27.7.1997 - cách đây tròn một “ngân khánh”, là người ta nghĩ ngay tời một “cây cười” và “cây nghịch” của hàng linh mục Qui Nhơn; đúng hơn, một ông cha sở vui tính, hài hước, bình dân, dễ hoà đồng, dễ tiếp cận… và cũng pháo nổ tưng bừng, nghịch ngợm khỏi chê !

Mà không dễ hoà đồng sao được ! Vì những ai sinh sống ở Đồng Tre Xuân Phước, Suối Ré Phước Lộc, La Hai Đồng Xuân… từ thập niên 70 của thế kỷ trước mà còn sống, thì hầu hết không biết mặt thì cũng biết tên “Ông Cố Bích”. Riêng Anh Ba Bích nhà ta không chỉ biết tên từng đứa nhỏ chăn bò mà cả cha mẹ và ông bà của tụi chúng ngài cũng biết hết “không tha” ! Vì thế, rất nhiều lần, với chiếc xe “Honđa 68 cà tàng” trên đường từ Đồng Tre xuống Suối Ré, mấy em chăn bò xa xa bên đường đã vọng tiếng chào: “Ông Cố Bích, Ông Cố Bích… !”; và ngài đã mạnh miệng đáp lại với cung giọng rất thân tình “Ông Cố cứt… Ông Cố Cứt.. !”.

Mà không chỉ nghịch ngợm với tụi nhỏ thôi đâu; ngài nghịch luôn với đám “bạn sồn sồn” mà ngài thường quen mặt trong những đám giỗ cả lương lẫn giáo; đến độ, có ông lái đò tên “Chín Cu” phía xóm ngoài Suối Ré, một ngày kia Anh Ba Bích gọi ông ta chèo đò, không gọi tên “Chín Cu” mà ung dung la lớn: “Bớ ông Mười Tám dái…”. Ông nầy cũng cười xoà vì kiểu lý luận toán học “9X2” của ngài !

Ngài hoà đồng, thân thiện đến độ cả khu chợ Phước Lộc Suối Ré, mấy bà hàng mắm ruốc, hàng cá khô, rau ngũ quả… đều quen mặt “Cố Bích”; và sẵn sàng bỏ vào cái giỏ đi chợ của ngài một ít mà không lấy tiền. Riêng mấy anh chị em người lương, người Phật, cứ mỗi lần bị nhặm mắt, gai đâm mắt, đau bụng… đều chạy tới Cố Bích xin chút rượu lễ để nhỏ, để uống cho mau bớt; và nhờ đó, chẳng có đám giỗ, đám ma từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới cả vùng Xuân Phước, Phước Lộc, La Hai… mà không có ngài; hoặc được mời tử tế; hoặc không mời hay chưa kịp mời, ngài cũng “xông vào đại”; nhất là những khi đang đi mò cá với đám giúp lễ mà đột nhiên đói bụng ! Và không chỉ có được một bữa no, ngài còn lận cả vào vạt áo một lô nào bánh chưng, bánh thuẫn, bánh ít… cho các “đồng chí bé nghịch ngợm của ngài”.

Phải chăng, nhờ phong cách sống bình dân, hoà đồng, cởi mở và hài hước đó mà ngài đã đi qua chặng đường mục tử 17 năm, từ năm 1975 đến 1992, một thời đầy khó khăn, cơ cực của một vùng đất đã từng là “khu bất khả xâm phậm của Biệt kích Đồng Tre” thời Việt Nam Cộng Hoà, và là nơi có “Trại Trừng giới trung ương A 20” khét tiếng của Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa !

Nói đến khó khăn của thời đó, chắc thế hệ trẻ hôm nay khó mà tưởng tượng. Bởi vì, suốt 17 năm làm linh mục chánh xứ Đồng Tre, ngài chỉ có một căn phòng để ở liền sau phòng thánh của nhà thờ Suối Ré một chiều khoảng 2 thước, chiều kia hơn 5 thước. Suốt 17 năm, ai lên thăm ngài lỡ có nhu cầu vệ sinh, phải chịu khó ra bờ ruộng hoặc đám mía phía sau ! Và cũng suốt 17 năm, cái gối của ngài lớp vải đã đen cứng như tráng một lớp nhựa cao su mà thực chất là mồ hôi và “đất hiếm” của da cổ và đầu ! Đó là chưa kể, những cây sắt tròn làm cửa sổ to bằng ngón tay trỏ, ở đoạn dưới cùng bỗng bị ăn mòn còn bé tí như chiếc đũa… ! Lý do: 17 năm bị “oxit hoá” bởi “nước tiểu đến từ bên trong” !

Những chuyện hài hước, vui nghịch của ngài, chỉ trong thời gian 17 năm ở Đồng Tre – Suối Ré thôi, thì cũng đã kể không hết. Vì thế, bọn tôi, Hiền, Đệ, mỗi lần về Suối Ré săn chim, tối lại, nằm nghe mấy ông đệ tử của ngài như Hải, Trung, Nam, Thanh, Trường, Đức… kể mà cười đau ruột; nó hấp dẫn đến độ, là cứ mỗi câu chuyện về ngài, bọn tôi phải trả hoặc một cái áo lính để đi bắn chim, một gói thuốc cotab, hoặc một lít rượu gạo…

Mà không chỉ ngài nghịch, vui, pháo… với giáo dân; với cả anh em linh mục ngài cũng “chơi tới bến”. Có một lần, một linh mục trẻ ở Sài Gòn (Hình như cha Nguyễn Văn Hiền đặc trách giáo lý thì phải?) ra Phú Yên có dịp gặp ngài, thấy ngài nói chuyện vui quá bèn hỏi: “Thưa cha, cha đang ở xứ nào?” Ngài liền trả lời gọn ơ: “Tui ở cái xứ mà nếu tui lấy hai con dợ Đức Cha cũng hổng biết” ! ! ! Linh mục kia chỉ biết há hốc và sau đó cười rũ rượi !...

Thế nhưng, nếu sự bình dân, hài hước, nghịch ngợm vui tính… đã giúp ngài vượt qua những ngày cơ cực cách suôn sẻ để chu toàn sứ vụ mục tử; nhất là để đến với muôn dân (Ad Gentes), với những anh em người lương…, thì đây cũng lại là khí cụ hữu hiệu để ngài “kiếm được kha khá” những khoản tài chánh cho công việc trùng tu các nhà thờ Suối Ré, Đồng Tre; và sau đó là Mằng Lăng, Xóm Làng, Đồng Cháy, Hội Tín… Ngài đã từng chia sẻ: chỉ cần ngồi chung một chuyến xe trên đoạn đường từ Chí Thạnh về Qui Nhơn, ngài đã được một giáo dân Phù Cát sẵn sàng rút hết tiền trong ví tặng ngài; và sau đó còn mời ngài về tận nhà cho thêm mấy cây vàng !

Nhưng, nói về ngài mà chỉ dừng lại ở khía cạnh bình dân, hoà đồng, hài hước, nghịch ngợm… và ăn to, nhất là bún mắm, thì e chưa đủ. Với cái hình dáng mập mạp, đen to, nhưng ngài lại nhanh nhẹn; và nhất là có khiếu hội hoạ. Ngài vẽ rất đẹp và viết chữ thì khỏi chê, văn chương cũng nhẹ nhàng thâm thuý. Đến độ, Đức cố Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, khi còn sống và làm Giám đốc Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, đã giữ luôn bức thư của “Anh ba Bích” ngay trên giữa bàn làm việc của Đức Cha. Ngài cũng thuộc dạng linh mục hùng biện trong khoa giảng. Khi giảng dạy cho giáo dân, giọng ngài sang sảng, nhiều khi không cần cả micro !

Nhân dịp kỷ niệm “Ngân Khánh Qua Đời” của ngài, chỉ biết ôn lại đôi nét đan thanh về cuộc đời của một vị mục tử mà tôi được vinh dự kế nhiệm ngài từ năm 1992, thay ngài làm cha sở Đồng Tre để ngài về coi sóc giáo xứ Mằng Lăng. Sau 17 năm cơ cực và bị nhiều áp lực ở vùng sơn cước, cứ tưởng những ngày tháng êm đềm tại Mằng Lăng sẽ cho ngài an khang trường thọ, như chính ngài đã từng bừng dậy lúc nửa đêm và tâm sự với thầy Đệ: “Sau 17 năm, đêm nay là đêm ngủ ngon nhất của tao”, nhưng ngài đã “lên đường theo lệnh triệu hồi của Chúa”, mà “điềm báo” hình như đã đến ngay trong bữa tiệc ngài mừng Ngân Khánh linh mục (72-97) khi nút chai sâm banh làm đứt cả những dây băng trang trí nơi nhà xứ Mằng Lăng !

Cho dù xã hội ngày hôm nay không như “cái thuở ngày xưa” của ngài, những “con đường mục vụ” hôm nay cũng đã đổi thay bằng “trải nhựa hoặc bê tông”, nhưng phong cách mục tử cần thiết để thành công trong công cuộc chăm sóc đoàn chiên, nhất là trong công việc “truyền giáo”, đến với muôn dân, thì đời nào vẫn thế: vẫn với những hành trang được Đức Kitô thông báo trong lệnh lên đường: Khó nghèo, tín thác, sẵn sàng… cùng với những đức tính của “người rửa chân”: khiêm tốn, hoà đồng, vui tươi và chẳng hề nệ khó ! Thiết tưởng, “Anh Ba Bích” là một mẫu linh mục mà thế hệ đàn em chúng ta hôm nay cần học hỏi bắt chước, nhất là trong định hướng “hiệp hành” mà “cả và Hội Thánh” đang nỗ lực triển khai. Vâng, chỉ là một linh mục hiệp hành khi “cùng đi với dân Chúa, cùng mang mùi chiên; khi đi trước, đi giữa hay đi sau đoàn chiên” (ĐGH Phanxicô).

Trương Đình Hiền (25.7.2022)
 
VietCatholic TV
Ukraine tổng tấn công 5 căn cứ Nga, tuyên bố tháng 9 tái chiếm Kherson. Mối thù Liz Truss và Nga
VietCatholic Media
03:52 25/07/2022


1. Tổng tấn công Kherson: Năm cứ điểm của Nga bị san bằng

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 25 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Không Quân Ukraine đã tấn công vào 5 mục tiêu của quân đội Nga. Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công ba cứ điểm của đối phương ở quận Beryslav và hai cứ điểm khác ở quận Kherson.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Để ngăn chặn đà tiến của các lực lượng trên bộ của quân Ukraine đang tiến công mạnh mẽ về hướng Kherson, đối phương cố gắng phát động phản công theo hai hướng tại quận Beryslav của vùng Kherson để khôi phục lại vị trí đã mất. Tuy nhiên, những kẻ xâm lược đã không thành công và rút lui chịu tổn thất.”

“Không Quân của chúng ta đã tung ra 5 cuộc tấn công vào đối phương. Một cặp máy bay cường kích và máy bay ném bom đã tấn công ba cứ điểm của đối phương ở quận Beryslav, và một cặp Mi-8 và Mi-24 nhắm vào hai cứ điểm của đối phương ở quận Kherson”

Trong ngày qua, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã thực hiện khoảng 190 phi vụ hỏa lực và loại khỏi vòng chiến 66 lính Nga, 5 xe tăng, 2 xe pháo tự hành Gvozdika, hệ thống hỏa tiễn chống tăng Fagot, 3 xe bọc thép, 9 xe chuyên dụng.

Một sở chỉ huy và một đài quan sát của đơn vị đặc biệt số 785 thuộc Vệ binh Quốc gia Nga, hai kho đạn và máy bay không người lái Merlin-VR cũng bị phá hủy tại khu vực Ivanivka.

Từ ngày 30 tháng 5, những kẻ xâm lược đã ngắt kết nối Internet và liên lạc di động của các nhà khai thác Ukraine ở vùng Kherson; họ chặn “hành lang xanh”, di tản, bắt cóc cư dân trong khu vực trước nguy cơ bị tấn công.

2. Lực lượng Ukraine sẽ giải phóng vùng Kherson khỏi quân xâm lược Nga vào tháng 9

Theo ông Serhii Khlan, Phó Chủ Tịch Hội đồng Khu vực Kherson, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ giải phóng vùng Kherson khỏi quân xâm lược Nga vào tháng 9.

Ông cho biết như trên trong một chương trình trên kênh Espreso TV của Ukraine.

“Chúng tôi thấy rõ kết quả của sự chuyển hướng này trên tiền tuyến, khu vực Kherson chắc chắn sẽ được giải phóng vào tháng 9, và Lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ làm sụp đổ tất cả các kế hoạch của quân xâm lược Nga,” Ông Khlan nói.

Ông tin rằng quân đội Ukraine đang bắt đầu tiến hành các cuộc phản công, với các cuộc tấn công của Ukraine vào cầu Antonivka và Darivka, phá hủy các kho vũ khí, thiết bị quân sự và sở chỉ huy của Nga phía sau phòng tuyến của quân Nga và trên đường liên lạc.

3. Lính dù Ukraine đã tiêu diệt một máy bay chiến đấu Su-25, trị giá 85 triệu USD, của đối phương

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 25 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Một đơn vị phòng không thuộc Lữ đoàn Dù Sicheslav biệt lập số 25 của Sư Đoàn Dù Ukraine đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-25 Grach của Nga”.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn Dù Sicheslav cũng phá hủy một khẩu đội phòng không của Nga ở miền Nam Ukraine.

Trong video được Bộ Chỉ Huy phía Nam công bố nhiều đống đổ nát bốc cháy và bốc khói, trong đó có một dàn hỏa tiễn đất đối không S-300 do các lực lượng Nga vận hành.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói: “Đơn vị phòng không thuộc Lữ đoàn Dù Sicheslav đã phá hủy một khẩu đội hệ thống phòng không S-300 gần Zelenotropynske”

Zelenotropynske nằm trong vùng Kherson của Ukraine, một trong những vùng cực nam của đất nước. Khu vực này nằm ngay phía bắc bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Euromaiden Press đưa tin hôm Chúa Nhật rằng bảy mục tiêu “cảng và cơ sở hạ tầng công nghiệp” đã bị hỏa tiễn S-300 tấn công gần cảng Mykolaiv. Thành phố này nằm cách Zelenotropynske chưa đầy 200 km về phía bắc. Không rõ liệu các hệ thống S-300 bị phá hủy hôm Chúa Nhật có phải là nguyên nhân gây ra các cuộc không kích này hay không.

4. Nhiều hệ thống hỏa tiễn S-300 của Nga bị phá hủy

Các nguồn tin quân sự Ukraine hôm Chúa Nhật tuyên bố đã phá hủy một khẩu đội vũ khí phòng không của Nga.

Hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 là công nghệ quân sự từ thời Liên Xô được giới thiệu cách đây khoảng 40 năm, với phạm vi tấn công trong vòng 75 dặm hay 120km. Đầu tháng 7, có thông tin cho rằng các lực lượng Nga đang ngày càng phụ thuộc vào các loại vũ khí cũ kỹ vì vũ khí hiện đại đã cạn kiệt do cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Sáu cuộc tấn công ở Mykolaiv được cho là do hỏa tiễn S-300 vào những ngày cuối tuần đầu tiên của tháng Bảy.

Cũng trong khoảng thời gian này, có thông tin cho rằng Nga cũng ngày càng phụ thuộc vào hỏa tiễn Kh-32, vốn được thiết kế để đánh chìm tàu chiến. Các phiên bản của hỏa tiễn Kh-32 được cho là đã tấn công một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk khiến 18 người thiệt mạng và một khu chung cư ở Odessa khiến 20 người thiệt mạng hồi tháng 6.

Bất chấp ý định ban đầu của những loại vũ khí này, với việc kho dự trữ ngày càng cạn kiệt, lực lượng Nga buộc phải dựa vào S-300 và Kh-32 để tấn công các mục tiêu trên bộ. Để làm như vậy, chúng đã được trang bị hệ thống GPS cho phép chúng được định hướng chính xác hơn vào các mục tiêu.

“Liên Xô đã tích trữ rất nhiều đạn dược cho các hệ thống vũ khí mà họ lựa chọn và S-300 đã được thay thế bằng một hệ thống đất đối không mới, tiên tiến hơn. Ngày nay có rất nhiều hỏa tiễn S-300 trong kho của Nga”, một báo cáo của tình báo phương Tây giải thích như trên gần đây.

Theo quan điểm của Điện Cẩm Linh, việc trang bị lại các S-300 với khả năng GPS và bố trí lại chúng ở một vai trò khác sẽ rất hợp lý. Nhưng vấn đề là vào cuối ngày chúng vẫn là vũ khí tấn công chính xác hạng hai và kết quả là sẽ có nhiều người vô tội thiệt mạng hơn.

5. Liz Truss có thể thay đổi chiến tranh Ukraine như thế nào nếu cô ấy trở thành thủ tướng

Tờ Newsweek có bài nhận định nhan đề “How Liz Truss, Russia's Nemesis, Could Change Ukraine War if She Becomes PM”, nghĩa là “Liz Truss, nữ thần báo oán của nước Nga, có thể thay đổi chiến tranh Ukraine như thế nào nếu cô ấy trở thành thủ tướng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss là người được nhiều người cổ vũ để trở thành thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh, nhưng Điện Cẩm Linh không chắc sẽ đặt cược vào một đường lối thay đổi của Anh trong quan hệ với Mạc Tư Khoa, hoặc cuộc chiến ở Ukraine, nếu cô ấy tiếp quản công việc từ Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson.

Mặc dù nhận được ít sự ủng hộ hơn từ các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đồng nghiệp, nhưng sự nổi tiếng của Truss trong Đảng Bảo Thủ Anh ở cấp cơ sở cao hơn Rishi Sunak nhiều trong trận chung kết đã khiến Betfair đặt tỷ lệ cược của cô là 4/6 trong việc giành chiến thắng. Nếu thành công, cô ấy sẽ là gương mặt đại diện cho phản ứng của Anh đối với cuộc chiến ở Ukraine. Cho đến nay, cô ấy đã ủng hộ những người Anh chiến đấu bên cạnh các lực lượng Ukraine và nói rằng việc Nga có thể bị đẩy ra khỏi Crimea là một “thực tế”.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhận được sự đón nhận lạnh nhạt ở Mạc Tư Khoa, là những người có ác cảm với Truss trước cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.

Mark Almond, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khủng hoảng, ở Oxford, Anh, cho biết: “Liz Truss là một nhân vật khinh thường giới truyền thông của Điện Cẩm Linh kể từ cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngay trước chiến tranh”.

Ông nói với Newsweek: “Truss đã hiểu sai vị trí địa lý của Nga và Lavrov có thể chế nhạo việc cô ấy không biết thành phố nào ở Nga hay Ukraine”.

Tờ Kommersant của Nga đưa tin rằng Ngoại trưởng Lavrov đã hỏi Truss khi họ gặp nhau vào tháng 2 rằng liệu cô ấy có công nhận chủ quyền của Nga đối với Rostov và Voronezh hay không. Cô ấy nói rằng Vương quốc Anh sẽ không công nhận.

Trước câu hỏi bất ngờ, Ngoại trưởng Liz Truss dường như không biết rằng trên thực tế Rostov và Voronezh là những thành phố của Nga chứ không phải của Ukraine.

Tuy nhiên, cách thức Ngoại trưởng Nga Lavrov đưa ra câu hỏi mẹo ấy cũng đáng bị phê phán. Người ta không thể giả định một người có thể biết hết các thành phố của Nga. Đối với Lavrov Rostov và Voronezh là những thành phố lớn, nhưng đối với hầu hết mọi người trên thế giới khi nói đến Nga, người ta thường chỉ biết Mạc Tư Khoa hay cùng lắm là St. Peterburg.

Lavrov nói với các phóng viên rằng tương tác của ông với Truss giống như một “người câm” nói chuyện với một “người điếc”.

Stewart McDonald, phát ngôn nhân quốc phòng của Đảng Quốc gia Tô Cách Lan đối lập, đã tweet vào tuần trước rằng “khi Truss 'phản ứng' với Lavrov, cô ấy đã có những nhầm lẫn vị trí địa lý giữa Nga và Ukraine và đã được đại sứ Anh sửa chữa.”

McDonald nói thêm: “Cô ấy là một thảm họa với tư cách là Ngoại trưởng và sẽ còn tồi tệ hơn với tư cách là Thủ tướng.”

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Anh phủ nhận cáo buộc cho rằng Truss đã nhầm lẫn, và nói rằng cô ấy đã nghe nhầm thứ tiếng Anh tồi tệ của Lavrov. Cuộc trao đổi đã khiến Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã không được thông báo tốt về căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Đòn này của Lavrov bị phản tác dụng. Almond nói rằng sự việc này và những bình luận liên quan đến cô ấy kể từ đó mang lại cho Truss “động lực để tăng gấp đôi quan điểm mạnh mẽ của cô ấy đối với Nga để cô ấy không có vẻ yếu đuối hoặc không có chiều sâu”. Liz Truss thực sự sẽ là nữ thần báo oán của Nga.

Một quan điểm như vậy sẽ “gây tiếng vang với hầu hết các thành viên Quốc hội của cả hai bên và dư luận” và rằng “việc có lập trường khắc nghiệt đối với Putin sẽ không gây hại cho bà ấy trong nước”.

Ông Almond nói rằng “sẽ có nhiều vấn đề hơn trong tư cách là thủ tướng vào mùa thu, tân thủ tướng” sẽ phải đối mặt với những vấn đề có thể xảy ra nếu Washington và Mạc Tư Khoa đối phó với những người đứng đầu Âu Châu,” liên quan đến Ukraine.

Bình luận của Truss với BBC vào tháng trước rằng “tất cả các phần lãnh thổ của Ukraine bị Nga xâm chiếm đều là bị chiếm đóng trái phép”, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng bất kỳ sự xâm phạm nào vào lãnh thổ mà nước này đã chiếm được vào năm 2014 đều có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba.

Điều đó báo hiệu rằng nếu bà giành chiến thắng trong cuộc đua thủ tướng, sẽ được công bố vào tháng 9 sau cuộc bỏ phiếu của 160.000 thành viên trong đảng của bà, bà có khả năng sẽ nhắc lại sự hỗ trợ quân sự của Vương quốc Anh đối với Ukraine, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao của Johnson tới Tổng thống Volodymr Zelenskiy ở Kyiv.

Mark Leonard, đồng sáng lập và giám đốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại Âu Châu cho biết: “Tôi tưởng tượng sẽ có rất nhiều sự tiếp tục trong lập trường hiện tại là hỗ trợ Ukraine trang bị quân sự và áp dụng một giọng điệu diều hâu về triển vọng của bất kỳ cuộc đàm phán nào”

Ông nói với Newsweek: “Tôi không nghĩ rằng chiến thắng của Truss sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với mối quan hệ của Vương quốc Anh với Nga vốn đã bị rối loạn kể từ sau vụ sát hại Alexander Litvinenko trên đất Anh”, khi đề cập đến cái chết của Litvinenko, được tường trình là gián điệp của Điện Cẩm Linh.

Vương quốc Anh duy trì lập trường cứng rắn hơn đối với Nga so với các nước Âu Châu khác như Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron, đã làm dấy lên sự tức giận của Kyiv vì nói rằng Putin không nên bị sỉ nhục, để tạo điều kiện cho việc ngừng bắn và đàm phán trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng Truss có thể tiếp tục gây áp lực chống lại Nga khi một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông sắp xảy ra trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa có thể cám dỗ các quốc gia Âu Châu khác đi theo đường lối mềm mỏng hơn.

Nick Kitchen, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về Cạnh tranh quyền lực toàn cầu, gọi tắt là CGPC, tại Đại học Surrey cho biết: “Anh có lẽ đã đưa ra lập trường diều hâu nhất đối với Nga liên quan đến Ukraine, một phần vì cơ sở an ninh quốc gia của Anh từ lâu đã kết luận rằng Nga dưới thời Putin không thể bị thuyết phục để hoạt động trong hệ thống dựa trên trật tự quốc tế.

Ông nói với Newsweek: “Cơ sở bầu cử của Đảng Bảo Thủ Anh bám vào lịch sử của Vương quốc Anh với tư cách là một cường quốc, trong khi Vương quốc Anh vẫn tương đối cách biệt với các tác động an ninh trong thế giới thực do các hành vi của Nga”.

Ông nói: “Các chính trị gia bảo thủ có thể và sẽ tiếp tục trao đổi, và phần lớn, hành động, cứng rắn với Nga, mặc dù lập trường của Anh sẽ được coi là một sự kích thích tương đối nhỏ đối với Mạc Tư Khoa - lập trường của Washington và Berlin thực sự đáng kể hơn.”
 
Tòa Thánh cảnh giác những sai lầm tín lý, phản ứng của cấp tiến Đức. Tình trạng âu lo của GH Nigeria
VietCatholic Media
05:05 25/07/2022


1. Linh mục Nigeria: Chính phủ liên bang đã từ chối giúp đỡ liên quan đến các vụ bắt cóc, giết người

Chính phủ Nigeria có mọi thứ cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra nhằm vào các tín hữu Kitô giáo, nhưng họ đã từ chối giúp đỡ, một linh mục Công Giáo ở quốc gia Tây Phi cho biết.

Tình hình ở Nigeria đã khiến nhiều người tin rằng những gì đang xảy ra là “chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”, Cha Patrick Alumuku, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Abuja, nói với ACI Africa tại Đại hội Công Giáo Liên Phi về Thần học, Xã hội và Mục vụ Life, được tổ chức tại Nairobi từ ngày 19 đến 22 tháng Bảy.

Ngài nói rằng Giáo hội ở Nigeria không có khả năng bảo vệ người dân, bao gồm cả các linh mục từng là nạn nhân của các vụ bắt cóc và giết người, và chính phủ có vai trò trao quyền cho các nhân viên an ninh trong nước để bảo vệ những thường dân vô tội.

“Giáo hội mong muốn bảo vệ nhân sự của chính mình. Nhưng liệu Giáo hội có đủ năng lực để bảo vệ con người không? Giáo hội có quân đội không? Giáo Hội có cảnh sát không? “ vị linh mục người Nigeria nói thêm, “Chính phủ lẽ ra phải cung cấp cho cảnh sát bất cứ thứ gì cần thiết, đạn dược, hậu cần để có thể giải quyết việc này; nhưng có vẻ như chính phủ không quan tâm đến việc giải quyết những thách thức này “.

Ngài nói tiếp rằng, “Chính phủ tỏ ra bất lực. Trên thực tế, có những người cảm thấy rằng đây là chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”.

Vị linh mục của Giáo phận Makurdi, người được thụ phong vào năm 1981, cho biết ngài cảm thấy bối rối khi không có hành vi tàn bạo nào đối với các tín hữu Kitô ở Nigeria đã được giải quyết tại tòa án.

“Trong số tất cả những trường hợp các linh mục bị sát hại, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các linh mục đã bị bắt cóc, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các nhà thờ bị cháy hoặc bom phát nổ, không một người nào bị bắt, bị đưa ra tòa, bị xét xử và bị kết tội,” Cha Alumuku nói.

Cha Alumuku nói rằng các nhà thờ ở Nigeria đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ người dân của họ, bao gồm việc lắp đặt các chốt kiểm tra an ninh ở các lối ra vào để ngăn cản quân nổi dậy.

“Giáo hội đã làm những gì nên làm. Vào Chúa Nhật, thường có các cuộc khám xét an ninh nghiêm ngặt đối với những người cố gắng vào nhà thờ,” ngài nói với ACI Africa ngày 20/7.
Source:Catholic News Agency

2. Các nhà lãnh đạo Đức 'ngạc nhiên' về cảnh báo mới nhất của Tòa thánh liên quan đến Tiến Trình Công Nghị

Cảnh báo mới nhất của Tòa Thánh về nguy cơ bùng phát một cuộc ly giáo mới từ Đức phát sinh từ “Tiến Trình Công Nghị” đã bị các nhà tổ chức bác bỏ. Họ cho rằng họ “kinh ngạc”, và cáo buộc Rôma không hoạt động như một Giáo hội đồng nghị.

Tuy nhiên, ít nhất một giám mục người Đức và một nhóm cải cách đã hoan nghênh sự can thiệp mới từ Vatican, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.

Sau tuyên bố của Tòa Thánh hôm thứ Năm, các chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức (ZdK) cho biết họ rất sửng sốt trước sự can thiệp này.

“Theo sự hiểu biết của chúng tôi, một Giáo hội đồng nghị là một cái gì đó khác!” Giám mục Georg Bätzing của Limburg và Irme Stetter-Karp đã tuyên bố đáp lại sự can thiệp của Vatican. “Điều này cũng áp dụng cho thông báo đưa ra ngày hôm nay, đó là một nguồn gây ngạc nhiên cho chúng tôi.”

Họ nói thêm, “Đó không phải là một ví dụ điển hình về giao tiếp trong Giáo hội, khi các tuyên bố được công bố mà không có chữ ký tên.”

Trong khi đó, một giám mục người Đức, là Đức Cha Bertram Meier của Augsburg, hoan nghênh tuyên bố từ Rôma, và nói rằng mối quan tâm về sự thống nhất rõ ràng là “mạnh mẽ”. Các nhà tổ chức “Tiến Trình Công Nghị” cáo buộc Vatican thiếu thiện chí giao tiếp: “Thật không may, cho đến nay Ủy ban Thượng hội đồng đã không được mời tham gia một cuộc thảo luận với các cơ quan của Vatican.”

Trong tuyên bố hôm thứ Năm, Tòa Thánh cho biết: “Tiến Trình Công Nghị ở Đức không có quyền buộc các giám mục và tín hữu áp dụng các hình thức quản trị mới và các định hướng mới về giáo lý và luân lý.”

Công hàm của Vatican cho biết dường như “cần phải làm rõ” điều này, để “bảo vệ quyền tự do của dân Chúa và việc thực thi chức vụ giám mục.”

Tuyên bố ngày 21 tháng 7 cảnh báo: “Không được phép đưa ra các cơ cấu hoặc học thuyết chính thức mới trong các giáo phận trước khi đạt được thỏa thuận ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, điều này sẽ tạo thành một sự vi phạm sự hiệp thông của Giáo hội và là một mối đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.”

Trước phản ứng của Bätzing và Stetter-Karp, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Bắc Âu, là một nữ tu người Đức, đã đặt ra câu hỏi liệu chính quá trình gây tranh cãi có mắc phải “vấn đề giao tiếp” hay không.

Sơ Anna Mirijam Kaschner đã chỉ ra một nhận thức rõ ràng rằng quá trình này đang tìm cách thay đổi - hoặc rời bỏ, theo “đường lối riêng” của mình - giáo huấn của Giáo hội về một số vấn đề, bao gồm luật độc thân linh mục, phong chức phụ nữ và luân lý tình dục.

Mối lo ngại về nguy cơ rời khỏi giáo huấn của Giáo hội phổ quát về “Tiến Trình Công Nghị” - hay Synodaler Weg theo tiếng Đức - lần đầu tiên được các Giám Mục trên thế giới nêu ra vào năm 2019, khi Đức Hồng Y Reinhard Marx bắt đầu quá trình này.

Trong tuyên bố gần đây nhất của Giám Mục, những lo ngại như vậy một lần nữa bị Bätzing và Irme Stetter-Karp bác bỏ: “Chúng tôi không bao giờ mệt mỏi khi nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Đức sẽ không đi theo một 'con đường đặc biệt của Đức', họ nói. “Tuy nhiên, chúng tôi thấy nhiệm vụ của mình là phải trình bày rõ ràng những khía cạnh chúng tôi tin rằng những thay đổi là cần thiết.”

Tương tự, Sơ Kaschner lưu ý, Bätzing cho đến nay đã bác bỏ các mối quan tâm của hàng trăm giám mục; những mối quan tâm cũng được nêu ra bởi những người Công Giáo ở Đức.

Bätzing trước đây cũng đã bày tỏ sự thất vọng của mình đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngay sau khi cảnh báo mới nhất này được công bố, nhà báo và người đồng sáng lập “Khởi đầu mới”, một sáng kiến của Đức chỉ trích “Tiến Trình Công Nghị”, nói rằng Vatican đã kéo “phanh khẩn cấp” đối với quá trình” Bernhard Meuser nói.

Ngay từ năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về tình trạng mất đoàn kết trong bức thư gửi người Công Giáo Đức.

Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học người Đức được coi là thân cận với Giáo hoàng Phanxicô, vào tháng 6 năm 2022 đã cảnh báo rằng quá trình này có nguy cơ “tự bẻ cổ nó” nếu nó không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều giám mục trên khắp thế giới.

Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã công bố một “bức thư ngỏ tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi quá trình này có thể dẫn đến ly giáo.

Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư nặng lời từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.


Source:Catholic News Agency

3. ‘Chí Lợi đang bị ốm nặng’, Đức Tổng Giám Mục than thở sau cái chết của những người nhập cư vô gia cư

Trước cái chết gần đây của ba người nhập cư Venezuela vô gia cư chết trong một container vận chuyển, Đức Tổng Giám Mục Fernando Chomali của tổng giáo phận Concepción, Chí Lợi, nói rằng “Chí Lợi đang bị bệnh” và đề xuất một cách để chữa trị căn bệnh nghiêm trọng của họ.

“ Với tư cách là một con người, với tư cách là cháu những người di cư, là một người Công Giáo và là tổng giám mục của Concepción, tôi cảm thấy xấu hổ và bất lực trước cái chết của ba người Venezuela trong một thùng chứa hàng khi họ đang cố gắng lấy lại hơi ấm,” vị giám mục nói trong một lá thư gửi ngày 19 tháng 7 cho giám đốc tờ báo El Mercurio.

“Thật đau xót khi chứng kiến sự thờ ơ trước những tin tức này, điều này khẳng định rằng xã hội đang ốm nặng. Thật là phân liệt khi những người di cư chết trong điều kiện không giống con người và tin tức này đi kèm với những quảng cáo khuyến khích mua những căn hộ ở Miami. Cả hai cái cùng tồn tại theo cách tự nhiên nhất”

Đức Tổng Giám Mục than thở rằng “chúng ta đã quen với việc những người chết trên đường phố vì lạnh và đói, và sự phô trương dưới mọi hình thức.”

Ba người Venezuela không có giấy tờ tùy thân đã chết ngày 15/7 trong một thùng chứa mà họ sử dụng làm nhà vì ngộ độc khí carbon monoxide từ một chiếc lò sưởi mà họ đang sử dụng để cung cấp hơi ấm trong điều kiện nhiệt độ thấp vào mùa đông ở Nam bán cầu.

Cơ quan truyền thông Bío Bío ở Chí Lợi đưa tin rằng người quá cố, hai phụ nữ tuổi 19 và 21 và một người đàn ông ở độ tuổi 40, đã sống trong thùng chứa gần 5 tháng và sống sót bằng cách chặt và bán củi cũng như rửa xe hơi của những người đã đến đó.

Chiếc container mà họ chết nằm cạnh một đường ở thành phố Concepción trong một khu vực có chức năng là trung tâm lưu trữ cho các công ty và hiện được sử dụng làm bãi đậu xe buýt và xe tải.

Tổng giám mục của Concepción cũng lưu ý rằng “nỗ lực mà chúng tôi thực hiện với tư cách là một Giáo hội để hỗ trợ người di cư, người vô gia cư, người già bị bỏ rơi, trẻ em bị vi phạm quyền, là đáng ghi nhận.”

Tuy nhiên, ngài nói, “sự thờ ơ của một xã hội rõ ràng đã lạc lối khi phớt lờ những thực tế này là điều đau đớn.”

Đức Tổng Giám Mục cũng lưu ý rằng “khoảng cách giữa một nhóm nhỏ những người thống trị mạng xã hội với những phân tích trí óc của họ và một nhóm lớn những người không biết liệu họ có đi ăn ngày mai hay không là rất lớn”.

Chomali nhấn mạnh rằng “việc rút ngắn khoảng cách là cấp bách và chỉ có một cách: thoát ra khỏi chính mình, nhìn rộng ra mọi thứ và cam kết thực hiện một sự đoàn kết rõ ràng và hiệu quả”.


Source:Catholic News Agency
 
Tư Lệnh Sư Đoàn Không Quân Cờ Đỏ Nga tử trận cùng một Trung Tá. Những dấu hiệu Nga cạn kiệt vũ khí
VietCatholic Media
16:23 25/07/2022


1. Đại Tá Tư lệnh Không Đoàn Cờ Đỏ, và Trung Tá Phi Công Nga bị loại khỏi vòng chiến

Hai phi công hàng đầu của Putin bị loại khỏi vòng chiến trong cuộc tấn công hỏa tiễn HIMARS vào đoàn xe của họ ở Ukraine. Trong bản báo cáo chiều thứ Hai 25 tháng 7, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết hai trong số những phi công giỏi nhất của Putin đã bị hỏa tiễn HIMARS giết chết ở Ukraine, khi số sĩ quan cao cấp của Nga tiếp tục bị giết bởi vũ khí do Mỹ sản xuất.

Maksim Potyomin, 41 tuổi, một phi công chiến đấu với quân hàm trung tá, đã chết khi đoàn xe của anh ta bị trúng đạn hỏa tiễn dẫn đường chính xác ở Donetsk vào ngày 8/7.

Vụ tấn công này cũng đã giết chết Đại tá Anatoly Stasyukevich, 54 tuổi, cũng là một phi công chiến đấu.

Cái chết của các sĩ quan đã được Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng biết trước đó, nhưng Ukraine chỉ công bố sau khi Nga đã xác nhận tin này. Sự kiện rằng hai sĩ quan cấp tá này đã bị giết bởi HIMARS được tiết lộ bởi Alexey, là cha của Potyomin. Các phương tiện truyền thông Nga lại một lần nữa cáo buộc rằng cuộc tấn công này được thực hiện với sự hỗ trợ của tình báo phương Tây.

Ông Alexey, Chủ tịch Liên đoàn Nhảy dù Khu vực Volgograd, nói với truyền thông địa phương: 'Xe của con trai tôi đã bị trúng hỏa tiễn HIMARS.'

Potyomin đã kết hôn và có hai người con - một con trai 15 tuổi và một con gái 8 tuổi - và đã được Điện Cẩm Linh truy tặng Huân chương Anh dũng bội tinh, là huy chương công nhận những hành động dũng cảm và quên mình.

Natalya Duddinka, mẹ đỡ đầu của anh ấy, cho biết sự mất mát của anh ấy đã gây ra cho cô ấy 'nỗi đau rất lớn, rất lớn', và nói thêm: 'Không có từ ngữ nào để diễn tả nỗi đau này.'

Đại Tá Stasyukevich, Tư lệnh Không Đoàn Cờ Đỏ Baranovichi, là một phi công quân sự thế hệ thứ ba. Anh bay cùng đơn vị với Potyomin có trụ sở tại Krymsk, vùng Krasnodar.

Cái chết của hai người này chỉ là những cái chết mới nhất trong số những quân nhân tinh nhuệ của quân đội Nga bị loại khỏi vòng chiến vì HIMARS - một hệ thống pháo hỏa tiễn chính xác do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã được đưa vào chiến trường khoảng một tháng trước.

Quân Ukraine đã sử dụng vũ khí này để tấn công các sở chỉ huy và kho đạn của Nga nằm sâu phía sau chiến tuyến mà trước đây nằm ngoài tầm bắn.

Putin được cho là đã hết sức phẫn nộ và bối rối trước tính hiệu quả của hỏa tiễn, vì ông đã bảo đảm rằng hệ thống phòng thủ hỏa tiễn thế hệ mới nhất của Nga có thể bắn hạ những hỏa tiễn của phương Tây dễ dàng. Trong trường hợp này, hệ thống S-400 tiên tiến của Nga chỉ cung cấp rất ít hoặc hoàn toàn không có khả năng bảo vệ chống lại HIMARS.

Các cuộc tấn công hỏa tiễn vào các kho đạn dược xảy ra ban đêm đã gây ra nhiều vụ nổ lớn trên khắp vùng Donbas phía đông và làm cho quân Nga mất tinh thần trầm trọng. Trong khi đó, các cuộc tấn công vào các sở chỉ huy được tường trình là đã tiêu diệt hàng chục sĩ quan Nga cùng một lúc - trong đó có cả một vị tướng.

Cuộc tấn công của Nga ở Donbas có dấu hiệu chựng lại vì nó không thể tiêu diệt được đối phương bằng các loại trọng pháo ồ ạt được ghi nhận là thành công trước đó.

Dữ liệu của NASA cho thấy lượng pháo được sử dụng ở Donbas đã giảm rõ rệt trong hai tuần qua, trong khi quân đội của Putin giành được rất ít lãnh thổ.

Điều đó đã giải phóng quân đội Ukraine khỏi các cuộc tấn công ở những nơi khác - đặc biệt nhất là ở phía nam gần Kherson, nơi một cuộc phản công lớn đang được chuẩn bị.

Khi các cuộc tấn công của Ukraine ngày càng gia tăng thì tổn thất của Nga cũng tăng lên. Kênh Telegram General SVR đã đưa tin rất nhiều về cuộc chiến hiện tuyên bố rằng Putin đã mất 56.500 binh sĩ và sĩ quan trong 5 tháng chiến đấu.

Những con số đó bao gồm tổng cộng 43.000 binh sĩ chính quy của Nga cộng với 11.400 từ các nhà thầu quân sự tư nhân và 2.000 Vệ binh Quốc gia khác.

Nếu được xác nhận, điều đó có nghĩa là khoảng một phần ba tổng số nhân lực quân sự của Nga đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cái gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” của Putin vào tháng Hai.

Người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Anh, Đô đốc Sir Tony Radakin, gần đây tuyên bố rằng Nga đã chứng kiến 50.000 binh sĩ bị loại khỏi cuộc chiến. Tuy nhiên, con số đó bao gồm cả người chết và bị thương. Con số mới chỉ liên quan đến các trường hợp tử vong.

Con số tử vong cao hơn cũng có nghĩa là số lượng người bị thương thậm chí còn lớn hơn, cản trở khả năng tiến hành chiến tranh của Putin trong tương lai.

2. Thêm các trạm quan sát và đài chỉ huy của Nga bị phá hủy ở Vùng Kherson

Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy thêm một sở chỉ huy và một đài quan sát của Vệ binh Quốc gia Nga, nơi đang điều phối những cố gắng tiến hành các hoạt động phản công ở hướng Kherson.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi cô Natalia Humeniuk, là Giám đốc Trung tâm Báo chí Điều phối Thống nhất của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine vào chiều ngày thứ Hai 25 tháng 7.

“Chúng tôi không đứng yên, chúng tôi đang tiến công, nhưng những kết quả này chỉ có thể được công bố khi chúng đã được xác minh. Đồng thời, chính sự bất ổn về thông tin ở một số người đã khơi mào cho cuộc phản công ngày hôm qua khiến quân xâm lược Nga cố gắng khởi động theo hai hướng ở Quận Beryslav nhưng không thành công. Các vị trí của chúng tôi vẫn được củng cố và vững chắc. Chúng tôi tiếp tục công việc của mình, và quân Nga bỏ chạy đến tận tuyến phòng thủ xa nhất mà họ xây dựng và gia cố bằng các công trình bê tông ở đó.”

Theo lời cô, một chiến thuật phản công được sử dụng bây giờ, là giao tranh từ xa. Natalia cho rằng không hợp lý khi các đơn vị tiếp cận đối phương do địa hình trống trải. Do đó, pháo kích từ xa và các cuộc không kích được sử dụng, trước khi bộ binh tiến lên.

Theo Natalia, trong 24 giờ qua, Không Quân Ukraine đã tấn công liên tục vào các cứ điểm của đối phương. Điều này làm suy yếu đáng kể tinh thần và các vị trí chiến đấu của quân chiếm đóng Nga. Trong các cuộc tấn công đó, quân đội Ukraine đã phá hủy một sở chỉ huy và một đài quan sát của Vệ binh Quốc gia Nga, nơi cố gắng điều phối các hoạt động phản công.

Nhận xét về tình hình ở Enerhodar, Natalia lưu ý rằng tình hình căng thẳng nhưng nhìn chung ổn định. Tình hình đang diễn biến sôi động nhưng được kiểm soát bởi lực lượng Ukraine.

3. Tin Tình báo của Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Chiến đấu không phân thắng bại vẫn tiếp tục ở cả hai khu vực Donbas và Kherson. Các chỉ huy Nga tiếp tục đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan; họ phân vân không biết liệu có nên tăng cường sức mạnh cho cuộc tấn công ở phía đông hay tăng cường khả năng phòng thủ ở phía tây.

Vào ngày 18 tháng 7 năm 2022, tình báo Anh đã xác định được một cơ sở tân trang và đại tu các phương tiện quân sự của Nga gần Barvinok, thuộc vùng Belgorod của Nga, cách biên giới Ukraine 10km.

Ít nhất 300 phương tiện bị hư hại đã có mặt ở đó, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép chở quân và xe tải hỗ trợ nói chung.

Ngoài các vấn đề về nhân sự đã được ghi lại rõ ràng, Nga có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đưa về và sửa chữa hàng nghìn phương tiện chiến đấu đã bị hư hỏng khi hoạt động ở Ukraine.

4. Ngoại trưởng Latvia kêu gọi phương Tây cung cấp cho Ukraine nhiều HIMARS hơn

Vào đầu tháng thứ sáu của cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs kêu gọi trao nhiều vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine.

“5 tháng kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Khi Ukraine tiếp tục chiến đấu, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ quốc gia này, thay vì nói suông, cần có thêm HIMARS và các hệ thống vũ khí hiện đại khác để ngăn chặn chiến tranh “, Ngoại trưởng Rinkēvičs nói.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói rằng Ukraine cần ít nhất 50 hệ thống HIMARS và M270 để răn đe đối phương một cách hiệu quả, và ít nhất 100 hệ thống như vậy để phản công tái chiếm lãnh thổ.

Hoa Kỳ đã chuyển giao 12 hệ thống HIMARS cho Ukraine và tuần trước đã công bố ý định chuyển giao thêm 4 hệ thống như vậy. Tổng cộng, Mỹ và các đồng minh đã cam kết chuyển giao hơn 20 hệ thống như vậy cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận xét rằng ngay cả người Nga cũng thừa nhận rằng Ukraine sẽ thắng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết điều này trong bài phát biểu hàng đêm của mình.

“Ngay cả quân xâm lược Nga cũng thừa nhận rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Chúng ta nghe thấy điều đó trong các cuộc trò chuyện của họ - mọi lúc, trong những gì họ nói với những người thân yêu của họ khi họ liên lạc với nhau. Do đó, chúng tôi không chậm trễ và mọi ngày trong những ngày tháng này, chúng tôi đang làm mọi cách để gây ra tổn thất lớn nhất có thể cho quân Nga và thu thập càng nhiều càng tốt sự hỗ trợ cho Ukraine “, ông nói.

Ông Zelenskiy nói thêm rằng các đối tác của Ukraine sẽ có các chuyến thăm quan trọng tới nước này vào tuần tới và sẽ có các cuộc đàm phán quan trọng.

“Và quan trọng nhất, sẽ có sự thăng tiến hơn nữa của các vị trí người Ukraine. Ở phía trước, trong ngoại giao, trong kinh tế,” ông nói.

Vị nguyên thủ quốc gia cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả những người bảo vệ Ukraine và chúc toàn thể người dân Ukraine một tuần mới an lành, hiệu quả.

6. Nhà phân tích quân sự Nga cho rằng HIMARS 'Vấn đề lớn' đối với Nga trong Chiến tranh Ukraine

Nhà phân tích quân sự chuyên về Nga hôm thứ Bảy cho biết Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, mà Hoa Kỳ đang viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga sẽ đặt ra một “vấn đề lớn” đối với Nga.

Hôm thứ Sáu, Tòa Bạch Ốc thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine 4 HIMARS bổ sung, một hệ thống vũ khí mà Ngũ Giác Đài đã nói trước đây là có “tác động đáng kể... đối với tiền tuyến.”

Michael Kofman, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu về Nga tại CNA có trụ sở tại Virginia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Âu Châu Tự do rằng HIMARS “sẽ giúp Ukraine có được một mức độ ngang bằng với pháo binh Nga và sẽ tạo ra một vấn đề đối với quân đội Nga, và cách họ tổ chức cả hậu cần và chỉ huy. Vũ khí này tăng đáng kể mức độ tiêu hao trên chiến trường. “

Cũng trong ngày thứ Bảy, Tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Hertling nói rằng HIMARS mà Hoa Kỳ gửi đến Ukraine là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, và nói thêm rằng “Nga đang ở trong tình trạng thảm hại và thua cuộc” trong khi “Ukraine đang thích nghi với cuộc chiến và chiến thắng.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm thứ Tư cho biết Ukraine đang “sử dụng hiệu quả” HIMARS “với các cuộc tấn công nhằm vào sở nút chỉ huy và kiểm soát của Nga, mạng lưới hậu cần của họ, các trận địa pháo của họ gần các địa điểm phòng thủ và nhiều mục tiêu khác.”

Ông nói thêm: “Những cuộc tấn công này đang làm suy giảm dần khả năng cung cấp quân đội, chỉ huy và kiểm soát các lực lượng của họ cũng như thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp của họ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Sáu, Abbas Gallyamov, người từng viết bài phát biểu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói với Đài Âu Châu Tự do rằng Nga “rõ ràng là bị thua” trong cuộc chiến ở Ukraine.

“Họ không biết phải làm gì nên tùy cơ ứng biến. Putin cần đạt được điều gì đó thuyết phục người Nga rằng ông ấy đã thắng và ông ấy không thể đạt được điều đó”, ông nói.

Bình luận của Gallyamov được đưa ra sau khi các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga vào tuần trước chỉ ra rằng tham vọng lãnh thổ của Nga hiện đã vượt ra ngoài khu vực Donbas, nơi các lực lượng đã được tập trung trong những tháng gần đây.

7. Quân đội của Putin cạn kiệt vũ khí nên phải dùng các hỏa tiễn phòng không, chống máy bay để tấn công các mục tiêu mặt đất

Các báo cáo cho biết, Nga đã tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine bằng hỏa tiễn đất đối không. Đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mạc Tư Khoa phải đối mặt với các vấn đề hậu cần ngày càng gia tăng.

Hệ thống hỏa tiễn S-300 từ thời Liên Xô, được triển khai lần đầu tiên vào năm 1979, ban đầu được thiết kế để phòng thủ trước các cuộc không kích và hỏa tiễn hành trình cho Lực lượng Phòng không Liên Xô.

Tuy nhiên, các báo cáo từ Ukraine cho biết hệ thống này đã được quân đội Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng điều này cho thấy lực lượng của Vladimir Putin đang gặp 'tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng' về vũ khí tấn công trên bộ.

Các báo cáo cho biết hỏa tiễn được trang bị một loại đạn có khả năng phá hủy mọi thứ xung quanh. Các nhà bình luận cáo buộc rằng, như thế, lực lượng Nga còn gây ra nhiều tội ác chiến tranh hơn vì tấn công các khu vực dân sự bằng vũ khí có khả năng hủy diệt bừa bãi như vậy.

Vitaly Kim - thống đốc khu vực phía nam Mykolaiv - cho biết thành phố đã bị tấn công bằng bảy quả hỏa tiễn S-300, may mà chỉ có một người bị thương, nhưng vụ tấn công ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở hạ tầng, cơ sở năng lượng và khu vực lưu trữ.

Đầu tháng này, vào ngày 8 tháng 7, thống đốc cũng cho biết hỏa tiễn S300 đã được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất, và tuyên bố chúng đã được trang bị thêm thiết bị GPS để dẫn đường đến mục tiêu của chúng. Mặc dù vậy, chúng vẫn không chính xác, ông nói. Một nhà phân tích đã so sánh độ chính xác của hỏa tiễn với loại hỏa tiễn tự chế mà Hamas sử dụng để chống lại Israel.

Hình ảnh từ khu vực cho thấy một tòa nhà dân cư bị tàn phá, trong khi những người khác cho thấy các nhân viên cứu hỏa trong đống đổ nát của một tòa nhà công nghiệp. Theo một báo cáo, cuộc tấn công hỏa tiễn đã tạo ra những hố khổng lồ 'sâu 10 mét' trong lòng đất.

Mặc dù hỏa tiễn S-300 ban đầu chỉ nhằm mục đích tấn công các mục tiêu trên không - chẳng hạn như máy bay chiến đấu hoặc các hỏa tiễn đang bay đến - các báo cáo cho biết chúng đã được trang bị thêm một số khả năng không đối đất. Do có tốc độ cao hỏa tiễn S-300 rất khó để chống lại.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết họ tin rằng Nga đang gặp 'tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng' các hỏa tiễn tấn công mặt đất chuyên dụng và Nga 'gần như chắc chắn' đã triển khai các hệ thống phòng không chiến lược S-300 và S-400 được thiết kế để bắn hạ máy bay và hỏa tiễn ở tầm xa, và khả năng cao là chúng bắn hụt các mục tiêu đã định và khiến dân thường thương vong.
 
Đau lòng: 68 người Công Giáo Nigeria không may. ITA Airways ưu ái Đức Thánh Cha. Tổng thống Ý giữa sóng gió
VietCatholic Media
17:18 25/07/2022


1. Thông báo của hãng máy bay ITA Airways chở Đức Thánh Cha

Trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Canada, từ Chúa nhật 24 tháng Bảy tới đây, máy bay ITA Airways chở Đức Thánh Cha sẽ được thích ứng với tình trạng sức khỏe của ngài.

Hãng ITA Airways là tên mới của hãng Alitalia. Thông thường, từ trước đến nay, trong các chuyến viếng thăm, chuyến đi Đức Thánh Cha dùng hãng Alitalia và lượt về ngài dùng hãng của quốc gia khách. Ngài cũng chỉ dùng ghế bành để ngồi trong chuyến bay, khác với các vị tiền nhiệm. Nhưng do tình trạng sức khỏe, di chuyển khó khăn với đầu gối bị đau, Đức Thánh Cha sẽ dùng cùng máy bay Airbus A330.

Trên máy bay, nhân viên kỹ thuật sẽ chuẩn bị một căn phòng nhỏ, để giúp Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua bốn chuyến bay: dài nhất là chuyến bay dài 10 tiếng từ Roma đến thành phố Edmonton, tiếp đến là chuyến đi bốn tiếng từ Edmonton đến thành phố Quebec. Thứ ba là chuyến bay dài ba tiếng từ Quebec đến Iqaluit ở miền bắc cực, sau cùng là chuyến dài bảy tiếng từ thành phố này về Roma. Trong phòng nhỏ, ngài có thể nằm để nghỉ ngơi hoặc được trị liệu vật lý.

Và giống như vài chuyến đi gần đây của Đức Thánh Cha, ngài có thể dùng xe lăn nhỏ để đến khu vực dành cho các ký giả cùng đi để trả lời các ký giả trong cuộc họp báo hoặc chào thăm từng người. Ngoài ra để lên và xuống máy bay sẽ có thang máy giúp ngài.

2. Đức Thánh Cha chúc mừng sinh nhật Tổng thống Ý: Ý phải đối mặt với 'những lựa chọn quan trọng cho sự sống của đất nước'

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến Tổng thống Ý Sergio Mattarella vào hôm thứ Bảy và cảm ơn ông vì sự phục vụ tận tâm trong bối cảnh “không ít khó khăn”.

Trong một điện tín cá nhân gửi tới Cung điện Quirinal vào ngày 23 tháng 7, Đức Giáo Hoàng đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tổng thống Mattarella nhân sinh nhật lần thứ 81 của tổng thống và bày tỏ “lòng kính trọng cá nhân” đối với nhà lãnh đạo.

“Tại thời điểm đặc biệt này, được đánh dấu bởi không ít khó khăn và những lựa chọn quan trọng cho sự sống của đất nước, bạn tiếp tục đóng góp cơ bản và không thể thiếu với sự lãnh đạo ân cần và sự cống hiến gương mẫu,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Bức điện của Đức Giáo Hoàng được gửi vài ngày sau khi Thủ tướng Ý Mario Draghi từ chức sau sự sụp đổ của liên minh “đoàn kết” của ông trong Quốc hội.

Trước sự từ chức của thủ tướng, Ý sẽ tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia sớm vào ngày 25/9.

Tổng thống Mattarella đã ký sắc lệnh giải tán quốc hội vào ngày 21 tháng 7 và thông báo rằng Draghi sẽ tiếp tục lãnh đạo một chính phủ lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra.

Draghi, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu, giữ chức thủ tướng trong vòng chưa đầy 18 tháng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã báo hiệu sự chấp thuận của ông đối với nhà kinh tế học vào tháng 7 năm 2020, khi ông chỉ định ông là một trong 26 viện sĩ của Học viện Khoa học Xã hội Giáo hoàng, nơi thúc đẩy việc nghiên cứu các khoa học kinh tế và chính trị để hỗ trợ sự phát triển của học thuyết xã hội của Giáo hội.

Mattarella đã được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai kéo dài bảy năm vào tháng Giêng sau khi ông bày tỏ mong muốn rời nhiệm sở.

Tổng thống ở Ý có vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ với tư cách là nguyên thủ quốc gia, mặc dù tổng thống có khả năng bổ nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng nội các, giải tán quốc hội và ban hành các sắc lệnh tạm thời của chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng.

Tổng thống Mattarella nói: “Tôi hy vọng, ngay cả trong giai điệu biện chứng gay gắt của chiến dịch bầu cử, về mặt nào đó, sẽ có sự đóng góp mang tính xây dựng… vì lợi ích tốt nhất của nước Ý.


Source:Catholic News Agency

3. Ít nhất 68 tín hữu Kitô đã bị giết, và nhiều người bị bắt cóc trong hai tháng qua chỉ tại một bang duy nhất ở miền trung Nigeria.

Trong một báo cáo được gửi tới tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, Đức Cha Makurdi phàn nàn về việc chính phủ liên bang không hành động và liệt kê những nhu cầu cấp thiết của hàng nghìn người trong số 1,5 triệu người đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ.

Đức Cha Wilfred Chikpa Anagbe nói: “Đương nhiên, phải sống với một hoàn cảnh như vậy là điều rất khủng khiếp đối với tôi và người dân của tôi.”

Trung tâm của vấn đề là các cuộc tấn công dai dẳng của những kẻ khủng bố từ bộ tộc Fulani, phần lớn là người Hồi giáo, nhắm vào các cộng đồng nông dân chủ yếu theo Kitô Giáo ở miền trung Nigeria. Lý do cho các cuộc tấn công rất phức tạp. Xung đột giữa những người chăn nuôi du mục và những người nông dân định cư đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng sự tràn ngập của các loại súng cao cấp trong vài năm qua đã khiến các cuộc tấn công chết chóc và tàn khốc hơn nhiều.

Chiều hướng cực đoan tôn giáo làm trầm trọng thêm tình hình ở một đất nước bị chia cắt đồng đều giữa phần lớn dân số theo Kitô Giáo ở phía nam và phần lớn theo đạo Hồi ở phía bắc, với hầu hết các cuộc đụng độ diễn ra ở miền trung, nơi có đất đai màu mỡ nhất đất nước. Theo vị giám mục, những kẻ khủng bố cải trang thành những người chăn gia súc du mục để che đậy mục đích thực sự của các cuộc tấn công của chúng, là xua đuổi các Kitô hữu khỏi vùng đất của họ.

Vị giám mục nói: “Tình hình đã gây ra” tình trạng thiếu lương thực trầm trọng không thể chịu nổi”, đồng thời giải thích rằng” Bang Benue được biết đến như là vựa lương thực của quốc gia nhưng cuộc khủng bố đã ảnh hưởng đến tình hình cung cấp lương thực. “ Kết quả là, những người nông dân thường có thể nuôi sống bản thân và gia đình của họ giờ phải tồn tại nhờ các hoạt động bác ái.”

“Tình trạng bị bách hại đã khiến nhiều người lâm vào tình trạng không xứng đáng với phẩm giá con người, thường dựa vào khẩu phần thực phẩm do những người khác đóng góp mà điều kiện kinh tế không khá giả hơn về bất kỳ mặt nào”.

Makurdi hiện có 80% dân số phải di dời ở Bang Benue, và bất chấp những khó khăn về tài chính, Giáo hội địa phương đã cố gắng hết sức để giảm bớt đau khổ và nhu cầu, cung cấp hỗ trợ lương thực và hàng hóa thiết yếu. Gần đây, Ủy ban Công lý, Phát triển và Hòa bình đã phân phát thực phẩm và quần áo cho hơn 1.800 người chỉ trong một trại. Giáo phận cũng cấp học bổng cho hàng chục trẻ em phải di tản, để các em không bỏ lỡ cơ hội được học hành.

Tuy nhiên, sự bất ổn của khu vực gây khó khăn, và chính Đức Cha cũng nói rằng “trong một số năm nay, tôi đã không thể thực hiện các hoạt động mục vụ ở các vùng trong giáo phận của mình”.

“Cùng với tất cả các sáng kiến của chúng tôi, chúng tôi không quên sự chăm sóc mục vụ mà những người này xứng đáng được hưởng. Có một giáo xứ trong các khu định cư phục vụ nhu cầu tinh thần của những người di dời,” Đức Cha kết luận và nói thêm rằng ngài vẫn đang hy vọng mua một phòng khám di động để giúp giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và tâm lý xã hội của những người bị di dời.

Các vấn đề với người chăn gia súc Fulani, các nhóm vũ trang và các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Nigeria đã diễn ra trong vài năm, nhưng Giáo hội đã phàn nàn rằng sự không hành động của chính phủ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Theo vị giám mục, “quy mô của các vụ giết người, di dời và tàn phá tài sản của các lực lượng dân quân thánh chiến Fulani này hỗ trợ cho chương trình nghị sự đã được tiết lộ hiện nay là nhằm trục xuất các cộng đồng Kitô giáo ở Nigeria và chiếm các vùng đất. Nói một cách rõ ràng, chính phủ cầm quyền ở Nigeria vẫn tiếp tục không làm gì trước những cuộc tấn công dai dẳng này, và đưa ra những lý do buồn cười như 'biến đổi khí hậu' hoặc nói rằng một số người Hồi giáo đôi khi cũng bị giết trong các cuộc tấn công của cái gọi là những kẻ cướp.”

Bị chính quyền địa phương bỏ rơi, Giáo Hội địa phương biết ơn sự hỗ trợ mà họ đã nhận được từ ACN, được Giám mục Anagbe mô tả là “nguồn ánh sáng trong thung lũng bóng tối”.

ACN tiếp tục hỗ trợ Giáo hội địa phương, nơi bị nghèo đói và bị bách hại ở nhiều nơi trên đất nước. Năm 2021, tổ chức này đã tài trợ cho 105 dự án ở Nigeria. ACN cũng cung cấp một nền tảng thông tin về sự đau khổ của các Kitô hữu và giúp chính quyền Giáo hội địa phương lên tiếng tại các sự kiện quốc tế về các vấn đề như tự do tôn giáo và đàn áp Kitô giáo.


Source:ACN