Ngày 24-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn lựa Nước Trời là khôn ngoan
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:03 24/07/2020

ChúaNhật XVII Thường Niên Năm A

Ngọc là quí, là cái đáng giá. Nhưng người Kitô hữu có một thứ “Ngọc” đáng giá hơn nhiều: NGỌC NƯỚC TRỜI.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn Người lái buôn đi tìm và mua ngọc quí để nói về Ngọc Nước Trời ấy.

Người lái buôn đi tìm và mua viên ngọc như thế nào? Anh ta đánh đổi tất cả, bán mọi của cải để chỉ mua lấy viên ngọc quí ấy.

Hóa ra khi chọn lấy viên ngọc Nước Trời, cuộc sống người Kitô hữu hàm chứa cả một thái độ chọn lựa lớn lao: đánh đổi tất cả những gì thuộc về cuộc đời này để giữ lấy Nước Trời.

Mà chọn lựa bao giờ cũng đòi hy sinh. Bởi đó, một chọn lựa dứt khoát như thế là cả một hy sinh quyết liệt của người tìm ngọc.

Thế nhưng thái độ chọn lựa và hy sinh ấy lại là thái độ của người khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy đã được bài đọc một trích sách Samuel quyển thứ nhất diễn tả như một bằng chứng sống, tích tụ nơi một con người: vua Salomon.

Sau khi vua Đavit đã về già, Chúa chọn một người con của vua là hoàng tử Salomon đặt lên ngai vàng để thay thế vua.

Là vua, cứ như một ông vua trần thế bình thường khác, vua Salomon có quyền đòi cho mình sự sung túc, được cung phụng và uy quyền.

Nhưng không, lời cầu nguyện của ông trước mặt Chúa, cho thấy ông rất đơn sơ, khiêm nhường: Ông xưng mình là tôi tớ của Chúa và ý thức mình chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước, vậy mà Chúa đã đưa ông tới địa vị quá to lớn. Bởi đó ông “xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan”.

Chính khi nhận ra mình nhỏ bé, và cầu xin sự khôn ngoan, vua Salomon đã là một ông vua khôn ngoan. Thái độ khôn ngoan và lời cầu xin rất khôn ngoan của nhà vua chẳng những đã được Chúa nhận lời, nhưng hơn thế, Chúa khen ngợi ông:

“Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây, Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi”.

Khôn ngoan mà Thiên Chúa muốn không dừng ở sự sống thân xác, không là sự giàu có, không là hạ nhục kẻ thù…, nhưng là khước từ, là đánh đổi tất cả những thứ đó để có được Nước Trời, có được viên ngọc cao quí.
Nước Trời mà Chúa hứa, Người đã ban tặng, đã trao cho từng người. Trong ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, ta đã lãnh lấy viên ngọc quí giá ấy.

Vấn đề còn lại là thái độ sống của ta: khước từ hay đón nhận viên ngọc ấy. Nghĩa là đón nhận hay khước từ lời mời gọi hưởng vinh quang Nước Trời.

Sự đón nhận hay khước từ đều là những chọn lựa. Nếu chọn lựa đòi hy sinh, thì lãnh lấy viên ngọc Nước Trời buộc ta phải đi những bước quyết định và can đảm trong sự từ bỏ.

Đó là từ bỏ những thú vui bất chính, những thú vui nhục dục.

Từ bỏ những thói quen xúc phạm đức trong sạch, những thói quen cản bước ta tiến về sự thánh thiện, có khi là những thói quen tội lỗi.

Từ bỏ đam mê tiền bạc đến mức bất chấp lương tâm, mải mê trong lừa lọc, trộm cắp, mải mê tính toán, vụ lợi cho bản thân, gia đình mình…

Chỉ với một viên ngọc vật chất, nhà thương gia trong Tin Mừng đã bán tất cả gia tài để mua nó. Chúng ta có dám làm như thế đối với viên ngọc Nước Trời?

Nếu vua Salomon đã không kể đến lợi lọc riêng tư của bản thân, của gia đình, của hoàng triều, đã được Chúa khen ngợi không tiếc lời, thì thái độ sống khôn ngoan chọn lấy Nước Trời của bạn và tôi chắc chắn được Chúa thương nhìn đến.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:20 24/07/2020

37. Người bệnh nằm trên giường bệnh so với các binh lính trên chiến trường thì càng phải bày tỏ dũng cảm hơn, nhưng dũng cảm của binh lính là coi trọng đao thương, còn dũng cảm của người bệnh thì chú ý đến sự nhẫn nại.

(Thánh Segniga)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:23 24/07/2020
84. MẸ KHÓC CON

Có một phụ nữ, mặc cái váy màu hồng vừa khóc vừa kêu:

- “Con ơi, con ơi...”

Có người hỏi bà ta khóc ai vậy, bà ta đáp:

- “Ba của nó là rể của ba tôi, ba của tôi là bố vợ của ba nó.”

(Nhã Ngược)

Suy tư 84:

Có những người làm nghề khóc thuê khóc mướn, khi họ khóc thì kể lể lâm ly bi đát như khóc thương người thân yêu của mình, nhưng trong lòng họ thì một chút bi ai thương tâm cũng không có.

Có những người vì muốn cho mọi người biết mình cũng có hiếu với cha mẹ, nên khi cha mẹ chết thì thuê những người khóc mướn đến khóc giùm, để cho thêm đậm nét bi ai, còn chính họ thì không chảy một giọt nước mắt, nhưng họ thích kể dài dòng những chuyện về mình đã báo hiếu và lo lắng cho cha mẹ đến hao tiền tốn của, sức khỏe hao mòn, vân vân và vân vân.

Con cái có thể mứơn người khóc thuê đến để “khóc giùm” cho mình khi cha mẹ qua đời, bởi vì thời nào và xã hội nào cũng có những người con bất hiếu với cha mẹ, tức là không nghĩ đến công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.v.v... Nhưng cha mẹ thì không thể kiếm người khóc mướn cho mình khi con của họ qua đời, bởi vì không ai yêu thương con cái cho bằng cha mẹ, và không một người nào có quả tim yêu thương con cho bằng cha mẹ, và bởi vì “nước mắt thì chảy xuống chứ không chảy lên”.

Tình thương của con cái đối với cha mẹ giống như một giọt nước trong đại dương mà thôi...

Thiên Chúa cũng vậy, chúng ta chưa khóc thương khi Ngài vì tội chúng ta mà phải chịu đóng đinh trên thập giá, nhưng Ngài thì không thể không khóc khi chúng ta phạm tội, bởi vì Ngài là Cha trên trời của chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Kho báu và viên ngọc quý
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
20:19 24/07/2020

Chúa Nhật XVII Mùa Thường Niên
1 V 3, 5-12; Rm 8, 28-30; Mt 13, 44-52

Với việc cử hành phụng vụ Chúa Nhật XVII, Lời Chúa hôm nay tiếp tục giới thiệu chủ đề về Nước Trời như là kho báu, viên ngọc quý, và là mẻ cá mà mỗi người chúng ta cần khôn ngoan ưu tiên tìm kiếm để được hạnh phúc vĩnh cửu.

1. Khôn ngoan biết phân định

Trong bài đọc I, vua Salômon khi còn trẻ, ông đã cầu nguyện với Thiên Chúa để xin cho được một tâm hồn biết lắng nghe, ơn khôn ngoan và biết phân định phải trái để hướng dẫn Dân Chúa. Điều ông xin đẹp lòng Thiên Chúa, nên ông không chỉ được khôn ngoan mà còn được mọi thứ khác như giàu sang phú quý và vinh quang trên đời. Điều này muốn nói: có khôn ngoan của Thiên Chúa, sẽ có mọi thứ. Ơn khôn ngoan là một ơn rất cần thiết cho cuộc sống, chúng ta cần có sự khôn ngoan để biết phân định điều lành hay điều dữ, điều tốt hay xấu, giá trị đích thực cuộc sống này. Chúng ta cũng noi gương Salômon cầu xin Chúa cho có ơn khôn ngoan.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dùng ba hình ảnh rất cụ thể và gần gũi để nói về mầu nhiệm Nước Trời. Người nói: “Nước Trời như kho ngọc quý chôn giấu ở thửa ruộng; Nước Trời như viên ngọc quý; và Nước Trời như lưới thả xuống bắt được nhiều cá” (x. Mt 13, 44-50).

2. Chúa là kho báu và viên ngọc quý

Hai dụ ngôn đầu muốn nói: Nước Trời ở đây trước hết và trên hết đó chính là Chúa Giêsu. Người là hiện thân của Nước Trời ở giữa trần gian. Chúa Giêsu là kho báu chôn giấu ở thửa ruộng. Bởi lẽ, Người là Con Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy thân phận phàm hèn, sống và hiện diện một cách ẩn giấu và khiêm tốn ở giữa chúng ta. Nhưng Người thuộc thế giới khác, cấp bậc khác so với thụ tạo. Chúa Giêsu cũng chính là viên ngọc quý mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại.

Trong chúng ta, ai cũng yêu thích ngọc quý cả, nó là đồ trang sức lấp lánh và đẹp mắt, làm cho chúng ta đẹp hơn. Nhưng nếu chúng ta trang sức bằng viên ngọc quý là Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được nên giống Người, chúng ta sẽ trở nên thánh thiện và đẹp lộng lẫy. Đó là điều được thánh Phaolô hôm nay nói trong bài đọc II, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta nơi Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Cũng như người nông dân và người thương gia đi tìm kiếm kho báu và viên ngọc quý, chúng ta được mời gọi ưu tiên tìm kiếm Chúa Giêsu và các giá trị Tin Mừng như là giá trị lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, vì vô tri bất mộ, hay do sự thiếu khôn ngoan, hoặc sai lầm, nhiều lúc chúng ta đã đặt những thứ khác lên trên hết trong bậc thang giá trị cuộc sống, như coi tiền bạc, của cải vật chất, hưởng lạc hay coi địa vị và danh vọng trên hết. Nhiều lúc chúng ta thiếu phân định và đã chọn lựa sai, hay đã lầm.

3. Đừng bỏ cuộc

Câu chuyện sau đây khá thâm thúy đáng cho chúng ta suy nghĩ: Khi có nhiều người theo Chúa và đi vào trong sa mạc để cầu nguyện, nhưng dần dần, nhiều người bỏ cuộc vì không chịu nổi cái nóng và cái rét ở sa mạc. Khi có người đến hỏi tại sao lại như thế, Đức Hồng Y Maria Martini trả lời bằng câu chuyện sau: Có một con chó khi thấy một con nai đằng trước, nó bắt đầu đuổi con nai, vừa đuổi vừa kêu, khi nghe tiếng kêu, nhiều con chó khác cũng chạy theo, nhưng dần dần, những con chó khác bỏ cuộc vì không nhìn thấy con nai, chỉ con chó đầu tiên theo đuổi cho tới khi nào bắt được con nai đó.

Vì không biết khám phá Đức Giêsu là kho báu và là viên ngọc quý nhất trong cuộc sống, nên chúng ta thường bỏ cuộc và tìm kiếm những điều khác thay thế.

Để soi sáng cho chúng ta biết chọn lựa đúng theo bậc thang giá trị cuộc sống, Blaise Pascal, một nhà triết gia Công Giáo, đã đưa ra ba cấp bậc về thang giá trị:

Bậc thứ nhất bao gồm của cải, sức khỏe và sắc đẹp. Nó thuộc phạm vi những gì chúng ta có. Tự thân, chúng thuộc giá trị tự nhiên, nên ai cũng mong muốn có nhiều tiền của, khỏe mạnh và có sắc đẹp, chúng là tốt. Nhưng chưa phải là giá trị cao nhất.

Bậc thứ hai đó là những tài năng và thiên tài. Đó là những khả năng trổi vượt, chúng làm cho người khác kính nể. Ai trong chúng ta cũng muốn rèn tập cho mình một tài năng nào đó: âm nhạc, thơ ca, hội họa, khoa học, kỹ thuật, tư tưởng… Nhưng tài năng vẫn chưa phải là giá trị cao nhất của cuộc sống.

Bậc thứ ba là bậc cao nhất, đó chính là sự thánh thiện và tình yêu. Đó là cấp bậc mà các thánh nhân sở hữu. Họ là những người vĩ đại nhất. Thánh thiện và yêu thương là giá trị cao nhất. Hay nói các khác, họ đã chọn Thiên Chúa là giá trị cao nhất trong bậc thang giá trị cuộc sống. Theo đó, các thánh đã rập khuôn đời mình theo bậc thang giá trị này.

Nếu chúng ta chọn tiền của là chỗ nhất, nếu chúng ta đặt tài năng là chỗ nhất, khi đó bậc thang giá trị cuộc sống bị đảo lộn. Chúng ta sẽ lầm và thất vọng bởi chúng ta đánh mất viên ngọc quý, hay kho báu là chính Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta. Theo cái nhìn đó, hậu quả mà dụ ngôn thứ ba nói tới là đến ngày tận thế, chúng ta không tìm được hạnh phúc, sẽ bị loại ra ngoài, ở đó phải khóc lóc và nghiến răng. Nhưng nếu chúng ta biết ưu tiên và khôn ngoan chọn Chúa Giêsu, chọn giá trị Tin Mừng như là giá trị lớn nhất, thì chúng ta sẽ được vui mừng hoan hỷ mà coi mọi thứ khác chỉ là rơm rác, không còn là quan trọng, và có thể hy sinh mọi thứ mình có để được biết Chúa Kitô và yêu mến Người.
Như thế, noi gương các thánh, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết tìm kiếm, khám phá Chúa Giêsu là viên ngọc và kho báu quý nhất trong cuộc sống và đồng thời biết khôn ngoan phân định và ưu tiên chọn Người. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Kho báu ẩn giấu và viên ngọc quý
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
20:22 24/07/2020
Chúa Nhật XVII Mùa Thường Niên

1 V 3, 5-12; Rm 8, 28-30; Mt 13, 44-52

Sống là một hành trình tìm kiếm và chọn lựa liên lỉ. Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa giữa tốt và xấu, giữa lành và dữ.

Trong tác phẩm nổi tiếng “La Pensées, ” Pascal, một triết gia Công Giáo pháp cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng trong cuộc sống con người:

Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay những gì con người sở hữu: bậc này bao gồm những ai giàu có, những ai có sức khỏe hay dung nhan xinh đẹp. Bậc này có một giá trị không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.

Bậc thứ hai cao trọng hơn bậc thứ nhất, là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ nắm giữ. Đây là một bậc có một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm không bớt điều gì cho những thiên tài. Trước họ chúng ta phải ngưỡng mộ và nể phục vì tài năng của họ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất.

Còn có một thứ bậc cao hơn , đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng. Gounod cho rằng: “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng.” Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì cho một người thánh thiện, một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc cao nhất, vượt trên cả hai bậc kia. Điều này rất phù hợp với quan niệm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đạt tới bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu, và mời gọi đạt tới sự thánh thiện, trở nên những vị thánh trong cuộc đời. Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội, là Kitô hữu đều được mời gọi sống cho tình yêu và sự thánh thiện này, ngay trong chính đời sống của mình.

Lời Chúa hôm nay cũng nói tới sự cao cả và lời mời gọi này: Vua Salômon trong bài đọc I không xin Thiên Chúa cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo Dân Chúa và phân biệt lành dữ. Khi làm như thế Salômon đang đi vào cấp bậc III của thánh thiện và ân sủng. Điều ông xin đẹp lòng Chúa nên được Chúa chấp nhận và ban cho ông được khôn ngoan và có tất cả.

Dụ ngôn “kho báu giấu ở thửa ruộng” và “viên ngọc quý” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có giá trị nào, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và “viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Người là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, để chúng ta tìm kiếm và chiếm hữu cho bằng được, dù có phải bán đi mọi thứ. Đức Giêsu chính là Nước Trời hiện diện giữa chúng ta. Người là kho báu và là viên ngọc quý, vì nói như thánh Phaolô hôm nay: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh, ” trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô.

Khủng hoảng lớn nhất của con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành một thứ hạng hai, thứ yếu. Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI phê bình rất chính xác về cuộc sống hôm nay:

“Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng” (Bài giảng với giởi trẻ ở Sydney 2008).

Nếu cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và quy chiếu như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản. Chúng ta đánh mất sự khôn ngoan trong cuộc đời.

Như hai người trong Tin Mừng đi tìm kiếm kho báu và viên ngọc quý, tất cả chúng ta đều được mời gọi sống sự thánh thiện, tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải. Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm. Có một sự bận tâm cao hơn đó là “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt 6, 33); có những giá trị còn lớn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân thiện mỹ của đời ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Nước Trời quý giá, lòng người quý mến
Lm. Nguyễn Xuân Trường
20:28 24/07/2020

Phúc Âm tuần này cho thấy Nước Trời như kho báu, như ngọc quý. Nước Trời thật quý giá khiến người ta quý mến.

Nước Trời quý giá. Nước Trời như kho báu ngọc quý. Khi người ta hân hoan hồ hởi bán hết tất cả những gì mình có mà mua kho báu thì có nghĩa là Nước Trời quý giá hơn mọi sự trần gian. Nước Trời quý giá vì là nước của Chúa chứ không phải của con người. Nước Trời thỏa mãn khát vọng hạnh phúc sâu thẳm của con người là yêu và được yêu thật nhiều, thỏa mãn khát vọng vươn cao vô biên của con người là vươn tới thế giới thần linh, hòa mình vào cõi huyền diệu của Đấng Tối Cao.

Lòng người quý mến. Nước Trời quý giá mà sao thực tế nhiều người lại quý mến trần gian hơn Nước Trời? Bởi vì người ta chưa thấy giá trị Nước Trời. Những thổ dân sống trong rừng sâu coi cục vàng hay viên ngọc quý cũng chỉ như cục đất hay viên đá sỏi mà thôi. Họ không thấy được giá trị của nó nên họ coi thường, có khi họ thích một trái chín trên cây hơn một cục vàng dưới suối. Lòng quý mến sẽ xuất hiện khi người ta nhận ra giá trị của một vật, một người.

Thế nên, chúng ta rất cần xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để nhận thấy những giá trị cao quý trong đời và trong Đạo. Khôn ngoan chọn những điều tốt, bỏ những điều xấu, có khi phải bỏ cả những điều tốt, để chọn điều tốt nhất.

Xin Chúa ban ơn cho ta nhận ra những nét đẹp giá trị, những kho báu quý giá nơi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em trong gia đình, nơi bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp… Để rồi chúng ta đem lòng quý mến nhau, quý trọng những giá trị của nhau, vui vì có nhau.

Cũng xin Chúa ban ơn cho ta nhận ra giá trị cao quý của Lời Chúa, của ơn Chúa cứu độ, của tình Chúa yêu thương trong gia đình Giáo hội. Để rồi chúng ta vui tươi sống Đạo và kính mến Chúa trên hết mọi sự. Amen.
 
Lời là Người, Người là Lời
Lm. Minh Anh
21:53 24/07/2020

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị khi nói dụ ngôn người gieo giống là dụ ngôn của lòng sám hối; và nếu thế, thì Tin Mừng hôm nay quả là phù hợp với trình tự ngôn sứ Giêrêmia diễn tả. Phụng vụ Lời Chúa cho thấy Thiên Chúa những mong con người thời Cựu Ước và cả Tân Ước trở về với Người; để rồi, chính họ sẽ trở nên những hạt giống tốt trong Nước Người.

Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa phán, “Hỡi con cái phản loạn, hãy hối cải”. Chúa gọi dân Người là dân phản loạn vốn đã bao lần khiến Người nổi tam bành đến nỗi phải sửa trị họ tới mức lưu đày. Thế nhưng, vì là một Thiên Chúa xót thương nên bằng mọi cách Người làm cho dân biết sám hối, quay trở về. Một trong những trình tự Người làm là ban cho họ các chủ chăn, Giêrêmia nói, “Ta sẽ ban cho các ngươi những chủ chăn theo như ý Ta, để họ dùng lý trí và khôn ngoan chăn dắt các ngươi”. Đó là những chủ chăn biết kêu gọi dân sám hối và trở về; và rồi, chính họ sẽ trở nên ‘một dân truyền giáo’, một dân làm cho Đấng họ thờ được vinh quang. Sẽ không ngạc nhiên khi kết thúc bài đọc hôm nay, Giêrêmia nói, “Người ta sẽ gọi Giêrusalem là ngai của Chúa, mọi dân tộc sẽ nhân danh Chúa mà quy tụ tại đây”. Và như thế, dân sám hối nay trở nên những hạt giống tốt cho vinh quang Nước Người.

Dụ ngôn người gieo giống, kỳ thực, là một dụ ngôn của lòng sám hối. Chúa Giêsu nói đến bốn cung cách tương tác của Lời nơi người nghe: nghe nhưng không muốn hiểu; hiểu nhưng không đâm rễ; đâm rễ nhưng để vinh hoa phú quý bóp nghẹt; và cuối cùng, nghe, hiểu, đâm rễ và sinh ích. Cả bốn loại đất cùng mang một thông điệp, đó là hãy sám hối để Lời có thể mọc lên, sinh lợi cho Nước Trời. Chúng ta có thể lấy một bài giảng ngày Chúa Nhật làm ví dụ. Trước hết, có người nghe vì phải nghe, không cần nhớ cũng không cần hiểu, và tốt nhất là ngủ nếu có thể; thứ đến, có người thích thú nghe nhưng để lại ở nhà thờ và ra về tay không, chẳng có gì để nhớ, chẳng có gì để suy nghĩ; thứ ba, có người chăm chút nghe để có cái mà thảo luận với người khác, kể cả với vị giảng lễ nhưng thảo luận chỉ để thảo luận, không phải để sống; và sau cùng, là những người để cho Lời Chúa đánh động tâm hồn, thức tỉnh con tim và sau đó, sẵn sàng đáp trả bằng một quyết tâm hoán cải và sinh hoa kết trái.

Trong Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu nói rõ, “Người gieo giống đây là người gieo lời” nhưng trong Matthêu thì không, còn hơn cả lời; ở một cấp độ cao hơn, đó là những con người, người mang Lời và chính họ cũng là Lời; Lời là người, người là Lời. Người môn đệ của Chúa Giêsu phải là Lời rao giảng Nước Trời; ơn gọi của môn đệ là trở nên Lời, trở nên hạt tốt mà Thiên Chúa đang gieo vào các mảnh đất tâm hồn trong thế giới hôm nay. Nếu Gioan tiền hô nói, “Tôi là tiếng kêu” thì nay, người môn đệ Chúa Giêsu cũng được mời gọi hoán cải để cũng nên tiếng, nên Lời của Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi một sự cam kết, dấn thân được khởi đầu bằng việc sám hối.

Một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc sáu tuổi lớn lên trong một gia đình giàu có đạo đức; vậy mà cậu mất đức tin. Nhập trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng, nhưng vì say sưa, cậu bị giải ngũ. Sau đó, thám hiểm Marốc, Algérie châu Phi, cậu được huy chương vàng. Tuy nhiên, giữa bao sa đoạ của một cựu sĩ quan, cậu đã suy nghĩ về cuộc đời mình. Cậu có một người chị họ rất đạo đức, bà Marie de Bondy, bà đã đánh động cậu rất nhiều qua câu nói, “Cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa? ”. Từ đó, cậu đã hồi tâm và đã ăn năn trở lại lúc 33 tuổi; đời cậu bắt đầu sang trang từ dạo ấy. Đó là Đấng đáng kính Charles de Foucauld, vị linh mục tuy không sáng lập nhưng là người cha tiên khởi của các Tiểu Đệ và Tiểu Muội. Cha René Voillaume thành lập Tiểu Đệ năm 1933; chị Magdeleine thành lập Tiểu Muội năm 1939. Hiện nay Hội Thánh có hơn 1.324 tiểu muội và 1.286 tiểu đệ hiện diện trên khắp cùng thế giới.

Anh Chị em,

Để có thể bắt đầu hành trình gieo hạt và đơm hoa kết trái, một hành trình khác không thể không xảy ra trước, đó chính là sám hối và trở về.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể đi hết hai chặng đường này, xin cho con biết yêu mến và say mê của ăn Thánh Thể mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Khởi đầu một hành trình có tên là Ân sủng
Lm. Minh Anh
21:57 24/07/2020

“Ôi, con yêu Chúa quá muộn màng; con yêu Chúa quá muộn màng”;
“Oh, late, have I loved you; oh, late, have I loved you”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu năm 1949, linh mục nhạc sĩ Roc O’Connor dòng Tên, Mỹ, đọc Augustine’s Confessions để dệt nên bài nhạc thánh “O Beauty, Ever Ancient” thì năm 1983, linh mục nhạc sĩ Ân Đức dòng Xitô, Việt Nam, đọc Tự Thuật của Augustinô đã thêu nên bản thánh ca “Ngài Có Đó”. Gần như cả hai tác giả cách nhau nửa vòng trái đất đã chạm thấu những cảm xúc, những hụt hẫng nơi người thanh niên này, ‘Ôi Thiên Chúa, vẻ đẹp rạng ngời, vẻ đẹp toàn bích! Ngày cũng như đêm, con đi tìm Người. Con chạy vòng vòng nhưng không dẫn đến đâu; tất cả chỉ là hư vô, trống rỗng. Con không thấy vẻ đáng yêu đàng sau của những quà tặng, bởi con mù loà điếc lác không nhận ra Ngài, Đấng Tặng Quà’.

Một cái gì đó rất phù hợp với điều ngôn sứ Giêrêmia nói hôm nay, “Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh, để đào những hồ nứt rạn không giữ nước”. Khác nào Augustinô, Israel thay lòng đổi dạ, chạy theo thần ngoại, chạy theo thế quyền, vật chất và những gì tạm bợ vốn không thể dập tắt cơn khát, cơn đói tâm hồn; Augustinô bỏ Chúa, Israel bỏ Đấng cứu thoát mình, nguồn nước hằng sống để đào cho mình những giếng rạn nứt. Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa, bằng mọi cách đưa dân về lại với Người khác nào Mônica ròng rã mười sáu năm trường khóc con, mong con quay về với Chúa, suối nguồn yêu thương. Vậy mà, Augustinô phớt lờ, Israel bỏ ngoài tai; bởi lẽ, nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu.

Đây cũng là điều đã xảy ra trước và sau khi Augustinô trở lại. Chúa Giêsu nói về những người cứng lòng đương thời, như ‘Augustinô tiền’; và những môn đệ mềm lòng, như ‘Augustinô hậu’. Ngài nói, “Các con là những người được ban cho biết những mầu nhiệm Nước Trời. Vì ai đã có, thì ban thêm cho dư dật; kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi”.

Tại sao ai có lại có thêm, ai không có thì cái có cũng bị lấy đi? Đây là cốt lõi của mầu nhiệm ân sủng, mầu nhiệm Nước Trời. Mầu nhiệm này được ban cho ai biết mở lòng ra trước chân lý. ‘Augustinô hậu’, các môn đệ là những người đã mở lòng ra và Thiên Chúa đã tỏ những mầu nhiệm cao sâu, dài rộng, đẹp đẽ và vô biên một cách rõ ràng, trực tiếp cho các ngài.

Anh Chị em,
Đây cũng là điều chúng ta cần lưu ý. Hãy tìm học những gì Chúa Giêsu dạy và tuyệt đối tin vào lời Ngài. Vì một khi bắt đầu tin, sau đó, sống điều mình tin là khởi đầu một hành trình mới; một hành trình có tên là ân sủng, hành trình của niềm tin và sự hiểu biết mà trước đó chưa bao giờ có. Đó là ý nghĩa của việc ai có, sẽ cho thêm, cho cách dẫy đầy. Sự sống ân sủng là như thế! Một khi bắt đầu chấp nhận tất cả là sự thật, ân sủng sẽ biến đổi cuộc đời mỗi người như đã biến đổi Augustinô. Chúng ta sẽ được cho thêm theo cấp số nhân, nhiều gấp bội so với những gì có thể tưởng tượng và đó chính là ân sủng. Ngược lại, một khi từ chối lắng nghe và không chịu hiểu, thì ngay cả niềm tin và sự hiểu biết còm cỏi đã có cũng sẽ dần dần trở nên mơ hồ, nghi hoặc và rồi, sớm muộn gì cũng đi đến chỗ mất đức tin.

Lần kia, một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa đến hỏi một ẩn sĩ, “Làm thế nào để con mãi vững tin? ”. Ẩn sĩ đáp, “Đức tin không phải là cái con nhận một lần thay cho cả đời. Đức tin là thế này, có những lúc con đi trên nước và có những lúc con chìm tựa chì. Nhưng nếu mỗi ngày con hoán cải, mở lòng ra cho ân sủng và biết sống yêu thương, thì con sẽ ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa và sự bất tử của linh hồn con”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, ân sủng Chúa đang đổ xuống cho con trên bàn thờ; xin cho con hiểu, mỗi ngày con đi tìm Chúa; nhưng kìa, Chúa đang ngược chiều tìm con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Khát khao cả Đấng trên cao
Lm. Minh Anh
22:01 24/07/2020

Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng tôi không gặp được chàng”;
Tôi đã trông thấy Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chẳng tình cờ chút nào khi một trong những đoạn văn trữ tình nhất của sách Diễm Ca và trình thuật phục sinh được chọn đọc nhân ngày lễ thánh nữ Maria Madalena. Qua đó, Hội Thánh muốn nói đến cơn khát của một tâm hồn mong gặp Chúa; Maria, tâm hồn khát khao đã gặp được Ngài, Đấng phục sinh chỉ cho vị ‘tông đồ của các tông đồ’ khát khao cả Đấng trên cao.

Sách Diễm Ca diễn tả nỗi lòng của một thiếu nữ đang yêu những mong gặp người mình yêu, “Suốt đêm trên giường ngủ, tôi đã tìm kiếm người tôi yêu”. Hơn bao giờ hết, con người hôm nay bị cuốn vào cơn lốc thời gian khiến nó trở thành một sinh vật động đạc; các tương quan của nó trở nên lỏng lẻo. Đức Phaolô VI nói, “Chúng ta đang sống trong một thế giới bị kìm kẹp bởi một cơn sốt vốn đã xâm nhập vào cả nơi tôn nghiêm và sự cô tịch của tâm hồn. Tiếng ồn ào huyên náo ầm ĩ đã xâm chiếm gần như mọi thứ khiến người ta không còn khao khát Thiên Chúa, không còn muốn hồi tâm. Giữa hàng ngàn thứ gây xao lãng, con người hoài phí năng lực chạy theo những điều vô bổ. Văn hoá hiện đại đã xâm chiếm sự thân mật tư riêng của các gia hộ và các con tim. Thật khó khăn hơn nhiều khi phải tìm một cơ hội cho việc hồi tâm, ở đó, linh hồn khao khát có thể gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa”.

Tin Mừng nói đến cơn khát đó nơi Maria, người ra mộ Thầy từ tinh mơ theo cảm tính để tẩm thuốc thơm cho một xác chết; vậy mà đặc ân lớn lao đã xảy ra, bà gặp Đấng đã chết nay đang sống. Sẽ không ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng, bà không đáng được diễm phúc này. Tin Mừng xác nhận bà là người được Chúa trừ bảy quỷ; rõ ràng trước đó, bà bị chúc dữ, được kể là người tội lỗi. Cuối thế kỷ thứ sáu, Giáo hoàng Grêgôriô Cả coi bà là người phụ nữ suýt bị ném đá được Chúa cứu mạng ở trong đền thờ. Ấy thế, sau khi gặp Chúa, bà là môn đệ, giúp Chúa và các tông đồ, có mặt dưới chân thập giá đang khi các tông đồ chạy tán loạn.

Chúa phục sinh đã nâng khát khao cảm tính của bà lên một cấp độ cao hơn, dù đau dớn nhưng cần thiết, “Đừng động đến Thầy, vì Thầy chưa về cùng Cha”; “Hãy đi báo tin cho anh em Thầy, ‘Thầy về cùng Cha Thầy, cũng là Cha anh em; về cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Ấy, người phụ nữ tội lỗi được nhìn thấy Chúa trước nhất, cũng là sứ giả trước nhất của Tin Mừng phục sinh. Chúa Giêsu không câu nệ quá khứ tội lỗi của một ai, Ngài dùng người đó cho một sứ mệnh; thứ đến, Ngài muốn kẻ khát khao Ngài không vì cảm tính thể lý nhân loại nhưng phải gắn kết với Ngài để gắn kết với chính Chúa Cha trên trời.

Một phụ nữ trước khi chết, ước được thấy Chúa. Trong mơ, Chúa cho biết tối mai Ngài đến. Bà sửa soạn, đợi chờ và thiếp đi; Chúa nói, “Sao Ta đến mà con không tiếp? ”. Bà nói, “Con đợi Chúa trước cổng”; Chúa bảo, “Cổng sau”. Ngài hẹn bà đêm mai; bà lại chờ, ra cổng trước vào cổng sau, hoài công. Chúa trách và cho biết Ngài đến qua cửa sổ. Ngài lại hẹn bà tại một giếng nước đầu làng; đến đây, bà chợt nhận ra Chúa chơi trò cút bắt. Cuối cùng, Ngài nói, “Nếu con chỉ muốn gặp Ta ở một nơi nào đó, sẽ không bao giờ gặp. Ta cho con thấy không chỉ một lần trước khi chết, nhưng là mỗi ngày, mỗi phút với điều kiện hãy bỏ khát vọng được thấy Ta bằng mắt trần tục; con chỉ có thể thấy Ta bằng đôi mắt của trái tim với lòng yêu mến”.

Anh Chị em,
Bên mộ trống, Chúa tỏ mình cho Maria; trên bàn thờ, Chúa tỏ mình cho chúng ta. Hãy cầu xin cho được khát khao Ngài, khát khao cả Cha trên trời.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
Lạy Chúa, Maria khát khao Chúa; xin cho con biết, Chúa đang khát linh hồn con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ái nữ diễm phúc của con mình
Lm. Minh Anh
22:04 24/07/2020

Ai làm theo ý Cha Tôi trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Tôi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mỗi lần đến Đại Chủng Viện Huế, khách thăm không khỏi tò mò khi đọc dòng chữ dưới chân tượng Đức Mẹ giữa hoa viên có tên “Diễm Tụ Đài”. Trước nhà nguyện, Đức Mẹ nâng Chúa Giêsu trên vai như đã nâng bao thế hệ trai trẻ từ trường lớn đến trường nhỏ gần nửa thế kỷ qua; quả thế, mỗi cuối tuần, các chú các thầy xưa nay đều đến dâng mình cho Đức Mẹ trước tượng này. Từ trước, tượng này được đặt giữa sân Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, nhưng vào những ngày ly tao cuối 1979, cách đây 41 năm, cũng là năm Giáo Phận Huế mất đi cơ sở đào tạo quý báu này, tượng được đưa lên trường lớn bây giờ. Chân tượng có dòng chữ, “O Virgo Mater, filia tui beata Filii”, có nghĩa là, “Ôi Mẹ Nữ Trinh, ái nữ diễm phúc của Con mình”; đã là mẹ mà vẫn là nữ trinh, đã là mẹ mà vẫn là ái nữ của con mình; Mẹ trong Chúa, Lời Chúa trong Mẹ; sự kết hiệp tuyệt vời giữa Mẹ với Chúa và Lời của Ngài khi Mẹ thuộc trọn về Chúa.

Anh Chị em,

Cả hai bài đọc hôm nay nói đến những con người thuộc về Thiên Chúa. Ngôn sứ Mikha nói đến một dân được Chúa chăn dắt như đoàn chiên Người sở hữu; thánh sử Matthêu nói đến những con người làm theo ý muốn của Cha trên trời và họ thuộc về Người.

Bài đọc thứ nhất là phần cuối cùng của sách Mikha, phần mà các nhà chú giải gọi là “Niềm hy vọng”. Vị ngôn sứ dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện chứa chan hy vọng, rằng, Chúa không bỏ dân Người; Người sẽ tái thiết những đổ nát hoang tàn vì tội bất trung của dân. Cậy vào lòng Chúa khoan dung, Mikha xin Người thứ tha và tiếp tục chăn dắt dân mình, “Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt Dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Người”. Kết thúc cuốn sách của mình, Mikha nhắc đến hai tổ phụ, những con người của lời hứa cứu độ, “Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa”. Ơn cứu độ là việc hoàn tất giao ước và lời hứa cho tổ phụ của dân, dân thuộc quyền sở hữu của Người.

Tin Mừng nói đến những con người thuộc về Thiên Chúa thời Tân Ước, trình thuật này khiến chúng ta hụt hẫng. Chúa Giêsu xem ra khá lạnh lùng trước việc người ta báo tin cho Ngài có mẹ và anh em đến thăm, “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi? ”; thế nhưng, đưa mắt nhìn các môn đệ, Ngài nói, “Đây là mẹ tôi và đây là anh em tôi”. Với khẳng định này, Ngài loan báo một gia đình mới, lớn lao hơn, phổ cập hơn gồm những con người rất khác nhau về màu da, tiếng nói, chủng tộc, địa lý… biết nghe và giữ Lời Thiên Chúa; Ngài nói đến một tương quan mới còn hơn cả tương quan máu mủ. Không phải Chúa Giêsu thiếu tôn trọng mẹ và anh em mình, thay vào đó, Ngài mặc nhiên công nhận Đức Maria là kiểu mẫu bởi mẹ không chỉ cưu mang Con Chúa, nhưng đã cưu mang Lời Chúa. Mẹ là môn đệ hoàn hảo hoàn toàn thuộc trọn về Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Gia đình của Chúa là cộng đoàn các môn đệ, cộng đoàn những anh chị em được liên kết trong Thánh Thần. Trở thành người thân của Chúa Giêsu, là bước vào và sống dưới mái nhà Ngài; ai sống trong nhà Chúa đều là người tự do và ai thân quen với Chúa thì tự do, họ trở thành những vị thánh vĩ đại. Mẹ Maria và các thánh là người ở bên Chúa, nhìn Chúa, lắng nghe và cố gắng thực hành Lời Chúa; họ thuộc trọn về Người”.

Anh Chị em, Đức Mẹ có trở nên ‘Diễm tụ mẫu’ cho chúng ta bắt chước? Mẹ Maria có vai trò nào trong đời sống của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chúng ta?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, dẫu bà con với Chúa nhưng xem ra Lời Chúa ở nơi con vẫn như giọt sương sớm đọng trên cuống lá; xin cho con biết yêu mến và sống Lời Chúa như Mẹ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Không còn phải ngao ngán nghẹn ngào
Lm. Minh Anh
22:07 24/07/2020

Hôm nay phải chi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến những con người cứng lòng khiến Thiên Chúa phải thở dài; Người ước mong nó hoán cải. Qua ngôn sứ Mikha, Người nghẹn ngào ngao ngán, “Dân Ta ơi, dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi, hãy trả lời Ta đi”; qua Tin Mừng, Chúa Giêsu tê tái tức tưởi, “Sẽ không cho các ngươi dấu lạ nào trừ dấu lạ Giôna”.

Mikha, ngôn sứ được mệnh danh là vị ngôn sứ xã hội, một nông dân miền Morati cách thủ đô Giêrusalem không xa, ông thấy nhiều và chứng kiến nhiều; ông nói những lời đanh thép và cương quyết khi tố cáo những bất công xã hội thời bấy giờ và đấu tranh cho quyền con người. Bài đọc hôm nay nói lên những trách cứ nhưng đầy trìu mến của Thiên Chúa trước sự cứng lòng của dân Người, “Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi, hãy trả lời Ta đi”. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Mikha đưa người ta đi đến cùng đích, đó chính là Thiên Chúa. Cuối bài đọc hôm nay, ông nói, “Hãy thực hiện công bình, quý mến lòng nhân lành và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa của ngươi”. Đó là một lời mời gọi hoán cải.

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự cứng lòng của giới biệt phái thời Chúa Giêsu. Họ đòi Ngài một dấu lạ ngoạn mục; tiếc thay, Ngài không thoả mãn một thứ dấu lạ mang tính biểu diễn. Ngài nói, “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giôna”; Ngài nói cho họ rằng, chính Ngài là dấu lạ, một dấu lạ mời gọi hoán cải.

Hình ảnh Giôna trong bụng cá tiền trưng cho hình ảnh Chúa Giêsu ba ngày trong huyệt mộ. Cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài là dấu lạ lớn nhất cho thế giới, cho mỗi người. Ấy thế, không hơn gì những biệt phái xưa, đôi khi, chúng ta cũng đòi Thiên Chúa làm điều này, điều kia và sự việc thường không xảy ra. Nhưng thường xuyên hơn, điều chúng ta trải nghiệm là sự im lặng từ Thiên Chúa; không ít lần, Người xem ra xa vắng hay ít ra, Người lãng tai và chúng ta trách cứ Người. Chính những lúc ấy, Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta theo cùng một cách; Ngài thầm thĩ nhắc nhở chúng ta về sự sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài nhắc chúng ta phải tin vào Lời Ngài cả khi chúng ta cảm thấy tăm tối tanh tưởi như chính bản thân mình đang ở trong bụng kình ngư hoặc đã chết trong mồ. Đừng đánh mất hy vọng. Thiên Chúa có mặt trong mọi biến cố; Người hoạt động, hiện diện cả khi Người dường như im lặng.

Hãy tin, Thiên Chúa đang nói với chúng ta qua thánh lễ, mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Con. Đến với thánh lễ là đến để chứng kiến dấu lạ Chúa làm cả khi chúng ta cảm thấy không còn gì để mất hoặc Thiên Chúa cứ câm nín; không, Người không câm nín, Người đang nói qua Lời của Chúa Con; đang ở với chúng ta trong hy tế của Chúa Con. Chỉ cần chúng ta phân biệt cho được giọng nói của Người, một giọng nói đang mời gọi mỗi người hoán cải.

Thánh Bonaventura nói, “Sự kỳ diệu của thánh lễ diệu kỳ hơn sao trên trời, hơn cát dưới biển; thánh lễ tái diễn cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thánh giá xưa, cho nên thánh lễ là một sự kỳ diệu khôn lường trong thế giới này, một kho tàng chứa đầy mầu nhiệm cực kỳ huyền diệu. Trên trái đất không có gì có thể so sánh được; và trên thiên đàng cũng không có gì lớn lao hơn, kỳ diệu hơn thánh lễ”.

Anh Chị em,
Thánh lễ không chỉ là một lời mời gọi đến dự tiệc thánh, nhưng trước hết là một mời gọi hoán cải nhờ biết sám hối và tin vào Tin Mừng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
Lạy Chúa, Chúa không luôn ban ngay điều con muốn, nhưng luôn ban cho con điều con cần; điều con cần hôm nay là ơn sám hối, Chúa không còn phải ngao ngán nghẹn ngào”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ba hương sắc của lòng xót thương
Lm. Minh Anh
22:12 24/07/2020

Nước Trời là Nước của lòng thương xót”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay man mát mùi hương của lòng thương xót nơi một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Từ bài đọc sách Khôn Ngoan, Thánh Vịnh đáp ca cho đến thư thánh Phaolô, tất cả đều toả ngát hương thơm đó; cách đặc biệt, bài Tin Mừng với một chuỗi ba dụ ngôn vốn cho chúng ta có thể cảm nếm ba hương sắc ý nhị của lòng thương xót Chúa khi Chúa Giêsu nói về Nước Trời, một Nước của lòng xót thương.

Bài đọc sách Khôn Ngoan nói, “Ngoài Thiên Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng, Chúa không đoán xét bất công”; “Và vì Người là Chúa mọi sự, nên Người tỏ ra khoan dung với mọi người”; “Chúa là chủ sức mạnh, nên Người xét xử hiền lành, quản cai chúng ta với lòng khoan dung chan chứa”; “Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối”. Vì thế vương quốc của Chúa là vương quốc của lòng xót thương.

Điệp khúc Thánh Vịnh đáp ca chúng ta vừa hát đi hát lại như một lời ngợi khen Đấng đầy lòng thương xót, “Chúa là Đấng từ bi nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan dung”. Đấng khoan dung ban Thánh Thần của Người để Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn nơi chúng ta khi chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải lẽ; chính Thánh Thần sẽ dạy chúng ta biết chạy đến với lòng thương xót Chúa và đây là điều mà thánh Phaolô nói đến trong thư Rôma.

Thú vị hơn với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến Nước Trời như ruộng lúa tốt, nhưng rủi thay, cỏ lùng lại chen vào; Ngài nói đến Nước Trời như hạt cải nhỏ vươn lên thành cây hoặc như nắm men vùi trong ba đấu bột. Qua chuỗi dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho thấy ba nét đặc trưng của lòng thương xót Chúa. Trước hết, lòng thương xót Chúa tỏ ra khoan dung, nhẫn nại, đợi chờ trong hy vọng qua hình ảnh ông chủ giỏi nghề ruộng, khéo nghề vườn biết hướng đến ngày mùa khi lúa tốt sẽ được đem vào kho, cỏ lùng thì đem đốt cháy; lòng thương xót Chúa tỏ ra khiêm nhu lặng lẽ như hạt cải nhỏ bé âm thầm mọc lên thành cây để chim trời có thể đến nương náu; và sau cùng, lòng thương xót Chúa tỏ ra mạnh mẽ, nồng nàn nhưng lại đằm thắm thầm lặng như nắm men bà kia vùi vào ba đấu bột cho đến khi bột dậy men. Để từ đó, ba dụ ngôn dẫn đến kết luận tuyệt vời, rằng, Nước Trời là Nước của lòng thương xót và con dân của Nước đó sẽ là con dân của một Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

Dừng lại với dụ ngôn chính “Ruộng lúa rủi ro”, chúng ta học thấy cách thức Thiên Chúa cư xử, cách thức của lòng xót thương, cách thức của một Đấng luôn luôn hy vọng.

Trước hết, dụ ngôn cho biết, sự xấu trên thế giới này không đến từ Thiên Chúa nhưng đến từ kẻ thù của Người là Quỷ Dữ; Quỷ Dữ đến trong đêm để gieo để vãi; nơi đâu không có ánh sáng, ở đó, quỷ sẽ đến để gieo, để rắc sự ác. Nó gieo sự ác giữa sự lành để con người không thể phân biệt rõ ràng; nhưng cuối cùng, Thiên Chúa sẽ tách biệt khi đến giờ của Người.

Thứ hai, đối nghịch giữa sự nóng vội của các tôi tớ và sự kiên nhẫn của chủ cho thấy Thiên Chúa khác với con người. Mỗi khi thấy điều xấu, chúng ta vội vàng kết án, xếp loại nhưng Thiên Chúa thì không, Người luôn đợi chờ. Người nhìn cánh đồng cuộc sống mỗi người với nhẫn nại và khoan dung; Người xót thương đợi chờ để yêu thương, để tha thứ. Thái độ của Chúa là thái độ của niềm hy vọng vì tin rằng, sự dữ không phải là khởi đầu cũng chẳng là cùng đích; có một cái gì đó hơn thế nữa, chính nhờ niềm hy vọng đầy kiên nhẫn mà cỏ lùng, hoặc những con tim xấu xa ngập tràn tội lỗi, cuối cùng, có thể trở nên hạt giống tốt. Trước một thế giới vàng thau hỗn mang, người môn đệ Chúa được mời gọi bắt chước ‘sự nhẫn’ của Chúa, nuôi dưỡng niềm hy vọng với sự nâng đỡ của Thánh Thần hầu có thể có một niềm tin không hề dao động vào chiến thắng chung cuộc của sự thiện là tình yêu, là chính Thiên Chúa.

Sau cùng, một sự thật thú vị khác là sự ác trong thế giới không thể ảnh hưởng đến sự phát triển đức hạnh nơi người môn đệ, cản bước họ tiến vào Nước Trời nếu họ không cho phép.

Cô Mary, một giáo viên trẻ, ước được thành công trong nghề; rủi thay, trong lớp, có một học sinh rất bướng bỉnh, Bill; cậu biến lớp học thành rạp xiếc. Cô Mary buồn vô cùng. Một buổi sáng, cô ngồi vào bàn lấy giấy viết một câu gì đó. Bill xuất hiện, cậu hỏi, “Cô đang viết gì thế? ”; “Cô đang viết một lời cầu nguyện đây em”. Bill nhạo lại, “Chúa có đọc được chữ tốc ký không? ”; “Ngài hiểu hết mọi sự, Ngài có thể nhậm lời cầu của cô nữa”. Nói xong cô gấp tờ giấy, bỏ vào tập sách. Giờ ra chơi, Bill đánh cắp tờ giấy đó. Hai mươi năm sau, tình cờ, Bill gặp lại tập vở thời thơ bé, trong đó có tờ giấy của cô giáo xưa. Bill đọc, “Lạy Chúa, xin đừng để con phải thất vọng, Bill quá bướng bỉnh, phá phách, con không điều khiển nổi lớp. Xin Chúa đánh động tâm hồn em. Bill có thể trở nên người tốt, cũng có thể trở nên người xấu; một thiên thần hay một tướng quỷ”. Lời kinh sau cùng bổ vào tâm hồn người thanh niên như một nhát dao cắt thấu tim, vì Bill đang toan tính làm một việc tày đình. Bill trầm ngâm nhiều ngày; cuối cùng, chàng cương quyết đổi đời. Ít lâu sau, thành phố Bronx biết đến Bill, như một người cha của hàng trăm trẻ mồ côi.

Anh Chị em,
Yêu mến Hội Thánh là nhận ra cỏ lùng trong linh hồn mình, gia đình mình, cộng đoàn mình nhưng không phải để tự giày vò hay lên án nhưng để nhẫn nại, sám hối, cải thiện bản thân, cầu nguyện và cảm thông. Các thánh đã khởi đi từ đó, không bằng con đường nổi loạn hay lìa bỏ, nhưng là canh tân chính mình, môi trường mình bằng hương thơm của lòng thương xót.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
Lạy Chúa, xin cho con hằng yêu mến việc toả hương thương xót của Chúa mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Satan như đang lộng hành trong thế giới chúng ta
Thanh Quảng sdb
04:33 24/07/2020
Satan như đang lộng hành động trong thế giới chúng ta.



Thông thường Satan bị Thiên Chúa cấm, giới hạn các hoạt động của chúng, tuy nhiên trong thời gian này, dường như Chúa Quỷ của thế giới được sổ lồng... Nó đang mở ra các cuộc chiến lộng hành...

Các thánh tượng bị chặt đầu, bị kéo đổ; các hình ảnh thiêng liêng đang bị mạo phạm. các thánh đường bị đốt phá… Tôn giáo bị chế giễu và luật lệ của Chúa bị khai trừ... Một trong những dấu hiệu mạnh nhất về sự hiện diện của Satan, đó là sự thù ghét Giáo Hội Công Giáo.

Một dấu hiệu khác mạnh mẽ nói lên sự hiện diện của Satan, đó là sự bất hòa, bạo loạn và giết chóc. Chúng ta thấy những điều này đang xảy ra ở khắp mọi nơi. Sự bất hòa giữa các cộng đoàn, sắc dân ngày càng gia tăng ở mọi nơi!

Mấy tuần qua, nhiều người trong chúng ta đã nhận ra những hoạt động của ma quỷ đang tung hoành một cách mạnh mẽ; Hoạt động của chúng rõ rệt hơn và chúng không còn kính sợ Thiên Chúa... Hành động bạo lực của chúng ngày càng bạo loạn...

Đã đến lúc chúng ta phải xử dụng vũ khí của riêng mình.

Một trong những vũ khí quyền lực của chúng ta là tràng chuỗi Mân côi. Hãy lần chuỗi hàng ngày để xua trừ Satan và cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ. Một vũ khí khác của người Kitô hữu là sốt sắng tham dự và rước lễ. Hãy dâng lên Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể đất nước và thế giới chúng ta đang sống.

Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải hàng ngày, đặc biệt các linh mục hãy chăm sóc cho đời sống tâm linh của mình và những người được trao phó cho các ngài.

Satan bị lột mặt nạ và tức giận

Thánh John Vianney thường xuyên bị ma quỷ phá phách vào ban đêm. Ngài thường bị chúng tấn công một cách dữ dằn vào đêm trước khi một tội nhân sa đọa đến xưng tội! Cha xứ họ Ars đã từng trải nghiệm qua những cuộc tấn công của ma quỷ vào ban đêm, và ngài ý thức Satan muốn dành giật một linh hồn nào đó với cha vào ngày hôm sau.

Vì vậy, chúng ta phải trung thành liên nỉ cầu nguyện. Cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện.

Nguồn: https://churchpop.com/2020/07/23/pray-pray-pray-exorcist-unmasks-satans-open-spiritual-warfare-in-america/
 
Lễ giỗ cha Jacques Hamel : Vị tử đạo anh dũng của thời đại
Lê Đình Thông
07:54 24/07/2020
Lễ giỗ cha Jacques Hamel : Vị tử đạo anh dũng của thời đại

Sáng Chúa nhật 26/07/2020 tới đây, Đức TGM Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp và Đức TGM Dominique Lebrun, Tổng giám mục Rouen sẽ cử hành Lễ giỗ truy niệm việc Linh mục Jacques Hamel bị hai phần tử hồi giáo cực đoan sát hại ngày 26/07/2016. Sau Thánh lễ là nghi thức cầu an và huynh đệ, với sự hiện diện của tổng trưởng Nội vụ Gérald Darmanin.

4 năm trước đây, vị linh mục 85 tuổi bị Adel Kermiche và Abdel Malik Petitjean, cả hai 19 tuổi, cắt cổ trong lúc ngài đang cử hành Thánh lễ. Trước khi lìa đời, cha Hamel la lên : ‘‘Quỷ satan, hãy cút đi.’’ Di ngôn của cha Hemel là mệnh lệnh nhắm vào các phần tử bách hại đạo Công Giáo hiện nay, tại Trung Quốc và Trung Cận Đông.

Trong Thánh lễ an táng cha Hamel, Đức TGM Dominique Lebrun đã diễn giải câu nói của cha Hamel, ‘‘Sự dữ đã gieo rắc kinh hoàng, gây ra nhiều chết chóc thê lương. Cha Jacques thân yêu, khi cha ngã quỵ sau các nhát dao đầu tiên, ngài lấy hết sức bình sinh, đạp vào tên khủng bố, xua đuổi chúng và nói : hỡi quỷ satin, hãy xéo đi.’’

Ngày 26/07/2019, Đức TGM Lebrun đã chủ trì nghi thức kết thúc án phong chân phước cấp giáo phận trình lên bộ Phong thánh. Hồ sơ gồm 11 500 trang.

Cha Jacques Hamel sinh ngày 30/11/1930 tại Damétal, tử vị đạo ngày 26/07/2016 tại thánh đường Saint-Étienne-du Rouvray. Trong Thánh lễ đền tạ ngày 02/10/2016, Đức TGM Lebvrun loan báo việc mở án phong chân phước cho cha Hamel. Hồ sơ phong chân phước bắt đầu ngày 13/04/2017, nhằm Thứ năm Tuần thánh. Theo quy định của Tòa thánh, việc phong chân phước cho vị tử đạo không đòi chứng minh phép lạ. Cuộc sống dâng hiến của vị tử đạo đẵ là phép lại rồi.

Lê Đình Thông
 
Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Trump tung ra các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa
Đặng Tự Do
17:08 24/07/2020
Chính quyền Trump cần tăng cường áp lực đối với những kẻ vi phạm tự do tôn giáo, các nhà lãnh đạo của ủy ban tự do tôn giáo liên bang kêu gọi như trên hôm 20 tháng 7.

“Chính quyền đang đưa ra các biện pháp trừng phạt rất mạnh những kẻ vi phạm nhân quyền, nhưng chưa đưa ra các áp lực mạnh mẽ như thế đối với những kẻ đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số trên thế giới, ” ông Gayle Manchin, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, và phó chủ tịch USCIRF Tony Perkins nói trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội.

USCIRF nhấn mạnh rằng:

“Việc áp đặt một cơ chế trừng phạt nhắm thẳng vào các mục tiêu một cách mạnh mẽ hơn sẽ là một chặng đường dài trong việc ngăn chặn những kẻ vi phạm tự do tôn giáo, buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm về tội ác của chúng, và cuối cùng là hình thành nên một thế giới trong đó tất cả mọi người đều được tự do thực hành đức tin của mình.”

Các biện pháp trừng phạt có thể ở dạng hạn chế thị thực nhập cảnh hoặc đóng tịch biên tài sản trên đất Mỹ của các cá nhân vi phạm. Chính quyền hiện nay đã có thẩm quyền theo luật định để xử phạt những người vi phạm nhân quyền để trừng phạt họ, theo Đạo luật Trách nhiệm và Nhân quyền Toàn cầu, gọi tắt là Magnitsky.

Đáng chú ý, các lệnh trừng phạt Magnitsky gần đây đã được ban hành đối với các quan chức Trung Quốc đồng lõa trong việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), Bí thư Đảng Cộng sản Tân Cương, và hai quan chức cấp cao khác của đảng trong khu vực này là Chu Hải Luân (Zhu Hailun - 朱海伦) và Vương Minh Sơn (Wang Mingshan - 王明山), cũng như các thành viên gia đình trực tiếp của họ, sẽ không thể được cấp thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Các cán bộ khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc “bị cho là chịu trách nhiệm, hoặc đồng lõa trong việc giam giữ bất công hoặc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, dân tộc Kazakhs, và các thành viên của các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương” cũng chịu chung những hạn chế về visa.

Tài sản của Trần Toàn Quốc, Chu Hải Luân, Vương Minh Sơn và Hoắc Lục Quân (Huo Liujun - 霍六军), một cựu quan chức công an ở Tân Cương, cũng như một số quan chức ngành công an Tân Cương đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ tịch thu.

Ngoài ra mọi công dân Hoa Kỳ đều bị cấm không được kinh doanh với chúng.

USCIRF ca ngợi quyết định này như một chiến thắng quan trọng nhưng nhấn mạnh rằng cần phải áp dụng đạo luật Magnitsky với cả những kẻ bách hại các tôn giáo thiểu số trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc.


Source:Catholic News Agency

 
Giết người như ngóe ở Mexico, tổng kết nửa năm 2020
Thanh Quảng sdb
19:16 24/07/2020
Giết người như ngóe ở Mexico, tổng kết nửa năm 2020

Những vụ giết người trên toàn Mexico đã đạt tới mức kỷ lục mới và lạnh gáy trong tổng kết nửa năm 2020! Các băng đảng ma túy đã lũng đoạn tình thế đưa tới tình trạng hỗn loạn trong năm thứ mười bốn của cuộc chiến tranh ma túy.

(Tin Vatican - James Blears)

Nước Mexico đã chứng kiến 34.600 vụ giết người vào năm ngoái, nhưng năm nay, con số người bị giết gia tăng đáng kể, trong khi Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đang nỗ lực để thực hiện lời hứa của mình là ngăn chặn bạo lực ma túy.

Trong sáu tháng đầu năm nay, đã có 17.439 vụ giết người, và xu hướng giết người này đang gia tăng. Ông Alfonso Durazo, Bộ trưởng An ninh thừa nhận rằng con này sẽ tăng cao. Một con số hãm hiếp và thủ tiêu phụ nữ đã gia tăng 9, 2% so với năm ngoái. Một tia hy vọng rất mờ nhạt trong cơn bạo loạn này là các tội ác nghiêm trọng khác bao gồm cướp giật và bắt cóc có phần sút giảm một chút.

Hãy hôn chào nhau thay cho những viên đạn.

Tổng thống Lopez Obrador nói rằng để giải quyết nạn nghèo đói, và nỗi tuyệt vọng do nghèo đói sinh ra, đây chính là chìa khóa để giải quyết, “hãy hôn chào nhau thay cho những viên đạn”. Ông nhấn mạnh: "Bạo lực không thể đáp lại bằng bạo lực, lửa không thể dập tắt lửa nhưng sự ác phải được bao phủ bằng việc thiện. Đối thoại chứ không phải là vũ lực."

Đó là một chiến lược an ninh dũng cảm, táo bạo và hoàn toàn khác biệt, khi đối mặt với các băng đảng ma túy, những người làm giàu bằng súng đạn và đổ máu! Đối với chúng, chỉ có luật rừng mà thôi!...
 
Covid-19 đã cướp đi ‘người Mẹ của các trẻ em mồ côi khuyết tật!’
Thanh Quảng sdb
20:01 24/07/2020
Covid-19 đã cướp đi ‘người Mẹ của các trẻ em mồ côi khuyết tật!’

Sơ Ruth Lewis, người đã hiến trọn cuộc đời mình cho trẻ em khuyết tật về thể chất lẫn tinh thần, mới bị Covid-19 cướp đi mạng sống ở tuổi 77 tại Karachi nước Parkistan.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Sơ Ruth Lewis, một nữ tu của dòng nữ truyền giáo Phan sinh, sơ đã xây dựng một ngôi nhà mang tên “Dar ul Sukun” – Nhà Tình Thương dành cho những người bị khuyết tật về tinh thần lẫn thể lý vào tháng 2 năm 1969.

Và trong suốt 51 năm qua, sơ Ruth là người mẹ của những trẻ em xấu xố, bị gia đình ruồng bỏ...

Bền bỉ khi đối diện với nguy hiểm

Sơ đã dâng hiến cuộc đời phục vụ cho 150 trẻ em được mái ấm Tình thương ấp ủ, đặc biệt khi cơn dịch coronavirus bục phá!

Có ít nhất 21 em sống tại Trung tâm bị nhiễm Covid-19, nhưng Sơ Ruth vẫn bình tĩnh phục vụ các em…

Sơ bị nhiễm Covid-19 vào ngày 8 tháng 7 và được đưa vào bệnh viện, vào khu vực cấp cứu trợ thở. Nhưng vào ngày 20 tháng 7, Sơ đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Aga Khan, hưởng thọ 77 tuổi.

Dấu chỉ của tình yêu, sự quan tâm và tấm lòng trắc ẩn

Trung tâm Dar ul Sukun, mà sơ điều hành từ năm 2000, mang một nỗi buồn sâu xa…

Tất cả các em, các nữ tu và nhân viên của trung tâm đều rất đau lòng, họ nói, chúng tôi đã mất đi một cây đại thụ chở che chúng tôi. Xin hãy cầu nguyện cho những trẻ em khốn khổ nơi đây, mà sơ ấy đã làm mẹ, cho các nữ tu mà sơ ấy là chị cả và là nguồn cảm hứng cho cuộc đời tân hiến, và cho tất cả các nhân viên của trung tâm đã tiếc thương sơ và hằng ngày, cố gắng bước theo dấu chân của sơ.
 
Tổng kết sứ điệp của các nhà lãnh đạo các tôn giáo hoàn cầu nhân đại dịch Covid-19
Vũ Văn An
22:01 24/07/2020

Theo tin Zenit, sau loạt phỏng vấn các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu về tác động của Covid-19 và các dự kiến tương lai, giáo sĩ Do Thái Alon Goshen-Gottstein, người khởi xướng dự án, có cái nhìn tổng quát sau đây nhân cuộc phỏng vấn của hãng tin này:



Trước nhất, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay dự án Coronaspection là một loạt 40 cuộc phỏng vấn video và sứ điệp của các nhà lãnh đạo tôn giáo liên quan tới các thách đố tâm linh do Coronavirus gây ra. Các nhà lãnh đạo thuộc 15 quốc gia và 7 tôn giáo đã được phỏng vấn và được hỏi về việc xử lý ra sao một số thách đố đức tin quan yếu trong lúc này: xử lý thế nào trước nỗi sợ hãi và lo âu xao xuyến; trước nỗi mất mát; sử dụng thì giờ và việc sống cô tịch ra sao trong lúc bị cấm cửa; làm thế nào duy trì được cảm thức liên đới với người khác; viễn kiến ra sao cho một thế giới tương lai. Kết quả tổng quan là cả một kho lẫm đầy ắp các giáo huấn và linh hứng, của một số tiếng nói nổi bật nhất trong tôn giáo, nói chung và của thế giới Kitô giáo nói riêng.

Về tiếng nói của các nhà lãnh đạo Kitô giáo hàng đầu, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ Dự án và Dự án đã sử dụng sứ điệp của ngài trong khuôn khổ Coronaspection. Các tiếng nói Công Giáo khác bao gồm Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Đức Cha Domenico Sorrentino và bà Maria Voce. Về phía Chính Thống giáo, Dự án sử dụng sứ điệp của Thượng phụ Daniel của Lỗ Ma Ni và phỏng vấn Giám mục Kallistos Ware của Oxford. Tổng Giám Mục Canterbury, Justin Welby, đã dành cho Dự án một cuộc phỏng vấn rất dấn thân và vui tươi, và vị đứng đầu Giáo Hội Thụy Điển, Tổng Giám Mục phái Luthêrô, Antje Jackelen, chia sẻ các quan tâm của Giáo Hội bà trong giai doạn này. Tân Thượng phụ Giáo Hội Ácmêni ở Istambul, Thượng phụ Mahsalian, chia sẻ các quan điểm của ngài từ Thổ Nhĩ Kỳ, và sau cùng Trưởng thượng Jeffrey Holland của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô Của Các Thánh Những Ngày Sau Hết thổ lộ diễn trình thiêng liêng của chính ông trong thời gian Coronavirus. Đây quả là một nhóm các nhà tư tưởng rất rộng và đa dạng và liên hệ với các vị là một trải nghiệm tuyệt diệu nhờ học biết đức tin, cuộc sống và sứ điệp thiêng liêng của các vị trong thời kỳ đầy thách đố này.

Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein thừa nhận có nhiều dị biệt trong các quan điểm của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới. Nhưng ông nhấn mạnh tới một trong những điểm gây ngạc nhiên lớn, đó là sự nhất trí cao giữa các vị. Có nhiều sứ điệp nền tảng vang vọng từ khắp các tôn giáo thừa nhận tính thống nhất của nhân loại, trong đó, mọi người đều tương liên, nối kết với nhau. Nói theo Tổng Giám Mục Canterbury, virút dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta đều nối kết qua lại với nhau. Nó đánh phá mọi người không phân biệt đối xử và việc nó lan toả khắp chốn cho thấy chúng ta có liên hệ gần gũi với nhau xiết bao. Ngài bảo: thách đố là làm sao biến cái tính nối kết qua lại với nhau này thành tính nối kết qua lại với nhau trong cảm thương. Đây có lẽ là sứ điệp vĩ đại nhất mà dự án thu lượm được và là sứ điệp được mọi tôn giáo chia sẻ.

Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay một nét chủ chốt khác phát xuất từ dự án này là cảm thức tích cực từ nền tảng được các tôn giáo đem theo. Tôn giáo nào cũng dạy hy vọng và mỗi sứ điệp trong dự án này đều là sứ điệp hy vọng. Đức Cha Sorrentino nói đến các khía cạnh tích cực của đại dịch này, từ việc khám phá ra đời sống gia đình như một đời sống cầu nguyện tới cảm thức gia tăng về một cuộc mưu cầu tâm linh. Trích dẫn Bài Ca Tạo Vật của Thánh Phanxicô, ngài nói: nếu Thánh Phanxicô Assisi có thể nói đến chị chết, thì tại sao chúng ta lại không thể nói nói anh Corona?

Về các dị biệt, giáo sĩ cho rằng điều đáng lưu ý là các dị biệt này không hẳn do tôn giáo mà là do các nhân cách khác nhau của các nhân vật tôn giáo. Điều này đúng cho mọi tôn giáo nói chung và cách riêng cho Kitô giáo. Ông muốn nói: các dị biệt là do tâm tính bản thân, chứ không do chủ trương thần học. Ông đơn cử hai tiếng nói của Chính Thống Giáo: Cả hai vị đều nói tới vấn đề Thiên Chúa như tác giả của Covid-19. Nhưng Thượng Phụ Daniel coi nó như một cuộc thử nghiệm của Thiên Chúa: Người dùng nó để thử nghiệm tình yêu và đức tin của ta. Ngược lại, Giám mục Ware không coi đại dịch như một điều Thiên Chúa đem tới. Vị này cho hay: Thiên Chúa tình yêu không thể gây đau khổ cho kẻ vô tội. Do đó, Thiên Chúa chỉ cho phép chứ không cố ý tạo nó ra. Đây là một dị biệt quan trọng về thần học và chúng ta thấy hai nhà thần học và giáo phẩm nổi tiếng của thế giới Chính thống có hai quan điểm khác nhau về cùng một chủ đề.

Tổng Giám Mục Canterbury về phe với Giám Mục Ware, trong khi Đức Cha Sorrentino có vẻ có cảm tình nhiều hơn với quan điểm của Thượng phụ Daniel. Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein không coi các dị biệt này xuất phát từ sự chia rẽ tuyên tín giáo phái.

Ông thừa nhận một điểm chia rẽ nhưng phát xuất từ bối cảnh xã hội của các nhà lãnh đạo tôn giáo hơn là từ nền thần học của giáo phái họ. Ông cho rằng có hai xu hướng nền tảng trong câu trả lời đối với các câu hỏi có tính hướng dẫn. Một số nhà lãnh đạo cung cấp các câu trả lời có tính tâm linh hơn, nhấn mạnh tới các ơn ích của việc sống cô tịch theo đường hướng đan viện, nặng về cầu nguyện và bồi dưỡng cuộc sống tâm linh thâm hậu hơn với Thiên Chúa. Thuộc nhóm này, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein liệt kê Thượng phụ Mashalian, Giám Mục Ware và một số vị khác. Xu hướng khác lưu ý nhiều hơn tới tình liên đới nhân bản và các câu trả lời của họ có tính thực tiễn và tâm lý học nhiều hơn. Giáo sĩ không biết liệu trách nhiệm của họ đối với các quốc gia và Giáo Hội có dẫn họ tới chỗ tập chú vào các đáp ứng có tính thực tiễn và tâm lý học hay điều này cũng nói lên một điều gì đó về xu hướng tôn giáo riêng của họ và do đó cũng nói tới bối cảnh giáo phái của họ.

Dù sao, theo Giáo sĩ, cả hai xu hướng đều nói đến tầm quan trọng của cầu nguyện, nên không ai chỉ nhấn mạnh duy nhất tới khía cạnh hoàn toàn nhân bản, có tính tâm lý.

Được hỏi nhận định của ông đối với các quan điểm Kitô giáo trong dịp này, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay: có hai nét làm rõ các quan điểm Kitô giáo. Trước nhất, có việc nhấn mạnh tới tình yêu. Dĩ nhiên, Kitô giáo không hẳn là tôn giáo duy nhất nói tới tình yêu. Bằng chứng cụ thể là Maria Voce và giáo sĩ Hồi Giáo Abdul Rauf, cả hai đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tình yêu. Tuy nhiên, xét chung, giải đáp tình yêu vẫn mạnh hơn nơi các nhà lãnh đạo Kitô giáo, cho thấy tính trung tâm của tình yêu đối với cảm nghiệm và nền linh đạo Kitô giáo...

Liên quan tới điều trên là việc nhấn mạnh tới cầu nguyện. Giáo sĩ thấy rõ mọi nhà lãnh đạo Kitô giáo, không trừ ai, đều nói tới tầm quan trọng của cầu nguyện trong thời gian Covid-19. Dĩ nhiên tôn giáo nào cũng nói tới việc cầu nguyện, nhưng người ta thấy rõ vai trò hết sức trung tâm được các nhà lãnh đạo Kitô giáo dành cho việc cầu nguyện. Tình yêu và việc cầu nguyện nhất định là các nét chính trong đời sống các nhà lãnh đạo Kitô giáo. Ngoài ra, phải kể thêm một yếu tố rất quan trọng nữa, đó là tính tự phản tỉnh. Dù đây không hẳn là một nét chung của mọi nhà lãnh đạo Kitô giáo, nhưng phần trăm lớn nhất những vị tham gia dự án chịu chia sẻ các nghi ngại, đấu tranh và diễn trình tâm linh bản thân trong thời gian Covid-19 phát xuất từ các nhà lãnh đạo Kitô giáo. Đức Hồng Y Schoenborn chia sẻ cuộc đấu tranh đức tin của ngài. Giám Mục Ware chia sẻ việc ông xử lý ra sao với các nghi ngại. Trưởng thượng Holland chia sẻ việc các quan điểm của ngài về người khác đã thay đổi triệt để ra sao do việc cấm cửa và ngài đã khám phá ra sao các chiều kích mới trong đời sống tâm linh của mình; Tổng Giám Mục Welby chia sẻ việc ngài tự xét mình và học được việc tín thác nhiều hơn vào Thiên Chúa. Rõ ràng, có một điều gì đó trong nền đào tạo và giáo dục Kitô giáo cho phép người ta tự phản tỉnh một cách cao độ. Nhóm người tham dự dự án Coronaspection thẩy đều là những người diễn biến và ý thức cao độ về chính mình, tuy nhiên, theo Giáo sĩ, tự phản tỉnh là một nét hết sức đặc trưng nơi các tham dự viên Kitô giáo.

Về các sứ điệp gửi đi, Giáo sĩ cho rằng sứ điệp của các tham dự viên phần lớn có chiều kích phổ quát. Phần lớn các vị lên khuôn sứ điệp của mình bằng những hạn từ dễ dàng nói với mọi tôn giáo. Giám Mục Sorrentino, chẳng hạn, tuy nhắc đến câu truyện Thánh Phanxicô, nhưng đó là tính đặc thù của một điển hình bản thân, không hẳn về tôn giáo. Chỉ một mình Thượng phụ Daniel là nhấn mạnh đến đức tin vào Chúa Giêsu. Nhưng theo Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein, có lẽ đây là sứ điệp gửi cho dự án, chứ không hẳn gửi cho cuộc phỏng vấn. Còn phần đông các vị tham gia đều có khả năng rút ra các sứ điệp phổ quát từ đức tin đặc thù của mình.

Riêng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho biết 2 điểm trong đó các giáo huấn của Đức Phanxicô đã cung cấp khuôn khổ để người ta đánh giá giáo huấn của các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác. Thứ nhất, vấn đề phán đoán. Một trong các “cám dỗ” lớn là coi Covid-19 như hình phạt đối với một sai phạm nào đó. Gần như mọi tham dự viên dự án đều tránh quan điểm này. Chủ trương đây là một hình phạt nêu ra nhiều thách thức nghiêm trọng trong việc nhận diện tội lỗi và tính tương xứng của hình phạt, điều mà chúng ta gọi là vấn nạn của thần lý học (theodicy). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói ngược lại khi ngài thưa với Thiên Chúa rằng “Đây không phải là lúc Chúa phán xét, mà là lúc chúng con phán đoán: lúc chúng con phải phân biệt điều đáng kể và điều mau qua, phải tách biệt điều cần thiết khỏi điều không cần thiết. Đây là lúc đem đời sống chúng con trở về chính lộ đối với Chúa, Lạy Chúa, và đối với người khác”. Phương thức này được phản ảnh trong phần lớn các lời giảng dậy, dù không trực tiếp trích dẫn từ Đức Giáo Hoàng. Một sứ điệp đã tìm cách biến giai đoạn này thành một giai đoạn tăng trưởng tâm linh và chọn lựa thích đáng, thay vì “ẩn” đàng sau ý niệm trừng phạt.

Điểm thứ hai, và là điểm rất đẹp, qua đó, Đức Giáo Hoàng hiện diện trong dự án, là qua một số ẩn dụ và khuôn khổ ngài cung cấp. Ngài nói đến giai đoạn này như giai đoạn đêm tối. Điều này tìm được nhiều vang dội trong lời giảng dậy của các vị khác. Đức Hồng Y Schoenborn, chẳng hạn, cho ta một bài giảng tuyệt vời về đêm đen và việc mong chờ ánh sáng, quả là một vang vọng giáo huấn của Đức Phanxicô.

Được hỏi, trong tư cách giáo sĩ Do Thái Giáo, ông học được gì từ các sứ điệp của các nhà lãnh đạo Kitô giáo tham dự dự án Coronaspection, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay: ông học được rất nhiều từ mỗi một tham dự viên. Trọn bộ các sứ điệp của họ cũng như các phân tích về chúng sẽ được công bố vào tuần tới trong cuốn sách tựa là Coronaspection: World Religious Leaders Reflect on COVID-19 (Coronaspection: Các Nhà Lãnh Đạo Tôn Giáo Thế Giới Suy Tư về COVID-19). Trong khi chờ đợi, ông chia sẻ 3 cái nhìn thông sáng từ cuốn sách sắp xuất bản.

Thứ nhất, Thượng phụ Mashalian nói tới việc cần phải xây dựng một kho chứa linh đạo làm phương tiện xử lý các thách đố hiện thời và trọn bộ cuộc sống ta phải là một chuẩn bị ra sao để xây dựng kho chứa này. Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein hoàn toàn hưởng ứng lời kêu gọi này cũng như việc Thượng phụ nhấn mạnh tới việc dùng các Thánh vịnh làm phương thế cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh. Điều đáng ngạc nhiên, theo Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein, Thượng phụ là người duy nhất minh nhiên nhắc đến các Thánh vịnh.

Thứ hai, khi được hỏi: vào lúc này, Thánh Phanxicô sẽ nói với ta điều gì? Giám Mục Sorrentino đã trả lời: ngài sẽ bảo chúng ta hát Bài Ca Tạo Vật. Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein vốn thán phục Thánh Phanxicô và việc thán phục này, cuối cùng, đã dẫn ông tới việc kết thân với Giám Mục Sorrentino. Ông thích câu trả lời của ngài. Ca hát như một đáp trả khổ đau, và quả quyết lòng nhân lành của Thiên Chúa trong mọi tạo vật.

Thứ ba, Giám Mục Ware nói đến việc nhìn gương mặt người khác và học cách đánh giá cao giá trị của mỗi con người là điều ông nhận được từ đại dịch. Một ý tưởng tương tự cũng đã được Trưởng thượng Holland nói lên. Giáo sĩ cho rằng xét cho cùng mọi sự đều trở lại với khả năng của ta trong việc nhìn người khác và thấy Thiên Chúa nơi gương mặt họ.

Giáo sĩ cũng cho hay, người ta có thể vào trang mạng www.coronaspection.org, sẽ thấy một trang đầy hình ảnh các tham dự viên. “Click” vào hình một người trên trang đó, sẽ tìm thấy cả hình thức ngắn lẫn hình thức dài của cuộc phỏng vấn. Điều thích thú là nhân vật thứ nhất trên tấm hình chính là sư mẫu Chân Không, đệ tử thân cận nhất của Thiền Sư Nhất Hạnh. Trong phát biểu bằng tiếng Anh, bà cho rằng tất cả chúng ta chỉ là một và nhấn mạnh tới yếu tính "togetherness".
 
Top Stories
La présidente taïwanaise participe à l’installation de Mgr Thomas Chung An-zu, nouvel archevêque de Taipei
Églises d'Asie
08:43 24/07/2020
Le 18 juillet à Taipei, dans l’auditorium Chung Mei de l’université catholique de Fujen, près de mille catholiques de Taipei ont pris part à la cérémonie d’installation de Mgr Thomas Chung An-zu, leur nouvel archevêque, nommé le 23 mai après la démission de Mgr John Hung Shan-chuan, qui avait atteint la limite d’âge. Plusieurs représentants des confessions présentes à Taïwan ont pris part à la cérémonie, ainsi que des membres du gouvernement taïwanais, dont la présidente Tsai Ing-wen. À cette occasion, cette dernière a pris la parole afin de saluer l’engagement du nouvel archevêque en faveur de la formation des jeunes et du dialogue interreligieux.

Mgr Thomas Chung An-zu, le nouvel archevêque de Taipei, a été installé dans son archidiocèse lors d’une célébration organisée le 18 juillet dans la capitale taïwanaise, dans l’auditorium Chung Mei de l’université catholique de Fujen. Près de mille personnes, dont des représentants d’autres confessions et du gouvernement taïwanais, ont pris part à la cérémonie. Mgr Chung est le huitième évêque de Taipei. Il y a été transféré depuis le diocèse de Kiayi le 23 mai, après la démission de Mgr John Hung Shan-chuan, qui avait atteint la limite d’âge. À cette occasion, la présidente taïwanaise, Tsai Ing-wen, qui était également présente, a invité l’Église locale à travailler avec son gouvernement. Selon certains catholiques de l’archidiocèse, la présence de la présidente pourrait aussi servir de message politique à la Chine, où les chrétiens subissent toujours des persécutions. Tsai Ing-wen a pris la parole après la célébration, en saluant le travail de Mgr Chung auprès des jeunes. Selon elle, ce dernier est parvenu à « des résultats positifs grâce au travail pastoral et aux échanges internationaux ». La présidente a ajouté que la présence de l’Église à Taïwan a été marquée par son travail en faveur du développement de l’île. Le Saint-Siège fait actuellement partie des 14 pays qui ont reconnu Taïwan, appelé officiellement République de Chine, comme un État indépendant et souverain. « Au fil des décennies, l’Église a aidé la société taïwanaise de multiples manières et à tous les niveaux, à tel point qu’il est impossible de le décrire en seulement quelques mots ou quelques jours », a déclaré la présidente taïwanaise. Tsai Ing-wen a ajouté que « les efforts conjoints de l’Église et du gouvernement peuvent permettre de développer le potentiel des jeunes à Taïwan, et ainsi favoriser le changement de la société ». Elle a également salué le travail de l’archevêque au service de l’éducation, de la santé et de l’harmonie interreligieuse.

« Les relations entre le Vatican et Taïwan vont se développer normalement »

Mgr Chung, de son côté, a déclaré que sa nomination à Taipei n’aurait pas de conséquences significatives sur les relations entre la Chine, Taïwan et le Vatican. Il a assuré que le Saint-Siège se préoccupe des relations avec Taïwan, en soulignant notamment que le Vatican n’a pas laissé vacant le siège de l’archidiocèse de Taipei quand Mgr Hung Shan-chuan s’est retiré en mai. « Le Saint-Siège a immédiatement nommé un nouvel archevêque afin de le remplacer », a-t-il poursuivi, en précisant également qu’avant qu’il quitte son ancien diocèse de Kiayi, Mgr Arnaldo Catalan, chargé d’affaires à la Nonciature apostolique du Saint-Siège à Taipei, l’a rencontré pour échanger avec lui. « Je pense qu’il remettra un rapport au Vatican, qui portera notamment sur des questions comme la société démocratique taïwanaise, les relations avec l’Église locale et la liberté religieuse », a-t-il expliqué. « Je peux vous assurer que les relations entre le Vatican et Taïwan vont se développer normalement. » Mgr Chung fait partie des 22 nouveaux membres du Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux, nommés le 8 juillet. Il y a vu une preuve de l’importance de Taïwan pour le Vatican. Le nouvel archevêque est très actif pour le développement des relations de l’Église avec le bouddhisme, le taoïsme et les autres confessions présentes à Taïwan. Il est également membre de la commission épiscopale taïwanaise pour le dialogue interreligieux. Les catholiques de Taipei témoignent d’un fort contraste entre la politique religieuse de leur pays et ce qui se pratique en Chine. « Le Parti communiste chinois veut seulement réprimer les chrétiens, tandis que la présidente taïwanaise vient participer à la cérémonie d’installation de notre archevêque », constate Michael, un catholique local.

(Source: Églises d'Asie - le 24/07/2020, Avec Ucanews, Hong-Kong)
 
Les catholiques du diocèse de Yen Bai rendent hommage au père Joseph Nguyen Van Dong
Églises d'Asie
08:52 24/07/2020
Le 21 juillet, près de mille catholiques vietnamiens ont participé à une messe spéciale, célébrée dans l’église de Lac Hong, dans la province de Yen Bai dans le nord du Vietnam, afin de marquer le 13e anniversaire de la mort du
père Joseph Nguyen Van Dong (décédé le 21 juillet 2007 à l’âge de 69 ans). Le prêtre a été salué par la communauté catholique locale pour ses différents engagements pastoraux, notamment pour la formation des séminaristes et la construction d’églises, de presbytères et d’autres bâtiments destinés au catéchisme. Le père Dong a servi auprès d’une vingtaine de paroisses de la province de Phu Tho entre les années 1970 et 1990, alors que le diocèse couvrait dix provinces et faisait face à des restrictions religieuses.

De nombreux prêtres, religieux et laïcs catholiques du nord du Vietnam ont rendu hommage au père Joseph Nguyen Van Dong, 13 ans après sa mort (le 21 juillet 2007, à l’âge de 69 ans). Près de mille personnes ont participé à une messe spéciale, ce mardi 21 juillet dans l’église de Lac Hong, dans la province de Yen Bai. Le père Pierre Nguyen Dinh Den, curé de la paroisse, présidait la cérémonie avec 26 autres prêtres. Le père Joseph Dong, ordonné prêtre en 1973, a été hospitalisé en 2007 après des symptômes de grippe; il est mort après avoir reçu un mauvais traitement. Le père Pierre Den, âgé de 47 ans, explique que la célébration du 21 juillet était destinée à inviter les catholiques de la région à se souvenir du prêtre défunt, qui a consacré sa vie aux besoins pastoraux des communautés locales en difficulté et qui a consacré de nombreuses églises ainsi que des presbytères et des écoles de
catéchisme. Le père Dong a servi auprès d’une vingtaine de paroisses de la province de Phu Tho entre les années 1970 et 1990, alors que le diocèse de Hung Hoa couvrait 10 provinces et faisait face à des restrictions religieuses, avec seulement 17 prêtres âgés. Le père Den, qui a travaillé avec le père Dong pendant 18 ans, confie que le prêtre a accueilli et formé de nombreux jeunes attirés par des vocations religieuses et sacerdotales, avant de les envoyer dans des séminaires d’autres diocèses – la communauté locale n’avait alors aucun séminaire ni centre d’étude.

« Comme curé de paroisse, j’essaie de suivre son exemple »

« Aujourd’hui, sur les jeunes qui ont été formés, il y a 14 prêtres, 70 religieuses de plusieurs congrégations, et une cinquantaine d’autres qui se sont mariés et qui servent l’Église fidèlement », ajoute le père Pierre Den, qui dirige aujourd’hui le doyenné de Yen Bai. Il assure que le prêtre défunt a mené une vie juste et simple, en travaillant dans des fermes ou en construisant des fours à briques, afin de créer des emplois et de fournir des matériaux de construction pour de nouvelles églises locales. Le père Joseph Nguyen Van Dong a également enseigné aux séminaristes la pisciculture et l’élevage de volailles. Ils ont également appris à planter des légumes, à cultiver le riz, à fabriquer des briques et des meubles en bois, à travailler sur des chantiers de construction ou encore à réparer les systèmes électriques. « Avec lui, j’ai appris à toujours chercher à progresser, à être patient et débrouillard. Aujourd’hui, comme curé de paroisse, j’essaie de suivre son exemple », ajoute-t-il, en évoquant la construction récente de l’église de Lac Hong.

Le père Pierre Pham Kim Huan, un autre prêtre formé par le père Dong, explique que ce dernier, qui aimait et respectait les personnes dans le besoin, lui a inculqué un esprit d’évangélisation et de charité. « Mes priorités sont d’abord auprès des groupes ethniques vivant dans les régions reculées, des plus démunis, des malades et des victimes de catastrophes naturelles », souligne le prêtre, curé de la paroisse de Pho Lu, dans la province de Lai Chau, où vivent plusieurs groupes ethniques qui vivent dans la pauvreté. Le père Antoine Nguyen Tan Hoi, de la paroisse de Sung Do, qui compte une communauté Hmong, explique que le père Dong l’a encouragé à étudier l’architecture à l’université. « Suivant son exemple, j’ai construit l’église de Sung Do et je soutiens l’éducation des enfants, à qui j’enseigne le catéchisme », ajoute-t-il. Joseph Nguyen Van Chi, un laïc qui a également été formé auprès du père Dong, a lui aussi appris l’architecture. « J’offre régulièrement de l’argent pour construire des églises, et pour créer des emplois pour ceux qui vivent dans la pauvreté. Pour moi, c’est une façon de remercier le père Dong. »

(Source: Églises d'Asie - le 24/07/2020. Avec Ucanews, Yen Bai)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trong khủng hoảng cơn đại dịch Corona
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:12 24/07/2020
Trong khủng hoảng cơn đại dịch Corona

Từ những tháng ngày đầu năm nay 2020 cuộc khủng hoảng do vi trùng Corona gây ra bệnh đại dịch lây lan truyền nhiễm đe doạ sức khoẻ đời sống con người trên khắp thế giới, kéo theo hệ lụy khủng hoảng kinh tế, văn hóa. Mọi sinh hoạt trong đời sống xã hội cả tinh thần tôn gíao bị ngưng đình trệ đang lan rộng khắp nơi trên thế giới.

Chính phủ, Quốc Hội các quốc gia đất nước, nhất là ngành y khoa nỗ lực tìm phương cách cứu nguy chữa trị những người bị bệnh nhiễm trùng lên đến hàng triệu người, và phải đau lòng thương tâm tiễn biệt hành trăm ngàn người không qua khỏi cơn bệnh do vi trùng gây ra.

Và cơn khủng hoảng bệnh đại dịch do vi trùng Corona truyền nhiễm chưa có ngày chấm dứt, hay có phương thuốc bài trừ nó được. Mối khủng hoảng đe dọa vẫn còn đó. Và như Bà Thủ Tướng nước Đức Angela Merkel cùng Cơ quan WHO đã có nhận định cảnh báo“„ Chúng ta còn phải sống chung với vi trùng Corona cho đến khi có thuốc chữa trị chủng ngừa!“

Trong đời sống Giáo Hội Công Giáo cũng có những khủng hoảng đang diễn ra từ giữa lòng giáo đô Vatican tới những Giáo phận, cùng các xứ đạo. Mối lo lắng về cung cách sống đức tin vào Thiên Chúa, vào con người, vào những gía trị đạo đức ngày càng phai nhạt xuống dốc, như việc trễ nải lãnh nhận các Bí tích, tình trạng thiếu Linh mục, thiếu vắng ơn kêu gọi sống đời tu trì bên Âu Châu, bên Mỹ Châu, tình trạng ly dị gia đình đổ vỡ, tình trạng phá thai coi thường sự sống, tình trạng tương đối hóa mọi gía trị trong đời sống, tình trạng không còn phân biệt tình yêu ơn cứu độ của Thiên Chúa là trung tâm đời sống đức tin, nhưng lại lấy những hào nhoáng hấp dẫn bề ngoài làm chính áp dụng vào cung cách sống đức tin…

Nơi cá nhân đời sống mỗi người đều có những khủng hoảng hằng xảy ra. Đó là những cám dỗ ngay trong đời sống về tiền bạc, về tình dục và về danh vọng quyền lực chức quyền.

Trong khủng hoảng như thế chúng ta thắc mắc: Phải làm gì đây? Phải đối diện với khủng hoảng như thế nào cho đúng, để mong thoát khỏi đó?
Câu trả lời cho thắc mắc về vấn đề này, như một công thức hay một toa thuốc chữa bệnh, hầu như không có sẵn, nhưng phải đi tìm kiếm xây dựng thôi.

Trong Phúc âm thuật lại, Chúa Giêsu sau thời gian sống lớn lên thành người trưởng thành bắt đầu đời sống công khai đi giảng đạo cũng gặp những căng thẳng trong xã hội thời điểm lúc đó.

Đất nước Do Thái thời Chúa Giêsu sống trong hoàn cảnh bị người Rôma đô hộ. Vì thế có những nhóm người muốn làm sao thay đổi đời sống xã hội thoát khỏi cảnh đô hộ. Hàng tư tế thời đó chỉ muốn đưa ra cung cách duy trì nếp sống đạo bảo thủ truyền thống xưa nay theo chữ nghĩa đã viết thành văn bản Kinh Thánh. Đời sống con người lúc đó, nhất là phía người nghèo, giới phụ nữ cùng trẻ con bị coi thường khinh miệt.

Nhìn hiểu những căng thẳng, những khủng hoảng đó, Chúa Giêsu không đưa ra một lời hô hào hay công thức nào. Trái lại người lui vào sa mạc nơi yên tĩnh vắng vẻ, sống suy nghĩ cầu nguyện tìm cho mình một con đường sống.

Những ồn ào náo động, cùng những phản ứng làm theo cảm tính, rất nhiều khi không mang lại hiệu qủa tích cực nào. Trái lại có khi còn tạo thêm bối rối lo lắng khủng hoảng nữa. Trong đời sống, một người mẹ đang thời kỳ mang thai nhi trong cung lòng, chỉ có được sức khoẻ cùng niềm vui hạnh phúc cho cả mẹ lẫn thai nhi, nếu có đời sống bình an yên tĩnh.

Sống trong sa mạc gần gũi thiên nhiên, Chúa Giêsu học hỏi và thực hành sao cho đời sống không chỉ thân xác mà còn cả tinh thần được khoẻ mạnh phong phú thêm. Ngài sống gần gũi thiên nhiên nhìn thấy những thú vật hoang dã sức lực mạnh mẽ dẻo dai. Hình ảnh này giúp phấn chấn tinh thần rất nhiều ăn sâu vào tận tâm hồn đời sống.

Hình ảnh những con thú vật hoang dã cũng vẽ nói lên hình ảnh đời sống sâu thẳm nơi tâm hồn mỗi người có những sức lực mạnh mẽ hoang dã cần phải được cảm hóa uốn nắn cho thuần thục thành nề nếp có văn hóa cùng đạo đức.
Chúa Giêsu vào sống trong sa mạc hoang dã không phải chỉ một mình, nhưng còn có sức lực phù giúp từ Trời cao của Thiên Chúa xuống nữa.

Là con người với những giới hạn về mọi mặt, chúng ta không thể nào chỉ cậy vào sức lực khả năng của riêng mình được. Những khi đời sống lâm vào đường cùng hầu như tới lúc tận cùng, lại là lúc cần một nguồn sức năng lực tràn đổ vào tâm hồn tinh thần, khiến tâm trí bừng tỉnh chỗi dậy hăng hái làm việc, đầy sức năng động sáng tạo. Nguồn sức lực đó không do chính mình cũng không do ai đó mang đến, mà được ban cho tận trong thâm tâm trí khôn lan tỏa chiếu ra. Nó vô hình, không có âm thanh không mầu sắc, không có tiếng nói chữ viết. Nhưng lại cuộn trào như sóng nước dâng lên trong tâm hồn thân xác.

Chúa Giêsu lui vào sống trong sa mạc yên tĩnh đã khám phá ra nguồn năng lực sức sống cho con đường sống của mình vừa là một Tiên Tri vừa là Đấng Cứu Thế: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Ngày nay các Chính phủ, các Tổ hợp kinh tế công ty, các Hội đoàn… thường hay dành thơì giờ đi đến một nơi riêng không bị ồn ào ảnh hưởng, cùng nhau hội họp tìm cách suy nghĩ cho chương trình dự định sắp tới sao cho có hiệu qủa tích cực tốt đẹp.

Từ khi cơn bệnh đại dịch Corona lây lan truyền nhiễm, Chính phủ các nước đưa ra biện pháp thử nghiệm xem có bị nhiễm vi trùng không. Nếu người nào có kết qủa thử nghiệm dương tính, người đó phải sống cách ly cô lập hai tuần lễ, để vi trùng không lây lan sang người khác, và uống thuốc điều trị. Sống cách ly cô lập với xã hội bên ngoài theo tiếng latinh: quaranta, Đức: quarantane, Anh: quarantine, Pháp: quarantaine, mang ý nghĩa 40 ngày sộng cô lập tập luyện và chữa bệnh.

Tục lệ này ngày xa xưa thời kinh thánh Cựu ước nói về tình trạng những người bị bệnh phải sống cô lập riêng biệt 40 ngày để được thanh tẩy cho sạch sẽ khỏi bệnh, sau đó mới được trở lại vào sống trong cộng đồng xã hội.
Trong dòng lịch sữ thời Trung cổ khi bệnh dịch bộc phát lan tràn, đời sống xã hội cũng bị chính phủ ngăn chặn giới hạn lại, như năm 1371 hải cảng Ragussa phải đóng cửa 30 ngày liền. Qua biện pháp Qarantaine để ngăn chặn bệnh dịch lan tràn vào lục điạ. Năm 1374 hải cảng Venedig ngăn cấm những tầu thuyền nghi có vi trùng bệnh dịch không được vào bến cảng, biện pháp quarantaine nhằm ngăn ngừa không để cho vi trùng bệnh dịch xâm nhập vào xã hội.

Thời gian sống cô lập quarantaine mang đến khó chịu bồn chồn. Nhưng lại giúp sống tập luyện suy nghĩ. Và cũng chính là thời gian cơ hội học hỏi cho đời sống thêm phong phú, nhất là đời sống tinh thần được bồi dưỡng thêm văn hóa đạo đức.

Đời sống là một trường học. Con người, ai cũng phải học hỏi mãi để xây dựng đời sống làm người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Thảm cảnh: Trung Quốc khuất phục được một Giám Mục thầm lặng thứ ba chỉ trong vòng một tháng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:04 24/07/2020

1. Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Trump tung ra các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa

Chính quyền Trump cần tăng cường áp lực đối với những kẻ vi phạm tự do tôn giáo, các nhà lãnh đạo của ủy ban tự do tôn giáo liên bang kêu gọi như trên hôm 20 tháng 7.

“Chính quyền đang đưa ra các biện pháp trừng phạt rất mạnh những kẻ vi phạm nhân quyền, nhưng chưa đưa ra các áp lực mạnh mẽ như thế đối với những kẻ đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số trên thế giới, ” ông Gayle Manchin, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, và phó chủ tịch USCIRF Tony Perkins nói trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội.

USCIRF nhấn mạnh rằng:

“Việc áp đặt một cơ chế trừng phạt nhắm thẳng vào các mục tiêu một cách mạnh mẽ hơn sẽ là một chặng đường dài trong việc ngăn chặn những kẻ vi phạm tự do tôn giáo, buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm về tội ác của chúng, và cuối cùng là hình thành nên một thế giới trong đó tất cả mọi người đều được tự do thực hành đức tin của mình.”

Các biện pháp trừng phạt có thể ở dạng hạn chế thị thực nhập cảnh hoặc đóng tịch biên tài sản trên đất Mỹ của các cá nhân vi phạm. Chính quyền hiện nay đã có thẩm quyền theo luật định để xử phạt những người vi phạm nhân quyền để trừng phạt họ, theo Đạo luật Trách nhiệm và Nhân quyền Toàn cầu, gọi tắt là Magnitsky.

Đáng chú ý, các lệnh trừng phạt Magnitsky gần đây đã được ban hành đối với các quan chức Trung Quốc đồng lõa trong việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), Bí thư Đảng Cộng sản Tân Cương, và hai quan chức cấp cao khác của đảng trong khu vực này là Chu Hải Luân (Zhu Hailun - 朱海伦) và Vương Minh Sơn (Wang Mingshan - 王明山), cũng như các thành viên gia đình trực tiếp của họ, sẽ không thể được cấp thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Các cán bộ khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc “bị cho là chịu trách nhiệm, hoặc đồng lõa trong việc giam giữ bất công hoặc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, dân tộc Kazakhs, và các thành viên của các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương” cũng chịu chung những hạn chế về visa.

Tài sản của Trần Toàn Quốc, Chu Hải Luân, Vương Minh Sơn và Hoắc Lục Quân (Huo Liujun - 霍六军), một cựu quan chức công an ở Tân Cương, cũng như một số quan chức ngành công an Tân Cương đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ tịch thu.

Ngoài ra mọi công dân Hoa Kỳ đều bị cấm không được kinh doanh với chúng.

USCIRF ca ngợi quyết định này như một chiến thắng quan trọng nhưng nhấn mạnh rằng cần phải áp dụng đạo luật Magnitsky với cả những kẻ bách hại các tôn giáo thiểu số trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc.


Source:Catholic News Agency

2. Cộng sản Tầu chiêu hồi được thêm một Giám Mục Thầm Lặng

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa chiêu hồi được thêm một Giám Mục Thầm Lặng. Lời tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đặc biệt là chính sách Trung Quốc Hoá tôn giáo của Đức Cha Phaolô Mã Tồn Quốc (Ma Cunguo - 馬存國) cho thấy rõ điều đó.

Đức Cha Mã Tồn Quốc sinh năm 1971, được thụ phong linh mục trong Giáo Hội thầm lặng vào ngày 23 tháng Ba, năm 1996. Ngày 15 tháng Ba, 2007, sau cái chết của Đức Cha Bônaventura La Quyên (Luo Juan - 罗娟), Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Cha Mã Tồn Quốc làm Giám Mục Sóc Châu (Shouzhou -朔州) ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây (Shanxi -山西) khi ngài mới 36 tuổi.

Bọn cầm quyền Bắc Kinh đã không công nhận quyết định bổ nhiệm này của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 cho đến gần đây sau khi Đức Cha Mã Tồn Quốc đồng ý gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước.

Buổi lễ nhận tòa chính thức đã được tổ chức vào ngày 9 tháng 7 và được chủ trì bởi người đứng đầu Hiệp hội Yêu nước tỉnh Sơn Tây, cùng với Phó giám đốc ủy ban hành chính tỉnh và Đức Cha Mạnh Ninh Hữu (Meng Ningyou - 孟宁友), là Giám Mục giáo phận Thái Nguyên (Taiyuan -太原).

Trong lời tuyên thệ trước các cán bộ tỉnh ủy Sơn Tây, Đức Cha Mã Tồn Quốc nói:

“Tôi, ký tên dưới đây là Phaolô Mã Tồn Quốc, theo sự sắp đặt khôn ngoan của Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, đã được bổ nhiệm làm Giám Mục của giáo phận Sóc Châu, mặc dù tôi không cảm thấy xứng đáng với nhiệm vụ này, tôi đã khiêm tốn đáp lại lời kêu gọi của Chúa và các trách nhiệm của Giám Mục.

Tôi sẽ tuân giữ các điều răn của Chúa. Tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm trong sứ vụ Giám Mục, tôi sẽ loan báo Tin Mừng một cách trung thành, và luôn trung thành với Giáo Hội Thánh Thiện, Duy Nhất, và Tông Truyền, tôi sẽ ra sức làm việc để xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo hội, và hiến mạng sống của tôi cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

Tôi sẽ tôn trọng các giáo huấn từ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Tôi sẽ hướng dẫn các linh mục và tín hữu của giáo phận tôn trọng Hiến pháp, bảo vệ sự thống nhất của đất nước và sự hòa hợp xã hội, yêu đất nước và Giáo hội, theo phương châm Trung Quốc Hóa Công Giáo, góp phần hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa.”

Đức Cha Mã Tồn Quốc trở thành Giám Mục thầm lặng thứ ba ra “hồi chánh” với bọn cầm quyền chỉ trong vòng hơn một tháng. Hai “hồi chánh viên” khác là Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源) của giáo phận Phượng Tường (Fengxiang - 凤翔) và Đức Cha Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善) của giáo phận Phúc Châu (Fuzhou -福州).

Giáo phận Sóc Châu có hơn 10 ngàn tín hữu, và vài chục linh mục và nữ tu, là giáo phận thầm lặng thứ ba bị xóa sổ sau khi các vị chủ chăn được kết nạp vào Hội Công Giáo Yêu Nước.


Source:Aisa News