Ngày 24-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nước Trời Như Viên Ngọc Quý
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
07:58 24/07/2008
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 17 TN-A ( 27-07-08)

NƯỚC TRỜI NHƯ VIÊN NGỌC QÚY

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau:(Reflections&share)

Bài đọc 1: 1Vua (3:5; 7-12). “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt...”(c.9)

a/ Vua Sa-lô-môn đã xin cho mình ơn biết lắng nghe để phục vụ Chúa. Còn tôi thường xin những ơn nào cho chức vụ của mình?

b/ Người ta hay cầu xin cho mình làm ăn phát đạt, giầu có, sống lâu, có địa vị… Còn bạn xin những ơn gì để phục vụ tha nhân?

Bài đọc 2: Rô-ma (8: 28-30). “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì người cũng kêu gọi; những ai người đã kêu gọi, thì người cũng làm cho nên công chính.” (câu 30)

a/ Chúa Thánh Thần giữ một vai trò năng động trong khát vọng và cầu nguyện của Tín hữu. Hiện nay, Ngài đang nhắc bảo tôi làm gì?

b/ Chương trình của Chúa gồm: tiền định, kêu gọi, chọn, làm cho nên công chính. Kiểu nói trên Chúa có ý nói gì với bạn và tôi?

Tin Mừng: Mt (13:44-52). “Tìm được viên ngọc qúy, ông ta ra đi bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (câu 46)

a/ Dụ ngôn kho báu và viên ngọc qúy, mà người ta bán đi tất cả để mua nó. Nước Trời có quan trọng với tôi không? Tai sao?

b/ Nước Trời cao qúy hơn tất cả những gì đã nêu ở trên. Bạn đang dùng địa vị, tiền bạc, của cải thế nào để chiếm được nước ấy?

B- Câu Kinh Thánh đánh động tôi Sống tuần này: The Best God’Word

TÌM ĐƯỢC VIÊN NGỌC QÚY, ÔNG TA RA ĐI, BÁN TẤT Ả NHỮNG GÌ MÌNH CÓ MÀ MUA VIÊN NGỌC ẤY./ When he finds a pearl of great price, he goes and sells all that he has and buys it. (Mt 13, 46)

C- Ý Chúa nói gì với tôi: 1- Dụ ngôn chuyện kho báu hay viên ngọc đẹp, Chúa muốn cho tôi biết sự cao qúy của Nước Trời. Sự vui sướng khi tôi tìm được, và quyết tâm theo Chúa bằng hành động, là bán hết, bỏ tất cả, hy sinh hết để mua cho được, chiếm cho được Nước ấy. Tôi đã theo đạo bao nhiêu năm nay, đã học hỏi, tĩnh tâm bao nhiêu khóa, nghe mấy ngàn bài giảng. Tôi đã quyết tâm làm gì?

2/ Kho báu chôn giấu trong ruộng: hiểu là chính Chúa Giêsu mà tôi đã gặp Ngài, và tôi đang làm gì đây cho bản thân, cho gia đình, với những khả năng, tiền tài Chúa đã ban sẵn? Viên ngọc qúy cũng chính là Con Thiên Chúa tuyệt vời, Ngài đã hy sinh chính mình cho tôi để tôi có sự sống hôm nay. Và tôi noi gương Ngài để Sống cho mọi người, bằng cách chịu thiệt thòi, để nên giống Ngài chưa?

3/ Nước Trời giống như chiếc lưới: khi kéo lên gồm đủ thứ cá tốt, xấu có thể là tôi.? Ngày chung thẩm cuộc đời có thể là hôm nay hay ngày mai, Thiên thần sẽ tách tôi ra ngoài hay xếp vào hàng ngũ người công chính? Tôi cần tìm kiếm bằng hành động ngay từ bây giờ, ngay hôm nay, đừng để đến ngày mai nữa! Tôi đã thay đổi được những gì? Đã tập được những nhân đức và những công phúc nào?

4/ Bán tất cả những gì mình có: cũng có thể hiểu là từ bỏ chính mình, hạ mình làm kẻ thấp hèn, không cho mình là hay, là phải hơn người, không hiếu danh. Đừng mong ai trả công vô cùng bội hậu cho mình. Vì mình chỉ là đầy tớ vô duyên. Có gì là bởi ơn Chúa ban.

D- Bạn và tôi thực hành Lời Chúa: (So what am I doing/For Action)

1/ Đọc lại các gợi ý ở phần A: để áp dụng vào đời sống hôm nay. Ghi một quyết định vào sổ tay bỏ túi, hay để trên bàn cho dễ nhớ.

2/ Bạn nhớ lời Công Đồng dạy: Những giáo sĩ và giáo lý viên có bổn phận vụ Lời Chúa phải gắn bó với Thánh Kinh, nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa…Không ai có thể “huyênh hoang” rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng mà không lắng nghe Lời Chúa trong lòng (MK#25). Hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “Khoa học Siêu Việt của Chúa Giêsu Kitô”, như Viên Ngọc Qúy, mối lợi tuyệt vời.(Phil 3, 8)

E- Bạn và tôi cùng cầu nguyện và Sống cầu nguyện:Prayer in Action)

Lạy Cha, Đức Giêsu đang hỏi con hôm nay là con có hiểu được bài dụ ngôn Nước Trời này không? Con đã nhiều lần thưa là hiêủ, nhưng con không chịu thực hành. Xin Cha giúp con biết mau mắn dùng tất cả mọi phương tiện Chúa ban để mua cho bằng được Nước Trời.

Phó tế: GB. Nguyễn văn Định: johndvn@yahoo.com

Cùng chuyẻn các Nhóm, Đoàn thể, Phong trào,Tu hội học hỏi, chia sẻ LC
 
Luôn mãi tìm Chúa
Lm Jude Siciliano OP
09:17 24/07/2008
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN (A)

1 các Vua 3: 5, 7-12; Tv 119; Rôma 8: 28-30; Matthêu 13: 44-52

Anh chị em thân mến,

Tháng 7 có vẻ như là tháng đọc về các dụ ngôn. Đây là tuần thứ 3 chúng ta được dịp suy niệm về những câu chuyện của Chúa Giêsu được khởi đầu bằng:"Nước Trời giống như..."

Có người bạn thuê một đĩa phim và khuyên tôi nên xem. Tôi nhớ đó là phim "Everest" (đỉnh núi cao nhất thế giới), và phim dựa trên một câu chuyện có thật. Chuyện nói về một nhóm người leo lên đỉnh núi này và gặp biết bao gian khó. Trong khi họ đang tiến lên đỉnh núi thì gặp một cơn bão và họ bị mất phương hướng nên phải dừng lại tại chổ. Cơn bão quá lớn nên toán cứu nạn không đến được chổ họ và có một số thành viên leo núi tử vong. Có một người tưởng đã chết nhưng lại còn sống. Ông ta phải bị cưa vài ngón chân và ngón tay do bị đông cứng.

Khi phỏng vấn viên hỏi người leo núi bị nạn: "Ông có trở lại leo núi này nữa không?" Ông ta không ngần ngại trả lời ngay: "có chứ". Người phỏng vấn hỏi tiếp: "Tại sao, vì ông đã suýt bị chết trên núi đó cơ mà?" Người kia trả lời: "Tôi phải leo núi. Vì khi leo núi tôi có những giây phút rất sống động vô cùng quý giá. Trong những giây phút ở trên núi, tôi cảm nhận được mọi sự rất khác không như trong cuộc sống đời thường. Nếu ông có ở trên núi, cả đời sống của ông sẽ bị thay đổi do ảnh hưởng của những kinh nghiệm sống ấy. Leo núi làm tôi thay đổi cách nhìn về đời sống trong gia đình, trong công việc. ..và tất cả."

Tôi không hiểu người leo núi muốn nói gì. Nhưng với tôi leo núi như là một việc làm thật xuẩn động. Tôi sợ độ cao. Nên môn leo núi nằm ngoài sự hiểu biết của tôi. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu những vận động viên leo núi khác nghe ông ta nói họ cũng sẽ gật đầu đồng ý với ông ta. Bởi lẽ họ cùng là VĐV leo núi với ông ta, và họ hiểu cách nhìn của ông ấy.

Tôi nghĩ cũng như cái nhìn của Chúa Giêsu trong những dụ ngôn Ngài dùng để giảng dạy. Chúa Giêsu biết Chúa Cha và đời sống của Thiên Chúa như thế nào. Ngài muốn chia xẻ với các môn đệ của Ngài. Ngài dùng dụ ngôn để làm điều đó. Ngài dùng dụ ngôn như hôm nay để giảng dạy các môn đệ Ngài. Khi Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn về người kiếm được kho vàng trong một thửa ruộng, người thương gia đi tìm ngọc quý, và người chài được vô số cá trong lưới. Ngài hỏi các môn đệ: "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp "Thưa hiểu".

Có thể các môn đệ không hiểu tất cả những điều Chúa Giêsu chia xẻ với các ông về Thiên Chúa và đường lối của Thiên Chúa, và các ông sẽ dần dần hiểu Ngài. Các ông là những người "trong cuộc", vì các ông sống với Chúa Giêsu, các ông thấy Ngài làm phép lạ, và nghe Ngài giảng dạy để giúp các ông hiểu về đường lối và đời sống của nước trời, là nước Ngài diễn tã trong các dụ ngôn. Khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn nói với các người ngoại cuộc, họ không hiểu gì vì lòng trí họ không đón nhận lời Ngài như các môn đệ hiểu Ngài. Các dụ ngôn ấy có vẻ huyền bí, lạ lùng, không có ý nghĩa gì đối với họ. Cũng như người leo núi bi suýt chết mà vẫn còn muốn leo núi lại. Còn đối với tôi. Kẻ ngoại cuộc nên không hiểu ông ta được.

Chúng ta là những người tin Chúa Giêsu, chúng ta chấp nhận đi vào thế giới các dụ ngôn. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đang chia xẻ sự thật với chúng ta. Chúng ta tin vào sự khôn ngoan trong các dụ ngôn. Đó là sự khôn ngoan chúng ta không có được và không tự mình tìm được. Dụ ngôn ngày hôm nay là câu chuyện của cuộc sống chúng ta. Hình như chúng ta đang vấp phải một vấn đề lạ lẫm, như chuyện người tìm ra được một kho vàng, và đời sống người đó hoàn toàn thay đổi. Qua dụ ngôn chúng ta cũng đã tim được một kho vàng, nó có thể thay đổi đời sống chúng ta. Đó là của quý nhất mà chúng ta tìm được. Giống như người trong dụ ngôn hôm nay. Chúng ta hy sinh những gì chúng ta có để mua lấy những của quý mà chúng ta tìm được. chúng ta muốn mua tất cả ruộng, chúng ta không muốn sống theo cách nhìn của người đời trong đời sống hàng ngày.

Sau khi chúng ta "mua cả thửa ruộng", chúng ta sống ngay thật, mặc dù chúng ta không có sai lầm gì trong nghề nghiệp chúng ta. Chúng ta đối xử với người khác không những ngay thật mà còn thương yêu họ, mặc dù những người khác coi những kẻ đó không ra gì nhưng chúng ta vẩn đối xử thân thiện với họ. Chúng ta trung thành với những liên hệ trong gia đinh và bạn hữu, dù rằng đối với người đời đó là những liên hệ tầm thường không cần thiết. Chúng ta giúp tha nhân, mặc dù chúng ta không nợ nần gì họ. Chúng ta có nhiều hy vọng vào tương lai với Thiên Chúa, mặc dù có nhiều điều làm chúng ta nản lòng. Chúng ta tha thứ cho người bách hại chúng ta, mặc dù có nhiều người trên thế giới vẫn ghi nhớ mải những hành vi mà người khác đã làm hại họ.

Tất cả những chuyện kể trên không có ý nghĩa gì đối với nhũng người ngoại cuộc. Cũng như VĐV leo núi Everest cứ leo tiếp tục mặc dù đã bị suýt chết thật là chuyện khó hiểu đối với tôi. Nhưng khi Chúa Giêsu kể chuyện tìm được kho vàng, và ngọc quý thì tôi hiểu hơn. Tôi có cảm giác rằng tôi hiểu những điều Ngài nói. Tôi cảm thấy tôi gặp những gì quý giá. Tôi cảm thấy đó là những điều tôi đã tìm kiếm suốt một đời, mặc dù tôi không hề biết tìm những quý vật đó ở đâu. Bây giờ thử đưa mình sống trong thế giới của các dụ ngôn chúng ta sẽ thấy là một chuyện không dể dàng.

Có lẻ đưa mình vào đời sống theo các dụ ngôn có thể nguy hiểm hơn việc leo núi chăng, vì tôi phải đánh liều theo Chúa Giêsu hàng ngày. Tôi không thể tự bảo "bây giờ mình đã đến đó rồi, hay đã làm xong rồi". Đôi khi sự hy sinh của tôi phải to lớn hơn, nhưng phần đông chỉ là các hy sinh hàng ngày. Như hy sinh thưa "vâng" với thế giới mà Chúa mời gọi ta trong dụ ngôn. Thật ra những vật thể mà thế giới bên ngoài cho là quý giá như được giàu có, được nhiều thời giờ, được nhiều sung sướng, nhiều của cải. Thì dụ ngôn lại dạy tôi bỏ qua những của quý giá ấy đi, chính những khó khăn ấy ngăn cản tôi không thể mua được ngọc quý nhất.

Trong kinh thánh ngọc quý tượng trưng cho sự khôn ngoan. Trong bài sách Các Vua, khi vua Salômôn được Chúa bảo muốn xin gì thì Chúa sẵn sàng ban cho, Vua Salômôn xin được sự khôn ngoan. Đó chính là của cải thật sự mà chúng ta xin Chúa cho chúng ta hôm nay. Tại sao chúng ta lai họp nhau quanh bàn tiệc thánh? Vì chúng ta cùng tìm kiếm sự khôn ngoan, và để giúp chúng ta quyết đinh hàng ngày tìm hiểu Thiên Chúa và lối sống của Ngài. Chúng ta cần biết chúng ta phải hy sinh những gì để sống theo đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta cần biết phải chọn ngọc quý gì; đó chính là sức sống của Thiên Chúa trong mổi người chúng ta. Chúng ta cần biết chúng ta phải thay đổi những gì, dù là rất nhỏ để có thể sống gần Chúa hơn. Phải làm gì để có những liên hệ hằng ngày tốt đẹp hơn, và những liên hệ nào có hại cho chúng ta, để phải tránh xa. Phải dùng thời gian và sức lực vào những việc phục vụ Chúa; chính là của quý giá nhất đời chúng ta.

Vì sao chúng ta họp nhau ngày hôm nay? Chúng ta đến đây vì chúng ta không muốn những viên ngọc và các thứ vàng phù phiếm quyến rủ chúng ta. Thật những thứ ấy không có giá trị gì cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta muốn tìm thứ thật cần và quý trong đời chúng ta. Đó là những gì, hay là những ai, và chúng ta còn muốn nhiều hơn nữa. Chúng ta đã tìm được một kho báu quý giá nên tất cả các thứ khác đều kém xa.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Nước Trời cũng giống như
Tuyết Mai
09:24 24/07/2008
Nước Trời Cũng Giống Như

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy" (Mt 13, 44-46).

Tôi hiểu rồi! Nước Trời cũng giống như nhà giầu có kia được Chúa bảo anh ta về bán hết của cải, cho người nghèo, và đi theo Chúa nhưng vì anh có quá nhiều của cải nên rất khó để cho anh ta nghe lời và làm theo? Theo tôi hiểu thì Nước Trời rất khó để tới và đạt được dù người đó nghèo khổ hay giầu có. Muốn đến được Nước Trời của Chúa đòi hỏi ta phải sống như không có gì cả! Ngay cả người nghèo khổ? Vì người nghèo khổ theo tôi được biết cũng lận trong người cái gì đó gọi là quý giá nhất của họ? Tiền dành dụm được cho bao nhiêu năm tháng làm lụng vất vả hay đi ăn xin?. Rồi từ tiền dành dụm, đi mua được vài chỉ vàng làm nhẫn mà đeo, phòng khi trái nắng trở trời cần dùng đến để mua thuốc thang. Còn đối với người túng quẫn nhất tuy vật chất không có một thứ gì để lận lưng thật, nhưng có phải những người nghèo này cũng luôn có lòng ao ước để một ngày nào đó mơ được giầu có thật chăng!?

Theo tôi nghĩ như thế cũng không được, vì sự ao ước có tính chất còn rất muốn bám vào cuộc đời trần thế. Chúa muốn tất cả con cái của Chúa chỉ ao ước tìm kiếm một mình Chúa và Nước Chúa mà thôi! Nếu phải thế thì có phải Chúa ích kỷ hay không nhỉ!? Thưa rằng không vì đó là ý muốn riêng của Chúa và đó là cách của Chúa muốn tuyển chọn cho những ai đáng được Chúa cho vào Nước Trời?.

Nên Chúa mới dậy dụ ngôn như trên cho tất cả chúng ta ai cũng phải hiểu là muốn được vào Nước Trời, phải về bán hết của cải mà mua viên ngọc quý hay về bán hết của cải mà mua thửa ruộng có cất giấu kho tàng ấy! Bởi viên ngọc quý và kho tàng ấy đáng giá đến ngần vậy thì thử hỏi Nước Trời còn quý giá đến là nhường bao!. Tôi thiết nghĩ giầu hay nghèo đối với Chúa không thành vấn đề miễn là ta đừng để cho dính bén thì thôi! Chứ giầu có mà có lòng thì biết bao nhiêu người được hưởng nhờ, bởi nếu ta hiểu được rằng giầu có chẳng phải do tài năng gì của riêng mình, mà tất cả đều là hồng ân Chúa ban, thì mặc chi mà ta phải tiếc của, hoặc là mặc chi ta phải tốn công giữ gìn, mà không lo cất tiền của của ta trên Trời, nơi mà mối mọt không có thể gặm nhấm và làm cho teng sét được.

Còn người nghèo ư! Người nghèo khổ mà sống được như bà già goá được Chúa khen trong Nhà Thờ, khi mà mọi người bỏ tiền dư của họ nhưng riêng một mình bà đã dám bỏ hết số tiền bà có để cúng dâng cho Chúa. Người nghèo theo tôi biết cũng có rất là nhiều người có lòng tham, trong số đó có tôi. Bởi đã nghèo thì không có gì cả! Nhưng khi có được hay sắm được một thứ gì trong sự làm lụng cực khổ của mình, thì tất cả những gì mình sắm được có phải đối với mình là tất cả hay không? Tôi nói đây là để trưng dẫn những điều tôi nói là đúng là sự thật.

Hồi tưởng lại thuở tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng không được khá lắm! Mẹ tôi phải bôn ba vất vả làm việc để nuôi một đàn con thơ dại vì bố mất khi chúng tôi còn nhỏ. Mẹ và ba chị em tôi phải ở chung với gia đình của dì tôi, tức em ruột của mẹ tôi. Sau khi trang trải tất cả mọi thứ và sau một thời gian dài làm việc, bà đã dành dụm được chút ít mới đi sắm được cái quạt máy, nhưng rất ít khi được bà dùng cho dù mấy mẹ con ở trên căn gác rất nóng và rất hầm. Quạt máy được bà bọc lại cho thật kỹ để khỏi bị bụi, và xem như nó là một món trang sức cho căn gác của bà. Và quạt tay vẫn được xài hằng ngày khi trời nóng nực.

Rồi dần dà bà cũng sắm được cái tủ lạnh thật nhỏ, nhưng nó cũng giống như cái quạt máy kia là nó được bà bọc lại rất kỹ để làm của, lý do chính vì sao thì các bạn cũng biết rồi! Vì tủ lạnh thì rất tốn điện mà nhà thì chỉ có mấy mẹ con. Ăn bữa nào thì đi chợ bữa đó làm gì có thức ăn dư mà cất để trong tủ lạnh như bên Mỹ này! Rồi mẹ tôi cũng sắm thêm được một ít món đồ nho nhỏ như bộ ấm trà Tầu và bộ chén dĩa cũng là hàng của Tầu, nhưng tất cả đều được chưng vào tủ kính để ngắm nhìn. Thỉnh thoảng tôi phải bị chị tôi sai quét bụi cho chúng và tôi rất lấy làm khó chịu vì đã không được dùng chúng mà cứ phải bị quét bụi hết ngày này qua tháng nọ.

Thế có phải đó là tất cả của cải của mẹ tôi sắm được hay không? Có phải đối với mẹ tôi thì chúng có giá lắm hay không nên bà mới bọc chúng lại rất cẩn thận mà không được dùng? Và có phải nếu mẹ tôi có qua đời thì tất cả sẽ được mấy chị em tôi chia của và bán đi để mà sống qua ngày hay không? Quả thật của cải thế gian khó lòng mà chúng ta coi nhưng không được. Đã là con người thì ai cũng có lòng tham. Người giầu thì tham theo kiểu nhà giầu. Người nghèo thì tham theo kiểu người nghèo. Chỉ có khi ta có được ơn của Chúa Thánh Linh mới soi sáng cho ta cách và con đường nào để đến được Nước Trời mà thôi! Chứ đời thường ai mà đang cuộc sống trần gian ngày lại ngày mà lại mơ tưởng đến Nước Trời bao giờ. Vì chưng Nước Trời không ai có thể thấy và hình dung được ngoài Chúa ban cho hay mạc khải cho để hiểu biết.

Có phải Chúa thì ta chẳng bao giờ được thấy? Nước Trời thì ta lại chẳng từng được thấy bao giờ? Nhưng cuộc sống ngày lại ngày của chúng ta thì giá trị của một con người được đánh giá qua những vật chất vô tri vô giác mà ta có được hay không! Có phải ta đánh giá một người giầu có là khi họ có một căn nhà thật lớn thật nhiều tầng và bên trong trang sức thật lộng lẫy thật sang trọng và đồ trang sức toàn những thứ hiếm có và đắt tiền? Ngoài căn nhà họ đang ở họ còn có biết bao nhiêu đất đai và bao nhiêu căn phố cho mướn hay cho thuê? Còn xe ư! Ôi những người giầu có này xe họ sắm như là đồ chơi của họ vậy! Có bao nhiêu xe đắt tiền thì họ cũng ráng mua để chưng như ta thấy hãng bán xe họ trưng bày y như thế! Giầu như thế thì thử hỏi làm sao bảo họ bỏ hay bán tất cả để được Nước Trời?

Có phải Chúa nói người giầu có vào Nước Thiên Đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim? Rồi các tông đồ mới hỏi Thầy làm sao có thể thế được? Chúa trả lời đối với Thiên Chúa thì tất cả đều có thể được nếu Chúa muốn. Chắc hẳn ý của Chúa muốn nói với chúng ta là dù giầu hay nghèo đều không thành vấn đề nhưng vấn đề quan trọng nhất là ta phải cho Chúa biết nếu ta thật lòng ao ước và mong muốn được Nước Trời. Muốn được thế có phải Chúa muốn ta luôn tuân giữ luật và giữ giới răn của Chúa. Mà luật của Chúa thì có phải được quy về hai điều căn bản quan trọng là Kính Yêu Thờ Phượng và Tôn Thờ một Thiên Chúa duy nhất và yêu người như mình ta vậy, hay không?

Lậy Thiên Chúa Kính Yêu Nhân Từ muôn đời của chúng con!

Xin cho chúng con đừng phải là những con người khờ dại chỉ biết đêm ngày đi tìm cho mình những của chóng qua hay hư nát này! Xin cho chúng con biết tích trữ của cải của chúng con trên Trời NƠI mà muôn đời sẽ cho chúng con hạnh phúc vĩnh cửu trường tồn bên cạnh anh chị em tốt lành của chúng con trong Tòa Nhà Sáng Láng của THIÊN CHÚA CHA dành sẵn cho các con CHA. AMEN.
 
Thánh Anphong, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế
Lm Giuse Phạm Thanh Quang CSsR
09:30 24/07/2008
ƠN GỌI CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG CHÚA CỨU THẾ: THÁNH ANPHONG

Thánh Anphong Maria Đệ Ligôri đã trở nên vị thánh vĩ đại của Napôli và của thế kỷ XVIII. Ngài nỗ lực cống hiến cuộc đời cho công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ, nhất là cho những người bị bỏ rơi hơn cả. Chính ngài đã lập Dòng Chúa Cứu Thế để chuyên loan báo Tin Mừng cho lớp người này. Vậy làm thế nào ngài đã trở nên một vị thánh lớn và thực hiện được những điều kỳ diệu cho ơn cứu độ, đồng thời hoàn thiện ơn gọi của mình?

1. Tưởng như mọi sự đã được an bài

Anphong sinh ngày 27.9.1696 tại Marianella thuộc Napôli. Ngài được sinh ra trong một dòng tộc quyền quý Ligôri, đồng thời ngài còn là trưởng nam, tức có quyền thừa kế. Chính vì vậy, cả dòng tộc đổ dồn vào cậu Anphong với những sự chuẩn bị cho tương lai thật chu đáo. Anphong được trang bị từ A đến Z! Nào thần học, văn chương, hội họa, nào âm nhạc, triết lý, khoa học, nào đấu kiếm, đua ngựa, săn bắn,… Vì được đầu tư cách bài bản, cộng với lòng say mê học hỏi cùng với sự khôn ngoan xuất chúng, Anphong đã sớm thành công. 16 tuổi đã đậu tiến sĩ luật cả đạo lẫn đời và trở nên luật sư danh tiếng. Tương lai của Anphong đầy sán lạn và dường như số phận đã được an bài trong chính sự tiến thân vốn có của dòng tộc.

Cho dẫu đã có trong tay nhiều thứ, lòng đạo đức của Anphong không hề sút giảm. Ngài vẫn “mê” Chúa và Mẹ Maria. Tuy vậy, cho đến lúc này, ơn gọi của Anphong vẫn chưa rõ ràng và chưa dứt khoát! Chỉ đến một ngày kia thì ơn gọi của Anphong mới trắng đen rõ ràng!

2. Thiên Chúa đã đi bước trước và tuyển chọn

Một luật sư luôn thắng kiện. Vẻ vang quá! Hãnh diện quá! Đó là trường hợp đặc biệt của luật sư tài giỏi Anphong và đó cũng là niềm vinh dự và niềm tự hào cho dòng tộc Ligôri. Thế nhưng, vào một “ngày chẳng lành” (tôi gọi đây là ngày Thiên Chúa đã đi bước trước để dọn đường ơn gọi cho Anphong), ngày của tháng 7.1723, Anphong đã thua một vụ kiện lớn mặc dù công lý thuộc về chàng luật sư danh tiếng và thân chủ của chàng. Thế gian là thế! Tuy nhiên, chính Thiên Chúa và Anphong đã thắng cuộc không phải trên vụ kiện mà là thắng cuộc trên cánh đồng bao la bát ngát của sự thánh thiện và những con người bơ vơ tất bạt và bị bỏ rơi. Thiên Chúa đã gọi và tuyển chọn Anphong cho sứ mạng cao cả. Đó mới chính là ơn gọi đích thực của Anphong. Bằng chứng cụ thể là Anphong đã dứt khoát giã từ pháp đình, quy hàng trước tượng Đức Mẹ và can đảm dấn bước theo tiếng gọi của tình yêu: đối với Thiên Chúa và đối với người bị bỏ rơi hơn cả. Thanh kiếm hiệp sĩ xin trao cách vĩnh viễn cho Mẹ Maria!

3. Ơn gọi nên thánh và thu phục các tâm hồn

Sau khi cảm nghiệm được thế nào là “cú ngã ngựa của thánh Phaolô” qua biến cố “thua kiện” và từ giã pháp đình – hẳn đó cũng là con đường mà Chúa muốn Anphong bước đi – Anphong đã sống hết mình cho Chúa Kitô và cho tha nhân. Au cũng là thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình.

Trước tiên là việc sống với Chúa: Ngài đã tận dụng mọi phút giây để sống thân mật và kết hợp với Chúa. Ngài cầu nguyện nhiều giờ trong ngày. Sử sách ghi lại, ngài đã cầu nguyện tám tiếng mỗi ngày! Với lòng đạo đức và sự quyết chí nên thánh của ngài thì ngần ấy giờ hẳn vẫn chưa thấm vào đâu! Ngài cũng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ cách đặc biệt. Từ việc sống với Chúa và đời sống cầu nguyện mặn mà như thế, thánh Anphong đã cụ thể hóa bằng chính đời sống thánh thiện, yêu mến, khiêm nhường,… Chẳng vậy, ngài đã vâng phục Đức Thánh Cha để làm Giám mục Giáo phận Saint Agata mặc dù chẳng muốn tí nào. Ngài còn xác tín: “Ý của Đức Thánh Cha là ý Chúa!”

Khi chính ngài đã bị một vố nặng tưởng như bị trục xuất khỏi Dòng. Số là Đức Piô VI do sự kiện lịch sử đã chia cắt các nhà của Dòng tại Napôli ra khỏi các nhà tại nước Tòa Thánh. Thánh Anphong đã xác quyết: “Tất cả là ý Chúa” nên lấy lòng khiêm nhường mà đón nhận đồng thời muốn chịu đau khổ cùng với Đức Kitô chịu đóng đinh. Chẳng vậy, sau này Đức Thánh Cha Piô VI thấy rõ sự thánh thiện của thánh Anphong nên đã thốt lên cách chân thành – dường như muốn nói lên sự hối hận của mình vì đã hành động không đúng khi chia cắt các nhà: “Tôi đã hành hạ một Đấng thánh!”. Quả vậy, ngày 26.5.1839, ngài đã được phong thánh.

Kế đến là việc thu phục các tâm hồn: Thật có lý khi tác giả Rey-Mermet nhận xét thẳng thừng nhưng đầy dí dỏm về cha thánh Anphong trong tác phẩm của mình: “Một Linh mục chẳng giống ai!”. Tại sao thế? Hẳn là có lý do. Số là thời ấy, hầu hết các Linh mục thích chọn địa vị hay chỗ tốt cho mình ở thành thị chứ ai đời nào lại đi tìm đến vùng đồng quê nghèo nàn heo hút khỉ ho cò gáy? Ay vậy mà thánh Anphong đã chọn cho mình một con đường riêng ngược hẳn với các Linh mục trên: ngài chọn dân quê và dân bị bỏ rơi hơn cả. Au cũng là thánh ý Thiên Chúa. Chính ơn gọi này đã làm nên Dòng Chúa Cứu Thế và làm nên một đặc sủng và một linh đạo đặc trưng của Dòng Chúa Cứu Thế. Dòng của những người quê mùa dốt nát (đặc biệt về giáo lý, về lẽ đạo) và bị đẩy xuống vực thẳm của xã hội. Thánh Anphong đã lập ra các “Nguyện đường về đêm” để quy tụ và dạy lẽ đạo cho những người nghèo khổ, tất bạt, bị bỏ rơi. Ngài cũng rảo khắp miền quê hẻo lánh Scala để thu phục những tâm hồn lạc nẻo, thiếu đói đời sống tâm linh nhằm đem họ về với Chúa Giêsu chí thánh. Đấng hằng canh cánh, ngong ngóng người môn đệ Anphong tiếp nối và thực hiện công việc của Người. Lòng chạnh thương người nghèo, bơ vơ, tất bạt của Anphong dường như “ăn khớp” và rập đúng y khuôn thầy chí thánh Giêsu được thánh Matthêu mô tả trong Tin Mừng đoạn 9 câu 36: “Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”. Thầy nào trò đấy! Chính nhờ sự thánh thiện và khả năng thu phục lòng người mà thánh Anphong đã đưa được nhiều tâm hồn trở về với Chúa Kitô, Đấng muốn cứu vớt mọi người.

Còn biết bao điều về ơn gọi của thánh Anphong mà người viết không thể nói hết được qua vài dòng chữ. Thật vậy, ơn gọi của thánh Anphong là ơn gọi dành riêng cho Chúa Kitô đồng thời cũng dành cho mọi người, nhất là cho những người nghèo khổ, tất bạt. Ngài đã sống trọn vẹn cho Chúa Kitô và cho tha nhân. Chính vì thế, ngài đã trở thành “thợ gặt lành nghề” thu phục những tâm hồn về cho Chúa Kitô qua chính đời sống mô phạm, gương mẫu, khiêm nhường, cầu nguyện, thánh thiện của ngài. Chính ơn gọi của thánh Anphong đã để lại một dấu chấm hỏi lớn cho mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nói riêng và mỗi người Kitô hữu nói chung hôm nay rằng: đã là đồ đệ của Chúa, là con cái của Chúa thì đã trở nên giống Chúa, như thánh Anphong đã trở nên giống Chúa, phần nào chưa?
 
Thánh Anphong, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế
Lm Giuse Phạm Thanh Quang CSsR
09:37 24/07/2008
THAM LUẬN VỀ XÃ HỘI HOÁ GIÁO DỤC – Y TẾ – TỪ THIỆN

Ngày 24.07.2008

(Trình bày tại Hội nghị “Xã hội hoá giáo dục - y tế” do Ban Tôn Giáo Chính phủ tổ chức ngày 24.07.2008)

Kính thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay, trong khuôn khổ hội nghị bàn về xã hội hoá giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo, đại diện cho 280 linh mục tu sĩ DCCT đang phục vụ tại hơn 20 tỉnh thành ở 3 miền đất nước, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất: Xã hội hoá giáo dục - y tế là chủ trương đúng đắn. Quy luật phát triển của xã hội đòi hỏi phải xã hội hoá giáo dục. Trước đây các triều đại phong kiến, chế độ thực dân và các chế độ cộng hoà ở Việt Nam đều đã thực hiện điều này. Nhiều tổ chức tôn giáo đã mở trường và lập nhà thương. Bản thân DCCT chúng tôi trước đây cũng đã được các chính quyền cho mở trường và dạy học từ cấp mầm non đến cấp đại học. Nhiều cán bộ hiện nay từ cấp làng xã đến cấp trung ương đã từng học ở các trường Công giáo chúng tôi. Do đó, chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá giáo dục, y tế và từ thiện.

Thứ hai: Hiện nay ở Việt Nam nhiều cá nhân và tổ chức trong ngoài nước đã được phép mở trường học hoặc / và trung tâm dạy nghề và bệnh viện, trong khi ấy một chủ thể có kinh nghiệm giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khoẻ như Giáo hội Công giáo thì lại không. Không thể tiếp tục đối xử bất bình đẳng với các tôn giáo! Không thể tiếp tục gạt các tôn giáo ra bên lề xã hội và biến các tôn giáo thành “người ngoại quốc”, và thậm chí còn bị đối xử không bằng một người ngoại quốc, trên quê hương Việt Nam như thế ! Nếu chính quyền thực sự thương dân thương nước này, nếu chính quyền thực sự tôn trọng tự do tôn giáo, nếu chính quyền thực sự tôn trọng pháp luật, chính quyền phải để cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế, cụ thể là được mở trường và lập bệnh viện như những cá nhân và tổ chức khác.

Thứ ba: Yêu cầu cấp bách chính quyền công nhận các dòng tu, giáo xứ, giáo phận và Giáo hội Công giáo có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật như những tổ chức xã hội - chính trị khác, vì trên thực tế cho đến hiện nay các tổ chức uy tín này của Công giáo vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý trong các giao dịch dân sự: tài khoản ở ngân hàng không được lập, con dấu và chữ ký không được nhìn nhận, v.v...

Thứ bốn: Chúng tôi phản đối việc gắn liền tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế với việc cổ phần hoá các trường công và bệnh viện công. Vì như thế là tước mất cơ hội học tập và chữa bệnh của người nghèo. Cũng trong tiến trình xã hội hoá giáo dục, y tế, chúng tôi đề nghị giao quyền quản lý và điều hành các cơ sở giáo dục - y tế mà chính quyền đã mượn của các giáo xứ, các dòng tu, các giáo phận và Giáo hội Công giáo cho chính các tổ chức này. Các tổ chức này sẽ điều hành và quản lý theo quy định của luật pháp và sẽ dạy học sinh, sinh viên theo chương trình đào tạo quốc gia. Như thế, sẽ vừa giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, vừa tạo cơ hội cho nhiều người nghèo được học tập và chữa bệnh.

Nếu muốn xã hội hoá giáo dục - y tế, chúng tôi nghĩ chính quyền phải bắt đầu thực hiện những điều trên đây. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị biết được ý của Chúa Trời và hành động theo ý Chúa Trời. Vì “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” cho quý vị, cho con em chúng ta, cho chúng tôi và cho cả dân tộc Việt Nam và đất nước thân yêu này.

Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Kính chúc quý vị dồi dào sức khoẻ.

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành

Giám tỉnh DCCT Việt Nam

Đại diện báo cáo:

Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại

Thư ký - Chánh Văn phòng
 
Giờ Thánh Ngày Giáo Lý Viên: Lễ Thánh Anrê Phú Yên
GP ĐàLạt
10:35 24/07/2008
GIỜ THÁNH NGÀY GIÁO LÝ VIÊN: LỄ THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN
Ngày 26 tháng 7 năm 2008

1. Đặt Mình Thánh Chúa.

2. Hát kính Thánh Thể: Đây lòng Chúa ái tuất

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !
Là những Giảng viên giáo lý,chúng con lãnh nhận sứ mạng giúp cho các Thiếu nhi biết Chúa, đón nhận niềm vui, bình an của những con cái Chúa. Tuy nhiên, gánh nặng của bổn phận, những khó khăn đủ mặt của cuộc sống hôm nay làm chúng con nhiều lần phải chao đảo.

Giờ đây, chúng con đến với Chúa, hiện diện trước Nhan Thánh Chúa, chúng con xin được sống tâm tình của các Thánh Tông đồ ngày xưa khi được Chúa kêu mời: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng”. (Mt 11,28-30)

Đồng thời, cũng trong Giờ Thánh này, chúng con muốn chiêm ngắm cuộc đời làm chứng của thánh Bổn mạng, Chân Phước Anrê Phú Yên. Chúng con xin Chúa soi sáng cho chúng con, để chúng con có thể học được nơi ngài lòng nhiệt thành đối với Chúa và các linh hồn, hầu có thể tiếp nối ngài trong sứ vụ làm chứng cho Chúa.

Trong sứ điệp Ngày Truyền giáo 2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô của chúng con đã viết: Chỉ có Tin Mừng của Chúa mới đưa ra câu trả lời và trao ban hy vọng cho chúng ta. Và thánh Phaolô đã hiểu điều đó khi khuyến khích Timôthêô “loan báo lời hứa trao ban sự sống nơi Đức Kitô Giêsu” (2Tm 1,1) “niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1 ). Như thế, Truyền giáo là vấn đề của tình yêu thương và là một bổn phận của mọi tín hữu chúng con. Nó cấp thiết tại những nơi chưa được nghe nói tới Thiên Chúa, và cũng khẩn trương tại những nơi đã được truyền giáo, nhưng lòng tin đã nguội lạnh đi.

Tiếp đến Đức Thánh Cha kêu mời gọi các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân chúng con đừng sợ hãi, nhưng hãy noi gương thánh Phaolô: Tươi vui hăng hái ra khơi và dấn thân loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi dân nước, vì nhân loại và thế giới cần được giải thoát và cứu độ hơn bao giờ hết…
Trong giờ thánh này, xin Chúa đến ngự nơi tâm hồn mỗi người chúng con để nâng đỡ, bổ sức cho chúng con và làm cho chúng con hăng say hơn trong công việc giảng dạy Giáo lý.

4. Hát: Xin cho con biết lắng nghe

5. Lời Chúa: (Tin mừng theo Thánh Matthêu 9, 35-38)

" 35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh tật.
36 Đức Giê-su thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng:”Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

6. Suy niệm:

NOI GƯƠNG THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

Thầy giảng Anrê sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, do chính cha Đắc Lộ. Một năm sau, Anrê xin được nhập vào nhóm các thầy giảng giáo lý do cha Đắc Lộ mới thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gửi gắm cho một người thuộc nhóm thầy giảng tên là Inhaxiô. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy. Nhóm đã đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng; điều nầy đã làm nảy sinh ra lòng đố kỵ trong Triều đình bấy giờ. Vị quan dinh Quảng Nam tuyên bố quyết sẽ tiêu diệt Inhaxiô. Theo quyết định của nhà cầm quyền thì “đạo của người Bồ Đào Nha” chỉ dành riêng cho người ngoại quốc, và mọi việc truyền đạo cho người Việt Nam phải bị cấm ngặt.

Thầy Inhaxiô vắng mặt khi quân lính đến tìm bắt ngài. Trong khi đó Thầy Anrê trẻ tuổi đang ở nhà một mình. Thầy Anrê đã tình nguyện nộp mình thế chỗ cho người anh cả Inhaxiô. Trước tòa án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: "Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài”.

Anrê bị kết án, Thầy đã chờ đợi cái chết một cách thanh thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy, để thầy được "... giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Thầy chết do nhát giáo đâm rồi bị chặt đầu, miệng không ngớt kêu tên Giêsu. Hôm ấy là ngày 26 tháng 7 năm 1644. Anrê vừa được 19 tuổi. Đứng vây quanh Anrê còn có nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam và ngoại quốc, cũng như đông đảo đồng bào ngoài Công giáo. Mọi người rất xúc động trước sự tuyên xưng đức tin của thầy. Gương tử đạo của thầy lập tức toả rạng, và qua những lời chứng và tường thuật, đã lan truyền ra đến nhiều nước, tới tận Rôma. Toà Giám mục Macao, nơi có rất nhiều nhân chứng sinh sống, đã đón nhận thi hài thầy hết sức trọng thể, và tổ chức ngay trong tháng 12 năm ấy hồ sơ xin phong Chân phước cho Anrê.

Lạy Chúa Giêsu thánh Thể: "Không ai cho điều mình không có”. Thánh Bổn mạng của chúng con đã tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy. Thánh Bổn mạng của chúng con đã trọn vẹn Yêu Chúa, “lấy tình yêu đáp trả tình yêu”. Xin Chúa thúc đẩy chúng con biết luôn kín múc nguồn sức mạnh nơi Chúa và hăng say học hỏi luôn, để có thể chu toàn sứ mạng của chúng con.

7. Hát: Chứng nhân tình yêu

8. Lời Chúa: (Tin mừng theo Thánh Matthêu 10, 17-24)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: 17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hôị đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khì của Chúa Cha nói trong anh em.
21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lê chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ây sẽ được cứu thoát.
23 “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác.Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hếtcác thành của It-ra-en, thì con người đã đến.
24 “Trò không hơn thầy,tớ không hơn chủ.25 Trò được như thầy,tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.

9. Suy niệm:

Trước ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Úc, Đức Thánh Cha Benêđictô đã nhắn nhủ các bạn trẻ:

“Vào buổi chiều ngày Chúa sống lại, khi hiện ra cho các môn đệ, Chúa Giêsu thổi hơi trên họ và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ một cách mạnh mẽ hơn nữa… (Cv 2,2-3).
Chúa Thánh Thần canh tân các Tông đồ từ nội tâm, ban cho các ngài một sức mạnh làm cho các ngài trở nên dũng cảm mà rao giảng mạnh mẽ và không sợ hãi rằng: “Chúa Kitô đã chết và đã sống lại !” Được giải thoát khỏi mọi sợ hãi, các ngài bắt đầu nói cách chân thành (Cv 2,29; 4,13; 4,29-31). Từ những người đánh cá nhút nhát, các ngài đã trở thành những anh hùng đầy lòng can đảm của Tin Mừng. Cả những kẻ thù của các ngài cũng không thể hiểu được tại sao “những con người không học thức và nhát sợ” (Cv 4,13) lại có khả năng chứng tỏ một sự can đảm như thế và chịu đựng được những nghịch cảnh, những đau khổ và những bách hại một cách vui tươi. Không gì có thể ngăn cản các ngài lại. Với những ai đã cố gắng buộc các ngài phải im lặng, thì các ngài trả lời như sau: “Chúng tôi không thể im lặng, không thể không nói lên điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20). Như thế được khai sinh Giáo Hội, một Giáo Hội từ lễ Ngũ Tuần đã không ngừng chiếu toả Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Các bạn trẻ thân mến, như những vị tiền nhiệm của Cha, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, đã nhiều lần nói đến, rao giảng Phúc âm và làm chứng cho đức tin là điều cần thiết cho ngày nay hơn bao giờ hết (Redemptoris Missio, số 1). Ai đó nghĩ rằng trình bày kho tàng quý giá đức tin cho những người không chia sẻ đức tin với mình, có nghĩa là có thái độ bất bao dung đối với họ, nhưng không phải như vậy, bởi vì đề nghị Chúa Kitô cho họ, không có nghĩa là áp đặt bắt buộc họ phải theo (Evengelii Nuntiandi, số 80). Hơn nữa, cách đây 2000 năm, mười hai thánh Tông Đồ đã hy sinh mạng sống, ngõ hầu Chúa Kitô được con người biết đến và yêu thương. Từ đó, Phúc âm qua các thế kỷ tiếp tục được loan truyền nhờ những con người nam nữ được linh động bởi cùng một sự hăng say truyền giáo. Vì thế, cả ngày hôm nay nữa, những môn đệ của Chúa Kitô không nên sợ lãng phí thời giờ và sức lực để phục vụ Tin Mừng. Các bạn trẻ cần thắp lên trong tâm hồn tình yêu Thiên Chúa và đáp trả cách quảng đại lời mời gọi khẩn thiết của Chúa, như đã xảy ra với biết bao vị Thánh trẻ, Chân phước và Hiển thánh trong quá khứ và cả trong thời đại gần với chúng ta. Một cách đặc biệt, cha bảo đảm với chúng con rằng Thánh Thần của Chúa Giêsu ngày hôm nay mời gọi chúng con hãy trở nên những kẻ mang Tin Mừng của Ngài cho những bạn đồng tuổi chúng con… Chúng con biết được những lý tưởng của ngưòi trẻ, biết được ngôn ngữ, và cả những vết thương, những chờ đợi, và ước muốn điều thiện của những người trẻ đồng tuổi chúng con. Được mở ra thế giới bao la những tâm tình, công việc làm, việc huấn luyện, những chờ đợi và những đau khổ của người trẻ... Mỗi người trong chúng con hãy can đảm hứa với Chúa Thánh Thần sẽ mang một người trẻ đến với Chúa Giêsu Kitô, trong cách thức mà chúng con biết là tốt đẹp hơn, vừa biết “trả lời cho bất cứ ai niềm hy vọng được tích chứa trong mình, với sự dịu dàng” (1Pr 3,15). Để đạt đến mục tiêu này, chúng con hãy sống thánh thiện, hãy là những nhà truyền giáo, bởi vì người ta không bao giờ có thể tách rời sự thánh thiện ra khỏi sứ mạng truyền giáo (Redemptoris Missio, số 90). Chúng con đừng sợ trở thành những nhà truyền giáo thánh thiện, như thánh Phanxicô Xaviê, đã đi khắp vùng Viễn Đông để loan báo Tin Mừng, cho đến kiệt sức, hoặc như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trở nên nhà truyền giáo dù không rời khỏi tu viện Camêlô, cả hai vị đều là những Thánh Quan Thầy của các Xứ Truyền Giáo. Chúng con hãy sẵn sàng hy sinh mạng sống chúng con để soi sáng thế giới bằng sự thật của Chúa Kitô; để dáp trả hận thù và sự khinh dể mạng sống con ngưòi bằng tình yêu thương; để tuyên bố niềm hy vọng của Chúa Kitô Phục Sinh khắp mọi nơi trên mặt đất.

Lạy Chúa Giêsu thánh Thể,
Chúng con nhắc lại lời Đức Thánh Cha đã nói với chúng con rằng: “Cha bảo đảm với chúng con rằng Thánh Thần của Chúa Giêsu ngày hôm nay mời gọi chúng con hãy trở nên những kẻ mang Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những bạn đồng tuổi chúng con…”

Xin Chúa giúp chúng con biết nghe lời Vị Cha chung, luôn ý thức phải đem Tin mừng của Chúa đến với các bạn đồng tuổi, cũng như đến với các thiếu nhi mà chúng con được giao phó. Xin cho chúng con cũng biết noi gương Thánh Phaolô, luôn chu toàn công việc làm chứng cho Chúa trong tình yêu, khi chúng con tôn kính Ngài năm nay: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

10. Hát: Đường con đi

11. Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !
Có Chúa hiện diện, chúng con đâu còn có gì để phải lo lắng, băn khoăn, sợ hãi. Trông cậy Chúa, chúng con thấy mình được khích lệ, đỡ nâng. Ngước nhìn lên Chúa, chúng con nhận được tình Chúa yêu thương, tình yêu xua tan hết mọi băng giá, những hiềm khích bất hòa, những ghen tương đố kỵ, những chia rẽ và sự dửng dưng lãnh đạm đang giam cầm chúng con.

Hướng về Chúa, chúng con có được sinh lực dồi dào, chúng con có thể vượt qua được những mệt mỏi chán chường; vượt qua được tất cả những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Từ hôm nay,với ơn Chúa giúp, chúng con sẽ mạnh mẽ và hân hoan đi đến những cánh đồng lúa bao la bát ngát.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !
Nơi những cánh đồng lúa bao la, có rất nhiều người đang chờ đợi những bàn tay, những tấm lòng; đang cần đến sự dấn thân không toan tính, cần đến sự nhiệt huyết như một ngọn lửa cháy sáng của chúng con. Nhờ nhiệt tâm của chúng con, những em bé thơ mà chúng con dắt dìu, được lớn lên và ngày càng lớn mạnh trong đức tin, trong tình yêu mến và lòng cậy trông vững vàng.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !
Chúng con dâng lên Chúa lời Kinh giáo lý viên như lời nguyện ước, như lời đoan hứa, xin Chúa thương đón nhận và ban phúc lành xuống trên tất cả chúng con.

12. Kinh Giáo lý viên

Lạy Chúa Giêsu là Con Một tự lòng Chúa Cha / Chúa đã đến để mạc khải các Mầu nhiệm Nước Trời cho những ai bé mọn / và đã thương cho con / được dự phần vào sứ mạng rao giảng các Mầu nhiệm ấy. / Xin Chúa ban cho con và cho mọi Giáo lý viên / Thánh Thần Tình Yêu và Sự Thật / để chúng con luôn kết hiệp với Chúa và được Chúa dạy dỗ. / Xin cho con được vững tin mọi điều Chúa mạc khải / và Hội Thánh truyền dạy. / Xin cho con biết can đảm dạy điều con tin / và quảng đại thực hành điều con dạy. / Xin ban cho con ánh sáng và tình yêu / để con trình bày Lời Chúa thật sáng sủa và sống động. / Xin cho con biết quan tâm đến từng học sinh Chúa đã trao phó cho con / để con luôn yêu mến các em / cầu nguyện cho các em đến với Chúa. / Xin Chúa mở rộng cõi lòng các em / để các em hiểu biết và thực hành Lời Chúa. / Xin cho gia đình các em / biết quý trọng phần rỗi của con cái mình / luôn thúc đẩy các em đến với Chúa / và xin cho các em biết đem Chúa về lại với gia đình. / Amen.

13. Hát Cầu cho Đức Giáo Hoàng: Này con là Ðá

14. Hát thờ lạy Thánh Thể : Đây nhiệm tích

15. Phép lành Mình Thánh Chúa

16. Hát kết thúc: Kinh hòa bình
 
Cửa dẫn vào Nước Trời
Lm Nguyễn Hữu Thy
10:58 24/07/2008
Chúa Nhật XVII Mùa Thường Niên/A

Cửa dẫn vào Nước Trời


(Mt 13,44-52)

Ðức Giêsu đến trong thế gian với sứ mệnh được Chúa Cha giao phó là loan báo cho tất cả mọi người về Nước Trời và làm cho họ trở thành môn đệ của Nước Người. Vì thế, Người luôn luôn nói cùng dân chúng: Nước Thiên Chúa đã đến gần; Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi! Nhưng chắc chắn rằng Nước Thiên Chúa hoàn toàn khác với một nhà nước mà các nhà chính trị quan niệm. Nền tảng của Nước Trời là: chân lý, tình bác ái Kitô giáo, sự công bằng, lòng trung tín, tinh thần bất bạo động. Bởi vậy, khi đứng trước Phông-xi-ô Phi-la-tô, một biểu tượng của sự bạo động và sự dối trá, Ðức Giêsu đã tuyên bố thẳng thắn: «Nước Trời không thuộc về thế gian này.» (Ga 18,36).

Nhưng để các khán-thính giả của Người xưa kia có thể hiểu và chấp nhận dễ dàng hơn, Ðức Giêsu đã nói với họ bằng các dụ ngôn, nghĩa là bằng những câu chuyện giả dụ. Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu đã cắt nghĩa cho dân chúng hiểu về Nước Trời bằng ba dụ ngôn. Hai dụ ngôn đầu, «Kho báu chôn dấu trong ruộng»«Viên ngọc quý», có tương quan rất mật thiết với nhau. Qua hai dụ ngôn này, Ðức Giêsu muốn minh định một cách rõ ràng những điều kiện tiên quyết của Nước Trời. Nói cách khác, những ai muốn chiếm đoạt được Nước Trời, muốn được vào Nước Trời, phải từ bỏ tất cả, như người thương gia kia đã bán hết tất cả những gì ông ta có để mua được viên ngọc quý hay thửa ruộng, nơi chôn dấu kho báu.

Thật vậy, những đòi hỏi và những yêu sách của đời sống Kitô hữu rất gắt gao và cũng rất khó khăn để thỏa mãn được. Và tuy những đòi hỏi đó tuy khó khăn nặng nề, nhưng không phải không thể thực hiện được; chỉ đòi chúng ta phải nỗ lực, phải can đảm bước qua cửa hẹp, vì đó là lối dẫn tới sự cứu rỗi đích thực. Ðàng khác, chúng ta không có sự lựa chọn khác nữa, nếu chúng ta muốn đạt tới cuộc đời hoàn thiện, nếu chúng ta muốn tìm gặp được sự cứu rỗi vĩnh cửu. «Hãy đi qua cửa hẹp.» Ðó là câu trả lời dứt khoát của Chúa Cứu Thế (x. Mt 7,13). Thực thi những lời khuyên Phúc Âm luôn luôn là một đòi hỏi khó khăn, nhưng đồng thời đó lại là con đường duy nhất dẫn tới sự hạnh phúc chân thật.

Dĩ nhiên, mỗi người đều có quyền tự do mà Thiên Chúa ban cho. Họ có thể chấp nhận những đòi hỏi của Phúc Âm để trở nên hoàn thiện hay chối từ những đòi hỏi đó và chọn cho mình một cuộc sống buông thả và hoàn toàn theo ý muốn riêng. Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng sự tự do lựa chọn của con người. Nhưng trong ngày thẩm phán cuối cùng, khi mỗi người - dù muốn hay không – cũng phải ra đứng trước tòa Thiên Chúa để được phân định cách công minh các phúc tội mình đã làm, bấy giờ mỗi người nhất thiết phải trả lẽ và gánh chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó của mình.

Ðó cũng chính là ý nghĩa của dụ ngôn thứ ba trong bài Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn «Chiếc lưới đánh cá ». Tương tự như người ngư phủ chọn cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì vất bỏ đi, các Thiên Thần cũng sẽ tiếp đón những người lương thiện, những người được tuyển chọn của Thiên Chúa và đưa vào hưởng niềm hân hoan vô tận trong Nước Trời, đồng thời xua đuổi những kẻ bất xứng ra khỏi cửa Thiên đàng. Ðó là luật công bằng và hợp lý; không ai trong số họ có thể kêu ca phản đối được. Thiên Chúa đã vô cùng nhẫn nại chờ đợi cho «cỏ lùng»«lúa mì» cùng mọc lên cho tới mùa gặt, Người đã vô cùng nhân từ và quảng đại dành cho kẻ có tội có quá đủ thời giờ để nhận biết các thiếu sót và lỗi lầm của mình để ăn năn hối cải, hầu họ được sống, vì Thiên Chúa không hề muốn phạt tội ai. Qua miệng tiên tri Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa đã khẳng định là Người không vui thích về cái chết của bất cứ kẻ có tội nào, nhưng Người muốn cho kẻ đó ăn năn hối cải để được sống. (x. Ed 18,32).

Qua đó, chúng ta có thể tin tưởng cách chắc chắn rằng, nếu chúng ta luôn kiên trì nỗ lực sống theo tinh thần Phúc Âm trong Thánh Thần, chúng ta sẽ được tham phần vào Nước Trời.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
15:46 24/07/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (45)

451. Hoả ngục là nơi có lửa đời đời, không bao giờ tắt

Trong ngày phán xét chung, Chúa Giêsu nói về những người dữ bị phạt vào hoả ngục là nơi có lửa đời đời: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi ndành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25, 41).
Trong Sách Thánh, Thiên Chúa dùng hình phạt lửa để phạt tan rụi hai thành tội lỗi là Sôđôma và Gômôra. Nhưng lửa trong hoả ngục khủng khiếp vô cùng: lửa đời đời, không bao giờ tắt; lửa không những đốt thân xác, mà còn đốt cả linh hồn; lửa tuy đốt cháy nhưng vẫn không phát ra ánh sáng, vì thế, hoả ngục vẫn đời đời là nơi tối tăm u ám.

452. Hoả ngục là nơi khóc lóc nghiến răng

Chúa Giêsu nói về hoả ngục là nơi kẻ dữ phải khóc lóc nghiến răng: “Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13,50).
Ở đời nầy, chúng ta thấy những kẻ điên cuồng, tức tối, thường nghiến răng, tru trếu, vvạt vã khóc loc.
Ở trong hoả ngục, những kẻ dữ điên cuồng, tức tối, đau đớn đến chừng nào, vì thế, chúng càng khóc lóc, càng nghiến răng.
Thật quá ghê sợ: đời sống trong hoả ngục!.

453. Như vậy, mới thật là Chúa!

Một linh mục truyền giáo tại Phi Châu, nói với viên tù trưởng về Chúa.
Ngài nói Chúa tốt lành, Chúa yêu thương. Viên tù trưởng vẫn không chút gì cảm động.
Ngài xoay qua nói về hoả ngục là nơi Chúa phạt những kẻ có tội.
Nghe vậy, viên tù trưởng sáng mắt lên và nói:
- “Như vậy, mới thật là Chúa. Một ông vua mà không phạt những kẻ nổi loạn, thì không phải là một ông vua.”

454. “Tôi đặt sự thăng chức của tôi cao hơn.”

Khi còn là một sĩ quan cấp dưới, đại tướng Aveline được đề nghị che dấu những xác tín tôn giáo của mình thì mới mong được thăng chức. Aveline thẳng thắn trả lời một cách rõ ràng:
- “Tôi đặt sự thăng chức của tôi cao hơn. Sự thăng chức nầy không phải ở trên mặt đất nầy.”

455. “Tôi muốn làm con ngựa của ông hơn là làm linh hồn của ông.”

Một linh mục truyền giáo hỏi một người dân bản xứ về con ngựa của ông ta:
- “Để cho con ngựa của ông được khoẻ đẹp, ông để bao nhiêu thời giờ để săn sóc nó mỗi ngày?”
Người dân bản xứ trả lời: “Gần hai tiếng đồng hồ.”
Vị linh mục truyền giáo liền góp ý:
- “Vì ông săn sóc con ngựa của ông thật cẩn thận, còn linh hồn của ông thì ông lơ là, cho nên tôi muốn làm con ngựa của ông hơn là làm linh hồn của ông.”

456. “Tôi đến để hâm nóng lại đức tin.”

Đại úy Gabriel, một thầy trợ sỹ Dòng Trappe, trong khi phụ trách nhà cơm, đã làm cho bao du khách thêm đức tin hơn là linh mục tuy thông thái nhưng lời nói không ảnh hưởng tới trái tim.
Tướng De Miribiel năng lui tới gặp thầy. Ông thường nói:
- “Tôi đến để hâm nóng lại đức tin.” (x. Hồn Tông Đồ)

457. Thiên Chúa đang làm gì ở trên trời?

Notker là một tu sĩ đạo đức và thông thái, thường được hoàng đế Charles-Le-Gros tìm đến hỏi ý kiến.
Ngày kia, trong khi hoàng đế đến tìm vị tu sĩ, một quan cận thận, muốn làm nhục Notker, đặt một câu hỏi công khai:
- “Thưa ngài, Thiên Chúa đang làm gì ở trên trời?”
Tu sĩ Notker trả lời:
- “Thiên Chúa nâng người khiêm nhượng lên và hạ người kiêu ngạo xuống.”
Vị quan nầy, ngày hôm đó, bị ngã ngựa và gãy chân.

458. Ai cầu nguyện, kẻ đó có thể thắng được Thiên Chúa.

Thánh Clêmentê Hofbauer hết lòng tin tưởng vào hiệu quả của lời cầu nguyện.
Ngài quyết xin cho được một điều quan trọng đối với ngài.
Ngài thách thức Chúa Giêsu:
- “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ cầu nguyện cho tới khi nào Chúa nhậm lời con. Chúng ta sẽ thấy ai trong chúng ta nhượng bộ.”

459. Ba chữ để thành công!

Dale Carnegie khuyên các học sinh sinh viên hãy thực hiện ba chữ quan trọng để thành công chính đáng trong cuộc đời của mình. Ba chữ đó, nhưng tựu trung, chỉ là một chữ: “Work!” “Làm việc!”
“Work! Work! Work!”
“Làm Việc! Làm Việc! Làm Việc!”

460. Hãy cười!

Thống chế Joffre luôn luôn cười vui vẻ, cười khì khì, dẫu đang ở trong hoàn cảnh rất nguy kịch như khi bị quân địch tấn công ác liệt.
Thanh niên Guy Larigaudie cũng luôn khuyên các bạn sinh viên của mình câu sau đây: “Khi gặp việc gì không xuôi, bạn hãy cười!”
Cười để thanh thản. Cười để tỏ lòng khiêm nhượng. Cười để chấp nhận thánh ý Chúa. Cười để tích tụ năng lực mà vươn lên.
 
Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu Kitô khổ nạn
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
15:53 24/07/2008
DƯỚI CÁI NHÌN CỦA ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ KHỔ NẠN

Hôm ấy là ngày 25-3-1984, Chúa Nhật III Mùa Chay, vào khoảng 10 giờ tối.

Tôi ngồi đọc sách trong phòng nơi nhà tôi. Từ bốn tháng qua, tôi là thành viên một Hội Kín, tức một giáo phái bí ẩn. Tôi luôn đặt nghi vấn, nghi ngờ tất cả và không tin tưởng gì ráo trọi! Chưa hết, tôi còn là kẻ bài giáo sĩ và phản loạn trong việc chối bỏ THIÊN CHÚA. Vậy mà, buổi tối ngày lễ Truyền Tin năm ấy, tôi không hề biết rằng, trong một vài phút nữa, cuộc đời tôi sẽ rơi vào lãnh vực mà tôi cố ý khước từ!

Mọi vật quanh tôi thật yên tĩnh. Căn nhà hoàn toàn vắng lặng. Thế nhưng, nội-tâm tôi lại xôn-xao xáo-trộn như có cuồng phong bão tố! Tôi lục tìm nơi tủ sách gia đình, xem có tác phẩm nào viết về Pompéi không. Pompéi là thành phố miền Nam nước Ý, bị núi lửa Vesuvio chôn vùi vào năm 79.

Tôi như còn trông thấy rõ trước mắt cảnh tượng đó, suốt cuộc đời tôi. Tối hôm ấy, ngồi trên giường, trong tay cầm quyển sách có hình, tôi lật từ từ từng trang. Sau này tôi mới khám phá ra rằng, cuốn sách mà tôi vô tình cầm lấy, không hề có chi tiết nào liên quan đến thảm họa núi lửa Vesuvio cả!

Bỗng nhiên, một Khuôn Mặt Thánh xuất hiện. . Đó là bức ảnh chụp Khuôn Mặt Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino. Bức ảnh chiếm trọn trang bên trái. Đôi mắt tôi - kinh hoàng rồi rụng rời - chạm phải Cái Nhìn của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, chiếu ra từ bức ảnh. Đôi mắt Chúa mở lớn.

Thật ra, theo hình chính chụp từ Tấm Khăn Liệm Thánh, thì đôi mắt Chúa khép kín, trên gương mặt bị biến dạng vì cuộc Khổ Nạn. Thế mà, trong vòng hai ngày, Đôi Mắt Thánh của Chúa trên tấm ảnh, vẫn tiếp tục mở lớn, sống động, như cho riêng một mình tôi! Đôi mắt tôi như bị cuốn hút trong Cái Nhìn của Chúa. Tôi đã chiêm ngắm Nhan Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong bao nhiêu giờ, tôi cũng không nhớ nữa. Thật là mầu nhiệm!

Thời gian như ngừng lại. Cái Nhìn vô cùng trong sáng và thẳng thắn của Chúa quả đã đâm thủng, thấu suốt tim gan tôi! Tôi như đọc thấy trong Cái Nhìn một Tình Yêu bao la vô bờ bến. Tôi cũng cảm nhận ra một chút buồn bã, nét cương nghị và hơi nghiêm khắc của Chúa nữa. Tôi hiểu rằng:

- Đức Chúa GIÊSU KITÔ không đùa chơi với một số vấn đề và sự kiện mà tôi dấn thân vào, vì đó là con đường chối bỏ THIÊN CHÚA. . Đã đến lúc Ngài dẫn đưa tôi về Nhà Cha, về với Giáo Hội Công Giáo, duy-nhất, thánh-thiện và tông-truyền.

Chính lúc say sưa ngắm nhìn Khuôn Mặt Thánh, Đôi Mắt Thánh ấy, Chúa đã dạy tôi biết thế nào là chiêm ngắm. Trong khi nhìn ngắm Nhan Thánh Đấng Chịu Đóng Đinh, tôi chỉ biết thầm thì: Chúa đẹp quá! Chúa đẹp quá!

Giờ đây khi viết lại chứng từ này, tôi xác tín rằng, vượt lên trên Khuôn Mặt Cao Cả và bị biến dạng vì cuộc Khổ Nạn, Đức Chúa GIÊSU KITÔ Nhân Từ cho tôi hồng ân thoáng thấy một chút vinh quang sáng lạn của Vị THIÊN CHÚA làm người, đẹp nhất trong con cái loài người.

Thời gian chiêm ngắm kéo dài thật lâu. Nước mắt tôi tuôn chảy như dòng thác, nhưng lòng tôi không sầu khổ. Sau này, khi nhớ lại giây phút hồng phúc ấy, tôi nghĩ rằng: những lời hứa Tình Yêu và nét buồn khôn tả của Cái Nhìn Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã nghiền nát cái cứng cỏi của lòng tôi và thanh tẩy những hối tiếc cùng nước mắt thống hối của tôi.

Lạy Chúa, giờ đây con chỉ biết dâng lời cảm tạ lòng Nhân Từ bao la của Chúa. May mắn thay Chúa đã gõ thật mạnh cửa linh hồn con buổi tối hôm ấy, khiến con mở rộng lòng cho Chúa. Con vô cùng sung sướng, vì đã mở cửa đón rước Chúa.

Vì Tình Yêu Cao Cả vô bờ của Chúa, vì lòng Nhẫn Nhục vô biên của Chúa, vì muôn ngàn hồng ân Chúa tuôn đổ trên con, con xin dâng lời cảm tạ, chúc tụng và ngợi khen Chúa, lạy Đức Chúa GIÊSU KITÔ Từ Ái của lòng con. Xin chúc tụng Chúa đến mãi muôn đời. Amen.

Chứng từ của bà Têrêxa, phụ nữ Công Giáo Pháp.

... ”Anh em hãy có lòng nhân từ, như CHA anh chị em là Đấng nhân từ. Anh chị em đừng xét đoán, thì anh chị em sẽ không bị THIÊN CHÚA xét đoán. Anh chị em đừng lên án, thì sẽ không bị THIÊN CHÚA lên án. Anh chị em hãy tha thứ, thì sẽ được THIÊN CHÚA thứ tha. Anh chị em hãy cho, thì sẽ được THIÊN CHÚA cho lại. Người sẽ đong cho anh chị em đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh chị em. Vì anh chị em đong bằng đấu nào, thì THIÊN CHÚA sẽ đong lại cho anh chị em bằng đấu ấy” (Luca 7,36-38).

(”Le Ciel Parmi Nous”, Editions Bénédictines, 1997, trang 36-38)
 
Đức Bà là niềm tin tưởng của con
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
18:43 24/07/2008
ĐỨC BÀ LÀ NIỀM TIN TƯỞNG CỦA CON

Ơn gọi tu trì là món quà, là hồng ân trọng đại THIÊN CHÚA ban cho con người. Hơn thế nữa, Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA - Đấng Trung Gian Ơn Thánh - luôn hướng dẫn và chuẩn bị tâm lòng con người biết đón nhận hồng ân cao cả. Chính Đức Mẹ MARIA - Hiền Mẫu Thiên Quốc - giúp con người biết đáp lại lời mời gọi sủng ái của Đức Chúa GIÊSU KITÔ và sẵn sàng bước theo chân Ngài trên con đường hoàn thiện của Tình Yêu cao cả. Sau đây là chứng từ ơn gọi của một nữ tu người Ý.

Trước khi con sinh ra, các bác sĩ đề nghị Má con phá thai. Nếu Má con không nghe theo tiếng gọi của tình mẫu tử nhiệm mầu mà lại làm theo lời khuyên của các bác sĩ, thì giờ đây, có lẽ trái đất mất đi một bóng người tận hiến cho THIÊN CHÚA!

Ngay sau khi con chào đời, Ba Má dâng hiến con cho Đức Bà Mân Côi Pompei nơi Đền Thánh ở miền Nam nước Ý. Kể từ ngày ấy, bàn tay từ mẫu chở che của Đức Mẹ MARIA không bao giờ bỏ rơi con. Lúc nhỏ, con thường theo Ba Má đến nhà thờ, mặc dầu con không hiểu tầm quan trọng của việc làm ấy. Con thật lòng tri ân Ba Má - mặc dầu bị con quấy phá - vẫn luôn mang con theo mỗi khi đi nhà thờ, và nhờ thế mà từ từ con học biết và mến yêu Đức Mẹ MARIA. Nhờ biết Đức Mẹ và kính mến Đức Mẹ mà con không cảm thấy buồn chán mỗi khi đi nhà thờ và đọc kinh Mân Côi.

Con nhớ đã học được rất nhiều bài hát về Đức Mẹ, trong số đó con thích nhất bài ”Andrò a vederLa un dì - Con sẽ đi gặp Đức Mẹ một ngày kia” với phiên khúc lập đi lập lại ”al ciel, al ciel, al ciel. . trên trời, trên trời, trên trời. .” Vừa hát con vừa mơ tưởng Thiên Đàng và nghĩ rằng, chắc phải đẹp lắm khi được ở cùng Đức Mẹ MARIA, Hiền Mẫu dấu ái Thiên Quốc!

Chính trong tuổi thơ vàng ngọc ấy mà con bắt đầu nhận ra tiếng gọi thần linh. Nhưng con không biết đó là tiếng gọi gì và thường tự hỏi ”có ơn kêu gọi” nghĩa là gì?

Thế rồi - lớn lên theo dòng thời gian - con quên bẵng tiếng gọi THIÊN CHÚA, mặc dầu con không bao giờ bỏ rơi việc thường xuyên lãnh nhận các Bí Tích. Được thế là nhờ Ba Má con luôn nhắc nhở, đặc biệt là Má con. Con cũng tận hiến cho Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm và luôn mang trong mình Ảnh Vảy Phép Lạ hay còn gọi là Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn.. Thỉnh thoảng con lần hạt Mân Côi đặc biệt trong tháng Năm, Tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ.

Năm lên 16 tuổi, con theo Má con đi hành hương Lộ-Đức. Nơi đây, lòng kính mến Đức Mẹ được dịp gia tăng và con sốt sắng hứa với Đức Mẹ là con sẽ lần hạt Mân Côi thường xuyên hơn.

Thế nhưng năm sau đó xảy ra một biến cố đau thương nơi trường học và con dại dột nghĩ rằng chính Ảnh Vảy Phép Lạ mang đến cho con sự xui-xẻo này, nên cởi Ảnh Vảy khỏi cổ. Nhưng cũng từ ngày ấy con mất sự bình an, không còn cảm thấy niềm vui và mỗi ngày một âu sầu buồn bã hơn.

Cùng thời gian này con bắt đầu nghe - tự bên trong - một tiếng nói vừa dịu dàng vừa mãnh liệt kêu mời con bước theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ và từ bỏ TẤT CẢ. Nhưng con khóc ròng và van xin Đức Chúa GIÊSU đừng gọi con! Cứ thế thời gian tuần tự trôi qua trong vòng một năm trời. Cho đến khi con bước vào tuổi 18 với một nội tâm dằn-co thao-thức mãi. Bỗng một hôm con có dịp nói chuyện với một Linh Mục. Sau khi lắng nghe con giải bày mọi ưu tư dằn vặt, ngài khuyên con:

- Con hãy hỏi Đức Chúa GIÊSU xem Ngài muốn gì nơi con. Có thế, con mới hài lòng và cảm thấy hạnh phúc.

Con liền xin xưng tội chung. Sau khi nhận ơn xá giải, con cảm thấy như trút được gánh nặng từ bao lâu nay vẫn đè bẹp con. Con bắt đầu mang lại Ảnh Vảy Phép Lạ và tha thiết van xin Đức Chúa GIÊSU tỏ cho con biết Ngài muốn con làm gì.

Hai ba tháng sau đó con theo Cha Mẹ đi hành hương đền thánh Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành ở Avellino (Trung Nam Ý). Nơi đây lần đầu tiên con trông thấy các nữ tu mặc áo dòng màu xanh xám nhẹ với cử điệu thật nhã nhặn đơn sơ khiêm tốn. Con cảm thấy như bị thu hút và bỗng nẩy sinh niềm ao ước làm một cuộc tĩnh tâm nơi Cộng Đoàn Các Chị. Con tuyệt đối không nói với ai về ước nguyện thầm kín của mình. Con chỉ xin Đức Mẹ tỏ cho con biết đâu là hướng phải đi, bằng cách mở cho con một con đường.

Ngay lúc ấy con đến nói chuyện với một Linh Mục con gặp trong đền thánh. Sau một hồi chuyện vãn, Cha bất ngờ mời con làm một cuộc tĩnh tâm nơi Cộng Đoàn Nữ Phan-Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Con ngạc nhiên thấy vị Linh Mục đoán đúng tư tưởng cùng ước nguyện của con. Con tin rằng chính Đức Mẹ MARIA hằng theo sát con đã tỏ lộ cho vị Linh Mục biết. Con thi hành ngay lời khuyên của vị Linh Mục.

Cuộc tĩnh tâm vài ngày nơi Cộng Đoàn Nữ Phan-Sinh đã thay đổi tâm tình và nếp sống của con. Con bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc phải có Cha Linh Hướng. Chính ngài sẽ giúp con chọn đúng một hướng đi cho cuộc đời. Từ đó Đức Mẹ MARIA cầm tay dẫn con đi và gợi ý cho con biết điều phải làm, qua trung gian vị Linh Mục mà con xin ngài làm Linh Hướng. Một năm sau, con chính thức gia nhập Hội Dòng Nữ Phan-Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Từ nay con hiểu rõ: ”Chỉ duy nhất Đức Chúa GIÊSU KITÔ mới có thể ban cho con Niềm Vui đích thực”. Đó là Niềm Vui vĩnh cửu đến từ THIÊN CHÚA, chứ không phải niềm vui tạm bợ chóng qua ở thế gian này.

Để kết thúc chứng từ về ơn gọi, con ước ao nói lớn tiếng cho mọi người nghe rằng: ”Mời bạn đến và xem!” Nguyện xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA là Tôn Sư dẫn dắt bạn trong mọi chọn lựa quan trọng của cuộc đời bạn.

... ”Hãy lắng tai nghe tiếng của tôi, hãy để tâm nghe lời tôi nói. Phải chăng người cày ruộng ngày nào cũng cày để mà gieo, cứ cuốc sâu bừa kỹ ruộng của mình? Một khi đã san bằng thửa đất, lại không gieo tảo vĩ, không rắc thì là hay sao? Rồi trồng miến trồng kê, trồng lúa mạch một phần, và lúa mì nâu ở ven bờ ruộng. Anh đã quen với lề lối ấy, chính THIÊN CHÚA của anh dạy bảo anh. Không ai chà tảo vĩ bằng trục lăn, cũng chẳng dùng bánh xe cán thì là, nhưng lấy gậy đập tảo vĩ, lấy đòn xốc đập thì là. Xay lúa thì không xay hoài cho nát bấy; cho bánh xe cán lúa là để trấu bong ra, chứ không phải là để nghiền nát. Những điều này cũng là do Đức Chúa các đạo binh. Kế hoạch sao nhiệm mầu, sự khôn ngoan thật là cao cả!” (Sách Tiên Tri Isaia 28,23-29).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, 21 Ottobre 2007, n.41, Anno VI, trang 22-23)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:37 24/07/2008
TIẾNG CHUÔNG Ở PHƯƠNG XA.

N2T


Trên đảo cách biển hai hải lý sừng sững một ngôi miếu, bên trong có một ngàn quả chuông vừa lớn vừa nhỏ do danh gia nổi tiếng thế giới thuần đúc, mỗi khi có một trận gió nổi lên hay mưa to bão táp, thì tất cả các quả chuông trong miếu liền hoà vang một bản nhạc giao hưởng, làm cho tâm trí của người nghe như được gột sạch.

Qua mấy thế kỷ, hòn đảo này cùng với miếu và chuông cùng nhau chìm sâu dười đáy biển. Căn cứ vào truyền thuyết thời xưa, tiếng chuông vẫn tiếp tục vang lên không gián đoạn, duy chỉ có những người chú tâm lắng nghe mới nghe được. Có một thanh niên rất kích động khi nghe được truyền thuyết này, bèn quyết tâm lắng nghe tiếng chuông, anh ta đối diện nơi chỗ miếu và chuông, ngồi trên bờ biển luôn mấy ngày, toàn tâm lắng nghe, mà chỉ nghe được tiếng sóng vỗ bờ. Anh ta bèn chuyển toàn lực, muốn gạt bỏ tiếng sóng vỗ, để nghe tiếng chuông vang. Dự liệu thế nào tất cả đều phí công, giữa trời đất cũng chỉ có một âm thanh của biển.

Lại cố gắng như thế nhiều ngày...

Lúc anh ta cảm thấy thất vọng, bèn đi nghe lời các trưởng lão trong thôn làng, hứng chí nồng hậu kể rõ truyền thuyết này, vả lại có người trong họ đã nghe qua, có thể chứng minh đây là chuyện thật. Thế là anh ta lại điểm lên niềm hi vọng..... ...nhưng nhiều tâm huyết bỏ ra mấy tuần lại hết hi vọng, anh ta càng thêm suy sụp.

Cuối cùng anh ta quyết định không thử lại nữa, có lẽ số mạng anh không có cơ may để nghe được tiếng chuông kêu, và có lẽ truyền thuyết không đúng sự thật. Anh ta thừa nhận mình thất bại, dự định sẽ trở về nhà, gần đến ngày đi, anh ta đi đến chổ thường ngụ bên bờ biển, cáo biệt biển, trời, gió và mấy cây dừa. Anh ta nằm dài trên bãi cát, chăm chú nhìn bầu trời, lắng nghe âm thanh của biển ấy, không cần biết là âm thanh nào. Đem mình ném vào trong đó liền phát giác ra tiếng hú của sóng biển, giây phút đẹp đẽ khiến cho người ta phải lắng nghe, anh ta liền nhanh chóng đắm mình trong âm thanh ấy mà quên mất ranh giới của mình, cảm nhận sâu sắc sự yên lặng mà âm thanh này hình thành trong tâm của anh ta.

Trong chỗ sâu thẳm của yên lặng, anh ta nghe được âm thanh tinh tang của quả chuông nhỏ phát ra, và các quả chuông khác cũng vang vọng lên, ngay lập tức hợp âm của ngàn quả chuông tấu lên đẹp đẽ không thể bì được, lòng của anh ta, sự hăng hái của anh ta vừa kinh ngạc vừa phấn khởi.

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Một ngàn cái chuông bị chìm xuống biển cả mấy trăm năm, nhưng người ta vẫn cứ nghe được âm thanh hợp tấu của nó, với điều kiện là phải thật chú ý lắng nghe.

Tiếng kêu trong sa mạc của thánh Giaon Tiền Hô cách đây hơn hai ngàn năm vẫn còn vang lên trong tâm hồn của người Ki-tô hữu: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần,” (Mt 3, 2)nhưng mấy ai biết thưởng thức được tiếng kêu ấy để sám hối, để dọn đướng cho Nước Trời đến !

Lởi của thánh Gioan Tiền Hô vẫn sang sảng vang lên trong các nhà thờ, trong các buổi học hỏi thánh kinh, trong những lần cầu nguyện, nhưng mấy ai chú ý lắng nghe !

Thế gian là một biển rộng với rất nhiều âm thanh của ảo tưởng và hiện thực, người ta đi tìm hạnh phúc ảo tưởng trong thế giới hiện thực nên đau khổ vẫn cứ xảy ra, chiến tranh vẫn cứ bùng nổ và nghèo đói vẫn cứ là như bóng mây u ám bao trùm lên những người nghèo khổ bất hạnh. Lời của thánh Gioan Tiền Hô không phải là ảo tưởng nhưng là hiện thực, ăn năn sám hối không phải là ảo tưởng nhưng là thực tại, và Nước Trời đã đến gần cũng không phải là ảo tưởng, nhưng là một thực tại đang ở giữa trần gian, đó chính là Chúa Giê-su và lời của Ngài...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:38 24/07/2008
N2T


18. Một tu sĩ không cầu nguyện là một tu sĩ điên cuồng.

(Thánh Philip Neri)
 
Tìm kiếm sự khôn ngoan
LM Anmai, CSsR
23:27 24/07/2008
TÌM KIẾM SỰ KHÔN NGOAN
Chúa nhật 17 thường niên (1 V 3,5.7-12; Rm 28-30; 13,44-52)

Ba bài đọc trong Thánh lễ hôm nay như sợi chỉ đỏ xuyêt suốt nói về sự khôn ngoan, nói về sự lựa chọn của con người trong cuộc đời này về sự khôn ngoan.

Sách các Vua quyển thứ nhất trong chương 3 mà chúng ta nghe đấy nói cho chúng ta nghe về một chuyện thật là buồn cười. Là một vị vua, lẽ ra Salômôn phải xin cho được mình được sống lâu trăm nghìn tuổi để ngồi trên ngai mà trị vì dân chúng, lẽ ra Salômôn xin cho mình được của cải đầy dư để mà lên mày lên mặt với dân chúng, với các dân các nước lân bang, lẽ ra vua Salômôn phải xin cho tất cả những kẻ thù của vua phải chết đi, phải biến mất đi khỏi nhan của vua để mà vua được ngồi trên ghế trị vì đất nước được thoải mái, lẽ ra và lẽ ra Salômôn xin nhiều điều như một số vị vua khác đã làm đó là là cho mình được thê thiếp đầy nhà đầy cửa để phục vụ cho những ham muốn của mình, xin cho mình được quân binh dũng mãnh để đối phó với thù trong giặc ngoài nhưng rồi Salômôn xin với Thiên Chúa cho ông được tài phân biệt để xét xử.

Nếu vội vã, chúng ta sẽ cho rằng Salômôn là một người nông cạn, thiếu suy nghĩ vì xin cái gì không xin, xin tiền tài vật chất không xin mà xin cái gì đó nó chẳng có giá trị gì về vật chất cả, nó là cái chi chi đấy: tài phân xử. Xem ra cái chuyện ông xin là chuyện vô ích, chẳng cần xin thì ai ai cũng có tài phân xử cả. Chẳng cần ơn cũng có thể phân xử vậy mà ông lại xin. Như thế có vô ích không ?

Chúng ta nhìn lại đời thường của chúng ta. Chuyện phân xử hình như nó dính liền với cuộc đời của chúng ta, dính liền với thái độ sống của chúng ta.

Sáng sớm, mới mở mắt thức giấc, chúng ta phải đứng trước một chuyện phân xử mà chúng ta không biết đó thôi đó là chúng ta có tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta qua một đêm yên ổn hay không ? hay là chúng ta dửng dưng trước cái ơn của Chúa đấy. Cứ tưởng là bình thường nhưng chẳng bình thường chút nào cả vì đã có nhiều và nhiều người sau khi ngủ một đêm thì lại tiếp tục ngủ giấc ngủ ngàn thu chứ không hề thức dậy chi cả. Sau khi tạ ơn ấy, chúng ta có chịu trao phó cuộc đời, có dâng ngày sống trong tay Chúa hay là chúng ta lại dâng ngày sống trong tay chúng ta, trong sự quyết định không đâu vào đâu của chúng ta. Phân xử đấy chứ ! Ai bảo là không phân ? Hoặc chúng ta đặt để cuộc đời chúng ta trong tay Chúa, trong sự quan phòng theo thánh ý Thiên Chúa, hoặc chúng ta đặt để cuộc đời chúng ta trong tay của chúng ta, trong quyết định của chúng ta ?

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, một bông hoa, một tiếng cười hay ngược lại ?
Và rồi trải dài suốt cả ngày sống, chúng ta đước trước không biết bao nhiêu là điều phải lựa chọn, bao nhiêu là điều phải phân xử.
Đứng trước một sự cãi vả, một cuộc tranh chấp, chúng ta phải lựa chọn cái gì ? Lựa chọn sự thua thiệt hay sự hơn người khác ?
Đứng trước một quyết định về một mầm sống, chúng ta quyết định để hay là phá ?
Đứng trước một con người thấp cổ bé họng, một con người nghèo khổ túng cực, chúng ta yêu thương họ hay phỉ báng ?
Đứng trước một người giàu thái độ chúng ta như thế nào ?
Đứng trước một người nghèo thái độ chúng ta như thế nào ?
Đứng trước một con người tạm gọi là tội lỗi, khiếm khuyết, yếu đuối thì chúng ta sẽ xử họ như thế nào ?

Và rồi, cuối ngày, trước khi đi vào giấc ngủ, chúng ta có kiểm điểm lại qua một ngày sống chúng ta được không biết bao nhiêu là ơn lành của Chúa để chúng ta tạ ơn Chúa hay là chúng ta lại tỏ thái độ dửng dưng trước bao nhiêu ân huệ mà Chúa dành cho ta ? Chúng ta lại có khiêm tốn để trao phó cuộc đời chúng ta trong tay Chúa qua giấc ngủ mà chúng ta sắp chìm vào hay không ?

Đó là chuyện thường ngày nhất mà chúng ta thường gặp. Chúng ta phải có thái độ để lựa chọn. Nhiều Thánh vịnh cũng đã nhắc nhở chúng ta về sự lựa chọn, đơn cử Thánh vịnh 90 (Tv 90, 5-12) vẫn nhắc nhớ chúng ta:

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong,
nổi trận lôi đình: thấy mà khủng khiếp !
Tội chúng con, Thánh Nhan đều soi tỏ.
Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ.
kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh,
trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên ?
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

Thế đấy ! Con người vẫn bé cái lầm là cứ tưởng rằng mình là chúa, là chủ của cuộc đời nhưng xin thưa rằng mạnh giỏi lắm thì chừng tám chục mà thôi. Tất cả những tài sản, những nổ lực, những cố gắng mà mình bao nhiêu năm đổ mồ hôi sôi con mắt tìm kiếm sẽ giao lại cho người khác. Ngay cái căn nhà, cái biệt thự, cái villa cao cấp mà mình đang trú ngụ đấy sẽ về tay người khác khi mà chúng ta đã khuất rồi.

Trang tin mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe đấy là đỉnh điểm nhắc nhở chúng ta về sự khôn ngoan, sự lựa chọn khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói cho dân chúng, Chúa Giêsu cũng đã nói với mỗi người chúng ta: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.

Chúa nhắc cho chúng ta căn tính, căn cốt và cùng đích của cuộc đời chúng ta đó là Nước Trời. Cuộc đời này chỉ là đời tạm mau qua chóng tàn, là cuộc lữ hành về quê trời thôi chứ không phải là vĩnh cửu để rồi chúng ta bám, chúng ta víu vào ? Bé cái lầm là cái điều cần chúng ta lại không tìm, điều không cần chúng ta lại ấp ủ ? Phải chăng là chúng ta thiếu khôn ngoan, chúng ta thiếu cân nhắc, chúng ta thiếu phân xử như Salômôn ?

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma Ngài cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người chúng ta theo ý định của Người. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang”.

Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa yêu thương và Thiên Chúa đã tuyển chọn, hiến thánh mỗi người chúng ta nhưng chúng ta làm sao đấy ? Chúng ta cứ luẩn quẩn trong con người hay hư nát của chúng ta ? trong cái con người nay còn mai mất của chúng ta mà chúng ta không tìm kiếm những sự cao siêu trên trời như Thánh Phaolô đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta.

Thấy điều gì hay, điều gì phải, điều gì tốt chúng ta cũng nên bắt chước và hôm nay chúng ta cũng bắt chước vua Salômôn để rồi chúng ta không xin Chúa cho chúng ta giàu sang phú quý, thành công, bằng này cấp nọ hơn người khác nhưng xin cho chúng ta cũng như ông: xin ơn khôn ngoan, xin ơn biện phân để chúng ta biết đếm tháng ngày chúng ta sống để ngõ hầu tâm trí của chúng ta được khôn ngoan. Chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta khôn ngoan lựa chọn thái độ sống của những người tìm kiếm Nước Trời chứ không phải tìm kiếm cái thế gian mau qua chóng tàn và phù vân này.

Nguyện xin Chúa là Chúa của sự khôn ngoan đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta luôn khôn ngoan chọn lựa thái độ sống phù hợp với thánh ý Chúa.

 
Bài giảng thánh lễ mừng 364 năm sinh nhật trên trời của Á Thánh Anrê Phú Yên
LM. Giuse Trương Đình Hiền
23:42 24/07/2008

CÂU VĂN QUỐC NGỮ CỔ XƯA NHẤT

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ MỪNG 364 NĂM SINH NHẬT TRÊN TRỜI CỦA Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

KHÁNH THÀNH ĐỀN THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN MẰNG LĂNG



(25.07.2008)

Trọng kính Đức Cha Giáo Phận

Kính thưa Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha Hạt trưởng, Quý Cha trong và ngoài Giáo phận, quý chủng sinh, tu sĩ và toàn thể ông bà anh chị em,


Hôm nay chúng ta lại được một lần nữa long trọng mừng ngày sinh nhật trên trời của Vị Thánh Tử đạo tiên khởi Việt nam, Vị chứng nhân anh hùng của quê hương Phú Yên: Á Thánh Anrê Phú Yên, người mà cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã diễn đạt bằng những vần thơ:

Bạn là hoa của mùa xuân muôn thuở

Không bao giờ tàn úa giữa trời sương

Là nén hương thơm quý của muôn hương

Trước nhan Chúa muôn đời không tàn lụi,...


Cách đây 364 năm, vào chiều ngày 26 tháng 7 nơi Gò Xử Thành Chiêm, cái chết của người thanh niên Anrê đã quy tụ nhiều người lương, giáo, người bản xứ với kẻ ngoại kiều, để cùng với Thầy hiệp dâng lễ tế mà chính thầy là của lễ, lễ đầu mùa của Hội Thánh Việt nam. Hôm nay, cũng chính trên mảnh đất mà Chân phước Anrê đã chọn làm tên gọi, mảnh đất Phú Yên, tuyến đầu đất nước của một thời mở cõi, Vị Á Thánh trẻ nầy lại quy tụ chúng ta, đông đủ mọi thành phần trong Giáo Hội địa phương, một Giáo Hội được khai sinh từ những giọt máu đào hy tế của Thầy Anrê và bao chứng nhân anh hùng khác, để thêm một lần cùng với Thầy dâng Hy Tế tạ ơn, tạ ơn Thiên Chúa đã ân ban hồng ân tử đạo, tạ ơn Thiên Chúa đã đoái thương mời gọi dân nước Việt nam nhận biết Tin Mừng, tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho vùng đất Phú Yên-Quy Nhơn, dù trãi qua bao thăng trầm dâu bể, cấm cách bách hại, chiến tranh điêu tàn...hôm nay vẫn vàng tươi một mùa lúa mới...

Niềm vui hôm nay, cuộc quy tụ hôm nay như được nhân lên gấp bội so với bao lần gặp gỡ trước, vì hôm nay, ở giữa xứ đạo Mằng Lăng chân quê ẩn khuất, bên dòng con sông Cái vẫn còn dư âm và hình bóng của Dinh Trấn Biên, nơi Á Thánh Anrê được thanh tẩy để nên con cái Chúa, một đền thánh mang tên Ngài được khánh thành, để như một nhắc nhớ muôn đời cho các thế hệ cháu con hãy tiếp bước cùng Ngài trên lộ trình “tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống báo đền mạng sống”.

Vâng, mọi sự rồi có thể nhạt nhòa đi, tiêu tán đi, như Dinh Trấn Biên cho dù có chìm sâu dưới dòng sông Cái, hay đền thánh Anrê Phú Yên hôm nay có thể một ngày nào đó sẽ tiêu tan, nhưng sứ điệp tinh thần của Vị Thánh trẻ, di sản đức tin anh hùng của Anrê Phú Yên sẽ mãi mãi rạng ngời, mãi mãi được nhắc nhớ và truyền tụng, mãi mãi được đào sâu và khám phá xuyên suốt cuộc hành trình của Dân Chúa Phú Yên, Quy Nhơn, Việt nam, như gợi ý trong bài huấn dụ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vị Giáo hoàng đã tôn phong Anrê Phú Yên lên bậc Á Thánh:

“Do vậy trên 350 năm qua, những người công giáo Việt Nam không bao giờ quên Nhân Chứng Tin Mừng này, Vị Tử Đạo tiên khởi của quê hương họ. Họ đã tìm thấy nơi ngài đức tin kiên định và tình yêu quảng đại cho Đức Kitô và cho Giáo Hội của Ngài. Chớ gì ngày nay họ còn tiếp tục khám phá ra trong tấm gương của một người con đất Việt sức mạnh hướng dẫn người tín hữu về ơn gọi người Kitô hữu, trong việc trung thành với Giáo Hội và quê hương họ. Chân phước Anrê Phú Yên, vì sự nhiệt thành nồng cháy của ngài mà phúc âm được rao truyền, được ăn rễ sâu và được phát triển”.

Nhưng chúng ta khám phá được gì trong một con người mà hưởng dương mới vừa tròn 19. Trong quan niệm văn hóa Đông Phương, đặc biệt theo cái nhìn của Lão giáo, chết yểu là một bất hạnh lớn. Người ta cho rằng chết non, chết yểu là một hình phạt do một tội rất nặng đã phạm ở kiếp trước. Mặt khác, chết mà không có con nối dõi tông đường sẽ chắc chắn bị phạt vào cõi trầm luân để rồi không được ai giỗ chạp lễ kính. Đây còn là tội bất hiếu vì đã cắt đứt sợi dây liên kết các thế hệ của dòng tộc và quốc gia mình.

Á Thánh Anrê Phú Yên giã từ cuộc sống khi vừa tròn 19 xuân xanh. Một cái chết non, chết yểu. Ngài có rơi vào tình trạng đáng buồn như quan niệm tín ngưỡng và đời thường đó không ?

Thưa hoàn toàn không ! Trong nhãn quan Kitô giáo, cuộc sống và nhất là cái chết của Á Thánh Anrê Phú yên hoàn toàn nêu bật một giá trị khác hẳn mà sách Khôn ngoan đã đoan chứng như chúng ta vừa nghe:

“Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang sống an bình. Người đời nghĩ rằng họ bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử”.

Và quả thật, kể từ sau cái buổi chiều loang máu nơi gò Xử Thành Chiêm 26/7/1644, đã có hàng hàng lớp lớp những chàng trai, những cô gái, những nông dân chất phác thật thà như Phaolô Hạnh, những người ông trùm họ như Anrê Kim Thông, Phêrô Lựu, những thanh niên mộng vàng tươi thắm như Tôma Thiện, Giuse Túc, những Giám Mục, linh mục đạo cao đức trọng như Cuetnot Thể, Anrê Dũng lạc, những người khoác áo nhà binh như Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, những người mang phẩm tước quan quyền như Hồ Đình Hy hay những người mẹ hiền với đàn con dại như Anê Lê thị Thành...tất cả đã lên đường tiếp bước Anrê Phú Yên để con đường đức tin, để “sợi chỉ đỏ Tin Mừng” được tiếp nối và tiếp nối cách vinh quang rạng rỡ.

Quả thật, “hạt lúa mì Anrê gieo vào lòng đất mẹ Việt nam”, sau 364 năm, hôm nay đã bừng lên một mùa lúa tốt. Anh đã can đảm “mở đường tử đạo” để hôm nay trên bàn thờ Hội Thánh 117 chứng nhân anh hùng hiển thánh quang vinh cùng với cộng đoàn 6 triệu người đang hân hoan nhịp bước.

Tin như thế chưa đủ. Chúng ta còn có thể khám phá nơi cuộc đời tử đạo của Á Thánh Anrê những nhân đức, những con đường gợi mở để tất cả chúng ta cùng học đòi bắt chước hầu nên thánh giữa đời. Và đây là những nẻo đường chúng ta khám phá được qua những chứng từ của những chứng nhân cận kề cuộc sống và nhất là cái chết anh dũng của Anrê Phú Yên:

- Một tình yêu trung tín với Chúa Giêsu và căn cước Kitô hữu.

- Một tình yêu can đảm đón nhận thập giá

- Một tình yêu biết ơn và đáp trả.

- Một tình khiêm hạ phục vụ

- Một tình yêu vui tươi

- Một tình yêu loan báo Tin Mừng.

Chúng ta có thể đọc thấy những chiều kích linh đạo nầy trong nhiều chứng từ đương cuộc, mà lời của chàng thủy thủ Antôniô là một bằng chứng sống động và cụ thể:

«Con thề trên Phúc Âm và hứa nói sự thật về những gì con biết. Con 20 tuổi. Năm nay, con đã xưng tội bốn lần, hai lần ở Việt Nam và hai lần ở tại Macao đây, và con đã chịu mình thánh Chúa. Con sang Đàng Trong hai lần. Con đã biết Anrê, anh ấy là một Kitô hữu đã chịu phép rửa và là giáo lý viên, và ở với cha Đắc Lộ. Anh đã bị bắt tại Hội An trong nhà của cha. Họ đã trói và hành hạ anh, và anh bị đánh đập vì anh theo đạo. Họ đã đem người tù đến Kẻ Chàm. Trước ông quan, anh đã tuyên bố công khai rằng anh có đạo. Vì lý do đó, anh bị tống ngục với một Kitô hữu khác, một ông già tên là Anrê cả. Ông Chúa của nước này đã ra lệnh cho quan phải bắt các Kitô hữu, và giết những ai truyền đạo. Chính vì thế mà người ta đã bắt Anrê, và đã xử tử anh. Những người Bồ Đào Nha chúng con không thể làm gì được cho anh. Còn anh Anrê thì đã vui vẻ đón nhận bản án ấy. Họ đã đem anh đi đến cánh đồng ngoài thị trấn với một cái gông trên lưng.

Họ đã đâm và chặt đầu anh. Trong lúc đó, Anrê vẫn tuyên xưng đức tin và Chúa Giêsu Kitô một cách kiên trì. Trước khi chết, anh nói lớn: “Em chết vì em có đạo chứ không phải vì em đã phạm một tội gì.”

Người ta đã đón lấy xác và máu của anh một cách kính cẩn, như là xác và máu của một vị tử đạo. Con vẫn còn có một xâu chuỗi của anh: con kính cẩn và quý mến giữ nó. Con chắc chắn rằng anh bị xử tử là vì người ta ghét đức tin của anh chứ không phải vì một tội nào khác mà anh đã phạm. Mọi người đều biết Anrê là một Kitô hữu tốt lành, nhiệt thành cho vinh danh Chúa. Anh giữ luật và thực thi mọi nhân đức. Vâng, anh thực sự là một vị tử đạo. Mọi người chứng kiến cái chết của anh, tại Việt Nam và tại Macao, đều biết rõ điều ấy. »

Và có lẻ không gì quí giá hơn chính bút tích của cha A. De Rhodes, người có mặt bên cạnh Anrê Phú Yên khi Ngài bị giết chết:

“Thầy bước đi giữa toán lính, người thì mang giáo, người khác mang đao; và trên đường đi, Thầy Anrê phúc lộc lên tiếng dạy dỗ họ và chỉ cho họ con đường về Quê Trời. Tới nơi xử hồng phúc, Thầy Anrê tốt lành quì ngay gối xuống; Thầy chào từ giã các tín hữu, đồng thời khuyên bảo họ hãy trung thành với Thiên Chúa và tín thác trong niềm tin, “để bảo toàn tình bạn với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng và cho tới muôn đời”; đó cũng là những lời Thầy lập đi lập lại nhiều lần.” (Bản tường trình của Cha Đăc Lộ).

Cho dù hôm nay kỷ niệm ngày chết mà ngôn ngữ truyền thống gọi là “ngày sinh nhật trên tời”(26.7.1644), thì với Á Thánh Anrê Phú Yên, đó là là ngày vui, ngày chiến thắng, ngày vinh quang. Chính cái chất “vui tươi” được thể hiện bằng cuộc sống và nhất là qua cuộc tử đạo anh hùng, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ kitô hữu hôm nay lên đường theo dấu cũ như cảm nhận của cha Cosma Hoàng Văn Đạt:

“Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.

Nhìn mọi sự nhạt nhòa đi, tôi thấy anh nổi bật, ít là trong lòng tôi, giữa những người trẻ đã bước theo Đức Giêsu đến cùng: Tôma Thiện, Anrê Trông, Giuse Tuân... Và cả những Luy Gonzaga, những Têrêsa Hài Đồng nữa.”. (LM. Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ)

Trên mọi nẻo đường phục vụ hôm nay, cần thiêt biết bao những niềm vui, những nụ cười như của Á Thánh Anrê Phú Yên để xoa dịu đi bao nổi nhọc nhằn, để xóa tan đi bao nhiêu sàu oán, để đẩy lùi đi bao nhiêu ghen ghét giận hờn…Niềm vui của Đức Cố Giáo hoàng G.P., của mẹ thánh Têrêxa Calcutta, của chị Chiara Lubic... phải chăng cũng “sắp hàng” trong con đường tình yêu của Anrê Phú Yên như thế !

Sau hết, trong ngày mừng Sinh Nhật trên trời lần thứ 364 năm của Vị Á Thánh và cũng là ngày khánh thành đền thánh mang tên Ngài, điều còn lại nơi mỗi người chúng ta phải chăng là lời dốc quyết mà cha Phêrô Võ Tá Khánh đã gở gắm trong đoạn kết của khúc “Trường ca Anrê Phú Yên”:

Đường ta đi phấn khởi

Mỏ lối bởi tiền nhân

Nén hương lòng tri ân

Tấm bia lòng ghi khắc...

Xin thành tâm quyết chí

Noi gương người khiêm nhu

Yêu mến Chúa Giêsu

Đến hiến dâng đời sống


Và nhất là ghi khắc trong tim và nỗ lực thực hành chính di chúc được viết bằng máu tử đạo của Á Thánh Anrê Phú Yên, những lời sau cùng và cũng là những lời được cha Đắc Lộ ghi trực tiếp bằng chính chữ quốc ngữ, cũng là câu văn quốc ngữ cổ xưa nhất còn lưu lại trên thế giới: “giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin thêm về bản Kinh Thánh cổ nhất được đưa lên ''mạng lưới toàn cầu''
LM. Anphong Trần Đức Phương
00:43 24/07/2008
BẢN KINH THÁNH CỔ NHẤT được đưa lên ‘mạng lưới toàn cầu’.

Tổng kết theo Bản tin của AFP và Reuters, ngày 21/7/2008

Vào hôm thứ Hai 21/7/08, nhân viên Thư viện Đại học Leipzig (Đức quốc), loan báo một trong hai bản Kinh Thánh (Bible) cổ nhất sẽ được đưa lên ‘Mạng lưới toàn cầu’ lần đầu tiên. Đó là Cổ Bản Kinh Thánh Sinai ( The Codex sinaiticus). Cổ Bản này đã được viết trên da thuộc, bằng tiếng Hy Lạp vào khoảng năm 350 tại Ai Cập. Cổ Bản Kinh Thánh toàn thư khác là Cổ Bản Vaticanus (The Codex Vaticanus).

Cổ Bản Sinai đã được học giả Kinh Thánh Konstantin von Tischendorf (quốc tịch Đức) tìm thấy tại Tu viện Thánh Catarina (Saint Catharine’s Monastery) Núi Sinai (trong Sa mạc Sinai) vào năm 1844 và ông được phép đưa một số cuốn về Leipzig. Rồi vào năm 1859, ông trở lại Tu viện và do sự bảo trợ của Hoàng gia Nga, ông đem được hầu hết phần còn lại khoảng 350 trang viết trên da thuộc về St. Peterburg (Nga sô) và được lưu giữ ở đó. Đến năm 1933, Stalin đã bán hầu hết các Cổ Bản rất qúy giá này cho Thư Viện Anh Quốc ở Luân Đôn.

Cổ bản Sinai gồm toàn bộ Tân ước, còn các sách Cựu Ước không còn được toàn vẹn, gần như một nửa đã thất lạc. Từng phần của Cổ Bản Sinai hiện đang được lưu giữ ở 4 nơi khác nhau: Thư viện Đại Học Leipzig (Đức quốc), Thư viện quốc gia Nga sô, Thư Viện Anh Quốc và Tu Viện Thánh Catarina (Sinai, Ai Cập).

Công trình đem toàn bộ Cổ Bản Sinai lên ‘Mạng lưới toàn cầu’ là do nỗ lực của Đại Học Leipzig và Thư viện Anh Quốc cùng với sự cộng tác của Nga sô và Tu viện Thánh Catarina. Theo ông Ulrich Johannes Schneider, Giám Đốc thư viện Đại Học Leipzig, công trình này nhằm mục đích giúp những ai muốn nghiên cứu, học hỏi về tài liệu nền tảng quan trọng của Kitô giáo; đồng thời cũng giúp mọi người có thể đọc được toàn bộ Cổ Bản Kinh Thánh rất qúy giá này trên ‘Mạng lưới toàn cầu’, mà trước đây ít ai có thể đọc được.

Cũng theo nguồn tin của Đại Học Leipzig, cuốn Phúc Âm theo Thánh Matcô và nhiều cuốn trong Cựu Ước sẽ được đưa lên ‘Mạng lưới toàn cầu’ vào tháng 7 này (2008). Một số cuốn khác sẽ được đưa lên vào tháng 11 năm nay (2008) và phần còn lại sẽ đưa lên vào năm tới (2009).

Cổ Bản Sinai qúy giá này (cùng với công trình chú giải qua nhiều thế kỷ), đang được giữ từng phần ở 4 nơi rất xa cách nhau, sẽ được chụp phiên bản điện tử rất rõ và như vậy sẽ hợp thành toàn bộ trên ‘Mạng lưới toàn cầu’. Chúng ta có thể đọc được nguyên Cổ Bản bằng tiếng Hy lạp cùng với những hình ảnh chụp điện tử rất rõ; đồng thời sẽ có bản dịch tiếng Anh và tiếng Đức những phần quan trọng để những ai không thông thạo cổ ngữ Hy lạp có thể nghiên cứu được.

Sau cùng, học giả Schneider nói: thật là tuyệt vời, nhờ kỹ thuật tân tiến, mà chúng ta có thể đưa lên ‘Mạng lưới toàn cầu’ thật rõ ràng và chính xác một công trình cổ điển vô cùng qúy giá mà trước đây ít ai có thể biết tới; bây giờ thì người nào cũng có thể truy cập được. Chúng ta có thể truy cập công trình kỳ diệu này qua ‘Mạng lưới toàn cầu’: www.codex-sinaiticus.net
 
Tuổi trẻ: Hy vọng lớn của Giáo Hội
Vũ Văn An
00:53 24/07/2008
Tuổi Trẻ: Hy Vọng Lớn của Giáo Hội

Đức Hồng Y Antonio Canizares, Tổng giám mục Toledo, Tây Ban Nha, vừa đi tham dự WYD 2008 tại Sydney trở về đã bắt tay cho tổ chức một khóa hội học mùa hè tại King Juan Carlos University tựa là “Làm người Kitô hữu trong một Xã Hội Thế Tục Hóa”.

ĐHY Antonio Canizares
Nhân dịp này, Đức Hồng Y có gặp gỡ báo chí và trả lời một số câu hỏi liên quan tới WYD năm 2011 sẽ được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha. Cuộc phỏng vấn này đã được cơ quan thông tấn Veritas phổ biến.

Hỏi: Đức Hồng Y nhận định ra sao về cuộc tụ tập ở Sydney và Ngài nghĩ gì về việc Madrid sẽ là điểm hẹn tiếp theo của Ngày Giới Trẻ Thế Giới?

ĐHY Canizares: Về Sydney, đó là cuộc gặp của tuổi trẻ thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh các đặc điểm khác, ta thấy cả những người ‘trẻ’ lớn tuổi hơn cũng có mặt tham dự tích cực, chứ không phải chỉ là các thiếu niên, tuy lớp tuổi này có tham dự đông đảo hơn. Điều ấy có nghĩa ta có quyền trông mong các lãnh tụ trẻ Kitô giáo, mối hy vọng lớn của chúng ta.

Tôi có thể làm chứng cho nhiều chứng tá, mà tôi từng được nghe trong các buổi dạy giáo lý, trong đó tôi đã đảm nhiệm dạy ba buổi, các chứng tá của nhiều quốc gia thuộc Châu Mỹ La Tinh. Họ nhiều cam kết Kitô giáo, hiện diện trong đời sống công, trong các đại học và trong thế giới suy tưởng, thực sự đáng khâm phục, khiến người ta đặt hy vọng lớn lao vào tuổi trẻ ngày nay, một niềm hy vọng ngày một lớn mạnh, một mở rộng thêm, được phản ảnh qua lối suy tư mới, cảm nhận mới, và do đó, hành động mới. Các chuyển dịch xã hội xem ra có vẻ chậm chạp hơn người ta tưởng, tuy nhiên, chắc chắn ta đang gặp một động lực mới nhắm về tương lai hết sức lớn lao nơi tuổi trẻ ngày nay.

Đức Benedict XVI hoàn toàn đồng điệu; hơn thế nữa, tôi còn tin rằng Ngài là ánh sáng vĩ đại đã luôn luôn soi sáng cho lớp trẻ này. Đức Giáo Hoàng nói tới những điều rất đơn giản, đơn giản hết sức, cụ thể hết sức, mà ai cũng hiểu, nhưng chúng lại là những chìa khóa đưa ta vào tương lai xã hội và tương lai loài người.

Về Madrid, thì đó là một biến cố mà tất cả chúng ta đều tiếp nhận một cách hân hoan, hết sức hạnh phúc, lòng đầy hy vọng lớn lao nhưng cũng không kém phần ý thức được các trách nhiệm lớn.

Giáo Hội tại Tây Ban Nha, và Giáo phận Madrid, sẽ phải chuẩn bị kỹ trong ba năm sắp tới, ba năm vắn vỏi, cho cuộc gặp mặt sắp tới của tuổi trẻ thế giới, để nó trỏ thành khán đài mới không những cho tuổi trẻ Tây Ban Nha mà còn cho tuổi trẻ khắp thế giới nữa, và một mốc giới mới cho một xã hội Đức Giáo Hoàng từng chỉ ra và khích lệ giới trẻ cổ vũ.

Hỏi: WYD năm 2011 sẽ trùng với lúc chấm dứt chính phủ hiện hữu. Liệu điều ấy có hiệu quả gì không?

Đức HY Canizares: Sẽ chả có chi thay đổi. Giáo Hội không chuyển dịch theo sự thăng trầm chính trị hay các biến cố chính trị. Giáo Hội chỉ đơn giản dâng hiến những gì mình có, và những gì Giáo Hội có đều là những điều đơn giản, như chính môn đồ Phêrô đã nói ở cổng Đền Thờ: “Vàng bạc kẻ hèn tôi không có, nhưng xin tặng anh điều tôi có. […] Nhân danh Đức Giêsu thành Nadarét, anh hãy đứng dậy mà bước đi”.

Năm 2011, hay năm 2015 hay bất cứ năm nào khác, Giáo Hội cũng sẽ nói cùng một lời như thế: “Tôi không có quyền lực, tôi cũng không muốn quyền lực, tôi không muốn thống trị lương tâm ai, tôi chỉ muốn dâng hiến điều tôi có, và điều tôi có là Chúa Giêsu Kitô và, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội nói với nhân loại rằng: Hãy xếp hàng với Giáo Hội, vì chỉ nơi Giáo Hội các bạn mới tìm được tương lai chân thực”.

Hỏi: Liệu sự kiện Đức Benedict XVI lại chọn Tây Ban Nha một lần nữa để tổ chức WYD có hàm ý Ngài muốn đập lưng thúc Giáo Hội ở Tây Ban Nha hay không?

Đức HY Canizares: Mấy ngày qua, cả trong các buổi dạy giáo lý lẫn trong các tuyên bố với truyền thông, tôi đã nói rằng Giáo Hội luôn là một Giáo Hội trẻ trung, chứ không phải chỉ là Giáo Hội của người trẻ, mà là một Giáo Hội trẻ trung đầy sinh khí, đầy tương lai. Và tôi tin rằng tổ chức một cuộc gặp mặt giới trẻ thế giới ở đây sẽ tăng cường Giáo Hội trong tuổi trẻ thường hằng của Giáo Hội, trong tương lai thường hằng của Giáo Hội, trong cái sinh khí vĩ đại của Giáo Hội.

Tôi tin rằng Giáo Hội tại Tây Ban Nha không phải là một Giáo Hội của các phức thể, một Giáo Hội co cụm; mà là một Giáo Hội có sức sống, và tôi tin rằng cuộc gặp mặt giới trẻ thế giới sẽ làm cho sức sống ấy trong lòng Giáo Hội trồi lên, một sức sống được tạo thành bằng cả một lịch sử nhiều thế kỷ.

Ta không nên quên rằng Âu Châu đã được sinh hạ tại Tây Ban Nha, nhất là tại Toledo, còn chúng ta, chúng ta được sinh hạ ở Tây Ban Nha, một bản sắc trên thực tế dẫn tới việc nhìn nhận nhân vị, nhân phẩm v.v…

Do đó, đối với Giáo Hội, cuộc gặp mặt giới trẻ năm 2011 sẽ chỉ hàm ý nhắm tái sinh khí hóa điều mình vốn là, nhằm đưa ra sứ điệp mình vốn có, một sứ điệp không là gì khác ngoài hồng phúc Thiên Chúa ban cho con người, đó là chính con người Chúa Giêsu Kitô.

Hỏi: Giáo Hội tự tách mình ra khỏi xã hội hay xã hội tự tách mình ra khỏi Giáo Hội?

Đức HY Canizares: Tôi không cho rằng Giáo Hội tự tách mình ra khỏi xã hội. Tôi tin rằng mỗi ngày Giáo Hội càng tháp nhập [inserted] vào xã hội nhiều hơn. Sydney là một thí dụ rõ ràng. Như chính thủ tướng chính phủ Úc đã công nhận. Ông nhìn nhận vai trò của Giáo Hội trong xã hội và trong lịch sử.

Khi trung thành với chính mình, Giáo Hội cũng trung thành với con người và trung thành với tương lai của chính mình. Thiết tưởng người ta nên hỏi có phải xã hội đang không tự tách mình ra khỏi chính mình; đang không tự tách mình ra khỏi các gốc gác từng tạo thành căn bản cho việc đồng sinh tồn chân chính về xã hội hay không.

Hỏi: Thủ tướng Úc, Tổng thống Hoa Kỳ từng công nhận trước mặt Đức Giáo Hoàng tầm quan trọng của tôn giáo đối với xã hội. Tại sao các nhà cầm quyền của chúng ta lại khó nhìn nhận như thế?

Đức HY Canizares: Qúy vị hãy hỏi chính họ, tôi đâu có ở trong tư tưởng hay trong lương tâm họ.

Hỏi: Điều đó có ăn có gì với lịch sử của ta hay không?

Đức HY Canizares: Lịch sử của chúng ta là một lịch sử phong phú. Tôi đã nói điều này nhiều lần, nay xin nhắc lại một cách đau buồn rằng: hết là Kitô giáo, Tây Ban Nha cũng sẽ hết còn là Tây Ban Nha.

Ngày Giới Trẻ nằm 2011 đem hy vọng lại cho Tây Ban Nha

Trong khi ấy, Cha Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, cho hay WYD 2011 sẽ đem lại cho Âu Châu một sứ điệp hy vọng, chứ không phải là tranh chấp.

Vị linh mục Dòng Tên này bình luận như trên về WYD sắp tới, sẽ diễn ra tại Madrid trong vòng 3 năm nữa. Chính Đức Benedict XVI đã công bố quyết định trên khi bế mạc WYD 2008 tại Sydney vào Chúa Nhật vừa qua.

Trên đài phát thanh Vatican, Cha Lombardi nói rằng: “[Âu Châu] là một lục địa nơi kình chống giữa đức tin và các vấn đề trong xã hội ngày nay, như tục hóa chẳng hạn, luôn sống động”.

Ngài nói thêm: “Đức Giáo Hoàng thường nói tới nguy cơ Âu Châu liều mình đánh mất chính các giá trị căn bản của mình, các giá trị vốn nối kết với truyền thống Kitô giáo và việc đóng góp của đức tin vào việc phát triển lục địa này.

“Điều ấy chắc chắn sẽ là một trong các chủ đề và mục tiêu của Ngày Giới Trẻ kế tiếp, nhưng sẽ không có tranh chấp cãi cọ và cũng sẽ không có ý muốn đối nghịch với thế giới bao quanh ta”.

Cha cho hay sứ điệp của Đức Thánh Cha vốn là “hoàn toàn tích cực, tập trung vào vẻ đẹp được làm người Kitô hữu, một sứ điệp tích cực cho cả các gia đình ngày nay”.

Cha Lombardi quả quyết rằng: “Vào thời điểm gia đình đang trải qua nhiều khó khắn lớn lao, làm Kitô hữu quả là một sứ điệp tích cực. Tôi tin rằng điều này cũng sẽ là tinh thần của Ngày Giới Trẻ kế tiếp tại Tây Ban Nha: một sứ điệp hy vọng, một sứ điệp chứng tỏ rằng đức tin đem lại nhiều đóng góp tươi đẹp và vĩ đại cho tương lai các xã hội của ta, cho tương lai thế giới, như đã xẩy ra tại Úc Châu”.

Cha Lombardi nhắc đến nỗi thất vọng của nhiều người khi vì các lý do về phương diện tổ chức và an ninh, nên chưa thể có được một WYD tại Phi Châu. Ngài nói: “Nên chúng ta phải trở về Âu Châu, dù ý định vẫn muốn cho lục địa Phi Châu, bằng mọi cách,T được can dự vào đó”
 
Thánh Lễ Giới Trẻ Việt Nam Giã Từ Nhau Tại Whitlam Centre, Sydney 2008
Lm Francis Lý Văn Ca
07:53 24/07/2008
Giới Trẻ Việt Nam Giã Từ Nhau

Cách nay đúng 1 tuần, ngày thứ Năm 17.7, tôi có dịp đến Trung Tâm Whitlam vùng Liverpool để tham dự thánh lễ ‘Chia Tay - Say Good Bye’ của Giáo Dân Công Giáo Việt Nam từ khắp năm châu đã đến Sydney, trong những ngày nầy để tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (ĐHGT.TG) lần thứ 23 được tổ chức ở Úc Châu. Bầu khí của ngày lễ hôm nay mang một sắc thái ‘đượm buồn’ khác với thánh lễ của ngày hôm trước có vẻ ‘tươi vui’ hơn.

Trên gian lễ đài, chúng tôi nhận thấy có 3 Giám mục từ Quê Hương Việt Nam. Đó là Quý Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Phaolô Bùi Văn Đọc, Giuse Vũ Văn Thiên và 1 Giám Mục ở hải ngoại (Hoa Kỳ) là Đức Cha Đôminicô Mai Thanh Lương, đồng thời có khoảng 160 Linh mục, trên 70 tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân tham dự thánh lễ ‘Giã Từ - Từ Giã’ hôm nay. Trong số nầy có khoảng 500 bạn trẻ đi theo diện Đoàn Thể hoặc Nhóm hay do Thân Nhân - Ân Nhân bảo trợ sang Úc trong dịp Đại Hội nầy đã đến từ Quê Hương Việt Nam và nhiều bạn trẻ khác đã đến từ những quốc gia khác trên toàn thế giới. Con số các bạn trẻ nầy chúng tôi không thể biết chính xác đuợc - để rồi chiều hôm nay tất cả cùng hòa nhịp vào chương trình chung ĐHGT.TG trong việc chào đón Đức Thánh Cha Bênêđictô thứ XVI tại Barangaroo cũng như những chương trình kế tiếp trong 3 ngày cao điiểm.

Linh Mục Doàn Đồng Tế Việt Nam
Cho dù không ai nói ra nhưng khi ‘nhìn lại’ hay ‘xem lại’ những hình ảnh hay đoạn phim mà anh em trong Nhóm Vietcatholic hay chính mỗi người trong chúng ta đã quay hay chụp được trong những ngày nầy sẽ thấy được một cái gì đó đúng nghĩa với bài hát ‘Biệt Ly Bạn Đường Ơi - Biệt Ly… Ly Biệt’ mà lúc còn là Hướng Đạo Sinh tôi có dịp xiết thật chặt những bàn tay của 2 người bên cạnh khi hát bài ca ‘Biệt Ly’ nầy. Nhưng làm sao có thể so sánh được với cảnh ‘Biệt Ly’ của những người con của Giáo Hội Mẹ và Quê Hương Việt Nam khi cùng cất cao lời Kinh Lạy Cha khi tay trong tay nối vòng tay lớn trong Whitlam Centre.

Nhờ ĐHGT.TG được tổ chức mà Con Cái Việt Nam dù đang sống bất cứ nơi đâu đều có cơ hội gặp gỡ nhau. Dĩ nhiên là đã có những ĐHGT.TG được tổ chức đó đây trong những năm đã qua, nhưng điều đặc biệt là lần nầy đã có sự hiện diện của 3 Giám mục, nhiều Linh mục và Tu sĩ từ Quê Nhà đã đồng hành cùng các bạn trẻ trong chuyến đi nầy mà những lần ĐHGT.TG trước đây có thể không có được như vậy. Qua những phương tiện truyền thông tân kỳ của thế giới hôm nay đã tạo cho chúng ta có nhiều điều kiện hơn để nối vòng tay thân yêu với nhau.

Những ngỡ ngàng của những ngày đầu khi đặt chân đến Úc Châu của các bạn trẻ từ Việt Nam đã mất đi những ‘ngại ngùng’ và ‘giữ kẽ’ vì nghĩ rằng mình đến từ một đất nước đã ‘Thay Ngôi Đổi Chủ. Nhưng họ đâu có hiểu được là cho dù đất nước đã ‘Thay Ngôi Đổi Chủ’, nhưng đâu có thể thay đổi được sự ‘Hiếu Khách’ của những trái tim với dòng ‘Máu Việt’ của những người con cùng ‘Một Mẹ Việt Nam’.

Trong những dịp tiếp xúc riêng tư tôi có cảm nghiệm giữa các bạn trẻ Việt Nam với nhau dường như không có nhiều ngăn cách cho lắm - họa chăng chỉ có một vài ngôn từ trong cách nói Việt Úc - Cách riêng những bạn trẻ từ Việt Nam sinh trong khoảng 3 thập niên gần đây, trong cách nói đôi lúc có thể làm cho những người cao niên hơn cảm thấy ‘khó nghe’ nhưng giữa các bạn trẻ Việt Nam thì chỉ có một điều là một bên nói ‘Tiếng Việt’ và một bên là ‘Mixed Vietnamese English’ nhưng tất cả đã được sinh cùng một thế hệ cho nên họ đã có những cảm thông cùng một trái tim của những ‘Người Trẻ Việt Nam Mang Dòng Máu Việt’.

Có lẽ những ai đã tham dự Thánh Lễ ‘Chia Tay’ tại Trung Tâm Whitlam ở Liverpool trong ngày thứ Năm vừa qua đã có cảm nghiệm về một cái gì đó nó biến chuyển trong cơ thể chúng ta khi cùng với Anh Chị Em trong Ca Đoàn Tổng Hợp cất cao Bài Ca Dâng Lễ
Ca Đoàn Tổng Hợp
“Dâng Lên Cha Từ Nhân”

Dâng lên Cha từ nhân, giấc mơ chưa tròn ôm ấp bao tháng ngày.

Nên như rượu thánh, bánh tinh tuyền dâng trước thiên tòa.

Xin Cha thương nhận đây, giấc mơ chưa tròn nơi xứ lạ quê người.

Cho bao người Việt Nam đón nhau về, khắp trời nở hoa
.

Hôm đó, Anh Hoàng quay video từ Melbourne và tôi được Anh Em trong Nhóm Vietcatholic Network phân công đến Trung Tâm Sinh Hoạt của Cộng Đồng Việt Nam để thâu hình và tường thuật về Thánh Lễ Chia Tay nầy, cho nên chúng tôi có cơ hội nhìn thấy những xúc động và những tia nước mắt đượm buồn trên những gương mặt và ánh mắt của bao người hiện diện trong Thánh Lễ của ‘Ngày Lịch Sử’ hôm ấy.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã làm cho biết bao nhiêu người Việt đã bỏ mình trên biển cả, trong rừng sâu nước độc, trong những Trại Tỵ Nạn Đông Dương… Ngồi nghiền ngẫm từng câu văn, từng ý nghĩa của Bài Ca Dâng Lễ mới hiểu thế nào là kinh nghiệm đau
Tài năng Trẻ Tương Lai
thương của một sự chọn lựa tràn đầy mồ hôi và nước mắt:

Con đã đi lập thân giữa chốn đao binh,

để đem đem êm ấm thanh bình cho dân.

Con sống trong cuộc đời buôn thúng bán bưng,

để đem đem cơm áo, nuôi đàn con thơ.


Mầm Non Của Quê Hương-Giáo Hội Việt Nam
Nhưng dù sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, người Công Giáo Việt Nam phải tiếp tục làm ‘Chứng Tá’ cho Tin Mừng trong môi trường của mình dù ở trong nước hay ở hải ngoại. Chúa Kitô mời gọi chúng ta trở thành muối ướp không chỉ giúp cho thức ăn được giữ lâu hơn nhưng muối để sưởi ấm tâm hồn con người qua những nghĩa cử yêu thương và tha thứ. Chỉ qua những nghĩa cử ‘Hiếu Khách-Yêu Thương-Tha Thứ’ của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại đã mang đến hơi ấm của ‘Tình Yêu Chúa và Nghĩa Đồng Bào’ dành cho những Anh Chị Em đến từ Quê Hương-Giáo Hội Việt Nam dịp ĐHGT.TG tại Sydney trong những ngày qua. Đó cũng là ý nghĩa của câu hát sau đây:

Con sống trong cuộc đời tăm tối gió sương,

ngày đêm ôi tan nát một đời thanh xuân.

Con đã dâng cuộc đời cho Chúa chí nhân,

để nên nên nhân chứng, cho tình yêu thương
.

Nhưng có lẽ câu kết của bài Ca Dâng Lễ đã làm cho nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ khi nhìn lại chính mình cho dù là ‘Người Việt Nam Tỵ Nạn hay Không Tỵ Nạn’ trong một hoàn cảnh không ngờ được mình là Con Cái Chúa… chỉ qua Hy Lễ của Thập Giá trên bàn thờ mới có những nghĩa cử ‘Yêu Thương-Tha Thứ’ mà thôi… Ngoài Bàn Tiệc Thánh Thể có sức thu hút và mời gọi Người Kitô Hữu đến với nhau để chia sẻ Lời Chúa và Bánh Thánh Thể trong Trung Tâm Whitlam ngày hôm đó mà không cảm thấy có cách biệt hay dị biệt, chứ thật ra trong những sinh hoạt như Gia Đình, Học Đường, Đoàn Thể Tôn Giáo, Xã Hội hay Chính Trị… đều có những khác biệt, những nơi nầy không phải bất cứ ai cũng đến tham dự được... Chính cá nhân của tôi cũng cảm thấy một cảm xúc ‘lạnh lạnh trong da thịt’ khi cả Hội Trường kết thúc bài Ca Dâng Lễ bằng câu kết sau đây trong nhịp điệu nhịp nhàng và chậm chạp mà dường như tác giả đã cố ý dùng để kết thúc bài Thánh Ca nầy… trong một bối cảnh có 1 không 2 trong ĐHGT.TG năm 2008 tại thành phố Sydney cho dù chúng ta đã hát bài nầy khá nhiều lần trước đây…

Giờ gặp lại nhau, trên vùng đất lạ.

Ôi bao là nhớ, quê nhà xa xăm.


Có lẽ giây phút cảm động nhất là khi vị Chủ Tế mời gọi Cộng Đoàn Dân Chúa cầm lấy tay nhau nối vòng tay cả hội trường ‘Hiệp Nhất Nên Một’ khi cùng xướng lên lời Kinh Lạy Cha… Cuộc sống giờ đây mỗi người đã hoặc sẽ trở về với thực tế với những khó khăn
"Lạy Cha, Xin Cho Chúng Nên Môt..."
đang đợi chờ hay bận rộn vật lộn với cuộc sống, nhưng ít là trong giây phút ngắn ngũi khi nắm lấy tay nhau hay khi chúc bình an cho những anh chị em đứng gần nhất hay chung quanh… Chúng ta chúc cho nhau sự ‘Bình An’ trong tâm hồn và ‘May Mắn’ trong những ngày sắp tới và cầu mong cho nhau luôn được ‘Hiệp Nhất Trong Tinh Thần’ trong cùng ‘Một Giáo Hội Việt Nam’.

Giờ gặp lại nhau, trên vùng đất lạ.

Ôi bao là nhớ, quê nhà xa xăm
.


Nhớ Quê Nhà, Nhớ Giáo Hội Mẹ Việt Nam cho dù đang sống trên vùng đất lạ, chúng ta vẫn hướng về Mẹ Giáo Hội Việt Nam vẫn còn đang mang nhiều niềm đau thương cần được những đứa con ‘cảm thông’ để rồi xoa dịu vết thương của người Mẹ trong những hoàn cảnh có thể được. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho Giáo Hội trần thế mà Ngài đã thiết lập: “Lạy Cha, xin cho chúng nên ‘Một’ như Cha và Con là một’. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục lời cầu của Ngài cho chúng ta, cho Giáo Hội Hoàn Vũ, cho Giáo Hội Mẹ Việt Nam và cho mọi người trên trần gian. Dường như những giây phút chúc bình an trong Thánh Lễ của ngày Giã Từ hôm đó mang một sắc thái đầy ý nghĩa của một sự ‘Chia Ly và Ly Biệt’.

Xin cho những yêu thương và cảm thông chúng ta đã và đang tạo được trong những ngày ĐHGT.TG năm nay sẽ mở ra một tương lai từng Người Giáo Dân Việt dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng được ‘Bình An’. Chúng ta đã ‘Từ Giã’ nhau và chúng ta sẽ ra đi để trở thành Nhân Chứng’ của sự ‘Bình An’ mà Chúa ký thác cho chúng ta qua ĐHGT.TG nầy.

Để trở nên ‘Nhân Chứng Đích Thực của Bình An’ đòi hỏi nơi người môn đệ của Chúa Kitô phải có một tâm hồn luôn sống Quảng Đại và Tha Thứ’. Vì Tha Thứ là tuyệt đỉnh của tình yêu. Hiến Tế Thập Giá trên đồi Golgotha đã trở nên trọn hảo khi Chúa Giêsu đã thân thưa với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc của chúng làm”. Tha thứ là tự tạo cho chúng ta một niềm vui, không oán hờn không bị gò bó bởi những mưu tính báo thù nhưng là biết quên đi những lầm lỗi của tha nhân. Nếu thực hiện được như thế, chúng ta sẽ tở thành ‘Những Chứng Tá Đích Thực của Tin Mừng của Chúa Kitô và của Đại Hội Giới Trẻ Thứ 23 mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã sai chúng ta ra đi làm Chứng Tá và sẽ mang lại thành quả không những trong chính đời sống của chúng ta mà còn cho cả đời sống của Giáo Hội Chúa Kitô và cho tương lai của toàn thế giới.
 
Đánh giá sơ bộ của Đức Hồng y George Pell, TGM Sydney về Ngày Giới Trẻ Thế Giới
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
08:38 24/07/2008
Sydney (Agenzia Fides) - Đức Hồng y George Pell, Tổng Giám Mục của Sydney đã đưa ra đánh giá sơ bộ về Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 vừa bế mạc: “Đó là những ngày thật đáng nhớ. Đây là thời điểm tốt cho Công Giáo. Hàng chục ngàn người trẻ hạnh phúc làm cho những người khác cũng hạnh phúc. Tất cả Sydney, không chỉ Công Giáo Sydney, đã tham dự vào các cuộc hành hương bằng cả tấm lòng. Tôi thấy thành phố hưng thịnh trở lại”.

Đức Tổng Giám Mục đã bày tỏ niềm vui và sự hài lòng của ngài về một sự kiện thành công, làm cho Sydney trở thành “trung tâm của thế giới” trong vài ngày, và mang một sứ điệp Kitô giáo hết sức lớn lao ở Úc Châu. Đức Hồng y cám ơn những người hành hương, những người thiện nguyện và các thành viên chính phủ Úc, những người đã ủng hộ sự kiện WYD và làm cho nó trở thành hiện thực. Ngài cũng cám ơn người dân Sydney đã chào đón Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và giới trẻ từ khắp thế giới. Tất cả đã đem lại cho chính họ để “bàn tay Thiên Chúa có thể thêm một chương mới trong lịch sử nước Úc”.

Ngài bình luận thêm: “Dù được dự báo là mưa suốt tuần, nhưng thời tiết lại tốt đẹp” và cảnh sát “đã làm việc cật lực”, dùng “khả năng ứng biến và tài phán đoán một cách chan hòa”, ngay khi tình trạng đặc biệt về luật pháp đã được đưa ra trong những sự kiện như WYD và Olympic. Ngài nói rằng những sự kiện như thế vẫn khắc ghi trong hồi ức của thành phố: “Việc chào đón Đức Thánh Cha ở bờ biển Barangaroo, Đàng Thánh Giá, Đêm Canh Thức, Thánh lễ Bế Mạc, và nhất là niềm vui đã được bày tỏ bằng nhiều cách bởi nhiều người trẻ”.

Các con số thống kê đã được Đức Hồng y đề cập đến: 400.000 người hành hương tham dự Thánh lễ bế mạc ở Trường Đua Randwick; giới trẻ từ 170 quốc gia đã đến tham dự WYD; 8.000 thiện nguyện viên đã làm việc trong ban tổ chức và hậu cần. Đức Hồng y cũng đề cập đến sự kiện ở Randwick là sự kiện quy tụ đông người nhất trong lịch sử nước Úc.

Một kỷ lục khác cũng đã được lập nên về truyền tải thông tin: Website chính thức bằng 4 ngôn ngữ www.wyd2008.org là một trong những trang web được truy cập nhiều nhất thế giới, các dịch vụ video-web khác đã truyền tải hình ảnh từ Vatican Television Center (CTV) và các hãng thông tấn quốc tế khác những tin tức cập nhật đến cho mọi ngươi. Trang web www.wydcrossmedia.org, một trang web liên kết đã đưa tin từ hãng tin Công Giáo lớn, cũng đã góp phần đầy ý nghĩa với rất nhiều link. WYD đã được đưa tin trên “YouTube”, nơi mà hơn 3.000 trang hoạt động, cũng đã cho thấy ý nghĩa toàn cầu của loan báo Tin Mừng giữa các hình thức truyền thông mới.

Chú thích: Riêng về phần thông tin Việt ngữ, (ngoại trừ những người Việt sống ở Úc châu có thể xem truyền hình hay radio trực tiếp từ Úc), phần đông người Việt Công giáo đều vào trang VietCatholic để truy cập theo dõi: chương trình, tin tức, hình ảnh, video, những bài bình luận, v.v... Có ngày lên tới cả gần 100.000 lượt người nhập mạng trang này. Tuy dù với phương tiện hạn hẹp, nhưng VietCatholic đã làm việc tối đa, không phải chỉ là những phóng viên tại chỗ mà còn là những tình nguyện viên ơ nhiều nơi, làm những công tác như: tra cứu, dịch thuật, tìm kiếm, điều tra, kiểm chứng, viết bài, đưa bài lên net...

Ngoài ra còn phải ghi nhận một bước tiến khác nữa, đó là Ban Tổ Chức Trung Ương, ngành Mass Media của WYD 2008 đã dành cho các nhân viên của VietCatholic được mọi dễ dàng trong việc sử dụng những dụng cụ, tài liệu và dữ kiện của thuộc Mass Madia International Center WYD 2008, nên chúng tôi luôn có những tin tức mới và cập nhật nhất để trình bầy với Công Đồng Dân Chúa Việt Nam khắp nơi.
 
Sri Lanka: Tượng Đức Mẹ phải dời đi do giao tranh ác liệt
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
08:39 24/07/2008
Colombo (AsiaNews) - Tượng Đức Mẹ Mandu đã buộc phải di chuyển từ Nhà thờ Thevanpiddi vào nhà nguyện của Tòa Giám Mục. Đức Cha Rayappu Joseph của Mannar giải thích rằng phải làm việc đó vì “lý do an ninh” do giao tranh ác liệt trong các vùng Thavanpiddi và Vellankulam, nơi mà các linh mục cũng được đề nghị di tản.

Đức Giám Mục Rayappu đã ra lời “kêu gọi tất cả người dân cầu nguyện sốt sắng vì hòa bình trên mảnh đất dấu yêu và vì thời kỳ mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau trở thành một gia đình dưới chân Mẹ yêu dấu của chúng ta, Đức Mẹ Mandhu”. Tượng Mẹ đã được mang trở về ngôi đền đã gởi đi vì nơi đặt tượng đã trở thành nơi giao tránh ác liệt.

Website của Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho hay bức tượng đã được chở đi bằng xe cứu thương, với sự hộ tống của Cha Peter Arulnadan, Cha Sathyapillai Emaliyanuspillai, và Nữ tu Idha Thomas, sau những kêu cầu của các tín hữu do lo lắng về sự an toàn của bức tượng, vốn là bức được được một bộ phận người Sinhalese hết sức sùng kính. Hàng năm, có hàng ngàn người đến ngôi đền hành hương, nhất la trong thời gian nghi lễ mười ngày của tháng Tám. Nhưng kể từ năm 1999, quân phiến loạn đã kiểm soát ngôi đền làm cho người hành hương giảm đi đáng kể. Chính quyền đã sửa chữa ngôi đền do hư hại vì trúng đạn pháo.

Đức Giám Mục Rayappu nhậnxét rằng “vì leo thang chiến tranh trong khu vực chưa được kiểm soát rõ ràng trong những tháng qua là Mandu và Manthai của quận Mannar, nên hàng ngàn gia đình phải sơ tán vài lần và đã di chuyển sang Vellankullam-Thevanapiddy. Hoàn cảnh khó khăn của những người di tản này thật thảm thiết và những đau khổ của họ thì không cách nào tả xiết. Những người tản cư này lại một lần nữa bị đe dọa vì những trận trọng pháo trong lúc di chuyển nơi ở. Hầu hết những người này đang sống dưới những bóng cây trơ trọi trên quốc lộ và nơi bìa rừng, hoàn cảnh của họ là tiếng kêu xé lòng”.
 
Giải Thích của Linh Mục Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2011 tại Thủ Đô Madrid
Đặng Thế Dũng
21:30 24/07/2008
Roma (Tổng hợp Zenit 23 tháng 7 và Apic 24 tháng 7): Trong một chương trình phát thanh trên Đài Phát Thanh Vatican hôm thứ tư 23 tháng 7, Linh Mục Federico Lombardi, Tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Vatican kiêm Giám Đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh, đã cho biết rằng vào dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2011 tại Madrid, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI sẽ đề cập chủ đề liên quan đến “Âu Châu”, nhất là liên quan đến “những nguy hiểm Âu Châu đánh mất những giá trị nền tảng của mình, là những giá trị có liên hệ đến truyền thống Kitô giáo và được đức tin kitô mang đến cho công cuộc phát triển đại lục Âu Châu.”

ĐTC Bênêđitô và Lm. Lombardi, SJ
Theo linh mục Lombardi, Đức Thánh Cha sẽ bàn về chủ đề vừa nói, không phải với tinh thần “tranh cãi” hay với ý muốn “chống đối” thế giới vây quanh.

Ngoài ra, linh mục Lombardi còn cho biết thêm rằng vì những lý do an ninh và vì những phương tiện tổ chức còn giới hạn, nên Ngày Quốc Tế Giới Trẻ trong lúc này chưa được nghĩ là sẽ tổ chức tại quốc gia nào đó ở Phi Châu.

Linh mục Lombardi đã nói như sau: “Âu Châu đã nhiều lần tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Nhưng Âu Châu hiện là đại lục trong đó có sự “đối đầu” giữa Đức Tin Kitô và những vấn đề của một xã hội tân tiến, như vấn đề trần tục hoá, vấn đề phát triển, v.v….Hiện tôi vẫn còn nhớ rõ những hình ảnh thật đẹp về Ngày Quốc Tế Gia Đình tại Valencia bên Tây Ban Nha. Lúc đó sứ điệp của Đức Thánh Cha gởi cho Ngày Quốc Tế Gia Đình là hết sức tích cực, tập trung nhắc đến nét đẹp của gia đình, của việc sống thực thể Kitô…Tinh thần tích cực và mời gọi hy vọng này cũng sẽ là tinh thần của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2011 tại Madrid. ĐTC sẽ nói lên xác tín rằng Đức Tin Kitô đã và đang đóng góp rất nhiều cho tương lai của Âu Châu.
 
Đức Thánh Cha Bênêđitô sẽ gặp các linh mục giáo phận Bolzano vào ngày 6 tháng 8, đang khi nghỉ hè tại Bressanone
Đặng Thế Dũng
21:56 24/07/2008
Roma (Apic 24 tháng 7): Thứ tư vừa qua, trong một chương trình phát thanh trên Đài Vatican, Đức Cha Wilhelm Egger, Giám Mục Giáo Phận Bolzano cho biết

Đại Chủng Viện ở Bressanone
Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI (ĐTC), trong thời gian nghỉ hè tại Bressanone, sẽ dành thời gian ngày thứ tư mùng 6 tháng 8, để gặp tất cả các linh mục trong giáo phận Bolzano.

Trong khi đó Linh Mục Lombardi cho biết thêm là ĐTC sẽ dùng thời gian rảnh rỗi trong những ngày nghỉ hè để viết tiếp phần II của tập sách “Chúa Giêsu thành Nazareth” đã được xuất bản phần I, trình bày Chúa Giêsu trong giai đoạn từ phép Rửa của Gioan cho đến biến cố Chúa Biến Hình. Ngoài ra, ĐTC cũng sẽ dùng thời giờ để hoàn tất thông điệp thứ ba về vấn đề xã hội, được mong đợi sẽ công bố vào mùa thu tới này.
 
Top Stories
WYD success hard to measure
One News
08:10 24/07/2008
SYDNEY, Jul 24, 2008 7:01 PM - Was World Youth Day a spectacular showcase for Sydney, or a stunning public display for the Catholic Church?

Excited pilgrims, jubilant politicians and unenthusiastic academics have different opinions on the event's significance, but everyone agrees on one thing - the week-long festival was a success for Sydney.

Sydney had reclaimed its mojo, the city's Chamber of Commerce said, after slipping into the doldrums since the 2000 Olympics.

"After a post-Olympic blues, this is the week that Sydney reclaimed its title as the world's number one host city," chamber executive director Patricia Forsythe said.

NSW Premier Morris Iemma was equally thrilled.

"The city put on its trademark magic," he said.

"The best city in the world, the best city in the world. And we saw it on display all week."

Money could not buy the positive publicity that World Youth Day had generated for Sydney, Iemma said.

Pilgrims from 170 nations, many of whom had saved for two years or more to pay for their trips, thought their money well spent.

Francesca Avi, 29, one of more than 110,000 registered international pilgrims, said Sydney was her third World Youth Day.

"I've been to Paris (1997) and Rome (2000) and now here," Avi said. "This is the best so far."

And the man at the centre of the whole event, Pope Benedict XVI, was clearly moved by the beauty of Sydney, which he saw at its best on a sparkling winter's day as his boat-a-cade cruised the harbour.

"Here in Australia, this `great south land of the Holy Spirit', all of us have had an unforgettable experience of the spirit's presence and power in the beauty of nature," he told the enormous congregation of worshippers at Randwick Racecourse for the final mass of the event.

Even the racing industry, miffed at the co-opting of the racecourse for the festival and worried about possible damage to its precious track, was happy in the aftermath.

"The turf track seems to be have held up well," a spokesman for the Australian Jockey Club said as organisers cleaned up after the mass attended by up to 400,000 people.

So what's not to like?

Plenty, it seems, if you already think Christians have too much influence in Australia.

Professor John Stratton, head of cultural studies at Curtin University in Perth, said the event delivered a blow to religious diversity and showed governmental favouritism for Christianity.

"It would be nice if we could say that there could be a World Youth Day for Islam in Australia," Dr Stratton said.

"But I have a very strong suspicion if that were to happen there would be an outcry."

Dr Stratton said he was concerned World Youth Day represented the continuation of a shift away from secularism, which is central

to the function of a modern state, a process he said began under the former Howard government.

"The way I look at it is it's about people's perceptions," he said.

"Holding the Catholic World Youth Day in Australia, with the Prime Minister (Kevin Rudd) supporting it in the way that he did.. . what that does is reinforce the idea that Australia is a Christian society.

"Non-Christian religions then get seen as being, first of all, marginalised and, secondly, a threat to the nature of Australian society.

"There is less of a sense of Australia as a secular society accepting groups with diverse belief."

He's not alone.

Stephen Juan, lecturer at the University of Sydney's faculty of education and social work, has also questioned Sydney's staging of World Youth Day.

"The event has been extraordinary for a number of reasons," Dr Juan, a prominent anthropologist, said.

"One could not imagine the same favouritism being given to an Islamic group of this kind."

That criticism seems a little harsh in view of the Catholic Church's efforts to reach out to other faiths during World Youth Day.

Pope Benedict and the Archbishop of Sydney, Cardinal George Pell, found time on one of the busiest days in the World Youth Day schedule to meet leaders from the Jewish, Hindu, Islamic and Buddhist communities.

"Together, as fellow believers, we must demonstrate that true faith in God is a cause for unity and comity, not division and hatred," Pell told the leaders.

Favourable treatment for the Catholic Church may reflect the fact Iemma and many of his ministers are Catholics, but it also reflects the fact Catholicism is the most popular religion in Australia.

The 2006 national census showed five million people, just over 25% of the population, identified themselves as Catholics.

Only 340,000 said they were Muslims.

In the months before World Youth Day, the NSW Greens criticised its cost, saying the Catholic Church would be the beneficiary, so it should pay the bills.

The Chamber of Commerce countered that the event would bring a net economic benefit of $231 million, a suspiciously exact figure it was sticking to as the event ended.

The NSW government was more conservative, estimating a gain of about $150 million.

The exact financial benefit will probably never be calculated, and was certainly not spread evenly.

With mostly budget-conscious young pilgrims crowding the streets, and locals encouraged to stay away from the city, sellers of cheap trinkets had a very good week, but up-market boutiques and luxury hotels suffered a drop in business.

The Greens have asked the NSW auditor-general to assess the cost to taxpayers of World Youth Day, which the government has estimated at $86 million - on top of $41 million jointly provided to the Australian Jockey Club and the racing industry by the state and federal governments.

Whether the financial benefits outweigh the costs can, in theory, be calculated, although the matter will no doubt be argued for months.

But no one can put a price on the happiness the event generated for hundreds of thousands of visitors, or the pride of Sydneysiders in sharing their city with them.

And what of today's public thank-you from the premier, in prominent newspaper advertisements?

"Heartfelt thanks.. . to the people of Sydney for showing such patience and understanding. Due to your talent and goodwill, Sydney remains the undisputed major event capital of the world," it says.

Priceless - and it's not even an election year.
 
Youth Day 2011 to Bring Hope to Spain
VietCatholic Network
10:29 24/07/2008
VATICAN - World Youth Day 2011 will bring Europe a message of hope, not controversy, says a Vatican spokesman today July 23.

Jesuit Father Federico Lombardi commented on the next World Youth Day, to be hosted by Madrid in three years. Benedict XVI announced the venue for the event when he closed World Youth Day '08 in Sydney last Sunday.

Father Lombardi acknowledged on Vatican Radio that "[Europe] is a continent where the confrontation between faith and the problems of modern society, of secularization is always alive."

He added: "The Pope often speaks of the risk that Europe might lose its fundamental values, linked to Christian tradition and to the faith's contribution to the continent's development.

"This will certainly be one of the topics and objectives of the next Youth Day, but without controversies and without the will to oppose the world that surrounds us."

Father Lombardi recalled the Pope's most recent trip to Spain: for the 2006 World Meeting of Families in Valencia.

He said that the Holy Father's message at that event was "entirely positive, centered on the beauty of being Christian, a positive message also for today's family."

"At a time when the family is going through great difficulties, to be Christian is a positive message," Father Lombardi affirmed. "I believe this should also be the spirit of the next Youth Day in Spain: a message of hope, a message that shows how faith offers a beautiful and great contribution for the future of our societies and of the world, as truly happened in Australia."

Father Lombardi mentioned the disappointment expressed by some people that, because of organizational and security problems, it has not been possible to organize a World Youth Day in Africa.

"So we return to Europe," he said, "though the intention is to involve the African continent in every possible way."
 
Muslim ‘warriors’ threaten harm if Catholic bishop does not convert to Islam
Church News Agency
13:02 24/07/2008
Manila, Jul 24, 2008 / 02:37 am (CNA).- A Catholic bishop in the southern Philippines’ Basilan province has received a letter from self-described “Muslim warriors” possibly linked to Abu Sayyaf who are threatening him with harm if he does not convert to Islam or pay “Islamic taxes.” Further, authorities are seeking the return of three adults and two children, all Catholics, who were kidnapped in the same area this week.

Bishop Martin Jumoad
On July 19 Bishop Martin Jumoad of Isabela sent a copy of the threatening letter to Church-run Radio Veritas in Quezon City, UCA News reports. Bishop Jumoad told UCA News that a student at Claret College in Isabela was told to give the letter to the school secretary who could pass it along to the bishop.

The writers of the letter claimed to be “Muslim warriors” who “don't follow any laws other than the Qur'an.” They say the bishop should convert to Islam or pay the Islamic tax, called a “jizya,” to their group in exchange for protecting him “in the place of Muslims.”

If the bishop refuses, the letter threatened, “force, weapons or war may be used” against him. Citing bombings in other Philippines cities, the letter said he should not feel safe even if protected by soldiers.

Bishop Jumoad was given two mobile cell phone numbers and told he had fifteen days to respond. The letter bore the two names “Puruji Indama” and “Nur Hassan J. Kallitut,” both of whom were titled “Mujahiddin.”

The letter was accompanied by a letterhead in the local dialect that said “Al-Harakatul Islamiyya.” The bishop said he has seen the phrase “Al-Harakatul” in kidnapping incidents in Basilan involving the terrorist group Abu Sayyaf.

He also reported that other Catholics have said they are receiving threatening letters. “Bishop, we are disoriented and we cannot sleep. What is our reaction to this?" they have reportedly said.

On July 21 the Catholic Bishops Conference of the Philippines’’ CBCP News reported that three adults and two children who are members of a parish in Basilan had been kidnapped from a public jeep. Provincial administrator Talib A. Barahim on Tuesday told UCA News that no one has reported receiving a ransom demand.

Muslims who commit violence were rebuked at a joint conference between Catholic bishops and Muslim scholars on Monday in Manila, where Hamid Barra, the Muslim convener of the conference, underlined Islamic belief in the sacredness of life.

“It is God who gave life; he is the only one authorized to take life,” he said.

Barra, an Islamic law expert, explained that non-Muslims protected by an Islamic state are required to pay the jizya tax, which is used to support the needy, but no such payment is required in a non-Islamic state.
 
Pontifical council to focus on evangelization and secularization in Africa
Church News Agency
13:03 24/07/2008
Vatican City, Jul 22, 2008 / 10:59 am (CNA).- African members of the Pontifical Council for Culture as well as bishops in charge of the pastoral care for cultures will convene in Bagamoyo, Tanzania for a meeting on July 23-26 to discuss evangelization and the impact of secularization in Africa.

The meeting, convened by Archbishop Gianfranco Ravasi, president of the Pontifical Council for Culture, will focus on the theme: “Pastoral Prospects for the New Evangelization in the Context of Globalization and its Effects on African Cultures.” The meeting will form part of a series of initiatives designed to promote the “pastoral approach to culture in different parts of the world."

According to a release about the event, the council will look at how “the Church strives to promote the inculturation of the faith along with a new Christian humanism which will allow men and women in Africa to be fully African and fully Christian.”

The final talk, “The Church, Family of God, Responding to the Challenges posed by Globalization's Diffusion of Cultural Models Foreign to African Cultures,” will be led by Cardinal Polycarp Pengo, a member of the Pontifical Council for Culture and president of the Symposium of Episcopal Conferences of Africa and Madagascar.

The meeting will take place at the Catholic Cultural Center, “Bagamoyo,” which is run by the Spiritan Fathers in Tanzania. Bagamoyo was one of the major ports of the slave trade, where slaves were brought from Central and East Africa to be sent to the markets of Zanzibar.

"While choosing the theme," says the release, "the organizers have not overlooked the fact that secularization involves a modern form of slavery, neither less oppressive nor less damaging to the dignity of the human person.”

"The Church," the statement concluded, "is conscious of the fundamental cultural dimension of sustained development, indispensable for the future of the African continent. Therefore, particular weight will be given to the cultural values present in Africa which are at the service of the dignity of the human person."
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tham luận của Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam về ''Xã hội hoá giáo dục, y tế, từ thiện”
LM Vinh Sơn Phạm Trung Thành
09:39 24/07/2008
THAM LUẬN VỀ XÃ HỘI HOÁ GIÁO DỤC – Y TẾ – TỪ THIỆN

Ngày 24.07.2008

(Trình bày tại Hội nghị “Xã hội hoá giáo dục - y tế” do Ban Tôn Giáo Chính phủ tổ chức ngày 24.07.2008)

Kính thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay, trong khuôn khổ hội nghị bàn về xã hội hoá giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo, đại diện cho 280 linh mục tu sĩ DCCT đang phục vụ tại hơn 20 tỉnh thành ở 3 miền đất nước, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất: Xã hội hoá giáo dục - y tế là chủ trương đúng đắn. Quy luật phát triển của xã hội đòi hỏi phải xã hội hoá giáo dục. Trước đây các triều đại phong kiến, chế độ thực dân và các chế độ cộng hoà ở Việt Nam đều đã thực hiện điều này. Nhiều tổ chức tôn giáo đã mở trường và lập nhà thương. Bản thân DCCT chúng tôi trước đây cũng đã được các chính quyền cho mở trường và dạy học từ cấp mầm non đến cấp đại học. Nhiều cán bộ hiện nay từ cấp làng xã đến cấp trung ương đã từng học ở các trường Công giáo chúng tôi. Do đó, chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá giáo dục, y tế và từ thiện.

Thứ hai: Hiện nay ở Việt Nam nhiều cá nhân và tổ chức trong ngoài nước đã được phép mở trường học hoặc / và trung tâm dạy nghề và bệnh viện, trong khi ấy một chủ thể có kinh nghiệm giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khoẻ như Giáo hội Công giáo thì lại không. Không thể tiếp tục đối xử bất bình đẳng với các tôn giáo! Không thể tiếp tục gạt các tôn giáo ra bên lề xã hội và biến các tôn giáo thành “người ngoại quốc”, và thậm chí còn bị đối xử không bằng một người ngoại quốc, trên quê hương Việt Nam như thế ! Nếu chính quyền thực sự thương dân thương nước này, nếu chính quyền thực sự tôn trọng tự do tôn giáo, nếu chính quyền thực sự tôn trọng pháp luật, chính quyền phải để cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế, cụ thể là được mở trường và lập bệnh viện như những cá nhân và tổ chức khác.

Thứ ba: Yêu cầu cấp bách chính quyền công nhận các dòng tu, giáo xứ, giáo phận và Giáo hội Công giáo có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật như những tổ chức xã hội - chính trị khác, vì trên thực tế cho đến hiện nay các tổ chức uy tín này của Công giáo vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý trong các giao dịch dân sự: tài khoản ở ngân hàng không được lập, con dấu và chữ ký không được nhìn nhận, v.v...

Thứ bốn: Chúng tôi phản đối việc gắn liền tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế với việc cổ phần hoá các trường công và bệnh viện công. Vì như thế là tước mất cơ hội học tập và chữa bệnh của người nghèo. Cũng trong tiến trình xã hội hoá giáo dục, y tế, chúng tôi đề nghị giao quyền quản lý và điều hành các cơ sở giáo dục - y tế mà chính quyền đã mượn của các giáo xứ, các dòng tu, các giáo phận và Giáo hội Công giáo cho chính các tổ chức này. Các tổ chức này sẽ điều hành và quản lý theo quy định của luật pháp và sẽ dạy học sinh, sinh viên theo chương trình đào tạo quốc gia. Như thế, sẽ vừa giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, vừa tạo cơ hội cho nhiều người nghèo được học tập và chữa bệnh.

Nếu muốn xã hội hoá giáo dục - y tế, chúng tôi nghĩ chính quyền phải bắt đầu thực hiện những điều trên đây. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị biết được ý của Chúa Trời và hành động theo ý Chúa Trời. Vì “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” cho quý vị, cho con em chúng ta, cho chúng tôi và cho cả dân tộc Việt Nam và đất nước thân yêu này.

Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.
Kính chúc quý vị dồi dào sức khoẻ.

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành
Giám tỉnh DCCT Việt Nam
Đại diện báo cáo:
Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại
Thư ký - Chánh Văn phòng
 
Văn Hóa
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới
Vũ Văn An
20:13 24/07/2008
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Bạn Trẻ VN từ Bắc Âu tại Bringelly 13-07-08
Ngày Giới Trẻ Thế Giới mà hóa ra Tuần Giới Trẻ Thế Giới. Nhưng nếu kể cả những ngày cấp giáo phận nữa, thì đến hai tuần lận, chứ không phải một. Thực vậy, ngay Thứ Ba, mồng 8 tháng Bẩy, tôi đã ra phi trường Sydney để đón một linh mục Dòng Phanxicô, bạn người em họ, từ Huntington Beach, California, qua dự Đại Hội cấp giáo phận. Cụ không mua được vé máy bay đi Melbourne hay sao ấy, nên đã phải tới Sydney trước, để hôm sau, đáp máy bay Qantas xuống Tiểu Bang Vườn thăm gia đình một người quen, rồi từ đó, ngược lên phía Bắc, tới Brisbane, tham dự cuộc gặp mặt của gia đình giới trẻ Phanxicô thế giới. Chưa bao giờ biết mặt cụ, nên phải thủ sẵn một tấm carton viết tên cụ. Còn đang trố mắt tìm cụ ở đoàn người từ trong phòng đợi đi ra, thì cụ đọc được qúy danh, tự động tiến tới bắt tay. Xa hơn chừng 10 thước, đã nghe có tiếng đồng ca âm vang một bài hát đạo hân hoan tươi trẻ. Họ là lớp người đầu tiên đến Phi Trường này để nhập đoàn khổng lồ gần 2 trăm ngàn người hành hương WYD. Thực ra không cần họ phải lớn tiếng tư xưng mình là người hành hương như thế. Chỉ cần nhìn ba-lô của họ lủng lẳng đủ chiếu ngủ cùng ghi-ta trống phách cũng đủ thấy họ là người hành hương rồi. Nhưng xét cho cùng, đối với người đủ hai con mắt còn trông thấy như tôi, thì không cần, chứ đối với người không đủ hai con mắt còn trông thấy như tôi, thì đồng ca một bài hát đạo hân hoan vẫn là thượng sách để họ nhận ra: ngày hội đã bắt đầu.

Mà quả đã bắt đầu thật: ở Melbourne, ở Adelaide, ở Perth, ở Queensland, ở Tasmania… ở khắp nơi. Người Việt Nam là một trong những người có mặt rất sớm trên mảnh đất Terra Australis này. Bởi ngay từ ngày 2 tháng Bẩy, trưởng tràng ngày xưa của tôi tại Tiều Chủng Viện Phanxicô Xaviê Huyện Sĩ đã có mặt tại Melbourne. Chẳng bù cho hai vị cùng lớp khác đủng đỉnh mãi 17 tháng Bẩy mới rời Sài Gòn qua Sydney. Tám người anh chị em họ tôi từ Anaheim, Westminster, California, Austin Texas và Hawaii cũng đủng đỉnh qua ngày ấy. Họ lủng củng đủ thứ hành lý, có cả những thùng thuốc ân nghĩa sẽ được họ đem về Việt Nam phân phối sau những ngày Đại Hội, nên tôi phải huy động thêm hai chiếc xe ‘hơi lớn’ nữa trực chỉ Phi Trường mới đủ.

Phiền một điều, chiếc xe ‘pho huyn rai’ của anh con rể loại mới quá, chiếc thắng tay để ở chỗ nào tôi nhìn không ra, lúng túng cứ thế cho xe chạy, quên cả bẻ tay điều khiển xuống. Chiếc xe vì thế cứ long sòng sọc, kêu la inh ỏi. Không những không chịu tìm hiểu nguyên do, lại còn trách: xe mới gì mà lại dở thế này! Từ nhà đến Phi Trường Quốc Tế chỉ là 10 phút, cộng với 10 phút trở lui, xem ra chẳng dài, chẳng lâu gì cho lắm, nhưng cũng đủ để hệ thống thắng tay đi đời nhà ma.

Điều ấy xét cho cùng chưa phải là cao điểm trong ngày. Tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nói thêm về ngày 17 tháng Bẩy. Bây giờ xin được trở lại với ngày đầu của WYD 2008.

Bạn Trẻ WYD trên Đường Broadway 14-07-08
Ngày ấy tôi muốn được kể vào ngày đầu tuần, tức Thứ Hai, 14 tháng Bẩy, dù WYD chỉ chính thức khai mạc sau đó một ngày. Nói cho cùng, chẳng phải riêng tôi tính ngày 14 tháng Bẩy, mà cả thành phố Sydney đều tính ngày ấy làm ngày đầu tiên của WYD bởi khắp phố phường, đâu đâu, không khí ngày hội cũng đã bừng lên cả rồi, qua cờ xí biểu ngữ, qua tiếng hát lời ca, qua những chiếc ba-lô vàng đỏ, từng tốp từng tốp, ở ngã tư đường, ở quá ăn, ở bến xe búyt, ở ga xe lửa…ở phi trường, ở công viên, ở khách sạn, ở các truờng học, ở các hội quán giáo xứ, ở các tư gia.

Riêng tôi, phải tháp tùng cha Dòng Phanxicô lên Trung Tâm cấp phát thẻ có dán hình cho các linh mục đồng tế với Đức Giáo Hoàng vào ngày kết thúc Đại Hội. Phương tiện di chuyển ‘chắc ăn’ nhất để vào trung tâm Thành Phố trong những ngày này đương nhiên là xe lửa và xe búyt. Chúng tôi lấy xe lửa lên Ga Trung Ương, từ đó cuốc bộ ra đường Broadway, rẽ tay trái, băng qua Đại Học Kỹ Thuật UTS, để vào Chippendale. Ngoài kia, bạn chỉ thấy lác đác dăm ba nhóm hành hương, chứ vừa bước chân vào đường Grafton, bạn ‘giáp mặt’ với cả một rừng người. Họ là các giáo sĩ và thiện nguyện viên đến làm thẻ có dán hình, họ còn là khách hành hương bình thường đến lãnh ba-lô và thẻ tham dự WYD. Cha Dòng thân mến của tôi, vì mang theo lỉnh kỉnh đủ đồ tùy thân để sau đó còn tới
Nơi phát thẻ Đồng Tế 14-07-08
Walerley cùng sinh hoạt với các bạn cùng Dòng khác, nên ngại không muốn chen vào. Tôi phải liều mạng ‘mở đường máu’ tiến vào bên trong. ‘Hùng hùng hổ hổ’ hóa ra công cốc, khiến cha Dòng phá lên cười, dù sau đó, miệng méo xệch trở lại y như cũ: không phải ‘kiu’, mời anh đi chỗ khác. Mà chỗ khác là chỗ nào. Lại một màn ‘éec kiu dờ mi’hỏi han lung tung. Mồ hôi bắt đầu uớt cả áo, nhễ nhãi cả trán, cả đỉnh đầu ‘hết tóc’. Mãi mới tìm được ‘kiu’ tạm gọi là khả quan hơn. Ở đấy gặp được cụ Trưởng Tràng ngày xưa và một số linh mục từ Việt Nam qua. Ai nấy cứ lắc đầu nguầy nguậy chẳng thèm nói lời nào.

Nhớ lại mấy hôm trước, đứa con gái đầu tháp tùng hai linh mục khác, từ Việt Nam qua, tới Trung Tâm này. Nó khen: nhờ mấy ‘ma xơ’ ở đấy chỉ dẫn, nên làm cũng lẹ. Hỏi nó: lẹ ra sao, nó cười bảo: 3 tiếng! Cho nên tôi cũng đã có chuẩn bị tâm lý qua loa rồi. Tôi cũng bắt chước đường đi nước bước của con gái, nhỏ nhẹ hỏi một ‘ma xơ’. Bà ấy cũng nhỏ nhẹ cho hay phải đi lấy một mẫu ấn chỉ. Hỏi: ở đâu? Bà ấy bảo: Ở ngoài kia (?).Được cái bà ấy có cho xem hình thù mẫu ấn chỉ. Bèn nhớ lại lúc đứng phải ‘kiu’ không đúng, có trông thấy một xấp mẫu ấn chỉ ấy rồi. Bèn trở lui ra ngoài. Người phụ trách làm cho ngay một cuộc ‘phỏng vấn’: ông là ai, là thiện nguyện viên hay khách hành hương? Không, không phải thiện nguyện viên, tôi chỉ xin mẫu ấn chỉ để lấy thẻ đồng tế với Đức Giáo Hoàng. Thế ông có phải là khách hành hương hay không, nếu phải xin ra ngoài xếp hàng! Như không. May quá, gặp được một anh thiện nguyện viên với một xấp mẫu ấn chỉ giống y mẫu đã được ‘ma xơ’ tốt lành chỉ cho, bèn xin một tấm. Anh ta cũng ‘phỏng vấn’: ông có phải thiện nguyện viên hay không? Lần này thì đành nói dối cho xong việc: vâng đúng thế! Chạy vội vào bên trong, thì được cha Dòng cho hay: ‘kiu’ mình đang đứng không phải là ‘kiu’ tiến hành cứu xét (processing) phát thẻ, mà chỉ phát thẻ đã được tiến hành cứu xét rồi. Cha cho hay: họ bảo dù mình đã đăng ký và có gửi hình đầy đủ, vẫn phải điền mẫu ấn chỉ này, nạp vào ‘kiu’ khởi đầu ở ngoài kia (?), để họ vào ‘com-piu-tờ’ trước đã thì ở chỗ này (?) họ mới phát thẻ.

Lần hạt chờ thẻ đồng tế, 14-07-08
Trong khi cha Dòng điền mẫu đơn, tôi bèn hỏi một linh mục người Úc: cha đứng đây làm gì vậy? Ngài trả lời: chính tôi cũng không biết mình đứng đây làm gì. Họ bảo đến đây nạp mẫu ấn chỉ này thì đến đây thôi! Câu ấy làm tôi tỉnh người, vì ‘kiu’ này không đông như ‘kiu’ ở ngoài kia. Tôi vốn học về quản trị tại trường quản trị của lục quân Hoa Kỳ ở Rock Island, Illinois, năm 1973. Nên cứ thắc mắc mãi tại sao ở Trung Tâm này, họ lại không phân chia công việc thành nhiều bước liên tục khác nhau và cho ‘khách hàng’ biết chỗ nào bước một, chỗ nào bước hai để tránh cho những người dễ chẩy mồ hôi như tôi đừng có ướt áo giữa mùa đông lạnh buốt của Sydney?

Nhưng tôi quên mất điều này: đây đâu phải trung tâm quản trị và tôi đâu phải khách hàng, cũng chẳng phải du khách mà là người hành hương. Một lúc sau, cha Dòng cũng mỉm cười mà đi suốt được ‘kiu’ cứu xét. Vội chạy qua ‘kiu’ cấp phát. Nhưng rồi vì buồn ‘giải quyết bầu tâm sự’, ngài phải rời ‘kiu’, không kịp thông báo để tôi vào đứng thế. Rất may, một lúc sau, có người hô to Reverend John Nguyen, nhưng không ai nhận thẻ, tôi bèn nghển cổ nhìn vào, thấy đúng là dung nhan ngài, bèn cắm cổ đi tìm Cha. Hai cha con hớn hở kéo mấy chiếc túi đồ ra khỏi Trung Tâm mà thấy người sao mà nhẹ bẫng.

Trở lại Ga Trung Ướng để lấy xe lửa khác đi về phía Đông Thành Phố, băng qua Martin Place, Kingscross, Edgecliff tới Bondi Junction. Từ Bondi Junction lấy xe Bus 378 đi Waverley. Mà nào biết Nhà Thờ Immaculate Mary gần trạm xe búyt nào. Phải năn nỉ anh tài xế. Anh này hình như không thích WYD lắm, nên có vẻ khinh khỉnh, không nói gì. Tuy nhiên đến ngã tư Carrington và Victoria, thì anh ta làm hiệu cho mình đi xuống. Vừa đặt chân xuống đường, đã thấy ngọn tháp của một ngôi nhà thờ. Vững bụng băng qua đường tiến tới, quả là Nhà Thờ Immaculate Mary.

Trong lòng vẫn nghĩ anh em cùng Dòng chắc đãi nhau chẳng đến nỗi nào. Đâu ngờ nơi ‘tạm trú’ dành cho anh em cùng Dòng cũng vẫn chỉ là sàn có thảm, không giường không ‘chiếu’, trên đó, một cha, vừa từ Giêrusalem qua, đang co quắp vì lạnh! Thánh Phanxicô cũng phải mủi lòng. Nhưng lạy Chúa, xin cho con nhớ mình là khách hành hương, không phải du khách, như bài kinh tôi đọc trên đường từ Split tới Medjugorje năm 2005. Để cha Dòng ở lại với anh em ngài, tôi trở lại trạm xe buýt đón xe, tính ra ga Bondi Junction lấy xe lửa về ga Trung Ương. Nhưng chiếc 378 lại không vào Ga Bondi Junction, mà chạy thẳng về Ga Trung Ương, đường về vì thế cần nhiều giờ hơn đường tới. Được cái, nhờ thế có dịp đi qua phố Oxford nổi tiếng của khu Kingscross, một thứ Ngã Ba Chú Ía của Sài Gòn trước 1975! Tuy nhiên, không khí ngày hội WYD ở khu này cũng đã lấn át hết cái tanh hôi của xóm ăn chơi, ít nhất ở thái độ cư dân và cờ xí khắp ngả, cột đèn nào cũng có một lá đủ mầu, phần lớn mang danh NAIDOC, nếu không lầm thì là một tổ chức bênh vực quyền lợi Thổ Dân. Thành ra ngày đầu tiên, tuy không tham dự được cuộc rước Thánh Giá Đại Hội từ Manly băng qua trung tâm thành phố mà về Đại Học Sydney, nhưng mồ hôi và mệt mỏi cũng như cảm thức về người Thổ Dân ngay trong khu ăn chơi Kignscross, phần nào đã đền bù cho sự thiếu sót ấy.

(Còn tiếp)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hạt Giống Chiêm Niệm - The Seed of Contemplation
Lm. Trần Cao Tường
12:18 24/07/2008

Hạt Giống Chiêm Niệm - The Seed of Contemplation



Ảnh của Cao Tường

Mỗi phút giây và mỗi biến cố trong đời sống con người trên mặt đất đều gieo một điều gì vào tâm hồn mình...

Chính tình yêu Chúa nói với tôi qua những con chim bay và dòng suối chảy,

và ngay cả đàng sau sự ồn ào của thành phố,

Chúa cũng nói với tôi qua những phán quyết của Ngài,

và tất cả mọi sự đều do ý Chúa gửi đến cho tôi như những hạt giống.

(Thomas Merton, The Seed of Contemplation)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền