Ngày 23-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:15 23/07/2010
ĐỒNG TIỀN

N2T


Thời Trung Quốc cổ đại, hình dáng các đồng tiền có thể nói là mỗi loại mỗi khác, hình phẳng, hình vuông, hình tròn đều có, cho đến sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, mới đem đồng tiền thống nhất là ngoài tròn trong vuông.

Bởi vì đồng tiền đúc thành hình tròn, ở giữa khoét một lỗ vuông để khi đi đâu thì xâu lại thành một chuỗi đem đi rất là tiện lợi. Ngoài ra, khi đúc đồng tiền thì cũng có thể đem rất nhiều chuỗi đồng tiền móc trên cây gậy, tiện lợi cho thợ làm cái khuôn vòng tròn của đồng tiền.

Còn như gọi tiền tệ là đồng tiền thì do Lỗ Bao đời nhà Tấn, thời ấy người ta giễu cợt ông ta là người yêu tiền như mạng sống của mình, cho nên hình dung được tiền thì làm gì cũng được, và ông ta coi tiền như là huynh trưởng tôn kính yêu mến.

(Lỗ Bao tiền thần luận)

Suy tư:

Có rất nhiều cuộc tình tan vỡ vì giàu nghèo chênh lệch; có rất nhiều gia đình con cái bất hòa gây chia rẻ vì gia tài đồ sộ của cha mẹ; có rất nhiều cặp vợ chồng li dị vì lấy tiền làm tiêu chuẩn hạnh phúc...

Chúa Giê-su đã cảnh cáo: của cải ở đâu thì lòng dạ chúng ta ở đó. Lời cảnh cáo này mãi mãi vẫn còn giá trị cho chúng ta, bởi vì “người giàu có khó vào thiên đàng”...

Có một vài người Ki-tô hữu coi tiền như là cứu cánh của mình, cho nên họ chỉ đến nhà thờ khi làm ăn thất bại; có những người Ki-tô hữu vì tôn sùng đồng tiền như chúa của mình, cho nên ngay cả Thiên Chúa cũng chỉ là một ông thần cầu xin của họ khi gặp khốn khó mà thôi. ..

Tiền bạc là tên đầy tớ tốt của con người khi chúng ta biết cách sử dụng nó, là khí cụ hữu ích khi chúng ta biết coi nó là người bạn đường tốt của chúng ta mà thôi.

“Ai cầm gươm thì sẽ chết vì gươm”, cũng vậy ai coi tiền bạc là chúa của mình thì cũng sẽ bị tiền bạc làm cho chết trong lửa đời đời. Ai hiểu thì hiểu.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:17 23/07/2010
N2T


51. Chúa Giê-su Ki-tô giáo huấn các con, sự an ủi của Ngài con có thể chia sẻ bao nhiêu là do con theo đuổi gương sáng của Ngài, vì yêu Ngài mà vui lòng chịu sỉ nhục đau khổ

.
(Thánh Ignatius)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:20 23/07/2010
N2T


483. Rơi rụng là một thân tục khí, đọc sách là một trong những phương pháp tốt nhất.

 
Học và sống tinh thần cầu nguyện của Chúa
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:34 23/07/2010
Chúa Nhật XVII TN/C: Học và sống tinh thần cầu nguyện của Chúa

(St 18,20-32; Lc 11,1-13)

Một ngày kia Ðức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha, và có lẽ thái độ đầy thân tình và tin tưởng phó thác của Người khi cầu nguyện đã gây được một ấn tượng mạnh nơi các Tông đồ, nên khi Người vừa cầu nguyện xong, thì các ông đã thưa cùng Người: «Lạy Thầy, xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện!»

Hôm nay cùng với các Tông đồ, chúng ta hãy chạy đến cùng Chúa và thành khẩn xin Người: «Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết cầu nguyện!»

Chớ gì lời cầu nguyện của chúng ta là những thổ lộ tâm tình chân thành với Chúa, nhưng đồng thời cũng là con đường dẫn đưa chúng ta tới gần Người hơn, cũng như không làm chúng ta quên đi bất cứ nỗi thống khổ nào của anh chị em đồng loại của mình. Chớ gì lời cầu nguyện là lương thực thần linh nuôi dưỡng đức tin của chúng ta, nhưng đồng thời cũng mang lại cho chúng ta sự an bình giữa mọi truân chuyên của cuộc sống, chớ gì lời cầu nguyện của chúng ta cũng là nguồn ủi an nâng đỡ cho hết mọi người.

Trong nhiều trường hợp, Ðức Giêsu đã trả lời những câu hỏi người ta đặt ra cho Người, nhưng đồng thời Người cũng tránh né chúng. Quả vậy, người ta có thể nói được rằng hôm nay Ðức Giêsu đã không dạy chúng ta cầu nguyện, nhưng Người muốn giúp chúng ta tự kinh nghiệm lấy, là phải cầu nguyện ra sao. Vâng, Người không giải thích cầu nguyện là gì cả, Người chỉ nêu lên cho chúng ta một vài lời tượng trưng và Người tìm cách in sâu vào trong tâm khảm chúng ta tâm tình cầu nguyện. Ðúng vậy, nêu lên một vài lời và tiếp nhận tâm tình cầu nguyện, đó chính là câu trả lời của Ðức Giêsu, đó chính là điểm khởi đầu để mỗi người có thể học được cách thức cầu nguyện, nhưng nhất là tinh thần cầu nguyện.

Những lời mà Đức Giêsu dạy chúng ta phải nói lên khi cầu nguyện, tất cả chúng ta đều đã biết từ khi học giáo lý vỡ lòng. Ðó chính là những lời kinh tóm tắt toàn bộ các lời cầu nguyện trong Kinh Thánh - của người Do-thái cũng như của mọi Kitô hữu – và những lời cầu nguyện đó hầu như trùng hợp nhau từng chữ một. Ðó chính là «Kinh Lạy Cha»! Những lời trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta vừa nghe, là do thánh sử Luca ghi lại và ngắn hơn Kinh Lạy Cha chúng ta thường quen đọc. Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày, được Giáo Hội trích dẫn từ Phúc Âm thánh Mát-thêu. Tuy nhiên nội dung tổng quát của hai bài Tin Mừng về Kinh Lạy Cha hoàn toàn giống nhau.

«Khi cầu nguyện, các con hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên Trời…». Ðức Giêsu đã dạy chúng ta phải bắt đầu cầu nguyện cùng Thiên Chúa với tâm tình cha con như thế. Dĩ nhiên, Người đã không nói cho chúng ta biết rõ Thiên Chúa là ai cả; Người chỉ dạy một cách đơn giản là: «Các con hãy nói: Lạy Cha chúng con… ». Như thế, rất có thể là chúng ta nói với một Ðấng nào đó mà chúng ta không quen biết, nhưng Ðấng đó lại biết chúng ta và lắng nghe chúng ta. Ðó là chính Ðấng mà Ðức Giêsu đã nói: « Người là Thiên Chúa của Thầy và cũng là Thiên Chúa của các con…» (Ga 20,17).

Tiếp đến là hai ước nguyện: « Nguyện cho Danh Cha cả sáng » và « Nước Cha trị đến ». Hai ước nguyện này biểu lộ niềm mong ước sâu xa của chúng ta, đó là hiểu biết hoặc nhìn thấy được «Ðấng Hằng Hữu», Ðấng đã dựng nên chúng ta theo kế hoạch mà Người muốn thiết lập cho chúng ta, đó là: Công cuộc cứu độ của Nước Trời. Chúa Cha, Ðấng mà chúng ta thân thưa, chúng ta không biết Người, nên ước nguyện đầu tiên của chúng ta là được nhìn thấy Người, được chìm sâu vào trong sự tâm giao và tình nghĩa thiết của Người. Ðó chính là điều chúng ta khẩn khoản nài xin cùng Chúa Cha. Ðồng thời sự cầu nguyện cũng là phương tiện để chúng ta biến đổi chính mình, để chúng ta thực sự trở nên xứng đáng như Thiên Chúa hằng mong muốn.

Ở đây, chúng ta hãy nghe một câu truyện kể rằng: Lần kia có một chàng thanh niên tìm đến với một vị ẩn tu ở trên một ngọn núi cao. Khi gặp vị ẩn tu, chàng thanh niên quì gối xin: «Xin sư phụ dạy con cách cầu nguyện!» Bấy giờ vị ẩn tu nói: «Con hãy cầm cái rổ đầy bùn đất kia, đi xuống suối nước ở dưới chân núi kia và múc nước về cho ta đã, rồi ta sẽ dạy cho con cách cầu nguyện.» Nghe thế, chàng thanh niên bèn hí hửng cầm chiếc rổ xuống suối múc nước. Nhưng khi chàng leo lên đến đỉnh núi, thì chẳng còn một giọt nước nào trong rổ cả. Nhưng sau mỗi lần về đến nơi như thế, vị ẩn tu lại bảo chàng cứ xuống suối múc nước tiếp. Sau nhiều lần làm một công việc xem ra hoàn toàn vừa vô lý và vô ích như thế, chàng thanh niên bèn thành thật thưa vị ẩn tu: «Thưa sư phụ, ngài thấy đó, là cả buổi nay con đã làm một việc vô ích, vì có ai đi kín nước bằng rổ đâu. Con chẳng kín cho ngài được giọt nước nào cả.» Bấy giờ vị ẩn tu mỉm cười và ôn tồn bảo chàng thanh niên: «Con đã không hề làm một việc vô ích như con nghĩ đâu. Tuy con không múc được nước về cho ta, nhưng kìa con xem, cái rổ lấm bùn đất dơ bẩn trước kia nay đã sạch bóng. Sự cầu nguyện của chúng ta cũng thế: bề ngoài nhiều khi xem ra vô ích, không mang lại kết quả trông thấy nào cả; nhưng thực sự nó đã thanh luyện và thánh hóa tâm hồn chúng ta nên hoàn hảo!» Tiếp đến là ba ước nguyện khác, đó là: lương thực hằng ngày - ơn được tha thứ mọi tội lỗi - sự che chở phù trì của Chúa.

Khi mang nặng ước nguyện muốn được biết Thiên Chúa, Ðấng chúng ta đang thành tâm dâng lên tâm tình của mình, chúng ta đã nói lên sự mong muốn được hòa mình vào với công trình cứu độ của Người; tiếp đến, chúng ta xin Người ban cho những phương tiện cần thiết để thực hiện được ước nguyện và điều mong muốn đó.

Còn lương thực hằng ngày, trước hết là biểu tượng của năng lực để có thể thực hiện được công việc biến đổi chính mình và sự trung tín, do những ước nguyện trên nêu lên. Của ăn nuôi sống thân thể, của ăn Lời Chúa và Bánh Thánh Thể: Các Giáo Phụ đều cho rằng người tín hữu – một khi trọn cả cuộc sống đều tùy thuộc cả nơi Chúa – thì cũng phải cầu xin Người ban cho mọi lương thực cần thiết.

Sự tha thứ mọi nợ nần, tức mọi lỗi lầm chúng ta đã sai phạm, dĩ nhiên là một điều cần thiết. Nếu Nước Trời là sự tập hợp tất cả mọi người lại trong sự thân giao với Thiên Chúa, thì điều cần thiết là phải thể hiện được sư an bình và hòa giải giữa mỗi một người với Thiên Chúa, cũng như giữa tất cả mọi người với nhau. Ðó chính là sự an bình và hòa giải mà chúng ta cầu xin cùng Thiên Chúa trong Kinh Lạy Cha.

Sau cùng, chúng ta xin Thiên Chúa chớ để chúng ta sa chước cám dỗ, chớ để chúng ta sa ngã trước những thử thách trong cuộc sống. Mọi người đều biết được rằng bình thường tương lai sẽ không may mắn và dễ dàng hơn quá khứ; mà quá khứ thì đã rõ là chúng ta không tránh được bao lầm lỗi và bao thiếu sót. Do đó, chúng ta xin Thiên Chúa cho chúng ta biết giữ gìn và làm chủ được chính mình, chứ không phí phạm những năng lực của mình vào trong những mời mọc và quyến rũ nguy hiểm của tội lỗi.

Trong ba lời ước nguyện này, chúng ta khám phá ra điểm đặc biệt của lời kinh là làm cho Thiên Chúa lắng nghe theo sự mong muốn và hoàn cảnh cụ thể của chúng ta. Ðó cũng là điều đã được biểu lộ trong lời kinh của Tổ phụ Áp-ra-ham như chúng ta vừa nghe trong bài Sách Thánh Cựu Ước. Trong một cuộc đối thoại kỳ diệu giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham, một cuộc đối thoại đầy tâm tình thờ lạy, sự thân thiện, sự hiền dịu và sự táo bạo, được xen lẫn nhau một cách tuyệt vời, Áp-ra-ham đã can thiệp cùng Thiên Chúa để Người không tiêu diệt hai thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra, đúng theo tội lỗi của dân cư hai thành đó gây ra.

Qua các lời Ðức Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha, chúng ta khám phá ra được hai khía cạnh tương phản nhau và đồng thời cũng là hai khía cạnh chính yếu của lời kinh được mặc khải trong Thánh Kinh, đó là: Chính chúng ta phải làm cho mình biết vâng theo điều Thiên Chúa muốn và đồng thời cũng làm cho Thiên Chúa chiều theo điều chúng ta muốn.

Ðó chính là sự mặc khải về một mầu nhiệm, nên không hiển nhiên và minh bạch, nhưng lại sống động và tốt lành; trong đó lời khẩn cầu và sự ban tặng không, lời ca ngợi và sự bần cùng, sự vâng phục và sự tự do, đều hòa hợp khăng khít với nhau.

Ðức Giêsu biết rõ đó là điều khó khăn và chỉ một mình Thần Khí Thiên Chúa mới thực hiện được nơi mỗi người. Cũng vậy, sau khi dạy cho chúng ta những lời cầu nguyện mà có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ nói lên cho đủ được, bởi vì đó là những lời mang lại sự sống, Ðức Giêsu khích lệ chúng ta hãy luôn nhắc lại không ngừng. Ðể thực hiện được điều đó, Người đã kể một câu chuyện, đưa ra những khẩu hiệu và so sánh với tình cha nhân hậu của loài người.

Qua đó, Ðức Giêsu muốn động viên tất cả mọi người hãy luôn biết can đảm tin tưởng, phó thác và bền tâm trong khi cầu nguyện, chứ đừng bao giờ bất nhẫn và chán nản! Ai lại có thể từ chối giúp đỡ một người bạn thân của mình, khi người này bất chợt có khách đến thăm mà lại không có đủ điều kiện để tiếp ? Hay có người cha nào lại nỡ từ chối lời kêu xin chính đáng của con cái mình?

Chính khi chúng ta kiên tâm bền chí trong lúc cầu nguyện, chúng ta đã thực hiện được chính điều chung ta đang nắm giữ, đó là khám phá ra và sống mầu nhiệm cầu nguyện.

Tiếp đến, là một điều xúc phạm đến Thiên Chúa, khi chúng ta cho rằng tình thương và lòng nhân hậu của Người kém thực dụng và kém hiệu quả hơn tình thương và lòng nhân hậu của chúng ta đối với con cái mình! Nếu chúng ta biết cho con cái ăn khi chúng nó đói, thì Thiên Chúa cũng không bao giờ từ chối ban Thần Khí của Người cho những người mong muốn nhờ Thần Khí để chìm sâu vào mầu nhiệm của sự cầu nguyện.

Sau cùng, như chúng ta đã xin cùng Thiên Chúa: « Xin Chúa dạy cho chúng con biết cầu nguyện ». Trước hết, câu trả lời của Người chắc chắn sẽ làm chúng ta thất vọng; tiếp đến, sau khi đã làm cho sự phong phú của Người phát triển lên trong chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra được rằng Người đã thực hiện nhiều bội phần, chứ không chỉ thông ban cho chúng ta sự hiểu biết về lời kinh. Ðức Giêsu đã cho chúng ta được nếm thử sự ngọt ngào êm ái khi thưa lên cùng Thiên Chúa: «Lạy Cha chúng con ở trên Trời… !» Nếu chúng ta chấp nhận để cho những lời cầu nguyện đó và tâm tình được gói ghém trong những lời đó uốn nắn mình, thì bấy giờ lời cầu nguyện sẽ mỗi ngày một trở nên sống động và cần thiết. Và có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ diễn tả đầy đủ được về lời kinh của Chúa, nhưng chúng ta sẽ thực hiện được lời kinh đó trong cuộc sống thực tế của mình hơn !
 
Khôn chọn nước Trời, dại chọn hỏa ngục
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:05 23/07/2010
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 12, 13-21

Đọc Tin Mừng Chúa nhật 18 thường niên, năm C và hai bài đọc Chúa nhật này, chúng ta như bị cuốn hút vào câu chuyện xem ra rất dí dỏm nhưng cũng đầy bi hài bởi vì ai khôn thì sống ai dại thì chết. Đó là cái thường tình của con người, của loài người. Tin Mừng và hai bài đọc Chúa nhật hôm nay nhằm loan báo cho mỗi người, cho chúng ta sứ điệp của Chúa Giêsu: ” Hãy dùng của cải Chúa ban ở đời này mà giàu trước mặt Thiên Chúa “.

Thường con người sinh ra và lớn lên ở trần thế này, luôn ước mong cho mình được giàu sang phú quí, mà nếu không thể sang giàu thì ít nhất cũng phải có của ăn của để. Đây là mong ước chính đáng của con người. Của cải quí hóa thực và cần thiết thực nhưng con người đâu phải chỉ thuần nhất có của cải, vật chất. Của cải đâu là cứu cánh của con người. Lý luận và suy nghĩ ấy, quả rất phù hợp với những người có lòng tin. Bởi vì, người có đức tin là người: ” tìm Nước Thiên Chúa trước, còn những sự khác Ngài sẽ ban cho “.

Con người nằm trong bàn tay của Chúa và dưới sự quan phòng, che chở của Ngài. Những dụ ngôn, ví dụ như con chim sẻ, hoa huệ ngoài đồng, sợi tóc trên đầu là những bằng chứng về sự quan phòng của Chúa. Đồng tiền, của cải, giầu có quí thật vì tất cả đều do Thiên Chúa quan phòng, ban cho. Tuy nhiên, ham tiền ham của đến nỗi không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm của mình thì thật là ngu đần giống như người ngu xây nhà trên cát. Vâng, trước mặt Thiên Chúa, Đấng vô cùng quyền năng và thánh thiện, con người chỉ là thụ tạo nghèo hèn, khốn khổ mà thôi. Nên, dù con người có xây được biết bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ở biết bao ngân hàng, bao nhiêu công ty, bao nhiêu cửa tiệm, trước mặt Thiên Chúa tất cả chỉ là con số không.

Con người chỉ có thể làm giàu trước mặt Thiên Chúa khi họ biết chia sẻ, biết cảm thông và quảng đại với những người nghèo, những kẻ khốn cùng, nhỏ bé, những kẻ tay trắng, tay không trước mặt Thiên Chúa. Lời Chúa phán trong Lc 12, 33 thật đanh thép, rõ ràng và khẩn trương: ” Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ hư nát, một kho tàng không thể hụt hao ở trên trời, nơi trộm cắp không thể lui tới, mối mọt cũng không thể đục khoét được “.

Người khôn là người biết tích trữ của cải thiêng liêng, kho tàng thiêng liêng không thể mất mát, không sợ trộm cướp lấy mất.Thực tế, người nghèo là kẻ bị bóc lột và người giàu như được Chúa Giêsu nói tới trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người quản lý tệ hại đã đánh cắp phần ăn của người nghèo. Cái trớ trêu là ông đã ích kỷ, ham ăn đến nỗi không để rơi một miểng bán vụn xuống bàn, chỉ có con chó đến liếm những chỗ ghẻ lở của người ăn xin…Đó là bi kịch của đời người. Chúa đã dùng ngôn từ” Đồ dại “.

Đồ dại là người không hiểu đời sống có hai phần: phần xác và tâm linh. Cuộc sống của con người sẽ chấm dứt khi họ nhắm mắt xuôi tay và không thể đem theo được bất cứ sự gì:” Đó là điều xẩy đến với kẻ thu tích của cải cho mình thay vì làm giàu trước nhan Thiên Chúa “. Kinh Thánh cho chúng ta hiểu rõ ngôn từ “Dại khờ “ chính là kẻ lãng quên Thiên Chúa.

Thiên Chúa trao ban cho con người vốn liếng, người hai nén, người ba, người năm nén,người một nén,con người phải làm lợi cho Thiên Chúa. Nếu lười biếng, ích kỷ đem chôn dấu nén bạc Chúa trao, người đó sẽ bị Chúa lấy hết để trao cho người khác…Chúa thật công bằng. Con người phải hiểu, phải có tấm lòng đạo đức, thánh thiện mới biết thật sự chia sẻ là quan trọng thế nào ? Con người sẽ chẳng giữ được gì, đem theo đi được gì những của cải, sự giàu sang phú quí mà mình đã gầy dựng. Hãy nhớ lời Chúa dạy: ” Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?”( Lc 12, 20 ).

Lạy Chúa, Chúa đã trao ban cho chúng con của cải trần gian để nuôi sống chúng con, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sẵn sàng chia sẻ của cải cho những kẻ khó nghèo, túng cực. Amen.
 
Tấm Lòng Cha
Lm Vũđình Tường
07:19 23/07/2010
Đức Kitô nhận mình là con Thiên Chúa bị những người đương thời kết tội phạm sự thánh. Ngài tiến thêm bước nữa gọi Thiên Chúa là Cha. Người ta lấy đá ném Ngài.

‘Chúng tôi ném đá ông, không phải vì việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa’ Gioan 10,32

Đức Kitô dậy các tông đồ cầu nguyện cùng Chúa Cha. Ngài không phải là người cha trần thế, tầm thường, mà là Cha vũ trụ bao la, Cha đất trời. Đây là một hồng ân đặc biệt Đức Kitô dành riêng cho các Kitô hữu. Kitô hữu cần trân trọng đón nhận, hãnh diện và không ngớt lời tạ ơn. Hồng ân trọng đại mặc khải cho biết Kitô hữu là con Thiên Chúa, chung một Cha trên trời.

Chúng ta trở thành anh chị em trong Đức Kitô, đại gia đình Thiên Chúa.

Tâm sự với Cha

Tâm sự với Cha hiểu theo nghĩa đơn giản là thân thương gọi lên hai tiếng Cha ơi. Gọi với tất cả tâm tình trìu mến, kính trọng được coi là lời cầu đơn sơ nhưng chân thành, phát xuất từ con tim yêu mến. Sau nhiều lần kêu lên ‘Cha ơi’ chúng ta lần mò tìm hiểu thêm về người Cha, tình Cha và ngay cả ước mơ của Cha. Ước mơ của Cha được Đức Kitô mặc khải trong Kinh Lậy Cha. Cha ước mơ

  • Các con hãnh diện về cha mình. Làm cho Danh Thánh Cha vinh hiển
  • Các con sống hạnh phúc, không đau khổ lo cơm bánh hàng ngày.
  • Các con sống yêu thương, đùm bọc, tha thứ.
  • Các con sống thánh thiện, tránh làm nô lệ cho dục vọng, tội lỗi.


Cha thực hiện ước mơ bằng cách sai Con một mình là Đức Kitô xuống thế thực hiện thành công điều Cha mơ ước. Kitô hữu thực hiện ước mơ Cha bằng cách lắng nghe, sống, thực hành điều Đức Kitô dậy.

Nhu cầu tâm linh

Trẻ em thường thắc mắc, gặp gì, trông gì cũng hỏi. Nhiều câu xem ra ngớ ngẩn nhưng quan trọng đối với các em. Câu trả lời của cha mẹ giúp các em biết thêm về tình thương đời sống xã hội và đời sống đức tin. Trong số câu các em hỏi có câu vượt quá tầm hiểu biết của cha mẹ. Lại cũng có câu trả lời vượt quá trí hiểu của các em. Trường dậy thành công nhất là trường gia đình. Gia đình là trường đầu tiên dậy về cuộc sống và đức tin.

Kitô hữu cần thắc mắc, tâm sự, học hỏi tìm hiểu, biết thêm về Cha mình. Đây không phải là ước muốn, í thích hay thói quen tốt. Đây là là nhu cầu tâm linh cần có giữa Cha con. Thiếu đối thoại con hiểu lầm Cha. Khi hiểu lầm xảy ra cả Cha lẫn con đều đau khổ. Cha đau khổ nhiều hơn con mặc dù lỗi ở con vì không chịu tìm hiểu, học hỏi về Cha mình. Cha giãi bày tâm sự, thổ lộ tình Cha, sai Con Ngài là Đức Kitô. Để Con một Ngài hiến thân trên thập tự tỏ bày tình yêu, nỗi lòng cho con hiểu. Dẫu thế con vẫn từ chối chấp nhận, từ chối học hỏi, từ chối tin. Hiểu lầm dẫn đến coi thường, chỉ trích rồi chối bỏ tình Cha. Người con nào thường ngày đối thoại sẽ trưởng thành, nhận biết lòng Cha từ ái, vô biên. Dò lòng người trần thế đã khó. Hiểu lòng Cha ngự trên trời khó hơn vạn dặm. Thiếu tâm sự, thắc mắc, tìm hiểu sẽ không biết Cha là ai. Đức Kitô thường tâm sự với Cha Ngài. Lần cuối cùng trên thập giá trước khi trút hơi thở cuối cùng. Trên vườn Cây Dầu Chúa nhắc các môn đệ cầu nguyện để tâm linh được trong sáng, thắng được xác thịt và thế gian.

Người con ngoan

Người con ngoan nên học từ Đức Kitô. Ngài là khuôn mẫu của người con ngoan. Người con ngoan thường xuyên, tâm sự, cầu nguyện nhiều lần với Cha trong ngày. Người con ngoan không cậy vào sức riêng nhưng cậy vào ơn Cha, xin ơn khôn ngoan khi làm quyết định quan trọng. Xin cho ý Cha được thể hiện, không phải ý Con mà là ý Cha.

Học từ Đức Kitô, người con ngoan

  • Xin ơn khôn ngoan biết chọn lựa sống theo ý Cha.
  • Xin Cha ban thêm đức tin khi gặp gian nan, khốn khó. Tránh tin tà ma, đồng cốt. Sống phó thác cho tình thương Cha.
  • Xin ơn sức mạnh chống chước cám dỗ. Cám dỗ đôi khi không tránh né; trái lại âm thầm, lén lút, tìm cách bước vào. Làm ngược với lời kinh. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.
  • Xin đức tin vững mạnh, để kiên tâm, kiên trì, trong lời cầu.


Là cha mẹ chúng ta lo cho con cái, biết nhu cầu của chúng và muốn chúng sống hạnh phúc. Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu cũng lo lắng cho nhu cầu cần thiết của ta và muốn ta sống hạnh phúc, yêu thương nhau. Một khi con người biết yêu thương đồng loại, mọi đau khổ sẽ biến mất. Vì thế nhu cầu xin cho mọi người tin thật vào Thiên Chúa là nhu cầu khẩn thiết nhất hiện nay.

Ngày nay số Kitô hữu có danh nhiều hơn số thực sự sống đời sống chứng nhân. Nhu cầu xin cho mọi Kitô hữu biết sống đời chứng nhân là xin cho nước Cha trị đến trong lòng mọi người. Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ý Cha được thể hiện trên trời qua việc trở về của Đức Kitô, ngày lễ Chúa Thăng Thiên. Nơi trần thế ý Cha còn gặp nhiều khó khăn. Bè phái, phe nhóm tôn giáo cùng tin vào Đức Kitô, chỉ trích, chống đối nhau. Vẫn còn nhiều chọn lựa, bào chữa cho công việc, ý riêng của phe nhóm, chủ thuyết. Ý Cha chưa được thể hiện trọn vẹn ngay cả nơi đời sống các Kitô hữu. Danh Chúa đã không cả sáng còn bị lợi dụng cho ý định riêng tư. Nhân Danh Chúa làm việc sai trái, mưu cầu ích lợi riêng, thoả mãn tham vọng và ý muốn riêng. Tất cả những sự dữ trên xảy đến bởi thiếu tâm sự, cầu nguyện cùng Cha. Người con nào từ chối tình yêu Cha sẽ lún sâu trong vực thẳm, hố ngăn cách, cộng thêm đau khổ do các cám dỗ trần thế gây nên.
 
Xin thì sẽ được
Mic. Cao danh Viện
08:21 23/07/2010
XIN THÌ SẼ ĐƯỢC

Khiêm cung khẩn nguyện với trời cao
Trí tịnh tâm yêu mến dạt dào
Vinh phúc trao dâng lời tán tạ
Đơn hèn đón nhận ý thanh cao
Niềm tin phó thác trong một Chúa
Đức cậy kiên trung giữa ba đào
Chúa dạy con xin thì sẽ được
An tâm xác tín Chúa ban trao

TÌM THÌ SẼ GẶP

Hành hương một kiếp giữa nhân sinh
Hướng đến cố hương nhớ bạn tình
Loáng thoáng mắt nhìn chưa tỏ lối
Liêu xiêu chân bước dã chong chênh
Chân run gối mõi mình tìm Chúa
Mắt ngóng tay giăng Chúa đợi mình
Chúa dạy rằng ai tìm sẽ gặp
Con tìm gặp Chúa cõi trường sinh

GÕ SẼ MỞ CHO

Run run nhẹ gõ cửa thiên đàng
Cửa kín then cài, kín lối ngang
Lạc lối tay vin bờ ngực thánh
Âm trầm trí nhớ cõi xa hoang
Bâng khuâng con gõ vài ba nhịp
Lắng đọng Chúa cho mấy vạn lần
Cánh cửa tình yêu là Ý Chúa
Đưa tay con gõ nhịp bình an.
 
Lậy Cha!
Tuyết Mai
08:35 23/07/2010
Quả cái tiếng Lậy Cha trên môi trên miệng của chúng ta được thốt lên nghe vừa tha thiết, gần gũi, và khẩn cầu làm sao ấy!?. Đối với người cha sinh thành của chúng ta cũng thế, khi mà đứa con ngỗ nghịch đã không nghe lời cha của mình, bỏ nhà ra đi một thời gian, nay quay trở về ăn năn thống hối, quỳ xuống mà lậy cha mình, mong ông đừng đuổi mình đi mà hãy thương xót, mong cho được xót thương như người làm của ông là được hạnh phúc và sung sướng lắm rồi!. Nhưng ngoài sức tưởng tượng của người con mong mỏi, người cha đã ra lệnh cho tất cả gia nhân trong nhà làm tiệc đãi người con yêu quý của ông, đã chết nay được sống lại, đã mất nay lại tìm gặp.

Thế mà một Đức Chúa Trời đầy quyền năng. Ngài quyền năng trên mọi quyền năng, chỉ có Ngài duy nhất cai trị mọi tạo vật trên Trời và cả dưới đất, đã cho phép nhân loại gọi Ngài là Cha. Thật hạnh phúc cho nhân loại tội lỗi của chúng ta thay!. Không gì bằng khi tất cả chúng ta được làm con cái của Ngài và được Ngài thương yêu rất mực. Còn tình yêu nào có thể so sánh cho bằng? Tình Ngài thật diệu vợi thật vô biên vô tận. Ngài đã ban cho nhân loại tất cả những gì cho cuộc sống ngày lại ngày của chúng ta từ dưỡng khí để thở, nước để uống và để dùng, mọi động vật, trái cây, và rau xanh tốt tươi để nuôi sống con người, cùng hoa cỏ đồng nội cũng mang lại cho chúng ta sự sảng khoái và thư giãn khi ngắm chúng. Trời khi nắng khi mưa là để cho mọi loài cùng được tưới gội những ơn lành Chúa ban và chúc phúc.

Không gì hạnh phúc và tự tin cho bằng khi chúng ta được cầu nguyện cùng Chúa Cha chúng ta ở Trên Trời. Nhất là khi chúng ta bắt đầu làm dấu Thánh Giá, hình như đó là số điện thoại có mã số đặc biệt linh thiêng để link chúng ta với Ngài thì phải!?. Thật sự không hiểu anh chị em thì sao khi có những thắc mắc, vấn đề nan giải rất riêng tư, rất khó không biết phải hỏi ai, và ngay cả người cha sinh thành ra chúng ta cũng vậy!. Nhưng đối với người Cha trên Trời của chúng ta, hình như không thiếu một vấn đề gì mà chúng ta muốn bỏ qua mà không đem ra hết để xin Ngài giúp đỡ, bênh vực, chở che, và ban cho. Đối với người cha trần thế, ông có thể giúp nhiều bằng cách nghe, giải thích, khuyên lơn, cho ý kiến vì ông đã có nhiều kinh nghiệm, một ít tiền bạc làm vốn, v.v.v.... và đó là tất cả những gì ông có thể cho con của mình, vì ông cũng chỉ có thể giúp trong giới hạn của ông mà thôi! Nhưng đối với Cha chúng ta ở trên Trời thì Ngài liền dành thời giờ bỏ ra để nghe, đáp trả, lo liệu, và ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đang có nhu cầu và cần thiết. Nhưng điều tối cần là chúng ta phải biết nhẫn nại và chờ đợi. Có những thứ Ngài sẽ ban cho chúng ta liền tức thời, nhưng có rất nhiều thứ và nhiều điều chúng ta không nhận được ngay, vì những thứ chúng ta cầu xin Ngài mà không lường được hậu quả! Nên Ngài sẽ không bao giờ ban cho chúng ta đâu! Quan trọng là khi xin chúng ta phải hiểu điều chúng ta xin thì mới được, chứ không vòi vĩnh như một đứa trẻ con nhà giầu là muốn gì thì được ngay, nhất là đừng xem Ngài là cái máy copy tiền của chúng ta. Vì nếu như thế thì chúng ta sẽ thất bại ê chề vì Đức Tin của chúng ta chưa được trưởng thành và sống thiếu trách nhiệm.

Đến với Chúa Cha, như đến với người Cha thân thiết vì Ngài hiểu trong tận cùng trí óc, con tim, và tấm lòng của chúng ta. Có gì trong chúng ta mà Ngài không biết chứ!? Thế cho nên đến với Chúa Cha chúng ta phải trải cả tấm lòng và phơi bày mọi thành thật thành khẩn của mình, để sẽ được nhận tất cả Ơn lành Chúa sẽ ban cho. Kinh nghiệm cho tôi nghiệm thấy rằng, có những điều chúng ta cứ tưởng rằng rất cần thiết trên cuộc đời tạm bợ này, nhưng đối với Chúa đó là cái họa nếu Chúa Cha chìu lòng chúng ta, y như cha mẹ giầu trần thế thương yêu con mình có nghĩa là cho con tất cả những gì chúng muốn, nhưng nó vẫn thiếu thốn và cần là tình thương yêu của cha mẹ chúng, mà họ đâu có hiểu!?.

Cha mẹ trần thế thì xin lỗi làm sao ai giầu bằng cái giầu của Chúa Cha chúng ta trên trời. Vì Cha trên Trời của chúng ta là Chúa trên các Chúa mà! Nên Ngài ban cho chúng ta những gì cần thiết mà thôi! Cần nhất là linh hồn sống đời của chúng ta. Anh chị em thử tưởng tượng xem nếu Ngài ban cho chúng ta tất cả! Cả tài sản kếch xù, danh vọng, quyền hành, thì chúng ta ai còn nhớ đến Chúa nữa chứ!?. Cho nên Chúa Giêsu đã dậy cho tất cả chúng ta Kinh Lậy Cha chúng con ở trên Trời, là vậy! Để thứ nhất là nhân loại phải biết thờ phượng Một Thiên Chúa đầy quyền năng. Thứ hai là xin cho chúng con lương thực hằng ngày dùng đủ. Thứ ba là tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, còn nếu chúng con không tha nợ cho anh chị em thì nợ của chúng con Chúa cũng không tha cho. Thứ bốn là xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ mà cám dỗ thế trần thì nhiều thứ lắm! Để bị cám dỗ thì ngày về Thiên Đàng thật khó người ơi! Và sau cùng là xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Ai làm con người thì đều rất phải sợ những sự dữ xẩy đến cho mình mà nói nôm na là gặp những cái xui xẻo ấy mà!.

Xin cho Kinh Lậy Cha là lá bùa giúp chúng ta luôn link với Cha chúng ta ở trên Trời. Kinh được tóm gọn tất cả những gì mà Cha muốn chúng ta học thuộc, để linh hồn của chúng ta được đảm bảo, sống thờ phượng Chúa và đối xử tốt lành cùng anh chị em. Amen.
 
Suy niệm Kinh Lạy Cha
Dominic Diệp Hải Dung
08:40 23/07/2010
Bất cứ người Công Giáo nào cũng đều biết Kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu dạy cho các Tông Đồ và các Ngài truyền dạy cho chúng ta để cầu nguyện. Chúa phán: Khi cầu nguyện, các con đừng kể lể như thói người ngoại giáo. Họ nghĩ rằng cần phải nhiều lời mới được chấp nhận. Nhưng các con chớ bắt chước họ, vì Cha các con đã biết trước các con cần gì trước khi các con cầu xin.. (Mt. 6: 7-8)

Ý Chúa muốn dạy: Người ngoại giáo chỉ nghĩ đến hình thức bên ngoài thôi. Họ lầm tưởng phải nói nhiều mới được việc, nói nhiều dường như một nguyên nhân sinh công hiệu. Nhưng các con đừng lầm tưởng thế. Cầu nguyện tệ hại nhất là ở lòng thành thật và tin cậy kính mến. Những tâm tình này sâu xa nồng nhiệt, Lời Kinh càng dễ được chấp nhận. Vậy khi cầu nguyện các con hãy tận tình tín nhiệm phó thác vào Cha của các con. Đấng ngự trên trời đã biết trước mọi sự.

Chúa biết khi cầu nguyện, người ta thường hay xin ơn nọ ơn kia và rất ít nghĩ đến vinh danh và công việc của Chúa. Xin ơn, đành là một điều tốt thật, nhưng nó cũng có tính cách vị kỷ làm cho người ta dần dần chỉ nghĩ đến mình và không lo đến việc của Chúa. Đó là một thái độ thiếu cao thượng và ít đẹp đẽ. Vì thế Chúa lại dạy các Tông Đồ một thể thức cầu nguyện, một thể thức rất ý nghĩa, nâng linh hồn lên cao, để người ta nghĩ đến Chúa trước rồi trình bày những nhu cầu sau. Lạy Cha chúng con ở trên Trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời….. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ Amen.

Theo Cha Giuse Lâm Quang Trọng Giáo sư Thần Học thì Kinh Lạy Cha có 2 điều căn bản:

Phải xin cho Thánh danh Thiên Chúa được thiên hạ nhận biết mến yêu và phụng sự, phải xin cho Nước Cha tức là Uy quyền của Chúa hay là Giáo Hội Ngài thành lập được lan rộng khắp nơi., được thống trị trong cả thế giới nhất là trong các linh hồn; phải xin cho thánh ý Cha được mọi người ở dưới đất tuân phục cách hoàn hảo cũng như các Thánh ở trên trời hằng tuân phục.

Thứ hai: Sau khi hướng tâm hồn về Chúa, người ta có thể xin ơn nọ ơn kia cho mình theo thứ tự như sau: Xin cho được đủ của để nuôi mình hằng ngày; xin Chúa tha nợ tội lỗi, cái nợ tội lỗi đã làm phiền lòng Chúa; xin Chúa cứu khỏi những chước cám dỗ bất kỳ bởi đâu và cả những sự dữ, những tai ương ở trần gian nữa.

Hai chiều hướng trên đây phải luôn luôn được dinh dưỡng bằng những tâm tình tin cậy yêu mến của người con đối với người Cha. Nên người cầu nguyện phải coi Thiên Chúa là Cha, một người Cha trên hết các người Cha. Vì thế để làm sống lại những tâm tình đó, mỗi người khi cầu nguyện, người ta phải kính cẩn và vui mừng đọc lên những lời kinh rất ý nghĩa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.......”

Ngoài hai điều kiện rất cần cho việc cầu nguyện như đã nói trên, lại còn một điều khẩn thiết nữa, ấy là phải kiên tâm nhẫn nại và chờ đợi, đừng có nản lòng, đừng có nóng nảy bắt Chúa phải nhận lời ngay…

Khi cầu nguyện với Kinh Lậy Cha, là chúng phải tự vấn là có hướng hết tâm hồn về Chúa để chúc tụng vinh danh Chúa không ? Hay chỉ là đọc cho suông sẻ ? Cái khó nhất là câu kế tiếp, mình xin Chúa tha nợ cho mình, nhưng mình có sẵn sàng tha nợ cho người khác hay không ? Chữ nợ ở đây có nhiều ý nghĩa, nhưng nghĩa chính mà Chúa muốn nói đến là tội lỗi. Xin Chúa tha tội cho mình mà mình không tha thứ cho người khác thì đọc hàng ngàn hàng vạn Kinh Lạy Cha cũng chẳng được ơn ích gì !

Kinh Lạy Cha chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu thôi, nhưng rất là tuyệt mỹ bao hàm hết tất cả tinh túy của sự khôn ngoan trong vũ trụ. Chúng ta đọc mà tâm hồn hướng dâng về Chúa suy niệm Lời Kinh và thực hành theo đúng Lời Kinh thì rất là lợi ích giá trị, Chúa muốn chúng ta đến với Chúa bằng tâm hồn và trí khôn, chứ Chúa không muốn chúng ta đến với bằng những lời đọc suông hàng ngày chiếu lệ.
 
Nét đẹp Lời cầu xin
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:51 23/07/2010
Chúa Nhật XVII Thường niên C

Một thực tế trong đời Kitô hữu đó là hễ cầu nguyện thì không thể không cầu xin. Hễ nói đến cầu nguyện là người ta nghĩ ngay đến những ơn cần cầu xin. Có lẽ vì cuộc sống con người lắm gian truân và đầy dẫy những bất an, gian khổ, bên cạnh đó thì khát vọng cũng như nhu cầu của con người thì dường như vô tận. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ một chút thì việc cầu xin cũng là một cách thế cầu nguyện mang tính hiện sinh. Dù rằng theo cái nhìn tu đức truyền thống thì khi cầu nguyện, việc cầu xin xem ra không bằng việc tạ ơn, ngợi khen hay chúc tụng Thiên Chúa.

Lần kia một môn đệ nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông.” Và Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển…; xin tha tội cho chúng con…” (x.Lc 11,1-4). Tin mừng Matthêu cũng tường thuật việc Chúa Giêsu dạy cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” bằng những lời cầu xin (x.Mt 6,9-13). Qua những lời cầu xin chúng ta nhận ra một vài tâm tình vừa chính đáng vừa phải đạo và cũng vừa rất “dễ thương” như sau:

1.Tâm tình tin tưởng, cậy trông vào tình yêu và quyền năng của Đấng chúng ta cầu xin: Đã cất lời cầu xin với ai, thì dĩ nhiên ít nhiều đã có sự tin tưởng và cậy trông vào người ấy. Xin với ai điều gì, thì giả thiết đã tin tưởng người ấy có khả năng thực hiện điều chúng ta xin. Xin điều gì với ai là giả thiết đã cậy trông vào tình yêu của người ấy dành cho mình. Dưới một góc độ nào đó, thì lời cầu xin cũng là một lời tuyên xưng đức tin.

2.Tâm tình thống hối, ăn năn: Nếu điều cầu xin là ơn tha thứ thì người cầu xin không chỉ bày tỏ lòng tin vào sự khoan dung của người mình xin mà còn bày tỏ sự ăn năn thống hối về lỗi lầm mình đã phạm. Theo cái nhìn này thì lời cầu xin cũng là lời xưng thú tội lỗi.

3.Tâm tình khiêm hạ nhìn nhận sự hạn chế, bất toàn và cả bất lực của mình: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…”(x.Lc 11,3-4; Mt 6,11.13). Nội hàm những lời cầu xin trên đây quả là một lời thú nhận sự bất toàn, bất lực của người xin. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp. Nếu Chúa không nâng đỡ, thì chúng ta không thể đứng vững trước mãnh lực của thần dữ, như “sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé, phân thây”(x.1P5,8).

4.Tâm tình thảo hiếu: “Nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”(x.Mt 6,9-10; Lc 11,1). Một người con biết nghĩ đến Danh, Vương quyền, Ý, Lời của Cha là một người con sống đạo thảo hiếu đúng phận.

5. Sự liên đới, tương thân tương ái trong nghĩa tình huynh đệ: Chúng ta nhận ra sự thật này qua hai từ “chúng con” của lời kinh “Lạy Cha”. Hơn nữa, khi đã tuyên xưng, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, thì một cách nào đó đã nhìn nhận tha nhân là anh chị em của mình. Sự tương thân tương ái được biểu hiện cách rõ nét và thiết thực bằng sự liên đới.

Câu chuyện Abraham cò kè bớt một thêm hai để xin Thiên Chúa tha thứ cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra là một minh hoạ. Lòng hiếu thảo luôn sánh đôi với nghĩa tình huynh đệ. Một người sống có tình với mẹ cha, thì hẳn luôn có lòng với anh chị em. Cũng thế, khi đã biết sống có tình với huynh đệ thì luôn làm đẹp lòng mẹ cha. Và các đấng bậc sinh thành vốn nhận tình nghĩa huynh đệ của đàn con như là một trong những cách thế đẹp nhất mà đàn con bày tỏ lòng thảo hiếu với mình. Chúng ta nhận ra sự thật này khi cha ông chúng ta đã gắn kết hai mối tình ấy bằng hạn từ ghép “tình hiếu đễ”.

Mối tình của Abraham dành cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra một cách nào đó còn bị giới hạn. Dù rằng đã dùng hết cách để có kè bớt dần con số người công chính để xin Thiên Chúa thứ tha cho dân hai thành ấy, thì Abraham đã không vượt qua con số “mười”. Điều này cho chúng ta thấy rằng mặc dù tình thân của Abraham đối với Thiên Chúa thật đậm đà, nhưng vẫn còn bị hạn chế cách nào đó vì sự mạc khải thời Cựu ước chưa hoàn hảo. Chắc hẳn Abraham luôn mong ước được thấy ngày của Con Người, ngày mà chân lý được tỏ bày cách hoàn hảo nơi Giêsu Kitô (x.Ga 8,56). Giả như ông chứng kiến ngày ấy thì ông đã bớt dần con số xuống chỉ còn một người công chính. Quả vậy, “cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng đã được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).

Tuy nhiên, có thể nói rằng cầu xin không phải là để Thiên Chúa biết các nhu cầu của chúng ta, vì chính Người đã biết rõ những gì chúng ta cần trước khi chúng ta cất lời khẩn xin (x.Mt 6,8). Và dĩ nhiên, đã là người Cha trên các người cha, thì Thiên Chúa sẵn sàng ban mọi sự tốt lành cho chúng ta. Và cần phải khẳng định rằng nội hàm những lời cầu xin là để giúp chúng ta nhận biết những gì chúng ta cần, và để chúng ta sẵn sàng đón nhận cũng như sẵn sàng thực thi Thánh Ý.

“Xin cho danh Cha cả sáng”. Chúng ta không xin thì trời xanh vẫn phản ánh vinh quang của Người. Chúng ta xin là để biết cách cộng tác với ơn Chúa làm cho Thánh danh Người tỏ rạng nơi cuộc đời con người chúng ta. “Xin Cha tha nợ cho chúng con”. Chúng ta chưa xin thì Đức Kitô đã chết để ban ơn tha thứ cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Cầu xin là để biết cách thế đón nhận hồng ân tha thứ Chúa đã tặng ban. Một trong những cách thế để đón nhận hồng ân thứ tha của Thiên Chúa đó là quảng đại tha thứ cho tha nhân (x.Mt 6,14-15).

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để tiếp xúc, gặp gỡ Thiên Chúa. Tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để biết Chúa, yêu mến Chúa và để thực hiện thánh ý của Người. Như thế, cầu nguyện, cầu xin không phải là để bắt Thiên Chúa thực hiện điều chúng ta muốn, nhưng là để bắt chính mình thực thi điều Thiên Chúa muốn. Vấn đề đặt ra đó là cần phải biết cầu xin những gì đẹp ý Chúa. Một trong những điều đẹp ý Chúa nhất đó là tôi và mọi người cùng được hưởng ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc ngay hôm nay và ngày sau.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 23/07/2010
LỜI CA NGỢI

N2T


Thời nhà Tống, ở Vĩnh Châu có một cao tăng gọi là thiền sư Thái Bình An, khi giảng thuyết ông ta thường khuyên những thương nhân làm ăn buôn bán, bất luận là lợi nhuận như thế nào, thì không nên đi chệch hướng tình hình giá cả của thị trường, ví dụ như: củ cải ở Trấn Châu rất đắt, một bó là một đồng tiền; gạo trắng ở Lô Lăng giá cả rẻ, một lít giá bốn đồng tiền, thì nên theo giá thị trường mà buôn bán, không nên có chủ ý đồ mua ở Giáp giá rẽ mà đem vế Ất lại bán mắc một chút, cứ như thế thì tự nhiên quốc thái dân an, thì cần gì phải giảng thuyết về đạo lý Phật pháp chứ ?

Sau cùng, thiền sư còn khuyên mọi người khi làm công đức việc thiện thì không nên khắc vào đá để ghi nhớ, bởi vì miệng lưỡi của con ngưới ta tự nhiên sẽ đi tán dương khắp nơi, so với khắc vào đá thì thực dụng hơn nhiều !

(Ngũ đăng hội nguyên)

Suy tư:

Người đi buôn thì lúc nào cũng muốn có lời, càng lời càng tốt; người chạy áp phe lúc nào cũng muốn mình trúng mánh, trúng càng nhiều càng tốt, đó là lẽ thường tình của con người, bởi vì không ai bỏ vốn ra mà muốn chịu lỗ lã...

Vì làm ăn trúng mánh lời to, nên có người thường hay dâng cúng cho nhà thờ: người này dâng cúng vài chục triệu thì đòi cha sở khắc tên vào bảng vàng danh dự; người kia giúp đỡ cho nhà thờ tiền để sửa chữa phòng học giáo lý cho các em, thì bắt cha sở phải rao tên mình trong nhà thờ sau bài giảng.v.v...họ không biết rằng khi người đời khắc tên họ trên bảng vàng thì nơi ở của họ trên trời sẽ không còn nữa, bởi vì họ giúp đỡ cho nhà thờ là vì danh tiếng của họ chứ không phải vì Chúa.

Sống khiêm tốn là nền tảng của mọi ơn lành, thực hành bác ái là truyền giáo cách hữu hiệu nhất.

Đó chính là lời ca ngợi Thiên Chúa đẹp nhất vậy.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 17 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 23/07/2010
CHỦ NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 11, 1-13

“Anh em cứ xin thì sẽ được”


Bạn thân mến,

Con người ta càng ngày càng có nhiều nhu cầu, nên càng có nhiều phát minh để đáp ứng nhu cầu, nhưng tất cả những nhu cầu ấy không những làm cho cuộc sống của con người thăng tiến, mà còn phải giúp cho cuộc sống tâm linh của chúng ta tiến triển, bằng không, những nhu cầu ấy như những cây gai rậm rạp che khuất và làm ngộp thở đức tin của chúng ta.

Có những người nghèo đến gõ cửa người nhà giàu nhưng cánh cửa vẫn vô tri vô giác không nhúc nhích, mặc dù chủ nhân của nó là người có địa vị cao trong xã hội; có những người bệnh nghèo đến gõ cửa bệnh viện nhưng được câu trả lời của cô y tá phòng trực: hôm nay bác sĩ bận tiếp khách; có những em bé nghèo đi gõ từng bàn ăn của thực khách trong quán để xin miếng cơm thừa nhưng bị chủ quán cầm roi quát mắng đuổi đi… đó là những thực tại có thật xảy ra hằng ngày trong cuộc sống mà bạn và tôi đã thấy.

Và có những lúc bạn và tôi –người Kitô hữu- gõ cửa mà Chúa Giê-su không mở cửa, bởi vì chúng ta đã không mở cửa cho anh em; có những lúc bạn và tôi cầu xin mà không được, là bởi vì chúng ta không mở cửa cho tha nhân; có những lúc chúng ta tìm mà không gặp vì chúng ta không mở cửa cho người hoạn nạn đau khổ.v.v…

Gõ cửa là dấu hiệu có người đến nhà và cũng là tiếng của Chúa Giê-su gọi chúng ta, Ngài, vị Thiên Chúa mà chúng ta đang tiếp đón trong thân phận người ăn mày gõ cửa, sẽ làm cho hành động mở cửa của chúng ta có giá trị hơn, đó là không những Ngài bước vào trong nhà, mà còn bước vào trong tâm hồn của chúng ta, để trong thân phận người nghèo, người bệnh hoạn, Ngài xin chúng ta rộng lòng giúp đỡ, và trong thân phận của một vị Thiên Chúa, Ngài ban ơn cho chúng ta khi chúng ta mở cửa đón tiếp tha nhân.

Gõ cửa là hành động của hy vọng và tín nhiệm, khi cầu xin với Thiên Chúa là chúng ta đã gõ cửa lòng nhân ái của Ngài với yêu thương và tin tưởng của chúng ta. Cũng vậy, khi người nghèo, người bất hạnh, người cô thế hoặc bất cứ người nào chăng nữa gõ cửa nhà chúng ta, là họ đã tin và hy vọng rằng chúng ta sẽ giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

Thiên Chúa sẽ không mở cửa thiên đàng cho chúng ta, nếu chúng ta không mở cửa nhà mình để tiếp đón tha nhân; Thiên Chúa cũng sẽ không mở kho tàng ân sủng cho chúng ta, nếu chúng ta không chia sẻ với tha nhân những gì mình đã nhận được từ Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Mỗi ngày trong cuộc sống, bạn và tôi đã mở cửa nhà ban sáng và đóng lại vào ban đêm, chúng ta mở cửa để bắt đầu hòa vào cuộc sống với mọi người trong xã hội: người đi làm, kẻ thì đi học, người khác lại đi chơi. Nhà chúng ta cửa đã mở, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn chưa mở ra để đón nhận tha nhân vào một ngăn nào đó trong tâm hồn của mình, như Thiên Chúa đã đón nhận chúng ta vào trong tình yêu của Ngài.

Chúng ta gõ cửa kêu cầu với Thiên Chúa nhưng lại không mở cửa với tha nhân; chúng ta tìm Thiên Chúa khắp nơi nhưng Ngài đang đứng trước trước mặt và đứng bên cạnh chúng ta mà chúng ta không muốn thấy; chúng ta lớn tiếng đọc kinh cầu nguyện để Thiên Chúa nghe được lòng thành của mình, nhưng lại giả điếc trước lời kêu cứu của người nghèo…

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mở lòng mình trước với tha nhân rồi sau đó hãy đến gõ cửa với Ngài, đó là ý chính của bài Tin Mừng hôm nay vậy…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 23/07/2010
N2T


52. Các quân vương thường luôn dùng các phương thế nghiêm khắc để huấn luyện các tôi tớ, để họ có thể coi nhẹ tất cả các loại khó khăn.

(Thánh Ignatius)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 23/07/2010
N2T


484. Đem những công việc bình thường làm thật tốt thật đẹp, thì là một loại bất phàm rồi vậy.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
''Bạn Hữu của Chúa Giêsu'': quyển sách mới của Đức Thánh Cha viết cho thiếu nhi
Nguyễn Hoàng Thương
07:15 23/07/2010
"Bạn Hữu của Chúa Giêsu", quyển sách mới của Đức Thánh Cha viết cho thiếu nhi

Vatican City(VIS) - "Bạn Hữu của Chúa Giêsu" là tựa đề cuốn sách mới của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết cho trẻ em, trong đó ngài kể lại câu chuyện của mười hai Thánh Tông Đồ và Thánh Phaolô.

Theo tờ Quan Sát Viên Rôma thì cuốn sách dài bốn mươi tám trang và được minh họa bởi họa sĩ người Ý Franco Vignazia, đã được Nhà xuất bản San Giuliano Milanese xuất bản. Nó tập hợp một số đoạn từ các bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha trong các buổi Triều Yết Chung thứ Tư hàng tuần của ngài.

Lời tựa được viết bởi cha Julian Carron, linh mục người Tây Ban Nha, là Chủ tịch Hội Huynh Đệ Hiệp Thông và Giải Phóng.

Cha Carron viết: "Trong một lần của một ngày cách đây hai ngàn năm, đã có một nhóm nhỏ những người trẻ gặp gỡ một người trẻ khác, người đã đi trên đường Galilê. Mỗi người đã có công việc riêng của mình và gia đình nhưng, ngay lập tức, cuộc sống của họ thay đổi. Họ có tên là Anrê, Gioan, Phêrô, Matthêu, Tôma v.v… Họ là nhóm Mười Hai và ngày nay chúng ta biết là "Các Tông Đồ". .. Vào thời đó, tại Giêrusalem mọi người biết rằng họ là 'những người bạn' của Chúa Giêsu... Sau đó, có thêm sự gia nhập của Thánh Phaolô, một người từ kẻ đi bách hại Kitô hữu trở nên chứng nhân vĩ đại nhất cho Chúa Giêsu".

Tương tự, Cha Carron cũng giải thích rằng, bằng việc viết sách này Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI "chìa tay dẫn chúng ta và cùng đi với chúng ta khi chúng ta khám phá ra những người đầu tiên được đồng hành cùng Chúa Giêsu, làm thế nào họ gặp Ngài và Ngài đã chinh phục họ đến mức họ không bao giờ bỏ rơi Ngài".
 
HĐGM Hoa Kỳ muốn Giáo hội có hiệu quả hơn trong thời đại truyền thông
Phụng Nghi
07:54 23/07/2010
WASHINGTON, D.C. (Zenit.org).- ĐGH Benedict XVI đã minh thị rằng thời đại truyền thông ngày nay cống hiến cho Giáo hội một cơ may độc nhất bằng cách tạo dễ dàng sự cộng tác và hiệp thông trong những hình thức mà trước đây ta không thể tưởng tượng nổi.

Nhưng xác định phương thức để đi vào thế giới truyền thông lại không phải là một công tác dễ dàng đối với nhân viên và các tổ chức trong Giáo hội. Đó là nhận định của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ khi đề ra một số hướng dẫn về công tác này.

Để giải quyết tình trạng phức tạp của thế giới truyền thông, các giám mục đã đưa ra bản “Hướng dẫn về Truyền thông Xã hội” hiện được lưu hành trên trang mạng của Hội đồng kể từ tháng này.

Các hướng dẫn để dùng cho nhân viên của Giáo hội, nhưng cũng “được đưa ra như một tổng hợp những cách thức thực hiện tốt đẹp nhất”, kết hợp các thông tin từ những tổ chức vụ lợi cũng như bất vụ lợi.”

Các hướng dẫn này đặt cơ sở trên tiền đề là truyền thông xã hội “cống hiến đồng thời cả cơ may cũng như thách đố cho các tổ chức Công giáo” mà tài liệu này tập trung vào ba tính chất chính: thấy được rõ ràng, cộng đồng và khả tín.

Bản hướng dẫn nói: “Truyền thông xã hội là hình thức thông tin phát triển nhanh chóng nhất tại Hoa kỳ, đặc biệt là nơi giới trẻ và người thành niên còn trẻ. Giáo hội chúng ta không thể bỏ qua thực tại đó, nhưng đồng thời chúng ta phải thực hiện công tác truyền thông xã hội bằng cung cách nào cho an toàn, trách nhiệm và lễ độ.”

Thấy được rõ ràng

Nhận định rằng các cộng đồng truyền thông xã hội trên mạng hiện nay đã lớn hơn dân số toàn nước Mỹ, và còn đang nhanh chóng lớn mạnh, bản hướng dẫn khẳng định là truyền thông “cung cấp những diễn đàn tuyệt hảo cho người ta thấy được rõ ràng Giáo hội và công cuộc phúc âm hóa của Giáo hội.”

“Vấn nạn chính mà mỗi tổ chức trong Giáo hội phải đối diện khi đi vào truyền thông xã hội là: Chúng ta sẽ thực hiện như thế nào?”, và tài liệu hướng dẫn đề nghị phải xem xét cẩn thận nhằm ước lượng sức mạnh của mỗi hình thức và bảo đảm rằng sức mạnh đó phù hợp với nhu cầu.

“Chẳng hạn như một đề mục post vào trang nhật ký trên mạng (blog) có thể không phải là cách thức hữu hiệu nhất để nhắc nhở các học sinh về một công tác, một sự việc nào đó. Tuy nhiên một text message đồng loạt gửi cho tất cả học sinh và phụ huynh báo cho họ biết buổi tĩnh tâm bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng lại có thể rất kết quả.”

Cộng đồng và trách nhiệm

Về vấn đề cộng đồng, bản hướng dẫn lặp lại một điểm được chính Đức giáo hoàng đề ra trong giảng huấn của ngài nhân Ngày Truyền thông Thế giới.

Hướng dẫn khẳng định rằng “sự tương tác trong truyền thông xã hội không nên được coi là cách thức thay thế cho những cuộc họp mặt đối mặt.” Mà việc sử dụng truyền thông xã hội nên khuyến khích tình bạn chân thật và thực hiện “lòng khao khát của con người được kết đoàn một cách có ý nghĩa.”

Bởi vì truyền thông xã hội nhằm xây dựng cộng đồng, nên hiệu quả tạo ra là tính khả tín và trách nhiệm.

Điều quan trọng đối với những người lập ra và điều hành những trang mạng này là “hiểu rõ rằng truyền thông xã hội khác biệt với truyền thông đại chúng và về nguyện vọng của người sử dụng.”

“Chủ yếu của Truyền thông xã hội nằm ở từ ngữ “xã hội”, sự phân biệt giữa người tạo ra nội dung và người xử dụng nội dung thường có tính cách mờ nhạt. Nhiều chuyên gia truyền thông mô tả sự áp dụng truyền thông xã hội như là một chuyển đổi theo mô hình cách thức con người thông truyền với nhau, một sự phát triển cũng quan trọng ngang tầm với sự phát triển của máy in và sự khám phá ra phương tiện truyền thông điện tử,”

Soi sáng đường đi



Tài liệu hướng dẫn cũng đưa ra một loạt những dữ kiện, như “Các nguyên tắc Chỉ đạo”, “Luật Đi đường” và một danh sách các định nghĩa cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc còn tương đối mới đối với lãnh vực truyền thông (các định nghĩa những từ ngữ như blog, micro-blog và social network).

Một yếu tố được đề nghị: “Hãy nhắc nhở những người điều hành mạng rằng họ đang post bài cho một khối lớn độc giả. Truyền thông xã hội là những sân khấu toàn cầu. Bất cứ ai trên thế giới khi vào trang mạng của họ cũng có thể đọc được nội dung.”

“Đừng tiết lộ những thông tin kín mật về người khác.”

“Không có gì đã post lên mạng còn giữ được tính cách riêng tư nữa.”

Làm việc với giới trẻ

Bản hướng dẫn cũng đề cập đến vấn đề xử sự thích hợp với trẻ vị thành niên, bảo đảm rằng phụ huynh các em đó có thể truy cập được vào mọi tài liệu gửi tới con em họ.

Các bậc phụ huynh cần biết cách thức truyền thông xã hội được sử dụng như thế nào, và “được chỉ dẫn cách truy cập các trang mạng, được cơ hội sao chép tất cả các tài liệu gửi tới con em họ thông qua mạng xã hội (social networking), chẳng hạn như các thông điệp gửi bằng văn bản (text messages).”

“Nên khuyến khích các nhân viên thuộc Giáo hội sao lưu các câu chuyện đàm thoại mỗi khi có thể được, nhất là những cuộc đàm thoại liên quan đến chia sẻ cá nhân của một trẻ vị thành niên hay người thành niên còn trẻ.”

Có 8 “điều luật”, từ việc tuân thủ các hướng dẫn của giáo xứ/giáo phận cho đến việc nhận thức rằng “ngay cả mỗi truyền thông cá nhân một nhân viên giáo hội đưa ra cũng phản ảnh Giáo hội. Hãy thực hành những điều bạn giảng dậy.”

Tài liệu này còn đề nghị khi viết điều gì hãy dùng ngôi thứ nhất, và tránh đừng tự nhận là “đại diện lập trường chính thức của tổ chức hoặc là giảng huấn của Giáo hội, trừ khi nào được cho phép tuyên bố như thế.”

Sau hết, điều luật thứ tám trong tài liệu này là “Hãy thực thi đức bác ái của người Kitô hữu.”

Toàn văn bản hướng dẫn có thể đọc tại

www.usccb.org/comm/social-media-guidelines.shtml
 
Top Stories
India unveils prototype of $35 tablet computer
Erika Kinetz, AP
10:07 23/07/2010
MUMBAI, India – It looks like an iPad, only it's 1/14th the cost: India has unveiled the prototype of a $35 basic touchscreen tablet aimed at students, which it hopes to bring into production by 2011.

If the government can find a manufacturer, the Linux operating system-based computer would be the latest in a string of "world's cheapest" innovations to hit the market out of India, which is home to the 100,000 rupee ($2,127) compact Nano car, the 749 rupees ($16) water purifier and the $2,000 open-heart surgery.

The tablet can be used for functions like word processing, web browsing and video-conferencing. It has a solar power option too — important for India's energy-starved hinterlands — though that add-on costs extra.

"This is our answer to MIT's $100 computer," human resource development minister Kapil Sibal told the Economic Times when he unveiled the device Thursday.

In 2005, Nicholas Negroponte — cofounder of the Massachusetts Institute of Technology's Media Lab — unveiled a prototype of a $100 laptop for children in the developing world. India rejected that as too expensive and embarked on a multiyear effort to develop a cheaper option of its own.

Negroponte's laptop ended up costing about $200, but in May his nonprofit association, One Laptop Per Child, said it plans to launch a basic tablet computer for $99.

Sibal turned to students and professors at India's elite technical universities to develop the $35 tablet after receiving a "lukewarm" response from private sector players. He hopes to get the cost down to $10 eventually.

Mamta Varma, a ministry spokeswoman, said falling hardware costs and intelligent design make the price tag plausible. The tablet doesn't have a hard disk, but instead uses a memory card, much like a mobile phone. The tablet design cuts hardware costs, and the use of open-source software also adds to savings, she said.

Varma said several global manufacturers, including at least one from Taiwan, have shown interest in making the low-cost device, but no manufacturing or distribution deals have been finalized. She declined to name any of the companies.

India plans to subsidize the cost of the tablet for its students, bringing the purchase price down to around $20.

The project is part of an ambitious education technology initiative, which also aims to bring broadband connectivity to India's 25,000 colleges and 504 universities and make study materials available online.

So far nearly 8,500 colleges have been connected and nearly 500 web and video-based courses have been uploaded on YouTube and other portals, the Ministry said.

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20100723/ap_on_hi_te/as_india_supercheap_computer)
 
Birmanie/Myanmar: L’Eglise catholique s’inquiète de la diminution des vocations religieuses masculines au profit du sacerdoce
Eglises d'Asie
14:23 23/07/2010
Si l’Eglise catholique de Birmanie (1) se réjouit aujourd’hui de la croissance de ses vocations sacerdotales, elle s’inquiète cependant de la baisse du nombre des religieux, un phénomène touchant essentiellement les congrégations masculines.

Pour l’année 2010-2011, 170 séminaristes sont inscrits au seul grand séminaire catholique Saint-Joseph de Rangoun (Yangon), alors que l’on ne compte que 150 religieux pour l’ensemble du territoire de la Birmanie.

La communauté catholique va devoir promouvoir davantage les vocations religieuses, constate auprès de l’agence Ucanews (2), le P. Cyprian Aung Win, vice-recteur du grand séminaire Saint-Joseph. Il explique que la population locale considère que la fonction sacramentelle des prêtres leur donne un statut supérieur.

« La plupart des gens pensent que dans le choix d’une vocation, seule celle du sacerdoce peut apporter la sécurité matérielle à un jeune homme », admet également Fr. Sebastian Mg Mg Tin, supérieur général des Frères de Saint-François-Xavier, qui ajoute que le rôle des parents, pour encourager ou non une vocation, est essentiel.

Selon le P. Aung Win, le manque d’attrait des jeunes pour ce type d’engagement vient aussi d'une certaine incompréhension de la fonction des religieux: « La plupart des membres de sociétés ou congrégations religieuses ne sont plus dans leur rôle traditionnel, et leur mission est devenue floue aux yeux des fidèles ».

Le vice-recteur du grand séminaire donne pour exemple les Frères des Ecoles Chrétiennes (ou lasalliens), réputés pour l'excellence de leur enseignement, avant que toutes les écoles catholiques de Birmanie ne soient nationalisées en 1962 (3). « Maintenant qu’ils n’ont plus aucune école privée, ils tentent de survivre en donnant des cours d’informatique ou des leçons d’anglais », se désole le P. Aung Win.

Fr. Lawrence, provincial des lasalliens pour la Birmanie (aujourd’hui devenue un sous-district des Philippines), confirme que le nombre des Frères des Ecoles Chrétiennes dans le pays est passé de 80 membres en 1962, à une vingtaine aujourd’hui.

Alors que leur congrégation est totalement consacrée à l'enseignement, les lasalliens présents en Birmanie ont dû trouver d'autres formes d'apostolat, comme l'aide aux paroisses, la catéchèse dans les séminaires ou encore la traduction de livres. Les religieux ont cependant l’autorisation de donner des « cours du soir » et bien qu’ils soient très surveillés par les autorités, certains ont ouvert des centres de formation où ils enseignent l’informatique, la catéchèse et d’autres matières qui font défaut dans les programmes des écoles d’Etat (4).

C'est pourtant toujours au sein des « anciens élèves » des Frères des Ecoles Chrétiennes que continuent de se manifester leurs vocations. C'est le cas de John Win Kyaw, 18 ans, aujourd’hui postulant chez les Lasalliens, qui ne désespère pas que la congrégation retrouve sa vocation première: « Je me sens capable de travailler pour les enfants pauvres et sans éducation des régions isolées du pays, selon notre mission qui est d’être ‘au service des pauvres’. »

En Birmanie, les chrétiens représentent aujourd’hui un peu plus de 4 % (dont un quart de catholiques) d’une population bouddhiste à près de 89 %. Le pays compte aujourd’hui 13 diocèses dont trois archidiocèses

(1) La Birmanie a été dénommée officiellement Myanmar par la junte au pouvoir.
(2) Ucanews, 23 juillet 2010
(3) Les Frères des Ecoles Chrétiennes (ou Lasalliens) sont arrivés en Birmanie en 1860. L’institut Saint-Pierre à Mandalay et celui de Saint-Paul à Rangoun, étaient considérés comme faisant partie des plus prestigieuses écoles de l'Asie du Sud-Est.
(4) www.lasalle.org (site Internet des FRères des Ecoles Chrétiennes)

(Source: Eglises d'Asie, 23 juillet 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khúc hoan ca mừng Tân Giám mục: Đêm của cảm xúc ngập tràn
Ban Truyền thông GP Vinh
07:38 23/07/2010
Khúc hoan ca mừng Tân Giám mục: Đêm của cảm xúc ngập tràn

Gần 400 năm lịch sử của đạo Công giáo trên mảnh đất Nghệ Tĩnh Bình và hành trình ơn gọi của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Tân Giám mục Chính tòa Giáo phận Vinh đã được tái hiện một cách chân thật và đậm nét trong đêm hoan ca chào mừng diễn ra tối nay 22.7.2010.

Xem hình ảnh đêm diễn nguyện

Với chủ đề Sự thật & Tình yêu, đêm diễn bắt đầu lúc 19h45’ bằng bản hợp xướng “Nhạc khúc tri ân” (tác giả Hương Vĩnh). Nghi thức khai mạc gồm phần giới thiệu quí vị khách quí cũng những chia sẻ ngắn gọn nhưng mang đầy đủ ý nghĩa của vị chủ chăn tiền nhiệm Phaolô Maria Cao Đình Thuyên.

Ngày 13.5.2010 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp OP làm chủ chăn Giáo phận nhà. Đó chính là một hồng ân lớn lao Thiên Chúa đã đổ xuống trên con cái Vinh. Vũ khúc Hồng ân Giám mục, nhạc sỹ Tuấn Kim - phổ thơ Linh mục Xuân Ly Băng do hội dòng Mến Thánh Giá Vinh biểu diễn đã nói lên lòng biết ơn đó bằng những điệu vũ hân hoan.

Quê hương Vinh nằm ở dải đất miền Trung nắng lửa khắc nghiệt nhưng đã được các vị Thừa sai mang Phúc âm gieo vãi từ rất sớm. Phần thứ nhất với tựa đề Tình yêu Quê hương đã làm sống lại trang sử hào hùng, giàu truyền thống và lòng đạo của Giáo phận Vinh. Những trang sử vinh quang và đầy tự hào của Giáo phận Vinh đã được chuyển tải thông qua những màn vũ khúc, ca cảnh với 300 diễn viên không chuyên đến từ giáo xứ Thuận Nghĩa. Nổi bật lên tất cả là làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh mượt mà và đằm thắm quyến luyến bao quí khách gần xa.

Đạo Chúa đã được xây dựng trong máu và nước mắt của thế hệ tiền nhân. Các cuộc bách hại liên tục diễn ra qua các triều đại phong kiến đã dẫn Vinh trở thành một trong những Giáo phận bị bách hại nặng nề nhất, đặc biệt là thời kỳ Văn Thân. Một con số không nhỏ khoảng 4.779 giáo dân là nạn nhân của các kỳ bách hại. Ngoài 6 vị chứng nhân đức tin đã được Giáo hội nâng lên hàng hiển thánh thì hiện Giáo phận Vinh đang có 22 vị tử đạo đã nằm trong hồ sơ Tòa thánh.

Dòng máu tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô hữu, máu tiền nhân đổ ra không vô ích nhưng trẩy sinh hoa trái cho trên dải đất khô cằn. Giáo phận Vinh không ngừng phát triển, lớn mạnh. Qua bao giông tố, thử thách đến khi bình yên, trải qua các thời kỳ Giám mục và nhất là dưới triều đại Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Vinh đã phát triển một cách mạnh mẽ. “Một mùa xuân tươi sắc” đã về trên quê hương, xứ sở. Giáo dân trong giáo phận vượt ngưỡng 480.000 người, trở thành một trong ba giáo phận lớn nhất Việt Nam. Hàng giáo sỹ trên 189 vị hiện đang phục vụ trong mọi lĩnh vực mục vụ tại 19 giáo hạt, 180 giáo xứ và trên 800 nhà thờ lớn nhỏ.

Lướt qua trang sử bi hùng chính là để cảm nhận một ơn huệ mênh mông, dạt dào Thiên Chúa. Phần II - “Tình yêu Thiên Chúa” của đêm hoan ca đã khắc họa đậm nét tình yêu đó với các màn ca múa Vũ điệu dân tộc (Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Vinh), Đức Mẹ hoa sen (Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm), Tình yêu nhiệm mầu (Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ). Những điệu múa lung linh ánh sáng của nến, của hoa đã làm rực rỡ một góc sân khấu Quảng trường.

Thời thơ ấu, những dấu ấn thời gian từ khi Đức Tân Giám mục theo dòng người di cư vào miền Nam rồi được ơn gọi dòng Đa Minh, cuộc đời của một linh mục với sứ vụ yêu thương và ơn gọi huyền nhiệm của Đức cha Phaolô được khắc họa bằng những những hình ảnh, ca kịch, nhạc cảnh, điệu múa lời ca trong tâm tình tạ ơn và tri ân cảm mến. Đó là các tiết mục Liên khúc theo Người, Thầy biết con yêu mến Thầy, Liên khúc con đường Giêsu, Diệu vời tình Chúa, Để con nên hình bóng Ngài, Hãy thắp sáng lên do các tên tuổi nổi tiếng trong giới ca sỹ Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn làm nổi bật chủ đề phần thứ III của đêm diễn “Ngài đã gọi con”. Lần lượt Gia Ân, Hiền Thục, Khắc Dũng, Diệu Hiền, Bích Hiền tiến bước lên sân khấu với những vũ khúc phụ họa rộn ràng, nhộn nhịp của hội dòng Bác ái Gioana Turê, giáo xứ Mỹ Yên, giáo họ Trung Hậu... trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của khán giả.

Không chỉ có những đơn ca, song ca và màn ca múa của các đơn vị, đêm hoan còn có dành nhiều thời khắc để khúc hát cộng đồng được vang lên. Đó là khúc hát đồng nhịp cất lên diễn tả tâm tình hiệp thông của con cái Vinh tại quê nhà, con cái Vinh khắp mọi miền và đồng hương hải ngoại với Đức Tân Giám mục Phaolô, vị chủ chăn lãnh đạo Giáo đoàn Vinh.

Quả thật, ngay giây phút này đây, mọi người đã cảm nghiệm được tình thương dạt dào đổ xuống trên con dân Giáo phận Vinh. Cách riêng và đặc biệt hai Đức Cha Phaolô: vị tiền nhiệm suốt 18 năm qua và Đức Cha chủ chăn sắp được tấn phong. Cả hai Ngài cùng sát cánh trên sân khấu để nói lên những lời tâm huyết nhất.

Trở về đất Mẹ sau đằng đẵng năm xa cách, có thể nói hơn nửa cuộc đời sống xa quê hương, Đức Tân Giám mục Phaolô đã xúc động chia sẻ niềm thao thức khi được Thiên Chúa mời gọi trở về phục vụ đất Mẹ thân yêu. Đồng thời, Đức Cha cũng ngỏ lời cảm ơn Ban tổ chức, các văn nghệ sỹ, các hội đoàn đã nhiệt tình đóng góp thành công đêm diễn.

Trong niềm tin ở “Tình yêu & Sự thật”, quí Đức Cha, quý Cha có mặt đã sốt sắng thắp lên ngọn lửa hồng và lời kinh HÒA BÌNH với khát khao mang Tin mừng đến giữa lòng thế giới hôm nay.

Đêm đại nhạc hội chấm dứt.

Xã Đoài – đêm nay sẽ canh thức trong niềm vui.

Tất cả đã sẵn sàng cho giây phút trọng đại của ngày mai...
 
Lễ tấn phong Đức Tân Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Antôn Trần Đức Hà
08:47 23/07/2010
VINH - Giáo phận Vinh, kể từ ngày lễ Đức Mẹ Fatima 13.5.2010 - thời điểm Tòa thánh công bố tên vị chủ chăn kế nhiệm Đức Cha Cao Đình Thuyên - đến nay; cộng đoàn dân Chúa sống trong tâm trạng chờ đợi một thời khắc lịch sử.

Sáng 23.7.2010, giây phút triệu triệu con tim mong chờ đã đến. Không khí trung tâm Giáo xứ Chính tòa Xã Đoài rộn ràng hẳn lên. Giáo đô thổn thức trong lòng Mẹ Hội thánh với bao dòng máu cuồn cuồn đổ về tim. Niềm vui sướng vỡ òa trong giây phút xúc động. Một trang sử mới sẽ được mở ra với nghi lễ tấn phong Tân Giám mục Chính tòa Giáo phận Vinh – Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp.

Trên 1,3 vạn đại biểu chính thức từ 19 giáo hạt, 180 giáo xứ trong khắp Giáo phận đã qui tụ đông đảo trước quảng trường Giáo phận. Đó là chưa kể lượng giáo dân đông đảo đã ngập tràn trong khuôn viên TGM, Nhà thờ Chính tòa và các cơ quan liền kề.

Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh sẽ chủ sự thánh lễ. Hai vị phụ phong là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương.

Trong không khí mừng vui hôm nay, Giáo phận hân hoan chào đón sự hiện diện các vị khách quí trong HĐGM Việt Nam: Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, Tổng giáo phận TP.HCM; Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giáo phận Hà Nội - Chủ tịch HĐGM; Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giáo phận Huế và 25 Đức Giám mục trên toàn cõi Việt Nam.

Giáo phận vinh dự đón tiếp Đức Đan viện phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, quý Cha Tổng Đại diện, quý Đức Ông, quý Bề trên các ĐCV, quý Cha Giám tỉnh, quý bề trên các hội dòng.

Đúng 7h30, đoàn đồng tế từ khuôn viên TGM Xã Đoài lần lượt tiến bước ra quảng trường Nhà thờ Chính tòa trong tiếng trống, tiếng kèn và tiếng ngân vang giục giã của bộ chuông 4 chiếc 120 tuổi trên tháp Nhà thờ Chính tòa. Tham gia đoàn đồng tế có khoảng 400 linh mục trong đó hơn một nửa đến từ các Giáo phận bạn, các hội dòng; một số khác đến từ Pháp, Italia...

Một lượng lớn quý thầy chủng sinh, quý nam nữ tu sỹ, đại diện chính quyền và đông đảo quan khách đã được bố trí trong những hàng ghế danh dự trước mặt lễ đài. Đặc biệt đến chung chia niềm vui với Đức Cha Nguyễn Thái Hợp còn có rất nhiều bạn bè nắm nhiều trọng trách trong các viện Nghiên cứu, các trường Đại học: GS Ninh Viết Giao, GS Chương Thâu, GS Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, TS Chu Lai, Nguyễn Trung Dân, các nhà nghiên cứu trong Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình. v.v.

Bản thánh ca Bến bờ yêu thương do ca đoàn Giáo phận Vinh thể hiện đã dẫn mọi người bước vào thánh lễ. Những giai điệu mượt mà, êm ả như thôi thúc mọi người hướng tâm tình lên với Chúa trong nghi thức trọng thể sắp diễn ra.

Phần quảng diễn lời Chúa theo dự định do Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể thực hiện nhưng vì lí do đặc biệt về sức khoẻ nên bài giảng của Ngài do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh – Giáo phận Nha Trang công bố hộ.

Những lời giới thiệu về Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên là ấn tượng đặc biệt của vị chủ chăn Giáo phận láng giềng. Hình ảnh của Ngài thời gian qua được xem như biểu tượng của Giáo phận Vinh với cuộc đời hoạt động mục vụ không biết mệt mỏi. Nhân ngày đại lễ hôm nay, Ngài đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới vị chủ chăn mới, vị Giám mục người Việt thứ 6 của Giáo phận Vinh. Đồng thời, cũng trong bài giảng, những ý nghĩa châm ngôn mục tử và sứ mạng vị chủ chăn trước những thách đố mới của xã hội hiện đại cũng được giới thiệu trong phần giảng lễ

Sau phần giải thích ý nghĩa lời Chúa và tình cảm của Đức Tổng Giám mục Huế với Giáo phận Vinh là nghi thức tấn phong đầy nghiêm trang với các nội dung chủ yếu: Chuẩn bị, phần chính yếu và diễn nghĩa. Tông sắc của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã được Linh mục P.X Võ Thanh Tâm đọc lên để cộng đoàn dân Chúa được rõ.

Thật cảm động trước cảnh vị tiền nhiệm - Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên 84 tuổi chủ phong cho người hiền đệ mà mình đã đề cử. Những huấn từ chứa chan ân tình của người đi trước đã được Đức Cha Phaolô nhắn nhủ tới vị chủ chăn thứ 11 của Giáo phận Vinh. Trước toàn thể đoàn chiên đang hiện diện, Đức Tân Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã công khai nói lên quyết tâm của mình trước những nhiệm vụ sắp được trao phó. Tiếp theo đó là phần đặt tay, lời nguyện phong chức, xức dầu tấn phong, trao sách phúc âm, trao nhẫn, trao gậy cho vị mục tử để Ngài có đủ quyền coi sóc đoàn chiên.

Phần hiệp lễ được tiếp tục tiến hành. Sung sướng và sốt sắng là cảm giác của mọi người có mặt trong quảng trường Nhà thờ chính tòa lúc được Đức Tân Giám mục cùng hai Đức Cha phụ phong ban phép lành mục tử đầu tay.

Cuối thánh lễ, thay mặt HĐGMVN, Đức cha Chủ tịch Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã có lời chào mừng thành viên mới nhất của HĐGM, Ngài sẽ trở thành vị Giám mục thứ 103 của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Với lòng yêu mến và tin tưởng, Ngài mong muốn Đức Tân Giám mục Giáo phận Vinh sẽ cùng cộng tác, có nhiều đóng góp dẫn đưa Giáo hội đi lên.

Trước mặt vị chủ chăn kính yêu của Giáo phận, hàng vạn tín hữu Nghệ Tĩnh Bình đã nói lên lòng thành kính và xúc động với phần chào mừng của Linh mục P.X Võ Thanh Tâm. Những đóa hoa tươi thắm được dâng lên Đức Cha trong niềm cảm mến vô bờ.

Phần đáp từ ngắn gọn nhưng chuyển tải đầy đủ bức thông điệp của vị chủ chăn mới với cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Vinh. Ngài cũng hết lòng cảm ơn sự tín nhiệm của Tòa thánh, Đức Giám mục tiền nhiệm, quý Đức Cha, quý Cha, quý nam nữ tu sĩ và toàn thể giáo dân.

Cuộc hành trình trong “Sự thật & Tình yêu” của Đức Tân Giám mục Chính tòa Giáo phận Vinh – Phaolô Nguyễn Thái Hợp chính thức bắt đầu. Chặng đường mới, vận hội mới mở ra đối với sự đạo Công giáo trên mảnh đất Nghệ Tĩnh Bình cho một Giáo phận rộng 30.783km2 (thứ nhì miền Bắc), giàu truyền thống với 400 năm lịch sử khai phá, gần 165 năm thành lập.

Với hàng Linh mục đoàn 189 vị, trên 481.351 giáo dân Vinh (năm 2008) sẽ cùng Đức Cha Phaolô tiến bước mạnh mẽ trong công cuộc loan báo Tin mừng và phục vụ xã hội trong thiên niên kỷ thứ ba.
 
Phim bộ và giới trẻ
Gioan Lê Quang Vinh
08:49 23/07/2010
Trong vài năm qua, truyền hình liên tục chiếu những bộ phim của Việt nam và các nước láng giềng. Có người thích vì xem cũng vui, nhất là thích phim ngoại hơn vì tình tiết và diễn xuất hơn hẳn phim Việt nam. Có người chê là dài dòng, vớ vẩn… Nhưng các nhà giáo dục lại nhìn hiện tượng này ở một khía cạnh khác.

Một linh mục có uy tín vừa mới nói với tôi về ảnh hưởng đáng buồn của phim bộ trên lối sống giới trẻ. Tôi giật mình và nhận thấy quả đúng như nhận xét tinh tế của ngài.

Những bộ phim đã và đang chiếu đều theo một mô típ chung, dù là phim hiện đại hay cổ trang: có một lớp người khá giả. Một lớp người khác nghèo, thất bại, đổ vỡ trong đời sống gia đình. Để giành giật chỗ đứng, họ làm mọi cách, bất chấp thủ đoạn và gian xảo.

Chủ đề chung nhất ấy được thể hiện dưới những hình thức và nội dung khác nhau. Nhưng nếu chú ý đến luồng gió lốc phía dưới các phim ấy, chúng ta có thể nhìn thấy các ảnh hưởng đáng nói sau:

Mạnh được yếu thua. Các nhân vật hoặc là mạnh về thế lực và tiền bạc, hoặc là mạnh về mưu kế và gian xảo. Những giá trị chân chính như sự thật, tình yêu… đều được để sang một bên. Đó là những thứ trang trí mà khi cần, người ta vất đi để quàng vào cổ mình những tấm khăn choàng dệt bằng những sợi chỉ trần gian rất mơ hồ mà cũng rất lôi cuốn. Kết quả là giới trẻ chỉ còn nhìn mọi thứ là trò đùa của sức mạnh. Và người ta bắt chước phim, sẵn sàng giẫm đạp lên mọi giá trị khi họ cần đạt đến mục tiêu.

Vật chất quyết định tất cả. Đây là nhận định sai đã khiến cho thế giới phải đi lạc bao nhiêu năm mới tìm ra lối thoát. Trong phim bộ, lắm khi người ta bỏ ra cả đời mình để tìm nhà cao cửa rộng, những bữa ăn sang trọng, chỗ ngồi được nể trọng… Giữa xã hội nghèo khổ, các nhân vật đi xe to, ở lâu đài, ăn cao lương mỹ vị, uống bia sang rượu ngoại. Những người không cùng “hệ” ấy, được coi như thất bại và không có cơ hội hòa vào cộng đồng người của thời đại mới. Do đó người nghèo dần dần bị loại ra khỏi xã hội vốn có quá nhiều người nghèo (!)

Tình yêu phục vụ các mục tiêu khác. Những mối tình trong phim bộ có vẻ rất lòng lẻo. Yêu nhau thật, muốn cưới nhau, muốn sống hạnh phúc bên nhau, nhưng lắm khi chỉ vì một mối lợi nào đó, đành chia tay, đành phản bội để chọn người sẽ giúp mình đạt đến lợi lộc. Yêu rồi bỏ, cưới rồi chia tay, có thai rồi phá bỏ… tất cả là những cơn lốc, nhưng ngày càng quá đỗi bình thường và giới trẻ cũng bình thường làm theo.

Cách đây hơn một trăm mười năm, điện ảnh ra đời như nghệ thuật thứ bảy (sau sáu loại hình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương và múa). Lẽ ra điện ảnh phải đóng vai trò của nghệ thuật như các nghệ thuật kia là hướng con người về sự thiện hảo, về với Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ. Nhưng thế gian vốn gian như thế, đã lợi dụng những điều tốt đẹp để chống lại chính sự thiện hảo.

Người ta vẫn đang chờ những bộ phim giáo dục, những bộ phim đề cao các giá trị nhân bản và nâng cao phẩm giá con người. Câu hỏi “làm gì, thế nào, ai v.v…” hãy còn là những thách đố cho những người làm truyền thông Công giáo.
 
Chương Trình Hội Trại Giáo Lý Viên 2010 Mừng Lễ Anrê Phú Yên
GH Phú Yên
10:24 23/07/2010
CHƯƠNG TRÌNH HỘI TRẠI GIÁO LÝ VIÊN MỪNG LỄ ANRÊ PHÚ YÊN

NGÀY NĂM THÁNH CỦA GIÁO LÝ VIÊN VIỆT NAM

TẠI MẰNG LĂNG – GIÁO PHẬN QUI NHƠN


CHỦ ĐỀ: MUỐI CHO ĐỜI



“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”

(Mt 5, 13)

I. CHƯƠNG TRÌNH TỔNG QUÁT

· Ngày 25.07.2010

14.00: Đón tiếp – Giao đất trại – Dựng trại.

16.00: Tập họp chuẩn bị Nghi thức khai mạc. (Tập bài hát chủ đề, đồng diễn, băng reo)

17.00: Nghi thức khai mạc – Trao sứ điệp

17.30: Chuẩn bị cơm tối – Cơm tối.

19.00: Chương trình diễn nguyện. (Có thể lồng ghép một số chia sẻ chứng từ…)

21.00: Tĩnh nguyện- Viếng đền thánh Anrê Phú Yên – học hỏi chia sẻ sứ điệp.

22.00: Nghỉ đêm. (Trong giờ nghỉ đêm có giải tội).

Ngày 26.7.2010

05.00: Thức dậy – Vệ sinh – Thể dục

05.45: Kinh sáng (tại trại)

06.00: Điểm tâm sáng. Vệ sinh trại.

07.00 Chuẩn bị đúc kết sứ điệp (theo nhóm trại)

07.20: Đúc kết sứ điệp.

08.45: Giải lao (Nếu có Đức Cha Chính sẽ đón tiếp lúc nầy)

09.15: Chuẩn bị Phụng vụ - Tập hát cộng đồng.

09.45: Thánh lễ đồng tế.

11.00: Cơm trưa. Giao lưu

13.30: Đức Cha, quý cha, BĐH thăm trại, chụp hình lưu niệm.

14.30: Chương trình tổng kết sinh hoạt – Quà lưu niệm

15.30: Chương trình Sai đi. Bế mạc trại.

II. CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT

A. NGHI THỨC KHAI MẠC

1. Tập họp. Đón tiếp Đức cha, quý cha. Giới thiệu ban điều hành trại và thành phần tham dự.

2. Đại diện Giáo lý viên chào mừng Đức Cha và Quí khách…

3. Băng reo:

v Xướng (1): Giáo lý viên:

v Đáp (1): Là muối

v Xướng (2): Giáo lý viên:

v Đáp (2): Là men

v Xướng (3): Giáo lý viên:

v Đáp (3): Ướp mặn cho đời

4. Đồng diễn bài hát chủ đề: Muối, men, ánh sáng cho đời.

5. Băng reo (a):

v Xướng (1): Giáo lý viên:

v Đáp (1): Hãy lấy

v Xướng (2): Giáo lý viên:

v Đáp (2): Tình yêu

v Xướng (3): Giáo lý viên:

v Đáp (3): Đáp trả tình yêu

5. Băng reo (b):

v Xướng (1): Giáo lý viên:

v Đáp (1): Hãy đem

v Xướng (2): Giáo lý viên:

v Đáp (2): Mạng sống

v Xướng (3): Giáo lý viên:

v Đáp (3): Báo đền mạng sống

6. Lời dẫn trước khi hát kinh Chúa Thánh Thần

Hơn bao giờ hết, Giáo Hội đang cần những bạn trẻ sống thánh, những bạn trẻ quãng đại dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, những bạn trẻ tích cực tham gia trong công tác mục vụ trong Giáo xứ, và nhất là những Giáo lý viên biết nhiệt tâm trong việc phục vụ lời Chúa. Chúng ta tha thiết nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Anrê Phú Yên, biến chúng ta thành muối, men, ánh sáng cho đời, thành những người hăng say phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận và giáo xứ thân yêu của chúng ta.

Hát: Lạy Chúa xin ban xuống. ...

7. Huấn từ của Đức Cha, Trưởng Ban điều hành Hội Trại Anrê Phú Yên 2010-

8. Đức Cha Trao sứ điệp Hội Trại Anrê 2010.

B. SỨ ĐIỆP HỘI TRẠI ANRÊ PHÚ YÊN 2010

Sau bài huấn từ, Đức Cha sẽ trao Sứ Điệp cho 1o đơn vị nhóm trại.

Chọn ra 10 sứ điệp từ văn kiện học hỏi Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam xoay quanh nội dung Chủ Đề: MUỐI ƯỚP ĐƠI

Cứ 4 trại học chung 1 chủ đề.

C. DIỄN NGUYỆN

Ø Dẫn vào chương trình diễn nguyện: Đức Cha thắp lửa truyền thống.

Ø Cộng đoàn cử điệu hoà theo bài hát “Nhớ về Tiên Tổ”

Ø Các nội dung chính của chương trình diễn nguyện (sẽ có các tiết mục đan xen…)

1. Hành trang tuổi trẻ ( Đồng diễn)

v Lời dẫn: Mở đầu chương trình của buổi diễn nguyện hôm nay,các bạn Giảng viên Giáo lý chúng con muốn bày tỏ niềm hân hoan vui mừng của chúng con trong ngày hội lớn, ngày mừng kính Chân phước Anrê Phú Yên, quan thầy của chúng con. Chúng con hãnh diện và vui sướng vì từ mãnh đất Mẹ Phú Yên thân yêu này đã trổ sinh bông hoa xinh đẹp, một tông đồ nhiệt thành trong sứ mệnh. Niềm vui này chúng con xin được diễn tả qua bài đồng diễn “ Hành trang tuổi trẻ như một lời mời gọi và cũng như một lời đáp trả của người trẻ của Phú yên hôm nay.

v Đồng diễn: Hành trang tuổi trẻ

2. Hoạt vũ Nỗi lửa lên (GX Mằng Lăng)

v Lời dẫn: Trong niềm vui hân hoan của ngày hội hôm nay. Kính mời các bạn, chúng ta cùng nối vòng tay lớn. Lạy chúa, giữa lòng xã hội hôm nay và trong lòng Giáo hội, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn. Vòng tay người nối với người. Vòng tay người nối với tạo hóa. Chúng con muốn Giêsu đứng chung một vòng tròn với chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa lên cao. Xin cho chúng con biết thắp lên ngọn lửa yêu thương nhiệt thành như người trẻ Anrê Phú yên.

Nào, hãy nỗi lửa lên cho đời, nỗi lửa lên cho đậm tình người, cho quê hương được thắp sáng, cho các bạn trẻ được nhiệt thành, cho các giáo lý viên chúng ta nên men muối ướp mặn cho đời.

v Hoạt vũ: Nỗi lửa lên

3. Nhạc cảnh “Lời chứng Anrê Phú yên” (GX Tuy Hòa)

v Lời dẫn:

Anrê Phú yên, một Giáo lý viên nhiệt thành và hữu hiệu, một tâm hồn tông đồ mãnh liệt trong một thân xác mãnh khảnh nhỏ bé. Sinh trưởng trong một gia đình đạo đức, biết kính sợ Thiên Chúa, tại vùng đất gần xứ đạo Mằng lăng hôm nay. Năm 16 tuổi, Anrê được rửa tội và xin đi theo các giáo sĩ giúp việc truyền giáo. Anrê tỏ ra là một môn đệ xuất sắc nhất cả về trí tuệ lẫn nhân đức. Hồi này, thầy I-nha-xi-ô thủ lãnh đoàn thầy giảng thắng vẻ vang trong một cuộc tranh luận về tôn giáo với một vị sư sãi, người cưng quí của Bà Tống Thị, một phụ nữ gian manh, ác độc và cũng đầy quyền thế. Với một con người như thế, tất nhiên Tống Thị không thể tha thứ cho một đạo trưởng Giatô cả gan làm cho vị sư sãi của bà “mất mày mất mặt”.Bà căm thù trút hết giận dữ lên đầu thầy I-nha-xi-ô, để từ đó dẫn đến cái chết của Thầy Anrê Phú Yên.

v Diễn ( Nhạc cảnh)

- Hôm ấy, các thầy đi công tác giảng đạo nơi xa, chỉ có thầy Anrê xin ở lại nhà săn sóc các thầy đau yếu ( nhạc)

- Được lệnh ông nghè Bộ, lính đến nhà lục soát tìm thầy I-nha-xi-o (nhạc).

- nhưng không tìm được, quá tức giận, chúng đập phá nhà cửa ( nhạc)

- rồi trói Anrê dẫn đi. ( nhạc)

- Anrê bị điệu đến quan trấn, bị tố cáo là giáo dân và là thầy giảng, rồi chúng dẫn thầy vào ngục ( nhạc )

- Quan kêu án tử và ra lệnh thi hành án lập tức vào hôm ấy 26.07.1644 ( nhạc)

- Thầy vui vẻ lên đường” không khác nào như được mời đi dự tiệc cưới”

- Chiều hôm đó, 26.07.1644, trên đường ra pháp trường gò Xử, gàn Dinh Chiêm, Quảng Nam, tiếng thanh la ngân vang sầu thảm cả phố phường ( Nhạc). Anrê cổ mang gông đi giữa toán lính vũ trang giáo mác, lưởi đòng, mã tấu. Quân lính đi rất nhanh, thầy Anrê phải đi như chạy, dân chúng lương giáo đi theo rất đông như một đám rước( Nhạc sầu thảm )

Tới pháp trường, Thầy Anrê tự động quì xuống. ( nhạc ) Thầy quì gối sát đất ( nhạc) Hai tay chắp trước ngực, mắt ngước lên trời (Nhạc nhẹ, thanh thoát)

- Quân lính tháo gông ở cổ thầy ra, rồi lấy thừng cột ngang người.(nhạc)

Biết đã đến giây phút cuối cùng, Thầy Anrê quay lại phía giáo dân từ biệt lần sau hết: “Hỡi anh em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời” ( nhạc)

Lý hình tiến đến sau lưng, đâm một lưỡi giáo vào khoảng giữa hai bả vai, xuyên ra trước ngực. ( nhạc)

Thầy quay mặt nhìn mọi người như từ biệt ( nhạc)

Thầy lại ngữa mặt nhìn trời, miệng không ngớt kêu Giêsu, Maria.

Rút giáo ra( nhạc), tên lính đâm nhát thứ hai ( nhạc), rồi nhát thứ ba.( nhạc)

Thầy Anrê vẫn quì ngay ngắn( nhạc)

Một tên lính khác vung đao chém mạnh vào cổ ( nhạc)

Rồi một nhát nữa, đầu đứt rơi về bên phải.( nhạc)

Thanh âm cuối cùng thoát ra từ cổ họng là “Giêsu”.Rồi xác ngã xuống đất. Chiều tối 26.07.1644.

v (Cộng đoàn hát Đây bài ca ngàn trùng )

4. Đáp trả tình yêu: Múa đuốc hoặc nến (Bài hát: Tình yêu đáp trả tình yêu. GX Tịnh Sơn)

v Lời dẫn:

Thầy Anrê Phú Yên, tên gọi trần gian của Thầy người ta không ghi, tên gọi gia nhập đạo trời gắn liền với tên gọi xứ sở quê hương thì vẫn tồn tại mãi mãi với đạo trời, với quê hương: Anrê Phú Yên.

Cuộc đời theo Chúa của Thầy gắn liền với việc phục vụ Hội Thánh, âm thầm đem lại bình an và niềm vui cho những người chưa biết Chúa. Thầy quả thật là giáo lý viên tiền phong của muôn thế hệ giáo lý viên Việt nam. Anh chị giáo lý viên chúng ta hôm nay đang tiếp tục công việc của Thầy.

Thầy Anrê Phú Yên được Giáo Hội tuyên phong Chân Phước vào ngày 05.03.2000, Năm Thánh kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của Chúa Giêsu.

Chân Phước Anrê Phú yên xứng đáng là vị chứng nhân tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, Vị Thánh trẻ anh hùng đã:

“ Sống: chứng nhân tình yêu

“ Chết: lễ dâng toàn thiêu

v Múa đuốc hoặc nến theo bài hát “tình yêu đáp trả tình yêu.”

5. Anrê Phú Yên bất diệt: Đơn ca có múa phụ họa “Có những trái tim” (GX Hóc Gáo)

v Lời dẫn:

Anrê Phú yên, tôi nhớ đến anh, một người trẻ gắn liền việc theo Chúa với việc phục vụ Hội Thánh. Tôi nhớ đến anh, một thiếu niên thôn quê ít học, ngây ngô, nhưng anh có rất nhiều để đóng góp: vì ngay cả một ngọn đèn dầu dưới một mái tranh cũng có thể dẫn đường cho lữ khách. Tôi nhớ đến anh, ngay hôm bị bắt, không đi làm tông đồ, nhưng ở nhà chăm sóc mấy thầy giảng bị bệnh: Anh như một đóa hoa mười giờ, mọc đâu cũng được, ai hái cũng được. Trong chương trình cứu độ bao trùm cả không gian và thời gian, mỗi người chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Tôi nhớ đến anh, người thắp lên một ngọn đèn, làm một tia sáng, một hạt muối để mặt đất tươi đẹp đáng sống hơn. Một rừng cây ngày đêm lớn lên mà không gây một tiếng động nhỏ. Tôi nhớ đến anh một người trẻ, vui khi bị bắt, bị kết án và bị hành hình.

Đức Kitô phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Anh đã đi vào trong ký ức ngàn đời của Hội Thánh Việt Nam. Tình yêu đáp trả tình yêu

v Đơn ca có múa phụ họa: Bất diệt

6. Tôn vinh Á Thánh Anrê Phú yên (Đồng diễn)

v Lời dẫn

Ôi Anrê Phú yên, hạt lúa mì đã gieo xuống,

Đất Điện Bàn chưa có màu mở chi,

Bốn thế kỷ sau, mùa màng khắp nơi vàng thơm bát ngát.

Ôi Anrê Phú Yên,

Tôn vinh ngài chúng con ca hát,

Tạ ơn Chúa Ba Ngôi,

Đến muôn thuở muôn đời.

( Xuân ly Băng)

v Đồng diễn bài “Tôn vinh Á Thánh Anrê Phú Yên”

7. Hoạt cảnh lên đường (gx Hoa Châu)

v Lời dẫn: Anrê Phú Yên đã để lại cho chúng ta, những người bạn trẻ, niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, và lòng nhiệt thành dấn thân cho Nước Trời. Còn chần chừ gì nữa các bạn, chúng ta cùng nắm tay nhau lên đường theo bước chân của biết bao người đã hăng say loan báo Tin Mừng cho trần thế.

v Hoạt cảnh: Lên đường

8. Kết thúc diễn nguyện - Chuẩn bị đi vào tĩnh nguyện: đồng diễn bài hát Tôi chọn Giêsu

v Lời dẫn: Các bạn giáo lý viên và toàn thể cộng đoàn đang hiện diện nơi đây, chúng ta vừa cùng nhau ôn lại đôi nét về sứ điệp “Đáp Trả Tình Yêu” mà Á Thánh Anree Phú Yên đã để lại cho tát cả chúng ta. Làm sao có thể khai thác hết cái kho tàng đức tin phong phú ản chứa trong Người Giáo Lý Viên anh hùng và chứng nhân Tử Đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam. Điều quan trọng cuối cùng là chúng ta hãy cùng Ngài sống “đáp rả tình yêu”, một tình yêu quyết chọn Chúa Giêsu là đường, sự thật, sự sống, là thần tượng duy nhất, là mối tình trung tâm, giúp cúng ta mến Chúa yêu người và thúc đẩy chúng ta lên đường làm men muối ướp mặn cho đời. Vâng, cho dù ai thế nào mặc kệ. Phần tôi, tôi quyết chọn Giêsu.

v Đồng diễn: Tôi chọn Giêsu

D. TĨNH NGUYỆN

1. Dẫn vào giây phút tĩnh nguyện:

Trong giây phút trầm lặng, chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa vì sự hy sinh của chân Phước Anrê Phú yên. Nhờ ơn Chúa, Anrê Phú yên đã hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, lấy tình yêu đáp trả tình yêu và nêu gương cho chúng ta, những người trẻ đang dấn bước theo chúa Giêsu như ngài. Ngài đã sống phúc thật của Chúa khi “chịu bách hại vì lẽ công chính, và Chúa đã ban thưởng nước trời cho Ngài”. Chúng ta cùng sốt sắng cầu nguyện trong giây phút tĩnh nguyện này.

v Hát: Xin cho con biết lắng nghe

(Trong khi đó, linh mục chủ sự cùng với đoàn rước rước nến phục sinh ra lễ đài)

2. Chủ sự đọc lời nguyện khai mạc. Chủ sự và mọi người thắp nến từ cây nến phục sinh.

3. Chủ sự hướng dẫn suy niệm:

v Tin Mừng Ga 15,13: “ Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu”

v Chủ sự gợi ý suy niệm.

v Yên lặng một lát sau đó giơ nến lên cao và hát: “Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con...”

v Chúng ta cùng lắng nghe lời chứng của Anrê Phú Yên.

“ Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu, chúng ta hãy lấy trình yêu mà đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết và đau khổ vì chúng ta. Chúng ta hãy lấy sự sống mà đáp lại sự sống”.

v ( Thinh lặng 1 phút sau đó giơ cao nến và hát: Hãy lấy tình yêu...)

v Tin Mừng Ga 15,19: “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”

v Chủ sự gợi ý suy niệm.

v (Yên lặng 1 lát rồi giơ nến lên cao hát: Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con...)

v Chúng ta cùng lắng nghe lời chứng của Anrê Phú Yên:

“Các anh chị đã thấy rõ tôi đây bị bắt và sắp phải chết, chẵng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại gì ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con Một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho chúng ta.Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Mọi sự chúng ta có đều do nơi người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta bắt tôi phải chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời, là hình phạt dành cho kẻ không tin thờ Thiên Chúa. Anh chị em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Chúa Trời ban, phải liệu sao cho khỏi phạt đời đời”

v Giơ cao nến và hát: Không có gì, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô ( 3 lần )

v Tin mừng Ga 15, 16: “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và đã cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái anh em tồn tại”

v Chủ sự gợi ý suy niệm

v (Thinh lặng một lát rồi giơ nến lên cao hát: “Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con...”

v Lời chứng của Anrê Phú yên: “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy trung tín với Chúa Kitô cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”

v Giơ nến lên cao và hát: Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, hãy đem mạng sống báo đền mạng sống. Anh chị em ơi, thủy chung một lòng, ta giữ nghĩa cùng chúa Giêsu. Cho đến hết hơi, cho đến trọn đời, ta giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu.

1. Anrê Phú yên xin Người gửi đến đuốc thiêng, rạng soi dẫn lối muôn lớp lớp dân lạc loài. Để cho danh Chúa nhuộm thắm quê hương việt Nam. Cho hết mọi người nhận biết Chúa Cha trên trời.

2. Anrê Phú Yên, xin cầu cho Giáo lý viên, niềm tin rực sáng mau mắn dấn thân phục vụ. Để nên nhân chứng thắp lửa tin yêu bừng cháy. Sưởi ấm tình người, sưởi ấm mãi quê hương này.

5. Đồng diễn “Hãy thắp sáng lên”

v Lời dẫn: Anrê Phú Yên, ngài là khuôn mặt phù hợp với giới trẻ Việt Nam trên con đường thánh thiện ngày nay. Một vị thánh say mê chiêm niệm và cầu nguyện. Một thầy giảng lắng nghe lời Chúa, đem ra thực hành và giúp người khác thực hành với cương vị là thầy dạy Giáo lý.

Á Thánh Anrê Phú Yên đã để lại cho chúng ta cách thức sống niềm tin, lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm. Xin cho các bạn trẻ giáo lý viên biết sống theo phương châm của người là: “ lấy tình yêu đáp trả tình yêu. Đem mạmg sống đáp đền mạng sống. Yêu cho đến hết hơi, yêu cho đến trọn đời”.

Hãy thắp sáng lên, thắp sáng lên, hỡi những người bạn trẻ, hỡi các giáo lý viên. Cho quê hương, cho Giáo phận, Giáo xứ sáng niềm tin. Cuộc đời hôm nay còn bao nhiêu tăm tối. Thắp lên đi, thắp sáng lên sưởi ấm mãi tình người.

v Đồng diễn: Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên

v Giáo lý viên sắp hàng vào viếng đền thánh Anrê Phú Yên

v Sau đó về tập họp theo nhóm trại để học hỏi, sẻ chia nội dung sứ điệp.

(Sau đó yên lặng về trại. Ai có nhu cầu sẽ dọn mình xưng tội)

E. ĐÚC KẾT SỨ ĐIỆP

v Tập họp (Nếu trời nắng sẽ tập họp trong nhà thờ): Hát và đồng diễn bài ca chủ đề.

v Đức Cha chủ sự khai mạc.

v Các nhóm chia sẻ đúc kết (đan xen các tiết mục văn nghệ)

THÁNH LỄ KÍNH Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN:

PHẦN A/. NHẬP LỄ - NGHI THỨC TÔN VINH Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

v Dẫn nhập đầu nghi thức:

Kính thưa cộng đoàn, đặc biệt, các bạn Giáo lý viên thân mến

Hôm nay, hoà chung niềm hân hoan sốt mến với muôn trái tim anh chị em tín hữu Việt Nam, với các giáo lý viên trên khắp Đất Việt, chúng ta long trọng cử hành Thánh Lễ mừng “Ngày Sinh Nhật trên trời lần thứ 366 năm của Á Thánh Anrê Phú Yên”, và 10 năm ngài được tôn phong á thánh.

Tâm tình đầu tiên của chúng ta trong Thánh Lễ nầy đó chính là tạ ơn Chúa. Bởi vì, Tử Đạo, trước hết là một hồng ân bao la của Thiên Chúa. Chính nhờ hồng ân nầy, đặc biệt, nhờ việc 117 Chứng Nhân Tử Đạo tại Việt Nam được tuyên phong Hiển Thánh năm 1988, và Thầy Giảng Anrê Phú Yên được tuyên phong Chân Phước năm 2000 trên bàn thờ của Giáo Hội, mà dân tộc Việt Nam, Hội Thánh Việt Nam được rạng rỡ vinh quang, và con cháu chúng ta hôm nay được dư tràn ân phúc.

Để cảm nhận sâu xa hồng ân đặc biệt nầy và đem vào hiện thực cuộc sống, chúng ta hãy nghe lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong Thánh lễ phong Á Thánh cho Thầy Giảng Anrê Phú Yên tại quảng trường thánh Phêrô ngày 05.03.2000:

Giữa những khó khăn các tín hữu Chúa Kitô phải hứng chịu, ngài đã là một nhân chứng trung kiên của Chúa Phục Sinh vì Ngài đã không ngừng loan truyền Tin Mừng cho anh em ngài trong hội thầy giảng “Nhà Chúa”. Vì tình yêu đối với Chúa, Ngài đã dùng sức lực để phục vụ Giáo Hội qua việc trợ lực cho các Linh mục trong sứ mệnh của họ. Ngài đã kiên trung đến dâng hiến máu đào để giữ nghĩa cùng Đấng mà Ngài đã dâng hiến tất cả. Những lời Ngài luôn lặp lại trên bước đường tiến đến nơi tử đạo là những lời đã hướng dẫn và soi sáng tất cả cuộc sống của Ngài: “ Chúng ta hãy lấy tình yêu đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, chúng ta hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống”.

“Do vậy trên 350 năm qua, những người công giáo Việt Nam không bao giờ quên Nhân Chứng Tin Mừng này, Vị Tử Đạo tiên khởi của quê hương họ. Họ đã tìm thấy nơi ngài đức tin kiên định và tình yêu quảng đại cho Đức Kitô và cho Giáo Hội của Ngài. Chớ gì ngày nay họ còn tiếp tục khám phá ra trong tấm gương của một người con đất Việt sức mạnh hướng dẫn người tín hữu về ơn gọi người Kitô hữu, trong việc trung thành với Giáo Hội và quê hương họ. Chân phước Anrê Phú Yên, vì sự nhiệt thành nồng cháy của ngài mà phúc âm được rao truyền, được ăn rễ sâu và được phát triển”

Các bạn Giáo lý viên thân mến, khi chúng ta chọn Á Thánh Anrê Phú Yên làm Bổn Mạng của chúng tà, đó chính là dịp để mỗi người chúng ta thêm lòng tôn kính, biết ơn và noi gương anh hùng của Vị Chứng Nhân tiên khởi, Người Giáo lý viên anh dũng, để tiếp bước Ngài trên con đường kiên vững đức tin và sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa Kitô giữa mọi gian lao thử thách. Giờ đây, xin kính mời cộng đoàn hiệp ý trong cử hành tôn vinh Vị Chân Phúc Tử Đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, người Giáo lý viên anh hùng, mẫu gương rạng rỡ của muôn thế hệ giáo lý viên Việt Nam.

v Rước Di Ảnh và Tóc Thánh – Hát Ca nhập lễ:

- Thứ tự đoàn rước:

§ Bình hương tay (1 nam).

§ Thánh giá đèn hầu (3 nam)

§ Nhang (6 nữ)

§ Tóc Thánh (1 nam)

§ Di Ảnh Á Thánh Anrê Phú Yên (2 nam)

§ Giúp lễ

§ Chủ tế.

- Một hồi chiêng trống dài.

- Hát Ca nhập lễ: Nhớ về tiên tổ Chứng Nhân

1. Cây có cội, nước có nguồn thì ta có tổ tiên. Hạt giống xưa nát mục ngày nào giờ đơm hoa kết trái tràn trào, gương anh hùng, gương trung thành ngàn năm không phai.

ĐK. Anrê Phú Yên, Tông đồ giáo dân, bao nhiêu năm qua gương anh hùng vẫn sáng lên. Con cháu giờ nầy xin theo bước chân Ngài mà yêu mến Chúa sắt son trung thành.

2. Ai khó nghèo, ai hiền lành và ai phải khóc than. Thì sẽ được ủi an ngọt ngào và sẽ ttiến đến quê hương trời. Ai bỏ mình vì Nước Trời nào đâu uổng công.

3. Cây Giáo phận ai góp phần làm nên cho xanh tươi. Những đắng cay gian lao tù đày, từng hy sinh thắm trải đường dài. Chịu khổ hình để viết trọn bài ca “Chứng Nhân”.

§ Cung bái Di tích Thánh lần 1: (Khi đến trước gian cung thánh, chỗ rước lễ, Thánh giá đèn hầu, bình hương lửa vào trong, toán Di Ảnh và Tóc Thánh tiến lên bao lơn cung thánh, quay xuống cộng đoàn, đoàn rước còn lại đứng thẳng hàng phía dưới.)

§ Lời dẫn: Lạy Á Thánh Anrê Phú Yên, gương hy sinh anh dũng của Ngài là chứng tá tuyệt vời về tình yêu Thiên Chúa và trung thành với Giáo Hội. Xin Ngài thương giúp anh chị em giáo lý viên chúng con hôm nay hăng hái, can đảm và bền tâm bước đi trên con đường Tin Cậy Mến. Chúng con xin kính dâng về Ngài tâm tình hiếu thảo mến yêu.

§ Đỗ 3 tiếng chiêng, 3 tiếng trống. Tất cả bái 1 bái.

§ Cung bái xương thánh lần 2: (Đặt Tóc Thánh và Di Ảnh trước bàn thờ. Đoàn rước dàn hàng ngang. Chủ tế tiến lên bỏ hương và xông hương, đoạn tiến về ghế Chủ tế. )

§ Lời dẫn: Lạy Á Thánh Anrê Phú Yên, Ngài chính là hạt lúa mì rơi xuống đất đã mục nát đi và hôm nay trỗ sinh muôn hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước nầy. Giờ đây, chúng con xin thành kính dâng lên Ngài những tâm tình tri ân cảm mến của bao anh chị em giáo lý viên chúng con.

§ Đọc Bài Vãn Á Thánh Anrê Phú Yên.

§ Bái hương (3 lần theo 3 lần chiêng trống).

v Kết thúc: Giờ đây, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp dâng Thánh Lễ kính Á Thánh Anrê Phú Yên, Bổn Mạng các Giáo lý viên, Chứng Nhân Tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam.

v Đoàn rước đi xuống.

v Chủ tế làm dấu bắt đầu Thánh lễ.

PHẦN B/. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

v Đáp Ca: (Sách TN C trang 266)

Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và được Chúa lắng tai nghe.

v Allêluia: Allê-lu-ia, Allê-lu-ia. Phúc cho ai chịu thử thách. Vì khi đã được tinh luyện, người ấy sẽ lãnh triều thiên sự sống. Al-lê-lu (u-u-)-ia.

PHẦN C/. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

v Dâng lễ vật:

1. Dâng Hương: Như Cha đã đón nhận lễ hy sinh của Chứng Nhân Anrê Phú Yên, thì hôm nay, xin Cha thương nhận lấy:

Hương thơm ngát trên đôi tay nhỏ bé

Những giọt hy sinh thảo kính mến yêu

Kính dâng Cha như Hy lễ ban chiều

Xin Cha đoái nhận, xin thương đừng chê bỏ.

§ 2 chiêng, một trống. Cung bái.

2. Dâng nến: Như Cha đã đón nhận niềm tin rực sáng với trái tim chan chứa tình nồng của Á Thánh Anrê Phú Yên, thì hôm nay xin Cha thương nhận lấy:

Đây nến sáng là niềm tin luôn toả rạng

Là những trái tim rực lửa yêu thương

Xin dâng Cha tuổi trẻ khắp muôn phương

Với khắc khoải, xuyến xao và trọn niềm phó thác.

§ 2 chiêng, một trống. Cung bái

3. Dâng hoa, quả: Như Cha đã đón nhận cuộc đời trung tín và đầy tình mến sắt son của Á Thánh Anrê PY, của lễ tuyệt vời của Giáo Hội Việt Nam, thì hôm nay, xin Cha thương nhận lấy:

Hoa thắm, trái thơm, nầy đoàn con dâng tiến.

Cuộc sống hôm nay, quá khứ lẫn tương lai.

Rực sáng tin yêu hay mõi mệt đường dài,

Xin kết lại như chút tình con thảo.

§ 2 chiêng, một trống. Cung bái.

4. Dâng bánh rượu: Như Cha đã đón nhận cuộc đời tươi trẻ anh hùng của Á Thánh Anrê Phú Yên, như tấm bánh thơm làm nên bởi những hy sinh và máu đào hy tế, giờ đây xin Cha thương nhận lấy:

Bánh với rượu đây hoa màu ruộng đất

Với mồ hôi lao nhọc của bàn tay

Dâng tiến Cha cuộc sống đã đong đầy

Bao nổi khổ niềm đau và vất vả.

§ 1 hồi chiêng, một trống ngắn. Cung bái.

CA DÂNG LỄ: NIỀM VUI BAO LA

1. Niềm vui bao la đoàn đân thánh hoan ca hợp dâng lên ngai Cha uy linh. Tấm bánh thơm ruộng đồng, trái nho hương ngọt nồng, đây hoa màu ruộng nương chúng con. Ngàn muôn lao lung, từng ngày tháng gian truân dệt bài ca khúc hát cao cung. Cúi xin Cha nhận về, đoái thương ban tràn trề muôn ân hồng trọn đời sống chúng con.

ĐK. Ngợi khen Cha uy linh, đoàn con xin dâng lên bánh rượu nồng, hoa trái ruộng đồng của chúng con. Ngàn lời ca du dương, hoà tâm tư yêu thương, cúi xin Cha khấng đoái thương vui nhận.

2. Giờ đây dâng lên hợp với những hy sinh trọn hồn xác kiếp sống hôm nay. Những nổi vui từng ngày với thương đau mệt nhoài trong chén rượu đời bao đắng cay.Đường mai tương lai dù vất vả chông gai, hình Thập Giá Can-vê không phai. Máu thắm loang đường dài sẽ đơm hoa một ngày cho gian trần niềm hạnh phúc tin yêu.

PHẦN D/. HIỆP LỄ – KẾT LỄ

§ Tôi thâm tín

1. Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần thiên phủ, dù hiện tại tương lai, hay quyền năng. Tôi thâm tín rằng dù mặc ai lên án, dù mặc ai vu cáo, dù là cho đén chết, chết tủi đau.

ĐK. Không có gì, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.

2. Tôi thâm tín rằng dù khó khăn bảo táp, dù khó nhọc cay đắng, dù trần truồng đói khát hay hiểm nguy. Tôi thâm tín rằng dù Người đã chẳng tha mà đã phó nộp luôn cả Người Con yêu dấu: Đức Giê-su.

§ Tình yêu đáp trả tình yêu

v Sau khi rước lễ đọc chung kinh Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

Thân lạy Á Thánh Anrê,

Là Chứng nhân tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam.

Xưa Người đã hiến trọn tuổi xuân và mạng sống,

Để đáp đền tình Chúa yêu thương,

Góp phần xây dựng Hội Thánh Việt Nam thưở ban sơ.

Là giáo lý viên nhiệt tình và quảng đại,

Không ngại gian nan rao giảng Tin Mừng.

Sau hết, Người đã lấy máu đào,

Minh chứng tình yêu son sắt

Dành cho Chúa Kitô và Hội Thánh.

Nay trên thiên quốc,

xin người đoái thương nguyện giúp cầu thay,

cho quê hương Việt Nam rạng ngời Danh Chúa,

cho giáo dân Việt Nam biết mến Chúa yêu người,

cho các bạn trẻ Việt Nam nhiệt thành thánh thiện,

cho các giáo lý viên,

biết hết lòng phục vụ trong niềm tin yêu phó thác.

Thân lạy Á Thánh Anrê,

Xin cho mọi người chúng con,

Luôn ghi nhớ và thực hiện nguyện ước của Người:

Đem tình yêu đáp trả tình yêu,

Hiến dâng mạng sống báo đền mạng sống.

Quyết một lòng trung nghĩa với Chúa Giêsu,

Cho đến trọn đời. Amen

F. TỔNG KẾT SINH HOẠT TRẠI

Ø LM trại phó 3 tổng kết hội trại Anrê Phú Yên 2010.

Ø Trao quà lưu niệm.

Ø Đại diện GLV đọc lời cám ơn.

Ø Đức Cha ban huấn từ.

G. NGHI THỨC LÊN ĐƯỜNG

Đức Cha chủ sự tuyên rao sứ điệp lên đường

1. Các bạn giáo lý viên thân mến, các bạn được mời gọi cộng tác làm việc trong cánh đồng của Giáo xứ. Các bạn hãy không ngừng noi gương Á thánh Anrê Phú Yên, tìm kiếm gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, qua việc chuyên chăm cầu nguyện và Bí Tích Thánh Thể, để Người đổi mới các bạn, biến các bạn thành những Giáo lý viên đầy nhiệt huyết cho cánh đồng truyền giáo hôm nay.

Đáp: vì con muốn là men, muốn là muối....

2. Các bạn hãy lên đường, hãy luôn yêu mến Hội Thánh và ý thức trách nhiệm của mình, qua việc quãng đại phục vụ Giáo xứ trong sứ mệnh đã lãnh nhận. Biến Giáo xứ thành một cộng đoàn bác ái yêu thương.

Đáp: Vì con muốn là men, muốn là muối....

3.Với niềm tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu Kitô Phục sinh, tôi ban phép lành cho các bạn và cho tất cả những người đang hiện diện, để chúng ta ra đi, làm chứng và loan báo Tin Mừng bằng tất cả đời sống chúng ta.

Đáp: Vì con muốn là men, muốn là muối....

v Đồng diễn bài hát chủ đề: Muối, men,ánh sáng cho đời.

v (Sau đó cộng đoàn đọc chung kinh người trẻ)

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã sống tuổi trẻ như chúng con

Và đã gọi ngay nhiều người trẻ đến với Chúa.

Khi Chúa vào đời,

Chúa đã cùng họ rảo hết các xóm làng,

Trèo lên những ngọn núi cao,

Nhiều lần gặp sóng gió trên biển hồ.

Chúa dạy họ cầu nguyện,

Để đón nhận mạc khải của Chúa Cha.

Và sai họ đem bình an đến cho mọi nhà.

Rồi tuôn đổ Thánh Thần xuống trên họ.

Chúa sai nhóm trẻ đi xây dựng Giáo Hội và thế giới mới,

Trên nền tảng Tin Mừng và tình yêu của Chúa.

Xin cho người trẻ chúng con hôm nay,

Biết đón nhận ánh mắt yêu thương của Chúa,

Bảo nhau đến với Chúa,

Và trở thành môn đệ Chúa yêu.

Xin thuật lại cho chúng con các dụ ngôn về người trẻ,

Để chúng con không bỏ nhà,

Khiến cha già phải nhớ thương.

Nhưng chúng con phải sử dụng tài năng,

Với tinh thần tỉnh thức và khôn ngoan.

Xin đào tạo chúng con,

Như nhóm trẻ ban đầu của Chúa,

Để các đôi bạn trẻ

Luôn hân hoan vì rượu mới Chúa ban.

Và để nhiều người trẻ khác

Tiếp tục sứ mạng cứu thế.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Hầu nhiều người được sống

Và được sống dồi dào. Amen.

( Đức Cha chủ sự ban phép lành)

Hát: Thần Khí Chúa đã sai tôi đi….

Mở nhạc bài: Gieo bước hành trình

__________

TỔ CHỨC – ĐIỀU HÀNH

Ø Ban điều hành tổng quát:

- Trưởng Ban: Đức Cha phó Matthêu Nguyễn Văn Khôi.

- Phó Ban 1: Đặc trách Lễ Giỗ, mặt bằng, an ninh và phụng vụ thánh lễ: Cha sở Mằng Lăng

- Phó ban 2: Đặc trách Hội trại giáo lý viên tổng quát: Cha sở Qui Hiệp

- Phó ban 3: Đặc trách thực hiện nội dung hội trại: Cha sở Đồng Tre.

Ø Ban chuyên trách sinh hoạt hội trại:

- Kỷ thuật trại tổng quát: Cha Sinh, anh Thuận (TH), Lai (ML)

- Tiếp tân-hướng dẫn (Nữ tu MTG – Chị Cẩm (TH)

- Dẫn chương trình (Cha Thái, cha Bá, Cha Châu (Qn), cha Nam (BĐ), Quang (TH)

- Ẩm thực (Chị Lợi – Hội Legio Mariae Phú Yên)

- Y tế - Thông tin – tư liệu (Thầy sáu Ngọc, chị MH (TH), BS Dân, BS Yến (TH)

- Âm thanh-Ánh sáng (Thần, Đức, Luận (TH)

- Phụng vụ (Cha Hiển (ML), cha Thâu (TS), các thầy ĐCV thuộc giáo hạt PY, các thầy Phó Tế
 
Cảm Nghĩ Hành Hương Kết Thúc Năm Linh Mục
Lm. Vinhsơn Điểm Lê Thành Nhân
20:05 23/07/2010
Trong bối cảnh những lạm dụng tình dục đối với trẻ con xảy ra bởi một số giáo sĩ đã gây tai tiếng cho Giáo Hội và làm cho Năm Linh Mục trôi qua trong lặng lẽ. Thật ra những tai tiếng này không phải là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử Giáo Hội, mà đã có nhiều lần trước đây, tuy vậy nó đã không làm Giáo Hội sa sút đến mức độ này. Sở dĩ lần này uy tín Giáo Hội đã bị sa sút trầm trọng là vì những lo sợ rằng Giáo Hội sẽ bị sụp đổ vì những tai tiếng nên đã tìm cách che đậy nó. Việc này đã gây tác hại sâu xa đối với các nạn nhân, gây phẩn nộ trong quần chúng và làm tổn thương đến uy tín của hàng Giáo sĩ.

Cha Nhân, C. Bình, C. Thinh, C.Linh, C.Thăng, C.Tiến
Mặc dù tâm hồn đầy ưu tư khắc khoải với những gì đang xảy ra, tôi đã quyết định cùng với các anh em linh mục trong Giáo phận Melbourne đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha để về thánh đô Vatican mừng Lễ Kết Thúc Năm Linh Mục và sau đó đi viếng Đức Mẹ ở Lộ Đức.

Trước khi rời nước Úc, tôi đã ghé về thăm Bố Mẹ và hỏi mẹ tôi rằng: “Má ơi, con sắp sửa đi Rôma mừng lễ Kết Thúc Năm Linh Mục cùng với Đức Thánh Cha và sau đó đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, má có muốn cầu xin điều gì không?” Má tôi trả lời: “Cầu cho Ba mày được sáng mắt, và cho Ba mày bớt “điên””.
Cha Nhân ở Lộ Đức
Ba tôi năm nay đã hơn 90 tuổi, mắt ông bị cườm và áp suất cao từ lâu, những năm gần đây thì mắt ông yếu dần và bây giờ thì không còn thấy được nữa. Ông cũng bắt đầu lẩn, hay hỏi tới hỏi lui một chuyện và hay thức dậy lúc 1 giờ sáng đòi đi Lễ và đánh thức mẹ tôi. Tôi quay sang hỏi Ba tôi: “Ba ơi, con sắp đi Rôma và Lộ Đức, Ba có muốn cầu xin điều gì không?” Ba tôi trả lời: “Đừng có lôi thôi.” Tôi chưa hiểu ý ông: “Ba muốn nói điều gì?” Ba tôi trả lời: “Hễ mà làm linh mục thì không có được lôi thôi!” Tôi vừa tức cười vừa giật mình: À thì ra ông muốn cầu nguyện cho tôi. Tôi cũng mừng thầm vì đầu óc và cặp mắt tinh thần của ông vẫn còn rất là minh mẫn và sáng suốt.

Phái đoàn Melbourne. Hàng đầu: C. Michael O'Connell, C. Tiến, C. Thăng, C. Steve, Đức Cha Les Tomlinson, C. Bình. Hàng hai: C. Nhân, C. Linh, C. Wahid Riad, C. Thinh, C. Ian Ransom. Hàng ba: C. Fabian Smith, C. Michael Moody
Đến Rôma, kinh đô Giáo Hội, vào mùa hè rực rỡ, cùng với hơn 15 ngàn linh mục đến từ hơn 100 nước trên thế giới tập trung tại công trường Thánh Phêrô, lòng tôi rộn rã lòng yêu mến Giáo Hội hợp nhất toàn cầu và lòng tự hào của các thánh Tông Đồ tử đạo đã ra đi khắp nơi gieo rắc hạt giống niềm tin yêu. Đức Thánh Cha cũng rươm rướm nước mắt khi nhìn thầy hằng ngàn các linh mục trở về từ khắp nơi. Trong bài diễn văn, Ngài khuyên răn khích lệ chúng tôi: “Vì thế, (các con nhớ rằng) linh mục không phải chỉ là một ”chức vụ” nhưng là bí tích: Thiên Chúa dùng một người nghèo hèn để qua đó Ngài hiện diện cho con người và hoạt động cho họ.
C. Tiến, C. Vượng, C. Nhân, C. Thinh, C. Bình
Thật là sự táo bạo này của Thiên Chúa, tự phó mình cho con người, và dù biết những yếu đuối của chúng ta, Chúa vẫn coi con người có khả năng hoạt động và hiện diện thay cho ngài, sự táo bạo này của Thiên Chúa là điều thực cao cả ẩn nấp đằng sau từ “chức linh mục”… Giả sử Năm Linh Mục chỉ là một sự tôn vinh thành tích con người của chúng ta, thì năm này sẽ bị hủy diệt vì những biến cố nói trên (những lạm dụng tình dục). Nhưng đối với chúng ta, đây là điều ngược lại, năm này là để cảm tạ biết ơn vì hồng ân của Thiên Chúa, hồng ân được giấu trong những bình đất sét và qua sự yếu đuối của con người, hồng ân ấy luôn cụ thể hóa tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới này.”[1]
Buổi Lễ kết thúc long trọng với lời nguyện dâng các linh mục cho Thánh Tâm Mẹ.

Sau đó chúng tôi tiếp tục đi hành hương đến Lộ Đức, một làng nhỏ nằm ở giữa các thung lũng của dãy núi Pyréné thuộc miền nam nước Pháp. Nơi đây Đức Mẹ đã hiện ra với thiếu nữ Bernadette vào năm 1858, khi được hỏi tên Mẹ là gì thì Mẹ đã trả lời rằng: Tên của Mẹ là “Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Tại Lourdes: C. Steve, Đức Cha Les Tomlinson, C. Linh, C. Nhân
Trong chuyến hành hương này tôi gặp một linh mục trẻ, cha Martin người Nigeria, cha nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp và đang phục vụ tại một xứ đạo nói tiếng Pháp tại Phi Châu. Cha đeo máy hình trên ngực và chụp nhiều hình ảnh. Tôi cũng thấy cha chạy loanh quoanh đổ đầy những tượng Đức Mẹ bằng nhựa với nước Đức Mẹ Lộ Đức để mang về cho giáo dân. Tôi nhìn thấy trong cha hình ảnh một linh mục trẻ, năng động, đầy sức sống. Khi kiệu Mình Thánh Chúa vào hang đá Lộ Đức, nơi Đức Mẹ hiện ra, lòng tôi bồi hồi với những lời nguyện mang theo, bỗng dưng một sứ đệp đến với tôi. Sứ điệp đó là: “Đối với con người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không có việc gì mà không thể làm được.” Sứ điệp đó tự dưng làm cho tôi cảm thấy hết sức bình an. Tôi đã ra suối nước Đức Mẹ để rửa mặt và tôi đã để quên mất cặp kiếng! Mặc dù không có kiếng nhưng tôi đã nhận ra rằng tôi đã để lại cái nhìn cũ của tôi và lên đường trở về với cái nhìn mới với tâm hồn ngập tràn vui mừng và hy vọng.

Lm. Vinhsơn Điểm Lê Thành Nhân

[1] Bản dịch của Lm. Trần Đức Anh, OP
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thắp Hương Cửa Chùa
Nguyễn Đức Cung
22:00 23/07/2010

THẮP HƯƠNG CỬA CHÙA



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Tâm em là Bụt, tâm anh Phật

Trên mỗi tâm ngồi một nhánh hương.

(Trích thơ của Mai Thảo)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền