Ngày 22-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 22/07/2008
Ý THỨC LIÊN TỤC.

N2T


Đệ tử của Xu-e-dan muốn là: không cùng sống với sư phụ mười năm trở lên, và quyết không dám nhận làm đệ tử.

Te-nu-o mười năm học đã mãn, thăng cấp làm sư phụ. Một hôm, ông ta đi thăm sư phụ của mình là Na-in, bởi vì trời mưa nên Te-nu-o mang guốc gỗ và che dù.

Te-nu-o sau khi vào cổng, Na-in liền hỏi: “Con đem guốc gỗ và cái dù bỏ nơi huyền quan phải không ? Nói cho thầy biết, cái dù của con để bên phải hay để bên trái đôi guốc ?”

Te-nu-o không lời để đối đáp, trong lòng cảm thấy khó chịu không thôi, càng thấm thía tự mình chưa luyện được công phu “ý thức liên tục”. Thế là ông ta lại bái sư phụ thêm mười năm nữa, để nổ lực học thêm điểm này.

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Ý thức liên tục là một loại kiên nhẫn và khiêm tốn cần phải học liên tục, học mỗi giây mỗi phút trong cuộc sống, bởi vì chỉ cần một chút thỏa mãn là “ý thức liên tục” bị gián đoạn.

1. Có một vài người tự cho mình có sự kiên nhẫn đặc biệt, nhưng lại nổi nóng khi một em bé làm sai ý mình; có một vài người Ki-tô hữu cảm thấy mình có sự nhẫn nại liên tục và chưa hề to tiếng với ai, nhưng luôn luôn chỉ trích phê bình người khác. Những người này không hiểu được “ý thức liên tục” chính là nhờ ơn Chúa ban cho và tự mình cố gắng học tập.

Đệ tử học mười năm thì cảm thấy quá giỏi rồi và được thăng cấp làm sư phụ người khác, nhưng rồi vẫn chưa luyện tập “ý thức liên tục” nên xin học thêm mười năm nữa.

2. Có những người dâng mình làm tôi tớ Chúa được năm năm thì tổ chức tiệc tùng nho nhỏ mừng ơn gọi của mình đã “ý thức liên tục” cho đến hôm nay; làm linh mục được mười năm, hai mươi năm thì tổ chức tiệc tùng lớn lớn để mừng ơn gọi của mình đã “ý thức liên tục” đến hôm nay. Xin cám ơn Thiên Chúa đã gìn giữ các ngài có được “ý thức liên tục” ấy, để các ngài khi mừng kỷ niệm mười năm, hai mươi năm hoặc hai mươi lăm năm, hay lễ vàng linh mục, thì vẫn luôn trở thành một mẫu mực “ý thức liên tục” cho thế hệ mai sau.

“Ý thức liên tục” là mãi mãi trung thành trong chức vụ và bổn phận; “ý thức liên tục” là quyết tâm liên lỉ thực hiện một việc tốt hay một nhân đức nào đó mà mình hứa thực hành; “ý thức liên tục” là luôn giữ cho cái tâm của mình an tịnh giữa những bon chen và giận dữ của người khác...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:09 22/07/2008
N2T


16. Cầu nguyện là để được ân điển như làm việc để lập công lao.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Người Kitô hữu suy niệm về Cờ Phục Sinh trong cuộc sống
Lm Vũđình Tường
22:57 22/07/2008
Hơn 170 quốc gia tham dự đại hội giới trẻ kì thứ 23 được tổ chức tại Sydney Úc châu từ ngày 15-20/7/08. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhiều mầu cờ khác nhau tung bay. Có những cờ nhìn qua biết ngay cờ đó đại diện cho dân tộc nào. Có những cờ nhìn thấy lần đầu trong đời nên đành chịu không thể đoán biết thuộc quốc gia nào. Lại có những cờ có lần nhìn thấy trong sách vở rồi quên bẵng, không mấy lưu tâm. Sau khi dò hỏi biết tên nước đó mà vẫn không mường tượng ra quốc gia đó nằm nơi đâu trên bản đồ thế giới, dân số và đời sống họ ra sao.

Giới trẻ thế giới họp mặt ở TGP Brisbane 12/7/08 trước khi hành hương đến WYD08 Sydney
Hỏi biết tên một quốc gia nhưng mù tịt về nguồn gốc và văn hoá quốc gia đó. Không phải mình tôi không biết mà khi hỏi đến những người bạn họ cũng sững sờ như tôi. Như thế nếu chủ trương trưng cờ để người ta biết mình là ai việc làm đó không đạt mục đích như lòng mong ước. Ban tổ chức đại hội dường như không mấy quan tâm về khác biệt màu sắc, hình dạng của cờ nếu chúng không gây trở ngại cho tuần đại hội. Mục đích chính của tuần đại hội chú trọng đến vấn đề tâm linh như chủ đề đại hội là

‘Hãy lãnh nhận sức mạnh Thánh Thần'

Mọi sinh hoạt đại hội đều hướng đến mục đích duy nhất giúp thành phần tham dự cảm nhận ơn Thánh Thần xuống trên họ.

Mỗi cờ đều mang những đặc trưng riêng, biểu tượng riêng và ngay cả tính linh thiêng riêng bởi vì mầu cờ đại diện cho một dân, một nước nên có những anh hùng hy sinh bảo vệ màu cờ, hy sinh dành cho cờ tung bay. Màu cờ được tô điểm bằng xương, bằng máu của các anh hùng dân tộc. Ngoài các huân chương, huy chương, anh dũng bội tinh, chiến thương bội tinh. Hai chữ anh hùng dân tộc dường như gắn liền với hy sinh mạng sống.

Cờ tôn giáo

Ngoài những lá cờ đại diện cho các quốc gia còn có nhiều cờ mang mầu sắc Thiên Chúa giáo. Trong đó phải kể đến những lá cờ đại diện cho Toà Thánh Vatican, cờ Giáo Hội, cờ của các hội dòng, cờ riêng của các thánh và cờ riêng cho từng xứ đạo. Không phải xứ đạo nào cũng có cờ riêng. Có những xứ đạo mang huy hiệu riêng của thánh bổn mạng mà không mang cờ của giáo xứ.

Cờ tôn giáo có nhiều kích thước, màu sắc khác nhau, tuỳ theo biểu tượng riêng của từng hội dòng, hay đức tính nổi bật của đấng sáng lập mà tạo nên màu cờ, khuôn mẫu.

Cờ Phục Sinh

Ngoài những lá cờ quốc gia mà mỗi công dân quốc gia đó đều hãnh diện, hoặc lá cờ vàng ba sọc đỏ mà người Việt hải ngoại rất trân trọng và qúi mến... Nhưng có một lá cờ mà người Kitô hữu phải ghi nhớ trong tim và mang trong đời sống, đó là lá cờ chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

Lá cờ Chúa Phục Sinh cần phải tung bay cao, vượt lên trên tất cả các màu cờ trong đời sống người Kitô hữu. Cờ này là tượng trưng cho chiến thắng của Chúa Giêsu vượt qua sự chết, là một chiến thắng vinh quang. Đó là chiến thắng của Đức Jêsu Kitô trên tội lỗi và chiến thắng chính sự chết. Đấng Thiết lập Giáo Hội Thiên Chúa giáo cho toàn thể nhân loại. Mọi chủ đề trong các đại hội giới trẻ đều qui tụ quanh vị lãnh tụ Kitô. Mọi hướng dẫn, học hỏi, kêu gọi và ngay cả lời chúc lành cũng qui hướng về đời sống và giáo huấn của vị lãnh tụ tối cao là Đức Kitô. Ngài là vua vũ trụ vì thế cờ của Ngài phải phất phới tung bay trên nền trời xanh thẳm do chính Ngài sáng lập.

Cờ của Ngài Chúa Giêsu được phất phới, bay cao trên hết mọi lá cờ vì là cờ của một vương quốc vĩnh cửu và vô biên. Các lãnh tụ khác ước mong mang lại cho dân tộc họ cuộc sống an khang, thịnh vượng, công lí và bình an. Điều ước mong này khi có khi không, khi nhiều khi ít. Cờ Phục Sinh của Đức Kitô là cờ duy nhất mang đầy đủ, trọn vẹn lời ca tụng trong lời kinh Tiền Tụng mừng lễ Chúa Kitô Vua toàn thể vũ trụ.

Vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lí và bình an.

Người dân Sydney đang chờ xe Đức Bênêđíctô XVI đi qua George Street Sydney 17/7/08
Ngoại trừ nước Thiên Chúa, không nước nào, dân tộc nào có được công lí bình an thực sự mặc dù trên môi miệng lãnh tụ các quốc gia luôn nhắc đến, luôn hứa hẹn những điều ngoài khả năng của họ. Đức Kitô là Đấng duy nhất không những hứa mà còn đạt được điều hứa, điều tốt lành, trọn hảo, lòng người mong đợi. Đức Kitô là Đấng duy nhất ban điều Ngài hứa. Đức Kitô là Đấng duy nhất ban sự sống vĩnh cửu, bình an thực sự. Trong nước Ngài công lí được thực hiện, bình an thực sự tràn trề. Công dân nước trời sống trong ân sủng và ơn thánh Chúa. Công dân nước trời đối xử với nhau bằng tình thương mến. Nơi đâu tràn trề tình thương nơi đó vắng bóng đau khổ.

Tôi tin chắc không Kitô hữu chân chính nào phủ nhận sự thật cờ Phục Sinh, khải hoàn. Tất cả Kitô hữu đều âm thầm mang trong tâm hồn tâm tình này, nhận biết cờ khải hoàn Đức Kitô mang lại cho nhân loại. Cờ chiến thắng, không phải chiến thắng trên các trận mạc mà chiến thắng ngay cả sự chết. Từ ngày Đức Kitô sống lại từ cõi chết, thần chết chào thua, đầu hàng.

Ngoài cờ Phục Sinh các cờ khác chiến thắng trên trận mạc. Các cờ đều có biên giới, giới hạn riêng cho từng dân tộc. Cờ Phục Sinh Đức Kitô mang lại không biên cương, chung cho mọi dân, mọi nước, mọi mầu da, ngôn ngữ.

Cờ của một quốc gia bị giới hạn bởi thời gian. Lịch sử nhân loại có ngàn đời và có nhiều mầu cờ phai lạt với thời gian đến nay không còn di tích; trong khi cờ Phục Sinh vượt lên trên mọi biên cương, lãnh thổ và thời gian. Bao lâu còn Kitô hữu bấy lâu cờ Phục Sinh còn tung bay trong tâm hồn các tín hữu. Cờ Phục Sinh không chết vì thần chết bị đánh bại, chào thua. Cờ các dân tộc, anh hùng dân tộc dùng chính cái chết của họ để bảo vệ mầu cờ. Đức Kitô trái lại dùng cái chết của địch thù tô thắm mầu cờ. Chính việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết mà thần chết phải chào thua, đầu hàng. Chiến thắng Ngài mang lại là chiến thắng vĩnh cửu. Mầu cờ của Ngài cũng là mầu cờ vĩnh cửu, không bao giờ phai. Ngoài Đức Kitô ra không ai có thể thắng thần chết. Vì thắng thần chết nên Ngài là vua sự sống, Ngài có quyền ban sự sống và những ai nấp dưới bóng cờ của Ngài sẽ không chết vì thần chết đã chào thua. Cờ Phục Sinh là cờ cao trọng nhất, vinh quanh nhất, danh dự nhất. Vì sao? Vì Đức Kitô sống lại từ cõi chết Ngài bắt mọi loài, mọi quyền bính đều qui phục dưới quyền bính Ngài. Ngài không làm vua một dân tộc, không làm chủ một lãnh thổ, không cai quản một vùng, không sở hữu một khu vực, không chiếm hữu một hải đảo. Ngài làm vua toàn thể vũ trụ. Tất cả đều qui phục dưới quyền bính Đức Kitô. Ngài không ban lương thực hư nát, không cho uống nước còn khát nhưng ban thần lương ban sự sống muôn đời.

Ai ăn bánh nay sẽ được sống đời đời.

Ai uống nước này sẽ không còn khát. Jn 4,14; 6,35

Lá cờ chiến thắng của Chúa Kitô khải hoàn định danh người Kitô hữu chân chính và tượng trưng cho chính Đức Kitô. Mọi thần tính, uy quyền, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang đến muôn thuở, muôn đời đều dành riêng cho cờ này. Nhờ thế mà mọi dân, mọi nước đều quy tụ và hiển trị. Đức Kitô làm thế vì yêu thương nhân loại. Kho tàng tình yêu vô biên Ngài mở ra để nhân loại được hưởng nhờ. Làm sao Kitô hữu biết điều đó? Vì chính Đức Kitô sai Thánh Thần của Ngài là thần chân lí xuống. Thánh Thần là Đấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho nhân loại biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Biến đổi chúng ta thành con người khiêm nhường, nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, Chúa tể duy nhất.

Chặng Đàng Thánh Giá tại Barangaroo 18/7/08
Thần tính

Gọi là thần tính vì mọi suy tính của Đức Kitô thần tài, vượt qua mọi lí luận hợp lí của khối óc loài người. Không rõ nhận xét này chính đáng đến chừng nào điều rõ ràng cờ Kitô Phục Sinh chứa đựng hình ảnh của thất bại, đầu hàng, sát tế. Lãnh tụ các quốc gia dùng hình ảnh kiêu hùng, vũ bão diễn tả sức mạnh. Đức Kitô trái lại, dùng hình ảnh thảm bại, đầu hàng, sát tế để đạt chiến thắng vinh quang, bất tử.

Trước hết là nền cờ trắng

Thông thường nơi trận mạc khi thấy dấu hiệu cờ trắng ủ rũ kéo lên nơi đó có dấu chỉ của đầu hàng, của thua trận, thất trận đến độ tự nguyện buông tay chịu trói, dẫn đi.

Ông Simon vác thập giá giúp Chúa, Barangaroo 18/7/08
Thứ hai là thập giá

Thời Đức Kitô thập giá chính là dấu chỉ của bản án tử hình. Kẻ được trao cho bản án tử hình chết treo thập tự không còn cơ hội chống án, kháng án, xin ân giảm mà chờ ngày lãnh nhận bản án tử.

Thứ ba là chiên con

Con vật được dùng làm lễ vật hiến tế cho thần linh. Con vật bị giết, chết thảm thương cho việc cử hành các nghi thức phụng tự.

Cờ Phục Sinh mang đủ ba tính chất đó. Khuông vải trắng dấu chỉ đầu hàng. Thập tự tượng trưng án tử và chiên con hiến tế. Kết hợp cả ba để nói lên ba điểm ưu việt nơi con người Jêsu.

Tấm khăn trắng dấu chỉ Ngài là đấng vô tội, trong sạch tinh tuyền như tấm vải trắng. Là Đấng vô tội nên có thể xoá bỏ tội trần gian. Chính thánh Gioan Tiền Hô công bố điều này:

Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian. Gioan 1,30

Thập giá là dấu chỉ tình thương Ngài dành cho nhân loại khi Ngài tuyên bố không có tình thương nào cao quí hơn mối tình của người thí mạng sống mình vì bạn hữu. Gioan 15,15

Chiên con ngài là con chiên tinh tuyền chịu hiến tế làm máu cứu chuộc nhân loại. Is 53, 4-5.

Chính những ưu việt đó mà Giáo Hội dùng hình ảnh chiên con nằm cạnh thập giá trên khuông vải trắng đế nhắc nhớ đến tình thương Thiên Chúa dành cho nhân loại qua việc sát tế chính Con Một mình là Đức Kitô làm giá cứu chuộc nhân loại.

Thiết tưởng các sinh hoạt tôn giáo đề nghị chỉ một biểu tượng đó đủ diễn tả tình Chúa vô biên.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI trên chuyến bay từ Roma đến Sydney, Australia
Đặng Thế Dũng
01:05 22/07/2008

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI trên chuyến bay từ Roma đến Sydney, Australia



Quý vị và các bạn thân mến,

Trên chuyến bay từ Roma đi Sydney Úc Châu, hôm thứ bảy tuần qua, ngày 12 tháng 7, Đức Thánh Cha (ĐTC) đã dành cho các phóng viên tháp tùng một cuộc phỏng vấn. Linh Mục Federicô Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, đã đọc các câu hỏi do các phóng viên đề ra. Trước khi đọc các câu hỏi, Linh Mục Lombardi đã có vài lời chào và cám ơn ĐTC nhân danh tất cả các phóng viên có mặt như sau:


Thưa ĐTC, chúng con cám ơn ĐTC vô cùng vì ngài đến với chúng con nơi đây vào lúc bắt đầu chuyến đi dài ngày này. Chúng con dâng lên ĐTC những lời cầu chúc tốt đẹp nhất và chúng con cảm thấy thật vinh dự vì ĐTC luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi chúng con. Những câu hỏi mà giờ đây chúng con trình lên cho ĐTC là những câu hỏi của những người có mặt nơi đây. Con xin được gom chung lại những câu hỏi có tầm quan trọng nhiều hơn. Chúng con đây là một cộng đồng có tính cách quốc tế, như trong mọi chuyến viếng thăm khác. Nếu được, chúng con xin ĐTC trả lời bằng tiếng Anh cho hai câu hỏi của các ký giả người Úc; còn những câu hỏi khác, ĐTC có thể trả lời bằng tiếng Ý.

Câu hỏi thứ nhất là do phóng viên Lucio Brunelli của đài Phát Thanh Italia như sau:

Thưa ĐTC, đây là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ hai của triều giáo hoàng của ngài. Nhưng, chúng ta có thể nói rằng đây là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần đầu tiên hoàn toàn thuộc về ngài. (Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ I là do Đức Gioan Phaolô II quyết định và chọn chủ đề). Vậy ĐTC có những tâm tình như thế nào, và đâu là sứ điệp chính ĐTC muốn gởi đến các bạn trẻ? ĐTC có nghĩ là ngày Quốc Tế Giới Trẻ có ảnh hưởng sâu đậm trên Giáo Hội tại Australia đang đón tiếp ngài hay không? Và cuối cùng, ĐTC có nghĩ là mô hình tổ chức cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ, còn có giá trị trong tương lai hay không?

ĐTC: Tôi đến Úc Châu với bao tâm tình và niềm vui khôn tả. Tôi còn lưu giữ trong tâm trí những kỷ niệm thật đẹp của Ngày Quốc tế Giới Trẻ ở Colonia bên Đức. Ngày đó, không chỉ đơn thuần là biến cố của quần chúng, nhưng nhất là một lễ hội lớn của đức tin, một cuộc gặp gỡ nhân bản nói lên sự hiệp thông trong Chúa Kitô. Chúng ta đã chân nhận tác động mạnh mẽ của đức tin như thế nào khi đức tin mở tung các ranh giới, mà thật sự, đức tin có khả năng hiệp nhất các nền văn hoá khác nhau và kiến tạo niềm vui. Và tôi hy vọng điều đó cũng xảy ra cho Ngày Quốc Tế Giới trẻ tại Australia. Vì thế, tôi vui mừng vì được thấy nhiều người trẻ hiệp nhất với nhau trong cùng một khát vọng hướng về Thiên Chúa và trong ước mong xây dựng một thế giới thật sự nhân bản. Sứ điệp thiết yếu của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được nói lên qua những lời kết thành khẩu hiệu của Đại Hội: Chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa Kitô. Vì thế tôi muốn quy hướng sứ điệp của tôi nói về chính thực tại nầy là Chúa Thánh Thần trong những chiều kích khác nhau. Chúa Thánh Thần là Đấng tác động trong các tạo vật. Chiều kích tạo vật này được thấy rõ ràng, bởi vì Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo. Tôi nghĩ đây là chủ đề quan trọng trong thời đại ngày nay. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng là Đấng linh ứng trong Kinh Thánh: trong cuộc hành trình chúng ta, theo ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta có thể tiến bước cùng với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Kitô; do đó, ngài hướng dẫn chúng ta sống hiệp thông với Chúa Kitô; và cuối cùng, theo lời dạy của thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần được thể hiện trong những ơn đoàn sủng, nghĩa là trong những hồng ân không ngờ trước có sức thay đổi những thời đại khác nhau và trao ban cho Giáo Hội sức mạnh mới. Do đó, những chiều kích vừa nói mời gọi chúng ta nhìn thấy những dấu vết của Chúa Thánh Thần và làm cho kẻ khác nhìn thấy sự hiện diện Ngài. Ngày Quốc tế Giới Trẻ không chỉ đơn thuần là biến cố xảy ra trong giây phút hiện tại mà thôi, nhưng được chuẩn bị bởi cuộc hành trình dài của cây Thánh Giá Ngày Giới Trẻ và của Bức Ảnh Đức Mẹ, một cuộc hành trình được chuẩn bị trên bình diện tổ chức, và trên bình diện thiêng liêng nữa. Do đó, những ngày sắp tới chỉ là những ngày cao điểm của một cuộc hành trình lâu dài trước đó. Tất cả là hoa trái của một cuộc hành trình, của một cuộc đồng hành cùng chung với nhau tiến về Chúa Kitô.

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tạo ra một lịch sử, nghĩa là tạo ra những tình bạn, những gợi hứng mới, và như thế Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cứ tiếp tục. Tôi cho đây là điều hết sức quan trọng: người ta không chỉ nhìn thấy ba hay bốn ngày này mà thôi, nhưng nhìn thấy trọn cả cuộc hành trình trước và tiếp theo sau biến cố. Theo ý nghĩa này, tôi nghĩ là ngày Quốc Tế Giới Trẻ, ít ra là trong tương lai gần chúng ta đây, là một phương thức có giá trị để chuẩn bị cho chúng ta hiểu rằng từ nhiều phía và từ nhiều nơi trên thế giới, chúng ta tiến tới Chúa Kitô và tiến tới trong sự hiệp thông với nhau. Như thế, chúng ta học được cách thức mới cùng nhau tiến bước. Tôi hy vọng đây có thể là công thức hành động trong tương lai.

LM Lombardi: Thưa ĐTC, câu hỏi thứ hai đây là của Ký Giả Paul John Kelly, phóng viên của nhật báo “Người Australia” (the Australian), một trong những nhật báo lớn tại Úc Châu. Câu hỏi như sau:

Thưa ĐTC, con muốn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh. Australia là một đất nước hết sức thế tục, với việc thực hành đạo ở mức thấp và với nhiều lãnh đạm tôn giáo. Con muốn hỏi ĐTC có lạc quan về tương lai của Giáo Hội tại Autrralia hay không? ĐTC có lo lắng Giáo Hội Australia sẽ tiến theo con đường của các Giáo Hội tại Âu Châu hay không? ĐTC có sứ điệp nào cho nước Úc để vượt qua tâm thức lãnh đạm tôn giáo hay không?

ĐTC: Tôi cố gắng trả lời bằng tiếng Anh. Nhưng xin hãy tha thứ cho những giới hạn của tôi khi dùng tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng Australia trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay là thành phần của thế giới Tây Phương, trên bình diện kinh tế và chính trị; và như thế rõ ràng Australia chia sẻ những thành công và những vấn đề của thế giới Tây Phương. Trong 50 năm qua, thế giới Tây Phương đã có những thành công lớn: thành công kinh tế và thành công kỹ thuật; còn trên bình diện tôn giáo, trên bình diện đức tin Kitô, thì theo một nghĩa nào đó Tây Phương đang gặp khủng hoảng. Đây là điều rõ ràng mọi người có thể nhận, bởi vì có cảm tưởng là chúng ta không cần đến Thiên Chúa nữa; con người có thể tự sức mình làm hết mọi sự; con người không cần có Thiên Chúa để sống hạnh phúc; con người không cần có Thiên Chúa để sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn; Thiên Chúa không cần thiết nữa, con người có thể tự mình làm được mọi sự.

Nhưng đàng khác, chúng ta nhìn thấy rằng tôn giáo luôn luôn có mặt trong thế giới và sẽ luôn luôn hiện diện, bởi vì Thiên Chúa hiện diện trong con tim con người và sẽ không bao giờ biến mất. Chúng ta nhận thấy tôn giáo là một sức mạnh trong thế giới này và trong các quốc gia như thế nào rồi. Có lẽ tôi không nói cách thuần tuý về sự xuống dốc của tôn giáo tại Âu Châu. Chắc chắn rằng có cuộc khủng hoảng tại Âu Châu; bên Mỹ Châu thì không có khủng hoảng bao nhiêu, nhưng dù sao vẫn có chút ít khủng hoảng; tại Australia cũng vậy.

Thật ra, lúc nào cũng có sự hiện diện của đức tin trong những hình thức mới và theo cách thức mới; có lẽ thuộc nhóm thiểu số, nhưng lúc nào cũng hiện diện cho toàn thể xã hội nhìn thấy. Và giờ đây, trong giây phút lịch sử này, chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng mình cần có Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều điều, nhưng chúng ta không thể tạo ra khí hậu. Chúng ta đã nghĩ là mình có thể làm được, nhưng thật ra chúng ta không thể làm được. Chúng ta cần món quà trái đất, cần món quà nước uống; chúng ta cần đến Đấng Tạo Hoá; Đấng tạo hoá xuất hiện lại trong các tạo vật ngài đã dựng nên. Và như thế chúng ta hiểu được rằng chúng ta không thật sự hạnh phúc, chúng ta không thể nào cỗ võ công bằng cho toàn thế giới, nếu không có một tiêu chuẩn hữu hiệu nằm trong tư tưởng chúng ta, nếu không có Thiên Chúa, Đấng công bằng, Đấng ban cho chúng ta ánh sáng và ban cho chúng ta sự sống. Vậy, tôi nghĩ rằng theo nghĩa nào đó, có trong thế giới Tây Phương một sự khủng hoảng đức tin nào đó, nhưng chúng ta sẽ luôn luôn có sự canh tân đức tin, bởi vì đức tin Kitô luôn luôn là thật, và sự thật sẽ luôn hiện diện trong thế giới con người, và Thiên Chúa luôn luôn là sự thật. Như vậy, cuối cùng, tôi vẫn lạc quan.

Tiếp sau đây là câu hỏi của Ông Auskar Surbakti, làm việc cho Đài Truyền Hình Úc.

Thưa ĐTC, con xin lỗi vì không nói được tiếng, vậy con xin hỏi bằng tiếng Anh: Đã có lời yêu cầu từ phía những nạn nhân người Úc bị lạm dụng tính dục do những giáo sĩ; họ xin Đức Thánh Cha giải quyết vấn đề và nói lời xin lỗi họ trong chuyến viếng thăm Australia lần này. Đức Hồng Y Pell đã nói rằng điều phù hợp có thể là chính Đức Thánh Cha giải quyết việc này như đã làm tương tự như vậy trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua. ĐTC có nói về vấn đề lạm dụng tính dục này và sẽ nói lời xin lỗi hay không trong chuyến viếng thăm Australia này?

ĐTC: Đúng vậy, vấn đề chính yếu cũng giống như bên Hoa Kỳ. Tôi đã cảm thấy phải nói về đều này ở Hoa Kỳ, bởi vì đây là điều thiết yếu để Giáo Hội hoà giải, phòng ngừa, trợ giúp và nhìn nhận lỗi lầm trong những vấn đề vừa nói. Như thế, chính yếu là tôi sẽ nói cùng một điều như tôi đã nói bên Hoa Kỳ. Như tôi đã nói, chúng ta có ba chiều kích để làm sáng tỏ: chiều kích thứ nhất, như tôi đã nói, là giáo huấn luân lý của chúng ta. Cần phải rõ ràng, và điều luôn rõ ràng ngay từ những thế kỷ đầu rằng, chức linh mục, việc trở nên linh mục, là điều không thể nào phù hợp với nếp sống như thế, bởi vì linh mục là kẻ phục vụ cho Chúa chúng ta, và Chúa chúng ta là Đấng Thánh và luôn giáo huấn chúng ta- Giáo Hội đã luôn luôn nhấn mạnh điều này. Chúng ta cần suy nghĩ về điều thiếu sót trong nền giáo dục chúng ta, trong giáo huấn chúng ta trong những thập niên qua, đó là trong những thập niên 50, 60 và 70, ý tưởng về tỉ lệ trong luân lý: lập trường cho rằng không có gì là xấu tự trong chính nó, nhưng chỉ là xấu trong tỉ lệ với những điều khác; với thuyết về tỉ lệ, người ta có thể suy nghĩ về vài vấn đề- như vấn đề ấu dâm- rằng trong tỉ lệ nào đó, những vấn đề đó có thể là điều tốt. Nhưng đây cần phải nói rõ ràng, đây không bao giờ là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Có những điều luôn luôn là xấu, và ấu dâm luôn luôn là xấu. Trong nền giáo dục chúng ta, trong các chủng viện, trong công việc thường huấn dành cho các linh mục, chúng ta cần trợ giúp cho các ngài được thực sự gần gũi với Chúa Kitô, biết học hỏi từ Chúa Kitô, và như thế trở thành kẻ trợ giúp, chớ không phải là những kẻ thù của con người, của những người Kitô. Như thế, chúng ta sẽ làm mọi việc có thể, để làm rõ điều gì là giáo huấn của Giáo Hội và giúp đỡ trong việc giáo dục và trong việc chuẩn bị các linh mục, trong công việc thường huấn, và chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để chữa lành và hoà giải các nạn nhân. Tôi nghĩ đó là nội dung thiết yếu của điều mà từ “xin lỗi” muốn nói. Tôi nghĩ đây là điều tốt hơn, quan trọng hơn, là nói lên nội dung của công thức, và tôi nghĩ nội dung nói lên điều còn thiếu trong nếp sống của chúng ta; điều chúng ta phải làm trong giây phút này; làm sao chúng ta có thể phòng ngừa,và làm sao tất cả chúng ta có thể chữa lành và hoà giải.

Linh Mục Lombardi: Xin cám ơn Đức Thánh Cha, giờ đây một câu hỏi khác nữa, do ký giả Martine Nouaille, làm việc cho hãng thông tấn AFP. Câu hỏi như sau:

Con xin đặt câu hỏi bằng tiếng Ý. Một trong những vấn đề thảo luận của Nhóm G8 đang họp bên Nhật bản là cuộc chiến chống lại những thay đổi khí hậu. Australia là một đất nước hết sức nhạy cảm về vấn đề này, xét vì sự khô hạn và những biến cố liên quan đến khí hậu không tốt trong vùng nầy trên thế giới. ĐTC có cho rằng những quyết định đã có trước đây nay có thể đáp ứng được thánh thức này hay không? ĐTC có nói về đề tài này trong chuyến viếng thăm Australia lần này hay không?

ĐTC: Như Tôi đã nói qua trong câu trả lời thứ nhất; chắc chắn vấn đề này sẽ được nói đến trong Ngày Quốc tế Giới Trẻ, bởi vì chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, và do đó chúng ta nói về các tạo vật và về những trách nhiệm của chúng ta đối với thiên nhiên. Tôi không muốn đi vào những vấn đề kỹ thuật mà các nhà chính trị và những chuyên viên phải giải quyết, nhưng tôi muốn góp vào những điểm thiết yếu, để nhìn thấy những trách nhiệm, để có thể đáp lại thách thức to lớn này: là khám phá lại trong tạo vật dung mạo của Đấng Tạo Hoá, khám phá lại những trách nhiệm của chúng ta trước Đấng tạo hoá đối với tạo vật mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, huấn luyện khả năng luân lý đối với một kiểu sống cần phải có, nếu chúng ta muốn đương đầu với những vấn đề của hoàn cảnh ngày nay và nếu chúng muốn thật sự tìm ra những giải pháp tích cực. Do đó, thức tỉnh các lương tâm và nhìn thấy khung cảnh to lớn của vấn đề này, trong đó được đặt ra những trả lời chi tiết mà chúng ta không cần phải đưa ra, nhưng để dành cho đường lối chính trị và các chuyên gia.

LinhMục Lombardi: Thưa Đức ThánhCha, câu hỏi kế tiếp là của Ký Giả Cindy Wooden, làm việc cho Hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, CNS.

Thưa ĐTC, trong khi ngài viếng thăm Australia, thì các giám mục thuộc Liên Hiệp Anh Giáo họp Hội Nghị- Liên Hiệp Anh Giáo có mặt khắp nơi trên thế giới, cả tại Australia này nữa. Một trong những vấn đề chính có liên quan đến những cách thức có thể, để củng cố sự hiệp thông giữa các cộng đoàn, và để tìm ra cách thức bảo đảm làm sao một hay nhiều cộng đoàn không có những sáng kiến mà những kẻ khác xem như là nghịch lại Phúc âm và truyền thống. Đang có nguy cơ ly khai và chia rẽ hiệp Anh Giáo và có khả năng vài cộng đoàn sẽ xin được nhận vào Giáo Hội Công Giáo. ĐTC có lời cầu chúc nào cho Hội Nghị Lambeth của Liên Hiệp Anh Giáo và cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury hay không?

ĐTC: Đóng góp thiết yếu của tôi là lời cầu nguyện. Cùng với lời cầu nguyện, tôi hiện diện thật gần bên các giám mục Anh giáo đang họp nhau trong Hội Nghị Lambeth. Chúng tôi không thể và không nên can thiệp trực tiếp vào những thảo luận của các ngài; chúng tôi tôn trọng những trách nhiệm của các ngài và ước mong của chúng tôi là cầu nguyện cho các ngài có thể tránh được những ly khai hoặc những phân rẽ mới; ước chi các ngài gặp được giải đáp trong trách nhiệm trước thời đại, vừa đồng thời trong sự trung thành với Phúc âm. Cả hai điều này cần đi chung với nhau. Kitô giáo luôn luôn đồng hành với thời gian và hiện diện trong thế giới này, trong một không thời gian nhất định, nhưng đồng thời cũng đưa vào trong thời gian sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, và như thế cống hiến một đóng góp thật sự cho thời đại bằng sự trung thành một cách trưởng thành, và sáng tạo, nhưng phải trung thành với sứ điệp của Chúa Kitô. Chúng ta hy vọng, và tôi cầu nguyện như vậy, sao cho các ngài gặp được con đường của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Đây là lời cầu chúc của tôi cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury: ước chi Liên Hiệp Anh Giáo, trong sự hiệp thông của Tin Mừng của Chúa Kitô và trong Lời Chúa, gặp được những trả lời cho những thách thức hiện có.

Linh Mục Lombardi: Thưa ĐTC, chúng con cám ơn ĐTC thật nhiều vì cuộc trao đổi này và vì những trả lời của ĐTC cho những câu hỏi của chúng con. Chúng con chúc ngài mọi sự an lành trong chuyến đi dài ngày này, và hy vọng ngài thu lượm được tất cả những hoa trái mong ước. Chúng con cố gắng cộng tác với ĐTC, bằng cách làm cho người ta biết đến sứ điệp của ĐTC, làm cho người ta hiểu được sứ điệp đó một cách tốt đẹp hơn. Xin hết lòng cám ơn ĐTC.
 
Video Diễn Nguyện Canh Thức: Hãy nhận Thánh Thần
VietCatholic Network
03:39 22/07/2008
Sáng thứ Bẩy 19-7, trong thời gian có Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney, hàng trăm ngàn bạn trẻ từ các nơi đi bộ tiến về trường đua Randwick, vừa đi họ vừa cầm cờ, ca hát vui vẻ, một cảnh tượng chưa hề có trong lịch sử tại đây. Trường đua lớn nhất nước Úc này đã từng là nơi Đức Giáo Hoàng Phaolô hồi năm 1970 và Đức Gioan Phaolô 2 chủ sự hai thánh lễ tại đây: lần thứ I hồi năm 1986 và lần thứ hai 9 năm sau đó là lễ phong chân phước cho Mẹ Mary MacKillop hồi năm 1995.

Đến nơi, các bạn trẻ được phân phối vị trí chung với đoàn liên hệ. Nhiều người dựng những lều cá nhân để có thể ở lại qua đêm và sẵn sàng tham dự thánh lễ bế mạc do ĐTC cử hành. Bầu trời mùa đông ở vùng Sydney đã tối sầm vào khoảng 6 giờ sau khi mặt trời lặn. Trong khi chờ đợi, một ban nhạc đã trình diễn nhiều bài với sự cộng tác của các danh ca.

Lúc 7 giờ tối, Thánh giá Ngày Quốc Tế giới trẻ và bức ảnh Đức Mẹ được các bạn trẻ rước lên lễ đài trải thảm đỏ, trong khi ca đoàn và mọi người cùng nhau ca bài ”Đức Mẹ Thánh Giá miền Nam”. Tiếp đến, ĐTC đã cùng với đoàn 12 bạn trẻ trong y phục truyền thống của mình, tiến lên lễ đài trong Đêm Canh Thức, giữa tiếng reo hò chào mừng của mọi người.

Người điều khiển chương trình nói: "Anh chị em khách hành hương khắp nới, xin chào đón tất cả đã tới với Đêm Canh Thức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 với Đức Thánh Cha Benedictô XVI" Và nhắc nhớ Lời Chúa như sau: "Khi đó các môn đề cùng nhau hỏi Chúa Giêsu, thưa Thầy, thời giờ đã tới chưa để Thầy tái lập vương quốc cho Israel. Ngài trả lời rằng: Không phải cho các con để biết thời gian và ngày đó, nhưng là chỉ Thiên Chúa tự quyền quyết định, nhưng các con sẽ nhận sức mạnh quyền năng khi Chúa Thánh Thần ngự đến trên các con, và các con sẽ trở nên những nhân chứng của Thầy, không phải chỉ ở Jerusalem, khắp miền Judea, và Samaria và cho tới tận cùng trái đất.”

Sau kinh nguyện mở cầu buổi canh thức của ĐTC, một thày phó tế lấy lửa từ cây nến phục sinh trao cho ngài để ngài thắp vào một ngọn đèn do thiếu nữ thổ dân mang tới. Từ ngọn đèn này, lửa lan sang ngọn đèn của 12 bạn trẻ đã tháp tùng ĐTC và được lan tỏa tới tất cả mọi người tham dự. Chẳng mấy chốc khu vực trường đua Ranwick lung linh với hàng trăm ngàn ngọn nến sáng giữa đêm tăm tối, trong khi đó ca đoàn hát bài: ”Lạy Chúa, chính Chúa là đèn soi cho con”.

ĐTC nhấn mạnh rằng "Hiệp nhất thuộc về yếu tính của Giáo Hội (SGL 813); đó là một hồng ân chúng ta phải nhìn nhận và nuôi dưỡng. Tối hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho quyết tâm nuôi dưỡng hiệp nhất, góp phần xây dựng hiệp nhất và chống lại cám dỗ muốn rời bỏ ra đi!"

* Đây là đoạn trích trong những DVD mà VietCatholic đang hợp tác với Ban Tổ Chức WYDVN08 để thực hiện hầu giúp những Bạn Trẻ đã tham dự WYD 2008 cảm nghiệm lại được những hình ảnh và tâm tình không bao giờ phai mờ, giúp khán thính giả khắp nơi có dịp thưởng thức những hình ảnh đẹp và ấn tượng tuyệt với về WYD 2008 tại Sydney, Australia.
 
Lần đầu tiên Úc Đại Lợi để cử vị Đại Sứ thường trực ở Rôma
Pau Anh
09:14 22/07/2008
Lần đầu tiên Úc Đại Lợi để cử vị Đại Sứ thường trực ở Rôma

Cựu Phó Thủ Tưởng Tim Fischer chấm dứt việc nghỉ hưu và dọn sang Rôma

SYDNEY, Úc Châu (Zenit.org).- Ông Tim Fischer, một cựu phó thủ tướng của Úc Đại Lợi sẽ trở thành vị Đại Sứ thường trực đầu tiên của Úc Châu bên cạnh Tòa Thánh.

Thủ Tướng Úc, Ông Kevin Rudd đã đưa ra lời công bố bất thần trên khi Ông chia tay Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sáng hôm qua tại Phi Trường Quốc Tế của Sydney.

Đức Thánh có mặt tại Sydney để chủ tọa Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, vốn có Thánh Lễ bế mạc vào Chủ Nhật với sự tham dự của hơn 400,000 người.

Việc bổ nhiệm Ông Fischer đánh dấu lần đầu tiên Úc Đại Lợi đề cử một vị Đại Sứ thường trực ở Vaticăn kể từ khi cựu Thủ Tướng Gough Whitlam thiết lập các quan hệ ngoại giao với Vaticăn vào năm 1973.

Một vị Đại Sứ thường trực có nghĩa là vị này sẽ sống tại quốc gia mà vị này được công nhận như là một đại diện cho quốc gia gốc của mình về mặt ngoại giao. Trong thời gian qua, vị Đại Sứ của Úc Đại Lợi tại Ái Nhĩ Lan cũng được trao nhiệm vụ là vị Đại Sứ của Úc Đại Lợi tại Vaticăn.

Thủ Tướng Ruud nói trong khi công bố ra quyết định trên rằng hành động này sẽ "cho phép Úc Đại Lợi và Tòa Thánh có thể cùng làm việc chung với nhau về những thách đố lớn mà chúng ta diện đối trên bình diện thế giới. Những vấn đề đó bao gồm: nhân quyền - kể cả quyền tự do về tôn giáo và chánh trị trên khắp thế giới; về sự nghèo đói; về sự an toàn thực phẩm; về các công tác cứu trợ nhân đạo quốc tế; về hòa bình; về việc kiểm tra và giải trừ quân bị; về thách đố lớn lao của việc thay đổi thời tiết; và về những cuộc tranh luận lớn vốn ảnh hưởng đến tương lại của địa cầu chúng ta."

Sự Chọn Lựa Sáng Suốt

Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục của Sydney, nói: việc đề cử Ông Fischer là một sự "chọn lựa sáng suốt," vì Ông là một người yêu nước và biết rất rõ về lịch sử và văn chương của Úc Đại Lợi, và là một người cha gương mẫu trong gia đình.

Đức Hồng Y nói vị Đại Sứ mới sẽ tìm thấy sự hoán chuyển về quyền lực toàn cầu từ Âu sang Á Châu qua những vấn đề có tính cấp bách trong vị trí của Ông ta.

Đức Hồng Y nói:

"Sự cân bằng về quyền lực đang chuyển từ Châu Âu về cho Thái Bình Dương, và chúng ta đang ở trên bờ vực của Á Châu. Tòa Thánh Vaticăn hiện đang chú trọng rất nhiều về Á Châu. Phi Luật Tân là một quốc gia Công Giáo và ở Đại Hàn, người Kitô Giáo cũng chẳng bao lâu sẽ trở thành thiểu số tại đất nước này, và các cơ quan của Giáo Hội đều đang có những đóng góp rất to lớn về mặt xã hội trên khắp cả Á Châu."

Kể từ khi nghỉ hưu vào năm 1999 sau 28 năm phục vụ trong Quốc Hội, Ông Fischer phần lớn vẫn duy trì lối sống của Ông tại nông trại ở Wodonga cùng với vợ và hai người con trai của Ông.

Ông Fischer đã thú nhận với hãng tin Zenit rằng Ông không có kỳ vọng gì cả vào việc được bổ nhiệm về mặt ngoại giao này, và Ông phải mất tới một ngày để thảo luận về quyết định này với vợ của Ông là Bà Judy Brewer-Fischer. Ông sẽ bắt đầu chức vụ mới vào Tháng 1/2009, và sẽ dọn sang Rôma cùng với vợ Ông và hai đứa con trai Harrison 14 tuổi và Dominic 12 tuổi.

Là một người Công Giáo tích cực, Ông Fischer nói: đây đúng là một "vinh dự thật lớn" khi Ông được bổ nhiệm vào chức vụ Đại Sứ của nước Úc tại Tòa Thánh.
 
Lời nhắn nhủ của ĐHY Daniel DiNardo về Đào Luyện Lương Tâm
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
11:34 22/07/2008
Lời Chủ Chăn tháng 8 - 2008 của ĐHY Daniel DiNardo, TGM Tổng Giáo Phận Galveston-Houston đăng trên Texas Catholic Herald ngày 18/7/2008.

*****


Đây là bài đầu tiên trong một số bài bàn về tài liệu “Làm Công Dân Chân Chính” của [Hội Đồng] Giám Mục [Hoa Kỳ].

Hơn 30 năm qua, các Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra những tuyên ngôn về nhiệm vụ chính trị; những tuyên ngôn này được ấn hành bốn năm một lần vào năm trước bầu cử. Tháng 11 vừa qua, HĐGMHK đã chuẩn y và cho ấn hành tuyên ngôn mới Đào Luyện Lương Tâm để làm Công Dân Chân Chính.” Tuyên ngôn này gồm 36 trang đưa ra những nguyên tắc luân lý căn bản của Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo. Bản văn cũng đề nghị một số cách áp dụng những Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo này vào các trường hợp cụ thể liên quan đến quốc gia chúng ta, một quốc gia được chúc lành với một lịch sử oai hùng về tự do tôn giáo và tham gia vào chính trị của các công dân.

Một điểm đặc thù của tuyên ngôn mới đây là phần mở đầu thảo luận về việc “tại sao Hội Thánh dạy về những vấn đề liên quan đến chính sách công cộng.” Lý do là vì [Hội Thánh] quan tâm đến đặc tính luân lý của xã hội và tầm mức quan trọng của nó trong việc phát triển toàn diện tất cả các phần tử của quốc gia chúng ta. Người có đức tin, bị bắt buộc bởi việc tuyên xưng đức tin của mình, phải tìm chân lý và hoạt động cho một thực tại công bình và chân chính, không phải chỉ ở những vấn đề riêng tư, hoặc với những cá nhân riêng biệt, nhưng vì bản tính nhân loại của mình, một người có đức tin cũng liên hệ đến đời sống dân sự và chính trị, nên phải chọn lựa và quyết định một cách đúng đắn về những chính sách công cộng công bằng. Một người có đức tin cần phải sử dụng cả đức tin lẫn lý trí để có thể có những quyết định tốt và khôn ngoan về đời sống và chính sách công cộng.

Vai trò của Huấn Quyền Hội Thánh là giúp người Công Giáo đào luyện lương tâm cách chu đáo; đây là một cơ hội trường kỳ và là một nhiệm vụ suốt đời. Lương tâm không phải là một “cảm giác” hoặc một ước muốn mơ hồ để làm điều tôi muốn làm. Nó là tiếng nói của Thiên Chúa vang vọng trong tâm hồn mỗi người giúp họ khám phá ra chân lý và làm điều tốt lành. Lương tâm “xuất hiện” nhiều nhất trong một phán đoán đặc biệt về việc một người phải làm gì hay là phải quyết định gì trong một trường hợp cụ thể. Một người có trách nhiệm phải trung thành làm theo điều mà mình ý thức là công bằng và chính đáng trong mỗi trường hợp bắt buộc có hành động “luân lý”, vì chính bản tính nhân loại của họ được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Tham gia vào đời sống công cộng, kể cả việc bầu cử, là một bình diện của việc thi hành phán đoán về luân lý này.

Trong việc đào luyện lương tâm, ước ao đầu tiên là muốn làm điều gì là chân thật và tốt lành cần được thỏa mãn bằng việc sẵn sàng học từ giáo huấn của Thánh Kinh và giáo huấn của đức tin. Hơn nữa, lý trí của chúng ta đi vào chi tiết của từng câu hỏi liên quan đến quyết định về lãnh vực luân lý bằng cách lượng giá những sự kiện và những dữ kiện đứng sau chúng. Một người cần phải phát huy nhân đức khôn ngoan để có thể phân biệt được đâu là phương tiện và đâu là mục đích, để cân nhắc cẩn thận những giải pháp khác nhau, cùng nhờ vào giúp đỡ của ân sủng và cầu nguyện, ngõ hầu đi đến quyết định, ngay cả một quyết định can đảm, là quyết định tôn trọng sự thật hoàn toàn và chính đáng của hoàn cảnh.

Một lương tâm được đào luyện chu đáo là điều không thể thiếu được để đi đến những quyết định tốt trong lãnh vực chính trị và trong việc bầu cử. Trong bài tới, tôi sẽ nói về những đề tài chính mà các Đức Giám Mục đã đề ra như khuôn khổ cho các quyết định chính trị trong cuộc bầu cử sắp tới.
 
Báo Australia: Cuộc viếng thăm của ĐGH nhắc nhở ta về ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời
Phụng Nghi
13:05 22/07/2008
Sydney (Courier Mail) - Các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo chắc chắn sẽ hy vọng rằng sinh lực và nhiệt tình tạo nên suốt tuần lễ qua trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ khuyến khích những người xa rời đức tin trở về với bầy chiên.

Và có thể rằng, những người chưa bao giờ có kinh nghiệm về tôn giáo, lúc này đây có lẽ cảm thấy sự thúc đẩy muốn đi thăm dò những vấn đề tâm linh để tìm ra một con đường đẫn đến an nhiên tự tại.

Đồng thời, một nhà thần học ham với sách vở, xa lạ, ít được biết tới, lại nổi trội lên, chỉ trong thời gian mấy ngày, trở thành một vị Giáo hoàng của đại chúng, một con người nhân hậu làm ta xúc động, một con người khiêm tốn tạo niềm vui.

Trên đường đi ngài phải đương đầu với cái di sản kinh hoàng về chuyện giáo sĩ lạm dụng tình dục, bằng phương cách xin lỗi công khai và gặp gỡ với các nạn nhân.

Cử chỉ của ngài sẽ không xóa đi được nỗi đau đớn của những người phải gánh chịu, nhưng hành động của ngài lại là điều quan trọng và có sức mạnh tượng trưng.

Nhiều người trong chúng ta chỉ biết loáng thoáng được ý nghĩa của Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước khi những ngày đó bắt đầu – ấy là một biến cố đặt trọng tâm ở Sydney và có vẻ là nguồn gốc tạo ra không gì hơn là phiền phức và bất tiện cho nhiều cư dân của thành phố này, những người chỉ bo bo lo sống cho lợi ích của riêng mình.

Nhưng vào lúc Bênêđictô XVI rời khỏi Australia, một tuần lễ dài pha trộn những lễ nghi ngoạn mục của Đức giáo hoàng, những cảnh tượng hùng vĩ, khối lượng khổng lồ những nhiệt tình chân thực, thái độ hớn hở và xưng tụng đức tin của những người hành hương đến từ khắp thế giới, tất cả đã làm nên những chuyện thần kỳ.

Chỉ có những kẻ rã rời ngấy chán nhất mới không được hứng khởi lên, ít nhất ở một mức độ nào đó.

Chuyện những gì thực sự còn tồn tại lâu bền tác động do chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng, là điều hãy còn để chờ coi cho biết. Nhưng ít nhất, dù sao cuộc thăm viếng này, trong một thời gian, cũng nhắc nhở chúng ta biết cuộc sống sẽ biến đổi ra sao khi thiện chí và lòng quảng đại trong tinh thần thay thế cho tính ích kỷ, tính cảnh giác của những người công dân chúng ta, những người lấy việc theo đuổi tìm kiếm của cải làm các nguyên tắc chỉ đạo.

Nhà cầm quyền đã cảm thấy nhu cầu phải thông qua các đạo luật coi việc quấy rối khách hành hương là bất hợp pháp, những đạo luật cuối cùng không những là điều sai lạc về mặt luật pháp mà cũng chẳng cần thiết nữa.

Chế giễu các tín đồ và công khai chống báng một số niềm tin của người Công giáo, có thể là trò đùa hay ho đối với một số người.

Nhưng cuối cùng thì, lại còn hơn là chuyện thô lỗ nữa, nếu lấy làm trò vui khi trêu chọc hàng bao nhiêu ngàn người Công giáo trẻ trung, hào hứng và sung sướng, tràn ngập phố phường chúng ta và trên những màn ảnh lớn trong những ngày vừa qua.

Mọi người đều có quyền giữ, hoặc không giữ, niềm tin cá nhân hoặc tín lý của mình. Và hầu hết mọi người trong chúng ta đều không muốn cho ai dạy bảo mình đâu là con đường đúng ta phải đi. Chúng ta muốn tự mình chọn lựa lấy.

Nhưng đồng thời, hầu hết mọi người chúng ta – đặc biệt là trong những thời gian thử thách này, khi tỷ lệ lãi xuất lên cao và bất ổn về kinh tế - lại có thể có được một khích lệ ngắn và sâu sắc làm ta thuần tuý phấn khởi và tích cực hơn lên.

Cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng thật đắt giá, người ta ước tính phải chi phí tới 160 triệu mỹ kim, nhưng theo những người đứng đầu về thương mại tại địa phương, thì số tiền tương đương hay nhiều hơn thế đã được người hành hương để lại. Nhưng cũng còn để lại nữa sẽ là một luồng ánh sáng ấm áp và lạc quan còn kéo dài, có lẽ thế, tốt đẹp cho cuộc sống hơn là chuyện kiếm được hay chi phí bao nhiêu tiền bạc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ đặt viên đá góc xây dựng thánh đường giáo họ Bắc Sơn – giáo xứ Đồng Chiêm
Giuse Trần Ngọc Huấn
10:22 22/07/2008
Hôm nay, ngày lễ kính Thánh nữ Maria Madalena, giáo họ Bắc sơn thuộc giáo xứ Đồng Chiêm, giáo phận Hà nội vui mừng chào đón Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, quý cha, về dâng thánh lễ đặt viên đá góc và làm phép diện tích nhà thờ mới. Đông đảo mọi thành phần dân Chúa và quý khách đã cùng hiệp thông trong thánh lễ này.

Giáo họ Bắc sơn nằm giữa vùng đồi núi hoang sơ thuộc huyện Mỹ đức – Hà tây, cách Tòa Tổng Giám mục khoảng 100 cây số, giáo dân chủ yếu sống bằng nghề thuyền chài, sống lênh đênh trên song nước dưới chân các ngọn núi Thanh Hà, chạy từ Chùa Hương, Mỹ đức, Hà tây cho đến đập Đá Bạc, Đồng gianh, Lạc thủy, Hòa bình.

Từ năm 1957 về trước, nơi đây có sự hiện diện của hai giáo họ nhỏ bé với những ngôi nhà nguyện tranh tre lá lứa đơn sơ: họ Đồng Cả thuộc giáo xứ Đồng Chiêm và họ Sỏ Lợn thuộc xứ Đồng Gianh.

Theo dòng thời gian, xã hội biến chuyển, lòng người đổi thay, đức tin và cơ sở vật chất của hai giáo họ cứ dần bị mai một đi, cho đến nỗi ngôi nhà nguyện và nền đất của ngôi nhà nguyện ấy cũng không còn.

Đến năm 1984, nhờ sự giúp đỡ của nông trường Thanh Hòa, tỉnh Hòa Bình, giáo dân đã lên định cư trên mảnh đất hiện nay, lập thành hai thông Nam Hưng và Thanh Hà, đồng thời sáp nhập hai giáo họ nói trên lại thành một, mang tên giáo họ Bắc Sơn, thuộc xứ Đồng Chiêm. Được cấp một quả đổi, giáo dân đã nhanh chóng dựng lên một ngôi nhà nguyện nhỏ đơn sơ để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện.

Hiện nay, giáo họ Bắc Sơn đã trở nên đông đảo với khoảng 2000 giáo dân. Ngôi nhà nguyện trở nên quá chật chội, ẩm thấp, vì vậy, ngày 13/12/2007, nhờ hồng ân Thiên Chúa và tình thương mến của Đức Tổng Giuse cùng với sự giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp chính quyền, Cha xứ Giuse và giáo dân họ Bắc Sơn đã tiến hành đào móng, khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới trên nền đất của nhà nguyện cũ. Ngày hôm nay, 22/7/2008, một niềm vui lớn lại đến với giáo họ khi chính Đức Tổng cùng với quý Cha đã về dâng Thánh lễ đặt viên đá góc và làm phép diện tích ngôi nhà thờ mới. Với bao sự cố gắng nỗ lực của giáo dân và sự giúp đỡ của ân nhân xa gần, ngôi nhà thờ mới đang dần thành hình, Thánh lễ hôm nay là một bước khởi đầu cho một chặng đường mới của việc xây dựng ngôi nhà thờ này.

Đặc biệt, với việc cử hành Thánh lễ đặt viên đá góc hôm nay trong ngày lễ kính thánh Maria Mađalêna, giáo họ Bắc sơn đã chính thức nhận Thánh nữ làm bổn mạng của mình. Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức Tổng Giuse đã nêu lên những điểm nổi bật trong cuộc đời Thánh nữ: từ một con người tội lỗi đã được Chúa đoái thương trừ cho khỏi bảy quỷ và biến đổi thành một con người mới, theo Chúa trên bước đường rao giảng Tin mừng, can đảm đứng gần bên Chúa dưới chân Thánh giá, và trên hết, Thánh nữ là người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh, là người đầu tiên loan tin mừng Phục Sinh, vì vậy, Maria Madalena xứng đáng được mệnh danh là Tông đồ của các tông đồ. Ngài mời gọi mỗi người trong giáo họ khi nhận Thánh Maria Madalena làm bổn mạng hãy biết theo gương đức tin và sự tận trung phục vụ Chúa của Thánh nữ, hãy biết lắng nghe lời Chúa, đặt trọn niềm tin nơi Chúa và biến đổi cuộc đời để đáp lại tiếng Chúa kêu mời. Chính Chúa Giêsu là viên đá góc, là nền tảng và mỗi người chúng ta phải trở nên những viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng. Đức Tổng cũng nhấn mạnh: việc xây dựng ngôi nhà thờ mới cũng cần phải đi liền với việc xây dựng con người mới, cộng đoàn mới. Noi gương Maria Madalena, mỗi người hãy phấn đấu không ngừng vượt thắng những đam mê cuộc đời, đam mê trần thế, lướt thắng xác thịt để biết vươn tới đam mê những giá trị vĩnh cửu đời sau để được gặp chính Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và viên mãn nhất.

Đại diện cho giáo họ, ông trùm đã nói lên tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, tri ân Đức Tổng và quý Cha cùng quý khách: Công trình xây dựng nhà thờ của giáo họ chúng con mới chỉ là khởi đầu, muốn hoàn thành cần phải cần đến rất nhiều lời cầu nguyện, sự quan tâm giúp đỡ về tinh thần và vật chất của Đức Tổng, quý Cha, quý khách và ân nhân xa gần.
 
Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Portland, Oregon Hoa Kỳ, tổ chức Lễ Khấn Dòng
Phan Hoàng Phú Quý
12:15 22/07/2008
PORTLAND, OREGON - Thứ Bảy ngày 19/7/2008 vào lúc 10 giờ sáng, Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland-Oregon đã tổ chức Lễ Tuyên Khấn Lần Đầu cho Nữ Tu Mary Bernadette Nguyễn Thị Nhiên tại Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.

Đức Tổng Giám Mục chủ tế thánh lễ và quý linh mục đồng tế, với sự có mặt của gia đình, than nhân và đông giáo dân.

Trong phần giảng huấn, Đức Tổng Giám Mục đẵ đề cao giá trị cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ giáo hội và tha nhân, nhất là trong sứ mạng quảng bá tin mừng cứu độ, Ngài vui mừng và hãnh diện vì thấy được đức tin của những người trẻ dành cho Thiên Chúa vẫn dồi dào và sung mãn.

Ngài cũng ngợi khen và cám ơn những bậc cha mẹ đã hy sinh cống hiến những người con thân yêu của mình cho Thiên Chúa và giáo hội.

Ngài cũng nói đến sự trùng hợp kỳ lạ là hôm nay chúng ta chừng kiến lời tuyên khấn của soeur Mary Bernadette, thi bên kia bờ Đaị dương tại Úc Đại Lợi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ 16h đang cử hành thánh lễ Đ ại Trào cho ngày Giới Trẻ Thế Giới, tại đó có hàng trăm ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cùng tập trung về để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và sẳn sàng làm chứng cho Tin Mừng.

Tiếp theo là nghi thức tuyên khấn: Lạy Chúa xin đoái nhìn đến tôi tớ Chúa là nữ tu đang tuyên khấn sống những lời khuyến Phúc Âm trước mặt Hội Thánh Chúa hôm nay. Xin Tình Yêu Chúa thúc đẩy con sống sáng danh Chúa và cọng tác vào việc xây dựng ơn cứu rỗi cho mọi người.

Vị nữ tu Tân Hứa đã nhận khăn lúp mới và sách luật của Hội Dòng Mến Thánh Giá.

Thánh lễ được kết thúc vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, mọi người được mời ở lai dùng tiệc trà thân mật để cùng chia vui với Hội Dòng và gia quyến, trong buổi tiệc có phần văn nghệ giúp vui do chính các nữ tu phụ trách với nhiều tiết mục thật dễ thương và cảm động. Trong dịp nầy chúng tôi cũng nhận thấy có sự hiện diện của Soeur Tổng Quyền Bề Trên thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà lạt tạI Việt Nam đến chung vui và chia sẽ những tâm tình cuộc đờI tận hiến mà quý chị em nữ tu tạI quê nhà đang sinh hoạt trong cách đồng truyền giáo, phục vụ quê hương và giáo hội.

Được biết Tu viện Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland hiện có 28 nữ tu và 04 đệ tử, Tu viện luôn sẳn sàng đón nhận các thiếu nữ từ 16 tuổi trở lên, những ơn gọi muộn được nâng đỡ riêng. Muốn biết thêm chi tiết xin liên lac về địa chỉ: 7408 S.E. Alder Street Portland Oregon 97215 Điện thoại (503) 254-3284.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hình ảnh công an đàn áp 98 hộ làm rau thuộc xứ đạo Lộc Hưng Saigon
Ánh Sáng
11:34 22/07/2008
Coi đoạn Video công an đàn áp người dân Lộc Hưng ngày 16/07/2008

Chúng tôi xin đưa lên một đoạn phim ngắn mà chúng tôi đã may mắn ghi lại được cảnh đàn áp của công an phường và quận Tân Bình đối với bà con vườn rau xứ Lộc Hưng vào trưa ngày 16/07/2008. Công an phường, quận dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND phường 6 Văn Công Dũng, cụ thể là công an Dương Từ Tâm (số hiệu 278-753) cố tình xông vào dùng dùi cui đánh vào mặt một phụ nữ trong bà con chúng tôi đến tóe máu miệng và dậy tay bầm tím. Bà con chúng tôi tay không tấc sắt buộc phải kháng cự lại và ném đá ra phía ngoài để tránh sự đàn áp của lực lượng công an với đủ các dụng cụ trong tay, thậm chí còn bắn súng chỉ thiên để doạ nạt bà con chúng tôi.

Bà con vô cùng phẫn nộ trước việc làm trái pháp luật cũng như lương tâm của một con người của lực lượng công an phường quận đã đánh một phụ nữ đáng tuổi cha mẹ mình. Đến lúc đó ông Chủ tịch Văn Công Dũng mới tuyên bố: “Chúng tôi xuống đây để tìm hiểu và lắng nghe ý kiến của bà con. Bây giờ chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của bà con. Bà con cứ yên tâm”. Chẳng lẽ bà con giải thích bằng lời không đủ để hiểu, chỉ đến khi đánh người khác bị thương tích thì lãnh đạo phường, quận mới thấu hiểu được việc làm của bà con chúng tôi. Vậy chắc lãnh đạo phường, quận chờ đến khi bà con chúng tôi bị đánh đến chết thì sẽ hiểu rõ hơn chăng? Rõ ràng lãnh đạo phường, quận cùng công an cố tình đàn áp bà con, đến khi gây đổ máu thì lại tìm cách chối khéo để phủi trách nhiệm.

Những hình ảnh trưa ngày 16/7/2008



Thứ Năm ngày 17.7.2008

Công an phường 6 và quận Tân Bình đàn áp và đánh đổ máu bà con vườn rau

Chúng tôi đã trực tiếp đến gửi đơn tại Văn phòng HĐND và UBND TP và thông qua Văn phòng Tiếp công dân TP rất nhiều lần trong nhiều năm qua nhưng kết quả chỉ là những lần thất hẹn. Ngày 13/03/2008, tập thể chúng tôi đến Văn phòng HĐND và UBND TP.HCM để gửi đơn tố cáo khẩn cấp lần 3 và kiến trình theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Khiếu nại Tố cáo và theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Thế nhưng, thay vì tỏ thái độ thiện chí lắng nghe bức xúc của tập thể 89 hộ thì lãnh đạo UBND TP lại chỉ đạo lực lượng công an đàn áp chúng tôi, bắt giữ người trái pháp luật. Và để lý giải cho hành động sai trái của mình, với Thông báo số 118/TB-VP-M ngày 25/03/2008 của Văn phòng HĐND và UBND TP, ngày 11/04/2008 Thanh tra TP kết hợp với UBND quận Tân Bình dưới sự chỉ đạo của UBND TP tổ chức công bố kết luận thanh tra về phần đất 4,8 ha tại khu vườn rau phường 6, Tân Bình cho các hộ dân liên quan. Chúng tôi đã đề cập đến những sai trái của thông báo công bố kết luận thanh tra trong đơn tố cáo ngày 17/04/2008 và cũng do những sai trái này mà buổi công bố kết luận thanh tra không thể tiến hành theo đúng “kế hoạch”.

Sau đó, Thanh tra TP đã gửi bản kết luận thanh tra đến từng hộ dân qua đường bưu điện. Nội dung bản kết luận Thanh tra bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn cũng như những sai trái của lãnh đạo phường, quận, thành phố. Nhưng quan trọng nhất cuối cùng Thanh tra Thành phố kết luận yêu cầu xin xác nhận quá trình sử dụng đất đầy đủ yếu tố luật định của tập thể 89 hộ chúng tôi trong suốt hơn 8 năm qua là đúng pháp luật nhưng lại không lý giải được tại sao một yêu cầu đơn giản như thế, phù hợp quy định của pháp luật, thuộc trách nhiệm của UBND phường, quận nhưng từ phường, quận đến thành phố lại cố tình tránh né không giải quyết cho bà con chúng tôi khiến chúng tôi phải khốn khổ hơn 8 năm qua.

Tuy nhiên, bản kết luận thanh tra này cũng chỉ là một hình thức để UBND TP kéo dài thời gian cũng như để lý giải cho hành vi đàn áp tập thể 89 hộ chúng tôi vào ngày 13/03/2008. Chính vì vậy mà mặc dù đã có kết luận thanh tra từ ngày 26/03/2008 mà đến nay hơn 3 tháng trôi qua, lãnh đạo TP vẫn không có động thái nào để giải quyết đơn tố cáo của tập thể 89 hộ chúng tôi.

Đến ngày hôm nay 16/07/2008, sau khi chờ đợi sự giải quyết đúng pháp luật và hợp tình hợp lý của UBND TP trong vô vọng, một bà con chúng tôi buộc phải dựng lại hàng rào ngăn cách vườn rau của mình với đường đi bên ngoài để tránh việc người dân từ nơi khác đến đổ rác vô tội vạ và đông đảo người nghiện đến chích xì ke vào ban đêm rồi quăng tiêm chích bừa bãi.

Vốn dĩ phần diện tích vườn này đã có hàng rào từ trước, nhưng để phục vụ cho việc làm hang đá vào dịp Noel nên bà con chúng tôi đồng ý phá bỏ hàng rào. Nhưng nay vì nạn xì ke ma tuý quá lộng hành và những người từ nơi khác đến đổ rác, đổ xà bần vô tội vạ nên buộc chúng tôi phải dựng lại hàng rào để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực cũng như để tiện cho việc trồng trọt của bà con chúng tôi nhằm ổn định đời sống.

Thế nhưng viện cớ bà con xây dựng không xin phép, UBND Phường 6 và Quận Tân Bình cử đông đảo các cơ quan ban ngành và lực lượng công an cả thường phục lẫn sắc phục cả trăm người mang theo cả xe cảnh sát to đến đàn áp, rồi sau này là cử cả xe cứu thương và chữa cháy đến hù doạ bà con chúng tôi, buộc chúng tôi phải tháo bỏ hàng rào mặc cho chúng tôi liên tục giải thích rằng chúng tôi tuyệt đối không xây dựng mà chỉ phạt cỏ cho bằng phẳng và dựng lại hàng rào cũ để tiện việc trồng rau. Chẳng lẽ chỉ có việc làm lại hàng rào vườn rau mà chúng tôi cũng phải xin phép. Nếu như vậy thì nhà nước làm sao có thể đào tạo cho đủ nhân sự để phụ trách công việc này và từ trước đến nay không có văn bản nào quy định việc dựng lại hàng rào bị hư hỏng cũng phải xin phép UBND phường, quận.

Đến ngày hôm nay, 17/07/20085, chúng tôi nhận được tin lực lượng công an sẽ tiếp tục đưa lực lượng hùng hậu hơn và trang bị đầy đủ hơn trực tiếp xuống vườn rau để tiến hành đàn áp bà con chúng tôi. Chúng tôi mong quý vị sẽ hiệp lòng chia sẻ và cầu nguyện để Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ luôn ở bên chúng tôi.

“Bể kế hoạch”

Chúng tôi 98 hộ làm rau thuộc xứ đạo Lộc Hưng, quận Tân Bình, Saigon đã đã trực tiếp đến gửi đơn tại Văn phòng HĐND và UBND TP và thông qua Văn phòng Tiếp công dân TP rất nhiều lần trong nhiều năm qua nhưng kết quả chỉ là những lần thất hẹn. Ngày 13/03/2008, tập thể chúng tôi đến Văn phòng HĐND và UBND TP.HCM để gửi đơn tố cáo khẩn cấp lần 3 và kiến trình theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Khiếu nại Tố cáo và theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Thế nhưng, thay vì tỏ thái độ thiện chí lắng nghe bức xúc của tập thể 89 hộ thì lãnh đạo UBND TP lại chỉ đạo lực lượng công an đàn áp chúng tôi, bắt giữ người trái pháp luật. Và để lý giải cho hành động sai trái của mình, với Thông báo số 118/TB-VP-M ngày 25/03/2008 của Văn phòng HĐND và UBND TP, ngày 11/04/2008 Thanh tra TP kết hợp với UBND quận Tân Bình dưới sự chỉ đạo của UBND TP tổ chức công bố kết luận thanh tra về phần đất 4,8 ha tại khu vườn rau phường 6, Tân Bình cho các hộ dân liên quan. Chúng tôi đã đề cập đến những sai trái của thông báo công bố kết luận thanh tra trong đơn tố cáo ngày 17/04/2008 và cũng do những sai trái này mà buổi công bố kết luận thanh tra không thể tiến hành theo đúng “kế hoạch”.

Sau đó, Thanh tra TP đã gửi bản kết luận thanh tra đến từng hộ dân qua đường bưu điện. Nội dung bản kết luận Thanh tra bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn cũng như những sai trái của lãnh đạo phường, quận, thành phố. Nhưng quan trọng nhất cuối cùng Thanh tra Thành phố kết luận yêu cầu xin xác nhận quá trình sử dụng đất đầy đủ yếu tố luật định của tập thể 89 hộ chúng tôi trong suốt hơn 8 năm qua là đúng pháp luật nhưng lại không lý giải được tại sao một yêu cầu đơn giản như thế, phù hợp quy định của pháp luật, thuộc trách nhiệm của UBND phường, quận nhưng từ phường, quận đến thành phố lại cố tình tránh né không giải quyết cho bà con chúng tôi khiến chúng tôi phải khốn khổ hơn 8 năm qua.

Tuy nhiên, bản kết luận thanh tra này cũng chỉ là một hình thức để UBND TP kéo dài thời gian cũng như để lý giải cho hành vi đàn áp tập thể 89 hộ chúng tôi vào ngày 13/03/2008. Chính vì vậy mà mặc dù đã có kết luận thanh tra từ ngày 26/03/2008 mà đến nay hơn 3 tháng trôi qua, lãnh đạo TP vẫn không có động thái nào để giải quyết đơn tố cáo của tập thể 89 hộ chúng tôi.

Đến ngày hôm nay 16/07/2008, sau khi chờ đợi sự giải quyết đúng pháp luật và hợp tình hợp lý của UBND TP trong vô vọng, một bà con chúng tôi buộc phải dựng lại hàng rào ngăn cách vườn rau của mình với đường đi bên ngoài để tránh việc người dân từ nơi khác đến đổ rác vô tội vạ và đông đảo người nghiện đến chích xì ke vào ban đêm rồi quăng tiêm chích bừa bãi.

Vốn dĩ phần diện tích vườn này đã có hàng rào từ trước, nhưng để phục vụ cho việc làm hang đá vào dịp Noel nên bà con chúng tôi đồng ý phá bỏ hàng rào. Nhưng nay vì nạn xì ke ma tuý quá lộng hành và những người từ nơi khác đến đổ rác, đổ xà bần vô tội vạ nên buộc chúng tôi phải dựng lại hàng rào để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực cũng như để tiện cho việc trồng trọt của bà con chúng tôi nhằm ổn định đời sống.

Thế nhưng viện cớ bà con xây dựng không xin phép, UBND Phường 6 và Quận Tân Bình cử đông đảo các cơ quan ban ngành và lực lượng công an cả thường phục lẫn sắc phục cả trăm người mang theo cả xe cảnh sát to đến đàn áp, rồi sau này là cử cả xe cứu thương và chữa cháy đến hù doạ bà con chúng tôi, buộc chúng tôi phải tháo bỏ hàng rào mặc cho chúng tôi liên tục giải thích rằng chúng tôi tuyệt đối không xây dựng mà chỉ phạt cỏ cho bằng phẳng và dựng lại hàng rào cũ để tiện việc trồng rau. Chẳng lẽ chỉ có việc làm lại hàng rào vườn rau mà chúng tôi cũng phải xin phép. Nếu như vậy thì nhà nước làm sao có thể đào tạo cho đủ nhân sự để phụ trách công việc này và từ trước đến nay không có văn bản nào quy định việc dựng lại hàng rào bị hư hỏng cũng phải xin phép UBND phường, quận.

Bỏ qua mọi lời giải thích của bà con chúng tôi, công an phường, quận dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND phường 6 Văn Công Dũng, cụ thể là công an Dương Từ Tâm (số hiệu 278-753) cố tình xông vào dùng dùi cui đánh vào mặt một phụ nữ trong bà con chúng tôi đến tóe máu miệng và dậy tay bầm tím. Bà con chúng tôi tay không tấc sắt buộc phải kháng cự lại và ném đá ra phía ngoài để tránh sự đàn áp của lực lượng công an với đủ các dụng cụ trong tay, thậm chí còn bắn súng chỉ thiên để doạ nạt bà con chúng tôi.

Bà con vô cùng phẫn nộ trước việc làm trái pháp luật cũng như lương tâm của một con người của lực lượng công an phường quận đã đánh một phụ nữ đáng tuổi cha mẹ mình. Đến lúc đó ông Chủ tịch Văn Công Dũng mới tuyên bố: “Chúng tôi xuống đây để tìm hiểu và lắng nghe ý kiến của bà con. Bây giờ chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của bà con. Bà con cứ yên tâm”. Chẳng lẽ bà con giải thích bằng lời không đủ để hiểu, chỉ đến khi đánh người khác bị thương tích thì lãnh đạo phường, quận mới thấu hiểu được việc làm của bà con chúng tôi. Vậy chắc lãnh đạo phường, quận chờ đến khi bà con chúng tôi bị đánh đến chết thì sẽ hiểu rõ hơn chăng? Rõ ràng lãnh đạo phường, quận cùng công an cố tình đàn áp bà con, đến khi gây đổ máu thì lại tìm cách chối khéo để phủi trách nhiệm.

Đến ngày 17/07/20085, chúng tôi nhận được tin lực lượng công an sẽ tiếp tục đưa lực lượng hùng hậu hơn và trang bị đầy đủ hơn trực tiếp xuống vườn rau để tiến hành đàn áp bà con chúng tôi. Chúng tôi mong quý vị sẽ hiệp lòng chia sẻ và cầu nguyện để Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ luôn ở bên chúng tôi.

Tất cả những điều này đều chỉ nhằm mục đích để lý giải cho hành động đàn áp và bắt giữa người trái pháp luật của lực lượng công an trước Văn phòng HĐND và UBND TP vào ngày 13/03/2008 và cũng là một cơ hội tốt để chính quyền địa phương triển khai quy hoạch trái pháp luật. Tất cả kế hoạch này cũng là một cách thức để UBND TP tiếp tục trốn tránh không tiếp bà con 89 hộ để giải quyết tố cáo. Cũng chính vì những mục đích đó là Thanh tra TP đã cố tình tổ chức buổi công bố kết luận thanh tra mặc dù Luật Thanh tra cũng cho phép cơ quan thanh tra gửi bản kết luận cho đối tượng thanh tra mà không cần thiết phải tổ chức một buổi công bố quy mô như thế.

Nhưng cuối cùng, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, kế hoạch này đã không thể thực hiện được, một vị cán bộ đã phải tuyên bố buổi họp đã bị “bể kế hoạch” và đề nghị bà con giải tán để trả lại mặt bằng cho Trung tâm thể thao quận Tân Bình.

Thế nhưng cuộc chiến đòi công lý chưa dừng ở đây, vẫn còn rất nhiều chông gai phải vượt qua nhưng tập thể 89 hộ chúng tôi vẫn một lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, cái ác không thể tồn tại mãi, công lý rồi sẽ được thực thi.

Những diễn biến mới nhất chúng tôi sẽ nhanh chóng thông tin đến quý vị. rất cám ơn quý vị đã theo dõi và cầu nguyện cho bà con chúng tôi suốt những tháng ngày khó khăn qua.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (15)
Vũ Văn An
04:11 22/07/2008
PHẦN BỐN: HÔN NHÂN TAN VỠ

CHƯƠNG MƯỜI BA: TAN VỠ HÔN NHÂN

Từ Cựu ước qua Tân ước đến Truyền thống Kitô giáo, việc hôn nhân tan vỡ và ly dị luôn bị coi là những vi phạm đến chính bản chất của hôn nhân, vì bản chất ấy vốn là một liên hệ giao ước, nên không được vi phạm. Tuy nhiên, các cuộc hôn nhân cá biệt vẫn tiếp tục vỡ tan, và trong Chương này, chúng tôi sẽ khảo sát trạng huống hiện nay của khía cạnh ấy. Ba phần đầu của Sách đã phác thảo những khả thể có tính tích cực của hôn nhân; trong phần này, chúng tôi sẽ đưa ra phần bổ túc của bức hoạ. Nó là một thế giới của biến động, của xung khắc và của đau khổ, khi mối liên hệ, khởi đầu mang theo biết bao hy vọng, giờ đây đang lùi dần vào vỡ mộng và cảm thức thua cuộc.

PHƯƠNG DIỆN DÂN SỐ HỌC

Hôn nhân tan vỡ đã xẩy ra theo mức độ nào? Thật ra không thể có được những tín liệu hoàn toàn chắc chắn trong phạm vi này. Ðiều biết rõ chỉ là những đơn xin tiêu hôn và ly dị xẩy ra hàng năm. Những con số này được thu lượm tại Anh và Wales.

Nhìn bảng I, ta sẽ thấy trong thế kỷ này, sự gia tăng khá đều đặn. Nhưng đến năm 1947, bỗng nhiên có sự nhẩy vọt, phản ảnh những bất ổn của thời kỳ chiến tranh. Sau sự gia tăng nhanh chóng ấy, con số ly dị lại giảm xuống, nhưng không trở lại mức trước được. Rồi năm 1961, con số lại gia tăng và từ đó không bao giờ giảm xuống nữa: tăng đến 143,000 vụ năm 1978, giảm chút đỉnh năm 1979, nhưng lại tăng lên trong năm 1980. Nếu quan sát kỹ, ta thấy sự gia tăng gia tốc hẳn sau năm 1971.

BẢNG I

Ðơn xin tiêu hôn và ly dị, theo các năm đã được chọn lựa, tại Anh và Wales.

Năm Đơn Tiêu Hôn Các Vụ Ly Dị
1911 902 650
1921 2,848 2,733
1931 4,784 4,013
1941 8,305 6,368
1947 48,500 60,254
1951 38,382 28,767
1961 31,905 25,394
1971 110,900 74,400
1972 110,700 119,000
1975 140,100 120,500
1976 146,400 126,700
1977 170,000 129,000
1978 163,600 143,700
1979 163,900 138,000
1980 148,200


(Tham Chiếu-Tổng Cục Ðăng Ký)

Năm 1971, có những thay đổi lớn về Luật. Cho đến năm đó, chỉ được phép ly dị khi có những vi phạm trong hôn nhân. Vi phạm hôn nhân là một ý niệm theo đó hôn nhân được nhìn như một khế uớc, nên nếu khế ước bị vi phạm, người ta có cơ sở để xin tiêu hủy. Những vi phạm này bao gồm ngoại tình, bỏ đi trong ba năm, bạo hành và bệnh tâm thần phải nằm bệnh viện năm năm. Năm 1969, đạo luật về Canh Cải Ly Dị được thông qua và có hiệu lực từ tháng Giêng năm 1971. Theo đạo luật này, chỉ cần có bằng chứng là cuộc hôn nhân đã đến hồi không thể hàn gắn được là đủ để xin ly dị. Các căn bản để chứng minh điều ấy có thể là: ngoại tình đến độ người thỉnh nguyện thấy không thể sống chung được nữa; tác phong vô lý của người phối ngẫu làm người thỉnh nguyện không thể sống với họ nữa; bỏ đi hoặc sống xa nhau trong vòng hai năm và người phối ngẫu đồng ý; hoặc sống tách xa nhau 5 năm với sự ưng thuận hoặc không của người phối ngẫu. Ðạo luật này, trong khi coi hôn nhân chủ yếu như một liên hệ, vốn được coi như một kiểu mẫu được nhiều nơi trên thế giới chấp nhận. Chắc chắn nó làm cho những vụ ly dị tương đối dễ dàng hơn mặc dù về phương diện kinh tế nó đòi hỏi hơn nhiều, vì luật không ngừng thay đổi để đảm bảo phúc lợi cho người vợ và con cái. Người chồng vì vậy thường phải chu cấp cho cả hai gia đình, gia đình do hôn nhân trước và gia đình do hôn nhân thứ hai, và đo đó các tài nguyên của họ đôi khi không chịu đựng nổi các phí khỏan này.

Việc gia tăng ly dị tại Anh và Wales trong 20 năm nay đã được phản ảnh cả ở Âu Châu (1) lẫn Hoa Kỳ (2). Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ ly dị tại Anh và Wales đã tăng gần gấp đôi đối với cỡ tuổi trên 25 và gần gấp ba đối với cỡ tuổi dưới 25 (3). Việc gia tăng ly dị trong các xã hội Phương Tây là một hiện tượng văn hoá có ý nghĩa rất lớn.

Sự tan vỡ xẩy ra khi nào? Cho đến những năm gần đây, người ta thường làm những con tính dựa trên thời gian lúc xẩy ra ly dị, và người ta gọi nó là thời gian kéo dài theo luật (de jure duration). Nhưng thực tế, các cặp vợ chồng đã ngưng sống chung với nhau trước khi ly dị, thành ra thời gian kéo dài trên thực tế mới đáng kể.

Các nghiên cứu tại Hoa kỳ, tại Âu Châu và tại Anh cho thấy đại đa số các vụ ly dị đã xẩy ra trong năm năm đầu của hôn nhân. Ta có Monahan, khi tóm lược những phát hiện của mình và của nhiều nhà điều tra khác, đã cho rằng việc ly thân đã xẩy ra phần nhiều trong năm thứ nhất hoặc năm thứ hai (4). Tại Thụy Ðiển, một bản phân tích về nguy cơ ly dị mỗi năm cho đến năm 40 sau khi cưới cho thấy ly dị bắt đầu gia tăng lúc hôn nhân đạt đến đỉnh cao nhất của nó, tức khoảng 4 năm sau ngày cưới(5). Tại Anh, Chester thấy rằng 38% các cặp ly dị đã không còn sống chung với nhau từ năm thứ năm sau ngày cưới, nhưng chỉ có 16% thực sự ly dị trong khoảng thời gian đó (6). Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy 34% các cặp ly dị đã ly thân vào năm thứ năm mặc dầu chỉ có 11% đã được phép ly dị; 60% các cặp ly dị đã ly thân vào năm thứ mười sau khi cưới (7). Như thế chứng cớ rõ ràng là dù ly dị có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong chu kỳ hôn nhân, nhưng 5 năm đầu chiếm đến 40% các vụ ly thân, số còn lại trải dài suốt qua chu kỳ ấy với đỉnh cao vào năm 20 sau ngày cưới. Cũng cuộc nghiên cứu này cho thấy bất kể việc ly dị xẩy ra năm nào, 80% những người đàn bà ly dị và 59% những người đàn ông ly dị nghĩ rằng các khó khăn trầm trọng của vợ chồng đã khởi đầu khoảng năm thứ năm sau ngày cưới.

Thành ra nếu muốn phòng ngừa, thì những năm đầu của hôn nhân rất quan trọng, và các bà vợ thường nhậy cảm hơn nhiều về sự có mặt của các trục trặc trầm trọng. Ðây cũng là điểm quan trọng khác trong việc phòng ngừa; người vợ rất thường hay nhận ra những điều không thuận chỉnh ngay từ những ngày đầu mới lấy nhau, nhưng oái ăm thay, chồng bà, linh mục của bà và ngay cả các huấn đạo viên của bà cũng không một ai chú ý đến các than phiền của bà. Dần dà, các niềm hy vọng của bà sẽ bị sói mòn và vì cái động lực tranh đấu cho hôn nhân đã không còn nữa, thì mọi can thiệp hữu ích dù có đưa ra cũng hoàn toàn vô ích.

CÁC LÝ DO VĨ MÔ VỀ PHƯƠNG DIỆN XÃ HỘI

Ðâu là lý do gây ra sự gia tốc trong các đổ vỡ của hôn nhân trong hai thập niên vừa qua? Ở tâm điểm bất cứ cuộc tan vỡ hôn nhân nào, người ta cũng thấy có sự bất tương hợp về xã hội, về xúc cảm, về tri thức hoặc về tâm linh, hoặc do từng yếu tố hoặc gồm nhiều yếu tố hợp lại. Ðiều khác nhau giữa các thời đại chỉ là sự khác nhau về cơ sở làm nền cho sự bất tương hợp ấy mà thôi. Trong phần này, các lý do thuộc phạm vi hoàn cầu sẽ được khảo sát.

Ðứng đầu các lý do này là phong trào giải phóng phụ nữ và do đó các hậu quả trong việc thay đổi mối tương quan đàn ông đàn bà. Trong cả ngàn năm trước, một cơ cấu có tính tổ phụ vốn hiện diện trong đó người đàn ông giữ vị thế cao hơn. Các cuộc hôn nhân được khuôn định trong những liên hệ có tính phẩm trật trong đó người chồng là đầu còn người vợ là thành viên lệ thuộc. Sự vận hành thực tế của mối liên hệ xã hội này có thể khác nhau tùy theo từng cuộc hôn nhân. Trong một vài cuộc hôn nhân, người chồng chỉ làm đầu cho có vì trong khi người vợ mới là người thực thi quyền hành trong gia đình. Nhưng quyền hành ấy có đi chăng nữa cũng chỉ luẩn quẩn trong khung cảnh gia hộ mà thôi. Nơi công cộng và ngoài xã hội nói chung, người đàn ông vẫn là người lãnh đạo. Mặt khác, có những hạn chế về xã hội và kinh tế khiến cho việc người vợ bỏ chồng cực kỳ khó khăn vì bà phải lệ thuộc hoàn toàn ở ông để được chu cấp.

Chỉ đến thời ta, việc giải phóng phụ nữ mới có được bước nhẩy vọt và xã hội đang nhanh chóng nhìn nhận sự bình đẳng về giá trị giữa hai phái trong phẩm giá và quyền lợi. Các ưu quyền của đàn ông đang từ từ thu nhỏ lại và người ta hy vọng mối liên hệ chồng vợ sẽ là mối liên hệ bình đẳng suốt đời.

Sự bình đẳng này đòi buộc gắt gao phải có thông đạt, phải kính trọng nhau và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Những thay đổi này, trong 25 năm chót của thế kỷ, đã xẩy ra một cách nhanh chóng đến độ người ta chuẩn bị không kịp, huấn luyện không kịp và không kịp đưa ra những trợ giúp để đương đầu với chúng. Nói một cách vắn tắt, hoài mong đã đi trước khá xa các khả năng của vợ chồng trong việc đương đầu với những thay đổi lớn lao về xã hội và tâm lý, và hậu quả là những bất tương hợp vĩ đại, những bất tương hợp mà người ta không còn coi là những thánh giá phải vác nữa, mà được giải quyết bằng ly dị và thay đổi người phối ngẫu.

Việc người phụ nữ ào ạt bước vào lực lượng lao động có nghĩa là nay họ được độc lập về kinh tế. Sự độc lập này không còn buộc họ phải tiếp tục sống trong những hoàn cảnh mà bản thân họ thấy không còn chịu đựng nổi. Việc phổ biến các phương tiện ngừa thai cũng có nghĩa là một yếu tố khác từng cột chặt người đàn bà vào khung cảnh gia đình, tức việc thai nghén triền miên, đang dần đần được loại bỏ đi. Gia đình ngày nay thường nhỏ và con cái thường chỉ ra đời khi được hoạch định từ trước. Kết quả là phụ nữ được nhiều tự do bản thân hơn và có khả năng trở lại làm ăn sinh lợi nhuận nhờ thế mà được độc lập hơn.

Các hoài mong sâu sắc hơn không chỉ giới hạn ở bình diện xã hội. Như đã trình bầy ở Phần II, sự kiện các vai trò cố định dần dần mờ nhạt đi đã đem hai vợ chồng đến chỗ thân mật hơn, và nhờ thế các tầng sâu hơn của bản ngã tâm lý được dịp tham dự vào mối liên hệ của họ. Ðây là tầng đã được cả một thế kỷ phát triển tâm lý học tác động đến nhờ đó, tác động của tâm thức (psyche) trên nhân cách ngày càng được hiểu sâu hơn và đánh giá tốt hơn.

Những phát triển tâm lý xã hội này trùng hợp với thời kỳ người ta nhanh chóng tách mình ra khỏi các định chế tôn giáo chính thức. Ðặc biệt là sự cam kết ước nguyền có tính trói buộc nay đang tan biến đi và liên tục tính không còn được coi như nhân đức nữa. Như đã bàn trên đây, liên tục tính có thể đáp ứng các nhu cầu sâu xa nhất của con người, nhưng ngày nay người ta lại đi chuộng những gì có thể vứt bỏ được (disposable), cho nên người ta cần nhiều thì giờ mới có thể đánh giá được rằng chỉ có liên tục tính mới phục vụ tốt nhất các hoài mong về xã hội, xúc cảm và dục tính trong hôn nhân mà thôi. Tóm lại, toàn bộ xã hội Phương Tây đang bị giao động bởi các thay đổi ý thức hệ. Các thay đổi này cuối cùng sẽ tác động trên hôn nhân, một định chế phải thay mặt tập thể chịu đựng các thay đổi ấy.

CÁC LÝ DO TIỂU MÔ VỀ XÃ HỘI

Bên trong các yếu tố vĩ mô đã miêu tả trên đây, ta nhận dạng được những yếu tố đặc thù có thể đem lại những tác động bất lợi riêng. Ðó là tuổi lúc kết hôn, có thai trước khi lấy nhau, nhà ở, giai cấp xã hội, trình độ học vấn, và tôn giáo.

TUỔI

Mối liên hệ giữa tuổi lúc kết hôn và kết quả của cuộc hôn nhân đã được nghiên cứu khá sâu rộng. Kết quả rất đồng bộ cho thấy một cách rõ rệt rằng các cuộc kết hôn lúc còn quá trẻ mang rất nhiều rủi ro (8,9,10). Tạp chí Những Khuynh Hướng Dân Số (Population Trends) đã tóm tắt tình trạng đó như sau: "Dù cuộc hôn nhân đã kéo dài bao lâu chăng nữa, vẫn có nguy cơ ly dị cao nếu cô dâu lấy chồng lúc chưa đầy 20 tuổi. Tỷ dụ, 9% các cuộc hôn nhân cử hành năm 1963 đã kết thúc bằng ly dị sau khi lấy nhau được 11 năm; nhưng khi cô dâu dưới 20 tuổi, 16% đã ly dị trong khoảng thời gian đó, so với 8% khi cô dâu tuổi từ 20 đến 24 lúc kết hôn. Và nếu chú rể cũng dưới 20 khi kết hôn, thì nguy cơ ly dị còn cao hơn nữa” (9).

Mặc dù các cuộc hôn nhân quá trẻ có nguy cơ ly dị cao, nhưng không phải cuộc hôn nhân nào thuộc loại ấy cũng kết thúc bằng ly dị. Thành ra, chắc chắn có những yếu tố làm gia trọng yếu tố tuổi mà cũng có những yếu tố hỗ trợ cho yếu tố tuổi. Hai yếu tố làm gia tăng chính là việc có thai trước khi kết hôn và việc thuộc về giai cấp kinh tế xã hội thấp. Người ta biết rằng các yếu tố này, tự chúng đã mang nhiều rủi ro, lại thường thấy có nhiều trong các cuộc hôn nhân mà vợ chồng đều dưới 20 tuổi. Mặt khác, việc có được cha mẹ giúp đỡ, nhà ở tốt và nhân cách vững ổn là những lợi điểm bảo vệ hai vợ chồng tránh được những nguy cơ lớn hơn trong nhóm tuổi này.

Tại sao các cuộc hôn nhân quá trẻ lại quá bấp bênh? Vì dù người đàn ông và người đàn bà đã phát triển đầy đủ về phương diện thể lý và tri thức trước tuổi 20, nhưng họ lại chưa hoàn tất được việc phát triển về xúc cảm trước thời gian ấy. Và vì sự thành bại của hôn nhân ngày nay mật thiết liên hệ tới sự ổn định về xúc cảm, nên trách nhiệm đương nhiên do việc thiếu chín chắn về xúc cảm gây ra. Một vài người trẻ tuy còn đang mù mờ về bản sắc như chưa biết mình là ai, mình đang đi về đâu, mình muốn làm gì trong đời, mà đã đi kết hôn chỉ để có được vị thế của những người đã kết hôn. Ðáng tiếc thay, chiếc nhẫn trên bàn tay trái chẳng làm bản sắc họ sáng sủa hơn chút nào, và chính vì vậy cuộc hôn nhân nhanh chóng bị kết liễu sau khi đã thực hiện được mục đích bắc cầu từ tuổi thiếu niên qua tuổi trưởng thành.

CÓ THAI TRƯỚC KHI KẾT HÔN

Cái tai hại của việc có thai trước khi kết hôn đã được nhắc đến trên đây. Các nghiên cứu trong nhiều năm của Christensen ở Mỹ đã chứng minh rằng việc có thai trước khi kết hôn là yếu tố gia tăng nguy cơ ly dị (11). Các nghiên cứu khác cũng xác nhận điều đó (12,13). Lý do thì nhiều. Với một số cặp, việc có thai trói buộc họ trước khi họ sẵn sàng mọi điều kiện để kết hôn. Những cuộc hôn nhân vội vã như thế có thể thiếu nơi ăn chốn ở, thiếu dự trù tài chánh, có khi thiếu luôn sự trợ giúp của thân thuộc. Yếu tố khác là sự hiện diện của đứa con làm hai vợ chồng sao lãng nhau và do đó mất đi mối dây nối kết mạnh mẽ giữa họ với nhau (14).

Cũng như đối với yếu tố tuổi, không phải cuộc hôn nhân nào với cái bào thai sẵn trong bụng trước khi kết hôn cũng kết thúc bằng ly dị. Thí dụ trường hợp những cặp đã từng hẹn hò làm quen với nhau trong một thời gian dài và việc có thai là hành vi cố ý. Cũng có thể là những cuộc hôn nhân được cha mẹ hỗ trợ, ít có trục trặc trong thời gian tiền hôn nhân và ít hiện tượng trầm cảm sau khi sinh con (15).

Tuy nhiên, dù hậu quả có thế nào chăng nữa, những người có thai trước khi kết hôn thường là những người có sung lực tính dục cao trước và trong khi lấy nhau cũng như ngoài hôn nhân. Ðiều ấy chứng tỏ họ có một nhân cách hướng ngoại với các đặc điểm như ham mê các sinh hoạt dục tính và ít quan tâm đến những liên hệ có tính bản thân.

NHÀ Ở

Một trong các ước muốn của vợ chồng mới cưới là có được nơi ăn chốn ở riêng để được tư riêng và đủ tiện nghi xây dựng mối liên hệ của chính họ. Các chứng cớ từ những cuộc nghiên cứu về lịch sử nơi ăn chốn ở của những cặp ly dị cho thấy phần lớn các cặp này đã phải chia chung nơi ăn chốn ở với người khác khi mới kết hôn, và do đó ngay trong năm đầu cuộc sống vợ chồng, họ đã phải sống trong tranh chấp với những người cùng cư ngụ. Thêm vào đó, phần lớn các cặp ly dị phải chuyển nhà nhiều hơn những cặp không ly dị, và những cuộc chuyển nhà này lại không được hoạch định mà là bất chợt và bốc đồng. Với những cuộc chuyển nhà như thế, hai vợ chồng cứ phải nhổ rễ thường xuyên, làm gián đoạn những tiếp xúc với hàng xóm bạn bè, và do đó cứ phải bắt đầu lại từ đầu. Những gián đoạn này gây cho vợ chồng khá nhiều căng thẳng, nhất là người vợ, là người thường mất mát nhiều nhất các trợ giúp và cảm thức an toàn do khu vực sinh sống đem lại, vì vừa thiết lập được một số liên hệ bằng hữu lại đã phải nhổ rễ ra đi.

GIAI CẤP XÃ HỘI VÀ GIÁO DỤC

Những cuộc nghiên cứu liên tục tại Hoa Kỳ cho thấy có một liên hệ đảo ngược giữa giai cấp xã hội và ly dị. Ðiều này có nghĩa là giai cấp kinh tế xã hội càng thấp thì nguy cơ ly dị càng cao. Ðiều ấy cũng đúng với trình độ giáo dục. Các nghiên cứu tại Anh thì ít hơn. Nhưng một nghiên cứu trước đó lại cho thấy không hề có mối liên hệ nào như thế cả (17). Những nghiên cứu gần đây của Gibson xác nhận điều này, nhưng thêm rằng các giai cấp xã hội V và III (không làm việc bằng chân tay) có khuynh hướng dễ ly dị hơn (18). Sự khám phá này sau đó đã được một nghiên cứu khác lặp lại y trang (19).

Ðâu là lý do? Ta biết rằng giai cấp V có nhiều yếu tố dễ đưa đến ly dị, như lấy nhau quá sớm, tỷ lệ có thai trước khi kết hôn cao, nơi ăn chốn ở không thỏai mái, và tài chánh nghèo nàn. Thành thử nếu giai cấp này dễ ly dị, thì đó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên ở giai cấp III, ta không thấy những yếu tố đó. Nhưng rõ ràng giai cấp này thiếu gắn bó an toàn. Các thành viên của nó không thuộc về giai cấp trên cũng không thuộc về giai cấp dưới một cách rõ rệt, cho nên các nâng đỡ về xã hội rất yếu. Hơn nữa, nếu người chồng là người thành công về kinh tế, ông ta có thể đi lại thân thiện với những người vốn chẳng có ý nghĩa gì đối với vợ ông ta. Bà này có thể nghĩ rằng chồng đang bỏ rơi mình và bỏ rơi những gì mình đang chủ trương, nói cách khác hy sinh mình cho một thế giới mà mình không được trang bị để chia sẻ hoặc thông cảm. Dần dà bà sẽ cảm thấy xa lạ với chồng, coi chồng như đã đi quá xa các tài nguyên của mình, thực tế bàn chân đã trở nên quá lớn đối với chính đôi giầy của mình.

Trình độ giáo dục, vốn đóng một vai trò quan trọng tại Mỹ với mối liên hệ đảo ngược, thì tại Anh và Wales lại không có vai trò quan trọng như thế.

TÔN GIÁO

Việc là thành viên của một tôn giáo, nếu giống nhau, thường đem lại một sức mạnh phụ trội giúp hai vợ chồng cố gắng tìm ra giải pháp để duy trì cuộc hôn nhân của họ. Mặt khác cũng có thể có ít những tranh chấp về những vấn đề như ngừa thai, phá thai, triệt sản, giáo dục tôn giáo của các con và các giá trị khác mà hai vợ chồng theo đuổi. Tại Mỹ, các cuộc hôn nhân khác đạo thường bị liên kết với ly dị (20). Người ta cũng thấy nếu một trong hai không gắn bó với một tôn giáo nào thì đó là điều dễ đưa đến ly dị (21). Khám phá này cũng đã được xác nhận tại Anh và Wales (22). Gắn bó với một niềm tin không nhất thiết phải được biểu lộ bằng việc đi nhà thờ, nhưng nếu được biểu lộ như thế, thì cuộc hôn nhân được chứng tỏ là bền vững hơn nhiều. Khám phá này xẩy ra cả ở Mỹ (23) lẫn Anh (24). Nó phù hợp với chủ trương của các giáo hội Kitô giáo và Do thái giáo vốn nhấn mạnh đến tính cách bất khả tiêu của hôn nhân. Hơn nữa, nếu hai vợ chồng đều là những người tích cực đi nhà thờ, thì điều chắc là họ sẽ được động cơ thúc đẩy để luôn cố gắng bảo tồn các lý tưởng của hôn nhân.

Tuy nhiên, các rào cản ly dị này ngày một trở nên yếu hơn vì xã hội ngày một bị tục hóa hơn, cho nên mối liên hệ giữa đức tin và hôn nhân cần được khảo sát luôn. Không ai hoài nghi rằng con số những cặp vợ chồng mà cả hai cùng có đức tin đưa nhau ra toà ly dị ngày càng gia tăng, và do đó việc bảo vệ đức tin tôn giáo ngày nay thấy yếu hơn trước đây.

GIAI ÐOẠN THỨ NHẤT (5 NĂM ÐẦU MỚI LẤY NHAU)

Các yếu tố trên đây đã được nghiên cứu đi nghiên cứu lại và từ những nghiên cứu ấy tầm quan trọng của chúg đã được nhận ra. Từ trước đến nay, các ảnh hưởng tác hại đã được khảo sát dựa trên những biến cố lớn, được những hoàn cảnh xã hội riêng biệt củng cố, tuy nhiên còn yếu tố thứ ba, tức những nét chuyên biệt trong mỗi giai đoạn của cuộc sống hôn nhân dựa trên các chiều kích xã hội, thể lý, xúc cảm, tri thức và tâm linh. Những yếu tố này đã được quan sát nhiều lần về phương diện bệnh nghiệm học (clinically).

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI

Các yếu tố xã hội nói ở đây bao gồm việc tách rời khỏi cha mẹ, thiết lập mái ấm và phân chia trách nhiệm tài chánh để quản lý mái ấm ấy, việc xử lý các tình bạn đã có trước khi lấy nhau, công ăn việc làm và nghỉ ngơi giải trí. Các khó khăn liên quan đến các vấn đề này đã được đề cập trong các chương nói về các giai đoạn trong cuộc sống hôn nhân. Ở đây chỉ xin lặp lại những điểm chính và xin được khai triển một vài khía cạnh.

1. TÁCH RỜI KHỎI CHA MẸ: Việc thực sự tách rời khỏi cha mẹ, được diễn tả ở đầu Sách Thánh, là điều rất quan trọng đối với phúc lợi của hôn nhân. Vợ chồng muốn tách rời khỏi cha mẹ mình, và sau này sẽ trở lại với các ngài khi thích hợp.

2. SẮP XẾP VIỂC NHÀ: Theo cách sắp xếp cổ truyền, người vợ thường phải gánh vác phần lớn công việc trong nhà. Nhưng ngày nay, càng ngày người ta càng chờ mong chồng phải tham gia vào công việc ấy, đặc biệt khi người vợ cũng đi làm, một điều thường xẩy ra ngày nay. Tuy nhiên, nói về sự đóng góp của người chồng, ta vẫn thấy có nhiều khó khăn. Ðôi khi, những lời hứa hẹn thuở mới quen nhau không còn được tuân giữ nữa sau khi đã lấy được nhau. Kết quả là bà vợ hoặc bà mẹ đi làm phải quá mệt mỏi, do đó chắc chắn sẽ ác cảm đối với chồng là người cứ nhởn nhơ coi như mình còn độc thân không bằng. Sự phân chia việc nhà do đó vẫn chưa được công bằng và thái độ không chịu giúp một tay của ông chồng sẽ có nghĩa như ông thiếu quan tâm chăm sóc đến vợ.

3. SẮP XẾP TÀI CHÁNH: Khi vợ chồng bất hoà, họ khó mà tránh được những tranh cãi về tiền bạc. Trên thực tế, nếu tiền bạc trở thành đề tài chính để tranh chấp, nó có thể gây hiệu quả tiêu cực sâu sắc và lâu bền. Người vợ có thể than phiền rằng chồng bần tiện và vô trách nhiệm. Chồng thì trái lại chê vợ không biết quản lý hoặc hoang phí trong việc trưng diện. Vợ có thể bẻ lại và cho rằng chồng hay say sưa và ham mê cờ bạc, không biết quản lý vấn đề tiền nong.

Ðôi khi người chồng bất lực không thể thanh toán được các hóa đơn đòi tiền. Thư từ để qua một bên, không chịu mở. Các thư nhắc trả tiền để đó không thèm lưu ý. Rồi thì giấy đe dọa đưa ra tòa. Người vợ nhậy cảm sẽ thấy chuyện thoái thác trách nhiệm như thế là điều không thể chịu được. Bà ta có thể trở nên nóng nẩy, bất an, lên tiếng thúc giục chồng phải hành động. Nhưng ông chồng có thể hoặc trấn an rằng đâu sẽ có đó hoặc la vợ chỉ lắm điều. Cuối cùng, đến đường cùng, người vợ có thể đề nghị để mình lãnh trách nhiệm trả các giấy đòi nợ và như thế sẽ đảm nhiệm một vai trò vốn do người chồng nắm giữ. Dù tự tin là nhờ mình mà các trách nhiệm về tài chánh đã được giải quyết, người vợ hẳn không ưa khi thấy cái gánh nặng tài chánh bỗng rơi xuống vai mình.

Mặc dù tranh chấp về các vấn đề tài chánh sẽ còn tiếp tục trong suốt cuộc hôn nhân, những bất đồng rõ rệt về tiền bạc trong những năm đầu mới lấy nhau có thể khiến người vợ phải ra đi nếu cái bầu khí vô trách nhiệm về tài chánh tỏ ra quá sức chịu đựng của bà.

4. BẠN BÈ: Trong một số hoàn cảnh, các tình bạn trước đây có thể gây khó khăn cho hai vợ chồng. Trước nhất, cũng như đối với cha mẹ, bằng hữu có thể chiếm giữ ảnh hưởng ưu thế trong cuộc sống của một trong hai vợ chồng và cái ảnh hưởng này bị người phối ngẫu kia ghét bỏ. Ðôi khi cũng có thể vì người bạn kia từng đã có lần ăn ở với một trong hai người phối ngẫu. Người phối ngẫu kia có thể bị ray rứt khổ sở, vì cứ phải so sánh tầm mức cũng như khả năng tính dục của người bạn kia với chính mình. Vợ chồng có thể cứ cật vấn nhau hoài xem chồng/vợ mình so sánh được thế nào với người bạn trước khi kết hôn kia về phương diện tính dục. Những cật vấn này có thể cứ thế kéo dài, hoặc được lặp đi lặp lại. Có khi đến tận đêm khuya khiến người phối ngẫu chịu không thấu đành nhận bừa. Khổ nỗi sự nhận bừa ấy có thể càng làm cho bạn mình tò mò hơn và bất an hơn. Vì dù có "tiết lộ" bao nhiêu bí mật đi chăng nữa cũng vẫn không vừa và do đó cật vấn vẫn tiếp diễn, tiếp diễn không phải để có tín liệu khách quan cho bằng chắc mẩm rằng vợ/chồng cũng chẳng thua gì người "tiền nhiệm". Ðôi khi người tiền nhiệm chẳng phải ai khác mà là vợ cũ chồng cũ bị nghi ngờ là vẫn còn ảnh hưởng. Những cật vấn dai dẳng ấy sẽ gậm nhắm dần sự tin tưởng của vợ chồng và sau cùng có thể kết liễu chính cuộc hôn nhân.

Một vấn đề khác của hôn nhân là khi một người có nhiều bạn bè còn người kia có rất ít. Kết quả là việc quan tâm đến bạn bè có thể bị ghét bỏ, và việc tùy thuộc vào họ có thể gây ra ghen tuông, thô bạo hoặc xua đuổi. Người chồng hoặc người vợ cô đơn kia có thể tìm cách tách người phối ngẫu mình ra khỏi vòng bạn bè và do đó biến họ cũng thành cô đơn như chính mình. Cứ kiểu này, hai vợ chồng sẽ trở thành những nhà tu ẩn dật quanh quẩn chỉ còn có nhau mà thôi.

5. VIỆC LÀM: Những năm đầu mới lấy nhau, thường người chồng vẫn tiếp tục đi làm. Hôn nhân ít khi làm gián đoạn công việc làm ăn của ông. Phần lớn các bà vợ cũng có thể vẫn tiếp tục đi làm một thời gian trước khi sinh con. Tại Anh và Wales, 705 phụ nữ có chồng đã đi làm trong năm đầu mới lấy nhau, nhưng tỷ lệ này tụt xuống còn 30% vào năm thứ năm (25). Việc sụt tỷ lệ này nhất định phải là do vấn đề sinh đẻ khiến người vợ phải tạm nghỉ làm trong một thời gian. Việc người vợ đi làm có một điểm rõ rệt đó là sự mệt mỏi do việc phải cài răng lược giữa việc làm và việc nội trợ, ngoại trừ được chồng giúp đỡ.

Về phần người vợ, việc làm không phải chỉ là phương tiện để đạt độc lập về kinh tế. Nó còn là phương thế mạnh mẽ để duy trì lòng tự hào nơi nàng, một niềm tự hào do cảm thức tức khắc về thành quả đem lại, tức là cảm thấy mình đã thực hiện được một cái gì có giá trị, có bạn bè mới, có cái thích thú do việc làm mang lại. Khi những điều ấy bị hy sinh vì sinh nở và nuôi con, thế giới của nàng trở nên như bị vây hãm. Và lúc đó là lúc nàng cần có sự hiện diện ân cần của chồng hơn bao giờ hết. Nếu sự hiện diện này không có, nàng sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi và không được thương yêu.

6. NGHỈ NGƠI GIẢI TRÍ: Lý tưởng nhất trong việc nghỉ ngơi giải trí là giữ được thế quân bình giữa thì giờ vui chơi với nhau và nhu cầu sống một mình để thư dãn hồi phục. Vợ chồng nào cũng nên sắp xếp trước các hoạt động vui chơi giải trí của riêng mình, thí dụ người chồng sẽ tiếp tục các sở thích thể thao hay đi nhậu nhẹt còn vợ thì đi thăm bạn bè hoặc theo đuổi các sở thích riêng khác. Tuy nhiên, các sinh hoạt riêng rẽ ấy phải đi song song với những sinh hoạt chung với nhau như cùng đi nhậu, coi phim, coi hát, coi đại nhạc hội, thăm viếng bè bạn và thân nhân.

Những kiểu thức giao du quân bình như thế sẽ gặp trục trặc nếu một trong hai người phối ngẫu tìm cách hạn chế tự do của người kia và đòi hỏi bạn mình phải từ bỏ các sở thích riêng để ở nhà với mình. Việc hạn chế các sinh hoạt vui chơi của nhau càng tệ hại hơn khi không ai còn tha thiết gì đến việc phải làm bất cứ cái gì chung với nhau nữa. Người bị hạn chế như thế sẽ cảm thấy mình như bị trói, bị cầm tù vì mọi sinh hoạt xã hội của mình đều đã bị cắt giảm. Họ thấy tù túng và oán hận cái cảnh cô lập. Cứ như gà què ăn quẩn cối xay, anh ách bên mình là cái gọng kềm bất an của vợ hoặc chồng. Người phối ngẫu không thích đi đâu và không thích gặp người khác thường coi bạn mình như một đối tượng phải có mặt ở đó để thoả mãn các đòi hỏi bệnh hoạn của mình. Một người như thế thường có những khuynh hướng sợ sệt (phobic) rõ rệt hoặc tiềm ẩn, thấy mình không dám đi đâu cũng như không dám gặp ai, và dần dà ngăn cản cả người bạn đời mình không được tự do giao du nữa.

CHIỀU KÍCH THỂ LÝ

Những năm đầu mới lấy nhau rất quan trọng trong việc thiết lập mối liên hệ tính dục. Nhiều nghiên cứu liên tiếp cho thấy sự thỏa mãn trong đời sống vợ chồng luôn đi theo sự thoả mãn về tính dục. Như đã nói trên đây, cuộc nghiên cứu tại Mỹ về 100,000 phụ nữ cho thấy 84% các bà vợ tự cho mình rất hạnh phúc đã mô tả đời sống tính dục của mình tốt hoặc rất tốt. Ngược lại, những bà cho rằng cuộc sống hôn nhân của mình bất hạnh thì thường cuộc sống tính dục của họ không được thỏa mãn (26). Một cuộc nghiên cứu tại Anh và tại Wales về 520 người đàn ông và đàn bà ly dị cho thấy 79% cảm thấy thỏa mãn về tính dục lúc ban đầu, và trong số 570 người đàn ông và đàn bà vẫn tiếp tục sống đời hôn nhân, 88% cho biết đã cảm nhận được sự thoả mãn (27). Như thế ta thấy có khoảng 12%-20% đã có những khó khăn về tính dục lúc mới lấy nhau. Các khó khăn này có thể xếp vào hai loại: một do phẩm chất khi ân ái, một do trục trặc trong cơ phận sinh dục.

Phẩm chất lúc ân ái có ý nói đến việc phải biết nhậy cảm trong nhận định (sensitive appreciation) và chính xác đáp ứng các nhu cầu của người bạn đời. Nói cách khác, phải thận trọng nhận ra những dịp người bạn đời mình muốn ân ái, chuẩn bị cẩn thận cho những tiếp xúc về xúc cảm và thể xác và khả năng của vợ chồng biết nói cho nhau nghe những điều mình muốn và mình muốn ân ái ra sao. Người chồng có thể thiếu nhậy cảm, rút ngắn giai đoạn chuẩn bị và không nhận ra việc vợ mình chưa được thoả mãn. Mà người vợ lại không chịu nói cho chồng hay điều đó sợ chồng buồn. Như thế chắc chắn liên hệ tính dục phải nghèo nàn ngay từ buổi đầu. Bên cạnh việc thiếu nhậy cảm ngay trong tác động ân ái, người chồng và cả người vợ nữa đôi lúc lại làm tình trong khi đang say, cho nên đã hành động một cách thô bạo, thiếu cả vệ sinh thân xác.

Ngoài những cách thế làm tình vụng về trên, hai vợ chồng còn có thể có những trục trặc trong cơ phận sinh dục. Một trong những trục trặc nổi bật nhất trong giai đoạn này là việc không hoàn hợp được (28). Kiểu trục trặc này thường xẩy ra như sau: trong thời gian tán tỉnh hẹn hò, hai người thường tránh giao hợp vì lý do luân lý. Sau khi lấy nhau, họ mới bắt đầu ân ái vợ chồng trong thời gian trăng mật. Người chồng ráng giao hợp nhưng cửa mình của vợ quá cứng làm cho việc giao hợp không thành. Người vợ bị căng thẳng quá và có khi kêu la vì đau. Ðứng trước tình thế đó, để tránh đau cho vợ, người chồng có thể bỏ cuộc. Trạng huống này cứ tiếp diễn như thế mãi, kết cuộc hai vợ chồng không còn dám thử chi nữa. Bên cạnh kiểu trục trặc này ta thấy một kiểu trục trặc khác đó là trường hợp một trong hai người, nhất là người chồng, kém hứng khởi làm tình. Họ chỉ làm tình mấy tuần một lần, khiến cho người kia không được thỏa mãn. Một số vấn đề khác hiếm xẩy ra hơn trong giai đoạn đầu mới lấy nhau là việc xuất tinh sớm, đôi lúc người chồng bị bất lực trồi xụt, còn người vợ thì không có khả năng hưởng thú vui ân ái hoặc chả bao giờ có được khoái ngất (29). Những biến thái tính dục ít khi là nguyên nhân gây đổ vỡ cho hôn nhân ngoại trừ trường hợp đồng tính luyến ái.

Những khó khăn trên có thể xẩy ra ngay lúc khởi đầu cuộc sống hôn nhân. Trong quá khứ, khi cơ cấu xã hội trong các vai trò hỗ tương được nhấn mạnh nhiều hơn là nội dung xúc cảm và tính dục của mối liên hệ, thì những trục trặc trong đời sống tính dục được người ta chấp nhận không kêu ca chi cả, và chắc chắn không phải là lý do làm tan vỡ hôn nhân. Nhưng ngày nay người ta chờ mong nhiều ở việc thỏa mãn bản thân, nên những nỗi thất vọng về ân ái chính là những yếu tố mạnh mẽ sẽ đưa lại những tan vỡ sau này.

CHIỀU KÍCH XÚC CẢM

Trong những năm đầu tiên này, về phương diện xúc cảm, hai vợ chồng cần phải tạo lập được một mối liên hệ trong đó họ hành xử như những người đã trưởng thành, biết cho và nhận yêu thương. Trên thực tế, nhiều khi lại không được như vậy. Trái lại có khi thay vì được nhìn như chồng hoặc vợ, người phối ngẫu bị người kia coi như cha hoặc như mẹ. Sự phóng chiếu này có thể do họ quá lệ thuộc vào một người cha hoặc một người mẹ có quá nhiều ảnh hưởng trước đây. Cái mẫu tác phong ấy được chuyên chở qua cuộc sống hôn nhân làm cho họ coi người phối ngẫu của mình như cha như mẹ. Sự phóng chiếu này có thể hữu thức, nhưng phần lớn là vô thức. Ðàng khác, người phối ngẫu của họ cũng có thể muốn được coi như cha như mẹ, có toàn quyền kiểm sóat và coi bạn mình như một đứa con lệ thuộc. Hiện tượng này được gọi là thông đồng (collusion), một kết hợp vô thức các nhu cầu hoặc các vai trò không có lợi gì cho mối liên hệ. Mối liên hệ thông đồng này rõ ràng rất dễ bị tổn thương, vì chẳng chóng thì chày, thực tại sẽ trồi lên, và cuộc hôn nhân sẽ không thể đương đầu nổi sự biến đổi thực tại ấy.

Bên cạnh sự phóng chiếu, vợ chồng còn có những mức độ nhậy cảm bản thân khác nhau. Thí dụ, một trong hai người có thể thấy khó khăn trong liên hệ gần gũi nhưng lại cần được khẳng nhận luôn luôn. Những người đàn ông đàn bà như thế thường rất khát khao được yêu thương và không chịu đựng được chán nản, thất vọng, rẫy bỏ hoặc chỉ trích. Họ rất ít khả năng chịu đựng thất vọng. Họ cảm thấy khó tin cậy người khác và những hy vọng của họ tan biến rất nhanh. Hôn nhân có khả năng đương đầu được một người phối ngẫu dễ bị thương tổn như thế hay không là còn tùy các tài nguyên của người bạn đời. Nếu người bạn đời tỏ ra nhiều thông cảm và âu yếm và nhất quán trong yêu thương, họ có thể vượt thắng được tính dè dặt hay ái ngại của người kia và nhờ thế làm tăng tiến lòng tin cậy của người ấy. Ngược lại, nếu người bạn đời tỏ ra thiếu âu yếm và quan tâm, hoặc chính mình cũng dễ thất vọng chán nản, dễ giận dữ hoặc hờn giận lâu, thì chỉ cần một hai biến cố thuộc loại đó cũng đủ làm tiêu tan lòng tin cậy và hy vọng của người phối ngẫu dễ bị thương tổn. Say sưa hoặc bài bạc có gây trở ngại cho hôn nhân thật đấy, nhưng chưa hẳn bằng cái tác phong qúa tiêu cực này.

Theo lý thuyết tương đồng lôi cuốn, những người dễ bị thương tổn lại hay sáp lại với nhau. Khổ nỗi, hai con người cùng thiếu thốn như nhau kết hôn với nhau, thì làm sao họ tìm được nơi nhau những phẩm tính yêu thương họ cần. Có khi người nhút nhát, nghèo nàn về tình cảm đi kết hôn với một người thực sự biết yêu thương. Nhưng người thực sự biết yêu thương này cũng phải chưng hửng vì người bạn đời mình dù là thiếu thốn về tình cảm vẫn không tiếp nhận được tình yêu của mình. Ngược lại chỉ biết phiền trách và ngúng nguẩy từ khước. Việc vừa ít khả năng đáp ứng yêu thương vừa nhiều khả năng phiền trách ấy chính là một khuôn mẫu xẩy ra rất thường sẽ hủy hoại cuộc sống hôn nhân. Cội rễ của tác phong đó là vì cái quá khứ cá nhân: khi lớn lên đã không được khẳng nhận nhiều, ngược lại cảm nghiệm bị ruồng rẫy lại quá cao. Dù những người như thế rất khao khát được yêu thương, nhưng vì quá tự ruồng bỏ mình và thấy mình vô giá trị, nên họ khó tin rằng có người muốn thực sự yêu thương họ. Ðây là mẫu tác phong rất thích hợp cho việc chữa lành. Người phối ngẫu biết yêu thương sẽ phải kiên trì cho đến khi người bạn đời mình có thể tin được rằng mình yêu thương họ thực sự. Từng bước, sẽ có cơ hội thứ hai để được yêu trở lại và cơ hội này sẽ có với một người phối ngẫu không bị bỏ rơi. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi người phối ngẫu biết yêu thương đâm ra mỏi mệt, cảm thấy mình bị hất hủi nên đành rút lui. Lúc người bạn đời của họ sẵn sàng hơn để tiếp nhận yêu thương, thì họ lại không còn khả năng cung hiến tình yêu nữa, và thế là cái vòng luẩn quẩn của cảnh ruồng rẫy nhau được thiết lập.

Khả năng nhậy cảm, biết tương cảm (empathetic) để nhận ra các nhu cầu của nhau là một đòi hỏi của hôn nhân hiện đại. Nói chung, các bà vợ có khả năng hơn trong việc nhận ra các nhu cầu của chồng; các ông chồng, ngược lại, khó biết lắng nghe và lượng giá cái thế giới bên trong của vợ. Nếu người vợ luôn luôn cảm thấy bị hiểu lầm hoặc không được hiểu chi cả về các nhu cầu xã hội, thể lý, xúc cảm, tri thức và tâm linh, thì chẳng chóng thì chày bà sẽ có cảm thức là mình sống với một anh chàng xa lạ, thực tế bà sẽ thấy mình cô quạnh bên một người chồng không biết đi vào thế giới nội tâm của mình.

CHIỀU KÍCH TRI THỨC VÀ TÂM LINH

Bình thường, hai vợ chồng đều có những mục tiêu tri thức và tâm linh tương tự nhau. Nếu những mục tiêu này quá khác biệt nhau, thì nguy cơ tan vỡ có thể xẩy ra.

CON CÁI

Việc chào đời của đứa con đầu tiên có một tầm quan trọng lớn đối với cuộc hôn nhân. Thường biến cố ấy có nghĩa là người vợ sẽ ngưng làm việc và trở nên tùy thuộc chồng về phương diện kinh tế. Trong những tháng đầu đời của đứa con, phần lớn các cặp vợ chồng chẳng ít thì nhiều đều phải đương đầu với mệt mỏi, cáu giận và mất hứng thú làm tình trong một thời gian. Cộng vào đó, thì giờ vui chơi giải trí cũng như sống riêng với nhau giảm đi nhiều, ngoại trừ khi hai vợ chồng có thể tìm được người tin cậy để trông nom em bé.

Một điểm nổi bật xẩy đến cho người vợ trong thời gian này là hội chứng trầm cảm (depression) sau khi sinh con. Phần lớn các bà mẹ cảm thấy buồn sầu chán nản trong một thời gian ngắn, được mệnh danh là nỗi buồn làm mẹ tím ruột (maternal blues), có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày (30). Tuy nhiên, một số bà không ra khỏi cơn buồn tím ruột ấy, mà bước vào nhóm những bà trầm cảm, một chứng thường xẩy ra vào ngày thứ mười sau khi sinh. Chứng này có thể kéo dài cả tuần, cả tháng và có khi cả năm. Người vợ luôn thấy mình dễ cáu giận, giao động, mệt mỏi, không tha thiết với chuyện gối chăn và dần dần thay đổi cả nhân cách. Từ một con người hài lòng hạnh phúc, nàng kéo lê thân mình bất cứ nơi nào, trông già trước tuổi hẳn đi, không làm sao có thể đến gần chồng, cảm thấy mệt mỏi kinh niên và hết hứng thú làm tình. Lẽ tự nhiên, nếu người chồng không hiểu biết hoàn cảnh của vợ, thì hẳn không thể nào chịu đựng nổi các hành vi của nàng.

Các yếu tố xã hội có thể làm hội chứng sau khi sinh con này trở nên tồi tệ thêm. Như đã trình bầy trên đây, việc ngưng làm việc không những khiến vợ không còn lợi tức gì nữa, mà còn tước khỏi nàng các sinh hoạt với bạn bè và những nâng đỡ của họ, cũng như các hứng thú do công việc đem lại. Có những người đàn bà thấy việc nuôi con dại là việc quá khó khăn, nên chỉ mong trở lại làm việc để lấy lại sự thoải mái cho tâm hồn. Một số phụ nữ rất cần đến những người đáng tin cậy để trông con cho mình, những ấu trí viện, những vườn trẻ chuyên nghiệp, để họ có thể đi làm lại vì đi làm lại càng sớm thì càng chủ yếu đối với họ (31)

GIAI ÐOẠN HAI (30 ÐẾN 50)

Hai thập niên này là giai đoạn hôn nhân trong đó các con đã lớn, người chồng được thăng tiến nghề nghiệp
và người vợ trở ra đi làm lại. Nhưng trong cốt lõi, ta thấy đây là thời có nhiều thay đổi lớn về xã hội, xúc cảm và tâm linh. Ðây là thời, con người của ta dần dần rút ra khỏi các ảnh hưởng vốn chất chồng từ bên ngoài cũng như từ bên trong và tự ngoi lên như một nhân vị tự điều hướng lấy đời mình. Những cảm nhận, những thái độ cũng như những giá trị vừa xuất hiện có thể đã nên khác một cách căn để so với những cái có lúc mới kết hôn. Các thay đổi ấy thường phù hợp với liên tục tính của hôn nhân, vì hai vợ chồng thường cùng thay đổi theo một cung cách khá đồng nhất. Nếu không, sự lên sắc một chiều của người phối ngẫu có thể dẫn đến việc hai người trở nên tha hóa đến độ liên tục tính không còn nữa.

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI

Trong những năm này, ngoài di động tính xã hội và các hậu quả của nó như đã bàn trên này ra, còn có việc con cái lớn lên và khi cha mẹ đến tuổi bốn mươi thì chúng đã vào tuổi thiếu niên. Lúc này là lúc cha mẹ phải chịu thêm nhiều căng thẳng, đặc biệt nếu người mẹ phải chịu quá nhiều trách nhiệm trong việc trông nom chúng. Bà có thể đương đầu với chúng khi chúng còn nhỏ, nhưng nay không còn đương đầu được khi chúng đã trở thành thiếu niên. Người cha có thể bất đắc dĩ phải can dự vào việc kiểm soát và ra kỷ luật cho con cái, và vì thế chúng có thể không ưa sự can thiệp vào một lúc muộn màng như thế của ông. Những va chạm trong gia đình trở nên thường xuyên, và nếu lại còn có những vấn đề khác phụ vào nữa, thì cuộc hôn nhân có thể gặp khó khăn đáng kể.

Những năm bốn mươi thường là những năm cha mẹ đôi bên lâm bệnh và qua đời. Cha mẹ còn lại có thể đến tá túc nơi hai vợ chồng, và điều này cũng có thể đem lại nhiều căng thẳng nếu việc đó không được cả hai nhất trí.

Ðây cũng là những năm phần đông các bà vợ trở ra đi làm lại. Việc phụ giúp để làm bà bớt căng thẳng hoàn toàn tùy thuộc ông chồng. Phần lớn các ông chồng làm được điều đó, nhưng một số ít không làm được như vậy, và điều này sẽ đem lại mệt mỏi ghê gớm cho vợ. Có những hoàn cảnh các bà thấy rằng vai tuồng duy nhất mình có thể cung ứng chỉ là vai trò làm ra tiền và nội trợ mà thôi. Cảm thức không được đánh giá và yêu thương đúng mức trái lại bị sử dụng như những tớ gái không công sẽ càng ngày càng mạnh hơn. Và cảm thức này có thể đưa đẩy họ tìm người khác biết đánh giá mình, và nếu tìm được, thì cuộc hôn nhân chắc chắn tan rã.

CHIỀU KÍCH THỂ LÝ

Giai đoạn này không có những vấn đề tính dục mới. Sự tiếp tục hiện diện của các khó khăn tính dục từ giai đoạn đầu nay bắt đầu sẽ tác động mạnh. Các ông chồng và các bà vợ có thể nhận ra rằng các khó khăn khởi đầu ấy không phải chỉ là tạm bợ. Cảm thức chán nản và thất vọng sâu xa do đó có thể đã bắt đầu từ tuổi ba mươi. Người ta bắt đầu chắc mẩm là đời sống tính dục sẽ không có cơ cải thiện nữa. Trong cái bầu khí thất vọng ấy, người ta có thể đi thử những mối tình vụng trộm xem tính dục thực sự có mùi vị như thế nào. Nếu thấy tốt, diễn trình ly thân giữa hai vợ chồng có thể bắt đầu. Cái khoái cảm của những mối tình vụng trộm có thể tái lập niềm tự hào nơi một người phối ngẫu làm họ không còn muốn trở về với những cố gắng rời rạc của người bạn đời kia nữa.

Một điểm nữa của giai đoạn này đã được nhắc đến trên đây, tức hội chứng trầm cảm kéo dài sau lúc sinh con, làm cho việc làm tình trở nên hiếm hoi hoặc không còn nữa. Ðấy cũng là hoàn cảnh gây thiệt hại lớn cho cuộc hôn nhân, cần được lưu tâm ngay.

CHIỀU KÍCH XÚC CẢM

Trong giai đoạn này, các thay đổi xúc cảm có thể rất rõ. Sự chuyển dịch từ lệ thuộc qua tự lập có thể nổi bật đem theo việc cá thể hóa bản thân và tự khám phá ra các giá trị của mình. Ngày xưa, những thay đổi như thế không đem lại ý nghĩa gì quan trọng đối với việc tồn tại của hôn nhân. Ngày nay, sự tăng trưởng nơi một người phối ngẫu đòi người kia cũng phải đáp ứng tương xứng, nếu không, cuộc hôn nhân có cơ nguy khủng hoảng. Và khủng hoảng này góp phần rất lớn đưa đến ly dị.

CHIỀU KÍCH TRI THỨC VÀ TÂM LINH

Nếu những năm 30 là thập niên thay đổi từ lệ thuộc qua tự lập, thì những năm 40 là thời gian để cái con người đã cá thể hóa kia bắt đầu hội nhập những thành phần khác nhau trong bản ngã mình. Hữu thức và vô thức, cái tốt và cái xấu (bóng tối), nam tính và nữ tính, phần giận và phần êm, mọi yếu tố lưỡng tính (ambivalences) bên trong bản ngã mình bắt đầu được giải quyết và hội nhập. Ðiều này đem lại an bình và toàn vẹn cho cá nhân, khiến họ có thể thay đổi mục tiêu trong đời (32). Họ có thể thấy cần phải thay đổi việc làm, bỏ những công việc nặng tính vật chất để theo đuổi những công việc có tính nhân đạo. Một cảm thức mới về chiều kích tâm linh có thể bùng lên, và đời họ có thể xoay qua hướng khác ở đó họ tìm được an bình nội tâm khiến họ sống một lối sống khác hẳn. Tất cả những thay đổi này không nhất thiết đe doạ cuộc sống hôn nhân ngoại trừ các người phối ngẫu thất bại hoàn toàn trong việc chia sẻ các khát vọng của nhau.

GIAI ÐOẠN BA (TỪ TUỔI 50 ÐẾN LÚC MỘT TRONG HAI QUA ÐỜI)

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI

Diễn trình tự thể hiện và tự cá thể hoá mình, đã bắt đầu trong tuổi 40, nay vẫn tiếp tục trong tuổi 50. Ðây là thời gian sự ý thức mới về bản ngã có thể dẫn người ta đến việc chọn một nghề nghiệp mới hẳn, gây cho người vợ một tương lai không chắc chắn. Biến động ấy có thể bà chịu không được. Những người đàn ông thành công trong thương trường, các công chức về hưu sớm, tất cả những loại người này thường hay muốn thay việc mới. Ðôi khi người vợ thuận theo, đôi khi không.

Những thay đổi kiểu này chỉ ảnh hưởng một số ít. Phần đông quan tâm đến việc hoàn tất chặng cuối công việc mình đang làm, trong đó một số ít phải về hưu sớm hoặc bị thải việc. Hai trường hợp sau có thể làm người chồng ngỡ ngàng vì tự ái của mình bị đe doạ. Cảm thức tự ti có thể xâm nhập cuộc sống tư riêng và ông có thể trở nên bẳn gắt, hay gây gổ, đôi lúc lại ảo não buồn sầu và hết khả năng làm tình. Trong hoàn cảnh này, người vợ cần nâng đỡ ông rất nhiều. Nếu bà lại tỏ ra kêu ca chỉ trích hoặc thù ghét, thì cuộc hôn nhân khó tránh khỏi sóng gió nặng nề.

CHIỀU KÍCH THỂ LÝ

Một vài vấn đề đã có từ hai giai đoạn trước có thể vẫn còn tiếp diễn qua giai đoạn này với việc từ từ chấm dứt giao hợp. Thường ra thì giao hợp vẫn tiếp tục tuy có thưa thớt hơn, nhưng không có trở ngại. Vấn đề chính có thể gây ra tan vỡ cho hôn nhân là người chồng bất lực vĩnh viễn hoặc người vợ từ chối giao hợp sau khi tắt kinh.

CHIỀU KÍCH XÚC CẢM

Vấn đề quan trọng nhất trong các năm này có lẽ là hệ lụy của việc các con rời bỏ gia đình đối với tác phong xúc cảm của cha mẹ. Việc ra đi ấy khiến cha mẹ phải sống tay đôi với nhau trung bình từ 20 đến 25 năm. Ðối với một số vợ chồng, việc ra đi của các con cũng là ngày khởi đầu sự tàn lụi trong mối ien hệ của họ. Những cặp vợ chồng này rất có thể đã có ý chờ khi các con ra đi là mình sẽ chia tay nhau. Ðối với một số vợ chồng khác, cái cảnh trơ trụi của tổ ấm (empty nest), như người ta thường nói, làm họ sững sờ hoàn toàn. ien hi các con ra đi, họ nhìn nhau và ngạc nhiên thấy người bạn đời của mình như một kẻ xa lạ. Dù đã chung sống với nhau, đã ăn, đã ngủ, đã làm tình với nhau, họ vẫn chưa bao giờ thiết lập được một mối dây xúc cảm đáng tin cậy. Một hoặc cả hai chỉ đã sống qua các con chứ không hề sống qua nhau, nên khi các con lên đường, họ thấy họ có rất ít hoặc không có chi chung với nhau cả, có chăng chỉ là những kỷ niệm cùng dưỡng nuôi con cái. Khổ nỗi những kỷ niệm này mà thôi không bao giờ mạnh đủ để giữ họ ở lại với nhau.

CHIỀU KÍCH TRI THỨC VÀ TÂM LINH

Như đã nói, giai đoạn này trùng lắp giai đoạn trước. Ðây là thời kỳ tái thẩm định các giá trị sau cùng của đời người. Các kiến thức trở thành túi khôn và túi khôn này lên khuôn lại các ưu tiên trong đời đôi bạn. Vấn đề chỉ xẩy ra khi các ưu tiên này đi theo những hướng hoàn toàn khác nhau.

TÓM LƯỢC

Trong chương này chúng tôi đã trình bày tan vỡ hôn nhân như một gián đoạn lớn về xã hội đang xẩy ra trong toàn thể các xã hội phương tây. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tan vỡ ấy biến thiên từ các thay đổi vĩ mô về xã hội trong mối tương quan nam nữ, đến những yếu tố tác hại riêng rẽ về xã hội, cuối cùng bị trầm trọng hơn do các vấn đề thuộc lãnh vực ien hệ bản ngã trồi xụt tùy theo mỗi giai đoạn của cuộc sống hôn nhân. Việc hiểu biết các yếu tố này, nếu được sử dụng một cách hữu hiệu, sẽ, và thực ra đã, giúp các cặp vợ chồng tìm ra được những cách thế ngăn cản cho cuộc hôn nhân khỏi tan vỡ.

Tài liệu Tham khảo

1. Chester, R. (Ed.), Divorce in Europe. Martinus Nijhoff (Social Science Division, London) 1977.

2. Glick, P.C. and Morton, A.J., ‘Perspective on the Recent Upturnin Divorce and Remarriage’. Demography (1973) 10, 301.

3. Population Trends, No. 18. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1979.

4. Monahan, T.P. in American Sociological Review (1962) 27, 625.

5. Dahlberg, G., Acta Genetica et Statistica Medica (1948-51) 1-2, 319.

6. Chester, R. ‘The Duration of Marriage to Divorce’, British Journal of Sociology (1971) 22, 172.

7. Thornes, B. and Collard, J., Who Divorces? Routledge and Kegan Paul, 1979.

8. Ibid., p.71

9. Population Trends, No. 3. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1976.

10. Glick, P.C., American Families. Wiley, New York, 1957.

11. Christensen, H.T., ‘Time of the First Pregnancy as a Factor oin Divorce’, Eugenic Review (1963) 10, 119.

12. Thornes and Collard, p.71.

13. Population Trends, No. 3.

14. Pohlman, E.H., Psychology of Birth Planning. Shenkman, Cambridge, Mass., 1969.

15. Thornes and Collard, p.71.

16. Ibid., p. 81.

17. Rowntree, G. And Carrier, N.H., ‘The Resort to Divorce in England and Wales 1857-1957’,

Population Studies (1958) 2, 188.

18. Gibson, C., ‘The association between Divorce and Social Class in England and Wales’, British Journal of Sociology (1974) 25, 79.

19. Thornes and Collard, p.37.

20. Landis, J.T., ‘Marriage of Mixed and Non-Mixed Religious Faith’ in Selected Studies in Marriage and the Family. Holt, Rinehart and Winston, New York, 1962.

21. Landis, J.T., ‘Some Correlates of Divorce and Non-divorce in the Unhappily Married’, Marriage and Family Living (1963) 25, 178.

22. Thornes and Collard, p. 52.

23. Goode, W.J., After Divorce. Free Press. Chicago, 1956.

24. Thornes and Collard, p.52.

25. Population Trends, No. 2. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1975.

26. Levin, R.J. and Levin, A., Sexual Pleasure: The Surprising Preference of 100,000 Women. Redbook. 1975, p.52.

27. Thornes and Collard, p. 97.

28. Friedman, L.J., Virgin Wives. Tavistock Publications, 1971.

29. John, D., Sexual Dysfunction. John Wiley, 1979.

30. Pitt, B., ‘Maternity Blues’, British Journal of Psychiatry (1973) 122, 431.

31. Rapport, R., Fathers, Mothers and Others. Routledge and Kegan Paul, 1977.

32. O’Collins, G., The Second Journey. Villa Books, Dublin, 1979.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Giọt Bình Minh - Dawn
Nguyễn Đức Cung
00:27 22/07/2008

GIỌT BÌNH MINH – Dawn



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Nhìn nắng sớm hỏi han cây lá

Thấy lòng mình trong vắt bình minh

Tâm tịnh cười, trái tim xinh

Biết ơn Trời đất chúng–sinh-hài-hòa.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền