Ngày 21-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:56 21/07/2020

34. Người không chấp nhận mình có hoạn nạn đau khổ thì thật khốn nạn; người yêu mạng sống bất hạnh và mục nát này thì càng khốn nạn hơn.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:01 21/07/2020
81. LÝ CHƯƠNG DỜI CÁ

Lý Chương được hàng xóm mời đến nhà dự tiệc, người hàng xóm này rất nhỏ mọn, lúc ăn cơm thì đem con cá lớn bỏ trước mặt mình để khách gắp không tới.

Lý Chương bèn nói:

- “Mỗi lần tôi thấy người ta viết chữ “Tô”﹝蘇﹞, có khi viết chữ “cá” ﹝魚﹞ở bên phải, cũng có khi có viết chữ cá ở bên trái, như vậy có đúng không? ”

Người hàng xóm trả lời:

- “Người xưa viết chữ khá tùy tiện, có thể dời bên trái hay bên phải.”

Lý Chương bèn lấy con cá lớn dời qua trước mặt mình, nói:

- “Vậy hôm nay bên trái ông có cá, cũng có thể dời qua bên phải của tôi vậy”.

(Nhã Ngược)

Suy tư 81:

Khi trong nhà có đám cưới, sinh nhật, con thi đỗ đại học, con làm linh mục, giám mục hay có một cuộc vui lớn nào đó thì gia đình dọn tiệc mời khách, mời khách tức là muốn khách cùng đến chia vui với cái vui của mình.

Có những người dọn tiệc mời khách mà không dám để khách ăn nhiều: thịt thì thái mỏng như lá mía, thức ăn thì hà tiện.v.v.. nhưng lại mong khách đến cho đông giống như đang buôn bán; lại có người khi mời khách thì không dám đem những thức ăn ngon đãi khách, cứ viện cớ là nhậu nhẹt thì cần gì phải thức ăn ngon !

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đến tham dự bàn tiệc thánh, và mong muốn chúng ta được phúc trường sinh khi ăn và uống Mình và Máu thánh của Ngài, Ngài không hạn chế ân sủng cho những ai mong mỏi được tham dự thánh lễ và rước lễ, bởi đó chính là tình yêu cao quý nhất của Ngài dành cho những kẻ tin vào Ngài được hưởng khi đang còn ở trần gian này.

Mời khách là để họ chia sẻ niềm vui với mình, do đó cần phải quảng đại, vui vẻ và tôn trọng khách của mình, dù họ là dân nhậu chuyên nghiệp hay khách ruột của mình, bởi vì hiếu khách cũng chính là một đức hạnh vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Suy niệm Chúa Nhật tuần 17A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:38 21/07/2020
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 13:44-52)
NƯỚC TRỜI.


Nước Trời rộng mở trong lòng,
Kho tàng chôn giấu, ước mong chiếm về.
Vui mừng mua bán chẳng nề,
Tìm mua thửa ruộng, đổi nghề bán buôn.
Như viên ngọc quý tiền muôn,
Bán đi của cải, mua luôn kho tàng.
Nước Trời hình ảnh rõ ràng,
Lưới quăng dưới biển, dễ dàng thu gom.
Cá to, cá nhỏ đầy hom,
Ngư dân lựa chọn, ngó dòm phân ra.
Bỏ thùng cá tốt đẫy đà,
Những con cá xấu, quẳng xa ra ngoài.
Tới ngày phán xét ngô, khoai,
Thiên thần sẽ đến, muôn loài thẩm tra.
Kẻ lành, người dữ tách ra,
Người lành ân thưởng, nhà Cha trên trời.
Kìa phường độc ác một thời,
Nghiến răng chịu phạt, muôn đời khóc than.
Kho tàng ân sủng trao ban,
Hưởng điều cũ mới, yên hàn trí tâm.

Chúa Giêsu xuống thế để cứu độ nhân loại. Ngài đã thiết lập Nước Trời dưới thế. Nước trời dưới trần gian quy tụ mọi con cái loài người hướng về quê trời. Sống giữa gian trần tội lụy, nhưng con người không thuộc về thế gian. Con người có một hướng để nhắm tới, đó là quê hương đích thực ở trên trời.

Nước Trời giống như kho báu được chôn giấu trong ruộng. Nước Trời cũng giống như viên ngọc qúy mới tìm được. Nước Trời giống như mẻ lưới thả dưới biển. Nước Trời giống như hạt cải, như muối và như men trong đấu bột…Trong sách Tân Ước đã có khoảng 150 lần nói về Nước Trời.

Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Vậy Nước Cha, Nước Chúa, Nước Trời là gì và ở đâu trong cuộc sống của con người? Nước Trời không ở đây hay ở kia. Có người nghĩ Nước Chúa sẽ đến vào ngày tận thế. Có kẻ nói Nước Chúa là thiên đàng. Có người nghĩ rằng Nước Chúa là Giáo Hội hoặc một cộng đồng lý tưởng và chúng ta phải chờ đợi. Nước Trời khởi sự từ thế gian và kết thúc trên thiên đàng.

Nước Chúa không ở xa mà cư ngụ ngay trong lòng cuộc sống của con người. Nước Trời là một hành trình tiến về. Nước Trời đang phát triển trong Giáo Hội lữ hành. Mọi con cái trong cộng đoàn tín hữu kết hợp với nhau trong tình yêu và làm lan rộng tới những người anh em gần bên. Giáo Hội không ngừng mở rộng cửa đón nhận mọi người vào trong Nước Chúa.

Chính trong Nước Trời, chúng ta được chung hưởng nguồn hạnh phúc Chúa hứa ban. Sống trong Nước trời là sống trong tình liên đới với Chúa như cành nho dính liền với thân cây nho. Chúng ta là những thành viên được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Từ đó chúng ta sẽ lãnh nhận nguồn ân sủng thiêng liêng để liên kết với Thiên Chúa và tha nhân.

Nước Chúa chính là sự sống kết hợp trong tình yêu của Chúa và mưu ích hạnh phúc cho con người. Kho tàng Nước Trời chính là hạnh phúc trong Chúa. Tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa từng giây phút trong cuộc đời.

TUẦN 17 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 13: 31-35


Chúa Giêsu tiếp tục nói về dụ ngôn hạt cải và men. Ngài nói: Nước Trời giống như hạt cải người kia gieo xuống ruộng mình, nó bé nhỏ nhất nhưng khi mọc lên thì lớn hơn các loại rau. Và Nước Trời giống như men người đàn bà trộn trong ba đấu bột tới khi dậy men.

Chúa nói về sự lớn mạnh và phát triển của Nước Trời cũng như những ảnh hưởng của Nước trời với môi trường chung quanh. Hạt cải bé nhỏ được gieo xuống ruộng là hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội. Chúa bắt đầu rao giảng và chọn lựa một số rất nhỏ những người theo Chúa. Lời Chúa thấm nhập vào từng tâm hồn, từng con người, họ đã lắng nghe và tin yêu Chúa. Đi theo Chúa làm môn đệ không phải là con số đông ồn ào và theo nhau, mà là từng tâm hồn thức tỉnh, đón nhận ơn Chúa và đi theo Chúa. Mỗi người khi gia nhập Nước Trời đều lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, tuyên xưng đức tin và sống niềm tin của mình.

Nước Trời của Chúa lan rộng nhanh, có rất nhiều người đã gia nhập Nước Trời nhưng không phải mọi người đều kính mến và thực hành lời Chúa. Phần chúng ta, chúng ta cần có thống kê để biết có bao nhiêu người được rửa tội, bao nhiêu người sinh hoạt thường xuyên trong giáo xứ hay trong cộng đoàn. Còn Chúa, Chúa nhìn biết nơi từng tâm tư của từng con người. Chúa biết họ, Chúa yêu mến họ và họ yêu mến Chúa.

THỨ BA
Mt. 13: 36-43


Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng cho các môn đệ. Chúa nói: Kẻ gieo giống tốt là Con Người, ruộng là thế gian, hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái qủy dữ. Kẻ thù gieo cỏ là ma qủy. Mùa gặt là ngày tận thế. Chúa giải thích dụ ngôn rất rõ ràng và dễ hiểu.

Qua dụ ngôn chúng ta thấy Thiên Chúa rất nhân hậu, kiên nhẫn và yêu thương con người quá đỗi. Chúa xuống trần để kêu gọi người tội lỗi trở về. Chúa ghét tội nhưng Chúa yêu thương tội nhân. Chúa không muốn ai phải đoán phạt trong hỏa ngục. Chúa luôn sẵn sàng chờ đợi người tội lỗi trở về. Chúa biết con người rất yếu đuối và mỏng dòn. Chúa nhắc nhở chúng ta hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ.

Những hạt giống tốt được gieo vào ruộng là thế gian. Hạt giống không thể không sinh hoa trái. Con cái Nước Trời là các hạt giống có khả năng sinh nhiều bông hạt. Mỗi người chúng ta là hạt giống được gieo vào thế gian. Chúng ta sẽ phải tranh sống với cỏ lùng là con cái sự dữ. Sức mạnh của sự dữ sẽ không nhường bước cho chúng ta, chúng ta phải phấn đấu quyết liệt để giữ vững niềm tin và sống công chính. Phải nói là: con cái Nước Trời sống giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Lạy Chúa, Chúa đã đối xử đại lượng với chúng con. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối trở về bên lòng Chúa.

THỨ TƯ
Mt. 13: 44-46


Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng: Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng và Nước Trời giống như người đi buôn, tìm kiếm được viên ngọc qúi. Kho tàng và viên ngọc qúy là những của cải có giá trị ở trần gian con người mong sở hữu cho bằng được bằng mọi giá.

Nước Trời là kho tàng và là ngọc qúy. Chúa Giêsu mặc khải Nước Trời cho kẻ bé mọn. Nước Trời không phải ở đây hay ở kia cho người ta thấy mà là trong lòng người. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Nước Trời dưới trần gian để quy tụ mọi người gia nhập và ngày sau được hưởng hạnh phúc muôn đời.

Chỉ những ai biết lắng nghe lời của Chúa và yêu mến Chúa, người đó mới khám phá và hiểu được ý nghĩa và giá trị cao qúy của Nước Trời. Có nhiều người ước ao nhưng chưa có cơ hội gia nhập hoặc có những người chưa bao giờ được nghe nói về Nước trời. Chúa cần nhiều thợ ra đi gặt lúa. Chúa cần nhiều người sẵn sàng ra đi làm nhân chứng cho Chúa. Chúng ta biết rằng không phải cứ ra đi truyền giáo nơi vùng sâu, vùng xa mới có thể làm nhân chứng. Chúa mời gọi mỗi người hãy là nhân chứng cho Chúa tại chỗ, trong gia đình, trong cộng đoàn và trong môi trường sinh hoạt, làm việc. Chúng ta hãy là muối, là men, là đèn sáng soi cho mọi người chung quanh qua việc tốt lành mà chúng ta thực hành.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành nhân chứng tốt.

THỨ NĂM
Mt. 13: 47-53


Chúa Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn thả lưới. Chúa nói: Nước Trời giống như lưới thả xuống biển, thu được mọi thứ cá. Cá tốt thì bỏ vào giỏ, cá xấu thì ném ra ngoài. Chúa giảng bằng dụ ngôn vừa dễ hiểu vừa ý nhị làm cho người nghe cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu.

Dụ ngôn của Chúa bao hàm tất cả ý nghĩa về cuộc sống Nước Trời. Dụ ngôn muôn đời không bao giờ cũ. Dụ ngôn mang ý nghĩa thâm sâu và rất đơn sơ dễ hiểu. Nước Trời bao gồm cả kẻ tốt lẫn người không tốt. Ai sống trong Nước Trời cũng phải cố gắng để nên thánh. Không ai sinh ra đã hoàn thiện mà là phải trở nên hoàn thiện mỗi ngày.

Mẻ lưới của Nước Trời thu được mọi loại hạng người. Chúng ta biết trăm người trăm ý, trăm người trăm tính và chẳng có ai giống nhau. Chính vì khác biệt đó, con cái Nước Trời có muôn màu sắc. Có rất nhiều cách thế để nên hoàn thiện và cũng như có nhiều con đường để nên thánh. Chúng ta có những con đường nên thánh như con đường đơn sơ, con đường hy vọng, con đường thánh giá và con đường trọn lành.

Mỗi con đường đều có thể giúp ta đến với Chúa. Những con đường giúp chúng ta nên thánh đều được lót bằng tình yêu. Tình yêu của Chúa Kitô, chính Chúa là Đường. Ước gì mỗi người chúng ta là những con cá tốt trong mẻ lưới Nước trời được chọn lựa và bỏ vào giỏ.

THỨ SÁU
Mt. 13: 54-58


Gần ba mươi năm Chúa Giêsu sống tại Nazarét, dân làng biết rõ về Chúa. Họ biết rõ về gia cảnh và cuộc sống của Chúa. Khi Chúa trở về quê, Chúa đã giảng dạy dân chúng. Họ rất thán phục và bỡ ngỡ. Họ nói: Bởi đâu ông này được khôn ngoan như vậy? Họ thắc mắc và rồi họ nghi ngờ về Chúa, nên họ đã vượt mất cơ hội tin vào Chúa.

Nhiều khi chúng ta tưởng mình biết nhưng thực ra chúng ta mù tịt. Cầm chiếc phôn di động hay ngồi vào bàn máy tính, chúng ta tưởng rằng chúng ta biết nhiều về nó nhưng khi bị trục trặc, chúng ta mới biết rằng à mình biết quá ít về kỹ thuật cấu tạo. Chúng ta chỉ biết xử dụng một số động tác trong máy thôi.

Cả những cơ quan trong con người của chúng ta, chúng ta cũng chẳng hiểu được sự kết cấu và tuần hoàn trong cơ thể thế nào. Đôi khi có những suy tư, ý nghĩ hay ước vọng trong đầu của chúng ta, chúng ta cũng chẳng hiểu nổi và phải chào thua. Như vậy sự xét đoán, suy diễn, hiểu biết của chúng ta về người khác rất là giới hạn. Dân làng của Chúa họ nghĩ họ biết Chúa để rồi họ chối từ sứ mệnh của Chúa. Họ đã bị mất đi cơ hội qúy báu là lắng nghe lời Chúa.

Lạy Chúa, nhiều khi chúng con lấy trí khôn thấp hèn của chúng con để đo lường sự khôn ngoan thượng trí của Chúa. Xin Chúa đừng chấp tội chúng con.

THỨ BẢY
Mt. 14: 1-12


Khi quân vương Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, thì ông nói với kẻ hầu cận: Người này là Gioan Tẩy giả, ông đã từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy. Lời nói của Hêrôđê quá hồ đồ. Ông nhìn thấy Chúa làm phép lạ, ông gán cho là Gioan sống lại. Thật chúng ta không thể tưởng tượng một quân vương mà phát biểu không có căn cớ.

Lời nói rất quan trọng. Lời nói của kẻ có quyền như Hêrôđê càng quan trọng hơn, vì lời của ông đã dẫn dư luận đi vào con đường cụt. Ông đã không nhận ra quyền phép của Chúa, ông còn đánh tráo dư luận. Chính Hêrôđê đã sai người giết Gioan trong ngục, nay ông lại nói Gioan sống lại. Ông vừa tìm cách thoái tội giết người vừa giả định một điều sai lạc. Ông Hêrôđê vừa đánh trống vừa la làng.

Chúa Giêsu làm phép lạ để chứng minh sứ mệnh cứu độ của Ngài. Ông Gioan là vị tiền hô, dọn đường cho Chúa đã bị Hêrôđê chém đầu. Gioan đã chết và các tông đồ đã đem xác đi chôn. Gioan đã hoàn tất sứ mệnh tiền hô của mình. Chúa Giêsu tiếp nối rao giảng sự sám hối và lập Nước Trời ở trần gian. Cũng như Gioan, Chúa Giêsu cũng đối diện với những kẻ tiểu tâm thù nghịch, họ không muốn vào Nước Trời, họ còn ngăn cản người khác vào.

Lạy Chúa, đôi khi chúng con đã dã tâm làm những việc không nên. Xin cho chúng con biết cải thiện đời sống.
 
Chọn Lựa và Quyết Định
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:55 21/07/2020

Chúa Nhật 17m Thường Niên A

Tin Mừng hai Chúa Nhật vừa qua, Chúa Giêsu giáo huấn về mầu nhiệm Nước Trời qua các dụ ngôn : Người Gieo Giống, Cỏ Lùng, Hạt Cải, Nắm Men.

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn qua dụ ngôn Kho Báu và Viên Ngọc Quí.

Cả hai người trong dụ ngôn tìm thấy kho báu và viên ngọc đều vui mừng trở về bán hết gia tài để mua. Không thấy họ có dấu hiệu tiếc nuối, chần chừ hay so đo. Họ quyết định thật nhanh với một tâm hồn thanh thản và vui sướng. Phản ứng của hai ông cho thấy việc từ bỏ, dứt khoát với những gì mình đang có là việc phải làm sau khi khám phá và hiểu được cái giá trị mình sắp có.

Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để mỗi người tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, là có tất cả! Đó là xác tín và là lựa chọn dấn thân trọn vẹn, dứt khoát để có được “Điều Cao Quí” như kinh nghiệm của chính thánh Phaolô : “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Phil 3, 7-8). Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô trong bài đọc 2: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời. Muốn đạt đến cùng đích ấy, cả hai dụ ngôn đều đề nghị người nghe chọn lựa sự nghèo khó như được nói trong (Mt 5, 3): “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, khi lặp đi lặp lại: “bán tất cả những gì mình có” (cc.44.46). Kho báu và viên ngọc quý, như thế, chính là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa “Nước Trời là của họ”. Kinh nghiệm đó tạo nên niềm vui sâu xa trong tâm hồn. “Kho tàng anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó” (Mt 6, 20).

Tính chất cao quý có giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời đã được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von. Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông không ai như ông và sau ông không ai bằng ông. Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”. Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.

Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định. Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 31-33).

Sách Giáo lý Công Giáo cũng khuyên dạy: ‘Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).

Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc quý là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.

Người nông dân, vị thương gia đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.

Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.

Hai hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quý” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết gía trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó, chính vì vậy mà nhiều người bị lầm. Cũng như người kia có kho báu ở ngay trong thửa ruộng của mình mà không biết, hay người có viên ngọc quý giá kia cũng thế, họ nắm trong tay mà không hay, nên họ đã để vuột mất kho báu và viên ngọc quý.Trong “Ngàn lẻ một đêm” có câu chuyện “Ông già xứ Ba Tư”. Người nông dân có một nông trại rộng lớn, vườn rộng ao sâu, nhiều hoa quả và cá quý. Ông ta nghe lời một vị đạo sĩ nên bán hết ruộng vườn để đi tìm kim cương. Ông lặn lội đi tìm hết nước nầy sang nước khác, nhưng không tìm thấy kim cương đâu cả. Cuối cùng, hết tiền, đói khổ, quần áo rách rưới, cùng đường, ông đâm đầu xuống sông tự tử. Trong khi đó, người mua lại nông trại của ông đã tìm ra một mỏ kim cương khổng lồ ngay trong nông trại đó. Ông già Ba Tư ấy ngồi ngay trên mỏ kim cương, sở hữu mỏ kim cương kia mà không hề hay biết gì.

Điều quan nhất là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1, 26.27; 9, 6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20, 36; Ga 11, 52; Rm 8, 14.16.21; Gl 3, 26; 1Ga 3, 1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1, 4). Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.

Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại. Ai chân thành với Đức Kitô sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu. Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy. Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha thăm trại hè Vatican
Thanh Quảng sdb
04:56 21/07/2020
Đức Thánh Cha thăm trại hè Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho các em tham gia trại hè do Vatican tài trợ, ngạc nhiên vì được Đức Thánh Cha viếng thăm.

(Tin Vatican)

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã công bố một tin bất ngờ vào tối thứ Hai rằng sáng nay, sau 9 giờ một chút, khi những trại sinh trẻ đang ăn sáng tại Hội trường thánh Giáo hoàng Phaolô VI, thì trại được một vị khách quí bất ngờ tới thăm, đó là Đức Thánh Cha.

Ngài đến từng bàn, trò chuyện với các em. Sau đó, ngài cũng tham dự các trò chơi với các em trong Hội trường.

Ngồi với các em, Ngài khuyến khích các em hãy kết thân với các bạn mới! vì "những người chơi một mình là ích kỷ! chúng con cần phải có bạn bè và cùng nhau vui chơi…" Trước khi trở về nhà trọ thánh Marta khoảng 10 giờ, ĐTC đã chào thăm tất cả ban điều hành trại hè và cám ơn họ vì các công việc họ làm.

Vài nét về trại hè dành cho trẻ em tại Vatican

Trại hè dành cho trẻ em tại vatican được bắt đầu vào đầu tháng 7. Trại được tổ chức trong Vườn Vatican, sân bay trực thăng của Vatican và tại Hội trường thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Trại có khoảng 100 em, là con cái của các nhân viên làm việc tại Vatican. Các em ở vào lứa tuổi từ 5 đến 14, được vui chơi, học tập và cầu nguyện cả ngày. Các sinh hoạt bao gồm bơi lội; chơi tennis, bóng đá, bóng bàn và bóng rổ; trượt nước v.v… Trại được diễn ra với các quy luật y tế cẩn phòng Covid-19…

Chính Tòa thánh Vatican đã tổ chức Trại hè này theo ước muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cha Franco Fontana, tuyên úy của đội quân Vatican điều hợp trại hè này với sự trợ giúp của các tu sĩ dòng Don Bosco và một số thành viên của hiệp hội “Tutti in una festa” (Mọi người cùng dự tiệc).
 
Huấn thị của Bộ Giáo Sĩ: Giáo xứ phục vụ sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:32 21/07/2020
Ngày 20/07/2020, Bộ Giáo sĩ đã công bố Huấn thị “Chuyển đổi mục vụ của cộng đồng Giáo xứ để phục vụ sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội” được ký ngày 29.6.2020 do ĐHY Tổng trưởng Beniamino Stella.

Chỉ thị mới của Bộ nối tiếp Chỉ thị Liên bộ năm 1997 với chủ đề: Ecclesia de mysterio – Giáo hội từ mầu nhiệm: Về một số câu hỏi liên quan đến sự cộng tác của các tín hữu không thụ phong trong sứ vụ thánh của linh mục" và Chỉ thị năm 2002 về “Linh mục, Mục tử và Hướng dẫn của Cộng đồng Giáo xứ” Chỉ thị gồm 11 chương và có thể được chia thành hai phần: Phần thứ nhất (chương 1-6) đưa ra một phản ánh rộng rãi về việc chuyển đổi mục vụ, tiếp cận truyền giáo và giá trị của giáo xứ trong bối cảnh đương đại. Phần thứ hai (chương 7-11) tập trung vào các phân khu của cộng đồng giáo xứ, các vai trò mục vụ khác nhau tạo nên chúng, và cách áp dụng quy tắc quản lý.

Tài liệu này không ban hành bất kỳ luật mới nào, nhưng đề xuất các phương pháp để áp dụng tốt hơn các quy tắc hiện hành và các quy tắc kinh điển. Mục đích là để khuyến khích sự đồng trách của người chịu phép rửa và thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ dựa trên sự gần gũi và hợp tác giữa các giáo xứ. Giáo hội cung cấp không gian cho mọi người tìm ra vị trí của họ, đồng thời tôn trọng ơn gọi của mỗi cá nhân. Đây là ý tưởng chính của Chỉ thị về giáo xứ. Điều nổi bật nhất từ ​​Chỉ thị là sự cấp bách của việc đổi mới rao giảng Tin Mừng, một sự chuyển đổi mục vụ của giáo xứ, để các tín hữu có thể tái khám phá sự năng động và sáng tạo cho phép giáo xứ luôn "đi ra", được hỗ trợ bởi sự đóng góp của tất cả các tín hữu trung thành.

Giáo xứ: "Một ngôi nhà giữa những ngôi nhà"

Chỉ thị mô tả giáo xứ như “một ngôi nhà giữa những ngôi nhà" - một dấu hiệu thường trực của Đấng Phục sinh ở giữa Dân Chúa. Bản chất truyền giáo của giáo xứ là nền tảng cho việc rao giảng Tin Mừng. Toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số đã thay đổi liên kết cụ thể của nó với lãnh thổ mà nó bao gồm. Do đó, giáo xứ không còn chỉ là một không gian địa lý, mà là một không gian hiện diện. Chính trong bối cảnh này, “sự linh hoạt” của giáo xứ cho phép nó đáp ứng những yêu cầu của thời đại và thích nghi dịch vụ của nó với các tín hữu trong suốt lịch sử.

Đổi mới truyền giáo

Chỉ thị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới truyền giáo của các cơ cấu giáo xứ. Đổi mới nên tránh xa tự đối chiếu và tính cứng nhắc. Thay vào đó, nên tập trung thay vào sự năng động tâm linh và chuyển đổi mục vụ dựa trên việc loan báo Lời Chúa, đời sống bí tích và chứng tá về bác ái. "Văn hóa gặp gỡ" cần cung cấp bối cảnh cần thiết để thúc đẩy đối thoại, đoàn kết và cởi mở với tất cả mọi người. Trong cách này, các cộng đoàn giáo xứ sẽ có thể phát triển một “nghệ thuật đồng hành” thực sự. Chỉ thị khuyến khích làm chứng về đức tin bằng đức ái và tầm quan trọng của việc chăm sóc người nghèo mà giáo xứ rao giảng Tin Mừng. Mỗi người được rửa tội phải là một tác nhân tích cực trong việc rao giảng Tin Mứng. Do đó, một sự thay đổi về tâm lý và đổi mới nội tâm là điều cần thiết để thực hiện một cuộc cải cách truyền giáo về chăm sóc mục vụ. Đương nhiên, các quá trình thay đổi này phải linh hoạt và dần dần, vì mọi dự án phải được đặt trong cuộc sống thực của một cộng đoàn, không bi áp đặt từ trên và không “duy giáo sĩ” dịch vụ chăm sóc mục vụ.

Các phân khu giáo phận

Chỉ thị phân tích các phân khu trong lãnh thổ giáo phận. Đầu tiên, các giáo xứ cần tuân theo yếu tố chính là sự gần gũi, đồng thời theo những tương đồng của dân số và theo những đặc điểm của lãnh thổ. Sau đó, Chỉ thị tập trung vào các thủ tục cụ thể liên quan đến việc thành lập, sáp nhập hoặc phân chia các giáo xứ, các thủ tục liên quan đến Giáo Hạt, tập hợp một số đơn vị giáo xứ và các đơn vị mục vụ tập hợp thành một số Giáo Hạt.

Linh mục giáo xứ: "mục tử" của cộng đồng

Chỉ thị đi sâu vào chủ đề phân công chăm sóc mục vụ của các cộng đồng giáo xứ, theo cách thông thường và ngoại thường. Chỉ thị nhấn mạnh vai trò của linh mục giáo xứ là "mục tử" của cộng đồng. Linh mục phục vụ giáo xứ, và không phải là cách khác. Vai trò của ngài “liên quan đến việc chăm sóc trọn vẹn các linh hồn.” Do đó, linh mục giáo xứ phải đã nhận lãnh Chức thánh Linh mục, loại trừ bất kỳ khả năng nào khác. Ngài là quản trị viên chịu trách nhiệm về tài sản của giáo xứ và là đại diện pháp lý của giáo xứ. Ngài nên được bổ nhiệm trong một khoảng thời gian không xác định, vì lợi ích của linh hồn đòi hỏi sự ổn định và hiểu biết về cộng đồng. Tuy nhiên, Chỉ thị nhớ lại rằng một Giám mục có thể bổ nhiệm một linh mục giáo xứ trong một thời gian xác định, với điều kiện là không ít hơn năm năm và Hội đồng Giám mục đã thiết lập điều này bằng sắc lệnh.

Các phó tế: các thừa tác viên được phong chức, không phải 'nửa linh mục và nửa giáo dân'

Các phó tế là cộng tác viên của Đức Giám Mục và các linh mục trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Các phó tế là các thừa tác viên được phong chức và tham gia vào một mức độ Bí tích Truyền chức, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền giáo và bác ái, bao gồm quản trị tài sản, loan báo Tin Mừng và phục vụ tại bàn tiệc Thánh Thể. Họ không được coi là "nửa linh mục và nửa giáo dân", Chỉ thị trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ơn gọi của họ cũng không được xem xét từ quan điểm của chủ nghĩa giáo sĩ hay chủ nghĩa chức năng.

Chứng tá của ​​những người thánh hiến và sự cam kết hào phóng của giáo dân

Chỉ thị cũng phản ánh về những người thánh hiến nam nữ, cũng như giáo dân, trong các cộng đồng giáo xứ. Những người thánh hiến nam nữ đóng góp hàng đầu bắt nguồn từ “hiện diện” của họ, từ chứng từ theo Chúa đến cùng. Giáo dân tham gia vào hành động truyền giáo của Giáo hội. Họ được kêu gọi thực hiện một “cam kết hào phóng” thông qua chứng từ về cuộc sống hàng ngày của họ, sống phù hợp với Tin Mừng, trong khi họ phục vụ cộng đồng giáo xứ. Giáo dân cũng có thể được trao Tác vụ đọc sách và Tác vụ giúp lễ. Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, họ có thể nhận các nhiệm vụ khác từ Đức Giám Mục, "theo phán quyết thận trọng của ngài". Những việc này bao gồm cử hành Phụng vụ Lời Chúa và cử hành các nghi thức án táng, cử hành Bí tích Rửa tội, trợ giúp các cuộc hôn nhân - với sự cho phép của Tòa Thánh - và giảng thuyết trong Nhà thờ hoặc nhà nguyện trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, giáo dân không được giảng trong Thánh lễ.

Các cơ quan Giáo hội đồng trách nhiệm

Chỉ thị cũng phản ánh về các cơ quan giáo xứ đồng trách nhiệm, bao gồm Hội đồng Tài chính Giáo xứ, được thành lập ít nhất với ba thành viên như một cơ quan tư vấn do mục tử chủ trì. Tài liệu nói rằng việc quản lý tài sản giáo xứ là “lãnh vực quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng Tin Mừng, cả trong Giáo hội và trong xã hội dân sự.” Tất cả tài sản thuộc về giáo xứ và không thuộc về linh mục giáo xứ, Bộ Giáo sĩ khẳng định lại. Do đó, nhiệm vụ của Hội đồng Tài chính Giáo xứ sẽ là thúc đẩy một "văn hóa đồng trách nhiệm, hành chánh minh bạch và phục vụ các nhu cầu của Giáo hội.” Hội đồng Mục vụ Giáo xứ về bản chất cũng là ban tư vấn, và được “đề nghị rất cao” nên thành lập. “Tránh xa khỏi quan niệm là một cơ quan hành chánh, Hội đồng Mục vụ làm sáng tỏ và thực hiện tính trung tâm của Dân Chúa như chủ thể và tác nhân tích cực của sứ mệnh truyền giáo, vì thực tế là mọi thành viên tín hữu đã nhận được các ân điển của Chúa Thánh Thần thông qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức.

Việc dâng cúng là một hành động tự do

Chương cuối cùng của Chỉ thị tập trung vào việc dâng cúng cho các cử hành Bí tích. Dâng cúng dành cho việc cử hành Thánh lễ thuộc về linh mục dâng lễ, dâng cúng của những Bí tích khác thuộc về Giáo xứ. Việc dâng cúng, do bản chất, phải là một “hành động tự do” về phía người dâng cúng tùy theo lương tâm và trách nhiệm của họ đối với giáo hội, không phải là “trả giá” hoặc “lệ phí”, giống như là “đóng thuế về Bí tích”. Thực ra, với việc dâng cúng cho Thánh lễ, Giáo dân đóng góp cho Giáo hội, nâng đỡ các thừa tác viên và các công tác của Giáo hội. Điều quan trọng là để giáo dân đóng góp một cách tự nguyện cho các nhu cầu của Giáo xứ. Đó là điều tốt khi họ học hỏi một cách tự nhiên để nhận trách nhiệm, đặc biệt là ở các Quốc gia nơi lễ vật cho Thánh lễ vẫn là nguồn thu nhập duy nhất cho các linh mục và cũng là nguồn duy nhất để rao giảng Tin Mừng.

Trong bất kỳ biến cố nào, linh mục được khuyến khích cử hành thánh lễ theo ý nguyện của giáo dân, đặc biệt là người túng thiếu, ngay cả khi linh mục không nhận được bổng lễ. Về phần mình, các linh mục tỏ ra gương mẫu đạo đức trong việc sử dụng tiền của họ, sống đơn giản, quản lý minh bạch tài sản Giáo xứ. Quản trị tốt được đo lường không phải bởi các dự án của Linh mục Giáo xứ hay của một nhóm nhỏ những người, nhưng bởi nhu cầu thực sự của tín hữu, đặc biệt là người nghèo và người nghèo.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Vatican news
 
Nhật Bản bắt đầu cách ly kinh tế với Trung Quốc, chuyển kỹ nghệ tới Việt Nam…
Trần Mạnh Trác
11:15 21/07/2020
Trước Đại Địch, chính quyền cuả thủ tướng Abe Shinzo cuả Nhật bản đã có một chương trình tiệm tiến để tháo gỡ các ràng buộc kinh tế đối với Trung Quốc, không chỉ vì những lý do tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, mà còn là vì an ninh kinh tế cuả chính họ. Người Nhật muốn giảm thiểu các rủi ro cuả một anh hàng xóm có mộng bá quyền, luôn luôn giành giật, lấn chiếm và muốn áp đặt luật lệ cuả mình lên người khác thay vì tự kiềm chế để tuân thủ các qui tắc chung cuả cộng đồng Thế Giới.

Sau kinh nghiệm bị Trung Quốc bắt nạt ngưng xuất cảng qua Nhật những kim loại thuộc loại đất hiếm (rare earth) để làm tê liệt nền kỹ nghệ điện tử ở đây, Nhật Bản đã thiết lập một chương trình gọi là “Trung Hoa cộng một” (China plus one) nghĩa là Nhật Bản đặt ưu tiên hàng đầu để bảo vệ 518 công ty thuộc danh mục công nghiệp cốt lõi, với những quy tắc nghiêm ngặt, và ưu tiên trợ giúp mỗi khi họ có những dự án đầu tư vào những nguồn tiếp liệu khác ở ngoài Trung Hoa.

Những thủ đoạn lấn lướt lân bang cuả Trung Quốc trong vụ đại dịch này đã làm cho Nhật Bản phải tăng tốc thi hành những chương trình tháo gỡ kinh tế với Trung Hoa. Tuần qua, 536 triệu euro đã được cấp cho 57 công ty để chuyển sản xuất về lại Nhật Bản và 30 công ty khác cũng nhận được tài khoản để đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á.

Trong 57 công ty nói trên là hai nhà sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Sharp, sẽ nhận được hơn 57 tỷ yên (468 triệu euro).

Hơn 30 công ty khác đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ được hưởng một số tiền chưa được công bố để chuyển các hoạt động của họ sang Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.

Hãng Hoya, sản xuất các bộ phận ổ cứng, sẽ chuyển qua Việt Nam và Lào.

Sumitomo Rubber Industries sẽ đưa việc sản xuất găng tay cao su nitrile qua Malaysia, trong khi Shin-Etsu Chemical sẽ chuyển sản xuất đất hiếm sang Việt Nam.

Tổng cộng, Nhật Bản sẽ chi ra 1, 9 tỷ đô la qua một ngân sách bổ sung cuả tài khóa 2020 để giúp các doanh nghiệp của họ rời Trung Quốc, trong đó thie có thể một phần (192 triệu đô la) là để khuyến khích các công ty đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc và chuyển chúng sang các quốc gia Asean (Hiệp hội các nước Đông Nam Á).

Như vậy thì sau Đài Loan, Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng chính sách rút tiền đầu tư khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đang nghiên cứu một biện pháp tương tự để thực hiện điều mà chính quyền Trump và một số thành phần trong Quốc hội gọi là "sự cách ly thực sự” khỏi anh hàng xóm khổng lồ ở châu Á.
 
Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Pháp Về Dự Luật Đạo Đức Sinh Học
Lê Đình Thông
12:02 21/07/2020
Hội đồng Giám mục Pháp đã bày tỏ sự quan ngại trước việc ngày 27/07 sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận dự luật đạo đức sinh học. Nếu Quốc hội thông qua sẽ tạo ra sai lầm nghiêm trọng về đạo đức.

Việc thụ thai bằng phương pháp y học (PMA : Procréation médicalement assistée) khiến con cái có còn là nhân vị hay không? Các tiêu chuẩn áp dụng việc các bậc làm cha làm mẹ trong tương lai thông qua việc trợ giúp về vấn đề tâm lý (AMP : aide médico-psychologique) không đủ để đảm bảo nhân phẩm con cái.

Pháp chế về tử hệ mà không biết cha mẹ là ai, chỉ căn cứ vào lời khai trước công chứng viên. Họ muốn có con không bị biến thể di truyền chỉ là ảo tưởng sẽ làm xã hội mất đi tính nhân bản.

Các vị giám mục kêu gọi các nhà lập pháp quan tâm đến ý nghĩa đạo đức sinh học. HĐGM Pháp nhắc lại quan điểm của Giáo hội theo đó mỗi con em lớn lên trong sự tôn trọng nhân phẩm, thông hiệp với tha nhân trong suốt cuộc sống, bất kể nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo. Không một ai có thể bị đối xử như một đồ vật.

Bản nhận định có chữ ký của Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort, tổng giáo phận Reims, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ HĐGM Pháp, Đức TGM Michel Aupetit, Tổng giám phận Paris và nhiều vị giám mục khác.

Mặt khác, Đức TGM Pierre d’Ornellas, chủ tịch Ủy ban Đạo đức Sinh học HĐGM Pháp vừa lên tiếng cảnh báo việc Quốc hội có khả năng thông qua dự luận một cách vội vã, không đếm xỉa đến công luận.

Dự luật sẽ kiến tạo một thế giới như thế nào? Tính liên đới trong xã hội rồi sẽ ra sao?

Đại dịch COVID-19 cho thấy sự yếu kém cả về nhân bản lẫn về phương diện kinh tế. Dự luật chỉ làm gia tăng sự yếu kém.

Ngày nay, thế giới biến chuyển mà không có một nhân sinh quan chung, trong đó tình huynh đệ là yếu tố căn bản. Nếu quan tâm đến tương lai, chúng ta phải cùng nhau gìn giữ trái đất này là căn nhà chung của nhân loại. Chúng ta không thể chỉ căn cứ vào các yếu tố kỹ thuật làm biến đổi thế giới. Sự đồng thuận về môi sinh phải được coi trọng để xây dựng thế giới mới, cùng nhau chia sẻ các phúc lợi xã hội.

Đạo đức sinh học không thể đứng ngoài sự chuyển tiếp môi sinh. Ngày nay, người ta chỉ lưu ý đến các tiến bộ kỹ thuật và các lợi ích ngắn hạn của thị trường. Dự luật chắc chắn làm con người bị tổn thương. Người ta giải thích sai lạc về hướng đi của lịch sử, đi ngược với biến chuyển môi sinh.

Sinh học đích thực phải biết lắng nghe các thao thức. Trước tình trạng lão hóa của dân số, ta cần thể hiện tình liên đới với các bậc cao niên. Ta cần lưu ý đến y học nhân bản, thay vì con bệnh nhân chỉ như ‘‘khách hàng’’.

‘‘Huynh đệ’’ và ‘‘Nhưng không’’ cho phép kiến tạo một thế giới quan lưu ý đến nguyện vọng chung, tiếp nhận sự khác biệt, đón nhận những người yếu đuối, coi đó là một thành phần quan trọng của nhân loại. Người yếu không chịu luật lệ của những người có thế lực. Sự tiến bộ hiện nay chỉ là sự thoái hóa. Ta cần theo hướng đi đích thực của lịch sử, cùng chia sẻ trách nhiệm chung.

Lời tuyên bố có chữ ký của Đức TGM Pierre d’Ornellas, Tổng giám mục Rennes, Chủ tịch Ủy ban Đạo đức Sinh học HĐGM Pháp và các thành viên trong Ủy ban.

Lê Đình Thông
 
Trò xỏ lá: Erdogan mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hagia Sophia dự lễ chuyển thành đền thờ Hồi Giáo
Đặng Tự Do
16:34 21/07/2020
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hagia Sophia, nhân dịp ngôi đại đền thờ Công Giáo này được biến thành đền thờ Hồi Giáo vào ngày 24 tháng 7.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông İbrahim Kalin, nói hôm Chúa Nhật rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những vị khách được mời tham dự buổi lễ chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo vào ngày thứ Sáu tới đây.

Hôm 10 tháng 7, Erdoğan đã ký một sắc lệnh tái xác định Hagia Sophia là một ”đền thờ Hồi Giáo đang hoạt động, ” đảo ngược quyết định vào năm 1934 của tổng thống Mustafa Kemal Ataturk, biến cấu trúc được hình thành từ thế kỷ thứ 6 này thành một viện bảo tàng.

Được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo dưới thời Hoàng đế Byzantine Justinian vào năm 537, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa, đã là một đại đền thờ Công Giáo và sau đó là đền thờ Chính thống Đông phương lớn nhất trong 9 thế kỷ, trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo của hoàng gia sau cuộc chinh phạt Constantinople vào năm 1453 của Đế Quốc Ottoman. Tổng thống Mustafa Kemal Ataturk, người khai sáng ra Cộng Hoà Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại sau khi Đế Quốc Ottaman thất trận trong thế chiến thứ nhất, công khai coi Hồi Giáo cực đoan là mối đe dọa đối với vận mệnh của Thổ Nhĩ Kỳ, đã hạn chế rất nhiều quyền hạn của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo. Ông đã biến Hagia Sophia thành một viện bảo tàng như một dấu chỉ thiện chí và lòng khao khát cùng tồn tại trong hòa bình giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển đổi Hagia Sophia thành một nhà thờ Hồi giáo.

Ngài nói: “Biển đưa tôi đi xa hơn một chút trong suy nghĩ của mình: đến Istanbul. Tôi nghĩ đến Hagia Sophia, lòng buồn rười rượi”.

Tình cảm của Đức Giáo Hoàng đã được lặp lại bởi các Giám Mục Âu châu. Phát ngôn viên Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu nói rằng việc biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo làm gia tăng ”khoảng cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Âu châu và nó là một đòn giáng mạnh vào các Giáo Hội Kitô cũng như công cuộc đối thoại liên tôn.”

Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới, quy tụ 350 Giáo Hội thành viên, đã viết một bức thư cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đảo ngược quyết định.

Phát ngôn viên UNESCO nhận định rằng:

“Quyết định biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo đã đảo ngược các dấu hiệu tích cực và cởi mở của Thổ Nhĩ Kỳ, và thay thế bằng các dấu chỉ loại trừ và chia rẽ. Đáng tiếc là quyết định này đã được thực hiện mà không thông báo trước và cũng chẳng thảo luận gì với UNESCO về tác động của quyết định này đối với các giá trị phổ quát của Hagia Sophia như một dinh thự được công nhận theo Công ước Di sản Thế giới.”

Trò xỏ lá mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hagia Sophia dự lễ chuyển thành đền thờ Hồi Giáo của Erdoğan là một cử chỉ thách thức, ngạo mạn và xem thường tình cảm của Đức Thánh Cha và thế giới Kitô trước quyết định này.

Cho đến nay, Vatican đã không đưa ra bình luận nào về lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Hagia Sophia.

Hôm thứ Ba 22 tháng 7, Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không phá hủy các bức tranh khảm Kitô giáo và các hình ảnh khác trang trí nội thất của ngôi đền.


Source:Breibart

 
Các Giám mục Liên minh Châu Âu hoan nghênh Quỹ phục hồi sau cơn đại dịch Covid-19
Thanh Quảng sdb
20:07 21/07/2020
Các Giám mục Liên minh Châu Âu hoan nghênh Quỹ phục hồi sau cơn đại dịch Covid-19

(Tin Vatican)

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Hội đồng các Giám mục Liên minh Châu Âu cho biết ngài rất vui mừng biết ơn về một quyết định lịch sử nói lên tình đoàn kết trong Liên minh châu Âu về một ngân sách gần 2 tỷ Euro trong đó bao gồm một ngân quỹ 750 tỷ Euro cho việc giúp phục hồi lại cuộc sống sau cơn đại dịch coronavirus.

Tổng cộng ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu tài khóa 2021-27 lên tới 1, 82 nghìn tỷ Euro, trong đó bao gồm một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ Euro để giúp khởi động lại nền kinh tế châu Âu sau cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như ngân sách thường lệ của Liên minh.

Phát biểu với đài Vatican, vài giờ sau khi cuộc họp thượng đỉnh bốn ngày tại Brussels kết thúc, Đức Hồng Y Hollerich, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu (COMECE), cho biết ngài rất vui mừng và biết ơn về sự đồng thuận này, vì không ai ngờ rằng Liên minh châu Âu lại đoàn kết đưa đến một sự đồng thuận như thế.

Đức Hồng Y Hollerich cũng hy vọng rằng quỹ phục hồi này sẽ giúp phục hồi các nền kinh tế bị sa xút và khủng khoảng do cơn đại dịch, nhằm phục vụ mọi người, trong khối Liên minh châu Âu, hầu các thế hệ tiếp nối có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, các giám mục của khối Liên minh châu Âu cũng đề nghị khối Liên minh Châu Âu (EU) hãy trích ra một quỹ phục hồi để đối phó với sự khủng hoảng của nền kinh tế do cơn đại dịch Covid-19 gây ra... Trong dịp đó, các ngài đòi hỏi phải có sự công bằng đối với những người nghèo khổ, bảo vệ môi trường và yêu cầu các nhà lãnh đạo hãy đoàn kết nhắm vào các trọng tâm này trong các cuộc thảo luận.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Bùi Chu Giáo họ Lạc Ngoại Mừng Kính Đức Mẹ Carmel Quan Thầy
Lạc Ngoại
16:09 21/07/2020
‘’Giáo Phận Bùi Chu Giáo họ Lạc Ngoại Mừng Kính Đức Mẹ Carmel Quan Thầy’’

Trong niềm hân hoan cùng với toàn thể Hội thánh mừng kính Đức nữ trinh Maria Diễm phúc núi Carmel. Giáo họ Lạc Ngoại đã long trọng cung nghinh Đức Mẹ, các thánh và cử hành thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Nữ Trinh Maria Diễm Phúc Núi Carmel- quan thầy, tại ngôi thánh đường Giáo họ vào chiều tối thứ 7 ngày 18/7/2020.

Xem Hình

Với truyền thống đức tin hơn 100 năm qua của Giáo họ, cùng với lòng yêu mến Đức Mẹ của mọi con tim trong Giáo họ được thể hiện cuộc cung nghinh Đức Mẹ và các thánh rất trọng thể quy tụ mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài Giáo họ

Cao điểm là thánh lễ được cử hành vào lúc 18h do cha Giuse Phạm Văn Thanh- Giảng viên ĐCV Đức Mẹ vô nhiễm Bùi Chu chủ tế, cùng đồng tế với ngài có cha xứ Giuse Trần Duy Khấn và cha Giuse Vũ Ngọc Tứ- Giám đốc Học viện Teresa Avila Bùi Chu- Giảng viên ĐCV Đức Mẹ vô nhiễm Bùi Chu. Hiệp dâng trong thánh lễ có quý thầy, quý dì, quý khách và đông đảo mọi thành phần Dân Chúa.

‘’Khắp bốn phương chúng con về đây, khắp bốn phương (về trước nhan Mẹ) chúng con hát ca. Đoàn con cất tiếng tung hô. Ma-ri-a danh Mẹ cao sang phúc vinh thiên đàng ’’. Lời ca nhập lễ như diễn tả những bước chân nhịp nhàng từ mọi nẻo đường hân hoan tiến về nhà Chúa cùng cất cao lời ca tụng, tung hô, tôn vinh đức Maria núi Carmel.

Mở đầu thánh lễ Cha chủ tế Giuse ngỏ lời chúc mừng giáo họ nhân dịp mừng đại lễ Đức Mẹ Carmel quan thầy, ngài đã nhắc lại lịch sử biến cố tiên tri Êlia – như một cuộc thi thố đã chiến thắng 450 tư tế thần Baal trên ngọn núi Carmel nhờ lòng tin vào Thiên Chúa. Đồng thời ngài ca tụng mẫu gương của lòng tin nơi đức Maria. Ngài mời gọi cộng đoàn hãy yêu mến, tin tưởng và gắn chặt đời sống của mình nơi Thiên Chúa và yêu thương tha nhân để xây dựng cộng đoàn giáo họ thành cộng đoàn đức tin và yêu thương.

Sau khi cùng ca đoàn hợp xướng kinh vinh danh, cộng đoàn sốt sắng tham dự phụng vụ lời Chúa.

Quảng diễn lời Chúa trong thánh lễ là cha Giuse Vũ Ngọc Tứ. Khởi đi từ hình ảnh ngọn núi Carmel, cha Giuse đã nhắc lại biến cố Đức Mẹ đã hiện ra trên ngọn núi Carmel với các ẩn sĩ nơi đây để an ủi khi bị quân Hồi giáo chiếm đóng. Qua đó ngài mời gọi cộng đoàn hãy biết phó dâng những khó khăn thử thách cho mẹ để được mẹ an ủi, nâng đỡ.

Kế đến ngài nhắc lại lịch sử áo đức bà: Đây là bộ áo dòng Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ Carmel như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc của Mẹ. Mẹ đã căn dặn những ai mang trong mình áo Đức bà sẽ được Mẹ cứu giúp. Cha Giuse đã nhắc nhớ cộng đoàn hãy mang trong mình áo đức bà để được mẹ cữu rỗi

Để kết thúc bài chia sẻ, cha Giuse đã chọn hình ảnh Đức Maria trong tiệc cưới Cana trong bài tin mừng thánh lễ hôm nay để nhấn mạnh rằng: Mẹ luôn quan tâm, yêu thương con cái mẹ những khi khốn khó, thử thách trong cuộc sống. Do đó chúng ta hãy đặt để nơi mẹ trọn vẹn cuộc sống, những khó khăn để luôn được mẹ che chở, yêu thương gìn giữ và chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.

Tiếp theo là phần phụng vụ thánh thể: Những hoa trái, lao nhọc vất vả như của lễ tiến dâng lên Thiên chúa.

Cuối thánh lễ ông chủ tịch HĐMV Giáo họ đại diện cho cộng đoàn Giáo họ đã nói lên tâm tình tri ân quý cha, quý tu sĩ, quý HĐMV Giáo xứ, quý khách và toàn thể cộng đoàn, vì lòng yêu mến Đức Mẹ đã về hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cho cộng đoàn Giáo họ.

Truyền thông Giáo họ Lạc Ngoại

Ảnh: Dương KaKa
 
Vĩnh biệt ngôi nhà thờ lịch sử cổ nhất Việt Nam: Rỡ bỏ nhà thờ Bùi Chu sẽ hoàn thành vào tháng 8
Trần Mạnh Trác
22:09 21/07/2020
Tin UCA News 21/8/2020: Giáo phận lâu đời nhất ở miền bắc Việt Nam đã bắt đầu phá hủy ngôi nhà thờ chính toà đã có từ thế kỷ 19, đang ở trong tình trạng hư hỏng, và bất chấp những lời kêu gọi của công chúng để bảo tồn tòa nhà có tính cách lịch sử và biểu tượng này.

Một linh mục giấu tên cuả Giáo phận Bùi Chu nói với UCA News rằng vào ngày 17 tháng 7, công nhân đã bắt đầu gỡ bỏ sàn và mái ngói cuả ngôi Nhà thờ Bùi Chu, là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam, để chuẩn bị xây dựng một nhà thờ mới.

Ngôi nhà thờ toạ lạc ở huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, đang được rào bởi một hàng rào sắt, vì vậy rất ít người có thể đến được. Việc phá hủy dự kiến sẽ kết thúc vào tháng Tám.

Vị linh mục cho biết giáo phận đã không đưa ra thông báo công khai về việc phá hủy nhà thờ 135 tuổi vì sợ có những phản ứng tiêu cực sẽ ngăn cản việc phá hủy để xây dựng một nhà thờ mới.

Trước đây vào tháng 5 năm 2019, sau khi Đức cha Thomas Aquinas Vũ Đình Hiệu của Bùi Chu tuyên bố kế hoạch rỡ bỏ nó, thì một nhóm 25 kiến trúc sư đã viết kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lên ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và lên chính quyền địa phương để yêu cầu bảo tồn ngôi nhà thờ cổ có lối kiến trúc độc đáo theo kiểu Baroque này.

Vì thế cha xứ Giuse Nguyễn Đức Giang, trưởng ban xây dựng giáo phận, đã phải hủy bỏ kế hoạch phá hủy nhà thờ.

Nhưng các nhà lãnh đạo và kiến trúc sư của nhà thờ đã không thể đạt được thỏa thuận về cách cứu vãn ngôi nhà thờ cũ (được xây dựng vào năm 1885 bởi Giám mục Tây Ban Nha Wenceslao Onate.)

Vào tháng Hai, giáo phận đã tiếp tục việc phá hủy và đã tháo rỡ các đồ đạc nội thất nhưng đã không thể kéo xập xuống vì sự bùng phát cuả dịch Covid-19.

Trong khi chờ đợi nhà thờ mới thì các giáo dân địa phương tạm thời tham dự các lễ nghi hàng ngày tại một ngôi nhà gần đó.

Nữ tu Theophane Đoàn Thị Chuyên dòng Con Đức Mẹ Mân Côi nói với UCA News rằng nhà thờ rộng 1.088 mét vuông, được trùng tu vào năm 1974 và 2000, nhưng vẫn ở trong tình trạng đổ nát và ngập lụt trong mùa mưa, gây nguy hiểm cho Thánh lễ.

“Xây dựng nhà thờ mới thay thế ngôi nhà thờ cũ là việc làm đúng để đảm bảo an toàn cho những người tham dự các lễ lạc, ” Sơ Chuyên nói.

Nhà thờ mới sẽ được xây trên nền cũ nhưng lớn hơn. Trần nhà sẽ được làm bằng gỗ và theo phong cách giống như ngôi nhà truyền thống.

Thợ mộc đã làm những cột gỗ lớn và các cấu trúc hoa văn truyền thống cho ngôi nhà thờ mới từ nhiều năm qua.

“Tôi có thể thông cảm với những gì xảy ra với ngôi nhà thờ nhưng tôi vẫn cảm thấy rất nản lòng, ” theo lời ông Martin Rama nói với báo Tuổi Trẻ, ông là người đã phát động chiến dịch để cứu vãn ngôi nhà thờ duy nhất có kiểu kiến trúc Baroque của Việt Nam.

Đạo Công Giáo đã được truyền bá đến Giáo phận Bùi Chu vào đầu năm 1533. Giáo phận, được mệnh danh là cái nôi của nền văn hóa và truyền thống Công Giáo VN, hiện có nhiều cơ sở và nhà thờ cổ điển mang ảnh hưởng rất phong phú về các kiểu kiến trúc Gothic, Tây Ban Nha, Pháp và Việt Nam. Giáo phận nằm trong tỉnh Nam Định, có một số giáo dân đông đảo là 412.000 người.
 
Văn Hóa
Cảm nghiệm theo tác phẩm Salt of the Earth của ĐGH Bênêđictô 16 : Muối
Đinh Văn Tiến Hùng
16:44 21/07/2020


Cá không ăn muối cá ươn,

Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.

Câu ca dao Việt Nam trên là lời khuyên dạy của cha ông ta, có giá trị cả về vật chất và tinh thần.

Sự đa năng hữu dụng của muối được chứng minh thực tế trong đời sống con người từ xưa đến nay.

Muối cải thiện sức khỏe, chữa trị bệnh tật, chế biến thức ăn và pha chế trong dược phẩm, mỹ phẩm…

Dân tộc thiểu số nơi đồi núi rừng sâu quí trọng muối hơn tiền bạc, phẩm vật quí. Điều này đã xác minh qua các đoàn thể từ thiện đến ủy lạo không thể quên mang theo những hộp muối làm quà tặng.

Những thuyền nhân tị nạn đi tìm tự do trên con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi, kiệt sức vì không còn nước uống, nếu muốn đổi thoi vàng lấy một bình nước chắc sẽ bị từ chối.

Nước Việt Nam được mẹ thiên nhiên ưu đãi có một bờ biển tươi đẹp uốn lượn từ Bắc chí Nam ôm ấp một kho muối khổng lồ, là công nghệ của các vùng Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Cần Giờ,

Vũng Tàu, Bến Tre…Cánh đồng muối Cà Ná, Ninh Thuận cung cấp muối phẩm chất tốt nhất Đông Nam Á.

Hoa Kỳ công nghệ sản xuất muối rất qui mô tại San Francisco với những ruộng muỗi rực rỡ nhiều màu sắc và cũng là điểm tham quan du lịch nhiều người ưa thích.

Vậy muối chính là kho báu, là hạt ngọc của đất trời mà Thượng Đế trao tặng con người…..

Những dẫn chứng sơ khởi nêu trên chỉ là khía cạnh vật chất.

Còn về tinh thần Muối mang một ý nghĩa linh thiêng cao quí hơn nhiều.

Lần mở Thánh Kinh ta thấy Muối được nhắc đến nhiều lần :

-Mỗi người chúng ta chính là Muối và những người không tin hay chưa nhận biết Thiên Chúa là Đất.

Nên Chúa đã phán dạy rằng :

“Các con là Muối của Đất, nhưng nếu muối ra nhạt, thì sẽ lấy gì làm cho mặn lại được. Không còn cách gì, chỉ có việc đổ ra ngoài cho người ta giẫm đạp mà thôi.” ( Mt.5: 13 )

Và chính Chúa là Muối đến giúp thế giới khổi bị hư hoại phế bỏ.

-Trong Cựu ước Thiên Chúa đã giao kết với Aharon :

“Giao ước Muối muôn đời tồn tại trước Nhan Chúa cho ngươi và dòng dõi ngươi” ( Ds.18: 19 )

-Cùng trong nghi thức dùng Muối :

“Các ngươi phải bỏ Muối vào các lễ phẩm các ngươi dâng tiến. Các ngươi không được để lễ phẩm các ngươi thiếu Muối của giao ước Thiên Chúa các ngươi. Các ngươi phải dâng Muối cùng với lễ tiến của các ngươi.” ( Lv.2: 13 )

-Bỏ Muối vào hương trở thành hương thánh dâng lên Thiên Chúa :

“Người hãy lấy các thứ hương chất, tổ hợp hương, hương hoa phong tử hương, các hương và nhũ hương nguyên chất, số lượng mỗi thứ sẽ đồng đều. Người sẽ lấy các hương chất đó, chế thành hương để đốt. Hợp chất các thứ hương này sẽ lầ sản phẩm của thợ làm hương, hương đó sẽ là hương pha Muối, nguyên chất và là hương thánh. Các ngươi sẽ không được chế hương theo kiểu ấy mà dùng cho mình, vì đó với ngươi là vật thánh dùng cho Thiên Chúa.” ( Xh.30: 34- 37 )

-Khi Thiên Chúa hủy diệt 2 thành Sôđôm và Gômôra, vợ ông Lót không vâng lời nên Chúa phạt : “Vợ ông Lót ngoái lại đàng sau nên hóa tượng Muối.” ( St.19: 26 )

-Ông Avimaléc triệt hạ thành và tháp Sikem :

“Ông đã chiếm được thành, tàn sát tất cả dân cư, rồi triệt hạ và rắc Muối lên thành.” (Tl.9: 45 )

Như thế ta thấy Nước Thánh và Muối là những Á Bí Tích, là những dấu chỉ thánh. Dân Chúa sử dụng nước phép pha Muối trong các nghi lễ tôn giáo đã có hàng ngàn năm xưa của người Do Thái trước Chúa sinh ra trong các nghi thức trừ quỉ, rửa tội, cung hiến bàn thờ, làm phép nhà.

-Muối tượng trưng cho thử thách và thanh tẩy :

“Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng Muối.” ( Mc.9: 49 )

-Muối hòa tan trong nước tượng trưng cho hòa hợp và hiệp nhất :

“Anh em hãy giữ Muối trong lòng anh em và sống hòa hợp với nhau.” ( Mc.9: 50 )

-Thánh Phaolô xem Muối là biểu tượng sự khôn ngoan :

“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài, hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mọi người.” ( Cl.4: 5- 6 )

-Trong lời nguyện của vua Đa-vít qua Thánh Vịnh có đoạn mô tả về chiến trận :

“Để dạy, khi ông đánh dân Aram Naharagim và Aramsôva và khi ông Gioáp trở lại đánh Edam trong thung lũng Muối : 12 ngàn người.” ( Tv.60: 2 )

-Đoạn Thánh Vịnh khác nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa mà dân Israel lại bội bạc bị Ngài xử phạt :

“ Mưa đá hủy vườn nho, sương Muối diệt cây vả.”

…………………

Qua những dẫn chứng trong Thánh Kinh dạy chúng ta bài học tâm niệm về ‘Chất Muối Thiêng’ là chính

‘Muối cho Đời’ :

-Vị mặn của Muối là thể hiện sự khôn ngoan, đời sống luôn cầu nguyện kết hợp với tình yêu Thiên Chúa.

-Tự hủy mình như Muối hòa tan trong nước, để sống hy sinh khiêm tốn, hòa hợp với mọi người.

-Phải loại bỏ những xấu xa dục vọng, thanh luyện trong thử thách gian khổ, vác thập giá theo Chúa.

-Muối tượng trưng cho tình nghĩa phải có để cuộc đời thêm mặn mà, ấm áp, tươi đẹp, vì nếu không có thì cuộc sống sẽ nhạt ‘như nước ốc, bạc như vôi’.

-Trước tình trạng thế giới hiện nay : sự khủng hoảng vì đại dịch gieo rắc khắp nơi, sự tranh chấp về kinh tế, chính trị, quân sự…giữa các quốc gia, nhất là tại Hoa Kỳ, nhiều người đã lợi dụng chiêu bài kỳ thị màu da và được hỗ trợ bởi thế lực đen tối núp sau, tổ chức biểu tinh cướp phá, giật sập các di tích lịch sử quốc gia, đốt giáo đường, phá các thánh tượng.- Nhìn vào những hành động trên, phải chăng muối của tình yêu thương nhân loại và muối của niềm tin vào Thiên Chúa đang nhạt loãng dần?

Nên tự hỏi lòng minh :

-‘Vì tôi là Muối nhạt nên thế giới này vô vị !

Vì tôi là đèn hết Dầu nên thế giới còn chìm trong bóng tối ! ‘

Muối Cho Đời

(*)Cảm nghiệm theo’ Salt of the Earth’ của ĐGH/Benedict 16

+ Chúa ơi! Xin kéo con lên !

Kẻo con chìm đắm giữa miền trùng khơi.

Biến con thành ‘Muối cho đời’,

Đậm đà Hương vị, mặn mà Yêu thương.

+ Muối là vật tầm thường ai cũng biết,

Nhưng rất cần trong đời sống xưa nay,

Muối thấm đượm cho cuộc sống hàng ngày,

Muối tựa khí trời dưỡng nuôi thân xác.

Nơi núi rừng đổ ầm ầm dòng thác,

Các bản nghèo dân Thiểu Số Cao Nguyên,

Qúi hạt muối như lưu giữ lời nguyền,

Vì thân thể dẻo dai nhờ hạt muối.

Bao năm tháng gông cùm nơi biên giới,

Những người tù nghe hạt muối lên hương,

Muối biến mặn thành ngọt lịm chất đường,

Vì mùi vị tan hoà vào nghiệt ngã.!

Đã bao giờ giữa ngàn khơi biển cả,

Ngập mênh mông biển mặn phủ trùng dương,

Thân xác ta vẫn cảm nghiệm khác thường,

Như đang thiếu một chất gì khó tả?

Trong cuộc sống đua chen và vội vã,

Say men đời cùng khúc nhạc hoan ca,

Dù tràn đầy với phú qúi vinh hoa,

Vẫn vang vọng nơi tâm hồn trống vắng?

‘Muối cho đời !’ Để tâm hồn lắng đọng !

Mà nhìn vào Thế giới của Hôm nay:

‘Văn hoá Sự chết’- Tội ác phơi bày,

Vì Muối nhạt làm tan đi Mầm Sống.

Đây Chúa dạy ta bài học sống động,

Trong Phúc Âm xác quyết một Tín điều :

Lòng lạnh lẽo khi đã mất Tin Yêu,

Như Muối nhạt làm thức ăn hư nát.

Vì các ngươi chính là Muối cho Đất,

Muối nhạt rồi còn sử dụng được gì,

Ném ra ngoài đồ vô dụng bỏ đi,

Cho bước chân người giẫm lên chà đạp!

+ Ôi! Muối nhạt vị hồn con tan nát,

Xin ươm đầy lòng khao khát Tin Yêu,

Cho đời con khỏi hoang lạnh cô liêu,

Như Muối ướp mặn mà trong Yêu mến.

- Đinh văn Tiến Hùng -
 
Ngọ Thì Trinh Nữ
Vũ Văn An
18:47 21/07/2020



Giữa ngọ. Con thấy nhà thờ mở cửa.
Phải vào mới được.
Hỡi Mẹ Chúa Giêsu Kitô,
Con đến không để cầu nguyện.

Con chẳng có chi dâng kính
Chẳng có gì cầu xin.
Lạy Mẹ, con chỉ đến
ngắm nhìn Mẹ.

Ngắm nhìn Mẹ, khóc vì hạnh phúc,
Biết được con là con Mẹ
Và Mẹ ở đó.

Chẳng còn gì hơn
Trong giây lát, lúc mọi sự dừng lại
Ngọ thì!
Được ở với Mẹ, tại nơi Mẹ hiện diện.

Không nói gì, chỉ ngắm gương mặt Mẹ,
Để lòng hát lên bằng ngôn ngữ riêng,

Không nói chi, chỉ ca hát vì lòng người đầy ắp
Như chim két
hát theo ý tưởng
trong loại bài ca ngẫu hứng này.

Vì mẹ xinh đẹp,
vì mẹ không tì vết,
Người đàn bà, cuối cùng,
được phục hồi trong Ơn Thánh,

Tạo vật trong hạnh phúc ban đầu
Và trong đơm hoa cuối hết,
Như đã phát sinh từ Thiên Chúa
Trong bình minh sáng lạn khởi nguyên.

Tinh tuyền khôn tả
vì Mẹ là Mẹ Chúa Kitô,
Đấng là sự thật
trong cánh tay Mẹ,
Và là hy vọng duy nhất,
hoa trái duy nhất.

Vì Mẹ là người đàn bà,
Địa Đàng âu yếm bị lãng quên xưa,
Mà cái nhìn ngay lập tức
chiếm hữu lòng người
và làm dòng nước mắt tích tụ
xưa nay bỗng ứa tràn lan,

Vì Mẹ đã cứu con,
vì Mẹ đã cứu Nước Pháp,
Bởi Nước Pháp, cũng như con,
Đối với Mẹ,
Là điều Mẹ hằng nghĩ tới,

Vì vào thời khắc
Tất cả đều vỡ tan
Là lúc Mẹ can thiệp,
Vì Mẹ đã cứu Nước Pháp
một lần nữa,

Vì đây chính ngọ,
vì chúng con hiện diện ngày này hôm nay,
Vì Mẹ ở đó luôn mãi,
đơn giản vì Mẹ là Maria,
Đơn giản vì mẹ hiện hữu,
Lạy Mẹ Chúa Kitô, con cám ơn Mẹ!

Paul Claudel

La Vierge à Midi, trích từ Paul Claudel, Œuvre poétique, Poëmes de guerre, La Pléiade, Gallimard, 1957, tr. 531
 
VietCatholic TV
Nghiêm trọng: Seattle, Portland tan hoang vì bạo động, hôi của. Tổng thống Trump tung quân dẹp loạn
Giáo Hội Năm Châu
03:15 21/07/2020
1. Trung tâm thành phố Seattle tan hoang vì các cuộc biểu tình

Truyền thông địa phương cho biết một viên chức cảnh sát bị thương, nhiều doanh nghiệp bị đập phá và hôi của, và hai người đã bị bắt trong một cuộc biểu tình vẫn đang tiếp tục diễn ra tại trung tâm thành phố Seattle của tiểu bang Washington từ hôm Chúa Nhật 19 tháng 7. Những người biểu tình hiện đang đòi hỏi yêu sách là chính quyền phải bãi bỏ Cơ quan Di trú và Hải quan liên bang, gọi tắt là ICE.

Cảnh sát cho biết một cảnh sát viên bị thương trong một cuộc đụng độ bên ngoài khu vực phía Tây của sở ICE khi những người biểu tình ném đá, chai lọ và các vật dụng khác. Người cảnh sát viên này đã được đưa đến bệnh viện gần đó, theo báo cáo của tờ KIRO.

Tờ KIRO cũng báo cáo đã nhìn thấy các khẩu hiệu nguệch ngoạc và thiệt hại nghiêm trọng của một số cửa hàng dọc theo con đường của các cuộc biểu tình.


Source:Reuters

2. Cảnh sát liên bang ra tay hành động tại Portland, Oregon

Cách thành phố Seattle 193 dặm về phía Nam, thành phố Portland, trong tiểu bang Oregon cũng đang chìm trong các cuộc biểu tình bạo động. Vì thế, các nhân viên thực thi pháp luật liên bang đã có mặt tại Portland, Oregon hôm thứ Sáu để cưỡng chế những người quá khích như là một phần của lệnh hành pháp mới của chính quyền Trump để bảo vệ các di tích của Hoa Kỳ. Nhiều video được đăng trực tuyến cho thấy các viên chức cảnh sát đã sử dụng vũ lực để bắt giữ và vận chuyển những người bị bắt. Hơn một chục người đã bị bắt hôm thứ Sáu, theo báo cáo phương tiện truyền thông, nhưng đến nay chưa có các có xác nhận ngay lập tức từ chính quyền. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận về các vụ bắt giữ và bất kỳ cáo buộc liên quan nào.

Một phát ngôn viên của lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ xác nhận các nhân viên an ninh đã được đào tạo để hoạt động, “trong các môi trường bạo loạn” đã được triển khai đến khu vực. Những viên chức này, được nhìn thấy trong quân phục ngụy trang, với vũ khí kiểu quân đội.

Bà Kate Brown, Thống đốc thứ 38 của tiểu bang Oregon, và là thành viên của đảng Dân Chủ cho rằng hành động cưỡng chế này “một sự lạm quyền trắng trợn của chính phủ liên bang.”

Bất chấp thực tế là người dân ở Portland đã quá chán ngán các cuộc biểu tình, các vụ bạo động, cướp phá và hôi của làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, thị trưởng Portland là Ted Wheeler, cũng là một thành viên của đảng Dân Chủ, nói rằng vũ lực liên bang vừa không chính đáng vừa không được chào đón tại thành phố của ông.

Ông nói:

Các viên chức liên bang trên đường phố của chúng tôi làm căng thẳng tiếp tục leo thang và gây tổn hại cho người Portland ngay bây giờ. Đây không phải là nước Mỹ chúng tôi muốn. Đây không phải là Portland chúng tôi muốn. Đâu là trách nhiệm đối với những gì các viên chức liên bang đang làm. Tuần trước chúng ta đã chứng kiến sự xuống thang bạo lực. Chúng tôi đã thấy mọi thứ dịu xuống, nhưng sự can thiệp của các viên chức liên bang đã tái lập căng thẳng.

Ông Wheeler cảnh cáo rằng US Marshal Service sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về một cáo buộc theo đó cảnh sát liên bang bị cho là đã làm bị thương một người biểu tình bằng các vũ khí bắn ra đạn không gây chết người. Người biểu tình đã tập trung hàng ngày xung quanh tòa án liên bang ở Portland để phản đối sự phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát kể từ sau cái chết của George Floyd trong cảnh sát giam giữ vào ngày 25 tháng Năm.


Source:Reuters

3. Tổng thống Trump cho biết sẽ cứng rắn hơn nữa

Sau những cuộc đụng độ dữ dội vào cuối tuần giữa những người biểu tình và các lực lượng an ninh liên bang ở Portland, Oregon, Tổng thống Trump cho biết:

Chúng tôi đang gửi thêm các lực lượng thực thi pháp luật.

Hôm thứ Hai 20 tháng 7, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng ông dự định sẽ gửi thêm các lực lượng thực thi pháp luật liên bang đến một số thành phố lớn của Hoa Kỳ nơi các cuộc biểu tình đã bùng lên, và lưu ý rằng các thị trưởng của những thành phố ấy đều là đảng viên đảng Dân chủ.

Ông nói:

Vâng, tôi sẽ phải làm một vài điều. Tôi có thể nói với bạn là chúng ta sẽ không để New York, Chicago, Philadelphia, Detroit, và Baltimore, và tất cả những thứ như thế- như Oakland chẳng hạn, trở thành một mớ hỗn độn. Chúng ta sẽ không để điều này xảy ra ở đất nước chúng ta, tất cả những thành phố ấy được điều hành bởi các thành phần Dân chủ cấp tiến.

Chúng ta sẽ có thêm lực lượng thực thi pháp luật liên bang. Tôi có thể nói như thế với bạn.

Tuần trước, các viên chức liên bang đã bắt đầu tấn công vào các cuộc biểu tình kéo dài ở Portland.

Các viên chức liên bang trong quân phục ngụy trang đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông và bắt giữ một số nhà hoạt động vào tù. Khoảng 1, 500 người biểu tình đã tập trung vào tối Chúa Nhật bên ngoài tòa án liên bang. Cảnh sát cho biết những người biểu tình đã phóng hỏa đốt một tòa nhà trong khu vực tòa án và đánh sập các hàng rào thép gai được xây dựng xung quanh tòa nhà cho đến khi họ bị các lực lượng an ninh liên bang phun hơi cay.


Source:Reuters
 
Những kẻ phỉ báng Đạo Thánh Chúa sẽ không có kết quả tốt Netflix là một ví dụ gây sững sờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:38 21/07/2020
1. Những kẻ phỉ báng Đạo Thánh Chúa sẽ không có kết quả tốt Netflix là một ví dụ

Bất kể những phản đối của người Công Giáo tại Hoa Kỳ, chỉ ba tuần trước lễ Giáng Sinh, hôm 3 tháng 12, 2019, Neflix đã cho chiếu bộ phim hài The First Temptation of Christ, nghĩa là Cơn Cám Dỗ Đầu Tiên Của Chúa Kitô. Đây là một bộ phim báng bổ do một bọn quá khích tại Brazil sản xuất.

Những kẻ phỉ báng Đạo Thánh Chúa sẽ không có kết quả tốt Netflix là một ví dụ. Thật vậy, trong thời gian đại dịch coronavirus kinh hoàng vừa qua, khi mọi người phải bó gối ở nhà, tờ Wall Street Journal đã dự đoán rằng số người ghi danh vào các kênh giải trí như Apple, Google và Netflix phải tăng lên ít nhất là 30% và do đó giá cổ phiếu của các công ty này phải tăng ít nhất 20%. Điều đó đúng với Apple, và Google, nhưng không đúng trong trường hợp Netflix.

Giá cổ phiếu của Netflix đã không tăng thì chớ, lại còn giảm đến 10% khi kết thúc sàn giao dịch chứng khoán vào hôm thứ Năm 16 tháng 7 vì Netflix đã phải nhìn nhận một sự suy thoái mạnh trong số người dùng.

“Thuê bao trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 2.5 triệu hàng tháng cho đến tháng 8, ” công ty cho biết.

Netflix hiện đạt 193 triệu thuê bao.

Các nhà đạo đức học, xã hội học và các nhà lãnh đạo tinh thần tỏ ra rất quan ngại với cách Netflix chọn phim.

Lấy thí dụ là bộ phim “13 Reasons Why”, nghĩa là 13 lý do tại sao, trong đó một cô gái 17 tuổi đã tự kết liễu đời mình.

Trước khi chết cô ta để lại 13 băng cassette, giải thích 13 lý do tại sao cô ấy kết liễu mạng sống mình – toàn là những lý do tào lao như ai đó đã làm một điều này điều kia khiến cô phật ý, hoặc chưa làm đủ theo mong đợi của cô khiến cô không hài lòng.

Những người tạo ra bộ phim này đã nhấn mạnh trong một video tiếp theo rằng “13 Reasons Why” nhằm giúp đưa ra các cuộc đối thoại quan trọng về các chủ đề nghiêm trọng như tự tử, bắt nạt trong trường học và để người xem nói có thể nói về các giải pháp cho ý nghĩ tự tử.

Tuy nhiên, các nhóm phòng chống tự tử và các nhà lãnh đạo thanh thiếu niên lo ngại vì bộ phim này đặc biệt phổ biến đối với khán giả vị thành niên là một dân số dễ bị tổn thương.

Tự tử là nguyên nhân hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong ở những người trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 24.


Source:Reuters

2. Các Giám mục Ý tố cáo các băng đảng mafia lợi dụng đại dịch cho vay nặng lãi.

Lợi dụng tình trạng khủng hoảng kinh tế do đại dịch, tại Ý, các băng đảng mafia đã gia tăng cho vay nặng lãi vì một số lớn dân chúng mất công ăn việc làm. Các Giám mục lên tiếng tố cáo và gọi đây là một hình thức “nô lệ mới”.

Ðức Cha Giovanni D'Alise, Giám mục giáo phận Caserta ở miền nam nước Ý cho biết trong Giáo phận của ngài một số cha mẹ buộc phải cho con cái tham gia vào những băng cướp để trả nợ cho gia đình. Ðức Cha nhấn mạnh: “Giáo Hội Công Giáo luôn lên án việc cho vay nặng lãi. Ðó là tội nặng vì kiếm tiền bằng cách lợi dụng người khác, chống lại con người và chống lại tinh thần Kitô. Một hình thức nô lệ mới đang hình thành”.

Ðức Cha D'Alise cho rằng nguồn gốc của việc cho vay nặng lãi là do thiếu tôn trọng nhân phẩm. Giám mục Caserta so sánh nó với tình trạng phân biệt đối xử ở Mỹ: “Trong cả hai trường hợp con người đều bị coi là không có giá trị. Hình ảnh người cảnh sát lấy đầu gối đè vào cổ George Floyd vẫn còn in đậm trong tôi. Nó đã bóp chết người này không chỉ ở phương diện thể lý”. Vì thế, theo Ðức Cha, Giáo Hội cần phải thực hành cách mạnh mẽ sự đồng cảm. Mỗi người hãy làm những gì có thể, nhưng đó là phải là một sự đồng cảm nhạy bén và hiệu quả. Thường chúng ta không nhận ra có bao nhiêu sự tốt lành và bao nhiêu sự dữ đang ở giữa chúng ta.

Cùng với Giám mục Caserta, Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục Napoli gọi băng đảng cho vay nặng lãi là “một loại đại dịch”. Ðức Hồng Y nói: “Có nhiều người rất giỏi làm giàu trong thời gian đại dịch. Không thể tưởng tượng nổi những gì đang xảy ra. Chúng ta phải hành động, can thiệp ngay lập tức. Việc quét sạch tất cả các tổ chức tội phạm tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta phải vượt qua và khẳng định quyền hy vọng”.

Tại Ý, hiện nay do đại dịch nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc. Họ thường bị người cho vay lợi dụng và họ phải chấp nhận đây là phương thức cuối cùng để sống còn. Và sau đó, họ buộc phải để cho con cái đi làm để trả nợ cho cha mẹ, nghĩa là các em đi làm nhưng không được trả lương. Ông Tommaso De Simone, giám đốc phòng thương mại Caserta cho biết tại miền nam Ý cho vay nặng lãi gia tăng cấp số nhân trong những tháng này.

Cảnh sát Ý cho biết, vay tiền xã hội đen có liên quan tới băng đảng Camorra, một tổ chức tội phạm ma túy ở Napoli. Ðối với các công ty, khi số tiền vay không thể trả, băng đảng Camorra lợi dụng trường hợp này để yêu cầu giao công ty cho chúng quản lý và công ty được sử dụng như phương tiện chuyển tiền bất hợp pháp. Tiền cho vay của xã hội đen thường lấy danh nghĩa là bạn, ân nhân giúp người đang gặp khó khăn không ai giúp đỡ. Họ đưa tiền ngay lập tức, nhưng sau đó người nhận tiền lệ thuộc hoàn toàn vào tổ chức này.


Source:Catholic News Agency

3. Tòa Thánh công bố chỉ nam liên quan đến các thủ tục giải quyết những vụ lạm dụng.

Hôm 16 tháng 7 năm 2020, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một tập chỉ nam về cách thức giải quyết các tố cáo giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Tập chỉ nam dài hơn 30 trang, được chia làm chín chương, trả lời cho các câu hỏi chính yếu liên quan đến một số điểm trong thủ tục giải quyết những vụ lạm dụng. Ðây không phải là một bản qui luật hoặc luật lệ mới, nhưng là một tài liệu giúp các vị Bản quyền và các viên chức giáo luật thi hành cụ thể các qui định giáo luật, liên quan đến “những tội nặng gây thương tổn cho toàn thể Giáo hội, đó là những vết thương sâu đậm và đau thương đòi phải được chữa lành”.

Tập chỉ nam này đáp ứng yêu cầu của các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục thế giới trong khóa họp hồi tháng Hai năm 2019, tại Vatican về vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội.

Tập chỉ nam này mang số 1.0 vì Bộ Giáo Lý Đức Tin dự kiến sẽ cập nhật theo định kỳ, dựa theo những thay đổi qui luật hiện hành hoặc đường lối thực hành của Bộ giáo lý đức tin. Ðiều gì cấu thành tội phạm, làm thế nào thực hiện cuộc điều tra sơ khởi, đâu là những thủ tục hình sự.

Tập chỉ nam nhấn mạnh đến bốn yêu cầu sau:

- Trước tiên là bảo vệ con người. Giáo quyền được yêu cầu làm sao để nạn nhân và gia đình họ được đối xử xứng đáng và được tôn trọng. Cần đón tiếp, lắng nghe, đồng hành, kể cả với những dịch vụ chuyên biệt và trợ giúp về tinh thần, y khoa và tâm lý, tùy theo trường hợp. Cần áp dụng thái độ như vậy đối với người bị cáo.

- Khía cạnh thứ hai là cần phải kiểm chứng kỹ lưỡng và chính xác bất kỳ thông tin nào mà vị Bản quyền nhận được về một vụ lạm dụng. Cho dù không có lời tố cáo chính thức, hoặc tin về lạm dụng chỉ được phổ biến qua các phương tiện truyền thông, kể cả qua các mạng xã hội, và cho dù nguồn tin là vô danh, chỉ nam cũng đề nghị cứu xét kỹ lưỡng mọi thông tin nhận được và đào sâu nó. Dĩ nhiên, việc giữ bí mật tòa giải tội luôn luôn phải tuân hành: trong trường hợp đó, cha giải tội hãy thuyết phục hối nhân đưa tin về vụ lạm dụng qua những con đường khác.

- Khía cạnh thứ ba liên quan đến việc thông tin: trong nhiều điểm, tập chỉ nam nhắc nhớ nghĩa vụ phải tôn trọng “bí mật nghề nghiệp” do chức vụ, tuy cũng nhấn mạnh rằng, trong cuộc điều tra sơ khởi, nạn nhân và các nhân chứng không “bó buộc phải giữ im lặng về các sự kiện”. Tuy nhiên, nên yêu cầu họ tránh mọi phổ biến những thông tin không thích hợp và bất hợp pháp, nhất là trong giai đoạn điều tra sơ khởi, để tránh tạo ra cảm tưởng các sự việc đã được xác định, chứng thực. Có một khoản nói về những thông cáo chính thức phải được phổ biến trong cuộc điều tra sơ khởi: trong những trường hợp như vậy, nên thận trọng và dùng những hình thức “cốt yếu và nghiêm ngặt”, không đưa ra những thông báo “giật gân”, không xin lỗi nhân danh Giáo hội, vì làm như thế tức là đưa ra những phán quyết trước về các sự việc.

- Khía cạnh thứ tư và sau cùng là tầm quan trọng của sự cộng tác giữa Giáo hội và chính quyền. Ví dụ, chỉ nam nhấn mạnh rằng “cho dù luật pháp không bắt buộc, giáo quyền cũng nên trình bày sự tố cáo ấy cho nhà chức trách dân sự có thẩm quyền mỗi khi thấy là cần để bảo vệ người bị thương tổn hoặc các trẻ vị thành niên khác, chống lại nguy cơ xảy ra những hành vi tội phạm khác. Ðồng thời, chỉ nam cũng nhắc nhớ rằng “việc điều tra phải được diễn ra trong sự tôn trọng luật pháp dân sự của mỗi nước”.

Chỉ nam cũng nói đến những biện pháp thận trọng ngay từ đầu cuộc điều tra sơ khởi, để bảo vệ thanh danh những người liên hệ và công ích, hoặc để tránh gương mù, che đậy bằng chứng hoặc những đe dọa đối với nạn nhân. Các biện pháp thận trọng này có thể được thu hồi, khi chấm dứt những nguyên nhân hoặc chấm dứt cuộc xét xử. Nhưng cần phải làm một cách thận trọng và khôn ngoan.

Trong giai đoạn điều tra sơ khởi, chỉ nam khuyên không nên dùng thành ngữ “treo chén”, “huyền chức thánh”, vì trong giai đoạn đó, chưa phải là hình phạt, nên không thể đề ra các biện pháp chế tài như vậy. Ðúng hơn, nên dùng từ “cấm” thi hành các thừa tác vụ công khai. Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra sơ khởi, nên tránh thuyên chuyển giáo sĩ liên hệ.


Source:Catholic News Agency