Ngày 21-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 16 Quanh Năm 22/7/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:02 21/07/2018
Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6

"Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: "Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta". Chúa lại phán: "Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa".

Chúa còn phán rằng: "Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là "Chúa công bình của chúng ta".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng:

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi;

trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ.

Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi;

tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính,

sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,)

dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn,

vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người,

đó là điều an ủi lòng con.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ,

ngay trước mặt những kẻ đối phương:

đầu con thì Chúa xức dầu thơm,

chén rượu con đầy tràn chan chứa.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi,

hết mọi ngày trong đời sống;

và trong nhà Chúa,

tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18

"Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

"Họ như đàn chiên không người chăn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật 16 B : 4 cảnh, 2 hồi và 3 chữ.
Lm. Alf. Nguyễn Công Minh, OFM
08:56 21/07/2018
Nếu dùng ngôn ngữ sân khấu hoặc điện ảnh của một đạo diễn để phân chia các cảnh, thì đoạn Tin Mừng hôm nay (đoạn phim) vừa nghe vừa xem, gồm 4 cảnh.

1. Các Tông đồ đi giảng về tíu tít kể cho Chúa nghe việc họ làm, lời họ dạy.

2. Chúa đưa các môn đệ đi tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi.

3. Dân chúng khắp nơi tuôn đến.

4. Chúa thấy vậy dạy dỗ họ nhiều điều.

Bốn cảnh này qui về hai hồi: (1) Chúa và các tông đồ, và (2) Chúa và dân chúng. Hai hồi nay có một chủ điểm với 3 chữ thật hay: chạnh lòng thương. Chạnh lòng thương các tông đồ và chạnh lòng thương dân chúng.

1. Chạnh lòng thương các tông đồ.

Khi các tông đồ được Chúa sai đi từng hai người một, như bài Tin Mừng tuần trước, nay trở về từ sáu phương, kể lại cho Chúa nghe mình đã giảng gì, chữa lành ai, ra tay trừ quỉ thế nào, được tiếp đón ra sao, bị xua đuổi thế nào… thì Chúa liền chạnh lòng thương họ, và Ngài bảo họ đi nghỉ ngơi đôi chút.

Nghỉ ngơi là một nhu cầu, chứ không phải hàng xa xỉ. Nhu cầu tức không thể không có, còn xa xỉ, có cũng được không chẳng sao. Nghỉ ngơi là nhu cầu. Ngay cỗ máy còn được nghỉ ngơi, huống gì là con người. Trong con người, ta tưởng quả tim làm việc liên tục, cả ngày lẫn đêm. Không đâu ! Mỗi lần tâm trương là mỗi lần tim nghỉ. Tim bóp lại để bơm máu đi là tim làm việc, rồi buông thả, là tim xả hơi. Ta đo huyết áp là xem cả cực tiểu và cực đại. Lúc tim bóp lại, huyết áp cực đại. Khi tim buông ra, huyết áp cực tiểu, ấy là lúc tim nghỉ. Con người làm việc mỗi ngày, có giờ nghỉ, mỗi tuần có ngày nghỉ, mỗi năm có tuần nghỉ. Một xã hội tiến bộ, chạnh lòng thương, thì phải có quy chế ngày nghỉ. Làm việc 6 ngày, mong có ngày nghỉ. Sách Sáng thế nói: và ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. Khi tu viện chúng tôi đây sửa chữa lại, đập phá dựng xây, khi làm nhà tiền chế cho giáo xứ, chúng tôi mong đến Chúa Nhật, để thợ nghỉ ngơi, mà chúng tôi cũng được ngơi nghỉ không nghe tiếng động của qui trình dựng xây.

Các tu sĩ có tuần tĩnh tâm năm, như là nghỉ ngơi phần xác, nuôi dưỡng phần hồn. ĐGH cũng đang thời kì nghỉ của năm, các ngài, trừ ĐGH Phanxicô, rút về dinh thự mùa hè ở Cartel Gandolfo cho đến giữa tháng 9.

Vì thế chạnh lòng thương các tông đồ sau khi ra đi rao giảng trở về, Đức Giêsu nói: anh em hãy tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi đôi chút.

Nhưng khi thấy các tông đồ và Chúa Giêsu rút đi, thì dân chúng hiểu ý. Matcô ghi như thế. Hiểu ý không phải để yên cho họ đi nghỉ, mà hiểu ý là biết Đức Giêsu và các tông đồ đi đâu, nên họ đi đường bộ, đường tắt, đón lỏng Đức Giêsu và các môn đệ, vừa khi Chúa Giêsu và các tông đồ đến nơi vắng vẻ để nghỉ thì đã thấy một đám đông dân chúng có mặt ở đó, và Chúa thấy họ thì chạnh lòng thương.

2. Chạnh lòng thương dân chúng

Chúa đã chạnh lòng thương hai người mù ở Giêrikhô, nên chữa lành họ. Chúa chạnh lòng thương bà goá Na-in nên làm cho con trai độc nhất của bà trỗi dậy từ cõi chết. Còn hôm nay, thấy đám đông dân chúng, Chúa chạnh lòng thương. Nhưng chúng ta sẽ ngạc nhiên về chạnh lòng thương của Tin Mừng hôm nay: Ta có biết chạnh lòng thương thì Chúa Giêsu hôm nay làm gì không? Ngài dạy họ nhiều điều. Không phải một điều, vài ba điều, mà là nhiều điều… cho đến khi xế xẩm tối, Ngài mới làm phép lạ bánh ít hoá bánh đa cho họ ăn. Ta sẽ nghe bài Tin Mừng bánh hoá nhiều này vào tuần tới. Còn trước hết, chạnh lòng thương, Ngài dạy họ nhiều điều.

Nếu ăn uống là một nhu cầu tự nhiên, thì hiểu biết, tri thức cũng là một nhu cầu hiển nhiên không kém, chứ không phải hàng xa xỉ đâu. Con người có một nhu cầu đi tìm chân lý, và như Đức Giêsu nói: chân lý sẽ giải thoát anh em. Có nhiều người hăng say nghiên cứu tìm chân lý, mà quên ăn quên ngủ. Có biết bao nhiêu chân lý, có biết bao nhiêu điều mà con người muốn biết, cần hiểu: nào là biết về Chúa: Chúa là ai. Nào là muốn biết về con người: mình là ai, liên hệ thế nào với Chúa. Chết là gì, tại sao chết, chết đi đâu… tất cả đều là những điều mà con người thời đại nào cũng khao khát biết, cho dẫu là đánh vần không được abc, a bờ cờ, mà ta gọi là mù chữ, thì họ cũng khao khát được biết những lẽ cần cho được rỗi linh hồn.

Cha mẹ nào không cho con cái đi học giáo lý là phải trả lẽ trước mặt Chúa. Nhiều gia đình chỉ chăm chút cái ăn cái mặc và học hành cho giỏi ở trường đời, điều này cũng kì công, nhưng vịn vào đó rồi cho con nghỉ giáo lý là một thiếu sót lớn.

Nghỉ ngơi là một nhu cầu. Học biết chân lý cũng là một nhu cầu. Có nhiều lúc gặp xung đột, kiểu như xung đột bổn phận mà ta thường gặp nhất: một bên chữ hiếu, một bên chữ tình biết chọn đường nào, thì riêng trong lãnh vực này dựa vào diễn tiến của đoạn Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa và các môn đệ có nhu cầu nghỉ ngơi, nhưng dân chúng lại có nhu cầu nghe Lời, cho nên Chúa đã hy sinh nhu cầu nghỉ ngơi để thoả mãn nhu cầu lắng nghe của dân chúng. Thấy họ, Chúa giảng dạy nhiều điều cho đến tận chiều tối, mới ra tay làm phép lạ bánh hoá nhiều.

Chúng ta đang tham dự thánh lễ. Thánh lễ có cơ chế gần giống đoạn Tin Mừng hôm nay và tuần tới. Phần thứ nhất là Phụng vụ lời Chúa, ta lắng nghe Chúa nói, nói qua bài đọc 1, bài đọc 2, kể cả đáp ca cũng là bài đọc, rồi nghe bài Tin Mừng, rồi nghe giảng dạy… chẳng khác gì, thấy dám đông dân chúng, Chúa chạnh lòng thương và giảng dạy họ nhiều bài. Rồi phần 2 của thánh lễ là phụng vụ thánh thể, hoá bánh thành của ăn nuôi sống, chẳng khác gì bài Tin Mừng mà tuần tới ta sẽ nghe, tiếp nối giảng dạy nhiều điều là Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân chúng ăn.

Và đến đây là chấm dứt phần: thấy dân chúng, Chúa Giêsu chạnh lòng thương giảng dạy họ nhiều điều, để chúng ta bước qua phần 2 của thánh lễ, Chúa hoá bánh thành thịt máu người để nuôi sống chúng ta.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Phú Hòa : Hành hương Năm Thánh kính Các Thánh Tử Đạo tại Ba Giồng
Martinô Lê Hoàng Vũ
09:02 21/07/2018
“Chúng ta đã đón nhận hồng ân của Thiên Chúa,Đấng từ bi thương xót và tấm lòng tốt của những anh chị em tại Trung tâm hành hương này.Ra về chúng ta phải chia sẻ tình thương Chúa cho mọi người”.Đó là những lời nhắn nhủ của cha chánh xứ Tân Phú Hòa trong ngày hành hương tại Ba Giồng Giáo phận Mỹ Tho vào sáng nay.

Sáng nay 20.7.2018, trước cổng nhà thờ giáo xứ Tân Phú Hòa tấp nập người và xe du lịch,mọi người gọi mời nhau, cùng với túi xách,các em thiếu nhi thiếu niên cũng được đi theo bố mẹ.Vì hôm nay cộng đoàn giáo xứ Tân Phú Hòa đi hành hương Trung Tâm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Ba Giồng, Giáo phận Mỹ Tho.Đoàn hành hương có tất cả 11 xe,với khoảng trên 500 người đã cùng với cha sở,quý HĐMVGX,quý hội đoàn và cộng đoàn thuộc các giáo họ.

Xem Hình

Đúng 7 g đoàn xe hành hương của cộng đoàn giáo xứ Tân Phú Hòa lăn bánh xuất phát.Khi đến Ba Giồng,mọi người càng vui hơn khi được Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Sang,chánh xứ Ba Giồng chao đón, vị linh mục từ lâu nay được mọi người yêu thích giọng hát thánh ca cầu nguyện.Chương trình đầu tiên đoàn là dâng hương trước tượng đài Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lưu.Trong tiếng chiêng,từng người lên thắp hương cầu nguyện với thánh Lựu,xin ngài nâng đỡ chuyển cầu cho chúng ta trong hành trình theo Chúa đầy gian nan thử thách.

Sau đó,quý thầy Ba Giồng lại hướng dẫn đoàn ra nghĩa trang, mọi người được quy tụ nơi phần mộ của các thánh tử đạo và dâng hương lên các ngài. Trên quãng đường đi bộ từ nhà thờ ra nghĩa trang khoảng 300 mét, mọi người được ngắm cảnh đồng quê xanh mát hai bên đường,tâm hồn như được nhẹ nhàng thư thái hơn với vài bụi dừa, một góc khóm bên đường.

Trở về nhà thờ Ba Giồng,cộng đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.Cha Gioan B. Nguyễn Sang chánh xứ chủ tế thánh lễ, cùng với cha Giuse Nguyễn Văn Trọng chánh xứ Tân Phú Hòa và đông đảo cộng đoàn hiện diện.

Chia sẻ sau bài Tin Mừng,cha Gioan B. Nguyễn Sang kể về Nhà thờ Ba Giồng với thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 chứng nhân tử đạo tại đây.Những con người đã sống bình thường với những bổn phận với gia đinh,bổn phận của vị chủ chăn giáo xứ chăm lo cho đoàn chiên,nhưng các ngài đã can đảm tuyên xưng đức tin,chấp nhận hy sinh tính mạng mình vì Chúa Kitô.Bởi lẽ,con đường theo Chúa của người môn đệ là con đường nhiều chông gai thử thách,con đường vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy Giêsu.Đây là con đường từ bỏ và hy sinh.Chúng ta từ bỏ những tính hư nết xấu của mình,không tham lam, đua đòi danh vọng,tiền tài địa vị, để sống yêu thương chính là chúng ta đang tử đạo mỗi ngày.Nơi Trung tâm hành hương Ba Giồng này,chúng ta đường tiếp thêm sức mạnh sống đức tin giữa muôn vàn thử thách.Không những từ bỏ lối sống tham lam, ích kỷ tôn thờ vật chất, chúng ta còn phải xây dựng cuộc sống này tốt đẹp hơn, tôn trọng sự sống và nhân phẩm con người, cụ thể như không phá thai.Ở mỗi thời. Kitô hữu phải đối diện với thử thách đòi hỏi chúng ta phải trung thành với đức tin của mình đã chọn lựa.

Phần cuối thánh lễ,cha Giuse Nguyễn Văn Trọng chánh xứ Tân Phú Hòa nói lên tâm tình tri ân, niềm vui mừng khi được cùng với đoàn hành hương đến đây, nhất là được cha sở và nhân viên giáo xứ Ba Giồng đón tiếp với lòng quảng đại.Cha cũng chia sẻ cảm nghiệm hồng ân của Thiên Chúa là Đấng từ bi và thương xót đang tuôn đổ xuống trên cộng đoàn, qua tấm lòng của quý vị ở Trung tâm hành hương này, cho nên chúng ta phải làm cho tình yêu và hồng ân Chúa lan tỏa vào đời sống, đừng để cho ơn huệ Chúa ngưng đọng lại.Đây quả thật là cuộc hành hương đúng nghĩa,đi để thấy và cảm nghiệm,và sống lại bầu khí hào hùng của các thánh tử đạo Ba Giồng, qua đó mà chính chúng ta được trung thành gắn bó với Chúa Kitô hơn.

Thánh lễ tạ ơn kết thúc,mỗi người đi lên cung thánh hôn xương thánh tử đạo Việt Nam.

Sau cùng,chương trình ngày hành hương khép lại với bữa cơm thân tình cha con.Vui nhất là mọi người được nghe những lời thánh ca qua giọng hát của Linh mục Nguyễn Sang và ca sĩ Nguyên Thanh.

Tạ ơn Chúa đã ban cho cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân Phú Hòa chuyến hành hương trọn vẹn ý nghĩa, một ngày để trở về với cội nguồn đức tin tại Ba Giồng.Nhờ đó mà mỗi người Kitô hữu vui mừng sống đạo theo tinh thần tử đạo,biết dứt khoát quyết tâm chọn Chúa trước mọi cám dỗ thử thách trong cuộc đời này.

Khoảng 15g cùng ngày các đoàn xe hành hương trở về với điểm xuất phát ban đầu là nhà thờ Tân Phú Hòa

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Lớp tu sinh MTG Phát Diệm: Hành hương Năm thánh
Tu sinh MTG Phát Diệm
15:13 21/07/2018
Trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa nhân dịp kết thúc năm học, ngày 05/07/2018, lớp Tu Sinh Hội Dòng MTG Phát Diệm đã được đi Hành hương Năm thánh kính các thánh tử Đạo Việt Nam tại Đền thánh Sở Kiện - giáo phận Hà Nội, đồng thời được đến thăm và chia sẻ tình bác ái yêu thương với các cháu mồ côi tại Cô Nhi Viện Thánh An – Dục Anh – giáo phận Bùi Chu.

Từ 17g:00 chiều ngày 4/7/2018, tất cả 155 em thuộc lớp Tu Sinh và khóa Tìm hiểu ơn gọi đã có mặt đông đủ tại Cộng đoàn Nhà Mẹ của Hội Dòng (toạ lạc tại Xóm 5- Lưu Phương – Kim Sơn – Ninh Bình), với những gương mặt rạng rỡ niềm vui, được gặp gỡ những người bạn chung lý tưởng đến từ các giáo phận khác nhau: Thái Bình, Bắc Ninh và Phát Diệm. Không phân biệt lứa tuổi giữa lớp tu sinh và lớp tìm hiểu ơn gọi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các em đã cùng cộng tác với các Sơ trong công tác chuẩn bị cho chuyến đi sẽ diễn ra vào ngày mai.

Xem Hình

Sau một đêm an lành tại Hội Dòng, trong sự thinh lặng của đầu ngày mới, dù đang ở độ tuổi ăn ngủ, nhưng hầu hết các em đã cùng với các Sơ trong Hội Dòng tham dự Thánh Lễ sáng cầu bình an cho chuyến đi. Thánh lễ đồng tế do cha Tổng đại diện và Cha quản lý Tòa giám mục cử hành.

Sau thánh lễ các em nhanh nhẹn lên xe và đoàn xe khởi hành vào lúc 6g00 giờ sáng từ cộng đoàn Nhà Mẹ - Lưu Phương.

Những giây phút đầu tiên khi bước chân lên xe, các em không quên dâng lên Thiên Chúa lời ca tiếng hát và lời cầu xin cho sự bình an của chuyến đi. Ngay liền sau đó các em cùng nhau điểm tâm bữa sáng. Và giờ đây, bầu khí chợt trở nên sôi động và phấn khởi hơn được tạo ra do các em linh hoạt viên, làm cho mọi người có được cảm giác vui và thoải mái. Thay vì mệt mỏi, say xe trong cái nóng bức với không gian chật hẹp trên xe thì giờ đây các em đang được vui say tình thân ái, tình Chúa và tình người. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, đoàn hành hương đã tới điểm đến - Sở Kiện. Tới nơi, các em được chào thăm Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Nguyên Giám Mục giáo phận Phát Diệm. Được Đức Cha tiếp đón thật vui tươi thân thiện các em đã quên đi những nét mệt mỏi say xe của đoạn đường dài.

Sau đó đoàn rước tiến vào nhà thờ và được Ngài dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho cả đoàn hành hương thật sốt sắng.

Trong bài giảng, Đức Cha đã chia sẻ với các em về mục đích và hành trình của chuyến hành hương. Bên cạnh đó ngài cũng gợi lại một vài kinh nghiệm từ những chuyến hành hương của ngài,và đặc biệt khi tới Đất Thánh – nơi mà chính Chúa đã đi qua. Đức Cha nói: “đi hành hương là vượt qua một chặng đường dài với bao nhiêu những khó khăn, thiếu thốn để đến được đích điểm. Cũng như hôm nay, các con lớp Tu Sinh đã đi từ Phát Diệm, ngang qua bao nhiêu làng mạc, cánh đồng, phố chợ và thành thị để tới được Sở Kiện. Mặc dù có vất vả mỏi mệt nhưng trong niềm tin, niềm vui mừng đi tìm sự bình an và sức mạnh lòng tin cho tâm hồn, trên khuôn mặt các con đã luôn tươi nở nụ cười và tỏa rạng niềm vui được tiến tới gần Chúa”.

Đặc biệt Đức Cha còn nhấn mạnh đến gương hy sinh anh dũng của các vị tử đạo là những người con quê hương của Sở Kiện mà hôm nay các em là lữ khách tới hành hương, kinh viếng các Ngài. Các ngài đã yêu mến Chúa hết lòng và để lại cho chúng ta bài học “Sự Sống” – các Ngài đã đánh đổi sự sống của mình để được Chúa ban sự sống đời đời. CácThánh Tử Đạo đã để lại cho chúng ta tấm gương về sự hy sinh và lòng quảng đại. Theo gương Chúa Kitô, Ngài đã chết vì chúng ta, các Thánh Tử Đạo đã yêu Chúa và chết vì Chúa. Các Ngài để lại cho chúng ta bài học “hiến thân từng ngày cho Chúa và cho mọi người.” Cuối cùng Đức Cha cũng cầu chúc cho tất cả các em cảm nghiệm được nhiều niềm vui, ân sủng và bình an mỗi khi lên đường hành hương.

Kết lễ, các em đã cùng hướng về các Thánh Tử đạo với lời kinh kính nhớ các ngài để lãnh nhận ơn toàn xá và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, sau đó các em chụp hình lưu niệm trước gian cung thánh với các sơ giáo đồng hành.

Chuyến hành hương được tiếp tục bằng những bước chân đến nơi lưu giữ hài cốt của các Thánh Tử đạo, các em được tận mắt nhìn thấy những kỉ vật trong lao tù và những xích xiềng mà các Ngài phải chịu vì danh Chúa Kitô. Chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng thật sự đã làm sống lại một thời trong lịch sử của Giáo Hội Việt Nam. Kết thúc điểm dừng chân thứ nhất của đoàn bằng bữa cơm trưa thấm đượm tình mến mà các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã tận tình tạo mọi điều kiện để các em được vui hưởng một bữa trưa thật ngon và đầy niềm vui tình thân thiện.

Sau cơm trưa ít phút, mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng với tinh thần hành hương và ơn Chúa, các em đã không ngần ngại tiếp tục cuộc hành trình hướng thẳng Cô Nhi Viện Thiên An – Dục Anh, Bùi Chu. Chẳng bao lâu, đoàn xe đã cập bến Dục Anh. Không ngần ngại e dè và sợ sệt, các Tu Sinh đã tràn vào các phòng bồng các em nhỏ và vui đùa với các em.

Thấy có nhiều chị tới chơi, các em nhỏ thật đơn sơ và dễ thương trong tiếng gọi í ới “chị ơi, chị ơi!!!” Các em đơn sơ và dễ thương như những “Thiên Thần.”!!! Tới phòng các em khuyết tật, các em đã nhận thấy sự hy sinh vất vả của các cô và các chị đang dấn thân phục vụ chăm sóc các cháu bé.

Theo chương trình dự tính, đoàn sẽ thăm Tòa Giám Mục và Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Bùi Chu nhưng vì lòng quý mến và nhiệt tình chia sẻ với các em nhỏ, các em Tu Sinh đã quyết định để dịp khác sẽ thăm để dành trọn thời gian tại Cô Nhi Viện. Trước khi ra về, các em đã gặp gỡ chị phụ trách và gửi quà cho các em khuyết tật.

Thật vô cùng ý nghĩa khi các em Tu Sinh, những tâm hồn đang khao khát đi tìm và dấn thân cho lý tưởng cao đẹp, đã tới tận nơi gặp gỡ và tận mắt chứng kiến từng số phận các em – những con người kém may mắn hơn. Dường như các em còn đang muốn ở lại nơi này lâu hơn nữa nhưng đồng hồ đã điểm giờ về. Chỉ mới ít giờ gặp gỡ các em nhỏ nơi đây nhưng những cảm nghiệm và lòng mến yêu gắn bó đã làm các em khó dứt để trở về. Có em khi ra về, chạy chạy lon ton dưới sân gạch cháy bỏng với bạn chân không không dép, hỏi ra mới biết “con đã tặng đôi dép của con cho một bạn trong Cô Nhi Viện rồi, sơ ạ” với nét mặt rất vui mừng rạng rỡ dễ thương em trả lời. Ôi, thật là cảm động trước câu trả lời của em. Tạ ơn Chúa đã khơi dậy nơi các em tấm lòng cao quý mến thương khi đến thăm nơi này.

Rời Cô Nhi Viện Thiên An – Bùi Chu, các em lên xe trở về Phát Diệm. Ba chiếc xe của đoàn cùng cập bến Cổng Nhà Dòng trong một thời khắc đúng 5g30 chiều, trước sự chờ đón của các bậc phụ huynh và Quý Sơ Hội Dòng đang âm thầm cầu nguyện cho các em ngày hành hương và đang chờ đón các em về. Trong tâm tình tạ ơn Chúa, các em cùng nhau quy tụ lại trong hội trường lớn của Hội Dòng và hát vang bài ca “Hãy tạ ơn Chúa”. Sau đó, từng em nhận phần ăn tối rồi hân hoan phấn khởi lên xe cùng bố mẹ trở về gia đình.

Để có được ngày hành hương tốt đẹp hôm nay, hợp với lời tạ ơn Chúa, chúng con xin tri ân Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Nguyên Giám Mục Giáo Phận Phát Diệm đã hướng dẫn doàn chúng con, tiếp đón chúng con và đã dâng thánh lễ tạ ơn - cầu nguyện cho đoàn chúng con. Đặc biệt Đức Cha đã chia sẻ cho chúng con những lời tâm huyết quý báu trong bài giảng của thánh lễ. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha Tổng Đại Diện và Cha Quản Lý TGM đã dâng thánh lễ cầu bình an cho đoàn chúng con. Chúng con xin cám ơn Quý Cha giải tội đã lo cho chúng con được chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận ơn Toàn Xá trong buổi hành hương. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha Giám Đốc Trung Tâm Hành Hương Sở Kiện đã sắp xếp để chúng con có được ngày giờ hành hương phù hợp với đoàn chúng con. Chúng con xin cám ơn Quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Gía Hà Nội đã vì tình thương không quản ngại thời tiết nóng lực để lo cho đoàn chúng con bữa cơm trưa thật ngon và thật vui. Chúng con cũng không quên cám ơn Quý Cô, Quý Chị phụ trách tại Viện Mồ Côi Dục Anh đã hướng dẫn để đoàn chúng con được tới thăm và trực tiếp gặp gỡ chia sẻ cùng các cháu mồ côi – khuyết tật để nhờ đó đoàn chúng con có được những bài học cao quý và những cảm nghiệm thiêng liêng qua dịp viếng thăm này. Đặc biệt, chúng con xin chân thành cám ơn Sơ Tổng Phụ Trách và Quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đã lo liệu tổ chức cho chúng con ngày hành hương năm nay được mọi sự tốt đẹp.

Với trọn tâm tình biết ơn, chúng con nguyện xin Chúa ban tràn hồng ân xuống trên Đức Cha, Quý Cha, Quý Sơ cùng tất cả mọi người đã cầu nguyện và giúp đỡ chúng con trong chuyến hành hương này.

Ước gì Ơn Thánh của cuộc hành hương và những cảm nghiệm thiêng liêng trong chuyến viếng thăm hôm nay là bước đệm và động lực cho mỗi Tu Sinh trong đoàn chúng con sẵn sàng dấn thân trong cuộc đời dâng hiến để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ cho lợi ích của tha nhân.

Tu Sinh

Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tập tục nếp sống hành hương
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:34 21/07/2018
Tập tục nếp sống hành hương

Trong nếp sống đức tin Công Giáo có tập tục đi hành hương- tiếng latinh Peregrinatio religiosa. Tập tục nếp sống đạo đức này có gốc rễ từ thời xa xưa trong các tôn giáo dân gian.

Người theo đạo Do Thái, như Kinh Thánh thuật lại, hằng năm phải đi hành hương kính thờ Thiên Chúa Giavê lên đền thờ Giêrusalem,. Từ thời xa xưa thượng cổ người tín hữu Do Thái giáo đã có tập tục hành hương vào những ngày lễ nhất định Passach, Schawuot và Sukkot theo luật định.

Thánh vịnh 122 diễn tả sâu xa tâm tình vui mừng phấn khởi cuộc hành hương về đền thờ Jerusalem:

„Tôi mừng vui , khi người ta rủ tôi nào ta trẩy lên đền thánh Chúa, Jerusalem“ ( Tv 122, 1)

Tập tục đi hành hương kính viếng thánh địa trong đạo Công Giáo ngay từ lúc đầu thời Trung cổ mang mầu sắc đền tội thống hối nhiều hơn.

Hành hương kính viếng thánh địa Jerusalem bên Do Thái, những nơi ngày xưa Chúa Giêsu đã sinh sống, đã đi qua đã chịu chết, đã sống lại là ước vọng của người tín hữu Chúa Kitô. Vì thế xưa nay, khi có điều kiện người tín hữu Công Giáo hằng mong muốn đi hành hương đến nơi đó.

Đến hành hương đất thánh Jerusalem không phải để tham quan, nhưng là một cuộc học hỏi Kinh thánh sống động hâm nóng đức tin vào Chúa Giêsu. Vì được đặt chân sống tận nơi ngày xưa Chúa Giêsu đã đứng, đã ngồi, đã nói chuyện rao giảng, đã đi qua, đã làm phép lạ. Cao điểm là những điạ danh quê hương Chúa Giesu sinh sống Nazareth, biển hồ Galilleo, dòng sông Jordan, nơi chúa nhận phép rửa của Thánh Gioan, Bethlehem nơi Chúa sinh ra, Jerusalem, nơi Chúa gỉang đạo và sau cùng chịu khổ hình chết trên thập giá và sống lại hiển vinh, như trong phúc âm Chúa Jesu viết thuật lại.

Từ thế kỷ 15. địa danh hành hương lan rộng sang Vatican bên Roma viếng mộ hai Thánh tông đồ Phero và Phaolo, Santiago de Compostelle bên Tây ban Nha, và nhiều Giáo phận trên thế giới còn xây dựng tổ chức những địa điểm hành hương lớn nhỏ khác như hành hương viếng nhưng nơi có di tích thánh thiêng, tôn kính xương các vị Thánh, đền thánh tôn kính các vị Thánh...

Ngày nay những điạ danh hành hương nổi tiếng trên thế giới thu hút hành trăm ngàn, hàng triệu người đến hành hương như Đức Mẹ Lourdes, Fatima, Banneux, Đức Mẹ Ban ơn lành bên Paris…

Dần dần trong dòng thời gian, hành hương đến kính viếng những nơi thánh trở thành lễ tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, một cung cách truyền giáo được nhấn mạnh nhiều hơn. Đây là cơ hội hâm nóng làm sống động đời sống đức tin vào Thiên Chúa.

Ngày nay, những trung tâm hành hương là điểm hội tụ người giáo hữu Chúa Kitô đến hành hương cùng với mục đích trên, và cũng cùng để xin ân đức phù giúp chữa lành những vết thương phần hồn cũng như phần xác qua lời bầu cử của Đức Mẹ Maria và các Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxico đã khuyến khích cổ võ việc đạo đức hành hương : ”hành hương là một lòng đạo đức bình dân, là một hình thức chân thực loan báo Tin Mừng, luôn luôn cần được cổ võ và đề cao giá trị. Tại các đền thánh, tín hữu sống một linh đạo sâu xa, một lòng đạo đức từ bao thế kỷ đã nhào nặn đức tin với những lòng sùng mộ đơn sơ nhưng rất có ý nghĩa”.

Ngoài ra đi hành hương cũng còn là cơ hội nhìn ngắm khám phá ra vẻ đẹp thiên nhiên cùng những nếp sống văn hóa muôn mầu của các dân tộc khác. Vẻ đẹp ẩn dấu nơi công trình thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng nên cùng gìn giữ bảo trì cho sống động là khu vườn cho sự sống con người ( St 2,8-17).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Tin Mừng Gia Đình
Vũ Văn An
22:35 21/07/2018
Lời giới thiệu

Đây là tựa đề cuốn sách nhỏ của Đức Hồng Y Walter Kaspers, ghi lại bài trình bày của ngài trước Công Nghị Đặc Biệt các Hồng Y trong 2 ngày 20 và 21 tháng Hai, năm 2014, theo yêu cầu của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong lời tựa của cuốn sách, Đức Hồng Y Walter Kaspers cho rằng bài trình bày này cung cấp nền tảng thần học cho cuộc thảo luận tiếp theo giữa các vị Hồng Y, và, do đó, dẫn nhập một cuộc thảo luận mục vụ có cơ sở thần học trong diễn trình Thượng Hội Đồng đặc biệt vào mùa thu 2014 và trong Thượng Hội Đồng thông thường vào cuối năm 2015. Với sự thuận tình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các vấn đề mà đôi lúc được thảo luận gay cấn trong Giáo Hội cũng đã được bao gồm trong cuốn sách nhỏ này.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng “Các Thách Đố Mục Vụ đối với Gia Đình trong Bối Cảnh Rao Giảng Tin Mừng” cho thấy rõ: các vấn đề mục vụ cấp thiết có thể được xử lý không phải riêng rẽ mà chỉ có thể trên căn bản và hoàn toàn trong trong bối cảnh của Tin Mừng và sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng, một sứ mệnh chung cho mọi người đã chịu phép rửa. Chính vì lý do này, các Kitô hữu sống trong các gia đình và cả những người đôi lúc trải nghiệm các tình huống khó khăn của gia đình phải là những người có tiếng nói hàng đầu trong cuộc thảo luận.

Cuốn sách nhỏ này không có ý định đánh phủ đầu giải đáp của Thượng Hội Đồng; đúng hơn nó muốn nêu bật các vấn đề và chuẩn bị một nền tảng cho chúng. Ta chỉ có thể đạt tới một giải đáp hy vọng sẽ đồng tâm nhờ bước theo con đường cùng nhau suy niệm sứ điệp của Chúa Giêsu, trao đổi các kinh nghiệm và luận điểm một cách cởi mở, và trên hết, cùng nhau cầu xin Thánh Thần Thiên Chúa.

Thượng Hội Đồng Đặc Biệt cuối năm 2014 đã kết thúc với bản tường trình sau cùng đưa ra các đường hướng thảo luận chính cho Thượng Hội Đồng Thông Thường vào cuối năm 2015. Khoảng giữa hai Thượng Hội Đồng là thời gian dành cho việc học hỏi và thảo luận, chuẩn bị hữu hiệu cho phiên kết thúc, trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban tông huấn hậu thượng hội đồng cho tòan thể Giáo Hội.

Như đã biết, Thượng Hội Đồng Về Gia Đình năm 2015 đã diễn ra trong bầu khí tranh luận đôi lúc gay gắt, kết quả: vấn đề cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời được rước lễ, một vấn đề hàng đầu được nêu ra, đã không được thông qua với đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, theo chỉ thị của Đức Phanxicô, nó đã được duy trì trong Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng và được lồng vào Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia của ngài.

Vấn đề ấy gây tranh cãi trước, trong và sau Thượng Hội Đồng năm 2015 thế nào, nó cũng gây tranh cãi trước, trong và sau khi công bố Amoris Laetitia như thế. Người ta không biết đến bao giờ, cuộc tranh cãi này mới chấn dứt, khi Đức Phanxicô vẫn khăng khăng từ chối không trả lời các thắc mắc (dubia) của Bốn Vị Hồng Y.

Theo nữ ký giả Maria Clara Bingemer, trong số tháng 7/8, 2018 của Tạp Chí Foreign Affairs, thì sự khăng khăng trên không hẳn là ngang bướng. Kết án như thế là không biết gì tới bối cảnh linh đạo Dòng Tên của Đức Phanxicô.

Thực vậy, Thánh Inhã thành Loyola, vị sáng lập ra Dòng Tên, vốn dạy rằng khi người ta đưa ra một quyết định trước mặt Thiên Chúa và với cảm quan bình an và thanh thản nội tâm, họ phải tiếp tục tiến bước thay vì rút khỏi hay thay đổi đường đã vẽ. Và đấy là triết lý hành động của Đức Phanxicô, một người sẵn sàng nhìn nhận sai lầm, như đã chứng tỏ trong vụ tai tiếng che đậy lạm dụng tình dục tại Chile: “tôi đã mắc lầm lỗi nặng nề” và sau đó là diễn trình sửa sai thẳng thừng không e ngại.

Như thế viễn ảnh một số người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời được rước lễ sẽ được thể hiện ít nhất trong thời Đức Phanxicô còn làm giáo hoàng. Chủ trương này, không ai chối cãi là do gợi hứng của Đức Hồng Y Walter Kasper qua hai tác phẩm “Tin Mừng Gia Đình” và “Lòng Thương Xót, Yếu Tính Của Tin Mừng và Chìa Khóa Dẫn Vào Đời Sống Kitô Giáo” của ngài.

Do đó, muốn hiểu chiều hướng mục vụ gia đình của Đức Phanxicô, đọc lại hai tác phẩm của vị Hồng Y người Đức này là điều hữu ích. Chúng tôi đã chuyển nguyên văn tác phẩm sau sang tiếng Việt và phổ biến trên vietcatholic.net của như thanhlinh.net cách nay hơn 2 năm. Riêng cuốn trước, chúng tôi cũng đã chuyển sang tiếng Việt và phổ biến phần lớn trên hai trang mạng vừa nói. Nay, xin chuyển dịch toàn cuốn để độc giả tra cứu đầy đủ hơn.

Các chữ viết tắt

AA: Công Đồng Vatican II, Apostolicam Actuasitatem: Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân (1965)
AG: Công Đồng Vatican II, Ad Gentes: Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội (1965)
SGLCGHCG: Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Bản dịch của Tổng Giáo Phận Sài Gòn năm 1993
DH: Heinrich Denzinger, ed., Enchiridion symbolorum: Definitionum et declarationum de rebus fidei et morum. Freiburg: Herder, 1963
DV: Công Đồng Vatican II, Dei Verbum: Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa (1965).
EG: Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium: Tông Huấn về Loan Báo Tin Mừng Trong Thế Giới Ngày Nay (2013).
EN: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi: Tông Huấn về Truyền Giảng Tin Mừng Trong Thế Giới Ngày nay (1975)
FC: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio: Tông Huấn về Vai Trò Của Gia Đình Kitô Hữu Trong Thế Giới Hiện Đại (1981)
GS: Công Đồng Vatican II, Gaudium et spes: Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện Đại (1965).
LG: Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium: Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (1964)
SC: Công Đồng Vatican II, Sacrosanctum Concilum: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (1963)
UR: Công Đồng Vatican II, Unitatis Redintegratio: Sắc Lệnh Về Đại Kết (1964)



Dẫn nhập: Khám phá lại Tin Mừng Gia Đình

Trong năm quốc tế gia đình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi Giáo Hội bước vào một diễn trình thượng hội đồng liên quan tới Các Thách Đố Mục Vụ của Gia Đình trong Bối Cảnh Truyền Giảng Tin Mừng. Trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), ngài viết: “Gia đình, cũng như mọi cộng đồng và dây liên kết xã hội, đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng văn hóa sâu xa. Trong trường hợp gia đình, việc làm suy yếu các sợi dây này đặc biệt nghiêm trọng vì gia đình là tế bào nền tảng của xã hội” (EG, 66). Nhiều gia đình ngày nay thấy mình đang đương đầu với nhiều khó khăn nghiêm trọng. Hàng triệu người rơi vào tình thế di dân, trốn chạy và buộc phải rời cư, hay vào các tình huống hạ nhân phẩm của cùng cực, trong đó, một cuộc sống gia đình ngăn nắp ít có thể có được. Thế giới đương thời rơi vào một cơn khủng hoảng nhân học. Chủ nghĩa duy cá nhân và duy tiêu thụ đang thách thức nền văn hóa truyền thống của gia đình. Các điều kiện kinh tế đôi khi làm cho sự gắn bó của gia đình và việc chung sống trở nên khó khăn hơn. Thành thử, con số những người xa lánh việc thành lập một gia đình hay không thể hiện được mục đích của đời sống họ, cũng như con số các trẻ em không có cái may mắn được lớn lên trong một gia đình ngăn nắp đàng hoàng, đã gia tăng một cách đáng kể.

Giáo Hội, người vốn chia sẻ các niềm vui và hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng của nhân loại, nhất là người nghèo (GS,1), bị tình thế này thách thức. Trong Năm Quốc Tế Gia Đình trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thay đổi câu “Con người là đường đi của Giáo Hội” trong thông điệp Redemptoris Hominis (1979) của ngài thành “Gia đình là đường đi của Giáo Hội” (2 tháng Hai, 1994). Là bởi vì một con người nhân bản thông thường đã vào đời trong một gia đình và thông thường đã lớn lên giữa lòng một gia đình. Trong mọi nền văn hóa của lịch sử con người, gia đình là đường đi thông thường của các hữu thể nhân bản. Cả ngày nay nữa, số lớn người trẻ đi tìm hạnh phúc của đời họ nơi một gia đình ổn định. Tuy nhiên, một khoảng cách lớn đang mở ra giữa giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình và các xác tín đem ra sống của nhiều Kitô hữu. Ngay với nhiều Kitô hữu, giáo huấn của Giáo Hội xem ra không liên hệ gì với thế giới và với đời sống. Nhưng chúng ta cũng phải nói và nói một cách hân hoan rằng: vẫn còn nhiều gia đình rất tốt lành, họ làm hết sức để sống đức tin của Giáo Hội và làm chứng cho cái đẹp và cái vui của đức tin đem ra sống giữa lòng gia đình. Họ thường là thiểu số, nhưng là một thiểu số rất khác biệt. Tình thế hiện thời của Giáo Hội không hẳn là độc nhất. Ngay Giáo Hội của các thế kỷ đầu cũng phải đương đầu với các ý niệm và mô thức hôn nhân và gia đình khác với những điều Chúa Giêsu rao giảng, rất mới lạ, đối với cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp và Rôma. Cho nên, lập trường của chúng ta không thể là lập trường tự do thích nghi với hiện trạng, nhưng đúng hơn, là một lập trường triệt để, trở lại tận gốc, nghĩa là, một lập trường trở lại với Tin Mừng và từ viễn tượng ấy nhìn về phiá trước. Do đó, trong tình huống của chúng ta, đây là trách vụ của diễn trình thượng hội đồng nhằm phát biểu lại tin mừng gia đình, một tin mừng luôn là như thế nhưng lại luôn mới mẻ (EG, 1).

Bài trình bày này không thể bao trùm các vấn đề mới đây nhất cũng như dự ứng kết quả của Thượng Hội Đồng, vốn có nghĩa là con đường (odos) chung (syn) của toàn thể Giáo Hội, một con đường chăm chú lắng nghe nhau, trao đổi ý kiến, và cầu nguyện. Bài trình bày này muốn là một thứ mở đường nhằm dẫn nhập chủ đề, với hy vọng rằng, cuối cùng, ta sẽ được nghe một bản hợp xướng gồm mọi tiếng nói của Giáo Hội, kể cả của những người hiện nay phần nào khác giọng.

Chủ đề của ta không phải là “Giáo huấn của Giáo Hội về Gia Đình” (1) mà là “Tin Mừng Gia Đình”. Theo cách này, ta trở về nguồn mà từ đó giáo huấn kia đã phát sinh. Công Đồng Trent từng nói rằng Tin Mừng, khi được tin và được sống trong Giáo Hội, là nguồn mọi sự thật cứu rỗi và là kỷ luật của luân lý (DH 1501; xem EG 36). Điều này có nghĩa: giáo huấn của Giáo Hội không phải là chiếc ao tù, mà là dòng suối, phát sinh từ suối nguồn Tin Mừng, mà trải nghiệm đức tin của dân Chúa mọi thời được tiếp nhận vào. Đây là một truyền thống sống động mà ngày nay, cũng như nhiều lần trong lịch sử, đã đạt tới một điểm quan yếu, và với một con mắt đức tin biết nhìn vào “các dấu chỉ thời đại” (GS 4), đang kêu gọi được khai triển và thâm hậu hóa thêm (2). Tin Mừng này là gì? Nó không phải là một bộ luật. Nó là ánh sáng và là sức sống, là chính Chúa Giêsu Kitô; nó ban bố điều nó đòi hỏi. Các giới răn chỉ có thể khả niệm và khả thi dưới ánh sáng của Người và dưới sức mạnh của Người. Theo Thánh Tôma Aquinô, lề luật của giao ước mới không phải là lex scripta (luật thành văn) mà đúng hơn là gratia Spiritus Sancti, quae datur per fidem Christi (ơn Chúa Thánh Thần được ban cho nhờ tin vào Chúa Kitô). Không có Chúa Thánh Thần hoạt động trong lòng ta, chữ nghĩa Tin Mừng chỉ là lề luật giết người (2Cr 3:6) (3). Do đó, tin mừng gia đình không có ý trở thành gánh nặng, mà đúng hơn là ơn phúc Đức Tin, nó có ý trở thành ánh sáng và sức mạnh cho gia đình. Nói như thế, ta đã tới điểm chính yếu. Các bí tích, trong đó có bí tích hôn nhân, đều là bí tích đức tin. Signa protestantia fidem (dấu hiệu làm chứng cho đức tin), Thánh Tôma Aquinô nói thế (4). Công Đồng Vatican II củng cố câu nói này. Liên quan tới các bí tích, Công Đồng này nói rằng “Chúng không những tiền giả định đức tin, mà… chúng còn nuôi dưỡng, làm vững mạnh và phát biểu nó nữa” (SC 59). Bí tích hôn nhân cũng chỉ có thể hữu hiệu và được sống trong đức tin. Câu hỏi chính, vì thế, là, đức tin của những cặp đính hôn và kết hôn xử sự ra sao? Hiện nay, tại các nước có nền văn hóa Kitô Giáo lâu đời, ta đang trải nghiệm một sự phân hủy tính hiển nhiên của đức tin Kitô Giáo và cái hiểu của luật tự nhiên về hôn nhân và gia đình, vốn có giá trị trong nhiều thế kỷ qua. Nhiều người ngày nay chịu phép rửa, nhưng không được rao giảng Tin Mừng. Nói một cách nghịch lý, họ là những dự tòng đã chịu phép rửa, thậm chí những người ngoại đạo đã chịu phép rửa (baptized pagans).

Trong tình huống trên, ta không thể bắt đầu bằng cách liệt kê các tín lý hay giới răn, mà cũng không thể dán mắt vào những chủ đề nóng bỏng vốn được các cuộc thảo luận công cộng bàn tới. Chúng ta không muốn chạy vòng quanh các vấn đề này, nhưng phải bắt đầu từ gốc, tức là, từ gốc rễ đức tin; chúng ta phải bắt đầu bằng các yếu tố căn bản của đức tin (Dt 5:12) rồi từng bước vượt qua con đường đức tin (FC 9, 34; EG 34-39) (5). Thiên Chúa là một Thiên Chúa của hành trình. Trong lịch sử cứu rỗi, Người đã đi cùng đường với chúng ta. Giáo Hội cũng đã đi con đường của lịch sử. Ngày nay, một lần nữa, Giáo Hội cũng phải cùng bước với người thời nay. Giáo Hội chỉ có thể trình bày và đề xuất nó làm con đường dẫn tới hạnh phúc ở trong đời. Tin Mừng chỉ có thể thuyết phục bằng chính giá trị của nó và bằng vẻ đẹp nội tại của nó.

Kỳ sau: 1. Gia đình trong trật tự tạo dựng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giữa Trời Bao La
Tấn Đạt
07:34 21/07/2018
GIŨA TRỜI BAO LA
Ảnh của Tấn Đạt
Dù cho biển rộng bao la
Xem ra vẫn kém tình ta với mình.
(nđc)