Ngày 21-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bài chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ Khấn Dòng của các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương
Lm Giuse Trương Đình Hiền
08:50 21/07/2016
SẴN SÀNG ĐI VÀO CHỖ CUỐI CÙNG

Bài chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ Khấn Dòng của các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương

(21/07/2016)

Giây phút đẹp nhất, đáng ước mơ nhất của người con gái đó chính là phút giây được mặc chiếc váy cưới, chiếc áo cô dâu để bước lên chiếc xe hoa đi về nhà chồng! Không biết điều đó có đúng không, nhưng ít ra tôi đọc được một ý kiến như thế trên trang mạng girly.vn của tác giả Đặng Hoài Lý với một bài đoản văn mang tựa đề : CON GÁI AI CŨNG MONG MỘT LẦN MẶC VÁY CƯỚI.[1]

Nhưng có một điều chắc chắn không ai chối cải được là : trên thế giới nầy, phần đông, nếu không nói là hầu hết mọi người nữ, đều chọn đi con đường đẹp đẽ đó, con đường vinh quang đó.

Thế nhưng, cũng lạ lùng thay, bên cạnh cái số đông những người nữ chọn cái con đường đẹp đẽ, rực rỡ, hào nhoáng đó, và ngoài kia, trên muôn vạn nẻo đường thế giới, đang có biết bao chiếc xe hoa lộng lấy, bao nhiêu đám cưới linh đình…thì hôm nay, nơi đây, trong cái không gian thánh thiện của ngôi nhà nguyện chủng viện yên ắng nầy, lại có 7 cô gái chọn một con đường, một vị trí, mà nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng Lc 14,10 (chúng ta vừa nghe công bố), đó là chọn “ngồi vào chỗ cuối cùng”.

Rõ ràng đây không là một chọn lựa đột xuất bất ngờ. Để có được cái giây phút thánh thiêng và quan trọng nầy, chắc chắn các chị đã có biết bao nhiêu đêm ngày cầu nguyện, chay tịnh, học hỏi để dấn thân trong một Hội Dòng mang tên Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương mà ngay từ số 24 của bản Dự thảo Hiến chương đã có những dòng mà điểm nhấn của linh đạo đã quy chiếu vào chính ý nghĩa của trích đoạn Tin Mừng hôm nay. Xin trích :

“Khẩu hiệu của Hội dòng đó là “chỗ cuối cùng”, tóm gọn cả câu nguyên văn lời Chúa phán là “hãy đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng” (Lc 14,10). Chúa không bảo chúng ta chọn “chỗ cuối cùng” nhưng “đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng”, tức là luôn luôn tuân phục theo ý Thiên Chúa chọn cho mình hơn là theo ý mình, bằng việc, như Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin, ngoan ngoãn vâng theo những gì Thiên Chúa chọn cho mình theo thượng ý vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa…” (HC số 24)

Như vậy, “chỗ cuối cùng” trong Tin Mừng hôm nay, phải chăng chỉ là một cách diễn tả khác của Chúa Giêsu trong những giáo huấn của Ngài, đặc biệt những lời khuyến dụ dành riêng cho những ai bước theo Ngài trên con đường thực thi thánh ý Chúa Cha :

- Chỗ cuối cùng đó là “chọn đi con đường hẹp…” (Lc 13,24)

- Chỗ cuối cùng đó là “chọn đi con đường từ bỏ mọi sự và vác thập giá” (Lc 14,27)

- Chỗ cuối cùng đó là “quỳ xuống mà rửa chân cho nhau (Ga 13, 4-15)

- Chỗ cuối cùng đó là vui vẻ sẵn sàng làm một người đầy tớ khiêm tốn (Lc 17,7-10)

- Chỗ cuối cùng đó là hoán cải từng ngày để trở nên như trẻ thơ (Lc 18,15-17)

- Chỗ cuối cùng đó là chấp nhận bán đi tất cả phân phát cho người nghèo để trở thành tay trắng (Lc 18,18-22)

- và trong cuộc đời của chính Chúa Giêsu, chỗ cuối cùng mà chính Ngài chọn cho mình lại chẳng phải là “hang lừa máng cỏ”, là lang thang trên đường “không có phiến đá gối đầu”, là chết trần trụi trên thập giá đó sao !….

Như vậy, lời Tin Mừng hôm nay đâu chỉ là chuyện áp dụng riêng cho các chị em nữ tu hôm nay, mà cho mỗi người chúng ta, cho hết mọi người tin và chấp nhận nhận bước theo Chúa Ki-tô.

Thế nhưng, cũng sẽ có không ít người lý luận rằng : “chọn chỗ cuối cùng”, “đi con đường hẹp”, “từ bỏ mọi sự”…thì lãng phí quá. Với những tài năng đó, với những sắc đẹp đó, với những ước vọng cháy bỏng của tuổi trẻ đó, với những đầu óc thông minh đó…mà lại vứt bỏ hết để dấn thân đi tu ; hay nói cách khác, theo cái nhìn của ông tông đồ quản lý Giu-đa thuở nào, “với cài bình dầu cam tùng hảo hạng đó mà đập bể đi…” (Ga 12,1-11) thì lãng phí quá chừng !

Để trả lời cho những vấn nạn đó, chúng ta hãy nghe chính Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phát biểu trong đoạn kết tông huấn Đời Thánh Hiến :

“Hiện nay, có nhiều người tỏ ra hoang mang và tự hỏi tại sao lại sống đời thánh hiến ?(…) Đời thánh hiến không là một thứ "lãng phí" nghị lực của con người có thể được sử dụng theo những tiêu chuẩn có hiệu quả vì một lợi ích lớn hơn cho nhân loại và cho Giáo Hội hay sao ?

…Nhưng đã từng có những vấn nạn kiểu đó, như đoạn Tin mừng về việc xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a cho thấy : "Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà sực mùi thơm" (Ga 12,3) Nghe Giu-đa viện dẫn những nhu cầu của người nghèo để phàn nàn về sự hoang phí đó, Chúa Giê-su liền trả lời ông ta : "Hãy để cô ấy làm" (Ga 12, 7).

…Dầu thơm quí giá được đổ ra như một tác động hoàn toàn vì tình yêu, và như thế vượt ra ngoài mọi tính toán "vụ lợi", là dấu chỉ của một sự nhưng không tràn đầy biểu lộ qua một đời sống được tiêu hao đi để yêu mến và phục vụ Chúa, để hiến thân cho Người và cho Nhiệm thể Người. Đời sống "được đổ tràn ra" không tính toán đó lan toả hương thơm khắp cả nhà. Cũng như xưa, ngôi nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội được trang điểm và nên giàu có nhờ sự hiện diện của đời thánh hiến.

Đối với con người bị vẽ đẹp và sự tốt lành của Chúa chinh phục từ thâm tâm, thì điều có thể xem là một lãng phí trước mắt loài người, lại là một lời đáp rõ ràng của tình yêu… (ĐTH số 104, phần Kết luận)

Và “lời đáp trả rõ ràng của tình yêu” đó phải chăng đang hiện thực hóa cách cụ thể nơi chính 7 con người nữ tu đang ngồi trước mặt chúng ta đây cùng với những lời cam kết long trọng mà họ sẽ nói lên chút nữa đây trong nghi lễ khấn.

Nhưng nói gì thì nói. Tâm lý con người luôn vẫn muốn chọn cái cao cả, cái tiếng tăm, cái hào nhoáng, cái thành công, mà rất nhiều khi xem thường cái đơn sơ, cái nhỏ bé, cái khiêm hạ.

Cách đây gần 10 năm, cô học sinh Hà Minh Ngọc, lớp 10, chuyên văn tại một trường PTTH ở Hà Nội đã gây xúc động cho cộng đồng cư dân mạng vì bài văn “bản chất của thành công” của cô. Xin trích một đoạn :

“Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ…” ([2])

Vượt lên cái nhìn đầy nhân bản đó về những hành vi khiêm hạ trong cuộc sống đời thường, Lời Chúa hôm nay xác quyết với chúng ta rằng : chính sự khiêm cung và nhưng con người khiêm hạ khó nghèo lại làm Chúa vui lòng và tôn vinh Ngài cách đặc biệt, như lời khẳng định trong đoạn sách Huấn Ca của Bđ 1 hôm nay :

Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:

Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

Và đó cũng là điều được chính Chúa Giêsu xác quyết qua trích đoạn Tin Mừng Luca hôm nay : “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Riêng đối với các chị trong Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương thì chính con đường “hạ mình xuống” chọn “chỗ cuối cùng” đó, lại là phương thế, là điều kiện tối hảo để quý chị dễ dàng sống và thực thi trọn hảo linh đạo của Hội dòng mà số 25 trong Bản Dự Thảo Hiến Chương đã minh định :

“Chúng ta luôn sẵn sàng “đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng” theo lệnh ĐGM sở tại, luôn đặt trọng tâm vào việc yêu thương phục vụ thành phần anh chị em kém may mắn, nghèo đói. Để qua những việc bác ái phục vụ nầy, đưa nhiều người về với Giáo Hội” (Dự thảo Hiến Chương số 25)

Con đường nầy, chân lý nầy, chọn lựa nầy càng được củng cố và đào sâu, không chỉ mới từ hôm nay, nơi đây, mà ngay từ xa xưa, từ thuở khai sinh ra Giáo Hội, khi cộng đoàn tín hữu Rôma mới được hình thành, qua những lời giảng dạy của Thánh Phaolo Tông đồ qua trích đoạn thư Rôma trong Bđ 2 hôm nay :

“…vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người.”

Thánh lễ Khấn Dòng hôm nay diễn ra trong khung cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót cùng với sứ điệp lời Chúa hôm nay lại càng giúp cho quý nữ tu, và cả chúng ta, có thêm được ánh sáng để sống sứ điệp Tin Mừng cách mãnh liệt hơn, cụ thể hơn, nhờ sự khai triển và định hướng tuyệt vời của ĐTC Phanxicô trong tông sắc Dung nhan lòng thương xót số 15:

“Chính Chúa Kitô hiện diện nơi mỗi người trong "những kẻ hèn mọn" đó. Thân xác Người trở nên hữu hình nơi thân xác những người bị hành hạ, bị gây thương tích, bị đánh đập, bị thiếu dinh dưỡng, bị truy đuổi... để cho chúng ta nhận ra, chạm tới và ân cần chăm sóc. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá : "Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ chịu phán xét về tình yêu" (DNLTX số 15)

Và “cái chỗ cuối cùng” trong bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay mà chính Chúa Giêsu đặt sẵn cho chúng ta, cho tất cả những ai tha thiết muốn gặp gỡ và dấn thân bước theo Ngài, chính là Tấm Bánh được bẻ ra nơi Thân Mình hiến tế của Ngài, là ly rượu được rót ra từ chính trái tim bị đâm thâu của Ngài được ban tặng cho tất cả chúng ta đây. Cùng với các chị khấn dòng, chúng ta cùng sẵn sàng, trân trọng đi vào “chỗ cuối cùng” đó ; và không quên mang theo lời nguyện cầu cho các chị tuyên khấn hôm nay thật sự tìm được hành phúc và bình an. Amen.

LM Giuse Trương Đình Hiền

[1] Đặng Hoài Lý, tác giả bài viết “CON GÁI AI CŨNG MONG MỘT LẦN MẶC VÁY CƯỚI”, trang girly.vn, đăng ngày 25/3/2016

[2] Hà Minh Ngọc, bài văn “Ban chất của thành công” với đề bài được ra : “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em”, 6.9.2006, lớp chuyên văn, trường chuyên PTTH ở Hà Nội.
 
Cầu nguyện hay cầu xin
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:10 21/07/2016
CẦU NGUYỆN HAY CẦU XIN?

(Chúa Nhật XVII TN C)

Một thực tế trong đời Kitô hữu đó là hễ cầu nguyện thì không thể không cầu xin. Hễ nói đến cầu nguyện là người ta nghĩ ngay đến những ơn cần cầu xin. Có lẽ vì cuộc sống con người lắm gian truân và đầy dẫy những bất an, gian khổ, bên cạnh đó thì khát vọng cũng như nhu cầu của con người thì dường như vô tận. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ một chút thì việc cầu xin cũng là một cách thế cầu nguyện mang tính hiện sinh. Dù rằng theo cái nhìn tu đức truyền thống thì khi cầu nguyện, việc cầu xin xem ra không bằng việc tạ ơn, ngợi khen hay chúc tụng Thiên Chúa.

Lần kia một môn đệ nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông.” Và Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển…; xin tha tội cho chúng con…” (x.Lc 11,1-4). Tin Mừng Matthêu cũng tương thuật việc Chúa Giêsu dạy cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” bằng những lời cầu xin (x.Mt 6,9-13). Qua những lời cầu xin chúng ta nhận ra một vài tâm tình vừa chính đáng vừa phải đạo và cũng vừa rất “dễ thương” như sau:

1.Tâm tình tin tưởng, cậy trông vào tình yêu và quyền năng của Đấng chúng ta cầu xin: Đã cất lời cầu xin với ai, thì dĩ nhiên ít nhiều đã có sự tin tưởng và cậy trông vào người ấy. Xin với ai điều gì, thì giả thiết đã tin tưởng người ấy có khả năng thực hiện điều chúng ta xin. Xin điều gì với ai là giả thiết đã cậy trông vào tình yêu của người ấy dành cho mình. Dưới một góc độ nào đó, thì lời cầu xin cũng là một lời tuyên xưng đức tin.

2.Tâm tình thống hối, ăn năn: Nếu điều cầu xin là ơn tha thứ thì người cầu xin không chỉ bày tỏ lòng tin vào sự khoan dung của người mình xin mà còn bày tỏ sự ăn năn thống hối về lỗi lầm mình đã phạm. Theo cái nhìn này thì lời cầu xin cũng là lời xưng thú tội lỗi.

3.Tâm tình khiêm hạ nhìn nhận sự hạn chế, bất toàn và cả bất lực của mình: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…”(x.Lc 11,3-4; Mt 6,11.13). Nội hàm những lời cầu xin trên đây quả là một lời thú nhận sự bất toàn, bất lực của người xin. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp. Nếu Chúa không nâng đỡ thì chúng ta không thể đứng vững trước mãnh lực của thần dữ, như “sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé, phân thây”(x.1P5,8).

4.Tâm tình thảo hiếu: “Nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”(x.Mt 6,9-10; Lc 11,1). Một người con biết nghĩ đến Danh, Vương quyền, Ý, Lời của Cha là một người con sống đạo thảo hiếu đúng phận.

5. Sự liên đới, tương thân tương ái trong nghĩa tình huynh đệ: Chúng ta nhận ra sự thật này qua hai từ “chúng con” của lời kinh “Lạy Cha”. Hơn nữa, khi đã tuyên xưng, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, thì một cách nào đó đã nhìn nhận tha nhân là anh chị em của mình. Sự tương thân tương ái được biểu hiện cách rõ nét và thiết thực bằng sự liên đới.

Câu chuyện Abraham cò kè bớt một thêm hai để xin Thiên Chúa tha thứ cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra là một minh hoạ. Lòng hiếu thảo luôn sánh đôi với nghĩa tình huynh đệ. Một người sống có tình với mẹ cha, thì hẳn luôn có lòng với anh chị em. Ngược lại khi đã biết sống có tình với huynh đệ thì luôn làm đẹp lòng mẹ cha. Và các đấng bậc sinh thành vốn nhận tình nghĩa huynh đệ của đàn con như là một trong những cách thế đẹp nhất mà đàn con bày tỏ lòng thảo hiếu với mình. Chúng ta nhận ra sự thật này khi cha ông chúng ta đã gắn kết hai mối tình ấy bằng hạn từ ghép “tình hiếu đễ”.

Mối tình của Abraham dành cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra một cách nào đó còn bị giới hạn. Dù rằng đã dùng hết cách để có kè bớt dần con số người công chính để xin Thiên Chúa thứ tha cho họ, thì Abraham đã không vượt qua con số “mười”. Điều này cho chúng ta thấy rằng mặc dù tình thân của Abraham đối với Thiên Chúa thật đậm đà, nhưng vẫn còn bị hạn chế cách nào đó vì sự mạc khải thời Cựu Ước chưa hoàn hảo. Chắc hẳn Abraham luôn mong ước được thấy ngày của Con Người, ngày mà chân lý được tỏ bày cách hoàn hảo nơi Đức Giêsu Kitô (x.Ga 8,56). Giả như ông chứng kiến ngày ấy thì ông đã bớt dần con số xuống chỉ còn một người công chính. Quả vậy, “cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng đã được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).

Tuy nhiên, có thể nói rằng cầu xin không phải là để Thiên Chúa biết các nhu cầu của chúng ta, vì chính Người đã biết rõ những gì chúng ta cần trước khi chúng ta cất lời khẩn xin (x.Mt 6,8). Và dĩ nhiên, đã là người Cha trên các người cha và là nguồn gốc của mọi tình phụ tử, thì Thiên Chúa sẵn sàng ban mọi sự tốt lành cho chúng ta. Và cần phải khẳng định rằng nội hàm những lời cầu xin là để giúp chúng ta nhận biết những gì chúng ta cần, và để chúng ta sẵn sàng đón nhận cũng như sẵn sàng thực thi.

“Xin cho danh Cha cả sáng”. Chúng ta không xin thì trời xanh vẫn phản ánh vinh quang của Người. Chúng ta xin là để biết cách cộng tác với ơn Chúa làm cho Thánh danh Người tỏ rạng nơi cuộc đời con người chúng ta. “Xin Cha tha nợ cho chúng con”. Chúng ta chưa xin thì Đức Kitô đã chết để ban ơn tha thứ cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Cầu xin là để biết cách thế đón nhận hồng ân tha thứ Chúa đã tặng ban. Một trong những cách thế để đón nhận hồng ân thứ tha của Thiên Chúa đó là quảng đại tha thứ cho tha nhân (x.Mt 6,14-15).

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để tiếp xúc, gặp gỡ Thiên Chúa. Tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để biết Chúa, yêu mến Chúa và để thực hiện thánh ý của Người. Như thế, cầu nguyện, cầu xin không phải là để bắt Thiên Chúa thực hiện đièu chúng ta muốn, nhưng là để bắt chính mình thực thi điều Thiên Chúa muốn. Vấn đề đặt ra đó là cần phải biết cầu xin những gì đẹp ý Chúa. Một trong những điều đẹp ý Chúa nhất đó là tôi và mọi người cùng được hưởng ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc ngay hôm nay và ngày sau.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
Thánh nữ Mađalêna, lễ kính ngày 22/7
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
16:07 21/07/2016
THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA, lễ kính ngày 22/7
Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ thánh Maria Mađalêna, một Vị Thánh vừa được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nâng lễ nhớ Thánh nữ thành lễ kính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận tầm quan trọng của Thánh nữ như là “ Tông đồ của các Tông đồ “.

Thông báo viết :” Qua một bức thư thông báo việc thay đổi này – quy định trong Sắc lệnh ký ngày 03 tháng Sáu năm 2016, nhằm ngày lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu - , Đức Tổng giám mục Arthur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích, viết : quyết định trên đây muốn nói rằng chúng ta “ phải suy tư sâu xa hơn về phẩm giá của phụ nữ, về Tân Phúc âm hóa, và về sự cao cả của mầu nhiệm Lòng Chúa thương xót “.

Thánh Maria Mađalêna là chứng nhân đầu tiên của việc Chúa sống lại, và là người loan báo Tin mừng ấy cho các Tông đồ.

Thánh nữ Maria Mađalêna là một người phụ nữ rất đặc biệt, bởi vì theo Tin Mừng thánh Máccô thuật lại “ Khi Chúa Giêsu bị kết án tử hình trong một phiên tòa hết sứ bất công, người ta bắt Chúa vác thập giá lên đồi Gongôtha, lúc đó các môn đệ như rắn mất đầu, các ông sợ sệt, nhát đảm, lẩn trốn, họ chỉ đứng xa xa để không ai có thể nhận ra họ. Trên núi Sọ, trên đồi Gongôtha,thánh Máccô viết :” Nhưng cũng có mấy người phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mađalêna, bà Maria Mẹ các ông Giacôbê thứ và Gioxết, cùng bà Salômê.Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa.Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem,cũng có mặt tại đó “ ( Mc 15, 40-41 ). Việc các người phụ nữ có mặt trên cuộc hành trình đi lên núi Sọ của Chúa Giêsu , nói lên lòng đạo đức, thánh thiện, nhiệt thành và đồng thời biểu lộ sự can đảm, anh hùng của giới phụ nữ.Các bà không sợ nguy hiểm, không nhát đảm, không thối lui dù rằng các bà biết Thầy mình sẽ phải chết…Tính anh hùng của các người phụ nữ, đặc biệt của Thánh nữ Maria Mađalêna cho chúng ta hay Mađalêna đã được Chúa yêu nhiều, bà hết lòng đáp lại tình yêu vô biên của Chúa. Tội của Thánh nữ lớn lao thật nhưng Tình Thương của Chúa còn to lớn hơn gấp bội, khiến Thánh nữ hết lòng vì Chúa. Ngài không sơ bị bắt bớ, bỏ tù, giết chết nhưng như lời Thánh Phaolô nói :” Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “ ( 2 Co 5, 14 ), Thánh nữ đã có mặt trên mọi nẻo đường Chúa đi. Thánh nữ Maria Mađalêna là người phụ nữ đầu tiên được Chúa Giêsu phục sinh cho biết Ngài đã sống lại ( Mc 16, 9 ). Thánh nữ theo như Thánh Mác cô nói “ đã được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ “. Cụm từ được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ diễn tả bà mắc phải nhiều tội tầy trời, nhiều tội to lớn. Được yêu nhiều, bà phải đáp trả nhiều. Do đó, bà có mặt dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria và Thánh Gioan. Bà đã ngồi trước mộ Chúa Giêsu cùng với bà Maria vơ ông Clêophas. Chính vì yêu nhiều, đáp trả tình thương vô biên của Chúa, Thánh nữ Maria Mađalêna đã được Chúa hiện ra đầu tiên khi Ngài từ cõi chết sống lại và chính Chúa phục sinh trao cho Thánh nữ sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ và nhiều người ( Mc 16, 10 ; Ga 20, 17 ).

Đức Tổng giám mục Arthur Roche viết :” Thánh Maria Mađalêna là một gương mẫu của việc Phúc âm hóa đích thực. Thánh nữ là một nhà rao giảng đã loan báo tin vui Phục sinh “.

“ Quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra ngay trong bối cảnh của Lòng Thương Xót để nói lên tầm quan trọng của Thánh nữ - là người đã bày tỏ tình yêu lớn lao đối với Chúa Kitô và được Chúa Kitô yêu mến nhiều”.

Ngài cũng nhắc lại rằng Thánh Mađalêna đã được Thánh Tôma Aquinô gọi là “ Tông đồ của các Tông đồ “ ( Apostolorum Apostola ), vì Thánh nữ đã báo tin Chúa sống lại cho các Tông đồ, và các Tông đồ lại loan tin ấy cho toàn thế giới.

“ Vì thế, ngày lễ Thánh Mađalêna có cùng bậc lễ với các Thánh Tông đồ trong lịch phụng vụ chung của Roma, để nhấn mạnh sứ vụ đặc biệt của Thánh nữ - một tấm gương và hình mẫu cho mỗi người phụ nữ trong Giáo Hội “.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương, tha thứ cho Thánh nữ Maria Mađalêna vì bà yêu mến nhiều, xin cho chúng con khi mừng lễ Thánh nữ trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa , chúng con càng ngày càng yêu mến Chúa như Thánh nữ Mađalêna đã yêu mến Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.Amen.
 
Cầu nguyện
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
16:10 21/07/2016
Chúa Nhật XVII THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 11, 1-13

CẦU NGUYỆN

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện liên lỉ. Ngài làm gương cho các Tông đồ, làm gương cho nhân loại về việc cầu nguyện. Trong cuộc hành trình rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa, các Môn đệ của Ngài đã xin Ngài chỉ cho cách cầu nguyện :” Ngài đã dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha”. Đó là kinh duy nhất, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài…

Chúa Giêsu cho các môn đệ và chúng ta biết có nhiều cách cầu nguyện, có nhiều tâm tình cầu nguyện như tạ ơn, thờ phượng, tri ân, ngợi khen, cảm tạ, xin ơn vv…Thực tế, có rất nhiều tâm tình khi cầu nguyện. Với kinh Lạy Cha, Chúa dạy nhân loại, đặc biệ các môn đệ lúc đó phải có thái độ, tâm tình thờ lạy. Xin cho chúng con lương thực hằng ngày. Lời khẩn cầu này nói lên một thực tế hết sức thực, hết sức khẩn thiết, đó là cơm bánh, gạo, lương thực là những của ăn cần thiết để nuôi sống con người. Xin tha thứ tội lỗi cho chúng con. Chúa yêu thương, xóa bỏ tội lỗi để con người có bình an thực sự để can đảm bước đi trong cuộc hành trình đức tin hằng ngày. Như Chúa đã tha thứ tội lỗi, đã xua trừ khỏi Thánh nữ Maria Mađalêna khỏi bảy quỷ vì bà yêu mến Ngài nhiều, khi Chúa hết lòng yêu thương Thánh nữ. Tội của Thánh nữ to lớn thực nhưng Tình yêu của Chúa còn lớn lao gấp bội. Chúng ta cũng cầu xin Chúa tha thứ những thiếu xót, lỗi lầm của chúng ta đã xúc phạm đến Chúa và đến anh chị em của chúng ta. Xin chớ để chúng con sa cơn thử thách. Sống nơi gian trần, con người gặp nhiều khó khăn, thử thách do ma quỹ bầy ra, giăng ra .Xin Chúa giải thoát các môn đệ của Chúa và giải cứu nhân loại khỏi mưu chước của ma quỷ cám dỗ vv…

Chúng ta là môn đệ của Chúa, dù Chúa đã nói :” Hãy xin sẽ được, hãy gõ sẽ mở, hãy tìm sẽ gặp vv…”. Lời hứa của Chúa thật quá rõ ràng, nhưng nhiều khi chúng ta có cảm tưởng những điều chúng ta cầu xin không được Chúa nhậm lời ! Tại sao như thế ? Phải chẳng cách cầu nguyện của chúng ta chưa đúng… vv và vv ?

Chúa Giêsu luôn là mẫu mực của việc cầu nguyện. Vâng, để làm đẹp lòng Chúa, làm theo ý của Chúa, trước hết khi cầu nguyện, chúng ta phải hướng lòng lên Chúa : cảm tạ, chúc tụng, tạ ơn vì muôn hồng ân Chúa đã tuôn đổ trên chúng ta. Thái độ chúng ta phải có là chúc tụng tạ ơn và cầu nguyện cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.

Thứ đến, chúng ta cầu nguyện cho mỗi người được lương thực thể xác và tinh thần. Thể xác được bảo đảm cơm no áo mặc và tinh thần được Mình Máu Thánh Chúa nuôi dưỡng, đồng thời nhờ lãnh nhận các Bí tích đời sống của người tín hữu được Lời Chúa và các ân huệ của Chúa dưỡng nuôi, giữ gìn. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện cho mình, cho người thân và cho mọi người. Xin cho mọi người hiệp nhất nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Đó là những tâm tình và thái độ cầu nguyện Chúa dạy chúng ta.

Chúa nói với chúng ta luôn phải kiên trì trong việc cầu nguyện vì không kiên nhẫn cầu nguyện, chúng ta dễ sa vào cơn cám dỗ…Có những lời cầu chúng ta tưởng Chúa không nhận lời, nhưng Chúa thấy ơn nào cần ,Chúa sẽ ban trước, còn những nào Ngài xét chưa cần, từ từ Ngài sẽ ban cho chúng ta.

Xin Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta biết cầu xin để chúng ta không ích kỷ, hẹp hòi theo ý chúng ta và muốn Chúa thực hiện theo ý của chúng ta chứ không phải do ý của Chúa. Điều chúng ta cần xin là xin làm đẹp lòng Chúa và làm theo ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ tri ân Chúa vì Chúa đã dạy chúng con cầu nguyện. Xin giúp chúng con luôn nhiệt thành, sốt sắng và chuyên chăm thực hiện lời của Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa đã dạy các môn đệ cầu nguyện thế nào ?
2.Xin, gõ, tìm là những động từ Chúa gợi ý cho chúng ta, ÔBACE nghĩ thế nào ?
3.Khi cầu nguyện chúng ta phải có thái độ nào ?
4.Tâm tình cầu nguyện theo Chúa Giêsu dạy phải làm sao ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp thăm Ba Lan
VietCatholic Network
16:52 21/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
ĐTC Phanxicô chào thăm các bạn trẻ Ba Lan và thế giới cũng như nhân dân Ba Lan nhân dịp chuẩn bị viếng thăm nước này.

Trong sứ điệp Video công bố chiều tối ngày 19-7-2016, ĐTC nói:

“Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 31 đã gần kề, kêu gọi tôi gặp gỡ các bạn trẻ thế giới được triệu tập về Cracovia, và mang lại cho tôi cơ hội tốt đẹp để gặp gỡ quốc gia Ba Lan yêu quí. Tất cả đều diễn ra dưới dấu hiệu Lòng Thương Xót, trong Năm Thánh này, và trong niềm tưởng niệm với lòng biết ơn và kính mến đối với thánh Gioan Phaolô 2, là người đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ, và đã hướng dẫn nhân dân Ba Lan trong hành trình lịch sử gần đây tiến đến tự do”.

Hỡi các bạn trẻ Ba Lan quí mến, tôi biết rằng từ lâu các bạn chuẩn bị, nhất là trong kinh nguyện, cho cuộc gặp gỡ vĩ đại ở Cracovia. Tôi chân thành cám ơn các bạn vì tất cả những gì các bạn đang làm, và các bạn làm điều đó với tình yêu thương; ngay từ bây giờ tôi chào thăm và chúc lành cho các bạn.

Hỡi các bạn trẻ từ 4 phương trời của Âu Châu, Phi châu, Mỹ châu, Á Châu và Đại dương châu! Tôi cũng chúc lành cho đất nước của các bạn, những ước muốn và những bước tiến của các bạn hướng về Cracovia, để chúng trở thành một cuộc lữ hành đức tin và huynh đệ. Xin Chúa Giêsu ban cho các bạn ơn được cảm nghiệm nơi bản thân lời Chúa dạy: ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”.

Tôi rất muốn gặp các bạn để cống hiến cho thế giới một dấu chỉ mới về sự hòa hợp, một bức tranh khảm gồm những gương mặt khác nhau, thuộc bao nhiêu chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, nhưng tất cả đều liên kết với nhau trong danh Chúa Giêsu, là Khuôn Mặt lòng Thương xót.

Trong sứ điệp, ĐTC cũng ngỏ lời với những người con của quốc gia Ba Lan và khẳng định rằng: ”Tôi cảm thấy như một hồng ân lớn của Chúa được đến giữa anh chị em, vì anh chị em là một dân tộc, trong lịch sử, đã trải qua bao nhiêu thử thách, nhiều khi rất cam go, và đã tiến bước với sức mạnh của đức tin, được bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria nâng đỡ. Tôi chắc chắn rằng cuộc hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa đối với tôi sẽ là một cuộc dìm mình trong đức tin được tôi luyện ấy, và sẽ mang lại bao điều tốt lành cho tôi. Tôi cám ơn anh chị em vì đang chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của tôi trong kinh nguyện. Tôi cám ơn các GM và LM, tu sĩ nam nữ, các giáo dân, nhất là các gia đình, mà tôi mang đến trong tinh thần Tông Thuấn Niềm Vui Yêu Thương. Sức khỏe luân lý và tinh thần của một quốc gia được biểu lộ qua các gia đình: vì thế thánh Gioan Phaolô 2 đã rất quan tâm đến những người đính hôn, các đôi vợ chồng trẻ và các gia đình. Xin Anh chị em cứ tiếp tục con đường ấy.

Anh chị em thân mến, tôi gửi đến anh chị em sứ điệp này như bảo chứng lòng quí mến của tôi. Chúng ta tiếp tục hiệp ý với nhau trong kinh nguyện và hẹn gặp lại ở Ba Lan (SD 19-7-2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm Nghiệm Tuần Tĩnh Tâm Tại Đan Viện Châu Thủy
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
08:26 21/07/2016
Cảm Nghiệm Tuần Tĩnh Tâm Tại Đan Viện Châu Thủy

Chúa Giêsu bảo các môn đệ: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." (Mc 6,31). Sau một ngày bận rộn, vất vả và mỏi mệt, Chúa khuyên các môn đệ hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi, dưỡng sức và thư giãn tâm hồn.

Xem Hình

Tĩnh tâm là một thời gian tĩnh lặng trở về với Chúa và với lòng mình. Tĩnh tâm cần có bầu khí thanh thoát và yên tịnh. Các cuộc Tĩnh tâm bao gồm những cử hành phụng vụ Thánh Lễ, Kinh Hạt, Chầu Thánh Thể…những buổi nghe giảng, thuyết trình, chia sẻ và cầu nguyện xét gẫm. Tĩnh tâm không chỉ đi tìm những sự hiểu biết, cảm xúc hay cảm giác nhất thời mà là một sự đánh động tâm linh thật sự để trở về cùng Chúa là nguồn tình yêu. Mỗi lần Tĩnh tâm là mỗi lần hâm nóng lại đời sống tâm linh. Gợi nhớ lại những hồng ân Chúa đã trao ban trong cuộc sống và xét mình qua những hoa trái đã trổ sinh, rồi làm một quyết tâm nào đó cho tương lai. Việc quan trọng nhất của Tĩnh tâm là đi vào nội tâm và kết hợp với Chúa. Cần có nhiều phút giây tĩnh lặng và cầu nguyện.

Tĩnh tâm là sinh hoạt thường xuyên của Giáo Hội dành cho tín hữu, có thời gian nghỉ ngơi, khôi phục, củng cố đời sống tâm linh và định hướng cho cuộc sống. Đối với các Tu sĩ, tĩnh tâm trở thành một chương trình sống bắt buộc được ghi vào khoản lề luật Dòng.

Tôi vừa giúp các Thầy Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội tuần tĩnh tâm tại Đan Viện Châu Thủy. Thời gian này, các Linh mục và Tu sĩ của Đan Viện cũng đang tĩnh tâm.

Những ngày sống ở đây đã cho tôi rất nhiều cảm nghiệm và niềm vui làm khỏe mạnh tâm hồn trong bầu khí tĩnh lặng, nghiêm trang và thánh thiện của đời sống đan tu.

Khuôn viên Đan Viện rộng mênh mông khoảng 10 mẫu đất. Trung tâm là Nhà nguyện, chung quanh là những nhà ở nhà sinh hoạt của các Đan sĩ, dãy nhà tĩnh tâm dành riêng cho các linh mục tu sĩ và các hội đoàn từ khắp nơi đến cấm phòng. Ngôi nhà này gồm hai dãy tương đối khang trang, rộng và thoáng mát. Có 41 phòng (phòng đôi, có thể đáp ứng được hơn 80 người cùng lúc), một nhà nguyện dành riêng cho khách tĩnh tâm, một phòng để nghe giảng, phòng riêng cho cha hướng dẫn tĩnh tâm.

Hơn 5 mẫu đất làm công viên tĩnh dưỡng toàn là cây cao tỏa bóng mát và những thảm cỏ xanh mướt. Lối đi chính giữa hai hàng cây xà cừ cao lớn dẫn vào đài Đức Mẹ có cây si già nét cổ kính. Lối đi nhỏ dán những viên sỏi nhỏ dẫn đến núi Phục sinh được sắp xếp cách khéo léo bằng các tảng đá lớn, những phần mộ nơi an nghĩ của các Đan sĩ hướng về tượng Chúa Phục Sinh. Bên trái là núi đá hồ nước, có tượng thánh Bênêđictô tổ phụ. Nhiều lối đi giữa rừng cây xanh um rợp bóng, bên kia là hồ Chúa Kitô Vua nước chảy róc rách đầy cá bơi lội tung tăng, bên nay là đồi Thánh Giuse có những vòi nước phun mát rượi, rẽ thêm vài lối nhỏ đến đồi Canvê có tượng Mẹ Sầu Bi, rồi đến đài thánh Martin với nhiều bảng tạ ơn…và cũng có nhiều hồ nuôi cá, các Thầy vui vẻ cho mượn cần câu để thư giãn, vừa câu cá vừa tập đức kiên nhẫn. Dòng Sông Dinh quanh năm nước chảy nặng phù sa, bao bọc khuôn viên Đan Viện như một hàng lang an toàn.

Không gian thật thoáng đãng và bình yên. Sáng sớm, tiếng chim hót rộn vang, những tia nắng sớm xuyên qua cành lá rọi xuống lối đi, tiếng chuông đầu ngày mới ngân nga, những bóng dáng của các Đan sĩ trong áo dòng trắng thấp thoáng thầm lặng đi đến nhà nguyện cầu kinh dâng lễ. Một ngày mới thật nhẹ nhàng, bình an và thanh thản, các Đan sĩ bắt đầu một ngày mới, một ngày “cầu nguyện và lao động” (Ora et Labora – châm ngôn của đời đan tu).

Trong suốt ngày sống, từ sáng sớm đến khi đêm về, tiếng chuông thỉnh thoảng ngân lên, các Đan sĩ trong tu phục đều đặn đến nhà nguyện. Một ngày họ dành hơn 6 giờ đồng hồ cho việc cử hành Phụng Vụ thờ phượng Thiên Chúa, bao gồm Thánh Lễ và các giờ kinh Phụng Vụ: Kinh Ban Mai (Kinh Sáng), Kinh Trưa Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín, Kinh Chiều, Kinh Tối và Kinh Đêm (Kinh Sách).

Ngoài các giờ Phụng Vụ thờ phượng, các Đan sĩ còn có giờ suy ngẫm,giờ lần chuỗi Mân Côi, giờ đọc sách thiêng liêng và chầu Thánh Thể. Có thể nói toàn thời gian họ dành cho việc cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Một ngày họ lao động ít giờ để mưu sinh, ngay cả trong lao động họ cũng phải giữ luật thinh lặng những khi cần thiết. Sứ mạng của Đan sĩ là cầu nguyện cho mọi người, cho Hội Thánh, cho toàn thế giới. Sự cô tịch làm cho các Đan sĩ ý thức về cuộc chiến trường kỳ giữa những sức mạnh của sự thiện và sự dữ mà họ nhận thấy ngay trong lòng mình, họ sẽ nhạy cảm với mọi nỗi khốn khổ mà nhân loại đang phải gánh chịu và đưa vào lời cầu nguyện. Những giờ Kinh Nguyện, các Đan sĩ hát vơi cung điệu du dương trầm bổng hòa trong tiếng pianô thanh thoát, nghe êm ái làm sao, kinh nhạc như đôi cánh nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Những ngày sống nơi đây, tôi cũng nhận thấy có sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với Thiên Chúa. Môi trường sống thể chất và tâm linh thật trong lành. Đan viện như là lá phổi thiêng liêng, nâng đỡ Giáo Hội tại địa phương qua linh đạo đan tu, nhất là qua những hy sinh, kinh nguyện và lao động hàng ngày của các Đan sĩ.

Cuộc sống Đan tu chiêm niệm của các Đan sĩ là đi tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Tất cả sự trọn lành hệ tại đức mến, yếu tố làm tăng trưởng lòng mến là khiêm nhường. Gặp gỡ trò chuyện, tôi thấy các Đan sĩ thật hiền lành và khiêm nhường. Đời sống chiêm niệm đan tu là một dấu hiệu về Nước Thiên Chúa. Đời sống của các Đan sĩ như phác hoạ ra trước mắt người đời cảnh sống trong Nước Thiên Chúa, ở đó vang lên những lời ngợi khen, một nếp sống bình an thánh thiện, không bị giằng co toan tính sự đời. Ai đến đây cũng nhìn thấy cảnh sống và hít thở bầu không khí an bình thanh thoát.

Thật ngưỡng mộ đời sống đan tu chiêm niệm có lịch sử lâu đời và những giá trị huyền bí thanh cao, bất biến, một sự sống luôn trẻ trung, trào tràn và lưu chuyển trong lòng mẹ Giáo Hội. Đời đan tu khổ hạnh đi liền với chiều kích chiêm niệm của nếp sống tu trì. Các Đan sĩ làm chứng về mối tương quan giữa sự từ bỏ và niềm vui, giữa hy sinh và sự triển nở con tim, giữa kỷ luật và tự do thiêng liêng. Các vị Giáo Hoàng gần đây, từ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến Đức Bênêđíctô XVI và đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đều luôn đề cao, cổ xuý và ca ngợi đời sống Thánh Hiến Đan Tu là kho tàng quý báu và là sức sống của Giáo Hội. Thánh Gioan Phaolô II khẳng định:“Các Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, là một niềm vinh dự và là nguồn mạch muôn vàn ơn thiêng cho Giáo Hội. Bằng chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội Dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cung hiến cho cộng đoàn Giáo Hội chứng tá duy nhất về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa của mình, cũng như góp phần vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc tông đồ âm thầm mà phong phú” (VC 8).

Thánh Gioan Phaolô II đã viết một huấn thị dành cho các Tu sĩ với tên gọi “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”, có thể tóm kết trong ba chữ S.

Say mê Đức Kitô. Mỗi Kitô hữu tự bản chất thuộc về Đức Kitô nhờ Phép Rửa, cách riêng các Tu sĩ còn thuộc về Đức Kitô cách đặc biệt hơn nhờ Lời Khấn Dòng. Từ đó, Tu sĩ say mê Đức Kitô trong ý nghĩ, trong việc làm, trong tình cảm, để rồi uốn nắn và điều chỉnh mọi bước đi trong đời sống của mình. Tu sĩ là người say mê Đức Kitô.

Sống hiệp thông. Hiệp thông trước hết là với Chúa theo chiều cao. Hiệp thông theo chiều ngang đối với Bề trên với anh em. Sống hiệp thông với Chúa cách tròn đầy thì mới mong có được hiệp thông đối với anh chị em chung quanh mình trong nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

Sẵn sàng lên đường. Chữ Sẵn sàng lên đường hợp với chữ Sứ vụ. Tu sĩ ở đây hôm nay, nhưng Nhà Dòng cần mình đến chỗ khác thì sẵn sàng, không phải quyến luyến nữa.

Say mê Đức Kitô nhằm cho đời sống tâm linh, sống hiệp thông nhằm đến tình huynh đệ và nhờ đó sẵn sàng lên đường cho sứ vụ.

Nhờ năng “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” qua mỗi kỳ tĩnh tâm, người Tu sĩ được bồi bổ tâm linh để luôn say mê Đức Kitô, sống hiệp thông và nhiệt thành trong sứ vụ. “Đời sống tâm linh phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của mọi gia đình tận hiến, ngõ hầu mọi tu hội và mọi cộng đoàn trở thành những trường học về linh đạo Phúc Âm chân chính… Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại này đang khao khát những giá trị tuyệt đối và trở thành một lời chứng hấp dẫn” (Tông huấn “Đời sống thánh hiến” – Vita consecrate, số 93).

Tạ ơn Chúa đã cho con cùng anh em sống những ngày an bình trong Đan viện này. Nhịp sống đan tu giúp chúng con gặp được nét tươi trẻ an vui trong cuộc sống tận hiến cho Chúa. Amen.

Đan viện 21.7.2016

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Thánh lễ Tạ ơn đặt viên đá khởi công xây dựng Công trình: Công viên Thiên Bút và Khu Đô Thị Sinh Thái Thiên Tân
Lm. PM Hà Ngọc Đức
08:44 21/07/2016
HIẸN THỰC HÓA ĐỊNH HƯỚNG “LAUDATO SI”

Bài giảng trong Thánh lễ Tạ ơn đặt viên đá khởi công xây dựng Công trình: Công viên Thiên Bút và Khu Đô Thị Sinh Thái Thiên Tân

Ngày 13/7/2016 Cha tân Hạt Trưởng Quảng Ngãi Giacôbê Đặng Công Anh và Cha Sở Phú Hòa Phêrô-Maria Hà Đức Ngọc Hiệp dâng Thánh Lễ Đồng tế Tạ Ơn Chúa và đặt viên đá xây dựng Công viên Thiên Bút và Khu đô thị sinh thái Thiên Tân, tại núi BÚT Quảng Ngãi. Do THIÊN TÂN GROUP làm Chủ Đầu tư.

Xem Hình

Đây có thể nói được là một sự kiện “hiện thực hóa định hướng về môi trường” của thông điệp “LAUDATO SI” của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Để thấy rõ nội dung ý nghĩa nầy, chúng ta cùng lắng nghe bài chia sẻ sau đây của linh mục PM. Hà Đức Ngọc

Kính thưa cộng đoàn thân mến,

Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, này đồi xanh núi biếc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, hỡi suối nước tràn đầy, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, hỡi phàm nhân dương thế, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Đó là những lời Tc Đn 3,57-82 ca tụng tôn vinh Đấng Vô Biên đã tạo dựng vũ trụ cảnh quan thật tài tình tốt đẹp. Những lời ấy áp dụng cho danh thắng Thiên Bút Phê Vân lại rất xác đáng như lời Tác giả LÊ HỒNG KHÁNH trong các bài viết về danh thắng Quảng Ngãi đã viết: “Xét về địa cuộc, núi Bút nằm trên trục xuyên tâm của các danh thắng Quảng Ngãi từ Cổ Lũy cô thôn đến Thạch Bích tà dương, từ Thiên Ấn niêm hà đến La Hà thạch trận, từ Long Đầu hý thủy đến Liên Trì dục nguyệt. Thiên Bút có độ cao hơn 60 mét so với mặt nước biển, là một hòn núi nhỏ, hình chóp, cân đối, đỉnh núi vút cao thanh thoát, trông xa tựa như quản bút nho, ngòi bút hướng lên trời thẳm. Có những chiều cuối hạ đầu thu, sương lam lảng đãng che khuất sườn non, để lại chóp đỉnh ẩn hiện trong nắng cuối ngày, lẩn khuất bóng mây dát bạc, từ xa trông lại như ai đó đang phóng tay, vung bút thảo mấy dòng hoa lên bầu trời cao rộng. Các cụ ngày xưa bảo ấy là lúc Đấng Vô Biên cầm lấy quản bút thiêng mà phê vào mang mang thiên địa. Mỹ từ “Thiên Bút phê vân” (Bút trời phê lên mây) đầy thi vị phải chăng đã sinh ra từ sự đồng cảm sâu sắc với thiên nhiên, tình yêu xứ sở nhuần thấm trong tâm hồn người Quảng Ngãi? Chênh chếch sườn nam Thiên Bút là một quả đồi thấp, dáng tựa như nghiên mực nên được gọi hòn Nghiên. Trải rộng về đông, dưới chân núi Bút - hòn Nghiên là cánh đồng Ngọc Án. Có bút, có nghiên, lại thêm án ngọc. Trời đất khéo tạc cơ đồ còn trí tưởng tượng của con người lại biết bao kỳ diệu! Đọc bài thơ thất ngôn Vịnh Thiên Bút của cụ Diệp Trường Phát, quả nhiên thấy hiện ra tứ lạ:

Dựng ngược giữa trời, bút một cây

Chữ là hàng nhạn, giấy là mây.

Sao vì chấm hẳn từng câu rõ

Trăng cứ khuyên lần mấy chữ hay.

Nước mực mưa chan nào có giậm

Cái ngòi gió thổi cũng không lay.

Nghìn thu cao ngất hình còn tạc

Tạo hóa vì ai khéo đắp xây. Tạo hóa vì ai khéo đắp xây đây, thưa OBACE ?.

Vâng. Chính TC sáng tạo vũ trụ như Tc 1Sb 29, 1.12 ca ngợi rằng:

1 Lạy CHÚA, Ngài vĩ đại quyền năng,

Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ,

vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.

Ngài nắm giữ vương quyền, lạy CHÚA,

và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.

12 Ngài cũng là nguồn phú quý vinh quang.

Chính Chúa làm bá chủ muôn loài:

nắm trong tay dũng lực quyền năng,

nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức

Và Vũ trụ này lại dành cho con người. Điều tuyệt vời là TC lại trao cho con người thay ngài cai quản như TV 8 nói:

2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,

lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

muôn trăng sao Chúa đã an bài,

5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,

ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

đặt muôn loài muôn sự dưới chân.

Tiếc thay, nhiều khi con người đã không thể hiện ý muốn của TC, không gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường. Chính tác giả Lê Hồng Khánh cũng phải thốt lên rằng: “Núi Thiên Bút được người xưa xếp vào hàng danh sơn, gắn với nhiều giai thoại lung linh, kỳ thú lưu truyền nhân thế, quả là của hiếm trời đất ưu ái ban cho miền quê Quảng Ngãi. Vậy mà tiếc thay, nơi đây vẫn còn là chốn hoa cỏ nhạt mờ, dấu xưa hoang phế. Hình ảnh ngọn ngọn núi thiêng từng làm say lòng bao tâm hồn mộng mơ, đa cảm đã hút xa vào dĩ vãng. Thậm chí, tác giả còn hờn lẫy mà đổ tội lại cho Trời mà rằng: “Hay là cao xanh đã bắt chước người đời vất quản bút lông mà cầm sang bút sắt, nên Thiên Bút hoá bơ vơ!” Mặc dù nằm ở vị trí thuận lợi, nhưng việc tôn tạo, bảo vệ Thiên Bút chưa tương xứng với ý nghĩa của một danh thắng đã được người xưa ca ngợi.”

Trong Thông điệp nổi tiếng mới đây về môi trường “Laudato sí”, ĐGH Phanxicô nói đến việc săn sóc căn nhà chung là trái đất, Ngài nhấn mạnh ”Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”. ”Câu hỏi này không phải chỉ liên quan riêng đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi một phần”, và điều này khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: ”Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?”. Ngài tiếp: ”nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng”. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế - hãy đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để 'săn sóc căn nhà chung là trái đất này'. Đồng thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận rằng: ”Người ta nhận thấy có sự nhạy cảm ngày càng gia tăng đối với môi trường và việc săn sóc thiên nhiên, và thành thực lo lắng vì những gì đang xảy ra cho hành tinh của chúng ta” (19).

Có thể nói việc xây dựng công trình Công viên Thiên Bút và Khu đô thị sinh thái Thiên Tân đáp ứng lại lời kêu gọi của ĐTC. Anh Phaolô Huỳnh Kim Lập- Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group, đơn vị được giao thực hiện đầu tư khi trả lời PV Báo Quảng Ngãi đã nói: “ Danh thắng này vẫn chưa được tôn tạo nên bị xuống cấp và ngày càng hoang phế, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị... Mặc khác, với một đô thị loại 2, nhưng ngoài công viên Ba Tơ, thì TP. Quảng Ngãi vẫn chưa có một công viên nào có quy mô lớn, thật sự là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho người dân và du khách. Đây chính là lý do để công ty tham gia đầu tư Công viên Thiên Bút.” “ Công trình còn nâng tầm cảnh quan cho thắng cảnh núi Bút và bộ mặt đô thị TP. Quảng Ngãi. Bởi lẽ, việc đầu tư Công viên Thiên Bút được thực hiện theo hình thức phục hồi lại nguyên trạng. Đó là, giữ nguyên về quy mô, diện tích, tỷ lệ vườn hoa cây xanh và các công trình công cộng mà còn điều chỉnh và bổ sung các hạng mục cây xanh, công trình công cộng, các dịch vụ tiện ích nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động của công viên, phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, tuân thủ quy hoạch chung của thành phố, đảm bảo các yếu tố của một công viên sinh thái đô thị”. Đây không chỉ đơn thuần là việc gìn giữ tôn tạo môi trường mà còn là sự thể hiện niềm tin và sứ mạng theo ý Chúa như ĐGH Phanxicô nhắc lại lời thánh Gioan Phaolô 2 rằng: “Đặc biệt các tín hữu Kitô nhận thấy rằng nghĩa vụ của họ giữa lòng thiên nhiên, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là thành phần đức tin của họ” (64).

Thông Điệp về môi trường đặc biệt chú ý trong môi trường thành thị. Con người có khả năng lớn trong việc thích ứng và ”thật là điều đáng ngưỡng mộ óc sáng tạo và lòng quảng đại của các cá nhân và các nhóm có khả năng gỡ bỏ các giới hạn của môi trường, một sự phát triển chân chính đòi phải cải tiến toàn diện về chất lượng cuộc sống con người: không gian công cộng, nhà ở, phương tiện di chuyển, v.v. (150-154). Ở điểm này, chúng ta lại thấy thật là một sự đáp ứng đúng nghĩa vì “Khu đô thị sinh thái Thiên Tân sẽ là một Đô thị sinh thái kiểu mẫu, hiện đại được đầu tư xây dựng ngoài phạm vi Núi Bút. Cư dân sống trong đô thị này được hưởng lợi về môi trường luôn trong sạch do Công viên Thiên Bút mang lại và sẽ được sử dụng những tiện ích đạt tiêu chuẩn, như dịch vụ bảo vệ 24/24 giờ, siêu thị, chăm sóc sức khỏe...” Và đây cũng chính là câu trả lời cho niềm khát mong của con dân Quảng Ngãi được tác giả Lê Hồng Khánh nói lên: “Một khi thị xã tỉnh lỵ mở rộng, dân cư tăng nhanh, nếu được qui hoạch tôn tạo đúng mức nơi đây sẽ trở thành một khu vực vui chơi rất lý thú, Núi Bút và vùng chân núi phụ cận có nhiều điều kiện thuận tiện trồng rừng để tạo thành một lâm viên. Hiển nhiên một rừng cây nằm áp sát khu vực thành thị đông đúc sẽ góp phần đáng kể vào việc cân bằng hệ sinh thái, giữ được sự trong lành của môi trường.”

Kính thưa cộng đoàn thân mến,

Cuộc sống con người dựa trên 3 tương quan căn bản có liên hệ mật thiết với nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với trái đất mà người ta thường nói là: Thiên-Địa-Nhân. Sách Sáng Thế cho thấy chính tội lỗi đã phá vỡ sự quân bình của toàn thể thiên nhiên nói chung. Tội lỗi đã phá mất Thiên thời-địa lợi-nhân hòa. Nhưng TC không bỏ mặc cho nó bị phá vỡ. Ngài đã sai Con Ngài là CGSKT đến phục hồi và tái tạo vũ trụ cách tuyệt diệu hơn. Đồng thời Ngài cho con người cộng tác kiến tạo vũ trụ này ngày một tươi đẹp hơn cho tới tầm mức viên mãn nơi CGSKT. Vì vậy, xin chúc mừng Thiên Tân Group đón nhận ơn lành được cộng tác với Chúa vun trồng và gìn giữ bộ mặt trái đất qua công trình: Công viên Thiên Bút và Khu Đô Thị Sinh Thái Thiên Tân mà cộng đoàn chúng ta hôm nay cầu xin như Tv 104:

Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,

đất chứa chan phước lộc của Ngài,,

và qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, để việc khởi sự và hoàn thành tốt đẹp theo như ĐGH nói trong số (83) rằng: “Loài người có trách nhiệm ”vun trồng và gìn giữ” vườn thế giới (Xc St 2,15), vì biết rằng ”mục đích chung kết của các loài thụ tạo khác không phải là chúng ta. Trái lại tất cả tiến bước, cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung, là Thiên Chúa”.

Kính thưa cộng đoàn thân mến,

Thánh lễ Tạ ơn đặt viên đá khởi công xây dựng Công trình: Công viên Thiên Bút và Khu Đô Thị Sinh Thái Thiên Tân hôm nay đúng là ngày đặc biệt, ngày TC làm nên như Lời Tv 118

24 Đây là ngày CHÚA đã làm ra,

nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

25 Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ,

lạy CHÚA, xin thương giúp thành công.

26 Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành

cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA.

29 Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Vậy chúng ta cùng hiệp ý với lời Tc Đn 3,

Chúc tụng Chúa đi, dòng dõi Ít-ra-en, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, tư tế phụng thờ Chúa, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, tôi tớ phục vụ Người, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, hồn thiêng hàng công chính, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, người thánh kẻ khiêm nhường, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. Amen.
 
Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Vinh: 22 khấn sinh lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn
Lam Hồng
10:17 21/07/2016
Sáng thứ Tư, ngày 20.7.2016, Hội dòng Thừa Sai Bác Ái giáo phận Vinh đã tổ chức thánh lễ Vĩnh khấn cho 22 khấn sinh. Thánh lễ diễn ra tại nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, do Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha Giuse Nguyễn Đăng Điền, sáng lập Hội dòng, cha Fx. Võ Thanh Tâm, tuyên úy Hội dòng cùng với hơn 70 linh mục trong và ngoài giáo phận, quý chủng sinh, tu sĩ, quý ân - thân nhân của các khấn sinh và đông đảo quý khách.

Hình ảnh

Mở đầu thánh lễ, ĐGM Phaolô mời gọi cộng đoàn tham dự hiệp lời cảm tạ Thiên Chúa, cầu nguyện cách đặc biệt cho các khấn sinh, cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng mà Chúa đang mời gọi, cụ thể qua việc Ngài gọi, chọn và thánh hiến 22 nữ tu hôm nay để trở nên khí cụ bình an, của sự dấn thân phục vụ và trở nên chứng tá cho Lòng Thương Xót của Chúa giữa lòng đời hôm nay.

Giảng trong thánh lễ, gợi hứng từ đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 10, 25-37), với dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Đức Cha Phaolô mời gọi các nữ tu hãy đi và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa bằng đời sống chứng tá qua việc dấn thân phục vụ người nghèo, các bệnh nhân, người khuyết tật, những người chịu thiệt thòi và bị đẩy ra bên lề xã hội hôm nay.

Nghi thức tuyên khấn trọn đời diễn ra sau phần giảng lễ. Trong giây phút trang trọng và ý nghĩa nầy, trước sự chứng kiến của Đấng Bản Quyền giáo phận và trong tay chị Tổng Phụ trách, bằng sự tự do và ý thức mạnh mẽ, các khấn sinh đã công khai nói lên niềm xác quyết của mình qua lời tuyên khấn vĩnh viễn tuân giữ Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục. Sau đó, Đức Giám Mục đã làm phép và trao nhẫn giao ước cho các khấn sinh, tượng trưng cho mối dây liên kết tuyệt hảo giữa người nữ tỳ với Đức Lang Quân của đời mình là Đức Kitô.

Cuối Thánh lễ, nữ tu Maria Nguyễn Thị Mai - Tổng Phụ trách Hội dòng, đã nói lên tâm tình tri ân Đức Cha cùng mọi thành phần tham dự. Đáp lại, Đức Cha đã gửi lời chúc mừng tới quý sơ tân Vĩnh khấn. Ngài cũng ước mong cho Hội dòng ngày càng phát triển lớn mạnh để ngày càng có thêm nhiều người hiến thân loan báo Tin Mừng và phục vụ anh chị em đồng loại.

Với sự can đảm, long trọng và công khai dâng lời tuyên khấn vĩnh viễn hôm nay, 22 tân vĩnh khấn của Hội dòng Thừa Sai Bác Ái Vinh sẽ khởi đầu một hành trình mới, hành trình của đón nhận hồng ân và thực thi sứ vụ. Chắc chắn, trên hành trình đó sẽ có những buổi nắng xuân trải lụa vàng, nhưng cũng chẳng thiếu gai góc dặm trường.

Đời thánh hiến là một ân huệ nhưng không, là món quà tình yêu Thiên Chúa thương trao cho Giáo Hội, và Ngài chờ đợi nơi người được chọn một tâm hồn thiện chí, một sự đáp trả tích cực, sự dấn thân trọn vẹn theo sát Đức Kitô. Tình yêu dâng hiến theo Chúa là lẽ sống của một cuộc đời chọn lựa, hy sinh: không ngập ngừng do dự, không băn khoăn tính toán, sẵn sàng, mau mắn và can đảm vượt qua chông gai thử thách, vì xác tín "Chúa là hạnh phúc đời con". Để rồi suốt cuộc đời người tu sỹ luôn ôm ấp tình yêu khiết trinh của Đức Kitô, bắt chước sự khó nghèo của Người và dâng hiến trọn vẹn sự tự do cho thánh ý Chúa Cha.

Hi vọng, với ơn Chúa và sự hiệp thông nâng đỡ của các thành viên trong hội dòng, các tân vĩnh khấn hôm nay sẽ có đủ can đảm, lòng nhiệt huyết và tinh thần phó thác cho kế hoạch yêu thương của Chúa, để sẵn sàng ra đi làm chứng cho Niềm Vui Tin Mừng và Lòng Thương Xót của Chúa giữa lòng đời hôm nay.
 
Hội ngộ cựu chủng sinh Huế lần thứ III
Trương Trí
19:11 21/07/2016
HỘI NGỘ CỰU CHỦNG SINH HUẾ LẦN THỨ III

Trong 3 ngày 18-19-20 tháng 7, Cựu Chủng sinh Huế gồm cả 3 Nhà: An Ninh – Phú Xuân – Hoan Thiện từ khắp mọi miền đất nước và hải ngoại đã cùng với gia đình con cháu quy tụ về Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế để gặp mặt.

Xem Hình

Đây là lần Hội Ngộ thứ 3 và cũng là lần Hội ngộ đông đảo Cựu Chủng sinh và Linh mục xuất thân từ các Chủng viện của Giáo phận Huế. Có những cụ già đã trên 80 tuổi, từng học Chủng viện An Ninh 1943 và những cụ xuất thân từ Chủng viện Phú Xuân. Đông nhất là anh em Cựu Chủng sinh Hoan Thiện.

Những buổi trò chuyện, những tâm tình của mọi người khơi gợi lại những kỷ niệm xa xưa của thời niên thiếu. Những dấu ấn của một thời Chủng sinh không thể nào quên, mà mỗi một người từ già đến trẻ đều hết sức xúc động khi ai đó nhắc lại. Tìm về Hội ngộ là tìm về quê Mẹ, tìm lại những người thầy, người bạn thời niên thiếu để quên đi tuổi già, để thấy mình trẻ lại.

Cũng chính từ những mái trưởng Chủng viện này đã đào tạo những thế hệ Linh mục, những trí thức, những cộng sự đắc lực trong công việc truyền giáo.

Sáng ngày 19/7, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, nguyên Cha giáo Chủng viện Hoan Thiện đã đến dự buổi gặp mặt và dâng Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho các bậc ân sư và anh em Cựu Chủng sinh đã qua đời, đặc biệt là Cố Đức Hồng Y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, vị Bề trên đầu tiên của Chủng viện Hoan Thiện. Cùng đồng tế có Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh; Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, nguyên Bề trên Chủng viện Hoan Thiện; Cha Phê rô Trần Văn Quí, nguyên Tổng Đặc trách Gia đình Cựu Chủng sinh Huế; Cha Tađêô Nguyễn Văn Lý; Cha Anrê Nguyễn Văn Phúc, nguyên Giáo sư và quí Cha đến từ khắp mọi miền đất nước.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục nói lời chào an hem Cựu Chủng sinh cùng với gia đình con cháu đã về tham dự Hội Ngộ lần thứ III hôm nay. Ngài nói: anh em chúng ta mỗi người mỗi phương, mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhiều người tuổi tác đã cao, nhưng thời gian vẫn không thể xóa nhòa những kỷ thật đẹp, thật dễ thương, thật trong sáng dươi mái nhà Chủng viện thân yêu. Ngài nhấn mạnh: anh em dù không được Chúa chọn gọi làm Linh mục, nhưng trong môi trường mới của xã hội, anh em luôn là những chứng nhân đức tin kiên cường nhờ vào những năm tháng được tôi luyện trong môi trường Chủng viện.

Cha Phaol ô Nguyễn Luận, Tổng Đặc trách gia đình Cựu Chủng sinh Huế thay mặt Ban Tổ chức nói lời tri ân Đức Tổng Giám mục, quí Linh mục và toàn thể anh em Cựu Chủng sinh và gia đình đã từ xã xôi vẫn hăng hái lên đường tìm về quê hương để cùng nhau hàn huyên, cùng nhau gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa.

Buổi sinh hoạt với những tâm tình của những bà vợ nói lên niềm hãnh diện được làm vợ của một Cựu Chủng sinh, luôn mong ước được gặp gỡ nhau để cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, học hỏi những kinh nghiệm nuôi dạy con cháu trở nên những mầm non ơn gọi đời thánh hiến. Những tiết mục múa hát của mọi người, có cả những người con và những người chú nội, cháu ngoại tham gia thật sinh động.

Sau buổi sinh hoạt, mọi người lên Nghĩa trang Giáo sĩ tại Thiên Thai viếng mộ các ân sư và quí Cha đã an nghỉ trong Chúa.

Sáng ngày 20/7, mọi người ra viếng Đền Thánh Tôma Thiện, dâng hương và tế văn trước vị Thánh là anh Cả của gia đình Cựu Chủng sinh Huế. Viếng Đức Mẹ La Vang và dâng Thánh lễ đồng tế dưới Linh đài Mẹ, tìm về bên Mẹ với nguồn cậy trông vào Mẹ luôn che chở ủi an những lúc khốn khó.

Chia tay Hội ngộ với những lưu luyến, bịn rịn không muốn rời xa nhau, mỗi người mỗi phương, tuổi đã cao. Người ít tuổi nhất cũng đã 55 rồi, mỗi năm mỗi thêm người ra đi về với Chúa. Ai cũng băn khoăn lần Hội ngộ tiếp theo có còn gặp lại nhau, hay đã mất dần đi những người bạn chí thiết nhất, ngay cả bản thân mình không biết có còn tồn tại không.

Mọi người hẹn gặp lại nhau trong Hội ngộ lần thứ IV và hướng đến mừng kỷ niệm 60 năm Hoan Thiện vào năm 2021.

Trương Trí
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Dân lo sót vó, Đảng ngồi chơi game
Phạm Trần
08:58 21/07/2016
DÂN LO SÓT VÓ, ĐẢNG NGỒI CHƠI GAME

Thảm họa Formosa thải độc môi trường phá hoại kinh tế và làm điêu đứng hàng triệu gia đình ở 4 Tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) đã được người dân và nhiều Đại biểu Quốc hội đặt lên bàn cân nhưng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục vô cảm, coi như không có việc gì quan trọng phải quan tâm.

Thái độ đông đá của ông Trọng đã thể hiện rất rõ trong diễn văn kiến nghị Quốc hội “thực hiện một số định hướng lớn” tại buổi khai mạc 20/07/2016.

Một lần nữa ông Trọng không nói chữ nào về vụ cá chết. Ông cũng gỉa vờ quên đi những khó khắn của trên 5 triệu người dân miền Trung đang phải gánh chịu do hành động vô trách nhiệm của Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Ông Trọng chỉ hô hào làm những việc đã nói nhiều lần mà làm chẳng xong như:

-”Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hoá Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.”

-“Coi trọng hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, tiền tệ, đầu tư, kinh doanh, môi trường, tạo điều kiện quản lý và sử dụng mọi nguồn lực của đất nước một cách có hiệu quả; khắc phục tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực này... Đồng thời, quan tâm đến các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hoá, thông tin, dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế...”

Hay phải: “Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay….Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ông Trọng còn kêu gọi Quốc hội hãy:”Đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; về các dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm, tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi, tư tưởng của đông đảo nhân dân, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước; bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.”

Tòan là những vấn đề xưa như trái đất, chung chung và đại khái chủ nghĩa đã được ông Trọng nói đi nói lại nhiều lần trong suốt 5 năm nhiệm kỳ khóa đảng XI do ông lãnh đạo.

Cuối cùng, ông kêu gọi các Đại biều Quốc hội hãy : “Đồng thời nêu cao phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gương mẫu học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác; nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác.”

Tuyệt nhiên không thấy ông nói đến chuyện thảm họa miền Trung, hay đóai thương đến các vụ thuyền đánh cá của ngư dân Việt bị quân Tầu đánh chìm mất mạng và bị tịch thu tài sản khi đánh bắt ở Hòang Sa và Trường Sa. Cũng chẳng thấy ông điếm xỉa đến hành động xâm lăng biển đảo Việt Nam và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là tại sao ?

Chẳng nhẽ ông Trọng sợ Trung Quốc trả thù hay nhát gan đến xanh mặt nếu lỡ lời chạm đến láng giềng ?

CÁ CHẾT VÀ THÙ ĐỊCH

Chi biết rằng lần duy nhất ông Trọng nói đến mấy chữ “hải sản chết” được đưa ra trong bài nói chuyện hôm 18/7 (2016) tại Hà Nội khi ông kiểm điềm công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Báo chí Việt Nam ghi lời ông Trọng nói rằng :”sự cố hải sản chết bất thường ở một số tỉnh ven biển miền Trung; sự chống phá quyết liệt của các lực lượng thù địch... đã gây không ít khó khăn cho công tác bầu cử".

Nhưng không ai hiểu tại sao Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đã lợi dụng thảm họa cá chết và “sự chống phá quyết liệt của các lực lượng thù địch” , chưa biết thực hư ra sao, để che đậy cho sự thờ ơ đi bầu của người dân.

Sự thể ông Trọng tránh không nói gì đến thảm họa môi trường ở miền Trung trước 494 Đại biều Quốc hội khóa XIV trong ngày họp đầu tiên, tuy ngạc nhiên mà không lạ. Bởi vì chỉ 16 ngày sau hàng chục tấn cá chết và hải sản trôi dạt vào bờ (6/4/2016), ông Trọng đã đến Hà Tĩnh sáng 22/4/2016 để “kiểm tra các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ triển khai các hạng mục của Dự án Khu kiên hợp gang thép và cụm cảng biển nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.” (báo Sài Gòn Giải Phóng)

Nhưng ông đã không nói lời nào về thảm họa cá chết và cũng không thèm đi thăm dân cho biết sự tình. Thái độ dửng dưng của người có trách nhiệm cao nhất nước trong hòan cảnh hoang mang và giao động tột độ của dân có bút mực nào nói hết chăng ?

Chẳng nhẽ Đảng bộ và Hội đồng Nhân dân Hà Tĩnh không báo cáo với ông Trọng về biến cố quan trọng này, hay ông Tổng Bí thư đã làm ngơ cho đảng bộ Hà Tĩnh giấu nhẹm đi để nói quanh ?

BÁO CÁO CỦA NHÀ NƯỚC

Tuy nhiên, trước sự thật phũ phàng không còn che giấu được, Nhà nước CSVN đã mở cuộc điều tra để quy trách nhiệm cho thủ phạm Formosa Đài Loan. Lãnh đạo Công ty này đã cúi đầu xin lỗi và đảng CSVN đã chịu nhận đền bù 500 triệu Dollars để giúp dân và tẩy rửa ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia môi trường và kinh tế thì khỏan tiền 500 triệu chỉ là hạt muối bỏ biển, không đủ nuôi dân mất nghề, mất việc vì nạn cá chết và mất ngư trường.

Đã có những ước đoán của các nhà khoa học Việt Nam rằng, có thể phải mất 50 năm may ra mới làm sạch được biển miền Trung, nhưng tiền đâu ra để làm ? Cuộc sống của người dân 4 tỉnh gặp nạn (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) sẽ ra sao từ nay về sau ?

Nhà nước đã nhìn nhận trong báo cáo ngày 8/7/2016 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rằng:” Khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đối với vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Chính phủ báo cáo:”Hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh, dẫn đến sản lượng khai thác chỉ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 4,4%); riêng sản lượng khai thác biển ước tăng 3,4% (cùng kỳ tăng 4,6%). (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Trong báo cáo chi tiết hơn gửi đến Quốc hội ngày 20/07/2016, chính phủ Việt Nam đánh giá:”Sự cố ô nhiễm môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân, mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch...”

Tờ Thời báo Kinh tế VN (TBKTVN) viết :”Theo Chính phủ, tính toán sơ bộ thì sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người, do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc.

Báo cáo của Chính phủ còn cho biết, thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng. Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch.

Có trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác; có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m3), tương đương 140 tấn cá.”

Báo TBKTVN viết tiếp:”Ngoài ra, còn có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn, trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường.

Báo cáo cũng nêu, giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý thì giá bán giảm 30 - 50% còn sản phẩm khai thác trong 20 hải lý thì không tiêu thụ được.

Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh)”

Số dân bị liên lụy đến cá chết chỉ có 276,285 người là con số không thật. Nhà nước Việt Nam chỉ biết dựa vào báo cáo của địa phương, thay vì điều tra tường tận của các tổ chức độc lập.

Do đó không phải cô cớ mà Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, người đã thăm Giáo dân Giáo xứ Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 16/06/2016 đã nói rẳng:”Người ta đoán là có ít nhất là 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết này. Hết sức là đau xót, xung quanh đó hết sức là hoang tàn, không còn sức sống, người ta ai cũng mệt mỏi, rã rời và buồn chán.”

DÂN VÀ QUỐC HỘI

Trước nạn cá chết và những hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông, người dân đã than phiền cao độ và được Mặt trận Tổ quốc báo cáo trước Quốc hội ngày 20/07/2016.

Báo cáo do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân đọc trước Quốc hội cho biết:”Cử tri và Nhân dân cả nước rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam. Những việc này làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc….Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước…”

Về vụ cá chết, Báo cáo viết:” Việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Formosa) che dấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc trong Nhân dân và công luận. Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, vì vậy đã gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương ; giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời chỉ đạo rà soát việc thực thi các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, quản lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Cử tri và Nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường.”

Phản ứng của người dân cho thấy khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thờ ơ và né tránh thì các nạn nhân phải lên tiếng đòi hành động. Một số Đại biều Quốc hội cũng đã phản ứng quyết liệt với hành động của Formosa.

Theo báo điện tử Infonet.VN thì Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã nói thẳng với báo chí:” Sự cố môi trường liên quan đến hoạt động xả thải của Công ty Formosa là một sự cố rất nghiêm trọng, đã làm cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân miền Trung, đặc biệt ở 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn, để lại nỗi lo lắng về việc liệu hậu quả của sự cố này còn tiếp diễn nữa hay không? Là một ĐB đại diện cho người dân miền Trung, tôi kỳ vọng Quốc hội khóa mới phải làm sao giải quyết dứt điểm đối với hoạt động của Formosa. Nếu đểFormosa tồn tại thì phải kiểm soát và giải quyết được các bất cập hiện nay, còn nếu không kiểm soát được thì chấm dứt hoàn toàn hoạt động. Quốc hội phải giải quyết dứt điểm để lấy lại niềm tin trong nhân dân.”

Đại biểu Trương Minh Hoàng trách móc:” Sau thảm hoạ biển chết, hàng trăm nhà khoa học ròng rã nhiều ngày đêm mới tập hợp đủ chứng cứ kết tội xả thải của Formosa, trong khi đáng ra chính Formosa phải ngay lập tức nhận trách nhiệm về mình chứ không phải đợi tới khi không thể cãi được mới cúi đầu nhận tội. Thái độ này chứng minh rất rõ Formosa luôn cố tình, tìm cách, tìm đủ mọi phương kế để che giấu hành vi xả thải vào môi trường biển. Cùng với đó là sự hời hợt, quan liêu của các cơ quan có trách nhiệm ngay từ khi hình thành dự án, ngay từ hồ sơ đánh giác tác động môi trường và sau này là hậu kiểm, giám sát vô cùng sơ sài, sơ sài và thiếu trách nhiệm tới mức buộc phải nghĩ tới một sự bắt tay sai phạm với Formosa.” (Infonet, 20/07/2016)

Tuy nhiên, không chỉ đã gây ô nhiễm biển mà Formosa còn tìm cách chôn giấu các chất thải cứng nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường tại Hà Tĩnh và nhiều nơi khác.

Đại biểu Hòang tiết lộ:”Chưa hết, gần đây, bằng sự phát hiện của báo chí và người dân, liên tục phát hiện nhiều vụ chôn lấp chất xả thải, bùn bánh, rác công nghiệp, chất thải độc hại của Formosa ra nhiều điểm trên địa bàn Hà Tĩnh với nhiều phương cách: trắng trợn có, thủ đoạn móc nối với cá nhân, công ty cũng có, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức doanh nghiệp, chất xả thải của Formosa trên bờ mỗi ngày lại phát hiện thêm...làm người ta nghĩ tới doanh nghiệp này vì sao lại có thể ngông nghênh, bất chấp và liều lĩnh như thế nếu không có sự bắt tay tiếp sức của ai đó, đơn vị nào đó, nếu không có sự "nuông chiều" quá trớn của chính quyền?”

Ông Trương Minh Hòang bức xúc:”Nếu chỉ chờ đợi vào ý thức tự giác thực thi nghiêm chỉnh luật môi trường của Formosa thì nói thật đó là sự chờ đợi viễn vông. Nếu chỉ giám sát, xử phạt bằng những vụ việc gây hại như vừa qua của Formosa rồi tiếp tục cho hoạt động rồi lại sai phạm lại phạt lại tiếp tục cho hoạt động thì đó là một cách làm nguy hiểm.

Còn nếu các cơ quan chức năng, chính quyền cam kết từ giờ sẽ giám sát quyết liệt để Formosa có muốn vi phạm cũng không dám vi phạm thì quá tuyệt vời, nhưng tôi cho rằng điều tối ưu này vẫn chỉ là mơ ước, khó thực thi.”

Đại biểu Hòang đi xa hơn khi nói:”Hãy tái cơ cấu lại Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng lành mạnh về đầu tư, an toàn về môi trường và tính đến cả việc bảo đảm cả trước mắt và lâu dài về an ninh quốc phòng ở khu vực có ý nghĩa đặc biệt này. Không dứt khoát vụ Formosa, chần chừ, thiếu khoa học hoặc thiếu quyết tâm, để ngày Formosa đi vào hoạt động, chỉ cần sơ sẩy một lần nữa ( mà điều này hầu như rất dễ xảy ra) thì khi đó dù có đóng cửa Formosa thì môi trường biển sẽ vô phương cứu chữa, thế hệ con cháu sẽ oán trách, an ninh trên biển sẽ bị đe doạ một khi vắng bóng ngư dân và cuối cùng là hậu quả nặng nề không thể cứu vớt được là bệnh tật, là sức khoẻ của hàng triệu người dân ven biển.”

Như vậy, liệu phản ứng của dân và những lời nói tâm huyết của hai Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương và Trương Minh Hòang có đủ để giúp ông Nguyễn Phú Trọng đứng thẳng người lên để đối phó với hiểm họa cá chết, hay ông cứ cúi mãi trước cái bóng Bắc Kinh sau lưng Formosa Đài Loan ? -/-

Phạm Trần

(07/016)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những lắc léo đàng sau vụ án Phi kiện Trung Quốc
Lữ Giang
10:55 21/07/2016
Trong những ngày qua, người Việt trong và ngoài nước đã reo mừng đón nhận bản án của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông. Đây là một đòn chính trị và tâm lý khá nặng giáng xuống Trung Quốc, mặc dầu trên phương diện pháp lý nó chưa gỉải quyết được gì nhiều.

Rất ít người đọc kỹ và hiểu nội dung bản án, đa số đã tin tưởng theo cảm tính. Chiều 14.7.2016, một người tự nhận là luật sư đã lên một đài truyền hình ở Orange County tuyên bố Tòa xác nhận đảo Scarborough thuộc quyền sở hữu của Philipptines! Nhưng tìm khắp bản án, không hề thấy có lời phán quyết nào như vậy. Trong khi đó, trong một bài khá dài với đầu đề “VN lợi hay hại sau phán quyết PCA?” dăng trên BBC ngày 14.7,2016, cô Nguyễn Ngoc Lan, mặc dầu mới chỉ là nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Đại Học Cambridge ở Anh, lại có một cách nhìn chính xác hơn. Cô cho rằng mặc dù phải đối mặt với một vụ tranh chấp rất phức tạp và cực kì nhạy cảm về mặt chính trị, tòa vẫn có thể đưa ra quyết định về các vấn đề pháp lý quan trọng.

Quả thật đây là một vụ án rất phức tạp, vì Trung Quốc đã xử dụng những thủ đoạn gian trá về cả pháp lý lẫn chính trị để chận đứng hay loại bỏ mọi nỗ lực phá vỡ các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là những khó khăn mà tòa phải vượt qua.

THỦ ĐOẠN PHÁP LÝ CỦA TRUNG QUỐC

Sau khi nghe tòa bản án của Tòa PCA, nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao Tòa PCA không đưa ra phán quyết tuyên bố đảo Scarborough là thuộc quyền sở hữu của Philippines? Câu trả lời không có gì khó khăn: Tại vì Trung Quốc đã lợi dụng một số điều khoản ưu đãi trong luật pháp quốc tế để ngăn chận thẩm quyền của tòa. Đây là vấn đề được ít người biết đến.

Toà nhấn mạnh rằng “Toà không phán quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện.” Tại sao?

Công Ước Vienna về Luật các Hiệp Ước ngày 22.5.1969 cho phép các quốc gia khi ký kết, phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập các hiệp ước quốc tế có thể loại bỏ hoặc sửa đổi hiệu lực pháp lý của một số quy định của hiệp ước trong việc áp dụng các quy định đó cho quốc gia của mình.

Điều khoản loại bỏ hay sửa đổi này được ghi ở phần RESERVATION ở cuối hiệp ước, được dịch ra Hán Việt là “BẢO LƯU” có nghĩa là lưu giữ hay “nhốt lại” để bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình.

Sở dĩ Luật về Hiệp Ước đã đặt ra điều khoản này vì muốn khuyến khích càng nhiều quốc gia gia nhập hiệp ước càng tốt. Trong thực tế có nhiều quốc gia muốn gia nhập một hiệp ước nhưng thấy có một số điều khoản nào đó không thích hợp hay không có lợi cho quốc gia họ nên không gia nhập. Nay cho họ được đưa những điều luật khó xử đó vào khoản Bảo Lưu, họ sẽ đưa vào rồi ký. Nhưng Trung Quốc lại dựa vào những điều khoản này để chơi trò xập xí xập ngầu.

Trung Quốc rất muốn gia nhập Luật Biển 1982 nhưng lại sợ các quốc gia khác hay các tòa án phân xử về luật biển ngăn chận tham vọng bá quyền của họ trên Đông, nên Trung Quốc đã đưa ra hai Bảo Lưu khiến việc kiện cáo Trung Quốc gặp khó khăn:

Ngày 7.6.1996, khi phê chuẩn Công Ước về Luật Biền 1982, Trung Quốc đã ghi vào điều khoản Bảo Lưu của Trung Quốc một điều khoản khẳng định chủ quyền đối với tất cả các quần đảo và đảo liệt kê trong luật ngày 25.2.1992 của Trung Quốc.

Ngày ngày 25.8.2006 Trung Quốc lại đưa ra một tuyên bố tiếp theo:

“Lãnh thổ đất liền của Trung Quốc bao gồm đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo liên quan bao gồm cả đảo Điếu Ngư, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Trung Quốc cũng tuyên bố không chấp nhận bất kỳ các thủ tục quy định tại Mục 2 Phần XV của Công ước đối với tất cả các loại tranh chấp được nêu tại khoản 1 (a) (b) và (c) của Điều 298 của Công ước. Nói cách khác, Trung Quốc không chấp nhận các tòa án trọng tài về luật biển xét xử các vụ tranh tụng công khai giữa Trung Quốc và các quốc gia khác về những tranh chấp chủ quyền trên biển.

Như vậy làm thể sao Philippines có thể kiện Trung Quốc được?

PHILIPPINES PHẢI TRÁNH NÉ NHỮNG GÌ?

Điều 297, đoạn 1, của Công Ước nói rằng tòa có quyền giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước về việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hay quyền tài phán của quốc gia ven biển. Nhưng Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận các thủ tục quy định với tất cả các loại tranh chấp được nêu tại khoản 1 (a) (b) và (c) của Điều 298 của Công ước. Đại lược, đó là các tranh chấp sau đây:

(a) Các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử.

(b) Các vụ tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay của Nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ không có tính chất thương mại, và các vụ tranh chấp liên quan đến các hành động bắt buộc chấp hành.

(c) Các vụ tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi thi hành các chức năng của mình do Hiến chương Liên hợp quốc giao phó có trách nhiệm giải quyết.

Nhưng vì tuyên bố nói trên của Trung Quốc chỉ dựa vào Điều 298 nên chỉ được áp dụng cho một số loại tranh chấp nhất định như đã nói trên, còn đối với các quyết định của Tòa liên quan tới các nội dung khác, Trung Quốc vẫn bị ràng buộc. Vì thế Philippines đã dựa vào những quy định mà Trung Quốc bị ràng buộc để kiện và tòa đã tuyên bố có thẩm quyền xét xử.

ĐƠN KIỆN CỦA PHI VÀ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA

Ngày 22.1.2013 Philippines nạp đơn tại Tòa án Trọng tài Thường trực kiện Trung Quốc vi phạm Công ước LHQ về Luật biển gây thiệt hại cho Phi. Ngày 22.1.2013, bà Mã Khắc Khanh (Ma Keqing), đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã được triệu lên Bộ Ngoại giao tại Manila và được trao một công hàm thông báo cho bà biết là Philippines tiến hành khởi kiện Trung Quốc. Trong đơn khởi tố, Philippines đã đưa ra 15 thỉnh cầu, được thâu tóm vào 3 chủ đề chính sau đây:

1.- Yêu cầu Tòa tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.
2.- Yêu cầu Tòa làm rõ quy chế pháp lý của một số thực thể ở Biển Đông.
3.- Yêu cầu Tòa tuyên bố một số hoạt động của Trung Quốc trong thời gian qua ở Biển Đông là bất hợp pháp.

Trong 15 thỉnh cầu, không hề có thỉnh cầu nào yêu cầu tòa xác định chủ quyền của Philippines về bất cứ đảo hay vùng biển nào đang tranh chấp với Trung Quốc.

Ngày 12.7.2016, Tòa đã đưa ra phán quyết về đơn kiện Trung Quốc của Philippines như sau:

1.- Về quyền lịch sử và "đường 9 đoạn".

Tòa tuyên bố có Tòa thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của các quyền được hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Tòa đã kết luận rằng không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc để đòi quyền lịch sử đối với các nguồn lực trong các vùng biển trong “đường 9 đoạn” vượt quá các quyền do Công ước quy định.

Quan niệm về “vùng nước lịch sử” (historic water), “chủ quyền lịch sử” (historic title) hay “quyền lịch sử” (historic right – danh từ của Trung Quốc) trên biển đảo đã thay đổi rất nhiều qua tiến trình phát triển của quốc tế công pháp, nhưng rất tiếc Trung Quốc và đa số người Việt vẫn ôm chặt quan niệm Rex nullus” trong Luật La Mã năm 529, một quan niệm đã quá lỗi thời. Vấn đề này chúng tôi sẽ bàn sau.

2.- Vấn đề quy chế của các cấu trúc trong vùng.

Dựa theo sự quy định của Công Ước về Luật Biển 1982, tòa xác định quy chế pháp lý của các thực thể là đảo, đá hay bãi lúc nổi lúc chìm như sau:

(a) Các đảo trong Biển Đông đều là đảo đá và "đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng”, do đó “không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".

Như vậy khoảng 200 đảo trên Biển Đông đều chỉ là đảo đá, nên chẳng đảo nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, kể cả đảo Ba Bình và đảo Hoàn Sa.

(b) Các đảo bị chìm xuống khi thủy triều lên đều không có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa. Các đảo nhân tạo cũng thế.

Tòa cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.

3.- Các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc.

Toà cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này.

Toà xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo của Trung Quốc trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa gần đây và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt.

VẪN CHƯA THẤY LỐI THOÁT

Giáo sư Paul Gewirtz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại Học Luật Khoa Yale cho rằng phán quyết của Tòa đã đem lại những đóng góp tích cực sau đây: (1) Phản bác cách diễn giải “đường 9 đoạn” theo kiểu bành trướng của Trung Quốc, gây áp lực buộc Trung Quốc giải thích yêu sách của mình; (2) giải quyết phần nào cuộc tranh luận hiện nay về quy chế pháp lý của các thực thể là đảo, đá hay bãi lúc nổi lúc chìm, và (3) tạo ra các tiêu chuẩn luật cho các cuộc đàm phán về phân định biển. Tuy nhiên, phán quyết chỉ cung cấp một số câu trả lời hạn chế “dựa trên pháp luật” đối với các tranh chấp trên Biển Đông.

Nói chung, Tòa chỉ mới làm sáng tỏ việc áp dụng các quy định của Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 đối với các thực thể trên Biển Đông mà thôi. Tòa không phân xử về quyền sở hữu của các thực thể đó cũng như ranh giới các vùng biển mà mỗi quốc gia có quyền khai thác.

Nếu Việt Nam bắt chước Philippines đi kiện Trung Quốc, có thể tìm được một giải pháp nào về pháp lý có phạm vi áp dụng rộng rãi hơn không? Chúng tôi tin rằng không, vì cũng như Philippines, Việt Nam cũng sẽ bị vướng mắc vào những “Bảo Lưu” của Trung Quốc, nên các tòa án về luật biển cũng sẽ không thể đi xa hơn được.

Ngày 21.7.2016
 
Văn Hóa
Thư viện giáo xứ Việt Nam Paris
Lê Đình Thông
08:55 21/07/2016
THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS


Năm Chín Chục hành trình Thư Viện
Mười sáu năm tiến triển bao nhiêu
Vài ngàn cuốn sách cũng nhiều
Năm nay số sách sớm chiều tăng thêm

Từ Thự Viện Thanh Niên tươi mát
Vạn cảo thơm1 ngào ngạt sách kinh
Lắng nghe thư mục tự tình :
Cổ kim đủ loại, có mình có ta

Nhiều sách quý gần xa đủ cả
Không cần phải vất vả kiếm đâu
Tây, ta, nôm, hán bắc cầu
Sách này thơm ngát hương cau ruộng đồng

Người gầy dựng Đinh Đồng Thượng Sách
Mười sáu năm trọng trách hai vai
Có Trần Anh Dũng miệt mài
Cùng chung lo có mười hai tay chèo

Nhóm Thư Viện bước theo Giáo Xứ
Bốn nữ lưu bộ tứ thông công
Vào Ban Thường vụ Hội đồng :
Thủy Tiên và Phúc, Kim Trung, Tiên Trần 2

Mỗi cuốn sách đều cần có cote
Trên từng ngăn có một chỗ riêng
Xem xong xin trả lại liền
Đừng quên sách vở thánh hiền coi chung.

Lê Đình Thông
---
I Phương cảo (芳 稿) : pho sách
2 Cao Thị Thủy Tiên, Trần Thị Phúc, Trần Kim Trung, Trần Thị Trúc Tiên
 
Henryk Sienkiewicz, đàng sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới Ba Lan
Vũ Văn An
22:17 21/07/2016
Từ lúc Karol Wojtyla lên ngôi giáo hoàng đến nay, thế giới không ngừng nhắc đến Ba Lan, dĩ nhiên, với sự ngưỡng phục lớn lao. Nhưng thực ra, Ba Lan đã đáng được ngưỡng phục từ rất lâu rồi.

Thực vậy, có thể nói, ít có người nào trên thế giới, hoặc ít nhất, không người nào quen thuộc với văn hóa Tây Phương, lại không nghe tới thuật ngữ thời danh “Quo Vadis?” (Lạy Chúa, Chúa đi đâu?).

Theo ngụy thư “Công Vụ Phêrô”, đó là câu Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu khi ngài trốn chạy cuộc bách hại của Neron. Câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Thầy trở lại Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Hiểu lời Thầy quở dậy, người thuyền chài Galilê đã can đảm trở lại thủ đô Đế Quốc để chịu đóng đinh ngược, lòng đầy hân hoan vì đã chịu đau khổ vì Thầy.

Câu hỏi thời danh ấy đã được lấy đặt tên cho một thánh đường ở Rôma, Nhà Thờ Domine Quo Vadis. Theo từ điển mở Wikipedia và trang mạng của các công ty du lịch, danh xưng chính thức của Nhà Thờ thực ra là Nhà Thờ Thánh Maria In Dấu Chân (tiếng Ý: Chiesa di Santa Maria delle Piante, tiếng Latinh: Sanctae Mariae in Palmis), nhưng người bình dân gọi nó là Nhà Thờ Domine Quo Vadis (Lạy Chúa, Chúa Đi Đâu). Nó tọa lạc trên Đường Appian, phía đông nam Rôma, cách Cổng San Sebastino chừng 800 mét và đã có ở đây từ năm 1637. Mặt tiền nhà thờ được xây thêm vào thế kỷ 17. Người hành hương Kinh Thành Muôn Thuở không thể nào không tới thăm ngôi thánh đường nhỏ này, nơi còn lưu giữ hai dấu bàn chân nói là của Chúa Giêsu để lại trên một phiến đá hoa cương.

Đặc biệt ở đây còn có một chiếc cột trên đó có tượng bán thân của Henryk Sienkiewicz, tác giả người Ba Lan của tiểu thuyết lừng danh mang gần cùng tên với Nhà Thờ, Quo Vadis: A Narrative of the Time of Nero (1886). Tương truyền rằng Sienkiewicz đã được cảm hứng viết cuốn truyện thời danh của ông khi ngồi trong Ngôi Thánh Đường này.

Tương truyền ấy có đúng sự thật hay không, không quan trọng, điều quan trọng là Henryk Sienkiewicz rất xứng đáng được gắn liền với hai chữ “Quo Vadis” bởi vì ông là người làm chúng được biết đến nhiều hơn khắp trên thế giới, ít nhất từ lúc cuốn Quo Vadis: A Narrative of the Time of Nero ra đời năm 1886 và đặc biệt từ năm 1951 khi cuốn phim “Quo Vadis” của Mervyn LeRoy được trình chiếu.

Là một hư cấu lịch sử, Quo Vadis thuật cuộc tình giữa người thiếu nữ Kitô hữu Ligia và chàng qúy tộc Rôma Marcus Vicinius, diễn ra tại kinh thành Rôma vào thời Hoàng Đế Neron, khoảng năm 64.

Sienkiewicz nghiên cứu Đế Quốc Rôma một cách thấu đáo trước khi viết cuốn tiểu thuyết của ông với mục tiêu trình bầy thật đúng các biến cố lịch sử. Thành thử nhiều nhân vật lịch sử có thật đã xuất hiện trong sách như Gaius Petronius, nguyên tổng trấn Bithynia; Neron, Hoàng Đế Rôma; Tigellinus, chỉ huy Vệ Binh Praetoria; Poppaea Sabina, vợ Neron, người ghen và ghét Ligia; Acte, nô lệ Đế Quốc và cựu nhân tình của Neron; Aulus Plautius, đại tướng hưu trí, từng xâm chiếm Nước Anh, không biết vợ mình và con gái nuôi Ligia theo Kitô Giáo; Pomponia Graecina, Kitô hữu tân tòng; và dĩ nhiên Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Cùng với hai nhân vật lịch sử vừa kể, xét một cách toàn diện, cuốn tiểu thuyết chuyên chở một sứ điệp phò Kitô Giáo rõ ràng.

Ngoài các nhân vật lịch sử có thật trên đây, Sienkiewicz còn nhắc đến nhiều biến cố lịch sử có thật. Năm 57 CN, Pomponia quả có bị tố cáo là thực hành một thứ “mê tín ngoại lai” (ám chỉ Kitô Giáo). Các bản khắc tại Hang Toại Đạo Thánh Callistus cũng cho thấy gia đình Graecina quả là Kitô hữu. Câu truyện Vespasian ngủ gục khi Neron hát được ghi lại trong sách Tiểu Sử Mười Hai Caesars của Suetonius. Cái chết của Claudia Augusta, đứa con duy nhất của Neron, xẩy ra năm 63 CN…

Được ấn hành từng đợt trên ba tờ nhật báo của Ba Lan năm 1885, nó xuất hiện thành sách năm 1886 và từ đó được dịch sang 50 thứ tiếng (hình như chưa có bản tiếng Việt?). Tác phẩm này góp phần khiến Sienkiewicz được Giải Văn Chương Nobel năm 1905.

Một số phim đã dựa vào tiểu thuyết Quo Vadis, trong đó có hai phim câm của Ý Quo Vadis (1913) và Quo Vadis (1924), một xuất phẩm Hollywood Quo Vadis (1951), và một phỏng theo của Jerzy Kawalerowicz: Quo Vadis (2001).

Cuốn phim của LeRoy, với kỷ lục sử dụng y phục nhiều nhất: 32,000 tất cả, là một thành công về thương mãi. Theo con số của MGM, ngay đợt trình chiếu đầu tiên, phim đã thu được $11,143,000 ở Mỹ và Canada, và $9,894,000 ở các nơi khác, biến nó thành phim có thu nhập tổng cộng cao nhất năm 1951, mang lại cho MGM $5,440,000 tiền lời. Nó được đề nghị 8 giải Academy và nhiều giải phụ.

Người con của Ba Lan

Khi viết Quo Vadis, Sienkiewics đã là một tác giả nổi tiếng ở Ba Lan rồi. Những nhân vật lịch sử Ba Lan được ông thuật lại trên báo chí đã đi vào cả lời cầu nguyện của đồng bào bình dân của ông. Nên khi Quo Vadis ra đời, đến người ngoại quốc cũng phải lưu ý. Thực vậy, ngay năm 1886, 800,000 bản đã được bán hết tại Hoa Kỳ và 2 triệu bản được tiêu thụ ở Ba Lan và Đức.

Ông tin rằng văn chương là để “nâng cao linh hồn con người” và ông hết sức hữu hiệu trong công việc này. Khi nói đến cuộc đấu tranh của các nhân vật trong Quo Vadis, Sienkiewicz giải thích sự hứng khởi của ông như sau: “Tôi bị sử gia Tacitus lôi cuốn nhiều hơn cả. Dựa vào Cuốn Biên Niên Sử của ông, tôi thường được kích thích bởi ý tưởng muốn dùng hình thức văn chương trình bầy hai thế giới trong đó, một thế giới là guồng máy cai trị toàn năng của quyền lực thống trị và thế giới kia chỉ đại diện cho sức mạnh tinh thần. Ý tưởng tinh thần chiến thắng quyền lực trần thế lôi cuốn tôi trong tư cách một người Ba Lan”.

Ý tưởng ấy bàng bạc trong ba cuốn sách thời danh của ông trước đó. Thực vậy, liên tiếp trong các năm 1884-1888, ông lần lượt cho xuất bản các cuốn Bằng Lửa và Kiếm, nói đến trận đánh của người Ba Lan chống bọn Cossacks, Hồng Thủy nói tới cuộc Xâm Lăng Ba Lan của Thụy Điển mà đỉnh cao xẩy ra tại Częstochowa, và Lửa ở Thảo Nguyên (còn có tên là Ngài Michael) nói về các trận đánh chống đế quốc Ottoman Hồi Giáo. Ba cuốn này nổi tiếng suốt hơn 100 năm qua và hiện nay là sách đọc bắt buộc của tuổi trẻ Ba Lan. Ngay trong thời Cộng Sản, các bản in mới ra lò cũng đã được tiêu thụ hết nội trong ngày đầu mới phát hành.

Về công trình của Sienkiewicz, tiểu thuyết gia lịch sử Hoa Kỳ, James Michener, viết rằng “Ba cuốn này là sách thánh thiêng… Sienkiewicz viết Quo Vadis cho toàn thế giới và thế giới ôm nó vào lòng. Ông viết ba cuốn sách này cho nhân dân Ba Lan và họ hòa nhập chúng vào linh hồn họ”.

Ông sinh năm 1846 tại Wola Okrzejska, vùng bị Nga chiếm đóng. Phía cha ông tích cực trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ba Lan, phía mẹ ông nhấn mạnh tới khoa sử học. Cả hai sợi chỉ này đều tối cần trong công trình văn chương của ông. Các công trình này nhằm nói với người Ba Lan về ý nghĩa việc làm người Ba Lan của họ. Ông nói: “Người Ba Lan nào không mang trong linh hồn mình lý tưởng độc lập đều là kẻ phản bội cách nào đó”. Một số người Ba Lan tiến xa đến độ ghim cả các trang sách của ông lên áo để nhắc nhở họ nhớ tới cuộc đấu tranh giành độc lập.

Năm 1905, ông được giải thưởng văn chương Nobel, không hẳn vì một tác phẩm cá biệt nào, mà vì thành tựu văn chương nói chung của ông. Khi lãnh giải, ông tuyên bố rằng giải thưởng này là một vinh dự đặc biệt vì ông là người con của Ba Lan: “Bà [Ba Lan] bị người ta tuyên bố đã chết, thế nhưng đây là bằng chứng Bà còn tiếp tục sống… Bà bị người ta tuyên bố là bại trận, và đây là bằng chứng Bà đang chiến thắng”.

Sienkiewicz chết ngày 15 tháng 11 năm 1916, ở Vevey, Thụy Sĩ, vì bệnh tim. Khi Ba Lan được độc lập sau đó 2 năm, xác ông được đưa về Warsaw và được chôn cất tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Gioan. Khắp Ba Lan, nhiều đường phố, công trường, công viên và trường học đặt tên theo ông. Và, như trên đã nói, ở Rôma có tượng đồng bán thân của ông ở Nhà Thờ Domine Quo Vadis.

Hy vọng rằng nhân dân Ba Lan, và nhất là tuổi trẻ Ba Lan, đối với câu hỏi "Quo Vadis", sẽ đồng thanh trả lời như ông rằng đi về hướng chiến thắng của tinh thần, đi về hướng văn minh sự sống, văn minh tình thương, như một người Ba Lan khác, nổi danh không kém, cũng luôn tự hào về dòng máu Ba Lan của mình là Thánh Giáo Hoàng Goan Phaolô II, Cha Đẻ của Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thác Bản Giốc
Dominic Đức Nguyễn
19:00 21/07/2016
THÁC BẢN GIỐC
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Đây trời nghiêng sóng trào nước đổ
Đây mưa phun khói tỏa ngày đêm
Đây bảy sắc cầu vồng bay múa
Khi ngày về núi đỡ mặt trời lên.
(KD)