Ngày 20-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chung đụng với lúa miến và cỏ lùng
Lm Trần Bình Trọng
02:35 20/07/2008
CHUNG ÐỤNG VỚI LÚA MIẾN VÀ CỎ LÙNG

Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm A (Kn 12:13, 16-19; Rm 8:26-27; Mt 13:24-43)

Ðể giúp người nghe hiểu về sự phát triển của nước Trời, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm. Dụ ngôn về hạt cải ám chỉ nước Trời bắt đầu rất nhỏ bé như hạt cải với việc chọn có mười hai tông đồ. Dụ ngôn nắm bột dậy men ám chỉ việc bành trướng của nước Chúa lúc đầu cũng nhỏ bé. Và nước Trời được ví như một thửa ruộng được gieo hạt giống. Trong khi người gieo giống thiếp ngủ, thì kẻ thù đến gieo vãi cỏ lùng vực vào ruộng lúa của chủ như Phúc âm hôm nay ghi lại: Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào ruộng lúa, rồi đi mất (Mt 13:25).

Theo ý nghĩa dụ ngôn thì lúa miến và cỏ lùng tượng trưng cho thiện và ác, sự lành và sự dữ. Thánh kinh dạy ta có sự hiện diện của sự dữ trong thế gian. Theo thần học và Thánh kinh công giáo thì thần dữ không chịu tuân phục Thiên Chúa. Như vậy sự dữ là sản phẩm của tự do mà Thiên Chúa đã ban cho loài thụ tạo: cho thiên thần cũng như loài người. Lucifer vì bất tuân phục Thiên Chúa, nên đã trở thành thần dữ. Ađam vì không vâng lệnh Thiên Chúa nên đã để cho tội lỗi lọt vào thế gian..

Vì thế bao lâu con người còn tại thế, thì thiện ác, tốt xấu, vẫn xen lẫn nhau như lúa miến và cỏ lùng và gây xung đột trong lòng người. Kẻ thù của nước Trời hằng rình chực lúc con cái sự sáng ngủ mê, không tỉnh thức cầu nguyện, không sống và thực hành lời Chúa, để gieo vãi cỏ dại là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu vào tâm hồn loài người. Dưới chiêu bài tự do: tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tôn trọng quan điểm cá nhân, người ta tự do gieo vãi hạt giống cỏ lùng vào thế gian, trong xã hội ta đang sống bằng đủ mọi phương tiện truyền thông xã hội như sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, mạng tin tức hầu làm tắc nghẽn lời Chúa, làm sa đoạ lòng người, làm lũng đoạn vườn nho của Giáo hội. Tội ác phạm đến Chúa, đến tha nhân và đến chính mình xẩy ra hằng phút trên thế giới.

Loài người thường có khuynh hướng hay đổ lỗi cho quỉ. Hễ cái gì xấu xa, dơ bẩn hay tội lỗi, thì cho là tại quỉ. Vì thế mà người ta ví nghịch như quỉ, xấu như quỉ, ác như quỉ.. Có lẽ người ta ví nghịch như quỉ cho nên hoạ sĩ mới hay vẽ hình thằng quỉ có cái đuôi dài? Mà thực vậy, hễ con vật gì có đuôi dài là nó thường nghịch, chẳng hạn như con khỉ. Về phương diện này thì kể ra cũng tội nghiệp cho thằng quỉ. Không biết còn gì giống như quỉ nữa không? Có một linh mục Việt Nam kia, trước khi qua Mỹ tu nghiệp có gặp một linh mục Mỹ, học làm linh mục cho giáo phận Ðà nẵng, sau khi mãn lính Mỹ ở Việt Nam. Linh mục người Mỹ nói với linh mục người Việt: ‘Cha cứ sang đó mà coi. Nó lạnh như quỉ vậy!’ Ông cha Việt nam nghĩ bụng từ trước tới nay đọc sách nói về hoả ngục với lửa sinh lửa diêm, thì phải nóng chứ. Sao bây giờ ông cha Mĩ lại ví: nó lạnh như quỉ vậy?

Hôm nay mỗi người cần nhận thức rằng nhiều cám dỗ để làm bậy là do khuynh hướng xấu trong con người chứ không hẳn là do ma quỉ bầy đặt. Ðó chính là điều mà Thánh Phaolô đã nhận ra là có hai khuynh hướng hay hai lề luật phản nghịch nhau nơi loài người: Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lí trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi (Rm 7:22-23). Thánh Phaolô muốn nói là thần trí ta muốn vươn lên, nhưng xác thịt cứ kéo ghì ta xuống.

Gương xấu và sự dữ trong thế gian giống như cỏ lùng, có thể gây ảnh hưởng xấu và làm hại ta bất cứ lúc nào. Và hậu quả của sự dữ có ảnh hưởng đến người xung quanh, tốt cũng như xấu. Ðể bảo vệ mùa gặt lúa trong Phúc âm hôm nay, đầy tớ đề nghị với chủ phải nhổ cỏ lùng. Tuy nhiên chủ lại bảo phải để cỏ lùng mọc chung với lúa miến, cho tới mùa gặt là lúc mà người ta mới có thể dễ dàng tách biệt lúa ra khỏi cỏ. Chủ trương để cỏ lùng mọc chung với lúa miến cho tới mùa gặt nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và lòng khoan dung của Người mà ta cần phải học. Biết đâu người gian ác được ơn sám hối để trở lại cùng Chúa như sách Khôn Ngoan hôm nay ghi lại: Ngài đã cho con cái niềm hi vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối (Kn 12:19). Có những người có thể phản đối giải pháp trì hoãn này. Lý do họ đưa ra là nếu Giáo hội hay nước Chúa ở trần gian là phương tiện cứu rỗi thì phải diệt cội rễ của sự dữ và nết xấu. Tuy nhiên thời giờ tách biệt thiện hảo ra khỏi gian ác một cách hiệu quả và toàn diện thì chưa tới lúc. Bài học thứ hai ta cần học là thời giờ phán xét cũng là của Chúa và thuộc về Chúa.

Còn bài học thứ ba ta có thể rút tỉa trong Phúc âm hôm nay là việc thiện cũng như thói xấu đều bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, nảy mầm từ những cám dỗ phạm những lỗi nhỏ, rồi đưa đến tội tầy đình. Việc luyện tập nhân đức cũng phải bắt đầu bằng những việc nhỏ bé dễ dàng. Vì thế mà ta cần luyện tập để thắng lướt những cám dỗ nhỏ trước để lấy đà hầu có thế thắng vượt cám dỗ lớn. Muốn được như vậy, ta phải tỉnh thức cầu nguyện, luyện tập nhân đức để có thể chống trả cám dỗ. Bao lâu còn tại thế, ta phải chung đụng với lúa miến và cỏ lùng: chung đụng với sự lành và sự dữ, tốt xấu và thiện ác. Vì thế ta phải canh chừng kẻo bị cỏ lùng lấn át.

Lời nguyện xin cho được ơn đứng vững trước cỏ lùng:

Lạy Chúa, mọi công trình Chúa tạo dựng đều là tốt đẹp.
Mà tội lỗi của thần dữ và ông bà nguyên tổ đã làm ra xấu.
Xin cho con được nhận thức rằng bao lâu còn tại thế
con phải chung đụng giữa cỏ lùng và lúa miến
trong xã hội loài ngưòi cũng như trong chính bản thân con.
Xin cho những người đang gieo vãi cỏ lùng vào thế gian
có được tâm hồn biết kính sợ Chúa.
Và xin cho con được đứng vững, khỏi bị cỏ lùng lấn át. Amen.
 
Theo bước chân Ngài!
Sa Mạc Hồng
10:44 20/07/2008
Theo bước chân Ngài!

Con lần bước theo Ngài
Từ khi còn nhỏ bé giữa cuộc đời
Thấy lúa chín vàng trĩu hạt
Cỏ dại chen đầy cánh đồng xanh
Mùa gió chướng che lấp ánh bình minh
Con nghĩ đến thân phận mình
Cũng chỉ là cánh phù du trong cuộc sống
Mai này hết kiếp người
Sang bên kia cõi đời
Con không biết nói sao với Ngài
Về cánh đồng lúa chín
Và cỏ dại lan tràn trong cơn gió chướng
Nên con đã lần bước theo Ngài
Khi không còn ngây thơ giữa cuộc đời
Con mới biết phận người yếu đuối
Bước chân Ngài, trên đỉnh yêu thương
Ngài ra đi từ cõi miên trường
Con chỉ là hạt cát bé nhỏ
Lần bước theo Ngài quá đỗi mênh mông
Những đồi núi chập chùng
Sa mạc dài nóng bỏng
Nước chảy xiết của giòng sông
Con lo sợ chùn chân ngập ngừng
Chén đắng ngày xưa làm Ngài mướt máu
Con muốn ngoảnh mặt làm ngơ
Bước theo Ngài biển rộng không bờ
Con cô đơn bên giòng người náo nức
Và đói lòng giữa buổi rụng Manna
Rồi cơn khát nơi nguồn suối ngọc ngà
Chuá ơi! Sao Chúa bỏ con như thế? (Mt27:46)
Lời Ngài vọng từ cây Thánh giá
Đến hôm nay và mãi thiên thu
Qua những cánh đồng lúa chín bao la
Hàng vạn con tim vẫn nghe và vẫn biết
Vẫn bước theo Ngài lên đỉnh yêu thương
Của nhân tâm trong cõi vô thường!
 
Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta...
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:09 20/07/2008
Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp

(Roma 8:26-27)

Từ Chúa Nhật Thứ XIV Mùa Thường Niên năm nay, Hội Thánh đã dùng Chương 8 của Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma mà nhắc nhở chúng ta rằng, tuy đã trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng thiên về tội lỗi bởi tội Ađam gây ra. Vì thế trong con người chúng ta luôn có sự giằng co giữa xác thịt và tinh thần. Nếu sống theo xác thịt thì chúng ta sẽ chết. Nếu sống theo tinh thần, tức là theo Chúa Thánh Thần, thì chúng ta sẽ trở thành con cái Thiên Chúa và được đồng thừa tự với Đức Kitô miễn là chúng ta bằng lòng chịu đau khổ với Người.

Tuần trước Thánh Phaolô cho chúng ta thấy một niềm hy vọng để vui lòng chịu đau khổ là những đau khổ đời này không thể so sánh với những vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài. Muốn được như thế chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi và sống trung tín đến cùng. Tuần này Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta vai trò của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện, vì chỉ nhờ cầu nguyện mà chúng ta mới có thể đi đến cùng và đạt được niềm hy vọng đang đón chờ chúng ta.

26 - Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp

Trong bài Thánh Thư hôm nay, Thánh Phaolô lại nhắc cho chúng ta rằng đừng cậy vào sức mình. Muốn bền vững đến cùng chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần vì chúng ta rất yếu đuối.

Muốn Chúa Thánh Thần giúp đỡ thì chúng ta cần cầu nguyện. Mà chính trong việc cầu nguyện nhiều khi chúng ta cũng không biết phải cầu nguyện ra sao. Khi nghe Thánh Phaolô nói rằng “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp”, tôi mới tự xét mình và thấy ngài nói rất đúng. Nhiều khi mình đọc kinh một cách máy móc thay vì cầu nguyện. Nhiều khi mình đến với Chúa để xin xỏ nhiều hơn là cầu nguyện. Nhiều lần thay vì cầu nguyện thì tôi đã đặt điều kiện với Chúa “Nếu Chúa cho con cái này cái nọ thì con sẽ làm việc này việc kia cho Chúa”. Mà còn có lần tôi đến để “trách” Chúa. Tại sao thế? Tại vì tôi đã cầu nguyện theo ý riêng của mình, theo sự yếu đuối của mình. Khi tôi dựa vào tình cảm, nhu cầu và dự tính của mình mà không dựa vào Tình yêu và Thánh Ý của Thiên Chúa để cầu nguyện là tôi đã “không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp”. Đôi khi cầu nguyện như thế còn có hại cho tôi, bởi vì những gì tôi muốn chưa chắc đã tốt cho tôi, mà nếu không nhận được chúng thì tôi đâm ra mất niềm tin và trách móc Thiên Chúa.

Chính vì chúng ta yếu đuối mà Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta. Thật ra nếu chúng ta sống trong ân sủng thì Chúa Thánh Thần cũng đang âm thầm sống và hoạt động trong chúng ta, miễn là chúng ta biết phó thác cho Ngài. Ngài sẽ lẳng lặng cầu bầu cùng Chúa Cha cho chúng ta, và Chúa Cha cũng nhận ra lời cầu nguyện này của Chúa Thánh Thần.

Sự yếu đuối của chúng ta chính là cánh cửa mở ra để ân sủng của Chúa Thánh Thần có thể vào mà hoạt động trong chúng ta. Khi nhìn nhận mình yếu đuối và để Chúa Thánh Thần toàn quyền hoạt động trong mình, thì Ngài sẽ biến những yếu đuối của chúng ta thành mạnh mẽ. Ý thức được điều đó, nên Thánh Phaolô đã viết, “tôi rất hân hoan hãnh diện về những yếu đuối của tôi, để quyền năng của Ðức Kitô được ở trong tôi. Vì thế tôi chấp nhận sự yếu đuối, nhục nhã, khổ cực, ngược đãi, khốn cùng vì Ðức Kitô. Bởi khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cor 12:9-10).

nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả.

Cầu nguyện không cần phải phát ra bằng lời nói. Khi Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện, Ngài đến với chúng ta trong tình trạng yếu đuối của chúng ta. Ngài tự đồng hóa với chúng ta, cho nên Ngài cũng rên siết với chúng ta “bằng những tiếng than khôn tả”. Rên siết là dấu chỉ của đau khổ, của chịu đựng, của đợi chờ. Như thế trong cầu nguyện, chính Chúa Thánh Thần đồng hành với chúng ta và cùng chia sẻ những đau khổ của chúng ta, để giúp chúng ta cầu nguyện theo Thánh Ý Chúa Cha trong khi đợi chờ ngày vinh quang mà Chúa đã hứa. Nhìn nhận sự yếu đuối của mình là bước đầu của việc cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần và Ngài sẽ biến những lời cầu nguyện trong đau khổ và rên siết của chúng ta thành hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

27. Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Đấng Thấu Suốt Tâm Hồn là từ trong Cựu Ước để nói về Thiên Chúa (1 Sam 16:7; 1 Vua 8:39; Tv 7:11; 17:3; 139:1-4). Nhưng ý định của con người thường thì không được hoàn toàn ngay lành, tốt xấu lẫn lộn như lúa mì và cỏ lùng mọc chung. Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ chúng ta nghĩ gì khi chúng ta cầu nguyện, hay làm việc lành với mục đích gì. Thánh Vịnh 139 viết “Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:2-4). Khi ý thức được điều này, chúng ta mới tìm cách thanh lọc tư tưởng để nó trở nên ngay lành hơn trước mặt Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần can thiệp tận cung lòng con người, là nơi chúng ta không thể che dấu được một điều gì, cho nên Ngài thấy rõ sự yếu hèn, cũng như phẩm giá của chúng ta. Vì thế khi cầu bầu cho chúng ta, Chúa Thánh Thần biết điều gì tốt cho chúng ta để cầu xin cùng Chúa Cha thay cho chúng ta. Thiên Chúa nhận ra sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện.

Đồng thời vai trò của Chúa Thánh Thần cũng là giúp chúng ta phân biệt được đâu là ý riêng của mình và đâu là Thánh Ý Chúa để chúng ta có thể điều chỉnh lại tâm hồn mình trong khi cầu nguyện. Nhờ đó chúng ta có thể nhận ra Thánh Ý Chúa và biết “Xin Vâng.” Khi ấy lời cầu nguyện của chúng ta sẽ xứng hợp và đáng được Thiên Chúa nhậm lời.

Lạy Chúa đã bao lần con đến cùng Chúa với một tâm hồn ích kỷ. Trong khi cầu nguyện con chỉ biết xin Chúa làm theo ý con mà không biết lắng nghe Lời Chúa để biết ý Chúa mà tuân hành. Xin dạy cho con biết khiêm nhường và ý thức được rằng Chúa luôn thấu suốt lòng con, để con hợp tác với Chúa Thánh Thần mà làm theo Thánh Ý Chúa trong mọi giây phút của đời con. Như thế con để Chúa Thánh Thần biến đời con thành đời cầu nguyện đẹp lòng Chúa. Lạy Mẹ là Đấng luôn luôn biết cầu nguyện bằng một tiếng “Xin Vâng”, xin giúp con biết noi gương Mẹ luôn làm theo Thánh Ý Chúa. Lạy Thánh Phaolô, xin cầu bầu cho con để con biết sống trong Chúa như ngài đã sống. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 20/07/2008
CHẺ CỦI.

N2T


Đây là mấy hàng chúc mừng của vị đại sư Dan-zong đã viết sau khi thấu hiểu đạo lí,:

- “Tôi chặt cây, kín nước giếng”, là việc lạ làm cho nhiều người kinh ngạc !

Rất nhiều người đối với việc chặt cây, kín nước như thế là việc thường làm trong cuộc sống, hoàn toàn không cảm thấy kinh ngạc. Một người sau khi thấu hiểu đạo lí, không có gì thật là thay đổi, tất cả đều như cũ, chỉ là trong giây phút này trong lòng anh rất kinh ngạc không thôi. Cây vẫn là cây, người khác vẫn là hình dáng cũ, anh vẫn là anh, cuộc sống cũng không có gì khác nhau. Có lẽ so với quá khứ thì tinh thần vẫn giống nhau không ổn định, tính nết tốt, người thông minh và ngu đần, cái không giống nhau lớn nhất là anh dùng cách nhìn không giống nhau để nhìn tất cả, và vượt qua tất cả việc này, cho nên lòng của anh kinh ngạc mãi không thôi !

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Người ta đi chặt cây làm củi, gánh nước giếng hoặc phục vụ người khác là chuyện bình thường, và họ cho đó là việc phài làm của người bình thường, cho nên khi thấy một ông quan, một linh mục hay một giám mục chặt cây làm củi, gánh nước hay phục vụ người khác thì họ lấy làm lạ, và có khi phê bình: các ngài không nên làm như thế, vì đó là việc của những người thấp cổ bé họng chúng tôi. Họ chưa thấu hiểu đạo lý.

Có một vài linh mục thấy thân phận mình quá cao quý nên chưa bao giờ xuống bếp nấu cơm, chưa bao giờ rót ly nước phục vụ tha nhân, chưa bao giờ ngồi đồng bàn với người nghèo khổ, chưa tự mình phục vụ cho mình, tất cả đều nhờ người khác làm, vì các ngài cho rằng làm như thế là hạ giá của mình xuống thấp: các vị này chưa thấu hiểu đạo lý.

Đại sư Dan-zong đã hiểu đạo lý khi chặt cây, gánh nước, bởi vì ngài thấu hiểu đạo lý làm người.

Chúa Giê-su là Thiên Chúa cao cả, nhưng Ngài đã xuống thế mang thân phận con người, đó là đạo lý vĩ đại mà Ngài đã thực hiện và muốn truyền đạt lại cho các môn đệ và những kẻ tin vào Ngài: phục vụ là kết nối giữa người với nhau.

Phục vụ mình và phục vụ tha nhân, dứt khoát là không làm hạ giá trị của mình, ngược lại nó làm cho giá trị phẩm chất của mình càng được nâng cao hơn, không những trước mặt Thiên Chúa mà còn trước mặt người ta nữa.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:21 20/07/2008
N2T


14. Thiên Chúa là căn nguyên của đồng tâm hiệp ý, dạy chúng ta cầu nguyện cho mọi người là muốn thế nhân có một tâm một đức, không phân biệt anh và tôi, giống như Thiên Chúa chăm sóc tất cả mọi người đều như nhau vậy.

(Thánh Cyprian)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
WYD2008 đã khép lại: nhưng lửa trong tim vẫn bập bùng... và một khung trời kỉ niệm khó quên!
VietCatholic Network
02:27 20/07/2008
Đức Thánh Cha Benedictô XVI nói với các bạn trẻ hôm Chúa Nhật 20.7.2008 ngày bế mạc WYD 2008 như sau: "Đã đến lúc Cha phải nói lời từ biệt – hay đúng hơn, tạm biệt! Cha cảm ơn tất cả các con đã tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 ở Sydney nơi đây, và Cha ước mong được gặp lại các con vào 3 năm tới. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 sẽ được tổ chức tại Madrid, Tây-ban-nha. Từ đây đến đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, và hãy hân hoan làm chứng cho Đức Kitô cho toàn thể thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các con".



Toàn cảnh khu Lễ Hội Randwich-Sydney



Bàn thờ dâng Thánh Lễ và hình chim bồ câu tượng trưng Chúa Thánh Thần



Đức Thánh Cha tiến lên bàn thờ trước biển người...



Hằng trăm giám mục từ mọi giáo phận trên thế giới



Hàng ngàn linh mục giáo sĩ thế giới



Biển người rực rỡ muôn mầu năm châu bốn bể...
 
WYD 2008: Lễ Bế Mạc (Phần I)
VietCatholic Network
03:11 20/07/2008
“Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con” (Cv 1:8). Chúng ta đã chứng kiến lời hứa này được thực hiện! Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi chúng ta nghe bài đọc một, Thiên Chúa Phục Sinh ngự bên hữu Đức Chúa Cha, đã sai Thánh Thần xuống trên các môn đệ đang tụ họp nơi Phòng Tiệc Ly. Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.

Trong mấy ngày vừa qua Cha cũng đã đến đây, trong vai trò Người Kế Vị Thánh Phêrô, đến với đất nước Úc Châu mênh mông xinh đẹp. Cha đến đây để củng cố niềm tin của các con, các bạn trẻ thân mến, và để khuyến khích các con mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Thánh Thần Đức Kitô và những hồng ân của Ngài. Cha cầu xin rằng cuộc tập họp vĩ đại của các con nơi đây, đã liên kết giới trẻ “từ khắp các dân thiên hạ” (Cv 2:5), sẽ là một Phòng Tiệc Ly mới. Xin ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa xuống trong tâm hồn các con, kết hợp các con ngày càng chặt chẽ với Thiên Chúa và Giáo Hội Ngài, và sai các con ra đi, một thế hệ tông đồ mới, để đem thế giới đến với Đức Kitô!
 
Thông cáo báo chí về lễ bế mạc ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney
Nguyễn Việt Nam
05:39 20/07/2008
Tại cuộc họp báo tại WYD International Media Centre vào 3:45 chiều nay, Chúa Nhật 20/7/2008, ban tổ chức cho biết có 400,000 bạn trẻ đã đến dự Thánh Lễ Bế Mạc diễn ra vào 10 giờ sáng cùng ngày.

Thông cáo ghi nhận: “Sau một tuần lễ cử hành khắp Sydney, các nhà tổ chức WYD ở cấp địa phương đã xúc động với sự hiện diện của 400,000 bạn trẻ tại trường đua Randwick ngày hôm nay”.

Trưởng ban điều hành Danny Casey cho rằng World Youth Day tại Sydney là một thành công cho thành phố này cũng như cho Giáo Hội Công Giáo tại Australia.

“Thật là một cảnh ngoạn mục khi thấy hơn 400,000 bạn trẻ đã dự thánh lễ trong một ngày Chúa Nhật có bầu trời xám xịt”.

“Chắc chắn chưa có một thánh lễ Công Giáo nào đông đảo như thế đã được cử hành ở đất nước này”

Trong suốt tuần qua, mưa dai dẳng tại hầu hết thủ phủ các tiểu bang trên toàn quốc Úc Đại Lợi. Thậm chí tại Perth, một cơn bão đã làm thiệt hại tới hơn 24,000 nóc gia. Nhưng Sydney lại hưởng một tuần nắng ấm.

Bất cứ cơn mưa nào diễn ra hôm thứ Ba, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bẩy và Chúa Nhật đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh hoạt của ngày Quốc Tế Giới Trẻ. May thay, không có một cơn mưa nào trong những ngày qua.

Hơn 200,000 bạn trẻ đã ngủ lại đêm sau nghi thức canh thức diễn ra hôm thứ Bẩy.

Đức Thánh Cha đã gọi Australia là “Mảnh Đất Phương Nam Bao La của Chúa Thánh Linh”. Ngài đã nhiệt liệt vẫy tay chào các bạn trẻ đang nhiệt tình chào đón ngài khi ngài di chuyển chung quanh một biển người khổng lồ.

Đức Thánh Cha đã cám ơn thành phố Sydney và loan báo lần Đại Hội Giới Trẻ sắp tới sẽ diễn ra năm 2011 tại Madrid, Tây Ban Nha.

Lm Mark Podesta, phát ngôn viên WYD 08, người được đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ bế mạc cho rằng WYD là một tuần lễ “Không thể nào quên”.

Sau khi cử hành thánh lễ ban phép lành cho những tình nguyện viên vào sáng Thứ Hai 21/7, lúc 10h sáng Đức Thánh Cha sẽ ra phi trường Sydney, đón máy bay cuả hãng Hàng Không Quantas về lại Rôma.
 
WYD 2008: Lễ Bế Mạc (Phần II)
VietCatholic Network
05:44 20/07/2008
Trong mấy ngày vừa qua Cha cũng đã đến đây, trong vai trò Người Kế Vị Thánh Phêrô, đến với đất nước Úc Châu mênh mông xinh đẹp. Cha đến đây để củng cố niềm tin của các con, các bạn trẻ thân mến, và để khuyến khích các con mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Thánh Thần Đức Kitô và những hồng ân của Ngài. Cha cầu xin rằng cuộc tập họp vĩ đại của các con nơi đây, đã liên kết giới trẻ “từ khắp các dân thiên hạ” (Cv 2:5), sẽ là một Phòng Tiệc Ly mới. Xin ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa xuống trong tâm hồn các con, kết hợp các con ngày càng chặt chẽ với Thiên Chúa và Giáo Hội Ngài, và sai các con ra đi, một thế hệ tông đồ mới, để đem thế giới đến với Đức Kitô!
 
WYD 2008: Lễ Bế Mạc (Phần III)
VietCatholic Network
05:45 20/07/2008
Tại Úc Châu nơi đây, “mảnh đất miền nam bao la của Chúa Thánh Thần”, tất cả chúng ta vừa trải qua một kinh nghiệm nhớ đời về sự hiện diện của Thánh Linh và sức mạnh qua các vẻ đẹp thiên nhiên. Mắt chúng ta đã được bừng mở để thấy bản chất đích thật của thế giới xung quanh: “tràn đầy” – theo lời một nhà thơ – “sự huy hoàng của Thiên Chúa”, tràn đầy vinh quang của tình ưu ái tạo dựng của Ngài. Cũng nơi đây, trong tập họp vĩ đại những người trẻ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta vừa trải qua một kinh nghiệm sống động của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và sức mạnh trong cuộc sống của Giáo Hội. Chúng ta đã chứng kiến bản chất đích thật của Giáo Hội: đó là Nhiệm Thể Đức Kitô, một cộng đồng sống động của tình thương, dung nạp mọi người thuộc đủ các chủng tộc, quốc gia và ngôn ngữ, đủ các thời đại và nơi chốn, trong sự hiệp nhất nảy sinh từ đức tin vào Thiên Chúa Phục Sinh.
 
Phỏng vấn các linh mục tham dự WYD 2008
VietCatholic Network
05:53 20/07/2008
Sáng Chúa Nhật 20/7, khi nhiều người hành hương vẫn còn đang ngái ngủ sau đêm Canh Thức tại Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế ở Sydney, VietCatholic đã có cuộc phỏng vấn sau đây với các linh mục Việt Nam tham dự Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế.
 
WYD 2008: Lễ Bế Mạc (Phần IV)
VietCatholic Network
06:22 20/07/2008
Đức Thánh Cha đã gọi Australia là “Mảnh Đất Phương Nam Bao La của Chúa Thánh Linh”. Ngài đã nhiệt liệt vẫy tay chào các bạn trẻ đang nhiệt tình chào đón ngài khi ngài di chuyển chung quanh một biển người khổng lồ.

Đức Thánh Cha đã cám ơn thành phố Sydney và loan báo lần Đại Hội Giới Trẻ sắp tới sẽ diễn ra năm 2011 tại Madrid, Tây Ban Nha.

Lm Mark Podesta, phát ngôn viên WYD 08, người được đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ bế mạc cho rằng WYD là một tuần lễ “Không thể nào quên”.

Sau khi cử hành thánh lễ ban phép lành cho những tình nguyện viên vào sáng Thứ Hai 21/7, lúc 10h sáng Đức Thánh Cha sẽ ra phi trường Sydney, đón máy bay cuả hãng Hàng Không Quantas về lại Rôma.
 
Đức Thánh Cha thúc giục các bạn trẻ có vấn đề hãy chọn Sự Sống
Paul Anh
06:58 20/07/2008
Đức Thánh Cha thúc giục các bạn trẻ có vấn đề hãy chọn Sự Sống

Để họ có thể trở nên những vị Đại Sứ của Niềm Hy Vọng

SYDNEY, Úc Châu (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 thúc giục một nhóm bạn trẻ tại trung tâm phục hồi hãy trở thành những vị đại sứ của niềm hy vọng và giúp đỡ những bạn trẻ quậy phá khác biết chọn sự sống.

Đức Thánh Cha đưa ra những lời thúc giục kể trên sau khi gặp gỡ một nhóm các bạn trẻ khuyết tật và thiếu may mắn tại Sydney. Những bạn trẻ này là những thành viên của cộng đồng phục hồi tại trường Đại Học Notre Dame.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra ngay lúc nối tiếp việc diễn lại các Chặng Đường Thánh Giá, một trong những sự kiện của Ngày Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ Thế Giới.

Đức Thánh Cha đã được vị Chủ Tịch của trường Đại Học Notre Dame chào đón, và được hướng dẫn đến nhà nguyện Trái Tim Cực Thánh Chúa. Tại đó, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ những bạn trẻ đã từng có quá khứ đen tối như: nghiện ngập ma tuý và những vấn nạn khác, đang theo học chương trường phục hồi "Sống Lại" (Alive) của nhà trường.

Tên của chương trình phục hồi này có được là do sự tập trung vào những lời nhận xét của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16. Qua đó, Ngài nhắc lại những ngôn từ của Ông Môisê trong Sách Cựu Ước rằng:

"Ta đặt trước ngươi sự sống hay cái chết, sự chúc phúc hay sự nguyền rủa. Vậy thì ngươi hãy chọn Sự Sống, để cho chính ngươi và hậu duệ của ngươi có thể sống trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Chúa của ngươi, [.....] vì nơi đó cuộc sống của ngươi được hiện hữu."

Đức Thánh Cha giải thích:

"Rõ ràng đó chính là điều mà họ đã làm, họ đã quay trở ngược với các thứ thần khác để tôn thờ chỉ một Thiên Chúa thật, Đấng đã tự tỏ mình ra cho Môisê - và họ phải tuân theo những lệnh truyền của Môisê. Các con từ đó có thể liên tưởng đến những gì đang xảy ra trong thế giới ngày nay, khi mà mọi người bắt đầu thồ phụng vào những thứ thần giả tạo khác.

Hoặc thậm chí đôi lúc họ thờ đến 'những thứ thần khác' mà không hề nhận ra. Những thứ 'thần linh' giả tạo [....] luôn luôn gắn kết qua việc tôn thờ ba thứ như: sự chiếm hữu về mặt vật chất, thứ tình yêu chiếm đoạt, và quyền lực."

Thần Linh Giả Tạo

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Sự chiếm hữu về mặt vật chất, tự bản chất của chúng, là điều tốt đẹp thôi. Chúng ta không thể nào tồn tại trong một thời gian dài nếu như chúng ta không có tiền, áo quần và chổ trú ẩn. [...] Tuy nhiên, nếu chúng ta quá tham lam, nếu chúng ta từ chối chia sẽ ra những gì mà chúng ta có cho những người đói và nghèo khổ, thì nghĩa là chúng ta biến sự sở hữu vật chất của chúng ta thành việc tôn thờ một thứ thần linh giả tạo.

Có bao nhiêu tiếng nói trong xã hội vật chất của chúng ta ngày nay, vốn nói với chúng ta rằng: hạnh phúc được tìm thấy bằng việc sở hữu càng nhiều những thứ xa xỉ khác thì càng tốt? Thì đây chính là cách biến sự sở hữu vật chất vào việc tôn thờ một thứ thần linh giả tạo. Thay vì mang vào sự sống, chúng chỉ mang đến sự chết cho chúng ta mà thôi.

Tình yêu đích thức rõ ràng là một cái gì đó tốt đẹp. Khi chúng ta yêu thương, chúng ta hoàn toàn trở nên chính bản thân của chúng ta trong tư cách là những con người thực. Thế nhưng [.....] con người thường hay nghĩ là họ đang được yêu, khi thật sự họ đang bị chiếm hữu hay bị lôi cuốn.

Con người thường hay đối xử với những người khác như là những đối tượng hay vật thể hòng làm thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình. [....] Thật là dễ dàng khi bị lừa bịp bởi rất nhiều tiếng nói trong xã hội của chúng ta - hòng luôn cố cổ võ cho một cách tiếp cận buông thả về dục tính, mà không hề ngó ngàng gì tới sự khiêm tốn, lòng tự trọng hay các giá trị về đạo đức luân lý vốn mang lại chất lượng thật sự đến cho các mối quan hệ của con người!"

Những Chọn Lựa Can Đảm

Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 nói tiếp:

"Sức mạnh mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta để biến đổi thế giới chung quanh chúng ta thì rõ ràng đó là một thứ gì đó rất tốt. Nếu được sử dụng một cách đúng đắn và có trách nhiệm, thì nó sẽ cho phép chúng ta hoán chuyển cuộc sống của những người khác [.....] Tuy nhiên, sức mạnh đó lại có sức quyến rũ làm sao, vốn khiến xui chúng ta dùng nó cho lợi ích riêng của chúng ta, hòng tìm cách để thống trị những người khác, hay để khai thác môi trường tự nhiên cho những mục đích ích kỷ của riêng chúng ta!

Sự sùng bái đến những sở hữu vật chất, sự sùng bái của thứ tình yêu chiếm đoạt, và sự sùng bái về quyền lực thường dẫn con người đến việc tự họ xem họ ngang bằng và cố gắng 'đùa giỡn với Thiên Chúa': hòng cố nắm trọn lấy quyền kiểm soát, mà không hề để ý gì cả đến sự thông thái hay những điều răn mà Thiên Chúa đã tỏ bày ra cho chúng ta được biết. Thì đây chính là con đường dẫn chúng ta đến sự chết.

Ngược lại, với việc tôn thờ chỉ một Thiên Chúa duy nhất thật sự, có nghĩa là chúng ta nhìn nhận ra nơi Ngài mới là nguồn cội của tất cả mọi thứ tốt đẹp và hoàn mỹ, [.....] thì đó mới đúng là cách chọn lấy sự sống."

Rồi Đức Thánh Cha đề cập đến những câu chuyện về đời sống cá nhận của rất nhiều thành viên trong cộng đoàn, những người đã có "những chọn lựa vốn dẫn họ xuống con đường tội lỗi, dẫu lúc đó nó có vẽ rất hấp dẫn, thế nhưng thực ra nó chỉ dẫn họ lún xâu hơn và sự đau khổ và việc bị ruồng bỏ." Và Ngài thừa nhận "sự can đảm của họ trong việc biết quay lưng trở lại để chọn lấy con đường của sự sống."

Quay Lưng Trở Lại

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Hỡi các bạn trẻ thân mến của Cha, Cha nhìn thấy nơi chúng con trong tư cách là những vị đại sứ của niềm hy vọng cho những người khác trong những hoàn cảnh tương tự. Các con có thể thuyết phục họ về việc chọn lấy con đường của sự sống, và hãy từ bỏ đi con đường của sự chết, vì các con nói với họ về những điều này từ chính kinh nghiệm của riêng các con.

Chính qua tất cả các Sách Phúc Âm mà những người lầm lạc xưa kia đã quay trở về, và đặc biệt đã được Chúa Giêsu yêu thương bởi vì họ đã có lần biết nhận ra lầm lỗi của họ, để từ đó họ biết mở rộng ra cho sứ điệp chữa lành của Ngài.

Chính họ là những người sẳn sàng gầy dựng lại cuộc sống của họ, để luôn sẳn sàng trong mọi lúc mọi nơi hòng lắng nghe Chúa Giêsu và trở thành các môn đệ của Người. Các con cũng vậy, các con có thể nối tiếp theo những bước chân của họ, các con cũng có thể lớn lên một cách rất gần gũi bên cạnh Chúa Giêsu bởi vì các con đã chọn con đường để quay lại với chính Người."

T.B. Quý Vị có thể đọc trọn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha bằng Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Tây Ban Nha, vân vân. ..., với các bạn trẻ thiếu may mắn này tại địa chỉ: http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2008/july/documents/hf_ben-xvi_spe_20080718_darlinghurst_en.html
 
Madrid, thủ đô Tây Ban Nha sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2011
Bùi Hữu Thư
07:07 20/07/2008

Thủ đô Tây Ban Nha sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2011



SYDNEY, Úc 19, tháng 7, 2008 (Zenit.org).- Vào lúc cuối của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cho giới trẻ hay ngài sẽ gặp lại họ tại Madrid năm 2011.

Sau khi dân chúng cầu kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật ngay sau lúc 12 giờ địa phương, Đức Hồng Y Cardinals George Pell, tổng giáo phận Sydney và Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, đã đọc diễn văn từ biệt. Sau đó Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố địa điểm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 24.

Ngài nói, "Đã đến lúc tôi xin từ biệt – hay nói arrivederci, cám ơn tất cả các bạn đã tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, ở đây tại Sydney, tôi trông đợi sẽ gặp lại các bạn 3 năm sau. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2011 sẽ được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha."

Con số đông các bạn trẻ người Tây Ban Nha đã vui mừng đón nhận tin này bằng những tiếng hoan hô và phất lá quốc kỳ của họ.

Đức Giáo Hoàng tiếp, "Từ nay đến ngày đó... " Nhưng những tiếng hoan hô vẫn chưa dứt. Cuối cùng ngài vừa cười vừa nói: "Từ nay đến ngày đó, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau, và hãy hân hoan làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong thế gian. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn."
 
Giáo Hội Venezuela kêu gọi sẻ chia của cải với tha nhân
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:50 20/07/2008
Từ ngày 7 đến 12 tháng Bảy, Hội đồng Giám Mục Venezuela đã tổ chức phiên họp thường niên và đã công bố nhiều văn bản khác nhau:

Thư Mục vụ với chủ đề: “Hiệp nhất trong Công lý và Công bằng”.

Sứ điệp kỷ niệm 40 năm Văn kiện đúc kết Hội Nghị Medellin các giám mục Châu Mỹ Latinh, tháng 8-9 năm 1968.

Thư Mục vụ về canh tân tinh thần nhằm truyền cảm hứng cho Dân Chúa trong việc xây dựng Giáo Hội vốn dưỡng nuôi tình hiệp thông và liên đới.

Thư mục vụ nhằm khuyến khích công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Venezuela, nhằm đưa ra Chương trình mục vụ vì một Giáo Hội Đoàn Kết (mới được công bố hôm 18/7).

Trong Thư Mục vụ mới công bố, các giám mục mở đầu bằng việc nhắc lại rằng từ thuở ban đầu, Giáo Hội nhận lời truyền dạy tiếp tục sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Chúa, một công việc mà chúng ta được kêu gọi thực hiện. Như là một thành quả, thật cần thiết sống trong tình hiệp thông về của cải. Đó là “cần phải hiểu đời sống Giáo Hội, vì nó bao hàm việc sống trong tình hiệp thông với người khác”. Mặt khác “một cộng đoàn Công Giáo đích thực cần phải chia sẽ niềm vui, nỗi buồn và nhu cầu cần thiết cho các cộng đoàn Kitô giáo khác”. Các giám mục nói rằng “nguyên tắc hiệp thông là cơ sở vững chắc cho mọi khía cạnh của đời sống Giáo Hội, bao gồm cả kinh tế”, nhưng không phải kinh tế đơn thuần, vì “khi chúng ta đề cập đến chia sẻ của cải, trong vùng đất loan báo Tin Mừng, chúng ta phải tính đến cả mỗi con người chúng ta, tất cả những gì là chúng ta và cả những gì chúng ta có: tài năng, thời gian và của cải”.

Khi đề cập đến khía cạnh kinh tế, họ nói rằng: “tất cả các tín hữu cần phải biết về các nguồn ngân quỹ kinh tế mà Giáo Hội sử dụng”. Đó là 3 nguồn chính: đóng góp của các tín hữu, sự giúp đỡ từ các giáo phận khác và một số đóng góp từ nhà nước: “Biết về nguồn ngân quỹ sẽ giúp họ gánh vác tốt hơn về trách nhiệm của họ trong mỗi khu vực riêng biệt”.

“Giáo huấn của Chúa Kitô làm cho chúng ta thừa nhận rằng sự giàu có của một số người sẽ được sử dụng giúp đỡ cho những người khác nghèo khổ, Thiên Chúa là ông chủ tối thượng của những giàu có mà Ngài ban cho chúng ta. Và Ngài ban chúng cho chúng ta để chúng ta có thế quản lý chúng tốt đẹp, không chỉ cho chính bản thân chúng ta sử dụng, mà trong một cách thế đặc biệt, chúng ta chia sẻ chúng với những người thiếu thốn nhất”.

Để điều này thuận tiện hoà nhập vào các Kitô hữu trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, Hội đồng Giám Mục Venezuela đã đưa ra “Kế hoạch Giáo Hội Đoàn Kết” theo đó làm cho mỗi người Công Giáo Venezuela thừa nhận vai trò của mình là một thành viên trong toàn thể của Giáo Hội. “Nhận thức được rằng Giáo Hội của chúng ta đang trải qua những thử thách cam go, nhất là trên bình diện kinh tế và xã hội, chúng ta sẽ cảm thấy trách nhiệm cấp bách đề nghị Dân Chúa đoàn kết lại và thực hiện giáo lý về liên đới trong việc sử dụng của cải mà chúng ta có, theo kế hoạch của Đấng Sáng Tạo”. Kế hoạch về liên đới này được truyền cảm hứng từ Hội đồng Toàn Thể được cử hành vào năm ngoái.Học nhắc nhở các tín hữu rằng họ cần được sự ủng hộ, nhất là trong ánh sáng của “trách nhiệm ủng hộ Giáo Hội về nhu cầu kinh tế cũng tương xứng với trách nhiệm của các Giám Mục để bảo đảm rằng sự ủng hộ này được quản trị một cách xứng hợp.

Các Giám Mục kết thúc Thư Mục vụ bằng việc yêu cầu “Kế hoạch Giáo Hội Đoàn Kết” sẽ được đưa ra thực thi trên toàn quốc và cầu xin Đức Mẹ Coromoto ban ơn “để bổ sức tinh thần cho việc hiệp thông và liên đới”
 
Ngày Giới Trẻ không phải là một Liên hoan nhạc rock ngoài trời của Công Giáo
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:52 20/07/2008
Chủ tịch Caritas Quốc tế nói với giới trẻ Sydney rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới không phải là một Woodstock Công Giáo nhưng là một bằng chứng của Chúa Thánh Thần. (Woodstock là liên hoan nhạc rock ngoài trời khai sinh từ năm 1969 tại New York, Hoa Kỳ - ND)

Đức Hồng y Oscar Rodríguez Maradiaga xác nhận điều này trong phiên giáo lý được tổ chức hôm Thứ Bảy. Với những bài hát (Đức Hồng y cũng chơi saxophone) và những câu chuyện vui, Đức Giám Mục của Honduras nói với giới trẻ về sự cần thiết làm chứng đức tin của họ cho thế giới.

Ngài nói rằng: “Chúa thúc giục chúng ta làm chứng cho Tin Mừng của Người”. Thính giả của ngài đến từ các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha như Mexico, Puerto Rico, Cộng hoà Dominican và Venezuela, người trẻ Tây Ban Nha cũng dự khán. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng công bố Tây Ban Nha sẽ tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo vào năm 2011.

Đức Hồng y Rodríguez Maradiaga nói với giới trẻ rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới “không phải là một Woodstock Công Giáo, không có ma tuý và rượu, như một số người bảom nhưng hơn hết là một bằng chứng của Chúa Thánh Thần”.

Vì thế, ngài thúc giục giới trẻ dùng sự kiện Sydney như là sức bật giúp họ khi trở về quê hương và làm chứng cho đức tin trong cuộc sống thường nhật. Đức Hồng y nói rằng không cần làm những điều to tác nhưng hãy làm những gì cần làm trong mỗi thời khắc là tín hữu của Chúa Kitô: “Hãy đừng hạn chế hoạt động của Chúa Thánh Thần để Ngài có thể làm cho chúng ta khéo léo trong việc làm đích thực”.

Đức Hồng y cũng nhắc lại mẫu gương của Thánh Gioan Bosco khi ngài nói rằng “buồn bã và sầu muộn không ngự vào nhà ta”. Đức Hồng y Rodríguez Maradiaga giải thích rằng một người sống trong ân huệ của Thiên Chúa thì sống niềm vui đích thực, trong khi người sống trong tội lỗi thì sống trong nỗi buồn: “Các con có báo cho thế biết nỗi buồn là thế nào không? Đúng, đó là sứ mạng của chúng ta, để chiếu soi niềm vui, vì thế giới sống trong nỗi buồn và cần niềm vui”.
 
Đức Thánh Cha nói chuyện với các thanh niên bị thiệt thòi
Đỗ Hữu Nghiêm
11:02 20/07/2008
Đức Thánh Cha nói chuyện với các thanh niên bị thiệt thòi

Hãy Chọn Đường Sống Và Lánh Xa Đường Chết

SYDNEY, Úc Châu 18/7/2008 (Zenit.org).- Đây là bài nói chuyện của Đức Thánh Cha ngày Thứ Sáu tại Sydney với một nhóm thanh niên bị thiệt thòi của cộng đồng phục hồi của Trường Đại Học Dức Bà. Cuộc hội họp diễn ra tại Nhà Thờ Thánh Tâm

Các bạn thanh niên thân mến,

Hôm nay tôi sung sướng được ở với các bạn tại Darlinghurst, và ân cần chào đón tất cả các bạn tham dự vào Chương Trình “Giác Ngộ” này, cũng như Ban Nhân Sự điều hành chương trình này. Tôi cấu chúc tất cả các bạn được phúc lợi mà Cơ Quan Dịch Vụ Xã Hội Tồng Giáo Phận Sydney cống hiến và công việc thiện đang được thực hiện tại đây sẽ tiếp tục lâu dài trong tương lai

Tên chương trình các bạn đang theo đuổi gợi ý chúng tôi đặt ra câu hỏi: được “Giác Ngộ”, sống toàn vẹn cuộc đời thực sự có ý nghĩa gì? Đấy là điều chúng ta cần, khi chúng ta còn trẻ, và đó là điều Chúa muốn cho chúng ta. Thực ra ngài nói: “Tôi đến cho họ được sống, và sống dồi dào” (Gn 10:10). Bản năng cơ bản nhất của tất cả mọi vật đang sống là tiếp tục sống, sống sung mãn và chuyển tiếp ân huệ cuộc sống cho những sinh vật khác. Như thế chỉ là điều tự nhiên khi ta muôn hỏi làm sao làm điều ấy tốt nhất

Đối với những người thời Cựu Ước, câu hỏi này cũng khẩn trường như đối với chúng ta hôm nay. Chắc chắn họ chú ý lắng nghe khi ông Moise nói với họ: “Ta đặt trước các ngươi sự sống hay cái chết, lời chúc lành hay lời nguyền rủa. Lúc đó, cứ chọn sự sống để các ngươi và miêu duệ các ngươi được sống trong tình yêu Chúa, Thiên Chúa các ngươi, tuân phục lời ngài nói, gắn bó với ngài – vì trong tình yêu, sự sống các ngươi trường tồn” (Ds 30:19-20). Rõ ràng là họ phải làm gì: họ phải quay lưng khỏi các thần khác và tôn thờ Thiên Chúa đích thật từng tỏ mình ra cho Môise – và họ phải tuân phục các giới luật của ngài. Các bạn phải nghĩ rằng trong thế giới ngày nay, dường như bắt đầu người ta không tôn thờ các thần khác như thế. Nhưng có khi người ta tôn thờ “các thần khác” mà không biết. Bất kể tên gọi, hình thù, dạng thức mà ta đặt là gì, “Các thần” dối trá hầu như luôn luôn dính dáng đến việc tôn thờ ba thứ là của cải vật chất, tình yêu chiếm hữu, hay quyền lực. Hãy cho tôi giái thích tôi muốn nói điều gì

Của cải vật chất tự chúng là tốt. Ta không thể sống còn, nếu không có tiền, quần áo và nơi trú thân. Ta phải ăn uống để sống còn. Tuy nhiên nếu ta tham lam, nếu ta không chịu chia sẻ những gì ta có với những người nghèo đói tùng thiếu, thì lúc đó ta biến của cải thành một thần dối trá. Biết bao lời kêu gọi trong xã hội duy vật của ta cho ta biết rằng người ta cứ đi tìm hạnh phúc bằng của cải xa hoa càng nhiều càng tốt! Nhưng như thế là chỉ biến của cải thành thần dối trá. Thay vì đem sự sống đến, chúng lại đem đến chết chóc.

Tình yêu đích thực rõ ràng là một cái gì tốt lành. Không có tình yêu thì đời sống mất hết giá trị. Nó thanh thỏa nhu cầu sâu xa nhất của ta và khi ta yêu, ta trở nên chính ta toàn mãn nhất, nhân bản d8ầy đặn nhất.Nhưng tình yêu dễ bị biến thành một thần dối trá biết bao! Người ta thường nghĩ họ đang yêu trong lúc thực ra họ đang chiềm hữu hay đang có mưu toan. Có lúc người ta tiếp đãi người khác như đồ vật, để thanh thỏa nhu cầu của mình hơn là như những con người để yêu mến và trân quí. Các lời kêu gọi trong xã hội chúng ta dễ dàng lừa đảo người ta. Xã hội ấy biện hộ việc tìếp cận giới tính, mà không để ý đến tình khiêm tốn, lòng tự trọng hay các giá trị đạo đức là những điều làm cho các quan hệ nhân bản có phẩm chất! Đấy là tôn thờ thần dối trá. Thay vì đem lại sự sống, nó đem lại chết choc.

Quyền lực mà Thiên Chúa ban cho ta rõ ràng tạo hình thế giới quanh ta có một cái gì tốt lành. Được xử dụng thích hợp và có trách nhiệm, thế giới giúp chúng ta có thể biến đổi cuộc sống con người. Mỗi cộng đồng cần đến các nhà lãnh đạo tốt. Tuy nhiên người ta có thể thích nắm quyền lực vì lợi ích của riêng mình, tìm cách thống trị người khác, hay khai thác môi trường tự nhiên vì những ý đồ ích kỷ! Đấy là biến quyền lực thành thần dối trá. Thay vì đem lại sự sống, thì nó đem lại chết chóc.

Tôn sùng của cải vật chất, tôn sùng tình yêu chiếm hữu và tôn sùng quyền lực thường đưa người ta dự tính “chơi trò Thiên Chúa”, cố nằm quyền kiểm soát hoàn toàn, không để ý đến khôn ngoan hay giới luật mà Thiên Chúa cho ta biết. Đấy là con đường đẫn đến cái chết. Trái lại tôn thờ một Thiên Chúa đích thực có nghĩa là nhìn nhận ngài là nguồn suối mọi điều tốt lành, tín thác chính ta nơi ngài và tuân giữ các giới luật của ngài: đó là con đường chọn lựa sự sống

Người ta có thể tìm thấy hình ảnh minh họa sống động ý nghĩa việc quay lưng khỏi lối chết đi vào đường sống trong một câu truyện Phúc Âm mà tôi chắc tất cả các bạn đều biết: đó là dụ ngôn người con hoang đàng. Bắt đầu câu truyện, người thanh niên bỏ nhà cha mình lúc. Anh ta đi tìm những thú vui hão huyền mà các “thần” dối trá hứa hẹn. Anh ta hoang phí hết di sản kế thừa của anh và sống buông thả, và kết cuộc anh nghèo xác nghèo sơ khốn khó. Khi anh sa đà đến chỗ tồi tệ đói khát nhất, và bị bỏ rơi, lúc ấy anh nghĩ làm sao mình điên khùng đã bỏ người cha thân yêu. Hạ mình nhún nhường, anh trở về và xin tha thứ. Lòng đầy hân hoan ngừơi cha ôm lấy cậu và thốt lên: “Đây là con trai ta đã chết và đã sống lại, cậu đã lạc mất, nay được tìm thấy” (Lc 15:24)

Nhiều người trong các bạn đã có kinh nghiệm bản thân như người thanh niên kia đã trải qua. Có lẽ nhiều lần các bạn đã chọn lựa khiến nay các bạn hối hận. Chọn lựa đã dẫn các bạn xuống một nẻo đường dường như có lúc hấp dẫn, nhưng rồi đã dẫn các bạn đi sâu hơn vào khốn khó và phóng túng. Chọn lựa lạm dụng ma túy hay rượu chè, sa đà vào hành vi trọng tội hay tự hủy hoại, dường như một lúc nào có thể hiến một con dường giải thoát khỏi tình huống khó khăn hay rắc rối. Bây giờ các bạn biết rằng thay vì đem đến sự sống, nó mang đến chết chóc. Tôi muốn nhận các bạn can đảm chọn quay vào con đường sống, giống hệt như chàng thanh niên trong chuyện dụ ngôn. Các bạn đã chấp nhận giúp đỡ - từ bạn bè hay gia đình, từ ban nhân sự điều hành chương trình “Giác Ngộ”; từ những ai chăm sóc kỹ lưỡng cho phúc lợi an lành của các bạn.

Các bạn thân mến, tôi coi các bạn là những sứ giả hy vọng cho những người khác trong hoàn cảnh tương tự. Các bạn có thể thuyết phục họ là cần chọn đường sống và lánh xa đường chết chóc, bởi vì các bạn nói ra từ kinh nghiệm của các bạn. Tất cả qua Phúc Âm, chính những người đã ngoặt sai đường là những người được Chúa Giêsu yêu mến đặc biệt, vì một khi họ đã nhận ra sai lầm của mình, thì họ càng mở lòng tiếp sứ điệp chưa lành của ngài. Quả thật, Chúa Giêsu đã thường bị chính những thành viên bộc trực của xã hội phê phán ngài vì bỏ quá nhiều giờ cho những người như thế. Họ hỏi: “Tại sao thầy các ông lại ăn với bọn thu thuế và đám người tội lỗi?”. Ngài đáp: “Chính những người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, mà là những người đau ốm… Tôi không đến kêu những người đạo hạnh nhưng các người tội lỗi” (Xem Mt 9:11-13). Chính những người muốn xây dựng lại cuộc đời mình là người sẵn sàng lắng nghe Chúa Giêsu nhất và trở thành môn đệ ngài. Các bạn có thể bước theo chân họ, cá bạn cũng có thể trở nên gần Chúa Giêsu một cách đặc biệt, vì các bạn đã chọn quay trờ về với ngài, Các bạn có thể chắc chắn rằng, hệt như người Cha trong câu truyện người con hoàng dàng, chúa Giêsu mở rộng cánh tay đón nhận các bạn. Ngài hiến tình yêu vô điều kiện cho các bạn - và chính trong tình thân hữu yêu thương với ngài mà người ta tìm được cuộc sống toàn mãn

Tôi có nhắc qua trước đây rằng khi ta yêu, thì ta đang làm thanh thỏa nhu cầu sâu xa nhất của ta và trở nên chính mình đầy đủ nhất, nhân bản trọn vẹn nhất. Yêu mến là tất cả những gì mà chúng ta dự tính làm, những điều Đấng Tạo Hóa muốn cho ta. Dĩ nhiên, tôi không nói về những mối quan hệ hời hợt, chóng qua, tôi đang nói về tình yêu đích thực, chính giáo huấn từ trong đáy lòng Chúa Giêsu: “Người phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết tâm hồn người, hết trí khôn người, hết sức ngươi” và “Ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (xem Mc 12:30-31). Nếu các bạn muốn, điều này là chương trình được buộc chặt vào từng người, chỉ cần chúng ta khôn ngoan và quảng đại để sống nhờ đó, chỉ cần chúng ta sẵn sàng hy sinh những điều ưa thích riêng của chúng ta, để phục vụ người khác, hiến cuộc sống ta vì lọi ích người khác và trên hết vì Chúa Giêsu. Ngài yêu thương chúng ta và hiến sự sống ngài vì ta. Đó là điều người ta được mời gọi thực hiện, đó là ý nghĩa thực sự sống động.

Các bạn thân mến, tôi gửi sứ điệp đến các bạn hôm nay cũng là tất cả sứ điệp mà Môise đề xuất những năm trước đây. “Hãy chọn sự sống, để cnính các ngươi và con cháu các người được sống trong tình yêu Chúa, Thiên Chúa của các nguơi”. Xin Chúa Thanh Thần hướng dẫn các bạn vào con đường sống, để các bạn tuân giữ giới luật của ngài, đi theo lời ngài giáo huấn, bỏ lại sau những khúc ngoặt sai lệch dẫn đến chết chóc và cam kết thân hữu cả đời với Chúa Giêsu Ktô. Trong quyền lực của Thánh Thần, các hãy chon sự sống và hãy chọn tình yêu, và làm chứng tá trước thế giới về niềm hân hoan mà cuộc sống đem lại. Đó là lời tôi nguyện cầu cho mỗi người trong các bạn Ngày Thanh Niên Thế Giới này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn.

© Copyright 2008 -- Libreria Editrice Vaticana
 
Chứng từ của các Bạn Trẻ WYD 2008: Bảy Ơn Chúa Thánh Thần
VietCatholic Network
15:14 20/07/2008
Chứng từ của các Bạn Trẻ WYD 2008: Bảy Ơn Chúa Thánh Thần

SYDNEYSau đây là các chứng từ về Bảy Ơn Chúa Thánh Thần của các bạn trẻ hành hương trong Đêm Canh Thức tại ĐHGTTG ngày 19/07/2008 Sydney.

  • 1. Ơn Khôn Ngoan
  • 2. Ơn Hiểu Biết
  • 3. Ơn Thông Minh
  • 4. Ơn Biết Lo Liệu
  • 5. Ơn Can Đảm
  • 6. Ơn Đạo Đức
  • 7. Ơn Biết Kính Sợ
***

Ơn Khôn Ngoan

Tôi tên là Marie Štěpánová. Tôi đến từ Cộng Hòa Tiệp Khắc – một quốc gia nhỏ bé xinh đẹp ở trung tâm Âu Châu. Tôi sống tại một giáo phận nơi có ngôi vương cung thánh đường lộng lẫy kính Chúa Thánh Thần.

Nếu bạn dùng trí khôn ngoan của loài người để nhìn vào đất nước tôi, bạn sẽ nghĩ là Chúa Thánh Thần không hiện diện ở đó, vì đó là một nơi bị xem là một trong những quốc gia vô thần nhất trên thế giới. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại, nếu bạn nhìn với đôi mắt của Thiên Chúa.

Đã có những lúc tôi nghĩ là Thiên Chúa vắng bóng trong đời tôi. Tôi đã nghĩ là chỉ vì tôi không được toại nguyện một điều gì đó – một kinh nghiệm, một mối tình, một cơ hội – thì tôi đã bị bỏ quên trong chương trình của Thiên Chúa. Tôi đã tưởng là chính tôi đang lèo lái cuộc đời tôi, và chỉ có tôi mới biết điều gì là tốt nhất cho tôi.

Chính trong những giây phút thất vọng, khi mọi sự không diễn ra như tôi tưởng, thì Thiên Chúa đã cho tôi thấy Ngài đang hiện diện và dạy tôi nhìn đời với đôi mắt của Ngài. Những gì mà tôi tưởng là thất bại cuối cùng đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều, tốt đẹp hơn cả sự kỳ vọng của tôi.

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa khỏi giới hạn của chúng ta, khỏi tầm tưởng tượng của chúng ta. Những gì có vẻ như là rủi ro bất hạnh trong mắt chúng ta thì lại có thể là một hồng ân trong mắt Ngài. Những gì có vẻ như bị phế thải lại có thể chiếu sáng rực rỡ với sự hiện diện của Ngài. Những gì có vẻ nhỏ bé trong mắt chúng ta lại có thể rất lớn lao trong mắt Ngài. Điều quan trọng là chúng ta biết xin Chúa ban cho chúng ta ánh sáng và đôi mắt của Ngài, để nhận thức mọi việc.

Ơn Hiểu Biết

Tôi tên là Vasin Manasurangul. Tôi đến từ Tổng Giáo Phận Bangkok, Thái-lan.

Vài năm về trước, Thái-lan rơi vào một cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Nhiều người Thái đã lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong đó có gia đình tôi. Tôi đã không hiểu tại sao Thiên Chúa muốn trừng phạt gia đình tôi như vậy. Tôi không hiểu làm sao tôi có thể tin cậy vào một Thiên Chúa tự xưng mình là Thiên Chúa của Tình Yêu, mà lại để cho chúng tôi khốn khổ như vậy. Tôi rất thất vọng với Thiên Chúa, và tôi đã phàn nàn với Ngài.

Khi tôi được chọn để đại diện cho Thái-lan tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2000, thì hình như Chúa đã nghe thấu lời phàn nàn của tôi. Vào lúc khởi đầu của chuyến hành hương, tôi không hiểu tại sao biết bao nhiêu người lại vui mừng đến như vậy khi được gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Tôi bắt đầu hỏi Chúa là: “Lạy Chúa, có phải Chúa sai người này mang tình thương của Chúa đến cho những người khốn khổ hay không?” Mặc dù có những nghi vấn rất trần tục như vậy, tôi cũng hiểu là Đức Kitô hiện diện cách sâu sắc nơi Đức Thánh Cha.

Trong đêm canh thức hôm đó, tôi lắng nghe các huấn từ của Đức Thánh Cha một lần nữa. Tôi có cảm giác Đức Thánh Cha đang nói riêng với một mình tôi mà thôi: “đừng sợ!” “hãy luôn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa!” Cho đến khi Nghi Thức Phụng Vụ Đêm Canh Thức kết thúc thì Thánh Thần Chúa đã đổ tràn đầy trong tôi một sự thấu hiểu về ý nghĩa của những điều Đức Thánh Cha đã giảng giải. Tôi đã cầu xin Chúa tha thứ cho tôi vì đã trót không tin tưởng vào tình yêu của Ngài.

Sau kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2000, tôi trở thành một Vasin mới. Kể từ đó, tôi không bao giờ mất niềm tin nơi Thiên Chúa. Tôi luôn luôn tin tưởng và trông cậy nơi Thiên Chúa, dù cho bất cứ những đau khổ hay buồn phiền gì có thể xảy đến với tôi.

Tôi đã dành mấy năm vừa qua để chuyên lo việc truyền bá một sự thông hiểu sâu sắc hơn về chân lý của Kinh Thánh và Hội Thánh trên đất nước tôi. Tôi phiên dịch và xuất bản các tài liệu và tin tức của Giáo Hội sang tiếng Thái, và luôn luôn tìm cách bảo vệ và bênh vực Giáo Hội trước những điều vu cáo.

Tôi ngợi khen Thiên Chúa vì đã đem tôi trở lại với Giáo Hội. Tôi tri ân Chúa Thánh Thần đã ban cho tôi Ơn Hiểu Biết, không có sự hiểu biết thì tối hậu là không sự gì có động lực hay ý nghĩa gì cả.

Ơn Thông Minh

Tôi tên là Danni. Tôi sống ngay tại thành phố Sydney xinh đẹp này! Tôi hy vọng là tất cả các bạn đều đang tận hưởng những khoản thời gian thật vui vẻ tại thành phố quê hương tôi!

Vì là một người bị khiếm thính, tôi cảm nhận thế giới xung quanh hơi khác với những bạn bè trẻ tuổi đồng trang lứa. Nhiều người nghĩ rằng bị điếc là bị tách ly khỏi cuộc sống – là một điều đáng để người ta thương hại. Nhiều người nghĩ rằng một người điếc thì không có khả năng thấu hiểu thế giới và những nét đẹp của cuộc sống một cách trọn vẹn hoàn hảo.

Tuy nhiên, tôi đã trải qua bệnh điếc và tôi cho rằng đó là một hồng ân – một trong thật nhiều những hồng ân mà tôi nhận được từ tay Thiên Chúa nhân từ.

Bệnh điếc đã khiến tôi nhận biết một chân lý là Thiên Chúa đã tạo dựng nên mỗi người chúng ta bằng tình yêu bao la, Ngài đẹp ý với những sự khác biệt giữa những người con cái Ngài, và Ngài gọi mỗi người chúng ta đi theo một hành trình khác nhau.

Qua bệnh điếc, Thiên Chúa đã cho tôi thấu hiểu thế nào là lòng kiên nhẫn và sự ân cần lưu tâm đến những người không được xem là quan trọng trong mắt người đời. Tôi đã nhận được lòng kiên nhẫn và sự yêu thương quan tâm của Đức Kitô, và tôi phấn đấu không ngừng để đem sự kiên nhẫn và yêu thương của Ngài đến với mọi người.

Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta CHỈ NHỮNG GÌ mà Ngài biết chúng ta có thể chu toàn. Đừng bao giờ từ chối những hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho bạn, và hãy nhớ rằng Thiên Chúa luôn ban Thánh Linh Ngài để nâng đỡ chúng ta trên đường đời!

Ơn Biết Lo Liệu

Tôi tên là Petar. Tôi đến từ Serbia.

Vào những năm trước, ra vẻ như không điều gì có thể cứu vãn nổi tình hình cho cộng đồng Công Giáo tại nước tôi. Đất nước tôi có một lịch sử Công Giáo lâu đời, nhưng dần dần người Công Giáo đã trở thành thiểu số. Chúng tôi lúc đó đang sống trong thời bình, nhưng trong lòng vẫn còn mang nặng vết thương của những năm tháng chiến tranh. Chúng tôi được dạy dỗ những thông điệp Thánh Kinh, nhưng luôn sống trong nỗi sợ hãi không biết tương lai sẽ ra sao.

Cũng giống như một thế giới đã trở nên chai đá đối với những thông điệp Thánh Kinh, chúng tôi tưởng đã có thể kết luận rằng không thể làm gì hơn để gia tăng mùa gặt đức tin trên đất nước chúng tôi. Thế nhưng lòng tin và lời cầu nguyện đã biến đổi tầm nhìn của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng tôi, và Thiên Chúa sẽ không bao giờ để cho chúng tôi mất cơ hội phụng sự Ngài.

Chúng tôi kêu cầu Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng tôi những gì phải làm. Chúng tôi cầu xin Chúa Thánh Thần linh hứng, nghiên cứu những ủi an mà Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu Công Giáo tiên khởi, và quyết tâm đi theo sự dìu dắt và sức mạnh của Ngài. Chúng tôi đã tin tưởng, và vẫn còn tin tưởng, rằng chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết cách giữ gìn đức tin của đoàn dân Chúa.

Nhiều năm đã trôi qua, và từ đó đến nay chúng tôi đã vun xới một mảnh đất cho mùa gặt đức tin mới. Chúng tôi đã mời gọi nhiều thế hệ và nhiều tín hữu Kitô Giáo khác cùng tiếp tay với chúng tôi trên cánh đồng này. Chúng tôi đã phó thác hoàn toàn vào niềm hy vọng của lòng thương xót Chúa, và mỗi ngày chúng tôi đều tự hỏi: ‘hôm nay Chúa muốn chúng con làm gì?’

Chúng tôi nài xin Chúa ban cho thành quả vào mùa xuân mới.

Ơn Can Đảm

Xin chào mọi người, tôi tên Jose, và tôi đến từ Chile.

Đêm nay là đêm thành tựu của một ước mơ to lớn. Một ước mơ đã trải qua biết bao năm tháng, biết bao dự án, và biết bao khó khăn. Một ước mơ mà lúc ban đầu rất ít người dám nghĩ tới.

Đó là vào kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne khi tôi bỗng nhận ra có biết bao nhiêu giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang sẵn sàng “đến để thờ lạy Ngài”, khi tôi nhận ra có biết bao nhiêu là người trẻ đang thật sự tranh đấu cho Đức Kitô, và điên cuồng vì Đức Kitô. Tôi khao khát mong mau được đem cảm nhận này về chia sẻ với đồng bào của tôi.

Khi trở về Chile, tôi đã trở về với một quyết tâm làm chứng nhân cho những gì tôi đã chứng kiến – một chứng nhân cho Đức Kitô, một chứng nhân cho đức tin, và một chứng nhân cho giới trẻ trong Giáo Hội trên khắp hoàn cầu.

Có rất nhiều chướng ngại cản trở niềm hy vọng của tôi. Nhưng với Ơn Can Đảm của Chúa Thánh Thần, tôi có đủ nghị lực để theo đuổi ước mơ của mình. Tôi cảm nhận được rằng đó không phải là nhờ sức mạnh của tôi, mà là sức mạnh của Thiên Chúa đang bừng cháy trong tôi, bao trùm lấy tôi, và thúc đẩy tôi tiến tới.

Với nguồn sức mạnh này, tôi học cách đi gõ các cánh cửa. Để xin giúp đỡ. Để thực hiện mục tiêu. Để biến lý tưởng thành hiện thực. Cộng đồng của tôi đã làm những xâu chuỗi Mân Côi để bán cho dân chúng Santiago. Bất cứ nơi nào chúng tôi đến, trong những lúc khó khăn hay vui sướng, chúng tôi đều mang theo lòng quyết tâm và tin tưởng mạnh mẽ vào sự hiện diện của Đức Kitô.

Cuối cùng, hy vọng của chúng tôi đã biến thành hiện thực. Tôi chỉ có thể diễn tả hiện thực này bằng ngôn từ của chính Đức Kitô: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được" (Mt 19:26)

Đêm nay không phải là một sự kết thúc. Ước mơ của chúng tôi đã được thực hiện, nhưng ước mơ của chúng tôi không dừng lại ở đây. Với mỗi một ước mơ được thành tựu, Thánh Thần Chúa lại mở ra những chân trời hy vọng mới.

Đừng để niềm hy vọng của bạn trôi qua khi Đại Hội kỳ này chấm dứt. Dù cho nơi quê hương bạn đang gặp những khó khăn trở ngại đến mức nào đi chăng nữa, hãy kêu cầu sức mạnh Chúa Thánh Thần giúp bạn trở nên chứng nhân Đức Kitô. Chúng ta cùng tranh đấu cho Đức Kitô. Và vì Đức Kitô, đó là việc rất đáng làm.

Ơn Đạo Đức

Tên tôi là Carina. Tôi đến từ nước Áo.

Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo và từ nhỏ đã được dạy phải yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Tuy nhiên, mãi cho đến vài năm gần đây thì tôi mới nhận ra rằng Thiên Chúa tác động trên mỗi chúng ta như thế nào để giúp chúng ta yêu mến Ngài.

Tôi chỉ mới bắt đầu sống đức tin một cách nghiêm chỉnh lúc gần đây, và luôn cố gắng yêu mến Thiên Chúa trong mọi tình huống – vì Ngài đáng được yêu mến – chứ không phải chỉ trong những lúc thuận tiện cho tôi mà thôi. Bạn bè trong trường cũng nhận ra sự thay đổi nơi tôi, và bắt đầu hạch sách tôi về những giáo huấn luân lý của Giáo Hội.

Mặc dù tôi rất muốn tán đồng ý kiến của bạn bè, nhưng tôi biết rằng bênh vực và bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội là một nghĩa cử yêu mến mà tôi muốn dâng lên Thiên Chúa. Tôi biết là nếu tôi trình bày những chân lý và tự do trong các giáo huấn của Giáo Hội cho bạn bè thì tôi sẽ đem những người bạn đó đến gần Thiên Chúa hơn, và tôi rất khao khát điều đó.

Tôi bị đặt trong một hoàn cảnh khó xử: tôi hiểu những điều Chúa Kitô đã dạy và tôi muốn bênh đỡ cho các giáo huấn của Giáo Hội, nhưng tôi lại không biết phải giải thích ra sao. Tôi đã cầu cùng Chúa Thánh Thần giúp tôi phụng sự Ngài và giới thiệu Ngài với các bạn bè của tôi. Và rồi trong những lần đối thoại sau đó, tôi thật ngạc nhiên khi thấy lời lẽ cứ tuôn chảy từ miệng lưỡi tôi – những lời lẽ và tư tưởng mà trước đó tôi chưa từng biết qua.

Tôi không biết những lời lẽ của tôi có đem được người bạn nào đến gần với Thiên Chúa hay không, nhưng tôi tin tưởng rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong họ. Và tôi tin rằng Thiên Chúa rất đẹp lòng về những cố gắng để biện hộ cho Ngài và yêu mến Ngài, vì Ngài là Đấng duy nhất đáng mến yêu.

Ơn Biết Kính Sợ

Tôi là Sean. Tôi sinh ra tại đảo quốc Sri Lanka, và hiện đang sống ở Úc được 4 năm.

Từ thưở còn rất nhỏ, tôi đã được gia đình dạy dỗ cách giữ đạo và sống đạo. Qua sự hướng dẫn của gia đình, tôi được giúp lễ và rước lễ mỗi buổi sáng, và dành nhiều thời gian để phục vụ cho giáo xứ. Nhìn bề ngoài, tôi là một ví dụ tuyệt hảo về sự trung thành sống đạo.

Nhưng trong thâm tâm thì tôi lại rất xa cách với Thiên Chúa. Tôi thường tự bắt mình phải bận rộn với những công việc thánh thiện bởi vì tôi sợ phải nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong tôi. Có nhiều lần sau những buổi lễ lạc long trọng, mẹ tôi hỏi tôi: “Sean con có nhớ cầu nguyện được câu nào không?”

Mãi cho tới khi tôi đến Úc – xứ sở miền nam bao la của Chúa Thánh Linh – thì tôi mới bắt đầu nhận ra Thiên Chúa thật là huyền diệu biết bao. Vào một buổi tĩnh tâm mà tôi đã tham dự khi còn là sinh viên đại học, tôi đã phải diện-đối-diện với chính điều mà tôi sợ hãi nhất: đó là ý tưởng dâng hiến hoàn toàn cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Nỗi khiếp sợ của tôi đã được thay thế bằng sự bình an, khi tôi cảm nhận được sự hiện diện yêu thương và dìu dắt của Thiên Chúa.

Tình yêu tuyệt diệu của Thiên Chúa là điều duy nhất có ý nghĩa trong cuộc sống thế gian này. Mỗi một hành động, mỗi một cử chỉ yêu mến dành cho những người xung quanh, đều là những việc tốt đẹp khi được làm vì Thiên Chúa và với Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta.

Trong lòng tôi tràn đầy niềm kính phục và ngưỡng mộ vì Chúa đã thay đổi tôi để trở thành con người hiện tại. Tôi tràn đầy niềm kính phục vì Chúa đã biến đổi nỗi khiếp sợ của tôi thành tình yêu mến. Và trên hết, tôi tràn đầy niềm kính phục và ngưỡng mộ đối với chính Ngài.
 
Tường thuật về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ngày cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Sydney: Thánh Lễ Bế Mạc vào sáng Chúa Nhật 20 tháng 7
Đặng Thế Dũng
18:13 20/07/2008
T

ường Thuật về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ngày cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Sydney: Thánh Lễ Bế Mạc vào sáng Chúa Nhật 20 tháng 7.



Quý vị và các bạn thân mến,

Đức Thánh Cha (ĐTC) đã kết thúc Thánh Lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney, với hơn 300,000 bạn trẻ tham dự, tại Trường Đua Ngựa Randwick
.

Theo tường thuật của Đài Vatican, trước khi vào địa điểm hành lễ, ĐTC đã dùng trực thăng bay trên khu vực trường đua Randwick và công viên Bách Chu Niên, để quan sát quang cảnh các bạn trẻ và tín hữu tụ tập chuẩn bị thánh lễ. Sau đó, vào lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC dùng xe bọc kính tiến qua qua các lối đi tại trường đua Randwick để chào các bạn trẻ và tín hữu, giữa tiếng reo hò của mọi người.

Trên lễ đài, đã có lối 450 Giám Mục các nước trong phẩm phục mầu đỏ, cùng với hơn 4 ngàn linh mục đeo dây stola đỏ, sẵn sàng cho thánh lễ, trong khi hai ca đoàn hùng hậu gồm 300 trăm ca viên và ban nhạc 80 người liên tục hát các bài thánh ca chuẩn bị. Tại khu vực danh dự đặc biệt có vị toàn quyền, thủ tướng liên bang, và các thủ tướng tiểu bang cùng với thị trưởng và chính quyền thành phố Sydney.

Đúng 10 giờ sáng, ĐTC và gần 50 Hồng Y đồng tế từ từ tiến lên lễ đài được trải thảm đỏ, trong khi ca đoàn hát ca nhập lễ của lễ kính Chúa Thánh Thần, vì trong thánh lễ này, có 24 bạn trẻ được ĐTC ban phép thêm sức.

Trong lời chào mừng đầu thánh lễ, ĐHY George Pell, TGM Sydney, đã nhắc lại lời ĐTC đã nói vài ngày sau khi được chọn lên kế vị Thánh Phêrô trên ngai Toà Roma, như sau: ”Giáo Hội không già nua và bất động, nhưng trẻ trung”. Nhìn cộng đoàn đông đảo này, chúng con thấy rằng điều ĐTC nói, quả là sự thật. Giáo Hội sinh động và Giáo Hội trẻ trung. Chúng con thật hạnh phúc vì được tụ họp trong Ngày Quốc tế giới trẻ 2008 này và hạnh phúc vì ĐTC đến với chúng con nhân danh Chúa Giêsu”.

Giảng trong thánh lễ, ĐTC đã mời gọi các bạn trẻ hãy dấn thân canh tân thế giới, nơi mà “sa mạc thiêng liêng” không ngừng lan rộng. ĐTC hy vọng thế hệ mới của những người Kitô, biết làm cho tình thương chiến thắng ích kỷ, làm cho niềm hy vọng chiến thắng trên sự hời hợt chóng qua. ĐTC đã mạnh mẽ quả quyết với các bạn trẻ rằng: “Giáo Hội đang cần đến sự canh tân thiêng liêng này! Giáo Hội đang cần đến Đức Tin của chúng con, cần đến lý tưởng và lòng quảng đại của chúng con!...Chúng con sẽ để lại gì cho thế hệ đến sau chúng con? Chúng con có biết xây dựng cuộc đời mình trên những nền vững chắc hay không? Chúng con có xây lên được điều gì sẽ còn tồn tại trong tương lai hay không? Chúng con có biết sống cuộc đời mình như thế nào, để còn dành chỗ cho Chúa Thánh Thần giữa một thế giới muốn bỏ quên Thiên Chúa, và cả từ chối ngài, nhân danh một quan niệm sai lầm về tự do?

ĐTC xin các bạn trẻ hãy cho phép tình thương của Thiên Chúa thấm nhập vào chiều dày của sự lãnh đạm, của sự mệt mỏi thiêng liêng, của sự mù quáng chiều theo tâm thức của thời đại. ĐTC nhắc lại rằng “cầu nguyện là điều rất quan trọng: cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện cá nhân trong bí mật của con tim chúng ta, cầu nguyện trước Thánh Thể, và cầu nguyện trong phụng vụ giữa lòng Giáo Hội.”

Được biết nhiều người trẻ đã chấp nhận cái lạnh của mùa đông tại Úc, để qua đêm tại chỗ, tại Trường Đua Ngựa Rindwick. Đặc biệt các nữ tu Bác Ái đã mở những căn lều có đặt Mình Thánh Chúa để chầu suốt đêm, và có linh mục giải tội suốt đêm.

Như đã nói, trong Thánh Lễ bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, ĐTC đã ban bí tích thêm sức cho 24 bạn trẻ, gồm có 14 bạn trẻ người Úc, 10 bạn trẻ từ các nước ngoài, như từ Nam Phi, Việt nam, Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ, Uruguay, quần đảo Fidji, Cộng Hoà Tchèque, và Océania.

Sau Thánh Lễ, và sau khi đă xướng kinh Truyền Tin với cộng đoàn hiện diện, ĐTC đã công bố địa điểm cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới vào năm 2011: đó là Thủ Đô Madrid của Tây Ban Nha.

Trong vài lời huấn đức trước khi xướng kinh Truyền Tin, ĐTC đã mời gọi các bạn trẻ hãy dấn thân vào trong cuộc sống và trung thành với Chúa Kitô. ĐTC nhắc đến mẫu gương can đảm của Đức Nữ Đồng Trinh Maria đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Như Mẹ Maria đã trung thành sống lời Mẹ đã hứa với Chúa giữa những thử thách khác nhau, các bạn trẻ được ĐTC khuyến khích hãy sống trung thành với lời thưa “vâng” chấp nhận sống tình bằng hữu với Chúa Giêsu. Kết thúc những lời huấn đức, ĐTC nói: “Giờ đây, đến lúc chúng ta nói lời “từ giã”, hay đúng hơn lời “hẹn gặp lại”. Cha cám ơn tất cả chúng con đã tham dự Ngày Quốc tế Giới Trẻ 2008, tại Sydney; và Cha hy vọng sẽ gặp lại chúng con trong ba năm nữa. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2011 sẽ diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha.” Các bạn trẻ, nhất là nhóm đến từ Tây Ban Nha đă phát cờ và hoan hô ĐTC hết sức nồng nhiệt!

Vào ban chiều Chúa Nhật, 20 tháng 7, tại Phòng Họp Lớn của Nhà Thờ Chính Toà Sydney, ĐTC đã gặp và cám ơn những vị ân nhân và Ban Tổ Chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, vì lòng quảng đại và những hy sinh của họ cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được thành công.

ĐTC nói như sau: “Chắc chắn rằng khi chuẩn bị cho biến cố quốc tế lớn lao này, anh chị em đã trải qua những giây phút lo sợ và bận tâm, cả những giây phút rung động lo lắng cho kết quả cuối cùng của biến cố…Giờ đây, nhìn lại những gì đã xảy ra, anh chị em có thể thấy được Mùa Gặt phong phú mà Chúa Thánh Thần đã khơi dậy qua những lời cầu nguyện của anh chị em, qua sự kiên trì và cố gắng làm việc của anh chị em”…. “Những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, đã được dịp cảm nghiệm vẻ đẹp của đất nước Australia và nếm hưởng tính hiếu khách nồng nhiệt của người dân Úc.”

Tối hôm qua, là đêm cuối cùng của ĐTC tại Australia. Sáng thứ hai hôm nay, sau thánh lễ được cử hành riêng, ĐTC đến công viên “DOMAIN” của Sydney, vào lúc 8:30 sáng, để gặp khoảng 12,000 thiện nguyện viên của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, rồi ra phi trường, chào từ biệt mọi người trong bài diễn văn cuối cùng của chuyến viếng thăm Australia. Thủ Tướng Úc, Ông Kevin Rudd, và nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ đã có mặt chào Đức Thánh Cha lên đường.

Chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Quantas của Úc, cất cánh vào lúc 10 giờ sáng thứ hai, giờ địa phương, bay lại cùng tuyến đường khi ĐTC từ Roma đến Sydney, với cùng một trạm dừng kỹ thuật như khi đến, là thành phố Darwin. Dự trù ĐTC về đến Roma, lúc 11 giờ khuya đêm thứ hai rạng sáng thứ ba, theo giờ Roma.

Linh Mục Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, đã nhận định một cách tổng quát về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vừa qua tại Sydney rằng “niềm vui” đã nổi bật trong những ngày qua, vượt trên cả nỗi buồn của những lời than phiền về những lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do các giáo sĩ. Theo nhận định của Linh Mục Lombardi, thì “chú ý của các phương tiện truyền thông, lúc ban đầu đã hướng nhiều đến vấn đề lạm dụng tính dục, nhưng rồi được mở rộng ra đón nhận thực tại tích cực, không giống như những tiêu chuẩn của thế giới trần tục. Đây là thực tại đức tin, cùng với lời chứng về niềm vui không bao giờ bị già nua….Người ta như có cảm tưởng được chứng kiến sự khai sinh của thế giới mới, tuy ít người, nhưng có tiềm năng vô cùng.

Kết thúc bài tường thuật, xin được nhắc lại đây những lời tri ân của ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Giáo Dân, để kết thúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2008. ĐHY đã nói như sau:

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII đến lúc kết thúc. Trước mặt ĐTC, là những người trẻ hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới để tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Họ là bức họa tuyệt vời của một Giáo Hội trẻ trung, tràn đầy hy vọng, hân hoan trong niềm tin, và can đảm trong việc truyền giáo. Họ đã phải vượt qua thật nhiều khó khăn trở ngại, và đã phải vượt ngàn dặm xa xôi, để có thể tụ họp nơi đây, tại Sydney này, quanh Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, nhằm hồi tưởng lại Lễ Hiện Xuống nhiệm mầu. Sydney, thành phố hiện đại, đã được biến đổi thành một Phòng Tiệc Ly lộ thiên to lớn, địa điểm của một Lễ Hiện Xuống mới. Các đường phố và các quảng trường tràn ngập những bạn trẻ Công Giáo, đủ các quốc tịch. Bằng thật nhiều ngôn ngữ khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau, họ đã tuyên xưng Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại. Họ đã chứng minh rằng làm môn đệ Chúa Kitô là một điều đáng làm; làm một tín hữu Kitô Giáo là một việc tốt đẹp! Mấy ngày vừa qua chúng con đã hiện diện dưới sự tuôn đổ hồng ân Chúa Thánh Thần. Chúng con đã ý thức được hơi thở và quyền năng của Chúa Thánh Thần, đang giữa chúng con. Đối với từng người trong chúng con, đây là một khoảng thời gian khó quên trong đời. Toàn bộ giai đoạn này đã được đánh dấu bằng một lời nguyện đầy ý nghĩa: “Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến!”

Vào ngày lễ Hiện Xuống, các Tông Đồ xuất hiện từ phòng tiệc ly ở Giêrusalem, và họ trở thành những con người khác, những người đã được biến đổi. Đó là bước khai sinh của Giáo Hội truyền giáo! Đó là bước khởi đầu của “cuộc cách mạng mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần” – tác động duy nhất có khả năng thật sự hoán cải tâm hồn nhân loại, và vì vậy, cũng làm biến chuyển cả lịch sử và bộ mặt địa cầu! Chúng con tin tưởng rằng các bạn trẻ tham dự Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ XXIII, cũng sẽ trở thành những con người mới khi trở về quê hương. Đó là cách họ sẽ chứng thực lời nói của Chúa Kitô: “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khi Ngài ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:8). Giáo Hội Công Giáo tại Úc cũng sẽ thay đổi, một Giáo Hội đã thật quảng đại mở rộng cửa để tổ chức đại hội kỳ này! Nhờ vào chứng tá đức tin của những con cái Hội Thánh – một chứng tá xác thực– Giáo Hội tại Úc có thể vững tâm hơn khi hướng về tương lai và chính đất nước Úc cũng sẽ thay đổi. Mảnh đất xinh đẹp này giờ đây chắc chắn đang càng được chúc phúc nhiều hơn với “niềm hy vọng lớn lao”, nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Thưa ĐTC, trước khi kết thúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, lần thứ 23, đại diện cho từng người trong chúng con, con xin bày tỏ lòng cung kính tri ân sâu sắc đến Đức Thánh Cha. Chúng con xin cám ơn, vì Đức Thánh Cha cũng đã trải qua một chuyến hành trình dài và mệt mỏi, để có mặt với chúng con tại đây. Sự hiện diện của ĐTC là một niềm khích lệ lớn lao cho chúng con, vì đó là một bằng chứng hùng hồn về tình thương yêu mà Giáo Hội dành cho các thế hệ trẻ tuổi. Nơi ĐTC, chúng con thấy một Giáo Hội là bạn của những người trẻ: một Giáo Hội biết lắng nghe giới trẻ, biết tìm kiếm giới trẻ, đồng hành với họ và dạy dỗ họ. Trên hết, chúng con xin cám ơn về những giáo huấn ĐTC ban cho những bạn trẻ này. Huấn từ của Đức Thánh Cha đã đánh động tâm hồn họ và sẽ đóng vai trò la-bàn dẫn dắt, mà họ có thể nương theo khi tiếp tục trên đường đời của họ.

Thưa Đức Thánh Cha, đây là lúc Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ 23 đạt đến chóp đỉnh với nghi thức sai đi. Trong năm đặc biệt dành kính nhớ Thánh Phaolô, Tông Đồ của những người ngoại giáo, việc sai đi này mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhớ lại lòng nhiệt thành truyền giáo mãnh liệt của Thánh Phaolô – “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16) – tất cả các bạn trẻ nơi đây mong ước được từ Sydney trở về quê hương mình, trở về nơi họ sống, để trở thành những nhà truyền giáo trẻ tuổi cho Chúa Kitô và Tin Mừng. Họ nhớ rất rõ lời Đức Thánh Cha từng ban cho chúng con “Không gì đẹp hơn được sự ngạc nhiên bởi Tin Mừng, bởi một cuộc gặp gỡ Chúa Kitô. Không gì đẹp hơn được tìm biết Chúa Kitô và loan truyền cho mọi người về tình bạn của chính mình với Chúa … Chúa Kitô không đòi hỏi điều gì cả, nhưng Ngài ban cho chúng con tất cả mọi sự”. Thưa ĐTC, xin chúc phúc cho những nhà truyền giáo trẻ trung này, những người đã được củng cố bởi các ơn của Chúa Thánh Thần và đã sẵn sàng để ra đi “đến tận cùng trái đất”! Xin cảm ơn ĐTC!
 
Thông Cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh sáng thứ Hai 21/7
VietCatholic Network
19:17 20/07/2008
Thông Cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh sau cuộc tiếp kiến đã được đề nghị với Đức Thánh Cha của nhóm những người bị các giáo sĩ lạm dụng tính dục


Để thể hiện mối quan tâm mục vụ dành cho những người bị các giáo sĩ lạm dụng tính dục, Đức Thánh Cha Benedict XVI trong ngày hôm nay đã cử hành Thánh Lễ với đại diện của các nạn nhân. Ngài lắng nghe những câu chuyện của họ và đưa ra lời an ủi. Khi bảo đảm với họ sự gần gũi thiêng liêng của ngài, ngài hứa tiếp tục cầu nguyện cho họ, cho gia đình họ và tất cả các nạn nhân. Qua cử chỉ phụ tử này, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ lần nữa quan tâm sâu xa của ngài với những ai chịu đau khổ vì bị lạm dụng tính dục.

Translated into Vietnamese by VietCatholic's representative at WYD International Media Center


Press Release of the Holy See Press Office - At the end of the proposed meeting with the Holy Father of a representative group of persons who have been abused by members of the clergy


As an expression of his ongoing pastoral concern for those who have been abused by members of the clergy, His Holiness Pope Benedict XVI today celebrated Mass with a representative group of victims. He listened to their stories and offered them consolation. Assuring them of his spiritual closeness, he promised to continue to pray for them, their families and all victims. Through this paternal gesture, the Holy Father wished to demonstrate again his deep concern for all those who have suffered sexual abuse.

Traduzione di lavoro - Comunicato della Sala Stampa della Santa Sede dopo il proposto incontro tra le vittime di abuso sessuale e il Santo Padre


Come espressione della sua sollecitudine pastorale nei cofronti di coloro che hanno subito abusi da parte del clero, Sua Santità Benedetto XVI ha celebrato oggi una santa messa alla presenza di un gruppo rappresentativo di vittime. Il Papa ha ascoltato le loro storie e li ha consolati. Assicurando la sua vicinanza spirituale, ha promesso di continuare a pregare per loro, per le loro famiglie e per tutte le vittime. Con questo gesto paterno, il Santo Padre ha voluto dimostrare ancora una volta la sua sollecitudine nei confronti di tutti coloro che hanno sofferto per gli abusi sessuali.
 
Thông Cáo của Tổng Giáo Phận Sydney sáng thứ Hai 21/7
VietCatholic Network
19:45 20/07/2008


Thông cáo báo chí của tổng giáo phận Sydney - Ngày 21-07-2008


Chúng tôi vui mừng thấy rằng Đức Thánh Cha đã có thể dành thời giờ tiếp các nạn nhân bị lạm dụng tính dục bởi các giáo sĩ trước khi ngài lên đường ra về trong ngày hôm nay.

Cuộc tiếp kiến riêng này đã được tổ chức trễ trong tiến trình chuẩn bị của chúng tôi. Văn Phòng Tiêu Chuẩn Chức Nghiệp của New South Wales (Professional Standards Office of New South Wales) đã cử 4 nạn nhân gặp gỡ Đức Thánh Cha, và cuộc tiếp kiến đã diễn ra sáng nay sau một thánh lễ riêng mà Đức Thánh Cha cử hành cho họ.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với các nạn nhân thể hiện dấn than tiếp tục của toàn thể Giáo Hội tại Úc Đại Lợi để mang lại sự chữa lành và công lý cho những ai bị thương tổn nặng nề bởi hành vi lạm dụng tính dục.

Translated into Vietnamese by VietCatholic's representative at WYD International Media Center


STATEMENT - 21 July 2008

We are delighted that the Holy Father was able to spend time with victims of sexual abuse before his departure today.

This private meeting was organised late in our preparations. The Professional Standards Office of New South Wales nominated four victims to meet the Holy Father, and the meeting took place this morning following a private Mass which the Holy Father celebrated for them.

The Holy Father's meeting with victims reflects the continuing commitment of the whole church in Australia to bring healing and justice to those who have been so terribly hurt by sexual abuse.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ngày Đức Bênêđíctô XVI rời Sydney
Vũ Văn An
23:00 20/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ngày Đức Benêđíctô XVI rời Sydney

Máy bay Qantas đã cất cánh tại Phi trường quốc tế Sydney vào lúc 10 giờ sáng nay để đưa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trở lại Rome, sau một tuần thăm Úc, một tuần lễ với một lịch trình làm việc hoàn toàn xít xao, sau một hành trình mà chính Ngài gọi là hãi hùng (daunting).

Nhưng nếu khi đến, Ngài nở một nụ cười rộng có tính ngoại giao, thì khi từ giã Sydney, Ngài còn nở một nụ cười rộng hơn thế nhiều, nhưng là nụ cười thoải mái của “một người trong chúng ta” như Thủ Tướng Kevin Rudd nhận định trong bài diễn văn tạm biệt Đức Thánh Cha tại Phi trường Sydney. Ông Rudd: “Holy Father, we wish you a farewell” (Thưa Đức Thánh Cha, chúng con muốn từ giã Đức Thánh Cha”. Hình như nhiều người, rất nhiều người Úc, nhất là người Công Giáo Úc, không muốn nói câu ấy. Đối với họ, đây chỉ là một lời tạm biệt. Lúc nào họ cũng muốn được gặp lại người Cha Chung của họ.

Đức GH tại Chặng Thứ Nhất Đàng ThánhGiá
Còn nhớ hôm Đi Đàng Thánh Giá, một Đàng Thánh Giá tân thời, không hoàn toàn giống như Đàng Thánh Giá cổ truyền, tôi chen mãi mới tới gần hàng rào phân cách đại đa số khách hành hương ở Hyde Park với Nhà Thờ St Mary, nơi được chiêm ngắm và suy niệm Chặng Thứ Nhất, vì không có ‘pass’ mang nơi đến là St Mary hay Cathedral. Tuy nhiên, từ chỗ đó, tôi cũng có thể thấy màn ảnh lớn tại cửa Nhà Thờ Chánh Tòa. Khi Đức Thánh Cha xuất hiện ở tiền đình Nhà Thờ, người đàn bà đứng gần tôi, âu yếm nói, vừa đủ cho chính bà nghe: hello, Papa! Cũng một lời ấy lại được nói lên khi Ngài lui gót vào bên trong Nhà Thờ. Không phải lần đầu, tôi được nghe thấy câu ấy, mà bất cứ lúc nào Đức Giáo Hoàng xuất hiện, dù là chỉ trên màn truyền hình, tôi cũng nghe thấy nó, nhỏ nhẹ thôi, nhưng phát tự đáy tâm hồn người dân Sydney. Tôi hoàn toàn đồng ý với Peter Swanns, một đại chủng sinh quê ở Adelaide, đang tu học tại Rome để làm linh mục, được đài Sky News mời cùng nhận định cuộc tạm biệt Sydney của Đức Giáo Hoàng với Cha Chris Riley, sáng lập viên tổ chức “Youth Off Streets”: “thật ra, tôi khá buồn khi thấy đức Thánh Cha ra đi”. Người điều khiển giờ tin Terry Willsee đồng ý với Peter và thêm: tôi nghĩ mọi người cùng nghĩ như thầy, nhất là những người hành hương đến từ muôn phương.

Đài Sky News cho công chúng xem hình ảnh giáo hoàng xa rời Nhà Thờ St Mary lúc 8 giờ 45 sáng nay, trực chỉ The Domain, nơi 8,000 thiện nguyện viên đang chờ để được đón tiếp Ngài. Khi thấy giáo hoàng xa xuất hiện từ xa, nhiều thiện nguyện viên đã xô nhau chạy tới, nhiều người còn vượt cả rào cản, hy vọng được thấy Ngài thật gần bao nhiêu có thể. Ngài hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho họ.

Rời The Domain, Ngài được chuyển qua một limousine có cờ Toà Thánh để tới Phi Trường, nơi Tổng Toàn Quyền Jeffry và Thủ Tướng Rudd đang túc trực nghênh đón. Không đâu ta thấy khuôn dạng nền chính trị Úc rõ bằng ở đây. Tổng Toàn Quyền ra tận limousine chào đón Đức Thánh Cha, sau đó mới đến Thủ Tướng, nhưng khi lên bục lễ đài, thì lại chỉ có Đức Thánh Cha và Thủ Tướng. Trong bài diễn văn tạm biệt, Đức Thánh Cha cũng đã ngỏ lời với Thủ Tướng Rudd trước khi ngỏ lời cùng Tổng Toàn Quyền Jeffrey, dù ông mới đại diện Nữ Hoàng, đứng đầu quốc gia. Nhưng khi từ bục lễ đài bước xuống, thì chính Tổng Toàn Quyền đi cạnh Đức Giáo Hoàng ra tận chân cầu thang máy bay, chứ không phải Thủ Tướng.

Đức GH gặp Thiện Nguyện Viên
Cuộc viếng thăm Úc lần đầu tiên của Đức Bênêđíctô XVI được mọi giới nhận định là thành công vĩ đại, về mọi phương diện. Người thì cho là vì sự ấm áp của Ngài mà giới trẻ đã nồng nhiệt đáp ứng. Người lại cho là nhờ giới trẻ nồng ấm chào đón mà Ngài đã nồng ấm đáp lại. Dù sao, cả Peter Swanns lẫn Cha Chris Riley đều đồng ý với nhận định của hai người đọc tin của Sky News là: tại Sydney, Đức Bênêđíctô XVI mỗi ngày một ‘người’ (human) hơn. Người đọc tin của Sky News cho hay: cô chưa bao giờ thấy nét nhân bản đến như thế nơi đức Bênêđíctô XVI. Không lạ gì Thủ Tướng Rudd cũng đã nắm được khía cạnh ấy trong diễn văn tạm biệt Đức Thánh Cha. Ông cho hay: tính nhân bản đơn sơ của Đức Thánh Cha đã đánh động trái tim mọi người Úc.

Cả Ủy Viên Cảnh Sát New South Wales cũng nhìn nhận Ngày Giới Trẻ Thế Giới quả là một thành công rực rỡ. Còn đài Sky News thì cho hay đây là một thành công lớn lao về phương diện giao tế nhân sự (PR) của Giáo Hội Công Giáo Úc, một thành công chưa bao giờ có tầm cỡ như thế này. Thành công trong việc đem lại thiện ý, tình thân ái, hạnh phúc hân hoan, sức sống tâm linh, giúp người trẻ mở lòng mình ra như chính Peter Swanns, người đã quyết định đi tu, sau khi tham dự các WYD tại Rome và Toronto. Thầy cho hay thầy rất cần những biến cố loại này để tái tập chú (refocus). Thầy nghĩ không riêng thầy cần điều đó, mà mọi người trong chúng ta đền cần. Con người lúc nào cũng cần tái tập chú vào ngả đường mình đã tự chọn cho chính mình. Đó cũng là ý nguyện của Đức Bênêđíctô XVI khi Ngài cầu mong giới trẻ Úc sẽ là một thế hệ trẻ Công Giáo mạnh mẽ.

Không phải chỉ có thế. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng còn thành công cả về ngoại giao nữa. Vì cũng chính trong lễ tiễn biệt này, Thủ Tướng Rudd đã chính thức công bố việc nâng toà đại diện tạm thời của Úc tại Vatican lên hàng toà đại sứ chính thức với một đại sứ toàn thời gian và thường trú tại Rome. Ông cũng chính thức công bố việc đề cử ông Tim Fisher, cựu phó thử tướng trong chính phủ đầu tiên của ông John Howard, làm đại sứ toàn thời gian của Úc tại Vatican. Tim Fisher đã được giới thiệu với Đức Thánh Cha trên bục lễ đài.

Với những thành công ấy, Đức Thánh Cha đã ‘bay’ về Rome lúc 10 giờ sáng nay. Người dân Sydney ngước nhìn mãi chiếc máy bay Qantas chở Đức Thánh Cha cho đến lúc nó khuất dạng. Không khác gì các môn đệ ngày xưa cứ gián mắt lên bầu trời của riêng mình, hy vọng Thầy vẫn mãi ở đó, cứ mãi ở đó với chúng con, ‘vì trời đã tối’. Nhưng Thầy đâu muốn chúng con cứ đứng ỳ ở đấy. Thầy muốn chúng con lên đường và đi gặp Người tận mãi cuối đất, tận mãi cuối cùng thời gian.

Đấy cũng chính là sứ điệp của Đức Bênêđíctô XVI. Trước khi lên đường tới The Domain gặp gỡ 8,000 thiện nguyện viên, Ngài đã cử hành thánh lễ lúc 6 giờ sáng nay với 4 nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng tình dục và sau đó gặp gỡ họ. Cả Phòng Báo Chí Tòa Thánh lẫn Toà Tổng Giám Mục Sydney đều ra thông cáo về biến cố này và hy vọng đây sẽ là khởi đầu cho một diễn trình hàn gắn lâu dài. Không vấn đề nào đã gây xúc động, đau đớn, tủi buồn và xấu hổ cho quá nhiều người bằng vấn đề này. Chính Đức Hồng Y George Pell, mới đây, cũng cho hay: Giáo Hội muốn hòa giải chữa lành, chỉ là chưa biết phải làm sao để tiến hành tốt đẹp mà thôi. Rời bỏ bầu trời của riêng mình chắc hẳn là bước đầu của diễn trình ấy, một diễn trình chắc chắn nhận được nhiều khích lệ do cử chỉ hết sức nhân bản của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đem lại.
 
Top Stories
From a theologian to Pope of the people
Champion Post
18:11 20/07/2008
From a theologian to Pope of the people

World Youth Day under Sydney's limpid blue skies has opened a new chapter in the story of Pope Benedict XVI, one which seasoned Vatican observers describe as a turning point in his papacy.

The shy professor of theology turned cardinal, chief inquisitor and keeper of the Catholic faith has shown the first glimpse of a mass communicator in the making - one whose DNA may not be infused with the star power of John Paul II but who has now, even if reluctantly, embraced the need to engage directly with his 1.2 billion global followers.

"It is in Sydney that this Pope has truly learnt his job," said Andreas Englisch yesterday. Englisch, a German author, journalist and member of the Vatican press corps since 1986, has written seven books, including two on Pope John Paul II and one on Benedict XVI.

"Ratzinger is a theologian. He knows his church but he knew it through books, through his writing, from his study but not from the people. In Australia, even more than in the United States, he has learnt the church from his people … they do not want to be kept at arm's length.

"In Cologne in 2006, 1.5 mill-ion people lined the Rhine to see him. He spoke only to the young people on the boat with him … there was no effort to wave, to smile, to acknowledge all those that came out to see him … There was much criticism of him, even from his bishops. Here in Sydney it has been different, completely different."

Pope Benedict, born and bred in the cold of Bavaria, seems to have thawed in Australia.

When he faced the first phalanx of television cameras and microphones on board the flight to Sydney from Rome seven days ago he looked transfixed, hesitant in demeanour and rusty in English, the language of his soon-to-be hosts in Australia.

"He was faced by a battery of cameras and lights … he is not at his best in a crowd, he looked like a deer caught in a spotlight," another veteran Vatican specialist on board the flight said.

"But just a few days later, if you talked to those 12 kids who had lunch with him at St Mary's, you would not know it was the same man," she said.

"He laughed, he relaxed, he played with the stress ball that one of the American kids gave him. Theatrics go against his nature, but he has learnt here to play his audience … even to punch his applause lines, to listen, to time delivery with them."

In the past seven days the Pope, a man of undisputed fierce intellect and steadfast theological position, has gradually allowed a different part of his personality to emerge. At last he has provided a glimpse of the man behind the mitre.

At Government House, during his first official outing after resting at Kenthurst, the Pope was led through a review of the troops - an Australian protocol for a visiting head of state but one that departed entirely with papal tradition. It was clear from the Pope's demeanour that he was unsure of what was expected of him - even mildly embarrassed - as the navy, army and air force military bands waited at attention and he was led past each one.

"It is simply not a papal thing to do … I think it has only ever happened once or twice, usually in small African nations," said a senior Vatican reporter and veteran of 19 papal trips.

"He is never made to walk past like that … but it was obviously local tradition, and so he stopped each time, he waved; he obviously seemed to want to make a human connection."

According to his spokesman, the Jesuit priest Padre Federico Lombardi, the previous pope, John Paul II, had come from a pastoral tradition. "All of us see the difference in their personalities, the difference in their approach to people. You only need to watch them to see that difference.

"I think that for John Paul II this [a World Youth Day event] was a very spontaneous thing. He also had a personal past in pastoral work with youth. He used to take canoe trips, nature walks in forests with them. His gestures, his ripostes to curious questions [from youth] were all spontaneous.

"Pope Benedict XVI was a university professor. You can see that too in the way he imparts his speeches, his relationships, the way he expresses himself and so on … he has a rapport with the young but is more shaped by his students. I think though that he has shown a great willingness to live this new pastoral experience, which he inherited from his predecessor but which he has now infused with his own characteristics, of simplicity, of humility and availability to all."

Padre Lombardi said what was most visible in Sydney was the Pope's direct participation with young people and that he allowed himself to become involved.

The changes observed in the Pope during his Australian trip are particularly significant as no cardinal of the Roman curia had ever enjoyed the celebrity status - but as an intellectual not a populist - enjoyed by Joseph Ratzinger in Europe when he was cardinal.

According to John Allen, the Pope's unauthorised biographer, the then Cardinal Ratzinger's fame "transcended the borders of church life; [making him] a bona fide public figure with a cultural profile similar to [the conservative commentator and writer] William F. Buckley jnr's in the United States."

In his biography, which the Vatican did not receive warmly as it meticulously and critically analyses Joseph Ratzinger's dramatic evolution from early libertarian theologian to arch-conservative, Allen points out that in German newspaper polls at the time he was cardinal, Ratzinger came in the top 30 of German's most important and powerful nationals. He was placed ahead of the then head of the German central bank and even the tennis player Steffi Graf.

Allen's final analysis rejects critics who portray the Pope as a man driven only by fear - of losing power, of women, of sex, of modernity. He argues that the very few people who know the man, and even those who disagree with his theological positions, describe him differently: "… He is a refined man with a lively sense of humour, not someone working out his personal pathologies through the power of his office," he writes. When asked once, on Bavarian television, what he was afraid of, Allen writes that his quick-witted response was "I'm afraid only of the dentist".

On Sydney Harbour, during a welcome usually afforded rock stars, the Pope surprised many when he moved out of the papal entourage and ensconced himself at the front of the boat, looking as excited as the teenagers who flocked around him.

Similarly, his triumphant tournee around the racecourse at Randwick yesterday was markedly populist and warm. His security men turned a blind eye to the many babies and toddlers thrust through the open window for the Pope to kiss.

The only real criticism of the week revolved around the complexity of his homily at the Saturday night vigil on the St Augustine's theology of the Holy Spirit.

Some youngsters found the teachings impenetrable, and even Padre Lombardi, in a flash of great humour, admitted that he and others who had read the homily found it difficult "on first impression".

But that, he said, was a good measure of this Pope. "It was his choice, to choose issues that invite reflection, that require work to understand, that may need you to come back and return to them to seek clarity. There are other things that he might have said that might glean greater applause … but they would not have stimulated thought."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
LEAP tuyên dương Linh Mục Nguyễn Thế Viễn và kỹ sư Lê Duy Loan
Người Việt
13:38 20/07/2008
LOS ANGELES, California - Kỹ sư Lê Duy Loan và Linh Mục Nguyễn Thế Viễn là hai trong số bốn cá nhân được tổ chức giáo dục khả năng lãnh đạo cho người gốc Á-Thái Bình Dương “Leadership Education for Asian Pacifics” (LEAP) tuyên dương tại buổi dạ tiệc trao giải thường niên thứ 20, một thông cáo báo chí của tổ chức này cho biết như vậy.

Buổi trao giải đã diễn ra tại khách sạn Omni, Los Angeles, chiều tối Thứ Năm 17 Tháng Bảy, 2008 vừa qua.

Cứ mỗi năm một lần, LEAP lại tổ chức lễ tuyên dương những cá nhân và tổ chức có kỹ năng lãnh đạo và có những thành quả đáp ứng được sứ vụ của LEAP về mặt đạt được trọn vẹn mức độ dấn thân lẫn bình đẳng cho người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương thông qua khả năng lãnh đạo, phân phối công tác, và lập chính sách.

Linh Mục Nguyễn Thế Viễn là chánh xứ giáo xứ Nữ Vương Việt Nam tại vùng Ðông New Orleans. Công sức của linh mục này đối với giáo dân lẫn cộng đồng dân cư xung quanh, đều có tính quyết định trong việc hồi sinh lẫn tái thiết vùng Ðông New Orleans.

De963 tìm hiều thêm về bối cảnh dân chúng bị Katrina tàn phá thế nào tại New Orleans, và người Việt Nam tái xây dựng như thế nào VietCatholic đã có rất nhiều bài và hình ảnh tường trình, tỉ dụ như sau:



Còn kỹ sư Lê Duy-Loan, giám đốc kỹ thuật toàn cầu của Texas Instruments, cũng vừa là người Á Châu đầu tiên vừa là phụ nữ đầu tiên được trao danh hiệu Senior Fellow của Texas Instruments.

Hai thành viên cộng đồng Việt Nam quan trọng và nổi bật như cha Viễn và kỹ sư Loan, đã tỏ ra có kỹ năng lãnh đạo xuất sắc trong cuộc sống.

Ngay sau khi bão Katrina chấm dứt, Linh Mục Nguyễn Thế Viễn đã giúp cộng đồng vượt qua hoàn cảnh bi thương vươn đến cơ hội mới, đưa đến kết quả là 95% cư dân cộng đồng Việt Nam đã quay về chốn cũ, trong khi các sắc dân khác trong thành phố chỉ có 55%. Linh mục này đã sáng lập và đứng đầu Community Development Corporation, nỗ lực lo thiết lập làng Việt Nam, đóng góp vào việc đa dạng hóa các sắc dân da màu ở New Orleans. Làng Việt Nam gồm có một trung tâm văn hóa, một trung tâm sức khỏe cộng đồng và một khu dưỡng lão. Bên trong ngồi làng còn có một trường học, một khu mua sắm, có cả nông trại đi kèm với một ngôi chợ nông phẩm.

Riêng kỹ sư Lê Duy-Loan, người đứng tên 22 bằng phát minh, là diễn giả chính trong buổi lễ năm nay. Ðến Mỹ lúc mới 12 tuổi, bà đã tự học tiếng Anh, và vinh dự là học sinh xuất sắc đọc diễn văn tốt nghiệp trung học. Ngoài số bằng phát minh được công nhận, kỹ sư Duy-Loan còn 8 phát minh đang chờ công bố. Là thành viên hội đồng quản trị National Instruments, bà Duy-Loan cũng là giám đốc phối hợp kỹ thuật cao toàn cầu của Texas Instruments. Danh sách một loạt các danh hiệu kỹ sư Loan nhận được gồm có “Women In Technology International Hall of Fame”, “National Technologist Of The Year”, “Asian American Engineer of The Year”, “Science Spectrum Trailblazer”, “Women With Vision: Leadership, and United States Congressional Recognition for Civic Leadership”.

Rất năng nổ trong cộng đồng, công tác của kỹ sư Lê Duy-Loan - trong Mona Foundation và trong trách vụ sáng lập Sunflower Mission - đã giúp phát triển học vấn và kinh tế trong nước lẫn ngoại quốc.

Lần này những người nhận giải tỏ ra nồng nhiệt và có tài năng trên nhiều phương diện. Ngoài hai người gốc Việt, còn có hai cá nhân thuộc các sắc dân khác: John Tateishi và Franklin M. Fong. Một tổ chức khác cũng được vinh danh lần này là Sariling Gawa Youth Council, Inc.

J.D. Hokoyama, ủy viên sáng lập và là giám đốc LEAP, nói: “Tôi tin rằng sự hiện hữu và lớn mạnh của tổ chức có được xuất phát từ sự cống hiến và niềm tin mà những thành phần ủng hộ có được về tầm quan trọng của công tác phát triển và tăng trưởng khả năng lãnh đạo nơi cộng đồng dân Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi thừa nhận rằng nhu cầu lãnh đạo của nhóm dân này có hai mặt tách biệt nhưng gắn bó với nhau: số lượng và chất lượng. Không chỉ có nhu cầu tăng số lượng nhà lãnh đạo gốc Á-Thái Bình Dương, mà các nhà lãnh đạo này còn phải làm việc hiệu quả hơn nếu các cộng đồng của họ cần phát triển phồn thịnh và trở nên những thành viên tham dự trọn vẹn của nền dân chủ Hoa Kỳ.” (T.Ð.)

(Source: Người Việt, Friday, July 18, 2008)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Áp-phích ''Mừng Đảng'' ở Tòa Khâm Sứ tự nhiên rơi rụng!
Thăng Long
12:46 20/07/2008
HÀ NỘI - Mải mê tường thuật về biến cố WYD 2008 ở Sydney, nên hôm rồi có có vụ "băng rôn Mừng Đảng" rơi rụng mà quên không báo cáo bà con xa gần.

Trong những ngày qua cả tháng trời, bên trong Toà Khâm Sứ bây giờ thành bãi tập golf cho mấy đại gia. Bên ngoài vỉa hè thì bị lấn chiếm làm bãi giữ xe. Lấn cho đến cổng ra vào Toà Tổng Giám Mục.

Hết xuân đã tới hè, mà cái khẩu hiệu "mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới" vẫn cứ ì ra đó chưa hề đổi mới. Chắc ông Trời thấy vô duyên và vô hậu cho nên "phù" một cái cho nó hạ thổ vào ngày 15.7.2008. Người đi đường thấy "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đổi mới" tả tơi cũng mặc kệ.

Xin ghi lại mấy tấm hình "thân thế côi cút" Tòa Khâm Sứ bây giờ thế nào... Cũng chẳng phải vì người ta quên nó đâu. Mà Giáo Hội cũng không quên đâu!

Chỉ có điều chưa thể nói... hoặc chưa đến thời để nói. Thế thôi!

 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Chúc Mừng Linh Mục Nguyễn Thế Viễn được LEAP Tuyên Dương
Liên Đoàn CGVNHK
14:35 20/07/2008


Ngày 17 tháng 7, 2008

Chúc Mừng Linh Mục Nguyễn Thế Viễn được LEAP Tuyên Dương

Nhận được tin vui: Linh Mục Nguyễn Thế Viễn được tổ chức giáo dục khả năng lãnh đạo cho người gốc Á-Thái Bình Dương “Leadership Education for Asian Pacifics” (LEAP) tuyên dương tại buổi dạ tiệc trao giải thường niên thứ 20 tại khách sạn Omni, Los Angeles, chiều ngày Thứ Năm 17 Tháng Bảy, 2008 vừa qua về kỹ năng lãnh đạo, phân phối công tác, và lập chính sách tương ứng với đường hướng của LEAP đề ra.

Linh Mục Nguyễn Thế Viễn, Chánh Xứ Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam tại Ðông New Orleans,

ngay sau khi bão Katrina chấm dứt, Cha đã giúp cộng đồng vượt qua hoàn cảnh bi thương vươn đến cơ hội mới, đưa đến kết quả là 95% cư dân cộng đồng Việt Nam đã quay về chốn cũ, trong khi các sắc dân khác trong thành phố chỉ có 55%.

Cha cũng đã sáng lập và đứng đầu Community Development Corporation, nỗ lực lo thiết lập làng Việt Nam, đóng góp vào việc đa dạng hóa các sắc dân da màu ở New Orleans. Làng Việt Nam gồm có một trung tâm văn hóa, một trung tâm sức khỏe cộng đồng và một khu dưỡng lão. Bên trong ngồi làng còn có một trường học, một khu mua sắm, có cả nông trại đi kèm với một ngôi chợ nông phẩm.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chân thành chúc mừng, và chung vui với Cha về những thành tựu Cha đạt được trong việc phục vụ dân Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Cha và giáo dân Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam.

Thân mến,

LM Giuse Nguyễn Thanh Liêm

Chủ Tịch LĐCGVN/HK
 
Thông Báo
Cáo phó: Linh mục Thomas Dương Ngọc Phán đã qua đời tại Saigòn
Lm Gioan Baotixita Phạm Văn Hợp
10:36 20/07/2008
CÁO PHÓ
Trong niềm tin tưởng vào Chúa Kitô tử nạn và Phục Sinh
Linh mục Hạt Trưởng Hạt Thủ Thiêm – Tổng Giáo Phận Sài Gòn
Linh mục Giám Đốc Nhà Hưu Dưỡng Bắc Ninh – Thủ Đức
Linh mục Chánh xứ và Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo xứ Công Thành
Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập – Hạt Thủ Thiêm
Gia Đình Huyết Tộc và Linh Tông Kính báo
LINH MỤC THOMAS DƯƠNG NGỌC PHÁN
Đại Diện Giáo Phận Bắc Ninh Miền Nam
Linh Giám Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập
Nguyên Chánh xứ GX Công Thành
Ngài sinh năm 1927 tại Thái Bình
Thụ phong Linh mục 07 tháng 12 năm 1954 tại Rôma
Đã về nhà Cha lúc 19g00, ngày 18 tháng 07 năm 2008
tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập – Hạt Thủ Thiêm – Tổng Giáo Phận Sài Gòn
Hưởng thọ 81 tuổi – 54 năm Hồng ân Linh Mục

Linh cữu quàn tại Nguyện Đường Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập
Linh mục Đoàn Hạt Thủ Thiêm dâng lễ tiễn biệt
vào lúc 8g30 ngày 21 tháng 07 năm 2008
tại Thánh Đường Giáo Xứ Tân Lập
Sau đó di quan về Trụ Sở Giáo Phận Bắc Ninh Miền Nam – Thủ Đức

Thánh Lễ An Táng sẽ được cử hành vào lúc 8g30 ngày 22 tháng 07 năm 2008
tại Nguyện Đường Trụ Sở - Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Bắc Ninh – Thủ Đức
Sau đó An táng tại Đất Thánh Giáo xứ Tân Lập – Quận 2

Kính xin toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa cầu nguyện cho Cha Cố Thomas sớm hưởng nhan Thánh Chúa

Kính báo
Linh mục Hạt trưởng hạt Thủ Thiêm
 
Cáo Phó: Linh mục Gioan Baotixita Đinh Văn Thám đã qua đời tại Xuân Lộc
GP Xuân Lộc
10:49 20/07/2008
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Tử nạn và Phục sinh
Tòa Giám mục Xuân Lộc
Linh mục đoàn Giáo hạt Xuân Lộc
Gia đình Linh tông, Huyết tộc
Và Giáo xứ Hiệp Lực, kính báo:
Cha Gioan Baotixita Đinh Văn Thám
Chánh xứ Hiệp Lực, Giáo hạt Xuân Lộc,
đã về nhà Chúa lúc 12g30 ngày 18.7.2008,
tại Giáo xứ Hiệp Lực, Xã Xuân Tâm, Huyện Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai.

Lễ nhập quan cử hành lúc 09g00, thứ bảy ngày 19.7.2008.
Thánh lễ an táng do Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc chủ sự
vào lúc 08g30, thứ ba, ngày 22.7.2008 và được an táng tại Giáo xứ Hiệp Lực.

Xin quí Cha, quí Tu sĩ nam nữ và thân bằng quyến thuộc hiệp lời cầu nguyện
và tham dự thánh lễ an táng để cầu nguyện cho Cha cố Gioan Baotixita đựơc hưởng nhan thánh Chúa.

Vài nét tiểu sử về Ca Gioan Baotixita Đinh Văn Thám
-Sinh ngày 08.01.1941, tại Tiên Đôi Ngoại, Tiên Lãng, Hải Phòng.
- Nhập Giáo phận Kontum, học tại Đại Chủng Viện Huế.
- Thụ phong Linh mục ngày 13.6.1968, tại Đà Nẵng.
- Quá trình phục vụ:
* Phó xứ Phú Bổn, giáo phận Kontum (1968 – 1969).
* Phó xứ Thanh Bình, giáo phận Kontum (1969 – 1970).
* Tuyên uý Quân đội tại Pleiku, giáo phận Kontum (1970 – 1975).
* Làm việc mục vụ âm thầm tại giáo phận Xuân Lộc (1975 – 1994).
* Phó xứ Kẻ Sặt, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc (1994 – 1996).
* Chánh xứ Hiệp Lực, hạt Xuân Lộc (1996 đến nay).