Ngày 19-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tin tưởng vào Chúa và tha thiết nguyện cầu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:35 19/07/2016
Tin tưởng vào Chúa và tha thiết nguyện cầu

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Năm – C

(Lc 11, 1-13)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng vào Chúa và tha thiết nguyện cầu. Bài đọc I (St 18, 20-32) là một minh họa đầy đủ ý nghĩa nhất. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã van nài Chúa, thậm trí mạc cả với Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính, Abraham đã tìm thấy tột đỉnh của lòng thương xót Chúa là tha thứ. Tin Mừng (Lc 11, 1-13) thuật lại cho chúng ta lời nguyện cầu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa dạy các môn đệ. Người không dạy họ một công thức cầu nguyện cho bằng dạy họ hướng về Thiên Chúa là Cha bằng tình con thảo với trọn niềm tin vì : “Kẻ cô thân Thiên Chúa cho nhà cửa, chính Người ban tặng cho dân dũng lực uy quyền.”( Ca nhập lễ).

Gương của tổ phụ Abraham

Từ cây sồi ở Mambrê Thiên Chúa tỏ ý định của Ngài cho Abraham (x. St 18,1), và Abraham nhận ra lòng thương xót Chúa. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã dám thưa cùng Chúa : “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao?” (St 18, 24-25) Và ông tiếp tục mạc cả với Thiên Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính. Vấn đề là Thiên Chúa không bao giờ muốn tiêu diệt thành Sôđôma. Abraham sợ chứng kiến cảnh Thiên Chúa trừng phạt Sôđôma và Gômôrrha. Với lòng thương dân sẵn có, Abraham đã nguyện cầu, đến nỗi táo bạo can thiệp cả Thiên Chúa. Ông tin vào Thiên Chúa, nhưng giờ đây niềm tin đó đang bị thử thách, ông tự hỏi : Liệu Thiên Chúa có trung thành với lời Giao ước tình thương với dân Ngài không? Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, nếu nói rằng Abraham mặc cả với Chúa, không có sai, vì ông đã giảm giá dần, từ năm mươi người xuống còn mười người. Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”. Abraham thấy các thành rơi vào cảnh bi đát, sắp bị Chúa tàn phá và ông tìm kiếm một con đường giải thoát cho hai thành. Ông kêu van, mặc cả nhưng không nói lộng ngôn phạm đến Chúa, Chúa lắng nghe, và nhận lời ông cầu xin.

Cầu nguyện như Đức Giêsu dạy

Niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham bị thử thách, đó cũng là niềm tin của chúng ta nói chung. Vì nhiều khi chúng ta xin mãi mà không được, nên chán nản. Chúng ta cùng xem Chúa Giêsu cầu nguyện thế nào và dạy các môn đệ ra làm sao (x. Lc 11, 1-13).

Chuyện là khi các môn đệ chiêm ngắm Thầy cầu nguyện thì một trong số họ thưa: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã đã dạy các môn đệ ông”. Chúa Giêsu đáp ứng lời xin và dạy : “Khi anh em cầu nguyện, thì hãy cầu nguyện như thế này : ‘Lạy cha…”. Người mời gọi các môn đệ hướng về Cha, Người không dạy họ một công thức cầu nguyện cho bằng dạy họ cầu nguyện. Cầu nguyện trước hết phải đi vào trong tương quan thân tình với Thiên Chúa là Cha. Bởi lịch sử cứu độ con người là một chuỗi dài của tình phụ tử giữa Thiên Chúa với lòng hiếu thảo của con người. Thiên Chúa cất tiếng gọi con người đáp trả và tìm thấy lòng tốt hảo của Thiên Chúa là Cha. Con người khát khao Thiên Chúa gặp gỡ lòng trùi mến của Thiên Chúa đối với con người, con người được Chúa ban ơn.

Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa “Lạy Cha” là Người đưa chúng ta vào trong tương quan diện đối diện với Thiên Chúa, khiêm tốn, tin tưởng bước vào với tình con thảo. Tuy lời cầu nguyện tạ ơn dài trong Thánh Vịnh thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con tạ ơn danh Chúa vì tình thương và chân lý” ; “Nếu tôi đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn tôi sống” ; “Chúa ra tay phản đối quân thù tôi giận giữ” ; “Chúa sẽ hoàn tất cho tôi những điều Ngài đã khởi sự! Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại đến muôn đời” (Tv 137, 1-8)… Nhưng, thánh vịnh gia còn phải đương đầu với quân thù và những cám dỗ đang rình rập, lúc mà Thiên Chúa trung thành hình như vắng mặt.

Thiên Chúa luôn giữ lời hứa, muôn đời không hề thay đổi. Vậy, tại sao ta lại nghi ngờ về tình phụ tử của Thiên Chúa? Chúa Giêsu bảo đảm rằng những lời nguyện cầu mà chúng ta dâng lên Chúa Cha sẽ luôn được nhận lời : “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,10). Người lưu ý chúng ta : “Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10) Người làm cho chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng không chỉ sẽ nhận lời mà còn trao ban cho chúng ta những điều tốt hơn điều chúng ta cầu xin.

Chúng ta đã chẳng đọc những lời của Chúa Giêsu rằng, Đấng trao ban còn quí trọng hơn những gì là ân huệ Ngài trao ban sao ? Chính Chúa, là kho tàng quí giá nhất mà chúng ta nhận được trong lời cầu nguyện ; Lời cầu nguyện đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông với Chúa, đặt mình trước mặt Chúa là Đấng ba lần Thánh và hiệp thông với Ngài. Cầu nguyện, là để Thiên Chúa đến ở với chúng ta và biến đổi chúng ta. Dần dà, chúng ta tìm thấy những gì tội lỗi đã làm hư mất. Và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta làm cho mình trở lên trung gian của tình yêu Thiên Chúa giữa anh em.

Để trở nên môn đệ đích thực của Chúa, chúng ta không chỉ cầu nguyện trong tình con thảo mà lời cầu nguyện còn đưa chúng ta vào trong niềm tin hòa giải : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con”.

Lấy lại những lời nguyện cầu của Chúa Giêsu, chúng ta thưa: “Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Lúc đó, chúng ta sẽ thực sự trở nên môn đệ Đức Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và nên những sứ giả mang lòng thương xót của Chúa Cha đến với muôn người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bản tin Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 – Cửa sổ Giáo Hoàng tại Krakow
VietCatholic Network
13:14 19/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Người hành hương đại hội giới trẻ thế giới sẽ nhận được một áp dụng điện tử mới về học thuyết xã hội Công Giáo

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nổi tiếng là vị giáo hoàng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội nhiều nhất xưa nay. Ngoài việc tạo kỷ lục với Instagram và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng Google Hangouts, ngài sẽ còn cho khách hành hương đại hội giới trẻ thế giới một áp dụng điện tử mới.

Từ các nhà sáng chế ra “YouCat”, tức sách giáo lý cho tuổi trẻ, một kiểu sách mới, gọi là “Docat”, đã được khai triển nhằm trình bầy học thuyết xã hội của Giáo Hội một cách sáng tạo, lôi cuốn và trọn vẹn đối với tuổi trẻ. Cuốn sách này sẽ được phát động trong chính đại hội giới trẻ thế giới tại Krakow dưới hình thức một áp dụng điện tử.

“YouCat” được phân phối lần đầu tiên tại đại hội giới trẻ thế giới tại Madrid năm 2011 như một cách mở rộng cảm nghiệm và nhận thức đức tin nơi tuổi trẻ. Nhưng tại sao còn cần một kiểu sách mới về học thuyết xã hội?

Christian Lermer, Viên Chức Chấp Hành của Qũy YouCat, cho hay Qũy muốn tạo ra một điều giúp “làm cho học thuyết của Giáo Hội dễ đọc và lôi cuốn, mà không thay đổi nội dung”.

Bernhard Meuser, người sáng lập ra Qũy YouCat, nói rằng tiếp theo việc phát hành YouCat, Qũy nhận được một số điện thư của tuổi trẻ Mỹ cho hay: “giờ đây chúng tôi biết đức tin của chúng tôi có nghĩa gì. Chúng tôi phải làm gì? Xin qúy vị hãy thực hiện một Docat!”

Ý tưởng phát hành một cuốn sách mới nói về việc phải đem đức tin ra thực hành một cách thực tiễn như thế nào, nguyên lai đã khởi đầu qua các điện thư đó và ý tưởng này cũng được các viên chức của Tòa Thánh ủng hộ.

Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, đã gợi ý rằng nếu cơ quan YouCat muốn tạo một cuốn sách mới cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thì cuốn sách đó nên nói một là về Thánh Kinh hai là nói về học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Chính Đức Giáo Hoàng Phanxiô viết lời nói đầu cho cuốn sách và cuốn sách này sẽ được phát động tại Krakow vào ngày 23 tháng này, 3 ngày trước cuộc gặp gỡ của giới trẻ thế giới (26-31 tháng Bẩy).

Thay vì tổ chức một thứ họp báo để phát hành cuốn sách, Qũy YouCat sẽ tổ chức một biến cố với 200 người trẻ khắp thế giới học hỏi DoCat và hướng dẫn một cuộc thảo luận về học thuyết xã hội.

Các giám mục và diễn giả từ khắp thế giới “sẽ kích thích tâm hồn họ bùng cháy đối với học thuyết xã hội như là hoa trái của Tin Mừng”. Biến cố này sẽ được Đức Hồng Y Christoph Schonborn của Vienna hướng dẫn, và cũng sẽ bao gồm một buổi tập huấn chuẩn bị, một chương trình nối vòng tay, và các địa điểm dữ liệu để dạy giáo lý.

Theo Meuser, trong khi lời nói đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho YouCat cung cấp một sứ điệp mạnh mẽ về việc làm, lời nói đầu của ngài cho DoCat nhấn mạnh nhiều hơn tới giấc mơ của ngài về “một thế hệ mới”. Giấc mơ này mong muốn giới trẻ “biết mọi điều về công lý và hòa bình, Tin Mừng và tình yêu của Thiên Chúa, và lòng thương xót”.

Meuser cho hay: “chúng ta phải là các chuyên viên bén rễ sâu xa (vào thuyết xã hội)” và Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ chia sẻ “sứ điệp mạnh mẽ” này với giới trẻ thế giới qua một cuốn video đặc biệt về cuốn sách và áp dụng DoCat.

Cả Meuser lẫn Lermer đều đã được gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican ngày 17 tháng Sáu vừa qua để trình bầy với ngài về DoCat và quay cuốn video sẽ được trình chiếu tạ đại hội giới trẻ thế giới.

Lermer cho biết: diễn trình tạo ra DoCat là một diễm phúc đối với Qũy, vì trước đó, họ vốn không biết Đức Giáo Hoàng muốn viết lời nói đầu và chịu quay video về nó.

“Có nhiều điều chắc chắn sẽ ra rất khác, nên chúng tôi rất biết ơn… có thể nói mọi sự đều do ơn trên sắp xếp”.

Các tham dự viên đại hội giới trẻ thế giới sẽ được xem cuốn video của Đức Giáo Hoàng và sẽ nhận được những cuốn sách nhỏ mô tả áp dụng mới và khuyến khích họ tải xuống.

Theo Lermer, áp dụng mới không những sẽ có nội dung của cuốn sách, mà nó còn có “các dụng cụ khuyến khích rất hợp thị hiếu để nghiên cứu nó”.

Cho tới nay, trong khi cuốn sách in chỉ có hai thứ tiếng, thì áp dụng mới có nhiều thứ tiếng hơn nhiều: tiếng Anh, tiếng Croat, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Ba Lan, tiếng Slovak và tiếng Đức.

Meuser giải thích rằng một trong các mong ước chính ngay từ đầu của Qũy là sự tham dự trực tiếp của người trẻ vào dự án. Chia thành 12 chương về đủ mọi vấn đề từ gia đình và việc làm, sự sống tới việc bảo vệ môi sinh và cổ vũ hòa bình, cuốn sách được thiết kế với sự giúp đỡ của tuổi trẻ và chứa nội dung trực tiếp từ các dự án và sáng kiến do chính tuổi trẻ khởi sự.

Meuser và Lermer đặc biệt lưu ý tới việc nội dung phải “có chất liệu khoa học và xã hội” lấy từ tuổi trẻ, cũng như tuổi trẻ thực hiện các dự án nhiếp ảnh về nội dung xã hội như công lý và hòa bình.

Bên trong cuốn sách, bản văn chính hiển thị ở một bên với các câu hỏi và các câu trả lời, một số các câu này được trang trí bằng “các hình ảnh rất vui nhộn”.

Sách cũng bao gồm nhiều trích dẫn lấy của Chân Phúc John Henry Newman, Đức Bênêđíctô XVI, và Thánh Kinh. Ngoài ra, sau mỗi chương, còn có các đoạn trích ngắn về học thuyết xã hội từ Đức Lêô XIII tới Đức Phanxicô hiện nay.

Meuser cho biết: “tuổi trẻ cung cấp cho chúng tôi nhiều hình ảnh và góp ý, nên chúng tôi đã xuất bản cuốn sách trong diễn trình tham dự của người trẻ”. Ý niệm chính ở đây là vận động giới trẻ tham dự vào thế giới chung quanh họ, sau khi đã thấm nhuần học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Ông hy vọng rằng DoCat sẽ là “thời điểm để học hỏi học thuyết xã hội. Chúng ta đang sống trong phế tích của hai ý thức hệ lớn: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Cả hai đã tiêu hủy thế giới”. Nay “ta phải thay đổi thế giới”.

2. Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Krakow, các người trẻ Iraq sẽ đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramic trước Đức Giáo Hoàng

Sẽ có hơn 2 trăm người trẻ Kitô hữu Iraq từ khắp các giáo phận của đất nước tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới, được tổ chức tại Krakow vào cuối tháng Bẩy. Và trong bối cảnh này, khi đi Đàng Thánh Giá, một số bạn trẻ sẽ có dịp đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramic, vốn là ngôn ngữ của Chúa Giêsu, trước Đức Giáo Hoàng. Đức Cha Basel Salim Yaldo, giám mục nghi lễ Canđê, người sẽ tháp tùng giới trẻ Iraq, trong cuộc du hành của họ tới Balan, nói với hãng tin Fides rằng: “Đây sẽ là giờ phút quan trọng cho tất cả chúng tôi được củng cố trong đức tin và trong hiệp thông với toàn thể Giáo Hội của Chúa Kitô”. Cùng đi với đoàn còn có Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda, hơn 10 linh mục và 7 nữ tu.

Những người trẻ Iraq đang chuẩn bị tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới phần lớn xuất thân từ các giáo phận Baghdad, Kirkuk và Erbil. Trong số những người xuất thân từ giáo phận Erbil, cũng có một số người trẻ là người tỵ nạn hiện đang sống tại thủ phủ của Vùng Tự Trị Kurdistan, sau khi cùng gia đình bị buộc phải bỏ các làng mạc của họ ở Bình Nguyên Niniveh. Các người trẻ Iraq đã chuẩn bị tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow bằng nhiều cuộc gặp gỡ cộng đồng và vào ngày 19 tháng 7, trước khi lên đường đi Balan, họ sẽ sống với nhau một ngày để cầu nguyện, ca hát và cử hành bí tích trong tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ở Krakow, khi cử hành Đàng Thánh Giá, một số người trong đoàn sẽ đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramic.

Đức Cha Basel Yaldo nói rằng “Khi cử hành lòng đạo đức, qua đó Giáo Hội làm sống lại Cuộc Thống Khổ của Chúa Kitô này, chúng tôi cũng sẽ sẽ nhìn sự đau khổ của đất nước chúng tôi dưới ánh sáng sự đau khổ của Chúa Giêsu. Trong những ngày này, các người trẻ nam nữ của Iraq sẽ trao đổi kinh nghiệm của họ với người trẻ khắp thế giới. Và, chúng tôi cũng sẽ triệu tập một cuộc gặp gỡ quốc gia để người trẻ ở Krakow thuật lại kinh nghiệm của họ. Nhờ thế, chúng tôi sẽ tự khám phá ra điều này: ta có thể sống niềm hy vọng Kitô Giáo và sự hiệp thông hân hoan với toàn thể Giáo Hội, bất chấp các điều kiện khó khăn hiện đang sống. Nhờ thế, chúng tôi sẽ nhận ra rằng không cần phải chạy trốn, di cư, và sống ơn phúc hân hoan Kitô giáo tại nơi mình sinh ra và là nơi chúng tôi đã gặp được Chúa Giêsu, được lắng nghe lời công bố Tin Mừng, quả là điều tốt đẹp”.

3. Máy phát thanh để nghe lời dịch của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Mọi người hành hương tham dự Các Biến Cố Chính trong tháng Bẩy nên mang theo một máy phát thanh di động nhỏ có ống nghe. Máy này giúp họ sử dụng các lời dịch.

Các người hành hương từ gần 200 nước sẽ tới Krakow và họ sẽ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Một nhóm thông dịch viên sẽ giúp giới trẻ hiểu đầy đủ các bài giảng lễ và các bài diễn văn trong các buổi lễ và các cuộc gặp gỡ.

Anna Chmura, phối trí viên Truyền Thông của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nói rằng “lời dịch cùng một lúc sẽ được thực hiện bằng mọi thứ tiếng chính thức của Đại Hội: tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Ukrain, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng Nga. Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Czech cũng sẽ cung cấp lời dịch sang tiếng Czech”.

Mateusz Zimny của Phòng Thông Dịch tại Đại Hội nói thêm: “Nhóm chúng tôi bao gồm các thông dịch viên có khả năng và được chuẩn bị thích đáng. Một trong các tiêu chuẩn để được chọn lựa là hiểu biết các từ vựng Giáo Hội học”.

Các người hành hương nên mang theo một máy phát thanh có ống nghe và ít cục pin phòng hờ. Ban tổ chức khuyến cáo không nên sử dụng điện thoại di động, dù họ có thể nghe lời dịch bằng các dụng cụ này.

Mateusz Zimny nói thêm: “pin của điện thoại di động có thể hết chạy. Đừng quên ống nghe (headphones), nó vốn là một antenna. Không có ống nghe, không thể có việc thu thanh bằng điện thọai thông minh”.

Tần số chuyên biệt cho từng tiếng nói sẽ bao gồm trong áp dụng và trên trang mạng chính thức của Đại Hội.

4. Cửa sổ Giáo Hoàng tại Krakow

Dinh Giám Mục tại Krakow (ở số 3 Đường Franciszkanska) là Trụ Sở Chính của Tổng Giám Mục Krakow, Ba Lan, và là cư sở truyền thống của các giám mục Krakow từ cuối thế kỷ thứ 14. Nó là dinh lớn thứ hai trong thành phố, sau Wawel, cư sở cũ của các vua chúa Ba Lan. Nó là một phần trong một quần thể đan viện của Dòng Phanxicô. Dinh Giám Mục được nhiều người biết đến vì là nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cư ngụ lúc ngài còn ở trong thành phố. Vào ban đêm, ngài thường ban phép lành và nói với các tín hữu từ một chiếc cửa sổ phía trên lối ra vào chính.

Dinh này thường đóng cửa, không cho du khách vào trừ bảo tàng viện; hiện nay, nó là một trong những địa điểm tôn giáo nổi tiếng nhất để viếng thăm vì có liên hệ tới đời sống Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giữa các năm 1958 và 1978, dinh này là cư sở của Đức Hồng Y Karol Wojtyła, người, vào tháng 10 năm 1978, đã trở thành vị Giáo Hoàng người Slav đầu tiên trong lịch sử, lấy tên là Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y Wojtyła trước đó đã sống tại quần thể này hồi Thế Chiến II, khi ngài là sinh viên của Chủng Viện Chui của tổng giáo phận Krakow, do Đức Hồng Y Adam Stefan Sapieha điều khiển thời Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan. Sau cuộc bố ráp hàng ngàn đàn ông con trai ở Krakow của Quốc Xã ngày 6 tháng 8 năm 1944, Đức Hồng Y Sapieha đã quyết định để các sinh viên của chủng viện ở ngay trong Dinh Giám Mục cho tới ngày người Đức rút khỏi thành phố. Chủng Sinh Wojtyła được thụ phong linh mục không bao lâu sau Thế Chiến II, tức ngày 1 tháng 11 năm 1946, bởi tay Đức Hồng Y Sapieha tại nhà nguyện riêng của ngài. Không xa Dinh bao nhiêu (ở số 19 Đường Kanonicza) là Bảo Tàng Viện của tổng giáo phận (tiếng Ba Lan: Muzeum Archidiecezjalne) nơi trưng bầy nhiều nghệ phẩm có liên quan.

Khi nghe tin Đức Gioan Phaolô II qua đời ngày 2 tháng 4, năm 2005, 40,000 người Công Giáo đã tụ tập trước dinh, tham dự buổi canh thức cầu nguyện. Mỗi năm đến giỗ của ngài, hàng ngàn bó hoa đã được đặt quanh tòa nhà và nhiều ngọn lửa được đốt lên. Cửa sổ phía trên lối ra vào được người ta gọi là “cửa sổ giáo hoàng”, vì từ đây, Đức Gioan Phaolô II đã nói chuyện với đám đông tụ tập để diện kiến ngài. Ở sân trước, có tượng của Đức Gioan Phaolô II do nghệ sĩ Jole Sensi Croci tạc và tặng dinh hồi tháng 5, năm 1980.

Thứ Tư, ngày 27 tháng 7 này, tức ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Krakow, lúc 8 giờ tối, Đức Thánh Cha sẽ xuất hiện ở Cửa Sổ Giáo Hoàng để chào thăm tín hữu tụ tập tại công trường trước Dinh Giám Mục.

5. Nhà thờ chính tòa Wawel

Vương Cung Thánh Đường Hoàng Gia Các Thánh Stanislaus và Wenceslaus trên Đồi Wawel, cũng có tên là Nhà Thờ Chính Tòa Wawel (tiếng Ba Lan: katedra wawelska), là một nhà thờ Công Giáo Rôma tọa lạc trên Đồi Wawel ở Krakow, Ba Lan. Tại đây, hôm thứ Tư, ngày 27 tháng 7, sau khi gặp các nhà cầm quyền và ngoại giao đoàn, và thăm xã giao Tổng Thống Cộng Hòa Ba Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp các giám mục Ba Lan.

Đức Giáo Hoàng cũng sẽ cầu nguyện thinh lặng tại mộ Thánh Stanislaus, nơi di hài của Thánh Gioan Paholô II cũng được trưng bầy, trước khi tôn thờ Bí Tích Cực Thánh tại nhà nguyện phía sau Bàn Thờ.

Đã được xây cách nay 900 năm, nó là đền thờ quốc gia của Ba Lan và theo truyền thống vốn dùng làm địa điểm phong vương cho các vị vua Ba Lan và làm Nhà Thờ Chính Tòa của tổng giáo phận Krakow. Cha Karol Wojtyla, người vào năm 1978 trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một ngày sau khi chịu chức linh mục, tức ngày 2 tháng 11 năm 1946, đã dâng Thánh Lễ mở tay tại Hầm Nhà Thờ này, và được tấn phong giám mục phụ tá của Krakow cũng tại đây vào ngày 28 tháng 9, năm 1958.

Nhà Thờ Chính Tòa Wawel vốn là nơi chính để chôn cất các vua chúa Ba Lan từ thế kỷ thứ 14. Trong tư cách này, nó đã được nới rộng và thay đổi rất đáng kể vì mỗi vị vua đều thêm vào nhiều nhà nguyện an táng.

Nhà thờ chính tòa theo lối Gôtích hiện thời là tòa nhà thứ ba tại địa điểm này: tòa nhà thứ nhất được xây rồi bị hủy vào thế kỷ 11; tòa nhà thứ hai được xây hồi thế kỷ 12, rồi bị hủy do hỏa hoạn vào năm 1305. Việc xây cất tòa nhà hiện thời bắt đầu trong thế kỷ 14 theo lệnh của Đức Cha Nanker.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016: Video các Sơ nhẩy muá chào mừng.
Trần Mạnh Trác
14:07 19/07/2016
Một video chiếu cảnh các bà Sơ nhẩy muá trên bãi biển đang được phát tán như lửa cháy trên Mạng.

Các bà mặc áo chùng thâm, vỗ tay, lượn qua lưọn lại theo điệu nhạc cuả một bài flash mob cuả Tây Ban Nha. Cái không khí vui tươi dễ lây đã lôi kéo nhiều người khác cùng tham gia. Chẳng mấy chốc đã trở thành một đám đông cùng nhau nhẩy múa trên bờ biển, dưới ánh sáng êm dịu cuả một buổi sáng sớm.

Đó là các nữ tu dòng Thánh Faustina từ thị xã Mysliborz ở miền Tây Pomerania, Ba lan. Họ muá để chào mừng Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 sẽ được tổ chức ở Krakow từ ngày 26 đến 31 tháng 7 sắp tới.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một sự kiện quốc tế của Giáo Hội Công Giáo, được tổ chức để củng cố đức tin cuả thanh thiếu niên.

Khởi xướng bởi Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II vào năm 1985, nó đã trở thành một truyền thống được các vị Giáo Hoàng kế tiếp duy trì, là Đức Benedictô XVI và Đức Phanxicô.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow sẽ đánh dấu 30 năm kể từ khi sự kiện này chính thức bắt đầu.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia lễ kỷ niệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow và sau đó sẽ cử hành thánh lễ tại đền thánh Czestochowa nhân dịp kỷ niệm 1050 năm ngày Ba Lan gia nhập Thiên Chuá Giáo.

Xin coi video sau:
 
Hành hương kỹ thuật số - một chiều kích mới của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Đặng Tự Do
21:15 19/07/2016
Những người trẻ hành hương từ khắp nơi trên thế giới sẽ chia sẻ những câu chuyện từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, vào tuần tới không chỉ bằng những lời nói, nhưng cũng còn qua các hình ảnh, âm thanh sống động truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội, khi các phương tiện này được dùng để kết nối với các thành viên gia đình, bạn bè, giáo xứ và thế giới rộng lớn hơn.

Tai ương khủng bố liên tục tại Âu Châu trong mấy năm qua chắc chắn có một tác dụng tiêu cực trên số bạn trẻ đến được Krakow, Ba Lan. Chính vì thế, nhiều giáo xứ và giáo phận trên toàn thế giới đã có sáng kiến tổ chức tại địa phương trong cùng một thời điểm với các sự kiện quốc tế, và chia sẻ với những bạn trẻ có mặt tại hiện trường qua các kết nối Internet.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay, do đó, sẽ bao gồm một loại hành hương mới. Hàng triệu người hành hương kỹ thuật số, những người không có mặt tại Kraków về thể chất, nhưng sẽ tham gia hành trình tâm linh này bằng cách kết nối qua điện thoại thông minh hoặc các thiết bị di động khác, hoặc thông qua máy tính tại nhà, trường học hoặc nơi làm việc của họ. Đối với họ, kỹ thuật số đường cao tốc sẽ là con đường hành hương và là một cách để họ kết nối với những người hành hương tại Kraków.

“Chúng tôi muốn mọi người không cảm thấy bị bỏ rơi. Họ sẽ bước đi trên cuộc hành trình với những người hành hương tại Kraków”, Matt Palmer, chuyên gia truyền thông xã hội cho Ủy Ban Giao Tế Công Cộng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói.

Palmer, người điều phối các chương trình tường thuật Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Rio de Janeiro năm 2013, đang có mặt tại Kraków, đã sử dụng iPhone của mình để chụp các địa điểm quan trọng cũng như ghi lại âm thanh của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow và đưa lên các mạng xã hội như Twitter, Facebook và Instagram với hashtag là #wydusa.

Những người hành hương kỹ thuật số cũng có thể sử dụng Pilgrimage app - một nỗ lực chung của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Hội Thánh Kinh Mỹ - để có được những tin tức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được cập nhật hàng ngày.

“Thiên Chúa luôn luôn cố gắng tìm kiếm những cách thức mới để nói chuyện với chúng ta, và phương tiện truyền thông xã hội có thể là một trong những cách đó” Sarah Jarzembowski, điều phối viên chương trình giảng dạy cho Trung tâm Các Họat Động Tông đồ, do các linh mục và sư huynh dòng Pallottine đảm trách.

Sarah Jarzembowski sẽ đến Krakow, thu thập hình ảnh và phỏng vấn những người hành hương, các giám mục và linh mục, và đăng những câu chuyện này trên mạng WYD2016.us. Trang web này là thành quả sự hợp tác giữa Văn phòng Ngày Giới trẻ Thế giới của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Trung tâm Các Họat Động Tông đồ. Ngoài ra, trang web này còn bao gồm nhiều bài viết trên các blog, cá video và một loạt các nguồn tài nguyên ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Cha Frank Donio, dòng Pallottine, giám đốc Trung tâm Các Họat Động Tông đồ, nhấn mạnh rằng khách hành hương trải qua Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow hoặc trong các cử hành ở Mỹ hoặc qua điện thoại di động của họ nên nhớ mục tiêu của bất kỳ cuộc hành hương nào cũng là “để mở cửa cho một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với những người khác để xây dựng và củng cố đức tin. “

Cha Frank Donio nhận xét rằng trải qua Ngày Giới Trẻ Thế Giới như một người hành hương kỹ thuật số là “một cách mới để rao giảng Tin Mừng,” khi mọi người bất cứ nơi nào cũng có thể tham gia vào kinh nghiệm này, một kinh nghiệm có thể thay đổi cuộc sống. Ngài hy vọng những người hành hương đang có mặt tại hiện trường hoặc đằng sau các thiết bị di động sẽ được truyền cảm hứng để chia sẻ kinh nghiệm của họ với các thành viên gia đình và bạn bè, ở nhà, tại nơi làm việc, ở trường học và nơi công cộng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Truyền Chức Phó Tế Tại Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin
Dòng Thừa Sai Đức Tin
08:18 19/07/2016
Thánh Lễ Truyền Chức Phó Tế Tại Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin

“Hãy có lòng thương xót, ân cần, tiến bước theo chân lý của Chúa là Đấng đã trở nên người phục vụ mọi người”. Đây chính là lời nhắn nhủ của Thánh Policap đồng thời cũng là mong ước của toàn thể Giáo Hội, Giáo Phận và Tỉnh Dòng đối với bốn thầy Phó Tế trong ngày truyền chức hôm nay.

Xem Hình

Thánh lễ truyền chức phó tế cho bốn Thầy:

1. Giuse Nguyễn Bảo Huân Chương, MF

2. Phaolo Đinh Tiến Nhân, MF

3. Giuse Nguyễn Văn Từ, MF

4. Bùi Vũ Quang, MSC

được cử hành tại Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, vào lúc 9g00, ngày 17-7-2016.

Thành phần tham dự gồm có: Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường, Cha Phó Tổng Quyền Dòng Thừa Sai Thánh Tâm tại Úc Châu, Cha Micae Hoàng Đô Đốc, MF - Giám Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin, Cha Bề Trên Dòng Thừa Sai Thánh Tâm tại Việt Nam, quý Cha, quý Thầy hai hội Dòng, gia đình và ân nhân của các tiến chức.

Vào lúc 9g00, Đức Cha Giuse cùng toàn thể đoàn đồng tế và cộng đoàn tiến vào nguyện đường với Thánh Giá Nến Cao và tiếng hát của ca đoàn trong bài ca nhập lễ. Lời đầu lễ, Đức Cha Giuse đã chúc mừng hai tỉnh dòng, cùng hiệp lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu chúc cho các Thầy tiến chức.

Bài đọc một được trích trong sách Dân Số (Ds3, 5-10) cho thấy chính Thiên Chúa tuyển chọn những người thuộc chi tộc Lêvi để lo việc phụng tự và phục vụ dân thánh. Đó là hình ảnh báo trước tình thương của Thiên Chúa dành cho những ai được tuyển chọn để phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội. Cũng vậy, bài đọc hai được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 6, 1-7) đã tường thuật lại việc các tông đồ tuyển chọn một số người trong Giáo Hội để phục vụ dân thánh. Kế đến, bài Tin Mừng theo Thánh Mátthêu đã nói lên vai trò và sứ mạng của những người làm lớn trong anh em.

Tiếp theo, Đức Cha Giuse chủ sự nghi thức phong chức Phó Tế. Nghi thức gồm ba phần: Nghi thức tuyển chọn, nghi thức bí tích và nghi thức diễn nghĩa. Trong nghi thức đầu tiên, các tiến chức được mời gọi đến trình diện Đức Giám Mục. Sau lời huấn từ của Đức Cha các tiến chức được phỏng vấn và công khai nói lên quyết tâm của mình trước những nhiệm vụ sắp được trao phó. Sau đó, Đức Giám Mục mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các tiến chức qua Kinh Cầu Các Thánh. Phần thứ hai - nghi thức bí tích. Đây là là nghi thức chính yếu nhất của việc phong chức Phó Tế. Trong nghi thức này, Đức Cha Giuse sẽ đặt tay và đọc lời nguyện truyền chức cho các tiến chức. Phần thứ ba - nghi thức diễn nghĩa. Các tiến chức được nhận phẩm phục và chính thức trở thành Phó Tế trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn. Tiếp theo, Đức Cha Giuse trao sách Phúc Âm và trao hôn bình an cho từng tân chức.

Kết thúc nghi thức truyền chức Phó Tế, Thánh Lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Trong phần kết lễ, Thầy Tân Chức Giuse Nguyễn Bảo Huân Chương đã thay lời cho các tân chức nói lên lời tri ân và cảm tạ đối với quý cha và cộng đoàn. Để chúc mừng các Tân Phó Tế, Cha Giám Tỉnh Micae đã thay mặt cộng đoàn đeo vòng hoa cho từng tân Phó Tế. Cũng trong tâm tình vui mừng đó, Đức Cha Giuse đã ban huấn từ và những lời cầu chúc tốt đẹp cho các Tân Phó Tế cùng hai hội Dòng.

Thánh lễ Truyền chức Phó Tế kết thúc vào lúc 11g00 trong niềm vui mừng hân hoan của toàn thể cộng đoàn. “Lời tri ân” (st: Thiên Thần Nhỏ) là bài hát kết lễ và cũng là lời cám ơn lời tri ân của các tân Phó Tế và hội dòng muốn gửi tới toàn thể quý khách, quý ân nhân và từng người trong cộng đoàn.

Ban Truyền Thông
 
Hình ảnh lễ Thánh Tổ Phụ tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens Texas
Trần Trọng Long
08:11 19/07/2016
Xem hình ảnh

Nhân dịp mừng lễ Thánh Tổ Phụ Biển Đức và cũng là mừng quan thầy của Gia Đình Thiên Tâm, nhiều hội viên và bạn hữu Gia Đình Thiên Tâm từ Dallas-Ft Worth, Austin, Houston và các vùng phu cận đã tụ tập về đan viện để tham dự thánh lễ và mừng quan thầy vào sáng Thứ Bẩy ngày 16 Tháng 7, 2016 vừa qua.

Gia Đình Thiên Tâm được thành lập với mục đích: góp phần đào tạo đan sĩ, phát triển đan viện, và cầu nguyện cho nhau và Giáo Hội.

Đặc biệt trong ngày hôm nay, mọi người cùng hiệp ý dâng thánh lễ tạ ơn mừng 25 năm khấn dòng của Linh Mục Michael Phạm Văn Khoa, OSB.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thánh Lễ có thể được cử hành cho hôn phối khác đạo không?
Nguyễn Trọng Đa
08:04 19/07/2016
Giải đáp phụng vụ: Thánh Lễ có thể được cử hành cho hôn phối khác đạo không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thánh lễ có thể được cử hành cho hôn phối khác đạo không? Nếu không, một Thánh Lễ tạ ơn có thể được cử hành, sau nghi thức hôn nhân không? Có thể lấy các bài đọc, lời nguyện Thánh Lễ (sửa đổi để loại bỏ từ ngữ "bí tích"), Lời nguyện các tín hữu, và lời chúc lành kết thúc, có thể được lấy từ Thánh Lễ hôn phối bình thường không? Hoặc chỉ có thề sử dụng các bài đọc của ngày, lời nguyện của ngày, vv, mà thôi chăng? - J. A., Bangalore, Ấn Độ

Đáp: Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo:

"1633. Trong nhiều quốc gia, thường có những hôn phối hỗn hợp (giữa người Công Giáo và người được rửa tội ngoài Công Giáo). Tình trạng này đòi các đôi vợ chồng cũng như các mục tử phải lưu tâm đặc biệt. Trong trường hợp hôn phối khác đạo (giữa người Công Giáo và người chưa được rửa tội) càng phải dè dặt hơn.

"1634. Hôn nhân hỗn hợp có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải là không thể vượt qua, nếu họ cố gắng kết hợp những gì đã lãnh nhận nơi cộng đoàn của họ và cùng nhau học hỏi để sống trung thành với Ðức Kitô. Dầu vậy, không được coi thường những khó khăn trong hôn nhân hỗn hợp. Những khó khăn này xuất phát từ sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đến nay vẫn chưa giải quyết được. Ðôi vợ chồng có thể cảm nghiệm thảm kịch các Kitô hữu chia rẽ ngay trong gia đình của mình. Hôn nhân khác đạo còn gặp nhiều khó khăn hơn. Những bất đồng quan điểm về đức Tin và hôn nhân, cũng như những não trạng tôn giáo khác nhau, có thể dẫn đến những căng thẳng trong gia đình, nhất là về việc giáo dục con cái. Một nguy hiểm khác là người ta có thể dửng dưng về tôn giáo” (Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý Tổng giáo phận Sài Gòn).

Giáo luật cũng giải quyết đề tài này trong một số điều:

"Điều 1086 §1. Hôn phối cũng vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội, với một người không rửa tội.

"§2 Không được chuẩn ngăn trở này nếu chưa chu toàn những điều kiện nói đến trong các điều 1125 và 1126.

"Điều 1108 §1. Hôn phối chỉ hữu hiệu nếu được kết lập trước mặt Bản Quyền sở tại hoặc Cha Sở, hoặc một tư tế hay phó tế được các vị ấy ủy nhiệm chứng hôn, và trước mặt hai người làm chứng; tuy nhiên, phải theo các quy luật trong các điều nói dưới đây, và tôn trọng các biệt lệ nói ở các điều 144, 1112 §1, 1116 và 1127 các §2 và §3.

"§2. Người chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để đòi hỏi hai bên kết ước bày tỏ sự ưng thuận và, nhân danh Giáo Hội, đón nhận sự bày tỏ ấy”.

"Điều 1124. Nếu không có phép minh thị của nhà chức trách có thẩm quyền, hôn phối bị cấm chỉ giữa hai người đã rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo, hoặc đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo sau khi rửa tội và chưa công khai bỏ Giáo Hội Công Giáo, với một người thuộc về một Giáo Hội hay giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.

"Điều 1125. Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:

“1. Bên Công Giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo.

“2. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người Công Giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên Công Giáo.

“3. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.

“Ðiều 1126: Hội Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ quy định cả về cách thức làm tờ công bố và tuyên hứa mà luật đòi hỏi, lẫn về thể thức để những lời công bố và tuyên hứa ấy được bảo đảm ở tòa ngoài, và được thông báo cho bên không Công Giáo.

“Ðiều 1127: §1. Về thể thức phải áp dụng trong hôn phối hỗn hợp, cần giữ những điều đã quy định trong điều 1108. Tuy nhiên, nếu bên Công Giáo kết hôn với bên không Công Giáo thuộc lễ điển Đông phương, thì thể thức cử hành theo giáo luật chỉ buộc với tính cách hợp pháp mà thôi; còn để được hữu hiệu, cần phải có sự chứng giám của một thừa tác viên thánh, sau khi đã tuân hành những điều khác luật định.

"§2. Nếu có những khó khăn trầm trọng cản trở việc tuân giữ thể thức giáo luật, thì Bản Quyền sở tại của bên Công Giáo có quyền chuẩn thể thức giáo luật cho từng trường hợp; tuy nhiên, ngài phải tham khảo Bản Quyền sở tại nơi cử hành hôn phối, và để hôn phối hữu hiệu, phải giữ một hình thức cử hành công khai nào đó. Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền ấn định các quy luật để việc miễn chuẩn nói trên được ban cấp theo một tiêu chuẩn đồng nhất.

"§3. Trước hay sau khi cử hành theo thể thức giáo luật nói ở số 1 trên, cấm không được có một cử hành tôn giáo khác, trong đó, người chứng hôn Công Giáo và thừa tác viên không Công Giáo cùng hiện diện và mỗi người tra hỏi về sự ưng thuận của đôi bạn theo nghi thức riêng của mình.

“Ðiều 1128: Các Bản Quyền sở tại và các Chủ Chăn phải lo liệu cho người phối ngẫu Công Giáo và con cái sinh ra do hôn phối hỗn hợp được giúp đỡ về tinh thần hầu chu toàn mọi nghĩa vụ, đồng thời giúp đôi bạn bảo trì sự hiệp nhất của đời sống vợ chồng và đời sống gia đình.

“Ðiều 1129: Những quy định trong các điều 1127 và 1128 cũng phải được áp dụng cho các hôn phối vướng ngăn trở dị giáo, nói đến ở điều 1086, §1” (Bản dịch Việt ngữ của các linh mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Đối với cử hành Thánh lễ hôn nhân, chúng ta có thể nói rằng trong trường hợp bình thường, sẽ không có cử hành Thánh lễ. Điều này cũng đúng cho người Công Giáo kết hôn với các Kitô hữu khác như đã nêu trong Kim chỉ nam về Đại kết (Ecumenicasl Directory):

"159. Do các vấn đề liên quan đến việc chia sẻ Thánh Thể, vốn có thể phát sinh từ sự hiện diện của các nhân chứng và các khách không Công Giáo, một hôn nhân hỗn hợp được tổ chức theo hình thức Công Giáo, thường diễn ra bên ngoài phụng vụ Thánh Thể. Tuy nhiên, vì lý do chính đáng, Đức Giám Mục giáo phận có thể cho phép cử hành Thánh lễ. Trong trường hợp này, quyết định về việc liệu đối tác không Công Giáo của hôn nhân có thể được rước lễ không, thì nên được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực chung, tồn tại trong vấn đề cho cả Kitô hữu Đông phương 152 và cho các Kitô hữu khác, có tính đến tình hình cụ thể của việc lãnh nhận bí tích hôn nhân Kitô giáo, của hai Kitô hữu đã được rửa tội.

"160. Mặc dù đôi tân hôn trong hôn nhân hỗn hợp chia sẻ các bí tích rửa tội và hôn phối, sự chia sẻ Thánh Thể chỉ có thể là ngoại lệ, và trong mỗi trường hợp, các qui định nêu trên liên quan đến việc cho một Kitô hữu không Công Giáo rước lễ, cũng như các người liên quan đến sự tham dự lễ của một người Công Giáo, trong việc rước lễ trong Giáo Hội khác, phải được tuân giữ".

Vì vậy, với tất cả những điều trên cần ghi nhớ, Đức Giám Mục sẽ xác định những gì sẽ được cho phép tùy theo trường hợp cụ thể, và Hội đồng Giám mục cần thiết lập các tiêu chuẩn chung cho một quốc gia hoặc khu vực.

Giám mục có quyền hạn để miễn chước với hình thức quy điển trong các trường hợp đặc biệt, mặc dù trong thực tế, điều này chỉ được thực hiện, nếu việc kết hôn sẽ được tổ chức trong một buổi lễ ngoài Kitô giáo. Mặt khác, cũng giống như ngài có thể cho phép các Kitô hữu không Công Giáo, vì lý do nghiêm trọng, Giám mục cũng có thể cho phép cử hành Thánh Lễ. Tuy nhiên, thường là tốt hơn để tránh bất kỳ khó khăn nào, và nên cử hành nghi thức kết hôn ngoài Thánh Lễ.

Nếu các hôn nhân như vậy là phổ biến, Hội đồng Giám mục thường chuẩn bị một nghi thức hôn nhân, vốn là phù hợp cho dịp này. Nếu một nghi thức như vậy là chưa có, nghi thức thông thường của hôn nhân ngoài Thánh Lễ sẽ được sử dụng. Bởi vì đôi tân hôn biết rằng họ đang kết hôn theo nghi thức Kitô giáo, không cần phải sửa đổi các lời nguyện cách đặc biệt, mặc dù, như độc giả của chúng ta gợi ý, từ ngữ "bí tích" sẽ được bỏ qua.

Một số thích nghi có thể được thực hiện cho đối tác ngoài Kitô giáo. Thí dụ, có một thời điểm trong nghi thức, khi mỗi đối tác khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi. Đối tác ngoài Kitô giáo có thể thay thế kinh "Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" bằng "nhân danh Thiên Chúa", hoặc thậm chí bỏ qua lời cầu này hoàn toàn, vì nó sẽ không ảnh hưởng đến tính thành sự của hôn nhân tự nhiên.

Tại buổi kết hôn ngoài Thánh Lễ, bất cứ bài đọc phù hợp nào từ sự lựa chọn rộng rãi, được cung cấp bởi Nghi lễ Hôn phối, có thể được sử dụng cho buổi kết hôn.

Nếu mong muốn và có thể được, một Thánh Lễ tạ ơn cũng có thể được cử hành sau đó, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, như phải làm những gì với các vị khách không Công Giáo trong khi chờ đợi. Nếu Thánh Lễ được coi là có tầm quan trọng cho gia đình Công Giáo, nó vẫn cần sự cho phép của Giám mục cho Thánh lể cưới bình thường, trong khi thực hiện các bước cần thiết, để thông báo và hướng dẫn cho người không Công Giáo, về niềm tin và sự thực hành Công Giáo, và do đó tránh bất cứ điều gì không đúng cách.

Một Thánh lễ tạ ơn sau ngay đó không là Thánh Lễ nghi thức, và do đó sẽ có một bậc phụng vụ thấp hơn. Vì vậy, việc sử dụng các bài đọc khác và các công thức khác sẽ phụ thuộc vào các quy tắc thông thường đối với lịch phụng vụ, và liệu các thay đổi như vậy có được phép vào ngày đặc biệt đó không. (Zenit.org 19-7-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phu Quét Đường
Nguyễn Ngọc Liên
20:13 19/07/2016
PHU QUÉT ĐƯỜNG
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Ai ai cũng có một nghề
Lao công cực nhọc em chê ai làm
Đường kia đẹp đẽ miên man
Công em múa chổi thế gian ghi lòng.
(Trích thơ của Lãng Du Khách)