Ngày 19-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Về Cỏ Lùng và Hạt Giống
Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap.
16:39 19/07/2008
Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap

Roma, ngày 18-7-2008 (Zenit.org). – Chúa Giêsu đã phác họa tình trạng của Hội Thánh trên thế gian bằng ba dụ ngôn. Hạt cải trở thành một cây ám chỉ sự phát triển của Nước Thiên Chúa trên thế gian. Dụ ngôn nắm men trong bột cũng nói về sự phát triển của Nước Thiên Chúa, nhưng theo chiều sâu hơn là theo chiều rộng. Nó ám chỉ sức thay đổi của Tin Mừng làm bột dậy men và sửa soạn cho bột trở thành bánh.

Các môn đệ đã hiểu hai dụ ngôn này một cách dễ dàng, nhưng không hiểu rõ dụ ngôn thứ ba, hạt giống và cỏ lùng, mà Chúa Giêsu đã giải thích nó cách riêng. Chúa nói, người gieo hạt giống chính là Người, các hạt giống tốt là con cái Nước Trời, các hạt giống xấu là con cái thần dữ, thửa ruộng là thế gian và mùa gặt là ngày tận thế.

Thời xưa, dụ ngôn của Chúa Giêsu là đề tài tranh luận đáng ghi nhớ mà cũng rất quan trọng để chúng ta ghi nhớ hôm nay. Đã có những tinh thần bè phái, phái Đonatist, là phái giải quyết vấn đề một cách đơn giản: Một bên là Hội Thánh (giáo hội của họ) gồm toàn những người và chỉ có những người hoàn hảo; bên kia là thế gian đầy con cái thần dữ, không hy vọng được cứu độ.

Thánh Augustinô chống lại họ, ngài giải thích: Quả thật thửa ruộng là thế gian, nhưng nó cũng là Hội Thánh, là nơi mà trong đó các thánh nhân và tội nhân sống cạnh nhau, đồng thời trong đó cũng có chỗ để phát triển và hoán cải. Ngài nói, “Những kẻ làm ác hiện hữu cách này để họ có thể được hoán cải, và vì nhờ họ mà những người tốt được thực thi sự nhẫn nại.”

Như thế thỉnh thoảng lại có những gương mù làm lay động Hội Thánh, khiến chúng ta buồn, nhưng không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Hội Thánh gồm những con người, không hoàn toàn mà cũng không chỉ có các thánh. Không phải chỉ trong thế gian hay trong Hội Thánh mà trong mỗi người chúng ta cũng có cỏ lùng, và điều đó làm cho chúng ta không nhanh tay chỉ vào người khác.

Để trả lời cho Lutherô, là người đã trách Eramus của Rotterdam vì ở lại trong Hội Thánh Công Giáo mà không đứng lên chống lại sự thối nát của Hội Thánh, ngài đã trả lời: "Tôi ủng hộ Hội Thánh này với hy vọng là nó sẽ trở nên tốt hơn, bởi vì Hội Thánh cũng nhẫn nại với tôi để hy vọng rằng tôi sẽ trở nên tốt hơn."

Tuy nhiên, đề tài chính của dụ ngôn không phải là hạt giống mà cũng chẳng phải là cỏ lùng, nhưng là sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Phụng vụ nhấn mạnh điều này với việc chọn lựa bài đọc thứ nhất, đó là một bài hát ca tụng sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện dưới dạng kiên nhẫn và gia ân. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là kiên nhẫn chờ đợi Ngày Phán Xét để trừng phạt nặng nề hơn. Nhưng là một sự chịu đựng, thương xót, và muốn cứu độ.

Dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng còn được hiểu rộng hơn nữa. Một trong những động lực chính làm cho các tín hữu bối rối và làm cho những người cứng tin chối từ Thiên Chúa luôn luôn là việc có “sự hỗn loạn” trên thế gian. Sách Giảng Viên, là sách mà nhiều khi tự biến mình thành phát ngôn viên của những kẻ không tin và hoài nghi, đã ghi, “Mọi người đều như nhau, cùng chung một số phận: người công chính cũng như kẻ gian tà” (9:2). Và “Tôi lại còn thấy dưới ánh mặt trời có sự gian ác tại chốn pháp đình, có sự gian ác tại nơi xét xử” (3:16).

Ở mọi thời đại, dường như sự gian ác chiến thắng và sự vô tội bị hạ nhục. “Tuy nhiên,” nhà hùng biện thời danh Bossuet đã ghi nhận, “để cho người ta không tin rằng thế gian là cái gì cố định và an toàn, chúng ta nên nghi nhận rằng đôi khi người ta cũng thấy điều ngược lại, tức là, sự vô tội lên ngôi và gian ác bị lên đoạn đầu đài.”

Câu trả lời cho việc xấu xa này đã được tác giả Sách Giảng Viên tìm thấy: “Và tôi tự nhủ, cả người công chính lẫn kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Vì mọi sự, mọi việc, đều có thời, có lúc” (3:17). Đó là điều mà Chúa Giêsu gọi trong dụ ngôn là “đến mùa gặt.” Nói cách khác, đó chỉ là vấn đề tìm được đúng điểm quan sát thực tại, là nhìn sự thể dưới ánh sáng vĩnh cửu.

Đó là điều xảy ra cho những bức họa tân thời, khi nhìn gần chỉ thấy màu mè lộn xôn vô nghĩa, nhưng khi nhìn từ một khoảng cách đúng chúng lộ ra một kết cấu chính xác và vững chắc.

Không phải là vấn đề cứ ngồi đó thụ động và hy vọng khi đương đầu với sự dữ và bất công, nhưng là chiến đấu bằng tất cả những phương tiện hợp pháp để cổ động cho công lý và kiềm chế bất công cùng bạo tàn. Với cố gắng này, liên quan đến những người có lòng ngay, đức tin giúp thêm và nâng đỡ giá trị vô lường – là việc chắc chắn rằng cuộc chiến thắng cuối cùng không phải của gian ác và kiêu căng mà của sự vô tội.

Con người thời đại khó mà chấp nhận được tư tưởng về việc Phán Xét Chung của Thiên Chúa trên thế gian và lịch sử, nhưng trong vấn đề này, họ đã tự mâu thuẫn với bởi vì chính họ đã phản đối ý tưởng là để sự gian ác chiến thắng.

Trong nhiều thiên niên của đời sống thế gian, con người trở nên quen thuộc với mọi sự: họ thích nghi với thời tiết, và có sức kháng cự đối với nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, họ không bao giờ chấp nhận một điều: sự bất công. Họ tiếp tục thấy là không dung túng được nó. Và chính vì sự khao khát công lý này mà cuộc phán xét sẽ trả lời. Điều này không những chỉ có Thiên Chúa muốn mà tất cả mọi người, và ngược đời thay, ngay cả những người xấu, đều muốn.

Thi sĩ Paul Claudel nói, “Trong ngày Chung Phán, không những chỉ có Vị Thẩm Phán từ trời xuống, mà toàn thế giới sẽ bị đẩy vào cuộc gặp gỡ này.”

Khi được nhìn từ ánh sáng này thì những biến cố của nhân loại thay đổi được biết bao, ngay cả những biến cố đang xảy ra trên thế giới ngày nay! Hãy dùng hiện tượng tội ác có tổ chức, là hiện tượng làm nhục và buồn lòng người Ý Đại Lợi chúng tôi. Gần đây trong sách “Gomorrah” của Roberto Saviano, và phim ảnh được chiếu sau đó, ghi lại mức độ ghê tởm và khinh miệt của những người tụ tập quanh những lãnh tụ của các tổ chức này, nhưng cũng cho thấy cảm giác bất lực và rút lui của xã hội khi đương đầu với hiện tượng này.

Chúng ta đã thấy những người thuộc tổ chức Mafia trong quá khứ bị kết án với những tội khủng khiếp, bào chữa cho mình bằng những nụ cười trên môi, đánh bại các thẩm phán và tòa án, lại còn thêm mạnh mẽ hơn vì không đủ bằng cớ. Nếu tôi có thể nói với họ, tôi sẽ nói: Đừng lừa dối mình, hỡi những người nghèo nàn và bất hạnh; quý vị chưa hoàn thành được điều gì hết! Cuộc xét xử thật vẫn còn phải tiếp tục. Quý vị có thể chấm dứt đời mình trong tự do, danh dự, và sau cùng với một đám tang tôn giáo huy hoàng, sau khi đã để lại một số tiền khổng lồ cho các việc từ thiện, nhưng quý vị vẫn chưa hoàn thành được điều gì cả. Vị Thẩm Phán Thật đang chờ quý vị ở đằng sau cánh cửa, và quý vị không đánh lừa được Người. Thiên Chúa không để cho ai đút lót Ngài đâu.

Vì thế, điều mà Chúa Giêsu nói ở cuối đoạn giải thích về dụ ngôn cỏ lùng phải là một lý do để an ủi các nạn nhân, và là một sự sợ hãi lành mạnh cho bạo tàn. “Như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình.”

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 19/07/2008
NGƯỜI TÌM LỪA.

N2T


Đại sư Na-lu-tin cỡi lừa, lúc đi nhanh qua một thôn xóm, rất nhiều người nhìn thấy, kinh ngạc hỏi: “Đại sư, ngài muốn đi đến đâu ?” :

Tiếng của ông ta nói trong gió vù vù: “Tôi đi tìm con lừa của tôi”.

Có người đã nhìn thấy đại sư Dan-zong Rui-cai đi tìm thân thể của ông ta, chuyện này trở thành trò cười truyền ra trong đám đệ tử không thông suốt của ông ta.

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Đại sư Na-lu-tin thông thái đi tìm con lừa của mình, mặc dù ông ta đang cưỡi trên mình con lừa, thực ra nhà thông thái này đang đi tìm phương cách để mình đến gần được Thiên Chúa hơn; những người không hiểu biết thì cười đại sư Dan-zong Rui-cai khi ông nói ông đang đi tìm thân thể của mình, bởi vì họ không hiểu ông đang suy tư đến nguồn gốc và sự sinh tồn của con người và vạn vật...

Thánh Augustin thú nhận là đi tìm Chúa suốt cả đời cho đến mkhi an nghỉ trong Chúa mới thôi.

Người Ki-tô hữu là người hạnh phúc nhất vì được biết Chúa Giê-su, nhưng trên thực tế có rất nhiều người chỉ biết Ngài chứ chưa đi tìm Ngài, chưa đối thoại với Ngài và chưa ở lại trong Ngài. Cho nên cuộc đời của họ vẫn cứ luôn có những khắc khoải lo âu, mà chính họ cũng không biết tại sao lương tâm mình lo âu và không bình an.

Biết Chúa Giê-su là một hạnh phúc, đi tìm kiếm Ngài thì hạnh phúc hơn, đối thoại với Ngài để thấy tình yêu của Ngài, và ở lại trong Ngài chính là được cả thiên đàng hạnh phúc vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 19/07/2008
N2T


13. Cầu nguyện là con đường tắt đẹp nhất đạt tới sự toàn đức, tất cả tiến bộ của con người đều ở nơi sự cầu nguyện, cũng có nghĩa là tiến bộ trong tu đức.

(Thánh Ignatius of Loyola)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2008 của ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
01:25 19/07/2008
Sáng ngày 12-7-2008 ĐTC Bênêđictô XVI đã cho công bố sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, ngày 19 tháng 10, với đề tài là ”được mời gọi làm đầy tớ và Tông Đồ của Đức Chúa Giêsu Kitô vào đầu thiên niên mới”, trong đó ĐTC tái xác định rằng truyền giáo là bổn phận cấp bách của mọi thành phần Dân Thiên Chúa. Dưới đây là bản dịch từ nguyên văn bằng Ý Ngữ trong website của Tòa Thánh.

“Các Đầy Tớ và Tông Đồ của Đức Chúa Giêsu Kitô”


Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, tôi mời anh chị em suy nghĩ về sự cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng ở thời đại chúng ta. Mệnh lệnh truyền giáo vẫn tiếp tục là một ưu tiên tuyệt đối cho tất cả những ai đã được rửa tội, được mời gọi để trở thành “những đầy tớ và tông đồ của Đức Chúa Giêsu Kitô” ở đầu thiên niên này. Vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi, Đấng Tôi Tớ Thiên Chúa Phaolô VI đã nói trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi rằng “truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi riêng, và căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh” (số 14). Như một mẫu gương của quyết tâm trong việc tông đồ này, tôi muốn đặc biệt nói đến Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, bởi vì năm nay chúng ta dành một Năm Thánh đặc biệt để mừng kỷ niệm [sinh nhật] ngài. Đó là Năm Thánh Phaolô, ngõ hầu chúng ta có dịp làm quen với vị Tông Đồ xuất sắc này, là đấng được ơn gọi rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, như Chúa đã công bố: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đi thật xa, đến với các Dân Ngoại” (Tđcv 22:21). Làm sao mà chúng ta không nắm lấy cơ hội Năm Thánh đặc biệt này cung ứng cho các Giáo Hội địa phương, các cộng đoàn Kitô hữu và từng cá nhân mỗi tín hữu, để phổ biến đến tận cùng trái đất việc rao giảng Tin Mừng, là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ tất cả những ai tin (Rom 1:6)?

1. Nhân loại cần được giải phóng

Nhân loại cần được giải phóng và cứu độ. Thánh Phaolô nói, chính các tạo vật đang đau khổ và hy vọng được tham gia vào sự tự do của con cái Thiên Chúa (x. Rom 8:19-22). Những lời này vẫn còn đúng ngay cả cho thế giới hôm nay. Các tạo vật đang đau khổ. Nhân loại đang quằn quại và mong chờ sự tự do thật, mong đợi một thế giới khác, một thế giới tốt đẹp hơn; mong chờ “ơn cứu độ”. Và người ta biết cách căn bản rằng thế giới mới được mong đợi chắc chắn là một người mới, chắc chắn là “con cái Thiên Chúa”. Hãy nhìn kỹ hơn tình trạng thế giới hôm nay. Trên bình diện quốc tế, nếu một đằng có những triển vọng phát triển về kinh tế và xã hội, thì đằng khác lại có những lo lắng nặng nề về chính tương lai. Trong nhiều trường hợp, bạo lực đánh dấu những liên hệ giữa các cá nhân và giữa các dân tộc; sự nghèo đói đang đè nặng trên hằng triệu người; sự kỳ thị và đôi khi cả ngược đãi vì lý do mầu da, văn hóa và tôn giáo, đang làm cho nhiều người phải bỏ quê hương để đi chỗ khác tìm nơi trú ẩn và che chở; những tiến bộ về kỹ thuật, khi không nhắm vào phẩm giá và sự tốt lành của con người, hoặc nhằm phát triển dựa trên tình đoàn kết, mất khả năng của nó như là một yếu tố hy vọng và ngược lại có thể làm cho những sự thiếu quân bình và bất công đang sẵn có thêm trầm trọng. Hơn nữa, còn có những đe dọa liên tục trong quan hệ giữa con người và môi sinh do việc sử dụng tài nguyên cách bừa bãi, với hậu quả không tốt đối với sự lành mạnh về thể chất cũng như tinh thần của con người. Như thế tương lai của nhân loại cũng bị lâm nguy bởi những âm mưu xâm phạm đến sự sống, dưới nhiều hình thái và phương thức khác nhau.

Trực diện với thảm cảnh “cảm thấy sức nặng của một nỗi ưu tư, bị giằn vặt giữa hy vọng và lo âu” (Gaudium et Spes, 4), chúng ta tự hỏi: nhân loại và tạo vật sẽ ra sao? Có một hy vọng nào cho tương lai, hay đúng hơn, có một tương lai nào cho nhân loại không? Và tương lai ấy sẽ như thế nào? Câu trả lời cho những thắc mắc này đến với chúng ta là những người tin từ Tin Mừng. Đức Kitô chính là tương lai của chúng ta, như tôi đã viết trong Thông Điệp Spe Salvi, Tin Mừng của Người là một sự truyền thông có thể “thay đổi cuộc đời”, đem lại hy vọng, mở cửa tối tăm của thời gian và soi sáng tương lai của nhân loại và vũ trụ (x. số 2).

Thánh Phaolô đã hiểu rõ rằng nhân loại chỉ có thể tìm thấy ơn cứu độ và hy vọng trong Đức Kitô. Vì thế mà ngài đã cảm thấy việc truyền giáo là việc cấp bách và khẩn thiết để công bố “lời hứa sự sống trong Đức Chúa Kitô Giêsu” (2 Tim 1:1), là “niềm hy vọng của chúng ta “ (1 Tim 1:1), ngõ hầu mọi người có thể đồng thừa tự và đồng tham gia vào lời hứa nhờ Tin Mừng (x. Eph 3:6). Ngài ý thức rằng không có Đức Kitô thì nhân loại “không còn hy vọng và không có Thiên Chúa trên thế gian” (Eph 2:12) – “không còn hy vọng vì không có Thiên Chúa” (Spe Salvi, 3). Thật vậy, “người nào không biết Thiên Chúa, dù họ có thể đặt hy vọng vào đủ thứ, nhưng rốt cục họ không có hy vọng, không có niềm hy vọng lớn lao có thể nâng đỡ toàn thể đời sống (Eph 2:21)” (Spe Salvi, 27).

2. Sứ vụ Truyền Giáo là một vấn đề bác ái

Cho nên việc rao giảng Đức Kitô và sứ điệp cứu độ của Người là nhiệm vụ khẩn cấp của tất cả mọi người. Thánh Phaolô đã nói, “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9:16). Trên đường đi Đamascô, ngài đã cảm nghiệm và đã hiểu rằng ơn cứu độ và truyền giáo là công việc của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Lòng yêu mến Đức Kitô đã đưa ngài đi khắp các nẻo đường của Đế Quốc Rôma như người tiền hô, tông đồ, người rao giảng và vị thầy dạy Tin Mừng, là người nhận mình là “sứ giả mang xiềng xích” (1 Cor 6:20). Tình yêu Thiên Chúa biến ngài thành “mọi sự cho mọi người, để có thể cứu một số người bằng mọi cách” (1 Cor 9:22). Khi nhìn đến kinh nghiệm của Thánh Phaolô, chúng ta hiểu rằng hoạt động truyền giáo là một sự đáp lời Thiên Chúa, Đấng thương yêu chúng ta. Tình yêu của Ngài cứu độ chúng ta và đẩy chúng ta về phiá missio ad gentes (rao giảng cho muôn dân), là một năng lực tinh thần có khả năng làm lan rộng trong gia đình nhân loại sự hoà hợp, công lý và hiệp thông giữa con người, màu da và dân tộc, là điều mọi người đều mong muốn (x. Deus Caritas Est, 12). Cho nên, chính Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, đã dẫn đưa Hội Thánh đến những biên cương của nhân loại và mời gọi các nhà truyền giáo đến uống “ở nguồn mạch nguyên thủy, là Đức Chúa Giêsu Kitô, mà từ trái tim bị đâm thâu của Người chảy ra tình yêu Thiên Chúa (Deus Caritas Est, 7). Chỉ từ nguồn mạch này mà các sứ giả của Tin Mừng có thể múc được sự chăm sóc, dịu dàng, trắc ẩn, chấp nhận, sẵn sàng và quan tâm đến những vấn đề của con người, và những nhân đức khác cần thiết để bỏ mọi sự và hoàn toàn hiến thân cách vô điều kiện để rải khắp thế giới hương thơm đức ái của Đức Kitô.

3. Luôn luôn Truyền Giáo

Trong khi việc truyền giáo lần đầu vẫn tiếp tục cần thiết và khẩn trương ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta ngày nay lại phải đương đầu với việc thiếu giáo sĩ và ơn gọi làm tổn thương một số giáo phận và các dòng tu. Cần phải nhắc lại rằng, mặc dù có những khó khăn chồng chất, mệnh lệnh truyền giáo cho muôn dân của Đức Kitô vẫn là một ưu tiên. Không có lý do nào có thể biện minh cho sự chểnh mảng hay đình trệ, bởi vì “mệnh lệnh truyền giáo cho muôn dân tạo thành đời sống và sứ vụ căn bàn của Hội Thánh” (ĐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 14). Đó là một việc truyền giáo vẫn còn ở giai đoạn bắt đầu và chúng ta phải đem hết tâm lực để phục vụ nó” (Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 1). Làm sao ở đây chúng ta không nghĩ đến người Macêđônia, là người đã hiện ra trong giấc mơ của Thánh Phaolô và nói lớn tiếng: “Xin hãy qua Macêđônia mà giúp đỡ chúng tôi?” Ngày nay cũng có không biết bao người đang chờ chúng ta loan báo Tin Mừng, đó là những người đang khát khao niềm hy vọng và tình thương. Có bao nhiêu người tự vấn tận thâm tâm về yêu cầu giúp đỡ này, là nhu cầu phát sinh từ nhân loại, và từ bỏ tất cả vì Đức Kitô để truyền lại cho người ta đức tin và tình yêu đối với Người! (x. Spe Salvi, 8).

4. Khốn cho tôi nếu tôi không truyền giáo (1 Cor 9:16)

Anh chị em thân mến, “duc in altum!” Hãy ra khơi của biển cả rộng lớn của thế gian và, theo lời mời gọi của Đức Kitô, hãy thả lưới mà không sợ hãi, vững tin vào sự trợ giúp luôn luôn của Người. Thánh Phaolô nhắc nhở cho chúng ta rằng việc rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào (x. 1 Cor 9:16), nhưng là một nhiệm vụ và một niềm vui. Các hiền huynh Giám Mục thân mến, theo gương Thánh Phaolô, mọi người đều cảm thấy giống như “một tù nhân của Đức Kitô cho Dân Ngoại” (Eph 3:1), biết rằng quý huynh có thể cậy trông vào sức mạnh đến với chúng ta từ Người trong những lúc khó khăn và thử thách. Một Giám Mục được thánh hiến không phải chỉ cho giáo phận của mình, nhưng cho phần rỗi của cả thế gian (x. Redemptoris Missio, 63). Như Thánh Tông Đồ Phaolô, một Giám Mục được mời gọi để vươn đến những người ở thật xa và chưa biết Đức Kitô hoặc chưa cảm nghiệm được tình yêu giải phóng của Người. Quyết tâm của một Giám Mục là làm cho toàn thể cộng đồng giáo phận thành truyền giáo bằng cách tình nguyện đóng góp, tùy theo khả năng, gửi các linh muc và giáo dân đến những Giáo Hội [địa phương] khác để phục vụ việc truyền giáo. Bằng cách này việc rao giảng cho muôn dân (missio ad gentes) trở thành nguyên tắc hợp nhất và hội tụ của toàn thể hoạt động mục vụ và bác ái.

Phần các con, các linh mục thân yêu, là những cộng tác viên hàng đầu của các Giám Mục, các con hãy trở nên những mục tử quảng đại và các nhà truyền giáo nhiệt thành! Nhiều người trong các con trong những thập niên qua đã đến những nơi truyền giáo theo Thông Điệp Fidei Donum mà gần đây chúng ta vừa mừng kỷ niệm 50 năm, và với Thông Điệp này vị Tiền Nhiệm đáng kính của Cha là Đấng Tôi Tớ Thiên Chúa Piô XII đã tạo ra một thúc đẩy trong việc cộng tác giữa các Giáo Hội địa phương. Cha tin chắc rằng sẽ không thiếu sự thôi thúc về truyền giáo này trong Giáo Hội địa phương, dù nhiều nơi đang bị thiếu các giáo sĩ.

Cả chúng con nữa, các tu sĩ nam nữ thân yêu, ơn gọi của chúng con được đánh dấu bằng một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ, đem việc rao giảng Tin Mừng đến cho mọi người, nhất là những người ở thật xa, qua việc liên tục làm chứng cho Đức Kitô và sống theo Tin Mửng của Người tận gốc. Các tín hữu giáo dân thân thương, các con là những người hoạt động trong những lãnh vực khác nhau của xã hội, được mời gọi để tham gia một cách mỗi ngày một thêm quan trọng trong việc truyền bá Tin Mừng. Như thế một đồi areopagô (x. Tđcv 17:19-34) phức tạp và đa dạng được mở ra để các con truyền giáo: đó là thế giới. Hãy làm chứng bằng đời sống rằng các Kitô hữu “thuộc về một xã hội mới, một xã hội là cùng đích của cuộc hành hương chung của họ và được biết trước trên con đường hành hương ấy” (Spe Salvi, 4).

5. Kết Luận

Anh chị em thân mến, chớ gì việc mừng Ngày Thế Giới Truyền Giáo khuyến khích mọi người có một ý thức mới về nhu cầu cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng. Tôi không quên chân thành ghi ơn sự đóng góp của các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo vào hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Tôi xin cám ơn họ vì sự giúp đỡ họ dành cho tất cả các cộng đồng, nhất là những cộng đồng trẻ. Họ là những công cụ vững chắc để đem lại sinh khí và đào luyện Dân Thiên Chúa theo nhãn quan truyền giáo, và họ nuôi dưỡng sự hiệp thông nhân lực và tài giữa những chi thể khác nhau của Nhiệm Thể Đức Kitô. Nguyện xin cho những quyên góp trong tất cả các giáo xứ trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo trở thành một dấu chỉ hiệp thông và lo lắng cho nhau giữa các Giáo Hội. Sau cùng, xin cho những lời cầu nguyện, là phương tiện tinh thần thiết yếu cho việc truyền bá giữa tất cả mọi người ánh sáng của Đức Kitô, “ánh sáng tuyệt vời” chiếu soi “tăm tối của lịch sử” (Spe Salvi, 49), được thêm sốt sắng hơn bao giờ hết trong dân chúng Kitô giáo. Trong khi phó thác cho Chúa việc tông đồ của các nhà truyền giáo, các Giáo Hội [địa phương] khắp nơi trên thế giới và các tín hữu tham gia và những hoạt động truyền giáo khác nhau cùng cầu xin Thánh Phaolô và Đức Thánh Maria, “Hòm Bia Giao Ước sống động”, ngôi Sao của truyền giáo và hy vọng, cầu bầu, tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho mọi người.

Làm tại Vatican ngày 11 tháng 5, năm 2008.

+ ĐTC Bênêđictô XVI
 
Theo du thuyền Đức Giáo Hoàng ngắm cảnh thành phố Sydney xinh đẹp
VietCatholic & CTV
02:18 19/07/2008
Từ khoảng 3:00g chiều ngày 17.07.2008, Đức Thánh Cha Benedictô XVI trên đường đến với các bạn trẻ ở Barangaroo đã đi trên một chiếc du thuyền Captain Cook Cruises hay Sydney 2000.

Vây quanh Đức Giáo Hoàng trên chiếc du thuyền này là một thứ Liên Hiệp Quốc gồm người trẻ muôn phương, các hồng y, viên chức chính phủ, báo chí và tùy tùng, tất cả chừng 220 người. Qua một vòng thành phố, dưới cầu cảng Habour, qua nhà hòa nhạc "Con Sò", và những cao ốc của thành phố xinh đẹp.

Con tầu nhẹ nhàng xé nước dưới bầu trời xanh và những đám mây nhẹ nhàng trôi, Đức Thánh Cha đã nở những nụ cười tươi tắn và vui vẻ thân tình hàn huyên với các bạn trẻ từ khắp nới, trong đó có một bạn trẻ gốc người Việt Nam.

Du thuyền chở Đức Giáo Hoàng được hộ tống bằng cả 100 chiếc thuyền nhỏ khác tiến tới Đông Cảng Darling vào buổi chiều. Khoảng 150,000 người trẻ tay vẫy 170 thứ cờ khác nhau nghển cổ lên, nâng mình lên, leo lên hòng nhìn thấy Đức Thánh Cha khi con tầu trắng tiến gần vào cảng và bến bờ chờ đợi. Khi Đức Giáo Hoàng tới nơi, Ngài gần như bị lấn át bởi sắc phục muôn mầu của người trẻ.

Trên đất, việc chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha đã nhiễm một bầu khí lễ hội vui tươi trong đó khách hành hương chơi trống, ca hát và còn bắt đầu cả một điệu luân vũ Mễ Tây Cơ. Khách hành hương chen chân cùng các nhân viên văn phòng đứng chật cả các bậc thềm Bệnh Viện Sydney và chung quanh Tượng Nữ Hoàng Victoria đối diện Hyde Park. Những điểm tốt nhất để nhìn tại Cảng Sydney đã được thăm dò và “chiếm đóng” từ rất sớm.

Tại Nhà Hát Con Sò, 30 nữ tu thuộc tu hội Truyền Giáo Bác Ái do Mẹ Á Thánh Teresa sáng lập đã quây quần nhau ở tiền đình trước giờ tầu chở Đức Giáo Hoàng lướt qua cả 4 tiếng rưỡi đồng hồ.
 
Đối thoại liên tôn: ĐTC kêu gọi chung tay xây dựng thế giới và giáo dục giới trẻ.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:52 19/07/2008
Sydney (AsiaNews) - Nước Úc thật đáng khen ngợi khi luôn bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng trên hết là lời đề nghị tất cả các tôn giáo chung tay cùng nhau làm cho thế giới tốt đẹp cũng như chung tay giáo dục giới trẻ, “khuyến khích chúng tự khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, và phấn đấu thực hiện khả năng cao cả của cuộc sống”.

Sáng hôm 18/07, Đức Thánh Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gặp gỡ các thành viên của các Giáo Hội Kitô hiện diện ở Úc: Công Giáo, Anh giáo, Luther, Maronite, Melkite, Syria; các thành viên của Assemblies of God (GH Ngũ Tuần), Uniting Church; sau đó ngài chủ trì một cuộc họp mặt với đại diện của 40 nhóm tôn giáo thuộc Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Zoroastrians (Bái hỏa giáo), và Sabians.

Cuộc gặp gỡ với các Kitô hữu diễn ra ở hầm mộ của Nhà thờ Chính tòa. Trong diễn từ của mình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính thẳng thắn trong quan hệ đại kết và ngài đề nghị Năm Thánh Phaolô này như là cơ hội để hoàn thiện sự hiểu biết về Bí tích Thánh Thể, về phục vụ lẫn nhau và về Giáo Hội duy nhất, giữ cho lý thuyết và thực hành đi đôi với nhau. Ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng mà “vùng đất tráng lệ” nước Úc đã để cho được tự do tôn giáo. Ngài giải thích rằng: “Đây là một quyền căn bản, khi nó được tôn trọng, sẽ pho phép các công dân hoạt động trên những giá trị vốn bám rễ đức tin sâu sắc của họ, vì thế góp phần vào hạnh phúc của xã hội. Theo chiều hướng này, thì sự cộng tác của các Kitô hữu cùng với các thành viên của các tôn giáo khác sẽ làm thăng tiến phẩm giá con người và tình hữu nghị giữa các quốc gia”.

Trong cuộc gặp gỡ đại diện các tôn giáo khác, Đức Thánh Cha tương tự cũng ca ngợi nước Úc tôn trọng tự do tôn giáo, cho phép tôn giáo có ảnh hưởng đến đời sống xã hội: “Trong một thế giới bị đe dọa bởi các hình thức bạo lực hung hãn và bừa bãi, thì tiếng nói hợp nhất của con người có niềm tin tôn giáo sẽ thúc giục các quốc gia và các cộng đồng giải quyết xung đột bằng các phương tiện hòa bình và đầy quan tâm đến phẩm giá con người”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “tôn giáo ý thức việc gieo vào lòng người để mở ra cho người Nam và người Nữ đến với Thiên Chúa và hướng dẫn họ khám phá ra rằng sự đáp trả cá nhân không bao gồm sự hài lòng ích kỷ về những khao khát phù du”. Điều này thật đúng để “hướng chúng ta đáp ứng nhu cầu của người khác và tìm kiếm đường lối vững chắc góp phần vào thiện ích chung”, sự phục vụ đòi hỏi “hy sinh và tự khép vào kỷ luật, vốn phải được tu dưỡng, qua việc tự phủ nhận, sử dụng chừng mực và có mức độ tài nguyên của thế giới”. Bằng cách này, “người Nam và người Nữ được hướng dẫn quan tâm đến môi trường như là một kỳ công cần được cân nhắc và tôn trọng hơn là một tiện nghi chỉ dành cho tiêu thụ. Đó là phận sự mà người có đức tin phải tỏ lộ để có thể tìm thấy niềm vui trong đời sống mộc mạc và khiêm nhường, để sẻ chia những dư giả cho những người đau khổ đang có nhu cầu”.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng những giá trị này là đặc biệt quan trọng để giáo dục một cách thích hợp cho giới trẻ, những người thường bị lôi cuốn để thấy rằng cuộc sống chính nó là một tiện nghi”. Vì lý do này, ngài đề nghị các tôn giáo hơn bao giờ hết cộng tác với nhau trong việc giáo dục giới trẻ. Ngài đi đến kết luận: “Có lẽ chúng ta khuyến khích mọi người, nhất là giới trẻ tự khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, tìm kiếm ý nghĩa đích thực của nó và phấn đấu thực hiện khả năng cao cả của cuộc sống”.

Kết thúc các sự kiện ban sáng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dùng bữa trưa với Đức Hồng y George Pell và 12 bạn trẻ đến từ khắp các đại lục tại phòng khánh tiết của Nhà thờ Chính toà.
 
Bộ giáo sĩ: Giáo Hội cần đến linh mục cho công cuộc loan báo Tin Mừng
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:53 19/07/2008
Vatican (ZENIT) - Hôm thứ Ba 15/07, Đức Hồng y Cláudio Hummes, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo sĩ đã viết một bức thư gửi trước cho các linh mục nhân dịp kính Thánh John Marie Vianney (Cha xứ Ars – Quan thầy của các linh mục) ngày 4 tháng Tám. Trong thư, ngài nói rằng Giáo Hội hy vọng năng lực và công việc của các linh mục sẽ đáp ứng sự cấp bách trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Ngày nay, Giáo Hội biết rằng, có sự cấp bách trong sứ mạng của mình, không chỉ là ‘đến với muôn dân – ad gentes’, nhưng là đến với cả những Kitô hữu sống trong những vùng, những khu vực mà đức tin Kitô giáo đã được loan báo và thiết lập nhiều thế kỷ và những nơi mà các cộng đoàn Giáo Hội đã tồn tại. Việc truyền giáo, hay việc loan báo Tin Mừng của nhà truyền giáo trong đoàn chiên này là nhắm đến những người đã được rửa tội, nhưng vì những hoàn cảnh khác nhau không được loan báo Tin Mừng một cách thỏa đáng, hay những người đã mất đi nhiệt huyết ban đầu và rời bỏ Giáo Hội. Nền văn hóa hậu hiện đại của xã hội đương thời – nền văn hóa theo thuyết tương đối, thế tục và bất khả tri – có ảnh hưởng mạnh mẽ là xói mòn đức tin tôn giáo nơi nhiều người”.

Ngài giải thích: “Giáo Hội biết rằng mình không thể chậm chạp hoặc không thể tự giới hạn chính mình khi không chấp nhận và loan báo Tin Mừng cho những người đang tìm kiếm đức tin trong các giáo hội và cộng đoàn. Cũng thật là cần thiết lên đường và đến những nơi người dân và các gia đình dừng chân, sinh sống và làm việc. Chúng ta cần phải đến với mọi người: các công ty, các tổ chức, các cơ quan và các lĩnh vực khác của xã hội loài người. Trong sứ mạng này, tất cả các thành viên của cộng đoàn Giáo Hội đều được mời gọi: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân”.

Đức Hồng y thừa nhận vai trò đặc biệt của linh mục: “Giáo Hội công nhận rằng các linh mục là động lực to lớn đằng sau cuộc sống hằng ngày của các cộng đoàn địa phương. Khi các linh mục chuyển động thì Giáo Hội cũng chuyển động. Nếu không phải thế thì thật là khó đạt được sứ mạng của Giáo Hội”. “Anh em là sữ phong phú dồi dào, là khả năng tiềm tàng, là mục tử và là nhà truyền giáo truyền cảm hứng vào giữa các tín hữu Kitô giáo. Không có quyết định cốt yếu của anh em ‘chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá’ như Chúa kêu gọi chúng ta, thì sứ mạng cấp bách sẽ ít xảy ra hoặc không xảy ra, cũng như sẽ không có ‘đến với muôn dân – ad gentes’ hay đến với những vùng đất mà trước đây đã được loan báo Tin Mừng”. “Nhưng Giáo Hội chắc chắn rằng mình hy vọng nơi anh em, bởi vì Giáo Hội biết và công nhận một cách rõ ràng rằng phần đông các linh mục – dẫu còn những yếu đuối và những hạn chế thuộc về con người trong chúng ta – là những linh mục xứng đáng, dâng đời sống hằng ngày của họ cho Nước Chúa, cho Chúa Giêsu Kitô thương mến và cho giáo dân được trao phó cho họ. Đó là những linh mục hy sinh bản thân mình cho thừa tác vụ hằng ngày của họ và là những người kiên trì cho đến mùa bội thu của Chúa”.

Đức Hồng y nói rằng ngài “hoan hỉ và hãnh diện về đa số các linh mục, những người tốt và xứng đáng được hết sức ca ngợi”.
 
3.5 triệu bữa ăn dành cho giới trẻ hành hương WYD
Paul Anh
10:03 19/07/2008
3.5 triệu bữa ăn dành cho giới trẻ hành hương WYD

SYDNEY, Úc Châu (Zenit.org).- Khoảng 225,000 bạn trẻ đang tham dự Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (WYD), vốn sẽ được kết thúc vào Chủ Nhật tới với Thánh Lễ bế mạc và sự tham dự của khoảng 500,000 người.

Các nhà tổ chức báo cáo cho biết rằng 125,000 bạn trẻ hành hương là đến từ những nước khác; và 100,000 là đến từ nước chủ nhà, Úc Châu. Đây là sự kiện lớn nhất và đa quốc gia nhất từ trước cho đến giờ, vốn được tổ chức trên lãnh thổ của nước Úc, thậm chí nó còn lớn hơn cả Thế Vận Hội năm 2000.

Hoa Kỳ là quốc gia có số bạn trẻ hành hương đông nhất tới 15,000 bạn trẻ.

Ban tổ chức WYD đã đưa ra những con số thống kê như sau:

Có khoảng 8,000 người tình nguyện giúp hổ trở cho các hoạt động của WYD. Có khoảng 2,000 Linh Mục và 500 Đức Giám Mục lẫn Hồng Y hiện diện; 500 áo Lễ được làm ra cho các Đức Giám Mục và mỗi một vị Linh Mục nhận được 1 khăng choàng.

Một triệu bánh được làm ra để cho các bạn trẻ Rước Mình Thánh Chúa và 120 chai rượu sẽ được sử dụng cho cả Thánh Lễ khai lẫn bế mạc. Các khách hành hương sẽ dùng 3.5 triệu bữa ăn, và 232,000 cây đèn cầy sẽ được sử dụng trong suốt thời gian diễn ra WYD. Khoảng 1,000 bạn trẻ nằm ngủ tại 400 trường học và giáo xứ. 10,000 bạn trẻ sẽ nằm ngủ tại Công Viên Thế Vận Hội Sydney (Sydney Olympic Park).

Khoảng 100 diễn viên sẽ tham gia vào việc diễn lại các Chặng Đường Thánh Giá.

Úc Châu có khoảng gần 5.12 triệu người Công Giáo tại 1,363 giáo xứ, tức chiếm khoảng 26% trong tổng số dân số. Úc Châu có 28 giáo phận, 4 giáo phận dành cho những người Công Giáo theo Nghi Lễ Đông Phương, và một giáo phận dành cho Quân Đội.

Riêng vùng Sydney có tới 4 giáo phận, và khoảng 1.5 triệu tín hữu Công Giáo. Tổng Giáo Phận Sydney có gần 600,000 tín hữu Công Giáo tại 141 giáo xứ với 480 Linh Mục cai quản.

Đã có 3 lần Úc Châu được chứng kiến những chuyến viếng thăm của các Đức Giáo Hoàng. Vào năm 1970, Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thăm viếng mục vụ Úc Châu; Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị thăm viếng Úc Châu 2 lần vào năm 1986 và 1995. Riêng trong năm 1995, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đến Úc Châu là để phong Chân Phước cho Nữ Tu Mary McKillop, người gốc Úc Châu.

Và lần viếng thăm này của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 sẽ là lần thứ 4 Úc Châu được hân hạnh có sự hiện diện của vị Kế Thừa Thánh Phêrô ở trần gian.
 
WYD 2008: Đêm Canh Thức (Phần I)
VietCatholic Network
10:50 19/07/2008
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ và buổi canh thức với các bạn trẻ
LM Trần Đức Anh, OP
11:36 19/07/2008
SYDNEY - Sáng thứ bẩy, 19-7-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ với các GM Úc, và ngài lên án nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ban tối, ngài chủ sự buổi canh thức với 250 ngàn bạn trẻ tại trường đua Randwick.

3400 tín hữu đã tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành tại Nhà thờ chính tòa Đức Maria của giáo phận Sydney, cùng với 60 GM Úc và hàng trăm Linh mục. Trong số các tín hữu dự lễ, có đông đảo các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh. Thánh lễ có kèm theo nghi thức thánh hiến bàn thờ mới của Nhà thờ Chính Tòa Sydney.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến ý nghĩa nghi thức thánh hiến bàn thờ và nói rằng: ”Giống như bàn thờ này, chúng ta cũng được thánh hiến, được đặt riêng để phụng sự Thiên Chúa và xây dựng Nước Chúa. Nhưng quá nhiều khi, chúng ta thấy mình bị chìm ngập trong một thế giới gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Nhân danh tự do và quyền tự quyết của con người, thánh danh Chúa không được nhắc tới, tôn giáo bị thu hẹp vào việc sùng mộ riêng tư và tín ngưỡng bị tránh né trong các nơi công cộng. Đôi khi não trạng này (..) có thể làm lu mờ sự hiểu biết của chúng ta về Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội. Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ biến đời sống đức tin thành một vấn đề hoàn toàn có tính chất tình cảm, và do đó làm suy giảm sức mạnh của đức tin trong việc soi dẫn một vũ trụ quan thích hợp và một cuộc đối thoại mạnh mẽ với nhiều quan niệm khác đang cạnh tranh, thu hút tâm trí con người ngày nay.

”Nhưng lịch sử, kể cả lịch sử chúng ta ngày nay, chứng tỏ rằng vấn đề Thiên Chúa không bao giờ có thể bị bỏ qua trong im lặng và sự dửng dưng đối với chiều kích tôn giáo của cuộc sống con người rốt cuộc sẽ hạ giá và gây hại cho chính con người. Phải chăng đó chẳng phải là sứ điệp mà kiến trúc hùng vĩ của nhà thờ chính tòa này đang công bố? Đó chẳng phải là mầu nhiệm đức tin sẽ được công bố từ bàn thờ này trong mỗi thánh lễ được cử hành sao?”

ĐTC nói thêm rằng: ”Nơi đây tôi muốn dừng lại để nhìn nhận sự tủi hổ mà tất cả chúng ta cảm thấy do hậu quả của sự lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do một số giáo sĩ và tu sĩ tại nước này gây ra.

”Thực vậy, tôi rất đau buồn vì sự đau khổ và đớn đau mà các nạn nhân phải chịu, và tôi đoan chắc với họ rằng, trong tư cách là Mục Tử của họ, tôi chia sẻ những đau khổ của họ”.

”Những hành động sai trái này là một sự phản bội rất trầm trọng đối với lòng tín nhiệm, và đáng bị quyết liệt lên án. Chúng gây đau khổ rất lớn và gây thiệt hại cho chứng tá của Giáo Hội. Tôi xin anh chị em hãy nâng đỡ và trợ giúp các Giám Mục của mình và cộng tác với các vị trong việc bài trừ tai ương này. Các nạn nhân phải được cảm thông và săn sóc, và những kẻ gây nên sự ác phải bị đưa ra công lý.”

Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC đặc biệt ngỏ lời với các chủng sinh và tu sinh: ”Các chủng sinh và tu sinh thân mến, các con sẽ trở thành bàn thờ sống động, nơi mà hy tế tình thương của Chúa Kitô được hiện diện như nguồn linh hứng và nguồn lương thực tinh thần cho mỗi người chúng con gặp gỡ. Qua việc đón nhận tiếng Chúa gọi theo ngài trong sự khiết tịnh, thanh bần và vâng phục, các con bắt đầu hành trình quyết liệt làm môn đệ Chúa, biến chúng con thành ”những dấu chỉ đối nghịch” (Lc 2,34) đối với nhiều người đồng thời. Hãy uốn nắn cuộc sống hằng ngày của các con theo sự tự hiến của Chúa Giêsu trong sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha. Như thế các con sẽ khám phá tự do và niềm vui có thể lôi kéo người khác đến Tình Thương vượt lên trên mọi tình thương khác, như nguồn mạch và là sự viên mãn chung cục của các tình thương.”

Buổi canh thức

Từ sáng thứ bẩy, 19-7, hàng trăm ngàn bạn trẻ từ các nơi đi bộ tiến về trường đua Randwick, vừa đi họ vừa cầm cờ, ca hát vui vẻ, một cảnh tượng chưa hề có trong lịch sử tại đây. Trường đua lớn nhất nước Úc này đã từng là nơi Đức Giáo Hoàng Phaolô hồi năm 1970 và Đức Gioan Phaolô 2 chủ sự hai thánh lễ tại đây: lần thứ I hồi năm 1986 và lần thứ hai 9 năm sau đó là lễ phong chân phước cho Mẹ Mary MacKillop hồi năm 1995.

Đến nơi, các bạn trẻ được phân phối vị trí chung với đoàn liên hệ. Nhiều người dựng những lều cá nhân để có thể ở lại qua đêm và sẵn sàng tham dự thánh lễ bế mạc do ĐTC cử hành. Bầu trời mùa đông ở vùng Sydney đã tối sầm vào khoảng 6 giờ sau khi mặt trời lặn. Trong khi chờ đợi, một ban nhạc đã trình diễn nhiều bài với sự cộng tác của các danh ca.

Lúc 7 giờ tối, Thánh giá Ngày Quốc Tế giới trẻ và bức ảnh Đức Mẹ được các bạn trẻ rước lên lễ đài trải thảm đỏ, trong khi ca đoàn và mọi người cùng nhau ca bài ”Đức Mẹ Thánh Giá miền nam”. Tiếp đến, ĐTC đã cùng với đoàn 12 bạn trẻ trong y phục truyền thống của mình, tiến lên lễ đài, giữa tiếng reo hò chào mừng của mọi người.

Sau kinh nguyện mở cầu buổi canh thức của ĐTC, một thày phó tế lấy lửa từ cây nến phục sinh trao cho ngài để ngài thắp vào một ngọn đèn do thiếu nữ thổ dân mang tới. Từ ngọn đèn này, lửa lan sang ngọn đèn của 12 bạn trẻ đã tháp tùng ĐTC và được lan tỏa tới tất cả mọi người tham dự. Chẳng mấy chốc khu vực trường đua Ranwick lung linh với hàng trăm ngàn ngọn nến sáng giữa đêm tăm tối, trong khi đó ca đoàn hát bài: ”Lạy Chúa, chính Chúa là đèn soi cho con”.

Buổi canh thức được tiếp tục với 7 bạn trẻ lần lượt trình bày chứng từ về 7 hồng ân của Chúa Thánh Linh, đi từ những kinh nghiệm bản thân: từ ơn khôn ngoan, đến ơn thông hiểu, ơn tri thức, ơn chỉ bảo, ơn can đảm, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa. Trong số 7 bạn trẻ trình bày chứng từ, đặc biệt có anh Vasin Manasurangul, thuộc tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan. Anh kể lại tình trạng khủng hoảng kinh tế tại Thái cách đây vài năm, trong đó có cả gia đình anh.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã nói về sứ mạng làm chứng nhân Kitô trong một thế giới bị phân hóa như ngày này và vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống của các tín hữu.

”Đâu là câu trả lời của chúng ta, trong tư cách là chứng nhân Kitô, cho một thế giới bị chia rẽ và phân hóa? Làm thế nào chúng ta có thể mang lại hy vọng hòa bình, chữa lành và hòa hợp cho những nơi đang bị xung đột, đau khổ, và căng thẳng mà các con đã chọn đi qua với Thánh Giá Ngày Quốc Tế giới trẻ? Chúng ta không thể đạt được hiệp nhất và hòa giải bằng những nỗ lực riêng của chúng ta mà thôi. Thiên Chúa đã tạo dụng chúng ta cho nhau (Gen. 2,24) và chỉ trong Chúa và trong Giáo Hội của Ngài chúng ta mới có thể tìm được sự hiệp nhất mà chúng ta kiếm tìm. Đứng trước những bất toàn và thất vọng - về mặt cá nhân cũng như cơ chế, đôi khi chúng ta bị cám dỗ muốn xây dựng một cách giả tạo một cộng đồng 'hoàn hảo'. Cám dỗ ấy không phải là điều mới mẻ. Trong lịch sử Giáo Hội có nhiều thí dụ về những toan tính qua mặt hoặc vượt thắng những yếu đuối, khiếm khuyết của con người để kiến tạo một sự hiệp nhất toàn vẹn, một ảo tưởng tinh thần.

”Nhưng trong thực tế, những toan tính kiến tạo sự hiệp nhất ấy lại làm cho nó bị thương tổn. Tách rời Thánh Linh khỏi của Chúa Kitô hiện diện trong cơ cấu của Giáo Hội, sẽ làm tổn thương tình hiệp nhất của cộng đồng Kitô, vốn là hồng ân của Thánh Linh. Thái độ ấy phản bội chính bản chất của Giáo Hội là đền thờ sống động của Chúa Thánh Linh (1 Cor 3,16). Chính Thánh Linh hướng dẫn Giáo Hội trên con đường sự thật và hiệp nhất Giáo Hội trong tình hiệp thông và trong sứ vụ (LG 4). Đáng tiếc là cám dỗ muốn “đi một mình” vẫn còn. Một số người ngày nay mô tả cộng đoàn địa phương của họ như tách rời khỏi Giáo Hội gọi là cơ chế, bằng cách coi cộng đồng của mình là uyển chuyển và cởi mở đối với Thánh Linh, còn Giáo Hội cơ chế là cứng nhắc và thiếu Thánh Linh.

ĐTC nhấn mạnh rằng hiệp nhất thuộc về yếu tính của Giáo Hội (SGL 813); đó là một hồng ân chúng ta phải nhìn nhận và nuôi dưỡng. Tối hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho quyết tâm nuôi dưỡng hiệp nhất, góp phần xây dựng hiệp nhất và chống lại cám dỗ muốn rời bỏ ra đi!

Sau bài giảng, 24 thanh niên nam nữ sẽ được ĐTC ban phép thêm sức trong thánh lễ bế mạc sáng chúa nhật hôm nay, được gọi lên trình diện trước ĐTC, trong đó có một thanh niên Việt Nam ở Úc, mang áo dài màu lam và khăn đóng. Các bạn trẻ khác là người Úc và nhiều người thuộc các nước khác.

Buổi canh thức được tiếp tục với phần chầu Mình Thánh Chúa, trong thinh lặng và xen kẽ các bài thánh ca và những lời suy niệm. Sau cùng, cộng đoàn đã hát kinh Tantum Ergo, trước khi ĐTC ban phép lành Mình Thánh Chúa cho mọi người.

G. Trần Đức Anh OP
 
Đức Thánh Cha xin lỗi các Nạn Nhân bị lạm dụng tính dục bởi thành phần giáo sĩ Công Giáo Úc Đại Lợi
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:52 19/07/2008
Sydney, ngày 18-7-2008 (CNA). – Sáng nay khi thánh hiến bàn thờ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary ở Sydney, ĐTC Bênêđictô đã đưa ra lời, mà mọi người đang mong đợi từ lâu, chính thức xin lỗi những người bị lạm dụng tính dục bởi các giáo sĩ thuộc Giáo Hội Công Giáo Úc.

Trong lúc đang đọc sứ điệp gửi 3.400 giám mục, chủng sinh và tập sinh của Úc Đại Lợi, ĐTC đã ngừng lại để nói về vấn đề thu hút nhiều chú ý của báo chí về Đại Hội Giới Trẻ đang diễn ra ở Sydney.

“Ở đây, tôi xin tạm ngừng để nhìn nhận sự nhục nhã mà tất cả chúng ta đều cảm thấy như hậu quả của việc lạm dụng tính dục trẻ em do một số giáo sĩ và tu sĩ trong đất nước này gây ra.”

“Những tội ác này, tạo nên một sự phản bội trầm trọng đối với sự tin tưởng, đáng cho chúng ta đồng thanh kết án.”

“Họ đã tạo ra những đau khổ lớn lao, họ đã làm hỏng việc làm chứng của Hội Thánh.”

Sau đó ĐTC đã thúc giục các phần tử tu sĩ trong Hội Thánh có mặt cùng nhau làm việc để “chống lại sự dữ này.”

“Các nạn nhân phải nhận được sự cảm thương và săn sóc, và những người chịu trách nhiệm về tội ác này phải bị đưa ra trước công lý.”

“Việc cổ võ một môi trường an toàn và lành mạnh hơn, đặc biệt là cho giới trẻ, là một ưu tiên cấp bách.”

“Trong những ngày này được đánh dấu bằng việc cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa đã trao cho chúng ta một kho tàng quý hóa như thế nào nơi giới trẻ của chúng ta, và một phần lớn sứ vụ của Hội Thánh trong quốc gia này đã dành cho việc giáo dục và săn sóc cho các em ra sao.”

Những lời tuyên bố này của ĐTC đi theo sau những lời giải thích về lạm dụng tính dục và Hội Thánh mà ngài đã nói với báo chí trong chuyến bay của ĐTC đến Sydney, khi ây ngài đã nói, “Chúng ta phải nghĩ đến điều gì còn thiếu xót trong hành vi của chúng ta và chúng ta phải làm sao để phòng ngừa, chữa lành và hòa giải.”

Lorena, thành viên của Cộng Đồng Hoà Giải Maria (Marian Community of Reconciliation) ở Syney, người ngồi thật gần ĐTC, ngay ở hàng ghế thứ năm, đã nói, “Ngài thật sự xin lỗi, và đã nói rằng ngài hiểu điều này thật là đau đớn cho người khác.”

John Paul Esclaran, một chủng sinh 24 tuổi người Phi Luật Tân, phần tử của Giáo Phận Parramatta và đang theo học tại Chủng Viện Holy Spirit, nói, “Tôi rất cảm động cách riêng vì những lời này. Dù rằng ĐTC đã không phạm tội lạm dụng, tôi cảm động vì sự khiêm nhường mà ĐTC đã tỏ ra cho chúng tôi.”

Lời xin lỗi này tương tự như những lời ĐTC đã tuyên bố trong chuyến tông du Hoa Kỳ vừa qua.

Sứ điệp của ĐTC dành cho các chủng sinh và tu sĩ trẻ của Giáo Hội Công Giáo Úc

“Các bạn thân mến: các bạn đã bắt đầu trên một con đường thánh hiến riêng biệt với một lòng đại lượng lớn lao, được bắt đầu từ ngày Rửa Tội và được thể hiện trong việc đáp trả lời mời gọi cá nhân của Chúa.”

“Bằng nhiều cách khác nhau, các bạn đã tình nguyện chấp nhận lời mời gọi của Đức Kitô để đi theo Người, để bỏ lại tất cả mọi sự, và hiến cuộc đời các bạn để theo đuổi sự thánh thiện và việc phục vụ dân của Người.”

“Bằng cách này, các chủng sinh và tu sĩ trẻ thân yêu, chính các bạn sẽ trở thành những bàn thờ sống động, là nơi mà hy tế tình yêu của Đức Kitô được làm hiện diện như là sự khích lệ và nguồn mạch nuôi dưỡng tinh thần cho tất cả những ai các bạn gặp.”

“Qua việc ôm ấp lời kêu gọi đi theo Chúa trong đức trong sách khó nghèo và vâng phục, các bạn đã bắt đầu một cuộc hành trình môn đệ tận căn bản là điều sẽ làm cho các bạn trở thành ‘dấu chỉ ngược đời’ (x. Lc 2:34) đối với nhiều người đương thời với các bạn.”

“Hãy lấy sự tự hiến trong vâng phục Thánh Ý Chúa Cha của Chúa làm khuôn mẫu cho đời sống hằng ngày của các bạn. Khi đó các bạn sẽ khám phá ra sự tự do và niềm vui có thể kéo người khác đến Tình Yêu nằm đằng sau tất cả các tình yêu khác như là nguồn mạch của sự sung mãn tối hậu của chúng.”

ĐTC Gioan Phaolô đã nói, “Trong khi lắng nghe lời chia sẻ của vị nữ tu và điều mà chị đang nói về đời sống chị như là một tu sĩ, tôi đã được cảm hứng về nhận thức của chính tôi, và đã tự nhủ, đây là cuộc đời mà tôi sẽ chọn.”

“Điều đó cũng được thêm vào nhận thức của tôi, nó chắc chắn đã giúp tôi.”
 
WYD 2008: Đêm Canh Thức (Phần II)
VietCatholic Network
13:15 19/07/2008
 
Diễn từ của ĐTC Benedictô XVI với các Bạn Trẻ Đêm Canh Thức 19/7 YWD 2008
VietCatholic Network
14:23 19/07/2008
ĐTC Benedictô XVI nói với các Bạn Trẻ Đêm Canh Thức 19/7 YWD 2008

Các bạn trẻ thân mến,

Đêm nay một lần nữa chúng ta lại được nghe lời hứa long trọng của Đức Kitô – “các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy”. Và chúng ta cũng đã nghe lời mời gọi của Ngài – “hãy làm chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1:8). Đây là những lời sau cùng Đức Giêsu nói cùng các môn đệ trước khi Ngài về trời. Các Tông Đồ nghĩ gì khi nghe những lời đó, thì chúng ta chỉ có thể đoán chừng mà thôi. Nhưng chúng ta biết rõ lòng yêu mến sâu sắc các Tông Đồ dành cho Đức Giêsu, và lòng tin tưởng đối với lời Ngài, đã khiến họ tụ họp với nhau và chờ đợi; không phải chờ đợi một cách bâng quơ, mà là cùng hiệp nhất trong lời cầu nguyện, với sự hiện diện của Đức Maria và các người phụ nữ đạo đức trong Phòng Tiệc Ly (Cv 1:14). Đêm nay, chúng ta cũng làm giống như vậy. Tụ họp nơi đây trước Cây Thánh Giá và Ảnh Tượng Đức Mẹ đã chu du qua nhiều nơi, và dưới ánh sáng tuyệt diệu của Chòm Sao Nam Thập Tự, chúng ta cùng cầu nguyện. Đêm nay, Cha cầu cho các con và cho giới trẻ trên toàn thế giới. Hãy noi gương các Đấng Bảo Trợ Thiêng Liêng của Đại Hội! Hãy đón nhận Bảy Ơn Chúa Thánh Thần! Hãy ý thức và tin tưởng vào sức mạnh Thánh Linh trong đời sống các con!

Hôm qua chúng ta đã nói về sự thống nhất hài hòa của vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo, và vai trò của chúng ta trong vũ trụ đó. Chúng ta đã nhắc lại trong Bí Tích cao cả của Phép Rửa Tội, chúng ta – những người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa – được tái sinh, được trở nên con cái Thiên Chúa, một tạo vật mới. Và như thế, trong tư cách là con cái của ánh sáng Đức Kitô – được tượng trưng bằng ngọn nến sáng trong tay các con – chúng ta là chứng nhân của ánh sáng mà không bóng tối nào có thể phủ lấp (Ga 1:5).

Đêm nay chúng ta đặt trọng tâm vào việc làm cách nào để trở thành chứng nhân. Chúng ta phải hiểu rõ về Đức Chúa Thánh Thần và sự hiện diện sống động của Ngài trong đời sống chúng ta. Đây không phải là một điều dễ hiểu. Quả vậy, những biểu tượng khác nhau mà Kinh Thánh dùng để chỉ Thánh Thần – gió, lửa, hơi thở - đã chứng tỏ rằng chúng ta đang vất vả để diễn tả rõ ràng sự hiểu biết của chúng ta về Ngài. Nhưng chúng ta biết chắc rằng chính Chúa Thánh Thần – Đấng mà qua sự thinh lặng và ẩn diện – đã hướng dẫn và định nghĩa cuộc sống chứng nhân cho Đức Kitô của chúng ta.

Các con cũng thừa biết rằng chứng tá Kitô Giáo được đem đến với một thế giới rất mong manh về nhiều phương diện. Sự thống nhất của vũ trụ bị suy yếu do những vết thương hằn sâu khi các mối quan hệ xã hội bị gãy đổ, hay khi tâm linh nhân loại bị đè bẹp bởi những sự lợi dụng và lạm dụng người khác. Thật vậy, xã hội thời nay bị chia cắt bởi một lối suy nghĩ vốn thiển cận, vì nó xem thường chiều sâu trọn vẹn của chân lý – chân lý về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Tự bản chất, chủ nghĩa tương đối không nhận thức được toàn diện sự việc. Nó bác bỏ chính những nguyên lý làm cho chúng ta được sống và thăng hoa trong sự thống nhất, trật tự và hòa hợp.

Chúng ta phải đáp trả như thế nào, trong vai trò chứng nhân Đức Kitô, trước một thế giới bị chia cắt và chia rẽ? Làm sao chúng ta có thể trao tặng niềm hy vọng của hòa bình, hàn gắn, và hòa hợp đến những “chặng đàng” của sự xung đột, đau khổ, và giằng xé mà các con đã chọn để bước theo với Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này? Sự hiệp nhất và hòa giải không thể nào được thực hiện chỉ bằng những nỗ lực của chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để cùng chung sống (St 2:24), và chỉ có nơi Thiên Chúa và Hội Thánh Người mà chúng ta tìm được sự hiệp nhất. Vậy mà, đứng trước những sự bất toàn và những nỗi thất bại – của các cá nhân lẫn các thể chế - chúng ta đôi khi bị cám dỗ xây dựng giả tạo một cộng đồng “hoàn hảo”. Cám dỗ này không mới mẻ gì. Lịch sử Giáo Hội có nhiều ví dụ của những toan tính bỏ qua hoặc tẩy xóa những yếu đuối hoặc thất bại của con người nhằm mục đích kiến tạo một sự hiệp nhất hoàn hảo, một trạng thái không tưởng.

Những toan tính kiến tạo sự hiệp nhất như vậy thật ra lại làm suy yếu nó! Tách rời Thánh Linh ra khỏi sự hiện diện của Đức Kitô trong cấu trúc Giáo Hội sẽ làm tổn hại đến sự hiệp nhất trong cộng đồng Kitô Giáo, mà chính là ân huệ của Chúa Thánh Thần! Điều đó sẽ đi ngược lại bản chất của Giáo Hội là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần (1 Cr 3:16). Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội trong mọi sự thật, và đã kết liên Giáo Hội trong Phép Thánh Thể và qua các công tác mục vụ. (Lu Gn 4). Thật không may cái cám dỗ “tách rời” vẫn cứ dai dẳng. Một số người ngày nay đã miêu tả cộng đồng địa phương của họ là tách rời khỏi cái gọi là thể chế Giáo Hội, bằng cách cho rằng cộng đồng họ là linh hoạt và cởi mở cho Thánh Thần còn Giáo Hội thì cứng nhắc và thiếu vắng Thánh Thần.

Hiệp nhất là một điều quan trọng trong Giáo Hội (Giáo lý Công Giáo, 813); đó là một hồng ân mà chúng ta phải biết nhìn nhận và trân trọng. Đêm nay, chúng ta hãy cầu cho lòng quyết tâm vun xới sự hiệp nhất: hãy góp phần vào việc đó! hãy cưỡng lại những cám dỗ đi ngược lại! Bởi vì chính sự toàn diện, sự bao quát của đức tin chúng ta – vững chắc nhưng cởi mở, kiên định nhưng biến đổi, đúng đắn nhưng luôn luôn tự hoàn thiện qua các kinh nghiệm – mà chúng ta có thể trao tặng thế giới. Các bạn trẻ thân mến, không phải vì đức tin của các con mà những bạn bè đang gặp khó khăn hay đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời đã tìm đến các con hay sao? Hãy cẩn thận! Hãy lắng nghe! Qua sự bất hòa và chia rẽ của thế giới, các con có nghe thấy một cung giọng đồng điệu của nhân loại hay không? Từ một em bé đáng thương trong trại tị nạn ở Darfur, hay một thiếu niên đang thời kỳ nổi loạn, hoặc một bậc cha mẹ đầy âu lo ở bất cứ nơi nào, hay có thể là từ trong đáy tim của chính các con ngay trong lúc này, đã xuất hiện cũng một khao khát chung của nhân loại, là được thừa nhận bởi một tập thể, được thuộc về một tập thể, được hiệp nhất trong một tập thể. Ai có thể thỏa đáp được nỗi khát khao thiết yếu của nhân loại là được kết hợp nên một, được hòa mình vào cộng đồng, được thăng hoa phát triển, được dẫn dắt đến nguồn chân lý? Chính là Chúa Thánh Thần! Đó là vai trò của Chúa Thánh Thần: hoàn thành trọn vẹn công cuộc cứu thế của Đức Kitô. Được thêm sức bởi Bảy Ơn Thánh Thần, các con sẽ có nghị lực để vượt qua những điều vụn vặt, phù du, những điều không tưởng rỗng tuếch, để đem lại sự kiên định và chắc chắn của một chứng nhân Đức Kitô!

Các con thân mến, khi đọc kinh Tin Kính chúng ta tuyên bố rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. “Thánh Linh Sáng Tạo” là quyền năng của Thiên Chúa ban phát sự sống cho mọi loài mọi vật, và là nguồn sự sống mới và sung mãn trong Đức Kitô. Chúa Thánh Thần gìn giữ Giáo Hội trong sự kết hợp với Thiên Chúa và sự trung thành với tính Tông Truyền. Ngài đã linh hứng cho các Thánh Sử viết các bản Kinh Thánh và Ngài hướng dẫn đoàn dân Chúa đến sự thật toàn vẹn (Ga 16:13). Với những cách thức này Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”, dẫn đưa chúng ta đến với chính trái tim Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta càng phó thác cho sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần bao nhiêu, thì chúng ta càng trở nên hoàn hảo bấy nhiêu đối với Đức Kitô, và chúng ta càng được hòa mình sâu sắc hơn vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Việc thông phần vào thiên tính của Thiên Chúa (2 Pt 1:4) diễn ra từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta mà Ngài luôn luôn hiện diện (Br 3:38). Tuy nhiên, có những lúc chúng ta có thể bị cám dỗ đi tìm một sự hoàn thiện nào đó không phải từ Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu hỏi 12 Tông Đồ rằng: “các con không muốn bỏ đi sao?” Sự rời bỏ như vậy có thể đã đem đến ảo tưởng tự do. Nhưng thật ra nó dẫn đến đâu? Chúng ta phải chạy đến với ai? Tận trong thâm tâm chúng ta biết rằng chính Thiên Chúa là Đấng “có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6:67-68). Ngoảnh mặt với Ngài chỉ là một cố gắng vô ích để trốn chạy chính bản thân chúng ta (Thánh Augustinô, Những Lời Tự Thú VIII, 7). Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong thực tế của cuộc sống, chứ không phải trong sự tưởng tượng! Chúng ta tìm kiếm sự nắm bắt, chứ không phải trốn chạy! Vì vậy Chúa Thánh Thần nhẹ nhàng nhưng cương quyết lèo lái chúng ta trở về với những gì là thực tế, lâu bền, và chân thật. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt chúng ta trở lại với cộng đồng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần trong một khía cạnh nào đó là ngôi vị hay bị bỏ quên trong Ba Ngôi. Một sự hiểu biết rõ ràng về Thánh Linh hầu như có vẻ vượt khỏi tầm tay chúng ta. Khi Cha còn là một cậu bé con, cha mẹ của Cha, cũng tương tự như cha mẹ các con, đã dạy Cha làm dấu Thánh Giá. Và rồi chẳng bao lâu Cha hiểu được là có một Thiên Chúa trong ba Ngôi Vị, và Ba Ngôi là tâm điểm của đức tin và cuộc sống Kitô Giáo của chúng ta. Sau này lớn lên Cha hiểu thêm đôi chút về Thiên Chúa Ngôi Cha và Ngôi Con – như cái tên đã diễn tả rõ ràng – tuy nhiên sự thông hiểu của Cha về Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi vẫn không được trọn vẹn. Vậy là trong vai trò một linh mục trẻ tuổi giảng dạy môn thần học, Cha quyết định nghiên cứu những chứng nhân nổi bật của Chúa Thánh Thần trong lịch sử Giáo Hội. Trong cuộc hành trình này Cha bỗng thấy một trong những tác giả mình đang đọc lại chính là Thánh Augustinô thông thái.

Sự hiểu biết của Thánh Augustinô về Chúa Thánh Thần đã được tiến triển một cách dần dần; đó là cả một tiến trình vất vả. Khi còn trẻ thánh nhân đã từng theo chủ nghĩa Manichaeism – một trong những nỗ lực mà Cha đã nói đến lúc nãy, để tạo ra một trạng thái vô tưởng bằng cách triệt để tách ly những gì thuộc tâm linh ra khỏi những điều thuộc xác thịt. Cho nên lúc đầu ngài nghi ngờ giáo lý của Giáo Hội là Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân. Nhưng cảm nhận của ngài về tình thương yêu Thiên Chúa dành cho Giáo Hội đã khiến ngài nghiên cứu nguồn gốc Giáo Hội nơi sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Việc này dẫn ngài đến 3 điều thấu hiểu về Chúa Thánh Thần như là mối liên kết hiệp nhất trong thực thể Ba Ngôi: hiệp nhất như một cộng đồng, hiệp nhất trong một tình yêu vĩnh cửu, và hiệp nhất trong ân sủng. Ba điều này không chỉ là lý thuyết mà thôi, mà còn giải thích phương cách hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong một thế giới mà các cá nhân và các cộng đồng thường hay gặp cảnh thiếu sự hiệp nhất hay thiếu sự liên kết, những điều đó giúp chúng ta gìn giữ sự đồng điệu với Chúa Thánh Thần và nới rộng cũng như phân định phạm vi chứng nhân của chúng ta.

Vậy, với sự phù giúp của Thánh Augustinô, chúng ta hãy minh họa đôi nét về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Augustinô ghi nhận rằng 2 chữ “Thánh” và “Linh” đang nói đến những gì thánh thiện về Thiên Chúa; nói cách khác những gì là đặc tính chung của Ngôi Cha và Ngôi Con – mối liên hệ giữa Ngôi Cha và Ngôi Con. Vì thế, nếu những đặc tính đặc thù của Thánh Linh cũng được chia sẻ bởi Ngôi Cha và Ngôi Con, thì thánh Augustinô kết luận rằng đặc tính đặc thù đó là tính hiệp nhất. Đó là một sự hiệp nhất trong một cộng đồng: sự hiệp nhất của những người trong mối quan hệ luôn trao ban, Ngôi Cha và Ngôi Con luôn trao ban chính mình cho nhau. Cha nghĩ chúng ta bắt đầu có một khái niệm lờ mờ về sự sáng tỏ của quan niệm về Chúa Thánh Thần như sự hiệp nhất, sự liên kết. Sự hiệp nhất đích thực không bao giờ có thể được thiết lập trên những mối quan hệ không công bằng tôn trọng phẩm giá lẫn nhau. Sự hiệp nhất cũng không phải đơn giản là sự gộp chung của những phe nhóm mà nhiều khi chúng ta là thành viên. Quả vậy, chỉ có trong đời sống cộng đồng thì sự hiệp nhất mới tồn tại và căn tính nhân loại mới được nên trọn vẹn: chúng ta nhìn nhận ai cũng cần đến Thiên Chúa, chúng ta đáp trả lại sự hiện diện hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, và chúng ta trao ban chính mình cho nhau qua việc phục vụ lẫn nhau.

Điều thấu hiểu thứ 2 của Thánh Augustinô – Chúa Thánh Thần là nguồn yêu thương vĩnh cửu – đã được suy ra từ những nghiên cứu của ngài về Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Thánh Gioan bảo chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:16). Thánh Augustinô gợi lên rằng mặc dù những từ ngữ này đang nói đến nguyên cả thực thể Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng cũng diễn tả một đặc tính riêng biệt của Chúa Thánh Thần. Suy niệm về tính vĩnh cửu của tình yêu – “những ai trung thành trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ” (ibid.) – ngài đặt câu hỏi: chính bản thân tình yêu là vĩnh cửu, hay do Chúa Thánh Thần làm cho tình yêu trở thành vĩnh cửu? Và đây là kết luận mà ngài đạt được: “Chúa Thánh Thần khiến chúng ta được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trong chúng ta; tuy nhiên chính tác động của tình yêu đã đem đến kết quả đó. Và vì thế Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa của tình yêu!” (De Trinitate, 15.17.31). Đó là một sự diễn giải thật thông minh: Thiên Chúa chia sẻ chính Ngài bằng tình yêu trong Chúa Thánh Thần. Từ điều này chúng ta còn hiểu thêm được gì khác? Tình yêu là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần! Những quan điểm hay tư tưởng nào thiếu tình yêu – ngay cả khi chúng có vẻ rất tinh vi hay đầy vẻ kiến thức – không thể được xem là “do Chúa Thánh Thần”. Hơn nữa, tình yêu có một đặc điểm riêng: không những không hề nhân nhượng hay bất định, tình yêu có một vai trò hay mục đích để chu toàn: để trung thành. Tự bản chất tình yêu có tính lâu bền. Một lần nữa, các con thân mến, chúng ta lại thấy thêm một chút về những gì Chúa Thánh Thần đem lại cho thế giới: tình yêu xua tan những sự bấp bênh; tình yêu vượt qua nỗi lo sợ bị phản bội; tình yêu hàm chứa tính bất diệt; tình yêu đích thật lôi cuốn chúng ta vào sự hiệp nhất vĩnh cửu!

Điều thứ ba – Chúa Thánh Thần là một ân sủng – mà Thánh Augustinô đã nghiệm ra sau khi suy gẫm về một đoạn Thánh Kinh mà ai cũng biết và thích nghe: cuộc đối thoại giữa Đức Kitô với người phụ nữ Samaria bên giếng nước. Trong đoạn này Đức Giêsu tỏ mình là Đấng ban nguồn nước trường sinh (Ga 4:10) mà sau đó được giải thích là Chúa Thánh Thần (Ga 7:39; 1 Cr 12:13). Thánh Linh là “một ân sủng của Thiên Chúa” (Ga 4:10) – một mạch nước vọt lên từ chính thâm tâm (Ga 4:14), Đấng thật sự thỏa mãn những cơn khát dữ dội của chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Cha. Từ nhận xét này, Thánh Augustinô kết luận rằng Thiên Chúa chia sẻ chính mình với chúng ta như một ân sủng – đó chính là Chúa Thánh Thần (De Trinitate, 15, 18, 32). Các con thân mến, một lần nữa chúng ta lại bắt gặp hình ảnh Ngôi Ba Thiên Chúa đang hoạt động: Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đang vĩnh viễn trao ban chính mình Ngài; như một mạch nước không ngơi Ngài đổ tràn đầy chúng ta không gì khác hơn là chính mình Ngài. Hiểu được hồng ân vô tận này, chúng ta có thể thấy rõ sự hạn chế của tất cả những điều chóng lụi tàn, sự điên rồ của chủ nghĩa tiêu thụ tham lam vô độ. Chúng ta bắt đầu hiểu tại sao cuộc tìm kiếm những gì mới lạ không làm cho chúng ta thỏa mãn và vẫn còn thèm khát. Không phải là chúng ta đang đi tìm một hồng ân vĩnh cửu hay sao? Nguồn nước không bao giờ cạn? Cùng với người phụ nữ Samaria, chúng ta hãy thưa rằng: xin cho con thứ nước đó để con không còn khát nữa! (Ga 4:15).

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta đã thấy rằng chính Chúa Thánh Thần đã kết hợp thành một cộng đồng những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Đúng với bản chất của Ngài là Đấng ban sự sống và là ân sủng, Ngài đang trong chính giây phút này hoạt động trong các con. Các con hãy tìm nguồn linh hứng từ những điều sáng suốt của Thánh Augustinô: hãy lấy tình yêu hiệp nhất làm thước đo của con; lấy tình yêu chung thủy trung thành làm thử thách của con; và lấy tình yêu tự hiến làm sứ mạng của con!

Vào ngày mai, ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ được trao ban cho các bạn trẻ ứng viên Thêm Sức. Cha cầu nguyện như sau: “xin ban cho họ Thánh Thần của sự khôn ngoan và hiểu biết, của sự phán đoán đúng đắn và can đảm, của kiến thức thông minh và lòng sùng kính … và xin đổ đầy họ với Thánh Thần của lòng yêu kính ngưỡng phục”. Những ơn này của Chúa Thánh Thần – mỗi một ơn, như Thánh Francis de Sales nhắc nhở chúng ta, là một cách để tham dự vào chính tình yêu của Thiên Chúa – không phải là phần thưởng hay giải thưởng gì cả. Đó là những hồng ân được trao tặng nhưng không (1 Cr 12:11). Và những hồng ân đó đòi hỏi chỉ một lời thưa duy nhất từ người được trao ban: con bằng lòng lãnh nhận! Ở đây chúng ta có thể cảm thấy một điều gì đó thật huyền nhiệm của việc là một tín hữu Kitô Giáo. Những gì tạo thành đức tin của chúng ta chủ yếu không phải là những gì chúng ta làm mà là những gì chúng ta lãnh nhận. Nói cho cùng thì có nhiều người không phải là Kitô hữu còn thực hiện được nhiều việc lớn lao hơn so với chúng ta. Các con thân mến, các con có chấp nhận được hòa nhập vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa hay không? Các con có chấp nhận được hòa nhập vào mối tương quan yêu thương của Thiên Chúa hay không?

Các ơn Chúa Thánh Thần tác động nơi chúng ta để hướng dẫn đường lối và định nghĩa cuộc đời chứng nhân của chúng ta. Được hướng dẫn đến sự hiệp nhất, các ơn Chúa Thánh Thần kết hợp chúng ta chặt chẽ hơn trong toàn bộ Nhiệm Thể Đức Kitô (Lumen Gentium, 11), trang bị tốt hơn cho chúng ta để xây dựng Giáo Hội nhằm mục đích phục vụ thế giới (Ep 4:13). Ơn Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta tham dự tích cực và hân hoan trong đời sống của Giáo Hội: nơi giáo xứ và các phong trào đoàn thể, tại các buổi giáo dục tôn giáo, trong các ban tuyên úy tại đại học và các cơ quan Công Giáo khác. Đúng, Giáo Hội phải phát triển trong sự hiệp nhất, phải được củng cố trong sự thánh thiện, phải được làm phục hồi sinh lực, và phải được luôn luôn đổi mới (Lumen Gentium, 4). Nhưng theo tiêu chuẩn của ai? Của Chúa Thánh Thần! Hãy hướng đến Ngài, hỡi các bạn trẻ, và các con sẽ tìm thấy ý nghĩa đích thực của việc đổi mới.

Đêm nay, tụ họp nơi đây dưới vẻ đẹp của bầu trời đêm lấp lánh ánh sao, tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm tri ân với Thiên Chúa vì hồng ân đức tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người đã cùng đồng hành khi chúng ta còn thơ bé đang chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc hành trình đức tin. Nhiều năm trôi qua và các con ngày nay đã khôn lớn, và đang tụ họp với nhau như những người trẻ tuổi cùng với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Lòng Cha tràn đầy niềm vui được hiện diện nơi đây với các con. Chúng ta hãy cầu khẩn cùng Chúa Thánh Thần: Ngài là người thợ của những kỳ công Thiên Chúa (Giáo lý Công Giáo, 741). Hãy để những hồng ân của Ngài sắp đặt cuộc đời các con! Cũng như Giáo Hội trải qua cùng một chuyến hành trình với tất cả nhân loại, các con được kêu mời để sử dụng cách khôn ngoan những ơn Chúa Thánh Thần trong những lúc vui buồn sướng khổ của cuộc sống hằng ngày. Hãy làm cho đức tin các con trưởng thành trong các việc học tập, thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Hãy gìn giữ các ơn Chúa Thánh Thần bằng lời cầu nguyện và nuôi dưỡng các ơn đó bằng các bí tích, và nhờ đó các con trở thành nguồn cảm hứng và nâng đỡ cho những người xung quanh. Cánh chung thì cuộc đời không phải là để thu vén cho riêng mình. Cuộc đời không chỉ có thành công mới đáng kể. Sống sung mãn thật sự là sống cải hóa từ nội tâm, là biết cởi mở cõi lòng cho năng lực của tình yêu Thiên Chúa. Khi lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần chính các con cũng có thể biến đổi gia đình, cộng đồng và quê hương quốc gia các con. Hãy trao tặng nhưng không những hồng ân mà các con đã lãnh nhận! Hãy để sự khôn ngoan, can đảm, lòng ngưỡng mộ và sùng kính đánh dấu sự trưởng thành của các con!

Và giờ đây, khi sắp đến giờ chầu Thánh Thể, trong sự yên lặng tĩnh mịch và ngóng chờ, Cha xin lập lại những lời của Chân Phước Mary MacKillop khi ngài chỉ mới được 26 tuổi: “Hãy tin tưởng những lời thầm thì của Thiên Chúa trong tâm hồn các con!” Hãy tin tưởng vào Ngài! Hãy tin tưởng vào sức mạnh của Thánh Thần Tình Yêu.

(Bản dịch: Mỹ Hạnh / VietCatholic)
 
Tòa Thánh cứu xét sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorji
Lm Nguyễn Hữu Thy
16:10 19/07/2008
Tòa Thánh cứu xét sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje

Kể từ năm 1981 tới nay, Medjugorje, một làng quê vô danh thuộc Bosnien-Herzogowina (một phần của Nam Tư cũ) đã hoàn toàn thay da đổi thịt để trở thành một trung tâm hành hương quốc tế nổi danh tôn kính Mẹ Maria. Vì người ta xác tín rằng từ tháng 6 năm 1981 cho tới nay, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa đã không ngừng hiện ra để nhắn nhủ và chuyển ban cho con cái loài người những Sứ Điệp cao cả và khẩn cấp của Thiên Chúa. Bởi vậy, hằng năm có tới cả triệu tín hữu thuộc đủ mọi thành phần Dân Chúa từ khắp nơi trên thế giới đã tuôn đổ về Medjugorje hành hương kính viếng Mẹ, lắng nghe và sống các Sứ Điệp đó.

Các tín hữu đang thành tâm cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ ở Medjugorji
Theo lời tường trình của đa số các khách hành hương đầy thành tín và đầy hiểu biết từ Medjugorje trở về kể lại, thì trước khi có sự phán quyết đầy khôn ngoan, sáng suốt và thận trọng của Mẹ Giáo Hội, không ai dám quả quyết bất cứ điều gì, nhưng chỉ duy một điều người ta có thể khẳng định được một cách chắc chắn là những gì đã và đang xảy ra tại Medjugorje tuyệt đối không thể là trò đùa giỡn hay trò bịp bợm mang tính cách nhân loại được!

Trong khi đó Tòa Thánh Vatican, với sự khôn ngoan và dè dặt cố hữu của mình, vẫn hoàn toàn giữ thái độ trung lập, không ủng hộ nhưng cũng không cấm đoán các cuộc hành hương của các đoàn thể Dân Chúa kéo về Medjugorje.

Nhưng nay, theo thông tin của các phương tiện truyền thông của Bosnien-Herzogowina loan báo thì Toà Thánh Vatican đã chính thức thành lập một Ủy Ban để cứu xét không những sự thật về biến cố tôn giáo thời sự trọng đại này, mà còn cứu xét cả công việc Mục Vụ của các Linh Mục đã và đang thi hành ở Medjugorje. Điểm khả tín của thông tin là nó đã được chính ĐHY Vinko Puljic, TGM của Sarajevo, thủ đô của Bosnien-Herzogowina, kiểm chứng. Trong quá khứ, ĐHY V.Puljic đã nhiều lần đứng trung gian dàn xếp những xích mích giữa giáo quyền giáo phận Mostar từng bỏ phiếu phủ nhận sự kiện Medjugorji và tu viện các Dòng Phan-xi-cô ở Medjugorji, nơi xảy ra sự kiện.
 
Bài giảng của ĐTC Benedictô XVI trong lễ kết thúc WYD 2008 tại Randwick, Sydney
VietCatholic Network
20:14 19/07/2008
Bài giảng của ĐTC Benedictô XVI trong lễ kết thúc WYD 2008 tại Randwick, Sydney

Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật 20.07.2008 với gần 500.000 tín hữu tham dự tại Randwick Race Course

Các con thân mến,

“Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con” (Cv 1:8). Chúng ta đã chứng kiến lời hứa này được thực hiện! Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi chúng ta nghe bài đọc một, Thiên Chúa Phục Sinh ngự bên hữu Đức Chúa Cha, đã sai Thánh Thần xuống trên các môn đệ đang tụ họp nơi Phòng Tiệc Ly. Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.

Trong mấy ngày vừa qua Cha cũng đã đến đây, trong vai trò Người Kế Vị Thánh Phêrô, đến với đất nước Úc Châu mênh mông xinh đẹp. Cha đến đây để củng cố niềm tin của các con, các bạn trẻ thân mến, và để khuyến khích các con mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Thánh Thần Đức Kitô và những hồng ân của Ngài. Cha cầu xin rằng cuộc tập họp vĩ đại của các con nơi đây, đã liên kết giới trẻ “từ khắp các dân thiên hạ” (Cv 2:5), sẽ là một Phòng Tiệc Ly mới. Xin ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa xuống trong tâm hồn các con, kết hợp các con ngày càng chặt chẽ với Thiên Chúa và Giáo Hội Ngài, và sai các con ra đi, một thế hệ tông đồ mới, để đem thế giới đến với Đức Kitô!

“Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con”. Những lời của Thiên Chúa Phục Sinh có một ý nghĩa đặc biệt cho các bạn trẻ sắp lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và lãnh nhận ấn tín ơn thiêng của Chúa Thánh Thần trong Thánh Lễ hôm nay. Nhưng những lời đó cũng được nói với mỗi người chúng ta – với tất cả những người đã từng lãnh nhận một cuộc đời mới trong Bí Tích Rửa Tội và ơn hòa giải của Chúa Thánh Thần, những người đã chào đón Chúa Thánh Thần đến với tâm hồn họ trong Bí Tích Thêm Sức để trợ lực và hướng dẫn cho họ, và những người mỗi ngày một trưởng thành trong hồng ân của Ngài qua Bí Tích Thánh Thể. Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần lại hiện xuống, do lời long trọng cầu khấn của Giáo Hội, không chỉ để biến đổi của lễ bánh và rượu thành Mình và Máu Thiên Chúa, mà còn để biến đổi cuộc sống chúng ta, để biến chúng ta qua quyền năng của Ngài thành “một thân thể, một tâm hồn trong Đức Kitô”.

Thế nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần là quyền năng gì? Đó là quyền năng của đời sống thánh thiêng của Thiên Chúa! Đó là quyền năng của Thánh Linh Đấng bay lượn trên mặt nước vào buổi đầu vũ trụ được tạo dựng, và là Đấng đã nâng Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Đó là quyền năng chỉ lối cho chúng ta và thế giới của chúng ta hướng đến Vương Quốc Thiên Chúa. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố một thời đại mới đã bắt đầu, và Thánh Linh Thiên Chúa sẽ được đổ tràn đầy xuống tất cả nhân loại (Lc 4:21). Chính Đức Kitô đã đến giữa chúng ta để mang đến cho chúng ta Thánh Linh đó. Là nguồn mạch sự sống mới của chúng ta trong Đức Kitô, Chúa Thánh Thần cũng thật sự là linh hồn của Giáo Hội, là tình yêu kết hợp chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, và là ánh sáng dọi soi cho chúng ta nhận biết những kỳ công của Thiên Chúa xung quanh ta.

Tại Úc Châu nơi đây, “mảnh đất miền nam bao la của Chúa Thánh Thần”, tất cả chúng ta vừa trải qua một kinh nghiệm nhớ đời về sự hiện diện của Thánh Linh và sức mạnh qua các vẻ đẹp thiên nhiên. Mắt chúng ta đã được bừng mở để thấy bản chất đích thật của thế giới xung quanh: “tràn đầy” – theo lời một nhà thơ – “sự huy hoàng của Thiên Chúa”, tràn đầy vinh quang của tình ưu ái tạo dựng của Ngài. Cũng nơi đây, trong tập họp vĩ đại những người trẻ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta vừa trải qua một kinh nghiệm sống động của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và sức mạnh trong cuộc sống của Giáo Hội. Chúng ta đã chứng kiến bản chất đích thật của Giáo Hội: đó là Nhiệm Thể Đức Kitô, một cộng đồng sống động của tình thương, dung nạp mọi người thuộc đủ các chủng tộc, quốc gia và ngôn ngữ, đủ các thời đại và nơi chốn, trong sự hiệp nhất nảy sinh từ đức tin vào Thiên Chúa Phục Sinh.

Quyền năng Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng đổ đầy sự sống cho Giáo Hội! Qua hồng ân của các Phép Bí Tích, quyền năng đó cũng tuôn chảy trong tâm hồn mỗi người chúng ta, như một dòng sông ngầm dưới mặt đất để nuôi dưỡng tâm linh chúng ta và hòa nhập chúng ta ngày càng đến gần cội nguồn của cuộc sống đích thật của chúng ta, là Đức Kitô. Thánh I-nha-xi-ô thành Antioch, người đã tử vì đạo tại Rôma vào đầu thế kỷ thứ hai, đã để lại cho chúng ta một diễn tả tuyệt vời về quyền năng Thánh Thần ngự trị trong lòng chúng ta. Thánh I-nha-xi-ô diễn tả Chúa Thánh Thần như là một nguồn suối nước trường sinh vọt lên từ trái tim ngài và thầm thì bên tai ngài: “Hãy đến, hãy đến với Thiên Chúa Cha” (Ad Rom., 6:1-9).

Vậy mà quyền năng này, hồng ân của Chúa Thánh Thần, không phải là một điều chúng ta có thể đạt được nhờ thành tích bản thân, nhưng chỉ có thể lãnh nhận như một hồng ân hoàn toàn ban tặng. Tình yêu Thiên Chúa chỉ có thể phát huy hết năng lực khi được chúng ta chấp nhận các tác động đổi thay từ nội tâm chúng ta. Chúng ta phải để cho tình yêu đó đột nhập cõi lòng cứng cỏi của sự thờ ơ lãnh đạm, sự mệt mỏi chán nản, sự đui mù tâm linh cho phù hợp với thời đại ngày nay của chúng ta. Chỉ khi đó thì chúng ta mới có thể đốt bừng lên trí tưởng tượng và uốn nắn những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Vì thế cho nên lời cầu nguyện rất quan trọng: cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện cá nhân trong sự tĩnh lặng của tâm hồn và trước Thánh Thể, và lời nguyện phụng vụ trong lòng Giáo Hội. Lời cầu nguyện là dẫn lực đơn thuần của hồng ân Thiên Chúa, của tình yêu đang hoạt động, của mối quan hệ với Thánh Linh đang ngự trị trong tâm hồn để dẫn dắt chúng ta, nhờ Đức Giêsu, đến với Chúa Cha trên trời. Qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu luôn luôn hiện diện trong tim chúng ta, yên lặng đợi chờ chúng ta cùng lắng đọng với Ngài, để nghe tiếng Ngài, để phó thác vào tình yêu của Ngài, và để lãnh nhận “sức mạnh từ trời cao”, khiến chúng ta trở nên muối và ánh sáng cho thế giới.

Vào ngày Lễ Thăng Thiên, Thiên Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ: “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy … cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Nơi đây trên đất nước Úc này, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban đức tin xuống trên chúng ta như những báu vật được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia trong cộng đồng Giáo Hội. Nơi đây trong vùng Thái Bình Dương, chúng ta hãy đặc biệt cảm tạ Thiên Chúa đã ban những nhà truyền giáo anh hùng, những linh mục và tu sĩ tận tụy, những bậc phụ huynh Công Giáo, giáo viên, giảng viên giáo lý, là những người đã dựng xây Giáo Hội trên những mảnh đất này – những chứng nhân như Chân Phước Mary Mackillop, Thánh Peter Chanel, Chân Phước Peter To Rot, và thật nhiều người khác nữa! Sức mạnh Chúa Thánh Thần, như đã được thể hiện qua cuộc đời họ, vẫn còn đang tác động lên những điều tốt đẹp họ lưu lại cho hậu thế, trong một xã hội mà họ đã góp phần định hình và giờ đây đang được trao đến tay các con.

Các bạn trẻ thân mến, bây giờ Cha muốn đặt câu hỏi này với các con. Bản thân các con sẽ để lại những gì cho thế hệ kế tiếp? Các con có đang xây dựng cuộc đời trên những nền tảng vững chắc hay không, có đang xây dựng những gì bền vững hay không? Các con có đang sống sao để tấm lòng được mở rộng cho Chúa Thánh Thần trong một thế giới nhiễu nhương chỉ muốn quên đi Thiên Chúa, hay ngay cả chối bỏ Ngài nhân danh một quyền tự do lầm lạc. Các con sẽ làm sao để tận dụng những ơn Chúa Thánh Thần mà các con đã được lãnh nhận, sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ngay trong giây phút này đang sẵn sàng phát huy trong lòng các con? Các con sẽ để lại những di sản gì cho thế hệ trẻ kế tiếp? Các con sẽ thay đổi được những gì?

Sức mạnh Chúa Thánh Thần không chỉ soi sáng và an ủi chúng ta. Sức mạnh đó còn chỉ hướng đến tương lai cho chúng ta, đến ngày Vương Quốc Thiên Chúa được trị đến. Thật là một viễn cảnh huy hoàng cho một nhân loại được cứu chuộc và biến đổi mà chúng ta có thể thấy trong thời đại mới như đã hứa trong bài Phúc Âm hôm nay! Thánh Luca nói rằng Đức Giêsu Kitô là hiện thực vẹn toàn tất cả những lời hứa của Thiên Chúa, là Đấng Messiah tràn đầy Thánh Thần để ban truyền cho hết thảy nhân loại. Sự tuôn đổ đầy tràn của Thánh Linh Đức Kitô xuống cho nhân loại là một lời hứa của hy vọng và giải thoát chúng ta khỏi bất cứ những gì làm chúng ta suy nhược. Điều này đem lại ánh sáng cho người mù; giải phóng người bị áp bức, và kiến tạo sự hiệp nhất trong và nhờ sự đa dạng (Lc 4:18-19; Is 61:1-2). Sức mạnh này có thể tạo nên một thế giới mới: sức mạnh “đổi mới mặt địa cầu” (Tv 104:30)!

Được củng cố bởi Thánh Thần, và trông cậy vào viễn cảnh tốt đẹp của đức tin, một thế hệ mới những tín hữu Kitô Giáo đang được mời gọi để chung tay xây dựng một thế giới trong đó món quà sự sống của Thiên Chúa được trân trọng, mong chờ và yêu thương – chứ không phải bị từ chối, bị khiếp sợ như một sự đe dọa và bị hủy bỏ. Một thời đại mới trong đó tình yêu không phải là sự tham lam thỏa mãn cá nhân mình, mà là tình yêu thuần khiết, tín trung, chân thật vô vị lợi, được chia sẻ với những người khác, tôn trọng phẩm giá người khác, nâng cao những điều thiện hảo, niềm vui và vẻ đẹp của tha nhân. Một thời đại mới trong đó niềm hy vọng giải phóng chúng ta khỏi những sự nông cạn, hờ hững và tự kỷ đã làm u mê linh hồn chúng ta và đầu độc mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Các bạn trẻ thân mến, Thiên Chúa đang mong muốn các con làm những tiên tri trong thời đại mới, sứ giả tình thương của Ngài, để đem mọi người về với Chúa Cha và xây dựng một tương lai tràn đầy hy vọng cho toàn thể nhân loại.

Thế giới cần sự biến đổi này! Tại nhiều nơi trong xã hội của chúng ta, song song với sự thịnh vượng về vật chất, một sự trống vắng về tâm linh đang ngày càng bành trướng: một sự trống rỗng của nội tâm, một nỗi lo sợ vô căn, một cảm giác tuyệt vọng trong thâm sâu. Có biết bao người trong thời hiện đại đã xây nên những thùng chứa nước trống rỗng và hư hại (Gr 2:13) trong một cuộc tuyệt vọng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời – ý nghĩa tối hậu mà chỉ có tình yêu có thể mang lại? Đó là một hồng ân cao cả nhưng không mà Phúc Âm mang lại: hồng ân biểu lộ phẩm giá của chúng ta như là những người nam người nữ được tạo dựng với hình ảnh và giống như hình ảnh Thiên Chúa. Điều đó cũng biểu lộ ơn gọi cao cả của nhân loại, là tìm kiếm sự toàn hảo trong tình yêu. Điều đó cũng phơi bày sự thật về con người và sự thật về cuộc sống.

Giáo Hội cũng cần đến sự biến đổi này! Giáo Hội cần đức tin, lý tưởng và lòng quảng đại của các con, để Giáo Hội luôn luôn được trẻ trung trong Thánh Thần (Lumen Gentium, 4)! Trong bài đọc hai hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ nhắc chúng ta rằng mỗi một Kitô hữu đã lãnh nhận một hồng ân nhằm xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô. Giáo Hội đặc biệt cần đến tài năng của những người trẻ tuổi, tất cả những người trẻ tuổi. Giáo Hội cần phải lớn mạnh trong quyền năng Chúa Thánh Thần Đấng đang ban niềm vui cho tuổi trẻ của các con và linh hướng các con phụng sự Thiên Chúa trong niềm vui. Hãy mở rộng tâm hồn cho quyền năng đó! Cha khẩn thiết gởi lời yêu cầu đó đến các con, đặc biệt là những người mà Thiên Chúa đang gọi vào đời sống linh mục và thánh hiến. Đừng sợ hãi để thưa “xin vâng” với Đức Giêsu, để tìm nguồn vui và thực hành Thánh Ý Ngài, để dâng hiến hoàn toàn cho việc tìm kiếm sự thánh thiện, và tận dụng hết mọi khả năng để phục vụ tha nhân!

Vài phút nữa đây chúng ta sẽ cử hành Bí Tích Thêm Sức. Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các ứng viên; họ sẽ được “đóng ấn” bởi các ơn của Chúa Thánh Thần và sẽ được sai đi để làm chứng nhân cho Đức Kitô. Lãnh nhận “ấn tín” Chúa Thánh Thần có nghĩa là gì? Có nghĩa là được đóng dấu không thể xóa mờ, được thay đổi không thể cưỡng lại, được làm một tạo vật mới. Với những người đã từng lãnh nhận bí tích này, mọi sự đều không bao giờ có thể trở lại như cũ! Được “rửa” trong Chúa Thánh Thần (1 Cr 12:13) có nghĩa là được nhóm lửa tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa. Được “uống nguồn nước Thánh Linh” có nghĩa là được phục hồi bởi chương trình Thiên Chúa đã định sẵn cho chúng ta và cho thế giới, để từ đó trở nên nguồn hồi phục tâm linh cho những người khác. Được “đóng ấn bởi Thánh Thần” có nghĩa là không sợ hãi bênh vực Đức Kitô, là để cho chân lý của Kinh Thánh thấm nhập vào cách chúng ta nhận thức, suy nghĩ và hành động, khi chúng ta đang làm việc góp phần vào sự chiến thắng của nền văn minh tình yêu.

Khi cầu nguyện cho các ứng viên Thêm Sức, chúng ta hãy cầu xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ khơi lại những hồng ân Bí Tích Thêm Sức của chính chúng ta. Xin Ngài đổ tràn đầy các ơn thiêng trên tất cả những người đang hiện diện, trên thành phố Sydney, trên mảnh đất Úc Châu và trên tất cả mọi cư dân Úc Châu! Xin cho mỗi người chúng ta được đổi mới trong ơn khôn ngoan và hiểu biết, ơn suy xét và can đảm, ơn thông minh và Đạo Đức, ơn ngưỡng phục và kính sợ Thánh Nhan Thiên Chúa!

Nhờ lời yêu mến chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, xin cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23 được thực nghiệm như trong một Phòng Tiệc Ly mới, để từ đó tất cả chúng ta đang bừng cháy lửa yêu mến của Chúa Thánh Thần, biết ra đi mà tuyên xưng Đức Kitô Phục Sinh và biết mời gọi tất cả những tâm hồn khác cũng cùng theo Ngài! Amen.

Các Bạn Trẻ thân mến,

Trong lời kinh nguyện đầy ý nghĩa mà chúng ta sắp đọc, chúng ta sẽ suy gẫm về Đức Maria như một thiếu nữ trẻ nhận được lời mời gọi của Thiên Chúa để dâng hiến cuộc đời cho Ngài trong một cách vô cùng đặc biệt, một cách đòi hỏi sự hoàn toàn dâng hiến chính bản thân cô, nữ tính của cô, và chức năng làm mẹ của cô. Cứ tưởng tượng Đức Maria đã có cảm tưởng như thế nào. Cô đã vô cùng lo sợ và bàng hoàng trước viễn cảnh đó.

Vị thiên thần truyền tin hiểu rõ nỗi lo lắng của cô và ngay lập tức trấn an cô. “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ … Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1:30, 35). Chính Thánh Thần Chúa đã ban cho cô sức mạnh và nghị lực để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Chính Thánh Thần Chúa đã giúp cô thấu hiểu mầu nhiệm sẽ được thực thi nhờ chính bản thân cô. Chính Thánh Thần Chúa đã bao bọc cô với tình yêu của Ngài và làm cho cô thụ thai Con Thiên Chúa trong lòng cô.

Có lẽ cảnh này là khoảnh khắc then chốt trong lịch sử mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chỉ sơ sơ tỏ lộ mình Ngài, như chúng ta cũng làm như vậy trong những mối quan hệ cá nhân. Cần có thời gian để tìm hiểu và yêu mến một người khác. Cần có thời gian để những người được tuyển chọn phát triển mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa. Lời Giao Ước với dân Israel cũng giống như giai đoạn đang tìm hiểu nhau giữa một đôi trai gái, một cuộc đính hôn lâu dài. Và rồi đến khoảnh khắc quyết định, khoảnh khắc thành hôn, sự thiết lập một giao ước mới và vĩnh cửu. Khi Đức Maria đứng trước Nhan Thánh Chúa, cô đại diện cho toàn thể nhân loại. Lời truyền tin của thiên thần cũng giống như Thiên Chúa đã ngỏ lời xin kết hôn với chủng tộc loài người. Và đại diện cho chúng ta, Đức Maria đã bằng lòng.

Trong các câu truyện thần tiên, cốt truyện kết thúc ở đó, và mọi người “sống hạnh phúc suốt đời bên nhau”. Trong đời sống thực tế thì không đơn giản như vậy. Đối với Đức Maria thì còn nhiều gian truân trước mắt, khi cô sống với hậu quả của lời “xin vâng” mà cô thưa cùng Thiên Chúa. Tiên tri Simêon tiên đoán một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim cô. Khi Đức Giêsu được 12 tuổi, cô trải qua nỗi lo sợ khủng khiếp nhất của bất cứ bậc cha mẹ nào, khi đứa con đi lạc đến 3 ngày ròng. Và sau đó, cô đã phải gánh chịu sự đau đớn chứng kiến việc hành hình và cái chết của con mình. Trong suốt cuộc thử thách của mình cô luôn luôn trung thành với lời hứa và giữ vững tinh thần chịu đựng ngoan cường. Và cô đã được tưởng thưởng vinh quang.

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta cũng phải luôn trung thành với lời thưa “xin vâng” của chúng ta đối với lời mời gọi làm bạn hữu Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta biết Ngài bao giờ cũng nâng đỡ duy trì sức chịu đựng của chúng ta qua các ơn Chúa Thánh Thần. Đức Maria đã nhận “lời cầu hôn” của Thiên Chúa đại diện cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy hướng về Đức Maria và xin ngài dìu dắt chúng ta trong nỗ lực gìn giữ lòng trung thành với mối quan hệ ban sự sống đời đời mà Thiên Chúa đã thiết lập với mỗi người chúng ta. Đức Maria là gương mẫu và là nguồn linh cảm của chúng ta, Mẹ chuyển lời cầu bàu cho chúng ta qua Đức Giêsu Con Mẹ, và với tình mẫu tử Mẹ che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ.

Sau Kinh Truyền Tin

Đã đến lúc Cha phải nói lời từ biệt – hay đúng hơn, tạm biệt! Cha cảm ơn tất cả các con đã tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 ở Sydney nơi đây, và Cha ước mong được gặp lại các con vào 3 năm tới. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 sẽ được tổ chức tại Madrid, Tây-ban-nha. Từ đây đến đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, và hãy hân hoan làm chứng cho Đức Kitô cho toàn thể thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các con.

(Bản dịch: Mỹ Hạnh / VietCatholic Network)
 
ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Giáo Dân kết thúc WYD 2008 dâng lời cám ơn Đức Thánh Cha
VietCatholic Network
20:25 19/07/2008
ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Giáo Dân
Lời cám ơn và nói lời tạm biệt của Giới Trẻ với Đức Thánh Cha
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Kỳ XXIII – Thánh Lễ Bế Mạc


Sydney, 20/7/2008

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ XXIII đang tới hồi kết thúc. Trước mặt Đức Thánh Cha là những người hành hương trẻ tuổi đã đến đây từ khắp chốn trên thế giới để tham dự đại hội. Họ là một minh họa tuyệt vời của một Giáo Hội trẻ trung, tràn đầy hy vọng, hân hoan trong niềm tin, và can đảm trong việc truyền giáo. Họ đã phải vượt qua thật nhiều khó khăn trở ngại, và đã phải vượt ngàn dặm xa xôi để có thể cùng tụ họp nơi đây tại Sydney xung quanh Đấng Kế Vị Thánh Phêrô nhằm hồi tưởng lại Lễ Hiện Xuống nhiệm mầu. Sydney, thành phố hiện đại này, đã được biến đổi thành một Phòng Tiệc Ly lộ thiên khổng lồ, địa điểm của một Lễ Hiện Xuống mới. Các đường phố và các công trường tràn ngập những bạn trẻ Công Giáo đủ các quốc tịch đến từ khắp các quốc gia. Bằng thật nhiều ngôn ngữ khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau họ đã tuyên xưng Đức Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại. Họ đã chứng minh rằng làm môn đệ Đức Kitô là một điều đáng làm; làm một tín hữu Kitô Giáo là một việc tốt đẹp! Mấy ngày vừa qua chúng con đã hiện diện dưới sự tuôn đổ hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúng con đã ý thức được hơi thở và quyền năng của Thánh Linh giữa chúng con. Đối với từng người một trong chúng con, đây là một khoảng thời gian khó quên trong đời. Toàn bộ giai đoạn này đã được đánh dấu bằng một lời nguyện đầy ý nghĩa: “Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến!”

Vào ngày lễ Hiện Xuống, các tông đồ xuất hiện từ phòng tiệc ly ở Giêrusalem, và họ trở thành những người khác, những người đã được biến đổi. Đó là bước khai sinh của Giáo Hội truyền giáo! Đó là bước khởi đầu của “cuộc cách mạng mạnh mẽ của Thánh Linh” – tác động duy nhất có khả năng thật sự hoán cải tâm hồn nhân loại, và vì vậy, cũng biến chuyển cả lịch sử và bộ mặt Địa Cầu! Chúng con tin tưởng rằng các bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23 cũng sẽ trở thành những người mới khi trở về quê hương. Đó là cách họ sẽ chứng thực lời nói của Đức Kitô: “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:8). Giáo Hội Công Giáo tại Úc Châu cũng sẽ thay đổi, một Giáo Hội đã thật quảng đại mở rộng cửa để tổ chức đại hội kỳ này! Nhờ vào chứng tá đức tin của những con cái Hội Thánh – một chứng tá xác thực – Giáo Hội Úc Châu có thể vững tâm hơn khi hướng về tương lai. Và chính đất nước Úc cũng sẽ thay đổi. Mảnh đất xinh đẹp này giờ đây chắc chắn đang càng được chúc phúc nhiều hơn với “niềm hy vọng lớn lao” nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Thưa Đức Thánh Cha, trước khi kết thúc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23, đại diện cho từng người một trong chúng con, con xin bày tỏ lòng cung kính tri ân sâu sắc đến Đức Thánh Cha. Chúng con xin cám ơn, vì Đức Thánh Cha cũng đã trải qua một chuyến hành trình dài và mệt mỏi để có mặt với chúng con tại đây. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha là một niềm khích lệ lớn lao cho chúng con vì đó là một bằng chứng hùng hồn về tình thương yêu mà Giáo Hội dành cho các thế hệ trẻ tuổi. Nơi Đức Thánh Cha, chúng con thấy một Giáo Hội là bạn của những người trẻ: một Giáo Hội biết lắng nghe giới trẻ, biết tìm kiếm giới trẻ, đồng hành với họ và dạy dỗ họ. Trên hết, chúng con xin cám ơn về những giáo huấn Đức Thánh Cha ban cho những bạn trẻ này. Huấn từ của Đức Thánh Cha đã đánh động tim họ và sẽ đóng vai trò la-bàn dẫn dắt mà họ có thể nương theo khi tiếp tục trên đường đời của họ.

Thưa Đức Thánh Cha, đây là lúc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23 đạt tới đỉnh điểm: nghi thức sai đi. Trong năm thánh được đặc biệt dành kính nhớ Thánh Phaolô, Tông Đồ của những người ngoại giáo, việc sai đi này mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhớ lại lòng nhiệt thành truyền giáo mãnh liệt của Thánh Phaolô – “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! …” (1 Cr 9:16) – tất cả các bạn trẻ nơi đây mong ước được từ Sydney trở về quê hương mình, trở về nơi họ sống để trở thành những nhà truyền giáo trẻ tuổi cho Đức Kitô và Tin Mừng. Họ nhớ rất rõ lời Đức Thánh Cha từng ban cho chúng con “Không gì đẹp bằng được ngạc nhiên bởi Tin Mừng, bởi một cuộc gặp gỡ Đức Kitô. Không gì đẹp bằng được tìm biết Đức Kitô và loan truyền cho mọi người về tình bạn của chính mình với Đức Kitô … Đức Kitô không đòi hỏi điều gì cả, nhưng Ngài ban cho các con tất cả mọi sự” (24/4/2005).

Thưa Đức Thánh Cha, xin chúc phúc cho những nhà truyền giáo trẻ trung này, những người đã được củng cố bởi các ơn của Chúa Thánh Thần và đã sẵn sàng để ra đi “đến tận cùng trái đất”!

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha!

(Bản dịch: Mỹ Hạnh / VietCatholic Network)
 
Top Stories
Pope apologises for 'pain and suffering' of sexual abuse victims
VietCatholic Network
09:21 19/07/2008
SYDNEY - The Pope issued a powerful apology to victims of sexual abuse by Roman Catholic clergy, damning paedophile priests for their "evil" acts and insisting that they be brought to justice.

Pope Benedict XVI's apologised to Australian children who suffered sexual abuse at the hands of Catholic priests.

In his most strongly-worded statement yet on the crisis that has engulfed the church globally, Pope Benedict XVI strayed from a prepared homily and said:

"I am deeply sorry for the pain and suffering the victims have endured, and I assure them that, as their pastor, I too share in their suffering," he said during a mass in Sydney, where he has spent the past week for World Youth Day celebrations.

"These misdeeds, which constitute so grave a betrayal of trust, deserve unequivocal condemnation. They have caused great pain and damaged the church's witness.

"Victims should receive compassion and care and those responsible for these evils must be brought to justice."

It is not the first time the Pope has acknowledged publicly the abuse of children by Catholic priests, but goes further than previous statements by making a specific apology and stating clearly that the perpetrators must be punished.

The apology was made at a mass attended mainly by priests and seminarians at St Mary’s Cathedral in Sydney.

The Pope's apology was made before the climax of World Youth Day, a papal mass on Sunday in front of up to half a million pilgrims at a racecourse in central Sydney.

Sydney Harbour Bridge was closed to traffic as young Catholics from around the world streamed across on foot, making the 5.5-mile trek to Royal Randwick Racecourse where they were to join the Pope for a two-hour vigil before camping out overnight.
 
Ex-Anglican communities to become Catholic, Rome confirms
Catholic Online
09:25 19/07/2008
NEWARK - The Catholic Church will expand its provision of "Anglican Use" parishes in the United States in order to allow whole communities of traditionalist Anglicans into the Roman fold, a senior Catholic archbishop has announced.

The Most Rev John J Myers, Archbishop of Newark and Ecclesiastical Delegate for the Pastoral Provision, told a conference of ex-Anglicans on Friday that "we are working on expanding the mandate of the Pastoral Provision [of Catholic parishes using Anglican-inspired services] to include those clergy and faithful of 'continuing Anglican communities'.

“The Catholic Church will expand its provision of "Anglican Use" parishes in the United States in order to allow whole communities of traditionalist Anglicans into the Roman fold" reports one observer.

Archbishop Jose Gomez of San Antonio celebrated the Holy Sacrifice of the Mass at this years "Anglican Use" Conference and gave the homily.He was joined by Bishop Kevin Vann of Fort Worth and Archbishop John J. Myers of Newark, who oversees the 'Anglican Use'Provision.

CHESAPEAKE, VA (Catholic Online) - As many of the Bishops of the Anglican Communion meet at their Lambeth conference, Christians throughout the world pray and watch with deep concern.

The global Anglican communion and its American expression, the Episcopal Church, has been beset with division arising concerning fundamental doctrinal issues which, to orthodox Christians whether they are Catholic, Orthodox, or Protestant, derive from the very heart of the Christian revelation.

The late Servant of God, Pope John Paul II responded to the growing requests from priests, deacons and the lay faithful of the Anglican Communion, and its expression in the United States the Episcopal Church.

He instituted what is called the “Pastoral provision”, and placed it under the jurisdiction of the Sacred Congregation of the Doctrine of the Faith. The “Pastoral provision” has provided a means for Anglican or Episcopal Priests, married or celibate, seeking to come into the full communion of the Catholic Church, to be considered for Ordination in the Catholic Church.

Though it has been in effect for almost three decades, most Catholics do not even know of its existence.That may soon change! The now annual "Anglican Use" Conference recently concluded in San Antonio Texas, the home of one of the most noted "Anglican Use" parishes, "Our Lady of the Atonement". In addition the effort has given birth to the "Anglican Use Society".

The “Pastoral Provision” also authorized the establishment of what are called "Personal Parishes". These are sometimes called “Anglican use” parishes. They have been constituted in several places in the United States and are thriving.I have had the privilege of attending Holy Mass at one of their parishes and was deeply moved by its beauty.

The term “Anglican Use” refers to the fact that certain Liturgical elements proper to the Anglican tradition are maintained in their Sacred Liturgy with full approval from Rome. The grandeur and beauty of these "Anglican Use" Liturgies is a special gift that many of these parishes now offer as a visible witness to the legitimate liturgical diversity of Worship in the Catholic Church.

In addition, the Parishes are comprised mainly of former Anglican or Episcopal Christians who have been received into the full communion of the Catholic Church. They bear the enthusiasm characteristic of converts to Catholic Christianity.

These "converts" are deeply devoted to the Magisterium, the teaching office, of the Catholic Church and embrace the fullness of the Church’s teaching as a gift in an age where some “cradle Catholics” either do not yet understand that teaching or, in some instances,have sadly fallen prey to various versions of heterodoxy or, in some cases, outright heresy, currently challenging the Catholic Church from within.

As the global community of orthodox, classical Christians prays for those within the Anglican Communion during their time of travail, many observers have been watching the intriguing developments in Rome.

There, certain Anglican Bishops have been in dialogue with the Holy See concerning coming into the full communion of the Catholic Church. Questions are multiplying as numerous reports now indicate a possible expansion of the framework offered through the “Pastoral Provision” which may allow whole groups of Anglicans to come into the full communion of the Catholic Church as a group.

Among those who have been meeting privately and engaging in ongoing dialogue with the Holy See are leaders of a group called the “Traditional Anglican Communion”.

One of the most accurate journalists covering these fluid developments in this rapidly evolving historic move within global Christianity is Damien Thompson who writes for the Telegraph in London and is also featured in the Catholic Herald. He reported in the London Telegraph this week that there will be an expansion of what he calls the “Anglican Provision”.

These are his words:

“The Catholic Church will expand its provision of "Anglican Use" parishes in the United States in order to allow whole communities of traditionalist Anglicans into the Roman fold, a senior Catholic archbishop has announced.

The Most Rev John J Myers, Archbishop of Newark and Ecclesiastical Delegate for the Pastoral Provision, told a conference of ex-Anglicans on Friday that "we are working on expanding the mandate of the Pastoral Provision [of Catholic parishes using Anglican-inspired services] to include those clergy and faithful of 'continuing Anglican communities'.

"We are striving to increase awareness of our apostolate to Anglican Christians who desire to be reconciled with the Holy See. We have experienced the wonder of several Episcopal bishops entering into full communion with the Catholic Church and we continue to receive requests from priests and laity about the Pastoral Provision."

This is big news, and makes nonsense of the claim that Pope Benedict wants to dissuade Anglo-Catholics from converting. The obvious interpretation of the Archbishop's words is that the Traditional Anglican Communion (TAC), a "continuing church" which has hundreds of thousands of members worldwide (though few in the UK), will eventually be given its own Catholic parishes which use a Eucharistic Prayer incorporating Cranmerian language.

This possibility has existed since the 1970s, but Archbishop Myers indicates that it is only now - under a sympathetic Pope, and during the break-up of the Anglican Communion - that the Pastoral Provision is entering a new dimension.

If Rome is expanding its network of ex-Anglican parishes in America, then we can rest assured that it is sympathetic to the notion of group conversion in England. The Vatican is well aware that such a process is likely to be complicated and patchy; no one is naive enough to assume that entire parishes will "bring their buildings with them".

But the plan to found a priestly Fellowship of St Gregory the Great for ex-Anglican clergy and members of their flock seems eminently feasible, given imagination on the part of both sides - and the courage to defy the Tabletistas who would try to sabotage the scheme.”

As the Lambeth Conference unfolds over the coming days and as the thread connecting many Anglican and Episcopal Christians who desire to remain faithful to the Christian tradition and their community seems to be weakening, Catholic Online will regularly bring our readers updates.

We also encourage our readers to pray fervently for our brothers and sisters in the Lord within the Anglican communion. It is particularly intriguing that the cause for the beatification of the late, great Anglican convert John Henry Cardinal Newman has intensified and that the Holy See has sought the move of his mortal remains.

May Cardinal Newman pray for us all and pray for the full communion of Christ’s Church!

(Source: Deacon Keith Fournier /Catholic Online)
 
Pope's address at WYD prayer vigil in Sydney
VietCatholic Network
14:10 19/07/2008
TRANSFORM YOUR LIVES BY ACCEPTING THE HOLY SPIRIT

(Original text - Plurlingual)

Dear Young People,

Once again this evening we have heard Christ’s great promise – “you will receive power when the Holy Spirit has come upon you”. And we have heard his summons – “be my witnesses throughout the world” – (Acts 1:8). These were the very last words which Jesus spoke before his Ascension into heaven. How the Apostles felt upon hearing them, we can only imagine. But we do know that their deep love for Jesus, and their trust in his word, prompted them to gather and to wait; to wait not aimlessly, but together, united in prayer, with the women and Mary in the Upper Room (cf. Acts 1:14). Tonight, we do the same. Gathered before our much-travelled Cross and the icon of Mary, and under the magnificent constellation of the Southern Cross, we pray. Tonight, I am praying for you and for young people throughout the world. Be inspired by the example of your Patrons! Accept into your hearts and minds the sevenfold gift of the Holy Spirit! Recognize and believe in the power of the Spirit in your lives!

Yesterday we talked of the unity and harmony of God’s creation and our place within it. We recalled how in the great gift of baptism we, who are made in God’s image and likeness, have been reborn, we have become God’s adopted children, a new creation. And so it is as children of Christ’s light – symbolized by the lit candles you now hold – that we bear witness in our world to the radiance no darkness can overcome (cf. Jn 1:5).

Tonight we focus our attention on how to become witnesses. We need to understand the person of the Holy Spirit and his vivifying presence in our lives. This is not easy to comprehend. Indeed the variety of images found in scripture referring to the Spirit – wind, fire, breath – indicate our struggle to articulate an understanding of him. Yet we do know that it is the Holy Spirit who, though silent and unseen, gives direction and definition to our witness to Jesus Christ.

You are already well aware that our Christian witness is offered to a world which in many ways is fragile. The unity of God’s creation is weakened by wounds which run particularly deep when social relations break apart, or when the human spirit is all but crushed through the exploitation and abuse of persons. Indeed, society today is being fragmented by a way of thinking that is inherently short-sighted, because it disregards the full horizon of truth– the truth about God and about us. By its nature, relativism fails to see the whole picture. It ignores the very principles which enable us to live and flourish in unity, order and harmony.

What is our response, as Christian witnesses, to a divided and fragmented world? How can we offer the hope of peace, healing and harmony to those “stations” of conflict, suffering, and tension through which you have chosen to march with this World Youth Day Cross? Unity and reconciliation cannot be achieved through our efforts alone. God has made us for one another (cf. Gen 2:24) and only in God and his Church can we find the unity we seek. Yet, in the face of imperfections and disappointments – both individual and institutional – we are sometimes tempted to construct artificially a “perfect” community. That temptation is not new. The history of the Church includes many examples of attempts to bypass or override human weaknesses or failures in order to create a perfect unity, a spiritual utopia.

Such attempts to construct unity in fact undermine it! To separate the Holy Spirit from Christ present in the Church’s institutional structure would compromise the unity of the Christian community, which is precisely the Spirit’s gift! It would betray the nature of the Church as the living temple of the Holy Spirit (cf. 1 Cor 3:16). It is the Spirit, in fact, who guides the Church in the way of all truth and unifies her in communion and in the works of ministry (cf. Lumen Gentium, 4). Unfortunately the temptation to “go it alone” persists. Some today portray their local community as somehow separate from the so-called institutional Church, by speaking of the former as flexible and open to the Spirit and the latter as rigid and devoid of the Spirit.

Unity is of the essence of the Church (cf. Catechism of the Catholic Church, 813); it is a gift we must recognize and cherish. Tonight, let us pray for the resolve to nurture unity: contribute to it! resist any temptation to walk away! For it is precisely the comprehensiveness, the vast vision, of our faith – solid yet open, consistent yet dynamic, true yet constantly growing in insight – that we can offer our world. Dear young people, is it not because of your faith that friends in difficulty or seeking meaning in their lives have turned to you? Be watchful! Listen! Through the dissonance and division of our world, can you hear the concordant voice of humanity? From the forlorn child in a Darfur camp, or a troubled teenager, or an anxious parent in any suburb, or perhaps even now from the depth of your own heart, there emerges the same human cry for recognition, for belonging, for unity. Who satisfies that essential human yearning to be one, to be immersed in communion, to be built up, to be led to truth? The Holy Spirit! This is the Spirit’s role: to bring Christ’s work to fulfilment. Enriched with the Spirit’s gifts, you will have the power to move beyond the piecemeal, the hollow utopia, the fleeting, to offer the consistency and certainty of Christian witness!

Friends, when reciting the Creed we state: “We believe in the Holy Spirit, the Lord, the giver of life”. The “Creator Spirit” is the power of God giving life to all creation and the source of new and abundant life in Christ. The Spirit sustains the Church in union with the Lord and in fidelity to the apostolic Tradition. He inspired the Sacred Scriptures and he guides God’s People into the fullness of truth (cf. Jn 16:13) In all these ways the Spirit is the “giver of life”, leading us into the very heart of God. So, the more we allow the Spirit to direct us, the more perfect will be our configuration to Christ and the deeper our immersion in the life of the Triune God.

This sharing in God’s nature (cf. 2 Pet 1:4) occurs in the unfolding of the everyday moments of our lives where he is always present (cf. Bar 3:38). There are times, however, when we might be tempted to seek a certain fulfilment apart from God. Jesus himself asked the Twelve: “do you also wish to go away?” Such drifting away perhaps offers the illusion of freedom. But where does it lead? To whom would we go? For in our hearts we know that it is the Lord who has “the words of eternal life” (Jn 6:67-68). To turn away from him is only a futile attempt to escape from ourselves (cf. Saint Augustine, Confessions VIII, 7). God is with us in the reality of life, not the fantasy! It is embrace, not escape, that we seek! So the Holy Spirit gently but surely steers us back to what is real, what is lasting, what is true. It is the Spirit who leads us back into the communion of the Blessed Trinity!

The Holy Spirit has been in some ways the neglected person of the Blessed Trinity. A clear understanding of the Spirit almost seems beyond our reach. When I was a small boy, my parents, like yours, taught me the Sign of the Cross. So, I soon came to realize that there is one God in three Persons, and that the Trinity is the centre of our Christian faith and life. While I grew up to have some understanding of God the Father and the Son – the names already conveyed much – my understanding of the third person of the Trinity remained incomplete. So, as a young priest teaching theology, I decided to study the outstanding witnesses to the Spirit in the Church’s history. It was on this journey that I found myself reading, among others, the great Saint Augustine.

Augustine’s understanding of the Holy Spirit evolved gradually; it was a struggle. As a young man he had followed Manichaeism - one of those attempts I mentioned earlier, to create a spiritual utopia by radically separating the things of the spirit from the things of the flesh. Hence he was at first suspicious of the Christian teaching that God had become man. Yet his experience of the love of God present in the Church led him to investigate its source in the life of the Triune God. This led him to three particular insights about the Holy Spirit as the bond of unity within the Blessed Trinity: unity as communion, unity as abiding love, and unity as giving and gift. These three insights are not just theoretical. They help explain how the Spirit works. In a world where both individuals and communities often suffer from an absence of unity or cohesion, these insights help us remain attuned to the Spirit and to extend and clarify the scope of our witness.

So, with Augustine’s help, let us illustrate something of the Holy Spirit’s work. He noted that the two words “Holy” and “Spirit” refer to what is divine about God; in other words what is shared by the Father and the Son – their communion. So, if the distinguishing characteristic of the Holy Spirit is to be what is shared by the Father and the Son, Augustine concluded that the Spirit’s particular quality is unity. It is a unity of lived communion: a unity of persons in a relationship of constant giving, the Father and the Son giving themselves to each other. We begin to glimpse, I think, how illuminating is this understanding of the Holy Spirit as unity, as communion. True unity could never be founded upon relationships which deny the equal dignity of other persons. Nor is unity simply the sum total of the groups through which we sometimes attempt to “define” ourselves. In fact, only in the life of communion is unity sustained and human identity fulfilled: we recognize the common need for God, we respond to the unifying presence of the Holy Spirit, and we give ourselves to one another in service.

Augustine’s second insight – the Holy Spirit as abiding love – comes from his study of the First Letter of Saint John. John tells us that “God is love” (1 Jn 4:16). Augustine suggests that while these words refer to the Trinity as a whole they express a particular characteristic of the Holy Spirit. Reflecting on the lasting nature of love - “whoever abides in love remains in God and God in him” (ibid.) - he wondered: is it love or the Holy Spirit which grants the abiding? This is the conclusion he reaches: “The Holy Spirit makes us remain in God and God in us; yet it is love that effects this. The Spirit therefore is God as love!” (De Trinitate, 15.17.31). It is a beautiful explanation: God shares himself as love in the Holy Spirit. What further understanding might we gain from this insight? Love is the sign of the presence of the Holy Spirit! Ideas or voices which lack love – even if they seem sophisticated or knowledgeable – cannot be “of the Spirit”. Furthermore, love has a particular trait: far from being indulgent or fickle, it has a task or purpose to fulfil: to abide. By its nature love is enduring. Again, dear friends, we catch a further glimpse of how much the Holy Spirit offers our world: love which dispels uncertainty; love which overcomes the fear of betrayal; love which carries eternity within; the true love which draws us into a unity that abides!

The third insight – the Holy Spirit as gift – Augustine derived from meditating on a Gospel passage we all know and love: Christ’s conversation with the Samaritan woman at the well. Here Jesus reveals himself as the giver of the living water (cf. Jn 4:10) which later is explained as the Holy Spirit (cf. Jn 7:39; 1 Cor 12:13). The Spirit is “God’s gift” (Jn 4:10) - the internal spring (cf. Jn 4:14), who truly satisfies our deepest thirst and leads us to the Father. From this observation Augustine concludes that God sharing himself with us as gift is the Holy Spirit (cf. De Trinitate, 15, 18, 32). Friends, again we catch a glimpse of the Trinity at work: the Holy Spirit is God eternally giving himself; like a never-ending spring he pours forth nothing less than himself. In view of this ceaseless gift, we come to see the limitations of all that perishes, the folly of the consumerist mindset. We begin to understand why the quest for novelty leaves us unsatisfied and wanting. Are we not looking for an eternal gift? The spring that will never run dry? With the Samaritan woman, let us exclaim: give me this water that I may thirst no more! (cf. Jn 4:15).

Dear young people, we have seen that it is the Holy Spirit who brings about the wonderful communion of believers in Jesus Christ. True to his nature as giver and gift alike, he is even now working through you. Inspired by the insights of Saint Augustine: let unifying love be your measure; abiding love your challenge; self-giving love your mission!

Tomorrow, that same gift of the Spirit will be solemnly conferred upon our confirmation candidates. I shall pray: “give them the spirit of wisdom and understanding, the spirit of right judgement and courage, the spirit of knowledge and reverence … and fill them with the spirit of wonder and awe”. These gifts of the Spirit – each of which, as Saint Francis de Sales reminds us, is a way to participate in the one love of God – are neither prizes nor rewards. They are freely given (cf. 1 Cor 12:11). And they require only one response on the part of the receiver: I accept! Here we sense something of the deep mystery of being Christian. What constitutes our faith is not primarily what we do but what we receive. After all, many generous people who are not Christian may well achieve far more than we do. Friends, do you accept being drawn into God’s Trinitarian life? Do you accept being drawn into his communion of love?

The Spirit’s gifts working within us give direction and definition to our witness. Directed to unity, the gifts of the Spirit bind us more closely to the whole Body of Christ (cf. Lumen Gentium, 11), equipping us better to build up the Church in order to serve the world (cf. Eph 4:13). They call us to active and joyful participation in the life of the Church: in parishes and ecclesial movements, in religious education classes, in university chaplaincies and other catholic organizations. Yes, the Church must grow in unity, must be strengthened in holiness, must be rejuvenated, must be constantly renewed (cf. Lumen Gentium, 4). But according to whose standard? The Holy Spirit’s! Turn to him, dear young people, and you will find the true meaning of renewal.

Tonight, gathered under the beauty of the night sky, our hearts and minds are filled with gratitude to God for the great gift of our Trinitarian faith. We recall our parents and grandparents who walked alongside us when we, as children, were taking our first steps in our pilgrim journey of faith. Now many years later, you have gathered as young adults with the Successor of Peter. I am filled with deep joy to be with you. Let us invoke the Holy Spirit: he is the artisan of God’s works (cf. Catechism of the Catholic Church, 741). Let his gifts shape you! Just as the Church travels the same journey with all humanity, so too you are called to exercise the Spirit’s gifts amidst the ups and downs of your daily life. Let your faith mature through your studies, work, sport, music and art. Let it be sustained by prayer and nurtured by the sacraments, and thus be a source of inspiration and help to those around you. In the end, life is not about accumulation. It is much more than success. To be truly alive is to be transformed from within, open to the energy of God’s love. In accepting the power of the Holy Spirit you too can transform your families, communities and nations. Set free the gifts! Let wisdom, courage, awe and reverence be the marks of greatness!

Cari giovani italiani! Un saluto speciale a tutti voi! Custodite la fiamma che lo Spirito Santo ha acceso nei vostri cuori, perché non abbia a spegnersi, ma anzi arda sempre più e diffonda luce e calore a chi incontrerete sulla vostra strada, specialmente a quanti hanno smarrito la fede e la speranza. La Vergine Maria vegli su di voi in questa notte ed ogni giorno della vostra vita.

Chers jeunes de langue française, vous êtes venus prier ce soir l’Esprit-Saint. Sa présence silencieuse en votre cœur vous fera comprendre peu à peu le dessein de Dieu sur vous. Puisse-t-Il vous accompagner dans votre vie quotidienne et vous conduire vers une meilleure connaissance de Dieu et de votre prochain! C’est Lui qui du plus profond de votre être vous pousse vers l’unique Vérité divine et vous fait vivre authentiquement en frères.

Einen frohen Gruß richte ich an euch, liebe junge Christen aus den Ländern deutscher Sprache. Der Heilige Geist, der Botschafter der göttlichen Liebe, will in euren Herzen wohnen. Gebt ihm Raum in euch im Hören auf Gottes Wort, im Gebet und in eurer Solidarität mit den Armen und Leidenden. Bringt den Geist des Friedens und der Versöhnung zu den Menschen. Gott, von dem alles Gute kommt, vollende jedes gute Werk, das ihr zu seiner Ehre tut.

Queridos amigos, el Espíritu Santo dirige nuestros pasos para seguir a Jesucristo en el mundo de hoy, que espera de los cristianos una palabra de aliento y un testimonio de vida que inviten a mirar confiadamente hacia el futuro. Os encomiendo en mis plegarias, para que respondáis generosamente a lo que el Señor os pide y a lo que todos los hombres anhelan. Que Dios os bendiga.

Meus queridos amigos, recebei o Espírito Santo, para serdes Igreja! Igreja quer dizer todos nós unidos como um corpo que recebe o seu influxo vital de Jesus ressuscitado. Este dom é maior que os nossos corações, porque brota das entranhas da Santíssima Trindade. Fruto e condição: sentir-se parte uns dos outros, viver em comunhão. Para isso, jovens caríssimos, acolhei dentro de vós a força de vida que há em Jesus. Deixai-O entrar no vosso coração. Deixai-vos plasmar pelo Espírito Santo.

And now, as we move towards adoration of the Blessed Sacrament, in stillness and expectation, I echo to you the words spoken by Blessed Mary MacKillop when she was just twenty six years old: “Believe in the whisperings of God to your heart!”. Believe in him! Believe in the power of the Spirit of Love!
 
Pope's homily at the WYD 2008 Mass, Randwick, Sydney
VietCatholic Network
20:10 19/07/2008
Original text - Plurilingual

Dear Friends,

“You will receive power when the Holy Spirit comes upon you” (Acts 1:8). We have seen this promise fulfilled! On the day of Pentecost, as we heard in the first reading, the Risen Lord, seated at the right hand of the Father, sent the Spirit upon the disciples gathered in the Upper Room. In the power of that Spirit, Peter and the Apostles went forth to preach the Gospel to the ends of the earth. In every age, and in every language, the Church throughout the world continues to proclaim the marvels of God and to call all nations and peoples to faith, hope and new life in Christ.

In these days I too have come, as the Successor of Saint Peter, to this magnificent land of Australia. I have come to confirm you, my young brothers and sisters, in your faith and to encourage you to open your hearts to the power of Christ’s Spirit and the richness of his gifts. I pray that this great assembly, which unites young people “from every nation under heaven” (cf. Acts 2:5), will be a new Upper Room. May the fire of God’s love descend to fill your hearts, unite you ever more fully to the Lord and his Church, and send you forth, a new generation of apostles, to bring the world to Christ!

“You will receive power when the Holy Spirit comes upon you”. These words of the Risen Lord have a special meaning for those young people who will be confirmed, sealed with the gift of the Holy Spirit, at today’s Mass. But they are also addressed to each of us – to all those who have received the Spirit’s gift of reconciliation and new life at Baptism, who have welcomed him into their hearts as their helper and guide at Confirmation, and who daily grow in his gifts of grace through the Holy Eucharist. At each Mass, in fact, the Holy Spirit descends anew, invoked by the solemn prayer of the Church, not only to transform our gifts of bread and wine into the Lord’s body and blood, but also to transform our lives, to make us, in his power, “one body, one spirit in Christ”.

But what is this “power” of the Holy Spirit? It is the power of God’s life! It is the power of the same Spirit who hovered over the waters at the dawn of creation and who, in the fullness of time, raised Jesus from the dead. It is the power which points us, and our world, towards the coming of the Kingdom of God. In today’s Gospel, Jesus proclaims that a new age has begun, in which the Holy Spirit will be poured out upon all humanity (cf. Lk 4:21). He himself came among us to bring us that Spirit. As the source of our new life in Christ, the Holy Spirit is also, in a very real way, the soul of the Church, the love which binds us to the Lord and one another, and the light which opens our eyes to see all around us the wonders of God’s grace.

Here in Australia, this “great south land of the Holy Spirit”, all of us have had an unforgettable experience of the Spirit’s presence and power in the beauty of nature. Our eyes have been opened to see the world around us as it truly is: “charged”, as the poet says, “with the grandeur of God”, filled with the glory of his creative love. Here too, in this great assembly of young Christians from all over the world, we have had a vivid experience of the Spirit’s presence and power in the life of the Church. We have seen the Church for what she truly is: the Body of Christ, a living community of love, embracing people of every race, nation and tongue, of every time and place, in the unity born of our faith in the Risen Lord.

The power of the Spirit never ceases to fill the Church with life! Through the grace of the Church’s sacraments, that power also flows deep within us, like an underground river which nourishes our spirit and draws us ever nearer to the source of our true life, which is Christ. Saint Ignatius of Antioch, who died a martyr in Rome at the beginning of the second century, has left us a splendid description of the Spirit’s power dwelling within us. He spoke of the Spirit as a fountain of living water springing up within his heart and whispering: “Come, come to the Father” (cf. Ad Rom., 6:1-9).

Yet this power, the grace of the Spirit, is not something we can merit or achieve, but only receive as pure gift. God’s love can only unleash its power when it is allowed to change us from within. We have to let it break through the hard crust of our indifference, our spiritual weariness, our blind conformity to the spirit of this age. Only then can we let it ignite our imagination and shape our deepest desires. That is why prayer is so important: daily prayer, private prayer in the quiet of our hearts and before the Blessed Sacrament, and liturgical prayer in the heart of the Church. Prayer is pure receptivity to God’s grace, love in action, communion with the Spirit who dwells within us, leading us, through Jesus, to our heavenly Father. In the power of his Spirit, Jesus is always present in our hearts, quietly waiting for us to be still with him, to hear his voice, to abide in his love, and to receive “power from on high”, enabling us to be salt and light for our world.

At his Ascension, the Risen Lord told his disciples: “You will be my witnesses … to the ends of the earth” (Acts 1:8). Here, in Australia, let us thank the Lord for the gift of faith, which has come down to us like a treasure passed on from generation to generation in the communion of the Church. Here, in Oceania, let us give thanks in a special way for all those heroic missionaries, dedicated priests and religious, Christian parents and grandparents, teachers and catechists who built up the Church in these lands – witnesses like Blessed Mary MacKillop, Saint Peter Chanel, Blessed Peter To Rot, and so many others! The power of the Spirit, revealed in their lives, is still at work in the good they left behind, in the society which they shaped and which is being handed on to you.

Dear young people, let me now ask you a question. What will you leave to the next generation? Are you building your lives on firm foundations, building something that will endure? Are you living your lives in a way that opens up space for the Spirit in the midst of a world that wants to forget God, or even rejects him in the name of a falsely-conceived freedom? How are you using the gifts you have been given, the “power” which the Holy Spirit is even now prepared to release within you? What legacy will you leave to young people yet to come? What difference will you make?

The power of the Holy Spirit does not only enlighten and console us. It also points us to the future, to the coming of God’s Kingdom. What a magnificent vision of a humanity redeemed and renewed we see in the new age promised by today’s Gospel! Saint Luke tells us that Jesus Christ is the fulfilment of all God’s promises, the Messiah who fully possesses the Holy Spirit in order to bestow that gift upon all mankind. The outpouring of Christ’s Spirit upon humanity is a pledge of hope and deliverance from everything that impoverishes us. It gives the blind new sight; it sets the downtrodden free, and it creates unity in and through diversity (cf. Lk 4:18-19; Is 61:1-2). This power can create a new world: it can “renew the face of the earth” (cf. Ps 104:30)!

Empowered by the Spirit, and drawing upon faith’s rich vision, a new generation of Christians is being called to help build a world in which God’s gift of life is welcomed, respected and cherished – not rejected, feared as a threat and destroyed. A new age in which love is not greedy or self-seeking, but pure, faithful and genuinely free, open to others, respectful of their dignity, seeking their good, radiating joy and beauty. A new age in which hope liberates us from the shallowness, apathy and self-absorption which deaden our souls and poison our relationships. Dear young friends, the Lord is asking you to be prophets of this new age, messengers of his love, drawing people to the Father and building a future of hope for all humanity.

The world needs this renewal! In so many of our societies, side by side with material prosperity, a spiritual desert is spreading: an interior emptiness, an unnamed fear, a quiet sense of despair. How many of our contemporaries have built broken and empty cisterns (cf. Jer 2:13) in a desperate search for meaning – the ultimate meaning that only love can give? This is the great and liberating gift which the Gospel brings: it reveals our dignity as men and women created in the image and likeness of God. It reveals humanity’s sublime calling, which is to find fulfilment in love. It discloses the truth about man and the truth about life.

The Church also needs this renewal! She needs your faith, your idealism and your generosity, so that she can always be young in the Spirit (cf. Lumen Gentium, 4)! In today’s second reading, the Apostle Paul reminds us that each and every Christian has received a gift meant for building up the Body of Christ. The Church especially needs the gifts of young people, all young people. She needs to grow in the power of the Spirit who even now gives joy to your youth and inspires you to serve the Lord with gladness. Open your hearts to that power! I address this plea in a special way to those of you whom the Lord is calling to the priesthood and the consecrated life. Do not be afraid to say “yes” to Jesus, to find your joy in doing his will, giving yourself completely to the pursuit of holiness, and using all your talents in the service of others!

In a few moments, we will celebrate the sacrament of Confirmation. The Holy Spirit will descend upon the confirmands; they will be “sealed” with the gift of the Spirit and sent forth to be Christ’s witnesses. What does it mean to receive the “seal” of the Holy Spirit? It means being indelibly marked, inalterably changed, a new creation. For those who have received this gift, nothing can ever be the same! Being “baptized” in the one Spirit (cf. 1 Cor 12:13) means being set on fire with the love of God. Being “given to drink” of the Spirit means being refreshed by the beauty of the Lord’s plan for us and for the world, and becoming in turn a source of spiritual refreshment for others. Being “sealed with the Spirit” means not being afraid to stand up for Christ, letting the truth of the Gospel permeate the way we see, think and act, as we work for the triumph of the civilization of love.

As we pray for the confirmands, let us ask that the power of the Holy Spirit will revive the grace of our own Confirmation. May he pour out his gifts in abundance on all present, on this city of Sydney, on this land of Australia and on all its people! May each of us be renewed in the spirit of wisdom and understanding, the spirit of right judgement and courage, the spirit of knowledge and reverence, the spirit of wonder and awe in God’s presence!

Through the loving intercession of Mary, Mother of the Church, may this Twenty-third World Youth Day be experienced as a new Upper Room, from which all of us, burning with the fire and love of the Holy Spirit, go forth to proclaim the Risen Christ and to draw every heart to him! Amen.

Saluto di cuore i giovani di lingua italiana, ed estendo il mio affettuoso pensiero a quanti sono originari dell’Italia e vivono in Australia. Al termine di questa straordinaria esperienza di Chiesa, che ci ha fatto vivere una rinnovata Pentecoste, tornate a casa rinvigoriti dalla forza dello Spirito Santo. Siate testimoni di Cristo risorto, speranza dei giovani e dell’intera famiglia umana!

Chers jeunes francophones, l’Esprit Saint est la source du message de Jésus-Christ et de son action salvifique. Il parle au cœur de chacun le langage qu’il comprend. La diversité des dons de l’Esprit vous fait comprendre la richesse de grâces qui est en Dieu. Puissiez-vous vous ouvrir à son souffle ! Puissiez-vous permettre son action en vous et autour de vous ! Vous vivrez ainsi en Dieu et vous témoignerez que le Christ est le Sauveur que le monde espère.

Auch euch, liebe junge Freunde deutscher Sprache, gilt mein herzlicher Gruß. Der Heilige Geist ist ein Geist der Gemeinschaft und wirkt Verständigung und Kommunikation. Sprecht mit anderen über eure Hoffnungen und Ideale, und sprecht von Gott und mit Gott! Glücklich ist der Mensch, der in der Liebe Gottes und in der Liebe zum Nächsten lebt. Gottes Geist führe euch auf Wegen des Friedens!

Queridos jóvenes, en Cristo se cumplen todas las promesas de salvación verdadera para la humanidad. Él tiene para cada uno de vosotros un proyecto de amor en el que se encuentra el sentido y la plenitud de la vida, y espera de todos vosotros que hagáis fructificar los dones que os ha dado, siendo sus testigos de palabra y con el propio ejemplo. No lo defraudéis.

Amados jovens de língua portuguesa, queridos amigos em Cristo! Sabeis que Jesus não vos quer sozinhos; disse Ele: «Eu rogarei ao Pai e Ele vos dará outro Consolador para estar convosco para sempre, o Espírito da verdade (…) que vós conheceis, porque habita convosco e está em vós» (Jo 14, 16-17). É verdade! Sobre vós desceu uma língua de fogo do Pentecostes: é a vossa marca de cristãos. Mas não foi para a guardardes só para vós, porque «a manifestação do Espírito é dada a cada um para proveito comum» (1 Cor 12, 7). Levai este Fogo santo a todos os cantos da terra. Nada e ninguém O poderá apagar, porque desceu do céu. Tal é a vossa força, caros jovens amigos! Por isso, vivei do Espírito e para o Espírito!

Dear Young Friends,

In the beautiful prayer that we are about to recite, we reflect on Mary as a young woman, receiving the Lord’s summons to dedicate her life to him in a very particular way, a way that would involve the generous gift of herself, her womanhood, her motherhood. Imagine how she must have felt. She was filled with apprehension, utterly overwhelmed at the prospect that lay before her.

The angel understood her anxiety and immediately sought to reassure her. “Do not be afraid, Mary …. The Holy Spirit will come upon you and the power of the Most High will overshadow you” (Lk 1:30, 35). It was the Spirit who gave her the strength and courage to respond to the Lord’s call. It was the Spirit who helped her to understand the great mystery that was to be accomplished through her. It was the Spirit who enfolded her with his love and enabled her to conceive the Son of God in her womb.

This scene is perhaps the pivotal moment in the history of God’s relationship with his people. During the Old Testament, God revealed himself partially, gradually, as we all do in our personal relationships. It takes time to get to know and love another person. It took time for the chosen people to develop their relationship with God. The Covenant with Israel was like a period of courtship, a long engagement. Then came the definitive moment, the moment of marriage, the establishment of a new and everlasting covenant. As Mary stood before the Lord, she represented the whole of humanity. In the angel’s message, it was as if God made a marriage proposal to the human race. And in our name, Mary said yes.

In fairy tales, the story ends there, and all “live happily ever after”. In real life it is not so simple. For Mary there were many struggles ahead, as she lived out the consequences of the “yes” that she had given to the Lord. Simeon prophesied that a sword would pierce her heart. When Jesus was twelve years old, she experienced every parent’s worst nightmare when, for three days, the child went missing. And after his public ministry, she suffered the agony of witnessing his crucifixion and death. Throughout her trials she remained faithful to her promise, sustained by the Spirit of fortitude. And she was gloriously rewarded.

Dear young people, we too must remain faithful to the “yes” that we have given to the Lord’s offer of friendship. We know that he will never abandon us. We know that he will always sustain us through the gifts of the Spirit. Mary accepted the Lord’s “proposal” in our name. So let us turn to her and ask her to guide us as we struggle to remain faithful to the life-giving relationship that God has established with each one of us. She is our example and our inspiration, she intercedes for us with her Son, and with a mother’s love she shields us from harm.

POST ANGELUS

The time has come for me to say good-bye – or rather, to say arrivederci! I thank you all for your participation in World Youth Day 2008, here in Sydney, and I look forward to seeing you again in three years’ time. World Youth Day 2011 will take place in Madrid, Spain. Until then, let us continue to pray for one another, and let us joyfully bear witness to Christ before the world. May God bless you all.
 
Cardinal Stanislaw Rylko's concluding words addressed to the Holy Father
VietCatholic Network
20:20 19/07/2008
Cardinal Stanisław Ryłko
President of Pontifical Council for the Laity
23RD WORLD YOUTH DAY - FINAL MASS


Sydney, 20 July 2008

Concluding words addressed to the Holy Father

Holy Father,

The twenty-third World Youth Day is drawing to a close. Here before you are the young pilgrims who have come from every corner of the earth to take part in the event. They are a wonderful illustration of a young Church, filled with hope, with the joy of faith, and with missionary courage. They have had to overcome quite a number of difficulties and to travel long distances so that here in Sydney they could gather around the Successor of Peter to relive the mystery of Pentecost. Sydney, this great modern metropolis, has been transformed into an immense outdoor cenacle, the venue for a renewed Pentecost. The streets and squares have been swarmed with young Catholics of different nationalities and nations. In so many languages and in many different ways, they have proclaimed Jesus Christ, the only Saviour of humanity. They have given witness that to be disciples of Christ is very rewarding; to be Christian is a very beautiful thing! Throughout these few days we have been present at a new outpouring of the Holy Spirit. We have been aware of the breath and power of the Spirit among us. For each one of us, this has been an unforgettable time. It has been marked throughout with the great prayer: “Come Holy Spirit!”

On the day of Pentecost, the apostles emerged from the cenacle in Jerusalem, and they were different, transformed. This was the birth of the missionary Church! This was the beginning of the powerful “revolution of the Spirit” which is the only force capable of really changing the heart of the human person and, consequently, the history and face of the Earth! We are convinced that the young people of the twenty-third World Youth Day will also be different when they return home. This is how they will confirm the words of Christ: "You will receive power when the Holy Spirit has come upon you; and you will be my witnesses " (Acts 1:8). The Church in Australia is also different, this Church that so generously opened the doors for this wonderful event! Thanks to the witness of faith of its many sons and daughters - a witness that can always be depended on - the Church in Australia can look to the future with greater confidence. And Australia itself is different. This land of great beauty is now surely even more blessed with the “great hope” brought to us through the death and resurrection of Jesus Christ.

Holy Father, as we come to the end of this twenty-third World Youth Day, in the name of each one of us, I wish to extend our deep and filial gratitude. Thank you, because you too have undertaken a long and tiring journey in order to be here with us. Your paternal presence is great encouragement for us because it is an eloquent sign of the love of the Church for the young generations. In you, Holy Father, we see a Church that is a friend to young people: a Church that listens to them, searches them out, accompanies them and teaches them. Above all, thank you for the words you addressed to these young people. Your words touched their hearts and will serve as a compass that they can depend on as they continue on their way.

Holy Father, the culminating point of the twenty-third World Youth Day has come: the sending out on mission. In a year that is dedicated to Saint Paul, Apostle to the Gentiles, this takes on a very special significance. Recalling Paul’s powerful missionary zeal - “Woe to me if I do not proclaim the gospel!...” (1 Cor 9:16) - all of these young people wish to set out from Sydney to their respective countries and the places where they live and there to be young missionaries of Christ and the Gospel. They are very aware of what you once told us “There is nothing more beautiful than to be surprised by the Gospel, by the encounter with Christ. There is nothing more beautiful than to know Christ and to speak to others of our friendship with Him... Christ takes nothing away, and he gives you everything” (24 April 2005).

Holy Father, bless these young missionaries who have been strengthened by the gifts of the Holy Spirit and are prepared to go forth “to the ends of the earth”!

Thank you, Holy Father!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tình anh em đồng đạo Công Giáo trong và ngoài nước
VietCatholic Network
00:23 19/07/2008
Bài phóng sự sau đây ghi lại tình huynh đệ, tình đồng bào giữa anh chị em Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ tại Sysney, Australia.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đất Ruộng Quê Ta
Nguyễn Đăng Khoa
00:26 19/07/2008

ĐẤT RUỘNG QUÊ TA



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa, Giáo phận Vinh Việt Nam.

Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền