Ngày 18-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19/07: Tin Mừng Nước Trời và Điều Kiện Đề Vào Nước Trời –Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
02:22 18/07/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:43 18/07/2023

12. Từ nơi phòng ở của các tu sĩ mà hướng dẫn họ đường lên thiên đàng thì rất dễ dàng, bởi vì có rất ít người sa hỏa ngục từ phòng ở của họ.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:49 18/07/2023
5. SẮC THUỐC BỎ THÊM THIẾC

Năm đầu của triều đại nhà Minh, có một thầy thuốc nổi tiếng là Đới Nguyên Lễ nghe lời hiệu triệu đến Nam Kinh.

Nhìn thấy trước cổng nhà thầy thuốc nọ tiếng người ồn ào, nhà thuốc nhàn rỗi thù tiếp. Đới Nguyên Lễ nghĩ rằng đây nhất định là thầy thuốc nổi tiếng bèn để ý mà nhìn thì thấy nhà thuốc chỉ có phát một thứ thuốc chứ không có thuốc gì khác, Đới Nguyên Lễ bèn bỏ đi.

Qua ngày hôm sau lại đến coi thì thấy người mua thuốc vẫn đông, một lúc sau thì thấy chủ nhà đi ra nói với những người mua thuốc rằng;

- “Vừa rồi quên nhắc cho bà con biết là khi sắc thuốc thì bỏ vào chút thiếc vào nhé”.

Đới Nguyên Lễ cảm thấy kỳ cục, bởi vì từ trước đến nay chưa hề nghe chuyện thêm thiếc vào trong thuốc bao giờ, nên tiến vào tiếp kiến chủ nhân thì biết nó là phương thuốc cổ.

Họ Đới xin được thấy phương thuốc cổ ấy để coi từ đâu mà đến, và thấy trên bao thuốc viết một chữ “thiếc” (1). Đới Nguyên Lễ vội vàng nói với chủ nhân sửa lại cho đúng.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 5:

Khi sắc thuốc thì người ta có thể gia thêm gừng thêm đường chứ không ai sắc thuốc mà bỏ thêm thiếc vào, vì như thế thì chỉ làm cho thuốc trở nên độc…

Đời sống tín ngưỡng cũng như thế: khi cầu nguyện phải bỏ thêm đức tin và lòng khiêm tốn vào chứ không bỏ thêm kiêu ngạo và hoài nghi vào trong đó; khi làm việc lành phúc đức thì nên thêm yêu thương và thông cảm chứ không bỏ nghi kỵ và ghét ghen vào trong đó.

Có một vài Ki-tô hữu thích thêm cái khoe khong vào trong khi phục vụ nên việc làm của họ không tỏa sáng; lại có người muốn bỏ thêm cái kiêu ngạo vào trong sự thành công của mình nên việc làm của họ không lâu bền.

Đức Chúa Giê-su không dạy chúng ta khi “sắc thuốc” là cầu nguyện thì bỏ vào chút “thiếc”, nhưng Ngài dạy chúng ta phải vào trong phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện, Ngài cũng dạy chúng ta khi tay phải làm việc phúc đức thì đừng cho tay trái biết, Ngài cũng dạy chúng ta khi làm lớn thì phải phục vụ…

Bỏ chút thiếc vào trong thuốc thì cũng đủ chết người, huống hồ là cả bảy mối tội đầu bỏ vào trong cuộc sống của mình, lúc này không những chết phần xác mà ngay cả phần hồn cũng chết mất tiêu.

Khiếp thật !

(1) Chữ 錫 cỗ ngữ là chữ “đường 糖”, nhưng thầy thuốc không hiểu nên nói sai thành chữ thiếc.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu
Lm. Minh Anh
16:03 18/07/2023

ĐỦ ĐƠN GIẢN ĐỂ MỘT ĐỨA TRẺ HIỂU
“Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.

Một bé lớp hai thắc mắc, tại sao mỗi tối, bố mang về nhà một chiếc cặp đầy công việc? Bà mẹ nói, “Bố có nhiều hồ sơ phức tạp phải giải quyết đến nỗi không thể hoàn tất ở văn phòng”. “Sao họ không xếp bố vào nhóm chậm hơn?”. Đó là câu hỏi của một thiên thần!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy cuộc sống phức tạp hơn ‘chiếc cặp’ kia nhiều! Nhưng có thực nó phức tạp đến thế? Đây là một câu hỏi thú vị! Đôi khi, mọi thứ có vẻ phức tạp; nhưng sự thật, không nhất thiết phải như vậy. Tại sao? Vì lẽ, câu trả lời của Thiên Chúa cho những câu hỏi ‘phức tạp’ nhất trong cuộc sống thường ‘đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu!’.

Bài đọc Xuất Hành kể chuyện cậu bé Môisen ngày nào! Môisen đang chăn chiên, Chúa hiện ra với cậu qua bụi gai rực lửa. Cậu tò mò lại gần. Trẻ em thường rất tò mò! Chúa phán, “Đừng lại gần, chỗ ngươi đang đứng là đất thánh!”. Mọi cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đều tạo nên đất thánh! Khi cầu nguyện, linh hồn là đất thánh! Cũng từ đất thánh đó, Chúa gọi và sai Môisen ra trước Pharaô để giải phóng dân. Quá phức tạp! Môisen hốt hoảng, “Con ‘là ai’ mà dám ra trước Pharaô?”; Ngài bảo, “Ta sẽ ở cùng ngươi!”. Quá bất ngờ! Đó là một câu trả lời ‘đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu’; và Môisen hiểu! Từ nay, tên cậu không còn là “Môisen”, nhưng là, “Ta Sẽ Ở Cùng Ngươi!”. Đấng đặt tên mới cho Môisen là Đấng cậu sẽ trải nghiệm dần như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu xác quyết, Chúa Cha đã mặc khải các bí nhiệm cho những người bé mọn; và Ngài tiết lộ, “Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm này”. Vậy liệu chúng ta nên ‘khôn ngoan thông thái’ hay là nên ‘như trẻ nhỏ?’. Rõ ràng, tốt hơn sẽ là ‘trẻ nhỏ!’. Trong cuốn “Thiên Chúa và Thế Giới”, Ratzinger viết, “Một sinh vật càng lớn, càng muốn xác định mình. Nó muốn ngày càng ít phụ thuộc hơn; và do đó, ngày càng trở thành một loại thần thánh không cần ai!”.

Vậy mà trong cuộc sống, biết bao vấn đề từ bản thân, gia đình, bạn bè, quá khứ, hiện tại, tương lai xem ra quá phức tạp! Sự thật này cho thấy, chúng ta cần trở nên thơ bé biết bao! Cả khi trưởng thành, bạn và tôi không bao giờ ngừng tỏ ra là trẻ thơ. Trẻ thơ không phức tạp; với trẻ, mọi sự được học hỏi theo thời gian. Khác với trẻ, người lớn thường tính toán, ngụy biện, loại bỏ sự hào phóng và ‘lạc khỏi’ sự đơn giản, ngay thẳng mà Thiên Chúa, Đấng luôn có câu trả lời ‘đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu’ đã vạch ra.

Anh Chị em,

“Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Trẻ em, kẻ bé mọn, đơn giản hơn chúng ta nhiều! Trẻ em tự mình là một kho tàng của thế giới và của Giáo Hội; vì lẽ, trẻ em không ngừng gợi lên những điều kiện cần thiết để chiếm lĩnh Nước Trời. Trẻ em không tự coi mình có thể tự cung, tự cấp; nhưng cần được giúp đỡ, yêu thương và tha thứ. Trẻ em trở thành biểu tượng của ‘những người nghèo’ mà Vương Quốc Thiên Chúa thuộc về. Tất cả chúng ta đang cần sự giúp đỡ, tình yêu và sự tha thứ! Trong hình bánh đơn sơ nhỏ bé, Giêsu Thánh Thể đang chờ đợi để ban cho chúng ta tất cả. Cuộc sống không cần phải quá phức tạp, hãy đến với Ngài để học sự đơn giản!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cái tôi khiến con trở nên một loại thần thánh không cần ai. Cho con không bao giờ ngừng tỏ ra là trẻ nhỏ, và Chúa luôn có câu trả lời ‘đủ đơn giản để con hiểu!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Rôma nên đặt bao nhiêu niềm tin vào một thỏa thuận mà Trung Quốc thường xuyên phớt lờ?
Vũ Văn An
15:08 18/07/2023

Simon Caldwell của tờ The Catholic Herald, ngày 17 tháng 7 năm 2023 đặt câu hỏi như trên. Theo ông:



Một thỏa thuận lịch sử đã đạt được giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2018 được coi là một bước đột phá trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo.

Chắc chắn là các nhà ngoại giao Công Giáo đã hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc về quyền tự do thờ phượng ở nhà nước chính thức Cộng sản vô thần. Những căng thẳng về quyền tôn giáo đã bám sát mối quan hệ giữa hai bên trong nhiều thập niên, cũng như khiến cuộc sống của 12 triệu người Công Giáo trong tổng số 104 triệu Kitô hữu trong nước trở thành một thử thách đau khổ và khôn nguôi.

Chỉ 5 năm sau, có vẻ như sự lạc quan đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi vì trong thời kỳ đó, Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế đối với quyền của các Kitô hữu, những người đại diện cho khoảng 5% dân số 1.4 tỷ người, đồng thời vi phạm thỏa thuận ban đầu với Tòa thánh, được gia hạn vào năm 2020 và sau đó vào năm 2022.

Thỏa thuận phần lớn là bí mật nhưng điều được biết đến công khai là nó liên quan chủ yếu đến việc bổ nhiệm các giám mục. Thỏa thuận này cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tiếng nói đối với các giám mục được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm, đồng thời đưa tất cả các giám mục ở Trung Quốc hiệp thông với Rôma, do đó chấm dứt cả việc tấn phong bất hợp pháp trong Giáo hội và các vụ tấn phong bất hợp pháp dưới pháp luật Trung Quốc.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một trong những người giữ vững niềm hy vọng cho rằng thỏa thuận mà ngài đã gia hạn lần thứ hai vào năm ngoái sẽ mang lại kết quả tích cực; ngài nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tháng 7 rằng ngài tin “thỏa thuận đang tiến hành tốt đẹp”.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng bốn tháng, Vatican đã buộc phải thừa nhận rằng trái lại, thỏa thuận này thực sự đang diễn ra rất tồi tệ.

Tòa Thánh đã đi xa đến mức tuyên bố vào cuối tháng 11 rằng Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản quy định về việc bổ nhiệm giám mục, lưu ý rằng “rất ngạc nhiên và tiếc nuối” việc Đức Giám Mục John Peng Weizhao đã được bổ nhiệm làm “Giám Mục Phụ Tá của Giang Tây,” một giáo phận không được Vatican công nhận.

Buổi lễ tấn phong của ngài tại Nam Xương “đã không diễn ra theo tinh thần đối thoại… và những gì đã được quy định trong Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục, vào ngày 22 tháng 9 năm 2018”, một tuyên bố cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng Rôma cũng lo ngại về “áp lực nặng nề và kéo dài từ chính quyền địa phương” trước buổi lễ.

“Tòa Thánh hy vọng rằng các tình tiết tương tự sẽ không bị lặp lại, vẫn đang chờ thông tin liên lạc thích hợp về vấn đề này từ các cơ quan chức năng và tái khẳng định sự sẵn sàng hoàn toàn của mình để tiếp tục đối thoại một cách tôn trọng liên quan đến tất cả các vấn đề cùng quan tâm,” tuyên bố kết luận.

Sự phản bội của Trung Quốc đã gây ra một thời điểm quốc tế chỉ trích cách tiếp cận vấn đề của Vatican bởi những người từ lâu đã phản đối các chính sách như vậy với lý do Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đối tác không đáng tin cậy.

Và bây giờ nó lại xảy ra một lần nữa, và lần này nó liên quan đến việc thuyên chuyển vào tháng Tư Giám mục Shen Bin của Giáo phận Hải Môn (Giang Tô) đến Giáo phận Thượng Hải, đã bị bỏ trống trong 10 năm, mà Vatican không hề hay biết hoặc chấp thuận.

Tuy nhiên, vào thứ Bảy, Vatican đã thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định công nhận việc thuyên chuyển vị giám mục mặc dù các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã bị coi thường một cách công khai.

Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, gợi ý rằng sự khinh thường rõ ràng mà Trung Quốc đang thể hiện đối với thỏa thuận có thể được khắc phục bằng cách thành lập một “văn phòng liên lạc ổn định” cùng với Tòa thánh.

Ngài nói, một động thái như vậy sẽ “cực kỳ hữu ích” cho cuộc đối thoại đang diễn ra.

Có thể tha thứ cho người Công Giáo khi đi đến kết luận rằng có một yếu tố mơ tưởng trong lập luận của Hồng Y Parolin và thực sự là trong cách tiếp cận ngoại giao của Vatican đối với Trung Quốc nói chung.

Đảng Cộng sản Trung Quốc, với các thành viên bị buộc phải là người vô thần, rốt cuộc chưa bao giờ dung thứ cho các Giáo Hội Công Giáo và Thệ phản hầm trú, chỉ cho phép các Kitô hữu Trung Quốc thuộc về Phong trào Tam tự Yêu nước dành cho Thệ phản do nhà nước kiểm soát hoặc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CPA) và trừng phạt những người vi phạm các hạn chế bằng hình phạt tù và tiền phạt.

Thỏa thuận với Vatican không chỉ tạo ra một vài dấu hiệu khoan hồng mà dường như còn khuyến khích sự đàn áp lớn hơn bởi vì vào năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu triển khai kế hoạch 5 năm nhằm “Hán hóa” Kitô giáo.

Điều này có nghĩa là “kết hợp các yếu tố Trung Quốc vào các buổi thờ phượng của nhà thờ, các bài thánh ca và bài hát, trang phục của giáo sĩ và phong cách kiến trúc của các tòa nhà Giáo Hội,” đồng thời đề xuất “dịch lại Kinh thánh hoặc viết lại các bài bình luận về Kinh thánh”.

Một thí dụ nghiêm trọng về điều này là việc viết lại vào năm 2021 câu chuyện trong Tin Mừng của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan và người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.

Trong phiên bản của Cộng sản, Chúa Giêsu đợi những người tố cáo người phụ nữ đi rồi chính ngài ném đá bà và nói: “Tôi cũng là một kẻ tội lỗi. Nhưng nếu luật pháp chỉ có thể được chấp hành bởi những người đàn ông không tì vết, thì luật pháp sẽ chết”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã cấm những người dưới 18 tuổi được giáo dục tôn giáo hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo, thông qua luật quốc gia ngăn cản các tổ chức hoặc cá nhân can thiệp vào hệ thống giáo dục nhà nước dành cho trẻ vị thành niên.

Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước đã bắt đầu đăng ký các giáo sĩ cho một cơ sở dữ kiện về “nhân viên tôn giáo” và chỉ cấp “thẻ giáo sĩ” cho các thừa tác viên là thành viên của các Giáo Hội được chính phủ phê chuẩn. Tuy nhiên, thậm chí họ bị phạt tiền nếu đi ra nước ngoài mà không được phép để tham gia “các khóa đào tạo tôn giáo, hội nghị, hành hương và các hoạt động khác”.

Đồng thời, các vụ tấn phong giám mục bất hợp pháp của chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp diễn, chẳng hạn như vụ tấn phong vào năm 2020 tại Trương Gia Khẩu, một giáo phận không được Rôma công nhận.

Cùng năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng hạn chế việc tổ chức lễ Giáng sinh, quy định rằng lễ này phải được tổ chức tại nhà riêng hoặc trong các nhà thờ do nhà nước cho phép.

Vào tháng 2 năm sau, chính quyền ra lệnh phá hủy Nhà thờ Thánh Tâm ở Yining, Tân Cương, vì nó “quá phô trương”. Mặc dù đã có tất cả các giấy phép cần thiết từ Cơ quan Quản lý Tôn giáo Nhà nước, Cộng sản đã đục bỏ bốn bức phù điêu ở mặt tiền, dỡ bỏ các bức tượng của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, xé bỏ cây thánh giá trang trí trên đỉnh của bức tượng, và phá hủy hai mái vòm và tháp chuông.

Một Kitô hữu nói với cơ quan Giúp đỡ các Giáo hội Thiếu thốn, tổ chức từ thiện Công Giáo, rằng “đây là sự xác nhận thêm rằng đất nước này không tôn trọng quyền tự do thờ phượng”.

Không có gì ngạc nhiên khi sự phản kháng của Công Giáo trên thực địa vẫn tiếp tục, bằng chứng là vụ bắt giữ vào tháng 5 năm 2021 đối với Giám mục Joseph Zhang Weizhu, 10 linh mục và 10 chủng sinh vì tội tổ chức một chủng viện chui. Các linh mục đã bị đưa đi cải tạo nhưng tung tích của Giám mục Weizhu vẫn chưa được biết.

Các mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Vatican càng trở nên căng thẳng hơn sau vụ bắt giữ Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun (Quân), Giám mục hưu trí của Hồng Kông, vào tháng 5 năm 2022, vì công việc của ngài với Quỹ Cứu trợ Nhân đạo, quỹ đã hỗ trợ tài chính cho những người ủng hộ người biểu tình phò dân chủ. Cách đối xử với ngài không đủ để làm hỏng thỏa thuận giữa hai bên và nó đã được gia hạn một lần nữa vào mùa hè, chỉ vài tháng trước khi Hồng Y Zen bị phạt 4,000 đô la Hồng Kông sau một phiên tòa ngắn.

Đức Tổng Giám Mục Javier Herrera-Corona, đại diện không chính thức của Vatican tại Hồng Kông, đã cảnh cáo các cơ quan truyền giáo Công Giáo của thành phố, rằng bất chấp thỏa thuận được gia hạn, “sự thay đổi đang đến, và bạn nên chuẩn bị tốt hơn”.

Ngài nói thêm: “Hồng Kông không phải là đầu cầu đổ bộ tuyệt vời của Công Giáo như trước đây”.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Công Giáo, đã nói rõ sự thay đổi đó cho đến nay xem ra như thế nào, nói rằng kể từ năm 2018, “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ giáo hội hầm trú Công Giáo, và thắt chặt sự tuân thủ những lời dạy của nó đối với Giáo Hội yêu nước”.

Bà nói rằng sáu cuộc bổ nhiệm giám mục mới được Rôma sử dụng để biện minh cho thỏa thuận Bắc Kinh là không đáng kể vì chúng “được bù đắp bởi việc giam giữ, bắt giữ hoặc biến mất của sáu giám mục Công Giáo được Vatican công nhận”.

Bà nói thêm, “Trẻ em hiện bị cấm đến nhà thờ và tiếp xúc với tôn giáo, Kinh thánh bị hạn chế và kiểm duyệt chặt chẽ trên Internet và trong các cửa hàng ứng dụng, nhà thờ bị bao phủ bởi sự giám sát của nhà nước bằng kỹ thuật cao, các linh mục và nhà lãnh đạo Kitô giáo bị buộc tham dự việc nhồi sọ suốt đời về Kitô giáo phù hợp với tư tưởng cộng sản và được yêu cầu tích cực ủng hộ các hoạt động, sự lãnh đạo và các giá trị cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả trong các bài giảng của họ”.

Đức Giám Mục Paul Lei Shiyin của Lạc Sơn, một giám mục Trung Quốc được tấn phong bất hợp pháp đã được dỡ bỏ vạ tuyệt thông theo thỏa thuận, là một giáo sĩ rõ ràng vẫn là Cộng sản, đã chọn tổ chức lễ khai sinh của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc tại nhà thờ chính tòa của mình vào Lễ trọng thể của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, và kêu gọi các tín hữu “nghe lời Đảng, cảm ơn Đảng, đi theo Đảng”.

Reggie Littlejohn, chủ tịch của Women's Rights Without Frontiers, đồng ý rằng kể từ năm 2018, “mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn đối với người Công Giáo ở Trung Quốc” và cho biết “bí mật của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã được sử dụng để đánh đập những người Công Giáo Trung Quốc trung thành”.

Bà nói với các nhà báo: “Những người Công Giáo trung thành không thể tự bảo vệ mình hoặc Giáo hội của họ vì họ không có quyền tiếp cận với thỏa thuận bí mật này.

“Thật khó để thấy làm thế nào Đức Giáo Hoàng có thể thành công trong nghệ thuật ngoại giao khi đối phó với một thế lực tà ác như Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi nghĩ Vatican nên mạnh mẽ củng cố giáo hội hầm trú và lên tiếng cho nhân quyền, không nên thỏa hiệp với Đảng Cộng sản Trung Quốc và tự kiểm duyệt các vấn đề đạo đức quan trọng.”

Bất chấp việc bị kết án vào tháng 9, Đức Hồng Y Quân, 91 tuổi, đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép bay đến Rôma vào tháng 1 để dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, vị giáo hoàng đã nâng ngài lên hàng Hồng Y đoàn vào năm 2006.

Trong một blog hai ngày trước Trong Thánh Lễ Cầu Hồn, Đức Hồng Y Quân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công việc mà cố giáo hoàng đã đảm nhận thay mặt cho người Công Giáo Trung Quốc, gọi Lá thư năm 2007 của Đức Bênêđictô gửi Trung Quốc là “một kiệt tác về sự cân bằng giữa tính sáng suốt của giáo lý giáo hội học Công Giáo và sự hiểu biết khiêm tốn đối với chính quyền dân sự”.

“Mặc dù đã có những nỗ lực to lớn, nhưng Đức Bênêđictô XVI đã thất bại trong việc cải thiện tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc. Ngài không thể chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào,” vị Hồng Y sinh ra ở Thượng Hải nói như vậy.

Là một nhà phê bình nhất quán đối với thỏa thuận năm 2018, ngài nói rằng ngài “tin chắc rằng mọi nỗ lực để cải thiện tình hình của Giáo hội ở Trung Quốc sẽ cần phải được thực hiện phù hợp với bức thư năm 2007”.

Sau tang lễ, ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Casa Santa Marta và mô tả cuộc nói chuyện của họ là “thân thiện”. Thông tin chi tiết về cuộc trò chuyện của họ vẫn được giữ bí mật.

Tuy nhiên, thật hợp lý khi khẳng định rằng hai người chắc chắn đã thảo luận về hoàn cảnh khó khăn của Giáo hội Trung Quốc và thậm chí có lẽ đã đề cập đến giá trị của một thỏa thuận được một bên tôn trọng và bên kia phớt lờ một cách chế diễu.
 
Văn Hóa
Góc TRUYỀN GIÁO: Không Đi Phát Chẩn!
Nguyễn Trung Tây
18:29 18/07/2023
Chuyện TU SĨ Chuyện EM: Không Đi Phát Chẩn!
Tu sĩ là một tu sĩ truyền giáo. Em là những nhân vật tu sĩ gặp gỡ trên con đường hành hương.
https://www.youtube.com/watch?v=jFNPcWuN62k&t=7s

Tôi đưa lên FaceBook videoclip hát lễ của ca đoàn tại một họ đạo Papua New Guinea - PNG. Từ Đại Chủng Viện tới họ đạo, tôi đi bộ, mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Lễ xong, tôi lội bộ về lại Chủng viện. Tôi cũng không quên viết lời phụ chú cho videoclip: “Sau công tác mục vụ, ba em ca đoàn cùng đi bộ với ông cha về Chủng Viện.”

Thấy videoclip và lời phụ chú, em bên Mỹ viết lời còm,

— Giáo dân Niugini thích đi bộ hả cha? Sao cha không dạy họ đi xe đạp?

Lời còm của em nhắc nhở tôi một lời còm khác. Lần đó tôi đưa lên FaceBook hình ảnh một bữa khoai của văn hóa PNG. Phải gọi là bữa khoai, bởi bên đây, vùng cao nguyên, lương thực chủ đạo là khoai lang. Vô bàn ăn mà không thấy khoai lang, mặt thực khách ai nấy ỉu xìu, y như người Việt được mời ăn cơm mà trên bàn ăn không xuất hiện một chén cơm.

Thấy tấm hình mâm khoai và lời phụ chú, “Một bữa ăn đặc thù văn hóa của người PNG,” em bên Việt Nam góp một lời còm,

— Cha, cha phải dạy người PNG ăn cơm đi chứ. Ăn khoai lang, ngán tới cổ!

Tôi nhớ cũng có lần một nữ tu than phiền với tôi, người dân tộc nơi Sơ đang phục vụ không trân trọng món quà giáo dân trao tặng. Nghe Sơ càm ràm quá, tôi mở miệng hỏi nhè nhẹ một câu,

— Ủa, sao họ lại không trân trọng quà của các Sơ?

Sơ giải thích rõ ràng,

— Thấy người dân bản làng chuyên môn đi chân đất! Có mạnh thường quân gửi tiền mua dép tặng dân làng. Phát dép cho họ xong, cha biết gì không, họ quẳng đôi dép mới tinh ra bờ sông bờ suối. Chẳng ai đi chịu đi dép hết!

Tâm sự của Sơ cũng lại nhắc nhở tôi, lần đó, sinh viên của Học Viện Truyền Giáo Ngôi Lời tham dự một buổi trình luận án tại University of San Tomas ở Manila của một Nữ tu Việt Nam. Tôi nhớ chủ đề của luận án Phó Tiến Sĩ là “Đối thoại Văn hóa với Người Dân Tộc Êđê.” Sau khi người nữ tu trình luận án xong, một vị trong ban Giám Khảo người Philippines hỏi nữ tu Việt một câu,

— Cám ơn Sơ cho một luận án rất mới và lạ đối với tôi. Tôi xin chỉ hỏi Sơ một câu thôi. Xin Sơ cho tôi biết ngắn gọn, khi các Sơ vào trong bản làng người Êđê, các Sơ đối thoại với họ như thế nào?

Nữ tu Việt tự tin, trả lời ngay,

— Chúng tôi vô bản làng và dạy người dân tộc Êđê cách nấu cơm bằng nồi điện, uống nước đun sôi, và dạy họ về Thiên Chúa.

Tôi nhớ, nghe xong câu trả lời của người Nữ tu Việt, mặt sinh viên chuyên nghành Truyền Học của tụi tôi chợt đồng dạng chảy dài. Riêng vị Giảng sư Giám khảo không nói gì thêm. Ngài chỉ nói lời cám ơn, rồi yên lặng.

Tôi cũng nhớ có một lần, một người bạn FaceBook nhắn tin riêng cho tôi. Anh ấy nhận xét, sao tôi đi truyền giáo ở PNG, vùng sâu vùng xa, nhưng không thấy tôi vào thôn làng phát chẩn.

Truyền Giáo

Trong phạm trù Kitô giáo, truyền giáo là một danh từ có tuổi đời ngang ngửa với tuổi đời của Giáo hội.

Truyền giáo được hiểu trong nghĩa ngắn gọn là “sai đi.”

Ý nghĩa này lấy từ mẫu hình Đức Giêsu, Người Con đã được Người Cha sai đi và sai tới trần gian để rao giảng một bản tin. Bản tin này gọi là Tin Vui hay Phúc Âm. Mặc dù là một bản tin dài nhiều chương, nội dung bản tin này được cô đọng và định nghĩa rõ ràng trong Tin Mừng Gioan, chương 3, câu 16 tới câu 17. Đó là, “Thiên Chúa yêu trần gian vô điều kiện, và Ngài muốn cứu rỗi trần gian.”

Tới phiên Đức Giêsu, trước khi về quay về lại thiên đàng, Ngài cũng sai những người tín hữu đầu tiên đi rao giảng bản Tin Vui. Bởi thế Ngài nói rõ ràng với các môn đệ, “Như Bố đã sai Thầy đi, Thầy cũng sai các con đi” (Gioan 21:20).

Hai thiên niên kỷ đã trôi qua, bản Tin Vui, theo như lệnh truyền của Đức Giêsu, vẫn tiếp tục được rao giảng bởi mọi tín hữu Kitô trên con đường hành hương của riêng họ. Và vẫn chỉ với một bản Tin Vui, Giêsu hữu của hai ngàn năm vẫn đi tới, vẫn đi ra nương đồng rao giảng.

Mặc dù bối cảnh môi trường có thay đổi, nhưng tất cả những người môn đệ của thế kỷ siêu điện toán, và bối cảnh môi trường của tương lai, vẫn cứ thế, vẫn ra đi chỉ để rao giảng bản Tin Vui.

Tin Vui

Thiên Chúa chính là nguồn của Tin Vui. Và Thiên Chúa ước muốn Tin Vui được loan báo tới trần thế (Gioan 3:16).

Trước khi Ngôi Lời nhập thể, Tin Vui đã thể hiện rõ ràng thiên chức và nét đặc trưng của Tin Vui.

Tin Vui đổi đời cuộc sống cô quả của vợ chồng tư tế Zachariah và Elizabeth. Hai người cao niên một thời không con. Nhưng, bởi sự can thiệp của Tin Vui, hai người quá thời mang đến cho đời một người con trai. Không phải một người con trai bình thường, nhưng một ngôn sứ, một đóa hoa nở tung báo hiệu hoa Giêsu đang chuẩn bị nở tung những cánh hoa đẹp nhất trần gian.

Tin Vui, đêm hôm đó, mang những người chăn chiên, người thấp cổ bé miệng tới viếng Hài Nhi Thánh. Trong khi đó, toàn thể nước Do Thái vẫn ngủ say, không ai được Tin Vui gõ cửa thông báo bản Tin Vui.

Tin Vui mở mắt người mù, mở tai người điếc, chữa lành người phong hủi, phục sinh người đã chết. Tất cả những điều không bao giờ có thể xảy ra đều đã xảy ra, và sẽ còn xảy ra bởi sự xuất hiện của bản Tin Vui.

Tin Vui đứng hẳn về phiá của những người không có tiếng nói trong xã hội.

Tin Vui đã được Ngôi Lời nhập thể rao giảng và thực hiện rõ từng nét tới tất cả mọi người mà Đức Giêsu Truyền Giáo gặp gỡ trên con đường hành hương để rao giảng Tin Vui.

Cùng Một Văn Hóa

Khi Ngôi Lời nhập thể, Ngài cũng hạ mình làm người mang thân phận tội lỗi. Ngài cũng bị cám dỗ, yếu đuối, sợ hãi như tất cả mọi người trần thế.

Ngôi Lời hạ sinh làm người Do Thái. Người Do Thái ăn sao, Ngài ăn như vậy. Người Do Thái đi bộ từ làng này sang làng khác, Ngài cũng đi bộ trên đôi chân như bất cứ một người đàn ông Do Thái nào sống cùng thời.

Ngài khóc giống như bất cứ mọi người khi mất đi một người thân. Bởi thế, Ngài rớt nước mắt trước ngôi mộ chôn bốn ngày của ông Lazarô, một người bạn.

Ngài đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu bởi sợ! Ngài cầu nguyện như tất cả mọi người trần thế cầu nguyện khi họ đối diện nguy hiểm, “Lạy Cha, xin cất chén đắng khỏi con.”

Ngài không hành xử chiếu trên chiếu dưới, nhưng liên hệ với tất cả mọi người trong xã hội trong vị thế tôn trọng và yêu thương. Ngay cả với người ngoại kiều, như viên sĩ quan La Mã, người phụ nữ băng huyết xứ Canaan và người phụ nữ Samaria bên giếng nước, Đức Giêsu truyền giáo đều có những mối tương quan song phương tốt đẹp.

Ngay cả khi các vị môn đệ của Ngài hành sử trong tinh thần văn hóa chiếu trên, Đức Giêsu trách mắng môn đệ Giacôbê và Gioan khi họ đòi gọi lửa trời thiêu đốt cả ngôi làng người Samaria.

Em mến,

Tin Vui — Là một nhà truyền giáo, khi đến một vùng đất mới, xin em đừng quên lý do đã mang em tới nền văn hóa mới. Đó chính là rao giảng Tin Vui. Nói ngắn gọn, em tới đó để chia sẻ Tin Vui tới người dân địa phương.

Em! Xin em đừng rao giảng điều gì khác, nhưng một bản Tin Vui.

Xin được nhắc lại một lần nữa. Tin Vui ở đây là tin về Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần như được trình bày trong 4 bản Phúc Âm của Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan, và những bản Tin Mừng khác trong Tân Ước và Cựu Ước.

Học Văn Hóa Mới — Khi tới một địa phương mới, em nên để thì giờ học ngôn ngữ, và nền văn hóa của dân địa phương.

Ngôi Lời đã trở thành một người trần, ăn bánh mì như người Do Thái, nói tiếng địa phương Do Thái. Cũng thế, một nhà truyền giáo như em cũng phải có khả năng trở thành một người dân địa phương, ăn thức ăn của dân địa phương. Nếu họ ăn khoai, mời em ngồi xuống mâm khoai ăn khoai với họ. Mời em học hỏi ngôn ngữ của nền văn hóa mới như em đã từng học tiếng Việt của em. Mời em tôn trọng và yêu mến ngôn ngữ mới như em thương yêu tiếng Việt của em.

Nếu dân địa phương đi bộ, em phải hỏi tại sao người ta lại đi bộ trên nương đồng, ngoài đường phố. Xin em đừng quên, trước khi em tới đó, cư dân địa phương họ đã đi bộ và đi chân trần không dép như thế cả hằng ngàn năm nay rồi, bởi văn hóa của họ là văn hóa đi bộ, đi chân đất.

Khi em tới đó, xin đừng mang văn hóa đi dép của em áp đặt lên người bản xứ. Người dân địa phương không đi dép. Xin em đừng mang dép tới với mong ước họ sẽ đi dép như em. Là dân đi chân đất, họ sẽ đi chân đất và tiếp tục đi chân đất, dù em có mua giày Adidas đắt tiền, để rồi đích thân em cúi xuống, buộc dây giày cho họ. Em thấy chưa? Em mua dép, họ nhận được dép, để rồi cũng chính họ quẳng bỏ đôi dép nơi bờ sông bụi cỏ.

Họ đã ăn cơm nếp cả ngàn năm nay rồi. Họ nấu cơm nếp trong ống tre. Giờ em mang nồi cơm điện vào đó, để “dạy” họ nấu cơm ăn. Em, em đang đến với họ để phục vụ hay em đến để thay đổi nền văn hóa cả ngàn năm nay của người địa phương. Em ăn cơm, em thích, em thấy ngon, bởi đó là văn hóa ăn cơm của người Việt-Kinh. Người Việt-Êđê họ ăn nếp, cả đời họ vẫn cứ ăn nếp. Giờ em mang nồi cơm điện vào “dạy” họ nấu cơm. Em, em đang phục vụ em, hay em đang phục vụ người dân tộc? Em, em sẽ nghĩ sao nếu người ngoại quốc tới Việt Nam, họ mang chai xì dầu tới mâm cơm gia đình, và họ bỏ chén nước mắm trung tâm của mâm cơm đi ra khỏi bàn ăn Việt?

Tôi nhớ Cha Giáo lớp Truyền Giáo có kể một câu chuyện vui về văn hóa địa phương. Ngài nói, lần đó Đức Giám Mục ghé vào một họ đạo thăm viếng giáo dân trên đảo. Phụ nữ địa phương có phong tục để ngực trần để khoe vẻ đẹp nữ tính. Biết thế, cha truyền giáo đã cẩn thận chèo thuyền vô phố. Ngài mua áo thung cho tất cả các bà các cô mặc hôm chào đón Đức Giám Mục. Ngày rồi cũng tới, tu sĩ truyền giáo đi ra nhà thờ cùng đón Đức Giám Mục với giáo dân. Nhưng thật bất ngờ, tu sĩ truyền giáo trợn tròn mắt, bởi ngài nhận ra tất cả con chiên phụ nữ đã đứng đầy đủ trước cửa nhà thờ. Nhưng họ đã lấy kéo cắt đều hai hình tròn ngay trước ngực áo thung mới tinh của họ.

Không Đi Phát Chẩn – Em, tôi cũng thường xuyên đi vào những ngôi làng để chia sẻ thực phẩm tới người kém may mắn. Nhưng tôi không đưa những tấm hình đó lên FaceBook bao giờ. Rất đơn giản, tôi đi rao giảng Tin Vui và chia sẻ với mọi người về một Đức Giêsu. Đây mới là lý do đã mang tôi đến với người dân.

Và nếu có chia sẻ lương thực tới người dân, tôi coi đó là một vinh dự, bởi tôi được đại diện Đức Giêsu, để chia sẻ bánh mì thiên đàng tới người đang cần, tương tự như Đức Giêsu đã từng hóa năm ổ bánh mì ra con số khổng lồ để nuôi đám đông người Do Thái tại một vùng đồi núi, khi chiều đổ bóng hoàng hôn.

Tôi thật sự cảm thấy ái ngại với những tấm hình người dân địa phương ngồi đó, chìa hai tay nhận lương thực của em. Mặt họ gầy gò, đói khát, nhận quà từ em, mặt em hồng hào, em cười tươi tươi. Tôi nghĩ nếu bà cụ đó là người thân của tôi, tôi sẽ ái ngại lắm. Tôi đặt vấn đề nếu người ngoại quốc đến Việt Nam làm công tác từ thiện. Em, em nghĩ gì, nếu em nhìn thấy trên FaceBook hình ảnh người Việt ngồi trên sàn gạch, dưới nền đất, hai tay họ giơ cao nhận quà của người ngoại quốc?

Tôi nhớ có lần khi nghe tôi nói xa gần vụ vô thôn làng làm công tác từ thiện, em giải thích với tôi ngay,

— Cha! Nhưng con muốn cho ân nhân biết, số tiền đóng góp đã tới tay người dân.

Tôi gật đầu đồng ý với em, nhưng tôi cũng nhắc em lời dạy của Đức Giêsu về việc bác ái. Ngài nói rõ, “Khi làm việc bác ái, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Matt 6:3).

Chia Sẻ Văn Hóa – Nhà truyền giáo, ngoài học hỏi nền văn hóa mới của dân địa phương, khi điều kiện cho phép, em cũng có thể chia sẻ với con chiên nền văn hóa riêng biệt Việt Nam. Ngày Tết tới, em cũng có thể nấu bánh Chưng, cắm cây Nêu, mặc khăn đống áo dài và chia sẻ phong tục ngày Tết của người Việt tới con chiên bản xứ.

Tất cả những nơi tôi đã từng sinh hoạt, vào ngày Tết Nguyên Đán, tôi cũng tổ chức ăn Tết với con chiên của mình. Tôi nhớ, người dân địa phương rất thích thú khi nhận được tiền lì xì sau khi chúc Tết ông cha xứ người Việt. Tôi mất một số tiền cho lì xì. Nhưng niềm vui ngày Tết mà dân địa phương và cả tôi nhận được là một niềm vui vô giá.

Tối 30 Giao Thừa, tôi cũng hay gọi một số người Việt trong vùng tới. Cả nhóm ngồi lục đục nấu bánh Chưng bánh Tét nguyên đêm. Có năm chỉ có 2 người, tôi và một ông Thầy cũng vẫn rộn ràng gói bánh Tét. Ngày Mùng Một Tết, hai tu sĩ truyền giáo Việt Nam mời các cha Ban Giám Đốc Niugini của Đại Chủng Việt cùng ăn Tết với chúng tôi. Bữa cơm Tết hôm đó có bánh Tét và thịt Heo kho tàu.

Niềm Vui Nhận Được – Từ thôn làng Nazarét, bắc Galilê, nhà truyền giáo Maria vội vã lên đường đi xuống miền nam, Giuđêa, rao truyền Tin Vui tới bà chị bình vôi Elizabeth. Nhận được Tin Vui, hài nhi nhảy vui reo mừng. Tin Vui linh ứng tâm hồn người một thời bị xã hội chế riễu bởi cuộc sống bình vôi. Và Tin Vui cũng linh ứng chính nhà truyền giáo Maria, người mang Tin Vui tới.

Truyền giáo từ bỏ quê cha đất tổ đi tới những nền văn hóa xa lạ và vùng ngoại biên cho sứ vụ. Người truyền giáo bởi thế có nhiều điều từ bỏ, để lại sau lưng. Nhưng người truyền giáo cũng là người nhận được rất nhiều. Điều mà người truyền giáo nhận được thường xuyên là niềm vui do chính người dân mang tới cho nhà truyền giáo. Niềm vui đó nhiều khi cũng chỉ là những nụ cười, những khuôn mặt vui tươi, những chào đón thân thiện, khi nhận ra bóng dáng của nhà truyền giáo trong ngôi nguyện đường nhà tranh vách lá.

Nhà truyền giáo cũng là một người đại diện Đức Giêsu. Họ đi tới và đi vào thôn làng để chia sẻ Tin Vui. Bởi em là người đại diện Đức Giêsu, người trong thôn tiếp đón em. Khi đó, em nên khiêm nhường và tạ ơn Chúa, bởi giây phút đó em được diễm phúc đại diện Con Thiên Chúa, em là một cánh tay của Ngài, để xoa dịu vết thương miên trường của nhân gian.

Cũng như nhà truyền giáo Maria, bởi đem lửa Tin Vui chia sẻ với nhân gian, tu sĩ truyền giáo cũng được chính Tin Mừng đốt cháy và linh ứng tâm hồn của chính họ. Người truyền giáo do đó trở nên rộn ràng, nhiệt thành với sứ vụ. Điều này xảy ra không phải bởi công sức của họ. Nhưng bởi họ được Tin Mừng đốt bừng ngọn lửa trong tâm hồn.

Tôi nhớ, trên đường đi tới nguyện đường tại quốc đảo PNG cho một thánh lễ, người dân địa phươngluôn luôn lệ khệ xách vác trên vai lương thực hái chung quanh nhà hoặc thu lượm trên ruộng đồng. Tới phần dâng của lễ, họ lần lượt đi lên cung thánh, dâng tặng trái đu đủ mới chín trên cây, bó hành lá cọng to, những gói mì, những bó rau bí đao, những củ khoai lang to đùng. Lễ xong, tôi mang thức ăn người dân tặng về lại Chủng Viện. Khi đó, tôi biết, tôi là người hạnh phúc. Tôi biết, chính họ là người dạy tôi bài học biết chia sẻ và trao ban.

Thật ra, trong đời truyền giáo, cả hai, người truyền giáo và người dân địa phương đều có những món quà để trao tặng nhau.

Em, xin em đừng quên Đức Giêsu đã khiêm nhường đến nhà hai chị em Martha và Maria, để hai chị em họ trao tặng Ngài những ổ bánh mì thơm ngon cho một bữa tiệc bánh mì.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con rộn ràng đi ra nương đồng reo giảng Tin Vui.
 
Church Documents
Bài của Cẩm Hạnh – 18/7/2023
VietCatholic Media
00:07 18/07/2023
1. Thuyền không người lái được báo cáo đằng sau cuộc tấn công trên cầu Crimea là gì?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Are the Aquatic Drones Reportedly Behind Strike on Crimea Bridge?”, nghĩa là “Thuyền không người lái được báo cáo đằng sau cuộc tấn công trên cầu Crimea là gì?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Các chuyên gia nói với Newsweek rằng các thuyền không người lái của Ukraine có thể đã được sử dụng để tấn công vào cây cầu Kerch quan trọng chiến lược nối từ Crimea đến Nga. Chúng rất khó bị lực lượng phòng thủ của Nga phát hiện, và Ukraine có khả năng sẽ tăng gấp đôi công nghệ không người lái giá rẻ để tấn công vào các lực lượng và cơ sở hạ tầng của Mạc Tư Khoa.

Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga cho biết hôm thứ Hai rằng hai phương tiện nổi không người lái, gọi tắt là USV, của Ukraine đã tấn công vào cây cầu ngay sau 3 giờ sáng giờ địa phương. Kênh Grey Zone Telegram, liên kết với Nhóm lính đánh thuê Wagner, cho biết có hai cuộc tấn công trên cầu, lần đầu tiên lúc 3:04 sáng và lần thứ hai vào khoảng 3:20 sáng, nhưng Newsweek không thể xác minh độc lập điều này. Kyiv chưa chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Ủy ban cho biết cây cầu đường bộ, chứ không phải đường sắt băng qua, đã bị hư hại, đồng thời cho biết thêm rằng hai người lớn đã thiệt mạng và một trẻ em bị thương.

Cây cầu Kerch dài 12 dặm hay 19km là tuyến đường quan trọng nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bị sáp nhập, mà Nga đã kiểm soát từ năm 2014. Ukraine đã nhiều lần nói rằng họ muốn phục hồi bán đảo và các chuyên gia đã dự đoán cuộc phản công đang diễn ra của họ có thể nhắm vào cây cầu.

Rất khó để Nga bảo vệ suốt dọc chiều dài của cây cầu khỏi thuyền không người lái của Ukraine, vốn rất khó bị phát hiện cho đến khi chúng tiếp cận mục tiêu, các chuyên gia gợi ý với Newsweek hôm thứ Hai.

Vào tháng 10 năm 2022, Cầu Kerch bị hư hại trong một vụ nổ mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Ukraine, mặc dù Kyiv chưa bao giờ chính thức nhận trách nhiệm về vụ nổ này.

Mykhailo Podolyak, cố vấn chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết: “Bất kỳ cấu trúc bất hợp pháp nào được sử dụng để cung cấp các công cụ giết người hàng loạt của Nga nhất thiết phải bị phá hủy trong thời gian ngắn”.

Oleksiy Goncharenko, một thành viên của quốc hội Ukraine, đã cho biết hôm thứ Hai rằng việc cây cầu bị hư hại là một “thành công lớn đối với Ukraine”, và nói thêm: “Mọi người tham gia vào việc này nên được trao giải thưởng cao nhất của nhà nước.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đã cho biết rằng Kyiv phải chịu trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh rằng “các quyết định được đưa ra bởi các quan chức và quân đội Ukraine với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan tình báo và chính trị gia Mỹ và Anh”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để bình luận qua email vào thứ Hai.

Theo chuyên gia quân sự và quốc phòng David Hambling, mặc dù có rất ít chi tiết được xác nhận về bất kỳ chiếc USV tấn công nào được cho là do Ukraine vận hành, nhưng Kyiv trước đây đã sử dụng một số loại như thế để nhắm vào lực lượng Nga. Samuel Bendett, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết thêm: “Hiện tại, các chuyên gia không thể chắc chắn những phương tiện không có động cơ này trông như thế nào.”

Nga đã nhiều lần nói rằng Ukraine đã tấn công vào các căn cứ quân sự ở Crimea bằng thuyền không người lái hải quân, bao gồm cả căn cứ ở Hắc Hải của Nga tại Sevastopol. Hôm Chúa Nhật, Nga cho biết họ đã “ngăn chặn” một cuộc tấn công của Ukraine gồm 7 máy bay không người lái và 2 thuyền không người lái vào thành phố cảng.

Ông Hambling nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng Ukraine đã từng sử dụng những chiếc USV có chiều dài dưới 20 feet, với tốc độ tối đa khoảng 50 dặm một giờ. Mang theo khoảng 400 pound chất nổ, những chiếc USV này sẽ gây sát thương ít hơn so với vũ khí “thường được sử dụng để tấn công một cấu trúc có kích thước như Cầu eo biển Kerch nối Crimea của Ukraine và khu vực Kresnodar của Nga”.

Tuy nhiên, chúng vẫn có thể “gây thiệt hại đáng kể” và có thể những chiếc thuyền lớn hơn đã được sử dụng mà không bị phát hiện, ông nói. Bendett nói với Newsweek rằng mặc dù có các cảm biến và camera gắn trên cây cầu, nhưng rất khó để theo dõi môi trường hàng hải và trên không xung quanh nó.

Ông nói, sử dụng các thuyền không người lái tương đối rẻ tiền, Ukraine có thể gây ra một số sự tàn phá đối với các hoạt động của Nga. Ukraine đã thành công trong việc tạo ra “những chiếc thuyền tấn công một chiều, rẻ tiền, có thể sử dụng được”.

Các chuyên gia cho biết các USV tấn công của Ukraine nằm rất gần mặt nước và với kích thước nhỏ, chúng rất khó bị lực lượng Nga phát hiện bằng mắt thường hoặc bằng radar và sonar. Hambling cho biết chúng có thể “bị sóng che khuất cho đến khi chúng ở rất gần” mục tiêu.

Steve Wright, nhà nghiên cứu cấp cao về hệ thống điện tử hàng không và máy bay tại Đại học West of England, Vương quốc Anh, nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng các hệ thống như radar không được thiết kế để bắt các phương tiện nhỏ và không người lái như vậy.

Hambling cũng lập luận rằng Ukraine có thể đã đánh lạc hướng lực lượng Nga khỏi cuộc tấn công thực sự bằng các tàu dễ thấy hơn.

Nhưng ngay cả khi các tàu bị phát hiện, “chúng không dễ bị tiêu diệt,” Hambling nói thêm.

Các nhà phân tích cho rằng pháo tự động cỡ lớn hoặc súng máy hạng nặng là lựa chọn tốt nhất của Nga để chống lại các cuộc tấn công của USV Ukraine. Ông Hambling cho biết loại vũ khí này “lý tưởng để tiêu diệt chúng và đã từng phát huy hiệu quả” trong quá khứ, nhưng có nhiều cách để USV Ukraine tránh được những thứ này.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí như vậy trở nên không thực tế khi càng có nhiều USV được sử dụng trong một cuộc tấn công, Wright nói. Ông nói, giống như máy bay không người lái có thể tấn công theo bầy đàn, súng máy có thể sẽ bị áp đảo trong một cuộc tấn công hàng loạt bằng USV. Ông dự đoán, Nga sẽ cần phát triển một loạt hệ thống phòng thủ hoàn toàn mới, chẳng hạn như USV phản công, để đối phó với số lượng lớn các phương tiện không người lái trong tương lai.

2. Quan chức Ukraine cho biết Nga đã tập hợp hơn 100.000 binh sĩ tại khu vực Kupyansk /ku-pi-an-ka/

Nga đã tập trung hơn 100.000 binh sĩ tại khu vực Kupyansk để cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ của Kyiv, Đại Tá Serhii Cherevatyi, Phó Tư lệnh Liên lạc Chiến lược của Cụm quân sự phía Đông, cho biết hôm thứ Hai.

Đại Tá Cherevatyi cho biết: “Đối phương đã tập trung một nhóm rất mạnh về hướng Lyman-Kupyansk, với hơn 100.000 quân, hơn 900 xe tăng và hơn 370 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. “Đối phương đã triển khai các đơn vị dù, những đơn vị bộ binh cơ giới tốt nhất ở đó. Hỗ trợ thêm là quân dự bị chiến đấu, quân lãnh thổ, các đại đội Storm-Z.”

Ông nói thêm rằng các lực lượng Nga đang “làm mọi cách để chọc thủng hàng phòng ngự của chúng tôi. Những người lính của chúng tôi đang đứng vững trong phòng thủ.

Đại Tá Cherevatyi cho biết sự thúc đẩy của Nga trong khu vực là để cố gắng đạt được một số thành công sau khi Ukraine giành được động lực xung quanh Bakhmut.

“Người Nga ít nhất cần thể hiện một số thành công, vì vậy họ đã nỗ lực tối đa vào lĩnh vực này, làm mọi thứ có thể và không thể, để thể hiện các hành động tấn công,” ông nói.

Cherevatyi nói tiếp rằng các lực lượng Nga vẫn ở thế yếu ở Bakhmut, đồng thời cho biết thêm thương vong của họ ngày càng tăng.

Ông nói: “Tổn thất của đối phương đã tiệm cận với những tổn thất đang ở đỉnh điểm của cuộc giao tranh với Wagner. Người Nga liên tục đổi mới đội ngũ chiến đấu của họ, gửi lính dù tới đó trước hết với hy vọng ngăn chặn cuộc tấn công của chúng tôi.”

“Chúng tôi đang rất thận trọng và cân nhắc để bảo toàn lực lượng và con người của chúng tôi nhiều nhất có thể,” ông nói thêm.
 
VietCatholic TV
Nga lũ lượt tháo chạy khỏi Crimea. Putin họp khẩn cấp bày mưu báo thù. Ukraine tiến nhanh ở phía Nam
VietCatholic Media
02:59 18/07/2023
00:00:00 Đài Hiệu

1. Người Nga lũ lượt chạy khỏi Crimea sau khi cầu Kerch bị tấn công, hàng người xếp hàng kéo dài hàng dặm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Flee Crimea After Kerch Bridge Strike as Queues Stretch for Miles”, nghĩa là “Người Nga chạy khỏi Crimea sau khi cầu Kerch bị tấn công khi hàng người xếp hàng kéo dài hàng dặm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hàng ngàn người đang chạy trốn khỏi Crimea sau một cuộc tấn công vào cây cầu Kerch nối bán đảo bị sáp nhập với Nga khiến một phần của cấu trúc bị sập vào sáng thứ Hai.

Một cặp vợ chồng đã thiệt mạng và con gái của họ bị thương trong cuộc tấn công vào cây cầu eo biển Kerch, khiến một nhịp đường của nó bị sập. Biến cố này đánh dấu cuộc tấn công thứ hai vào cây cầu quan trọng chiến lược kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công hôm thứ Hai và vụ nổ trên cây cầu vào tháng 10 năm 2022. Kyiv chưa chính thức nhận trách nhiệm về vụ việc, nhưng hãng truyền thông Ukraine Ukrainska Pravda trích dẫn một nguồn tin trong Cơ quan An ninh Ukraine nói rằng vụ tấn công là một hoạt động đặc biệt bởi Cơ quan An ninh Ukraine và lực lượng hải quân.

Khách du lịch và người dân đang rời khỏi bán đảo Hắc Hải - nơi đã bị Putin sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 - với số lượng lớn giao thông kéo dài hàng dặm, cơ quan truyền thông tiếng Nga The Moscow Times đưa tin, và lưu ý rằng theo Google Maps, kích thước tắc đường lúc 2 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa vượt quá 9 kilômét.

Cuộc tấn công đã khiến giao thông đường bộ trên cầu Kerch bị gián đoạn. Các nhà chức trách Nga đã khuyến cáo những người muốn rời khỏi Crimea nhanh chóng đi theo con đường xuyên qua các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở Ukraine, nơi có thể sẽ kéo dài thêm hàng trăm dặm cho hành trình của du khách trở về Nga.

Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã bơm hàng tỷ đô la để cải tạo cơ sở hạ tầng ở bán đảo từ lâu đã trở thành điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của người Nga. Tờ Moscow Times dẫn lời Hiệp hội Công nghiệp Khách sạn Quốc gia cho biết có ít nhất 50.000 khách du lịch trên bán đảo.

Một hãng thông tấn nhà nước của Nga đã đăng một đoạn video về tình trạng tắc đường từ Crimea theo hướng Melitopol bị Nga tạm chiếm, báo cáo rằng các dòng xe dài 5 km.

Cuộc tấn công diễn ra hơn một tháng sau cuộc phản công của Ukraine nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết đảo ngược việc Nga sáp nhập Crimea.

Mức độ đe dọa khủng bố màu vàng đã được áp dụng tại các khu vực của Crimea kể từ ngày 11 tháng 4 năm 2022, vài tuần sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine bắt đầu. Các lực lượng Nga đã củng cố bán đảo trong bối cảnh lo ngại về một bước tiến của Ukraine.

Tamila Tasheva, đại diện hàng đầu của Zelenskiy tại Crimea, cho biết trên truyền hình quốc gia vào tháng 4 rằng hàng nghìn người Nga đang chạy trốn khỏi bán đảo và từ bỏ tài sản của họ do lo lắng về triển vọng nỗ lực tái chiếm khu vực của Ukraine.

Tasheva đã nói rằng khoảng 500.000 đến 800.000 người Nga hiện đang sống bất hợp pháp ở Crimea và có thể bị trục xuất cưỡng bức theo các quy định của luật pháp Ukraine và luật pháp quốc tế nếu Ukraine chiếm lại bán đảo.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

2. Putin nói Nga chuẩn bị đáp trả vụ tấn công cầu Crimea

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai cho biết Bộ Quốc phòng của ông đang chuẩn bị các đề xuất để đáp trả vụ tấn công trong đêm làm hư hỏng cây cầu đường bộ nối Crimea với miền nam nước Nga mà ông đổ lỗi cho Ukraine.

Vào cuối cuộc họp trên truyền hình với các quan chức quốc gia và khu vực để đánh giá hậu quả của cuộc tấn công, ông Putin gọi đây là một hành động tàn ác và vô nghĩa, đồng thời cho biết cây cầu đã không được sử dụng trong nhiều tháng để tiếp tế cho các lực lượng Nga đang chiến đấu ở Ukraine.

Ukraine không chính thức nhận trách nhiệm, nhưng truyền thông địa phương cho biết cơ quan an ninh của họ đã tấn công bằng thuyền không người lái.

3. Cuộc tấn công cầu Kerch khiến tài sản quý giá của Putin gặp rủi ro

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kerch Bridge Attack Puts Putin's Prized Possession at Risk”, nghĩa là “Cuộc tấn công cầu Kerch khiến tài sản quý giá của Putin gặp rủi ro.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công sáng sớm vào Cầu eo biển Kerch nối Crimea của Ukraine và khu vực Kresnodar của Nga.

Vụ việc đã giáng một đòn chiến lược vào Mạc Tư Khoa vì cây cầu được cho là tuyến đường quan trọng để vận chuyển quân nhu cho các lực lượng Nga. Nhưng các cuộc tấn công như vậy thậm chí có thể gây ra hậu quả lớn hơn vì chúng có khả năng “giúp nới lỏng sự kìm kẹp của Nga đối với chính Crimea”, Tiến sĩ Scott Savitz, một kỹ sư cao cấp tại RAND Corporation, nói với Newsweek.

Putin đã xâm chiếm và sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine hiện tại của ông bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, bán đảo này đã trở thành tâm điểm bàn luận chính. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết một trong những mục tiêu của ông trong cuộc xung đột là không chỉ bảo vệ đất nước mà còn giành lại Crimea và 4 khu vực khác mà Putin đã sáp nhập vào tháng 9.

Về phần mình, Putin khẳng định rằng Crimea thuộc về Nga và các quan chức Điện Cẩm Linh đã nhiều lần tuyên bố rằng việc trả lại lãnh thổ cho Ukraine sẽ không được đưa vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể xảy ra.

Hôm thứ Hai đã đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm các vụ nổ được báo cáo trên Cầu Eo biển Kerch sau khi một xe chở nhiên liệu phát nổ khi băng qua cầu vào tháng Mười.

Các báo cáo cho thấy thiệt hại từ cuộc tấn công mới nhất cũng nghiêm trọng như sự việc hồi tháng 10. Hình ảnh và video được đăng trên Telegram hôm thứ Hai cho thấy cả hai làn đường của cây cầu đều bị ảnh hưởng và ít nhất một phần đã bị sập. Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod của Nga, nói rằng một người đàn ông và một phụ nữ đã thiệt mạng trong vụ tấn công trên cầu và con gái của họ bị thương.

Kyiv thường không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào Crimea hoặc bên trong lãnh thổ Nga, nhưng Mykhailo Fedorov—Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine—đã chỉ ra rằng các thuyền không người lái từ đất nước của ông đứng đằng sau các vụ nổ vào sáng sớm.

Savitz đã mô tả tầm quan trọng của cây cầu tới Mạc Tư Khoa, nói với Newsweek rằng nó “là một liên kết thiết yếu giữa Nga và Crimea bị Nga tạm chiếm, cũng như một biểu tượng của việc Putin tiếp quản bán đảo.”

Thật vậy, Putin đã bày tỏ sự tức giận của mình trong cuộc họp hôm thứ Hai về điều mà ông gọi là “hành động khủng bố”.

“Đây là vụ tấn công khủng bố thứ hai vào cây cầu,” Putin nói. “Tôi đang chờ đợi những đề xuất cụ thể để cải thiện an ninh cho cơ sở vận tải quan trọng, chiến lược này.”

Tổng thống Nga nói thêm: “Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa thích hợp”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

Những thách thức chiến lược mà Nga hiện phải đối mặt do cây cầu bị hư hại đã được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, mô tả.

“Các nhà chức trách của khu vực Rostov của Nga, cũng như các quan chức ủng hộ Điện Cẩm Linh của khu vực Kherson và Zaporizhzhia bị tạm chiếm ở Ukraine, nói rằng sau khi cây cầu bị nổ tung, xe hơi sẽ được vận chuyển qua phà, trong khi Gerashchenko viết: “Các xe tải sẽ đi trên bộ – qua các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, nơi liên tục bị pháo kích”.

Randy Mott, một luật sư và cựu sĩ quan bộ binh trong Quân đội Hoa Kỳ, cũng đã tweet về việc Nga sẽ gặp khó khăn như thế nào trong việc tiếp tế cho quân đội của họ ở Crimea sau vụ nổ cầu.

“Con đường tiếp tế duy nhất tới Crimea hiện nay là qua miền nam Ukraine bị tạm chiếm. Quân du kích địa phương đang tăng hỏa lực ở đó. Con đường này ngày càng nằm trong tầm ngắm pháo binh của quân đội Ukraine,” Mott nói. “Quân đội Nga ở Crimea hiện đang bị siết chặt nguồn cung cấp và dần dần đối mặt với khủng hoảng”.

Savitz đã chỉ ra với Newsweek rằng ông và trợ lý cấp cao của RAND, William Courtney, trước đây đã viết cho The Moscow Times rằng “việc sử dụng các thuyền không người lái có chất nổ để cắt đứt các liên kết của Nga với Crimea bị tạm chiếm có thể làm giảm khả năng Nga sử dụng Crimea làm căn cứ cho các cuộc tấn công vào các khu vực khác của Ukraine.”

Ông nói: “Mặc dù Nga kiểm soát một vùng lãnh thổ khác của Ukraine tiếp giáp với cả Nga và Crimea bị tạm chiếm, nhưng khu vực đó rất dễ bị tấn công trực tiếp từ lãnh thổ do Ukraine kiểm soát bởi quân chính quy và quân du kích Ukraine”.

Savitz nói tiếp: “Việc liên tục tấn công vào cầu và giao thông tàu thuyền từ Nga đến Crimea hạn chế khả năng tiếp tế của Nga cho các lực lượng quân sự ở đó và thậm chí có thể giúp nới lỏng sự kìm kẹp của Nga đối với chính Crimea. Điều này mang lại lợi ích cho Ukraine bằng cách cản trở các cuộc tấn công dựa trên Crimea vào phần còn lại của Ukraine và bằng cách bắt đầu quá trình cuối cùng giành lại lãnh thổ đó”.

Jason Jay Smart - một cố vấn chính trị về chính trị quốc tế và hậu Xô Viết - nói với Newsweek rằng trong cuộc họp của Putin về vụ tấn công, nhà độc tài “về cơ bản lập luận rằng việc phá hủy một phần Cầu Eo biển Kerch chỉ là một trở ngại nhỏ đối với các mục tiêu của Nga.

“Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đang mắc sai lầm nghiêm trọng: Kyiv tấn công cây cầu không phải là một sự việc đơn lẻ, mà là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm chiếm lại bán đảo. Cuộc phản công của Kyiv vào Crimea có thể bắt đầu bất cứ lúc nào”.

4. Ngoại trưởng Ukraine đặt câu hỏi liệu cầu Kerch có thể được coi là cơ sở hạ tầng dân sự hay không

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã thách thức liệu cây cầu Kerch, bị tấn công vào đầu ngày thứ Hai, có thể được coi là cơ sở hạ tầng dân sự hay không khi ông nói rằng nó chủ yếu được sử dụng cho mục đích quân sự.

“ Điều gì khiến bạn tin rằng cây cầu Kerch là một cơ sở hạ tầng dân sự vì nó chủ yếu được sử dụng để cung cấp cho quân đội Nga ở Crimea bị tạm chiếm và ở phía nam Ukraine, đạn dược, nhiên liệu và các thiết bị quân sự cần thiết khác để quân đội Nga tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine,” Kuleba nói trong một cuộc họp báo từ New York hôm thứ Hai.

“Không phải cây cầu nào cũng là dân sự theo định nghĩa. Và cây cầu đặc biệt này, đầu tiên nó được xây dựng trái phép. Nó tồn tại ngoài luật pháp, và chúng ta nên luôn nhớ điều đó. Và thứ hai, nó chủ yếu được sử dụng cho mục đích quân sự và chúng ta nên coi nó như vậy”, Kuleba nói thêm.

Một quan chức an ninh Ukraine trước đó hôm thứ Hai đã tuyên bố Kyiv chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào cây cầu nối bán đảo Crimea đã sáp nhập với đất liền của Nga - một đường tiếp tế quan trọng cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine và là một dự án cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin.

Cây cầu dài gần 12 dặm hay hơn 19km là cây cầu dài nhất ở Âu Châu và có tầm quan trọng mang tính biểu tượng và chiến lược to lớn đối với Mạc Tư Khoa.

Cuộc tấn công vào cây cầu hôm thứ Hai là vụ thứ hai kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine sau khi một xe chở nhiên liệu phát nổ khi băng qua cầu vào tháng 10.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cảm ơn Mỹ cung cấp bom chùm

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm thứ Hai đã thảo luận một số chủ đề với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, bao gồm tình hình trên chiến trường và nhu cầu của Quân đội Ukraine liên quan đến vũ khí và thiết bị.

Reznikov cảm ơn Austin và Hoa Kỳ “về việc cung cấp bom, đạn chùm”.

“Chúng tôi sẽ sử dụng chúng một cách khôn ngoan, thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đã xác định trước đó,” Reznikov nói.

Hoa Kỳ xác nhận đã gửi bom chùm tới Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới. Theo Ngũ Giác Đài, số vũ khí này đã đến Ukraine vào ngày 14 tháng 7.

CNN lần đầu tiên đưa tin vào đầu tháng 7 rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét mạnh mẽ việc phê duyệt việc chuyển giao vũ khí gây tranh cãi cho Ukraine, lực lượng của họ đang phải vật lộn để đạt được những thành tựu lớn trong cuộc phản công kéo dài nhiều tuần.

6. Zelenskiy: Nga không có “quyền phá hủy an ninh lương thực của bất kỳ quốc gia nào”

Tổng thống Ukraine hôm thứ Hai chỉ trích quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải, nói rằng “không ai có quyền phá hủy an ninh lương thực của bất kỳ quốc gia nào”.

Nga cho biết họ đang đình chỉ tham gia vào một thỏa thuận quan trọng cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, một lần nữa làm dấy lên lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu.

“Nếu một nhóm người ở đâu đó trong Điện Cẩm Linh nghĩ rằng họ được cho là có quyền quyết định liệu thức ăn sẽ có trên bàn ăn ở các quốc gia khác nhau: Ai Cập hay Sudan, Yemen hay Bangladesh, Trung Quốc hay Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Indonesia... thì thế giới có cơ hội để chứng tỏ rằng không ai được phép tống tiền,” Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình.

Thỏa thuận này - ban đầu do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian cách đây một năm - bảo đảm việc đi lại an toàn của các tàu chở ngũ cốc từ các cảng của Ukraine giữa cuộc xâm lược của Nga. Cho đến nay, thỏa thuận đã cho phép xuất khẩu gần 33 triệu tấn lương thực qua các cảng của Ukraine, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc.

Zelenskiy cho biết trong suốt cuộc chiến, Nga đã “phá hủy quyền tự do hàng hải ở Hắc Hải và Biển Azov” đồng thời tấn công các cảng và kho cảng ngũ cốc của Ukraine.

“Hậu quả duy nhất có thể xảy ra của việc này là sự mất ổn định của thị trường lương thực và sự hỗn loạn xã hội ở các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu lương thực. Thực phẩm Ukraine là an ninh cơ bản cho bốn trăm triệu người,” tổng thống nói.

Zelenksy cho biết thỏa thuận sẽ tiếp tục hoạt động mà không có Nga. Ông cho biết đã gửi thư chính thức tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres với đề xuất tiếp tục sáng kiến.

7. Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc mà không cần Nga nếu được quốc tế hỗ trợ, chủ tịch hiệp hội ngũ cốc nói

Nhà lãnh đạo Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng cộng đồng quốc tế cần “tìm đòn bẩy” để chuyển ngũ cốc từ Ukraine sang thị trường toàn cầu mà không cần đến Nga.

Nikolay Gorbachov cho biết ông “chắc chắn rằng Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc mà không cần Nga” nếu nước này nhận được “sự hỗ trợ quốc tế”. Diễn biến này xảy ra sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.

Ông Nikolay Gorbachov nói với CNN: “Cộng đồng quốc tế, các nước phát triển phải tìm ra đòn bẩy để đưa ngũ cốc từ Ukraine ra thị trường thế giới.” Theo Gorbachov, sự hỗ trợ này có thể đến từ hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bảo lãnh bảo hiểm từ các công ty.

Gorbachov bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Ukraine đã không hoàn thành một phần quan trọng của thỏa thuận ngũ cốc nhằm bảo đảm ngũ cốc được xuất khẩu sang các nước nghèo hơn, gọi đó là “sự thao túng”.

Mặc dù 60% ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine di chuyển qua các cảng Âu Châu, nhưng điều đó “không có nghĩa là Âu Châu hấp thụ loại ngũ cốc này với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng”, ông nói và cho biết thêm rằng ngũ cốc Ukraine nuôi sống khoảng 200 triệu người bên ngoài đất nước.

Ông nói: “Nếu chúng tôi không xuất khẩu loại ngũ cốc này, tôi chắc chắn rằng các nước phát triển sẽ phải trả giá.

Gorbachov khẳng định rằng vị thế của Ukraine là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới sẽ thúc đẩy các nước can thiệp sớm hơn là muộn.

8. Ngoại trưởng Ukraine tổ chức “tham vấn khẩn cấp” tại Liên Hiệp Quốc về thỏa thuận ngũ cốc

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đang tổ chức “các cuộc tham vấn khẩn cấp” tại Liên Hiệp Quốc sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải.

“Theo chỉ thị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, tôi đang tổ chức các cuộc tham vấn khẩn cấp với các đối tác tại Liên Hiệp Quốc ở New York về các bước tiếp theo của chúng tôi sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc,” Kuleba đã tweet hôm thứ Hai. “Nga đặt an ninh lương thực toàn cầu vào tình thế nguy hiểm. Chúng tôi làm hết sức mình để bảo vệ hành lang ngũ cốc ở Hắc Hải.”

9. Ukraine nói rằng họ đang tiến dọc theo mặt trận phía nam, bất chấp các cuộc tấn công và bom mìn của Nga

Ukraine cho biết họ đang tiến dọc theo mặt trận phía nam, bất chấp các cuộc không kích của Nga và một lượng lớn mìn, chỉ huy Lực lượng Liên quân Tavria, Chuẩn Tướng Oleksandr Tarnavskyi, cho biết hôm thứ Hai.

“Công việc vẫn tiếp tục trong khu vực Tavria. Lực lượng Phòng vệ đang liên tục tiêu diệt người Nga. Những người lính của chúng tôi đang tiến lên bất chấp các khu vực có mìn và các cuộc không kích của đối phương,” vị Tướng cho biết như trên.

Tarnavskyi cho biết các lực lượng Nga đã tấn công lực lượng Ukraine, nhưng cho biết binh lính dưới quyền chỉ huy của ông đã bắn trả.

Ông nói: “Các đơn vị pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine ở khu vực Tavria đã hoàn thành 1.412 nhiệm vụ khai hỏa. “Trong ngày qua, đối phương đã tấn công các vị trí của chúng tôi 16 lần và thực hiện 650 cuộc tấn công bằng pháo kích.”

Tarnavskyi cho biết thêm, 25 đơn vị thiết giáp quân sự của Nga đã bị phá hủy cùng với 3 kho đạn dược.

10. Ngoại trưởng Mỹ nói quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải là “vô lương tâm”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gọi việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải là “vô lương tâm” và nói rằng thỏa thuận nên được “khôi phục càng nhanh càng tốt”.

“Tôi hy vọng rằng mọi quốc gia đang theo dõi điều này rất chặt chẽ. Họ sẽ thấy rằng Nga phải chịu trách nhiệm về việc từ chối cung cấp lương thực cho những người đang rất cần nó trên khắp thế giới và góp phần làm tăng giá cả vào thời điểm nhiều quốc gia tiếp tục trải qua tình trạng lạm phát rất khó khăn,” ông nói hôm thứ Hai tại Bộ Ngoại giao.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Hai rằng thỏa thuận này không cần thiết ngay từ đầu và chỉ trở nên như vậy sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Blinken cho biết Ukraine, Mỹ và các nước khác sẽ xem xét liệu có “bất kỳ lựa chọn nào khác” để vận chuyển ngũ cốc một cách an toàn qua Hắc Hải đến thị trường hay không, chẳng hạn như bằng đường sắt và đường bộ, nhưng cho biết có những thách thức trong việc cố gắng tìm kiếm. lựa chọn thay thế.

“Thách thức là: nếu Nga chấm dứt sáng kiến này và gửi đi thông điệp rằng ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác không thể rời Ukraine mà không bị cản trở, ngay cả khi có những lựa chọn khác, tôi nghĩ nó có thể sẽ có tác động ớn lạnh sâu sắc, các quốc gia, công ty, chủ hàng khác, v.v., sẽ rất lo lắng về những gì xảy ra với tàu của họ và nhân viên của họ nếu Nga phản đối bất kỳ hoạt động xuất khẩu thực phẩm nào từ Ukraine,” Blinken nói.

“Toàn bộ vấn đề này là có một thỏa thuận tự nguyện có sự tham gia của tất cả các bên liên quan được Liên Hiệp Quốc tán thành để bảo đảm an toàn, an ninh, có thể dự đoán được, trong việc chuyển lương thực ra khỏi Ukraine đến những nơi đang rất cần nó,” ông nói.
 
Đặc sứ hòa bình Ukraine của ĐTC đến Mỹ. George Weigel: Sứ mệnh của ĐGH ở Moscow bị hướng dẫn sai lầm
VietCatholic Media
05:01 18/07/2023


1. Vatican cho biết phái viên hòa bình Ukraine của Đức Giáo Hoàng sẽ tới Washington trong tuần này

Đặc sứ hòa bình Ukraine của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Matteo Zuppi sẽ đến Washington, DC, trong chuyến thăm ba ngày trong tuần này như một phần của sứ mệnh hòa bình cho Ukraine, Vatican cho biết hôm thứ Hai.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Chúng tôi thông báo với các bạn rằng từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 7 năm 2023, Đức Hồng Y Matteo /mát-tê-ô/ Maria Zuppi, Tổng Giám mục Bologna /bô-lô-nha/ và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, cùng với một viên chức của Phủ Quốc vụ khanh, sẽ tới Washington với tư cách là Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Chuyến thăm sẽ diễn ra “trong bối cảnh sứ mệnh thúc đẩy hòa bình ở Ukraine và nhằm mục đích trao đổi ý kiến và quan điểm về tình hình bi thảm hiện nay và hỗ trợ các sáng kiến nhân đạo nhằm giảm bớt đau khổ của những người bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em.”

Chuyến thăm diễn ra sau các chuyến thăm trước đó của Đức Hồng Y Zuppi tới Kyiv /ki-díp/ và Mạc Tư Khoa trong vài tuần qua.

Vào cuối tháng 6, Đức Hồng Y Zuppi đã có chuyến thăm tới Mạc Tư Khoa “nhằm xác định các sáng kiến nhân đạo, có thể mở ra những con đường đạt được hòa bình”, Vatican cho biết trong một thông cáo chính thức.

Ngài đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu trong chuyến thăm bao gồm Yuri Ushakov /du-ri u-sa-kốp/, trợ lý tổng thống Nga và Maria Lvova-Belova /lô-va-bê-lô-va/, ủy viên Nga về quyền trẻ em.

“Trong các cuộc đàm phán, khía cạnh nhân đạo của sáng kiến đã được nhấn mạnh mạnh mẽ, cũng như sự cần thiết để có thể đạt được hòa bình rất mong muốn,” Vatican cho biết thêm rằng Đức Hồng Y Zuppi cũng đã có một cuộc gặp gỡ có thành quả với Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và toàn Nga.

Vào ngày 5 tháng 6 và ngày 6 tháng 6, Đức Hồng Y Zuppi đã đến Kyiv để nói chuyện với chính quyền Ukraine về “những cách khả thi để đạt được một nền hòa bình công bằng và ủng hộ những cử chỉ nhân đạo góp phần xoa dịu căng thẳng”.

Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Đức Hồng Y Zuppi lãnh đạo một sứ mệnh hòa bình ở Ukraine để giúp giải quyết những căng thẳng trong cuộc xung đột.

2. Thư ký riêng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Medjugorje

Đức Hồng Y người Ba Lan Stanisław Dziwisz, nguyên tổng giám mục Krakow và trong hơn 40 năm là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II, đã có chuyến viếng thăm riêng tới Medjugorje, hay còn gọi là Mễ Du.

Như Đài phát thanh Mir Medjugorje đưa tin, Đức Hồng Y đã đến thị trấn vào ngày 11 tháng 7 và được đón tiếp bởi vị tông tòa có trách nhiệm đặc biệt đối với giáo xứ Medjugorje, là Đức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli; cha xứ Mễ Du, là Cha Zvonimir Pavičić; và Cha Antonio Primorac, thư ký của Đức Tổng Giám Mục Cavalli.

Đức Hồng Y Dziwisz đã đến thăm những nơi cầu nguyện ở Medjugorje và Nhà thờ St. James, nơi ngài cầu nguyện. Sau đó, hai vị tổng giám mục đối thoại riêng.

Trước nhà thờ St. James, vị Hồng Y người Ba Lan đã gặp những người hành hương đến từ Ukraine, những người mà ngài đã cầu nguyện và chúc phúc cho họ.

Trong một tuyên bố với giới truyền thông Ba Lan trong chuyến thăm năm 2021 nhân kỷ niệm 40 năm các cuộc hiện ra được tường trình, Đức Hồng Y Dziwisz nhận xét rằng khi làm việc tại Vatican, ngài đã theo dõi sát sao những gì đang xảy ra ở Mễ Du, một nơi “hiện diện sinh động trong cuộc sống của Đức Gioan Phaolô II.”

“Medjugorje là nơi cầu nguyện và hoán cải tuyệt vời thông qua cầu nguyện, xưng tội và sám hối. Các cuộc hiện ra không quan trọng bằng thực tế đó là nơi gặp gỡ Mẹ Thiên Chúa và khả năng xin Mẹ thương xót nhờ lời chuyển cầu của Mẹ. Số lượng người đến đây thật đáng kinh ngạc,” Đức Hồng Y Dziwisz nói.

Các cuộc hiện ra được cho là của Đức Mẹ ở Mễ Du, vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Giáo hội, bắt đầu vào ngày 24 tháng 6 năm 1981. Sáu trẻ em từ thị trấn nhỏ này ở Bosnia và Herzegovina, khi đó dưới chế độ cộng sản của Nam Tư cũ, tuyên bố đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra. Ngay từ đầu, các cuộc hiện ra được báo cáo đã là một nguồn gây tranh cãi nhưng cũng là một sự sùng kính và hoán cải chân thành.

Vào tháng 5 năm 2017, trên chuyến bay trở về Rôma sau khi viếng thăm đền thờ Fatima, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiết lộ rằng tài liệu đang được nghiên cứu bởi ủy ban mà ngài thành lập để điều tra các sự kiện đã ghi nhận sự khác biệt giữa những lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ ở Mễ Du và những tuyên bố sau này.

Về “những cuộc hiện ra được cho là vẫn còn tiếp diễn hiện nay, báo cáo có những nghi ngờ.”

Tuy nhiên, vào năm 2019, Tòa Thánh đã cho phép các linh mục và giám mục tổ chức các cuộc hành hương đến đền thờ Medjugorje miễn là họ không ngụ ý công nhận các cuộc hiện ra.


Source:National Catholic Register

3. Vatican cho rằng ấn tín tòa giải tội không bị vi phạm trong cuộc điều tra 'Cô gái Vatican'

Trong diễn biến mới nhất trong vụ mất tích lạnh lùng kéo dài 40 năm của Emanuela Orlandi, 15 tuổi, sống ở Thành phố Vatican, các nhà điều tra được cho là đang xem xét khả năng có sự liên quan của chú của “cô gái Vatican” mất tích.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni, cho biết vào tối thứ Tư rằng văn phòng công tố của Vatican đang “tích cực hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của Ý” và đã bàn giao các tài liệu có sẵn trong cuộc điều tra được mở lại về trường hợp của Orlando.

Trong số các tài liệu được chuyển cho các công tố viên ở Rôma có những lá thư được trao đổi chỉ vài tháng sau khi Orlandi mất tích vào năm 1983 giữa Đức Hồng Y Agostino Casaroli, Quốc vụ khanh Vatican lúc bấy giờ và một linh mục người Colombia từng là cố vấn tâm linh và cha giải tội của gia đình Orlandi, theo đài truyền hình Ý La7.

Đức Hồng Y Casaroli đã yêu cầu vị linh mục xác nhận xem chị gái của Orlandi là Natalina có bị chú của cô, Mario Meneguzzi, quấy rối tình dục trước khi Orlandi mất tích hay không. Vị linh mục trả lời rằng Natalina đã tâm sự với ngài rằng cô ấy rất sợ hãi và đã yêu cầu giữ im lặng nếu không cô ấy sẽ mất việc tại quán cà phê do chú của cô ấy điều hành.

Tại một cuộc họp báo ở Rôma vào đầu tuần này, Natalina xác nhận rằng chú của cô đã có những lời nói khiếm nhã khi họ làm việc cùng nhau vào năm 1978 nhưng nói rằng điều này nhanh chóng dừng lại khi cô nói rõ rằng mình không quan tâm.

“Tôi chỉ nói chuyện đó với cha giải tội,” cô nói, lưu ý rằng cô cũng đã nói với bạn trai của mình vào thời điểm đó.

Trong tuyên bố của Vatican được công bố một ngày sau cuộc họp báo, Bruni làm rõ rằng dấu ấn tòa giải tội đã không bị phá vỡ trong cuộc điều tra của Orlandi.

“Về các báo cáo liên quan đến một người họ hàng của Emanuela, người ta lưu ý rằng thư từ được đề cập rõ ràng chỉ ra rằng không có sự vi phạm ấn tín giải tội,” Bruni cho biết vào ngày 12 tháng 7.

“Tòa Thánh chia sẻ mong muốn của gia đình là tìm ra sự thật về các hành động và, với mục đích này, hy vọng rằng tất cả các giả thuyết của cuộc điều tra sẽ được khám phá,” ông nói.

Emanuela Orlandi là con gái tuổi thiếu niên của Ercole Orlandi, một nhân viên của Phủ Giáo hoàng và là công dân của Quốc gia Thành phố Vatican. Cô đã biến mất vào ngày 22 tháng 6 năm 1983, sau khi đi học nhạc ở Rôma. Câu chuyện này đã thống trị các tiêu đề ở Ý và là chủ đề được đồn đoán trong nhiều thập kỷ.

Sự quan tâm của công chúng đối với vụ án cũng được khơi dậy vào mùa thu năm ngoái sau khi cuốn phim tài liệu “Cô gái Vatican: Sự biến mất của Emanuela Orlandi” được chiếu trên Netflix.

Loạt phim tài liệu về tội phạm có thật, được công chiếu lần đầu trên dịch vụ phát trực tuyến vào tháng 10 năm 2022, có các cuộc phỏng vấn với các đối tượng đưa ra nhiều giả thuyết về sự mất tích của Orlandi, từ sự tham gia của tội phạm có tổ chức ở Ý đến giả thuyết cho rằng Vatican có liên quan theo một cách nào đó trong vụ mất tích của Orlandi. Meneguzzi không được bộ phim đề cập đến.

Các báo cáo mới nhất của phương tiện truyền thông Ý nhấn mạnh ngoại hình của Meneguzzi giống như bản vẽ tổng hợp khuôn mặt nhận dạng của một người đàn ông được nhìn thấy đang nói chuyện với Orlandi sau buổi học nhạc của cô ấy. La 7 báo cáo rằng Meneguzzi cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc trả lời các cuộc gọi đến từ những kẻ bị cáo buộc bắt cóc sau khi Orlandi mất tích.

Pietro, anh trai của Orlandi, đã bác bỏ sự liên quan của chú mình, nói rằng Meneguzzi không có mặt ở Rôma vào ngày Emanuela mất tích và cáo buộc Vatican tìm cách từ chối mọi hình thức trách nhiệm. Ông kêu gọi Quốc hội Ý bỏ phiếu ủng hộ việc mở một ủy ban điều tra lưỡng viện để tìm ra sự thật trong vụ án của Orlando.


Source:National Catholic Register

4. Tiến sĩ George Weigel: Sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng ở Mạc Tư Khoa bị hướng dẫn sai lầm

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trên tờ Wall Street Journal, ông vừa có bài viết nhan đề “A Misguided Papal Mission in Moscow”, nghĩa là “Một sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng ở Mạc Tư Khoa bị hướng dẫn sai lầm”, với tiểu tựa “Một nền hòa bình công bằng không thể đạt được bằng cách coi hai bên trong cuộc chiến này là như nhau về mặt đạo đức.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vào tháng Tư, khi được hỏi về cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số thông tin: Vatican đang thực hiện một “sứ mệnh hòa bình” bí mật. Ngay sau đó, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna—một ứng cử viên trong mơ của Đức Giáo Hoàng về những người Công Giáo cấp tiến—làm đặc sứ của ngài cho dự án này. Mặc dù mục tiêu của sáng kiến đó chưa bao giờ được làm rõ, nhưng một buổi giới thiệu sách gần đây ở Rôma, cũng như cuộc gặp đầu tiên của Đức Hồng Y Zuppi ở Mạc Tư Khoa, đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về những ý tưởng thông báo cho ý định đó và những tác động có thể có của nó.

Sự kiện ngày 4 tháng 7 đã tôn vinh Andrea Riccardi, một nhà sử học, ứng cử viên tổng thống đầu tiên của Ý và là tác giả của một cuốn sách mới, “Tiếng kêu của hòa bình.” Ông Riccardi là người sáng lập Cộng đồng Sant'Egidio, một nhóm Công Giáo, chủ yếu là giáo dân, được biết đến với công việc giúp đỡ người nghèo, niềm đam mê đối với các cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn và những bước đột phá của nhóm vào chính trị toàn cầu. Có mặt để phát biểu trong dịp này là Donatella Di Cesare: một nhân vật quen thuộc trên truyền hình Ý và là người truyền tin trung thành cho tuyên truyền của Mạc Tư Khoa, người đã tuyên bố rằng vụ đánh bom một bệnh viện nhi của Nga “chưa bao giờ xảy ra” và vụ thảm sát trong rạp hát là “một trò lừa bịp”. Vừa trở về từ chuyến đi đến Mạc Tư Khoa, Đức Hồng Y Zuppi cũng đã phát biểu, chắc chắn là do mối quan hệ lâu năm của ngài với Sant'Egidio và mối quan hệ với các nhà lãnh đạo của nó.

Trong suốt buổi thuyết trình, nhóm đã đưa ra một số chủ đề mang tính hướng dẫn và đáng chú ý là tránh những chủ đề khác. Họ phản đối “chủ nghĩa dân tộc” dưới bất kỳ hình thức nào và tuyên bố những khái niệm như bản sắc dân tộc và biên giới là có thể thay thế được. Nói về bản sắc dân tộc và biên giới được mô tả là một sự khiêu khích đối với những người hàng xóm. Người ta nói rằng chiến tranh luôn là sự tàn sát vô nghĩa và không bao giờ dẫn đến giải pháp. Ngược lại, không có sự lên án đạo đức nào đối với cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine cũng như những hành động chiến tranh tàn bạo của nước này trong 16 tháng sau đó. Không ai nói bất cứ điều gì về nghĩa vụ đạo đức chính đáng của một quốc gia phải bảo vệ công dân của mình chống lại một kẻ xâm lược nguy hiểm.

Đức Hồng Y Zuppi đã nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha không bổ nhiệm ngài làm “người hòa giải” giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, những nhận xét của ngài về lịch sử như một “phòng thí nghiệm phức hợp” và sự phản đối của các diễn giả khác đối với các phân tích địa chính trị “một chiều” cho thấy rằng cả ngài và ông Riccardi và cộng đồng Sant'Egidio đều không nắm bắt được bản chất địa chính trị hoặc đạo đức của cuộc chiến.

Sant'Egidio từ lâu đã mong muốn trở thành một cơ quan phụ trợ phi chính phủ hoặc thậm chí là một sự thay thế cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về phương diện ngoại giao của Đức Giáo Hoàng. Cộng đồng đã làm công việc hữu ích ở Mozambique vào đầu những năm 1990, khi làm trung gian giải quyết xung đột vũ trang giữa các đối thủ chính trị. Tuy nhiên, tình hình ở Ukraine lại hoàn toàn khác.

Cuộc tấn công của Vladimir Putin là một cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa mới. Ukraine có quyền bảo vệ chủ quyền và bản sắc dân tộc của mình, là những điều mà người Nga đã đe dọa xóa sổ. Khi sứ mệnh hòa bình của Đức Giáo Hoàng được triển khai cho đến nay, Sant'Egidio dường như đã áp đặt khái niệm giải quyết xung đột—là đối thoại giữa hai bên đối xứng về mặt chính trị và đạo đức, với Sant'Egidio là người hòa giải—vào một tình huống mà đường lối đó không thể thành công. Hơn nữa, một trong những rủi ro lớn của nó là nó củng cố vị thế chính trị quốc tế của ông Putin bằng cách làm cho những tuyên bố của ông ta có vẻ hợp lý.

Cuộc gặp gỡ của Đức Hồng Y Zuppi với Đức Thượng phụ Kirill được diễn ra theo vở kịch Sant'Egidio về cuộc đối thoại đại kết sền sệt. Thượng phụ người Nga nói rằng ông “rất vui” với sự xuất hiện của Đức Hồng Y và mô tả cuộc gặp gỡ là một trong những cuộc gặp gỡ “anh em”. Tuy nhiên, một năm rưỡi qua đã chứng minh rõ ràng rằng cựu nhân viên KGB này không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo mà là một công cụ vô đạo đức của Điện Cẩm Linh. Thượng phụ Kirill đã tuyên bố một cuộc chiến tranh phi nghĩa, hứa hẹn phần thưởng trên trời cho những người lính Nga chết trận ở Ukraine, và làm mọi thứ trong khả năng của mình để củng cố quyền lực của ông Putin ở Nga. Đức Thánh Cha Phanxicô từng cảnh báo Thượng phụ Kirill đừng trở thành “cậu bé giúp lễ” của ông Putin. Nhưng kể từ đó, ông ta đã vượt qua chế độ thần quyền để phục vụ với tư cách là người hỗ trợ tôn giáo cho nhà độc tài Nga.

Vậy thì tại sao phái đoàn hòa bình của Vatican lại đối xử với một người đã chúc lành cho cuộc chiến tranh diệt chủng như thể ông ta là một giáo sĩ thực sự? Làm thế nào mà việc tham gia vào lời dối trá đó có thể thúc đẩy sự nghiệp hòa bình? Hãy tưởng tượng một “sứ mệnh hòa bình” của Giáo hoàng trong Thế chiến II tới Berlin tham gia đối thoại với Reichsbischof của Deutsche Christen do Đức Quốc xã tài trợ. Làm thế nào lịch sử có thể đánh giá một sáng kiến như vậy?

Cam kết của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với việc kiến tạo hòa bình là đáng ngưỡng mộ, và sứ mệnh của ngài vẫn có thể thực hiện công việc nhân đạo quan trọng—ví dụ, bằng cách đàm phán thả hàng trăm thường dân Ukraine bị quân xâm lược bắt làm con tin hoặc bằng cách dàn xếp việc trao trả trẻ em Ukraine bị quân đội Nga bắt cóc. Thật vậy, Vatican đã tuyên bố một số tiến bộ về điểm này. Nhưng chừng nào khái niệm kiến tạo hòa bình của cộng đồng Sant'Egidio như một cuộc đối thoại giữa các bên đối xứng về mặt chính trị và đạo đức là khuôn khổ chiến lược của Giáo hội để đối phó với chiến tranh, thì sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng không thể đóng góp cho một nền hòa bình công bằng.


Source:WSJ
 
Su-25 Nga lao xuống biển gần cầu Crimea. Putin không kích tàn bạo trả thù. Ba Tướng Dù bất tuân lệnh
VietCatholic Media
15:09 18/07/2023


1. Medvedev của Nga kêu gọi đáp trả tàn bạo và 'vô nhân đạo' sau vụ nổ cầu Crimea

Medvedev, cựu Tổng thống Nga, thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân. Phản ứng trước việc Ukraine tấn công làm gẫy một nhịp cầu của Cầu eo biển Kerch nối Crimea của Ukraine và khu vực Kresnodar của Nga, ông ta đã hô hào một phản ứng tàn bạo.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Medvedev Calls For 'Inhumane' Reply After Crimea Bridge Blasts,” nghĩa là “Medvedev của Nga kêu gọi đáp trả 'vô nhân đạo' sau vụ nổ cầu Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nói rằng “những kẻ khủng bố” phải đối mặt với hình phạt “hoàn toàn vô nhân đạo”, trong một tuyên bố được đưa ra vài giờ sau vụ tấn công bị cáo buộc vào Cầu Kerch của Crimea mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Kyiv.

Video trên mạng xã hội hôm thứ Hai cho thấy mức độ hư hại nghiêm trọng của cây cầu nối bán đảo mà Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014 với vùng Krasnodar của Nga.

Ủy ban Điều tra của Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự về cái mà họ gọi là “cuộc tấn công khủng bố” mà họ cho là do “các cơ quan đặc biệt của Ukraine” thực hiện.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa biết “ai đứng sau hành động khủng bố này”, nhưng nói thêm, “không có cuộc thảo luận nào” về phản ứng của Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, Medvedev, người từng là tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012 và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh, đã có những bình luận thẳng thắn hơn.

Mặc dù ông ta không đề cập đến tên Ukraine hay cây cầu, nhưng ông ta nói rằng thủ phạm “chỉ hiểu ngôn ngữ của quyền lực”, điều này sẽ liên quan đến “các phương pháp hoàn toàn vô nhân đạo”.

Ông cũng đổ lỗi cho Mỹ về vụ tấn công cầu Crimea khi video cho thấy thiệt hại khổng lồ.

“Cần phải cho nổ tung nhà cửa của họ và người thân của họ” cũng như “truy tìm và loại bỏ đồng bọn của họ” mà không cần xét xử.

Ông nói: “Điều chính yếu là tiêu diệt thủ lĩnh cao nhất của các tổ chức khủng bố, trong bất kỳ vết nứt nào mà những con côn trùng này ẩn náu, rất khó nhưng có thể.” Newsweek đã gửi email cho Bộ Ngoại giao Ukraine để bình luận.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Medvedev đã trở nên nổi tiếng vì sử dụng kênh Telegram của mình để đưa ra những lời đe dọa chống lại phương Tây, mặc dù không rõ quan điểm của ông phản ánh suy nghĩ của Điện Cẩm Linh ở mức độ nào.

Tuyên bố mới nhất của anh ta được đưa ra vào ngày kỷ niệm lời cảnh báo của anh ta, trong đó anh ta nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào Crimea sẽ dẫn đến “ngày phán xét”. Bán đảo Crimea thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tấn công và tấn công trong các sự việc mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Kyiv.

Giống như các vụ phá hoại khác nhằm vào các mục tiêu của Nga, Ukraine không nhận trách nhiệm về các vụ tấn công bị cáo buộc và cho rằng đó có thể là một hành động khiêu khích của Nga.

Tuy nhiên, các hãng tin, bao gồm cả BBC, đã trích dẫn các nguồn tin tình báo Ukraine khi báo cáo rằng cây cầu đã bị tấn công vào hôm thứ Hai trong một chiến dịch được thực hiện bởi cơ quan an ninh nội bộ của Ukraine, SBU và Hải quân Ukraine, sử dụng máy bay không người lái trên mặt nước.

Trong khi đó, Mykhailo Podolyak, trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, đã viết một thông điệp mơ hồ rằng, “các cấu trúc bất hợp pháp được sử dụng để cung cấp các công cụ giết người hàng loạt của Nga nhất thiết chỉ được tồn tại trong thời gian ngắn.”

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh không chắc chắn về cách Nga có thể đáp trả vụ tấn công thứ hai được cho là nhằm vào cây cầu trong 9 tháng, sau vụ nổ làm hư hại một phần của cây cầu vào tháng 10 năm 2022.

Khai trương vào năm 2018, cây cầu Kerch được Ukraine coi là biểu tượng của sự xâm lược của Nga cũng như tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng của Mạc Tư Khoa trong cuộc xâm lược toàn diện của họ.

2. Ukraine nhận trách nhiệm về vụ tấn công mới vào cây cầu chính ở Crimea

Một quan chức an ninh Ukraine đã tuyên bố Kyiv chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào cây cầu nối bán đảo Crimea bị sáp nhập với đất liền Nga – là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine và là một dự án cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin.

Cây cầu dài gần 12 dặm hay hơn 19km, còn được gọi là Cầu eo biển Kerch nối Crimea của Ukraine và khu vực Kresnodar của Nga, là cây cầu dài nhất ở Âu Châu và có tầm quan trọng mang tính biểu tượng và chiến lược to lớn đối với Mạc Tư Khoa. Cuộc tấn công vào cây cầu hôm thứ Hai là vụ thứ hai kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, sau khi một xe chở nhiên liệu phát nổ khi băng qua cầu vào tháng 10.

Trong vài giờ đầu tiên ngay sau vụ nổ, phản ứng của Ukraine là tìm cách tránh trách nhiệm vì sợ người Nga lấy cớ tấn công trả đũa. Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine, nói rằng các vụ nổ có thể là “sự khiêu khích” của Nga để lấy cớ chấm dứt thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép xuất khẩu an toàn ngũ cốc Ukraine ra Hắc Hải. Thỏa thuận hết hạn vào ngày thứ Hai. Sau đó, không phủ nhận cũng chẳng xác nhận, phát ngôn viên cục tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov nói rằng Crimea “được người Nga sử dụng như một trung tâm hậu cần lớn để di chuyển lực lượng và tài sản vào sâu trong lãnh thổ Ukraine và các vấn đề hậu cần sẽ “phức tạp hơn” đối với Mạc Tư Khoa vì vụ nổ ngày hôm nay.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận ra tầm mức thiệt hại kinh hoàng đối với cây cầu, người Ukraine nhận thức một cách rõ ràng rằng chối hay nhận đều có hậu quả như nhau, Ukrinform, cơ quan thông tấn của Ukraine tuyên bố một cách rõ ràng rằng cuộc tấn công được thực hiện bằng thuyền không người lái và được tiến hành bởi lực lượng hải quân và cơ quan an ninh nội địa của Ukraine, gọi tắt là SBU.

Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine sau đó nói rằng cây cầu đã bị thuyền không người lái của hải quân tấn công.

“Hôm nay, cầu Crimea đã bị máy bay không người lái của hải quân cho nổ tung,” Mykhailo Fedorov nói hôm thứ Hai. “Tốt hơn là nên hành động, không tiết lộ những bức ảnh về cơ sở sản xuất các thuyền này và cung cấp cho lực lượng quốc phòng của chính chúng ta,” Fedorov nói.

Một tờ báo Nga có trụ sở ở Latvia cho biết người Ukraine là một dân tộc đề cao sự trung thực. Kẹt lắm thì họ mới phải quanh co. Bình thường, họ sẽ nói thật.

3. Quan chức Ukraine cho biết Nga đã tập hợp hơn 100.000 binh sĩ tại khu vực Kupyansk

Nga đã tập trung hơn 100.000 binh sĩ tại khu vực Kupyansk để cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ của Kyiv, Đại Tá Serhii Cherevatyi, Phó Tư lệnh Liên lạc Chiến lược của Cụm quân sự phía Đông, cho biết hôm thứ Hai.

Đại Tá Cherevatyi cho biết: “Đối phương đã tập trung một nhóm rất mạnh về hướng Lyman-Kupyansk, với hơn 100.000 quân, hơn 900 xe tăng và hơn 370 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. “Đối phương đã triển khai các đơn vị dù, những đơn vị bộ binh cơ giới tốt nhất ở đó. Hỗ trợ thêm là quân dự bị chiến đấu, quân lãnh thổ, các đại đội Storm-Z.”

Ông nói thêm rằng các lực lượng Nga đang “làm mọi cách để chọc thủng hàng phòng ngự của chúng tôi. Những người lính của chúng tôi đang đứng vững trong phòng thủ.

Đại Tá Cherevatyi cho biết sự thúc đẩy của Nga trong khu vực là để cố gắng đạt được một số thành công sau khi Ukraine giành được động lực xung quanh Bakhmut.

“Người Nga ít nhất cần thể hiện một số thành công, vì vậy họ đã nỗ lực tối đa vào lĩnh vực này, làm mọi thứ có thể và không thể, để thể hiện các hành động tấn công,” ông nói.

Cherevatyi nói tiếp rằng các lực lượng Nga vẫn ở thế yếu ở Bakhmut, đồng thời cho biết thêm thương vong của họ ngày càng tăng.

Ông nói: “Tổn thất của đối phương đã tiệm cận với những tổn thất đang ở đỉnh điểm của cuộc giao tranh với Wagner. Người Nga liên tục đổi mới đội ngũ chiến đấu của họ, gửi lính dù tới đó trước hết với hy vọng ngăn chặn cuộc tấn công của chúng tôi.”

“Chúng tôi đang rất thận trọng và cân nhắc để bảo toàn lực lượng và con người của chúng tôi nhiều nhất có thể,” ông nói thêm.

4. Putin rời khỏi thỏa thuận ngũ cốc làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Leaving Grain Deal Raises Risk of Direct Conflict With NATO”, nghĩa là “Putin rời khỏi thỏa thuận ngũ cốc làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO James Stavridis, quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải có thể dẫn đến một “cuộc đối đầu trực tiếp” với các tàu chiến của NATO.

Stavridis - một đô đốc bốn sao đã nghỉ hưu, từng phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ trong 37 năm - đã đưa ra cảnh báo hôm thứ Hai sau thông báo của Nga rằng họ đang tạm dừng tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải.

Sau đó, ông nói với Newsweek rằng NATO “có thể sẽ hộ tống các tàu chở ngũ cốc và phân bón nhân đạo đến và đi từ các cảng của Ukraine như Odessa. Khi điều đó xảy ra, các tàu chiến của NATO có khả năng sẽ đối đầu trực tiếp với Hải quân Nga. Kết quả có thể không thể đoán trước và rất nguy hiểm, nhưng đó là điều đúng đắn nên làm.”

Thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển trong cuộc chiến với Nga, là chìa khóa giúp ổn định giá lương thực toàn cầu trong cuộc xung đột. Nga đã đồng ý với một số phần mở rộng đối với thỏa thuận ban đầu do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian vào tháng 7 năm 2022, nhưng Điện Cẩm Linh hôm thứ Hai tuyên bố sẽ không kéo dài thỏa thuận này nữa.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các nhà báo rằng thỏa thuận trên thực tế đã kết thúc. Ông nói thêm rằng quyết định này không dựa trên cuộc tấn công vài giờ trước đó vào cầu Kerch ở Crimea mà Nga đã cáo buộc Ukraine thực hiện.

Stavridis đã tweet rằng NATO có thể can thiệp để bảo vệ các lô hàng ngũ cốc của Ukraine nhằm ngăn chặn mối đe dọa về sự gián đoạn vận chuyển có thể xảy ra của Mạc Tư Khoa.

Ông cũng cho rằng nếu “Nga hành động liều lĩnh”, NATO có thể rơi vào tình thế căng thẳng với hạm đội hải quân của Mạc Tư Khoa ở Hắc Hải.

“Đây là tin rất xấu đối với thị trường ngũ cốc quốc tế. Nó cũng làm dấy lên nỗi ám ảnh về việc NATO quyết định cần phải hộ tống những con tàu chở ngũ cốc này.” Stavridis đã viết. “Điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hạm đội Hắc Hải của Nga và các tàu chiến của NATO nếu Nga hành động liều lĩnh”.

Stavridis nói với Newsweek trong một email rằng “chỉ đơn thuần cho phép Nga phong tỏa Ukraine một cách hiệu quả sẽ là một sai lầm nghiêm trọng của NATO. Nó sẽ đè bẹp nền kinh tế Ukraine và trao cho Nga quyền phủ quyết đối với các hoạt động di chuyển của tàu trên vùng biển quốc tế”. Do đó, NATO có thể bước vào để hộ tống các chuyến hàng.

Ukraine là một trong những nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất thế giới và Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng Ukraine đã sản xuất đủ ngũ cốc để nuôi sống khoảng 400 triệu người trên toàn thế giới trước cuộc chiến mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022.

Khi việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị gián đoạn trong những tháng đầu của cuộc chiến, giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt. Những mức giá đó đã tăng trở lại vào hôm thứ Hai sau thông báo của Điện Cẩm Linh rằng thỏa thuận đã kết thúc.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh qua email để bình luận.

5. Thuyền không người lái được báo cáo đằng sau cuộc tấn công trên cầu Crimea là gì?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Are the Aquatic Drones Reportedly Behind Strike on Crimea Bridge?”, nghĩa là “Thuyền không người lái được báo cáo đằng sau cuộc tấn công trên cầu Crimea là gì?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Các chuyên gia nói với Newsweek rằng các thuyền không người lái của Ukraine có thể đã được sử dụng để tấn công vào cây cầu Kerch quan trọng chiến lược nối từ Crimea đến Nga. Chúng rất khó bị lực lượng phòng thủ của Nga phát hiện, và Ukraine có khả năng sẽ tăng gấp đôi công nghệ không người lái giá rẻ để tấn công vào các lực lượng và cơ sở hạ tầng của Mạc Tư Khoa.

Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga cho biết hôm thứ Hai rằng hai phương tiện nổi không người lái, gọi tắt là USV, của Ukraine đã tấn công vào cây cầu ngay sau 3 giờ sáng giờ địa phương. Kênh Grey Zone Telegram, liên kết với Nhóm lính đánh thuê Wagner, cho biết có hai cuộc tấn công trên cầu, lần đầu tiên lúc 3:04 sáng và lần thứ hai vào khoảng 3:20 sáng, nhưng Newsweek không thể xác minh độc lập điều này. Kyiv chưa chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Ủy ban cho biết cây cầu đường bộ, chứ không phải đường sắt băng qua, đã bị hư hại, đồng thời cho biết thêm rằng hai người lớn đã thiệt mạng và một trẻ em bị thương.

Cây cầu Kerch dài 12 dặm hay 19km là tuyến đường quan trọng nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bị sáp nhập, mà Nga đã kiểm soát từ năm 2014. Ukraine đã nhiều lần nói rằng họ muốn phục hồi bán đảo và các chuyên gia đã dự đoán cuộc phản công đang diễn ra của họ có thể nhắm vào cây cầu.

Rất khó để Nga bảo vệ suốt dọc chiều dài của cây cầu khỏi thuyền không người lái của Ukraine, vốn rất khó bị phát hiện cho đến khi chúng tiếp cận mục tiêu, các chuyên gia gợi ý với Newsweek hôm thứ Hai.

Vào tháng 10 năm 2022, Cầu Kerch bị hư hại trong một vụ nổ mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Ukraine, mặc dù Kyiv chưa bao giờ chính thức nhận trách nhiệm về vụ nổ này.

Mykhailo Podolyak, cố vấn chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết: “Bất kỳ cấu trúc bất hợp pháp nào được sử dụng để cung cấp các công cụ giết người hàng loạt của Nga nhất thiết phải bị phá hủy trong thời gian ngắn”.

Oleksiy Goncharenko, một thành viên của quốc hội Ukraine, đã cho biết hôm thứ Hai rằng việc cây cầu bị hư hại là một “thành công lớn đối với Ukraine”, và nói thêm: “Mọi người tham gia vào việc này nên được trao giải thưởng cao nhất của nhà nước.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đã cho biết rằng Kyiv phải chịu trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh rằng “các quyết định được đưa ra bởi các quan chức và quân đội Ukraine với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan tình báo và chính trị gia Mỹ và Anh”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để bình luận qua email vào thứ Hai.

Theo chuyên gia quân sự và quốc phòng David Hambling, mặc dù có rất ít chi tiết được xác nhận về bất kỳ chiếc USV tấn công nào được cho là do Ukraine vận hành, nhưng Kyiv trước đây đã sử dụng một số loại như thế để nhắm vào lực lượng Nga. Samuel Bendett, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết thêm: “Hiện tại, các chuyên gia không thể chắc chắn những phương tiện không có động cơ này trông như thế nào.”

Nga đã nhiều lần nói rằng Ukraine đã tấn công vào các căn cứ quân sự ở Crimea bằng thuyền không người lái hải quân, bao gồm cả căn cứ ở Hắc Hải của Nga tại Sevastopol. Hôm Chúa Nhật, Nga cho biết họ đã “ngăn chặn” một cuộc tấn công của Ukraine gồm 7 máy bay không người lái và 2 thuyền không người lái vào thành phố cảng.

Ông Hambling nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng Ukraine đã từng sử dụng những chiếc USV có chiều dài dưới 20 feet, với tốc độ tối đa khoảng 50 dặm một giờ. Mang theo khoảng 400 pound chất nổ, những chiếc USV này sẽ gây sát thương ít hơn so với vũ khí “thường được sử dụng để tấn công một cấu trúc có kích thước như Cầu eo biển Kerch nối Crimea của Ukraine và khu vực Kresnodar của Nga”.

Tuy nhiên, chúng vẫn có thể “gây thiệt hại đáng kể” và có thể những chiếc thuyền lớn hơn đã được sử dụng mà không bị phát hiện, ông nói. Bendett nói với Newsweek rằng mặc dù có các cảm biến và camera gắn trên cây cầu, nhưng rất khó để theo dõi môi trường hàng hải và trên không xung quanh nó.

Ông nói, sử dụng các thuyền không người lái tương đối rẻ tiền, Ukraine có thể gây ra một số sự tàn phá đối với các hoạt động của Nga. Ukraine đã thành công trong việc tạo ra “những chiếc thuyền tấn công một chiều, rẻ tiền, có thể sử dụng được”.

Các chuyên gia cho biết các USV tấn công của Ukraine nằm rất gần mặt nước và với kích thước nhỏ, chúng rất khó bị lực lượng Nga phát hiện bằng mắt thường hoặc bằng radar và sonar. Hambling cho biết chúng có thể “bị sóng che khuất cho đến khi chúng ở rất gần” mục tiêu.

Steve Wright, nhà nghiên cứu cấp cao về hệ thống điện tử hàng không và máy bay tại Đại học West of England, Vương quốc Anh, nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng các hệ thống như radar không được thiết kế để bắt các phương tiện nhỏ và không người lái như vậy.

Hambling cũng lập luận rằng Ukraine có thể đã đánh lạc hướng lực lượng Nga khỏi cuộc tấn công thực sự bằng các tàu dễ thấy hơn.

Nhưng ngay cả khi các tàu bị phát hiện, “chúng không dễ bị tiêu diệt,” Hambling nói thêm.

Các nhà phân tích cho rằng pháo tự động cỡ lớn hoặc súng máy hạng nặng là lựa chọn tốt nhất của Nga để chống lại các cuộc tấn công của USV Ukraine. Ông Hambling cho biết loại vũ khí này “lý tưởng để tiêu diệt chúng và đã từng phát huy hiệu quả” trong quá khứ, nhưng có nhiều cách để USV Ukraine tránh được những thứ này.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí như vậy trở nên không thực tế khi càng có nhiều USV được sử dụng trong một cuộc tấn công, Wright nói. Ông nói, giống như máy bay không người lái có thể tấn công theo bầy đàn, súng máy có thể sẽ bị áp đảo trong một cuộc tấn công hàng loạt bằng USV. Ông dự đoán, Nga sẽ cần phát triển một loạt hệ thống phòng thủ hoàn toàn mới, chẳng hạn như USV phản công, để đối phó với số lượng lớn các phương tiện không người lái trong tương lai.

6. Người Nga sốc khi Su-25 lao xuống biển: 'Nó phải như thế sao?'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Shocked as Su-25 Crashes into Sea: 'Is That Supposed to Happen?'“, nghĩa là “Người Nga sốc khi Su-25 lao xuống biển: 'Nó phải như thế sao?'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội đã cho thấy những khoảnh khắc cuối cùng đầy kịch tính của một máy bay quân sự Nga khi nó lao xuống biển.

Đoạn phim được quay vào hôm thứ Hai cho thấy những người đi biển đang xem chiếc Sukhoi Su-25 lao xuống nước ngoài khơi Yeysk ở vùng Krasnodar phía nam nước Nga.

Là một khu nghỉ mát nổi tiếng dành cho khách du lịch, Yeysk nằm trên bờ phía nam của Biển Azov. Ở phía bắc là thành phố Mariupol của Ukraine, nơi từng là tâm điểm trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Một video trên kênh Baza Telegram cho thấy tiếng máy bay va vào mặt nước khi một người đàn ông hét lên: “Chết tiệt! Máy bay đã bị rơi.”

Trong một đoạn clip khác, một người la lên: “Phi công vừa nhảy khỏi máy bay, chúng ta có nên giúp anh ta hay không?”

Một giọng nữ vang lên: “Sao lại như thế? Chẳng lẽ nó phải đâm đầu xuống nước như thế à?” trước khi nói thêm, “Tôi sợ quá.”

Cơ quan quân sự Nga cho biết chiếc máy bay đã bị rơi do hỏng động cơ trong một chuyến bay huấn luyện, theo hãng thông tấn nhà nước Ria Novosti.

Đoạn video trực tuyến cho thấy phi công nhảy ra khỏi máy bay khi nó hướng xuống mặt nước. Các đội cấp cứu không thể cứu phi công, người được cho là đã chết sau khi bị vướng vào dù.

Newsweek đã gửi email cho Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Vào tháng 10, 16 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau khi một chiến đấu cơ Su-34 đâm vào một tòa nhà chung cư ở Yesyk ngay sau khi cất cánh.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Hai sau thông báo của các nhà chức trách ở Krasnodar về việc tăng cường các biện pháp an ninh trong khu vực sau vụ tấn công được cho là nhằm vào Cầu Kerch nối Crimea với lục địa Nga.

Những người lái xe đã được khuyến cáo tránh sử dụng cây cầu nối bán đảo mà Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014 với khu vực của Nga. Đoạn video do kênh Crimea 24 thân Cẩm Linh đăng tải cho thấy một phần của cây cầu đường bộ đã bị đứt và dốc về phía Hắc Hải.

Ủy ban Điều tra của Nga đã gọi vụ việc là một “cuộc tấn công khủng bố” và đổ lỗi cho “các cơ quan đặc biệt của Ukraine.”

Các quan chức Ukraine đã trực tiếp nhận trách nhiệm. Trước đó các hãng tin dẫn nguồn tin tình báo Ukraine nói rằng cơ quan an ninh và hải quân Ukraine đứng sau vụ tấn công.

7. Nga tiến hành không kích vào Odesa, 24 giờ sau vụ tấn công cầu Kerch

Các vụ nổ đã được nghe thấy tại thành phố Odesa ở miền nam Ukraine vào đầu ngày thứ Ba, khoảng 24 giờ sau một cuộc tấn công rõ ràng của Ukraine vào Cầu Kerch nối Bán đảo Crimea đã sáp nhập với đất liền Nga.

Một nhóm CNN trên mặt đất đã nghe thấy tiếng còi báo động của cuộc không kích vào khoảng 2 giờ sáng giờ địa phương và nhìn thấy lực lượng phòng không hoạt động trên toàn thành phố, sau đó là bốn vụ nổ lớn.

Người ta nhìn thấy đèn rọi đến từ hướng cảng Odesa. Lực lượng phòng không đã bắt được một vật thể rơi từ trên trời xuống và bốc cháy.

Serhiy Bratchuk, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Odesa, cho biết lực lượng phòng không Ukraine đang đẩy lùi một cuộc không kích của Nga.

“Odesa: Công việc tác chiến phòng không đang được tiến hành,” Bratchuk cho biết như trên hôm thứ Ba.

Một quan chức an ninh Ukraine trước đó vào hôm thứ Hai đã tuyên bố Kyiv chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào cây cầu, một đường tiếp tế quan trọng cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine và là một dự án cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Nga đã gọi đây là một “cuộc tấn công khủng bố” và thề rằng Mạc Tư Khoa sẽ đáp trả.

8. Putin thực hiện các thay đổi quân sự khi quân đội không tuân lệnh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Making Military Changes As Troops Disobey Orders”, nghĩa là “Putin thực hiện các thay đổi quân sự khi quân đội không tuân lệnh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, sự bất phục tùng của các chỉ huy Nga đang lan rộng trong quân đội, báo hiệu một chuỗi vấn đề về chỉ huy đối với các lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều này sẽ làm suy giảm chiến dịch của họ ở Ukraine.

Kể từ khi Putin xâm lược Ukraine, nhiều nhà phân tích cho rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã phải vật lộn với cơ cấu chỉ huy kém hiệu quả, thiếu sự tin tưởng hoặc minh bạch thông qua các cấp bậc và tinh thần binh lính xuống thấp.

Nhóm chuyên gia cố vấn hôm Chúa Nhật đã ghi nhận cách các blogger quân sự Nga phản ứng mạnh mẽ trước việc sa thải Tư lệnh Quân đoàn Vũ trang Liên hợp thứ 58, Thiếu Tướng Ivan Popov.

Đoạn băng ghi âm phát hành tuần trước cho thấy Popov phàn nàn trực tiếp với Putin về điều kiện tiền tuyến, bỏ qua Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Nhưng có những báo cáo khác về việc sa thải các quan chức hàng đầu của Nga vì đã lên tiếng cho binh sĩ của họ.

Những người này bao gồm Tư lệnh Sư đoàn Dù cận vệ 106, Thiếu tướng Vladimir Seliverstov, Tư lệnh Sư đoàn Dù số 7 Thiếu tướng Alexander Kornev và Tư lệnh Sư đoàn xe tăng 90, Thiếu tướng Ramil Ibatullin.

ISW cho biết, Thượng Tướng Mikhail Teplinsky, “đã tạo tiền lệ cho các hành động bất tuân lệnh hiện đang gây khó khăn cho Bộ Quốc phòng Nga”.

Điều này là do ông được cho là đã từ chức vào Tháng Giêng sau tranh chấp với Gerasimov về việc sử dụng lực lượng Dù trong các cuộc tấn công biển người dẫn đến tổn thất cao. Mặc dù việc từ chức của ông sẽ không bị coi là bất phục tùng, nhưng sau đó ông đã tung ra một đoạn video nhằm thúc đẩy Putin thay thế Gerasimov.

Các binh sĩ từ Sư đoàn Dù số 7 đã cảnh báo rằng họ sẽ rút khỏi Kherson bị tạm chiếm nếu Teplinsky bị bắt, ISW cho biết điều này cho thấy “sự bất tuân lệnh giữa các chỉ huy dường như đang lan sang một số binh sĩ của họ”.

ISW cho biết, đào ngũ khi đối mặt với đối phương là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, đồng thời lưu ý đến những điểm tương đồng giữa các thông điệp của Popov và Teplinsky.

Tuy nhiên, trước những thay đổi đối với các lực lượng của Nga “Gerasimov hoặc Shoigu không thể thực hiện được do những yêu cầu phi thực tế của Putin đối với nỗ lực chiến tranh, những hạn chế trong việc huy động quân đội Nga và sự kém cỏi dai dẳng của Bộ Quốc phòng Nga”

ISW cho rằng bầu không khí bất phục tùng được tạo ra bởi Putin, người đã thường xuyên bỏ qua chuỗi chỉ huy đã được thiết lập để cố gắng bảo đảm kết quả chiến trường nhanh chóng bằng cách hạ thấp quyền lực của Gerasimov và Shoigu.

Sự bất phục tùng ngày càng tăng giữa các chỉ huy của Putin có thể khuyến khích các đồng chí cấp cao khác phản đối giới lãnh đạo quân đội Nga một cách công khai hơn.

Nhóm chuyên gia tư vấn cho biết, cuộc khủng hoảng dây chuyền chỉ huy sẽ làm tổn hại đến tinh thần binh lính và “có khả năng làm suy giảm khả năng của Nga trong việc tiến hành các hoạt động tấn công chiến thuật vốn rất quan trọng đối với hệ thống phòng thủ đàn hồi của Nga ở miền nam Ukraine”. Nó cũng “đe dọa làm mất tinh thần nỗ lực chiến tranh rộng lớn hơn của Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.