Ngày 17-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lần chuỗi với đền thánh Đức Mẹ Loreto, xin Mẹ đoái thương xem nước Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:06 17/07/2021

Đền Thánh Loreto, cách Rôma 280 km về phía Đông Bắc là một trong các địa điểm hành hương lớn nhất tại Ý. Tại đây có nhà thánh Loreto, theo truyền thống chính là ngôi nhà ở Nagiarét, nơi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ. Ngôi nhà ấy đã được các Thiên Thần di chuyển từ Palestine về địa điểm mới này.
Đức Tổng Giám Mục Fabio Dal Cin, là đại diện Đức Giáo Hoàng tại Đền Thánh Loreto sẽ chủ sự buổi đọc kinh Mân Côi với sự tham dự của đông đảo anh chị em giáo dân và các kinh sĩ của Đền Thờ.

Nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ

Đền thánh Đức Mẹ Loreto là một trong các trung tâm Thánh Mẫu được tôn sùng và thu hút đông đảo các tín hữu nhất trên khắp thế giới. Và đúng như vậy, vì theo truyền thống, theo các chứng từ của các vị Giáo Hoàng và các Thánh, đây là nơi căn nhà của Đức Mẹ ở Nagiarét khi xưa đã được các Thiên thần dời về đây.

Nhà Thánh nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ được coi là nơi “sáng tạo mới” - tức là ơn cứu chuộc của chúng ta – đã bắt đầu. Trong nhiều thế kỷ qua, mọi người từ khắp nơi trên thế giới đã đến đền thờ này để cầu nguyện và tìm kiếm sự cầu bầu của Đức Mẹ. Hàng ngàn phép lạ được ghi nhận là do Đức Mẹ ban ơn cho các tín hữu kính viếng đền thánh này.

Truyền thống tôn kính và lịch sử của Nhà Thánh, nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, đã có từ thời các thánh Tông đồ. Từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, Nhà Thánh đã là nơi tấp nập các khách hành hương, và một hang đá được xây ngay bên cạnh Nhà Thánh. Năm 313, Đại đế Constantine đã xây một Vương cung thánh đường lớn bao trùm Nhà thánh Nagiarét và hang đá. Vào khoảng năm 1090, quân Hồi Giáo xâm chiếm Thánh địa, cướp bóc và phá hủy nhiều đền thờ linh thiêng đối với các Kitô hữu. Một trong số đó là Vương cung thánh đường ở Nagiarét, nhưng Nhà thánh và hang đá vẫn còn nguyên.

Khi thánh Phanxicô Assisi đến thăm Thánh Địa từ 1219 đến 1220, ngài từng cầu nguyện nhiều lần tại Nhà Thánh này. Thánh Louis thứ Chín, Vua nước Pháp, cũng đã đến thăm và rước lễ trong đền thờ này khi ngài lãnh đạo một cuộc thập tự chinh để giải phóng Thánh địa khỏi tay quân Hồi Giáo. Một nhà thờ khác được xây dựng trên nền ngôi nhà thờ cũ trong thế kỷ 12 để bảo vệ Nhà Thánh. Vương cung thánh đường thứ hai này cũng bị phá hủy sau đó khi quân Hồi Giáo đánh bại quân thập tự chinh vào năm 1263. Một lần nữa, Nhà Thánh thoát khỏi sự hủy diệt và vẫn còn nguyên vẹn dưới đống đổ nát của Vương cung thánh đường. Cuối cùng, vào năm 1291, quân thập tự chinh đã bị đánh đuổi hoàn toàn khỏi Thánh địa và chính tại thời điểm này trong lịch sử, Nhà Thánh biến mất khỏi Palestine và xuất hiện ở một nơi ngày nay chúng ta gọi là Croatia, và một ngôi đền lớn nhất được xây dựng ở đó để bao bọc Nhà Thánh, gọi là đền Đức Mẹ Trsat, tiếng Ý gọi là Tersatto.

Nhà Thánh tại Tersatto

Truyền thống cho chúng ta biết rằng vào ngày 10 tháng 5 năm 1291, Nhà Thánh Nagiarét đã được các Thiên thần dỡ khỏi nền móng ở Nagiarét và đưa băng qua Địa Trung Hải từ Palestine đến một ngọn đồi của làng Dalmatia thuộc thị trấn nhỏ Tersatto.

Cha sở nhà thờ Thánh George, tại Tersatto, là cha Alexander Georgevich, đã rất kinh ngạc trước sự hiện diện bất ngờ của một nhà thờ nhỏ và cầu nguyện xin được soi sáng. Những lời cầu nguyện của ngài đã được trả lời khi Đức Trinh Nữ xuất hiện với ngài trong giấc ngủ và nói với ngài rằng đây thực sự là Nhà thánh Nagiarét, nơi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ và đã được đưa đến đây nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Để xác nhận những gì Mẹ nói với ngài, ngài tức khắc được phục hồi sức khỏe, khỏi hẳn những căn bệnh mà ngài đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Anh chị em giáo dân được khích lệ đến hành hương tại đây và nhiều người nhận được các ơn lạ.

Nhà Thánh tại Loreto

Năm 1294, khi quân Hồi Giáo tiến chiếm Albania và có khả năng sẽ phạm thánh, ngôi nhà đột nhiên biến mất khỏi Tersatto. Một số người chăn chiên quả quyết đã nhìn thấy vào ngày 10 tháng Mười Hai năm 1294, Nhà Thánh được các Thiên thần nâng lên lơ lửng trên không, băng qua biển Adriatic và đến một khu rừng cách thành phố Recanati của Ý 6.5km. Tin tức lan truyền nhanh chóng và hàng ngàn người đến xem ngôi nhà nhỏ giống như một nhà thờ. Ngôi nhà trở thành nơi hành hương và nhiều phép lạ đã diễn ra ở đó. Nhưng kẻ cướp từ khu vực rừng cây gần đó bắt đầu làm khổ những người hành hương, vì vậy Nhà Thánh được đưa đến một nơi an toàn hơn cách đó không xa. Nhưng ở nơi này cũng không xong vì hai anh em sở hữu mảnh đất đang tranh cãi nhau. Ngôi nhà đã được chuyển đến địa điểm hiện nay. Hai anh em nhà nọ trở nên hòa thuận với nhau ngay khi Nhà Thánh định cư ở vị trí cuối cùng. Thật là lạ lùng, bất cứ nơi nào Nhà Thánh đáp xuống, ngôi nhà đều nằm vững chãi một cách kỳ diệu trên mặt đất, mặc dù không có nền móng gì cả.

Đứng trước những phép lạ tuôn đổ trên những người hành hương, giáo quyền và người dân muốn biết chắc chắn đây có phải là Nhà Thánh ở Nagiarét không. Vì thế họ đã gửi một phái đoàn gồm 16 người đàn ông đến Tersatto và sau đó đến Nagiarét để xác định chắc chắn nguồn gốc của Nhà Thánh. Mười sáu người đàn ông, tất cả đều là các công dân đáng tin cậy, đã mang theo các số đo và chi tiết đầy đủ của Nhà Thánh, và sau vài tháng trở lại với báo cáo rằng theo ý kiến của họ, Nhà Thánh này đã thực sự đến từ Nagiarét.

Phản ứng của các vị Giáo Hoàng

Trong nhiều thế kỷ, nhiều vị Giáo Hoàng đã công nhận tính xác thực của Nhà Thánh và các phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ khi các tín hữu hành hương đến đây. Sự sùng kính của các vị Giáo Hội đối với Nhà Thánh được thể hiện qua vô số các ân xá được trao cho những người đến thăm Nhà Thánh. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên ban các ân xá, sau đó đến Đức Giáo Hoàng Urbanô VI. Ngài đã ban ân xá cho các tín hữu hành hương đến đây vào ngày lễ mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Các Đức Giáo Hoàng Boniface IX và Martin V cũng ban nhiều ân xá. Một bảng liệt kê danh sách các vị Giáo Hoàng ban ân xá cho các tín hữu hành hương trong nhiều thế kỷ qua đã thể hiện xác tín của các ngài về tính xác thực của Nhà Thánh tại Đền Thờ Loreto.

Kinh cầu Đức Bà Loreto

Kinh cầu Đức Bà mà chúng ta thường đọc còn được gọi là Kinh cầu Đức Bà Loreto vì đây là nơi xuất phát kinh cầu này vào năm 1558, và sau đó được Đức Giáo Hoàng Xittô V phê duyệt và truyền công bố trong toàn thể Giáo Hội vào năm 1587. Đó là một trong 5 kinh cầu được chính thức phê duyệt dùng trong toàn thể Giáo Hội.

Các vị Thánh đã từng hành hương đền thờ Nhà thánh Loreto

Bất cứ nơi nào có đền thờ Đức Mẹ đích thực hiện ra, bạn có thể chắc chắn sẽ có nhiều phép lạ. Điều này đặc biệt đúng tại Nhà Thánh, nơi đã có rất nhiều người được chữa khỏi không thể giải thích được về mặt Y khoa. Trên thực tế, ít nhất ba vị Giáo Hoàng đã được chữa khỏi một cách kỳ diệu tại đền thờ Nhà thánh Loreto.

Hơn hai ngàn người đã được Giáo hội phong thánh, phong chân phước hoặc tôn kính đã đến thăm Nhà Thánh. Thánh Têrêxa thành Lisieux, Thánh Anphongsô Liguori, Thánh Frances Cabrini, Hồng Y Newman, Thánh John Neumann và Thánh Phanxicô đệ Salê đều đã viếng thăm Nhà Thánh.

Thánh Phanxicô Assisi vào những năm đầu của thế kỷ 13 đã thành lập một tu viện tại Sirolo, phía bắc Recanati. Trước sự hoang mang của một nhóm các tu sĩ, Thánh Phanxicô đã tiên báo trước rằng trước khi kết thúc thế kỷ đó, một thánh đường sẽ được xây dựng gần đó, nơi nổi tiếng hơn Rôma hoặc Giêrusalem và các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến hành hương Thánh địa này. Lời tiên tri này đã được chứng minh là đúng khi Nhà Thánh Loreto đến vào ngày 10 tháng 12 năm 1294.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đến thăm Đền thờ nhân kỷ niệm 50 năm chuyến viếng thăm Đức Gioan 23. Trong chuyến viếng thăm này, Đức Bênêđíctô chính thức phó dâng Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và Năm Đức tin cho Đức Mẹ Loreto.
 
Nghỉ Ngơi Để Đi Ra Với Trái Tim Yêu Thương
LM. Giuse Trương Đình Hiềnt
08:57 17/07/2021
Nghỉ Ngơi Để “Đi Ra” Với Trái Tim Yêu Thương

(Cn 16 TN B 2021)

Trong những ngày này, rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, đang vật vã chống chọi với Đại dịch Covid-19, mà những “chiến sĩ ở tuyến đầu” là các nhân viên y tế, đang lâm vào tình trạng mỏi mệt, kiệt sức. Hai tin nhắn của nhân viên y tế Thừa Thiên Huế sau đây là một thí dụ điển hình:

- "Bác ơi, cứ cường độ làm PCR như thế này, em sợ mấy em không chịu nỗi bác à. Mỗi ngày làm việc 12 giờ, nghỉ được 6 tiếng, liên tục mấy ngày nay rồi bác à".

- “Hà ơi, bác biết hết. Anh em CDC gần như kiệt sức cả rồi. Bác cầu mong mọi người không ai gục ngã hết. Cố gắng vượt qua giai đoạn này, tất cả vì cộng đồng”[1].

Vâng, trong những hoàn cảnh và tình trạng như thế, nếu có được một chút không gian và thời gian để “nghỉ ngơi đôi chút” thì quả là tuyệt diệu !

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay, có thể nói được, đã bắt đầu từ một lời kêu gọi trở về nghỉ ngơi: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”.

Chắc chắn, khi ra chỉ thị nầy cho các môn sinh, Đức Kitô đã nhìn thấy bao nhiêu lo toan, mệt nhọc, bận bịu…của các bạn hữu của Ngài như Tin Mừng kể lại: Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống; một sự bận rộn, tất bật có nguy cơ sẽ dẫn các ngài tới chỗ chán nản, buông xuôi hoặc tình trạng bị tục hóa, biến chất…!

Người tông đồ hôm nay nào có khác gì ! Trước bao nhiêu nhu cầu của “đàn chiên không người chăn”, chỉ có “trái tim chạnh thương của người mục tử” mới có khả năng đáp ứng, chứ không thể là một mục tử biến chất, một tông đồ mà cuộc sống chẳng khác nào một công nhân, một người thợ máy móc vô cảm, chai lỳ…!

Cũng trong ý nghĩa này, theo như trực cảm của ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, nếu không có cuộc “dừng chân nội tâm cần thiết”, một cuộc “ngơi nghỉ tâm hồn”, tất cả chúng ta, các đồ đệ của Chúa Giêsu, có nguy cơ “không còn nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, đánh mất niềm vui và bình an, phai nhạt ước muốn làm điều thiện”, hoàn toàn bị tục hóa: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (EG 2).

Điều đó lại càng bi đát hơn đối với dân Chúa, nếu tình trạng đó thuộc về các mục tử, những người có trách nhiệm với đàn chiên, như lời cảnh báo của ngôn sứ Giêrêmia từ thời Cựu ước xa xăm, trước Chúa Kitô hàng mấy trăm năm: “Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta” (BĐ 1).

Nhưng, theo ngữ cảnh Tin Mừng, việc “nghỉ ngơi” mà Chúa Giêsu mời gọi đó có gì đặc biệt?

Phải chăng đó là: “xúm xít quanh Đức Kitô, kể lại mọi điều đã làm và đã dạy”.

Vâng, Đức Kitô phải ở trung tâm của đời sống chúng ta. Chỉ có Ngài mới giúp chúng ta tìm lại được chính mình, thanh lọc cõi lòng mình, điều chỉnh con tim mình và định hướng cho hành trình tiếp theo của mình, như chính ĐTC Phanxicô đã xác nhận trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (EG 3).

Có thể, thời Đại Dịch nầy, là một “cơ hội thuận lợi” để chúng ta có dịp “xúm xít quanh Đức Kitô” cách ý thức và trân trọng hơn:

- Quanh Đức Kitô nơi một Thánh lễ online với gia đình, một “bàn Tiệc Thánh Thể cao quý”, mà trong thuở bình thường trước đây, tại nhà thờ, tôi chỉ là một kẻ bàng quang lo ra chia trí !

- Quanh Đức Kitô nơi giờ kinh gia đình với chuỗi Mân Côi, với Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse…

- Quanh Đức Kitô với một đoạn Lời Chúa cùng đọc, cùng suy với con cái, cháu chắt…

- Quanh Đức Kitô trong những bữa cơm chiều thân mật với vợ con…

Vâng, “nghỉ ngơi” theo Chúa Kitô đích thị là một cuộc “tĩnh tâm”, một cuộc “gặp gỡ”, một cuộc “canh tân mối tương quan với Ngài”, một cuộc “hoán cải nội tâm”…

Một khi đã được “tái tạo thành một con người mới” sau cuộc tĩnh tâm với Chúa Giêsu, chắc chắn, các môn sinh của Ngài sẽ nhận ra một điều quan trọng nhất nơi dung mạo của Đức Kitô, nhân cách của Đức Kitô và chương trình hành động của Ngài mà Tin Mừng hôm nay đã tóm gọn bằng một cụm từ chân xác: ĐỘNG LÒNG THƯƠNG: Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Quả thật, không ai đã từng gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô mà lại không khám phá được một Thiên Chúa Tình Yêu, một tình yêu có khả năng phá đổ mọi bức tường rẻ chia ngăn cách, như thư Êphêsô xác nhận: “xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người…”.

Và Đức Kitô mời gọi chúng ta lên đường, tiếp tục thể hiện thái độ “Chạnh lòng thương” đó đối với con người, với thế giới hôm nay, một thế giới, không chỉ có một đoàn chiên không người chăn mà có hàng tỷ thân phận con người bì vùi dập trong những nỗi bi đát, thương đau, khổ lụy, như ĐTC Phanxicô đã liệt kê trong cả số 15 của Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, để rồi ngài kết luận: “Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài đang tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị kết án theo Đức Ái.” (Số 15).

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay, khi mang chúng ta trở về gặp gỡ Đức Kitô, Vị Mục tử chạnh lòng thương, lại đưa chúng ta lên đường để yêu thương phục vụ mọi người, nhất là những người đang mang những vết “trầy xướt”[2] bi ai đang bị lãng quên trên những “vùng rìa”[3] của thế giới. Amen.

Trương Đình Hiền

[1] HOÀ KHÁNH; bài viết: Hình ảnh nữ nhân viên xét nghiệm kiệt sức, ngồi bệt trong phòng gây xúc động; website https://congan.com.vn/doi-song/kiet-suc-ngoi-bet-trong-phong-trong-tuyen-dau-chong-dich-covid-19_112169.html; đăng ngày 17.7.2021.

[2] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15: “Có biết bao nhiêu là những vết thương đang bị làm trầy xước.”

[3] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15: “tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau…”
 
Một trải nghiệm không thể thiếu
Lm. Minh Anh
23:02 17/07/2021
MỘT TRẢI NGHIỆM KHÔNG THỂ THIẾU
“Chính Ngài là sự bình an của chúng ta!”.

Thế chiến thứ hai kết thúc, quân đội đồng minh đã tập hợp nhiều trẻ mồ côi đói và khát. Các em được đưa vào trại, nơi chúng được ăn uống đầy đủ. Thế nhưng, dù được chăm sóc tuyệt vời, chúng vẫn ngủ không ngon vì bất an và sợ hãi. Cuối cùng, một nhà tâm lý đưa ra một giải pháp. Mỗi trẻ được phát một miếng bánh mì trước khi đi ngủ; miếng bánh này chỉ để cầm, không được ăn. Vậy mà miếng bánh đã tạo ra một kết quả tuyệt vời. Bọn trẻ đi ngủ theo bản năng, chúng sẽ có bánh ăn sáng hôm sau. Bảo đảm đó mang lại cho các em một giấc ngủ ngon và mãn nguyện!

Kính thưa Anh Chị em,

Còn hơn những chiếc bánh mì, ‘bảo chứng bình an’ dành cho các trẻ mồ côi, thánh Phaolô xác quyết, “Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta” qua bài đọc thứ hai Chúa Nhật hôm nay. Đây là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ trong đời sống người môn đệ. Chính Chúa Giêsu biết điều đó, vì sau những ngày thực tập, các môn đệ trở về, kể cho Thầy mình bao điều; họ hy vọng sẽ được Thầy khen. Thế nhưng, lạ lùng thay, Chúa Giêsu lại bảo, “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Phải chăng Chúa Giêsu muốn nói đến một sự nghỉ ngơi trong chính Ngài!

‘Hãy lui vào nơi vắng vẻ Giêsu!’. Đây là một lời mời mà chúng ta cần nghe nhiều hơn những gì chúng ta nhận ra; nhưng đó cũng là một lời mời mà nhiều người khó chấp nhận. Vậy mà, có một điều gì đó rất chữa lành, rất hữu ích đến từ sự im ắng và vắng vẻ của không gian có tên gọi Giêsu đó; ở không gian linh thánh này, mỗi người sẽ có những khoảnh khắc quý báu, tìm lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, để lấy lại sự tập trung và định hướng lại cuộc sống mình. Bởi lẽ, ngay hôm nay, con người bị choáng ngợp bởi sự bận rộn hơn bao giờ hết! ‘Bận rộn’ thường là một cách để ‘Kẻ Ác’ làm chúng ta thất vọng, khiến chúng ta đi trệch đường. ‘Bận rộn’ ngăn cản chúng ta nghe được tiếng thì thầm dịu dàng, trong sáng và tươi mới của Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay nói đến sự bận rộn của Thầy trò Chúa Giêsu, “Dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thời giờ ăn uống”. Nghe lời Thầy, “Các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh”. Chúa Giêsu biết, cuộc sống còn nhiều điều hơn là công việc! Lùi lại, tìm một nơi hẻo lánh, có thể giúp mang lại sự cân bằng cho cuộc sống, mang lại những gì quý giá còn hơn cả những gì đang làm. Bởi lẽ, có những thời điểm trong cuộc đời, khi mà việc làm cần phải nhường chỗ cho sự tồn tại, cho sự hiện diện; đúng hơn, cho sự ở lại với Giêsu. Ở lại với Giêsu là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ của người môn đệ; ở lại với Ngài giúp chúng ta thoát khỏi những gánh công việc đè nặng một cách không cần thiết, và ngay cả những việc tốt lành của bổn phận. Lý do khiến chúng ta cần ‘lui vào nơi vắng vẻ Giêsu’ và ‘nghỉ ngơi trong Ngài’ là vì, có nhiều điều ‘nằm ngoài ý muốn’ của Thiên Chúa ngay trong những bổn phận tốt lành. Đây là những gánh nặng chúng ta tự đặt lên mình một cách không cần thiết; đó là những gì cần được buông bỏ.

Trong bài đọc thứ nhất, Giêrêmia nói đến một mục tử Thiên Chúa ban cho dân Ngài, một mục tử quy tụ đoàn chiên đã phân tán, “Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta”. Trong Mục Tử Giêsu, không chỉ đoàn chiên phân tán được quy tụ, nhưng chính ‘sự phân tán’ trong từng con chiên cũng được quy tụ. Phải, mỗi người chúng ta, có lẽ cũng đang rất phân tán, những phân tán khiến chúng ta ra nặng nề. Vậy mà Mục Tử Giêsu đã từng nói những lời yêu thương này, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”. Ngài đang mời chúng ta ở lại trong Ngài để tìm thấy sự nghỉ ngơi. Đó là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ trong mọi bậc sống vì như Ngài đã nói, “Ta xót thương dân này!”, Ngài đang xót thương chúng ta.

Anh Chị em,

“Chính Ngài là sự bình an của chúng ta!”. Một lời thật an ủi cho chúng ta trong thời điểm hiện tại, một thời điểm không ai biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Bước tới một tương lai vô định như hôm nay, chúng ta nhận thức rõ ràng mọi sự trên đời chỉ là tạm thời và quá bấp bênh. Chỉ nơi Thiên Chúa là núi đá vững chắc; chỉ nơi Ngài và trong Ngài, chúng ta tìm được niềm vui, lẽ sống và sự an bình đích thực. Quả thật, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật thâm thuý! Chúa Giêsu đang nói với chúng ta sự cần thiết của việc cầu nguyện, vốn là nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Ngài; nó được ví như ‘dòng nước yên tĩnh’, ‘dòng nước Giêsu’, vốn sẽ làm sống lại tinh thần đang sa sút của chúng ta; Ngài sẽ làm tươi mới chí khí của chúng ta với quyền năng Ngài và tiếp sức cho chúng ta bằng sức mạnh của Thánh Thần Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong sự hiện diện của Chúa, xin cho con sự minh mẫn và sức mạnh khi con biết ở lại với Chúa, đó là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ trong đời sống môn đệ của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thư Đức Phanxicô gửi các giám mục trên thế giới về Tự sắc Traditionis Custodes
Vũ Văn An
01:36 17/07/2021

Rôma, ngày 16 tháng 7 năm 2021

Qúy huynh đệ trong hàng Giám mục thân mến,

Giống vị Tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđíctô XVI đã làm với Tự sắc Summorum Pontificum, tôi muốn đính kèm Tự sắc Traditionis một lá thư giải thích các động cơ thúc đẩy quyết định của tôi. Tôi hướng đến qúy huynh đệ với niềm tín thác và mạnh dạn, nhân danh “sự lo lắng chung đối với toàn thể Giáo hội, góp phần tối cao vào lợi ích của Giáo hội Hoàn vũ” như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta [1].



Hầu hết mọi người đều hiểu các động cơ từng thúc đẩy Thánh Gioan Phaolô II và đức Bênêđictô XVI cho phép sử dụng Sách lễ Rôma, do Thánh Piô V ban hành và Thánh Gioan XXIII hiệu đính năm 1962, cho Hy tế Thánh Thể. Năng quyền - được cấp bởi đặc miễn (indult) của Thánh bộ Phụng thờ Thiên Chúa vào năm 1984 [2] và được Thánh Gioan Phaolô II xác nhận trong Tự sắc Ecclesia Dei năm 1988 [3] – trước hết được thúc đẩy bởi mong muốn cổ vũ việc hàn gắn cuộc ly giáo với phong trào của Đức Cha Lefebvre. Với ý định nhằm khôi phục sự hiệp nhất Giáo hội, do đó, các Giám mục được yêu cầu rộng lượng chấp nhận “nguyện vọng chính đáng” của các tín hữu đã yêu cầu sử dụng Sách lễ đó.

Nhiều người trong Giáo hội coi năng quyền này là cơ hội để tự do tiếp nhận Sách lễ Rôma do Thánh Piô V ban hành và sử dụng nó theo cách song song với Sách lễ Rôma do Thánh Phaolô VI ban hành. Để điều chỉnh tình trạng này trong khoảng thời gian nhiều năm, Đức Bênêđíctô XVI đã can thiệp để giải quyết tình trạng sự việc này trong Giáo hội. Nhiều linh mục và cộng đoàn đã “sử dụng với lòng biết ơn khả thể được cung cấp bởi Tự sắc” của Thánh Gioan Phaolô II. Nhấn mạnh rằng sự phát triển này không thể lường trước được vào năm 1988, Tự sắc Summorum năm 2007 dự định đưa ra “một quy định pháp lý rõ ràng hơn” trong lĩnh vực này [4]. Để cho phép những người, kể cả những người trẻ tuổi, những người khi “khám phá ra hình thức phụng vụ này, cảm thấy được lôi cuốn và tìm thấy trong đó một hình thức, đặc biệt phù hợp với họ, để gặp gỡ mầu nhiệm Thánh Thể cực thánh” được tiếp cận nó[5 ], Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố “Sách lễ do Thánh Piô V ban hành và mới được Chân phước Gioan XXIII hiệu đính, là một cách diễn đạt ngoại thường của cùng một luật cầu nguyện [lex orandi]”, và ban “khả thể rộng rãi hơn cho việc sử dụng Sách lễ năm 1962” [6].

Khi đưa ra quyết định của mình, các ngài tin tưởng rằng một dự liệu như vậy sẽ không gây nghi ngờ cho một trong những biện pháp quan trọng của Công đồng Vatican II hoặc giảm thiểu thẩm quyền của nó bằng cách này: Tự sắc công nhận rằng, theo đúng quyền của nó, “Sách lễ ban hành bởi Đức Phaolô VI là cách diễn đạt thông thường của luật cầu nguyện của Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Latinh ” [7]. Việc công nhận Sách lễ do Thánh Piô V ban hành “như một cách diễn đạt ngoại thường của cùng một luật cầu nguyện”, bất cứ cách nào, cũng không hề hạ giá việc cải cách phụng vụ, nhưng được ra sắc lệnh với mong muốn thừa nhận “những lời cầu nguyện khẩn thiết của các tín hữu này,” cho phép họ “cử hành Hy tế Thánh lễ theo tiêu bản [editio typica] của Sách lễ Rôma do Chân phước Gioan XXIII ban hành năm 1962 và không bao giờ bị bãi bỏ, như là hình thức ngoại thường của Phụng vụ Giáo hội” [8]. Điều an ủi Đức Bênêđíctô XVI trong sự phân định của ngài là nhiều người mong muốn “tìm thấy hình thức Phụng vụ thánh thân thiết với họ”, “rõ ràng chấp nhận đặc tính ràng buộc của Công đồng Vatican II và trung thành với Đức Giáo Hoàng và các Giám mục” [9]. Hơn nữa, ngài tuyên bố là vô căn cứ việc sợ có sự chia rẽ trong các cộng đồng giáo xứ, bởi vì “hai hình thức sử dụng Nghi lễ Rôma sẽ làm giàu lẫn cho nhau” [10]. Vì vậy, ngài mời gọi các Giám mục gạt bỏ những nghi ngờ và sợ hãi của họ, và hoan nghênh các quy tắc, "lưu tâm để mọi điều tiến hành trong hòa bình và thanh thản," với lời hứa rằng "sẽ có thể tìm được các giải pháp" trong trường hợp "các khó khăn nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng” trong việc thực hiện các tiêu chuẩn “một khi Tự sắc có hiệu lực” [11].

Với mười ba năm trôi qua, tôi đã chỉ thị cho Bộ Giáo lý Đức tin phân phối một bảng câu hỏi cho các Giám mục về việc thực thi Tự sắc Summorum Pontificum. Các câu trả lời tiết lộ một tình huống khiến tôi bận tâm và buồn phiền, đồng thời thuyết phục tôi về sự cần thiết phải can thiệp.

Thật đáng tiếc, mục tiêu mục vụ của các vị Tiền nhiệm của tôi, những vị vốn có ý định “làm mọi điều có thể để bảo đảm rằng tất cả những người thực sự khát vọng hiệp nhất sẽ thấy họ có thể duy trì sự hiệp nhất này hoặc tái khám phá nó” [12], thường bị coi thường một cách trầm trọng. Một cơ hội được Thánh Gioan Phaolô II và, một cách rộng lượng hơn, được Bênêđíctô XVI cung ứng, nhằm khôi phục sự hợp nhất của cơ thể Giáo hội với những nhạy cảm phụng vụ đa dạng, đã bị khai thác để mở rộng thêm hố phân cách, tăng cường các khác biệt và khuyến khích các bất đồng gây tổn hại cho Giáo hội, chặn đường đi của Giáo Hội, và khiến Giáo Hội phải đối đầu với nguy cơ chia rẽ.

Đồng thời, tôi đau buồn về các lạm dụng trong việc cử hành phụng vụ ở mọi phía. Cùng với Bênêđíctô XVI, tôi lấy làm tiếc sự kiện này là “ở nhiều nơi, các quy định của Sách Lễ mới không được tuân thủ trong việc cử hành, nhưng thực sự còn bị hiểu như một sự cho phép hoặc thậm chí như một đòi hỏi của óc sáng tạo, dẫn đến những bóp méo gần như không thể chịu đựng được” [13]. Nhưng tôi vẫn thấy buồn vì việc sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 như một công cụ thường có đặc điểm ở chỗ bác bỏ không những cuộc cải tổ phụng vụ, mà cả chính Công đồng Vatican II, vì cho rằng nó đã phản bội Truyền thống và "Giáo hội đích thực", với những khẳng định vô căn cứ và không thể được chống đỡ. Con đường của Giáo hội phải được nhìn trong tính năng động của Truyền thống “bắt nguồn từ các Tông đồ và tiến diễn trong Giáo hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (DV 8). Giai đoạn gần đây của tính năng động này đã được Công đồng Vatican II thiết lập trong đó hàng giám mục Công Giáo đến với nhau để lắng nghe và phân định con đường cho Giáo hội được Chúa Thánh Thần chỉ định. Nghi ngờ Công đồng là nghi ngờ ý định của chính những Nghị phụ đã thực thi quyền lực hợp đoàn của các ngài một cách long trọng cum Petro et sub Petro [cùng với Phêrô và dưới Phêrô] trong một công đồng chung [14], và, nếu phân tích cho cùng, nghi ngờ chính Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo Hội.

Mục tiêu sửa đổi việc cho phép do các Vị tiền nhiệm của tôi ban cấp được chính Công đồng Vatican II nêu bật. Từ việc các phiếu bầu của các Giám mục đệ trình ở đó, ta thấy các ngài nhấn mạnh rất nhiều đến việc tham gia trọn vẹn, có ý thức và tích cực của toàn thể dân Chúa vào phụng vụ [15], phù hợp với các đường hướng đã được Đức Piô XII chỉ ra trong Thông điệp Mediator Dei [Đấng Trung gian của Thiên Chúa] về việc canh tân phụng vụ [16]. Hiến chế Sacrosanctum Concilium đã xác nhận lời kêu gọi này, bằng cách tìm kiếm “sự đổi mới và thăng tiến phụng vụ” [17], và bằng cách chỉ ra các nguyên tắc nên hướng dẫn cuộc cải tổ [18]. Đặc biệt, nó xác định rằng các nguyên tắc này liên quan đến Nghi lễ Rôma, và các nghi lễ hợp pháp khác nếu có thể áp dụng, và yêu cầu “các nghi lễ được duyệt xét cẩn thận dưới ánh sáng truyền thống lành mạnh, và chúng được cung cấp sức sống mới để đáp ứng các hoàn cảnh và nhu cầu thời nay ” [19]. Trên cơ sở những nguyên tắc này, một cuộc cải tổ phụng vụ đã được thực hiện, với biểu thức cao nhất của nó trong Sách Lễ Rôma, được Thánh Phaolô VI công bố trong tiêu bản [20] và được Thánh Gioan Phaolô II sửa đổi [21]. Do đó, cần phải cho rằng Nghi lễ Rôma, được thích ứng nhiều lần trong suốt nhiều thế kỷ theo nhu cầu của thời đại, không những phải được bảo tồn mà còn được đổi mới “trong sự tuân thủ trung thành đối với Truyền thống” [22]. Bất cứ ai muốn cử hành với lòng sùng kính theo các hình thức trước đây của phụng vụ có thể tìm thấy trong Sách lễ Rôma được cải cách theo Công đồng Vatican II tất cả các yếu tố của Nghi lễ Rôma, đặc biệt là Lễ qui Rôma [Roman Canon] vốn tạo thành một trong những yếu tố khác biệt hơn của nó.

Lý do cuối cùng cho quyết định của tôi là thế này: Càng rõ ràng hơn trong lời nói và thái độ của nhiều người là mối liên hệ chặt chẽ giữa việc lựa chọn cử hành theo các sách phụng vụ trước Công đồng Vatican II và việc bác bỏ Giáo hội và các định chế của Giáo hội nhân danh điều được gọi là “Giáo hội đích thực”. Ở đây, người ta đang đương đầu với một tác phong mâu thuẫn với sự hiệp thông và nuôi dưỡng khuynh hướng chia rẽ - “Tôi thuộc về Phaolô; Thay vào đó tôi thuộc về Apollo; Tôi thuộc về Cephas; Tôi thuộc về Đấng Kitô ”- điều mà Thánh Tông đồ Phaolô đã phản đối một cách mạnh mẽ [23]. Để bảo vệ sự hợp nhất của Thân thể Chúa Kitô, tôi buộc phải thu hồi năng quyền được các vị Tiền nhiệm của tôi ban cấp. Việc sử dụng đầy xuyên tạc đã được thực hiện cho năng quyền này là trái với các ý định dẫn đến việc cho phép tự do cử hành Thánh lễ với Sách Lễ Rôma [Missale Romanum] năm 1962. Vì “các cử hành phụng vụ không phải là các hành động riêng tư, nhưng là các cử hành của Giáo hội, là bí tích hiệp nhất ” [24], chúng phải được thực hiện trong sự hiệp thông với Giáo hội. Công đồng Vatican II, trong khi tái xác nhận các mối ràng buộc bên ngoài của việc tháp nhập vào Giáo hội - tuyên xưng đức tin, các bí tích, sự hiệp thông – đã khẳng định với Thánh Augustinô rằng việc ở lại trong Giáo hội không chỉ “bằng thân xác” mà còn “bằng tâm hồn” là điều kiện để được cứu rỗi [25].

Qúy huynh đệ thân mến trong hàng Giám mục, Sacrosanctum Concilium giải thích rằng Giáo hội, “bí tích hiệp nhất”, là như vậy vì là “Dân thánh được quy tụ và cai quản dưới thẩm quyền của các Giám mục” [26]. Hiến chế Lumen gentium, trong khi nhắc lại rằng Giám mục Rôma là “nguyên tắc vĩnh viễn và hữu hình và là nền tảng của sự hiệp nhất của cả các giám mục lẫn của vô số các tín hữu”, nói rằng quý huynh đệ Giám mục là “nguyên tắc hữu hình và nền tảng của sự hiệp nhất của các Giáo hội địa phương của qúy vị, trong đó và qua đó hiện hữu một Giáo Hội Công Giáo duy nhất ” [27].

Đáp ứng yêu cầu của qúy huynh đệ, tôi cương nghị quyết định bãi bỏ tất cả các quy tắc, huấn thị, giấy phép và phong tục có trước Tự sắc này, và tuyên bố rằng các sách phụng vụ được ban hành bởi các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, tạo thành biểu thức độc nhất của luật cầu nguyện của Nghi lễ Rôma. Trong quyết định này, tôi tìm an ủi ở sự kiện này là sau Công đồng Trent, Thánh Piô V cũng bãi bỏ tất cả các nghi lễ không được chứng mình là có tính cổ xưa, và đã thiết lập cho toàn thể Giáo hội Latinh một Sách lễ Rôma duy nhất. Trong bốn thế kỷ, Sách lễ Rôma, do Thánh Piô V ban hành, do đó, là biểu thức chính của luật cầu nguyện của Nghi thức Rôma, và có chức năng duy trì sự thống nhất của Giáo hội. Không phủ nhận phẩm giá và sự cao cả của Nghi lễ này, các Giám mục tập hợp trong công đồng chung yêu cầu nó được cải tổ; ý định của các ngài là “các tín hữu sẽ không tham dự như những người xa lạ và những khán giả im lặng vào mầu nhiệm đức tin, nhưng, với sự hiểu biết đầy đủ về các nghi thức và lời cầu nguyện, sẽ tham dự vào hành động thánh thiêng một cách có ý thức, sốt sắng và tích cực” [28]. Thánh Phaolô VI, khi nhắc lại rằng công việc sửa đổi Sách Lễ Rôma đã được Đức Piô XII khởi xướng, đã tuyên bố rằng việc sửa đổi Sách Lễ Rôma, được thực hiện dưới ánh sáng của các nguồn phụng vụ cổ xưa, có mục đích cho phép Giáo Hội dâng lên, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, “một lời cầu nguyện duy nhất và đồng nhất” nói lên sự hiệp nhất của Giáo Hội [29]. Sự hiệp nhất này tôi dự tính sẽ tái lập trong toàn bộ Giáo hội của Nghi lễ Rôma.

Công đồng Vatican II, khi mô tả tính Công Giáo của dân Chúa, đã nhắc lại rằng “trong sự hiệp thông Giáo hội”, hiện hữu nhiều Giáo hội đặc thù hưởng thụ các truyền thống riêng của mình, không gây hại đến quyền tối thượng của Tòa Phêrô, là tòa chủ trì tình hiệp thông bác ái hoàn vũ, đã bảo đảm tính đa dạng hợp pháp và cùng nhau bảo đảm rằng cái đặc thù không những không làm tổn hại đến cái phổ quát mà trên hết còn phải phục vụ nó” [30]. Trong việc thi hành thừa tác vụ của mình để phục vụ sự hiệp nhất, trong khi tôi đưa ra quyết định đình chỉ năng quyền do các vị Tiền nhiệm của tôi ban cấp, tôi yêu cầu qúy huynh đệ chia sẻ với tôi gánh nặng này như một hình thức tham gia vào viêc lo lắng cho toàn thể Giáo hội vốn là trách nhiệm của các Giám mục. Trong Tự sắc, tôi muốn khẳng định điều này: tùy thuộc vị Giám mục ra qui định cho các việc cử hành phụng vụ, vì ngài vốn là người phối trí, cổ vũ và bảo vệ đời sống phụng vụ của Giáo hội mà ngài là nguyên tắc hiệp nhất. Trong tư cách các bản quyền địa phương, Qúy huynh đệ có quyền cho phép tại các Giáo Hội của qúy vị việc sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962, trong khi áp dụng các tiêu chuẩn của Tự sắc này. Qúy vị có thể tiến hành một cách nào đó để trở lại hình thức cử hành nhất thể [unitary], và xác định từng trường hợp thực tại của các nhóm cử hành với Sách Lễ Rôma này.

Các chỉ dẫn về cách tiến hành trong giáo phận của qúy vị chủ yếu được quy định bởi hai nguyên tắc: một mặt, cung cấp lợi ích cho những người đã bén rễ vào hình thức cử hành trước đây và cần phải kịp thời trở lại với Nghi lễ Rôma do Các Thánh Phaolô VI và Gioan Phaolô II ban hành, và mặt khác, việc ngừng thiết lập các giáo xứ tòng nhân mới gắn liền với mong muốn và ước nguyện của cá nhân linh mục hơn là nhu cầu thực sự của “Dân thánh Thiên Chúa”. Đồng thời, tôi yêu cầu qúy huynh đệ hãy thận trọng trong việc bảo đảm rằng mọi phụng vụ phải được cử hành trang trọng và trung thành với các sách phụng vụ được ban hành sau Công đồng Vatican II, không có những hành vi lập dị dễ trở thành lạm dụng. Các chủng sinh và tân linh mục nên được đào tạo về việc trung thành tuân giữ các quy định của Sách Lễ và các sách phụng vụ, trong đó phản ánh ý chí cải tổ phụng vụ của Công đồng Vatican II.

Tôi cầu xin Thần Khí của Chúa Phục Sinh xuống trên qúy huynh đệ, xin Người làm cho qúy huynh đệ trở nên mạnh mẽ và cương nghị trong việc phục vụ dân Chúa mà Chúa đã giao phó cho qúy huynh đệ, để sự quan tâm và cảnh giác của qúy huynh đệ thể hiện sự hiệp thông ngay cả trong sự thống nhất của một Nghi lễ duy nhất, trong đó sự phong phú tuyệt vời của truyền thống phụng vụ Rôma được bảo tồn. Tôi cầu nguyện cho qúy huynh đệ. Xin qúy huynh đệ cầu nguyện cho tôi.

Phanxicô

________________

[1] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, ngày 21 tháng 11 năm 1964, số. 23 AAS 57 (1965) 27.

[2] Xem Bộ Phụng tự, Thư gửi các Chủ tịch các Hội đồng Giám mục “Quattuor abhinc annos”, ngày 3 tháng 10 năm 1984: AAS 76 (1984) 1088-1089.

[3] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư dưới dạng Tự sắc “Ecclesia Dei”, ngày 2 tháng 7 năm 1988: AAS 80 (1998) 1495-1498.

[4] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 ) 796.

[5] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 ) 796.

[6] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 ) 797.

[7] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007) 779.

[8] Đức Bênêđíctô XVI, Tông thư dưới dạng Tự sắc“Summorum Pontificum”, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007) 779.

[9] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 ) 796.

[10] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 ) 797.

[11] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 ) 798.

[12] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 797-798.

[13] Đức Bênêđíctô XVI, Thư gửi các Giám mục nhân dịp công bố Tông thư “Dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ năm 1970, ngày 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007 ) 796.

[14] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, ngày 21 tháng 11 năm 1964, n. 23: AAS 57 (1965) 27.

[15] Xem Acta et Documenta Concilio Oecumenico Vaticano II apparando, Series I, Volumen II, 1960.

[16] Đức Piô XII, Thông điệp về phụng vụ thánh “Mediator Dei”, ngày 20 tháng 11 năm 1947: AAS 39 (1949) 521-595.

[17] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, nn. 1, 14: AAS 56 (1964) 97.104.

[18] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, n. 3: AAS 56 (1964) 98.

[19] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, n. 4: AAS 56 (1964) 98.

[20] Missale Romanum ex decto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI Issgatum, editio typica, 1970.

[21] Missale Romanum ex decto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI promulgatum Ioannis Pauli PP. II cura reggnitum, editio typica altera, 1975; editio typica tertia, 2002; (reimpressio emendata 2008).

[22] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, n. 3: AAS 56 (1964) 98.

[23] 1Cr 1,12-13.

[24] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, n. 26: AAS 56 (1964) 107.

[25] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, ngày 21 tháng 11 năm 1964, n. 14: AAS 57 (1965) 19.

[26] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, n. 6: AAS 56 (1964) 100.

[27] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, ngày 21 tháng 11 năm 1964, n. 23: AAS 57 (1965) 27.

[28] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, ngày 4 tháng 12 năm 1963, n. 48: AAS 56 (1964) 113.

[29] Đức Phaolô VI, Tông hiến “Missale Romanum” về Sách lễ Rôma mới, ngày 3 tháng 4 năm 1969, AAS 61 (1969) 222.

[30] Xem Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, ngày 21 tháng 11 năm 1964, n. 13: AAS 57 (1965) 18.
 
Số phận người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung quốc, theo nhận định của chuyên viên thượng thặng của họ tại Hoa Kỳ
Vũ Văn An
23:45 17/07/2021

Vào năm 2017, các báo cáo bắt đầu xuất hiện về các trại giam giữ khổng lồ đang được vận hành tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh xác nhận sự tồn tại của các trại, trong khi những người sống sót báo cáo rằng những người bị giam giữ đang bị tra tấn có hệ thống, bị nhồi sọ, triệt sản và cưỡng bức lao động dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ước tính hiện tại cho thấy hơn 1 triệu người đang bị giam giữ trong các trại, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi trong khu vực. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận việc lạm dụng đang diễn ra trong các trại mà họ khẳng định là “trại cải tạo” để đào tạo nghề và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Vào tháng 1 năm 2021, Hoa Kỳ thừa nhận việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ như một hành động diệt chủng và đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Nhưng một số người vận động nhân quyền nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.



Nury Turkel sinh ra trong một trại cải tạo ở Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa của nước này. Sau đó, ông được tị nạn tại Hoa Kỳ và ngày nay, ông là luật sư người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ đầu tiên được đào tạo tại Hoa Kỳ.

Turkel là một nhà vận động nhân quyền mà việc làm tập chú vào việc giải quyết hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Ông là phó chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Tháng trước, ông được trao giải đầu tiên của Giải thưởng Notre Dame dành cho Tự do Tôn giáo từ Sáng kiến Tự do Tôn giáo của Trường Luật Notre Dame.

Turkel đã nói chuyện với tạp chí The Pillar về việc ông đánh giá tình hình hiện tại ở Tân Cương, các bước ông cho rằng cần phải thực hiện và trong đó ông thấy có lý do để hy vọng.

Chuyển biến

Trả lời câu hỏi về tình hình phản ứng của dư luận thế giới đối với số phận người Ngô Duy Nhĩ trong 4 năm qua, Turkel cho rằng: Đang có chuyển biến tốt.

Có một sự thức tỉnh trong các hội trường của các tổ chức chính phủ khác nhau trên khắp thế giới. Và chúng ta đã thấy một số hành động hữu hình được thực hiện bởi chính phủ Hoa Kỳ, cả chính quyền trước đây và chính quyền hiện tại. Chỉ [tuần trước], chính phủ Hoa Kỳ đã bổ sung thêm 14 thực thể khác chịu trách nhiệm hoặc được cho là chịu trách nhiệm đối với cuộc diệt chủng đang diễn ra. Điều đó cộng với 74 lệnh trừng phạt mà cả chính quyền Biden lẫn Trump đã công bố trong hai, ba năm qua. Trên hết, chúng ta có một số lệnh trừng phạt theo đạo luật Magnitsky hoàn cầu đang được công bố. Chúng ta có một chế tài về visa. Có một lệnh hành pháp cấm công dân Hoa Kỳ đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc. Có một tờ thông tin được phát hành gần đây. Có một Lệnh ngưng nhập khẩu bảng điều khiển năng lượng mặt trời từ Trung Quốc.

Và có một sự thức tỉnh rộng lớn hơn trên khắp thế giới. Chúng ta vừa chứng kiến Quốc hội Anh đưa ra các bước bổ sung vào tuần trước. Nghị viện châu Âu cũng vậy. Nhưng như thế vẫn không đủ. Từ những gì chúng ta quan sát được, [chính phủ] Trung Quốc không cho thấy các biện pháp này có hiệu quả, vì chúng ta vẫn còn thấy các trại này đang hoạt động. Người Trung Quốc đã không rút lui khỏi việc gây sức ép với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các doanh nghiệp hoàn cầu đang tham gia vào các hoạt động cưỡng bức lao động. Họ cũng đang đưa ra các biện pháp trừng phạt ngược lại. Đó hẳn là một điều khiến các nhà lãnh đạo hoàn cầu và cộng đồng quốc tế đến với nhau với một cách tiếp cận chiến lược hơn một chút. Hoa Kỳ không thể làm điều này một mình. Có rất nhiều điều đã xảy ra ở Hoa Kỳ, nhưng các nền dân chủ phương Tây khác, các nền dân chủ tự do, vẫn đang tụt hậu.

Được hỏi lý do của việc tụt hậu trên, Turkel cho hay: Có hai lý do. Một là, thiếu sự công nhận. Ban đầu, cộng đồng quốc tế sử dụng một điều khá ngu xuẩn, ngu xuẩn như lừa, làm cái cớ, cho rằng “Đây là chuyện của Trump”. Họ quên rằng mối đe dọa đến từ Bắc Kinh là mối đe dọa hiện sinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng đồng thời, là một chủ nghĩa độc tài đang trỗi dậy đe dọa tự do tôn giáo, đe dọa quyền riêng tư và quyền tự do dân sự.

Và cũng có một số người trong xã hội của chúng ta - đặc biệt là trong các tổ chức tư vấn và học thuật – suy nghĩ theo lối khoa bảng, không phải theo mặt an ninh quốc gia. [Họ lập luận] rằng Hoa Kỳ nên cải thiện chính mình thay vì lớn tiếng. [Nhưng] chúng ta có thể nhai kẹo cao su và đi bộ cùng một lúc. Chúng ta phải luôn cố gắng để làm cho hiệp chúng quốc của chúng ta trở nên hoàn hảo. Đồng thời, chúng ta cũng nên giải quyết những thách thức đang đến với chúng ta.

Và rồi điều thứ hai là Trung Quốc đang làm tốt hơn Hoa Kỳ và các đồng minh truyền thống của chúng ta bằng các câu chuyện của họ, bằng cách tiếp cận quyền lực mềm của họ, và cả chiến thuật bắt nạt của họ nữa. Vì vậy, điều này đã tạo ra một vấn đề nghiêm trọng, thách thức đối với Hoa Kỳ trong việc tạo được sự đồng thuận hoàn cầu. Chúng ta có sự đồng thuận của lưỡng đảng trong nước, nhưng chúng ta đã không thể tạo được sự đồng thuận hoàn cầu về cách đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Hợp tác vô tìnhvới Trung Quốc

Về việc người Hoa Kỳ vẫn sẵn lòng mua các sản phẩm do lao động nô lệ Duy Ngô Nhĩ sản xuất, Turkel cho rằng có một số điều đáng lưu ý. Một là thiếu giáo dục. Người Mỹ đã quá quen với việc hưởng lợi từ nhân công rẻ, các sản phẩm rẻ trên các kệ hàng ở Walmart, Target và Costco. Và họ đã không được thông báo đầy đủ rằng họ đang đồng lõa với tội ác đang diễn ra.

Và thứ hai, công ty Mỹ đã không làm công việc của mình và chưa thực sự cố gắng xử lý vấn đề này. Họ đã nói với người tiêu dùng Mỹ rằng các doanh nghiệp Mỹ đã nghĩ ra cách để kinh doanh ở Trung Quốc. Nhưng họ cũng bị cuốn hút vào cuộc đối đầu giữa việc tẩy chay do chính phủ Trung Quốc dàn dựng [đối với các công ty lớn tiếng về người Duy Ngô Nhĩ] và cả áp lực từ Washington. Người tiêu dùng có một cách để thay đổi tác phong này.

[Ngoài ra còn có] tất cả các doanh nghiệp lớn khác... vận động hành lang chống lại dự luật chống chế độ nô lệ của người Duy Ngô Nhĩ tại Quốc hội Hoa Kỳ. Khi bạn nói chuyện với các thành viên của Quốc hội, họ thất vọng vì họ đang sử dụng vận động hành lang. Ở đất nước chúng ta không phải là bất hợp pháp khi vận động hành lang [như thế này], nhưng đó là hành động vô lương tâm. Một số cựu thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã giúp đỡ những nỗ lực vận động hành lang này. Vì vậy, ba điều tôi có thể tóm tắt, một là sự thiếu ý thức của người tiêu dùng. Hai là sự đồng lõa của công ty. Và thứ ba, thiếu các công cụ pháp lý, sự giám sát về luật lệ.

Phải có phản ứng phối hợp

Được hỏi trong vai trò đại diện người Duy Ngô Nhĩ, đâu là việc làm của ông, Turkel trả lời: "Tôi chỉ có thời gian và nguồn lực hạn chế. Thời gian không ở phía chúng ta. Chúng ta đang đối phó với một cuộc nô dịch đang diễn ra, nạn diệt chủng đang diễn ra. Vì vậy, tôi đã vận động với sự hỗ trợ của bạn bè và các đồng minh của tôi trong chính phủ và xã hội để đưa ra các phản ứng chính sách mạnh mẽ. Một thành tựu quan trọng là thông báo của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng sự tàn bạo đã lên đến mức tội ác diệt chủng và vị ngoại trưởng sắp tới, [Antony] Blinken, đã chứng thực ngay tại chỗ vào cùng ngày rằng nó [cũng] sẽ là phán đoán của ông ấy [rằng điều này là một cuộc diệt chủng]. Đó là một cột mốc quan trọng. Người Trung Quốc... đã tính toán sai rằng một khi chính quyền Trump biến mất, những người của Biden sẽ đến và sau đó sẽ đảo ngược mọi thứ. Nhưng chúng ta đã không thấy điều đó. Đây là điều mà tôi rất tự hào về đất nước của mình - những người nắm quyền công nhận điều này. Nó đã trở thành một vấn đề lưỡng đảng, cả trong cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.

"Phản ứng chính sách là một điều gì đó rất gần gũi và thân thiết đối với tôi bởi vì nếu không có phản ứng chính sách mạnh mẽ, chúng ta sẽ có hai kết quả tai hại. Một, không ai sẽ coi trọng chúng ta. Chúng ta sẽ mất thế giá luân lý. Và hai, chúng ta không những chỉ có nghĩa vụ do hiệp ước, chúng ta còn có nghĩa vụ pháp lý nữa. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là những nước ký kết công ước diệt chủng. Trung Quốc đang vi phạm và Mỹ đang thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, nếu bạn không hành động, thì nghĩa vụ hiệp ước sẽ trở nên vô nghĩa, đặc biệt là hiện nay khi đối mặt với nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm lật ngược phần lớn tình trạng bình thường trên toàn thế giới.

Vì vậy, giới lãnh đạo của Hoa Kỳ, hành động táo bạo của Hoa Kỳ, cách tiếp cận chiến lược rõ ràng và các phản ứng phối hợp là những thứ có thể thay đổi cục diện. Cuối cùng, đây là vấn đề chúng ta là ai trong tư cách một đất nước, một nền văn minh. Đây là vấn đề lợi ích kinh tế của chúng ta. Đây là về giá trị đạo đức của chúng ta. Đây là cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ tự do tôn giáo. Khi một chính phủ nhắm vào một nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số, họ không thể tự vệ. Họ kết cục ở một kết cục thảm hại. Chúng ta đã thấy điều này nhiều lần trong lịch sử. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, cộng đồng quốc tế đã trải qua ba hành động diệt chủng: người Yazidis, người Rohingyas và bây giờ là người Duy Ngô Nhĩ. Chúng ta còn phải thấy bao nhiêu cuộc diệt chủng nữa? Hoa Kỳ có một vai trò rất quan trọng trong một tình huống như thế này, phải nói rằng, “Không, không được có trong tầm theo dõi của chúng tôi. Điều này sẽ không xảy ra". Đó là loại thông điệp mà tôi đang vận động".

Nêu tên và bêu xấu (naming and shaming)

Được hỏi chúng ta có thể làm gì hơn cả để hỗ trợ ngừơi Duy Ngô Nhĩ, Turkel cho hay: Điều thứ nhất, chính phủ Hoa Kỳ nên nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không chính thức xuất hiện tại Thế vận hội mùa đông sắp tới ở Bắc Kinh vào năm tới. Đó sẽ là một sai lầm bi thảm. Đó sẽ là sự lặp lại những sai lầm lịch sử mà Hoa Kỳ và những nước khác đã mắc phải trong những hoàn cảnh tương tự. Năm 1936, 49 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã tham dự Thế vận hội Berlin. Ba năm sau, Hitler, được khuyến khích và khích lệ, bắt đầu xâm lược châu Âu.

Như Tổng thống Biden đã nói với Quốc hội, Tập Cận Bình rất muốn thống trị thế giới. Tập Cận Bình tha thiết với việc muốn lật ngược các chuẩn mực dân chủ mà tất cả chúng ta đều yêu thích và trân trọng và thay thế chúng bằng hệ thống cai trị đen tối của riêng ông ấy. Vì vậy, điều này rất, rất quan trọng. Đặc biệt, chúng ta cần đưa các quốc gia sẽ tham gia Thế vận hội mùa đông, ít nhất là Canada, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, tẩy chay Thế vận hội này về mặt ngoại giao. Hoặc hoãn Thế vận hội năm tới. Đó là một điều.

Và điều thứ hai, tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ, sử dụng mối liên hệ đối tác của chúng ta với các nền dân chủ tự do, nên buộc các tác nhân xấu phải giải trình. Họ đang tránh né. Đây không phải là lần đầu tiên những kẻ xấu xa tránh né tội ác mà chúng đã gây ra. Chúng ta cần vẽ một đường trên cát và nói, "Điều này sẽ không xảy ra nữa." Chúng ta cần có cơ chế pháp lý. Điều này đã không được nói đến... Nếu bạn không đem công lý tới những kẻ xấu đó, chúng ta sẽ tiếp tục thấy những loại hành vi xấu. Điều này rất nguy hiểm... Hãy nhìn vào mức độ hỗ trợ và ảnh hưởng mà Nga và Trung Quốc vẫn có thể thu được. Bất cứ quốc gia nào mà Hoa Kỳ hoặc các nền dân chủ phương Tây có vấn đề với đều nằm trong túi của Nga và Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta phải nghĩ ra một cách để đẩy lùi. Khi Nga xâm lược Crimea giữa ban ngày, cộng đồng quốc tế đã không làm gì cả. Điều đó đã gửi một tín hiệu xấu cho Tập Cận Bình... Vì vậy, chúng ta phải rất, rất chiến lược, táo bạo và rõ ràng... Tôi muốn thấy một giới lãnh đạo táo bạo. Tôi muốn thấy các nền dân chủ hợp pháp xích lại gần nhau, một phản ứng hữu hình, cụ thể, có sự phối hợp, phối trí.

Ngoài ra, một điều khác cần tiếp tục xảy ra là “nêu tên và bêu xấu”. Những kẻ làm điều xấu quan tâm rất nhiều đến việc “nêu tên và bêu xấu”... Họ quan tâm. Điển hình là Thống đốc Hong Kong, Carrie Lam, không thể sử dụng thẻ tín dụng. Bà ấy phàn nàn rằng kể từ khi bị Hoa Kỳ trừng phạt, bà ấy thậm chí không thể sử dụng ngân hàng. Điều đó rất quan trọng. Người phụ nữ này chịu trách nhiệm đối với việc Trung Quốc lật ngược thành công nền dân chủ Hồng Kông. Và bà ấy đã bị xử phạt, và bà ấy thậm chí không thể sử dụng ngân hàng. Điều này đáng kể.

Và mới đây, tờ Washington Post đưa tin một nhà cung cấp chỉ sợi lớn ở Tân Cương phàn nàn về việc mất doanh thu và lợi nhuận hàng trăm triệu đô la vì lệnh trừng phạt. Đó chỉ là một công ty. Chúng ta đang nói về 83 thương hiệu hoàn cầu [có liên hệ với lao động Duy Ngô Nhĩ]. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, tẩy chay hoặc di dời Olympic, và tìm kiếm các cơ chế pháp lý để buộc các tác nhân xấu đó phải giải trình trách nhiệm sẽ nằm trong danh sách việc cần làm hàng đầu của tôi.

Vatican im lặng

Với câu hỏi các nhà lãnh đạo tôn giáo, như Đức Phanxicô và Tòa Thánh chẳng hạn, có thể làm gì trong hoàn cảnh này, Turkel cho rằng: Nếu bạn cho phép điều này xảy ra với một nhóm tôn giáo, thì điều này cũng sẽ xảy ra với những nhóm khác. Tất cả chúng ta đều kết nối qua lại với nhau. Các nhóm Do Thái giáo đã rất lớn tiếng. Họ đã làm một số điều. Giáo sĩ trưởng của Vương quốc Anh đã phát biểu tại một biến cố lớn [thứ Bảy tuần trước], đặc biệt về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Tôi là đồng tác giả của một Góp Ý trên tạp chí Newsweek trong dịp nghỉ lễ Vượt qua. Công nghị Baptist miền Nam, với hơn 14 triệu thành viên, gần đây đã công nhận các tàn bạo của tội ác diệt chủng.

Nhưng Vatican đã im lặng. Thật đáng lo ngại. Đây là lý do tại sao nó đáng lo ngại. Người Công Giáo cũng là một thiểu số bị đàn áp trong suốt lịch sử. Họ biết nó hoạt động như thế nào. Thứ hai, họ có đòn bẩy để tạo ra sự khác biệt. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu, thế giới sẽ lắng nghe, nhưng ngài đang giữ im lặng. Và thứ ba, có một ý chí chính trị ở Hoa Kỳ muốn làm việc với họ để biến nó thành một vấn đề phối hợp. Năm ngoái, Ngoại trưởng Pompeo đã đến Vatican và nêu ra vấn đề này. Ông đã có một bài phát biểu tại Tòa thánh. Nhưng chúng ta đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Vì vậy, tôi không biết làm thế nào điều này có thể được thực hiện. Có lẽ với sự tham gia của một số nhà lãnh đạo Công Giáo.

[Tại buổi lễ Sáng kiến Tự do Tôn giáo ở Đại Học Notre Dame], tôi nghĩ Cha Jenkins đang ngồi cạnh tôi, và ngài rất rõ ràng về lập trường của ngài. Ngài rất có thiện cảm. Tôi đã rơi nước mắt đúng nghĩa đen khi bước lên sân khấu. Thật tuyệt vời làm sao khi một trường đại học Công Giáo lớn trên thế giới tôn vinh một chính nghĩa Hồi giáo... Tôi thường không gặp vấn đề gì khi tự phát biểu về mình, nhưng tôi thực sự không nói nên lời. Tôi nghĩ rằng biến cố này hai tuần trước có thể mang lại một số kết quả đáng mong đợi từ cộng đồng Công Giáo.

Thận trọg lạc quan

Được hỏi ông thấy hy vọng gì trong những tháng tới, Turkel trả lời rằng: "Tôi lạc quan một cách thận trọng. Bản chất tôi là một người rất lạc quan. Kẻ áp bức muốn bạn bị trầm cảm. Tôi từ chối bị chán nản. Tôi từ chối bị mất nhân phẩm. Tôi từ chối bị ngược đãi bởi vì tôi là một người tự do. Tôi có chủ trương, tôi có bộ não, tôi có tinh thần minh mẫn để lên tiếng. Đúng và sai rất rõ ràng. Đây là một trường hợp rất rõ ràng, và chúng ta đang đối phó với một hành động diệt chủng. Chúng ta đang đối phó với một cuộc bách hại tôn giáo có chủ ý, có hệ thống. Không chỉ ở Trung Quốc, mà là trên toàn thế giới. Có một sự căm ghét đối với những người thực hành tôn giáo trên khắp thế giới. Nhưng đồng thời, tôi rất tích cực, rất hy vọng rằng mọi người sẽ xem xét những vấn đề này nhiều hơn một chút với sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt ở bình diện chính phủ. Tôi đối phó với Quốc hội, tôi làm việc với Quốc hội. Vì vậy, việc lắng nghe các thành viên Quốc hội của cả hai đảng mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng rằng chúng ta có thể ngăn chặn điều này, ít nhất, trong trường hợp này. Nhưng các thách thức thì quả rất lớn lao".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tiếng Gọi Sài Gòn
Lm. Phêrô Hồng Phúc
08:35 17/07/2021
Tiếng Gọi Sài Gòn

“Sài Gòn đẹp quá Sài Gòn ơi”
Đã khắc tim tôi dọc cuộc đời
Hôm nay bỗng chốc nên giá lạnh
“Sài Gòn thương quá Sài Gòn ơi”!(1)

Covid - nguyên nhân, kẻ nhúng chàm
Vòng quanh thế giới, dọc Việt Nam.
Gieo rắc cách ly, gieo dịch bệnh,
Thành phố “đóng băng” cả việc làm!

Còn nhớ hôm qua người Sài Gòn
Từ tâm, quảng đại, tấm lòng son,
Giúp đi khắp nước, đâu hoạn nạn.
Giờ cách ly rồi, cảnh héo hon!

Cửa sổ mở ra đón khí trời,
Giờ là đón nhận thực phẩm tươi.
“Chỉ nên mắc nợ tình tương ái” (2)
Sài Gòn tiếng gọi hỡi ai ơi!

Sài Gòn vẫn đẹp Sài Gòn ơi,
Trục lộ giao thông dẫu vắng người.
Nhưng đang tắc nghẽn trong cổ họng,
Cả nước hướng về, lệ đầy vơi !

Bão dịch như đang đến độ đầy,
“Sài Gòn đẹp quá” vẫn là đây.
Đẹp trong tình Chúa - lòng tín thác
Trong mắt bạn bè khắp năm Châu.

Xin Lòng Thương Xót chứa chan
Thương toàn thế giới - Việt Nam - Sài Gòn!

Lm. Phêrô Hồng Phúc

(1) Chủ đề thư kêu gọi ngày 09/07/2021
của Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh

(2) Rm 13,8
 
VietCatholic TV
Notre-Dame du Laus: Đền thánh Đức Mẹ bí ẩn và quyền lực nhất của Âu Châu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:35 17/07/2021


1. Ẩu đả dữ dội bên trong tòa nhà Quốc Hội Georgia sau cái chết của nhà báo

Các cuộc ẩu đả dữ dội đã nổ ra tại Quốc Hội Georgia hôm thứ Hai khi các nhà báo và chính trị gia đối lập cố gắng vào hạ viện để phản đối cái chết của một người quay phim bị đánh đập trong vụ bạo lực chống lại các nhà hoạt động đồng tính vào tuần trước.

Đứng trước một cuộc tuần hành Tự hào đồng tính được dự định tổ chức hôm Chúa Nhật 11 tháng 7 tại thủ đô Tbilisi, nhiều người nói họ quan ngại ý tưởng đồng tính sẽ được lan rộng tại quốc gia này. Vì thế, từ sáng sớm, hàng trăm người đã tấn công vào trụ sở một văn phòng chiến dịch LBGT +, để buộc các nhà hoạt động phải ngừng cuộc tuần hành tự hào của họ.

Trong cuộc giao tranh tại đây, Alexander Lashkarava, một người quay phim cho phong trào LBGT + đã bị đánh chết.

Hôm thứ Hai, các nhà báo và chính trị gia đối lập đã cố gắng vào quốc hội để cáo buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Lashkarava. Những người biểu tình kêu gọi thủ tướng và chính phủ từ chức vì đã không bảo vệ các nhà báo cũng như đã để mặc cho xảy ra bạo lực đường phố. Giao tranh đã diễn ra bên trong tòa nhà Quốc Hội và 20 người đã bị bắt.

Georgia có gần 5 triệu dân. 83.4% dân số là các tín hữu Chính Thống Giáo. 10.7% theo Hồi Giáo. Người Công Giáo chỉ có 50,000 người sinh hoạt trong một miền Giám Quản Tông Tòa với 12 giáo xứ.
Source:Reuters

2. Các phần tử thánh chiến tấn công Kitô Hữu ở Niger

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, đã nhận được tin tức về một cuộc tấn công của chiến binh thánh chiến vào Fantio và Dolbel, hai thị trấn ở vùng Tillabéri ở tây nam Niger. Những người sống sót sau cuộc tấn công đã chạy trốn đến vùng Dori của Burkina Faso. Đó là một nhóm phụ nữ có con nhỏ và trẻ sơ sinh. Theo những người chứng kiến vụ tấn công này, những kẻ khủng bố đã tấn công thị trấn hai lần, giết chết những người đàn ông. Hai thị trấn đã bị bỏ hoang.

Ở Fantio, các chiến binh thánh chiến đã lấy một bức tượng của Đức Mẹ Đồng trinh, các sách phụng vụ và nhạc cụ đem ra đốt. Sau đó, họ xúc phạm Mình Thánh Chúa bằng cách ném các bánh thánh xuống đất và cuối cùng là đốt nhà thờ. Đây là giáo xứ thứ ba ở vùng này của Niger đã bị bỏ hoang do các cuộc tấn công khủng bố và xâm nhập của các nhóm cực đoan. Những người sống sót sau các cuộc tấn công chạy trốn đến Niamey, tìm nơi ẩn náu tại giáo xứ Téra, hoặc vượt biên sang Giáo phận Dori ở Burkina Faso.

Các nhóm khủng bố Hồi giáo bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động sang Burkina Faso và Niger vào năm 2015. Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo trên Thế giới năm 2021 của ACN, khu vực này đã trở thành một trong những điểm nóng của chủ nghĩa thánh chiến ở Phi Châu. Trong khi đó, số lượng người di dời nội bộ ở Burkina Faso đã tăng lên khoảng một triệu người.

ACN đã hỗ trợ Giáo Hội Công Giáo ở Burkina Faso bằng cách giúp những người từng trải qua bạo lực Hồi giáo trở lại cuộc sống bình thường.


Source:ACN

3. Đền thánh Đức Mẹ Laus bên Pháp

Đức Mẹ đã hiện ra tại Laus bên Pháp với tước hiệu “Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội”, qua đó Đức Mẹ đưa ra những dấu chỉ thuyết phục để những người tội lỗi ăn năn và đừng ngã lòng. Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Laus là một trong 16 biến cố Đức Mẹ hiện ra được Tòa Thánh chính thức công nhận.

Đức Mẹ nói với thánh nữ Benedicta Rencurel rằng những người đau yếu sẽ nhận được phép lạ chữa lành nếu họ được sự xức dầu bằng dầu trong các ngọn đèn tại nhà nguyện và tin tưởng vào sự cầu bầu của Đức Mẹ.

Benedicta đã coi trọng sứ mệnh mà cô nhận được từ Mẹ Maria và tận tâm chuẩn bị cho các bệnh nhân lãnh nhận bí tích Xức Dầu. Thánh nữ đã khích lệ hai linh mục tại nhà nguyện này siêng năng quảng đại đón nhận các hối nhân với lòng bác ái và nhân ái để giúp họ hoán cải.

Đức Maria yêu cầu thánh Benedicta khuyên nhủ các phụ nữ và trẻ em gái từ bỏ cuộc sống bê bối, đặc biệt là những người phá thai. Đức Mẹ cũng khuyến khích các linh mục và tu sĩ trung thành với lời thề của mình.

Benedicta cũng được Chúa Kitô hiện ra và nhận được các dấu thánh trong cuộc khổ nạn của Người. Cô sống như một ẩn sĩ tại nơi xảy ra các sự kiện hiện ra và trở thành một người thầy về đời sống tâm linh cho tất cả mọi người. Cho đến cuối đời, thánh nữ vẫn tiếp tục được Đức Mẹ hiện ra khuyên nhủ và chết trong hương thơm thánh thiện.

Trong khi Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ đã yêu cầu xây dựng một nhà thờ và một ngôi nhà cho các linh mục, với mục đích lôi kéo mọi người hoán cải, đặc biệt là qua bí tích sám hối. Ý nguyện của Đức Mẹ đã thành hiện thực và ngày nay Đền Thánh Đức Mẹ Laus, tiếng Pháp là Notre-Dame du Laus, thu hút 120,000 khách hành hương hàng năm. Nhiều người nhận được ơn chữa lành, đặc biệt là khi dầu từ các ngọn đèn được bôi lên vết thương theo chỉ thị của Đức Trinh Nữ Maria ban cho Benedicta.

Nhà triết học Công Giáo Jean Guitton gọi đây là “một trong những ngôi đền bí ẩn và quyền lực nhất của Âu Châu”.

Vào ngày 14 tháng 9 năm 1665, Cha Antoine Lambert, Tổng Đại diện của Giáo phận Embrunand, người không có thiện cảm đối với các cuộc hiện ra, đã đến Laus cùng với một số linh mục lỗi lạc, cũng không mấy thiện cảm với các sự kiện ở Laus. Các linh mục này đến đó với hy vọng sẽ chấm dứt trò “ma thuật này”, bằng cách chứng minh Benedicta phạm tội lừa bịp, và đóng cửa nhà thờ. Khi cô gái chăn cừu tội nghiệp nghe tin họ đến, cô ấy sợ đến mức muốn bỏ trốn.

Khi Cha Antoine Lambert đến Laus, ngài vào nhà nguyện cầu nguyện một lúc rồi triệu tập cô gái chăn cừu. Được các linh mục khác hậu thuẫn, ngài tra vấn Benedicta một cách ngạo mạn, cố gắng gài bẫy cô và khiến cô tự mâu thuẫn với chính mình. Cô vẫn bình tĩnh và trả lời ngài với sự đơn sơ và điềm đạm. Lời nói của cô ấy rõ ràng và khẳng định một cách đáng ngạc nhiên.

Cha Tổng đại diện nghiêm túc nói: “Đừng nghĩ rằng tôi đến đây để chuẩn y cho những thị kiến và ảo tưởng của cô, và tất cả những điều kỳ lạ đang được nói về cô và nơi này. Niềm tin của tôi, cũng như của tất cả mọi người có trình độ nhận thức hợp lý, là những thị kiến của cô là sai lầm. Do đó, tôi sẽ đóng cửa nhà nguyện này và ngăn cấm việc sùng bái. Còn cô, cô chỉ còn cách là trở về nhà”.

Theo sự soi dẫn của Đức Mẹ, cô gái chăn cừu đã trả lời ngài: “Thưa Cha, mặc dù cha cầu khẩn cùng Chúa mỗi sáng và làm cho Ngài ngự xuống trên bàn thờ bởi quyền năng cha nhận được khi trở thành một linh mục, cha không năng quyền nào ra lệnh cho Mẹ thánh của Ngài, là Đấng làm theo ý mình ở đây”.

Nghe những lời này, Cha Tổng đại diện trả lời: “Chà, nếu những gì cô đang nói đây là sự thật, thì hãy cầu xin Đức Mẹ chỉ cho tôi sự thật bằng một dấu chỉ hoặc một phép lạ, và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thực hiện ý nguyện của Đức Mẹ. Nhưng một lần nữa, hãy cẩn thận đừng ảo tưởng là trí tưởng tượng của cô có thể đánh lừa mọi người, nếu không tôi sẽ trừng phạt cô thật nặng để những người tin cô mở mắt ra. Tôi sẽ dập tắt các hành vi lạm dụng bằng mọi cách trong khả năng của mình”.

Benedicta khiêm tốn cảm ơn ngài và hứa sẽ cầu nguyện theo ý định của ngài. Cha Fraisse, cha xứ Saint-Étienne, Thẩm phán François Grimaud và Cha sở Pierre Gaillard, là những người thành tâm tin tưởng cô Benedicta cũng bị chất vấn.

Thay vì đóng cửa ngay nhà nguyện nhỏ này và bỏ về, Cha Tổng Đại Diện đã kiểm kê chi tiết từng thứ một bên trong nhà nguyện và viết một bản tường trình dài về chuyến thăm mục vụ của ngài. Ngài đã định ra về vào buổi tối hôm đó, nhưng những trận mưa như trút nước buộc ngài phải ở lại thêm hai ngày nữa. Đức Trinh Nữ đã sắp đặt như vậy, để ngài sẽ chứng kiến một phép lạ cả thể.

Một người phụ nữ nổi tiếng trong khu vực tên là Catherine Vial đã phải chịu đựng những cơn co thắt các dây thần kinh ở chân trong sáu năm qua: cả hai chân đều bị cong về phía sau và dường như bị trói chặt vào cơ thể cô, và không nỗ lực nào có thể chữa lành cho cô được. Trường hợp của cô đã được tuyên bố là không thể chữa khỏi bởi hai bác sĩ phẫu thuật lỗi lạc. Khi cùng mẹ đến với Laus để làm tuần cửu nhật, cô ấy cúi mình cả ngày trong nhà nguyện. Khoảng nửa đêm của ngày cuối cùng trong tuần cửu nhật, cô đột nhiên cảm thấy chân mình thư giãn và bắt đầu di chuyển. Cô ấy đã khỏi bệnh. Sáng hôm sau cô bước vào nhà nguyện dưới sức mạnh của riêng mình trong khi cha tổng đại diện đang cử hành thánh lễ. Sự hiện diện của cô đã khiến nhiều như những người kêu lên, “Phép lạ! Phép lạ! Catherine Vial đã khỏi bệnh!”

Linh mục Lambert xúc động đến rơi nước mắt khi kết thúc Thánh lễ, Cha Gaillard, cha sở nhà thờ đã viết: “ Tôi là một nhân chứng trung thành về tất cả những gì đã xảy ra”. Và Cha Tổng Đại Diện tuyên bố, “Có một điều gì đó phi thường xảy ra trong nhà nguyện đó. Vâng, bàn tay của Chúa ở đó!” Cha Lambert đặt câu hỏi với người phụ nữ đã được chữa khỏi và viết ra một bản báo cáo chính thức về phép lạ. Sau đó, ngài cho mọi người vào nhà nguyện để hát Kinh Te Deum và Kinh Lạy Cha, và ngài bổ nhiệm hai linh mục trẻ làm tuyên úy tại Laus trong đó có Cha Jean Peytieu, người sẽ chết vì kiệt sức ở tuổi bốn mươi chín sau hai mươi- bốn năm quảng đại ngồi tòa nhiều giờ cho các linh hồn cùng với Cha sở Pierre Gaillard, là người đã thi hành mục vụ gương mẫu ở đó trong năm mươi năm. Cha Barthelemy Hermitte được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Pierre Gaillard, cũng quảng đại ngồi tòa nhiều giờ trong hai mươi tám năm cho đến khi qua đời.

Cha Tổng đại diện đã kết thúc bằng việc cho phép xây dựng nhà thờ theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ.

Trong thánh lễ ngày 4 tháng 5 năm 2008, với sự tham dự của các viên chức trong Giáo triều Rôma, Đức Cha Jean-Michel de Falco của Gap lưu ý rằng đây là những lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ được Vatican và Giáo hội tại Pháp chấp thuận trong thế kỷ 21. Ngài gọi đây là sự kiện kỳ lạ nhất diễn ra ở Pháp cùng với cuộc hiện ra ở Lộ Đức năm 1862.

“Tôi nhận ra nguồn gốc siêu nhiên của những lần hiện ra cũng như những sự kiện và lời nói được Benedicta Rencurel trải nghiệm và thuật lại. Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu đến cầu nguyện và tìm kiếm sự đổi mới tâm linh tại ngôi đền này”, Đức cha nói.

“Không ai có nghĩa vụ phải tin vào những lần hiện ra, ngay cả ở những nơi được chính thức công nhận, nhưng nếu những lần hiện ra này giúp chúng ta trong đức tin và cuộc sống hàng ngày của mình, tại sao chúng ta phải bác bỏ chúng?”

Trong bài giảng thánh lễ này được Đài truyền hình France-2 truyền hình khắp đất nước, Đức Cha nói: “ Cách đây 344 năm, Đức Mẹ đã chọn nói chuyện với một người chăn cừu đơn sơ để mở ra con đường sám hối và hoán cải, để mời gọi những người hành hương hòa giải mình với thế giới và với Chúa”.
Source:Miracle Hunter
 
Hình ảnh Chúa Cứu Thế trong hào quang của hoàng hôn đang được lưu truyền nhanh trên mạng xã hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:26 17/07/2021


1. Hình ảnh Chúa Cứu Thế trong hào quang của hoàng hôn đang được lưu truyền nhanh trên mạng xã hội

Nhiếp ảnh gia Erick Pech đã chụp được một hình ảnh đáng kinh ngạc về cảnh hoàng hôn, trong đó những đám mây tạo thành hình ảnh Chúa Cứu Thế. Hình ảnh này đang lan truyền nhanh trên các mạng xã hội.

Nhiếp ảnh gia Erick Pech đã chú thích như sau về bức ảnh của mình:

“Tôi là một người hâm mộ cảnh hoàng hôn và bất cứ khi nào tôi thấy khả năng chụp được một bức ảnh đẹp, tôi đều cố gắng hết sức để chụp. Vì vậy, tôi chia sẻ vẻ đẹp này với các bạn. Tôi không biết đó có phải là một dấu chỉ linh thánh hay không, nhưng bức ảnh đã nói lên chính nó”.

Bức ảnh đã tạo ra sự chú ý mạnh mẽ và được lan truyền sau khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương. El Surete Notícias lần đầu tiên công bố hình ảnh này.

“Hình ảnh của Chúa Kitô đã xuất hiện trên bầu trời”, tờ báo viết trên Facebook.

“Một cư dân ở Yaxcabá và một cư dân khác ở Temozón, đã cho biết chính xác khoảnh khắc nơi mà người ta cho rằng hình ảnh của Chúa Kitô đã hiện diện”.

Nhiếp ảnh gia đã thêm bình luận này sau khi hình ảnh của anh ấy được lan truyền:

“Cảm ơn vì đã chia sẻ! Một chuyên gia trong lĩnh vực này đã nghiên cứu từng bức ảnh trước khi chia sẻ để xác nhận rằng đó không phải là 'Photoshop' như nhiều người đề cập. Nhưng đây là một pareidolia”.

Nhưng nhiều người có thể tự hỏi: pareidolia là gì?

Pareidolia: Tiếng Việt nghĩa là Liên tưởng

Từ điển “The American Heritage Dictionary of the English Language” giải thích:

Pareidolia là “xu hướng giải thích một kích thích mơ hồ bằng một thứ quen thuộc với người quan sát, chẳng hạn như giải thích các dấu vết trên sao Hỏa là các kênh đào, các hình dạng nhìn thấy trong mây là một nhân vật nào đó, hoặc nghe thấy một thông điệp ẩn trong âm nhạc”.
Source:Church POP

2. Ấn Độ tuyên bố bắt giữ hai kẻ khủng bố có liên hệ với al-Qaeda

Một chi nhánh của al-Qaeda ở Kashmir đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ở miền bắc Ấn Độ trước Ngày Độc lập của quốc gia này. Cảnh sát tuyên bố như trên sau khi bắt giữ hai người đàn ông được cho là có liên hệ với nhóm này vào ngày 11/7.

Cảnh sát cho biết những người đàn ông này đã bị một đội chống khủng bố bắt giữ tại một quận ở thành phố Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, miền bắc nước này.

Tổng giám đốc cảnh sát Uttar Pradesh, Prashant Kumar, cho biết hai tên này này có liên hệ với Ansar Ghazwat-ul-Hind, một chi nhánh Kashmir của nhóm thánh chiến al-Qaeda.

“Họ nhắm vào những khu chợ đông đúc để gây ra các vụ nổ và Lucknow là mục tiêu chính của họ”, Kumar nói trong một cuộc họp truyền thông, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc tấn công được lên kế hoạch diễn ra trước ngày 15 tháng 8, Ngày Độc lập của Ấn Độ.

Ông nói thêm rằng vũ khí, chất nổ và một nồi áp suất cũng được tìm thấy.

Các tin tức về các vụ được cho là tìm thấy cơ sở khủng bố của Ấn Độ thường khó tin. Gần đây nhất là vụ cáo gian một linh mục dòng Tên là khủng bố.

Như chúng tôi đã loan tin, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho chạy hàng tít lớn: “Cha Stan Swamy bị giết bởi chín tháng tù”.

Cha Stan Swamy đã qua đời hôm 5 tháng 7, sau khi ngài bị bắt giữ cách đây 9 tháng vì tội khủng bố, một tội danh vô lý mà các thành phần Ấn Giáo cực đoan gán cho ngài vì ghen tức trước các thành quả trong công việc bác ái ngài dành cho những sắc dân thiểu số. Ngài hưởng thọ 84 tuổi.

Vào cuối tháng 5, một tòa án đã cho phép linh mục Dòng Tên được chuyển từ nhà tù Taloja đến bệnh viện Thánh Gia ở Mumbai khi ngài đã ở trong tình trạng sức khỏe quá kém.

Khi tình trạng của anh ấy trở nên tồi tệ hơn vào ngày 4 tháng 7, ngài đã được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, đơn xin trả tự do của ngài vẫn được đưa ra trước tòa án. Cái chết đã đến trước.
Source:UCANews

3. Ngày càng nhiều người Singapore quay lưng lại với các tín ngưỡng truyền thống

Theo số liệu điều tra dân số quốc gia mới nhất ngày càng có nhiều người trẻ quay lưng lại với các tín ngưỡng truyền thống.

Khoảng 20% người Singapore không theo tôn giáo nào vào năm 2020, tăng từ 17% cách đây một thập kỷ, theo báo cáo của Cục Thống kê.

Dân số không theo tôn giáo đang đứng thứ hai sau Phật Giáo tại quốc gia ước tính có 5.6 triệu cư dân này.

Phật tử chiếm 31.1 phần trăm, giảm từ 33.3 phần trăm trong năm 2010. Kitô Hữu chiếm 18.9 phần trăm, tăng nhẹ từ 18.3 phần trăm trong năm 2010. Người Hồi giáo chiếm 15.6 phần trăm, tăng từ 14.7 phần trăm so với 10 năm trước, và 5 phần trăm theo Ấn Giáo.

Những người theo các tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc như Lão giáo chiếm 30% trong những năm 1980 đã giảm xuống còn 10.9% vào năm 2010, và chỉ còn 8.8% vào năm 2020.

Các nhà quan sát lưu ý rằng số lượng người không theo tôn giáo đã tăng lên kể từ những năm 1980, khi họ chỉ chiếm 13% cư dân. Nhiều người trong số họ thích tự gọi mình là nhà tư tưởng tự do hoặc nhà nhân văn thay vì người vô thần.

Theo nghiên cứu của các phương tiện truyền thông địa phương, ngày càng có nhiều người trẻ Singapore cho biết họ công khai mình là tín đồ của các tín ngưỡng truyền thống do thói quen thời thơ ấu, nhưng trên thực tế, họ không thực hành các nghi thức và nghi lễ tôn giáo.

Yuxuan, một cô gái 18 tuổi, nói với Channel News Asia rằng cô đánh dấu vào ô “Phật giáo” trên các biểu mẫu chính thức nhưng không thực hành Phật giáo.

“Tôi được cho là một Phật tử nhưng tôi nghiêng về trở thành một nhà tư tưởng tự do hơn”, cô nói. “Cha mẹ tôi thực hành Phật giáo, vì vậy tôi chỉ làm theo”.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng dân số không theo tôn giáo của Singapore là “không có gì bất ngờ” khi các xã hội Singapore ngày càng tiếp xúc với chủ nghĩa tục hóa trong những thập kỷ gần đây.
Source:UCANews