Ngày 17-07-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint - Chúa Nhật thứ 16 Quanh Năm C - 16th Ordinary Sunday Year C
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
01:21 17/07/2013
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:25 17/07/2013
TIÊN THUẬT CỦA CÁT HUYỀN
N2T

Cát Huyền là một người hiểu biết tiên thuật, thần thông quảng đại.
Đại vương nước Ngô là Ngô Quyền năm lần bảy lượt phái người đi mời Cát Huyền đến nước Ngô giúp việc chính sự, nhưng bất luận tiền bạc vật chất hậu đãi như thế nào thì cũng không hấp dẫn được Cát Huyền, ông ta lại còn dùng tiên thuật để thoát khỏi sự làm phiền của các sứ giả.
Khi sứ giả thứ nhất đến thì Cát Huyền đau bụng hét lớn rồi chết ngay; khi sứ giả thứ hai đến mời thì đầu và tứ chi của Cát Huyền lìa khỏi thân thể, cái xác lấp tức thối rữa đầy giòi bọ.
Lần cuối cùng, Cát Huyền bị mời nên bực mình, ông ta biết Ngô Quyền bất luận là thế nào cũng không bỏ qua cho ông, thế là nằm dài trên giường thở dài một tiếng và chết, sau một trận cuồng phong và tiếng sấm thì không thấy xác của ông ta đâu nữa, chỉ lưu lại trên giường cái áo mà ông ta đã mặc trước khi chết, từ đó về sau không ai nhìn thấy Cát Huyền đâu nữa.
(Tấn, Cát Hồng “Thần tiên truyện”)

Suy tư:
Cát Huyền thà để mình biến mất hoặc là chết, chứ không chịu ra làm quan cho vua nước Ngô, thà thế gian này không có mình chứ không muốn nhúng tay vào chuyện đời ô trọc, ông ta đã thấu hiểu chuyện bon chen ở đời cho lắm rồi cũng chẳng được gì...
Danh lợi ở đời ai cũng thích, vì nó có sức quyến rũ con người ta đi vào con đường hưởng thụ của nó.
- Không ái có thể khước từ được tiền bạc nếu không có ơn Chúa.
- Không ai có thể hăng hái làm việc thiện khi trong nhà thiếu thốn, nếu không có ơn Chúa.
- Không ai có thể dửng dưng trước quyền lợi cá nhân, nếu không có ơn Chúa.
Các thánh tử đạo thà rằng mình chết đi để được trung thành với Chúa với đức tin vào Chúa của mình, còn hơn làm quan với bổng lộc của thế gian.
Có ba hạng người dễ dàng bị cám dỗ vì danh lợi thế gian:
1. Là những người dâng mình làm tôi tớ Chúa. Ma quỷ thường tập trung cám dỗ vào những người này nhất, bởi vì nếu họ tuy từ bỏ thế gian mà không từ bỏ triệt để, thì dễ sa ngã trước cám dỗ chức quyền danh vọng và tiền bạc của thế gian.
2. Hai là hạng người chối bỏ đức tin. Khi đã bội phản đức tin thì không có việc gì mà họ không làm.
3. Ba là hạng người bần cùng. Tuy Đức Chúa Giê-su nói nghèo là một mối phúc, nhưng nếu nghèo mà không có đức tin, không có ân sủng thì rất dễ dàng làm tay sai cho quyền lực của ma quỷ.
Ai hiểu thì hiểu...!
-------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:30 17/07/2013
N2T

15. Dù chúng ta hy vọng tất cả sẽ đổi mới trong Đức Chúa Giê-su, thì chỉ cần để con cái của chúng ta nuôi dưỡng thói quen đọc Phúc Âm nhiều lần hoặc mỗi ngày. Và từ trong Phúc Âm học tập nên làm thế nào để trong Đức Chúa Giê-su đổi mới tất cả.

(Thánh giáo hoàng Pius XII)
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cẩm nang đạo đức sinh học trong túi hành hương ngày Quốc Tế Giới Trẻ
Đặng Tự Do
06:29 17/07/2013
Vấn đề đạo đức liên quan với việc duy trì mạng sống một người trong tình trạng thực vật. Cảm giác của một người khi biết họ đã được hình thành "trong ống nghiệm". Hậu quả của việc phá thai là gì? Những điều này và nhiều vấn đề khác được đề cập trong Cẩm nang đạo đức sinh học, mà hàng triệu người trẻ hành hương trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro sẽ nhận được trong túi hành hương của họ.

Cha Scott Borgman, Học viện Giáo hoàng về sự sống nói:

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ trong những ngày này về tầm quan trọng của sự sống, về ý nghĩa của nó. Tôi nghĩ rằng cẩm nang sinh học này là một phản ứng rất tốt với một số câu hỏi. "

Cha Scott Borgman nhấn mạnh rằng đây là một cẩm nang rất dễ hiểu, hấp dẫn và dễ đọc.

"Như bạn có thể thấy, cẩm nang này không phải rất dài, nó rất dễ hiểu. Nó bao gồm nhiều câu hỏi thường gặp, làm cho mọi người hiểu rõ hơn về đạo đức sinh học. "

Cuốn sách này được soạn thảo và biên tập bởi tổ chức Jerome Le Jeune Foundation, thuộc Hội Đồng Giám Mục Brazil và Trung tâm nghiên cứu sinh học Tây Ban Nha. Tài liệu này đề cập đến nhiều vấn đề tế nhị như là "in vitro" tức là thụ tinh trong ống nghiệm và phá thai, nhưng với một phong cách dễ hiểu.

Cha Scott Borgman nói thêm:

"Câu hỏi đặt ra là đạo đức sinh học là gì? Đạo đức y khoa là một ngành nghiên cứu về điều gì là đúng trong những thực hành nghề y, đó là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới. Nhưng khi bạn bắt đầu xem xét các khía cạnh cụ thể, chúng ta thấy nó rất có liên quan trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chẳng hạn, khi bạn xem xét những khía cạnh của tình trạng vô sinh, hay trẻ em tàn tật"

Mỗi túi hành hương của các bạn trẻ đều có một cẩm nang này. Tổng cộng, hơn 2 triệu bản đã được in ra bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
 
Đại hội giới trẻ ảnh hưởng đến nền kinh tế Brasil.
Nguyễn Long Thao
09:16 17/07/2013
Đại hội giới trẻ ảnh hưởng đến nền kinh tế Brasil.

Đại hội Giới Trẻ Thế giới sẽ diễn ra vào tuần tới tại Brazil từ ngày 20 đến 30 tháng 7 năm 2013. Ban tổ chức tại đây đã đưa ra bản phúc trình nói về ảnh hưởng của biến cố này đối với nền kinh tế Brasil.

Theo ban tổ chức, Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 sẽ có tác động đến nền kinh tế Brasil. Bản phúc trình nói ước tính khoảng 220 triệu Mỹ kim sẽ đổ vào thành phố Rio de Janeiro và khu vực này sẽ có thêm 20,000 công ăn việc làm.

Chi phí cho Ngày Giới Trẻ Thế giới do nhiều nguồn tài trợ khác nhau, bao gồm phần bảo trợ của các công ty thương mại và phần đóng góp của các cá nhân.

Theo ban tổ chức, uớc tính chi phí ban đầu vào khoảng 140 triệu Mỹ Kim trong đó 70 phần trăm những chi phí này là do phần đóng góp của các thanh thiếu niên tham dự đại hội. Ngoài ra tiền chi phí cũng do số tiền thâu được nhờ bán các sản phẩm kỷ niệm ngày đại hôi.

Về phía chính quyền Brasil, giới chức chính quyền sẽ hỗ trợ về hậu cần, tiếp vận, an ninh trật tự, thông tin liên lạc và trợ giúp các bạn trẻ ngoại quốc.

So sánh với đại hội giới trẻ năm 2011 tại, Madrid, Tây Ban Nha, người ta được biết đại hội giới trẻ tại đây đã tạo ra 5000 công ăn việc làm và bơm vào nền kinh tế Tây Ban Nha một số tiền là 476 triệu Mỹ Kim.
 
WYD: Đức Giáo Hoàng không dùng xe chống đạn tại Brazil.
Trần Mạnh Trác
11:40 17/07/2013
Tin từ Vatican cho biết Đức Thánh Cha Francis sẽ không sử dụng xe chống đạn trong chuyến thăm Brazil vào tuần tới để cho phép ngài liên lạc trực tiếp với đám đông dù cho có nhiều rủi ro về an ninh.

Ngài sẽ sử dụng những chiếc xe Jeep mui trần giống như chiếc xe ngài thường dùng tại quảng trường Thánh Phêrô để cho phép ngài tiếp cận với dân chúng.

Phát ngôn viên của Vatican Cha Federico Lombardi nói trong cuộc họp báo rằng "Đức Thánh Cha cảm thấy việc giao tiếp trực tiếp với người dân là cách tốt hơn,"... "Ngài quyết định làm như vậy bởi vì đó là một sự liên tục với cách thức ngài quen làm ở đây."

Không nhửng thế Ngài còn quyết định sẽ đi bộ trên nhiều con đường trong khu ổ chuột khét tiếng Manguinhos tại Rio de Janeiro và sẽ vào thăm ít nhất là một căn nhà.

Những người có lòng kính mến Đức Thánh Cha và quan tâm đến sự an toàn cuả Ngài dĩ nhiên cảm thấy xót lòng. Trong số đó phải kể đến ông Giám Đốc Điều Hành (CEO) là Tiến Sĩ Dieter Zetsche cuả hãng Mercedes-Benz.

Kể từ khi ĐGH Gioan Phaolo II bị âm mưu ám sát vào năm 1981, chiếc xe jeep mui trần Campagnola mà ngài ưa thích đã bị cho nghỉ việc và Vatican từ đó đã thu thập một đội xe chống đạn có máy lạnh để các giáo hoàng sử dụng.

Những chiếc xe thường là tặng phẩm cuả các hảng Mercedes-Benz và BMW. Riêng hãng Mercedes-Benz ngày 5 tháng 7 vừa qua mới tặng thêm một chiếc Mercedes-Benz M Class do ông Dieter Zetsche đích thân trao chìa khoá tận tay cho ĐGH với hy vọng chiếc xe sẽ đồng hành với Ngài trong tất cả các cuộc du hành ngoài Roma. Chiếc xe mới nhất này đánh dấu 80 năm liên tục hãng Mercedes-Benz đã cung cấp xe cho vị lãnh đạo cuả toà thánh.

Cuộc du hành ngoài Roma đầu tiên tới đảo Lampedusa đã được thực hiện tuần vừa qua. Tại đây ĐGH đã mượn một chiếc xe Campagnola cuả một người dân địa phưong, đã cũ 20 năm, chứ không chở theo chiếc xe mới. Chuyến du hành thứ hai sẽ là Brazil, và theo như quyết định vừa nói ở trên thì người ta phải đặt câu hỏi là liệu bao giờ thì chiếc Mercedes-Benz mới được 'cắt chỉ'?

Dựa vào tin đồn 'rỉ tai' rằng sau khi Đức Thánh Cha tới thăm 'nhà xe' cuả toà thánh và nhìn tận mắt các loại xe đang có ở đây, Ngài đã tuyên bố rằng Ngài đau lòng khi nhìn thấy các linh mục và nữ tu đi xe mới, thì việc những chiếc xe lộng lẫy, được chế tạo đặc biệt để chống đạn chống mìn và đắt giá như chiếc Mercedes-Benz M Class, ước lượng 450,000 mỹ kim, ít có hy vọng được mang ra dùng mặc dù đó là tặng phẩm không tốn tiền. Trong thực tế, Đức Thánh Cha đang dùng chiếc xe Ford Focus khiêm tốn giống như xe cuả các nhân viên an ninh cuả ngài. Xe Focus trị giá chỉ có $16,000.

Nhưng nói như vậy không có nghiã là Toà Thánh không có lòng tri ân những mạnh thường quân cuả mình. Trong cuộc gặp gỡ với ông giám đốc hãng Mercedes-Benz, Đức Thánh Cha đã ân cần hỏi thăm về những tiến bộ cuả ngành xe hơi trong việc bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng và về những công việc bác ái mà hãng đã thực hiện.

Và trên công trường Thánh Phêrô, người ta thấy Đức Thánh Cha sử dụng một chiếc Mercedes rẻ tiền hơn đã có từ trước, một chiếc xe mui trần loại jeep.
 
Câu chuyện truyền giáo: Paraguay - Một cuộc hội ngộ khác
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
12:04 17/07/2013
PARAGUAY – MỘT CUỘC HỘI NGỘ KHÁC

Kể từ năm 2011 trở đi thì tháng 7 được Liên Hiệp Quốc công nhận là tháng của Tình Bạn và ngày chính thức để mừng là ngày 30 tháng 7 hàng năm. Cách đây vài tuần, chính Đức Giáo Hoàng đương kiêm Phanxico cũng đã gởi thư cho tiến sĩ Bracho, người đã khởi xướng và kiên trì vận động cho tháng tình bạn này sự công nhận sự kiện này.

Có được những người bạn tốt là một ân huệ của Chúa ban nhưng liệu rằng chúng ta có nhận ra một người bạn của chúng ta đang từng giây phút luôn ở bên cạnh chúng ta, luôn đồng hành, nâng đỡ, ủi an và lắng nghe chúng ta không? Người bạn này không hề đòi hỏi chúng ta điều gì nhưng luôn chấp nhận chúng ta dù chúng ta là ai và là gì đi nữa. Người bạn đó chính là Giê-su!!!

Paraguay tuy là một dân tộc nhỏ bé, dân số chỉ khoảng 7 triệu người, thua xa thành phố Sài Gòn, Việt Nam của chúng ta nhưng rất may là họ rất hiếu khách và thân thiện. Có lẽ chính vì lí do này đã níu chân chúng tôi ở lại đến bây giờ. Người dân Paraguay mộc mạc, chất phát và rất dễ làm bạn nếu chúng ta biết cách đối nhân xử thế với họ. Điều này không có nghĩa là không có những người xấu vì kẻ xấu bụng đâu đâu cũng có và điều xấu cũng đã len lỏi ngay trong những nơi mà ta cứ tưởng là không bao giờ vào được.

Trong những ngày đầu của tháng 7, chúng tôi- những tu sĩ của tất cả các Hội Dòng lớn, nhỏ từ khắp mọi miền của đất nước đang làm việc truyền giáo tại Paraguay có dịp hội ngộ với nhau để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm truyền giáo và cũng để học hỏi những văn kiện mới của Giáo Hội. Đây là cuộc hội ngộ giành cho tất cả các tu sĩ, những ai có thể tham dự được không phân biệt lớn nhỏ hay bề trên, bề dưới gì cả nên được gọi là Đại Hội Liên Tu Sĩ Toàn Quốc lần thứ 54 với đề tài: “Comunica la alegría de crecer” tạm dịch là “ Loan báo niềm vui đức tin”.

Tham dự những ngày hội ngộ năm nay có hơn 700 nam nữ tu sĩ người Paraguay cũng như những nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Có lẽ đây là một trong những tổ chức được gọi là CONFERPAR (Conferencia Religiosa del Paraguay) có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đất nước này vì hội tụ những nhân vật có tầm cỡ trong Giáo Hội địa phương và khu vực nên tiếng nói của họ rất được lắng nghe và tôn trọng. Nhìn những gương mặt mới của những tu sĩ bản xứ hay của những nhà truyền giáo nước ngoài lần đầu tiên tham dự thật rạng rỡ hân hoan khiến chúng tôi nhớ lại những khoảng khắc ban đầu của mình. Có một cựu giám tỉnh Dòng tên người Tây Ban Nha đã sống ở Paraguay hơn 60 năm qua và không hề bỏ sót một cuộc hội ngộ nào từ khi bắt đầu đến nay là 54 năm dù ngài đã ngoài 80 tuổi. Bởi vì mỗi cuộc hội ngộ là một chúng ta có thể học hỏi được một điều gì mới và cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho những người khác.

Chủ đề của cuộc hội ngộ năm nay chúng tôi khai thác triệt để các khía cạnh về đức tin. Ngày khai mạc đại hội có sự hiện diện của các giám mục liên hệ cũng như sự hiện diện của vị Sứ Thần Tòa Thánh để ngài thông báo những tin tức quan trọng từ Tòa Thánh. Tin tức đầu tiên mà chúng tôi được biết là Đức Thánh Cha Phanxico vừa bổ nhiệm 3 tu sĩ truyền giáo thuộc 3 Hội Dòng khác nhau làm giám mục của các giáo phận trống tòa hay giáo phận có giám mục nghỉ hưu. Đây là một niềm vui trong những ngày đại hội vì 3 tu sĩ truyền giáo được bổ nhiệm giám mục còn khá trẻ và rất hăng say trong công tác mục vụ. Sứ vụ giám mục mà các ngài sắp nhận lãnh không phải là để vinh thân phì gia nhưng là để phục vụ tốt hơn cánh đồng truyền giáo mênh mông đang thiếu vắng các vị mục tử mà chính các ngài là những người hiểu hơn ai hết khi đang phục vụ như là những nhà truyền giáo.

Trong những ngày hội ngộ này cũng xảy ra một chuyện không vui lắm là ngày thứ hai của đại hội, chúng tôi có mời một giám mục chủ tế và giảng lễ. Tất cả chương trình đều đã được lên trước nhiều tháng qua và thánh lễ chỉ gói gọn trong 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, vị giám mục nhiệt thành này đã giảng lễ và bài giảng của ngài kéo dài lê thê hơn 1 tiếng đồ hồ. Cả hội trường đều gục lên, gục xuống vì giọng nói của ngài rất trầm và cứ lập đi, lập lại nhiều lần cùng một vấn đề… Tự nhiên thánh lễ trở thành chuyện lo ra do bài giảng quá dài của vị giám mục nhiệt thành ấy. Chính vì thế, ngay sau thánh lễ, đại hội đã quyết định thay đổi chương trình và vị dẫn chương trình là 1 linh mục giám tỉnh Dòng Don Bosco. Ngài đã khôi hài nhắc lại chuyện giảng dài của vị giảng lễ. Rồi khi chúng tôi họp nhóm nhỏ ngay sau thánh lễ, chúng tôi có đùa với nhau vì nhóm chúng tôi có mấy linh mục Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ngôi Lời, Dòng Phanxico và một số Dòng Nữ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chúng tôi có đùa với nhau rằng tiêu chuẩn để làm giám mục bây giờ rất dễ là: 1. Phải là tu sĩ Dòng Tên vì Dòng Tên rất giỏi; 2. Phải là người Argentina vì Đức Giáo Hoàng đương kim là người Argentina, và 3. Phải là người giảng dài!!! Nếu không phải là tu sĩ Dòng Tên và cũng không phải là người Argentina thì cố gắng mà tập giảng cho dài để mau làm giám mục!!! mọi người đều cười thật vui để phá tan đi bầu không khí uể oải sau thánh lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Đây cũng là bài học đắc giá cho các giám mục tu sĩ tân cử để các ngài biết tôn trọng hội nghị và tôn trọng người dân bởi vì không phải mọi lời nói và hành động của người đi tu đều là của Chúa.

Quả thực cuộc hội ngộ hay nói đúng hơn là đại hội liên tu sĩ lần này đã giúp cho chúng tôi- những tu sĩ biết nhận ra những dấu chỉ của thời đại và đào sâu hơn những khía cạnh về đức tin để sống. Người theo Chúa không thể nói suông và rao truyền những điều mơ hồ, thiếu thuyết phục nhưng phải biết vận dụng những gì mình có được từ kinh nghiệm đức tin với Chúa rồi từ đó chia sẻ cho người khác bằng những hành động thực sự vì như thánh Gia-cô-bê tông đồ đã viết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Cuộc hội ngộ lần này cũng gắn kết những người theo Chúa không phân biệt chủng tộc, màu da hay Hội Dòng để từ đó chúng tôi có thể làm việc chung với nhau trong cánh đồng truyền giáo mênh mông mà trước đây còn phân biệt giữa Triều và Dòng, giữa các bề trên với các bề trên, giữa các nhà đạo tạo và những người được đạo tạo với nhau vì chúng ta đang sống trong một thế giới đại đồng mà nơi đó mọi người sẽ chung sống hòa bình với nhau, theo như lời Ngôn sứ Isaia đã viết: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”. (Xc Is 2,4tt).

Còn mấy ngày nữa là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil- nước láng giềng của Paraguay với sự hiện diện lần đầu tiên của vị Giáo Hoàng người Nam Mỹ, nhưng những cuộc biểu tình vẫn chưa chấm dứt khiến nhiều người lo ngại. Ước mong cuộc hội ngộ hay đại hội giới trẻ thế giới lần này sẽ thổi một luồng gió mới vào giới trẻ ở châu lục có người Công Giáo đông nhất này biết sẵn sàng dấn thân và trở nên những nhà truyền giáo trên chính vùng đất của họ. Feliz Jornada Mundial de Juventud 2013.

Paraguay, 17/7/2013
 
Rio tấp nập chào đón các bạn trẻ thế giới
Đặng Tự Do
16:58 17/07/2013
Tiếng gầm rú liên tục của các loại máy bay chung quanh phi trường quốc tế Antonio Carlos Jobim mà dân chúng địa phương thường gọi là phi trường Galeão báo hiệu ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro đã sắp bắt đầu.

Trong vòng một tuần lễ từ thứ Ba 16 tháng 7 đến thứ Ba 23 tháng 7 là ngày khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, các viên chức hàng không thuộc cơ quan hàng không dân sự quốc gia Brazil (Empresa Brasileira de Infraestrutura Aeroportuária, gọi tắt là Infraero) ước tính sẽ có 700,000 bạn trẻ đáp xuống bốn sân bay tại Rio và vùng lân cận.

Một đợt tuyển dụng nhân viên tại bốn sân bay này đã gia tăng trung bình 58% nhân viên phục vụ. Đông nhất là tại phi trường Antonio Carlos Jobim, là phi trường lớn nhất nước với tổng số hành khách di chuyển trong năm 2012 là 17,491,000 người.

Infraero đã có kế hoạch điều phối các chuyến bay để đáp xuống 17 sân bay khác trong trường hợp khẩn cấp.

Để tránh cảnh chờ đợi và sự chậm trễ, Infraero đã đưa ra một kế hoạch hoạt động bao gồm phân phối lại của lịch trình bay, giảm thiểu lượng khách cao điểm tại hai sân bay Galeão (Rio) và Guarulhos (São Paulo), Hải quan và các đội Cảnh sát Liên bang đã được tăng viện từ 16% đến 193%.

Các hãng hàng không cũng đồng ý với Infraero để tăng người phục vụ tại các quầy check-in cho đến ngày 4 tháng 8.

Hôm 16 tháng 7, chỉ huy các lực lượng cảnh sát tại Rio De Janeiro là ông Roberto Diaz Chavez Algeria nói với thông tấn xã AFP là biến cố ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được bảo vệ bởi ít nhất 30,000 cảnh sát và quân đội.

Một cuộc hành quân cảnh sát sẽ được thực hiện: “Đó sẽ là cuộc hành quân cảnh sát lớn nhất trong lịch sử của thành phố. An ninh sẽ cao hơn tại ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid năm 2011”, ông nói.

"Bảy ngàn cảnh sát liên bang sẽ tăng cường cho 12.000 cảnh sát của thành phố, ngoài ra còn có 1.700 thành viên của các lực lượng vệ binh quốc gia”.

Hơn 1,5 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ đổ xô đến Rio de Janeiro. Tiếp theo sau những cuộc biểu tình lớn trên cả nước, bộ Quốc phòng đã gia tăng số quân chi viện cho cảnh sát từ 8.500 lên đến 10.266 binh sĩ thuộc các lực lượng không quân, hải quân, và bộ binh. Sự gia tăng đã được quyết định bởi vì "các cuộc biểu tình đường phố lớn trong tháng Sáu", một phát ngôn viên bộ này cho biết.

Ông Roberto Diaz Chavez Algeria nói thêm: “An ninh của ngày Quốc Tế Giới Trẻ thực sự không phải đến từ các lực lượng an ninh nhưng đến từ người dân Brazil, một dân tộc hiền hòa và hiếu khách.”

Điều ông Roberto Diaz Chavez Algeria nói có những cơ sở nhất định. Thật vậy, trong khi công nhân nhiều ngành đã đình công, giáo viên tại các trường công lập và tư nhân cũng đình công, hầu hết các trường đã đóng cửa tại nhiều thành phố, và một số bệnh viện đang hoạt động cầm chừng, công nhân trong hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện ở Sao Paulo, Rio de Janeiro và một số thủ phủ khác đã không tham gia vào cuộc đình công. Thành ra, các dịch vụ giao thông vận tải vẫn hoạt động bình thường. Nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

 
Họp báo ngày 17 tháng 7 về chuyến tông du Brazil của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:03 17/07/2013
Sáng Thứ Tư 17 tháng 7, phòng báo chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo trình bày những thay đổi vào giờ chót trong chuyến đi quốc tế đầu tiên của Đức Giáo Hoàng đến với Ngày Giới trẻ Thế giới ở Brazil, cũng là chuyến đi đầu tiên của ngài trở lại quê hương Nam Mỹ.

Bất chấp những xáo trộn gần đây tại Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định dùng một chiếc xe jeep mui trần giống như ngài vẫn dùng hiện nay tại quảng trường Thánh Phêrô thay vì chiếc pope mobile có gắn kính chống đạn.

Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh nói:

"Giới chức Vatican luôn luôn đặt rất nhiều niềm tin vào chính quyền địa phương, đó chắc chắn là những người có thẩm quyền. Họ biết công việc của họ và họ chắc chắn sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo sự an toàn cho tất cả mọi người. "

Người phát ngôn Vatican còn tiết lộ thêm:

"Đức Giáo Hoàng sẽ di chuyển xung quanh khu ổ chuột bằng cách đi bộ. Ngài cũng sẽ đi vào bên trong một trong các căn nhà trong khu này để gặp gỡ một gia đình. Sau đó, ngài sẽ đến một sân bóng đá, nơi ngài sẽ gặp gỡ cộng đồng. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp Tổng thống Brazil Dilma Roussef nhiều lần trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Thêm vào đó, hôm thứ Sáu 26 Tháng Bảy, ngài sẽ gặp gỡ với các tổng thống thuộc Mỹ Châu Latin khác, là những vị khách mời của Tổng thống Roussef.

Bổ sung thêm chi tiết về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida là Đền Kính Đức Mẹ lớn nhất trên thế giới, cha Federico Lombardi cho biết:

"Đức Giáo Hoàng muốn đến thăm Đền Đức Mẹ Aparecida để đọc một lời cầu nguyện đặc biệt cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ, cho tất cả các thanh niên thiếu nữ mà ngài sẽ gặp gỡ, và cho triều đại giáo hoàng của ngài. Đó là một số những ý chỉ, mà ngài phó thác cho sự cầu bầu của Đức Mẹ."

Một thay đổi nhỏ cũng sẽ được nhìn thấy trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng từ Rôma sang Rio De Janeiro. Vatican đã thông báo rằng cuộc họp báo trên chuyến bay sẽ không diễn ra. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng sẽ đích thân gặp gỡ và chào hỏi tất cả các nhà báo, từng người một.
 
Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin - Lumen Fidei
Phaolô Phạm Xuân Khôi
22:35 17/07/2013

THÔNG ĐIỆP

ÁNH SÁNG ĐỨC TIN - LUMEN FIDEI

CỦA Đức Thánh Cha

PHANXICÔ

GỬI CHO CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

NHỮNG NGƯỜI ĐÃ THÁNH HIẾN

VÀ TÍN HỮU GIÁO DÂN

VỀ ĐỨC TIN



1. Ánh sáng đức tin (Lumen Fidei): bằng cách diễn tả này, truyền thống của Hội Thánh nói về hồng ân cả thể mà Chúa Giêsu mang lại. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Kitô nói về chính mình rằng: “Tôi, là ánh sáng, Tôi đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12:46). Thánh Phaolô cũng đưa ra những lời dưới đây: “Thiên Chúa là Đấng đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm,’ cũng là Đấng làm cho ánh sáng chiếu soi tâm hồn chúng tôi” (2 Cor 4:6). Trong thế giới ngoại giáo, là thế giới khao khát ánh sáng, đã phát triển nghi lễ tế thần mặt trời, Sol Invictus, được cầu khẩn mỗi ngày vào lúc mặt trời mọc. Tuy nhiên, nếu mặt trời mọc lên mỗi buổi sáng, thì người ta biết rõ rằng nó không có khả năng chiếu sáng trên toàn thể đời sống con người. Thực ra, mặt trời không soi sáng mọi thực tại; tia sáng của nó không thể xuyên qua bóng tối sự chết, nơi đôi mắt của con người nhắm lại với ánh sáng của nó. Thánh Gustinô Tử Đạo viết “Có ai đã từng tìm thấy một người muốn chết để làm chứng cho đức tin vào mặt trời của mình chưa?” [1]. Ý thức được chân trời bao la mà đức tin mở ra trước họ, các Kitô hữu gọi Đức Kitô là mặt trời thật “mà những tia sáng của Người ban sự sống” [2]. Đối với bà Martha, người đã khóc vì cái chết của em trai mình là Ladarô, Chúa Giêsu nói: “Thầy đã chẳng nói với con rằng nếu con tin, con sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11:40). Hãy xem, người nào tin, người ấy thấy một ánh sáng soi sáng toàn thể cuộc hành trình của mình, bởi vì ánh sáng ấy đến từ Đức Kitô Phục Sinh, sao mai không bao giờ lặn.

Một ánh sáng hão huyền?

2. Tuy nhiên, khi nói về ánh sáng đức tin, chúng ta có thể nghe thấy sự phản đối của nhiều người đương thời với mình. Trong thời hiện đại, người ta nghĩ rằng ánh sáng ấy có thể đủ cho các xã hội cũ, nhưng không còn ích lợi gì cho thời đại mới, bởi vì con người đã trưởng thành, tự hào về lý trí của mình, và muốn khám phá tương lai bằng những cách mới lạ. Theo nghĩa này, đức tin đã xuất hiện như một ánh sáng hão huyền, cản đường nhân loại trong việc táo bạo vun trồng kiến thức. Nietzsche khi còn trẻ khuyến khích em gái là Elisabeth chấp nhận rủi ro, để bước đi “con đường mới.. . với tất cả sự không chắc chắn của một người phải tìm con đường riêng của mình”, và thêm rằng “đây là nơi mà con đường của nhân loại rẽ đôi: nếu em muốn an bình và hạnh phúc của tâm hồn, thì hãy tin, nhưng nếu em muốn trở thành một môn đồ của chân lý, thì hãy tìm kiếm” [3]. Việc làm của đức tin trái ngược với việc làm của tìm kiếm. Từ điểm khởi đầu này, Nietzsche đổ lỗi cho Kitô giáo là đã làm giảm ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống con người và tước đoạt sự mới lạ và phiêu lưu khỏi cuộc sống. Như vậy đức tin như một ảo ảnh của ánh sáng, một ảo ảnh ngăn chặn con đường tiến về tương lai của những ngươi tự do chúng ta.

3. Trong tiến trình này, đức tin đã có liên hệ với bóng tối. Người ta đã nghĩ rằng có thể bảo vệ đức tin, tìm cho nó một chỗ để nó cùng tồn tại với ánh sáng của lý trí. Chỗ dành cho đức tin đã mở ra ở đó những nơi mà ánh sáng của lý trí không thể soi sáng được, những nơi mà con người không còn có thể có sự chắc chắn. Như thế, đức tin được hiểu hoặc như một bước nhảy vọt trong chân không, mà chúng ta thực hiện trong trường hợp không có ánh sáng, được điều khiển bởi cảm giác mù quáng, hoặc như một ánh sáng chủ quan, có thể có khả năng sưởi ấm tâm hồn và mang lại niềm an ủi cá nhân, nhưng không thể đề nghị cho người khác như ánh sáng khách quan và cộng đồng để chiếu soi con đường. Tuy nhiên, từ từ, người ta thấy rằng ánh sáng của lý trí tự nó không đủ để soi sáng tương lai; cuối cùng tương lai vẫn còn mù mịt và đặt con người trong vòng sợ hãi về những điều họ không biết rõ. Kết quả là con người từ bỏ việc tìm kiếm một ánh sáng vĩ đại, một Chân Lý Cao Cả, để hài lòng với những ánh sáng bé nhỏ là những ánh sáng chiếu soi những gì thoáng qua, nhưng không có khả năng chỉ đường. Tuy nhiên, khi vắng bóng ánh sáng, mọi sự trở nên mơ hồ, khiến chúng ta không thể phân biệt được tốt xấu, không thể phân biệt được con đường dẫn đến cùng đích của mình và những con đường khác dẫn chúng ta đi vòng vo mà không đến đâu cả.

Một ánh sáng để tái khám phá

4. Như thế có một nhu cầu cấp bách để phục hồi căn tính đặc biệt của ánh sáng đức tin, vì khi ngọn lửa đức tin bị lụi tàn thì tất cả những ánh sáng khác bắt đầu lu mờ. Thực ra, ánh sáng đức tin có một căn tính độc đáo, vì nó có khả năng chiếu soi tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người. Để có một ánh sáng cũng mạnh mẽ như thế, nó không thể đến từ chính chúng ta nhưng từ một nguồn nguyên thủy hơn, nó dứt khoát phải đến từ Thiên Chúa. Đức tin phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi chúng ta và mặc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài, một tình yêu đi trước chúng ta và trên đó chúng ta có thể dựa vào để được an toàn và để xây dựng cuộc đời mình. Được biến đổi bởi tình yêu này, chúng ta nhận được đôi mắt mới, chúng ta cảm nhận rằng đó là một lời hứa cả thể về sự viên mãn, và viễn tượng về tương lai đang mở ra trước mắt chúng ta. Đức tin mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, trở thành một ánh sáng cho con đường của chúng ta, hướng dẫn cuộc hành trình của chúng ta trong thời gian. Một đàng, đó là một ánh sáng đến từ quá khứ, là ánh sáng nền tảng tưởng niệm cuộc đời Chúa Giêsu, là cuộc đời tỏ lộ tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy của Người, có khả năng chiến thắng sự chết. Tuy nhiên, đồng thời vì Đức Kitô đã sống lại và kéo chúng ta ra khỏi cái chết, đức tin cũng là ánh sáng đến từ tương lai, mở ra trước mắt chúng ta những chân trời rộng lớn hướng dẫn chúng ta thắng vượt “cái tôi” cô lập của mình hướng về sự phong phú của sự hiệp thông. Như vậy chúng ta hiểu rằng đức tin không ở trong bóng tối; nhưng là một ánh sáng chiếu soi bóng tối của chúng ta. Dante, sau khi tuyên xưng đức tin của mình với Thánh Phêrô, đã diễn tả nó trong Bi Kịch về Thiên Chúa (La Divine Comédie) như một “tia lửa, mà sau đó trở thành một ngọn lửa cháy và chiếu sáng trong tôi như một ngôi sao trên trời” [4]. Chính ánh sáng này của đức tin là điều mà tôi muốn nói đến, ngõ hầu nó có thể lớn lên và soi sáng hiện tại, cho đến khi trở thành một ngôi sao soi chiếu những chân trời của cuộc hành trình của chúng ta, vào một thời điểm mà nhân loại đặc biệt cần ánh sáng.

5. Trước cuộc khổ nạn, Chúa đảm bảo cùng Thánh Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất đức tin” (Lc 22:32). Sau đó Người yêu cầu ông phải “làm cho các anh em ông nên mạnh mẽ” trong cùng một đức tin. Ý thức về nhiệm vụ được trao phó cho người Kế Vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã muốn công bố Năm Đức Tin này, một thời gian ân sủng giúp chúng ta cảm nhận được niềm vui lớn lao của việc tin, phục hồi nhận thức về sự bao la của những chân trời mà đức tin mở ra, để tuyên xưng đức tin trong tính duy nhất và toàn vẹn của nó, trung thành với việc tưởng niệm về Chúa và được nâng đỡ bởi sự hiện diện của Người cùng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Niềm xác tín phát sinh từ một đức tin mang lại cho cuộc sống sự cao cả và thành tựu, đặt trọng tâm vào Đức Kitô và vào quyền năng của ân sủng Người, đã sinh động hóa sứ vụ của các Kitô hữu tiên khởi. Trong Công Vụ của các vị tử đạo, chúng ta đọc cuộc đối thoại sau đây giữa quan giám sự Rôma Rusticô và Kitô hữu Hierax: Quan tòa hỏi vị tử vì đạo “Cha mẹ ngươi ở đâu?” ông trả lời: “Cha thật của chúng tôi là Đức Kitô, và mẹ chúng tôi là đức tin vào Người” [5]. Với những Kitô hữu tiên khởi này, đức tin, như một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống được tỏ lộ trong Đức Kitô, là một “người mẹ”, vì nó đã mang lại cho họ ánh sáng và sinh ra trong họ sự sống thần linh, một kinh nghiệm mới, một cái nhìn quang minh về cuộc đời mà họ đã chuẩn bị sẵn sàng để làm chứng cách công khai cho đến cùng.

6. Năm Đức Tin đã được bắt đầu vào dịp kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Công đồng Vaticanô II. Sự trùng hợp này cho phép chúng ta coi Công Đồng Vaticanô II như một Công Đồng về đức tin [6], bởi vì nó đã mời gọi chúng ta một lần nữa đặt tính ưu việt của Thiên Chúa trong Đức Kitô ở trung tâm cuộc sống Hội Thánh và cá nhân của mình. Thực ra, Hội Thánh không bao giờ coi đức tin như điều đương nhiên, mà biết rằng hồng ân này của Thiên Chúa cần phải được nuôi dưỡng và củng cố để nó có thể tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình của mình. Công Đồng Vaticanô II làm cho ánh sáng đức tin có thể chiếu soi kinh nghiệm nhân bản của chúng ta từ bên trong, trong khi cũng đồng hành trên những con đường của con người thời nay. Bằng cách này, nó cho thấy rõ ràng cách thức mà đức tin làm cho đời sống được phong phú trong mọi chiều kích của nó.

7. Những suy nghĩ này về đức tin – tiếp nối tất cả những gì Huấn Quyền của Hội Thánh đã công bố về nhân đức đối thần này [7] – nhằm mục đích để thêm vào những gì mà Đức Bênêđictô XVI đã viết trong các Thông Điệp của ngài về đức mến (đức ái) và về đức cậy (hy vọng). Ngài hầu như hoàn thành một dự thảo đầu tiên của một thông điệp về đức tin. Tôi nhìn nhận công ơn ngài một cách sâu xa, và trong tình huynh đệ của Đức Kitô, tôi tiếp tục công trình quý hóa này của ngài và thêm vào văn bản một vài đóng góp riêng của tôi. Người Kế Vị Thánh Phêrô, hôm qua, hôm nay và ngày mai, luôn luôn được mời gọi “củng cố anh em mình” trong kho tàng đức tin vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho như ánh sáng soi chiếu cuộc hành trình của mỗi người.

Trong đức tin, món quà của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Ngài truyền cho chúng ta, chúng ta nhận ra rằng một Tình Yêu cả thể đã được ban cho chúng ta, một Lời nhân lành đã được nói với chúng ta, và khi chúng ta chào đón Lời này, là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh hy vọng để đồng hành với chúng ta. Trong một sự đan kết tuyệt vời, đức tin, đức cậy và đức mến tạo thành động lực của đời sống Kitô hữu hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhưng con đường này mà đức tin mở ra trước mắt chúng ta thì thế nào? Ánh sáng mạnh mẽ này là ánh sáng cho phép chiếu soi cuộc hành trình của một cuộc đời thành công và sinh đầy hoa trái đến từ đâu?

CHƯƠNG MỘT

CHÚNG TA ĐÃ TIN VÀO TÌNH YÊU



(x. 1 Ga 4:16)


Ông Abraham, cha của chúng ta trong đức tin

8. Đức tin mở ra cho chúng ta con đường và cùng đi với những bước đường của chúng ta trong lịch sử. Do đó, nếu muốn hiểu đức tin là gì, chúng ta cần phải đi theo những con đường của nó, con đường của những người có đức tin, như đã được làm chứng trước hết trong Cựu Ước. Có một chỗ đặc biệt thuộc về ông Abraham, cha của chúng ta trong đức tin. Trong cuộc đời của ông có một sự kiện làm đảo lộn tất cả: Thiên Chúa dùng Lời mà nói với ông, Ngài tự mặc khải như một Thiên Chúa duy nhất Đấng nói và gọi tên ông. Đức tin liên quan đến việc nghe. Ông Abraham không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng nghe giọng nói của Ngài. Bằng cách này, đức tin có một tính cách cá nhân. Như vậy, Thiên Chúa rõ ràng không phải là Thiên Chúa của một nơi nào đó, hoặc một Thiên Chúa liên hệ với một thời điểm thiêng liêng nào đó, nhưng Thiên Chúa của một người, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, có khả năng tiếp xúc với con người và thiết lập một giao ước với họ. Đức tin là sự đáp trả của chúng ta với một Lời, là Lời chất vấn chúng ta một cách cá nhân, về một “Chúa”, Đấng gọi tên chúng ta.

9. Lời nói với ông Abraham này là một lời mời gọi và một lời hứa. Trước hết nó là một lời mời gọi ông rời bỏ mảnh đất của mình, một lời mời gọi mở lòng ra cho một cuộc sống mới, khởi đầu của một cuộc xuất hành dẫn ông về phía một tương lai không thể lường trước được. Viễn tượng mà đức tin cung cấp cho ông Abraham sẽ luôn luôn được nồi kết với sự cần thiết phải thực hiện bước tiến này: đức tin “nhìn thấy” ông đi đến đâu, nơi ông bước vào vùng trời được mở ra bởi Lời Thiên Chúa. Lời này cũng chứa đựng một lời hứa: miêu duệ ngươi sẽ rất đông đúc, ngươi sẽ là cha của một dân vĩ đại (x. St 13:16; 15:5, 22:17). Thật đúng là một đáp trả với một Lời trước đó, đức tin của ông Abraham sẽ luôn luôn là một hành động tưởng nhớ. Tuy nhiên, sự tưởng nhớ này không đóng chặt trong quá khứ, nhưng vì là một tưởng nhớ về một lời hứa, nó trở nên có khả năng mở ra cho tương lai, soi sáng những bước đi dọc đường. Như vậy chúng ta thấy làm sao đức tin, như một sự tưởng nhớ đến tương lai, memoria futuri, lại liên hệ chặt chẽ với đức cậy.

10. Thiên Chúa đòi ông Abraham phải tin tưởng vào Lời này. Đức tin hiểu rằng Lời - một thực thể rõ ràng là phù du và thoáng qua, khi được Thiên Chúa trung tín công bố - lại trở nên hoàn toàn chắc chắn và không thể lay chuyển được, đảm bảo tính liên tục của cuộc hành trình của chúng ta trong thời gian. Đức tin đón nhận Lời này như đá tảng vững chắc, nền tảng vững vàng mà trên đó chúng ta có thể xây dựng. Đó là lý do tại sao trong Thánh Kinh, đức tin được diễn tả bằng từ Do Thái 'emûnāh, bắt nguồn từ động từ ‘amàn mà căn ngữ của nó có nghĩa là “nâng đỡ”. Thuật ngữ ‘emûnāh có thể có nghĩa là sự trung tín của Thiên Chúa mà còn có nghĩa là đức tin của con người. Con người có đức tin nhận được sức mạnh bằng cách phó thác trong bàn tay Thiên Chúa trung tín. Việc chơi chữ dựa trên ý nghĩa đôi của từ này - cũng được tìm thấy trong các từ ngữ tương tự trong tiếng Hy Lạp (pistos) và Latin (fidelis) - Thánh Cyrilô thành Giêrusalem ca tụng phẩm giá của Kitô hữu là người đón nhận chính danh của Thiên Chúa: cả hai đều được gọi là “trung tín” [8]. Như Thánh Augustinô giải thích: “Con người trung thành khi tin vào lời mà Thiên Chúa đã hứa, Thiên Chúa trung tín khi ban cho con người những gì mà Ngài đã hứa” [9].

11. Một suy nghĩ cuối cùng về lịch sử ông Abraham là điều quan trọng để hiểu đức tin của ông. Lời Thiên Chúa, tuy mang đến với nó sự mới mẻ và bất ngờ, nhưng không xa lạ gì với kinh nghiệm của Tổ Phụ. Trong giọng của Đấng nói với ông, ông Abraham nhận ra một lời mời gọi sâu xa, đã vĩnh viễn được khắc ghi trong tâm điểm của cuộc đời ông. Thiên Chúa liên kế lời hứa của Ngài với “nơi” mà cuộc sống con người đã luôn luôn tỏ ra đầy hứa hẹn: việc làm cha mẹ, việc sinh ra sự sống mới: “Sarah vợ ngươi sẽ sinh một con trai, và ngươi sẽ đặt tên nó là Isaac” (St 17:19). Thiên Chúa này, Đấng đòi hỏi ông Abraham phải hoàn toàn tin tưởng tỏ mình ra là nguồn gốc của toàn thể đời sống. Bằng cách này, đức tin liên hệ đến Phụ Tính của Thiên Chúa, mà từ đó phát sinh ra tạo vật: Thiên Chúa, Đấng gọi ông Abraham là Đấng Tạo Hóa, là Đấng “làm cho những điều không có thành có” (Rm 4:17), Đấng “đã chọn chúng ta trước khi tạo thành thế gian.. . và tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử đối với Ngài” (Ep 1,4-5). Với ông Abraham, đức tin vào Thiên Chúa soi sáng những nguồn gốc sâu thẳm nhất của con người ông, cho phép ông nhận ra nguồn mạch của sự tốt lành, là nguồn gốc của tất cả mọi sự, và xác nhận rằng cuộc đời của ông không phát sinh từ nhưng không hoặc tình cờ, nhưng từ một ơn gọi và một tình yêu cá nhân. Thiên Chúa huyền nhiệm, Đấng đã gọi ông không phải là một Thiên Chúa xa lạ, nhưng là nguồn gốc của mọi sự và nâng đỡ tất cả. Cuộc thử thách lớn lao về đức tin của ông Abraham, việc hiến tế con trai ông là Isaac, cho thấy mức độ mà tình yêu nguyên thủy này có thể đảm bảo sự sống thậm chí vượt trên sự chết. Lời có thể làm sống lại một người con cho một thân xác “như chết” và trong “lòng như đã chết” của bà Sarah son sẻ (x. Rm 4:19), Lời cũng có thể thực hiện lời hứa của Ngài về một tương lai vượt trên tất cả những đe dọa hoặc nguy hiểm (x. Dt 11:19; Rm 4:21).

Đức Tin của dân Israel

12. Lịch sử của dân Israel, trong Sách Xuất Hành, theo chân đức tin của ông Abraham. Đức tin một lần nữa được sinh ra từ một hồng ân nguyên thủy: Dân Israel phó thác vào hành động của Thiên Chúa, Đấng muốn giải phóng họ khỏi cảnh đau khổ của họ. Đức tin được mời gọi vào một cuộc hành trình dài để có thể thờ phượng Chúa trên núi Sinai và thừa kế một đất hứa. Tình yêu Thiên Chúa có những đặc tính của một người cha bồng bế con mình dọc theo cuộc hành trình (x. Dt 1:31). Lời tuyên xưng đức tin của dân Israel được hình thành như một tường thuật kể lại những nghĩa cử của Thiên Chúa, về hành động của Ngài để giải phóng và hướng dẫn dân Ngài (x. Dt 26:5-11), một tường thuật mà dân chúng truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi cho dân Israel qua việc tưởng nhớ đến những việc làm cả thể của Chúa, được nhớ lại và tuyên xưng trong các nghi lễ, và được truyền lại từ đời cha đến đời con. Như thế, ở đây chúng ta thấy ánh sáng đức tin được liên kết với tường thuật cụ thể về đời sống, với việc tưởng nhớ cách biết ơn những nghĩa cử của Thiên Chúa và việc thực hiện cách tiệm tiến lời hứa của Ngài. Kiến trúc gothic đã diễn tả rõ ràng điều này: trong những nhà thờ chính tòa lớn, ánh sáng đến từ trời qua những cửa kính là những nơi mô tả lịch sử thánh. Ánh sáng của Thiên Chúa đến với chúng ta qua những tường thuật về mặc khải của Ngài, và do đó trở nên có khả năng soi sáng cuộc hành trình của chúng ta qua thời gian bằng cách nhắc lại những nghĩa cử của Thiên Chúa, và cho thấy Ngài hoàn thành những lời hứa của Ngài ra sao.

13. Lịch sử của dân Israel còn cho chúng ta thấy sự cám dỗ về việc thiếu lòng tin mà dân chúng đã nhiều lần đầu hàng. Ở đây việc thờ ngẫu tượng có vẻ như đối nghịch với đức tin. Trong khi ông Môsê đang đàm đạo với Thiên Chúa trên núi Sinai, thì dân chúng không thể chịu đựng được mầu nhiệm về sự ẩn mình của Ngài nữa, họ không thể chịu nổi thời gian chờ đợi để thấy dung nhan của Ngài nữa. Theo bản tính, đức tin đòi hỏi phải từ bỏ việc sở hữu lập tức mà cảnh tượng này có vẻ như đáp ứng, đó là một lời mời gọi tự mở lòng ra đón nguồn mạch của ánh sáng, trong khi tôn trọng mầu nhiệm riêng của một Dung Nhan, sẽ tự mình tỏ mình cách cá nhân vào thời điểm thuận tiện riêng. Martin Buber trích dẫn một định nghĩa về ngẫu tượng được giáo sĩ Do thái Kock đề ra: việc thờ ngẫu tượng xảy ra khi “khi một khuôn mặt kính cẩn hướng về một khuôn mặt không phải là một dung nhan” [10]. Thay vì đức tin vào Thiên Chúa, người ta thích thờ ngẫu tượng hơn, đó là ngẫu tượng mà chúng ta biết khuôn mặt và có nguồn gốc, bởi vì nó là tác phẩm chúng ta. Trước ngẫu tượng, chúng ta không có nguy cơ bị mời gọi từ bỏ sự an toàn riêng của mình, bởi vì ngẫu tượng “có miệng, nhưng không nói” (Tv 115:5). Như thế chúng ta hiểu rằng ngẫu tượng chỉ là một lý do để con người đặt mình ở trung tâm của thực tại qua việc thờ phượng công trình do tay mình làm ra. Một khi đã bị mất định hướng cơ bản, là điều cung cấp cho cuộc đời tính đơn nhất, con người bị lạc đường trong những ước muốn đa dạng của mình. Khi không chịu chờ đợi thời điểm của lời hứa, con người bị phân tán trong hàng ngàn những khoảnh khắc của lịch sử mình. Cho nên, việc thờ ngẫu tượng luôn luôn là tôn giáo đa thần, một di chuyển không có mục đích từ một chúa này sang một chúa khác. Việc thờ ngẫu tượng không cung cấp cho con người một con đường nhưng rất nhiều lối mòn, không dẫn đến một cùng đích chắc chắn mà thay vào đó tạo ra một mê hồn trận. Những người không muốn đặt niềm tin vào Thiên Chúa phải nghe những tiếng ồn ào của vô số ngẫu tượng kêu la: “Hãy tin tưởng vào tôi!” Đức tin gắn liền với việc hoán cải, trái ngược với việc thờ ngẫu tượng; đức tin là một sự đoạn tuyệt với ngẫu tượng để trở về với Thiên Chúa hằng sống, trong một cuộc gặp gỡ cá nhân. Tin có nghĩa là phó thác mình cho một tình yêu đầy thương xót, là tình yêu luôn luôn đón nhận và tha thứ, nâng đỡ và hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và chứng tỏ sức mạnh của nó bằng khả năng sửa chữa những sai lệch của lịch sử của chúng ta. Đức tin hệ tại việc sẵn sàng để cho mình được liên tục biến đổi và canh tân bằng lời mời gọi của Thiên Chúa. Đây là sự nghịch lý: bằng cách liên tục quy hướng về Chúa, con người khám phá ra một con đường chắc chắn giải thoát họ khỏi sự phân tán mà ngẫu tượng áp đặt trên họ.

14. Trong đức tin của dân Israel cũng có ông Môsê, người trung gian. Dân chúng không thể nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa; chính ông Môsê thưa chuyện cùng Đức Giavê trên núi và sau đó nói với mọi người thánh ý của Chúa. Với sự hiện diện này của người trung gian, dân Israel học đồng hành với nhau trong sự hiệp nhất. Hành động đức tin của mỗi người tìm thấy chỗ đứng của mình trong một cộng đồng, trong “cái chúng ta” chung của dân chúng, là những người trong đức tin, giống như một người duy nhất - “con đầu lòng của Ta”, như Thiên Chúa sẽ gọi toàn thể dân Israel (x. Xh 4:22). Việc làm trung gian ở đây không trở thành một chướng ngại, nhưng một sự mở ra: trong cuộc gặp gỡ với những người khác, cái nhìn của chúng ta mở ra cho một chân lý thật lớn hơn chúng ta. J.J. Rousseau có lần than thở rằng ông không thể tự mình nhìn thấy Thiên Chúa: “Có biết bao nhiêu người đứng giữa Thiên Chúa và tôi!” [11].... “Có phải cũng đơn giản và tự nhiên mà Thiên Chúa đã tìm ông Môsê để nói với ông Jean Jacques Rousseau không?” [12]. Dựa vào một quan niệm theo chủ nghĩa cá nhân và sự giới hạn của kiến thức, người ta không thể hiểu được ý nghĩa của việc làm trung gian là khả năng tham gia vào cái nhìn của người khác này, sự hiểu biết được chia sẻ này là kiến thức đặc thù của tình yêu. Đức tin là món quà nhưng không của Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi lòng khiêm tốn và can đảm để tin tưởng và phó thác, ngõ hầu nhìn thấy con đường sáng dẫn đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người: lịch sử cứu độ.

Sự viên mãn của đức tin Kitô giáo

15. “Abraham […] hớn hở vui mừng vì sẽ thấy ngày của Tôi, ông đã thấy nó và đã vui mừng” (Ga 8:56). Theo những lời này của Chúa Giêsu, đức tin của ông Abraham chỉ về Người, theo một nghĩa nào đó, nó đã là một cái nhìn cho biết trước mầu nhiệm của Người. Thánh Augustinô cũng hiểu như vậy khi ngài quả quyết rằng các Tổ Phụ đã được cứu bởi đức tin, không phải đức tin vào Đức Kitô đã đến, nhưng vào Đức Kitô sẽ đến, một đức tin hướng về biến cố tương lai của Chúa Giêsu [13]. Đức tin Kitô giáo đặt trọng tâm vào Đức Kitô, đức tin ấy tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa và rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết (x. Rm 10:9). Tất cả các nhân vật của Cựu Ước đều hội tụ vào Đức Kitô, Người trở thành câu trả lời “Có” dứt khoát cho tất cả những lời hứa, nền tảng của lời thưa “Amen” cuối cùng của chúng ta với Thiên Chúa (x. 2 Cor 1:20). Lịch sử của Chúa Giêsu là sự tỏ lộ hoàn toàn mức độ đáng tin cậy của Thiên Chúa. Nếu dân Israel tiếp tục nhắc lại những hành vi cao cả của tình yêu Thiên Chúa, là những điều tạo thành cốt lõi của lời tuyên xưng đức tin của họ và mở rộng cái nhìn của họ về đức tin, thì từ đó cuộc đời của Chúa Giêsu xuất hiện như một địa điểm của sự can thiệp dứt khoát của Thiên Chúa, sự biểu lộ cao nhất của tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta trong Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là một lời bổ túc trong số rất nhiều lời, nhưng là Lời vĩnh cửu của Ngài (x. Dt 1:1-2). Thiên Chúa không thể ban cho chúng ta một đảm bảo nào lớn hơn tình yêu của Ngài, như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta (x. Rm 8:31-39). Như vậy, đức tin Kitô giáo là đức tin vào một tình yêu trọn vẹn, trong quyền năng hiệu quả của nó, trong khả năng của nó để biến đổi thế gian và soi sáng thời gian. “Chúng ta đã biết và tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1 Ga 4:16). Trong tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Chúa Giêsu, đức tin nhận ra nền tảng mà trên đó toàn thể thực tại và số phận cuối cùng của nó dựa vào.

16. Bằng chứng lớn lao nhất về mức độ đáng tin cậy của tình yêu Đức Kitô được tìm thấy trong chết của Người vì nhân loại. Nếu việc hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu là bằng chứng lớn nhất của tình yêu (x. Ga 15:13), thì Chúa Giêsu đã hiến mạng sống Người cho mọi người, ngay cả những kẻ thù của Người, để biến đổi tâm hồn họ. Đó là lý do tại sao theo các thánh sử, thì cái nhìn về đức tin đạt đến tột đỉnh vào giờ của Thánh Giá, giờ mà trong đó sự cao cả và tràn đầy của tình yêu Thiên Chúa được tỏa sáng. Thánh Gioan đặt ở đây lời chứng long trọng của ngài, khi chiêm ngắm Đấng bị đâm thâu qua cùng với Mẹ Chúa Giêsu (x. Ga 19:37). “Có người xem thấy việc ấy đã làm chứng, và lời chứng của người ấy thì chân thật; và người ấy biết mình nói thật để anh em tin” (Ga 19:35). F.M. Dostoevsky, trong tác phẩm Thằng Ngốc (L’idiot), làm cho nhân vật chính, Hoàng tử Myskin, khi nhìn thấy một bức tranh về Đức Kitô chết trong mồ của Hans Holbein Trẻ, nói: “Khi nhìn vào bức tranh này một tín hữu có thể mất đức tin của mình” [14]. Thật vậy, bức tranh trình bày một cách khủng khiếp những hậu quả tàn khốc của cái chết trên thân thể Đức Kitô. Tuy nhiên, chính trong việc chiêm ngắm cái chết của Chúa Giêsu mà đức tin được củng cố và nhận được một ánh sáng huy hoàng, khi nó được biểu lộ như đức tin vào tình yêu không thể lay chuyển được của Đức Kitô dành cho chúng ta, một tình yêu có khả năng bước vào cái chết để cứu chúng ta. Tôi có thể tin vào Tình Yêu này, một Tình Yêu không lùi bước trước cái chết để chứng tỏ Người yêu tôi thế nào; việc hoàn toàn tự hiến của Người thắng vượt mọi nghi ngờ và cho phép chúng ta phó thác hoàn toàn vào Đức Kitô.

17. Trên hết, trong ánh sáng việc Phục Sinh, cái chết của Đức Kitô cho thấy rõ mức độ hoàn toàn đáng tin cậy của tình yêu Thiên Chúa. Như Đấng Phục Sinh, Đức Kitô là nhân chứng đáng tin cậy, xứng đáng với đức tin (x. Kh 1:5; Dt 2:17), là sự nâng đỡ vững chắc cho đức tin của chúng ta. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em là đức tin vô ích” (1 Cor 15:17). Nếu tình yêu của Chúa Cha đã không cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, nếu Ngài đã không có thể ban sự sống lại cho thân xác của Người, thì sẽ không phải là một tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy, cũng có khả năng chiếu soi những bóng tối của sự chết. Khi Thánh Phaolô nói về đời sống mới của ngài trong Đức Kitô, ngài nói về “đức tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi” (Gl 2:20). “Đức tin vào Con Thiên Chúa” này chắc chắn là đức tin của Vị Tông Đồ Dân Ngoại vào Chúa Giêsu, nhưng nó cũng nói lên rằng Chúa Giêsu đáng tin cậy, không chỉ dựa trên tình yêu cho đến chết của Người mà còn trên việc Người là con Thiên Chúa. Chính bởi vì Chúa Giêsu là Chúa Con, bởi vì Người hoàn toàn ở trong Chúa Cha, Người đã có thể chiến thắng sự chết và làm cho sự viên mãn của sự sống được sáng tỏa. Nền văn hóa của chúng ta đã đánh mất khái niệm về sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa, về hoạt động của Ngài trong thế gian. Chúng ta nghĩ rằng chỉ tìm thấy Thiên Chúa ở bên ngoài, trên một mức độ khác của thực tại, tách biệt khỏi các mối liên hệ hàng ngày của chúng ta. Nhưng nếu điều này đúng, nếu Thiên Chúa không thể hoạt động trong thế gian, thì tình yêu của Ngài sẽ không thực sự mạnh mẽ, thực sự có thật, và như thế, Ngài cũng không phải là một tình yêu thật, một tình yêu có khả năng mang lại hạnh phúc mà Ngài đã hứa. Vì vậy tin hay không tin vào Ngài tất cả sẽ chẳng khác gì nhau. Trái lại, các Kitô hữu tuyên xưng đức tin của họ vào tình yêu cụ thể và mạnh mẽ của Thiên Chúa, Đấng thực sự hoạt động trong lịch sử và quyết định vận mệnh cuối cùng của nó, một tình yêu mà con người có thể gặp gỡ, một tình yêu hoàn toàn được mặc khải trong cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Đức Kitô.

18. Sự viên mãn mà Chúa Giêsu mang đến cho đức tin có một khía cạnh quyết định khác. Trong đức tin, Đức Kitô không chỉ đơn thuần là Đấng mà chúng ta tin, là biểu hiện cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa, Người cũng là Đấng mà chúng ta kết hợp với để có thể tin. Đức tin không chỉ đơn thuần là ngắm nhìn Chúa Giêsu, nhưng nhìn mọi sự theo quan điểm của Chúa Giêsu, với đôi mắt của Người: đó là một sự tham gia vào cách nhìn của Người. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc đời, chúng ta tin tưởng vào những người khác, là những người biết nhiều hơn mình. Chúng ta tin tưởng vào các kiến trúc sư là những người xây nhà mình, vào dược sĩ là những người cho chúng ta thuốc để chữa bệnh, vào các luật sư là những người bảo vệ chúng ta tại tòa án. Chúng ta cũng cần một ai đó đáng tin cậy và chuyên môn về những việc có liên quan đến Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con của Ngài, là Đấng tự giới thiệu như Đấng giải thích cho chúng ta về Thiên Chúa (x. Ga 1:18). Cuộc đời Đức Kitô, cách Người biết Chúa Cha và sống hoàn toàn trong mối liên hệ với Ngài, mở ra một không gian mới cho kinh nghiệm của con người mà chúng ta có thể vào được. Thánh Gioan đã đưa ra tầm quan trọng của một mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu đối với đức tin của chúng ta bằng cách sử dụng các cách dùng khác nhau của động từ tin. Ngoài việc “tin rằng” những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta là sự thật, Thánh Gioan cũng dùng thuật ngữ “tin” Chúa Giêsu và “tin vào” Chúa Giêsu. Chúng ta “tin” Chúa Giêsu khi chúng ta chấp nhận Lời Người, chứng từ của Người, bởi vì Người trung thực (x. Ga 6:30). Chúng ta “tin vào” Chúa Giêsu khi chúng ta đích thân đón Người vào cuộc đời và cuộc hành trình của chúng ta về phía Người, gắn bó với Người trong tình yêu và bước theo Người trên đường đời (x. Ga 2:11; 6:47; 12:44).

Để giúp chúng ta biết Người, đón nhận Người và theo Người, Con Thiên Chúa mặc lấy xác thịt của chúng ta. Bằng cách này, Người cũng nhìn Chúa Cha một cách nhân loại, trong khung cảnh của một cuộc hành trình diễn ra trong thời gian. Đức tin Kitô giáo là đức tin vào sự nhập thể của Ngôi Lời và sự Sống Lại của Người trong thân xác, đức tin vào một Thiên Chúa rất gần gũi chúng ta và đã đi vào lịch sử nhân loại của chúng ta. Đức tin vào Con Thiên Chúa làm người trong Chúa Giêsu thành Nagiareth không tách chúng ta ra khỏi thực tại, nhưng cho phép chúng ta chấp nhận ý nghĩa sâu xa nhất của nó, để tìm hiểu xem Thiên Chúa yêu thương thế giới này bao nhiêu và không ngừng hướng nó về phía Ngài. Điều này thúc đẩy các Kitô hữu dấn thân, để sống một cách mãnh liệt hơn trong cuộc hành trình trần thế.

Ơn cứu độ bởi đức tin

19. Từ việc chia sẻ cách nhìn của Chúa Giêsu này, Thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta trong các bài của ngài một mô tả về đời sống đức tin. Qua việc chấp nhận hồng ân đức tin, các tín hữu được biến đổi thành một tạo vật mới. Họ nhận được một con người mới, là con cái [Thiên Chúa]; họ trở nên con cái trong Chúa Con. Cụm từ “Abba, Lạy Cha”, là lời rất đặc trưng của kinh nghiệm của Chúa Giêsu, trở thành trung tâm của kinh nghiệm Kitô giáo (x. Rm 8:15). Đời sống trong đức tin, như một đời con thảo, là một sự nhìn nhận hồng ân nguyên thủy và triệt để, là nền tảng của cuộc sống con người, và có thể được tóm tắt trong câu của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinthô: “Có gì mà anh em đã không nhận được?” (1 Cor 4:7). Đây chính là trung tâm của cuộc tranh luận của Thánh Phaolô với những người Biệt Phái, cuộc tranh luận về ơn cứu độ bằng đức tin hay bằng việc làm của Lề Luật. Điều mà Thánh Phaolô bác bỏ là thái độ của những người tự coi mình là công chính trước mặt Thiên Chúa qua trung gian của hành động đúng của mình. Những người như thế, ngay cả khi họ tuân giữ các điều răn và làm những việc lành, tự đặt mình ở trung tâm, mà không nhận ra rằng nguồn gốc của sự tốt lành là Thiên Chúa. Những người làm như thế, muốn thành nguồn gốc của sự công chính riêng của họ, họ nhanh chóng thấy rằng sự công chính này trở nên khô cằn và họ không thể thậm chí giữ được lòng trung thành với Lề Luật. Họ tự khép kín mình và tự cô lập đối với Chúa và với tha nhân, kết quả là cuộc đời của họ trở nên trống rỗng và những công việc của họ trở nên cằn cỗi như một cây sống xa nước. Thánh Augustinô cũng đưa ra bằng ngôn từ ngắn gọn và hiệu quả của ngài: “Ab eo qui fecit te, noli deficere nec ad te”, “Đừng quay lưng lại với Đấng đã dựng nên bạn, ngay cả để quay về phía chính mình” [15]. Khi một người nghĩ rằng bằng cách quay lưng lại với Thiên Chúa họ sẽ tìm thấy chinh bản thân họ, cuộc đời người ấy bắt đầu sụp đổ (x. Lc 15:11-24). Khởi đầu của ơn cứu độ là mở lòng ra với một cái gì có trước, với một món quà nguyên thủy là món quà đảm bảo cho cuộc sống và duy trì nó trong đời. Chỉ bằng cách mở lòng của chúng ta ra cho nguồn gốc này và qua việc nhìn nhận nó, con người mới có thể được biến đổi, nhờ để cho ơn cứu độ hoạt động trong mình và làm cho cuộc đời mình sinh hoa trái, đầy những hoa trái tốt. Ơn cứu độ nhờ đức tin có nghĩa là công nhận tính ưu việt của hồng ân của Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã tóm lược: “Nhờ ân sủng mà anh em được cứu độ qua đức tin; và đó không phải bởi anh em, mà là bởi ân huệ của Thiên Chúa” (Eph 2:8).

20. Luận lý mới của đức tin đặt trọng tâm vào Đức Kitô. Đức tin vào Đức Kitô cứu chúng ta bởi vì chính trong Người mà cuộc sống mở ra cách triệt để cho một Tình Yêu đi trước chúng ta và biến đổi chúng ta từ bên trong, một Tình Yêu hoạt động trong chúng ta và với chúng ta. Điều này được thấy rõ trong chú giải một đoạn văn từ Sách Đệ Nhị Luật của Vị Tông Đồ Dân Ngoại, một chú giải phù hợp với động năng rất sâu sắc của Cựu Ước. Ông Môsê nói với dân chúng rằng giới luật của Thiên Chúa không quá cao mà cũng không quá xa với con người. Người ta không cần phải nói: “Ai sẽ lên trời mà đem nó xuống cho chúng tôi” hoặc “Ai sẽ đi qua bên kia biển, đem nó về cho chúng tôi?” (Đnl 30:11-14). Sự gần gũi này của lời Chúa được Thánh Phaolô giải thích như phản ảnh sự hiện diện của Đức Kitô trong các Kitô hữu. “Đừng tự nhủ rằng, ‘Ai sẽ lên trời?’ (nghĩa là, để đem Đức Kitô xuống), hoặc “Ai sẽ xuống âm phủ? (nghĩa là, để đem Đức Kitô lên từ cõi chết)” ( Rm 10:6-7). Đức Kitô đã xuống trần và đã sống lại từ cõi chết; qua việc Nhập Thể và Phục Sinh của Người, Con Thiên Chúa chấp nhận toàn thể cuộc hành trình của con người và ở trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Đức tin biết rằng Thiên Chúa đã rất gần gũi chúng ta, rằng Đức Kitô đã trở nên một hồng ân cao cả cho chúng ta, hồng ân biến đổi chúng ta từ bên trong, ở trong chúng ta, và do đó ban cho chúng ta ánh sáng chiếu soi nguyên thủy và cứu cánh của cuộc đời, toàn thể tiến trình của cuộc hành trình của con người.

21. Do đó, chúng ta có thể hiểu sự mới mẻ mà đức tin dẫn chúng ta đến. Người tín hữu được biến đổi bởi Tình Yêu mà họ đã mở lòng ra đón nhận trong đức tin, và qua việc mở lòng ra đón nhận Tình Yêu mà đức tin ban cho họ, cuộc đời của họ rộng mở vượt ra ngoài chính mình. Thánh Phaolô có thể quả quyết: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20), và khuyên nhủ: “Chớ gì Đức Kitô ngự trong tâm hồn anh em nhờ đức tin” (Eph 3:17). Trong đức tin, “cái tôi” của người tín hữu mở rộng để có chỗ cho Người Khác cư ngụ, để sống trong Người Khác, và cuộc sống của người ấy cũng mở rộng ra trong Tình Yêu. Ở đây có hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu có thể có đôi mắt của Chúa Giêsu, những tình cảm của Người, và tâm tình con thảo của Người, bởi vì người đó được thông phần vào Tình Yêu của Người, Tình Yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Chính trong Tình Yêu này mà chúng ta một cách nào đó nhận được cái nhìn riêng của Chúa Giêsu. Nếu không có việc nên đồng hình đồng dạng này trong Tình Yêu, nếu không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là Đấng được đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5), thì chúng ta không thể nào tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa (x. 1 Cor 12:3).

Hình thức Hội Thánh của đức tin

22. Bằng cách này, đời sống của người tín hữu trở thành đời sống của Hội Thánh. Khi Thánh Phaolô nói với các Kitô hữu Rôma về một thân thể duy nhất mà tất cả những ai tin vào Đức Kitô tạo thành, ngài khuyên nhủ họ đừng tự hào về điều này, trái lại, mỗi người phải nghĩ về mình “theo mức độ đức tin mà Thiên Chúa đã ban phát cho mình” (Rm 12:3). Các tín hữu học cách nhìn chính mình theo đức tin mà họ tuyên xưng: Hình ảnh của Đức Kitô là tấm kính (gương) mà ở đó họ tìm thấy hình ảnh riêng của họ được thể hiện. Và như Đức Kitô ôm ấp trong Mình tất cả mọi tín hữu, là những kẻ tạo thành thân thể của Người, người Kitô hữu hiểu rằng mình được bao gồm trong thân thể này, trong mối liên hệ nguyên thủy với Đức Kitô và tất cả các tín hữu khác trong đức tin. Hình ảnh của một thân thể không có ý hạ các tín hữu xuống thành một phần tử đơn giản của một tổng thể vô danh, một thành phần thô sơ trong một bộ máy vĩ đại, nhưng đúng hơn là muốn nhấn mạnh đến sự kết hợp sống còn của Đức Kitô với các tín hữu, và các tín hữu với nhau (x. Rm 12: 4-5). Các Kitô hữu là “một” (x. Gl 3:28), mà không mất đi cá tính của mình, và trong việc phục vụ người khác, chính nội tâm của mỗi người lại được lợi nhất. Điều này giải thích lý do tại sao, ngoài thân thể này, ngoài sự hiệp nhất này của Hội Thánh trong Đức Kitô, ngoài Hội Thánh này mà - theo lời của Romano Guardini - “là người mang trong lịch sử cái nhìn toàn diện của Đức Kitô về thế gian” [16] – thì đức tin mất đi “tiêu chuẩn” của nó, mất sự cân bằng của nó, không còn tìm thấy nơi thiết yếu để [dựa vào mà] tự mình đứng vững. Đức tin là một hình thức nhất thiết phải thuộc về Hội Thánh, nó được tuyên xưng từ bên trong thân thể Đức Kitô, như sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu. Chính từ chỗ thuộc về Hội Thánh này mà đức tin mở lòng mọi Kitô hữu ra với tất cả mọi người. Lời của Đức Kitô, một lần được nghe, nhờ chính động năng của nó biến đổi thành một lời đáp trả trong các Kitô hữu, và tự trở thành một lời được công bố, một tuyên xưng đức tin. Như Thánh Phaolô đã nói: “ai tin bằng tấm lòng [...] và tuyên xưng ra miệng thì được cứu độ” (Rm 10:10). Đức tin không phải là một vấn đề riêng tư, một khái niệm theo cá nhân chủ nghĩa hoặc một ý kiến chủ quan, nhưng phát sinh từ việc được nghe, và mục đích là để được nói ra và trở thành lời công bố. “Làm sao họ sẽ tin vào Ðấng mà họ chưa được nghe? Và làm sao mà họ sẽ được nghe, nếu không có người rao giảng?” (Rm 10:14). Như thế, đức tin trở nên có hiệu quả trong các Kitô hữu nhờ hồng ân nhận được, nhờ Tình Yêu đó thu hút tâm hồn chúng ta về với Đức Kitô (x. Gl 5:6), và làm cho chúng ta trở nên một phần tử của cuộc hành trình của Hội Thánh, cuộc hành hương qua lịch sử hướng về sự viên mãn của nó. Đối với những người đã được biến đổi theo cách này, một cách nhìn mới được mở ra, đức tin trở thành ánh sáng cho đôi mắt của họ.

CHƯƠNG HAI

NẾU ANH EM KHÔNG TIN,

ANH EM SẼ KHÔNG HIỂU



(X. Is 7:9)


Đức tin và chân lý

23. Nếu ngài không tin, thì ngài không hiểu (x. Is 7: 9). Bản Hy Lạp của Thánh Kinh Do Thái, bản Bảy Mươi phát hành ở Alexandria Ai Cập, dịch những lời của ngôn sứ Isaia nói cùng vua Aha. Bằng cách này vấn đề hiểu biết về chân lý chiếm vị thế trung tâm của đức tin. Tuy nhiên, trong văn bản tiếng Do Thái, chúng ta đọc khác. Ở đó, ngôn sứ nói với nhà vua: “Nếu ngài không tin, ngài không thể đứng vững.” Ở đây có một cách chơi chữ, dựa trên hai hình thức của động từ 'amàn: “ngài tin” (ta'aminu), và “ngài có thể đứng vững” (ta'amenu). Sợ hãi vì sức mạnh của quân thù, nhà vua tìm an toàn mà việc liên minh với đại đế quốc Assyria có thể cung cấp cho vua. Khi ấy, ngôn sứ yêu cầu nhà vua nên chỉ dựa vào đá tảng thực sự, đá tảng không ai có thể lay chuyển nổi, là Thiên Chúa của dân Israel. Vì Thiên Chúa đáng tin cậy, thật là hợp lý để tin vào Ngài, để xây dựng sự an toàn thích đáng của vua dựa trên Lời Ngài. Chính Ngài là Thiên Chúa mà chằng bao lâu nữa ngôn sứ Isaia sẽ gọi hai lần, “Thiên Chúa của Amen” (x. Is 65:16), nền tảng bền vững của lòng trung thành với Giao Ước. Người ta có thể nghĩ rằng bản Hy Lạp của Thánh Kinh, khi dịch “đứng vững” thay vì “hiểu”, đã tạo ra một thay đổi sâu xa trong văn bản, vì việc đổi từ khái niệm tin tưởng vào Thiên Chúa trong Thánh Kinh sang khái niệm hiểu biết của Hy Lạp. Bản dịch này, tuy chắc chắn là chấp nhận đối thoại với nền văn hóa Hy Lạp, nhưng đă không bỏ qua động lực cơ bản sâu xa của văn bản Do Thái. Thật ra, lời hứa chắc chắn của ngôn sứ Isaia cho nhà vua, là do sự hiểu biết về hoạt động của Thiên Chúa cùng sự hiệp nhất mà Ngài ban cho đời sống con người và lịch sử của dân Ngài. Ngôn sứ khuyến khích nhà vua hiểu đường lối của Chúa, bằng cách tìm kiếm trong sự thành tín của Thiên Chúa chương trình khôn ngoan đang điều khiển nhiều kỷ nguyên. Thánh Augustinô đã trình bày sự tổng hợp của “hiểu biết” và “đứng vững” trong sách Tư Thú của ngài khi ngài nói về chân lý, mà dựa vào đó chúng ta có thể đứng vững “trong Ngài [Chúa], trong chân lý của Ngài, con sẽ được kiên định và vững vàng” [17]. Từ bối cảnh này, chúng ta biết rằng Thánh Augustinô muốn vạch ra cách chân lý đáng tin cậy này của Thiên Chúa trung thành hiện diện trong lịch sử như thế nào, khả năng giữ thời gian cùa nó, qua việc kết hợp những ngày bị phân tán của con người, như thấy rõ trong Thánh Kinh [18].

24. Khi đọc dưới ánh sáng này, đoạn văn của ngôn sứ Isaia đưa đến một kết luận: con người cần sự hiểu biết, cần chân lý, bởi vì không có nó, con người không thể đứng vững được. Đức tin, nếu không có chân lý, thì không có khả năng cứu độ, không đảm bảo được bước đi của chúng ta. Nó vẫn còn là một câu chuyện đẹp, phóng chiếu những ao ước hạnh phúc của chúng ta, một cái gì đó mà chỉ thỏa mãn chúng ta vì chúng ta muốn lừa dối chính mình. Hoặc nó bị giảm xuống thành một cảm giác tốt đẹp, có thể an ủi và sưởi ấm, nhưng vẫn còn liên quan đến tâm trạng của chúng ta, theo sự thay đổi của thời gian, không có khả năng nâng đỡ một cuộc hành trình liên tục trong đời sống chúng ta. Nếu đức tin là như thế, thì vua Aha đã làm đúng vì đã không đánh cá cuộc sống và sự an toàn của vương quốc của ông trên một cảm giác. Bằng sự nối kết nội tại của nó với chân lý, đức tin có thể cung cấp một ánh sáng mới trên các tính toán của nhà vua, bởi vì nó thấy xa hơn, bởi vì nó bao gồm các hoạt động của Thiên Chúa, trung thành với Giao Ước và những lời hứa của Ngài.

25. Ngày nay, chính vì cuộc khủng hoảng chân lý mà trong đó chúng ta đang sống, nên hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải nhắc lại mối liên hệ giữa đức tin và chân lý. Trong văn hóa đương thời, người ta thường có khuynh hướng chỉ chấp nhận như chân lý những sự thật của kỹ thuật: chân lý là những gì con người có thể xây dựng và đo lường dựa vào kiến thức của họ. Một điều là chân lý vì nó hiệu quả, do đó làm cho cuộc sống được thoải mái và dễ dàng hơn. Ngày nay chân lý ấy dường như là chân lý chắc chắn duy nhất, duy nhất mà chúng ta có thể chia sẻ với những người khác, duy nhất mà chúng ta có thể thảo luận và trong đó người ta có thể cùng nhau tham gia. Hơn nữa còn có những chân lý của mỗi người, bao gồm tình trạng đích thực mà mọi người đều cảm thấy trong lòng, những chân lý chỉ có giá trị cho cá nhân và không có thể đề nghị cho những người khác với ý định phục vụ công ích. Chân lý cao cả, chân lý giải thích tất cả mọi sự của cuộc sống cá nhân và xã hội, bị người ta nhìn với đôi mắt nghi ngờ. Người ta tự hỏi rằng nó chẳng phải là chân lý mà những chế độ chuyên chế lớn của những thế kỷ trước đã mong muốn, một chân lý áp đặt vũ trụ quan của nó để nghiền nát lịch sử cụ thể của từng cá nhân sao? Chung cuộc, chỉ còn lại một thuyết tương đối, trong đó câu hỏi về chân lý phổ quát, mà cơ bản cũng là một câu hỏi về Thiên Chúa, không còn được quan tâm nữa. Trong bối cảnh này, việc người ta muốn loại bỏ sự kết nối giữa tôn giáo với chân lý là điều hợp lý, bởi vì sự kết nối ấy sẽ là căn nguyên của cuồng tín, tìm cách để đàn áp những người không chia sẻ cùng một niềm tin. Chúng ta có thể nói, về đề tài này, về một sự mất trí nhớ lớn trong thế giới hiện đại của chúng ta. Thực ra, câu hỏi về chân lý là một vấn đề của ký ức, của ký ức sâu xa, bởi vì nó đề cập đến những người đi trước chúng ta, và nó có thể thành công trong việc kết hợp chúng ta một cách vượt trên “cái tôi” nhỏ bé và giới hạn của mình. Đây là một câu hỏi về nguồn gốc của tất cả, trong ánh sáng của nó người ta có thể nhìn thấy mục đích và cũng là ý nghĩa của con đường chung của chúng ta.

Sự hiểu biết về chân lý và tình yêu

26. Trong trường hợp này, đức tin Kitô giáo có thể cung cấp một phục vụ cho công ích về một cách thế đúng đắn để hiểu chân lý không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải suy nghĩ về loại kiến thức phù hợp với đức tin. Một cách diễn tả của Thánh Phaolô có thể giúp cho điều này, khi ngài nói, “tin trong trái tim” (x. Rm 10:10). Theo Thánh Kinh thì trái tim là trung tâm của con người, là nơi giao nhau của tất cả các chiều kích khác nhau của nó: thân thể và tinh thần; nội tâm của con người và sự cởi mở của người ấy với thế giới và với những người khác; trí tuệ, ý chí và tình cảm. Vâng, nếu trái tim có khả năng kết hợp các chiều kích này, vì nó là nơi mà chúng ta mở lòng ra cho chân lý và tình yêu, và là nơi chúng ta để cho mình được chạm đến và biến đổi sâu xa bởi chúng. Đức tin biến đổi toàn thể con người, theo mức độ mà nó mở ra cho tình yêu. Chính ở nơi gặp gỡ giữa đức tin với tình yêu này mà chúng ta biết được loại hiểu biết thích hợp với đức tin, sức thuyết phục và khả năng soi sáng những bước đi của chúng ta của nó. Đức tin biết theo mức độ mà nó gắn liền với tình yêu, theo mức độ mà tình yêu tự nó mang một ánh sáng. Sự hiểu biết về đức tin là điều phát sinh khi chúng ta nhận được tình yêu cao cả của Thiên Chúa là Đấng biến đổi chúng ta từ bên trong và ban cho chúng ta đôi mắt mới để nhìn thực tại.

27. Cách thế mà triết gia Ludwig Wittgenstein giải thích về mối liên hệ giữa đức tin và sự chắc chắn được rất nhiều người biết đến. Theo ông thì tin tương tự như kinh nghiệm về yêu đương, một kinh nghiệm được hiểu như chủ quan, mà người ta không thể đề nghị như một chân lý thích hợp cho tất cả mọi người [19]. Thực ra, đối với con người hiện đại câu hỏi về tình yêu dường như không có liên quan gì đến chân lý. Tình yêu ngày nay được hiểu như một kinh nghiệm liên quan đến thế giới cảm xúc hay thay đổi, chứ không còn là chân lý.

Đây có thực sự là một mô tả đầy đủ về tình yêu không? Thực ra, tình yêu không thể bị thu gọn thành một cảm xúc nay đến mai đi. Đương nhiên nó ảnh hưởng đến yếu tố tình cảm của chúng ta, nhưng để mở ra cho người mình yêu và để bắt đầu một cuộc hành trình, thì phải từ bỏ việc đóng cái “tôi” riêng lại để đi về phía người khác, để xây dựng một mối liên hệ lâu dài; tình yêu là sự hiệp thông với người mình yêu. Do đó, rõ ràng theo một nghĩa nào đó, tình yêu cần chân lý. Chỉ khi nào tình yêu dựa trên chân lý thì nó mới có thể đứng vững với thời gian, vượt trên những giây phút thoáng qua và vững vàng để nâng đỡ một cuộc hành trình chung. Nếu tình yêu không liên kết với chân lý, nó lệ thuộc vào sự bất ổn của tình cảm và không thể vượt qua được sự thử thách của thời gian. Tuy nhiên, tình yêu đích thực, kết hợp tất cả các yếu tố của con người chúng ta, và trở thành một ánh sáng mới hướng đến một cuộc sống cao cả và sung mãn. Nếu không có chân lý thì tình yêu không thể cung cấp mối dây liên hệ vững chắc, nó không thành công trong việc đem cái “tôi” ra khỏi sự cô lập, cũng không giải phóng nó khỏi những giây phút thoáng qua để xây dựng đời sống và sinh hoa kết quả.

Nếu tình yêu cần chân lý, thì chân lý cũng cần tình yêu. Tình yêu và chân lý không thể tách rời nhau được. Nếu không có tình yêu, chân lý trở nên lạnh lẽo, trở thành vô cảm và đàn áp cuộc sống cụ thể của con người. Chân lý mà chúng ta tìm kiếm đem lại ý nghĩa cho bước đường của chúng ta, soi sáng chúng ta khi chúng ta được tình yêu chạm đến. Ai yêu thì hiểu rằng tình yêu là một kinh nghiệm về chân lý, chính nó mở mắt chúng ta để thấy toàn thể thực tại một cách mới mẻ, trong sự kết hợp với người mình yêu. Theo nghĩa này, Thánh Grêgôriô Cả đã viết rằng “amor ipse notitia est” - tình yêu tự nó là kiến thức, mang trong nó một luận lý mới [20]. Nó là một cách nhìn về thế giới với sự liên hệ, trở thành sự hiểu biết được chia sẻ, một cái nhìn theo nhãn quan của người khác và cái nhìn chung về tất cả mọi sự. Guillaume de Saint Thierry, thời Trung cổ, theo truyền thống này khi ông chú giải về một câu Nhã Ca mà ở đó tình quân nói với tình lang: Đôi mắt của em là mắt bồ câu (x. Nc 1:15) [ 21]. Guillaume giải thích rằng đôi mắt của người yêu, là lý trí có đức tin và tình yêu, sẽ trở thành một mắt duy nhất để chiêm ngắm Thiên Chúa, khi trí tuệ là “một trí tuệ của tình yêu được giác ngộ” [22].

28. Việc khám phá này về tình yêu, như nguồn mạch của sự hiểu biết, là một phần của kinh nghiệm ban đầu của mọi người, được diễn tả bằng một quan niệm về đức tin trong Thánh Kinh. Nhờ nếm thử tình yêu mà qua đó Thiên Chúa đã chọn họ và thiết lập họ thành một dân tộc, dân Israel cảm nhận được sự thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa, từ khởi thủy của nó cho đến hoàn thành. Sự hiểu biết về đức tin, vì được phát sinh từ tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng thực hiện Giao Ước, nên là sự hiểu biết soi sáng cuộc hành trình trong lịch sử. Đây cũng là lý do tại sao trong Thánh Kinh, chân lý và lòng trung thành đi đôi với nhau, và Thiên Chúa thật là Thiên Chúa trung tín, Đấng giữ những lời hứa của Ngài, và cho phép người ta hiểu được kế hoạch của Ngài trong thời gian. Qua kinh nghiệm của các ngôn sứ, trong đau khổ của cuộc lưu đầy và hy vọng về việc dứt khoát trở lại thành thánh, dân Israel có cảm giác rằng chân lý này của Thiên Chúa trải ra ngoài lịch sử họ của nó để bao trùm lịch sử của toàn thế giới, kể từ lúc tạo dựng. Sự hiểu biết về đức tin soi sáng không những chỉ cuộc hành trình đặc biệt của một dân tộc, nhưng toàn thể cuộc hành trình của thế giới tạo vật, từ nguyên thủy của nó để ngày viên mãn.

Đức tin như thính giác và thị giác

29. Bởi vì sự nhiểu biết về đức tin nối liền với Giao Ước của một Thiên Chúa thành tín, Đấng thiết lập một liên hệ tình yêu với con người và nói với họ bằng Lời, được trình bày trong Thánh Kinh như một sự lắng nghe và liên hệ với thính giác. Thánh Phaolô sử dụng một công thức đã trở thành cổ điển: fides ex auditu, “đức tin đến bởi nghe” (Rm 10:17). Liên hệ với lời nói, sự hiểu biết luôn luôn là sự hiểu biết cá nhân, một sự hiểu biết nhận ra giọng nói, tự nguyện mở ra cho giọng nói ấy và làm theo nó trong sự vâng phục. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã nói về “sự vâng phục của đức tin” (x. Rm 1: 5, 16, 26) [23]. Hơn nữa, đức tin là sự hiểu biết liên quan đến quá trình thời gian, mà lời cần phải có để nói: đó là một kiến thức chỉ có thể học được bằng cách đi theo [Thầy] trong cuộc hành trình (sequela). Việc nghe giúp ta trình bày lại cách rõ ràng hơn mối liên hệ giữa kiến thức và tình yêu.

Đối với kiến thức về chân lý, đôi khi thính giác lại trái ngược với thị giác, và đó là sự đặc thù của nền văn hóa Hy Lạp. Nếu, một đàng, ánh sáng giúp chúng ta chiêm ngắm toàn diện những gì mà con người vẫn luôn luôn mơ ước, thì đàng khác, dường như nó không còn dành một chỗ nào cho tự do, vì nó xuống từ trời và đi thẳng vào mắt mà không đòi mắt trả lời. Ngoài ra, nó có vẻ mời một chiêm niệm tĩnh, tách biệt khỏi điều kiện cụ thể trong đó con người vui mừng và đau khổ. Theo quan niệm này, tiếp cận Thánh Kinh về hiểu biết trái ngược với tiếp cận của Hy Lạp, vì người Hy Lạp nối kết kiến thức với thị giác trong khi theo đuổi sự hiểu biết toàn diện về thực tại.

Tuy nhiên, rõ ràng là sự đối chọi giả tạo này không phù hợp với tường thuật trong Thánh Kinh. Cựu Ước, đã dung hòa hai loại hiểu biết này, bởi vì việc lắng nghe Lời Thiên Chúa gắn liền với ước muốn được nhìn thấy Thánh Nhan Ngài. Bằng cách này, có thể khai triển một cuộc đối thoại với nền văn hóa Hy Lạp, đối thoại là trung tâm của Thánh Kinh. Thính giác minh chứng cho ơn gọi cá nhân và sự vâng phục, cùng sự thật là chân lý được mặc khải trong thời gian; thị giác cung cấp một viễn tượng đầy đủ về toàn thể cuộc hành trình và cho phép nó nằm trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa; không có cái nhìn này, chúng ta sẽ chỉ có những mảnh vụn riêng rẽ của một tổng thể hoàn toàn không ai biết đến.

30. Sự kết nối giữa thị giác và thính giác, như các cơ quan của sự hiểu biết về đức tin, hiển hiện rõ ràng hơn trong Tin Mừng Thánh Gioan. Theo Tin Mừng thứ tư thì tin chính là lắng nghe và đồng thời nhìn thấy. Sự lắng nghe của đức tin xảy ra trong hình thức hiểu biết đặc trưng cho tình yêu: đó là một sự lắng nghe cá nhân, phân biệt được và nhận ra giọng của Chúa Chiên Lành (x. Ga 10:3-5); một sự lắng nghe đòi hỏi nơi các môn đệ, như đã xảy ra với các môn đệ đầu tiên, những người “nghe những lời ấy và đi theo Chúa Giêsu” (Ga 1:37). Đằng khác, đức tin cũng liên quan đến thị giác. Đôi khi việc nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa Giêsu đi trước đức tin, như với người những Do Thái, sau khi ông Ladarô sống lại, “nhìn thấy những gì Người đã làm và tin vào Người” (Ga 11:45). Lần khác, chính đức tin dẫn đến một cái nhìn sâu sắc hơn: “Nếu con tin, con sẽ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 11:40). Cuối cùng, tin và nhìn thấy gắn bó với nhau: “Ai tin Tôi (...) là tin Đấng đã sai tôi; và ai thấy Tôi là thấy Đấng đã sai Tôi” (Ga 12:44-45). Nhờ sự liên kết với việc nghe này, cái nhìn trở thành một quyết tâm đi theo Đức Kitô, và đức tin xuất hiện như một tiến trình chăm chú nhìn, trong đó đôi mắt học được thói quen nhìn theo chiều sâu. Và như thế, vào buổi sáng Phục Sinh, chúng ta chuyển từ Gioan, người vẫn còn trong bóng tối trước ngôi mộ trống, “đã thấy và đã tin” (Ga 20:8) sang Maria Magdalena là người từ khi “nhìn thấy Chúa Giêsu” (x. Ga 20:14) và muốn ôm chặt lấy Người, nhưng được mời chiêm ngắm việc Người lên cùng Chúa Cha; cho đến lời thú nhận trọn vẹn của cũng Maria Magdalena này với các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20:18).

Làm thế nào mà chúng ta đạt được sự tổng hợp này giữa việc nghe và việc nhìn thấy? Điều này có thể được qua chính con người Chúa Giêsu, là Đấng chúng ta có thể thấy và nghe. Người là Ngôi Lời Nhập Thể, mà chúng ta đã chiêm ngắm vinh quang của Người (x. Ga 1:14). Ánh sáng đức tin là ánh sáng của một Dung Nhan mà trên đó chúng ta thấy Chúa Cha. Thật vậy, trong Tin Mừng thứ tư, chân lý mà đức tin cảm nhận được, là việc tỏ lộ Chúa Cha trong Chúa Con, trong thân xác của Người và trong các việc làm của Người khi còn tại thế, chúng ta có thể định nghĩa chân lý là “cuộc đời đầy ánh sáng” của Chúa Giêsu [24 ]. Điều này có nghĩa là sự hiểu biết về đức tin không mời gọi chúng ta nhìn vào một chân lý hoàn toàn nội tâm. Chân lý mà đức tin mở ra cho chúng ta là một chân lý đặt trọng tâm vào cuộc gặp gỡ Đức Kitô, vào việc chiêm ngắm cuộc đời của Người, vào ý thức về sự hiện diện của Người. Theo ý nghĩa này, Thánh Thôma Aquinô nói về oculata fides của các Tông Đồ - một đức tin nhìn thấy! – trước việc nhìn thấy thân thể của Đấng Phục Sinh [25]. Các ông đã nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh với đôi mắt của các ông và các ông đã tin, nghĩa là các ông đã có thể thấu suốt chiều sâu của những gì các ông thấy để tuyên xưng Con Thiên Chúa, Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha.

31. Chỉ bằng cách này, qua việc Nhập Thể, qua việc chia sẻ bản tính của nhân loại chúng ta, mà sự hiểu biết đúng về tình yêu có thể hoàn toàn thể hiện. Thực ra, ánh sáng tình yêu nảy sinh khi con tim chúng ta được chạm đến, và chúng ta đón nhận sự hiện diện nội tâm của Đấng mình yêu, là Đấng cho phép chúng ta nhận ra mầu nhiệm của Người. Như vậy, chúng ta hiểu lý do tại sao, với thính giác và thị giác, đức tin, theo Thánh Gioan, là một “sự chạm đến”, như ngài nói trong thư thứ nhất: “(...) điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt (...) điều tay chúng tôi đã chạm đến là Lời ban sự sống” (1 Ga 1: 1). Qua việc Nhập Thể của Người, qua việc đến giữa chúng ta, Chúa Giêsu đã chạm vào chúng ta, và qua các Bí Tích Người cũng chạm vào chúng ta hôm nay; bằng cách này, qua việc biến đổi tâm hồn chúng ta, Người đã và đang cho phép chúng ta nhận ra và tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Nhờ đức tin, chúng ta có thể chạm đến Người và nhận được sức mạnh của ân sủng Người. Thánh Augustinô, khi chú giải về đoạn nói về người phụ nữ bị băng huyết chạm vào Chúa Giêsu để được chữa lành (Lc 8:45-46) xác quyết rằng: “Chạm đến bằng con tim, đó chính là tin” [26]. Đám đông vây quanh Người, nhưng họ không đến được với Người bằng việc chạm đến cách cá nhân của đức tin, là điều nhận ra mầu nhiệm của Người, bản chất Chúa Con của Người là Đấng mặc khải Chúa Cha. Chỉ khi nào chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thì chúng ta mới nhận được đôi mắt đầy đủ để nhìn thấy.

Cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí

32. Vì rao giảng chân lý về tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa và mở lòng ra với quyền năng của tình yêu này, mà đức tin Kitô giáo đi thật sâu vào trung tâm của kinh nghiệm của mỗi người, là những kẻ đến cùng ánh sáng nhờ tình yêu và được mời gọi yêu thương để ở lại trong ánh sáng. Được thúc đẩy bởi ước ao soi sáng tất cả thực tại bằng tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu và tìm cách yêu thương với tình yêu này, các Kitô hữu tiên khởi tìm thấy trong thế giới Hy Lạp, trong sự đói khát chân lý của nó, một đối tác thích hợp cho cuộc đối thoại. Cuộc gặp gỡ giữa sứ điệp Tin Mừng và các tư tưởng triết học của thế giới cổ đại là một bước quyết định để Tin Mửng đến với mọi dân tộc. Nó thuận lợi cho một sự tương tác hiệu quả giữa đức tin và lý trí, một tương tác luôn luôn phát triển qua nhiều kỷ nguyên cho đến thời đại chúng ta. Chân Phước Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Fides et Ration (Đức tin và Lý trí), đã cho thấy đức tin và lý trí củng cố lẫn nhau thế nào [27]. Khi chúng ta tìm thấy ánh sáng trọn vẹn của tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng, trong tất cả tình yêu của chúng ta, đã có một tia của ánh sáng ấy và chúng ta hiểu được mục tiêu cuối cùng của nó gì. Và, đồng thời, sự thể là tình yêu của chúng ta chứa đựng một ánh sáng trong nó, giúp chúng ta nhìn thấy con đường tình yêu hướng đến sự viên mãn của món quà tự hiến hoàn toàn của Con Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trong chuyển động vòng tròn này, ánh sáng đức tin soi sáng tất cả các mối liên hệ nhân loại của chúng ta, để chúng ta có thể sống trong sự hiệp thông với tình yêu và sự ân cần của Đức Kitô.

33. Trong cuộc đời của Thánh Augustinô, chúng ta thấy một ví dụ quan trọng về cuộc hành trình này, trong đó việc tìm kiếm của lý trí, với ước ao của ngài về chân lý và sự rõ ràng, đã hòa nhập vào chân trời đức tin, từ đó nó đã nhận được một sự hiểu biết mới. Một mặt, Thánh Augustinô chấp nhận triết lý Hy Lạp về ánh sáng với việc nhấn mạnh đến thị giác. Cuộc gặp gỡ với chủ nghĩa Tân Platon giới thiệu ngài với mô thức ánh sáng, là ánh sáng chiếu từ trên xuống để soi sáng mọi sự, và do đó cũng là một biểu tượng của Thiên Chúa. Bằng cách này, Thánh Augustinô đã hiểu sự siêu việt của Thiên Chúa và đã khám phá ra rằng tất cả mọi sự đều có trong chính mình một sự trong sáng nào đó, và có thể nói rằng chúng có thể phản ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa, là Đấng Nhân Lành. Ngài được giải thoát khỏi học thuyết của Mani giáo mà ngài sống trước đó, là thuyết làm cho ngài tin rằng lành và dữ liên tục đối chọi nhau, pha trộn và kết hợp với nhau, mà không có đường nét rõ ràng. Việc hiểu rằng Thiên Chúa là ánh sáng cho ngài một hướng đi mới trong cuộc đời, cho ngài khả năng nhận ra sự dữ và tình trạng tội lỗi của ngài, và trở về với điều lành.

Tuy nhiên, mặt khác, trong kinh nghiệm thực tế của Thánh Augustinô, như ngài kể trong Tự Thú của ngài, giây phút quyết định trong cuộc hành trình đức tin của ngài không phải là một thị kiến về Thiên Chúa ở trên cao và vượt ra ngoài thế gian này, mà là giây phút lắng nghe, trong vườn khi ngài nghe có tiếng nói với mình: “Hãy cầm lấy và đọc”; và ngài cầm quyển sách có các Thư của Thánh Phaolô lên và ngừng lại ở chương thứ mười ba của Thư gửi tín hữu Rôma [28]. Bằng cách này Thiên Chúa cá nhân của Thánh Kinh tỏ mình ra với ngài, có thể nói chuyện với con người, xuống để sống với họ và đồng hành với họ trong hành trình qua lịch sử, qua việc xuất hiện trong giây phút lắng nghe và đáp trả.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của Lời đã không đưa Thánh Augustinô đến việc chối bỏ ánh sáng và thị giác. Luôn được hướng dẫn bởi mặc khải về tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, ngài dung hợp hai quan điểm. Và do đó ngài đã khai triển một triết lý về ánh sáng có thể đón nhận vào mình sự hỗ tương thích hợp với lời và mở ra một không gian tự do nhìn về phía ánh sáng. Cũng như lời là một đáp trả tự do, thì ánh sáng cũng tìm thấy một hình ảnh phản chiếu nó như một sự đáp trả. Như thế, Thánh Augustinô có thể nói về “lời chiếu sáng nội tâm con người” nhờ kết hợp thính giác và và thị giác [29]. Bằng cách này, chúng ta có thể nói rằng, ánh sáng trở thành ánh sáng của một lời, bởi vì nó là ánh sáng của một Dung Nhan cá nhân, một ánh sáng chiếu soi trong chúng ta, mời gọi chúng ta và muốn phản ảnh trên khuôn mặt chúng ta ngõ hầu cũng tỏa sáng từ bên trong chính chúng ta. Hơn nữa, ao ước được nhìn thấy toàn thể, chứ không chỉ những mảnh vụn của lịch sử, vẫn còn đó và chung cuộc sẽ được thỏa mãn, khi con người, như Giám Mục thành Hippo nói, sẽ thấy và sẽ yêu [30]. Và điều này, không phải vì người ấy sẽ có tất cả ánh sáng, là điều không bao giờ thiếu, nhưng bởi vì người ấy sẽ hoàn toàn bước vào trong ánh sáng.

34. Ánh sáng của tình yêu, thích hợp với đức tin, có thể soi sáng những câu hỏi của thời đại chúng ta về chân lý. Ngày nay chân lý thường bị giảm xuống thành sự xác thực chủ quan của mỗi người, chỉ có giá trị cho cuộc sống cá nhân. Một chân lý chung làm cho chúng ta sợ hãi bởi vì chúng ta đồng hóa nó với việc áp đặt không nhượng bộ của chủ nghĩa chuyên chế. Nhưng nếu chân lý là chân lý của tình yêu, nếu nó là chân lý được tìm thấy trong việc gặp gỡ Đấng Khác và những người khác, như thế nó được giải phóng khỏi việc bị đóng kín trong cá nhân và có thể trở thành một phần của công ích. Bởi vì chân lý của tình yêu không phải là một chân lý cần phải được áp đặt bằng bạo lực, không phải là một chân lý đè bẹp cá nhân. Vì được sinh ra từ tình yêu, nó có thể đến tận con tim, đến trung tâm của mỗi người. Như thế rõ ràng là đức tin không cố chấp, nhưng lớn lên trong sự chung sống và tôn trọng người khác. Các tín hữu không kiêu căng, trái lại, chân lý làm cho họ khiêm tốn, vì biết rằng mình không phải là người sở hữu chân lý, nhưng chính chân lý bao trùm và sở hữu mình. Thay vì làm cho họ thành cứng ngắt, sự an toàn của đức tin đặt họ trên một cuộc hành trình, làm cho họ có thể thành chứng nhân và có thể đối thoại với mọi người.

Mặt khác, ánh sáng đức tin, trong việc kết hợp với chân lý của tình yêu, không xa lạ gì với thế giới vật chất, bởi vì tình yêu luôn luôn sống trong thân xác và linh hồn; ánh sáng Đức tin là một ánh sáng nhập thể tỏa ra từ cuộc đời đầy ánh sáng của Chúa Giêsu. Nó cũng chiếu soi vật chất, tùy thuộc vào trật tự của có, biết rằng tự nó sẽ mở ra một con đường hòa hợp và hiểu biết rộng lớn hơn bao giờ hết. Cái nhìn về khoa học như thế có lợi cho đức tin: điều này mời gọi các nhà nghiên cứu tiếp tục đón nhận thực tại, trong tất cả sự phong phú vô tận của nó. Đức tin đánh thức tinh thần phê phán bằng cách tránh cho việc nghiên cứu hài lòng với những công thức của mình và giúp nó hiểu rằng thiên nhiên luôn luôn rộng lớn hơn. Bằng cách mời gọi nó kinh ngạc trước mầu nhiệm của việc tạo dựng, đức tin mở rộng chân trời của lý trí để làm sáng tỏ hơn về thế giới là điều tự mở ra cho nghiên cứu khoa học.

Đức tin và việc tìm kiếm Thiên Chúa

35. Ánh sáng của đức tin vào Chúa Giêsu cũng là con đường của tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa, và cung cấp sự đóng góp cụ thể của Kitô giáo trong cuộc đối thoại với những người theo các tôn giáo khác nhau. Thư gửi tín hữu Do Thái nói cho chúng ta về chứng từ của những người công chính, là những người đã tìm kiếm Thiên Chúa bằng đức tin, trước khi có Giao Ước với ông Abraham. Về ông Enoch, Thư nói rằng “ông đã được chứng giám là đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11:5), là điều không thể được nếu không có đức tin, bởi vì “ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là Ngài hiện hữu và Ngài thưởng công những ai tìm kiếm Ngài” (Dt 11: 6). Chúng ta cũng có thể hiểu rằng con đường của con người tôn giáo đi qua lời tuyên xưng về một Thiên Chúa, là Đấng chăm sóc họ và là Đấng họ có thể tìm thấy được. Còn phần thưởng nào khác mà Thiên Chúa có thể ban cho những kẻ tìm kiếm Ngài, nếu không phải là để cho họ gặp Ngài? Trước nữa, chúng ta tìm thấy nhân vật Abel, mà người ta cũng ca ngợi đức tin vì Thiên Chúa chấp nhận những của lễ của ông dâng lên Ngài, những con chiên đầu lòng của đàn chiên của ông (x. Dt 11:4). Con người tôn giáo tìm cách nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa trong những kinh nghiệm hàng ngày của cuộc đời họ, trong chu kỳ các mùa, trong hoa mầu ruộng đất và tất cả chuyển động của vũ trụ. Thiên Chúa là ánh sáng, và Ngài cũng có thể được tìm thấy bởi những kẻ tìm kiếm Ngài với một tấm lòng thành.

Hình ảnh của cuộc tìm kiếm này có thể được tìm thấy nơi các nhà đạo sĩ, được hướng dẫn bởi ngôi sao đến tận Bethlehem (x. Mt 2:1-12). Đối với họ, ánh sáng của Thiên Chúa tỏ lộ như con đường, như ngôi sao hướng dẫn họ trên một con đường khám phá dài. Ngôi sao cũng nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa với đôi mắt của chúng ta, cần phải trở nên quen thuộc với sự rạng ngời của Ngài. Con người tôn giáo đang trên đường đi và sẵn sàng để cho mình được hướng dẫn, ra khỏi nhà để tìm thấy Thiên Chúa, Đấng luôn luôn bất ngờ. Đối với đôi mắt của con người thì khía cạnh này của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng, khi con người tiến lại gần Ngài, ánh sáng của con người không bị hòa tan trong ánh sáng bao la của Thiên Chúa, như một ngôi sao bị tràn ngập bởi bình minh, nhưng sẽ trở nên rực rỡ hơn khi nó đến gần ngọn lửa nguyên thủy, như tấm gương phản ánh huy hoàng. Lời tuyên xưng của Kitô giáo về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, xác nhận rằng tất cả ánh sáng của Thiên Chúa được tập trung vào Người, vào “cuộc đời đầy ánh sáng” của Người, trong đó tỏ lộ khởi thủy và cùng đích của lịch sử [31]. Không có kinh nghiệm nào của con người, không có con đường nào của con người hướng về Thiên Chúa, mà không thể được đón nhận, thanh lọc và soi sáng bởi ánh sáng này. Một Kitô hữu càng đắm chìm trong vòng được mở ra bởi ánh sáng của Đức Kitô, thì càng có khả năng hiểu và đi cùng con đường của tất cả mọi người người về phía Thiên Chúa.

Vì đức tin được hình thành như một con đường, nó cũng liên quan đến cuộc sống của con người, ngay cả trong những kẻ không tin, những kẻ ước muốn tin và những kẻ không ngừng tìm kiếm. Theo mức độ mở lòng ra với tình yêu từ một con tim chân thành và bắt đầu lên đường với ánh sáng này mà họ có thể nắm bắt được, họ đã sống trên đường hướng về đức tin mà không biết. Họ cố gắng hành động như thể Thiên Chúa hiện hữu, đôi khi vì họ nhận ra tầm quan trọng của Ngài trong việc tìm hướng đi vững chắc trong cuộc sống bình thường hay vì họ cảm nghiệm một ao ước ánh sáng giữa bóng tối, nhưng cũng vì ý thức được rằng cuộc sống cao quý và đẹp đẽ như thế nào, họ thấy trước rằng sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ làm cho nó thậm chí cao cả hơn. Thánh Irênê kể lại rằng ông Abraham, trước khi lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, đã tìm Ngài bằng “một ao ước mãnh liệt của linh hồn” và “ông chạy khắp trái đất tìm xem Thiên Chúa ở đâu” cho đến khi “Thiên Chúa thương xót ông, là người một mình đã tìm Ngài trong thinh lặng” [32]. Bất cứ ai bắt đầu con đường làm việc lành cho tha nhân thì đã được gần Thiên Chúa rồi, đã được nâng đỡ bởi sự giúp đỡ của Ngài, bởi vì nó là đặc trưng của sự năng động của ánh sáng thần linh để thắp sáng đôi mắt của chúng ta khi chúng ta bước đi về phía sự viên mãn của tình yêu.

Đức tin và thần học

36. Vì đức tin là một ánh sáng, nó thúc đẩy chúng ta bước vào chính nó, để khám phá rộng rãi hơn nữa chân trời mà nó soi sáng, để hiểu rõ hơn những gì mà chúng ta yêu thích. Thần học Kitô giáo được sinh ra từ ước muốn này. Như vậy rõ ràng là thần học không thể không có đức tin, và nó là thành phần của chính tiến trình đức tin, tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa hơn nữa của việc tự mặc khải của Thiên Chúa, đạt đến tột đỉnh trong Mầu Nhiệm Đức Kitô. Kết quả đầu tiên là thần học không chỉ cung cấp, như trong các ngành khoa học thực nghiệm, một nỗ lực của lý trí để nghiên cứu kỹ lưỡng và hiểu biết. Không thể thu gọn Thiên Chúa thành một đối tượng. Ngài là một chủ thể, Đấng mặc khải chính mình và tỏ mình ra trong mối liên hệ giữa người với người. Đức tin đúng hướng dẫn lý trí để mở ra cho ánh sáng đến từ Thiên Chúa, do đó, được hướng dẫn bởi tình yêu của chân lý, nó có thể nhận biết Thiên Chúa cách sâu xa hơn. Các tiến sỹ Hội Thánh và các thần học gia vĩ đại thời Trung Cổ đã quả quyết rằng thần học, như một khoa học của đức tin, là việc thông phần vào sự hiểu biết của chính Thiên Chúa. Do đó, thần học không chỉ là một lời về Thiên Chúa, nhưng trước hết là chấp nhận và tìm kiếm một sự hiểu biết sâu xa hơn về những lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta, lời mà Thiên Chúa nói về chính Ngài, bởi vì Ngài là một cuộc đối thoại vĩnh cửu về sự hiệp thông, và Ngài đón nhận con người vào cuộc cuộc đối thoại này [33]. Như thế, sự khiêm nhường tham dự vào thần học bằng cách cho phép nó được Thiên Chúa “chạm đến”, nhìn nhận những giới hạn của nó trước những Mầu nhiệm và cố gắng tìm hiểu sự phong phú khôn lường của Mầu Nhiệm này với kỷ luật lý thích hợp cho lý trí.

Thần học cũng chia sẻ hình thức Hội Thánh của đức tin; ánh sáng của nó là ánh sáng về chủ đề đức tin là Hội Thánh. Một mặt, điều này có nghĩa là thần học được dùng để phục vụ đức tin Kitô giáo, nó phải khiêm tốn gìn giữ và đào sâu niềm tin của mọi người, đặc biệt là những người đơn sơ nhất. Mặt khác, thần học, vì sống nhờ đức tin, không được coi Huấn Quyền của Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với ngài như một điều gì bên ngoài, một điều giới hạn sự tự do của mình, nhưng trái lại, phải như một trong những yếu tố nội tại và cấu thành của nó, bởi vì Huấn Quyền tiếp xúc với suối nguồn nguyên thủy, do đó cung cấp sự chắc chắn cho điều được rút ra từ Lời của Đức Kitô trong sự toàn vẹn của nó.

CHƯƠNG BA

TÔI TRUYỀN LẠI CHO ANH EM

ĐIỀU MÀ TÔI ĐÃ LÃNH NHẬN



(X. 1 Cor 15:3)


Hội Thánh, mẹ của đức tin của chúng ta

37. Những ai đã mở cửa tâm hồn mình cho tình yêu của Thiên Chúa, đã nghe thấy giọng nói của Ngài và nhận được ánh sáng của Ngài, thì không thể giữ món quà này cho riêng mình. Vì khi đức tin được nghe và được thấy, nó cũng được truyền lại như lời nói và ánh sáng. Khi nói với tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô chỉ sử dụng hai hình ảnh này. Một đàng ngài nói: “Vì có được cùng một tinh thần đức tin, như đã chép trong Thánh Kinh: ‘Tôi đã tin, nên tôi mới nói,’ thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói” (2 Cor 4:13 ). Lời, một khi được đón nhận, sẽ trở thành một đáp trả, một tuyên xưng đức tin, và bằng cách này được truyền sang người khác và mời họ tin. Ở phần khác, Thánh Phaolô cũng nhắc đến ánh sáng: “Tất cả chúng ta, với mặt không màn che, phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương, được biến đổi nên giống như cũng hình ảnh đó” (2 Cor 3:18). Đó là một ánh sáng phản chiếu từ khuôn mặt này sang khuôn mặt khác, mà ngay cả ông Môsê cũng đã mang trên mình một phản ảnh của vinh quang Thiên Chúa sau khi đàm đạo với Ngài: “Thiên Chúa đã chiếu sáng tâm hồn chúng tôi, để làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Thiên Chúa trên Dung Nhan Ðức Kitô” (2 Cor 4:6). Ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên gương mặt các Kitô hữu như trên một tấm gương, vì nó tỏa ra, cho nên nó đến với chúng ta, để chúng ta cũng có thể chia sẻ cái nhìn ấy và phản chiếu ánh sáng ấy cho những người khác, trong cùng một cách như trong phụng vụ lễ Phục Sinh, ánh sáng cây nến Phục Sinh thắp sáng vô số những cây nến khác. Chúng ta có thể nói, đức tin được truyền từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc, như một ngọn lửa được thắp từ một ngọn lửa khác. Các Kitô hữu, trong sự nghèo nàn của mình, gieo một hạt giống quá phong phú đến nỗi nó trở thành một cây lớn, có khả năng làm đầy thế giới với trái của nó.

38. Việc truyền bá đức tin, là đức tin soi sáng tất cả mọi người ở mọi nơi, cũng đi qua trục lộ thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì đức tin được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ diễn ra trong lịch sử và soi sáng cuộc hành trình của chúng ta qua thời gian, nó phải được truyền lại trong mọi thời đại. Chính qua một chuỗi không đứt đoạn các nhân chứng mà Dung Nhan của Chúa Giêsu được truyền đến tận chúng ta. Điều này làm sao mà có thể được? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta gặp “Chúa Giêsu thật” sau tất cả những thế kỷ ấy? Nếu con người từng là một cá nhân tách biệt, nếu chúng ta muốn khởi đầu đơn thuần từ “cái tôi” cá nhân, muốn tìm trong chính mình sự chắc chắn của kiến thức, thì một sự chắc chắn như thế là điều không thể có được. Tôi không nhìn thấy qua mình những gì đã xảy ra quá lâu rồi. Nhưng đây không phải là cách duy nhất con người học hỏi. Con người luôn luôn sống trong sự liên hệ. Chúng ta đến từ những người khác, chúng ta thuộc về những người khác, và cuộc đời chúng ta được mở rộng nhờ gặp gỡ những người khác. Ngay cả kiến thức của chúng ta và việc tự hiểu mình, biết chính mình, cũng đến từ một loại liên hệ, và liên kết với những người khác là những người đã đi trước chúng ta: trước tiên là cha mẹ, là những người đã cho chúng ta sự sống và cho chúng ta tên gọi. Ngay cả ngôn ngữ, những từ ngữ mà chúng ta dùng để cắt nghĩa cuộc đời và thế giới chung quanh chúng ta, cũng đến với chúng ta từ những người khác, được giữ gìn trong ký ức sống động của những người khác. Việc tự biết mình chỉ khả thi khi chúng ta thông phần vào một ký ức lớn hơn. Điều đó cũng đúng đối với đức tin, là điều làm cho sự hiểu biết của con người nên hoàn hảo. Việc truyền lại đức tin, hành động này của tình yêu của Chúa Giêsu đã ban sự sống mới cho thế gian, đến với chúng ta qua ký ức của những người khác, những nhân chứng, và được giữ cho sống mãi trong một chủ thể duy nhất của ký ức là Hội Thánh. Hội Thánh là một người Mẹ dạy chúng ta nói ngôn ngữ đức tin. Thánh Gioan nói lên điều này trong Tin Mừng của ngài bằng cách liên kết đức tin với ký ức, và liên kết tất cả với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng, như Chúa Giêsu đã nói, “sẽ nhắc nhở các con mọi sự” (Ga 14:26). Tình Yêu là Chúa Thánh Thần và Ngài đang sống trong Hội Thánh, duy trì sự liên kết giữa mọi thời đại với nhau, và làm cho chúng ta thành những người đương thời của Chúa Giêsu, như thế hướng dẫn chúng ta trên cuộc hành trình đức tin của chúng ta.

39. Không thể tin vào chính mình. Đức tin không chỉ đơn thuần là một chọn lựa cá nhân mà người tín hữu làm trong thâm tâm của mình, nó cũng không phải một mối liên hệ hoàn toàn riêng tư giữa cái “tôi” của người tín hữu và Thiên Chúa là “Ngài”, giữa một chủ đề tự trị và Thiên Chúa. Tự bản chất, đức tin được mở ra cho cái “chúng ta” của Hội Thánh, nó luôn luôn xảy ra trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Hình thức đối thoại của Kinh Tin Kính được sử dụng trong phụng vụ Rửa Tội nhắc nhở chúng ta về điều này. Việc tin được diễn tả như đáp lại một lời mời, một lời phải được lắng nghe và không phải là của riêng tôi, nhưng nằm trong một cuộc đối thoại, và nó không thể đơn thuần chỉ là một lời tuyên xưng phát xuất từ một cá nhân. Chúng ta có thể trả lời trong số ít - “Tôi tin” - chỉ vì chúng ta là một phần của một sự hiệp thông lớn hơn, chỉ vì chúng ta cũng nói: “Chúng tôi tin”. Sự mở ra này cho cái “Chúng tôi” của Hội Thánh xảy ra theo chính sự mở ra của tình yêu Thiên Chúa, mà không chỉ là mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa “tôi” và “Chúa”, nhưng còn một “chúng ta”, trong Chúa Thánh Thần, một sự hiệp thông của các ngôi vị. Ở đây chúng ta thấy lý do tại sao người tin không bao giờ một mình, và lý do tại sao đức tin có khuynh hướng lan ra, mời gọi những người khác đến niềm vui của mình. Người lãnh nhận đức tin khám phá ra rằng chân trời của “cái tôi” của họ mở rộng, và các mối liên hệ mới làm phong phú đời sống được chồng chất. Tertullian đã diễn tả điều này cách hiệu quả khi ông mô tả những người tân tòng, “sau khi tắm để tái sinh,” được đón nhận vào nhà của Mẹ để giơ tay và cầu nguyện Kinh Lạy Cha cùng với anh chị em của họ [34 ].

Các bí tích và việc truyền đạt đức tin

40. Hội Thánh, như tất cả các gia đình, truyền lại cho con cái của mình tất cả nội dung ký ức của mình. Nhưng làm sao để không mất một điều gì, mà trái lại, tất cả mọi sự trong gia sản đức tin lại được hiểu sâu sắc hơn? Chính nhờ việc Tông Truyền được duy trì trong Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta được tiếp xúc một cách sống động với ký ức nền tảng. Những điều đã được lưu truyền bởi các Tông Đồ, như Công Đồng Vaticanô II khẳng định, “bao gồm tất cả những gì đóng góp vào việc làm cho đời sống dân Chúa được thánh thiện và gia tăng đức tin của họ. Bằng cách này, Hội Thánh, trong giáo lý, cuộc sống và việc phụng tự của mình, làm sống mãi và truyền cho mọi thế hệ tất cả những gì mình là và tất cả những gì mình tin” [35].

Thực ra, đức tin cần có một môi trường mà trong đó nó có thể được làm chứng và truyền đạt, một phương tiện phù hợp và tương xứng với những gì được truyền đạt. Để truyền đạt nội dung hoàn toàn tín lý, một ý tưởng hoặc một cuốn sách có lẽ đủ, hoặc lặp đi lặp lại một sứ điệp được truyền khẩu. Nhưng những gì được truyền lại trong Hội Thánh, những gì được truyền lại trong Truyền Thống sống động của Hội Thánh, là ánh sáng mới phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, một ánh sáng chạm đến con người một cách sâu thẳm, đến tâm hồn, bao gồm cả tâm trí, ý chí và tình cảm của họ, mở ra cho những mối liên hệ sống động trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Để truyền thông sự sung mãn này, có một công cụ đặc biệt bao gồm toàn thể con người, thân xác và tinh thần, đời sống nội tâm và những liên hệ. Công cụ ấy là các Bí Tích, được cử hành trong phụng vụ của Hội Thánh. Trong đó thông truyền ký ức nhập thể, được liên kết với không gian và thời gian của cuộc sống, và liên hệ mật thiết với tất cả các giác quan; trong đó toàn thể con người được tham gia như một phần tử của một chủ thể sống động, và một phần của một mạng lưới các mối liên hệ cộng đoàn. Trong khi các Bí Tích thực sự là Bí Tích của đức tin [36], chúng ta cũng có thể nói rằng đức tin có một cấu trúc Bí Tích. Sự thức tỉnh của đức tin đi qua sự thức tỉnh của một cảm thức bí tích mới về đời sống con người và đời sống Kitô hữu, trong đó cho thấy làm sao các thực tại hữu hình và vật chất tự mở ra cho những Mầu Nhiệm vĩnh cửu.

41. Nơi đầu tiên xảy ra việc truyền lại đức tin là qua bí tích Rửa Tội. Một số người có thể nghĩ rằng bí tích Rửa Tội chỉ đơn thuần là một biểu tượng cho việc tuyên xưng đức tin, một hành vi sư phạm cho những người cần hình ảnh và cử chỉ, mà chung cuộc có thể bỏ qua. Một lời xác quyết của Thánh Phaolô về bí tích Rửa Tội nhắc cho chúng ta rằng không phải như thế. Thánh Phaolô nói rằng “chúng ta đã cùng được mai táng với Người bằng phép rửa trong cái chết của Người, để cũng như Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6:4). Trong bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên một tạo vật mới và dưỡng tử của Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ quả quyết rằng các Kitô hữu đã được trao phó cho một “hình thức giáo huấn” (týpos didachés), mà giờ đây họ tuân phục bằng cả tâm hồn (x. Rm 6:17). Trong bí tích Rửa Tội, con người nhận được cả giáo lý để tuyên xưng và một cách sống cụ thể đòi hỏi sự tham gia của toàn thể con người và đặt họ trên con đường dẫn đến sự tốt lành. Họ được chuyển sang một quỹ đạo mới, được trao vào một môi trường mới, một cách mới để làm việc với nhau, trong Hội Thánh. Như thế, bí tích Rửa Tội nhắc cho chúng ta rằng đức tin không phải là công việc của một cá nhân bị cô lập, không phải là một hành động mà một người có thể thực hiện bằng sức riêng của mình, mà là điều phải được nhận qua việc đi vào sự hiệp thông của Hội Thánh, là nơi truyền món quà của Thiên Chúa cho họ: không ai tự rửa tội cho mình, cũng như không ai tự sinh ra chính mình. Chúng ta được rửa tội.

42. Các yếu tố của bí tích Rửa Tội giới thiệu chúng ta vào “hình thức giáo huấn” mới này là gì? Trước hết là Thánh Danh của Thiên Chúa Ba Ngôi - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - được cầu khẩn trên người dự tòng. Vì vậy, ngay từ đầu, một tổng hợp của hành trình đức tin được cung cấp. Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông Abraham và muốn được gọi là Thiên Chúa của ông; Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải Danh của Ngài cho ông Môsê; Thiên Chúa, Đấng khi trao ban Con của Ngài cho chúng ta, đã mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm của Thánh Danh Ngài, ban cho người được rửa tội một căn tính con thảo mới. Điều này được thấy rõ trong chính hành động rửa tội: việc dìm vào nước. Nước vừa là một biểu tượng của sự chết, mời gọi chúng ta đi qua tự việc hoán cải của “cái tôi” sang một “Cái Tôi” lớn hơn, và một biểu tượng của sự sống, một đời sống trong đó chúng ta được tái sinh bằng cách đi theo Đức Kitô trong đời sống mới của Người. Bằng cách này, qua việc dìm vào nước, bí tích Rửa Tội nói cho chúng ta về cấu trúc nhập thể của đức tin. Hành động của Đức Kitô chạm đến chúng ta trong thực tại cá nhân của chúng ta và biến đổi chúng ta tận gốc, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Thiên Chúa và người thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Như vậy, nó sửa đổi tất cả các mối liên hệ của chúng ta, hoàn cảnh cụ thể của chúng ta trong thế giới này và trong vũ trụ, và mở chúng ra cho đời sống hiệp thông của Ngài. Động năng biến đổi, đặc thù của bí tích Rửa Tội giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của thời gian dự tòng, là thời gian mà ngày nay, ngay cả trong các xã hội có nguồn gốc Kitô giáo xưa kia - trong đó số của người lớn tiếp cận bí tích Rửa Tội càng ngày càng gia tăng - tái khám phá ra tầm quan trọng đặc biệt của việc Tân Phúc Âm hóa. Đó là con đường chuẩn bị cho bí tích Rửa Tội, cho việc hoán cải toàn thể cuộc đời của chúng ta trong Đức Kitô.

Để hiểu mối liên hệ giữa bí tích Rửa Tội và đức tin, chúng ta có thể nhắc lại một đoạn của ngôn sứ Isaia, được liên kết với bí tích Rửa Tội trong văn chương Kitô giáo thời xưa: “có pháo đài trên núi đá làm nơi trú ẩn (...) nước uống chẳng lo thiếu bao giờ.” (Is 33:16) [37]. Người được rửa tội, được giải thoát từ nước sự chết, đã có thể được đặt trong một “pháo đài trên núi đá” vì người ấy đã tìm thấy một điểm tựa vững chắc. Như thế, nước của sự chết được biến đổi thành nước của sự sống. Văn bản Hy Lạp nói về nó như nước pistos, nước “trung thành.” Nước Rửa Tội là nước trung thành bởi vì chúng ta có thể tin tưởng vào nó, vì dòng của nó chảy vào sức mạnh của tình yêu Đức Kitô, nguồn gốc sự đảm bảo cho cuộc hành trình của chúng ta trong đời.

43. Cấu trúc của bí tích Rửa Tội, hình thức của nó như một việc tái sinh, trong đó chúng ta nhận được một tên mới và một cuộc sống mới, giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội trẻ em. Trẻ em không có khả năng chấp nhận đức tin bằng một hành động tự do, cũng chưa thể tuyên xưng đức tin của mình; cho nên đức tin được cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu nhân danh các em mà tuyên xưng. Vì đức tin là một thực thể sống trong cộng đồng Hội Thánh, một phần của cái “Chúng tôi” chung, trẻ em có thể được nâng đỡ bởi những người khác, là cha mẹ và những người đỡ đầu của các em, và có thể được đón nhận vào đức tin của mình, đó là đức tin của Hội Thánh, điều này được tượng trưng bằng ánh sáng mà cha đứa trẻ thắp lên từ cây nến Phục Sinh. Cấu trúc này của bí tích Rửa Tội cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Hội Thánh và gia đình trong việc truyền thụ đức tin. Cha mẹ được gọi, như lời Thánh Augustinô, không những chỉ để sinh sản con cái mà còn để dẫn các em lại với Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ bí tích Rửa Tội các em có thể được tái sinh làm con cái Thiên Chúa và đón nhận hồng ân đức tin [38]. Như vậy, cùng với sự sống, trẻ em được định hướng cơ bản và đảm bảo một tương lai tốt đẹp, định hướng này sẽ được củng cố hơn nữa trong bí tích Thêm Sức với ấn tín của Chúa Thánh Thần.

44. Bản tính bí tích của đức tin tìm được cách diễn tả cao nhất trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là lương thực quý báu cho đức tin: một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô thực sự hiện diện trong hành động tối cao của tình yêu, món quà ban sự sống của chính mình. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có hai trục lộ mà trên đó đức tin hành trình. Một đàng là trục lộ lich sử: Thánh Thể là một hành động tưởng nhớ, một sự hiện tại hóa mầu nhiệm, trong đó quá khứ, như biến cố sự chết và sự sống lại, chứng tỏ khả năng mở ra một tương lai, báo trước sự viên mãn chung cuộc. Phụng vụ nhắc nhở chúng ta điều này bằng cách lặp đi lặp lại từ hodie,“ngày hôm nay”, của những Mầu Nhiệm cứu độ. Đàng khác, chúng ta cũng tìm thấy một trục lộ dẫn từ thế giới hữu hình đến vô hình. Trong bí tích Thánh Thể chúng ta học để hiểu biết chiều sâu của thực tại. Bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Đức Kitô, Đấng trở nên hiện diện trong cuộc hành trình Vượt Qua của Người về phía Chúa Cha: sự chuyển động này đưa chúng ta, thân xác và linh hồn, vào sự chuyển động của tất cả tạo vật hướng tới sự viên mãn của Người trong Thiên Chúa.

45. Trong việc cử hành các bí tích, Hội Thánh truyền lại ký ức của mình đặc biệt qua việc tuyên xưng đức tin. Tuyên xưng này không chỉ liên quan đến việc đồng ý với một tập hợp những chân lý trừu tượng. Trái lại, trong việc tuyên xưng đức tin toàn thể đời sống được thu hút vào một cuộc hành trình hướng về sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta có thể nói rằng trong Kinh Tin Kính, người tín hữu được mời bước vào mầu nhiệm mà họ tuyên xưng và để cho mình được biến đổi bởi điều mà mình tuyên xưng. Để hiểu ý nghĩa của xác quyết này, trước hết chúng ta hãy xét đến nội dung của Kinh Tin Kính. Nó có một cấu trúc Ba Ngôi: Chúa Cha và Chúa Con kết hợp trong Thần Khí Tình Yêu. Như thế, người tín hữu xác quyết rằng trung tâm của toàn thể cuộc sống con người, bí mật sâu xa nhất của mọi sự, là sự hiệp thông của Thiên Chúa. Kinh Tin Kính cũng chứa đựng một lời tuyên xưng Kitô học: nó đưa chúng ta qua các Mầu Nhiệm của cuộc đời Đức Kitô cho đến cái Chết, sự Sống Lại và Lên Trời của Người, trong khi chờ đợi cuộc trở lại sau hết của Người trong vinh quang. Nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa của sự hiệp thông này, tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, có khả năng bao trùm toàn thể lịch sử nhân loại và thu hút nó vào động năng của sự hiệp thông của Ngài, là điều có nguồn gốc và cứu cánh tối hậu trong Chúa Cha. Ai tuyên xưng đức tin của mình được liên kết với chân lý mà mình tuyên xưng. Người ấy không thể thực sự tuyên xưng những lời của Kinh Tin Kính mà không chính mình được biến đổi, mà không được đưa vào một lịch sử của tình yêu bao trùm họ, và mở rộng con người họ bằng cách làm cho họ thành phần tử của một sự hiệp thông lớn lao, của chủ thể cuối cùng mà Kinh Tin Kính tuyên xưng và đó là Hội Thánh. Tất cả những chân lý để tin nói về mầu nhiệm sự sống mới của đức tin như một cuộc hành trình hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống.

Đức tin, cầu nguyện và Mười Điều Răn

46. Có hai yếu tố khác rất cần thiết trong việc trung thành truyền lại ký ức của Hội Thánh. Trước hết là Kinh Nguyện của Chúa, kinh “Lạy Cha.” Trong kinh này các Kitô hữu học cách thông phần vào cảm nghiệm tâm linh của Đức Kitô và nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Người. Từ Người, Đấng là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Con Một Đức Chúa Cha, chúng ta biết Thiên Chúa và do đó có thể làm dấy lên trong những người khác ao ước đến gần Người.

Cũng quan trọng tương tự như vậy là sự liên hệ giữa đức tin và Mười Điều Răn. Đức tin, như chúng ta đã nói, được coi như một cuộc hành trình, một con đường để đi theo, mở ra cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống. Đó là lý do tại sao trong ánh sáng đức tin và sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng cứu độ, Mười Điều Răn nhận được chân lý sâu xa nhất của chúng, như đã thấy trong lời giới thiệu của những giới răn này: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi đất Ai cập” (Xh 20:2). Mười Điều Răn không phải là một tập các mệnh lệnh tiêu cực, nhưng là những hướng dẫn cụ thể để ra khỏi hoang địa của "cái tôi" tự kỷ, tự đóng kín, và tham gia vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, để cho mình được chấp nhận bởi lòng thương xót của Ngài hầu mang lòng thương xót của mình đến cho tha nhân. Như thế, đức tin tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa, nguồn gốc và sự nâng đỡ của tất cả mọi sự, và để cho mình được hướng dẫn bởi tình yêu này mà hành trình tiến đến hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa. Mười Điều Răn xuất hiện như con đường biết ơn, sự đáp trả của tình yêu, có thể được vì trong đức tin chúng ta mở ra cho kinh nghiệm về tình yêu có sức biến đổi mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Và con đường này nhận được ánh sáng mới từ giáo huấn của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5-7).

Như thế, tôi đã nhắc đến bốn yếu tố tóm tắt kho tàng ký ức mà Hội Thánh truyền lại: việc Tuyên Xưng Đức Tin, việc Cử Hành Các Bí Tích, con đường Mười Điều Răn, và Cầu Nguyện. Giáo lý của Hội Thánh có truyền thống được cấu trúc quanh bốn yếu tố này, điều này gồm cả Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, công cụ cơ bản mà qua đó, bằng một cách thống nhất, Hội Thánh truyền đạt toàn thể nội dung đức tin của mình: “tất cả những gì mình là, và tất cả những gì mình tin” [39].

Sự thống nhất và toàn vẹn của đức tin

47. Sự hợp nhất của Hội Thánh trong thời gian và không gian được liên kết với sự hợp nhất của đức tin: “chỉ có một thân thể, một Thần Khí... một đức tin duy nhất” (Eph 4:4-5). Cũng như ngày nay, việc một nhóm người kết hiệp với nhau vì một nguyên nhân chung, vì có tình cảm với nhau, hay vì chia sẻ cùng một vận mệnh và mục đích duy nhất là điều khả thi. Nhưng khó mà tưởng tượng được một sự hợp nhất trong cùng một chân lý. Có vẻ một sự hợp nhất kiểu này không phù hợp với tự do tư tưởng và tự quyết cá nhân. Tuy nhiên, kinh nghiệm về tình yêu cho chúng ta thấy rằng một cái nhìn chung là điều có thể, vì nhờ yêu mà chúng ta học nhìn thực tại qua đôi mắt người khác, không phải như một điều làm cho cái nhìn của mình bị nghèo nàn đi mà phong phú hóa nó. Tình yêu chân chính, theo cách thức của tình yêu Thiên Chúa, đòi hỏi chân lý, và nhãn quan chung về chân lý, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng giúp cho nó trở nên vững chắc và sâu sắc. Đây cũng là niềm vui lớn lao của đức tin: một sự hợp nhất về nhãn quan trong một thân thể và một Thánh Thần duy nhất. Thánh Lêô Cả có thể nói: “Nếu đức tin không phải là một, thì nó không phải là đức tin” [40].

Bí mật của sự hợp nhất này là gì? Đức tin là “một [đức tin duy nhất]”, trước hết, vì sự hợp nhất của Thiên Chúa, Đấng được biết đến và tuyên xưng. Tất cả những tín điều của đức tin nói về Ngài, là những con đường để biết sự hiện hữu của Ngài và việc làm của Ngài. Do đó, chúng là một sự hợp nhất cao hơn nhiều so với bất kỳ sự hợp nhất nào mà lý trí con người có thể xây dựng. Chúng có một sự hợp nhất phong phú hóa chúng, bởi vì được thông truyền cho chúng ta và làm cho chúng ta nên “một.”

Ngoài ra, đức tin cũng là một bởi vì nó quy hướng trực tiếp về một Chúa duy nhất, về cuộc đời Chúa Giêsu, về lịch sử cụ thể mà Người chia sẻ với chúng ta. Thánh Irênê thành Lyons đã xác định rõ ràng khi chống lại lạc giáo Ngộ Đạo. Họ lập luận rằng có hai loại đức tin, một đức tin thô sơ, đức tin đơn giản, không hoàn hảo, được duy trì ở mức của xác thịt của Đức Kitô và chiêm niệm các Mầu Nhiệm của Người; và một loại đức tin khác sâu sắc hơn và hoàn hảo hơn, đức tin thật, giới hạn trong vòng nhóm nhỏ của những người gia nhập [Ngộ Đạo], là những người có khả năng trí tuệ cao, vượt lên trên xác thịt của Chúa Giêsu hướng về những Mầu Nhiệm thần linh mà chưa từng ai biết đến. Đương đầu với xác quyết này, là điều tiếp tục hấp dẫn và có những người theo nó, ngay cả trong thời đại chúng ta, Thánh Irênê khẳng định rằng chỉ có một đức tin duy nhất, vì đức tin này luôn luôn đi qua điểm cụ thể của Mầu Nhiệm Nhập Thể, mà không bao giờ siêu vượt xác thịt và lịch sử của Đức Kitô, vì Thiên Chúa đã muốn tỏ mình hoàn toàn trong đó. Vì lý do này, ngài nói, không có sự khác biệt trong đức tin của “những người có khả năng bàn luận nhiều” và “những người nói ít”, giữa những người làm lớn và những người nhỏ: người trước không thể làm gia tăng đức tin, người sau cũng không làm giảm nó [41].

Cuối cùng, đức tin là một bởi vì nó được chia sẻ bởi toàn thể Hội Thánh, là một thân thể duy nhất, một Thánh Thần duy nhất. Trong sự hiệp thông của một chủ thể duy nhất là Hội Thánh, chúng ta nhận được một cái nhìn chung. Nhờ tuyên xưng cùng một đức tin, chúng ta đứng vững trên cùng một đá tảng, chúng ta được biến đổi bởi cùng một Thánh Thần của tình yêu, chúng ta tỏa ra một ánh sáng duy nhất và chúng ta có cùng một cái nhìn duy nhất vào thực tại.

48. Vì đức tin là một, nên nó phải được tuyên xưng trong tất cả sự thanh khiết và toàn vẹn của nó. Chính vì tất cả các tín điều đức tin được nối kết chặt chẽ với nhau, nên khi từ chối một điều trong chúng, dù là điều có vẻ không mấy quan trọng, thì tương tự như bóp méo toàn thể đức tin. Trong mỗi thời đại người ta tìm thấy một số điểm nào đó của đức tin có thể dễ dàng hoặc khó được chấp nhận hơn: đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tỉnh thức, bởi vì kho tàng đức tin được truyền lại trong sự trọn vẹn của nó (x. 1 Tim 6:20), và bởi vì tất cả mọi khía cạnh của lời tuyên xưng đức tin đều thích hợp và được nhấn mạnh. Thật vậy, vì sự hợp nhất của đức tin là sự hợp nhất của Hội Thánh, bỏ đi một điều gì đó từ đức tin là bỏ đi một điều gì đó từ chân lý của sự hiệp thông. Các Giáo Phụ đã mô tả đức tin như một thân thể, thân thể của chân lý với nhiều chi thể khác nhau, tương tự như thân thể của Đức Kitô và kéo dài trong Hội Thánh [42]. Tính toàn vẹn của đức tin cũng gắn liền với hình ảnh của Hội Thánh như một trinh nữ và lòng chung thủy của Hội Thánh trong tình yêu phối ngẫu dành cho Đức Kitô: làm tổn thương đến đức tin có nghĩa là làm tổn thương đến sự hiệp thông với Thiên Chúa [43]. Như thế, sự hợp nhất của đức tin là sự hợp nhất của một cơ thể sống động, như nhận xét tuyệt diệu mà Chân Phước Gioan Henry Newman đã đưa ra khi ngài liệt kê đặc tính được ghi nhận để phân biệt sự liên tục của giáo lý theo thời gian, là khả năng đồng hóa tất cả mọi sự mà nó tìm thấy trong các môi trường khác nhau mà trong đó nó hiện diện, và trong các nền văn hóa đa dạng mà nó gặp phải, [44] qua việc thanh lọc tất cả mọi sự và đưa chúng đến biểu hiện hoàn hảo nhất của chúng. Như thế, đức tin rõ ràng là phổ quát và Công Giáo, bởi vì ánh sáng của nó tỏa rộng để soi sáng tất cả vũ trụ và toàn thể lịch sử.

49. Để phục vụ cho sự hợp nhất của đức tin và thông truyền sự trọn vẹn của nó, Chúa đã ban cho Hội Thánh hồng ân Tông Truyền. Nhờ phương tiện này, tính liên tục của ký ức Hội Thánh được đảm bảo, và người ta có thể chắc chắn đến được với suối nguồn tinh khiết mà từ đó đức tin chảy ra. Như vậy, sự đảm bảo tính liên tục với nguồn gốc được thực thi bởi những con người sống động, điều này tương xứng với đức tin sống động mà Hội Thánh truyền lại. Hội Thánh tùy thuộc vào lòng trung thành của các nhân chứng được Chúa lựa chọn để thi hành nhiệm vụ này. Vì lý do này mà Huấn Quyền luôn luôn nói trong sự vâng phục Lời trước đó mà trên đó đức tin dựa vào; Huấn Quyền đáng tin cậy bởi vì Huấn Quyền tin tưởng vào Lời mà mình nghe, gìn giữ và giải thích [45]. Trong bài giảng chia tay của Thánh Phaolô dành cho các trưởng lão Êphêsô ở Milêtô, mà Thánh Luca thuật lại cho chúng ta trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngài đã chứng minh rằng ngài đã thi hành nhiệm vụ mà Chúa đã trao phó cho ngài để “công bố toàn thể ý định của Thiên Chúa” (Cv 20:27). Nhờ Huấn Quyền của Hội Thánh, ý định này có thể đến với chúng ta trong tính toàn vẹn của nó, và cùng với nó là niềm vui của việc có thể theo nó một cách hoàn toàn.

CHƯƠNG BỐN

Thiên Chúa CHUẨN BỊ CHO HỌ MỘT THÀNH



(x. Dt 11:16)


Đức tin và công ích

50. Trong việc trình bày lịch sử của các tổ phụ và những người công chính của Cựu Ước, Thư gửi tín hữu Do Thái làm nổi bật một khía cạnh thiết yếu của đức tin của các ngài. Thư không những chỉ trình bày đức tin như một cuộc hành trình, mà còn như một tiến trình xây dựng, việc chuẩn bị một nơi mà trong đó con người có thể chung sống. Người xây dựng đầu tiên là ông Noe đã cứu gia đình ông trong tàu (Dt 11:7). Sau đó đến ông Abraham, mà người ta nói về ông rằng bởi đức tin mà ông đã ở trong lều, trong khi chờ đợi thành có nền tảng vững chắc (x. Dt 11:9-10). Từ đức tin phát sinh một sự đáng tin cậy mới, một sự vững chắc mới, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho. Nếu người có đức tin nương tựa vào Thiên-Chúa-Amen, vào Thiên Chúa thành tín (x. Is 65:16), và nhờ thế chính họ trở nên vững chắc, thì chúng ta có thể nói thêm rằng sự vững chắc này của đức tin cũng ám chỉ thành mà Thiên Chúa đang chuẩn bị cho nhân loại. Đức tin cho thấy mối dây liên kết giữa con người có thể trở nên vững chắc như thế nào khi Thiên Chúa hiện diện giữa họ. Nó không chỉ đơn thuần là độ cứng rắn bên trong, một quyết tâm kiên định của người tín hữu; đức tin cũng soi sáng những liên hệ giữa con người bởi vì nó được sinh ra từ tình yêu và đi theo động năng của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy ban cho con người một thành đáng tin cậy.

51. Chính vì mối liên hệ của nó với tình yêu (x. Gl 5:6), mà ánh sáng đức tin được dùng để phục vụ công lý, lề luật và hòa bình một cách cụ thể. Đức tin phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa, trong đó ý nghĩa và sự tốt lành của cuộc đời chúng ta trở nên rõ ràng; cuộc đời chúng ta được sáng tỏ theo mức độ mà nó đi vào động năng được mở ra bởi tình yêu này, đến mức nó trở thành một con đường và sự thực hành dẫn đến sự viên mãn của tình yêu. Ánh sáng đức tin có khả năng tăng cường sự phong phú của các mối liên hệ con người, khả năng chịu đựng, khả năng trở nên đáng tin cậy, khả năng phong phú hóa đời sống cộng đồng của họ. Đức tin không kéo chúng ta ra khỏi thế gian hoặc tỏ ra xa lạ với những quan tâm cụ thể của con người thời đại. Nếu không có một tình yêu đáng tin cậy, không có gì thực sự có thể làm cho con người thực lòng hợp nhất với nhau. Sự hợp nhất của họ có thể hiểu được là chỉ dựa trên tiện ích, trên toan tính về những lợi ích hoặc sợ hãi trái ngược nhau, nhưng không dựa trên sự tốt lành của việc cùng nhau chung sống, cũng không dựa trên niềm vui mà sự hiện diện đơn thuần của tha nhân có thể mang lại. Đức tin làm cho chúng ta hiểu cấu trúc của các mối liên hệ giữa con người, vì nó biết rằng nền tảng cuối cùng và số phận dứt khoát là ở nơi Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài, và do đó làm sáng tỏ nghệ thuật xây dựng, trở thành một việc phục vụ cho công ích. Phải, đức tin thực sự là sự tốt lành cho tất cả mọi người, nó là một lợi ích chung. Ánh sáng của nó không chỉ đơn thuần soi sáng phía trong của Hội Thánh, cũng không được xử dụng chỉ để xây một thành vĩnh cửu ở đời sau; nó cũng giúp chúng ta xây dựng các xã hội của chúng ta, để chúng ta có thể hành trình hướng về một tương lai đầy hy vọng. Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta một thí dụ về việc này khi, trong số những người có đức tin, thư kể tên ông Samuel và Vua Đavid, những vị mà đức tin cho phép “thực thi công lý” (Dt 11:33). Cách diễn tả này đề cập đến công lý trong việc cai trị của các vị ấy, đến sự khôn ngoan mang lại hòa bình cho dân chúng (x. 1 Sam 12:3-5; 2 Sam 8:15). Những bàn tay của đức tin giơ lên trời, nhưng họ làm thế trong khi xây dựng một thành trong đức ái, dựa trên mối liên hệ mà trong đó tình yêu của Thiên Chúa là nền tảng.

Đức tin và gia đình

52. Trong cuộc hành trình của ông Abraham hướng về thành tương lai, Thư gửi tín hữu Do Thái đề cập đến các phúc lành được truyền từ cha người sang các người con (x. Dt 11:20-21). Môi trường đầu tiên trong đó đức tin soi sáng thành của con người là gia đình. Trước hết tôi nghĩ đến sự kết hợp bền vững giữa người nam và ngưởi nữ trong hôn nhân. Sự kết hợp này phát sinh từ tình yêu của họ, như một dấu chỉ và sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa, và việc nhìn nhận cùng chấp nhận sự tốt lành của sự khác biệt giữa giới tính, nhờ đó vợ chồng có thể trở nên một xương một thịt (x. St 2:24) và có thể sinh ra sự sống mới, một biểu hiện của lòng nhân lành, sự khôn ngoan và kế hoạch yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Căn cứ vào tình yêu này, một người nam và một người nữ có thể hứa với nhau một tình yêu hỗ tương trong một cử chỉ lên hệ đến toàn thể cuộc sống của họ và phản ảnh nhiều bình diện của đức tin. Chúng ta có thể thề hứa một tình yêu vĩnh viễn khi cảm nhận được một kế hoạch lớn hơn những kế hoạch của mình, một kế hoạch nâng đỡ chúng ta và cho phép chúng ta hiến trọn tương lai cho người mình yêu. Đức tin cũng giúp chúng ta hiểu tất cả chiều sâu và sự phong phú của việc sinh sản con cái, như một dấu chỉ của tình yêu của Đấng Tạo Hóa là Đấng đã trao phó cho chúng ta mầu nhiệm của một con người mới. Vì vậy, chính bà Sarah, nhờ đức tin mà trở thành một người mẹ, vì bà tin cậy vào sự trung tín của Thiên Chúa với lời hứa của Ngài (x. Dt 11:11).

53. Trong gia đình, đức tin đi cùng với mọi lứa tuổi của cuộc đời, bắt đầu với tuổi ấu thơ: trẻ em học cách tin tưởng vào tình yêu của cha mẹ. Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng trong gia đình là cha mẹ khuyến khích chia sẻ đức tin để có thể giúp trẻ em từ từ trưởng thành trong đức tin của chúng. Đặc biệt là người trẻ, đang trải qua một giai đoạn trong cuộc sống rất phức tạp, phong phú và quan trọng đối với đức tin của các em. Các em cần phải cảm thấy sự gần gũi và nâng đỡ thường xuyên của gia đình và Hội Thánh trong cuộc hành trình đức tin của các em. Tất cả chúng ta đều thấy, trong Ngày Giới Trẻ Thế giới, những người trẻ bày tỏ niềm vui về đức tin của các em, và sự dấn thân của các em trong một đời sống đức tin vững chắc hơn và quảng đại hơn như thế nào. Những người trẻ muốn một đời sống cao quý. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô, việc để cho mình được lôi cuốn và hướng dẫn bởi tình yêu của Người, mở rộng chân trời cuộc đời, cung cấp cho đời sống một niềm hy vọng vững chắc là điều không làm cho nó thất vọng. Đức tin không phải là nơi trú ẩn của những kẻ nhát đảm, nhưng là điều thăng tiến cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhận ra một lời mời gọi cao cả, ơn gọi yêu thương. Nó đảm bảo cho chúng ta rằng tình yêu này đáng tin cậy và đáng giá để theo đuổi, vì nó đặt nền tảng trên sự trung tín của Thiên Chúa, mạnh mẽ hơn sự mỏng dòn của chúng ta rất nhiều.

Một ánh sáng cho đời sống xã hội

54. Được hấp thụ và đào sâu trong gia đình, đức tin trở thành ánh sáng có khả năng soi sáng tất cả mọi mối liên hệ của chúng ta trong xã hội. Như kinh nghiệm về tình phụ tử và lòng thương xót của Thiên Chúa, nó mở rộng trong cuộc hành trình huynh đệ. Trong “thởi hiện đại”, người ta tìm cách xây dựng tình huynh đệ phổ quát dựa trên sự bình đẳng, nhưng chúng ta dần dần nhận ra rằng tình huynh đệ này không thể bền vững vì không quy chiếu về một Cha chung như nền tảng tối hậu của nó. Như vậy, chúng ta cần phải quay trở lại với cội rễ thực sự của tình huynh đệ. Lịch sử đức tin, ngay từ ban đầu, là một lịch sử của tình huynh đệ, mặc dù không phải là không có tranh chấp. Thiên Chúa gọi ông Abraham rời bỏ xứ sở của ông và hứa sẽ làm cho ông thành một quốc gia to lớn, một dân tộc vĩ đại mà trên dân này phúc lành của Thiên Chúa ở lại (x. St 12:1-3). Như lịch sử cứu độ tiến triển, người ta thấy rõ ràng là Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được tham gia, như anh chị em, vào phúc lành đặc biệt này, là điều đạt đến viên mãn trong Chúa Giêsu, ngõ hầu tất cả nên một. Tình yêu vô biên của Chúa Cha cũng được thông truyền cho chúng ta, trong Chúa Giêsu, thậm chí qua sự hiện diện của anh chị em chúng ta. Đức tin dạy chúng ta nhìn thấy rằng trong mỗi người có phúc lành dành cho tôi, rằng ánh sáng của Dung Nhan Thiên Chúa chiếu rọi trên tôi qua khuôn mặt của anh chị em tôi.

Cái nhìn của đức tin Kitô giáo đã mang đến thành của con người không biết bao nhiêu lợi ích cho cuộc sống chung của họ! Nhờ đức tin, chúng ta đã hiểu được giá trị độc đáo của mỗi người, là điều mà người ta không thấy rõ trong thời cổ đại. Trong thế kỷ thứ hai, Celsus, một người ngoại giáo, trách cứ các Kitô hữu về một ý tưởng mà ông cho là điên rồ và ảo tưởng: nghĩ rằng Thiên Chúa đã dựng nên thế giới cho con người, đã đặt con người ở tột đỉnh của toàn thể vũ trụ. “Tại sao lại cho rằng [cỏ] mọc lên vì lợi ích của con người, chứ không phải vì loài dã thú man rợ nhất trong tất cả loài vật mà không có lý do gì hết?” [46]. “Nếu chúng ta từ trời nhìn xuống đất, chúng ta có thực sự thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa các hoạt động của chúng ta và của những con kiến hay con ong không?” [47]. Ở trung tâm của đức tin theo Thánh Kinh là tình yêu của Thiên Chúa, là quan tâm cụ thể của Ngài dành cho tất cả mọi người, và kế hoạch cứu độ của Ngài là kế hoạch bao trùm toàn thể nhân loại và mọi tạo vật, là điều đạt đến tột đỉnh trong việc Nhập Thể, cái Chết và việc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Khi thực tại này bị che khuất, người ta không có tiêu chuẩn để phân biệt điều gì làm cho cuộc sống con người nên quý báu và độc đáo. Con người bị mất chỗ đứng trong vũ trụ, và lạc lõng trong thiên nhiên vì chối bỏ trách nhiệm luân lý của mình, hoặc vì giả bộ làm trọng tài tuyệt đối, tự cho là mình có một quyền năng vô hạn để thao túng.

55. Mặt khác, đức tin, qua việc tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, làm cho chúng ta tôn trọng thiên nhiên hơn nữa, và phân biệt trong đó trong một ngữ pháp được viết bởi bàn tay của Ngài và một nơi cư ngụ được trao cho chúng ta để bảo vệ và chăm sóc. Đức tin cũng giúp chúng ta tìm thấy những mô hình phát triển không chỉ đơn thuần dựa trên tiện ích và lợi nhuận, nhưng coi tạo vật như một hồng ân mà tất cả chúng ta đều phải mang ơn; nó dạy chúng ta khám phá ra những hình thức cai trị công chính, nhìn nhận rằng quyền hành đến từ Thiên Chúa và được dùng để phục vụ công ích. Đức tin cũng xác nhận khả năng tha thứ, là điều thường đòi hỏi thì giờ và nỗ lực, kiên nhẫn và dấn thân. Tha thứ là điều có thể khi người ta khám phá rằng sự tốt lành luôn luôn có trước và mạnh hơn sự dữ, và rằng lời mà Thiên Chúa dùng để nâng đỡ cuộc đời chúng ta thì sâu sắc hơn mọi khước từ của chúng ta. Ngoài ra, ngay từ một quan điểm hoàn toàn nhân chủng, sự hợp nhất vẫn cao hơn sự tranh chấp; chúng ta cũng có trách nhiệm phải đối phó với tranh chấp trong khi tìm cách giải quyết nó, để đánh bại nó, biến nó thành một mắt xích trong một chuỗi, trong một tiến trình hướng về sự hiệp nhất.

Khi đức tin bị suy yếu, thì ngay cả những nền tảng của cuộc sống cũng có nguy cơ bị thu hẹp lại, như thi sỹ T. S. Eliot cảnh báo: “Bạn có cần người ta phải bảo bạn rằng ngay cả những thành tựu khiêm tốn này / là những điều cho phép bạn tự hào theo kiểu xã hội thượng lưu / sẽ khó mà tồn tại được nếu không có đức tin, là điều mà nhờ đó chúng trở thành quan trọng không?” [48]. Nếu chúng ta loại bỏ đức tin vào Thiên Chúa ra khỏi các thành của mình, sự tin tưởng lẫn nhau sẽ bị suy yếu, chúng ta sẽ chỉ còn giữ được sự hợp nhất vì sợ hãi mà thôi, và sự ổn định của chúng ta sẽ bị đe dọa. Thư gửi tín hữu Do Thái xác quyết rằng “Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì đã chuẩn bị một thành cho các ngài” (Dt 11:16). Ở đây, từ ngữ “không hổ thẹn” liên hệ với việc thừa nhận công khai. Người ta muốn nói rằng Thiên Chúa thú nhận một cách công khai rằng, bằng hành động cụ thể của Ngài, Ngài hiện diện giữa chúng ta, và Ngài muốn củng cố mọi mối liên hệ giữa loài người. Chẵng lẽ chúng ta lại là những kẻ cảm thấy xấu hổ khi gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của mình sao? Chẳng lẽ chúng ta lại là những kẻ không dám tuyên xưng Ngài như thế trong đời sống công cộng của mình, là những người không dám nói lên sự cao cả của cuộc sống chung mà Ngài làm cho khả dĩ sao? Đức tin soi sáng cuộc sống trong xã hội. Nó có một ánh sáng sáng tạo dành cho mỗi giai đoạn mới của lịch sử, bởi vì nó đặt tất cả mọi biến cố trong sự liên hệ với nguyên thủy và cứu cánh của mọi sự trong Chúa Cha, là Đấng yêu thương chúng ta.

Một sức mạnh an ủi trong đau khổ

56. Khi viết cho các tín hữu Côrintô về những gian nan và đau khổ của mình, Thánh Phaolô liên kết đức tin của ngài với việc rao giảng Tin Mừng. Thực ra, ngài nói rằng trong ngài lời Thánh Kinh: “Tôi đã tin, nên tôi mới nói” (2 Cor 4:13) đã được thực hiện. Thánh Tông Đồ nhắc đến một câu của Thánh Vịnh 116, trong đó tác giả Thánh Vịnh thốt lên: “Tôi giữ đức tin của tôi, ngay cả khi tôi nói: ‘Tôi rất khốn khổ’” (câu 10). Nói về đức tin cũng liên quan đến việc nói về những thử thách đau đớn, nhưng thực ra, Thánh Phaolô thấy trong chúng lời rao giảng có sức thuyết phục nhất của Tin Mừng, vì chính trong sự yếu đuối và đau khổ mà chúng ta khám phá ra rằng quyền năng của Thiên Chúa thắng vượt sự yếu đuối và đau khổ của mình. Chính Thánh Tông Đồ thấy mình ở trong một tình trạng bị chết, là tình trạng sẽ trở nên sự sống cho các Kitô hữu (x. 2 Cor 4:7-12). Trong giờ thử thách, đức tin soi sáng chúng ta; trong đau khổ và yếu đuối, chúng ta thấy rõ rằng “[…] chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (2 Cor 4:5). Chương mười một của Thư gửi tín hữu Do Thái kết thúc bằng việc nhắc đến những người chịu đau khổ vì đức tin (x. Dt 11:35-38); trong số đó có một chỗ đặc biệt dành cho ông Môsê, người đã mang trên mình sự sỉ nhục của Đức Kitô (xem câu 26). Người Kitô hữu biết rằng mình không thể loại bỏ đau khổ, nhưng chúng có thể có ý nghĩa và trở thành một hành động yêu thương, tín thác vào vào bàn tay Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi chúng ta, bằng cách này, nó là một giai đoạn tăng trưởng trong đức tin và tình yêu. Qua việc chiêm niệm sự kết hợp của Đức Kitô với Chúa Cha, cả trong giờ phút đau khổ tột đỉnh của Người trên Thánh Giá (x. Mc 15:34), người Kitô hữu học chia sẻ cùng một cái nhìn của Chúa Giêsu. Vì thế ngay cả cái chết cũng được sáng tỏ và có thể được cảm nghiệm như lời mời gọi cuối cùng với đức tin, lời mời gọi sau cùng “Hãy rời bỏ vùng đất của ngươi” (St 12:1), lời mời gọi “Hãy đến!” cuối cùng mà Đức Chúa Cha nói, mà với Ngài chúng ta phó thác trong sự tự tin rằng Ngài cũng sẽ củng cố chúng ta ngay cả trong bước cuối cùng của chúng ta.

57. Ánh sáng đức tin và cũng không làm cho chúng ta quên đi những đau khổ của thế giới này. Những người đang chịu đau khổ là những trung gian của ánh sáng cho biết bao nhiêu người nam nữ có đức tin! Với Thánh Phanxicô thành Assisi và người phong cùi, hoặc với Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta và những người nghèo của mẹ cũng thế. Các ngài đã hiểu mầu nhiệm hoạt động trong đó. Khi đến gần những người đau khổ, các ngài chắc chắn không thể loại bỏ tất cả những nỗi đau của họ, hoặc giải thích được mọi sự dữ. Đức tin không phải là một ánh sáng xua tan tất cả mọi bóng tối của chúng ta, nhưng là một ngọn đèn hướng dẫn các bước đi của chúng ta trong đêm tối và vừa đủ cho cuộc hành trình. Đối với những người đau khổ, Thiên Chúa không ban cho những lý lẽ để giải thích mọi sự, nhưng đúng hơn, Ngài ban cho họ câu trả lời dưới hình thức một sự hiện diện đồng hành, một lịch sử của sự tốt lành kết hợp với mỗi câu chuyện về đau khổ để mở ra cho nó một tia sáng. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa muốn chia sẻ cuộc hành trình này với chúng ta và ban cho chúng ta cái nhìn của Người để chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng ở trong nó. Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ, là “Ðấng khai mở và kiên toàn đức tin” (Dt 12:2).

Sự đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng việc phục vụ công ích của đức tin luôn luôn là việc phục vụ của hy vọng, một niềm hy vọng nhìn về phía trước, trong khi biết rằng xã hội của chúng ta chỉ có thể tìm thấy nền tảng vững chắc và lâu dài của nó từ Thiên Chúa, từ một tương lai đến từ Chúa Giêsu Phục Sinh mà thôi. Theo nghĩa này, đức tin liên kết với đức cậy, cho dù nơi ở của chúng ta ở dưới thế có thể bị phá hủy, chúng ta có một nơi ở vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta trong Đức Kitô, trong thân thể của Người (x. 2 Cor 4:16 - 5:5 ). Như thế, động năng của đức tin, đức cậy (hy vọng) và đức mến (bác ái) (x. 1 Th 1:3; 1 Cor 13:13) dẫn chúng ta đến ôm ấp những quan tâm của tất cả mọi người trong cuộc hành trình của chúng ta hướng về thành này “là thành mà Thiên Chúa vửa là kiến trúc sư vừa là người xây dựng” (Dt 11:10), bởi vì “hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5:5).

Trong sự hợp nhất với đức tin và đức mến, đức cậy đẩy chúng ta về một tương lai vững chắc, nằm trong một viễn cảnh khác với những đề nghị hão huyền của các thần tượng của thế gian, cung cấp một động lực mới và sức mạnh cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đừng để cho niềm hy vọng của mình bị ai cướp mất, hoặc để cho nó trở nên vô ích vì những giải pháp và những đề nghị tức thời là những điều ngăn chặn cuộc hành trình của chúng ta, là những điều đập nát thời gian ra “thành từng mảnh vụn” và biến đổi nó thành không gian. Thời gian luôn luôn lớn hơn nhiều so với không gian. Không gian làm cho tiến trình bị cứng lại, trong khi thời gian đẩy tới tương lai và khuyến khích chúng ta tiến bước trong hy vọng.

Phúc cho Bà, vì đã tin (Lc 1,45)

58. Trong dụ ngôn người gieo giống, Thánh Luca tường thuật những lời này mà Chúa Giêsu đã dùng để giải thích ý nghĩa của “đất tốt”: “Đó là những kẻ khi nghe Lời Chúa thì nghe Lời Chúa với một tâm hồn cao thượng và đại lượng, mà sinh hoa kết quả nhờ kiên tâm bền chí.” (Lc 8:15). Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Luca, đề cập đến một tâm hồn cao thượng và đại lượng, nói về những người nghe và giữ lời, bao gồm một chân dung tiềm ẩn của đức tin của Đức Trinh Nữ Maria. Chính thánh sử nói về ký ức của Đức Mẹ Maria, làm sao Mẹ giữ trong lòng mình tất cả những gì Mẹ đã nghe và đã thấy, để từ đó có thể sinh hoa kết quả trong đời sống của Mẹ. Mẹ của Chúa là biểu tượng hoàn hảo của đức tin, như Thánh Elidabeth nói: “Phúc cho em vì đã tin” (Lc 1:45).

Trong Đức Mẹ Maria, thiếu nữ Sion, lịch sử lâu dài của đức tin của Cựu Ước đã được thể hiện, với tường thuật về đời sống của rất nhiều phụ nữ trung thành, bắt đầu với bà Sarah, là những phụ nữ, cùng với các Tổ Phụ, là nơi mà lời hứa của Thiên Chúa đã được hoàn thành và cuộc sống mới nở hoa. Trong thời viên mãn, Lời Chúa đã nói cùng Mẹ Maria và Mẹ đã đón nhận với tất cả con người, trong tâm hồn Mẹ, để Lời ấy có thể thành nhục thể trong lòng Mẹ và được sinh ra như ánh sáng cho nhân loại. Thánh Gustinô Tử Đạo, trong cuộc đối thoại với Tryphô, sử dụng một cách diễn tả tuyệt vời mà qua đó ngài nói rằng Đức Maria, khi chấp nhận sứ điệp của thiên sứ, đã thụ thai “đức tin và niềm vui” [49]. Thực ra, trong Mẹ Chúa Giêsu, đức tin thể hiện trọn vẹn hoa trái của nó, và khi đời sống tinh thần của chúng ta sinh hoa trái làm cho chúng ta trở nên tràn đầy niềm vui, đó là dấu chỉ rõ ràng nhất về sự cao cả của đức tin. Trong cuộc sống của mình, Đức Mẹ hoàn thành cuộc hành hương đức tin, theo bước chân của Con Mẹ [50]. Như vậy, trong Đức Mẹ, cuộc hành trình đức tin của Cựu Ước được tiếp tục bằng việc đi theo Đức Kitô, để cho Người biến đổi, và đi vào trong nhãn quan của Con Thiên Chúa Nhập Thể.

59. Chúng ta có thể nói rằng nơi Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta thấy thể hiện điều mà tôi đã đề cập trước đây, nghĩa là người tín hữu được hoàn toàn thu hút vào lời tuyên xưng đức tin của mình. Vì Đức Mẹ liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu, Mẹ cũng liên kết chặt chẽ với những gì mà chúng ta tin. Trong việc thụ thai mà vẫn còn đồng trinh của Mẹ, chúng ta có một dấu chỉ rõ ràng về việc làm Con Thiên Chúa của Đức Kitô. Nguồn gốc vĩnh cửu của Đức Kitô trong Chúa Cha. Người là Con theo một ý nghĩa tổng thể và độc nhất, và vì vậy Người được sinh ra trong thời gian mà không cần sự can thiệp của một người nam. Như Chúa Con, Chúa Giêsu mang đến cho thế giới một khởi đầu mới và một ánh sáng mới, sự viên mãn của tình yêu trung tín của Thiên Chúa, Đấng tự hiến mình cho nhân loại. Ngoài ra, tình mẫu tử thật sự của Đức Mẹ Maria cũng đảm bảo cho Con Thiên Chúa một lịch sử nhân loại đích thực, một xác thịt thực sự, trong đó Người sẽ chết trên Thánh Giá và sống lại từ cõi chết. Đức Mẹ Maria sẽ đi theo Chúa Giêsu cho đến tận Thánh Giá (x. Ga 19:25), từ đó tình mẫu tử của Mẹ sẽ mở rộng cho tất cả các môn đệ của Người (x. Ga 19:26-27). Mẹ cũng sẽ có mặt trong căn phòng trên lầu, sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh và Lên Trời, cùng các Tông Đồ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Chuyển động của tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chạy qua lịch sử của chúng ta, và Đức Kitô lôi kéo chúng ta về với chính Người để cứu chúng ta (x. Ga 12:32). Ở trung tâm đức tin của chúng ta là lời tuyên xưng về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh bởi một người nữ, là Đấng đem chúng ta đến việc làm nghĩa tử, nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần (x. Gal 4:4).

60. Chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ của đức tin của chúng ta trong cầu nguyện.

Lạy Mẹ, xin giúp đỡ đức tin của chúng con!

Xin mở tai chúng con để lắng nghe lời Chúa và nhận ra giọng của Thiên Chúa cùng lời mời gọi của Người.

Xin đánh thức trong chúng con ước muốn đi theo bước chân Người, ra đi từ vùng đất của chúng con và nhận được lời hứa của Người.

Xin giúp chúng con để chúng con được tình yêu của Người chạm đến, và để chúng con có thể chạm vào Người trong đức tin.

Xin giúp chúng con phó thác hoàn toàn cho Người và tin vào tình yêu của Người, đặc biệt là trong những lúc bị thử thách và của thập giá, khi đức tin của chúng con được mời gọi đến trưởng thành.

Xin gieo trong đức tin của chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh.

Xin nhắc nhở chúng con rằng những người tin không bao giờ một mình.

Xin dạy cho con nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Chúa Giêsu, để Người có thể là ánh sáng cho cuộc hành trình của chúng con. Và xin cho ánh sáng đức tin này luôn luôn lớn lên trong chúng con, cho đến một ngày không có hoàng hôn, chính là Đức Kitô, Con Mẹ và Chúa chúng con!


Ban hành tại Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 29 tháng 6, Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, năm 2013, năm thứ nhất của triều đại giáo hoàng của tôi.

PHANXICÔ

+ Giáo Hoàng



Chuyển ngữ theo bản Latinh, Tiếng Anh và Tiếng Pháp của Tòa Thánh

-------------------------

CHÚ THÍCH

[1] Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 121, 2: PG 6, 758.

[2] Clement of Alexandria, Protrepticus, IX: PG 8, 195.

[3] Brief an Elisabeth Nietzsche (11 June 1865), in: Werke in drei Bänden, München, 1954, 953ff.

[4] Paradiso XXIV, 145-147.

[5] Acta Sanctorum, Junii, I, 21.

[6] “Mặc dù Công đồng không nói rõ là bàn về đức tin, nhưng nói về đức tin trên mỗi trang, nhìn nhận việc sống đức tin, tính chất siêu nhiên của nó, giả định rằng nó đầy đủ và mạnh mẽ, và đặt giáo huấn của mình trên đó. Thật là đủ để nhắc lại những tuyê bố của Công Đồng.. . để thấy tầm quan trọng thiết yếu mà Công Đồng, theo truyền thống tín lý của Hội Thánh, được gán cho đức tin, đức tin chân chính, bắt nguồn trong Đức Kitô, và huấn quyền của Hội Thánh là những máng chuyển của nó “ (Phaolô VI, buổi triều yết chung [ngày 08 tháng ba năm 1967]: Insegnamenti V [1967], 705).

[7] X., Thí dụ, Công Đồng Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lý về Đức Tin Công Giáo Dei Filius, Ch. 3: DS 3008-3020; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 5: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Số 153-165.

[8] x. Giáo lý V, 1: PG 33, 505A.

[9] In Psal. 32, II, s. I, 9: PL 36, 284.

[10] M. Buber, Die Erzählungen der Chassidim, Zurich, 1949, 793.

[11] Émile, Paris, 1966, 387.

12] Lettre à Monseigneur de Beaumont, L’Âge d’Homme, Lausanne, p. 110.

[13] x. In Ioh. Evang, 45, 9:. PL 35, 1722-1723.

[14] Phần II, IV.

[15] De Continentia, 4, 11: PL 40, 356.

[16] “Vom Wesen katholischer Weltanschauung” (1923), trong Unterscheidung des Christlichen. Gesammelte Studien 1923-1963, Mainz, 1963, 24.

[17] XI, 30, 40: PL 32, 825.

[18] X. như trên., 825-826.

[19] X. Vermischte Bemerkungen / Văn hóa và Giá trị, ed. G.H. von Wright, Oxford, 1991, 32-33, 61-64.

[20] Homiliae in Evangelia, II, 27, 4: PL 76, 1207.

[21] X. Expositio sur Cantica Canticorum, XVIII, 88: CCL, Continuatio Mediaevalis 87, 67.

[22] Như trên, XIX, 90:. CCL, Continuatio Mediaevalis 87, 69.

[23] “Sự vâng phục của đức tin (Rm 16:26; so với Rm 1:5, 2; Cor 10:5-6) phải là sự đáp trả của chúng ta với Thiên Chúa là Đấng mạc khải. Nhờ đức tin mà một người tự nguyện dâng hiến toàn tâm trí và ý chí cho Thiên Chúa là Đấng mạc khải, và sẵn sàng chấp nhận sự mặc khải mà Thiên Chúa ban. Để có đức tin này, chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa tiền liệu và giúp đỡ, cũng như sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng chạm đến tâm hồn và hoán cải nó để trở về với Thiên Chúa, cùng mở đôi mắt của tâm trí và làm cho ‘mọi người dễ dàng đón nhận và tin vào chân lý’. Cùng một Chúa Thánh Thần liên tục hoàn thiện đức tin bằng những hồng ân của Ngài, ngõ hầu mặc khải càng ngày càng được hiểu biết sâu xa hơn” (Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, 5).

[24] X. H. Schlier, Meditationen über den Johanneischen Begriff der Wahrheit, in: Besinnung auf das Neue Testament. Exegetische Aufsätze und Vorträge 2, Freiburg, Basel, Wien 1959, 272.

[25] X. S. Th. III, q. 55, a. 2, ad 1.

[26] Sermo 229/L, 2: PLS 2, 576: “Tangere autem corde, hoc est credere”.

[27] X. Thông Điệp Fides et Ratio (14 tháng 9 năm 1998), 73: AAS (1999), 61-62.

[28] X. Confessiones, VIII, 12, 29: PL 32, 762.

[29] De Trinitate, XV, 11, 20: PL 42, 1071: “verbum quod intus lucet”.

[30] X. De Civitate Dei, XXII, 30, 5: PL 41, 804.

[31] X. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus (6 tháng 8 năm 2000), 15: AAS 92 (2000), 756.

[32] Demonstratio Apostolicae Predicationis, 24: SC 406, 117.

[33] X. S. Bonaventura, Breviloquium, Prol.: Opera omnia, V, Quaracchi 1891, 201; In I Sent., prooem., q. 1, resp.: Opera Omnia, I, Quaracchi 1891, 7; S. Thomas Aquinas, S. Th. I, q. 1.

[34] X. De Baptismo, 20, 5: CCL 1, 295.

[35] Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 8.

[36] X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 59.

[37] X. Epistula Barnabae, 11, 5: SC 172, 162.

[38] X. De nuptiis et concupiscentia, I, 4, 5: PL 44, 413: “Habent quippe intentionem generandi regenerandos, ut qui ex eis saeculi filii nascuntur in Dei filios renascantur”.

[39] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 8.

[40] In Nativitate Domini Sermo, 4, 6: SC 22, 110.

[41] X. Irenaeus, Adversus Haereses, I, 10, 2: SC 264, 160.

[42] X. như trên, II, 27, 1: SC 294, 264.

[43] X. Augustine, De Sancta Virginitate, 48, 48: PL 40, 424-425: “Servatur et in fide inviolata quaedam castitas virginalis, qua Ecclesia uni viro virgo casta cooptatur”.

[44] X. An Essay on the Development of Christian Doctrine [Một Tiểu Luận về sự Phát Triển của Học Thuyết Kitô Giáo] (Uniform Edition: Longmans, Green and Company, London, 1868-1881, 185-189.

[45] X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 10.

[46] Origen, Contra Celsum, IV, 75: SC 136, 372.

[47] Như trên, 85:. SC 136, 394.

[48] "Choruses from The Rock" in: The Collected Poems and Plays 1909-1950, New York 1980, 106.

[49] X. Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 100, 5: PG 6, 710.

[50] X. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 58
 
Công tác xã hội tại thành phố Recife trong tinh thần của ĐHGT-2013
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
22:22 17/07/2013
Công tác xã hội tại thành phố Recife trong tinh thần của ĐHGT-2013

Vào thứ bẩy, ngày 13.7.2013 với chuyến bay hàng không TAM của Brasil chúng tôi đã cất cánh từ phi trường Frankfurt lúc ban đêm đi đến thành phố Rio de Janiero. Trên máy bay có khoảng 220 giới trẻ Đức từ các địa phận München, Ausburg, Trier, Osanbrück và Hildesheim đến Brasil trước 10 ngày để tham dự làm từ thiện cho các dự án xã hội trong tinh thần của ĐHGT. Đây là một trong những nhóm lớn đầu tiên của Đức khởi hành đến Brasil.

Xem Hình

Nhóm của cha Phaolô Tuấn chọn dự án chăm sóc các trẻ em nghèo và trẻ em bụi đời, qua đó được điều động về thành phố Recife với 3 triệu dân cư, cách Rio 1.900 km thuộc hướng đông bắc. Nơi đây mọi người được phân chia ngủ trong một nhà trẻ do 3 Sơ dòng Thánh Tâm chăm sóc. Đúng ra nhà trẻ này nằm ngay trong khu ổ chuột vùng ngoại ô thành phố.

Để hiểu được địa điểm này nguy hiểm như thế nào, chúng tôi đơn cử hai ví dụ: mới đây một linh mục từ Bỉ qua thăm, khi đến phi trường ngài đón Taxi để vào chỗ nhà trẻ, thì người tài xế Taxi vội từ chối và nói: nơi dó Taxi chúng tôi không dám chạy vào vì sợ người dân tấn công. Thứ hai, trong những ngày ở đây, các Sơ luôn nhắc nhở chúng tôi khi đi ra ngoài một mình thì nên nhớ trong túi cần có 20 Real (khoảng 6 Euro), để đề phòng bất trắc thì đưa ra là kẻ cướp sẽ tha cho.

Tại nhà trẻ này tên gọi là Turma do Flau đã được thành lập hơn 20 năm, thì đã có một bức tường tưởng niệm những trẻ em, thiếu niên thuộc về nhà trẻ này đã bị giết chết trong những xung đột hoặc cướp bóc mà tôi đã đếm được 15 cây thánh giá có ghi tên của các em, hầu như đa số là trẻ nam với các tên như Marcone, Tony, Carlinhos, Ailton, v.v… Một con số về tội ác quá lớn đối với trẻ em, dường như không thể tin được cho những người chúng ta đang cư ngụ tại Âu Tây. Gần đây nhất là một em mới 14 tuổi bị đâm chết ngoài đường.

Mặt khác, một điều làm cho chúng tôi phải tận mắt chứng nhận rằng là luôn thấy các trẻ em chơi đá banh ở khắp mọi nơi, chỗ nào trống là thấy có trẻ em chơi đá banh: từ bãi biển cho đến nhựng con hẻm bé tí teo. Thảo nào các cầu thủ xuất sắc của Brasil hầu như thống trị môn thể thao bóng tròn và số đông đều lớn lên từ việc đá banh ngoài đường. Thứ hai phải kể đến nghe nhạc Samba của hàng xóm, từ đầu làng cuối xóm tiếng nhạc ầm ỹ từ sáng đến tối không ngừng nghỉ.

Cuộc sống ở nơi khu ổ chuột này thật phức tạp nhưng cũng đầy mầu sắc của cuộc sống. 3 Sơ ở đây sống hòa đồng và được mọi ngưòi kính trọng vì luôn xả thân phục vụ cho con cái của những người nghèo, nhất là cho các em ăn học và cho các em phần ăn hằng ngày. Đặc biệt vào các ngày thứ sáu các Sơ luôn vào trại tù thăm viếng các tù nhân trẻ hoặc dưới tuổi vị thành niên. Giáo Hội Công Giáo của Brasil luôn người là tiên phong trong công việc dấn thân vì người nghèo trong khi đó các giáo phái khác, nhất là Nhóm Ngũ Tuần, nhóm Giáo Hộii Thánh Thần đang phát triển mạnh chỉ nhẳm lôi kéo tín đồ nhưng các công việc xã hội họ không màng đến.

Hôm nay, thứ tư chúng tôi phối hợp với các Sơ thuê 2 xe Bus lớn chở hơn 100 em thiếu nhi của các gia đình nghèo đi một ngày dã ngoại tại ngoại ô thành phố Recife cộng với việc đãi bữa ăn trưa cho các em, ngoài ra cho các em đi tắm hồ bơi. Một ngày các em sống hồn nhiên và vui chơi thỏa thích, hình như các em đang tạm quên đi giây lát của cuộc sống cơ cực hằng ngày. Điều chúng tôi cũng nhận được từ các em là niềm hạnh phúc và thỏa lòng.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Top Stories
Inde: Indignation après le viol collectif dont a été victime une religieuse catholique
Eglises d'Asie
09:36 17/07/2013
Après le viol collectif dont a été victime, au début de ce mois, une jeune catholique, novice en formation pour la congrégation des Sœurs franciscaines de Saint-Joseph, les réactions d’indignation n’ont pas manqué. Le cardinal Oswald Gracias, archevêque de Bombay et président de la Conférence épiscopale d’Inde (CBCI), a déclaré : « Le viol de cette jeune religieuse est un acte de barbarie infligée à une personne qui avait consacré sa vie à Dieu. Ce viol est un crime odieux et une transgression abominable faite à l’honneur des femmes et reflète l’état abyssal de la condition des femmes dans notre communauté, notre société et notre pays. »

Les faits se sont produits début juillet. La future religieuse, originaire du district de Kandhamal, en Orissa, était en formation à Chennai (Madras), au Tamil Nadu, au noviciat des Sœurs franciscaines de Saint-Joseph, une congrégation locale. Avertie au téléphone par une de ses cousines que sa mère était gravement malade, la religieuse, âgée de 22 ou 28 ans selon les sources, a pris le train de Chennai pour remonter mille kilomètres plus au nord jusqu’à Brahmapur (Berhampur), en Orissa. Là, deux de ses cousins l’attendaient pour la kidnapper et la séquestrer. Du 5 au 11 juillet, la jeune femme a été victime de viols répétés, avant d’être déposée à la gare où elle était arrivée avec pour instruction de ne rien dire de ce qui s’était passé.

En dépit de ces consignes, la jeune femme est parvenue jusqu’à son village où elle a porté plainte auprès de la police le 13 juillet et, le lendemain, celle-ci arrêtait les deux cousins en question. Deux jours plus tard, la cousine était à son tour interpellée. Selon des sources proches des enquêteurs et citées par la presse indienne, le mobile du crime serait la vengeance, un frère de la religieuse étant accusé d’avoir tué, il y a deux ans de cela, le père des cousins.

Ce crime concernant une religieuse originaire du Kandhamal, district de l’Orissa théâtre en 2008 de pogroms antichrétiens meurtriers perpétrés par des hindouistes, la crainte immédiate était que cette affaire puisse attiser à nouveau les violences intercommunautaires. Mgr John Barwa, archevêque de Cuttack-Bhubaneswar, dont le territoire comprend le Kandhamal, a très rapidement pris soin de déclarer que l’incident n’était « en aucune façon » lié aux persécutions antichrétiennes de 2008 dont ont été victimes les populations aborigènes (tribals) converties au christianisme. Il n’en a pas moins déploré ce nouvel acte de violence faite aux femmes. « Les coupables doivent être traduits en justice sans délai et la loi doit s’appliquer. Ce qui s’est passé est une honte », a-t-il déclaré.

Le viol de la jeune religieuse intervient alors qu’au mois de février dernier, une commission formée de plusieurs organisations chrétiennes a remis un rapport décrivant l’état d’insécurité et de violence sexuelle que subissent les femmes en Orissa, en particulier au Kandhamal. L’enquête faisait état d’une hausse « inquiétante » des violences envers les femmes, y compris envers les très jeunes filles, et dénonçait « la totale impunité accordée aux agresseurs ». Il était notamment expliqué que la police renâclait souvent à enregistrer les plaintes pour viol et qu’en cas de procédures judiciaires, très rares étaient les dossiers se concluant par une condamnation des violeurs. A titre d’exemple, était citée l’affaire de Sœur Meena Barwa, aujourd’hui âgé de 32 ans et violée et humiliée par des extrémistes hindous lors des violences de 2008 ; à l’issue d’une procédure à rallonge, sur les 22 suspects arrêtés par la police, 17 ont été remis en liberté sous caution.

Depuis le viol collectif d’une jeune étudiante indienne à New Delhi en décembre dernier, affaire qui avait suscité un vaste mouvement de protestations dans le pays, une prise de conscience nouvelle sur les violences sexuelles faites aux femmes s’est fait jour en Inde. Répondant à l’indignation publique, le gouvernement a déposé en mars dernier un projet de loi devant le Parlement punissant le viol de 20 ans de réclusion, voire de la peine de mort si la victime succombe à ses blessures (ce qui avait été le cas pour l’étudiante de Delhi) ou est laissée dans un état végétatif. Diverses ONG et associations indiennes ont critiqué ce texte comme un texte de circonstance qui ne résoudra pas le problème que représente la fréquence des viols en Inde.

Selon les statistiques de la police, 24 200 viols ont été rapportés en 2011, soit un toutes les vingt minutes. Chiffre que les ONG affirment très sous-estimés étant donné la très nette sous-déclaration de ce type de crime. Des observateurs notent que le déséquilibre persistant du ratio entre les sexes à la naissance – et son corollaire, à savoir les quelque 37 ou 38 millions de femmes qui manquent aujourd’hui à l’appel – fragilise encore la condition féminine, un grand nombre d’hommes ne trouvant pas de partenaires du sexe opposé pour se marier.

Régulièrement, la chronique des faits divers rapporte des viols perpétrés sur des personnes qui, il y a quelques années encore, étaient épargnées, comme les religieuses ou les étrangères. En mars dernier, au Madhya Pradesh, une touriste suisse de 39 ans était violée par six hommes devant son compagnon, ligoté par leurs agresseurs. En juin, c’était une touriste américaine qui était violée dans l’Himachal Pradesh. Tout dernièrement, ce 14 juillet au Jharkhand, quatre collégiennes, âgées de 12 à 14 ans, étaient violées par huit hommes qui étaient venus les chercher jusque dans le dortoir qu’elles occupaient dans un pensionnat tenu par l’Eglise évangélique d’Inde ; elles appartenaient à une communauté aborigène (tribal).

(Source: Eglises d'Asie, 17 juillet 2013)
 
The Latin American Episcopate in Rio for the World Youth Day
L’Osservatore Romano
19:00 17/07/2013
2013-07-17 L’Osservatore Romano - The relationship that exists between the Latin American Episcopal Council and the Holy See has been fundamental to the Council’s service to the 22 Bishops’ Conferences of Latin America and the Caribbean. It is not only a strategic relationship but also and above all a relationship of ecclesial communion which is indispensable, since the purpose for which the Council was set up was to promote and encourage collegiality among the bishops and communion among the bishops’ conferences. This task is obviously a service to the Petrine ministry which is why there must be the greatest possible communication and the best possible understanding between CELAM and the Holy See.

This requirement explains why the Executive Board pays an official annual visit to the Roman Curia and meets the Holy Father. In addition CELAM collaborates with joy and hope in the world gatherings sponsored by the offices of the Vatican Curia. One of these is the WYD, coordinated by the Pontifical Council for the Laity.

CELAM has always encouraged participation in it and has been present at the Days. Last year the Executive Board of CELAM decided to hold its general coordination meeting in Brazil, instead of in Bogota – where it has usually been held – so as to make it easier for the 50 Latin American bishops convoked to take part in the WYD as well.

Pope Francis

All the arrangements had been made with a view to Pope Benedict XVI’s being present. The announcement of the Holy Father’s visit to our continent had been greeted with great joy, but the surprise that God had in store for his Church beat the wildest imagination: the election of a Pope who was a son of the Latin American Church.

I can consequently affirm that the already high expectations of the WYD in Rio de Janeiro have increased beyond measure.

In the more than 120 days that Pope Francis has piloted the Barque of the Church as Successor of the Apostle Peter he has demonstrated his special gift for communicating the essential traits of the Gospel and for moving the hearts of those who see and hear him. His great sensitivity in coming close to the people of today and in expressing his love for all, especially the sick and those who care for and nurse them, bears a credible and trustworthy witness to God’s presence in the world.

There is no doubt that the young people preparing to take part in or to follow the WYD are looking forward to hearing Pope Francis and are expecting of him both illumination and a horizon for discerning their own particular vocation and Christian mission. I believe that the right conditions exist for many to become aware that they are disciples and missionaries of Christ in the Church, to proclaim and bear witness to the merciful love of God the Father shown by the Holy Spirit in Jesus Christ, Our Redeemer.

CELAM and the pilgrim Church in Latin America and in the Caribbean

CELAM too will receive a gift from God in Rio de Janeiro. In fact Pope Francis wants to meet the 50 bishops responsible for the progress of the Episcopal Council for this four year term 2011-2015.

It will be the first time that a pope is present in the General Coordination Meeting, held annually to evaluate the activities that have been carried out and to define the programmes to be implemented, in conformity with the requests presented by the bishops’ conferences at the Ordinary Assembly of celam and drawn up in the Global Plan.

We await with great interest the message the Holy Father Francis will offer us in order to intensify our efforts and involve the continent’s bishops in the pastoral renewal of the Church, complying with the guidelines of the Aparecida Document.

We are at a crucial stage. The challenges inherent in the epochal change we are living through demand a rethinking of attitudes, structures and pastoral work in fidelity to Christ. To this end, we must discern the signs of the times, listening to what the Holy Spirit is saying to the Churches. This is a collegial task. It will therefore be of enormous interest and importance to hear the voice of Pope Francis, who knows perfectly our ecclesial and social circumstances and the Document of Aparecida, as well as the contexts in which it came into being, and has developed and matured.

What pastoral horizon do we glimpse in the immediate future of the pilgrim Church in Latin America and in the Caribbean?

Results hoped for:

Within the Church


1. To renew the awareness and identity of Catholics themselves and to move on from being faithful to being disciples and missionaries of Christ who are integrated into and live in communities united with each other.
2. To make the most of one’s own Church and her ability to bring people together and to exert a cultural influence (institutional self-esteem).
3. To go beyond the 19th- and 20th-century labels and prejudices, acting with a view to the future rather than looking back at the past.
4. To transmit the Church’s values in a symbolic, visual, aesthetic and testimonial language
From the Church towards relations with society
5. To step out of one’s own environment to meet society in its different sectors, especially through the lay faithful.
6. To strengthen the Church's social foundations and structure them in order to enter into dialogue and participation with the different milieus of life and society.
7. To avail oneself of the emerging ecological awareness at a global level so as to recover an ethics founded on the laws of nature.
8. To collaborate in the process of inter-institutionalization, furthering the citizens’ participation in the various sectors and institutions.
9. To develop and consolidate the institutional relationship with the different Government bodies, seeking to bring dignity to human life dignified in all the classes, especially the poorest.
10. To learn to live in an intercultural context and thence to witness to the merciful love of God the Father.
11. To use the strategies for communication offered by the current technology, especially in order to enter the social networks with a propositional approach.

The wyd and the subsequent celam meeting with the Holy Father will certainly be emotionally and spiritually intense moments of thanksgiving and blessing and of great pastoral hope. In the history of the Church in Latin America and in the Caribbean they will also constitute a particularly significant step taken by God for the benefit of our peoples.

Carlos Aguiar Retes, Archbishop of Tlalnepantla President of celam
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Tạ Ơn của Tân Linh Mục tại Lào Cai
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
09:55 17/07/2013
Ngày 16/7/ 2013, tại nhà thờ Cốc Lếu, giáo xứ Lào Cai, Giáo phận Hưng Hóa (thuộc phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), tân linh mục Giuse Vũ Văn Nguyên, OMI (Hiến Sỹ Đức Mẹ) dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh chức. Cha Giuse Vũ Văn Nguyên là tu sỹ dòng Hiến Sỹ Đức Mẹ, quê Ninh Bình thuộc giáo phận Phát Diệm. Trong thời gian Phó tế, ngài đã giúp giáo xứ Lào Cai và ngày 11/6/2013 ngài đã được thụ phong linh mục tại Bình Dương.

Xem hình ảnh

Hiện diện trong Thánh lễ có quí tu sỹ dòng Hiến Sỹ Đức Mẹ (OMI), quí Dì Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, quý Hội Đồng Giáo Xứ, Giáo lý viên, Thừa tác viên của 4 giáo xứ: Lào Cai, Phố Lu, Bảo Yên và Sapa cùng đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ Lào Cai.

Về phần các linh mục, có quí cha trong giáo hạt Lào Cai cùng đồng tế: Cha Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, Cha Phêrô Phạm Thanh Bình, Quản xứ Sapa, Cha Giuse Nguyễn Văn Cường, phó xứ Lào Cai, phụ trách giáo xứ Bảo Yên.

Đúng 9g00: Đoàn đồng tế bắt đầu rước vào nhà thờ trong tiếng kèn đồng với lời hát rất hân hoan: “Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về lời đây để tạ ơn Thiên Chúa…”. Đó chính là lý do của buổi lễ. Mọi người đều vui mừng nhìn thấy cha mới như một lời nhắn nhủ, khích lệ và động viên.

Chia sẻ trong Thánh lễ, cha Quản xứ Lào Cai, Giuse Nguyễn Văn Thành nêu lên lý do của buổi lễ là tạ ơn Thiên Chúa về những ơn lành Chúa đã thương ban cho cha mới Giuse Vũ Văn Nguyên. Ngài đã mượn câu chuyện “Người thanh niên may mắn” để quảng diễn về tâm tình của tân linh mục. Người thanh niên may mắn sinh ra bởi một gia đình nghèo nên không có tiền để mua căn hộ sang trọng của một ông lão cô đơn phải bán nhà để vào khu dưỡng lão. Giá trị của ngôi nhà lên tới 10 tỷ đồng. Vậy mà, anh chỉ mua với giá 100 (có thể là 100 triệu đồng). Anh thành khẩn nói với ông lão: “Nếu cụ bán nhà cho con thì con hứa với cụ là sẽ để cụ tiếp tục sống ở đây, cùng con uống trà, độ báo, đi bộ, cụ hãy tin con, con sẽ tận tình chăm sóc cụ”.

Điều mà những người già cô đơn cần nhất là tình bạn. Sự may mắn của người thanh niên xuất phát từ sự chân thành và cẩn trọng của anh, hơn nữa anh mua ngôi nhà với cái giá mà ông lão cần nhất – là tình cảm, đó là thứ mà bao nhiêu tiền cũng không thể mua được.

Chức linh mục cũng vậy. Làm sao mình có thể mua được chức linh mục ? Chức linh mục không thuộc về con người mà thuộc về Thiên Chúa. Người thanh niên may mắn mua được nhà trên phần nào cũng diễn tả tâm tình của tân linh mục hôm nay. Chức linh mục là một quà tặng quá sức tượng tượng mà Thiên Chúa ban cho con người. Vì thế, ai được làm linh mục thì quả là một hồng ân vô giá. Có thể nói được rằng “người đó là người may mắn”. Người thanh niên nghèo nói với ông lão: “Nếu cụ bán nhà cho con thì con hứa với cụ là sẽ để cụ tiếp tục sống ở đây, cùng con uống trà, độ báo, đi bộ, cụ hãy tin con, con sẽ tận tình chăm sóc cụ” thì chắc chắn anh sẽ thực hiện công việc đó suốt đời. Còn những ai đợc làm linh mục của Chúa cũng phải giữ lời hứa trong ngày chịu chức cũng như vậy. Với 41 tuổi đời và hơn 20 năm theo đuổi ơn gọi tu trì, thầy Nguyên đã được Chúa chọn làm linh mục. Vì thế, Cha Nguyên không còn thuộc về thế gian nữa mà thuộc trọn về Chúa.

Trước khi tân linh mục đọc lời nguyện nhập lễ, quí cha quỳ gối trước bàn thờ cùng với cộng đoàn hát bài thánh hiến linh mục cho Chúa. Thật sốt sáng và ý nghĩa.

Cuối Thánh lễ, ông Giuse Nguyễn Công Tác – chủ tịch Hội Đồng Giáo hạt Lào Cai có lời chúc mừng cha mới. Tiếp đó, các giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn. Những nghĩa cử yêu thương đó như muốn nhắn nhủ tân linh mục rằng “xin Cha hãy giữ mãi về đẹp thánh thiện của ngày hôm nay cho dù phía trước còn nhiều khó khăn”.

Sau những lời chúc mừng, cha mới cám ơn quí cha đồng tế, quí tu sỹ nam nữ và quí ông bà anh chị em. Ngài cũng khiêm nhường xin mọi người cầu nguyện cho ngài trong cương vị mới.

Để kết thúc phần chúc mừng, các em giới trẻ giáo xứ Lào Cai đã cùng nhau làm cử điệu bài “Đẹp thay những bước chân” như muốn làm rõ hơn khẩu hiệu cha đã chọn: “Chúa sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Thật xúc động và đầy ý nghĩa!

Sau Thánh lễ, giáo xứ Lào Cai thiết đãi quí cha, quí thầy, quí Dì, quí khách một bữa tiệc rất trọng thể. Đây cũng là cơ hội tốt để mọi người một nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi với nhau, nhưng trên hết và trước hết là cám ơn Thiên Chúa và cổ võ ơn gọi tu trì.

Xin Chúa chúc lành cho cha mới và cũng chúc lành cho giáo hạt Lào Cai, giáo xứ Lào Cai trên con đường loan báo Tin Mừng trên mảnh đất này.
 
Khóa đào tạo Ca Trưởng Cấp II, đợt I tại Giáo phận Thái Bình
Maria Thủy Tiên
10:23 17/07/2013
Sau khi kết thúc khóa Ca trưởng cấp II, đợt I tại Tổng giáo phận Huế, ngày 14 tháng 7 năm 2013, thầy Phạm Đức Huyến cùng với quý thầy cô trong Ban giảng huấn đã lên đường đến với các khóa Huấn Luyện Ca Trưởng tại các Giáo phận Thái Bình, Phát Diệm và Hà Nội.

Xem hình ảnh

Qua một ngày dài ngồi suốt trên xe, máy bay, di chuyển từ chặng đường này sang chặng đường khác, giữa thời tiết oi bức của mùa hè. Một ngày trôi qua với những bữa ăn nhanh bằng bánh mì khô và nước suối mang theo. Cuối cùng Ban giảng huấn đã đến Giáo phận Thái Bình trong sự đón tiếp nồng hậu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và quý Cha, quý thầy tại Tòa Giám Mục Thái Bình. Bữa ăn tối tại Tòa Giám Mục với tình Cha- con thân thiện, gần gũi đã xua tan sự mệt mỏi, ê ẩm của quý thầy cô trong Ban giảng huấn sau một ngày dong duổi trên đường.

Sau khi dùng cơm tối tại Tòa giám mục Thái Bình, Ban giảng huấn đã về nghỉ ngơi tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức.

Sáng sớm ngày thứ hai (15.07.2013), mở đầu tuần mới bằng một trận mưa rào thật mát mẻ, những cơn mưa như tuôn chảy hồng ân của Chúa, bởi đã có lời Thánh ca vang lên “hồng ân Chúa như mưa, như mưa rơi xuống đời con miên man, miên man..." báo hiệu một khóa học tràn trề tình thương của Chúa và niềm hân hoan của mọi người.

Mặc dù trời đổ mưa như vậy nhưng các học viên ở các giáo xứ vẫn không ngần ngại đội mưa, chạy xe máy, có khi vượt gần cả trăm cây số, qua những con đường làng gập ghềnh, lắm ổ gà... để đến kịp tham dự khóa học Ca trưởng cấp II, đợt I với tất cả lòng yêu mến, ham mê học hỏi và nâng cao khả năng kiến thức của mình.

Sau khi ghi danh, các học viên cùng nhau quy tụ về Hội trường của Đại Chủng Viện Mỹ Đức, vang lên những tràn pháo tay nồng nhiệt chào đón Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, cùng Ban giảng huấn gồm có: Cha linh hướng Giuse Phạm Đức Dũng, Nhạc sỹ Giuse Phạm Đức Huyến và phu nhân, nhạc sĩ Văn Duy Tùng, nhạc sĩ Đinh Thiện Bản, Ca trưởng Lê Đình Hùng, Ca trưởng Viên Bích Hòa, Soeur Elizabeth TrầnThị Mến, Soeur Maria Fiat Hồng Trang, Soeur Anna Lê Thị Huyền, Soeur Yến Linh, Soeur Huỳnh Thị Chín, Ca trưởng Đào Tuyết Thanh Vân.

Ngoài ra, trong buổi lễ khai mạc còn có sự hiện diện của cha Gioan.B Nguyễn Sơn Hải – giám đốc Chủng Viện Mỹ Đức, cha Đaminh Trương Văn Thụy - Đặc trách Thánh nhạc Giáo phận, cha Giuse Trịnh Tiến Thành – Giám đốc Tòa Giám Mục, quý cha giáo Chủng Viện Mỹ Đức, quý cha đang làm việc tại Tòa Giám Mục, quý thầy Chủng sinh và có khoảng 150 học viên đến từ các Giáo xứ, Giáo họ thuộc Giáo phận Thái Bình.

Thay mặt cho giáo phận Thái Bình, Đức Cha Phêrô hân hoan chào đón Nhạc sỹ Giuse Phạm Đức Huyến cùng quý thầy cô phụ giáo, đồng thời ngài cũng đề cao tinh thần hy sinh, quảng đại cao quý của Ban giảng huấn đã duy trì công việc đào tạo Ca trưởng tại các giáo phận đến như ngày hôm nay là năm thứ tư đối với Giáo phận Thái Bình. Qua đó Đức Cha nhấn mạnh đến ý thức phục vụ trong đức tin của mỗi người và nêu cao vai trò của người giáo dân dấn thân phục vụ Giáo Hội trong mỗi công việc, hoạt động khác nhau.

Đức Cha cũng chia sẻ thêm về số học viên năm nay ít hơn một chút so với năm trước, vì nhiều lý do khác nhau. Một số học viên trẻ đã lập gia đình không còn phục vụ trong lĩnh vực ca đoàn, một số di chuyển đi xa vì công việc làm ăn, rồi một số bạn trẻ là học sinh đang chăm lo thi vào các trường đại học... Những người hiện diện hôm nay chứng tỏ là những người có thiện chí với ước muốn học hỏi, nâng cao khả năng âm nhạc của mình trong việc phục vụ Chúa ở lĩnh vực Thánh nhạc, điều khiển ca đoàn.

Hướng nhìn đến các học viên, Đức Cha Phêrô đã ân cần nhắn nhủ: Chúa ban cho mỗi người một khả năng khác nhau, không phải người nào cũng có giọng hát hay, chơi đàn giỏi....nhưng tất cả đều chung một trái tim yêu mến Thánh nhạc và thờ phượng Chúa bằng trái tim yêu mến của mình. Đức Cha ước mong mỗi học viên biết phát huy “nén bạc” Chúa trao để phục vụ tại môi trường giáo xứ mình...

Tiếp đến, Cha Đaminh Trương Văn Thụy Trưởng ban Thánh nhạc Giáo phận đã chia sẻ những cảm nghiệm của bản thân ngài sau khi tham gia khóa học Ca trưởng vào năm 1994 tại 38 Kỳ Đồng ở Sài Gòn, ngài cảm thấy càng học lại càng say mê, như một lời động viên, khích lệ tinh thần học hỏi của các học viên.

Sau cùng, thầy Giuse Phạm Đức Huyến đã thay mặt cho Ban giảng huấn gửi lời chào thân thương đến tất cả các học viên yêu quý của mình, thầy ước mong mỗi người sẽ trở thành một bông hoa trong vườn hoa Thánh nhạc của Giáo Hội, mỗi người là một nốt nhạc hợp thành một bài trường ca thật thánh thiện để cùng hợp tấu ca khen thờ phượng Chúa.

Sau phần khai mạc,các học viên bắt đầu ngay với chương trình khóa học Ca trưởng cấp II qua phần luyện tập Kỹ thuật Đánh nhịp bài “Khúc Ca Mặt Trời” của Cố nhạc sư Hải Linh.

Khóa đào tạo sẽ còn kéo dài cho đến ngày 19/07/2019, mỗi ngày học từ 7 giờ sang đến 6 giờ chiều, tập trung vào tất cả các đề tài: Nhạc Bình ca, Xướng âm Bình ca, Luyện thanh đơn ca và hợp ca, Nhạc Ngũ cung, Xướng âm Ngũ cung, Cách đọc tiếng Latinh và Hát nhạc Bình ca, Thực tập Đánh nhịp, Thánh nhạc trong Phụng vụ và đặc biệt về Tiết tấu nhạc Bình ca để biết ứng dụng Tiết tấu vào Kỹ Thuật Đánh Nhịp, Kỹ Thuật Tập Hát và Kỹ Thuật Huấn Luyện Ca Đoàn...
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phong trào Vãn Thân (2)
Trần Vinh
12:41 17/07/2013
Xem Bài 1

HÀNH ÐỘNG CỦA VĂN THÂN

Khi nói tới Phong trào Văn Thân, người ta thường nghĩ ngay tới phong trào quần chúng nổi dậy vào năm 1874 tại Nghệ Tĩnh do các ông Tú (Tú tài) cầm đầu, đứng đầu là ông Tú Tấn (Trần Tấn) và học trò của ông là Tú Mai (Đặng Như Mai). Thực ra, Phong trào Văn Thân đã nổ ra lần đầu tiên với cuộc bãi thi của các sĩ tử trong kì thi Hương năm Giáp Tí, 1864, tức là 2 năm sau khi Triều đình Huế kí Hòa ước 1862 nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kì cho Pháp. Mười năm sau đó, năm 1874, Phong trào Văn Thân lại bùng lên ở Nghệ Tĩnh do thầy trò ông Tú Tấn lãnh đạo, khí thế dữ dội và sắt máu chưa từng thấy, nhưng rồi tàn lụi nhanh chóng vào cuối năm đó theo cùng với cái chết của ông Tú Tấn. Tuy nhiên, Phong trào Văn Thân trên các vùng lãnh thổ khác vẫn còn âm ỉ, đợi thời cơ là bộc phát trở lại không kém phần khốc liệt.

1. Phong trào Văn Thân năm từ 1864 tới 1874

Nguyên nhân gần: Hiệp ước 1862

Năm Nhâm Tuất 1862, Triều đình Tự Đức kí hiệp ước nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho Pháp. Khoản đầu tiên trong 12 điều khoản của Hiệp ước 1862 nói “Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước Y Pha Nho được tự do giảng đạo và để dân gian được tự do theo đạo” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Bản điện tử. Tr. 204).

Hiệp ước 1862 làm cho cả nước phẫn nộ, đặc biệt là các Văn Thân. Họ cho là Vua Tự Đức không còn xứng đáng làm vua trăm họ vì nhà vua đã hèn yếu với giặc và không tiếp tục tiêu diệt bọn giáo dân Gia Tô. Văn Thân kết tội Gia Tô giáo là nguyên cớ gây ra giặc ngoại xâm và giáo dân đã tiếp tay cho giặc Pháp. Vậy muốn đánh Pháp, phải diệt nội thù trước; nội thù là các giáo dân.

Và giới Văn Thân chỉ còn đợi dịp thuận lợi để biến căm thù thành hành động cụ thể.

Hành động của Văn Thân và sĩ tử tại các trường thi Hà Nội, Nam Định, Nghệ An năm 1864:

Dịp thuận lợi đó chính là kì thi Hương năm Giáp Tí 1864 tổ chức tại các trường thi Hà Nội, Nam Định, Nghệ An và Thừa Thiên. Đây là lúc các sĩ tử khắp nơi quy tụ về, rất dễ dàng cho những tay chủ chốt vận động và tổ chức. Thế là lần đầu tiên trong lịch sử, các sĩ tử đã nhất trí tham gia một cuộc biểu tình tranh đấu. Họ đồng lòng bãi thi, không chịu vào trường thi.

Cuộc biểu tình bãi thi của các sĩ tử nhằm mục đích chính trị và có tổ chức quy mô, cho nên có thể nói đây là cuộc “sinh viên đấu tranh” đúng nghĩa đầu tiên nổ ra ở nước ta.

Vì thí sinh bãi thi cho nên ngày đầu kì thi tại các trường đã phải hoãn lại tới ngày hôm sau. Nhiều thí sinh bỏ hẳn kì thi.

Về việc này, sử gia Phạm Văn Sơn viết trong Việt Sử Tân Biên như sau: “Một việc đã xảy ra và chưa từng có từ trước đến giờ là thái độ của các khóa sinh thi Hương ở các trường Thừa Thiên, Nghệ An, Hà Nội và Nam Định. Họ đã biểu tình để tỏ lòng bất mãn đối với Hòa ước 1862 mấy lần khiến triều đình phải dùng quân đội đến đàn áp mới yên. Ngay ở kinh thành nhiều quan lại và tôn thất cũng ra mặt phản kháng và muốn lật nhào ngai vàng của vua Dực Tông (Tự Đức) hầu mở một lối thoát cho thời cuộc nước nhà...” (Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên. Quyển 5, Tập thượng. Sài Gòn, 1965. Trang 153).

Hành động của Văn Thân ở Kinh đô Huế năm 1864

Riêng tại Kinh đô Huế, tình hình kì thi Hương năm Giáp tí 1864 trở nên rất phức tạp và nghiêm trọng, bởi vì gần 4 ngàn sĩ tử chẳng những ra mặt phản kháng chính sách đối ngoại của vua và triều đình, họ còn bị lôi kéo tham dự vào một âm mưu chính trị lớn nhằm lật đổ nhà vua, sát hại đại thần và tiêu diệt các làng đạo. Số sĩ tử kì thi đông như vậy bởi vì kì thi này, trường Thừa Thiên thi chung với trường Bình Định.

Diễn tiến:

Khởi đầu, một sĩ phu Bình Định tên là Nguyễn Văn Viên dâng sớ lên Vua Tự Đức, nội dung có những điểm chính như sau: Đại thần Phan Thanh Giản và phái đoàn đã kí Hiệp ước 1862 với Pháp là điên rồ, ngu xuẩn và phản bội. Cáo buộc đạo Gia Tô là nguyên cớ gây nên giặc ngoại xâm và là nguyên nhân của mọi đau khổ cho người dân trong nước.

Tác giả đề xuất: Muốn trừ họa cho dân cho nước thì phải giết hết thừa sai và giáo dân. Để làm được việc này, thỉnh cầu nhà vua chấp thuận và cấp vũ khí cho các sĩ phu. Nếu nhà vua không chấp thuận, các sĩ tử sẽ bỏ trường thi vì bây giờ thơ phú không còn ích chi mà phải hành động!

Vua Tự Đức không chấp thuận thỉnh cầu của các sĩ phu. Vì thế, được sự ủng hộ của các sĩ tử và quan chức chủ chiến, nhóm sĩ phu cầm đầu đã tự đưa ra một kế hoạch hành động như sau: Trước hết, hành quyết ngay đại thần Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành và các quan thuộc phe chủ hòa. Sau đó, đi diệt các làng đạo quanh Kinh thành và tại các tỉnh miền Trung cũng như miền Bắc. Cuối cùng là tấn công quân Pháp ở miền Nam để lấy lại 3 tỉnh đã mất. Họ đặt Vua Tự Đức vào tình huống phải chọn, một là ủng hộ kế hoạch nói trên, hai là bị phế bỏ. Nếu nhà vua không ủng hộ họ, họ sẽ tôn người em chú bác của vua là Hồng Tập lên thay. Vì thế, còn gọi vụ này là vụ án Hồng Tập 1864.

Trước khi ra tay, Trương Văn Chất chiêu mộ các sĩ tử dự kì thi Hương năm Giáp tí 1864 và cả những thành phần bất hảo để thành lập ra một lực lượng vũ trang, chia làm 4 đạo quân.

Chiến dịch khởi sự vào đêm mồng 02 tháng Bảy (03.8.1864). Đạo quân đầu tiên nhập thành tìm diệt đại thần Phan Thanh Giản và các quan chủ hoà. Sau đó, bắn đại bác làm hiệu. Khi thấy hiệu lệnh, ba đạo quân khác sẽ tấn công các làng đạo Kim Luông, An Vân, An Truyền và An Hòa.

Không ngờ, vì sự canh gác trong thành quá nghiêm ngặt, đạo quân nhập thành không thể thực hiện nổi kế hoạch, đành phải rút lui. Do đó, 3 đạo quân bên ngoài không nghe thấy tiếng đại bác bắn báo hiệu từ trong thành, cho nên đã không dám tấn công các làng đạo.

Thế là toàn bộ kế hoạch bị bại lộ, nhóm chủ chốt bị bắt giao cho Tôn nhân phủ và đình thần xét xử. Riêng các sĩ tử thì được lệnh phải vào trường thi, nếu không có giấy phép, cấm không được tự tiện ra vào. (1)

Tổn thất của giáo dân trong vụ âm mưu của Văn Thân ở Kinh thành Huế 1864:

Trong sớ dâng lên Vua Tự Đức, các Văn Thân đã vu cho các thừa sai và dân đạo nhiều chuyện, như: Nhà giám mục có nhiều vàng bạc; chế tạo hàng ngàn chiếc gông để hành hạ những ai không chịu theo đạo; nhưng nguy hại hơn cả là tố cáo dân đạo đang được huấn luyện xử dụng vũ khí Tây phương, gồm cả đại bác và các họ đạo đã được vũ trang súng đạn.

Tờ sớ làm cho Vua Tự Đức hoảng sợ. Vua truyền cho các quan Trấn thủ phải khám xét dân đạo để tìm ra vũ khí; đặt cả nước trong tình trạng thiết quân luật. Đây là dịp để các quan và binh lính hành hạ giáo dân. Một bầu khí sợ hãi bao trùm lên các họ đạo. Tuy nhiên, quan quân đã không tìm được bằng chứng nào về các điều họ bị vu cáo.

Kết quả điều tra cho thấy tất cả đều là âm mưu của nhóm Văn Thân chủ chốt.

Sau khi khám phá ra âm mưu của Văn Thân, vào tháng 7-1864, vua Tự Ðức ban chỉ dụ, trong đó có đoạn như sau: "…Ngạn ngữ có câu: vua có lỗi, thần dân cũng không được buồn, cha xử không tốt cũng không phải là duyên cớ để con bất hiếu. Điều ấy lại càng đúng khi người cha không có ác ý.... Vì thế, các ngươi, tín đồ Giatô, tình thế các ngươi chắc chắn là khó xử, nhưng các ngươi vẫn kiên gan theo đạo của mình trong lúc vẫn giữ đúng luật nước, về việc này Ta chỉ biết mừng cho các ngươi. Ta sẽ luôn luôn ghi nhớ. Đó lại càng là lý do để ta đối xử với người Kitô giáo và lương như nhau, sau khi tỏ lòng nhân từ cho các tín hữu Giatô và trả tự do cho họ" (Ts. Đào Trung Hiệu. Giáo Hội Việt Nam Thời Cận Đại. Trích từ Patrick J.N. Tuck: Thừa sai Công Giáo Pháp 1857-1819, UBĐKCGVN 1989 trang 181-188/ French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914. Liverpool Historical Studies, 1. 1 Liverpool University Press, Liverpool).

Tóm lại, trong biến cố này, các thừa sai và giáo dân chưa phải chịu thiệt hại về sinh mạng, nhưng đã bị vu cáo, bị tra xét và sách nhiễu gây nên sợ hãi ở khắp nơi. Nhưng cuối cùng thì họ đã được nhà vua minh oan và công nhận là “giữ đúng luật nước”.

Hành động của Văn Thân sau biến cố 1864

Biến cố 1864 đã qua, nhưng tham vọng của thực dân Pháp không dừng lại, cho nên giáo dân sẽ phải chịu nhiều đau khổ tột cùng.

Thật vậy, tháng 6.1867, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, biến “Lục Tỉnh Nam Kì” thành thuộc địa của Pháp. Sự việc này lại khơi dậy căm thù trong lòng giới sĩ phu nhắm vào thực dân Pháp và các giáo dân.

Ngay năm sau, 1868, tại Quảng Nam, quan quân tróc nã các giáo sĩ Tây cũng như ta.

Tại Nghệ An: Các quan làm ngơ cho Văn Thân đốt phá các họ đạo. Như thế, tại 2 tỉnh này, giới quan lại vừa đồng lòng vừa hiệp lực với giới Văn Thân để truy quét các làng đạo.

Tại Ninh Bình và Nam Định, viện cớ đề phòng quân Pháp đánh ra Bắc, các Văn Thân lập ra một đội quân lưu động đặt dưới quyền chỉ huy của Phạm Văn Nghị, một vị quan hồi hưu, thường gọi là Hoàng giáp Tam Đăng vì ông là người xã Tam Đăng và đậu Hoàng giáp Tiến sĩ. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị có uy tín vì ông là thầy của nhiều Tú tài, Cử nhân và các quan lại. Ngày 14.1.1868, họ vu cho giáo dân tội phản nghịch và tội đánh độc lương dân, rồi đốt phá nhiều họ đạo, khiến cho hàng ngàn giáo dân phải chạy về nhà chung, tức trụ sở chung của giáo phận, để mong được giám mục che chở. (2)

Tình hình ở các vùng này quá căng thẳng khiến cho triều đình phải can thiệp. Và năm 1869, Vua Tự Đức ra 2 sắc lệnh cho phép giáo dân trở về làng, cấm lương dân không được sách nhiễu họ.

2. Phong trào Văn Thân năm 1874

Nguyên nhân gần: Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất

Súy phủ Sài Gòn là Đô đốc Dupré vốn nuôi mộng can thiệp vào miền Bắc nước ta bằng vũ lực, ông ta chỉ chờ cơ hội thuận tiện. Và cơ hội đó đã tới. Đó là “sự kiện Jean Dupuis”. Năm 1873, nhân việc tên lái buôn Jean Dupuis tự tiện đi lại trên sông Hồng để vận chuyển vũ khí và hàng hóa từ Hà Nội lên Vân Nam và ngược lại. Trong lúc các nhà chức trách Việt Nam còn cố giữ thái độ hòa hoãn thì Dupuis lại tỏ ra hết sức ngang ngược. Hắn cố tình đi Vân Nam một lần nữa và ngày trở về với 150 tên lính cờ Vàng (bản doanh ở Lào Kay). Sự kiện này càng làm cho tình hình căng thẳng thêm, khiến Triều đình Huế phải yêu cầu Súy phủ của Pháp ở Sài Gòn can thiệp. Từ lâu, Thống đốc Nam Kì là Dupré đã muốn chiếm xứ Bắc kì, cho nên lợi dụng cơ hội này, y đã cử Hải quân Đại úy Francis Garnier ra Bắc cùng với mấy chiến thuyền và 170 quân. Ngoài mặt, sứ mạng của F.Garnier chính ra là để tống xuất tên lái buôn Jean Dupuis ra khỏi Bắc Việt; nhưng bên trong, vì đã được Dupré cho quyền tự do quyết định, nên F. Garnier đã ép Thống chế Nguyễn Tri Phương giải giáp và phải để cho Dupuis tự do lưu thông buôn bán trên sông Hồng…

Để yểm trợ cuộc hành quân của F. Garnier, Dupré còn viết thư yêu cầu các giám mục và giáo dân ngoài Bắc ủng hộ Garnier. Các giám mục giáo phận Đông Đàng ngoài (Hải Phòng) và Trung Đàng ngoài (Bùi Chu) rất lo âu về những hậu quả tai hại sẽ xẩy ra cho giáo phận, nên đã dứt khoát từ chối không dính líu chuyện quân sự và chính trị của Dupré.

Đang khi các quan chức phía Việt Nam nỗ lực điều đình để tìm ra một giải pháp khả thi thì F. Garnier cố tình gây hấn, rồi bất thình lình xua quân đánh chiếm thành Hà Nội ngày 20.11.1873.

Sau khi hạ thành Hà Nội, F. Garnier ra lệnh đánh chiếm Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định. Về việc này, Việt Nam Sử Lược viết: “Quan ta ở các tỉnh ngơ ngác không biết ra thế nào, hễ thấy người Tây đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có người Pháp tên là Hautefeuille và 7 người lính Tây mà hạ được thành Ninh Bình, và chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh ở Trung châu mất cả” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Trung tâm Học liệu. Bản điện tử. Trang 213. Motgoctroi.com)

Thấy nguy, Triều đình Huế cử ngay phái đoàn ra Hà Nội, gồm có các ông Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp và Trương Gia Hội. Phái đoàn ra tới Hà Nội ngày 19.12.1873 có Gm. Sohier của Giáo phận Huế và Linh mục Dangelzer đi theo; khi đi qua Phát Diệm, mời thêm Lm. Trần Lục (còn gọi là Cụ Sáu). Phái đoàn Trần Đình Túc bắt đầu thương thuyết thì F.Garnier bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết ở Cầu Giấy ngày 21.12.1873.

Hạ thành Hà Nội là tham vọng của Đô đốc Dupré, Súy phủ Sài Gòn, chứ không phải do chủ trương của Chính phủ Pháp. Vì thế, Dupré sợ F.Garnier đi quá trớn, cho nên đã cử Hải quân Đại úy Philastre cùng với đại diện Triều đình Huế là Phó sứ Nguyễn Văn Tường, lúc đó đang ở Sài Gòn (Chánh sứ Lê Tuấn bị bệnh, không đi được) lên đường ra Huế để trấn an nhà vua và xin ký kết một hiệp ước hữu nghị.

Tại Huế, khi nghe tin Garnier đang có những hành động phiêu lưu, Philastre quyết định ra Hà Nội ngay. Nhưng vừa tới cửa sông Hồng (Cửa Cấm), Philastre đã nghe tin Đại úy Francis Garnier bị quân Cờ Đen giết chết. Tin này làm cho Philastre nổi giận, nhưng Phó sứ Nguyễn Văn Tường đã khôn khéo thuyết phục được ông ta thuận cho lệnh rút quân ra khỏi các tỉnh đã chiếm và trả lại Thành Hà Nội.

Năm sau, Việt – Pháp kí Hòa ước Giáp Tuất 1874, gồm 22 khoản. Có những khoản quan trọng như: Việt Nam nhượng đứt 6 tỉnh miền Nam cho Pháp (V); Pháp nắm trọn việc ngoại giao (III). Cho tự do giảng đạo và tự do theo đạo (IX)…

Đó là lí do làm cho tức nước vỡ bờ. Văn Thân nhiều nơi ở miền Bắc liền ra tay, nhưng quy mô hơn cả là Phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh do thầy trò ông Tú Tấn lãnh đạo.

Hành động của giới Văn Thân ở miền Bắc

Đầu năm 1874, vì biết quan Tổng đốc Nam Định dâng sớ về Kinh xin được giết hết giáo dân, nay thấy Philastre ấn định ngày rút hết quân Pháp về Nam, Gm. Puginier sợ Văn Thân trút hết cơn phẫn nộ lên các làng đạo, cho nên ông đã xin Philastre nán lại để bảo vệ cho các giáo dân. Philastre không chấp thuận, một mực thi hành lệnh rút quân.

Đã có sẵn ác cảm đối với tập thể giáo dân, nay thấy Giám mục Puginier thỉnh cầu quân Pháp nán lại, các Văn Thân càng giận dữ. Cho nên hễ thấy quân Pháp rút tới đâu, quân Văn Thân liền ra tay tàn sát, đốt phá các làng đạo. (3)

Cụ Sáu Trần Lục, chính xứ Phát Diệm, biết quân Văn Thân, sau khi tàn sát các làng đạo ở Hà Nội và Nam Định thế nào cũng tấn công Phát Diệm, cho nên ngày 21.01.1874, khi vừa từ Hà Nội ra tới vùng cửa sông Thái Bình, Cụ vội phao tin là quân Pháp sắp đánh Phát Diệm vì Cụ biết Văn Thân rất sợ quân Pháp. Nghe tin này, quân Văn Thân ngưng lại, không kéo xuống Phát Diệm. “Tin vịt” của Cụ Sáu Trần Lục đã cứu Phát Diệm thoát khỏi cơn bách hại.

Riêng giáo phận Đông Đàng Ngoài (vùng Hải Phòng, thường gọi là địa phận Dòng, tức Dòng Đa Minh Manila) ít bị thiệt hại, vì vị giám mục cai quản dứt khoát từ chối mọi dính líu tới chính sự và các hành động quân sự của Pháp. Ông đã khôn ngoan tuân thủ nghiêm ngặt Huấn thị năm 1659 của Tòa thánh, cố gắng tránh dính líu vào chuyện chính trị bản xứ.

Thật vậy, ngay từ năm 1659, khi cử 2 vị giám mục tiên khởi người Pháp tới Việt Nam, Bộ Truyền Giáo đã ra Huấn thị rõ ràng cho các vị như sau: “ Các vị hãy xa lánh những việc chính trị….Các vị đừng đảm nhiệm việc quản lý các phận vụ dân sự. Nếu người ta có năn nỉ xin các vị thì các vị hãy nhớ rằng đó là điều mà Thánh Bộ đã tuyệt đối và nghiêm khắc cấm, trong tương lai vẫn cấm” (Vương Đình Chữ. Truyền giáo ở Viễn Đông. Từ chế độ bảo trợ sang chế độ đại diện tong tòa. Trích Huấn thị của Bộ Truyền giáo gửi cho 2 vị giám mục tông tòa tiên khởi. Ttntt.free.fr/archive/dinhchuvuong.html).

Phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh 1874 do Trần Tấn lãnh đạo

Trần Tấn ( 1822?-1874): Người làng Chi Nê, nay là xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương. Ông Tấn ðỗ Tú tài và ðược bổ làm Bang biện Thanh Chương nên thường gọi là Tú Tấn hoặc Cố Bang.

Nãm 1873, Pháp chiếm Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, Tú Tấn cùng học trò là Ðặng Như Mai, tức Tú Mai, ðòi Tổng ðốc Nghệ An là Tôn Thất Triệt họp các Vãn Thân lại ðể bàn việc chống Pháp. Nhóm sĩ phu này bầu ông Tú Tấn và Tú Mai làm thủ lãnh. Họ bắt đầu chiêu mộ quân sĩ và chuẩn bị vũ khí, chờ thời cơ thuận lợi để hành động.

Nãm sau, Triều ðình Huế kí Hiệp ước Giáp tuất 1874. Bản hiệp ước này thực chất là một hàng ước cho nên ðã làm cho giới sĩ phu hết sức phẫn nộ. Lập tức, ông Tú Tấn cùng Tú Mai, Ðội Lựu (Trần Quang Cán), Trần Quang Hoán, Trương Quan Phủ, Tú Khanh (Nguyễn Huy Ðiển) bắt ðầu hành ðộng. Ðể kêu gọi dân chúng, các ông thảo ra hịch “Bình Tây Sát Tả” và “Bài Ca Kêu Gọi Khởi Nghĩa”.

Gs. Lê Hữu Mục viết: “Bài hịch Bình tây sát tả mang một nội dung rất rõ ràng, phải giết hết bọn Công Giáo trước rồi mới thanh toán bọn Pháp sau. Toàn thể bài hịch bốc lên một nỗi căm thù sôi sục đối với giáo dân và giáo sĩ. Không nghi ngờ gì nữa, động lực thúc đẩy nhóm Văn-thân đứng lên khởi nghĩa là sự uất hận của họ đối với đạo Công Giáo đã được phổ biến quá mạnh mẽ ở Việt-nam và đã nghiễm nhiên biểu lộ ý chí muốn cạnh tranh với ảnh hưởng của Nho giáo đối với phong tục và văn hoá. Đối với Trần Tấn nói riêng và phong trào Văn-thân nói chung, việc bảo vệ các giá trị truyền thống dân tộc nằm ở vị trí trọng tâm của mọi hoạt động. Không ai nghĩ đến việc tiếp thụ kiến thức Tây phương. Sự phục tòng của giới nho sĩ vào học thuyết của Khổng-tử là triệt để đến mức giáo điều, đến nỗi người ta không cảm thấy nhu cầu phải tìm ra một khẩu hiệu khả dĩ có thể qui hoạch được một hướng đi lên cho đồng bào, vận động mọi người thức tỉnh trước những biến đổi của thế giới, và phát hiện ra cho bằng được một nếp suy nghĩ riêng cho Việt-nam. Sự hận thù đối với đạo Công Giáo bắt nguồn ở chỗ nó là một tôn giáo hướng về tương lai, mà đạo Khổng thì chỉ biết trở về quá khứ, mà khốn nạn thay cái quá khứ xa xôi này lại cũng không phải là của dân Việt-nam mà là của Trung quốc! Thế mà khi nói về Công Giáo, Văn-thân đã sử dụng một ngôn ngữ cực kì vô lễ, nào là gọi người đi đạo là "bọn đui, bọn điếc, bọn ngu", hoặc tệ hơn nữa "bọn chó, bọn dê, bọn cừu". Công Giáo bị kết án nặng nề: "Chúng đầu độc chúng ta để biến nước ta thành một nước Thiên Chúa giáo; chúng xem các ông cha bà mẹ của giống nòi chúng ta như heo chó. Chúng làm nhục đạo đức Khổng giáo". Cuối cùng, bài hịch được chấm dứt bằng những lời lẽ hùng hồn kêu gọi các nhân sĩ đứng lên hành động để tiêu diệt hết giáo dân và giáo sĩ, không trừ một ai, và như thế mới là anh hùng, thấy điều bất nghĩa phải chống trả kịch liệt. Có một điều mâu thuẫn đến hoạt kê là trong bài hịch được nhan đề là Bình tây sát tả, nhưng suốt cả bài không thấy có một chữ động đến bọn thực dân xâm lăng; toàn bài đề cập đến một hành động duy nhất là mạ lị tàn bạo người Công Giáo và hô hào tàn sát tiêu diệt họ. Căn cứ vào nội dụng của bài hịch, tôi xóa bỏ chữ bình tây và tôi chỉ gọi bài văn này là Hịch sát tả”. (Gs. Lê Hữu Mục. Cụ Sáu Đối Diện Với Văn Thân. dunglac.info).

Bài Ca Kêu Gọi Khởi Nghĩa viết bằng chữ Nôm, gồm 36 câu, theo thể lục bát. Bài cũng sôi máu căm thù và khí thế sắt máu: “Vì thằng tả, giận thằng Tây. Tuốt gươm chém sạch trận này mới nghe” (Câu 21,22). Kêu gọi nho sĩ “ào ào tiến lên” (Câu 34). Mắng một số quan không ủng hộ là “ngu si”, chỉ biết “Lo lòng nặng Túi, tưởng chi đạo người” (Câu 30) và đe họ sẽ bị đào thải (Gs. Lê Hữu Mục. Cụ Sáu Đối Diện Với Văn Thân. dunglac.info).

Các thủ lãnh sát cánh với Tú Tấn, ngoài Đặng Như Mai (Tú Mai), còn có các thân nhân của ông như em rể Đặng Quang Vinh (Tú Vinh), con là Trần Hướng (có tác giả nói Hướng là em của Tú Tấn), cháu họ Trần Dực; Đậu Như Vành, Tổng Thức, Bang Bốn, Bùi Danh Thiềm, Bùi Danh Mậu, Nguyễn Sắc Toản, Đinh Bạt Duật, Nho Năm, Đội Lựu (tức Trần Quang Cán), Tú Thiệu, Tú Khanh (tức Nguyễn Huy Điển), Tú Ngông (tức Đậu Bá Nghinh), Tú Bẩm (tức Nguyễn Mậu Bẩm), Tú Uyển (tức Nguyễn Duật), Tú Đức (tức Lê Mẫn Đức), Nho Đắc, Nho Phổ, Bà Tú Ý (tức Nguyễn Thị Quyên, vợ của Tú Trần Văn Ý và là con gái út của Cụ Nguyễn Công Trứ) … (4)

Chỉ trong mấy ngày, nhóm Trần Tấn lôi kéo được hàng ngàn nông dân và hàng ngàn dân miền núi Quảng Bình.

Trước khi ra quân, Tú Tấn làm lễ tế cờ ở Rú Đài.

Trận đầu tiên, ông đánh chiếm các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, rồi tấn công Thành Vinh (Nghệ An), nhưng không hạ nổi thành. Chỉ riêng trận đánh ở huyện Nam Đàn ngày 15.5.1874, quân Văn Thân đã bắt được 21 vị chỉ huy của quân Triều đình. Do thua trận, quan Bố chánh Phạm Hy Lãng và quan Án sát Nguyễn Dơn bị Triều đình phạt đánh roi trượng.

Đang khi đó Tú Mai đánh các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, rồi Các huyện Hương Sơn, Đức Thọ.

Tính đến Tháng 7 năm 1874, quân Văn Thân làm chủ hết các phủ huyện Nghệ An, trừ ra thủ phủ là thành Vinh là chưa chiếm được. Trên đà thắng lợi, Văn Thân xua quân tấn chiếm tỉnh lị Hà Tĩnh, giết chết quan đầu tỉnh. Họ toan tính bắt tay với quân Văn Thân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên…

Chủ trương “Bình Tây, sát tả”, nhưng cho đến giờ phút này, quân Văn Thân của ông Tú Tấn chưa hề đánh một thằng Tây nào, nhưng đã đánh quân của Triều đình, đã chiếm các phủ huyện của Triều đình, và nhất là đã ra tay tàn sát giáo dân cực kì dã man.

Khí thế tiến công vũ bão của quân Văn Thân làm cho cả Triều đình lẫn thực dân Pháp lo ngại. Vua Tự Đức phải gửi 500 quân Cấm vệ ra tăng cường cho Nghệ An. Các Khâm sai Nguyễn Chính và Võ Trọng Bình từ miền Bắc kéo quân xuống. Triều đình còn gửi thêm hơn 1000 quân tiến ra theo đường núi. Đang khi đó, Khâm sai Nguyễn Văn Tường đưa tầu chiến ra đánh từ biển vào. Triều đình cũng yêu cầu Hải quân Pháp trợ giúp. Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây là Tôn Thất Thuyết cũng được lệnh tham chiến. Tới tỉnh Thanh Hóa, Tướng Tôn Thất Thuyết tuyên bố đánh Tây, rồi hành quân xuống Nghệ An để đánh dẹp quân Văn thân. Đến Tháng 8.1874, trước lực lượng mạnh hơn hẳn của quân Triều đình, thầy trò Tú Tấn phải rút về vùng rừng núi, phía Tây Nghệ Tĩnh. Chạy theo ông còn có các tay chỉ huy Văn Thân khác như: Đặng Như Mai, Trần Quang Cán, Nguyễn Vĩnh Khánh, Trương Quang Thủ, Nguyễn Huy Điển…

Tháng 9, 1874,Tú Tấn lại phải chạy sang Cam Môn, nay thuộc Tỉnh Khăm Muộn, Lào. Tại đây, ông ngã bệnh và qua đời. Con ông là Trần Hướng lên nắm quyền chỉ huy, nhưng chỉ ít lâu sau, Hướng bị Tổng lí Xã Hữu Bằng (nay là Sơn Bằng, Huyện Hương Sơn) bắt nộp cho Pháp.

Riêng nhóm quân Văn Thân do Tú Mai chỉ huy lên chiếm Phủ Qùy làm căn cứ, nhưng Tú Mai cũng bị nội gián bắt nộp cho Triều đình. Trần Hướng và Tú Mai bị xử chém bêu đầu tại Thành Vinh (Nghệ An).

Phong trào Văn Thân do Trần Tấn lãnh đạo tan rã vào cuối năm 1874.

Tổn thất của giáo phận Vinh do phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh 1874

Theo các chứng từ phía bên ngoài nhà đạo:

Cho tới tận ngày nay, hậu duệ của Phong trào Văn Thân Nghệ An còn nhìn nhận trên Diễn đàn Thanh Chương Nghệ An như sau: “Với phong trào này, "bình Tây" đâu chưa thấy mà "sát tả" thì hăng hái quá. Có lẽ vì vậy mà ngày nay, để tránh xung đột của hai bên lương giáo mà người ta không đề cập đến (!?) phong trào (1874) này và trong sách giáo khoa về lịch sử cận đại không hề được đề cập” (tcnao.net tức Thanh Chương Nghệ An Online).

Trong cuốn Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan ghi lại một bài vè, kể rất rõ ràng về việc các Văn Thân ra tay tàn sát giáo dân một cách tàn ác, bất kể già trẻ, đàn bà, con nít:

Bước sang năm Tuất,

Văn Thân nổi lên,

Gông cùm đặt ra,

Chiêu cờ sát tả…

Là huyện Thanh Tiên…

Tú Trân nổi lên…

Gọi bằng Bang Cố…

Đội Dục, Thừa Tố…

Là tiền hậu quân…

Mồng ba tháng bảy,

Xã Đoài, Thuần Ngãi,

Kéo ra chợ Si,

Thanh Dạ, Thọ Kỳ.

Truyền tất cả dân,

Đâu là tả đạo,

Không kỳ già lão,

Con trẻ, đàn bà,

Lấy làm thảm thiết,

Kẻ thì trôi sông,

Máu chảy đầy đồng…..

(Vũ Ngọc Phan. Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam. NXB Văn Học, 2006. Trang 442).


Ghi nhận của phía nhà đạo:

Trong cuốn Việt Nam Giáo Sử, Phan Phát Huồn ghi nhận như sau: “Nếu ở địa phận Tây Bắc Việt hoặc vì giám mục Purginier đã có một phần nào trách nhiệm trong vụ Dupuis hoặc vì có một số ít giáo hữu của địa phận đi lính cho Garnier nhưng đối với địa phận Trung Bắc Việt chính phủ cũng như Văn thân không thể cáo người Công Giáo theo Pháp, vậy mà ở Nghệ An hai ông Tú Trần và Đặng Như Mai hội tập tất cả các Văn Thân trong hạt, làm bài hịch gọi là “Bình Tây Sát Tả” rồi kéo nhau đi sát hại Công Giáo.

Giám mục Gauthier nhận thấy các quan triều đình không dùng một phương pháp nào để ngăn cản phong trào giấy loạn giết hại Công Giáo người liền ban phép cho Công Giáo cầm khí giới để tự vệ rồi Giám mục viết thư cho các quan: “Công Giáo đã cầm khí giới không phải để chống lại chính quyền, nhưng để bảo vệ mạng sống mình. Đã có từng nghìn người Công Giáo phải sát hại, các quan đã làm gì để chận đứng cuộc giết hại ấy?

Thật vậy, đã có 4.500 bổn đạo phải giết và 300 họ đạo phải phá hủy. Bổn đạo phải hư hại hơn 6 triệu phật lăng.” (Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử, Quyển I. Trang 521, 522).


Phong trào Văn thân tại Nghệ Tĩnh năm 1874 tan rã, nhưng trên phạm vi toàn quốc, Phong trào Văn Thân chưa tắt hẳn, vẫn còn âm ỉ khắp nơi và chờ cơ hội sẽ lại bùng phát.

3. Phong trào Văn Thân từ 1885 tới 1888

Nguyên nhân gần: Hòa ước Patenôtre, Dụ Cần Vương

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, Triều đình Huế vụng về đi cầu cứu Tầu. Nhân cơ hội Việt Nam cầu cứu, quân Tầu đã kéo sang chiếm giữ các tỉnh phía Bắc Sông Hồng. Quân VN tưởng là có thể cậy thế quân Tầu nên bắt đầu tấn công quân Pháp, nhưng đánh đâu thua đó. Người Pháp tức giận về thái độ này nên đã đuổi lãnh sự của ta ở Sài Gòn về Huế, và chuẩn bị tăng cường quân lực đối phó với tình hình mới.

Giữa lúc tình thế rối mù như thế thì Vua Tự Đức qua đời ngày 19.7.1883 (năm Qúy Mùi).

Sau khi Vua Tự Đức qua đời, Triều đình rơi vào họa “Tứ Nguyệt Tam Vương” (tức là trong 4 tháng có tới 3 vua: Dục Đức làm vua 3 ngày, Hiệp Hòa 4 tháng, Kiến Phúc 6 tháng). Mọi việc đều do 2 viên Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền, thao Túng.

Lợi dụng tình thế bất ổn của Việt Nam, ngày 20.8.1883, Toàn quyền Harmand và Thiếu tướng Courbet tấn công cửa Thuận An, bắt Triều đình kí Hòa ước Qúy Mùi ngày 25.8. 1883, còn gọi là Hòa ước Harmand, gồm 27 khoản. Theo đó, nhà Nguyễn phải chấp nhận quyền bảo hộ của Pháp ở nước ta. Sau đó, quân Pháp mở chiến dịch đánh đuổi quân Tầu ra khỏi các tỉnh phía Bắc sông Hồng, đưa tới Hòa ước Fournier kí kết giữa Tầu và Pháp tại Thiên Tân ngày 18.4.1884 (đây chỉ là hòa ước sơ bộ). Tầu công nhận Việt Nam là thuộc địa của Pháp.

Để củng cố sự độc quyền thống trị ở nước ta, chính phủ Pháp ra lệnh cho Patenôtre tới Huế để dàn dựng ra một hòa ước mới, sửa lại Hòa ước Harmand năm 1883. Đó là Hòa ước năm Giáp Thân, 06.6.1884. Đại diện nhà Nguyễn là các ông Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, Nguyễn Văn Tường; phía Pháp là Jules Patenôtre. Hòa ước gồm 19 khoản, gần giống Hòa ước 1883. Kí xong, Patenôtre bắt nấu chảy ấn phong vương của hoàng đế Tầu, coi như từ nay Việt Nam không còn lệ thuộc gì vào nước Tầu nữa.

Cũng năm 1884, Hàm Nghi được đưa lên làm vua, nhưng chỉ có hư vị, người Pháp đã nắm mọi quyền hành ở nước ta.

Vì thái độ quá hống hách quá đáng của người Pháp, đêm 05.7.1885, Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết tấn công tòa Khâm sứ của Pháp ở Huế, nhưng bị thất bại. Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi bôn tẩu ra chiến khu Tân Sở ở Quảng Trị. Từ chiến khu, ông nhân danh nhà vua ban Dụ Cần Vương. Hưởng ứng Dụ Cần Vương, một phong trào kháng Pháp mới nổ ra khắp nơi ở miền Bắc và miền Trung. Đó là Phong trào Cần Vương.

Nương theo khí thế của Phong trào Cần Vương, Phong trào Văn Thân lại bùng lên dữ dội.

Hành động của Văn Thân trước khi vua Hàm Nghi ban bố Dụ Cần Vương

Ngay khi kí xong Hòa ước Harmand 1883, quân Pháp bắt đầu đánh đuổi quân Tầu ở Bắc kì, thì số phận giáo dân lại bị đe dọa. Các địa phận ở phía Đông do các cha dòng Ða Minh cai quản ít bị tổn thất hơn vì các giám mục và linh mục đã công khai dứt khoát không can dự vào chính sự và bạo lực. Đang khi đó, trong những vùng khác do các giáo sĩ Pháp phụ trách, giáo dân hứng chịu một cơn bách hại khủng khiếp. (5)

Hành động của Văn Thân từ khi có Dụ Cần Vương 1885

Ngày 13.7. 1885, Dụ Cần Vương ban ra. Núp dưới chính nghĩa Cần Vương, các sĩ phu hăm hở dấy lên Phong trào Văn Thân cực kì dữ dội, khiến cho, trong 2 năm 1885 và 1886, giáo dân từ Thanh Hóa vào tới Phú Yên phải chịu cảnh máu chảy đầu rơi, nhà tan cửa nát thảm khốc chưa từng có trong lịch sử. Chỉ nơi nào liều chết chống trả tự vệ thì may ra thoát nạn hoặc ít bị tổn hại, chẳng hạn như Phúc Nhạc (Ninh Bình), Bảo Nham và Xuân Kiều (Vinh), Trung Nghĩa (Hà Tĩnh), Hướng Phương (Quảng Bình), An Ninh và Di Loan (Quảng Trị), Trà Kiệu (Quảng Nam). Không may, đa số lại là những nơi không kịp hoặc không có khả năng tổ chức chiến đấu tự vệ thì bị quân Văn Thân tàn sát dã man, bất kể nam phụ lão ấu (6).

Một tác giả có quan điểm thù ghét đạo Gia Tô là Nguyễn Xuân Thọ cũng xác nhận việc Văn Thân tiếp tục tàn sát giáo dân trong thời kì sau dụ Cần Vương: “Cuộc khởi nghĩa “Văn Thân” ngày càng mở rộng quy mô, việc khủng bố người Công Giáo tiếp tục.” (Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897. Trang 404).

Chứng từ

Để có ấn tượng sống động hơn về những nỗi thống khổ thấu trời mà người bên đạo phải chịu, chúng tôi trích dẫn 2 chứng từ sau đây:

Chứng từ 1 là một đoạn trích từ “Các Báo Cáo Thường Niên của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gửi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris từ 1872 – 1940: “Cũng theo Báo cáo của Giám mục Huế nói trên, trong năm cao điểm 1885, giáo dân ở 2 tỉnh Thừa Thiên và Quảng Bình chịu ít đâu khổ hơn giáo dân ở tỉnh Quảng Trị. Tại Quảng Trị, tất cả các họ đạo đều bị tiêu diệt. Linh mục Mathey may mắn chạy thoát đã kể lại những gì ông chứng kiến như sau: “Trong đêm 7 rạng ngày 8 tháng 9, chúng con thấy đám cháy thiêu rụi họ đạo Kẻ Văn. Sáng ngày 8, chúng con đi qua các làng đã bị đốt cháy là Ngô Xá và Tri Lễ. Trước mặt Cổ Vưu, chúng tôi thấy 8 xác trẻ con bị chặt đứt chân tay cách dã man. Phần đông các kitô hữu cư trú bên bờ trái con sông đều đã có thể thoát được. Nhưng những giáo xứ lớn và đẹp đẽ ở bờ phải chỉ còn là đống tro tàn và nằm dài nhiều xác chết.

Nhất là ở trong và chung quanh các nhà thờ, các tử thi chất đống. Sau khi đã mất hy vọng thoát khỏi cái chết hoặc chạy trốn, hoặc bằng cách nào khác, một số lớn nhất là phụ nữ và trẻ em tìm một chút an ủi là được chết dưới bóng thánh giá và được chôn lấp dưới những đổ nát của nhà thờ, nơi họ đã lãnh nhận phép Rửa và thường xuyên đến cầu nguyện.

Trong nhiều nơi người người đã bị thiêu sống và các người Pháp ở Quảng Trị xúc động biết được rằng cách thành đó khoảng một giờ đi bộ, người ta đã thiêu sống 176 người thuộc họ đạo An Lộng.

Trong họ Dương Lộc, cuộc tàn sát thật kinh khủng. Chắc hẳn không thấy rõ nguy hiểm đang bao quanh, hoặc nghĩ rằng hợp lực lại họ có thể chống cự quân cướp dễ dàng hơn, nên các kitô hữu thuộc 5 họ đạo lớn, 4 linh mục và khoảng 50 nữ tu họp nhau tại Dương Lộc. Họ đã có thể đẩy lui nhiều cuộc tấn công của loạn quân.

Nhưng những loạn quân này đã gọi thêm tăng viện và đã dẫn đến cả 1 con voi trận. Trước những sức mạnh đó, các người trong vòng vây chắc hẳn đã mất can đảm. Sau khi phá bỏ các chướng ngại vật, loạn quân đã xâm nhập vào trong lũy nhỏ yếu ớt bảo vệ các kitô hữu, lửa cháy, gươm đao, giáo mác tất cả hợp nhau tàn sát 2 hoặc 3 ngàn kitô hữu tụ họp nơi đó”.

“Khi chúng con đến Bái Sơn, nơi các kitô hữu đã họp nhau quyết bảo vệ đến cùng và họ đã có thể kháng cự trong nhiều tuần lễ, chúng con đã gặp thấy nhà thờ bị đốt cháy và các tử thi nằm mọi phía, người bị chặt tay chân bởi hung khí bọn sát nhân, người thì bị thiêu cháy cách khủng khiếp. Cách đó một quảng, trong các lùm cây, các người còn sống đã bị chặt cách dã man và đang chết đói. Cuộc bao vây kéo dài lâu, và các đồ ăn dự trữ đã hoàn toàn cạn kiệt đến nổi phải bóc lá cây mà nhai để làm cho mình tưởng rằng khỏi đói.

Con còn nhận thấy nhiều trẻ nhỏ chết bên cạnh mẹ mà không bị vết thương nào, các trẻ khác cắn miệng vào vú mẹ đang chết hoặc đã chết. Còn có những chi tiết rùng rợi hơn nữa, nhưng bút mực không viết lên được”.

Đức Cha Caspar nói:

“Trong những cuộc tàn sát kinh khủng đó, 10 linh mục người Việt đã đổ máu vì Đức Kitô, không có lời lẽ loài người nào kể hết được những đối xử kinh khủng mà các kẻ sát nhân đã dùng để giết chết các ngài. Người thì bị thiêu sống, kẻ thì bị chôn sống, người khác nữa bị mổ bụng. Bị nhận ra là các đạo trưởng, các ngài thấy kẻ thù đã chuẩn bị cho mình một cái chết đau đớn đặc biệt”.

Đây là bảng tổng kết các khốn khổ các kitô hữu Quảng Trị phải chịu.

Số các nạn nhân gồm:

- Giáo hạt Đất Đỏ: 1.666 người

- Bái Trời: 2.013

- Dinh Cát: 4.642

- Thanh Hương: 264

Tổng cộng 8.585 kitô hữu bị tàn sát.

Lại nữa, tất cả các nhà thờ, viện cô nhi, các trường học đều đã bị cướp phá và thiêu rụi”.


(Trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ “Các Báo Cáo Thường Niên của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gửi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris từ 1872 – 1940” do Lê Thiện Sĩ sưu tập. Lm. Stanislaô Nguyễn Ðức Vệ. tonggiaophanhue.net)

Chứng từ 2 là một đoạn trong bài kí của hậu duệ xứ Trà Câu, một họ đạo nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Trong bài kí này, tác giả kể về tai họa mà tổ tiên ông đã phải gánh chịu thời Văn Thân như sau: “….Theo sử liệu và chuyện kể của cha ông, xứ đạo Trà Câu nguyên thủy hình thành trước thời Văn Thân và cũng đã phải chịu cơn bách hại khủng khiếp của phong trào Sát Tả nầy. Tại vùng đất Trà Câu cũ, ngày xưa vẫn lưu dấu hai mộ tử đạo: một mộ dài như một đường hào và một mộ tròn như cái giếng. Một số đông tín hữu Trà Câu đã bị chôn sống dưới cái hào dài và cái giếng sâu nầy. Trong khi một số đông khác bì lùa xuống sông Thoa gần "Bến Đò Mốc" (bến sống ngăn đôi hai xã Phổ Văn và Phổ Quang thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), đến một vực sâu gọi là vực Ô Rô. Tại nơi đây, giáo dân bị cột trong các giỏ chiên (như giỏ nhốt gà) kết với các hòn đá nặng và bị xô xuống đoạn sông sâu nầy cho chết chìm. Chính do biến cố nầy mà dân cư tại đây cho đến bây giờ vẫn gọi đoạn sông nầy là "Vực Đạo"”. (Lm. Giuse Trương Đình Hiền. Cảm nhận ngày Bổn Mạng cộng đoàn Trà Câu, sau 47 năm con về giỗ Mẹ. vietcatholic.net ngày 8/21/2012).

*Trần Vinh (Tháng 3.2013)

Chú thích:

1. Tham khảo Phạm Văn Sơn. Sđd., trang 150, 154,155. Coi thêm: Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển 1. In lần 2. Trang 508 và Mark W. McLeod. Triều đình Huế và Chủ trương bài Thiên Chúa Giáo 1862-1868. Ngô Bắc dịch. www. Gio-o.com).

2. Tổng kết tổn thất giáo dân phải chịu trong giai đoạn này, Lm. Vũ Thành viết: “Tại Quảng Nam, quan đã bắt Ðức Cha Charbonnier, Thừa Sai Vancamelbeke, ba linh mục Việt và nhiều thầy giảng. Họ đánh đập và giam giữ nhiều ngày. Tại Nghệ An, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Tri Phương và Phan Huy Vịnh tỏ ra thù nghịch với Công Giáo để cho nhóm Văn Thân đốt phá bốn chục họ đạo. Tại Nam Ðịnh nhóm Văn Thân đã tấn công làng Công Giáo thuộc địa phận Tây từ ngày 14-1-1868. Sau đó lần lượt mười hai họ đạo bị đốt phá khiến 4.000 người Công Giáo phải chạy về nhà chung tị nạn” (Lm. Vũ Thành. Dòng Máu Anh Hùng. Phần V: Những cuộc bách đạo thế kỷ 19. Chương 8: Những Vụ Thảm sát Người Công Giáo Do Văn Thân Khởi Xướng. dunglac.info. Đọc thêm Trịnh Việt yên. Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam, USA., 1987. Trang 58 và Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển I. In lần 2. Trang 515).

3. Xem Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển I. In lần thứ 2. Trang 521.

4. Trong dân gian xứ Nghệ, vẫn truyền tụng những bài vè kể lại cuộc nổi dậy và bách hại đạo của các Văn Thân một cách sống động:

Văn Thân xứ Nghệ dụng tình âm mưu

Tú Trần, Tú Đặng thì đầu

Tú Vinh, nho Thiệu cùng nhau ăn thề.

Đầu năm Giáp Tuất kéo cờ

"Bình Tây sát tả" chữ đề không sai

Phen này sống mái một hai

Nghệ An, Hà Tĩnh ai ai nức lòng

Nho Đắc thì ở phủ Bùng

Truyền cho nho Phổ cũng đồng nhất tâm

Tưởng là hồi phục nước Nam.

Nỏ hay nhà Nguyễn đa đoan hại nòi

Truyền cho đại tướng Hồ Oai

Kéo quân dư vạn, khâm sai tiễu trừ.

………………………………………..

Nho Năm, nho Hướng đôi chàng.

Tú Mai, đội Lựu là làng văn thân.

Cố bang, cố ở đạ cân.

Lòng giời chẳng giúp chẳng mần nên chi.

Kéo lên chợ Rạng một khi.

Ba vạn chống nốc, cố thì sang Giăng.

Đồn đây tà đạo mấy thằng,

Đem ra ta chặt thủ quăng xuống rào.

Sao mà chẳng chộ giáo mác siêu đao hai hàng ?

Gửi tờ nho Hướng, cố Bang

Để ta sát tả gươm sang bên đời

Sát tả mới được vài ba nơi

Xổ kỳ Truông Ná đổ người về đông

Sát tả mới được vừa xong.

Kéo ngang qua cửa cực lòng văn thân.

Cực lòng cố chạy công văn

Kéo xuôi ta đánh bắt thằng tác vi

Quân thời ta chém quách đi

Lưa một thằng tướng đem về đây tau

Đem về được mấy ni lâu

Đem ra ta chặt, chuộc đầu chẳng cho

Tưởng hồ hai huyện ra trò.

Cố đặt cai đội, cố cho thông hành

Nam Đường mới lấy phủ Anh

Thanh Chương lấy huyện cho thành công chi

Cố sai một tiếng ra hai

Kéo ra phủ Diễn thật tài anh linh

Trống đánh cờ mờ dập dình

Ta chộ phủ Diễn ta kinh không vào

Phủ Diễn cổng kín thành cao

Nạp súng ta bắn cho trào thành ra.... (Tcnao.net (vietnc)


5. Trong cuốn Dòng Máu Anh Hùng, Lm. Vũ Thành viết: “Theo tường trình của Ðức Cha Puginier, Giám Mục Hà Nội, thì từ tháng 3-1883, Hà Nội, Nam Ðịnh và Hải Dương bị cướp phá. Nguyên tháng 12 ở Hà Nội có 300 làng, tức là 1/3 bị phá. Trong các làng toàn tòng Công Giáo thì có 4 làng bị hủy diệt, 15 làng khác bị cướp. Tại Thanh Hóa, hai trong sáu xứ bị hủy diệt, 242 nhà thờ và nhà nguyện bị ðốt cháy, 6 thừa sai, 11 linh mục và 63 thầy giảng cùng với 288 giáo dân bị thảm sát” (Lm. Vũ Thành. Dòng máu Anh Hùng. Sðd).

6. Ts. Trịnh Việt Yên tường thuật tổng quát về cơn bách hại người theo đạo Gia Tô trong 2 năm này như sau: “Năm 1885 và 1886 là hai năm tang tóc nhất của Giáo Hội Việt Nam trên đường khổ nạn. Thật là hai năm trên đỉnh núi Sọ! Những con số sau đây làm chứng điều đó:

Trong tỉnh Thanh Hóa từ thánh 3 đến tháng 9 năm 1885 hơn 1800 bổn đạo bị chém. Và hơn 100 họ đạo bị phá. Khoảng giữa tháng 12. 1885 tại Quảng Bình có hơn 2000 bổn đạo bị giết. Tháng 1.1886 lại thêm một cha và 442 bổn đạo bị chém chết và 10 họ đạo bị thiêu ra tro cùng 1800 người phải chạy sang Đồng Hới sống bơ vơ không nhà ở, cơm ăn. Năm 1885, tỉnh Quảng Trị mất 10 cha, 8000 bổn đạo và 70 họ đạo. Tám ngàn người sống sót phải chạy đến cầu cứu với Đức Cha Lộc (Mgr. Gaspard) ở Huế. Qua năm 1886 lại có thêm 6000 người bị giết. Trong tỉnh Quảng Nam có hơn 1000 người bị giết. Trong tỉnh Quảng Ngãi có 40 họ đạo bị phá và 6000 bổn đạo bị giết. Trong hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, người Công Giáo, tuy không ai bị giết, nhưng phải chạy lên rừng trú ẩn, để lại làng mạc, nhà cửa làm mồi ngon cho quân địch cướp bóc và đốt phá. Trong tỉnh Phú Yên, chúng giết cha Bảo, cha Hậu và hơn 6000 bổn đạo.

Nhưng số thiệt hại không nơi nào đau xót và nặng nề như trong tỉnh Bình Định: 7 linh mục, 60 thầy giảng, 270 nữ tu Mến Thánh Giá và 24000 người bị giết. Các cơ sở truyền giáo như tòa Giám mục, nhà thờ, nhà xứ, hai chủng viện, một nhà in, 10 tu viện và 225 nhà nguyện bị thiêu tan. Tất cả 150 họ đạo bị đốt phá, chỉ trừ có hai họ thoát nạn. Hơn 8000 bổn đạo chạy ra Quy Nhơn, phải đói khát hầu như chết rũ, và Đức Cha Hân (Mgr. Van Camelbeke) phải sai mấy linh mục thân hành vào tận Gia Định đong gạo để nuôi họ. Cách mấy ngày Đức Cha lại phải thuê một chiếc tàu Đức Gerda chở những người đó vào Gia Định. Nhưng chỉ chở được 3000 người. Số còn lại phải ở lại chơ vơ trên bãi biển Quy Nhơn. Suốt một năm trời họ sống nheo nhóc như những kẻ phải lưu đầy khốn khổ trăm chiều.

Về phía các thừa sai truyền giáo, chúng ta cũng đếm được gần 20 vị phải chết đồng thời với giáo hữu trong những hoàn cảnh bi đát. Trong tỉnh Thanh Hóa thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài có 7 vị bị giết, đó là: Cha Khanh (Béchel), Châu (Gélot), Nhân (Rival), Thiện (Manissol), Khanh (Séguret), Điều (Antoine), và Tuân (Tamet).

Địa phận Đàng Trong mất 8 vị: Cha Tân (Poirier), Hoán (Guégan), Châu (Garin), Sĩ (Macé), Chung (Barrat), Minh (Dupont), Thành (Tribarne) và Thuông (Chatelet)”. (Trịnh Việt yên. Máu Tử Đạo Trên Đất Việt. USA, 1987. Trang 62-64). Xem thêm: Vũ Thành. Dòng Máu Anh Hùng. Sđd. và Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển I. In lần thứ 2. Từ trang 526 tới 540).

Chỉ nguyên ðợt bách hại này, Lm. Vũ Thành ước tính: “Tổng cộng số giáo dân bị giết có tới 40.000 người, 20 thừa sai, 30 linh mục Việt, hàng ngàn họ đạo bị thiêu hủy” (Lm.Vũ Thành. Dòng Máu Anh Hùng. Sðd.).
 
Tọa đàm về công trình cha Phêrô Trần Lục. Bài 2: Đôi Lời Dẫn Nhập
Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
19:43 17/07/2013
TOẠ ĐÀM VỀ CÔNG TRÌNH CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC

Phát Diệm, ngày 15 tháng 07 năm 2013

ĐÔI LỜI DẪN NHẬP

“Phát Diệm, tức là cha Sáu.” Đó là lời nhận xét của Lyautey, nguyên soái và thành viên Hàn lâm viện Pháp, năm 1896, sau khi thăm Nhà thờ Phát Diệm về đã viết lại cảm tưởng của mình. Lời nhận xét của ông ngày càng được khẳng định bởi lịch sử hàng trăm năm và bởi chính quan niệm thân thương của người giáo dân Phát Diệm, rộng hơn là cả giáo dân Việt Nam.

Và còn hơn thế nữa, Lord Curzon, về sau làm Phó vương Ấn Độ, đã một lần phải ngạc nhiên trước cơ đồ kỳ diệu của cha Trần Lục. Trong bài phóng sự gởi báo National Observer, ông gọi cha Trần Lục là “một vị giáo hoàng nhỏ của Việt Nam” Còn Đức Hồng Y Etchégaray Chủ tịch Uỷ Ban Hoà Bình Công lý của Toà Thánh trong lần viếng thăm Phát Diệm năm 1989 đã thân thương gọi Phát Diệm là Vatican của Việt Nam!

Căn cứ vào đâu để các vị chính khách đánh giá về Cụ Sáu như vậy? Thiết tưởng các vị đó đã căn cứ trên những công trình của Cụ Sáu để lại bao gồm những công trình về giáo dục và nhất là kiến trúc.

Về mặt kiến trúc, công trình Nhà thờ Phát Diệm bao gồm 11 công trình lớn nhỏ: Từ Ao hồ, Phương đình, Nhà thờ Chính, bốn Nhà thờ cạnh, Nhà thờ đá dâng kính Trái Tim Vô nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, ba hang đá nhân tạo. Tất cả đều hài hoà và mang đậm nét kiến trúc Á Đông. Trong phần kết luận của tập giới thiệu về “Nhà thờ Lớn Phát Diệm” do Toà Giám mục Phát Diệm xuất bản năm 2009 đã khẳng định: “Nhà thờ Phát Diệm, một quần thể kiến trúc Công Giáo độc đáo và đồ sộ bậc nhất tại Việt Nam, đồng thời cũng là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, xưa đã do Đức Tin và công sức của tổ tiên ông bà xây dựng” Và dĩ nhiên ai cũng hiểu Cụ Sáu chính là linh hồn của công trình này!

Giám mục Olichon, tác giả cuốn Le Père Six, curé de Phát Diệm, Vice-roi de l’Annam đã nhận định về công nghiệp Cụ Sáu như sau: “Trên những đầm sình lầy, Cụ Sáu không chỉ có dự định làm cho lúa mọc lên, mà ngài còn muốn cho mọc lên những lâu đài, những đại giáo đường nữa. Ngài đã thành công và các núi công sức đó ngày hôm nay làm cho du khách thán phục. Nếu từ ngữ “sáng tạo” được phép dùng cho các công trình của con người, thì ở đây đúng là phải sử dụng từ ngữ ấy. Trên những ao đầm sình lầy của Phát Diệm, Cụ Sáu không có gỗ, không có đá, không có gạch, không có cơ giới kiến trúc, không có kiến trúc sư mà Cụ Sáu chỉ có tre nứa, những bàn tay, trí tuệ và ý chí dẻo dai mà thôi…”

Tiếp theo là nhận xét của Lyautey: “Cụ Sáu đã có óc tưởng tượng tuyệt vời, đã hội tụ những gì Cụ đã biết, cho nên người ta thấy nghệ thuật Trung Hoa phối hợp với nghệ thuật Việt Nam trong cách chạm trổ và trang trí tỉ mỉ. Rồi kiểu Gôtích huy hoàng trên đầu các cây cột. Chúng tôi sửng sốt và kinh ngạc vì không có cái gì xấu, cũng không có cái gì chướng mắt. Cụ Sáu đã làm cho tất cả những cái ấy hài hòa. Quả thật là Cụ Sáu đã sáng tạo một mô hình của riêng Cụ…”

Tác giả Kim Ân trong bài viết: “NHÀ THỜ PHÁT DIỆM NƠI NIỀM TIN KITÔ GIÁO GẶP GỠ VĂN HOÁ VIỆT NAM.” Đã nhận xét: “Vậy là tâm huyết của cha Phêrô Trần Lục cùng với mồ hôi và lao nhọc của người xưa đã hoá thân thành cái đẹp nơi Nhà thờ lớn Phát Diệm, cái đẹp trầm tư mà lộng lẫy, nhẹ nhàng mà uy nghi, kín đáo mà trang nghiêm, uyển chuyển mà vững vàng, thanh cao mà gần gũi.”

Và còn đẹp hơn nữa trong nhận xét của Đức Cha Nguyễn Minh Nhật nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Hiền hoà trong nét trầm mặc của các tôn giáo Phương Đông mà diễn tả được Đức Tin nhập thế của Kitô giáo”.

Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế Phụng Vụ, số 37 đã công bố: “Bất cứ những gì trong tập tục, không liên quan mật thiết với dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội mến phục với thiện cảm, và nếu có thể, còn được bảo tồn trọn vẹn. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong phụng vụ, miễn sao hoà hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.” Thật ngạc nhiên và cảm phục khi Cụ Sáu đã có những hội nhập văn hoá Tin Mừng, đem Đức tin vào nét kiến trúc văn hoá Á Đông. Cụ Sáu xứng đáng được gọi là người đi trước thời đại hàng thế kỷ, nói theo ngôn ngữ hiện đại.

Về mặt giáo dục, Cụ Sáu đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm rất được ưa chuộng, trong đó có ba tác phẩm phổ biến hơn, đó là: HIẾU TỰ CA, NỮ TẮC THƯỜNG LỄ, NỊCH ÁI VONG ÂN. Tất cả được gọi thân thương là CA VÈ CỤ SÁU.

Tủ sách Dũng Lạc giới thiệu: “Tác phẩm Hiếu Tự Ca rất nổi tiếng của Cụ Sáu Trần Lục, gồm 1088 câu thơ theo thể Vè, vẫn được gọi là Ca Vè Cụ Sáu. Đây là một hình thức giáo dục bình dân tuyệt vời, vì dân chúng trong vùng ai cũng thuộc, và đọc đi đọc lại thường xuyên trong mọi sinh hoạt đời thường đã khiến trở thành kim chỉ nam đời sống.”

NỮ TẮC THƯỜNG LỄ cũng là một tác phẩm dài gồm 1015 câu, tác giả giáo dục thiếu nữ hết sức tinh tế về mặt nhân bản và cung cách ứng xử trong gia đình. Mặc dù có những quan niệm phong kiến không còn phù hợp với thời đại dân chủ, nhưng tâm huyết của Cụ Sáu muốn giáo dục những thiếu nữ đoan trang đức hạnh thì sống mãi với thời gian.

NỊCH ÁI VONG ÂN là tác phẩm giáo dục thanh niên gồm 440 câu. Vẫn tâm hồn nhà giáo dục toát lên lương tâm và trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Từ những quan sát tinh tế đến những thực tế chứng minh. Cụ Sáu đã đưa ca vè trở thành một gia sư bình dân đồng cảm với mọi gia đình. Những tiêu chí cho chàng kết duyên với nàng mãi vẫn luôn là mực thước. Những chuẩn mực đạo đức đòi hỏi nơi người thiếu nữ thì không bao giờ thay đổi. Các bậc cha mẹ đã rất tâm đắc với Ca Vè Cụ Sáu:

“Tự nhiên cũng lắm thứ hoa

Coi xinh đẹp đẽ nhưng mà không thơm

Chớ bờm xơm rây vào mà chết

Lúc về nhà tính nết như ma

Làm cho cực khổ mẹ cha

Rầu rĩ trong nhà, mất nghĩa anh em”.

Những công trình về kiến trúc và giáo dục trên của Cụ Sáu trào lên những tâm tình biết ơn của bao thế hệ con cháu. Tưởng nhớ công ơn của Cụ và đón nhận được những ý niệm thâm trầm Cụ trao lại cho con cháu đã trở thành nghĩa vụ của những ai yêu mến Phát Diệm. Nhân ngày giỗ của Cha Phêrô Trần Lục (06/07/1899) và hiệp thông trong Năm Đức Tin, Toà Giám mục Phát Diệm tổ chức buổi toạ đàm về CÔNG TRÌNH CỤ SÁU để nhờ đó thế hệ hôm nay noi gương tiền nhân diễn tả đức tin theo văn hóa Việt Nam.

Nội dung được đề cập tới là

• Thân thế, sự nghiệp cha Phêrô Trần Lục.

• Đánh giá về công trình của Cụ Sáu nơi Đức Tin Kitô Giáo Hội nhập văn hoá Việt Nam.

Buổi toạ đàm cũng dành thời gian cho những cảm xúc của người giáo dân Phát Diệm bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Cụ Sáu, người cha thân thương của Phát Diệm, cảm xúc này như những dư âm cần được luôn nối dài qua các thời đại.

Tuy nhiên, tất cả những gì thể hiện trong buổi toạ đàm này, chỉ là những nét chấm phá mở đường cho một Hội thảo có tính chuyên sâu do Đức Giám Mục giáo phận sẽ tổ chức vào thời điểm được coi là thích hợp nhất.

Nhưng cho dù có bao nhiêu chuyên đề và hội thảo khép lại thì Công trình Cụ Sáu vẫn là một công trình mở ra để đối thoại, hội nhập văn hoá Tin Mừng và in đậm dấu ấn của bản sắc văn hoá dân tộc.

Nhận thức trên đem đến một phương châm hành động, là luôn cần cập nhật những hội thảo chuyên đề về Công trình Cụ Sáu để tâm tình tri ân theo diễn đàn được mở rộng. Nếu thế thì buổi toạ đàm này là những nét khai phá cần thiết. Xin trân trọng giới thiệu những thuyết trình về nội dung buổi toạ đàm.

LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Vị quan thầy giới trẻ: Chân phước Chiara Badano, một vị thành niên chết vì bệnh cancer.
Trần Mạnh Trác
19:55 17/07/2013
Hội đồng các giám mục Brazil đã chọn chân phước Chiara Badano, một vị thành niên đã nên thánh vì biết kết hiệp sự đau đớn cuả bệnh ung thư với sự thương khó cuả chuá Kitô, là một trong những quan thầy cho đại hội giới trẻ thế giới tổ chức tại Brazil năm 2013.

Đây là một tấm gương cuả một cuộc sống đơn giản, không có gì là ngoạn mục hay vĩ đại, giống như mọi cuộc sống bình thường cuả các thanh thiếu niên khác, cũng thích những cái bình thường cuả giới trẻ hiện đại như hát hò, nhẩy đầm, chơi tennis, trượt băng.

Franz Coriasco, một nhà báo Ý, mô tả "Cô ấy đã chứng minh rằng, chỉ với một niềm tin đơn giản thôi, bạn có thể đem cái bình thường trở thành cái phi thường."

Franz Coriasco là một người bạn thân cuả gia đình. Ông là bạn thân nhất cuả cô em gái cuả Chân Phước. Năm 2010 ông đã xuất bản cuốn tiểu sử cuả Chiara tựa đề “Dai tetti in giù,” ("Từ trên mái nhà xuống").

CP Chiara còn được hội viên của Phong trào Focolare gọi là "Luce", có nghĩa là "sáng tỏ". Cuộc sống của cô là một chuỗi dài về sự hiến thân cho Chúa Kitô và từ bỏ ý riêng của mình.

Qua đời vào năm 1990 lúc 18 tuổi, cô vui lòng chấp nhận bệnh ung thư đau đớn của mình nhờ ở việc mong ước được hiệp thông với Chúa Kitô trên thập giá "Con xin dâng các đau khổ này cho Chuá, Chúa Giêsu ôi. Nếu Chuá muốn thế, thì con cũng muốn thế," là lời tuyên bố cuả Chiara khi biết mình bị bệnh.

"Tôi không nghĩ rằng cô ấy được phong Chân Phước chỉ vì khối u nhọt của cô, mặc dù điều này làm cho quá trình đi nhanh hơn," là lời bình luận cuả ông Coriasco, ông cho biết. "Cô ấy chỉ làm theo ý muốn của Thiên Chúa."

"Cô ấy đại diện cho nữ tính," Coriasco cho biết, "cương quyết và tràn đầy sinh lực."

"Cô ấy có những giấc mơ tuyệt vời và lý tưởng, nhưng, cùng một lúc, cũng rất thực tế, sát tận đất đen," ông nhấn mạnh.

"Cô ấy nói,'chúng ta chỉ có một cuộc sống và sống cho tốt là đáng làm lắm,' và cô ta đã làm điều này với một tinh thần trách nhiệm lớn lao. "

Lời cuối cùng cuả Chiara trên giường bệnh nói cho mẹ mình là: "Chào tạm biệt mẹ, mẹ phải vui lên vì con cũng đang vui."

Cả hai cha mẹ CP Chiara vẫn còn sống và sẽ tham dự đại hội giới trẻ năm nay.

Tiểu sử cuả CP Chiara Badano

Thời niên thiếu


Chiara Badano sinh ngày 29 Tháng 10 năm 1971 trong một thị trấn nhỏ là Sassello, Ý, cha là ông Ruggero và mẹ là bà Maria Theresa Badano. Cặp vợ chồng hiếm muộn Badano đã cầu nguyện 11 năm mới có cô con gái đầu lòng này. Ông Ruggero làm nghề lái xe vận tải, còn bà Maria Theresa ở nhà để trông nom con. Bà đã dạy cho cô con gái đức yêu thương và phục vụ cho những người nghèo túng.

Lúc mới có bốn tuổi, Chiara dường như đã nhận thức được nhu cầu của người khác. Cô bé thường tìm lại những đồ chơi của mình để mang cho những đứa nghèo hơn, cô không bao giờ cho những món đồ cũ hoặc đã bị hư, bởi vì sẽ là khủng khiếp lắm đối với những đứa bé không có đồ chơi!

Khi đi học lớp mẫu giáo, Chiara đã biết để dành tiền để đóng góp cho những quĩ từ thiện bên Phi Châu.

Cấp tiểu học, Chiara thường chia sẻ phần ăn cuả mình cho những đứa kém may mắn hơn. Có khi mẹ Chiara chỉ gói có 2 món đồ ăn nhẹ trong giỏ mà có tới 2 đứa bạn muốn chia thì cô ta đơn giản cho đi cả 2 món.

Đôi khi Chiara cũng phạm phải những lỗi lầm. Một ngày nọ, Chiara ăn cắp một quả táo ở vườn hàng xóm. Bà mẹ kể lại như sau, "Một buổi chiều, Chiara trở về nhà với một quả táo đỏ đẹp. Tôi hỏi nó là đã lấy ở đâu. Nó trả lời rằng đã lấy từ vườn cây cuả hàng xóm nhưng không có phép. Tôi giải thích với nó rằng phải luôn luôn xin phép trước khi làm bất cứ điều gì và rằng nó đã phải mang trả trái táo và xin lỗi người hàng xóm. Nó đã rất miễn cưỡng bởi vì quá xấu hổ. Tôi nói với nó rằng việc đó là quan trọng hơn là việc có một quả táo. Vì vậy, Chiara trở lại nhà người hàng xóm và giải thích cho họ tất cả mọi sự. Tối hôm đó, bà hàng xóm đã đưa đến cho Chiara một hộp lớn chứa toàn là táo ngon và khen rằng Chiara đã 'học được một cái gì đó rất quan trọng'."

Khi lên 9, Chiara tham dự một chi nhánh dành cho thiếu nhi cuả phong trào Focolare. Nhóm này đã có một tác động sâu sắc đến cuộc sống của Chiara. Nhóm tập trung vào hình ảnh của Chúa Kitô bị bỏ rơi trong vườn Cây Dầu như là một phương thế để giúp họ sống qua những thời điểm khó khăn.

Thời trung học

Chiara là một học sinh chăm chỉ nhưng không giỏi, cô đã phải vật lộn trong trường học và thậm chí bị ở lại lớp năm trung học đầu tiên.

Chiara rất được lòng bạn bè, có nhiều bạn tốt và thường rủ nhau đi uống cà phê khuya. Cô cũng rất thích các trò tiêu khiển bình thường như nghe nhạc pop, nhảy múa, và ca hát. Chiara là một tay đam mê chơi quần vợt, và rất thích đi bộ đường dài và đi bơi.

Cô cho biết rằng cô đã không cố gắng mang Chúa Giêsu lại cho cho bạn bè bằng lời nói. Nhưng cô cố gắng mang Chúa Giêsu lại cho họ bằng những thí dụ và gương sống đạo của mình.

Trong mùa hè năm 1988, khi cô 16 tuổi, Chiara đã có một kinh nghiệm thay đổi cuộc sống khi đi tới Roma tham dự một buổi họp mặt cuả phong trào Focolare. Cô viết lại cho cha mẹ, "Đây là một thời điểm rất quan trọng đối với con: đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Thật là không dễ dàng để thông hiểu sự đau khổ này, nhưng sáng nay bà Chiara Lubich (sáng lập viên cuả phong trào) đã giải thích cho chúng con rằng chúng con cần phải là những người phối ngẫu của Chúa Giêsu bị bỏ rơi ".

Sau đó Chiara đã thường xuyên liên lạc với bà Chiara Lubich và chính bà này đặt tên gọi "Luce" cho Chiara.

Chiara sau này viết rằng: "Tôi phát hiện ra rằng Chúa Giêsu bị bỏ rơi là chìa khóa cho sự hiệp nhất với Thiên Chúa, và tôi muốn chọn Ngài là người phối ngẫu duy nhất của tôi. Tôi muốn sẵn sàng chào đón Ngài khi Ngài tới. Tôi muốn Ngài trên hết mọi sự".

Bệnh cancer và tấm gương bệnh nhân

Mùa hè năm 1988, trong khi chơi tennis Chiara cảm thấy đau nhói ở trong vai. Lúc đầu, cô không nghĩ gì về nó, nhưng khi cơn đau dai dẳng mãi, cô đã đi khám nghiệm. Các bác sĩ phát hiện ra là cô bị một hình thức ung thư xương hiếm và đau đớn, goị là osteogenic sarcoma. Phản ứng trước tin dữ, Chiara chỉ đơn giản tuyên bố, "Con xin dâng các đau khổ này cho Chuá, Chúa Giêsu ôi. Nếu Chuá muốn thế, thì con cũng muốn thế".

Trong quá trình điều trị, Chiara từ chối chích morphine để làm cho dễ chịu. Cô cảm thấy điều quan trọng là phải biết đau để có thể dâng lên Chuá những đau khổ của mình. Cô nói: "tôi muốn được chia sẻ càng nhiều càng tốt những đau khổ của Người trên thập giá"

Chiara đã làm chứng Tin Mừng cho cha mẹ, bạn bè, và các bác sĩ tại bệnh viện ở Turin. Bác sĩ Antonio Delogu cho biết: "Thông qua nụ cười của cô, và qua đôi mắt tràn ngập ánh sáng, cô ấy cho chúng tôi thấy rằng cái chết không tồn tại, chỉ có sự sống tồn tại."

Một người bạn trong phong trào Focolare nói "Lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng cần phải đến thăm cô để giữ cho tinh thần của cô được vững, nhưng ngay sau đó thì chúng tôi hiểu rằng, trên thực tế, chúng tôi là những người cần đến cô. Cuộc sống của cô giống như một nam châm thu hút chúng tôi".

Chiara đã giữ tinh thần vui vẻ, ngay cả khi việc hóa trị khắc nghiệt làm rụng hết bộ tóc yêu quý. Mỗi khi một lọn tóc rơi, Chiara đơn giản dâng nó lên Chúa như sau: "Này đây là món quà cho Chuá, Chúa Giêsu ơi".

Đức Hồng Y Saldarini nghe nói về bệnh tình cuả Chiara đã đến thăm cô tại bệnh viện. Ngài hỏi cô, "Ánh sáng trong đôi mắt của con là tuyệt vời. nó đến từ đâu vậy? "Chiara đơn giản trả lời:" Con cố gắng yêu mến Chúa Giêsu càng nhiều càng tốt. "

Gương chết lành

Đức tin và tinh thần của Chiara không bao giờ suy giảm ngay cả sau khi bị liệt giường không thể đi lại và một CAT scan cho thấy không còn hy vọng gì nữa. Cô đơn giản nói: "Nếu tôi phải lựa chọn giữa việc đi bộ một lần nữa và lên thiên đàng, thì tôi sẽ không ngần ngại. Tôi sẽ chọn thiên đàng".

Cô tặng tất cả số tiền tiết kiệm của mình cho một người bạn đang đi truyền giáo ở châu Phi. Cô viết "Tôi không cần tiền này nữa. tôi đã có tất cả mọi thứ".

Cô đặt kế hoạch cho "đám cưới" (tang lễ ) với mẹ. Cô chọn nhạc, bài hát, hoa, và các bài đọc trong Thánh Lễ. Cô muốn được chôn cất trong bộ "áo cưới" là một chiếc áo trắng với thắt lưng hồng, bởi vì cái chết của cô sẽ cho phép cô trở thành cô dâu của Đức Kitô. Cô nói với mẹ, "Khi mẹ mặc áo cho con, mẹ phải luôn luôn nhủ lòng rằng, ' Chiara Luce bây giờ đang nhìn thấy Chúa Giêsu' ".

Khi đã kiệt sức cô vẫn không ngập ngừng nói,"đừng đổ bất kỳ giọt nước mắt nào cho tôi. Tôi đang đến với Chúa Giêsu. Trong tang lễ, tôi không muốn ai khóc, nhưng mọi người phải hát to với tất cả tấm lòng ".

Trước khi chết, cô nói với mẹ mình, "Oh Mamma, những người trẻ... những người trẻ... họ là tương lai. Mẹ biết không, con không thể chạy được nữa, nhưng con muốn làm thế nào để truyền lại cho họ một ngọn đuốc, như trong Thế vận hội vậy! Những người trẻ chỉ có một cuộc sống mà thôi và nó là đáng giá để sống cho tốt. "

Chiara Badano qua đời lúc 4 giờ sáng ngày 7 tháng 10 năm 1990 có cả cha mẹ ở cạnh giường. Lời nói cuối cùng là: "Chào tạm biệt mẹ, mẹ phải vui lên vì con cũng đang vui."

Hai ngàn người đã đến dự tang lễ của Chiara. Thị trưởng Sassello đã đóng cửa thị trấn để mọi người có thể tham dự.
 
Tọa đàm về công trình cha Phêrô Trần Lục- Bài 3: Cuộc Đời và Sự Nghiệp Cha Phêrô Trần Lục
Linh mục Phêrô Mai Văn Vọng
19:38 17/07/2013
TOẠ ĐÀM VỀ CÔNG TRÌNH CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC (CỤ SÁU)

Trong thời gian còn lưu học bên Hoa Kỳ, một lần tình cờ tôi gặp hai ông bà người Mỹ đã lớn tuổi, trong một buổi lễ tại nhà thờ Chính Tòa Oakland, miền Bắc tiểu bang California. Ông là nhà Văn người gốc Tây Ban Nha, bà là giáo viên đã nghỉ hưu. Trong câu chuyện xã giao, ông bà biết tôi là người Việt Nam, và nhất là đến từ Phát Diệm, nên rất vui mừng kể cho tôi nghe là hai ông bà đã đi du lịch hơn một tháng tại Việt Nam, thăm nhiều nơi, nhưng thích nhất vẫn là thăm nhà thờ đá Phát Diệm. Ông nói: “Tôi không thể ngờ được tại một miền quê xa xôi nghèo túng vào nửa cuối thế kỷ XIX, một linh mục người Việt chưa từng xuất ngoại, đã có thể xây dựng được một quần thể kiến trúc vĩ đại, mà các vua chúa Việt Nam thời đó cũng khó có thể làm nổi”. Tôi hỏi ông: “Điều gì ông tâm đắc nhất khi tham quan khu quần thể nhà thờ Phát Diệm?” Ông trả lời: “Điều tôi thích nhất đó là nét kiến trúc ở đây đã thể hiện rất hài hòa hai nền văn hóa Kitô giáo Âu Châu và nền văn hóa Viễn Đông cổ truyền.” Rồi ông đưa ra những bằng chứng chứng minh cho nhận định của ông. Ví dụ khi nói về nhà thờ Chính Tòa, ông nói: Ngôi nhà thờ này làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc theo phong cách văn hóa Việt Nam, nhưng cấu trúc cao to thể hiện phong cách Âu Châu…

Thú thực, lúc đó tôi chỉ muốn bay luôn về nhà để tỉ mỷ tìm hiểu và chiêm ngưỡng ngôi thánh đường mình đã gắn bó từ khi có trí khôn cho đến bây giờ, mà vẫn chưa có những cảm nhận sâu sắc như một vị khách tham quan du lịch ở tận phương xa nửa vòng trái đất đã có về ngôi thánh đường vĩ đại này của chúng ta.

Nhưng khi đã về nhà sống và làm việc ngay tại nơi Quần thể kiến trúc vĩ đại này, tôi lại vẫn chưa làm được cái điều nguyện ước trên. Mãi đến bây giờ, khi được yêu cầu trình bày đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Cha Trần Lục, người đã thiết kế và xây dựng khu quần thể kiến trúc này, tôi mới tất bật đi tìm lại các tài liệu lịch sử đạo đời, cũng như những truyền khẩu sống động còn lưu truyền trong lòng giáo dân Phát Diệm có liên hệ đến Cha, để hy vọng có thể trình bày cách chính xác khách quan bao nhiêu có thể về thân thế và sự nghiệp của Cha.

A – Thân Thế Cha Phêrô Trần Lục

Về thân thế của Cha Phêrô Trần Lục, dựa vào các tài liệu viết về tiểu sử ngài, chúng ta có thể tóm tắt như sau:

Cha Phêrô Trần Lục sinh năm 1825, tại làng Mỹ Quan, tổng Cao Vĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngài là con thứ hai trong gia đình gồm năm trai, hai gái. Cha ngài là Cụ Trần Văn Nhu quê gốc Nam Định, và mẹ ngài quê Thanh Hoa ngoại trấn (tỉnh Ninh Bình). Khi còn nhỏ, tên ngài là Phêrô Trần Văn Hữu. Năm mười lăm tuổi, ngài đi theo giúp lễ Cha Tiếu ở xứ Bạch Bát (nay là xứ Bạch Liên, Giáo phận Phát Diệm). Năm 1845, ngài nhập chủng viện Vĩnh Trị (về sau chuyển về Hoàng Nguyên, Hà Nội) và đổi tên là Triêm. Năm 1855, ngài theo học triết lý và thần học ở Kẻ Non. Khi đã chịu chức Phó tế và đang đi theo giúp Đức Cha Liêu và mấy linh mục ngoại quốc ở La Mát (đối diện xứ Kẻ Sở, Giáo phận Hà Nội), ngày 13 tháng 7 năm 1858, các ngài bị quan quân bao vây. Lúc đó thầy Triêm đóng giả “đạo trưởng”, mặc áo dài đen, đeo ảnh thánh giá lớn trên ngực, tự ý ra nộp mình, để Đức Giám Mục và các linh mục ngoại quốc có đủ thời gian trốn sang Đồng Bầu (thuộc xứ Khoan Dụ). Sau đó, thầy Triêm phải đi đầy ở Lạng Sơn (tại đây, một số giáo dân cũng bị đi đầy như ngài yêu mến gọi ngài là “Cụ Sáu”; và vì ngài đã quá nổi tiếng vào thời điểm này, nên sau này khi đã là linh mục, người ta vẫn gọi ngài là Cụ Sáu). Năm 1860, nhân chuyến được phép về thăm nhà, ngài lãnh tác vụ linh mục tại Kẻ Trừ, Hà nội. Năm 1862, với Sắc chỉ tha đạo, ngài được trả tự do, về coi ba xứ Mỹ Diệm, Kẻ Rừa, và Tam Tổng. Từ năm 1865 cho tới khi qua đời năm 1899, ngài là Cha chính xứ Phát Diệm.

B – Sự Nghiệp Cha Phêrô Trần Lục

Trong phạm vi của một bài nói chuyện, chúng tôi chỉ xin được trình bày rất tóm tắt về sự nghiệp của Cha, được thể hiện nơi những công trình Cha để lại (Quần thể kiến trúc Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, và các tác phẩm thơ ca như: Hiếu Tự Ca, Nữ Tắc Thường Lễ, Nịch Ái Vong Ân, bài Than Mồ Đứng Trước Hiếu Sơn, và các bài Vãn Dâng Hoa), và nơi một số tác phẩm của những người con Phát Diệm hậu duệ của ngài viết về ngài, qua ba nét chính sau:

• Một Mục tử nhiệt thành.

• Một Công dân gương mẫu.

• Một nhà tri thức uyên thâm.

• Cha Phêrô Trần Lục – Một Mục Tử Nhiệt Thành

Khi đọc qua tiểu sử Phêrô Cha Trần Lục, các tác phẩm thơ ca của ngài, đặc biệt khi chiêm ngưỡng công trình Nhà thờ Phát Diệm, chúng ta dễ dàng nhận ra điều này: Dù khi chưa chịu chức linh mục hay khi đang thi hành chức vụ linh mục, và cả khi vì đức vâng lời để tham gia một số công tác xã hội, cha Trần Lục đã luôn có một mối ưu tư lo lắng mục vụ rất sâu xa. Cha lo lắng làm sao để cho giáo dân hiểu biết giáo lý đầy đủ, hầu giúp họ sống đức tin và tăng trưởng đức tin đã nhận được.

1. Dạy giáo dân sống đạo qua công trình xây dựng Nhà thờ:

Chúng ta có thể tóm lược mối quan tâm lo lắng mục vụ của Cha Trần Lục được thể hiện qua công trình xây dựng Nhà thờ với những khía cạnh sau:

- Lo cho giáo dân có được của ăn Lời Chúa thật dồi dào. Chúng ta biết thời xưa giáo dân rất ít được tiếp xúc với Kinh Thánh, và hầu như không có cơ hội đọc Lời Chúa. Ý thức được tầm quan trọng của việc sống Lời Chúa, Cha đã chuẩn bị cho các tín hữu của ngài có của ăn bồi bổ linh hồn được rút ra từ Lời Chúa. Những của ăn này được ghi khắc khắp nơi qua các bia tích trên các nhà thờ, các hang đá và cách xây dựng nhà thờ. Ở đây chúng tôi chỉ xin trưng ra một số câu bia ghi tạc Lời Chúa (đã được diễn nghĩa) trên các phần nhà thờ để làm ví dụ: Tấm bia bằng tiếng Latinh ở phía cực Đông mặt tiền Nhà thờ Chính tòa: Kính chào Đức Maria, Con của Thiên Chúa Cha. Kính chào Mẹ của Thiên Chúa Con. Kính chào bạn trăm năm của Chúa Thánh Thần… (Bài khắc này được coi như lời kinh chúc tụng Mẹ Maria được gợi hứng sâu xa từ Kinh Thánh. X. Sph 3,1.14; Lc 1,2.3; Gl 4,4; Lc 1,35); mười lăm bức phù điêu, tạc mầu nhiệm Mân Côi nội dung được rút ra từ Lời Chúa trong Tin Mừng (biến cố Truyền Tin: Lc 1,26-38, thăm bà chị họ Elisabeth: Lc 1,39-54, …); mặt trước bàn thờ chính trong nhà thờ Trái Tim Chúa Giêsu có khắc những con vật tượng trưng Chúa Giêsu: Bên trái: Con Chiên (Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa – Ga 1,36; Kh 21,1), bên phải: Con Sư tử (Chúa Giêsu là sư tử chiến thắng – St 49,9; Ez 19,1-9; Kh 5,5); v.v…

Tấm Bia ở phía Đông mặt tiền Nhà Thờ Chính Tòa

- Lo cho họ thực hành đời sống Bí tích cách cụ thể. Ý thức rằng Thánh Thể là trung tâm của đời sống người tín hữu, cha Trần Lục đã muốn đưa các tín hữu của ngài vào mầu nhiệm và hy tế Thánh Thể. Ngay từ Phương Đình, là “Thánh Cung Bảo Tòa”, ngài đã đặt “Trạm tôn thờ Thánh Thể”, và từ đó, các tín hữu tiếp tục đi vào trong Nhà thờ Lớn, nơi cử hành Hy tế Thánh Thể, nơi nhận các Bí tích. Phía trên các bình nước thánh ở cửa ra vào Nhà thờ cũng có những lời nhắc nhở tới Bí tích Thanh Tẩy mà mỗi tín hữu đã lãnh nhận, cũng như thái độ phải có khi cầu nguyện. Ví dụ: phía trên các phù điêu tạc sáu thiên thần cầm bình nước phép ở trên tường của năm lối vào từ cuối nhà thờ, từ Phải sang Trái, chúng ta đọc được sáu câu latinh trích từ Kinh Thánh:

* Quoecumque orantes petitis, credite quia accipietis - Khi cầu nguyện, bất cứ anh em xin điều gì, hãy tin rằng sẽ được (x. Mt 7,7tt).

* Orate et petite ut publicanus et leprosus - Hãy cầu nguyện và xin như người thu thuế và người phong cùi (x. Lc 18,9-14; 5,12-14; 17,11-19).

* Proepara animam tuam, noli tentare Dominum tuum - Hãy chuẩn bị linh hồn bạn, đừng thử thách Chúa của bạn (x. Mt 4,7).

* Quam terribilis est iste locus: hic est domus Dei - Nơi đây đáng sợ chừng nào: đây là nhà Thiên Chúa (x. St 28,17).

* Petite ut aperiatur vobis, dimittite si quid habetis, adversus aliquem - Anh em hãy xin để cửa mở ra cho anh em, hãy tha thứ nếu anh em có hận gì với ai (x. Mt 7,7).

* Vigilate et orate, ut non intretis in tentationem - Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (x. Mt 26,41).

Bức phù điêu Thiên thần cầm bình nước phép ở trên tường lối vào Nhà thờ

- Lo cho họ thực hành các việc đạo đức bình dân: Cũng qua các bia tích, chúng ta nhận ra lời dạy của Cha Trần Lục gửi tới các tín hữu của ngài: lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ (như đã nói trên); việc tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu (Nhà thờ Trái Tim); việc lần hạt Mân côi; việc suy ngắm các chặng đàng Thánh giá (hai bên gian cung thánh); việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria (tước hiệu Mân Côi nhà thờ Chính tòa, nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ), thánh cả Giuse (nhà nguyện thánh Giuse); các thiên thần (mười hai thiên thần chung quanh ảnh Đức Mẹ Mân Côi ở gian cung thánh, các thiên thần thổi loa trên nóc tháp nhà thờ); các thánh (cả Cựu Ước lẫn Tân Ước), nhất là các thánh tử đạo Việt Nam; việc suy niệm về các thực tại sau cùng của đời sống con người (hai thiên thần cầm Thánh giá và hai thiên thần khác thổi loa ở trên đỉnh tháp Nhà thờ); việc dùng nước thánh khi vào nhà thờ; và việc kính viếng các núi tưởng niệm các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu (vườn Giêtsimani, hang sinh nhật, hang táng xác) …

2. Dạy giáo dân sống đạo qua các bài ca vè tôn giáo

Việc thực hành đạo đức bình dân này còn được thể hiện rõ qua các bài ca vè tôn giáo ngài đã viết ra. Các bài ca vè này là những kinh nguyện, ca vè đọc trong nhà thờ, theo từng mùa Phụng vụ, cũng như các ca vè Công Giáo bình dân đọc tại nhà, nơi ruộng đồng... Các bài ca vè này mang đậm chất giáo lý và những suy tư rút từ Kinh Thánh. Ví dụ, khi viết bài Than Mồ dưới hình thức phúng điếu người quá cố, ngài trình bày cuộc đời Chúa Giêsu cách đơn sơ vắn gọn, dưới hình thức một lời tâm sự về một tình yêu thương được biểu lộ trong đau khổ và trong cái chết. Rồi khởi đi từ việc mô tả cuộc đời Chúa Giêsu, ngài đưa tín hữu vào sâu trong nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa, qua cái chết của Chúa Giêsu mà họ đang suy niệm, than khóc và nhớ thương.

Có thể nói, với bài ca vè Than Mồ này, Cha Trần Lục đã rất khéo léo vận dụng, trình bày chân lý Cứu Độ một cách cụ thể phù hợp với tâm thức con chiên Việt Nam của mình, để mỗi lần nhắc đến bài ca vè này, cả một lịch sử cứu độ của Thiên Chúa lại sống động lên trong tâm trí họ. Ngày nay, ai xưng mình là giáo dân Phát Diệm, thì không thể không biết đến bài ca vè Than Mồ này. Có những người không biết vì lý do nào đó mà mỗi năm chỉ đến nhà thờ được hai lần, thì một trong hai lần đó là họ đi tham dự Ngắm Đứng và nghe Than Mồ.

• Cha Phêrô Trần Lục – Một Công Dân Gương Mẫu

Chúng ta ai cũng biết, ngoài đời sống thiêng liêng kết hiệp với Chúa qua cầu nguyện chiêm niệm, công việc chính yếu của một linh mục là lo mục vụ cho giáo dân. Các công việc ngoài xã hội, tuy không phải là chính yếu đối với bổn phận linh mục, nhưng khi cần thiết, thì ngài cũng tham gia, và thậm chí phải vâng lời để tham gia. Cha Trần Lục là một linh mục đã sống tinh thần này. Không chỉ là một mục tử tốt lành hết lòng lo cho đời sống đạo của giáo dân, Cha Trần Lục còn lo phát triển kinh tế cho cả dân chúng trong vùng nữa. Linh mục Trần Công Hoán, một người sinh ra, lớn lên và đi tu tại Phát Diệm, hít thở trong truyền thống nối tiếp Cha Trần Lục, đã viết về công cuộc cứu dân giúp nước của Cha Trần Lục như sau:

“Khi về nhận xứ Phát Diệm, một nơi bùn lầy, nước mặn chua phèn, dân tình nghèo khổ. Việc khẩn cấp cha phải thi hành ngay là khôi phục sự an ninh. Hồi ấy cướp bóc lung tung, nhà nào hơi có máu mặt, rất có thể là mồi ngon cho bọn cướp. Bàn bạc với quan phủ huyện, ngài lập dân vệ ở mỗi làng, làm điếm canh, hễ nghe dân kêu làng, các làng chung quanh phải đến tiếp ứng, đôi khi chính cha đứng chỉ huy.

…Tiếp tục công trình khai hoang của Cụ Nguyễn Công Trứ, Cha Trần Lục đã huy động nhân dân đắp những con đê nhỏ, đắp thêm đê mới, đào ngòi, xây cống, dựng cầu… cho nên chẳng bao lâu Phát Diệm – Kim Sơn đã trở thành trù phú, đời sống người dân được nâng cao và sung túc”.

Việc lo phát triển kinh tế cho dân luôn là mối bận tâm của Cha Trần Lục, nhưng việc lo cho họ được bình an sinh sống có lẽ còn là mối bận tâm hơn nữa đối với ngài. Chúng ta biết, dù Triều đình Huế đã có sắc chỉ cho giáo dân được tự do giữ đạo (1862), nhưng một số quan lại từ triều đình đến địa phương vẫn còn ghét đạo. Khi nhóm Văn Thân nổi lên làm loạn với chủ trương triệt hạ các làng Công Giáo, thì các quan quân này đã không dẹp, thậm chí còn dung túng. Trước tình hình này, dù không muốn, Cha Trần Lục cũng vẫn phải ghé vai gánh vác trách nhiệm. Chúng ta hãy nghe Cha Trần Công Hoán kể tiếp:

“Khi thấy tình hình tang tóc và đẫm máu, nhất là trong ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, và không thể nào dẹp nổi, quan Kinh lược Nguyễn Hữu Độ đến Phát Diệm gặp cha Sáu kể tình hình, rồi yêu cầu cha nhận chức Tuyên phủ sứ, để cùng với các quan lập lại trật tự và an ninh nhưng cha nhất định không nghe. Thấy vậy, quan mật tâu vào Kinh, xin Vua lấy quyền ép cha phải nhận và phong cha làm Tham Tri, sung Lưỡng quốc khâm sai tuyên phủ sứ, giao hẳn cho ngài quyền trấn an trong ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh. Nhận được tờ mật sớ, Vua liền châu phê: ‘kẻ dùng người hiền thì đáng trọng thưởng, nhà ngươi liệu như vậy thì thậm phải lắm. Việc mà được trôi xuôi là do người hiền biết dụng người hiền. Trẫm đã xét, phải tuân như vậy’”.

Sự việc này xảy ra vào năm 1885. Khi nhận được sắc chỉ của Vua, Cha Trần Lục rất lo lắng bối rối không biết sẽ phải xử trí thế nào, nên ngài đã trình bày sự tình với Đấng Bản quyền lúc bấy giờ là Đức Cha Pugninier (Phước) đang ở Kẻ Sở. Và tại đây, chính Đức Cha Pugninier cũng không thể đưa ra quyết định ngay được, nên đã xin để một đêm cầu nguyện và suy nghĩ. Sáng hôm sau, Đức Cha đã truyền cho ngài đi thi hành nhiệm vụ với điều kiện là phải thực hiện trong thời gian càng ngắn càng tốt.

Theo tác giả Vũ Huy Bá, “Nhờ sự hỗ trợ thiêng liêng là cầu nguyện và với tài trí thiên phú, Cụ Sáu đã làm cho Lương – Giáo hiểu nhau, sống hòa hoãn trong an cư lạc nghiệp và phe đảng Văn thân phải sợ uy danh mà phần đông ra đầu thú, chỉ còn một ít lẩn lút vào rừng. Từ đó danh tiếng Cụ Sáu ngày một lên cao, nên đã nảy sinh ra sự đố kỵ, ghen tương nơi các quan cả Pháp lẫn Việt. Đức Cha Pugninier theo dõi sát công việc của Cụ Sáu và thấy rõ tình thế đó, ngài liền khuyên Cụ Sáu từ nhiệm sau ba mươi lăm ngày hoạt động”.

Sự kiện này cũng đã được chính Cha Trần Lục ghi lại trong Tự Tình của ngài như sau:

Tấm lòng vì nước vì dân.

Lo vui Lương-Giáo đồng nhân bao nài.

Ép mình vâng lệnh Khâm sai,

Song bề giảng giáo khôn nguôi lòng mình.

• Cha Phêrô Trần Lục – Một Nhà Tri Thức Uyên Thâm

Không chỉ là một mục tử nhiệt thành, một công dân gương mẫu, Cha Trần Lục còn là một nhà tri thức uyên thâm hiếm có. Dù sống trong một giai đoạn lịch sử mà vai trò của các linh mục Công Giáo “annamites” không được nhìn nhận đúng mức, thì Cha Trần Lục vẫn được báo chí và chính khách cùng thời nhận định đánh giá rất cao. Chúng tôi xin trưng dẫn một vài nhận định ở đây để làm ví dụ:

Thống chế Hàn lâm Viện sĩ Lyautey, trong Lettres du Tonkin et de Madagaskar, đã viết: “Ở Phát Diệm có Cụ Sáu, một linh mục quả cảm, gương mẫu và luôn khát vọng hoàn thành từ việc nhỏ đến việc lớn. Sinh ra, Cụ có thiên tài về kịch nghệ và văn thơ. Cuộc đời Cụ nổi tiếng từ khi là thày Sáu tại trại lao giáo Lạng Sơn. Từ khi làm chính xứ Phát Diệm chỉ biết phục vụ Giáo Hội và dân nghèo”.

Tác giả Thiện Đình, trong tác phẩm Nguyễn Tựu Tiên Sinh Truyện, khi đề cập đến nhân vật Cụ Sáu, cũng đã viết: “Ông Trần Lục sống cùng thời với ông Nguyễn Trường Tộ … Ông Trần Lục chuyên về học thuật và việc giảng đạo. Sau Triều đình có trao cho chức Nguyên phủ sứ và sắc cho lá cờ ‘tiền thanh tra hậu giảng đạo’… Ông Trần Lục là người có kiến thức”. Chúng ta sẽ bàn đến lãnh vực tri thức của Cha Trần Lục theo hai khía cạnh sau:

• Kiến Trúc Sư Tài Giỏi

Để nói về công trình kiến trúc tài khéo của Cha Trần Lục, không ai có thể diễn tả xuất sắc hơn Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), vị Giám mục Việt Nam tiên khởi và cũng là Giám mục Phát Diệm chỉ mấy chục năm sau khi Cha Trần Lục qua đời. Đức Cha đã mô tả công trình này trong bài Diễn Văn của ngài về Cha Trần Lục, được đăng trên báo L’Avenir du Tonkin, số ngày 29/9/1938, như sau:

“Nhà thờ Chính toà [Phát Diệm] có hình ảnh trong hàng trăm quyển tạp chí các nước, các nhà mỹ thuật trứ danh nhất các nước cũng đều công nhận, hoan nghênh và tán dương sự khéo léo, khiếu thẩm mỹ và cái tài tuyệt xảo trong nền mỹ thuật của nước ta, cùng khâm phục tính kiên nhẫn lạ lùng của chúng ta trong sự cố gắng làm cho thành những công việc khổng lồ, đang khi chỉ có những phương kế thô lậu đơn sơ.

Ta hãy tưởng tượng đến nguyên một cái công phu chở những khúc gỗ nặng tới 10 tấn, tức là một vạn cân một khúc, qua hơn 200 cây số; những tảng đá có nhiều tảng đến 7 thước khối, cạy ở trên núi đem về Phát Diệm trên con đường xa 30 cây số; những phiến đá hoa nặng 6, 7 tấn, không có máy trục mà cũng kích lên cao được tới 5, 10 và 12 thước.

Các ngài hãy đến ngắm nghía cái công trình của những người thợ kiên nhẫn ở khắp các nơi trong xứ Bắc kỳ, đã đến Phát Diệm mà đục chạm, đánh bóng, cùng tô điểm những cái cột khổng lồ kia, những tấm đá hoa đủ các màu kia. Các ngài hãy đến Phát Diệm mà xem người ta đã dùng cách gì mà làm được cho đất phù sa nên chắc nịch, nhờ đóng xuống đấy một rừng tre sâu tới 30 thước. Các ngài hãy vào trong nhà thờ chính toà Phát Diệm mà ngắm 52 cái cột bằng gỗ lim, chu vi mỗi cái 2 thước 4 tấc, thân cao 12 thước; các ngài hãy ngắm cả ‘cái bàn thờ chính đục nổi chạm bóng mà sơn son thếp vàng chói lọi có lẽ khắp hoàn cầu, không có những nhà thờ nào rực rỡ như những nhà thờ ở Phát Diệm, trùng trùng điệp điệp những bức cuốn, càng vào trong càng lộng lẫy’ (Yvonne Schultz, tạp chí Illustration ngày 9 Novembre 1929).

Không thể dùng lời nói mà diễn lại được hết cái công nghiệp của Cụ Sáu là một nhà kiến trúc, một nhà công tác, một nhà điêu khắc, một người huy động hàng trăm thợ thuyền làm việc dưới quyền mình. Những cảnh diễn lại sự tích trong Kinh Thánh, đều có bóng lá sen, cây cau, cây chuối che phủ, và ở trên lại có mấy pho tượng thiên thần, trông hình như nhà bày cảnh muốn đem cái tâm hồn nước Nam thu vào một cảnh con con tươi đẹp ấy để dâng lên đấng Chí Tôn ngự nơi cửu trùng vậy.

Danh tiếng Cụ Sáu một ngày một vang lừng đồn dậy vì những công trình vĩ đại như thế. Đến Hoàng đế Tự Đức bây giờ cũng tỏ lòng yêu mến Cụ. Trên những kim khánh của nhà vua gửi thưởng cho Cụ, có khắc những câu như sau này: ‘Lời nói của Cụ làm cho ai nấy tín nhiệm. Cụ làm cho khắp chốn được thái bình. Cụ là người tài giỏi biết giáo dục dân chúng và đem hạnh phúc cho họ. Cụ là người ngay thẳng có một’”.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây những dấu mốc lịch sử các công trình đồ sộ trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm mà Cha Trần Lục đã lần lượt xây cất:

Năm 1875: xây Núi Táng Xác vừa để tạo cảnh quan, nhưng quan trọng hơn là nhằm mục đích thử độ lún của đất bồi. Núi này từ năm 1954 được đổi tên thành Núi Sinh Nhật.

Năm 1883: xây nhà nguyện Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Nhà nguyện này hầu như hoàn toàn bằng đá và được coi là viên ngọc trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm.

Năm 1888: xây nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa.

Năm 1891: dựng Nhà thờ Lớn dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Đây là công trình quan trọng nhất, cũng là công trình đòi hỏi nhiều nhân tài vật lực nhất, khởi công từ năm 1875.

Năm 1895: xây nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô. Năm 1923, nhà nguyện này được đổi tên thành nhà nguyện kính thánh Rôcô.

Năm 1896: xây ba công trình: Vườn Giêtsimani, từ năm 1925 đổi thành núi Lộ Đức; nhà nguyện kính thánh Phêrô; và nhà nguyện kính thánh Giuse.

Năm 1898: xây Hang Bêlem, sau này đổi tên thành Núi Sọ.

Năm 1899: xây Phương Đình. Đây là công trình sau cùng, và theo ý kiến của nhiều người, là công trình tinh tế nhất và đẹp nhất trong quần thể nhà thờ Phát Diệm.

Trong những thập niên gần đây, người Công Giáo chúng ta nói nhiều về Hội nhập văn hóa trong Truyền giáo. Đây là kết quả của tiến trình đổi mới suy tư thần học trong Công đồng Vatican II (1962-1965). Đối với nhiều người Công Giáo Việt Nam hiện tại, việc hội nhập văn hóa trong công tác truyền giáo xem ra vẫn còn mới mẻ lạ lẫm, thì cách đây hơn một trăm năm, Cha Trần Lục đã đi tiên phong và đã thành công trong việc hội nhập này. Ngày nay, không một người Công Giáo nào khi chiêm ngắm quần thể nhà thờ Phát Diệm, lại không công nhận đây là một công trình hội nhập văn hóa vào Tin Mừng. Nói cách khác: qua công trình kiến trúc nhà thờ Phát Diệm này, Cha Trần Lục đã đưa Tin Mừng vào văn hóa Việt Nam.

Tác giả Kim Ân (cha Trần Minh Thực), khi giới thiệu quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm cho khách thập phương, đã khẳng định “Cả quần thể [Phát Diệm] này như một tiếng nói sống động phản ánh tâm thức người Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, trong bài viết “Trần Lục: Hai Sứ Điệp Trên Đá”, đã đưa ra những lời nhận xét thật chí lý về Cha Trần Lục: “Cụ giữ vững tinh thần dân tộc và tìm được ở đó những hướng dẫn công trình xây dựng của Cụ”; và về quần thể kiến trúc: “Du khách đến Phát Diệm, chiêm ngưỡng kỳ công kiến trúc của Cụ Sáu, nếu lòng biết hỏi lòng, tất sẽ rạo rực lên trước cái tinh tuý hiển hiện của tinh thần Việt Nam, cái hào khí của dân tộc Việt Nam như quyện lấy cái linh thiêng của tôn giáo nơi đây”.

Nhưng tâm đắc nhất vẫn là lời nhận xét của tác giả Trần Cao Tường về công trình hội nhập văn hóa của Cha Trần Lục: “Công trình Việt hóa Đạo Chúa của Cụ Sáu Trần Lục quả là tài tình và sâu sắc. Không như một hoa hòe hoa sói hay do tự ái dân tộc, mà phát xuất từ một bắt buộc, vì muốn đạo Chúa thấm vào trong mạch máu và rung được trong tế bào người Việt… Cũng chỉ có một con đường thôi. Đó là khi đạo thể hiện mang thịt mang xương. Ngôi Lời đã mang thịt xương làm người. Đạo đã mang thịt xương Do thái. Đạo đã mang thịt xương Hy lạp. Đạo đã mang thịt xương Rô ma. Đạo đã mang thịt xương văn hóa Âu Mỹ. Thì nay, với công trình Cụ Sáu Trần Lục, đạo đang mang thịt xương Việt để cắm lều giữa lòng văn hóa dân Việt mà mang đến Tin Mừng cứu độ”.

• Nhà Văn, Nhà Thơ Công Giáo Được Ưa Chuộng

Ngoài biệt tài kiến thiết quần thể Nhà thờ Phát Diệm, Cha Trần Lục còn là một nhà văn, nhà thơ Công Giáo rất được mến mộ. Như đã đề cập ở trên, Cha đã sáng tác rất nhiều kinh nguyện, ca vè đọc trong nhà thờ, theo từng mùa Phụng vụ, cũng như các ca vè Công Giáo bình dân đọc tại nhà, nơi ruộng đồng... Các bài ca vè này mang đậm chất giáo lý, nhưng cũng đầy hồn thơ, tính triết lý và những hình ảnh gần gũi thân thương phản ánh văn hóa lối sống của người dân Việt bình dân.

Trong số các tác phẩm Cha Trần Lục còn để lại cho hậu thế, chúng ta phải kể đến khoảng sáu nghìn câu thơ vừa lục bát, vừa song thất lục bát, và thơ bốn chữ. Tất cả được gộp lại trong Sách Thuật Lại Ít Nhiều Ca Vè Cụ Sáu do nhà Thiện Bản Ninh Bình ấn hành năm 1911, tái bản năm 1914 và 1920, gồm bốn cuốn:

Cuốn I viết về thánh Gioakim, thánh nữ Anna và Đức Mẹ Maria.

Cuốn II viết về Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.

Cuốn III viết về sự tích nhà thờ Trái Tim ở Phát Diệm và hạnh tích một số vị hiển thánh.

Cuốn IV chuyên chú về giáo dục, gồm ba tác phẩm:

• Hiếu Tự Ca (1088 câu): nói về chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ tổ tiên.

• Nữ Tắc Thường Lễ (1016 câu): Dựa theo đạo tam tòng (phụ, phu, tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), để đưa ra những nguyên tắc ứng xử thông thường cho các thanh thiếu nữ để trở thành người đạo hạnh (thảo kính cha mẹ, lo liệu công việc nhà, giao tiếp ngoài xã hội, dáng điệu đi đứng, cử chỉ khi ngồi, lời ăn tiếng nói, cách thức trang phục và trau dồi nghề nghiệp).

• Nịch Ái Vong Ân (440 câu): Đây là những chỉ dẫn dành cho thanh niên (cách đối xử với vợ, với cha mẹ hai bên: chớ chìm đắm trong tình ái mà quên ơn nghĩa sinh thành).

Phải nói cách công tâm rằng: Các bài ca vè của Cha Trần Lục đúng thật là “ca vè”, chứ chưa thể gọi là những áng thơ chuyên nghiệp được, vì lời văn của các bài vè này còn rất thô sơ mộc mạc đúng chất ca vè. Nhưng chính cái đơn sơ mộc mạc này lại làm thành cái rất đặc biệt, rất riêng của Cha, trong vai trò một mục tử nhân lành luôn quan tâm chăm sóc từng li từng tí cho con chiên, không chỉ về đời sống đạo, nhưng cả về đời sống nhân bản nữa. Ví dụ: Trong tác phẩm Nữ Tắc Thường Lễ, Cha đưa ra tám điều dạy nhân bản cho các thanh thiếu nữ, giúp họ biết cách ứng xử sao cho phải đạo đối với cha mẹ, hay biết làm những việc “nữ công gia chánh”. Có một điều thú vị là, khi ngài đã dạy điều gì, thì ngài dạy một cách rất chi tiết từng li từng tí. Có lẽ trong văn học dân gian Việt Nam, chưa có tác phẩm gia huấn ca nào khi bàn đến “cách ngồi” của nữ nhi, lại bàn chi tiết như chúng ta thấy trong Nữ Tắc Thường Lễ:

Thứ năm ta nói đến điều:

Nữ nhi thật nhiều đứa ngồi dở dang

Ngồi đừng ngồi như chão chàng

Cũng đừng ngồi xổm mà càng khó coi.

Ngồi cho đĩnh đạc hẳn hoi

Chớ đừng ngồi xổm kéo người nhỡ ra.

Ngồi đừng chân duỗi chân co.

Ngồi đừng lâng láo như trò trẻ con.

Ngồi đừng hai gối bó tròn.

Ngồi đừng xoay xở trông nom người ngoài.

Ngồi đừng chân duỗi cả hai

Cũng có người ngồi chân bỏ đưa đu.

Đừng ngồi chồm chỗm bao giờ.

Đừng ngồi chống nạnh thế mà không xong.

Đừng ngồi bậc cửa mà trông.

Đừng ngồi mà lấy tay nâng đỡ cằm.

Đừng ngồi mặt mũi sa sầm

Như buồn như giận mà căm chuyện gì.

Ngồi đừng có ngảnh mặt đi

Ra như kiêu hãnh vậy thì khó coi.

Ngồi đừng vác mặt trông giời

Vác mặt như thế là người kiêu căng.

Ngồi đừng trông vách như rằng

Không thèm nói chuyện lằng xằng dơ tai.

Ngồi đừng ngáp ợ vươn vai

Vặn mình bẻ đốt ngón tay làm gì.

Ngồi đừng vo tay làm chi

Cũng có khi thì vạch đất mà chơi.

Khi ngồi quần áo hẳn hoi

Ở cho nhiệm nhặt, lôi thôi thì đừng.

Khi ngồi đừng có quay lưng

Những điều thể ấy thì đừng, chừa đi.

Nghe rằng cũng có nữ nhi

Vắt chân chữ ngũ phỏng thì không không.

Ngồi đừng ngồi vuối đàn ông

Phải giữ cho lắm ra công mới hòng.

Điều này nhi nữ làm lòng

Đừng ngồi kề gác không xong đâu mà.

Vách cột cũng phải tránh ra

Ngồi nấp vách cột ấy là người ngu.

Ngồi đừng dựa dẫm người ta.

Ngồi đừng trò chuyện đàn bà đàn ông.

Ngồi đừng ngồi ngã vào lòng,

Hay ngồi gục xuống bên hông người nào…

Có lẽ cũng chính vì cái chất đơn sơ mộc mạc và rất chi tiết cụ thể trong các bài ca vè của Cha, mà nó đã đi sâu được vào lòng những người thôn quê bình dân hầu như không được học hành. Và vì nó đi vào lòng người, nên nó trở thành có giá trị và được mến chuộng. Thực ra, những tác phẩm này của Cha Phêrô Trần Lục không chỉ được mến chuộng nơi những người nhà quê, nhưng nó còn được mến chuộc không kém nơi nhiều nhà tri thức nho giáo, và các quan lại triều đình đương thời.

Kết Luận:

Chỉ vài nét phác họa rất nhanh về cuộc đời và sự nghiệp của Cha Phêrô Trần Lục cũng đủ để chúng ta nhận ra nơi ngài mẫu gương tuyệt vời của một mục tử nhiệt thành, một công dân gương mẫu, và một tri thức lỗi lạc. Ngày nay cha Phêrô Trần Lục đã trở thành người thiên cổ, nhưng di hài của Cha vẫn còn đây giữa khuôn viên quần thể kiến trúc lịch sử của Cha; tinh thần của Cha vẫn còn sống động nơi trăm ngàn con tim của giáo dân Phát Diệm xa gần.

Giờ đây chúng ta có thể nói được điều gì về Cha? Nếu còn ngại ngùng, thì chúng ta hãy để Vua Đồng Khánh nói thay cho chúng ta. Trong sắc phong cho Cha Trần Lục chức Nam Tước phẩm Thượng Thư vào năm 1925, Đức Vua đã viết: “Trẫm nhớ Ông Trần Lục, một linh mục hưu, đã mất: vị anh tài của nước, cựu thần của tiền triều, bậc cứu thế độ dân, theo đạo mầu La mã. Lòng trong sạch, học lực cao sâu, ví được như Nguyên Long, biết cơ sáng tối, biết lẽ cương mềm, lừng tiếng hơn người trong và ngoài nước. Nên ra nên ẩn, nên nói nên không, đạo biến ông thảy đều xuôi xắn. Tuần duyên đâu, dân thảy đều được an lạc, như Phục Hâm xưa giữ cõi Bình Nguyên, trấn thủ đâu, hạng lang yêu phải tuyệt hết, cũng như thể Thể Thích vững được Trấn Áp nhờ bức thành dài. Muốn được thịnh dân giầu, ông chú vào những kế sâu xa: khẩn điền lập ấp, lại biệt tài về cách kinh doanh, bể một góc mà ông mưu thành nên nơi dân đông đúc, nửa Ninh Bình…”

Để kết luận, chúng tôi xin mượn lời thơ của Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài, đã ngẫu hứng viết ra trong một lần về thăm Phát Diệm (năm 1928). Những vần thơ này đã được khắc bên nấm mộ của Cha Trần Lục, để nó sẽ được theo Cha sống mãi trong cõi đời đời:

Trước mồ, đứng sững, lụy châu rơi;

Phảng phất thần tình, thấy rạng Người.

Đạo đức thơm lừng, năm cõi đất;

Công danh sáng dậy, một phương trời.

Thánh đường, rường cột, cây không hủ;

Cửu tháp tầng thành đá chẳng rời.

Khoát sắt, thơ son, truyền sự nghiệp.

Trung trinh hai chữ để gương đời.

Phát Diệm, 22.06.2013
 
Văn Hóa
Hành hương về Đại hội Thánh Mẫu tại Dòng Đồng Công Missouri
Tuyết Mai
09:38 17/07/2013
Thời gian thấm thoát đi nhanh chẳng còn bao tuần nữa là Nhà Mẹ Đồng Đông ở Missouri lại đông đảo con cái Mẹ khắp nơi trên toàn nước Mỹ tụ về; chung vui với Mẹ trong ba ngày cuối tuần ngắn ngủi. Nhưng bảo đảm tất cả con cái của Mẹ sẽ vô cùng vui và hạnh phúc vì nơi hiện trường thì không bao giờ ngớt bóng người qua lại, lại qua. Nhất là sự chào hỏi cười cười nói nói huyên thuyên của mọi người trao cho nhau.

Cảnh nhộn nhịp người với người không khác nào không khí tưng bừng của một Hội Chợ lớn mà mọi người ở khắp mọi tiểu bang đổ về. Về đêm thì có văn nghệ sẽ không ngớt tiếng hát ca và tiếng nhạc của bao nhiêu ca nhạc sĩ có tiếng quy tụ về một nhà như Nhà Hát Lớn …. Tha hồ mà ca hát, cùng nhau nhảy múa, thưởng thức, hưởng nếm và là dịp cho nhiều người gặp gỡ những ca sĩ mà họ có lòng mến mộ.

Vâng, đó là phần vui chơi giải trí với ca nhạc sĩ thưa còn những hàng quán bày bán la liệt, cùng các quán ăn, quán nước vào ban ngày thì sao? Thưa thì cũng vui lắm chứ sao nữa!. Tiện thể nhắc anh chị em nhớ đem theo nhiều nhiều tiền hơn nhé vì đây là dịp cho cả gia đình vui chơi trong ngày nghỉ hè cách rất lành mạnh và đạo đức. Người già và người lớn tuổi thì tha hồ mà được nghe những buổi tĩnh tâm hữu ích. Còn người trẻ thì cũng có những buổi tĩnh tâm do các cha trẻ đảm trách, chuyên về giới trẻ sẽ cống hiến cho các em những buổi giảng thuyết rất bổ ích và tràn đấy tiếng hỏi, tiếng cười vui nhộn.

Ai những năm trước không có cơ hội để đi thì năm nay ban tổ chức mời tất cả anh chị em nếu có thể thì hãy cố gắng đi một lần cho biết là Nhà Mẹ Đồng Công vui lắm! Vui thật là vui, không nên bỏ qua!. Sự cảm nhận này thưa ai cũng có thể tưởng tượng ra cho được như gia đình mà người Mẹ có rất đông con. Hằng năm các con chúng lợi dụng thời gian mà các con các cháu chúng nghỉ hè để tất cả đến Nhà Mẹ mà quây quần chơi chung với nhau. Là dịp để tất cả ai ở xa tề tựu về và có thời gian sống chung vui vẻ với nhau. Còn niềm vui nào hơn là Nhà của Mẹ thưa có phải?. Này nhé có biết bao nhiêu điều cần phải được chia sẻ chứ hình ảnh làm sao nói hết cho được??.

Vui nhất vẫn là nhìn ngắm những chiếc áo Lễ của toàn thể các cha được sắp xếp ngồi chung với nhau. Thật là đẹp vô cùng! Trông xa thì các ngài giống y như những con Phượng Hoàng với chiếc áo tung bay lượn lờ trong gió. Quả thật trong ba ngày ngắn ngủi ấy hình như trái tim của hết thảy con cái Mẹ chúng đánh nhịp gấp đôi, gấp ba lần bình thường thì phải!. Anh chị em có thể tưởng tượng xem trong ba ngày ấy chẳng ai là muốn ngủ và muốn phí thời giờ cả!. Vì một năm Nhà Mẹ Đồng Công mới tổ chức một lần mà.

Ai đến Nhà Mẹ thiết tưởng không ai mà không thoải mái hết mình. Quả thật không ai đến đó mà còn có mối lắng lo hay buồn phiền trong lòng mà không thả cho bay hết những gì chất chứa trong lòng. Đến để cảm nhận hạnh phúc vô cùng ấy. Y như ta được đến Đất Thánh vậy!. Mọi sự tốt lành ngay cả trong không khí và trong hơi thở cũng rất tinh khiết và trong lành.

Vâng, hãy đến Nhà Mẹ mà xem tất cả mọi người đều đổ về Nhà Mẹ đông không thể tưởng từ người có đạo cũng như người không có đạo ….

Anh chị em đi đâu đông thế?
Anh chị em đi đâu vui thế?

Thưa đi về dự Ngày Đại Hội Thánh Mẫu là Nhà Mẹ Đồng Công chứ đi đâu vui hơn là Nhà của Mẹ nữa đây???.
 
Giờ của bệnh tật
Dương Kim Hằng
09:41 17/07/2013
Thỉnh thoảng mình cảm thấy cơ thể suy nhược và rất yếu... Có thể đó là thời khắc mà bệnh tật để phát sinh....Do tạo hóa, thời tiết và những ngày trong năm...

Vào một số khoảng thời gian, thể trạng con người đặc biệt yếu, dễ bị “đánh gục” bởi mầm bệnh hoặc bệnh tái phát. Chuyên gia giải thích mối liên quan giữa quy luật thời gian và biến hóa của sức khỏe.

*Một ngày

Một ngày có hai giờ “ma quỷ”. Từ 6-9h sáng, các bệnh về tim mạch và não như thiếu máu cơ tim, co thắt ngực, loạn nhịp tim, tai biến... thường phát sinh. Tổ chức Y tế thế giới điều tra 4.769 người bệnh tử vong vì nhồi máu cơ tim, trong đó 28% phát bệnh từ 6-10h sáng. Người già và người mắc bệnh tim mạch sau khi dậy sớm nên tránh đột ngột ra khỏi nhà hoặc mở cửa sổ ngay, có thể vận động nhẹ nhàng trong phòng để lưu thông máu, để cơ thể quen với thời tiết giữa bên ngoài và trong phòng. Thời gian nguy hiểm cho sức khỏe tiếp theo là, sau chập tối, lúc này tỷ lệ phát tác của bệnh tim lại tăng lên. Nếu uống rượu khoảng 7h tối, thì sẽ cần nhiều thời gian để gan bài tiết rượu, so với các thời điểm khác trong ngày. Do đó, khoảng 7h tối uống rượu sẽ khiến gan dễ bị tổn hại, và người uống dễ bị say hơn. Sức sống của con người về đêm là rất thấp, huyết áp, thân nhiệt, hô hấp, nhịp mạch đều chậm dần, tuần hoàn máu cũng chậm theo, nồng độ hormone xuống thấp, cơ bắp giãn, phản ứng chậm chạp. Vì thế, cần hạn chế làm việc thâu đêm và thời điểm cuối ngày cần để cơ thể nghỉ ngơi, tránh căng thẳng...

*Một tuần

Các nhà khoa học Đức và Phần Lan phát hiện, vào thứ hai, số người bị đột quỵ cao nhất trong tuần và nguy cơ tử vong cũng cao hơn ngày thường 40%. Do đó, các chuyên gia sức khỏe Đức đã gọi thứ hai là ngày thứ hai đen. Điều này liên quan tới đồng hồ sinh học trong một tuần của cơ thể. Thứ hai thường được coi là ngày khởi đầu một tuần làm việc, học tập, nên khá nhiều người thấy căng thẳng khi đến ngày này, đặc biệt lại sau hai ngày cuối tuần được thư giãn. Đây cũng là ngày các căn bệnh dễ phát sinh và trầm trọng.

*Một tháng

Sau và trước ngày trăng tròn trong một tháng là thời điểm thể trạng con người dễ yếu, điều này liên quan đến khí tượng thiên văn. Sự lên xuống của thuỷ triều liên quan đến sức hút Mặt trăng, lực hút này cũng tác động đến lượng máu trong cơ thể của con người, khiến áp lực của dòng máu trong mạch giảm xuống, dẫn đến áp lực trong và ngoài thành mạch chênh lệch, khi sự chênh lệch này lớn sẽ dễ dẫn đến các bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não.

*Một năm

Mỗi năm có hai thời điểm dễ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đó là tháng cực lạnh hay cực nóng. Những năm có mùa đông với nhiều đợt lạnh kéo dài, số bệnh nhân nội trú tại viện tăng cao, tỷ lệ tử vong cũng tăng. Thời tiết lạnh sâu thường khiến sức đề kháng giảm, tinh thần dễ trầm cảm, trao đổi chất chậm. Thời tiết nắng nóng kéo dài lại dễ gây các bệnh lý tiêu hóa, tim mạch (trời nóng dễ mất nước, không bù đủ nước, máu có thể bị cô đặc lại tăng gánh nặng cho tim và dòng máu khó lưu thông).

Bí quyết Sống Vui Hạnh Phúc.

Nhiều tiền ít tiền , không phung phí là được
Ai phải , ai sai , mình không sai là được
Biết ít biết nhiều , làm xong việc là được
Người già người trẻ , mạnh khỏe là được
Người giàu người nghèo , hoà Thuận là được
Ông xã về sớm về trễ, miễn về là được ,
Bà xã cho ăn cơm , cơm nóng cơm nguội có ăn là được
Người xấu người đẹp , có duyên là được
Nhà lớn nhà nhỏ , ấm no là được
Sung túc hay nghèo nàn , bình an là được
Xe mới xe cũ , chạy là được
Và......phải nhớ rằng ...
Vui cười không mệt , buồn phiền mới mệt
Yêu thương không mệt , ghen ghét mới mệt
Chân thật không mệt , gian dối mới mệt
Tương ái không mệt , tương tàn mới mệt
Rộng rãi không mệt , ích kỷ mới mệt
Khoan dung không mệt , khó khăn mới mệt
Khiêm nhường không mệt, khoe khoang mới mệt
Mỉm cười không mệt, tức giận mới mệt,
Đơn thuần không mệt, phức tạp mới mệt
Tương tư không mệt, đơn phương mới mệt
Chung tình không mệt, Đa tình mới mệt
Tình bằng hữu không mệt, tư tình mới mệt
Chân thành không mệt,giả dối mới mệt
Được mất không mệt, tính toán mới mệt
Thể chất mệt không phải mệt,tâm can mệt mới mệt
Đọc những điều này không mệt , thực hành mới mệt.
 
Mấy vần thơ kính các thánh tử đạo Việt Nam
Lê Đình Thông
10:24 17/07/2013
Họa phẩm Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo
(Saint André Dũng Lạc et ses sompagnos martyrs)

Mấy vần thơ kính các thánh tử đạo Việt Nam, nhân Đại hội Hành hương
các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Lộ Đức từ ngày 02 đến 04/08/2013.

SỐNG

Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai ?
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh, không tưởng nước
Sống lo phú quý, chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời.


Chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940)

Họa nguyên vận :

Đời ta sống chết có ông trời
Kiếp sống trăm năm chẳng mấy ai ?
Sống cho ra sống đừng buồn tủi
Lên voi xuống chó vẫn tươi cười
Tiền nhân chịu chết vì đạo Chúa
Chứng tá tin yêu suốt một đời
Một lòng theo Chúa đừng run sợ
Đời ta sống chết có ông trời.

Lê Đình Thông cẩn bút


CHẾT

Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.

Chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940)


Họa nguyện vận :

Kính tặng LM Bùi Thượng Lưu, Giám đốc Nguyệt san
Dân Chúa Âu Châu, để ghi nhớ Đại hội Hành hương
Ultreya tại Lisieux từ 05 đến 07/07/2013.


Cái chết anh hùng của thứ dân
Làm chứng đức tin giữa thế trần
Ba hồi trống giục hồn lìa xác
Một lưỡi gươm đưa xác cắt phân
Chết mà tin tưởng hồn thành thánh
Coi nhẹ tử sinh phách hóa thần
Ngàn thu Giáo Hội còn ghi nhớ
Cái chết anh hùng của thứ dân.

Lê Đình Thông cẩn bút
(Paris, ngày 17/07/2013)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Về
Nguyễn Trung Tây, Lm (SVD)
21:20 17/07/2013
CHIỀU VỀ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây, Lm. (SVD)
Chiều về, biển lặng, sóng yên.
Hồn nghiêng nghiêng bóng, nghỉ yên trong Ngài.
(NTT)