Ngày 17-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kinh nghiệm hội nhập văn hóa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
08:36 17/07/2008
KINH NGHIỆM HỘI NHẬP VĂN HÓA

Cha Paul Moses, người Ấn Độ, thuộc dòng Cát-Minh Đức Bà Vô Nhiễm. Trong vòng 10 năm, Cha làm việc thừa sai tại miền Bắc Ấn Độ. Sau đó, Bề trên chỉ định Cha sang truyền giáo tại Madagascar. Nhờ kinh nghiệm mục vụ tại Ấn, Cha đem hết khả năng để thông truyền Đức Tin Công Giáo cho người dân, bằng cách hội nhập Tin Mừng Đức Chúa GIÊSU KITÔ vào nền văn hóa Madagascar. Xin nhường lời cho Cha Paul Moses.

Thật là cuộc gặp gỡ tuyệt vời với một nền văn hóa mới, một nền lương tâm thành hình bởi linh thiêng, tập quán và tục ngữ. Đặc biệt, người ta ghi nhận tầm quan trọng chỗ đứng của tổ tiên trong đời sống thường nhật của người dân Madagascar. Họ bảo tồn phong tục và coi việc thờ kính tổ tiên là một nhiệm vụ thánh thiêng. Đó là lý do chính, khiến cho hai bộ tộc ở vùng Menabe quyết liệt từ chối gia nhập Kitô Giáo trong vòng mấy năm trời.

Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc ghi đậm nét thờ kính tổ tiên là một thách đố lớn lao đối với tôi. Vì thế, tôi tìm mọi cách để đưa việc thờ kính tổ tiên và các tập quán cổ truyền vào trong Phụng Vụ Công Giáo cũng như trong việc dạy giáo lý. Để thực hiện công trình mục vụ này, tôi lắng nghe, ghi nhận và quan sát mọi việc xảy ra chung quanh.

Một ngày, tôi đi đến một làng cách xa giáo xứ 28 cây số để cử hành bí tích Rửa Tội cho 21 người lớn. Chúng tôi đi bộ xuyên qua cánh rừng cùng với một nhóm giáo dân và người trẻ. Tôi để ý thấy có mấy cái vỏ sò để dưới một cây me. Cây me là loại cây linh thiêng đối với người Madagascar thuộc bộ tộc Sakalava. Tôi hỏi cho biết lý do. Một giáo lý viên giải thích:

- Người dân bộ lạc Sakalava có thói quen cầu xin tổ tiên phù hộ để có con cái. Họ đổ rượu vào các vỏ sò rồi vừa dâng cúng vừa khấn vái tổ tiên.

Nhờ ơn Chúa soi sáng, tôi lượm một trong các vỏ sò này rồi bỏ vào túi. Đến nơi, khi cử hành bí tích Rửa Tội, tôi đổ đầy Nước Thánh vào vỏ sò rồi dội Nước Thánh trên đầu người chịu phép Rửa Tội. Trước đó, tôi giải thích cho mọi người hiện diện hiểu rằng:

- Với tư cách Linh Mục Công Giáo, tôi cầu xin THIÊN CHÚA ban cho quí vị có thật nhiều con cái để phụng thờ THIÊN CHÚA và phục vụ Giáo Hội Ngài.

Khi buổi cử hành chấm dứt, tôi ngạc nhiên biết bao khi thấy xuất hiện trước cửa nhà thờ, ông xã trưởng của làng cùng với ông phù thủy. Cả hai nói với tôi:

- Giáo Hội Công Giáo kính trọng các tập quán của tổ tiên. Sự kiện này minh chứng Giáo Hội Công Giáo không xa lạ đối với chúng tôi!

Tôi để ý thấy ở giữa các làng mạc bộ tộc Sakalava thường có cắm các thanh gỗ đầu nhọn hướng về trời. Một lần, trong dịp viếng thăm các gia đình, các bô lão chỉ cho tôi thấy các thanh gỗ này và nói với giọng kính cẩn:

- Đây là kỷ niệm ngày chúng con được cắt bì gia nhập bộ tộc.

Vào dịp cử hành bí tích Thêm Sức đầu tiên trong bộ tộc Sakalava, tôi xin các giáo lý viên chuẩn bị một thanh gỗ cứng với đầu nhọn. Sau nghi lễ Thêm Sức, Đức Giám Mục làm phép thanh gỗ. Đức Giám Mục cũng đặt trên thanh gỗ 3 vật thánh. Đó là: Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ và hai ảnh vảy Đức Bà MARIA và thánh Phaolo, bổn mạng giáo xứ. Các người vừa lãnh nhận bí tích Thêm Sức rước thanh gỗ với 3 ảnh thánh về dựng ở giữa làng. Đây là dấu chứng kỷ niệm ngày các tín hữu thuộc bộ tộc Sakalava chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Lòng tôn kính tổ tiên là một điểm son trong cuộc sống người dân Madagascar thuộc bộ tộc Sakalava. Trước khi làm bất cứ điều gì, họ đều dò ý tổ tiên. Trong công việc trồng trọt đồng áng, họ cũng theo phương thức cổ truyền của tổ tiên. Khi sống, họ liên kết chặt chẽ với tổ tiên thì khi chết, họ cũng muốn sum họp với tổ tiên. Nghĩa là, mỗi gia đình có một phần mộ riêng. Biết rõ tầm quan trọng này, tôi luôn qui chiếu về tổ tiên trong chương trình mục vụ rao giảng Tin Mừng cho người dân Madagascar.

Tôi bàn thảo với cộng đoàn giáo dân trong xứ đạo hầu giải quyết vấn đề an táng các tín hữu Công Giáo quá cố. Xứ đạo chưa có nghĩa trang chung. Vì thế, cần phải thành lập ngay một nghĩa trang. Sau nhiều buổi hội họp và kiên nhẫn giải thích, mọi người đồng ý chọn một địa điểm làm nghĩa trang cho toàn xứ đạo. Thật là một thành công lớn lao!

... ”Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đavít, bịt kín các lỗ hổng của tường thành, tái thiết những gì đã tan hoang, xây dựng nó như những ngày xưa cũ; để chúng được chiếm hữu số sót của của Êđôm và của tất cả các dân tộc đã được mang danh Ta. Này đây sắp đến những ngày thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy. Ta sẽ đổi vận mạng của Israel dân Ta: chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó; chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác. Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở, và chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng - Đức Chúa là THIÊN CHÚA của ngươi phán như vậy” (Sách Amốt 9,11-15).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.374, Janvier/2003, trang 24-32)
 
Lòng quảng đại bao dung vô biên của Thiên Chúa
Lm Nguyễn Hữu Thy
14:51 17/07/2008
Chúa Nhật XVI Mùa thường Niên/A

Lòng quảng đại bao dung vô biên của Thiên Chúa


(Mt 13,24-30)

Sau khi nghe xong bài Tin Mừng hôm nay, trước hết chúng ta có thể nêu lên đây một câu hỏi: Chúng ta có thể rút tỉa ra được bài học nào qua dụ ngôn «Cỏ lùng vực» này?

Dĩ nhiên, là những người tín hữu Công Giáo, chúng ta không được phép tin vào thuyết Nhị Nguyên (Dualisme). Nhưng quả là một huyền nhiệm khó hiểu, là khi trên đường tiến về cứu cánh của mình, thế giới này phải đối mặt với hai thực tại, phải đối mặt với hai quyền lực đối nghịch nhau: Sự thiện và sự ác. Tuy nhiên, dụ ngôn này có một tương quan mật thiết với hành động cá nhân của con người; nói cách khác, sự thiện và sự ác không phải là những thực tại tự lập. Sự thiện và sự ác là hậu quả của những hành động của con người: Hoặc họ đã làm do ý thức tự do của mình, hoặc do sự tự do bị hiểu sai lạc. Vâng, do sự tự do của mình, con người có thể làm một hành động tốt hay một hành động xấu. Ðiều đó cũng cho chúng ta quả quyết được rằng trong đời này không bao giờ có sự tốt hay sự xấu, nhưng chỉ có người tốt hay kẻ xấu, người lành hay kẻ dữ, việc tốt hay việc xấu. Chính ma quỉ là biểu tượng của sự xấu.

Với dụ ngôn «Người gieo giống» trong bài Tin Mừng của chúa nhật vừa qua và dụ ngôn «Cỏ lùng vực» hôm nay, thánh sử Mát-thêu muốn nêu lên cho chúng ta một vấn đề chủ yếu: Bổn phận của con người đối với sự cứu rỗi của mình. Ðúng vậy, dụ ngôn «Người gieo giống» nhắc nhủ chúng ta, nhất thiết phải trở nên «đất tốt» và luôn sẵn sàng đón nhận «hạt giống» của lời Chúa; và dụ ngôn «Cỏ lùng vực» mà chúng ta vừa nghe xong, lại kêu gọi chúng ta, nhất thiết phải đứng về phía những cây lúa mì tốt đang luôn luôn phải tranh đấu với những cây cỏ lùng vực.

"Hãy cứ để cả hai cùng mọc lên cho đến mùa gặt"
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nói được rằng thửa đất được nói đến ở đây là Giáo Hội, và trên thửa đất đó Thiên Chúa đã gieo và sẽ tiếp tục gieo những hạt lúa của chân lý, của sự tin tưởng, của công bình, của bác ái, của tình yêu đích thực. Và Người đã giao phó cho Giáo Hội sứ mệnh tổng quát trên tất cả mọi người. Nhưng đàng khác, những kẻ thù, tức những thế lực đối kháng chống lại Giáo Hội: Sa-tan, sự tự cao tự đại, sự ích kỷ, tính kiêu căng, v.v… cũng đồng thời tìm mọi cách gieo vào lòng Giáo Hội: sự lầm lạc, sự tranh dành cãi cọ thiếu tinh thần Kitô giáo, sự nghi ngờ, sự chia rẽ, v.v...! Là thành viên, là con cái của Giáo Hội, nhiều khi chúng ta cũng đã tỏ ra thiếu nhẫn nhục và bao dung: chúng ta xin Chúa khử trừ những kẻ thù của Giáo Hội, tương tự như thái độ của hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an xưa (x. Lc 9,52-56).

Nhưng qua miệng tiên tri Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa đã khẳng định: «Hỡi nhà Ít-ra-en, thật Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy, các ngươi hãy hối cải ăn năn để được sống.» (Ed 18,32). Hôm nay, qua dụ ngôn «Cỏ lùng vực», Ðức Giêsu đã cho chúng ta thấy rõ được lòng nhân hậu bao dung vô biên của Thiên Chúa: «Hãy cứ để cho cả hai (cỏ lùng và lúa mì) cùng lớn lên cho đến mùa gặt» (Mt 13,30). Vâng, Thiên Chúa không hề muốn để ai phải hư mất. Người hằng kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội ăn năn trở lại, để tha thứ cho họ và để ban cho cự sống đời đời.

Nói tóm lại, chắc chắn rằng qua dụ ngôn «Cỏ lùng vực», chúng ta đã hiểu rõ được điều này: Con đường duy nhất của Tin Mừng Ðức Giêsu Na-da-rét là con đường của tình yêu đích thực, của lòng kiên nhẫn nhịn nhục, của lòng bao dung độ lượng, của sự công bằng và tinh thần bất bạo động. Vì thế, Người hằng kêu mời chúng ta: «Các con hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường. Như thế tâm hồn các con sẽ được an bình, vì ách của Thầy thì êm ái và gánh của Thầy thì nhẹ nhàng» (Mt 11,29-30
 
Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do con người
LM Inhaxiô Trần Ngà
15:25 17/07/2008
Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do con người

Chúa Nhật 16 thường niên A (Matthêu 13, 24-43)

Một số người cứ thắc mắc: tại sao Chúa không quét sạch những phường tội lỗi và hung ác khỏi mặt đất nầy? Tại sao Thiên Chúa cứ để họ ung dung sống trong tội ác và tiếp tục gây ra chiến tranh, khủng bố, áp bức, bất công? Ai làm ác, ai gây rối, Chúa cứ việc quét sạch chúng đi là thế giới sẽ được hoà bình và mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc. Đó chẳng phải là một giải pháp đơn giản để tái lập hoà bình ổn định cho thế giới đó sao? Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giê-su kể dụ ngôn sau:

"Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

Qua dụ ngôn trên, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta biết rằng kẻ nghịch của Thiên Chúa là ma quỷ tìm cách gieo mầm giống xấu vào lòng dạ con người và từ mầm giống xấu xa ấy, sự dữ lan tràn khắp thế gian. "Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình, nhưng khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa."

Cỏ lùng trong ruộng mọc lên lấn lướt lúa non thế nào thì mầm giống xấu do ma quỷ gieo vào lòng người cũng bùng lên cách đáng sợ như thế.

Như những người tôi tớ, sau khi thấy cỏ lùng mọc lên lấn át lúa non, đã nài xin chủ ruộng cho đi nhổ cỏ để bảo vệ lúa, nhiều người trong chúng ta cũng ước mong Thiên Chúa dùng quyền lực của mình để quét sạch phường gian ác khỏi thế giới nầy, để nhân loại được sống trong hoà bình an lạc.

Nhưng làm như thế là 'khủng bố' kẻ gian ác, là tước đoạt tự do con người. Thiên Chúa nhân lành và cao cả nên Người không hề 'khủng bố' ai và Người cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Người đã thông ban cho loài người, vì nếu Thiên Chúa tước đoạt tự do con người, thì Người sẽ biến họ thành robot hoặc thành thú vật là loài không có tự do.

Con vật không có tự do để lựa chọn điều tốt hay tránh điều xấu, chúng chỉ thực hiện mệnh lệnh của bản năng và hoàn toàn bị bản năng khống chế.

Nơi con người, dù bản năng cũng mãnh liệt không khác chi nơi con vật, nhưng con người có thể dùng tự do của mình để khước từ những mệnh lệnh của bản năng, sống vượt lên bản năng cũng như những lôi cuốn đê hèn. Con người có thể tuyệt thực bên cạnh mâm cỗ thịnh soạn được dọn ra cho mình, nhưng thú vật không thể làm được điều đó vì bản năng sinh tồn đòi buộc chúng phải ăn khi đói.

Con người có thể tuyệt dục dù có thừa cơ hội để thực hiện bản năng truyền sinh; nhưng nơi con vật, bản năng truyền sinh hoàn toàn chế ngự chúng.

Khi con người biết dùng tự do của mình để chế ngự bản năng, làm chủ bản thân và thực hành điều thiện, thì con người trở nên cao cả và đáng kính. Nhưng khi con người để cho bản năng lấn lướt tự do, cam thân làm nô lệ cho bản năng hư hèn hoặc dùng tự do để chọn làm điều xấu, con người đánh mất phẩm giá cao cả của mình.

Nếu con người bị tước đoạt tự do, con người chẳng hơn gì người máy; người máy chỉ biết làm theo những gì mà nhà chế tạo đã cài đặt vào bộ nhớ của nó. Nếu con người không có tự do, con người chẳng hơn gì thú vật; thú vật chỉ biết hành động theo bản năng, theo thú tính mà chẳng có tự do để chọn làm điều tốt. Vì thế, Thiên Chúa không bao giờ tước đoạt tự do con người cho dù con người dùng tự do của mình để gây ra điều ác đối với đồng loại cũng như để phỉ báng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và thông ban tự do cho mình.

Nhưng nói thế không có nghĩa là Thiên Chúa làm ngơ để mặc loài người đi vào con đường lầm lạc. Thực ra, Người luôn dùng Tin Mừng và giáo huấn để soi sáng, để cảm hoá, để cảnh tỉnh con người và Người luôn kiên nhẫn, rất kiên nhẫn chờ đợi họ hồi tâm quay lại đường lành: "Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con tự do vì chỉ khi có tự do, chúng con mới thật sự là người, mới xứng đáng là hình ảnh của Chúa.

Chúa cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Chúa đã thông ban cho chúng con vì không muốn chúng con sống như người máy hay như thú vật.

Xin cho chúng con biết sử dụng tự do của mình mà tránh dữ làm lành để nhờ đó, chúng con làm cho mình trở thành người thật sự tự do, có phẩm chất cao đẹp và thánh thiện.
 
Tất cả là hồng ân
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
15:28 17/07/2008
Chúa nhật 16 Thường Niên A

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

(Mt 13, 24-53)

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sự hiện diện của ma quỉ. Ma quỉ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỉ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những họat động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà bị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỉ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu Chúa phạt ngay những người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Ma-đa-lê-na, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi để ta tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm nhân đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Teresa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

  • 1- Khi gặp những người xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc không?
  • 2- Trong con người bạn có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?
  • 3- Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?
 
Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa
Lm Giuse Đinh lập Liễm
15:34 17/07/2008
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A

SỰ KIÊN NHẪN CỦA THIÊN CHÚA

A. DẪN NHẬP.

Tuần vừa qua, chúng ta đã suy niệm về dụ ngôn Lời Chúa, hạt giống Lời Chúa phải được sinh hoa kết quả trong lòng chúng ta. Hôm nay, chúng ta suy niệm về dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng. Trong đồng lúa tốt lại có xen cỏ lùng do hạt giống xấu sinh ra, cỏ dại này cùng mọc bên cạnh lúa tốt, cả hai cùng mọc lên xanh tốt.

Cũng thế, trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn, và trớ trêu thay, có khi người xấu lại được gặp may mắn hơn cả người tốt. Chúng ta phải có thái độ nào đối với những người xấu ? Phải tiêu diệt người xấu đi chăng để chỉ còn lại người tốt ?

Câu trả lời sẽ là: theo gương Chúa, chúng ta phải có thái độ như trong bài Tin mừng hôm nay: hãy bắt chước lòng kiên nhẫn của Chúa. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta hãy yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Kn 12,13,16-19.
+ Bài đọc 2: Rm 8,26-27 (Chủ đề phụ)
+ Bài Tin mừng: Mt 13,24-43.
Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để nói đến từng khía cạnh của Nước Trời. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để ta suy gẫm, đó là dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.
Dụ ngôn cỏ lùng giải thích cho chúng ta lý do tại sao lại có sự thiện và sự ác trên trần gian, tại sao trong Hội thánh lại có người lành kẻ dữ ? Và tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi.
Hai dụ ngôn hạt cải và men bánh nói lên sự tăng triển của Nước Trời. Nước Trời hay Hội thánh chỉ là cộng đoàn nhỏ nhưng sẽ phát triển mạnh trong âm thầm và trong những hoàn cảnh khó khăn, như những cuộc cấm cách, bách hại đạo.
Qua những dụ ngôn này, chúng ta có thể rút ra được một kết luận để cảnh giác chúng ta: đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ còn có toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Chúa kiên nhẫn chờ đợi.

I. DỤ NGÔN CỎ LÙNG.

1. Ý nghĩa dụ ngôn:

Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma qủi, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, nguời ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử.

2. Lúa và cỏ lùng.

Những hình ảnh trong dụ ngôn này rất rõ ràng và quen thuộc với người Palestine. Cỏ lùng là một thứ cỏ dại mà nhà nông phải diệt trừ. Lúc còn nhỏ, cây cỏ lùng giống như cây lúa mì nên khó phân biệt hai thứ, cho đến khi cả hai đâm bông thì có thể nhận ra cách dễ dàng, nhưng lúc đó rễ cỏ lùng và rễ lúa đã mọc quyện vào nhau đến nỗi hễ nhổ cỏ lùng thì lúa cũng dễ dàng bị trốc theo.

Lúa và cỏ lùng không thể tách riêng ra một cách an toàn khi cả hai đang phát triển nhưng cuối cùng chúng phải được tách riêng ra. Cần phải tách riêng chúng ra bởi vì (khác với cỏ lồng vực bên chúng ta) hạt cỏ lùng rất độc, nó gây chóng mặt, đau ốm và hôn mê. Một số lượng nhỏ của nó cũng có thể gây vị đắng khó chịu. Rốt cuộc người ta thường tách riêng nó ra bằng tay.

Ông Levison mô tả diễn tiến như sau: người ta thuê đàn bà lượm hạt cỏ lùng trong lúa trước khi đem đi xay. Theo nguyên tắc thì người ta tách cỏ lùng với lúa mì sau khi đập xong. Người ta bầy hạt lên trên một cái nia to và các bà có thể lựa ra những hạt cỏ lùng có kích thước và hình dáng y như hạt lúa mì nhưng có mầu xám nhạt.

3. Người tốt và người xấu.

Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội. Thánh Phaolô đã nói: ”Tôi không làm được điều thiện mà tôi muốn, mà điều ác tôi không muốn, tôi lại làm”.

II. THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI.

1. Cách hành xử của con người.

Chúng ta là những con người bất toàn nhưng lại muốn tiêu diệt những kẻ bất toàn vì chúng ta mang một thái độ bất bao dung. Chúng ta cảm thấy khó chịu tại sao trong Hội thánh lại có những kẻ xấu, những kẻ bách hại Hội thánh, gây đau khổ cho nhiều người mà họ cứ sống nhởn nhơ con cá vàng, đôi lúc lại còn may mắn hơn người chịu đau khổ ? Chúng ta thường có thái độ như những đầy tớ của ông chủ trong Tin Mừng: ”Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ đi không”?

Đây là thái độ chung của mọi tín hữu chúng ta. Đó cũng là phản ứng của thánh Gioan Tẩy giả, người đã vẽ nên bức tranh gây ấn tượng về việc Đấng Messia sắp đến: ”Tay Người cầm nia. Người rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm,còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12). Hụt hẫng vì không thấy cách xét xử của Chúa diễn ra y như mình đã loan báo, nên từ trong ngục tù, Ngài sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: ”Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác “?

Đó là phản ứng ngỡ ngàng của tất cả những ai đã nghe lời Đức Giêsu loan báo: ”Nước Trời đã đến gần”, thế mà họ lại chẳng thấy có gì được phác họa giống như sự xét xử vẫn trông đợi khi Nước này tới. (Fiches dominicales, năm A, tr 230)

2. Cách hành xử của Thiên Chúa.

Phản ứng tự nhiên của con người là muốn tiêu diệt ngay cái xấu, diệt cả con người xấu. Nhưng Thiên Chúa lại có một lối hành xử khác với con người. Theo Tin mừng, đáp lại lời hỏi của đầy tớ, ông chủ nói: ”Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt... sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”.

Từ mùa gieo – hình ảnh Nước Thiên Chúa đến – đến mùa gặt kèm theo việc đập lúa – hình ảnh việc xét xử – có một khoảng thời gian: Lúc này đang là thời kỳ lúa lớn lên là thời gian nhẫn nại của Thiên Chúa: nếu Thiên Chúa gớm ghét sự ác, thì Người vẫn cứ phải yêu thương con người – kẻ tội lỗi cũng như người công chính – và Người biết rõ tiềm năng lạ lùng của Lời trong lòng họ. Ngày thu hoạch mùa và lựa lọc sẽ đến vào giờ của Người; ngày đó không thể dự đoán trước. Ông chủ nói với các đầy tớ ông rằng: ”Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (Fiches dominicales, năm A, tr 231)

Trong Thánh vịnh chúng ta thấy có câu: ”Chúa chậm bất bình và giầu lòng khoan dung”. Chúa kiên nhẫn đợi chờ con người sám hối. Cỏ lùng thì không có cách nào thay đổi đuợc chỉ chờ đến ngày là thu hoạch cho vào lửa; còn con người thì khác, con người có thể cải tà qui chính, có thể từ một thằng qủi biến thành một vị thánh. Trong lịch sự Giáo hội, có biết bao “cỏ lùng”, nhờ ơn Chúa, đã trở nên hạt lúa tốt. Những Augustinô, những Charles de Foucauld, những Ève Lavallìere là những chứng tích sáng chói.

Truyện: Cải tà qui chính

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề: ”Hãy xuống những con đường tồi tàn này” Tác phẩm thuật lại việc ông cải tà qui chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma túy và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chirô ngủ đã, anh mới qùi gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: ”Tôi bầy tỏ với Chúa những gì có trong trái tim tôi... Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng... Tôi cảm thấy dường như có thể khóc đuợc... đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.

Sau khi Piri vừa cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: ”Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: ”Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: ”Chúc Chicô ngủ ngon nhé ! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA.

1. Tích cực hay tiêu cực.

Đứng trước tình trạng như thế trong trần gian và trong Giáo hội, chúng ta phải có thái độ nào ? Chỉ có hai thái độ: hoặc là tiêu cực, hoặc là tích cực. Nếu có thái độ tiêu cực thì cho thế gian này là đồ bỏ đi, một thế giới hư hỏng đầy tội lồi, cứ để cho nó qua đi. Thái độ tiêu cực này làm cho chúng ta tuyệt vọng, không còn tin vào cái gì nữa, chỉ còn biết ngồi mà rủa bóng tối. Chắc chắn Chúa không cho chúng ta có thái độ tiêu cực này.

Chúng ta phải có thái độ tích cực. Thái độ này giúp chúng ta hãy hướng lòng lên, không ngồi đấy mà nguyền rủa bóng tối, mà chấp nhận nó, đồng thời cố gắng đốt lên một ngọn nến. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: ”Các con là ánh sáng cho thế gian, không ai đốt đèn rồi đặt dưới đáy thùng, ngược lại người ấy sẽ đặt trên giá đèn để soi sáng cho mọi người trong nhà. Ánh sáng các con cũng phải tỏa sáng trước thiên hạ như thế”(Mt 5,14-16).

Nhưng một cách thực tế, làm sao chúng ta có thể thắp lên một ngọn nến giữa đêm đen tối tăm của thế giới hôm này ? Trước hết, chúng ta có thể cầu nguyện. Một thi sĩ đã nói: ”Lời cầu nguyện mang lại nhiều điều hơn những điều thế giới dám mơ ước”. Thứ đến và tích cực hơn, chúng ta có thể xắn tay áo lên làm một điều gì đó chống lại sự ác trong thế giới chúng ta.

2. Tấm lòng khoan dung.

Chúa để người lành kẻ dữ sống chung với nhau là để gây ích lợi cho nhau như lời thánh Augustinô đã nói: ”Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung”.

Có lần Liên hiệp quốc đã chọn nguyên một năm làm “năm quốc tế về lòng khoan dung” để giảm thiểu khuynh hướng bất bao dung ngày càng gia tăng trong nhân loại. Bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ.

3. Kiên nhẫn chịu đựng.

Sự kiên nhẫn mà Chúa khuyên chúng ta phải có là phản ảnh sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Đây không phải là sự cam chịu vô ích là đè nén cơn giận và cay cú thất vọng. Sự kiên nhẫn phải có là sự bình thản đợi chờ để kẻ tội lỗi có cơ may quay trở lại.

Chúa ghét tội nhưng lại yêu tội nhân vì họ còn có thể thống hối để được tha thứ (Rm 2,4). Nếu Chúa không kiên nhẫn với ta, ta sẽ thế nào ? Ta có cần kiên nhẫn với người gây phiền hà cho ta không ? Nhưng nên nhớ rằng Chúa kiên nhẫn chịu đựng là để giải thoát chứ không phải để dung túng.

Truyện: Giai thoại về thánh Antôn.

Một hôm thánh nhân nghe tin một người thợ giầy tiến bộ hơn Ngài về đường nhân đức. Lòng hăm hở tiến đức đã thúc đẩy Ngài quyết chí đi tìm người thợ giầy kia để học hỏi cách tu đức của người ấy.

Sau những ngày cố công tìm tòi, Ngài đã gặp được người thợ giầy kia. Thoạt thấy công việc của người thợ giầy, thánh nhân hơi nản lòng, vì thấy sinh hoạt duy nhất của người này là đóng giầy. Nhưng để cho bõ công đi tìm kiếm, thánh nhân đã trao đổi với người thợ giầy kia về lối sống tu đức.

Thánh nhân hỏi người thợ giầy về chương trình sống hằng ngày của người thợ ấy. Người này cho biết một ngày của ông được chia ra làm ba phần như sau:
- 8 giờ cho công việc của người thợ giầy.
- 8 giờ cho việc cầu nguyện.
- 8 giờ cho việc ăn uống nghỉ ngơi.

Sau khi nghe người thợ giầy nói, thánh nhân nản lòng vì chính Ngài đã dành cho hết cả ngày để cầu nguyện chứ không phải chỉ tám tiếng.
Thánh nhân hỏi cách xử dụng tiền của ông ta. Người này cho biết 1/3 dành cho ông, 1/3 dành cho Giáo hội, 1/3 dành cho người nghèo.
Nghe vậy thánh nhân cho rằng người thợ giầy này không thể nhân đức hơn Ngài được vì Ngài đã dành tất cả của cải của Ngài cho người nghèo chứ không phải chỉ 1/3.

Cuối cùng thánh nhân khám phá ra người thợ giầy phải sống giữa một thành phố sa đọa, chung quanh đầy những người tội lỗi và gương xấu, và ông thợ giầy đau khổ về chuyện đó, ông không ngớt kêu cầu cùng Chúa cho họ, và ông hằng cầu nguyện cho kẻ có tội chung quanh ông. Và thánh nhân chợt nhận ra rằng đó là điều mà Ngài thua kém người thợ giầy. Ngài thấy rằng Ngài chưa có được sự thao thức về những nỗi khổ đau của những người chung quanh, trái lại, Ngài lại đi tìm cho một mình một cuộc sống an phận với nếp sống ẩn tu. (Cử hành phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 67-68)

Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta rằng: luôn luôn có một thế lực thù địch ở trong thế gian, tìm kiếm và chời đợi để phá hủy hạt giống tốt. Kinh nghiệm đời sống chúng ta có hai loại ảnh hưởng và cùng tác động trên đời sống chúng ta: ảnh hưởng giúp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở tăng trưởng và ảnh hưởng tìm hủy hoại hạt giống tốt trước khi nó có thể đâm bông kết trái. Đó là bài học nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác.

Không có vinh quang nào mà không phải trải qua đau thương, không có vinh dự nào mà không đòi hỏi phải chiến đấu. Bởi đó, khi sống trong trần gian đối diện với cái ác, chúng ta không run sợ đầu hàng, hoặc thất vọng nản chí, nhưng hãy kiên tâm chiến đấu để luôn đứng vững trong hàng ngũ con cái Chúa, rồi chắc chắn Chúa sẽ đội mũ triều thiên cho ta. Trong khi chiến đấu với cái ác, chúng ta cũng phải luôn có cái nhìn bao dung với những người tội lỗi, phải có lòng quảng đại, biết cảm thông, và luôn giúp họ tìm dịp trở về. Có như thế chúng ta mới thực sự là những Kitô hữu hoàn thiện như người thợ đóng giầy trong câu chuyện trên.
 
Giết người đi thì ta ở với ai?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
15:37 17/07/2008
ChúaNhật XVI Thường niên A

GIẾT NGƯỜI ĐI THÌ TA Ở VỚI AI?

“Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” ( x. Ed 18,23 ). Câu Lời Chúa thường được lặp đi lặp lại trong suốt mùa Chay thánh nói lên tấm lòng của Đấng chúng ta tôn thờ. Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XVI TN A khởi đầu bằng đoạn trích sách Khôn ngoan làm nổi rõ lòng từ nhân của Thiên Chúa đồng thời gieo rắc niềm hy vọng cho tội nhân xiết bao: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh… Làm như thế, Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” ( Kn 12,16-19 ). Chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói thêm một số dụ ngôn về Nước Trời, đặc biệt là dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” ( Mt 13,24-29 ).

1. ĐỪNG NHỔ CỎ, KẺO NHỔ LẪN CẢ LÚA:

Một mệnh lệnh xem ra nghịch thường, nếu có một chút hiểu biết về nghề nông và kinh nghiệm trồng lúa. “Công cuốc, công cày là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”. Trước khi thuốc diệt cỏ ra đời, thì làm cỏ là một khâu không thể xao nhãng trong nghề nông. Gieo trồng mà không làm cỏ thì chắc chắn “xôi hỏng, bỏng tay”; “mất cả chì lẫn cả chài”. Ngay cả chút “giống” bỏ ra cũng chẳng mong thu lại được, nếu không chịu làm cỏ.

Theo văn phong dụ ngôn thì điều muốn nói, muốn trình bày, chỉ có một hoặc hai điều mà thôi. Và điều muốn nói thường ở nơi câu kết hoặc nơi một chi tiết nghịch thường của câu chuyện. Và ta có thể nói rằng nội dung chính của dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” muốn dạy ta là đừng tự phong làm “thẩm phán” của bất cứ ai. Với lý trí suy xét và dưới ánh sáng Lời Mạc khải chúng ta có thể phân biệt điều tốt, điều xấu, hành vi chính đáng, phải đạo và hành vi bất chính…nhưng chúng ta thật khó mà quy kết ai là chính nhân, ai là quân tử. Cha ông ta đã từng truyền dạy kinh nghiệm rằng vẫn có đó nhiều người “ khẩu phật mà tâm xà” và cũng có nhiều người “ngoài miệng thì nói nam mô mà trong bụng lại chứa một bồ dao găm”. Nhân sinh quan về sự nhập nhằng đen trắng, chính nhân quân tử hay tiểu nhân, mắt người phàm khó biện phân, thì Kim Dung, một cây bút nổi tiếng loại hình tiểu thuyết võ hiệp lịch sử kỳ tình Trung Hoa đã trình bày xuyên suốt qua các pho truyện của ông như “Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long…

Sau biến cố 1975, Chính quyền cộng sản đã ra lệnh bài trừ và tiêu hủy “các loại hình văn hóa phản động”, trong đó có tiểu thuyết của ngài Kim Dung. Lý lẽ đưa ra là cần minh bạch rõ ràng người xấu với kẻ tốt, phải rõ ràng “địch với ta”. Nếu không ta thì là địch. Nếu không theo cách mạng là phản động… Quả thật kiểu nhân sinh quan này tưởng rằng là triệt để nhưng thực ra là quá khích, độc đoán, một chiều… May thay, với thời gian, nhân sinh quan này hình như đang dần được chuyển hóa, đổi thay.

Con người, thường xem xét kẻ khác qua diện mạo bên ngoài, kiểu xem mặt mà bắt hình dong, vì thế, sai lầm là chuyện khó tránh. Thế mà ta lại cả gan muốn loại trừ người mà ta cho là xấu xa, là tội lỗi. Nếu giả như hễ ai đã phạm tội đều đáng bị loại bỏ, bị giết đi, thì thử hỏi có ai còn đáng sống. Và ngay chính bản thân ta cũng không đáng tồn tại. Giết người đi thì ta ở với ai ? Hơn nữa, kẻ đáng giết trước hết, chính là ta !

2. HÃY BIẾT KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ:

Chỉ mình Thiên Chúa mới tỏ tường đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chỉ có Chúa mới là Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn tâm can con người. Thế mà Người lại chờ cho đến mùa gặt. Thiên Chúa không thích con người phải chết và cũng chẳng muốn tội nhân bị diệt vong. Chỉ một người tội lỗi sám hối ăn năn là cả triều thần thiên quốc vui mừng khôn xiết hơn chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn ( x.Lc 15,7 ). Lượng từ bi vô biên của Chúa nào ai đo lường được. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người là Đấng Hoàn Thiện, là Cha từ nhân, Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người biết con người là hữu thể đang chuyển thành ( L’homme c’est l’être en devenir ). Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ ( quá khứ lỗi lầm ), chính vì thế, chẳng có một tội nhân nào lại chẳng có thể có một tương lai ( tương lai tốt đẹp ). Với con người nhiều khi là không thể, vì quá khó, khó hơn cả lạc đà chui qua lỗ kim, nhưng với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể ( x. Mt 19,23-26 ).

3.CHỜ ĐỢi KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGỒI KHOANH TAY HAY ĐỨNG NHÌN:

Rất có thể có nhiều người viện cớ rằng mình có thể sai lầm trong phán đoán để rồi không làm gì cả. Và cũng có thể có nhiều người vì lười biếng hoặc nhát đảm nên vô tình phạm đến đức trông cậy khi khoán trắng mọi sự cho Chúa. Chúng ta cần khử trừ sự xấu nhưng không được phép loại bỏ tội nhân. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ vẹn tuyền, còn chúng ta, thảy đều là tội nhân cách này hay cách khác. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa sự xấu với người xấu nhiều khi khó phân biệt ranh giới. Hơn nữa, có khi khoan dung với người xấu thì lại vô tình để cho sự xấu lan truyền. Vấn đề thật nan giải ! Một trong những cách thế xem ra khôn ngoan là chỉ lên án hay cảnh báo các hiện tượng tiêu cực cách chung chung mà không ám chỉ trực tiếp một ai để rồi “ai có tật thì giật mình”. Tuy nhiên, làm sao tránh được chuyện công luận hướng ngay về một hay những ai đó khi có một sự xấu được nêu lên và bị kết án. Đã là phương thế, đặc biệt các phương thế mang tính tiêu cực như khử trừ, loại bỏ, lên án…, thì không một phương thế nào là hoàn hảo và tối ưu.

Một kinh nghiệm nhà nông, đó là nếu lúa tốt nhanh, thì cỏ sẽ bị che rợp và khó phát triển. Cần nổ lực sử dụng các phương thế tích cực. Hãy làm chút men nồng. Chỉ một nắm men nhỏ thì cả khối bột sẽ dậy men ( x. Mt 13,33 ). Trong khi khoan dung, kiên nhẫn với tội nhân thì chúng ta cần nhân rộng các nghĩa cử bác ái, những hành vi đạo đức, thánh thiêng, cao thượng. Thà thắp lên một ánh nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Một cây nến, hai cây nến, nhiều cây nến…cả không gian sẽ bừng sáng và đêm tối sẽ phải lùi xa.
 
''Cỏ lùng'' trong đời sống
Lại Thế Lãng
16:37 17/07/2008
“CỎ LÙNG” TRONG ĐỜI SỐNG

Tôi còn nhớ lúc mới ra khỏi trai tù cải tạo được ít lâu tôi tình cờ gặp lại một người bạn trước kia cùng ở trong quân ngũ. Chúng tôi kéo nhau vào một quán nước ngồi hàn huyên và mỗi người đều có dịp kể lại chuyện của mình. Người bạn của tôi chỉ phải đi cải tạo một thời gian ngắn chứ không lâu dài như trường hợp của tôi. Tuy nhiên khi anh ta được tha về thì gia đình đã tan nát còn bản thân thì lâm vào một cảnh sống vô cùng bi đát.

Khi kể lại chuyện cũ, tôi nhận thấy trên nét mặt của anh dường như vẫn còn chứa đựng những khổ đau của thời kỳ đó. Anh ta tâm sự rằng hoàn cảnh nghiệt ngã lúc đó đã khiến anh ta trở thành quẫn trí đâm ra oán trách tất cả. Anh ta đã mất hết niềm tin và oán hận cả Thiên Chúa. Anh ta kể có lần đi ngang qua tượng Chúa Giêsu Vua thay vì đứng lại cầu nguyện như thường làm, anh ta đã chỉ tay vào tượng Chúa và buông lời xúc phạm “Anh kia! Anh đứng đây làm gì? Anh có biết gia đình tôi đã phải tan nát và bản thân tôi phải khổ sở như thế này không?”. Tôi nghe anh kể lại mà giật mình và hết sức kinh ngạc về những lời lộng ngôn của anh. Người bạn của tôi nay không còn nữa. Tôi hy vọng anh đã kịp ăn năn thống hối để được tha thứ về thái độ vô phép bất nghĩa cùng Chúa.

Trước những hoàn cảnh éo le, bất công, oan ức, đau thương … diễn ra trong cuộc sống nhiều người thường đặt ra những câu hỏi: Chúa ở đâu sao Chúa không diệt sự ác? Sao Chúa để cho kẻ bất lương lộng hành, sống nhởn nhơ, làm mưa làm gío trong lúc người lương thiện bị dồn vào đường cùng? Có phải Chúa bất lực? Có phải Chúa không thể làm gì được trước thế lực của sự dữ? Thiết tưởng bài tin mừng Chúa nhật thứ 16 thường niên năm A tới đây có thể trả lời cho những nghi vấn này.

Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” trong đoạn tin mừng của thánh Matthêu như một lời khẳng định rằng thiện và ác, chính và tà cùng hiện hữu, chúng luôn tồn tại xen kẽ với nhau. Giống như ánh sáng và bóng tối tuy không tồn tại cùng một lúc nhưng cả hai đều hiện hữu. Chúa sinh ra con người nhưng Chúa để cho con người tự do hành động theo ý muốn của con người cho nên sự dữ mới xẩy ra.Với tự do con người có thể làm điều tốt mà cũng có thể làm đều xấu; có thể làm điều thiện và cũng có thể làm điều ác. Nếu như trong bất cứ cánh đồng nào dù lớn hay nhỏ, bên cạnh những cây lúa luôn luôn có cỏ dại mọc chung thì trong đời sống cũng vậy, bất cứ trong phạm vi lớn nhỏ nào cũng có thiện và ác, cũng có chính và tà lẫn lộn.

Trong “cánh đồng” nhân loại chẳng hạn. Bên cạnh những phát mình nhắm mục đích phục vụ con người, muốn thăng tiến con người, muốn đem lại cho con người đời sống hạnh phúc thì cũng lại có những cố gắng tìm tòi những phương tiện hủy diệt nhân loại như tìm cách thủ đắc vũ khi hạt nhân, phát triển vũ khí có khả năng sát hại hang loạt Bên cạnh những người nỗ lực kiến tạo hòa bình cũng lại có những mưu đồ nuôi dưỡng, thúc đẩy chiến tranh làm cho thế giới lúc nào cũng bất ổn. Hai cuộc thế chiến, những cuộc chiến khác và những cuộc chiến tranh diệt chủng trong quá khứ đã giết haị hàng trăm triệu con người vô tội cũng là vì bên cạnh cây lúa có xen kẽ cỏ lùng.

Trong “cánh đồng” của mỗi quốc gia cũng vậy. Bên cạnh những người hô hào tôn trọng sự sống lại cũng có những người chủ trương phá thai, chủ trương giết những thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Bên cạnh những tổ chức cổ võ cuộc sống lành mạnh cũng lại có những phong trào hô hào lối sống thác loạn, vô luân. Xã hội nào cũng tìm cách ngăn ngừa tội ác nhưng không thể chặn đứng được hoạt động của những tổ chức tội phạm làm băng hoại xã hội chỉ vì cỏ lung muốn lấn lướt cây lúa.

Trong “cánh đồng” tôn giáo cũng không khác. Bên cạnh những đường lối chủ trương đối thoại ôn hoà để san bằng dị biệt thì lại có những chủ trương cực đoan, qúa khích chỉ muốn hủy diệt người khác bằng bạo lực. Lý do là vì cỏ lùng luôn luôn muốn vươn lên tranh giành với cây lúa.

Trong “cánh đồng” của giáo hội, bên cạnh những thành phần thánh thiện, nhiệt thành, tận tuỵ trong việc rao truyền lời Chúa thì đôi khi cũng lại có những giáo sĩ bất xứng, chạy theo thú vui trần tục để rồi sao nhãng sứ mạng của mình; không ít giáo sĩ và tu sĩ đã thề hứa nhưng rồi lại phản bội lời thề để trở thành những kẻ bất trung. Nạn lạm dụng tính dục trẻ em trong thời gian vừa qua đã gây điêu đứng cho giáo hội Hoa Kỳ mà mãi cho đến gần đây Đức Thánh Cha còn bày tỏ sự ân hận trong dịp Ngài đến viếng thăm Hoa Kỳ. Bởi vì cỏ lùng luôn len lỏi trong hàng ngũ cây lúa.

Trong cộng đoàn có những tấm lòng thiện chí một lòng muốn xây dựng công việc chung cho ngày càng tốt đẹp thì cũng lại có những con người bất mãn triền miên, thích đả phá hơn là xây dựng. Có khi ta hành động nhân danh xây dựng nhưng kết qủa lại là phá họai là vì cỏ lùng luôn luôn tìm cơ hội ganh đua với cây lúa.

Và ngay trong cõi lòng của mội cá nhân cũng đầy rẫy những sự trái ngược. Lúc tốt lúc xấu. Lúc vị tha lúc ích kỷ. Lúc cảm thông lúc nghi kỵ. Lúc rộng rãi lúc hẹp hòi. Có lúc chân thành có lúc lừa dối. Có lúc bác ái có lúc hận thù. Có khi công bằng có khi thiên lệch. Có khi ngay lành có khi tâm địa ác độc. Có lúc vô tư có khi ác ý. Trong bài giảng trong thánh lễ khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney, Đức Hồng Y George Pell lấy ý từ thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Galát đã nhắc nhở “mỗi người phải nhìn nhận rằng mình đang ở trong trận chiến muôn thuở giữa thiện và ác”.

Trong “cánh đồng nội tâm” của con người nào cũng đầy rẫy cỏ lùng mọc chen chúc với cây lúa. Điều đáng nói là nhiều khi người ta chỉ chú ý đến cỏ lùng ở những cánh đồng khác mà không quan tâm đến việc diệt cỏ lùng trong chính cánh đồng của mình. Nhiều khi ta chỉ nhìn thấy cái dở mà không thấy cái hay ở người khác. Và cũng có khi ta tưởng vun xới cho cây lúa nhưng thực ra là đang chăm bón cho cỏ lùng, giúp cho cỏ lùng phát triển mạnh hơn.

Phần cuối của bài tin mừng nói rõ lúa và cỏ lùng sẽ được phân loại khi đến mùa gặt. Mùa gặt đối với người Kitô hữu là ngày giờ phán xét. Tốt hay xấu, lương thịện hay bất lương, có công hay có tội chỉ có Chúa có quyền phán định. Sớm hay muộn mỗi người Kitô hữu đều phải đối diện với Thiên chúa, đều phải chịu trách nhiệm về những điều đã làm. Đến khi đó thì những câu hỏi Chúa ở đâu? Tại sao Chúa không trừng trị sự dữ? Tại sao Chúa để người hiền lành phải chịu nhiều thiệt thòi? … sẽ được trả lời rõ ràng.

Vermont 17/7/2008
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 17/07/2008
TU ĐỨC.

N2T


Có người hỏi sư phụ: “Tu đức là gì ?”

Sư phụ nói: “Không ngừng chuyển hoá nội tại của con người, đó là tu đức”.

- “Nếu con dùng phương pháp của sư phụ truyền dạy, tức không phải là tu đức ?”


- “Nếu trong nội tâm của con không phát sinh tác dụng, tức không được coi là tu đức. Một tấm thảm không làm cho con được ấm áp, tức không phải là tấm thảm”.

- “Tu đức có thay đổi không ?”

- “Người thay đổi, cần thiết cũng phải thay đổi. Cho nên, tu đức trước đây không còn là tu đức; cái gọi là kinh nghiệm tu đức, nói trắng ra, chẳng qua là ghi chép lại phương pháp của (tu đức) trong quá khứ”.


(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Khi một tu sĩ sống không xứng đáng với chức phận của tu sĩ, thì người ta nói: không có tu đức; khi một linh mục sống không xứng đáng với thiên chức linh mục, thì người ta phê bình: không có tu đức hoặc là thiếu tu đức.

Tu đức không có gì mới lạ, chỉ là ghi chép lại phương pháp trong quá khứ.

Tu đức là phương pháp giúp cho con người ta, theo thứ bậc và bổn phận của mình để nên thánh, tức là giúp con người ta sống hài hòa với Thiên Chúa và con người, cho nên có tu đức dành cho linh mục, tu đức dành cho tu sĩ, tu đức dành cho giáo dân.

Tu đức thì không thay đổi, nhưng con người thì luôn thay đổi bởi hoàn cảnh của cuộc sống. Cái tâm con người ta cứ quay cuồng trong cơn lốc của hưởng thụ thế gian lạc đường lạc hướng, nên tu đức như kim chỉ nam luôn chỉ hướng bắc, để dẫn đường cho họ hướng đến Thiên Chúa và sống chan hòa với tha nhân.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 17/07/2008
N2T


11. Cầu nguyện là chìa khóa mở cửa thiên đàng, thiên đàng là kho chứa dựng ân sủng, dùng chìa khóa cầu nguyện mới có thể mở được cửa.

(Thánh Augustine)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
23:06 17/07/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (44)

441. Kẻ thù không đội trời chung với loài người chúng ta là ma quỷ

Ma quỷ được gọi là Satan.
Trước kia, ma quỷ là thiên thần ở trên trời, nhưng vì nổi loạn chống lại Thiên Chúa nên bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi thiên đàng và bị phạt xuống hoả ngục.
Bị đuổi ra khỏi thiên đàng, ma quỷ rất căm thù Thiên Chúa và trút tất cả cơn giận dữ của chúng trên đầu loài người chúng ta.
Chính thánh Phêrô, kẻ đã bị ma quỷ vật ngã ba lần, căn dặn chúng ta phải luôn đề phòng ma quỷ: “Ma quỷ như con sư tử đói mồi, đi rình quanh ta để tìm cách cắn xé ta.”
Sách Thánh cho chúng ta biết ma quỷ đã có mặt ngay trong vườn Địa Đàng. Chúng đã thành công trong việc cám dỗ hai Ông Bà Tổ Tiên chúng ta phạm tội và làm cho hai vị nầy bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng.
Cũng trong Sách Thánh, chúng ta biết được rằng ma quỷ tìm cách cất Lời Chúa khỏi chúng ta, gieo sự xấu vào lòng chúng ta, xúi giục chúng ta sống gian dối, ám hại thân xác và linh hồn chúng ta, quyết đè bẹp chúng ta bằng cách rủ thêm nhiều quỷ khác đến tấn công chúng ta.

442. Chúa Giêsu nói nhiều về những hoạt động của ma quỷ

- “Còn bà nầy là con cháu của Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” (Lc 13,16).
- “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32).
- “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước ma quỷ cám dỗ” (Lc 22,40).
- “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện kẻo sa chước ma quỷ cám dỗ” (22,46)

443. Thánh Gioan Tông Đồ nói về Ma Quỷ

Satan là Thủ Lãnh của Nước Ma Quỷ chống lại Nước Chúa.
Thánh Gioan nhắc lại những lời Chúa Giêsu tố cáo Satan, Thủ lãnh của thế gian: “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa vì Thủ lãnh thế gian đang đến” (Ga 14,30).
Thánh Gioan nói đến Satan, thủ lãnh của thế gian, đặt ách thống trị lên thế gian: “Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác Thần” (1 Ga 5,19).
Vì xét thế gian dưới khía cạnh bị ma quỷ thống trị, nên thánh Gioan nói lên những lời Chúa Giêsu lên án thế gian: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18); “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm” (Ga 16,8).

444. Các Tác Giả Phúc Âm Nhất Lãm nói về Ma Quỷ

Thánh Mathêô gọi ma quỷ là kẻ thù: “Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là Ma Quỷ” (13,39).
Theo thánh Luca, vì biết Chúa Giêsu trừ ma quỷ, đuổi ma quỷ, nên ma quỷ rất cố gắng hiệp nhất với nhau để chống lại Chúa Giêsu như lời nhận xét của chính Chúa Giêsu: “Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” (11,18).

445. Ma quỷ là con Mãng xà có nhiều quyền năng

Sách Khải Huyền nói đến Ma Quỷ như con Mãng xà có nhiều quyền năng: “Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi” (12,15).
Tác giả sách Khải Huyền tố cáo Ma Quỷ bắt bớ những người Kitô-hữu:
- “Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: nầy ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi” (2,10).
- “Con Mãng xà nổi giận với Người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu” (12,17).

446. Người tông đồ nào thu hút được quần chúng?

Thánh Gioan Tẩy Giả không làm phép lạ nào, mà cũng thu hút được quần chúng.
Tiếng nói của thánh Gioan Vianê nhỏ quá, lũ lê dân chen chúc quanh ngài không nghe được, nhưng họ có thể nhìn xem con người của Thiên Chúa, và chỉ một sự nhìn xem đó cũng đủ chinh phục, cải thiện họ rồi.
Một luật sư ở Ars về, người ta hỏi ông cái gì làm ông xúc động nhất, ông chỉ đáp: “Tôi đã thấy Thiên Chúa hiện thân trong một người.” (x. Hồn Tông Đồ)

447. Cha cất mũ khi đứng trước mặt con

Ông De Bonald có một người con trai làm linh mục.
Mỗi lần gặp người con trai hoặc đứng trước mặt người con trai nầy, ông De Bonald đều cất mũ một cách kính trọng.
Ông xác tín cắt nghĩa cho mọi người hiểu thái độ cung kính của ông qua lời sau đây: “Từ khi con tôi chịu chức thánh, con tôi cao trọng hơn tôi nhiều.”

448. Mỗi tuần cố gắng thắng một tật xấu

Không ai trọn lành thánh thiện toàn diện được đâu.
Ai ai cũng có tật xấu, không nhiều thì ít.
Người lành thánh mỗi ngày ít nhất cũng có bảy tám lần lỡ lầm, sai sót.
Chúng ta hãy bắt chước Benjamin Franklin. Mỗi khi đêm về, ông xết mình về từng tật xấu của ông, rồi ông lập chương trình đánh tỉa từng tật xấu: mỗi tuần, ông quyết thắng cho được một tật xấu.
Chúng ta hãy quyết chừa tính xấu, quyết diệt tính xấu, nhất là những tính xấu nổi bật nhất của mình.
Và chúng ta đừng bao giờ dại dột để rước thêm một tính xấu mới nào vào trong cuộc đời của mình.

449. Các bậc vĩ nhân là những người biết vươn lên

Vĩ nhân Shakespeare: lúc nhỏ, một học sinh quá nghèo túng.
Vĩ nhân Laplace: thuộc về một gia đình ở chốn thôn quê nghèo nàn.
Vĩ nhân Franklin: một thanh niên làm công cho một nhà in và làm nghề bán sách để kiếm thêm chút ít tiền.

450. Điều mà con tôi cần nhất!

Bà mẹ kia, khi đem con mình đến cho một cô giáo dạy học, thành thật nói với cô giáo nầy như sau:
- “Thưa cô, điều mà con tôi cần nhất, không phải là những kiến thức mà cô sẽ dạy cho nó, nhưng chính là sự giáo dục mà cô sẽ làm cho nó trở nên một con người tốt. Chính sự giáo dục nầy là điều cần thiết nhất cho con tôi.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Thánh Cha Benedictô XVI cho các Bạn Trẻ chào mừng Ngài tại Barangaroo
VietCatholic Network
01:41 17/07/2008
SYDNEY - Trong nghi thức của Bạn Trẻ chào mừng Đức Thánh Cha Benedictô XVI tại Barangaroo, Ngài đã ban bài diễn từ như sau:

Các Bạn Trẻ thân mến,

Thật là vui mừng biết bao khi được chào mừng các con tại Barangaroo này, ngay cạnh hải cảng thiên nhiên xinh đẹp của Sydney. Nhiều người trong các con là dân Úc địa phương, đến từ những vùng xa xôi hẻo lánh hay thuộc các cộng đồng sắc tộc đa văn từ các đô thị lớn. Nhiều người đã đến từ những hải đảo chi chít trong vùng Thái Bình Dương, và nhiều người khác từ Á Châu, Trung Đông, Phi Châu, và Mỹ Châu. Một số nữa, dĩ nhiên, cũng đã đến từ một nơi rất xa như Cha đây, là Âu Châu! Dù cho chúng ta có từ đâu đến đi chăng nữa, chúng ta cũng đang cùng nhau hiện diện nơi đây ở Sydney. Và chúng ta cùng sát cánh bên nhau trong thế giới này như một gia đình của Thiên Chúa, như những môn đệ Đức Kitô, được gia tăng sức mạnh nhờ Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân cho tình yêu và chân lý của Thiên Chúa cho tất cả mọi người!

Trước tiên Cha xin cám ơn các vị Trưởng Lão Aboriginal đã chào đón Cha ở Rose Bay trước khi Cha lên tàu. Cha rất cảm động được đứng trên mảnh đất của anh chị em, và hiểu rằng trên mảnh đất này đã xảy ra nhiều đau khổ và bất công, nhưng Cha cũng biết là việc hòa giải và hàn gắn đang được tiến hành, để đem lại danh dự chính đáng cho tất cả mọi công dân Úc-đại-lợi. Với các bạn trẻ thổ dân – cả người Aboriginal lẫn Torres Strait, và người Tokelauans, Cha xin bày tỏ niềm tri ân về nghi lễ chào mừng cảm động của các canh chị em. Cha cũng nhờ anh chị em gởi lời chào mừng chân thành của Cha đến bộ tộc của anh chị em.

Thưa Đức Hồng Y Pell, Đức Hồng Y Rylko, Đức Tổng Giám Mục Wilson, Cha cám ơn các Chư Huynh về những lời chào mừng nồng ấm. Cha biết trong tim những bạn trẻ đang tụ họp nơi đây chiều nay cũng đang rung lên cùng những cảm nghĩ như vậy, và vì thế Cha xin cảm ơn tất cả mọi người. Trước mắt Cha là một hình ảnh sống động của Giáo Hội hoàn vũ. Những quốc gia và những nền văn hóa khác nhau mà các con đang trân trọng đã chứng tỏ rằng Tin Mừng của Đức Kitô thật sự được dành cho tất cả mọi người; rằng Tin Mừng đã được loan truyền đến khắp tận cùng trái đất. Nhưng Cha cũng biết rằng một số lớn các con vẫn đang tìm kiếm một quê hương tâm linh. Một vài người, rất được hoan nghênh đến với chúng ta, không phải là người Công Giáo hay Kitô Giáo. Nhiều người khác thì chỉ lảng vảng nơi ngưỡng cửa giáo xứ và các sinh hoạt của Giáo Hội. Với những người này Cha khuyến khích các con hãy mạnh dạn bước tới tiến vào vòng tay âu yếm của Đức Kitô, hãy xem Giáo Hội như là mái ấm của các con. Không một ai nên đứng ở ngoài rìa, bởi vì kể từ ngày Lễ Hiện Xuống Giáo Hội đã trở nên duy nhất và mang tính toàn cầu.

Cha cũng nhớ đến những người không có mặt nơi đây với chúng ta hôm nay. Cha đặc biệt nhớ đến những người đau yếu thể chất hay tinh thần, những người trẻ đang vướng vòng lao lý, những người khốn khổ sống bên lề xã hội, và những người mà bất kể vì lý do gì đang cảm thấy xa lạ với Giáo Hội. Cha muốn nói với những người này rằng: Đức Giêsu rất gần gũi với các con! Hãy cảm nhận vòng tay yêu thương hàn gắn và khoan dung của Ngài!

Khoảng 2000 năm về trước, các Tông Đồ, tụ họp tại Phòng Tiệc Ly với Đức Maria và những người phụ nữ đạo đức, đã được lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần (Cv 1:14). Ngay vào thời điểm phi thường này đã khai sinh ra Giáo Hội đó, nỗi bất an và sợ hãi đang đè nặng tâm trí các tông đồ đã được biến đổi thành một niềm tin mạnh mẽ và một sứ mạng rõ ràng. Họ cảm thấy được thôi thúc phải loan truyền cuộc gặp gỡ của họ với Đức Kitô Phục Sinh, người mà họ âu yếu gọi bằng Chúa. Xét về nhiều khía cạnh, các Tông Đồ tiên khởi chỉ là những người rất bình thường. Không một ai trong số họ có thể xưng mình là một môn đệ hoàn hảo. Họ đã chẳng nhận ra Đức Kitô Phục Sinh (Lc 24:13-32), họ đã bị xấu hổ về những tham vọng của chính họ (Lc 22:24-27), và ngay cả đã từng chối bỏ Chúa nữa (Lc 22:54-62). Vậy mà khi được nâng đỡ bởi Thánh Linh, họ được xác quyết bởi chân lý của Phúc Âm và được linh hứng để mạnh mẽ công bố Tin Mừng mà không hãi sợ gì cả. Với lòng bạo dạn, họ tuyên bố: hãy ăn năn thống hối, hãy chịu Phép Rửa, hãy lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2:37-38)! Được hướng dẫn bởi những lời rao giảng của các Tông Đồ, bởi sự đồng hành của họ, trong lời kinh nguyện và trong Bí Tích Thánh Thể, cộng đồng Kitô hữu non trẻ thời đó đã tiến lên và đi ngược lại với những việc xấu xa bất công lúc bấy giờ (Cv 2:40), để quan tâm lo lắng cho nhau (Cv 2:44-47), để bảo vệ niềm tin của họ vào Đức Giêsu trước những sự công kích (Cv 4:33), và để chữa lành những người bệnh tật đau ốm (Cv 5:12-16). Và khi tuân theo những điều luật của Đức Kitô, họ đã ra đi và làm chứng cho một điều lớn lao nhất trong mọi thời đại: Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, đấng thánh thiêng đã nhập thế vào thế giới trần tục của loài người nhằm mục đích biến cải thế giới đó, và chúng ta được mời gọi để hoà mình trong tình thương cứu độ của Đức Kitô, tình thương chiến thắng sự dữ và tử thần. Thánh Phaolô, trong một bài giảng nổi tiếng của ngài cho người Areopagus, đã giới thiệu thông điệp đó như sau: “Thiên Chúa ban cho mọi loài mọi sự - từ sự sống đến hơi thở - để tất cả mọi dân tộc đều tìm kiếm Người, dò dẫm mà tìm kiếm Người, và may ra tìm được Người, tuy rằng Người thực sự không ở xa mỗi người chúng ta, bởi vì chính nhờ Người mà chúng ta sống, hoạt động, và hiện hữu” (Cv 17:25-28).

Và kể từ ngày đó, nhiều người nam cũng như nữ đã ra đi loan truyền thông điệp đó, làm chứng cho chân lý và tình yêu của Đức Kitô, và góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh. Hôm nay chúng ta nhớ đến các Linh Mục và Tu Sĩ Nam Nữ đã đi tiên phong từ Ái-nhĩ-lan, Pháp, Anh và những vùng khác ở Âu Châu đến những bến bờ nơi đây và những nơi khác trong vùng Thái Bình Dương. Phần lớn trong số họ là những người trẻ - một vài người chưa đến lứa tuổi 20 – và khi họ nói lời chia tay cùng cha mẹ, anh chị em và bạn bè, họ biết là rất có thể họ sẽ không bao giờ trở về. Cuộc đời họ là cả một chứng tá hết lòng cho Đức Kitô. Họ trở nên những người thợ xây bé mọn nhưng ngoan cường và đã gầy dựng một xã hội và một di sản văn hóa mà cho đến ngày nay vẫn còn nảy sinh những hoa quả tốt đẹp, tình thương yêu và chủ đích cho những quốc gia đó. Và họ cũng để lại những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ kế tục. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến niềm tin đã nâng đỡ Chân Phước Mary MacKillop trong quyết tâm dạy dỗ chăm sóc cách đặc biệt cho người nghèo của ngài, đến Chân Phước Peter To Rot trong sự kiên định của ngài là vai trò lãnh đạo bắt buộc phải đi đôi với Phúc Âm. Hãy nhớ đến chính ông bà cha mẹ các con nữa, đó là những người thầy đầu tiên đã dạy dỗ đức tin cho các con. Họ cũng đã phải hy sinh rất nhiều thời gian và công sức vì tình thương yêu dành cho các con. Qua sự trợ giúp của các linh mục giáo xứ và các giảng viên giáo lý, họ có một nhiệm vụ, tuy rất cao cả nhưng không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, là chỉ dẫn cho các con hướng về những điều thiện hảo và đúng đắn, bằng chính gương chứng nhân – bằng lời giáo huấn và thực hành đức tin của họ.

Hôm nay là đến lượt Cha. Đối với một số người trong chúng ta, có thể nói là chúng ta đã đặt chân đến tận cùng trái đất! Tuy nhiên, với những người còn trẻ tuổi như các con thì bất cứ chuyến bay nào cũng là một điều thật thú vị. Nhưng với Cha, thì chuyến bay này có vẻ hơi nặng nề! Thế nhưng phong cảnh mặt đất nhìn từ trên không trung thì thật là kỳ diệu làm sao. Vùng Địa Trung Hải lấp lánh, sa mạc Bắc Phi mênh mông, những khu rừng Á Châu xanh tươi, Thái Bình Dương bao la, chân trời xa xa với những cảnh bình minh và hoàng hôn, và khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp của Úc Châu mà Cha đã được tận hưởng trong mấy ngày vừa qua; tất cả những cảnh vật đó đều gợi lên lòng kinh ngạc và ngưỡng mộ. Ngắm những cảnh đó cũng giống như được nhìn thấy những nét trong tiến trình tạo dựng muôn loài theo sách Sáng Thế - ánh sáng và bóng tối, mặt trời và mặt trăng, đại dương và lục địa, các sinh vật; tất cả những gì được coi là “tốt đẹp” trong mắt Thiên Chúa (St 1:1-24). Được hoà mình trong những cảnh đẹp tuyệt vời đó, ai mà không thể đồng cảm với những lời lẽ ngợi ca Đấng Sáng Tạo trong Thánh Vịnh: “lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8:1)

Và còn nữa – còn những điều khó mà hiểu được từ trên không trung: những con người nam nữ trên mặt đất, được tạo dựng từ chính hình ảnh Thiên Chúa (St 1:26). Trung điểm của tiến trình sáng thế này chính là các con và Cha, là gia đình nhân loại “được đội mũ triều thiên” (Tv 8:5). Thật kỳ diệu biết bao! Cùng với tác giả thánh vịnh, chúng ta phải thầm thì tự hỏi: “con người là chi mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8:4). Và rồi lắng xuống trong thinh lặng, lòng tràn đầy tâm tình tạ ơn, hòa quyện vào quyền linh thánh thiện, chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ.

Và chúng ta khám phá được điều gì?

Có thể chúng ta phải miễn cưỡng mà nhìn nhận rằng cũng có những vết thẹo đầy dẫy khắp bề mặt trái đất, chẳng hạn như sự thoái hóa đất đai, sự phá hủy rừng rậm, sự lạm dụng khai thác các tài nguyên khoáng sản và thủy sản nhằm thỏa mãn cho một chủ nghĩa tiêu thụ tham lam vô độ. Một số các con đã đến từ các đảo quốc mà sự tồn tại bị đe dọa bởi mực nước biển ngày càng dâng cao; một số khác từ các quốc gia đang gánh chịu hậu quả của những trận hạn hán nặng nề. Công trình sáng tạo kỳ diệu của Thiên Chúa đôi khi lại trở thành thù nghịch với những người được đặt làm quản lý, và có khi còn trở thành nguy hiểm nữa. Tại sao một điều “tốt đẹp” lại có thể trở nên đáng sợ như vậy?

Và còn nữa. Còn nhân loại – kỳ công sáng tạo tuyệt đỉnh của Thiên Chúa – thì sao? Mỗi ngày chúng ta đều được tiếp cận với những thành quả thông thái của nhân loại. Từ những tiến bộ về mặt y học và những áp dụng khôn ngoan của kỹ thuật hiện đại, đến những công trình sáng tạo nghệ thuật, và đời sống con người vẫn luôn ngày càng được nâng cao về nhiều mặt. Các con có thật nhiều cơ hội và luôn sẵn sàng nắm bắt những cơ hội đó. Một số các con rất xuất sắc về các mặt học vấn, thể thao, âm nhạc, ca múa, kịch nghệ, một số khác thì quan tâm về các vấn đề đạo đức và công bằng xã hội, và nhiều người đã xung phong trong các việc phục vụ thiện nguyện. Tất cả chúng ta, già hay trẻ, đều có những khoảnh khắc mà tính bổn thiện – nếu nhìn theo nghĩa cử sẵn sàng tha thứ của một người lớn hay một em bé - đổ đầy tâm hồn chúng ta với những niềm vui và tri ân sâu sắc.

Thế nhưng những khoảnh khắc đó không kéo dài lâu. Và chúng ta lại phải băn khoăn suy nghĩ. Và rồi chúng ta khám phá ra rằng không những chỉ môi trường thiên nhiên mà còn môi trường xã hội nữa – môi trường mà chính chúng ta tự tạo dựng – đều có những vết thẹo; những vết thương chứng tỏ rằng vẫn còn thiếu thiếu điều gì đó. Ngay cả chính trong cuộc sống cá nhân chúng ta và trong cộng đồng, chúng ta cũng có thể thấy những sự thù nghịch, những điều nguy hiểm; những nọc độc đe dọa làm phá hủy những gì tốt đẹp, làm biến dạng bản thân chúng ta, và làm sai lạc những mục đích mà chúng ta được tạo dựng để đạt tới. Có nhiều ví dụ lắm, như các con cũng biết rồi. Những ví dụ thường thấy nhất là nạn rượu chè ma túy, nạn khuyến khích bạo lực và hạ cấp tính dục mà vẫn thường được trình bày trên tivi và internet như là việc giải trí. Cha tự hỏi là, có ai có can đảm đối diện với chính những người bị bạo hành và bị lạm dụng tình dục, mà dám “giải thích” rằng những thảm kịch đó, được diễn tả qua hình thức phim ảnh, lại có thể được liệt vào loại đơn thuần là “giải trí”?

Còn có một điều xấu khác phát xuất từ thực tế là tự do và lòng khoan dung thì rất thường hay bị tách rời khỏi sự thật. Điều này đã nảy sinh từ cái khái niệm, mà ngày nay được nhiều người tán đồng, là trên đời này chẳng có một chân lý tuyệt đối nào cả. Chủ nghĩa tương đối, bằng cách đề cao giá trị của hầu hết mọi việc một cách vô tội vạ, đã khiến người ta thích đi tìm những “kinh nghiệm” đó. Đúng, kinh nghiệm, nếu bị tách rời khỏi chân lý và điều thiện, có thể đưa tới, không phải sự tự do thật sự, mà là tới sự rối rắm về luân lý và lý trí, tới sự hạ thấp các chuẩn mực, tới việc đánh mất lòng tự trọng, và ngay cả tới sự tuyệt vọng.

Các con thân mến, cuộc đời không chỉ toàn là những sự tình cờ ngẫu nhiên. Sự hiện hữu của chính các con là do Thánh Ý Thiên Chúa, là được chúc phúc và được trao ban một mục đích cụ thể (St 1:28)! Cuộc đời không chỉ là một chuỗi những ngày lễ lạc hội hè và những kinh nghiệm, cho dù nhiều kinh nghiệm đó rất là bổ ích. Cuộc đời là một chuyến hành trình tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Chúng ta nên dựa vào những tiêu chuẩn này khi chọn lựa phương hướng cuộc đời, chúng ta dùng những tiêu chuẩn này để thể hiện tự do của chúng ta; và chỉ có trong những tiêu chuẩn này – Chân, Thiện, Mỹ - là chúng ta có thể tìm được hạnh phúc và nguồn vui đích thực. Đừng dại dột mà nghe lời những kẻ chỉ xem các con như là một người tiêu thụ như bao người khách hàng khác trong một thị trường đầy dẫy những sản phẩm bừa bãi, nơi mà quyền chọn lựa đã trở thành một món hàng, sự mới lạ đã truất ngôi mỹ thuật, và những kinh nghiệm chủ quan đã hất cẳng sự thật.

Đức Kitô có thể mang đến cho các con những điều tốt đẹp hơn! Thật vậy, Ngài có thể ban cho các con tất cả! Chỉ có Ngài là Sự Thật, là Con Đường, và vì thế cũng là Sự Sống. Cho nên “con đường” mà các Tông Đồ dẫn tới tận cùng trái đất chính là cuộc sống trong Đức Kitô. Đó là cuộc sống trong Giáo Hội. Và ngõ vào của cuộc sống này, của con đường Kitô Giáo là Phép Rửa Tội.

Vì thế đêm nay Cha cũng muốn nhắc lại sơ qua một chút khái niệm về Phép Rửa Tội trước khi tìm hiểu về Chúa Thánh Thần vào ngày mai. Trong ngày các con lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Thiên Chúa cho các con thông phần vào bản tính thánh thiện của Ngài (2 Pt 1:4). Các con đã được nhận là con cái của Cha Trên Trời. Các con được kết hợp với Đức Kitô. Các con được làm Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6:19). Bí Tích Rửa Tội không phải là một thành tích, cũng không phải là một phần thưởng. Đó là một hồng ân, đó là công trình của Thiên Chúa. Thật vậy, vào phần kết thúc trong nghi thức Rửa Tội, linh mục sẽ quay sang cha mẹ các con và những người hiện diện tại đó, rồi đọc tên con và tuyên bố rằng: “con đã trở nên tạo vật mới” (Nghi Thức Rửa Tội, 99).

Các con thân mến, khi đang ở nhà, ở trường, nơi làm việc, nơi giải trí, hãy luôn nhớ rằng các con là những con người mới! Không những các con ngước trông lên Đấng Sáng Tạo với lòng kính phục ngưỡng mộ, tự hào về những kỳ công của Người, mà các con còn sẽ nhận ra rằng nền tảng vững chắc của một xã hội đoàn kết loài người là ở chỗ nguồn gốc chung của con người, mà mỗi người là một tuyệt tác của Thiên Chúa. Trong vai trò Kitô hữu các con sống giữa thế gian với ý thức rằng Thiên Chúa có một bộ mặt của loài người – tức là Đức Giêsu Kitô – là “con đường” thỏa đáp những khát vọng của nhân loại, là “sự sống” mà chúng ta được kêu mời để làm chứng dưới ánh sáng của Ngài (ibid. 100). Sứ mạng của một chứng nhân không phải là dễ dàng. Nhiều người ngày nay cho rằng Thiên Chúa chỉ nên được đặt ở bên lề; và tôn giáo và đức tin, mặc dù tốt cho các cá nhân, nhưng phải nên loại ra khỏi những diễn đàn công cộng hoặc chỉ nên dùng trong những mục đích thiết thực hạn chế nào đó mà thôi. Quan niệm trần tục này muốn giải thích cuộc sống của con người và muốn định hướng xã hội mà không nhắc gì đến Đấng Sáng Tạo. Chủ nghĩa thế tục được trình bày có vẻ như là một chủ nghĩa trung lập, không thiên vị, và đại diện cho tất cả mọi người. Nhưng thực tế là, cũng như các chủ nghĩa khác, chủ nghĩa thế tục đã áp dụng quan điểm của trần thế. Nếu Thiên Chúa không liên quan gì với cuộc đời của quần chúng, thì xã hội sẽ được uốn nắn theo một hình ảnh vô thần, và những cuộc thảo luận cũng như các chính sách an sinh xã hội sẽ được hình thành để đối phó với các hậu quả hơn là được thiết lập trên những nguyên tắc căn bản dựa theo chân lý.

Kinh nghiệm cho thấy việc quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa đã gây ra những xáo trộn mà từ đó không khỏi không ảnh hưởng tai hại đến những phần còn lại của thế giới thụ tạo (Thông Điệp của ngày Quốc Tế Hòa Bình 1990, 5). Khi Thiên Chúa bị che phủ, chúng ta bị suy yếu khả năng nhận biết các trật tự tự nhiên, thánh ý Thiên Chúa và những điều tốt đẹp. Những gì ra vẻ được đề cao như là sự khôn ngoan của loài người sớm muộn gì cũng sẽ lộ nguyên hình là những điều dại dột, tham lam và sự lợi dụng ích kỷ. Và vì thế chúng ta đã càng ngày càng ý thức được rằng chúng ta cần phải có lòng khiêm nhường trước thế giới tinh vi phức tạp của Thiên Chúa.

Thế còn môi trường xã hội của chúng ta thì sao? Chúng ta có nên cảnh tỉnh với những dấu hiệu của sự quay lưng lại với hệ thống luân lý mà Thiên Chúa đã phú ban cho nhân loại (Thông Điệp của ngày Quốc Tế Hòa Bình 2007, 8)? Chúng ta có biết rằng phẩm cách bẩm sinh của mỗi một cá nhân là tùy thuộc vào căn tính của họ - là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa – và vì thế nhân quyền là có tính cách toàn cầu, dựa trên quy luật tự nhiên, chứ không phải dựa trên những sự dàn xếp, bảo trợ, chưa kể những sự thỏa hiệp. Và vì vậy chúng ta hãy suy nghĩ về vai trò của những người nghèo khó, già yếu, những người di dân và những người thấp cổ bé miệng trong xã hội của chúng ta. Tại sao lại có nhiều cảnh bạo hành trong gia đình làm đau khổ những người mẹ và những đứa con thơ đến như vậy? Tại sao phần thân thể linh thiêng và kỳ diệu nhất của con người – cung lòng người mẹ - lại trở nên một chốn ác nghiệt không lời nào tả cho xiết?

Các con thân mến, công trình sáng tạo của Thiên Chúa rất độc đáo và rất tốt đẹp. Những mối quan tâm về các dự án phát triển không phá hủy thiên nhiên và giữ được lâu bền, về công lý và hòa bình, và về việc bảo tồn môi trường là những vấn đề quan trọng sinh tử của nhân loại. Tuy nhiên, những vấn đề này không thể được hiểu thấu mà lại tách rời khỏi sự suy nghĩ sâu sắc về nhân cách bẩm sinh của cuộc đời mỗi một con người từ lúc thụ thai cho đến lúc lìa đời: một nhân cách do chính Thiên Chúa trao ban và vì thế bất khả xâm phạm. Thế giới của chúng ta đã trở nên mệt mỏi với những sự tham lam, lợi dụng, chia rẽ, sự rập khuôn của những thần tượng thế gian, những đáp ứng không trọn vẹn, và nỗi đau vì những lời hứa rỗng tuếch. Tâm hồn chúng ta khao khát một viễn cảnh của cuộc sống trong đó tình yêu tồn tại muôn thưở, những ơn lành được chia sẻ, tình đoàn kết được bồi đắp, ý nghĩa của quyền tự do được thể hiện nơi sự thật, và căn tính được thể hiện nơi các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau. Đó là thành quả của Chúa Thánh Thần! Đó là niềm hy vọng được diễn tả trong Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô. Chính vì mục đích làm chứng nhân cho thực tại này mà các con đã được tái sinh trong Phép Rửa và được củng cố nhờ Bảy Ơn Chúa Thánh Thần trong Phép Thêm Sức. Xin cho đây là một thông điệp mà các con sẽ đem từ Sydney đến khắp thế giới!

(Mỹ Hạnh / VietCatholic Network chuyễn ngữ)
 
Đức Thánh Cha bắt đầu chính thức hoạt động tại Sydney
LM Trần Đức Anh, OP
02:44 17/07/2008
SYDNEY. Lúc 6 giờ chiều 16-7-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã giã từ Trung tâm nghiên cứu Kenthurst ở Sydney nơi ngài đã nghỉ ngơi trong 3 ngày qua, và tới cư ngụ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa Sydney bên Úc, để chính thức bắt đầu các hoạt động từ sáng ngày 17-7-2008.

Trước đó vào ban sáng, ĐTC đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện rồi làm phép viên đá đầu tiên xây cất một tòa nhà mới trong trung tâm Kenthurst của Giám hạt tòng nhân Opus Dei, dùng vào việc huấn luyện giới trẻ.

Một điều ngoài chương trình, đó là ĐTC đã gặp khoảng 10 thanh niên hoạt động tại sở thú ở thành phố Sydney. Họ mang đến những con vật nhỏ tiêu biểu của nước Úc như con đại thử Canguru, con gấu túi Koala, một con trăn dài 2 mét, một con sáo, và một con cá sấu nhỏ. ĐTC cũng tò mò vuốt ve các con vật này. Nhóm nhân viên trẻ đã tặng ngài một con gấu túi koala. Hiện diện tại cuộc gặp gỡ có ĐHY Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY George Pell, TGM Sydney, Đức ông Gaenswein bí thư của ĐTC và ông Gasbarri, Giám đốc hành chánh đài Vatican và cũng là trưởng ban tổ chức các chuyến viếng thăm của ĐTC tại nước ngoài.

ĐTC đã tặng cho Trung Tâm Kenthurst bức tranh khảm Mater Ecclesiae, Mẹ GIáo Hội 65 x 46,5 centimet kể cả khung. Đây là bản sao bức tranh mà Đức Gioan Phaolô 2 đã cho thực hiện và treo trên một tường trong dinh Tông Tòa sau cuộc mưu sát ngày 13-5-1981 để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự bảo vệ của Hiền Mẫu trên bản thân ngài và Giáo Hội.

Trong khi đó, các nhóm bạn trẻ sinh hoạt, học hỏi giáo lý tại 253 địa điểm khác nhau theo 30 ngôn ngữ. Họ đề cập đến những đề tài thời sự như sự phát triển dài hạn, môi sinh, tính dục, công bằng xã hội, đối thoại giữa các tín ngưỡng. Một diễn đàn với sự tham dự của ĐHY Christophe Schoenborn O.P, TGM Vienne bên Áo, về sự sáng táng tạo và tiến hóa, một vấn đề đang được bàn tán nhiều tại Âu Mỹ từ vài năm nay.

Các bạn trẻ Việt Nam sinh hoạt từ 9 giờ sáng tại Trung Tâm Liverpool William và lúc 11 giờ sáng đã có thánh lễ đồng tế. Lúc 6 giờ chiều hôm qua, có Đại Nhạc Hội ”Trở về nguồn”.

Một cuộc thảo luận về đối thoại liên tôn với sự tham dự của Đức TGM Fitzgerald, Sứ thần Tòa Thánh tại Ai Cập, và Mufti Hồi giáo Patel và Rabbi Do thái Knoll. Tổng cộng có tới 450 sinh hoạt, triển lãm, các buổi hòa nhạc, trình diễn văn nghệ, và các cuộc thảo luận.

Đặc biệt để chào mừng ĐTC, trên những cây cột của cầu Harbour ở Sydney có chiếu các phim miếng về ĐTC Biển Đức 16 và các sứ điệp chào mừng.

Về phương diện ẩm thực, guồng máy của ban tổ chức hoạt động tối đa cung cấp 25 triệu bữa ăn và đồ uống cho các bạn trẻ. Trên các điện thoại di động của các bạn trẻ đăng ký tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ xuất hiện một sứ điệp ngắn (SMS) bằng tiếng Anh với câu nói của ĐTC: ”Hỡi bạn trẻ, Thiên Chúa và Dân Ngài đang chờ đợi rất nhiều nơi bạn vì nơi bạn có một hồng ân cao cả của Chúa Cha: đó là Thánh Linh của Chúa Giêsu, Ký tên Biển Đức 16”.

Theo chương trình, lúc 9 giờ sáng thứ năm 17-7, ĐTC Biển Đức 16 đến Tòa Nhà Chính Phủ ở thành phố Sydney để được chính quyền Úc chính thức tiếp đón, với sự hiện diện của vị Toàn Quyền Michael Jeffery, tương đương với tổng thống, và ông Kevin Rudd, thủ tướng, cùng với các chức sắc đạo đời.

Sau đó, ĐTC đến viếng Đền Tưởng Niệm Mary MacKillop, vị chân phước đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Úc, được ĐTC Gioan Phaolô 2 tôn phong ngày 19-1-1995 trong cuộc viếng thăm tại Sydney. Sau khi cầu nguyện tại mộ của vị Chân Phước và gặp gỡ 100 nữ tu dòng thánh Giuse do chân phước sáng lập, ĐTC đến viếng thăm xã giao vị Toàn Quyền tại Dinh Admiralty, rồi gặp gỡ thủ tướng Kevin Rudd.

Ban chiều, ngài đến bến tàu Rose Bay và được các vị tù trưởng thổ dân đón tiếp theo nghi thức cổ truyền của họ, trước khi lên Con Tàu Sydney 2000 tiến về bến tàu Barangaroo cách đó 6 hải lý, để chính thức gặp gỡ các bạn trẻ dự kiến vào lúc 3 giờ rưỡi giờ địa phương, tức là lúc 10 giờ rưỡi sáng 17-7-2008 giờ Việt Nam. (SD 17-7-2008)
 
WYD 2008: Sinh hoạt ngày thứ Năm 17/07/2008
Phóng Viên VietCatholic
06:32 17/07/2008
 
Đón tiếp Đức Thánh Cha: (Video 1)
Phóng Viên VietCatholic
07:55 17/07/2008
Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị một loạt video về nghi thức chào đón Đức Thánh Cha – Đây là phần 1 – Chúng tôi sẽ lần lượt upload những phần tiếp theo. Tại đây ĐTC bộc lộ tâm tình như sau: "Trước mắt Cha là một hình ảnh sống động của Giáo Hội hoàn vũ. Những quốc gia và những nền văn hóa khác nhau mà các con đang trân trọng đã chứng tỏ rằng Tin Mừng của Đức Kitô thật sự được dành cho tất cả mọi người; rằng Tin Mừng đã được loan truyền đến khắp tận cùng trái đất. Nhưng Cha cũng biết rằng một số lớn các con vẫn đang tìm kiếm một quê hương tâm linh. Một vài người, rất được hoan nghênh đến với chúng ta, không phải là người Công Giáo hay Kitô Giáo. Nhiều người khác thì chỉ lảng vảng nơi ngưỡng cửa giáo xứ và các sinh hoạt của Giáo Hội. Với những người này Cha khuyến khích các con hãy mạnh dạn bước tới tiến vào vòng tay âu yếm của Đức Kitô, hãy xem Giáo Hội như là mái ấm của các con. Không một ai nên đứng ở ngoài rìa, bởi vì kể từ ngày Lễ Hiện Xuống Giáo Hội đã trở nên duy nhất và mang tính toàn cầu."
 
WYD 2008: Phỏng vấn các ĐGM Việt Nam và ĐHY Hương Cảng ngay sau nghi thức chào đón ĐGH
Phóng Viên VietCatholic
08:05 17/07/2008
Ngay sau nghi thức chào đón Đức Thánh Cha tại Barangaroo VietCatholic đã có cuộc phỏng vấn với Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên và Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc về cảm nghĩ của các ngài về lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ.

VietCatholic cũng đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Giám Mục Hương Cảng về đời sống đạo tại Hương Cảng cũng như tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Hoa Lục gần đây. ĐHY Trần Nhật Quân rất tán dương và cảm phục tinh thần sống đạo của người Việt Nam. Ngài cũng so sánh Việt Nam và Trung Hoa và cho rằng Việt Nam chúng ta may mắn hơn Trung Hoa rất nhiều.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Sau cùng chúng ta cùng ở Sydney với nhau
Vũ Văn An
08:10 17/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Sau cùng chúng ta cùng ở Sydney với nhau.

Kate Sikora của tờ Daily Telegraph, ngày 17 tháng Bẩy, có bài sau đây về lễ chào mừng chính thức Đức Giáo Hoàng tại Barangaroo.

Đức Giáo Hoàng đã bước lên bờ tại Barangaroo vào lúc 3 giờ 30 hôm nay để được 150,000 khách hành hương chào đón một cách đầy xức động. Ngài mỉm cười cám ơn cuộc chào mừng kỳ diệu của khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới, vừa chúc mừng vừa cảm kích đến chẩy nước mắt. Mấy phút sau đó, Ngài sẽ đọc bài diễn văn đầu tiên của Ngài tại Úc trước khi rời đó để diễn hành bằng xe hơi qua khắp thành phố.

Đức Giáo Hoàng rời nơi ở tạm thời của Ngài tại nhà xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary vào khoảng 2.20 chiều, tiến về Rose Bay, một khu ngoại ô phía tây của Sydney, nơi chiếc tầu MV Sydney 2000 đang chờ đợi Ngài.

Ngài nói Ngài rất vui được chào mừng khách hành hương tại Barangaroo, “trên bờ hải cảng tuyệt diệu Sydney với chiếc cầu và Nhà Hát nổi tiếng của nó. Nhiều người trong chúng con là người địa phương, từ vùng quê xa xôi hay các cộng đoàn đa văn hóa đầy sinh động nơi các phố thị Úc Châu. Nhiều người khác trong chúng con đến từ các hải đoả rải rác khắp Đại Dương Châu, và nhiều người khác nữa còn đến từ Á Châu, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Châu. Một số khác thực sự còn đến từ những chốn xa xăm như Cha chẳng hạn, nghĩa là từ Âu Châu. Bất cứ từ đâu tới, sau cùng tất cả chúng ta cùng ở Sydney với nhau”.

Ngài cám ơn các vị trưởng thượng Thổ Dân vì cuộc đón tiếp trước đó của họ. Ngài nói rằng Ngài “xúc động sâu xa được đứng trên mảnh đất của anh em mà biết rõ các đau khổ và bất công mảnh đất ấy từng phải chịu,, nhưng cũng hiểu rõ sự hàn gắn và niềm hy vọng đang hoạt động, đem lại niềm tự hào một cách chính đáng cho các công dân Thổ Dân”.

Đức Benedict ngày 17 tháng Bẩy 2008 trên chi61c Sydney 2000
Ngài ngỏ lời chào mừng đến người Công Giáo và Kitô Giáo trong đám đông và ngỏ lời khích lệ đối với những ai “đang lảng vảng ở ngoài lề” sinh hoạt giáo hội, và hỗ trợ những ai không có mặt và đang lao đao ở nhoại biên xã hội.

Vào khoảng 4 giờ chiều, Ngài lên giáo hoàng xa để chậm chạp diễn hành quanh đám đông tại Barangaroo và sau đó các phố xá Sydney.

Con tầu Các Du Thuyền Captain Cook dài 63 thước chở Ngài trước đó có 3 tầng, trong đó có Tầng Sao rộng 360 độ, là con tầu hàng đầu của đoàn tầu 13 chiếc.

Con tầu trên du hành dọc theo bờ phía nam của Cảng Sydney trước khi tới Barangaroo ở Đông Cảng Darling, nơi hơn 150,000 khách hành hương WYD đang đứng đợi.

Đức Giáo Hoàng Benedict được các khách bên đường hoan hô chào đón trước khi được trưởng thượng Allen Madden chào mừng theo nghi lễ cổ truyền Thổ Dân.

Đức Thánh Cha chắp tay, chăm chú lắng nghe Madden nói và tiếpp nhận một nhành lá bạch đàn từ một trong các trình viễn viên thổ dân, là người đã dùng nó để quét miếng đất phiá trước mặt Ngài.

Ngài buớc lên chiếc Sydney 2000 sau khi được một nhóm vũ công Thổ Dân mặc đồ da kangaroo và một nhạc công kèn didgeridoo dẫn đầu.

Đức Gioá Hoàng vẫy tay với đám đông khi chiếc tầu chạy ra khỏi chỗ đậulúc 2 giờ 45.

Ngài đứng ở giữa khoang tầu với Đức Tổng Giám mục Sydney là Hồng Y George Pell ở bên cạnh trong khi ấy những người ủng hộ Ngài lần lượt chờ đến lượt được dịp bắt tay và nói truyện với Ngài.

Đức Benedict XVI
Hàng chục con tầu, kể cả tầu cảnh sát, xếp hàng phía sau chiếc Sydney 2000 khi nó rời bến mà tiến vào hải cảng.

Trong khi đó, lưu thông và các dịch vụ chuyên chở công cộng rất trôi chẩy sau khi hàng trăm ngàn người đổ về khu trung tâm bôn bán của Sydney để chính thức chào mừng Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tới Úc Châu.

Nhiều chuyến xe buýt và xe lửa phụ trội đã được xếp đặt để di chuyển đám đông vĩ đại và Cơ quan Đường xá và lưu thông (RTA) tỏ lời khen ngợi cư dân Sydney đã chú ý tới lời yêu cầu của họ không lái mà để xe ở nhà.

Adam Berry, phát ngôn viên chuyên chở của Cơ quan Phối hợp Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho hay các chuyến xe lửa tiếp tục chạy cho tói khuya cho những người muốn tiếp diễn các lễ hội. Ô ng ta cho AAP nói: “Nếu quý vị đi xe lửa, sẽ có rất nhiều chuyến xe và chúng sẽ tiếp tục chạy theo một mức độ cao nhiều chuyến cho đến tận khuya. Bất cứ ai muốn ở lại thành phố để tham dự các lễ hội, thì cứ việc. Họ nên biết rằng sẽ có rất nhiều các chuyến xe đưa họ về nhà lúc đêm khuya”

Ông Berry cũng cho hay: Trên các đường phố, đã có tắc nghẽn tại đường Elizabeth, đường Park và đường Druit. Cahill Expressway về hướng bắc khá bận bịu, trong khi ấy, Cầu Sydney Harbour thì lưu thông khá khả quan.

Dù lưu thông khá khản quan, ông vẫn kêu gọi dân chúng hãy để xe tại nhà và sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng.
 
Các thanh niên hành hương ăn tới 3.5 triệu bữa ăn
Đỗ Hữu Nghiêm
08:25 17/07/2008
Mấy con số đánh dầu biến cố Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Thế Giới ở Úc châu

SYDNEY, Úc châu ngày 16/7/ 2008 (Zenit.org).- Chừng 225.000 thanh niên tham gia Ngày Thanh Niên Thế Giới bắt đầu Thứ Ba và sẽ chấm dứt ngày Chủ Nhật, với một thánh lễ bế mạc có thể qui tụ khoảng một nửa triệu người.

Những nhà tố chức tường trình có chừng 125.000 thanh niên hành hương từ các nước ngoài Úc châu và có chừng 100.000 người tại ngay nước chủ nhà. Biến cố lớn lao nhất gồm nhiều chủng tộc đã diễn ra tại Úc châu, hơn cả con số 2000 nhà vận động thể thao trong Thấ Vận Hội

Hoa Kỳ là nuớc ngoài có số thanh niên hành hương đông nhất là 15.000, theo các nhà tổ chức WYD

Có ước chứng 8.000 tính nguyện viên tham gia các hoạt động giúp việc tổ chức đại hội. Chừng 2.000 linh mục và 500 giám mục và hồng y hiện diện, với chừng 500 áo lễ cho các giám mục và một giây quàng cổ cho mỗi linh mục.

Một triệu bánh lễ được chuẩn bị cho việc Hiệp Lễ và 120 chai rượu nho được chuẩn bị cho thánh lễ khai mạc và chấm dứt Đại Hội

Các thanh niên hành hương ăn 3.5 triệu bữa ăn và 232.000 cây nến sẽ được sử dụng trong Đai Hội. Chừng 100.000 thanh niên ngủ tại các trường và các giáo xứ, và chừng 10.000 người khác tại Công Viên Thế Vận Hội

Chừng 100 nghệ sĩ tham gia các Chặng Đường Thánh Giá

Úc châu có chừng 5.12 triệu người Công giáo phân bố trong 1.363 giáo xứ. Con số đó chiếm khoảng 26% dân số Úc. Giáo Hội Công Giáo Úc có 28 giáo phận lãnh thổ, bốn Giáo phận các nhà thờ Công Giáo phương Đông và một giáo phận quân đội

Vùng Sydney gồm bốn giáo phận với chừng 1.5 triệu người Công giáo, Tổng Giáo Phận Sydney có gần 600.000 tín đồ với 480 linh mục trong 141 giáo xứ và các cơ sở khác của giáo phận.

Đã có ba lần các vị Giáo Hoàng đến thăm Úc. Năm 1970, Đức Phaolô VI, năm 1986, Đức Gioan Phaolô II và năm 1995, Vẫn Đức Gioan Phaolô II đến thăm lần thứ hai, tôn phong nữ thánh Mary MacKillop.
 
VietCatholic phỏng vấn Cha Lombardi trưởng phòng báo chí Tòa Thánh
Phóng Viên VietCatholic
09:26 17/07/2008
Trong buổi họp báo sang nay, cha Federico Lombardi, SJ, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã có một buổi thuyết trình về ngày xuất hiện công khai đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Sydney.

Trong bài thuyết trình bằng tiếng Ý của ngài có đoạn đề cập đến “Vietnamitta”. Ngài đã cho Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam một cuộc phỏng vấn trực tiếp sau đó lien quan đến những quan tâm của Đức Thánh Cha về vấn đề hội nhập của người trẻ Việt Nam tại Úc Đại Lợi.
 
Bước chân rao truyền Tin Mừng
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:32 17/07/2008

Bước chân rao truyền Tin Mừng



“Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “ Thiên Chúa người là Vua hiển trị”. ( Isaia 52,7)

Với những lời này Thánh Tiên tri Isaia đã vẽ nên bức tranh truyền giáo. Thật là phải đạo và chính đáng! Nhưng còn hơn thế nữa, qua đó Thánh tiên tri Isaia muốn cổ võ khuyến khích lòng nhiệt thành hăng say cho việc mở mang Nước Thiên Chúa ở trần gian trong thế giới đất nước vùng Trung đông lúc đó.

Đó là thời điểm nghìn năm trước Chúa Giêsu giáng sinh. Còn thời điểm từ sau khi Chúa Giêsu giáng sinh việc truyền giáo như thế nào? Có còn bước chân hăng say nhiệt thành là mẫu gương cổ võ việc loan truyền tin mừng của Chúa không?

1. Bước chân chuyển tiếp của Thánh Giaon Tẩy gỉa

Theo Kinh Thánh thuật lại lịch sử bước chân đời Ông có nhiều biến cố lạ lùng:

Ông là anh em bà con họ hàng với Chúa Giêsu. Theo niên lịch ghi chép lại, Ông sinh trước Chúa Giêsu nửa năm. Truyền thống lịch Phụng vụ Công giáo hằng năm mừng ngày sinh nhật của Ông vào ngày 24.06.; đang khi của Chúa Giêsu vào đêm 24.12. Như thế theo thời gian cùng thời tiết niên lịch bên các xứ có bốn mùa thay đổi, ngày sinh nhật 24.06. của Gioan tẩy giả là mốc thời gian bản lề trong năm.

Ngày 24.06. là cao điểm của mùa hè, là ngày ở giữa năm. Ngày đó ở mức giữa chuyển tiếp sang phần thứ hai của một năm có 12 tháng. Cũng từ ngày này thời tiết nhích chuyển dần sang khí hậu mùa Thu mùa Đông với cao điểm là đêm 24.12., đêm Chúa Giêsu gíang sinh làm người.

Bước chân thành hình sự sống của Ông là một phép lạ ân đức Thiên Chúa ban cho cha mẹ Ông. Vì cả hai ông bà Dacharia và Elisabeth đã bước vào tuổi tác cao không thể thụ thai sinh con được nữa.

Cùng với bước chân sinh ra đời vào trần gian của Ông, cha ông Thánh Dacharia trước đó bị câm, miệng lưỡi liền mở ra nói trở lại bình thường được.

Bước chân đời sống của Ông kỳ dị khác thường: vào sống trong sa mạc hoang vu, ăn châu chấu và mật ong rừng, mặc áo lông thú da lạc đà.

Bước chân của Ông rao giảng về Nước Thiên Chúa bằng những lời kêu gọi chát chúa khó nghe: phải ăn năn thống hối, bằng những lời răn đe can ngăn, xa lánh sự tội trở về với đường ngay chính chân thật để được cứu độ.

Bước chân của Ông làm phép rửa cho dân chúng như dấu chứng lòng ăn năn thống hối từ bỏ đường tội lỗi trở về với Thiên Chúa nguồn đời sống chân thật. Vì thế Ông gọi phép rửa ông làm, là phép rửa lòng ăn năn sám hối.

Bước chân rao giảng tin mừng của Ông được nhiều người thời đó kéo đến nghe theo, Ông được kính trọng nể vì. Nhưng sau cùng bước chân Ông bị chặn lại. Ông bị bắt giam trong tù và chết tử vì đạo, bị chém đầu.

Nhưng dẫu vậy bước chân loan tin mừng vào Chúa của Thánh Gioan tẩy gỉa không chấm dứt với sự chết. Trái lại, bước chân rao giảng tin mừng vào Chúa được liên tục tiếp nối sang tới thời Kinh Thánh Tân Ước với Chúa Giêsu và Giáo Hội từ ngày đó cho mọi không gian, thời gian hôm nay cùng ngày mai.

2. Bước chân loan tin mừng thời Tân Ước

Thời Tân ước mở đầu với Chúa Giêsu giáng sinh trên trần gian. Theo cách tính phân chia thời gian lịch sử văn minh Kytô giáo, người ta đã lấy thời điểm năm Chúa Giêsu giáng sinh làm mốc: thời gian trứơc đó là thời trước kỳ trứơc Công nguyên, thời gian sau đó là thời kỳ sau Công nguyên, để tính niên lịch thời đại.

Sau khi bước chân rao giảng của Thánh Gioan tẩy gỉa bị chặn lại với cái chết trong tù, Chúa Giêsu và đoàn môn đệ vẫn tiếp tục bước chân rao giảng tin mừng ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người.

Bước chân của Ngài cũng giống như của Thánh Gioan tẩy gỉa, sau cùng bị kết án chết trên thánh gía.

Nhưng bước chân rao giảng tin mừng của Ngài không dừng lại ở mốc điểm đó. Nó vẫn hằng được tiếp tục nối tiếp do bước chân dấn thân cho Tin Mừng của Giáo Hội.

Trước khi trở về trời, Chúa Giêsu đã căn dặn cổ võ khuyền khích bước chân các Thánh Tông đồ: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1,8).

Bước chân đến tận cùng biên cương trái đất không chỉ là bước qua không gian hình thể địa lý, cũng không chỉ là đi xuyên qua lằn ranh thời gian ngày giờ năm tháng, thế kỷ, nhưng còn hơn thế nữa.

Bước chân truyền giáo đó vượt qua mọi lằn ranh định vị trông xem vẽ ra được hôm qua, hôm nay cùng ngày mai

Bước chân truyền giáo cần đi vào với cuộc sống hoàn cảnh của con người mỗi thời đại, mỗi thế hệ hiện tại cũng như tương lai. Nhưng không được bỏ quên qúa khứ làm nên dòng sông, kết tạo thành con đường lịch sử đời sống con người.

Bước chân truyền giáo phải có mặt trong những phát triển của cuộc sống con người về tâm lý, về ngôn ngữ văn hóa, về phong tục nếp sống.

Bước chân truyền giáo cần hòa nhịp điệu với những thay đổi về cung cách sinh sống, nhất là cùng cảm thông những đau khổ và ước mơ trông mong của con người.

Một thí dụ điển hình trong đời sống Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Benedictô 16., khi còn là Hồng Y đã có suy luận về bước chân trong việc loan truyền tin mừng cây Thánh gía Chúa Giêsu trong vũ trụ:

“Triết gia người Hy Lạp, Platon (v. Chr. 428 – 348) đã dựa theo truyền thống trường phái triết học Pythagor suy luận về vũ trụ được vẽ liên kết trong hình thánh gía (Timaios 34 A/B và 36 B /C) cộng thêm với những truyền thuyết bên vùng Ðông Phương.

Suy luận của Platon trước hết về khoa học trong không gian: Hai ngôi sao lớn lưu chuyển trong vũ trụ không gian, như thế giới thiên văn thời ngày xưa biết, kết nên hình bầu dục ( trời không gian hình vòng tròn, trên đường vòng đó mặt trời luân chuyển theo) và đường luân chuyển của trái đất. Chúng luân chuyển qua lại cắt ngang nhau và cùng nhau tạo nên chữ Chi ( X) của vần mẫu tự Hy Lạp, vẽ nên hình chữ thập(+).

Dấu hiệu thánh gía được viết vẽ vào toàn thể vũ trụ. Platon đã dựa theo truyền thuyết cổ xưa để lại, nối kết trong một hình ảnh Thần Thánh: Ðấng Tạo Hóa (Demiurg), Ðấng đã với tay rộng dài đến linh hồn vũ trụ vượt qua mọi không gian.

Justin, vị tử đạo ( + 165) cùng là nhà hiền triết đầu tiên vùng Palestina cùng thời với các Giáo phụ, đã khám phá ra suy luận này của Platon. Ông đã không ngần ngại đem lý thuyết này ra áp dụng diễn giải về Chúa Ba ngôi và về công việc cứu chuộc của Chúa Giêsu cho con người.

Ðiều Platon nói về linh hồn vũ trụ, với Justin là lời loan báo sự đến của Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, trong trần gian. Vì thế ông có thể nói rằng: Hình tượng của thập gía là dấu hiệu to lớn nhất về Ngôi Lời Thiên Chúa, không có dấu hiệu đó không có sự liên kết tương quan của toàn thể vũ trụ. Thập gía Chúa Giêsu ngày xưa trên đồi Golgotha là hình ảnh của cấu trúc vũ trụ đã được viết sáng tạo trong không gian.

Vũ trụ nói với chúng ta về Thập gía, và thập gía khai mở những bí mật về vũ trụ.

Thập gía là chiếc chìa khóa của mọi thực tế xảy ra trong vũ trụ. Lịch sử và vụ trụ gắn liền với nhau. Nếu chúng ta đưa mắt nhìn ra, chúng ta sẽ đọc được sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô qua những dấu chỉ như ngôn ngữ viết sẵn trong không gian, và ngược lại: Chúa Giêsu Kitô trao tặng giúp chúng ta hiểu được sứ điệp trong công trình sáng tạo thiên nhiên.“ (tr. 155-156)

(Joseph Kardinal Ratzinger, Der Geist der Liturgie, eine Einführung. Herder, Freiburg i. Br. 6. Auflage 2002, tr. 152- 153 và 155.)

3. Bước chân loan Tin mừng của Thánh Phaolô

Từ khi Chúa Giêsu về trời, nhiệm vụ rao giảng Tin mừng vào Chúa, Ngài ủy thác cho bước chân của Giáo Hội, cho bước chân của 12 Thánh Tông đồ.

Nhưng có trường hợp không trải qua con đường đó. Thánh Phaolô không được Chúa kêu gọi khi Chúa còn sống trên gian đi theo làm môn đệ như Thánh Phero, Thánh Gioan, Thánh Giacobê…Ông cũng không nhận được con đường đức tin vào Chúa qua Giáo Hội. Mà chính Chúa Giêsu hiện ra bắt Ông trở lại tin theo Chúa, khi ông trên đường tìm lùng tiêu diệt Giáo Hội của Chúa Giêsu. ( Cv 9, 1-9).

Chúa đã chọn ông cho bước chân vào con đường truyền giáo vượt ranh giới không gian: “ Người này là lợi khí Ta chọn để mang danh ta đến cho các dân tộc, các Vua chúa và toàn thể con cái nhà Israel,” ( CV 9,15)

Và Chúa đã chỉ định bước chân Phaolô đi rao truyền nội dung Tin mừng phúc âm của Chúa xuyên suốt thời gian cho tâm hồn mọi con người: Đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người, niềm hy vọng như đôi cánh cho tâm hồn cuộc sống được nhẹ nhàng cất bay lên cao, và tình yêu như chất men xúc tác cho đời sống khởi sắc có ý nghĩa sâu đậm. ( 1cor 13,13)

Bước chân rao giảng Tin Mừng vào Chúa của Phaolo là niềm vui, là tình yêu của Ông, như chính Ông viết lại. (1cor,13,16).

Niềm vui tình yêu đó không dừng lại nơi Ông, nhưng còn lan tỏa sang cho con người nữa. Với Ông tình yêu con người biểu hiện trong tình yêu Chúa Kitô là sự kính trọng, tôn trọng nhân phẩm mỗi con người. Vì mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ.

Bước chân truyền giáo rao giảng Tin mừng của Chúa phải đạt đến mọi con người, mọi dân tộc, cho họ nhận ra Nước Thiên Chúa là nước của công chính chân thật, của bình an và niềm vui trong Chúa Thánh Thần. ( Roma 14,17).

******************

Từ hơn 20 năm qua Giáo Hội Công giáo, do sáng kiến của đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị năm 1985, đã khởi xướng lập ra bước chân rao gỉang Tin Mừng vào Chúa, đúng hơn là nhắc nhở làm sống động lại bước chân sống đức tin nơi người Trẻ, cùng cả nơi mọi người Công giáo, đã nhận lãnh từ ngày tiếp nhận Bí tích Rửa tội, qua những Đại Hội Giới Trẻ thế giới.

“Ngày Thế giới bạn trẻ sắp đến được phác hoạ như là một cuộc tái diễn lễ Ngũ Tuần. Thực vậy, từ một năm nay, các cộng đoàn Kitô hữu đã chuẩn bị bằng cách theo dõi chương trình trong sứ điệp về đề tài “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Thánh Linh, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng cho Thầy.” (Cv 1,8).

Đó là lời hứa của Chúa Kitô sau khi phục sinh với các môn đệ, và lời hứa này luôn duy trì tính cách hiện đại đối với Giáo hội: các môn đệ chờ mong và khẩn cầu Thánh Linh đến để ban sức mạnh làm chứng cho Chúa Kitô và Tin mừng.

Khi thổi lên cánh buồm của các thế hệ mới, Thánh Linh thúc đẩy họ tiến ra khơi lần nữa, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để mang tin vui của tình yêu Chúa được mặc khải nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.

Tôi chắc rằng từ khắp mọi miền trên trái đất, các người công giáo sẽ hợp ý với tôi và với các bạn trẻ họp tại Sydney như là trong nhà Tiệc Ly, khẩn nài Thánh Linh, xin đổ tràn xuống các tâm hồn, ánh sáng nội tâm, lòng mến Chúa và tha nhân, lòng can đảm sáng tạo tìm cách đưa sứ điệp vĩnh cửu của Chúa Giêsu vào các ngôn ngữ và các văn hóa đa dạng. “ (Đức giáo Hoàng Benedictô 16., Kinh Truyền tin Chúa nhật 06.07.2008).

Đại Hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 23, từ 15. - 20. Tháng Bảy 2008
 
Các nhà lãnh đạo Do thái giáo sẽ gặp Đức giáo hoàng tại Sydney
Phụng Nghi
09:38 17/07/2008
Sáu nhà lãnh đạo Do thái sẽ gặp Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong một phiên họp liên tôn ngày thứ Sáu 18 tháng 7, cũng là hôm giáo hội Công giáo dự trù tổ chức một trong những nghi lễ của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang gây tranh cãi trong cộng đồng Do thái, đó là đi các Chặng Đường Thánh giá tại phố phường Sydney.

Có khoảng 40 nhà lãnh đạo liên tôn tham dự phiên họp, gồm có Do thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác, sẽ gặp gỡ riêng với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Nhà thờ Chính tòa St Mary trong cuộc viếng thăm lần đầu của giáo hoàng tới Australia.

Đại diện của cộng đồng Do thái trong cuộc họp này sẽ là Giáo sĩ Jeremy Lawrence, giáo trưởng David Knoll thuộc Đại Nguyện đường, Giáo sĩ Jeffrey Kamins chủ tịch Ban Điều hành Do thái vùng NSW, giáo vụ trưởng Robert Goot thuộc Nguyện đường Emmanuel, chủ tịch Hội đồng Điều hành Do thái tại Australia là Josie Lacey, chủ tịch Bảo tàng viện Do thái tại Sydney là John Landerer.

Hai đại diện của giới trẻ là Judith Levitan và Josh Levin cũng sẽ tham dự phiên họp.

Sau đó, vào buổi chiều, giáo hội Công giáo sẽ tổ chức một đám rước mô tả những giờ phút sau cùng của Đức Giêsu Kitô.

Cuộc rước đã là một điểm bất đồng giữa hai cộng đồng trong những tháng vừa qua, vì nhiều nhà lãnh đạo Do thái sợ rằng sẽ mô tả người Do thái một cách tiêu cực.

Những cuộc thương thảo giữa giáo hội và Ban Điều hành đã dẫn đến việc giáo hội sửa đổi một số diễn tiến của cuộc rước, nhưng một số điều đáng quan tâm vẫn còn – đặc biệt là cảnh Đức Giêsu bị kết án trước Công nghị, tức là tòa án Do thái giáo thuở trước.

Chủ tịch Ban Điều hành Knoll nói: “Nếu tôi được chọn lựa, thì cảnh đó không nên có.”

Tuy vậy, dù có những điều quan ngại, ông cho biết rằng được mời gặp Đức giáo hoàng vẫn là một điều vinh dự.

Ông nói: “Tại Đức và New York, giáo hoàng Bênêđictô đã đi những bước vĩ đại, để đến các hội đường và tăng cường mối liên hệ giữa giáo hội và người Do thái trên khắp thế giới.”

Những vị khác cũng đồng ý rằng đây là cơ hội để xây dựng mối liên lạc giữa các cộng đồng.

Giáo sĩ Lawrence, người sẽ đại diện cộng đồng Do thái đọc bài diễn văn chào mừng trong cuộc họp, nói: “Đây thật là một cơ hội phi thường để công nhận sự tiến bộ trong những mối liên hệ giữa các cộng đồng cũng như giữa các nhà lãnh đạo Do thái và Công giáo. Việc tái lập quan hệ hữu nghị như thế là những bước tiến tới sự hiểu biết nhau hơn.”

Ngày Giới Trẻ Thế Giới được khai mạc hôm 15 tháng 7 và cao điểm sẽ là thánh lễ do giáo hoàng cử hành hôm 20 tháng 7. Biến cố này đã lôi cuốn khoảng 500 ngàn khách hành hương tới Sydney.

Nguồn: Chantal Abitol/ Ausralian Jewish News

 
Đón tiếp Đức Thánh Cha (Video 2)
Phóng Viên VietCatholic
11:19 17/07/2008
Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị phần 2 trong loạt video về nghi thức chào đón Đức Thánh Cha ngày 17/7/2008 tại Barangaroo. Tại đây, ĐTC đã nói lên tình yêu mến với những người đau khổ và những người sống xa Giáo hội như sau: "Cha cũng nhớ đến những người không có mặt nơi đây với chúng ta hôm nay. Cha đặc biệt nhớ đến những người đau yếu thể chất hay tinh thần, những người trẻ đang vướng vòng lao lý, những người khốn khổ sống bên lề xã hội, và những người mà bất kể vì lý do gì đang cảm thấy xa lạ với Giáo Hội. Cha muốn nói với những người này rằng: Đức Giêsu rất gần gũi với các con! Hãy cảm nhận vòng tay yêu thương hàn gắn và khoan dung của Ngài!"
 
Đón tiếp Đức Thánh Cha (Video 3)
Phóng Viên VietCatholic
11:37 17/07/2008
Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị phần 3 trong loạt video về nghi thức chào đón Đức Thánh Cha ngày 17/7/2008 tại Barangaroo. Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ như sau: "Đức Kitô có thể mang đến cho các con những điều tốt đẹp hơn! Thật vậy, Ngài có thể ban cho các con tất cả! Chỉ có Ngài là Sự Thật, là Con Đường, và vì thế cũng là Sự Sống. Cho nên “con đường” mà các Tông Đồ dẫn tới tận cùng trái đất chính là cuộc sống trong Đức Kitô. Đó là cuộc sống trong Giáo Hội. Và ngõ vào của cuộc sống này, của con đường Kitô Giáo là Phép Rửa Tội."
 
Đoàn hành hương Trung quốc trong lớp biển người tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới
Phụng Nghi
14:11 17/07/2008
Sydney, Australia (CNS) – Trong ánh nắng rực rỡ của một ngày mùa đông, khu bến tầu cũ Barrangaroo trở thành một lớp sóng chuyển động những mầu cờ các quốc gia, phất phới trên đầu 150 ngàn khách hành hương đến từ những chân trời khác biệt khắp thế giới để cử hành chung một đức tin và một nền phụng vụ.

Những bạn trẻ "không tên" trong biển người cùng một đức tin
Giữa rừng cờ này lẻ loi một lá cờ Trung quốc của 60 khách hành hương đến từ Hoa lục để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney. Trong số 60 người này có những linh mục – những vị không đăng ký với giáo hội quốc doanh của nhà nước – và là lần đầu tiên trong đời được bận bộ đồ đen có cổ trắng để xác nhận mình là linh mục Công giáo.

Đoàn hành hương đến từ Trung quốc này nói họ cực kỳ sung sướng được đến Sydney.

Lời một thiếu nữ trong đoàn: “Chúng tôi cảm nghiệm được như Chúa Thánh thần đang làm việc trên chúng tôi. Tất cả nhóm người trẻ chúng tôi cảm thấy tay Chúa lay động trên người, chữa lành và làm cho chúng tôi mạnh mẽ thêm.”

Đoàn hành hương bằng lòng nói chuyện với thông tín viên hãng Catholic News Service chúng tôi ngay từ hôm khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới với điều kiện không được nêu rõ danh tính thật của họ.

Cha Li Jinxing nói rằng trong suốt 20 năm đầu đời, cha chưa bao giờ gặp được một linh mục.

Cha Li nói rằng đức tin Công giáo phải thực thi bí mật trong gia đình vì sợ chính quyền bắt bớ: “Linh mục là những nhân vật anh hùng, được nghe nói tới nhưng chưa bao giờ được thấy. Cha mẹ và ông bà là những người giữ cho đức tin vững mạnh.”

Cha nói rằng hiện nay ở Trung quốc “sự việc có tiến triển đôi chút” nhưng còn phải tùy thuộc nhiều vào sự dễ dãi của chính quyền mỗi tỉnh có coi giáo hội là hợp pháp hay không. Cha nói đến hai cộng đồng Công giáo tại Trung quốc – nhóm người đăng ký với chính quyền và nhóm từ chối đăng ký, tiếp tục hoạt động dưới hình thức lén lút.

“Chính quyền cho phép quá ít chủng viện được đào tạo số linh mục cho giáo hội công khai, do đó giáo hội “chui” đông đảo hơn nhiều.”

Năm 20 tuổi, sống ở tỉnh Hà bắc (Hebei), cha Li đã tham dự một thánh lễ cử hành bí mật được triệu tập vội vã. Giống như những cuộc tụ tập như thế, nghi thức phụng vụ được thực hiện rất mau chóng vì sợ bị khám phá. Chính tại một trong thánh lễ này cha gặp được một linh mục và khi rước Mình Thánh Chúa cha tìm được ơn gọi.

Đi theo với đoàn hành hương này có một giáo dân thuộc tiểu bang Texas, 22 tuổi, đã học tiếng Trung quốc khi hoạt động truyền giáo tại Hoa lục. Anh không muốn nêu danh tính, sợ nguy hiểm cho công việc truyền giáo tại Trung quốc của mình. Mối liên hệ của anh với Nhóm Thanh niên Công giáo Bắc Mỹ, trú sở đặt tại bang Arizona, đã giúp nhóm hành hương thanh thỏa các chi phí về di chuyển và ghi danh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới với món quà tặng 20 ngàn mỹ kim.

Anh nói về cuộc hành trình này: “Đó là một phép lạ nhỏ trong cuộc đời của họ.”

Trong sứ vụ tại Trung quốc, anh nói anh đã gặp những “người tha thiết muốn gặp được Thiên Chúa thật.”

“Ông bà của họ được dạy rằng cứu tinh của thế giới là chủ nghĩa cộng sản. Cha mẹ họ lại được bảo rằng cứu tinh là chủ nghĩa tư bản. Đến lượt họ, họ không biết tin điều nào trong cả hai điều.”

“Khi được học biết rằng Thiên Chúa là người cha yêu mến và trân quý từng cá nhân họ, họ khóc khi cảm nghiệm được điều đó. Thật là một giáo hội đầy cảm xúc, họ cảm nghiệm được đức tin nơi đáy lòng họ.”

Anh cho biết kinh nghiệm của nhóm hành hương Trung quốc này tại Sydney thật không thể nào đo lường được:

“Đây là những người trẻ tuổi, những người lãnh đạo trong các cộng đồng. Công việc của tôi không phải là khuyến dụ cho người ta theo đạo, nhưng là đào tạo những người lãnh đạo trong giáo hội bản địa.”
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Sydney chào mừng Đức Giáo Hoàng
Vũ Văn An
21:32 17/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Sydney chào mừng Đức Giáo Hoàng

Một ngày rực rỡ của Sydney đã chiếm được tâm hồn Đức Giáo Hoàng Benedict, ngày được mệnh danh là Siêu Thứ Năm khi Đức Thánh Cha cỡi xe, đáp tầu, cỡi giáo hoàng xa đi khắp thành phố.

Chiếc nón đỏ “mozetta” của Ngài phất phới như chiếc buồm trong gió, Ngài xuỵt qua các hồng y, vây quanh bởi cả một thứ Liên Hiệp Quốc gồm người trẻ muôn phương mà vinh quang trên du thuyền tiến tới Đông Cảng Darling vào buổi chiều.

Khoảng 150,000 người trẻ tay vẫy 168 thứ cờ khác nhau nghển cổ lên, nâng mình lên, leo lên hòng nhìn thấy Đức Thánh Cha khi con tầu trắng chở Ngài cùng 220 viên chức bảnh bao của Vatican và người hành hương trẻ vòng quanh mũi đất.

ĐGH trên tầu Sydney 2000
Vẫn còn cầm cành khuynh diệp mà các trưởng thượng người Gadigal trước đó đã theo nghi lễ trao cho và được một thanh niên Thổ Dân hộ tống, khuôn hình thon nhẹ của Đức Giáo Hoàng gần như bị lấn át bởi sắc phục muôn mầu của người trẻ. Trên đất, một trưởng toán phụ nữ Thổ Dân từ Redfern đang ngắm biến cố trên màn ảnh vĩ đại bỗng nhìn lên, vỗ tay reo hò: “Kìa Mattie Shields từWalgett…kìa, hắn đang huyên thuyên với Đức Giáo Hoàng kìa, dám hắn ăn mất tai Ngài quá!”

Trước đó, khi tầu của Ngài lướt về phía Cầu Hải Cảng và Nhà Hát Con Sò, dưới bầu trời xanh và những đám mây nhẹ nhàng trôi, Đức Thánh Cha bỗng nở một nụ cười đầu tiên, thật rộng và rạng rỡ trong lần viếng thăm xứ miệt vườn này.

Rõ ràng cảm động trước biển cảm xúc của giới trẻ đang bầy tỏ ở trên boong tầu phía trên và trên đất trước mặt Ngài, Đức Thánh Cha đã hết sức phấn chấn vỗ vai một người trẻ hành hương đang đứng khép nép bên cạnh.

Trên đất, việc chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha đã nhiễm một bầu khí lễ hội vui tươi trong đó khách hành hương chơi trống, ca hát và còn bắt đầu cả một điệu luân vũ Mễ Tây Cơ. Khách hành hương chen chân cùng các nhân viên văn phòng đứng chật cả các bậc thềm Bệnh Viện Sydney và chung quanh Tượng Nữ Hoàng Victoria đối diện Hyde Park. Những điểm tốt nhất để nhìn tại Cảng Sydney đã được thăm dò và “chiếm đóng” từ rất sớm. Tại Nhà Hát Con Sò, 30 nữ tu thuộc tu hội Truyền Giáo Bác Ái do Mẹ Á Thánh Teresa sáng lập đã quây quần nhau ở tiền đình trước giờ tầu chở Đức Giáo Hoàng lướt qua cả 4 tiếng rưỡi đồng hồ.

Một trong các nữ tu cho hay: “Đây là lần đầu bọn tôi được thấy Đức Thánh Cha. Chúng tôi còn tạm hoãn buổi cầu nguyện chung lúc 2 giờ chiều để có thể đến đây sớm. Bọn tôi ai cũng phấn chấn cả”.

Trong khi giới trẻ nhẩy tưng, vỗ tay cùng hô “Benedetto, Benedetto!”, Đức Thánh Cha đã được nhẹ nhàng đưa lên bờ và lên giáo hoàng xa tiến tới một lễ đài cao mầu đỏ ngay trước mặt nước.

Khi xe của Ngài băng qua chậm rãi để người ta dễ nhìn, các thanh thiếu niên đã nghển cổ vươn người ra phía trước. Samantha Slatina, một thiếu nữ Sydney 17 tuổi, cho biết quả là không thể tin được: “Em bị mọi người xô lấn… nhưng quả là một cảm nghiệm tuyệt vời”.

Jelena Glavic, 26 tưổi, từ Croatia, nói rằng thấy Đức Giáo Hoàng tại Sydney có vẻ “hơi kỳ lạ” nhưng cô cho hay cô rất vui được có mặt ở Úc.

Đối với Celine Ophelders, 19 tuổi, từ Đức, thì đây là lần thứ hai cô được thấy Đức Giáo Hoàng: “Nhưng bầu không khí ở đây thật tuyệt. Mọi người đều ‘la’ tên Ngài”

ĐGH và TT Rudd
Tại Barangaroo, trong số các vị vọng chờ đón Đức Giáo Hoàng, người ta thấy Thủ Tướng Kevin Rudd đứng xát vai với các khách hành hương Ái Nhĩ Lan và Châu Mỹ La Tinh đang miệng reo hò tay phất cờ hân hoan.

Như để chứng tỏ chủ nghĩa bình đẳng, Ông Rudd, Thủ Hiến Nam Úc, ông Mike Rann, Bộ trưởng Môi sinh Liên bang, Peter Garrett và Bộ trưởng Can nông Liên bang, Tony Burke, ngồi tận xa phía sau lễ đài của Đức Giáo Hoàng. Thủ hiến, ông Morris Iemma, ngồi ở hàng thứ ba, cùng với đồng nghiệp nội các là Joe Tripodi.

Một khi đã ở trên lễ đài, Ngài nâng cánh tay lên trong hân hoan, rồi cẩn thận đeo cặp kính lão lên và làm dấu thánh giá giữa tiếng hoan hô của khách hành hương: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Bình an (của Chúa) ở cùng các con”. Ngài ngỏ với cử tọa như thế và họ lớn tiếng hô trả lại: “và ở cùng Đức Thánh Cha”. Đoạn Ngài ngồi xuống chiếc ghế bành phủ bằng len Úc.

Đức Tổng giám mục Sydney là Hồng y George Pell chào mừng Đức Thánh Cha với đôi hàng lịch sử miêu tả khối người đông đảo từng chào đón vị hồng y đầu tiên của Úc là Patrick Moran đến đây năm 1884. Ngài nói: “Hàng chục ngàn người đứng dọc hải cảng và, thưa Đức Thánh Cha, đây mới chỉ là bắt đầu”.

Sách Phúc âm đã được ca-nô chở tới Barangaroo và được một nhóm từ Tokelau rước lên lễ đài và truyền qua tay một nhóm chủng sinh mặc áo chùng trắng.

Phần nghi lễ buổi chiều diễn ra êm đẹp trong đó từng đợt thánh ca và điệu múa đã được các sinh viên Trường Nghệ Thuật Trình Diễn Công Giáo trình bầy.

Đức Thánh Cha rõ ràng đang quan sát toàn bộ cuộc cử hành một cách đầy hứng thú và xem ra rất thư giãn.

Thư ký riêng của Ngài là Georg Ganswein, được báo giới Ý gọi là “Don Giorgio” hay “Gorgeous George” (George Tuyệt Vời), âm thầm đỡ các món quà khách hành hương dâng tặng khỏi tay Ngài.

Và cả Ngài cũng phải mỉm cười rạng rỡ đến độ phát thành tiếng khi Đức Hồng Y Pell, trong lúc nhắc lại lịch sử bè phái của Úc, đã nhắc cử toạ nhớ rằng “900 năm trước khi có vua Anh đã có đức Giáo Hoàng tại Rome rồi”.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng đề cập đến đức tin, các thách đố về môi trường và nhu cầu phải sử dụng đức tin để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của nhân loại.

Đức Thánh Cha gửi thông điệp của Ngài bằng ngôn ngữ của các nhóm hành hương chính, được người của các nhóm này hoan hô vang dội: người Ý, người Tây Ban Nha, người Pháp và nhất là người Đức. Nhắc đến các linh mục và nữ tu tiên phong từ Âu Châu tới các miền ở Thái Bình Dương và Á Châu cũng như Úc truyền đạo, Ngài nói rằng nay đến lúc Ngài trao quyền lãnh đạo cho người trẻ vì họ đang đương đầu với các vấn đề hiện đại.

Đến cõi tận cùng trái đất

"Hôm nay đến lượt Cha. Đối với một số người trong chúng ta, xem ra như mình đã tới cõi tận cùng trái đất! Tuy nhiên, đối với lớp tuổi chúng con, chuyến bay nào cũng là chuyến bay thích thú phấn chấn. Còn đối với cha, đây quả là một chuyến bay khá hãi hùng.

“Ấy thế nhưng, khung cảnh hành tinh trái đất từ trên không nhìn xuống quả hết sức tuyệt diệu. Sự óng ánh của Địa Trung Hải, vẻ hùng vĩ của sa mạc Phi Châu, sự tươi mát của rừng già Á Châu, net1 bao la của Thái Bình Dương, chân trời trong đó mặt trời mọc lên rồi lặn xuống, và sự rực sáng đầy huy hoàng nơi vẻ đẹp tự nhiên của Úc mà cha có dịp được thưởng ngoạn trong mấy ngày qua; tất cả đều gợi cho cha những cảm thức hết sức kính tôn.

"Như thể người ta thoáng nhận ra những nét chính của câu truyện tạo dựng trong sách Sáng Thế: đủ cả ánh sáng và bóng tối, mặt trời và mặt trăng, nước, đất, và sinh vật; tất cả đều “tốt” dưới con mắt Chúa (cf. St 1:1-2: 4)

"Ngụp lặn trong vẻ đẹp như thế, ai lại không vang lên lời của thánh vịnh gia ca ngợi Đấng Tạo Hóa: ‘Uy nghiêm thay thánh danh Người trên khắp mặt địa cầu’ ?”

"Và còn điều gì đó nữa khó nhận ra từ trên không, đó là những con người được dựng nên không là gì khác hơn chính hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (ch St 1:26)”

Kỳ diệu của sáng thế

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Ở tâm điểm sáng thế kỳ diệu này chính là các con và Cha, tức gia đình nhân loại ‘được đội triều thiên đầy vinh quang và vinh dự’ (Tv 8:5). Thật kinh ngạc xiết bao! Cùng với thánh vịnh gia, ta dám kêu lên: ‘Con người có là chi khiến Chúa phải để tâm?’ (Tv 8:4). Và khi khi trở lại với im lặng, với tinh thần tạ ơn, với sức mạnh của thánh thiện, ta tự hỏi: mình đã thấy chi?

"Có lẽ ta sẽ buộc phải nhìn nhận rằng cũng có những vết thẹo trên mặt địa cầu: soi mòn, phá rừng, phí phạm tài nguyên khoáng chất và biển khơi để cung cấp nhiên liệu cho một thứ tiêu thụ không bao giờ biết chán.

"Một số trong chúng con đến từ các quốc gia hải đảo mà sự hiện hữu đang bị đe dọa bởi mực nước dâng cao; một số khác đến từ những quốc gia đang chịu hiệu quả của hạn hán tàn phá. Đôi khi người ta cảm nhận sáng thế diệu kỳ của Thiên Chúa gần như một thứ thù nghịch chống lại các viên quản lý nó, hay một điều gì đó nguy hiểm. Làm thế nào một điều ‘tốt’ lại trở thành đe dọa kinh hãi như thế được?”

Cái nguy của TV và liên mạng

Ngài nói với giới trẻ rằng mỗi ngày, không những họ phải giáp mặt với các thách đố do nạn xuống cấp môi sinh vật lý tạo ra mà còn giáp mặt với các thách đố do sự sói mòn của môi trường xã hội tạo ra nữa.

Lắng Nghe
Ngài cũng bảo rượu chè và lạm dụng ma túy là các vấn đề thịnh hành nhưng khuyên họ đừng “tôn vinh bạo lực và tha hóa tính dục, thường được truyền hình và liên mạng vẽ vời như những thứ tiêu khiển.

"Cha hỏi chúng con, có ai đứng đối diện với các nạn nhân đang thực sự đau khổ vì bạo lực và khai thác tình dục mà lại ‘giải thích’ rằng các thảm cảnh đó, được miêu tả dưới hình thức như thật, phải được coi như là để tiêu khiển hay không?

“ Cũng có điều tai họa phát sinh do sự kiện này là tự do và khoan dung thường bị tách biệt khỏi chân lý. Điều ấy hiện đang được đổ dầu vào lửa bằng ý niệm được nhiều người chủ trương ngày nay rằng chả có chân lý tuyệt đối nào để điều hướng cuộc sống chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng Bebedict cho hay thuyết tương đối, một lý thuyết bừa bãi gán giá trị ‘hầu như cho mọi sự’ đã biến ‘kinh nghiệm’ thành quan trọng hơn cả. “Thế nhưng, kinh nhgiệm, một khi tách biệt khỏi bất cứ xem sét nào về điều tốt hay điều đúng, cũng có thể sẽ dẫn tới, không phải tự do thật sự,mà là lẫn lộn luân lý và tri thức, hạ thấp tiêu chuẩn, mất lòng tự trọng và ngay cả chán chuờng thất vọng nữa”.

Can đảm nói xin lỗi

Trước đó, Ngài ca ngợi chính phủ Úc đã có ‘quyết định can đảm’ xin lỗi về các bất công đối với người thổ dân trong quá khứ. Và Ngài cho hay Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã làm Ngài đầy tin tưởng đối với tương lai thế giới. Đức Giáo Hoàng tới Nhà Chính Phủ để được chào mừng chính thức việc Ngài tới Úc.

Trước đó, Đức Giáo Hoàng đã rơiờnơi cu ngụ tại Nhà Thờ Chính Tòa St Mary trong đoàn xe hộ tống 17 chiếc để đến dinh thống đốc NSW, nơi Ngài được Tổng toàn quyền Úc Michael Jeffrey và Thủ Tướng Kevin Rudd chào đón.

Thổ Dân
Đức Thánh Cha cho hay kể từ khi bắt đầu vào năm 1986, WYD đã đem lại cho giới trẻ hành hương cơ hội tìm về với nhau để ‘thâm hậu hóa đức tin nơi Chúa Kitô’ và trở về nhà lòng đầy hy vọng xây dựng được ‘một thế giới tốt đẹp hơn’.

ĐTC Benedictô nói: “WYD làm tôi đầy tin tưởng đối với tương lai giáo hội và tương lai thế giới. Cử hành WYD ở đây lại càng đặc biệt thích hợp, vì giáo hội tại Châu Úc, một châu lục trẻ trung nhất đối với bất cứ lục địa nào, cũng là một trong những lục địa có tính quốc tế nhất. Kể từ ngày những người Âu Châu đầu tiên đến đây định cư vào cuối thế kỷ 18, xứ này đã trở thành nhà không những của nhiều thế hệ người Âu Châu mà còn là nhà của r6át nhiều người từ bốn biển năm châu tìm đến”

Đức Thánh Cha cũng nói rằng “gia tài cổ xưa” đã cấu thành phần chính yếu trong cảnh giới nước Úc ngày nay. Ngài nói “Xin cám ơn quyết định can đảm của Chính Phủ Úc trong việc nhìn nhận các bất công đã phạm đối với người thổ dân trong quá khứ, hiện đưa ra các bước cụ thể nhằm thực hiện sự hòa giải dựa trên lòng tương kính”

Xóa tan phân cách

Đức Thánh Cha cũng hoan hô các cố gắng nhằm xóa tan sự phân cách giữa tuổi thọ, cơ hội giáo dục và kinh tế nơi người thổ dân cũng như không thổ dân của Úc. “Điển hình hòa giải này đem lại hy vọng cho mọi người trên khắp thế giới đang trông mong cho quyền lợi họ được khẳng nhận và các đóng góp của họ cho xã hội được nhìn nhận và cổ vũ”.

Ngài cũng cho hay những ngườitừ Âu Châu đến Úc đã “luôn gồm một tỷ lệ người Công Giáo đáng kể và họ có thể… tự hào về các đóng góp họ từng đưa ra để xây dựng quốc gia này”.

Ngài tiếp lời bằng cách miêu tả Mary MacKillop, đấng mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong á thánh thang Giêng năm 1995, như là “một trong những khuôn mặt nổi bật nhất” trong lịch sử Úc. Ngài nói: “Tôi biết rằng sự kiên tâm khi đứng trước gian nan thử thách, việc bà đòi hỏi công lý nhân danh những người bị đối xử bất công và tấm gương thực tiễn thánh thiện của bà đã trở thành nguồn linh hứng cho mọi người dân Úc. Các thế hệ có nhiều lý do để chịu ơn bà. "

ĐGHqua các phố Sydney
Sau nghi lễ đón tiếp tại Barangaroo, Đức Giáo Hoàng lên giáo hoàng xa để vòng quanh gần như nửa thành phố tới tận Farm Cove. Sau khi chiêm ngắm đoàn tầu chở Ngài băng qua Cảng Sydney tiến vào Barangaroo, rất đông người vẫn nán lại khu vực Cảng, nhất là phía tiền đình Nhà Hát Con Sò trải dài suốt đường Macquarie để được chiêm ngưỡng Ngài. Họ đứng đó từ giữa trưa đến tận 5 giờ 30 tối mới được thấy bóng dáng Ngài trong giáo hoàng xa lướt qua. Một cặp vợ chồng Úc thật trẻ quay qua tôi, miệng cười hớn hở: hai iếng đồng hồ chỉ được thấy Ngài 10 giây, nhưng cũng đáng. Một người gần đó bảo: đâu phải hai tiếng, bốn tiếng lận. Người Công Giáo hình như vẫn còn một điều rất chung.

Viết theo tin Sydney Morning Herald ngày 17 – 18/07/2008
 
ĐTC gặp gỡ và nhắn nhủ các bạn trẻ WYD 2008 tại Barangaroo (Video 4)
VietCatholic Network
23:44 17/07/2008
Các Bạn Trẻ thân mến - Thật là vui mừng biết bao khi được chào mừng các con tại Barangaroo này, ngay cạnh hải cảng thiên nhiên xinh đẹp của Sydney. Nhiều người trong các con là dân Úc địa phương, đến từ những vùng xa xôi hẻo lánh hay thuộc các cộng đồng sắc tộc đa văn từ các đô thị lớn. Nhiều người đã đến từ những hải đảo chi chít trong vùng Thái Bình Dương, và nhiều người khác từ Á Châu, Trung Đông, Phi Châu, và Mỹ Châu. Một số nữa, dĩ nhiên, cũng đã đến từ một nơi rất xa như Cha đây, là Âu Châu! Dù cho chúng ta có từ đâu đến đi chăng nữa, chúng ta cũng đang cùng nhau hiện diện nơi đây ở Sydney. Và chúng ta cùng sát cánh bên nhau trong thế giới này như một gia đình của Thiên Chúa, như những môn đệ Đức Kitô, được gia tăng sức mạnh nhờ Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân cho tình yêu và chân lý của Thiên Chúa cho tất cả mọi người!
 
Top Stories
Pope Benedict XVI's Speech to Young People WYD 2008
VietCatholic Network
01:48 17/07/2008
Pope Benedict XVI messages to Young People WYD 2008

Dear Young People,

What a delight it is to greet you here at Barangaroo, on the shores of the magnificent Sydney harbour, with its famous bridge and Opera House. Many of you are local, from the outback or the dynamic multicultural communities of Australian cities. Others of you have come from the scattered islands of Oceania, and others still from Asia, the Middle East, Africa and the Americas. Some of you, indeed, have come from as far as I have, Europe! Wherever we are from, we are here at last in Sydney. And together we stand in our world as God’s family, disciples of Christ, empowered by his Spirit to be witnesses of his love and truth for everyone!

I wish firstly to thank the Aboriginal Elders who welcomed me prior to my boarding the boat at Rose Bay. I am deeply moved to stand on your land, knowing the suffering and injustices it has borne, but aware too of the healing and hope that are now at work, rightly bringing pride to all Australian citizens. To the young indigenous - Aboriginal and Torres Strait Islanders - and the Tokelauans, I express my thanks for your stirring welcome. Through you, I send heartfelt greetings to your peoples.

Cardinal Pell, Cardinal Ryłko, Archbishop Wilson, I thank you for your warm words of welcome. I know that your sentiments resonate in the hearts of the young gathered here this evening, and so I thank you all. Standing before me I see a vibrant image of the universal Church. The variety of nations and cultures from which you hail shows that indeed Christ’s Good News is for everyone; it has reached the ends of the earth. Yet I know too that a good number of you are still seeking a spiritual homeland. Some of you, most welcome among us, are not Catholic or Christian. Others of you perhaps hover at the edge of parish and Church life. To you I wish to offer encouragement: step forward into Christ’s loving embrace; recognize the Church as your home. No one need remain on the outside, for from the day of Pentecost the Church has been one and universal.

This evening I wish also to include those who are not present among us. I am thinking especially of the sick or mentally ill, young people in prison, those struggling on the margins of our societies, and those who for whatever reason feel alienated from the Church. To them I say: Jesus is close to you! Feel his healing embrace, his compassion and mercy!

Almost two thousand years ago, the Apostles, gathered in the upper room together with Mary and some faithful women, were filled with the Holy Spirit (cf. Acts 1:14). At that extraordinary moment, which gave birth to the Church, the confusion and fear that had gripped Christ’s disciples were transformed into a vigorous conviction and sense of purpose. They felt impelled to speak of their encounter with the risen Jesus whom they had come to call affectionately, the Lord. In many ways, the Apostles were ordinary. None could claim to be the perfect disciple. They failed to recognize Christ (cf. Lk 24:13-32), felt ashamed of their own ambition (cf. Lk 22:24-27), and had even denied him (cf. Lk 22:54-62). Yet, when empowered by the Holy Spirit, they were transfixed by the truth of Christ’s Gospel and inspired to proclaim it fearlessly. Emboldened, they exclaimed: repent, be baptized, receive the Holy Spirit (cf. Acts 2:37-38)! Grounded in the Apostles’ teaching, in fellowship, and in the breaking of the bread and prayer (cf. Acts 2:42), the young Christian community moved forward to oppose the perversity in the culture around them (cf. Acts 2:40), to care for one another (cf. Acts 2:44-47), to defend their belief in Jesus in the face of hostility (cf Acts 4:33), and to heal the sick (cf. Acts 5:12-16). And in obedience to Christ’s own command, they set forth, bearing witness to the greatest story ever: that God has become one of us, that the divine has entered human history in order to transform it, and that we are called to immerse ourselves in Christ’s saving love which triumphs over evil and death. Saint Paul, in his famous speech to the Areopagus, introduced the message in this way: “God gives everything – including life and breath – to everyone … so that all nations might seek God and, by feeling their way towards him, succeed in finding him. In fact he is not far from any of us, since it is in him that we live and move and have our being” (Acts 17: 25-28).

And ever since, men and women have set out to tell the same story, witnessing to Christ’s truth and love, and contributing to the Church’s mission. Today, we think of those pioneering Priests, Sisters and Brothers who came to these shores, and to other parts of the Pacific, from Ireland, France, Britain and elsewhere in Europe. The great majority were young - some still in their late teens - and when they bade farewell to their parents, brothers and sisters, and friends, they knew they were unlikely ever to return home. Their whole lives were a selfless Christian witness. They became the humble but tenacious builders of so much of the social and spiritual heritage which still today brings goodness, compassion and purpose to these nations. And they went on to inspire another generation. We think immediately of the faith which sustained Blessed Mary MacKillop in her sheer determination to educate especially the poor, and Blessed Peter To Rot in his steadfast resolution that community leadership must always include the Gospel. Think also of your own grandparents and parents, your first teachers in faith. They too have made countless sacrifices of time and energy, out of love for you. Supported by your parish priests and teachers, they have the task, not always easy but greatly satisfying, of guiding you towards all that is good and true, through their own witness - their teaching and living of our Christian faith.

Today, it is my turn. For some of us, it might seem like we have come to the end of the world! For people of your age however, any flight is an exciting prospect. But for me, this one was somewhat daunting! Yet the views afforded of our planet from the air were truly wondrous. The sparkle of the Mediterranean, the grandeur of the north African desert, the lushness of Asia’s forestation, the vastness of the Pacific Ocean, the horizon upon which the sun rose and set, and the majestic splendour of Australia’s natural beauty which I have been able to enjoy these last couple of days; these all evoke a profound sense of awe. It is as though one catches glimpses of the Genesis creation story - light and darkness, the sun and the moon, the waters, the earth, and living creatures; all of which are “good” in God’s eyes (cf. Gen 1:1 - 2:4). Immersed in such beauty, who could not echo the words of the Psalmist in praise of the Creator: “how majestic is your name in all the earth?” (Ps 8:1).

And there is more – something hardly perceivable from the sky – men and women, made in nothing less than God’s own image and likeness (cf. Gen 1:26). At the heart of the marvel of creation are you and I, the human family “crowned with glory and honour” (Ps 8:5). How astounding! With the Psalmist we whisper: “what is man that you are mindful of him?” (Ps 8:4). And drawn into silence, into a spirit of thanksgiving, into the power of holiness, we ponder.

What do we discover?

Perhaps reluctantly we come to acknowledge that there are also scars which mark the surface of our earth, erosion, deforestation, the squandering of the world’s mineral and ocean resources in order to fuel an insatiable consumption. Some of you come from island nations whose very existence is threatened by rising water levels; others from nations suffering the effects of devastating drought. God’s wondrous creation is sometimes experienced as almost hostile to its stewards, even something dangerous. How can what is “good” appear so threatening?

And there is more. What of man, the apex of God’s creation? Every day we encounter the genius of human achievement. From advances in medical sciences and the wise application of technology, to the creativity reflected in the arts, the quality and enjoyment of people’s lives in many ways are steadily rising. Among yourselves there is a readiness to take up the plentiful opportunities offered to you. Some of you excel in studies, sport, music, or dance and drama, others of you have a keen sense of social justice and ethics, and many of you take up service and voluntary work. All of us, young and old, have those moments when the innate goodness of the human person - perhaps glimpsed in the gesture of a little child or an adult’s readiness to forgive - fills us with profound joy and gratitude.

Yet such moments do not last. So again, we ponder. And we discover that not only the natural but also the social environment – the habitat we fashion for ourselves – has its scars; wounds indicating that something is amiss. Here too, in our personal lives and in our communities, we can encounter a hostility, something dangerous; a poison which threatens to corrode what is good, reshape who we are, and distort the purpose for which we have been created. Examples abound, as you yourselves know. Among the more prevalent are alcohol and drug abuse, and the exaltation of violence and sexual degradation, often presented through television and the internet as entertainment. I ask myself, could anyone standing face to face with people who actually do suffer violence and sexual exploitation “explain” that these tragedies, portrayed in virtual form, are considered merely “entertainment”?

There is also something sinister which stems from the fact that freedom and tolerance are so often separated from truth. This is fuelled by the notion, widely held today, that there are no absolute truths to guide our lives. Relativism, by indiscriminately giving value to practically everything, has made “experience” all-important. Yet, experiences, detached from any consideration of what is good or true, can lead, not to genuine freedom, but to moral or intellectual confusion, to a lowering of standards, to a loss of self-respect, and even to despair.

Dear friends, life is not governed by chance; it is not random. Your very existence has been willed by God, blessed and given a purpose (cf. Gen 1:28)! Life is not just a succession of events or experiences, helpful though many of them are. It is a search for the true, the good and the beautiful. It is to this end that we make our choices; it is for this that we exercise our freedom; it is in this – in truth, in goodness, and in beauty – that we find happiness and joy. Do not be fooled by those who see you as just another consumer in a market of undifferentiated possibilities, where choice itself becomes the good, novelty usurps beauty, and subjective experience displaces truth.

Christ offers more! Indeed he offers everything! Only he who is the Truth can be the Way and hence also the Life. Thus the “way” which the Apostles brought to the ends of the earth is life in Christ. This is the life of the Church. And the entrance to this life, to the Christian way is Baptism.

This evening I wish therefore to recall briefly something of our understanding of Baptism before tomorrow considering the Holy Spirit. On the day of your Baptism, God drew you into his holiness (cf. 2 Pet 1:4). You were adopted as a son or daughter of the Father. You were incorporated into Christ. You were made a dwelling place of his Spirit (cf. 1 Cor 6:19). Baptism is neither an achievement, nor a reward. It is a grace; it is God’s work. Indeed, towards the conclusion of your Baptism, the priest turned to your parents and those gathered and, calling you by your name said: “you have become a new creation” (Rite of Baptism, 99).

Dear friends, in your homes, schools and universities, in your places of work and recreation, remember that you are a new creation! Not only do you stand before the Creator in awe, rejoicing at his works, you also realize that the sure foundation of humanity’s solidarity lies in the common origin of every person, the high-point of God’s creative design for the world. As Christians you stand in this world knowing that God has a human face - Jesus Christ - the “way” who satisfies all human yearning, and the “life” to which we are called to bear witness, walking always in his light (cf. ibid., 100). The task of witness is not easy. There are many today who claim that God should be left on the sidelines, and that religion and faith, while fine for individuals, should either be excluded from the public forum altogether or included only in the pursuit of limited pragmatic goals. This secularist vision seeks to explain human life and shape society with little or no reference to the Creator. It presents itself as neutral, impartial and inclusive of everyone. But in reality, like every ideology, secularism imposes a world-view. If God is irrelevant to public life, then society will be shaped in a godless image, and debate and policy concerning the public good will be driven more by consequences than by principles grounded in truth.

Yet experience shows that turning our back on the Creator’s plan provokes a disorder which has inevitable repercussions on the rest of the created order (cf. 1990 World Day of Peace Message, 5). When God is eclipsed, our ability to recognize the natural order, purpose, and the “good” begins to wane. What was ostensibly promoted as human ingenuity soon manifests itself as folly, greed and selfish exploitation. And so we have become more and more aware of our need for humility before the delicate complexity of God’s world.

But what of our social environment? Are we equally alert to the signs of turning our back on the moral structure with which God has endowed humanity (cf. 2007 World Day of Peace Message, 8)? Do we recognize that the innate dignity of every individual rests on his or her deepest identity - as image of the Creator - and therefore that human rights are universal, based on the natural law, and not something dependent upon negotiation or patronage, let alone compromise? And so we are led to reflect on what place the poor and the elderly, immigrants and the voiceless, have in our societies. How can it be that domestic violence torments so many mothers and children? How can it be that the most wondrous and sacred human space – the womb – has become a place of unutterable violence?

My dear friends, God’s creation is one and it is good. The concerns for non-violence, sustainable development, justice and peace, and care for our environment are of vital importance for humanity. They cannot, however, be understood apart from a profound reflection upon the innate dignity of every human life from conception to natural death: a dignity conferred by God himself and thus inviolable. Our world has grown weary of greed, exploitation and division, of the tedium of false idols and piecemeal responses, and the pain of false promises. Our hearts and minds are yearning for a vision of life where love endures, where gifts are shared, where unity is built, where freedom finds meaning in truth, and where identity is found in respectful communion. This is the work of the Holy Spirit! This is the hope held out by the Gospel of Jesus Christ. It is to bear witness to this reality that you were created anew at Baptism and strengthened through the gifts of the Spirit at Confirmation. Let this be the message that you bring from Sydney to the world!
 
WYD 2008 Catechesis for Vietnamese: “Sent to be my witnesses”
+ Bishop Joseph Đặng Đức Ngân
20:21 17/07/2008
WYD 2008 Catechesis for Vietnamese: “Sent to be my witnesses”

(Catechis for Vietnamese by Bishop Joseph Đang Đức Ngân, bishop of Lang Son, on 18 July, 2008 at Whitlam Centre Liverpool).

Dear young friends,

After two days in the World Youth Day Catechesis program, today we gather here on the last day to share and learn on the topic “Sent to be my witnesses”.

“You will receive power when the Holy Spirit has come upon you; and you will be my witnesses” (Acts 1:8).

Today’s theme is a good opportunity for us to have a good retrospect on our journey of faith as young people. Should Jesus Christ ask us right now the same question He asked the Apostles: “Who do you think that I am?” how do you respond? Is it easy for you to have an immediate reply? Probably you and I will have a lovely answer: we will ask the Holy Spirit for the right one: “You are Christ, Son of God”. Having said that, we would like to dig into our conviction: Who is the Holy Spirit? Why He helps us to have a right answer?

During the last two days, probably you already learned from the bishops that the Holy Spirit is the God of Truth, who leads us in our journey of faith. We, despite various duties in our life, share the same faith, same language, are called to open our heart generously to listen to Him, to be witnesses of our faith, our love, and our services.

Let us be at peace listening and pondering why the Holy Spirit is the principal agent of mission.

1. The Holy Spirit: the language of faith, love, and service.

On the day of the Pentecost in Jerusalem, the Holy Spirit came down upon the praying disciples of Jesus Christ and Mary. On that very day, the Church was introduced to the world and began her mission. A “new People” was born from the death and the resurrection of Jesus Christ. It is a new creation where every one shared the same language, the same conviction, and the same trust on the creative love of God. In “Dominum et vivificantem” (Encyclical Letter on the Holy Spirit in the Life of the Church), Pope John Paul II wrote:

The era of the Church began with the "coming," that is to say with the descent of the Holy Spirit on the Apostles gathered in the Upper Room in Jerusalem, together with Mary, the Lord's Mother. The time of the Church began at the moment when the promises and predictions that so explicitly referred to the Counselor, the Spirit of truth, began to be fulfilled in complete power and clarity upon the Apostles, thus determining the birth of the Church... the Holy Spirit assumed the invisible-but in a certain way "perceptible"-guidance of those who after the departure of the Lord Jesus felt profoundly that they had been left orphans. With the coming of the Spirit they felt capable of fulfilling the mission entrusted to them (25).

At that moment, the Apostles and disciples received the grace of the Holy Spirit, and as servants of Good News, they were called to be missionaries with the language of faith, of love, and of sincere service. The Holy Spirit empowered them with strength and capability, and, with the inspiration of the Holy Spirit, they began to fulfil the mission entrusted to them. The crowd in front of them was surprised and bewildered when they saw the disciples speaking their own native languages. The image of Babel tower comes to our mind: when the children of earth cannot figure out the common point of faith and love in service, they see nothing but envy and jealousy. Then comes the confusion of language, so confused that they cannot understand each other. This ultimately leads to diversity, unrest, and dispersion. If the Babel tower is a symbol of confusion and dispersion, then the Holy Spirit is the symbol of understanding and union. In the Holy Spirit the confusion of language is no longer a barrier as we all listen to the proclamation of Good News on behalf of Christ. The union in faith and in love helps us overcome the barriers of language and culture and allows us to listen to the whisper of the language of heart in the world. In the Holy Spirit, from Jesus Christ, the Apostles, and the Church, a new language of truth and love have been continually spreading all over the world.

My dear young friends, you are witnessing that. Despite difficulties to understand your mother tongue, as you are living overseas and integrated well into the native culture where you are living, with the grace of the Holy Spirit, you come here full of faith, love, and the strength of youth so that altogether we can present to the world and to ourselves the death and the resurrection of Jesus Christ, our Lord, in a language of faith and love.

2. The Holy Spirit: the principal agent of mission.

“You will receive power when the Holy Spirit has come upon you; and you will be my witnesses” (Acts 1:8).

It was the strength endowed on them by the Holy Spirit on the day of Pentecost with which Peter and other Apostles had the courage to publicly proclaim the Resurrection and the Glorious Victory of our Lord Jesus Christ. It was the very moment Peter and other Apostles began the mission entrusted on them by Jesus Chirst: “You are my witnesses”. The descent of the Holy Spirit on the Apostles on the day of Pentecost is an extraordinary event on the first day the Church reached out to the world. However, the Holy Spirit did not stop pouring out His grace on the Church since that day. It is just the beginning of a long-term process in which the Holy Spirit has continually supported the Apostles and disciples on their mission to proclaim the Good News to the world. The power of the Holy Spirit in them was so strong that their boldness, even in persecution and in jails, surprised the Jewish assembly who perceived them to be uneducated, ordinary men. It was a great transformation in the Apostles who had thought that they were so strong but soon found in the Passion of Christ their faith so shaken that they betrayed, denied and ran away from their Master. The Christ of Resurrection transformed them through the Holy Spirit to be new people that could help to transform the world.

There were so many works of the Holy Spirit in the mission of the early Church: the union in the brotherhood and love, they were so united that they agreed with each other in everything, they had all things in common, they would sell their property and possessions and divide them among all according to each one's need; secondly, the communion in teaching of the Apostles; thirdly, the communal life in the breaking of the bread; and the communion in the prayers. That spirit of communion made people say: “Look how they love each other”.

When we, young people, live up our faith in our parish, our community, our family we will experience a call from Jesus Christ: “Love one another as I love you”. How to love is always a challenging question of faith that we need to discover. Love as instructed by Jesus Christ requires an active commitment to the world, to the environment where we are living with an aspiration for freedom, a thirst for real love and authentic faith, and a desire to beautify the surface of the earth. There are many young successful people who have been eagerly seeking for the truth and have arrived. But, there are also many who disorient their ideals and aspirations and ultimately fail as they try seeking a way in which God is excluded from their reason. There are so many who jump from failures to disappointment and finally make wrong decisions in their life. Look at the Apostles. They were not old and so young in their faith. They themselves had thought that they could change the world solely by their own ability, and only discovered their weakness when confronted with earthly power and defiance. However, they knew how to gaze upon The Resurrected Christ, and Christ bestowed the Holy Spirit on His disciples to transform them into new people who can recognise Him, His calls, and His plans in order to carry out his works.

3. The Holy Spirit and Youth Today.

Let us recall the appeal from Pope Benedict XVI in his homily at the closing Mass of the World Youth Day in Cologne (Germany) on 21st of August, 2005:

“Help people to discover the true star which points out the way to us: Jesus Christ! Let us seek to know him better and better, so as to be able to guide others to him with conviction.

This is why love for Sacred Scripture is so important, and in consequence, it is important to know the faith of the Church which opens up for us the meaning of Scripture”

You will be the owner of the future, and the hope of the Church. In the wake of so many tendencies, movement, and idols of our times, you are not allowed to make mistake on criteria that guide our life. The Gospel is the only Light that guides you in critical decisions.

The Pope’s appeal helps young people who are seeking for the truth. We were baptised in the Holy Spirit and were called to live our lives according to the teaching of Jesus Christ. The Holy Spirit does not only speak when we pray. He always is with us in the course of history of the world and of our lives. He always is there regardless whether we recognise Him or not. In the letter to Philippians, St. Paul writes:

“Brothers, whatever is true, whatever is honourable, whatever is just, whatever is pure, whatever is lovely, whatever is gracious, if there is any excellence and if there is anything worthy of praise, think about these things. Keep on doing what you have learned and received and heard and seen in me. Then the God of peace will be with you” (Pl 4:8-9)

The Holy Spirit always accompanies the world and each of us to guide us to recognise the call of Lord in the salvic plan of God.

Should you want to ask the Holy Spirit what He wants you to cooperate in His strength and power, let us ponder deeper.

3.1 The Holy Spirit and the language of faith:

You may wonder: what is the language of faith? Let us look at the journey of faith of the Apostles. They chose Jesus Christ and dared to leave everything behind to follow Him. Even so, St. Peter kept asking Jesus for more faith: “Please give us more faith”, he asked.

Faith, therefore, is a grace that God bestow on us for our searching aspiration. Faith must be expressed in the language of God, the language that the Holy Spirit granted to the Apostles on the day of Pentecost, the same language we are asking for, the language of the Word of God, the voice of the Lord, the Grace from God to help us believe, love and worship Him. We pray that in our earthly journey, the language of faith will transform us on the same way as it did in the Apostles, and grant us the strength to fulfil our mission: live up our faith in our society, in our Church. Before ascending to Heaven, Jesus Himself consolidated the faith of the Apostles, helped them to understand Sacred Scripture, and entrusted to the Apostles the mission to proclaim the Good News to all nations. The mission that Jesus entrusted to the Apostles is also the mission that Jesus entrusts to us today: “You are witnesses of these things” (Lk 24:48). The language of faith is the most living expression of the power of the salvic love in which each Christian is called to follow Christ, to let Him transform self in to witnesses of the Salvic Good News for the world.

3.2 The Holy Spirit is the language of love:

When Jesus Christ said: “No other love is higher than the love in which one offer his own life for whom he loves,” probably the disciples did not understand fully these words. But once they witnessed the Passion, and the Resurrection of Jesus Christ, they began to appreciate and through the Holy Spirit they were transformed to live up bravely the language of love. From the men full of fears, the Apostles became joyful when they were persecuted for Christ's sake. It is the love that is higher than one’s life, a love that has its orientation towards God. The language of love from the Holy Spirit is not the misuse of freedom in the love between man and woman, nor sexual love, fake love or love of exchange. It is the real love, self-offering love as Jesus did for each of us. That is the love, you, my young friends, can offer to God, His Church, and the world.

3.3 The Holy Spirit is the language of service:

You may wonder: how should I serve? Christians reach out to the world not with the inferiority complex but with the spirit of service. This is the power of liberation and salvation.

In the Book of Acts, when St. Peter and St. John arrived at the gate of the temple of Bethsaida, a beggar asked them for alms, St. Peter told him: “I have neither silver nor gold, but what I do have I give you: in the name of Jesus Christ the Nazarene, rise and walk.” That image is the answer for you, my dear young friends, gathering here from all around the world, to be united, to love as called by Jesus and His Holy Spirit. We have neither silver nor gold, but we do have a young heart full of enthusiasm, love, energy, faith and the aspiration of goodness. With the grace from God we can transform the world.

But be careful! Let us listen to our dear Pope John Paul II: “Be aware of the temptation to mix up between the renewal of the Church and the revitalization of society. More and more people believe that the society must be built on the wealthness”. We need to remember that in our journey of faith and in our daily lives. In the same direction, the Vietnamese Conference of Catholic Bishops (VCCB) wrote in its pastoral letter in 2000: “As Jesus assimilates Himself to the poor, the hungry, the disabled, the marginal (cf. Mt 25:31-46), let us commit ourselves to practical services for the wretched, and the poor. They are children wishing to receive education who need our supports in order to keep studying. They are women mistreated in family and abused in the society whose dignity must be respected. They are abandoned elder people who need to be cared and comforted. They are ethnical minorities who need to be treated fairly and granted opportunities to develop in all aspects. They are peasants left their villages for cities who need to be defended and protected. They are victims of social crimes who need to be understood and helped to return to normal lives. They are victims of natural disasters who need aids to overcome their challenges. Serving them is not only the requirement of human fellowship but also of the Christian love (cf Rm 13:8). Each time we did that, we did for Christ Himself” (cf. Mt 25:40).

My dear young friends,

In conclusion, I invite you to listen to our beloved Pope Benedict XVI:

“In particular, I assure you that the Spirit of Jesus today is inviting you young people to be bearers of the good news of Jesus to your contemporaries. The difficulty that adults undoubtedly find in approaching the sphere of youth in a comprehensible and convincing way could be a sign with which the Spirit is urging you young people to take this task upon yourselves. You know the ideals, the language, and also the wounds, the expectations, and at the same time the desire for goodness felt by your contemporaries. This opens up the vast world of young people’s emotions, work, education, expectations, and suffering... Each one of you must have the courage to promise the Holy Spirit that you will bring one young person to Jesus Christ in the way you consider best, knowing how to “give an explanation to anyone who asks you for a reason for your hope, but do it with gentleness and reverence” (cf. 1 Pet 3:15).

In order to achieve this goal, my dear friends, you must be holy and you must be missionaries since we can never separate holiness from mission (cf. Redemptoris Missio, 90). Do not be afraid to become holy missionaries like Saint Francis Xavier who travelled through the Far East proclaiming the Good News until every ounce of his strength was used up, or like Saint Thérèse of the Child Jesus who was a missionary even though she never left the Carmelite convent. Both of these are “Patrons of the Missions”. Be prepared to put your life on the line in order to enlighten the world with the truth of Christ; to respond with love to hatred and disregard for life; to proclaim the hope of the risen Christ in every corner of the earth.” (Message for the World Youth Day 2008).

We invoke the Holy Spirit that God will gift each one of us, especially the young ones, “a new Pentecost” in our hearts, so that when we return to our daily duties, we bring with us a fire of the Holy Spirit in our heart, an enthusiasm to contribute to the local Church, to the society we are living with union, love, and God’s grace.

May you be new missionaries who proclaim our Lord’s Holy Name with full of enthusiasm, faith, love and the service of Vietnamese youths in each section of lives in the spirit described

in the VCCB’s pastoral letter in year 2000 “In the joyfulness of being loved and saved, let we reach out eagerly to the world to be witnesses of God’s love: Let us bring the Good News to the poor, hope to the hopeless, faith to the unbelieved, happiness to the unhappy, love to the excluded, reconciliation to the hatred, liberation to those with inferiority complex, respect to the unrespected, and the salvation to all people.”

May the Holy Spirit be with you always. May He be the strength, the love, the faith, the energy in the mission of youth today. Thanks for your listening.

(Translated in to English by VietCatholic Network)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Tổng Giám mục Hà Nội và các Chủng sinh viếng thăm Đức Giám mục Thái Bình
Lm Giuse Phạm Thanh Quang CSsR
01:04 17/07/2008
THÁI BÌNH - Mùa hè là dịp thuận lợi để người người đi đây đi đó để nghỉ ngơi, tham quan và thăm viếng. Đức Tổng Giám mục (TGM) Hà Nội và các Chủng sinh cũng đã tận dụng dịp quý báu này để thực hiện các hoạt động ấy nhằm bồi bổ tinh thần và thể xác, tạo mối tương quan thắm thiết sâu đậm và muốn “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”! Mọi năm, ngài chọn các nơi khác. Riêng năm nay, ngài đã chọn Thái Bình làm nơi nghỉ ngơi. Đúng là “đất lành chim đậu” mà!

Được biết, đoàn có khoảng 65 người. Đoàn đã rời Hà Nội sáng 15.7.2008 đi về hướng biển Cồn Vành của tỉnh Thái Bình để tham quan và ghé thăm Đền thánh Tử Đạo Đông Phú (Giáo xứ Đông Phú). Đây là một Giáo xứ gần bờ biển (cách bờ biển khoảng 2 cây số), do cha Giuse Nguyễn Thuân làm chính xứ. Cha Thuân từng là Chủng sinh và là học trò của Đức Tổng Giám mục. Thầy thăm trò cũng là lẽ phải đạo đó thôi, nhưng trong nhân gian hơi hiếm! Đức TGM đã dâng lễ tại đây. Buổi chiều, các thầy đã có một trận đấu bóng đá giao hữu với các bạn trẻ trong Giáo xứ Đông Phú.

Đức TGM cho biết, khi đi tắm biển, giáo dân ra xem đông quá thể, lại còn xin được chụp hình với ngài! Ngài bảo: “Sao không đợi đến chiều tối mặc áo lễ chụp hình cho đẹp?” Giáo dân nhanh nhảu trả lời: “Không ạ, chúng con muốn chụp như thế này (quần đùi áo may ô) mới hay và dã chiến!!!” Thế là cha con vui vẻ chụp ảnh bởi lẽ đây là dịp hiếm có mà! Chiều tối, đoàn có buổi giao lưu thân ái, chia sẻ chân tình ấm nồng tình người với bà con giáo dân, đặc biệt với các bạn trẻ. Đoàn đã tạo nên bầu khí náo nhiệt, vui tươi, ấm cúng cho ngôi Đền thánh Tử Đạo duy nhất của Giáo Phận Thái Bình.

Đúng 8 giờ 40 phút sáng 16.7.2008, Đức TGM và các Chủng sinh đã ghé thăm Đức Giám mục Giáo Phận Thái Bình P.X. Nguyễn Văn Sang và Tòa Giám mục. Cuộc thăm viếng chóng vánh nhưng đầy nồng ấm và chân tình của hai vi mục tử. Cuộc thăm viếng này như thể đã đẩy mạnh hơn, xa hơn mối dây quan tâm, hiệp thông, liên đới, chia sẻ của hai Đấng bậclãnh đạo Hội Thánh địa phương (có ranh giới kề nhau), với tư cách Giám mục trong Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Thiết nghĩ các cuộc thăm viếng như thế này hẳn mang lại nhiều hữu ích, nâng đỡ, khích lệ nhau biết là chừng nào trong việc phục vụ đoàn dân Chúa mà chính Thiên Chúa đã trao phó cho các ngài. Cuộc thăm viếng nói lên tình người đã đành nhưng còn nói lên ý nghĩa lớn hơn, đó chính là tình liên đới, hiệp thông sâu xa giữa các Giám mục với nhau. Cuộc thăm viếng này tưởng như lời mời gọi các Linh mục như chúng tôi, cũng hãy quan tâm và thăm viếng nhau để khích lệ, nâng đỡ nhau trong ơn gọi và sứ mạng cao cả Chúa trao.

Cuộc trò truyện của hai Đấng xoay quanh những chuyện mục vụ, chuyện đời thường, đặc biệt đề cập đến hai vấn đề quan trọng:

Thứ nhất là chuyện Đức cha P.X Sang thiết lập Đền Thánh Tử Đạo Đông Phú. Ngài khuyến khích việc hành hương kính hai thánh tử đạo (thánh Phêrô Đinh Văn Dũng và Phêrô Đinh Văn Thuần), song việc quan trọng hơn cả là khuyến khích Giáo dân Đông Phú nói riêng và Giáo dân Giáo Phận Thái Bình nói chung thay phiên nhau chầu Thánh Thể suốt ngày đêm. Điều này đã được thực hiện cách nghiêm chỉnh và tốt đẹp. Đây là một việc làm quá thiết thực, nhiều ý nghĩa và đầy tốt lành thánh thiện. Thấy được như vậy, Đức TGM G. Kiệt đã “khen nấy khen để” Đức cha P.X Sang. Ngài còn nói thêm: “Việc làm tốt lành thánh thiện như thế cho đến nay vẫn còn ít ỏi và hiếm hoi trên thế giới này! Vì thế việc làm của Giáo phận, của Đức cha quả là tốt đẹp!”

Thứ hai là chuyện viết lách! Đức TGM thấy Đức cha Sang dạo này tuy sức yếu nhưng vẫn còn viết lách tốt bèn “khen quá sức”! Ngài khen những bài viết vừa qua của Đức cha Sang rất thuyết phục, nói rõ sự thật, ý kiến, lập trường. Ngài bảo Sự thật vẫn là Sự thật và phải được phơi bày ra thôi. Đã đến lúc phải nói sự thật. Ngài động viên, khuyến khích Đức Cha Sang tiếp tục viết lách. Còn Đức Cha Sang nói Ngài sẽ dùng hết thời gian về hưu để đầu tư vào chuyện viết lách. Đức TGM còn nói một ý kiến khác rất hay rằng: ngày nay người ta bị cuốn hút vào trào lưu của văn hoá nghe, nhìn, xem hơn là văn hoá viết lách. Vấn đề viết lách đang giảm xuống tới mức trầm trọng. Vì vậy vấn đề viết lách đang ở mức báo động. Thế nên chúng ta và đặc biệt Đức cha tận dụng những thời gian Chúa ban để viết lách và không ngừng khuyến khích giới trẻ, các cha trẻ, các thầy trẻ đầu tư thật nhiều vào việc viết lách hầu có thể làm giàu có và làm phong phú đời sống tinh thần cũng như có thể truyền tải những tri thức cần thiết, nhất là truyền tải những nội dung của Tin Mừng cho mọi người.

Tôi cảm thấy cuộc hàn huyên và đàm đạo của hai Đấng thật hữu ích và chí lý. Nghe xong, tôi như bị thúc bách nhiều hơn để đẩy mạnh chuyện viết lách, không viết không được!

Cuộc hàn huyên tâm sự trong phòng khách Tòa Giám Mục kết thúc, các ngài di chuyển xuống phòng hội cùng với các Chủng sinh để giao lưu, trò chuyện, ca hát. Một thầy đại diện nói đôi lời chúc mừng và cám ơn Đức cha Sang và kính tặng một món quà kỷ niệm. Đối lại, Đức cha đã có đôi lời huấn dụ và tặng mỗi thầy 3 cuốn sách do Ngài viết và biên soạn.

Sau đó đoàn đã chào tạm biệt Đức Cha Sang. Các Thầy đi thăm Nhà Thờ Chính Toà Thái Bình. Còn Đức TGM đi thăm Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu (trước đây là chủng viện Mỹ Đức). Cuộc thăm viếng chủng viện và các thầy già như là nguồn động viên khích lệ, tạo mối hiệp thông sâu sắc của vị TGM với hai tư cách: trách nhiệm về các Giáo Tỉnh Miền Bắc và thành viên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ, Ngài đã nhắn nhủ các thầy: hãy học hỏi ở nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu giống như thánh Bônaventura đã học hỏi từ Thánh Giá Chúa Giêsu. Từ đó làm cho đời sống các Thầy trở nên giàu có về ân sủng Chúa phát xuất từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài còn nói lên ước mong của ngài là không chỉ các Thầy mà sau này, còn có nhiều thầy khác nữa, nhiều lớp khác nữa sẽ được đào tạo ở đây. Hoá ra Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu đang chứa đựng nhiều tiềm năng lớn lao cho tương lai của Giáo Phận Thái Bình nói riêng và của các Giáo Phận Miền Bắc nói chung.

Kết thúc chuyến viếng thăm Chủng Viện, ngài cùng với đoàn lại tiếp tục về giáo xứ Hoàng Xá (cách Toà Giám Mục khoảng 11 cây số). Chính xứ Hoàng xá là Cha Thomas Đoàn Xuân Thoả- kiêm Tổng quản lý Giáo Phận. Tại đây, Đức TGM và các Chủng sinh được đón tiếp nồng hậu trong bầu khí náo nhiệt: nào cờ xí, kèn trống, các đoàn hội áo xanh áo đỏ, các em thiếu nhi với các vũ điệu tươi vui trẻ trung. Đức TGM đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ và cộng đoàn. Trước thánh lễ, Ngài đã khen giáo xứ chẳng thua kém gì một giáo xứ kỳ cựu lâu năm vì tổ chức quá tốt và chặt chẽ. Kết thúc thánh lễ, một bữa cơm thân mật được dọn lên để đãi quý khách. Tình nồng ấm gia đình Hội Thánh như thể được gia tăng lớn hơn, mạnh hơn.

Chuyến viếng thăm của Đức TGM và các thầy Chủng sinh đối với Đức Giám Mục Thái Bình và hai giáo xứ Đông Phú và Hoàng Xá đã tạo ấn tượng lớn và sâu sắc. Cuộc viếng thăm như thể tạo thêm tình thân, tình liên đới, tình hiệp thông giữa hai vị chủ chăn với nhau, giữa vị chủ chăn với các tín hữu. Chắc hẳn trong tương lai sẽ có nhiều cuộc viếng thăm của các vị mục tử đối với nhau và đối với các tín hữu để kiến tạo Hội Thánh Chúa Kitô đầy sức sống, đầy năng động, đầy keo sơn gắn kết và đầy tình hiệp thông liên đới. Nhờ vậy, Hội Thánh có thể làm chứng cho thế gian về tình yêu, tình hiệp thông của Thiên Chúa giữa nhân loại này.
 
Cựu chủng sinh Làng Sông Qui Nhơn họp mặt Về Nguồn 2008
JB Hữu Quảng
01:21 17/07/2008
QUI NHƠN 17/7/2008 – Đáp lời kêu gọi của ĐGM Giáo phận Qui nhơn, gần 300 Cựu Chủng Sinh Làng Sông Qui nhơn (CCSLSQN) đã gặp gở trong ngáy HỌP MĂT VỀ NGUỒN 2008 tại Chũng viện Qui nhơn từ 14 đến 17 tháng 7 năm 2008 nhằm mục đích mở đầu “10 năm chuẩn bị tổ chức mừng 400 năm Giáo phận Qui nhơn đón nhận Tin Mừng 1618-2018.Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2000, CCSLSQN từ trong nước và hải ngoại về Qui nhơn họp mặt.

Chiều ngày 14/7 đoàn xe đủ loại từ Sài gòn, Nha trang, Đà nẵng…đậu khắp sân chủng viện với những cảnh tượng tay bắt mặy mừng của những anh em đồng học ngày xưa. Thân nhân gia đình cũng tháp tùng về thăm trường xưa với chông… Nhiều linh mục hoạt động mục vụ ở xa và ngoài Gp cũng về tham dự, Sáng 15/7, CCSLSQN đã về tham dự lễ mừng thánh tử đạo ANRÊ KIM THÔNG tại giáo xứ Gò thị. ĐGM GP Qui nhơn đồng tế với 50 linh mục trong và ngoài giáo phận. Đây là thánh lễ mừng Bổn mạng dành riêng cho các chức việc trong Ban Hành giáo tất cả các GX trong GP Qui nhơn, nhưng năm nay không khí buổi lễ thêm phần trang trọng với hơn 200 CCSLSQN và thân nhân từ khắp nơi đến. Thánh Kim Thông được phước Tử dạo trong thời ký cấm đạo của các vua nhà Nguyễn và đã được phong hiển thánh. Trong thánh lễ ĐGM đã nhắc nhở sự kiện CCSLSQN đã “Về NGUỒN” để cùng dấn thân với GP trong việc tổ chức mừng kỳ niệm 400 năm Đón nhận Tin Mừng. Năm 1618 Linh mục Dòng Tên Buzomi, người Bồ Đào nha đã dến truyền giáo tại cảng NƯỚC MẶN (hiện nay trong phạm vi của GX Gò Thị) Ngài đã được quan sở tại giúp đở xây dựng một nhà nguyện làm cơ sở truyến giáo. Ngài đặc biệt quan tâm đem giáo lý Tin Mừng đến trí thức va do đó nhiều người tin tưởng theo Đạo.

Sau thánh lễ CCSLSQN tiếp tục Về Nguồn bẳng việc thăm mộ thánh KIM THÔNG trong khu vực GX Gó thị, đồng thời viếng Đền Thánh Cuênot Thể được xây trên hầm trú ẩn giữa bụi tre, nơi Ngài sống để cai quản Giáo Phận Đàng Trong trong suốt 20 năm trong sự che chở của giáo dân Gó Thị và đặc biệt của Trùm Cà KIM THÔNG. Bị lộ, ĐGM Thể di chuyện về trú ẩn nhà bà Huỳnh tị Lựu ở Gò Bồi và bị bắt tại đó. Nơi dây nay có một nhà nguyện dể kính thánh Cuenot Thể.

Buổi chiều đoàn CCSLSQN về thăm trường xưa “Tiểu chủng viện Làng sông”, nơi đã đào tạo linh mục cho giáo phận hằng trăm năm nay.Nghĩa trang linh mục giáo phận cũng là điểm đến của đoàn để CCSLSQN để tỏ lòng biết ơn những ân sư đã qua đời.

Ngày 16/7 CCSLSQN dâng thánh lễ cầu cho các ân sư và hội thảo về đề tài “400 năm Giáo phận Qui nhơn và chương trình 10 năm chuẩn bị mừng kỷ niệm”, Linh mục Võ đình Đệ và Hoàng minh Tâm đã thuyết trình và giúp thảo luận. CCSLSQN họp mặt Về Nguồn 2008 cũng bầu Ban Điều Hành Hội CCSLSQN nhiệm kỳ 2008-2012.

Văn nghệ quần chúng buổi tối càng tô đậm nét đặc sắc cua Họp Mặt VỀ NGUỒN bằng những đóng góp văn nghệ đuu mọi thành phần. ĐGM dầu tình trạng sức khỏe đã cùng đến với CCSLSQN trong nhiều bữa cơm thân mật va xướng câu La tinh DEO GRATIAS âm vang trong phòng ăn.

Sáng ngày 17/7 Thánh lễ Tạ Ơn dồng tế tại nhà thờ Chánh tòa với hơn 50 linh mục xuất thân từ Tiểu chủng viện Làng sông Qui nhơn, có sự tham dự của ĐGM GP QN.

Họp mặt CCSLSQN Về Nguồn 2008 bế mạc trong phấn khởi cùa CCS, linh mục và cả ĐGM GP và được đánh giá như là khởi đầu cho chương trình 10 năm chuẩn bị đón mừng kỷ niệm 400 năm GP QN đón nhận Tin Mửng.
 
Phái đoàn Bạn Trẻ Tây Ban Nha hành hương Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương trên đường đi WYD 2008
Phaolô Vũ
01:31 17/07/2008
PHÁI ĐOÀN GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN BILBAO, TÂY BAN NHA
HÀNH HƯƠNG ĐỀN THÁNH TỬ ĐẠO HẢI DƯƠNG 16/07/2008


Từ sau chuyến hành hương của cha Giuse Dương Hữu Tình, chính xứ Hải Dương, ngày 23/01/2007 đến làng Elorrio, quê hương của Thánh Tử Đạo Giám mục Valentino Berriochoa Vinh, thuộc giáo phận Bilbao, miền Bắc - Tây Ban Nha, giáo xứ Hải Dương và quê hương thánh Vinh trở nên gần gũi, kết tình huynh đệ. Trong khuôn khổ tình nghĩa đó, đoàn giới trẻ của giáo phận Bilbao trên đường đi Sydney tham dự Đại hội Giới trẻ thế giới WYD 2008, đã ghé thăm, kính viếng Đền Thánh Tử Đạo và dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Hải Dương.

Đoàn giới trẻ giáo phận Bilbao gồm 40 bạn trẻ dưới sự hướng dẫn của Đức cha Mario Iceta, giám mục phụ tá giáo phận Bilbao. Đoàn đã có một cuộc hành hương ngắn ngủi tại chính nơi Đức cha Vinh được diễm phúc tử đạo.

Chương trình chuyến hành hương đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Phái đoàn đến Hà nội vào buổi trưa, nhưng vào hồi 17 giờ cùng ngày đã có mặt tại giáo xứ Hải Dương. Sau phần đón tiếp đơn sơ nhưng thân tình cởi mở của cha xứ và giáo dân, phái đoàn đã thăm khu triển lãm các Thánh Tử Đạo tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ. Ngay sau đó, phái đoàn đi kính viếng Đền Thánh, cách nhà thờ giáo xứ Hải Dương 2 km. Cha xứ cùng phái đoàn ôn lại lịch sử và cuộc đời các Vị Tử Đạo diễn ra tại chính khu Đất Thánh này. Đức Giám mục và bạn trẻ trong đoàn đã xúc động khi tháp những nén hương trên phần mộ của các vị Tử đạo là những bậc tiền bối mang cùng dòng máu. Giờ cầu nguyện ngắn gọn do Đức Giám mục chủ sự thật sốt sáng và cảm động. Lần đầu tiên, Đức Giám mục và các bạn trẻ đã được đặt chân đến chính nơi các đấng bậc là tổ tiên mình đã ngã xuống vì đức tin và tận mắt chứng kiến thực trạng ngôi Đền Thánh. Mọi người không khỏi day dứt, ngậm ngùi trước một ngôi Đền Thánh tan hoang đổ nát và bị xâm phạm giữa một đô thị phồn hoa.

Tưởng cũng nhắc lại một vài chi tiết liên quan đến Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương. Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương. Nơi đây, từ xa xưa đã là trung tâm hành hương của Giáo phận Hải Phòng, được nhiều người biết đến. Khu đất này trước kia có tên gọi là Khu Năm Mẫu, nơi thấm đẫm máu đào của nhiều anh hùng tử đạo, trong đó có 4 vị Tử Đạo đã được phong hiển thánh: Thánh Hermosilla Vọng (O.P.) Giám mục; Thánh Valentino Berriochoa Vinh (O.P.) Giám mục; Thánh Almato (Bình) (O.P.), linh mục. Ba Đấng chịu tử đạo ngày 1/11/1861; Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, Kẻ giảng(O.P.), tử đạo ngày 6/12/1861.

Tại nơi linh thiêng này, năm 1927, một ngôi Đền Thánh đã được xây cất với hai tháp thuông nguy nga hoành tráng, bên cạnh đó là Trường tập của dòng Đaminh. Ngôi Đền Thánh dài 65 m, ngang 18 m bao trùm lên một nhà nguyện nhỏ bằng đá đã xây trước đó, năm 1907.

Năm 1967, Ngôi Đền Thánh nguy nga đã bị bom tàn phá trong chiến tranh, chỉ còn lại một phần cây tháp chuông và vài mảng tưởng chênh vênh nham nhở là dấu tích còn lại của một công trình lớn lao tráng lệ.

Từ sau khi Đền Thánh bị chiến tranh tàn phá, diện tích đất đai xung quang bị lấn chiếm dần. Đặc biệt tại chính nơi lòng Đền Thánh, chỗ linh thiêng nhất, hiện nay cũng đã bị 11 hộ dân chiếm giữ trái phép và xây dựng nhà ở, làm ô uế nơi thờ tự.

Từ nhiều năm qua, các Linh mục quản nhiệm và giáo dân Hải Dương đã nhiều lần đề nghị Chính quyền giúp đỡ di dời những hộ dân ra khỏi Đền Thánh để tái thiết, giữ lại vẻ đẹp và thánh thiêng của một công trình tôn giáo. Tòa Giám mục Hải Phòng cũng đã nhiều lần đề nghị với các cấp Chính quyền từ địa phương tới trung ương để chương trình này sớm được thực hiện. Nhưng cho đến nay, Đền Thánh vẫn còn bị chiếm dụng và ở trong tình trạng đổ nát hoang tàn. Vào ngày hành hương truyền thống kính Thánh Tử Đạo Hải Dương hàng năm (06/11), Đức Giám mục, các Linh mục, nam nữ tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu khắp nơi trong, ngoài Giáo phận quy tụ về kính viếng và cầu nguyện tại chính ngôi Đền thánh đổ nát này.

Sau giờ thăm viếng và cầu nguyện tại Đền Thánh, vào nào hồi 19 giờ, thánh lễ trọng thể tạ ơn Thiên Chúa và tôn vinh các Thánh Tử Đạo được cử hành tại nhà thờ giáo xứ, do Đức Giám mục trưởng đoàn chủ sự. Cùng đồng tế với Đức Giám mục có cha xứ, cha phó, hai cha trong đoàn và cha thư ký Toà Giám mục Hải phòng. Thánh lễ được cử hành bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, với sự tham dự của khoảng hơn 2000 giáo dân trong và ngoài giáo xứ. Phần phụng ca được cũng được xen kẽ giữa ca đoàn giáo xứ và các bạn trẻ trong đoàn bằng hai thứ tiếng, với những nhạc cụ và sự thể hiện theo phong cách Tây Ban Nha thật sinh động và sốt sắng.

Trong lời chào mừng trước thánh lễ, cha chính xứ đã thay mặt cộng đoàn giáo xứ Hải Dương đã bày tỏ niềm vui mừng và biết ơn Giáo hội Tây Ban Nha, và đặc biệt là quê hương giáo phận Bilbao đã tặng ban cho Giáo hội Việt Nam những chứng nhân đức tin anh hùng bất khuất. Máu của các Ngài là những hạt giống tốt lành đã trổ sinh hơn 5000 tín hữu cho giáo xứ Hải Dương - Tân Kim và hàng triệu tín hữu trên quê hương đất nước Việt Nam. Cha chính xứ đã nghẹn ngào nói lên nguyện vọng tha thiết của riêng ngài, của giáo dân giáo xứ Hải Dương, của giáo phận Hải Phòng mong muốn sớm tái thiết nhà cho các Thánh Tử Đạo.

Trong lời đáp từ, Đức Cha chủ sự đã bày tỏ niềm vui mừng trước sự đón tiếp thân tình cởi mở của cha xứ và giáo dân giáo xứ Hải Dương. Ngài đã xúc động khi nói rằng trong chương trình đi Sydney tham dự Đại hội Giới trẻ thế giới WYD 2008, việc đầu tiên ngài và phái đoàn nghĩ tới đó là cuộc hành hương đến Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương. Thật hạnh phúc vì là con cháu, mang cùng dòng máu của các Vị Tử Đạo Hải Dương, nhờ đó khi tới đây, ngài và mọi thành viên trong phái đoàn được khích lện và cảm nhận như là được trở về với chính gia đình của mình, được mọi người yêu thương quý mến như anh chị em ruột thịt; được dâng thánh lễ tại chính mảnh đất thiêng, nơi thấm máu các vị tử đạo cha ông là một niềm hạnh phúc và một hồng ân lớn lao. Đức Giám mục đã tặng cho giáo xứ Hải Dương một tấm bảng khắc nhiều thứ tiếng để ghi nhớ cuộc hành hương ý nghĩa hôm nay và mô hình căn nhà nơi cậu bé Valentino Berriochoa được sinh ra ngày 14 tháng 02 năm 1827.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức Giám mục cũng bày tỏ niềm hạnh phúc vì cơ hội được đến kính viếng và cầu nguyện tại Đền Thánh Hải Dương. Ngài được thuyết phục bởi gương hy sinh của các vị tử đạo cha ông và sự nhiệt thành sốt sáng của cộng đoàn nơi đây. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Hải Dương hãy can đảm làm chứng cho Chúa theo gương các Thánh Tử Đạo. Làm chứng cho Chúa cũng đồng nghĩa với những hy sinh, thử thách và sự tử đạo, nhưng trong mọi thử thách ấy, Đức Kitô Phục sinh luôn đồng hành và ban sức mạnh như Ngài đã đồng hành và ban sức mạnh cho các Thánh Tử Đạo xưa. Đức Giám mục hứa sẽ luôn cầu nguyện và cộng tác với cha xứ và giáo phận để tái thiết ngôi Đền Thánh. Ngài cũng hứa sẽ mang những tâm tình và hình ảnh của chuyến hành hương hôm nay để kết hợp với Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám mục và các Bạn trẻ trên toàn thế giới trong những ngày Đại Hội Giới trẻ thế giới đang diễn ra tại Sydney, Australia.

Thánh lễ kéo dài và kết thúc khá muộn, nhưng bà con giáo dân chưa muốn về và dường như muốn kéo dài thêm mãi cuộc gặp gỡ với Đức Giám mục và phái đoàn, những người đồng hương và hậu duệ của các Thánh Tử Đạo Hải Dương.

Bữa ăn tối kết thúc vào lúc 22 giờ 30 đã khép lại chuyến hành hương ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa của phái đoàn giới trẻ giáo phận Bilbao. Hoà mình trong bầu khí thân tình cới mở, các bạn trẻ đã quên hết nỗi mệt nhọc sau một hành trình dài rất vất vả.

Trong những giây phút chia tay bịn rịn lưu luyến, cha xứ Hải Dương và cộng đoàn giáo xứ bày tỏ lòng biết ơn và hẹn có nhiều dịp được đón tiếp các bạn trẻ Tây Ban Nha tới viếng thăm và cầu nguyện với các Thánh Tử Đạo người Tây Ban Nha trên chính mảnh đất nơi các Ngài đã tuyên xưng đức tin và đã đổ máu làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh.
 
''Tôi đi giữa dòng người tiến về khán đài mà lòng tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả!''
Minh Nguyên
10:54 17/07/2008
BARAGAROO -Sáng nay, lúc 9g như thường lệ vẫn có các bài giáo lý do các Đức Giám mục trình bày theo đề tài Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội tại các khu vực quy định.

Tuy nhiên, theo chương trình việc đón chào ĐGH tại Baragaroo sẽ diễn ra vào lúc 2g30 phút, do đó tại các địa điểm giáo lý sáng nay lượng người đến ít hơn hôm qua. Lý do các bạn trẻphải dành nhiều thời gian để đi bộ và sau đó đi xe lửa về điểm đón Đức Thánh Cha.

11g chúng tôi rời Liverpoo Whilam Centre – nơi dành cho người Việt để đón xe lửa đi Baragaroo. Thế mà gần 2g chiều mới len lỏi được khu vực của mình để chờ đợi đón chào Đức Thánh Cha.

Hôm nay tôi mới thấy nhiều người như thế. Các bạn trẻ ồ ạt đi trên đường tiến về thủ phủ của WYD- Baragaroo. Đủ mọi quốc gia, đủ mọi ngôn ngư, đủ mọi màu cờ, đủ mọi ắc áo, đủ mọi hình ảnh về WYD, đủ mọi thể loại nhạc trên đường phố... Tất cả hòa quyện với nhau trong niềm vui và nụ cười cùng tiến về một nơi duy nhất- nơi có Đức Giáo Hoàng xuất hiện chính thức trước hàng mấy trăm ngàn bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới tụ họp về.

Niềm vui của các bạn trẻ như cuốn hút tất cả mọi người, dù quen thân hay xa lạ đều mỉm cười với nhau, đều hát với nhau, nếu không thuộc, không hề hấn gì, chỉ cần vỗ tay là đã hoà điệu rồi.

Dòng người từ khắp nơi đổ về nơi đón chào ĐTC thật khủng khiếp. Đi được một đoạn ngắn, trưởng đoàn của chúng tôi đã dừng lại để “kiểm tra quân số” và “ chỉnh đốn hàng ngũ”. Chỉ sợ lạc là không biết tìm nhau ở đâu.

Tôi đi giữa dòng người tiến về khán đài mà lòng tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả. Hạnh phúc vì được bước chung một nhịp với tất cả các bạn trẻ, hạnh phúc vì được chung chia niềm vui và nụ cười bằng hữu, hạnh phúc vì mình được tham dự những sự kiện quan trọng mà nhiều anh chị em không có cơ hộ tham dự, hạnh phúc vì mình hành hương để cầu nguyện cho những người yêu dấu nơi quê nhà-những người ngày đêm vẫn cầu nguyện cho từng bước chân hành hương của mình.

Phải đi giữa dòng người trẻ mới có cảm giác đó, phải đi giữa người trẻ trong những ngày hành hương này mới cảm thấy hạnh phúc ngọt ngào của sự hy sinh. Đi giữa người trẻ để cảm nhận được tình người giữa muà đông giá lạnh cuả Úc.

Chỉ 15 giây để những người may mắn đứng trên con đường có xe của ĐGH đi ngang, nhưng chúng tôi đã phải chờ đợi 4giờ đồng hồ. Những người không may mắn đứng trên khu vực khác thì chỉ được nhìn qua màn hình, nhưng tất cả đều đồng loạt hô to: Bênêdicto, Bênêdicto...rất nhiều lần. Có nhiều bạn hô khản cả tiếng, nhưng vẫn cố cất cao giọng. Đứng gần tôi là một cậu bé 8 tuổi, khi ĐGH đi ngang qua, em hô lạc cả giọng rồi khóc, khóc vì hân hoan, khóc vì hạnh phúc, khóc vì sung sướng làm cho các bạn trẻ đứng gần em cũng xúc động theo. Em nói: Con không tin ĐGH nhìn và vẫy tay chào con.

Một Ông Cụ hơn 80 mà vẫn có sức thu hút giới trẻ đến kỳ lạ!
 
Tường trình những diễn biến và sự kiện xẩy ra trong ngày Giới Trẻ đón ĐTC Benedictô XVI
PV VietCatholic
13:40 17/07/2008
SYDNEY - Buổi sáng thứ năm ngày 17. 7. 2008, ngày Hội Thảo Giáo Lý thứ 2 của WYD 2008. Các bạn trẻ Việt Nam thức dậy hơi trễ vì say mê đêm Đại Nhạc Hội Trở Về Nguồn tối hôm qua, tuy vậy lúc 8 giờ sáng, khi chúng tôi có mặt, một số bạn trẻ đã đến Hội Trường Whitlam Centre Liverpool.

Tham dự Giáo lý và Hội thảo
Sau đó, các bạn trẻ Việt Nam đến mỗi lúc một đông. Đúng 9 giờ, Hội Trường đông hẳn lên. Chương trình bắt đầu bằng những sinh hoạt tuổi trẻ. Những bài hát, những trò chơi vui nhộn. Nhóm giới trẻ Hoa Kỳ quậy quá.

Trước giờ trình bày Giáo Lý của Đại Hội, bạn trẻ Tâm Hiền từ Sài Gòn Việt Nam chia sẻ chứng từ về niềm tin của mình. Cô nói về cuộc đời ngược giòng của đời mình. Cô đi dự Thánh Lễ một cách máy móc. Nhưng khi khám phá ra Chúa luôn bên mình, cô cảm thấy hạnh phúc. Cô thấy Chúa thương mình nhiều hơn mình tưởng. Cô đến với Đại Hội Giới Trẻ và ước mơ Chúa Thánh Thần sẽ thêm sức mạnh cho cô. Cô tin tưởng hãy xin thì sẽ được. Cô xác tín sống niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa.

Bạn trẻ Nguyễn Khắc Toàn, một cảnh sát viên từ Na Uy, chia sẻ chứng từ của niềm tin. Toàn đi nhiều Đại Hội Giới Trẻ. Anh đến Đại Hội này và chia sẻ về Nhìn-Nghe-Nếm. để khám phá ra niềm tin của mình được mạnh mẽ hơn qua những giao tiếp với các bạn trẻ khác trong Đại Hội Giới Trẻ lần thứ 23 này.

Sau cùng, bạn trẻ Bảo Chi, sinh viên y khoa từ Đan Mạch, chia sẻ về tình yêu Thiên Chúa trong cuộc đời. Cô định cư tại Đan Mạch năm 4 tuổi cùng với gia đình, và 20 năm sống tại Đan Mạch. Cô thực tập y khoa tại một bệnh viện nhi đồng. Cô khám phá ra Chúa làm nhiều phép lạ nơi mỗi người, và cả cô nữa. Với ơn Chúa, cô sẽ vượt qua tất cả những khó khăn của cuộc đời. Cô tâm niệm, cuộc đời không bao giờ ngừng cố gắng. Cố gắng sẽ giúp vượt qua những khó khăn.

Đúng 9. 30 sáng, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, đặc trách Mục Vụ Giới Trẻ của HĐGM Việt Nam trình bày đề tài: “Chúa Thánh Thần, Linh Hồn của Giáo Hội.” Ngài chia sẻ hình ảnh về Giáo Hội hữu hình và vô hình. Ngài trình bày Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Ngài xử dụng trò chơi qua hình ảnh những bong bóng bay cả hội trường chuyền tay nhau, để giữ bóng khỏi rơi xuống, hình ảnh của sự đoàn kết đồng hành để cùng nhau cộng tác, sẽ mang lại thành công với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Sau phần trình bày Giáo Lý của Đức Cha Giuse, các bạn trẻ hào hứng và thi nhau đặt câu hỏi thắc mắc, Ngài trả lời và hướng dẫn các bạn trẻ rất sinh động.

Đúng 11 giờ sáng, Quý Giám Mục và các Linh Mục đồng tế. Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân thuyết giảng. Ca Đoàn Bankstown, Fairfield và Monica trong Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh phụng vụ Thánh Nhạc, hướng dẫn những bài Thánh Ca phổ thông để tất cả các bạn trẻ hát với nhau rất sốt sắng cùng âm thanh của giàn nhạc giao hưởng và ban nhạc LBT Melody đầy trẻ trung.

Giới Trẻ Việt Nam hân hoan chào đón Đức Thánh Cha
Sau Thánh Lễ, các bạn trẻ nhận phần ăn trưa và lên đường về Barangaroo trên Sydney để chào đón Đức Giáo Hoàng Bênêdictô.

Phóng viên VietCatholic gồm có: Đặng Minh An, Đồng Văn Vượng, Cha Lý Văn Ca, Cô Thụy Uyên, Dương Quang, Văn Hiệp, và Cha Văn Chi vội vã tiến về gần lễ đài, nơi chào đón Đức Giáo Hoàng. Trong khu vực dành riêng cho Báo Chí, nhóm phóng viên chúng tôi chọn chỗ gần với nơi Đức Giáo Hoàng tiến vào lễ đài.

Khu vực Barangaroo chật ních những người trẻ từ các nước khác nhau. Rừng cờ các quốc gia tham dự tung bay trong gió. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay xen lẫn với cờ của các quốc gia khác. Các bạn trẻ thi nhau vang hát những bài ca vui tươi. Lúc 3. 30 chiều, phóng viên chúng tôi ghi lại hình ảnh chiếc tàu Cruise MV Sydney 2000 mà Đức Giáo Hoàng ngồi trên đó. Cuộc hành trình ngắn của Ngài từ Rose Bay tới Barnagaroo. Con tầu cập bến. Đức GIáo Hoàng mỉm cười hiền hậu đi bên Đức Hồng Y George Pell. Khoảng trên 150.000 các bạn trẻ tập trung tại đây để chào đón Đức Giáo Hoàng.

Một diễn biến bất ngờ được trình chiếu trên những màn ảnh đại vĩ tuyến, chúng tôi nhìn vào màn ảnh thấy trên vai Đức Thánh Cha có khăn dài hình lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và sau đó thì thấy linh mục phụ tá ĐTC gỡ đi, và thấy có một thanh niên có nét mặt Á châu đang tiếp truyện với Đức Thánh Cha... Sau này nghe nói có một Đài Truyền Hình tại Sydney đã tìm được anh và đã phỏng vấn bạn trẻ này đễ tìm hiểu câu truyện ra sao. Bạn trẻ đó cho biết anh tên là Phạm Vũ Anh Dũng. Anh nói anh được chọn để tháp tùng ĐTC trên chuyến tầu với các bạn trẻ đại diện khác nữa. Trong câu truyện với ĐTC, anh đã kể truyện cho Đức Thánh Cha về cuộc sống tị nạn của gia đình anh và nói về những phấn đấu của người tị nạn Việt Nam. Anh xin ĐTC làm phép lá cờ anh manh theo và choàng cờ lên vai Đức Giáo Hoàng.

Giới Trẻ Thế Giới chào đón Đức Thánh Cha
Trong buổi họp báo sang nay, cha Federico Lombardi, SJ, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã có một buổi thuyết trình về ngày xuất hiện công khai đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Sydney. Và sau đó phóng viên của VietCatholic có hỏi ngài về sự kiện kiên quan tới "Việt Nam". Ngài cho biết vào lúc trưa nay có một bạn trẻ người Australia di dân từ Việt Nam qua đã được đi trên tuyền với Đức Thánh Cha. Cha Lombardi nói: "Người Australia gốc Việt Nam là thành phần quan trọng của xã hội Australia. Vì thế bạn trẻ đó đã kể cho Đức Thánh Cha về lịch sử Sydney và tầm quan trọng của lịch sữ di dân Việt Nam".

Khi Đức Giáo Hoàng đi tới đâu, giới trẻ cũng vẫy cờ quốc gia của mình và hân hoan vui sướng. Tại một số các góc của khu vực Barangaroo, bạn trẻ Việt Nam khá thông minh, đã tụ tập rất đông với Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ để chào đón Đức Giáo Hoàng, khi Ngài đi qua.

Đức Giáo Hoàng tiến lên Lễ Đài, một đoàn người Thổ Dân chào đón Ngài với nghi thức cổ truyền thật dễ thương. Các em học sinh đứng rất đông trên Lễ Đài để chào đón Ngài, và đồng thời, cùng hát vang và rất vui sướng hạnh phúc. Giàn Nhạc và Ca Đoàn Tổng Hợp vang lên bài ca: “Tu es Petrus-Con là Phêrô” trang nghiêm sốt sắng. Đức Hồng Y George Pell đọc diễn văn chào mừng Ngài (Xem bản dịch Diễn văn của ĐHY George Pell), sau đó, Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson, Chủ Tịch HĐGM Australia, cũng đọc diễn văn chào mừng ĐGH (Xem bản dịch Diễn văn của ĐTGM Wilson). Sau đó, phần nghi thức phụng vụ với Bài Phúc Âm theo Thánh Matthêu: “Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. ” Đức Giáo Hoàng đã gửi sứ điệp đến cho quốc gia Úc Đại Lợi nói chung và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nói riêng. Ngài còn chào mừng các bạn trẻ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Pháp Ngữ, Anh Ngữ, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Đức Ngữ. Sau đó, phần lời nguyện Tín Hữu và kinh lạy Cha. Kết thúc với Phép Lành của Ngài.

Phần nghi thức chào đón Đức Giáo Hoàng kết thúc, Ngài bước xuống lễ đài, để đến chiếc xe dành riêng. Từng chuỗi dài tiếng hoan hô vang lên: “Viva Papa-Hoan hô Đức Giáo Hoàng. ” Và rừng cờ của các quốc gia được các bạn trẻ giương cao vẫy chào Ngài. Nhóm phóng viên Vietcatholic gồm Cha Văn Chi, Đặng Minh Anh và Đồng Văn Vượng may mắn đứng ngay trước xe của Ngài. Chúng tôi kêu lên: “Papa!Papa!. ” Ngài dừng lại và bắt tay chúng tôi. Chúng tôi thật hạnh phúc và sung sướng được Ngài chúc phúc cho cá nhân mỗi người và Vietcatholic Network mà chúng tôi đang tường trình buổi Lễ Chào Đón Đức Giáo Hoàng. Xe của Ngài xa dần trong những tiếng hò reo vui tươi của các bạn trẻ, khi xe Ngài đi qua.

Xe của Ngài còn tiếp tục diễn hành trong khu vực của Thành Phố Sydney từ 4. 45 chiều và tới Nhà Thờ Chính Toà St Mary Sydney vào lúc 5. 30 cùng ngày, trong niềm hân hoan phấn khởi của cả gần 300. 000 người chào đón Ngài tại Sydney hôm nay.

Chúng tôi cùng đoàn hành hương rời khỏi Barangaroo.

Hẹn gặp lại quý vị trong ngày mai, qua tường trình về Chặng Đàng Thánh Giá nổi tiếng tại Thành Phố Sydney.
 
Bài giáo lý cho Giới Trẻ Việt Nam WYD 2008: “Sai đi làm chứng nhân”
+ GM Giuse Đặng Đức Ngân
20:12 17/07/2008
“Sai đi làm chứng nhân”

(Bài giáo lý do Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục lạng Sơn, trình bày cho giới trẻ Việt nam nfày 18.07.2007 tại Sydney)

Các bạn trẻ rất thân mến,

Sau 2 ngày học giáo lý trong chương trình ngày Giới trẻ thế giới, hôm nay chúng ta gặp nhau ngày cuối với chủ đề: “Sai đi làm chứng nhân”

Chúng ta được sai đi vào thế giới: Chúa Thánh Thần, tác động chính yếu của sứ mạng truyền giáo.

“Anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).

Chủ đề của ngày hôm nay là dịp để chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của mình trong tư cách là người trẻ. Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi chúng ta như đã từng hỏi các tông đồ xưa: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” , không biết các bạn có lúng túng không ? có trả lời dễ dàng không? Chắc các bạn cùng tôi sẽ có câu trả lời rất thân thương: Chúng con sẽ nhờ Chúa Thánh Thần giúp chúng con trả lời: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa. Trả lời rồi chúng ta muốn xác tín sự hiểu biết của mình là cùng tìm hiểu Chúa Thánh Thần là ai, và tại sao lại giúp chúng ta điều đó.

Chắc rằng trong 2 ngày qua, các bạn đã nghe quý Đức Cha đã trình bày về Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, đã dẫn dắt chúng ta trong cuộc hành trình sống đạo. Chúng ta với những công việc bổn phận khác nhau trong cuộc sống, nhưng cùng chung niềm tin, ngôn ngữ, với tâm hồn rộng mở quảng đại của người trẻ để bước vào thế giới góp phần là những chứng nhân của đức tin, tình yêu và sự phục vụ.

Để cảm nhận Chúa Thánh Thần chính là tác động chính yếu của sứ mạng truyền giáo, tôi muốn cùng các bạn lắng đọng tâm hồn để học hiểu về Chúa Thánh Thần:

1. Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ của Đức Tin, Tình yêu và Phục vụ:

Vào ngày lễ Hiện Xuống tại Jerusalem, các tông đồ cùng cộng đoàn tiên khởi đang tụ họp với sự hiện diện của Mẹ Maria đã nhận được Chúa Thánh Thần. Đây là ngày mà Giáo hội bắt đầu sứ mạng của mình và được giới thiệu với thế giới. Rõ ràng một Dân tộc mới được tái sinh bởi cuộc khổ nạn Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Hình ảnh Giáo hội trong ngày khởi đầu giới thiệu với thế giới là một việc tạo dựng mới, nơi đó con người cùng một ngôn ngữ, cùng một niềm tin yêu và phó thác vào tình thương sáng tạo của Thiên Chúa. Trong Tông huấn Dominum et Vivificantem của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, ngài đã viết: ”Thời đại của Giáo hội bắt đầu bằng việc”Chúa Thánh Linh ngự xuống” trên các tông đồ trong căn phòng trên lầu tại Jesuralem, cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô. Thời đại của Giáo hội bắt đầu vào thời điểm khi những lời hứa và tiên báo đề cập hết sức rõ ràng về Đấng Phù Trợ, Thánh Thần Chân lý, bắt đầu được hoàn thành cách trọn vẹn và rõ ràng trên các Tông đồ, như thể xác định lúc Giáo hội chào đời…Chúa Thánh Thần là Đấng vô hình, nhưng một cách nào đó, người ta có thể nhận thức được. Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn, an ủi các tông đồ và các môn đệ, những người đã cảm thấy thấm thía bị bỏ mồ côi sau khi Chúa Giêsu đi khỏi. Nhờ Chúa Thánh Thần ngự xuống, các ngài cảm thấy đầy đủ sức mạnh, đồng thời cảm thấy có khả năng chu toàn sứ mệnh được ủy thác” .(25)

Chính lúc đó, các tông đồ và các môn đệ đã nhận được ơn đặc sủng của Thánh Linh, và như những tôi tớ trong Tin Mừng, các ngài được mời gọi truyền giáo bằng ngôn ngữ của đức tin, tình yêu và phục vụ. Thánh Linh đã ban cho các ngài sức mạnh, khả năng, để với sự thúc đẩy của Thánh Thần, các ngài thi hành sứ mệnh được trao phó. Đám đông đang hiện diện trước mặt các ngài đã rất ngạc nhiên và bỡ ngỡ vì nghe các tông đồ nói thổ ngữ của mình. Hình ảnh tháp Babel hiện về trong tâm trí chúng ta: khi con cái loài người không tìm được điểm chung của niềm tin và tình yêu trong phục vụ, mà chỉ là kèn cựa, ghen tỵ, nơi đó sẽ xuất hiện ngôn ngữ khác biệt mà họ sẽ không hiểu được nhau, không hiểu được trái tim, không hiểu được tâm hồn và dẫn đến sự cách biệt, rối loạn và phân rẽ. Tháp Babel là biểu hiện cho sự phân tán của lòng người và ngôn ngữ thế nào, thì dưới tác động của Chúa Thánh Thần, sự phân tán ngôn ngữ không còn cản trở vì giờ đây tất cả cùng nghe loan báo nhân danh Chúa, đó chính là sự hiệp nhất trong đức tin, trong tình yêu để vượt qua rào cản của ngôn ngữ và văn hóa để lắng nghe tiếng nói thì thầm của ngôn ngữ trái tim trong thế giới. Với tác động của Chúa Thánh Thần, khởi đầu từ Chúa Kitô, đến các tông đồ, đến Giáo hội, đến toàn thế giới trong ngôn ngữ chân lý và yêu thương.

Chính các bạn trẻ ngày hôm nay đang chứng kiến điều đó; dù là người Việtnam, nhưng hội nhập với những ngôn ngữ khác nhau nơi chúng ta đang sống, nhưng với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời gọi đến với nhau trong tin yêu với trái tim và nghị lực của người trẻ để cùng trình bày cho thế giới và cho nhau ngôn ngữ của đức tin và tình yêu đó để trở nên những chúng nhân cho Tin Mừng khổ nạn Phục sinh của Đức Giêsu Kitô

2. Chúa Thánh Thần, tác động chính yếu của sứ mạng truyền giáo:

Lời Chúa trong sách Tông đồ Công vụ đã viết: “Anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Chính nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ nhận được trong ngày lễ Ngũ Tuần khi đang cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly, Thánh Phêrô cùng anh em lên tiếng công khai rao giảng về Chúa Kitô Phục sinh và Hiển thắng. Đó chính là giây phút thánh Phêrô cùng các tông đồ khởi đầu sứ mệnh truyền giáo theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Ki tô: “…anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”. Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày lễ Hiện Xuống là một biến cố đặc biệt trong ngày Giáo hội bước ra với thế giới, nhưng ơn Chúa Thánh Thần không chấm dứt ngày lễ này, mà là khởi đầu cho một tiến trình lâu dài luôn nâng đỡ các tông đồ và các môn đệ trong những ngày đầu rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Kể cả khi các tông đồ bị bắt bớ và tống ngục, quyền năng của Chúa Thánh Linh trên các ngài mạnh đến mức: các ngài hiên ngang mạnh dạn khiến công nghị Do thái ngạc nhiên: vì biết các ngài là những người bình dân, thất học. Đây chính là một sự biến đổi lớn lao với các tông đồ, những người đã từng nghĩ mình can đảm đã vấp ngã trước cuộc thương khó của Thầy mình, đến mức trốn chạy, phản bội, chối Thầy… được chính Chúa Phục Sinh biến đổi qua Thánh Thần Thiên Chúa, các tông đồ đã được biến đổi để trở nên những người góp phần biến đổi thế giới.

Những tác động chính yếu của Chúa Thánh Thần trong sứ mạng truyền giáo trình bày Giáo lý Đức tin và Tình yêu của Giáo hội sơ khai có nhiều lắm: là hiệp thông trong tình huynh đệ và yêu thương, đến độ cùng đồng tâm nhất trí; là cộng đồng chia sẻ và sống đức ái, dám trao tài sản riêng của mình cho các tông đồ để phân phát cho nhau tùy nhu cầu mỗi người; thứ hai là hiệp thông theo giáo huấn của các tông đồ; thứ ba là hiệp thông trong sự bẻ bánh; thứ bốn là hiệp thông trong lời cầu nguyện. Chính tinh thần hiệp thông này mà người Do thái phải thốt lên: “Hãy xem họ yêu thương nhau biết chừng nào”.

Khi người trẻ chúng ta sống đức tin giữa các giáo xứ, cộng đoàn, gia đình, chắc chúng ta cũng cảm nhận được lời mời gọi này của Chúa Giêsu Kitô: “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” . Nhưng yêu thương thế nào luôn là một thách đố của đức tin và sự khám phá của người trẻ ngày nay. Yêu thương như mong muốn của Chúa Kitô, đó chính là sự dấn thân của người trẻ vào thế giới, môi trường mà mình đang hiện diện, với những khao khát tự do của người trẻ, khao khát tìm kiếm một tình yêu và niềm tin đích thực, khao khát góp phần tô điểm bộ mặt trái đất. Đã có những bạn trẻ thành đạt và tìm được chân lý, nhưng cũng có những bạn trẻ định hướng sai lý tưởng và hoài bão cuộc đời, có những bạn trẻ thất bại khi tự mình đi tìm một con đường loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lý trí của mình. Đã có những bạn trẻ từ thất bại đến thất vọng và đi đến những quyết định sai lầm cho cả cuộc đời. Hãy nhìn các tông đồ là những người không già, và rất trẻ trong đức tin, chính họ đã từng tưởng rằng mình có thể thay đổi cả thế giới với khả năng riêng của mình, chỉ khi đối diện với thế giới của quyền lực và đối nghịch, họ mới cảm thấy chới với, tuy nhiên họ đã biết nhìn vào Đấng Phục Sinh, và Chúa Kitô đã ban Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ để biến đổi các Ngài trở nên những con người nhận ra chính Chúa, nhận ra tiếng gọi của Chúa, nhận ra chương trình của Chúa để làm công việc của Ngài.

3. Chúa Thánh Thần với giới trẻ hôm nay:

Chúng ta nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong bài giảng bế mạc ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cologne (Đức quốc), ngày 21/08/2005: “Các bạn hãy giúp nhân loại khám phá ánh sao dẫn đường đích thực là Đức Giêsu Kitô. Chính chúng ta cũng cần tìm hiểu về Người mỗi ngày một hơn để có thể dẫn đưa tha nhân tin tưởng đến với Người. Vì thế, nếu yêu mến Thánh Kinh là điều hệ trọng, thì am hiểu đức tin của Giáo Hội cũng hệ trọng không kém, bởi vì nhờ Giáo Hội, ta mới hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh”. Các bạn sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là Ánh Sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tính quyết định”.

Lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha đã giúp cho các bạn những người trẻ đang khao khát tìm kiếm chân lý đích thực. Chúng ta đã được Rửa tội trong Nước và Thánh Thần, nên được mời gọi sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần không chỉ nói khi chúng ta cầu nguyện, mà Ngài luôn bên chúng ta trong lịch sử nhân loại và lịch sự cuộc đời của mỗi người. Cho dù chúng ta có nhận ra Ngài hay không thì Ngài vẫn luôn có đó. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Philipphê đã nói: “Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy đem ra thực hành và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4,8-9). Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với thế giới và với mỗi người chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra lời mời gọi của Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài.

Nếu tâm tình của các bạn muốn hỏi Chúa Thánh Thần sẽ mời gọi bạn cộng tác gì trong sức mạnh và quyền năng của Ngài, chúng ta cùng suy tư nhé:

• Chúa Thánh Thần với Ngôn ngữ Đức Tin:

Có lẽ khi các bạn thắc mắc: thế nào là Ngôn ngữ đức tin; chúng ta cùng nhìn vào cuộc hành trình đức tin của các Tông đồ, các ông đã chọn Chúa Giêsu đã dám từ bỏ tất cả để theo Ngài, đã sống bên Ngài; mà sau này thánh Phêrô vẫn xin cùng Ngài: “Xin Thầy ban thêm Đức tin cho chúng con!”. Như vậy, đức tin là một Ơn ban của Thiên Chúa với khát vọng tìm kiếm của con người. Với người trẻ, đức tin được biểu lộ bằng Ngôn ngữ của Thiên Chúa. Chính ngôn ngữ mà Chúa Thánh Thần ban cho các Tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần cũng là điều chúng ta cầu xin Ngài ban cho mỗi chúng ta, để có được Ngôn Ngữ là Lời của Chúa, là tiếng Chúa, là Ơn Ban của Chúa để giúp chúng ta tin mến và phụng thờ. Chính Ngôn ngữ Đức Tin này đã biến đổi các Tông đồ, các môn đệ thế nào, thì cũng xin biến đổi các bạn như vậy trong cuộc hành trình sống đạo hôm nay. Đó chính là sứ mạng truyền giáo của người trẻ trong cách thể hiện đạo nơi cuộc sống xã hội, giáo hội của mình. Trước khi về trời, chính Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin cho các tông đồ, giúp các Ngài hiểu Thánh Kinh và trao sứ mệnh ra đi rao giảng tin mừng cho muôn dân, Ngài mời gọi các tông đồ cũng là mời gọi chúng ta: “…chính anh em sẽ là chúng nhân về những điều đó”(Lc 24,48). Ngôn ngữ của đức tin chính là cách thế biểu lộ cách sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu được mời gọi bước theo Chúa Giêsu để được Người biến đổi và trở nên những chứng nhân Tin mừng cứu độ cho thế giới.

• Chúa Thánh Thần là Ngôn ngữ của Tình yêu:

Khi Chúa Giê su nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho người mình yêu” . Có lẽ các tông đồ cũng không hiểu hết lời của Ngài. Chỉ sau này khi chứng kiến cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu các Ngài mới cảm nhận và được Ơn Chúa Thánh Thần biến đổi để sống trọn vẹn lời mời gọi sống ngôn ngữ tình yêu đó. Các tông đồ từ những con người nhút nhát sợ hãi, sau khi được Ơn Thánh Thần, đã vui mừng hớn hở vì được chịu khốn khó vì Danh Chúa Giêsu Kitô, đó chính là giá trị của tình yêu lớn nhất, hơn chính bản thân mình để quy về tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngôn ngữ tình yêu của Thánh Thần, không phải là sự lạm dụng sự tự do cá nhân về tình yêu nam nữ, tình yêu dục tính, tình yêu giả dối, tình yêu đổi chác. Mà là giá trị của tình yêu đích thực, tình yêu trao ban chính mình như chính Chúa Giêsu đã thực hiện cho mỗi người chúng ta. Đó cũng chính là khả năng của các bạn trẻ với Thiên Chúa, Giáo hội và thế giới.

• Chúa Thánh Thần là Ngôn ngữ của Phục vụ:

Có lẽ các bạn tự hỏi: chúng ta phải phục vụ thế nào? Bởi vì sự hiện diện của Kitô giáo ở trần gian này không phải là sự hiện diện của tự ti mặc cảm, mà chính chúng ta mang tới một tinh thần phục vụ vô vị lợi, đó chính là quyền năng giải phóng và cứu độ.

Trong sách Tông đồ công vụ, Thánh Phêrô và Thánh Gioan khi tới cửa đền thờ ở Bétsaiđa, ở đó có người ăn xin đã lên tiếng xin các ngài bố thí; nhưng Thánh Phêrô đã nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi sẽ cho anh, đó là: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Hình ảnh đó, chính là câu trả lời cho các bạn, hỡi các bạn trẻ từ các miền trên thế giới hội tụ ở đây, để hiệp nhất, để yêu thương như lời mời gọi của Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài. Vàng bạc chúng ta chưa có, nhưng chúng ta có trái tim nhiệt huyết của người trẻ, nghị lực, tình yêu, niềm tin và sự khao khát sự thiện nơi người trẻ, là những người với Ơn Chúa giúp thay đổi thế giới.

Nhưng các bạn trẻ hãy cẩn thận, hãy nghe lời thân thương của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Hãy coi chừng cơn cám dỗ muốn ta lẫn lộn việc canh tân Giáo hội với việc biến cải xã hội. Ngày càng có nhiều người cho rằng xã hội được xây dựng trên tiền bạc”. Chính điều đó, sẽ là sự nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống đức tin và cuộc đời. Đó cũng là tâm tình của Hội Đồng Giám mục Việt-Nam trong thư Mục vụ năm 2000 đã viết: “Vì Chúa Giêsu đồng hoá mình với những ai nghèo đói, tật nguyền, bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Mt 25,31-46), chúng ta hãy dấn thân phục vụ cách thiết thực những người khốn khổ bần cùng. Họ là những trẻ em nghèo hiếu học cần trợ giúp để có thể tiếp tục học; những phụ nữ bị ngược đãi trong gia đình hay bị lạm dụng ngoài xã hội cần được tôn trọng nhân phẩm; những người cao tuổi bị bỏ rơi cần được chăm sóc và ủi an; những đồng bào dân tộc thiểu số cần được đối xử công bằng và được giúp đỡ để thăng tiến trong mọi lĩnh vực; những người bỏ nông thôn ra thành thị bị bóc lột sức lao động cần được bênh vực và che chở; các nạn nhân của tệ nạn xã hội cần được thông cảm và được giúp đỡ trở về cuộc sống bình thường; những nạn nhân thiên tai cần có ngay miếng cơm manh áo để vượt qua cơn thử thách. Phục vụ họ như thế không phải chỉ là đòi hỏi tự nhiên của tình người, mà còn là món nợ của lòng bác ái Kitô giáo (x. Rm13,8) vì mỗi lần làm như thế là chúng ta làm cho chính Chúa Giêsu vậy” (x. Mt 25, 40).

Các bạn trẻ rất thân mến,

Để kết thúc bài giáo lý này, xin mời gọi các bạn lắng nghe tâm tình của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI yêu quý của chúng ta: “ Cách đặc biệt, Cha bảo đảm với các con rằng Thần Khí của Chúa Giêsu ngày nay đang mời gọi giới trẻ các con mang Tin mừng của Ngài tới các bạn đồng trang lứa với các con. Người lớn thường gặp khó khăn khi tới gần thế giới người trẻ do không hiểu biết đầy đủ và khó thuyết phục các con; đó có lẽ là một dấu chỉ cho thấy Thần Khí thúc ép chúng con – chính người trẻ - phải lãnh nhận trách nhiệm loan báo Tin mừng cho người trẻ. Các con biết rõ những lý tưởng, những ngôn ngữ, và cả những vết thương, những mong đợi và lòng khao khát điều tốt đẹp mà các bạn trẻ ở tuổi các con đang ấp ủ. Một thế giới mênh mông những tình cảm, công việc, học hành, mơ ước và cả đau khổ của người trẻ… đang chờ đợi các con… Nhưng để đạt được mục đích này, các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy nên thánh và nên những nhà truyền giáo, bởi vì không bao giờ chúng ta có thể tách sự thánh thiện ra khỏi việc truyền giáo (x. Redemptoris missio, số 90). Các con đừng sợ trở nên những nhà truyền giáo thánh thiện như Thánh Phanxicô Xavie, người đã rảo khắp vùng Viễn Đông rao giảng Tin Mừng tới sức cùng lực kiệt, hay như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là nhà truyền giáo mặc dầu chưa bao giờ bước chân ra khỏi Dòng Kín Cát Minh; cả hai vị này đều là “Quan Thầy của các Xứ Truyền giáo”. Các con hãy sẵn sàng dấn thân để rọi sáng thế giới bằng chân lý của Chúa Kitô; để sẵn sàng lấy tình yêu đáp trả mọi hận thù và mọi khinh rẻ sự sống; để công bố niềm hy vọng của Chúa Kitô phục sinh trên khắp hoàn cầu”.(Sứ điệp ngày Quốc tế Giới Trẻ).

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn xuống trên tất cả chúng ta, đặc biệt trên các bạn trẻ, để có “một Lễ Hiện Xuống mới” trong tâm hồn của mỗi bạn; để chúng ta trở về với bổn phận trách nhiệm nhưng mang trong tâm hồn ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, góp phần xây dựng Giáo hội địa phương, xã hội mà các bạn đang hiện diện với sự hiệp nhất yêu thương và Ơn thánh Chúa từ Ngày Giới trẻ thế giới này. Xin cho các bạn trở nên những nhà truyền giáo mới rao giảng Danh Chúa bằng chính nhiệt huyết, niềm tin, tình yêu và sự phục vụ của giới trẻ Việt-Nam trên mọi nẻo đường của cuộc sống, với tâm tình:

“Trong niềm hân hoan vì được yêu thương và được cứu độ, ta hãy hăng hái ra đi làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa: Hãy đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ, đem niềm hy vọng đến cho những người thất vọng, đem niềm tin đến cho những người chưa tin, đem niềm vui đến cho những người sầu khổ, đem tình yêu đến cho những người bị loại trừ, đem sự hòa giải đến cho những người đang thù oán, đem sự giải thoát đến cho những người bị mặc cảm, đem sự kính trọng đến cho những người bị khinh khi, đem ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người” .(Thư Chung HĐGM VN, 2000).

Xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với các bạn, là sức mạnh, là tình yêu, là niềm tin, là nghị lực, là hạnh phúc trong sứ mệnh truyền giáo người trẻ ngày nay. Xin cám ơn các bạn đã lắng nghe.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
''Nghị'' rồi ''Quyết'' cơ sở tôn giáo!
Trần Thanh Thảo
23:02 17/07/2008
SAIGÒN - Hôm nay, ngày 17.7.2008, tôi vẫn thấy băng rôn “DỰ ÁN XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON” hiên ngang trên mặt tiền vũ trường. Cách đây mấy hôm khi đọc tin tức trên VietCatholic, tôi có hỏi một sơ Nữ tử Bác ái xem phản ứng của họ về sự cố này. Nữ tu ấy cho biết, họ đã gọi điện thoại, gửi đơn cho chính quyền yêu cầu tháo băng rôn, nhưng chưa thấy tín hiệu gì. Tôi hỏi sao các sơ không ra thời hạn cho yêu cầu trên ? Nữ tu ấy thêm rằng ngày mai có cuộc họp, nên các nữ tu chờ xem chính quyền trả lời thế nào.

Tôi là người lớn lên từ trường Régina Pasis, nội trú trong khuôn viên 42 Tú Xương, quận 3, nên nhà các sơ tôi vẫn thấy thân thiết như nhà của mình. Chiều qua, ngày 16/7/2008, sốt ruột tôi lại hỏi xem tin tức. Tôi được nữ tu hoan hỷ cho biết, các đại diện trong cuộc họp đều nhìn nhận việc cho treo băng rôn là sai cam kết của biên bản. Chắc chắn họ sẽ tháo dỡ nay mai. Tôi hỏi thêm tin tức từ cuộc họp. Nữ tu chỉ cười xin lỗi vì chưa thể tiết lộ.

Đến chiều nay, tôi vẫn không thấy tín hiệu gì. Phải chăng việc tháo băng rôn cũng chờ chỉ đạo của Đảng uỷ, Đảng Bộ cấp Thành Phố bởi khi treo cũng theo chỉ đạo các ngài ? Nhìn nhận là sai nhưng không thèm sửa, chính quyền coi khinh các nữ tu ? Hay các ngài đã quen coi khinh ý kiến của dân ? Hay đối phó với khiếu kiện nhiều quá rồi nên “makêno!” Đường ta ta cứ đi! Nhà mi ta cứ bán! Sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi!

Ôi, tôi đâu có cần các nữ tu kể về nội dung cuộc họp. Cứ đọc lại bản tường trình cuộc họp ở Thái Hà thì biết được chính quyền làm gì khi họp về 32 bis. Lải nhải thông tin gần 2 tiếng đồng hồ, tiếp theo là thuyết phục làm theo đề nghị của cán bộ cha mẹ nhân dân. Quy định của Pháp luật là trao đổi đối thoại, à cái đó luật của Pháp, còn Việt luật là một bên nói một bên nghe, về nhà muốn nói gì thì lên web nói cho cả thế giới nghe!

Chưa đọc cái căn cứ giải quyết đất Thái Hà tôi cũng biết Chính quyền Hà Nội nói gì. Cái Nghị Quyết 23/2003, “chìa khoá vạn năng” cho Chính quyền tha hồ tung hoành cướp ngày, phạm luật mà vẫn có lối thoát. Điệp khúc nổi tiếng được cất lên từ miệng các Phó Chủ tịch UBND Thành Phố, Tỉnh thành được lập trình như nụ cười của các hoa hậu trước ống kính phóng viên: “việc khiếu nại đòi …. là không có căn cứ để giải quyết”. Một luật gia nói với tôi, cái nghị quyết 23 ra đời nhằm hợp thức cái sai, bảo vệ cái sai. Ở các nước, khi có văn bản sai trái, không còn phù hợp với điều kiện văn hoá hiện tại thì nhà nước phải ra luật mới để huỷ bỏ cái sai. Việt Nam ta “có trước có sau” hơn nhiều, biết điều với những người có công chiếm lại đất nước: cho nên khi luật về đất đai có sai mà quan có lợi thì phải đẻ gấp ra vài cái văn bản dưới luật nữa để chiếm đất chiếm nhà cho nó thông thoáng! Bởi vậy ta mới thấy chuyện chiếm trường học xây vũ trường sau khi la làng lên trường học là nhà vắng chủ, canh gác cho các cơ quan đập phá cơ sở đang khiếu nại tranh chấp. Nói chung chính quyền ta không phải mệt mỏi học hỏi pháp luật, chỉ cần bỏ túi cái Nghị Quyết 23/2003 là có thể “phang” và lên chức Phó Chủ tịch! Hiến Pháp và Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo à ? “Lộng kiếng”, khi đi họp quốc tế mới cần xài, cái đó dành cho Tây!

Các bà sơ mà ti toe đòi nhà ư ? Anh sẽ ra nghị quyết mới! Anh lỡ nói nhà vắng chủ bây giờ anh sửa lại hổng được sao ? Nghe nè, bây giờ anh nói “vũ trường vắng chủ”, rõ ràng hiện nay không có ai nhảy, vắng chủ thì nhà nước coi giúp, coi mệt quá nên nhà nước bán lại cho anh, anh thấy tội nghiệp nhà nước nên mua giúp với giá tội nghiệp mua dùm của ế. Vả lại theo nghị quyết 23, đây là cơ sở đã được nhà nước “quản lý sử dụng ổn định” từ lâu, đã xác lập thành sở hữu nhà nước, làm gì có căn cứ để xem xét giải quyết cho mấy bà sơ, cho dù anh thương mấy bà sơ lắm … Tội nghiệp, hổng biết đứa nào thất nhân ác đức mở vũ trường, chứa nghiện hút, dung dưỡng chị em ta … để tạo ra con mồ côi, sida … cho mấy bà sơ có việc làm! Thôi, quý sơ cứ khiếu nại lên Trung Ương rồi chờ! Thưa quý bạn đọc, điệp khúc muôn thủơ!

Lại nói chuyện chơi về “quản lý sử dụng ổn định”. Quản lý sử dụng cái vũ trường thì mệt và tốn công sức hơn cái trường học nhiều, thế mà chính quyền ta đã không ngại khó khăn nguy hiểm, dồn hết tâm lực, trí lực xây dựng củng cố duy trì nó trong 11 năm qua. Nguyên việc sáng kiến ra cái cầu thang uốn quanh, nép trong tường đôi vũ tường đủ thấy nó phức tạp và khó khăn so với xây cái phòng học mẫu giáo thế nào ? Lại còn phải quản lý một dàn tiếp viên nhân viên trong đó ? Chưa hết, hàng ngàn, hàng vạn khách ăn chơi đến đây. Quản lý con nít mệt lắm … em xin trông nom người nhớn thôi!

“Quản lý sử dụng ổn định” hết ổn định khi mấy bà sơ đòi nhà. Giằng co … chịu khó chờ cho lắm vào…bây giờ vũ trường lại được “nghị quyết” thành trường học. Nhưng có trời mới biết đàng sau cái vụ lại xây trường này là cái gì. Có điều chắc là các nữ tu quyết giành lại cái cơ sở 32 bis này để móc tiền túi ra làm việc thiện, còn nhà nước thì nhất định giữ nó để kiếm tiền cho vào túi ai. .. không biết!
 
Văn Hóa
Tình Chúa Tình Người
Tuyết Mai
16:38 17/07/2008
Tình Chúa Tình Người

Tình Yêu rõ thật lạ lùng!
Có ai cắt nghĩa được tình yêu?
Có phải khi yêu là ta cho đi tất cả?
Là hy sinh?
Là đau khổ?
Là tha thứ?
Là nhịn nhục?
Là cầu nguyện?
Là không đòi hỏi?
Là phải quên mình?
Là làm dâu trăm họ?
Là cho vô điều kiện?
Là tận hiến cả cuộc đời mình?
Cho người mình yêu?

Có phải tình yêu thật sự là ta phải. ..
Cầu nguyện cho người mình yêu?
Cầu nguyện cho người mình không yêu hay hết yêu?
Cầu nguyện cho tất cả những ai xúc phạm đến mình?
Cầu nguyện cho điều công chính?

Lậy Chúa!
Có phải đó là tình yêu mà Chúa trông đợi,
Nơi chúng con và dâng lên cho Chúa mỗi ngày!?

Lậy Chúa!
Chúng con chỉ vì yêu theo đường lối của Chúa,
Mà mọi người đã chống đối chúng con,
Mà mọi người đã ghen ghét với chúng con,
Mà mọi người coi chúng con là lập dị,
Là không giống ai,

Bởi vì họ biết chúng con là Kitô hữu,
Họ biết chúng con là Tông Đồ trung thành của Chúa,
Họ biết chúng con rất tuân giữ luật và giới răn của Chúa,
Họ biết chúng con coi thường danh, lợi, thú, trần gian,
Họ biết chúng con có thể Tử Đạo cho Chúa và vì Danh Chúa,
Như những tiền nhân của chúng con đã dám và đã can đảm làm.

Chúa ơi!
Họ đã ghét chúng con vì luôn tỏ lộ sự vui vẻ?
Họ đã ghét chúng con vì có lòng thương người?
Họ đã ghét chúng con vì không theo họ?
Họ đã ghét chúng con vì luôn thẳng thắn?
Họ đã ghét chúng con vì quá thật thà?
Họ đã ghét chúng con vì không biết nịnh hót?
Họ đã ghét chúng con vì không biết che đậy cho họ?

Lậy Chúa!
Cuộc đời thì đầy những chông gai và cạm bẫy.
Nguyện xin Thiên Chúa,
Luôn giúp chúng con khao khát tìm kiếm Chúa.
Vì cuộc đời trần gian này chỉ là tạm bợ,
Như cơn gió thoảng,
Như bóng câu qua cửa sổ,
Như phù vân nối tiếp phù vân. ..

Giúp chúng con yêu thương anh chị em như yêu chính mình,
Sẽ là giấy thông hành bảo đảm giúp chúng con trở về,
Cùng người Cha Nhân Từ,
Giang đôi cánh tay mở rộng,
Đón chào những đứa con tưởng chừng như đã. ...
Không bao giờ còn gặp lại.
Abba, Lậy Cha!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Tháng Hạ
Nguyễn Ngọc Danh
12:33 17/07/2008

Ngày Tháng Hạ



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Cơn gió mùa hiu hiu vào tháng Hạ

Chim sáo về làm tổ ngọn dừa cao

Lũ chuồn chuồn say ngủ ở bờ ao

Chợt thức giấc bởi hồi chuông xóm đạo.

(Nuyễn Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền