Ngày 16-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Quân bình cuộc sống giữa cầu nguyện và phục vụ
Lm Đan Vinh
05:18 16/07/2019
Chúa Nhật 16 Thường niên C
St 18,1-10a ; Cl 1,24-28 ; Lc 10,38-42

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 10,38-42

(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. (39) Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” (41) Chúa đáp: “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều việc quá ! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

2. Ý CHÍNH:

Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay có 3 nhân vật chính: Đức Giê-su và hai chị em Mác-ta Ma-ri-a. Hai chị em này phục vụ Đức Giê-su mỗi người một cách: Mác-ta thì bận rộn lo việc cơm nước, đang khi Ma-ri-a lại ngồi bên chân Thầy và nghe Lời Người. Mác-ta khó chịu với cô em và xin Thầy can thiệp bảo Ma-ri-a giúp đỡ mình. Nhưng Người lại cho biết việc nghe Lời Chúa mà Ma-ri-a đang làm mới là điều quan trọng và cần thiết hơn cả.

3. CHÚ THÍCH:

- C 38-39: + Trong khi Thầy trò đi đường vào làng kia: Đức Giê-su vào làng Bê-ta-ni-a, cách Thủ đô Giê-ru-sa-lem 3 cây số. + Có một người phụ nữ tên là Mác-ta: Đây là chị cả trong một gia đình có ba chị em. Mác-ta chưa lập gia đình, vì nếu đã có chồng thì người chồng đã phải đứng ra tiếp đón Đức Giê-su. Là chị cả nên Mác-ta phải đảm đương mọi việc. Bà lo dọn bữa ăn phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ. + Đón Người vào nhà: Người Do thái vốn hiếu khách. Đức Giê-su không những là khách mà còn là bạn thân của gia đình (x. Ga 11,5). Thái độ tiếp đón này trái với thái độ dân làng Sa-ma-ri trước đó đã từ chối đón tiếp Người (x. Lc 9,53). Trong thời điểm những ngày cuối đời, việc đón tiếp Đức Giê-su của Mácta còn là hành động can đảm. Vì khi ấy Người đang bị các đầu mục Do thái theo dõi, ai đón tiếp Người sẽ bị coi là đồng đảng và có thể bị khai trừ ra khỏi hội đường nữa (x. Ga 9,22 ; 12,10.42). + Người em gái tên là Ma-ri-a: Đây là Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, khác với Ma-ri-a làng Mác-đa-la (x. Lc 8,2), cũng không phải là Ma-ri-a thân mẫu Gia-cô-bê và Giô-sép (x. Mt 27,56), không phải Ma-ri-a mẹ của Gio-an (x. Cv 12,12). Cô Ma-ri-a là em của Mác-ta, là chị của La-da-rô. Chính cô Ma-ri-a này đã hy sinh bình dầu đắt tiền để xức chân Đức Giê-su (x Ga 12,3). Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với người phụ nữ tội lỗi cũng xức dầu thơm trên chân Đức Giê-su (x Lc 7,38). Cả 3 chị em nhà này đều được Đức Giê-su yêu mến (x. Ga 11,5). + Ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy: Trong Lu-ca, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. Lc 8,35 ; Cv 22,3)
- C 40-42: + Em con để mình con phục vụ...: Mác-ta luôn tỏ lòng quí mến Đức Giê-su và quan tâm phục vụ Người (x. Ga 12,2). Cô không hài lòng khi thấy cô em Ma-ri-a nhàn nhã ngồi bên chân và nghe Thầy dạy đang khi cô phải vất vả lo làm bữa cho Người. Do đó cô đã yêu cầu Đức Giê-su cho Ma-ri-a xuống bếp giúp cô một tay. + Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi: Chuyện cần thiết duy nhất này là gì ? Đó là điều cô em Ma-ri-a đang làm: “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Đức Giê-su không đánh giá thấp việc bếp núc của Mác-ta. Nhưng việc tìm biết thánh ý Thiên Chúa lại là điều duy nhất cần thiết. Hơn nữa, Lời Chúa là của ăn tinh thần nên có giá trị cao hơn của ăn vật chất như Người đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4) và “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).

4. CÂU HỎI:

1) Tin mừng đã kể ra mấy phụ nữ tên Ma-ri-a và các bà này liên quan thế nào với Đức Giê-su ?
2) Có mấy người phụ nữ đã xức dầu thơm cho chân Đức Giê-su ?
3) Đức Giê-su đã cho biết quan điểm thế nào giữa hai việc phục vụ: Một là phục vụ bàn ăn của Mác-ta và hai là ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người của Ma-ri-a?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Cô Ma-ri-a cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10,39-40).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC.

PHÊ-ĐÊ-RIC Ô-DA-NAM (Federic Ozanam), một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi còn là sinh viên đại học đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin. Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh vào một ngôi thánh đường ở Pa-ri. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện ở hàng ghế đầu gần gian cung thánh. Đến gần, chàng sinh viên nhận ra đó không ai khác hơn là nhà bác học ĂM-PE (Ampère), vị giáo sư của anh, một nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh đứng lặng lẽ một hồi để quan sát nhà bác học khi ông đang cầu nguyện rất sốt sắng. Sau đó, anh theo gót thầy trở về phòng làm việc của ông. Thấy chàng sinh viên đứng thập thò ngòai cửa, nhà bác học liền mở lời hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh cần gì ? Tôi có thể giúp gì được cho anh đây ?” Chàng thanh niên nhỏ nhẹ thưa: “Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Hôm nay con xin hỏi thầy một vấn đề về đức tin !” Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn đáp: “Anh lầm rồi. Đức tin là môn yếu nhất của tôi đấy. Nhưng nếu giúp được anh điều gì thì tôi cũng sẵn sàng”. Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu đạo đức siêng năng cầu nguyện hay không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh học trò. Sau một lát im lặng, ông trả lời bằng một giọng run run đầy cảm xúc: “Con ơi ! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !”.

2) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG :

Trong tác phẩm SỐNG HẠNH PHÚC của Tổng Gíam Mục Fulton J. Sheen có một nhân chứng đương thời với Tổng thống Hoa Kỳ Áp-bra-ham Lanh-côn, kể lại rằng ông ta đã có thời gian ba tuần sống chung với A. Lincoln sau khi trận đánh Bull Rull kết thúc :

“Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì sẽ phải nói trước công chúng vào sáng hôm sau. Bấy giờ đã quá nửa đêm, hay đúng hơn là gần đến hừng đông.

Và tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng ngủ của Tổng Thống. Cửa phòng còn hé mở. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh không thể nào quên được. Tôi thấy Tổng Thống quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi.

Tôi đứng lặng một lúc quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện :
“Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Sa-lô-mon trong đêm khuya, để xin được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ con. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Sa-lô-mon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!”

3) TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN KHI GẶP GIAN NGUY :

Trong cuộc khảo thí tại trường sĩ quan trẻ, vị Thiếu tá giám khảo hỏi một chuẩn uý :
- Trong một cuộc hành quân, đơn vị do anh chỉ huy rơi vào tình huống này: Phía trước và hai bên đơn vị của anh đều bị quân địch vây chặt, chúng chặn cả lối rút lui của anh, có nghĩa là đơn vị anh bị bao vây gọn, lúc đó anh sẽ xử trí thế nào?

Mọi con mắt của Ban Giám Khảo đều đổ dồn về phía anh sĩ quan trẻ, anh suy nghĩ một lát rồi đứng nghiêm trả lời :
- Thưa Thiếu tá và Ban Giám Khảo, tôi sẽ hạ lệnh: “Cầu nguyện”.

Tất cả Ban Giám Khảo nhìn nhau bỡ ngỡ, vì không ai nghĩ tới một câu trả lời như thế. Viên Thiếu tá liền vỗ vai anh sĩ quan trẻ và nói:
- Anh hãy nhớ xử lý đúng như lời anh vừa nói nhé !

3. THẢO LUẬN:

1) Qua Lời Chúa dạy hôm nay, bạn thấy cầu nguyện có cần không ? Mỗi ngày bạn thường cầu nguyện vào những lúc nào ? Bạn thường cầu nguyện như thế nào ?
2) Có khi nào bạn cầu nguyện bằng cách đọc một đoạn Tin mừng, sau đó suy nghĩ và cầu nguyện dựa theo ý tưởng mà Lời Chúa gợi ra hay không ?
3) Bạn có thể dùng cách nào để biến các việc làm hằng ngày trở thành lời cầu nguyện liên lỉ dâng lên Thiên Chúa không ?

4. SUY NIỆM

1) TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN TRONG CUỘC SỐNG:

Trong cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã ghé làng Bê-ta-ni-a và vào trọ trong nhà người bạn thân là anh La-gia-rô (x Lc 13,22). Chính trong ngôi nhà này Đức Giê-su đã cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện, là noi gương Ma-ria ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người.

- “Thầy không để ý tới sao ?”: Mác-ta đã tỏ thái độ không hài lòng trước sự thờ ơ của Đức Giê-su và của cô em Ma-ri-a khi để mặc cô phải phục vụ nấu ăn một mình. Cô nhờ Đức Giê-su nhắc cho Ma-ri-a hãy xuống bếp phụ giúp cô. Trong câu trả lời, Đức Giê-su không bác bỏ việc vất vả làm bữa phục vụ Người của Mác-ta, nhưng Người muốn cô nhận ra đâu là điều tốt nhất và cần nhất để có Nước Trời làm gia nghiệp. Khi nhận xét về thái độ của Mác-ta, Đức Giê-su dùng từ “nhiều chuyện”, nghĩa là quá chú trọng về món ăn vật chất mà quên đi sự cần thiết của món ăn tinh thần là Lời Chúa.

- “Chỉ có một chuyện cần mà thôi” : Đức Giê-su không chê thái độ phục vụ của Mác-ta, vì đó là cách biểu lộ lòng mến cô dành cho Người. Nhưng Người lại đánh giá cao tâm tình của Ma-ri-a, khi cô đặt Người làm trung tâm cuộc đời của cô. Qua đó, Người muốn dạy chúng ta rằng: Tuy hằng ngày phải vất vả lo toan tìm kiếm cái ăn cái mặc như Mác-ta, nhưng chúng ta cũng cần dành ra thời giờ để cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa và tâm sự với Người như Ma-ri-a.

2) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Sách Tin Mừng đã ghi nhận gương Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha như sau :

- Sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Đức Giê-su đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng cách lên núi ăn chay và cầu nguyện suốt 40 ngày đêm (x. Mt 4,2b), để xin Cha chúc lành cho công việc Người sắp thực hiện. Người cũng dạy môn đệ tránh thái độ phô trương, nhưng hãy cầu nguyện nơi kín đáo (x. Mt 5,4-6). Tránh cầu nguyện dài dòng như dân ngoại nhưng hãy nói vắn gọn như trong kinh Lạy Cha (x. Mt 4,7-14).

- Đức Giê-su đã nêu gương cầu nguyện với Chúa Cha trước khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông” (Mt 14,19). Người khuyên các môn đệ hãy hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).

'- Trước cuộc tử nạn, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha (x. Mt 26,36-46). Tin Mừng Gio-an đã ghi lại lời cầu nguyện của Đức Giê-su gồm 26 câu trong đoạn 17. Trong vườn ghết-sê-ma-ni Người đã cầu xin Chúa Cha: “ Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Trên thánh giá trước khi tắt thở, Đức Giê-su đã cầu nguyện: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34)…

3) TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI TÍN HỮU:

- Các mẫu gương cầu nguyện : Đầu tiên là nhà bác học AM-PE, tên đầy đủ là André Marie Ampère (1775–1836), một nhà vật lý lừng danh người Pháp, đã để lại nhiều thành quả nghiên cứu khoa học như điện học, nam châm điện... mang lại ích lợi cho nền văn minh nhân loại. Thế nhưng, Am-pe không coi những thành quả đó là lớn lao khi nói với một anh sinh viên rằng : “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi”. Tiếp đến là Thánh TÊ-RÊ-SA thành Can-quýt-ta, một nữ tu sống thánh thiện giữa đời thường. Mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Can-quýt-ta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đến “nhà hấp hối” để an ủi những kẻ đau liệt, Mẹ Tê-rê-sa đều cùng chị em trong cộng đoàn đến quì chầu Thánh Thể tại nhà nguyện một giờ đồng hồ.

- Ích lợi của sự cầu nguyện : Ngày nay, trong một thế giới thực dụng coi trọng hiệu quả bề ngoài, Hội thánh đang có nhiều Mác-ta nhưng lại có ít Ma-ri-a. Nhiều người đã coi việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện là việc vô ích vì mất thời giờ và thụ động.

Nhưng thực ra có hành động nào hiệu quả cho bằng nghe và thực hành Lời Chúa ? Làm việc tông đồ là mang Chúa đến cho tha nhân. Vậy tại sao chúng ta lại không múc đầy tình yêu nơi Chúa Giê-su là suối nguồn yêu thương vô tận. Hãy ý thức tầm quan trọng của sự kết hiệp với Chúa như lời Người dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Đôi tay của cô Mác-ta lo bữa ăn cho Đức Giê-su là một việc quan trọng và không thể thiếu về phần thể xác. Nhưng đôi chân quì bên Chúa và đôi tai lắng nghe Lời Người của Ma-ri-a lại càng quan trọng và cần thiết hơn như Lời Chúa đã khẳng định: “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42).

4) THÁI ĐỘ QUÂN BÌNH GIỮA CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ:

Trong một ngày, chúng ta thường chỉ dành ít phút buổi sáng cho việc cầu nguyện dâng lễ, còn phần lớn thời gian còn lại là dành cho các sinh hoạt khác. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể biến mọi sinh hoạt đời thường như: ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc... trở thành lời cầu nguyện, bằng cách dâng ngày mỗi sáng khi vừa thức giấc. Rồi trong ngày hãy năng thưa với Chúa lời nguyện tắt trước mỗi công việc “Lạy Chúa, con làm việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa,… để cầu xin cho một người đang lạc xa Chúa được sớm trở về với Chúa”… Nhờ đó, chúng ta sẽ biến những việc làm hằng ngày của mình trở thành lễ vật, kết hiệp với lễ vật cao trọng là Mình Máu Chúa Giê-su luôn được dâng trên các bàn thờ khắp nơi trên thế giới.

Một tín hữu sẽ có nếp sống đạo đức quân bình khi vừa lo chu tòan việc bổn phận phục vụ Chúa và tha nhân như Mác-ta, nhưng đồng thời không quên kết hiệp với Chúa như Ma-ri-a. Đừng đợi đến khi xong việc mới nhớ đến Chúa. Vì chính khi đang bận rộn phục vụ tha nhân, là lúc chúng ta cần được Chúa ban ơn trợ giúp bằng sự cầu nguyện.

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi con bị bao vây bởi những tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng bên Chúa. Khi con vất vả với trăm công nghìn việc, xin cho con biết quý trọng những phút giây được an nghỉ bên lòng Chúa. Khi con bị kéo ghì bởi những đam mê dục vọng, xin cho con được ơn giải thoát và hướng lòng trí lên cao nhờ kêu cầu Danh Thánh Chúa. Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần trong cuộc sống đời thường của con, để con có thể cầu nguyện không ngừng như lời dạy của thánh Phao-lô: "Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Lễ Đức Mẹ Camêlô : Đức tin và “Hơi Áo Của Mẹ”
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
18:24 16/07/2019
ĐỨC TIN VÀ “HƠI ÁO CỦA MẸ”

(Lễ Đức Mẹ Camêlô, Bổn Mạng giáo họ biệt lập Hoà Mục 17.7.2019)

(Is 35,1-6; Ep 1,3-10; Mt 12,46-50)

Ngày 14.10.2018, Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên phong hiển thánh cho Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI. Đây là một trong 4 Vị Thánh Giáo Hoàng của thế kỷ 20: Thánh Giáo Hoàng Pio X, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI.

Riêng Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI có để lại một giai thoại rất đặc biệt: Ngài luôn trân trọng và giữ bên mình chiếc áo Alba do mẹ ngài tặng khi ngài chịu chức linh mục. Chiếc áo này rất đặc biệt, vì được cắt may bằng vải trắng tháo ra từ chiếc áo cưới của Bà Cố. Vì thế, trong những dịp trọng đại, ngài mới mang chiếc áo này ra mặc[1].

Từ chiếc áo cưới “tình yêu hôn phối” của người mẹ trở thành chiếc áo Alba “tình yêu hiến tế linh mục” của con, khiến chúng ta nhớ tới “hai mảnh áo đạo đức bình dân” liên quan tới một “tấm áo của Người Mẹ khác” mà phụng vụ Hội Thánh mừng kính vào ngày 16.7 hàng năm: Đức Mẹ Camêlô; riêng cộng đoàn giáo họ Hoà Mục đã chọn danh hiệu “Đức Mẹ Camêlô” làm Quan Thầy bảo trợ giáo họ.

Trong truyền thống đức tin của Hội Thánh, Phụng vụ kính Đức Mẹ luôn gắn liền với một đặc ân và cũng là tín điều: Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Hồn xác lên trời, Đức Mẹ trọn đời đồng trinh; và 3 tín điều đầu tiên đều kính nhớ với bậc phụng vụ lễ trọng.

Hôm nay, phụng vụ kính Đức Mẹ lại gắn với một danh xưng địa lý: Đức Mẹ núi Camêlô. Cho dù phụng vụ lễ Đức Mẹ Camêlô trong thứ bậc hiện nay của Hội Thánh chỉ là bậc “lễ nhớ không bắt buộc”, tức bậc áp chót (thứ 12), chỉ trên phụng vụ ngày thường (bậc 13). Tuy nhiên, xét về truyền thống Thánh Kinh và nhất là, truyền thống chiêm niệm và đạo đức bình dân của dân Chúa, ngày lễ nầy có một ý nghĩa đặc biệt và một tầm ảnh hưởng lâu dài và rộng lớn.

Trước hết, núi Camêlô (hay còn được gọi là Các-men), từ thời Cựu ước đã xuất hiện như dấu chỉ rạng ngời của vinh quang Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa hiên diện, nơi thánh, như chúng ta vừa nghe qua trình thuật của sách ngôn sứ Isaia: “Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của ĐỨC CHÚA, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta”.

Chúng ta cũng đừng quên, địa danh núi Camêlô luôn đi liền với một vị Đại Tiên Tri: ÊLIA. Theo sách Các Vua, chính trên ngọn núi nầy, ngôn sứ Êlia đã thiết lập bàn thờ kính Chúa, chiến thắng và tiêu diệt 450 sư sải của thần Baal, củng cố niềm tin cho dân Chúa; và qua lời chuyển cầu của vị đại tiên tri nầy, Chúa đã chấm dứt thời hạn hán và tuôn đổ mưa xuống để mang lại sự sống…

Chính vì thế, nếu nghĩa đen trong tiếng Do Thái “Camêlô” có nghĩa là “Vườn nho của Chúa”, thì quả thật, danh xưng nầy đã trở thành biểu tượng của sự an toàn, của niềm cậy trong, của lòng xót thương và bảo vệ của Thiên Chúa, như cách diễn tả của ngôn sứ Isaia:

“Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.Chính Người sẽ đến cứu anh em."

Và những dấu chỉ “tiên trưng” của Cựu Ước, trong đó có “núi Camêlô”, lại được Tân ước tiếp tục hiện thực hoá trong đời sống đức tin của dân Chúa, nhưng với một chiều kích mới.

Thật vậy, trong sứ mệnh của một “Đại ngôn sứ”, Đức Kitô siêu vượt đại tiên tri Êlia của Cựu ước, để thiết lập một trật tự phụng thờ mới “không còn ở trên núi nầy hay núi nọ” (Ga 4,21), nhưng là “trong Thánh Thần và chân lý” (4,22), nhất là trên chính đền thờ núi thánh là “Thân xác Ngài” (2,21). Chân lý nầy được Thánh Phaolô diễn tả thật sống động trong bài Thánh thi khởi đầu thư gởi giáo đoàn Êphêsô:

“Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người…. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.”

Nhưng Đức Kitô đã có mặt trong trần gian nầy lại phải qua con đường thường tình nhân loại: được mẹ cưu mang 9 tháng, được sinh ra và lớn lên trong dòng sữa và lời ru của mẹ. Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đã làm chứng về điều đó: Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người; và không chỉ Mẹ Maria là “Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu theo huyết nhục”, mà Mẹ còn Cưu mang “Lời Nhập Thể” qua việc lắng nghe, tuân phục và thực thi Thánh ý Thiên Chúa với lời “Xin Vâng” trọn hảo, như chính Đức Kitô đã khẳng quyết: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.".

Kể từ giây phút nhận lãnh lời trăn trối của Con Mẹ bên Thánh giá “Đây là Mẹ con…Đây là con Mẹ…”, Mẹ Maria luôn hiện diện, đồng hành và che chở Hội Thánh.

Theo truyền thuyết, ngay từ thuở ban đầu phát sinh các cộng đoàn Kitô hữu, đã có nhiều người tìm tới núi Camêlô, theo dấu chân xưa của Êlia: tránh cơn bách hại, củng cố niềm tin…, để tận hiến cho Đức Mẹ và sống đời chiêm niệm. Mãi cho đến thế kỷ 13, nhất là vào năm 1226, Dòng chiêm niệm Camêlô chính thức được thiết lập và Đức Giáo Hoàng Honorius III đã phê chuẩn luật dòng và cho phép Dòng mừng long trọng lễ Đức Mẹ Camêlô.

Ngoài việc tận hiến cho Đức Mẹ và kêu cầu Mẹ như Đấng bảo trợ của Hội Dòng, “áo Đức Bà Camêlô”, một việc đạo đức đức bình dân được chính Đức Mẹ truyền cho thánh Tu Viện trưởng của Dòng người Anh là Simon Stock vào ngày 16 tháng 7 năm 1251, như một bảo đảm phần rỗi dành cho những ai chân thành sùng kính Mẹ khi mang “tấm áo Camêlô” nầy.

Nhắc tới tấm “Áo Đức Bà Camêlô”, tôi chợt nhớ tới bài thơ “tấm áo của mẹ” của nhà thơ Thế Sáng:

Khi con lớn lên đã thấy áo mẹ rồi

Tấm áo mẹ may từ hồi con gái,

Thu đi qua, đông trở lại

Thầm lặng bốn mùa, áo mẹ gói thời gian!

Vạt áo nào lau nước mắt mẹ chứa chan ?

Chùi vội tiễn con lên đường đi cứu nước.

Vạt áo nào con vịn vào tập bước?

Lau cơn sài, chùi mặt lấm cho con!

Vạt áo nào cùng lòng mẹ ru con?

À ơi! Cho ấm đêm đông cho trời mau sáng

Có cánh cò bay ra đồng cùng năm tháng,

Mồ hôi lưng áo mẹ sương xa!

Vạt áo nào vá mụn bảy, mụn ba?

Bọc gạo mẹ vay bên nhà hàng xóm,

Lối nhỏ hàng cau như còn in bóng...

Bấy lâu nay nhớ áo mẹ, con về.

Vẫn làng mình uốn khúc dải đê

Chim khách kêu cả bờ tre bối rối!

Đón con về cánh đồng quê gió thổi

Gió quê mình, có hơi áo mẹ của con!

Kính thưa cộng đoàn, đặc biệt, ông bà anh chị giáo họ Hoà Mục, còn được gọi là Mương Lỡ, hôm nay chúng ta về mừng lễ Mẹ, có lẽ chúng ta cũng cảm nhận được điều nầy: “Gió quê mình, có hơi áo mẹ của con!”. Vâng, “Hơi áo Mẹ” của người Kitô hữu chúng ta đó là Kinh Kính Mừng, là Áo Đức Bà Camêlô, là kinh Lạy Nữ Vương, là kinh cầu Đức Mẹ, là những tối dâng hoa tháng Năm, là tràng chuỗi Mân Côi tháng mười….Đức Mẹ đã đồng hành với những bước thăng trầm của giáo xứ, của cộng đoàn, của từng gia đình. Như các tu sĩ Dòng Camêlô, cho dù phiêu dạt nơi đâu, cho dù phải chịu bao cơn bách hại, đoạ đầy…vẫn trung kiên phó thác cho “tấm áo chở che dịu hiền” của Mẹ. Đó không là một sự mê tín hão huyền, nhưng là một niềm tin vững vàng đúng đắn, như Công Đồng Vatican II đã xác quyết trong Hiến chế Giáo Hội: “lòng sùng kính chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ đức tin chân thật, dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (GH 67).



Trương Đình Hiền

[1] Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng. Bài viết “TẤM ÁO CỦA MẸ”. Nguồn: http://gpphanthiet.com/vi/news/chuyen-de/tam-ao-cua-me-1878.html
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:11 16/07/2019

29. Nếu không phải A-dong khởi xướng kiêu ngạo trước, tất không đến nỗi bị ma quỷ lừa gạt phỉnh phờ.

(Thánh Augustine)i>

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:17 16/07/2019
67. BAN ĐÊM XÁCH CÁI BÔ

Giáp và Ất đều sợ vợ.

Một ngày nọ, Ất đi đến nhà Giáp và nói:

- “Vợ tôi càng ngày càng xung (hung dữ), mỗi tối không sai tôi xách cái bô thì không được”.

Giáp thấy vợ không có bên cạnh bèn muốn trổ tài vay vo bèn khua khua tay nói:

- “Như thế thì khó thật đấy, nếu gặp tôi thì. ..”, nói chưa dứt lời thì bà vợ đã đứng sau lưng lớn tiếng hỏi:

- “Nếu gặp ông thì ông làm thế nào hử...?”

Giáp hồn bay phách tán, bất giác quỳ xuống nói:

- “Nếu gặp tôi thì tôi xách bô ngay ạ !!!”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 67:

Nếu trong đời sống gia đình chồng nói vợ nghe hoặc là vợ nói chồng nghe, thì gia đình đã trở thành nơi hạnh phúc nhất cho con cái...

Nếu trong gia đình vợ chồng cùng nhau biết nhường nhịn nhau, biết cùng nhau kềm chế cái tôi của mình thì gia đình nhất định trở nên tổ ấm đượm tình yêu thương.

Chồng không nên sợ vợ bởi vì vợ là người bạn trăm năm của mình, chứ không phải là...sư tử; vợ không nên...bắt nạt chồng bởi vì chồng cũng là bạn trăm năm của mình, chứ không phải là tên đầy tớ của mình...

Chồng không nên làm anh hùng với vợ và vợ cũng không nên lên mặt chị hai với chồng, nhưng cả hai đều là bạn đời chung thuỷ, cùng có trách nhiệm với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

Cái đáng sợ nhất trong cuộc sống vợ chồng đó là gia đình tan vỡ, mà cái nguyên nhân chính là vợ chồng không biết nhường nhịn nhau, bởi vì ai cũng muốn làm anh hai chị hai chứ không muốn làm bạn đời của nhau. Buồn thật !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 15 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:19 16/07/2019
Chúa Nhật 15 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 10, 25-37.

“Ai là người thân cận của tôi ?”


Bạn thân mến,

Trong cuộc sống của chúng ta có nhiều câu hỏi được dặt ra cho mình: tôi phải làm gì để có tiền ? Tôi phải làm gì để học giỏi ? Tôi phải làm gì để người yêu tôi được vui vẻ, tôi phải làm gì để giành được địa vị giám đốc.v.v… và có rất nhiều câu hỏi mà bạn và tôi đã đặt ra cho mình cũng như cho người khác khi có những nhu cầu đòi hỏi…

Nhưng có lẽ chưa một ai trong chúng ta tự hỏi mình: “Ai là người thân cận của tôi” như người thanh niên thông luật đã đã hỏi Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay.

1. Người thân cận của tôi là ai ?

Người thân cận của tôi trước hết là “cái tôi” của mình, cái tôi này đã làm cho tôi có lúc như nổi loạn vì bất mãn với người khác, bất mãn với cuộc sống hiện tai, bất mãn với đời sống cộng đoàn.

Người thân cận của tôi tiếp theo là vợ chồng con cái của tôi, những người thân cận này vì yêu thương họ mà tôi phải làm việc mệt nhọc, phải thức khuya dậy sớm, và có khi vì yêu thương họ mà tôi phải phạm pháp, phải hối lộ, phải chửi nhau với người khác để kiếm tiền chăm sóc họ.

Người thân cận của tôi cũng chính là cha mẹ anh chị em ruột thịt của tôi, vì họ mà có lúc tôi bỏ đường danh vọng theo ý mình để nghe lời cha mẹ làm những việc khác mà tôi không thích, vì anh em thân cận mà có lúc tôi phải trở thành người xa lạ với những người đã nâng đỡ tôi trong cuộc sống…

Người thân cận của tôi cũng chính là bạn bè thân hữu, họ đã chơi rất thân với tôi, và vì nể bạn bè mà có khi tôi phải nhậu nhẹt với họ sau giờ làm việc, có khi thức suốt đêm để ăn chơi rượu chè quên mất đường về nhà…

Đó là những người thân cận của tôi ngày hôm nay, cũng như những người thân cận mà người Do Thái thời Đức Chúa Giê-su đã quan niệm.

Đức Chúa Giê-su không trả lời với người thanh niên thông luật rằng: người thân cận của anh là cha mẹ, là anh chi em, là vợ chồng của anh, là bạn hữu của anh. Bởi vì đó là mối “thân cận” thường tình của con người, mối thân cận này thường làm cho người ta dễ dàng đi đến thái độ thờ ơ, dửng dưng với người xa lạ không quen biết, mà Nước Trời thì không phải chỉ dành cho bà con bạn hữu hay của một nhóm người mà thôi.

2. Người thân cận của tôi là ai ?

Đó là người Sa-ma-ri-a nhân hậu mà Đức Chúa Giê-su đã nói trong bài dụ ngôn hôm nay, là người biết thương xót nỗi bất hạnh của người khác.

Người Sa-ma-ri-a nhân hậu ấy là người thân cận của tôi, họ là người ngày hôm qua chửi tôi trong cuộc họp cộng đoàn, họ là người ngày hôm qua phê bình tôi giữa đám dông dân chúng, họ là người mà thường ngày tôi ghét cay ghét đắng vì thái độ hách hách của họ, họ là người mà tôi quyết tâm sẽ trừng trị họ cho bỏ ghét trong xí nghiệp của tôi…

Những người Sa-ma-ri-a ấy là người thân cận của tôi, vì ích kỷ, vì kiêu ngạo, vì ghét ghen mà tôi biến họ thành kẻ thù của tôi, nhưng Đức Chúa Giê-su đã dạy cho tôi biết cách nhìn xa hơn và hướng thiện hơn: con người ta ai cũng có một tâm hồn biết thương xót. Người Sa-ma-ri-a là kẻ thù của người Do Thái nhưng họ vẫn sẵn sàng xuống ngựa và cúi xuống ôm lấy người Do Thái bị nạn đang nằm bên vệ đường, tấm lòng của họ tốt lành hơn các tư tế và các thầy Lê Vi của người Do Thái gấp trăm ngàn lần…

Đức Chúa Giê-su rất có lý khi đưa ra dụ ngôn tuyệt vời này, cái lý lớn nhất của Ngài là mọi người đều là anh em của nhau và con cùng một Cha trên trời, từ cái lý này mà sinh ra nhiều lý khác rất hợp với lời rao giảng của Ngài là yêu thương người như chính mình, yêu thương và làm ơn cho kẻ thù ghét mình…

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy người thân cận của bạn và của tôi là ai trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe rất rõ ràng, nhưng thực hành thì chúng ta vẫn chưa làm tốt, bởi vì chúng ta chưa thực sự là người muốn trở nên người thân cận của mọi người, khi mà chúng ta vẫn còn những phê bình ác ý, vẫn còn suy tính hơn thiệt khi giúp đỡ người khác…

Hy vọng –với ơn Chúa giúp- bạn và tôi sẽ nhìn thấy tất cả mọi người đều là người thân cận của mình, nhất là những người mà hằng ngày chúng ta tiếp xúc trò chuyện, những người mà chúng ta cho rằng “không đáng làm bạn với mình” sẽ trở nên những người thân cận của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:21 16/07/2019

30. Con không thể so sánh với sự thánh thiện của vua Đa-vít, con không thể so sánh với sự dũng cảm của Sam-son, con cũng không thể so sánh với sự khôn ngoan của Sa-lô-mon, vậy mà họ vẫn còn trượt chân sa ngã, còn con thì có gì để cậy dựa chứ ?

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:25 16/07/2019
68. NHẤT ĐỊNH KHÔNG RA

Người nọ rất sợ vợ, một hôm bị vợ đánh nên bất đắc dĩ phải trốn dưới gầm giường.

Bà vợ đứng trước giường hét lớn:

- “Mau ra đây ngay”.

Ông chồng cảm thấy ở dưới gầm giường rất an toàn bèn nói:

- “Đại trượng phu nam tử hán nói không ra là nhất định không ra !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 68:

Có người ỷ lại vào tiền bạc nên tuyên bố là có tiền mua tiên cũng được, thế là họ lao đầu vào những cuộc làm ăn phi pháp; có người ỷ lại vào chức quyền địa vị của mình nên tuyên bố là không sợ một ai, thế là họ tha hồ hà hiếp dân lành và những người cô thế cô thân; có những người ỷ lại vào tài năng của mình và tuyên bố không thèm cậy nhờ đến ai, nên họ đã sống cuộc đời đầy kiêu ngạo và sai lầm...

Ỷ vào cái giường để rồi lớn tiếng không thèm bò ra thì quả là ông chồng không biết trời biết đất và đáng chê bai, nhưng nếu lấy danh phận là ông chồng và là người chủ gia đình mà bò ra thì đố bà vợ nào dù dữ như...chằn tinh thì làm gì được chứ, chẳng qua là vì ông chồng và bà vợ đều không làm đúng bổn phận và trách nhiệm của mình mà thôi, đó là yêu thương nhau đến suốt cả đời...

Đừng ỷ vào cái gì cả bởi vì không ai và không sự việc gì làm cho chúng ta –chồng vợ- được hạnh phúc, nhưng nên ỷ vào ân sủng của Thiên Chúa để làm cho gia đình được hạnh phúc và vợ chồng biết yêu thương nhường nhịn nhau hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cậu bé ăn xin được tuyên phong đầy tớ Chúa
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:07 16/07/2019
Đầy tớ Chúa là bước đầu tiên để có thể tuyên thánh (gồm ba bước: Đầy tớ Chúa – Á thánh – Hiển thánh) cho một người đã chết, nhưng được nhìn nhận có những nhân đức anh hùng trong khi còn ở dương thế.

Từ khu ổ chuột, một thiếu niên Phi Luật Tân được Tòa Thánh công nhận là Đầy tớ Chúa ngày 7.11.2018, vì luôn truyền cảm hứng của lòng tin, sự thánh thiện, niềm vui sống, tình yêu cuộc sống… cho đến khi trút hơi thở ở tuổi 17.

1. TUỔI THƠ BẤT HẠNH.



Darwin Ramos sinh tại khu ổ chuột của thành phố Pasay, ngoại ô Manila, Phi Luật Tân ngày 17.12.1994, trong một gia đình nghèo khổ. Mẹ là thợ giặt ủi. Cha nghiện rượu nặng. Khi Darwin đủ khôn lớn, người cha bắt cậu và đứa em gái Marimar đi bới rác kiếm tiền. Hai anh em không được đi học.

Lúc 5 tuổi, không hiểu sao cơ bắp Darwin Ramos cứ yếu dần. Cậu thường xuyên vấp té. Năm lên 7, hai chân càng lúc càng đau nhức, cuối cùng, cậu không thể tự đứng. Bác sĩ chẩn đoán cậu bị chứng loạn dưỡng cơ Duchenne.

Lẽ ra, biết con mình đau đớn bệnh tật, cha của cậu phải lo chạy chữa và cho con nghỉ ngơi. Ngược lại, ông lại thấy đây là cơ hội kiếm tiền. Mỗi sáng ông đưa đứa con tật nguyền tội nghiệp tới ga xe lửa Libertad, gần nhà để ăn xin.

Xót xa hơn, ông bắt cậu phải cho mọi người qua lại nhìn thấy đôi chân tật nguyền để đánh động lòng thương, sự trắc ẩn mà có thể có nhiều tiền…

Bất cứ ai biết hoàn cảnh của Darwin đều cảm thương cậu. Còn bản thân, với sự tốt bụng và hiền lành vốn có, dù mỗi ngày chỉ xin được ít tiền và bị cha lấy để uống rượu, Darwin không buồn, ngược lại, cậu thấy vui vì nghĩ, dù bệnh tật, mình vẫn có thể giúp mẹ và còn có thể có ích cho gia đình.

Cứ thế, trong nhiều năm, cuộc sống vất vả của Darwin vẫn phải tiếp tục trong hoàn cảnh: chui rúc trong khu ổ chuột, khuyết tật, chịu đựng sự đau đớn của căn bệnh, sống đói nghèo, và ăn xin…

2. THAY ĐỔI LỚN.



Đầu năm 2006, các chi dưới của Darwin hoàn toàn bất động. Mỗi khi di chuyển, cậu phải dùng tay để trườn người cách hết sức vất vả.

Cho đến một ngày, một nhóm giáo dục viên đường phố đến Libertad và phát hiện Darwin đang lê lết trên sân ga. Họ là những người thuộc Tổ chức Nhịp cầu nối với Trẻ em. Họ mang sứ mạng giúp đỡ người khyết tật và trẻ em tàn tật, bị vứt bỏ, sống lang thang trên đường phố Manila.

Sau nhiều lần chuyện trò, Darwin đồng ý theo họ về Trung Tâm Đức Mẹ Guadalupe, nơi nuôi dưỡng trẻ em tật nguyền. Cuộc đời Darwin bất ngờ biến đổi. Cậu được chăm sóc tử tế. Bệnh dù không thể khỏi, nhưng ít ra, cậu được quan tâm chu đáo và không phải ăn xin, không phải lê lết trên đường phố.

Tại đây, lần đầu tiên Darwin được biết đức tin Kitô giáo. Cậu mau chóng yêu mến Chúa Giêsu và đức tin. Dần dà, cậu khao khát trở thành Kitô hữu.

Darwin được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy ngày 23.12.2006. Một năm sau, ngày 22.12.2007, cậu được rước lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

3. HẠNH PHÚC TRONG CHÚA.

Những người bị loạn dưỡng cơ Duchenne sẽ ảnh hưởng đến tim và phổi. Vì thế, Cậu càng lúc càng khó thở, cần được hỗ trợ bằng những điều trị y khoa.

Trong khi tình trạng bệnh tật mỗi ngày một tồi tệ, đức tin của Darwin vào Thiên Chúa càng lúc càng sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn. Mối tương quan của cậu với riêng Chúa Giêsu càng ngày càng phát triển.

Cậu như chìm sâu vào lòng thương xót của Người đến độ, chính sự gắn kết chặt chẽ giữa cậu với Chúa Giêsu làm cho cậu được an ủi, được hạnh phúc lớn. Niềm an ủi và hạnh phúc này giúp cậu cảm thấy như không còn đau đớn và thống khổ về mặt thể xác. Người ta chưa bao giờ nghe cậu nói về bệnh tật, mà chỉ nghe cậu nói đến “nhiệm vụ vì Chúa Giêsu”.

Cậu dâng lên Chúa Giêsu mọi đau khổ như dâng chính hiến lễ đời mình. Cậu chấp nhận thánh giá và kết hợp cùng thánh giá của Chúa để thánh hóa mình. Có lần cậu nói với một linh mục trong ban điều hành trung tâm: “Con nghĩ, Chúa Giêsu muốn con kiên cường tới cùng, giống như Người vậy”.

4. ĐỐI VỚI MỌI NGƯỜI XUNG QUANH.

Như có sức mạnh thiêng liêng kỳ diệu kể từ ngày đón nhận đức tin, vốn hiền từ, Darwn lại càng dễ mến hơn. Người ta thấy cậu cười nhiều hơn. Dù bệnh tật có tấn công đến mức nào, cậu vẫn giữ nét mặt thật đẹp, đôi môi thật tươi. Nụ cười của Darwin sáng ngời, có sức đem lại niềm vui cho bất cứ ai cậu gặp gỡ. Cậu hoàn toàn mở lòng với hết mọi người để sống với mọi người càng lúc càng thân thiện hơn, hạnh phúc hơn…

5. TUẦN THÁNH CỦA RIÊNG BẢN THÂN.

Cứ thế, Darwin Ramos kiên cường chóng chọi với bệnh tật. Và rồi điều tồi tệ nhất vẫn xảy ra. Nhiều chứng nhân kể lại những ngày cuối của Darwin Ramos như là tuần Thánh của riêng cậu. Cậu chiến đấu bất khuất, dũng cảm trong đức tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu và phó thác cho Người đến cùng.

Ngày Thứ Hai, 16.9.2012, Darwin không thể thở nên phải dùng máy trợ thở. Cậu chỉ giao tiếp với mọi người bằng cách viết vào một cuốn sổ.

Thứ Năm 20.9.2012, Darwin viết rằng cậu đang trải qua cuộc chiến tâm linh với ma quỷ.

Thứ Sáu, đúng ngĩa là thứ Sáu tuần Thánh, 21.9.2012, Darwin viết hai lời cuối vào sổ tay: “Rất cảm ơn” và “Con rất hạnh phúc”. Darwin được lãnh nhận bí tích xức dầu. Sau đó cậu im lặng cho đến hết ngày thứ Bảy, một thứ Bảy tuần Thánh của bản thân theo đúng ngày thứ Bảy tuần Thánh ngủ yêu mà Chúa Giêsu đã từng trải qua.

Chúa Nhật 23.9.2012, Darwin Ramos chính thức tham dự lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu bằng sự hiến dâng trọn vẹn cuộc đời, linh hồn và thân xác của mình.

Darwin Ramos vĩnh viễn rời bỏ trần gian ở tuổi 17, lứa tuổi đẹp nhất đời người. Đức Giám Mục Honesto Ongtioco của giáo phận Cubao đã bắt đầu tiến trình tuyên thánh theo đề nghị của Hiệp hội Những người bạn của Darwin Ramos. “Darwin là một ví dụ điển hình của sự thánh thiện”, vị Giám mục nhận định, “Cậu thiếu niên gần gũi với Chúa Giêsu trong nỗi đau lẫn hạnh phúc”.
 
Các Giám mục Guatemala ra thông cáo liên quan đến thỏa thuận với TT. Trump về người di cư.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
07:37 16/07/2019
Vào tháng 3, chính quyền của ông Trump đã đình chỉ viện trợ cho các quốc gia "Tam giác phía Bắc" Guatemala, El Salvador và Honduras sau khi vị lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết những quốc gia này không làm gì để ngăn chặn dòng người di cư sang Mỹ.

Chính phủ Guatemala đã tuyên bố chuyến thăm của Morales vào tuần trước, nói rằng họ sẽ đề cập đến vấn đề nhập cư và an ninh, nhưng không bao giờ đưa ra chi tiết về những gì Trump và Morales sẽ thảo luận. Hai chính phủ có thể ký một thỏa thuận, Guatemala sẽ trở thành một "quốc gia thứ ba an toàn". Quốc gia Guatemala có nghĩa vụ phải xin tị nạn cho bất kỳ người di cư nào đi vào lãnh thổ của họ trên đường đến Hoa Kỳ. Nhiều người di cư từ Honduras và El Salvador băng qua Guatemala để đến Mexico trên đường đến biên giới Hoa Kỳ.

Do áp lực trong nước, Tổng thống Guatemala Jimmy Morales đã không ký kết thỏa thuận di cư với Hoa Kỳ vào Chúa Nhật 14 tháng 7 và đã hủy cuộc đàm phán Nhà Trắng với Donald Trump chỉ trước một ngày.

Hội đồng Giám mục Guatemala (CEG) trong một tuyên bố gửi tới Cơ quan Fides: "chúng tôi phản đối việc ký kết các thỏa thuận gây tổn hại nghiêm trọng cho chính quyền và chủ quyền của đất nước; vấn đề di cư, cho những người di cư của chúng tôi và cho những người đi qua lãnh thổ của chúng tôi, được coi là quan trọng nhất, đối với khu vực công và tất cả các xã hội của chúng tôi ".

Thông cáo, được ký bởi Chủ tịch và Thư ký Hội đồng Giám Mục Guatemala vào ngày 13 tháng 7, với tựa đề là câu Kinh thánh "Cha tôi là một người Aram lang thang" (Ds 26.5). Trong văn bản, các Giám mục bày tỏ "mối quan tâm to lớn của họ khi đối mặt với hậu quả của thỏa thuận này sẽ làm tăng thêm tình hình khó khăn của người di cư ở nước chúng tôi, những người đến đây vì họ chờ đợi những cơ hội ở phía bắc. Chính phủ cần tập trung vào trách nhiệm của mình để cung cấp cho dân chúng một cơ hội tối thiểu, đó là một cuộc sống xứng đáng".

Hơn nữa, Hội đồng Giám mục Guatemala tin chắc rằng Guatemala không thể đón tiếp những người di cư từ các quốc gia khác và những người sẽ bị buộc phải chờ đợi phản hồi từ Hoa Kỳ, cung cấp cho họ an ninh, chăm sóc sức khỏe, chỗ ở tương xứng và các nguồn công việc khả thi.

Cuối cùng, các Giám mục bày tỏ "mối quan tâm lớn của họ đối với sự thiếu minh bạch trở thánh vấn đề tranh luận, khi nó có tầm quan trọng công cộng lớn và ảnh hưởng đến cả nước" và nỗi sợ hãi "đối mặt với một sự áp đặt rõ ràng có nghĩa là chuyển giao chủ quyền và nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân Guatemala.

Nguồn: Agenzia Fides
 
Các Giám mục Châu Mỹ Latinh bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân và Giáo Hội Công Giáo ở Venezuela.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
07:41 16/07/2019
Các giám mục Venezuela đã kháng cáo hôm thứ Năm 11 tháng 7 về việc chấm dứt “chính quyền bất hợp pháp và thất bại” của ông Nicolas Maduro, nhưng không nêu đích danh ông. Các Giám mục Châu Mỹ Latinh ủng hộ lời kêu gọi đó và nhắc rằng quốc gia này cần “chính phủ hợp pháp”. Họ nói rằng người Venezuela đang phải đối mặt với “một tình huống chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp và bi đát, nơi dân chủ, nhân quyền và chăm sóc cho Sáng tạo đang bị đe dọa”.

Các Giám mục Châu Mỹ Latinh bày tỏ sự ủng hộ đối với Giáo Hội Công Giáo ở Venezuela khi kêu gọi thay đổi chính trị trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Các Giám mục Công Giáo Châu Mỹ Latinh tuyên bố: “Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết trọn vẹn với người dân và Giáo hội Venezuela”. Đức Cha Miguel Cabrejos Vidarte, Tổng Giám mục của Trujillo và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM), đã gửi những lời ủng hộ đó trong một bức thư ngày thứ Sáu 12 tháng 7.

Các Giám mục Châu Mỹ Latinh khen ngợi Caritas Venezuela, chi nhánh địa phương của Cơ quan Bác ái Giáo Hội Công Giáo, vì đã giúp đối đầu với nhu cầu khẩn cấp về việc hỗ trợ lương thực. Họ kêu gọi tất cả người dân Venezuela hãy chọn “một sự chung sống hòa hợp và bình an, sống trong công lý, tự do và đoàn kết”. “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các Giám mục của quốc gia”, họ viết rằng, “chính trị phải phục vụ các nguyên tắc đạo đức cơ bản và vi phạm nhân phẩm là vi phạm chống lại chính Thiên Chúa”. Kết thúc bức thư, Đức Tổng Giám Mục Cabrejos xác nhận ý định của các giám mục là giúp đỡ người dân và Giáo hội Venezuela, và cầu nguyện cho sự can thiệp của Đức Mẹ Coromoto, Đấng bảo trợ của Venezuela. Các Giám mục Châu Mỹ Latinh lại khẳng định những nỗ lực của Giáo hội để đón tiếp, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập “các anh chị em Venezuela của chúng tôi” vào các quốc gia nơi họ trốn chạy.

Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc đã tìm thấy bằng chứng cho thấy lực lượng an ninh Venezuela đã sát hại ít nhất 6.800 người kể từ tháng 1 năm 2018. Nó cũng nhắc đến hệ thống y tế “thảm khốc”, và những vi phạm nhân quyền về thực phẩm. Nền kinh tế Venezuela đang trên đà thu hẹp 25% trong năm nay và người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực chưa từng thấy và lạm phát cực độ. Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã buộc khoảng 12% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người, phải di cư kể từ năm 2014, hầu hết họ đến Colombia, Peru, Ecuador và Brazil gần đó.

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ, đã đến thăm đất Venezuela từ ngày 19 đến 21 tháng 6 để gặp Tổng thống Nicolas Maduro, các quan chức cấp cao khác của chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, xã hội dân sự, đại diện doanh nghiệp, học giả, các nạn nhân và gia đình của họ. Một nhóm gồm hai nhân viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc vẫn ở lại sau chuyến thăm của bà, với một nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật, và để theo dõi tình hình nhân quyền.

Các nhóm dân sự vũ trang ủng hộ chính phủ, được gọi là colectivos, đã góp phần vào tình hình xấu đi bằng cách thực hiện kiểm soát xã hội và giúp đàn áp các cuộc biểu tình. Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã ghi nhận 66 trường hợp tử vong trong các cuộc biểu tình từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2019, 52 tự vong do các lực lượng an ninh Chính phủ hoặc colectivos.

Tỷ lệ các vụ cáo buộc giết người phi pháp của các lực lượng an ninh, đặc biệt là các lực lượng đặc biệt (FAES), trong bối cảnh các hoạt động an ninh đã rất cao, báo cáo cho biết. Năm 2018, Chính phủ đã đăng ký 5.287 vụ giết người, chủ yếu là chống lại quyền lực của cơ quan quyền lực. Từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 19 tháng 5 năm nay, 1.569 người khác đã thiệt mạng, theo số liệu của Chính phủ. Báo cáo cũng lưu ý rằng vào ngày 31 tháng 5 năm 2019, 793 người tự ý tước quyền tự do của họ, bao gồm 58 phụ nữ, và cho đến nay, 22 đại biểu Quốc hội, bao gồm cả Chủ tịch Quốc hội đã bị tước quyền miễn trừ.

Tình hình y tế ở quốc gia này rất thảm khốc, các bệnh viện thiếu nhân viên, nguồn cung cấp, thuốc men và điện để giữ cho máy móc thiết yếu hoạt động. Báo cáo trích dẫn Khảo sát của Bệnh viện Quốc gia 2019, cho thấy từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 2 năm 2019, đã có 1.557 người chết vì thiếu nguồn cung cấp trong bệnh viện.

Bà Bachet kết luận: “Tôi thực sự hy vọng chính quyền sẽ xem xét kỹ tất cả các thông tin trong báo cáo này và sẽ làm theo các khuyến nghị của nó. Tất cả chúng ta có thể đồng ý rằng tất cả người dân Venezuela đều xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn, không sợ hãi và được tiếp cận với thực phẩm, nước uống, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và tất cả các nhu cầu cơ bản khác của con người.”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: www.ohchr.org & celam.org
 
Nỗi buồn của người Công Giáo khi Facebook coi những phát biểu của Thánh Augustinô là những “diễn từ hận thù”
Đặng Tự Do
18:23 16/07/2019
Nhiều người dùng Facebook đã báo cáo rằng các trích dẫn liên quan đến Thánh Augustinô đã bị xóa đi mà không có lời giải thích rõ ràng.

Domenico Bettinelli, một nhà hoạt động phò sự sống từ Massachusetts, cho biết một đoạn ông trích dẫn Thánh Augustinô từ Kinh Thần Vụ đã bị xóa bỏ vì vi phạm “Tiêu chuẩn cộng đồng về ngôn luận thù ghét” của Facebook.

Câu trích dẫn nói:

“Chúng ta chớ bao giờ giả định rằng chúng ta đang sống tốt, chúng ta không có tội; cuộc sống của chúng ta chỉ đáng được ca ngợi khi chúng ta tiếp tục cầu xin sự tha thứ. Con người là những sinh vật vô vọng, họ càng ít tập trung vào tội lỗi của mình, họ càng trở nên quan tâm đến tội lỗi của người khác. Họ tìm cách chỉ trích, chứ không sửa sai. Không thể bào chữa cho mình, họ sẵn sàng buộc tội người khác.”

Bettinelli cho biết trích dẫn này, theo ông, “chỉ là một tái dựng lại chính những lời của Chúa Giêsu từ Tin Mừng Thánh Matthêu 7: 3: ‘Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?’”

Bettinelli đã đăng đoạn trích dẫn này sau khi ông thấy rằng hai linh mục đã đăng đoạn trích trên từ Sách Thần Vụ và đã bị Facebook lấy xuống. Cả hai vị linh mục đều tin rằng một giải thuật điện toán sai lầm đã lấy xuống một cách tự động chứ không phải là can thiệp của con người.

Bettinelli cũng tin như thế và yêu cầu Facebook đánh giá lại. Tuy nhiên, anh nhận được thông báo rằng kháng cáo của anh đã bị từ chối, nghĩa là có người quyết định lấy xuống chứ không phải máy móc.

Trước việc kháng cáo thất bại, Bettinelli viết: “Tôi vẫn không hiểu tại sao điều này lại bị coi kích động thù hận. Đó là trích dẫn từ một vị thánh Công Giáo, người bày tỏ sự đối lập với những lời nói căm thù. Về cơ bản, ngài đang tái dựng lại những lời của Chúa Giêsu Kitô trong Tin mừng khuyên người ta lo lắng về những sai sót của chính mình hơn là xăm soi các khuyết điểm của người khác. Có phải Facebook đang nói rằng Tin Mừng là một diễn từ thù ghét?”


Source:Catholic Herald
 
Khủng hoảng trong Giáo hội Syro-Malabar: hàng trăm giáo xứ không công bố thư của ĐHY
Đặng Tự Do
18:41 16/07/2019
Một linh mục trong nhóm nổi loạn chống lại một quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chỉ có 20 giáo xứ đã công bố thư luân lưu của Đức Hồng Y George Alencherry trong khi có ít nhất 300 giáo xứ khác không công bố lá thư này.

Lá thư nói ở đây là thư của Đức Hồng Y George Alencherry sau hội nghị khẩn cấp của Giáo hội Syro-Malabar, do ngài chủ trì, đã diễn ra vào hôm thứ Sáu 5 tháng Bẩy tại Kochi, Ấn Độ để đối phó với một tình hình nghiêm trọng phát sinh sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phục hồi hoàn toàn quyền hạn của ngài.

250 linh mục được tường thuật là đã chống lại quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Cha Paul Thelakat đã trình lên Đức Cha Jacob Manathodath các tài liệu cho rằng Đức Hồng Y đã chuyển ngân những khoản tiền lớn cho hai tổ chức ngoài Công Giáo.

Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra, ngày 28 tháng 4, cảnh sát đã khẳng định các tài liệu dùng để cáo gian Đức Hồng Y là ngụy tạo và đã bắt giữ Adithya Valavi, một kỹ sư điện toán người Công Giáo, với tội danh ngụy tạo ra các hồ sơ giả. Trong tiến trình thẩm vấn Valavi đã khai rằng hai linh mục Paul Thelakat và Antony Kallookaran đã buộc anh ta phải làm các giấy tờ giả này để cáo gian Đức Hồng Y George Alencherry.

Ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ ra thông báo ủng hộ Đức Hồng Y George Alencherry và lên án những kẻ cáo gian ngài.

Trước các kết quả điều tra khách quan của cảnh sát, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.

Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha.


Source:News India Express
 
Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Phần II, ch.6-7
Vũ Văn An
18:43 16/07/2019
Chương VI: Tham nhũng

“Mọi điều này càng khiến những người bị thiệt thòi trở nên bực tức hơn trong bối cảnh tham nhũng tràn lan và có gốc rễ sâu xa ở nhiều quốc gia - trong chính phủ, doanh nghiệp và các định chế của họ - bất kể ý thức hệ chính trị nào của các nhà lãnh đạo của họ” (EG 60)

Tham nhũng ở Amazon



80. Tham nhũng ở Amazon ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các dân tộc và lãnh thổ của nó. Có ít nhất hai loại tham nhũng: một loại tồn tại bên ngoài luật pháp và loại kia được bảo vệ bởi luật pháp phản bội lợi ích chung.

81. Trong những thập niên gần đây, việc đầu tư vào việc khai thác các tài nguyên phong phú của khu vực Amazon bởi các công ty lớn đã tăng tốc. Nhiều công ty trong số này theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá mà không quan tâm đến sự thiệt hại xã hội - môi trường mà họ gây ra. Các chính phủ từng cho phép các thực hành như vậy, vì cần ngoại hối để thúc đẩy các chính sách công của họ, không phải lúc nào cũng chu toàn nghĩa vụ bảo vệ môi trường và quyền lợi người dân của họ. Do đó, tham nhũng chăng bẫy các thẩm quyền chính trị, tư pháp, lập pháp, xã hội, giáo hội và tôn giáo, những người nhận được lợi ích, nhưng đổi lại, phải cho phép các hành động của các công ty này (xem DAp 77). Có những trường hợp trong đó các công ty lớn và chính phủ tạo ra các hệ thống tham nhũng. Một số cá nhân giữ chức vụ công cộng hiện đang bị xét xử, đang ở tù hoặc đã bỏ trốn. Như Tài liệu Aparecida nói: “Cũng báo động tương tự là mức độ tham nhũng trong các nền kinh tế, bao gồm các khu vực công và tư, gia trọng bởi sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với toàn thể công dân. Tham nhũng thường liên kết với tai họa buôn bán ma túy hoặc các doanh nghiệp ma túy được tài trợ là những doanh nghiệp thực sự đang phá hủy cơ cấu kinh tế và xã hội trong toàn bộ khu vực” (DAp. 70).

Một tai họa đạo đức thuộc cơ cấu

82. Một nền văn hóa được tạo ra như thế để đầu độc nhà nước và các định chế của nó, thấm nhiễm mọi tầng lớp xã hội, kể cả các cộng đồng bản địa. Đây thực sự là một tai họa đạo đức; kết quả là, niềm tin vào các định chế và đại diện của nó bị mất đi, chính trị và các tổ chức xã hội hoàn toàn mất uy tín. Các dân tộc Amazon không xa lạ gì với tham nhũng, và họ trở thành nạn nhân chính của nó.

Các gợi ý

83. Xét vì rõ ràng thiếu các phương tiện kinh tế của các Giáo hội đặc thù ở Amazon, cần đặc biệt chú ý đến nguồn gốc của các quyên góp hoặc các loại phúc lợi khác, cũng như các khoản đầu tư của các định chế giáo hội hoặc Kitô giáo. Các Hội đồng Giám mục có thể cung cấp một dịch vụ tư vấn và đồng hành, tham vấn và cổ vũ các chiến lược chung khi đối diện với tham nhũng tràn lan và cũng để giải quyết nhu cầu tạo ra và đầu tư các nguồn lực để hỗ trợ công việc mục vụ. Một phân tích cẩn thận là điều cần thiết khi đối đầu với việc buôn bán ma túy.

a) Chuẩn bị hàng giáo sĩ đúng cách để đối đầu với sự phức tạp, tinh tế và trầm trọng của các vấn đề cấp bách liên kết với tham nhũng và thi hành quyền lực.

b) Cổ vũ nền văn hóa trung thực và tôn trọng người khác và lợi ích chung.

c) Đồng hành, cổ vũ và huấn luyện giáo dân, để họ hiện diện công khzai và có ý nghĩa trong chính trị, kinh tế, đời sống học thuật và mọi hình thức lãnh đạo (xem DAp. 406).

d) Đồng hành cùng người dân trong cuộc tranh đấu của họ để chăm sóc các lãnh thổ của họ và tôn trọng quyền lợi của họ.

e) Điều tra cách tạo ra tiền bạc và cách đầu tư trong Giáo hội, vượt qua sự ngây thơ về vấn đề này qua một hệ thống quản trị và kiểm toán cộng đồng, lưu ý đến các quy tắc hiện hành của giáo hội.

f) Thiết lập các hình thức hùn hạp (partnership) của Giáo hội với các thực thể khác trong các sáng kiến đòi hỏi các công ty chịu trách nhiệm đối với các tác động xã hội - sinh thái trong hành động của họ, phù hợp với các thông số pháp lý của chính các quốc gia.

Chương VII: Vấn Đề Sức Khỏe Toàn Diện

“Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng Arava, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành ... Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc" (Edk 47: 8,12 ).

Sức khỏe ở Amazon

88. Khu vực Amazon ngày nay chứa đựng sự đa dạng lớn nhất của hệ thực vật và động vật trên thế giới, và dân số bản địa của nó có một ý thức toàn diện về sự sống không bị ô nhiễm bởi chủ nghĩa duy vật kinh tế. Amazon là một lãnh thổ lành mạnh trong lịch sử lâu dài và sinh hoa trái của nó, mặc dù không thiếu bệnh tật. Tuy nhiên, với tính di động của người dân, với sự xâm lấn không kiểm soát của các ngành kỹ nghệ gây ô nhiễm, với các điều kiện biến đổi khí hậu, và trước sự thờ ơ của các cơ quan y tế công cộng, nhiều bệnh mới đã xuất hiện và các bệnh lý đã xuất hiện trở lại. Mô hình phát triển tập trung hoàn toàn vào khai thác kinh tế rừng, khai thác mỏ và sự phong phú hydrocarbon của Toàn Vùng Amazon ảnh hưởng đến sức khỏe của các sinh quần Amazon, cộng đồng của họ và toàn bộ hành tinh! Thiệt hại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn cả văn hóa và linh đạo của người dân: nó gây thiệt hại tới “sức khỏe toàn diện” của họ. Người dân Amazon có quyền có sức khỏe và “sống khỏe mạnh”, có nghĩa là hài hòa với “những gì Mẹ Đất cung ứng cho chúng ta” [42].



Đánh giá và phát triển các loại thuốc truyền thống

85. Đáp lại “nền văn hóa vứt bỏ” (xem LS 22), các môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi cổ vũ nền văn hóa chăm sóc và sức khỏe. Do đó, cam kết chăm sóc sức khỏe đòi hỏi các thay đổi khẩn cấp trong lối sống bản thân và trong các cơ cấu.

86. Sự phong phú của hệ thực vật và động vật của rừng nhiệt đới chứa “dược điển (pharmacopoeias) sống động” chân chính và các nguyên tắc di truyền chưa được khám phá. Nạn phá rừng ở Amazon sẽ ngăn chúng ta chia sẻ những phong phú như vậy, làm nghèo nàn các thế hệ tương lai. Hiện tại, tỷ lệ tuyệt chủng của các loài ở Amazon do các hoạt động của con người lớn hơn hàng ngàn lần so với các diễn trình tự nhiên. Cách duy nhất để bảo tồn sự phong phú này là chăm sóc lãnh thổ và rừng nhiệt đới Amazon và trao quyền cho người dân và công dân bản địa.

87. Các nghi thức và nghi lễ bản địa rất chủ yếu đối với sức khỏe toàn diện vì chúng tích hợp các chu kỳ khác nhau của sự sống con người và thiên nhiên. Chúng tạo ra sự hài hòa và cân bằng giữa con người và vũ trụ. Chúng bảo vệ sự sống khỏi những tội ác có thể gây ra bởi cả con người lẫn các sinh vật khác. Chúng giúp chữa các bệnh gây hại cho môi trường, sự sống con người và các sinh vật khác.

Các gợi ý

88. Chăm sóc sức khỏe của các cư dân bao gồm kiến thức chi tiết về cây thuốc và các yếu tố truyền thống khác vốn là thành phần của diễn trình chữa bệnh. Để đạt mục tiêu này, người dân bản địa dựa vào những người, trong suốt cuộc đời của họ, chuyên quan sát thiên nhiên và lắng nghe cùng thu thập kiến thức của người cao niên, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng vì ô nhiễm môi trường, cả thiên nhiên lẫn cơ thể của người dân ở Amazon đang xấu đi. Việc tiếp xúc với các yếu tố độc hại mới như thủy ngân làm cho các bệnh mới xuất hiện mà cho đến nay, các thầy lang cao tuổi chưa biết đến. Tất cả những điều này đặt túi khôn của tổ tiên vào nguy cơ. Đó là lý do tại sao các câu trả lời cho Tài liệu Chuẩn bị nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn và truyền đạt kiến thức về y học cổ truyền [43]. Có đề nghị cho rằng phải giúp các dân tộc của Amazon duy trì, phục hồi, hệ thống hóa và phổ biến kiến thức này để cổ vũ sức khỏe toàn diện.

89. Đương đầu với những căn bệnh mới này, cư dân buộc phải mua thuốc từ các công ty dược phẩm sử dụng cùng loại cây cỏ từ Amazon. Sau khi được tung ra thị trường, các loại thuốc này nằm ngoài khả năng tài chính của họ vì những lý do bao gồm bằng sáng chế thuốc và giá quá cao. Do đó, có đề nghị phải coi trọng y học cổ truyền, sự khôn ngoan của người cao niên và các nghi thức bản địa, và đồng thời tạo điều kiện để tiếp cận với các loại thuốc chữa các bệnh mới.

90. Nhưng không phải chỉ có dược liệu và thuốc hỗ trợ chữa bệnh. Nước và không khí sạch, và thực phẩm lành mạnh, trái cây của chính họ trồng trọt, hái lượm, săn bắn và đánh cá, đều là các điều kiện cần thiết cho sức khỏe toàn diện của các dân tộc bản địa [44]. Do đó, có đề nghị yêu cầu các chính phủ ra qui định nghiêm ngặt cho các ngành kỹ nghệ và tố cáo những kỹ nghệ làm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, có đề nghị phải tạo ra các không gian để tương tác và đồng hành giáo dục để phục hồi các thói quen “sống tốt”, nhờ thế, tạo ra một nền văn hóa chăm sóc và phòng ngừa.

91. Cuối cùng, có đề nghị phải đánh giá các cơ cấu y tế của Giáo hội, như các bệnh viện và trung tâm y tế, về mặt sức khỏe toàn diện sẵn sàng có đó cho mọi cư dân vốn cậy nhờ y học cổ truyền như một thành phần trong các chương trình sức khỏe của họ.

Kỳ tới: Phần II, các chương 8-9
 
Huynh đoàn Thánh Piô X xây nhà thờ lớn nhất của nhóm này trên thế giới
Đặng Tự Do
19:01 16/07/2019
Huynh đoàn Thánh Piô X loan báo sẽ khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ lớn nhất tại Kansas và đây sẽ là ngôi nhà thờ lớn nhất của Huynh Đoàn trên thế giới. Với sức chứa hơn 1,500 người, nhà thờ này sẽ phục vụ cộng đoàn St. Mary đang phát triển hiện nay và cho các thế hệ mai sau.

Kể từ sau một vụ hỏa hoạn, do sai lầm khi mắc dây điện, ngôi nhà nguyện Immaculata của Huynh Đoàn Thánh Piô X tại Kansas đã bị phá hủy vào ngày 8 tháng 11 năm 1978.

Cộng đoàn St. Mary ở Kansas, là cộng đoàn lớn nhất của Huynh Đoàn Thánh Piô X tại Hoa Kỳ, cho biết họ đã quyên góp được hơn 15.7 triệu Mỹ Kim, nhưng để hoàn thành dự án này, họ cần thêm 14 triệu Mỹ Kim nữa. Mặc dù vậy, việc khởi công xây cất sẽ được tiến hành ngay.

Tưởng cũng nên biết thêm là trong hai năm 2017 và 2018, có lúc người ta thấy như khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội đã rất gần kề. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất sâu sắc. Triển vọng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Tòa Thánh hiện nay xem ra càng mịt mờ hơn bao giờ.

Trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong phiên khoáng đại được tổ chức tại Ecône, Thụy Sĩ, hôm 11 tháng 7 năm ngoái 2018, Giám Mục Bernard Fellay, 60 tuổi, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã không được tái cử.

Linh mục Davide Pagliarani, 47 tuổi, người Ý, đã được bầu với một đa số áp đảo hơn 2/3 số phiếu để làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X thay thế cho Đức Cha Bernard Fellay trong một nhiệm kỳ 12 năm.

Cha Pagliarani là người được chính Đức Cha Bernard Fellay truyền chức linh mục, nhưng có một lập trường đối kháng với ngài trong việc hòa giải với Tòa Thánh.

Đức Cha Fellay là người chủ trương đạt đến một giải pháp giáo luật về tình trạng của Huynh Đoàn. Ngài ca ngợi thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn và đề cao tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Vatican.

Vào tháng 3 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho các giám mục giáo phận hay các vị bản quyền địa phương khác quyết định của ngài ban năng quyền cho các linh mục của Huynh Đoàn được cử hành bí tích Hôn Phối một cách thành sự và hợp pháp cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn.

Trước đó, vào tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha đã thông báo rằng các tín hữu có thể nhận được bí tích Hoà Giải một cách thành sự và hợp pháp từ các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năng quyền này sau đó được Đức Thánh Cha Phanxicô mở rộng vô thời hạn trong Tông thư Misericordia et Misera vào năm 2016.

Đức Cha Fellay đã nồng nhiệt ca ngợi những quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi đó, cha Pagliarani tiêu biểu cho khuynh hướng chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X.


Source:FSSPX News
 
Hoàn cảnh của các tín hữu Kitô Iraq tồi tệ hơn trước thời bọn khủng bố Hồi Giáo IS
Đặng Tự Do
19:40 16/07/2019
Trong các tin tức chính thức, hòa bình đã được lập lại ở miền bắc Iraq; bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đánh bại; vùng đất này đang được quân đội Iraq và quân đồng minh phụ trách. Các tín hữu Kitô tản cư tại Erbil đã và đang lũ lượt trở về cố hương xây dựng lại nhà cửa của mình.

Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, cuộc bách hại vẫn tiếp tục.

“Tình hình rất nhạy cảm: Các dân quân được Iran hậu thuẫn đang cố gắng thanh lọc sắc tộc và tôn giáo ở miền bắc Iraq.”

Cha Behnam Benoka nói với phóng viên Tim Stanley của tờ The Telegraph tại ngôi nhà thờ của ngài ở “thị trấn ma” Bartella.

“Cố nhiên, tình hình đáng lạc quan hơn so với thời gian bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng vùng này. Nhưng những gì các tín hữu Kitô Iraq mong muốn từ phương Tây là nói lên một sự thật rõ ràng: đó là đang có sự thanh lọc sắc tộc và tôn giáo trong khu vực và nó đang diễn ra,” Tim Stanley nói trong một cuộc họp tại Quốc hội Anh vào hôm thứ Ba tuần trước.

Nhà sử học và bình luận viên, làm việc cho tờ nhật báo The Telegraph của Vương quốc Anh, vừa trở về sau chuyến thăm tới vùng đồng bằng Nineveh của Iraq.

“Nếu chúng ta không nói những gì đang thực sự xảy ra trong khu vực, đó là sự thanh lọc sắc tộc và tôn giáo nhắm vào các Kitô hữu và người Yazidis, chúng ta sẽ cho phép Nhà nước Hồi giáo và các thủ phạm thực thi những chính sách này mà không bị trừng phạt,” Stanley nói với các tham dự viên hội nghị toàn cầu có chủ đề “Nạn khủng bố nhắm vào các nhóm thiểu số Kitô giáo” được tổ chức bởi Hiệp hội Henry Jackson, một nhóm chuyên gia tư vấn các chính sách đối ngoại của Anh.

“Kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị đẩy lui khỏi khu vực, những người Iraq di tản đã dần dần quay trở lại cộng đồng của họ nhưng vẫn tiếp tục sống trong sợ hãi và họ tiếp tục dễ bị tổn thương. Các tiểu tổ IS nằm vùng vẫn còn hoạt động và nhóm này đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ hỏa hoạn trong những tuần gần đây đốt cháy hàng trăm mẫu đất và hoa màu, thuộc sở hữu của những những người không theo Hồi Giáo, ở miền bắc Iraq.”

“Trong khi đó, các dân quân được Iran hậu thuẫn đã chuyển đến các khu vực trước đây dưới sự kiểm soát của IS, và không khuyến khích người dân giao dịch với các Kitô hữu,” Stanley nói.


Source:Christian Post
 
Hồng Y can đảm: “Các tố cáo linh mục lạm dụng tình dục hầu hết không đúng sự thật”
Đặng Tự Do
20:38 16/07/2019
Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô cử làm đặc sứ của ngài trong hội nghị các dòng tu ở Paraguay, nói với các linh mục, nam nữ tu sĩ tham dự hội nghị rằng hầu hết cáo buộc linh mục lạm dụng tình dục “là không đúng sự thật”.

“Khi các trường hợp như thế nổi lên trong đời sống Giáo Hội, chúng ta phải làm sáng tỏ. Chúng ta đang có những bước tiến rất xa trong lãnh vực phòng chống và điều tra liên quan đến tội lỗi này, nhưng có rất nhiều tố cáo không đúng sự thật, và chính các ủy ban cấp giáo phận phải xác minh các cáo buộc ấy có đúng hay không” , Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv nói.

Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv là tổng trưởng bộ các dòng tu, đời sống thánh hiến và các hiệp hội tông đồ. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô phái đến Asuncion để tham dự một cuộc họp ba ngày với hàng trăm linh mục và nam nữ tu sĩ từ khoảng 90 dòng tu và các hiệp hội đời sống thánh hiến.

Vấn đề chính của Giáo Hội hiện nay, theo Đức Hồng Y là thiếu chứng tá. Ngài bác bỏ lập trường của những người cho rằng những vấn đề lạm dụng tính dục là hậu quả của luật độc thân. Ngài khẳng đ5nh: “Sự độc thân không tạo nên bệnh hoạn. Độc thân là một chọn lựa tự do của một người đáp lại ơn gọi của Chúa.. Vì thế, vấn đề tính dục là một vấn đề trưởng thành hoặc thiếu trưởng thành, và đó là một vấn đề nhân bản đòi hỏi một sự giáo dục bình thường, vì nhiều khi chúng ta đã không cụ thể, không trình bày và lắng nghe các vấn đề, thái độ như thế cần phải được sửa chữa”.

Chiều ngày 10/07/2019 vừa qua, Đức Hồng Y đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ chính tòa thủ đô Asunción, nhân dịp kỷ niệm 4 năm Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Paraguay.


Source:Le Figaro
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Công Giáo & Dân Tộc Để Lộ Đuôi Cáo Khi Tiếp Tay Nhà Nước Chiếm Đất Giáo Xứ Bùi Phát
P. Nguyễn Văn Phú
20:51 16/07/2019
Công Giáo & Dân Tộc Để Lộ Đuôi Cáo Khi Tiếp Tay Nhà Nước Chiếm Đất Giáo Xứ Bùi Phát

Cho đến bây giờ, một số người Công Giáo, kể cả linh mục, vẫn còn tưởng báo Công Giáo & Dân tộc (CGDT) là của Giáo Hội Công Giáo. Thật ra đây là báo của nhà nước csVN giả danh Công Giáo, mời người Công Giáo viết “để kêu gọi người Công Giáo xây dựng chủ nghĩa xã hội” như chính họ thừa nhận với một số cộng tác viên.

Mới đây CGDT đã đăng bài viết phản đối việc giáo xứ Bùi Phát đòi lại đất và nhà trường của giáo xứ, với lời lẽ đanh đá, kích động chia rẽ. Trước khi nói về việc này, tưởng cũng nên mời bạn đọc, nhất là những ai còn ngây thơ tưởng CGCT là Công Giáo thật và dân tộc thật, đọc trang viết của website lambich.net. Đây là website của chủng viện Lâm Bích (cũ) thuộc giáo phận Nha Trang:

Hồ sơ báo “Công Giáo và Dân Tộc”

Đọc các bài viết này, chúng ta sẽ hiểu rõ bộ mặt của ủy ban Đoàn kết Công Giáo (yêu nước) mà người dân gọi là ban đàn két, và hoạt động của cái ủy ban này khá đúng ý nghĩa của từ này.

Trên trang của cựu chủng sinh Lâm Bích ấy có một câu tóm tắt về ủy ban ấy và báo CGDT của họ như sau: “Đối với các tổ chức trên, tờ báo trên, không còn gì để nói với họ hơn là: Các ông, một bọn mà cả cuộc đời là một gian dối. Tên các ông là Gian Trá”. Một linh mục giáo phận Đà nẵng với bút hiệu Hoàng Khiêm viết: “giữ nó để làm công cụ tấn Công Giáo Hội, chia rẽ Giáo Hội, thì có lẽ nó đôi khi vẫn còn hữu ích cho Đảng”.

Cũng trên trang web đó, tác giả Thúy Dung cho biết: “Một linh mục ở Sàigòn nói với chúng tôi một nhận xét rất xác thực (…): “Manh tâm của CGDT là dựng lên một Giáo Hội Công Giáo giả với tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi. Rồi nó đánh Giáo Hội đó để quảng cáo cho cái thiên đường mù xã hội chủ nghĩa với đầy dẫy những tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi rất thật”.

Giới thiệu ngắn gọn về ùy ban ấy và tờ báo của họ như thế, để mong các bạn đừng ngạc nhiên khi CGDT ngang nhiên chống lại giáo dân, chống lại cha nguyên quản xứ Bùi Phát Giuse Đinh Tất Quý và quý Cha ở Bùi Phát, khi CGDT đăng bài tiếp tay cho nhà nước chiếm đất nhà thờ.

Website tinmungchonguoingheo.net và Truyền Thông Thái Hà (DCCT Hà nội) cho biết: “Trong những ngày vừa qua, nhà cầm quyền Quận 3, TP HCM đã cho người đi phát tờ báo CG&DT số 2213-2214 cho các hộ dân trong giáo xứ Bùi Phát, hạt Tân Định, TGP Sài Gòn, và dặn giáo dân mở trang 23 để đọc một bài viết gọi là góc độc giả nhưng mang màu sắc dàn dựng để tuyên truyền bà con ủng hộ chủ trương của nhà cầm quyền là cướp đất của nhà thờ để xây trường học”.

Bài báo cũng nói rõ:

“Trong lá thư khẩn cấp gửi cho giáo dân trong giáo xứ ngày 2.9.2018, cha Giuse Đinh Tất Quý đã khẳng định:

“1. Thửa đất của Nhà Trường hiện nay vẫn là thửa đất có chủ quyền.

2. Chủ quyền này thuộc về Tòa Giám Mục Sài Gòn.

3. Tòa Giám Mục đã xác nhận bẳng giấy tờ sự việc này.

4. UBND Phường 12 quận 3 Tp Hồ Chí Minh bằng văn bản cũng đã công nhận thửa đất này là của Giáo Xứ Bùi Phát.”

Bài viết này chỉ làm công việc bé nhỏ là tóm tắt những điều nhiều người chưa biết về CGDT và bộ mặt thật của nó. Báo này mới các giám mục, linh mục viết bài để làm cho người Công Giáo tin tưởng, rồi lâu lâu quất cho Giáo Hội một vố rất đau, nhiều người cứ thế mà tin. Một số vị cả tin, cứ nghĩ rằng mình lợi dụng CGDT để loan truyền Lời Chúa, không biết rằng CGDT ranh mãnh hơn con cái sự sáng.

Một linh mục kể rằng CGDT gọi đến một Giám mục xin viết bài, Đức Cha không viết, họ hỏi vài câu, ngài trả lời. Họ trích lời ấy đăng vào bài của họ rồi in hình Đức Cha lên trang bìa”. Cách làm ấy nhằm mục đích gì thì ai cũng đoán được.

Cách đây gần 30 năm, Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật, chủ tịch HĐGMVN, khi trả lời phỏng vấn báo L’Eglise d’Asie đã cảnh báo về ủy ban đoàn kết và CGDT nhưng rất tiếc, ít người được đọc những nhận xét cứng rắn của ngài, vì lúc đó Internet chưa phát triển. Mong rằng chúng ta sẽ đọc lại website của chủng viện Lâm Bích để hiểu thêm

Chúng ta cầu nguyện cho giáo xứ Bùi Phát và cho Giáo Hội Việt Nam. Xin Chúa và Mẹ Maria cho Giáo Hội Việt Nam “qua phút nguy nan”.

P. Nguyễn Văn Phú
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Ai mang sách Tin Mừng? Nói thêm về việc ai đọc bài Thương Khó.
Nguyễn Trọn Đa
07:43 16/07/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Là một người mang Sách Tin Mừng trong các Thánh lễ của chúng con, con có vài câu hỏi. Khi Sách đang được mang đi, liệu nó nên được nâng ở độ cao khiêm tốn với bìa hướng ra ngoài hoặc hướng về người đọc sách / người mang sách? Con cũng đọc rằng người ta nên cúi đầu sâu khi đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ. Thưa cha, liệu việc cúi đầu là trước hay là sau khi đặt Sách trên bàn thờ? - R. B., Rockport, Ontario, Canada.


Đáp: Không phải tất cả mọi thứ đều được quy định chi tiết trong các sách phụng vụ. Điều này đặc biệt là đúng với việc như mang Sách Tin Mừng, vốn một điều mới lạ tương đối trong phụng vụ Latinh hiện tại, mặc dù đã có tiền đề lịch sử.

Có một số sách còn sót lại của các phiên bản chép tay tuyệt đẹp của Sách Tin Mừng, để sử dụng cho phụng vụ cho đến khoảng thế kỷ XII. Từ khoảng năm 1200 về sau, quy ước đưa tất cả các bài đọc cho Thánh lễ vào trong Sách Lễ đã dẫn đến sự biến mất thực tế của các Sách Bài đọc riêng rẻ.

Trước khi cuộc cải cách phụng vụ hiện nay tái giới thiệu Sách Bài đọc và sách Tin Mừng như là sách riêng biệt, vị Giám mục địa phương có thể cho phép xuất bản riêng Sách Bài đọc và Sách Tin Mừng, được trích ra từ Sách Lễ cho một số lễ trọng nhất định. Tuy nhiên, điều này là xa với sự thực hành phổ quát.

Phần Giới thiệu Sách Tin Mừng có các chỉ dẫn như sau:

“9. Trong cuộc rước kiệu đầu lễ, phó tế với lễ phục kính cẩn mang Sách Tin Mừng trước mình, để các tín hữu có thể nhìn thấy. Cùng với vị linh mục, thầy thực hiện sự tôn kính thích hợp và đi tới bàn thờ, đặt Sách Tin Mừng lên đó. Phó tế sau đó hôn bàn thờ cùng với linh mục. Trong trường hợp không có phó tế, thầy đọc sách kính cẩn mang Sách Tin Mừng đi rước. Thầy đọc sách đi sau các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác trong cuộc rước. Thầy đọc sách đặt Sách Tin Mừng lên bàn thờ, nhưng thầy đọc sách không hôn bàn thờ.”

Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nêu thêm các chỉ dẫn sau đây cho thầy phó tế và người đọc sách mang Sách Tin Mừng:

“A. Thánh lễ không có phó tế

“ Nghi thức đầu lễ

“120. Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây:

“a. Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương;

“b. Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ;

“c. Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác;

“d. Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài Ðọc, nâng cao lên một chút;

“e. Vị chủ tế. Nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết.

“B. Thánh lễ có Thầy Phó Tế

“Nghi thức đầu lễ

“172. Hai tay nâng sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh.

“173. Khi đến bàn thờ, nếu mang sách Tin Mừng, thầy không bái kính, bước lên bàn thờ đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ, rồi cùng với vị tư tế hôn kính bàn thờ.

“Nếu không mang sách Tin Mừng, thầy cúi mình sâu chào bàn thờ cùng với vị tư tế, và cùng với ngài hôn kính bàn thờ. Sau đó, nếu có xông hương, thầy sẽ giúp vị tư tế bỏ hương và xông hương thánh giá và bàn thờ”

“D. Những phần việc của thầy đọc sách

“Nghi thức đầu lễ

“194. Khi tiến ra bàn thờ, nếu không có thầy Phó tế, thầy đọc sách, mặc áo được chấp thuận, có thể mang sách Tin Mừng, nâng cao lên một chút; trong trường hợp này, thầy đi trước vị tư tế; còn nếu không, thầy đi với các người giúp khác.

“195. Khi tới bàn thờ, cùng với những người khác, thầy kính cẩn bái chào bàn thờ. Nếu có mang sách Tin Mừng, thầy bước tới bàn thờ, đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ Sau đó, thầy cùng với các người giúp khác về chỗ của mình trong cung thánh” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Trong khi rõ ràng là Sách Tin Mừng nên được nâng cao trong đám rước, không có gì chỉ ra hướng của cuốn sách như vậy. Tôi sẽ nói rằng theo thông lệ, mặt trước của cuốn sách hướng ra ngoài về phía mọi người, mặc dù điều này có nghĩa là phải xoay sách khi đến bàn thờ, hầu theo thông lệ của nghi lễ Rôma, Sách nằm ngay trên bàn thờ.

Thật vậy, các gáy quý giá và bìa Sách Tin Mừng thường có trang trí tinh xảo hơn ở mặt trước, chính xác với các cuộc rước khác nhau.

Trong khi các văn bản phân biệt giữa thầy phó tế “đi lên” bàn thờ và thầy đọc sách “đi tới” là không rõ, nếu có bất kỳ việc bao hàm nghi thức nào sẽ đi theo sau. Có lẽ điều đó có nghĩa rằng phó tế thực tế sẽ đi xung quanh bàn thờ trước khi đặt Sách Tin Mừng, và chờ linh mục đến, trong khi thầy đọc sách thường đặt Sách lên bàn thờ từ phía trước. Sự đa dạng của các thiết kế cung thánh làm cho việc này là khó trong việc xác định các thủ tục chính xác cho vấn đề.

Nói chung, một cúi đầu sâu chưa được thực hiện trong khi mang Sách, như được chỉ định đặc biệt cho phó tế. Không có quy tắc nào nói phải cúi đầu sâu sau khi đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ, và phó tế chắc chắn sẽ không làm như vậy vì thầy sẽ hôn bàn thờ với vị linh mục.

Có thể hiểu rằng thầy đọc sách mang Sách Tin Mừng có thể cảm thấy rằng một cúi đầu sâu về hướng bàn thờ là thích hợp vào thời điểm này, nhưng GIRM số 195 (ở trên) dường như gợi ý rằng thầy đọc sách nên đi trực tiếp tới chỗ được chỉ định cho thầy trong cung thánh, mà không có hành vi kính cẩn nào nữa tại thời điểm này.

Sau bài trả lời của tôi ngày 18-6 về vai trò của linh mục trong việc đọc bài Thương Khó, một độc giả ở Boston đã đóng góp một số thông tin bổ sung hữu ích, mà tôi rất biết ơn. Xin mời đọc:

“Tôi có thể đề nghị rằng thật là hữu ích cho người đọc cũng có thể tham khảo Praenotanda rất rõ ràng của cuốn sách “The Passion of the Lord, Bài Thương Khó của Chúa” - dù có âm nhạc hay không. Các chữ đỏ này là chi tiết hơn nhiều, và đều giới thiệu một số chi tiết và làm rõ một số điểm liên quan đến việc công bố Bài Thương Khó. Chúng thường bị bỏ qua, nhưng ‘Passio Domini nostri Iesu Christi, Bài Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta’ được Liturgiam Authenticam 110 công nhận là một cuốn sách phụng vụ của Nghi lễ Rôma.

“Có thể tìm thấy một bản dịch tiếng Anh (với một vài sửa đổi nhỏ), thí dụ, ở phần đầu của các bản văn Tin Mừng Thương Khó được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) phê duyệt và được sử dụng rộng rãi cho việc đọc 'trong các vai.' Sự việc rằng phần giới thiệu dẫn nhập đã được in trong các ấn bản không âm nhạc, và câu viết của chính chữ đỏ, cho thấy rõ rằng các chữ đỏ này áp dụng cho Bài Thương Khó, ngay cả khi đọc / chứ không hát.

“Chữ đỏ trong sách này làm cho ưu tiên của các thừa tác viên được rõ ràng hơn trong Paschale Solemnitatis, xác định rằng các phó tế phải vắng mặt để cho các linh mục đảm nhận vai, và tương tự như vậy, ngưởi có chức thánh nhường cho người không có chức thánh. Trong bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB), phần có liên quan ghi:

“Bài Thương Khó được hát hoặc công bố bởi ba giọng... Bài Thương Khó được công bố bởi các phó tế, hoặc, khi vắng mặt họ, bởi các linh mục, hoặc trong sự vắng mặt của linh mục, bởi các người đọc sách. Tuy nhiên, trong trường hợp cuối cùng, vai của Chúa Kitô nên được dành riêng cho vị chủ tế.”

“Phiên bản của bài Thương Khó được in tại Hoa Kỳ chứa một điều chỉnh cho chữ đỏ này, nhằm có lợi cho các ngưởi hát không có chức thánh, mặc dù không rõ liệu sự điều chỉnh ấy có được chấp thuận minh nhiên theo cách thông thường hay không.” (Zenit.org 16-7-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/carrying-the-book-of-the-gospels/
 
VietCatholic TV
Những vấn đề chung quanh chuyến về thăm cố hương của Đức Thánh Cha
Giáo Hội Năm Châu
21:05 16/07/2019
Cristina Fernández de Kirchner, nguyên nữ tổng thống của Á Căn Đình là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào tháng Ba, 2013. Bà cũng là vị nguyên thủ quốc gia được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến nhiều nhất cho đến nay. Cho đến khi chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 9 tháng 12 năm 2015, bà đã được Đức Thánh Cha tiếp đến 5 lần một cách chính thức trong tư cách nguyên thủ quốc gia. Là một chính trị gia, Cristina Fernández rất hoạt bát và hay trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí. Câu hỏi thường xuyên là khi nào Đức Giáo Hoàng về thăm cố hương và câu trả lời là “Tôi không biết.”

Câu hỏi nêu trên cũng thường được đặt ra với các Giám Mục Á Căn Đình mỗi khi các ngài có dịp viếng thăm Vatican. Và câu trả lời vẫn là “Tôi không biết.”

Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ Châu Latinh đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên bên ngoài Italia bốn tháng sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng. Đó là chuyến đi đến Ba Tây từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 7, năm 2013.

Từ đó cho đến nay, vị Giáo Hoàng Á Căn Đình đã thực hiện gần 30 chuyến tông du. Ngài đã viếng thăm hầu hết các quốc gia Nam Mỹ trừ ra Venezuela và quê hương của ngài.

Tháng Giêng năm ngoái, 2018, người dân Á Căn Đình đã tỏ ra thất vọng khi Đức Thánh Cha viếng thăm Chí Lợi là quốc gia láng giềng mà không về thăm cố hương.

Câu hỏi khi nào Đức Giáo Hoàng về thăm cố hương gần như không ai muốn nhắc đến nữa.

Thế rồi, trong cuộc gặp gỡ với một nhóm các Giám Mục Á Căn Đình vào hôm thứ Năm mùng 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ bày tỏ mong muốn có thể về thăm cố hương trong tương lai gần, có lẽ ngay trong năm sau 2020.

Nói chuyện với một nhóm các nhà báo Á Căn Đình đứng chờ ở quảng trường Thánh Phêrô sau cuộc họp kéo dài hai giờ với Đức Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Andres Stanovnik của tổng giáo phận Corrientes nói:

“Ngài đã lặp đi lặp lại nhiều lần mong muốn về thăm quê hương”.

Còn Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandez của La Plata thì nói:

“Đó là điều đầu tiên ngài nói với chúng tôi trong cuộc họp.”

Tin tức này đi rất nhanh về Á Căn Đình và gây bất ngờ cho nhiều người. Dù rất bất ngờ, mọi người đều tin rằng Đức Thánh Cha đã rất tha thiết muốn về thăm cố hương. Nhiều câu hỏi cũng được giới báo chí tại thủ đô Buenos Aires tung ra, trong đó có nhiều nghi vấn khiến người ta phải giật mình: Tại sao ngài muốn về thăm cố hương vào lúc này? Tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng ra sao? Có phải ngài có ý định thoái vị như Đức Bênêđíctô 16?

Đức Tổng Giám Mục Andres Stanovnik cho biết thêm “Thách thức hiện nay là chương trình nghị sự dày đặc của ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Stanovnik và Đức Tổng Giám Mục Fernandez là hai trong số khoảng 30 giám mục đến từ Á Căn Đình hiện đang ở Rôma tham dự ad limina để viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Các vị là nhóm đầu tiên trong ba nhóm gồm 100 giám mục Á Căn Đình sẽ hoàn thành ad limina trước cuối tháng Năm.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News