Ngày 15-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chú Mỗi Ngày - Tuần Thứ 16 Quanh Năm
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
06:12 15/07/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 16 thường niên

Mt 12,38-42

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể

Chúa là Đấng quyền năng. Chúa tiếp tục thực hiện biết bao kỳ công trên vũ trụ và tạo vật. Chúa tiếp tục sáng tạo cho thế giới này đẹp xinh thêm. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Chúng con xin chúc tụng và ngợi khen Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra ân ban của Chúa vẫn dành cho chúng con để dâng lời tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa thương ban xuống trên cuộc đời chúng con. Chúng con xin tán dương quyền năng của Chúa vẫn gìn giữ chở che cuộc đời chúng con. Phép lạ Chúa vẫn tiếp diễn trong từng phút giây cuộc đời chúng con. Sự sống, sức khỏe của chúng con được Chúa tạo dựng, dưỡng nuôi là một ân ban mà Chúa đã dành cho chúng con. Cha mẹ, bạn bè là những người Chúa gửi đến để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng con. Tất cả là hồng ân, là quà tặng, là phép lạ mà Chúa đã thực hiện vì lòng yêu thương chúng con. Chúng xin tri ân và ngợi khen Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin đủ để nhận ra tình thương cao vời của Chúa. Xin cho chúng con lòng trông vậy vững vàng để dầu đứng trước gian nguy chúng con luôn phó thác nơi Chúa. Xin ban cho chúng con lòng mến sắt son để chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 16 thường niên

Mt 12,46-50

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa liên kết chúng con nên một trong Chúa. Sự sống của Chúa được lưu chảy trong chúng con, và thẩm thấu vào cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn được hợp nhất với Chúa qua Thánh Thể và nhất là qua đời sống lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời có quá nhiều tiếng gọi mời. Có tiếng gọi mời chúng con vào con đường xấu. Có tiếng gọi mời chúng con xa lìa Chúa. Có tiếng gọi mời thôi thúc chúng con sống theo lời Chúa. Có tiếng mời gọi chúng con quay trở về với Chúa tình yêu. Nhưng Chúa ơi, với bản tính yếu đuối và lười biếng, chúng con dễ để lòng mình buông theo tính xác thịt để rời xa tình Chúa, để làm ngơ trước tiếng gọi mời của Chúa. Xin tha thứ cho chúng con. Xin ban thêm ơn trợ giúp để chúng con can đảm nói không với tội lỗi và quyết tâm sửa đổi lỗi lầm. Xin Chúa nhận chúng con vào gia đình của Chúa để chúng con luôn được Chúa yêu mến, dạy dỗ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên một thành viên của gia đình Chúa, để sự hiện diện của chúng con luôn mang lại an vui, hạnh phúc cho những ai chúng con gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 16 thường niên

Mt 13,1-9

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng rất giầu lòng quảng đại bao dung. Chúa luôn thi thố tình thương Chúa cho nhân loại chúng con. Chúa luôn gieo điều tốt, điều có lợi cho chúng con. Chúa vốc từng vốc hạt ân sủng xuống cho nhân gian. Chúa mong muốn chúng con được tắm gội trong hồng ân của Chúa.

Nhưng Chúa ơi, nhiều người chúng con đã không biết đón nhận ân sủng của Chúa. Chúng con để cho gai góc là những thói hư tật xấu, những đam mê thấp hèn làm mất vẻ đẹp trong sáng của tâm hồn chúng con. Chúng con còn quấn quanh mình biết bao sợi dây xiềng xích bởi đam mê mù quáng, bởi lười biếng và ươn hèn. Xin tha thứ vì những lần chúng con chai lỳ trong tội lỗi. Xin Chúa tiếp tục tắm gội ân sủng Chúa trong tâm hồn chúng con. Xin Lời Chúa gieo trong cuộc đời chúng con được đơm bông kết trái qua đời sống trong sạch, bác ái và vị tha.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa luôn kiên nhẫn trong việc gieo vãi ơn thánh và Lời Chúa, xin giúp chúng con luôn kiên nhẫn trong việc trau dồi Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống thường ngày của chúng con.Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 16 thường niên

Mt 13,10-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Thánh Thể Chúa là nguồn sức mạnh nâng đỡ tâm hồn chúng con. Qua bí tích Thánh Thể chúng con được sống bằng sức sống của Chúa. Chúa đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúa ở lại để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết sống xứng đáng với ơn trời cao cả mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã chúc phúc cho những ai nghe và thực hành lời Chúa. Chúa còn nhận những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa vào gia đình của Chúa. Ước gì chúng con được vào số những người được Chúa chúc phúc. Ước gì chúng con luôn là thành viên của gia đình Chúa để được Chúa yêu thương, chăm sóc và ủi an. Xin giúp chúng con luôn mặc lấy tâm tình đơn sơ ngoan hiền để dễ dàng đón nhận lời giáo huấn của Chúa. Xin dạy bảo chúng con những lời cao quý để chúng con luôn đi trong đường ngay nẻo chính.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời. Xin giúp chúng con biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 16 thường niên

Mt 13,18-23

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã gieo cuộc đời Chúa xuống trần gian. Chúa đã làm nở hoa yêu thương, hoa hy sinh, hoa dâng hiến phục vụ cho trần gian. Xin cho chúng con mỗi lần rước Chúa, cũng được tình yêu Chúa nâng đỡ để tiếp tục gieo yêu thương vào cho nhân thế.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa luôn mong muốn chúng con trở thành người tốt, người có ích cho tha nhân. Chúa muốn chúng con phải sống một tình yêu vô vị lợi cho tha nhân. Chúa luôn gieo những tư tưởng thanh cao, những ý hướng thánh thiện vào tâm hồn chúng con. Chúa muốn chúng con luôn tỏa lan hương thơm bác ái và vị tha đến cho mọi người.

Nhưng Chúa ơi, tâm hồn chúng con cứ rối bời và đầy mâu thuẫn. Việc lành chúng con muốn làm nhưng lại chần chờ, so đo, thiếu cố gắng để thực thi. Việc xấu chúng con không muốn xẩy ra, nhưng chúng con thiếu tự chủ, thiếu nỗ lực chống trả, khiến nhiều lần chúng con rơi vào cám dỗ tội lỗi. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin thêm ơn trợ giúp để chúng con biết vượt thắng những cám dỗ, những ước muốn tầm thường.

Lạy Chúa, xin tưới gội ơn thánh Chúa tràn đầy tâm hồn chúng con, để chúng con mãi mãi là thuở đất mầu mỡ cho lời Chúa được đơm bông kết trái. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 16 thường niên

Mt 13,24-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc được kết hợp nên một trong Chúa. Dù rằng chúng con còn thiếu sót, tội lỗi. Dù rằng chúng con còn ngổn ngang trăm chiều những đam mê trần thế. Chúa vẫn yêu thương chúng con. Chúa vẫn kiên nhẫn. Chúa vẫn chờ đợi chúng con trở về trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa hãy uốn lòng chúng con nên giống trái tim nhân từ đầy yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con luôn mong muốn xã hội được hoàn hảo, được tốt lành. Chúng con muốn không còn người xấu bên cạnh chúng con. Chúng con muốn không còn ai khổ đau bởi bất công, hận thù. Chúng con muốn mọi người chỉ biết gieo yêu thương, niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Nhưng Chúa ơi, chúng con thật xấu hổ khi chính chúng con lại gieo tai họa cho tha nhân. Khi chính chúng con gieo hận thù, bất công cho anh em. Chúng con trở thành nỗi bất hạnh cho gia đình vì đời sống lười biếng, thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm của chúng con. Xin tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con sửa đổi và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng, một trái tim yêu thương, một tấm lòng quảng đại để chúng con biết gieo tình người đầy yêu thương, bác ái và cảm thông đến cho mọi người. Amen
 
Ngồi dưới chân
Lm Vũđình Tường
07:07 15/07/2010
Có ba hình ảnh ngồi dưới chân Chúa. Hình ảnh thứ nhất cô Maria ngồi dưới chân Chúa nghe giảng - Luca 10

Hình ảnh thứ hai cô Maria ngồi dưới chân Chúa lấy thuốc thơm mà sức, lấy tóc mà lau - Mathew 26: 6-13

Hình ảnh thứ ba Mẹ Maria và mấy bà đạo đức ngồi dưới chân Chúa, dưới chân thập tự, mắt đẫm lệ nhìn Chúa - Gioan 19,25

Cả ba hình ảnh ngồi dưới chân đều do phái nữ chủ xướng. Đây là hình ảnh quen thuộc trong kinh thánh. Trước khi nuôi năm ngàn người ăn trong phép lạ hoá bánh ra nhiều Đức Kitô bảo các môn đệ hãy cho đám đông ngồi xuống - Gioan 6. Hình ảnh ngồi để được cho ăn, nuôi sống.

Khiêm nhường

Đức Kitô ghé thăm nhà chị em Maria and Martha. Maria chọn ngồi dưới chân Chúa để nghe Ngài giảng. Cô chị tiếp khách kiểu khác, lo nấu nướng chuẩn bị thực phẩm nuôi thân. Cô em chọn tiếp khách bằng cách ngồi dưới chân. Cô không ngồi ngang hàng tiếp khách - chủ khách ngang nhau- nhưng cô chọn thái độ ngồi dưới chân. Một thái độ khiêm nhường. Một hành động tự nguyện, khiêm nhu, quí mến, tỏ ra rất gần, thân thiết với khách mà vẫn biểu tỏ lòng tôn kính.

Ngồi dưới chân để nghe giảng nói lên tinh thần hiếu học, ham học hỏi Lời Chúa. Maria không những yêu mến Đức Kitô, kính trọng Ngài mà còn yêu mến ngay cả lời giảng dạy, giáo huấn của Ngài. Người do Thái khuyên phụ nữ đừng đi học. Đức Kitô trái lại khuyến khích phụ nữ học, lắng nghe.

Thống hối

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh Maria ngồi dưới chân Chúa khóc lóc, tỏ lòng thống hối, ăn năn. Sự việc xảy ra tại nhà ông Simon, người mời Đức Kitô dự tiệc với các tông đồ. Cả chủ nhà lẫn tông đồ đều chê trách hành động của người phụ nữ. Đức Kitô lên tiếng bảo họ hãy để cho cô ta chuẩn bị cho ngày an táng Ngài. Qua cái chết của Ngài kẻ thống hối, tội dù nhiều vẫn được thứ tha. Hình ảnh khóc dưới chân Chúa không mang ý nghĩa nỗi buồn bất tận mà là giờ của mừng vui. Vui vì tội dù nhiều nhưng vẫn được tha vì trong lòng yêu mến nhiều.

Maria khóc vì vui mừng. Tai được nghe Chúa thứ tha. Nhận được lời Chúa an ủi, bênh đỡ, khuyến khích. Việc làm khiêm nhường bị người đời lên án, chê trách. Chúa thưởng công, âm vang ngàn năm vì Maria làm với tâm tình yêu mến chân thành, tạ ơn tha thiết.

Hiệp thông

Hình ảnh các bà ngồi dưới chân thập tự khóc lóc tỏ lòng hiệp thông. Tự biết mình bất lực không làm gì được kẻ có quyền, có thế. Lên tiếng phản đối không ai nghe; gào thét ai thèm đáp trả; phản đối mấy ai quan tâm. Muốn yên thân hãy câm nín, ngoảnh mặt làm ngơ, tránh đường, nhường lối cho bạo quyền hành động. Bao nhiêu người sợ đứng nhìn qua khe cửa. Các bà cũng run sợ trước bạo quyền mà không lẩn trốn. Để nước mắt lăn dài trên má biểu tượng của cảm thông, chia sẻ nỗi đau khổ của Đức Kitô treo trên thập tự. Cảm xúc đau đớn là biểu lộ hiệp thông rõ ràng hơn cả. Lệ nhoà, lăn dài trên má, biểu lộ cảm thông chia sẻ niềm đau mãnh liệt hơn ngàn câu an ủi, lời than van. Mắt nhìn thân Chúa da nát, thịt tan, đầu đội mạo gai, chân lơ lửng giữa đất trời biểu tỏ lòng mẹ chơi vơi nhìn con trên thập tự. Ngồi dưới chân thập tự thông cảm niềm đau người mẹ mất con. Người bạn mất bạn.

Phần Chúng ta

Ngồi dưới chân Chúa hay dưới chân thập tự là hình ảnh gần gũi, quen thuộc, của mỗi người trong chúng ta. Bao lần chúng ta ngồi trong thánh đường. Cũng ngồi dưới chân Chúa nghe lại các bài đọc được công bố, lời Chúa giảng năm xưa, nay được lập lại trong thánh đường, trong các phiên họp, các buổi cầu kinh, tụ họp và Lời Chúa được chia sẻ trong các bài giảng, nhảy nhót theo cung điệu nốt nhạc. Chúng ta lắng nghe với tâm tình lúc thắm thiết, lúc chán nản, lúc hoài nghi.

Ngồi dưới chân Chúa trong thánh đường là hình ảnh quen thuộc khi chúng ta thầm thĩ kêu xin, giãi bày tâm sự, nói lên cái thống khổ, đau xót của thân phận làm người. Nhiều lần chúng ta cũng khóc lóc van xin ơn tha thứ. Chúng ta cũng để giòng lệ tuôn dài khi thấy gánh nặng vơi đi, bình an nội tâm trở lại, và hy vọng một tương lai tươi sáng loé lên trong khoé mắt. Giọt nước mắt u sầu thành giọt lệ reo vui. Những lần như thế chúng ta ngồi dưới chân thập tự tâm tư tràn ngập niềm vui, miệng luôn cao rao lời cảm tạ. Vui mừng đến chảy nước mắt vì cảm thấy Chúa yêu thương tha thứ như chính Maria cảm thấy được Chúa yêu thương, thống hối đến dưới bàn thờ Chúa dâng lời tạ ơn.

Bao lần chúng ta cũng ngồi dưới chân thập tự khi trong thánh đường, lúc ngoài nghĩa trang. Lòng đau như cắt, tâm tư tan nát. Giọt nước mắt vơi đầy thương nhớ người thân. Chúng ta ngồi dưới chân thánh giá nói không nên lời, tư tưởng đứt đoạn vì người thân ra đi, câm nín trong quan tài cô đơn giữa nơi thánh đường đông người thân quen. Người nằm đó mà xa cách ngàn trùng. Cách nhau một lớp gỗ mỏng mà lòng thấy vĩnh biệt. Cũng bản nhạc này sao nay u buồn thế. Cũng lời kinh nọ nay cất lên tang thương nhiều hơn hy vọng.

Hình ảnh ngồi dưới chân Chúa hay dưới chân thập tự là hình ảnh của người đặt niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, Đấng đến xoá tan u tối. Đấng đến mang lại ánh sáng chiếu dọi tâm hồn. Đấng đến mở đường dẫn về nhà Cha sau cuộc hành trình dương thế.

Hãy mở cửa tâm hồn đón Chúa vào nhà để được ngồi dưới chân Ngài.
 
Người Kitô Phải Biết Nhịn Nhục
Tuyết Mai
11:14 15/07/2010
Mỗi sáng vào trung tâm làm việc, tôi gặp một bác gái như thường lệ chào hỏi và đo áp huyết cho bác. Bác có cái tánh hay than thở và tỏ vẻ rất khó chịu với những lời cay đắng của bác, có sáng thì tôi chịu được nhưng có những buổi sáng tôi không chịu được những lời cay đắng của bác. Thường thì tôi rất vui vẻ, hài hòa, và dung hòa với các bác, nhưng sáng nay tôi không thể im được, mà tìm lời để khuyên lơn cho bác nguôi ngoai đi đôi chút, và tìm được chìa khóa cho cách sống thoải mái hơn cho những ngày tháng còn được ở trong trung tâm.

Sau khi đo áp huyết cho bác tôi hỏi: "Bác có biết tại sao mà mình càng thêm tuổi thì mình càng không thể chịu đựng và nhịn nhục được hay không? Rồi bác có biết tại sao ở trong trung tâm của mình thường có chuyện xích mích gây lộn to tiếng với nhau hay không? Rồi các bác có biết tại sao mà chuyện dành ghế của nhau xẩy ra rất thường không? Rồi việc đồ đạc trong trung tâm không cánh mà bay nữa!? Hễ để ra cái gì thì mất cái đó tuy dù đem về nhà có biết dùng nó hay không nữa!?". Thế rồi tôi đem tôi ra làm ví dụ!.

Như cháu đây chẳng hạn vài năm gần đây càng thêm tuổi thì cháu nhận ra được sự thiếu kiên nhẫn và hay bẵn gắt của cháu, nhất là đối với ông xã của cháu, ổng than phiền rằng tại sao cháu không được ngoan hiền và nhỏ nhẹ như hồi xưa nữa!? Khi gây nhau thì cháu chẳng thể cắt nghĩa và chẳng biết mình tại sao lại vậy nữa! Nhưng rồi cứ đổ thừa cho ổng vì ổng thế nọ hay vì ổng thế kia, chẳng biết nhường nhịn vợ gì cả! Chẳng biết thông cảm cho vợ vừa đi làm về nhà lại lo cơm nước, chẳng một chút nào được nghỉ ngơi nên mới thế đó! Và yêu cầu ổng phải biết thông cảm cháu hơn thế nữa! Mới gọi là đúng, biết điều, và biết thương vợ.

Nhưng khi nguôi ngoai và tìm thời giờ cho riêng mình để tìm hiểu coi sao mình lại thay đổi nhiều như vậy! Điều mà cháu hiểu được rất rõ ấy là vì cháu đang trên cái đà già đi như các bác vậy ấy mà! Đương nhiên thì các bác lớn tuổi hơn cháu nhiều, nhưng không có nghĩa là trẻ hơn là khá hơn đâu! Thí dụ như cháu đang bị suy thoái đi rất nhiều trong vấn đề sức khoẻ, một ngày cháu cần ngủ nhiều mới cảm thấy khoẻ khoắn, bị tiểu đường hạng nhẹ và đang phải cần uống thuốc, bị cao áp huyết cũng đang cần uống thuốc, nhức đầu thường xuyên, và trí óc quên đi rất rất nhiều. Suy bụng ta ra bụng người, nhờ như thế cháu mới hiểu được các bác, mà thông cảm, mà hiểu cho tỏ tường, và khi cắt nghĩa, để các bác hiểu rõ hơn là vì sao, mà không để cho các bác cảm thấy mơ mơ hồ hồ là cô này có biết mình đã nói gì không?.

Vâng, càng già thì tất cả từ tinh thần cho đến thể chất, chúng ta bị suy thoái đi rất nhiều tùy cơ thể của mỗi người, chậm nhất là cho những người siêng năng tập thể dục. Cho những ai mà thể dục xem quan trọng ngang như việc giữ đạo của mình (đây là cách nói của người Mỹ), có nghĩa là ngày nào cũng tập, không bỏ sót ngày nào thì mới được. Như mẹ của cháu vậy, nhờ bà siêng năng tập thể dục mỗi ngày và kiêng khem đủ thứ, nên mẹ cháu đã vượt qua được ca giải phẫu tim vừa qua. Bác sĩ đã chỉ mặt mẹ cháu mà bảo rằng quả sự bình phục của bà là một phép lạ. Chứ mọi thứ của bà đã như chết hết rồi! Áp huyết thì quá tụt, tất cả mạch tim của bà đều đã bị nghẽn hết 100% rồi! Bà không thể nào còn sống được. Ông bác sĩ gia đình và bác sĩ tim chăm lo cho mẹ cháu đều thốt lên như thế! Ông đã dự đoán là mẹ cháu chết cả trăm phần, nhưng mẹ cháu đã vượt qua. Mẹ cháu bây giờ sau ba tháng mổ, sức khoẻ đang phục hồi một cách rất nhanh chóng. Thế mới cho chúng ta biết được tập thể dục có lợi như thế nào! Thế mà cháu làm biếng lắm bác ơi! Cho nên cả nhà có được ba chị em mà sức khoẻ của ai cũng tệ hơn là bà cụ.

Trước kia khi chúng ta sức khoẻ còn mạnh còn rất bình thường, còn hăng hái, không việc gì nặng mà chúng ta chịu bỏ qua. Khi ấy thì ai cũng như ai, cũng vẫn giữ được lịch sự, ôn hòa, nhã nhặn, biết nhường, biết giả dối, biết nhịn nhục, và biết kiên nhẫn chờ đợi, nhưng khi chúng ta đến cái tuổi nào đó mà cái trí óc nó không còn được minh mẫn không còn muốn làm theo những điều chúng ta muốn như trước kia. Là quên trước quên sau, ăn nói thiếu suy xét, thiếu nhận định được vấn đề, thiếu kiên nhẫn, nghe không lọt tai là trả lại liền, mích lòng ư! Là lời qua tiếng lại ngay và cần đánh lộn cũng không ngán ai cả! Rất dễ nổi nóng và có cơn không thể lường trước được. Mới nói chuyện tương đắc cười cười nói nói với nhau đây rồi liền sau đó đã thấy gây lộn lớn tiếng với nhau rồi! Y như con nít vậy!.

Thế có phải cái luật thiên nhiên của con người là thế hay không!? Càng về già thì chúng ta trở về với nguyên thủy là ở trạng thái của một trẻ thơ không còn biết gì nữa! Để sự ra đi của chúng ta cũng không còn biết sợ là gì!?. Ở trạng thái của trẻ thơ là sao? Thưa là trí óc của chúng ta y như một đứa con nít. Chúng ta cũng được mặc tã. Ăn thức ăn lỏng. Không đi đứng được mà nằm một chỗ. Chẳng còn biết vui biết buồn là gì!? Tất cả lúc bấy giờ chúng ta bị lệ thuộc cho con cháu người thân hay nhân viên của nhà thương lo liệu và quyết định ngay cả rút ống hay không, và v.v.v......

Tôi khuyên bác hãy nên cố gắng sống những ngày tháng còn lại thật vui vẻ và hòa mình với mọi người, để được hạnh phúc hơn thay vì ở nhà một mình không ai dòm ngó, chăm sóc, và nói chuyện với. Muốn khuyên bác sống tâm linh thì tôi đem người này người kia ra khuyên bác, cốt ý là khuyên bác chú trọng cho phần linh hồn của mình hay cuộc sống mai sau của bác (vì bác là người ngoại giáo) nhưng cũng chút ít hiểu biết về Đạo Công Giáo qua bác sĩ gia đình của bác. Được tiếp xúc với bác chỉ vài phút ngắn ngủi, nhưng cũng giúp tôi cố gắng dằn lại những cơn giận của mình trong ngày nếu có!???. Bởi khi ta giận ai thì trước tiên là chúng ta bị lên máu, nhức đầu, choáng váng, bại liệt tứ chi, mắt hoa lên, rất có thể bị đứt mạch máu não vì gân máu không được máu tiếp tế, nhồi máu cơ tim, có cơ nguy làm cho chúng ta chết đứng được, rất nguy cho tánh mạng.

Một sự nhịn là chín sự lành, đó là điều khuyên rất nên làm, rất nhân lành, và rất bác ái. Không gì hơn là chúng ta tập luyện cho sự chịu đựng trở thành một thói quen như tập thể dục hằng ngày vậy!. Điều gì chúng ta chưa biết thì chưa hiểu chưa thực hành, nhưng khi chúng ta hiểu được nguyên do rồi thì bắt đầu tập cũng chưa gọi là muộn???.

Mong sự góp ý thật nhỏ của tôi giúp anh chị em nhận ra để giúp cho sức khoẻ của mình ngày càng dẻo dai và yêu đời hơn trong những tháng ngày sắp đến dù là tuổi đời (???) có là bao nhiêu!!!.
 
Chỉ còn Đức Kitô
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
21:53 15/07/2010
Chuyện về Matta, Maria và Ladarô được xem là một trong những câu chuyện thú vị trong Tin Mừng. Mái ấm Bêtania, có thể nói, chạm dừng chân đầy hạnh phúc của Đức Giêsu và các đồ đệ. Hạnh phúc không bởi chút an ủi thế trần, nhưng mái nhà yêu thương ấy là nơi có những con người thành tâm khao khát đón nhận mầu nhiệm cứu độ.

Sống mà chỉ để ăn với uống, cuộc đời có lẽ thật bạc bẽo, vì bởi miếng ăn mà người ta sẵn sàng chém giết lẫn nhau. Nhân loại được sinh ra và cưu mang trong tình yêu, nhưng chả mấy người dám sống tình yêu. Thế giới sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm, danh dự chỉ vì chút tiền, chút sữa. Giữa muôn vàn sắc màu phong phú của cuộc sống, nhân loại vẫn thích chọn hưởng thụ hơn hy sinh, mất mát. Cân đong, đo đếm giữa muôn điều phải lựa, ai cũng chọn vật chất hơn cả.

Ngày nay, thấy cái gì cũng quan trọng, cho nên nói chọn giá trị tâm linh làm điều tốt nhất có lẽ khó. Tri thức, tiền tài, sự nghiệp, danh vọng, địa vị, quyền lực... luôn giữ vị thế top ten trong danh mục những điều được ưu tiên. Đáng khóc cũng vì vậy, trong khi Thiên Chúa, Đấng chủ tể sự sống lại bị đẩy xuống hàng thứ yếu, đến nỗi phải giả lơ, nếu không muốn tìm hiểu tường tận hạng thứ mấy mươi trong những điều con người gạt bỏ. List đáp án trắc nghiệm nhu cầu tâm linh chẳng bao giờ thấy nhắc đến Thiên Chúa. Trái lại danh mục tiêu thụ vật chất khi nào cũng dẫn vị trí hàng đầu. Thế giới xem chừng không thích chọn Thiên Chúa và công việc của Ngài nữa rồi. Người ta chỉ chọn của cải, bạc tiền, sự nghiệp, tình yêu...

Trong trăm ngàn điều quan trọng, vẫn phải có điều quan trọng nhất, trong muôn vàn sự chọn lựa vẫn phải có sự chọn lựa kỳ cùng. Chọn lựa nào trong thế gian có thể thoả mãn khát vọng, lấp đầy hố sâu ích kỉ trong tâm hồn con người, để nhân loại biết dừng lại, thôi không cần chọn?

Ai cũng thấy cần chọn tự do, hưởng thụ, mấy ai nghĩ đến việc chọn Nước Trời, lựa sự sống đời sau. Đời vốn mênh mông thế, mà vẫn không đổ đầy khát vọng vô biên của con người. Càng đói tham vọng, con người càng dấn sâu vào tuyệt vọng. Bởi, hỏi ai trong nhân loại đủ để mà cho người bên cạnh thứ họ thiếu, việc họ cần? Chả ai đủ, lấy đâu người dư thừa để mà cho. Chọn lựa thoả mãn nhu cầu tối thiểu của con người là điều phải lẽ, thế nhưng chọn đến bao giờ, lựa tới khi nào mới ngưng? Lòng trời rộng nhưng lòng người cứ chật, khó chứa hết ân huệ nhưng không ơn trên ban tặng. Chính bởi Đấng đã có thì muôn đời hằng có, Ngài trao ban luôn luôn, vô giới hạn. Chỉ có lòng tham nhân loại vô đáy, đổ mãi không đầy, kín mãi cũng vẫn vơi.

Thật, mấy ai dại chọn phần thiệt về bản thân, chẳng ai thích thua lỗ. Ai cũng mong được, mấy ai thích mất. Và vì bởi chẳng ai chịu nhường ai cho nên xảy ra đủ mọi tranh chấp, kiện tụng, cãi vã, giành giựt, chém giết liên miên trong đời sống.

Khó lắm, không đơn giản mà cũng chẳng dễ dàng chút nào với tất cả những ai quảng đại dấn thân cho Thiên Chúa. Và chỉ khi nào bạn yêu mến Thiên Chúa thật, lúc ấy mắt bạn mới mở ra mà chiêm ngắm nhan thánh Ngài.

Việc Matta lu bù lo cho bữa tiệc, và việc Maria miệt mài ngồi bên chân Chúa lắng nghe lời Ngài, cả hai đều có chung một giá trị, không ai hơn ai mà cũng chả việc nào thua kém việc nào. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và mọi vật trong nó đều có chung một giá trị, mỗi vạn vật đảm nhiệm trách nhiệm riêng của mình, không có thấp hèn mà cũng không cao cả, tất cả đều giá trị trước nhan Chúa. Vì thế, lời có vẻ khiển trách với Matta hôm nay: “Matta! Matta ơi! chị lo lắng băn khoăn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi” (Lc 10, 41), Đức Giêsu chẳng phải loại trừ chị, nhưng hơn cả là lời “dạy yêu”, Ngài khéo léo gửi đến chị cũng như tất cả thế giới thông điệp sống: chỉ có một điều cần thiết nhất mà thôi, chỉ còn một chọn lựa duy nhất mà thôi, đó là chính Chúa. Ngoài Đức Kytô, không còn gì quan trọng.

Lạy Chúa, con xin lỗi, con thật xin lỗi vì đã loại bỏ Ngài ra khỏi điều quan trọng nhất trong đời. Hình như, con không coi gì quan trọng hơn bản thân con, cho nên con đánh mất chính Ngài là nguồn sự sống. Bởi thế mà hết ngày này qua ngày nọ, năm này đến năm kia, con đã để cho thế gian đánh cắp, ngay cả đến chính mình con cũng đã để cho bị tha hoá. Những khi say sưa trong đam mê, truỵ lạc, con đâu biết rằng con đã làm điều dại dột nhất trên đời là tự diệt bản thân. Làm sao con có thể nhận ra Thiên Chúa là tất cả trong mọi điều cần chọn lựa cơ chứ, giả như con không nghe được tiếng Chúa, thinh lặng ở bên chân Ngài. Làm sao con có thể nghe được lời gọi yêu thương của Chúa nếu như con chỉ biết vùi đầu trong ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống, với lời quyến rũ ngon ngọt của danh vọng, địa vị, bạc tiền. Xin cho con chọn Chúa, xin giúp con kiên trung, quả cảm chọn lựa một mình Ngài giữa bao xao động cuộc đời, để từ nay con chỉ còn có một Đức Kytô.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngộ nhận của Chủ nghĩa Thế Tục Hóa đã dẫn đến phán quyết sai lệch về Tượng Thập Giá Chúa Chịu Nạn
Dominic David Trần
08:13 15/07/2010
Ngộ nhận của Chủ nghĩa Thế Tục Hóa đã dẫn đến phán quyết sai lệch về Tượng Thập Giá Chúa Chịu Nạn; ĐHY Bagnasco tuyên bố.

RÔMA, Ý, ngày 14/07/2010/ 03:12 PM theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã Công Giáo (CNA/EWTN News) - dưới tiêu đề bài viết " Những chứng nhân đáng tin cậy ở trong một xã hội đang biến loạn," được đăng trên Nhật Báo Quan Sát Viên Rôma đã tường thuật lại một cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ý. Trong cuộc phỏng vấn này ĐHY Bagnasco đã lý giải một số vấn đề thời sự trong Giáo Hội; đặc biệt ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của căn tính Âu Châu trong khả năng trưng bày Thánh Gía Chúa KiTô tại các nơi công cộng.

Được hỏi là ngài đã kỳ vọng gì trong cách thế mà Tòa Án Nhân Quyền Tối Cao của Âu Châu sẽ phải phán quyết về Đơn Xin Xét Xử Phúc Thẩm của Chính Phủ Nước Ý ra sao vào tháng Mười Một năm 2010 sắp đến về phán quyết ban đầu đã tuyên cấm không cho trưng

bày Tượng Thập Giá Chúa Giêsu KiTô Chịu Nạn trong các lớp học? Đức Hồng Y Bagnasco đáp lời rằng cứ theo như bản chất thực tiễn của sự việc mà trình bày; " Xin nói thật với qúy vị, cá nhân tôi sẽ mong ước và kỳ vọng hơn một chút ở những cảm thức thiện hảo."

Đức Hồng Y Bagnasco nói rằng; đối với cá nhân ngài, điều ấy thật là lạ kỳ - ở chỗ là trong khi Âu Châu đang trải nghiệm qua một mức tăng trưởng rất rõ ràng về sự trao đổi giữa nhiều nền Văn Hóa - thì việc cấm không cho trưng bày Tượng Thập Giá Chúa KiTô Chịu Nạn trong các nơi công cộng ví dụ như tại các lớp học vào lúc này có khác chi là " để kiểm soát và chế ngự một trong những cội nguồn quan trọng nhất về lịch sử lục địa Âu Châu của chúng ta."

ĐHY Bagnasco cũng biện luận rằng; " người ta đang muốn tiêu diệt các nền văn hóa truyền thống dân tộc và muốn xoá bỏ các đặc tính tôn giáo của một quốc gia, đặc biệt ở những phần có quan hệ đến môi trường đời sống con người - cho dù là ở trong các trường học hay ở bất cứ nơi nào mà các thế hệ trẻ của chúng ta đang tụ tập hoặc sinh hoạt - Điều đang cấm đó - có nghĩa là đang cố tình chối bỏ những di sản phong phú nhất của các nền văn hóa truyền thống mà đáng lý ra những di sản văn hóa ấy phải được bảo vệ và bảo tồn mới đúng!"

Để trả lời câu hỏi là bởi từ đâu mà "sự thù nghịch" với Đạo Công Giáo (Thiên Chúa Giáo) phát sinh ra, ĐHY Bagnasco Chủ Tịch HĐGM Công Giáo Ý nói rằng cội rễ của vấn đề là bởi từ những ngộ nhận, những hiểu biết sai lệch của Chủ Nghĩa Thế Tục Hóa mà ra. Sự kiện này đã được công khai tuyên cáo là như bởi "một vết thương chí mạng - đã cắt đứt một phần quan trọng về nhận thức của Nhà Nước, mà chúng ta đã biết rõ rằng Nhà Nước hay Chính Phủ không có thẩm quyền gì trong lãnh vực Tôn giáo và cũng chẳng thể theo đuổi các Cứu cánh Cùng đích của Tôn giáo được- thế nhưng Nhà Nước hay Chính phủ vẫn phải công nhận, phải tôn trọng, và còn tốt hơn thế nữa- phải thăng tiến các chiều kích Tôn Giáo hoặc tín ngưỡng."

"Đằng sau Tự Do Tôn Giáo, trong thực tế, là sự náu ẩn của những trải nghiệm mang tính chất quyết định quan trọng nhất của Quyền Tự Do Con Người, không những là chỉ vì không có Đức Tin- nhưng hơn thế nữa cũng vì bởi nền dân chủ đang gặp hiểm nguy."
 
Hồi giáo có phải là một tôn giáo hay không?
Phụng Nghi
08:28 15/07/2010
Ngày nay ai ai cũng nói về nhu cầu phải đối thoại với Hồi giáo, và có lẽ không có nhóm tôn giáo nào lại khăng khăng đề cập tới hơn Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, như nhiều nhà phê bình đã cho biết, bạn chỉ có thể có một cuộc đối thoại đích thực khi cả hai phía đều ngay thẳng về những gì họ tin theo và những hành động họ khuyến khích. Vì tính cách xa lạ của Hồi giáo đối với đa số người phương Tây, nên thường khó mà đưa ra được những phán xét đáng tin cậy liên quan đến những vấn đề như thế. Nhưng vào lúc này, những xét đoán như vậy là điều tối cần thiết.

Trong cuốn sách của bà nhan đề Cruel and Usual Punishment (Hình phạt Độc ác và Thông thường), Nonie Darwish đưa ra một ý kiến táo bạo cho rằng Hồi giáo không phải là một tôn giáo. Darwish là con gái của một người Ai cập theo Hồi giáo đã “tử vì đạo”, mô tả cuộc sống ba mươi năm đầu đời của bà tại Trung Đông dưới giới luật Sharia, và dần dần thức tỉnh để hiểu biết đầy đủ hơn về Hồi giáo. Vào cuối cuốn sách, bà đưa ra nhận xét sau đây: “Kết luận mà tôi – và những ai khác sau khi đã nghiên cứu – đi đến, là Hồi giáo, xét về tổng thể, không phải là một tôn giáo. Mà đó là Chủ nghĩa Đế quốc Ả rập và là một dụng cụ bảo vệ nhằm duy trì những điều họ tin là một nền văn hóa Ả rập ưu việt.”

Hồi giáo – không phải là một tôn giáo ư? Đây có phải chỉ là lời cường điệu? Hay là thực sự bà muốn nói như thế?

Bà Darwish đưa ra ba luận cứ để hỗ trợ: Luận cứ chính của bà liên quan đến tính cách tự nguyện. Tuy Mohammad trong phần đầu của Kinh Koran (gọi là phần Mecca) tuyên bố rằng sự lựa chọn tôn giáo phải là tự nguyện, nhưng lập trường này trải qua một sự thay đổi lớn lao ở những phần sau (phần Medina), sau khi Mohammad đã trở thành một nhà tư lệnh quân sự, nắm được quyền uy và chiếm được các chiến lợi phẩm trong những cuộc đột kích vào các bộ lạc lân cận, và đặt hành động rời bỏ đức tin Hồi giáo ngang hàng với sự phản bội trong địa hạt quân sự. Bà bình luận: “Chứng cứ rõ rệt nhất cho biết Hồi giáo khó có thể là một “tôn giáo”, đó là luật bội giáo - tức là lệnh giết những người bỏ đạo. Điều đó ngay tức khắc chuyển Hồi giáo từ lãnh vực tôn giáo sang địa hạt ý thức hệ chính trị toàn trị.” Nói cách khác, luật bội giáo, ngày nay vẫn còn chiếm ưu thế trong các xã hội Hồi giáo hiện đại, không dung hợp được với tôn giáo chân chính; một tôn giáo không có tính cách tự nguyện hoặc tính cách không tự nguyện trong khi tiếp tục theo một tôn giáo, là một mâu thuẫn nằm ngay chính trong ý niệm về tôn giáo.

Điểm thứ hai bà nêu ra liên quan đến sự đàn áp phổ biến và chính thức người phụ nữ nơi Hồi giáo; về vấn đề này bà đưa ra nhiều trường hợp: luật lệ, văn hóa và lịch sử. Luận cứ này của bà cũng được Wafa Sultan lặp lại trong cuốn A God Who Hates (Một đấng Thượng đế Ghét bỏ). Bà Sultan truy nguyên nhiều trường hợp ghét bỏ phụ nữ của Hồi giáo nơi quan niệm về một đấng Allah ghét bỏ đàn bà; và sự ghét bỏ này, bà nói thêm, mở cánh cửa bờ đê ra cho sự hận thù mọi người bên ngoài. Bà Sultan chỉ vào kinh Fatiha, là lời kinh cầu nguyện được người Hồi giáo ngoan đạo lặp lại 5 lần một ngày, trong bản bằng tiếng Ả rập có những câu chú hoặc những công thức ám chỉ lòng thù hận đối với người Do thái giáo và Kitô giáo. Dĩ nhiên, câu hỏi được cả hai bà Darwish và Sultan đặt ra: một chính sách chính thức về thù hận như vậy có thể là tính cách của một tôn giáo thành tín hay không. Ở đây, lại một lần nữa, điều quan trọng cần phải xem xét là sự khác biệt lớn lao nơi giọng điệu giữa những phần đầu (Mecca) của Kinh Koran và phần sau (Medinan Suras).

Luận cứ thứ ba là Hồi giáo được đánh dấu bằng sự chuyển đổi xảy ra tại Medina, sau khi Mohammad đã trở thành một nhà tư lệnh quân sự đầy quyền uy muốn tiêu diệt mọi chống đối. Bà Darwish viết: “Vào cuối đời, ông ta (Mohammad) còn tuyên bố rằng có cả một nhóm người không có quyền được sống – đó là người Do thái. Thông điệp của ông trở thành một ám ảnh bạo lực muốn tiêu diệt những người không theo Hồi giáo. Ở điểm này, những thông điệp đầy bạo lực như thế đã triệt tiêu bất cứ điều gì ông đã giảng dạy trước đó về lòng bao dung. Các tôn giáo và người nào không tuân phục uy quyền của ông đều trở thành kẻ thù số một của Hồi giáo. Thế là Hồi giáo từ một tôn giáo biến thành một hệ thống chính trị, hệ thống này giam giữ tín đồ trong nhà tù là Hồi giáo – dưới hình phạt là cái chết.”

Nhiều nhà bình luận và phê phán Hồi giáo đã chỉ rõ rằng Hồi giáo vốn đã có tính cách chính trị, không có những gì có thể so sánh với tính cách phân biệt giữa giáo hội với nhà nước, giữa Xê-gia và Thiên Chúa, như trong Kitô giáo và thế giới Tây phương nói chung (tuy rằng sự tách biệt giữa tôn giáo và chính trị đã chẳng bao giờ tốt đẹp và rõ rệt). Nhưng bà Darwish còn đi xa hơn nữa: Hồi giáo lại còn chẳng phải là một tôn giáo, dù muốn dù không, thường hay pha trộn với chính trị, mà hoàn toàn và đơn giản chỉ là một ý thức hệ chính trị. Bà nói thế có đúng không?

Ngoài những phê phán như thế, Darwish đưa ra một số tiêu chuẩn sâu sắc và hiển nhiên phải hội đủ, trước khi việc liệt kê Hồi giáo như là một “tôn giáo” có thể chấp nhận được:

1- một tôn giáo phải là một lựa chọn cá nhân;

2- không tôn giáo nào được giết chết người bỏ đạo;

3- một tôn giáo không bao giờ được ra lệnh giết chết và khuất phục những ai không lựa chọn trở thành tín đồ; và

4- một tôn giáo phải tôn trọng những quyền căn bản của con người.

Đây là một định nghĩa dường như có thể áp dụng, trên tổng thể, cho Do thái giáo, Kitô giáo, Phật giáo và Ấn giáo – tuy đôi lúc có những phong trào hay chi phái trong lịch sử đã ủng hộ những hành động ép buộc cải đạo, hành quyết những người bỏ đạo, o ép phụ nữ, v.v… Chúng ta cũng có thể kể thêm vào đây hai chi nhánh của Hồi giáo: Sufism là trường phái tư tưởng thuộc Hồi giáo thần bí, quan tâm đến việc hoàn thành sự kết hiệp cá nhân với Thượng đế, và đạo Ba’hai, là một phong trào Hồi giáo vào thế kỷ 19, tận tâm hành động cho sự hài hòa tâm linh và đoàn kết trên thế giới. Nhưng những người Ba’hai bị tín đồ Hồi giáo chính thống coi là kẻ bội giáo, còn tín đồ Sufis đã bị các chính thể theo chủ thuyết chính thống tại Iran và Saudi Arabia bách hại, coi không phải thuộc về đạo Hồi.

Những suy tư ngắn ngủi nêu trên chứng tỏ Hồi giáo là một thực tại phức tạp. Nhưng đối với những ai mong muốn đi vào cuộc đối thoại đích thực với các tín đồ đạo này, thì không thể bỏ qua không xét đến những câu hỏi gay cấn nêu ra bởi những người trưởng thành nơi tôn giáo đó. Và chúng ta vẫn còn một con đường dài mới đi tới được các lời giải đáp tốt đẹp cho những câu hỏi như thế.

Nguồn: Howard Kainz / The Catholic Thing
 
Đức Cha Chủ Tịch Hàn Quốc: Một nhà thờ chính tòa sắp được xây dựng
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
11:03 15/07/2010
ROMA, (Zenit.org) - Hướng đến dịp kỷ niệm bách chu niên được mừng vào năm tới 2011, Tổng Giáo Phận Daegu, Hàn Quốc, lập dự án xây dựng một ngôi nhà thời chính tòa mới. Theo Đức Cha Thaddeus Cho Hwan-kil, Giám Mục Phụ Tá, cho biết rằng ngôi nhà thờ chính tòa mới thực thi chức năng văn hóa cùng với các hoạt động liên quan đến lãnh vực tôn giáo.

Hiện nay Tổng Giáo Phận đang phát động cuộc thi thiết kế. Thời hạn chót để các kiến trúc sư có thể nộp bản vẽ của mình kéo dài cho đến tận ngày 17 tháng Chín 2010.

Dự kiến, ngôi nhà thờ chính tòa mới sẽ được hoàn thành vào năm 2014. Ngân quỹ chi phí cho công trình xây dựng lên đến khoảng 26 triệu Đô la. Ngôi nhà thờ mới Beomeo này sẽ thay thế cho ngôi nhà thờ cũ Kyesan.

Nằm trong chương trình mừng kỷ niệm biến cố này, Tổng Giáo Phận sẽ mở một công nghị về Phúc Âm hóa đối với những người trẻ trong xã hội thời nay.

Công nghị cũng quan tâm đến các hoạt động trong đời sống Giáo Hội ở hết mọi cấp độ: giáo xứ, giáo hạt và tổng giáo phận.

Cũng trong khuôn khổ mừng bách chu niên, nhân dịp này, giáo phận sẽ công bố cuốn sách nói về lịch sử Tồng Giáo Phận Daegu, được thiết lập vào năm 1962. Những thập niên trước đó, ở vào năm 1911, đại diện Tông Tòa Hàn Quốc được chia thành hai giáo phận Tông Tòa, gồm Seoul và Daegu (Taegu).

Theo thống kê, Tổng giáo phận Daegu hiện nay có 154 giáo xứ, 461 linh mục và 450.825 giáo hữu.
 
Chuỗi Mân Côi sống xuyên Năm Châu Lục
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
11:31 15/07/2010
ROMA, (Zenit.org) - Trong khuôn khổ mừng lễ Đức Mẹ cấp quốc tế sẽ diễn ra tại Paray-le-Monial, Pháp quốc, từ ngày 14 đến ngày 18 tháng Tám, một chuỗi Mân Côi trong sự hiệp thông sẽ quy tụ ở vào cùng một thời điểm, lúc 15 giờ (giờ GMT + 2 tiếng), thứ Năm ngày 19 tháng Tám, hàng ngàn người trên khắp năm châu lục.

« Một sự mới mẻ nhằm mục đích tái khám phá ơn gọi của nước Pháp, Trưởng Nữ của Giáo Hội, và nhằm cầu nguyện cho thế giới và Giáo Hội », những nhà tổ chức tại Pháp nhấn mạnh.

Lần chuỗi liên lục địa sẽ được đọc bằng 10 thứ tiếng và được coi là một xâu chuỗi lớn xoay quanh thế giới, « mỗi trái tim của chúng ta là một một hạt trong tràng chuỗi này được gắn bó và kết hợp với những người khác bởi sợi dây cầu nguyện », các nhà tổ chức lý giải.

Trong năm 2009, có hơn 50.000 người thuộc 43 quốc gia tham gia, qua làn sóng radio, trang mạng điện tử, hiện diện trực tiếp tại Paray le Monial, hay hiệp thông qua lời cầu nguyện. Năm nay, các nhà tổ chức hy vọng đạt tới con số 100.000 người.

« Mục đích của chúng tôi là có một sự nối kết tuyệt đẹp của xâu chuỗi đi vòng quanh trái đất để quy tụ những con cái của Đức Mẹ Maria trong sự chuyển cầu của cùng một trí lòng đối với những ý chỉ cầu nguyện to lớn cho thế giới ».

« Một trong những ý chỉ này là canh tân đời sống tâm linh của nước Pháp, không chỉ cho riêng quốc gia này, nhưng sao cho vị Trưởng Nữ ấy tìm lại được đặc sủng của mình là phục vụ cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội trên toàn thế giới ».
 
Đạo đức sinh học và việc nhận phôi thai đông lạnh làm con nuôi
Vũ Văn An
17:56 15/07/2010
E. Christian Brugger là một chuyên viên cao cấp về đạo đức tại Qũy Văn Hóa Sự Sống và là một giáo sư về thần học luân lý tại Chủng Viện Thần Học Gioan Vianey tại Denver, Colorado. Ông đậu tiến sĩ triết học tại ĐH Oxford năm 2000. Hãng tin Zenit ngày 17 tháng 3 vừa qua có đăng tải một bài của ông với tựa đề "Cứu phôi thai đông lạnh, nhận phôi thai làm con nuôi có hợp luân lý không?" .

Khi tôi lên tiếng công khai về các vấn đề đạo đức sinh học, chủ đề tôi thường đề cập đến nhất là vấn đề khai thác các phôi thai người. Tôi thường nói với cử tọa rằng theo số liệu năm 2003, con số ước lượng các phôi thai bị đông lạnh tại các bệnh viện Thụ Thai Trong Ống Nghiệm (IVF) tại Mỹ là vào khoảng 400,000 (1). Tôi cũng thường thêm rằng con số ấy hàng năm gia tăng khoảng 19,000 (2). Như thế vào năm 2010, ước chừng sẽ có từ 500,000 tới 600,000 phôi thai người bị đông lạnh. Tôi cho cử tọa hay dù đại đa số các phôi thai này được chính thức ghi dấu trong bảng đăng bộ của IVF là dành cho “các vụ thai nghén tương lai”, nhưng ai cũng biết điều này: phần lớn các cặp vợ chồng từng nhờ IVF mà có thai không bao giờ trở lại với kinh nghiệm chẳng vui gì này (trong đó, có vấn đề giá cả lên tới 20,000 dollars); và do đó, người ta có lý mà nghĩ rằng đa số 600,000 con người nhân bản này sẽ không bao giờ được cấy vào tử cung người đàn bà và vì thế chắc chắn sẽ chết.

Trong phần đặt câu hỏi và trả lời, tôi luôn luôn gặp cùng một câu hỏi và những người hỏi lúc nào cũng là các thiếu phụ tuổi chừng 18 tới 30. Câu hỏi ấy là: “Ta có thể làm gì để giúp một tay?” Tôi bảo họ: xét về tình trạng kỹ thuật hiện nay, ta chỉ có một khả thể để những phôi thai này được sinh ra là cấy chúng và thai nghén chúng trong tử cung người đàn bà. Tôi cũng cho họ hay: một số Kitô hữu (nhiều Thệ Phản hơn Công Giáo, nhưng cũng có người Công Giáo) lên tiếng khuyên các cặp vợ chồng nên “hiến” phôi thai “phụ trội” của họ để người khác nhận “làm con nuôi” và khuyên các cặp vợ chồng khác nên nhận chúng “làm con nuôi” để người vợ mang thai chúng, một hình thức thay thế cho việc nhận làm con nuôi các trẻ đã sinh ra. Vì tôi thường nói chuyện với cử tọa Công Giáo, nên câu trả lời của tôi hay khiến người ta đặt câu hỏi: “Về vấn đề ấy, Giáo Hội Công Giáo dạy như thế nào?”. Tiện đây, tôi xin phác họa câu trả lời của tôi như sau:

Cho đến ngày Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố tài liệu về đạo đức sinh học, tựa là "Dignitas Personae" (Phẩm Giá Con Người, từ đây sẽ viết tắt là PGCN), vào tháng 12 năm 2008, Giáo Hội chưa chính thức nói gì về vấn đề này. Trước đó, một số thần học gia trung thành với huấn quyền có viết bênh vực việc nhận phôi thai làm con nuôi, trong đó có bản thân tôi, nhưng không thiếu người khác chống lại việc này. Cả hai nhóm đều có lý để không hài lòng với việc công bố PGCN.

Dù tài liệu trên dành gần 2 số nói tới việc nhận phôi thai làm con nuôi, tựa là “Nhận con nuôi trước khi sinh ra” (PGCN số 19), nhưng nó không đưa ra bất cứ phán đoán luân lý nào về thực hành này, chỉ đưa ra một số dè dặt mà chẳng may đã bị một số người Công Giáo, kể cả các thần học gia, coi như lời kết án việc nhận phôi thai làm con nuôi. Thực ra, không hề có việc lên án. Điều này thấy rõ trong nhận định của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về PGCN, tựa là “Các Câu Hỏi và Trả Lời về ‘PGCN’” (3) công bố cùng lúc với tài liệu của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cũng như trong Thông Cáo Báo Chí của Phòng Liên Hệ Truyền Thông ngày 12 tháng 12 năm 2008. Cả hai tài liệu này đều quả quyết rằng PGCN không đưa ra bất cứ phán đoán dứt khoát nào về thực hành này (4).

William E. May, bạn và là đồng nghiệp của tôi tại Qũy Văn Hóa Sự Sống, trước đây 2 năm, có viết một bài chú giải về “PGCN”. Lối giải thích của ông đã được các công bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ủng hộ và tôi từng khuyến cáo nên dùng nó làm kim chỉ nam đáng tin cậy để đọc “PGCN”. Bởi thế, thay vì thảo luận giáo huấn của PGCN, tôi muốn dành phần còn lại của bài khảo luận này để nói đến việc cập nhật hóa tình trạng của một số luận điểm luân lý quan trọng trong nền thần học Công Giáo.

Bất cứ người Công Giáo nào muốn có một phán đoán chân thực về một vấn đề luân lý chưa được giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội giải quyết thì nên đặt câu hỏi liệu đã có một nhất trí nào đó về vấn đề này giữa các thần học gia Công Giáo trung thành hay chưa. Nếu đã có, thì họ có thể an tâm tiếp nhận sự nhất trí đó, coi nó như định mức đáng tin cậy của chân lý. Trên thực tế, nó có thể sai lạc, bởi thế họ không nên tiếp nhận nó như một một chân lý đức tin giống như lúc ta tiếp nhận giáo huấn của mạc khải, đúng hơn, chỉ tiếp nhận nó sau khi đã xem sét và so sánh cẩn thận với các chân lý rõ ràng khác.

Trái lại, nếu không có sự nhất trí nào, thì vì không có thẩm Giáo Hội cũng như ý kiến chuyên môn, tín hữu nên thận trọng xem sét các luận điểm ủng hộ hay chống đối hay nhất đối với vấn đề đang bàn và thuận theo phán đoán nào mình cho là đúng nhất. Nên nhớ, một sự việc không đúng vì Giáo Hội dạy thế; mà Giáo Hội dạy thế vì nó đúng. Sự thật là điều chúng ta mưu tìm. Vì hiện chưa có giáo huấn rõ ràng về việc nhận phôi thai làm con nuôi và chưa có sự nhất trí của các thần học gia đáng tin cậy, ta phải tìm tòi các luận điểm ngược xuôi.

Các luận điểm chống

Luận điểm thuyết phục nhất chống lại việc nhận phôi thai làm con nuôi đã được triết gia luân lý người Úc rất có khả năng là Nicholas Tonti-Filippini đưa ra. Quan điểm của ông nhận được cảm tình của nhiều người Công Giáo khi họ nghe tới thủ tục này lần đầu tiên.

Khả thể một phôi thai không có tương quan gì với mình nhưng chỉ nhờ kỹ thuật mà được cấy vào tử cung một ai đó hay tử cung của vợ mình khiến người ta tự nhiên có cảm nhận rằng chấp nhận thụ thai theo lối này, một cách nào đó, đã vi phạm tính thánh thiêng của liên hệ vợ chồng. Người ta thấy có điều gì không ổn. Luận điểm của Tonti-Filippini chiếm được cảm tình ở chỗ đó. Ông kết luận: thai nghén một phôi thai không có tương quan gì với mình là phạm tới đặc tính hợp nhất của hôn nhân, mà ta vẫn cho là một trong các điều thiện hảo của hôn nhân. Điều này là hệ luận của tiền đề cho rằng người đàn bà chỉ nên mang thai bởi chồng mình qua diễn trình giao hợp phu phụ. Trong trường hợp nhận phôi thai làm con nuôi, nàng đã mang thai bởi một phương cách khác không phải là giao hợp với chồng mình, hành vi này rõ ràng là điều xấu ngay trong nó (intrinsically), tức dùng một phương tiện xấu để đạt mục đích tốt là cứu một sinh mạng.

Nhìn sâu hơn vào nguồn gốc của lệnh cấm luân lý này, Tonti-Filippini khảo sát ý nghĩa của việc thai nghén. Ông bảo: mối liên hệ được thiết lập giữa người mẹ và đứa con là một mối liên hệ hoàn toàn độc đáo: Đứa con “là của bà một cách yếu tính, nó không phải chỉ được định chỗ trong bà mà thôi, mà nối chặt với bà một cách yếu tính, một cách sinh tử”. Bà là “mái ấm (home) theo nghĩa đen” đối với đứa con, là “mái ấm theo nghĩa tùy thuộc năng động và là mối liên hệ hỗ tương trong đó cả hai chia sẻ cùng một nối kết sinh học và tâm linh mật thiết”. Sự kết hợp mật thiết này hết sức độc đáo, không có gì song hành với nó. Theo ông, hệ luận là sự kết hợp ấy “không tách biệt nhưng đúng hơn nó nối dài và nhập thân sự kết hợp giữa người đàn bà và chồng nàng”. Nói cách khác, việc mang thai nằm trong liên hệ vợ chồng. Nếu thế thì việc nhận phôi thai làm con nuôi chỉ có nghĩa là mang thai ngoài hôn nhân.

Tôi xin trả lời như sau: luận điểm này dựa trên giả thiết cho rằng về phương diện luân lý, việc mang thai thuộc về hôn nhân. Vì hành vi phu phụ tóm lược ý nghĩa kép của hôn nhân, nên việc thai nghén phải thuộc hành vi phu phụ, nghĩa là, khi hai vợ chồng giao hợp và người vợ có thai, thì việc thai nghén này không những có tương quan nhân quả với việc giao hợp, mà về phương diện luân lý, nó còn là một phần nội tại của hành vi giao hợp vợ chồng. Và do đó, hành vi vợ chồng luôn phải là hành vi duy nhất nhờ đó, người vợ mang thai. Nhận phôi thai làm con nuôi chủ ý tách biệt việc mang thai ra khỏi việc giao hợp của vợ chồng; do đó, nó làm sai lạc hành vi vợ chồng và là một tội chống lại hôn nhân. Ta thấy nhiều hình thức luận lý như thế trong nhiều công trình của các nhà đạo đức học đáng kính của Công Giáo như Luke Gormally, Mary Geach, và Cha Tadeusz Pacholczyk.

Thai nghén và hôn nhân

Dù xét qua có vẻ có lý, nhưng tiền đề và kết luận trên cần được bác bỏ. Tiền đề cho rằng thai nghén thuộc về hành vi phu phụ đã lầm lẫn ở điểm coi việc phụ tạo (procreation) và thai nghén là một thực tại luân lý đơn nhất. Tuy nhiên, giả thiết này lẫn lộn ý nghĩa của qui phạm luân lý hợp pháp đòi phải có sự hợp nhất giữa phụ tạo và giao hợp vợ chồng. Giao hợp tính dục có được ý nghĩa phụ tạo của nó, một ý nghĩa được khẳng định và được chuyển giao từ thời Thánh Kinh đến thời ta, không phải do sự kiện người đàn bà mang thai, mà do sự kiện một con người nhân bản mới đã bước vào hiện hữu. Việc bước vào hiện hữu này được hoàn tất với việc thụ tinh (fertilization) vào chính lúc việc mang thai bắt đầu.

Trong thế giới không có tội, phụ tạo và thai nghén không bao giờ bị tách biệt. Nhưng phụ tạo và hôn nhân cũng không bị tách biệt. Ấy thế nhưng thế giới tội lỗi đã đem lại cho chúng ta những đứa con được thụ thai bởi hoang dâm (fornication), bởi hiếp dâm, bởi ngoại tình và loạn luân. Ta không quay mặt đối với các mạng sống đó chỉ vì hoàn cảnh nguyên lại của chúng vi phạm kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa. Trong cái cõi bước vào hiện hữu là có tội ấy, chúng vẫn đáng được một tương lai tốt đẹp nhất có thể.

Theo một nghĩa nào đó, ta hoàn toàn có lý khi quả quyết rằng người đàn bà chỉ nên thai nghén nhờ giao hợp vợ chồng và do đó, dạ người mẹ sinh lý là dạ qui phạm để mang thai mọi đứa trẻ đã được thụ thai. Nhưng chữ “nên” kia đã bị vi phạm mỗi lần có ai đó dùng phòng thí nghiệm mà tạo ra một con người nhân bản. Dù đúng khi nói rằng hoàn cảnh bao quanh nguồn gốc của chúng vi phạm kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, nhưng điều ấy không có nghĩa phải loại bỏ việc giúp một em nhỏ thoát nạn bằng cách nuôi em trong tử cung cũng như không có nghĩa vì mọi việc thai nghén xẩy ra bên ngoài hôn nhân đều sai qui phạm nên người đàn bà không được mang thai đứa con đã được thụ thai trái phép cho đến ngày sinh nở. Trong cả hai trường hợp, việc sai trái đã đem vào hiện hữu một hữu thể nhân bản, người mà nay có quyền đòi công lý nơi các anh chị em của mình trong cộng đồng nhân loại; cũng như có quyền đòi hỏi lòng từ tâm và tình yêu nơi chi thể Giáo Hội Chúa Kitô. Dù mang tội ở đầu nguồn, em vẫn xứng đáng được hưởng một tương lai tốt đẹp nhất. Và lẽ dĩ nhiên, đối với những anh chị em tí hon đang bàn, thì tương lai tốt đẹp nhất ấy chỉ có thể là tử cung hiếu khách của người đàn bà.

Thu gọn ý nghĩa của phụ tạo và thai nghén vào một thực tại luân lý như Tonti-Filippini và những người theo lối lý luận của ông sẽ dẫn tới kết luận kinh hoàng và phản trực giác, được mọi phe phái chống việc nhận phôi thai làm con nuôi khẳng định, rằng luân lý tính đòi ta phải để hàng trăm ngàn con người này tự do chết; rằng nghĩa vụ của ta đối với số đông đáng khinh bỏ này phải chấm dứt nếu ta không thể duy trì được tình trạng đông đá của họ; rằng luân lý tính và phẩm giá con người đòi ta phải từ khước, không giúp gì thêm được cho chúng.

Còn cảm tưởng ghê sợ?

Vậy phải tính sao với cảm giác ghê sợ của một số tín hữu Công Giáo ngoan đạo? Ở đây, có hai điểm. Thứ nhất, Thụ Tinh Trong Ống Nghiệm (IVF) thường tạo ra một cái bóng tiêu cực về luân lý đối với việc nhận phôi thai làm con nuôi, vì tác phong các cặp vợ chồng nhận phôi thai làm con nuôi thường phản ảnh tác phong các cặp vợ chồng thực hành IVF. Trong cả hai trường hợp, phôi thai tạo ra nơi phòng thí nghiệm được cấy vào tử cung người đàn bà. Nhưng chúng chỉ giống nhau đến đó mà thôi. Cái xấu của IVF không hệ ở chính việc cấy phôi thai, mà hệ ở việc ‘tạo’ trẻ em một cách bất chính trong phòng thí nghiệm. Nếu việc cấy phôi thai tự nó vô luân, thì, về mặt luân lý, các cặp vợ chồng có con theo IVF hẳn không được phép mang thai chúng cho đến ngày sinh nở, đây chắc chắn là một kết luận sai lầm.

Thứ hai, xét về một phương diện, có thể nói tư cách làm mẹ chỉ vì mang thai (gestational) là một tư cách độc đáo; đó là mối liên hệ sinh học hết sức độc đáo giữa hai con người; nó cũng có chiều kích gắn bó độc đáo đối với cả mẹ lẫn con. Nhưng khẳng định tính độc đáo này vẫn chưa giải quyết được vấn đề liệu có được phép dưỡng một phôi thai đang bị đe dọa sau khi nó đã được đem vào thế giới một cách bất chính hay không.

Theo tôi, tương tự như việc nhận một trẻ sơ sinh làm con nuôi sau thời gian mang thai không vi phạm quyền độc hữu của vợ chồng được “trở nên cha mẹ chỉ qua nhau mà thôi”, thì việc nhận một phôi thai trước khi nó được mang thai cũng không vi phạm quyền ấy. Ở đây, người đàn bà cung cấp cho một con người nhân bản đang bị đe dọa một cơ may nuôi dưỡng duy nhất có thể có để cứu mạng sống mình, tức việc nuôi dưỡng trong tử cung. Nếu bà có gia đình, hẳn bà sẽ cùng chồng biện phân được sự thích đáng của hành vi này. Nếu vợ chồng quyết định cùng nhau tiến hành, thì đâu có gì gọi là vi phạm đến sự tốt lành của hôn nhân, nhiều hơn là người đàn bà có sữa nuôi sống một đứa trẻ bị bỏ rơi trong 9 tháng.

Trong cả hai trường hợp, người đàn bà đều hiến cho đứa trẻ điều em cần hơn cả: sự nuôi dưỡng bằng chính thân thể bà. Quan tâm của bà chủ yếu không phải dành cho bà, mà là dành cho đứa trẻ. Theo cách này, bà đã biến cái bản ngã có thân xác nữ tính của mình thành một quà tặng thực sự vô vị lợi cho một con người khốn khổ. Tonti-Filippini không chứng tỏ được tại sao việc thai nghén tự nó lại có thể mang tới một kết án tuyệt đối cho người đàn bà thai nghén ở bên ngoài ngữ cảnh giao hợp phu phụ.

Các qui phạm luân lý

Khi xem sét việc nhận phôi thai làm con nuôi, có ba qui phạm luân lý cần được cân nhắc. Đó là: 1) phải bảo vệ việc phụ tạo nhân bản; 2) phải bảo vệ việc giao hợp vợ chồng, và 3) phải loại bỏ việc mang thai hộ (surrogacy). Như thế phải đặt câu hỏi: liệu việc nhận phôi thai làm con nuôi có vi phạm bất cứ qui phạm nào trong số ấy hay không. Cả hai văn kiện "Donum Vitae" (Quà Phúc Sự Sống) và "Dignitas Personae" (PGCN) đều dạy rằng chỉ hợp pháp đem vào hiện hữu một sự sống nhân bản mới trong bối cảnh giao hợp vợ chồng.

Việc nhận phôi thai làm con nuôi hiển nhiên không vi phạm qui phạm này vì thực ra nó không liên quan tới việc đem một sự sống nhân bản mới vào thế giới, mà đúng hơn liên quan tới một sự sống nhân bản đã được đem vào thế giới rồi; như thế, qui phạm không thể kết án một điều vốn liên hệ một cách đặc trưng với việc phụ tạo. Cả hai văn kiện trên cũng dạy rằng hai chiều kích phụ tạo và kết hợp của hành vi vợ chồng không bao giờ được tách biệt một cách cố ý. Nhưng việc nhận phôi thai làm con nuôi không liên hệ tới bất cứ hành vi giao hợp tính dục nào, tới bất cứ hành vi tính dục nào hết. Bởi thế, qui phạm ấn định tính trọn vẹn của giao hợp vợ chồng không liên quan đến sự đánh giá việc này về phương diện luân lý.

Sau cùng, cả hai văn kiện đều kết ánh việc mang thai hộ. Như thế ta phải đặt câu hỏi xem việc nhận phôi thai làm con nuôi có giống như việc mang thai hộ hay không. Mặc dù có nhiều điểm tương tự về thể lý giữa việc mang thai hộ và việc nhận phôi thai làm con nuôi, chủ yếu ở chỗ người đàn bà đã chuyển vào tử cung của mình một phôi thai không phải của mình và dưỡng nó cho tới lúc nó sinh ra đời, nhưng hai hành vi này rất khác nhau về phương diện luân lý. Cái xấu của việc mang thai hộ tự nó không phải là việc trở nên có thai với một phôi thai không có tương quan gì với mình và dưỡng cái phôi thai ấy, mà đúng hơn là việc hợp tác của người mang thai hộ với cái xấu của IVF. Khi ký khế ước với cha mẹ của phôi thai IVF để dưỡng thai nó rồi trao nó lại cho họ dưới hình thức tròn đầy của một đứa trẻ, người mang thai hộ dự phần vào ác ý của những người đem đứa trẻ vào đời một cách không công chính. Nhưng người đàn bà chọn việc nhận phôi thai làm con nuôi lên án các bất công người ta dành cho phôi thai, bác bỏ thi hành bất cứ dự án xấu xa nào của những người tạo ra phôi thai, và do đó chống đối IVF.

Tóm lại, mục đích của việc nhận phôi thai làm con nuôi là để cứu sống một con người đang gặp nguy cơ, đang bị đe dọa diệt vong, và phương tiện của nó là hành vi nuôi dưỡng trong tử cung, vốn là một việc hợp lệ về phương diện luân lý. Dù có thể có sai lầm trong một số trường hợp cá biệt, nhất là khi người đàn bà có đủ lý lẽ để tin rằng nhận gánh nặng thai nghén có thế gây hại tới khả năng chu toàn các nhiệm vụ đã có của mình, nhưng nói chung, hành vi này không thể bị coi là một điều xấu nội tại.

Ghi chú

(1) Theo Phúc Trình RAND-SART NĂM 2003 [www.rand.org/about/annual_report/2003/RAND_2003_Annual_Report.pdf], một nghiên cứu đáng tin nhất cho đến nay.

(2) Casey, Samuel B. 2007. “The Frozen Waiting to be Chosen: Human Embryo Adoption in America” (Đông Lạnh Chờ Được Chọn: Việc Nhận Phôi Thai Người Làm Con Nuôi Tại Hoa Kỳ) The Christian Lawyer 3(2): 13.

(3) www.usccb.org/comm/Dignitaspersonae/Q_and_A.pdf

(4) www.usccb.org/comm/archives/2008/08-196.shtml
 
Giới thiệu một chương trình thân thiện với gia đình sẽ chiếu trên kênh NBC thứ Sáu này
Trần Mạnh Trác
22:22 15/07/2010
Trong nỗ lực gia tăng những chương trình giải trí phù hợp với không khí gia đình, một phim mới, "The Jensen Project," sẽ được trình chíếu trên kênh truyền hình NBC, thứ 6 ngày 16 Tháng 7, lúc 07:00 CST (Hoa Kỳ).

Đây là một thành công của phong trào “The Vote With Your Remote” đã liên tục yêu cầu phải có nhiều chương trình thân thiện với gia đình.

Cốt truyện của phim xoay quanh những nhân vật Claire và Matt Thompson và con trai Brody đang tuổi thiếu niên. Gia đình này có những liên hệ với một tổ chức bí mật của những thiên tài có tên là "The Jensen Project," (Dự án Jensen,) Họ là những người nghiên cứu và chia sẻ những khám phá một cách bí mật để giúp thế giới. Trong một câu truyện hồi hộp, gia đình Thompsons phải chạy đua với thời gian để ngăn cản một kỹ thuật nguy hiểm có thể bị rơi vào tay kẻ xấu. Họ tìm những đầu mối đề ngăn chặn những mánh lới lừa bịp, và trong tiến trình đó các phần tử trong gia đình trở nên gắn bó với nhau hơn.

Công ty Motive Entertainment là chủ lực quảng bá cho “The Jensen Project”, ngòai ra, công ty đã thúc đẩy những phim gia đình trước đây như "Polar Express" và "The Chronicles of Narnia."

Theo Motive, "Đây là một chương trình giải trí mà cả gia đình có thể thưởng thức; vì nó ở trên truyền hình công cộng, nên bất cứ ai củng có thể xem được, và đây là một dịp mà cả gia đình một cái gì đó để có thể sống chung với nhau một buổi tối."

Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy các trẻ em bỏ hơn 3.000 giờ mỗi năm để vui chơi giải trí, và một đứa trẻ sẽ thấy trung bình 200.000 hình ảnh bạo lực trên truyền hình trước tuổi 18.

Ngoài ra, gần 80 % phụ huynh bày tỏ lo ngại rằng "những ngôn ngữ thô tục, nội dung tình dục không phù hợp và bạo lực trên truyền hình đã có một tác động tiêu cực" trên con cái của họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chủng Sinh Giáo Phận Qui Nhơn hành hương viếng mộ Thánh Kim Thông. GX Gò Thị
Hữu Quang
11:28 15/07/2010
Sáng 15/7 giáo dân Gò Thị, giáo phận Qui nhơn tưng bừng đón tiếp 2 Giám mục Giáo phận về dâng thánh lễ kính thánh An rê Kim Thông dành cho giáo dân chức việc trong các giáo xứ toàn giáo phận, như Ngày Năm Thánh Chức Việc GP Qui nhơn. Hơn 50 linh mục đồng tế có sự tham dự của hơn 200 cựu chủng sinh giáo phận Qui nhơn (CCS GP QN) từ khắp nơi về họp măt NGÀY VỀ NGUỒN 2010 CCS GP QN từ 12 đến 16/7/2010.

Trươc thánh lễ, một chương trình diễn nguyện với nhiều tiết mục đặc sắc, ý nghĩa nhất là hoạt cảnh thánh An rê Kim Thông tử đạo được nhiệt liệt tán thưởng và gây ấn tượng sâu đậm cho người dự trước gương sáng tuyệt vời của vị thánh can đảm.

Trong thánh lễ, ĐGM phó Matthêô vinh danh thánh Kim Thông đã kiên gan trước nhiều thách thức và nhất quyết không giả vờ bước qua Thánh Giá, như dụ dổ của quan tòa. Thánh Kim Thông đã thực hiện Lời Chúa trong bài Phúc âm: “Đừng sợ người ta …”, mà chỉ “sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác”, vì những khốn khó là cơ hội tốt để người con Chúa công khai Đức Tin trước quyền uy.

Ngoài tham gia thánh lễ, đoàn CCS GP QN còn hành hương viếng mộ thánh Anrê và thăm nhà mẹ Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị. Trên đường vê Chủng viện một lần nữa ghé thăm các nữ tu Mến thánh Giá Trinh vương là cơ sở mà những nữ tu đã từng phục vụ trong các cơ sở chủng viện còn đang sinh hoạt, để thể hiện tâm tình tri ân của người đã từng theo Ơn Gọi trong chủng viện. Buổi gặp gỡ rộn rã trong tiếng hát cộng đồng vui nhộn giao lưu giữa các nữ tu và anh em CCS. Trước đó CCS GP QN cũng thăm viếng các cha giáo tại nhà hưu dưởng và tại giáo xứ các ngài đang cai quàn.

Ngày hôm qua, đoàn CCS GP QN cũng đã về thăm chủng viện Làng sông, trường củ đã giáo dục nhiều thế hệ linh mục giáo phận Qui nhơn. Những CCS lớn tuổi rưng rưng nước mắt khi thấy lại cảnh củ ngày xưa. Có nhiều CCS tuỗi đã hơn 80 và buồn bả tâm sự có thể đây là lần cuối cùng về lại trường xưa vì tuổi già sức yếu. Trong đoàn CCS còn nhiều thân nhân, vợ con, đặc biệt còn nhiều chị là quả phụ, chồng CCS đã qua đời, cũng tích cực tham gia Ngảy Về nguồn với lý do “sinh thời, anh vẫn nhắc nhở gia đinh phải tiếp tục tham gia hội họp CCS, vì hội CCS GP QN là một đại gia đình với khẩu hiệu UT SINT UNUM. Cảm động nhất là khi các CCS viếng nghĩa trang các linh mục, nơi các cha giáo đang yên nghĩ trong Chúa.

Buổi sinh hoạt văn nghệ tạm biệt khá sôi động với nhiều tiết mục đủ loại, co sự tham gia của các nữ tu Mến Thánh Giá và các chủng sinh dự tu.

Sáng mai, ĐGM phó dâng thánh lễ Tạ ơn cho Hội CCS GP QN tham dự ngày VỀ NGUỒN CCS 2010 tai nhà thờ chánh tòa Qui nhơn cùng với giáo dân và kết thúc HỌP MẶT CCS GP QN.
 
Tường thuật Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Khe Sanh tại Quảng Trị
Linh mục Phêrô Nguyễn Vũ
14:53 15/07/2010
Sáng nay, ngày 15 tháng 07 năm 2010, tại Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách Đông Hà về phía Tây khoảng 63 km, đã diễn ra một sự kiện trọng đại là Nhà Thờ Khe Sanh được Cung Hiến do Đức Cha Stephanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục TGP Huế, chủ sự.

Cùng đồng tế có Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám Mục Phụ Ta, Đan Viện Phụ Stephanô Huỳnh Quang Sanh, Các Cha Hạt Trưởng, hơn 100 linh mục trong và ngoài Giáo Phận.

Khe Sanh là một vùng thung lũng đất đỏ cao hơn mặt nước biển 400 m, một vùng xa xôi heo hút gần biên giới Việt Lào. Nhưng không phải vì vậy có thể ngăn cảng được lòng yêu mến Giáo xứ Khe Sanh mới thành lập ngày 18.09.2007 của bao người từ trong nước và hai ngoại cùng về tham dự Nghi thức Cung Hiến Nhà Thờ Khe Sanh quang trọng này.

Đúng 9 giờ 30, đoàn rước bắt đầu từ nhà mục vụ tiến đến trước tiền đường Nhà Thờ.

Đức Tổng Giám Mục chủ tế có lời Tạ Ơn Chúa vì ngôi nhà thờ Khe Sanh tốt đẹp, khang trang. Ngài chào mừng mọi người Đạo Đời đến tham dự nghi thức Cung Hiến Nhà thờ Khe Sanh hôm nay. Đây thật là một niềm vui lớn không chỉ riêng cho Giáo xứ Khe Sanh, mà là niềm vui chung cho toàn thể Giáo phận Huế, cho toàn thể Giáo Hội và cho Xã Hội. Đúng vậy, vì chính nơi đây mọi người sum họp, sự hiệp thông không phân chia và cùng chung vui với nhau trong sự hiệp thông này.

Khánh thành ngôi nhà thờ này cũng để nói lên lòng biết ơn đối với Thiên Chúa trước tiên, và lòng biết ơn với tất cả những người chung quanh, xa cũng như gần đã góp phần cách này cách khác, nhất là góp phần cầu nguyện. Qua lời cầu nguyện của mọi người, hôm nay đã có ngôi nhà thờ thân thương và khang trang này.

Tiếp đến Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, Đan Viện Phụ, và Cha quản xứ cắt băng khánh thành trong sự chờ đợi của mọi người.

Đức Tổng trao chìa khóa cho Cha Quản xứ mở cách cửa Nhà Thờ để từ nay, mọi người được quy tụ trong Thánh Đường này với sự hướng dẫn của ngài.

Bước vào nhà thờ, mọi người như choáng ngợp bởi sự cao lớn và thoáng mát. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước một khung gian trang nghiêm, rộng lớn và uy nghi này.

Các nghi thức diễn ra trong sự trang nghiêm và sốt sắng của bao người đang chìm đắm trong lạ lùng và kỳ vĩ của ngôi thánh đường này.

Thánh đường này được khởi công xây dựng cuối năm 2008. Chỉ mới một năm rưởi, nhưng Linh mục Quản xứ Phanxicô Xaviê Lê Đức Hòa, cùng với giáo xứ, đã xây dựng xong cùng một lúc Nhà Thờ, Nhà Xứ, Nhà Mục Vụ. Thật là một kỷ lục hiếm có của một Cha quản xứ. Qua đây, chúng ta mới thấy được một công trình của tình yêu và hiệp nhất. Đúng vậy, nếu không có tình yêu và hiệp nhất với nhau thì khó xây dựng nên được gì.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục chủ tế nhấn mạnh đến việc ngoài xây dựng đền thờ vật chất khang trang và đẹp mà chúng ta thấy đây, chúng ta cần tiếp tục xây dựng một đền thờ khác luôn mãi, đó là Đền thờ “Bản thân”, là đền thờ cuộc sống đức tin của người Kitô hữu.

Ngôi nhà thờ bằng gạnh đá, sắt thép, xi măng này nhắc nhở chúng ta xây dựng đền thờ sống động bình thường bằng:

+ Sống đời cầu nguyên

+ Sống đời Bác ái

+ Sống đời truyền giáo

Qua đó xây dựng nhà thờ thiêng liêng cho xã hội và cho mỗi người chúng ta.

Trước khi Đức Cha ban huấn từ và ban phép lành trọng thể, Cha quản xứ nói lên lời cám ơn với Đức tổng, Đức Cha Phụ Tá, Đức Đan Viện Phụ, các Cha Hạt Trửơng, quý Cha trong và ngoài giáo phận, quý ân nhân xa gần đã cầu nguyện, nâng đỡ về vật chất cũng như tinh thần để giáo xứ Khe Sanh có được ngôi Thánh Đường như hôm nay. Xin quý Đức Cha, quý Cha, quý Nam Nữ Tu Sĩ, Ân Nhân và mọi thành phần dân Chúa tiếp tục cầu nguyện cho giáo xứ Khe Sanh của chúng con.

Đức Cha Chủ Tế nhắn nhủ với mọi thành phần dân Chúa rằng:

Ngôi nhà thờ bằng sắt thép, đá.. tốt đẹp này đã được hoàn thành trong vòng một năm rưỡi, khi còn vô số nhà thờ khác mà chúng ta phải xây dựng không biết khi nào hoàn tất hết, tức là ngôi đền thờ cuộc sống kitô hữu của chúng ta. Trước khi có nhà thờ hôm nay, chúng ta thấy có sự ngỗn ngang, lộn xộn của cát sạn, sắt thép, xi măng..... Bây giờ tất cả đx được quy tụ về để thành một ngôi nhà thờ khang trang, tốt đẹp. Đây là điểm mời gọi chúng ta luôn hiệp nhất, đoàn kết: hiệp nhất trong một đức tin, đức cậy, đức mến để chúng ta xây dựng giáo phận, giáo xứ”.

Cuối cùng, Đức Cha kêu gọi mọi người cùng tạ ơn Chúa, tạ ơn nhau trong niềm tin và niềm yêu mến chia sẻ cho nhau, vì ngôi nhà thờ Khe Sanh ngày hôm nay đã đựợc hoàn thành tôt đẹp. Nhà thờ và cảnh quan nơi đây đã góp phần xây dựng văn hóa, xây dựng các giá trị tinh thần đạo đức cho vùng đất này.

“Sau phép lành trọng thể, là những bức hình lưu niệm để đánh dấu một kỷ niệm khó phai cho giáo xứ Khe Sanh, cũng như cho những người yêu mến Giáo xứ Khe Sanh.

Tạ ơn Chúa vì bao điều tốt đẹp đã Chúa làm cho chúng con!
 
Hội Ông Bà Cố giáo phận Bắc Ninh mừng Lễ Kính Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông
Bắc Ninh
21:12 15/07/2010
BẮC NINH: Sáng ngày 15/07/2010 các ông bà cố trong Giáo phận Bắc ninh tập trung về tòa giám mục Bắc Ninh để mừng lễ thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, bổn mạng các ông bà cố của quý cha và nam nữ tu sĩ Giáo phận Bắc ninh.

Xem hình ảnh

Hiệp dâng thánh lễ mừng bổn mạng với quý ông bà cố, có đức cha giáo phận Bắc ninh Cosma Hoàng Văn Đạt, cha tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh, cha quản hạt Bắc Ninh Giuse Nguyễn Đức Hiểu và một số các cha trong giáo phận.

Trước thánh lễ, các ông bà cố đã tìm hiểu về tiểu sử và gương của thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, và chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm vui buồn và nguyện vọng của mình khi dâng hiến con cái cho Thiên Chúa và Giáo hội để làm linh mục và tu sĩ.

Ngỏ lời với quý ông bà cố trong thánh lễ, đức cha đã nói về tầm quan trọng của ông bà cố khi dâng hiến những người con tốt nhất của mình cho Thiên Chúa và Giáo hội. Đức cha cũng nhắc đến tấm gương của thánh Anrê Nguyễn Kim Thông: “ngài là ông cố đúng nghĩa nhất khi dâng hiến hai người con quý giá nhất cho Chúa và Giáo hội, một người con là linh mục và một người con là nữ tu dòng Mến Thánh Giá.”

Tiếp theo trong bài giảng, Đức cha cũng cho ông bà cố biết những khó khăn và cạm bẫy mà con cái mình đã phải trải qua trong đời dâng hiến, và mời gọi ông bà cố cầu nguyện nhiều cho con cái mình để Chúa ban ơn dồi dào cho con cái để vượt qua được những thách thức trong đời tu trì.

Cuối cùng, Đức cha nói đến ước muốn của ngài là lập “Hội Nghị Diên Hồng” các ông bà cố để liên kết với nhau, vì các ông bà cố có uy tín và vai trò đặc biệt quan trọng trong xứ họ và giáo phận. Ngài cũng xin ông bà cố đóng góp ý kiến cho giáo xứ và giáo phận như các “Bô Lão” của “Hội Nghị Diên Hồng” xưa để giáo phận ngày càng thăng tiến hơn, vì ông bà cố là những người cao niên, khôn ngoan, sống gần gũi với giáo dân hơn và là “vốn quý giá” để làm sinh hoa kết quả cho giáo phận.

THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG (1790-1855)
(Trùm họ dấn thân phục vụ rồi chết vì Chúa)

Anrê Nguyễn Kim Thông, còn gọi là Năm Thuông, sinh năm 1790 tại Gò Thị, Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, trong một gia đình đạo đức, được giáo dục theo tinh thần đạo đức, được giáo dục theo tình Phúc Âm trong khuôn khổ Nho học. Nguyễn Kim Thông lập gia đình, có chín người con, 6 trai, 3 gái. Người con trai thứ 8 là linh mục Giuse Nguyễn Kim Thủ về sau cũng chịu xử chém vì đạo. Con gái út là Anna Nguyễn Thị Nhường, đi tu Dòng Mến Thánh Giá.

Từ lúc còn trẻ, Nguyễn Kim Thông đã nổi tiếng đạo đức và khôn ngoan, nên sớm được tuyển vào hàng chức việc trong giáo xứ, và sau đó được Ðức Giám Mục Cuénot Thể cử làm trùm họ Huyện. Ông Trùm Thông rất được dân làng trọng vọng, tôn ông là ông Cả trong làng, nên gọi là Trùm Cả, Trùm Cả Năm Thuông.

Về mặt xã hội, Nguyễn Kim Thông có công khai phá rừng hoang, trưng khẩn ruộng đất, nên được triều đình ban thưởng thẻ vàng với tước hiệu “Cần Nông”.

Ðối với Giáo Hội, Anrê Nguyễn Kim Thông tận tâm giúp Ðức Cha Cuénot Thể tạo mãi ruộng đấy, xây dựng Tòa Giám Mục, mở chủng viện, tu viện, nhà dục anh và cơ sở nhà chung, đồng thời đảm nhiệm trọng trách cố vấn quản lý tài sản nhà chung để tạo phương tiện điều hành Giáo phận. Ngoài ra, Trùm Cả Năm Thuông còn lo bảo vệ Ðức Cha, các cha cùng các Thầy trong cơn bách bại đạo Chúa. Ông Trùm khéo léo sắp xếp cho các linh mục đi đây đó mở đạo trong vùng mà không gặp khó khăn. Nhà ông Trùm là chỗ tạm trú tốt cho các Cha mỗi khi các ngài có việc về Tòa Giám Mục Ðàng Trong đóng ở Gò Thị. Mọi chi phí ăn uống cho các Cha trong những ngày tạm trú đều do gia đình ông Trùm Cả đài thọ. Anrê Năm Thuông không bao giờ tiếc công tiếc của trong việc mở mang nước Chúa.

Anrê Nguyễn Kim Thông có một đức tin sắt đá, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì danh Chúa cả sáng và vì phần rỗi đồng loại. Ðặc biệt, ông luôn tỏ ra nhân ái với mọi người, nhất là bênh vực người cô thế, giúp đỡ kẻ cơ hàn. Trong trách nhiệm xét xử việc làng, ông Trùm xét đoán theo lẽ công bình, rồi sau đó lấy của nhà gíup đỡ cho người nghèo thua kiện. Ông năng khuyến khích người xung quanh làm lành lánh dữ và răn bảo kẻ có tội sớm ăn năn cải tà quy chánh. Nhưng Ông cũng tỏ ra không kém thẳng thắn khiển trách người ngoan cố, như đã có lần nhắc nhở đứa cháu hung hăng hoang đàng tên Bảy Út, khiến tên này tự ái sinh lòng hiềm thù đặt điều tố cáo với các quan về Ông Trùm Cả. Thế là Anrê Nguyễn Kim Thông bị bắt giải về tỉnh vào năm 1853, năm Tự Ðức thứ 6.

Bị điệu ra trước tòa quan tỉnh tra vấn về các điều tố cáo. Ông Trùm khiêm tốn, bình tĩnh ung dung trả lời bằng lời lẽ đanh thép: “Trong nhà tôi không có đạo trưởng. Còn việc tậu thuyền, mãi mã, sắm ghe, tích trữ lương thực, tôi chẳng hề có, xin quan cho đi khám xét. Tôi chỉ chuyên cần lo việc nông gia. Tôi không biết Tây Dương, không đem đường chỉ nẻo cho họ. Tôi cũng chẳng hề đi đâu mà mở đường sơn thủy, vận lương, chuyển binh cho giặc”. Không tìm ra chứng cớ về các điều cáo giác trên, bọn quan lại bèn truyền cho Ông Trùm “quá khóa”, tức là bước qua Thánh Giá, thì sẽ đươc tha về. Ông nhất quyết không tuân.

Quan bảo: “Kín đáo đạp lên thập giá đi, rồi về xưng tội”.

Ông Trùm đáp: “Thạch tín là thuốc độc, uống vô là chết, nhưng cũng có thuốc giải. Thế nhưng có ai liều mình uống thạch tín bao giờ? Việc xúc phạm Thánh Giá cũng vậy”.

Thế là sau ba tháng bị giam giữ, Anrê Nguyễn Kim Thông nhận bản án chung thẩm từ triều đình Huế gửi vào: Lưu đày biệt xứ vào Ðịnh Tường (Mỹ tho). Trên đường đi đày, tới Gia Ðịnh Ông Trùm ngã bệnh. Có người muốn ra tay cứu Ông. Ông Trùm ngỏ lời cảm ơn lòng tốt của họ và xin hãy để Ông được vâng theo Thánh Ý Chúa. Tới Ðịnh Tường, bệnh tình của Ông Năm Thuông trở nên trầm trọng. Ngày 15-7-1855, sau khi kêu tên cực thánh ba Ðấng “Giêsu, Maria, Giuse”, Anrê Nguyễn Kim Thông yên giấc nghìn thu trong Chúa, chân vẫn còn mang nặng xiềng xích. Ông thọ 65 tuổi.

Anrê Nguyễn Kim Thông được Ðức Giáo Hoàng Piô X phong Chân Phước năm 1909 và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển Thánh ngày 19-6-1988.

((Trích theo Uống Nước Nhớ Nguồn –Lm Fx. Đào Trung Hiệu, OP.)
 
Lễ tuyên khấn trọn đời của 2 nữ tu Việt Nam tại Seattle
Nguyễn Phương Lan
21:28 15/07/2010
SEATTLE - Kể từ ngày những người tỵ nạn Việt-Nam đặt chân tới Seattle tiểu bang Washington sau biến cố 1975, chưa bao giờ tôi được tham dự một Lễ Khấn Trọn Đời của các Nữ Tu được tổ chức thật long trọng và cũng thật cảm động như Lễ Tuyên Khấn Trọn Đời của Sơ Têrêsa Trịnh-Nữ-Anh-Đào và Sơ Maria Vũ-Thị-Hồng-Vân tại nhà thờ chính tòa Seattle sáng thứ bảy 10-7-2010 vừa qua.

Hình ảnh Lễ khấn Dòng

Tìm hiểu được biết suốt 30 năm qua tòa Giám Mục Seattle cũng chưa hề có lễ tuyên khấn trọn đời cho các nữ tu bản xứ … và hôm nay là lần đầu tiên tổ chức lễ tuyên khấn trọn đời cho 2 nữ tu Việt-Nam. Đức Tổng Giám Mục Alex J. Brunett đã cho phép tổ chức trọng thể và quy mô: Một Thánh Lễ đại trào được cử hành trong ngôi nhà thờ chính toà nguy nga, cổ kính của Tổng Giáo Phận Seattle do chính Đức Tổng Giám Mục sở tại chủ tế lại càng làm tăng thêm sự long trọng và quy mô.

Điều làm cho mọi người ngạc nhiên là trong phần đầu của Lễ Tuyên Khấn, Đức Tổng Giám Mục đã dùng tiếng Việt-Nam tuy hơi khó nghe một chút nhưng ai cũng hiểu và thầm cảm phục sự cố gắng học hỏi và cám ơn sự thương yêu Ngài đã dành cho cộng đồng Việt-Nam nói chung và cho quý Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ VN nói riêng.

Một số đông giáo dân Mỹ Việt đã tới tham dự lệ khấn dồng hôm nay. Đặc biệt có cả các thân nhân đến từ Việt-Nam, ngoài thân phụ Sơ Anh-Đào và bào huynh Sơ Hồng-Vân, còn có Sơ Anna Nguyễn-Thị-Thanh, Bề TrênTổng Quyền Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò-Vấp và 2 Sơ tháp tùng: Sơ Anna Phạm-Thị-Huệ, tồng cố vấn và Sơ Agnes Vũ-Thị-Thanh-Đào, tổng quản lý.

Tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp năm nay cũng có 17 Sơ được tuyên khấn trọn đời ngày 12-06-2010 tại nhà nguyện chính của Hội Dòng tại Gò-Vấp do Đức Cha Vũ Duy Thống chủ tế.

Thánh Lễ do Đức Tổng Giám Mục Alex J. Brunett chủ tế cùng với 7 linh mục và 2 phó tế đồng tế. Giây phút cảm động nhất là lúc hai Sơ nằm phủ phục trước bàn thánh rồi được phủ trùm bằng một tấm vải trắng tinh, hai bên có 2 bé gái qùy tay cầm giỏ đầy cánh hoa tươi. Rồi sau mỗi câu hát kinh cầu các Thánh, 2 bé gái tung lên những cánh hoa tươi. Sơ Đào và Sơ Vân cùng phủ phục trước bàn thờ trước sự chứng kiến của hàng trăm người tham dự trong giây phút vô cùng trọng đại của cuộc đới một nữ tu. Nhiều giáo dân hiện diện cũng đã thật sự xúc động!

Giây phút tận hiến quan trọng là lúc hai Sơ quỳ trước mặt Sơ Bề Trên Tổng Quyền Hội Dòng để đọc những lời tuyên khấn trọn đời đúng theo quy luật của nhà dòng. Tuyên khấn xong hai Sơ tới qùy trước Đức Tổng Giám Mục để nhận phép lành đặc biệt như để bày tỏ sự chấp nhận các lời tuyên khấn vừa rồi. Sau đó, hai Sơ giơ cao cây Thánh Giá trước mặt cộng đồng dân Chúa hiện diện nói lên sự quyết tâm theo con đường Thập Giá Chúa Kitô của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Tiếp theo hai Sơ đã được Sơ Bề Trên Tổng Quyền, Sơ Bề Trên Tu Viện Thánh Bernadette và các chị em cùng Dòng bầy tỏ sự chúc mừng qua những vòng tay ôm thật chân tình và cảm động.

Tiếp theo là đoàn dâng hoa gồm 12 em gái mặc áo dài mầu đỏ trình diễn trước bàn thờ.

Buổi lễ kết thúc bằng một buổi tiệc liên hoan thật vui tươi và thoải mái.

Xin thành thật chúc mừng Sơ Têrêsa Trịnh-Nữ-Anh-Đào và Sơ Maria Vũ-Thị-Hồng-Vân và xin Chúa đổ tràn muôn Hồng Ân trên quý Sơ hôm nay và mãi mãi.

Hồng Ân Chúa xuống tuyệt vời
Con xin dâng hiến Trọn Đời của con
Từ nay con sẽ không còn
Vướng đời tục lụy … xác hồn trắng trong

 
Văn Hóa
Chuyện Ông Tư Dì Tư: Martha và Maria, Chúa khó tánh!
Nguyễn Trung Tây, SVD
00:06 15/07/2010
Chuyện Ông Tư Dì Tư: Martha và Maria, Chúa khó tánh!



Ông Tư Dì Tư rời Việt Nam năm 1975, được tàu vớt mang vào đảo Guam. Hiện nay hai vợ chồng đang định cư tại Quận Cam, Cali. Ông Tư thuả xưa có tên gọi Cậu Tư Cường bịt răng vàng, con của hương chủ khét tiếng một vùng...

Dì Tư giọng thì thào nho nhỏ tuồng như sợ hàng xóm nghe lén,

— Tui biết nói cái này thiệt tình là không phải, nhưng tui thấy nhiều khi Chúa cũng khó tánh quá!

Ông Tư dừng ngang chung trà ngay cửa miệng, đôi mắt trợn tròn, ánh mặt chòng chọc nhìn thẳng vào ngay mặt vợ,

— Bà lóng rầy có thấy nóng sốt hay cảm cúm chi trong người hay không vậy?

Dì Tư cự nự,

— Ông ăn nói nghe lãng xẹt à. Người ta đang mạnh sân sẩn, tự nhiên ông mở miệng mời gọi thầy lang ghé vào nhà à…

— Thì không đau yếu mà sao tự dưng lại buông lời nói năng gì mà nghe kỳ cục như vậy? Mà bà nói Chúa khó tánh là khó ở chỗ nào?

Dì Tư buông liền một hơi,

— Thì tui nhớ đâu ở cái đoạn mà bà Martha than thở sao Chúa không để cho cô Maria vô bếp phụ bả một tay đó. Nghe bả càm ràm như vậy, Chúa mới mở miệng rầy bả một câu, “Martha, Martha, con lo lắng nhiều chuyện quá. Maria đã chọn phần tốt nhất” (Luca 10:41-42). Mà ta nói cái phần tốt nhất lại là cái phần mà cô Maria cứ ngồi miết ở dưới chân Chúa, còn việc cơm nước trong nhà là cô ấy đổ hết lên đầu của cái cô chị (Luke 10:39). Thiệt tình…

Dì Tư chép miệng,

— Cái này là tui nói thật bụng đó nghen. Ai nói gì thì nói, tui vẫn khoái cái bà Martha hơn. Đàn bà con gái là phải như vậy. Khách khứa tới nhà là mình phải te te chạy ra rót nước, tay dâng cau mời trầu. Rồi đàn bà con gái là mình phải lẹ làng chạy xuống bếp, giết gà nấu cơm bầy lên mâm đồng mời khách. Như vậy mới là đàn bà con gái chứ…

Dì Tư dừng lại,

— Nhưng thiệt tình tui không hiểu tại sao Chúa lại cất tiếng khen cái cô em oang oang à. Còn cái cô Martha, Chúa đã không khen thì thôi, nhưng lại còn nói mấy câu làm người ta buồn. Ai thì không biết, chứ Chúa mà nói với tui như vậy là tui rầu thúi ruột luôn! Mình thì cứ lục đục loay hoay trong bếp chiên xào nấu nướng cho Chúa có miếng ăn ngon, mà Chúa lại không hiểu cho cái tâm thành của lòng mình. Hỏi sao mà cô Martha lại không buồn?

Dì Tư dừng lại nhìn ông Tư. Ông Tư nhíu mày nhìn vợ,

— Bà ơi, cái này người ta nói là học không thông, ôm gối bông cũng thấy nặng, cho nên Chúa nói gà mà mình nghe ra vịt là như vậy. Cái ông Luca ta nói ổng viết quyển Phúc Âm thứ Ba là có hơi khác với ông Máccô và ông Mátthêu…

Dì Tư nóng nẩy,

— Khác là khác như thế nào? Ông muốn nói cái chi thì cứ nói huệch toẹt ra đi. Nhằm ngay cái người chậm lụt rùa bò như tui mà ông cứ rề rà tuồng như người đứng gác chim cu núp núp ở trong bụi rậm không bằng…

Ông Tư chép miệng,

— Thì bà cũng phải cho tui nói có đầu có đuôi, như vậy bà mới hiểu tuồng hiểu tích chứ. Ta nói cái điều mà ông Luca muốn trình bày ở trong câu truyện của bà Martha là Chúa Giêsu chính là Lời Chúa là Tin Mừng...

Dì Tư đưa tay cản lại cấp kỳ,

— Ông nói chiện lạ! Chứ bộ mấy ông kia hổng có nói Chúa Giêsu là Lời Chúa là Tin Mừng hay sao?

— Không! Không! Bà nói đúng lắm. Bốn ông thánh sử là cả bốn ông, ông nào cũng nói Chúa Giêsu là Lời Chúa là Tin Mừng. Nhưng mỗi người có một cách nói khác nhau. Ta nói đối với ông Máccô, Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai chịu nhiều đau khổ. Còn đối với ông Mátthêu, Chúa Giêsu là Con Vua Đavít. Với ông Gioan, thì Chúa Giêsu là Lời, là Ngôi Lời xua tan đêm đen bóng tối. Nhưng riêng cái ông Luca này thì đặc biệt nhất. Đối với ổng, Chúa Giêsu không những là Lời Chúa, mà còn là số một. Tất cả những cái còn lại đều là thứ yếu, không có chi phải đáng bận tâm hết…

Dì Tư dừng nhai trầu thuốc, bĩu môi,

— Ông nói khơi khơi như vậy ai mà nói chẳng được...

Ông Tư cầm quyển Kinh Thánh đưa cho vợ,

— Bà không tin lời tui hén. Thì đây, nếu bà không tin tui thì bà đọc đoạn này đi. Đó, đó, đoạn Máccô 3:31-35 đó, rồi đây là đoạn Mátthêu 12:46-50, và luôn cả đoạn Luca 8:19-21 nữa đây nè. Cả ba đoạn này đều kể chuyện Đức Mẹ với mấy người anh em của Chúa đi kiếm Chúa đó, bà còn nhớ hay không?

Ông Tư dừng lại,

— Bây giờ bà đọc ba đoạn này đi, rồi bà nói cho tui nghe, bà thấy ba đoạn Phúc Âm này giống nhau và khác nhau ở chỗ nào?

Dì Tư cầm quyển Kinh Thánh lên, tay móc cặp kiếng lão trong túi áo đeo vào, tay lật ra từng trang, miệng đọc lẩm nhẩm… Năm phút sau, dì Tư dừng lại buông gọn một câu,

— Tui thấy cả ba đoạn Phúc Âm này đều giống y như nhau, có gì khác đâu.

Ông Tư buông lời chắc nịch,

— Bà có dám chắc với tui là cả ba đoạn Phúc Âm đều giống y như nhau hay không?

Dì Tư lại cúi xuống, mắt nhìn vào những trang Kinh Thánh một lần nữa, miệng lại đọc lẩm nhẩm,

— Ừa, thì tui cũng chỉ thấy có một điều hơi là lạ mà thôi…

— Điều gì lạ đâu? Bà nói đi…

— Thì ta nói trong khi Chúa trong Phúc Âm Máccô và của ông Mátthêu thì nói, “Ai mà làm theo ý Chúa, ý Cha trên trời, thì người đó là mẹ ta và anh em ta” (Mk 3:35, Matt 12:50), nhưng Chúa trong Phúc Âm Luca thì lại nói khác?

— Bà nói khác là khác như thế nào?

Dì Tư đeo lại cặp kiếng lão, mắt chăm chú dõi nhìn những hàng chữ trong chương thứ 8 Tin Mừng Luca,

— Lạ kỳ hén, ông Luca thì lại viết, “Mẹ ta và anh em ta là những người lắng nghe Lời Chúa” (Luca 8:21).

— Đó, bà đã thấy chưa?

— Ông nói thấy là thấy cái chi?

— Thì đoạn Kinh Thánh Luca bà vừa mới đọc có giống như đoạn Kinh Thánh kể chuyện hai chị em bà Martha và Maria đón Chúa vào nhà hay không?

Dì Tư dè dặt,

— Ông muốn nói đối với ông Luca, “Lời Chúa mới là chuyện quan trọng. Những cái còn lại đều là thứ yếu”?

— Thì chứ còn gì nữa. Cho nên ta nói câu chuyện chị em của bà Martha là một câu chuyện phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ không thể hiểu theo nghĩa đen cho đặng.

— Nghĩa đen với nghĩa bóng là cái gì? Ông nói cao xa quá, làm sao tui hiểu cho thấu! Có phải ông muốn nói là chuyện bà Martha nấu nướng với bà Maria nghe Lời Chúa không phải là câu chuyện có thật.

— Nè, nè! Cái này là bà nói chứ không phải tui nói đó nghen. Ý của tui là qua câu chuyện bà Martha và bà Maria, ông Luca muốn đề cao vai trò tối ưu của Lời Chúa trong đời sống đức tin. Cho nên nếu chỉ phân tích câu chuyện này theo nghĩa đen, bà đã hiểu lầm Chúa Giêsu và luôn cả cái điều mà ông Luca muốn nhắn gửi tới độc giả Kinh Thánh rồi. Bởi hiểu lầm như vậy, hèn chi bà than thở là Chúa khó tánh Nếu Chúa thiệt tình mà khó tánh, thì hai vợ chồng nhà mình là mệt cầm canh rồi đó nghen.

Dì Tư hờn mát,

— Ông nói chiện! Thì ai chẳng biết là hồi đó ông được ba má cho đi học nội trú trường đạo trên Sài Gòn, cho nên ông mới thấu hiểu Lời Chúa tường tận thấu đáo. Tui là phận nhà nghèo, hồi xưa không được đi học, cho nên ta nói bây giờ mà ông cha xứ chịu khó mở lớp Kinh Thánh là tui xách tập vở te te đi ngay, mà tui là tui ngồi ngay cái bàn đầu cho coi.

Ông Tư hưỡn đãi,

— Bà nói như vậy mà không sợ lọt tới tai cha xứ, ổng nghe được, ông ấy lại buồn. Cái này ta nói là tai nghe sao, tui nhắc lại nguyên tuồng làm vậy mà thôi. Tui nhớ có lần ông cha xứ than phiền là đã mấy lần ổng cất công mời mấy ông cha giáo về xứ mở lớp Thần Học Kinh Thánh cho người trong xứ. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng ai chịu ghi danh đi học hết. Hoặc ghi danh rồi, thì tới ngày học lại bỏ không tới lớp, làm cho ổng quê gần chết với mấy ông cha khách à...

www.nguyentrungtay.com
 
Betania
Ngô xuân Tịnh, cvk
14:30 15/07/2010
Lc 21,17:Rồi Người bỏ họ mà ra khỏi thành đến Betania và qua đêm ở đó

Lc 10, 38-42: Chọn phần hơn


Lòng con là chính ngôi nhà

Chúa thương ngự đến để mà qua đêm

Thương yêu thủ thỉ êm đềm

Hồng ân cầu nguyện ngày thêm tràn đầy

Lòng con và Chuá vui vầy

Chúa thương ngự trị không giây chia lìa

Hồng ân Chúa xuống chan hòa

Lòng con chính thật ngai tòa Chúa yêu

Một đời tín thác thật nhiều

Như Maria đã chọn điều tốt hơn

Ngồi kề bên Chúa để còn

Cùng Chúa tâm sự nỉ non tâm tình

Còn Mat-ta cứ loanh qoanh

Lo toan nhiều việc để đành mất đi

Cận kền bên Chúa thầm thì

Lại còn hẹp bụng so bì thiệt hơn

Việc của Chúa cần nên làm

Nhưng vì yêu Chúa thật tâm chứ đừng

Làm vì danh lợi bởi chưng

Trở thành vô dụng Chúa không bằng lòng

Như võ sĩ đánh chỗ không

Bao nhiêu cố gắng uổng công ích gì

Mục tiêu chính đáng bước di

Hoàn tòan tới đích ước chi thực hành

Yêu Chúa với cả tâm tình

Bao nhiêu công việc vì danh Chúa Người

Cuộc đời hạnh phúc thanh thơi

Đích cùng sẽ được Nước Trời thưởng ban
 
Mục Tử
lykhách
22:02 15/07/2010
Mục Tử

Người chăn chiên đàn độ còn rất trẻ

Biết từng chiên, thuộc từng lối đi về

Nơi nào xanh, đâu suối trong người kể

Như thuộc làu từng ngõ ngách sơn khê

*

Người cũng biết từng vực sâu dốc thẳm

Nơi sói rừng man dại hú chiều hoang

Những đoạn đường trượng côn tay chặt nắm

Để dẫn chiên từng bước đến an toàn

*

Rồi một hôm chủ chiên mời gọi đến

Anh chính là người mục tử khôn ngoan

Hãy chăn bầy chiên lớn hơn như định mệnh

Trao gậy bịt đồng niềm thác tín chớ quên

*

Có những chiều khi chiên về tận cửa

Người ôm chiên bé nhất nghịch đùa

Người mắng yêu: chúng mày từng đứa

Tao đặt tên, nhớ từng đứa biết chưa…

*

Chiều nay chiên chưa kịp về chuồng

Chợt cơn giông đổ thảng thốt mưa tuôn

Chiên lạnh ướt người chăn chiên càng ướt

Trời vừa tạnh giông, sao lấp ló đêm buông

*

Rừng đêm khuya đẫm mưa sương thấm lạnh

Người đốt lên vài đống lửa vòng quanh

Gom chiên lại nhìn mắt chiên lấp lánh

Cầm trượng côn người từng đứa điểm danh

*

Người đếm sao trời trong chuỗi kinh tràng hạt

Thao thức canh đêm trong tín thác chiên bầy

Xin ơn trời đừng mưa nữa đêm nay

Đợi mai sáng qua một ngày khốn khổ

*

Đêm về khuya gió luồn cây lá thở

Vẳng xa xa dăm tiếng hú hồ mơ

Sói bầy tru rờn rợn cõi hư vô

Người choàng tỉnh cơn ngủ mê cám dỗ

*

Người cầm gậy hướng chân về tiếng hú

Châm thêm củi hồng đánh thức rừng khua

Kịp soi sáng thấp thoáng mắt sói đỏ dữ

Còn e lửa hồng, trượng đồng lấp loáng đưa

*

Người thầm bụng ắt phen này chí tử

Ta sống giữa chiên phải bảo vệ chiên

Sói đầu đàn gầm nhe răng như thử

Kẻ chăn chiên có sợ chạy thân riêng

*

Người hú lên một tràng dài thảng thốt

Sói cùng chiên đêm bất chợt giật mình

Ném củi hồng về sói như lửa tên

Bầy sói thoái rùng mình tan tác khiếp

*

Nhưng người biết cũng như bầy chiên biết

Chắc chắn đêm nay sói dữ sẽ lại về

Đốt lửa cao đến chim chóc ngủ mê

Cũng xao xác bốn bề lay giấc tiếc

*

Và dĩ nhiên việc gì đến phải đến

Sói đói cơn phải mục tử khôn ngoan

Đêm kiên cường không màng sống chết

Dấu máu đỏ tươi khi trời sáng đầu non

*

Mục tử đưa chiên bầy xuống núi

Gậy dẫn đường cũng chính gậy chống thân

Bê bết máu từng bước về lầm lũi

Người với chiên trong sống chết rất gần

*

Người chăn chiên từ độ còn rất trẻ

Rất cô đơn trong cõi thế gian nầy

Những chiên gần đôi lần gặp mắt lệ

Mục tử buồn nhìn về phía chân mây

*

Có những nỗi buồn riêng tín thác

Phổ cuộc đời trong sáo trúc chiều hôm

Bay lững thững như trời phổ thơ nhạc

Niềm cậy trông đầy ắp ý vui buồn

*

Giữa chiên bầy người chính là mục tử

Đầy yêu thương chăm sóc và hiền từ

Giữa sói bầy người chưa phụ lòng Chủ

Đã lần trao côn trượng ý thiên thu

*

Người chăn chiên từ độ còn rất trẻ

Dẫn chiên đi qua cõi thế gian nầy

Như thiên thư có ví tình gà mẹ

Ủ ấp con dưới cánh phượng hoàng thay

`*

Cao cả nhất trong muôn nghìn cao cả

Là thương yêu là chăm sóc chiên Thầy

Người Chủ ấy đã một lần giáng hạ

Chịu đóng đinh để yêu thương giang tay!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Hạ
Nguyễn Ngọc Danh
13:48 15/07/2010

NẮNG HẠ



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Ao Hè nắng Hạ vàng phai

Tiếng chim cu gáy tận ngòai lũng xa

Sen mùa mấy nụ dâng hoa

Chuồn chuồn thương nhớ vào ra mỗi ngày

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Buổi Chiều
Thérésa Nguyễn
22:27 15/07/2010

MỘT BUỔI CHIỀU



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Em ngó buổi chiều buồn có phải

Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa

Tròng con mắt đã mỏi mòn có phải

Sắc của trời hương của đất lưa thưa.

(Trích thơ của Bùi Giáng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền