Ngày 14-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật tuần 16A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:30 14/07/2020
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 13, 24-43)
MEN ĐỜI.


Dụ ngôn dấu chỉ Nước Trời,
Người gieo giống tốt, chờ thời bội thu.
Ghen tương kẻ xấu trả thù,
Cỏ lùng gieo vãi, hỏa mù ruộng nương.
Chen nhau lấn đất không lường,
Chủ nhà khôn khéo, tìm đường chăm lo.
Tới ngày gặt lúa vào kho,
Cỏ hoang hoa dại, bỏ lò đốt đi.
Nước Trời hạt cải bé ti,
Mọc lên cao lớn, xanh rì vườn cây.
Chim trời hạ cánh nơi đây,
Tìm nơi nương náu, xum vầy ẩn thân.
Nắm men đấu bột biến dần,
Dậy men nấu rượu, góp phần đổi thay.
Dụ ngôn giải thích rất hay,
Con Người gieo giống, cơ may trong đời.
Thế gian ruộng đất mọi nơi,
Các con giống tốt, Nước Trời trao ban.
Cỏ lùng ma quỉ phá tan,
Tới ngày tận thế, gian nan khổ hình.

Nước Trời như men trộn trong đấu bột, giúp bột dậy men. Một chút men đã làm đổi thay cả một đấu bột. Men có sức xúc tác làm biến đổi chất thể của bột. Chúa dùng hình ảnh men để nói về Nước Trời. Men cũng như muối, như đèn sáng hoặc như hạt cải bé nhỏ sinh thành cây lớn. Sự phát triển của Nước Trời cũng giống như thế, từ một nhóm nhỏ những người tin Chúa, nay đã lan tràn khắp nơi.

Sự thấm nhuần của đạo vào lòng người cần có men khơi dậy. Đó là men của lòng mến, lòng cậy trông, niềm hy vọng và tin tưởng phó thác. Mỗi người Kitô sống giữa đời cũng giống như muối, như men làm sáng lên cuộc sống trong hy vọng. Có những nhà truyền giáo đến sống giữa những lương dân và cùng chia xẻ cuộc sống với họ trong mọi hoàn cảnh. Nâng đỡ, ủi an và cùng đồng hành với họ. Cuộc sống của các nhà truyền giáo đã thuyết phục được lòng tin của họ. Có những nơi, Giáo Hội gởi những gia đình Kitô Giáo đến sống giữa làng dân ngoại. Từ đó, gia đình họ sống giống như men làm dậy bột. Để nêu gương sáng trong tất cả cách ứng xử của cuộc sống. Họ trở nên những gương mặt hiền hậu và khiêm nhường của Chúa Kitô. Họ sống đời chứng nhân của người mang danh Kitô hữu.

Nước Trời còn được ví như người gieo giống tốt vào thửa ruộng mình nhưng kẻ thù lại đến gieo cỏ lùng. Sống trong xã hội xô bồ, sao tránh khỏi những gương xấu len lỏi vào cuộc sống. Cỏ lùng ví như những việc làm xấu xa, vô luân và tội lỗi. Xã hội luôn có người xấu, kẻ tốt sống chung đụng với nhau. Người ta nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Sống trong hoàn cảnh nào thì chúng ta dễ bị lôi kéo hòa nhập trong hoàn cảnh đó. Nhiều khi chúng ta không khôn ngoan đủ để phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Ma qủy cứ từ từ dẫn chúng ta vào con đường tà, nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ dễ dàng buông xuôi đầu hàng.

Chúa luôn rộng tay đón nhận chúng ta trở về. Chúa rất kiên nhẫn đợi trông. Chúa không muốn cho nhổ cỏ lùng vì sợ hại lúa. Chính nhờ sống trong hoàn cảnh áp bức và thử thách, chúng ta càng lớn lên trong niềm tin nơi Chúa. Chúng ta không cầu xin Chúa cất mọi cơn cám dỗ nhưng cầu xin Chúa đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Đúng như câu nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Khi chúng ta thắng vượt được các thử thách chông gai, chúng ta sẽ được lớn lên, sẽ phát triển và trưởng thành trong đức tin.

TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 12: 38-42


Có mấy người luật sĩ và biệt phái nói với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ. Chúa đã không thỏa mãn ước muốn của họ. Chúa còn trách cứ họ là thế hệ gian ác không xứng đáng được xem dấu lạ.

Chúa Giêsu nhắc đến dấu lạ của Giôna trong bụng cá ba ngày đêm sẽ là dấu chỉ Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy. Đây sẽ là dấu lạ cả thể cho mọi người tin nhận Chúa. Nếu ai không chấp nhận dấu lạ này, kể như họ không hề biết Đấng Cứu Thế là ai.

Chúng ta là thế hệ con cháu nhiều đời của các thánh. Chúng ta được học biết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Chúng ta học qua lịch sử cứu độ được chuẩn bị qua dân Do Thái, là Dân Chúa chọn. Chúng ta có một hình ảnh tổng quát về Cựu Ước và Tân Ước. Các diễn tiến của lịch sử cứu độ qua từng thời kỳ, qua lời các tiên tri loan báo và Đấng cứu thế đã hoàn tất mọi điều đã loan báo về Ngài.

Đôi khi chúng ta thầm trách dân Do Thái sao vô tình tệ bạc chối bỏ Thiên Chúa viếng thăm. Chúa Giêsu đã tha hết cho họ và Chúa nói rằng vì họ lầm chẳng biết. Trong khi chúng ta biết Chúa, biết Chúa sinh ra ở đâu, biết Chúa trưởng thành thế nào, biết Chúa rao giảng ra sao và làm những phép lạ gì và chết nhục nhã cách nào? Chúng ta có tin Chúa không?

THỨ BA
Mt. 12: 46-50


Qua câu truyện mẹ và anh chị em của Chúa đến thăm. Chúa Giêsu đã mở rộng tình thân gia đình của Chúa đến hết mọi người. Chúng ta biết Mẹ Maria cũng chẳng còn của riêng ai. Mẹ đã trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, rồi Mẹ của Giáo Hội và là mẹ của chúng ta. Chúa Giêsu cũng phải là con riêng của Mẹ nữa mà là Chúa, là Thầy và là bạn hữu của mọi người.

Chúa nói rằng: Ai làm theo ý Cha của Tôi ở trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ của tôi. Được làm anh chị em của Chúa là một diễm phúc đời đời. Chúa Giêsu nối kết mọi người trong Chúa qua tình yêu. Chúng ta biết Chúa Kitô là đầu nhiệm thể mà tất cả chúng ta là chi thể. Các chi thể tuy nhiều nhưng được liên kết với đầu làm thành một nhiệm thể duy nhất.

Chúng ta được liên kết với Chúa Giêsu qua phép Rửa Tội. Chúng ta được gia nhập vào gia đình của Chúa. Chúng ta có Đức Maria là Mẹ và có mọi người là anh chị em cùng chia xẻ một niềm tin, một phép rửa và một niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy làm theo ý của Chúa Cha ở trên trời. Làm sao chúng ta biết được ý của Chúa Cha. Ý của Chúa Cha là thực hành những điều Chúa Giêsu đã dạy.

Lạy Chúa, Chúa đưa dẫn chúng con vào gia đình của Chúa, xin cho chúng con biết sống và thi hành những điều Chúa đã truyền dạy chúng con. Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa.

THỨ TƯ
Mt. 13: 1-9


Hạt giống lời Chúa được gieo vào lòng mỗi người Kitô hữu, hạt giống cần được chăm sóc, tưới bón và sinh hoa kết qủa. Có nhiều thứ hạt giống khác nhau: có hạt giống đức tin, có hạt giống lời Chúa, có hạt giống các nhân đức và các hạt giống yêu thương. Hạt nào cũng cần được chăm bón, giữ gìn và phát triển.

Chúa Giêsu ngồi trên thuyền giảng về dụ ngôn người gieo giống ra đi gieo hạt. Hạt giống thì luôn luôn tốt nhưng khi gieo có thể hạt bị rơi vào những vùng đất khô cằn, sỏi đá, bụi gai, vũng nước và cũng có hạt rơi vào miền đất tốt. Khi hạt rơi vào miền đất tốt, hạt đó sẽ nẩy sinh kết qủa gấp trăm lần.

Hình ảnh người gieo giống rất gần gũi với chúng ta. Hình ảnh rất đẹp, người gieo vung tay gieo một cách quảng đại. Những hạt giống đã được chuẩn bị và có khả năng xuyên đất nẩy mần. Hạt nào cũng mong có cơ hội được nẩy sinh. Nhưng rồi cũng có những hạt không được may mắn. Hạt giống lời Chúa luôn là hạt giống tốt có đầy đủ tiềm năng phát triển. Người tông đồ ra đi gieo vãi không chỉ tới mùa nhưng gieo vãi hằng ngày. Hạt giống lời Chúa gieo vào tâm hồn của con người. Mỗi tâm hồn là một mảnh đất có thể khô khan, có thể nguội lạnh, có thể thờ ơ hay khép kín. Hạt giống có thể bị chết ngạt, bị sâu rầy và bị cháy nắng. Hạt rơi vào tâm hồn mầu mỡ nhiệt thành thì hạt đó có thể nẩy sinh hoa trái yêu thương, phục vụ, bác ái, tha thứ, nhẫn nại và bình an thư thái.

THỨ NĂM
Mt. 13: 10-17


Chúa nói với các môn đệ: Ai đã có thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Lời Chúa làm chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận hơn. Ai đã có Chúa ban thêm, đây là tình trạng tâm linh, khi con người biết cởi mở trí lòng để đón nhận chân lý thì chân lý sẽ giải tỏa mọi khao khát. Khao khát tình yêu của Chúa, tình yêu sẽ khỏa lấp tràn trề. Khi con người biết Chúa lại càng yêu mến Chúa nhiều hơn và cứ thế ơn Chúa tràn đổ trên họ.

Các tông đồ đơn sơ chân thành được Chúa mặc khải mầu nhiệm Nước Trời, các ngài càng ngày càng thấu hiểu và đắm chìm trong tình yêu và chân lý. Các ngài được uống no say tình Chúa. Ân sủng của Chúa tràn đổ trên các tông đồ giúp các ngài can đảm ra đi loan tin vui cho mọi người. Các tông đồ đã có Chúa còn ban cho dư dật.

Còn những người không có, thì cái họ đang có cũng bị lấy đi. Những người có sự hiểu biết về Kinh Thánh và về các tiên tri và lề luật, họ tưởng rằng sự hiểu biết đó là của chính mình tạo nên, họ sẽ bị tước mất. Vì lòng họ ra kiêu căng, khép kín, từ chối lắng nghe lời của Chúa, họ sẽ không nhận đựợc gì thêm mà còn bị lấy đi. Họ nghĩ rằng họ biết tất cả mọi sự về Công Cuộc Cứu Chuộc nhưng cái biết của họ chỉ là hão huyền và trống rỗng. Họ sẽ không lãnh nhận được gì thêm

Xin Chúa cho chúng con ơn khôn ngoan để nhận biết Chúa.

THỨ SÁU
Mt. 13: 18-23


Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ về dụ ngôn gieo giống. Chúa đã phân tích từng loại đất mà hạt giống đã rơi xuống. Chúa áp dụng vào tâm hồn của những người nghe lời Chúa. Ai cũng có tai có thể lắng nghe và ai cũng nghe được nhưng từ tai nghe vào trong tâm, rồi loan báo ra cửa miệng và áp dụng xuống tay chân có một khoảng cách cần lấp đầy.

Chúa trao ban cho chúng ta hạt giống lời Chúa qua sự giảng dạy của các linh mục, tu sĩ và những người được sai đi rao giảng. Chúng ta cũng có thể lãnh nhận lời Chúa qua truyền thanh, truyền hình hoặc qua sách vở. Chúng ta có thể tiếp cận với lời Chúa qua sự chia xẻ với anh chị em trong nhóm. Tất cả những lời của Chúa mà chúng ta được nghe, đọc, suy niệm và chia xẻ, đó là hạt giống lời Chúa rất tốt.

Khi chúng ta đã được nghe, được đọc, được suy rồi, giờ tới phần riêng của chúng ta. Chúng ta có muốn cho hạt giống lời Chúa đâm rễ sâu và nẩy mầm trong tâm hồn chúng ta không? Nếu chúng ta thật lòng muốn lời Chúa nẩy mầm, chúng ta có bổn phận đưa lời Chúa vào tận đáy lòng trong tim của chúng ta để chúng ta yêu mến và rồi chúng ta suy gẫm, loan truyền và thực hành lời Chúa trong cuộc sống. Hy vọng lời Chúa sẽ sinh hoa kết qủa.

Lạy Chúa, chúng con đã có nhiều cơ hội lắng nghe lời của Chúa, nhưng nhiều lần chúng con đã để lời Chúa chết khô.

THỨ BẢY
Mt. 13: 24-30


Chúa Giêsu nói với các môn đệ một dụ ngôn khác về lúa và cỏ lùng. Chúa nói: Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt vào ruộng mình. Khi mọi người ngủ, có kẻ thù đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa. Lúa và cỏ lùng chen nhau mọc lên giữa khoảng ruộng. Ông chủ không muốn giệt cỏ lùng sợ hư hại đến lúa. Phải chờ đến mùa gặt, ông chủ sẽ thu tất cả cỏ lùng lại và đem đi đốt.

Trong cánh đồng thiên nhiên, cỏ lùng là cỏ lùng không thể biến thành lúa được. Trong tâm hồn con người thì khác, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu. Cỏ lùng trong ruộng lúa, đó là những thói xấu, những khuyết điểm, những đam mê xấu xa do ma qủy gieo vào lòng con người.

Cỏ lùng phát triển đơm bông kết hạt nhưng sau cùng bị thu lại đốt đi. Còn lúa tốt sẽ bỏ vào kho lẫm. Trong đời sống của Nước Trời dưới thế bao gồm cả người tốt lẫn người xấu. Không ai xấu suốt đời. Người xấu luôn có cơ hội cải tà quy chánh trở về cùng Chúa. Còn người tốt, đừng nghĩ rằng mình sẽ luôn luôn đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã. Mỗi người chúng ta cần trở nên hoàn thiện mỗi ngày.

Chúng ta là con dân của Nước Trời, được gọi là Hội Thánh nhưng không phải mọi người đều là thánh. Chúa mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha của Chúng ta ở trên trời là Đấng trọn lành.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:22 14/07/2020

28. Tất cả những cảnh ngộ đau khổ của chúng ta đều là do Chúa an bài, có lúc Ngài tặng cho chúng ta một chén đắng, đem vui vẻ biến thành đau khổ, thậm chí ngay cả hít thở chúng ta cũng không có thời gian, là vì để tâm hồn chúng ta quy hướng về Ngài.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:28 14/07/2020
75. ĐỀU KHÔNG SỢ QUỶ

Giữa năm Gia Tĩnh, có hai người ở đất Vô Tích là Hoàng Phúc và Trương Tường là những người có đởm khí, từ trước đến nay không hề sợ quỷ thần. Mùa hè trời gần tối, hai người đi đến bên một con sông để uống nước, Vương Phúc nói:

- “Trong nghĩa địa bên kia sông hôm qua lại có người mới chôn, nếu ban đêm anh đến lấy tử thi ôm bỏ bên ngoài quan tài, thì tôi sẽ thua anh một chầu rượu, đợi đó, tôi đi lấy rượu trước và đợi anh.”

Không lâu sau, mặt trời khuất sau rặng núi, Trương Tường lợi dụng đêm tối lội qua sông đi vào trong nghĩa địa, nhưng thấy nắp quan tài mới đã mở tung ra, đang còn hoài nghi, thì đột nhiên từ trong quan tài vươn ra hai cánh tay ôm chặt cổ anh ta, Trương Tường rất sợ hãi vội vàng nói:

- “Anh nhẹ tay chút xíu, đợi tôi thắng được rượu xong thì ngày mai tôi sẽ tế và chôn anh lại.”

Lúc ấy, con quỷ càng bóp cổ họ Trương chặt hơn, Trương Tường hét lên, người ở bên sông nghe được tiếng kêu cứu vội vàng thắp đèn đến soi rõ, té ra ôm cổ Trương Tường chính là Vương Phúc.

Trước đó ông ta giả bộ đi lấy rượu, và từ ngõ khác qua sông trước và vào trong nghĩa địa ôm tử thi ra, ẩn núp bên trong quan tài trước để chọc ghẹo Trương Tường.

Lúc ấy ôn dịch đang hoành hành, hai người này không bị truyền nhiễm chút nào, nguyên nhân có lẽ vì cả hai người đều có đởm khí dũng cảm chăng?

(Nhã Ngược)

Suy tư 75:

Có những người có tính can đảm không sợ gian nan khốn khó, nhưng lại hèn nhát trước sự hy sinh hãm mình.

Có những người can đảm dám hy sinh tiền bạc của mình để giúp người, nhưng lại không dám lên tiếng bênh vực người bị oan ức.

Có những người có thừa can đảm khi đối diện với nguy hiểm, nhưng lại không có can đảm đối diện với sự thật.

Có những người can đảm khí khái anh hùng không chịu khuất phục một ai, nhưng lại bị khuất phục trước nước mắt của đàn bà con gái.

Có những người cam đảm dám hy sinh tất cả những gì mình có để đổi lấy danh dự, nhưng lại không có can đảm từ bỏ cái tự ái của mình.


Can đảm thì có thừa, nhưng nếu dựa vào sức mình mà thôi thì can đảm sẽ trở thành anh hùng cá nhân, mà anh hùng cá nhân thì chỉ có làm cho oai. Can đảm thì cần phải dựa vào ơn của Thiên Chúa giúp, đó chính là sự can đảm của các thánh vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Lòng kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa cứu độ
Lm Đan Vinh
20:48 14/07/2020

Chúa Nhật 16 Thường Niên A
Kn 12, 13.16-19; Rm 8, 26-27; Mt 13, 24-43

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 13, 24-43.

(24) Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? (28) Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó !” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ” (29) Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (31) Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32) Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống. Nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất: Nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”. (33) Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. (34) Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn nói với đám đông, và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, (35) hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: “Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”. (36) bấy giờ Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. (37) Người đáp: “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. (42) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay về ba dụ ngôn diễn tả lòng kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa trong việc ban ơn cứu độ loài người như sau: Dụ Ngôn Cỏ Lùng (24-30), cho thấy trong Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập vẫn có kẻ xấu xen lẫn với người tốt. Thiên Chúa không phạt kẻ xấu ngay mà luôn chờ họ hồi tâm sám hối (x. 2 Pr 3, 15). Qua 2 dụ ngôn tiếp theo là Hạt Cải và Men trong thúng bột (31-33), Đức Giê-su cho biết về sức tăng trưởng của Nước Trời cả về số lượng và phẩm chất.

3. CHÚ THÍCH:

- C 24-25: + Nước Trời ví như chuyện: Ở đây không cố ý so sánh Nước Trời với người gieo giống. Nhưng muốn mượn công việc gieo giống của người nông dân, để diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm Nước Trời. Nước Trời hiện tại đang có kẻ lành người dữ sống chung, nhưng đến ngày tận thế, Đức Giê-su Thẩm Phán sẽ phân định rõ ràng chiên với dê, lành với dữ. + Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình: Những gì Thiên Chúa thực hiện đều tốt đẹp, như tác giả sách Sáng Thế viết như sau: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (x. St 1, 10.12.18.21.25.31).+ Khi mọi người đang ngủ: Ngủ là lúc người ta dễ mất cảnh giác, và kẻ thù là ma quỷ sẽ thừa cơ lợi dụng để gieo cỏ lùng vào giữa lúa tốt. Cỏ lùng là thứ cỏ dại, rất dễ mọc lên và rễ của nó có thể làm hại cây lúa. Ma quỷ xảo quyệt chuyên đi cám dỗ loài người. Chúng gieo vào đầu người ta những tư tưởng hoài nghi và xúi giục họ không vâng phục Thiên Chúa, như xưa chúng đã cám dỗ nguyên tổ A-đam E-và phạm tội tổ tông (x. St 3, 1-7). + Rồi đi mất: ma quỷ có đặc tính vô hình và luôn khôn ngoan làm việc âm thầm không để lại dấu vết, khiến người ta khó lòng nhận biết sự hiện diện của chúng để đề phòng.
- C 26-28: + Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện: Người tốt kẻ xấu luôn sống đan xen vào nhau, nên rất khó phân biệt ai tốt ai xấu. + Đầy tớ: ám chỉ những người rao giảng Tin Mừng. + Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? : Đầy tớ phát hiện ra có cỏ lùng xen lẫn với lúa tốt, nên thắc mắc với ông chủ nguyên nhân xuất hiện cỏ lùng, đang khi ông chỉ cho thợ gieo toàn lúa tốt trong ruộng? + “Kẻ thù đã làm đó”: Ma quỷ chính là kẻ đang gieo rắc sự hận thù ganh ghét trong lòng người ta. + “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ”: một số người công chính muốn tiêu diệt kẻ ác ngay. Nhưng điều này trái với tình thương bao dung của Thiên Chúa.
- C 29-30: + Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa: Ông chủ là Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, muốn dành cho kẻ dữ có thời gian hồi tâm sám hối (x. Lc 13, 8-9). Thực tế cũng có nhiều kẻ tuy nhất thời làm điều ác, nhưng bản chất vốn lương thiện, nên hy vọng sau này họ sẽ sám hối trở về với Chúa, giống như đứa con hoang đàng trở về nhà cha (x. Lc15, 17-20). Thiên Chúa luôn giàu lòng thương xót không muốn cho kẻ dữ phải chết. Nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống. + Mùa gặt: Trong Thánh Kinh, mùa gặt là hình ảnh diễn tả về ngày cánh chung hay tận thế, lúc Thiên Chúa cho thu gom lúa tốt và loại bỏ đi rơm rạ (x. Is 17, 5; Kh 14, 14-20). Ngoài ra, câu này còn cho thấy sở dĩ Chúa để người tốt sống chung với kẻ xấu là để thử thách lòng tin của họ. + Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi: Sở dĩ ông chủ là Thiên Chúa muốn đợi đến ngày tận thế mới phân người lành với kẻ dữ là để cho kẻ dữ có thêm thời gian ăn năn sám hối.
- C 31-32: + Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải: Hạt cải là một thứ hạt được dùng làm đồ gia vị (moutarde). + loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống: Người Do thái thường hay ví: “nhỏ như hạt cải”. Hạt cải tuy nhỏ, nhưng lại có sức sống dồi dào, và sẽ trở thành cây rau cải to lớn, đến nỗi chim trời có thể bay đến làm tổ trên cành của nó. Dụ ngôn này nhằm nói lên sự tương phản giữa hai tình trạng của Nước Trời: Lúc khởi đầu nhỏ bé ít người, nhưng khi kết thúc sẽ trở nên to lớn đông đảo. + Chim trời tới làm tổ trên cành được: Cựu Ước thường dùng hình ảnh một cây to lớn có chim trời đến đậu, để chỉ một vương quốc hùng mạnh, có khả năng che chở thần dân của mình (x. Ed 31, 5-7; Đn 4, 18). Hình ảnh này ám chỉ Hội Thánh như một cây to lớn, có khả năng thu nhận chim trời là dân ngoại, đến xin gia nhập.
- C 33: + Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men: Men là một chất bột phụ gia, có sức biến đổi cả khối bột được pha trộn với nó. + Ba đấu bột: là một khối lượng khá lớn khoảng trên 39 lít, nghĩa là khoảng 60-70 kí-lô. Con số ba thúng bột này có lẽ lấy từ câu chuyện của tổ phụ Áp-ra-ham đã dùng ba thùng tinh bột làm bánh để đãi Đức Chúa, khi Người hiện ra với ông tại cụm sồi Mam-rê (x. St 18, 6). + cho đến khi tất cả bột dậy men: Dụ ngôn này không so sánh Nước Trời với “Men”, nhưng muốn đề cao sức mạnh thánh hóa của Nước Trời như men: tuy chỉ là số người ít oi như một nắm men, nhưng lại có sức biến đổi cả nhân loại có số lượng vô cùng lớn lao. Tin Mừng được rao giảng đến đâu thì sẽ có sức cảm hóa, biến người ta từ gian ác nên hiền hòa, từ tội lỗi nên thánh thiện. Ngoài ra, ý nghĩa này cũng gián tiếp đề cập đến Bữa Tiệc Cánh Chung ngày tận thế do Đức Chúa khoản đãi (x. Is 25, 6-8).
- C 34-35: + Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn: Thực ra nhiều lần Đức Giê-su đã giảng mà không dùng dụ ngôn. Do đó câu này chỉ nhắm đề cập đến các bài giảng về mầu nhiệm Nước Trời mà thôi. Vì Đức Giê-su muốn tránh cho người nghe khỏi hiểu lầm về Nước Trời do Người thiết lập khác với một đất nước mang tính thế tục theo kiểu Thiên Sai chủ nghĩa. + Hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Thực ra đây là lời Thánh vịnh do A-saph viết. Sở dĩ Tin Mừng Mát-thêu gọi lời trích dẫn trên là lời ngôn sứ, có lẽ vì ông coi A-saph là ngôn sứ. Thánh vịnh cũng là Lời Chúa và có giá trị ngang hàng với lời sấm của các ngôn sứ.
- C 36-43: + Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe: Về ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ Lùng đã được Đức Giê-su giải thich chi tiết trong đoạn Tin Mừng. Ở đây, chỉ xin nêu ra mấy điều cần biết như sau: + Con cái Nước Trời… con cái ác thần: Cách phân chia nhân loại thành hai loại người đối lập nhau rất thông dụng trong Do Thái giáo. Người ta thường đọc thấy lời phân chia đó trong các văn bản được khai quật ở Cum-ran (Qumrân). chỉ khác một điều là: đối với Cum-ran thì mọi người lành đều ở trong giáo phái của họ, phân biệt với những kẻ gian ác ở ngoài giáo phái này. Còn trong Tin Mừng hôm nay, cả kẻ lành và người dữ đều sống lẫn lộn bên nhau và các môn đệ không được tách riêng họ ra trước thời hạn. + Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào…: Trong dụ ngôn Cỏ Lùng (24-30), Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự sống chung hiện tại giữa người lành và kẻ dữ, còn trong phần giải nghĩa dụ ngôn (36-43) Đức Giê-su lại nói nhiều đến ngày phán xét và sự thưởng phạt, nghĩa là nói đến tương lai. Có lẽ Mát-thêu khai triển thêm điều này để nhắn nhủ các tín hữu thời đó đừng thỏa mãn khi được gia nhập Hội Thánh. Nhưng điều quan trọng là phải sống thế nào để khỏi sa hỏa ngục trong ngày phán xét. + Rồi quăng chúng vào lò lửa: Sách Đa-ni-en cho thấy một sự trừng phạt bằng cách ném kẻ bị phạt vào đống lửa đang cháy phừng phực (x. Đn 3, 5-6). Đức Giê-su cũng dùng hình ảnh “lò lửa”, như là nơi các kẻ gian ác sẽ bị trừng trị. + Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng: Đây là hình ảnh sự đau đớn do hình phạt thể xác khi còn sống, để diễn tả hình phạt thiêng liêng trong hỏa ngục đời sau. Kiểu nói “Bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Mát-thêu (x. Mt 8, 12; 22, 13; 24, 51; 25, 30). “khóc lóc nghiến răng” ám chỉ tình trạng những người bị giam trong hỏa ngục. Họ sẽ chịu đau khổ, thể hiện qua sự khóc lóc, và lòng thù hận Thiên Chúa thể hiện qua sự nghiến răng. + Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của cha họ: Kiểu so sánh này nhiều lần được dùng trong Thánh kinh. Chẳng hạn: “Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ. Những ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (1 Cr 15, 42-44).

4. CÂU HỎI:

1) Ba dụ ngôn về Nước Trời trong Tin Mừng hôm nay là những dụ ngôn nào?
2) Tại sao trong Hội Thánh vẫn có hai hạng là người xấu và kẻ tốt sống lẫn lộn?
3) Vai trò của ma quỷ thế nào?
4) Tại sao Chúa không tiêu diệt kẻ xấu ngay mà khi nào họ mới bị phạt?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy thu gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi. Còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13, 30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA THÓI RƯỢU CHÈ:

Một hôm Sa-tan muốn cám dỗ một người kia bản tính lương thiện phạm tội. Nó đã hiện hình thành người và lệnh cho anh ta phải làm một trong ba điều, nếu không làm thì sẽ bị chết: Một là anh ta phải giết chết bố đẻ của mình, hai là đánh đập đứa em trai và ba là uống rượu. Bấy giờ anh ta liền suy nghĩ: giết bố và đánh đập em trai trái với đạo lý nên ta quyết không làm. Còn việc uống rượu xem ra vô hại, nên ta chọn uống rượu.
Lúc đầu khi mới uống vài ba chén, thì anh cảm thấy tâm trí lâng lâng sảng khoái và tỉnh táo biết phân biệt phải quấy lợi hại. Nhưng khi uống tới chén thứ sáu thì anh bị say túy lúy, tâm trí bất định và không làm chủ được bản thân. Cha anh đến khuyên bảo thì anh nổi nóng và nói hỗn với cha. Rồi khi anh bị cha cho một bạt tai thì anh tức giận cầm dao đâm chết cha. Đứa em trai chạy đến can ngăn liền bị anh đánh đập tàn nhẫn. Anh còn đập phá đồ đạc và miệng luôn la hét như người điên rồi nằm lăn ra giường ngủ. Thế là từ việc ban đầu chỉ uống vài ly rượu xem ra vô hại, nhưng sau đó đã dẫn đến say sỉn không làm chủ được bản thân nên đã liên tiếp phạm hai trọng tội là ra tay giết chết cha, và đánh đập tàn nhẫn đứa em trai theo đúng ý đồ cám dỗ của ma quỷ.

2) SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI CỦA TÌNH THƯƠNG NHÂN HẬU:

“Con đường đau khổ” là tựa đề một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng ở tù 19 năm.

Khi vừa được thả ra khỏi nhà tù, Văn Giang đã phải nếm mùi bị mọi người khinh dể xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đóng sập cửa ngay trước mặt; Đi qua ổ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi... Chỉ khi bước vào nhà Đức Giám Mục My-ri-ê, anh mới được ngài tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao rồi chuồn mất. Cảnh sát nhìn thấy bộ dạng khả nghi của anh, liền chặn lại xét hỏi và khi mở chiếc túi vải anh đang vác trên vai, họ thấy mấy cái chân đèn bằng bạc nghi là của tòa giám mục. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng khi đối chất, Đức Giám Mục không những không kết tội Văn Giang, mà ngài còn nhận là đã tặng cho anh ta mấy cái chân đèn bằng bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm cho anh hai chân đèn còn thiếu nữa cho đủ bộ, và nói nhỏ vào tai anh: "Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời". Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện, luôn quên mình để nghĩ đến người khác.
Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người trong thành phố và đã được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng. Sở dĩ Văn Giang từ một tên tội phạm trở thành một người lương thiện và được mọi người kính nể là do anh đã cảm nghiệm được tình thương bao dung của Đức Giám Mục My-ri-ê.

3) SỨC MẠNH CẢM HÓA CỦA TÌNH THƯƠNG BAO DUNG :

Một buổi sáng nọ, khi vừa thức dậy, một số tu sinh phát hiện đã bị mất cắp một vài vật dụng cá nhân. Họ bàn nhau rình rập và đã bắt được quả tang một chú tu sinh mới đến đang ăn cắp đồ của họ. Họ liền bắt giữ và giải lên cho thầy bề trên. Nhưng khi nghe xong, thầy bề trên không nói lời nào mà tha cho chú tu sinh kia trở về phòng.
Ít lâu sau đó, chú tu sinh lại bị phát giác đang ăn trộm lần thứ hai, và lại bị các tu sinh dẫn đến với thầy bề trên. Lần này cũng như lần trước, thầy bề trên vẫn không nói năng gì, chỉ ra hiệu cho chú phạm lỗi trở về phòng. Mọi người chứng kiến đều cảm thấy bực bội về cách xử lý quá rộng lượng của thầy bề trên.
Đến lần thứ ba, chú tu sinh có tật ăn cắp vặt kia lại tái phạm. Tất cả các tu sinh đều tập trung lại nhà hội. Họ yêu cầu thầy bề trên trừng phạt thích đáng kẻ phạm lỗi và đưa ra yêu cầu như sau:
- Thưa thầy, xin thầy chọn một trong hai: hoặc là anh tu sinh phạm lỗi này, hoặc là tất cả chúng con. Nếu thầy không đuổi anh tu sinh này thì tất cả chúng con xin rời bỏ tu viện này !
Sau một lát im lặng, thầy bề trên đã điềm đạm trả lời:
- Thầy thấy mọi người chúng con đều đã là người tốt. Nhưng riêng chú bé này thì chưa được tốt giống như chúng con. Thầy muốn chú ấy ở lại đây tu luyện thêm một thời gian. Còn tất cả các con đều đã là người tốt nên không cần phải ở lại đây lâu hơn. Bây giờ các con có thể về phòng dọn đồ đạc và ra khỏi tu viện rồi đó !
Mọi người đều chưng hửng, cúi đầu nhận lỗi. Họ lặng lẽ trở về phòng mình và không ai dám nói thêm điều gì nữa. Riêng chú tu sinh phạm lỗi kia vẫn quì lại, đôi giòng lệ sám hối lăn dài trên gò má. Từ đó trở đi cậu ta thành tâm sửa đổi thói hư và đã trở thành một tu sĩ tốt.

4) TẦM QUAN TRỌNG CỦA GƯƠNG SÁNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI:

Một bé trai 5 tuổi được mẹ dẫn đến thăm ông nội vào dịp cuối tuần. Ông nội thấy cháu chơi giỡn với mấy đứa bạn rất hăng say, nhưng hễ mở miệng ra là văng tục. Ông nội liền gọi cháu cưng lại và trách: “Cháu học kiểu ăn nói tục tĩu của ai vậy? Từ nay trở đi ông cấm cháu không được chơi với những đứa nào ăn nói tục tĩu như thế nghe chưa.”
Đứa cháu liền hỏi: “Nếu thế thì chẳng lẽ từ nay cháu phải nghỉ chơi với cả bố cháu hay sao? ” Thì ra nó học được kiểu ăn nói văng tục kia từ chính ông bố của nó.
Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài để gieo vào gia đình, cộng đoàn, và những người chung quanh những hạt giống là lời nói và hành động tốt lành yêu thương. Có thể những lời nói việc làm của chúng ta bé nhỏ như hạt cải, nhưng nó lại phát sinh hiệu quả rất lớn. Điều cần là chúng ta phải gieo những hạt giống tốt là lời nói yêu thương chân thật, trung tín và quảng đại thứ tha… Chắc chắn những hạt giống ấy sẽ mang lại hoa trái tốt đẹp cho con em chúng ta.

3. SUY NIỆM:

Trong cuộc sống, chúng ta thắc mắc hoặc được nghe những lời chất vấn của nhiều người chung quanh như: “Tại sao Thiên Chúa lại để cho kẻ dữ tồn tại và sống lẫn lộn với người lành? ”; hay : “Tại sao kẻ ác lại được may mắn, còn người tốt lại thường bị tai nạn bệnh tật và thất bại? ”. Vậy trước thực trạng đó, chúng ta cần phải làm gì? Chúng ta có nên tiêu diệt và xua trừ kẻ xấu lập tức ra khỏi Hội Thánh để làm trong sạch Hội Thánh không? ”.
Hôm nay, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời cho những vấn nạn nói trên qua ba dụ ngôn về Nước Trời là Cỏ lùng, Hạt cải và Men trong thúng bột.

1) SỰ DỮ VẪN TỒN TẠI VÀ KHÔNG NGỪNG GIA TĂNG :

Gần đây bên Hoa Kỳ, một học sinh 15 tuổi đã mang súng tiểu liên cưa nòng vào nhà trường, nhắm bắn bừa bãi vào các thầy cô và các bạn học làm chết và bị thương nhiều người. Ở sở thú ĐI-TROI (Detroit) người ta phải thuê thêm 4 nhân viên để bảo vệ các thú vật khỏi bị các khách tham quan quậy phá. Một con Kan-gu-ru Úc còn nhỏ lạc mất mẹ, đã bị đám con nít trêu chọc và ném đá đến chết. Tại hồ nuôi cá sấu, nhiều người lớn đã ném những mẩu điếu xì gà còn cháy dở vào những chú cá sấu đang nằm tắm nắng và thích thú reo lên khi thấy tro lửa làm phỏng da khiến loài bò sát này phải quằn quại đau đớn. Tại nhiều gia đình, có những em nhỏ khi thấy con chó hay con mèo đang nằm ngủ trên sàn, đã đá mạnh vào bụng, khiến chúng kêu rú lên và các em cười lên khóai trá... Những điều điên rồ đáng kinh tởm đó khiến chúng ta phải tự hỏi: Tại sao sự gian ác vẫn tồn tại trong xã hội và trên thế giới? Phải làm gì để biến đổi sự gian ác thành lương thiện? Qua ba dụ ngôn Nước Trời trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trả lời cho biết nguyên nhân sự dữ và biện pháp khắc phục như sau :

2) MA QUỶ LÀ TÁC NHÂN PHÁT SINH SỰ DỮ :

Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ nhưng đã lớn lên thành Hội Thánh to lớn khắp hoàn cầu gồm nhiều dân tộc trên thế giới, thấm nhập tính nhân văn công bình nhân ái, bình đẳng vào nền văn minh của nhân loại…
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó, vẫn còn những tiêu cực là tội lỗi nơi các cá nhân và tập thể Ki-tô giáo khiến nhiều người phê phán. Trong dụ ngôn Cỏ Lùng, các đầy tớ cũng thắc mắc với ông chủ như sau : “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? » Ông chủ đáp: “Kẻ thù đã làm điều đó !”.
Qua câu trả lời của ông chủ trong dụ ngôn, Đức Giê-su đã cho biết : Chính ma quỷ đã cấu kết với thế gian và có sự cộng tác của tính xác thịt nơi con người, đã khiến nhiều người trở nên hư hỏng. Ma quỷ và các người xấu đã gieo sự gian ác xấu xa vào lòng con người, khiến họ phạm tội, trở thành tay sai của chúng chống lại với Thiên Chúa. Vậy chúng ta cần làm gì để chống trả?

3) MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP KHẮC PHỤC SỰ DỮ CỦA MA QUỶ:

- Cần tránh sử dụng bạo lực tru diệt kẻ xấu ngay lập tức như đề nghị của các đầy tớ : ”Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ“(Mt 13, 27). Ông chủ ám chỉ Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót không muốn cho kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống nên đã trả lời : ”Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng ».
- Đối diện với kẻ ác, thái độ của các môn đệ Chúa Giê-su là phải:
+ Chấp nhận sống chung với kẻ xấu như lời ông chủ trong dụ ngôn : « Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta” (Mt 13, 29-30).
+ Gieo trong lòng mình và môi trường mình đang sống nhiều hạt giống tốt và chăm sóc các hạt giống ấy được mọc lên thành cây, và chờ cho đến mùa thu hoạch bằng sự cầu nguyện, tĩnh tâm, làm các việc lành phúc đức, giúp đỡ tha nhân…
+ Tiếp đến là phải hành động với sự khôn ngoan, thận trọng khi đối đầu với sự ác, đồng thời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, vì: “Thánh Thần sẽ nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta” (Rm 8, 26).
+ Cần chinh phục kẻ ác bằng các việc lành, như Tông đồ Phaolô dạy: “Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12, 21).

4) CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

+ Trước hết ta phải ghét bỏ ma quỷ và mọi điều gian ác, nhưng lại phải thương yêu các tội nhân và giúp những kẻ lỡ sa ngã phạm tội được quay về với Chúa.
+ Cần tỏ lòng khoan dung với tội nhân và kiên nhẫn chịu đựng họ noi gương Thiên Chúa, hy vọng nhờ đó, họ sẽ có ngày hồi tâm sám hối. Nhưng nếu kẻ ác lợi dụng sự khoan dung để ngày càng dấn sâu hơn trong việc làm hại bản thân và người khác, thì ta phải sử dụng biện pháp hữu hiệu để khắc phục sự ác, như Chúa Giê-su đã dùng dây thừng để xua đuổi người buôn bán ra khỏi khu vực Đền thờ.
+ Cộng đoàn và gia đình là “thửa ruộng” luôn có “cỏ lùng xen lẫn lúa tốt”, người tốt sống chung với kẻ xấu. Khi người cha không lo làm việc mà chỉ lo ăn nhậu say sưa, lại thường văng tục chửi thề… là ông ta đang trở thành tay sai của ma quỷ để gieo cỏ lùng làm hại con mình.
Khi người mẹ ham mê bài bạc, lười biếng làm việc nhà, không quan tâm đến việc giáo dục con cái… là bà đang trở thành tay sai của ma quỷ để gieo cỏ lùng làm hư con cái. Khi những người lớn trong gia đình làm ăn buôn bán gian dối, sản xuất ra các thực phẩm độc hại… nhằm thu lợi bất chính là họ đang làm tay sai cho ma quỷ để làm hại bản thân gia đình và xã hội.
+ Mỗi người hãy năng cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi được sớm hồi tâm, và xin Chúa ban ơn soi sáng giúp đỡ họ mau trở về. Vì: “Lời cầu nguyện có sức mạnh đem lại nhiều sự tốt lành hơn cả những điều người ta dám mơ ước”.
+ Mỗi ngày chúng ta hãy làm ít là một việc cụ thể để chống lại ma quỷ và sự ác như: giúp một người mù chữ biết đọc biết viết, gia nhập một Hội đoàn Tông đồ Giáo dân hay hội Chữ thập đỏ để đi làm công tác xã hội, phục vụ bệnh nhân phong, bệnh nhân bị nhiễm HIV-AIDS, hay những người khuyết tật, trẻ mồ côi, những cụ già cô đơn không nơi nương tựa... Mỗi ngày hãy làm một việc tốt giúp đỡ một người, như nhặt giúp một vật bị rơi, dắt một cụ già sang qua đường, chia sẻ cơm bánh cho một người tàn tật…

4. THẢO LUẬN:

Bạn thích lời nào trong các lời nguyện tắt được ghi trong Tin Mừng sau đây: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”; “Lạy Chúa, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”; “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì “? … Tại sao bạn thích lời cầu ấy?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin biến đổi con trở nên người tốt và nên con hiếu thảo của Chúa Cha noi gương Chúa khi xưa. Xin hãy biến đổi mắt con trở nên nhân từ khi con nhìn những lỗi lầm của anh em, giống như cái nhìn từ bi bao dung của Chúa đối với Tông đồ Phê-rô sau khi ông đã sa ngã phạm tội. Xin hãy biến đổi tai con sẵn sàng lắng nghe những lời kêu cứu của anh em như Chúa đã nghe thấu lời người mù kêu xin và đã cho anh được sáng mắt. Xin biến đổi lòng trí con để con xin vâng thánh ý Thiên Chúa như xưa Chúa đã cầu nguyện xin vâng ý Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu. Xin biến đổi tình cảm của con để mỗi ngày thêm tình mến Chúa yêu người. Khi được rước Chúa vào lòng trong Thánh lễ, xin hãy thánh hóa môi miệng con, biến đổi tâm tư tình cảm và toàn thể con người con, để con trở thành người mang Chúa là tình thương chia sẻ cho mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Phận Nữ Tỳ hèn mọn
Lm Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
22:18 14/07/2020

(Lc 1:48)

“Lạy Đức Trinh Nữ Maria… là vẻ đẹp cùng là vinh hiển Núi Cát Minh… Xin đoái xem đến con và che chở con dưới áo thánh Mẹ. Con yếu đuối, xin uy quyền Mẹ nâng đỡ.” Đối với tất cả những ai yêu mến Đức Mẹ Cát Minh, cách riêng các thành viên Huynh Đoàn Áo Đức Bà thì lời kinh quen thuộc này nhắc cho họ nhớ về thế giá đầy quyền uy của Mẹ Maria giữa lòng Giáo Hội và vai trò không thể thay thế của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (x. Gl 4, 4-6; Lumen Gentium, #8; ĐTC Gioan Phaolo II, Redemptoris Mater, #1). Nhưng trong Kinh Thánh, chúng ta lại nghe chính Đức Maria đã tự nhận mình chỉ là “nữ tỳ hèn mọn” (x. Lc 1: 38 & 48). Phải chăng khi cao rao Mẹ là Đấng “đầy quyền uy” chúng ta đang đi nghịch lại ý muốn của Mẹ chăng? Xét trên phương diện linh đạo và từ kinh nghiệm tu đức của các thánh Dòng Cát Minh, chúng ta tìm ra lời giải đáp cho lý do tại sao Hội Thánh hết lời ca tụng Mẹ là Nữ Vương uy quyền trên nước Thiên Đàng. Uy quyền của Mẹ là hoa trái của một đời sống chiêm niệm nội tâm, kết hiệp mật thiết cùng Thiên Chúa Đấng đã đoái thương chọn Mẹ.

Nhân ngày lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm chân dung người “nữ tỳ hèn mọn” của Thiên Chúa để qua đó, chúng ta tái khám phá lại sức mạnh nội tâm đến từ mẫu gương chiêm niệm cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta.

Sức mạnh của lòng tin

Ngay từ những trang đầu của sách Tin Mừng, chúng ta đã thấy người thiếu nữ làng Nadarét xuất hiện với một lòng tin mạnh mẽ phi thường. Chẳng hạn như nơi biến cố truyền tin, Thánh sử Luca dùng hai tiếng “xin vâng” để diễn tả đức tin vững mạnh của Đức Maria. Lời thưa vâng phục vừa ngắn gọn vừa dứt khoát ấy cho thấy tự bấy lâu nay, tâm hồn Mẹ lúc nào cũng thuộc trọn về Chúa. Đó là thái độ sẵn sàng của một con tim đầy lòng tin tưởng phó thác. Chúng ta tiếp tục nhận ra niềm tin ấy nơi cuộc thăm viếng của Mẹ Maria dành cho người chị họ Elizabet. Nếu như không tin những lời sứ thần Gabriel nói là sự thật thì Mẹ đã chẳng việc chi phải gấp rút lên đường đến với gia đình Dacaria. Chính bà Eliabet đã nói thay cho muôn ngàn thế hệ khi khen ngợi Đức Maria rằng: “Em quả thật có phúc vì em đã tin” (x. Lc 2, 45).

Niềm tin của Đức Maria dành cho Thiên Chúa cứ thế mỗi ngày mỗi thêm mãnh liệt và lớn mạnh. Lòng tin ấy được bộc lộ nơi từng biến cố vui buồn khác nhau xuyên suốt hành trình Mẹ dõi theo dấu chân rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu con Mẹ: Từ máng cỏ Bêlem đến Aicập tha hương lữ khách; từ những lời tiên tri của cụ già Simêon đến biến cố thất lạc Hài Nhi Giêsu nơi đền thờ Giêrusalem; từ tiệc cưới linh đình tại Cana đến chân thập giá hãi hùng trên đỉnh núi sọ… Đằng sau mọi nghịch cảnh và thử thách là một đức tin không hề lung lạc. Nếu như đức tin là công cụ mà nhờ đó chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Người bày tỏ cho chúng ta (x. GLHTCG, #1814) và tin được hiểu như là hành vi dâng hiến trọn vẹn toàn thể thân xác linh hồn, lý trí tình cảm cho Thiên Chúa thì quả thật Đức Maria là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về lòng tin (x. Dei Verbum, #5). Mẹ đã trao hiến cho Thiên Chúa tất cả mọi sự, không hề giữ lại bất cứ điều gì cho riêng Mẹ.

Từ khi Dòng Cát Minh xuất hiện cho đến nay, các tu sĩ Cát Minh không ngớt lời tôn vinh Đức Maria như mẫu gương của nếp sống thanh khiết. Nhiều kinh nguyện cổ kính của Dòng còn ghi lại tước hiệu Virgo Purissima – “Nữ Trinh cực tinh cực sạch” để ca tụng Đức Mẹ. Sách các Ẩn Sĩ Tiên Khởi (Liber de Institutione Primorum Monacharum) có niên đại từ những thế kỷ đầu của Dòng đã diễn tả Đức Maria như mẫu gương cho toàn thể con cái Dòng Cát Minh về đức thanh tịnh (x. Thư Bề Trên Tổng Quyền Dòng Cát Minh và Dòng Cát Minh Têrêxa nhân dịp 750 Năm Áo Đức Bà, 2001, #16). Thanh tịnh ở đây không chỉ đơn thuần là khiết tịnh về mặt luân lý nhưng còn là một con tim tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho bất cứ ai hay bất cứ thứ gì khác trên đời này. Tâm hồn thanh khiết của Mẹ được diễn đạt bằng một con tim hoàn toàn trống rỗng để chỉ một mình Thiên Chúa lấp đầy mà thôi (Vacare Deo). Nói đơn giản, trong trái tim của Mẹ Maria luôn có Chúa hiện diện, nên chẳng khó khăn thử thách nào khuất phục được Mẹ. Sức mạnh của Mẹ là sức mạnh của ai đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Mẹ đã “ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).

Sức mạnh chiêm niệm nội tâm

Trong thư gửi các thành viên Tổng tu nghị Dòng Cát Minh 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi truyền thống và linh đạo tốt lành của Dòng Cát Minh, đặc biệt là nếp sống chiêm niệm cô tịch. Nhắc đến các vị thánh lớn của Dòng kể cả Thánh Tổ phụ tinh thần là Ngôn sứ Ê-li-a, Đức Thánh Cha xác quyết rằng người nào đã từng kinh qua quá trình thao luyện trong ‘sa mạc nội tâm’, họ sẽ có một nội lực rất đặc biệt. Nội lực ấy sẽ tự động toát ra như hương thơm nhân đức không thể che giấu được. Nội lực ấy đến từ Thiên Chúa vì những vị này đã bước ra khỏi ‘sa mạc’ với một tâm hồn ngập tràn thần khí. Họ trở nên những con người đầy quyền uy trong trong lời nói và việc làm vì trước đó họ đã dành thời gian để lắng nghe tiếng Chúa nói với họ trong cô tịch và thinh lặng (x. 1Vua, 19:12). Đối với anh chị em Cát Minh, Đức Maria là Mẹ và là Chị là vì đối với họ, Mẹ đích thực là “tấm gương sáng” cho lý tưởng chiêm niệm và là mẫu mực về đức vâng phục (x. Thư dịp 750 Năm Áo Đức Bà, #17). Chẳng vậy mà Kinh Thánh có ghi lại rằng: Đức Maria hằng “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Không chỉ lắng nghe theo cách thông thường, Mẹ “còn hằng luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2, 19; Lc 3, 51).

Là một trong những gương mặt thánh thiện của Dòng Cát Minh đương đại, Chân Phước Titus Brandsma đã khẳng định rằng khi nhìn vào mẫu gương Mẹ Maria, các tu sĩ Cát Minh nhận ra chúng ca cần phải liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa đến nhường nào (Trích Quaranta Giorni, #14). Chỉ qua việc kết hợp với Thiên Chúa trong cầu nguyện, chúng ta mới có thể hoàn thành sứ mạng Chúa giao phó. Sứ mạng đó là gì nếu không phải là trọng trách đáp ứng nỗi ‘khát khao Thiên Chúa’ của nhân loại hôm nay. Khao khát này là có thực và mỗi ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Khát khao này chỉ được thỏa nãm bằng đời sống kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện.

Tu sĩ Cát Minh được mệnh danh là “thầy dạy cầu nguyện.” Điều này không có nghĩa là chúng ta phải mở miệng giảng dạy người khác cách thức cầu nguyện, nhưng đúng hơn là chính chúng ta phải là những con người của cầu nguyện. Nói cách khác, chúng ta sẽ gợi hứng cho anh chị em xung quanh thực hành việc cầu nguyện khi họ nhận ra nơi chúng ta đức tin mạnh mẽ, khi họ thấy nơi chúng ta hình ảnh những bạn hữu của Thiên Chúa, và khi họ cảm nghiệm được thế nào là tiến bước trong sự dẫn dắt của Thần Khí (x. Thư ĐTC Phanxicô gửi Tổng Hội 2019). Con người mạnh mẽ trong đức tin, sống trong tương quan bạn hữu với Thiên Chúa và hằng vâng nghe theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, tất cả những điều này đều là những đặc điểm dùng để chỉ những tâm hồn chiêm nhiệm Cát Minh.

Sức mạnh của lòng cảm thông và tình mến

Những lời Mẹ Maria nói ra có sức mạnh lạ lùng vì chúng là mệnh lệnh của con tim đầy bác ái. Quả thực Kinh Thánh chẳng ghi lại một lời nào cho thấy Mẹ cầu xin Chúa Giêsu điều gì cho bản thân Mẹ. Nếu Mẹ có xin thì chỉ là xin cho người khác mà thôi. Tại tiệc cưới Cana, khi nhận thấy gia chủ thiếu rượu, Thân Mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rổi.” (x. Lc 2, 1-11). Qua mẫu gương thương người của Mẹ Maria chúng ta nhận ra thêm một đặc điểm khác của đời sống chiêm niệm nội tâm, đó là lòng trắc ẩn và từ tâm.

Chiêm niệm không chỉ là chiêm ngắm và yêu mến Chúa trong những lúc xuất thần kỳ bí. Chiêm niệm thực sự phải như là khung cửa sổ mở ra trước mắt chúng ta cả một bầu trời của chân - thiện – mỹ. Cho dù hoàn cảnh thực tế của chúng ta có tăm tối mù mịt đến mức nào đi nữa nhưng với khung cửa chiêm niệm, chúng ta khám pha ra ý nghĩa của đời mình, của việc mình đang làm và của điều mình cần dấn thân. Chân Phước Angelo Paoli của Dòng Cát Minh đã làm chứng cho điều này khi hết mình tận tụy phục vụ người nghèo tại nước Ý. Ngài đã nhận ra Chúa Kitô hiện diện trong anh chị em bần cùng đói khổ. Từ đó ngài hy sinh cả cuộc đời chỉ để hun đúc lên niềm hy vọng và tình yêu nơi tâm hồn của những con người bị xã hội hoàn toàn lãng quên. Ngài nói: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì nhất định phải tìm kiếm Người nơi anh chị nghèo khổ vì họ là anh chị em của Đức Kitô.” Giữa bối cảnh xã hội tối đen, Chân Phước Angelo Paoli tỏa sáng bằng con tim đầy ắp tình yêu của thiên Chúa. Ẩn sâu sau những gương mặt nhem nhuốc, những thân hình gầy guộc, những thân phận bi đát là hình ảnh Người Tôi Trung của Thiên Chúa, là hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh, là Ánh Sáng Muôn Dân. Người tu sĩ Cát Minh chỉ nhận ra ánh sáng ấy nếu như họ mang lấy cặp mắt của Thiên Chúa, cặp mắt chiêm niệm. Hơn nữa chỉ trong tư thế chiêm niệm như Mẹ Maria nơi chân thập giá, chúng ta mới nhận ra chân giá trị của những lời Đức Giêsu trối lại khi xưa: “Này là con của Mẹ… Này là Mẹ con” (x. Ga 19, 26-27).

Kết: “Con yếu đuối, xin uy quyền Mẹ nâng đỡ”

Đại gia đình Cát Minh khắp nơi long trọng mừng kính Đức Maria với tước hiệu Đức Mẹ Núi Cát Minh không chỉ là để tôn vinh vị thế đặc biệt của thánh Bổn Mạng. Chúng ta, con cái của Mẹ Cát Minh nhận thấy rằng mỗi dịp lễ mừng kính Mẹ là dịp để chúng ta học hỏi các nhân Đức Mẹ đã nêu gương. Nói cách khác, đây là dịp để chúng ta tự xét mình xem chúng ta đã sống lời chúng ta khấn hứa cùng Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta cam kết noi gương Đức Trinh Nữ Maria, Tổ Phụ Êlia và các Thánh Dòng Cát Minh để vươn tới đức ái trọn hảo như Chúa Giêsu Kitô đã mời gọi chúng ta dấn bước.

Ôn lại đời sống chứng tá của các thánh Dòng Cát Minh, cách riêng là mẫu gương khiêm hạ và vâng phục của Mẹ Maria là để chúng ta có thể nhận ra món quà vô giá mà Thiên Chúa đã trao cho Dòng Cát Minh suốt tám thế kỷ qua, đó là đời sống chiêm niệm nội tâm. “Chiêm niệm nội tâm” không chỉ là ân ban của Thiên Chúa mà còn là di sản tinh thần các thế hệ đi trước truyền lại cho hậu duệ Cát Minh chúng ta ngày nay. Nhờ đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong cô tịch và cầu nguyện, chúng ta trở nên các Maria khác trong đời thường, là những áng mây báo hiệu mưa trời tươi mát đổ xuống trên nhân loại đang dày vò vì nỗi khát khao Thiên Chúa và khát khao Tin Mừng Cứu Độ (x. 1 Vua 18, 41-46).

KINH KÍNH Đức Mẹ NÚI CÁT MINH

Lạy Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc không mắc tội truyền. Mẹ là vẻ đẹp cùng là vinh hiển Núi Cát Minh. Mẹ lấy lòng từ bi nhân hậu đoái nhìn các kẻ mang áo thánh Mẹ. Xin đoái xem đến con và che chở con dưới áo thánh Mẹ. Con yếu đuối, xin uy quyền Mẹ nâng đỡ. Xin đức khôn ngoan Mẹ soi sáng tâm trí u ám con. Xin in vào lòng con đức tin cậy và đức mến. Xin hãy dùng thánh sủng và đức hạnh mà trang điểm linh hồn con, để con được chính Con Chí Ái của Mẹ và được Mẹ yêu thương. Xin hãy phù hộ con khi sống và trong giờ lâm chung. Xin Mẹ âu yếm đến viếng thăm và yên ủi con, và dâng trình con cho Chúa Ba Ngôi như là con và là đầy tớ trung thành của Mẹ hầu con được ngợi khen chúc tụng Mẹ trên nước thiên đàng đời đời chẳng cùng. Amen.

Rôma, 15/07/2020
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình nhân dịp kỷ niệm hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị bỏ bom Nguyên tử
Thanh Quảng sdb
05:50 14/07/2020
Các Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện hòa bình nhân dịp kỷ niệm hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị bỏ bom Nguyên tử

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến viếng thăm Nagasaki vào tháng 11 năm 2019


Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế USCCB kêu gọi cầu nguyện cho Nhật Bản và cho một thế giới công bằng và đoàn kết, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử vào năm 1945.

(Tin Vatican)

Ngày 6 và 9 tháng 8 là ngày kỷ niệm 75 năm hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử. Các Giám mục Hoa kỳ phát biểu trong một công bố của Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế USCCB được phát hành vào thứ Hai (13/7/2020) vừa qua rằng: Hy vọng đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, vũ khí nguyên tử được xử dụng vào chiến tranh!

Thế kỷ 21, chúng ta tiếp tục chứng kiến những xung đột chính trị giữa các quốc gia và vũ khí ngày càng tinh vi mà sự kiểm soát vũ khí Quốc tế thì ngày càng yếu kém… Các giám mục của Hoa Kỳ kiên định trong việc kêu gọi tha thiết để đạt được một tiến bộ trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân!

Kêu gọi cầu nguyện

Trong bản công bố, các Giám mục nhắc lại từ chuyến viếng thăm Nhật bản của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981, thì hàng năm, Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đã dành ra mười ngày để cầu nguyện cho hòa bình. Cùng quan điểm đó, trong dịp kỷ niệm 75 năm này, Giáo hội Nhật bản đã mời mọi người Công Giáo ở Hoa Kỳ và tất cả những người thiện chí, hãy đoàn kết cùng nhau cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ vào ngày Chúa nhật 9 tháng 8 để cầu nguyện cho hòa bình...

Giáo hội Hoa Kỳ đã đồng lòng cùng tuyên bố hiệp nhất với sáng kiến và lời cầu nguyện khẩn thiết cho hòa bình thế giới của Giáo hội Nhật bản. Đây là món quà của Chúa ban cho chúng ta qua chính sự hy sinh cứu độ của Chúa.

Một thế giới hòa bình

Khi nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến viếng thăm Nagasaki vào tháng 11 năm 2019, các Giám mục khẳng định rằng một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân, là khát vọng của hàng triệu người nam nữ ở khắp mọi nơi.

Trong chuyến viếng thăm Nagasaki, Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi chúng ta hãy chống lại các loại vũ khí hạt nhân, là loại vũ khí thương hàng loạt! Hãy nỗ lực hết sức và không ngừng xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau, hầu có thể vượt qua được tình trạng mất lòng tin tưởng vào nhau như hiện nay!

Đồng thời, các Giám mục tái khẳng định lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng trước những nỗ lực đổi mới nhằm mang lại một thế giới công bình không còn sợ hãi trước mối đe dọa bị hủy diệt bởi bom nguyên tử, trái lại được đảm bảo một cuộc sống công bằng và đầy tình đoàn kết thống trị.

Để kết luận bản công bố này, các Giám mục Hoa kỳ cho hay: Nỗi sợ hãi, mất niềm tin trước những xung đột phải được thay thế bằng những cam kết của tất cả bằng đức tin và lời cầu nguyện, xin cho hòa bình và công lý được trị vì bây giờ và mãi mãi.

Vụ dội bom ở Hiroshima và Nagasaki

Việc xử dụng vũ khí hạt nhân duy nhất đã xảy ra trong Thế chiến thứ hai, khi Hoa Kỳ ném bom xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945.

Vụ thả bom xuống Hiroshima đã giết chết khoảng 80, 000 người ngay lập tức và gây ra tử thương cho hàng trăm ngàn người khác! Còn cuộc dội bom xuống Nagasaki ba ngày sau đó, đã giết chết khoảng 40.000 người ngay lập tức và phá hủy phần lớn thành phố.
 
Hoa kỳ: Hành động ngay để giúp cứu các trường Công Giáo!
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
15:27 14/07/2020
Hôm nay ngày 14.7, cơ quan Catholic News đăng tải lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ như sau:

“Convid-19 đã góp phần đóng cửa vĩnh viễn 130 trường Công Giáo trên 23 tiểu bang. Ngoài ra, các cuộc khảo sát nội bộ cho thấy mười phần trăm các trường Công Giáo hiện không chắc chắn nếu họ có thể mở cửa vào mùa thu này. Điều đó có nghĩa là có tới 500 trường Công Giáo trở lên có thể gặp nguy hiểm.

Vui lòng tham gia với Hội đồng Giám mục Hoa kỳ - USCCB để yêu cầu Quốc hội bao gồm cứu trợ bổ sung cho các trường Công Giáo trong gói cứu trợ khẩn cấp tiếp theo.

Các trường công đang yêu cầu 300 tỷ đô la, và điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các gia đình của trường Công Giáo bị ảnh hưởng vì dịch cũng nhận được cứu trợ khẩn cấp. Xin vui lòng dành chút thời gian để liên hệ với các Thành viên Quốc hội của bạn để yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp cho các trường Công Giáo và các gia đình khó khăn trong gói cứu trợ Covid-19 tiếp theo. Chúng tôi đang yêu cầu Quốc hội tài trợ trực tiếp cho các gia đình về các chi phí giáo dục, bao gồm cả học phí trường Công Giáo.

Chúng tôi khuyến khích bạn thêm câu chuyện cá nhân của riêng bạn về trải nghiệm trường Công Giáo của bạn trong thông điệp.

Các trường Công Giáo rất cần sự giúp đỡ trong thời điểm không chắc chắn này. Hãy liên hệ với các thành viên của Quốc hội ngay hôm nay!”

Xin mời bạn vào trang mạng dưới đây của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ để gửi sứ điệp đến Dân biểu và Thượng nghị sĩ của bang theo mẫu soạn sẵn bằng Anh ngữ.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: https://www.votervoice.net/USCCB/Campaigns/75795/Respond

https://www.catholicculture.org/news/
 
Đức Hồng Y George Pell: Thời Gian Tôi Ở Trong Tù
Vũ Văn An
19:02 14/07/2020
Tạp chí First Things vừa cho đăng tải hồi ký của Đức Hồng Y George Pell về thời gian ngài ở trong tù (https://www.firstthings.com/article/2020/08/my-time-in-prison) với nội dung như sau:



Có rất nhiều điều tốt đẹp trong các nhà tù. Đôi khi, tôi chắc thế, nhà tù có thể là địa ngục trần gian. Tôi may mắn được giữ an toàn và đối xử tốt. Tôi có ấn tượng trước tính chuyên nghiệp của các cai tù, đức tin của các tù nhân và sự hiện hữu của một cảm thức đạo đức ngay ở những nơi tối tăm nhất.

Tôi bị biệt giam trong mười ba tháng, mười tháng tại Nhà tù Lượng giá Melbourne và ba tháng tại Nhà tù Barwon. Ở Melbourne, đồng phục nhà tù là một bộ đồ thể thao màu xanh lá cây, nhưng ở Barwon, tôi được phát đồ màu đỏ tươi của một Hồng Y. Tôi đã bị kết án hồi tháng 12 năm 2018 về các tội xâm phạm tình dục đã lâu đối với trẻ em, dù tôi vô tội và bất chấp sự bất nhất trong lý lẽ của Công tố viên chống đối tôi. Cuối cùng (vào tháng Tư năm nay) Tòa án Tối cao Úc đã hủy bỏ các bản án của tôi trong một phán quyết nhất trí. Giữa lúc tôi bắt đầu thi hành bản án sáu năm.

Ở Melbourne, tôi sống ở Phòng 11, Đơn vị 8, trên lầu năm. Phòng giam của tôi dài bảy hoặc tám mét và rộng khoảng hai mét, vừa đủ cho chiếc giường của tôi, một chiếc giường có chân đế vững chắc, một chiếc nệm không quá dày và hai chiếc chăn. Ở bên trái khi bạn bước vào là các kệ thấp với ấm đun nước, tivi và chỗ ăn uống. Bên kia lối đi hẹp là chậu rửa mặt có nước nóng và nước lạnh và vòi sen tắm với nước nóng tốt. Không giống như ở nhiều khách sạn sang trọng, một chiếc đèn đọc sách hữu hiệu đặt ở bức tường phía trên giường. Vì cả hai đầu gối của tôi đã được giải phẫu thay thế một vài tháng trước khi vào tù, nên thoạt đầu, tôi phải sử dụng một chiếc gậy đi bộ và được dành một chiếc ghế bệnh viện cao hơn, đó là một ơn phước. Các quy định về sức khỏe đòi mỗi tù nhân phải có một giờ mỗi ngày ở bên ngoài, và vì vậy tôi được dành cho hai tiếng rưỡi lúc ở Melbourne. Không ở đâu trong Đơn vị 8 có kính trong suốt, vì vậy tôi có thể phân biệt ngày và đêm, nhưng không nhiều lắm, từ phòng giam của tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mười một tù nhân khác.

Tôi chắc chắn đã nghe họ nói. Đơn vị 8 có mười hai phòng giam nhỏ dọc theo một bức tường bên ngoài, với những tù nhân “ồn ào” ở cuối dẫy. Tôi nằm cuối dẫy “Toorak”, đặt tên theo vùng ngoại ô giàu có ở Melbourne, giống hệt như dẫy ồn ào nhưng nói chung không có tiếng đập và tiếng la hét, không có những người buồn bực và giận dữ, những người thường bị phá hủy bởi ma túy, đặc biệt là meth trong như pha lê. Tôi thường tự hỏi không biết họ có thể đập tay trong bao lâu, nhưng một người cai tù giải thích rằng họ đá bằng chân như ngựa. Một số đổ nước tràn cả các phòng hoặc làm chúng ra dơ bẩn. Thỉnh thoảng, đội chó được gọi tới, hoặc ai đó bị xịt hơi. Trong đêm đầu tiên, tôi nghĩ tôi đã nghe thấy một phụ nữ khóc; một tù nhân khác đang kêu xin gặp mẹ mình.

Tôi đã bị cô lập để bảo vệ chính tôi, vì những người bị kết án lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt là giáo sĩ, dễ bị tấn công và lạm dụng thể lý ở trong tù. Tôi bị đe dọa cách này chỉ một lần, khi tôi đang ở một trong hai khu vực tập thể dục liền kề cách nhau bởi một bức tường cao, với một chỗ trống cao bằng đầu. Khi đang đi vòng quanh vành đai, ai đó nhổ nước bọt vào tôi qua lưới ruồi ở chỗ trống và bắt đầu lên án tôi. Quả là một sự ngạc nhiên hoàn toàn, vì vậy tôi giận dữ trở lại chỗ trống để đối đầu với kẻ tấn công và quở trách anh ta. Anh ta chạy trốn khỏi tầm mắt tôi nhưng vẫn tiếp tục lên án tôi, ví tôi như “con nhện đen” và các chữ khác khá khiếm nhã. Sau cuộc phản công ban đầu ấy, tôi giữ im lặng, mặc dù sau đó, tôi có khiếu nại rằng tôi sẽ không ra ngoài tập thể dục nếu người đó ở bên cạnh. Một ngày sau hay gần như thế, người giám thị đơn vị nói với tôi rằng người phạm tội trẻ tuổi đã bị đổi đi chỗ khác, vì anh ta đã làm một điều “còn tệ hơn nữa” với một tù nhân khác.

Trong một vài dịp khác lúc bị cấm cửa (lockdown) lâu dài từ 4 giờ 30 chiều đến 7 giờ 15 sáng, tôi đã bị các tù nhân khác trong Đơn vị 8 lăng mạ và xỉ vả. Một tối kia, tôi tình cờ nghe thấy một cuộc cãi vã gay gắt về tội trạng của tôi. Một người bênh vực tuyên bố anh ta sẵn sàng bênh vực người đã được hai thủ tướng ủng hộ công khai. Ý kiến về sự vô tội hoặc tội lỗi của tôi đã bị chia rẽ giữa các tù nhân, như trong hầu hết các khu vực khác của xã hội Úc, mặc dù các phương tiện truyền thông với một số ngoại lệ rất ít là thù địch cay đắng. Một phóng viên từng ngồi tù nhiều thập niên viết rằng tôi là linh mục bị kết án đầu tiên mà ông ta nghe nói được sự hỗ trợ nơi các tù nhân. Và tôi chỉ nhận được lòng tốt và tình bạn từ ba bạn tù của tôi ở Đơn vị 3 tại Barwon. Hầu hết những người cai tù ở cả hai nhà tù đều công nhận tôi vô tội.

Sự ác cảm giữa các tù nhân đối với thủ phạm lạm dụng tình dục vị thành niên là phổ biến trong thế giới nói tiếng Anh, một điển hình đáng lưu ý của luật tự nhiên xuất hiện trong đêm tối. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ trong việc coi khinh những người mà chúng ta định nghĩa là tồi tệ hơn chính mình. Ngay những kẻ giết người cũng có chung sự khinh bỉ đối với những kẻ xâm phạm trẻ em. Bất kể nghịch lý bao nhiêu, sự khinh bỉ này không hề là xấu, vì nó nói lên niềm tin vào sự hiện hữu của điều đúng và điều sai, điều thiện và điều ác, thường xuất hiện trong các nhà tù theo những cách đáng ngạc nhiên.

Ở Đơn vị 8, nhiều buổi sáng tôi có thể nghe thấy tiếng đọc kinh cầu nguyện của người Hồi giáo. Vào những buổi sáng khác, người Hồi giáo có chút bê trễ và không đọc kinh, mặc dù có thể họ đang cầu nguyện một cách thầm lặng. Ngôn ngữ trong nhà tù thường lỗ mãng và lặp đi lặp lại, nhưng ít khi tôi nghe thấy tiếng chửi thề hoặc phạm thượng. Người tù mà tôi tham khảo nghĩ rằng sự kiện này là dấu hiệu của niềm tin, chứ không phải dấu chỉ sự vắng mặt của Thiên Chúa. Tôi nghi ngờ các tù nhân Hồi giáo, về phần họ, không dung thứ tội phạm thượng.

Các tù nhân từ nhiều nhà tù đã viết thư cho tôi, một số viết thường xuyên. Một trong số đó là người đã lập bàn thờ để tôi cử hành Thánh lễ Giáng sinh cuối cùng tại nhà tù Pentridge năm 1996, trước khi nó đóng cửa. Một người khác tuyên bố đơn giản rằng anh ta đã sai lạc và hiện sống trong bóng đêm. Liệu tôi có thể đề nghị một cuốn sách hay không? Tôi đề nghị anh ấy đọc Tin Mừng Thánh Luca và bắt đầu với thư thứ nhất của Thánh Gioan. Một người khác là một người có đức tin sâu sắc và là người sùng mộ Cha Pio thành Pietrelcina. Anh ấy uớc mơ tôi được thả tự do. Mơ ước ấy được chứng minh là hơi sớm. Một người khác nói với tôi rằng có sự đồng thuận giữa các tội phạm chuyên nghiệp là tôi vô tội và đã bị “thêu dệt”; anh nói thêm rằng điều kỳ lạ là bọn tội phạm có thể nhận ra sự thật, chứ không phải các thẩm phán.

Giống như hầu hết các linh mục, công việc của tôi đã đưa tôi tiếp xúc với rất nhiều người, vì vậy tôi không quá ngạc nhiên đối với các tù nhân. Những người cai tù mới là một bất ngờ và là một bất ngờ dễ chịu. Một số rất thân thiện, chỉ một hoặc hai người có khuynh hướng thù địch, nhưng tất cả đều chuyên nghiệp. Nếu họ kiên quyết im lặng, như các lính canh đã im lặng nhiều tháng khi Đức Hồng Y Thuận bị biệt giam ở Việt Nam, có lẽ cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhiều. Nữ tu Mary O'Shannassy, vị tuyên úy Công Giáo lâu năm ở Melbourne với hai mươi lăm năm kinh nghiệm, người thực hiện một công việc rất tốt - có người đàn ông bị kết tội giết người nói với tôi rằng ông ta hơi sợ vị nữ tu này! – bà nhìn nhận rằng Đơn vị 8 rất tốt về nhân viên và điều hành rất tốt. Sau khi thua kháng cáo ở Tòa án tối cao Victoria, có lúc tôi đã xem xét việc không kháng cáo lên Tòa án tối cao Úc, với lý do là nếu các thẩm phán chỉ đơn giản thắt chặt hàng ngũ với nhau, thì tôi đâu cần phải hợp tác vào cuộc diễn hành đắt tiền này. Ông xếp nhà tù ở Melbourne, một người cao lớn hơn tôi và là một người nói thẳng, đã thúc giục tôi kiên trì. Tôi đã được khuyến khích và mãi biết ơn ông ấy.

Vào sáng ngày 7 tháng 4, truyền hình quốc gia đã chuyển tiếp thông báo về bản án của tôi từ Tòa án Tối cao. Tôi đã xem trong phòng giam của tôi trên Đài Số 7 khi một phóng viên trẻ đầy ngạc nhiên thông báo cho nước Úc biết việc tha bổng tôi và còn bối rối hơn nữa bởi sự nhất trí của bảy thẩm phán. Ba tù nhân khác trong đơn vị của tôi đã chúc mừng tôi, và không lâu sau đó, tôi đã được thả vào một thế giới bị khóa cửa vì coronavirus. Hành trình của tôi thật kỳ quái. Hai máy bay trực thăng báo chí theo tôi từ Barwon đến Tu viện Cát Minh ở Melbourne, và ngày hôm sau, hai chiếc xe báo chí tháp tùng tôi suốt 880 km đến Sydney.

Đối với nhiều người, thời gian trong tù là cơ hội để suy ngẫm và đối diện với những sự thật căn bản. Cuộc sống trong tù đã loại bỏ mọi lời bào chữa rằng mình quá bận đến không thể cầu nguyện, và lịch trình cầu nguyện thường xuyên đã nâng đỡ tôi. Ngay từ đêm đầu tiên, tôi đã luôn có sách nguyện (ngay cả khi đã hết mùa) và tôi đã được rước lễ mỗi tuần. Năm lần tôi được tham dự thánh lễ, dù tôi không được cử hành nó, một sự kiện tôi đặc biệt khiếu nại nhân lễ Giáng sinh và Phục sinh.

Đức tin Công Giáo của tôi đã nâng đỡ tôi, đặc biệt sự hiểu biết này: sự đau khổ của tôi không cần phải vô nghĩa nhưng có thể được kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi, vì biết rằng Chúa luôn ở bên tôi, ngay cả khi tôi không hiểu Người muốn làm gì trong hầu hết mười ba tháng ròng. Trong nhiều năm, tôi vốn nói sự đau khổ và bối rối mà Con Thiên Chúa cũng đã có qua các thử thách trên trái đất này, và bây giờ chính tôi đã được an ủi bởi sự kiện này. Vì vậy, tôi đã cầu nguyện cho bạn bè và kẻ thù, cho những người ủng hộ và gia đình tôi, cho các nạn nhân của lạm dụng tình dục, và cho các bạn tù của tôi và những người cai tù.
 
Top Stories
Les mères vietnamiennes invitées à prendre exemple sur sainte Agnès Le Thi Thanh, martyre au Tonkin
Églises d'Asie
07:33 14/07/2020
Samedi 11 juillet dans la cathédrale de Hué, Mgr Joseph Nguyen Chi Linh, archevêque de Hué et président de la Conférence épiscopale vietnamienne, a célébré la fête de sainte Agnès Le Thi Thanh, martyre, en présence de 2 250 mères catholiques de la région. La sainte a été canonisée en 1988 par saint Jean-Paul II aux côtés de 116 autres Martyrs du Vietnam. Elle est fêtée le 12 juillet, jour anniversaire de sa mort, ou le 24 novembre, jour de célébration des 117 Martyrs du Vietnam. Le 11 juillet à Hué, les mères vietnamiennes ont été invitées à prendre exemple sur leur sainte patronne, seule femme laïque parmi les 117 martyrs. Cette célébration faisait partie d’une série d’événements marquant le 170e anniversaire de la fondation de l’archidiocèse.

Samedi 11 juillet dans la cathédrale Phu Cam de Hué, dans le centre du Vietnam, environ 2 250 mères catholiques de la région ont célébré la fête de sainte Agnès Le Thi Thanh, canonisée en 1988 par le pape Jean-Paul II avec 116 autres Martyrs du Vietnam. Les femmes présentes durant la célébration, membres de la Good Mothers Association de l’archidiocèse de Hué, ont été invitées à veiller sur leurs familles et à élever leurs enfants suivant l’exemple de leur sainte patronne – sainte Agnès Le Thi Thanh est la seule femme laïque sur les 117 Martyrs. Mgr Joseph Nguyen Chi Linh, archevêque de Hué et président de la Conférence épiscopale vietnamienne, présidait la célébration aux côtés de nombreux prêtres, dans le cadre d’une série d’événements marquant le 170e anniversaire de la fondation de l’archidiocèse. À cette occasion, Mgr Linh a encouragé les mères présentes à donner leur vie pour leurs maris et leurs enfants, à les éduquer dans la foi et à s’engager dans des activités caritatives auprès des personnes dans le besoin. « Vous êtes appelées à porter vos propres croix et celles de vos familles, en vivant comme de bonnes mères », a-t-il ajouté. Le 11 juillet durant la célébration, Mgr Linh a également raconté avoir rencontré, la veille, avec d’autres prêtres en se rendant dans une paroisse de la province de Quang Tri, une femme se reposant sous un arbre par 44°C. Cette femme travaille sur un chantier local pour subvenir aux besoins de ses quatre enfants. « Nous nous sommes arrêtés pour parler avec elle et pour l’encourager dans son travail. Personne n’aime ses enfants autant qu’elle », a-t-il souligné.

« Apportez la paix et la foi »

L’archevêque de Hué a poursuivi en rappelant que de nombreuses femmes de la région subissent de nombreuses épreuves à cause de leurs maris qui, alcooliques ou joueurs compulsifs, ne s’occupent pas de leurs familles. Mgr Linh a appelé les mères vietnamiennes à suivre l’exemple de la martyre Agnès Le Thi Thanh, qui a elle-même enseigné à ses enfants la langue vietnamienne, le catéchisme et la pratique de la foi chrétienne. Agnès Le Thi Thanh est née en 1781 dans le nord de la Cochinchine. Chrétienne, elle épouse un autre chrétien à l’âge de 17 ans. Mère de six enfants, elle est découverte cachant un prêtre chez elle durant les périodes de persécution contre les chrétiens en Annam, dans la province de Nim Binh (sous le règne de l’empereur Thieu Tri). Elle est alors arrêtée, torturée et tuée. Elle meurt dans sa prison le 12 juillet 1841. Sainte Agnès Le Thi Than est fêtée le 12 juillet, jour anniversaire de sa mort, ou le 24 novembre, jour de célébration des 117 Martyrs du Vietnam. « Je vous invite toutes à transformer votre vie pour apporter la paix et la foi dans vos familles et vos paroisses », a confié Mgr Linh. Le père Antoine Duong Quynh, vicaire général de l’archidiocèse, a également demandé aux participantes de consacrer du temps à l’éducation de leurs enfants à la foi, sachant que ces derniers prendront exemple sur leur mère en grandissant.

Maria Vu Thi Loan, de la paroisse de Phuoc Tuyen, confie que depuis qu’elle a rejoint l’association diocésaine il y a deux ans, sa vie a changé. « Maintenant, j’ai une vie de famille heureuse et nous nous rassemblons tous les jours pour prier le chapelet à la Miséricorde Divine », raconte-t-elle. Martha Vu Thi Dieu, de la paroisse de Tay Loc, explique de son côté comme elle a été déçue par ses enfants quand ils ont commencé à jouer et à se battre avec les autres à l’école. Elle était occupée par son travail au marché et elle s’est mise à les traiter durement. « Depuis que je suis entrée dans l’association, je récite le chapelet tous les jours, je fais attention à mon comportement et je prends soin de mes enfants. Ils ont pu changer depuis », assure-t-elle. Le père Paul Hoang Nhat, aumônier de l’association, explique que le groupe laïc s’est agrandi l’année dernière, en passant de 1 450 membres à 2 250 membres sur 60 paroisses. Le père Nhat ajoute que les membres de l’association se retrouvent tous les mois pour échanger sur la Parole de Dieu, vivre un temps de partage, s’entraider et participer à des activités caritatives.

(Source: Églises d'Asie - le 14/07/2020Avec Ucanews, Hué)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân Lộc: Khóa Đuốc Hồng Huấn luyện Giáo lý viên cấp Giáo Phận 7/2020
Nt Teresa Ngọc Lễ, O.P và Ban TT Đuốc Hồng.
10:52 14/07/2020
Tưởng chừng như Khóa Đuốc Hồng Huấn luyện Giáo lý viên cấp Giáo Phận năm 2020 sẽ phải tạm dừng vì dịch Covid-19, nhưng với hồng ân Chúa khi sự bình thường đã trở lại tại Việt Nam, các giáo lý viên của Giáo Phận đã, đang, và sẽ tham gia với 4 đợt liên tiếp của Khóa Đuốc Hồng này.

Tính ở thời điểm hiện tại, Khóa Đuốc Hồng 2020 đã vào đợt thứ ba trong bốn đợt theo kế hoạch bao gồm các đợt 29/6-1/7; 6-8/7; 13-15/7 và 20-22/7, với con số dự kiến là khoảng 1000 giáo lý viên tham dự cho 4 đợt. “Giáo lý viên trưởng thành trong đức tin và đời sống” là chủ đề cho Khóa Đuốc Hồng năm nay.

Xem Hình

Chương trình Đuốc Hồng dành cho các giáo lý viên thật bổ ích và sinh động, vì các anh chị được không chỉ được học hỏi, thu thập được những kiến thức cần thiết cho sứ mạng từ trong những tiết học trên lớp cho đến những hoạt động sinh hoạt, trò chơi lớn. Đặc biệt, các anh chị giáo lý viên- huynh trưởng có được những giây phút rất quí báu để tìm gặp được Chúa trong bầu khí sốt sắng của Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể chung và riêng (theo linh đạo Thiếu Nhi Thánh Thể), cầu nguyện đầu ngày, cuối ngày, trong chương trình Lửa Trại Thiêng, có cơ hội giao hòa với Chúa qua Bí tích Tha Thứ…Tất cả những thiết kế cho chương trình Đuốc Hồng không chỉ là để giúp cho các anh chị giáo lý viên có thêm những kiến thức hữu ích, nhưng còn là để làm mới lại tinh thần, nhiệt huyết, sự sáng tạo của người giáo lý viên- huynh trưởng mà họ đang đảm nhận.

Giờ đầu tiên của ngày thứ nhất trong khóa học là Thủ tục nhập khóa, phân chia đội nhóm và nghi thức Khai Mạc khóa học cách trọng thể. Sau đó, các giờ lên lớp với hầu hết với các bài khai triển từ Sách Hướng dẫn Tổng quát dạy Giáo lý tại Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2017 (Giảng viên: Cha Gb. Tiến Hướng; Cha Giuse Quốc Thuần, Sr Maria Bích Mai, Sr Maria Kim Hoa, Sơ Têrêsa Phượng). Bên cạnh đó, cái nhìn và hiểu biết về “Đức tin và người trẻ - Sự trưởng thành toàn diện của giáo lý viên” (Cha Phêrô Thanh Sơn) giúp họ thấm kỹ hơn những khái niệm và thực hành trong vai trò là Kitô hữu trẻ, nhưng cũng đồng thời là một giáo lý viên đang cộng tác với Chúa và Giáo Hội trong công tác huấn giáo. Đồng thời, những giờ học cung cấp kiến thức và khơi gợi làm thế nào để sử dụng truyền thông, mạng xã hội có trách nhiệm với Thiên Chúa, với tha nhân và bản thân, để phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng qua đề tài “Giáo lý viên sử dụng mạng xã hội để kể chuyện Chúa Giêsu, để loan báo Tin Mừng” do Sr. Teresa Ngọc Lễ, O.P giảng dạy quả là những tiết học bổ ích, và thật sinh động – vì chứa đựng tính thời sự trong khái niệm, nội dung và minh họa - như các anh chị nhận định.

Kết hợp với sinh hoạt phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, các anh chị giáo lý viên khi tham gia khóa Đuốc Hồng lúc nào cũng khoác trên vai khăn huynh trưởng, trợ tá, làm cho bầu khí không chỉ đẹp ở bên ngoài, nhưng còn biểu tỏ được một sự thống nhất, hòa trộn trọn vẹn trong việc tổ chức cơ cấu đoàn thể giữa huấn giáo và phong trào Thiếu nhi Thánh Thể tại Giáo phận Xuân Lộc. Thế nên, sau những Thánh Lễ sáng, suy gẫm, cầu nguyện, và nghỉ ngơi sau bữa điểm tâm, ngày học hỏi luôn bắt đầu bằng việc chào cờ, câu chuyện đầu ngày, tổng kết hoạt động, thành quả của ngày hôm trước và định hướng cho ngày mới. Dù là khóa học, nhưng với tinh thần cầu tiến, những hình thức thi đua theo đội hay cá nhân trong mọi sinh hoạt hoạt động đều được đề cao, nhằm giúp giáo lý viên- huynh trưởng trải nghiệm thêm những kỹ năng chung và riêng cần thiết cho việc lãnh đạo, tổ chức, để họ có thể vừa chơi vừa học cách thực tế.

Chịu trách nhiệm thiết lập kế hoạch cũng như tiến hành chương trình cho tất cả các khóa Đuốc Hồng là Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Đặc Trách Huấn Giáo và cũng là Tuyên Úy Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Xuân Lộc. Bên cạnh đó, một lực lượng thật quan trọng hỗ trợ và thi hành tổ chức khóa Đuốc Hồng chính là quý Thầy Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc làm việc liên tục gần hai tháng trời từ việc chuẩn bị cho đến tiến hành.

Mi Phạm, một khóa sinh tham gia Đuốc Hồng đợt 2 đến từ Hạt Biên Hòa, đã chia sẻ về tâm tình thiêng liêng lãnh hội được trong khi tham gia khóa “…Qua các buổi viếng Chúa, cầu nguyện dâng ngày và tĩnh nguyện, con đã rất xúc động, nước mắt con đã rơi xuống khi lắng nghe những Lời Chúa hỏi thăm, trò chuyện với con thông qua quý Thầy. Đến bây giờ khi đã trở về với giáo xứ, với gia đình, nhưng mỗi khi nhớ đến lòng con như được sống lại một lần nữa những khoảng khắc ấy. Nó như là một nguồn động lực, một ngọn lửa mới được thắp sáng lại trong lòng con, giúp con vững tin, xác tín hơn trong trách nhiệm và sứ vụ mình đang được Chúa mời gọi.”

Chương trình Khóa Đuốc Hồng - Huấn luyện Giáo lý viên cấp Giáo Phận, được thực hiện hằng năm, dành cho các giáo lý viên đã xong các khóa đào tạo cấp I (giáo xứ), cấp II (giáo hạt). Khi tham dự khóa huấn luyện, học hỏi cấp Giáo phận, các giáo lý viên phải có sự giới thiệu của cha chánh xứ nơi họ đang sống và phục vụ. Và để lãnh nhận chứng nhận đã hoàn thành khóa huấn luyện giáo lý viên cấp III (Giáo phận), các giáo lý viên phải tham dự đủ ba khóa Đuốc Hồng và làm bài kiểm tra, với số điểm đạt theo yêu cầu.

Năm nay, Chương trình huấn luyện giáo lý viên cấp III mang tên “Đuốc Hồng” được mừng Sinh Nhật 25 năm kể từ khi bắt đầu chương trình. Vì thế, niềm vui của dịp Ngân Khánh này sẽ được lồng ghép vào dịp mừng Bổn Mạng Giáo Lý Viên Giáo Phận- Lễ Anr ê Phú Yên sắp tới, được tổ chức vào ngày 26/7/2020 tại Giáo xứ Thái Hòa, Giáo hạt Hòa Thanh. Trong dịp này, những cựu giáo lý viên đã tham dự khóa Đuốc Hồng từ những năm xa xưa sẽ được mời tham dự.

Tin, ảnh: Nt Teresa Ngọc Lễ, O.P và Ban TT Đuốc Hồng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn Câu/Fishermen
Robert Helfman
21:52 14/07/2020
BẠN CÂU/FISHERMEN
Ảnh của Robert Helfman

Thông minh câu cá bằng cần
Cò tôi chỉ có chuyên cần kiên tâm
Suốt đời Cò vẫn ấm thân.
(bt)
 
VietCatholic TV
Vài nét về đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức
Giáo Hội Năm Châu
05:38 14/07/2020

Ngày 16 tháng 7 là một ngày rất có ý nghĩa: Đó là ngày kỷ niệm lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ tại Lộ Đức. Hằng năm cứ vào ngày này khắp thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng đều có tổ chức các cuộc hành hương đi đến Lộ Đức, và năm nay vì đại dịch coronavirus kinh hoàng nên các cuộc hành hương đã bị hủy bỏ, tuy nhiên tại Lộ Đức vẫn có cử hành Thánh lễ trực tuyến với một số người giới hạn với chủ đề “Hiệp nhất với đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức”. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và anh chị em một vài nét về đền thánh Đức Mẹ này cũng như một vài hình ảnh cuộc hành hương của chúng tôi vào năm 2019 vừa qua.

- Ngày 11 tháng 2 năm 1858, cô Bernadette Soubirous, lúc đó mới 14 tuổi. Bernadette nói với mẹ rằng cô đã gặp một "bà đẹp" ở hang đá Massabielle trong khi đang đi nhặt củi với em gái và 1 người bạn. Các cuộc xuất hiện tương tự với hình dạng "người nữ mặc áo choàng xanh" trên 17 lần trong cùng năm đó. Bernadette từ đó đã sống cuộc sống hy sinh nhiệm nhặt để hy sinh, hãm mình cầu nguyện theo lời Mẹ dậy và sau khi chết cô đã được phong thánh. Việc tin rằng Đức Mẹ hiện ra với Bernadette được xác nhận bởi nhiều phép lạ Đức Mẹ đã thệ cách "kỳ lạ" tại suối nước Lộ Đức. Tước hiệu "Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội" đã được chính Đức Mẹ xác quyết là tên của Mẹ, sau khi Giáo hội công bố tín điều “”Mẹ Vô Nhiễm”” (vào năm 1854) nghĩa là Mẹ cưu mang sinh ra Chúa Giêsu mà Mẹ không hề bị đặt để dưới ách thống trị tội lỗi của Adam và Eva và Mẹ luôn trinh khiết.

Lịch sử Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức:

Tổng cộng Đức Mẹ hiện ra là 18 lần tại hang đá Massabielle từ tháng 2 cho tới tháng 7 năm 1858. Chín lần đầu là vào các ngày 11, 14, 18, 19, 20, 21, 23, 24, 25 tháng 2.

- Lần thứ nhất, vào buổi trưa ngày 11 tháng 2 năm 1858. Cùng đi với Bernadette có em gái là Marie-Antoinette và bạn gái là Jeanne Abadie. Khi đến trước hang đá Massabielle trước dòng sông Gave, Marie và Jeanne lội qua trước để nhặt củi trong hang. Bernadette đang cúi xuống cởi vớ để lội qua con sông. Bernadette thuật lại như sau: "Thình lình tôi nghe thấy một cái gì đó như tiếng gió vi vu. Tôi ngoảnh đầu lại hướng về phía bụi cỏ gần bờ sông, song cây cối vẫn im lặng, rõ là tiếng động, nhưng không xuất phát từ đó... Đoạn tôi nhìn lên và thấy trong hang động, một người nữ mặc áo trắng dễ thương với chiếc dây thắt lưng óng ánh. Trên chân của bà mỗi bên đều có một bông hồng màu vàng nhạt, Bà đeo trong tay một chuỗi mân côi". Bernadette giơ tay dụi mắt, rồi nhắm và mở ra, nhưng cô thấy Bà lạ vẫn đức đó, tiếp tục mỉm cười và ra dấu biết cô. Bernadette thò tay vào túi lấy tràng hạt và quỳ xuống. Khi Bernadette lần hạt xong Bà ra hiệu cho cô lại gần, nhưng Bernadette không dám. Khi đó Bà lui vào và biến mất trong đám mây sáng. Bernadette muốn giữ kín mọi sự, nhưng trên đường về nhà, cô em gái cứ vặn hỏi, khiến cho cô kể lại chuyện xảy ra với điều kiện là không được nói với ai. Nhưng Marie Antoinette mách lại cho mẹ. Bà Soubirous cho là chuyện bịa đặt nên đánh cho hai cô con gái một trận đòn chí tử! Ba ngày sau đó Bernadette quay trở lại hang đá cùng với em gái và cô bạn. Bernadette đem theo một chai nước phép với ý nghĩ: sẽ rẩy nước phép… "Nếu bà ấy đến từ Thiên Chúa, bà ấy sẽ ở lại, còn nếu bà ấy là quỷ, bà ấy sẽ phải biến mất". Lát sau Bernadette kêu lên: "Bà ở đó! Bà ở đó!". Cô đứng dậy vội vã rảy nước thánh về phía bụi hồng và nói: "Nếu Bà đến nhân danh Thiên Chúa, thì xin hãy lại gần".

– Và vào Ngày 18 tháng 2, lần đầu tiên Bà nói chuyện với Bernadette và xin cô hãy trở lại hằng ngày trong vòng 15 ngày kế tiếp. Đồng thời cũng yêu cầu Bernadette nói với cha xứ hãy xây một thánh đường ở đó. Bà còn nói với cô: "Ta không hứa cho con được hạnh phúc ở đời này nhưng đời sau". Ngày 24 tháng 2, Bà yêu cầu Bernadette hãy cầu nguyện và sám hối thay cho các tội nhân. Ngày hôm sau bà bảo cô hãy uống nước ở mạch nước từ hang đá. Điều này khiến cho Bernadette bối rối vì chỉ có dòng sông Gave là dòng nước duy nhất ở đó. Nhưng bà ra dấu không phải nước ở dòng sông mà là một mạch nước nhỏ cạnh chỗ cô đang đứng: "Tôi chỉ thấy có một vài giọt nước, còn toàn là bùn. Tôi chụm tay lại để hớt lấy một chút nhưng cũng không được, tôi liền cào đất lên. Tôi cố tìm lấy một ít nước, nhưng mãi sau, tôi mới có đủ ít nước để uống". Những người chứng kiến đã thất vọng khi thấy Bernadette bới đất, và uống nước bùn… nhưng rồi 1 dòng nước sạch từ đó chảy ra và nó đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của những cuộc hành hương. Thông tin loan truyền từ vùng này qua vùng khác và người ta mang đến đây đủ thứ bệnh nhân. Đã có nhiều bệnh nhân được ghi nhận là được chữa khỏi một cách lạ kỳ. Bảy trong số trường hợp đầu tiên được xác nhận là không cắt nghĩa y khoa được do giáo sư Verges ghi nhận vào năm 1860. Người đầu tiên được chứng nhận một "phép lạ" là một phụ nữ có cánh tay bị tật nguyền bởi một tai nạn.

- Những điều này đã khiến Giáo hội và chính quyền hết sức quan tâm. Từ tháng 4 tới tháng 10 năm 1858, chính quyền cấm dân chúng đến hang đá, cấm bất cứ người nào lấy nước từ mạch nước từ hang đá Massabielle. Một hàng rào bằng gỗ chặn trước cửa hang để ngăn chặn không cho người ta lui tới hang. Những ai vi phạm sẽ phải bị phạt. Muốn đến hang đá phải có giấy phép của hoàng đế Napoléon III.

Trong các cuộc hiện ra, Bernadette Soubirous đã nhiều lần hỏi về tên của bà, song bà chỉ mỉm cười. Sau cùng ngày 25 tháng 3 với cánh tay giang rộng và đôi mắt ngước lên trời, bà phán rằng bà là “Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Bernadette Soubirous không hiểu ý nghĩa "vô nhiễm nguyên tội" là gì. Vì thế cô đến gặp cha xứ và cho cha biết tên của bà là “Vô Nhiễm Nguyên Tội” và cha xứ hiểu đó là Đức Mẹ Maria.

- Ngày 7 tháng 4, những người có mặt chứng kiến sự xuất thần của Bernadette. Chính ngày đó bác sĩ Dozous đã quan sát thấy "phép lạ cây nến". Ngọn lửa của cây nến cháy trên tay của Bernadette 15 phút mà không gây ra vết cháy nào trên da thịt Bernadette trong lúc cô xuất thần.

Lần cuối cùng vào ngày 16 tháng 7 năm 1858. Vì hang đá đã bị rào bởi lệnh của chính quyền, Bernadette cùng với dì Lucile và vài bạn gái đi đến bờ bên phải của sông Gave trong cánh đồng Ribère đối diện với hang đá. Tất cả quỳ gối và cầu nguyện. Sau một lúc Bernadette kêu lên: "Vâng, vâng, Mẹ đó! Mẹ mỉm cười với chúng ta và chào chúng ta bên trên hàng rào. Chưa bao giờ tôi thấy Mẹ đẹp như vậy". Đó lần cuối cùng được ghi nhận về việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette.

Lộ Đức trở thành địa điểm hành hương.

- Ngày 19 tháng 11 năm 1858, Ủy ban điều tra của Tòa giám mục đến hang đá lần đầu tiên, sau khi xem xét tỉ mỉ các biến cố, tìm hiểu về Bernadette cũng như các phép lạ chữa lành đã xảy ra mà các tín hữu nhận được tại hang đá Đức Mẹ, vị giám mục thừa nhận tính cách đích thực của các lần hiện ra và tuyên bố: "Đức Mẹ Maria đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous". Điều này đã được tôn kính dưới tước hiệu là Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày nay Lộ Đức cùng với Fatima là hai linh địa được nhiều người hành hương nhất. Hàng năm có từ 4-6 triệu du khách hành hương về đây từ khắp mọi miền trên thế giới. Cuộc hành hương chính thức đầu tiên được tổ chức ngày mùng 4 tháng 4 năm 1864 nhân dịp khánh thành và đặt bức tượng Đức Mẹ vào hang đá trong sự hiện diện của 20.000 khách hành hương. Tượng bằng đá cẩm thạch Carrara do ông Joseph-Hugues Fabish người Lyon tạc. Tháng 5 năm 1866, hang Massabielle được làm phép. Từ 1-3 tháng 7 năm 1876 là lễ thánh hiến Vương cung thánh đường và đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ do Giáo hoàng Piô IX. Ngày 16 tháng 7 năm 1883 kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra và lễ đặt viên đá đầu tiên xây Vương cung thánh đường Mân Côi. Trong năm đó đã có 230 cuộc hành hương. Năm 1908 kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra có 157 cuộc hành hương, trong đó 76 cuộc hành hương là của các tín hữu đến từ nước ngoài nước Pháp, tổng cộng có hơn 1 triệu người.

- Suối nước Lộ Đức.

Nước suối Lộ Đức được phân tích lần đầu tiên ngày 7 tháng 8 năm 1858, cho thấy nó là nước bình thường. Nhà hóa học Filhon, giáo sư Đại học Toulouse liệt kê các thành phần hóa chất của nước, bao gồm đầy đủ cả: Carbonat, clorat, silicat, calcium, sắt, mangesium, phốt pho, amomiac, pồ-tạt và các muối khoáng khác. "Từ những phân tích trên, chúng tôi kết luận: Mẫu nước từ mạch suối Lộ Đức không có gì đặc biệt, chỉ là nước uống bình thường, nó không chứa đựng chất nào chữa bệnh cả. Hiệu quả của các cuộc chữa lành là do quyền năng chuyển cầu của Đức Mẹ. Năm 1882, một ủy ban khoa học với mục đích nghiên cứu và xác nhận các phép lạ tại Lộ Đức được thành lập. Tiếp đó, văn phòng khảo sát y khoa do Đức Giáo Hoàng Piô X thành lập năm 1905. Văn phòng này dựa theo các tiêu chuẩn được định nghĩa bởi Hồng Y Lamberti, tức Giáo hoàng Biển Đức XIV tương lai. Nó hoàn toàn được làm việc chuyên môn y khoa chứ không bị kiểm soát của Giáo hội. Làm việc trong văn phòng này có các bác sĩ chuyên môn không phân biệt tôn giáo. Họ quan sát ghi nhận các vụ khỏi bệnh lạ lùng và trình lên Ủy ban y khoa quốc tế xác nhận. Nếu thấy đó là các vụ khỏi bệnh không thể nào giải thích được trên bình diện y khoa. Tiếp đến sau khi có các thẩm định khác, Giáo hội có thể khẳng định việc lành bệnh là một phép lạ. Cho tới nay trên tổng số 7.000 vụ khỏi bệnh không thể giải thích được trên bình diện y khoa, tuy nhiên chỉ có 70 trường hợp được Giáo hội chính thức thừa nhận là phép lạ.

- Các cuộc Hành hương:

Cá nhân chúng tôi cùng nhiều phái đoàn Hành hương Việt Nam đã hành hương về đây để cầu nguyện. Đặc biệt tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô cũng nhiều lần về đây hành hương để tạ ơn Đức Mẹ đã dẫn dắt Ngài và cầu xin Mẹ thương giúp Giáo hội Việt Nam.

Trong cuộc hành hương, khách hành hương thường đi tắm suối Lộ Đức để xin ơn chữa lành hoặc tham dự các thánh lễ, đi đàng Thánh giá hoặc cầu nguyện riêng tư… Nhưng mỗi ngày tại Lộ Đức vào mùa hè có hai cuộc rước kiệu: Cuộc rước Thánh Thể lúc 3 giờ chiều từ Hang đá về nhà thờ hầm, một thánh đường vĩ đại dưới hầm, có sức chứa 30 ngàn người. Cuộc rước Thánh thể và chầu Thánh thể cùng ban phép lành các bệnh nhân. Và cuộc rước nến vĩ đại mỗi tối lúc 7.30 với hàng ngàn bệnh nhân nằm trên giường bệnh hoạc ngồi trên xe lăn và cả 50 hay 60 ngàn người hành hương, vừa đi vừa lần chuỗi. Cuộc rước từ hang đá Đức Mẹ đi quanh quảng trường rộng lớn… mà đoàn rước đi zíc zắc mãi mới tập trung về trước Vương cung Thánh đường Nữ Vương Mân côi trong lúc đó khác hành hương đứng đầy trên các lối đi và trên các bậc của Vương cung thánh đường lần chuỗi tung hô Thánh tượng Đức Mẹ. Đoàn hành hương Niềm Tin Việt Nam từ Úc châu đã nhiều lần đại diện để lần chuỗi tiếng Việt và hát câu hát kính Đức Mẹ Lộ Đức cũng như cờ Việt Nam tung bay trong đoàn rước và trên lễ đài như quí vị thấy trong hình của lần hành hương tháng 7 năm 2019. Trong cơn đại dịch này, các trung tâm hành hương dù mở cửa nhưng vì luật cách ly và giãn cách nên rất ít người tới được…. Vậy chúng ta hãy cùng lần chuỗi và tham dự cuộc rước trực tuyến để xin Mẹ thương giúp cho thế giới, cách đặc biệt tiểu bang Victoria Úc Châu, các nước Hoa kỳ, Brazil đang bị cơn đại dịch hoàng hành…

- Sau lần chuỗi chúng ta cùng dâng lên Mẹ Lộ Đức lời kinh sau:

"Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng Trinh nữ vô nhiễm nguyên tội. Mẹ đã hiện ra 18 lần với thánh Bernadette tại hang đá Lộ Đức để nhắc nhở các Kitô hữu về sự thật mà Tin Mừng đòi hỏi. Mẹ kêu gọi chúng con cầu nguyện, sám hối, tham dự Thánh Thể và sống đời sống của Hội thánh.

Để đáp lại lời kêu cầu của Mẹ, con xin dâng hiến thân xác con cho Con của Mẹ là Đức Giêsu Kitô. Xin hãy làm cho con sẵn lòng thực hiện những gì Người dạy bảo. Nhiệt thành trong đức tin, thánh hóa trong việc làm, tận tâm với những người đau yếu, an ủi người đau khổ, giải hòa giữa mọi người và cho thế giới được hòa bình.

Tất cả những điều con kêu cầu, con tin rằng sẽ được Mẹ nhận lời. Chúc tụng Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội,

Đức Mẹ Lộ Đức, cầu cho chúng con.

Thánh Bernadette, cầu cho chúng con"
 
Bác bỏ cáo buộc TT Trump ưu ái Công Giáo để kiếm phiếu, và các Giám Mục lợi dụng thời cơ kiếm tiền
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:46 14/07/2020

Trong một cố gắng nhằm vận động tranh cử cho đảng Dân Chủ, đã có các cố gắng nhằm bôi lọ Giáo Hội Công Giáo với các cáo buộc cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang ưu đãi Giáo Hội Công Giáo để kiếm phiếu và hàng giáo phẩm Hoa Kỳ đang lợi dụng tình hình này để kiếm tiền.

1. Các Giám Mục Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc cho rằng chính quyền Hoa Kỳ ưu đãi Giáo Hội Công Giáo

Các Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng bênh vực việc sử dụng Chương trình Bảo Vệ Tiền Lương Liên Bang của các giáo xứ Công Giáo, các bệnh viện, trường học, giáo phận và các cơ quan dịch vụ xã hội, sau khi một báo cáo từ Associated Press cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã dành một sự quan tâm đặc biệt cho người Công Giáo và mô tả Giáo Hội Công Giáo như một tổ chức lợi dụng chương trình cứu trợ coronavirus.

“Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương được thiết kế để bảo vệ công việc của người Mỹ thuộc mọi tầng lớp, bất kể họ làm việc cho các tổ chức lợi nhuận hay phi lợi nhuận, dựa trên đức tin hay thế tục, ” Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley, chủ tịch ủy ban Công Lý Quốc Nội và Phát Triển Nhân Văn cho biết trong một tuyên bố ngày 10 tháng 7.

“Giáo Hội Công Giáo là định chế cung cấp dịch vụ xã hội phi chính phủ lớn nhất tại Hoa Kỳ. Mỗi năm, các giáo xứ, trường học và các cơ sở của chúng tôi phục vụ hàng triệu người có nhu cầu, bất kể chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo. Đại dịch coronavirus kinh hoàng làm tăng nhu cầu của những người chúng tôi phục vụ và nhu cầu cho các thừa tác viên của chúng tôi. Các khoản vay mà chúng tôi đã nộp đơn xin là điều thiết yếu để chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian khủng hoảng của quốc gia.”

“Ngoài ra, các lệnh ngừng hoạt động và sự suy thoái kinh tế vì coronavirus đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bao gồm hàng ngàn thừa tác viên Công Giáo - nhà thờ, trường học, các trạm y tế và các dịch vụ xã hội - sử dụng khoảng 1 triệu người ở Hoa Kỳ, ” Đức Tổng Giám Mục Coakley nói thêm.

“Các khoản vay này là một huyết mạch thiết yếu để giữ hàng trăm ngàn nhân viên, bảo đảm thu nhập cho các gia đình, duy trì bảo hiểm y tế và cho phép các nhân viên giáo dân tiếp tục phục vụ anh chị em của họ trong cuộc khủng hoảng này.”

Chương trình cho vay liên bang là một sáng kiến trị giá 669 tỷ đô la, cho phép các thực thể có thể vay với lãi suất thấp, và có thể được tha nợ nếu số tiền này chủ yếu để trang trải chi phí tiền lương và giữ việc làm cho những người có nguy cơ mất việc.

Đầu tuần này, dữ liệu được chính phủ công bố tiết lộ danh tính của nhiều người, nhưng không phải tất cả những người được chính phủ cho vay.

Nếu những người đi vay không thể chứng minh rằng ít nhất 60 phần trăm số tiền đã vay được sử dụng cho các chi phí liên quan đến tiền lương, thì các món nợ sẽ được yêu cầu hoàn trả.

Báo cáo của Associated Press ngày 9 tháng 7 cho biết các tổ chức Công Giáo đã vay từ 1.4 đến 3.5 tỷ đô la, và lưu ý rằng ít nhất 407, 900 việc làm đã được giữ qua các khoản vay đó. Thâm ý của AP là cho rằng chính quyền Trump đang nịnh người Công Giáo để kiếm phiếu, và Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ lợi dụng tình hình để kiếm tiền.

Theo Đức Tổng Giám Mục Coakley các cáo buộc này là quá đáng vì các khoản vay của tổ chức Công Giáo chỉ chiếm 0.5% trong số tiền được phân bổ cho chương trình này. Ngài nói thêm tại Hoa Kỳ, các giáo xứ và giáo phận đang phải đối mặt với sự thiếu hụt tài chính nghiêm trọng và tại Rôma, Vatican đã bị thâm hụt ngân sách đáng kể trong nhiều năm.

Trong tuyên bố của mình, Đức Tổng Giám Mục Coakley cho biết thêm rằng hơn 100 trường Công Giáo đã phải tuyên bố có kế hoạch đóng cửa vì cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus kinh hoàng.


Source:Catholic News Agency

2. Thị trưởng New York lợi dụng trào lưu BLM để chống Tổng thống Trump

Song song với cáo buộc chính quyền Trump kiếm phiếu của người Công Giáo trong Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương, một chiến dịch tâng bốc phong trào BLM của đảng Dân Chủ cũng đang được huy động.

Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy Thị trưởng New York đang tham gia vào việc sơn hàng chữ Black Lives Matter ngay trước cửa nhà Tổng thống Trump trong một cố gắng ve vãn người da đen.

Ông ta hô hào các khẩu hiệu và nhiều người hò reo lặp lại.

- Đường này của ai?

- Con đường của chúng ta!

- Đường này của ai?

- Con đường của chúng ta!

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã tham gia vào việc vẽ dòng chữ Black Lives Matter trên con đường Fifth Avenue nổi tiếng của thành phố -- và ngay bên ngoài Tháp Trump. De Blasio đã công bố kế hoạch của mình cách đây vài tuần, khiến Tổng thống Trump phải tweet rằng thị trưởng đang làm suy thoái con đường sang trọng này.

De Blasio, cùng với người được vợ của ông và Mục Sư Al Sharpton đã tham gia vào trò này.

Bill De Blasio nói: Hãy để tôi nói với các bạn, chúng ta không làm suy thoái bất cứ điều gì. Chúng ta đang giải phóng Fifth Avenue.

Như thế, khi chúng ta nói Black Lives Matter, không cần tuyên bố nào của Mỹ nữa. Không cần tuyên bố yêu nước nào nữa, bởi vì không có nước Mỹ mà không có Mỹ đen.

Bức bích họa được vẽ trên đường cho thấy sự leo thang hận thù đang diễn ra giữa thị trưởng và tổng thống. Tổng thống Trump đã chỉ trích những người biểu tình Black Lives Matter và những trò ngụy biện đã gây ra căng thẳng chủng tộc. Tháng 7 năm ngoái, de Blasio cho biết New York sẽ không chào đón Trump, người sinh ra tại Queens, sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống. Ba tháng sau, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông đã chuyển nơi cư trú vĩnh viễn sang ngôi nhà Mar-a-Lago của mình ở Palm Beach, Florida từ nơi cư trú của ông ở Tháp Trump tại thành phố New York.

Các bức bích họa được vẽ trên đường với dòng chữ Black Latter Matter đã được vẽ trên các đường phố khác của thành phố New York và tại các thành phố của Hoa Kỳ, bao gồm Washington DC; Raleigh, Bắc Carolina; và Oakland, California.


Source:Reuters

3. Các tín hữu Kitô tại Iraq vẫn còn bị đe dọa biến mất.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ lên tiếng báo động: các tín hữu Kitô tại Iraq vẫn còn bị nguy cơ biến mất.

Lời báo động này được đưa ra, trong phúc trình mới công bố hôm 6 tháng 7 năm 2020, với tựa đề: “Cuộc sống sau thời nhà nước Hồi giáo ISIS: những thách đố mới đối với Kitô giáo tại Iraq”, nói về những đe dọa hiện nay các tín hữu Kitô gặp phải khi trở về gia cư của họ tại vùng bình nguyên Ninive, sau cuộc bách hại bi thảm hồi năm 2014, mà cộng đồng thế giới gọi là cuộc diệt chủng.

Theo phúc trình này, nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp kịp thời thì trong vòng bốn năm tới đây, nạn cưỡng bách xuất cư sẽ làm cho số các tín hữu Kitô tại Iraq giảm 80% so với dân số Kitô, trước cuộc tấn công của lực lượng ISIS. Tình trạng đó làm cho cộng đồng Kitô tại Iraq tiến từ trạng thái “dễ bị tổn thương” đến tình trạng nguy kịch, có nguy cơ biến mất.

Phúc trình cho biết 100% các tín hữu Kitô miền Ninive cảm thấy thiếu an ninh, 87% trong số đó cảm thấy tình trạng đó với mức độ rất nhiều.

Nghiên cứu cho thấy hoạt động bạo lực của các dân quân địa phương và nhà nước Hồi giáo có thể trở lại đây, là những lý do chính khiến họ sợ hãi. Theo 69% những người được hỏi ý kiến, đó là nguyên do chính khiến họ có thể buộc lòng xuất cư.

Hiện nay, tại vùng bình nguyên Ninive, có hai nhóm dân quân chính đang hoạt động với sự hỗ trợ của Iran, đó là nhóm Shabak và Lữ đoàn Babylon. Hai nhóm này được chính phủ Iraq cho phép hoạt động, vì đã góp phần vào chiến thắng bọn khủng bố Hồi giáo ISIS. Tuy nhiên, 24% những người được phỏng vấn nói rằng: “Các gia đình đã phải chịu những hậu quả tiêu cực do hoạt động của một nhóm dân quân hoặc có nhóm thù nghịch khác”, ví dụ, những vụ xách nhiễu và dọa nạt, thường có liên hệ tới những vụ đòi tiền bạc.


Source:National Catholic Reporter