Ngày 14-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người gieo giống
Lm Jude Siciliano OP
05:58 14/07/2017
Chúa Nhật XV Thường Niên, năm A
Is 55,10 – 11; Rm 8, 18 – 23; Mt 13, 1 – 23

Người gieo giống

Dụ ngôn người gieo giống, Phụng vụ Chúa Nhật XV thường niên, năm A, trích đọc cho chúng ta một cái nhìn thâm sâu về công việc của Chúa Giêsu. Bởi vì, người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay chính là Thiên Chúa. Chúa đã giải thích dụ ngôn này, nên trong bài suy niệm này, chúng ta không cắt nghĩa nữa mà chú ý tới thái độ quảng đại của người gieo giống khi tung vãi hạt giống. Đây là thái độ quảng đại của Thiên Chúa đối với chúng ta và đây cũng là thái độ Chúa đòi hỏi chúng ta trong cung cách chúng ta đối xử với nhau.

Thực tế, dụ ngôn này được sáng tỏ và dễ hiểu hơn khi chúng ta thấy những dân du mục hoặc đồng bào Thiểu Số với tập quán du canh du cư. Thường dân du mục, dân du canh du cư không trồng lúa, hoặc lúa mì ở một nơi nhưng khi thấy đất ít mầu mỡ thì họ lại đi chỗ khác để phá rừng, phá đất trồng tỉa vv…Tin Mừng của thánh Matthêu trong trích đoạn này cho hay Chúa Giêsu nói đến mảnh đất tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúa cho thấy có nhiều loại đất khác nhau và vụ mùa sản lượng cũng tùy thuộc vào từng mảnh đất tâm hồn. Thiên Chúa là người gieo giống đã gieo vào tâm hồn của từng người hạt giống Lời của Chúa, nhưng hạt giống Lời Chúa có sinh hoa kết quả hạt 100, hạy 60 và hạt 30 là tùy thuộc vào thửa đất tâm hồn của chúng ta có tốt, có mầu mỡ hay cằn cỗi vv…Con người chúng ta ai cũng mong cho thửa đất tâm hồn của chúng ta phải là thửa đất hay mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ và hạt giống Lời Chúa được gieo xuống sẽ đem lại mùa gặt bội thu. Tuy nhiên, phải làm sao để mảnh đất tâm hồn của chúng ta có thể sinh hoa kết trái tươi tốt ?

Thiên Chúa ban cho chúng ta ân huệ của Ngài…Thiên Chúa luôn quảng đại mặc dù Ngài biết chúng ta sẽ phung phí ân huệ của Ngài, nhưng Ngài vẫn rộng lòng ban phát thật nhiều ân huệ. Ngài không so đo, tính toán và luôn muốn chúng ta làm triển nở các ân huệ mà Ngài trao ban. Thiên Chúa rộng ban các ơn lành cho chúng ta, làm cho chúng ta an tâm và tin tưởng vào tình yêu vô biên của Ngài. Thiên Chúa sẽ không bao giờ rút lại tình yêu, nhưng chỉ sợ chúng ta cản ngăn hoặc bóp nghẹt tình yêu của Chúa, không để tình yêu của Chúa triển nở mạnh mẽ trong chúng ta mà thôi. Đón nhận được tình yêu của Chúa, chúng ta không được bo bo giữ lấy mà phải quảng đại chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác bằng chính cuộc sống bác ái, hy sinh, xả kỷ của chúng ta dù con người có đón nhận hay khước từ. Bởi vì, có những hạt lúa rơi trên đất cằn, rơi trên sỏi đá, rơi ngoài đường bị chim trời mổ ăn mất, nên những hạt lúa ấy sẽ ra không…còn những hạt lúa rơi vào đất tốt sẽ đơm bông, kết hạt dồi dào, phong nhiêu. Tình yêu được chúng ta quảng đại chia sẻ sẽ làm nẩy sinh những hành động yêu thương khác…Hành động yêu thương, hạt giống yêu thương mà chúng ta gieo xuống bất cứ tâm hồn nào cũng đều có kết quả tốt đẹp.

Chính vì thế, để có mảnh đất tâm hồn mầu mỡ và đón nhận ân huệ, đón nhận tình yêu của Chúa. Chúng ta phải biết chạy đến với Chúa, khẩn nguyện, khấn xin để xin Người trợ giúp qua các bí tích, đặc biệt bí tích Mình Máu Thánh Chúa Kitô và bí tích hòa giải…đồng thời chúng ta sống bác ái yêu thương đón nhận nhiều ơn huệ nơi Người…Chúng ta cũng phải tập tành, luyện nhân đức để tâm hồn chúng ta sẵn sàng được vun xới, nhặt cỏ rác nghĩa là thanh luyện tâm hồn bằng những nghĩa cử yêu thương, hiệp nhất và bác ái.

Lạy Chúa Giêsu , chúng con cảm tạ Chúa vì những ân huệ Chúa tuôn đổ trên chúng con. Xin Chúa biến tâm hồn chúng con trở nên những mảnh đất tốt để Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn chúng con bén rễ sâu và trổ sinh hoa trái tốt tươi.Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Tại sao Chúa lại dùng dụ ngôn để dạy dỗ chúng ta ?
2.Người gieo giống là ai ?
3.Tại sao chúng ta phải luyện tập tâm hồn ?
4.Đất tốt là gì ? Đất xấu là gì ?
5.Dụ ngôn người gieo giống là dụ ngôn thứ mấy trong loạt dụ ngôn Chúa giảng dạy ?
 
Hoa trái thực hành Lời Chúa
Lm Đan Vinh
06:10 14/07/2017
Chúa Nhật 15 Thường Niên A
Is 55,10-11 ; Rm 8,18-23 ; Mt 13,1-23


I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 13,1-23

(1) Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. (2) Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì đứng trên bờ. (3) Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. (4) Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. (5) Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không có nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu. (6) Nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và bị thiếu rễ nên bị chết khô. (7) Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. (8) Có những hạt nơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, gạt được sáu chục, hạt được ba chục. (9) Ai có tai thì nghe”. (10) Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?” (11) Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. (12) Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. (13) Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. (14) Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. (15) Vì lòng dân này đã ra đần độn. Chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. (16) Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy. Tai anh em thật có phúc vì được nghe. (17) Quả thế, Thầy bảo thật anh em: Nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. (18) Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống: (19) Hễ ai nghe Lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. (20) Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá. Đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. (21) Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời. Khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. (22) Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (23) Còn kẻ được gieo trên đất tốt. Đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra: kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.

2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG

Tin Mừng hôm nay là một trong bảy “dụ ngôn về Nước Trời” của Đức Giê-su như sau: Nước Trời của Đức Giê-su rao giảng có thể ví như việc gieo hạt giống của bác nông dân trên cánh đồng ruộng. Hạt giống Nước Trời chỉ phát sinh hiệu quả nơi những tâm hồn thiện chí muốn nghe giống như đất ruộng mầu mỡ, không cứng tin như vệ đường, không khô cằn như đất pha sỏi đá, không xấu xa do thói hư như đất nhiều bụi gai…

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Ngồi ở ven Biển Hồ: Câu chuyện xảy ra ở bờ biển hồ Ghen-nê-xa-rét miền Ga-li-lê. + Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều: Dụ ngôn là những câu chuyện do người giảng đặt ra, dựa theo phong tục và nếp sống trong xã hội, với mục đích trình bày một giáo lý nào đó về siêu nhiên. Giữa hình ảnh tự nhiên và giáo lý siêu nhiên có những điểm giống nhau mà người đọc phải cố gắng suy nghĩ mới có thể nắm bắt được ý nghĩa khách quan của dụ ngôn. + Các dụ ngôn về Nước Trời: Khi diễn tả về cách tổ chức và sinh hoạt của Nước Trời sắp thiết lập. Đức Giê-su đã dùng bảy dụ ngôn sau đây: Dụ ngôn “Người gieo giống” (x. Mt 13,1-23); Cỏ lùng (x. Mt 13,24-30); Hạt cải (x. Mt 13,31-32); Men trong bột (x. Mt 13,33); Kho báu và Ngọc quý (x. Mt 13,44-46); Chiếc lưới (x. Mt 13,47-50). Dụ ngôn người gieo giống kể về công việc gieo hạt giống của người nông dân trong cánh đồng của mình, qua đó Đức Giê-su dạy môn đệ phải có thiện chí muốn nghe và thực hành Lời Chúa thì mới phát sinh nhiều bông hạt là các việc lành.
- C 3-8: + Dụ ngôn người gieo giống: Vệ đường, sỏi đá, bụi gai, đất tốt…: Hằng năm vào tháng 12 dương lịch, đất thánh bắt đầu mưa, nhà nông khởi công gieo hạt giống. Ga-li-lê là miền đất nhỏ nhiều đồi núi đất đá và ít ruộng đất tốt. Do đất chật người đông, nên ruộng bị chia thành nhiều thửa nhỏ. Mỗi thửa ruộng đều có đường biên có thể đi lại trên đó. Đất ruộng thường xấu vì pha trộn đá sỏi và gai mọc tràn lan. Tuy nhiên cũng có những chỗ đất tốt được người nông dân cày bừa gieo hạt và cây lúa mọc lên. Đến mùa lúa chín sẽ được gặt hái mang về nhà.
- C 9: + Ai có tai thì nghe: Đây là kiểu nói Đức Giê-su hay dùng để gây sự chú ý cho người nghe (x. Mt 11,15; Mc 4,23; Lc 8,8). Có tai là có khả năng nghe, nhưng chưa chắc đã muốn nghe, như các kinh sư và Pha-ri-sêu Do thái tuy đến nghe Đức Giê-su giảng mà lòng không tin không muốn đón nhận Tin Mừng Nước Trời. Ở đây Đức Giê-su kêu gọi mọi người: "Ai có khả năng nghe thì hãy lắng nghe !".
- C 10: + Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?: Sở dĩ Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà giảng Tin Mừng về Nước Trời là vì lý do như sau: Bấy giờ dân Do thái đang mong chờ một Đấng Thiên Sai dòng dõi vua Đa-vít, đến lập một Vương Quốc, bằng một đạo quân hùng mạnh và có sự trợ giúp của cơ binh các thiên thần trên trời. Vương quốc của Đấng Thiên Sai sẽ mở rộng ra khắp nơi, dẹp tan các nước của chư dân tôn thờ tà thần… Nhưng sứ mệnh của Đức Giê-su lại không giống như dân Do Thái trông mong: Người cũng đến để thiết lập Nước Trời, nhưng “Nước của Người không thuộc về trần gian”. Do đó, để tránh cho dân khỏi bị ảo tưởng, Đức Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả các đặc tính siêu việt của Nước Trời mà Người muốn thiết lập.
- C 11: + Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không: “Mầu nhiệm Nước Trời” là chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giê-su. Đây là điều vượt quá sự hiểu biết của loài người. Chỉ Đức Giê-su là Đấng thiết lập Nước Trời mới có thể trình bày về Nước ấy bằng các dụ ngôn. Dụ ngôn là các ví dụ cụ thể giữa đời thường, được Đức Giê-su dùng để trình bày các đặc tính của Nước Trời mà Người sắp thiết lập.
- C 12: + Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất: Người Do thái thời Đức Giê-su đang có đức tin truyền thống về Đấng Thiên Sai (Mê-si-a). Trong bọn họ, ai tin vào Người sẽ được hiểu biết thêm về các mầu nhiệm Nước Trời. Còn những kẻ không tin Đức Giê-su thì ngay cả lòng tin họ đang có về Nước Thiên Sai trần thế cũng sẽ bị lấy mất.
- C 13: + Vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu: Khi giảng cho dân Do thái đang khao khát một Nước trần thế lệch lạc, Đức Giê-su một đàng phải trình bày đúng về Nước Trời mà Người muốn thiết lập. Đàng khác, Người phải uốn nắn các quan niệm sai lạc của họ về một Nước Thiên Sai trần tục. Vì thế Đức Giê-su phải dùng dụ ngôn để rao giảng. Dụ ngôn có tính cách vừa mở vừa đóng: mở để giúp họ nhận ra sự thật và đóng đối với những gì họ hiểu sai. Khi nghe các dụ ngôn về Nước Trời, chỉ những ai thành tâm chấp nhận lời giảng của Đức Giê-su như môn đệ, mới có thể lãnh hội được ý nghĩa của nó. Còn những kẻ mang nhiều thiên kiến, cố chấp trong sự sai lầm như các đầu mục dân Do thái, thì dù có nghe Đức Giê-su giảng, họ cũng không hiểu về ý nghĩa thực sự của các dụ ngôn Người muốn dạy.
- C 14: + Ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: I-sai-a đã tuyên sấm các Lời Chúa phán khi sai ông đến giảng cho dân Do thái (x. Is 6,9-10). I-sai-a có trách nhiệm nói với dân Do thái về các hình phạt mà Chúa sẽ giáng xuống do tội của họ. + “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn, cũng chẳng thấy…”: Lời tuyên sấm của I-sai-a về tình trạng của dân Do thái thời Đức Giê-su cũng giống như thời của ông là bị dân Do thái không tin và từ chối đón nhận (x. Lc 2,34). Mát-thêu cũng ghi nhận cách giảng của Đức Giê-su bằng dụ ngôn đã ứng nghiệm lời tiên báo trong Thánh Vịnh như sau: “Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ, công bố điều huyền bí thuở xa xưa” (Tv 78,2).
- C 16-17: + Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy…: Các môn đệ Đức Giê-su không những được nhìn thấy các phép lạ Người làm và được nghe những Lời Người phán dạy, mà các ông còn có thiện chí muốn tìm hiểu để tin, nên các ông được phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính ở thời trước đây: dù có thiện chí muốn nghe muốn thấy, nhưng đã không được thấy được nghe Lời Người.
- C 18-23: + Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn Người Gieo Giống: Lời giảng dạy trong đoạn này xem ra không phù hợp với trọng tâm của dụ ngôn Người Gieo Giống ở phần trên: Dụ ngôn nhấn mạnh đến hành động gieo giống của Thiên Chúa qua Lời Đức Giê-su rao giảng vào 4 tình trạng đất khác nhau, nhưng phần giảng giải thì lại chú trọng đến tình trạng đón nhận Lời Chúa nơi các người nghe. Tâm điểm của dụ ngôn đã bị xê dịch từ lời dạy về mầu nhiệm Nước Trời sẽ gặp nhiều thử thách trước khi đạt kết quả sung mãn thời cánh chung, chuyển thành lời khuyến cáo hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Có lẽ phần giải thích dụ ngôn này là của Giáo Hội sơ khai, nhấn mạnh đến các thái độ khác nhau của những kẻ nghe Lời Chúa: Muốn cho Lời Chúa sinh sôi nẩy nở gấp bội, thì người nghe phải như mảnh đất tốt thể hiện qua thái độ "nghe và hiểu". Phải tránh chai lì cứng lòng như vệ đường, khô khan như sỏi đá và có các thói hư như gai góc…

4. CÂU HỎI:

1) Thế nào là dụ ngôn ? Có mấy dụ ngôn về Nước Trời là những dụ ngôn nào ? Ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống là gì ?
2) Bốn tình trạng đất trong dụ ngôn Người Gieo Giống ám chỉ điều gì ?
3) Câu: "Ai có tai thì nghe" có nghĩa thế nào ?
4) Tại sao Đức Giê-su phải dùng dụ ngôn khi giảng về Nước Trời cho dân Do Thái, nhưng lại nói rõ cho các môn đệ ?
5) Tại sao ngôn sứ I-sai-a lại tuyên sấm Lời Chúa với dân Do Thái rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy" ?
6) Tại sao các môn đệ có phúc hơn các ngôn sứ và các người công chính thời trước ?
7) Phần giải thích dụ ngôn người gieo giống thực ra là của ai và mang nội dung thế nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra: kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13,23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TÔN GIÁO CÓ ÍCH GÌ?

Có một lần người thợ làm xà bông và một vị giáo trưởng đi dạo và chuyện trò với nhau. Người thợ làm xà bông đã nói:
- Tôn giáo có ích gì? Tôn giáo nào cũng rao giảng chân lý, bình an, lòng thiện hảo. Nhưng ngài hãy nhìn vào thực trạng của thế giới: chiến tranh, đói khổ, và bao nhiêu hệ lụy khác xem ra sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Tôn giáo đâu có giúp được gì cho nhân loại?
Vị giáo trưởng im lặng và hai người tiếp tục đi qua một khu phố nghèo. Tại một con hẻm lầy lội, vị giáo trưởng chỉ vào một em bé ăn mặc bẩn thỉu, và nói:
- Ông hãy nhìn đứa bé kia. Ông cho rằng xà bông để tẩy xóa nhơ bẩn trên thân thể và quần áo của con người. Vậy ông hãy thử nhìn đứa bé kia. Xà bông của ông để làm gì? Với tất cả mọi thứ xà bông hiện có trên thế giới, đứa bé nhơ bẩn này vẫn cứ nhơ bẩn. Tôi chẳng biết xà bông dùng để làm gì?
Nghe lời ấy, người thợ làm xà bông cãi lại:
- Nó dơ bẩn là tại nó. Xà bông sẽ không có ích gì, nếu người ta không sử dụng nó.
Bấy giờ vị giáo trưởng mới nhỏ nhẹ nói:
- Đúng thế, xà bông sẽ vô ích, nếu người ta không sử dụng nó. Tôn giáo cũng vậy. Tôn giáo sẽ vô ích nếu con người không sống theo tôn giáo của mình.

2) QUYỀN NĂNG BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI CỦA LỜI CHÚA :

PHA-MÁT là một tên cướp lừng danh tại một vùng kia ở Ấn Độ. Hắn ta cùng đồng bọn thường ra tay cướp đoạt tài sản của người đi đường rồi mau lẹ tẩu thoát mà không để lại một dấu vết nào. Một ngày nọ, Pha-mát bẻ khóa vào một ngôi nhà vắng chủ. Sau khi đã lấy hết tiền bạc quý kim trong tủ, hắn kiểm tra lại ngôi nhà lần cuối thì thấy còn một cuốn sách nhỏ bìa đen, giấy mỏng và dai. Hắn nhặt lên bỏ vào túi với ý định sẽ dùng làm giấy vấn thuốc hút. Từ đó, mỗi khi hút thuốc hắn đều xé một tờ để vấn thuốc. Một lần nọ, hắn thấy trên tờ giấy có các hàng chữ nhỏ, hắn tò mò đọc thử xem hàng chữ đó viết điều gì, và từ đó mỗi lần hút thuốc hắn đều đọc một đọan lời Chúa trên tờ giấy. Vào một tối kia, sau khi đọc xong trang Lời Chúa, hắn để lại tờ giấy vừa xé vào trong cuốn sách, và quỳ gối xuống xin Chúa Giê-su tha tội và cứu hắn, giống như Người đã tha thứ cho tên cướp có lòng sám hối trên cây thập tự mà hắn vừa đọc được. Từ lúc ấy hắn cảm thấy tâm hồn thật bình an.
Hôm sau, hắn ăn mặc chỉnh tề rồi đi đến đồn cảnh sát xin đầu thú và nộp lại những đồ hắn đã ăn cắp còn lại. Mọi người đều ngạc nhiên khi nghe hắn cho biết lý do ra đầu thú, hắn sẵn sàng tra tay vào còng và sau khi nghị án, tòa chỉ kết án hắn 10 năm tù giam vì có yếu tố được giảm khinh. Trong thời gian mười năm ở tù, hắn vẫn tiếp tục đọc phần còn lại của sách Tân Ước và kể lại cho các bạn tù nghe. Dần dần nhờ sống khiêm tốn yêu thương và phục vụ theo gương Đức Giê-su, hắn đã làm cho các bạn tù cảm mến. Họ không còn thù ghét và đàn áp bóc lột lẫn nhau như trước, nhưng mọi người đều biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Một số bạn khác còn xin học Lời Chúa với hắn và tình nguyện trở thành môn đệ của Đức Giê-su noi gương của hắn.

3) NGƯỜI TA CHỈ MUA ĐƯỢC HẠT GIỐNG LỜI CHÚA:

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giê-su đang đứng bán ở quày hàng này.
Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: “Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?”
Chúa trả lời: “Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.”
Chị nói liền một hồi: “Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi”. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: “Không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng con và cho những người thân yêu của con nữa.”
Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).

Trong Tin mừng “Dụ ngôn người gieo giống” hôm nay (Mt 13,1-23), Chúa Giê-su chính là người gieo giống. Mỗi người chúng ta là đất. Hạt giống là lời Chúa trong Thánh Kinh. Tùy vào thái độ của mỗi người nghe, chân thành đón nhận hay lười biếng khước từ, mà Lời Chúa sẽ phát sinh những hoa trái hiệu quả khác nhau.

3. SUY NIỆM:

1) ĐỜI SỐNG CÁC TÍN HỮU NÓI CHUNG CHƯA TỐT HƠN LƯƠNG DÂN:

TIM KƠN-ROI (Tim Conroy) là một thanh niên đạo đức, siêng năng đến nhà thờ dự lễ hằng ngày. Một hôm, anh đã tâm sự với một người bạn thân về nỗi thao thức của anh về đức tin như sau: “Tớ xuất thân từ một gia đình gốc Công giáo. Hằng ngày tớ vẫn dự lễ và không quên đọc kinh sớm tối. Nhưng có một điều tớ lấy làm lạ là: Tớ càng giữ đạo lâu năm thì lại càng thấy mình xuống dốc về mặt đạo đức như: bê tha rượu chè, quan hệ nam nữ bừa bãi, lại còn chích hút ma túy… không hơn gì những người lương không theo đạo. Vào ngày sinh nhật năm 25 tuổi, tớ đã tính ra số lần dự lễ, số lần nghe giảng Lời Chúa và lên rước lễ tới cả chục ngàn lần. Thế mà sao tớ vẫn không thấy mình tiến bộ được bao nhiêu !” Thắc mắc của TIM đã được trả lời trong dụ ngôn về người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay.

2) NGUYÊN NHÂN SỐNG CHƯA TỐT LÀ DO KHÔNG THỰC HÀNH LỜI CHÚA:

Trong một vườn nho kia có một gốc nho bị tàn héo đang khi các cây nho khác lại vẫn xanh tốt. Người làm vườn đã mất nhiều công sức đào sới đất chung quanh, rắc phân tro và tưới nước hằng ngày cho cây nho này. Nhưng sau một thời gian mà cây nho vẫn èo uột không sinh hoa trái. Cuối cùng ông đã đào bật gốc nho lên thì phát hiện ra có một miếng tôn nằm dưới gốc cây, khiến rễ cây không cắm sâu xuống đất để hút được các chất bổ dưỡng. Từ lúc lấy miếng tôn kia đi thì cây nho đã bắt đầu xanh tốt và sinh hoa trái như các cây nho khác. Cuộc đời chúng ta cũng vậy: Nếu sau một thời gian dài theo đạo, mà chúng ta vẫn như cây nho tàn úa không sinh hoa trái là các việc lành, không sống công bình nhân ái hơn anh em lương dân… là do chúng ta đã không chịu lắng nghe Lời Chúa, không suy niệm để tìm hiểu và không quyết tâm sống theo ý Chúa muốn.

3) BỐN LỐI SỐNG ĐẠO THEO TIÊU CHUẨN THỰC HÀNH LỜI CHÚA:

Dụ ngôn về người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay trình bày bốn loại đất tiếp nhận lời Chúa, tượng trưng cho bốn lối sống đạo của các tín hữu hôm nay như sau:
* Loại có lối sống đạo hình thức: Họ chỉ sống đạo tốt tại nhà thờ, còn khi về nhà thì lời Chúa lại không chút ảnh hưởng đến cuộc sống, nên đối xử bất công với tha nhân, hay gây sự và bất hòa với người chung quanh. Đây là hạng tín hữu thiếu đức tin giống như loại đất vệ đường chai lỳ!
* Loại có lối sống đạo vụ lợi: Tuy có đến nhà thờ nhưng chỉ nhằm mục đích tìm cầu danh lợi. Gặp lúc làm ăn thất bại hay khi mắc bệnh tật thì chỉ biết than trời trách đất, bỏ việc đọc kinh dự lễ, có khi còn hữu sự vái tứ phương đến với bói toán bùa ngải mê tín… Hạng tín hữu này nghe được lời Chúa thì cũng để ngoài tai. Họ giống cây lúa mọc nơi đất sỏi đá dễ bị chết héo khi gặp phải lúc trời nắng gắt.
* Loại có lối sống đạo xu thời: Đó là những tín hữu có nhiều thói hư như: cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách... Lời Chúa họ nghe khi dự lễ không thể phát sinh hoa trái là các việc lành được là do đã bị các thói hư cản trở.
* Loại có lối sống đạo chân thành: Đó là những tín hữu ham mê đọc, nghe và suy niệm Lời Chúa để tìm hiểu ý Chúa muốn và sẵn sàng xin vâng, noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a khi xưa. Những người này được tượng trưng bằng loại đất tốt mà khi hạt giống Lời Chúa được gieo vào sẽ có điều kiện phát sinh nhiều hoa trái bác ái. Họ sẽ trở thành môn đệ và nên chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa Giê-su giữa lòng xã hội hôm nay.
4) PHƯƠNG PHÁP GIÚP CÁC TÍN HỮU THỰC HÀNH LỜI CHÚA:
Để sống được Lời Chúa dạy, các tín hữu cần tham dự các buổi HIỆP SỐNG TIN MỪNG hằng tuần tại nhà thờ hay nhà sinh hoạt mục vụ. Mỗi buổi họp nhóm gồm bốn bước như sau:
* Bước một của trí khôn: Cộng đoàn tìm hiểu Lời Chúa bằng cách đứng đọc chung một đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hay theo chủ đề. Tiếp đến người hướng dẫn sẽ giúp cộng đoàn tìm hiểu ý Chúa muốn dạy qua đoạn Tin Mừng?
* Bước hai của trái tim: Cộng Đoàn thảo luận để chọn ra một câu Lời Chúa quan trọng nhất phù hợp với ý Chúa muốn dạy để học thuộc và quyết tâm áp dụng vào đời sống. Mỗi người chia sẻ các câu chuyện các thánh đã sống Lời Chúa hoặc kinh nghiệm bản thân mình đã sống Lời Chúa và kết quả ra sao.
* Bước ba của ý chí: Cộng đoàn góp ý cách áp dụng thực hành Lời Chúa nơi bản thân, cait thiện môi trường mình đang sống là gia đình, khu xóm, xứ đạo và xã hội chung quanh.
* Bước bốn của ơn Chúa: Việc sống theo Lời Chúa chỉ có thể hoàn thành được khi mỗi người biết cầu xin ơn Chúa giúp theo lời Chúa hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7); “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5b). Sau lời nguyện tự phát, sẽ kết thúc bằng một bài hát thích hợp.

4. THẢO LUẬN:

1) Hãy cho biết lý do nào khiến các ông Mát-thêu, Gia-kêu và Phan-xi-cô Xa-vi-ê đang là tội nhân đã được biến đổi nên tốt lành thánh thiện? 2) Mỗi người chúng ta hãy tự xét xem mình đang ở trong tình trạng nào: Mặt đường chai cứng, đất đá khô khan, đất nhiều gai góc hay đất mầu tốt… để Lời Chúa có thể phát sinh hoa trái là việc lành?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con đường dài nhất là đường từ tai nghe đến tay làm. Chúng con thường hay xây ngôi nhà đức tin của mình trên nền cát, khi chỉ mới nghe Lời Chúa mà chưa thực hành, nên Lời Chúa đã không biến đổi lối sống của chúng con.

- LẠY CHÚA. Xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, biết năng đến tham dự các buổi Hiệp Sống Tin Mừng. Xin giúp chúng con ý thức loại bỏ tình trạng sỏi đá là thói lười biếng chu toàn các việc đạo đức, biết loại trừ gai góc là các thói hư... Nhờ đó, chúng con trở thành đất tốt, để Lời Chúa có thể sinh hoa trái. Ước gì ngôi nhà đức tin của chúng con được xây trên đá thực hành Lời Chúa, hầu tòa nhà đức tin của chúng con có thể đứng vững trước các cơn thử thách, và có thể chống trả ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:59 14/07/2017
78. CHE MẶT GẶP HỔ
Có một người nọ lấy da sư tử trùm mặt và đi vào trong rừng, con cọp vừa thấy liền chạy mất tiêu, người ấy cho rằng con cọp sợ mình, liền đi khoe khoang với mọi người ầm cả lên.
Ngày hôm sau, anh ta thay đổi che mặt bằng da con cáo và đi vào trong rừng, lại gặp ngay lão cọp, con cọp hung tợn đứng dò xét anh ta, anh ta thấy con hổ không nhảy lại bèn lớn tiếng chửi bới nó, kết quả là bị con hổ vồ ăn mất xác.
(Úc Ly tử)

Suy tư 78:
Sư tử được coi là vua của các loại thú rừng, đem nó ra mà doạ thì ai mà không sợ chứ ?
Có một vài giáo xứ khi các dì phước dạy giáo lý cho trẻ em thì cứ luôn miệng nói Chúa phạt chết mất linh hồn, mà rất ít khi nói đến tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với các em nhỏ; các dì thường đem chuyện Chúa phạt các người ác trong hoả ngục như thế nào để kể cho các em nghe, nhưng ít chú trọng đến việc dạy các em phải làm gì, làm như thế nào để yêu mến Chúa mà đừng phạm tội làm mất lòng Ngài.
Có những người Ki-tô hữu luôn đem Chúa ra hù doạ người khác: nào là Chúa vặn gảy cổ, nào là Chúa phạt hộc máu, nào là Chúa vật chết tươi ăn năn tội chẳng kịp.v.v...mà bản thân họ lại không chịu sống tốt lành để cho người khác noi theo.
Thiên Chúa là tình yêu chứ không phải là “ông ba mươi”, cho nên đừng đem Ngài ra doạ nạt người khác, nhưng hãy đem Chúa mà mình đã tin đã yêu và đã sống lời Ngài trong cuộc sống ra cho mọi người coi, để khi họ thấy mình sống chan hoà yêu thương với mọi người, biết tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, thì người khác sẽ giật mình sợ hãi mà xét lại cuộc sống bê tha của mình...
Đó chính là chuyện đáng nói vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:03 14/07/2017

11. Cầu nguyện cách thiết tha là gò ép Thiên Chúa.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 15 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:05 14/07/2017
Chúa Nhật XV THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 13, 1-23.
“Người gieo giống đi ra gieo giống.”


Bạn thân mến,
Tôi tin chắc rằng bạn -ít nữa là một lần- đã thấy người đi gieo giống trên đồng ruộng: một tay nách thúng lúa giống, tay kia vung ra gieo hạt lúa trên ruộng đều đặn, và phó mặc cho trời rồi trở về nhà; tôi cũng tin chắc rằng bạn cũng đã nhìn thấy ruộng lúa khi sắp đến mùa gặt, hạt lúa vàng nặng trĩu theo gió đung đưa nhè nhẹ óng ánh dưới ánh chiều tà, đẹp lắm và rất thơm mùi lúa chin.
Có lúc nào bạn nghĩ rằng, mình là hạt giống rơi vào trong đất tốt để rồi sinh ra nhiều hạt lúa đẹp đẽ tốt lành hay không, hay mình chỉ là hạt giống rơi vào trong bụi gai hăng hái đi lễ nhà thờ, ham học hỏi giáo lý khi tuổi còn trẻ ham vui, để rồi tàn lụi dần vì sức hấp dẫn của tiền tài danh vọng vật chất của thế gian ?

Có lúc nào bạn nghĩ rằng tôi sẽ là một hạt lúa giống tốt được gieo vào trong một hoàn cảnh thuận lợi, để tôi lớn lên và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Hoàn cảnh thuận lợi chính là đời sống tôn giáo và đức tin của bạn không bị bách hại, bạn không phải lo lắng về vật chất, không phải lo lắng vì kế sinh nhai, bởi vì tất cả những thứ ấy bạn không hề thiếu...

Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi hãy chú ý nhìn người đáng gieo giống: có những hạt rơi bên vệ đường, có những hạt rơi trong đá sỏi, có những hạt rơi trong bụi gai và có những hạt rơi trong đất tốt, và kết quả thì cứ nhìn coi nó rơi vào đâu để nhìn thấy sức sống và sự kết hạt của nó, để rồi đối chiếu vào đời sống của mình coi mình là hạt giống rơi vào nơi nào trong tay người gieo giống vung ra, để nổ lực vươn lên trong ơn nghĩa của Chúa.
Đức Chúa Giê-su cũng mời bạn và tôi dù rơi vào mảnh đất tốt hay xấu, thì ơn sủng của Ngài cũng có thể làm cho chúng ta lớn lên và sinh hoa kết quả, với điều kiện là chúng ta phải để cho Chúa chăm nom, bởi vì không một người gieo giống nào muốn hạt giống của mình chết khô hay bị chim trời ăn mất...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Các Tham Dự Viên Buổi Hội Thảo Quốc Tế về Việc Dạy Giáo Lý 2017
Phaolô Phạm Xuân Khôi
06:55 14/07/2017
Dưới đây là bản phỏng dịch Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên Buổi Hội Thảo Quốc Tế về việc Dạy Giáo Lý 2017 được tổ chức tại Buenos Aires, từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 7 năm 2017. Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “việc Dạy Giáo Lý không phải là một ‘công việc’ hoặc một nhiệm vụ ở ngoài con người của giáo lý viên, mà là ‘giáo lý viên’ và tất cả cuộc sống xoay quanh nhiệm vụ này”. Nguyên văn tiếng Ý được đăng tại http://w2.vatican.va/content/francesco/it/messages/pont-messages/2017/documents/papa-francesco_20170705_messaggio-simposiocatechesi-argentina.html

* * *


Kính gửi Đức Cha Ramón Alfredo Dus

Tổng Giám Mục Resistencia

Chủ tịch Ủy Ban Giám Mục về Mục Vụ Dạy Giáo Lý và Thánh Kinh

Thưa hiền huynh,

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến hiền huynh và tất cả các tham dự viên của các buổi hội họp và huấn luyện khác nhau được Ủy ban Giám Mục về Mục Vụ Dạy Giáo Lý và Thánh Kinh tổ chức.

Khi một trong các môn đệ của ngài xin ngài dạy mình cách rao giảng, Thánh Phanxicô thành Assisi đã trả lời như sau: "Hiền đệ, khi chúng ta thăm viếng người bệnh, giúp đỡ trẻ em và mang thức ăn đến cho người nghèo, là chúng ta đã rao giảng". Bài học cao đẹp này gói ghém ơn gọi và nhiệm vụ của giáo lý viên.

Trước hết, việc Dạy Giáo Lý không phải là một "công việc" hoặc một nhiệm vụ ở ngoài con người của giáo lý viên, mà là "giáo lý viên” và tất cả cuộc sống xoay quanh nhiệm vụ này. Thực ra, "làm" giáo lý viên là một ơn gọi phục vụ trong Hội Thánh, điều gì đã mình nhận được như một món quà từ Chúa thì phải được truyền lại khi đến lượt mình. Vì vậy, giáo lý viên phải luôn luôn quay trở lại với lời loan báo ban đầu hoặc "kerygma" là hồng ân đã biến đổi cuộc sống mình. Đây là lời loan báo cơ bản phải được liên tục vang lên trong đời sống Kitô hữu, thậm chí phải được vang lên nhiều hơn trong những người được mời gọi để rao giảng và dạy dỗ về đức tin. "Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời loan báo ban đầu ấy" (Evangelii Gaudium, s. 165). Lời loan báo này phải đi kèm với đức tin hiện diện trong lòng đạo đức của dân [Công Giáo] của chúng ta. Cần phải quan tâm đến tất cả tiềm năng của lòng sùng đạo và tình yêu được gói ghém trong việc đạo đức bình dân, ngõ hầu không chỉ nội dung của đức tin được truyền lại, mà còn tạo ra một ngôi trường đào luyện thật sự, trong đó hồng ân đức tin đã lãnh nhận được vun trồng, để ân sủng được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu được phản ánh trong các việc làm và lời nói.

Giáo lý viên đi từ và đi cùng Đức Kitô, không như một kẻ khởi sự từ ý tưởng và thị hiếu của riêng mình, nhưng như một người để cho mình tìm kiếm Chúa, tìm kiếm cái nhìn làm cho lòng mình bừng cháy. Chúa Giêsu càng chiếm trung tâm cuộc sống của chúng ta, thì Người càng làm cho chúng ta ra khỏi chính mình, không còn tập trung vào mình và làm cho chúng ta gần gũi tha nhân hơn. Động năng này của tình yêu cũng giống như sự chuyển động của con tim: "tâm thu (đóng vào) và tâm trương (mở ra)"; nó [đóng vào khi] chú tâm vào việc gặp gỡ Chúa và tức thì mở ra vì tình yêu dành cho Người, để làm chứng cho Chúa Giêsu và nói về Chúa Giêsu, để rao giảng Chúa Giêsu. Gương mẫu mà Chính Người ban cho chúng ta: Người rút [vào nơi thanh vắng] để cầu nguyện cùng Chúa Cha và lập tức đi ra để gặp những người đang đói khát Thiên Chúa, để chữa lành và cứu họ. Từ đó phát sinh tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý "hiệp nhiệm", là cuộc gặp gỡ thường xuyên với Lời Chúa và các Bí Tích, và không chỉ là điều thỉnh thoảng mới xảy ra, trước khi cử hành các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo. Đời sống Kitô hữu là một tiến trình tăng trưởng và hội nhập tất cả các chiều kích của con người trong một cuộc hành trình lắng nghe và đáp lời cách cộng đồng. (x. Gaudium Evangelii, s. 166).

Giáo lý viên cũng là sáng tạo. Tìm các phương tiện và cách thế khác nhau để loan báo Đức Kitô. Thật tuyệt đẹp khi tin vào Chúa Giêsu, bởi vì Người là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14: 6) là điều đổ đầy cuộc sống của chúng ta với niềm vui và hạnh phúc. Việc tìm cách cho người ta biết Chúa Giêsu như sự tuyệt mỹ đưa chúng ta đến việc tìm ra những dấu chỉ và các hình thức mới cho việc truyền thụ đức tin. Các phương tiện có thể khác nhau nhưng điều quan trọng là chú ý đến phong cách của Chúa Giêsu, là Đấng thích nghi với những người ở trước mặt mình để đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho họ. Chúng ta cần phải biết cách "thay đổi" và thích nghi thế nào để làm cho sứ điệp trở nên gần gũi hơn, mặc dù sứ điệp ấy trước sau như một, vì Thiên Chúa không thay đổi, nhưng làm cho mọi sự được đổi mới trong Ngài. Trong việc tìm kiếm cách sáng tạo để làm cho người ta biết Chúa Giêsu, chúng ta không được sợ hãi bởi vì Người đi trước chúng ta trong nhiệm vụ này. Người đã ở trong con người của thời nay và chờ đợi chúng ta ở đó.

Các giáo lý viên thân mến, cảm ơn các con vì những gì các con làm, nhưng trên hết vì các con cùng đi với Dân Thiên Chúa. Cha khuyến khích các con trở thành những sứ giả vui tươi, những người bảo vệ sự thiện mỹ là điều tỏa sáng trong cuộc sống trung tín của người môn đệ truyền giáo.

Nguyện xin Chúa Giêsu chúc lành cho các con và Đức Thánh Nữ Trinh, "nhà giáo dục chân chính của đức tin," gìn giữ các con.

Và, làm ơn đừng quên cầu nguyện cho Cha

Vatican, ngày 05 tháng bảy, 2017

+ Phanxicô
 
Scotland: Số lượng truyền chức linh mục tăng cao nhất trong hai thập kỷ qua
Chân Phương
08:41 14/07/2017
Scotland: Số lượng truyền chức linh mục tăng cao nhất trong hai thập kỷ qua

Giáo Hội Scotland đã chứng kiến sự gia tăng trong việc truyền chức linh mục, với 12 linh mục được thụ phong trong năm nay. Đây là số lượng cao nhất trong hai thập niên qua.

Đức Giám Mục John Keenan của Giáo phận Paisley - Chủ tịch Linh mục đoàn ở Scotland nói rằng ủy ban của ngài đã nhận thấy có sự gia tăng về định hướng và quan tâm đến ơn gọi.

Ngài nói: "Thật là một tin tuyệt vời khi thấy được đây là số lượng linh mục nhiều nhất được truyền chức trong hơn hai thập niên qua”.

Từ năm 1997, mỗi 5 năm mới có lễ truyền chức, còn trong năm 2008 thì chẳng có lấy một lễ. Mùa thu năm ngoái chỉ còn 30 chủng sinh đang học ở chủng viện.

"Trên hết, nhìn chung có sự gia tăng về số lượng nam thanh niên tiếp xúc với các cha giám đốc ơn gọi của chúng tôi để xin gia nhập chủng viện", ngài nói.

Thêm vào đó, Giáo Hội cũng đang nhận thấy “số lượng thiếu nữ quan tâm đến đời sống tu trì để phục vụ những người bị gạt ra hoặc bị loại trừ khỏi xã hội chúng ta cũng đang tăng lên".

Đức Giám Mục Keenan xác nhận rằng các cha giám đốc ơn gọi của Giáo Hội đang có những "ý tưởng mới" và việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội "đã giúp định hướng và đồng hành với những người nhận thấy Chúa đang gọi họ. Chúng tôi có thể thấy công việc tốt đẹp này đã bắt đầu sinh hoa kết quả".

Giáo sư Stephen Bullivant, giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Xã hội Benedict XVI, nói rằng việc gia tăng này có thể là từ "sức tác động Bênêđictô".

Ông nói: "Những thanh niên ấy đã gia nhập chủng viện ngay sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hồi 2010. Vì thế, có lẽ một trong những lí do mà nhóm thanh niên này cảm nhận được ơn gọi của họ được ‘mở ra’ là từ chuyến viếng thăm ấy". (CatholicHerald)

Chân Phương
 
Hoa Kỳ - Đức Giám Mục khen ngợi dự luật chống buôn người.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:40 14/07/2017
Hoa Kỳ: Đức Giám Mục khen ngợi dự luật chống buôn người.

(EWTN News/CNA) Một dự luật chống tệ nạn buôn người vừa được thông qua tại Hạ Viện vào hôm thứ Tư, 12 tháng Bẩy năm 2017, và đã được một giám mục Hoa Kỳ khen ngợi như là “một bước quan trọng” trong cuộc chiến nhằm chấm dứt việc nô lệ kiểu mới hiện nay.

Đức Giám Mục Joe Vasques của giáo phận Austin, Chủ tịch Ủy Ban Di Dân của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi dự luật H.R.2200 “là một bước quan trọng mà Quốc Hội tiến hành nhằm ngăn ngừa tệ nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân với các ngân khoản lớn dành cho họ.”

Luật Ngăn Ngừa và Bảo Vệ Nạn Nhân Tệ Nạn Buôn Người năm 2017 (The Frederick Douglass Trafficking Victims Prevention, Protection and Reauthorization Act of 2017) bổ túc cho luật hiện có là Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Tệ Nạn Buôn Người năm 2000. Luật mới được đặt tên là Frederick Douglass để tưởng nhớ đến một người đã sinh ra trong kiếp nô lệ vào năm 1818 và đã trốn thoát để tìm tự do và rồi đã cống hiến quãng đời còn lại để đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ.

Dân Biểu Cộng Hòa Christ Smith của tiểu bang New Jersey, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền toàn cầu Hạ Viện, là tác giả của dự luật cùng với dân biểu Dân Chủ Karen Bass của tiểu bang California, cũng là thành viên của ủy ban đưa ra dự luật này.

Luật này đề nghị sẽ tăng ngân quỹ cho các chương trình chống tệ nạn buôn người hiện nay ở Hoa Kỳ và các nước khác lên tới trên $500 tỉ đồng.

Học bổng sẽ được phát cho các học sinh và giáo viên trong các chương trình giáo dục để giúp họ khám phá và ngăn ngừa tệ nạn buôn người nơi các thanh thiếu niên bị cưỡng bức lao động hay phục vụ tình dục. Chính phủ Hoa Kỳ cũng sẽ khuyến khích, tặng thưởng cho các nhân viên làm việc tại khách sạn, nhà nghỉ có những bước tích cực trong việc ngăn ngừa tệ buôn người tại nơi làm việc của mình.

Thêm vào đó, ngân quỹ cũng sẽ dùng để giúp các nạn nhân nơi nghỉ ngơi tạm thời, hỗ trợ pháp lý và điều trị do thần kinh bị hoảng loạn.

Dân biểu Bass nhấn mạnh rằng việc giúp các nạn nhân là cần thiết vì họ thường rất trẻ và vô vọng. “Hầu hết nạn nhân của bọn buôn người là những em gái được nhận nuôi, tuổi trung bình khoảng 12 tuổi. Lý do mà các em gái này không thể trốn ra ngoài được là vì trốn ra rồi sẽ ở đâu.”

Tệ nạn buôn người là một tệ nạn mang tính toàn cầu và theo Tổ Chức Lao Động Quốc tế thì con số nạn nhân đã lên tới 21 triệu người. Hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Tệ nạn buôn người có thể bao gồm cưỡng bức lao động hay nô lệ tình dục.

Theo Bộ Ngoại Giao thì có vào khoảng 10,000 vụ buôn người bị truy tố và kết án hàng năm. Buôn người len lỏi trong nhiều lãnh vực như trường hợp các người Nam Dương bị cưỡng bức làm việc như là những người nô lệ trên các tàu đánh cá, những người Afghanistan bị bắt ép lao động để trả nợ và những người bị cưỡng bức làm nghề mại dâm ở Hoa Kỳ.

Cũng theo Tổ Chức Lao Động Quốc Tế thì chỉ riêng ở Hoa Kỳ, bọn buôn người đã kiếm được khoảng $150 tỉ đồng mỗi năm trong việc cưỡng bức lao động.

Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan (dân biểu Cộng Hòa, bang Wisconsin) tuyên bố trong cuộc họp báo vào hôm thứ Tư tại Thủ Đô Washington rằng “Tệ Nạn Buôn Người là một loại tội phạm tăng nhanh nhất trên thế giới. Nó là vấn đề của thế giới và mọi nỗ lực để giải quyết cũng phải mang tấm vóc thế giới.”

Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Tệ Buôn Người năm 2000 mà tác giả là Dân Biểu Smith có mục đích chính là đưa ra bản báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại Giao để đánh giá mức độ hệ thống luật pháp của các nước theo tiêu chuẩn tối thiểu trong việc chiến đấu và ngăn ngừa tệ nạn buôn người. Sau đó Bộ Ngoại Giao đã dùng phương tiện pháp lý để trừng phạt hay thúc đẩy những nước có hồ sơ tồi tệ nhất về tệ buôn người cần cải tiến.

Báo cáo hằng năm trong trận chiến chống tệ nạn buôn người cũng được cải tiến theo luật mới. Những nước trong danh sách theo dõi cấp 2, tức là có mức độ khá hơn cấp vi phạm trầm trọng nhất là cấp 3, có thể vẫn được giữ trong danh sách theo dõi trong một thời hạn nhất định trước khi bị đưa xuống cấp 3 nếu những nước này không cải tiến hồ sơ chống tệ buôn người của họ.

Cũng theo luật mới này nếu nước nào bắt trẻ vị thành niên đi lính sẽ không thể là đồng minh của quân đội Hoa Kỳ cho đến khi họ chấm dứt việc vi phạm này.

ĐGM Vasquez ngỏ lời ủng hộ bản dự luật này vào hôm thứ Ba và yêu cầu mọi người cũng liên lạc với dân biểu của mình để bày tỏ sự ủng hộ dự luật.

Trong thư gởi cho Quốc Hội, ĐGM viết rằng “Giáo Hội Công Giáo giữ một vai trò bền bỉ trong việc ngăn ngừa tệ buôn người và giúp đỡ các nạn nhân.”

Luật chống tệ nạn buôn người là một giúp đỡ quan trọng cho các nạn nhân cũng như giúp cắt đứt những đường dây cung cấp kinh tế cho tệ nạn này.

Khi đề cập đến tệ buôn người, ĐGH Phanxicô nói rằng “Nạn nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhưng thường hầu hết là những người nghèo nhất và những người dễ bị tổn thương nhất trong số anh chị em của chúng ta. Tôi tin rằng những anh chị em bị bóc lột này đáng được sự chăm lo và giúp đỡ của cộng đồng và của các chính phủ. Sự nâng đỡ như thế sẽ giúp họ sớm được chữa lành và hòa nhập với xã hội.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Đại hội Laudato Si bên Rio de Janeiro
Linh Tiến Khải
19:37 14/07/2017
VATICAN: ĐTC khích lệ mọi người biết tôn trọng thụ tạo, có tinh thần trách nhiệm đối với thiên nhiên và vun trồng củng cố các tương quan trong xã hội đa văn hoá.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi hội nghị triệu tập tại Rio de Janeiro trong các ngày từ 13 tới 15 tháng 7 về đề tài “Laudato si và các thành phố lớn”. Hội nghị có mục đích thực thi nội dung Thông điệp của ĐTC và gây ý thức cho mọi người liên quan tới các đòi buộc luân lý đạo đức phải cấp thiết tìm ra một giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu. ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phát triển toàn diện, đã đọc diễn văn khai mạc đại hội.

Trong sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha ĐTC khẳng đinh rằng Thông điệp quy chiếu nhiều nhu cầu của con người sống trong các thành phố lớn trên thế giới ngày nay. Để được hữu hiệu cần chú ý tới ba từ bắt đầu bằng chữ R là Respeto, Responsabilidad và Relación: nghĩa là sự tôn trọng, tinh thần trách nhiệm và tương quan. Mọi người phải tôn trọng thụ tạo là ơn Thiên Chúa ban cho thế giới, trong đó có nước là suối nguồn sự sống. Trong Bài ca tạo vật thánh Phanxicô thành Assisi cảm tạ Thiên Chúa vì “chị nước rất ích lợi và khiêm tốn, quý báu và thanh sạch”. Cũng như các yếu tố khác nước uống trong lành diễn tả tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật. Khi không biết chú ý và giữ gìn nước trong lành, là chúng ta khiến cho cuộc sống của hàng triệu người gặp nguy hiểm. Vì thế cần tạo ra ý thức cao độ đối với môi trường bao quanh chúng ta, vì nó là thiện ích cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai.

Sự tôn trọng này đòi buộc chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm cao, làm tất cả những gì có thể để duy trì môi sinh lành mạnh, khí quyển trong lành, môi trường sạch sẽ, không khai thác thiên nhiên bữa bãi vô độ và giải quyết vấn để thải rác. Các chính quyền có bổn phận tìm ra các phương thế hữu hiệu để săn sóc căn nhà chung ngày càng có thể ở được và lành mạnh hơn.

Sau cùng cần vun trồng và củng cố tương quan giữa mọi giai tầng trong một xã hội ngày càng đa văn hoá và đa chủng tộc, và sống yêu thương, cởi mở liên đới với nhau. Thật là quan trọng việc xã hội cùng nhau làm việc trong lãnh vực chính trị, giáo dục và tôn giáo để tạo ra các tương quan nhân bản có phẩm chất cao triệt hạ các bức tường ngăn cách, cô lập và gạt bỏ tha nhân. Điều này có thể thực hiện được qua các nhóm, các trường học và giáo xứ có khả năng xây dựng một mạng lưới hiệp thông và tuỳ thuộc giúp chung sống và thắng vượt các khó khăn (REI 13-7-2017)
 
Nhà báo Eugenio Scalfari phỏng vấn ĐTC Phanxicô về tòan cầu hóa, Pascal, nhiệm vụ của Giáo hòang...
Linh Tiến Khải
10:59 14/07/2017
VATICAN 13/07/2017 - Ngày mùng 8 tháng 7 vừa qua nhật báo Cộng Hoà La Republica ở Italia đã đăng bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho ông Eugenio Scalfari, một nhà báo lão thành không có niềm tin tôn giáo. Thứ năm trước đó chính ĐTC đã điện thoại cho ông. Ông Eugenio hơn ĐTC 13 tuổi. Sau khi hỏi thăm nhau về tình hình sức khoẻ ĐTC khuyên ông nên uống nước nhiều và ăn thức ăn có muối. Hai người hẹn gặp nhau lúc 4 giờ chiều cùng ngày tại nhà trọ thánh nữ Marta. Đề tài chính của buổi nói chuyện xoay quanh Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Tạo Hoá duy nhất của vũ hoàn. Đó cũng là luận thuyết nền tảng của triều đại Đức Phanxicô. Kết quả là tình huynh đệ giữa mọi tôn giáo và của các Giáo Hội Kitô, đặc biệt là tình yêu thương đối với người nghèo, người yếu đuổi, bị loại trừ, người bệnh tật, hoà bình và công lý.

ĐTC cho ông biết ngài rất lo âu đối với hội nghị thượng đỉnh của khối G20. Ngài nói với ông: “Tôi sợ rằng có các liên minh khá nguy hiểm giữa các cường quốc có một quan niệm lệch lạc về thế giới: Mỹ và Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn, Putin và Assad trong chiến tranh Siria”.

Hỏi: Thưa ĐTC đâu là nguy hiểm của các liên minh này?

Đáp: Nguy cơ liên quan tới việc di cư. Như ông biết đó, chúng ta có một vấn đề chính, và rất tiếc ngày càng gia tăng trong thế giới hiện nay, đó là vấn đề của người nghèo, người yếu đuối, người bị loại trừ, mà các người di cư là thành phần. Đàng khác, có các quốc gia đa số dân nghèo không đến từ các phong trào di cư, mà bởi các tai ương xã hội, có những nước khác có ít người nghèo, nhưng họ sợ sự xâm lăng của người di cư. Đó là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh của khối G20 khiến tôi lo lắng: nó đánh vào người di cư của các quốc gia phân nửa thế giới, và nó càng đánh mạnh với thời gian qua đi.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC nghĩ rằng trong xã hội toàn cầu như xã hội chúng ta đang sống, sự di chuuyển của các dân tộc gia tăng, nghèo hay không nghèo cũng thế, có phải vậy không?

Đáp: Chúng ta đừng ảo tưởng: các dân tộc bị thu hút bởi các đại lục và các quốc gia giầu cổ xưa. Nhất là Âu châu. Chế độ thực dân phát xuất từ châu Âu. Có các khía cạnh tích cực trong chế độ thực dân, nhưng cũng có các khía canh tiêu cực. Dầu sao đi nữa Âu châu đã trở thành giầu có hơn, giầu nhất trên toàn thế giới. Vì thế nó sẽ là mục tiêu của các dân tộc di cư.

Hỏi: Cả con nữa cũng đã suy tư nhiều lần về vấn đề này, và con đi tới kết luận rằng không phải chỉ vì thế, mà cũng vì thế Âu châu phải mau chóng chừng nào có thể có một cơ cấu liên bang. Các luật lệ và các thái độ chính trị phát xuất từ đó được quyết định bởi chính quyền liên bang và Quốc hội liên bang, chứ không phải bởi các nước thành viên riêng rẽ. ĐTC cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề này, cả khi phát biểu trước Quốc hội âu châu nữa, có đúng thế không thưa ĐTC?

Đáp: Đúng thế. Tôi đã nhiều lần nêu lên vấn đề này.

Hỏi: Và ĐTC đã được vỗ tay tán đồng nhiều lần kể cả tung hô nữa có đúng vậy không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhưng rất tiếc nó có ít ý nghĩa. Các quốc gia chuyển động và ý thức được một sự thực: hoặc là Âu châu trở thành một cộng đồng liên bang hoặc là nó sẽ không còn là gì nữa trên thế giới. Nhưng bây giờ tôi muốn hỏi ông một câu: đâu là các thành kiến và các khuyết điểm của các nhà báo?

ĐTC trở thành người phỏng vấn.

Ông Eugenio đáp: Thưa ĐTC, ĐTC phải biết rành hơn con chứ, bởi vì ngài là một người kiên trì đọc các bài họ viết mà!

ĐTC: Nhưng mà tôi muốn biết từ ông cơ!

Ông Eugenio đáp: Vâng, chúng ta hãy để qua một bên các thành kiến, nhưng cũng có các thành kiến và đôi khi chúng cũng rất là đáng chú ý. Các khuyết điểm của các nhà báo: đó là kể lại một sự kiện mà không biết nó thật hay không thật tới mức nào; vu khống, giải thích sự thật bằng cách khiến cho các tư tưởng của mình thắng thế. Và cả việc lấy các tư tưởng của một người khôn ngoan hơn, chuyên môn hơn làm của mình, bằng cách gán nó cho chính mình.

ĐTC nói:

Điều cuối cùng này tôi đã không bao giờ để ý. Chuyện các nhà báo có các tư tưởng riêng và áp dụng chúng cho thực tại không phải là một khuyết điểm, nhưng tự gán cho mình các tư tưởng của người khác để có được uy tín hơn, điều này chắc chắn là một khuyết điểm trầm trọng.

Hỏi: Thưa ĐTC, nếu ĐTC cho phép bây giờ con xin hỏi hai điều. Con đã trình bầy vài lần trong các bài viết của con, nhưng con không biết ĐTC nghĩ gì?

Đáp: À, tôi hiểu rồi. Ông muốn nói về Spinoza và Pascal chứ gì. Ông muốn đề nghị trở lại hai đề tài này phải không?

Hỏi : Vâng, con cám ơn ĐTC. Chúng ta hãy bắt đầu với Luân lý đạo đức của Spinoza. ĐTC biết ông ta sinh ra là người Do thái, nhưng không sống đạo Do thái. Ông đã từ hội đường do thái Lisboa sang Hoà Lan. Nhưng trong ít tháng sau khi ông cho đăng vài bài khảo luận, hội đường Do thái tại Amsterdam đã cho đăng tải một bài viết rất gay gắt chống lại ông. Trong vài tháng Giáo Hội Công Giáo đã tìm cách lôi kéo ông vào niềm tin của mình. Spinoza đã không trả lời, và đã sắp xếp để các bút tích của ông chỉ được công bố sau khi ông qua đời. Nhưng trong khi chờ đợi thì vài người bạn của ông đã nhận được các bản thảo của các cuốn sách ông đang viết.

Đặc biệt là cuốn Luân lý đạo đức được Giáo Hội biết tới, và lập tức ra vạ tuyệt thông cho ông, Lý do là vì Spinoza cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi tạo vật sống động: thảo mộc, thú vật, con người. Một tia lửa thiên linh ở khắp mọi nơi. Như vậy Thiên Chúa nội tại trong thế gian, chứ không siêu việt. Chính vì vậy mà ông đã bị vạ tuyệt thông.


Đáp: Vậy chứ ông không thấy thế là đúng hay sao? Thiên Chúa duy nhất của chúng tôi siêu việt. Chúng tôi cũng nói rằng có một tia thiên linh ở khắp mọi nơi, nhưng sự siêu việt là miễn nhiễm. Đó là lý do tai sao ông ta bị vạ tuyệt thông.

Hỏi: Đối với con, nếu con nhớ đúng, xem ra đó đã do dòng Tên yêu cầu. Vào thời chúng ta đang đề cập tới, các tu sĩ dòng Tên đã bị trục xuất khỏi Giáo Hội, rồi lại được thu nhận. Dầu sao đi nữa ĐTC đã không nói cho con biết tại sao phải thu hồi vạ tuyêt thông đó. Lý do là thế này. ĐTC đã nói với con trong một lần nói chuyện trước rằng vài ngàn năm nữa loài người chúng ta sẽ tuyệt chủng. Trong trường hợp đó các linh hồn giờ đây được hưởng hạnh phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhưng khác với Chúa sẽ hoà tan với Ngài. Ở thời điểm ấy sẽ không còn có sự cách biệt giữa siêu việt và nội tại nữa. Và vì vậy, khi dự kiến trước biến cố đó, việc ra vạ tuyệt thông ngay từ bây giờ có thể được tuyên bố là đã hết rồi. ĐTC không nghĩ như thế sao?

Đáp: Chúng ta hãy nói rằng có một luận lý trong điều ông đề nghị, nhưng lý do dựa trên một giả thuyết của tôi, nó không có sự chắc chắn nào, và nền thần học của chúng ta không thấy trước điều đó. Việc giống người của chúng ta biến mất là một giả thuyết tinh tuyền, và vì vậy nó không thể lý giải một vạ tuyệt thông đã được đưa ra để kiểm duyệt sự nội tại và khẳng định sự siêu việt.

Hỏi: Nếu ĐTC mà làm điều đó thì sẽ bị đa số Giáo Hội chống đối, có đúng thế không?

Đáp: Tôi tin là vậy, nhưng nếu chỉ là chuyện đó và tôi chắc chắn về điều tôi nói về đề tài này, tôi sẽ không nghi ngờ, trái lại nếu tôi lại không chắc chắn và vì vậy tôi sẽ không đương đầu với một trận chiến có thể nghi ngờ trong các lý do và thất bại ngay từ lúc bắt đầu. Bây giờ nêu muốn ông hãy nói về vấn đề thứ hai muốn hỏi tôi.

Hỏi: Vâng đó là vấn đề về ông Pascal. Sau một tuổi trẻ ăn chơi Pascal đã như bất thình lình bị xâm chiếm bởi niềm tin tôn giáo. Ông ta đã rất thông thái, ông đã đọc Montaigne nhiều lần và cả Spinoza, Giansenio, các hồi ký của ĐHY Carlo Borromeo. Nghĩa là ông ta có một nền văn hóa đời và cả tôn giáo nữa. Tới một lúc nào đó niềm tin tôn giáo đánh trúng ông hoàn toàn. Ông gia nhập cộng đoàn Port Royal des Champs, nhưng rồi lại tách rời ra. Ông viết vài tác phẩm trong đó các “Tư tưởng”, một cuốn sách theo con thật tuyệt vời và cũng rất hay trên bình diện tôn giáo. Nhưng rồi ông qua đời. Ông hầu như hấp hối và bà chị đã mang ông về nhà để có thể săn sóc cho ông. Mặc dầu ông muốn chết trong nhà thương giữa những người nghèo. Bác sĩ đã từ chối không cho phép vì ông chỉ còn vài ngày sống và vì việc đem ông đi không thể làm được. Khi đó ông xin đem một người nghèo hấp hối từ một nhà thương dành cho người nghèo về nhà ông với một chiếc giường giống giường của ông. Bà chị tìm cách làm vừa lòng ông, nhưng cái chết đến trước. Riêng cá nhân con thì con nghĩ Pascal đáng được phong chân phước lắm.

Đáp: Ông bạn thân mến của tôi, ông hoàn toàn có lý trong trường hợp này. Tôi cũng nghĩ là Pascal đáng được phong chân phước. Tôi sẽ lo liệu thủ tục cần thiết và hỏi ý kiến của các cơ quan Vaticăng đặc trách các vấn đề này, cùng với xác tín cá nhân và tích cực của tôi.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC có bao giờ nghĩ tới việc viết về một hình ảnh Giáo Hội công nghị không?

Đáp: Không, tại sao tôi lại phải làm điều đó?

Hỏi: Bởi vì nó sẽ có một kết quả khá đảo lộn. ĐTC có muốn con giải thích không?

Đáp: Chắc chắn là ông làm tôi hài lòng rồi. Còn hơn thế nữa xin ông vẽ nó ra cho tôi.

ĐTC đưa giấy bút cho tôi và tôi vẽ. Tôi gạch một đường ngang và nói rằng đây là các Giám Mục mà ĐTC quy tụ về họp Công nghị. Tất cả các vị đều có một tước hiệu như nhau và một nhiệm vụ như nhau: đó là săn sóc các linh hồn được giao phó cho các vị trong giáo phận của các vị. Tôi vạch đường ngang này rồi nói: Nhưng mà ĐTC, thưa ĐTC, là Giám Mục Roma và như thế có quyền tối thượng trong Công nghị, vì ĐTC có nhiệm vụ rút tiả ra các kết luận và đưa ra đường lối chung của hàng Giám Mục. Như thế Giám Mục Roma ở bên trên vạch ngang này, có một vạch dọc lên cho tới tên của ĐTC và nhiệm vụ của ngài. Đàng khác các Giám Mục ở trên hàng ngang cai quản, giáo dục, trợ giúp tín hữu, và vì vậy có một đường từ hàng ngang xuống cho tới điều đại diện dân chúng. ĐTC có trông thấy hình vẽ không? Nó là một Thập Giá đó.

ĐTC nói: Tư tưởng này thật rất là hay đẹp. Tôi đã không bao giơ có ý tưởng làm một hình vẽ về Giáo Hội Công nghị. Ông đã làm điều đó, tôi rất thích nó.

Trời đã muộn. ĐTC tặng tôi hai cuốn sách kể lại lịch sử của ngài tại Argentina cho tới Công nghị Hồng Y bầu ngài làm Giáo Hoàng. Một cuốn dầy hàng trăm trang. Chúng tôi ôm hôn nhau. Và ĐTC đã muốn mang hai cuốn sách ra xe cho tôi. Chúng tôi xuống thang máy và ra cửa nhà trọ thánh Marta. Chiếc xe của tôi đã dừng trước cửa. Ông tài xế xuống xe bắt tay chào ĐGH và tìm giúp tôi vào trong xe. ĐTC mời ông tài xế ngồi vào tay lái cho xe nổ máy và nói “Để tôi giúp ông ấy”. Ngài đỡ tôi và giúp tôi vào trong xe và giữ cửa xe mở. Khi tôi đã ngồi trong xe, ngài hỏi tôi có thoải mái không. Tôi trả lời là có. Khi đó ngài mới đóng cửa xe, và lui ra sau một bước chờ cho xe chuyển bánh, Ngài vẫy ta chào tôi cho tới phút chót, trong khi tôi đầy nước mắt vì cảm động. Tôi thường viết rằng ĐTC Phanxicô là một người cách mạng. Ngài nghĩ đến việc phong chân phước cho ông Pascal, ngài nghĩ tới người nghèo, người di cư. Ngài cầu mong một Âu châu liên bang và cuối cùng và không phải cuối cùng ngài giơ tay giúp tôi vào trong xe. Một vị Giáo Hoàng như thế chúng ta đã không bao giờ có! Và những gì ngài đã nói với tôi trong cuộc phỏng vấn cứ vang lên trong đầu tôi.
 
Nhật Bản: Xử tử hai tù nhân bằng cách treo cổ.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:32 14/07/2017
Nhật Bản: Xử tử hai tù nhân bằng cách treo cổ.

Quan tòa Katsutoshi Kaneda đã ra lệnh hành quyết hai tù nhân mà không báo cho gia đình cũng như luật sư của họ. Đây là những tù nhân thứ 18 và 19 bị hành quyết từ khi Thủ Tướng Shinzo Able lên cầm quyền vào tháng 12 năm 2012. Các Giám Mục Công Giáo Nhật Bản đang dẫn đầu trong nỗ lực cất lên tiếng nói chống lại án tử. Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế phàn nàn rằng một trong hai tù nhân ấy đã yêu cầu được xét xử lại, còn người kia thì bỏ cuộc.

Tokyo (AsiaNews/Agencies) Bộ Tư pháp Nhật Bản thông báo là họ đã hành quyết hai tử tù vào ngày hôm qua bằng cách treo cổ, trong đó một người bị kết án tội giết nhiều người và xin được xét xử lại.

Masakatsu Nishikawa, 61 tuổi, là một trong hai tử tù bị hành quyết, đã làm đơn xin được xét xử lại. Ông ta bị kết án tội giết bốn nữ quản lý quán ăn ở Himeji, Hyogo Prefecture vào năm 1991.

Người thứ hai bị hành quyết là Koichi Sumida, 34 tuổi, đã bị tòa án quận hạt Okayama kết án tử vào tháng Hai năm 2013 vì tội đã giết đồng nghiệp, một nhân viên thử việc, tên là Misa Kato, 27 tuổi, vào ngày 30 tháng Chín năm 2011.

Quan tòa Katsutoshi Kaneda đã ra lệnh hành quyết hai tù nhân này mà không báo cho gia đình cũng như luật sư của họ. Đây là những tù nhân thứ 18 và 19 bị tử hình từ khi Thủ Tướng Shinzo Able lên cầm quyền vào tháng 12 năm 2012.

Vụ hành quyết trước đây cũng do Kaneda, lần đầu tiên ra lệnh được thực hiện vào tháng 11 năm ngoái. Tử tội là người đàn ông đã giết hai phụ nữ ở Kumamoto Prefecture.

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế phản đối việc hành quyết hai tử tù, nhất là trường hợp của Nishikawa, đã xin xét xử lại mà không được cứu xét. Còn đối với trường hợp của Sumida, ông ta bị bản án tử vì không chống án.

Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản dẫn đầu trong việc kêu gọi chống lại án phạt tử hình. Tổng Giám Mục giáo phận Nagasaki là Joseph Mitsuaki Takami đã phát biểu vào năm 2012 với tư cách đại diện của Hội Nghị Các Giám Mục Nhật Bản rằng, “Tất cả các giám mục Nhật Bản đều ủng hộ việc bãi bỏ án tử. Không vị nào có ý kiến trái ngược.

“Ngay cả một người phạm tội giết người thì khi giết người ấy cũng gây thêm một tội giết người nữa. Loài người phải đổi mới cái nhìn của mình về việc chung sống. Tất cả chúng ta phải biết mình cũng cùng là con một Chúa.”

Hiện nay có khoảng hơn một trăm người đang chờ bị hành quyết tại Nhật Bản.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Kitô Vua : Thánh Lễ Khấn Dòng
Người Giồng Trôm
08:49 14/07/2017
Dòng Kitô Vua : Thánh Lễ Khấn Dòng

Từ sáng sớm hôm nay, 14 tháng 7 năm 2017, chúng tôi đặt chân đến mảnh đất thân yêu Cái Nhum để tham dự Thánh Lễ tuyên khấn. Cái khác lạ đó chính là sự đơn sơ, mộc mạc, giản dị và gói ghém cả sự chân thành của những tu sĩ người miền Nam chánh gốc không pha lộn.

Xem Hình

Một số người thân thương với Hội Dòng và gia đình của 2 thầy tuyên khấn hôm nay thật khiêm tốn. Thế nhưng, qua lời khấn dòng hôm nay minh chứng cho sự quả cảm của những thanh niên chọn lựa cho mình một đời sống tu trì âm thầm và lặng lẽ.

Không ồn ào, không kèn trống, không băng rôn ... lặng lẽ và lặng lẽ cùng nhau bước vào Thánh Lễ sáng hôm nay.

Từ phía sân của nhà khách của Hội Dòng, đoàn đồng tế chuẩn bị bước vào Thánh Điện.

Trước khi đoàn đồng tế cất bước, Thầy dẫn Lễ ngỏ chút tâm tình với cộng đoàn.

9 giờ 00, ca khúc nhập Lễ được ca đoàn cất lên : “Này con xin đến Chúa ơi để thi hành ý Chúa nhiệm mầu ...”. Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long – chủ tế Thánh Lễ tuyên khấn cùng với quý cha bước vào Thánh Điện. Dẫn đầu là Thánh Giá nến cao, quý Thầy tuyên lời khấn lần đầu, quý Thầy tuyên lời khấn lại và quý Thầy trong Dòng.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô ngỏ tâm tình : “Anh chị em thân mến ! Hôm nay chúng ta tụ họp nhau nơi đây dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, cho Dòng Kitô Vua hôm nay có 2 khấn sinh : Thầy Phaolô Lê Bảo Tịnh Trịnh văn Diệp và Laurensô Nguyễn Văn Thái, chúng ta cầu nguyện cho các Thầy và cầu nguyện cho Hội dòng này, xin Chúa Chúa luôn nâng đỡ, thúc giục, soi sáng những tâm hồn của thanh thiếu niên để thanh thiếu niên quảng đại vào Dòng Ki ô Vua làm chứng cho Chúa, rao giảng cho Chúa cho mọi người mà chúng ta đang sống. Giờ đây chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để chúng ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh”

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn suy nghĩ về Chúa Giêsu so sánh người khôn ngoan và bé nhỏ, ách và gánh nặng, sự khiêm nhường và hiền lành.

Chúa Giêsu khuyên những lời ấy vì Chúa sống hiền lành. Trong chúng ta, không ai dám sống lời khuyên như thế nhưng chính Chúa khuyên như thế vì Chúa đã sống hiền lành ... Phúc âm đã đưa ra và xin đưa ra vài ví dụ điển hình ...

Anh em hội dòng Kitô Vua hãy trở về với Chúa, có học bài học khiêm nhường hiền hậu hay không ? Các anh em đi theo Chúa cũng mang lấy ách của Chúa, cũng mang lấy ách nặng nề của đời tu sĩ mà anh em phải gánh lấy. Có những gánh nặng mà anh em phải mang như tuân giữ luật dòng, lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Những lời khấn này sẽ không nặng nhưng sẽ nặng với ý riêng của anh em, lời nói với anh em và sẽ nặng với sự tự do của anh em. Không ai muốn tuân phục lề luật. Tuân phục lề luật là làm cho anh em mất đi một phần tự do. Trong những hoàn cảnh như thế, anh em hãy hãy tìm đến Chúa vì Chúa không bao giờ bỏ rơi, anh em hãy học nơi Chúa Giêsu bài học hiền lành và hiền hậu. Căn bản mình biết mình như thế nào từ đó để biết mình không hơn ai, hãy noi gương Chúa Giêsu, không màng đến. Điều quan trọng là sống thành thật và thanh thản với chính thân phận của mình. Đây là điều quý giá với anh em là những tu sĩ Dòng Kitô Vua.

Anh chị em thân mến ! Cầu nguyện cho Chúa, cầu nguyện xin Chúa cho anh em tu sĩ Dòng Kitô Vua và đặc biệt cho 2 anh em tuyên khấn hôm nay có một đức tin, tin tưởng vào Chúa là Cha giàu lòng từ ái, có được một đức cậy, cậy trông vào sự dịu dàng của Chúa sẽ gởi đến cho anh em để anh em biết xót thương người bên cạnh như Chúa xót thương anh em. Xin cho anh em tu sĩ Dòng Kitô Vua biết chạy đến Chúa vì chỉ có Chúa mới vơi đi những gánh nặng và đau khổ của anh em, nhờ đó anh em đi theo Chúa và phát triển hội dòng Kitô Vua.

Sau bài chia sẻ của Đức Cha Phêrô là nghi thức tuyên khấn.

Thầy phụ trách Nhà Tập xướng danh 2 thầy tuyên lời khấn lần đầu hôm nay. Thầy bề trên Tađêô Lê Văn Chánh giới thiệu 2 khấn sinh lên Đức Cha và Đức Cha đón nhận lời khấn của 2 Thầy.

Sau lời tuyên khấn lần đầu của 2 Thầy, 16 Thầy tuyên lại lời khấn.

Thánh Lễ tiếp tục sau phần tuyên lời khấn của quý Thầy.

Trước khi nhận phép Lành cuối Lễ, Thầy bề trên Tađêô Lê Văn Chánh thay mặt Hội Dòng có đôi lời cảm ơn Đức Cha. Đặc biệt, Thầy cảm ơn Đức Ông Baranê Nguyễn Văn Phương – Tổng Đại Diện, Cha tuyên úy, quý Cha sở và giáo dân trong họ đạo Giồng Lớn, Bãi Vông, Chợ Lách, Phú Phụng ... Xin Chúa ban phúc lành trên Đức Cha, Đức Ông, Quý Cha, quý tu sĩ và giáo dân. Thầy Bề Trên cũng không quên cảm ơn quý ông bà cố, gia đình của khấn sinh, cảm ơn ca đoàn Fatima đã hát lễ sốt sắng ...

Hai đóa hoa tươi gói ghém tất cả tâm tình tri ân xin gửi đến với Đức Ông và Đức Cha.

Đức Cha đáp từ sau lời cảm ơn của Thầy Bề Trên. Đơn giản, Đức Cha muốn ngỏ với Dòng Kitô Vua là không lạc quan nhưng cũng đừng bi quan. Đức Cha nói ngày xưa ở Mỹ Tho, dòng Kitô Vua đã giúp rất nhiều trong địa phận Mỹ Tho. Trong kỷ yếu còn ghi lại hoạt động của quý Thầy Kitô Vua ở Trà Ôn, Hựu Thành ... Trước tiếp quản, Đức Cha nói có rất đông anh em Kitô Vua...

Các thầy cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi cho Dòng Kitô Vua ... quý thầy tìm cách thế nào để thu thập, đón nhận ơn gọi vào Dòng Kitô Vua. Các Thầy cố gắng cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ cho hội dòng Kitô Vua phát triển.

Sau bài hát kết Lễ, Đức Cha, Đức Ông, quý Cha cùng chụp chung tấm hình lưu niệm trong ngày hồng phúc hôm nay.

Nguyện xin Chúa thêm thêm nhiều ơn lành cho quý Thầy Hội Dòng Kitô Vua, để Hội Dòng phát triển thêm đông hơn nữa. Xin Chúa ban lòng nhiệt thành cho 2 thầy tuyên khấn và 16 thầy khấn lại ngày hôm nay để quý thầy như là sự hiện diện của Chúa Kitô trong giữa dòng đời và lòng đời.

 
Thánh lễ Khai mạc Kim Khánh Giáo phận Ban Mê Thuột tại Nhà thờ Gia Nghĩa
Vũ Đình Bình
11:18 14/07/2017
Thánh lễ Khai mạc Kim Khánh Giáo phận Ban Mê Thuột tại Nhà thờ Gia Nghĩa

Thánh lễ Tạ ơn mừng Kim khánh Giáo phận Ban Mê Thuột tại Nhà thờ Gia Nghĩa sẽ cử hành vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 14.7.2017. Ban tổ chức rất vất vả vì trời mưa vần vũ suốt cả ngày hôm trước, tuy vậy, công tác chuẩn bị vẫn hoàn thành tốt đẹp. Sáng hôm sau, mưa vẫn cứ rơi, bầu trời xám xịt. Tín hữu khắp miền phải lúp xúp đội mưa, nhưng ai cũng mang nét mặt hân hoan, vui tươi, rạng rỡ về tham dự Thánh lễ. Tiếng kèn, tiếng trống rộn rã vang vọng giục giã bước chân mọi người mau tiến về Nhà Chúa. Gần đến giờ lễ, mưa bỗng dưng tạnh hẳn, bầu trời quang đãng, mát mẻ; một hiện tượng lạ lùng rất hiếm thấy xảy ra ở vùng Tây Nguyên này. Tạ ơn Chúa.

Xem Hình

Nghi thức khai mạc do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận, chủ sự tại lễ đài Đức Mẹ Lên Trời. Cha Giuse Nguyễn Văn Khánh, Quản hạt Gia Nghĩa, công bố Tin Mừng Năm Hồng ân: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 4, 14–21). Đức Giám Mục hôn kính Thánh giá và trao cho Cha Quản hạt dẫn đầu đoàn rước tiến vào Nhà thờ.

Vào đến Nhà thờ, Đức Giám Mục và Quý Cha đồng tế hôn kính Bàn thờ. Cha Quản hạt công bố Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về việc Tòa Thánh chấp thuận cho Giáo phận cử hành Năm Thánh do Hồng Y Maurus Piacenza, Chánh án Tòa Ân giải Tối cao ấn ký. Tiếp đến, Đức Giám Mục dâng hương tưởng niệm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Các Bậc Tiền Nhân.

Thánh lễ nối tiếp qua phần Phụng vụ Lời Chúa. Trong phần bài giảng, sau Tin Mừng (Mt 10, 17–22) Đức Cha Vinh Sơn nêu lên ý nghĩa việc cử hành Năm Thánh để tri ân cảm tạ Thiên Chúa, tưởng nhớ Các Bậc Tiền Nhân, những người có công xây dựng cộng đoàn Dân Chúa và sống đức tin trên mảnh đất này; đồng thời chúng ta cũng rút ra những kinh nghiệm để sống đạo trong tương lai. (Mời nghe BÀI GIẢNG)

Sau phần hiệp lễ, cộng đoàn đọc kinh Năm Thánh: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, trong niềm hân hoan cử hành Năm Kim Khánh Giáo phận, chúng con chúc tụng Chúa đã ban ơn đức tin cho quê hương đất nước chúng con… Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong gia đình giáo phận, biết sống hiệp nhất và hăng say loan báo Tin Mừng, nhờ đó nhiều người được hưởng niềm vui cứu độ… Xin ân thưởng cho những người có công xây dựng giáo phận, và ban phúc Nước Trời cho các mục tử và các tín hữu đã qua đời, là những người đã tích cực cộng tác trong công cuộc loan báo Tin mừng tại vùng đất Tây Nguyên này… Amen.

Trước khi Đức Giám Mục ban phép lành trọng thể cuối lễ, Ngài chia sẻ: “Sáng hôm nay, dẫu thời tiết không thuận lợi nhưng ông bà, anh chị em đã không quản ngại mưa gió, không quản ngại đường sá xa xôi, quy tụ về nhà thờ Gia Nghĩa, nơi được chọn để cử hành khai mạc Năm Thánh 50 năm thành lập Giáo phận Ban Mê Thuột và là điểm hành hương của Giáo hạt Gia Nghĩa. Điều đó cho thấy đời sống đức tin và tín chứng của chúng ta”. Ngài nói thêm: “Trong Năm Thánh của Giáo phận, chúng ta có dịp nhìn lại hành trình 50 năm sống đức tin của Giáo phận để tri ân các bậc tiền nhân, nhìn lại cuộc sống của mình để hướng về tương lai. Đây là thời gian hồng ân của Giáo phận mà Chúa ban cho chúng ta. Trong Năm Thánh này, chúng ta sống trong tâm tình hiệp thông, yêu thương, chia sẻ giữa cộng đoàn anh em người kinh và anh em sắc tộc; liên kết những người khỏe mạnh với những anh chị em đau yếu; tạo nên một Giáo Hội, một gia đình Yêu Thương, Hiệp Nhất và Chia Sẻ”.

Cộng đoàn đón nhận phép lành và ra về trong niềm vui ân sủng.
 
Khai mạc Đại hội Phó Tế kỳ VII tại Tustin, California
Phó tế Nguyễn Hòa Phú
15:52 14/07/2017
NAM CALI - Sáng ngày 13 Tháng 7, 2017 kỷ niệm “Bà mặc áo trắng” hiện ra với ba em tại Fatima lần thứ 3 cách nay 100 năm (1917-2017), như sự trùng hợp linh thiêng, Đại hội Phó tế kỳ VII đã chính thức khai mạc tại khuôn viên trung tâm “Lestonnac Retreat Center, Tustin, California.”

Đây là lần thứ 7, Cộng đồng Phó tế, thuộc Liên đoàn Công Giáo Việt Nam - Hoa Kỳ tổ chức đại hội. Phó tế Nguyễn Ánh, Chủ tịch CĐPT kiêm Trưởng ban Tổ chức cho biết, Cali là điểm hẹn tuyệt vời dựa trên 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhân dịp họp mặt lần này, anh em sẽ triển khai 3 mục đích duới đây:

-Kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
-Chủ đề: Ai là Mẹ tôi ? Ai là Anh Chị Em tôi ?
-Du ngoạn và viếng thăm các danh lam thắng cảnh địa phương.

Tưởng cũng nên biết, để chuẩn bị cho ngày Đại hội, từ nhiều tháng ngày qua, Ban Chấp Hành đương nhiệm với sự trợ lực của quý phó tế và phu nhân tại địa phương đã tổ chức tuần cửu nhật, hy sinh và làm việc liên tục về nơi ở, ẩm thực, phương tiện chuyển vận, phối trí và điều hợp việc đưa đón … nhất cử nhất động đều hướng về việc phục vụ đại hội. Cũng theo BTC, Đại hội 7 là một trong những lần hội họp phó tế đông đảo nhất, quý thành viên về phó hội từ các tiểu bang California, Colorado, Georgia, Hawaii, Louisiana, Massachusetts, Michigan, Nebraska, North Carolina, Ohio, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, Texas, Washington State và Canada.

Cũng trong dịp đại hội lần này, theo dự kiến gia đình phó tế được tiếp đón những khách quý :
1-Đức Cha Kevin Vann - Giám mục Chính tòa Giáo phận Orange.
2-Đức Cha Tod Brown - Giám mục hồi hưu.
3-Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương - Giám mục hồi hưu.
4-Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí - Chủ tịch Liên đòan CGVN-HK
5-Đức Ông Phạm Quốc Tuấn - Chủ tịch Liên đòan CGVN-Miền Tây Nam HK
6- LM Gioan Trần Công Nghị - Phó Chủ tịch Miền Tây Nam - kiêm Chủ tịch Linh mục Tu sĩ Miền Tây Nam HK
và một số Linh mục tại địa phương.

Phó tế là những người được thánh hiến, đặc tính căn cốt của phó tế vĩnh viễn là phục vụ, tuy nhiên về phương diện nhân sự, Cộng đồng Phó tế được liên kết bởi những con người rất khác biệt nhau, khác về tuổi tác, địa dư, nhân sinh quan, tư duy, sở thích, vân vân và vân vân … Nhưng tất cả phó tế đều có mẫu số chung là “phục vụ”. Vì vậy, cứ mỗi hai năm, anh em lại cố thu xếp thời giờ, thời biểu sinh họat gia đình và mục vụ giáo xứ sao cho thuận tiện để:“Anh em ta về cùng nhau ta quây quần này, 1-2-3-4-5 ...” Dẫn lời BTC, một số phó tế đã đến Cali cả mấy tuần trước ngày đại hội. Lý do thật đơn giản“Cali đi dễ khó về”, hơn nữa “Cali cái gì cũng có, nơi khác cái có cái không” thôi thì một công mà hai chuyện. Vừa đi thăm gia đình vừa đến phó hội; có những thầy vừa hòan tất công việc mục vụ tại Việt Nam trở về cũng có mặt. Và cũng có thầy vì gặp trở ngại vào giờ phút chót không kịp dự lễ khai mạc, song quyết tâm không bỏ cuộc chơi, cũng đã hiện diện vào ngày Thứ Bẩy và Chúa Nhật để nối vòng tay lớn. Hành động dễ thương của quý thành viên trên đây thật đáng khen ngợi, ngôn hành hiệp nhất đã nói lên tình nghĩa và tinh thần hiệp thông của Cộng đồng Phó tế Việt Nam.

Tiếp xúc với Ban Tổ Chức, được biết giờ khai mạc Đại hội vào lúc 5 giờ chiều, nhưng xế trưa đòan chim Việt đã tung cánh bay và lần lượt về Cali dự hội; phòng tiếp tân / khuôn viên trung tâm tĩnh tâm Lestonnac đã rộn ràng tiếng nói cuời, niềm vui đồng hội đồng thuyền được thể hiện trên khuôn mặt các tham dự viên. Thủ tục đầu tiên là nhận bảng tên, tài liệu đại hội và nhận phòng. Không khí ngày khai mạc thật tưng bừng rộn rã, anh chị em gặp gỡ trò chuyện, những câu chào nói xen lẫn những câu chuyện hài hước đã tạo nên bầu khí vui tươi, nồng thắm chân tình trong ngày tái ngộ.

Những ngày hè khí hậu ở Cali nóng bức, nhưng hai hôm nay tiết trời mát mẻ với những luồng gió hiu hiu. Vào lúc 17 giờ, tiếng vỗ tay làm giờ ôn lại các bài hát sinh họat đang dang dở ngừng lại. Đức Cha Tod Brown và Phó tế Frank Chavez, Giám đốc CĐPT, Giáo phận Orange County đã đến thăm hỏi cho anh chị em; sau đó Đức Cha vào nhà nguyện để chính thức chúc lành cho Đại hội. Đức Cha ân cần nhắn nhủ và nhắc đến tầm quan trọng của quý phó tế phu nhân trong việc đồng hành với phu quân trong chức năng phục vụ. Ngài khuyến khích CĐPTVN hãy mạnh tiến về tương lai. Trong tình phụ tử ngài kết thúc buổi thăm viếng với lời thân chúc Đại hội VII thành công. Ban Tổ Chức đã tặng hoa cho Đức Cha với tâm tình con thảo.

Trong tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Mẹ Fatima lời chúc tụng tôn vinh và nguyện cầu cho quý phó tế và gia đình được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để canh tân đời sống, thăng tiến và chu tòan sứ mạng được gọi để phục vụ.
 
Đêm dạ tiệc gây quỹ trùng tu Trung tâm Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
19:11 14/07/2017
Melbourne, tối Ngày 14/7/2017. Tại Nhà hàng 501 Footscray. Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã tổ chức bữa tiệc gây quỹ để trùng tu, xây dựng các tiện nghi cơ sở, và ráp thêm thang máy phục vụ các vị cao niên trong cộng đoàn, để giúp các ngài dễ dàng đi lên nguyện đường dâng lễ.

Xem hình

Trong lời khai mạc buổi dạ tiệc, sau lời chào quan khách của Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm. Nỗi băn khoăn lớn nhất khi nhận bài sai về Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Đó là, các vị cao niên trong cộng đoàn khó nhọc đi lên cầu thang, vì nhà nguyện nằm trên lầu cao.

Nhìn cảnh các cụ đến dự lễ, nhất là các cụ đi dự lễ tang, các cụ đến để dâng lễ cầu nguyện, để chào vĩnh biệt bạn bè cùng trang lứa, mà các cụ cũng đã phải đi xe lăn, khi đến trung tâm, nhìn những bậc cầu thang cao để lên nhà nguyện thì khựng lại! Không được cùng bạn mình dâng thánh lễ cuối cùng bên quan tài mà buồn. Do đó, ý tưởng ráp thêm cầu thang máy cho các cụ cao niên, và những người trong cộng đoàn tuổi càng ngày càng lớn dần, là một điều cần thiết.

Mọi thủ tục xin phép bên chính quyền và giáo quyền đã xong từ lâu, nhưng chưa thực hiện được, lý do đơn giản là đang chờ đợi lòng hảo tâm của mọi người giúp đỡ. Công trình mới dự toán trên giấy tờ là 785,000 và xây dựng trong khoảng thời gian 4 tháng. Trong khi linh mục quản nhiệm trình bày, trên màn ảnh đã cho mọi người xem cảnh những người cao niên khó nhọc bước từng bước lên các bậc cầu thang.

Buổi gây quỹ không chỉ mục đích tài chánh, nhưng còn mang tính cách họp mặt của những người trong cộng đồng trong tình yêu thương và hợp nhất. Vì thế, ngoài nơi chốn tổ chức phải thuê mướn. Cộng đoàn đã chuẩn bị mọi công việc từ tiếp tân, trang trí, nấu ăn để có một buổi dạ tiệc vui vẻ cho gần 700 người.

Kết thúc buổi dạ tiệc gây quỹ thật mỹ mãn, ngoài số tiền gần 200 ngàn mà mọi người trong cộng đồng ủng hộ thật đáng khích lệ. Các phần việc mà nặng nhọc nhất tại hậu trường là phần nấu ăn. Các anh chị trong ban ẩm thực đã vất vả nhiều ngày trong việc chuẩn bị. Món ăn ngon, trình bày đẹp, tất cả do công lao của anh chị Thu Lai và bạn hữu, chị Kim Vinh, chị Sáng Quách. Trang trí nhà hàng do anh chị Hiếu Nguyệt và nhiều anh chị em khác. Ảnh tượng do anh chị Thi Liên. Ban tiếp tân phục vụ do anh em đơn vị Legio trẻ. Giải khát rượu bia anh Tuân và các em. Chị Mây và các chị trong Ngành Nữ Tông đồ như chị Phúc, chị Đơn, chi Thanh, chị Bích, chị Miện và nhiều chị khác mà chúng tôi không kịp ghi nhận, họ phục vụ âm thầm, tất cả là vì cộng đoàn.

Phần tài chánh do anh Nguyễn Đình Trị, cô Hà, chị Mây, Đinh Thanh, Minh Nguyệt, đấu giá do anh Trung một người hoạt bát và chuyên nghiệp, những con người đến với đêm dạ tiệc nhưng làm việc không ngừng nghỉ để lo cập nhật những đóng góp của các ân nhân ủng hộ. Âm thanh ánh sáng gia đình anh Thành. MC do Nữ ca sỹ Anh Đào điều khiển cùng với phần văn nghệ đặc sắc của các ca đoàn trong cộng đoàn, Giới trẻ Vinh Sơn Liêm. Ban truyền thông với các PV nhiếp ảnh Khắc Thái, Vũ Ngô, Minh Trần, Phước An vv.

Và nhiều, nhiều lắm, những thiện nguyện viên, các ca đoàn, giáo khu, đoàn thể, ban mục vụ đã chung tay tổ chức thành công bữa tiệc gây quỹ xây dựng. Chúng tôi không ghi nhận hết được.

Phần tài chánh, không thể quên đến quý ân nhân, đại ân nhân và cộng đoàn đã ít nhiều đóng góp. Tất cả đều muốn làm vì danh Chúa. Họ đã đóng góp trước khi chúng tôi viết bài, không vì danh mà chỉ vì thực hiện những điều Chúa dậy bảo.

Được biết, Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm là một trong hai Trung tâm Công Giáo của người Việt Nam đầu tiên tại Tổng giáo phận Melbourne. Có mặt khoảng 40 năm và cũng là cái nôi của các cộng đoàn Công Giáo hiện nay. Với hơn 35 năm xử dụng, cơ sở đã có vài lần trùng tu nên rất khang trang. Nay vì nhu cầu phục vụ cho những người có công xây dựng, tuổi cao nên cần đến nhu cầu thang máy để xử dụng. Vì nhu cầu thiết thục nên đã được nhiều người ủng hộ.

Lời cám ơn sau cùng của ông Lê Văn Miện, chủ tịch cộng đoàn, cũng là trưởng ban tổ chức đã lên cám ơn mọi người đã hiện diện trong bữa tiệc gây quỹ, quý vị ân nhân, quý vị góp công, góp của đã giúp cho buổi gây quỹ thành công tốt đẹp.

Bài hát Kinh hòa bình được Linh mục quản nhiệm và toàn thể quý khách cùng hát như lời cảm tạ Chúa và Mẹ Maria. Linh mục Hoàng Kim Huy Tuyên úy cộng đồng đã ban phép lành để kết thúc buổi gây quỹ của Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm. Mọi người chia tay nhau về trong niềm vui và hy vọng công việc xây dựng sớm hoàn thành.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 19)
Vũ Văn An
01:03 14/07/2017
Còn về việc cầu nguyện ở bên ngoài Thánh Lễ?

Nếu có bao giờ bạn ngồi bên cạnh một linh mục Công Giáo trên máy bay hay trong một toa xe lửa, hẳn bạn thấy ngài mang theo mình một cuốn sách nhỏ bìa da khá dầy với những tua vải đủ mầu thò ra ngoài cuốn sách để đánh dấu các trang. Cuốn sách đó gọi là sách nguyện, và nó chứa các lời nguyện, thánh thi, và bài đọc Sách Thánh được dùng trong kinh nguyện chính thức hàng ngày của Giáo Hội Công Giáo bên ngoài Thánh Lễ, thường gọi là “phụng vụ các giờ kinh” hay “Kinh Thần Vụ” (Divine Office). Việc đọc các kinh này là điều bó buộc đối với hàng giáo sĩ (dù đôi khi đây là một nghĩa vụ bị vi phạm nhiều hơn là tuân giữ), và kinh thần vụ cũng tạo nền tảng cho cuộc sống thiêng liêng trong các đan viện và tu viện khắp thế giới. Một cách cá nhân hay trong từng nhóm, nhiều người Công Giáo cũng đọc một hình thức kinh thần vụ nào đó. Kinh thần vụ được chia thành các phần sau đây:

Kinh đêm (matins): thường được đọc lúc nửa đêm;
Kinh rạng sáng (lauds): thường được đọc vào khoảng 3 giờ sáng;
Kinh sáng (prime, giờ một): thường được đọc vào khoảng 6 giờ sáng;
Kinh ban ngày: Có thể là một trong ba hình thức cũ: giờ ba (terce) đọc giữa buổi sáng (9 giờ); giờ sáu (sext) đọc lúc trưa (12 giờ); và giờ chín (none) đọc lúc giữa chiều (3 giờ);
Kinh chiều (vespers): được đọc lúc chiều tối (6 giờ);
Kinh tối (compline): được đọc ban đêm (9 giờ).

Trong các đan viện và tu viện “chiêm niệm”, nghĩa là chủ yếu chuyên chăm việc cầu nguyện và thờ phượng, cả 8 hình thức trên đều được đọc hàng ngày. Còn trong các khung cảnh khác, người ta thường chỉ tụ họp để đọc kinh sáng và kinh chiều mà thôi. Bất cứ được dùng thế nào, các giờ kinh phụng vụ thường gồm lời nguyện mở đầu, một vài thánh vịnh và thánh thi, một đoạn Sách Thánh, một bài đọc về đời một vị thánh, một thánh thi nữa, và lời nguyện kết thúc. Kinh thần vụ thoạt đầu được thiết kế để dùng trong các đan viện, nên nó thích hợp hơn hết với việc cả nhóm cùng hát thánh thi và đọc các thánh vịnh. Khi các cá nhân đọc kinh thần vụ, thường họ đọc các yếu tố khác nhau rồi im lặng cầu nguyện và suy niệm về chúng.

Tại sao người Công Giáo thích những lời cầu nguyện soạn sẵn?

Trước đây, người Thệ Phản đôi khi tố cáo người Công Giáo thực sự không biết cách cầu nguyện, vì họ dùng các công thức và bản văn chính thức hơn là đơn sơ mở lòng mình ra để chuyện vãn với Thiên Chúa. Thực ra, người Công Giáo vốn được khuyến khích khai triển mối tương quan thân mật với Thiên Chúa Cha, với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh qua việc cầu nguyện của họ, và điều chắc chắn là họ không buộc phải dùng kinh thần vụ hay các bản văn soạn sẵn để làm việc này. Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo thích dùng các lời cầu nguyện quen thuộc như Kinh Kính Mừng và Kinh Lạy Cha, và nhiều người khác thấy lợi ích trong việc đọc kinh thần vụ, đọc đi đọc lại, cho tới khi nó gần như được in sâu trong ký ức họ.

Những người Công Giáo nào hay sử dụng các kinh cầu nguyện trên thường đưa ra một trong ba lý do tại sao việc quen thuộc với chúng không nuôi dưỡng sự khinh thường.

Thứ nhất, người Công Giáo tin tín điều “các thánh cùng thông công”, nghĩa là tình hiệp thông giữa các tín hữu trải dài cả không gian lẫn thời gian. Họ thích ý niệm được đọc cùng những lời cầu nguyện như các thế hệ đi trước và như các đồng tín hữu khắp mọi nơi trên thế giới, coi nó như một cách thâm hậu hóa mối liên kết của họ với cộng đồng.

Thứ hai, đôi khi người ta mệt mỏi, sợ sệt, buồn nản, hay đơn thuần không muốn cầu nguyện, và trong những khoảnh khắc này, lời nói thường không xuất hiện một cách dễ dàng. Nhờ dựa vào một số ngôn từ có tính thi ca và sống động nhất từng được soạn tác, hòa lẫn nhiều yếu tố từ Thánh Kinh, hạnh các thánh, và nhiều thế kỷ thực hành phụng vụ, người Công Giáo thường thấy nguồn pin thiêng liêng của họ được xạc điện trở lại.

Thứ ba, việc nhắc đi nhắc lại thường bật mở nhiều lớp lang suy niệm sâu sắc hơn. Người ta thấy rằng việc đọc các lời kinh quen thuộc đôi khi là cách tập chú rất lớn, đóng lại nhiều ý nghĩ và âu lo đang thống trị tâm trí họ, và mở toang lòng trí họ cho tiếng nói thinh lặng và thì thào của Thiên Chúa.

Còn tiếp
 
Văn Hóa
Hành trang mang theo trong đời sống
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:21 14/07/2017
Hành trang mang theo trong đời sống

Mỗi khi đi đâu xa, như trong lúc này đi nghỉ hè, đi hành hương, hay đi du lịch tham quan thắng cảnh, ai cũng thường sửa soạn hành trang đồ dùng cá nhân cần thiết xếp gói vào Va-li mang theo.

Điều này nói lên sự lo lắng xếp đặt sao cho đời sống được xuôi chảy tốt đẹp, nhất là cha mẹ lo cho con cái.

Nhưng nhiều khi, chắc ai cũng đã có kinh nghiệm, mang nhiều hành trang đồ dùng qúa phải mang xách va-li nặng kéo lê chỉ thêm mệt. Vì mang theo cả những hành trang đồ dùng ưa thích tưởng là sẽ cần dùng tới, cùng cả đồ không cần dùng tới nữa.

Mang nhiều hành trang cần thiết cùng cả hành trang ham thích và không cần dùng. Nhưng có một hành trang thường hay quên ít được chú ý tới: mục đích của nghỉ hè, mục đích của hành hương! Mà loại thứ hành trang này gọn nhẹ cùng cần thiết nhất!

Còn trong đời sống, hành trang gì cần phải mang theo ?

Hành trang Chúa Giêsu nhắn bảo

Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi đến với con người, mang Lời Chúa đến cho họ. Ngài nhắn nhủ họ rất khác lạ:

„Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.“ ( Mc6,7-13 )

Phải chăng điều nhắn nhủ này không là điều khác biệt lạ thường? Vào thời buổi ngày hôm nay, cha mẹ hay người naò đó có trách nhiệm, khi sai ai đi đến đâu, sẽ nhắn bảo con cháu, người được sai đi cần phải mang theo những cái gì? Tại sao Chúa Giêsu lại bảo các Tông đồ đi đến với con người nhưng không được mang theo cái gì gây vướng trở kể cả thức ăn nước uống, quần áo đồ dùng? Trong trường hợp gặp lúc đói khát thì xoay trở thế nào đây?

Tại sao Chúa Giêsu lại nhắn bảo như vậy?

Không bị vướng trở

Ai đã có kinh nghiệm khi đi xa bằng xe lửa, lúc xuống bến trạm phải lôi kéo hành lý túi xách cồng kềnh nặng, rồi còn phải đi đường xa nữa, lúc đó thấm mệt. Vì mang kéo đồ vừa nặng vừa nhiều, nên không đi nhanh được, chỉ đi từng quãng rồi lại dừng nghỉ lấy hơi sức. Rồi lại còn phải chú ý không biết có còn quên để lại trên xe không, hay dọc đường bị vướng vào cục đá bậc gồ ghề làm rách vali…

Chưa hết, những khi phải đổi xe lửa ở trạm dọc dường, lúc đó những gói túi va li cồng kềnh là một gánh nặng phải khuân kéo sang bến trạm chỗ khác. Và lúc đó thầm nghĩ: Phải chi mình mang theo ít đồ có phải nhẹ tiện hơn không. Như thế cuộc nghỉ hè, du lịch sẽ vui, có ý nghĩa tốt biết mấy !

Và suy nghĩ đồ đạc đâu quan trọng bằng mục đích của nghỉ hè, của du lịch tham quan thắng cảnh, sống rộn lên trong tâm trí càng rõ nét hơn.

Với Chúa Giêsu cũng thế. Nên khi sai các Tông đồ, Ngài nhắn bảo các ông mang theo điều quan trọng thôi: mang lời Chúa đến cho con người.

Các Tông đồ mang đến cho con người Lời Chúa. Họ kể thuật gì về Lời Chúa cho con người?

-Công trình sáng tạo trong thiên nhiên là ngôi nhà do Thiên Chúa sáng tạo dựng nên cùng gìn giữ cho luôn xanh tốt đổi mới.

-Sự sống mỗi con người, khả năng thể xác cũng như tâm trí tinh thần là ân phúc của Thiên Chúa trao tặng con người.

-Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa từ trời cao xuống thế làm người mang ơn cứu độ phần rỗi linh hồn cho con người bị vướng vào vòng tội lỗi, mà loài người hằng mong chờ.

-Chúa Giêsu đến khuyên bảo con người sống theo giới răn tình yêu thương: mến yêu Thiên Chúa và yêu mến kính trọng con người.

-Nước Thiên Chúa là nước tình yêu thương, tha thứ làm hòa.

-Con đường hy sinh trong đời sống không chỉ là số phận của con người, nhưng là gía trị giúp xây dựng đời sống: lửa thử vàng, gian nan thử đức!

Hiệu qủa mang lại cho đời sống

Không phải những túi xách vali đồ đạc cồng kềnh nặng nề quan trọng cho cuộc nghỉ hè, cuộc du lịch tham quan thắng cảnh, nhưng chính cuộc nghỉ hè, cuộc du lịch.

Trong nghỉ hè, đi du lịch, ai cũng muốn nghỉ ngơi, muốn nhìn xem thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt nếp sống văn hóa của con người nơi vùng đó. Và cũng muốn có thời giờ để cùng bạn bè hay người quen thân đi dạo, nói chuyện, cùng làm quen với những người lạ gặp gỡ dọc đường. Để thực hiện những điều đó, chỉ cần mang theo loại hành trang nhỏ gọn.

Đến đất nước ngôn ngữ xứ lạ, cuốn từ điển nào cũng không giúp gì bao nhiêu. Nếu quên không biết nói làm sao, chân tay, đôi con mắt, những ngón tay giúp phần nào ra dấu hiệu diễn tả điều ta mong muốn nói gì.

Nụ cười thân thiện là tiếng nói mang lại niềm vui, cùng là tín hiệu cho người khác nhận ra điều gì đang mong cần giúp đỡ.

Hành trang quan trọng trong cuộc sống con người cần mang theo và có thể trao cho người khác được là tình yêu thương.

Thứ lọai hành trang này vừa gọn nhẹ vừa cần thiết ở trong trái tim tâm hồn mỗi người.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Đức Phanxicô và báo chí
Vũ Văn An
19:12 14/07/2017
Linh mục ký giả và tác giả Raymond A. Schroth, Dòng Tên, có người cha viết hơn 40,000 bài xã luận trong suốt nghiệp làm báo của mình. Theo gương cha, linh mục Schroth, trong thời gian học ở Đại Học Fordham, đã làm biên tập viên xã luận và phụ trách một chuyên mục cho tờ Fordham Ram. Sau hai năm phục vụ quân ngũ, đã vào Dòng Tên, dạy trung học ba năm rồi dành 40 năm dạy nghề làm báo tại 5 đại học Dòng Tên và 2 đại học thế tục. Song song, Cha còn là chủ bút mùa hè và viết chuyên mục cho tờ America thập niên 1960, tham gia tờ Commonweal làm chủ bút điểm sách, thập niên 1970, và viết cũng như phê bình truyền thông cho tờ National Catholic Reporter khoảng 30 năm, rồi 6 năm trước đây, là chủ bút điểm sách của tờ America. Ngoài ra, cha còn viết và xuất bản 9 cuốn sách, phần lớn về các nhà báo và Tu Sĩ Dòng Tên.

Linh mục Schroth tự giới thiệu mình dài dòng như trên có lẽ để chứng tỏ rằng các nhận định sau đây của ngài chắc chắn không thiếu sự chín chắn của một nhà báo chuyên nghiệp.


Tôi luôn cảm thấy một sức căng thẳng nào đó giữa báo chí và một số thành phần trong Giáo Hội. Một ngày kia, lúc còn nhỏ, tôi theo cha đi lễ tại giáo xứ của chúng tôi. Tôi nghĩ vị mục tử hôm đó chắc chưa bao giờ chịu soạn một bài giảng, vì ngài nói huyên thuyên bất tận, phàn nàn về “báo chí thế tục”, một từ ngữ được ngài thốt ra một cách gầm gừ. Lần đó, từ bục giảng, ngài phàn nàn về việc một tờ báo kia tường thuật về một cuộc tranh cãi nào đó liên quan tới một linh mục. Cha tôi, người luôn kiểm soát xúc cảm của mình đến 102%, nên đã chỉ nắm chặt cỗ tràng hạt rồi lật đi lật lại nó trong bàn tay nắm chặt của ngài. Tôi coi việc này như một dấu chỉ bảo tôi rằng nếu tôi trở thành một nhà báo, chắc chắn tôi phải chấp nhận một lượng đối xử tồi tệ nào đó, nên phải thật bình thản.

Các nguyên tắc hướng dẫn

Tôi cũng học được rằng các phương tiện trruyền thông, mà hiện nay bao gồm truyền thanh, phim ảnh, truyền hình, Facebook, các trang mạng, các blogs và Twitter cũng như các tờ báo, có thể lạm dụng đặc ân của họ trong việc nói với và nói cho công chúng mà họ giả thiết phải đại diện. Ta hãy xem 6 vai trò do các phương tiện truyền thông khác nhau đảm nhiệm và xét xem đâu là nghĩa vụ của họ.

Thông tin. Truyền bá tin tức một cách rộng rãi và sâu sắc đủ để người công dân hưởng được nền dân chủ thực sự trong khi họ điều hướng và xây dựng các cộng đồng của họ.

Kích thích thương mãi. Nhờ các tin tức về kinh doanh và quảng cáo, báo chí và cộng đồng được phát đạt.

Giáo dục. Thế kỷ 19, tờ New York World của Joseph Pulitzer giúp các di dân nắm vững ngôn ngữ tiếng Anh.

Có một cảnh lớn trong cuốn phim Deadline U.S.A của Humphrey Bogart, thập niên 1940, trong đó, Bogart là chủ bút một tờ báo địa phương vừa được bán cho người vốn cạnh tranh với nó, nên chỉ còn mấy ngày để vạch trần bọn cướp từng sát hại một phụ nữ di dân trẻ. Vào phút chót, mẹ của người phụ nữ trẻ đem đến cho ông chủ bút một số lá thư chứng minh tội ác của bọn cướp. Bogart hỏi người mẹ xem tại sao bà đem bằng chứng này đến ông thay vì đến cảnh sát. Người mẹ trả lời: “tôi không biết cảnh sát. Tôi chỉ biết tờ báo”. Vào lúc chót, khi tờ báo đang in lời vạch trần trên trang nhất, tên cướp gọi cho Bogart ở phòng báo chí. Hắn sủa: “ồn ào chi rứa?” Bogart quạt lại, “Ông bạn ạ, đó là báo chí, và ông bạn chẳng làm gì được nó đâu!”.

Bảo toàn lịch sử. Nếu không có các văn khố của các tờ bào có trách nhiệm, với các tài liệu công cộng của họ: các cuộc bầu cử và chiến tranh khởi diễn, thắng và thua, thì quá khứ của ta sẽ biến mất như thể đời ta chẳng bao giờ xuất hiện.

Phát triển văn hóa. Nếu không có các bài phê bình, các phóng viên thể thao và các người điểm sách, thì nền văn chương, phim ảnh, kịch nghệ, âm nhạc, khiêu vũ, truyện tranh và các biến cố thể thao sẽ xuống dốc. Phẩm chất tiêu khiển sẽ nhạt thếch và tri thức công chúng sẽ co cụm.

Gợi hứng. Trang xã luận là tâm và trí của tờ báo. Trên hết, nó là lương tâm của tờ báo. Đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của cả truyền thông đạo lẫn truyền thông đời. Gần đây, trong một số ngày, tờ New York Times cho đăng một tuyên bố dài cả trang gồm 19 câu bằng chữ đậm nói về “sự thật” áp dụng cho chính họ và mọi cơ quan truyền thông khác. Trong đó, có câu: “Sự thật khó nhá. Sự thật không thể bị che đậy. Sự thật không đứng về phe nào. Sự thật khó chấp nhận. Sự thật đòi có lập trường”.

Điều nổi bật

Tóm lại, làm nhà báo đòi có cả khôn ngoan lẫn can đảm. Ban biên tập phải cho in sự thật dù nó có thể xúc phạm tới một số độc giả. Ngày nay, tại nhiều nước, các nhà báo nói sự thật đang bị giết chết. Khi tôi đang viết những dòng này, các tờ Times, Brooklyn Tablet, London Tablet, Catholic Free Press, America, National Catholic Reporter, New York Daily News, Guardian, Commonweal, The Nation, The Michigan Catholic và nhiều ấn phẩm khác đang được trải rộng trên bàn làm việc của tôi. Nên các qui luật trên áp dụng cho chúng ta tất cả, bất kể là tôn giáo hay thế tục.

Năm nay kỷ niệm năm thứ tư ngày Đức Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng, có lẽ, một điều nổi bật nhất là việc ngài sẵn lòng, thậm chí, rất tha thiết, trà trộn với người ta, bất chấp tôn giáo và địa vị xã hội của họ. Nó làm ta nhớ tới những câu truyện và phim ảnh lãng mạn trong đó nhà vua, giả dạng, trà trộn với các công dân thấp hèn nhất để biết họ nghĩ gì về mình, giống Vua Henry V của Shakespear: hòa mình với các binh sĩ quanh lửa trại đêm trước khi tham gia trận chiến.

Phong cách mới

Trước khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô nổi tiếng là người hay từ khước các cuộc phỏng vấn, nhưng khi đảm nhiệm vai trò mục tử thế giới, ngài mau mắn vươn tay ra với đoàn chiên của mình. Linh mục Antonio Spadaro, S.J., chủ bút tờ La Civiltà Cattolica, một tập san định kỳ do Dòng Tên biên tập chính thức, từng là người đầu tiên phỏng vấn ngài và cuộc phỏng vấn này được đăng trên cả tờ Civiltà lẫn tờ America. Trong khi đó, ngài nhanh chóng thách thức các phương tiện truyền thông trong một bài diễn văn trực tiếp với các phóng viên Rôma, ngày 16 tháng 3, chỉ 3 ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng.

Dịp đó, ngài cho rằng các biến cố của Giáo Hội khó tường trình hơn các biến cố chính trị, một phần vì các biến cố của Giáo Hội có tính cách “thiêng liêng” nhiều hơn các biến cố chính trị. Ngài nói: “Chúa Kitô là mục tử của Giáo Hội” nhưng “Sự hiện diện của Người trong lịch sử xuyên qua sự tự do của những con người nhân bản”. Qúy bạn phải lưu ý điều ấy và “phải tập chú cách thích đáng vào điều thực sự xẩy ra lúc đó”. Ngài ca ngợi việc làm quan trọng của họ và nói thêm: “Qúy bạn nắm trong tay các phương thế để nghe và đem tiếng nói lại cho các hoài mong và đòi hỏi của người ta, và cung cấp một phân tích và giải thích các biến cố đương thời”. Điều này đòi ta phải đánh giá cao bất cứ điều gì là “chân, thiện, mỹ”.

Ngài kết luận bằng cách giải thích tại sao ngài lấy hiệu là Phanxicô. Số là một người bạn tốt, tức vị Hồng Y ngồi cạnh ngài trong diễn trình bầu cử, khi các lá phiếu đang được đếm, đã ôm lấy ngài, hôn ngài rồi nói “Đừng quên người nghèo!” Ngay tức khắc, ngài nghĩ tới con người luôn yêu thương người nghèo, yêu hòa bình, yêu và bảo vệ môi trường: Thánh Phanxicô Assisi. Chính thời điểm ấy, “hình ảnh” tân giáo hoàng đã được đóng ấn, được tăng cường nhờ việc ngài sống ở một khách sạn dành cho các linh mục hơn là các phòng ốc trong dinh giáo hoàng, di chuyển bằng chiếc xe hơi nhỏ bình thường, tránh đôi giầy đỏ và phẩm phục giáo sĩ sang trọng và thường khẩn khoản xin công chúng cầu nguyện cho mình.

Trong một diễn văn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế giới (25 tháng Sáu năm 2016), Đức Phanxicô nói về các phương tiện truyền thông xã hội. Ngài nói: Liên mạng và các mạng lưới xã hội là một “ơn phúc của Thiên Chúa” và là “các hình thức truyền thông có tính nhân bản trọn vẹn”. Nhưng với điều kiện hiệu quả của nó phải “giúp vượt thắng não trạng tách biệt kẻ có tội khỏi nhóm chính trực một cách sắc nét. Chúng ta có thể lên án tội lỗi, bạo lực, và tham nhũng cũng như bóc lột, nhưng không nên lên án các cá nhân, vì chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu tâm hồn họ mà thôi”. Tuy thế, trong “Đi Tìm Thánh Nhan Thiên Chúa” (Vultum Dei Quaerere, 22 tháng 7 năm 2016), ngài nói các nữ tu phải cẩn trọng đừng “phí thì giờ” hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để trốn tránh các đòi hỏi của đời sống tu trì.

Khó mà phán đoán được sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng trên Twitter hoặc Facebook đã ảnh hưởng tới mức nào đối với việc dấn thân tu trì của thế hệ đương thời. Theo Editor and Publisher, Facebook dường như khiến nhiều nhà chấp hành các phương tiện truyền thông lo sợ. Vì hiện nay, hơn 40% người Mỹ trưởng thành lấy tin tức từ Facebook. Khắp thế giới, khoảng 1 trong 10 người cho biết: các phương tiện truyền thông xã hội là nguồn tin tức chính của họ. Tổng Thống Trump giao tiếp với công chúng bằng “tweets” hơn là trực tiếp đối diện với các nhà báo; vì thế, ông càng làm phức tạp thêm các cố gắng nắm sự thật của các nhật báo. Một nhà báo Công Giáo nói với tôi: một cú tweet của Đức Phanxicô được hơn 30 triệu người theo rõi.

Một phần các truyện tin gần đây cho thấy Đức Phanxicô sẵn lòng lên tiếng bất cứ lúc nào. Cuối tháng Hai vừa qua, trong thánh lễ riêng của ngài, ngài chỉ trích những người Công Giáo không thực hành điều họ rao giảng. Họ không trả lương thích đáng cho công nhân. Họ rửa tiền, sống cuộc sống hai mặt. Các chủ nhân của các công ty đang sa sút không trả đủ lương cho các công nhân. Người ta đi nghỉ mùa đông ở bờ biển Trung Đông trong khi các công nhân của họ không được trả lương. Ở một bình diện khiếp đảm hơn, theo tường trình của New York Times, Miến Điện đàn áp nhóm thiểu số Hồi Giáo Rohingya, sát hại và hãm hiếp hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em trong một “chiến dịch khủng bố”. Đức Phanxicô nói với cử tọa hàng tuần của ngài rằng những người này bị tra tấn và sát hại chỉ vì đức tin Hồi Giáo của họ. Ngài nói chúng ta phải cầu nguyện cho các anh chị em Hồi Giáo của chúng ta, đừng xây tường mà hãy xây những cây cầu. Nhắc đến tường cũng được người ta coi như nhắc đến bức tường dọc biên giới Mễ Tây Cơ do Tổng Thống Trump đề xướng, và có lẽ cả bức tường của Do Thái giữa họ và người Palestine.

Tác động trọng đại

Trong phán đoán của các quan sát viên báo chí hàng đầu, Đức Phanxicô đã đạt được những gì? Linh mục Thomas Rosica, O.S.B., sáng lập viên của Qũy Truyền Thông Muối và Ánh Sáng, mạng lưới truyền hình Công Giáo toàn quốc đầu tiên của Gia Nã Đại, viết trên tờ The Catholic Journalist rằng Đức Phanxicô đã “đặt nhãn hiệu lại” cho Đạo Công Giáo. Trước đây không lâu, khi được hỏi Giáo Hội đại diện cho điều gì, người Công Giáo thường trả lời: người Công Giáo chống phá thai, hôn nhân đồng tính, kiểm soát sinh đẻ và tai tiếng về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Ngày nay, chúng ta thường trả lời: chúng tôi có một vị giáo hoàng quan tâm tới môi trường, lòng từ bi, cảm thương và tình yêu. Chúng tôi say mê chăm sóc người nghèo và người tản cư đang thang lang khắp mặt địa cầu.

Trong giới báo chí, ngài đã làm cho việc làm ký giả tôn giáo trở thành điều vui thích trở lại. Các trường kinh doanh hậu đại học nổi danh tôn vinh ngài như một điển hình của việc “đặt nhãn hiệu lại”. Tuy nhiên, cha Rosica nêu lên hai tình huống vẫn cần được lưu ý: thiếu tinh thần trách nhiệm trong “thế giới cuồng nhiệt của thiên cầu blogs” và nhiều người Công Giáo biến liên mạng thành hầm cầu kỳ thị và nọc độc nhân danh việc bảo vệ đức tin.

Sau khi phỏng vấn một số giám mục và học giả, Joshua J. McElwee, phóng viên của National Catholic Reporter tại Rôma (10-23 tháng Ba) đã chú tâm vào “cảm thức mục vụ độc đáo” đang thay đổi thế giới quan của Giáo Hội, trong một nền văn hóa bao quát hơn, hiện không còn là của Kitô Giáo nữa, huống hồ là của Công Giáo, và, theo các vị Hồng Y Donald Wuerl của Washington D.C., và Sean O’Malley của Boston, Đức Phanxicô đang thúc đẩy Giáo Hội thay đổi “cách xử xự” của mình khi ngài thận trọng thay đổi các cơ cấu của nó, từ từ đi từ dưới lên. Một tường trình, cũng trên số báo này, đã thuật lại bài diễn văn của Đức Cha Robert McElroy, Giám Mục San Diego, tại Cuộc Gặp Mặt các Phong Trào Bình Dân Thế Giới hồi tháng Hai, trong đó, ngài kêu gọi 700 nhân viên xã hội trở thành “những người đạp đổ và xây dựng lại” để chống lại việc Tổng Thống “đạp đổ” Trump tấn công các chương trình công bằng xã hội: Chúng ta phải đạp đổ những người phái binh đội ra đường phố để tách biệt các người cha người mẹ ra khỏi gia đình họ, những người mô tả người tị nạn là kẻ thù, những người coi người Hồi Giáo như nguồn gây sợ hãi, những người cướp mất quyền được chăm sóc y tế của người nghèo, những người tước hết phiếu thực phẩm khỏi miệng trẻ em.

Như thể lặp lại khẩu hiệu của tờ Times, ngài nói rằng chúng ta đừng bao giờ sợ hãi khi phải nói lên sự thật. Trong cuộc chiến đấu để bảo toàn nhân phẩm, chúng ta phải đứng về phía “một chính phủ và một sự che chở mạnh mẽ đối với người không quyền lực, công nhân, người vô gia cư, người đói, những người không được chăm sóc y tế, người thất nghiệp”.

Xét theo tầm nhìn lịch sử, có lẽ hai đóng góp quan trọng nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là thông điệp “Laudato Sí” (Lạy Chúa, Ngợi Khen Chúa, 24 tháng Năm, 2015) về việc bảo vệ môi trường, và tông huấn “Amoris Laetitia” (Niềm Vui Yêu Thương, 19 tháng Ba, 2016) về tình yêu trong gia đình. Cả hai văn kiện này đều được đọc và thảo luận rộng rãi và cả hai đều bị phê phán. “Laudato Sí” lấy từ ca khúc của Thánh Phanxicô Assisi, người từng tuyên bố trái đất là căn nhà chung của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô liệt kê các tai hại chúng ta đã gây ra khi không tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa trong Sách Sáng Thế về việc phải chăm sóc tạo thế của Người: ô nhiễm, phung phí, văn hóa vứt bỏ, thay đổi khí hậu do việc hâm nóng địa cầu đem lại, một hâm nóng gây ra bởi việc tập trung các khí thải nhà kính (greenhouse) trong bầu khí quyển, lạm dụng “việc cung cấp nước trên thế giới cấp thiết đối với sự sống con người và đối với việc nâng đỡ các hệ sinh thái trên đất và dưới nước”.

Do đó, bảo toàn là một nhân quyền căn bản và thế giới chúng ta mang một món nợ xã hội nặng nề đối với người nghèo, những người đang bị từ chối quyền sử dụng. Gần như thể viết cho giới báo chí Hoa Kỳ, Đức Phanxicô nhấn mạnh việc sa sút về phẩm chất của sự sống con người và việc gia tăng bất bình đẳng hoàn cầu và ngài phê phán sự yếu ớt trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng loại này của quốc tế. “Lời thần thông” trong giải đáp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với mọi vấn đề tranh cãi mà hiện thời ngài đang phải đương đầu là “đối thoại”. Ở đây, cuộc thảo luận phải trải dài từ cộng đồng quốc tế tới giới lãnh đạo, giới khoa học và các công dân thuộc đủ mọi giai tầng. Đại đa số dân số thế giới hoan nghinh lời kêu gọi hành động của Đức Giáo Hoàng; những người còn lại bác bỏ thực tại tính của việc thay đổi khí hậu.

“Amoris Laetitia” là kết quả của một diễn trình dài: mọi giáo xứ và giáo phận được mời gọi tụ họp và thảo luận công khai các vấn đề đang phá hoại đời sống gia đình, sau đó, gửi các kết quả tham khảo về Rôma; nơi đây, các phái đoàn của hàng giáo phẩm, họp nhau trong hơn hai năm, đã đề xuất các giải đáp có tính cố vấn cho Đức Giáo Hoàng. Một số người Công Giáo ly dị hiện đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai có thể được tự do lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, dù cuộc hôn nhân thứ nhất của họ, vì các lý do đa dạng, chưa được tuyên bố vô hiệu. Trong các trường hợp mà việc biện phân ở cấp địa phương nghiêng về phía tự do, Đức Phanxicô muốn chào đón các gia đình này lãnh nhận các bí tích trở lại. Một nhóm 4 vị Hồng Y đã thách thức Đức Giáo Hoàng; họ coi ngài vi phạm giáo luật, nhưng ngài đã hoan nghinh các phản bác thành thực của họ. Trong khi ấy, các giám mục Đức thuộc hai giáo phận đã soạn thảo sách hướng dẫn nhằm làm dễ cuộc thảo luận giữa các cặp vợ chồng và vị linh mục của họ.

Ở Á Căn Đình, các giám mục đã ban hành lời giải thích riêng của họ về văn kiện đời sống gia đình của Đức Giáo Hoàng để phong chức cho các người đàn ông có gia đình; và ở Ba Tây, nơi chỉ có 1,800 linh mục cho 140 triệu người Công Giáo, các giám mục đã yêu cầu các linh mục xuất tu và cưới vợ trở lại hàng linh mục cùng gia đình của họ.

Nhà báo kiêm thần học gia Thomas Reese, Dòng Tên, đã liệt kê năm thành tựu lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: (1) Ngài rao giảng Tin Mừng bằng cách nhấn mạnh tới lòng cảm thương và lòng thương xót; (2) ngài cho phép thảo luận và tranh luận công khai trong Giáo Hội; Cha Reese viết: “không thể nào nói ngoa điều này phi thường xiết bao”; (3) ngài đã chuyển dịch cuộc thảo luận về các vấn đề luân lý từ qui luật qua biện phân, dựa vào ơn thánh trong đời sống những con người không hoàn hảo; (4) ngài đã nâng các vấn đề môi sinh lên một chỗ quan trọng trong đức tin Công Giáo; (5) ngài đã khởi động việc cải tổ các cơ cấu cai quản trong Giáo Hội. Quan trọng hơn cả, ngài đang cố gắng thay đổi nền văn hóa giáo sĩ, nhất là thuyết phục các giám mục rằng các ngài không phải là các ông hoàng mà là các tôi tớ.

Richard R. Gaillardetz, trong Commonweal (số 27 tháng Giêng), nhắc nhở chúng ta rằng dù Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố rằng khi Đức Giáo Hoàng nói về một tín lý, thì nó không còn chấp nhận tranh luận nữa, nhưng Đức Gioan XXIII phê phán việc Giáo Hội dựa vào các kết án, và ngài nhấn mạnh tới đối thoại, “môn thuốc thương xót”. Điều Giáo Hội cần là sinh khí mục vụ. Ông Gaillardetz gợi ý rằng thiên bẩm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nằm ở chỗ ngài nhấn mạnh tới một hình thức của thẩm quyền giáo huấn với 6 đặc điểm rõ rệt sau đây: (1) chúng ta lắng nghe Giáo Hội. (2) Giáo huấn mục vụ sẽ tốt nhất khi đi qua các cử chỉ có tính biểu tượng, như rửa chân cho một phụ nữ Hồi Giáo vào Thứ Năm Tuần Thánh. (3) Việc hàng giáo phẩm Ba Tây hướng tới các linh mục có gia đình là do thẩm quyền địa phương quyết định, chứ không phải Rôma. (4) Nhìn nhận thực tại tính của hoài nghi và không chắc chắn trong đời sống đức tin. Tín lý không phải là một hệ thống đóng kín, nhưng là một hệ thống chuyển động. (5) Đào luyện lương tâm quan trọng hơn các qui luật pháp lý cứng rắn. (6) Không phải vấn đề nào cũng đòi các kết luận của huấn quyền. Những cuộc phỏng vấn ứng khẩu trên máy bay được các nhà báo hưởng ứng quả là các cuộc đối thoại, không phải là các định tín long trọng. Tác giả nhắc chúng ta nhớ rằng giáo huấn của Giáo Hội về nạn nô lệ, cho vay nặng lãi, tự do tôn giáo và sự bình đẳng nền tảng giữa đàn ông và đàn bà đã thay đổi.

Điều ta đang thấy

Làm sao biết được lối giảng dạy trên đã ảnh hưởng thế nào đối với nghề làm báo? Ta phải đọc, đọc và đọc. Trong vòng ít ngày, các trang xã luận và độc giả bình luận của tờ New York Times đọc lên nghe như các đoạn tin mừng. Mục của Nicholas Kristof giới thiệu một nhân vật có tên Phaolô Ngoan Đạo Ryan, người không ngừng án ngữ Chúa Giêsu lúc Người chữa người đàn bà băng huyết đã 12 năm, chữa 10 người cùi, và kể câu truyện về người Samaritanô nhân hậu trạnh lòng thương người bị bọn cướp đánh đập và bị một thừa tác viên và một người nhà giầu làm ngơ cho tới khi Chúa Giêsu đưa người bị thương tới bệnh viện.

Ông Phaolô Ngoan Đạo Ryan nói với Chúa Giêsu: Người nên dạy người bệnh và người nghèo phải tự lãnh lấy trách nhiệm. Hãy ngưng, đừng chữa cho 10 người cùi nữa, vì chúng ta đã trễ giờ dự buổi trà rượu tại đền thờ rồi.

Ryan cho rằng việc người Samaritanô dùng tiền của mình giúp các khách du lịch trên những con đường nguy hiểm chỉ có nghĩa là góp tiền cho những kẻ thua cuộc. Như thế là xã hội chủ nghĩa! Ryan đề nghị người Samaritanô đó nên đi gặp bạn anh ta là The Donald để mở một ngân qũy và xây dựng một bệnh viện kiếm lời. Hãy bỏ cái vô nghĩa của một trái tim rướm máu coi việc chăm sóc sức khỏe như một nhân quyền. Chúa Giêsu quay lại Ông Phaolô Ngoan Đạo mà nói, “xéo đi. Khi con không nuôi người đói, là con không nuôi Thầy”.

Trong bài xã luận chính ngày 4 tháng Ba, tựa là “The Pope and the Panhandler” (Đức Giáo Hoàng và Người Ăn Xin), tờ Times cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giúp người dân New York một việc là khuyên họ nên cư xử với những người ăn xin ra sao, nhất là tại các thành phố lớn, nơi nạn vô gia cư không được ai giải quyết và hàng ngày ta đều gặp những con người đau khổ xin được giúp đỡ. Ta có khuynh hướng tiếp tục bước đi hay lục lọi một vài đồng tiền lẻ. Hay có khi suy tính - phải kiểm soát bối cảnh hình sự của người này? Sức khoẻ tâm thần của anh ta? Được phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng cho ai cái gì “luôn là điều đúng”. Nhưng không phải chỉ cho mà thôi. Hãy dừng chân, hãy nhìn vào đôi mắt họ và đưa tay ra chạm vào họ. Trọng điểm không phải là xây một bức tường, nhưng coi người ta không như một nan đề xã hội mà như một hữu thể nhân bản có cuộc sống cũng qúy giá như chính cuộc sống của các bạn.

Diện đối diện

Sau cùng, có hai lý do khiến Đức Phanxicô hưởng được sự xử xự đầy thiện cảm của báo chí. Lý do thứ nhất, mà tôi tin là đúng, là họ chia sẻ cùng một hệ thống giá trị: nghĩa vụ thông tin cho công chúng, một cảm thức lịch sử và cảm giác cả hai bên đều đang tạo lịch sử khi họ gặp gỡ và cùng du hành với nhau, một dấn thân cho quyền tự do ngôn luận và công lý đối với những thành viên dễ bị thương tổn hơn hết của xã hội. Lý do thứ hai là khi họ gặp ngài, ngài thực sự là con người ấm áp và khiêm nhường, con người mà ngài vốn muốn trở thành.

Nhà phê bình của tờ Washington Post, Hank Stuever, nói rất đúng: “Nơi các phóng viên, nhất là những người chỉ biết những ngày sau cùng của Đức Gioan Phalo II, rồi Đức Bêneđíctô XVI, có một cảm nhận thực sự rằng xuyên suốt các câu truyện về Vatican người ta ít còn thấy thứ văn hóa KHÔNG nữa. Chủ đề đã thay đổi… các phóng viên chính dòng, và cả các độc giả của họ, bằng cách riêng, đã đáp ứng các vòng tay giang rộng. Không nhất thiết là thứ văn hóa CÓ, nhưng nay, nó quả xuất hiện như một thứ văn hóa lắng nghe và quan tâm. Thứ văn hóa này có cách làm cho các truyện kể của các nhà báo viết về Giáo Hội trở thành thích thú hơn để viết và để đọc”.

Hai phóng viên đã chia sẻ ấn tượng của họ về chuyến cùng bay với Đức Giáo Hoàng từ Rôma tới Châu Mỹ La Tinh. Một số phóng viên trên máy bay xuất thân từ Á Căn Đình nên đã biết rõ (Hồng Y) Jorge Bergoglio từ những ngày ngài chưa làm giáo hoàng. Dường như lúc đó, ngài là một con người khác hẳn. Rất nghiêm nghị, thỉnh thoảng lắm ngài mới chịu mỉm cười. Nay thì nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi. Giữa các tu sĩ Dòng Tên ở Á Căn Đình, ngài có biệt danh là “La Giocanda”, tên tiếng Ý của Mona Lisa, người cười không ra nụ trong bức chân dung nổi tiếng. Ngài ít khi nói chuyện với các phương tiện truyền thông; nay thì các cuộc họp báo trên không có khi kéo dài cả một tiếng đồng hồ. Những người trên chuyến bay trước đó có “làm bài tập” thì biết ngài được cử làm cha giám tỉnh Dòng Tên, lúc mới có 36 tuổi và nỗi khó khăn của ngài phải lèo lái ra sao để vượt qua “Cuộc Chiến Bẩn Thỉu” của thời kỳ 1976-1983, trong đó nền độc tài dã man cánh hữu đã sát hại hàng ngàn người bị coi là “có âm mưu lật đổ”. Rồi còn chuyện va chạm với các đồng tu sĩ Dòng Tên tự liều mình làm việc tại các khu bùn lầy nước đọng và việc ngài thất sủng với chính Dòng Tên, dẫn tới việc tạm thời bị đày tới vùng xa xôi hẻo lánh của Á Căn Đình và sau đó qua Đức.

Còn nay, kìa con người “mới” đang từ từ đi xuống cuối máy bay, vừa chuyện vãn vừa bắt tay từng người trong số 77 phóng viên, những người, dù được cảnh báo phải ngồi bình thản, nhưng hết đứng lên lại ngồi xuống, chụp hình bằng iPhone lúc ngài chúc lành cho họ và cả các bức hình gia đình họ, đích thân trao bánh sinh nhật cho “niên trưởng” của Đoàn Báo Chí Vatican. Một phóng viên vội vàng đội chiếc nón dư của anh ta lên đầu Đức Giáo Hoàng để ngài đội làm “nón giáo hoàng” lúc đi dự tiệc tùng. Một phóng viên truyền hình Tây Ban Nha từ Miami tặng Đức Giáo Hoàng một hộp gồm 48 chiếc bánh empanadas do các di dân Á Căn Đình ở Miami chế biến. Khoái chí, Đức Phanxicô cười hớn hở, rồi vừa đùa bỡn vừa chia sẻ các chiếc bánh này với mọi người.

Bart Jones của Newsday từng có 10 năm tường trình về Venezuela và đã phỏng vấn Hugo Chavez, người mà anh viết tiểu sử; nhưng lần này có khác. Anh muốn tạo một thứ tác dụng đặc biệt. Anh trình bày với Đức Phanxicô một bức ảnh của người vợ di dân gốc Venezuela của anh và hai đứa con. Đức Phanxicô ký tên vào bức ảnh và chúc lành cho nó. Bart muốn được thêm một phút nữa. Anh kể cho ngài nghe về việc học của anh với các tu sĩ Dòng Tên ở Fordham và tuyệt diệu ra sao khi được trải nghiệm cách dạy của họ. Anh với tay ra và chạm vào cánh tay Đức Giáo Hoàng. Đức Phanxicô nở một nụ cười mỉm và nói bằng tiếng Tây Ban Nha “Bây giờ thì anh có cái vi khuẩn” đã học với các tu sĩ Dòng Tên. Ngài với tới và di chuyển bàn tay của ngài khắp vừng trán của Bart, “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” rồi tiến bước.
___________________________________________________________________________________________________________
Phụ Thêm

Ngày 6 tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho ông Eugenio Scalfari, một nhà báo lão thành, 93 tuổi, không có niềm tin tôn giáo, một cuộc phỏng vấn. Sau đây là chính nhận định của nhà báo này về cuộc gặp gỡ hôm đó:

“Trời đã muộn. Đức Thánh Cha tặng tôi hai cuốn sách kể lại lịch sử của ngài tại Á Căn Đình cho tới Công nghị Hồng Y bầu ngài làm Giáo Hoàng. Một cuốn dầy hàng trăm trang. Chúng tôi ôm hôn nhau. Và Đức Thánh Cha đã muốn mang hai cuốn sách ra xe cho tôi. Chúng tôi xuống thang máy và ra cửa nhà trọ thánh Marta. Chiếc xe của tôi đã dừng trước cửa. Ông tài xế xuống xe bắt tay chào Đức Thánh Cha và tìm giúp tôi vào trong xe. Đức Thánh Cha mời ông tài xế ngồi vào tay lái cho xe nổ máy và nói “Để tôi giúp ông ấy”. Ngài đỡ tôi và giúp tôi vào trong xe và giữ cửa xe mở. Khi tôi đã ngồi trong xe, ngài hỏi tôi có thoải mái không. Tôi trả lời là có. Khi đó ngài mới đóng cửa xe, và lui ra sau một bước chờ cho xe chuyển bánh, Ngài vẫy tay chào tôi cho tới phút chót, trong khi tôi đầy nước mắt vì cảm động. Tôi thường viết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một người cách mạng. Ngài nghĩ đến việc phong chân phước cho ông Pascal, ngài nghĩ tới người nghèo, người di cư. Ngài cầu mong một Âu châu liên bang và cuối cùng và không phải cuối cùng ngài giơ tay giúp tôi vào trong xe. Một vị Giáo Hoàng như thế chúng ta đã không bao giờ có! Và những gì ngài đã nói với tôi trong cuộc phỏng vấn cứ vang lên trong đầu tôi”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngồi Thiền
Tấn Đạt
20:30 14/07/2017
NGỒI THIỀN
Ảnh của Tấn Đạt
Ta ngồi yên lắng nghe ta
Lắng nghe mình thở vào ra nhẹ nhàng.
Quanh ta trời đất thênh thang
Gió mây cây cỏ như tan vào người.
(Trích thơ của Thu Nguyệt)
 
VietCatholic TV
Lần hạt Năm Sự Vui cùng Đức Mẹ Fatima ngày 13/07/2017
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:18 14/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Thứ Nhất: Thiên Thần Truyền Tin cho Ðức Bà chịu thai.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chú sự dữ. Amen

1. Thiên Chúa sai sứ thần Gábriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít; Trinh nữ ấy tên là Maria (Lc 1, 26).

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

2. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng Bà. (Lc 1, 28) * Kính mừng...

3. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì. Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. ( Lc 1, 29-30) * Kính mừng...

4. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. ( Lc 1, 31 ) * Kính mừng...

5. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. ( Lc 1, 32 ) * Kính mừng...

6. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. ( Lc 1, 33 ) * Kính mừng...

7. Bà Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ( Lc 1, 34 ) * Kính mừng...

8. Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. ( Lc 1, 35 ) * Kính mừng...

9. Ðối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. ( Lc 1, 37 )

* Kính mừng...

10. Bấy giờ bà Maria nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. ( Lc 1, 38 ) * Kính mừng...

Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần.

Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Thứ hai: Ðức Bà đi viếng bà thánh Isave.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen

1. Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Isave. ( Lc 1, 39-40 )

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

2. Bà Elisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần. (Lc 1, 41) * Kính mừng...

3. Bà kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. ( Lc 1, 42 )

* Kính mừng...

4. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. ( Lc 1, 43-44 ) * Kính mừng...

5. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em. ( Lc 1, 45 ) * Kính mừng...

6. Bấy giờ bà Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. ( Lc 1, 46-47 ) * Kính mừng...

7. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn! ( Lc 1, 48-49 ) * Kính mừng...

8. Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. (Lc 1, 50-51 ) * Kính mừng...

9. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (Lc 1, 52-53) * Kính mừng...

10. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời. ( Lc 1, 54-55 ) * Kính mừng...

Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần.

Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Thứ ba: Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giêsu trong hang đá.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen

1. Ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Ðavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. ( Lc 2, 4-5 )

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

2. Khi hai người đang ở đó thì bà Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. ( Lc 2, 6-7 ) * Kính mừng...

3. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh. ( Lc 2, 8-9 ) * Kính mừng...

4. Sứ thần bảo họ: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Lc 2, 10-11 ) * Kính mừng...

5. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. ( Lc 2, 12 ) * Kính mừng...

6. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế choloài người Chúa thương. ( Lc 2, 13-14 ) * Kính mừng...

7. Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: Nào chúng ta sang Bêlem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết. ( Lc 2, 15 ) * Kính mừng...

8. Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Thấy thế họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này . ( Lc 2, 16-17 ) * Kính mừng...

9. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Lc 2, 18-19 ) * Kính mừng...

10. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. ( Lc 2, 20 ) * Kính mừng...

Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần.

Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Thứ bốn: Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong Ðền Thánh.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen

1. Khi đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng; Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa. ( Lc 2, 22-23 )

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

2. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. ( Lc 2, 24 ) * Kính mừng...

3. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. ( Lc 2, 26 ) * Kính mừng...

4. Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc mẹ hài Nhi đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 2, 27-28 ) * Kính mừng...

5. Muôn lạy Chúa giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này ra đi. ( Lc 2, 29) * Kính mừng...

6. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. ( Lc 2, 30-31 ) * Kính mừng...

7. Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài. ( Lc 2, 32 ) * Kính mừng...

8. Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người.

( Lc 2, 33 ) * Kính mừng...

9. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với Maria, mẹ của Hài Nhi: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.

( Lc 2, 34 ) * Kính mừng...

10. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra. ( Lc 2, 35 ) * Kính mừng...

Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần.

Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Thứ năm: Ðức Bà tìm được Ðức Chúa Giêsu trong Ðền Thánh.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen

1. Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. ( Lc 2, 41 )

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

2. Khi Người đuợc mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. ( Lc 2, 42) * Kính mừng...

3. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. ( Lc 2, 43 ) * Kính mừng...

4. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. ( Lc 2, 44 )

* Kính mừng...

5. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Lc 2, 45 ) * Kính mừng...

6. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. ( Lc 2, 46 ) * Kính mừng...

7. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu.

( Lc 2, 47 ) * Kính mừng...

8. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! ( Lc 2, 48 ) * Kính mừng...

9. Người đáp: Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

( Lc 2, 49-50 ) * Kính mừng...

10. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

( Lc 2, 51 ) * Kính mừng...

Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần.

Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.
 
Video Kinh Thánh: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:27 14/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái.2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy."3 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên."4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? "5 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? "10 Đức Giê-su đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? "13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."
 
Video Kinh Thánh: Câu chuyện Tiệc Cưới Cana
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:45 14/07/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! “ Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.