Ngày 14-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa vô cùng kiên nhẫn chờ đợi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:33 14/07/2008
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 13, 24-43


Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 13,24-43, chúng ta thất sự kiên nhẫn vô cùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể dùng lưỡi hái của Ngài để cắt tất cả cỏ dại, tất cả những gì là xấu xa trong thế gian. Điều này nếu xẩy ra thì chắc chắn là hạnh phúc cho chúng ta vì chúng ta sẽ không phải sống với những tệ nạn của thế gian: xì ke, ma túy, phá nạo thai, những kẻ du đãng giết người, những trẻ em vô giáo dục vv…Tại sao Thiên Chúa lại không làm thế bởi vì Ngài nhân từ, chạnh lòng xót thương. Sách khôn ngoan cho chúng ta hay Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng, nghĩa là cho chúng ta cơ hội để ăn năn sám hối tội lỗi. Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngài muốn tạo dịp thuận tiện để con người quay trở về và đổi mới con người.

DỤ NGÔN CỎ DẠI SỐNG CHUNG VỚI LÚA:

Sống trên trần gian bao giờ cũng có người tốt, người xấu, sự lành, sự dữ, vàng thau lẫn lộn với nhau. Về phương diện bề ngoài, nghĩa là thế gian thì bất cứ ở chỗ nào, bất cứ nơi đâu, cũng có mặt phải mặt trái, cũng có ánh sáng và bóng tối. Tất cả đều sống bên nhau lẫn lộn lẫn nhau. Ngay trong một con người cũng có cái xấu, cũng có cái tốt, cũng có sự dữ, sự lành đan xen với nhau như cỏ lùng và lúa tốt trong một mảnh đất, trong một thuở ruộng.Thực tế, trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã sống ở làng quê Nagiarét, đã đi qua vùng Palestina, Ngài đã thấy dân chúng làm ruộng, gieo vãi những hạt lúa mì và khi cây lúa mì còn nhỏ, người ta rất khó phân biệt với cỏ dại. Do đó,Chúa đã căn dặn một việc làm rất thực tế: ” Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ “. Có một sự thực hiển nhiên: cỏ lùng vì là cỏ dại nên không bao giờ nó có thể trở nên lúa tốt được và lúa đã là lúa thì vạn đại nó vẫn cứ là lúa. Chính vì thế, con người thường hay xét đoán người này tốt, người kia xấu, người này là cỏ dại, người kia là lúa tốt. Thực ra, chúng ta không có quyền xét đoán người khác một cách quá giản đơn như thế. Đặc biệt, chúng ta không có quyền xét đoán tội lỗi của bất cứ ai. Quyền đó là quyền của Thiên Chúa. Con người tự bản tính là tốt, nhưng khi lớn lên, con người có thể từ tình trạng lúa tốt biến thành cỏ dại, rồi với ơn Chúa và sự suy nghĩ, hồi tâm, cố gắng con người lại trở thành lúa tốt. Con người là lúa tốt hay là cỏ dại theo một ý nghĩa và giới hạn nào. Điều quan trọng là tới khi chết con người đang ở tình trạng nào ? Lúa tốt hay cỏ dại, cỏ lùng. Đó là sự tự do của con người và con người phải chịu trách nhiệm về sự tự do Chúa ban cho họ khi còn sống trên mặt đất này. Ở xã hội hay ngay trong Giáo Hội cũng có người tốt người xấu, cũng có kẻ lành kẻ xấu. Ngay trong nhóm 12 tông đồ, Giuđa Iscariốt cũng là cỏ lùng mà.

DỤ NGÔN MUỐN DẬY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ ?:

Tục ngữ ta có câu:” Nhân vô thập toàn “. Con người vốn không hoàn hảo. Nên, cần phải cố gắng, vươn lên, vượt thắng mọi tính hư, tật xấu, đẩy lùi bóng tối, diệt trừ tội lỗi. Chúa đã nói: ” Hãy bước qua cửa hẹp “ hoặc, ai muốn theo Ta: ” Hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mà theo Ta “. Từ bỏ mình có nghĩa là diệt sự dữ, đẩy lùi tội lỗi, tính ích kỷ, keo kiệt mà quảng đại theo Chúa. Qua dụ ngôn cỏ lùng và lúa, Chúa muốn nhắc nhở con người, nhân loại, chúng ta: con người được Chúa cho sinh ra vốn tốt lành nhưng vì tội lỗi xâm nhập, con người bị vương mắc tội tổ tông và rồi tội riêng mình làm. Tuy nhiên, con người có trí khôn, biết phân biệt đâu là cái tốt, đâu là cái xấu, điều gì nên làm và điều gì không được làm và sống đúng là người môn đệ Chúa. Nói rõ hơn, Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để chiến đấu, chống trả tội lỗi: xác thịt, danh vọng và kiêu ngạo là cỏ lùng, cỏ dại xen lấn, sống lẫn lộn trong ta, đồng thời cầu nguyện để bảo vệ những nhân đức, đức bác ái và mọi công phúc chúng ta làm được. Tỉnh thức và cầu nguyện để sẵn sàng đến mùa lúa chín tức là khi con người nhắm mắt xuôi tay, Chúa sẽ thu vào kho lẫm của Ngài.

ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG:

Ác giả ác báo quả cũng có lý do của nó. Đời sống con người tác ác sẽ gặp tai họa mà hiền lành, đạo đức dù có gặp thử thách như ông Gióp thì đó cũng chỉ là thử thách của Chúa nơi ông. Con người sống khiêm tốn, hiền lành, sống cậy trông nơi Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Chúa sẽ được Chúa chúc lành. Chúa luôn luôn kiên nhẫn đợi chờ con người. Chúa không bao giờ muốn loại trừ ai, miễn là con người biết quay trở về với Ngài để được Ngài tha thứ. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rất nhiều trường hợp, Chúa yêu thương và tha thứ cho người có tội như dụ ngôn “ Người con hoang đàng”, “ Người nữ phạm tội ngọai tình” “ Bà Maria Mađalêna “ vv…Tất cả những dụ ngôn trong Tin Mừng đều nói lên lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Chúa đối với tội nhân. Chúng ta phải sống hiền hòa, hòa thuận với mọi người vì Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa để chúng con biết nhìn anh chị em chúng con như Chúa nhìn. Xin cho chúng con trai tim của Chúa để chúng con biết nhạy cảm trước sự đau khổ của người khác.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Cỏ lùng là gì theo nghĩa thông thường và theo nghĩa của dụ ngôn ?

2. Chúa muốn nói đến lọai lúa gì và ở vùng nào ?

3. Trong con người có sự lành và sự dữ không ?

4. Tại sao Chúa lại ban tự do cho con người ?

5. Tại sao Chúa lại kiên nhẫn với con người ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 14/07/2008
VOI VÀ CHUỘT.

N2T


Có một con chuột đi đến bên một hồ nước trong rừng rậm, kiên trì muốn con voi đang tự đắc đùa giởn trong hồ nước phải rời khỏi hồ nước.

Voi nói: “Không cần, tao ở đây rất là khoái hoạt, đừng làm rộn tao”.

Chuột nói: “Nếu tôi không làm cho ngài rời khỏi vài phút thì không thể được”.

Voi nói: “Tại sao ?”

Chuột nói: “Đợi ngài đi ra, tôi mới nói cho ngài biết”.

Voi nói: “Như thế thì tao đây chẳng thèm đi ra”.

Cuối cùng, con voi cũng loạng choạng ra khỏi hồ nước, đứng trước mặt con chuột, nói: “Bây giờ, mày có thể nói, tại sao muốn tao phải đi ra khỏi hồ nước hở ?”

“Tôi phải coi xem sao, có phải ngài mặc cái quần tắm của tôi không ?”


(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Con người ta, đôi lúc vì tính tò mò và tham lam mà hay bị mắc lừa người khác, mà cái dễ làm cho người ta mắc lừa nhất chính là quảng cáo và tuyên truyền.

Có những người Ki-tô hữu tuyên bố rằng, đức tin của mình không hề bị lay chuyển, vì đức tin của mình lớn như con voi, thế nhưng lại nghe lời dụ khị của một cô gái mà không đi nhà thờ nữa, bò Chúa bỏ Mẹ; có người vỗ ngực la lớn: đức tin của tớ luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng nên không thể bị người khác dụ khị mất đức tin, nhưng chỉ vì một gương xấu của một vài linh mục mà họ mất luôn cả đức tin và “bai bai” Chúa Giê-su mà họ tôn thờ yêu mến.

Con voi quá lớn mà con chuột thì nhỏ tí xíu, thế nhưng con voi đã bước ra khỏi chỗ khoái lạc của mình để nghe câu hỏi của con chuột: có phải ngài mặc cái quần tắm của tôi không ? Đúng là dở khóc dở cười cho con voi.

Đức tin to lớn như con voi nhưng không lớn hơn cô gái mà mình yêu; đức tin được Chúa Thánh Thần hướng dẫn soi sáng, nhưng lại không thấy đường đi trong đêm tối của thử thách, là bởi vì đức tin đã biến thành kiêu ngạo và ơn của Chúa Thánh Thần đã biến thành khẩu hiệu trên môi miệng của người kiêu hãnh.

Không ngu ngơ như con voi và không ma lanh như con chuột, nhưng luôn khiêm tốn cầu nguyện để đức tin hướng dẫn đi giữa con chuột và con voi, đó là khôn ngoan của Chúa Thánh Thần vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 14/07/2008
N2T


8. Làm việc và cầu nguyện không thể thiên lệch nhau.

(Thánh Benedict)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ông Thủ Hiến sống đạo, vị Giáo Hoàng sống đời
Vũ Văn An
06:09 14/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ông Thủ Hiến sống đạo vị Giáo Hoàng sống đời.

1. Rước lễ hay không rước lễ

Theo hãng CNA ngày 12 tháng Bẩy, nhiều chính khách Công Giáo Úc sẽ tham dự Thánh Lễ bế mạc WYD do Đức Giáo Hoàng chủ tế, và việc ấy sẽ cho thấy sự bất nhất của các lãnh tụ này trong việc áp dụng đức tin của họ vào sinh hoạt chính trị.

Morris Iemma, Thủ hiến bang New South Wales, người từng bỏ phiếu ủng hộ việc dùng phôi thai cho các nghiên cứu về tế bào gốc, cho hay ông muốn được rước Lễ từ tay Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong Thánh Lễ nói trên nhưng cho biết có lẽ ông sẽ không dám làm thế. Iemma, một người Công Giáo vẫn còn giữ đạo, nói rằng có được Đức Giáo Hoàng tại Sydney là một “kinh nghiệm hết sức đáng tán thưởng đối với mọi người Công Giáo, kể cả gia đình tôi”.

Phó Thủ Hiến NSW là John Watkins, cũng là người Công Giáo, cho hay ông sẽ tham dự Thánh Lễ bế mạc “trong tư cách thực hành chứ không phải chỉ là khách”. Watkins cũng đã bỏ phiếu để bãi bỏ luật của tiều bang trước đây ngăn cấm việc dùng phôi thai để nghiên cứu tế bào gốc.

Watkins và Iemma bỏ phiếu ủng hộ dự luật trên bất chấp lời cảnh cáo của Đức Tổng Giám Mục Sydney là Hồng Y George Pell, người từng tuyên bố rằng lá phiếu của họ sẽ có hậu quả trầm trọng liên quan đến thế đứng của họ trong sinh hoạt Giáo Hội.

Các chính khách khác của Úc cũng sẽ tham dự Thánh Lễ bế mạc. Trong đó có Kristina Keneally, bộ trưởng đặc trách Người Cao Niên, người từng gặp chồng tại WYD trước đây. Bộ trưởng Hải Cảng Và Thủy Lộ là Joe Tripodi cũng sẽ có mặt. Ông mô tả đạo Công Giáo như là “một trong các nhân tố ý nghĩa nhất trong sự dưỡng dục nên người của tôi”.

2. WYD và Âu Châu

Cũng theo tin CNA ngày 12 tháng Bẩy, Đức hồng y người Áo là Christoph Schonborn ngày 9 tháng Bẩy đã lên đường cùng với 750 bạn trẻ tham dự WYD lần thứ 23. Ngài hy vọng rằng các cử hành của Đức Giáo Hoàng sẽ gây ấn tượng mạnh cho Âu Châu.

Vị hồng y nói đến niềm phấn chấn của ngài trong việc tham dự các lễ lạc với Đức Bênêđíctô XVI: “ Tôi từng bị lôi cuốn tới Úc vì kinh nghiệm của lần WYD mới nhất đây tại Cologne, nơi thật hết sức phấn khích cho tôi được cử hành và cảm nghiệm đức tin với không biết bao nhiêu người như thế. Và dĩ nhiên, được gặp Đức Giáo Hoàng”.

Đức hồng y chắc chắn rằng dù các cử hành diễn ra ở Úc, WYD cũng sẽ tác động mạnh trên Âu Châu. “Những ngày này sẽ tác động lên bất cứ ai tham dự vào. Kể từ ngày WYD bắt đầu năm 1984, nhiều sự việc đã xẩy ra như là kết quả của những ngày này. Chúng tôi ađ4 tìm được kim chỉ nam cho đức tin, cho cuộc đời. Tôi nghĩ kinh nghiệm WYD có điều gì đó hết sức ngoại thường đối với toàn bộ thế hệ giới trẻ Công Giáo”.

3. Nhớ đến ông giáo hoàng nhẩy múa

Tờ Sydney Morning Herald ngày 11 tháng Bẩy có bài của Alan Gill, trước đây là bỉnh bút tôn giáo lâu năm của báo này, thuật lại kỷ niệm của anh về chuyến viếng thăm Úc năm 1986 của Đức Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI, người vừa, lần đầu tiên, đặt chân tới Úc.

Các cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng, cũng như các cuộc thăm viếng của các nhà cai trị thế tục, đều là những vụ việc được ghi chép, lên bài bản (scripted) rất khắt khe, ấy thế nhưng lại được nhiều người ghi nhớ nhờ những giây phút hiếm có khi tính bất lễ nghi chính thức bỗng len lỏi vào hay lúc “bài bản” được gạt ra một bên.

Giây phút ấy đã xẩy ra trong cuộc viếng thăm Sydney của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 25 tháng 11 năm 1986. Đó là một ngày thật dài, Đức Thánh Cha vừa đi thăm Brisbane sau khi từ Canberra bay tới, và xem ra hết sức mệt mỏi. Cuộc chào đón tưng bừng của giới trẻ với đủ thứ ca hát và nhẩy múa, cũng sắp sửa kết thúc tại Sydney Cricket Ground. Bỗng nhiên hai diễn viên trẻ, đứng gần đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng, tiến lại gần Ngài, nhẹ nhàng đặt tay Đức Giáo Hoàng vào tay mình. Nhìn lên đầy ngạc nhiên nhưng thích thú, Ngài bỗng đứng dậy và cùng xoay người với họ trong một vũ điệu.

Chuyện ấy có thực sự bộc phát hay không? Ý kiến có khác nhau. Nhưng nó đã tạo nên một hàng tít đáng yêu: “Sydney chào mừng Vị Giáo Hoàng Nhẩy Múa” và hai cô nữ sinh tí hon Bridget Quirk và Maria Kenny trở thành nổi danh trong nháy mắt. Tôi nhờ khi được hỏi: em cảm thấy bàn tay của Ngài ra sao, đã trả lời: “Ấm áp nhưng hơi sần sù già cả”.

Thực ra, chuyện ấy gần như không được ai tường thuật. Để tránh kẹt lưu thông, các xe búyt chở đoàn báo chí đông đảo đã lên đường rời địa điểm. Chỉ còn phóng viên John Lundy của tờ Catholic Weekly ở lại một mình trong phòng báo chí rộng mênh mông. Khi được hỏi về việc đó, anh ta bảo: anh đang say khướt phải không. May mắn, nhiếp ảnh viên của Herald là Bruce Miller, có mặt lúc đó.

Đôi khi, “bộc phát” mang lại bối rối rõ rệt. Ở Brisbane chẳng hạn, trong lần viếng thăm một trung tâm truyền thông, một người đàn ông quê ở Lone Pine Sanctuary không biết từ đâu bỗng xuất hiện nhét ngay một con koala vào tay Đức Giáo Hoàng. Mấy ông phó nhòm Úc rặc không bỏ lỡ cơ hội, chĩa ngay máy vào Ngài. Nhưng ba nhiếp ảnh viên riêng của Đức Giáo Hoàng không làm thế, họ nhẩy bổ lên phía trước án ngữ, ngăn cản không cho ai có cơ hội bấm máy. Từ đâu đó gần như trên trần nhà, có giọng Úc rặc hô to: “Thưa Đức Thánh Cha, xin nhìn hướng này”. Một giọng khác, kém lịch sự hơn: “tránh ra, đồ chết tiệt!”
 
Sydney trở thành thủ đô thế giới của giới trẻ
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:24 14/07/2008
Sydney, Úc (ZENIT) - Trong chương trình "Octava Dies" mới nhất của Đài Truyền Hình Vatican, Cha Federico Lombardi, linh mục dòng Tên, Giám Đốc Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay: “Chọn Sydney là nơi gặp gỡ của Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008 là hành động của đức tin của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Tổng Giám Mục Sydney”.

Vị phát ngôn viên Tòa Thánh cũng là người tháp tùng với Đức Thánh Cha đến Sydney. Ngài nói ngài tin rằng với việc Đức Thánh Cha và người hành hương đến Sydney, “trong một tuần lễ, bộ mặt của thủ phủ nước Úc đang chuyển thành thủ đô thế giới của giới trẻ, không chỉ đối với giới trẻ Công Giáo”.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang chứng tỏ là sự kiện đông đảo nhất trong lịch sử nước Úc. Nó sẽ thu hút khoảng 125.000 người trẻ hành hương tứ khắp nơi trên thế giới, đông hơn cả Thế vận hội năm 2000. Cha Lombardi nhận xét: “Đó là hành động của đức tin và sự can đảm của Đức Hồng y George Pell và Giáo Hội Úc nhằm mời gọi người trẻ khắp nơi trên thế giới về Sydney. Đó là hành động của đức tin và lòng can đảm của Đức Thánh Cha khi ngài chấp thuận. Và đó cũng là hành động của đức tin và can đảm của những Giáo hội địa phương khi gởi người trẻ trong phạm vi khả năng của họ, dù rằng tiêu tốn chi phí và sức lực cho một cuộc hành trình dài”.

Tuy nhiên, Giáo Hội không ở đâu xa, Chúa Thánh Thần soi dẫn các môn đệ công bố Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Và mọi nơi trên quả đất này đều là trung tâm khi Bí tích Thánh Thể được cử hành nơi đó”.

Ngài nói thêm: “Người trẻ, nếu về thể lý không thể hiện diện ở Sydney, sẽ ‘hầu như’ ở đó[…] và đây là điều quan trọng nhất: nhiều người sẽ ở nơi đó về mặt tinh thần hiệp thông trong lời cầu nguyện”.

Người trẻ của những ngày Giới Trẻ Thế Giới trước giờ đây đã là người trưởng thành và biết rằng khi trải qua kinh nghiệm này thì điều gì tỏ lộ làm cho đời sống họ trở nên phi thường”.

Ngài kết luận: “Giới trẻ hôm nay, người trưởng thành của mai sau cũng sẽ biết rằng ở Sydney rồi sẽ khép lại, và niềm hy vọng cùng với tình yêu vào tương lai Giáo Hội, vào toàn thể nhân loại cũng phụ thuộc vào họ”.
 
Nhà thờ chính tòa Sydney khánh thành tượng ĐGH Gioan Phaolô II
Phụng Nghi
10:11 14/07/2008
Sydney, Australia (CNA) – Tượng Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, cao 6 feet rưỡi và nặng trên 1.100 pounds, đã được an vị tại nhà thờ chính tòa St. Mary’s ở Sydney thứ Bẩy tuần qua.

Theo bản tin của báo Catholic Weekly, một nhóm di dân người Ý ngụ tại Sydney đã quyên góp được khoảng 100 ngàn mỹ kim trong một loạt những buổi hòa nhạc gây quỹ nhằm đặt nhà điêu khắc Firenzo Bacci của Ý tạc nên bức tượng. Tượng được đặt làm vào tháng 10 năm 2007 và đưa tới Sydney hồi tháng giêng năm nay.

Đức ông Dino Fragiacomo, một linh mục tại địa phương nói rằng cộng đồng Ý tại đây muốn hiến tặng một “kỷ niệm đẹp đẽ và lâu bền để nhắc nhớ” đến vị giáo hoàng đã quá vãng. Ngài cho biết:

“Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II có tầm quan trọng rất lớn đối với giới trẻ và với các dân tộc trên khắp thế giới.

“Bức tượng được hiến tặng để tưởng nhớ đến ngài và cũng để làm mới lại sự cung hiến thánh đường dâng kính Đức Mẹ.”

“Bức tượng thật đẹp, trông thần bí theo một đường hướng riêng, và tôi chắc những người đến nhà thờ chính tòa sẽ thán phục.”

Đức ông Fragiacomo cho biết cộng đồng Ý “không biết nói gì hơn là ca ngợi bức tượng”, và Đức hồng y Pell cũng bày tỏ lòng biết ơn của ngài.”

“Tôi hy vọng rằng bức tượng sẽ đứng đây tại nhà thờ chính tòa St Mary này hàng nhiều thế kỷ về sau để được mọi người chiêm ngưỡng.”

Đức ông ở Australia đã được 16 năm. Trước đây ngài trông coi việc kiến thiết đền thánh để dâng kính Mẹ Maria Nữ Vương trên đỉnh núi Monte Grisa trong vùng Trieste ở Ý.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Thánh Thần và Dân Số
Vũ Văn An
19:10 14/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Thánh Thần Và Dân Số

1. Sydney chào đón

Hình ĐGH Trên Cầu Harbour
Hình ảnh Đức Bênêđíctô từ ngày hôm kia, 13 tháng Bẩy, đã tràn ngập không những trên đường phố Sydney mà cả trên báo chí và các hệ thống truyền hình. Buổi sáng nay, đài Sky News cho khán giả thấy hình ảnh Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ buổi sáng tại Trung Tâm Kenthurst của tu hội Opus Dei, với số người tham dự rất hạn chế vì những giọng thưa trong thánh lễ không nhiều, hình ảnh Ngài đi dạo thanh thản với Đức Hồng Y Pell và Đức Cha Fisher và đi một mình trong thửa vườn rộng rãi đầy cây lá của Trung Tâm và hình ảnh Ngài đang thưởng thức âm nhạc do hai bạn trẻ trình diễn (piano và violin) tại phòng khách Trung Tâm. Nhưng hình ảnh đẹp và rõ ràng nhất về Đức Giáo Hoàng phải kể là hình chiếu lên Cầu Harbour vào buổi tối.

Trong khi ấy, đường phố Sydney vào ngày hôm qua, một ngày trước khi WYD chính thức khai mạc, đã chào đón rất nhiều các nhóm hành hương. Nhưng nhộn nhịp nhất phải là phi trường quốc tế Sydney với hàng chục ngàn du khách đáp xuống. Có những chuyến bay bị đình hoãn đến 36 tiếng vì lý do có những cuộc đình công tại hãng Qantas.

Bạn trẻ thế giới trên đường Broadway, Ultimo
Riêng các đoàn Việt Nam đã ổn định chỗ ở tại các tư gia lẫn các trung tâm đón tiếp. Chúa Nhật 13 tháng Bẩy, người ta đã có dịp gặp gỡ các bạn trẻ Việt Nam đến từ Bắc Âu tại Trung Tâm Thánh Mẫu Bringelly của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, cách trung tâm Sydney khoảng trên dưới một giờ lái xe. Và tại Trung Tâm cấp phát “thẻ an ninh” cho các linh mục đồng tế với Đức Giáo Hoàng ở Chippendale, người ta được gặp khá nhiều linh mục đến từ khắp nơi, trong đó có “bố con” Cha Đinh Ngọc Lễ, chánh xứ Hà Nội Xóm Mới và “cha con” mới chịu chức tên là Minh, và cha Nguyễn Quang Thạnh, phó giám đốc chủng viện Chúa Chiên Lành của Tổng Giáo Phận Sydney.

2. Dân số

Phần lớn các hãng thông tấn Công Giáo, như Zenit chẳng hạn, chú trọng đến khía cạnh thiêng liêng của WYD. Trong bản tin ngày hôm qua, đến 80% nội dung của Zenit được dành cho WYD với các hàng tít lớn như: Ngày Giới Trẻ Thế Giới được coi như Hành Vi Đức Tin; Đức Thánh Cha: Tuổi trẻ có thể tìm được giải đáp trong Chúa Kitô; Sydney chào đón Đức Giáo Hoàng “trong Thần Trí”; Các du khách tiến về Sydney lòng đầy Chúa Kitô; Chúa Kitô được coi là chià khóa của Ngày Giới Trẻ Thế Giới; Sứ Điệp Đức Giáo Hoàng gửi Nước Úc và các bạn trẻ hành hương. Trong khi đó, tờ Sydney Morning Herald lại có một hàng tít lạ nhân WYD: Tăng Dân Số Nếu Không Muốn Diệt Vong: (Hồng Y) Pell.

ĐHY Pell và ĐC Fisher với Đức GH
Linda Morris của tờ báo này, ngày hôm qua 14 tháng Bẩy, cho hay Tổng Giám Mục Sydney là Đức Hồng Y George Pell lên tiếng cảnh cáo các quốc gia Tây Phương như Úc chẳng hạn phải tăng dân số nếu không muốn diệt vong. Ngài nói rằng người Úc bị cám dỗ trong việc tin rằng họ có thể có một cuộc sống gia đình lành mạnh, hạnh phúc mà không cần đến Thiên Chúa.

Lên iếng trong một cuộc họp báo vào sáng nay, một ngày trước khi WYD chính thức khai mạc, Đức Hồng Y cũng tỏ ý buồn lòng về tỷ số tự tử cao nơi người trẻ, nhất là nam giới, và cho hay ma túy không đem lại giải thoát. "Hiện đang có cuộc khủng hoảng trong thế giới Tây Phương. Không một nước Tây Phương nào sinh đủ các trẻ thơ để duy trì môt ộân số ổn định, không một nước Tây Phương nào. Trong nhiều trường hợp, người ta thấy có sự gia tăng về ly dị và cả gia tăng các vụ độc hôn ‘hàng loạt’ [serial monogamy]. Các lực lượng thương mãi không khoan nhượng đang nói với giới trẻ rằng đó là cách thế tiến bộ, cách thế hiện đại, và họ hoàn toàn im lặng về những tổn hại mà cách thế ấy có hể gây ra đối với hôn nhân và cuộc sống gia đình”

Khi được hỏi, Đức Hồng Y cho biết ngài không cam kết đối với việc xin lỗi ‘tùm lum’ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Trong khi ấy, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chính thức xác nhận trên chuyến bay tới Úc rằng Ngài sẽ xin lỗi các nạn nhân ấy. Đức Hồng Y Pell cho các ký giả hay: “Chúng tôi rất muốn làm cho hoàn cảnh hết sức khó khăn ấy tốt hơn [nhưng] rất khó mà biết phải làm ra sao. Các giám mục của Úc, cả cá nhân lẫn tập thể, đều đã xin lỗi trong nhiều dịp. Điều ấy thích hợp vì xét một cách căn bản, đó là trách nhiệm địa phương. Dĩ nhiên, tôi cũng đã làm thế, bởi vậy hãy chờ xem sao”.

3. Thánh Giá Đại Hội

Trong khi đó, “Đuốc Thế Vận” của Ngày Giới Trẻ Thế Giới tức Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ của WYD đã tiến vào Cảng Sydney một cách huy hoàng trên một chuyến phà khởi hành từ Manly tới Circular Quay.

Thánh Giá WYD
Thánh giá này cao 3.8 thước còn khung ảnh Đức Mẹ nặng 15 kílô vẽ hình Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng. Khi tới Circular Quay, các biểu tượng này được hàng trăm khách hành hương chào đón bằng những ca khúc bộc phát và điệu vũ hân hoan.

Hàng trăm người nữa tham gia với đoàn rước đi qua Đường Pitt, băng qua trung tâm thành phố, và dừng lại chốc lát tại Belmore Park gần Ga Trung Ương, và sau cùng được rước về qua đêm tại Đại Sydney.

4 Sydney lạnh cóng

Cũng trong số báo ngày 14 tháng Bẩy của tờ Sydney Morning Herald, ký giả Jonathan Dart cho hay hơn 6000 khách hành hương WYD được cấp phát thêm quần áo (ấm) và 21 người đã phải vào bệnh viện sau khi bị cái lạnh giá của Sydney tấn công.

Các nhà tổ chức cho hay các khách du lịch trong vùng Nam Thái Bình Dương và Châu Phi chưa bao giời kinh qua cái lạn như thế nên họ đã không chuẩn bị đủ khi tới đây. Nhiệt độ tại Sydney xuống đến 5.7 độ bách phân vào đêm Thứ Bẩy, đêm lạnh nhất xưa nay.

Các cộng đồng Công Giáo khắp tiểu bang vào cuối tuần qua đã tổ chức chiến dịch cung cấp quần áo ấm và được đáp ứng cách nồng nhiệt. Các hội viên Hội Phụ Nữ Công Giáo Úc đã dành những ngày cuối tuần cấp tốc đan vớ, khăn quàng và áo len cho khách hành hương, trong khi hãng Qantas tặng 10,000 chiếc chăn kiểu trên máy bay.

Giáo phận Lismore tiếp đón 400 khách hành hương từ Solomon Islands và tặng mỗi người 10 món quần áo ấm.

Therese Nichols, phối hợp viên Chương Trình Đồng Hỗ Trợ Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho hay lòng quảng đại của người Úc đảm bảo khách hành hương sẽ không bị lạnh.

5. Ngôn ngữ duy nhất

Cũng trên tờ Sydney Morning Herald ngày hôm qua 14 tháng Bẩy, Jano Gibson, tường trình rằng sau hơn 20 giờ trên máy bay, hàng ngàn khách hành hương WYD đã nhập bọn ca hát và nhẩy múa tưng bừng tại ngay phi trường Sydney vào buổi sáng hôm nay. Phi trường này đã biến thành một địa điểm lễ hội khi các bạn trẻ Công Giáo xuất phát từ những nơi xa xôi như Ba Tây, Alaska và Thụy Sĩ cùng tan hòa vào nhau trong ca hát hân hoan.

Bạn Trẻ Thế Giới
Một số bạn trẻ chơi ghi-ta và trống, số khác đánh thnh la não bạt, còn phấn đông thì hát những bài thánh ca hay nhạc tôn giáo sống động. Matheus Safraid, mộ thanh niên Ba Tây 25 tuổi, người mặc một chiếc áo thế thao có in hình quê hương anh, phát biều: “chúng tôi không nói cùng một thứ tiếng nhưng chúng tôi hiểu nhau vì Chúa Thánh Thần hiện diện giữa chúng tôi”. Anh là thành viên của nhóm 70 người rời Ba Tây vào đêm thứ Sáu (giờ Ba Tây) và bay qua Chí Lợi để tới Sydney. Họ tạo nên một vòng tròn dễ có đến 50 người eđ63 ca hát và nhẩy múa, trong khi chờ xe búyt để họ tới chỗ trú ngụ. Anh cho hay: “Vòng tròn này này bắt đầu với anh em Ba Tây bọn tôi nhưng sau đó, nhiều người khác cnũg tham gia. Ca hát giờ đây chỉ còn là ngôn ngữ duy nhất”.

Anh Safraid, nguời từng tham dự WYD tại Đức, cho hay anh không tới Sydney để được hưởng tiện nghi. “Tại Đức, quả rất lộn xộn. Chúng tôi ngủ trên đất, ăn bất cứ thứ gì có được. Nhưng quả là tuyệt diệu vì sự hiện diện của giáo hội”.

Một nhóm bạn trẻ Chí Lợi, mình mặc áo hể thao mầu đỏ, như muốn át tiếng bạn trẻ Ba Tây, lớn tí6ng hét: “Chi, Chi, Chi, le, le, le! Viva Chile!”

Angelica Brady, 20 tuổi, từ California, khoác lá cờ Mỹ quanh vai. Cô nói WYD tại Đức tuyệt vời quá nên cô muốn tham dự một kỳ nữa. “Điều lớn lao nhất là bạn cảm nghiệm được một năng lực mạnh mẽ ở đây. Tất cả đều là nhẩy múa và ca hát”.

Marie Odine, từ Bordeaux, Pháp, nói rằng Thánh Lễ Sai Đi tại Telstra Dome ở Melbourne là cao điểm đối với những ngày cô ở đó. “Thật là một xúc động lớn được chia sẻ đức tin với người Úc và người các quốc gia khác. Quả có sự hiệp nhất thực sự. Chúng tôi được đón iếp tốt tại Melbourne và chúng tôi hy vọng cũng được như thế tại Sydney”. Cô hy vọng kết tình anh chị em với nhiều anh chị em thuộc các nước khác tại Sydney.

Đức cha Christopher Prowse của Tổng giáo phận Melbourne cho hay hàng ngàn gia đình tại tiểu bang Victoria đã mở cửa đón khác hành hương, đem lại cho khách hành hương một cảm nghiệm tuyệt vời trong các Ngày tại Giáo Phận. Ngài cho hay: “Đôi khi, nhất là ở Úc, người ta có cảm tưởng giới trẻ không quan tâm tới tôn giáo, và ở một bình diện nào đó, điều ấy có đúng. Nhưng tận đấy tâm hồn, người trẻ luôn khát khao đi tìm Chúa và vào lúc này đây họ đang làm chính điều ấy, hơn bất cứ lúc nào khác trước đây”.
 
Giáo Hội Công Giáo Australia và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
22:47 14/07/2008
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ÚC VÀ NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ

Giáo Hội Công Giáo Australia đón tiếp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney là một Giáo Đoàn trẻ trung nhưng năng động và nắm giữ vai trò trọng yếu trong đời sống xã hội cũng như công cộng của đất nước. Theo thống kê do Hội Đồng Giám Mục Australia phổ biến thì tín hữu Công Giáo chiếm tỉ số cao nhất giữa các Kitô hữu khác trong toàn nước.

Thánh giả và ảnh Đức Mẹ tới cảng Sydney
Thật thế, tín hữu Công Giáo chiếm hơn một phần tư trên tổng số 20 triệu 343 ngàn dân Úc, tức chiếm 27,7% với 5 triệu 635 ngàn tín hữu Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo Australia có 33 giáo phận với 1.390 giáo xứ. Hiện tại có 65 Giám Mục và hơn 3100 Linh Mục với hơn phân nửa là Linh Mục triều. Ngoài ra còn có khoảng 2200 nam tu sĩ, 7.167 nữ tu và 8.200 giáo lý viên.

Giáo Hội Công Giáo Australia nắm vai trò sinh động trong lãnh vực xã hội và giáo dục. Giáo Hội điều khiển 1.749 trường tiểu học, 473 trường trung học, 30 trường Cao Đẳng và Đại Học với hơn 700 ngàn sinh viên học sinh.

Trong phạm vi xã hội, Giáo Hội Công Giáo Australia điều khiển 58 bệnh viện, 407 Trung Tâm săn sóc người cao niên và người tàn tật, 164 viện cô nhi và vườn trẻ, 480 trung tâm tái hội nhập xã hội và 210 văn phòng cố vấn nhằm giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn và bênh vực sự sống con người.

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Australia hiện nay là Đức Cha Philip E Wilson, Tổng Giám Mục Adelaide và Phó Chủ Tịch là Đức Cha Barry J Hickey, Tổng Giám Mục Perth.

Một điểm đáng chú ý trong lịch sử hiện đại của Giáo Hội Công Giáo Australia là sự gia tăng đáng kể con số tín hữu Công Giáo giữa các cộng đoàn thổ dân. Hiện nay có 100 ngàn thổ dân Công Giáo, tức là gia tăng 7% so với năm 2001. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội có con số tín hữu Công Giáo thổ dân đông nhất so với các Giáo Hội Kitô khác. 26% thổ dân là tín hữu Công Giáo.

Các chuyến viếng thăm mục vụ của các Đức Giáo Hoàng tại Australia

Với chuyến công du nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm Giáo Hội Công Giáo Australia và là chuyến viếng thăm thứ tư của một vị Giáo Hoàng. Vị Giáo Hoàng đầu tiên đặt chân lên đất Australia là Đức Phaolô VI (1963-1978) vào tháng 11 năm 1970. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) viếng thăm Australia ba lần. Lần đầu tiên vào năm 1973 khi còn là Tổng Giám Mục Cracovia nhân Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế XL diễn ra tại Melbourne. Hai lần sau trong tư cách Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm mục vụ Australia vào năm 1986 và năm 1995. Trong lần viếng thăm vào năm 1986 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rảo quanh toàn lãnh thổ Australia. Biến cố đáng ghi nhớ và cảm động nhất trong lần viếng thăm này là cuộc gặp gỡ với cộng đoàn thổ dân ở miền Trung Australia. Vào năm 1995 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trở lại Sydney để tôn phong vị chân phước đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Australia là nữ tu Mary McKillop (1842-1909). Buổi lễ tôn phong chân phước đã diễn ra tại sân đua ngựa Randwick. Đây cũng là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với giới trẻ trong khung cảnh Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII vào tối thứ bảy và sáng Chúa Nhật 20-7-2008.

Sơ lược lịch sử Giáo Hội Công Giáo Australia

Có thể nói được rằng, lịch sử Giáo Hội Công Giáo Australia đi song song với lịch sử các cuộc di dân. Vào thế kỷ XIX khi khối thực dân Âu châu đến đóng tại Australia thì cùng lúc họ cũng mang theo tôn giáo của các nhóm di dân như: Anh Giáo, Công Giáo và các hệ phái tin lành. Nhóm Kitô hữu đầu tiên đặt chân lên Australia vào năm 1788 là các tín hữu Công Giáo đến từ Ái-nhĩ-lan trên chiếc tàu do thuyền trưởng Arthur Philip điều khiển.

Mãi đến 15 năm sau, Australia mới có Thánh Lễ đầu tiên được cử hành vào ngày 15-5-1803 và do một Linh Mục Ái-nhĩ-lan. Đó là Cha James Dixon. Cha được quan toàn quyền Australia giao trách nhiệm trông coi cộng đoàn nhỏ bé các tín hữu Công Giáo. Từ đó ngày 15-5 đi vào lịch sử. Hàng năm Cộng đoàn Công Giáo cử hành ngày này như một biến cố đánh dấu nền tự do tôn giáo được dành cho các tín hữu Công Giáo.

Trước khi hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo chính thức thành hình tại Australia phải nói đến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Anh Giáo, xét vì sự có mặt đông đảo của các tín hữu Anh Giáo đi theo các tàu bè của người Anh. Do đó, trong bước đầu, chỉ có Anh Giáo được xem như tôn giáo được chính thức thừa nhận tại Australia.

Bạn trẻ suy niệm và tôn vinh Thánh Giá Chúa
Không biết bao nhiêu lần, các Linh Mục Công Giáo tìm cách đặt chân đến thường trú tại Australia nhưng không có kết quả. Do đó nhóm tín hữu Công Giáo ít ỏi bị bắt buộc phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật với tín hữu Anh Giáo. Chưa hết, các tín hữu Công Giáo phải xin các linh mục Anh Giáo cử hành các nghi lễ như Rửa Tội, Hôn Phối và An Táng.

Năm 1802 con số tín hữu Công Giáo tại Australia lên đến 1700 người nhưng vẫn chưa có Linh Mục Công Giáo trông coi. Phải đợi mãi đến ngày 15-5-1803 khi quan toàn quyền chính thức cho phép cử hành Thánh Lễ đầu tiên cho một nhóm tù lưu đày là tín hữu Công Giáo tại The Rocks.

Sau đó cộng đoàn Công Giáo lại yêu cầu có Linh Mục Công Giáo đến giúp đỡ và ban các bí tích nhưng đơn xin vẫn bị bác bỏ. Mãi cho đến năm 1819, cộng đoàn Công Giáo mới có được 2 Linh Mục được chính quyền bảo hộ cho phép đến trông coi. Đó là hai Cha Joseph Therry và Philip Connolly. Vào năm 1828 số tín hữu Công Giáo tại Australia lên đến 10 ngàn người.

Năm 1834 Đức Thánh Cha Gregorio XVI (1831-1846) thiết lập tòa Giám Quản Tông Tòa tại New Holland và chỉ định Cha John Bede Polding làm Giám Quản Tông Tòa đầu tiên. Đức Cha John Bede Polding là một đan sĩ Biển Đức người Anh. Ngài trở thành vị Giám Mục Công Giáo đầu tiên của Australia.

Nguyện ước của Đức Cha Polding là xây dựng Giáo Hội Công Giáo Australia trên lý tưởng đan tu Anh quốc. Thế nhưng các Linh Mục thuộc quyền Đức Cha Polding - đa số là các Linh Mục triều Ái-nhĩ-lan - lại có những nguyện ước khác. Và các Linh Mục Ái-nhĩ-lan đã thắng thế. Chính các ngài đã tạo ảnh hưởng đạo đức mạnh trên Giáo Hội Công Giáo Australia cho tới năm 1930 thì chấm dứt khi con số Linh Mục địa phương Australia chiếm đại đa số.

Vào thập niên 1950 Giáo Hội Công Giáo Australia gia tăng đáng kể và bắt đầu chiếm tỉ số cao giữa lòng dân tộc Australia và được phân phối thành các giáo xứ trên toàn nước Australia. Cộng Đoàn Công Giáo lớn mạnh đúng theo ước nguyện của các Linh Mục và Giám Mục Ái-nhĩ-lan ngay từ thưở ban đầu, nghĩa là một Cộng Đoàn Công Giáo vững chắc sống theo khuôn mẫu Đức Tin và tâm thức tôn giáo Ái-nhĩ-lan.

Xã Hội Australia bắt đầu biến chuyển mạnh với các đợt di cư ồ ạt trong các thập niên 1960 và 1970. Đó là những đợt di cư đến từ Ý, Đại Hàn, Phi-luật-tân, HongKong, Nam Mỹ, Sudan, Croat, Hungari, Liban và Việt Nam. Giáo Hội Công Giáo Australia không thể nằm ngoài vòng biến chuyển này, vì trong số các di dân cũng có tín hữu Công Giáo. Các tín hữu Công Giáo di dân mong muốn tham dự Thánh Lễ trong tiếng mẹ đẻ và có các trường học cho con em của họ.

Giáo Hội Công Giáo Australia tìm cách đáp ứng nhu cầu các tín hữu Công Giáo di dân bằng cách cho xây các nhà thờ và trường học mới. Giáo Hội Công Giáo Australia cũng rất chú tâm trên bình diện mục vụ hầu có thể săn sóc tinh thần cho tất cả các nhóm di dân Công Giáo. Các nhóm di dân Công Giáo đông nhất thường qui tụ tại hai thành phố Sydney và Melbourne.

Quan Thầy Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney

Thể theo truyền thống, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney được đặt dưới sự bảo trợ của 10 vị Hiển Thánh và Á Thánh. Đức Cha Anthony Fisher OP - điều hợp viên cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney giải thích: ”Chúng tôi mời gọi các bạn trẻ noi gương và học hỏi nơi cuộc đời các vị Quan Thầy và hiểu rằng nhờ sức mạnh Thần Linh Đức Chúa GIÊSU KITÔ một người bình thường cũng có thể làm được những việc khác thường”. 10 vị Bảo Trợ sẽ được chú ý dọc theo các biến cố chính diễn ra trong thời gian Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII, kể cả tại buổi Canh Thức nơi sân đua ngựa Randwick vào tối thứ bảy 19-7-2008. Sau đây là danh sách 10 Vị Quan Thầy.

1/ Đức Bà Thánh Giá Miền Nam, Phù Hộ các Giáo Hữu

Đức MARIA - Đấng Phù Hộ Các Kitô Hữu - Hiền Mẫu Thiên Quốc và là Đức Nữ Trinh, là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi người, nữ cũng như nam. Đức MARIA đã ”THƯA VÂNG” với THIÊN CHÚA ngay từ lúc còn là thiếu nữ. Đức MARIA là Quan Thầy Australia dưới tước hiệu Đấng Phù Hộ các Giáo Hữu đồng thời cũng là Vị Quan Thầy của Tổng Giáo Phận Sydney với Nhà Thờ Chính Tòa dâng kính Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Các tín hữu Công Giáo Úc và Đại Dương Châu đặc biệt sùng kính Đức Mẹ MARIA dưới tước hiệu Đức Bà Thánh Giá Miền Nam.

2/ Chân phước Pier Giorgio Frassati (1901-1925)

Chân phước 24 tuổi người Ý - Pier Giorgio Frassati - rất được giới trẻ yêu kính vì nhân cách tươi vui hài hước, vì lòng yêu chuộng thể thao và nhất là vì các hoạt động xã hội và bác ái dành cho người nghèo, người yếu thế. Sinh trưởng trong một gia đình thế giá giàu sang, ngay từ 17 tuổi, Pier Giorgio gia nhập hội từ thiện Thánh Vinh Sơn Phaolô và dâng hiến phần lớn thời gian cho việc chăm sóc người đau yếu cùng những ai nghèo khổ túng thiếu cần được giúp đỡ. Pier Giorgio còn là thành viên Hiệp Hội Sinh Viên, hoạt động chống lại nhóm phát-xít đang hoành hành tại Ý thời bấy giờ.

3/ Nữ chân phước Mary MacKillop (1842-1909)

Mary MacKillop - nữ chân phước đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Australia - là nữ tôi tớ của người nghèo, người thất học và là vị sáng lập dòng các Nữ Tu Thánh GIUSE. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Mary MacKillop lên hàng chân phước vào năm 1995 tại Sydney. Nữ chân phước Mary MacKillop để lại cho toàn đại lục Úc và Đại-Dương-Châu một sản nghiệp mênh mông về lòng quảng đại và về ý chí cương quyết muốn đáp ứng mọi nhu cầu của người nghèo, thể theo đức bác ái của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

4/ Thánh Pierre Chanel (1803-1841)

Thánh Pierre Chanel là một Linh Mục Thừa Sai người Pháp bị giết vì đạo Công Giáo trên đảo Wallis và Futuna. Vừa khi đặt chân lên đảo, Cha Pierre Chanel ghi nhận ngay thảm trạng tranh chấp giữa các bộ lạc và tục ăn thịt người đã giết chết không biết bao nhiêu sinh mạng. Số người sống sót ít ỏi lại bị bắt buộc phải đi theo một thứ tôn giáo tôn thờ thần dữ để có thể sống còn! Cha Pierre Chanel bắt tay ngay vào việc rao giảng Tin Mừng Đức Chúa GIÊSU KITÔ và chiếm được cảm tình của các thổ dân. Nhưng chính vì thế mà Cha bị giết chết. Di hài Cha - trên đường đưa về Pháp và Roma - đã đi qua ngỏ Tân Zeland và Australia, và được trưng bày cho tín hữu Công Giáo đến kính viếng trong vòng hai tuần lễ tại Villa Maria ở Sydney.

5/ Chân Phước Pierre To Rot (1912-1945)

Chân Phước Pierre To Rot là một giáo dân sinh trưởng tại Papua Tân Guinea. Là một giáo lý viên nhiệt thành và là người cha gia đình có ba đứa con, Chân Phước Pierre To Rot bị hành hung và bị giết chết lúc mới 33 tuổi vì Đức Tin Công Giáo tại trại tập trung Nhật Bản vào cuối thế chiến thứ hai, năm 1945.

6/ Nữ Chân Phước Teresa Calcutta (1910-1997)

Đối với nhiều người thì Mẹ Teresa Calcutta là một khuôn mặt nữ giới khả ái của Giáo Hội Công Giáo hiện đại. Dâng hiến cuộc đời để phục vụ những người bị xã hội bỏ rơi, Mẹ Teresa Calcutta - người nghèo giữa muôn người nghèo - đã thành công trong việc đưa tình yêu vào hành động. Năm 1950 Mẹ Teresa Calcutta được Tòa Thánh cho phép thành lập một Dòng Tu với sứ mệnh giúp đỡ những người sống ngoài lề xã hội và phải chịu đau khổ về cả hai mặt thể xác lẫn tinh thần. Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái chào đời từ đó.

7/ Thánh nữ Teresa thành Lisieux (1873-1897)

Qua đời vào năm 24 tuổi, thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU là nữ Tiến Sĩ Hội Thánh trẻ tuổi nhất và là Quan Thầy nước Australia. Vào năm 15 tuổi, thiếu nữ Teresa xin gia nhập Dòng Kín Cát-minh, nhưng không được chấp thuận. Vẫn kiên trì trong ước muốn thực hiện ơn gọi, Teresa quyết định đi Roma gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903). Nhờ sự can thiệp của Đức Thánh Cha, Teresa được phép vào dòng Kín năm tròn 16 tuổi để dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho Vua Tình Yêu, Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Teresa thành Lisieux là thánh nữ quan niệm THIÊN CHÚA như Người CHA đầy yêu thương trìu mến và vô cùng sung sướng trước cả một cử chỉ bác ái dù nhỏ bé nhất. Thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU luôn luôn đặt trọn niềm tin yêu phó thác nơi THIÊN CHÚA.

8/ Thánh nữ Maria Goretti (1890-1902)

Maria Goretti là thánh nữ 12 tuổi người Ý, vì cương quyết bảo vệ đức trong sạch mặc cho các đe dọa vũ phu của một người bạn gia đình, đã bị giết chết cách tàn nhẫn. Dầu vậy, trước khi chết, thánh nữ Maria Goretti đã bằng lòng tha thứ cho tên sát nhân. Nhờ tấm gương anh hùng của thánh nữ Maria Goretti, tên sát nhân đã ăn năn thống hối và sống cuộc đời còn lại trong chay tịnh đền bù tội lỗi.

9/ Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938)

Sinh ra và lớn lên tại Ba Lan, ngay từ nhỏ Faustina đã nghe tiếng Chúa kêu gọi. Năm 18 tuổi, Faustina xin phép cha mẹ vào dòng tu nhưng bị cha mẹ từ chối. Faustina xem đó như là lý do không cần theo đuổi ơn gọi. Thế nhưng THIÊN CHÚA vẫn kiên trì trong tiếng kêu mời. Một ngày, vào dịp lễ, Faustina được thị kiến trông thấy Chúa chịu đau đớn cất tiếng hỏi: ”Cha phải theo đuổi con đến bao giờ và con còn xua đẩy Cha bao lâu nữa?” Sau cùng, Faustina gia nhập dòng Đức Trinh Nữ MARIA Từ Bi.

Trong Dòng, nữ tu Faustina được giao phó các công việc khiêm tốn như làm bếp, làm vườn và canh cổng. Thế nhưng trong cuộc sống nhỏ bé thường nhật ấy, Chị Faustina không ngừng thưa chuyện thân mật với Chúa và Đức Mẹ. Các cuộc nói chuyện được nữ tu tỉ mỉ ghi lại và chỉ được phổ biến sau khi chết. Cuốn nhật ký mang tựa đề ”Lòng Nhân Hậu THIÊN CHÚA trong tâm hồn tôi”. Faustina Kowalska là thánh nữ đầu tiên được tuyên phong trong Năm Thánh 2000 khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba.

10/ Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1920-2005)

Vị Quan Thầy sau cùng của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ XXIII diễn ra năm nay tại Sydney là vị Tôi Tớ Chúa và là Người Cha Khai Sinh ra Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Đó là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngài từng viếng thăm Australia 2 lần vào năm 1986 và 1995. Ngay cả hôm nay nữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn là suối nguồn gợi hứng cho thế hệ trẻ nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008. Người Trẻ vẫn còn cảm thấy sự hiện diện và vẫn kêu xin sự phù trợ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Người ta vẫn còn nhớ đến sự dấn thân của ngài trong việc xóa bỏ chủ thuyết cộng sản và phần đóng góp của Ngài trong việc biến đổi thế giới.
 
Ngày của các giáo phận Australia, phần đầu chương trình Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII
Linh Tiến Khải
22:50 14/07/2008
Phỏng vấn Đức Cha Denis James Hart, Tổng Giám Mục Melbourne, về ”Ngày của các giáo phận”

Sáng thứ hai 14-7-2008, 20.000 bạn trẻ thế giới và hàng ngàn bạn trẻ của tổng giáo phận Melbourne đã lên đường trực chỉ Sydney bằng xe bus hay máy bay, để tham dự các sinh hoạt của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Tuy nhiên trong bốn ngày trước đó họ đã tham dự chương trình ”Ngày của các giáo phận” tại Melbourne. Chương trình được khai mạc tại nhà thờ chính tòa Saint Patrick ngày mùng 10-7-2008, với lễ nghi phụng vụ chào đón 20.000 bạn trẻ đến từ nhiều nước trên thế giới và là khách của tổng giáo phận, do Đức Cha Denis James Hart, Tổng Giám Mục giáo phận chủ sự.

Chào mừng các bạn trẻ Đức Cha Hart nói: ”Các bạn trẻ thân mến, lòng tin của các bạn canh tân bộ mặt của Melbourne”. Tiếp đến tại ”Town Hall” là hội trường của thành phố, Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa Honduras, đã nói chuyện với người trẻ về gương mặt và đặc sủng của chân phước Frederic Ozanam, đấng sáng lập Hội thánh Vinh Sơn de Paoli.

Tại Australia các thành viên của hội này được gọi tắt là “Vinnies”. Và ban tối cùng ngày chính các thành viên của hiệp hội thánh Vinh Sơn đã cống hiến cho các bạn trẻ một buổi hòa nhạc tại quảng trường Liên Bang, là quảng trường chính của thành phố.

Lúc 17 giờ chiều ngày 11-7-2008 Đức Tổng Giám Mục Hart đã chủ sự thánh lễ khai mạc ”Ngày của các giáo phận” tại sân vận động thành phố, với sự tham dự của 50.000 người.

Sân vận động này rất lớn có tới 70.000 chỗ. Sáng ngày 12-7-2008 Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga đã nói chuyện với các bạn trẻ về đề tài ”công dân” trong thời đại toàn cầu, tại đại học công giáo Melbournee. Vào ban chiều đã có buổi đọc và giải thích Kinh Thánh do Đức Tổng Giám Mục Hart chủ sự tại nhà thờ chính tòa, với phần phát biểu của Đức Hồng Y Wilfried Napier, Tổng Giám Mục Durban Nam Phi, về đề tài ”Thăng tiến sự tôn trọng giữa các dân tộc, vượt thắng nạn kỳ thị chủng tộc và chú ý tới các nhóm thiểu số”.

Vào ban chiều ngày thứ bẩy 12 tháng 7 đã có ba chương trình đại nhạc hội tiếp nối nhau: bắt đầu lúc 16 giờ với nhóm dân ca vũ Ucraine, lúc 18 giờ với nhóm nhạc rock Italia ”Metatrone”, và lúc 20 giờ với các ban nhạc quốc tế khác.

Chiều Chúa Nhật 13-7-2008 các bạn trẻ đã tham dự cuộc hành hương liên tôn qua các đường phố chính của thành phố Melbourne, và ban tối đã có buổi trình diễn nhạc liên quan tới chân phước Mary McKillop, là chân phước đầu tiên người Australia và là đấng sáng lập dòng thánh Giuse, chuyên giáo dục giới trẻ nghèo.

Trong các sinh hoạt đa diện tổng giáo phận Melbourne cũng đã dự trù 4 lộ trình dẫn người trẻ thăm viếng các nơi ý nghĩa nhất liên quan tới lịch sử Giáo Hội và cộng đoàn địa phương theo 4 đề tài: gương mặt của chân phước Mary McKillop, hòa giải với các thổ dân, đối thoại đại kết và di cư. Trong bốn ngày tất cả mọi nhà thờ thành phố đều đã mở cửa để người trẻ có thể vào suy tư cầu nguyện cũng như hòa giải với Thiên Chúa. Ngoài ra cũng có một loạt các cuộc hội thảo bàn tròn liên quan tới các đề tài cuộc sống và gia đình, do Học viện Gioan Phaolô II về hôn nhân và gia đình tổ chức.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Denis James Hart, Tổng Giám Mục Melbourne, về ”Ngày của các giáo phận” và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Hỏi: Thưa Đức Cha Hart, tổng giáo phận Melbourne của Đức Cha đã chuẩn bị tiếp đón các bạn trẻ đến tham dự ”Ngày của các giáo phận” như thế nào?

Đáp: Chúng tôi sung sướng chào mừng 20 ngàn bạn trẻ từ nước ngoài đến Melbourne, trước khi tới Sydney. Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của họ giúp giới trẻ và dân chúng thành phố của chúng tôi thấy rằng lòng tin là điều quan trọng, và người trẻ có thể đem niềm hy vọng và lòng hăng say đến cho thành phố và các xứ đạo của chúng tôi. Dĩ nhiên là sự hứng khởi gia tăng khi các giáo xứ đã biết tin có các nhóm bạn trẻ thuộc các nước nào tới và dừng lại đây để cử hành ”Ngày của các giáo phận” với họ. Vì Australia là một nước xa xôi, nên tôi nghĩ rằng các ngày này sẽ nhắc nhớ cho tất cả mọi cộng đoàn của chúng tôi hiểu biết ý nghĩa sự kiện là tín hữu công giáo. Và người trẻ thế giới khích lệ giới trẻ của chúng tôi coi người khác như chính mình với tất cả lòng hăng say và niềm hy vọng, cũng như khích lệ các tình bạn lâu bền.

Hỏi: ”Ngày của các giáo phận” thay đổi gương mặt của thành phó Melbourne như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Vì tôi đã tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Roma, Toronto và Koeln, nên tôi biết sức mạnh biến đổi của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Trong ”Ngày của các giáo phận” chúng tôi tìm cách giúp các bạn trẻ cảm nghiệm được một cách cụ thể cuộc sống của Giáo Hội địa phương, của thành phố và của các cộng đoàn của chúng tôi. Chúng tôi muốn rằng các bạn trẻ quyết định dừng chân tại Melbourne được tiếp đón với sự chú ý, và với kiểu tiếp đón đặc biệt đó họ sẽ bắt đầu Ngày Quốc Tế Giới Trẻ với Đức Thánh Cha. Tôi nghĩ rằng lòng hăng say của những ngày này sẽ khiến cho lòng tin của dân chúng Melbourne, của người trẻ cũng như người lớn, được sâu đậm hơn.

Hỏi: Melbourne là tổng giáo phận cống hiến cho người trẻ một trong những chương trình phong phú nhất. Các giáo xứ, các nhóm và chính quyền dân sự đã đáp trả lại dấn thân này như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Các biến cố mà chúng tôi đã lên chương trình như lễ nghi phụng vụ tiếp đón trong nhà thờ chính tòa và thánh lễ khai mạc tại vận động trường ”Telstra Dome” của thành phố được đồng hành bởi một loạt các cuộc gặp gỡ và biến cố liên quan tới đặc sủng của chân phước Ozanam và vai trò của chúng tôi là công dân thế giới, một đại nhạc hội đa văn hóa, một cuộc hội thảo về thần học và cuộc sống, một buổi canh thức cầu nguyện, cũng như các buổi hòa nhạc của giới trẻ vv...

Các giáo xứ và các trường học của chúng tôi đã làm việc với sự trợ giúp của chính quyền dân sự, để cống hiến cho các bạn trẻ một sự tiếp đón nồng hậu và để chuẩn bị cho các suy tư về Chúa Thánh Thần, là đề tài chính của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.

Khi các bạn trẻ hành hương rời Melbourne, tôi hy vọng họ hiểu rằng cho dù Australia là một quốc gia xa xôi, kinh nghiệm lòng tin của chúng tôi giống như kinh nghiệm lòng tin của họ. Ngoài ra tôi cũng hy vọng là họ được khích lệ bởi sứ điệp tình yêu của từng người trong chúng tôi đối với Chúa Giêsu Kitô, bởi niềm hy vọng của chúng tôi đối với tương lai và tầm quan trọng mà chúng tôi dành để cho từng người một. Trong rất nhiều giáo xứ của tổng giáo phận chúng tôi đã tổ chức các buổi cầu nguyện, các cuộc gặp gỡ để thăng tiến sự hiểu biết và tình huynh đệ cũng như cống hiến cho các bạn trẻ cơ may biết nếp sống của thành phố và các cộng đoàn của chúng tôi.

Hỏi: Rất nhiều bạn trẻ mà giáo phận tiếp đón là người gốc Ý, sự hiện diện của họ tại đây có ý nghĩa gì thưa Đức Cha?

Đáp: Riêng đối với các bạn trẻ Ý, ngoài chương trình chính thức của giáo phận, cũng có cuộc gặp gỡ đặc biệt tại giáo xứ thánh nữ Brigida ở Fitzroy, là điểm tham chiếu cho các bạn trẻ đến từ Italia. Lòng hăng hái, niềm vui và tình yêu đối với âm nhạc của các bạn trẻ Ý là một khích lệ rất lớn cho tất cả mọi người trong các ngày hành hương này.

Hỏi: Đức Thánh Cha cũng là một người hành hương trong dịp này, mặc dù ngài không viếng thăm Melbourne. Tổng giáo phận của Đức Cha đang sống sự chờ đợi này như thế nào?

Đáp: Người dân Australia yêu mến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng như họ đã yêu mến Đức Gioan Phaolo II. Đường sá xa xôi và giá vé máy bay mắc mỏ không cho phép chúng tôi đi Roma thường xuyên như chúng tôi mong ước. Vì thế chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha nhắc nhở cho người dân Australia biết rằng họ thuộc thành phần của một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đối với các tín hữu công giáo khoảng cách xa xôi có thể làm cho họ cảm thấy Đức Giáo Hoàng như là điểm tham chiếu xa. Tuy nhiên truyền hình và các phương tiện truyền thông xã hội giúp chúng tôi cảm thấy mình là các chi thể quan trọng của Giáo Hội. Australia là một quốc gia trẻ, nhưng lòng tin của chúng tôi, lòng tin đã được các người đầu tiên tới đây sinh sống đem theo, có được sức sống mới nhờ các anh chị em di dân. Họ đã đến đến Australia đem theo lòng tin của họ, và đã khiến cho thành phố và các vùng chung quanh trở nên phong phú và sinh động hơn. Chúng tôi yêu mến Đức Thánh Cha và chúng tôi đặc biệt vui mừng chờ đợi chuyến viếng thăm của ngài, sứ điệp tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô và sự khích lệ mà sự hiện diện của ngài đem lại cho chúng tôi.

(Avvenire 11-7-2008)
 
Đức Thánh Cha đã tới Sydney và đang nghỉ ngơi
Linh Tiến Khải
23:03 14/07/2008
SYDNEY: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tới Sydney lúc 15 giờ chiều Chúa Nhật vừa qua và hiện đang nghỉ vài ngày tại trung tâm Kenthurst mạn tây bắc Sydney, trước khi chủ sự lễ khai mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu chuyến công du thứ IX ngoài Italia sáng thứ 7 vừa qua. Sau 20 giờ bay với một trạm dừng chân kỹ thuật 90 phút tại phi trường quân sự Darwin ở mạn bắc Australia, lúc 15 giờ chiều Chúa Nhật 13-7-2008 Đức Thánh Cha đã tới Sydney. Chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường quân sự Richmond, có Thủ tướng Australia ông Kevin Rudd, Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney và Đức Hồng Y Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, là cơ quan tổ chức các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Tuy chuyến bay dài nhưng xem ra Đức Thánh Cha không cảm thấy mỏi mệt. Tại Darwin trong khi chờ máy bay lấy thêm nhiên liệu Đức Thánh Cha đã đi dạo 25 phút.

Sau lễ nghi chào đón đơn sơ tại phi trường quân sự Richmond, Đức Thánh Cha đã đi xe hơi về trung tâm tu đức của hiệp hội Opus Dei ở Kenthurst, ngoại ô tây bắc Sydney, dưới chân Núi Xanh, để nghỉ ngơi vài ngày cho quen với giờ giấc Australia, đi trước giờ Roma 9 tiếng. Hai bên đường đã có rất đông tín hữu chào đón vị thượng khách mà họ đã nôn nóng chờ đợi từ bao tháng qua.

Sáng ngày 14-7-2008, Đức Hồng Y George Pell, Đức Cha Philip Wilson, Tổng Giám Mục Adelaide, và Đức Cha Anthony Fisher, đặc trách tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, đã mở cuộc họp báo tại Trung Tâm Báo Chí Sydney. Đức Hồng Y Pell cho biết ngài rất ngạc nhiên thấy Đức Thánh Cha xuống thang máy bay rất nhanh nhẹn và tươi vui, không tỏ ra mỏi mệt. Trong các ngày này Đức Thánh Cha dành thời giờ để cầu nguyện và di dạo, và chiều thứ tư Đức Thánh Cha sẽ về nhà xứ nhà thờ chính tòa Sydney và ở tại đây cho tới ngày 21-7-2008.

Trong mấy ngày tới đây mấy trăm ngàn bạn trẻ sẽ nồng nhiệt tiếp đón Đức Thánh Cha trong lễ hội lớn tiếng tuyên xưng lòng tin này. Vì mục đích của Ngày Quốc Tế Giới trẻ là giới thiệu con người và các giáo huấn của Chúa Giêsu cho người trẻ công giáo, cho các tín hữu Kitô cũng như các người thuộc các tôn giáo khác. Các chân phước bổn mạng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ trong đó có thanh niên Pier Giorgio Frassati, cho thấy sống lòng tin bao gồm các hy sinh và chiến đấu. Cả chân phước Frassati cũng đã phải chiến đấu để vượt thắng các đối kháng trong gia đình mình.

Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson cho biết đã có 70.000 bạn trẻ quốc tế tham dự ”Ngày của các giáo phận”. Tổng giáo phận Adelaide đã đón tiếp hàng ngàn bạn trẻ trong đó có phái đoàn giới trẻ Angola. Các bài ca và các vũ điệu của họ đã khiến cho mọi người rất thú vị. Các sáng kiến thiêng liêng đã cho thấy sự hiệp thông sâu xa giữa các tín hữu, vượt mọi khó khăn ngôn ngữ. Với sự trợ giúp của chính quyền thành phố các bạn trẻ đã trồng 20.000 cây trong vùng ngoại ô chung quanh thành phố để nhấn mạnh tầm quan trọng phải bảo vệ môi sinh. Chúng sẽ là kỷ niệm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008. Các ngày này sẽ là một ngạc nhiên đối với người dân Australia, vì chúng cống hiến cho mọi người một Giáo Hội phản ánh nơi biết bao nhiêu người trẻ toàn thế giới.

Các chương trình đều rộng mở cho sự tham dự của tất cả mọi người, mà không cần phải có vé. Đức Tổng Giám Mục Wilson đã cám ơn Đức Cha Fisher về công tác chuẩn bị và nói rằng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney là một phước lành lớn cho dân nước Australia và là dịp để cử hành đức tin, đặc biệt trong thánh lễ kết thúc do Đức Thánh Cha chủ sự ngày Chúa Nhật 20-7-2008.

Mặt khác linh Mục Federico Lombardi Tổng Giám Đốc Đài Vaticăng kiêm phát ngôn viên Tòa Thánh cho giới báo chí biết sẽ có đông đảo các anh chị em thổ dân hiện diện trong thánh lễ Chúa Nhật tới đây. Ngoài ra cha cũng cho biết trong các ngày Đức Thánh Cha nghi ngơi, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cùng với các vị khác của đoàn tháp tùng cũng viếng thăm một làng thổ dân và thành phố Parramatta. Tại đây Đức Hồng Y chủ sự thánh lễ trong nhà thờ chính tòa St. Patrick.

Liên quan tới các thổ dân hồi tháng hai năm nay thủ tướng Kevin Rudd đã nhân danh chính quyền chính thức xin lỗi vì các bất công họ đã phải gánh chịu. Thủ tướng đã mạnh mẽ tố cáo chính sách đồng hóa bắt buộc mà chính quyền Australia đã đưa ra đối với các thổ dân trong hai năm 1910 và 1970.

Cha Lombardi cũng cho biết hồi năm 2006 chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đề cập tới các khổ đau của các thổ dân, trong thư kỷ niệm chuyến công du của Đức Gioan Phaolo II tại Australia. Trong đó Đức Thánh Cha khích lệ người dân Australia ”sẵn sàng chấp nhận sự thật lịch sử, với sự thương xót và cương quyết đương đầu với các nguyên do sâu xa của tệ nạn vẫn còn đè nặng trên các thổ dân. Dấn thân cho sự thật mở ra con đường hòa giải lâu dài qua tiến trình chữa lành bao gồm việc xin lỗi và tha thứ, là hai yếu tố cần thiết cho hòa bình. Và như thế ký ức được thanh tẩy, con tim được bình an và tương lai tràn đầy hy vọng xây dựng trên hòa bình phát xuất từ sự thật”.

Trong 90 phút dừng chận tại Darwin Đức Thánh Cha đã nhận được món qùa đầu tiện là ảnh ”Đức Bà Thổ Dân” do Đức Cha Eugene Hurley Giám Mục Sở tại trao tặng. Hiện nay tại Australia có 517 ngàn thổ dân chiếm 2,5% tổng số dân.

Trong khi đó tại Sydney văn bản sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cho dân chúng Australia và người trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney đã được phân phát cho người trẻ để giúp họ suy tư về ý nghĩa của Ngày Quốc Tế Giới Trể lần thứ XXIII.

Trong sứ điệp qua vài nét chấm phá Đức Thánh Cha cho thấy tình trạng của người trẻ trong thế giới ngày nay.

Thế giới ngày nay thường khiến cho người trẻ lẫn lộn. Sự lẫn lộn đó khiến cho họ không biết phải làm gì và làm cho họ mất tin tưởng. Nhưng Chúa Giêsu có các câu trả lời mà người trẻ tìm kiếm cho chính mình, cho môi trường sống chung quanh họ đang cần được bảo vệ, cho các dân tộc bị áp bức bởi nhiều hình thức bần cùng khốn khổ khác nhau. Các dân tộc ấy đang đứng đó với sự nghèo túng của họ để lay động lương tâm thế giới, kiếm tìm trợ giúp và tiến bộ. Thế giới cần được canh tân hơn bao giờ hết và Đức Thánh Cha xác tín rằng người trẻ được mời gọi là dụng cụ của sự canh tân ấy, bằng cách thông truyền cho các người trẻ đồng trang lứa niềm vui mà họ đã sống trong việc hiểu biết và bước theo Chúa Kitô, và bằng cách chia sẻ với người khác tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy trong con tim họ, làm sao để cho các người trẻ ấy cũng được tràn đầy hy vọng và biết ơn đối với tất cả sự thiện mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa, là Cha chúng ta ở trên trời.

Hai bạn trẻ hành hương tới khánh thành tượng ĐGH John Paul II
Tiếp tục sứ điệp gửi nhân dân Australia và người trẻ, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng rất tiếc ngày nay nhiều người trẻ không có niềm hy vọng, lý do cũng vì có các dấu chỉ mâu thuẫn liên quan tới các vấn đề lớn trong cuộc sống. Họ trông thấy nghèo đói, bất công và ước mong tìm ra các giải pháp cho tình trạng đó. Họ bị thách đố bởi những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa và họ không biết phải trả lời ra sao. Họ thấy các thiệt hại lớn lao do lòng tham của con người gây ra cho môi trường thiên nhiên, và họ chiến đấu để tìm ra các phương thế giúp sống hài hòa hơn với thiên nhiên và với người khác. Tất cả khiến cho người trẻ bối rối, bất ổn không biết quay về hướng nào để tìm ra câu trả lời. Nhưng câu trả lời cho các vấn nạn đó là chính Chúa Thánh Thần, là Đấng hướng chúng ta tới Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô chúng ta tìm thấy các mục đích đáng sống và sức mạnh để tiếp tục con đường làm nảy sinh ra một thế giới mới.

Trước đó trong sứ điệp Đức Thánh Cha đã cám ơn tất cả mọi giai tầng xã hội dân sự, và Giáo Hội đã nổ lực chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được thành công. Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn các bạn trẻ đã phải hy sinh rất nhiều để đến Australia và ngài xin Thiên Chúa trả công cho mọi cố gắng đó. Ngài cầu xin cho con tim của người trẻ thực sự tìm thấy sự nghỉ ngơi nơi Chúa và được tràn đầy niềm vui và lòng nhiệt thành để phổ biến Tin Mừng giữa các bạn bè, gia đình của họ và tất cả những ai họ gặp trên đường đời. Và Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp như sau: ”Trái tim tôi gần gũi với tất cả mọi người, kể cả những người đau yếu hay gặp các khó khăn đủ loại. Nhân danh tất cả mọi người trẻ, một lần nữa tôi xin cám ơn sự yểm trợ của anh chị em cho sứ menh của tôi và nhất là tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho các bạn trẻ”.

Từ thứ hai 14-7-2008 các bạn trẻ tham dự ”Các ngày của các giáo phận” trong toàn nước Australia và Niu Dilen đã lũ lượt kéo nhau về Sydney. Có một trong những sáng kiến dễ thương chưa từng thấy đó là có một số các bạn trẻ thuộc phong trào ”Tân Dự Tòng” Australia chia làm ba nhóm thay phiên nhau túc trực tại phi trường Sydney 24 giở trên 24 giờ đồng hồ để tiếp đón các bạn trẻ khác, từ khắp nơi đổ về.

Họ đánh đàn ca hát múa nhảy để tiếp các phái đoàn người trẻ tới Sydney. Tuy ngạc nhiên nhưng cảnh sát phi trường để cho các bạn trẻ bày tỏ niềm vui và sự tiếp đón nồng hậu của họ đối với các bạn trẻ nước ngoài. Còn các nhân viên phục vụ tại phi trường thì chỉ mong mỗi sáng họ tới sớm để khởi động bầu khí hành hương lễ hội của hòa bình và tình yêu thương huynh đệ vô biên giới, để được cùng hát và múa nhảy với các bạn trẻ. Và sáng kiến này đã thực sự gây ngạc nhiên thích thú và phấn khởi cho các bạn trẻ từ khắp nơi đổ dồn về Sydney. Họ cũng nhập đoàn và múa hát đến quên cả việc lên xe bus để về các nơi tạm trú. Các trưởng đoàn đã phải vất vả lắm mới kéo được họ ra khỏi phi trường để lên xe bus.
 
Top Stories
Sydney City will be transformed for a week into the world capital of youth
Zenit
11:03 14/07/2008
SYDNEY, Australia, JULY 13, 2008 (Zenit.org).- Choosing Sydney as the venue for World Youth Day 2008 was an act of faith on the part of Benedict XVI, and the Archdiocese of Sydney, says a Vatican spokesman.

Jesuit Father Federico Lombardi, director of the Vatican press office, affirmed this in the most recent edition of Vatican Television's "Octava Dies."

The spokesman is traveling with the Pope as part of his entourage to Australia.

He said he believes that with the Pope's and pilgrims' arrival, "the countenance of the Australian metropolis is being transformed for a week into the world capital of youth, and not just Catholic" youth.

World Youth Day is proving to be the most numerous event in Australia's history. It will attract some 125,000 young pilgrims from all over the world, more than the 2000 Olympic Games.

"It was an act of faith and courage of Cardinal George Pell and of the Church in Australia to invite young people worldwide to Sydney," Father Lombardi acknowledged. "It was an act of faith and courage of the Pope to accept.

"It is an act of faith and courage of the local Churches to send their young people in the measure of their possibilities, despite the cost and exhaustion of a long trip.

"However, no place of the Church is far away. The Spirit leads the disciples to proclaim the Gospel to the ends of the earth. And every place of the earth is at the center when the Eucharist is celebrated there."

"Many young people," he added, "if unable to be physically present in Sydney, will be there 'virtually,' [...] and many -- and this is what is most important -- will be there spiritually, united in prayer."

"Young people of past World Youth Days are now adults and know up to what point this experience has been wonderful for their lives," said the priest. "Today's young people, tomorrow's adults, will also know that Sydney is close, and that hope and love in the Church's future and in that of the whole of humanity also depends on them."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa tập huấn viết dự án tại giáo phận Thanh Hóa
Nhật Vy
01:52 14/07/2008
KHÓA TẬP HUẤN VIẾT DỰ ÁN TẠI THANH HÓA

MỐI ƯU TƯ MỤC TỬ

Giáo phận Thanh Hóa nằm ở cực bắc miền Trung, cách Hà Nội 150km về phía Nam. Gồm 51 giáo xứ phân bố trên 6 giáo hạt, với tổng số giáo dân là 134.994 người (2007). Kinh tế chủ yếu là Nông, Ngư nghiệp với những phương tiện còn thô sơ. Nếu có dịp đi thăm các giáo xứ, chúng ta vẫn thấy nhan nhản những túp lều tranh lụp xụp, xiêu vẹo, đứng khép nép đâu đó bên những lũy tre già…Cảnh người trẻ bỏ quê hương lên đường kiếm sống đã trở thành quen thuộc, như một sự chấp nhận “chẳng đặng đừng” của kiếp nghèo.

Chính vì thế, nhu cầu cải thiện về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển đời sống kinh tể tại xứ Thanh là niềm thao thức của Vị cha chung cũng như của các vị mục tử trong giáo phận. Không những về kinh tế mà thôi, cơ sở vật chất của các giáo xứ nhiều nơi vẫn còn bệ rạc, nhà thờ đã quá cũ, quá chật, hoặc thậm chí chưa có; trường giáo lý, nhá trẻ có khi còn bằng tranh tre ọp ẹp...Tất cả đều đang ang chờ đợi được thay đổi, tái thiết, nâng cấp hoặc làm mới.

Cho tới nay, do tình hình chiến tranh và thời thế khó khăn phức tạp trong quá khứ, Giáo Hội Việt Nam nói chung và các giáo phận nói riêng, chỉ lo đến chuyện “giữ đạo”, khôi phục những gì đã mất hay đã bị bỏ bê. Đã đến lúc, cùng với việc xây dựng tái thiết nơi phụng tự, Giáo Hội cần phải dấn thân sâu xa rộng rãi hơn vào lãnh vực xã hội và dân sinh. Đó phải chăng là sứ mệnh hàng đầu của Giáo Hội ? Phải chăng đối tượng ưu tiên của Tin Mừng là người nghèo ?

Để thực hiện mục tiêu đó, trước tiên giới hữu trách Giáo Hội phải mang con tim của Chúa Cứu Thế, biết “chạnh lòng thương khi thấy đoàn lũ dân chúng bơ vơ không được chăm sóc”. Ngoài ra còn phải biết kỹ thuật điều tra, đánh giá đúng mức tình hình và nhu cầu đạo đời nơi mình có trách nhiệm. Dân chúng đang ở mức sống nào, làm sao để bảo đảm kinh tế, điều kiện sinh hoạt tôn giáo, y tế cho họ ? Làm sao thuyết phục được ân nhân và các cơ quan từ thiện giúp đỡ để xây dựng hạ tầng cơ sở của giáo xứ ?

Đó là tất cả lý do khiến Đức Cha Giuse nghĩ đến việc mở khóa tập huấn viết dự án tại Giáo phận.

CÙNG NHÌN MỘT HƯỚNG

Cha Micae Trương thanh Tâm, trưởng ban bác ái xã hội của Dòng Tên VN, một chuyên gia xã hội học đã từng đi du học Philippines và Sr Rosa Lima Đoàn Tâm Đan, thuộc dòng Nữ tử Trái Tim Đức Mẹ Saigon, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu-tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng, là những người được mời làm huấn luyện viên của khoá tập huấn. Bằng phương pháp giảng dạy hiện đại, với kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn, cộng với tinh thần hoà đồng, dí dỏm, hai vị đã truyền đạt được một số vốn đáng kể trong dịp gặp gỡ này.

Thành phần học viên gồm 46 người, trong đó đa số là linh mục đang coi xứ trong giáo phận. Vị học viên cao niên nhất, 72 tuổi, chính là cha Tổng đại diện Phêrô Vũ tiến Phúc, ngoan ngoãn cắp sách đến trường đều đặn đầy đủ như một cậu học sinh cấp một. Ngoài ra, còn có nữ tu saint Paul, dòng Mến thánh giá, đại chủng sinh hai giáo phận Phát Diệm và Thanh hoá...Nói chung đó là các giới hữu trách hàng đầu trong việc cải thiện đời sống cộng đồng Giáo hội và xã hội.

Sáng ngày 10.7.2008, các học viên tề tựu về Tòa Giám mục Thanh Hóa để dự khóa tập huấn viết dự án. Đúng 8g30, lễ khai mạc đã diễn ra tại hội trường của ngôi Nhà Chung giáo phận. Trong diễn từ khai mạc, Đức Cha Giuse đã phân tích tình hình như sau: “Trước đây, vì hoàn cảnh lịch sử đặc biệt khó khăn nên chúng ta chỉ nghĩ đến việc giữ đạo theo kiểu thủ thấn. Đã đến lúc chúng ta phải chủ động hơn, dấn thân hơn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo theo tinh thần giáo huấn xã hội của Giáo hội. Phải cố gắng vươn lên bằng chính nội lực của mình, không thể ỉ lại mãi vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tập viết dự án không phải là tập xin tiền, nhưng ngược lại, là cơ hội để am hiểu hơn về tinh thần tự lực từ cường cách bền vững lâu dài và khoa học. Đó là trang sử mới chúng ta cần mở ra”.

Dưới một khía cạnh khác, Cha Trương Thanh Tâm đã cho rằng: “Chúng ta phải công nhận Giáo hội và giáo phận chúng ta còn nghèo, nhưng không thể phủ nhận chúng ta vẫn có những thế mạnh của mình. Vì thế, viết dự án cũng là lúc chúng ta thể hiện điểm mạnh đó qua những nổ lực không chỉ về vật chất, mà còn về tinh thần và nhất là niềm tin của chúng ta”.

Khóa dự án “siêu thời gian”, chỉ “gói gọn” trong hai ngày 10 và 11.07.2008, gồm những học viên “chất lượng cao”, cũng là khóa dự án đầu tiên tại Giáo phận Thanh Hóa. Các học viên, đều rất hăng hái tham gia các tiết học, họp nhóm, thuyết trình dự án… Tuy nhiên, vì thời gian eo hẹp cho một giáo án khá chi tiết, nên “thầy trò” phải “chạy nước rút” với một thời khóa biểu dày đặc. Ban đầu chưa quen, nhưng dần dà mọi người đều đã nhập cuộc một cách hăng hái, nhờ tinh thần vui tươi và tận tình phục vụ của ban giảng huấn đã làm cho “Người già trẻ lại còn trẻ thì chững chạc hơn” như lời của người dẫn chương trình.

Khóa học quá ngắn ngủi nhưng cũng đủ để học viên nắm được những kiến thức cơ bản và tầm quan trọng của việc làm dự án. Một đại diện học viên đã chia sẻ: “Nếu chúng ta chưa quan tâm đến nhân sinh, thì đừng nói đến nhân linh. Vấn đề viết dự án còn là bắc nhịp cầu bác ái, xây dựng con đường yêu thương, liên đới với mọi người”.

Quỹ thời gian vốn ngắn, dường như lại càng ngắn hơn. Chiều ngày 11.07, vào lúc 16g15’, lễ bế giảng đã diễn ra rất đơn sơ, nhưng ấm cúng và lắng đọng tâm tình cảm mến của “thầy trò” dành cho nhau. Đã có những vần thơ khắc tên “cha thầy” và “xơ cô” vào sổ lưu niệm. Chia tay nhau, mỗi người trở về với phận vụ của mình, mang theo những niềm hy vọng dành cho người nghèo, không phân biệt lương-giáo. Như lời của Đức Cha Giuse: “Chúng ta không chỉ nghĩ đến việc bảo trì trong khuôn viên nhà xứ, nhưng phải vươn rộng ra, nâng cấp cuộc sống của mọi người, mọi giới. Viết dự án, thực hiện dự án là một cơ hội để chúng ta đánh dấu sự dấn thân sâu xa vào đời sống của nhân sinh”.
 
Thánh lễ sai đi và bữa tiệc lên đường của Giáo xứ Brunswick
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
04:17 14/07/2008
THÁNH LỄ SAI ĐI: GIỚI TRẺ SALESIAN MELBOURNE

Thánh lễ sai đi
Chúa Nhật 13/7/2008 ĐGM Bùi Văn Đọc và 15 linh mục thuộc phái đoàn 117 từ Hoa Kỳ cũng như các linh mục địa phương đã dâng thánh lễ tại giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick. Giáo xứ có một số thanh niên Úc và Ý được tháp nhập vào hai giáo xứ bạn, riêng cộng đoàn Việt Nam trong giáo xứ có 40 bạn trẻ sẽ lên đường đi Sydney vào chiều 14/7.

Đây là một cộng đoàn Việt Nam non trẻ chưa đầy hai tuổi sau khi linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng được bề trên sai về làm chính xứ. Cộng đoàn giáo dân Việt Nam đã làm sinh động một giáo xứ thầm lặng với nhiều người gìa Úc Ý.

Các bạn trẻ Salesian Brunswick trao qùa kỷ niệm cho nhóm 117 từ Hoa kỳ


Cùng đồng tế với ĐGM Bùi Văn Đọc là một số các linh mục Việt Nam tại Melbourne, một số linh mục trong đoàn hành hương từ Hoa Kỳ và Việt Nam. Hôm nay bài Phúc âm nói về người gieo giống, Đức cha đã quảng diễn bài Phúc âm và nhắc nhở cho tuổi trẻ Việt Nam tại giáo xứ sứ mạng loan truyền Tin mừng… nếu muốn trở thành người gieo giống như Chúa Giêsu trước hết giới trẻ phải đón nhận Lời Chúa bằng sửa soạn mảnh đất tâm hồn trở thành mảnh đất tốt chứ không thể là sỏi đá hay bụi gai dọc đường. Có Lời Chúa rồi giới trẻ mới có thể gieo hạt giống Lời Chúa cho người khác!

Sau Thánh lễ, giáo xứ St Margaret Mary’s đã khoản đãi Đức Cha, các linh mục tu sĩ, các thành viên của các đoàn hành hương và một số quan khách tại Aurora Reception
Quan khách trong bữa tiệc


gần nhà thờ. Quang cảnh lộng lẫy của reception đã làm mọi người rất ấn tượng. Thêm vào đó là nét duyên đơn sơ của hai MC là Minh Tống và Kim Phượng đã làm cho tất cả quan khách chăm chú theo dõi vì giọng nói tiếng Việt dễ thương pha đầy giọng Úc của các em. Tất cả trầm trồ trước những điệu múa đơn sơ của các em nhỏ trong Đoàn Thanh Thiếu niên, những giọng ca truyền cảm của ca đoàn Don Bosco và đặc biệt là những tiếng cười không dứt của các màn múa nhẩy do các đoàn hành hương giúp vui.

Bữa tiệc khoản đãi đã được kết thúc bằng những bài ca Karokê và những điệu nhảy Rock thật vui nhộn. Bữa tiệc chia tay và chúc lên đường đi Sydney này đã để lại trong tâm hồn của mọi người tham dự nhiều kỷ niệm khó quên.

Giúp vui trong bữa tiêc


Ngày 14/7 hai phái đoàn 117 từ Hoa Kỳ và phái đoàn Salesian Youth Club tại Brunswick lên đường tiến về Sydney tham dự ĐHGT với các bạn trẻ khác khắp nơi trên thế giới tụ về quanh Đức thánh cha Bênêđictô XVI.
 
30 vị giám đốc và giáo sư Đại chủng viện Việt Nam tu nghiệp tại Paris
Trần Văn Cảnh
08:44 14/07/2008
PARIS - Ngày chủ nhật 13/07/2008, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương dẫn đầu một phái đoàn 30 linh muc giám đốc và giáo sư của 7 đại chủng viện Việt nam, hiện đang cư trú tại Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris và tu nghiệp về thần học tại Học Viện Công Giáo Paris đến thăm Giáo xứ Việt Nam Paris. Làm cử chỉ này, Đức cha Antôn muốn nhắc lại cho cộng đồng dân Chúa lệnh rao giảng tin mừng của Chúa và Sứ mệnh đào tạo linh mục của Giáo Hội. Ngài cũng khôn khéo cho thấy công việc quan trọng của việc quản trị đào tạo là đào tạo các bậc đào tạo và phác thảo một chương trình đào tạo. Đồng thời, ngài cũng kín đáo muốn nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa về bổn phận góp sức vào việc đào tạo các linh mục, kẻ góp lời cầu nguyện, người góp công đào tạo, người góp tiền sắm sửa tiêu dùng cho việc đào tạo.

1. Lệnh rao giảng tin mừng và việc đào tạo linh mục

ĐC Vũ huy Chương chủ tế thánh lễ
Giáo hội đã bắt đầu với việc đấng sáng lập là Đức Giêsu Kitô mời gọi và đào tạo 12 tông đồ. Rồi trước khi về trời, «Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi giảng dậy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Math. 28, 16-20).

Theo lệnh truyền rao giảng tin mừng ấy, ngay từ những năm đầu tiên, giáo hội luôn luôn lo lắng đào tạo những người kế nghiệp các tông đồ. Những thừa sai đầu tiên đến Việt Nam cũng cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải đào tạo linh mục địa phương. Từ những năm đầu thế kỷ XVII, cha Đắc Lộ đã thấy nhu cầu ấy.

Khi bổ nhiệm hai đức giám mục Pierre Lambert de la Motte và François Pallu làm đại diện tông tòa đầu tiên vào ngày 09.09.1659 để coi sóc hai giáo phận đầu tiên của Việt Nam, Tòa Thánh cũng đã thấy nhu cầu ấy. Sứ mệnh căn bản mà Tòa Thánh đã ủy nhiệm cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa là thiết lập hàng giáo sĩ địa phương: « Lý do chính yếu khiến Thánh Bộ gởi các ngài là những người có chức giám mục đến những vùng nói trên (Trung Hoa, Bắc Việt và Nam Việt) là để, bằng mọi cách thế và phương pháp có thể, các ngài nắm lấy trách nhiệm giáo huấn người trẻ hầu giúp họ thâu thập đủ các khả năng, để tiến tới chức linh mục. Truyền chức linh mục cho họ rồi, các ngài hãy sai họ về địa phương gốc của họ với sứ mệnh phục vụ đạo kitô hết lòng mình, dưới sự hướng dẫn của các ngài. Vậy xin các ngài hãy luôn ghi nhớ mục đích này trước mắt mình là dẫn đưa đến chức linh mục, một số đông càng nhiều càng tốt và càng có khả năng càng hay, những người có khả năng, đào tạo họ và giúp họ tiến triển trong môi trường của họ" (Le Siège apostolique et les Missions – Textes et Documents pontificaux, 1959: Union missionnaire du clergé; Paris et Lyon; t. 1, tr. 10).

Khi đến Viễn Ðông, việc làm dầu tiên của các thừa sai là họp công đồng vào đầu năm 1664 ở Ayuthia để soạn thảo chương trình và xác định đường hướng hành động. Không kể việc soạn bản « Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo », các thừa sai hiện diện trong công đồng, gồm hai đức cha Ðại Diện Tông Tòa và các linh mục thừa sai, tất cả đều đồng ý rằng việc lập chủng viện đào tạo linh mục địa phương là sứ mệnh hàng đầu và là điều khẩn cấp phải làm. Năm 1666, Đức cha Lambert de La Motte đã thiết lập chủng viện thánh Giuse tại Ayuthia, nước Xiêm La, để đào tạo các linh mục bản xứ cho các giáo hội Viễn Ðông. Trong chủng viện này, những thanh niên việt nam, trung hoa, xiêm la,… những thanh niên có hiểu biết, khả năng và đức độ,…sẽ có thể được đào tạo tại chỗ, để trở thành linh mục, tiếp tay cho các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng. Trong chủng viện này, ngày 31.03.1668, Ðức Cha Lambert đã truyền chức cho hai linh mục, cha Giuse TRANG, vị linh mục Việt Nam tiên khởi đến từ Ðàng Trong và cha François Perez. Rồi cho cha Luca BỀN, một linh mục Ðàng Trong khác. Vào tháng sáu cùng năm 1668 này, Ðức cha cũng đã truyền chức cho hai vị linh mục việt nam đầu tiên đến từ Ðàng Ngoài. Ðó là cha Gioan HUỆ và Bênêditô HIỀN.

Năm 1670, trong chuyến kinh lý Đàng Ngoài, theo sự chuẩn bị trước của cha Deydier, Ðức cha Lambert de la Motte đã truyền các chức thánh và chức linh mục cho 4 thầy giảng hạng nhất và 3 thầy giảng hạng thứ. Ðó là bảy linh mục sau đây: Martinô MÁT 68 tuổi, Antôn QUẾ 56 tuổi, Philipphê NHÂN 52 tuổi, Simon KIÊN 60 tuổi, Giacôbê CHIÊU 46 tuổi, Lêông TRỤ 46 tuổi và Vitô TRI 30 tuổi.

2. Đào tạo người đào tạo linh mục

Việc đào tạo linh mục cứ thế, được các đấng bề trên và bản quyền chăm sóc và tiếp tục. Hiện nay, Giáo Hội Việt Nam có 7 đại chủng Viện, lo việc đào tạo linh mục cho 1226 thầy đại chủng sinh và hơn 1700 thầy dự tu.

Nhờ số các linh mục trẻ việt nam được đào tạo trong các đại học công giáo Rôma và Âu châu về, đội ngũ giám đốc và giảng huấn của các đại chủng viện Việt Nam đã được hoàn toàn đổi mới từ ít lâu nay. Dẫu còn ít ỏi và bắt buộc phải dậy trong nhiều chủng viện, các vị này đã giúp các chủng sinh việt nam được tiếp thu một việc đào tạo có trình độ cao. Chất lượng đào tạo càng cao khi chính những người đào tạo được đào tạo liên tục. Ủy Ban Giám Mục về Giáo sĩ và Chủng sinh ở Việt Nam đã tiên liệu một hệ thống đào tạo liên tục và tu nghiệp cho tất cả các ban giảng huấn của các đại chủng viện này. Năm nay khóa đào tạo liên tục đang được tổ chức ở Paris, từ ngày 05 đến 25 tháng 07 / 2008, qui tụ 30 vị đến từ khắp các chủng viện và gồm đủ các cấp, từ giám đốc, qua trưởng ban, đến giáo sư.

Nằm trong chương trình của khóa đào tạo, chủ nhật 13/07/2008, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 30 vị giáo sư các Đại Chủng Viện Việt Nam đã đến thăm và cử hành thánh lễ với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Paris.

Trong phần mở đầu thánh lễ, sau lời chào mừng phái đoàn của cha Trần Anh Dũng, đại diện Ban Giám Đốc Giáo Xứ, cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thơ ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh, đã giới thiệu cùng Cộng Đoàn ba mươi vị tham dự khóa đào tạo tại Học Viện Công Giáo Paris, từ 05 đến 25/07/2008, và hiện diện trong thánh lễ hôm nay. Đó là:

1. Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Sĩ và chủng Sinh
2. Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Đại Chủng Viện Sài Gòn, Tổng Thơ Ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh
ĐCV Hà Nội
3. Cha Laurent Chu Văn Minh,
4. Cha Gioan Vũ Tất,
5. Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê,
6. Cha Antôn Trần Duy Lương,
ĐCV Vinh Thanh
7. Cha Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng,
8. Cha Gioan Nguyễn Hồng Pháp,
9. Cha Phaolô Bùi Đình Cao,
10. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá,
ĐCV Huế
11. Cha Micae Nguyễn Hữu Đức,
12. Cha Đominicô Vũ Đình Thái,
13. Cha Giuse Trịnh Văn Thậm,
14. Cha Lui Nguyễn Quang Vinh,
ĐCV Nha Trang
15. Cha Phêrô Phạm Ngọc Phi,
16. Cha Phêrô Trần Ngọc Anh,
17. Cha Ignaxiô Hồ Thông
18. Cha Gioan Boscô Cao Tấn Phúc
ĐCV Sài Gòn
19. Cha Ernestô Nguyễn Văn Hưởng,
20. Cha Gioakim Trần Văn Hương
21. Cha Phêrô Nguyễn Văn Võ
22. Cha Giuse Nguyễn Trọng Sơn
ĐCV Xuân Lộc
23. Cha Đominicô Nguyễn Trí Dụng,
24. Cha Giuse Đỗ Viết Đại
25. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đăng Tuệ
26. Cha Athanasô Nguyễn Quốc Lâm
ĐCV Cần Thơ
27. Cha Carôlô Hồ Bặc Xái
28. Cha Mathêu Lê Ngọc Bửu
29. Cha Giuse Trần Đình Thụy
30. Cha Gioan Trần Trọng Dung

Sau thánh lễ, trong một vài phút vắn tắt nói chuyện riêng, cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng cho biết thêm rằng nội dung khóa đào tạo xoay quanh bốn chiều kích:

• Đào tạo tình huynh đệ. Các cha giáo sư làm việc trong 7 đại chủng viện khác nhau và xa nhau. Đây là dịp các ngài được gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau về những kinh nghiệm giảng dậy.
• Đào tạo trí thức. Trọng tâm của khóa đào tạo xoay quanh đề tài kinh thánh và luân lý với những chú giải mới. Mục tiêu là tìm ra những cách rao giảng Lời Chúa thuận lợi hơn cho thời đại hôm nay.
• Đào tạo thiêng liêng. Ngoài những công việc đạo đức hàng ngày, khoá đào tạo còn tiên liệu 4 cuộc hành hương. Đi thăm Saint-Loup sur Thouet, quê hương của Thánh Théophane Vénard (Ven), tử đạo ở Việt Nam năm 1861 (đời vua Tự Đức ngày 2-2-1861 tại Ô Cầu Giấy). Đi thăm Phòng Tử Ðạo và việc phòng triển lãm sinh nhật thứ 350 của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Đi Lisieux thăm quê hương thánh nữ Têrêxa Hài Đồng. Đi thăm Lộ Đức nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây.
• Đào tạo mục vụ. Trong thời gian ở Paris, các linh mục việt nam sẽ tiếp xúc với một số nhân vật của tổng giáo phận Paris, cũng như với các vị hữu trách trong các xứ đạo và các hiệp hội công giáo, để quan sát và học hỏi sinh hoạt mục vụ của các đoàn thể công giáo Pháp.

Ngoài việc đào tạo các bậc đào tạo, cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng còn cho biết thêm rằng Ủy Ban Giám Mục về Giáo Sĩ và Chủng Sinh, dưới quyền chủ tịch của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, đang tích cực soạn thảo một bản hướng dẫn việc đào tạo linh mục Việt Nam. Công việc này đã được khởi đầu với bản phác thảo đầu tiên trong Đại Hội các Đại Chủng Viện Việt Nam tại ĐCV Vinh Thanh vào tháng 08 năm 2005. Sau khi đã sửa chữa và bổ khuyết, bản dự thảo đã được đệ trình lên Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10/2007 và đã được chấp thuận. Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh đang viết bản chính thức, một bằng tiếng việt, một bằng tiếng Pháp, và sẽ đệ trình lên Hội Đồng Giám Mục vào đầu năm 2009. Nếu được chấp thuận, bản văn này sẽ được gởi lên Tòa Thánh để phê chuẩn và ban hành vào năm thánh 2010. Sau 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập vào ngày 24/11/1960, các giáo phận hiệu tòa trở thành chính tòa, Giáo Hội Việt Nam sẽ có một chương trình thống nhất, hướng dẫn việc đào tạo linh mục trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

3. Giáo dân có bổn phận góp phần vào việc đào tạo linh mục

Trước, trong và sau thánh lễ, nhiều vị khác nhau đã phát biểu. Lời chào mừng của đại diện Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris; Lời của cha Giuse Đổ Mạnh Hùng giới thiệu các cha giáo các Đại Chủng Viện; lời cám ơn của Đức Cha Antôn về sự giúp đỡ của Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh và Giáo Xứ Việt Nam cho các ĐCV ở Việt Nam từ những năm 1980; Lời chia sẻ phúc âm của cha giáo Trần Ngọc Anh về « Hồng Ân và đáp trả Hồng Ân »; lời ngỏ của ông Nguyễn Minh Hải, đại diện Hội Yểm Trợ Ơn Gọi của Giáo Xứ Việt Nam Paris và bảy đại diện hội dâng quà cho bảy đại chủng viện Việt Nam; Lời ngỏ của cha Ernestô Nguyễn Văn Hưởng, đại diện các cha giám đốc và giáo sư tham dự khóa đào tạo; Lời của Đức Cha Antôn cám ơn và tặng quà cho Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Trong tất cả những lời phát biểu ấy, một ý tưởng chính yếu đã được mọi người ghi nhận: « Giáo dân có bổn phận góp phần vào việc đào tại linh mục ».

Đức cha Antôn, cũng như tất cả các cha khác, đã bày tỏ lòng chân thành cám ơn Giáo Xứ Việt Nam, đặc biệt là Hội Yểm Trợ Ơn gọi, hàng năm đã gởi tiền về ủng hộ việc đào tạo linh mục tại các ĐCV ở Việt Nam.

Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng thơ ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng sinh, nhấn mạnh đến ba giai đoạn đào tạo linh mục, trong đó giai đoạn tiền chủng viện có một chỗ đứng rất quan trọng, vì trong gia đình, mầm non ơn gọi được gieo vãi do gương sáng và lòng đạo đức của cha mẹ giáo dân.

Cha Phêrô Trần Ngọc Anh, cha giáo sư ĐCV Nha Trang đã chia sẻ lời Chúa và nhấn mạnh đến việc đáp trả hồng ân và đáp trả một cách cụ thể.

Cha Ernesto Nguyễn Văn Hưởng, Bề Trên ĐCV Sài Gòn thì vui vẻ chia sẻ về niềm vui được các giáo dân đóng góp. Bất kể là to hay nhỏ, sự đóng góp luôn luôn đưa lại khích lệ cho người làm việc đào tạo.

Đại diện của Ban Giám Đốc, của Ban Thường Vụ và của Hội Yểm Trợ Ơn gọi tại GXVN Paris thì bày tỏ niềm vui mừng được tiếp đón những bậc thầy trong giáo hội, được tham gia « của ít lòng nhiều » vào việc đào tạo linh mục và, như lời ông Nguyễn Minh Hải, «Xin Đức cha cũng như các cha bề trên và các cha giáo sư nhận lời cám ơn của chúng con và xin cầu nguyện cho chúng con, để chúng con luôn biết đáp trả hồng ân Chúa, mà bền vững đóng góp vào việc truyền giáo và đào tạo linh mục».

Sau thánh lễ, ông chủ tịch Bùi Trọng Khang xin Đức Cha và các cha chụp một tấm hình chung với Đại Diện Hội Yểm Trợ Ơn Gọi, cha Trần Anh Dũng mời Đức Cha và các cha lên phòng tiếp tân dùng cơm trưa.

Paris, ngày 14 tháng 07 năm 2008
 
Những đóng góp rất ''đặc biệt'' cho Ban Tổ Chức WYD 2008 cho Việt Nam tại Tổng Giáo Phận Sydney
Đồng Nhân
16:36 14/07/2008
SYDNEY - Theo bản tường trình của Ban Tổ Chức WYD 2008 cho Việt Nam tại Tổng Giáo Phận Sydney, chúng tôi nhận thấy Ban Tổ Chức đã nhận được sự giúp đỡ và số tiền đóng góp của các ân nhân xa gần, cho các chương trình sinh hoạt cho Giới Trẻ Việt Nam trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008.

Ngoài số hiện kim, mà ban tổ chức đã nhận được, chúng tôi còn ghi nhận có những đóng góp rất đặc biệt sau đây:

  • Một linh mục và mấy bạn trẻ từ Saigòn tặng 1500 cái nón WYD2008
  • Một người tặng 900 lon nước giải khát
  • Một tiệm bánh tặng các loại bánh trong các buổi sinh hoạt và Thánh Lễ Giới Trẻ
  • Một tiệm bánh ngọt khác cũng tặng các loại bánh trong các buổi sinh hoạt và Thánh Lễ Giới Trẻ
  • Một công ty tặng tiền in cuốn Cẩm Nang cho Đại Hội WYD4VN
  • Một gia đình tặng 150 dây stoles dành cho các Linh Mục Việt Nam tham dự ĐHGTTG08
  • Một tiệm Hoa tặng tất cả các nhu cầu về hoa trong 5 thánh lễ giới trẻ từ tháng 2 đến tháng 6/2008
  • Một tiệm Hoa khác tặng tất cả các nhu cầu về hoa trong tuần lễ Đại Hội từ 15-20/7/2008
  • Một Công ty ấn loát tặng 5,000 tờ quảng cáo
  • v.v...
 
Lễ mãn tang LM Anphongsô Trần Thế Khải, người bị tù nhiều năm
Thái Hà
17:47 14/07/2008
HÀ NỘI -Thứ hai 14.07.2008, lúc 18 giờ, tại nhà thờ Hàm Long, Toà TGM và giáo hạt Hà Nội đã tổ chức lễ giỗ mãn tang cha Anphongsô Trần Thế Khải. Thánh lễ do Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chủ tế và 12 cha đồng tế.

Nhiều giáo dân của một số giáo xứ trong thành phố cùng thân bằng quyến thuộc và bạn hữu của cha Anphongso cũng đã về Hàm Long tham dự thánh lễ này để tưởng nhớ đến ngài và cầu nguyện cho ngài.

Cha Anphongsô Trần Thế Khải sinh ngày 05.05.1943 trong một gia đình đạo đức và trí thức thuộc giáo xứ Hàm Long, Hà Nội. Những năm cuối thập niên 1950 ngài theo học Tiểu Chủng viện Gioan Hà Nội.

Năm 1960, khi Chủng viện Gioan bị giải tán, cha Anphongsô trở về sống tại gia đình và phục vụ tại giáo xứ Hàm Long. Năm 1963 cha Anphongsô bị bắt đi “học tập cải tạo” cho đến năm 1977 mới được thả tự do. Năm 1981, vì có liên hệ với Đức Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận, ngài lại bị bắt lần thứ hai và bị giam khoảng 1 năm.

Ngài là con người thẳng thắn, bộc trực, không ngại nói sự thật và làm chứng cho sự thật và vì thế ngài bị tù nhiều năm và trong tù ngài hay bị cùm nhiều.

Cha Tôma A. Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết: Cha Anphongsô là linh mục “chui” duy nhất trong TGP Hà Nội. Ngài được Đức Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận truyền chức ngày 27.07.1981 tại Giang Xá, Hà Tây, theo sự bảo lãnh của Đức Hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng, khi ấy là giám mục Bắc Ninh. Những năm sau này cha Anphongsô mới nhập tịch về lại TGP Hà Nội.

Năm 1994, cha Anphongsô được chính quyền chính thức nhận là linh mục sau một khoá học bổ túc 6 tháng ở Chủng viện Thánh Giuse cùng nhiều linh mục và tu sĩ khác của Miền Bắc. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm chính xứ các giáo xứ Cửa Bắc, An Thá và Cổ Nhuế.

Dịp lễ Chúa Giáng sinh năm 2002, trong khi đi làm lễ đêm ở Cổ Nhuế, gặp lúc trời quá lạnh mà sức khoẻ của ngài lại yếu, ngài đã bị xuất huyết não và bị liệt người. Ngài được đưa về TGM để điều trị, nhưng sức khỏe cứ suy giảm dần và ngày 15.07.2005 ngài qua đời.

Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình, nghĩa phụ của cha Anphongsô, cho biết: “Cha Anphongsô Trần Thế Khải là học trò tôi dạy ở Chủng viện Gioan từ những năm cuối thập niên 1950. Ngài là một linh mục tốt lành, nhiệt tình và giảng hay”.

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, trong bài giảng đã chia sẻ rằng: Cha Anphongsô đã phải chiến đấu với thế gian để thuộc về Chúa. Ngài cũng hy sinh đời sống gia đình của mình để thuộc về gia đình Giáo Hội và nhận lấy mọi người làm người thân của mình để phục vụ. Ngài đã bị tù tội, bị cải tạo. Nếu không vì Chúa và không thuộc về Giáo hội chắc chắn ngài đã không bị tù tội như vậy. Ngài cũng đã phải chiến đấu với cơn bệnh tật trong những năm cuối đời mà không hề than trách.

Đức TGM kết thúc bài giảng bằng nội dung sau đây: Chúa nói “Ai làm phúc cho người khác dù chỉ là bát nước lã thì Chúa cũng sẽ thưởng công”. Chúng ta tin rằng cha Anphongsô đã can đảm làm chứng cho Chúa, đã chịu tù tội, đau khổ vì Chúa, vì Giáo hội thì Chúa sẽ không bỏ rơi ngài. Chúa sẽ cho người được hưởng vinh phúc cùng Chúa.
 
Thông tin về chương trình, biến cố, địa điểm và chủ đề trong những Ngày Đại Hội WYD 2008 ở Sydney
LM Văn Chi
17:57 14/07/2008
THÔNG TIN VỀ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ XXIII
TẠI SYDNEY TỪ NGÀY 15/7/2008 TỚI NGÀY 20/7/2008.

1. GHI DANH.
Ghi danh đã đạt được con số 245,000 bạn trẻ, trong đó có 88,000 bạn trẻ từ Sydney và nhiều bạn trẻ từ 32 Giáo Phận của Úc Châu, với những chi tiết như sau:
• Ghi Danh: 245,000 bạn trẻ.
• Nhóm: 9233 các nhóm khác nhau ghi danh tham dự.
• Quốc Gia: có tới 193 Quốc Gia tham dự.
• Ghi Danh cá nhân: khoảng 110,321 cá nhân ghi danh tham dự.

2. HỘI THẢO GIÁO LÝ VÀ THÁNH LỄ.
Ban Tổ Chức chuẩn bị cho từ 250 tới 300 địa điểm Giáo Lý cho các ngôn ngữ và là nơi dâng Thánh Lễ cho Đại Hội WYD 2008. Những Chủ Đề của các ngày Hội Thảo Giáo Lý được khai triển và trình bày trong các buổi sinh hoạt Giáo Lý. Các điạ điểm Giáo Lý cũng được trang trí phù hợp với những Chủ Đề này:

Thứ Ba Ngày 15/7/2008. Ngày Khai Mạc Đại Hội.

9.30am: Thánh Lễ Khai Mạc WYD 2008 cho các Bạn Trẻ Việt Nam tại Liverpool Whitlam Centre. 90A Memorial Avenue, Liverpool NSW 2170.
4.30pm: Thánh Lễ Khai Mạc WYD 2008 thế giới tại Barangaroo trong Thành Phố Sydney. Sau đó, Youth Festival và đặc biệt buổi Hoà Nhạc-Welcome Concert sẽ tiếp tục trong buổi tối.

Thứ Tư ngày 16/7/2008:

Chủ Đề: ĐƯỢC MỜI GỌI SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN-CALLED TO LIVE IN THE HOLY SPIRIT.

9.00am: Hội Thảo Giáo Lý Việt Nam tại Liverpool Whitlam Centre.
11.00am: Thánh Lễ Đồng Tế tại Liverpool Whitlam Centre.
• 12.15pm: BBQ cho Giới Trẻ WYD.
6.00pm: Đại Nhạc Hội “Trở Về Nguồn” tại Liverpool Whitlam Centre.

Thứ Năm ngày 17/7/2008:

Chủ Đề: CHÚA THÁNH THẦN, LINH HỒN CỦA GIÁO HỘI-THE HOLY SPIRIT, SOUL OF THE CHURCH.

9.00am: Hội Thảo Giáo Lý Việt Nam tại Liverpool Whitlam Centre.
11.00am: Thánh Lễ Đồng Tế tại Liverpool Whitlam Centre.
3.30pm: Nghi Thức Chào Đón Đức Giáo Hoàng Benedictô tại Barangaroo City.
• 5.30pm: Youth Festival tại City.

Thứ Sáu ngày 18/7/2008:

Chủ Đề: CHÚNG TA ĐƯỢC SAI ĐI VÀO THẾ GIỚI: CHÚA THÁNH THẦN, TÁC ĐỘNG CHÍNH YẾU CỦA SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO.
SENT OUT INTO THE WORLD: THE HOLY SPIRIT, THE PRINCIPAL AGENT OF MISSION.


9.00am: Hội Thảo Giáo Lý Việt Nam tại Liverpool Whitlam Centre.
11.00am: Thánh Lễ Đồng Tế tại Liverpool Whitlam Centre.
3.00pm: Chặng Đàng Thánh Giá Đặc Biệt tại City. Chặng thứ nhất tại Nhà Thờ Chính Toà St Mary’s Sydney, sau đó, sẽ di chuyển đến Art Gallery của NSW, đến Domain, Opera House, Cockle Bay, và Barangaroo. Các bạn trẻ và mọi người Hành Hương sẽ tham dự và chọn một chặng thích hợp để tham dự tích cực. Các chặng khác sẽ được chiếu trên các màn ảnh lớn tại nhiều địa điểm.

Bảy ngày 19/7/2008:

Cuộc hành hương của giới trẻ về Randwick từ khắp các nẻo đường Thành Phố Sydney. Trong khi Hành Hương bằng đi bộ, một số các bạn trẻ từ phía North Sydney sẽ đi ngang qua cầu Sydney nhắc nhở Bí Tích Rửa Tội bằng nước và trưởng thành qua Bí Tích Thêm Sức.
• Qua phía cầu Anzac, Ban Tổ Chức sẽ thực hiện 7 Trạm Thần Lực-Seven Power Stations, dọc theo Anzac Parade, diễn tả 7 Hồng Ân Chúa Thánh Thần. Mục đích 7 Trạm Thần Lực này chuẩn bị cho các bạn trẻ nhận lãnh Sức Mạnh Chúa Thánh Thần khi tham dự Đêm Canh Thức và Thánh Lễ Bế Mạc.
• Đêm Canh Thức Ngủ Nghỉ Dưới các vì sao tại Randwick.

Chúa Nhật ngày 20/7/2008:

10.00am: Thánh Lễ bế mạc tại Randwick Race Course. Sau điểm tâm khoảng 8 giờ sáng tại đây, Ban Tổ Chức giúp các bạn trẻ chuẩn bị tâm hồn dâng Thánh Lễ Bế Mạc. Ban Tổ Chức ước lượng chừng 500,000 người tham dự Thánh Lễ Bế Mạc với Đức Giáo Hoàng, với khoảng 400 tới 500 Giám Mục, và 3000 Linh Mục cùng Đồng tế trong Thánh Lễ Bế Mạc này.

3. DI CHUYỂN CÔNG CỘNG VÀ AN NINH.

Di chuyển công cộng trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ WYD 2008 sẽ do cơ quan WYDCA do chính quyền tổ chức với kinh nghiệm đã tổ chức Olympic năm 2000 tại Sydney. Mỗi bạn trẻ ghi danh tham dự sẽ có thẻ Di Chuyển Miễn phí được gọi là Passport trong những ngày Đại Hội. Thẻ này được kèm trong túi-pack Đại Hội khi ghi danh tại địa điểm tạm trú hay tại nơi ấn định. Vần đề an ninh được chính quyền Úc Châu tiếp tay tích cự với khoảng trên 4000 cảnh sát giúp đỡ trực tiếp trong các nơi sinh hoạt chung, và các cơ quan cảnh sát địa phương cũn được hướng dẫn để giúp đỡ tích cực cho Đại Hội trong những khi cần thiết. Nói chung, về an ninh được duy trì theo phương thức tốt nhất.

4. LỄ HỘI GIỚI TRẺ VÀ NHỮNG SINH HOẠT CHÍNH YẾU QUAN TRỌNG.

Sau các buổi Hội Thảo Giáo Lý và Thánh Lễ, các bạn trẻ sẽ di chuyển về thành phố Sydney bằng các phương tiện di chuyển công cộng, để tham dự các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, gặp gỡ vui tươi của tuổi trẻ. Đặc biệt những sư kiện nổi bật như: Thánh Lễ Khai Mạc và buổi Hoà Nhạc chào đón vào Thứ Ba, Lễ Hội Giới Trẻ với 550 nhóm văn nghệ quốc tế trình diễn, Hành Hương, chào đón Đức Giáo Hoàng vào chiều Thứ Năm, Chặng Đàng Thánh Giá vào chiều Thứ Sáu, và Đêm Canh Thức đặc biệt vào đêm Thứ Bảy. Kết thúc với Thánh Lễ Bế Mạc vào sáng Chúa Nhật ngày 20/7/2008.

  • Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội WYD 2008 tại Barangaroo trong Thành Phố Sydney và chiều Thứ Ba ngày 16/7/2008.
  • Buổi Hoà Nhạc chào đón và chiều Thứ Ba ngày 16/7/2008 và các sinh hoạt văn hoá văn nghệ.
  • Chầu Thánh Thể và Giải Tội được tổ chức trong nhiều nơi, kể cả trong những địa điểm Giáo Lý. Đặc biệt được tổ chức long trọng tại Sydney Convention Centre và Hyde Park Sydney.
  • Vocation Expo sẽ được tổ chức để giới thiệu các Dòng Tu và các Ơn Gọi khác nhau, để các bạn trẻ tìm hiểu ơn gọi của mình. Vocation Expo sẽ tổ chức tại Darling Harbour với 90 lều trưng bày của các Dòng Tu khác nhau.
  • Hành Hương Nhà Thờ Chính Toà Sydney được khuyến khích cho các bạn trẻ tham dự, để dâng hiến cho Mẹ Maria trước Mẫu Ảnh Our Lady of Southern Cross, Help of Christians. Các đoàn Hành Hương sẽ bắt đầu từ Hyde Park được trang trí với những đoạn Thánh Kinh nói về Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần. Trong Nhà Thờ Chính Toà St Mary’s Sydney, sẽ trưng bày Xác Thánh của Chân Phước Pier Giorgio Frasatti, một trong các Đấng Bảo Trợ WYD 2008. Cũng sẽ có trưng bày về Chân Phước Mary McKillop và các Icons của Nga Xô.
  • Hành Hương kính viếng Nhà Nguyện của Thánh Mary McKillop tại bên North Sydney.
5. Những diễn tiến chính yếu trong 4 ngày của Đại Hội Giới Trẻ WYD 2008.

6. ĐẶC BIỆT CHO GIỚI TRẺ VIỆT NAM.

Tiêu Biểu của Giới Trẻ Việt Nam qua những sinh hoạt đặc biệt như sau:

6.1. Thánh Lễ Hội Ngộ trong Chúa Thánh Thần để Chào Đón Quý Giám Mục, Giới Trẻ Việt Nam từ 5 Châu Lục, và khách hành hương. Địa chỉ: Liverpool Whitlam Centre. 90A Memorial Avenue, Liverpool NSW 2170.

6.2. Đại Nhạc Hội “Trở Về Nguồn” tại Liverpool Whitlam Centre. Địa chỉ: Liverpool Whitlam Centre. 90A Memorial Avenue, Liverpool NSW 2170. Khai mạc lúc 6 chiều Thứ 4 ngày 16/7/2008.

6.3. Họp mặt của Thiếu Nhi Thánh Thể toàn thế giới sau WYD 2008, sẽ được tổ chức vào Thứ Ba ngày 22.7.2008. Trong cuộc họp mặt này sẽ nói về quá khứ, hiện tại, và tương lai của Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.

6.4. Ban Tổ Chức WYD4VN sẽ tổ chức một đêm Du Thuyền trên Vịnh Sydney - Sydney Harbour Cruise vào Thứ Hai ngày 21/7/2008, từ 5.30 tối, để các bạn trẻ Việt Nam trên 5 Châu Lục cám ơn và chia tay nhau. Ưu tiên cho các bạn trẻ từ xa tới.

Sau đó, chương trình Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới WYD 2008 sẽ chấm dứt. Nhưng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn và soi sáng các bạn trẻ Việt Nam nói riêng và các bạn trẻ thế giới nói chung, để sống chứng nhân giữa thời đại hôm nay theo lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô trong Chủ Đề Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXIII tại Sydney: “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con; và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:8).

Xin đón chào các bạn trẻ Việt Nam đến với Đại Hội.

Xin toàn thể quý vị cầu nguyện và cộng tác với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới WYD 2008.
 
Ngoài những nơi dành cho đại hội, khi tới Sydney cần đi tham quan những nơi nào?
Văn Đức Thạch
20:40 14/07/2008
NHỮNG NƠI ĐẶC BIỆT KHI THĂM VIẾNG THÀNH SYDNEY

Viếng Thăm Sydney

Với những bãi biển chan hòa nắng ấm và những công viên bóng mát, Sydney luôn được xem là thành phố lý tưởng nhất thế giới đáng được viếng thăm. Thành phố Sydney nổi tiếng qua nếp sống ngoài trời, nét đẹp tự nhiên và dân cư thân thiện.

Một trong những điểm son của Sydney là tất cả những đặc thù của thành phố - các bãi biển, công viên quốc gia, các nhà hàng, các hộp đêm và những công trình kiến trúc tinh vi - đều nằm trong tầm với của trung tâm thành phố.

Sydney còn có những hình tượng quen thuộc nhất của Úc Châu – Sydney Opera House (Nhà Hát Con Sò), Sydney Harbour Bridge (Cầu Cảng Sydney) và Sydney Harbour (Hải Cảng Sydney).

Bạn sẽ được tha hồ mà chọn lựa khi đến Sydney. Bạn có thể đi tham quan hậu trường Sydney Opera House hoặc trèo lên đỉnh của Sydney Harbour Bridge để có một cái nhìn toàn cảnh của thành phố và cảng Sydney đầy ấn tượng.

Bạn có thể dong ruổi trên một chiếc du thuyền đi ngắm một trong những hải cảng lừng danh nhất thế giới, hoặc ngồi ghe thủy phản lực cao tốc thưởng thức một chuyển đoản du.

Gần thành phố, có công viên của thú vật chim muông, nơi mà bạn có thể xem những động vật được mến chuộng của Úc Châu, hoặc bạn có thể nhào xuống ngụp lặn với cá mập tại một nhà nuôi cá dọc hải cảng.

Những vùng quanh Sydney

Các điểm thu hút đặc thù khác cũng nằm trong tầm với của Sydney. Bạn sẽ thấy những công viên quốc gia thuộc hạng di sản thế giới với phong cảnh rất phong phú đa dạng – rừng nhiệt đới, núi non, vùng sâu trong nôi địa, hải đảo – thức ăn thơm ngon, rượu nho hảo hạng, và những bãi biển tuyệt vời.

Bạn sẽ thấy rằng những vùng gần Sydney cũng phong phú không kém. Nhìn từ nhà vọng cảnh The Three Sisters bạn có thể say mê quang cảnh ngọan mục của Vùng Di Sản Thế Giới Greater Blue Mountains. Hãy nếm thử lọai rượu nho trắng ngon nhất thế giới sản xuất tại vùng Hunter Valley hoặc rượu nho lọai khí hậu mát của vùng Southern Highlands.

Bạn sẽ cảm thấy phấn chấn khi theo Grand Pacific Drive lái xe từ Royal National Park đến Wollongong, nơi có chiếc cầu Sea Cliff Bridge mới vừa xây dựng cách đây không lâu. Nếu muốn khác lạ, bạn hãy đi chèo xuồng với cá heo trong vịnh Nelson hoặc dưỡng sức và nghỉ ngơi tại một thị trấn suối nước khoáng sang trọng tại Hunter Valley, Blue Mountains hoặc Southern Highlands.

Những việc phải làm tại Sydney

Leo Cầu Cảng Sydney uy nghi hùng vĩ
Thưởng ngọan Cảng Sydney bằng một chuyến đi phà, đi tàu tham quan, đi du thuyền hoặc đi chèo xuồng.
Đi một vòng thăm Nhà Hát Con Sò
Tập lướt sóng tại bãi biển Bondi hoặc Manly
Xem koala và kangaroo tại sở thú Taronga

Viếng Sydney lúc nào?

Sydney hưởng khoảng 300 ngày nắng ấm mỗi năm, một ưu điểm làm Sydney là nơi du lịch lý tưởng quanh năm. Mùa tại Úc Châu ngược với mùa tại vùng bắc bán cầu, với mùa hè chính thức bắt đầu vào tháng Mười Hai và mùa đông vào tháng Sáu. Tháng Chín là vào xuân, với nhiệt độ cao nhất trung bình khoảng 68 độ Fahrenheit (20 độ Celsius).

Di chuyển quanh Sydney

Kangaroo và Koala
Hệ thống di chuyển của Sydney gồm mạng lưới xe lửa, xe bus và phà. Thêm vào đó còn có những phương tiên giao thông khác như thủy taxi, xe lửa hạng nhẹ và xe điện monorail nối trung tâm thành phố với Darling Harbour.

Hãng xe buýt Sydney Explorer chở khách viếng Sydney đến những nơi thu hút hàng đầu của thành phố và cống hiến du khách những lời dẫn giải sống động trên đường đi. Những nơi hấp dẫn, những đọan đường phiêu du cũng như biết bao chuyến du ngọan kỳ thú sẽ cống hiến bạn một sự thấu hiểu sâu sắc và trung thực về thành phố Sydney và lối sống của người dân tại đây.

Mời bạn viếng thăm trang mạng www.sydneyaustralia.com (Anh ngữ) để xem thêm tài liệu về Sydney.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chính phủ dùng Bảng Hiệu như cách trả lời khiếu nại của các Nữ tu Nữ tử Bác Ái
Nguyễn Việt Giáo
21:04 14/07/2008
BẢNG HIỆU – CÁCH THỨC TRẢ LỜI ĐƠN KHIẾU NẠI CÁC NỮ TỬ BÁC ÁI?

SAIGÒN - Đọc bảng hiệu, băng rôn, lần lượt thay nhau gắn lên nhà 32 bis Nguyễn Thị Diệu, tôi thấy lạ. Chuyện đùa nhiều tập! Chính quyền ta làm ăn buồn cười thật, thay vì viết văn bản trả lời đơn khiếu nại của các nữ tu thì trưng lên bảng hiệu, băng rôn “Xây trường!”. Có lẽ đây là kiểu trả lời của con nhà có giáo dục cách mạng mà tôi không được dạy dỗ nên chưa biết. Không hiểu cái nhà 32 bis này bây giờ là cái gì?

Bảng hiệu Hoàng Gia
Hình bảng hiệu Hoàng giaNhìn qua thì ai cũng nhớ nó là vũ trường VIP-CLUB, cái vòng sắt còn nằm chình ình trên nóc. Ngoài cổng thì đề “Ban Quản lý đường sắt”. Ngay cửa ra vào thì Phòng Giáo Dục Quận 3 thông báo sắp xây trường học. Hình như có ai đó đang loay hoay tìm cách “rửa nhà”! “Cam kết giữ nguyên trạng” là nhào vô đập phá có lính gác, là căng băng rôn dằn mặt và sẳn sàng cam kết tiếp vài chục lần nữa như thế … ôi, danh dự của bậc phụ mẫu chi dân bán rẻ như bùn!

Tại sao quý vị có quyền không giải quyết đơn từ của các nữ tu? Hay quý vị không có một văn bản nào chứng minh cơ sở 32 bis trên đã bị kiểm kê, quản lý, thuộc sở hữu Nhà nước? Quý vị có cái giấy gì nhỉ? Nếu tôi đoán không lầm thì quý vị chỉ có cái Quyết định 750/QĐ-UB do chính quý vị ký, phán rằng cái TRƯỜNG MẪU GIÁO của các nữ tu là cái NHÀ VẮNG CHỦ! Một cái trường đang hoạt động là cái nhà vắng chủ, phải công nhận quý vị có óc khôi hài phong phú. Hình như quý vị cũng chẳng coi luật
Bảng hiệu Quản Lý Đường Sắt
pháp là gì, và chuyện chẹn họng lấy đồ trong túi người ta là chuyện thường ngày ở huyện. Hèn chi khắp nước đâu cũng có khiếu kiện đất đai. Thế thì hàng trăm nữ tu đòi lại cái trường cho lũ con nít nhà nghèo có chi lạ. Một người mẹ vốn dịu hiền sẽ trở nên cứng rắn nếu phần ăn của con bà ấy bị cướp, các nữ tu cũng thế thôi.

Các nữ tu cương quyết đòi lại trường mẫu giáo của họ vì hơn ai hết các bà sơ biết rằng nếu nó lọt vào tay nhà nước thì đám con cái nghèo của họ chỉ có đứng ngoài cổng mà ngó. Ai mà chẳng biết phải chạy tiền triệu mới vào được cái trường nằm ở vị trí 32bis? Quý vị định dùng cái thứ chẹn họng lấy của người ta để làm chuyện giáo dục? Sao tôi thấy giống như một ông bố trong nhà vừa lai rai ba xị nhậu con gà chôm của hàng xóm vừa cao giọng dạy con đạo đức cách mạng!

Hình lập biên bản

Vài ngày qua: Hình toàn diện với băng rôn mới
Nghe đồn rằng chỉ thị trên bảo Quận 3 phải nhận cái vũ trường “hóc xương cá” này dù quận 3 không mặn mòi gì lắm. Chuyện dể hiểu, không ăn ốc mà phải đổ vỏ thì ai mà ham. Nhưng phải nhận thôi, không nhận thì có rủ nhau mà về quận 13 à? Không nhận thì đổi sếp khác, mà sếp khác tới đương nhiên là nhận, hoan hỷ nữa là đàng khác.

Cái đầu óc quen chuyện tiếu lâm trà dư tửu hậu như tôi thấy quả là tê tái. Trước đây Q3 và phòng giáo dục đã đuổi chủ, đuổi học trò, rồi dâng ngôi trường vắng chủ cho “anh nhớn”, ngôi trường của trẻ thơ trong trắng bị anh quậy cho thành con điếm già đầy tai tiếng và bây giờ quăng trả lại để đàn em làm công tác giáo dục dạy dỗ mầm non thành phố!

Chắc chắn Quận 3 sẽ phải theo chỉ đạo của cấp Thành phố mà trao nhà cho quý cô mẫu giáo canh giữ, chờ lệnh khởi công. Với động thái này, Uỷ ban Thành phố xem ra quan tâm lo lắng đầu tư cho giáo dục nước nhà quá xá! Đập trường, mở vũ trường hốt một mớ, rồi lại xây trường. Công nhận nhà nước xài tiền thuế của dân thoải mái thật.

Trở lại sự kiện bảng hiệu thay thế giải quyết khiếu nại. Tôi nghe một cán bộ phân trần: các nữ tu đâu kiện có kiện đòi nhà, chỉ kiện để cho cơ sở được trở lại chức năng giáo dục. Vì thế bảng hiệu trên là câu trả lời rồi đấy! Ơ, hay nhỉ, thưa cán bộ, xin hãy vui lòng trả lời cho tôi cái quy định lấy bảng hiệu trả lời đơn thư khiếu nại được Quốc hội hay Chính phủ thông qua ngày tháng năm nào thế? Mượn nhà người ta chứa gái người ta đòi lại không được à? Các bác có phân biệt được các nữ tu dạy con nít khác với các bác chỗ nào không, nếu không biết thì xin hỏi mấy ông cán bộ thành phố có con gởi cho các bà sơ đấy! Những kẻ đuổi học trò, biến trường thành nhà thổ mà đòi làm công tác giáo dục à?
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Thổ Dân trong tư duy thần học Úc (2)
Vũ Văn An
06:38 14/07/2008
Người Thổ Dân trong tư duy thần học Úc (2)

II. Cứu thế học và các truyền thống tôn giáo Thổ Dân

Bài này nối tiếp bài đã trình bầy tại Hội Thần Học Công Giáo Úc năm 1997, trong đó tác giả phác họa một số nét về Kitô học Thổ Dân (1). Ở đây, ông đưa ra một số điểm, như một dò dẫm tiến tới một cứu thế học theo các truyền thống tôn giáo Thổ Dân.

1. ‘Đức Kitô Chết Vì Tội Lỗi Ta’

Ở đầu chương 15 Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương quan trọng nói về sự Phục Sinh, Thánh Phaolô dường như đang trích lại giáo lý Kitô giáo sơ khai khi Ngài viết: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cor. 15:3).

Như thế ngay từ khởi thủy, trong các suy tư thần học của Giáo hội sơ khai, cái chết của Chúa Giêsu đã được liên kết với việc tha tội. Dĩ nhiên, chính Thánh Phaolô đã khai triển sâu rộng nền thần học kia, đặc biệt trong thư gửi tín hữu Rôma, trong đó, thánh nhân nhấn mạnh rằng Đức Kitô đã chết vì ta ‘ngay khi ta còn là những kẻ tội lỗi’ (Rm 5: 6-11). Rồi trong trình thuật của Thánh Matthêu về Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tuyên bố rằng máu của Người đổ ra cho nhiều người ‘được tha tội’ (Mt 26:28).

Người Do-Thái có cảm thức sâu xa về tội, nhất là sau khi Giêrusalem bị phá hủy vào năm 587 trước công nguyên và vào thời Lưu Đầy bên Babylon. Tội có những hậu qủa đáng sợ. Người tội lỗi xúc phạm đến chính Thiên Chúa của Israel, là Đấng dựng nên vũ trụ, Chúa của lịch sử, Đấng nắm giữ mọi định mệnh con người. Xúc phạm đến Đấng Thiên Chúa ấy quả là điều đáng khiếp sợ.

Trong cộng đồng Do-Thái ở thế kỷ đầu của thời đại ta, người ta nhấn mạnh nhiều đến việc vâng lời luật Thiên Chúa như phương tiện giúp con người thoát khỏi tội lỗi. Vì tội được coi như sự vi phạm đến luật ấy. Nhưng dù hiểu tội cách nào chăng nữa, sự trầm trọng của nó cũng đã được ý thức rõ, và do đó, các giáo huấn về tha thứ và công chính hóa rất quan trọng. Người ta tuy có tranh biện về vấn đề người có tội đã được làm lành với Chúa ra sao, chứ không bao giờ tranh luận về tầm quan trọng của việc được làm lành với Người.

Dù sao, các Kitô hữu tiên khởi cũng đã nhìn thấy mối liên hệ nhân quả giữa sự chết của Chúa Giêsu và ơn tha thứ tội khiên. Thánh Phaolô đã tóm lược cái nhìn ấy thành một học thuyết trong Rom 4:25: (Chúa Giêsu) ‘đã bị trao nộp (tức đã chết) vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa cho sống lại để chúng ta được nên công chính’. Làm thế nào để giải thích thoả đáng nhất mối liên hệ nhân quả này là một vấn đề của các soạn giả Tân Ước, và sau đó của thần học Kitô giáo từ trước đến nay. Ta chỉ xin được nhắc đến hai hình ảnh trong Tân Ước đã được dùng để diễn tả điều đã xẩy ra. Hình ảnh đầu tiên là trả giá ‘chuộc’, hay mua lại, ‘cứu chuộc’. Trong các trình thuật của Phúc Âm, Chúa Giêsu nói về mình rằng Người đến để hiến mạng sống mình làm ‘giá chuộc muôn người’ (Mc 10:45). Hình ảnh này dựa trên các kinh nghiệm lịch sử của việc chuộc nô lệ hay các tù binh chiến tranh.

Một hình ảnh khác của Tân Ước là hình ảnh hy lễ. Tác giả thư Do-Thái đề cập đến một phụng vụ thiên giới trong đó Chúa Giêsu vừa là tế sĩ vừa là tế vật, không hiến tế máu chiên máu bò, mà là chính máu mình (Dt 9:25-26). Hậu cảnh của hình ảnh này rõ ràng là Đền Thờ và phụng vụ của Đền Thờ mà tác giả Thư Do Thái diễn tả tỉ mỉ trong phần đầu chương 9.

Dù các hình ảnh Tân Ước trên có thoả đáng hay không đối với chúng ta, chúng vẫn là những cố gắng do các Kitô hữu đầu tiên đưa ra để diễn tả một kinh nghiệm vốn rất quan yếu đối với họ, tức kinh nghiệm được tha thứ và hòa giải với Chúa nhờ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đối với họ, thật khó giải thích một cách thuận lý việc họ được tha thứ ra sao qua cách đó. Nhưng kinh nghiệm ấy là một kinh nghiệm hết sức mạnh mẽ.

2. Cứu Độ

Ta có thể gọi kinh nghiệm ấy là kinh nghiệm được cứu độ: những con người có tâm hồn tôn giáo sâu xa, vốn ý thức rõ rệt tội lỗi của mình và sự tha hóa đối với Thiên Chúa, nay bỗng thấy mình được giải thoát khỏi tội và mối dây bằng hữu với Thiên Chúa được tái lập.

Nhưng trong các bối cảnh khác, sự cứu độ có thể được cảm nghiệm cách khác hẳn. Trong các Phúc âm Nhất lãm, hạn từ ‘cứu độ’ được nhắc đến trong những câu chuyện có liên quan đến mục vụ chữa lành của Chúa Giêsu. Thí dụ, Chúa Giêsu nói với người đàn bà hoại huyết, ‘đức tin đã cứu con’ (Mc 5:34). Rồi chuyện trừ qủi nữa: đó là trường hợp người bị quỉ ám tại Gerasene, những người đưa tin cho dân làng thuật lại việc người ấy ‘đã được cứu’ (Lc 8:36) ra sao. Trong những chuyện kể ấy, không thấy nhắc đến việc tha tội. Những người trong cùng cực đã được ‘cứu’cho lành và được phục hồi lại các giác năng. Các thí dụ trên cũng không nhắc chi đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy trong đó có một cái gì liên quan đến mầu nhiệm vượt qua: trước nhất, việc Chúa Giêsu chữa bệnh và trừ quỉ là thành phần yếu tính trong sứ vụ của Người, một sứ vụ dẫn Người đến cái chết; thứ nữa, công việc quyền năng của Người là dấu hiệu chỉ Nước Chúa sắp đến, một Nước đã được sự phục sinh của Người khánh thành và đảm bảo (2).

Trong số các đoạn Cựu Ước có nhắc đến Chúa như đấng Cứu Độ, ta chỉ đơn cử một đoạn: đó là truyện Xuất Hành. Chủ đề của truyện là cuộc giải phóng dân khỏi cảnh áp bức. Đàng khác, đoạn ấy có nhắc đến ý niệm đổ máu và việc xuất hiện cuộc sống mới: máu chiên vượt qua được rẩy lên cột cửa các nhà Do-Thái (Xh 12:22); và dân tộc ấy giành được tự do và trở thành một quốc gia (xem Xh 19:5-6). Như thế ta thấy có hàm ý một chủ đề về chết và sống lại. Hơn nữa, Tân Ước liên hợp cái chết của Chúa Giêsu với lễ vượt qua. Không những vì cái chết của Người xẩy ra vào ngày lễ ấy, mà còn vì ít nhất cũng có một số đoạn Tân Ước miêu tả Chúa Giêsu như chiên vượt qua (1 Cor 5:7; Ga 19:36; và có thể cả Ga 1:29 nữa).

Trong việc miêu tả hành vi cứu độ của Thiên Chúa khi giải phóng dân Do-Thái khỏi ách nô lệ Ai-Cập, người ta không nhấn mạnh đến tội lỗi của Dân Do Thái – mặc dù việc họ lẩm bẩm kêu ca và nổi loạn trong suốt thời gian 40 năm lang thang trong sa mạc chứng tỏ trong tâm hồn họ đã có cái khả thể phạm tội rồi. Nhưng sứ điệp của Chúa ngỏ với Mô-sen trong bụi cây cho thấy Người cứu dân Do-Thái khỏi cảnh lầm than áp bức (Xh 3:7-10). Như thế, cứu độ không phải là việc tha tội cho bằng việc giải phóng khỏi ách nô lệ (3).

Khi Chúa Giêsu khởi sự sứ vụ công khai của mình tại Galilê, chủ điểm lời giảng của Người là việc Nước Chúa sắp đến (xem Mc 1:14-15). Đàng khác, Người tuyên bố rằng Nước ấy đặc biệt thuộc người nghèo và người túng thiếu (xem Lc 6:20-21). Khi còn sinh tiền, Người liên kết với những kẻ được coi là bị xã hội ruồng bỏ, và Người cho hay những kẻ bị ruồng bỏ, những viên thu thuế và tội lỗi chính là những người sẽ được vào Nước Thiên Chúa (Mt 21:31). Như thế Chúa Giêsu công bố việc cứu độ người nghèo và những người bị xã hội từ bỏ. Kết quả tối hậu của lời công bố ấy chính là cái chết của Người. Tuy nhiên chính việc Người Phục Sinh sau đó mới là một đảm bảo của Thiên Chúa cho thấy sứ vụ của người là sứ vụ chân chính. Một lần nữa, việc cứu độ được công bố ở đây, một việc có liên hệ đến cái chết và việc phục sinh của Chúa Giêsu, xem ra không chủ yếu liên quan đến việc tha tội, mà liên quan đến lời hứa cho người nghèo và người bị xã hội ruồng bỏ được chúc phúc trong tương lai.

Do đó, khi xét đến các khía cạnh cứu thế học có thể có trong các truyền thống tôn giáo Thổ Dân, ta không nên giới hạn việc xem sét ấy vào ý niệm tha tội mà thôi (4).

3. Tốt và Xấu

Thực tế có thể nói người Thổ Dân truyền thống không có ý niệm gì về tội, nếu ta hiểu tội theo nghĩa thông thường hiện nay. Ý niệm tội bao hàm nhiều điều hơn là việc phạm luật, hay bất cứ hành vi nào phá hoại cuộc sống cộng đoàn và cá nhân. Nó cũng bao hàm việc xúc phạm đến một Thiên Chúa bản vị, phá hủy mối liên hệ bản thân với Đấng Siêu Việt. Nói tóm lại nó là một hạn từ thuộc đức tin; mà đức tin ở đây là tin vào thần linh (hay các thần linh) trong liên hệ cá vị với con người. Nhưng các tôn giáo cổ truyền của Thổ Dân không bao hàm một đức tin như thế. Xem ra họ không tin một Thiên Chúa duy nhất cá vị, Đấng tạo ra muôn loài và làm chủ lịch sử. Một đức tin như thế xem ra chỉ bắt đầu có khi giao tiếp với người Âu Châu (và cũng có thể sớm hơn trong các giao tiếp với người Macassans đến từ phương Bắc) (5). Các vĩ nhân Mộng Thời trong các thần thoại tôn giáo Thổ Dân không hề có liên hệ bản thân với con người, một quan hệ mà ý niệm tội đòi phải có (6).

Tuy thế, luân lý là vấn đề hết sức quan trọng đối với người Thổ Dân, và đối với họ, trật tự luân lý bao hàm không những các mối liên hệ giữa con người với nhau, mà còn bao hàm cả sự vận hành của vũ trụ nữa; sự quyết định và các hành động của con người được xem sét trong bối cảnh vũ trụ. Nói cách khác, Lề Luật là ý niệm chính đối với người Thổ Dân, và Lề Luật không phải chỉ là việc con người nên làm hay không nên làm điều gì, mà còn bàn đến cả cái trật tự của vũ trụ nữa (7).

Trong một bài báo tựa là ‘Luân lý Truyền thống như Đã Được Phát Biểu qua Phương tiện Tôn giáo của Thổ dân tại Úc’, R. M. Berndt đã bàn luận đến nền luân lý trong truyền thống dingari, một truyền thống gồm các huyền thoại và nghi lễ của miền bắc vùng Sa Mạc Phía Tây của Tây Úc (8). Dingari là một nhóm các vĩ nhân trong Mộng Thời từng du hành qua khắp xứ sở, và các huyền thoại kể lại các kinh nghiệm của họ. Các kinh nghiệm này, về nhiều phương diện, phản ảnh cuộc sống của dân sa mạc trong vùng. Đó là một cuộc sống luôn luôn phải chiến đấu để sinh tồn. Trong những mùa tốt, mọi sự đều êm xuôi; nhưng những mùa xấu thì đầy tai ương đưa đến thảm họa. Do đó, luân lý cũng áp dụng cho môi trường bên ngoài nữa: có những mùa tốt mà cũng có những mùa xấu. Trong các liên hệ xã hội, cộng tác là tốt, mà cãi cọ, phản bội, rù quyến, sát nhân, và những điều tương tự, là xấu. Tuy thế, làm bậy thường dẫn đến thảm họa: thí dụ, tác phong phản bội thường dẫn đến cái chết thê thảm. Nhưng Berndt nhấn mạnh người ta nhìn nhận rằng ‘tốt’ và ‘xấu’, hợp luân và vô luân, thẩy đều là thành phần của cuộc sống. Chính các vĩ nhân dingari cũng có tốt có xấu. Thế giới vì thế là một pha trộn của hợp luân và vô luân, và phải được chấp nhận như thế. Đó quả là một cái nhìn hết sức thực tế và thực tiễn về cuộc sống trong thế giới này.

Vậy thì, ý niệm cứu độ hiểu như tha thứ tội khiên chẳng có ý nghĩa bao nhiêu đối với những người có thế giới quan như thế. Nhưng việc tiếp xúc với nền văn hóa khác, một nền văn hóa vừa hết sức khác biệt vừa được tôn vinh nhờ quyền lực lớn và kỹ năng kỹ thuật cao, có thể đưa lại những khai triển mau chóng đối với thế giới quan kia. Một trong những khai triển ấy có thể là việc sau cùng nhận ra rằng thế giới này không nhất thiết phải là một pha trộn tốt và xấu, nhưng có thể thay đổi căn để đến nỗi sau cùng cái tốt sẽ chiến thắng. Như vậy, người ta có thể bắt đầu hy vọng vào một tương lai cánh chung. Việc sống lại của Chúa Giêsu, ngay sau thảm kịch tử nạn của Người, có thể được nhìn như một đoan hứa và một đảm bảo cho tình thế hoàn toàn mới mẻ kia của sự vật, tức cuộc chiến thắng cuối cùng của cái tốt. Điều ấy có nghĩa là có thể có hy vọng được cứu độ nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

4. Cái Chết của Những Người Mamandabari

Người Thổ Dân rất tha thiết với cuộc sống; nhưng họ cũng ý thức rõ các thảm họa xẩy ra trên đời. Cả hai điểm ấy đều đã được minh họa trong huyền thoại của một sắc dân sa mạc khác, tức sắc dân Walbiri sống tại miền bắc Alice Springs (9). Đó là truyện ký Mộng Thời về hai người đàn ông Mamandabari, vốn xuất thân từ đỉnh đồi phía bắc lãnh thổ Walbiri, nhưng đã quyết định lên đường trẩy đi phương nam để truyền dạy các lễ nghi cho các dân tại đó. Về nhiều phương diện, trình thuật các kỳ công của họ cho thấy họ cũng chỉ là những người du hành bình thường: cũng đói và cũng cần kiếm lương thực, cũng mệt nhoài kiệt sức, bàn chân nứt nẻ vì cuốc bộ đường xa v.v... Tuy nhiên, họ cũng có những quyền lực siêu nhân, và có thể tạo ra cảnh trí. Họ ca ngợi đồng quê và những sinh vật gặp trên đường, như hát hò về những con galah đang ăn hạt, những con cú khổng lồ tận mắt thấy, những cây huyết gụ sừng sững, những cơn mưa buổi sáng, và những con rắn mầu thảm rực rỡ họ không dám tấn công. Cuối cùng, họ tới một địa điểm cách phía tây Alice Springs chừng 100 dặm; nhưng rồi cỏ cây càng ngày càng cao và rậm rạp hơn, khiến chân họ bị cứa thật sâu. Và cũng vì nhớ nhà nữa, nên họ tìm đường trở về. Càng gần tới nhà, họ càng kiệt lực. Tuy thế, vẫn thấy vui được gần lại quê hương, nên lại cất tiếng ca vang. Điều ấy đem lại đại họa. Vì lời ca ấy lọt tai bọn người chó rừng (dingo men), chúng bèn đuổi theo họ. Hai người đàn ông Mamandabari nghe tiếng chó hú nhưng khởi đầu chẳng mấy quan ngại; rồi khi thấy tình thế nguy ngập, họ ráng tìm đường thoát thân, bằng cách dùng sức siêu nhân bay qua không khí. Nhưng vì quá mệt mỏi, họ lại phải xuống đất và tìm đường tháo chạy. Chẳng mấy chốc bọn chó rừng đuổi kịp, xé xác họ từng mảnh. Trái tim của họ bị hất tung lên trời và khi rơi xuống đất đã trở thành hai hòn đá lớn. Bọn chó rừng lặng lẽ rút lui, nhưng hành động tàn ác của chúng đã bị con budgerigar tí hon đang đậu trên cây nhìn thấy. Con budgerigar than khóc cái chết của họ, và sau đó đi khắp xứ thuật lại sự việc đã xẩy ra.

Đại cương truyện kể của huyền thoại là như thế. Ta muốn nhấn mạnh đến bốn khía cạnh của câu truyện.

(i) Thứ nhất là việc ca tụng sự sống đã được huyền thoại diễn tả qua những nét kỳ thú của đồng quê mà hai người đàn ông đã được tận mắt thấy nơi các giống vật và hoa cỏ.

(ii) Thứ hai, hai người đàn ông lên đường chia sẻ các hiểu biết của họ nghĩa là dạy dân biết lễ nghi tôn giáo. Các lễ nghi này rất quan trọng đối với người Walbiri.

(iii) Thứ ba, cuộc hành trình của họ đã kết thúc cách bi thảm, và mặc dù cái chết của hai người xem ra chỉ là do bất hạnh, nó vẫn được coi như là hậu quả do sứ mệnh giảng dạy của họ gây ra.

(iv) Cuối cùng, ta thấy có một hàm ý đề cập đến một sự sống tiếp nối: trái tim hai người đàn ông giờ đây trở thành hai tảng đá, nghĩa là trở thành thành phần của cảnh trí (10).

Ta có nhìn ra những điểm tương tự giữa truyện này và trình thuật của Tân Ước về cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu không? Ta nên lưu ý rằng Chúa Giêsu là người yêu sự sống và cảnh đồng quê. Người là một bậc thầy tôn giáo, đã dùng các dụ ngôn và lời giảng dạy khác để đem sứ điệp của Thiên Chúa đến cho người ta. Hậu quả sứ vụ ấy là cái chết thê thảm. Xét theo ba khía cạnh ấy, ta thấy có những điểm song hành với huyền thoại Mamandabari. Đàng khác, các điểm tương tự trên cũng cho thấy khía cạnh cứu độ học: việc ca tụng sự sống đem lại cho con người niềm hy vọng và sự khích lệ; kiến thức tôn giáo do nó chuyên chở đưa lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời: và cái chết trong cả hai trường hợp đều cho thấy cái giá phải trả khi phục vụ con người.

Tuy nhiên nếu nói đến sự sống bên kia cái chết, hình như có khác biệt lớn. Sự sống lại của Chúa Giêsu là một biến cố cánh chung, khởi đầu cho việc biến cải thế giới này, một cái gì hoàn toàn mới. Trái lại, trái tim của hai người đàn ông Mamandabari, vốn là những vĩ nhân của Mộng Thời và do đó là thành viên của thời kỳ sáng tạo ra thế giới, các trái tim ấy đã trở thành một phần của cảnh giới, nghĩa là một phần của thế giới mà ta biết ngày nay. Như thế, huyền thoại về họ quan tâm đến khởi thủy thế giới chứ không quan tâm đến sự biến cải nó thành một cái gì mới mẻ.

5. Punji như Hiến tế?

W.E.H. Stanner, một trong những nhà nhân chủng học da trắng viết về tôn giáo Thổ Dân, đã bàn một cách sâu rộng đến lễ nghi nhập môn (initiation) của người Murinbata, là sắc dân sinh sống tại khu vực Cảng Keats, thuộc Lãnh Thổ Bắc Úc (11). Nghi lễ ấy có tên là nghi lễ Punji, và là nghi lễ thứ ba trong một loạt nghi lễ các thiếu niên trong vùng phải lãnh nhận. Khi lên 16 hoặc lớn hơn, các thiếu niên này phải cảm nghiệm một buổi lễ hết sức cảm động với mục đích giúp chúng trở thành những con người hiểu biết, nghĩa là những con người có thể giao tiếp được với những huyền nhiệm sâu xa. Buổi lễ này diễn ra trong nhiều ngày và đem lại một hiệu quả dứt khóat trên các thiếu niên và cuộc sống của chúng.

Trong nghi lễ Punji, các thiếu niên được dẫn ra khỏi trại chính, và, có thể nói, bị tước mất hết nhân tính: chúng không được gọi bằng tên riêng nữa, bị lột hết áo quần và tư trang, và người ta coi chúng như những mảnh thịt thú không hơn không kém. Người ta cho chúng hay chúng sẽ bị ‘Mụ Già’ (hay ‘Bà Mẹ Muôn Người’) nuốt trửng và mửa ra và ở đỉnh cao của nghi lễ, người ta cho chúng xem biểu tượng của ‘Mụ Già’. Sau cùng, chúng được phép trở về trại mình vẽ đầy những hình tượng sặc sỡ cổ truyền. Chúng đã bước vào trạng thái mới của cuộc đời và nghi lễ ấy bảo đảm rằng các truyền thống thánh thiêng của dân Murinbata phải được truyền lại cho thế hệ sau. Đó là những nét hết sức đại cương về một nghi lễ xem ra cực kỳ phong phú, phức tạp, có tính nghệ thuật và hết sức cảm động.

Stanner làm người ta chú ý khi cho rằng nghi lễ trên có thể hiểu theo ý niệm hy tế (sacrifice). Mặc dù người Murinbata không can dự vào điều có thể gọi là các hình thức minh nhiên của hy tế tôn giáo, nhưng theo Stanner, người ta vẫn tìm thấy các yếu tố của hy tế tôn giáo trong nghi lễ Punji. Vì theo ông, hy tế tôn giáo có những diễn trình như sau: một cái gì có giá trị được tách riêng ra khỏi việc xử dụng thông thường, được hiến tế (qua sát tế hay hủy diệt), và sau đó được trả về cho người hiến tế sau khi bản chất của nó đã thay đổi, và được mọi người chia sẻ với nhau để được ơn ích. Như thế, có sự tách riêng ra, sự hiến tế qua sát tế (immolation), sự biến đổi, và sự trả về cho người dâng, để đem ích lợi lại cho họ.

Trong nghi lễ Punji, các thiếu niên được tách riêng ra, được sát tế một cách tượng trưng, được biến đổi thành những người trưởng thành, và sau đó được trả về với cộng đoàn. Ở đây, Stanner nhận ra ‘những nét tiêu biểu của hiến lễ’ (lineaments of sacrifice).

Rõ ràng ở đây ta thấy có chết và sống lại; và người ta không khỏi nhớ lại cách giải thích của Thánh Phaolô về nghi thức khai tâm Kitô giáo: trong Phép Rửa, ta chết với Chúa Kitô và được an táng với Người, để cũng như Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết thế nào, ta cũng được sống sự sống mới như thế (Rm 6:1-11). Nghĩa là có chết, có biến đổi (12). Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc chết cho tội và sống lại trong đời sống ơn thánh. Trong nghi lễ Punji, chết là chết cho ngu dốt và cái hời hợt của tuổi thiếu niên, và sống lại là sống cho cuộc sống hiểu biết huyền nhiệm. Cả hai trường hợp, ta đều thấy có sự biến đổi qua một lối sống mới ở đời này, một lối mới để sống cuộc sống lịch sử. Như thế, cứu độ học là ở đời này. Nhưng lẽ dĩ nhiên, Phép Rửa cũng nhìn tới một hoàn tất có tính cánh chung học trong một thế giới ở bên kia thế giới này.

6. Đức Kitô chịu thống khổ trong đất và con người

Trong cuốn Thần Học Thần Trí Cầu Vồng (Rainbow Sirit Theology), một nhóm các nhà lãnh đạo Kitô giáo Thổ dân đã làm một cuộc suy tư thần học chung quanh vấn đề thế nào là một Kitô hữu Thổ Dân? (13). Các suy nghĩ của họ đặt trọng tâm ở sự quan trọng của đất. Trong chương 4 tựa là ‘Đất và Khóc’, họ viết đầy xúc động về nỗi thống khổ của chính đất, của Thần Khí Sáng Tạo, và của người Thổ Dân, do cuộc xâm lăng của người Âu Châu tạo ra. Đó là một chương cực kỳ mạnh mẽ, diễn tả nỗi đau đớn đến hấp hối của người Thổ Dân khi thấy mảnh đất thân yêu của họ bị giầy xéo, lễ nghi và truyện ký của họ bị lãng quên, các di tích thắng cảnh của họ không duy trì được, chủ quyền đất đai bị tước hết, họ không còn quyền chăm sóc nó, đất đã mất hết khả năng sinh sôi hoa mầu và cầm thú, dòng máu Thổ Dân loang lổ và đất mất hết tính thánh thiêng, tội ác đối với tổ tiên họ bị che đậy và không được ai nhìn nhận, các hy sinh của tổ tiên họ không được ai tưởng nhớ, các liên kết giữa người và đất đã bị bẻ gẫy, gia đình tan tác, toàn tộc người Thổ Dân trở thành nô lệ cho văn hóa Phương Tây. Đó là lý do khiến cho đất, người và Thần Khí Sáng Tạo phải khóc than.

Trong chương 5 tựa là ‘Đất và Đức Kitô’ và chương 6 tựa là ‘Đất và Hòa Giải’, Đức Kitô đã được miêu tả như vị cứu tinh và giải phóng đất và tộc người Thổ Dân. Đoạn ta muốn nhấn mạnh chính là chương 6, trong đó các tác giả khẳng định rằng Đức Kitô xưa chịu đau khổ trên thập giá nay vẫn tiếp tục đau khổ với đất và người của đất.

Chính cái hình ảnh Đức Kitô như mảnh đất đang đau khổ và như tộc người Thổ Dân đang đau khổ này là điều ta muốn thảo luận bây giờ.

7. Đức Kitô Chịu Đóng Đinh

Theo nhiều người, đối với Kitô hữu Úc da trắng, tộc người Thổ dân đang đau khổ và mảnh đất bị chà đạp, băng hoại và hủy diện của họ chính là biểu thức mạnh mẽ của Đấng Kitô chịu đóng đinh. Có lẽ những thực tại ấy lập thành hình ảnh có ý nghĩa nhất về Đức Kitô trong suốt lịch sử 200 năm của Úc. Cam kết với Đức Kitô đóng đinh cũng có nghĩa là cam kết với những thực tại ấy. Và vì đức tin của ta khẳng nhận rằng theo một đường lối nhiệm mầu, ta được Đức Kitô chịu đóng đinh chữa lành cho thế nào thì người Úc da trắng cũng cần được tộc người Thổ Dân đau khổ và mảnh đất bị chà đạp của họ chữa lành cho như thế.

Nhưng đối với chính tộc người Thổ Dân, việc họ và mảnh đất của họ là Đức Kitô chịu đóng đinh ngày nay có nghĩa lý gì? Ở đây, ta, với tư cách một người Úc da trắng, ta rất ngần ngại cho ý kiến, chỉ xin góp hai gợi ý.

(i) Thứ nhất, khi Kitô hữu chịu đau khổ, họ thường được an ủi một cách mầu nhiệm khi nhìn thấy cây thánh giá. Trong họ, có những ý nghĩ đại loại như sau: Chúa Giêsu biết việc này ra sao, Người đã sống qua nó, Người là bạn đồng hành dù mọi người khác đều quay mặt ngoảnh đầu. Cây thánh giá diễn tả mạnh mẽ lòng xót thương của Chúa, và cảm nghiệm được lòng xót thương của Chúa là cảm nghiệm được sự chữa lành.

(ii) Thứ hai, một cách nghịch lý, trong đau khổ, nhất là đau khổ oan uổng, có sức mạnh phi thường hướng tới sự thiện. Dĩ nhiên, việc đóng đinh của Chúa Giêsu là thí dụ điển hình nhất. Nhưng muốn cho sự đau khổ kia thực sự có hiệu quả tốt, nó phải được tưởng nhớ và cử hành. Do đó, điều quan trọng là sự đau khổ của người Thổ dân và mảnh đất của họ phải được tưởng niệm luôn luôn, để cái sức mạnh chữa lành đầy huyền nhiệm của nó đem lại sự hoà giải cho đất nước ta. Nói theo Isaia 53:5, chính qua sự đau khổ của người Thổ Dân, khi sự đau khổ ấy được nhìn nhận và cử hành, toàn bộ đất nước này sẽ được hàn gắn chữa lành. Việc chữa lành, hoà giải này sẽ đem lại phúc lành cho người Úc cả Thổ Dân lẫn không Thổ Dân.

8. Sống Lại

Sau cùng, có sống lại – và chỉ dưới ánh sáng của sự sống lại, ta mới tin vào sức mạnh chữa lành của cây thánh giá. Sống lại là một đạo lý khó chấp nhận. Trong dân Do Thái, phái Sa-đốc không tin đạo lý ấy (xem Mc 12:18). Theo Công Vụ chương 17, các triết gia thông thái của Athens kiên nhẫn chăm chú nghe Thánh Phaolô thuyết giảng, đến khi ngài nhắc đến việc Chúa Giêsu sống lại, thì họ cười nhạo ngài. Cho nên không lạ nếu ta thấy người Thổ Dân tỏ ra khó tin đạo lý này.

Thực sự ra, đạo lý ấy khá ngược lại thế giới quan của họ. Sống lại là một biến cố cánh chung học, khởi sự một tình trạng mới mẻ cho gia đình nhân loại. Sự sống lại của Chúa Kitô đảm bảo sự sống lại của ta (1 Cor, 15). Kitô hữu mong chờ trong hy vọng việc xuất hiện một thế giới mới (Rm 8:18-25). Ngược lại, tư tưởng truyền thống của Thổ Dân chú trọng đến Mộng Thời (Dream Time); và các huyền thoại thuật lại thế giới như ta thấy bây giờ đã được làm nên ra sao, qua các sinh hoạt của các vĩ nhân. Tư tưởng Thổ Dân như thế có thể gọi là sáng thế luận (protological), hơn là thế mạt luận. Thế giới phải được bảo tồn trong trạng thái hiện nay, bởi vì trạng thái ấy đã được thiết lập một lần cho mãi mãi từ buổi Mộng Thời muôn thuở.

Tuy nhiên, cuộc xâm lăng của người Âu Châu đã gần như xé nát thế giới quan ấy rồi. Ngày nay, thế giới của phần đông người Thổ Dân đã khác xa thế giới của cha ông họ cách nay hai thế kỷ. Ở đây ta thấy một thách đố lớn lao đối với văn hóa Thổ Dân: giáp mặt với cơn khủng hoảng về tình thế mới này, và làm thế bằng cách phát triển thế giới quan truyền thống, hơn là bỏ rơi nó để chấp nhận thế giới quan rất khác biệt của kẻ xâm lăng. (Ta nhớ lại thách đố của những người lưu đầy Do-Thái xưa bên Babylon vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên: họ đã khai triển được những quan điểm thần học để đương đầu được một tình thế hoàn toàn mới lạ). Lịch sử của Chúa Giêsu có thể giúp người Thổ Dân trong vấn đề này: Người là đấng yêu đời, đã bị đóng đinh, và sống lại, như thế khai mở một cái gì hoàn toàn mới. Việc sống lại của Người đem lại hy vọng cho tương lai thế giới. 9. Một Cứu Độ Học Thổ Dân? Ở đầu bài viết này, ta đã trích dẫn công thức cứu độ học buổi đầu của Kitô giáo từng được Thánh Phaolô xử dụng khi viết cho tín hữu Côrintô: ‘Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta’. Hiển nhiên công thức này, dù phản ảnh kinh nghiệm và nhu cầu của các Kitô hữu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, vẫn là điều thiết thân đối với các Kitô hữu mọi thời, ít nhất cũng một cách nào đó.

Dĩ nhiên, người Thổ Dân dù trước hay sau thời bị xâm lăng cũng đều được bao gồm trong lời khẳng định tổng quát của Thánh Phaolô về tình trạng có tội của toàn thể gia đình nhân loại: ‘Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa’ (Rm 3:23). Quả không đúng khi cho rằng người Thổ Dân trước năm 1988 sống một đời sống trong trắng vô tội. Nhưng dù lúc đó tình trạng có tội của họ được diễn tả dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì cuộc diện cũng đã thay đổi một cách căn để từ ngày người Âu Châu đặt chân đến đây. Xã hội Thổ Dân bị phá vỡ ồ ạt đưa đến nhiều tác phong hủy hoại. Trong những hoàn cảnh như vậy, cây thánh giá, vốn vừa nói lên thực tại tội lỗi vừa miêu tả sự chắc chắn được tha thứ, quả mang đầy ý nghĩa và ủi an sâu xa.

Nhưng như ta đã nói, tha thứ tội lỗi chỉ là một trong những khía cạnh của cứu độ học Kitô giáo. Các khía cạnh khác của cứu độ học cũng đã được Kinh thánh đề cập đến, như giải phóng khỏi áp bức, chữa lành tật bệnh, loan báo tin vui cho người nghèo. Như vậy làm thế nào để đưa ra được một cứu độ học vừa hòa hợp được với các truyền thống tôn giáo Thổ Dân, vừa phản ảnh được tình thế người Kitô hữu Thổ Dân ngày nay? Xin mạo muội đưa ra một số gợi ý sau đây: Chúa Giêsu, vị Vĩ Nhân Tối Cao của Mộng Thời, đã chia sẻ với ta lòng khát sống đến tròn đầy của Người, nhưng là sống trong khuôn khổ những giới hạn của một thế giới do chính Người tạo nên. Bằng lời và gương sáng, Người dạy ta phải sống cuộc sống nhân bản ra sao. Người chữa lành và đem hy vọng lại cho người đương thời của Người. Người hưởng đủ mùi hân hoan và sầu khổ, và đã chết trong đau đớn và nhục nhã chỉ vì trung thành với cái nhìn của mình. Người đồng nhất với ta trong yếu đuối và thất bại, và đảm bảo với ta rằng mọi tội lỗi của ta đều được tha thứ. Việc chịu đóng đinh của Người cho thấy rõ cái ghê gớm của tội lỗi con người và sự vô lường của tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chịu đóng đinh dạy ta rằng sầu khổ và chết chóc không phải là vô ích, nhưng mang đầy ý nghĩa và là nguồn suối sự sống mới. Người chỗi dậy từ cõi chết và cho ta hy vọng về một thế giới mới, một thế giới trong đó công lý và tình thương sẽ trổi vượt. Người đang sống trên đất nước và giữa đồng bào ta, và trong việc ta cử hành về Người.

Chú thích:

1. Đăng trong Austtralasian Catholic Record tháng 4 năm 1998, pp. 184-194: ‘Christology and Aboriginal Religious Traditions’

2. Có người đã chỉ cho ta hay trong Phúc Âm Thứ Tư rõ ràng có sự liên hệ giữa việc Lagiarô sống lại với quyết định bắt giam Chúa Giêsu (Ga 11:45-55).

3. Dĩ nhiên, trong bối cảnh Cựu Ước, việc cứu độ của Chúa có bao hàm ơn tha tội (xem Tv 51 {50}).

4. Quả thật một số đoạn trong Phúc Âm có trình bầy Chúa Giêsu kêu gọi người ta sám hối như Mc 1:15; Mt 11:20-24. Nhưng thử hỏi liệu lời kêu gọi ấy có nhằm nói với người nghèo và bất hạnh trong xã hội của Người hay không? Nếu Chúa Giêsu đã từng đòi hỏi ‘các viên thu thuế và người tội lỗi’ phải lập tức và căn để thay đổi lối sống của họ, thì phe Biệt phái đâu còn căn bản để chỉ trích việc Người liên kết với họ (xem Lc 15:1-2). Đàng khác, trong dụ ngôn, người nghèo khó Lagiarô, sau khi chết, được ngồi vào lòng Abraham cho thấy anh ta được tưởng thưởng vì những việc tốt đã thực hiện – chỉ do vì anh ta nghèo và bị từ bỏ (Lc 16:19-31). Như thế, rõ ràng sám hối chưa chắc đã là chủ đề biệt loại trong giáo huấn của Chúa Giêsu – ít nhất là trong giáo huấn của Người đối với người nghèo và người bị ruồng bỏ. Điều ấy không có nghĩa là Chúa Giêsu không quan tâm đến đức hạnh con người; Người dứt khóat là một bậc thầy về luân lý. Tuy nhiên trong lời Người giảng dạy những kẻ bất hạnh, xem ra Người chỉ muốn nhấn mạnh đến việc hứa hẹn Nước Trời hơn là đến việc kêu gọi sám hối.

5. Ở đây ta theo quan điểm của Tony Swain trong cuốn sách của ông tựa là A Place for Strangers (Cambridge Univ. Press, 1993). Xem các trang 128-9 và 189. Theo Swain, không có vấn đề người Thổ Dân thụ động chấp nhận các ý niệm tôn giáo từ bên ngoài, trái lại họ đã và đang cố gắng tích cực thích ứng thế giới quan của họ vào các tình huống mới.

6. Nữ tu Margaret Hill, IBVM, đã gợi ý cho ta một cách khác để có thể hiểu quan niệm của Thổ Dân về tội như một sự xúc phạm. Thế giới như ta biết ngày nay, với thung lũng và đồi nương, sông ngòi và đất đá, đã được tạo dựng trong Mộng Thời, qua hành động tạo dựng của các vĩ nhân Mộng Thời. Không bảo tồn trái đất theo cách nó đã được khuôn định bởi các Vĩ Nhân Mộng Thời – thậm chí còn làm cho các nét thanh tú của nó ra què quặt – phải được hiểu là hành vi xúc phạm đến chính Mộng Thời. Và Mộng Thời không vô bản vị; đúng ra, Mộng Thời bao gồm các hành động của các Vĩ Nhân của nó. Hiểu như thế, người ta có thể nói đến một thứ ‘tội xúc phạm đến trái đất’ (earth-sin): cả theo nghĩa bỏ sót (omission) qua việc con người lãng quên không chăm sóc trái đất lẫn theo nghĩa gia phạm (commission) qua hành động phá hủy của họ. Một quan niệm về ‘tội xúc phạm đến trái đất’ như thế quả hết sức nhất quán với tầm quan trọng lớn lao của đất đối với người Thổ Dân.

7. Deborah Bird Rose, trong bài báo tựa là ‘The Saga of Captain Cook: Morality in Aboriginal and European Law’ (Australian Aboriginal Studies, 1984, số 2, các trang 24-39), đã giải thích rất hay về điều bà gọi là ‘bốn nguyên tắc’ tạo thành căn bản cho luân lý học của sắc dân Yarralin vùng Bắc Úc. Bốn nguyên tắc đó là: cân bằng, cân đối, tự lập và đáp ứng. Những nguyên tắc này chính là những nguyên tắc vũ trụ (thí dụ chúng cũng đúng cho cả nắng lẫn mưa), và nếu những nguyên tắc ấy được tuân theo, thì vũ trụ chắc chắn được bảo tồn. Mục tiêu tối hậu của toàn bộ hệ thống vũ trụ là chắt chiu chăm sóc sự sống.

8. In trong R.M. Berndt (chủ biên) Australian Aboriginal Anthropology, Nedlands, University of W.A. Press, 1970, các trang 216-47; in lại có sửa chữa trong M. Charlesworth và những người khác (chủ biên) Religion in Aboriginal Australia, University of Queensland Press, 1984, các trang 174-211. Cũng nên xem bài của R.M. Berndt ‘A Profile of Good and Bad in Australian Aboriginal Religion’ trong Colloquium, Bộ 12, 1979, các trang 17-32.

9. Xem M.F. Meggitt, ‘Gadjari among the Walbiri Aborigines of Central Australia’, Oceania, Chuyên Khảo Số 14, University of Sydney, 1966, đặc biệt các trang 5-22. Cũng nên xem M.J. Meggitt, Desert People, University of Chicago Press, 1962. 10. Cha Robin Koning S.J., người đã làm việc ít năm tại Wirrumanu (Balgo) phía Đông Kimberleys, đã giúp rất nhiều trong việc chuẩn bị viết bài này, và đặc biệt trong phần này. Trong bối cảnh so sánh giữa huyền thoại này và trình thuật của Phúc Âm về Chúa Giêsu, ngài cũng còn nhận xét rằng hai người đàn ông Mamandabari, một cách nào đó, vừa là thường nhân vừa là ‘siêu nhân’.

11. Xem W.E.H. Stanner, On Aboriginal Religion, Oceania, Chuyên khảo 36, University of Sydney, 1989, nhất là chương 1, ‘The Lineaments of Sacrifice’.

12. Ít năm trước đây, có một chương trình truyền hình do Đài SBS chiếu, tựa là ‘Mission Accomplished?’, về các xứ bộ truyền giáo của Kitô giáo nơi người Thổ Dân. Chương trình đó có chiếu một phần về nghi lễ rửa tội của Công giáo do Phó tế Boniface Perdjert cử hành tại Cảng Keats, Bắc Úc. Cha John Leary MSC giải thích nghi lễ ấy như một cố gắng ‘bản vị hóa’ (hội nhập văn hóa) bí tích Kitô giáo, dựa trên nghi thức khai tâm thanh thiếu niên của người Thổ Dân.

13. Harper Collins, Religions, Melbourne, 1997.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chào Mùng
Diệp Hải Dung
00:29 14/07/2008

CHÀO MỪNG



Ảnh của Diệp Hải Dung – Australia.

“Được kêu gọi để làm chứng”.

Chào mừng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Australia!

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền