Ngày 13-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chuyện tình người Samari thời hiện đại
Lm Nguyễn Xuân Trường
05:13 13/07/2019
Gian nan mới biết bạn hiền

Đạo dạy “mến Chúa yêu người”; Đời cũng nói về chuyện yêu đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông. Nhưng dường như tình yêu đang bị hiểu sai.

Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu kể dụ ngôn người Samari nhân hậu như câu trả lời thế nào là tình yêu thực sự: Yêu là quên mình đi để dấn thân chăm lo (take care) cho người khác. Gặp người bị cướp lột sạch và đánh nhừ tử nửa sống nửa chết, người Samari liền động lòng trắc ẩn. Ông không hề nghĩ đến bản thân mình sẽ bị liên lụy rắc rối, thậm chí có thể gặp nguy hiểm mất mạng không chừng. Ông chỉ nghĩ đến nạn nhân, ông lao vào làm mọi cách chăm sóc, cứu giúp nạn nhân. Thật đúng là: lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai! Chính những hành động tỏ lòng thương xót cụ thể đã khiến Chúa Giêsu lấy ông làm tấm gương cho mọi người noi theo, làm theo ông.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy: Yêu nhau thật sự thì người ta luôn muốn làm điều gì đó cho người yêu hạnh phúc. Thế nên, để trắc nghiệm tình yêu trong đời sống đạo thì không chỉ hỏi: Bạn có yêu Chúa, yêu Giáo Hội không? Mà cần hỏi: Bạn đã LÀM gì để chứng tỏ mình yêu Chúa, yêu Giáo Hội? Ai đó đã nói: Tôi có một quả táo, chia cho bạn một nửa, đấy là tình bạn. Tôi chỉ ăn một miếng, còn lại đưa cho bạn, đấy là tình yêu. Tôi không ăn miếng nào mà đưa ngay cho bạn hết, đấy là tình cha mẹ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có một tấm lòng trắc ẩn, một trái tim thương xót, để trái tim ấy thúc đẩy chúng con LÀM những nghĩa cử yêu thương cụ thể cho gia đình, cho bạn bè, cho Giáo hội, cho xã hội, và mọi người xung quanh. Amen.


Chuyện tình người Samari thời hiện đại

Trời mùa hè nóng nực. Chàng trai Samari đang phóng con xe thể thao mui trần lao vun vút, bỗng thấy một đám đông xúm đen xúm đỏ bên đường. Chàng xuống xe tiến lại xem có chuyện gì. Trời ơi, một nàng thiếu nữ bị tai nạn máu me bê bết, sắp chết đến nơi. Đám đông cố chen lấn chỉ để xem và xì xèo bàn tán, chả ai động đậy giúp cô gái một tay. Thực ra cũng có mấy kẻ động tay vào cô gái nhưng không phải là để giúp mà là nhanh tay tháo dây chuyền, chôm chiếc Iphone của cô. Thật là khốn nạn!

May thay, xã hội còn có người tốt. Chàng trai Samari đã ra tay nghĩa hiệp, lại gần nhẹ nhàng rửa vết thương sơ cứu, cẩn thận thận băng bó, rồi bế nàng lên xe chở tới bệnh viện.

Không đang tâm để nàng một mình khi hoạn nạn. Chàng ở lại chăm sóc nàng. Ngày tháng trôi qua, nhờ sự chăm sóc tận tình “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” của chàng, nạn nhân hồi phục như có phép lạ: từ 1 cô gái dở sống dở chết giờ trở nên 1 cô gái tươi trẻ hồng hào. Cô gái Itraen cảm kích trước lòng tốt hiếm có trên đời của chàng trai Samari. Thế rồi họ phải lòng nhau, yêu nhau say đắm, hoạn nạn lại hoá thành hoan lạc, thiếu nữ Itraen đã cưới chàng trai Samari làm chồng. Và nhờ ơn Chúa, họ sống hạnh phúc bên đàn con cháu đến đầu bạc răng long./.

Bắc Ninh VN
 
Yêu thương : quy luật của muôn đời
LM. Trương Đình Hiền
11:46 13/07/2019
YÊU THƯƠNG: QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI

(Chúa Nhật 15 thường niên C 2019)

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước (năm 1978), trong thế giới cọng sản Liên Sô đang thời “vàng son ý thức hệ”, đã xuất hiện cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nodar Dumbadze người Georgia được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI”, đã trở thành một “hiện tượng văn hoá” khá hi hửu, một “best-seller” thu hút rất đông số độc giả, nhất là giới trí thức trẻ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Bởi chưng, cái kết luận và cũng là “luận đề cơ bản” của cuốn tiểu thuyết nầy đó là: cuộc nhân sinh của kiếp người bị chi phối bởi cái “QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI” mà cốt yếu đó là “YÊU THƯƠNG GIÚP ĐỠ LẪN NHAU”[1].

Đối với những con người bị trói buộc lâu ngày trong cái gông cùm “ý thức hệ cọng sản của Mác-Lê”, lấy chủ trương “đấu tranh giai cấp” làm phương hướng hành động, chọn bất cứ phương tiện nào, cho dù là khủng bố, chiến tranh, tiêu diệt… để đạt được mục tiêu “chuyên chính vô sản”…thì quả thật, việc xuất hiện một ấn phẩm mang chủ đề “BÁC ÁI, YÊU THƯƠNG” nhuốm màu nhân sinh quan Kinh Thánh của Kitô giáo, nếu không là “văn hoá phản động”, thì cũng là một chuyện thuộc loại “xưa nay hiếm” !

Nhưng, đối với chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa và được Lời Chúa nuôi dưỡng, hướng dẫn, khải thị…thì “BÁC ÁI YÊU THƯƠNG” chính là “quy luật nền tảng” được khắc ghi rõ ràng trong Kinh Thánh từ mấy ngàn năm trước và lưu truyền cho đến mãi hôm nay và ngàn sau.

Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, một tín đồ Do Thái và cũng là một nhà thông luật đã trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" như sau: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". (Lc 10,25-28)

Thực ra, câu trả lời trên đã bao gồm quy luật cốt yếu: MẾN CHÚA-YÊU NGƯỜI, mà trong một hoàn cảnh khác được các Tin Mừng Nhất lãm thuật lại, chính Chúa Giêsu đã trưng ra hai trích đoạn Lời Chúa xác định luật về mến Chúa và yêu người để “bịt miệng” các anh biệt phái đến chất vấn Ngài về luật Mô-sê (Mt 22,34-40) như sau:

- Mến Chúa: Trích sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” (Đnl 6,5).

- Yêu người: Trích sách Lê-vi: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Lv 19,18).

Bài đọc 1 với trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, nhà lãnh đạo và lập pháp Mô-sê đã nhấn mạnh với cộng đoàn dân Ít-ra-en tầm quan trọng thiết thân của quy luật nền tảng nầy và là một đòi hỏi thực hiện dứt khoát, cụ thể. Đây không là một thứ quy luật mang tính trừu tượng, viễn vông, xa rời cuộc sống, mà là “Lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi"; và chính vì thế, không thể vin vào lý do nầy hay lý do khác để tránh né, loại trừ, mà phải: “tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi.”.

Thật ra, khi tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, thì đồng thời, Thiên Chúa cũng đặt để trong chính bản tính con người khả năng yêu thương, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Tuy nhiên, con người đã đánh mất cái bản chất tốt đẹp thiêng thánh đó khi “đứng lên chống lại thánh ý Chúa” để “tự do, tự tung tự tác với cái tôi của mình”. Và từ đó, tội lỗi, sự hận thù, ghen ghét đã nhập vào thế gian mà vụ án “Cain giết em là Abel” như là một chứng từ rõ nét, để tiếp sau đó, máu và nước mắt đã tràn lan khắp địa cầu…

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền lực của tội lỗi và sự chết. Ngài đã quyết định mở ra “Chương Trình Cứu Độ” mà đích điểm và trọng tâm chính là Con Một yêu dấu của chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16).

Vâng, chính Đức Kitô là Đấng đã vâng lệnh Chúa Cha vào đời dạy cho người ý thức bản chất “yêu thương” là của riêng con người và đồng thời chứng thực tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua chính con người, cuộc đời, nhất là cái chết và sự sống lại của Người, như cách xác nhận của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư Côlôsê vừa mới được công bố:

“Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; (…). Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.” (Cl 1,15-20).

Đặc biệt, Đức Kitô còn cho thấy rõ: giáo huấn về bác ái yêu thương của Ngài luôn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, chứ không phải chỉ là những kiến thức và khái niệm “hay” nhưng chỉ để trong ngăn kéo, trên các bệ thờ. Không, yêu thương phải là hành động, bác ái phải là cụ thể, như cách Ngài dụ ngôn qua câu chuyện “Người Samari nhân hậu”.

Với “dụ ngôn nầy”, trước hết, Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn ý thức thân phận “bị cướp giật, bị thương tích đầy mình, bị bỏ rơi bên đường…” của chính chúng ta; và rồi, chính Chúa Giêsu là “Người Samari nhân hậu’ đã tìm gặp, cứu thoát và đem chúng ta vào “quán trọ Hội Thánh” để chăm sóc, chữa lành[2]…! Chúng ta không được quên lãng “hồng ân cứu độ” cao cả nầy. Và một khi đã trở nên “Người Samari nhân lành” theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh, chúng ta sẽ nhận ra “ai là người thân cận của mình” để sẵn sàng yêu thương phục vụ.[3]

“Thiên Chúa là tình yêu” và vì thế, "Ðạo Chúa là đạo tình yêu". Thiên Chúa thương chúng ta như người cha thương lo cho con cái. Chúng ta cũng phải yêu mến Người với tình con thảo, và thương mến anh em như chính mình. Chúa Giêsu đã hiện thực hóa tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người cách trọn hảo qua cuộc nhập thể làm người và nhất là qua cuộc tự hiến trên thập giá.

Hôm nay trên muôn nẻo đường thế giới, đang có mặt đầy dẫy những thân phận người “bị cướp” và cũng đầy dẫy những hạng người vô cảm, “sợ bị lấm tay”, sợ phải phiền luỵ…. Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy để Lời Chúa biến chúng ta thành khí cụ của tình yêu và biến chúng ta thành anh em của mọi người, nhất là của những ai đau khổ, bất hạnh.

Bài học “trở thành người Samari nhân hậu”, hay bài học “nhận ra người anh em” quả thật, không có điểm dừng. Xin Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ mang theo sau khi tham dự “Bàn Tiệc Thánh” sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường và đốt nóng trái tim chúng ta để luôn biết sẵn sàng thực thi “quy luật của muôn đời”: “cúi xuống, rửa chân và yêu thương phục vụ”.

Trương Đình Hiền

[1] Nodar Dumbadze, QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI. Bản dịch của Phạm Mạnh Hùng. NXB Văn học tháng 9 năm 1984. Chương 20:

- Hai tháng trong bệnh viện của giáo sư là thời gian tôi có được những khám phá kì lạ!

- Đồng chí khám phá được cái gì kì lạ đến thế kia?

- Một quy luật của muôn đời.

- Hừ...ừm... Nếu vậy thì quy luật đó phải có dạng một công thức nào đó, phải thế không?

- Tất nhiên rồi!

- Có thể đồng chí sẽ cho tôi biết công thức ấy chứ? Tôi cam đoan với đồng chí rằng tôi không có ý định chiếm đoạt nó hay nhận mình là đồng tác giả! - Giáo sư nói đùa.

- Thưa giáo sư Nôđa Grigôriêvits, thực chất của quy luật ấy là thế này... Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống...

Nguồn: https://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2015/08/quy-luat-cua-muon-oi-nodar-dumbadze-ch_3.html

[2] “qua lăng kính thần học, Lm. Charles E. Miller đã chia sẻ rằng, “Tội lỗi ‘mai phục’ trên đường đi của nhân loại, chực tước đoạt nhân phẩm của chúng ta, trấn lột chúng ta và cướp đi ân điển của Thiên Chúa. Tội đánh đập ta nhừ tử, rồi bỏ mặc ta dở sống dở chết. Chúa Giêsu đến nâng ta dậy, không phải để đặt lên lưng một con vật nào đó, mà là lên vai của Người và đưa ta về nhà Giáo Hội. Nơi đây, chúng ta được chăm sóc cho đến lúc Người lại đến trong vinh quang trong ngày chúng ta được sống lại”. Vâng, là một Kitô hữu, chúng ta chẳng khác gì người lữ khách đi trên con đường về Trời-Mới-Đất-Mới. Vẫn còn đó, những “bọn cướp” tìm đủ mọi cách để cướp đi cuộc-sống-đức-tin của chúng ta, bằng những chủ thuyết vô thần lừa lọc và dối trá, bằng những thú đam mê dục vọng, bằng tiền tài danh vọng, bằng một nền văn hóa sự chết. Vì thế cho nên, đừng rời xa Giáo Hội, nơi mà “Nhờ máu (Chúa Giêsu) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an” cho chúng ta, sự bình an đó giúp chúng ta có thể vững tin để trở nên “người Samari nhân lành”. Một khi chúng ta trở nên “người Samria nhân lành”, dù ở một lãnh vực nào, ở một ơn gọi nào, chúng ta vẫn có thể nhận ra “ai là người thân cận của tôi”. Nói cách khác, dù tôi là Giám Mục hay Linh Mục, là bác sĩ hay kỹ sư, là nông dân hay công nhân, là một người chồng hay người vợ, là sinh viên hay học sinh v.v… tôi vẫn có thể nhận ra “tôi là người thân cận của ai”.

Nguồn: Trang mạng giáo phận Long Xuyên:

http://www.gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20190713110000

[3] Ibid.
 
Mến Chúa - Yêu người
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
19:43 13/07/2019
Kính mến Chúa – yêu thương người là hai điều răn trọng nhất mà mỗi Kitô hữu đều thuộc nằm lòng từ khi học giáo lý khai tâm. Nhưng hiện nay lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào đời sống văn hóa của xã hội. Các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân khiến con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.

Sự vô cảm, hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người không có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ, miễn là không đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được. Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.

Trong Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu cũng nói đến sự vô cảm: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." (Lc 10, 30-35)

Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành được Thánh Luca thuật lại sau tường thuật về một người thông luật hỏi Chúa Giêsu để thử Người về lề luật. Thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người am hiểu về Luật nên họ cũng biết quá rõ "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình".

Nhưng họ đang lên Đền thờ, họ thấy nạn nhân nhưng không biết anh ta sống chết thế nào. Nếu nạn nhân chết rồi mà họ đụng chạm vào thây ma, họ sẽ bị ô uế không lên Đền thờ phục vụ được. Lí do chính đáng quá, công việc tế tụng ở Đền thờ quan trọng hơn; vả lại nên để những công việc tầm thường này cho những người thấp hèn, những người có địa vị kém hơn mình! Không nói ra, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận thái độ chấp kinh tới mức vô cảm của hai vị tăng lữ nói trên.

Lạy Chúa, cũng như người thông luật kia, nhiều lần con cũng tự hỏi: “ai là người thân cận, là anh em của con? ” Chắc hẳn những người cùng chung con đường Kitô hữu là người thân cận, là những người anh em của con. Họ đã chia sẻ với con những lời kinh nguyện, cùng đồng hành với con trong việc tông đồ bác ái, trong các công việc phục vụ cộng đồng giáo xứ. Thật dễ dàng để con nhận ra người anh em của mình. Nhưng khi họ bị áp bức, bất công … con yếu hèn không dám lên tiếng bênh vực chia sẻ với những lí do đầy khôn ngoan ngụy biện.

Có phải là anh em của con khi buổi sáng đón xe đến chỗ làm, con đã gặp một bà mẹ rách rưới bồng đứa con thơ với ánh mắt và bàn tay chìa ra van xin giúp đỡ trong dòng người tấp nập, vất vả mưu sinh. Có phải là anh em con khi những người vì hoàn cảnh nào đó đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đến đây để cầu mong gầy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có phải là anh em con với ánh mắt buồn bã qua khung cửa lưới hẹp của chiếc xe chở phạm nhân mà con đã chợt bắt gặp trong một sáng rong chơi. Có phải là anh em con là những bệnh nhân, những bệnh nhi… đang vật vã với những cơn đau vì không có đủ tiền chữa trị … và còn nhiều nữa những mảnh đời bất hạnh. Họ nhiều quá, họ đến từ muôn hướng. Làm sao để con nhận diện được anh em của con?

Cũng có lúc con lí luận rằng hiện nay thật giả khó lường. Con muốn giúp đỡ những người nghèo khó, hoạn nạn nhưng không biết ai đích thực nghèo khó, hoạn nạn. Thôi thì đành ngó lơ cho lương tâm khỏi cắn rứt.

Chiều tan trường, lẫn trong đám đông phụ huynh đón con em trước cổng là một bà cụ già tay chống gậy, tay ngửa xin bố thí. Con vội phóng xe qua với ý nghĩ nếu mình dừng lại sẽ làm dòng người bị ùn tắc và chợt thấy 1 em học sinh nhỏ tiến lại bỏ vào tay cụ 1 đồng tiền giấy mà con nghĩ chắc cũng không nhiều nhặn gì. Nhìn ánh mắt và vẻ mặt hớn hở của em khi làm được một việc thiện lòng con như chùng lại và những lí lẽ so đo trước sau như chợt tan biến.

Lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cho con biết rung động trước những nghĩa cử đẹp, và biết chia sẻ trước những bất hạnh trái ngang. Bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, con đã nhắm mắt, con không muốn nhìn thực tại! Con không muốn can dự, không muốn dấn thân sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh em gần xa của con.

Xin cho con nhớ rằng có Chúa đang ở trong mỗi con người trong tình cảnh đau khổ. Mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ hay là ở tuổi già, đều là hình ảnh của Chúa. Xin cho con biết sống cho đi và hi sinh cho những người anh em của con bằng những công việc bác ái và kinh nguyện để xứng đáng là một chứng nhân loan truyền lòng yêu thương của Thánh tâm Chúa Giêsu
. Amen.
 
Ngày của Chúa
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
22:11 13/07/2019
Ngày của Chúa tức là Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần, ngày rất quen thuộc và mật thiết với người Công Giáo. Không người Công Giáo nào còn xa lạ với ngày này và quên được bổn phận của mình trong ngày đó, trừ ra đã bỏ đạo hay “khô khan nguội lạnh”.

Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong sáu ngày và ngày thứ bảy, Người nghỉ ngơi : “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.” (St 2, 1-3)

Công Dồng Va-ti-ca-nô II đã dành cho ngày Chúa Nhật một vị trí hết sức đặc biệt. Ngày này được coi là đại lễ và các lễ buộc trong Hội Thánh hiện nay đều dồn vào Chúa Nhật, trừ lễ Chúa Giáng Sinh.

Ngay từ xa xưa, trong Thời Cựu Ước, ngôn sứ Nơ-khe-mi-a đã nói đến ngày này (Nkm 8.1-8) mà hiện nay, các nhà thờ vẫn còn đang tiếp tục thi hành vào các ngày Chúa Nhật. Ngày đó, ông Ét-ra là kinh sư đem sách luật Mô-sê ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn, mở sách Luật ra đọc trước mặt dân.

Phụng vụ ngày Chúa Nhật hiện nay, cũng đặt một giảng đài trang trọng để công bố và giảng giải lời Chúa.

Chúa Nhật là ngày vui mừng, ngày dân Chúa như nếm cảm được tiền vị của thiên đường, nên ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế, kiêm kinh sư cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng Luật Chúa cho dân chúng nói với họ rằng : “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc. Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng : “Anh em hãy về, ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.” (Nkm 8,9-10)

Có lẽ vì thế, những nước Âu châu thấm nhuần tinh thần và truyền thống Ki-tô giáo đã biến ngày này thành một ngày đặc biệt. Họ không làm việc nặng nhọc trong ngày đó để giữ luật truyền, hầu có thời giờ đi lễ, nghỉ ngơi, giải trí, thăm viếng người thân, người nghèo, người già trong các viện dưỡng lão, người đau yếu trong các bệnh viện. Ngày xưa, nhiều “nhà chung” ngoài Bắc, ngày Chúa Nhật, có thói quen phân phát gạo tiền cho những người nghèo tập trung ở sân “nhà gạo”, nơi tích chứa gạo thóc của nhà chung, để làm công việc từ thiện. Ngày nay, các nhà thờ cũng dành ra một phần trong số tiền giáo dân “bỏ giỏ” để giúp cho “kẻ khó”.

Thành ra theo kiểu cách và tinh thần Ki-tô giáo, ngày Chúa Nhât có một vẻ gì hết sức đặc biệt, cả trong bầu khí lẫn trong sinh hoạt. Tại Đức và Pháp, ngày Chúa Nhật, người Công Giáo nghỉ ngơi, ăn mặc theo y phục ngày lễ, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, có khi trưng bông, trải khăn bàn ăn và các món ăn khá hơn ngày thường. Tất cả những điều đó có ý nhắc cho mọi người hiểu rằng, mai sau trên Thiên Quốc mình sẽ được hưởng cảnh an nhàn thư thái gấp bội trước nhan Thiên Chúa, mà kiên trì tiếp tục cuộc hành hương trên cõi đời này, dù còn phải đương đầu với những khó khăn thử thách trong việc “làm tôi” thờ phượng Chúa.

Như vậy, Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày tín hữu đến nghe Lời Người để ca tụng và đón nhận phúc lành của Người, trong niềm hân hoan và tinh thần liên đới với mọi người chung quanh. Ước chi người Công Giáo thấu hiểu và thục thi giáo huấn của ngày đáng trân trọng này.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đoạn video làm thay đổi cái nhìn của người Công Giáo đối với tổng thống Syria Bashar al Assad
Đặng Tự Do
00:31 13/07/2019
“Kitô hữu ở Syria ‘chưa bao giờ là người nước ngoài’, nhưng họ đã giúp xây dựng nền văn minh Syria bằng cách mang thông điệp của Chúa Kitô đến với quốc gia này và toàn thế giới, trong khi sát cánh cùng ‘anh em Hồi giáo’ của họ xây dựng quê hương.”

Tổng thống Syria Bashar al Assad, đã nhấn mạnh như trên trong diễn văn ngày 4 tháng Bẩy với các thanh niên thiếu nữ Công Giáo Syria, trong khuôn khổ “trại hè” hiện đang diễn ra tại tu viện Mar Tuma (nghĩa là Thánh Tôma), ở Saidnaya.

Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Syria Ignace Youssif Younan Đệ Tam cũng có mặt tại trại hè này cùng với Tổng thống Syria.

Trại hè này mang tên: “Hy vọng của tôi là ở anh chị em.”

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Bashar al Assad với các bạn trẻ Công Giáo đã làm thay đổi sâu sắc cái nhìn của nhiều tín hữu Kitô trên thế giới đối với ông. Các phương tiện truyền thông trên thế giới thường mô tả Tổng thống Assad như một tên độc tài cần phải bị loại bỏ. Trong thực tế, các quốc gia Tây phương đã tham gia vào một cuộc chiến tranh rất tốn kém từ năm 2011 cho đến nay nhằm lật đổ vị tổng thống này.

Là một tổng thống ở một nước đang có chiến tranh như Syria, ông Assad thường được thấy lúc nào cũng được vây quanh bởi các vệ sĩ vũ trang hùng hậu. Tuy nhiên, trong đọan video này, quý vị và anh chị em có thể thấy ông Assad tự mình lái xe đến tham dự trại hè.

Vâng, đúng như thế, Đức Thượng Phụ Younan Đệ Tam cũng khẳng định với KTO, đài truyền hình chính thức của Hội Đồng Giám Mục Pháp, rằng ông Assad tự mình lái xe đến tham dự trại hè. “Ông ấy tin tưởng người Công Giáo chúng ta, ông ấy tự lái xe đến. Không mang theo những người bảo vệ,” Đức Thượng Phụ nói.

Trong cuộc gặp gỡ, ông Assad cũng dành cho các bạn trẻ Công Giáo một buổi hỏi đáp. Dịp này, tổng thống Assad nhắc lại rằng sự hiện diện ổn định và sự đóng góp ban đầu của các cộng đồng Kitô giáo ở Syria là một yếu tố cần thiết để làm phong phú xã hội Syria và sự đa dạng của xã hội. “Bản sắc của quốc gia Syria bao gồm tính đa dạng hài hòa như một báu vật cần được bảo tồn thông qua sự cùng tồn tại và tích hợp vĩnh viễn giữa các thành phần khác nhau, và cần vượt thoát khỏi mô hình đối lập giữa ‘đa số và thiểu số’,” tổng thống nói.

“Lật đổ ông Assad, một người có thiện cảm chân thành với các tín hữu Kitô, như đề nghị của Tây phương, chúng ta được cái gì? Hay chỉ là những cuộc tắm máu Kitô hữu?” Đức Thượng Phụ Younan Đệ Tam đặt câu hỏi.

Với câu hỏi của Đức Thượng Phụ Younan Đệ Tam, chúng tôi xin kết thúc chương trình thời sự này tại đây.


Source:Fides
 
Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô, một kiệt tác kiến trúc của Orange County, California sắp khánh thành
Tâm An/Người Việt
08:45 13/07/2019
Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Ki-tô, nay đã hoàn tất và sắp khánh thành, sau bảy năm tân trang, sửa đổi, tốn $77 triệu. (Hình: Tâm An/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Vào ngày Thứ Tư, 17 Tháng Bảy tới đây, Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô (Christ Cathedral), thường gọi là Nhà Thờ Kiếng, tại thành phố Garden Grove, sẽ chính thức khánh thành, sau bảy năm chỉnh trang, chuyển đổi từ nhà thờ Tin Lành sang nhà thờ Công Giáo.

Trước đây, Nhà Thờ Kiếng thuộc giáo hội Tin Lành, dưới sự điều hành của Mục Sư Robert H. Schuller. Cuối năm 2011, nhà thờ Tin Lành tuyên bố phá sản, Giáo Hội Công Giáo Orange County quyết định mua lại nhà thờ này.

Khi mua lại, giáo hội giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, chỉ thay đổi thiết kế bên trong của khu chính tòa cho phù hợp với nhà thờ Chúa Kitô. Dự án bắt đầu thiết kế năm 2015 và khởi công vào năm 2017, đến nay đã hoàn tất, với tổng chi phí lên đến $77 triệu.

Những điểm nổi bật và các con số đáng nể

Được ba kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế kỷ 20 thiết kế, gồm các ông Richard Neutra, Philip Johnson và Richard Meier, Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô quả là một công trình độc đáo không chỉ ở Orange County, mà còn trên khắp thế giới.

Các kỹ sư đã thiết kế tòa nhà theo cấu trúc hình học của viên pha lê, với hệ giàn không gian bằng thép nâng đỡ 11,000 tấm kiếng bao phủ toàn bộ tòa nhà. Nhìn từ xa, tòa nhà trông như một viên pha lê đổi màu tuyệt đẹp: Màu xanh biếc vào ban ngày và lấp lánh sắc màu vào ban đêm.

Các tấm hợp kim nhôm bốn cánh gắn lên trần nhà và thiết kế nội thất bên trong tạo nên một không gian rộng lớn, uy nghi và tráng lệ. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Tòa nhà được xây dựng vào năm 1980 với chi phí $18 triệu. Cùng với việc xây dựng ngọn tháp chuông bằng thép cao 236 foot vào năm 1990, Nhà Thờ Kiếng đã trở thành công trình bằng kiếng lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Đáng chú ý là tòa nhà rất an toàn, có thể chịu được động đất tới 8 độ Richter.

Năm 2012, Giáo Hội Công Giáo Orange County mua lại tòa nhà này với chi phí $57.5 triệu và chi ra $77 triệu để sửa đổi thành nhà thờ Chúa Kitô.

Mặc dù chỉ thay đổi cấu trúc bên trong tòa nhà, nhưng dự án đã tiêu hao 100,000 giờ lao động của 110 đội công nhân xây dựng, thi công liên tục từ Tháng Sáu, 2017, đến Tháng Chín, 2018.

Bước vào bên trong tòa nhà, là một không gian rộng 46,000 foot vuông, lộng lẫy, uy nghi và tráng lệ. Trên trần nhà, 11,000 tấm panel hợp kim nhôm, có bốn cánh tự động đóng/mở từ 0 đến 45 độ, như cánh hoa vô cùng duyên dáng, che phủ khoảng 88,000 foot vuông kiếng và che đi hệ dàn thép khổng lồ. Dưới ánh sáng mặt trời, các tấm panel phản xạ, tạo ra những mảng màu sáng tối lấp lánh thật vi diệu. Theo các kỹ sư thiết kế, các tấm panel này không những tạo ra thẩm mỹ cho tòa nhà, mà còn giúp ngăn ngừa tia cực tím, che bớt ánh nắng mặt trời và giảm nhiệt bên trong.

Mọi thứ còn thơm tho mùi của nội thất mới, nền gạch lát mới, các hàng ghế gỗ sồi mới, trần nhà mới. Điểm nổi bật nhất, linh thiêng nhất trong không gian chính tòa là khu vực Bàn Thờ hoàn toàn bằng đá cẩm thạch.

Nói về điểm khác biệt nhất giữa nhà thờ Tin Lành và nhà thờ Công Giáo, Giám Mục Timothy Freyer, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, cho hay: “Nhà thờ Tin Lành thường tập trung vào việc thuyết giảng đạo, nên mọi sự chú ý đều hướng về phía người thuyết giáo (mục sư). Trước kia, ở vị trí trung tâm của khu chính tòa có một bức tường lớn, các mục sư đứng trên bục giảng cao tới 30 foot để thuyết giáo và được đưa lên truyền hình. Còn bên đạo Công Giáo, chúng tôi tập trung vào các nghi lễ thờ phượng, lấy bàn thờ làm trung tâm. Do đó chúng tôi đã tháo dỡ hết bức tường, thay vào đó là một Bàn Thờ lớn.”

Toàn cảnh khu vực Bàn Thờ, Ghế Giám Mục, Bục Giảng, tất cả làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối nhập cảng từ Ý. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Bên cạnh bàn thờ, là một hàng ghế dài, trong đó có một chiếc ghế lớn nhất ở chính giữa, được gọi là “Bishop’s Chair” cũng làm bằng đá cẩm thạch.

Bên dưới bàn thờ có một hộp gỗ tuyết tùng, đựng các thánh tích từ những vị thánh và những người đã sống và chết vì đức tin của họ, trong đó có một người gốc Việt, St. Andrew Dũng-Lạc (1795-1839), được phong thánh năm 1988.

Vật liệu quý nhập từ Ý

Một điểm nhấn nữa là cánh cửa lớn có tên là “Bishop’s Doors” ở phía chính diện của tòa nhà. Cửa gồm hai cánh, kết cấu vững chãi, mỗi lần mở ra mất tới 45 giây, trên đó gắn một bức họa dài gần 20 foot, điêu khắc bằng đồng thau rất tinh tế, cầu kỳ.

“Bishop’s Doors là cánh cửa dành cho các vị giám mục đi qua. Bức họa trên đó có nội dung nói về Adam và Eve trong kinh Cựu Ước. Cánh cửa chỉ mở khi có dịp lễ trọng đại,” Giám Mục Timothy Freyer nói.

Bà Kim Porrazzo, phụ trách truyền thông của nhà thờ, giới thiệu: “Toàn bộ khu Bàn Thờ, bao gồm hàng ghế giám mục, bục giảng kinh thánh đều được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối từ Verona, Ý, do Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange, đích thân sang Ý để tuyển lựa. Kể cả khu giếng rửa tội hình bát giác, nằm ngay cửa phía Đông của tòa nhà, cũng làm bằng đá cẩm thạch quý hiếm.”

“Toàn bộ nền nhà, cũng được lát một loại gạch làm bằng một loại đá cẩm thạch, cũng từ Ý. Trước kia, số ghế ngồi là gần 2,736 chỗ, nay rút gọn lại còn 2,100 chỗ ngồi. Toàn bộ ghế bằng gỗ sồi nâu, được sắp đặt theo hình bán nguyệt, tất cả hướng về phía trung tâm là Bàn Thờ.

Phía sau Bàn Thờ trên lầu một là vị trí dành cho Ca Đoàn đủ cho hơn 200 người. Ba lầu trên là vị trí lắp đặt 16,000 ống kim loại của cây đàn organ khổng lồ. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Phía trên bàn thờ là tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá nặng 1,000 pound, treo bằng sợi cáp ở độ cao 18 foot, được tôi luyện bằng thép đen từ thành phố Omaha, tiểu bang Nebraska, vận chuyển về Orange County,” bà Kim Porrazzo cho biết thêm.

Hai bên tường trong sảnh chính, mỗi bên treo bảy bức điêu khắc bằng đồng thau mô tả 14 trạm thập tự giá trên con đường khổ nạn của Chúa Giêsu, được nhà điêu khắc nổi tiếng ở Boliva (một nước Nam Mỹ cạnh Chile và Peru), tên Pablo Eduardo, tạo ra.

Ngay lối vào bên trong sảnh chính, có một bức họa lớn tên “Our Lady of Guadalupe” cao 10 foot, rộng 7 foot, được tạo ra một cách tỉ mỉ từ 55,000 miếng ghép nhỏ xíu bằng thủy tinh hoặc bằng vàng.

Lầu một phía sau Bàn Thờ, là vị trí dành cho ca đoàn, đủ chỗ cho khoảng 260 người. Vào ngày lễ khánh thành, ban nhạc sẽ hát bằng bốn thứ tiếng Anh, Đại Hàn, Tây Ban Nha và Tiếng Việt.

Đặc biệt, nhà thờ còn có một di sản đứng vào top 5 của thế giới, đó là cây đàn organ khổng lồ, tên Hazel Wright, được tạo ra từ 16,000 ống kim loại, được hình thành từ năm 1981.

Ý tưởng dùng các tấm hợp kim nhôm bốn cánh có thể đóng/mở vừa tạo ra ánh sáng lung linh huyền ảo cho tòa nhà, vừa che nắng, chắn tia cực tím và điều hòa nhiệt độ bên trong. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Giáo Phận Orange đã tháo dỡ các ống kim loại này, vận chuyển sang Ý để tân trang, sửa chữa. Sau đó, cây đàn được mang trở lại Orange County để lắp dựng thành ba tầng tháp bên trong tòa nhà. Dự án tân trang cây đàn organ này tiêu tốn $2.9 triệu và mất cả năm trời để lắp dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2020.

Với những đặc điểm nổi bật và những con số đáng nể kể trên, Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô của Giáo Phận Orange xứng đáng là một kiệt tác nghệ thuật, là niềm tự hào của các giáo dân Orange County nói riêng và của nhân loại nói chung.

Nhà thờ sẽ chính thức khánh thành vào ngày 17 Tháng Bảy tại số 13280 Chapman Ave., Garden Grove, CA 92840. (Tâm An)

Tâm An / Người Việt
 
Bức tường duy nhất ngăn chặn người di cư là sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội tại quốc gia gốc của họ.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:59 13/07/2019
“Quốc gia Mexico đang sống một thực tế chưa từng có. Theo Viện Di cư Quốc gia, ước tính trong sáu tháng đầu năm nay 2019, dòng người di cư đã vượt quá 232% so với ghi nhận năm 2018. Có khoảng 360.000 người không có giấy tờ đang sống rải rác trên đất quốc gia hoặc đã vào Hoa Kỳ. Hệ thống nhập cư là một thất bại, cả ở nước chúng tôi và ở Hoa Kỳ, nhưng cũng cần phải giải quyết khẩn cấp các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư này, vì 'rào cản' duy nhất có thể ngăn chặn dòng người di cư là sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội tại quốc gia gốc của họ". Ban biên tập tuần san "Desde la fe" (Từ đức tin) do Tổng Giáo Phận Mexico xuất bản, đã gửi tin trên đến cơ quan Fides ngày 7 tháng 7 vừa qua.

Trong những ngày gần đây, bức ảnh về cái chết bi thảm của một người cha di cư và con gái ông khi cố gắng vượt qua Rio Grande đã đi khắp thế giới, nhiều tổ chức, Công Giáo và ngoài Công Giáo, đã bình luận về hiện tượng di động quốc tế như một hậu quả không thể phủ nhận của một hệ thống nhập cư thất bại, sự không linh hoạt khiến ngày càng có nhiều anh chị em quyết định giữa tương lai hoặc cuộc sống của họ.

"Giáo Hội, ở Hoa Kỳ và ở Mexico, đã chỉ ra rằng mỗi anh chị em thiệt mạng trong nỗ lực đạt được cái gọi là 'giấc mơ Mỹ' (American dream), yêu cầu công lý từ thiên đàng, cũng như những giải pháp của con người cho tất cả những người mong muốn chính đáng để đạt được điều kiện sống tốt hơn ", văn bản tiếp tục:" Giáo Hội quan tâm đến tình trạng quá tải đang xảy ra ở biên giới phía nam và phía bắc Mexico. Có một thực tế là một số giáo phận bị choáng ngợp bởi số lượng người di cư đi qua lãnh thổ của họ, với các vấn đề kiệt sức, mất nước, thương tích hoặc tấn công bởi tội phạm có tổ chức và đôi khi bởi chính các cơ quan di cư, nhưng hỗ trợ vẫn được dành cho những anh chị em, trong một cách luôn được tổ chức".

"Như Hội Đồng Giám Mục Mexico nhấn mạnh, liên quan đến thảm kịch này, chính quyền Mexico có trách nhiệm nỗ lực hơn trong việc chú ý đến người di cư và tiếp tục thúc đẩy đối thoại và đàm phán minh bạch trong quan hệ song phương. Chính quyền Hoa Kỳ trách nhiệm để cổ võ họp tác với các chính quyền của Tam Giác Bắc (Northern Triangle) và chính phủ Mexico để xóa bỏ bạo lực và cải thiện nền kinh tế địa phương. Tất cả người Mexico - đặc biệt là những người tự xưng là Kitô hữu - có trách nhiệm xóa bỏ bài ngoại, nhận ra và giúp đỡ các gia đình thoát khỏi bạo lực, đàn áp và nghèo đói cùng cực, và những người đang ở nước chúng tôi, mong được đối xử với lòng từ bi và tình yêu, nhưng trên hết là tôn trọng nhân phẩm "

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Fides.org
 
Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh: Cha Gerard Francisco Parco Timoner III - người Philippines
Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P
11:31 13/07/2019
Sáng Thứ Bảy, 13/7/2019, lúc 9g00 sáng, trước khi bước vào cuộc bầu chọn Bề Trên Tổng Quyền thứ 88 của Dòng Đa Minh, các Nghị Huynh, Khách mời của Tổng Hội, và đông đảo Anh Chị Em thuộc gia đình Đa Minh Việt Nam đã cùng hiệp dâng Thánh Lễ cầu xin Chúa Thánh Thần trong sự sốt sắng và ý nghĩa, do Cha Timothy Radfcliffe – Nguyên Bề Trên Tổng quyền Dòng từ năm 1992 đến 2001- chủ tế Thánh Lễ. Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Pháp, xen lẫn các bài hát, đáp ca từ ca đoàn và cộng đồng với cả Pháp, Anh và Việt.

Xem Hình

Trong bài giảng Thánh Lễ bằng tiếng Anh, từ bài Tin mừng Ga 20,19-23, trong căn phòng đóng kín của các tông đồ đang sợ hãi, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện đến xua tan nỗi sợ của các ông, và rồi thổi hơi - hơi Thánh Thần- trên các tông đồ, để rồi sau đó, sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Liên hệ đến thực tế, Cha Timothy nói rằng, mặc dù “chúng ta không thể bị đóng cửa …nhưng có thể, trong lòng chúng ta đang có chút ít nào đó của sự sợ hãi, thứ sợ hãi làm khựng lại sứ vụ của chúng ta”. Ngài mong mỏi mọi Anh Em Đa Minh hãy dám can đảm để bước ra ngoài, bước ra căn phòng đóng kín…đối diện với những mảng mới của sứ vụ, có thể như nhiều anh lớn tuổi sợ anh em trẻ và những ước mơ, hoài bão của người trẻ. “Vì thế, ngày hôm nay, chúng ta cử hành Thánh Lễ, cầu xin Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta ra khỏi những nỗi sợ hãi, để chúng ta có thể đi ra ngoài, ra khỏi căn phòng bị đóng kín, và giảng thuyết. Và chúng ta cũng cầu xin Chúa Thánh Thần để bầu chọn ra một vị Tổng quyền theo giáo luật, vị Tổng quyền tương lai của Dòng”. Vì một tương lai, vì một tình yêu, cha Timothy nói rằng, các Nghị Huynh cần phải dám đón nhận những rủi ro, có thể bị đau hay tổn thương, thậm chí có thể bị giết chết.

“Nếu chúng ta sợ hãi, chúng ta sẽ chẳng làm được gì. Chúng ta đang ở đây để cầu nguyện cho cuộc bầu cử vị bề trên tổng quyền mới của Dòng…Đó là một tổng quyền nào? Đó là một vị bề trên tổng quyền có sự can đảm để đối mặt với những nguy hiểm, ra khỏi sự an toàn để hỗ trợ các tỉnh dòng, để đối mặt với những “ý tưởng lạ đời, điên khùng” của người trẻ. Nhắc lại những lời động viên của Chúa Giêsu với các môn đệ, Cha cũng nhấn mạnh“ Đừng sợ!”Bên cạnh đó, cha Timothy cũng chia sẻ về sứ vụ giảng thuyết của người Đa Minh: đem đến sự bình an, niềm vui. “Nếu không có niềm vui, chúng ta chẳng có gì để nói.”

Kết thúc bài giảng, Cha Timothy nói rằng “Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta một vị bề trên tổng quyền, người có niềm vui trong Chúa, và là người quan tâm đến niềm vui của chúng ta”.

10g15: Sau Thánh lễ, các Nghị Huynh đã vào phòng họp để tiến hành cuộc bầu bề trên tổng quyền thứ 88 của Dòng, và là vị đứng thứ 87 kế nhiệm Cha Thánh Đa Minh của Dòng.

Trong khi cuộc bầu cử diễn ra tại phòng họp, bên ngoài, đông đảo Anh Chị Em Gia đình Đa Minh tập trung đông đảo phía ngoài sân và tiền sảnh chờ đợi tin vui, cũng như tất bật lo lắng chuẩn bị cho cuộc rước Tân Bề Trên Tổng quyền từ phòng họp tiến sang Nhà Nguyện Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc để tiến hành Nghi thức Nhận chức.

Sau hơn một tiếng bầu chọn, tiếng chuông reo và tiếng vỗ tay hòa nhịp với nhau tạo nên niềm vui không chỉ tại khuôn viên nơi đang diễn ra Tổng hội Dòng, nhưng còn là niềm vui của mọi Anh Chị Em Đa Minh trên toàn thế giới đang trông ngóng và theo dõi trực tuyến.

Vị Tân Bề Trên Tổng Quyền của Dòng là Cha Gerard Francisco Parco Timoner III người Philippines. Ngài nguyên là Giám Tỉnh, Tỉnh Dòng Philippines, và dưới thời cha Tổng quyền Bruno Cadoré vừa mãn nhiệm, Cha Tân Bề Trên Tổng quyền đã đảm nhận vai trò Tổng Phụ Tá của Dòng đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương

11g45: Sau các diễn tiến thủ tục được tiến hành trong phòng họp kín của các Nghị Huynh, đoàn rước Cha Tân Bề Trên Tổng Quyền từ phòng họp tiến ra và về Nhà Nguyện cho nghi thức nhận chức. Sau phần tuyên thệ, Cha Tân Bề Trên đã chia sẻ với Anh Chị Em Đa Minh những tâm tình của Ngài trong những giây phút quan trọng và đặc biệt này của ngài.

Kể lại những diễn tiến, nghĩ suy của mình khi nghe Cha Giuse – Tổng Thư ký Tổng Hội- thông báo kết quả bầu cử, cha Tân Bề trên cho biết ngài đã hỏi Cha Giuse “Làm sao tôi có thể nói KHÔNG với kết quả này?” Và tôi được nghe câu trả lời “ Sáng nay, mọi người đã cầu xin Chúa Thánh Thần, để Ngài hướng dẫn, bầu cử chọn vị tổng quyền”. Tiếp sau đó, cha Tân Bề trênnói rằng “ Các vị đã chọn tôi – một người, mà như Cha Timothy nói- “không nhất thiết phải là người giỏi”. Cha Bề Trên Tổng quyền tiếp tục chia sẻ rằng, ngài đã nghĩ đến sự mệt mỏi…nhưng những lời động viên của anh chị em khi nói với tôi khi trên đường rước vào Nhà Nguyện ‘Congratulation! I pray for you!” Chúc mừng Anh. Tôi sẽ cầu nguyện cho Anh! ‘ đã làm cho tôi có được can đảm để đứng đây chia sẻ với Anh Chị Em.” Và cụm danh từ “ chúng ta” được ngài thay thế “ tôi” để nhấn mạnh đến sức mạnh để giúp ngài có thể thực hiện vai trò bề trên tổng quyền mà Anh Em Dòng đã bầu chọn ngài, và sự đón nhận mà ngài đã vâng theo.

Cha nhắc lại lời Cha Cựu Bề Trên Tổng Quyền Bruno “ Hãy nghĩ về sứ vụ của Dòng…về đời sống Đa Minh, về sứ vụ giảng thuyết”. Tân Bề Quyền nhấn mạnh, vì vậy “Sứ vụ của chúng takhông phải là làm cái gì, mà là chúng ta là ai. Chúng ta là những nhà giảng thuyết, chứ không phải là những gì chúng ta làm. Một khi chúng ta đã xác định chúng ta là ai một cách rõ ràng, mọi thứ sẽ đi theo đó.” Cha Tân Bề trên nói tiếp rằng, mọi anh chị em Đa Minh được mời gọi nhìn soi vào chính mình, nhận diện chúng ta là những nhà giảng thuyết.Với điệp ngữ “Chúng ta là những nhà giảng thuyết ngay cả khi …” là những lời sắc bén nhấn mạnh đến con người giảng thuyết Đa Minh với những gì họ có thể là, giảng thuyết bằng lời, bằng hành động, giảng thuyết trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay bất lợi… “ Chúng ta là những nhà giảng thuyết...ngay cả khi chúng ta mạnh khỏe, …ngay cả khi chúng ta đau yếu…ngay cả khi chúng ta đang làm những việc nguy hiểm…ngay cả khi chúng ta làm việc một mình trong phòng…ngay cả khi chúng ta đang giúp đỡ ai đó…ngay khi chúng ta đang nhận diện chính mình là người Đa Minh”.

Đồng thời, Cha Tân Bề Trên cũng nhấn mạnh đến sự hiệp thông với Giáo Hội, và đóng góp phận vụ của mình làm cho Giáo Hội trở nên mạnh mẽ thêm lên. Làm thế nào để điều đó xảy ra? Tiếp tục với ý tưởng này, cha Tân Bề Trên mời gọi anh em Đa Minh không phải chỉ nhìn vào chính mình, nhưng nhìn vào chính Giáo Hội, để biết mình cần làm gì để cộng tác, đóng góp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với Giáo Hội.

Trước khi kết thúc những lời chia sẻ, Cha Tân Bề Trên cho hay “ Chúng ta sẽ tiếp tục với những gì chúng ta đã hoạch định” và “ xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau.”

Sau những chia sẻ của Cha Tân Bề Trên Tổng quyền, Ban Tổ Chức đã dành thời gian để các Anh Em Đa Minh, Bề trên Dòng Nữ tại Việt Nam, tiến lên phục quyền và chúc mừng Cha Tân Bề Trên.

Trước khi kết thúc Nghi Thức, Cha Tân Bề Trên đã ban phép lành cho toàn thể mọi thành viên trong Dòng.

Và, bữa tiệc mừng diễn ra sau đó với niềm vui hòa nhịp của cả Gia đình Đa Minh trên thế giới đã diễn ra tại nơi tổ chức Tổng Hội.

Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P – Truyền Thông Tổng Hội
 
Đức Tổng Giám Mục Cameroon bị bắt cóc và thoát chết nhờ Kinh Mân Côi
Đặng Tự Do
15:43 13/07/2019
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa kể lại câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Cornelius Fontem Esua bị bắt cóc, thoát chết, và được trả tự do như thế nào.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là đoạn phim Đức Tổng Giám Mục Esua trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Cameroon.

Đức Cha Esua cho biết ngày 25 tháng 6 trên đường trở về sau một chuyến viếng thăm mục vụ một giáo xứ hẻo lánh trong tổng giáo phận Bamenda, ở phía Tây Bắc Cameroon thì ngài bị một nhóm phiến quân ly khai phục kích gần làng Belo-Njikwe.

Đức Cha Esua nói:

“Tài xế trên xe cố gắng vượt qua các chướng ngại vật đặt trên đường, như anh ta đã làm ở bốn trạm kiểm soát khác của phiến quân.

Tuy nhiên, nhóm phiến quân này leo lên những chiếc xe gắn máy và rượt theo trong khi nổ nhiều phát súng thị uy để làm chúng tôi khiếp sợ.

Chúng tôi chạy không thoát. Họ cản đường chúng tôi và nếu muốn thoát thì không có cách nào khác là cán chết họ. Tôi bảo anh tài xế ngừng lại. Họ xúm lại lôi anh ta ra khỏi xe và đánh đấm túi bụi. Tôi bảo họ đừng đánh anh ta và nếu họ muốn bắt thì xin bắt tôi giao cho cấp trên của họ.”

“Chúng tôi bị họ bắt đi và đưa đến một địa điểm bí mật. Tôi đã dành cả đêm để đọc kinh Mân côi xin Đức Mẹ che chở chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn này.”

Sáng ngày hôm sau, các phiến quân nói với Đức Tổng Giám Mục rằng “vị tướng” lãnh đạo nhóm phiến quân muốn nói chuyện với ngài.

“Tôi nói với ông ta rằng họ không thể đạt được mục đích của mình bằng cách thực hành điều ác, bởi vì điều ác chỉ có thể dẫn đến điều ác. Và Chúa sẽ không nhậm lời cầu nguyện của họ nếu họ tiếp tục làm điều ác. Chúng ta không được làm cho người khác những gì chúng ta không làm muốn người khác gây ra cho chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Một ngày sau đó, Đức Tổng Giám Mục được trả tự do. Ngài đã dâng một thánh lễ tạ ơn Đức Mẹ và khích lệ anh chị em giáo dân siêng năng đọc kinh Mân Côi là kinh có thể cứu chúng ta trong những giờ phút thử thách nghiêm trọng.

Kể từ năm 2016, phía tây bắc và tây nam của Cameroon đang trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng vì các phong trào đòi ly khai từ người dân nói tiếng Anh. Họ muốn sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh thay vì tiếng Pháp như ngôn ngữ chính thức trong các trường học và tại tòa án. Các cuộc biểu tình ôn hòa lúc đầu đã biến thành các cuộc phản kháng bạo động và thoái hóa thành một phong trào độc lập đụng độ với quân đội chính quy. Cho đến nay, những nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng đã thất bại.


Source:Fides
 
Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Phần 1, ch.3 & 4
Vũ Văn An
20:11 13/07/2019
Chương III: Hoàng thời (Kairós)

“Ta đã nhậm lời ngươi vào thời Ta thi ân” (Is 49: 8; 2 Cr 6: 2)

Thời ân sủng

28. Amazon đang sống một thời ân sủng, một kairós (hoàng thời). Thượng Hội Đồng Amazon là một dấu chỉ thời đại khi Chúa Thánh Thần mở ra những nẻo đường mới mà chúng ta biện phân được nhờ một cuộc đối thoại hỗ tương giữa toàn thể Dân Thiên Chúa. Cuộc đối thoại đã bắt đầu một thời gian trước đây, từ những người nghèo nhất, bắt đầu từ dưới đi lên, vì giả thiết rằng, “mọi diễn trình xây dựng đều chậm và khó khăn. Nó bao gồm thử thách phá vỡ không gian và cởi mở chính mình để làm việc với nhau, sống nền văn hóa gặp gỡ, [...]xây dựng một giáo hội chị em (11).

29. Các dân tộc nguyên thủy của Amazon có nhiều điều để dạy chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng trong hàng ngàn năm, họ đã chăm sóc đất đai, nước và rừng của họ và đã cố gắng bảo tồn chúng cho đến ngày hôm nay để nhân loại có thể hưởng lợi trong việc thưởng thức những hồng phúc nhưng không trong sáng thế của Thiên Chúa. Các nẻo đường truyền giảng Tin Mừng mới phải được xây dựng trong cuộc đối thoại với sự khôn ngoan của tổ tiên, trong đó những hạt giống của Lời Chúa trở nên hiển hiện.



Một thời để hội nhập văn hóa và tính liên văn hóa

30. Giáo hội tại Amazon đã đánh dấu sự hiện diện của nó trong khu vực bằng những kinh nghiệm đáng chú ý và theo những cách độc đáo, sáng tạo và hội nhập văn hóa. Phong cách truyền giảng Tin Mừng của nó không phải chỉ đơn thuần là một phản ứng chiến lược đối với thực tại hiện nay; đúng hơn, nó đi theo một nẻo đường tương ứng với các kairós (hoàng thời) có thể thúc đẩy dân Thiên Chúa đến chỗ chào đón Vương quốc của Người giữa tính đa dạng sinh học và xã hội của họ. Giáo hội trở nên xác thịt bằng cách quyết định cư ngụ - dựng “tapiri” hay nhà mái rạ - ở Amazon [12]. Điều này phù hợp với một cuộc hành trình đã bắt đầu với Công đồng Vatican II cho toàn thể Giáo hội; đã được công nhận trong Huấn quyền Châu Mỹ Latinh kể từ Medellin (1968); và được giả định rõ ràng cho Amazon ở Santarém (1972) [13]. Kể từ đó, Giáo hội tiếp tục tìm cách hội nhập văn hóa Tin mừng trước các thách thức lãnh thổ và các dân tộc của nó, trong cuộc đối thoại liên văn hóa với họ. Sự đa dạng độc đáo của khu vực Amazon - sinh học, tôn giáo và văn hóa - gợi ý một Lễ Ngũ Tuần mới.

Một thời của những thách thức nghiêm trọng và khẩn cấp

31. Đẩy nhanh diễn trình đô thị hóa và mở rộng nông nghiệp được thực hiện bởi các doanh nghiệp nông nghiệp cộng với việc lạm dụng tài sản thiên nhiên bởi chính các dân tộc Amazon: Tất cả những điều này cộng với các than phiền lớn đã đề cập trước đó. Việc bóc lột thiên nhiên và các dân tộc Amazon (người bản địa, người mestizos (tạp chủng), người cạo mủ cao su, dân sông nước và thậm chí cả cư dân thành phố) gây ra một cuộc khủng hoảng hy vọng.

32. Các cuộc di cư trong những năm gần đây cũng làm tăng các thay đổi về tôn giáo và văn hóa trong khu vực. Đối diện với các diễn trình biến đổi nhanh chóng, Giáo hội đã không còn là điểm tham chiếu duy nhất cho quyết định của người ta. Hơn nữa, cuộc sống mới tại thành phố không phải lúc nào cũng tử tế đối với các giấc mơ và khát vọng, nhưng thường làm mất phương hướng và mở cửa cho chủ nghĩa cứu thế (messianism) non yểu, bất nối kết, tha hóa và vô nghĩa.

Một thời của hy vọng

33. Trái ngược với thực tại trên, Thượng Hội Đồng Amazon vì thế trở thành một dấu hiệu hy vọng cho người dân Amazon và cho toàn nhân loại. Đó là một cơ hội lớn lao để Giáo hội khám phá sự hiện diện nhập thể và tích cực của Thiên Chúa: trong các biểu hiện đa dạng nhất của sáng thế; trong linh đạo của các dân tộc nguyên thủy; trong các biểu thức của lòng đạo bình dân; trong các tổ chức bình dân khác nhau nhằm chống lại các siêu dự án; và trong đề xuất một nền kinh tế liên đới, có năng suất và bền vững, tôn trọng thiên nhiên. Trong những năm gần đây, sứ mệnh của Giáo hội đã được thực hiện trong sự hợp tác với các khát vọng và đấu tranh vì sự sống và tôn trọng thiên nhiên của các dân tộc Amazon và các tổ chức của riêng họ.

34. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo hội, được nhận diện nhờ lịch sử thập giá và phục sinh này, muốn học hỏi, đối thoại và đáp ứng một cách đầy hy vọng và hân hoan các dấu chỉ thời đại cùng với các dân tộc của Amazon. Chúng ta hy vọng rằng việc học hỏi, đối thoại và đồng trách nhiệm như vậy cũng có thể mở rộng đến mọi ngõ ngách của hành tinh vốn mong muốn đạt tới sự viên mãn trọn vẹn của sự sống theo mọi ý nghĩa. Chúng ta tin rằng kairós (hoàng thời) này của Amazon, vốn là thời của Thiên Chúa, sẽ triệu tập và kích thích và là thời của ân sủng và giải phóng, của ký ức và hoán cải, của các thách thức và hy vọng.

Chương IV: Đối thoại

“Chúng có mắt mà không thấy, chúng có tai mà không nghe” (Mc 8:18)

Các nẻo đường đối thoại mới

35. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra cho chúng ta nhu cầu nhìn lại để mở ra những nẻo đường đối thoại sẽ giúp chúng ta thoát khỏi con đường tự hủy hoại của cuộc khủng hoảng xã hội môi trường hiện nay [14]. Đề cập đến các dân tộc Amazon, Đức Giáo Hoàng cho rằng điều chủ yếu là thực hiện “cuộc đối thoại liên văn hóa, trong đó chính anh chị em sẽ là ‘đối tác đối thoại chính, nhất là khi các dự án lớn ảnh hưởng đến vùng đất của anh chị em được đề xuất’. Việc nhìn nhận và đối thoại sẽ là cách tốt nhất để biến đổi các mối liên hệ lịch sử vốn có đặc điểm loại trừ và kỳ thị” (Fr.PM). Cuộc đối thoại địa phương trong đó Giáo hội muốn tham gia là để phục vụ sự sống và “tương lai của hành tinh chúng ta” (LS 14).

Đối thoại và sứ mệnh

36. Vì Amazon là một thế giới đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo (xem DAp 86), nên việc thông đạt, và do đó truyền giảng Tin Mừng, đòi hỏi những cách gặp gỡ và sống chung với nhau có thể cổ vũ đối thoại. Trái ngược với đối thoại là việc thiếu lắng nghe và áp đặt nhằm ngăn cản chúng ta gặp gỡ, thông đạt và do đó, sống với nhau. Chúa Giêsu là một người đối thoại và gặp gỡ. Vì vậy, chúng ta thấy Người “với người phụ nữ Samaria, tại chiếc giếng nơi cô ấy tìm cách làm dịu cơn khát của mình (x. Ga 4: 7-26)” (EG 72); Cô ấy “đã trở thành một nhà truyền giáo ngay sau khi nói chuyện với Chúa Giêsu”, và khi cô trở về làng của mình, “nhiều người Samaria đã tin vào Người ‘vì chứng từ của người phụ nữ’ (Ga 4:39)” (EG 120) . Chúa Giêsu đã có thể đối thoại và yêu thương vượt ra ngoài tính đặc thù trong di sản tôn giáo Samaria của cô. Đây là cách truyền giảng Tin Mừng được thực hiện trong cuộc sống bình thường của Samaria, ở Amazon, trên toàn thế giới. Đối thoại là một cuộc thông đạt vui tươi giữa “những người bày tỏ tình yêu của họ cho nhau” (EG 142).

37. Kể từ biến cố Nhập thể, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô luôn diễn ra trong phạm vi một cuộc đối thoại lịch sử và cánh chung của cõi lòng. Nó xảy ra trong các khung cảnh khác nhau của thế giới đa nguyên và đan kết qua lại với nhau của Amazon. Nó bao gồm các liên hệ chính trị với các quốc gia, các liên hệ xã hội với các cộng đồng, các liên hệ văn hóa với nhiều lối sống khác nhau và các liên hệ sinh thái với thiên nhiên và với chính mình. Đối thoại tìm kiếm sự trao đổi qua lại, đồng thuận và thông đạt, thỏa hiệp và liên minh, nhưng không đánh mất vấn đề căn bản, nghĩa là, mối quan tâm đối với “một xã hội công bằng, biết đáp ứng và bao gồm” (EG 239). Do đó, đối thoại luôn ưu tiên chọn người nghèo, người bị gạt bỏ và loại trừ. Chính nghĩa công lý và sự khác biệt là các chính nghĩa của Nước Thiên Chúa. Chúng ta không bảo vệ “các kế hoạch do một số ít dành cho một số ít, hoặc một nhóm thiểu số hiểu biết hoặc bạo ăn bạo nói phác thảo” (EG 239).

Đối thoại là về việc “đồng ý sống với nhau, một hiệp ước văn hóa và xã hội” (EG 239). Đối với hiệp ước này, Amazon đại diện cho một pars pro toto, một phần cho toàn bộ, một mô hình, một hy vọng cho thế giới. Đối thoại là phương pháp luôn phải được áp dụng để đạt được cuộc sống tốt [nếu buen vivir, thì sống tốt] cho mọi người. Những vấn đề lớn lao của nhân loại phát sinh ở Amazon sẽ không tìm được giải pháp qua bạo lực hoặc áp đặt, mà qua đối thoại và thông đạt.

Đối thoại với các dân tộc Amazon

38. Chính các dân tộc của Amazon, nhất là người nghèo và khác biệt về văn hóa, là những người đối thoại và nhân vật chủ đạo của cuộc đối thoại. Họ đối mặt với chúng ta bằng ký ức quá khứ và với những vết thương gây ra trong thời kỳ lâu dài của thực dân. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô khiêm tốn xin sự tha thứ, không chỉ vì những vi phạm của chính Giáo hội mà còn vì những tội ác chống lại các dân tộc nguyên thủy trong cuộc được gọi là chinh phục Mỹ Châu (15). Đã có những khoảnh khắc lúc Giáo Hội đồng lõa với những người thực dân, và điều này đã bóp nghẹt tiếng nói tiên tri của Tin Mừng. Nhiều trở ngại đối với việc truyền giảng Tin Mừng theo lối đối thoại và việc cởi mở với sự khác biệt về văn hóa có tính lịch sử và ẩn khuất phía sau các học thuyết đã hóa đá. Đối thoại là một diễn trình học hỏi, được tạo điều kiện bởi “việc cởi mở hướng tới siêu việt” (EG 205) và bị cản trở bởi các ý thức hệ.

Đối thoại và học hỏi

39. Nhiều người Amazon vốn cố hữu là những người đối thoại và thông đạt. Có một diễn đàn đối thoại rộng lớn và chủ yếu giữa các linh đạo, tín ngưỡng và tôn giáo của Amazon, đòi hỏi cách tiếp cận của trái tim đối với các nền văn hóa khác nhau. Tôn trọng không gian này không có nghĩa là tương đối hóa các xác tín riêng của người ta, mà là nhìn nhận những con đường / nẻo đường khác biết tìm cách giải đoán mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Sự cởi mở không thành thật với người khác, giống như thái độ phò những nhóm quyền lợi lớn (corporatist), vốn chỉ dành ơn cứu rỗi độc nhất cho tín ngưỡng riêng của họ, là phá hoại chính tín ngưỡng đó. Đây là điều Chúa Giêsu đã giải thích cho Luật sĩ trong dụ ngôn Người Samaria nhân hậu (Lc 10: 30-37). Tình yêu mang ra sống trong bất cứ tôn giáo nào cũng làm hài lòng Thiên Chúa. “Qua việc trao đổi các ơn phúc, Chúa Thánh Thần có thể dẫn chúng ta trọn vẹn hơn vào sự thật và sự thiện” (EG 246).

40. Một cuộc đối thoại có lợi cho sự sống là để phục vụ cho “tương lai của hành tinh chúng ta” (LS 14), của việc biến đổi các não trạng hẹp hòi, hóan cải các trái tim sắt đá và chia sẻ các sự thật với toàn thể nhân loại. Chúng ta có thể nói rằng đối thoại có tính Ngũ Tuần, cũng như sự ra đời của Giáo hội, một Giáo Hội đang hành trình tìm kiếm bản sắc mình hướng tới sự hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta khám phá ra bản sắc của chúng ta từ cuộc gặp gỡ với người khác, từ các khác biệt và sự trùng hợp cho chúng ta thấy sự khôn dò của thực tại và sự mầu nhiệm của việc Thiên Chúa hiện diện.

Đối thoại và kháng cự

41. Sẵn lòng tham gia đối thoại thường gặp phải sự kháng cự. Các lợi ích kinh tế và mô hình kỹ trị (technocratic) bác bỏ bất cứ cố gắng thay đổi nào. Những người ủng hộ chúng sẵn lòng áp đặt bằng vũ lực, vi phạm các quyền căn bản của các dân tộc ở Amazon và các qui luật bảo đảm sự bền vững và bảo tồn nó. Trong tình huống như vậy, các khả thể đối thoại và gặp gỡ bị giảm thiểu rất nhiều và thậm chí biến mất trong một số trường hợp. Phải phản ứng với điều này ra sao? Một mặt, người ta nhất thiết sẽ trở nên phẫn nộ, không phải một cách bạo động, nhưng kiên quyết và có tính tiên tri. Đó là sự phẫn nộ của Chúa Giêsu chống lại người Biệt Phái (x. Mc 3: 5; Mt 23) hoặc chống lại chính Phêrô (Mt 16:23) - điều mà Thánh Tôma Aquinô gọi là “sự phẫn nộ thánh thiện”, bị kích động bởi các bất công [16], hoặc liên kết với các lời hứa chưa được thực hiện hoặc các phản bội đủ loại. Bước tiếp theo là tìm kiếm sự thỏa thuận, như chính Chúa Giêsu gợi ý (x. Lc 14: 31-32). Đây là vấn đề thiết lập ra một cuộc đối thoại khả hữu và không bao giờ thờ ơ với những bất công của khu vực hoặc của thế giới [17].

42. Một Giáo hội tiên tri là một Giáo Hội lắng nghe các tiếng khóc và bài ca về nỗi đau và niềm vui. Đồng thời khi chúng truyền cảm hứng, các bài hát dõi sáng các tình huống sống của người ta và trực giác được các giải pháp khả hữu và các thay đổi có tính biến đổi. Có những dân tộc hát lịch sử của họ và cả hiện tại của họ nữa, đến nỗi các người nghe các bài hát đó có thể thoáng thấy, có thể phác thảo tương lai của họ. Nói tóm lại, một Giáo hội tiên tri ở Amazon là một Giáo Hội đối thoại, biết cách tìm kiếm các thỏa thuận, và, từ việc chọn người nghèo và các chứng từ của họ về sự sống, biết tìm kiếm các đề xuất cụ thể có lợi cho một hệ sinh thái toàn diện. Một Giáo hội có khả năng biện phân và táo bạo khi đối mặt với việc lạm dụng các dân tộc và việc phá hủy các lãnh thổ của họ, biết đáp ứng không chậm trễ tiếng kêu của trái đất và của người nghèo.

Kết luận

43. Sự sống ở Amazon, nơi nước, lãnh thổ, và các bản sắc và linh đạo của các dân tộc được đan kết qua lại với nhau, mời gọi đối thoại và học hỏi về tính đa dạng sinh học và văn hóa của nó. Giáo hội tham dự và tạo ra các diễn trình học hỏi nhằm mở ra các nẻo đường đào tạo liên tục về ý nghĩa sự sống được hòa nhập vào lãnh thổ của nó và được làm giàu bằng túi khôn và kinh nghiệm của tổ tiên. Các diễn trình như vậy mời gọi chúng ta đáp ứng một cách trung thực và tiên tri tiếng kêu van sự sống của các dân tộc và vùng đất của Amazon. Điều này ngụ ý một cảm thức đổi mới về sứ mệnh của Giáo hội tại Amazon, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, đi ra ngoài gặp gỡ người khác, khởi diễn các diễn trình hóan cải. Trong bối cảnh này, không gian hiện đang được mở rộng để tái tạo các thừa tác vụ phù hợp với thời điểm lịch sử này. Đây là thời điểm thích hợp để lắng nghe tiếng nói của Amazon và đáp ứng như một Giáo Hội có tính tiên tri và Samaria.

Kỳ tới: Phân II, HỆ SINH THÁI TOÀN DIỆN: TIẾNG KÊU CỦA TRÁI ĐẤT VÀ CỦA NGƯỜI NGHÈO
 
Hai Linh mục bị bắt và kéo ra khỏi trạm phá thai ở New Jersey.
Giuse Thẩm Nguyễn
20:39 13/07/2019

Hai linh mục và hai giáo dân đã bị bắt sáng nay sau khi phân phát hoa hồng và thuyết phục những phụ nữ trong một trạm phá thai ở New Jersey.

LifeSiteNews cho biết rằng cảnh sát đã bắt cha Fedelis Moscinski, dòng CFR và cha Dave Nix, dòng Will Goodman và một giáo dân không biết tên sau khi họ “ vào và không chịu rời khỏi “ trạm phá thai Garden State Gynecology ở New Jersey.”

Nhóm người này khuyến khích các phụ nữ mang thai hãy chọn sự sống, nghĩa là đừng phá thai và trao tặng cho họ những bông hồng, với lời khuyên,” Bạn được sinh ra để yêu và được yêu…lòng nhân ái của bạn thì vĩ đại hơn những khó khăn trong hoàn cảnh của bạn. Hoàn cảnh nào rồi thì cũng sẽ đổi thay. Một cuộc sống mới, dù nhỏ bé, sẽ mang lại lời hứa của niềm vui có một không hai.”

Bản tường trình cho biết có một phụ nữ quyết định bảo vệ sự sống cho thai nhi. Có một bà mẹ khác thì bắt ép con gái của bà phá thai.

Lisa Hart của nhóm Red Rose Rescuse nói với LifeSiteNews rằng cô đã cố gắng cho người phụ nữ trẻ đó số điện thoại của một luật sư.

“Tôi cho người phụ nữ một số thông tin hữu ích để giúp cô ấy và mời cô ấy đến nhà tôi ở, nhưng bà mẹ của cô chạy đến và la mắng tôi.”

Cha Dave Nix đã thông báo trên tweet rắng “phiên tòa của họ sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày và họ rất có thể họ sẽ phải ra tòa nhiều lần. Mặc dù có sự thô bạo lúc đầu, nhưng cuối cùng thì cảnh sát cũng dễ chịu vì nhiệm vụ ôn hòa của chúng tôi khi họ giữ chúng tôi. Chúng tôi đã nói chuyện hằng giờ tại trạm cảnh sát này.”

Cha Fedelis Moscinski nói rằng họ dâng ngày cứu hộ thứ Bẩy này (13 tháng Bẩy, 2019) cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, bởi vì hôm nay là ngày lễ kính lần hiện ra thứ ba của Đức Mẹ Fatima.

“Chúng tôi đã kêu nài sự cầu bầu của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tôi của Mẹ Maria sáng nay. Chúng tôi phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa cho ơn biến đổi lòng trí con người.”

Xin hãy cầu cho những người đang bảo vệ trẻ em chưa sinh ra!


Source: churchpop.com 2 Priests Arrested & Dragged Out of Abortion Clinic in New Jersey
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Nở Nắng Hè
Thérésa Nguyễn
08:12 13/07/2019
HOA NỞ NẮNG HÈ
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Trưa hè nắng gắt oi nồng
Cảm ơn hoa nở cho lòng mát tươi
(tn)
 
VietCatholic TV
Hậu quả tai hại, phong ba tứ bề: Linh mục Nga chê đàn bà kém thông minh, thua xa đàn ông
Đặng Tự Do
15:49 13/07/2019
Thần khẩu hại xác phàm. Cha Dmitry Smirnov, linh mục trưởng, người đứng đầu ủy ban về Phụ Nữ và Gia đình của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói với đài phát thanh Chính thống giáo Christian Radonezh trong một cuộc phỏng vấn ngày 7 tháng 7 rằng những người phụ nữ thông minh “vẫn còn rất hiếm.”

“Phụ nữ thường không thông minh. Tất nhiên, cũng có những người phụ nữ thông minh như bà Marie Curie là người Pháp gốc Ba Lan từng đoạt giải Nobel, nhưng hiếm lắm,” cha Smirnov nói.

Nhận xét của cha Smirnov đã vấp phải những chống đối gay gắt trên nhiều phương tiện truyền thông tại Nga.

Tờ Novaya Gazeta, có trụ sở tại Mạc Tư Khoa đã xuất bản một bức thư ngỏ thách thức những nhận định của cha Smirnov, xem đó như một lời xúc phạm nặng nề đến trí thông minh của phụ nữ được thực hiện bởi một quan chức hàng đầu trong Giáo hội Chính thống Nga.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho Đức Thượng Phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, tờ Novaya Gazeta cho rằng tuyên bố của cha Smirnov “thậm chí còn khó hiểu hơn vì nhiệm vụ chính của ủy ban do ngài phụ trách là bảo vệ các phụ nữ.”

Tờ Novaya Gazeta viết tiếp:

“Có lẽ, ngài Dmitry Smirnov quá bận rộn đến mức không biết rằng bạo lực đối với phụ nữ ở nước ta đã đến mức đáng báo động.”

“Thưa ngài, có hàng ngàn, hàng chục ngàn vụ bạo lực gia đình như vậy trên khắp nước Nga. Trong phần lớn các vụ án, những người đàn ông 'thông minh hơn' đã gây ra tổn hại cả về thể chất và đạo đức cho những 'phụ nữ kém thông minh',” tờ báo viết.

“Tuy nhiên, khi cho rằng khả năng trí tuệ của một số người vượt trội so với những người khác chỉ vì giới tính của họ, ngài linh mục trưởng không chỉ thể hiện trình độ hiểu biết thấp kém về sinh học của con người, mà trên thực tế đã chứng thực một chế độ độc tài của 'nam giới' ở một quốc gia nơi nhân quyền của phụ nữ tiếp tục bị vi phạm một cách thường xuyên.”

Bức thư ngỏ cũng yêu cầu Đức Thượng Phụ Kirill xác định rõ xem quan điểm của cha Smirnov có phải cũng là quan điểm chính thức của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

“Nếu tuyên bố của cha Dmitry Smirnov nói rằng phụ nữ 'không thông minh' mâu thuẫn với quan điểm chính thức của Giáo hội Chính thống Nga, Đức Thượng Phụ có cho rằng tuyên bố đó gây khó chịu và nhục nhã không?”


Source:Radio Free Europe