Ngày 13-07-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phản ứng của Vatican về vụ hành hung Sứ thần Tòa Thánh và các Giám Mục Nicaragua
Đặng Tự Do
04:02 13/07/2018
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Thủ Tướng Đức và Hội Đồng Giám Mục Đức đã lên tiếng phản đối vụ hành hung các Giám Mục tại nhà thờ San Sebastian ở Diriamba, cách Managua 25 dặm về phía nam hôm 9 tháng 7.

Trong số các vị Giám Mục bị hành hung cả về thể lý lẫn bị lăng mạ có Đức Hồng Y Leopoldo José Brenes Solorzano, là Tổng Giám Mục Managua; Đức Cha Silvio José Baez Ortega, là Giám Mục Phụ Tá; và Đức Tổng Giám Mục Waldemar Sommertag, Sứ Thần Toà Thánh tại Nicaragua.

Các vị đã đến nhà thờ trong cố gắng giải thoát cho một số người đang bị cảnh sát và du đãng thân chính quyền bao vây ở đây.

Phái đoàn các giám mục đã bị chặn đường và các nhóm ủng hộ chính phủ đã lăng mạ họ là những kẻ giết người, sau đó đã hành hung. Đức Giám Mục Baez cho biết ngài bị một vết cắt trên tay. Đức Cha nói “Chúng tôi bị vây hãm bởi một đám đông giận dữ muốn xông vào nhà thờ San Sebastian ở Diriamba, tôi đã bị thương, đấm vào bụng, bị giật mất huy hiệu giám mục và bị sỉ nhục. Tạ ơn Chúa, tôi vẫn khỏe. Nhà thờ được giải phóng, kể cả những người ở trong đó.”

Trong cuộc họp báo hôm 12 tháng 7, phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ không gởi công hàm chính thức phản đối Nicaragua vì muốn đối thoại với nhà cầm quyền Nicaragua và không muốn làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Đức Hồng Y Pietro Parolin ca ngợi Đức Tổng Giám Mục Waldemar Sommertag, Sứ Thần Tòa Thánh vì đã hành động hợp lý trong tình huống đáng tiếc trên.

Đức Hồng Y Parolin nói thêm: “Các nhóm bán quân sự này đang gieo rắc khủng bố bằng thái độ hung hăng và sẵn sàng giết người”. Đức Hồng Y nói ngài mong muốn Giáo Hội tại đây làm trung gian nối lại các cuộc đối thoại giữa chế độ và các thành phần đối lập, nhưng nhìn nhận rằng Giáo Hội chỉ có thể làm được điều đó nếu “cả hai bên đều có một mong muốn đạt được một thỏa hiệp.”

Theo một báo cáo của Hiệp hội Nhân quyền Nicaragua, từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 10 tháng 7, đã có 351 người thiệt mạng và 2,100 người bị thương vì bạo lực ở quốc gia này. Hiệp hội cũng cáo giác rằng 329 người đã bị bắt cóc, và 68 người bị tra tấn bởi cảnh sát Nicaragua và bọn du đảng do nhà nước thuê mướn.
Source: - Catholic World News - Holy See will not lodge formal diplomatic protest against Nicaragua
 
Thánh lễ an táng Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran
Đặng Tự Do
06:35 13/07/2018
Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự thánh lễ an táng cho Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, tại Bàn Thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Năm 12 tháng 7.

Theo như thông lệ đối với các thánh lễ an táng của các vị Hồng Y, Đức Thánh Cha sẽ đến vào cuối Thánh lễ để chủ sự nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt (Commendatio and Valedictio). Trong nghi thức tang lễ Công Giáo, nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt cuối cùng là những lời cầu nguyện chính thức ủy thác người đã chết cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong thánh lễ an táng Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, là người đã công bố “Habemus papam” - “Chúng ta có Giáo Hoàng” để giới thiệu ngài với thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự thánh lễ an táng Đức Hồng Y từ đầu đến cuối.

Đức Hồng Y Tauran đã qua đời một tuần trước đó vào ngày thứ Năm 5 tháng 7, sau một trận chiến dài với bệnh Parkinson. Trong bài giảng, Đức Hồng Y Sodano nhắc nhớ rằng vị Hồng Y quá cố là một người “can đảm phục vụ Giáo hội thánh thiện của Chúa Kitô, bất chấp gánh nặng bệnh tật của mình.” Vào thời điểm qua đời, Đức Hồng Y Tauran là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn, và Hồng Y Nhiếp Chính.

Đức Hồng Y Sodano nói: “Trong nhiều năm, tôi chứng kiến tinh thần tông đồ vĩ đại của Đức Hồng Y quá cố, trong những năm dài phục vụ chung cho Tòa Thánh, và tôi sẽ giữ một kỷ niệm biết ơn về điều đó mãi mãi.”

Vị niên trưởng Hồng Y đoàn nói thêm rằng Đức Hồng Y Tauran là một gương sáng tuyệt vời về “một Linh mục, một Giám mục, và một Hồng Y”. Ngài là người đã dâng hiến cả đời mình cho sự phục vụ của Giáo hội.

Đức Hồng Y Sodano cũng ca ngợi tinh thần sẵn sàng “đối thoại với tất cả mọi người thiện chí” của Đức Hồng Y Tauran.

Để kết luận, Đức Hồng Y Sodano nhận xét rằng Đức Hồng Y Tauran đã sống những lời của Hiến Chế Gaudium và Spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công Đồng Vatican II: “Vì Chúa Cha là nguyên ủy và cùng đích của tất cả mọi người, tất cả chúng ta được mời gọi là anh em với nhau. Và khi được kêu gọi trở thành một ơn gọi hiển nhiên duy nhất, nhân bản và thần thánh, chúng ta có thể và chúng ta nên làm việc cùng nhau ‘không bạo lực, không lừa dối’ cho việc kiến tạo một thế giới thật sự hòa bình.”

Cùng đồng tế với Đức Hồng Y Sodano, còn có đông đảo các Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục trong giáo triều Rôma. Bên cạnh đó còn có bà Geneviève Duber, chị gái của Đức Hồng Y Tauran và khoảng 1000 tín hữu.
Source: - Vatican News - Cardinal Tauran commended to God in Requiem Mass at St Peter's
 
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo nghi lễ Syria kêu gọi phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận quốc gia này
Đặng Tự Do
07:04 13/07/2018


Trong một thông cáo báo chí được Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo nghi lễ Syria công bố, Đức Thượng Phụ Mor Ignatius Aphrem II cho biết ngài đã lên tiếng xin Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị trong cuộc họp tại Bari khẩn thiết kêu gọi các quốc gia phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận Syria.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Bari hôm 7 tháng 7 đã bao gồm hai khoảnh khắc chính: lời cầu nguyện trên bờ biển, và thời điểm suy tư và lắng nghe lẫn nhau giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội tại Trung Đông.

Sau buổi cầu nguyện trên bờ biển, Đức Thánh Cha và các vị đã trở lại nhà thờ Thánh Nicholas, nơi các ngài có một cuộc họp kín liên quan đến các tình huống ở Trung Đông.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết toàn bộ chi tiết của cuộc họp này. Tuy nhiên, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo nghi lễ Syria cho biết trong cuộc họp, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo đã thảo luận những phương cách nhằm bảo đảm an toàn cho các Kitô hữu ở Trung Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng khác nhau trong khu vực và trên toàn thế giới.

Trong cuộc họp này, Đức Thượng Phụ Mor Ignatius Aphrem II lưu ý rằng ngài không thể hiểu nổi quan điểm của phương Tây nói chung, và cả nhiều Giáo Hội tại các quốc gia này, liên quan đến sự hiện diện và đau khổ của các Kitô hữu ở Trung Đông.

Theo Đức Thượng Phụ các Giáo Hội Kitô không a dua hoặc chống lại chính phủ, nhưng luôn luôn phải gắn bó với đất nước và nhân dân, và phải hoạt động cho công lý. Trong tinh thần đó, Đức Thượng Phụ cho rằng những hành động trước mắt, có thể làm ngay sau cuộc gặp gỡ này là thúc đẩy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria.

Những biện pháp ấy theo Đức Thượng Phụ đang chống lại những người dân đang phải gánh chịu những khổ đau rất lớn do việc thiếu thực phẩm và thuốc men.
Source: - Syrian Orthodox Patriarchate of Antioch - Meeting of Heads of Churches of the Middle East with Pope Francis – Bari
 
Huấn luyện viên đội bóng đá Croatia : Tôi lần hạt trước mỗi tình huống khó khăn
Nguyễn Long Thao
15:35 13/07/2018
Đội bóng đá Croatia, sau những chiến thắng vẻ vang trước các đội sừng sỏ của thế giới, đã giành được chiếc vé vào trận chung kết giải Túc Cầu Thế Giới với đội tuyển Pháp diễn ra trong ngày Chúa Nhật 15 tháng 7 năm 2018 tại Nga.

Croatia là một nước nhỏ ở Trung Âu. Đa số dân chúng theo đạo Công Giáo và có đời sống đạo đức rất tốt lành. Huấn luyện viên Zlatko Dalic của đội tuyển quốc gia Croatia là một tín hữu Công Giáo. Ông đặt niềm tin vững mạnh vào quyền năng của Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Trước giải Túc Cầu Thế Giới, Huấn luyện viên Dalic đã dành cho đài phát thanh Công Giáo Croatia một cuộc phỏng vấn trong đó ông nói ông sẽ cầu nguyện với Chúa trong tất cả các trận đấu.

Mới đây Huấn Luyện Viên Dalic cho biết những chiến thắng trong các trận đấu vừa qua là nhờ vào lòng trông cậy nơi Thiên Chúa. Ông nói ông luôn mang trong mình cỗ tràng hạt và cầu nguyện với Mẹ mỗi khi gặp tình huống khó khăn.

Ông nói thêm: Tất cả những gì tôi đạt được trong sự nghiêp đời tôi đều do đức tin của tôi vào Thiên Chúa. Tôi tạ ơn Chúa. Đời tôi rất hạnh phúc. Nếu không có đức tin và không có động lực đó thì tôi rất khó mà đạt được những thành quả như ngày hôm nay.

Ông kể tiếp: Mỗi khi có tình huống khó khăn, tôi đút tay vào túi quần, cầm lấy tràng hạt và cầu nguyện cho tới khi vấn để được giải quyết dễ dàng hơn.

Huấn luyện viên Dalic năm nay 51 tuổi, có gia đình và hai con. Trong thời niên thiếu, ông chơi cho các đội bóng đá Croatia.

Năm 2000, anh hoàn thành sự nghiệp của mình như một bóng đá chuyên nghiệp và bắt đầu huấn luyện các đội Croatia. Năm 2010, ông đến Saudi Arabia để lãnh đạo các đội Al-Faisaly Harmah và sau đó là Al-Hilal. Một năm sau,ông chuyển đến United Arab Emirates để trở thành huấn luyện viên của câu lạc bộ Al-Ain.

Vào tháng 10 năm 2017, ông được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia Croatia tranh giải Túc Cầu Thế Giới năm 2018.

Chiến thắng ngoạn mục nhất của đội tuyển Croatia làm thế giới ngạc nhiên là đã hạ gục đội Tam Sư Anh Quốc với tỷ số 2 – 1 trong những giờ phút cuối cùng của trận đấu.

Theo thống kê năm 2011, Croatia có thủ đô là Zagreb, dân số 4,429,000 người, trong đó có 3,981,000 người Công Giáo (chiếm 89.88%). Có 17 giáo phận và 1,598 giáo xứ. Hiện đang có 25 vị giám mục; 2,343 linh mục; 3,711 tu sĩ, 44 thành viên các tu hội đời, và 1,912 giáo lý viên. Số lượng tiểu chủng sinh là 149 và đại chủng sinh là 438.

Tổng cộng có 13,362 học sinh - sinh viên theo học tại 41 trung tâm giáo dục Công Giáo, từ cấp mẫu giáo đến cấp đại học. Các tổ chức bác ái và xã hội thuộc Giáo Hội hoặc do các linh mục, tu sĩ của Croatia cai quản bao gồm: 1 bệnh viện, 30 viện dưỡng lão hoặc viện tế bần, 53 nhà trẻ mồ côi và bảo trợ trẻ em, 14 trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình và phò sự sống, 16 trung tâm giáo dục xã hội hoặc phục hồi nhân phẩm, và 6 tổ chức thuộc các loại khác.

Nguyễn Long Thao
 
Giải túc cầu thế giới: người Công Giáo VN nên ủng hộ Pháp hay Croatia?
Biển Đức Phan Anh
21:37 13/07/2018
Ủng hộ ‘gà nhà’ vốn là một truyền thống ‘thánh thiện’ đáng được duy trì.

Cho nên hãng thông tấn Công Giáo CNA cuả Hoa Kỳ vừa đặt ra một câu hỏi cho người Công Giáo Mỹ, đó là, vào Chúa Nhật này, Pháp và Croatia sẽ tranh nhau giải vô địch túc cầu thế giới 2018. Tuy hầu hết người Công Giáo Hoa Kỳ không quen thuộc với môn bóng này cho bắng môn Foot Ball, nhưng nhiều người cũng sẽ theo dõi cùng với hơn 3 tỷ người trên thế giới.

Vậy thì người Công Giáo Hoa Kỳ nên ủng hộ nước nào đây?

Có lẽ câu hỏi trên cũng nên đăt ra cho người Công Giáo VN, vốn sẵn ham chuộng môn túc cầu, mà theo truyền thống thì chúng ta lại thường ủng hộ ‘gà nhà’ một cách ‘quyết liệt’.

Trong hai nước Pháp và Croatia, cả hai đều là nước Công Giáo cả, người Công Giáo VN đương nhiên phải đặt thêm một câu hỏi căn bản nữa, đó là ai Công Giáo hơn ai?

Để trả lời câu hỏi trên một cách công minh, chúng ta hãy so sánh cái tính Công Giáo cuả họ xuyên qua lịch sử và văn hóa:

Nguồn gốc Công Giáo

Croatia:

Trong thời gian Chúa Giêsu sống ở Palestine thì Croatia nằm trong Bán đảo Balkan, là một tỉnh cuả Đế chế La Mã, được gọi là Dalmatia, còn gọi là Illyricum theo tiếng Hy Lạp.



Vào thời điểm đó thì đã có người Do Thái sống ở đây. Một số thành viên của cộng đồng Do Thái đã trở thành Kitô hữu trong thời kỳ đầu tiên, và khu vực này được nhắc đến trong bức thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi cho Timothy, và theo thánh truyền thì Titus, một đệ tử của Thánh Phaolô, đã đến ở Dalmatia, và có thể đã chết ở đó.

Một số truyền thống cũ cũng cho rằng Thánh Phaolô có thể đã đến Dalmatia, vì Ngài có viết trong Thư gửi cho người La Mã là đi thăm “Illyricum”, nhưng có lẽ vùng Illyricum mà ngài đề cập có thể là một phần khác, thuộc Hy Lạp, gần nước Albania ngày nay.

Người Croatia ngày nay là những người di cư đến vùng Dalmatian vào thế kỷ thứ 6, mang theo tôn giáo của bộ tộc cuả họ, cho đến khi những nhà truyền giáo Byzantine và các thầy tu Benedictine từ Pháp truyền đạo Công Giáo cho họ. Vào thế kỷ thứ 9, người Croatia có thể được coi là toàn tòng Kitô hữu, và giới quý tộc Croatia cũng bắt đầu cam kết trung thành với ngôi toà giáo hoàng.

Pháp:

Pháp thường được gọi là “trưởng nữ của Giáo Hội,” vì lịch sử lâu dài của đạo Công Giáo ở đó.

Có nhiều truyền thuyết kết nối nước Pháp với những nhân vật Tân Ước. Thí dụ như ba nhân vật Lazarus, Mary và Martha đã bị lưu đày khỏi Israel và đi bằng thuyền đến bờ biển của Pháp. Một truyền thuyết khác nói rằng Lazarus là giám mục đầu tiên của Marseille. Lại có truyền thuyết nói rằng Mary Madeleine, em gái của Lazarus, đã sống 40 năm trong một hang động ở Provence – loại bánh quy madeleine nổi tiếng của Pháp là một sản phẩm đặt tên theo thánh Mary Madeleine.

Nhưng bút tích chính thức của Giáo hội Pháp thì bắt đầu vào thế kỷ thứ 2, với ghi chép về 48 vị tử đạo, trong đó có Đức Giám Mục Lugdunum, bị giết ở Lyon, thuộc tỉnh Gaul của La Mã.

Hầu hết người Pháp coi Vua Clovis I là người sáng lập ra nước Pháp. Clovis chuyển đạo sang Công Giáo, được rửa tội vào ngày Giáng sinh năm 496 bởi Thánh Remy. Việc vua Clovis rửa tội được coi là điểm khởi đầu của Kitô giáo ở phương Tây.

Điểm:

Như vậy về lịch sử, thì hai nước Pháp và Croatia có những điểm cân bằng nhau, một đằng được ghi chép trong thánh kinh, đằng khác thì được mệnh danh là trưởng nữ cuả toàn thể Giáo Hội.

Hãy ghi điểm là 1-1.



Vậy chúng ta phải coi thêm một tiết mục khác, đó là xem nước nào thánh thiên hơn ai?

Croatia:

Vị thánh bảo trợ của Croatia là thánh Giuse. Không thể có thánh quan thày nào mà bằng thánh Giuse được phải không? Trừ phi vị thánh bảo trợ của bạn là Đức Mẹ Maria. Vị thánh bảo trợ của Pháp là Đức Trinh Nữ Maria!

Thánh Jerome sinh ra ở Dalmatia. Th. Marko Krizin, một linh mục nổi danh trong cuộc phản công phong trào thệ phản, và thánh Leopold Mandic, dòng Phan Sinh khó nghèo. Thánh Nicholas Tavelic dòng Phan Sinh cũng là người Croatia, tử đạo năm 1391 cùng với 3 người bạn đồng hành tại Jerusalem vì không chuyển sang đạo Hồi.

Năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cung hiến một thánh đường cho các liệt sĩ người Croatia, là những người lính đã bị lực lượng Ottoman xâm lược tàn sát vào thế kỷ 15. Hàng trăm ngàn người Croatia đã chết vì đạo và khủng bố, vì danh Chúa Giêsu Kitô.

Pháp:

Pháp có rất nhiều vị thánh nổi danh như Thánh Jeane d’Arc, Th. Gioan Vianney. Th. Therese de Lisieux. Th. Remy. Th. Denis. Th. Piere Faber. Th. Isaac Jogues. Th. Louis IX. Thánh Vincent de Paul. Đó chỉ là một số ‘Sơ Sơ’ mà thôi.

…Vậy thì nếu so sánh các thánh với nhau, mục này Pháp thắng là cái chắc, dẫn tới điểm 2-1.

Nhà thờ

Croatia:

Croatia có nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời thật hoành tráng. Nhà thờ kiểu gothic được xây dựng vào những năm 1200 và được tái tạo vào những năm 1880. Ngày nay người ta vẫn còn thấy nhiều di tích thành quách xây dựng vào những năm 1400 ở xung quanh nhà thờ để chống quân xâm lược Ottoman. Những thành quách đó cũng lại ngăn cản được người Ottoman trong một cuộc xâm lăng khác 200 năm sau đó. Ngôi nhà thờ ở Zagreb cũng đã đứng vững sau một trận động đất. Đó là một viên ngọc quí cho toàn thể Giáo hội.

Pháp:

Nhà thờ ở Chartres được coi là điểm cao của nghệ thuật và kiến trúc Gothic. Kính màu thì nổi tiếng thế giới. Được bắt chước trên khắp thế giới. Được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ mười hai, và được khôi phục lại nhiều lần. Trong Thế chiến II, một đại tá Mỹ đã lẻn vào phía sau hàng tuyến cuả Đức để giữ cho nhà thờ không bị quân Đức chiếm đóng. Và sự nghiệp anh hùng này đã giúp cho ngôi nhà thờ không bị đồng minh đánh bom.

Điểm:

Nhà thờ Chartres nổi tiếng vì được coi là tuyệt điểm cuả nền kiến trúc châu Âu, nhưng nhà thờ ở Zagreb thì đáng giá hơn vì đã ngăn cản đế quốc Ottoman không lan tràn qua Âu Châu. Cho nên tới đây hai bên lại hoà nhau ở điểm 2-2.

Kết luận:

Để kết luận, chúng ta phải ủng hộ đội nào? "Trưởng Nữ của Giáo hội", hay là đội banh có vị huấn luyện viên luôn luôn lần chuỗi Mân Côi ?

Thôi thì hãy ném một đồng xu để mà chọn vậy nhá!
 
Đối thoại với Trung Cộng: người Công Giáo đầy đủ, người Trung hoa đích thực.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:13 13/07/2018


(Vatican News) Ở Trung Cộng hiện nay, có một số giám mục bất hợp pháp về mặt giáo quyền, và số khác thì lại không được chính quyền công nhận. Đây là một dấu chỉ của sự cùng tồn tại của hai cộng đồng Kitô hữu ở đất nước này. Khi những cuộc đàm phán bắt đầu trong một tinh thần đối thoại, chúng được thực hiện nhằm tiến hành tìm cách giải quyết những vấn đề thực tế này, để vượt qua hoàn cảnh hiện tại và bắt đầu một sự đổi mới tích cực.

Theo như thông lệ quốc tế, những cuộc đàm phán của hai quốc gia tiến hành một cách bí mật, và thường chỉ khi có kết quả cuối cùng, mới được công bố cho quần chúng. Vì lý do này, các chi tiết về những cuộc đối thoai giữa Tòa Thánh Vatican và nhà cầm quyền Trung Cộng đã không được phổ biến. Tuy nhiên, nếu có một sự hiểu biết, chúng ta có thể hình dung đến sự cho phép cả hai Giáo Hội tái xây dựng sự hiệp nhất về lãnh đạo mục vụ của các Giáo Phận đối với hai cộng đồng hiện tại và rất nhiều các giáo phận mà hiện nay không có Giám Mục coi sóc, để mỗi nơi trong số này đều có được một Cha xứ được công nhận bởi cả Giáo hội và nhà cầm quyền.

Người ta không thể trông chờ một cuộc tiến hành như thế mà lại không đau đớn. Chắc chắn là phải có những sự bất hạnh, đau khổ, hy sinh, oán giận và ngay cả có những căng thẳng mới. Nhưng loại “đường kim mũi chỉ” này, ám chỉ sự đau đớn mà Giáo Hội Công Giáo ở Trung Cộng thường gọi, cho chúng ta hy vọng rằng nó sẽ thanh lọc và một khởi đầu cho những điều tốt đẹp. Không có người thua kẻ thắng, nhưng là mọi đóng góp của cả hai phía đều có giá trị. Như Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói, “Vấn đề không phải là lau chùi phiến đá cho sạch sẽ, hay không để ý tới hay tẩy xóa thần kỳ con đường đau khổ của quá nhiều tín hữu và các linh mục, nhưng là đầu tư về nhân sự và tinh thần với bao nhiêu khó khăn để xây dựng một tương lai êm đềm và tình huynh đệ, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa.”

Nếu có được một sự bắt đầu mới thì, trong khi tôn trọng những nhạy cảm khác biệt, cả hai sẽ thân thiện hơn và hiệp nhất hơn vì Giáo Hội Công Giáo ở Trung Cộng, điều này sẽ, trước hết có ảnh hưởng tích cực đến đời sống tâm linh và thiêng liên của các tín hữu, những người đang làm việc để trở thành một người Công Giáo đầy đủ hơn và một người Trung Hoa đích thực hơn.

Hơn nữa, nó có thể giải tỏa những nguồn năng lực mới cho các hoạt động của Giáo Hội và cho sự hài hòa lớn hơn ở xã hội Trung Cộng. Nhưng tùy thuộc rất nhiều vào những cam kết và thiện chí của tất cả mọi người liên quan. Người Công Giáo có mặt tại Trung Cộng, chỉ tính bằng những con số, dường như rất ít, nhưng dù sao vẫn còn sống. Công việc tái phúc âm hóa có thể mang lại những thành quả lớn dù rằng bị nhiều giới hạn và kiểm soát có thể vẫn còn, vì phần lớn do sợ rằng tôn giáo có thể được dùng bởi “lực lượng bên ngoài” làm mất an ninh xã hội.



Nếu việc công nhận dân sự một Giám Mục là một vấn của nhà nước, cùng với luật lệ và thủ tục của nó, thì sự bất hợp pháp theo giáo luật của một Giám mục lại là một quan tâm của Giáo Hội. Để hiểu điều này, cần phải nhận ra Giáo Hội là gì. Nhìn lại thể kỷ thứ hai, Thánh Irenaeus đã định nghĩa Giáo Hội là một cộng đồng đức tin, công bố và truyền bá Tông Truyền từ các Thánh Tông Đồ qua sự kế thừa liên tục của các Giám Mục. Sự kế thừa tông đồ này của các Giám Mục như là một bảo đảm Tông Truyền cấu thành chính Giáo Hội. Đồng thời, chính Giáo Hội bảo đảm sự kế thừa tông đồ và tính đích thực của chức giám mục, dù qua sự chỉ định của Đức Giáo Hoàng hay qua sự xác nhận của ngài về một Giám Mục được bầu chọn hợp pháp.

Ngay cả nếu một vị Giám Mục được truyền chức hợp pháp, thì vị giám mục này cũng không thể thực thi sứ vụ của mình một cách hợp pháp nếu ngài không hiệp thông với Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô và những Giám mục khác làm việc trên khắp thế giới. Tùy thuộc vào Giám Mục Roma, Đại diện của Đức Kitô, Cha sở phổ quát của Giáo Hội, để hợp pháp và thừa nhận trong sự hiệp thông đầy đủ những người mà ngài cho là xứng đáng, và là người mà ngài tín thác giao cho trách nhiệm mục vụ. Đối với Trung Quốc, người ta bắt đầu với sự chắc chắn này: Sự tấn phong một giám mục mới ở Trung Quốc mà không có lệnh của Đức Giáo Hoàng là bất hợp pháp nhưng có giá trị (với những trường hợp ngoại lệ). Mặc dầu những tình cảnh đau buồn này là bất thường, Giáo Hội Công Giáo ở Trung Cộng luôn duy trì là “một” bởi vì nó chưa bao giờ chính thức thiết lập như là “tách ra” khỏi Roma, và hơn nữa, bởi vì nó chưa bao giờ soạn thảo một nền tảng tín lý chống lại quyền bính của giáo quyền.

Nhưng có một bằng chứng khác cần được xem xét, đó là sự mong muốn sống hiệp thông với Đức Giáo Hoàng luôn luôn hiện diện trong các Giám Mục Trung Cộng được tấn phong bất hợp pháp. Với điều kiện bất thường của các Giám Mục này, sự thừa nhận mong muốn của họ được hiệp thông với Giáo hoàng tối cao tạo nên sự khác biệt giữa hai quan niệm đối chọi nhau xuất hiện trong những năm gần đây: những người tin rằng các giám mục bất hợp pháp thực sự hối lỗi ăn năn hành vi của họ (mặc dù không tha thứ cho những hành vi không thích hợp của một số người trong họ); trong khi những người khác thì không tin sự chân thành của họ, vẫn thường kết án họ.


Source: Vatican News Dialogue with China: more fully Catholic, authentically Chinese
 
Đức Phaolô VI không một mình soạn thảo Sự Sống Con Người
Vũ Văn An
17:27 13/07/2018
Ký giả Cindy Wooden, của Catholic News Service, ngày 12 tháng Bẩy qua cho hay các tài liệu của Văn Khố Mật của Tòa Thánh và của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã chứng minh rằng việc cho rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đích thân tự tay và một mình soạn thảo thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae vitae) chỉ là một huyền thoại.

Để chuẩn bị mừng 50 năm Thông Điệp trên, Đức Phanxicô đã ban phép cho Đức Ông Gilfredo Marengo, một giáo sư tại Viện Giáo Hoàng Thần Học Gioan Phaolô II về Các Khoa Hôn Nhân và Gia Đình được sử dụng các Văn Khố Mật nói trên.



Kết quả cuộc nghiên cứu của Đức Ông Marengo là cuốn sách mới được xuất bản trong tháng Bẩy này tựa là “Việc Hạ Sinh Một Thông Điệp: ‘Sự Sống Con Người’ dưới Ánh Sáng Văn Khố Mật Tòa Thánh”

Trong một nhận định với các ký giả, Đức Ông Marengo nói rằng việc tìm tòi của ngài cho thấy 4 sự kiện ít ai biết đến: Đức Phaolô VI từng chấp thuận một thông điêp dưới tên “De Nascendae Prolis” (“Về việc sinh hạ một đứa con”) vào đầu tháng Năm năm 1968, nhưng rồi được các thông dịch viên của Phủ Quốc Vụ Khanh cho hay nó cần được hoàn chỉnh; một bản thảo khác đã được chính Đức Phaolô sửa lại; Đức Giáo Hoàng tương lai Gioan Phaolô II, nhiều dịp, đã đóng góp nhiều gợi ý, kể cả những lời bàn sâu rộng về chính chủ đề, nhưng không có chứng cớ nào cho thấy các gợi ý này đã được tích nhập vào văn kiện cuối cùng; và Đức Phaolô VI đã yêu cầu 199 giám mục tham dự thượng hội đồng giám mục năm 1967 gửi cho ngài các suy nghĩ về chủ đề điều hòa sinh sản.

Đức Ông Marengo nói rằng lời yêu cầu gửi tới các thành viên của thượng hội đồng là điều gây ngạc nhiên. Nó không được nhắc gì đến trong bất cứ tường trình nào về chính thượng hội đồng. Ngài nói: “Tin tức về việc Đức Giáo Hoàng muốn tham khảo mọi thành viên tham dự thượng hội đồng là điều rất quan trọng vì một trong các lời tố cáo nhất xưa nay sau khi công bố Sự Sống Con Người là: Đức Giáo Hoàng quyết định soạn thảo một mình, một cách không hề có tính hợp đoàn”.

Đức ông Marengo cho Catholic News Service biết: Đức Giáo Hoàng chỉ nhận được 25 câu trả lời trong thời kỳ từ 9 tháng Mười năm 1967 và 31 tháng Năm năm 1968. Và có lẽ còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong số các câu trả lời này, chỉ có 7 giám mục xin Đức Phaolô nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội chống lại việc dùng thuốc ngừa thai. Các câu trả lời khác, trong đó, có câu trả lời chung từ Hoa Kỳ của các Đức Hồng Y Lawrence Shehan của Baltimore, John Krol của Philadelphia, Tổng Giám Mục John Dearden của Detroit và Giám Mục John Wright của Pittsburgh – cho thấy có sự cởi mở đối với việc dùng các phương tiện ngừa thai nhân tạo trong một số hoàn cảnh, tuy nhiên “không một gợi ý nào nói rằng việc dùng thuốc viên ngừa thai là một điều tốt cả”.

Đức Cha Fulton J. Sheen của Rochester, New York, và Đức Hồng Y Karol Wojtyla của Krakow, Balan, tức đức Gioan Phaolô II trong tương lai, là các vị trong số 7 giám mục thúc giục Đức Giáo Hoàng nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội ngăn cấm việc dùng các phương tiện ngừa thai.

Đức Ông Marengo viết: “Đức Giáo Hoàng không bao giờ nghĩ đến việc làm việc một mình, đóng ngoặc khuôn mạo hợp đoàn của thừa tác vụ Phêrô”.

Nhưng tham khảo không hề là một việc y hệt như lấy phiếu bầu. Và các giám mục không phải là những người được yêu cầu đóng góp nhập lượng. Trước khi có thượng hội đồng đã lâu và trước khi Đức Phaolô được bàu làm Giáo Hoàng, Thánh Gioan XXIII từng đã cử một ủy ban nhỏ để nghiên cứu vấn đề điều hòa sinh sản.

Đức Phaolô mở rộng ủy ban này để bao gồm cả các cặp vợ chồng. Việc làm của ủy ban kết thúc vào năm 1966 với việc rì rỏ bản phúc trình của đa số thành viên cho rằng việc ngừa thai nhân tạo không xấu xa từ trong nội tại; các phúc trình của phe thiểu số, nhằm quả quyết rằng ngừa thai nhân tạo là điều sai trái về luân lý, cũng đã được rì rỏ để trả lời.

Đức Ông Marengo cho rằng: sau khi đọc các bản tường trình trên của Ủy Ban, Đức Phaolô “thấy mình rơi vào một tình huống không dễ dàng. Việc phán đoán của ngài đã chín mùi, và ngài cảm thấy từ lương tâm nghĩa vụ phải nói nó ra dựa vào thừa tác vụ tông truyền của mình, dù biết rất rõ rằng đi theo hướng của mình là tự đặt mình vào một khoảng cách đoán trước và đau đớn đối với nhiều giới trong cộng đồng Giáo Hội không hẳn đứng bên lề”.

Thực vậy, non một tuần sau ngày thông điệp được công bố, Đức Phaolô VI đã tổ chức một buổi yết kiến chung, trong đó ngài nói tới gánh nặng ngàn cân của quyết định trên. Ngày 31 tháng Bẩy năm 1968, ngài nói: “Chưa bao giờ trước đó, ta lại cảm thấy nặng nề đến thế, như trong trường hợp này, gánh nặng chức vụ của ta. Ta đã nghiên cứu, đã đọc và thảo luận bao nhiêu có thể; và ta cũng đã cầu nguyện rất nhiều cho việc này”.

Đối với Đức Ông Marengo, ta sẽ không thể hiểu được diễn trình soạn thảo Sự Sống Con Người, nếu không thừa nhận các thay đổi trong Giáo Hội do Công Đồng Vatican II thúc đẩy, trong đó, có chủ đề hôn nhân và việc làm cha mẹ.

Ngài nói với Catholic News Services rằng: “Từ ngày Công Đồng, trong hiến chế Gaudium et Spes, thừa nhận ‘việc làm cha mẹ có trách nhiệm’ như một giá trị, một việc làm thay đổi quan điểm về hôn nhân từ nền tảng, ý nghĩ của nhiều người vẫn cho rằng công đồng đòi có sự thay đổi trong cả nền luân lý tính dục của Giáo Hội nữa”.

Nhưng theo Đức Ông, “Đối với Đức Phaolô VI, điều khó khăn là làm thế nào giải thích được việc sử dụng các phương pháp ngừa thai là trái phép, nhưng phải làm thế dưới ánh sáng một quả quyết về việc làm cha mẹ có trách nhiệm.

Việc thông điệp nhấn mạnh tới “sự nối kết không thể tách biệt nhau” giữa các phẩm tính “kết hợp và sinh sản”của tình yêu vợ chồng, theo ngài, đã đánh dấu một thay đổi quan trọng trong giáo huấn của Giáo Hội thời tiền công đồng Vatican II; trước đây, Giáo Hội vốn dạy rằng mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân là sinh sản.

Việc Đức Phaolô đích thân viết lại “các chỉ thị mục vụ” của thông điệp cũng phản ảnh giáo huấn của Vatican II. Trước đây, “trách vụ huấn quyền là giải thích, và trách vụ mục vụ là bảo người ta chấp nhận”.

Đức Ông Marengo nhấn mạnh rằng “’bạn phải vâng lời’ là phương thức mục vụ cổ điển”.

Nhưng theo Đức Ông, “Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã phá bỏ sơ đồ trên vì cho rằng ‘tôi sẽ giải thích giáo huấn và nếu anh chị em cố gắng hiểu nó, anh chị em sẽ thấy nó chân thật và là điều tốt hơn cả cho chính anh chị em”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phúc Nhạc thuộc Giáo phận Xuân Lộc mừng kính lễ Bà Thánh Tử đạo Anê Lê Thị Thành-Bổn mạng của Giáo xứ
Trương Trí
22:00 13/07/2018
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vừa tổ chức Khai mạc Năm Thánh Các Thánh Tử đạo Việt Nam trọng thể trên toàn 26 Giáo phận nhằm tôn vinh các bậc tiền nhân đã can đảm tuyên xưng đức Tin trước mọi áp bức đòn roi tra tấn trong suốt chặng đường 300 năm đón nhận Tin Mừng. Đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 30 năm Thánh Giáo hoàng Gioan Phalo II tuyên phong hiển Thánh 117 vị Tử đạo trong số gần 300 ngàn vị Tử đạo. Trong đó có duy nhất một người phụ nữ là Thánh nữ Tử đạo Anê Lê Thị Thành.

Bà Anê Lê Thị Thành sinh vào khoảng năm 1781 tại Thanh Hóa, nhưng từ lúc nhỏ bà đã về sinh sống tại quê ngoại là Giáo xứ Phúc Nhạc thuộc Giáo phận Phát Diệm. Bà kết hôn năm 17 tuổi với ông Nguyễn Văn Nhất là người cùng quê nơi đây và sinh được sáu người con gồm hai trai và bốn gái. Người con trai cả tên là Đê, theo phong tục Việt Nam xưa thì khi đã thành gia thất, người ta không còn gọi tên tục mà gọi bằng tên của người con trai cả. Vì vậy, ở Phúc Nhạc-Phát Diệm và giáo xứ Phúc Nhạc-Gia Kiệm mọi người đều quen gọi là “bà Đê”, kể cả lúc được phong Chân phước và hiển Thánh người ta cũng gọi là “Bà Thánh Đê”. Tại Giáo xứ Phúc Nhạc-Gia Kiệm, tượng đài của Thánh Nữ được đặt trang trọng ngay chính giữa sân Nhà thờ.

Xem Hình

Biến cố chia cắt đất nước vào năm 1954, giáo dân Phúc Nhạc theo going người di cư vào Nam sinh sống. Họ tập trung về một nơi làm ăn sinh sống rất đoàn kết, từ đó lập nên một họ đạo và bây giờ là Giáo xứ Phúc Nhạc, thuộc hạt Gia Kiệm, Giáo phận Xuân Lộc, thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Trải qua hơn 60 năm, hiện nay giáo xứ Phúc Nhạc-Gia Kiệm có gần 12 ngàn giáo dân. Với truyền thống đạo đức thánh thiện từ đời cha ông, cũng là con cháu của Thánh nữ Tử đạo Anê Đê. Nhờ vào sự tôi luyện của gia đình ngay từ lúc còn nhỏ, ơn gọi ở Phúc Nhạc luôn dồi dào, từ đó đã sản sinh ra nhiều vị Giám mục gốc Phúc Nhạc-Gia Kiệm như: Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phát Diệm; Đức Giám Mục phó Giáo phận Đà Lạt Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh và nhiều linh mục cùng tu sĩ nam nữ. Đặc biệt có Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh, là người giáo dân đầu tiên của châu Á được Đức Thánh Cha Benedicto XVI phong tước Hiệp sĩ Đại Thánh giá vào năm 2007.

Cách đây 2 năm, trong dịp cùng Hiệp sĩ Đại Thánh giá và các nữ tu dòng Ảnh Phép lạ Kon Tum đến thăm Tòa Giám mục Phát Diệm, chúng tôi được đến thăm Đền Thánh của Thánh nữ tại làng Phúc Nhạc, trên khu vườn cũ của Thánh nữ kề bên Nhà thờ Phúc Nhạc, chỉ cách Tòa Giám mục Phát Diệm hơn 1 km.

Chiều ngày 12 tháng 7, lễ kính Thánh nữ Tử đạo Anê Lê Thị Thành, bổn mạng của Giáo xứ Phúc Nhạc-Gia Kiệm. Giáo xứ đã long trọng tổ chức Thánh lễ do Đức Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Xuân Lộc Gioan Đỗ Văn Ngân chủ tế, cùng đồng tế có các linh mục là con cháu của giáo xứ và các linh mục nguyên Chánh Phó xứ. Hiện diện trong Thánh lễ còn có Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh và hậu duệ của Thánh Nữ cùng cộng đoàn hiệp dâng lời cảm tạ tri ân và cầu nguyện.

Đoàn rước trang trọng tiến ra Lễ Đài giữa sân Nhà thờ, dẫn đầu là các ông bà Cố của các linh mục và tu sĩ, các đoàn thể và tu sĩ. Đức Giám Mục chủ tế và quý Cha đồng tế cùng đại diện Hội đồng Giáo xứ niệm hương trước đài Thánh Nữ chính giữa sân Nhà thờ.

Trước khi bắt đầu Thánh lễ, linh mục Lorenso Đỗ Nam Trấn, Chánh xứ Phúc Nhạc thay mặt Giáo xứ nói lời chào mừng và tri ân Đức Cha chủ tế và quý linh mục đồng tế, cũng như Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh đã hiện diện và hiệp dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Một sự hiện diện mang lại nhiều ân phúc của Thiên Chúa đến với giáo xứ Phúc Nhạc. Sự hiện diện mang lại tình hiệp nhất trong đức Tin, và trong cùng một sứ vụ chứng nhân Tin mừng, củng cố đức Tin cho chúng con. Một sự hiện diện quí báu trong ngày mừng kính Thánh Nữ Anê Đê Tử đạo, bổn mạng của Giáo xứ, để cùng nhau chung chia ân phúc mà Thánh Nữ Tử đạo cầu bầu cho chúng ta.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha chủ tế chia sẻ: Giáo xứ Phúc Nhạc có chung một niềm vui rất lớn, niềm vui của đức Tin hướng về đấng bổn mạng: Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành, một chân dung đặc biệt trong đức Tin của các Tiền nhân chúng ta cũng như của mỗi một người chúng ta. Trong tình yêu bao la của Thiên Chúa, Ngài đã ban cho chúng ta một vị Thánh Nữ mà cuộc đời của Thánh Nữ đã trải qua biết bao thử thách. Qua các Thánh Tử đạo, Ngài đã cho chúng ta một bài học rất lớn trong cuộc đời của chúng ta. Trong Thánh lễ này, chúng ta nhớ đến các linh mục, các bậc tiền nhân và ân nhân đã góp phần xây dựng giáo xứ vững mạnh như ngày hôm nay.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha chủ tế đặc biệt nhấn mạnh đến một truyền thống bất khuất trong Hội Thánh, đó là truyền thống Tử Đạo. Ngay từ thời Chúa Giêsu, các Tông đồ loan báo Tin Mừng, thì các Ngài đã đổ máu mình để làm chứng cho Chúa. Từ đó, Giáo hội đã có rất nhiều vị tử đạo để làm chứng nhân Tin Mừng, các Ngài đã đổ máu mình, đã hiến mạng sống mình cho Chúa. Và ngày 30 tháng 6 vừa qua, tại Rôma, Tòa Thánh đã tổ chức Thánh lễ để tôn vinh chung các vị Tử đạo trong thời kỳ 3 thế kỷ đầu của Hội Thánh. Thánh Giáo hoàng Gioan Phalo II đã nói: chính vào thế kỷ 20, các vị tử đạo còn nhiều hơn cả các thế kỷ trước. Thật vậy, đã có nhiều tâm hồn hy sinh mạng sống, đổ máu mình để dâng lên Thiên Chúa. Kể cả trong thời đại này, Giáo hội cũng phải chịu rất nhiều cuộc bách hại từ những thành phần cực đoan. Như vừa qua tại châu Phi, có một em bé chỉ mới 8 tuổi bị người Hồi giáo cực đoan bắt và buộc em phải tuyên bố bỏ đạo thì khỏi bị giết, nhưng em bé đó vẫn không chịu bỏ đạo và đã bị chặt đầu. Một em bé khác đang chơi với các bạn thì bị các bạn hỏi: Mày có phải là người có đạo không? Em bé ấy trả lời: Đúng vậy. Lập tức các bạn đổ đầu lên em bé và châm lửa đốt chết. Đức Cha chủ tế còn dẫn ra nhiều bằng chứng tử đạo khác nữa, và Ngài cho rằng: những con người ấy đã anh dũng tuyên xưng đức Tin của mình trước sự đe dọa nhưng vẫn chấp nhận cái chết để bảo vệ đức Tin. Những con người ấy dù chưa được tuyên phong hiển Thánh, nhưng cũng đã mang lại cho chúng ta sự bội phục.

Ngài cũng kể lại câu chuyện khi ở nước ngoài, Ngài đã gặp một vị giáo sư, và Ngài kể về ơn gọi linh mục tại Việt Nam hiện nay khá dồi dào. Vị Giáo sư đã nói: đó cũng là nhờ tại Việt Nam có quá nhiều vị Thánh Tử đạo.

Nhân ngày lễ kính Thánh Nữ Tử đạo, Ngài cũng ôn lại câu chuyện mà vẫn lưu truyền cho đến hôm nay: Khi Thánh nữ bị bắt và tra tấn, buộc Ngài phải bỏ đạo, Thánh nữ đã một lòng kiên trung không từ bỏ. Bọn lính đã bắt một con rắn thả vào trong áo của Ngài, Thánh nữ vẫn yên lặng cầu nguyện, và một hồi sau con rắn bò ra ngoài mà không hề hấn gì. Lại có một lần, khi người con gái đến thăm trong tù, thấy những vết máu đẫm ướt trên áo, cô ta đã khóc lóc vì thương mẹ. Thánh nữ đã nói một câu bất hủ: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu sao con lại khóc? Trải qua bao đòn roi tra tấn và bệnh tật, Thánh nữ đã chết trong tù ngày 12 tháng 7 năm 1841. Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Thánh Giáo hoàng Pio X đã tôn phong Chân phước, và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh. Ngài xứng đáng là tấm gương cho các bà mẹ Công Giáo.

Kết thúc Thánh lễ, đại diện HĐGX thay mặt cộng đoàn tỏ lòng tri ân Đức Cha, quý Cha, Hiệp sĩ Đại Thánh giá và quý khách đã hiệp dâng Thánh lễ mừng bổn mạng của Giáo xứ, vị Thánh nữ là bậc tiền nhân của Giáo xứ mà hiện nay vẫn còn rất đông người hiện diện là con cháu của Ngài.

Trương Trí
 
Hành hương Năm Thánh tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Thác Mơ – ngày 13.7.2018
Vũ Đình Bình
22:15 13/07/2018
Theo thông lệ đạo đức và lòng yêu mến Mẹ, cứ đến ngày 13 hàng tháng các tín hữu vùng Đồng Xoài – Phước Long lại quy tụ về bên Mẹ Thác Mơ cùng dâng thánh lễ tôn kính Mẹ.

Ngày 13 tháng 7 năm nay đặc biệt hơn, Giáo hội Việt Nam tổ chức Năm Thánh mừng 30 năm 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm Thánh bắt đầu từ ngày 19.6.2018 và kết thúc vào ngày 24.11.2018.

Giáo phận Ban Mê Thuột chọn 2 điểm hành hương Năm Thánh: Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ. Giáo phận sẽ tổ chức hành hương tại TTHH Đức Mẹ Thác Mơ vào các ngày 13 hàng tháng. Thánh lễ bế mạc Năm Thánh tại TTHH Đức Mẹ Thác Mơ sẽ cử hành vào ngày 13.11.2018 và Thánh lễ bế mạc Năm Thánh tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột cử hành vào ngày 23.11.2018.

Xem Hình

Thánh lễ tại TTHH Đức Mẹ Thác Mơ hôm nay cử hành vào lúc 9 giờ do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ tế cùng với Quý Cha trong 2 Giáo hạt Phước Long, Đồng Xoài. Tham dự Thánh lễ, có quý tu sĩ nam nữ quý Thầy chủng sinh, ứng sinh, Quý chức HĐGX, các đoàn thể, các tín hữu trong vùng và đông đảo khách hành hương xa gần.

Về hiệp dâng Thánh lễ, cộng đoàn được mời gọi tôn vinh Đức Maria là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Mẹ như là người tín hữu đầu tiên đã lướt qua mọi gian nan thử thách để chứng tỏ lòng trung tín và yêu mến Chúa cho đến cùng.

Trong bài chia sẻ sau Tin Mừng, Cha GB. Nguyễn Huy Bắc giải thích lý do TTHH Đức Mẹ Thác Mơ được chọn là điểm hành hương Năm Thánh Tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Giáo phận, mặc dù không thuận lợi về địa lý. Đó là do ý nghĩa về lịch sử và thần học. Phước Long đã trải qua hành trình đức tin thăng trầm đầy sóng gió. Trong thời gian đó có 4 vị mục tử đã hy sinh trọn vẹn thân mình cho đến chết: Cha Phêrô Trần Đức Sâm (Giáo xứ Phước Long), Cha Phêrô Nguyễn Quý Cảnh (Giáo xứ Phước Vĩnh), Cha Batôlômêô Đinh Văn Toàn (Giáo xứ Sông Bé), Cha FX, Phạm Đình Nhã (Giáo xứ Nhân Hòa) đã hiến trọn đời mình để bảo vệ đoàn chiên đến cùng.

Qua các Bài Đọc hôm nay, Cha GB. Nguyễn Huy Bắc cũng chia sẻ với cộng đoàn về việc tử đạo và sống đạo để làm chứng nhân cho Chúa (tử đạo đỏ, tử đạo trắng, và tử đạo xanh)… Ngày kêu gọi cộng đoàn hãy noi gương Mẹ Maria, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, vâng phục Chúa Cha trong tín thác, theo ơn soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để xứng đáng lãnh nhận những ơn lành Chúa ban trong Năm Thánh này.

Cuối Thánh lễ, Đức Giám Mục làm phép ảnh tượng và ban phép lành trọng thể cho tất cả cộng đoàn hiện diện. Ngài nhắn nhủ cộng đoàn luôn sống đức tin vững mạnh và phong phú. Ngài cầu chúc cộng đoàn luôn luôn có một lương tâm trong sáng, dám sống theo Lời Chúa theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. ngài kêu gọi mọi thành phần dân Chúa vui lòng cộng tác, chung tay xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ, ngôi nhà của Mẹ và cũng là ngôi nhà của chúng ta.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng bão, nhưng khách hành hương xa gần vẫn về bên Mẹ rất đông đảo, sốt sắng tham dự Thánh lễ dưới những tàn cây râm mát. Mẹ đã gìn giữ họ không bị nắng, cũng không bị mưa ướt. Xin Mẹ, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu Việt Nam luôn sống đức tin cách tích cực, để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng phát triển, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người.

Vũ Đình Bình
 
Mừng lễ Ngọc Khánh 60 năm Linh mục và 90 tuổi đời của cha Phêrô Nguyễn Trọng Qúy tại Đức Quốc
Trầm Hương Thơ
08:51 13/07/2018
"Hồng ân Thiên Chúa bao la

Muôn đời con sẽ ngợi ca Danh Ngài."

Hôm này ngày 30.06.2018 tại giáo xứ Bonifatius thành phố Herne và lúc 11h00 một thánh lễ tạ ơn thật long trọng đã được diễn ra với khoảng hơn 400 người tham dự. Thánh lễ tạ 60 năm hồng ân thiên chức Linh mục và 90 tuổi đời Chúa khứng ban cho cha Dr. Phêrô Nguyễn Trọng Qúy.

Vâng, cách nay đúng 60 năm ngài đã hân hoan bước lên cung thánh, đã nằm phủ phục sát mặt đất để tuyên khấn và lãnh nhận thiên chức Linh mục đúng vào ngày đại lễ giáo hội mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hôm nay sau đúng 60 năm giáo hội cũng mừng kính hai thánh cả thì ngài cùng với giáo hội hoàn vũ để mừng thánh lễ tạ ơn này.

Xem Hình

Trong đoàn đồng tế rước lên cung thánh thấy có ĐGM. Comas Hoàng Văn Đạt chủ tế. Ngoài ra còn có Lm. quản hạt, cha xứ sở tại Bonifatius tổng cộng 18 Lm. Đức - Việt và 2 thầy phó tế. ĐGM. Cosma chủ tế đến từ quê nhà giáo phận Bắc Ninh, bởi Bắc Ninh xưa kia là nơi xuất thân của Lm. Dr. Nguyễn Trọng Qúy sang đây cùng ngài dâng thánh lễ tạ ơn.

Đầu thánh lễ ĐGM. Cosma chào cha quản hạt qúy Lm. và tất cả mọi người hiện dện nơi đây. Ngài rất vui khi có dịp sang đây để thăm hỏi và dâng thánh lễ tạ ơn 60 năm hồng ân Lm. và 90 tuổi đời của cha cố Qúy. Cha Phêrô Qúy là một Lm. vô cùng dễ mến, luôn tận tình với công việc mục vụ cho giáo dân bất kể ngày đếm lúc nào cần đến ngài là luôn sẵn sàng. Thật hiếm có một linh mục nào thánh thiện và thương yêu tất cả mọi người như ngài. Luôn luôn hiền từ và nhã nhặn vui tươi. Bởi thế tôi không ngạc nhiên gì khi nhìn thấy tình cảm của tất cả Giáo dân gần xa hôm nay về đây mừng ngài.

Hôm nay Hiáo hội mừng hai thánh lớn là Phaolô và Phêrô. Trong bài giảng ĐGM. Cosma nhắc đến câu nói bất hủ của thánh Phêrô: "thưa Thầy bỏ Thầy con biết theo ai vì Thầy đã có những lời ban sự sống" Câu nói tuyệt vời này của chú thuyền chài Phêrô thật tha thiết. và cầu nói này luôn luôn đúng trong mọi thời đại cho mọi người và mọi nơi trên trái đất này. Ai bỏ Ngài kẻ ấy sẽ tự chuốc lấy thiệt thân.

Ngài kể rằng: chính ngài đã có kinh nghiệm bản thân rồi, nếu tôi bỏ Ngài thì cuộc đời tôi đâu có như ngày hôm nay, đâu còn đứng đây để mà nói chuyện chia sẻ với qúy cha và Ông Bà Anh Chị Em.

Thánh Phaolô thì người hăng say cuồng nhiệt, mà đời nếu ta nhiệt tình qúa mà thiếu ơn Chúa Thánh Thần thì chưa chắc chúng ta đã đúng. Phaolô là thế, hăng say nghĩ rằng mình đi bắt mấy người theo ông Giêsu là đúng nhưng cuối cùng Chúa phải quật cho một phát đến ngã ngựa mù cả mắt mới làm cho tỉnh thức.

Khá nhiều câu chuyện kỳ thù về cuộc đời những nhân vật được ĐGM. chia sẻ rất hay và thú vị trong bài chia sẻ hôm nay để chúng ta hiều rằng cuộc đời tu trì bước theo Đấng Kitô nó không phải đơn giản như cái mặt nổi chúng ta nhìn thấy trên bàn thánh này đâu. Hôm nay với hồng ân 60 năm Lm. và 90 tuổi đời chúng ta hãy cùng ngài để tạ ơn Thiên Chúa vì" Bỏ Ngài con biết theo ai..."

Bài chia sẻ của ĐGM Cosma đã đuợc Lm. Phaolô Phan Đình Dũng lược dịch lại khá đầy đủ và hấp dẫn, vì trong thánh lễ tạ ơn này có cha quản hạt qúy cha người Đức và khá nhiều những người Đức thân quen và giáo dân tham dự. Tôi phải cộng nhận là Lm. Phaolô Phan Đình Dũng là một người rất tài ba và lưu loát trong dịch thuật sang tiếng Đức hoặc ngược lại. Đặc biệt bộ nhớ của ngài rất tốt với cả một bài giảng dài như vậy không giắy tời ghi chép mà ngài dịch lại gần như nguyên văn như là tự ngài đang đứng giảng cho tất cả mọi người nghe vậy. Đây chắc chắn là một ơn Chúa ban cho đặc biệt.

Dâng của lễ hôm nay cũng có phần đóng góp rất đẹp của ban "Phụng vũ" mười em thiếu nữa đã tiến dâng của lễn lên bàn thánh thật nhịp nhàng trong nhịp điệu tiến dâng. (Phụng vũ là một nghi thức trong phụng vụ trang nghiêm và nhịp nhàng theo nghi thức đội hình)

Những lời nguyện giáo dân hôm nay không chỉ cầu cho ĐGH và giáo hội, không chỉ cầu cho Linh mục và đoàn đồng tế hôm nay nhưng đặc biệt là những lời nguyện cho Quê Hương và Tổ Quốc Việt Nam của chúng ta.

Cuối thánh lễ có cha quản hạt, và ông chánh trương của giáo xứ Bonifatius Herne chúc mừng. Lm. Đa Minh Trần Mạnh Nam đại diện Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Đức chúc mừng.

Ông chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức, Ông chủ tịch cộng đồng Công Giáo Paderborn và Essen, các hội đoàn, cùng lên chúc mừng Lm. Dr. Phêrô nguyễn Trọng Qúy cách đặc biệt.

Ngoài ra hôm nay cũng là thánh lễ tạ ơn 25 năm thánh chức Lm. của cha Đanh minh Nguyễn Ngọc Long, cha GB. Nguyễn Ngọc Thủy 20 năm nên hai cha được chúc mừng và tặng bó hoa tươi thắm.

Kính chúc các ngài luôn được tràn đây ơn lành hồn xác và ơn bền đỗ, vì "Bỏ Ngài con biết theo ai"?

Sau phép lành kết lễ mọi người chụp hình xong sang hội trường dùng bữa tiệc mừng luôn 3 cha vui như ngày cưới. Hôm nay trời nằng nóng 30 độ C nên những căn lều dựng lên thêm trên phía trước sân giáo xứ Bonifatius Herne.

Những tiếng cụng ly và những câu chuyện râm ran cả một góc trời

cho đến mãi gần 18h mới châm dứt và thu dọn.

Tôi xin chấm dứt bản tin bằng bài thơ dưới đây.

CHÚC MỪNG NGỌC KHÁNH LINH MỤC:

Ngọc Khánh Linh Mục Chúa khấng ban

Mừng ngày kỷ niệm rất hân hoan

Đoàn con kính chúc tràn ân sủng

Nguyện Chúa an bình mãi chứa chan

Sức khỏe dồi dào thêm đức ái

Ơn lành dư dật mãi chia san

Chín mươi tuổi mới, càng thêm đức

Vẫn mãi vui tươi, mãi đầy tràn.


Trầm Hương Thơ
 
Giáo xứ Sơn Quả-TGP Huế hành hương Núi Mẹ Tân Sơn.
Maria Thủy Tiên
13:20 13/07/2018
Nói đến Tổng Giáo phận Huế là nghĩ đến Thánh địa La Vang và nhiều công trình khác. Nhưng Huế Công Giáo cũng có nhiều di tích đạo đức không kém giá trị. Ngày nay đến Thanh Tân bên dòng sông Bồ là nghĩ đến suối nước nóng thiên nhiên, là thư giãn khi ngâm mình trong dòng nước ấm, mắt hướng về dãy núi xa xa mà mơ mộng. Nhưng mấy ai biết đâu từ năm 1934, giáo dân vùng này đã thiết lập một đài dâng kính Đức Mẹ trên một đỉnh núi cao mà người địa phương quen gọi là “Lỡ Mẹ” với tước hiệu Nữ Vương Ban Sự Bằng An.

Chắc hẳn nhiều người còn xa lạ với địa danh núi Mẹ, nhưng đối với vùng đất Phong Sơn và cách riêng ba giáo xứ: Thanh Tân, Sơn Qủa và Bến Củi, núi Mẹ đã trở thành đền thờ thiêng liêng, nơi ghi dấu ấn lịch sử đức tin của bà con giáo dân vùng này.

Xem Hình

Để đánh dấu cho sự kiện kỷ niệm 101 năm- lần thứ 1 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Giáo xứ Sơn Qủa đã tổ chức dâng hoa trên núi Mẹ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo xứ Sơn Qủa tổ chức dâng hoa cho Mẹ trên núi.

Ngày dâng hoa hôm đó (13/05/2018) thật ý nghĩa và trùng hợp với nhiều sự kiện: mừng lễ Chúa lên trời lại khiến chúng ta nhớ đến một trong những đặc ân của Đức Mẹ đó là lên trời cả hồn lẫn xác, kỷ niệm 101 năm-lần nhứ nhất Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, và hôm nay cũng là “Ngày của Mẹ” để nhắc nhở mỗi người chúng ta không chỉ nhớ đến người mẹ trần thế của mình mà chúng ta còn có một người Mẹ trên các người mẹ đó là Mẹ Maria.

Sau khi cộng đoàn Giáo xứ Sơn Qủa cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ Mừng Chúa lên trời tại nhà thờ xong, mọi người nhanh chân trở về nhà mình để chuẩn bị hành trình lên dâng hoa cho Mẹ trên núi. Mang theo tâm tình mừng lễ Chúa Lên Trời, con cái ở trần thế hân hoan cùng Chúa cất bước lên núi với Mẹ để dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi thắm đượm tình con thảo, hoa của thiên nhiên, hoa của núi rừng và hoa của lòng người…mỗi đóa hoa một sắc màu tượng trưng cho những tâm tình, những lời nguyện ước của mỗi người.

Khác hẳn mọi lần hành hương khác, hôm nay con cái lên thăm Mẹ mang theo niềm vui của sự kiện lần đầu tiên dâng hoa trên núi Mẹ nên lúc khởi hành mặt trời đã lên cao, lại thêm thời tiết oi bức nhưng mọi người vẫn háo hức cầm trên tay những nhánh hoa tươi để vượt đồi núi dâng cho Mẹ.

Núi Đức Mẹ cách nhà thờ Sơn Quả chừng 5km. Một nửa quãng đường đó có thể đi bằng xe máy, quãng còn lại là con đường mòn men theo triền núi, chúng ta phải đi bộ bằng đôi chân vững chắc của mình để băng qua những khúc đồi cao, vượt qua những hòn đá nằm ngổn ngang giữa đường. Tùy theo sức lực của mỗi người mà chúng ta đến với Mẹ sớm hay muộn. Đến khi thấy bà con giáo dân lên đến Đài Mẹ khá đông, sau những phút nghỉ ngơi lấy lại sức, mọi người chuẩn bị nghi thức dâng hoa do Cha Đaminh Nguyễn Hữu Khôi, quản xứ Sơn Qủa chủ tế cùng với sự tham dự sốt sắng của cộng đoàn giáo xứ.

Sau khi Cha quản xứ ngỏ đôi lời với cộng đoàn về ý nghĩa của việc dâng hoa hôm nay, các em thiếu nhi trong giáo xứ dâng lên Mẹ vũ khúc dâng hoa năm sắc. Sau vũ khúc của các em thiếu nhi, đại diện các giới trong giáo xứ lần lượt dâng lên Mẹ từng giỏ hoa tươi với 5 sắc màu: hồng, vàng, xanh, trắng, tím. Và cuối cùng, từng người một lên dâng cho Mẹ những nhánh hoa tươi do chính mình mang lên. Tất cả những sắc màu hoa tượng trưng cho những tâm tình, những ước nguyện của cộng đoàn giáo xứ dâng lên Mẹ.

Kế tiếp phần dâng hoa thiên nhiên cho Mẹ, mọi người cùng tìm cho mình chỗ thích hợp để dâng lên Mẹ đóa hoa thiêng liêng, đóa hoa đẹp nhất đó là hoa Mân Côi.

Trước khi ban phép lành, Cha quản xứ đã nhắn nhủ đến Cộng đoàn tâm tình tạ ơn Chúa, tri ân Mẹ, đồng thời Ngài mời gọi cộng đoàn cùng dâng lên Mẹ ba kinh Kính Mừng để cầu nguyện các bậc tiền nhân, các vị ân nhân, những người đã hy sinh, đóng góp để kiến tạo nên núi Mẹ hôm nay.

Và trong bầu khí thân thương đó, Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ, một người con của giáo xứ đã xúc động khi nhìn thấy Linh Đài Mẹ đẹp hơn bao giờ hết vì chưa khi nào có nhiều hoa tươi quanh mẹ như thế, nên đã xin phép bà con cho mình bày tỏ cảm nghĩ của mình: Trước hết, ngài xin cám ơn cha sở đã có sáng kiến tổ chức dâng hoa vào ngày hôm nay, lễ Chúa Lên Trời và cũng là ngày lễ của các bà mẹ. Là một sự trùng hợp, nhưng không ngoài sự quan phòng của Chúa. Ngài muốn cho chúng ta thường xuyên đến với Mẹ hơn. Trong suốt 26 năm trở lại quê hương, đây là lần đầu tiên Ngài thấy Đức Mẹ đẹp nhất, có nhiều hoa nhất. Không những chúng ta chỉ mang đến cho Mẹ những bó hoa trong tháng 8 hằng năm, nhưng cả dịp đầu năm và vào các dịp Lễ của Mẹ, nhất là tháng 5 và tháng 10, cũng như trong từng lời Kinh dâng lên Mẹ. Tuy nhiên, có lẽ Mẹ sẽ vui mừng hơn khi nhìn thấy sự trưởng thành nơi mỗi người chúng ta là con cái Mẹ lớn lên trong ân sủng, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên Mẹ…

Kết thúc nghi thức dâng hoa, Cha con cùng đứng quanh đài Mẹ chụp chung một tấm hình lưu niệm, sau đó mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau sẻ chia thức ăn, nước uống trong bầu khí chan hòa yêu thương và cùng nhau xuống núi giữa cái nắng đang dần đứng bóng.

Mỗi lần lên thăm Mẹ là một lần con cái làm cho Đài Mẹ thêm khởi sắc. Từ khi được xây dựng vào năm 1934 cho đến nay, cho dù trong điều kiện không hề thuận tiện chút nào để vận chuyển vật liệu, tượng đài Đức Mẹ vẫn được tu sửa và nâng cấp nhiều lần. Mỗi ngày mỗi khang trang đẹp đẽ hơn. Điều đó nói lên được lòng mộ mến Đức Mẹ cách đặc biệt của giáo dân Sơn Quả nói riêng và của toàn địa sở Thanh Tân nói chung.

Từ khi Cha sở Đaminh về nhận xứ Sơn Qủa (26/10/2017), Ngài luôn tha thiết mời gọi cộng đoàn giáo dân cùng cộng tác để làm đẹp khuôn viên Núi Mẹ mỗi ngày hơn: một tấm bàn thờ bằng đá được mọi người thay phiên nhau gánh lên đặt vào ngày 03/04/2018, rồi hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời được nâng cấp để mỗi tối bà con ở đồng bằng nhìn lên Núi Mẹ thấy ánh sáng được rõ hơn, và trong ngày 13/05 một bồn chứa nước bằng inox do giáo dân Sơn Qủa dâng cúng cũng được giáo dân gánh lên đặt trên Đài Mẹ để phục vụ giáo dân mỗi dịp hành hương lên Mẹ.

Tiếp tục chương trình kỷ niệm 101 năm- lần thứ 2 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, vào ngày 13/06/2018, hưởng ứng lời mời gọi của Cha quản xứ cùng với sự ủng hộ của ân nhân, một nhóm các bạn trẻ đã sơn lại tượng đài Đức Mẹ, khoác cho Mẹ một màu áo mới tươi sáng hơn.

Từ chiều ngày 12/06/2018, mọi người đã háo hức khăn gói, mang theo thức ăn, nước uống và những vật dụng cần thiết để cùng nhau hành hương lên núi Mẹ.

Vừa đến núi Mẹ cũng là lúc mặt trời xuống núi, những ánh đèn điện năng lượng xung quanh đài Mẹ dần thay thế cho ánh mặt trời, một bầu khí yêu thương, đầm ấm bao quanh đài Mẹ hiếm nơi nào có được như vậy. Sự đơn sơ, chất phác với những hình ảnh thân quen từ các em thiếu nhi cho đến những người lớn đã khiến cho tâm hồn mình cảm thấy được một niềm vui và hạnh phúc đang bao trùm lên cộng đoàn đang hiện diện nơi đây.

Mặc dù đêm hôm đó trời nổi gió rất lớn nhưng mọi người đã cố gắng cùng với Mẹ dâng lên Chúa Thánh lễ sốt sắng và ngủ qua đêm trong sự che chở của Mẹ.

Một đêm ở lại với Mẹ qua thật nhanh, gió vẫn không ngừng thổi liên hồi, khiến cho mọi người khó lòng yên giấc nhưng đó cũng là kỷ niệm để nhớ trong lần lên thăm Mẹ này.

Sau Thánh lễ sáng hôm sau, mọi người chào Mẹ để xuống núi, một số các bạn trẻ ở lại để tiếp tục hoàn thành phần sơn lại tượng đài Đức Mẹ cho khang trang, sạch đẹp hơn.

Hôm nay 13/07/2018, đến hẹn lại lên, như thường lệ, mọi người lại chuẩn bị hành trang mang theo để lên thăm Mẹ như lời đã hẹn để mừng kỷ niệm 101 năm-lần thứ 3 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Từ chiều 12/07/2018, nhiều bạn trẻ đã kêu gọi nhau đi từ sớm khiến cho nhiều người cũng nôn nao muốn đi theo. Mỗi lần đi núi Mẹ là một niềm vui thiêng liêng lắng đọng trong tâm hồn, mặc dù đường đi không mấy thuận lợi nhưng đó là sự hy sinh có thể để con cái dâng lên Mẹ cũng như để thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ nơi mỗi người.

Dịp hành hương lần này diễn ra trong bầu khí “mưa thuận gió hòa”, mọi người được quây quần bên Mẹ không phải lo lắng về thời tiết. Mỗi lời kinh, Thánh lễ dâng lên Mẹ mang theo tâm tình của những người con nông dân từ thôn xóm lên đây.

Có một số người vì công việc không thể đi vào buổi chiều nên từ 4g00 sáng sớm ngày 13/07/2018 với cây đèn pin trên tay họ mò mẫm băng rừng, trèo qua những tảng đá để kịp giờ Thánh lễ rạng sáng trên núi.

Sau những giờ phút Cha con cùng sum họp bên Mẹ, mọi người thu dọn chỗ ngủ của mình cùng dọn dẹp vệ sinh quanh khuôn viên đài Mẹ rồi trở về cuộc sống thường nhật của mình.

Ngày nay, hoàn cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi. Cuộc sống của người dân nơi đây xem ra được yên ổn hơn, nhưng không phải vì thế mà người ta lãng quên Mẹ. Dòng người hành hương vẫn tìm cơ hội để được đến với Mẹ trê núi cao này. Lòng sùng mến Đức Mẹ không hề suy giảm trong lòng mỗi người từ các em thiếu nhi còn bồng trên tay cho đến những người lớn tuổi.

Và giáo xứ Sơn Quả ước mong, cùng mở rộng vòng tay chào đón nhiều nhiều người hơn nữa đến với Núi Mẹ, đến cùng nhau trong vòng tay từ mẫu của Mẹ để cảm nhận được một niềm vui nho nhỏ, một giây phút được nghỉ ngơi trong bầu khí thanh bình giữa núi rừng thiên nhiên này.

Maria Thủy Tiên
 
Thông Báo
Đan viện St. Ottilien Đức Quốc :Thư Mời ''Ngày Cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam“
Linh mục Augustinô Phạm Sơn Hà OSB
15:54 13/07/2018
Thư Mời "Ngày Cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam“

Kính gởi: Quý vị Đại Diện tinh thần các Tôn Giáo,
- Quý vị Đại Diện các Cộng Đồng, Cộng Đoàn Việt Nam,
-Quý vị Đồng Hương yêu chuộng Công Lý – Hoà bình,
-Quý Bậc Trưởng Thượng, Quý cơ quan Truyền Thông,
- Quý Ông Bà, Anh Chị và các Bạn Trẻ thân mến!


Kính thưa Quý vị,

Đất nước Việt Nam đã hơn 43 năm, bị giam hảm trong một thể chế độc tài, và hành xử theo lối "hèn với giặc, ác với dân" của nhà cầm quyền CSVN, để rồi hai đảo Trường sa và Hoàng sa bị Trung cộng chiếm đóng, xây dựng lên những căn cứ quân sự, khiến cho ngư dân Việt mỗi khi ra khơi đánh cá gần vùng đó, không thể tránh khỏi những đòn tấn công dã man, những cuộc rượt bắt của "tàu lạ". Tệ hơn nữa, trong đất liền, nhà máy gang thép Formosa đã xả nước thải ra biển, làm cá chết trải dài trên hàng trăm cây số dọc theo bờ biển miền trung, mãi đến hôm nay, vẫn còn những hệ lụy, tác hại vào đời sống của hàng vạn người dân nơi đây, ngày càng thêm cơ cực, túng quẩn hơn bao giờ hết! Thế mà, khi người dân lên tiếng, nhà cầm quyền csvn đàn áp, đánh đập, nhưng đối với bọn Trung cộng, nhà cầm quyền csvn sợ hãi, không dám đối đầu để bảo vệ đất nước cuả mình, vì, "mở miệng, mắc quai". Ngược lại, đất đai và tài sản của người dân thì ĐCSVN dùng bạo lực, thẳng tay chiếm đoạt, gây ra biết bao cảnh đớn đau, những bất công ai oán và cuối cùng người dân hiền lành phải trở thành những "DÂN OAN"! Ngoài ra, những nơi linh thiêng thờ phượng của các tôn giáo, nhà cầm quyền csvn cũng không buông tha, áp chế, cưỡng đoạt và đã san bằng Chùa Liên Trì thuộc quận 2, Sài Gòn; Ở Đan viện Thiên an tại Huế, Tượng Thánh Giá cũng đã bị đập gẫy, và nhiều đan sĩ bị đánh trọng thương; Nóng bỏng hơn, là hiện nay Nhà thờ và Tu Viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đang lo sợ, phập phồng bị bán đấu giá, không biết nay mai sẽ ra sao! Và còn biết bao chuyện bất công khác đang lan tràn trên đất nước VN...

Tóm lại, Đất nước Viêt Nam đã hơn 43 năm, bị cai trị với lối hành xử "hèn với giặc, ác với dân" của nhà cầm quyền csvn, thì biết đến bao giờ, người dân Việt trên chính Quê hương của mình mới có thể sống được tự do, ấm no và an bình!!!???
Lời hiệu triệu hùng hồn "PHẢI LÊN TIẾNG" lại vang vọng lên của cố nhạc sĩ Anh Bằng, mời gọi, hối thúc mọi người dân Việt cùng nắm tay nhau, tạo nên một sức mạnh phi thường như trận cuồng phong đang gầm thét, như cơn sóng thần dâng cao, ập vào, quét sạch và cuốn trôi đi những rác rưởi tanh hôi trên quê hương VN.

"Trường sa là máu của ta,
Hoàng sa là thịt của ta,
Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại
Quân bành trướng đừng mong xâm lấn
Kìa, còn bao mồ chôn quân Tống
Hỏi quân thù
Hỏi quân thù còn nhớ hay không?
...................................................
Việt Nam nòi giống Lạc Long.
Cùng nhau thề nguyền đồng tâm.
Quyết đứng lên dựng xây Tổ quốc thân yêu Trường Tồn.
Đừng im tiếng mà phải lên tiếng!
Đừng im tiếng mà phải lên tiếng!
Mà phải lên tiếng! Mà phải lên tiếng!"


Kính thưa Qúy vị,
Chúng ta là người Việt nam, cùng da vàng, máu đỏ trong tình nghĩa đồng bào, cho dù chúng ta đang ở đâu, phương trời nào, làm sao chúng ta có thể lãng quên được Việt nam, một Quê Hương dấu yêu bất tận!

Do đó, trong tâm tình này, vào thứ bẩy ngày 28 tháng 07 năm 2018, tại Đan viện ST.OTTILIEN Đức Quốc, được tổ chức một Thánh Lễ đồng tế và kiệu Mẹ Maria, đốt nến cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam để công lý được thể hiện, người dân thật sự sống trong an bình, hạnh phúc.
Chúng tôi chân thành kính mời Quý vị đại diện tinh thần các Tôn Giáo, Quý vị đại diện các Cộng Đồng, Quý cơ quan TruyềnThông Quý Bậc Trưởng Thượng, Quý vị đồng hương việt nam yêu chuộng hòa bình-công lý, Quý ông bà và các bạn trẻ không phân biệt tôn giáo, bỏ chút thì giờ quý báu, đến tham dự Thánh lễ đông đảo, cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam.
Thành thật cám ơn nhiều.
Kính thư

Linh mục Augustinô Phạm Sơn Hà OSB


Đan viện St. Ottilien, Ngày 13 tháng 06 năm 2018


Chương trình:

Thứ bảy, 28. 07. 2018, Tại Đan viện St. Ottilien

15:00 giờ : Thánh lễ đồng tế

16:30 giờ – 19.00 giờ : Ca hát, chuyện trò, cơm chiều.

19:30 giờ : Kiệu Đức Mẹ và đốt nến cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam.

Bí chú: Để cho việc chuẩn bị và sắp xếp được chu đáo trong ngày cầu nguyện cho Quê hương VN tại Đan viện St. Ottilien, xin vui lòng liên lạc, ghi rõ tên trước ngày 17.07.2018, theo địa chỉ sau đây:

Pater Augustinus Son Ha Pham OSB,

Erzabtei 01, D –86941,St. Ottilien,

Điện thoại: 0049/(0)8193/71615;

Email:augustinus@ottilien.de

***Nếu có thể được, xin Qúy bà, Qúy chị mặc áo dài đến tham dự Thánh lễ! Cám ơn!
 
VietCatholic TV
Tiễn biệt vị Hồng Y “Habemus papam”, tận tụy với Giáo Hội đến hơi thở sau cùng bất kể gánh nặng bệnh tật
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:59 13/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về thánh lễ an táng Đức Hồng Y Jean Louis Tauran tại Đền Thờ Thánh Phêrô sáng thứ Năm 12 tháng 7.

Cách đây hơn 5 năm, trong tư cách là Hồng Y “trưởng đẳng phó tế”, vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài là vị Hồng Y xuất hiện tại ban công Đền Thờ Thánh Phêrô để long trọng thông báo với thế giới “Habemus papam” - “Chúng ta có Giáo Hoàng.”

Hôm nay toàn thể Giáo Hội tiễn biệt ngài như một tấm gương phục vụ Giáo Hội bất kể gánh nặng của bệnh tật.

Thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự thánh lễ an táng cho Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, tại Bàn Thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Năm 12 tháng 7.

Theo như thông lệ đối với các thánh lễ an táng của các vị Hồng Y, Đức Thánh Cha sẽ đến vào cuối Thánh lễ để chủ sự nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt (Commendatio and Valedictio). Trong nghi thức tang lễ Công Giáo, nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt cuối cùng là những lời cầu nguyện chính thức ủy thác người đã chết cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong thánh lễ an táng Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, là người đã công bố “Habemus papam” - “Chúng ta có Giáo Hoàng” để giới thiệu ngài với thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự thánh lễ an táng Đức Hồng Y từ đầu đến cuối.

Đức Hồng Y Tauran đã qua đời một tuần trước đó vào ngày thứ Năm 5 tháng 7, sau một trận chiến dài với bệnh Parkinson. Trong bài giảng, Đức Hồng Y Sodano nhắc nhớ rằng vị Hồng Y quá cố là một người “can đảm phục vụ Giáo hội thánh thiện của Chúa Kitô, bất chấp gánh nặng bệnh tật của mình.” Vào thời điểm qua đời, Đức Hồng Y Tauran là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn, và Hồng Y Nhiếp Chính.

Đức Hồng Y Sodano nói: “Trong nhiều năm, tôi chứng kiến tinh thần tông đồ vĩ đại của Đức Hồng Y quá cố, trong những năm dài phục vụ chung cho Tòa Thánh, và tôi sẽ giữ một kỷ niệm biết ơn về điều đó mãi mãi.”

Vị niên trưởng Hồng Y đoàn nói thêm rằng Đức Hồng Y Tauran là một gương sáng tuyệt vời về “một Linh mục, một Giám mục, và một Hồng Y”. Ngài là người đã dâng hiến cả đời mình cho sự phục vụ của Giáo hội.

Đức Hồng Y Sodano cũng ca ngợi tinh thần sẵn sàng “đối thoại với tất cả mọi người thiện chí” của Đức Hồng Y Tauran.

Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và là người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, đã qua đời ở tuổi 75 ở Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ, nơi ngài được điều trị y khoa. Ngài đã mắc bệnh Parkinson trong nhiều năm qua.

Mới tháng Tư vừa qua, vị Hồng Y, người Pháp đã thực hiện một sứ mạng quan trọng là dẫn đầu một phái đoàn Vatican đến Ả-rập Xê-út.

Để kết luận, Đức Hồng Y Sodano nhận xét rằng Đức Hồng Y Tauran đã sống những lời của Hiến Chế Gaudium và Spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công Đồng Vatican II: “Vì Chúa Cha là nguyên ủy và cùng đích của tất cả mọi người, tất cả chúng ta được mời gọi là anh em với nhau. Và khi được kêu gọi trở thành một ơn gọi hiển nhiên duy nhất, nhân bản và thần thánh, chúng ta có thể và chúng ta nên làm việc cùng nhau ‘không bạo lực, không lừa dối’ cho việc kiến tạo một thế giới thật sự hòa bình.”

Cùng đồng tế với Đức Hồng Y Sodano, còn có đông đảo các Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục trong giáo triều Rôma. Bên cạnh đó còn có bà Geneviève Duber, chị gái của Đức Hồng Y Tauran và khoảng 1000 tín hữu.

Trong một bức điện gởi cho người em gái của Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn và ca ngợi “tinh thần phục vụ và tình yêu dành cho Giáo Hội” của Đức Hồng Y.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng Đức Hồng Y Tauran để lại những dấu ấn sâu sắc và lâu dài cho Giáo Hội, đồng thời nhìn nhận sự tin tưởng và kính trọng lớn lao mà nhiều người dành cho ngài, cách riêng là những người Hồi giáo.

Đức Thánh Cha viết tiếp:

“Tôi có những kỷ niệm tốt đẹp về con người với đức tin sâu sắc này, là người can đảm phục vụ Giáo Hội của Chúa Kitô đến cùng, bất kể gánh nặng của bệnh tật”.

Đức Hồng Y Tauran sinh ra ở Bordeaux, Pháp, ngày 5 tháng 4 năm 1943. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1969 và gia nhập ngành ngoại giao của Vatican vào năm 1975. Ngài từng làm việc tại các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Cộng hòa Dominica và Liban từ 1975 đến 1983. Ngài là đại diện của Tòa Thánh tại hội nghị về an ninh và hợp tác châu Âu từ năm 1983 đến năm 1988. Trong thời gian phục vụ tại đây ngài làm nổi bật quan điểm của Vatican về nhân quyền vào thời điểm các chế độ trong khối Xô viết của Đông Âu đang suy yếu dần.

Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử vào Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lần đầu tiên với chức danh phụ tá ngoại trưởng Tòa Thánh vào năm 1988. Từ năm 1990, và trong 13 năm sau đó, ngài là ngoại trưởng Tòa Thánh.

Hầu hết công việc của Đức Hồng Y diễn ra trong hậu trường, liên quan đến các cuộc họp không được công bố hàng ngày với các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh và với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Nhưng đôi khi ngài cũng xuất hiện công khai để bày tỏ các quan điểm của Vatican - về các lãnh vực như chiến tranh và hòa bình, Thánh Địa Giêrusalem hoặc về quyền của cộng đồng Công Giáo thiểu số.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã tấn phong tổng giám mục cho ngài vào tháng Giêng năm 1991 và nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2003, ngay sau khi đưa ngài lên hàng lãnh đạo Thư viện và Văn khố Mật Vatican.

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cử ngài làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nhằm thúc đẩy các nỗ lực đối thoại với các đại diện của các tôn giáo khác, bao gồm cả Hồi giáo. Đức Bênêđíctô thứ 16 đã từng đặt Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn dưới quyền của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa vào năm 2006 nhưng, cùng với việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tauran vào chức vụ chủ tịch ủy ban này, ngài đã phục hồi Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn như một cơ chế độc lập và quan trọng trong giáo triều Rôma.

Phát biểu tại một hội nghị về đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo ở Qatar năm 2004, Đức Hồng Y Tauran nói với những tham dự viên rằng các nhà lãnh đạo chính trị không có gì phải lo sợ nơi các tín hữu của những tôn giáo đích thực.

“Khi các tín hữu được công nhận và tôn trọng, họ sẽ có khuynh hướng làm việc cùng nhau cho một xã hội mà họ có đầy đủ tư cách thành viên”.

Ngài đã từng nói với các nhà ngoại giao rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã đưa ra nhiều tuyên bố chống lại các cuộc xung đột và chiến tranh thế giới. Đó không phải là nỗ lực tham gia vào chính trị của ngài, nhưng là để cho những người nam nữ trên thế giới thấy được con đường chính xác, để họ thức tỉnh lương tâm, và để nêu bật các quyền lợi và những cam kết do họ đưa ra, cũng như lặp lại một cách mới mẻ những lời trong Tin Mừng: 'Phúc cho ai kiến tạo hòa bình.'”

Với cái chết của ngài Hồng Y đoàn còn 225 thành viên, trong đó 124 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một mật nghị bầu Giáo Hoàng.
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Cho Con Biết Yêu Thương – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
08:32 13/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây