Ngày 13-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nội tâm
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:44 13/07/2015
Nội tâm sâu thẳm như bầu trời bao la. Nội tâm là cốt lõi. Làm sao chúng ta có thể đụng chạm tới đáy cùng của nội tâm. Nghe kể câu truyện: Có một người đàn bà khôn ngoan, trong khi đi du ngoạn nơi vùng đồi núi, đã nhặt được một viên ngọc qúi bên dòng suối. Hôm sau, bà ta gặp một người bộ hành đang đói khát và bà đã mở túi chia sẻ thức ăn cho ông ta. Người bộ hành đói khổ nhìn thấy viên ngọc quí và đã hỏi xin bà. Bà cho ông viên ngọc, không chút do dự. Ông cầm lấy và rời đi rất vui mừng, vì vừa nhận được một kho tàng quí báu. Ông biết viên ngọc này có giá trị lớn để ông có một cuộc sống bảo đảm trong tương lai. Nhưng vài ngày sau, ông trở lại và trả viên ngọc quí cho người đàn bà khôn ngoan này. Ông nói: Tôi đã suy nghĩ và tôi biết viên ngọc này rất có giá trị, nhưng tôi muốn trả lại, với hy vọng bà có thể cho tôi cái gì đó quí hơn: Bà hãy cho tôi cái gì đó trong nội tâm của bà, điều mà bà có thể cho đi viên ngọc quí này.’

Mầu nhiệm của sự sống con người kết nối cả nội tâm lẫn ngoại hình. Chúng ta thường suy xét và đánh giá con người qua những hình thức lộ diện bên ngoài. Mặt nổi của đời sống giống như một tảng băng nổi, với chín phần chìm sâu dưới nước. Nội tâm như là phần chìm. Con người khác nhau nhiều ở chính cuộc sống nội tâm này. Chúng ta có thể suy nghĩ rằng người sống nội tâm là người hay lo âu, trầm tư và ít nói. Người sống nội tâm cũng có thể hay suy tư về các vấn đề như sự hiện hữu của vũ trụ và con người, về ý nghĩa cuộc đời, về sự sống, sự đau khổ và sự chết… Nhưng không luôn hẳn là như thế, người sống nội tâm là người học biết chính mình. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan để tìm về nguồn chân, thiện, mỹ.

Không ai có thể đo lường đời sống nội tâm. Tục ngữ ca dao có câu: ‘Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người (nham hiểm) sâu thẳm ai đo cho cùng’. Đúng vậy, không ai đo được lòng người. Người ta có thể đo lường mọi cơ động lưu hành trong ngoài thân xác, nhưng sẽ dừng lại trước thế giới của lương tâm, lý trí, ý chí, trí khôn và linh hồn. Mỗi con người là một thụ tạo linh thiêng huyền bí. Thường chúng ta rất ngại để lắng đọng tâm hồn nhìn vào sự linh thiêng của chính mình. Chúng ta hướng ngoại nhiều hơn là hướng nội. Chúng ta chạy đua với cuộc sống bon chen ồn ào. Tìm vui sống với phần nổi của hiện hữu hơn là đời sống nội tâm.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao người đàn bà khôn ngoan dám cho đi viên ngọc quí? Bà biết giá trị của viên ngọc chứ. Bà cất nó trong túi sách. Bà dám cho đi viên ngọc mà không hối tiếc. Như thế, đối với bà, viên ngọc chỉ là một tặng vật có thể làm vui thỏa ước muốn của lòng người. Nhưng bà có niềm vui lớn lao hơn ngự trị trong thâm tâm của bà. Bà cho mà không do dự. Bà có một thái độ vượt trên giá trị của kho tàng của cải vật chất. Niềm vui của bà là tinh thần tự do và không bị ràng buộc vào những nhu cầu thể chất. Bà đang thực hành một đời sống nội tâm cao.

Ai trong chúng ta cũng có đời sống nội tâm riêng tư và ẩn dấu. Người ta thường nói rằng cây tốt thì sinh trái tốt. Nội tâm tốt sẽ phát sinh công việc tốt và lời nói tốt. Lòng đầy miệng mới nói ra. Nếu chúng ta gieo trồng những hạt giống xấu trong thâm tâm, thì ắt sẽ sinh ra những trái đắng đót cộc cằn. Nét đẹp của con người phát xuất từ nội tâm. Người ta nói: ‘Cái nết đánh chết cái đẹp là thế.’ Có nhiều biểu tỏ của đời sống nội tâm nơi con người như lòng từ tâm, an tâm, đại tâm hoặc cũng có thể ngược lại là nhẫn tâm, vô tâm, ác tâm và tiểu tâm…

Tâm thường đi với tính. Cha ông nói: ‘Cha mẹ sinh con, trời sinh tính’. Tính khí thì mỗi người mỗi khác. Con người cần được tu tâm luyện tính cho thuần để đối nhân xử thế. Tu tâm là cần phải trở về với chính mình để biết mình. Có khi nào bạn đã ngồi thật lâu trong khoảng thinh lặng để trở về nhận biết chính mình chưa? Chúng ta có thể thử. Hãy tránh xa chỗ ồn ào đô hội và tìm một nơi thật thanh tịnh để lắng đọng tâm hồn. Nhắm mắt và thở hít đều đặn. Thả hồn đi sâu vào tâm trí và sự hiện hữu của chính mình. Chúng ta sẽ đụng chạm vào khoảng không bao la huyền nhiệm. Để hồn đắm chìm trong sự kết hợp với Đấng Vô Hình đang hiện diện nơi tâm hồn và vũ trụ muôn loài.

Có nhiều bài hát đạo có lời tha thiết khẩn nài ‘Chúa Ở Nơi Đâu?’ Theo giáo lý Công Giáo, trả lời Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Vậy tại sao chúng ta lại hỏi Chúa ở nơi đâu? Lời tự thuật của thánh Augustinô cho chúng ta một kinh nghiệm của đời sống nội tâm sâu xa: “Con yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa, vừa mới mãi, con yêu Chúa qúa muộn. Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy, con cứ ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài. Con thật xấu, khi cứ mải chạy theo vẻ đẹp nơi các thụ tạo của Chúa. Chúa từng ở với con, mà con chẳng ở với Chúa. Những sự vật vẫn giữ con xa Chúa. Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng. Chúa chiếu tỏa và xóa tan sự mù lòa của con. Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm sự bình an nơi Chúa.”

Trở về với nội tâm là trở về với Chúa. Có biết bao lần chúng ta cầu nguyện mà lòng trí sao lãng lang thang khắp chốn. Chúng ta hát to gào thét làm như Chúa bị nặng tai. Đôi khi chúng ta giống như các tiên tri giả thờ thần Baal la hét, xé áo và rạch mình, khẩn nài các thần minh nhận của lễ hiến dâng. Chúng ta cần có đời sống nội tâm kết hợp sâu xa với Chúa. Cầu nguyện chính là những tâm tình kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống nội tâm, “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b).

Lạy Chúa, đã bao lần chúng con mải mê tìm kiếm Chúa bên ngoài. Chúng con đã không gặp được Chúa, vì hồn chúng con trống rỗng. Chúa luôn ẩn ngự trong tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con nhận biết Chúa luôn hiện diện trong chúng con. Chúa chính là nơi chúng con nương tựa và là chỗ chúng con ẩn thân. Chúng con cảm tạ tình yêu Chúa mãi muôn ngàn đời.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:31 13/07/2015
BỊT TAI ĂN CẮP CHUÔNG
N2T

Nước Tấn có người qúy tộc họ Phan, lúc việc binh bị bại thì bỏ chạy, có người lợi dụng thời cơ ăn cắp của họ Phan một cái chuông.
Anh ta muốn vác chuông để chạy, nhưng cái chuông rất lớn vác không nổi, thể là anh ta bèn dùng búa sắt để đập bể chuông để bê những mảnh vụng đem về nhà.
Cái chuông lớn kêu lên:“Tang tang”, anh ta sợ có người nghe được âm thanh thì đến cướp lại cái chuông, thì vội vàng dùng hai tay bịt tai mình lại.
( Lữ thị xuân thu )

Suy tư:
Đi ăn cắp chuông mà bịt tai mình lại thì giống như tự mình dối mình, cái chuông thì to lớn nặng nề, âm thanh của nó thì vang xa nên không thể nào ăn cắp được nếu không vác lên vai hay bỏ lên xe chở về.
Ma quỷ cũng không thể ăn cắp linh hồn của chúng ta được, bởi vì linh hồn tự nó đã “nặng ký” rồi, bởi vì chỉ một linh hồn mà thôi, mà Thiên Chúa đã coi trọng hơn cả những gì trân thế gian gộp lại, hơn nữa nó đã được chuộc với cái giá rất đắt là bằng chính máu của Đức Chúa Ki-tô, thì thử hỏi ma quỷ làm sao mà ăn cắp được chứ ? Nhưng trên thực tế thì cũng vẫn có rất nhiều linh hồn bị ma quỷ ăn cắp, đổi chác, mua chuộc bằng tiền tài, danh vọng và xác thịt.
Ma qủy là tên ăn trộm gian manh, là tên lừa dối mình bằng sự kiêu căng trắng trợn, và lừa dối người khác bằng kiêu ngạo tinh vi trong hành vi khiêm tốn giả tạo.
Tôi phải đề cao cảnh giác những hành vi khiêm tốn giả tạo ấy của ma quỷ ngay trong lời nói và việc làm của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:36 13/07/2015
N2T

30. Nếu anh không bắt chước sự thanh khiết của Đức Mẹ Ma-ri-a được, thì ít nữa nên bắt chước đức khiêm nhường của Mẹ.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tường trình nhanh ngày thứ tám, và là ngày chót, chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh của Đức Phanxicô
Vũ Van An
03:51 13/07/2015
Sau đây là ghi nhanh của Hãng Associated Press về ngày thứ tám chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh của Đức Phanxicô, ngày cuối cùng của ngài trong chuyến đi này, tại Paraguay.

8:10 giờ sáng: Ngày Chúa Nhật, 12 tháng 7, Đức GH Phanxicô bắt đầu ngày cuối cùng trong chuyến đi Nam Mỹ dài 1 tuần của ngài bằng cách tới thăm một khu nghèo ở Asuncion, bên cạnh Sông Paraguay thường hay bị ngập lụt, biến đường xá thành những vũng bùn khó đi qua.

Tên của khu nghèo này là Banado (đọc là Ban-YA-doh) Norte. Banado có nghĩa “được tắm”. Khoảng 15,000 gia đình sống tại đây.

Một trong bốn người Paraguay sống dưới mức nghèo và Liên Hiệp Quốc xếp nước này vào hàng thứ năm đầu bảng thế giới về bất bình đẳng thu nhập.

Đức Giáo Hoàng dành phần lớn tuần vừa rồi để tố cáo các bất công của hệ thống tư bản hoàn cầu, đòi phải có một mô thức kinh tế mới trong đó, các tài nguyên của Trái Đất được phân phối bình đẳng giữa mọi người.

Tại Banado Norte, người ta sống trong những nhà xiêu vẹo làm bằng ván ép và tôn lượn sóng. Các con heo chúi mũi bới rác tìm đồ ăn thừa.

8:30 giờ sáng: Trong số những người đứng chờ Đức Giáo Hoàng ở Banado Norte, tại nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả, là bà quả phụ 82 tuổi, tên Francisca de Chamorro.

Căn nhà bằng gỗ sơ sài của bà nằm ngay đàng sau nhà nguyện nói trên.

Bà nói: “Giờ đây, tôi có thể chết bình an”.

Bà cho rằng nếu Đức Giáo Hoàng tới thăm đây tháng này năm ngoái, có lẽ ngài phải lội qua nước lụt.

Người ta đứng đợi Đức Giáo Hoàng trên một sân túc cầu. Giáo Hội đã yêu cầu họ đừng mang biểu ngữ, nhưng một tấm biển lớn vẫn đã được dựng lên đòi quyền đất đai.

Người địa phương muốn có quyền trên đất đai họ đang sống để khi đường lộ được xây dọc theo sông, họ sẽ được bồi thường nếu họ chịu di chuyển.

9:10 giờ sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với dân chúng của khu bùn lầy nước đọng của Asuncion mà ngài viếng thăm sáng nay rằng ngài không thể tới Paraguay mà lại không thăm viếng họ tại nơi họ sinh sống. Nhiếu gia đình trong số 15,000 gia đình ở khu ngèo nàn bên bờ Sông Paraguay này đều là người chiếm đất, tị nạn từ vùng thôn quê đông bắc nơi người Ba Tây và những công ty đa quốc đang mua dần hết đất đai canh nông để trồng đậu nành và các ngũ cốc khác.

Các cư dân muốn có văn tự đất đai và nhiều người thắc mắc họ sẽ chịu ảnh hưởng tai hại ra sao khi đường lộ dự tính được xây dựng dọc theo con sông được mở.

Maria Garcia, một người trong số này, nói: “Chúng tôi đã xây dựng các khu xóm của chúng tôi từng mảnh, chúng tôi đã làm cho chúng có thể sinh sống được bất chấp các khó khăn về thế đất, mực nước sông dâng cao và bất chấp các nhà chức trách công cộng, những người một là làm ngơ hai là thù nghịch đối với chúng tôi”.

9:44 giờ sáng: Hàng trăm ngàn người đã tụ tập trong cánh đồng đầm lầy bao la tên là Nu Guazu (đọc là Nyew Gwa-ZOO) bên trong căn cứ quân sự để chờ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới.

Trong số họ có Tổng Thống Á Căn Đình, Cristina Fernandez. Bà ngồi bên cạnh Tổng Thống Paraguay Horacio Cartes.

Ở chính địa điểm này, năm 1988, Đức GH Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Paraguay, Thánh Roque Gonzalez de Santa Cruz. Vị linh mục Dòng Tên này là một nhà truyền giáo cho người Guarani.

10:20 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đang cử hành Thánh Lễ cuối cùng trong chuyến đi ba nước Mỹ Châu La Tinh của ngài, trên một bàn thờ đặc biệt.

Nó được dựng để vinh danh người bản địa Guarani của Paraguay và để tôn kính Mẹ Đất. Người ta dùng 40,000 trái bắp, 200,000 trái dừa để dựng nó và trang trí nó bằng 1,000 trái bí.

Bàn thờ trên do nghệ sĩ Koki Ruiz sáng tạo; nghệ sĩ này cũng thêm một tượng Thánh Phanxicô Assisi, vốn là thánh bổn mạng của thế giới tự nhiên và là đấng Đức Giáo Hoàng lấy tên theo.

Ông cũng đặt tượng Thánh Inhã đệ Loyola, vị sáng lập của Dòng Tên mà Đức Giáo Hoàng vốn thuộc về.

Ruiz nói với Hãng Associated Press vào tuần trước rằng bắp, dừa và bí là các sản phẩm sinh tồn của người bản địa Paraguay.

10:45 giờ sáng: Trong khi Đức GH Phanxicô đang nói với các tín hữu tham dự Thánh Lễ trải xa cả 6 dặm hãy mở cửa tâm hồn họ cho “người đói khát, người ốm đau, người ngồi tù, người cùi hủi và người khuyết tật” thì Pedro Fernandez trở về đi làm: lượm rác rưởi người ta xả ra.

Cha của 8 đứa con có mặt trong cuộc viếng thăm sớm của Đức Giáo Hoàng tại Banado Norte, khu bùn lầy nước đọng cạnh bờ sông Paraguay, nơi thường bị ngập lụt.

Ông nói với Hãng Associated Press rằng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có thể tốt cho tinh thần, nhưng lúc này, ông phải rời khỏi để đi lượm các chai và lon bằng nhựa trên chiếc xe rác có gắn máy.

Ông bảo “nếu tôi không làm việc, cả nhà sẽ không có ăn”.

Ông cho biết gia đình ông dậy từ 3 giờ sáng, đi lùng chai và lon vì ông phải tìm đủ tiền trả góp chiếc xe rác có gắn máy. Trước đây, cho tới năm 2013, ông dùng con ngựa.

11:05 giờ sáng: Tại Thánh Lễ ngoài trời ở Asuncion, một người trẻ đọc sách thánh xin các tín hữu cầu nguyện cho người bản địa Paraguay, cho người nghèo và nhiều người khác. Anh cũng xin họ cầu nguyện cho một cảnh sát viên, bị bắt cóc một năm trước đây bởi phe EPP tức Quân Đội Nhân Dân Paraguay, một phe nổi dậy thuộc cánh tả.

Đức Giáo Hoàng nhắc đến viên cảnh sát bị bắt cóc, tên Edelio Morinigo, tối thứ Bẩy trong một cuộc gặp gỡ các nhóm dân sự. Nhưng hình như ngài không minh giải vấn đề, chỉ nhắc tới một người “bị quân đội bắt cóc”.

Sau đó, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Paraguay, Mariano Mercado, nói tới quân nổi dậy như “các tên tội phạm”.

Phong trào EPP trong bóng tối là một trong những phong trào du kích chiến kín đáo nhất thế giới. Nó hoạt động từ năm 2008 tại phía bắc xứ sở, nơi nó tấn công các đồn cảnh sát, binh lính và các trang trại. Nó bị gán đã gây ra 40 vụ giết người.

12:00 giờ trưa: Từ ngày Đức GH Phanxicô tới Paraguay đã có những lời than phiền rằng giáo hoàng xa của ngài chạy nhanh quá, khiến dân chúng không nhìn rõ ngài.

Cũng có những lời than vãn về việc giáo quyền chỉ cho phép 5 người đặt câu hỏi với Đức Giáo Hoàng tối thứ Bẩy.

Bây giờ, các cư dân của khu bùn lầy nước đọng Banado Norte cũng đang lên tiếng. Chủ tịch hiệp hội khu này, Ông Francisco Rodriguez, nói rằng vợ ông và một người hàng xóm không được mời ngồi chung với Đức Giáo Hoàng bất kể là đồng sáng lập viên của ngôi nhà nguyện nơi cuộc tụ tập được tổ chức.

Ông Rodriguez cũng cho hay: những người trình bầy cho Đức Giáo Hoàng các vấn đề về nạn thiếu niên có thai là người ở bên ngoài, y hệt một số chính trị gia như Bộ Trưởng Giáo Dục Marta Lafuente.

Khi bà Lafuente bước lên khán đài, người ta truy bà ta bằng tiếng Guarani, hô to “bộ trưởng nói láo”.

2.00 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đang gặp mặt các giám mục Paraguay trong một phiên gặp kín.

Một trong các vấn đề lớn của Hội Đồng Giám Mục có liên quan tới quyết định của Đức GH Phanxicô cất chức một vị giám mục gây tranh cãi vào năm ngoái ở Ciudad del Este, là thành phố lớn thứ hai của cả nước, nằm sát biên giới với Ba Tây và Á Căn Đình. Đức Cha Rogelio Livieres Plano bị cất chức hồi tháng Chín.

Là thành viên của phong trào bảo thủ Opus Dei, Đức Cha Livieres Plano, sau khi bị mất chức, đã cho rằng ngài bị bách hại bởi các vị giám mục chống đối và các giáo dân cấp tiến. Đức Phanxicô không bao giờ bình luận về quyết định này và các giới chức Tòa Thánh cũng nói rất ít về nó.

Một cuộc điều tra của Associated Press cho thấy: trong thập niên làm giám mục, Đức Cha Livieres Plano đã đưa ra nhiều quyết định chi tiêu gây thắc mắc. Thí dụ, ngài không sử dụng hàng trăm ngàn dollars tiền dâng tặng vào các công trình xã hội mà các khoản tiền này vốn dành cho.

2:10 giờ chiều: Chủ sự phòng liên lạc công cộng của cảnh sát Paraguay cho hay: khoảng một triệu người tham dự Thánh Lễ ngoài trời của Đức Giáo Hoàng hôm Chúa Nhật.

Elisa Ledesma nói rằng ước lượng trên phát xuất từ “kinh nghiệm và quan sát” của phòng này.

Ledesma nói thêm rằng các viên chức cảnh sát ở Caacupé, nơi tổ chức Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng chủ sự vào hôm thứ Bẩy, cho hay: cũng khoảng một triệu người tham dự ở đó, sau đó rước kiệu vào đền thánh Nữ Trinh Caacupé.

2:25 giờ chiều: Đức GH Phanxicô bắt đầu cho thấy hậu quả của chuyến đi gần như vòng quanh nửa địa cầu từ Rôma tới ba nước Mỹ Châu La Tinh kéo dài 1 tuần lễ đầy mệt nhọc.

Thực vậy, vị giáo hoàng 78 tuổi dường như thiếp ngủ trong chốc lát ở cuối Thánh Lễ hôm Chúa Nhật khi Đức TGM Asuncion đọc bài diễn văn dài để cám ơn cuộc viếng thăm của ngài.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, nói rằng chỉ là việc tự nhiên khi Đức Phanxicô “không ở trong điều kiện lúc ngài rời Rôma” vì lịch trình thăm viếng quá bận rộn.

Đức Phanxicô còn thêm vào hành trình chính thức của ngài một số cuộc viếng thăm bất ngờ vào hôm thứ Bẩy, khi thăm một bệnh xá và một nhà thờ của Dòng Tên cũng như gặp gỡ bạn bè và gia đình từ Á Căn Đình qua Paraguay.

Nhưng Cha Lombardi cho hay: Đức Phanxicô có khuynh hướng lấy lại sức, nhất là được vây quanh bởi giới trẻ vốn là tập chú của biến cố cuối cùng hôm Chúa Nhật.

2:50 giờ chiều: Vị cầm đầu Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp ở Nam Mỹ có được một chỗ thật ưu tiên trong các biến cố tuần này của Đức Phanxicô.

Tổng giám mục Tarasios là một người bạn cũ của Đức Giáo Hoàng từ Buenos Aitres, nơi ngài đặt trụ sở.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, hôm Chúa Nhật nói rằng Đức TGM Tarasios hỏi Đức Phanxicô xem mình có được tham dự chuyến đi hay không, và đã du hành bằng phương tiện riêng từ Ecuador qua Bolivia và Paraguay. Hôm Chúa Nhật, ngài ngỏ lời chào kính tại Thánh Lễ cuối cùng của Đức Phanxicô ở Asuncion.

Cha Lombardi nói sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục “đem lại một chiều kích đại kết cho chuyến đi, nếu không nó sẽ không hiển nhiên lắm”.

Thực vậy, chuyến hành hương lần này của Đức Phanxicô có điều đáng lưu ý là không có cuộc gặp gỡ nào với các tín ngưỡng khác, mà thông thường vốn là cơ sở chính của các chuyến tông du của ngài.

Đức Phanxicô có nhiều mối liên hệ thân hữu với Giáo Hội Chính Thống; mới đây, ngài trích dẫn Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew I trong thông điệp của ngài về môi sinh.

5:05 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đang tới biến cố sau cùng trong chuyến đi thăm ba nước Nam Mỹ của ngài. Ngài dự định nói chuyện với với hàng ngàn bạn trẻ chờ đợi ngài tại một địa điểm dọc bờ Sông Paraguay ở Asuncion.

Quốc kỳ Paraguay và nhiều biểu ngữ khác đang được vẫy lên và đám đông thì thật ồn ào.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng dự tính sẽ đến cầu nguyện tại địa điểm một siêu thị bị cháy, giết hàng trăm người năm 2004. Rồi ngài dự tính sẽ bay về Rôma.

6:10 giờ tối: Tại cuộc gặp gỡ cuối cùng trong chuyến đi Nam Mỹ của ngài, 3 người trẻ đã trình bầy với Đức GH Phanxicô các chứng từ có tính rất bản thân của họ về đời sống họ, những đời sống đầy khó khăn.

Đức Giáo Hoàng hết sức xúc động trước câu truyện của Liz Fretes, 25 tuổi. Cô kể lại rằng mẹ cô mất hết khả năng nhận biết và “trở nên như một đứa trẻ”. Các vai trò của mẹ con cô nay đã đảo ngược: cô trở thành người săn sóc, thay tã cho mẹ, tắm cho mẹ và chơi với mẹ như chơi với một đứa con nít.

Fretes nghĩ rằng cô sẽ không bao giờ tự mình làm được điều gì. Nhưng một ai đó đã trả tiền để cô đi học và nay cô là một y tá. Cô săn sóc cho mẹ và cho bà cô ban ngày và đi học ban đêm.

Fretes cho hay cô hiểu rằng bệnh tật của mẹ làm cô mạnh mẽ hơn.

Sau khi cô nói, Đức Giáo Hoàng chúc lành cho cô, hôn trán cô và ôm cô. Hai người trao đổi riêng ít lời. Rồi cô vươn lên và ôm Đức Giáo Hoàng một lần nữa.

6:45 giờ tối: Đức GH Phanxicô nói với giới trẻ hãy lay động xã hội, nhưng rồi phải giúp dọn dẹp cảnh lộn xộn đã gây ra. Lời khuyên của ngài được đưa ra hôm Chúa Nhật trong biến cố cuối cùng của chuyến viếng thăm ba nước Nam Mỹ.

Các nhận định của ngài hơi thay đổi so với lời khuyên nổi tiếng của ngài năm 2013, lúc ở Rio de Janeiro, khi ngài nói chuyện với tuổi trẻ Á Căn Đình ngồi chật ních một ngôi thánh đường. Dịp đó ngài bảo họ “hãy gây lộn xộn” bằng cách lay động các giáo phận của họ.

Đức Phanxicô nó với hàng chục ngàn người trẻ tụ tập tại thủ đô Paraguay hôm Chúa Nhật rằng một linh mục bạn có lần nói với ngài: khuyến khích người trẻ gây xáo trộn là điều tốt nhưng sau đó, người khác phải dọn dẹp sau khi người trẻ bỏ đi.

Nên Đức Phanxicô nói chính ngài đã sửa lại. Ngài nói giữa tiếng cười rộn rã: “Cảnh lộn xộn mà giới trẻ tạo ra, thì chính chúng ta phải tự dọn dẹp lấy. Các con hãy lay động sự việc, nhưng rồi hãy dọn cho sạch và giải quyết sự lộn xộn mà các con đã gây ra”.

7:40 giờ tối: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang trên đường trở lại Rôma. Chuyến bay của ngài cất cánh khỏi Asuncion, Paraguay, sau nghi lễ tạm biệt tại phi trường. Chuyến bay qua đêm của ngài bằng Air Italia dự tính đáp xuống Rôma sớm chiều thứ Hai.

Đây là chuyến đi đầu tiên của Đức Phanxicô tới Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha kể từ ngày vị Hồng Y người Á Căn Đình này được bầu làm giáo hoàng năm 2013. Trong 8 ngày ở Ecuador, Bolivia và Paraguay, ngài đã thăm các khu bùn lầy nước đọng, các nhà tù và các nhà thương, song song với việc gặp gỡ hàng giáo sĩ địa phương, người bản địa và các nhóm khác và các tổng thống của mỗi nước.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ hơn 200 ngàn bạn trẻ Paraguay
Lm. Trần Đức Anh OP
09:56 13/07/2015
ASUNCIÓN. Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Paraguay trước khi lên đường trở về Roma, kết thúc cuộc viếng thăm 8 ngày tại Nam Mỹ, là gặp gỡ hơn 200 ngàn bạn trẻ Paraguay chiều Chúa Nhật 12-7-2015.

Lúc 4 giờ 15 chiều, ĐTC đã giã từ tòa Sứ Thần ở thủ đô Asunción của Paraguay, tới khu vực ven sông gọi là Costanera, không xa phủ Tổng Thống, để gặp gỡ các bạn trẻ và những người thiện nguyện đã góp phần vào việc tổ chức và tiến hành cuộc viếng thăm của ngài.. Hơn 200 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại đây hằng giờ trước đó, sinh hoạt, ca hát vui vẻ.

Mở đầu cuộc gặp gỡ dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa là nghi thức rước Thánh Giá hành hương tiến lên lễ đài..

Trình bày chứng từ

Sau lời giới thiệu của Đức Cha Ricardo Jorge Valenzuela Ríos GM đặc trách giới trẻ thuộc HĐGM Paraguay, các bạn trẻ đã trình bày một hoạt cảnh nói lên thực tại trẻ trung của đất nước. Hai đại diện một nam một nữ đã trình bày chứng từ.

- Trước tiên là anh Manuel de los Santos Aguiler, 18 tuổi một nông dân ở thành phố San Pedro. Anh trải qua thời niên thiếu rất khó khăn, gia đình nghèo, thân phụ phải lên thủ đô làm việc, còn lại anh ta với mẹ ở nhà, làm công trong một nông trại để sống. Rồi mẹ anh ta qua đời vì bị bệnh. Manuel ở bên bờ vực thẳm ma túy.

Nhờ quen biết với những người trong ban mục vụ giới trẻ, qua các cuộc tính tâm, Manuel cảm thấy Chúa hiện hữu thực. Từ đó, mặc dù các phương tiện eo hẹp, Manuel vẫn vui sống và tìm cách phục vụ người khác. Anh hỏi ĐTC: chúng con đang chiến đấu để sống đức tin ngôn sứ, cử hành và thừa sai, nhưng chúng con cần những hành trình vững chắc hơn, tiệm tiến và toàn diện trong việc huấn luyện về đức tin. Ngoài ra, trước viễn tượng tương lai bất định, khó kiếm công ăn việc làm, không được học nhiều, chúng con có thể làm gì?

- Bạn trẻ thứ hai là cô Liz Fretes 25 tuổi, thuộc ban mục vụ giới trẻ ở thành phố San Berdanernio và có cử nhân về y tá.

Cô sống với bà ngoại già yếu và bệnh tật. Cách đây 2 năm, cô bị Chúa ”đánh động”, mẹ cô bị bệnh Alheimer (suy thoái não bộ) và trở nên như một em bé. Từ đó cô phải săn sóc mẹ, thay tã cho mẹ. Bà cứ tưởng rằng cô Liz là mẹ của bà. Cô kể: thoạt đầu con không được chuẩn bị trước tình cảnh như vậy. Nhưng con được may mắn không lẻ loi. Nhờ một bà dì và các bạn hữu, con đã đương đầu được với hoàn cảnh.

Liz được một người giúp đỡ học hành, đi học ban tối ở đại học. Hồi Ngày quốc tế giới trẻ ở Rio de Janeiro, các bạn của cô đều đi được, cô cũng muốn đi nhưng trúng vào kỳ phải bảo vệ luận văn tốt nghiệp y tá, nên không đi được. Nay cô được gặp ĐTC Phanxicô, cô khóc vì vui mừng và cảm a Chúa đã nhớ đến cô. Cô nói: Chỉ cần nhìn thấy ĐTC cũng là một an ủi và chữa lành những vết thương của con. Ngày nay con cũng nhận thức rằng tình trạng bệnh tật của mẹ con làm cho con trưởng thành và vững mạnh hơn. Ngày nay, con đang tìm kiếm con đường Chúa muốn con đi.”

Tiếp đến mọi người đã nghe bài Tin Mừng theo thánh Marco đoạn 5 (1-2) ghi lại lời Chúa Giêsu: Các con hãy vui mừng và hân hoan, vì phần thưởng của các con thật lớn lao ở trên trời. Anh Orlando đã đọc bài này rồi đến chào ĐTC, xin ngài cầu nguyện cho tự do.

Huấn từ ứng khẩu của ĐTC

Khi ngỏ lời với các bạn trẻ, ngài trao cho Đức GM đặc trách giới trẻ bài huấn dụ ngài đã dọn sẵn để phổ biến sau đó, và ngài ứng khẩu trả lời các bạn trẻ. ĐTC nói: ”tự do là phúc lành mà tất cả chúng ta giờ đây cùng cầu xin. Vì tự do là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cần biết đón nhận tự do ấy, cần có một con tim được giải thoát khỏi bao nhiêu ràng buộc, như sự bóc lột, thiếu các phương tiện sinh sống, nghiệp ngập ma túy, sầu muộn.

”Tất cả những điều ấy tước đoạt tự do của chúng ta. Tự do là có một con tim không bị ràng buộc, có thể nói và làm điều mình nghĩ và cảm thấy.”

Và ĐTC mời gọi các bạn trẻ cầu nguyện: Xin Chúa ban cho con một con tim tự do không làm nô lệ cho tất cả những lường gạt của thế gian, của cuộc sống tiện nghie, những tật xấu, những tự do giả tạo, thứ tự do này là làm điều mình thích trong mọi lúc. Chúng ta phải cầu xin một con tim tự do.

Đề cập đến chứng từ của cô Liz, ĐTC nhận xét rằng Liz dạy chúng ta không cần phải làm như quan Pontio Pilato: không cần rửa tay. Liz đã có thể đưa mẹ và bà ngoại vào một nhà dưỡng lão. Nhưng cô đã hoán cải, trở thành một người phục vụ, đúng hơn là một người tôi bộc cho mẹ và bà, và cô làm điều đó với tình thương yêu. Mới 25 tuổi, cô đã đốt cuộc sống của mình qua việc phục vụ mẹ và bà. Tình liên đới của những người khác, của các bạn hữu đã mang lại cho cô sức mạnh để tiến bước. Ở đây có giới răn thứ tư: hãy thảo kính cha mẹ. Cô đạt tới mức độ rất cao của tình yêu.

Nhắc đến trường hợp của Manuel: Anh đã không được một cuộc sống dễ dàng, bị bóc lột, ngược đãi, cô đơn. Nhưng thay vì trả thù cuộc đời, Manuel đi làm. Và ĐTC cầu nguyện cho tất cả những trẻ em đang phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn. ”Chỉ có Chúa mới có thể cứu các em trong những tình cảnh ấy.. Gặp gỡ Chúa Giêsu là hy vọng và can cảm, và tất cả chúng ta đang cần những điều ấy ngày nay”, những người trẻ sống mệt mỏi, với bộ mặt buồn chán.

Từ đó ”lòng can đảm, mạnh mẽ” trở thành một từ nòng cốt mà ĐTC đã nghị với các bạn trẻ Paraguay trong cuộc gặp gỡ. Ngài nhắc nhở họ rằng các mối phúc thật vừa đọc trong bài Tin Mừng là một kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta, một kế hoạch đi ngược dòng, so với quan niệm thịnh hành trong thế giới”.

Cuối bài nói chuyện, ĐTC mời gọi các bạn trẻ cùng với ngài lập lại lời cầu nguyện cho những người trẻ không biết Chúa là sức mạnh là lòng can đảm của họ, những người trẻ sợ sống hạnh phúc, sợ mơ ước: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sức mạnh, xin ban cho chúng con một con tim tự do, xin ban cho chúng con hy vọng, tình thương. Xin dạy chúng con phục vụ”.

Bài huấn dụ dọn sẵn

Trong bài huấn dụ ĐTC đã dọn sẵn và yêu cầu phổ biến, ngài ĐTC nhấn mạnh đến 2 chìa khóa quan trọng là: các bạn hữu và các cuộc tĩnh tâm.

Trước tiên là ”Các bạn hữu”. Tình bạn là một trong những món quà lớn nhất mà một người, một người trẻ có thể có được và trao tặng. Đúng vậy. Thật là khó sống nếu không có bạn hữu.... Một trong những bí quyết lớn nhất của Kitô hữu là được làm bạn với Chúa Giêsu. Các bạn hữu chịu đựng nhau, tháp tùng nhau, bảo vệ nhau. Chúa cũng làm như vậy đối với chúng ta. Ngài chịu đựng chúng ta.

- Tiếp đến là các cuộc tĩnh tâm hay linh thao. Thánh Ignaxio đã soạn một bài suy niệm nổi tiếng, gọi là ”hai lá cờ”. Ngài mô tả một bên là lá cờ của ma quỉ, và bên kia là lá cờ của Chúa Kitô.. Phần nào cũng như hai đội bóng với bộ áo khác nhau và ngài hỏi chúng ta xem muốn chơi trong đội banh nào.

Với bài suy niệm ấy, thánh nhân làm cho chúng ta tưởng tượng xem mình thuộc về đội bóng nào. Cũng tựa như ngài hỏi ta xem: ”Bạn muốn chơi với ai trong cuộc sống?” Và thánh Ignaxio nói rằng để tuyển mộ các cầu thủ, ma quỉ hứa cho những người chơi với hắn được giàu sang, vinh dự, quyền lực và danh dự. Họ sẽ được nổi tiếng. Tất cả sẽ tôn thờ họ.

Đàng khác, thánh Ignaxio trình bày cho chúng ta lối chơi của Chúa Giêsu. Lối chơi này không được trình bày như một cái gì tuyệt diệu, vì Chúa Giêsu không trình bày cho chúng ta một cuộc sống như minh tinh, nổi tiếng, trái lại Chúa nói với chúng ta rằng chơi với Ngài là một lời mời gọi yêu thương, phục vụ tha nhân. Chúa coi trọng chúng ta.

ĐTC viết thêm rằng: ”Trong Kinh Thánh, ma quỉ được gọi là 'cha kẻ dối trá', là kẻ làm cho bạn tưởng từng khi làm một việc nào đó, bạn sẽ hạnh phúc. Trái lại bạn thấy rằng bạn chẳng hạnh phúc gì, nó chỉ làm cho bạn thấy trống rỗng, buồn hơn. Vì thế, ma quỉ là kẻ ”bán khói”, hắn làm cho bạn đặt hy vọng nơi điều không bao giờ làm cho bạn hạnh phúc. Đó là trò chơi, là chiến lược của hắn. Thực vậy, tất cả những gì hắn đề nghị với chúng ta là thành quả của chia rẽ, là cạnh tranh với người khác, là đè đầu người khác để đạt được điều chúng ta muốn. Để đạt tới tất cả những điều đó, con đường duy nhất là gạt bỏ những ngừơi bạn của bạn, không chịu đựng một ai. Vì tất cả dựa trên cái vẻ bề ngoài và ma quỉ làm cho bạn tin rằng tất cả giá trị của bạn tùy thuộc những gì bạn sở hữu.

Trái lại, Chúa Giêsu trao tặng chúng ta cuộc chơi của Ngài. Ngài có vẻ không hứa cho chúng ta những điều vĩ đại, không nói với chúng ta rằng hạnh phúc ở trong giàu sang của cải, quyền lực, kiêu hãnh. Phúc cho những người có tinh thần thanh bần, người đói khát sự công chính, người từ bi, những người có tâm hồn thanh tịnh, những người xây dựng hòa bình, người bị bách hại vì công lý.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường là sự sống và sự thật. Ngài là thử thách lớn về điều đó. Đó là kiểu của ngài, sách thức ngài sống, tình bạn, quan hệ với Chúa Cha. Để cảm thấy chúng ta là con, những người con được yêu mến.

Chúa Giêsu biết rằng trong thế giới ngày có bao nhiêu cạnh tranh, ghen tương và hung hăng, hạnh phúc đích thực xuất phát từ việc học cách kiên nhẫn, tôn trọng người khác, không kết án cũng chẳng xét đoán ai. Phúc cho những người mangmột cuộc sống mới, những cơ hội mới, những người có khả năng giúp đỡ người khác trong các lỗi lầm của họ. Phúc cho những người là bạn hữu chân thành và không bỏ rơi một ai. Giã từ

Cuộc gặp gỡ kéo dài như thể các bạn trẻ không muốn ĐTC rời họ để ra đi. Lúc gần 7 giờ chiều, ngài giã từ và lên đường ra phi trường thủ đô. Dọc đường ngài dừng lại làm phép tại nơi tên là Ycuá Bolanos. Trung tâm thương mại tại đây đã bị một trận hỏa hoạn dữ dội tàn phá cách đây 11 năm (2004), một biến cố chưa từng có trước đó, làm cho 400 người chết và 500 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.

Tại phi trường, ĐTC đã được Tổng thống Horacio Cartes, các quan chức chính phủ và các GM tiễn biệt, với hàng quân danh dự, quốc thiều. Máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia, chở ĐTC, 30 người thuộc đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế cất cánh lúc 7 giờ 39 phút giờ địa phương. Trong điện văn gửi đến Tổng thống và quốc dân Paraguay khi rời không phận nước này, ĐTC ”bày tỏ lòng biết ơn và quí mến đối với dân tộc Paraguay yêu quí mà tôi mang trong con tim.. Rời Paraguay để trở về Roma, tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến Tổng Thống. Tôi cầu xin Chúa ban ân phúc dồi dào cho tất cả mọi người và xin Chúa giúp họ tiến triển trong tình huynh đệ và hòa hợp”.
 
1 triệu người dự thánh lễ chót của Đức Thánh Cha tại Paraguay
Lm. Trần Đức Anh OP
09:49 13/07/2015
ASUNCIÓN. Trong thánh lễ cuối cùng sáng Chúa Nhật 12-7-2015 kết thúc cuộc viếng thăm Mỹ châu, ĐTC kêu gọi hơn 1 triệu tín hữu thực thi tinh thần hiếu khách.

Sáng Chúa Nhật, sau khi viếng thăm khu phố nghèo Banado Norte, ĐTC đã đến Đền thánh ”Nu Guazú - Thánh Giá thánh Gioan Phaolô 2” để cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Chính tại nơi này, trong chuyến viếng thăm cách đây 27 năm, ngày 16-5 năm 1988, Đức Cố Giáo Hoàng đã chủ sự thánh lễ để tôn phong hiển thánh cho cha Roque Gonzalez Thánh Giá và các bạn tử đạo. Cánh đồng rộng lớn này ở trong khu vực một căn cứ không quân và có thể tiếp nhận 1 triệu 500 ngàn người.

Từ thứ bẩy hôm trước, 11-7, 150 ngàn người đã đến đây để chuẩn bị tham dự thánh lễ cuối cùng của ĐTC trong cuộc viếng thăm.

Đến nơi vào lúc quá 9 giờ 15 phút sáng, ĐTC đã dành gần nửa tiếng đồng hồ tiến qua các lối đi để chào thăm hơn một triệu tín hữu tụ tập tại đây, trong bầu không khí rất nồng nhiệt, trong đó cũng có hàng trăm ngàn người từ Argentina láng giềng qua đây để dự lễ với ĐTC, xét vì theo chương trình, năm tới ngài mới trở về thăm quê hương. Hiện diện trong thánh lễ cũng có tổng thống Horadio Cartes của Paraguay và bà tổng thống Kristin Kirchner của Argentina.

Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM, trong đó có 22 GM Paraguay, 50 GM Ecuador và Bolivia cùng với các GM khách, và đông đảo các linh mục.

Lễ đài thật là đặc biệt do nghệ sĩ Delfin Roque Ruiz thực hiện với rất nhiều bắp ngô màu vàng và vỏ dừa nâu, do hàng ngàn nông dân tặng. Với các chất liệu đó, Ông Roque Ruiz đã ghép thành huy hiệu của dòng Tên, hình thánh Phanxicô Assisi và thánh Ignaxio Loyola. Trên các vỏ dừa ở phần dưới lễ đài có ghi nhiều sứ điệp của ĐTC.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ khi ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng: đừng mang theo gậy, bị, tiền bạc, hai áo, và ngài nhấn mạnh đến một từ là chìa khóa của linh đạo Kitô giáo, trong kinh nghiệm làm môn đệ Chúa, đó là lòng hiếu khách, sự đón tiếp. Chúa Giêsu như một bậc thầy, một nhà sư phạm giỏi, sai các môn đệ đi sống lòng hiếu khách. Chúa nói với họ: ”Các con hãy ở lại nơi mà họ đón tiếp các con”. Chúa sai họ đi để học một trong những đặc tính cơ bản của cộng đồng tín hữu. Chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu là người đã học cách đón tiếp. ĐTC nói:

”Chúa Giêsu không sai họ đi như một kẻ hùng mạnh, như những chủ nhân, thủ lãnh, đầy những luật lệ, qui tắc; trái lại Ngài chỉ cho họ thấy con đường của Kitô hữu là biến đổi con tim. Học cách sống một cách khác, với một luật khác, theo một qui tắc khác. Đó là tiến từ đường hướng ích kỷ, khép kín, đụng độ, chia rẽ, tự tôn, tiến tới một hướng đi bênh vực sự sống, nhưng không, yêu thương. Từ thái độ thống trị, đè nén, lèo lái, tiến sang thái độ đón tiếp, tiếp nhận, săn sóc. Đó là hai thái độ, hai cách thức đối đầu với cuộc sống, sứ vụ.

ĐTC nhận xét rằng: ”Bao nhiêu lần chúng ta quan niệm sứ vụ dựa trên những dự phóng hoặc chương trình. Bao nhiêu lần chúng ta tưởng nghĩ việc loan báo Tin Mừng xoay quanh hàng ngàn chiến lược, chiến thuật, ”mánh mung” và thủ đoạn, tìm cách hoán cải người khác bằng những lý luận. Hôm nay, Chúa nói với chúng ta thật là rõ ràng theo tiêu chuẩn của Tin Mừng: chúng ta không thuyết phục bằng những lý lẽ, chiến lược, chiến thuật, nhưng bằng cách học đón tiếp.

ĐTC nói tiếp:

”Giáo Hội là người mẹ có tâm hồn rộng mở biết đón tiếp, đón nhận, nhất là những người đang cần được săn sóc nhiều nhất, những người ở trong tình trạng khó khăn lớn hơn. Giáo Hội là căn nhà đón tiếp. Chúng ta có thể hoạt động tốt đẹp dường nào nếu chúng ta khích lệ nhau học ngôn ngữ hiếu khách, đón tiếp! Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể chữa trị tại nơi mà người ta cảm thấy mình được đón nhận.

Hiếu khách đối với người đói khát, người nước ngoài, kẻ trần trụi, người bệnh, tù nhân (Xc Mt 25,34-37), với người phong cùi, bất toại. Hiếu khách đối với những người không nghĩ như chúng ta, không có tín ngưỡng hoặc đã đánh mất. Hiếu khách với người bị bách hại, thất nghiệp. Hiếu khách với những nền văn hóa khác.. hiếu khách với người tội lỗi.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Có một sự ác dần dần làm tổ trong tâm hồn chúng ta và ăn mòn sức sinh động của chúng ta, đó là sự cô đơn. Cô đơn có thể do nhiều nguyên do, nhiều động lực. Nó tách rời chúng ta khỏi người khác, khỏi Thiên Chúa, khỏi cộng đoàn. Nó khép kín chúng ta vào mình. Nhưng Chúa mở chúng ta vào một đường hướng mới. Thiên Chúa không bao giờ khép kín cách chân trời, Ngài không bao giờ thụ động trước sự sống và đau khổ. Ngài vĩnh viễn là một chân trời mới, vĩnh viễn là một Lời Mời cho bao nhiêu tình trạng loại trừ, băng hoại, khép kín, cô lập. Ngài là một lời phá vỡ sự im lặng của cô đơn.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự kinh Truyền Tin và trong bài huấn dụ ngắn, ngài khích lệ các tín hữu Paraguay hãy tín thác đến cùng Mẹ Maria, cởi mở tâm hồn, phó thác cho Mẹ niềm vui nỗi buồn, hy vọng và đau khổ. Ngài cung cầu xin Mẹ Maria canh giữ Giáo Hội và củng cố các mối dây huynh đệ giữa mọi phần tử của Giáo Hội với nhau. Với ơn phù trợ của Mẹ Maria, Giáo Hội được trở thành một căn nhà biết đón tiếp, một người mẹ của mọi dân tộc.

Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 8 cây số, rồi gặp riêng 22 GM, chủ chăn của 15 giáo phận Paraguay tại trung tâm văn hóa của tòa Sứ Thần. Hiện diện trong dịp này cũng có các GM Ecuador và Bolivia, hai nước vừa được ĐTC viếng thăm.
 
Đức Giáo Hoàng nói với người nghèo và giới trẻ Paraguay
Vũ Van An
16:12 13/07/2015
Ngày cuối cùng của Đức GH Phanxicô tại Paraguay, chặng chót trong chuyến tông du 3 nước Mỹ Châu La Tinh của ngài, ngoài Thánh Lễ đại trào tại Campo Grande ở Công Viên Nu Guazú, Thủ Đô Asuncion, trong đó ngài nhấn mạnh: muốn phúc âm hóa hữu hiệu, phải có thái độ chào đón, ta thấy hai bài nói chuyện rất đáng chú ý nữa đó là bài nói chuyện với người nghèo và bài nói chuyện ứng khẩu với giới trẻ.

Người nghèo Banado Norte: đức tin không liên đới là đức tin không có Chúa Kitô

Tại nhà nguyện Thánh Gioan Tẩy Giả ở khu Banado Norte, Paraguay, Đức GH Phanxicô nói với người nghèo tụ họp tại đây rằng ngài “rất mong được ở bên họ”; ngài “không thể đến Paraguay mà lại không dành thời gian hiện diện với họ, ngay tại lãnh thổ của” họ.

Ngài nói thêm: “nhìn thấy gương mặt anh chị em, con cái anh chị em, người cao niên của anh chị em và được nghe nói về các trải nghiệm của anh chị em và mọi điều anh chị em trải qua để sống ở đây, để có một cuộc sống xứng đáng và một mái nhà che đầu anh chị em, chịu đựng thời tiết xấu và lụt lội của mấy tuần lễ trước… Tất cả những điều ấy làm tôi nghĩ tới tiểu gia đình ở Bêlem. Các cuộc chiến đấu của anh chị em đã không lấy mất giọng cười, niềm vui và niềm hy vọng của anh chị em. Những cuộc chiến đấu không làm giảm ý hướng liên đới của anh chị em nhưng bất chấp mọi điều, đã làm nó lớn lên”.

Ngài thuật lại truyện của tiểu gia đình Bêlem trên: họ buộc phải rời bỏ mái ấm, gia đình và bạn bè, bỏ hết những gì họ có để đi tới một nơi “không biết ai, không nhà ở hay gia đình”. Trẻ Giêsu đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Ngài bảo “đó là cách họ đem Chúa Giêsu đến cho ta. Họ cô đơn, trên đất lạ, chỉ có ba người. Rồi đột nhiên, các người chăn chiên xuất hiện. Những người giống như họ cũng phải bỏ nhà cửa để tìm các cơ hội tốt hơn cho gia đình họ. Cuộc sống họ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cả nhiều loại khổ cực khác nữa. Khi nghe biết Chúa Giêsu sinh ra, họ tới gặp Người. Họ trở thành hàng xóm. Ngay lập tức họ trở thành một gia đình đối với Đức Maria và Thánh Giuse. Gia đình Chúa Giêsu”.

Đức Phanxicô bảo họ: “đó là điều xẩy ra khi Chúa Giêsu bước vào đời sống ta. Đó là điều xẩy tới với đức tin. Đức tin làm chúng ta gần nhau hơn. Nó làm chúng ta thành hàng xóm. Nó lôi cuốn ta gần lại hơn với đời sống người khác. Đức tin đánh thức dấn thân của ta, tình liên đới của ta. Việc Chúa Giêsu sinh ra đã thay đổi cuộc sống ta. Đức tin nào không lôi kéo ta vào liên đới là đức tin chết. Nó là thứ đức tin không có Chúa Kitô, một đức tin không có Thiên Chúa, một đức tin không có anh chị em. Người đầu tiên chỉ ra tình liên đới là Chúa chúng ta, Đấng đã chọn sống giữa chúng ta”.

Rồi ngài bảo họ: “tôi đến với anh chị em như những người chăn chiên trên. Tôi muốn là hàng xóm của anh chị em… Tôi đến tham gia với anh chị em trong việc dâng lời cảm tạ, vì đức tin đã trở thành hy vọng, và hy vọng, đến lượt nó, đã đốt lên ngọn lửa yêu thương. Đức tin mà Chúa Giêsu khơi dậy trong ta là đức tin giúp ta có khả năng mơ về tương lai và làm việc cho tương lai ấy ngay ở đây và ngay lúc này…”

Ngài khuyên họ phải có một đức tin liên đới, đừng chia rẽ. “Ma qủi muốn anh chị em đánh nhau vì nó muốn chia rẽ anh chị em, đánh bại anh chị em, và cướp mất đức tin của anh chị em”.

Sau khi đọc kinh Lạy Cha với họ, ngài chúc lành cho họ và dặn dò lần cuối cùng: “Anh chị em hãy ra đi, và đừng để ma qủi chia rẽ anh chị em!”.

Người trẻ Paraguay: bạn bè và tĩnh tâm

Chiều tối ngày 12 tháng 7, gặp giới trẻ Paraguay, Đức Phanxicô nói với họ: ngài rất vui được nghe các chứng từ của họ và chia sẻ niềm hào hứng và tình yêu Chúa Giêsu của họ. Các chứng từ này là “kho báu vĩ đại nhất”.

Dịp này, ngài nói tới hai bạn trẻ: Manuel và Liz. Manuel muốn phục vụ người khác, dù anh kinh qua nhiều trải nghiệm khó khăn, đau đớn. Liz, “một người mẹ đối với cha mẹ” cô; cô chơi với mẹ, thay tã cho mẹ với tâm tình “Đó là tất cả những gì hôm nay con trao cho Thiên Chúa, nhưng con không đền bù được bao nhiêu những điều mẹ con đã làm cho con”.

Đức Giáo Hoàng ngỏ với người trẻ Paraguay, “chúng con, hỡi những người trẻ Paraguay, chắc chắn chúng con đã chứng tỏ một lòng nhân và một lòng can đảm lớn lao”.

Rồi ngài nói tới các chứng từ khác: tất cả cho thấy sức mạnh của tuổi trẻ phát sinh từ hai nguồn là bạn bè và tĩnh tâm. Ngài xóay quanh hai chủ đề này.

Bạn bè

“Tình bạn bè là một trong những hồng phúc vĩ đại nhất mà một con người, một người trẻ, có thể có và có thể hiến tặng. Nó thực sự là thế. Sống không bạn bè quả là khó xiết bao! Các con hãy nghĩ về nó: há nó không phải là một trong những điều đẹp đẽ nhất mà Chúa Giêsu đã dạy ta hay sao? Ngài nói: “Thầy đã gọi các con là bạn bè, vì mọi điều Thầy đã nghe được từ Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết” (Ga 15:15). Một trong những điều qúi giá nhất của việc được làm Kitô hữu là chúng ta có bạn bè, bạn bè của Chúa Giêsu. Khi các con yêu ai, các con qua thì giờ với họ, các con trông nom họ và giúp đỡ họ, các con kể cho họ nghe các con nghĩ gì, nhưng các con cũng không bao giờ bỏ rơi họ. Đó là cách Chúa Giêsu ở với chúng ta; Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta cả. Bạn bè luôn đứng bên cạnh nhau, giúp đỡ nhau, che chở nhau. Chúa cũng như thế đối với chúng ta. Người kiên nhẫn đối với chúng ta”.

Tĩnh Tâm

“Thánh Inhã có một bài suy niệm thời danh về hai lá cờ. Ngài mô tả lá cờ của ma qủi và sau đó, lá cờ của Chúa Kitô. Giống như áo thung túc cầu của hai đội khác nhau. Và ngài hỏi chúng ta muốn chơi cho đội nào”.

Theo Đức Phanxicô, Thánh Inhã bảo rằng “để tuyển cầu thủ, ma qủi hứa hẹn rằng ai chơi cho đội của nó sẽ nhận được giầu sang, danh dự, vinh quang và quyền lực. Họ sẽ nổi tiếng. Mọi người sẽ thờ phượng họ”.

Còn Chúa Giêsu? “Chúa Giêsu không bảo chúng ta rằng chúng ta sẽ thành những ngôi sao, những người danh tiếng, ở trên đời. Thay vào đó, Người nói với chúng ta rằng chơi cho Người thì phải khiêm nhường, yêu thương, phục vụ người khác”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh một điều: Chúa Giêsu không bao giời gian dối, còn ma qủi thì là “cha sự gian dối”. Nó hứa hạnh phúc, thì kết cục ta sẽ bất hạnh. Vì nó hứa mà nào có thực thi được lời hứa. Nó nói nhiều mà làm chẳng được chi. Nó là “nhà nghệ sĩ của lừa đảo” (con artist)... chuyên chia rẽ, làm ta so đo với người khác, dẵm lên người khác mà tiến tới, bỏ rơi bạn bè, không đứng bên bất cứ ai, mọi điều chỉ chuộng bề ngoài, dựa vào của cải.

Chúa Giêsu thì không lừa đảo ai, không hứa hẹn hão, không hứa hạnh phúc trong giầu có, quyền lực hay thanh thế. Người dạy ta khiêm nhường trong lòng, khóc lóc, hiền lành, đói khát sự công chính, có lòng thương xót, trong sạch trong tâm hồn, xây dựng hòa bình… Và cuối cùng, Người bảo ta: “Hãy hân hoan vì tất cả những điều ấy!”.

Vì sao vậy? Đức Phanxicô trả lời: “Vì Người không nói dối ta. Người chỉ cho ta nẻo đường tới sự sống và sự thật. Người là minh chứng vĩ đại của điều đó. Phong thái, lối sống của Người, là tình bạn bè, mối liên hệ với Cha của Người. Và đó là điều Người hiến cho ta. Người làm cho ta hiểu ra rằng ta là con cái nam nữ. Những đứa con thân yêu”.

“Người không lừa dối các con. Vì Người biết rõ: hạnh phúc, hạnh phúc đích thực, một hạnh phúc có thể trám đầy lòng ta, không có trong quần áo hàng hiệu hay giầy dép nhãn hiệu đắt tiền. Ngưòi biết rõ: hạnh phúc chân thực tìm thấy trong việc xích lại gần người khác, học cách biết khóc với người khóc, gần gũi những người cảm thấy xuống thấp hay gặp phiền muộn, đưa cho họ đôi vai đề họ tựa vào mà khóc, một cái ôm hôn. Nếu ta không biết phải khóc ra sao, ta cũng sẽ không biết phải cười thế nào, phải sống như thế nào nữa”.

Hạnh phúc thật

Đào sâu hơn, Đức Phanxicô nói với người trẻ Paraguay: “Chúa Giêsu biết rõ trong thế giới đầy cạnh tranh, ghen tuông và gây hấn này, hạnh phúc thật phát sinh từ việc học cách kiên nhẫn, tôn trọng người khác, từ khước kết án hay phán xét người khác. Như người ta thường nói ‘cả giận mất khôn’. Các con đừng để trái tim các con nhường bước cho giận dữ và ghét bỏ. Hạnh phúc thay người hay thương xót. Hạnh phúc thay những ai biết đặt mình vào đôi giầy của người khác, những ai biết ôm ấp, tha thứ. Lúc này hay lúc khác, tất cả chúng ta đều đã cảm nghiệm được điều đó. Nó quả đẹp đẽ xiết bao! Giống như ta nhận lại được đời sống của mình, nhận được cơ may mới. Không gì đẹp đẽ bằng có được cơ may mới. Như thể đời ta lại khởi đầu trở lại.

“Cũng hạnh phúc thay những ai đem lại sự sống và cơ hội mới. Hạnh phúc thay những ai cố gắng và hy sinh để làm điều đó. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm và vướng vào hiểu lầm, cả ngàn sai lầm và hiểu lầm. Thành thử, hạnh phúc thay những ai biết giúp người khác khi họ mắc sai lầm, khi họ cảm nghiệm sự hiểu lầm. Những người này là bạn bè đích thực, họ không bỏ rơi ai. Họ trong sạch trong tâm hồn, những người biết nhìn quá bên kia các sự việc nhỏ nhoi và biết vượt qua khó khăn. Trên hết, hạnh phúc thay những ai biết nhận ra điều tốt nơi người khác”.

Để kết luận, Đức Phanxicô cho hay: “các vị thánh nhân là bạn bè và là mẫu mực của ta… Các ngài cho ta hay: Chúa Giêsu không phải là nhà nghệ sĩ lừa đảo; Người hiến tặng ta sự thành toàn đúng nghĩa. Nhưng trên hết, Người hiến tặng ta tình bè bạn, tình bè bạn đích thực, tình bè bạn ta cần.”

“Bởi thế ta phải trở nên bạn bè theo cách của Chúa Giêsu. Không khép kín, nhưng tham gia đội banh của Người và chơi môn chơi của Người, đi ra ngoài và tạo bạn bè mỗi ngày một nhiều thêm. Mang niềm hào hứng của tình bạn Chúa Giêsu đến cho thế giới, bất cứ các con ở đâu: ở nơi làm việc, ở trường, trên WhatsApp, Facebook hay Twitter. Khi các con đi khiêu vũ, hay đi uống trà lạnh tereré, khi các con tụ họp ở công viên thành phố hay chơi trận banh nhỏ tại sân khu xóm. Nghĩa là tại những nơi bạn bè Chúa Giêsu vốn tụ tập. Không phải để lừa đảo người khác, mà là đứng bên cạnh họ và kiên nhẫn với họ. Bằng lòng kiên nhẫn phát sinh từ việc biết rằng ta hạnh phúc, vì ta có một Ngưòi Cha ở trên trời”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hơn 3.000 Hội Viên Legio Mariae GP Phan Thiết hành hương Đức Mẹ Tàpao
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:36 13/07/2015
THÁNG 7 /2015 - Cơn bão số 2 đã tạo nên những cơn mưa lớn tầm tả suốt những ngày qua.Tháng 7 mưa ngâu, những cơn mưa tắm gội núi đồi Tàpao cho rừng cây thẩm xanh, ruộng vườn ngát lên màu lá mới.

Hình ảnh

Hàng ngàn hội viên Lêgiô Mariae của Giáo Phận Phan Thiết cùng với khách hành hương từ chiều ngày 12 đáp lại ước hẹn, cùng về bên Đức Mẹ Tàpao để dâng lên Mẹ lời cảm tạ vì những hồng ân đã lãnh nhận.

Trời âm u, mưa không ngớt, đường sá lầy lội nên không rước kiệu Đức Mẹ. Đến 7giờ tối, Đức Cha Giuse đặt Mình Thánh Chúa khởi đầu giờ chầu Phép Lành. Cộng đoàn đội mưa cung kính quỳ gối tôn thờ Thánh Thể. Sau phép lành Thánh Thể, hội Lêgiô diễn nguyện, cộng đoàn sốt sắng tham dự. Nhiều đoàn hành hương tiếp tục lên linh đài cầu nguyện bên Mẹ Tàpao. Đi trong mưa và ngồi dưới mưa mới thấy rõ hơn sự nồng nhiệt của khách hành hương từ thập phương về bên Mẹ Tàpao. Cám ơn những cơn mưa núi rừng Tàpao. Mưa làm mọi con đường đầy ngập bùn lầy lội, chỗ ngồi cũng ướt sủng nhưng không làm giảm những lời hoan ca và tiếng vỗ tay tán thưởng sau mỗi tiết mục; mưa lạnh ngấm vào da thịt nhưng tâm hồn mỗi người được sưởi ấm bằng những giai điệu những cung bậc của lời ca thánh.

Sáng 13-7, sau giờ khấn Đức Mẹ, thánh lễ do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế, hơn 70 linh mục đồng tế, có những linh mục đến từ rất xa, từ giáo phận Huế, Vĩnh long, Mỹ tho. Hơn 3.000 hội viên Lêgiô Mariae và hàng chục ngàn khách hành hương hiệp dâng thánh lễ tạ ơn.

Trong tiếng kèn của đội kèn giáo xứ Chính tòa Giáo phận Phú cường và lời ca của ca đoàn Giáo xứ Thanh xuân, đoàn rước tiến lên lễ đài dưới cơn mưa nhẹ, khí trời thật dịu mát.

Trong niềm bình an của Chúa Kitô, lời ngỏ với cộng đoàn, Đức Cha Giuse hiệp ý với Cha Tổng Đại Diện, Cha Niên Trưởng cũng như quý Cha Linh Giám của hội Lêgiô Mariae Phan Thiết cũng như quý Cha đồng tế, hân hạnh gửi đến toàn thể dân Chúa, cách riêng các hội viên tán trợ cũng như hoạt động, các em Junio của hội Lêgiô Giáo phận lời chào mừng rất đặc biệt của Thánh lễ sáng nay.

Đức Cha giới thiệu 8 tân Phó Tế của Giáo Phận Phan Thiết với cộng đoàn. Hôm nay các tân chức về đây hiệp lòng cùng với quý khách hành hương tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ vì lộ trình ơn gọi đã ấn định cho đến bước này và cũng xin ơn trên, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho các Thầy được ơn suôn sẻ, đồng thời mọi người cùng liên đới với nhau trong một tâm tình tạ ơn và kêu khẩn mỗi khi đến với linh địa Tàpao.

Tối qua, anh chị em đã tham dự giờ diễn nguyện dưới cơn mưa rất lớn, thế nhưng tất cả vẫn hiệp thông với nhau trong tâm tình sốt sắng để cầu xin ơn phúc xuống cho gia đình cũng như giáo xứ của mình, ai tham dự cũng nghe thấp thoáng một lời kinh cầu nguyện:

“Mẹ ơi mưa gió Tàpao
Dù che, mũ đội chẳng sao cho vừa
Thế mà khúc hát đong đưa
Vang lên mãi, con vẫn chưa thỏa lòng”.


Thánh lễ sáng nay kết nối khúc diễn nguyện tối hôm qua. Cùng một tâm tình dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.

Hiệp ý với hội Legio Mariae Giáo Phận Phan Thiết, tạ ơn Đức Mẹ vì Mẹ đã luôn ban ơn trợ giúp cho những sinh hoạt của hội đoàn trong những tháng năm vừa qua. Xin Mẹ thương chuyển cầu cho những ơn lành cần thiết để các hội viên luôn sốt sắng thực thi sứ mạng tông đồ giáo dân của mình giữa lòng giáo xứ, giữa lòng địa bàn dân cư được trao phó cho mình, cách riêng trong năm Tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ. Những ước nguyện cộng đoàn dâng lên Mẹ trong giờ khấn, trong Thánh lễ này, xin Mẹ cũng chuyển cầu cho tất cả mọi người đạt được những ước nguyện tốt lành ấy.

Đức Cha giảng lễ, suy niệm Tin mừng Mt 12,46-50.

Trang Tin Mừng hôm nay là câu chuyện họa hiếm trong đời công khai rao giảng của Chúa Giêsu. Mẹ Maria đến thăm, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội ấy để giới thiệu về Đức Mẹ, và đồng thời mở ra một chương mới trong giáo lý Nước Trời: “Ai thi hành ý Chúa, người ấy là mẹ và anh em của Ta”. Từ tin nhắn: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”, Đức Cha Giuse triển khai 3 ý tưởng: Chúa Giêsu giới thiệu Mẹ Maria với các thính giả, Chúa Giêsu đặt câu hỏi “Ai là mẹ Ta” và lời xác quyết của Chúa Giêsu “Những ai thi hành ý Chúa, người ấy là mẹ của Ta”.

Như bất kỳ con người bình thường nào, Chúa Giêsu cũng có một quê quán, một mái ấm gia đình, một gốc nguồn nhân loại. Mẹ của Người chính là bảo đảm cho chính điều này. Đức Maria đã cưu mang, sinh hạ, dưỡng nuôi cũng như dưỡng dục Chúa Giêsu từ tuổi thơ cho đến trưởng thành; suốt 30 năm sống âm thầm tại Nagiaret, cho đến 3 năm công khai đời rao giảng Tin Mừng. Thật tự nhiên, trước mắt mọi người, Mẹ được nhìn nhận là Mẹ ruột của Chúa Giêsu và ở khắp nơi mọi người đều công nhận Mẹ Maria là mẹ thật của Đấng Cứu Thế. Khác với kiểu mẹ nuôi, không có công sinh thành hay kiểu hợp đồng nào đó, chỉ thỏa thuận theo luật pháp, Đức Maria chính là Mẹ thật đem đến cho Chúa Giêsu hệ quả trần thế và dòng máu nhân sinh. Chúa Giêsu đã giới thiệu Đức Maria là Mẹ của mình cho tất cả những người đang chăm chú lắng nghe Người giảng.

Chúa hỏi: “Ai là mẹ Tôi?”. Nghe câu hỏi này thính giả chắc phải kinh ngạc lắm vì lời đáp quá hiển nhiên không cần phải biện giải, khi Mẹ Người đang hiện diện đó. Nhưng ở đây phải xem ra là cuộc gặp, mở ra một chân trời mới lạ. Với câu hỏi: “Ai là Mẹ Tôi” phải hiểu rộng ra để chuyển thành câu: “Mẹ Tôi là ai?”. Từ đó có đáp án triển khai về phương diện mầu nhiệm nhằm giới thiệu sâu hơn nữa vị thế của Đức Maria là Mẹ của Con Thiên Chúa làm người. Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu về phương diện tự nhiên nhưng người ta có dịp chiêm niệm Mẹ là mẹ vì từ ngàn đời được Thiên Chúa tuyển chọn và ban đầy ơn phúc, trong đó có đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và Trọn Đời Đồng Trinh để sẵn sàng thưa lời “xin vâng” trong dịp truyền tin, từ đó Mẹ cưu mang rồi hạ sinh Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người.

Chúa Giêsu xác quyết “Những ai thi hành ý Chúa, người ấy là mẹ của Ta”. Khoảng lặng giữa câu hỏi và câu trả lời của Chúa Giêsu không dài, chỉ đủ để thực hiện một động tác Người nhìn và chỉ tay về phía các môn đệ nhưng cũng đủ mở ra chân trời mới. Chúa Giêsu nhìn tất cả mọi người dẫu họ là từng cá nhân rải rác trước mặt hay là từng góc tản mác phía xa xa để ai nấy hiểu rằng mình luôn luôn ở trong cung lòng của Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu chỉ tay về phía các môn đệ, động tác tưởng như thắt nút trong giới hạn của những người hiện diện có thể đếm được, nhưng thực ra lại là cách diễn tả khác của tấm lòng bao la tỏa hình rẽ quạt khởi đi của Chúa Giêsu qua những người xung quanh để mở ra đến vô cùng cho những ai thành tâm sống theo Tin Mừng cứu rỗi. Chúa Giêsu công bố từ nay Người chính thức khai trương một gia đình mới đông hơn, vui hơn không dựa trên huyết nhục mà trên lòng mến, lòng tin.

Cuối bài suy niệm, Đức Cha diễn tả tâm tình tạ ơn bằng những vần thơ:

Đời con một gánh lao đao,
Về đây xin Mẹ Tàpao thương tình.
Cho con hồn thắm an bình,
Vâng ý Chúa vững hành trành tin yêu.


Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha ban phép lành với ơn toàn xá. Ngài làm phép ảnh tượng và nước cho cộng đoàn.

Hiệp thông với tâm tình tạ ơn Đức Mẹ với Hội Lêgiô Giáo phận. Ngày 19.3.1995 Comitium Phan Thiết chính thức khai sinh. Năm nay vừa tròn 20 năm, với hơn 6.500 hội viên hiện diện tại 86/91 giáo xứ, anh chị em Lêgiô đã góp phần vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội theo gương Mẹ Maria.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui, mọi người ra về hân hoan. Muôn vàn ý nguyện cầu đã được tiến dâng lên Mẹ. Dòng người ào ạt tỏa ra mọi lối. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chậm chạp rời khỏi Tàpao, trả lại sự yên bình cho núi rừng, trả lại sự thanh vắng cho ruộng vườn. Hẹn gặp lại, ngày hành hương Đức Mẹ Tàpao tháng 8 sắp đến.
 
Giáo hạt Văn Hạnh: Ngày hội Giáo lý viên và mừng lễ Quan Thầy
Pet. Văn Hạnh
09:50 13/07/2015
Giáo hạt Văn Hạnh: Ngày hội Giáo lý viên và mừng lễ Quan Thầy.

Sáng thứ 6, ngày 10 tháng 7 năm 2010, tại sở hạt Văn Hạnh đã diễn ra ngày gặp mặt Giáo lý viên toàn giáo hạt, đồng thời mừng lễ Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự - Quan Thầy của Giáo lý viên. Buổi gặp mặt có sự hiện diện của Quý Cha đang phục vụ tại giáo hạt Văn Hạnh và 550 thầy cô giáo lý viên của 11 giáo xứ trong toàn giáo hạt.

Ngày hội ngộ: Hâm nóng lại sứ mạng của người giáo lý viên.

Xem Hình

Chương trình ngày gặp mặt chính thức bắt đầu lúc 7h30 phút, sau phần khai mạc, Cha quản hạt Phêrô Trần Phúc Chính đã chia sẻ đề tài “Đào tạo lương tâm giáo lý viên” và đó được xem là chủ đề chính cho buổi gặp mặt này. Trong đó, Ngài khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ giáo lý viên là cánh tay đắc lực của Hội Thánh trong việc thông truyền, rao giảng Lời Chúa cho người khác, nhất là thế hệ trẻ tại các giáo xứ trong công việc dạy Giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, sứ mạng đó thật khó khăn và đầy nguy hiểm bởi họ đang phải chịu sự chi phối của một xã hội chạy theo vật chất, sự thật bị bóp méo, gian dối lên ngôi, một xã hội người ta chấp nhận “lương tâm sao bằng lương thực”. Nhận thấy rõ điều đó, người giáo lý viên là người nhận lấy sứ mạng dạy về Chúa Kitô cho người khác, đồng thời biết vun trồng nơi họ một trái tim của Chúa Giêsu khi không ngừng đào tạo một lương tâm tốt khi biết sống, biết hành động theo các giá trị sự thật của Tin Mừng. Dựa theo những chỉ dẫn của Giáo Hội, Cha quản hạt đã giúp mỗi giáo lý viên một lần nữa nhìn lại lương tâm của người môn đệ Chúa Kitô khi vạch ra những nguyên tắc chung để đánh giá một lương tâm tốt. Đồng thời, mỗi thầy cô giáo lý viên biết xác tín về hồng ân ơn gọi của mình mà không ngừng dấn thân và kiên nhẫn suốt đời cho hành trình đào tạo đức tin cho người khác.

Sau phần giảng huấn của Cha quản hạt, giáo lý viên có dịp thảo luận, chia sẻ và trao đổi những thắc mắc cũng như những thao thức của mình về đời sống đức tin, về công việc dạy và học giáo lý hiện nay qua những câu hỏi đặt ra và được quý Cha hiện diện giải đáp. Hơn nữa, mỗi giáo lý viên được mời gọi đến với Tòa giải tội để được chữa lành những vết thương, đồng thời nhận lấy sức mạnh từ Thầy Giêsu để ra đi rao giảng Lời Chúa cho người khác.

Thánh lễ Quan Thầy: Lời tạ ơn Thiên Chúa

Nhận lấy lời mời gọi trở thành giáo lý viên và được lãnh nhận sứ mạng cao cả trong việc rao truyền Lời Chúa, mỗi thầy cô giáo lý viên cảm nhận đó là hồng ân mà Thiên Chúa dành riêng cho mình. Trong ngày lễ Quan thầy, mỗi giáo lý viên tái nhìn nhận về hồng phúc đó, đồng thời có những quyết tâm để thực hiện vai trò của mình.

Nhận lấy Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự làm Quan Thầy của mình, mỗi giáo lý viên có cơ hội chiêm ngắm vị thánh trẻ tử đạo, biết sống và chết để làm chứng cho niềm tin của mình. Từ đó, mỗi giáo lý viên ý thức vai trò của mình để cũng không ngừng làm chứng cho Chúa nơi chính môi trường sống của mình.

Trong phần quãng diễn Lời Chúa, Cha quản xứ Hòa Thắng – Phêrô Trần Đình Lai đã giúp mỗi giáo lý viên hiểu rõ lời mời gọi “tử đạo” – làm chứng trong cuộc sống thường ngày. Biết chấp nhận những dèm pha, chê trách của người khác, biết vui vẻ chấp nhận những thờ ơ, lãnh đạm của những người xung quanh, biết quên đi những vinh hoa, lợi lộc của trần gian mà ao ước những phần thưởng vĩnh cửu mà Thiên Chúa sẽ dành tặng cho mình ở trên trời.

Dẫu biết rằng theo Chúa là thua thiệt, theo Chúa là bị người đời chê trách, theo Chúa phải lội ngược dòng. Đó là những gian lao mà mỗi giáo lý viên được mời gọi chấp nhận để xứng đáng là môn đệ Chúa Kitô. Thánh lễ Quan thầy khép lại, mỗi giáo lý viên được múc lấy sức mạnh từ Thầy Giêsu và can đảm để ra đi làm chứng, biết quên đi những khó khan, bất toàn của mình mà không ngừng “vâng lời Thầy con xin thả lưới”.

Pet. Văn Hạnh
 
Giới trẻ Huế tìm hiểu Linh đạo thánh Têrêsa Avila nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 500 năm
Bonny Trương
12:01 13/07/2015
Trong bầu khí hân hoan mừng kỷ niệm 500 năm sinh nhật Mẹ Thánh Têrêsa Avila, Tiến sĩ Hội Thánh. Sáng ngày 13/7,Giới trẻ Hạt Thành phố Huế đã họp mặt và sinh hoạt tại Đan viện Carmel Huế. Trên 200 bạn trẻ đã tề tựu tại khuôn viên Đan viện Carmel, số 34 đường Kim Long, thành phố Huế.

Hình ảnh

Đúng 7h30, chương trình được bắt đầu bằng các tiết mục văn nghệ nhằm khuấy động không khí vốn yên tĩnh thường ngày của Đan viện Carmel. Các bạn trẻ cùng nắm tay nhau ca hát, nhún nhảy theo điệu nhạc, khởi động cho một ngày sinh hoạt đầy bổ ích.

Sau màn khởi động ngắn, cha Jos. Nguyễn Bình – Dòng Carmel bắt đầu bài giảng, Ngài giới thiệu về cuộc đời của Mẹ Thánh Têrêsa Avila: Thánh nữ Têrêsa Avila sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515 tại Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc đạo đức. Năm 1530, thánh nữ ngỏ ý xin cha cho phép vào tu viện thánh Augustine nhưng cha ngài nhất định khước từ. Tuy nhiên đến năm 1533, Têrêsa đã lên đường vào dòng tu “Nhập Thể” khi vừa tròn 18 tuổi. Ngài hân hoan như cá gặp nước và tiến bộ rất nhanh trên con đường tu đức. Ngày 2.11.1535, ngài được mặc áo dòng. Năm 1558, sau lễ Phục Sinh, thánh nữ được trông thấy hai bàn tay của Chúa Giêsu rồi tiếp sau đó là khuôn mặt sáng ngời của Ngài. Lần khác, Têrêsa lại được Chúa cho trông thấy địa ngục đầy rẫy những khổ hình và lửa đỏ cháy ngùn ngụt.
Ngày 24.8.1562, tu viện đầu tiên đã mọc lên ở Avila và ngày ngày có nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Quy luật Dòng rất nghiêm nhặt, như đi chân không, chú trọng đến việc ăn chay, hãm mình đánh tội, thức khuya dậy sớm, đọc kinh cầu nguyện rất nhiều. Và cũng từ đó, các tu viện được xây cất thêm mỗi ngày một đông, chứng tỏ Thiên Chúa rất hài lòng với công việc lớn lao của Thánh Nữ, luôn luôn tâm niệm lời Chúa phán: “hãy vác thánh giá và theo Chúa”. Thánh nữ đã viết: “Tôi không phàn nàn về thân phận của tôi, quả thực tôi không yếu đuối như những phụ nữ khác. Tôi có một trái tim quả cảm. Thiên Chúa nâng đỡ những ai quyết tin tưởng nơi Ngài. Chúa là sức mạnh, là nơi nương tựa và hướng đạo của tôi”.

Thánh Têrêsa đã sống và đã chết với lòng tin tưởng ấy. Thánh nữ hay than thở với Chúa: “Lạy Chúa, dù thành công hay thất bại, dù vui sướng hay đau khổ con vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa”. Thánh nữ qua đời ngày tại Alba de Tormes ngày 05.10.1582 hưởng thọ 67 tuổi. Năm 1622 đức Gregoriô XV phong ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1970 Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn phong ngài lên hàng Tiên sĩ Hội Thánh.

Sau bài giàng về cuộc đời của Thánh Nữ, Giới trẻ đã tham dự thánh lễ Mẹ Thánh Têrêsa Avila Tiến sĩ Hội Thánh cùng với các nữ tu dòng Carmel trong bầu khí sốt mến. Tất cả mọi người tham dự đều hết sức ngạc nhiên với giọng hát tựa như thiên thần qua các bài hát tung hô Thiên Chúa của các nữ tu nơi đây. Dường như, các nữ tu đã hát với tất cả tâm hồn hướng về Thiên Chúa và không quan tâm đến những điều khác đang diễn ra xung quanh.

Sau Thánh lễ, nữ tu Marie Angel Chúa Giêsu Thánh thể Nghuyễn Thị Nhạn đã mời các bạn trẻ bữa trưa thân mật tại Đan viện.

Sau giờ nghỉ trưa, mọi người tiếp tục giao lưu sinh hoạt bằng những trò chơi. Buổi sinh hoạt dường như đã gắn kết tất cả mọi người, từ những giáo xứ xa xôi, từ những con người lần đầu tiên gặp mặt\lại với nhau trong tình thân ái. Các bạn đã cùng nhau hát chúc mừng sinh nhật, trước tượng Thánh nữ Têrêsa Avila . Để rồi sau đó, mọi người lại tiếp tục trao đổi những kiến thức xung quanh Mẹ Thánh Têrêsa Avila và Đan viện Carmel.

Kết thúc ngày gặp mặt, các bạn trẻ Hạt Thành phố lại quây quần bên nhau trong giờ Chầu Thánh Thể với linh mục Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung, phụ trách chương trình Ngày sinh hoạt, chủ sự. Sau giờ Chầu, Cha JM Hồ Sĩ Hiếu Trung cùng tất cả mọi người cùng nhau gửi lời cảm ơn đến các nữ tu đã tạo điều kiện để các bạn được tổ chức ngày sinh hoạt tại Đan viện Carmel này.

Các bạn trẻ ra về, trả lại sự yên tĩnh thường ngày của Đan viện Carmel, trong lòng hân hoan sau một ngày bên nhau, giao lưu học hỏi. Sau ngày hôm nay, các bạn biết thêm về cuộc đời của một vì thánh của Giáo Hội, về hoạt động của cộng đoàn Carmel và ý thức hơn về con đường đức tin mà mình đang hướng đến.
 
Nhà Tổ Ấm Phát Diệm ở Roma được xây dựng lên như thế nào?
Lm. Gioan Trần Mạnh Duyệt
15:30 13/07/2015
Nhiều khách hành hương Việt Nam đến Roma, trong đó có cả các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, khi cư ngụ tại Foyer Phát Diệm (trú quán Tổ Ấm Phát Diệm) đều muốn biết qua về lịch sử hình thành và xây dựng lên
Foyer Phát Diệm như thế nào? Nay nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày giỗ Cha cố Phero Maria Vũ Kim Điện, người có công xây dựng nên ngôi nhà này, chúng tôi xin tạm ghi mấy dòng để tưởng nhớ ngài, người con rất ưu tú của Phát Diệm.

Cha Cố Phero Maria Vũ Kim Điện sinh 02/02/1914 tại giáo xứ Dưỡng Điềm thuộc giáo phận Phát Diệm, ngài qua đời tại Roma vào ngày 13/07/1985.

Người Công Giáo VN đến thăm quan Roma dễ đồng lòng với Đức Ông Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của ĐGH Gioan Phaolo II đã từng nói với giọng thán phục: "Cha Cố Điện qua đi, để lại cả một ĐÀI KỶ NIỆM đồ sộ tại Giáo Đô La Mã, Foyer Phát Diệm". Đó là ngôi nhà 4 tầng rộng lớn, chứa nổi trên 100 khách hành hương mà ta tạm dịch là Tổ Ấm Phát Diệm gần Vatican.

Dầu không phải là người bắt đầu xây dựng, vì đó là công lao của Cha Cố Luca Trần Văn Huy khởi sự từ năm 1949, nhưng sau đó từ năm 1964 trở đi, cũng do Đức Cha Lê Hữu Từ sai tới, Cha Điện nối tiếp việc Cha Huy, đã nới rộng nhà gấp đôi, và lo tân trang, lập nên trú quán như ta thấy ngày nay.

Công việc xem ra giản dị, nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, mọi sự không phải dễ dàng chút nào. Trở ngại chính yếu là thiếu tài chính và khó khăn pháp luật.

Vì là người ngoại quốc nên bị luật nước Ý sở tại hạn chế nhiều mặt, rồi thuế má lại cao, mà tài chính thì không có: ta có thể tưởng tượng ra bao rào cản. Trong hoàn cảnh đó, Cha Cố đành chạy đi vay nợ mọi nơi. Nơi dễ hơn là các đại gia VN quen biết tại Thụy Sĩ và Pháp, nhưng với phân lãi cao, tới 20% mỗi tháng, mà bó buộc phải nhận để có vốn hầu khởi đầu. Theo kiểu đó, khi nhà xây gần tới nóc, thì nhà băng Ý, trước đã từ chối vì không thấy có triển vọng hoàn trả, nay rõ ràng ngược lại, mới mở đại két cho vay với lãi xuất 5% mỗi năm. Qúa vui mừng, Cha Điện dốc toàn lực để đạt đích và lo trang trải nợ nần, cái nặng trả trước, cái nhẹ trả sau nhưng đúng thời hạn, kẻo ngân hàng sẽ thi hành điều kiện cam kết là tịch thu cơ sở.

Thật may phúc là ngài đã thành đạt ước nguyện. Ngày 19/03/1969 Cha Vũ Kim Điện đã khánh thành nhà mới, nhận Thánh Giuse làm Quan Thày và hăng say đi vào hoạt động trú quán.

Trước mặt Thành Phố, đây là một "Pensione" (có nghĩa là Trú Quán), như cả trăm trú quán khác của các Sơ, nhưng trong Giáo Hội đó là nơi cho người Công Giáo VN tụ tập, dâng lễ Chúa Nhật, đón tiếp các giám mục, linh mục, tu sĩ tới viếng Roma, các cha sinh viên và các chủng sinh VN du học lui tới, hầu sống lại những giờ phút VN thân thương.

Quả thật, Cha Cố Điện rất được anh em quý chuộng vì tính hiếu khách, bình dân và đại lượng của ngài. Tiêu biểu là ai tới thăm, ngài cũng mời cơm và khuyến khích "ăn cho Giáo Hội, cho các linh hồn!". Rồi các dịp như Tết hoặc lễ lớn thì lại thêm đánh bài với anh em, để bị các người trẻ ăn gian mà vui cười cho ra ngày tưng bừng hội ngộ. Trong số những người được ưu đãi này, ngài đặc biệt quý chuộng các thày Trường Truyền Giáo Roma, coi họ như tương lai Hội Thánh và cũng để âm thầm nhớ lại thời mình đã là chủng sinh nơi đó, rồi chịu chức linh mục cùng nơi vào năm 1939, là cuộc du học thứ nhất, sau khi mãn Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc.

Sau năm 1950 ngài còn được giử đi Ý du học lần nữa, rồi về Sài Gòn sau 1955 làm giáo sư thần học và triết học, cộng thêm 2 tủ sách mà ngài để lại, một tại Phú Nhuận và một tại Roma với những bộ sách quý đắt tiền, nói lên trí thông minh và tính hiếu học đáng trân trọng của ngài.

Đối với tha nhân, thì lòng bác ái của ngài tỏ lộ rõ nét với người gặp hoạn nạn. Xin trưng vài tỉ dụ. Dịp cả vùng tây Roma bị thiếu nước vì vỡ ống hồi tháng 8/1965: Nhà có giếng sâu đầy nước nên ngài đã bơm nó lên, phát không cho dân. Sau nữa, khi người Do Thái phải bỏ Nga về Israel cần trú ngụ tại đây để chờ làm thủ tục và chuyến bay, rồi các thuyền nhân VN ồ ạt tới Ý sau năm 1975: tất cả đều được ngài tiếp đón phục vụ ân cần. Thêm vào đó, vì là cơ sở VN bền vững duy nhất tại Roma, nên lúc có việc gì liên quan tới tiếng Việt, hoặc văn hóa nước ta, hay chuyện cần liên hệ với Vatican, ngài đều thường được trọng dụng, như làm thông dịch viên cho ĐGH Phaolo VI khi người gặp ông đặc sứ hòa đàm VN Lê Đức Thọ năm 1973, hoặc những kỳ thi tiếng Việt cho thí sinh tú tài Pháp tại Roma và dịch thuật các văn bản quan trọng do Tòa Thánh nhờ, hay giúp xin giấy tờ phép tắc của Vatican.

Đó là các chuyện đặc biệt thỉnh thoảng mới có, còn công việc thông thường là chăm lo cho trú quán Foyer Phat Diem, sao cho là "tổ ấm" đích thực, lo cho các nữ tu cộng tác, những người làm việc cho Nhà, phục vụ khách trọ VN cũng như ngoại quốc, giúp cư dân đồng bào ta sống ở Roma: nhiệm vụ thật đa dạng, mặt nào cũng có lúc rất khó khăn tế nhị, nhưng với ơn Chúa, ngài đã giải quyết mọi điều ổn thỏa.

Niềm vui lớn của Cha Cố Điện là tiếp đón các Đức Cha VN, cách riêng những đợt "Visita ad Limina", mà có dịp kéo dài tới hơn 2 tháng: cung ứng mọi nhu cầu cần thiết như cư trú, di chuyển, tiếp khách, thăm viếng đó đây; thêm vào đó còn lo khám chữa bệnh đặc biệt cho những đấng lớn tuổi, tìm giúp đỡ tài chính từ các hội thiện, mua các trang bị cần thiết cho các giáo phận, và gửi đồ về VN giùm các ngài...

Và dịp vui khôn tả, hằng chờ đợi từ lâu: tiếp đón và tận tình phục vụ Đức Cha Nhà Phaolo Bùi Chu Tạo.

Trong sổ vàng có ghi lại những lời trịnh trọng khen ngợi, biết ơn đầy cảm động của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.

Thật đúng là đỉnh điểm của vui mừng và hãnh diện là ngày 22/06/1980: trước mặt Hội Đồng Giám Mục VN do ĐHY Trịnh Văn Căn đứng đầu, với sự hiện diện của Đức Cha Tạo, ĐGH Gioan Phaolo II đột phát tự ý đến thăm Nhà. Thế là Cha Cố Điện hân hạnh dẫn Người từ ngoài vào trong và sau hết dâng sổ vàng, xin chữ ký kỷ niệm. Không chút do dự, ĐGH tươi cười đặt bút: "CUM BENEDICTIONE JOANNES PAULUS PP. II" (Cha Ban Phúc Lành ĐGH Gioan Phaolo II).

Về mặt đạo đức thì cũng như trước năm 1964 khi còn làm giáo sư chủng viện ở Sài Gòn và giám đốc đầu tiên Tiểu Chủng Viện Long Xuyên mới được thiết lập tại Xóm Mới Sài Gòn, ngài hằng chăm lo việc luyện tập nhân đức: đơn sơ, thanh bần, khiêm nhường, trong sạch, hiền lành, vui vẻ, chăm làm, ham mê đọc sách, mực thước với việc cầu nguyện, đặc biệt có lòng sùng mộ Chúa Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Tại bàn ăn, ngài còn hay kể lại chuyện xa xưa hơn nữa: là linh mục trẻ, mới tự Roma về, rất hăng say hoạt động mục vụ giúp Bố là Cha Già Huyền, xứ Hướng Đạo và Ứng Luật, rồi làm quản lý Nhà Chung Phát Diệm, trước khi được sai đi Ý du học lần thứ hai, như đã nói trên, nhưng lần này chính yếu về canh nông để chuẩn bị làm việc lớn hơn cho Điạ Phận. Với nhiệt huyết tông đồ sẵn có, nay tại Roma,ngài thi thố trong việc làm tuyên úy cho một cộng đoàn lớn các Sơ, nơi có cả nhà chính lẫn nhà tập, bằng thánh lễ mỗi ngày, giải tội và huấn đức với các bài giảng viết dọn kỹ càng. Khi gặp khó khăn, ngài thường đi hành hương khẩn cầu, như đến Đất Thánh, Lộ Đức, Fatima và những nơi nổi tiếng hay được phép lạ. Phép lạ mong chờ chính yếu là cho Nhà Foyer hay gặp gian nan khốn khó tùy theo vận mệnh Tổ Quốc VN, còn với bản thân thì ngài chẳng quan tâm nhiều, vì từ lâu đã quen sống hy sinh. Chỉ vài điều tiêu biểu cũng đủ nói lên đặc điểm này. Những năm xây nhà, ngài đã chịu cảnh nghèo nàn cơ cực tuyệt đối: nhà trống trải, mùa đông 0 độ, mùa hè thì 40, môt mình tự làm mọi chuyện từ đi chợ, nấu bếp, giặt ủi, tới giữ nhà, coi thợ xây, chạy ngược xuôi với đôi chân mỏi mệt dùng xe công cộng ban đầu, rồi sau khá hơn, cũng chỉ có Fiat nhỏ mua lại và hay hư hỏng...

Hình ảnh xe cũ này có thể áp dụng khá thích đáng cho thân xác ngài những năm cuối đời. Thời thanh xuân, không là lực sĩ nhưng cũng dư sức đi du học 2 kỳ, thế mà rồi quá lao lục trong hoạt động, nên mau tới chỗ kiệt sức. May thay, nhờ lòng đạo đức đơn sơ chân thành sẵn có, ngài đã nêu cao gương mẫu chịu bệnh trong thời kỳ sau hết: nằm nhiều nhà thương, thuyên chuyển từ chỗ này tới nơi khác tùy theo các bác sĩ chuyên khoa, khởi đầu từ cao máu, tim mạch, đến bại liệt và đứt mạch máu não...

Chuyện đó xẩy ra ngày 13/07/1985 tại bệnh viện CRISTO RE (Chúa Kito Vua), với tuổi thọ 71 và 46 năm linh mục, trong sự thương tiếc, mến phục và nhớ ơn của mọi người.

Để xem thêm về Foyer Phát Diệm xin nhấn vào đây www.foyerphatdiem.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hạ Long
Nguyễn Hùng
21:23 13/07/2015
HẠ LONG
Ảnh của Nguyễn Hùng
Trùng điệp Rồng sa xuống,
Âm vang mùa nguyên thủy.
Tụ hội thân đá gốc,
Vọng sinh thành kỷ nguyên.
(Pleiksor nth)