Ngày 13-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 16 mùa Thường niên năm A 20.7.2014
Mai Tá
18:05 13/07/2014
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 16 mùa Thường niên năm A 20.7.2014

“Dĩ vãng dầm mưa lén bước về,”
Áo trùng, mây toả, mặt sầu che.”
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Mt 13: 24-43
Lén bước về, đâu vì nhà thơ dầm mưa dĩ vãng, mặt sầu che. Áo trùng, mây toả, sầu che mặt, lại vẫn là tâm-trạng của nhà Đạo khi nghe truyện dụ-ngôn “người gieo giống”, rất Nước Trời.
Trình-thuật “người gieo giống” hôm nay, được hai thánh-sử Mác-cô và Mát-thêu diễn-tả để người nghe hiểu về Nước Trời, đầy ý-nghĩa. Mỗi vị kể mỗi cách. Nhưng, cách kể truyện của thánh Mác-cô lại vẫn theo kiểu lật ngược như tư-thế của người nghe truyện. Trong khi đó, thánh Mát-thêu lại đưa vào cuộc sống của người bình-thường đang nghe truyện, cho dễ hơn.
Thánh Mác-cô thường kể chỉ phân nửa bài dụ-ngôn thôi, nhằm xoá bỏ mọi thành-kiến, hoặc lối đoán mò. Còn, thánh Mát-thêu lại tiến xa qua cuộc sống bình-thường mà người đi Đạo gọi là: niềm tin. Niềm tin đây, là những gì xảy đến với người thường sống ở đời, để rồi lại sẽ kết-thúc một cách tốt-lành/hạnh đạo, như lòng người mong muốn.
Thánh Mát-thêu sống sau thời đại của thánh Mác-cô rất nhiều năm, nên ngài cũng hiểu ý-định và dụng-đích của việc kể dụ-ngôn, thời đó. Chính vì thế, nên: thánh Mát-thêu không sử-dụng mục-đích cũng như kiểu-cách của người đi trước, nhưng lại uốn-nắn ảnh-hình và cốt truyện hầu tạo dáng vẻ của sự sống không thấy nơi ngôn-ngữ thường-nhật. Dáng-vẻ đây, là âm-thanh, ảnh-hình cùng điệu-nhạc đưa vào đó, có đính-kèm một bí-kíp cho thật đẹp.
Nét đẹp của sự việc thường-tình ở dụ-ngôn đây, là: loại đất ở nông-trại tiếp-nhận được hạt giống Chúa vãi gieo hàng loạt. Đồng thời, thánh Mát-thêu lại kể về “cỏ dại” chen lấn với lúa tốt, khiến nhà nông cứ băn-khoăn về ảnh-hưởng của nó với lúa tốt tươi, sinh lợi. Hơn nữa, thánh Mát-thêu lại kể thêm về hạt cải tuy bé nhỏ nhưng cho ra nhiều cây lớn. Và, như hạt ngọc nằm trong vỏ trai/sò xấu xí, lì lợm. Nói chung, thánh Mát-thêu sử-dụng truyện kể để cài vào đó tâm-tình lớn lao, cao-đại, tử tế cần phổ biến.
Qua dụ-ngôn, thánh Mát-thêu đề-cao tính-chất cao cả của người bé nhỏ. Thánh-nhân còn sử-dụng việc Chúa Kitô Phục Sinh như sự chúc lành Chúa đem đến cho những con nguời nhỏ bé, bình thường ở đời. Thánh-nhân còn muốn chỉ cách để ta nhận biết và hiểu rõ rằng có những điều ta cần cảm-kích biết ơn Chúa và Đức Kitô đã làm cho con người, mà họ không biết.
Dụ-ngôn thánh Mát-thêu kể, là những truyện hay/đẹp bộc-lộ bí-kíp sống đời bình-thường của con người. Bí-kíp đây, là sống bình-thường có Chúa ở cùng, nên rất đẹp. Bởi, Chúa thích thế. Và, Ngài thích mặc-khải những điều lớn lao về cuộc sống cho người bình-thường/bé nhỏ, mà thôi. Gọi bình-thường, nhưng người nhỏ bé vẫn cần phương-án giản-đơn, không cầu kỳ. Và, thánh Mát-thêu khám-phá ra tính thực-tế của mầu nhiệm Nhập-Thể, qua đó Chúa không cần đến thần-học hoặc khoa hùng-biện nào/khác; nhưng Ngài chỉ cần ta sống bình thường, giản-đơn, cũng đạt được.
Thánh Mát-thêu còn đi xa hơn, bằng cách tự bó buộc mình viết thêm về quà-tặng Chúa ban cho ta, cũng dồi-dào như thế. Thánh-nhân tập-trung vào chuyện hạt giống được gieo trên đất tốt, khi viết dụ-ngôn về đất trồng trọt. Đất trồng trọt, có thể sản-xuất gấp 30, 60 và có khi cả trăm lần vượt quá sự mong-đợi của mọi người. Thánh Mát-thêu không chỉ viết thế, nhưng còn tả về các nhân-đức tàng-ẩn trong ta, khi ta sống cuộc sống biết cảm-kích những điều tốt đẹp Chúa ban cho mình, trong đời.
Người bé nhỏ trong đời, lại muốn nghe Lời Chúa, cả trong sự việc bé nhỏ, nên đã hiểu. Mọi lời bình thường, đều được Chúa sử-dụng ở Phúc Âm để nói về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được chúc phúc vì đã nghe Lời Chúa, hiểu Lời và còn giữ kín trong lòng, mà thực hiện trong cuộc sống, nữa.
Người nghe kể hôm nay, được khích-lệ sống tích-cực điều Chúa dạy. Sống tích-cực, có kèm theo nụ cười hạnh-đạo, bởi trong Lời Chúa nói, vẫn có âm-nhạc được diễn-tả theo điệu kể của thánh Mát-thêu. Đó, còn là cung-cách rất riêng-tây của thánh Mát-thêu khi sử-dụng dụ-ngôn do vị tiền-nhiệm kể, để mọi người thấy được Đức Giêsu đích-thực là người Do-thái đã biết vui tươi, mỉm cười, dễ chịu.
Về cung-cách biết mỉm cười trong cuộc sống, cũng nên tìm hiểu xem thế nào là cười mỉm, vui tươi trong sống đời thường-tình, bằng các định-nghĩa ở bên dưới:
-Cười, là để học biết chấp-nhận hình-thái ân-huệ của cuộc sống khó có thể kiểm soát;
-Cười, là ý-nghĩa thần-học của việc mất đi hiểu-biết chính con người mình;
-Cười, là mỗi ngày sống dấu-chỉ của sự đồng-thuận cuối cùng và mãi mãi với thực tại;
-Diễu cợt - nực cười, là điều để ta cười vào đó, cho bõ sống;
-Chỉ những ai làm thế mới là người không áp-đặt mọi thứ vào chính con người mình;
-Cười, là để sống thân-thiện với mọi thứ;
-Cười là niềm cảm-thông bí-nhiệm với mỗi thứ và mọi thứ trong đời;
-Đứng ở trước những người biết cười như thế, ai cũng có dịp để đổi thay để ăn nói;
-Chỉ những ai đã yêu và từng biết yêu mới cảm-thông được như thế;
-Cười, khiến cho con người biết trở thành người đáng yêu;
-Cười, là cung-cách của những người không lo-lắng nhiều về phẩm-cách của mình;
-Cười, là cách gom mọi sự và mọi người vào với nhau để không còn mất nhau trong đời;
-Cười, khiến ta có thể bị người đời coi là hời-hợt, sống ngoài mặt; nhưng
-Cười, ít ra cũng làm bớt đi những gì tầm-thường, vào mỗi ngày;
-Cười trong sống đời hằng ngày cảnh-báo để mình sống tốt -lànhvới thực-tế ở đời;
-Cười, giúp tiến về phía trước với sự đồng-thuận vĩnh viễn và có uy-lực về mọi mặt, qua đó người được cứu sẽ nói lời Amen với tất cả những gì mình từng làm;
-Cười, là một phần của nghệ-thuật góp mặt vào mọi sự;
-Biết cười thực-sự và cười vang dội là lối sống khiến người người lướt vượt được mọi sự; và là loại-hình sống cuốn trôi nước mắt đi và đem chuyện vui vào với con người, dù đang gay gắt/nóng giận. Cười, còn phản-ánh rằng: con người không còn nghi ngờ những gì mang tính trẻ con hoặc thuộc về con trẻ nữa. (x. Karl Rahner, The Content of Faith, Crossroad 1994, tr. 148-153)

Cười như thế, mới hiểu được ý-nghĩa cuộc sống có Chúa vẫn biết cười vào mọi chuyện. Cười rồi, ta lại về với giòng thơ có khúc đoạn mang dáng vẻ buồn cười, rất đáng cười, mà rằng:

“Dĩ vãng dầm mưa lén bước về,
Áo trùng, mây toả, mặt sầu che.
Run tay ấp nửa bàn chân lạnh lạnh,
Thương những con đường mưa cuốn đi.”
(Đinh Hùng – Chớp Bể Mưa Nguồn)

Thương những con đường mưa cuốn đi. Cuốn cả hạt giống tốt tươi lẫn nụ cười, nên mới thế. Thương, là thương cả những người chưa thấm nhuần Lời Vàng Chúa dạy nơi dụ-ngôn “người gieo giống” còn ở mãi trong đầu người hiểu biết Nước Trời sống mãi nơi con người. Suốt mọi thời.

Lm Kevin O’Shea CSsR
Mai Tá lược dịch.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:22 13/07/2014
HOA HỒNG VÀ MÙA XUÂN
N2T

Hoa hồng nói:
- “Tôi chỉ có hoa vào mùa xuân”.
Mùa xuân nói:
- “Mỗi ngày tôi nở hoa đều là mùa xuân”.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Hoa nở đúng mùa thì đúng rồi, chỉ sợ đúng mùa mà hoa không nở thì “hẻo” luôn, và trên thực tế nếu có loại hoa nào mỗi ngày đều nở, và mỗi ngày đều là mùa xuân thì đúng là lếu láo.
Vậy mà hoa nở mỗi ngày, và, mỗi ngày đều là mùa xuân thì có thật đấy, mỗi lần bạn thấy một cô gái đẹp cười, bạn sẽ nói: chà, nụ cười đẹp như hoa, hay là, cười tươi như hoa… Bạn thấy ai mặt mày tươi vui hớn hở thì nói: mặt tươi như mùa xuân…
Vậy thì chúng ta –những người Ki-tô hữu- mỗi người phải là một nụ hoa, phải là mùa xuân để chúng ta đem nụ cười tươi như hoa, mặt mày rạng rỡ tươi cười như mùa xuân tặng cho đời cho người, như thế không phải là chúng ta làm cho bộ mặt thế gian này thêm đẹp hay sao, để những người bất hạnh biết mĩm cười trong đau khổ, để những người nghèo biết mĩm cười trong nhọc nhằn, để những người kiêu ngạo biết mĩm cười trong khiêm tốn sửa mình.v.v...
Mỗi người là một nụ hoa đem lại mùa xuân cho mọi người, đó là mùa xuân của yêu thương của tha thứ và bao dung.
Đúng là một bức tranh đẹp tuyệt vời !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:26 13/07/2014
N2T

22. Chúng ta đem bao nhiêu tình yêu để phân chia cho con người thụ tạo, thì trộm của Thiên Chúa bấy nhiêu tình yêu.

(Thánh Philip Nêri)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thanh Xuân dâng lễ Tri ân
Thanh Xuân
08:23 13/07/2014
PHAN THIẾT - 4h30 sáng thứ Bảy, ngày 12/7/2014, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ Thanh Xuân qui tụ bên người Cha già khả kính, người mục tử hết lòng vì đàn chiên đã phục vụ tại Giáo xứ hơn 8 năm … để dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa, tri ân và tạ từ Cha xứ kính yêu Phêrô Nguyễn Viết Hiền.

Hình ảnh

Được biết, ngày 01/7/2014, trong dịp Thường huấn các Linh mục Giáo phận, Đức Giám Mục đã công bố chấp thuận đơn từ nhiệm của cha Phêrô Nguyễn Viết Hiền, Chính xứ Giáo xứ Thanh Xuân, Hạt Hàm Tân, Giáo phận Phan Thiết; chiếu theo giáo luật điều 538 triệt 3. Ngài đã bày tỏ lòng biết ơn với Cha Phêrô vì đã tận hiến cho Giáo Hội suốt 48 năm đời linh mục, làm chánh xứ nhiều nơi; là một linh mục gương mẫu, thánh thiện và có nhiều đóng góp cho Giáo phận.

Đôi nét về Cha Nguyễn viết Hiền:

12-5-1938: Sinh tại Ba-Làng Tĩnh-Gia Thah-Hóa
1948-1958: Tu học Tiểu Chủng-viện thánh Giuse Ba Làng-Thanh Hóa-Tân Thanh Lâm Đồng, Phanxicô Sàigòn, Piô XII Sàigòn
1958-1960: Dạy học tại TCV. thánh Giuse Tân-Thanh Bảo-Lộc Lâm-Đồng
1960-1966: Tu học tại ĐCV. Xuân-Bích Thị Nghè-Huế-Vĩnh Long-Huế
31-5-1966: Thụ phong linh mục tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế.
1966-1967: Dạy học tại TCV. Sao Biển Nha Trang
1967-1969: Cử nhân Văn Chương và Triết Học tại Đại Học Công Giáo Đà Lạt
Phụ tá quản đốc TCV. Chúa Chiên Lành Nha Trang – Đà Lạt
1969-1974: Quản xứ giáo xứ Tầm Hưng giáo phận Nha Trang
1974-1975: Ban Giám đốc trung học Lê Bảo Tịnh Sàigòn
1975-1992: Quản xứ giáo xứ Phan Rí Cửa giáo phận Phan Thiết
1992-2006: Quản xứ giáo xứ Hòa Thuận, kiêm nhiệm Hạt trưởng giáo Hạt Bắc Tuy.
08-02-2006 đến 14-7-2014: Chánh xứ Thanh Xuân, Hạt Hàm Tân, Giáo phận Phan Thiết.
(8g00 sáng ngày 14-7-2014 rời giáo xứ Thanh Xuân về nhà Hữu Dưỡng giáo phận Phan Thiết.)

Cuối Thánh lễ, Ông Chủ tịch HĐMV GB. Hoàng Văn Tuyền thay lời cho mọi thành phần dân Chúa Gx. Thanh Xuân kính dâng lên Cha Phêrô tâm tình con thảo. "Đã hơn 8 năm Cha “đồng cam cộng khổ” với Giáo xứ chúng con. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một linh mục thánh thiện, nhiệt thành, khỏe mạnh và hết lòng vì đàn chiên. Nhìn lại thời gian qua, chúng con thấy được những dấu ấn đáng ghi nhớ, mà Cha để lại nơi giáo xứ chúng con. Cha đã có những phương cách kết hợp hội đoàn gắn kết với phụng vụ, nên các sinh hoạt của hội đoàn được suối nguồn phụng vụ nuôi dưỡng, và từ đó chúng con múc được nguồn mạch ân sủng của Chúa; và cũng nhờ đó, đời sống đức tin được tăng trưởng, các hội đoàn được thánh hóa. - Cha đã có những sáng kiến, làm phong phú hóa nhịp sống đạo và thực hành đức tin như: Chầu Thánh Thể, tuần Chấu lượt, tuần Đại phúc, rước kiệu, suy niệm Tin Mừng, hát Ý lực sống, làm việc kính các thánh trong tháng, đi đàng Thánh Giá, viếng tượng đài Kitô Vua, tượng đài Đức Mẹ, học giáo lý theo mùa phụng vụ… nhờ đó tinh thần đạo đức của chúng con ngày càng kiên vững và vươn cao. Cha cũng rất quan tâm đến việc giáo dục. Vận dụng tục ngữ, ca dao, thành ngữ ngạn ngữ, để giáo dục nhân bản, thăng tiến đời sống thiêng liêng. Với điệp khúc nhắc nhở những cột mốc lịch sử, những truyền thống tốt đẹp của giáo xứ, như mưa dầm thấm lâu, để mỗi người chúng con luôn “khắc cốt ghi tâm” tiếp bước cha ông đi trước... Giờ đây, trong tâm tình của người con hối lỗi, kính xin Cha tha thứ cho những lầm lỡ thiếu sót của chúng con. Chúng con xin cám ơn và trân trọng kính chào Cha.
 
Công tác xã hội: khám bệnh và phát thuốc miễn phí
Maria Vũ Loan
11:27 13/07/2014
Tối ngày thứ sáu 11/7/2014, một đoàn công tác có 28 người, gồm một số bác sĩ, y dược sĩ thuộc các bệnh viện tại Sài Gòn, quý Sơ dòng Saint Paul, hai thành viên nhóm Bông Hồng Xanh và một số ân nhân đã lên đường đến giáo xứ Lâm Phát, thuộc xã Lộc Ngãi, huyện Lâm Phát tỉnh Lâm Đồng để khám bệnh cho 800 người dân không phân biệt tôn giáo.

Hình ảnh

Xe dừng lại tại địa điểm cách thành phố Bảo Lộc 23 km khi trời mờ sáng. Đó là một chi nhánh của nhà dòng nằm trong một khuôn viên rộng và đẹp. Sau khi nghỉ ngơi và điểm tâm, đoàn đã đến dãy nhà của giáo xứ ở phía sau nhà thờ để chuẩn bị cho việc khám bệnh, lúc này trời đã sáng hẳn.

Hôm nay, các khâu khám bệnh có khám tổng quát, đo điện tim, siêu âm, khám phụ khoa, đo huyết áp và phát thuốc. Sau đó, người khám được nhận một chút quà là một cái áo gió và bánh kẹo. Công việc diễn ra nhịp nhàng, tốt đẹp. Cha chánh xứ Lâm Phát và ông chánh trương có ghé qua thăm hỏi công việc của đoàn công tác. Có ba giáo khu của giáo xứ có tiệc mừng bổn mạng nên bà con ra khám trễ hơn.

Khám bệnh, phát thuốc cho người dân vùng sâu vùng xa là công việc thiết thực vì nếu ở Sài Gòn, chỉ cần một cuốc xe ôm là đến một bệnh viện nào đó, trong khi ở đây phải đi từ 15 đến 23 cây số mới đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện huyện, mà phải chờ đợi và theo như người dân cho biết thì đi khám những nơi này thì cảm thấy không thân thiện lắm, ngại đi nếu không có dấu hiệu đau đớn.

Trong đoàn công tác, tất cả những người tham dự chuyến đi đều có phần đóng góp của mình, các y bác sĩ thì “thiện nguyện”, những người khác đóng góp cho chuyến đi gồm thuốc, dầu gió và quà cho người khám bệnh.

Kết thúc công việc, các bác sĩ cho biết hôm nay có một trường hợp bị tim bẩm sinh và hai người có bướu lớn cần phải mổ; nhiều người bị bệnh phụ khoa, xương khớp có vấn đề vì làm việc nặng nhọc, trẻ em hư răng khá nhiều....

Đến gần 14 giờ 00 công việc khám bệnh mới ngừng lại. Đoàn công tác dùng cơm trưa và ra về lúc 15 giờ ngày thứ bảy 12/7/2014/

Buổi chiều, đường từ Bảo Lộc về Sài Gòn đông đúc mang lại cảm giác yên tâm, đỡ sợ hơn là đi vào ban đêm. Một vài người vật vờ buồn ngủ. Nhưng dù ngủ thế nào, ngủ trên xe hay ở nhà thì “cái tâm” vẫn phải “thức”, thức để nhận ra nhu cầu của người anh em và cảm thông với người khác, bao nhiêu có thể trong khả năng của mình..
 
Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân mừng 400 năm sinh nhật thánh Camillo De Lellis
Camillian
19:14 13/07/2014
Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân mừng 400 năm sinh nhật thánh Camillo De Lellis trên nước trời.

Sài Gòn, 13/07/ 2014, Hướng về Đại Lễ Mừng 400 năm sinh nhật Thánh Camillo De Lellis trên nước trời - Bổn mạng các bệnh nhân và nhân viên y tế.

Thánh lễ trọng thể sẽ được cử hành vào lúc 17h30 ngày 14/07/2014 tại giáo xứ Đồng Tiến, 54 Thành Thái, P.12, Q. 10. Do Đức Cha Phaolô Bùi văn Đọc, Tồng Giám mục, Tổng Giáo phận TP. HCM chủ tế; với ơn ban phép lành Toàn xá của Tòa Thánh nhân dịp năm thánh Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân ( MI - The Order of the Ministers of the Infirm) hay thường gọi là Dòng Camillô.

Thánh Camillo - Người hùng của Đức Ái

Camillo sinh ngày 25/05/1550, ở làng quê Bucchianico, miền Trung nước Ý. Ngài mồ côi mẹ lúc 7 tuồi. Vào năm 1575, thánh Camillo De Lellis lúc đó 25 tuổi vào bệnh viện Thánh Giacôbê ở Rôma để điều trị một vết thương đang mưng mủ ở chân. Tại bệnh viện, Thánh nhân nhận thấy việc chăm sóc cho các bệnh nhân quan trọng như thế nào, và biến cố này đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ngài. Dù đã có thời gian sống buông thả, làm một người lính đánh thuê, nhưng khi tình yêu Đức Kitô đã chạm đến trái tim của ngài, thánh Camillo De Lellis đã trở thành một người hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Camillo dành thời gian chăm sóc bệnh nhân cả ngày lẫn đêm. Ngày 15 tháng 08 năm 1582, Camillo được linh hứng về một ý tưởng thành lập Dòng. Ngài muốn phục vụ bệnh nhân vì tình yêu Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người đau khổ bệnh tật.

Camillo quyết định học thần học, để trở thành Linh mục. Mặc dù đã tuổi 30, Camillo vẫn khiêm nhường học cùng với những bạn trẻ. Năm 1584, Ngài thụ phong linh mục. Năm 1595, Camillo De Lellis thành lập Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân.

Với 40 năm phục vụ Chúa hiện diện trong người bệnh, ngày 14-07-1614 Cha Camillo được Chúa gọi về, sau 64 sống trên thế gian.

Năm 1746, Đức Thánh Cha Benedicto XIV tôn phong ngài lên bậc hiển Thánh. Ngày 22/ 06/ 1886, Đức Thánh Cha Leo VIII công bố hai Thánh Camillo De Lellis và Thánh Gioan Thiên Chúa làm “Bổn mạng của các bệnh nhân và bệnh viện trên toàn thế giới.” ĐTC Pio XI suy tôn Ngài và Thánh Gioan Thiên Chúa làm “Đấng bảo trợ nhân viên y tế” vào ngày 28/08/ 1930.

Thánh giá đỏ - phục vụ hy sinh cả tính mạng vì bệnh nhân

Cha Camillo muốn gắn trên áo Dòng thánh giá đỏ như là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa ban cho những người nghèo khổ bệnh tật. Đức Giáo Hoàng Sistus X đã phê chuẩn nguyện vọng này. Cha Camillo và các thành viên của Dòng hết sức yêu quý, trân trọng biểu tượng cao đẹp này và ngoài việc giữ các lời khấn Phúc Âm: khó nghèo, trong sạch, vâng lời còn khấn lời khấn thứ 4: phục vụ người bệnh cho dù có nguy hại đến tính mạng.

Tình yêu Đức Kitô thúc bách Cha Camillo, đến nổi ngài khát khao phục vụ bệnh nhân không giới hạn thời gian, không gian: khi nạn dịch xảy ra ở thành Nola năm 1600, trên đường biển khi đi kinh lý ở Napoli, phục vụ trong chiến tranh, trong lũ lụt, ngay cả khi đi bộ hành và phục vụ bất cứ nơi nào khi thấy những bệnh nhân cần chăm sóc… Ngài sẵn sàng đặt nhu cầu cấp bách của bệnh nhân lên trên hết.

Chúa đã cho xuất hiện trong giáo hội một chứng nhân trung kiên về tình yêu Chúa dành cho con người. Thánh Camillo đã trở thành người sáng lập ra “Trường học đức ái mới”. Nơi đó hình ảnh của Đức Kitô đang hiện diện trong những người đau khổ, bệnh tật cần được chăm sóc, ủi an, nâng đỡ “như người mẹ hiền chăm sóc đứa con duy nhất của mình” (linh đạo Camillo).

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh linh mục Camillo lòng bác ái phi thường đối với người ốm đau bệnh tật. Vì công đức của thánh nhân, xin tuôn đổ vào lòng chúng con tinh thần bác ái của Chúa, để chúng con biết phụng sự Chúa nơi những anh em và trong giờ lâm tử, chúng con được đến cùng Chúa, thật vững dạ an lòng. Amen.

(Camillian)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giá trị pháp lý công hàm Phạm văn Đồng theo luật pháp quốc tế
Luật sư Nguyễn Lê Hà
08:13 13/07/2014
GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG THEO LUẬT PHÁP QUÓC TẾ
& CƠ HỘI NGÀN VÀNG ĐỂ VIỆT-NAM XÁC QUYẾT CHỦ QUYỀN TRÊN HAI NHÓM ĐẢO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA.


Từ nhiều tuần nay, các học giả, nhà nghiên cứu, chính trị gia, luật gia nói viết nhiều về công điện Phạm văn Đồng ký và gửi ngày 14/9/1958 cho Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai liên quan tới lời tuyên bố của Trung Quốc ngày 4/9/1958 về bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nới rộng là 12 hải lý bao gồm lãnh thổ trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan và quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Xisha tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Nansha tức Trường Sa).

Điều tuyên bố trên của Trung Quốc về việc nới rộng biển đảo ra 12 hai lý hoàn toàn phù hợp với đề nghị của Hội Nghị Quốc Tế về luật biển họp tại Geneve từ ngày Từ 24-2 đến 29-4-1958.

Đối với Thủ Tướng Phạm văn Đồng, bức công điện đánh đi có nội dung như sau :

“Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trên mặt bể.”

Chính công điện hay công hàm của TT Phạm văn Đồng này đã gây nên những tranh cãi bất tận và đối nghịch nhau đưa đến những giải thích và kết luận có nhiều điểm hoàn toàn trái với luật thông lệ quốc tế, công pháp quốc tế và luật quốc tế về hiệp ước.

Chúng tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn căn bản là : sự lẫn lộn Luật quốc nội (droit interne) và Luật công pháp quốc tế (droit publique international), và Luật quốc tế về hiệp ước (droit international des traités) , đặt biệt Công Ước Viennne về Hiệp Ước (Convention de Vienne sur le droit des traités).

Chúng tôi sẽ giải thích sự lầm lẫn trên có thể đưa đến các kết luận tai hại qua việc đánh giá không chính xác công điện Phạm văn Đồng đồng thời với những lời giải thích này hy vọng sẽ soi sáng các quyết định của các nhà lãnh đạo Chính Quyền Việt nam can đảm nắm bắt cơ may bằng cách sử dụng cơ quan tài phán quốc tế thích hợp để Việtnam chiến thắng trên trường quốc tế liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa (1).

I- TÌM HIỂU NỘI DUNG CÔNG ĐIỆN VÀ Ý ĐỊNH CỦA TT PHẠM VĂN ĐỒNG

1)- Đọc lại từng câu, từng chữ Công Điện, chúng tôi nhận thấy mạch lạc rõ ràng (sans équivoque) : “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố…, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Đọan tiếp : Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định… hải phận 12 hải lý và còn nhấn mạnh 3 chữ cuối câu trên mặt bể.”

2)- Công Điện Phạm văn Đồng không hề nhắc đến, hay ám chỉ các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền và quản lý của Chính Phủ Việt Nam Công Hoà (VNCH), một quốc gia độc lập (indépendance) có chủ quyền (souveraineté) và được quốc tế thừa nhận tương tự như Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) với thủ đô là Hà Nội.

Sự giải thích trên đúng với qui định căn cứ theo điều 29 Công Ước Vienne về Hiệp Ứơc: thoả ứơc chỉ áp dụng trên toàn lãnh thổ của bên kết ứơc (2).

3)- Nhìn kỹ lại lời tuyên bố của Trung Quốc 4/9/1958 , trong thời điểm Hội Nghị Quốc Tế về luật biển họp tại Genève, chỉ cốt yếu về việc nới rộng biển đảo ra 12 hai lý, không phải là lời tuyên bố vể chủ quyền các đảo mặc dù lời tuyên bố có chồng chéo lên chủ quyền các đảo thuộc các nước khác như Việt Nam Công Hoà (Hoàng Sa & Trường Sa, và các nước Philippines, Malaysia, Brunei , Đài Loan (Trường Sa,).

Đằng khác, Công Pháp Quốc tế cũng chỉ cho phép tuyên bố đơn phương một đố tượng duy nhất chỉ định rõ ràng như như việc việc nới rộng biển đảo ra 12 hai lý của Trung Quốc.

Chính vì lý do đó, các quốc gia này đã không thấy cần thiết phải lên tiếng về lời tuyên bố của Trung Quốc ngoại trừ TT Phạm Văn Đồng của Chính Phủ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là một quốc gia độc lập với Chính Phủ Việt Nam Công Hoà (theo Hiệp Định Geneve 1954 phân định) lên tiếng ủng hộ thông qua Công Điện nói trên.

Điều 31 Công Ước Vienne về hiệp ứơc cho biết việc giải thích thỏa ứơc phải thiện ý theo ý nghĩa bình thường trong bối cảnh thoả ứơc phát sinh và theo đối tựơng và mục đích rõ ràng trong thỏa ước.

Như vậy Công Điện Phạm văn Đồng được phát sinh gửi đi trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố nới rộng biển đảo ra 12 hai lý vào thời điểm Hội Nghị Quốc Tế về luật biển họp tại Geneve từ ngày Từ 24-2 đến 29-4-1958.

Đàng khác đối tựơng và mục đích rõ ràng ghi trong Công Điện chỉ rõ việc thừa nhận 12 hải lý mở rộng, không có một chữ, một câu nào trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Điều 32 Công Ước Vienne cũng qui định, trong trừơng hợp văn kiện mù mờ, không rõ ràng, có nguy cơ đưa tới kết luận kỳ quái (absurde) vô lý thì phải xem xét những công việc sửa sọan trước đó và những tình huống đưa tới việc ký kết văn kiện.

Thực vậy cho đến nay, trứơc thời điểm ký văn kiện, cũng như từ ngày TT Phạm văn Đồng ký gửi công điện 14/9/1958 tán thành việc nới rộng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, cho đến khi mất đã không hề tìm thấy một tài liệu nào công nhận hay mặc nhiên công nhận các đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Đàng khác, chúng tôi cũng không thấy có một sự kiện nào, bằng các cuộc thỏa luận thương thuyết hay văn bản trao đổi giữa Trong Quốc và Việt-nam liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa trước và sau công điện do TT Phạm văn Đồng ký ngày 14/9/1958.

Trái lại, thực tế cho thấy :

- Ngay khi Chính Phủ VNCH sụp đổ ngày 30/4/1975, quân đội của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) tiếp quản đảo Trường Sa rối giao lại cho Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) khi thống nhất đất nước 1976.

- Trận hải chiến ngày 19/1/1974 do Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa thuộc chủ quyền và quản lý của Việt Nam Công Hoà (VNCH) đã làm thiệt mạng 75 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa anh dũng chiến đấu. Ngay tức thì, ngày 19/1/1974, Bộ Ngoại Giao VNCH ra tuyên cáo phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc. Tương tự, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam cũng đã phản đối hành động của TQ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đem quân xâm chiếm các bãi đá Gac Ma, Colin và Len Dao thuộc quần đảo Trừơng Sa của Viêt nam và giết hại 64 hải quân Việt Nam ra bảo vệ.

Các sự kiện nêu trên, sau khi Chính Quyền VNCH không tồn tại, các Chính Quyền kế tiếp từ Chính Quyền CHMNVN đến Chính Quyền VNDCCH và nay là Chính Quyền XHCNVN không có một sự nhượng bộ hay thỏa ước nào được biết đến cho tới nay liên quan tới các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tất cả các giải thích trên cho thấy, Công Điện hay Công Hàm của TT Phạm Văn Đồng ký gửi ngày 14/9/1958 cho Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyến bố về lãnh hải 12 hải lý, chỉ là một sự tuyên bố ngoại giao không giá trị pháp lý, không có tác dụng công nhận chủ quyền liên quan tới đảo Hoàng Sa (Xisha) và Trường Sa (Nansha) của Việtnam.

Theo chúng tôi, Công Điện này chỉ có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một thời kỳ thắm thiết « môi hở răng lạnh giữ 2 nứơc anh em đồng chí cùng chung một giừơng » và dứơi ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc đồng thời chứng tỏ ngừơi lãnh đaọ đất nứơc thiếu cảnh giác và không có tầm nhìn xa.

II- NHỮNG LẦM LẪN TAI HẠI

Sai lầm : lẫn lộn về tư cách pháp lý trong hiệp ứơc quốc tế & cách giải thích Công Điện Phạm văn Đồng tùy tiện theo cảm tính hay theo lăng kính chính trị không căn cứ vào căn bản pháp luật.

Chúng ta đều biết Hiến Pháp quốc gia là luật quốc nội thừơng ghi nhận và bảo đảm những quyền căn bản của công dân đồng thời qui định cách tổ chức và điều hành quốc gia làm sao phát triển bền vững và mang phúc lợi tối đa cho mỗi người dân.

Trong Hiến Pháp, có những điều khỏan qui định về về tư cách pháp lý (qualité juridique) của người dân, của viên chức chính quyền hay của các tổ chức dân sự hay thương mại, đựơc gọi là pháp nhân (personne juridique).

Trong Công Pháp Quốc Tế, cũng có những điều khỏan qui định về ngừơi đại diện quốc gia hay ngừơi có thẩm quyền, không nói ngừơi có tư cách pháp lý bởi vì nó thuộc luật quốc nội qui định các điều kiện khác nhau tùy theo mỗi quốc gia.

Bởi vậy không thể áp dụng tư cách pháp lý (luật quốc nội) vào các hiệp ứơc quốc tế để yêu cầu hủy bỏ thỏa ứơc đã ký do ngươi ký không có tư cách pháp lý hay vựợt quyền (ultra vires) theo luật quốc nội như trừơng hợp nêu ra bởi một số học giả và luật gia liên quan tới câu hỏi làm sao giải thoát hoặc vô hiệu hóa Công Hàm của TT Phạm Văn Đồng đã ký.

Có ngừơi lại còn yêu cầu Quốc Hội Việtnam ra nghị quyết hủy bỏ Công Hàm của TT Phạm Văn Đồng đã ký cách đây 56 năm, hoăc xa hơn đòi xoá bỏ chính thể hiện nay và lập lại VNCH. Thật là ngộ nghĩnh tức cười.

Luận cứ của họ cho rằng công hàm TT Phạm Văn Đồng thực sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo Hoàng Sa và Trừơng Sa của Việtnam tương tự lập luận của Trung Quốc nhưng, theo họ, là vô gía trị vì những lý do sau đây :

- TT Phạm Văn Đồng không có tư cách pháp lý để ký công hàm ; hoặc
- TT Phạm Văn Đồng đã vựơt quyền hạn (ultra vires); hoăc
- Công hàm ký bởi TT Phạm Văn Đồng đã không đưa ra Quốc Hội Việtnam phê chuẩn, nên thiếu sự đồng thuận (vice de consentement), hoặc vi hiến.

Các lập luận trên hoàn toàn trái với Thông Tục Quốc Tế, đặc biệt các qui định của Luật Quốc tế về hiệp ước.

Thật vậy, nếu đã coi Công hàm ký bởi TT Phạm Văn Đồng là một văn bản (hiệp ước) công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo Hoàng Sa và Trừơng Sa của Việtnam thì giải pháp vô hiệu hóa Công Hàm của TT Phạm Văn Đồng đã ký của các học giả và luật gia trên hoàn toàn lầm lạc bởi các lý do sau đây :

- Điều 27 & 46 Công Ước Vienne về hiệp ứơc không cho phép viện dẫn luật quốc nội như là tì vết (vice) của sự thỏa thuận (consentement) để hủy hiệp ứơc đã ký, hay không muốn thi hành viện dẫn lý do Công Hàm TT Phạm Văn Đồng đã không đựơc đưa ra Quốc Hội Việtnam phê chuẩn.
- Điều 7 Công Ước trên ghi rất rõ những ai là đại diện của quốc gia kết ứơc có đầy đủ quyền (pleins pouvoirs) lực ký, chuẩn nhận, đồng ý một hiệp ứơc và quốc gia đó bị trói buộc vào hiệp ứơc.
- Điều 7.2.a) : chỉ rõ ngừơi đứng đầu quốc gia, ngừơi đứng đầu chính phủ, tổng trửơng ngoại giao là những ng ười đại diện quốc gia.
- TT Phạm Văn Đồng ký Công Hàm là ngừơi đứng đầu chính phủ Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) có đầy đủ quyền lực ký và nhà nứơc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà phải bị ràng buộc.
- Nói khác đi, Nhà Nứơc Việt Nam phải tôn trọng và thi hành hiệp ứơc đựơc ký bởi ngừơi đại diện là TT Phạm Văn Đồng.

Giả sử nội vụ đựơc đưa ra Tòa An Công Lý Quốc Tế với những dữ kiện và lập luận sai lầm trên, kết qủa sẽ hết sức tai hại mà độc giả đã thấy trứơc.

III- CƠ HỘI NGÀN VÀNG ĐỂ VIỆT-NAM XÁC QUYẾT CHỦ QUYỀN TRÊN HAI NHÓM ĐẢO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA.

1- Cơ hội ngàn vàng

Từ ngày TT Phạm Văn Đồng ký Công Hàm đã 56 năm, môt số không nhỏ các nhà lãnh đạo đất nứơc vẫn còn mê mẩn với các khẩu hiệu loè bịp như « các nứơc xã hội chủ nghiã đều là anh em » », rồi « 16 chữ vàng và 4 tốt » do Trung Quốc ban tặng, mặc dù chính họ đã kinh qua nhiều trận chiến tàn phá khủng khiếp 6 tỉnh biên giới Việt-Trung năm 1979, xâm chiếm biển đảo Hoàng Sa năm 1974 và đảo đá Gạc Ma thuộc Trừơng Sa năm 1988.

Sự việc giàn khoan Hải Dưong 981 Trung Quốc đặt trái phép vào thềm lục địa Việtnam từ 2 tháng nay cùng kéo theo hơn 100 các tầu đủ loại, đủ cỡ để bảo vệ các hoạt động của họ cộng với thái độ ngang ngược bất nhân đối với các tầu kiểm ngư và tầu cá của Việtnam đã là một giọt nứơc làm tràn ly.

Sự kiện này có lẽ đang thức tỉnh một số quan chức còn mơ màng chỉ nhìn thấy Tầu lạ mà không thấy TÀU thiệt đã và đang giết hại ngư dân Việt từ nhiều năm nay.

Trong khi đó nhân dân cả nứơc đã tỉnh ngộ từ lâu, họ biết tầu lạ là ai. Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việtnam, đã quả quyết rằng tầu lớn, tầu nhỏ, tầu lạ, tất cả đều là TẦU cả.

Ngày nay phải bổ túc câu nói trên :….. tầu nặn, tầu ngầm, tầu bay, tất cả đều là TẦU cả.

Ý dân là Ý Trời : các cuộc xuống đường hàng chục ngàn người, các cuộc hội thảo công khai về biển đảo, các kiến nghị của trí thức, các hội đoàn đủ mọi tầng lớp trong xã hội tố cáo Trung Quốc chiếm đoạt và vi phạm biển đảo Viettnam dâng cao chưa từng có phải chăng là dấu chỉ báo trước cơn đại địa chấn Tsumani ?

Trên bình diện Quốc tế, Trung Quốc đang bị kết án không tuân theo luât lệ quốc tế và muốn dùng vũ lực thay đối đơn phương nguyên trang tại biến Hoa Đông và Biển Đông.

TT Nguyễn Tấn Dũng và vài vị lãnh đạo cao cấp mới đây, đã tố cáo đích danh Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việtnam và đe dọa đưa vụ việc ra Toà Án Quốc Tế giải quyết.

Đó là tín hiệu đáng mừng ! Nhưng quan trọng là phải hành động ngay ! không phải truyền lại trách nghiệm cho các thế hệ con cháu 1000 năm sau mới đòi lại như tuyên bố của một quan chức quyền thế.

Theo thiển ý, chúng tôi nghĩ rằng Chính Quyền Việt nam không còn chọn lựa nào khác hơn là khiếu kiện Trung Quốc ra Toà Án Công Lý Quốc Tế La Haye thay vì Toà Án Trọng Tài Quốc Tế như Philippine đang tiến hành.

Việc đưa các tranh chấp ra Tòa Án Quốc Tế là một phương cách giải quyết hòa bình, bình đẳng và khách quan. Các quốc gia văn minh dân chủ coi đó là cách giải quyết rất bình thường giữa các quốc gia khi có bất đồng tranh chấp và không hề làm suy giảm tình hữu nghị.

Hiến Chương LHQ tại Điều 73 : khuyến nghị các thành viên LHQ sử dụng Tòa Án Công Lý Quốc Tế giải quyết các tranh phương chấp như là biện pháp hoà bình.

2- Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye

Chúng tôi đề nghi vụ khiếu kiện Trung Quốc ra Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye và nội dung khiếu kiện phải bao gồm các tranh chấp liên quan tới các nhóm đảo Hòang Sa và Trừơng Sa bởi các lý do sau đây :

a)- Toà Án Trọng Tài Quốc Tế đang thụ lý vụ Chính Quyền Philippines khiếu nại đường lưỡi bò 9 đoạn do Trung Quốc tự nhận chủ quyền chiếm đến 90/100 toàn bộ biển đông vi phạm quyền, chủ quyền và quyền tài phán các biển đảo của họ đang chiếm giữ.

- Mục đích và đối tượng khiếu tố của họ đơn giản và dễ dàng giải quyết : Trung Quốc chỉ cần có chút thiện chí công nhận các quyền đó bằng một thỏa ước riêng rẽ giữ 2 nước và được phê chuẩn bởi Toà Án Trọng Tài Quốc Tế đang thụ lý mà không tổn hại nhiều tới đường lưỡi bò 9 đoạn của họ.

Chúng tôi cũng cần lưu ý quý độc giả rằng, nếu thỏa ước đó thành hình thì nó chỉ có giá trị giữa 2 nước ký kết mà không ảnh hưởng gì tới các nước khác về đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc.

- Toà Án Trọng Tài Quốc Tế, như tên gọi, cốt yếu nhằm giảng hoà, tìm đồng thuận giữa các bên để đạt tới một thỏa hiệp (compromis) mà không bắt buộc phải căn cứ vào các luật lệ quốc tế. Án lệ quốc tế đã nhiều lần minh tỏ đìều đó.

Giải pháp đó gọi là ex aequo et bono (công bình và hữu ích).

Bởi vậy, Chính Quyền Việtnam, nếu muốn giải quyết toàn bộ và dứt khoát các tranh chấp liên quan tới các nhóm đảo Hòang Sa và Trừơng Sa, nên khiếu tố trước Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye, theo chúng tôi là chọn lựa thích hợp và tốt nhất bởi các lý do trình bày dưới đây.

b)- Tòa Án Công Lý QuốcTế La Haye

- Vụ việc tranh chấp giữa Việtnam và Trung Quốc liên quan tới Hòang Sa và Trừơng Sa phức tạp hơn nhiều vì theo chúng tôi hiểu, thứ nhất là cả hai nước đều đòi chủ quyền trên toàn thể 2 nhóm đảo này và thứ hai là các chủ quyền đòi hỏi chồng chéo nhau liên quan tới nhiều quốc gia như : Việt tnam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei đối quần đảo Trường Sa và Việt tnam, Trung Quốc đối với nhóm đảo Hoàng Sa.

- Tòa Án Công Lý Quốc Tế (3) là cơ quan cơ quan tài phán chính yếu của Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền bao quát các tranh chấp quốc tế tương tự như các Toà Án Trên (Cour Supérieure), còn được gọi là Toà Án Luật Chung (tribunal de droit comun) tại các nước có truyền thống pháp quyền.

- Tòa Án Công Lý Quốc Tế, qua thủ tục có thể gíup Việtnam thông đạt tới tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các luận cứ và chứng cứ liên quan tới Hòang Sa và Trừơng Sa thuộc chủ quyền Việtnam. Đây là một phương cách hữu hiệu nhất để các nước trên toàn thế giới biết quyền lợi chính đáng về biển đảo của Việtnam.

- Tòa Án Công Lý Quốc Tế, cũng có thể cho mở điều tra hay lấy ý kiến chuyên môn của các cá nhân, tổ chức, cơ quan khi thấy cần thiết do Tòa chỉ định.

- Tòa Án cũng có thể ra án lệnh yêu cầu các bên cung cấp tài liệu cần thiết (pertinents) nhằm giải quyết vụ việc.

Đó là tính cách đặc thù về thẩm quyền bao quát (globale, universelle) của Tòa Án Công Lý Quốc Tế La Haye.

- Hơn nữa, trong vụ khiếu kiện trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế các nước có chủ quyền chồng chéo có thể tham dự với tư cách quốc gia đệ tam (intervenant) một khi phán quyết của Toà Án có thể tổn hại tới chủ quyển của họ, như trường hợp quần đảo Trường Sa nói ở trên giữa Việt tnam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei.

Một khi đã tham dự thì phán quyết có giá trị cho tất cả.

Hy vọng những trình bày các sự kiện và giải thích (4) trên giúp độc giả có cái nhìn đứng đắn về một vấn đề cực kỳ quan trọng có nguy cơ tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo và chủ quyền độc lập Việt-nam.

GHI CHÚ

(1) : Theo đánh giá các chứng cứ hiện có của Trung Quốc và Việt-nam, theo chúng tôi, khả năng thắng kiện gần như chắc chắn.Tuy nhiên vấn đề còn tuỳ thuộc cách trình bày vấn đề, chọn lựa các chứng cứ (pertinents), toà án thụ lý, chiến thuật trình bày vấn đề, để làm sao bắt buộc Trung Quốc có nhiệm vụ phải chứng minh các chứng cứ về chủ quyền (charges de preuves) không phải phía Việt-nam vì các hành vi xâm phạm chủ quyền của TQ đối với VN vv…Các chứng cứ về lịch sử, chiếm hữu thực sự hòa bình, liên tục của Vietnam rất rõ ràng. Điều mà Trung Quốc không có, nên luận cứ chính của họ là Công Hàm của TT Pham văn văn Đồng ngày 14/9/1958 mặc nhiên công nhận chủ quyền của họ trên hai quần đảo TS & HS.
Chiến thuật hiện nay của họ là thương thảo đơn phương, không chấp nhận phân xử của Toà Án Quốc Tế, và từ từ tạo ra các chứng cứ mới qui định bởi Công Ứơc Quốc Tế về luật biển 1982, bằng các rủ ngủ các nhà lãnh đạo VN bất động trong một thời gian dài với mỹ từ « chuyện trong gia đình, đời sau sẽ đòi, ngàn năm sau sẽ đòi… » .
(2) : Công Ước Viennne về Hiệp Ước (Convention de Vienne sur le droit des traités). Thông qua ngày 23/5/1969 và có hiệu lực ngày 27/01/1980.
(3) : Tòa Án Công Lý Quốc Tế được thông qua ngày 26/6/1945 và có hiệu lực ngày 24/10/1946.
(4) : Chúng tôi chỉ đưa ra vài sự kiện với lời giải thích ngắn gọn nhằm giúp độc giả dễ hiểu một điểm pháp lý quan trọng về Công Điện hay Công Hàm của TT Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958. Đàng khác, ý thức được tầm quan trọng này, chúng tôi để đồng bào, các cơ quan truyền thông (medias) trong và ngoài nước Việt-nam tùy ý sử dụng, chỉ với một điều kiện duy nhất là không được thay đổi, cắt xén thêm bớt nội dung.

Luật-sư NGUYEN LE-HA

(Là một luật-sư chuyên nghiệp, có 3 con luật sư, hai trong ba hiện với hơn 12 năm kinh nghiệm các hồ sơ quốc tế và các toà án quốc tế, hiện một con làm việc với tư cánh luật sư cố vấn, luật sư biện hộ (co-counsel, defense lawyer) tại Tòa Án Quốc Tế tai La haye, mong đóng góp phần chuyên môn liên quan tới Hoàng Sa & Trường sa. Trân trọng.)
 
Cứu-Chuộc nhờ tình Thương-yêu Công-chính
Mai Tá
18:07 13/07/2014
Chương Bốn: Cứu-Chuộc nhờ tình Thương-yêu Công-chính
(bài 23)

Phần 4: Ơn Cứu-Chuộc và tính-chất kinh-tế

Bài này, do Gs Kathryn Tanner, thuộc Đại-học Chicago từng diễn-giải.

Có hai “chuyên-đề” để dẫn-nhập vào nền thần-học nói chung, đó là mối tương-quan không mang tính đấu-tranh, giành-giật một vị-thế giữa Thiên-Chúa và thọ-tạo. Chuyên-đề thứ hai, là việc trở về để diễn-giải tính Siêu-việt của Thiên-Chúa.

Cách đây không lâu, tác-giả Kathryn Tanner là giáo-sư thần-học tại Đại-học-đường Yale, có cho ra đời cuốn sách mới của bà, với đề-tựa vỏn vẹn chỉ mấy câu: “Tính-chất rất kinh-tế nơi Ân-huệ”, do nhà Fortress xuất bản vào tháng 12/2005. Trong sách này, tác-giả suy-tư nhiều về sự phí-phạm nơi Ân-huệ. Điều đó có nghĩa: quà-tặng Chúa ban không khi nào lại bị bọc quanh bằng bất cứ đường ranh hạn-định nào hết. Bằng ánh mắt ta vẫn thường nhìn hôm nay, tưởng cũng nên nhận-định thêm lần nữa sự việc ta hay gọi là “đền bù tội-lỗi” và việc tái cấu-trúc toàn-bộ hệ-thống kinh-tế hiện-hành, của ta.

Giả như Thiên-Chúa không trừng-phạt con người theo nghĩa đối-đáp với lỗi/tội của họ, hẳn là Ngài cũng không bị phạt-vạ trên thập-giá để đền bù lỗi/tội thay cho ta, bao giờ. Thập-giá thật ra chẳng thể nào cứu ta khỏi các món nợ ta hằng có với Chúa bằng việc thanh-toán chúng. Thay vào đó, thập-giá cứu ta ra khỏi hệ-quả của toàn-bộ nền kinh-tế có nợ-nần. Kinh-tế nợ-nần luôn xung-đột với chính nền kinh-tế ân-huệ của Thiên-Chúa. Nợ-nần xoá bỏ mọi ân-lộc trời cho. Sự việc này đồng hàng với các truyền thống về ân-xá/đại-xá, tức là: nợ-nần được tha-thứ chứ không là thanh-toán. Vì, nếu là thanh-toán thì người mắc nợ được giải-thoát khỏi cảnh nô-lệ do không có khả-năng thanh-toán các món ấy. Không trả được nợ, người mắc nợ đành bị xiết bằng của-cải, hiện-vật.

Giả như ta không thể đáp lại ân-huệ Chúa ban cho đúng phép nữa, thì điều đó cũng không làm mất đi hoặc giảm-bớt tính-chất đặc-biệt của ân-huệ được. Ân-huệ ta nhận-lãnh, không ra điều-kiện nào hết. Thiên-Chúa vẫn cứ đổ tràn hồng-ân Ngài ban theo cung-cách tràn đầy như trước, cả vào khi gặp phải bức tường gạch tội/lỗi của ta đi chăng nữa.

Giả như Thiên-Chúa ra hạn-định giảm bớt ân-huệ Ngài ban cho ta, thì khi ấy Đức Giêsu không thể chiến-thắng được cái chết. Khi ấy, Ngài chỉ trở nên vinh-quang một số nỗi chết của những người từng theo chân Ngài, thôi. Và khi đó, Thiên-Chúa đổ tràn hồng-ân trên tạo-dựng từng bị bỏ bê...

Nên, không phải là ta đang đối-đầu với Hệ-thống Lớn lao về Tính-toán rất toàn-cầu. Vì, ta không thể trả nợ lại cho Chúa được. Thánh Ansêmô từng nói: Đức Kitô là “quà tặng vượt quá mọi nợ-nần” Ngài thăng-hoa nền kinh tế rất mắc nợ, là như thế.

Bởi thế nên, ở giữa nơi ta, đã có hệ-thống kinh-tế khác để thay thế, dựa vào đặc-ân, tha-thứ, cứu-chuộc, giải nguy. Hệ-thống này, phải được đóng dấu bằng thứ “tem” không tranh-giành và vô-điều-kiện. Đó, là thứ hệ-thống kinh-tế của lòng độ-lượng. Nó vốn dĩ nằm sẵn trong câu chuyện Tạo-dựng, và cả trong chuyện về Giao-ước, nữa. Sự sống và chất-liệu, sống-cho-ra-sống phải được phân-phát một cách không theo kiểu xuất-sắc, đáng được hưởng. Thiên-Chúa không ngừng ban phát ơn cứu-chuộc mà Ngài chẳng trông mong nhận lại thứ gì. Và, Ngài cũng chẳng đòi trừng-phạt một ai nếu có người sử-dụng ân-huệ cách sai trái, không đúng phép. Chẳng thể nào có thứ máy móc hoặc phương-án từ trời làm ngăn-chặn giòng chảy ân-huệ tuôn trào từ Thiên-Chúa, cả.

Đạo Chúa có tiềm-năng cống-hiến toàn-bộ thị-kiến mới về cuộc sống mang tính kinh-tế, rất như thế. Lại cũng có nhiều khả-năng mới đầy óc tưởng-tượng về việc tái tạo cuộc sống kinh-tế của chúng ta, nữa.

Sở-hữu ân-huệ và có được như thế, không thể do thi đua, giành giựt. Và, giữa việc tạo được và cho đi như thế, lại càng không do công lao hoặc nước mắt của ai hết.

Trong tạo-dựng, không ai lại chực sẵn ở nhà nằm chờ cho có người mang quà Chúa phú-ban đến tặng cho mình, cả. Mà, ta trồi lên như một thọ-tạo nổi-bật, không như một sao-bản của thần-thánh hoặc như một phản-ánh từ sự tốt lành Chúa giữ cho ta.


Một số câu hỏi để suy-tư thêm:

-Anh em thấy lối phê-bình sự hiểu-biết thông-thường về công-chính áp-dụng cho tội và ơn cứu-chuộc ở trên, như thế nào?

-Anh em diễn-tả thế nào về tình thương-yêu, lòng trắc-ẩn/độ-lượng, sự công-chính và thủy chung của Thiên-Chúa?

-Anh em có ý-định gì trong việc tạo sắc-thái cho dân con trong Đạo hiểu được điều mình muốn nhấn mạnh không?

-Diễn-giải như trên, có là cung-cách ta yểm-trợ hoặc phê-bình sự công-bằng xã hội hôm nay không? Hoặc, vừa yểm-trợ vừa phê-bình?

------------------------
(còn tiếp)
____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch
 
Thông Báo
Cáo Phó: Nữ tu Anna Maria Trần thị Sáng qua đời tại Gò Vấp
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thuỷ
08:07 13/07/2014
CÁO PHÓ
"Nhờ Thánh Giá tới ánh sáng vinh quang của Đấng Phục Sinh"
Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
Trân trọng kính báo: Người chị em chúng con

Nữ tu ANNA MARIA TRẦN THỊ SÁNG
Sinh ngày 18 tháng 01 năm 1925 tại Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 19 giờ 00’ Chúa Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2014
Tại Tu viện Nhà Mẹ, 523A (578 cũ) Lê Đức Thọ, Phường 16, Quận Gò Vấp
Hưởng thọ 89 tuổi - Khấn Dòng 65 năm.

Nghi thức tẩm liệm: 05 giờ 30’ Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2014
Nghi thức di quan: 04 giờ 45’ Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2014
Thánh lễ đồng tế An Táng sẽ được cử hành vào lúc:
05 giờ 00’ Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2014 tại Nguyện Đường Nhà Mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
Sau đó sẽ được Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Chúng con kính xin Đức Tổng Giám Mục Phaolô, Đức Hồng Y, quý Đức Cha,
quý Đức Ông, quý Cha, quý Bề trên, quý Chị Tổng Phụ trách các Hội dòng Mến
Thánh Giá, quý tu sĩ nam nữ và quý vị thương cầu nguyện cho linh hồn ANNA MARIA
người chị em của chúng con sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Hội dòng chúng con xin chân thành cảm tạ.

Tm. Hội dòng
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thuỷ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đoá Sen Đơn
Joseph Ngọc Phạm
21:13 13/07/2014
ĐOÁ SEN ĐƠN
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Từ bi tìm đến gần
Phải giữ an bình thân
Nhìn đoá sen hồng thắm
Lòng nguyện tâm sáng ngần.
(Trích thơ của Sương Anh)