Ngày 12-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
“Hãy đi và làm như vậy”
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:17 12/07/2019
Chúa Nhật 15 Thường Niên C

Vì sao Tư tế và Lêvi nhìn thấy người bị cướp đánh nửa sống nửa chết mà lại “tránh qua một bên mà đi…”?

Thôi thì hãy cố tìm lý lẽ tốt để biện minh giúp những người nắm giữ lề luật, đêm ngày đại diện toàn dân dâng lên Chúa sự tôn thờ, và có quyền giảng dạy lề luật Chúa cho dân: Họ tránh vì họ sợ hãi! Họ sợ nhiễm ô uế. Họ sợ động chạm đến người ngoại giáo. Họ sợ dính máu của người ngoại giáo làm họ dơ bẩn. Bởi sợ nên vô tâm. Họ vô tâm với người bị cướp tấn công đến thừa chết thiếu sống.

Luật Do thái quy định, ai đụng chạm vào người ngoại giáo, nhất là đụng chạm vào xác chết, sẽ bị nhiễm ô uế.

Cứ cho rằng, người bị cướp có thể là người ngoại, lại còn sắp chết. Vì thế, để khỏi nhiễm ô uế, tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã “tránh qua bên kia mà đi”.

Dù vậy, theo mạch văn Tin Mừng, theo ngôn ngữ mà đoạn Kinh Thánh trình bày, cho thấy, dù Chúa Giêsu không trực tiếp kết tội Tư tế và Lêvi, nhưng trong mấy từ “tránh qua bên kia mà đi”, cho thấy Chúa không bằng lòng. Tại sao người bị nạn chết đến nơi mà mình lại tránh?

“Tránh qua bên kia” nghĩa là người bị tấn công đang bất động ngay dưới chân mình, cản bước mình. Ngay dưới chân nên mới phải “tránh” mà đi!

Tư tế và Lêvi à ai? Họ là các bậc “chân tu”, đại diện cho các bậc “chân tu” ngày nay. Cho nên sự không bằng lòng của Chúa là không bằng lòng dành cho những ai đang thi hành trách vụ “chân tu”, nhưng không sống đúng trách vụ của người gieo yêu thương, mà lại sống theo thói Tư tế và Lêvi thời xưa ấy.

Thái độ của Chúa trong dụ ngôn khó có ngôn từ khả dĩ giúp các “chân tu” này có thể “chạy tội”.

Bất giác tôi nghĩ đế mình. Tôi đã bước vào đời hiến dâng, hàng ngày tôi dạy người khác phải hy sinh, phải hướng thiện, phải chấp nhận bỏ mình vì tha nhân…, nhưng bản thân còn nhiều ngần ngại, e dè trước sự thiện mà lẽ ra mình phải ưu tiên thực hiện trước.

Nhiều lần tôi đã bị sự sợ hãi khuất phục. Chẳng hạn như sợ không được xây nhà thờ mà đành nhắm mắt làm ngơ trước cảnh kẻ có quyền hà hiếp, cướp bóc, quy chụp cách bất công trên những người hiền lành, những người thấp cổ bé miệng.

Hoặc vì quyền lợi tư riêng mà ngậm miệng trước cảnh người nghèo, người yếu thế bị đẩy đến đường cùng. Hoặc vì để dễ sống, để yên thân sống mà không thèm đếm xỉa gì đến những anh chị em đang bị đố kỵ, bị rẻ rúng, bị chà đạp quyền sống…

Ngoài ra, thế giới quanh tôi vẫn còn đó, rất nhiều những người bị “cướp” như hình ảnh người bị cướp trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu.

Đó là những bào thai không phương thế tự vệ, vẫn bị giết, bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ không thương tiếc. Hay những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, chết trong hố rác, chết bên miệng cống rảnh…

Cho đến nay, dù mỗi năm Hội đồng Giám mục Việt Nam họp hai lần, vẫn chưa bao giờ có một tiếng nói chính thức nào phản đối, hay chí ít là kiến nghị về luật cho phép phá thai.

Chính do luật này, mà ngày nay Việt Nam đã “được nâng lên” hàng “top” thế giới. Thật mỉa mai! Thật chua xót! Một quốc gia nghèo, lạc hậu, không phải vươn lên hết nghèo, hết lạc hậu, mà lại “vươn lên” hàng đầu về thảm trạng phá thai.

Đó là những trẻ em bị cướp mất tuổi thơ khi người ta buộc các em phải lao động nặng nhọc, phải tham gia vào con đường tội ác, phải đem chính giá trị tuổi thơ của mình phục vụ những kẻ mang hình người nhưng lương tâm thú tính trong các nhà chứa, trong các đường dây tình dục… Và còn biết bao nhiêu mảnh đời trẻ thơ phải chấp nhận sống chui rúc ở bãi rác, gầm cầu, phố chợ…

Đó còn là những mảnh đời ngụp lặn trong dòng đời nhầy nhụa, mất định hướng sống, mất niềm hy vọng sống. Cũng có thể họ là những người sống lương thiện, nhưng bị nghi ngờ, bị hiểu lầm, bị chèn ép, bị bóc lột, bị hiếp đáp…

Đó còn là những cụ già bị bỏ quên trên góc phố, bị mất tất cả sức lao động, nhưng vẫn phải lê thân từng ngày đội nắng, đội mưa bán vé số, lượm ve chai, ngửa tay xin lòng trắc ẩn của mọi người…

Tất cả những người ấy, đều rất cần tôi, bàn tay của người Samaritanô thời đại. Ngay tức khắc, tôi cần dẹp bỏ thái độ vô tâm của tư tế, Lêvi để cúi xuống trên những anh chị em đau khổ của mình. Tôi cần ý thức rằng, chỉ khi trở thành người Samaritanô, tôi mới thật sự là anh em của những người “bị cướp” ấy.

Trong khi đó, nhiều người không đứng trong hàng ngũ “chân tu”, thậm chí họ chỉ là người ngoại giáo như người Samaritanô ngoại giáo, lại sống phù hợp đức tin, đúng theo lời của Chúa, đúng thánh ý Chúa, đúng lề luật Chúa.

Tôi cần đinh ninh luôn luôn lời Chúa kết luận cho dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: “Hãy đi, và làm như vậy” (Lc 10, 37), để dấn thân, để can đảm, để ra khỏi chính mình, để sáng danh Chúa, để làm cho xung quanh mình không còn tình trạng “cướp”.


 
Mácta và Maria
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:51 12/07/2019
Chúa Nhật XVI Thường Niên , năm C
Lc 10,38-42

Đọc trang Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, chắc chắn mỗi người chúng ta đều có nhiều suy nghĩ. Thực tế, đoạn Phúc Âm này gợi cho chúng ta nhiều ấn tượng về hai chị em Mácta và Maria. Bởi vì mỗi người một cung cách, mỗi người một nét, một vẻ, nhưng hai chị em bổ túc cho nhau, làm nên một vẻ đẹp, một bản hòa âm nhạc tuyệt diệu. Mácta hăng say bếp núc, phục vụ Chúa và các môn đệ của Người một bữa ăn ngon. Maria ngồi dưới chân Chúa, lắng nghe lời của Người giảng dạy. Mácta và Maria đã nêu cho mỗi người chúng ta bài học “ Phục vụ để yêu thương “ và “Lắng nghe để yêu thương “.

Vâng, nếu đem so sánh hai thái độ và khi nghe Mácta nhắc khéo Chúa, xin để Maria giúp con với vì con phải tất bật, lo lắng làm cơm để thết đãi Chúa và các môn đệ của Người, chắc có người sẽ nghiêng bênh vực Mácta vì cô đang vất vả, có khi phải đổ mồ hôi để lo phục vụ Chúa và các môn đệ. Maria vẫn lắng đọng, ngồi chăm chú lắng nghe Chúa, làm cho Mácta khó chịu. Nhưng Chúa đã trả lời Mácta :” Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi “ ( Lc 10,41-42 ). Việc Mácta nói lên với Chúa cho thấy cô đang phục vụ mà Chúa và Maria cứ ngồi nói chuyện. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho Mácta cũng như mọi người biết rằng :” Mácta thết đãi là phục vụ “, nhưng “ Maria đang lắng nghe cũng là một cách thết đãi và phục vụ “.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều đổi thay, khoa học kỹ thuật lên cao tới tột đỉnh.Con người tất bật tìm kiếm lợi nhuận. Người ta đua tranh quảng cáo để tìm những mối lợi cho các mặt hàng mình đang thụ đắc .Phải chăng đang có nhiều Mácta hơn là Maria ? Tuy vậy, mình Mácta chưa đủ mà cần cả Maria nữa! Bởi vì, con người sau những phút náo động, ồn ào, huyên náo vẫn cần những lúc lắng đọng tâm hồn, thảnh thơi, nghỉ ngơi để nghe con tim thỏ thẻ. Thường trong lúc ồn ào nhất người ta vẫn cần những phút im lặng. Sự thành công của con người không phải lúc nào củng huyên náo. Tại sao các Dòng tu, các Tu hội lại luôn có những giờ kinh nguyện được qui định rõ ràng. Đời sống hoạt động và chiêm niệm luôn cần có sự cân đối để bổ túc cho nhau. Tâm niệm của một số Đan viện là “ Làm việc và Cầu nguyện “. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đã bầy cho chúng ta bí quyết thành công của Mẹ là cầu nguyện. Do đó, mẫu gương của Mácta và Maria luôn được Hội Thánh nêu cao ! Chúa muốn mỗi người chúng ta phải biết quân bình đời sống, quân bình công việc. Làm nhiều mệt mỏi rồi trách Chúa như thế chúng ta chưa thực hành ý Chúa. Cầu nguyện, lắng nghe nhưng cũng không phải cứ ngồi đó rồi chờ Chúa ban, Chúa tặng mà không chịu làm việc như thế cũng chưa làm đẹp ý Chúa.

Vâng, cả Mácta và Maria đều cần thiết trong đời sống vì cả hai thái độ, hai cách biểu lộ đều đẹp miễn con người biết làm cho nó cân đối : Lao động và Cầu nguyện. Mácta cũng là thái độ của mỗi người chúng ta khi chúng ta tưởng rằng phục vụ Chúa, nhưng kỳ thực chúng ta muốn mình thành công và muốn mọi người ca tụng, khen ngợi cá nhân mình. Làm sao chúng ta làm đẹp lòng Chúa, làm theo ý Chúa và yêu Chúa cách chân thành, trong suốt như Maria ?

Chúng ta đang sống trong Giáo Hội do Chúa thiết lập. Chúa muốn chúng ta tìm ý Chúa chứ không phải tìm ý riêng mình. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã chỉ cho ta hiểu :” Chúng ta tìm ý Chúa hơn là tìm công việc của Chúa “ .

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy các môn đệ và nhân loại cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, xin cho chúng con biết tìm ý của Chúa Cha và chỉ muốn cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CẦU NGUYỆN :

1.Mácta có thái độ nào khi phục vụ Chúa ?
2.Maria đã làm gì khi Mácta tất bật phục vụ ?
3.Cầu nguyện có cần để gặp Chúa không ?
4.Đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm khác nhau thế nào ?
Hai đời sống này có cần bổ túc cho nhau không ?
 
Ai là người thân cận của tôi hay tôi là người thân cận của ai ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:55 12/07/2019
Khi một luật sĩ hỏi câu gì, thì ông đã biết câu trả lời phải làm sao. Khi một luật sư hỏi bên bị, bên nguyên, ngay cả hỏi quan toà, thì ông đã tiên liệu trước câu trả lời. Nếu người được hỏi trả lời thế này, sẽ bắt bẻ thế này. Nếu trả lời ngược lại, sẽ bắt bẻ thế kia. Đối với một luật sư, họ không bao giờ hỏi một câu mà họ không biết chắc câu trả lời.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng có luật sư, mà Kinh Thánh gọi là luật sĩ, là thầy thông luật. Thầy sẽ hỏi và người được (bị) hỏi là Thầy Giêsu. Câu hỏi 1 của ông xuôi chảy, dẫu là để thử Chúa:

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" Đức Giêsu đáp (nhưng là hỏi) : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" Ông ấy thưa : "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

Vậy là ông hỏi Chúa, và ông cũng biết câu trả lời, nên khi Chúa hỏi lại, ông trả lời vanh vách. Nhưng khi Chúa khen, ông trở nên quê, nên phải hỏi một câu nữa cho ra nhẽ là thông luật. Sách Tin Mừng ghi: Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng (và đây là câu hỏi 2) : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?"

Và khi hỏi câu đó, ông cũng biết tỏng câu trả lời : Người thân cận của tôi là người Do Thái chứ ai. Theo truyền thống Do Thái, người thân cận, làng xóm được định nghĩa như là: những người con trai của riêng xứ bạn. Tức là, người làng xóm láng giềng : không phải là tôi nhà số 12 Trần Phú, người hàng xóm sẽ là số 14 hoặc 16. Không phải. Kẻ ở thiệt xa, tôi Nhatrang họ Thái Bình, nhưng sẽ là làng xóm, láng giềng thân cận nếu họ cùng dân tộc. Người ở sát vách, mà là dân tộc khác, họ chẳng phải là láng giềng, lân cận.

Hãy yêu người lân cận như chính mình. Luật dạy thế. Vậy ai là người lân cận, chòm xóm. Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của luật sư, mà kể ra một dụ ngôn gây sốc, dụ ngôn người Samaritano nhân lành, mà đối với người Do Thái, bất kể người Samaritano nào cũng đáng ghét cả. Họ ở xa cũng đáng ghét, họ ở gần càng đáng ghét hơn.

Kết dụ ngôn sẽ là một câu hỏi ngược lại cho nhà thông luật kia: "Vậy ông nghĩ, trong ba người đó (tư tế, Lêvi và người ngoại Samaritano), ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Khi ông luật sư muốn biết rõ định nghĩa của hai chữ “thân cận”, tức “đối tượng” yêu mến thì Đức Giêsu lại cho ông hay về “chủ thể” của lòng mến yêu, tức người yêu thương, chứ không phải kẻ được yêu thương. Thay vì hỏi : ai là người thân cận, Chúa Giêsu chuyển qua câu hỏi: tôi là người thân cận của ai.

Người Samari là kẻ thi thố lòng yêu thương cho tha nhân, bất kể người đó là ai: Tây, Tàu, Nhật Bản, Do Thái hay Hy Lạp, Ả Rập. Bin Laden. Bởi vì ông là người thân cận rồi, thì ông chẳng cần tìm hiểu xem ai là người thân cận để chỉ yêu người thân cận mà thôi. Thầy thông luật đã đặt sai câu hỏi. Ông muốn giới hạn lòng yêu mến: Xin Thầy chỉ cho tôi chính xác phải yêu mến tới đâu, người nào? Chúa Giêsu trả lời: Đừng hỏi thế, mà nên hỏi: Tôi phải yêu mến thế nào? Tới đâu là giới hạn.

Trong một buổi học ở Manila, 1995, các học viên được giảng viên yêu cầu mỗi người làm một thực tập nhỏ là lấy một tờ giấy lớn và ghi tên tất cả những người thân của mình, những người mà mình yêu thương đến độ có thể hy sinh mạng sống vì những người ấy. Ai nấy chăm chú suy nghĩ và cắm cúi viết. Một học viên người Việt sau giờ học tâm sự: “Thấy người ta ghi, tôi cũng ghi. Nhưng rất nhanh, tôi nhận ra rằng danh sách những người thân của tôi, những người mà tôi thương yêu hơn cả bản thân mình đến mức tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh vì những người ấy thì rất ngắn ! Vì ngoài mẹ tôi, vợ tôi và hai con tôi, tôi không dám ghi thêm tên một người nào khác nữa, vì tôi không chắc là mình đã yêu thương những người ấy đến độ có thể hy sinh mạng sống cho một ai trong họ.

Tôi phải thú nhận rằng: dù giảng viên không yêu cầu chúng tôi nộp danh sách, cũng không yêu cầu học viên nói lên số người được ghi trong tờ giấy của mình nhưng riêng tôi, tôi rất xấu hổ: xấu hổ với Chúa và xấu hổ với chính mình. Vì người thân cận quá ít.”

Ấy vậy mà trong cuộc sống, người thân cận lại quá nhiều để mình phải yêu thương. Nói cách khác, vì tôi là người thân cận rồi, nên chẳng cần tìm ai là người thân cận để yêu thương nữa, mà là cứ yêu thương bất cứ ai.

Tại một giao lộ, một bà đứng bên lề đường đang chờ đèn báo để sang đường. Đối diện với bà bên kia đường là một thiếu nữ khoảng 17 tuổi. Cô ta cũng đợi để sang đường. Bà không thể nào không thấy là thiếu nữ này đang khóc vì nỗi buồn của cô quá lớn đến nỗi cô không thèm giấu nó.

Đèn báo bật sáng. Mỗi người bước khỏi lề và khởi sự sang đường. Khi hai người sắp sửa gặp nhau, bản năng làm mẹ của bà bỗng nhiên nổi dậy. Bà như muốn đến với cô ta để an ủi cô. Ao ước đó lại càng gia tăng vì người thiếu nữ này cũng trạc tuổi cô con gái của bà.

Nhưng bà đã để cô đi qua. Ngay cả một lời thăm hỏi cũng không. Chẳng khác gì thầy tư tế và Lêvi đi ngang qua và chạy nhanh khi gặp người bị cướp đánh cho nhừ tử.

Cho nên, nhiều giờ sau, đôi mắt ngập tràn đau khổ của cô gái vẫn tiếp tục ám ảnh bà. Bà luôn luôn tự hỏi, "Tại sao mình không quay lại hỏi thăm, 'Cưng ơi, tôi có thể giúp gì cho cô không?' Mình đã không làm vậy. Mình bước đi. Chắc chắc là cô ta có thể khước từ mình và nghĩ mình là người tò mò. Nhưng có sao đâu! Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ cho cô ấy biết được là có ai đó quan tâm đến cô. Nhưng mình đã bỏ đi. Mình đã làm như thể cô ấy không hiện diện."

Hằng ngày chúng ta gặp những biết bao nhiêu người không bị đánh nhừ tử nơi thân xác, nhưng nơi tâm hồn. Chúa Kitô muốn chúng ta giúp đỡ không những người đau đớn thể xác, mà cả những kẻ đau khổ nơi tâm hồn. Giáo hội của Chúa cũng dạy thương người có 14 mối thương xác 7 mối, mà thương linh hồn cũng 7 mối: lấy lời lành khuyên người, sửa dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Ta có thể nói theo ngôn ngữ thông thường hơn về việc thương người 7 mối, mặt tâm hồn: Làm thế nào ? Ta có thể có 3 cái cho sau đây

-Một nụ cười chân thành. Mẹ Têrêxa Calcutta thường khuyên như thế, dù mẹ cười không đẹp, nhưng lòng thành của mẹ chẳng ai lại không thấy. Bao vết thương có thể lành miệng, nhờ ta mở miệng nở nụ cười.

-Một lời chào vui vẻ. Sự ân cần thăm hỏi có thể giảm bớt nỗi đau của một tâm hồn sầu muộn. Lời chào lời thăm hỏi trực tiếp khi tiếp xúc mà cũng có thể qua phương tiện truyền thông như thư từ, điện thoại, email tất cả đều có sức chữa lành.

-Một lời “cảm ơn” nồng nàn. Nó có thể khích lệ một người bị quên lãng, bị khinh khi. Bạn hãy cố gắng cám ơn bác tài xế, người phu hốt rác, người phát thư và bạn cũng cần cám ơn những người trong gia đình bạn. Thầy cô giáo bạn, người chiêu đãi và cả người thợ cạo râu hớt tóc.

Quả thật, con đường từ Giêrusalem xuống Yêricô, trên đó kẻ cướp để nạn nhân nửa sống nửa chết, trên đó người Samatitanô nhân hậu đã chăm sóc nạn nhân, con đường đó khởi sự từ nhà thờ này, từ cửa nhà thờ tới nhà bạn, tới bàn giấy, tới xưởng thợ, tới nơi làm việc, tới lớp học của bạn. Dọc theo con đường ấy, có biết bao người bị thương nặng, nhẹ trong tâm hồn, hãy dừng lại và tiếp giúp họ. Nói vài lời, nở nụ cười, làm một việc để giúp đỡ.

Hãy là người thân cận của mọi người chứ không phải tìm ai là người thân cận để yêu mến một mình người đó không thôi, như ông luật sĩ nọ.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(tổng hợp từ nhiều nguồn)
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên 14/7/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
23:32 12/07/2019
Bài Ðọc I: Ðnl 30, 10-14

"Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: 'Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?' Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: 'Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?' Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).

Xướng: Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con.

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.

Xướng: Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư.

Bài Ðọc II: Cl 1, 15-20

"Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

"Ai là anh em của tôi?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô đồng hành cùng dân Chúa đang trên đường lữ hành tại Đức.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:32 12/07/2019
Hội Đồng Giám Mục Đức đã quyết định vào tháng 3 năm 2019 rằng các vấn đề về độc thân linh mục, thiếu ơn gọi, giáo huấn của Giáo hội về luân lý tình dục, việc giảm quyền lực giáo sĩ và vai trò phụ nữ trong Giáo Hội, sẽ được trình bày trong một tiến trình “tiến bộ đồng nghị”. Sau nhiều tranh luận sôi nổi, 66 GM chính tòa và GM phụ tá của 22 giáo phận tại Đức, trong khóa họp tại thành phố Lingen đã quyết định thực hiện một ”Hành trình công nghị” có thể mang tính chất bó buộc nhưng chưa được xác định. Với sự cộng tác của các giáo dân và các chuyên gia, HĐGM Đức muốn minh định và làm sáng tỏ lập trường về những vấn đề này.

Ngày 24 tháng 6 năm 2019, Hội Đồng Giám Mục Đức đã họp tại thủ đô Berlin với mục đích hoạch định những bước đi của ”Hành trình công nghị” nhắm cải tổ Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Theo dự tính: các đại diện của HĐGM Đức và của Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức sẽ nhóm họp vào đầu tháng 7 năm 2019 để bàn luận về chương trình, về con số và các đề tài. Cuộc họp mở rộng đầu tiên sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9 với khoảng 60 tham dự viên, để quyết định chi tiết về thời khóa biểu, các đề tài, các tham dự viên. Tiến trình công nghị sẽ chính thức bắt đầu vào Chúa Nhật ngày 1 tháng 12 năm 2019.

Trong lá thư đề ngày 29 tháng 6 năm 2019 gửi dân Chúa đang trên đường lữ hành tại Đức, ĐTC Phanxicô ủng hộ “hành trình công nghị” (synodal journey) của Hội Đồng Giám Mục Đức nhưng nhắn nhủ Giáo Hội tại nước này đừng tiến hành một mình, trái lại quan tâm đến Giáo Hội hoàn vũ và duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu Giáo Hội Công Giáo tại Đức đồng hành cùng nhau, được tác động bởi Chúa Thánh Thần. ĐTC muốn lá thư của ngài là một đóng góp vào “hành trình công nghị” do các Gíam Mục đề ra nhưng theo đường lối của Tông Huấn Niềm Vui Phúc m, Ngài nhắc nhở vị trí trung tâm của Chúa Thánh Linh. ĐTC viết: ”Mỗi khi một cộng đoàn Giáo Hội tìm cách tự mình thoát ra khỏi các vấn đề của mình, và chỉ tín thác vào sức riêng, vào các phương pháp và trí thông minh của mình, thì rốt cuộc Giáo Hội ấy chỉ gia tăng và nuôi dưỡng những tai ương mà họ muốn vượt qua”. ĐTC đau buồn cùng với các Gíam Mục Đức khi nhận thấy có sự xói mòn và suy giảm đức tin với tất cả những gì kèm theo về mặt tinh thần, xã hội và văn hóa. Sự suy giảm đức tin ấy không dễ dàng tìm ra giải pháp nhanh chóng.

ĐTC nhắc nhở Giáo Hội Công Giáo Đức hãy can đảm, đồng thời đừng rơi vào những cạm bẫy hoặc cám dỗ dọc đường, trong đó có cám dỗ căn cội là tin rằng câu trả lời tốt nhất cho nhiều vấn đề và cho những thiếu sót trong cuộc sống là tổ chức lại sự việc, thay đổi nó, điều chỉnh lại để làm cho đời sống Giáo Hội dễ dàng hơn, bằng cách thích ứng với những tiêu chuẩn thời đại hoặc của một nhóm nào đó.

ĐTC chia sẻ quan tâm của ngài về “tương lai của Giáo Hội” tại Đức. “Tôi muốn dành cho anh chị em sự ủng hộ của tôi, gần gủi đồng hành bên cạnh và khuyến khích những cố gắng của anh chị em để đáp lại tình hình”

ĐHY Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Cologne, cám ơn ĐTC Phanxicô vì không sợ hãi kêu gọi người Công Giáo tại Đức trở thành một giáo hội truyền giáo. Trong phát biểu ngày 29.6.2019, ĐHY Woelki nói “Đây là cách mới rõ ràng và không sợ hãi Đức Thánh Cha cũng đưa ra những từ ngữ mà chúng ta thường nói ở đất nước này chỉ với sự do dự và sự rụt rè nhất định, chúng ta gần như đã mất đi: sám hối, hoán cải và truyền giáo” Lá thư 5,700 chữ kêu gọi chú trọng đến việc rao giảng Tin mừng khi đối mặt với “xói mòn” và “suy giảm đức tin” Thật hiển nhiên rằng Đức Thánh Cha chia sẻ quan tâm của những người Công Giáo Đức: “Làm sao chúng ta có thể duy trì đức tin hôm nay và truyền lại cho thế hệ tiếp theo?” Theo nghiên cứu của Đại học Freiburg mới công bố, con số người Công Giáo chính thức ghi dành tại Đức được dự đoán giảm xuống một nửa vào năm 2060.

“Quá trình thay đổi sắp tới không thể đáp ứng riêng cho các sự kiện và các nhu cầu bên ngoài, chẳng hạn như tỷ lệ sinh giảm mạnh và sự lão hóa của các cộng đồng, không cho phép thay đổi thế hệ bình thường được xem xét”, ĐTC viết trong thư. “Một quá trình thực sự của sự thay đổi nêu lên những đòi hỏi phải phát sinh từ Kitô giáo của chúng ta và từ chính sự năng động của việc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, vì vậy qui trình đòi hỏi hoán cải mục vụ”

ĐHY Woelki nói “Sự kiện ĐTC nói về “sự xói mòn” và “suy giảm đức tin” tại Đức chứng tỏ rằng ĐTC thực sự không che đậy bất cứ điều gì và cũng khuyến khích chúng tôi không nhắm mắt với thực tế” “Trước tiên và trên hết là khủng hoảng đức tin,”

“Chúng ta hãy để mình bị nhiễm bởi 'sự thanh thản hy vọng' mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết cho chúng ta bằng bức thư này. Đó là sự thanh thản của tất cả những người hết lòng vì Chúa Kitô,” “Hãy đón nhận những lời của Đức Thánh Cha, hãy đón nhận lời ngài cách nghiêm túc! Chúng ta hãy mang Tin mừng vào thế giới ngày hôm nay!”

“Rao giảng Tin Mừng phải là tiêu chí hướng dẫn tuyệt vời của chúng ta, qua đó chúng ta có thể nhận ra tất cả các bước chúng tôi được kêu gọi để thực hiện như một cộng đồng giáo hội, " Những thách thức hiện tại, cũng như câu trả lời chúng ta đưa ra, đòi hỏi một quá trình trưởng thành lâu dài và sự hợp tác của toàn dân trong nhiều năm qua, ĐTC lưu ý rằng "tìm kiếm kết quả ngay lập tức" có thể có những hậu quả "thoáng qua bởi vì chúng không tương ứng với ơn gọi được ban cho chúng ta”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Phần 1, ch.1 & 2
Vũ Văn An
18:58 12/07/2019
PHẦN I. TIẾNG NÓI AMAZON

“Thật là tốt đẹp khi, giờ đây, chính các bạn là những người tự xác định chính mình và cho chúng tôi thấy bản sắc của các bạn. Chúng tôi cần lắng nghe các bạn” (Fr.PM)



6. Truyền giảng Tin Mừng tại Châu Mỹ Latinh là một hồng ân Chúa Quan Phòng kêu gọi mọi người tới với sự cứu rỗi trong Chúa Kitô. Bất chấp việc thuộc địa hóa về quân sự, chính trị và văn hóa, và vuợt quá tham vọng và lòng tham của những người thực dân, có nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của mình để truyền bá Tin Mừng. Sự nhạy cảm truyền giáo này không chỉ linh hứng cho việc hình thành ra các cộng đồng Kitô hữu, mà cả việc ban hành luật lệ như các Đạo Luật của Vùng Indies nhằm bảo vệ phẩm giá các dân tộc bản địa chống lại sự lạm dụng dân số và lãnh thổ của họ. Những sự lạm dụng như vậy đã làm tổn thương cộng đồng và làm lu mờ thông điệp của Tin mừng; Chúa Kitô thường bị công bố đồng lõa với các thế lực khai thác tài nguyên và đàn áp dân chúng.

7. Ngày nay, để thực thi vai trò tiên tri của mình một cách trong sáng, Giáo hội có cơ hội lịch sử để tự làm cho mình khác biệt rõ ràng với các thế lực thực dân mới bằng cách lắng nghe các dân tộc Amazon. Cuộc khủng hoảng xã hội môi trường hiện nay mở ra những cơ hội mới để trình bày Chúa Kitô trong mọi quyền năng giải phóng và nhân bản hóa của Người. Chương đầu tiên này được cấu trúc quanh bốn khái niệm chủ chốt liên quan chặt chẽ với nhau: sự sống, lãnh thổ, thời gian và đối thoại, trong đó, Giáo hội nhập thể với một khuôn mặt Amazon và truyền giáo.

Chương I: Sự sống

“Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10)

Amazon, nguồn sự sống

8. Thượng Hội Đồng này xoay quanh sự sống: sự sống của lãnh thổ Amazon và của các dân tộc của nó, sự sống của Giáo hội, sự sống của hành tinh. Như được phản ảnh trong các cuộc tham khảo với các cộng đồng Amazon, sự sống ở Amazon được đồng hóa, trong số những thứ khác, với nước. Sông Amazon giống như một động mạch của lục địa và thế giới, nó chảy như những mạch máu cung cấp cho hệ thực vật và động vật của lãnh thổ, giống như một dòng suối cho các dân tộc, các nền văn hóa và những biểu thức linh đạo của nó. Như trong Vườn Địa Đàng (St 2: 6), nước là nguồn sự sống, nhưng cũng là mối liên hệ giữa các biểu hiện khác nhau của sự sống, trong đó mọi thứ đều được nối kết (xem LS, 16, 91, 117, 138, 240). “Dòng sông không phân cách chúng ta, nó hợp nhất chúng ta, nó giúp chúng ta cùng tồn tại giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau” (2).

9. Lưu vực sông Amazon và các khu rừng nhiệt đới bao quanh nuôi dưỡng đất đai và điều hòa các chu trình nước, năng lượng và thán khí ở cấp độ hành tinh, nhờ việc tái chế biến độ ẩm. Chỉ riêng sông Amazon đã chuyển 15% tổng lượng nước ngọt của hành tinh mỗi năm vào Đại Tây Dương [3]. Amazon rất cần thiết cho việc phân phối lượng nước mưa ở các khu vực xa xôi khác của Nam Mỹ và góp phần vào sự chuyển động lớn của không khí quanh khắp hành tinh. Hơn nữa, nó nuôi dưỡng thiên nhiên, sự sống và văn hóa của hàng ngàn cộng đồng bản địa, nông dân, hậu duệ da đen (afro-descendant), sông hồ và đô thị. Nhưng cần lưu ý rằng theo các chuyên gia quốc tế, Amazon là khu vực dễ bị tổn thương thứ hai của hành tinh, sau Bắc Cực, nếu nói đến sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.

10. Lãnh thổ Amazon bao gồm một phần của Ba Tây, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và French Guiana. Nó có tổng cộng 7.8 triệu kilô mét vuông ở trung tâm Nam Mỹ. Các khu rừng Amazon có diện tích khoảng 5.3 triệu kilô mét vuông, chiếm 40% diện tích rừng nhiệt đới hoàn cầu. Đây chỉ là 3.6% diện tích đất của trái đất, chiếm khoảng 149 triệu kilô mét vuông, tương đương khoảng 30% bề mặt hành tinh của chúng ta. Lãnh thổ Amazon chứa một trong những sinh quyển (biospheres) giàu nhất và phức tạp nhất về địa chất trên hành tinh. Sự phong phú tự nhiên của nó về nước, sức nóng và độ ẩm có nghĩa là hệ sinh thái của Amazon làm chủ khoảng 10% đến 15% sự đa dạng sinh học của mặct đất và lưu trữ từ 150 đến 200 tỷ tấn thán khí mỗi năm.

Sự sống dồi dào

11. Chúa Giêsu ban sự sống viên mãn (x. Ga 10,10), một sự sống tràn đầy Thiên Chúa, một sự sống cứu rỗi (zōē), bắt đầu với sáng thế và tự biểu lộ ngay từ đầu trong chiều kích căn bản nhất của sự sống (bios). Ở Amazon, nó được phản ảnh trong sự đa dạng sinh học và văn hóa phong phú của nó. Điều này có nghĩa, một sự sống trọn vẹn và toàn diện, một sự sống ca hát, một bài hát nừng sự sống, giống như những bài ca ngợi dòng sông. Đó là một sự sống nhảy múa và đại diện cho thiên tính và mối liên hệ của chúng ta với thần tính này. “Như các giám mục khẳng định tại Aparecida, việc phục vụ mục vụ của chúng ta là một việc phục vụ “sự sống viên mãn của các dân tộc bản địa [1 điều] đòi phải công bố Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng của Nước Thiên Chúa, tố cáo các tình huống tội lỗi, các cơ cấu của chết chóc, bạo lực, và các bất công bên trong và bên ngoài, và cổ vũ đối thoại liên văn hóa, liên tôn giáo và đại kết (DAp 95). Việc công bố và tố cáo như vậy đuợc chúng ta biện phân dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kytô, Đấng Hằng Sống (Kh 1:18), "sự viên mãn của mọi mặc khải” (DV 2).

"Sống tốt” (buen vivir)

12. Việc các dân tộc bản địa Amazon tìm kiếm sự sống dồi dào được phát biểu trong điều họ gọi là “sống tốt” (buen vivir) [4]. Tức là sống “hài hòa với bản thân, với thiên nhiên, với những con người nhân bản và với đấng tối cao, vì có sự thông đạt qua lại giữa toàn bộ vũ trụ, nơi không có người loại trừ hay người bị loại trừ, và giữa mọi người chúng ta, chúng ta có thể khuôn đúc một dự án sống viên mãn” (5).

13. Một cái hiểu như vậy về sự sống có đặc trưng ở tính nối kết và hài hòa các mối liên hệ giữa nước, lãnh thổ và thiên nhiên, đời sống cộng đồng và văn hóa, Thiên Chúa và các lực lượng tâm linh khác nhau. “Sống tốt” nghĩa là hiểu được tính trung tâm của đặc tính tương quan - siêu việt của con người nhân bản và của sáng thế, và bao gồm việc “làm tốt” hay các hành động tốt. Các chiều kích vật chất và tinh thần không thể bị ngắt kết. Cách thức toàn diện này tự phát biểu ra trong việc tự tổ chức cách khác biệt, bắt đầu từ gia đình và cộng đồng, và chấp nhận việc sử dụng có trách nhiệm mọi của cải của sáng thế. Một số người nói đến việc bước tới “vùng đất không có sự ác”, hoặc đi tìm “ngọn đồi linh thánh”, những hình ảnh phản ảnh các chuyển dịch cộng đồng và khái niệm hiện hữu của họ.

Sự sống bị đe dọa

14. Nhưng sự sống ở Amazon đang bị đe dọa bởi sự hủy hoại và khai thác môi trường và bởi sự vi phạm có hệ thống các nhân quyền căn bản của người Amazon. Cách riêng, việc vi phạm các quyền của các dân tộc bản địa, như quyền lãnh thổ, quyền tự quyết, quyền phân định lãnh thổ, được tham khảo và đồng ý trước. Theo các cộng đồng tham gia vào việc lắng nghe có tính đồng nghị này, mối đe dọa đối với sự sống xuất phát từ lợi ích kinh tế và chính trị của các nhóm thống trị trong xã hội ngày nay, đặc biệt là các công ty khai khoáng tài nguyên, thường có sự thông đồng hoặc được dung túng bởi chính quyền địa phương và quốc gia cũng như các nhà lãnh đạo bản địa truyền thống. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định, những người theo đuổi những lợi ích như vậy dường như đã bị ngắt kết hoặc thờ ơ trước các tiếng kêu than của người nghèo và của trái đất (x. LS 49, 91).

15. Nhiều cuộc tham khảo được tổ chức khắp Amazon cho thấy các cộng đồng cho rằng sự sống ở Amazon bị đe dọa đặc biệt bởi: (a) kết tội và ám sát các nhà lãnh đạo và người bảo vệ lãnh thổ; (b) chiếm đoạt và tư nhân hóa các của cải tự nhiên, chẳng hạn như nước; (c) cả nhượng bộ khai thác gỗ hợp pháp và khai thác gỗ bất hợp pháp; (d) săn bắn và câu cá có tính trấn lột, chủ yếu ở các dòng sông; (e) các siêu dự án: các nhượng quyền thủy điện và rừng, khai thác gỗ để sản xuất độc canh, xây dựng đường bộ và đường sắt, hoặc các dự án khai thác và dầu khí; (f) ô nhiễm do toàn bộ ngành công nghiệp khai khoáng gây ra, tạo nên nhiều vấn đề và bệnh tật, nhất là nơi trẻ em và thanh thiếu niên; (g) buôn bán ma túy; (h) các vấn đề xã hội do đó mà ra liên quan đến các mối đe dọa như nghiện rượu, bạo lực chống phụ nữ, mại dâm, buôn người, mất văn hóa và bản sắc gốc (ngôn ngữ, các thực hành và phong tục tâm linh), và mọi điều kiện nghèo đói mà người dân Amazon bị kết án (xem Fr.PM).

16. Hiện nay, biến đổi khí hậu và việc gia tăng sự can thiệp của con người (phá rừng, hỏa hoạn và thay đổi sử dụng đất) đang đẩy Amazon đến một điểm không thể quay trở lại, với tỷ lệ mất rừng cao, dân số bị buộc phải di dời và ô nhiễm. Chúng đang đặt các hệ sinh thái của nó vào nguy cơ và gây áp lực lên các nền văn hóa địa phương. Mức 4 độ bách phân của việc nóng lên hoặc 40% nạn phá rừng là “những điểm quá độ” (tipping points) của quần thể sinh vật Amazon theo hướng sa mạc hóa, nghĩa là một quá độ sang trạng thái sinh học mới thường là không thể đảo ngược. Và quả là điều đáng lo ngại khi nạn phá rừng hiện nay đã đạt tới từ 15 đến 20%.

Bảo vệ sự sống, đối đầu với bóc lột

17. Các cộng đồng được tham khảo ý kiến cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự đe dọa đối với sự sống sinh học và sự sống tinh thần, nghĩa là mối đe dọa toàn diện tổng thể. Sự phá hủy nhiều mặt lưu vực sông Amazon tạo ra sự mất cân bằng: mất cân bằng về lãnh thổ địa phương và hoàn cầu, mất cân bằng trong các mùa, mất cân bằng về khí hậu. Một trong những điều bị điều này ảnh hưởng là năng động lực sinh sản và tái sinh động vật và thực vật, gây khốn khổ cho mọi cộng đồng Amazon. Ví dụ, việc phá hủy và ô nhiễm thiên nhiên ảnh hưởng đến sản xuất, tiếp cận và phẩm chất thực phẩm. Vì vậy, việc chăm sóc có trách nhiệm đối với sự sống và “sống tốt” gắn liền với việc khẩn trương đối đầu với các mối đe dọa, xâm lược và thờ ơ trong lĩnh vực này. Việc chăm sóc sự sống trái ngược với nền văn hóa vứt bỏ, với nền văn hóa bóc lột, áp bức và dối trá. Đồng thời, điều này có nghĩa là chống lại viễn kiến vô độ phải gia tăng không giới hạn, thờ ngẫu thần tiền bạc, một thế giới bị cắt rời khỏi cội nguồn và môi trường của nó, một nền văn hóa chết chóc. Nói tóm lại, việc bảo vệ sự sống ngụ ý bảo vệ lãnh thổ và các tài nguyên hoặc của cải tự nhiên của nó; nó cũng ngụ ý bảo vệ sự sống và nền văn hóa của các dân tộc của nó, củng cố các tổ chức của họ, khả năng thực thi đầy đủ các quyền của họ và khả thể được lắng nghe. Theo lời của chính người dân bản địa: “Chúng tôi, người bản địa Guaviare (Colombia), là một phần của thiên nhiên bởi vì chúng tôi là nước, không khí, trái đất và sự sống của môi trường do Thiên Chúa tạo dựng. Do đó, chúng tôi yêu cầu chấm dứt việc ngược đãi và hủy diệt ‘Mẹ Trái đất’. Trái đất có máu và đang chảy máu, các công ty đa quốc gia đã cắt đứt các tĩnh mạch của ‘Mẹ Trái đất’ của chúng tôi. Chúng tôi muốn tiếng khóc bản địa của chúng tôi được cả thế giới lắng nghe” (6).

Khóc cho sự sống

18. Sự xâm lược và các mối đe dọa chống lại sự sống tạo ra các tiếng kêu khóc, cả từ người dân lẫn từ trái đất. Bắt đầu từ tiếng kêu khóc này như một chủ đề thần học (một nguồn cứ liệu [locus] để suy nghĩ về đức tin), người ta có thể khởi xướng các nẻo đường hoán cải, hiệp thông và đối thoại, những nẻo đường của Chúa Thánh Thần, của sự dồi dào và “sống tốt”. Hình ảnh sự sống và “sống tốt” như “cách lên đồi linh thánh”, ngụ ý hiệp thông với những người cùng hành hương và với thiên nhiên nói chung, nghĩa là một con đường hòa nhập với sự dồi dào sự sống, với lịch sử và với tương lai. Những nẻo đường mới này là điều cần thiết vì, từ góc độ mục vụ, khoảng cách địa dư lớn lao và sự đa dạng văn hóa phong phú của Amazon vẫn chưa được đề cập về phương diện mục vụ. Các nẻo đường mới đặt căn bản “trên các mối liên hệ liên văn hóa trong đó, sự đa dạng không có nghĩa đe dọa và không biện minh cho các phẩm trật quyền lực của một số người đối với những người khác, mà là đối thoại từ các viễn kiến văn hóa khác nhau, các cử hành, mối liên hệ qua lại và sự hồi sinh hy vọng” (DAp 97).

Chương II: Lãnh thổ

“Hãy cởi đôi dép của ngươi ra khỏi đôi chân của Ngươi, vì nơi ngươi bước lên là nơi thánh thiêng (Xh 3: 5)

Lãnh thổ, sự sống và mặc khải Thiên Chúa

19. Tại Amazon, sự sống được lồng, liên kết và tích hợp vào lãnh thổ. Không gian vật chất quan yếu và nuôi dưỡng này cung cấp khả thể, duy trì và giới hạn sự sống. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng Amazon - hoặc một lãnh thổ hoặc cộng đồng bản địa khác - không chỉ là một ubi hoặc một nơi (một không gian địa dư), mà còn là một quid hay một điều gì đó, một nơi có ý nghĩa đối với đức tin hoặc kinh nghiệm về Thiên Chúa trong lịch sử. Do đó, lãnh thổ là một cứ liệu thần học nơi đức tin được sống, và cũng là một nguồn mặc khải đặc biệt của Thiên Chúa: những nơi hiển dung (epiphanic) trong đó, dự trữ sự sống và sự khôn ngoan dành cho hành tinh này được biểu lộ, một sự sống và sự khôn ngoan nói về Thiên Chúa. Ở Amazon, “những cái vuốt ve của Thiên Chúa” trở thành hiển hiện và nhập thể vào lịch sử (x. LS 84, “Đất, nước, núi non: mọi thứ đều như thể một sự vuốt ve của Thiên Chúa).

Một lãnh thổ trong đó mọi sự được nối kết

20. Một cái nhìn chiêm niệm, chăm chú và tôn kính vào anh chị em của mình, và cả thiên nhiên nữa - anh cây, chị hoa, chị em chim, anh em cá, và thậm chí cả những chị em nhỏ nhất như kiến, ấu trùng, nấm hoặc côn trùng ( xem LS 233) - cho phép các cộng đồng Amazon khám phá ra mọi sự được nối kết với nhau ra sao, trân qúy từng sinh vật, thấy mầu nhiệm vẻ đẹp của Thiên Chúa được mặc khải trong chúng (xem LS 84, 88) và sống với nhau một cách thân thiện.

21. Không có phần nào của lãnh thổ Amazon có thể tự mình tồn tại. Các bộ phận không những liên hệ với nhau ở bên ngoài, đúng hơn, chúng là các chiều kích từ cơ cấu, vốn hiện hữu trong tương quan, tạo thành một tổng thể quan yếu. Do đó, lãnh thổ Amazon cung cấp một giáo lý quan yếu để ta hiểu một cách toàn diện các tương quan của chúng ta với những người khác, với thiên nhiên và với Thiên Chúa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói (xem LS 66).

Vẻ đẹp và mối đe dọa đối với lãnh thổ

22. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lãnh thổ Amazon, chúng ta khám phá ra một kiệt tác sáng tạo của Thiên Chúa Sự Sống. Các chân trời vô tận với vẻ đẹp vô biên là một bài ca, một bài thánh ca dâng lên Đấng Tạo Hóa. “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Áo Ngài mặc : toàn oai phong lẫm liệt, cẩm bào Ngài khoác : muôn vạn ánh hào quang” (Tv 104 (3): 1-2). Biểu thức muôn mầu của sự sống là một bức tranh ghép của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta một “di sản nhưng không mà chúng ta nhận được để bảo vệ, như một không gian quý giá dành cho cuộc sống chung của con người” và trách nhiệm chung “đối với lợi ích của mọi người” (DAp. 471). Lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Puerto Maldonado để bảo vệ khu vực bị đe dọa này, để bảo tồn và khôi phục nó vì lợi ích của mọi người, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng vào khả năng của mình để xây dựng lợi ích chung và ngôi nhà chung của chúng ta.

23. Ngày nay, Amazon đang bị thương, vẻ đẹp của nó bị biến dạng, một nơi đau đớn và bạo lực, như các báo cáo của các Giáo hội địa phương đã chỉ ra một cách hùng hồn: “Rừng hoang không phải là một tài nguyên để khai thác, nó là một hữu thể hoặc nhiều hữu thể khác nhau để ta có tương quan với” [7]. “Chúng ta bị tổn thương bởi việc hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại rừng nhiệt đới, sự sống, con cái chúng ta và các thế hệ tương lai” [8]. Sự hủy hoại đa dạng sự sống con người và môi trường, các bệnh tật và ô nhiễm sông ngòi và đất đai, đốn và đốt cây, mất đa dạng sinh học một cách ồ ạt, nhiều loài diệt chủng (hơn một triệu trong số tám triệu động vật và thực vật đang gặp nguy cơ) [9], tạo thành một thực tại tàn bạo thách thức mọi người chúng ta.

Bạo lực, hỗn loạn và tham nhũng tràn lan. Lãnh thổ đã trở thành một không gian bất hòa và hủy diệt các dân tộc, văn hóa và các thế hệ. Những người bị buộc phải rời khỏi đất đai của họ thường rơi vào bẫy của mafias, buôn bán ma túy và buôn người (chủ yếu là phụ nữ), lao động trẻ em và mãi dâm trẻ em [10]. Thực tại bi thảm và phức tạp này nằm bên ngoài giới hạn của luật pháp và nhân quyền. Tiếng khóc than đau đớn của Amazon vang vọng lại tiếng khóc than của dân bị làm nô lệ ở Ai Cập, những người không bị Thiên Chúa bỏ rơi: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Aicập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập” (Xh 3: 7-8).

Lãnh thổ của hy vọng và “sống tốt”

24. Amazon là nơi có khả thể “sống tốt”, và hứa hẹn cùng hy vọng có những nẻo đường mới cho sự sống. Sự sống ở Amazon được hòa nhập và hợp nhất với lãnh thổ; không có sự phân tách hoặc phân chia giữa các bộ phận. Sự hợp nhất này bao gồm trọn hiện sinh: việc làm, nghỉ ngơi, các liên hệ nhân bản, các nghi thức và cử hành. Mọi sự đều được chia sẻ; không gian tư riêng, rất đặc trưng của thời hiện đại, là điều tối thiểu. Sự sống diễn tiến trên nẻo đường cộng đồng nơi các nhiệm vụ và trách nhiệm được phân phối và chia sẻ vì lợi ích chung. Không có chỗ cho ý niệm cá nhân tách rời khỏi cộng đồng hoặc lãnh thổ của nó.

25. Cuộc sống của các cộng đồng Amazon chưa bị ảnh hưởng bởi nền văn minh phương Tây được phản ảnh trong các niềm tin và nghi thức liên quan đến các hành động của các thần linh, của 1 thần tính được đằt bằng nhiều tên gọi khác nhau hành động với và trong lãnh thổ, với và trong tương quan với thiên nhiên. Thế giới quan này được nắm bắt trong ‘câu thần chú’ của Đức Phanxicô: “mọi sự được nối kết với nhau” (LS 16, 91, 117, 138, 240).

26. Sự hòa nhập của sáng thế, của sự sống được coi như một tổng thể bao trùm trọn hiện sinh, là nền tảng của nền văn hóa truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ qua việc lắng nghe túi khôn của tổ tiên - một kho dự trữ sống động của nền linh đạo và văn hóa bản địa. Sự khôn ngoan này linh hứng cho việc quan tâm và tôn trọng sáng thế, vì ý thức rõ ràng được các giới hạn của nó và ngăn cấm việc lạm dụng nó. Lạm dụng thiên nhiên là lạm dụng tổ tiên, anh chị em mình, sáng thế và Đấng Tạo hóa. Lạm dụng tất cả những điều này là thế chấp tương lai.

27. Vũ trụ quan của Amazon và thế giới quan Kitô giáo đều đang gặp khủng hoảng do việc áp đặt chủ nghĩa trọng thương, thế tục hóa, nền văn hóa vứt bỏ và việc thờ ngẫu thần tiền bạc (x. EG 54-55). Cuộc khủng hoảng này đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ và bối cảnh đô thị vốn đánh mất gốc rễ vững chắc của truyền thống họ.

Kỳ tới: Phần I, ch. 3&4
 
Giáo Hội Công Giáo tại Venezuela sẽ tiếp tục đứng bên người dân, chủ yếu bên cạnh những người đau khổ nhất.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
21:58 12/07/2019
Đức Cha Jose Luis Azuaje, Tổng Giám mục Maracaibo và Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela, bảo đảm rằng Giáo hội sẽ đứng bên người dân, đặc biệt là với những người đau khổ nhất trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do chế độ của Nicolás Maduro tạo ra.

Trong lời khai mạc của Hội Nghị lần 102 của các Giám Mục Venezuela, vào ngày 7 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Azuaje đã tố cáo rằng việc thiếu các dịch vụ công cộng, bạo lực và sự gia tăng cộng đồng người di cư, trong số các yếu tố khác, đã làm xấu đi đáng kể các điều kiện sống của người Venezuela. Theo ghi chú được gửi đến cơ quan Fides do CEV, Đức Cha Azuaje cũng khuyến khích giữ hy vọng sống động khi đối diện với những khó khăn, đó là lý do "Giáo hội sẽ tiếp tục đứng bên người dân, chủ yếu là bên cạnh những người đau khổ nhất, dễ bị tổn thương nhất".

Hội Nghị Giám Mục, đang được tiến hành từ ngày 7 đến 12 tháng 7, cũng có một công cụ đặc biệt để phân tích tình hình trong nước, đó là báo cáo đầy đủ về Venezuela của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc, được công bố vào ngày 4 tháng 7 và được trình bày với báo chí quốc tế bởi cùng Cao Ủy Michelle Bachelet Torture, thắt chặt các phương tiện truyền thông và kiểm soát xã hội: cơ quan Liên Hiệp Quốc báo cáo chi tiết về các vụ lạm dụng được ghi nhận ở Venezuela. Tài liệu ghi lại cuộc khủng hoảng trong ngành y tế trong nước: bệnh viện thiếu nhân sự, thiếu những nguồn cung cấp, những thuốc men và điện để giữ cho thiết bị hoạt động. Báo cáo trích dẫn cuộc khảo sát bệnh viện quốc gia năm 2019, từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 2 năm 2019, đã có 1.557 trường hợp tử vong tại các bệnh viện do thiếu nguồn cung cấp. Việc vi phạm quyền bản địa không phải là thứ yếu: họ phải chịu sự hiện diện của các phạm nhân và các nhóm vũ trang không tôn trọng phong tục và truyền thống của họ.

Trưa ngày 11 tháng 7, đại diện các Giám Mục Venezuela, Đức Cha Jesús González De Zárate, TGM Cumaná; Đức Cha Jorge Aníbal Quintero, GM Barcelona và Đức Cha José Manuel Romero, GM El Tigre, đã trình bày với báo chí những khuyên nhủ mục vụ, tập hợp những phản ánh của Hội Nghị Toàn Bộ lần 102 của Hội Đồng Giám Mục Venezuela được tổ chức trong những ngày gần đây.

"Có những cơ sở hợp lý để tin rằng đã có những vi phạm nghiêm trọng các quyền kinh tế và xã hội", "Trong hơn một thập kỷ, Venezuela đã áp dụng và thực thi một loạt luật pháp, chính sách và thực hành có giới hạn không gian dân chủ", "Nhà nước đã từ chối một cách có hệ thống các quyền của những nạn nhân về những vi phạm nhân quyền đối với sự thật, công lý và bồi thường ": đây là những lời được bày tỏ bởi Đức Cha González De Zárate, người nhấn mạnh rằng những nhận định này không của các Giám Mục nhưng của Ủy Ban Nhân Quyền cao cấp của Liên Hợp Quốc.

Thông điệp của Hội Đồng Giám Mục Venezuela đề cập đến cộng đồng người Venezuela di cư, nhấn mạnh rằng bây giờ hơn 12% dân số đã di cư. Nếu tình hình kinh tế và xã hội tiếp tục xấu đi, đất nước sẽ mất một phần quan trọng khác trong dân số trong những tháng tới. "Đại đa số cư dân của đất nước bác bỏ tình trạng này vì nó mâu thuẫn với các giá trị dân sự, văn hóa và giá trị tôn giáo đặc trưng cho nhân dân chúng tai", các Giám mục viết. "Người Venezuela tiếp tục đặt cược vào sự chung sống dân sự đa nguyên và hòa bình trong công lý, tự do và đoàn kết, như được thiết lập bởi hiến pháp".

Các Giám mục Venezuela nhắc lại rằng "các chế độ chính trị, ý thức hệ, tổ chức hoặc thể chế phải phục vụ các nguyên tắc cơ bản. Điều này đòi hỏi đề xướng quyết định , bảo vệ nhân quyền, tố cáo vĩnh viễn các hành vi lạm dụng và những vi phạm các quyền này, kể từ thời điểm tất cả các hành vi lạm dụng phẩm giá này là lạm dụng đối với chính Thiên Chúa (...). Đổi mới đạo đức và tinh thần của đất nước là nhiệm vụ của mọi người "

Do đó, các hành động được thực hiện để giải quyết các sự kiện ảnh hưởng đến đất nước được nhấn mạnh, bởi vì "trước thực tế của một chính phủ bất hợp pháp và thất bại, Venezuela đã kêu gọi thay đổi hướng đi, trở lại hiến pháp". "Sự thay đổi này đòi hỏi sự ra đi của những người thực thi quyền lực một cách bất hợp pháp và tổ chức bầu cử một Tổng Thống mới của Cộng Hòa, càng sớm càng tốt” Đây là lý do tại sao chúng ta cần "một hội đồng bầu cử quốc gia vô tư mới, cập nhật sổ đăng ký bầu cử, bỏ phiếu của dân Venezuela ở nước ngoài và sự giám sát của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) "Liên minh châu Âu, trong số những người khác; và cũng là sự kết thúc của quốc hội "

Liên quan đến tình trạng khẩn cấp nhân đạo, "việc cấp phép, phân phối thực phẩm và viện trợ y tế là rất cấp bách”. Giáo Hội Công Giáo cam kết cung cấp hỗ trợ để tiếp nhận và phân phối nguồn cung cấp, thông qua mạng lưới các tổ chức của mình, như Caritas. Lời cuối cùng của các Giám mục là cảm ơn các nước láng giềng đã chào đón những anh em di cư từ Venezuela.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Top Stories
Easter massacres inquiry: ''No'' to murder charge for two senior officials
Asia News
02:02 12/07/2019
Colombo (AsiaNews / Agencies) - A court in Sri Lanka yesterday rejected a request for indictment for murder against two senior officials of the state arrested last week. Police chief Pujith Jayasundara and the former secretary of Defense Hemasiri Fernando, the first two names that emerged in the parliamentary inquiry that investigates the Easter massacres.

On 2 July, the police chief and former defense secretary were arrested for negligence: the prosecution considers them guilty of doing nothing to prevent the massacres carried out by Islamic terrorists on 21 April. Those massacres caused the death of 258 people and the wounding of another 500. At the moment both defendants are in hospital for health reasons, and they did not attend the court hearing.

Dappula de Livera, state prosecutor, had requested that they be indicted for murder, because their attitude was tantamount to having carried out "serious crimes against humanity". Instead the Colombo Lanka magistrate Jayaratne claims that there is not enough evidence to accuse them of such a serious crime. For their part, the two senior officials claim to have alerted the president's office; however, Maithripala Sirisena would never have "taken the threats seriously".

After the massacres in the three churches and three luxury hotels of Colombo, it was discovered that the Indian secret services had issued three terrorism alerts in April, the last two hours before the massacres. All warnings were ignored by the authorities in Colombo and even President Sirisena, considered the real person responsible for the government inactivity, was forced to admit to having been "kept in the dark" of the information sent to the competent offices


Source:Asia News
 
Benedictine monks with former drug addicts in the Huong Thien Rehabilitation Center
Églises d'Asie
11:39 12/07/2019
The Catholic Rehabilitation Center of Huong Thien was founded by Father Francis Xavier Tran An, Benedictine, in 2012. In seven years, the center, located near the Marian Marian Shrine of Our Lady of La Vang (near Hue in central Vietnam), accompanied nearly four hundred former drug addicts. Today, 44 residents live there in community, hoping to find a stable job when they leave. The center offers former addicts accommodation, vocational training, care as well as spiritual and psychological support. Residents testify to the radically different fate reserved for residents of the official centers of the state, and emphasize their gratitude to Father An.

Joseph Le Dinh Luu, whose left arm is covered with tattoos, prepares rice, fish, soup and vegetables for drug addicts at a church-run rehabilitation center. "Today is my turn to cook, I try to prepare something good for the residents; I love them as my own family, " says Joseph Luu, himself a former drug addict, while wiping the sweat from his face as he hastened to finish the preparations before joining the chapel in the center for the service before the meal. "Here I learn to cook and I garden from time to time. I also participate in the breeding of poultry and fish farming, "he adds."I am also very interested in organizing activities, and I spend a lot of time praying to God and the Virgin Mary. "Originally from Nghe An province in northern Vietnam, he claims he has become a new man since he was released from drug addiction, by joining the Huong Thien Rehabilitation Center (Towards Well) last December, in the province of Quang Tri. In his forties, he started using methamphetamine in 2005, which friends had given him to treat his flu. He became dependent and eventually sold his family's property to buy illegal drugs. His family sent him to public rehabilitation centers five times, but he escaped each time before falling back into drugs. He explains that in state-owned official rehabilitation centers, drug addicts are treated as prisoners;

In August 2018, the national daily VnExpress reported that residents of one of these centers, in Tien Giang province in southern Vietnam, violently attacked staff members and fled. According to a former drug addict who went through these centers, detainees can be severely punished at the slightest distance, including beaten, forced to remain on their knees for hours or forced labor. According to official statistics, Vietnam has more than 220,000 drug addicts, nearly a third of whom are detained in rehabilitation camps or in prison. Between January and May 2019, the police encountered 10,000 drug cases, seized 301 kilograms of heroin, 440,000 synthetic drug pills and 260 kilograms of marijuana. Almost 12,000 people were arrested during this period. Today, Joseph Luu, who looks older than he is, feels at peace and security at the Catholic center. He goes to Mass every day, plays sports, cooks, manufactures rosaries and furniture, and participates in the maintenance of the center."We take care of each other like brothers, and there are no drugs here," he says. He adds that the center is very different from the official rehabilitation centers, because here there are no guards, and the doors are generally open. "We are trusted, we are loved and respected, and we are responsible for our daily work," he says, emphasizing the contrast with the harsh conditions of government institutions. Benedictine father Francis Xavier Tran An, 47, founded the center in 2012, next to the national shrine of Our Lady of La Vang. The center offers physical and psychological care, as well as housing and vocational training, to 44 former drug addicts in the center, including Joseph Luu.

4,000 drug users welcomed in seven years

Father An, himself a former drug addict before joining the Benedictine order, confesses that life at the Catholic center is similar to what one can experience during long retreats, allowing residents to get closer to God who heals them. The priest, who lives in the center 24 hours a day, explains that addicts need to break out of isolation and find a healthy environment where they can find love and respect. This involves thinking about their own history, seeking divine mercy and reintegrating their communities. "Former drug addicts must be ready to live a community life, to respect our rules and to accept to have neither pocket money nor mobile phones",explains the Benedictine monk, who adds that they are asked not to leave the center without his permission, to swear, to drink alcohol, to steal or to create tension in the center. The priest, who offers them a spiritual accompaniment, specifies that they are offered to participate in visits to religious sites and tourist circuits, in order to give them the opportunity to mingle with the life of society.

In the past seven years, the center has treated nearly 400 drug users for periods of four to eight months. Many got out, got married and got stable jobs. Ten of them even joined a Benedictine monastery located in the city of Hue, in the center of the country. Father An confides that the center is sponsored by benefactors such as businessmen, pilgrims and families of former drug addicts. Truong Dinh Be, 26, was released from drugs in 2017 after spending five months in the center; he ensures that all residents live in peace, like brothers. "I am deeply grateful to Father An, who taught me to behave with dignity and avoid harm,"testifies Truong Dinh Be, who works in a parking lot for two wheels of Hue. Truong Be spent several years in jail and in state rehabilitation centers, where he explains that residents were beaten, insulted and treated as prisoners. For his part, Luu looks to a better future. "I will go back to my family in August," he says with a smile, while washing vegetables at the center. "I plan to raise chickens and plant fruit trees on a 5000 square meter land," he adds.

(Source: Églises d'Asie - le 12/07/2019, With Ucanews, La Vang)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh nước trong thiên nhiên
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:40 12/07/2019
Bài tường thuật về công cuộc sáng tạo thiên nhiên trong Kinh thánh ( Sách Sáng thế 1, 1-31) nói đến nước đã có sẵn ngay từ lúc khởi đầu làm nền tảng cho công trình sáng tạo sự sống. Và vào ngày sáng tạo thứ năm các giống loại thú vật cá lớn bé sống dưới nước được tạo dựng.

Từ nền tảng căn bản đất, nước, không khí, ánh sáng mặt trời, sự sống các loại giống cây cỏ, thú vật và con người được phát triển gìn giữ và tiếp tục lan truyền nối tiếp.

Xưa nay trong dòng lịch sử đời sống, nước và sự sống gắn liền với nhau nơi cây cỏ thảo mộc, nơi thú động vật cùng nơi con người. Nước là yếu tố tối cần thiết cho sự sống.

Trong nền văn hóa nhân loại Nước là hình ảnh biểu tượng của sự sống và sự đổi mới lại.Văn hào Antoine de Saint -Exupery đã có suy tư „ nước là sự sống.“

Nước trong nhiều tôn giáo được biểu hiệu là sự thánh thiêng, qùa tặng châu báu Trời cao tạo dựng cho công trình vũ trụ thiên nhiên.

Nước thiên nhiên là chất lỏng chảy trôi, mùi vị tươi mát, không chỉ mang đến sức sống ,sự phát triển sinh sản, mà còn trong tương quan nối liền với khởi đầu của vũ trụ.

Trong thần thoại Bhavishyotara-purana bên Ấn Độ, nước được diễn tả như là nguồn gốc của toàn thể sự sống.

Theo thần thoại Enuma-Elisch bên Babylon, trái đất nảy sinh từ nước.

Nhiều thần thoại và nhiều tương truyền khác cho rằng hoặc là con người nói chung, hay dân tộc nào đó có nguồn gốc phát sinh từ nước.

Nước không chỉ mang lại sức sống cho sự sống con người, nhưng còn là biểu tượng hình ảnh cho sự sống tinh thần nữa.

Xưa nay trong dân gian có tin tưởng, sau mùa nắng khô cạn có cơn mưa từ trời cao đổ nước xuống mang lại sức sống sự tươi mát cho vạn vật bừng lên sống lại, đó là chúc lành của Thiên Chúa trời cao ban cho.

Lời Chúa được biểu hiệu diễn tả là nguồn nước cho sự sống tâm hồn con người. ( Tv 42,2).

Ngôn sứ Ezekiel được Giavê Thiên Chúa mặc khải cho nhìn thấy nước từ dưới lòng đất nơi cửa đền thờ vọt chảy ra, và chỉ cho biết nước mang lại sự sống, sự chữa lành, sự vui mừng:

„ Người ấy bảo tôi: "Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành.9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.“ ( Ezechiel 47,1-10).

Trong phụng vụ đức tin Công Giáo, nước thiên nhiên được dùng trong Bí tích rửa tội, gia nhập Hội Thánh Công Giáo, nói lên hình ảnh biểu tượng sự sống tinh thần liên kết với Chúa Giesu, Đấng là nguồn ơn cứu chuộc cho con người.

Nước không có hình hài. Nhưng nước là „ người“ ban tặng sức sống cho mọi loài trong thiên nhiên. Nhờ qùa tặng của nước sự sống được gìn giữ, nẩy nở phát triển.

Nước từ trời cao rơi xuống, khi trời mưa. Nước chảy vọt lên từ nguồn dưới lòng đất. Đó là điều bí ẩn nhiệm mầu.

Nước mềm cùng trơn trượt chẩy loang lao đi. Nên không có gì có thể cản đường đi của nước được. Dòng chảy của nước tạo ra sức mạnh uy dũng làm phá hủy tan vỡ cuốn trôi soi mòn vật rào cản chắn đường đi của nước, dù là phiến tảng đá to lớn. Nhưng không nảy sinh tranh cãi phản đối.

Nước luôn có vị thế mở rộng cùng quảng đại, không phân biệt các công trình trong thiên nhiên, dù là tốt hay không tốt, lành hay dữ. Khắp mọi nơi, mọi giống loại cây cối, thú động vật và con người đều được dùng nước cho nhu cầu sự sống phát triển của mình.

Nước chịu đựng thu nhận tất cả, trong lành nơi dòng suối, nơi ghềnh thác vùng đồi núi có nhiều vật thể dơ bẩn, hay nơi dòng sông vũng ao hồ có nhiều rác chất thải từ nhà máy sản xuất, nhà vệ sinh, nhà bếp, cặn bã đất cát bùn…Không một lời phản đối, nước chảy cuốn trôi tất cả ra biển, để những chất độc hại được khử trừ tẩy độc.

Nước có khả năng tự làm mới lại chính mình, và khả năng làm mới lại cho môi trường sinh thái.

Nước chảy không ngừng, nhiều khi nước phải chẩy đi sang qua đường vòng quanh, hay bị chắn cản khựng lại. Nhưng nước không bao giờ lạc xa quên mất đích điểm đi tới: chẩy ra ngoài đại dương biển cả.

Nước chẩy xuôi ra ngoài đại dương biển cả, biết đâu có thể nước đã có lần hỏi đại dương: „ Chào bạn Đại dương , bạn có tiếp nhận tôi không? Vì trên đường đến được với bạn, tôi đã tiêu hao mất đi rất nhiều sự trong mát, sạch sẽ cùng sự nhanh lẹ, nhất là chất dưỡng khí mang lại sức sống. Thay vào đó tôi lại kéo mang theo những rác rưởi, sự vẩn đục, chất bã thải có thể cả độc haị nữa vào nhà Bạn.“

Và Đại Dương trả lời: „ Này Bạn Nước, Bạn nhớ lại xem dọc đường đi ra tới nơi đại dương biển cả bao la, bạn đã trao tặng con người, thú vật, cây cỏ rất nhiều rồi. Như vậy, những gì bạn đã trao tặng cho đi, đã mất, Bạn sẽ nhận được trở lại tương xứng. Bạn không mất thua thiệt đâu, nhưng Bạn chiến thắng đó. Bạn hãy đến đây, tôi hằng chờ đợi Bạn.“.

Mùa Hè 2019

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Nước
Đinh Văn Tiến Hùng
16:26 12/07/2019
NƯỚC

*Nước Trần Thế.

Tổ Quốc Việt Nam thân yêu hùng vĩ đẹp tươi nằm lung linh soi bóng trong lòng biển xanh mênh mang, và những dòng sông chằng chịt quấn quit nối tiếp tâm tình con dân khắp 3 miền Bắc Trung Nam. Nên Tổ Quốc ta được gọi là Giang Sơn- Đất Nước- Núi Sông- Nước Non- Nước Nhà và cũng từ đó phát sinh trong dân gian nhiều câu ca dao tục ngữ dạy bài học làm người mang tên NƯỚC như:

- Đời cha ăn mặn, đời con khát nước- Đục Nước béo cò- Nước đổ lá khoai- Nước chảy đá mòn-

- Một giọt máu đào, hơn ao nước lã- - Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây-

- Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

- Đặc biệt bài đồng dao về ‘Con cò và Nước’ sau đây nghe đơn sơ nhưng thật sâu sắc cả về nghĩa đen và nghĩa bóng:

- Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,

Ông ơi ! Ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào, ông phải xào măng,

Có xáo thì xáo Nước Trong,

Đừng xáo Nước Đục đau lòng cò con !

Nói đến Nước ai mà chẳng biết, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ta đã được học: Nước tối cần thiết cho cuộc sống con người và muông thú cỏ cây. Nước là một hợp chất hóa học gồm Oxy và Hydro

(H2O)- Diện tích trái đất bao bọc 70% là nước, nhưng chỉ có 3% nguồn nước được khai thác trong sạch để uống. Nước là một trong những yếu tố tối cần thiết cho đời sống trong thực phẩm, y tế, công nghệ,

nông nghiệp, khoa học…mà trong triết học Đông phương cũng xác nhận nước là 1 trong 5 yếu tố cấu tạo quả đất qua thuyết ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Nước chiếm 80% trọng lượng cơ thể chúng ta, vì thế để bảo đảm sức khỏe mỗi ngày ta cần dùng đến 2 lít nước. Ta có thể nhịn ăn tối đa 3 tuần, nhưng nhịn uống chỉ 1 tuần là cùng.

Chính vì thế, ta có bổn phận phải bảo vệ nguồn nước được tinh khiết trong sạch cho chính mình và mọi

người. Phá hủy nguồn nước sạch là phá hủy sự sống là một trọng tội như Trung cộng xây đắp đập đầu nguồn sông Mê-Kông hay Formosa và các nhà máy công nghệ xả chất độc làm cá chết tràn bờ, hủy hoại nguồn sống ngư dân và nhiều nơi thải cả trăm nghìn tấn rác ra biển làm hại môi trường sinh thái… Hiện nay trên thế giới có hàng tỉ người thiếu nước trong sạch trong sinh hoạt đời sống. Dân số càng tăng

sự khủng hoảng về thiếu nước sạch càng trầm trọng, điển hình như Ấn Độ hiện nay, vì thế đòi hỏi như một thứ nhân quyền: Quyền Về Nước ( Water Rights ).

+ Palestina có 2 biển hồ, nhưng 2 biển hồ này hoàn toàn trái ngược nhau.

Một biển hồ được gọi là biển hồ Galilea. Đây là biển hồ với nước trong xanh, người ta có thể uống và cá có thể sống. Chung quanh hồ là những vườn cây, thảm cỏ xanh tươi và dân cư đông đúc. Nơi đây Chúa Giêsu đã gặp các tông đồ tiên khởi của Ngài và Chúa đã chịu Phép Rửa bởi Gioan Tiền Hô trên dòng sông Jordan.

Biển hồ thứ hai là Palestina cũng gọi là Biển Chết, vì không có sự sống trong và chung quanh hồ. Nước màu đen hôi thối và nếu uống phải sẽ mắc bệnh, nên không có cá, cỏ cây hẻo tàn và không có người sống chung quanh.

Nhưng có một điều lạ là cả hai hồ đều nhận cùng một nguồn nước từ sông Jordan chảy vào.

Nước sông Jordan chảy vào hồ Galilea, rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông rạch bao quanh, nhờ đó nước luôn trong sạch, mang sức sống cho tôm cá, cây cối và con người.

Nhưng Biển Chết cũng nhận nguồn nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ nước lại cho mình, nên trở thành mặn chát và hôi thối.

Những khách hành hương đến vùng Thánh Địa được chứng kiến sự khác biệt giữa 2 biển hồ này đã nhận thức ra một bài học thật giá trị như lời Chúa dạy: ‘Cho đi thì có phúc hơn là giữ lại và càng trao ban ta càng lãnh nhận lại nhiều hơn.’

*Nước Trường Sinh.

Nước trần thế ta còn cố gắng giữ gìn cho trong sạch để bảo đảm sức khỏe cho thân xác mình và chia sẻ cho mọi người. Nhưng có một nguồn nước cần thiết hơn để rửa sạch tội lỗi và tăng sức mạnh cho tâm hồn đó là ‘ Nước Trường Sinh ‘.

-Từ nguyên thủy Thiên Chúa tạo thành trời đất. Đất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vũ trụ và Thần Trí Thiên Chúa bay rà trên mặt nước. ( St.1: 1 & 2 )

Đó là nguồn nước nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ban cho con người để nuôi dưỡng cả thân xác và tâm hồn, nhưng Adam- Eva đã phá hủy hồng ân này.

- Con cái loài người càng ngày càng trở nên sa đọa. Họ quên Chúa mà đi thờ các thần tượng, Chúa quyết định sứa phạt loài người bằng một trận lụt. Nhưng Chúa cứu gia đình ông Noe vì chỉ có gia đình ông là công chính, trung thành với Chúa. Chúa nói với ông: Giờ khánh tận của mọi xác phàm đã đến. Ta đã quyết định vì đất đã đầy những ác độc. Vậy Ta sẽ hủy diệt chúng khỏi cõi đất. Người hãy làm lấy một con tàu bằng gỗ…Ta sẽ cho lụt lớn tràn ngập trái đất để hủy hoại mọi xác thịt có sinh khí dưới vòm trời. Nhưng với ngươi Ta sẽ lập giao ước và ngươi sẽ vào tàu với vợ con cùng súc vật mỗi loài một cặp.

Thế rồi mưa đã tầm tã đổ xuống suốt 40 đêm ngày, khiến ngập lụt cả những ngọn núi cao. Người và vật đều chết hết. Chỉ có gia đình ông Noe và những súc vật trong tàu được an toàn… ( Kn.6: 13- 19 )

-Thiên Chúa phán bảo Mai-Sen rằng: ‘ Ngươi hãy giơ tay trên biển, nước sẽ đổ lấp người Ai-Cập, binh xa và kỵ binh’. Ông liền giơ tay trên biển, nước trở lại chôn vùi tất cả quân Ai- Cập xuống lòng biển, còn dân

Israel đi giữa biển như đi trên đất cạn…( Xh.14: 26- 29 )

Đó là Thiên Chúa đã dùng nước trần thế để trừng phạt sự sa đọa và cao ngạo của con người.

-Lời ca tụng tạ ơn Thiên Chúa trong sách tiên tri Ê-Sai: Vậy các ngươi hãy vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu rỗi và trong những ngày đó các ngươi sẽ nói rằng: Hãy cảm tạ Thiên Chúa ! Hãy kêu cầu danh Ngài và rao giảng mọi việc của Ngài trong các dân tộc’ ( Ê-sai.12: 2 )

- Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các người quả tim mới. ( Ed.36 )

- Như nai rừng khát mong nguồn nước. Hồn con khát Chúa, Chúa Trời ơi ! ( TV.41 )

-Thánh Kinh là sách kim chỉ nam dạy ta đường sống để tìm về Nước Trời và đặc biệt từng dòng trong Tân ước cho ta thấy cuộc đời Chúa Giêsu từ lúc sinh ra cho đến khi chết trên Thập giá là con đường dẫn lối cho ta tìm về Nước Trời:

- Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong bóng tối tử thần nay được sáng bừng lên trong chói lọi. từ lúc đó Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: ‘ Anh em hãy xám hối ! Vì Nước Trời đã đến gần ! ‘ ( Mt.4: 16-17 )

- Trước hết, hãy tìm Nước Trời và đức công chính của Chúa,còn mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho ( Mt.6:33 )

-Nước Trời không thể thấy nhãn tiền. Người ta không thể nói ở đây hay ở kia, vì Nước Trời đang ở giữa các ông. ( Lc.17: 19- 20 )

- Vì Nước Thiên Chúa không phải chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và niềm vui siêu việt trong Đức Thánh Linh. ( Rm.14: 17 )

- Người lớn nhất trong Nước Trời là người biết hạ mình xuống như trẻ thơ. ( Mt.18: 1- 4 )

- Con đường vào Nước Trời phải qua cánh cửa hẹp. ( Lc.13: 24 )

-Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời. ( Mt.19: 23-24 )

-Khi ấy chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng dược vào Nước Trời đâu.” ( Mt.5: 20- 26 )

-Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta đến không phải để bãi bỏ mà để làm trọn.

- Quả thật, Ta bảo các ngươi trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phẩy sẽ không qua khỏi lề luật, trước khi mọi sự mọi sự thực đã xảy ra. Vậy kẻ nào phạm đến một trong những điều răn nhỏ mọn nhất và dạy người ta như vậy, thì sẽ bị kể là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời, còn kẻ nào làm và dạy, thì sẽ được tôn làm lớn trong Nước Trời. ( Mt.5: 17- 19 )

- Dân ngong ngóng trong lòng và suy tính về Gioan Tẩy Giả chính ông có phải là Đức Kitô chăng ?

Nên Gioan đáp lại với mọi người rằng: ‘ Phần ta, ta thanh tẩy các ngươi bằng nước, nhưng Đấng sẽ đến Ngài quyền thế hơn ta, ta không xứng đáng cởi quai giầy Ngài ! Ngài sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh Thần và lửa…’ ( Lc.2: 15 )

-Chúa Giêsu xác nhận khi bị giao nộp trước mặt Philatô: ‘ Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái.’ ( Gioan.19: 36 )

Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng không hề vương mắc tội lỗi nào đã chịu phép rửa bới Gioan để nêu gương cho mọi người hãy nhận lãnh Bí tích Rửa Tội để linh hồn trở nên trong sạch.

Gương sáng của Chúa Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha và khi ấy Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống trên Ngài và cửa trời mở ra có tiếng phán rằng:

‘Này là Con chí ái Ta yêu dấu ! Kẻ Ta sủng ái ! ‘

-Đấng ngự trên ngai đã phán: ‘Này ta làm mới lại mọi sự’. Rồi Người lại phán: ‘Viết đi ! Đó là những lời chí thánh và chân thật. Người lại phán cùng tôi: ‘Đã thành sự thật ! Ta là Alpha và Ômêga, là khởi nguyên và là cùng tận. Chính Ta, Ta sẽ ban cho kẻ khát uống nơi Mạch Nước nhưng không.’

Đó là đoạn miêu tả về Nước Trường Sinh trong Sách Khải Huyền ( Kh.21: 5 )

-Năm xưa trông thấy đám đông dân chúng Chúa đầy lòng thương xót họ và Ngài đi cùng với các môn đồ

lên núi phán dạy Tám Mối Phúc Thật- Hiến Chương Nước Trời- chính là chìa khóa mở cửa Hằng Sống nếu ta tuân hành lời Ngài dạy bảo:

- Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì Nước Trời là của họ.

- Phúc cho những người hiền lành, vì họ sẽ đước Đất làm cơ nghiệp.

- Phúc cho những kẻ ưu phiền, vì họ sẽ được an ủi.

- Phúc cho những kẻ đói khát vì công chính, vì họ sẽ được no đầy.

- Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương.

- Phúc cho những kẻ tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa.

- Phúc cho những kẻ bị bắt vì công lý, vì Nước Trời là của họ.

- Phúc cho các ngươi khi người ta sỉ mạ các ngươi và bắt bớ, nói xấu về các ngươi vì Ta.

Hãy vui sướng và hân hoan vì phần thưởng các ngươi thật lớn ở Trên Trời, vì cũng như thế, chúng đã bắt bớ các tiên tri, tiền bối của các ngươi. ( Mt.5: 1- 12 )

+ Lời nguyện:

Lạy Chúa ! Con biết Chúa đặt mỗi người chúng con trong hoàn cảnh khác nhau, vói sứ vụ khác nhau để xây dựng và mở Nước Trời nơi nước trần thế. Xin Chua ban sức mạnh và hướng dẫn chúng con để chu toàn sứ mệnh Chúa trao phó.

Lạy Chúa Giêsu ! Nhờ Chúa sinh xuống làm người và rao giảng Tin Mừng mà chúng con biết Thiên Chúa hằng mong đợi chúng con về chung hưởng hạnh phúc trên Nước Hằng Sống.

Lạy Chúa ! Xin cho con biết phân biệt giá trị đích thực giữa Nước Trần Thế và Nước Hằng Sống !

Xin cho con biết tuân giữ Tám Mối Phúc Thật Chúa đã truyền dạy để xứng đáng được hưởng Nhan Thánh Chúa trên chốn Trường Sinh.

Xin cho con nhận biết cùng đích của đời sống con người, chính là hạnh phúc trên Thiên Đàng-

Lạy Chúa ! Xin cho con luôn giữ đúng lời đã tuyên xưng về Nước Trời trong kinh Tin Kính:

‘Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và Sự Sống Đời Sau…’

*Và chính Chúa đã truyền dạy chúng con hàng ngày phải cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha để tôn vinh Thiên Chúa trên Trời và được hưởng ơn cứu chuộc xứng đáng lãnh nhận hồng phúc Trường Sinh:

“ Lạy Cha chúng con ở Trên Trời ! Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời vậy.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ - Amen. “

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
VietCatholic TV
Bác sĩ xác nhận đã chết, 27 phút sau tỉnh dậy tuyên bố Thiên Đàng có thật, rồi thiếp đi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:26 12/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Từ hôm 4 tháng Bẩy vừa qua cho đến nay, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trên các mạng xã hội và cả trên phương tiện truyền thông chính mạch liên quan đến câu chuyện một người phụ nữ được các bác sĩ ghi nhận là đã “chết” trong 27 phút đột nhiên sống lại và tuyên bố thiên đàng là có thật.

Tháng Hai, năm ngoái 2018, bà Tina Hines, cư trú tại Phoenix, Arizona đang tập thể dục với chồng bà là ông Brian Hines thì bị đột quỵ. Bà được đưa đến bệnh viện Phoenix.

Nhân viên cứu cấp cho truyền hình Arizona Family News biết anh đã kích điện cho bà Tina 3 lần tại hiện trường và 2 lần nữa trên đường đến bệnh viện, để giữ mạng sống cho bà. “Tôi chưa bao giờ kích điện cho ai đến 5 lần như vậy mà người ấy vẫn còn sống. Thông thường, chỉ đến lần thứ 3 là chúng tôi bó tay.”

Người chồng Brian Hines thì nói: “Gương mặt Tina tím ngắt và không có chút cử động hay hơi thở nào.”

Sau những cố gắng không thành công, các bác sĩ tuyên bố Tina đã qua đời.

Brian Hines cho biết thêm: “Lúc ấy, mắt vợ tôi không nhắm lại nhưng trợn ngược lên trên trong một vẻ bàng hoàng.”

Sau 27 phút từ khi các bác sĩ tuyên bố Tina đã chết, mạch tim của cô lại đập trở lại. Việc đầu tiên sau khi tỉnh lại là cô xin một cây viết và một mảnh giấy và viết nghuệch ngoạc những chữ này: “It’s real” như quý vị và anh chị em đang xem thấy. Rồi cô thiếp đi.

Sau khi tỉnh hẳn, Tina cho biết “It’s real” nghĩa là “Thiên đàng là có thật”. Cô chỉ lên trời trong khi những giọt lệ lăn dài trên má. Cô muốn chia sẻ với mọi người thông điệp này vì e rằng mình sẽ qua đời ngay sau đó.

“Thiên đàng rất thật, màu sắc rất rực rỡ”, Tina nói.

Sau kinh nghiệm cận kề cái chết này, cuộc sống của Tina thay đổi hoàn toàn. Cô dành nhiều thời gian để cầu nguyện và tham dự các thánh lễ.

Madie Johnson, là cháu gái của cô Tina đã đưa câu chuyện này lên Instagram vào tháng trước để chia sẻ những bức ảnh về hình xăm mới của cô, mô phỏng theo những chữ nghuệch ngoạc của dì cô.

Cô nói rằng cô muốn nhắc nhở chính mình rằng “Thiên đàng là có thật”, và cô không thể không chia sẻ câu chuyện của dì cô với mọi người.

Nghệ sĩ xăm của Madie Johnson, là cô Suede Silver, đã lên Facebook để chia sẻ những bức ảnh về hình xăm này cùng với câu chuyện đằng sau nó. Chỉ trong ngày đầu tin này đã được chia sẻ hơn 237, 000 lần và thu được 38,000 bình luận, một số từ những người đã trải qua một thị kiến tương tự sau những kinh nghiệm cận kề cái chết.

Tuy nhiên, cũng có những người không tin. Tiến sĩ Jimo Borjigin cho rằng những “thị kiến cận tử”, tức là những hình ảnh người hấp hối thấy được, là hậu quả của việc não hoạt động mạnh hơn mức bình thường. Ông nói: “Rất nhiều người nghĩ rằng não, sau khi chết lâm sàng, không hoạt động nữa, hay ít hoạt động hơn trạng thái tỉnh táo bình thường, nhưng chúng tôi không nghĩ như thế. Nó hoạt động mạnh hơn nhiều trong quá trình hấp hối hơn cả trạng thái tỉnh táo.”


Source:The Sun