Ngày 12-07-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ Phúc Âm Hoá tại Bicentennial Park
VietCatholic Network
02:06 12/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8:27 giờ sáng thứ Ba 7 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu ngày thứ ba cuộc viếng thăm Mỹ Châu La Tinh của ngài bằng cách gặp gỡ các Giám Mục nước này tại Thủ Đô Quito trước khi cử hành Thánh Lễ tại Bicentennial Park, trước đây vốn là phi trường cũ của Thành Phố.

Trong bài giảng nhân “Thánh Lễ Cầu Cho Việc Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc”, Đức Thánh Cha đã nói về chủ đề hợp nhất và độc lập, ngài muốn kết hợp hai chủ đề này với nhau “dưới thách thức phúc âm hóa tươi đẹp”. Ngài nói thêm: “chúng ta phúc âm hóa không bằng những lời nói lớn lao hay các quan niệm phức tạp, nhưng bằng ‘niềm vui Tin Mừng’”. Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến

Lời Thiên Chúa mời gọi ta sống hợp nhất để thế gian tin.

Tôi nghĩ về những lời âm thầm của Chúa Giêsu nói trong bữa Tiệc Ly đúng hơn như là lời hô, tiếng gào nổi lên từ Thánh Lễ mà chúng ta đang cử hành tại Bicentennial Park này. Đệ nhị bách chu niên mà công viên này tưởng niệm là đệ nhị bách chu niên tiếng gào của Mỹ Châu La Tinh đòi độc lập. Nó là tiếng gào đã nổi lên từ ý thức thiếu tự do, bị bóc lột và cưỡng đoạt, bị “lệ thuộc những ý thích nhất thời của các quyền lực đương thịnh” (Niềm Vui Tin Mừng, 213).

Tôi muốn thấy hai tiếng gào đó hợp lại với nhau, dưới thách thức phúc âm hóa đầy tươi đẹp. Chúng ta phúc âm hóa không bằng các lời lẽ đao to búa lớn hay những quan niệm phức tạp, mà bằng “niềm vui Tin Mừng”, là niềm vui “tràn ngập cõi lòng và đời sống của tất cả những ai biết gặp gỡ Chúa Giêsu. Vì những người biết chấp nhận ơn cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống vắng và cô đơn nội tâm” (Đã dẫn, 1). Chúng ta, những người đang tụ họp ở đây, cùng bàn với Chúa Giêsu, chính chúng ta cũng là một tiếng gào, một lời hô phát sinh từ xác tín rằng sự hiện diện của Người dẫn chúng ta tới hợp nhất, “hướng tới chân trời tươi đẹp và mời gọi người khác dự bàn tiệc mỹ vị” (Đã dẫn, 15).

“Lạy Cha, xin cho chúng nên một… để thế gian tin”. Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi Người ngước mắt lên trời. Lời cầu xin này phát sinh trong bối cảnh truyền giáo: “Như Cha đã sai con vào thế gian, con cũng sai chúng đi vào thế gian”. Lúc đó, Chúa đang cảm nghiệm ngay trong thân xác Người những điều tệ hại nhất của thế gian, một thế gian mà tuy vậy, Người vẫn yêu tha thiết. Biết rất rõ những mưu mô của nó, những giả trá của nó và những phản bội của nó, Người vẫn không quay lưng, Người cũng không than vãn. Chúng ta cũng thế, hàng ngày, chúng ta cũng gặp một thế giới tan nát bởi chiến tranh và bạo lực. Điều dễ dãi là nghĩ rằng chia rẽ và hận thù chỉ liên quan tới cuộc đấu tranh giữa các nước hay các nhóm trong xã hội. Đúng hơn, chúng là biểu hiện của “chủ nghĩa duy cá nhân rất phổ biến” đang chia rẽ chúng ta và khiến chúng ta kình chống nhau (xem Niềm Vui Tin Mừng, 99), của di sản tội lỗi đang lấp ló trong lòng con người, một điều đang gây ra biết bao đau khổ trong xã hội và khắp cùng tạo thế. Nhưng chính thế giới đảo điên này mới là thế giới Chúa Giêsu sai chúng ta đi. Ta không được đáp ứng bằng thái độ hờ hững hay than vãn rằng ta không đủ tài nguyên để thực hiện công việc, hay tại các vấn nạn quá lớn. Thay vào đó, ta phải đáp ứng bằng cách tiếp nhận lời hô của Chúa Giêsu và chấp nhận ơn thánh và thách đố trở thành những người xây dựng hợp nhất.

Không hề thiếu xác tín hay sức mạnh trong tiếng gào đòi tự do nổi lên hơn 200 năm nay. Nhưng lịch sử cho ta hay nó đã tấn tới ngay khi các dị biệt cá nhân được để qua một bên, cùng với lòng thèm muốn quyền lực và việc thiếu khả năng biết đánh giá cao các phong trào giải phóng khác, tuy có khác biệt nhưng không vì thế mà chống đối.

Phúc âm hóa có thể là một con đường để hợp nhất các hy vọng, các quan tâm, các lý tưởng và ngay cả các viễn kiến ảo tưởng của ta nữa. Tôi từng nói rằng “trong thế giới chúng ta, nhất là tại một số quốc gia, những hình thức khác nhau của chiến tranh và tranh chấp đang tái xuất hiện, thế nhưng các Kitô hữu phải kiên định trong ý hướng tôn trọng người khác, chữa lành các vết thương, xây dựng các cây cầu, củng cố các mối liên hệ và “chịu đựng các gánh nặng của nhau” (Niềm Vui Tin Mừng, 67). Ước nguyện hợp nhất bao hàm niềm vui hân hoan và an ủi trong việc phúc âm hóa, niềm xác tín rằng chúng ta có cả một kho tàng để chung chia, một kho tàng càng chung chia lại càng lớn hơn, và trở thành càng ngày càng nhậy cảm hơn đối với các nhu cầu người khác (xem đã dẫn, 9). Do đó, cần phải làm việc để đạt được tính bao hàm ở mọi bình diện, để tránh các hình thức vị kỷ, để xây dựng thông đạt và đối thoại, để khuyến khích hợp tác. Chúng ta phải hiến trái tim mình cho các người đồng hành với chúng ta suốt dọc hành trình, không hoài nghi hay bất tín. “Tin tưởng người khác là một nghệ thuật, và hòa bình là một nghệ thuật” (đã dẫn, 244). Sự hợp nhất của chúng ta khó có thể toả sáng nếu tính thế gian tâm linh khiến chúng ta tranh chấp nhau để đi tìm quyền lực, danh ntiếng, khoái lạc hay an toàn kinh tế một cách vô ích.

Sự hợp nhất như thế đã là một hành vi truyền giáo rồi, “để thế gian tin”. Phúc âm hóa không hệ ở việc cải đạo, nhưng ở chỗ, bằng chứng tá của ta, ta lôi cuốn được những người đang ở phía xa, nhờ khiêm cung xích lại gần những người đang cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Giáo Hội, những người đang sợ sệt hay dửng dưng, và nói với họ: “Với lòng kính trọng và yêu thương lớn lao, Chúa cũng đang mời gọi các bạn làm thành phần của dân Người” (Niềm Vui Tin Mừng, 113).

Sứ mệnh của Giáo Hội như một bí tích Cứu Rỗi cũng liên quan tới căn tính của Giáo Hội như một dân lữ hành được mời gọi ôm trọn mọi dân tộc trên thế giới. Sự hiệp thông giữa chúng ta càng nồng đượm, sứ mệnh của chúng ta càng trở nên hữu hiệu hơn” (xem Đức Gioan Phaolô II, Pastores Gregis, 22). Trở thành một Giáo Hội truyền giáo không ngừng đòi hỏi phải cổ vũ hiệp thông, vì truyền giáo không chỉ liên quan tới các khu ngoại vi mà thôi… Chúng ta cũng cần là những nhà truyền giáo ngay bên trong Giáo Hội nữa, chứng tỏ rằng Giáo Hội là “bà mẹ vươn tay ra, là tổ ấm chào đón, là trường không ngừng dạy hiệp thông truyền giáo” (Aparecida Document, 370).

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có thể được thể hiện vì Người đã thánh hiến chúng ta. “Vì chúng, Con đã thánh hiến Con để chúng cũng được thánh hiến trong sự thật”. Đời sống tâm linh của người rao giảng Tin Mừng phát sinh từ sự thật sâu sắc đó, một sự thật không được lẫn lộn với một ít thao tác tôn giáo nhằm an ủi. Chúa Giêsu thánh hiến chúng ta để chúng ta đích thân gặp gỡ Người. Và cuộc gặp gỡ này, ngược lại, sẽ dẫn chúng ta đi gặp gỡ người khác, can dự vào thế giới chúng ta và khai triển lòng say mê phúc âm hóa (xem Niềm Vui Tin Mừng, 78).

Sự thân mật với Thiên Chúa, tự nó vốn không thể hiểu được, đã được mặc khải bằng những hình ảnh nói với chúng ta về hiệp thông, thông đạt, hiến mình và yêu thương. Vì lý do này, sự hợp nhất mà Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta tiến tới không phải là sự độc dạng, mà đúng hơn là “sự hòa hợp nhiều mặt và có tính mời gọi” (Niềm Vui Tin Mừng,117). Sự phong phú trong các dị biệt của ta, sự đa dạng của chúng ta, một sự đa dạng trở thành hợp nhất mỗi khi chúng ta tưởng niệm Thứ Năm Tuần Thánh, làm chúng ta đề phòng mọi mưu mô toàn trị, ý thức hệ hay phe phái. Sự hợp nhất này cũng không phải là một điều ta muốn lên khuôn thế nào, muốn đặt điều kiện ra sao, quyết định ai có thể thuộc về ai không thể thuộc về mặc ý. Chúa Giêsu cầu nguyện để tất cả chúng ta đều trở nên thành phần của một đại gia đình trong đó, Thiên Chúa là Cha của chúng ta và tất cả chúng ta là anh chị em. Điều này không có nghĩa phải có cùng nếm trải, cùng quan tâm, cùng tài năng như nhau. Chúng ta là anh chị em bởi Thiên Chúa dựng nên ta vì yêu thương và định cho ta làm con cái nam nữ của Ngưòi, hoàn toàn do sáng kiến của Người (xem Eph 1:5). Chúng ta là anh chị em bởi “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Người xuống tâm hồn ta mà kêu ‘Abba, Cha ơi!’” (Gl 4:6). Chúng ta là anh chị em, bởi, nhờ được máu Chúa Giêsu Kitô công chính hóa (xem Rm 5:9), chúng ta đã qua sự chết bước vào sự sống và được trở nên “những kẻ đồng thừa hưởng” lời hứa (xem Gl 3:26-29); Rm 8:17). Đó là ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã làm nên khả hữu cho ta, và được Giáo Hội công bố với niềm vui: được là thành phần “cái chúng ta” của Thiên Chúa.

Tiếng gào của chúng ta, tại địa điểm này vốn được nối kết với tiếng gào nguyên thủy đòi tự do cho đất nước này, đã vang vọng lời Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9:16). Đây là tiếng gào không kém khẩn thiết và thúc bách như tiếng gào đòi độc lập. Nó cũng xúc động trong tính nhiệt tình của nó. Ước mong mỗi người trong anh chị em là chứng nhân của sự hiệp thông huynh đệ sẽ toả sáng khắp cùng thế giới.

Sẽ đẹp đẽ xiết bao nếu mọi người biết ngưỡng phục cách ta chăm sóc lẫn nhau, cách ta khuyến khích và giúp đỡ lẫn nhau. Hiến mình sẽ tạo ra mối liên hệ liên ngã; ta không hiến “sự vật” mà hiến chính mình mình. Trong bất cứ hành vi cho đi nào, ta cũng hiến mình ta. “Hiến mình” nghĩa là để mọi sức mạnh của tình yêu ấy tức Thánh Thần của Thiên Chúa, bén rễ trong đời ta, mở rộng lòng ta cho sức mạnh sáng tạo của Người. Khi ta hiến mình, ta khám phá ra căn tính đích thực của ta là con cái Thiên Chúa theo hình ảnh Chúa Cha và là những người ban sự sống, giống như Ngưòi; ta khám phá ra rằng ta là anh chị em của Chúa Giêsu, Đấng ta là các chứng nhân. Phúc âm hóa có nghĩa như thế; đây là cuộc cách mạng mới, vì đức tin của chúng ta luôn có tính cách mạng, đây là tiếng kêu gào sâu thẳm và lâu dài nhất của chúng ta.
 
Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù Palmasola ở Bolivia
VietCatholic Network
02:26 12/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
ĐTC Phanxicô khích lệ các tù nhân ở Bolivia tiếp tục hy vọng giữa bao nghịch cảnh và tận dụng hoàn cảnh hiện nay để chuẩn bị tái hội nhập vào xã hội.

Nhà tù Palmasola cách tòa TGM Santa Cruz của Bolovia 15 cây số và được chia làm nhiều khu vực dành cho các loại tù nhân khác nhau: nam, nữ, người trẻ, các tù nhân tội nhẹ và các tù nhân tội trọng. Khu nhà tù dành cho nam giới, nơi ĐTC đến thăm sáng thứ sáu 10-7-2015, được gọi tắt là PS 4, có 2.800 tù nhân và đặc biệt có khu vực dành cho các thân nhân, khoảng 1.500 người mỗi ngày. Họ có thể sống chung giống như trong một làng do chính các tù nhân quản trị.

Nhà tù Palmasola được dư luận biết đến nhiều nhất là sau một vụ nổi loạn và cuộc tấn công đàn áp bằng súng xịt xăng đặc hồi năm 2013 làm cho 31 tù nhân thiệt mạng và 36 người phỏng nặng. Đức Cha Jesus Juarez Parraga, TGM giáo phận Sucre, chủ tịch Ủy ban mục vụ xã hội, Caritas Bolivia và đặc trách mục vụ nhà tù, hy vọng cuộc viếng thăm của ĐTC sẽ thu hút sự chú ý của dư luận về tình trạng các nhà tù tại Bolivia và Mỹ châu la tinh nói chung. Các nhà tù này thường đông chật, tù nhân phải chịu nạn bạo lực và các tù nhân thanh toán, hành hạ nhau.

Đến nhà tù lúc 9 giờ rưỡi sáng, ĐTC đã chào thăm nhiều tù nhân, thân nhân, con cái họ tụ tập tại sân thể thao của nhà tù, cùng với nhiều người khác, trước khi tiến lên lễ đài đơn sơ. Hiện diện tại buổi gặp gỡ có Bộ trưởng tư pháp và các giới chức chính quyền Bolivia.

Thảm trạng các nhà tù ở Bolivia

Đầu buổi gặp gỡ, Đức Cha Jesus Juarez Parraga, TGM giáo phận Sucre, chủ tịch Ủy ban mục vụ xã hội, Caritas Bolivia và đặc trách mục vụ nhà tù, đã cám ơn ĐTC đến thăm và nói rằng Giáo Hội là chứng nhân về tình thương của Thiên Chúa giữa những người lầm than và khích lệ quyết tâm của những người thiện nguyện cũng như các nhân viện mục vụ nhà tù; cuộc viếng thăm của ĐTC cũng lưu ý các giới chức chính quyền hãy nhạy cảm ơn đối với vấn đề nhà tù và mở rộng con tim xã hội để có một lời đáp trả từ bi đối với tình trạng những người bị mất tự do.

Đức TGM Suarez nhắc đến thảm trạng của các tù nhân ở Bolivia và tình trạng đó là dấu hiệu một xã hội tạo ra nghèo đói, chênh lệch và bạo lực, dấu hiệu chứng tỏ sự suy yếu của những điểm tham chiếu luân lý trong gia đình, trong ngành giáo dục và cả trong các tôn giáo, thiếu sự tương hợp giữa một bên là các qui luật bảo vệ luật pháp cao độ, và bên kia là ngành công lý làm thương tổn các quyền của tù nhân.

Đức Cha Suarez cũng nói đến gương mù trong ngành công lý ở Bolivia. Theo thống kê đầu năm nay, 84% các tù nhân không được xét xử, công lý quá chậm chạp. Tỷ lệ chật chột lên tới 326%. Hơn 900 trẻ em sống trong tù với cha mẹ kể cả tại Palmasola. Tình trạng không thể chịu nổi đến độ có những tù nhân nhận tội để đổi lấy án tù ngắn hơn, dù họ vô tội.

Đức Cha nói thêm rằng cuộc viếng thăm hôm nay của ĐTC, gặp gỡ các tù nhân tại đây, phần nào họ đại diện cho 15 ngàn người đang bị thiếu tự do tại 53 nhà tù trên toàn quốc.

Tiếp lời Đức TGM, ba tù nhân cũng trình bày chứng từ tình cảnh của họ và của các tù nhân khác.

Huấn dụ của ĐTC

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhận thấy qua chứng từ của Đức TGM Jesus Juarez và của đại diện tù nhân, sự đau khổ không thể dập tắt niềm hy vọng nơi thẳm sâu tâm hồn và sự sống tiếp tục nảy mầm mạnh mẽ trong những nghịch cảnh.

ĐTC nói đến kinh nghiệm và xác tín bản thân của ngài: ”Người mà anh chị em đang thấy trước mặt đây là một người đã được tha thứ. Một người đã được cứu thoát khỏi nhiều tội lỗi của mình. Và tôi tự giới thiệu như thế trước mặt anh chị em. Tôi không có gì nhiều để trao tặng anh chị em, nhưng điều tôi có, điều tôi yêu mến, tôi muốn trao tặng anh chị em, chia sẻ với anh chị em, đó là Chúa Giêsu Kitô, là lòng từ bi của Chúa Cha. Người đến để tỏ cho chúng ta, làm choi tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta trở nên hữu hình. Một tình yêu tích cực, thực sự. Một tình yêu chữa lành, tha thứ, nâng dậy, chăm sóc.

ĐTC nhắc đến sự tích thánh Phêrô và Phaolô bị cầm tù, bị tước mất tự do, nhưng trong những hoàn cảnh ấy các vị đã được nâng đỡ, không lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Đó chính là lời cầu nguyện, kinh nguyện bản thân và cộng đoàn. Các vị đã cầu nguyện và được cộng đoàn cầu nguyện cho. Hai hành động ấy cùng nhau họp thành một mạng lưới nâng đỡ cuộc sống và hy vọng, giúp chúng ta khỏi tuyệt vọng và khích lệ chúng ta tiếp tục tiến bước. Một mạng lưới nâng đỡ sự sống, cuộc sống của anh chị em và những người thân của anh chị em.

ĐTC khẳng định rằng khi Chúa Giêsu đi vào cuộc sống một người, thì họ không còn bị cầm tù trong quá khứ của họ nữa, nhưng bắt đầu nhìn hiện tại một cách khác, với một niềm hy vọng khác. Họ bắt đầu nhìn bản thân, nhìn thực tại của mình với một cặp mắt khác. Họ không còn bị cầm giữ trong những gì đã xảy ra, nhưng có khả năng khóc và tìm được sức mạnh để bắt đầu lại. Nếu có lúc nào anh chị em cảm thấy buồn sầu, đau khổ, xuống tinh thần, thì tôi mời gọi anh chị em hãy nhìn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Trong cái nhìn của Chúa, tất cả chúng ta đều tìm được chỗ. Tất cả chúng ta đều có thể phó thác cho Chúa những vết thương, những đau khổ và cả những tội lỗi của chúng ta nữa. Trong các vết thương của Chúa, các vết thương của chúng ta tìm được chỗ đứn. Để được săn sóc, thanh tẩy, biến đổi, hồi sinh.

ĐTC nói: ”xác tín ấy thúc đẩy chúng ta hoạt động cho phẩm giá của mình. Tình trạng bị giam tù không còn như trước nữa, nhưng nó trở nên thành phần của một tiến trình tái hội nhập vào xã hội. Tuy tình trạng nhà tù có nhiều điều tiêu cực, quá chật chội, công lý chậm chạp, thiếu các phương pháp trị liệu và chính sách phục hồi, không kể nạn bạo lực... Tuy chúng ta phải chiến đấu chống lại các thực tại ấy, nhưng chúng ta không thể cho là mọi sự đều vô ích.

ĐTC nhấn mạnh rằng tại Trung tâm phục hồi này, sự sống chung phần nào cũng tùy thuộc anh chị em. Đau khổ và thiếu thốn có thể làm cho con tim của anh chị em trở nên ích kỷ và tạo dịp cho những xung đột, nhưng chúng ta cũng có khả năng biến đổi chúng thành những dịp thực thi tình huynh đệ chân thực. Anh chị em hãy giúp đỡ nhau, đừng sợ giúp đỡ nhau. Ma quỉ tìm kiếm sự cạnh tranh, chia rẽ, phe phái. Anh chị em hãy chiến đấu để tiến bước.

Sau cùng, ĐTC không quên khích lệ tất cả những người làm việc tại Trung tâm phục hồi này, từ ban giám đốc, cho đến các nhân viên cảnh sát nhà tù và các nhân viên khác. Ngài nói: ”Anh chị em đang thực thi công việc phục vụ công cộng cơ bản. Anh chị em có một vai trò quan trọng trong tiến trình giúp các tù nhân tái hội nhập, có công tác nâng đỡ người khác trỗi dậy và không hạ xuống, mang lại phẩm giá chứ không hạ nhục, khích lệ chứ không đè bẹp”.

Sau khi ban phép lành cho các tù nhân và mọi người, ĐTC đã tới giáo xứ ”Thánh Giá” cách đó 14 cây số để gặp gỡ 37 GM Bolivia trước khi ra phi trường Viru Viru ở Santa Cruz để đáp máy bay sang Paraguay, chặng chót trong chuyến viếng thăm 8 ngày của ngài ở Mỹ châu la tinh
 
Đức Thánh Cha dâng lễ trước Đền Đức Mẹ Caacupé, Paraguay
VietCatholic Network
07:15 12/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hằng trăm ngàn tín hữu đã tham dự Thánh Lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại Quảng trường trước Đền Thánh Đức Mẹ Caacupé, bổn mạng của Paraguay sáng ngày 11-7-2015.

Caacupé trong thổ ngữ guaraní của dân địa phương có nghĩa là ”đằng sau núi”. Đây là một thị trấn có hơn 19 ngàn dân cư, chung quanh là những ngọn đồi cây xanh, từ đó người ta có thể thấy hồ Ypacaraí. Caacupé được coi là thủ đô tinh thần của Paraguay và nổi tiếng với đại lễ hàng năm, 8-12, lễ kính Đức Mẹ Phép lạ. Tượng ảnh Đức Mẹ tại đây do một tín hữu thổ dân tân tòng tên là José tạc hồi thế kỷ 16 và tượng được cứu thoát lạ lùng khỏi một trận lụt lớn, và nhiều tín hữu được ơn lạ nhờ cầu nguyện trước tượng ảnh, kể cả phép lạ thổ dân José được cứu thoát khỏi sự bách hại của các bộ lạc thù nghịch với Kitô giáo.

Ở trung tâm thành Caacupé có Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm và hằng năm có hơn 200 ngàn tín hữu đến hành hương nhân lễ kính Đức Mẹ. Cạnh thánh đường có một nhà nguyện cổ kính nguyên thủy và một giếng Đức Mẹ, theo lưu truyền, nước giếng có năng lực chữa bệnh.

ĐTC từ bệnh viện ở khu phố San Lorenzo, Asunción đến Đền thánh lúc qua 10 giờ sáng. Gần Đền Thánh có đông đảo các tín hữu đứng hai bên đường chào đón ngài.

Đến nơi, ĐTC đã vào bên trong thánh đường để viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện trong thinh lặng trước tượng Đức Mẹ. Ngài dâng tặng Đức Mẹ một đóa hoa hồng mầu trắng. Hiện diện trong thánh đường có hàng ngàn tín hữu, trong đó có một số nữ tu chiêm niệm.

Tại quảng trường trước Đền thánh có hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập để dự lễ với ĐTC, không kể đông đảo các tín hữu ở khu vực gần đó. Có nhiều thổ dân thuộc các bộ lạc xa xăm chèo thuyền về đây để tham dự thánh lễ và gặp gỡ ĐTC trong dịp hiếm có này. Nhiều người đến từ hôm trước và ngủ lại để dự lễ, do ĐTC cử hành bắt đầu từ lúc 10 giờ 35, và kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Ngoài ra cũng có hàng chục ngàn tín hữu từ Argentina láng giềng đến dự lễ.

Tại lễ đài bên ngoài, cạnh bàn thờ cũng có một bản sao tượng Đức Mẹ Caacupè.

Đồng tế với ĐTC có 23 GM Paraguay và hơn 20 GM khách, 24 LM của giáo phận Caacupé và nhiều linh mục thuộc các giáo phận khác.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu rằng Đền thánh này là nhà của tất cả các tín hữu. Đây là nơi lễ hội, gặp gỡ, gia đình, là nơi ta đến xin ơn tha thứ để bắt đầu lại. Tại đó ta mang cuộc sống cụ thể và đổi mới năng lực để sống niềm vui Phúc Âm. Đền thánh Đức Mẹ Caacupé là thành phần sinh tử của dân tộc Paraguay. Mẹ Maria đã thưa ”xin vâng” đối với chương trình, đối với thánh ý Thiên Chúa. Đó là một lời thưa ”xin vâng” không dễ dàng, vì không làm cho Mẹ đầy đặc ân, nhưng như cụ già Simeon nói với Mẹ, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ.

ĐTC nhận xét rằng: ”Chúng ta tìm thấy nơi Đức Maria là một người Mẹ đích thực, giúp chúng ta giữ cho niềm tin và hy vọng được sinh động giữa những hoàn cảnh phức tạp. Mẹ là một phụ nữ đầy tin tưởng, là Mẹ Giáo Hội, là người đã tin. Cuộc sống của Mẹ là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không làm cho chúng ta thất vọng, không bỏ rơi Dân của Chúa, cả khi có những lúc hoặc tình trạng dường như Chúa vắng bóng.

ĐTC nhắc lại 3 giai đoạn khó khăn trong cuộc đời của Mẹ Maria.

1. Trước tiên là khi Chúa Giêsu sinh ra. ”Không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2.7). Họ không có nhà, không có nơi để đón tiếp người con sinh ra. Và cũng có gia đình nào thân cận, thật là lẻ loi. Nơi duy nhất họ tìm được là hang súc vật.

2. Thứ hai là cuộc chạy trốn sang Ai Cập. Thánh gia phải ra đi, phải lưu lạc. Tại đó, các ngài không những chẳng có chỗ, chẳng có gia đình, nhưng cả sinh mạng của các ngài cũng bị lâm nguy. Thánh gia phải lên đường, đến một miền đất lạ. Các ngài phải chạy trốn vì vị ghen tương và ham hố quyền lực của bạo chúa.

3. Sau cùng là cái chết của Chúa Con trên thập giá. Không có tình trạng nào khó khăn hơn đối với một bà mẹ tháp tùng cái chết của một người con. Chúng ta thấy Mẹ Maria dưới chân thập giá, như mọi người mẹ, nhưng kiên vững, tháp tùng con cho đến cái chết tột cùng, cái chết trên thập giá. Và Mẹ liên kết và nâng đỡ tất cả các môn đệ.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhấn mạnh rằng Mẹ Maria đã muốn ở lại giữa dân của Mẹ, ở lại với con cái, với gia đình mình, luôn bước theo Chúa Giêsu, từ phía đám đông. Mẹ không có chương trình riêng, không đến để nói với chúng ta điều gì mới, ngoại trừ niềm tin của Mẹ tháp tùng niềm tin của chúng ta. Chính Mẹ đã và đang ở lại trong các nhà thương, các trường học, các gia cư của chúng ta. Mẹ đã và đang ở lại với chúng ta trong công việc và trong hành trình. Mẹ đã và đang ở lại nơi bàn ăn của mỗi gia đình. Mẹ đã và đang ở lại trong sự hình thành tổ quốc, biến chúng ta thành một dân nước. Luôn luôn với một sự hiện diện kín đáo và âm thầm: trong cái nhìn của một tượng ảnh, một tấm ảnh nhỏ, một ảnh đeo. Dưới dấu hiệu của một xâu chuỗi mân côi, chúng ta biết mình không lẻ loi.

Từ những ý tưởng trên đây, ĐTC đặc biệt nhắc đến các phụ nữ và các bà mẹ Paraguay, với lòng can đảm và xả thân, họ đã biết phục hồi đất nước bị tàn phá, bị sụp đổ vì chiến tranh. Ngài nói:

”Chị em có ký ức, có gia sản được lưu truyền của những bà mẹ đã tái tạo cuộc sống, niềm tin, phẩm giá của dân tộc chị em. Như Mẹ Maria, chị em đã sống những những hoàn cảnh rất khó khăn, mà cứ theo lý luận thông thường, nó trái ngược với mọi niềm tin. Như Mẹ Maria, chị em được thúc đẩy và nâng đỡ nhờ tấm gương của Mẹ, chị em đã tiếp tục tin, cả khi không có gì để hy vọng nữa (Rm 4,18). ”Chị em đã và đang tìm được sức mạnh để không bỏ mặc đất nước này trong sự hỗn độn”.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi dân chúng đừng mất ký ức, đừng mất căn cội, và bao nhiêu chứng ta, hãy sống niềm tin sinh động, niềm tin trở thành sự sống, và một cuộc sống trở thành hy vọng, niềm hy vọng đưa chúng ta tiến bước trong tình bác ái.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã đọc kinh tái phó thác dân nước Paraguay cho sự bảo trợ của Đức Mẹ. Ngày 18-5 năm 1988, khi viếng thăm Paraguay và cử hành thánh lễ tại đây, thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng cũng đã chủ sự nghi thức phó thác Paraguay cho Đức Mẹ.
 
Ngày thừ hai chuyến ĐTC Phanxicô viếng thăm Paraguay
Linh Tiến Khải
10:34 12/07/2015
Tính tới trưa thứ bẩy vừa qua chuyến viếng thăm Paraguay của ĐTC Phanxicô đã tiến hành được một nửa.

Sau thánh lễ tại trung tâm thánh mẫu Caacupé ĐTC đã về Toà Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh họat khác vào ban chiều: gặp gỡ đại diện các thành phần xã hội dân sự tại toà nhà thể thao León Condou lúc 4 giờ rưỡi chiều, và chủ sự buổi hát Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các thành viên phong trào Công Giáo trong nhà thờ chính tòa lúc sau 6 giờ chiều.

Chúa Nhật 12-7 ĐTC đã có ba sinh hoạt chính. Trước hết lúc sau 8 giờ sáng ngài viếng thăm dân nghèo vùng Banhado Norte. Tiếp đến là chủ sự thánh lễ tại đền thánh Nhu Guazú, nơi Thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong hiển thánh cho chân phước Roque Gonzalez de Santa Cruz và các bạn, rồi gặp gỡ HĐGM Paraguay, và vào lúc 5 giờ chiều gặp gỡ giới trẻ trên bờ sông Costanera, trước khi ra phi trường lấy máy bay trở về Roma.

Sau đây kính mời quý vị theo dõi hai sinh hoạt còn lại của ĐTC chiều thứ bẩy và biến cố viếng thăm dân nghèo sáng Chúa Nhật.

Lúc sau 4 giờ chiều thứ bẩy ĐTC đã đi xe từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tới tòa nhà thể thao León Condou của trường Thánh Giuse, cách đó 2 cây số rưỡi. Tòa nhà này có thể chứa 5.000 người và nằm trong khu vực trường Thánh Giuse do các linh mục dòng Thánh Tâm Bétharram điều khiển.

ĐTC đã được cha Bề trên dòng và ban giám đốc trường tiếp đón. Đại diện các thành phần xã hội dân sự tham dự cuộc gặp gỡ gồm các nhà giáo, các nghệ sĩ, doanh thương kỹ nghệ, nghiệp đoàn, lực sĩ thể thao thể dục, giới truyền thông, các hiệp hội phụ nữ, giới nông dân và thổ dân.

Sau lời chào mừng của ĐC Alberto Martinez Flores thư ký HĐGM Paraguay, đã có phần chia sẻ chứng từ của 5 đại diện các giới.

ĐTC bầy tỏ niềm vui có thể gặp gỡ các đại diện của xã hội dân sự Paraguay

Ngỏ lời với mọi người ĐTC bầy tỏ niềm vui có thể gặp gỡ các đại diện của xã hội dân sự Paraguay để chia sẻ với họ các giấc mơ và các lý tưởng của một tương lại tươi sáng hơn. Nhìn thấy anh chị em tất cả là những người thuộc một lãnh vực, một tổ chức của xã hội Paraguay yêu qúy, với các niềm vui, lo âu, chiến đấu và tìm tòi, khiến cho tôi nâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Một dân tộc mà không duy trì sống động các lo lắng của mình là một dân tộc đã chết. Trái lại, tôi trông thấy nơi anh chị em nhựa sống của một cuộc sống luân lưu và muốn nảy mầm. Thiên Chúa chúc phúc cho điều này. ĐTC giải thích thêm như sau:

Thiên Chúa luôn luôn thuận lợi với những gì trợ giúp nâng cao và cải tiến cuộc sống của con cái Ngài. Có những chuyện không tốt, phải. Có những hoàn cảnh bất công, phải. Nhưng nhìn thấy anh chị em và nghe anh chị em giúp tôi canh tân lòng hy vọng nơi Chúa, là Đấng tiếp tục hành động giữa dân Ngài. Đến từ nhiều quan điểm khác nhau, từ nhiều hoàn cảnh và lộ trình khác nhau, anh chị em tất cả cùng nhau làm thành nền văn hóa Paraguay. Anh chị em tất cả đều cần thiết cho việc kiếm tìm công ích. “Trong các điều kiện hiện nay của xã hội trên thế giới này, nơi người ta gặp biết bao nhiêu gian ác và luôn luôn có nhiều người bị gạt bỏ”, đuợc gặp anh chị em nơi đây là một món quà.

Tiếp đến ĐTC đã trả lời ba câu hỏi của cử tọa. Một bạn trẻ hỏi phải làm sao để xã hội là một nơi của tình huynh đệ, công bằng, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. ĐTC nói: tuổi trẻ là thời gian ôm ấp các lý tưởng. Thật là quan trọng, khi các bạn trẻ hiểu rằng hạnh phúc đích thật đi qua cuộc tranh đấu cho một thế giới huynh đệ hơn. Thật là tốt đẹp, khi người trẻ nhận thức rằng hạnh phúc và khoái lạc không giống nhau. Nhưng hạnh phúc đòi hỏi sự dấn thân và tận tụy. Paraguay có đầy tràn người trẻ và đó là một sự phong phú lớn. Vì thế tôi nghĩ điều đầu tiên phải làm đó là tránh để cho sức mạnh này, ánh sáng này tắt lịm trong con tim các bạn, và chống lại tâm thức ngày càng gia tăng coi việc khát vọng những điều đáng công là vô ích và không thể hiểu nổi. Tranh tài cho một cái gì đó, tranh tài cho một ai đó. Các bạn đừng sợ hãi cho đi tất cả trên sân đấu. Đừng sợ cho đi tất cả những gì tốt nhất của mình. Điều đó phải, nhưng đừng làm một mình. Hãy tìm thảo luận, lợi dụng để lắng nghe cuộc sống, các lịch sử, các câu chuyện của những người già, của giới ông bà của các bạn. Hãy mất nhiều thời giờ để lắng nghe tất cả những điều tốt đẹp mà các ngài có thể dậy dỗ các bạn. Các ngài là những người giữ gìn gia tài tinh thần đức tin và các giá trị nhào nặn một dân tộc và soi sáng đường đi của các bạn.

ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy tìm an ủi trong sức mạnh của lời cầu nguyện, nơi Chúa Giêsu, trong sự hiện diện liên lỉ thường ngày của Người. Qua ký ức của dân tộc anh chị em, Chúa Giêsu là bí quyết giúp con tim của anh chị em luôn tươi vui trong việc kiếm tìm tình huynh đệ, công bằng, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. Tôi rất thích bài thơ của thi sĩ Carlos Miguel Giménez mà ĐC Alberto Martinez đã trích dẫn. Tôi nghĩ nó diễn tả diều tôi muốn nói với anh chị em: “Tôi mơ một thiên dàng không có chiến tranh giữa các anh em, giầu những người khoẻ mạnh trong linh hồn và con tim và một Thiên Chúa chúc lành cho cuộc thăng thiên mới của nó”. Phải, Thiên Chúa bảo đảm cho phẩm giá của con người.

Trả lời câu hỏi thứ hai liên quan tới sự đối thoại như phương thế xây dựng một dự án quốc gia bao gồm tất cả mọi người. ĐTC nói Đúng thật là đối thoại không dễ. Có nhiều khó khăn phải vượt thắng, và đôi khi xem ra chúng ta lại dấn thân khiến cho chúng trở thành khó khăn hơn. Đối thoại giả thiết, đòi buộc từ chúng ta nền văn hóa gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ biết thừa nhận rằng sự khác biệt không chỉ là điều tốt, mà con cần thiết nữa. Vì thế điểm khởi hành không thể là người khác đang sai lầm. Công ích được tìm kiếm từ các khác biệt của chúng ta, bằng cách luôn luôn trao ban khả thể cho các lựa chọn mới. Nó có nghĩa là tìm ra cái gì mới, cùng nhau thảo luận , suy nghĩ một giải pháp tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Nhiều khi nền văn hóa gặp gỡ bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột. Đây là điều có thể thấy trước. Nhưng chúng ta không được sợ hãi nó, hay không biết đến nó, trái lại chúng ta được mời gọi chấp nhận nó. Điều này có nghĩa là “chấp nhận chịu đựng cuộc xung đột, giải quyết nó và biến đổi nó thành một móc xích nối với một tiến trình mới” (Niềm Vui Phúc Âm, 227). Bởi vì sự hiệp nhất cao hơn xung khắc” (ibid., 228). Một sự hiệp nhất không bẻ gẫy các khác biệt, nhưng sống nó trong sự hiệp thông và qua tình liên đới và sự cảm thông. Khi tìm hiểu biết các lý do của người khác, kinh nghiệm của họ, các ước mong của họ, chúng ta có thể thấy rằng đa số chúng là các ước vọng chung. Nền tảng của sự gặp gỡ đó là chúng ta tất cả là anh em, con của cùng một Cha trên trời, mỗi người với nền văn hóa tiếng nói, các truyền thống riêng và có nhiều điều để cống hiến cho cộng đoàn. Các nền văn hóa thật không đóng kín trong chính mình, nhưng được mời gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và tạo ra các thực tại mới. Nếu không có giả thiết nòng cốt và nền tảng huynh đệ này, sẽ rất khó đạt tới cuộc đối thoại. Ai cho rằng có những người, những nền văn hóa những hoàn cảnh thuộc hạng hai hạng ba hay hạng bốn, thì có điều gì đó không ổn, vì thiếu cái tối thiểu là việc thừa nhận phẩm giá của người khác.

Câu hỏi thứ ba liên quan tới việc tiếp nhận tiếng kêu của dân nghèo để xây dựng một xã hội bao gồm mọi người. ĐTC nói có một khía cạnh nền tảng giúp thăng tiến người nghèo: đó là cách chúng ta nhìn họ. Không cần một cái nhìn ý thức hệ rốt cuộc sử dụng người nghèo cho các lợi lộc chính trị hay cá nhân khác.

Để tìm thiện ích cho người nghèo điều đầu tiên là biết lo lắng cho con người của họ, đánh giá họ vì lòng tốt của họ. Nhưng việc đánh giá đích thực đòi hỏi phải sẵn sàng học hỏi nơi họ. Người nghèo có rất nhiều để dậy chúng ta trong lãnh vực nhân bản, lòng tốt, hy sinh. Và ngoài ra kitô hữu chúng ta lại còn có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo: vì nơi họ chúng ta trông thấy gương mặt và thịt xác của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta giầu có nhờ sự nghèo nàn của Ngài (x. “ Cr 8,9).

ĐTC khẳng định rằng sự tăng trưởng kinh tế và việc tạo ra giầu có cho cả mọi người không loại trừ ai, rất cần thiết cho một nước. Việc tạo ra sự thịnh vượng ấy phải luôn luôn phục vụ công ích, chứ không phải chỉ phục vụ một ít người thôi. “Việc tôn thờ con bò vàng xưa kia (Xh 32,1-35) đã tìm ra một ấn bản mới không thương xót trong việc tôn thờ thần tượng tiền bạc và sự độc tài của một nền kinh tế không có gương mặt” (Niềm vui Phúc Âm 55). Các người có ơn gọi trợ giúp phát triển kinh tế có nhiệm vụ bảo đảm để nền kinh tế luôn có gương mặt nhân bản. Họ nắm trong tay khả thể cung cấp công ăn việc làm cho rất nhiều người và trao ban hy vọng cho biết bao nhiêu gia đình. Việc làm là một quyền và nó trao ban phẩm giá cho con người. Đem bánh về nhà, cống hiến cho con cái một mái nhà, sức khoẻ, giáo dục là các khiá cạnh nền tảng của phẩm giá con người, và các doanh thương, các nhà chính trị, các nhà kinh tế phải để cho mình được gọi hỏi bởi những điều đó. ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi như sau:

Tôi xin anh chị em đừng nhượng bộ một mô thức kinh tế tôn thờ thần giả cần hy sinh các mạng người trên bàn thờ của tiền bạc và lợi nhuận. Trong các lãnh vực kinh tế, trong hãng xưởng, chính trị, điều đầu tiên là conn người và môi trường trong đó nó sinh sống.

ĐTC ghi nhận rằng Paraguay nổi tiếng là vùng đất nơi đã bắt đầu các “Giảm thiểu” là một trong các kinh nghiệm hay nhất của việc rao truyền Tin Mừng và tổ chức xã hội trong lịch sử. Trong đó Tin Mừng đã là linh hồn và cuộc sống cộng đoàn không có đói khát, thất nghiệp, mù chữ, áp bức. Kinh nghiệm lịch sử này dậy cho chúng ta biết rằng một xã hội nhân bản hơn là điều có thể thực hiện được, cả ngày nay nữa. Khi có tình yêu đối với con người và ý chí phục vụ, thì có thể tạo ra các điều kiện để tất cả mọi người có các của cải cần thiết, và không có ai bị loại trừ.

Cuối cùng ĐTC khích lệ mọi người yêu thương quê hương, các công dân và nhất là yêu thương người nghèo. Như thế anh chị em sẽ là một chứng tá trước mặt thế giới và cho thấy một mẫu phát triển khác là điều có thể làm được. Tôi xác tín rằng anh chị em có sức mạnh lơn lao nhất có thể có đó là nhân bản tính , đức tin và tình yêu thương của anh chị em.

Diễn văn của ĐTC đã nhiều lần bị ngắt quãng bởi các tràng pháo tay của cử tọa.

Sau khi ban phép lành tòa thánh ĐTC đã từ giã giới đại diện xã hội dân sự để tới nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời cách đó 2 cây số rưỡi chủ sụ buổi hát Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào Công Giáo. Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời dã được tái thiết hồi đầu thế kỷ XIX và còn cất giữ cây thánh giá “La Cruz de la Parra”, là cây thánh giá duy nhất trong số 29 cây Thánh Giá mà ông Cristoforo Colombo đã trồng trên đất châu Mỹ Latinh trong 4 chuyến thám hiểm đại lục này. Nhà thờ có chỗ cho 1000 người.

Ông thị trường đã đón tiếp ĐTC trên thềm nhà thờ và trao chià khóa của thành phố cho ngài. Một dàn nhạc gồm 200 nhạc công đã trình tấu các bản nhạc truyền thống chào đón ĐTC.

Kinh chiều đã được hát bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng của các thổ dân Paraguay.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói thật là đẹp biết bao cùng nhau cầu nguyện. Làm sao không mơ ước một Giáo Hội phản ánh và lập lại sự hài hòa của các tiếng nói và lời ca trong cuộc sống thường ngày! Và chúng ta làm điều này trong nhà thờ chính toà đã bao lần phải bắt đầu xây lại này. Nó là dấu chỉ của Giáo Hội và từng người trong chúng ta: đôi khi các bão tố từ bên ngoài và từ bên trong bắt buộc chúng ta đập phá những gì chúng ta đã xây dựng và bắt đầu lại, nhưng luôn luôn với câu trả lời hy vọng của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện làm nổi bật lên điều mà chúng ta đang sống hay đáng lý ra phải sống trong cuộc sống thường ngày. Ít nhất là lời cầu nguyện không muốn trở thành tha hóa hay chỉ là đồ trang sức… Lời cầu nguyện thúc đẩy chúng ta thực thi và kiểm thực điều chúng ta đọc trong các thánh vịnh “Chúng ta ở trong tay Chúa là Đấng nâng chúng ta dậy từ rác rưởi” (Tv 112,7) và chúng ta phải làm việc để nỗi buồn sầu vì sự khô cằn của chúng ta biến thành cánh đồng phì nhiêu. Chúng ta hát “Cuộc sống của các tín hữu Ngài quý giá trước mặt Ngài lậy Chúa” (Tv 116,15) chúng ta là những người chiến đấu, dấn thân, chúng ta bảo vệ giá trị của mọi sự sống con người, từ lúc sinh ra cho tới khi tuổi già sức yếu. Lời cầu nguyện phản ánh tình yêu thương chúng ta cảm nhận đối với Thiên Chúa và tha nhân, đối với thế giới thụ tạo… Tình yêu thương đó diễn tả gương mặt của người môn đệ của Chúa Giêsu. Bám chặt vào Chúa khiến cho ơn gọi kitô được sâu sắc, lôi cuốn chúng ta vào kiểu hành xử của Chúa Giêsu và tìm trở nên giống Ngài trong mọi sự Ngài làm. Vẻ đẹp của Giáo Hội phát xuất từ nỗ lực trở nên đồng hình dạng ấy với Chúa Kitô.

ĐTC đã khích lệ hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân và chung sinh lớn lên trong ý thức hiệp nhất cộng tác tông đồ. Ngài nói:

Thật là đẹp trông thấy anh chị em cộng tác với nhau trong việc mục vụ, luôn luôn khởi hành từ bản chất và nhiệm vụ của mỗi ơn gọi và đặc sủng. Tôi ước mong khuyến khích anh chị em tất cả, các linh mục, tu sĩ nam nữ. giáo dân và chủng sinh dấn thân trong sự cộng tác Giáo Hội này, đặc biệt trong các chương trình mục vụ của các giáo phận và việc truyền giáo đại lục, cộng tác với tất cả sự sẵn sàng vào công ích. Nếu sự chia rẽ giữa chúng ta tạo ra sự khô cằn, thì chắc chắn từ sự hiệp thông và hòa hợp này sẽ nảy sinh ra sự phong phú vì chúng đồng thanh với Chúa Thánh Thần.

ĐTC nói thêm: tất cả chúng ta đều có các hạn hẹp và không ai có thể diễn tả lại Chúa Giêsu trong sự toàn vẹn của Người, tuy mỗi ơn gọi đồng hình trong nòng cốt với vài ánh sáng cuộc sống và công việc của Chúa Giêsu, vẫn có vài nét chung và không thể khước từ đuợc. Chúng ta vừa chúc tụng Chúa, vì Người “không coi việc giống như Thiên Chúa là một đặc ân” (Fl 2.6) và đây là đặc tính của mọi ơn gọi kitô: ai được Thiên Chúa gọi đừng khoe khoang, đừng tìm kiếm các thừa nhận cũng như các vỗ tay tán đồng mau qua, không cảm thấy mình đã lên cấp và đối xử với người khác như thể họ là bục để chân.

Lời Chúa trong thư gửi giáo đoàn Do thái mời gọi trở nên hoàn thiện như vị Mục Tử vĩ đại của đoàn chiên. Điều này bao gồm việc nhận ra rằng mỗi người sống đời thánh hiến phải đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng “khi còn sống kiếp phàm nhân đã lớn tiếng kêu van khóc lóc” và đạt sự hoàn thiện, khi học biết qua khổ đau thế nào là vâng phục. Điều này là phần ơn gọi của chúng ta.

Tháp chuông của nhà thờ này đã được xây lại nhiều lần, tiếng chuông vang lên trước và đồng hành với lời cầu nguyện phụng vụ của chúng ta trong nhiều dịp: được đổi mới bởi Thiên Chúa mỗi khi chúng ta cầu nguyện, được củng cố như tháp chuông, tươi vui gióng lên chúc tụng các kỳ công của Thiên Chúa, chúng ta hãy chia sẻ kinh Magnificat và để cho Chúa thành toàn, qua cuộc sống thánh hiến, các điều lớn lao trong đất nước Paraguay này.

Sau khi ban phép lành và từ giã mọi người ĐTC đã đi xe về Tòa Sứ Thần Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã đi xe tới thăm dân nghèo vùng Banhado Norte. Đây là vùng sình lầy nơi Giáo Hội và Nhà nước có các chương trình trợ giúp dân chúng. Giáo xứ tại đây có 13 nhà nguyện nhỏ rải rác toàn vùng, trong đó có nhà nguyện Thánh Gia là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ. Nhà nguyện quay ra một sân thể thao nơi có vài ngàn người chờ đợi ĐTC. Trong số này có các học sinh các trường Caacupemí và Santa Cruz “Fe y Alegría” Thánh Giá Đức Tin và Niềm vui. Trường này thuộc dự án giáo dục do dòng Tên đảm trách tại 400 địa điểm giáo dục trong các vùng chịu nhiều thiệt thòi nhất nước Paraguay.

ĐTC đã được cha Ireneo Valdez dòng Tên cha sở họ đạo và cha Giám Tỉnh tiếp đón.

Sau phần hát chào mừng đã có hai người đại diện chia sẻ chứng từ.

Ngỏ lời với mọi người hiện diện ĐTC nói cuộc gặp gỡ tại giáo xứ Thánh Gia khiến ngài nghĩ tới Thánh Gia Nagiarét. Khi nhìn thấy họ và nghe các câu chuyện cuộc đời cũng như các chiến đấu gian khổ của họ để có một cuộc sống xững đáng với phẩm giá con người, ngài thấy nó giống như cuộc đời của Chúa Giêsu Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse. Tuy đầy bất trắc khó khăn, như các vụ lụt lội trong các tuần vừa qua, nhưng nó không lấy mất đi nụ cười và niềm hy vọng của họ. Thánh Gia cũng đã phải rời bỏ quê hương để di cư lánh nạn đến một vùng đất xa lạ không thân thích, với hai bàn tay trắng. Nhưng Mẹ Maria và Thánh Giuse đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu. Chính niềm tin nơi Chúa Giêsu khiến cho chúng ta gần gũi với cuộc sống của tha nhân và dấn thân sống tình liên đới. Một đức tin không có tình liên đới là một đức tin chết, một đức tin không có Chúa Kitô, không có Thiên Chúa và không có các người anh em khác. Niềm tin nơi Chúa KItô dấy lên khả năng mơ ước một tương lai mới tốt đẹp hơn, và chiến đấu để thực hiện nó. Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục là thừa sai khiến cho đức tin lây lan tới mọi người và ở khắp mọi nơi.

Sau khi từ giã dân nghèo vùng Benhado Norte ĐTC đã đi xe tới đền thánh Nhu Guazu để chủ sự thánh lễ cho tín hữu. Đây là nơi Thánh Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho chân phước Roque Gongalez de Santa Cruz và các bạn trong chuyến công du Paraguay hồi tháng 5 năm 1988. Cánh đồng Nhu Guazú nằm trong căn cứ không quân có thể chứa tới 1,5 triệu người. Chúng tôi sẽ tường thuật thánh lễ, cuộc gặp gỡ giới trẻ tại bờ sông Costanera và lễ nghi từ biệt Paraguay trong các buổi phát ngày mai.
 
Tường trình nhanh ngày thứ bẩy chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh của Đức Phanxicô
Vũ Van An
14:58 12/07/2015
Sau đây là tường trình ghi nhanh của hãng Associated Press về ngày thứ Bẩy chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh của Đức GH Phanxicô, hiện đang diễn ra tại Paraguay, chặng chót trong chuyến đi của ngài.

8:30 giờ sáng: Đức GH Phanxicô xem ra đang đẩy việc mô phỏng Thánh GH Gioan Phaolô II lên một trình độ mới bằng cách du hành quanh thủ đô Paraguay trên cùng một chiếc Peugeot trắng mà Thánh Giáo Hoàng đã sử dụng trong chuyến tông du ở đây năm 1988.
Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi nói đùa “xem ra nó vẫn còn làm việc được”.

Dân chúng Paraguay hoan hô vang dội vào hôm thứ Bẩy ở bên ngoài bệnh viện nhi đồng Acosta Nu khi đoàn hộ tống bất thường của ngài dừng lại trong biến cố công cộng đầu tiên trong ngày của ngài.

Đức Phanxicô từ lâu vốn nhấn mạnh tới việc du hành trong những chiếc xe chật hẹp hơn là những chiếc limousine bóng loáng hay giáo hoàng xa bọc thép; đây là một phần trong lối sống đơn giản của ngài và việc ngài nhấn mạnh rằng các linh mục không phải là các ông hoàng nhưng là các người phục dịch.

Ngài hiện đang sử dụng chiếc Ford Focus để di chuyển quanh Vatican và ngài đã làm ngài được mến mộ ở Nam Hàn khi đi lại bằng chiếc Kia khiêm tốn.

9:00 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đang tiếp nhận một cuộc nghinh đón của người Á Căn Đình tại Đền Đức Mẹ Caacupé.

Thực vậy, hàng ngàn người Á Căn Đình đã du hành lên phía bắc để hiện diện với vị Giáo Hoàng đồng hương trong biến cố lớn đầu tiên của ngài tại Paraguay: đó là Thánh Lễ tại đền thánh hành hương quan trọng nhất của nước này và là nơi Đức Phanxicô rất sùng mến.
Khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, đức cựu Hồng Y Jorge Mario Bergoglio thường viếng thăm một khu ổ chuột vốn là nơi cư trú của nhiều di dân Paraguay, cùng họ dự các đám rước kiệu và cử hành bí tích rửa tội tại nhà thờ của họ: tức nhà thờ Đức Mẹ Làm Phép Lạ Caacupé.

Quốc kỳ xanh trắng của Á Căn Đình phơi phới khắp nơi tại Caacupé vào hôm thứ Bẩy. Một lá có câu quen thuộc "Estamos Haciendo Lio" (Chúng con đang gây lộn xộn) sáng loáng trên đó. Câu này có ý nhắc tới lời kêu gọi của Đức Phanxicô tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 tại Ba Tây, thúc giục giới trẻ Á Căn Đình hãy lay động sự việc tại các giáo phận của họ.

10:30 giờ sáng: Đứng ở một góc khuôn viên của đền thánh Đức Mẹ Caacupé là Santa Cristina Rodriguez.

Người đàn bà này nói rằng bà sống còn nhờ tái biến chế đồ nhựa và làm nhiều việc vặt vãnh khác. Qua một nụ cười tươi cho thấy chỉ còn vài chiếc răng, bà bảo: “Đức Giáo Hoàng thương người nghèo mà tôi thì nghèo kiết xác”.

Bà nói người Paraguay làm việc chăm chỉ, nhưng đâu có công ăn việc làm nào.

Nhiều tín hữu tin rằng Đức Mẹ Caacupé làm nhiều phép lạ. Carmen Mesa, chẳng hạn, là một người trong số đó. Bà có mặt trong số người Á Căn Đình cuốc bộ tới từ Clorinda, chỉ ở bên kia Sông Paraguay.

Bà Mesa nói bà cầu xin Đức Mẹ khi đứa cháu gái 13 tuổi của bà vào bệnh viện vì bị nhiễm trùng đường ruột. Bà cho hay: “nhờ ơn Chúa, con nhỏ sống sót và nay là một thiếu nữ khỏe mạnh”.

10:30 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đã tới Đền Nữ Trinh Caacupé, nơi ngài đứng cầu nguyện trong im lặng trước tượng Đức Mẹ, một bức tượng ngài rất sùng mến.

Cầu nguyện một lúc, ngài tiến đến bệ chân tượng, đặt tay lên đó, và đặt một nhánh bạch hồng trước sự vỗ tay của một số người tụ tập tại vương cung thánh đường.

Caacupé là địa điểm hành hương quan trọng nhất ở Paraguay. Hàng chục ngàn người, trong đó có các đồng bào Á Căn Đình của Đức Phanxicô, đã đứng chật quảng trường bên ngoài vương cung thánh đường để tham dự Thánh Lễ đầu tiên của ngài tại Paraguay.

10:50 giờ sáng: Trong số những người Á Căn Đình tới Paraguay để thấy Đức GH Phanxicô, người đồng bào của mình, có ông Jose Demetrio Barrionuevo, 50 tuổi. Người rao hàng dược phẩm cùng vợ và 4 con từ Tucuman, Á Căn Đình, qua.

Ông Barrionuevo nói: niềm tự hào vì Đức GH Phanxicô không phải chỉ là vấn đề chung một quê hương. Ông nói: “chúng tôi hãnh diện vì đức khiêm nhường của ngài, vì ngài thích ở với người nghèo và người không giầu hơn”.

Ông Barrionuevo cho biết: gia đình cũng dự định sẽ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật tại Nu Guazu, một cánh đồng bên trong căn cứ quân sự nơi Đức Gioan Phaolô II phong thánh cho Thánh Roque Gonzalez năm 1988.

Thánh Gonzalez là một nhà truyền giáo Dòng Tên cho người bản địa Guarani ở 2 thế kỷ 16 và 17 tại nơi bây giờ là Paraguay.

11:20 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đang ca ngợi các phụ nữ Paraguay như “những phụ nữ vẻ vang nhất Mỹ Châu” vì họ đã giúp tái dựng lại đất nước sau cuộc chiến tranh trong vùng gây tổn hại trong thập niên 1860, một cuộc chiến tranh đã làm mất đi quá nửa dân số, phần lớn là nam giới.

Đức Phanxicô dành bài giảng của ngài hôm thứ Bẩy tại Đền Nữ Trinh Caacupé cho Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và tất cả các bà vợ và các bà mẹ của Paraguay “những người, với một cái giá và sự hy sinh lớn lao, đã có thể nâng dậy một đất nước bại trận, bị tan nát và nhục nhã vì chiến tranh”.

Lúc còn là một tổng giám mục ở Á Căn Đình và lúc đã là giáo hoàng, Đức Phanxicô luôn lên tiếng ca ngợi sức mạnh của phụ nữ Paraguay; ngài nói rằng họ nên được lãnh giải Nobel Hoà Bình vì sức mạnh và đức tin của họ.

Bị tiếng vỗ tay làm ngưng, ngài nói tiếp: “các chị là những người gìn giữ ký ức, là máu huyết cho những người tái dựng sự sống, đức tin và phẩm giá người ta… Lúc ấy và lúc này, các chị tìm được sức mạnh nhất quyết không để lãnh thổ này mất hướng của nó. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho sự kiên vững của các chị. Xin Thiên Chúa chúc phúc và khuyến khích đức tin của các chị. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho các phụ nữ Paraguay, những phụ nữ vẻ vang nhất Mỹ Châu”.

11:50 giờ sáng: Thánh Lễ, đang được cử hành tại Đền Nữ Trinh Caacupé của Paraguay, có các bài đọc bằng tiếng bản địa Guarani, trong đó, thuật lại truyện Ađam Evà của Sách Sáng Thế.

Tiếng Guarani là ngôn ngữ chính thức tại Paraguay, song song với tiếng Tây Ban Nha, và là ngôn ngữ độc đáo trong số các ngôn ngữ bản địa ở Mỹ Châu vì là ngôn ngữ duy nhất được một tỷ lệ lớn những người không phải là bản địa nói. Nói cách khác, nó không những sống sót sau thời thực dân, mà còn phát triển rực rỡ nữa.

Linh mục Dòng Tên Xavier Albo, một nhà nhân chủng học người Bolivia, nói rằng một dấu chỉ kỳ thị mà người Guarani vẫn còn phải đương đầu tại Paraguay là rất nhiều người nói thổ ngữ Guarani nhưng lại cảm thấy bị xúc phạm khi bị gọi là người bản địa.

Người Guarani từ Paraguay lan về hướng bắc tới Ba Tây và là một trong các sắc dân bản địa Nam Mỹ bị các chủ nông trại và chủ đồn điền nô dịch hơn hết.

Theo thống kê chính thức, trong số 6.6 triệu người Paraguay có110,000 người bản địa, phân chia thành 20 sắc tộc. Họ nghèo một cách bất cân xứng, bị đẩy qua bên lề vì chính sách phá rừng lấy đất làm nông trại và trồng đậu nành.

12:25 giờ trưa: Đức GH Phanxicô đã cho thế giới vương cung thánh đường mới nhất của nó: cuối Thánh Lễ hôm thứ Bẩy tại Đền Nữ Trinh Caacupé, địa điểm hành hương quan trọng nhất của Paraguay, các giáo phẩm đã đọc to sắc lệnh của Tòa Thánh tuyên bố địa điểm này là một tiểu vương cung thánh đường.

Địa vị vừa nâng cao cho thấy mối liên kết đặc biệt của Caacupé với Giáo Hội Công Giáo và vị giáo hoàng của họ.

Đức Phanxicô đã từ lâu rất sùng mộ hình tượng Đức Mẹ Caacupé; lòng sùng mộ này phát sinh từ những ngày ngài phục vụ các di dân Paraguay ở các khu ổ chuột tại Buenos Aires.

Văn kiện năm 1989 của Tòa Thánh, tức văn kiện mô tả cách chỉ định các vương cung thánh đường, nói rằng các địa điểm phải đạt được một mức nổi tiếng nào đó trong giáo phận, “nổi bật như là một trung tâm phụng vụ tích cực và có tính mục vụ” mà các nơi khác lấy làm mẫu mực, và phải có giá trị hay tầm quan trọng về lịch sử. Khi được chỉ định, một vương cung thánh đường phải cử hành một ít ngày lễ phụng vụ và có thể sử dụng biểu hiệu “hai chìa khóa giao nhau” của giáo hoàng trên cờ quạt biểu ngữ hay đồ đạc trang bị như một dấu chỉ mối tương quan của nó với Tòa Thánh.

Hiện có 4 đại vương cung thánh đường tại Rôma, và hơn 1,600 tiểu vương cung thánh đường trên toàn thế giới.

2:50 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đã làm một cử chỉ tượng trưng đối với sắc dân bản địa chính của Paraguay bằng cách đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Guarani trong Thánh Lễ cử hành tại Đền Nữ Trinh Caacupé.

Dòng Tên mà Đức Phanxicô thuộc về có một lịch sử lâu đời về việc bảo vệ người Guarani khỏi cảnh nô lệ và điều một số người gọi là “diệt chủng về văn hóa” thời thực dân và đã giúp bảo tồn ngôn ngữ của họ.

Một linh mục Dòng Tên, Cha Antonio Ruiz de Montoya, đã xuất bản cuốn văn phạm tiếng Guarani đầu tiên năm 1639. Nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Paraguay, Miguel Angel Veron, nói rằng một tu sĩ đã viết cuốn sách giáo lý bằng tiếng Guarani năm 1588.

Người Guarani hiện đang tràn qua 8 nước, trong đó, có Á Căn Đình, Bolivia và Ba Tây.

Tại Paraguay, họ rất nghèo, vì bị các chủ nông trại cưỡng bức ra khỏi các đất đai truyền thống. Con số của họ hiện đang bị tranh cãi. Năm 2002, cuộc điều tra dân số toàn quốc đặt người Guarani ở mức 89,000 người. Chính phủ thì bảo chỉ có 30,000 người.

5:00 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đã lợi dụng lúc nghỉ trưa dài theo chương trình để bất ngờ đi thăm một bệnh xá tôn giáo dành cho người nghèo mắc bệnh nguy kịch.

Linh mục người Ý, Aldo Trentto, là giám đốc của bệnh xá Fundacion San Rafael. Ngài cầm nước mắt khi kể lại cuộc viếng thăm này gây xúc động ra sao đối với các bệnh nhân. Ngài cho biết: Đức Phanxicô, có một lúc, đã cúi xuống hôn một bệnh nhân nguy kịch vì quá yếu không ngồi dậy được.

Bệnh xá chỉ cách toà khâm sứ Tòa Thánh, nơi Đức Phanxicô cư ngụ, non ba dặm, và hiện chứa 100 bệnh nhân.

6:45 giờ tối: Đức GH Phanxicô đang cân bằng lời xin lỗi của ngài vì các tội ác mà Giáo Hội Công Giáo đã phạm đối với người bản địa thời thực dân chinh phục Mỹ Châu bằng lời lớn tiếng ca ngợi các khu truyền giáo của Dòng Tên tại Paraguay, những khu từng đem Kitô Giáo, nền giáo dục và cách tổ chức kinh tế theo kiểu Âu Châu tới cho người bản địa Guarani.

Ngài ca ngợi các khu “reducciones” của Dòng Tên, tên người ta gọi các khu truyền giáo lúc ấy, gần như là các thử nghiệm xã hội và kinh tế có tính ảo tưởng, một thử nghiệm đã được bất tử hóa trong cuốn phim năm 1986 gọi là “The Mission” (khu truyền giáo). Ngài nói rằng các khu này là “một trong các trải nghiệm quan trọng nhất của việc phúc âm hóa và việc tổ chức xã hội trong lịch sử”.

Trong một bài nói chuyện với các nhóm bản địa, nghiệp đoàn và nhân vật chính trị tại Paraguay, ngài nói: “Ở đó, Tin Mừng là linh hồn và sự sống của các cộng đồng; các cộng đồng này không hề biết đến đói khát, thất nghiệp, mù chữ hay áp chế. Trải nghiệm có tính lịch sử này chứng tỏ cho ta rằng cả ngày nay nữa, một xã hội nhân ái hơn vẫn là điều có thể”.

7:15 giờ tối: Một nhà tranh đấu hàng đầu người Paraguay cho quyền lợi người đồng tính có mặt trong đám đông theo lời mời của Giáo Hội Công Giáo khi Đức Phanxicô gặp gỡ xã hội dân sự tại một vận động trường ở Asuncion.

Người “chồng” của người này gọi điều trên là một cử chỉ khoan dung vĩ đại.

Simon Cazal, giám đốc điều hành của SomosGay, được hội đồng giám mục Paraguay mời. Cazal hợp pháp kết hôn với một người Á Căn Đình, tên Sergio Lopez, mặc dù sự kết hợp của họ không được thừa nhận tại Paraguay.

Lopez nói với Hãng Associated Press rằng Giáo Hội Paraguay đã tạo lịch sử với lời mời này, gọi nó là “một bước chập chững” (baby step) nhưng là “một cử chỉ khoan dung vĩ đại đối với tổ chức của chúng tôi”.

Đức GH Phanxicô chống lại hôn nhân đồng tính theo giáo huấn của Giáo Hội. Hồi còn là tổng giám mục ở Buenos Aires, ngài đã không thành công trong việc ngăn cản Á Căn Đình trở thành nước Mỹ Châu La Tinh đầu tiên hợp pháp hóa “hôn nhân” đồng tính.

Tuy nhiên, khi là giáo hoàng, ngài cũng đã tỏ sự cởi mở lớn lao đối với người đồng tính, cổ vũ một Giáo Hội biết phục vụ mọi người một cách không phê phán.

7:45 giờ tối: Nhà tranh đấu người Paraguay cho quyền lợi người đồng tính, từng tham dự cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với 1,600 thành viên của xã hội dân sự, nói rằng một số người trong phong trào của anh nghĩ đáng lẽ anh nên bỏ cuộc gặp gỡ ấy.

Nhưng Simon Cazal cho Hãng Associated Press hay anh nhận lời mời của hội đồng giám mục Paraguay vì anh không nghĩ Giáo Hội Công Giáo sẽ sử dụng việc anh tham dự để tuyên truyền.

Cazal là giám đốc điều hành của SomosGay. Anh hài lòng ghi nhận lời tuyên bố của Đức Phanxicô rằng sự phong phú của người ta nằm trong tính đa dạng của họ và không ai nên bị loại trừ khỏi bất cứ điều gì.

Cazal nói với AP rằng anh hy vọng chính phủ Paraguay chịu lắng nghe. Anh nói: 54 vụ sát hại người Paraguay đổi giống đã không được điều tra trong thập niên qua.

Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng đều chống đối “hôn nhân” đồng tính. Với các ngài, hôn nhân chỉ có thể có giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Cazal “cưới” một người Á Căn Đình. Cuộc kết hợp của họ không được Paraguay thừa nhận. Năm 2010, Á Căn Đình trở thành quốc gia Mỹ Châu La Tinh đầu tiên hợp pháp hóa “hôn nhân” đồng tính.
 
Tiếng vang cuộc tông du Nam Mỹ: Hoa Kỳ vội vã tăng thêm thủ tục đón tiếp ĐTC.
Trần Mạnh Trác
15:04 12/07/2015
Một cảnh lễ nhậm chức năm 2009


Chứng kiến những cảnh hồ hởi cuả dân chúng Nam Mỹ và bắt mạch mức hấp dẫn tại quốc nội, Quốc Hội Hoa Kỳ vừa vội vã thêm vào một thủ tục đón tiếp Đức Giáo Hoàng tại Washington DC.

Thay vì chỉ chào đón Ngài trong buổi họp lưỡng viện như đã từng làm với các vị khách quí cuả Quốc Gia, ĐGH sẽ được mời ban một huấn từ ngắn tới toàn thể công chúng Mỹ ngay trên thềm cuả điện Capitol, được truyền hình ra toàn quốc, trong một khung cảnh giống như một "lễ nhậm chức cuả một Tổng Thống" ("inauguration-like setting") vậy.

Vé tham dự sẽ được phân phát ngay từ ngày 30 tháng 7 này, do các "thành viên cuả Quốc Hội và các viên chức cuả Hạ Viện", theo một thông báo cuả văn phòng Chủ Tịch Quốc Hội.

Vào ngày thứ Tư vừa qua, khi ra thông cáo nghi thức mới, văn phòng Chủ Tịch Quốc Hội cũng nêu ra lý do là cuộc viếng thăm cuả ĐGH là "vô tiền khoáng hậu" ("unprecedent") và là "một giây phút lịch sử cho quốc gia" (“a historic moment for the country.”)

"Chúng tôi cùng với toàn thể mọi thành phần dân chúng (from all walks of life) mong mỏi được đón tiếp ĐTC tại thềm Quốc Hội vào ngày 24 tháng 9 này" bản thông cáo viết.

Đây quả là một bước 'nhẩy vọt' và chưa từng thấy tại Hoa Kỳ. Một sự kiện như thế chắc chắn phải có sự đồng thuận lớn lao cuả mọi phe phái chính trị, là một điều hiếm có và hầu như không thể xảy ra trong một hoàn cảnh như hiện tại, chưa nói đến việc đã xảy ra một cách nhanh chóng như thế.

Để biểu lộ sự nhất trí, cả hai ông Boehner, chủ tịch quốc hội, và lãnh tụ phe thiểu số, bà Nancy Pelosi, đã cùng xuất hiện và phát biểu sự náo nức được chào đón ĐGH trong dịp ra thông cáo này như sau:

"Đức Thánh Cha Phanxicô đã đổi mới đức tin của người Công Giáo trên toàn thế giới và truyền cảm hứng cho một thế hệ mới, không phân biệt tôn giáo, để trở thành những khí cụ cuả hoà bình. Trong tinh thần và mang tên cuả San Francisco, Thánh Phanxicô thành Assisi, thông điệp về tình yêu phổ quát cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vang dội đến muôn triệu người trên thế giới, " bà Pelosi nói.

"Trong một thời gian biến động (như hiện nay) cuả toàn cầu, thông điệp về Từ Bi và về Nhân Phẩm của Đức Thánh Cha đã làm xúc động mọi người từ tất cả các tôn giáo và nguồn gốc. Giáo lý của Ngài, lời cầu nguyện, và gương sáng cuả Ngài đã đem lại cho chúng ta những phước lành từ những việc làm đơn giản và nghĩa vụ đối với nhau, " ông Boehner nói.
 
Top Stories
Pope Francis celebrates final Mass of his visit to Paraguay
Vatican Radio
11:19 12/07/2015
2015-07-12 Vatican - Pope Francis on Sunday (July 12th) wrapped up his journey to Latin America by celebrating an open-air Mass at Nu Guazu outside Asuncion on the final day of his visit to Paraguay. In his homily at the Mass which was attended by hundreds of thousands of faithful including many from his native Argentina, the Pope stressed the importance of welcoming others, showing hospitality and warned about the evil of isolation which he said eats away at our life and makes us closed in on ourselves.

Please find below an English translation of the Pope’s homily at the Mass:

“The Lord will shower down blessings, and our land will yield its increase”. These are the words of the Psalm. We are invited to celebrate this mysterious communion between God and his People, between God and us. The rain is a sign of his presence, in the earth tilled by our hands. It reminds us that our communion with God always brings forth fruit, always gives life. This confidence is born of faith, from knowing that we depend on grace, which will always transform and nourish our land.

It is a confidence which is learned, which is taught. A confidence nurtured within a community, in the life of a family. A confidence which radiates from the faces of all those people who encourage us to follow Jesus, to be disciples of the One who can never deceive. A disciple knows that he or she is called to have this confidence; we feel Jesus’s invitation to be his friend, to share his lot, his very life. “No longer do I call you servants... but I have called you friends, for all that I have heard from my Father I have made known to you”. The disciples are those who learn how to dwell in the confidence born of friendship.

The Gospel speaks to us of this kind of discipleship. It shows us the identity card of the Christian. Our calling card, our credentials.

Jesus calls his disciples and sends them out, giving them clear and precise instructions. He challenges them to take on a whole range of attitudes and ways of acting. Sometimes these can strike us as exaggerated or even absurd. It would be easier to interpret these attitudes symbolically or “spiritually”. But Jesus is quite precise, very clear. He doesn’t tell them simply to do whatever they think they can.

Let us think about some of these attitudes: “Take nothing for the journey except a staff; no bread, no bag, no money...” “When you enter a house, stay there until you leave the place”. All this might seem quite unrealistic.

We could concentrate on the words, “bread”, “money”, “bag”, “staff”, “sandals” and “tunic”. And this would be fine. But it strikes me that one key word can easily pass unnoticed. It is a word at the heart of Christian spirituality, of our experience of discipleship: “welcome”. Jesus as the good master, the good teacher, sends them out to be welcomed, to experience hospitality. He says to them: “Where you enter a house, stay there”. He sends them out to learn one of the hallmarks of the community of believers. We might say that a Christian is someone who has learned to welcome others, to show hospitality.

Jesus does not send them out as men of influence, landlords, officials armed with rules and regulations. Instead, he makes them see that the Christian journey is about changing hearts. It is about learning to live differently, under a different law, with different rules. It is about turning from the path of selfishness, conflict, division and superiority, and taking instead the path of life, generosity and love. It is about passing from a mentality which domineers, stifles and manipulates to a mentality which welcomes, accepts and cares.

These are two contrasting mentalities, two ways of approaching our life and our mission.

How many times do we see mission in terms of plans and programs. How many times do we see evangelization as involving any number of strategies, tactics, maneuvers, techniques, as if we could convert people on the basis of our own arguments. Today the Lord says to us quite clearly: in the mentality of the Gospel, you do not convince people with arguments, strategies or tactics. You convince them by learning how to welcome them.

The Church is a mother with an open heart. She knows how to welcome and accept, especially those in need of greater care, those in greater difficulty. The Church is the home of hospitality. How much good we can do, if only we try to speak the language of hospitality, of welcome! How much pain can be soothed, how much despair can be allayed in a place where we feel at home! Welcoming the hungry, the thirsty, the stranger, the naked, the sick, the prisoner (Mt 25:34-37), the leper and the paralytic. Welcoming those who do not think as we do, who do not have faith or who have lost it. Welcoming the persecuted, the unemployed. Welcoming the different cultures, of which our earth is so richly blessed. Welcoming sinners.

So often we forget that there is an evil underlying our sins. There is a bitter root which causes damage, great damage, and silently destroys so many lives. There is an evil which, bit by bit, finds a place in our hearts and eats away at our life: it is isolation. Isolation which can have many roots, many causes. How much it destroys our life and how much harm it does us. It makes us turn our back on others, God, the community. It makes us closed in on ourselves. That is why the real work of the Church, our mother, is not mainly to manage works and projects, but to learn how to live in fraternity with others. A welcome-filled fraternity is the best witness that God is our Father, for “by this all will know that you are my disciples, if you have love for one another” (Jn 13:35).

In this way, Jesus teaches us a new way of thinking. He opens before us a horizon brimming with life, beauty, truth and fulfillment.

God never closes off horizons; he is never unconcerned about the lives and sufferings of his children. God never allows himself to be outdone in generosity. So he sends us his Son, he gives him to us, he hands him over, he shares him... so that we can learn the way of fraternity, of self-giving. He opens up a new horizon; he is the new and definitive Word which sheds light on so many situations of exclusion, disintegration, loneliness and isolation. He is the Word which breaks the silence of loneliness.

And when we are weary or worn down by our efforts to evangelize, it is good to remember that the life which Jesus holds out to us responds to the deepest needs of people. “We were created for what the Gospel offers us: friendship with Jesus and love of our brothers and sisters” (Evangelii Gaudium, 265).

On thing is sure: we cannot force anyone to receive us, to welcome us; this is itself part of our poverty and freedom. But neither can anyone force us not to be welcoming, hospitable in the lives of our people. No one can tell us us not to accept and embrace the lives of our brothers and sisters, especially those who have lost hope and zest for life. How good it would be to think of our parishes, communities, chapels, wherever there are Christians, as true centers of encounter between ourselves and God.

The Church is a mother, like Mary. In her, we have a model. We too must provide a home, like Mary, who did not lord it over the word of God, but rather welcomed that word, bore it in her womb and gave it to others.

We too must provide a home, like the earth, which does not choke the seed, but receives it, nourishes it and makes it grow.

That is how we want to be Christians, that is how we want to live the faith on this Paraguayan soil, like Mary, accepting and welcoming God’s life in our brothers and sisters, in confidence and with the certainty that “the Lord will shower down blessings, and our land will yield its increase”.
 
Pope Francis: Angelus address in Paraguay
Vatican Radio
11:20 12/07/2015
2015-07-12 Vatican - Pope Francis said on Sunday (July 12th) that Mary is always with us, her children, especially the poor and the most needy. He also prayed that Mary may strengthen the Church’s members in fraternal love and that with her help the Church may be a welcoming home for all. His words came during his Angelus address pronounced at the end of the open-air Mass celebrated at Nu Guazu outside Asuncion on the final day of his visit to Paraguay.

Please find below an English translation of the Pope’s prepared remarks at his Angelus address following the Mass at Nu Guazu:

“I thank the Archbishop of Asuncion, the Most Reverend Edmundo Ponziano Valenzuela Mellid, for his kind words.

At the end of this celebration we look with trust to the Virgin Mary, Mother of God and our Mother. She is the gift that Jesus gives to his people. He gave her to us as our Mother at the hour of his cross and suffering. She is the fruit of Christ’s sacrifice for us. And from that moment, Mary has always been, and will always be, with her children, especially the poor and those most in need.

Mary has become part of the tapestry of human history, of our lands and peoples. As in so many other countries of Latin America, the faith of the Paraguayan people is imbued with love of the Virgin Mary. They approach their mother with confidence, they open their hearts and entrust to her their joys and sorrows, their aspirations and sufferings. Our Lady consoles them and with tender love fills them with hope. They never cease to turn with trust to Mary, mother of mercy for each and every one of her children.

I also ask the Blessed Mother, who persevered in prayer with the Apostles as they waited for the Holy Spirit (Acts 1,13-14), to watch over the Church and strengthen her members in fraternal love. With Mary’s help, may the Church be a home for all, a welcoming home, a mother for all peoples.

Dear brothers and sisters: I ask you please to pray also for me. I know how much the Pope is loved in Paraguay. I also keep you in my heart and I pray for you and your country.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phủ Cam chia tay Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh
Trương Trí
08:50 12/07/2015
HUẾ - Sáng Chúa Nhật 12/7/2015, Thánh lễ do Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính tòa chủ tế. Hội đồng Giáo xứ cùng các Ban, Nghành, Đoàn thể chỉnh tề và nghiêm trang ở những hàng ghế phía trước để thay mặt Cộng đoàn Giáo xứ cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã mang đến Giáo xứ một vị Mục tử nhân lành đã tận tâm tận lực với Giáo xứ, nay vâng theo ý chỉ của Đức Tổng Giám mục, Ngài chuyển đến coi sóc Giáo xứ Phanxicô. Cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho Ngài được hồn an xác mạnh để cộng tác với vị Chủ chăn của Giáo phận, phục vụ Giáo Hội và Giáo phận.

Hầu như cả Nhà thờ ai nấy đều mang một tâm trạng trĩu buồn khi chuẩn bị chia tay Cha Tổng Đại diện Quản xứ. Còn nhớ cách nay gần 7 năm, khi Đức Tổng Giám mục Stêphanô bổ nhiệm Ngài về làm Quản xứ Chính tòa, trong ngày nhận nhiệm vụ mới, Đức Tổng Giám mục Stêphanô đã đặc biệt nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Cha là phải làm sao xây cho được ngôi Nhà Mục vụ của Giáo xứ.”

Giáo xứ Phủ Cam là một Giáo xứ Chính tòa với trên 5 ngàn giáo dân, đông nhất của Giáo phận. Nếu so với một số Giáo xứ thuộc các Giáo phận khác thì không phải là đông, nhưng Phủ Cam lại có một truyền thống đạo đức lâu đời, nề nếp trong sinh hoạt với nhiều Ban, Nghành, Đoàn thể. Một lượng Giáo lý sinh đông đảo chiếm hết 1/5 sĩ số của Giáo xứ với một đội ngũ Giáo lý viên lên đến trên 100 người, vậy mà vẫn còn phải nhờ sự trợ giúp của các thầy Đại Chủng sinh và các nữ tu dòng Mến Thánh giá. Giáo xứ Phủ Cam lại là cánh tay phục vụ đắc lực cho Giáo phận những lúc có dịp lễ lớn, Đại hội La Vang và những cuộc đón tiếp các phái đoàn.

Chính vì thế, Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam nhất thiết phải có một ngôi Nhà Mục vụ khang trang, bề thế không chỉ để phục vụ cho các sinh hoạt của Giáo phận mà còn là nơi dạy dỗ Giáo lý cho con em, đồng thời làm nơi sinh hoạt của HĐGX và các Hội đoàn.

Sau khi về nhận xứ, Cha Antôn đã bắt tay vào việc lên kế hoạch và vận động các ân nhân xa gần, các đồng hương Phủ Cam trong và ngoài nước, đặc biệt có những ân nhân ẩn danh đã dâng cúng hàng tỷ đồng để chỉ sau 3 năm tận lực, ngôi Nhà Mục vụ đã hoàn thành, một ngôi nhà mà biết bao đời nay đã mơ ước.

Khi Đức Tổng Giám mục Stêphanô nghĩ hưu và Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê nhận nhiệm vụ Chủ chăn của Giáo phận, Ngài đã bổ nhiệm Cha Antôn giữ chức vụ Tổng Đại diện. Cha Antôn lại càng tất bật hơn với nhiều công việc của Giáo phận, Ngài vừa là Chưởng ấn, vừa là Chánh án Tòa án Hôn phối của Giáo phận.

Trong bài giảng lễ, Cha Tổng Đại diện chia sẻ về Tin mừng: Chúa Giêsu sai các môn đẹ đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, nhưng Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ không được mang theo quần áo, tiền bạc. Khi đến nhà nào, thành nào mà người ta tiếp đón thì ở lại đóa để rao truyền Tin mừng. Nếu nơi nào không đón tiếp thì khi ra khỏi nhà khỏi thành đó hãy rũ hết bụi đất lại mà ra đi. Khi đi cũng cần phải kết hợp thêm môn đệ khác cùng đi để tạo sự liên đới trong lúc rao giảng Lời Chúa.

Sau Thánh lễ, ông Matthêô Nguyễn Đình Lục Chủ tịch HĐGX, thay mặt Cộng đoàn Giáo xứ ngỏ lời tri ân Cha Tổng Đại diện, Quản xứ trong bùi ngùi xúc động. Nêu bật biết bao công lao to lớn mà Cha đã làm cho Giáo xứ. bộ mặt của Giáo xứ ngày càng khởi sắc, khuôn viên Nhà thờ khang trang với nhiều sắc hoa đua nở, các Hội đoàn hoạt động ngày càng hăng say. Nhất là Cha đã kiện toàn lại HĐGX với một Ban Thường vụ có nhiều gương mặt trẻ đầy tâm huyết và lòng đạo đức nhiệt thành, lại được sự hổ trợ của những bậc cao niên đầy tràn kinh nghiệm trong mọi công việc đối nội cũng như đối ngoại. Giáo xứ đã dâng tặng Cha Tổng Đại diện Quản xứ bức ảnh Nhà Mục vụ là công trình Cha đã làm mà Giáo xứ mãi mãi ghi ơn, một phù điêu khảm xà cừ hình Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam và lẳng hoa tươi thắm biểu tỏ tất cả tấm lòng tri ân vô bờ mà toàn thể Giáo xứ dành cho Cha.

Cha Tổng Đại diện Quản xứ cũng đã đáp lời với một tâm tình quyến luyến, Ngài cảm ơn HĐGX, Ban Trị sự các Khu vực, tất cả các Ban Nghành Đoàn thể và các nhân đã tích cực cộng tác với Ngài trong suốt gần 7 năm qua. Bây giờ Ngài chuẩn bị nhận sứ vụ mới, mong Cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho Ngài trong công việc mới.
 
Giáo Lý Viên hạt Hố Nai - Thi Giáo lý Cấp Giáo Hạt Năm 2015
Dominic Nguyễn Thanh Phương
09:26 12/07/2015
Giáo Lý Viên hạt Hố Nai - Thi Giáo lý Cấp Giáo Hạt Năm 2015

Sáng Chúa Nhật ngày 12/07/2015, hơn 100 anh chị Giáo Lý Viên (GLV) được tuyển chọn từ 17 giáo xứ trong hạt Hố Nai đã tập trung về giáo xứ Phú Tảo để tham dự cuộc thi giáo lý cấp giáo hạt với chủ đề “Gia đình và giáo xứ sống Mầu nhiệm Thánh Thể”.

Xem Hình

Sau khi tập trung tại sân và khởi động, các anh chị GLV đã bước vào nhà thờ để ổn định chỗ ngồi. Cha Giuse Lê Trọng Tiến, đặc trách ban Giáo Dục Công Giáo hạt Hố Nai – trưởng BTC đã thánh hóa và dặn dò các thí sinh những điều cần lưu ý trươc khi bắt đầu cuộc thi.

Năm nay, các anh chị sẽ thi 2 vòng để lựa chọn ra những gương mặt xuất sắc nhất của từng cấp đại diện cho giáo hạt để thi cấp giáo phận.

Qua 2 vòng thi gay cấn, những gương mặt xuất sắc đã lộ diện:

KHỐI HẠNG TÊN THÁNH HỌ TÊN GIÁO XỨ

Cấp I NHẤT Teresa Lại Thị Ngọc Tốt Hà Nội

NHÌ Giuse Ngô Bá Sơn Hà Nội

BA Giacôbê Ngô Gia Hy Thánh Tâm

Cấp II NHẤT Maria Nguyễn Thị Thu Hương Thánh Tâm

NHÌ Maria Trần Như Xuân Hà Nội

BA Maria Trần Thụy Tú My Thánh Tâm

Cấp III NHẤT Teresa Trần Vũ Uyên Ly Thánh Tâm

NHÌ Maria Lê Thị Biên Thánh Tâm

BA Anna Chu Phạm Bích Hồng Bắc Hải

Sau khi trao phần thưởng và những món quà lưu niệm cho các anh chị đạt giải, Cha Giuse Lê Trọng Tiến đã dặn dò các thí sinh đi thi cấp giáo phận tiếp tục ôn luyện để đào sâu kiến thức, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.

Cảm ơn Cha xứ chánh xứ Phú Tảo cũng là Cha đặc trách ban Giáo Dục Công Giáo hạt Hố Nai, Cha Phó đặc trách, BHG xứ Phú Tảo, các anh chị BTS Giáo Lý Viên hạt Hố Nai và BTS Giáo Lý Viên các giáo xứ đã tổ chức và tạo mọi điều kiện để các anh chị em Giáo Lý Viên trong hạt có một ngày hội thi thật ý nghĩa.

Dom. Nguyễn Thanh Phương
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Dâm Bụt
Thérésa Nguyễn
21:22 12/07/2015
HOA DÂM BỤT
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Hoa dâm bụt một hôm nức nở
Trách thói đời ăn ở không công
Nghĩ mình với chị Hoa Hồng
Khác nhau là mấy, kẻ trong, người ngoài?
Kẻ trong chậu hôm mai, vun tưới,
Kẻ bờ rào nóng dưới nắng trên !
(K.D)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 07/07 – 13/07/2015: Chuyến tông du Nam Mỹ của Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:43 12/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha thăm tổng thống và nhà thờ chính tòa Quito

Chiều ngày 6-7, Đức Thánh Cha đã từ Guayaquil bay về thủ đô Quito để tiếp tục chương trình viếng thăm.

Khác với Guayaquil ẩm thấp và nóng, Quito mưa lạnh và sương mù. Dầu vậy vẫn có hàng trăm ngàn người đứng dọc theo hai bên đường từ Phi trường về trung tâm thành phố để chào đón Đức Thánh Cha. Thật là một biển người mênh mông.

Thăm Tổng thống

Ngài về trung tâm thủ đô để thăm xã giao Tổng thống Correa của Ecuador tại dinh Carondelet. Một ca đoàn hát mừng vị thượng khách, rồi Đức Thánh Cha gặp riêng tổng thống với gia đình Ông, gồm phu nhân, bà mẹ, và các con của ông.

Trong dịp này Đức Thánh Cha tặng tổng thống bức tranh khảm Đức Mẹ đang bồng Chúa Con, bản sao bức ảnh cổ kính được giữ tại Nhà Nguyện Mình Thánh Chúa ở Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma. Trước bức ảnh này, ngày 22-8 năm 1541, thánh Ignaxio cùng với các tu sĩ đầu tiên của dòng Tên đã khấn dòng. Ngài cũng tặng tổng thống hai văn kiện: trước tiên là Tông huấn 'Niềm vui Phúc Âm' và tiếp đến là Thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ môi trường. Tổng thống đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh rất đẹp diễn tả mặt tiền Nhà thờ dòng Tên ở thủ đô Quito.

Trong khi Đức Thánh Cha gặp tổng thống, thì Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin, Đức Sứ Thần và Đức Hồng Y Vela hội kiến với một số quan chức chính quyền Ecuador.

Chào thăm các tín hữu

Sau khi gặp gỡ Tổng thống, Đức Thánh Cha đã tiến ra bao ơn dinh Carondelet để chào thăm hàng ngàn tín hữu tụ tập trước dinh này, rồi ngài đi bộ đến viếng nhà thờ chính tòa Quito chỉ cách đó 50 mét. Sau khi kính viếng Mình Thánh Chúa, ngài tiến ra quảng trường bên ngoài để chào thăm rất đông tín hữu tụ tập tại đây và chúc lành cho họ và nói rằng: “Tôi chúc lành cho toàn thể nhân dân Ecuador, để họ không còn phân biệt nhau, để không còn ai bị loại trừ, để không ai bị gạt bỏ, để không ai phải ở ngoài lề đại quốc này”.

Đức Thánh Cha ám chỉ đến tình trạng 2% dân Ecuador là giới đại điền chủ và chủ các xí nghiệp, và 20% dân chúng sống trong nghèo đói. Cách đây 5 năm, tỷ số người nghèo này là 40%. Ngài chúc lành cho những cải tổ xã hội tại nước này.

Trong lời chào đã dọn sẵn cho dịp này, Đức Thánh Cha viết:

“Tôi đến Quito này như người lữ hành, để chia sẻ với anh chị em niềm vui loan báo Tin Mừng.

Tôi đã cầu nguyện với thánh Marianna Chúa Giêsu người Ecuador có tượng ở phía sau Đền thờ Thánh Phêrô và phó thác cho thánh nữ thành quả chuyến viếng thăm này, và xin cho tất cả chúng ta biết noi gương thánh nữ: sự hy sinh và nhân đức anh hùng của Thánh nữ được tượng trưng bằng một hoa huệ.

“Các thánh mời gọi chúng ta noi gương các vị, theo học tại trường các vị như thánh nữ Narcisa Chúa Giêsu và chân phước Mercedes di Gesù Molina noi gương thánh nữ Marianna. Với những người đang ở đây, chịu đau khổ hoặc đã chịu đau khổ như cô nhi, và những người tuy còn nhỏ, đã phải chăm sóc các em mình, những người dấn thân hằng ngày chăm sóc các bệnh nhân hoặc người già, tôi nói rằng thánh nữ Marianna cũng đã làm như vậy và thánh Narcisa cũng như chân phước Mercedes đã noi gương ấy. Không phải là khó khăn nếu Chúa ở cùng chúng ta. Các ngài không làm những điều ngoại thường, trước mặt thế gian. Các ngài đã yêu mến nhiều và chứng tỏ điều ấy trong cuộc sống hằng ngày đến độ động chạm đến thân mình đau khổ của Chúa Kitô trong dân (Ev. Gaudium 24).

Đức Thánh Cha nhắc đến công trình xây cất nhà thờ Chính tòa này với bao nhiêu vất vả theo phương pháp và thói quen của các thổ dân: đó là một công việc của tất cả mọi người để giúp cộng đoàn, một công việc vô danh, không có bảng quảng cáo cũng chẳng có vỗ tay. “Ước gì Chúa làm cho những viên đá của nhà thờ chính tòa này, chúng ta cũng đặt trên vai các nhu cầu của người khác, giúp kiến tạo hoặc tái thiết cuộc sống của bao nhiêu anh chị em không có sức lực để kiến tạo hoặc thấy sức lực bị hao mòn”.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 40 cây số về dùng bữa tối và nghỉ đêm.

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ giới Đại Học Ecuador

Lúc 16 giờ ngày thứ Ba 7 tháng 7, Đức Thánh Cha đã tới Đại học giáo hoàng Công Giáo Ecuador cách tòa sứ thần Tòa Thánh 3 cây số. Hai bên đường đã có rất đông tín hữu chào đón Đức Thánh Cha.

Đại học giáo hoàng Công Giáo Ecuador được thành lập năm 1946 thuộc tổng giáo phận Quito do các cha Dòng Tên điều khiển. Đại học gồm 14 học viện và phân khoa gồm Kiến trúc, Quản trị, Sư phạm, Khoa học, Triết học, Thần học, Khoa học nhân văn, Truyền thông, Văn chương, Kinh tế, Y tá, Kỹ sư, Luật, Y khoa, Sinh học, Trợ giúp xã hội. Có tất cả 30.000 sinh viên.

Vào thời thực dân Giáo Hội đã thành lập Đại học San Fulgencio do các cha dòng Agostino điều khiển; đại học thánh Gregorio do các cha dòng Tên điều khiển cho tới khi các vị bị trục xuất; và đại học San Tomas do các cha dòng Đa Minh điều khiển.

Đức Thánh Cha đã được viện trưởng César Fabián Carrasco Castro tiếp đón trong khuôn viên đại học có chỗ cho 5.000 người. Sau lời chào của ĐC Alfredo José Espinoza Mateus, GM Loja và là chủ tịch Ủy ban giáo dục và văn hóa của HĐGM Ecuador, các sinh viên học sinh đã tặng qùa cho Đức Thánh Cha. Tiếp đến mọi người đã nghe chứng từ của một nữ sinh viên, một giáo sư và viện trưởng đại học.

Ngỏ lời trong dịp này Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống và lệnh Thiên Chúa truyền cho con người phải vun trồng và giữ gìn thụ tạo. Đức Thánh Cha nói:

Thiên Chúa không chỉ ban cho con người sự sống, nhưng cũng ban cho con người trái đất, thụ tạo. Ngài không chỉ ban cho con người một người bạn đường và các khả thể vô tận. Nhưng Ngài cũng đưa ra một lời mời gọi, và trao ban cho con người một sứ mệnh nữa. Ngài mời gọi họ tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và nói: hãy vun trồng! Ta ban cho con các hạt giống, trái đất, nước, mặt trời, Ta ban cho con đôi bàn tay và tay của anh em con. Nó cũng là của con. Nó là một món quà, một ơn, một sự cống hiến. Nó không phải là cái gì được chiếm hữu, được mua. Nó đi trước chúng ta và sẽ tiếp nối chúng ta… Thụ tạo là một ơn phải được chia sẻ. Nó là không gian Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng với chúng ta, để xây dựng một “chúng ta”. Thế giới, lịch sử, thời gian là nơi chúng ta đi xây dựng chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với trái đất. Cuộc sống của chúng ta luôn dấu ẩn lời mời gọi này, một lời mời gọi ít nhiều ý thức nhưng tồn tại luôn mãi. Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận một điểm đặc biệt. Trong trình thuật của sách Sáng Thế, cùng với từ “vun trồng” Thiên Chúa nói ngay một lời khác “giữ gìn”, chăm sóc. Từ này được hiểu nhờ từ kia. Một bàn tay giơ ra cho một bàn tay khác. Ai không vun trồng thì không chăm sóc, ai không chăm sóc thì không vun trồng. Chúng ta không chỉ được mời gọi là phần của công trình sáng tạo bằng cách vun trồng nó, làm cho nó lớn lên, phát triển nó, nhưng chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc, che chở, giữ gìn nó nữa. Ngày nay lời mời gọi này càng mạnh mẽ hơn nữa. Không phải chỉ như là một lời nhắn nhủ, nhưng như là một đòi buộc nảy sinh từ “sự dữ mà chúng ta đã gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dùng các tài nguyên Thiên Chúa đã đặt để trong trái đất. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chúng ta là chủ và là kẻ thống trị, được phép cướp bóc nó, vì thế giữa các người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất có trái đất của chúng ta bị áp bức và tàn phá” (Laudato sì, 2).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Có một tương quan giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của mẹ đất, giữa sự hiện hữu của chúng ta và ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. “Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên cùng nhau trở nên đồi tệ, và chúng ta không thể đương đầu với sự suy đồi môi sinh một cách thích hợp, nếu không chú ý tới các lý do có tương quan với sự suy đồi nhân bản và xã hội” (ibid., 48). Nhưng chúng cũng nâng đỡ nhau và có thể thay đổi hình dạng. Đó là một tuơng quan giữ gìn một khả thể của sự rộng mở, thay đổi, của sự sống cũng như của tàn phá và chết chóc.

Có một điều chắc chắn: đó là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng lại với thực tại của mình, với các anh em mình, với mẹ đất. Chúng ta không được phép không biết điều đang xảy ra chung quanh chúng ta, làm như thể là các tình trạng xác định không hiện hữu hay không liên quan gì tói thực tại của chúng ta. Một lần nữa câu Thiên Chúa hỏi lại vang lên: “Em ngươi đâu?”. Tôi tự hỏi không biết câu trả lời của chúng ta có tiếp tục là “Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9).

Trong bối cảnh đại học này, sẽ rất đẹp nếu chúng ta tự vấn liên quan tới nền giáo dục của chúng ta trước trái đất đang kêu lên tới trời. Các trường học của chúng ta là một vườn ương cây, một khả thể, là đất phì nhiêu mà chúng ta phải chăm sóc, kích thích, và che chở. Đất phì nhiều khát sự sống.

Cùng anh chị em là các giáo sư tôi tự hỏi: Anh chị em có thức tỉnh trên các sinh viên học sinh bằng cách trợ giúp họ phát triển một óc phê bình, một tinh thần tự do có khả năng chăm sóc thế giới ngày nay hay không? Một tinh thần có khả năng tìm ra các câu trả lời mới cho nhiều thách đố mà xã hội ngày nay đưa ra hay không? Anh chị em có khả năng khích lệ họ đừng không biết tới thực tại bao quanh họ hay không? Làm thế nào để bước vào trong các chương trình khác nhau của đại học hay trong các lãnh vực khác nhau của công việc giáo dục cuộc sống chung quanh chúng ta với các đòi hỏi, các vấn nạn và các cật vấn của nó? Chúng ta làm nảy sinh ra và đồng hành với cuộc thảo luận xây dựng này việc đối thoại sinh tử cho một thế giới nhân bản hơn như thế nào?

Tiếp đến Đức Thánh Cha khẳng định như sau:

Có một suy tư lôi cuốn tất cả chúng ta: các gia đình, học đường và nhà giáo, đó là làm thế nào để người trẻ đừng đồng hóa bằng biếu đại học với địa vị cao hơn, với tiền bạc và uy tín xã hội. Chúng ta làm thế nào để giúp họ nhận diện việc chuẩn bị này như dấu chỉ của một trách nhiệm lớn hơn đối với các vấn đề ngày nay, tôn trọng và săn sóc người nghèo, tôn trọng việc cứu vãn môi sinh. Và với các các bạn trẻ thân mến, là hiện tại và tương lại của Ecuador, là hạt giống biến đổi của xã hội này, tôi muốn tự hỏi: các bạn có biết thời gian học hành các bạn có không phải chỉ là một quyền lợi mà cũng là một đặc ân không? Biết bao nhiêu bạn bè, quen và không quen, muốn có một chỗ trong nơi này, mà vì các hoàn cảnh khác nhau đã không có được? Việc học hành của chúng ta giúp liên đới với họ trong mức độ nào?

Các cộng đoàn giáo dục có một vai trò sinh động, nòng cốt trong việc xây dựng xã hội và nền văn hóa. Phân tích, miêu tả thực tại thôi không đủ, cần phải trao ban sự sống cho các môi trường, nơi chốn nghiên cứu đích thật, cho các thảo luận làm nảy sinh ra các giải pháp cho các vấn đề hiện hữu đặc biệt ngày nay.

Trước sự toàn cầu hóa của mô thức kỹ thuật hướng tới chỗ tin rằng mỗi chiếm hữu quyền lực là tiến bộ, gia tăng an ninh, hữu ích, hạnh phúc, sức sống, gia trị tràn đầy, làm như thể thực tại, thiện ích và sự thật phát sinh một cách tự phát từ chính quyền lực của kỹ thuật và kinh tế” (Laudato si’, 105), chúng ta được hỏi một cách cấp thiết mau chóng suy tư, tìm tòi, thảo luận về tình trạng của chúng ta hiện nay. Chúng ta muốn và yêu sách cho con cháu chúng ta loại văn hóa nào đây? Trái đất này mà chúng ta đã nhận như gia tài, như một ơn, một món quà, chúng ta muốn để lại nó như thế nào? Chúng ta muốn in các chỉ dẫn nào trên cuộc sống? “Chúng ta đi qua trái đất này với mục đích nào? Chúng ta đến trên trái đất này với mục tiêu nào? Chúng ta làm việc và chiến đấu cho mục đích nào? (ibid., 160). Các sáng kiến cá nhân luôn luôn tốt và nền tảng, nhưng chúng ta phải nhìn thực tại một cách tổng quát, có trật tự và không rời rạc, đưa ra các vấn nạn bao gồm tất cả mọi người. Như là đại học, như là các cơ cấu, các giáo sư và sinh viên cuộc sống thách đố các bạn trả lời cho câu hỏi này: tại sao chúng ta cần trái đất này? Người anh em con ở đâu? Ước chi Chúa Thánh Thần linh hứng và đồng hành với các bạn và ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để chu toàn sứ mạng giáo dục này.

3. Ngày cuối của Đức Thánh Cha tại Ecuador

Ngày thứ tư mùng 8 tháng 7 Đức Thánh Cha đã chỉ có hai sinh hoạt : thăm viện dưỡng lão do các nữ tu Thừa Sai Bác Ái trông coi, và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ chủng sinh tại đền thánh Đức Bà El Quinche. Trung tâm Đức Bà El Quinche đưọc xây năm 1928 và được tuyên bố là trung tâm thánh mẫu quốc gia năm 1985. Tượng Đức Bà el Quinche bằng gỗ trắc bá cao 60 cm, do ông Don Diego de Robles thuộc trường phái Quito tạc năm 1586, theo lời xin của các thổ dân Lumbici. Vì các thổ dân không có tiền trả công, nên nhà điêu khắc nhường tượng lại cho các thổ dân Oyacachi muốn có bức tượng này vì giống hình Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với họ.

Sau khi dâng thánh lễ riêng lúc 7 giờ rưỡi và điểm tâm, Đức Thánh Cha đã từ giã Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đi xe đến nhà dưỡng lão tại Tumbaco là một vùng phụ cận cách xa Quito 21 cây số.

Ngài đã được nữ tu bề trên và 10 nữ tu tiếp đón. Đức Thánh Cha đã gặp các cụ già trong sân nhà dưỡng lão, bắt tay và hỏi chuyện từng người.

Sau khi từ biệt các cụ lúc 10 giờ Đức Thánh Cha đi xe đến đền thánh Đức Bà El Quinche cách đó 27 cây số. Đã có hàng chục ngàn người quy tụ về đây để chào đón ngài. Khi xe vào thành phố tín hữu đứng hai bên đường đã tung hoa chào mừng Đức Thánh Cha trong một bầu khí lễ hội tươi vui. Mui chiếc xe papamobil đầy cánh hoa hồng. Đức Thánh Cha đã được linh mục quản đốc đền thánh tiếp đón tại thềm đền thờ và đưa vào trong để Đức Thánh Cha dâng hoa kính Đức Mẹ. Ngài đã đứng cầu nguyện một lát trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã vào nhà dòng và viết vào sổ lưu niệm lời cầu sau đây : « Lạy Me là Đức Trinh Nữ đền thánh Quinche, xin chăm sóc nhân dân Ecuador. Họ là con cái Mẹ, Mẹ ơi » Ký tên Phanxicô Giáo Hoàng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ra khán đài bên ngoài đền thánh để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh. Sau lời chào mừng của ĐC Celmo Lazzari, đặc trách những người sống đời thánh hiến của HĐGM Ecuador, đã có phần chứng từ của cha Silvino Mina, thuộc Toà Giám quản tông toà Esmeraldes và nữ tu Marisol Sandoval dòng Agostino.

Đức Thánh Cha đã không đọc diễn văn dọn sẵn nhưng ứng khẩu. Ngài cám ơn các linh mục tu sĩ và chủng sinh đã quảng đại đáp lại lời kêu mời của Chúa dấn thân trong các hoạt động khác nhau lo cho dân Chúa. Ngài khích lệ mọi người sống thân tình với Chúa, biết săn sóc sức khoẻ thể lý, nhưng nhất là săn sóc sức khỏe tinh thần và đời sống thiêng liêng, không bị bệnh lão hóa tinh thần, luôn biết tin yêu phó thác, cậy dựa vào ơn thánh Chúa, ý thức mình là người phục vụ, và tận dụng các tài khéo Chúa ban cho công tác rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa lòng trần gian, tránh bệnh lão hóa tinh thần và khuynh hướng tìm chức tước. Vì không phải là người làm thuê ăn lương, nên công tác mục vụ phải nhưng không. Đừng để người ta trả tiền cho ơn thánh.

Trong diễn văn dọn sẵn Đức Thánh Cha phó thác cho trái tim Mẹ Sầu Bi người già, người bệnh và mọi cuộc gặp gỡ trong chuyến công du của ngài. Ngài cũng để tất cả mọi thành phần dân Chúa trong con tim của những người sống đời thánh hiến. Dựa trên trình thuật Đức Mẹ dang mình vào đền thánh, Đức Thánh Cha rút tỉa ra vài suy tư và áp dụng vào đời sống thánh hiến. Trước hết ơn gọi thánh hiến là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban. Ngài tuyển chọn và sai chúng ta đi. Sự kiện này giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm lấy mình làm điểm tham chiếu, vì chúng ta không thuộc về mình nữa, và ơn gọi xin chúng ta từ bỏ mọi ích kỷ, tìm lợi lộc vật chất hay bù trừ tình cảm. Chúng ta là những người phục vụ, chứ không phải là lính đánh thuê, không phải đến để đuợc hầu hạ nhưng để phục vụ, hoàn toàn không dính bén, không gậy, không bị, không chạy theo vinh quang giả tạo và tinh thần thế tục, xa lánh các tham vọng, các lợi lộc thấp hèn ích kỷ, các chú ý tới mình một cách thái quá.

Cũng như quyền bính của các Tông Đồ các ơn chúng ta nhận được là để canh tân và xây dựng Giáo Hội. Không khước từ chia sẻ, cho đi và khép kín trong tiện nghi dễ dãi, biết là suối mát bổ dưỡng, đặc biệt cho những người bị tội lỗi, thất vọng và thù hận đè bẹp.

Điểm thứ hai là sự kiên trì. Cũng như Mẹ Maria đã không quay lại đàng sau, nhưng cương quyết tiến vào đền thánh, người sống đời thánh hiến cũng phải kiên trì trong sứ mệnh, không lang thang tìm nơi dễ dãi tiện nghi hơn, kiên trì cả khi có gặp đêm đen và lạc lối hay nguy hiểm, vì biết rằng dân thánh Chúa đồng hành với chúng ta, những người thân thương và Giáo Hội đồng hành và đỡ nâng chúng ta. Cần tiến buớc trong hiệp nhất, tương trợ lẫn nhau và sống tươi vui vì được sống trong nhà Chúa, tham dự cuộc sống thân tình với Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến cho mọi ngưòi. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với các dân tộc Mỹ châu la tinh, vun trồng, linh họat và giáo dục lòng đạo đức bình dân, để tín hữu biết biểu lộ đức tin với ngôn ngữ và kiểu cách riêng của họ, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ để Giáo Hội là căn nhà chung cho mọi người, một Giáo Hội ra đi, một Giáo Hội tới gần và thích ứng để không xa cách con người, một Giáo Hội ra khỏi tiện nghi dễ dãi của mình và có can đảm tới với mọi vùng ngoại biên cần đến ánh sáng Tin Mừng.

Đức Thánh Cha đã ban phép lành và từ giã mọi người để ra phi trường đáp máy bay sang thủ đô La Paz của Bolivia, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm ba nước Eucador, Bolivia và Paraguay.

4. Tổng Giám Mục Canterbury bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" trước sự kiện Anh Giáo tại Mỹ chấp thuận việc kết hôn đồng tính

Tổng Giám Mục Canbtury đã lên tiếng quan ngại về quyết định của Giáo Hội tại Mỹ, cho cử hành nghi thức kết hôn đồng tính.

Tiến sĩ Justin Welby, vị lãnh đạo Anh giáo trên toàn thế giới nói rằng, quyết định của Giáo Hội Anh Giáo tại Mỹ "sẽ làm phiền lòng một số người và gây ra sự chia rẽ trong Anh Giáo nói chung, cũng như cho mối quan hệ đại kết và liên tôn của Giáo Hội".

Mặc dù thừa nhận những "đặc quyền của Anh Giáo trong khi giải quyết những vấn đề phù hợp với bối cảnh riêng của Giáo Hội", vị tổng giám mục cho biết ông đã xem xét các quyết định này với mối "quan ngại sâu sắc."

5. Thủ tướng Úc sẽ chống lại nỗ lực nhằm hợp pháp hóa việc kết hôn đồng tính

Thủ Tướng Úc, ông Tony Abbott đã công bố ý định giữ vững lập trường của Đảng Tự Do của ông rằng “hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ”. Ông cho hay sẽ hoàn toàn không hỗ trợ cho việc hợp pháp hóa việc kết hôn đồng tính.

Vị lãnh đạo Úc cũng nói rằng, việc kết hôn đồng tính không phải là vấn đề ưu tiên cho chính phủ. Do đó, Uỷ Ban lập pháp sắp xếp lịch trình tranh luận, cũng khó có thể sắp xếp một dự luật kêu gọi sự công nhận của công đoàn đồng tính.

6. Biểu tình chống chính phủ ở Ecuador trước chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha

Ngày 1 tháng Bảy vừa qua,Tổng thống Ecuador Rafael đã phải đối mặt với những người biểu tình đòi loại bỏ ông ra khỏi chức vụ nguyên thủ quốc gia, chỉ vài ngày trước cuộc viếng thăm đã được sắp xếp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Hàng ngàn người biểu tình, đã tuần hành qua các thành phố lớn của Ecuador, nhằm phản đối chính sách của ông Correa về kế hoạch khai thác hầm mỏ cho mục đích thương mại ở khu vực Amazon. Chính phủ nước này đã mất đi sự ủng hộ của quần chúng vì những vấn đề kinh tế gây ra bởi sự sụt giảm của giá dầu, và tổng thống Correa đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình công khai thường xuyên diễn ra trong tháng trước.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Ecuador vào Chúa Nhật ngày 5 tháng Bảy, bắt đầu cho chuyến tông du dài một tuần ở khu vực Nam Mỹ này.

7. Philadelphia, New York gấp rút chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Công nhân thành phố Philadelphia, đang xây dựng một hàng rào an ninh, cao gần 2 mét rưỡi tạm thời bao quanh trung tâm thành phố, cho chuyến công du của Đức Thanh Cha Phaxicô vào tháng Chín sắp tới.

Hàng rào này sẽ được dựng lên vào ngày 21 tháng Chín, bao quanh khu vực nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ. Nhân viên an ninh sẽ kiểm tra chặt chẽ thường xuyên khu vực này. Vào ngày 25 tháng Chín, khi Đức Thánh Cha xuất hiện, xe cộ sẽ bị cấm lưu thông trong phạm vi cách hàng rào bốn khu phố.

Trong khi đó, tại New York, công việc phục hồi Thánh Đường St Patrick’s đã được tăng cường với mọi nỗ lực, để hoàn tất trước khi Đức Thánh Cha viếng thăm thành phố này. Dự án phục hồi thánh đường $175 triệu này đã khởi hành 3 năm trước đây.

8. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher: Peter Saunders muốn mạ lỵ Đức Hồng Y George Pell

Những nhà phê bình Đức Hồng Y George Pell đang nhắm tới việc mạ lỵ một vị giám mục Úc, theo lời vị kế nhiệm của Ngài là Tổng Giám Mục Sydney.

Tổng Giám Mục Anthony Fisher nói với thông tấn xã Cruz rằng, những cáo buộc Đức Hồng Y Pell đã che đậy những lạm dụng tình dục trẻ em đã “rất là không công bằng”. Ngài nói, trên thực tế, chính Đức Hồng Y là vị Giám Mục đầu tiên trong nước đã đề cập đến việc lạm dụng tình dục trẻ em.

Tổng Giám Mục Fisher nói, Ngài tin rằng Đức Hồng Y Pell sẽ chứng tỏ được trước Ủy Ban Điều Tra Hoàng Gia về những vụ lạm dụng tình dục trẻ em, và Ủy Ban cuối cùng cũng sẽ đưa ra những kết quả bất lợi, tuy nhiên Ngài cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng sẽ không có những bằng chứng mới nào nữa. Ngài nói, Đức Hồng Y hiện là Trưởng Bộ Phận Kinh Tế Tòa Thánh, đang là mục tiêu của những thử nghiệm về những ứng xử của Ngài.

“Họ ước ao chiến thắng bằng cách hạ bệ một nhân vật có tên tuổi” theo lời Tổng Giám Mục Fisher!

Tưởng cũng nên nhắc lại, các Giám Mục Úc Châu đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, và thất vọng trước việc Peter Saunders, một thành viên người Anh trong ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em gay gắt lên án Đức Hồng Y George Pell, trong chương trình truyền hình tối Chúa Nhật 31 tháng 5 rằng Đức Hồng Y có một thái độ “gần như là bất lương” khi giải quyết các cáo buộc lạm dụng tính dục.

Peter Saunders, người chưa từng gặp Đức Hồng Y, sống ở một đất nước cách xa nước Úc hơn nửa vòng trái đất, không biết gì đến những thành tích chống lạm dụng tính dục của một vị Hồng Y được nhiều người Úc yêu mến đã tấn công Đức Hồng Y dưới chiêu bài là “cố vấn của Đức Giáo Hoàng”. Điều này đã mở đường cho truyền thông thế tục chà đạp Đức Hồng Y nói riêng và Giáo Hội Công Giáo tại Úc nói chung, cũng như gây hoang mang trong anh chị em giáo dân.

Vì thế, ngày 3 tháng 6, các Giám Mục tại Úc đã đưa ra tuyên bố chung sau đây:

“Hôm thứ Hai Đức Tổng Giám Mục Denis Hart đã đưa ra một tuyên bố về Đức Hồng Y George Pell, là những điều sau đó ngài đã trả lời các cuộc phỏng vấn. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến này.

Chúng tôi biết rõ Đức Hồng Y Pell, qua sự cộng tác chung với ngài trong nhiều năm qua, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ngài là một người liêm chính dấn thân cho sự thật, và luôn giúp đỡ người khác, nhất là những người dễ bị tổn thương, hay những người đang phải vất vả vật lộn với cuộc sống. Phong cách của ngài có thể là mạnh mẽ, thẳng thắn, và bộc trực. Nhưng bên trong, ngài có một trái tim vĩ đại dành cho người dân.

Đức Hồng Y Pell là một trong những vị giám mục đầu tiên trên thế giới, đề ra và áp dụng một chương trình phản ứng toàn diện của Giáo Hội, nhằm điều tra những cáo buộc về lạm dụng tình dục của các linh mục, và trợ giúp cho những nạn nhân với những bồi thường và tư vấn. Ngài đã đáp lại những lời chỉ trích cách thức ngài giải quyết các vấn đề này trong những năm qua, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, và xin lỗi về những điều đó.

Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ và bền bỉ của Đức Hồng Y cho các công việc quan trọng của Ủy ban Hoàng gia và thiện chí luôn sẵn sàng hỗ trợ Ủy ban Hoàng gia bất cứ khi nào ngài được yêu cầu.”

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Tổng Giám mục của Brisbane

Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe SDB, Tổng Giám Mục Perth

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher OP, Tổng Giám Mục Sydney

Đức Tổng Giám Mục Julian Porteous, Tổng Giám mục của Hobart

Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse, Tổng Giám mục của Canberra-Goulburn

Đức Giám Mục Peter Comensoli, Giám Mục Broken Bay

Đức Giám Mục Terence Brady, Giám mục phụ tá của Sydney
 
Thánh Ca
Ave Maria, Con dâng lời chào Mẹ - Trình bày: Đình Trinh
Khắc Thái
07:51 12/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây