Ngày 12-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hạt Giống Lời Chúa Trong Giáo Hội
Phó tế: JB Nguyễn Văn Định
01:06 12/07/2008
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 15 TN-A (13-07-08)

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA TRONG GIÁO HỘI

A/ Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau: (Reflection&Share)

Bài đọc 1: I-sa-i-a (55:10-11). “Lời ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả.” (câu 11)

a/ Mỗi lần nghe Lời Chúa trongThánh Lễ, tôi đã đem áp dụng vào Gia đình và Giáo xứ như thế nào? Cho vài việc làm cụ thể?

b/ Những gì đã làm trở ngại Lời Chúa không sinh hoa trái trong bạn cũng như trong Cộng đoàn? Bạn có quyết tâm gì để đạt kết quả?

Bài đọc 2: Rôma ( 8:18-23). “Chúng ta biết rằng cho đến bây giờ muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.”(c.22)

a/ Kinh Thánh dùng cơn đau của người đàn bà sinh con. Tôi có khắc khoải nào cho mình và mọi Tín hữu say mê Lời Chúa?

b/ Mỗi lần nghe Lời Chúa, bạn đã được Thánh Thần thúc đẩy khao khát làm những gì, mà bạn còn chần chờ chưa dám làm?

Tin Mừng: Mat-thêu (13:1-23). “Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.” (câu 8-9)

a/ Những gì đã bóp nghẹt khiến Lời Chúa không sinh hoa kết quả trong gia đình và phát triển mạnh trong nước cũng như hải ngoại?

b/ Dụ ngôn không thể trình bày hết mầu nhiệm của Lời Chúa. Nếu là bạn thì bạn làm gì theo sự gợi ý của dụ ngôn người gieo giống?

c/ Một khi tôi đã chấp nhận tiềm năng của Lời Chúa, tôi cần cộng tác với Giáo hội thế nào để mang lại hoa quả tối đa hôm nay?

B- Câu Kinh Thánh thúc đẩy tôi Sống tuần này(The Best God’s Word) AI ĐÃ CÓ THÌ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM, VÀ SẼ CÓ DƯ THỪA. (Mt 13,12)

To anyone who has, more will be given and he will grow rich

C- Công đồng dạy: Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính thân thể Chúa,. / không ngừng lấy Bánh Ban Sự Sống từ Bàn tiệc Lời Chúa cũng như Bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các Tín hữu và đang được Giáo hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn Đức Tin, được Thiên Chúa ghi chép. ((MK #21)

D- Chúa muốn nói gì với tôi (qua dụ ngôn Người gieo giống).

1/ Trong dụ ngôn này Chúa muốn nói với tôi hiệu quả của ơn Chúa là Nước Trời, hay Lời Chúa. Khi tôi đem áp dụng thì có một kết quả gầp trăm. Vậy dụ ngôn là lời kêu gọi tôi tin tưởng vào sức mạnh của ơn Chúa, việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong tôi..

2/ Dụ ngôn cũng là một cách hé mở mầu nhiệm và khơi lên trong lòng bạn sự ước mong đào sâu thì Lời Chúa sẽ ăn rễ trong bạn. Dụ ngôn cũng không thể trình bày hết mầu nhiệm; cho nên bạn cần có thiện chí, biết tò mò theo dõi tìm sự thánh thiện thì Lời Chúa sẽ mở ra cho bạn ơn mạc khải tòan diện và sinh hoa kết trái.

3/ Người thiếu lắng nghe Lời Chúa sẽ trở nên chai lì, vì không theo sự gợi ý của dụ ngôn, nên bị lấy đi, còn những người nghe và thực hành theo Chúa nên được cho thêm. Riêng tôi thì sao?

4/ Chúa và Giáo hội muốn biến dụ ngôn Người gieo giống, thành ngụ ngôn về thái độ khác nhau của những kẻ đón nghe Lời Chúa. Tôi cần chấp nhận và cộng tác tối đa để Lời ấy thật sự thành sức sống cho tôi và là muối, là men cho người khác.

Đ- Bạn và tôi cùng thực hành Lời Chúa:

Bạn và tôi cùng đọc lại phần gợi ý Cảm nghiêm ở phần A để xét lại cách nghe và sống Lời Chúa của tôi, cần thi hành ngay tuần này.

E- Bạn và tôi cùng cầu nguyện và Sống cầu nguyện:

Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy: ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất. Xin dạy con đừng giữ đạo một cách hình thức và maý móc, luật lệ chữ viết, khiến Lời Chúa bị bóp nghẹt không sinh được sinh hoa trái trong con và trong Giáo hội hôm nay..

Lời hay ý đẹp: BẠN KHÔNG THẬT BIẾT KINH THÁNH, TỚI KHI BẠN GIỮ LỜI KINH THÁNH (You don’t really know the Bible until you obey the Bible)

Phó tế: GB. Nguyễn văn Định (Huyền Đồng): johndvn@yahoo.com

Cùng chuyển các Nhóm, Đoàn thể, Tu hội học hỏi chia sẻ Lời Chúa tòan cầu
 
Mùa gặt
Lm Vũđình Tường
02:58 12/07/2008
Hạt gieo xuống thu hoạch hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm. Thành quả của cả năm lao tác, cầu nguyện trong đợi trông và hy vọng.

Mùa gặt nào cũng bận rộn, vội vàng nhưng lại là mùa vui nhộn, nhiều hoan lạc. Niềm vui tăng hàng ngày theo mức độ lúa chín. Mùa thu hoạch là mùa khô ráo, sạch sẽ, ít muỗi, không lạnh, tối đến trời vẫn sáng lờ mờ nhất là những đêm có trăng khung cảnh thanh bình trong nhà, ngoài ngõ. Có tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng hát, câu hò của thợ gặt, khuôn mặt rạng rỡ mừng được mùa. Khung cảnh nương ruộng thịnh đạt, ao chuôm nhiều tôm cá và ngay cả không khí trong lành cũng thơm mùi lúa chín. Ngần ấy yếu tố tạo cho mùa gặt hái cảm tình ưu việt, dào dạt yêu thương trong thanh bình.

Lựa giống

Nhiều ngày trước mùa thu hoạch chủ ruộng đã để ý xem xét chỗ lúa tốt xấu ra sao với mục đích lấy giống tốt cho năm tới. Những hạt giống đều nhau. Hạt mẩy căng no tròn sau lớp trấu màu vàng ươm là dấu chỉ của những hạt giống tốt, không mang chứng bệnh sâu rầy phá hoại mùa màng. Hạt lúa lép, bệnh sâu rầy, thiếu nắng vỏ màu xám đục, hạt vặn vò, dẹp lép. Hạt mạnh khoẻ, tốt, đủ sương, đủ nắng có màu vàng da cam dấu chỉ mạnh khoẻ, tốt lành.

Hạt giống được cắt riêng, chọn lựa cẩn thận, phơi thật săn, sàng sảy thật kĩ, rê bỏ hết hạt cỏ, lá cành trước khi cất chỗ riêng biệt vừa khô vừa kín đáo, để dành cho mùa gieo vãi năm tới.

Mùa gieo giống

Chủ ruộng đoán biết thời vụ gieo giống. Khi gieo không sao tránh khỏi các hạt rơi tung toé. Có hạt rơi vào vệ đường, lối đi chim trời ăn mất. Hạt rơi vào bụi gai mọc lên bị gai làm chết. Hạt rơi vào đá sỏi rễ phơi trên đá khô cạn chết đói, chết khát. Hạt rơi vào đất tốt cho kết quả gấp trăm. Hạt giống là loại giống tốt, bảo đảm gieo một trăm mọc một trăm. Mọc lên rồi chết bởi nguyên nhân bên ngoài không phải tại giống mà do hoàn cảnh. Rõ hơn do ruộng xấu, thiếu phân kém nước.

Hạt giống không bao giờ vô dụng. Hạt rơi vệ đường biến thành thực phẩm nuôi chim trời. Hạt giữa bụi gai mọc lên rồi chết ít nhiều biến thành phân nuôi hoa màu tương lai, làm cho tốt đất sinh lợi cho thảo mộc khác. Hạt giống không chỉ dùng riêng cho người mà còn là thực phẩm nuôi gia súc và ngay cả làm tốt hoa màu, dạng phân xanh.

Xét về thiên nhiên

Không thấy chủ phàn nàn, than trách hạt không sinh hoa quả gấp trăm. Điều rõ ràng các hạt đó tuy không sinh hoa kết trái nhưng chúng không phải là vô dụng. Chúng có ích về một phương diện khác. Như thế Đấng tạo dựng vũ trụ có chương trình riêng của Ngài. Tất cả những gì Ngài dựng lên đều có một mục đích. Trong con mắt người ta và sự suy đoán bình thường thì chúng hư nát và vô dụng. Trong con mắt Thiên Chúa không có chi vô dụng. Mọi sự đều có ích, mọi sự đều có thể mang lợi ích không cho người thì cho sáng tạo. Thiên Chúa luôn có cách làm tốt, thu thành quả từ những gì con người cho là vô dụng, vất đi. Đối với con người chết coi như không còn hữu dụng nữa. Với Thiên Chúa ngay cả sau khi chết Ngài vẫn xử dụng, biến sự chết thành hữu dụng. Chính nhờ cái chết của Ngài mà chúng ta nhận ơn cứu độ. Dụ ngôn hạt lúa rơi xuống chết đi sinh ra cây lúa non, nảy mầm cho trăm hạt khác. Thiên Chúa là Đấng duy nhất không chê bất cứ gì do Ngài dựng lên. Là Đấng duy nhất tìm sự sống trong cái chết, biến cái chết thành ơn cứu độ và qua cái chết biến đổi thân xác của ta trở nên giống thân xác sáng láng của Người.

Hạt một trăm

Dụ ngôn người gieo giống đưa ra hình ảnh tốt về kết quả thu hoạch. Một trong những kết quả đó là lượng thu hoạch luôn nhiều hơn giống bỏ ra gấp bội. Thu hoạch không những đủ cho nhu cầu cần dùng và còn đủ giống tốt cho tương lai.

Dù chỉ một hạt rơi vào đất tốt đủ sinh hoa trái gấp trăm lần. Nếu chúng ta chấp nhận việc bác ái là việc tốt lành qua dụ ngôn người gieo giống hãy gieo hạt giống bác ái, phúc đức trong đời. Hạt giống bác ái là những việc tốt lành, cử chỉ yêu thương, nói lời tha thứ, khuyến khích, cổ võ tinh thần tốt và ngay cả làm chứng nhân đức tin. Làm thế có khác chi mang hạt giống tốt gieo vào đất tốt. Kết quả mùa gặt không thu được một trăm cũng được sáu mươi, và tối thiểu cũng ba mươi.

Dụ ngôn người gieo giống khuyên con người có đức tin hãy sống để gieo hạt phúc đức, gieo công bằng, bác ái và tình thương từ đó hạt giống bác ái sẽ sinh sôi nảy nở cho hoa trái bội phần. Hạt giống tốt, người gieo giống tốt hạt không sinh hoa trái vì ruộng xấu. Phẩm chất ruộng làm chết ngẹt hạt giống.

Ruộng tâm hồn

Hãy nhìn lại thửa ruộng tâm hồn. Lời Chúa, hạt giống đức tin gieo vào trong lòng sinh hoa trái mấy mươi hay đang tranh sống với các đam mê. Ngoài đam mê chèn ép hạt giống còn gặp bao chống đối ngoài xã hội, lời ngon ngọt vừa phủ dụ vừa cám dỗ; vừa doạ nạt, gài bẫy và mua chuộc. Cốt sao mua được thửa ruộng tâm hồn thì các hạt giống sẽ chết vì từ đây thửa ruộng tâm hồn bị bỏ bê, không ai chăm sóc, khô cạn vì thiếu nước. Dẫu bị chống đối, thù trong giặc ngoài hạt giống vẫn không mất giống vì những hạt rơi vào đất tốt cho kết quả gấp trăm lần. Kẻ thù có thể mua được ít thửa ruộng nhưng không mua được tất cả. Vẫn còn vô vàn thửa ruộng tốt cung cấp thực phẩm cho chủ.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Một Thiên Chúa của Lời - Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên của Cha Raniero Cantalamessa OFM Cap.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
09:43 12/07/2008
Lời nói không có tình yêu biến đời sống thành Hỏa Ngục.

Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên của Cha Raniero Cantalamessa OFM Cap.

Rôma, ngày 11 tháng 7, năm 2008 (Zenit.org). - Các bài đọc Chúa Nhật này nói về Lời của Thiên Chúa với hai hình ảnh kết hợp với nhau: là hình ảnh của mưa và hạt giống.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia so sánh Lời Thiên Chúa với mưa từ Trời rơi xuống và không trở lại mà không tưới cùng giúp cho hạt giống mọc lên. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về Lời Thiên Chúa như hạt giống rơi vào những vùng đất khác nhau và sinh hoa trái. Lời Thiên Chúa là hạt giống vì nó phát sinh ra sự sống và là nước mưa để nuôi sự sống ấy, làm cho hạt giống mọc lên.

Khi nói về Lời Thiên Chúa, tất nhiên chúng ta thường cho là biến cố cảm động nhất, đó là Thiên Chúa nói. Thiên Chúa trong Thánh Kinh là Thiên Chúa nói!

Thánh Vịnh 50 viết: "Thiên Chúa chúng ta đến và Ngài sẽ không im tiếng." Chính Thiên Chúa thường nhắc lại: "Dân Ta ơi, hãy lắng nghe, T a sẽ nói" (Tv 50:7). Về điều này, Thánh Kinh cho thấy sự khác biệt rõ ràng nhất so với các ngẫu tượng "có miệng mà không nói được" (Tv 115).

Chúng ta phải hiểu theê nào về những cách diễn tả nhân cách hóa như "Thiên Chúa đã nói cùng Ađam", "Thiên Chúa phán như thế", "Thiên Chúa phán", "sấm ngôn của Thiên Chúa", và những lời khác tương tự? Rõ ràng đó là một cách nói khác cách nói của con người, nói vào tai của tâm hồn.

Thiên Chúa nói theo cách Ngài viết! Ngôn sứ Giêrêmia nói, "Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong lòng chúng". Ngài viết trong tâm hồn và cũng làm cho các lời của Ngài vang lên trong lòng. Chính Ngài phán như thế qua ngôn sứ Hôsêa, khi nói về dân Israel như một người vợ bất trung: "Vậy Ta sẽ làm cho nàng say mê; Ta sẽ đem nàng vào hoang địa và sẽ nói với lòng nàng" (Hos 2:16).

Thiên Chúa không có miệng hay hơi thở của nhân loại; các ngôn sứ là miệng Ngài, Chúa Thánh Thần là hơi thở của Ngài. Chính Ngài nói với các ngôn sứ của Ngài, "Các ngươi sẽ là miệng Ta." Ngài cũng nói "Ta sẽ đặt lời Ta trên môi ngươi." Đó là ý nghĩa của câu nói bất hủ "con người được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần đã nói ra dưới ảnh hưởng của Thiên Chúa" (2 Phr 1:21). Truyền thống linh đạo của Hội Thánh đã đặt ra thành ngữ "tiếng nói nội tâm" cho cách nói với tâm trí và tâm hồn này.

Tuy nhiên, đây l thật sự là một cách nói theo nghĩa đen. Con người nhận được một sứ điệp có thể được dịch thành những lời của loài người. Cho nên cách Thiên Chúa nói sống động và thực tế, đến nỗi các ngôn sứ có thể nhớ lại cách chính xác địa điểm, ngày giờ mà một lời nào đó "đến" với họ. Lời Thiên Chúa cụ thể đến nỗi lời ấy "rơi" trên dân Israel như một tảng đá (Is 9:7). Hay như là bánh mà người ta có thể thưởng thức được: "Khi con tìm thấy lời Ngài, con đã nuốt nó; lời Ngài trở thành niềm vui và hạnh phúc của lòng con" (Gier 15:16).

Không có lời nào của loài người có thể đến với con người bằng một sự thâm sâu như Lời Thiên Chúa đến với họ. "Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt 4:12). Có khi lời nói của Thiên Chúa là tiếng sấm mạnh mẽ đến nỗi làm gẫy nát những cây hương bá núi Ly Băng" (Tv 29), lúc khác lại như "tiếng gió thì thầm" (1 Vua 19:12). Lời Chúa biết tất cả mọi âm điệu của cách nói loài người.

Bản chất nội tâm và thiêng liêng này của Lời Thiên Chúa thay đổi tận gốc khi "Ngôi Lời trở thành nhục thể." Với việc Đức Kitô đến, Thiên Chúa cũng nói bằng tiếng nói loài người mà chúng ta không những chỉ nghe thấy bằng đôi tai của linh hồn mà còn của thân xác nữa.

Như chúng ta đã thấy, Thánh Kinh coi Lời có giá trị lớn lao. Đã có nhiều cố gắng để thay đổi lời xác quyết long trọng mà Thánh Gioan dùng để mở đầu Tin Mừng của ngài: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời."

Goethe làm cho Faust nói: "Từ nguyên thủy đã có hoạt động," và thật là lý thú để xem tác giả làm thế nào mà đi đến kết luận này. Faust nói: "Tôi không thể đánh giá "Ngôi Lời" cao như thế. Có thể tôi phải hiểu nó như là 'nghe'; nhưng nghe có thể trở thành sức mạnh hoạt động và tạo nên mọi sự không? Như thế tôi phải nói: 'từ nguyên thủy đã có sức mạnh.' Nhưng không, một tia sáng thình lình đưa ra cho tôi câu trả lời: 'Từ nguyên thủy đã có hoạt động.'" Tuy đây chỉ là những cố gắng phi lý để sửa đổi. Ngôi Lời hoặc Logos trong Tin Mừng Thánh Gioan có tất cả các ý nghĩa mà Goethe gán cho những từ khác. Như chúng ta thấy trong Phần Mở Đầu, Ngôi Lời là ánh sáng, là sự sống và là động lực sáng tạo.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người 'theo hình ảnh Ngài' chính vì Ngài đã dựng nên họ với khả năng nói, truyền thông và thiết lập những quan hệ. Ngài, chính Ngài từ muôn thủa đã có trong Mình một Lời, đã tạo dựng nên con người và ban cho họ món quà lời nói, để họ không những chỉ trở thành "hình ảnh" của Thiên Chúa mà còn "giống" Ngài (ST 1:26). Đối với con người, nói chưa đủ, mà còn phải học cách nói của Thiên Chúa. Nội dung và động lực của Lời Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa nói vì cùng một lý do mà Ngài tạo dựng: "để đổ đầy tình yêu của Ngài xuống tất cả mọi tạo vật và làm chúng vui sướng vì vẻ huy hoàng của vinh quang Ngài" như nói trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV. Từ đầu đến cuối Thánh Kinh không có gì khác hơn là một sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa dành cho các tạo vật của Ngài. Giọng điệu có thể thay đổi, từ giận dữ đến dịu hiền, nhưng bản chất luôn luôn và chỉ là tình yêu.

Thiên Chúa đã dùng Lời để thông truyền sự sống và chân lý, để giáo huấn và an ủi. Điều này đưa đến câu hỏi sau: Chúng ta dùng lời để làm gì? Trong vở kịch "Các cửa bị đóng", Sartre đã cho chúng ta một hình ảnh nổi bật về việc truyền thông của con người sẽ ra sao khi mà không có tình yêu. Ba nhân vật được giới thiệu trong một giây phút ngắn, trong một phòng. Không có cửa sổ. Ánh sáng thật chói chang mà không có cách nào tắt đi. Sức nóng chết người, và mỗi người chỉ có một ghế ngồi. Đương nhiên là cửa cũng đóng. Có chuông mà không rung được. Những người này là ai? Đó là ba người chết, một người đàn ông và hai phụ nữ, và chỗ họ đang ở là địa ngục. Không có gương và họ chỉ thấy mình qua lời nói của người khác, là những lời cho họ hình ảnh kinh khủng nhất của họ, không chút xót thương, trái lại, chỉ có châm biếm và mỉa mai. Sau một thời gian, khi mà linh hồn họ bị lột trần cho nhau và những lỗi lầm đã làm họ hổ thẹn đang được đưa ra ánh sáng từng lỗi một, làm cho những người khác thích thú mà không xót thương, một người nói với hai người kia: "Hãy nhớ lại diêm sinh, lửa, và bị lửa hành hạ. Tất cả đều ngớ ngẩn. Không cần phải bị hành hạ: Hỏa ngục chính là những người khác." Lạm dụng lời nói có thể biến đời sống thành Hỏa Ngục.

Thánh Phaolô đưa ra cho các Kitô hữu khuôn vàng thước ngọc này về lời nói: "Ðừng bao giờ để những lời thô tục phát xuất từ miệng anh em, nhưng chỉ những lời tốt đẹp để xây dựng, hầu chúng có thể truyền đạt ân sủng cho người nghe" (Eph 4:29). Lời tốt đẹp là lời chọn mặt tích cực của một hành động và một người, và những lời ấy, ngay cả khi sửa sai, cũng không làm mất lòng. Một lời tốt đẹp là lời đem lại hy vọng. Một lời xấu là bất cứ lời nói nào không có tình yêu, để làm tổn thương hay hạ nhục người khác. Nếu một lời xấu phát ra từ miệng, thì cần phải rút nó lại ngay. Những lời của thi sĩ người Ý Metastasio không hoàn toàn đúng: "Lời nói ra từ bên trong thì không còn rút lại được; không thể ngừng một mũi tên được, khi nó đã rời khỏi cung tên".

Người ta có thể rút lại một lời đã nói ra khỏi miệng, hoặc có thể giới hạn hậu quả tiêu cực của nó, bằng cách xin lỗi. Như thế, thật là một món quà quý hóa cho đồng loại và một sự cải thiện phẩm chất của đời sống trong lòng gia đình và xã hội.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:55 12/07/2008
BÀI HÁT CỦA CON CHIM.

N2T


Có mấy vị đệ tử, đối với Thiên Chúa thì mang đầy một bụng hoài nghi.

Sư phụ nói: “Thiên Chúa là một Đấng chưa được nhận biết, mà cũng là Đấng không thể biết. Tất cả những lời nói có liên quan đến Ngài và đáp án nhắm đúng vấn đề của các con, đếu giải thích lệch lạc về chân lí”.

Đệ tử không hiểu, nói: “Như thế thì thầy làm thế nào mà nói về Ngài chứ ?”

Sư phụ nói: “Con chim làm thế nào mà hót được ? Nó hót là bởi vì có lời muốn nói; nó hát là vì có một bài ca !”

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Thời nay có nhiều người thắc mắc và hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và càng thắc mắc hoài nghi hơn khi có nhiều người vỗ ngực xưng mình là người có đức tin tin vào Thiên Chúa là Đấng rất toàn năng, nhân từ và yêu thương, nhưng họ lại sống không như niềm tin của họ.

- Người ta thắc mắc hồ nghi là tại sao người Ki-tô hữu tin vào Thiên Chúa là Đấng toàn năng, mà sao Ngài lại không làm cho những người tin vào Ngài được giàu sang sung sướng, sao lại để họ cứ khổ cực vậy.

- Người ta thắc mắc hồ nghi về Thiên Chúa là bởi vì có những người Ki-tô hữu tin vào Thiên Chúa là Đấng nhân từ, nhưng họ lại là người độc ác với tha nhân, hành xử với anh em như những người không có lương tâm.

- Người ta thắc mắc hồ nghi về Thiên Chúa là bởi vì có những người Ki-tô hữu nói Thiên Chúa là tình yêu, nhưng chính họ lại ghen ghét anh em cách trắng trợn, dùng mọi thủ đoạn để “chơi” anh em sát ván...

Không ai nhận biết Thiên Chúa là Cha nếu Chúa Giê-su không nói cho họ biết; không ai biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là người, nếu Chúa Thánh Thần không ban soi sáng cho họ.

Con chim hót là vì nó có lời muốn nói cho nhân loại: Thiên Chúa là Đấng hiện hữu; nó hát lên một bài ca là để ca tụng Thiên Chúa là Đấng yêu thương.

Còn chúng ta thì sao ?
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:57 12/07/2008
N2T


6. Nếu một người cầu nguyện: gieo hai hạt lúa mì thì sẽ thu hoạch bốn bông lúa; nếu không cầu nguyện thì dù cho gieo bốn hạt lúa mì, thì cũng chỉ có thể thu hoạch hai bông lúa mà thôi.

(Thánh John Bosco)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Tham dự hàm thụ
Vũ Văn An
02:24 12/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Tham dự hàm thụ

1. Ở lại tái thiết xứ sở

Hơn 5,000 bạn trẻ Iraq sẽ gặp nhau tại Kirkuk để cầu nguyện cho WYD tại Sydney. Theo tin Hãng Asianews ngày 11 tháng Bẩy, Đức Tổng Giám Mục nghi lễ Can-đê của Kirkuk là Đức Cha Sako gọi cuộc họp mặt các bạn trẻ Iraq tại Kirkuk vì không thể tới Sydney được là “một biến cố có ý nghĩa lịch sử”. Ngài nhấn mạnh rằng “thách đố thực sự là ở lại Iraq để tái thiết xứ sở”.

Theo bản tin này, sẽ không có bạn trẻ Iraq nào tới WYD tại Sydney vì không bạn trẻ nào từng đặt kế hoạch qua Sydney đã được cấp chiếu khán để vào Úc. Dù không dấu nổi “nỗi thất vọng sâu xa”, Đức tổng giám mục Louis Sako, Tổng giám mục Kirkuk, tỏ ra không ngã lòng. “Song song với WYD, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt cho hơn 5,000 bạn trẻ” thuộc các giáo phận miền Bắc Iraq, “để cùng cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng”. Vị giáo chủ thuộc giáo phái Can-đê nhấn mạnh đến ý nghĩa “lịch sử’ của cuộc gặp mặt này mà chính ngài miêu tả như một “phép lạ” giữa một tình thế còn đậm nét tranh chấp và bạo lực. Đức tổng giám mục Sako nhấn mạnh rằng “thách đố thực sự là tái thiết Iraq”, duy trì “truyền thống Kitô giáo từng tạo nên thành phần yếu tính cho văn hóa nước này”. Bất chấp các đau khổ và khó khăn, cộng đồng này cương quyết “tiếp tục tích cực và hợp tác với cộng đồng Hồi Giáo để đem lại một nền hòa bình vững chắc và lâu bền”

Được hỏi thái độ các bạn trẻ ra sao, khi bị từ khước cấp chiếu khán để tham dự WYD? Đức cha Sako cho hay: dĩ nhiên là thất vọng, nhưng đau khổ luôn mang lại dấu chỉ hy vọng, vì trong ngày WYD, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt cho hơn 5,000 người trẻ của các giáo phận miền bắc xứ sở, tức các giáo phận Kirkuk, Amadiya và Erbil. Đây là một biến cố lịch sử, vì nó cho thấy rõ ý muốn của người trẻ muốn làm chứng cho đức tin của mình, bất chấp các khó khăn và đau khổ họ đang gặp phải; cộng đồng Kitô giáo vẫn sinh động, và chứng tá do các bạn trẻ mang đến là kết quả của một phép lạ thực sự.

Được hỏi trong cuộc gặp mặt này sẽ có những biến cố gì, Đức cha Sako cho hay: “trong hai ngày 17 và 18 tháng Bẩy, sẽ có những buổi cầu nguyện, học giáo lý, suy niệm để chứng tỏ sự gần gũi của cộng đồng Kitô giáo Iraq với giới trẻ và Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha luôn tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới tình thế của chúng tôi và dù chúng tôi không thể gần gũi Ngài trên phương diện thể lý, thì tinh thần và trái tim chúng tôi vẫn có mặt tại Sydney. Lẽ dĩ nhiên, quả là buồn khi để mất dịp may hiếm có được gặp gỡ các thực tại khác, các nền văn hóa khác và các cảm nghiệm khác từng được niềm tin vào Chúa Kitô liên kết, nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa là phải chứng tỏ được rằng giáo hội địa phương vẫn sinh động, cương quyết làm việc để cổ vũ hòa bình và phát triển. Chính vì thế, chúng tôi muốn gửi một sứ điệp tới Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và tới giới trẻ sẽ tham dự WYD để long trọng tuyên bố rằng chúng tôi đang ở đó, ở giữa họ".

2. Bản sắc Maronite

Can-đê là một nghi lễ trong hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo La Mã, mà ta quen gọi là Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Giáo hội Maronite cũng là một trong các Giáo Hội vừa kể, nhưng may mắn hơn nhiều, vì không những có dịp tham dự WYD08 tại Sydney mà còn tham dự một cách hết sức nổi bật nữa.

Theo tin Hãng CNA ngày 11 tháng Bẩy, tại phân bộ Mount Saint Mary của Trường Đại Học Công Giáo ở Strathfield, Nghị Hội Công Giáo Maronite 2008 đã được khai mạc vào ngày Thứ Năm hôm qua, có sự tham dự của Đức Hồng Y Thượng Phụ Nasrallah Pierre Sfeir và đại biểu giới trẻ của các giáo phận Li Băng. Nghị hội này đem lại cho giới trẻ cơ hội để suy niệm về bản sắc văn hóa Maronite của họ.

Người Công giáo Maronites luôn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và thừa hưởng truyền thống tâm linh của họ qua gương sáng của Thánh Maron. Nghị hội Maronite sẽ kết thúc vào Chúa nhật ngày 13 tháng Bẩy, với một Thánh Lễ kết thúc do Đức hồng Y Sfeir chủ tế tại Vận Động Trường Parramatta, mà tin trước đây cho hay sẽ có đến 10,000 người tham dự.

Trước đó, ngày 7 tháng Bẩy, tại Adelaide, Đức Hồng Y đã được thủ hiến bang Nam Úc là Mike Rann và bộ trưởng Đa Văn Hóa Michael Atkinson tiếp đón chính thức. Người dân Nam Úc coi ngài là một nhân vật quan trọng trong các vấn đề tôn giáo và chính trị tại Trung Đông và được thế giới biết đến như người kiến tạo hoà bình tại miền đất quá nhiễu nhương này. Ông Rann phát biểu rằng: “Thượng phụ Sfeir đóng vai chủ chốt trong cuộc đối thoại Kitô giáo và Hồi giáo; và người ta không thể nào đánh giá quá mức các đóng góp của ngài từ ngày được tuyển chọn và nhậm chức năm 1986. Đức Hồng Y Sfeir gần đây đã viếng thăm Hoa Kỳ và Pháp nơi ngài được các Tổng thống Bush và Sarkozy nồng hậu đón tiếp. Điều ấy cho thấy ngài được kính trọng sâu xa khắp thế giới”.

Cũng nên biết: Giáo hội Công giáo Maronite có khoảng 12 triệu tín hữu khắp thế giới, riêng tại Úc có 250,000 tín hữu Maronites.

3. Dửng dưng là vấn đề

Hãng CWNews ngày 11 tháng Bẩy đưa tin về cuộc tông du xa nhất của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tới Úc. Mà xa thật: 16 tiếng đồng hồ trên máy bay, trên một hành trình dài 8,245 dặm. Chính vì thế, giáo hội Úc và nhân viên Tòa Thánh đã lo liệu để Ngài thư giãn ba ngày tại Trung Tâm Kenthurst của tu hội Opus Dei, trước khi chính thức được giới trẻ thế giới chào mừng tại Barangaroo. Khi đáp xuống phi trường quân sự Richmond vào sáng sớm ngày 13 tháng Bẩy, Ngài sẽ được Thủ Tướng Kevin Rudd và Đức Hồng Y George Pell chào mừng vắn tắt, rồi sau đó Ngài được hộ tống về Kenthurst, ngoại ô Sydney.

Nhân dịp này, Hãng CWNews cho hay: Đức hồng y Pell, người đứng ra tổ chức các lễ lạc mừng WYD, nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ gặp “ít thù nghịch” hơn là trong chuyến viếng thăm Mỹ hồi tháng Tư vừa qua, nhưng ngài cũng công nhận rằng người ta sẽ “ít hứng thú” với cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. “Đối với chúng tôi, dửng dưng là vấn đề”.

Điều đang gây tranh cãi suốt tuần lễ dẫn tới WYD là việc có những luật lệ cho phép cảnh sát quyền được bắt giam những người có các hành động hay cử chỉ gây phiền nhiễu cho các tham dự viên WYD.

4. Viện cớ

Ai cũng biết các luật lệ ấy vốn có sẵn trong các đạo luật của Úc hay của Tiểu Bang NWS. Mặt khác, Giáo hội Công giáo Úc không hề lên tiếng yêu cầu ban hành những luật lệ như thế. Cả Đức Hồng y George Pell lẫn Bộ trưởng Kristina Keneally đã lên tiếng minh xác điểm ấy. Nên nếu người ta vẫn vin vào đó mà công kích Giáo Hội, thì quả tình người ta đã làm điều được báo The Age ngày hôm nay, 12 tháng Bẩy, chạy hàng tít: An excuse to bash the Catholic Church (Một cái cớ để đánh phá Giáo Hội Công Giáo). Bài báo ấy là của Greg Craven, một luật gia hàng đầu về luật hiến pháp và là phó viện trưởng Viện Đại Học Công Giáo Úc.

Theo giáo sư Craven, để bắt đầu, ta phải nhận rằng các luật lệ trên khá có vấn đề. Các nhà phê bình luật lệ và nhân quyền quả có lý khi cho rằng những hạn từ như “phiền nhiễu” chẳng hạn thật khó mà có nghĩa chính xác khi xử lý những vấn đề thuộc quyền tự do đi lại và ăn nói.

Tuy nhiên một số lái buôn kỳ thị Công Giáo (Catholophobe) đã hoảng hốt thái quá đến độ không còn lý lẽ. Điều làm ta lo âu không hẳn là các chỉ trích đối với các luật lệ kia, các chỉ trích vốn nằm trong khuôn khổ tranh luận. Mà là quyết tâm của họ trong việc dán các thiếu sót của nó lên người Công giáo và chính cả Đạo Công giáo nữa.

Thực ra, chẳng có chi là “Công Giáo” liên quan tới các luật lệ đó. Trước nhất, cả Giáo hội Công giáo lẫn các nhà tổ chức WYD không một ai đã yêu cầu có các quy định trên. Các quy định ấy là món quà nhưng không của Chính Phủ Tiểu Bang. Chính phủ này ban hành các quy định ấy để đương đầu với các biến cố đông người, đầy thách thức ở Sydney, trong các bối cảnh bất thường. Đối với chính phủ, việc phối hợp giữa đám đông lớn và tiềm năng có những cuộc phản đối đòi phải có các luật lệ để kiểm soát. Dĩ nhiên, nguyên điều đó mà thôi thì không đủ để biến chúng thành đúng đắn hay hợp lý. Các luật lệ kiểm soát đám đông xưa nay vốn quá nặng tay và quá rộng rãi. Nhưng việc ấy có ăn uống chi đến Giáo hội Công giáo!

Giống như đối với các biến cố lớn khác, phần đông người ta chấp nhận việc trên. Thế thì tại sao lại có cả hàng tiểu đoàn những nhà tranh đấu và duy tự do công dân sẵn sàng lên án niềm tin Công giáo như một tổ hợp cực hữu chuyên đàn áp?

Câu trả lời đáng buồn chính là: ở Úc, thiên kiến tôn giáo đang sống và đang sống rất mạnh. Trước đây, người ta có thể tấn công người Công Giáo, coi họ như cánh quân thứ năm của ông Giáo Hoàng gây sấm sét giết chóc. Nhưng cũng giống như các thứ bài Do Thái vô lối, loại kỳ thị này nay chẳng còn bao nhiêu thời thượng hay hợp pháp nữa.

Bởi vậy, những kẻ có vấn đề với người Công giáo, hay với tôn giáo nói chung, cần phải tìm cho được nơi an toàn hơn để chơi trò chơi của mình. Song song với việc trước tác ra hàng loạt các tác phẩm chán ngấy về vô thần và can dự vào hàng loạt các chế diễu đùa cợt đối với các quan điểm tôn giáo và luân lý, thì việc đặt Giáo Hội Công Giáo vào ghế bị can nhân quyền là tiện lợi hơn cả.

Thực vậy, người Công giáo luôn luôn là các mục tiêu đặc thù cho những người cực đoan vô tôn giáo. Một số giáo hội khác đã bắt tay cầu hòa với chủ nghĩa thế tục đang thịnh hành. Các giáo hội này bảo họ: hãy để chúng tôi tin vào Chúa, và thờ phượng trong im lặng, và chúng tôi sẽ không tìm cách phiền hà các anh trong các vấn đề như luân lý và phục sinh.

Giáo Hội Công giáo không làm thế, nhưng nhất quyết đứng án ngữ cái phương thức duy vật chủ nghĩa đang thu hút người ta kia. Không lạ gì, những kẻ bôi lọ đã chẳng quan tâm chi đến chân lý quanh việc ban hành luật lệ chung quanh WYD.

Có lẽ các bách quân đội trưởng tự xưng về nhân quyền kia nên suy nghĩ xem những thứ quyền gì đang bị lâm nguy ở đây. Hiển nhiên, là các quyền tự do đi lại và phát biểu bị các luật lệ kia chi phối, và nếu các luật lệ này đi quá trớn, thì hiển nhiên đó một vấn đề có thực và đáng quan ngại.

Nhưng còn quyền tự do tôn giáo, một trong những quyền căn bản nhất thì sao? Quyền chính đáng được phản đối và phát biểu luôn phải sống chung với quyền tự do chính đáng về tôn giáo và điều ấy có nghĩa là người phản đối phải tôn trọng quyền của khách hành hương WYD, với cùng một mức độ như nhà nước phải nhìn nhận quyền của người phản đối.
 
Vài nét về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Úc Châu nhân ngày Quốc tế Giới Trẻ
Đặng Thế Dũng
07:59 12/07/2008
Vài nét về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Úc Châu nhân ngày Quốc tế Giới Trẻ

Vào lúc 10 giờ sáng, giờ Roma, thứ bảy 12 tháng 7, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI lên đường đi Úc Châu. Máy Bay Boeing 777 của hãng hàng không Alitalia, chở Đức Thánh Cha, đoàn tuỳ tùng, và khoảng 40 ký giả, sẽ phải vượt qua đường bay dài gần 20 tiếng đồng hồ, từ Roma, qua không phận của các quốc gia Hy Lạp, Thổ Nhỉ Kỳ, Azerbaidjan, Turmékistan, Afghanistan, Pakistan, Ấnđộ, Miến Điện, Thái Lan, Cămbốt, Việt Nam, Indonedia, rồi mới đến Úc Châu, với một chặng dừng để lấy thêm nhiên liệu tại thành phố Darwin, miền bắc Úc Châu, rồi mới tiếp tục đến Sydney, Úc Châu.

Chặng bay thứ nhất, từ Roma đến thành phố Darwin, Bắc Úc Châu, lâu đến 15 tiếng đồng hồ và 45 phút; chặng bay thứ hai từ thành phố Darwin đến Sydney, kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ. Tổng cộng tất cả là 16.416 cây số, với gần 20 giờ bay. Đây có thể là chuyến bay ngoại quốc của Đức Thánh Cha, lâu nhất và dài nhất.

Khởi hành lúc 10 giờ sáng ngày thứ bảy, giờ địa phương Roma, ĐTC đến Sydney lúc 3 giờ chiều ngày Chúa Nhật. Đây là chuyến thăm quốc tế lần thứ 9 của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI. Và ngài là vị giáo hoàng thứ 3 đến thăm Úc Châu, sau Đức Phaolô VI thăm Úc Châu năm 1970, và Đức Gioan Phaolô II đã thăm Úc Châu hai lần, lần thứ nhất vào năm 1986 và lần thứ hai năm 1995. Trong chuyến viếng thăm dài 9 ngày này, ĐTC dành ra 4 ngày để nghỉ dưỡng sức, ngài chỉ đọc 9 bài diễn văn và hai bài giảng. So với chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trước đó, từ ngày 15 đến 20 tháng tư vừa qua, Đức Thánh Cha đã phải đọc 15 bài diễn văn trong vòng 6 ngày viếng thăm.

Đến Sydney, Úc Châu, máy bay chở Đức Thánh Cha đáp xuống Căn Cứ Quân Sự của Phi Trường Richmond, Sydney. Như vừa nói trên, vì cao niên và đường xa, Đức Thánh Cha không chính thức bắt đầu ngay chuyến viếng thăm, nhưng ngài đến Trung Tâm Văn Hoá của Phong Trào OPUS DEI, nằm ở phía Tây Bắc của Sydney, để nghỉ vài ngày, cho đến chiều ngày 16 tháng 7, Đức Thánh Cha mới chính thức xuất hiện, tham dự các sinh hoạt chính của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, như gặp gỡ tất cả các bạn trẻ vào ngày 17 tháng 7, tham dự buổi canh thức với các bạn trẻ vào chiều tối thứ bảy 19 tháng 7, và dâng Thánh Lễ Bế Mạc vào ngày Chúa Nhật 20 tháng 7. Các quan sát viên nhận định về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Úc Châu, là “một thách thức đối với ngài và đối với Giáo Hội công giáo Úc Châu”, giữa lòng một xã hội đa sắc tộc, đa văn hoá, nhưng đã bị tục hoá trầm trọng.

Giáo Hội công giáo tại Úc Châu là một giáo hội trẻ trung. Thánh Lễ công giáo đầu tiên được phép cử hành tại Úc Châu là vào năm 1803.

Vị thánh duy nhất của Úc Châu là thánh nữ Mary McKillop (1842-1909), là Đấng sáng lập một dòng tu nữ, và mới được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1995, trong chuyến viếng thăm thứ 2 của ngài tại đây.

Như thế, thách thức mà Đức Thánh Cha gặp thấy trong những ngày viếng thăm là thách thức mang tính cách truyền giáo. Giáo Hội Công Giáo tại Úc Châu đã công bố chương trình thực hiện công cuộc rao giảng Phúc Âm cho 20 năm tới. Và biến cố “Ngày Quốc Tế Giới Trẻ” là một trong những sinh hoạt quan trọng của Giáo Hội Úc Châu trong giai đoạn 20 năm thi hành chiến dịch rao giảng Phúc Âm.

Tưởng cũng nên nhắc thêm nơi đây rằng, tuy mục tiêu chính cùa ĐTC khi đến Úc Châu là để tham dự và bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nhưng Đức Thánh Cha cũng dành thời gian để tiếp xúc với các linh mục, các tu sĩ nam nữ và chủng sinh Úc Châu. Ngài cũng không quên những anh chị em thổ dân đang mong muốn cho những quyền lợi của mình được thừa nhận.
 
ĐTC Benedictô XVI đã đáp máy bay lên đường công du Australia
Linh Tiến Khải
10:20 12/07/2008
ROMA: Sáng thứ bảy 12-7-2008 Đức Thánh Cha đã lên đường đi Australia, để chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII tại Sydney.

Từ Castel Gandolfo Đức Thánh Cha đã lấy trực thăng ra phi trường quốc tế Fiumicino của Roma. Tiễn chân Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo có Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma. Chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường Fiumicino có Phó thư ký Hội đồng Bộ trưởng Gianni Letta, ông Antonio Zanardi Landi, Đại sứ Italia cạnh Tòa Thánh, tỉnh trưởng Roma, thị trưởng Fiumicino, Đức Cha Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto và Santa Rufina và ông giám đốc phi trường.

ĐTC rời phi trường Fiumicino cùa Ý
Chuyến bay B777 của hãng hàng không Alitalia đã rời phi trường Fiumicino lúc 10 giờ rưỡi và sẽ đến Sydney Chúa Nhật 13-7-2008 lúc 15 giờ giờ địa phương, sau khi vượt chặng đường dài 16.000 cây số, tổng cộng 20 giờ bay với một chặng dừng chân kỹ thuật tại thành phố Darwin ở mạn đông bắc Australia.

Khi máy bay di qua không phận các nước Italia, Albania, Hy Lap và Thổ Nhĩ Kỳ Đức Thánh Cha đã gửi điện tín chào thăm tổng thống và nhân dân các quốc gia này.

Trong điện tín gửi tổng thống Napolitano của Italia Đức Thánh Cha nói ngài sang Australia để ”gặp gỡ giới trẻ toàn thế giới và khích lệ họ trở thành các chứng nhân can đảm cho tình yêu của Chúa Kitô trước các chờ mong và niềm hy vọng của con người ngày nay, đặc biệt là của những người đồng trang lứa với họ. Vượt ngoài ý nghĩa tinh thần rất cao qúy, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một dịp giúp người trẻ từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ nhau và làm giầu cho nhau qua cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, nhưng đều mang nhân tố chung của gia đình nhân loại”.

Trong các điện tín khác Đức Thánh Cha gửi lời chào thăm đến các quốc trưởng và nhân dân các nước ngài đang bay qua và bảo đảm với mọi người lời cầu nguyện của ngài xin Thiên Chúa chúc lành cho dân nước được khang an thịnh vượng.

Trên máy bay Đức Thánh Cha đã dành cho các nhà báo tháp tùng ngài trong chuyến viếng thăm một cuộc phỏng vấn dài 20 phút. Đức Thánh Cha đã trả lời 5 câu hỏi của các nhà báo.

Chiếc máy bay mang cờ Vatican và Ý
Trả lời câu hỏi thứ nhất liên quan tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ và các tâm tình của ngài, Đức Thánh Cha nói ngài rất sung sướng viếng thăm Australia. Ngài có các kỷ niệm rất đẹp với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Koeln bên Đức. Nó không chỉ là một biến cố có đông người tham dự, mà là một lễ hội của lòng tin, một cuộc gặp gỡ hiệp thông với Chúa Kitô. Lòng tin mở ra các biên giới và có khả năng hiệp nhất các nền văn hóa khác nhau và tạo ra niềm vui. Vì thế Đức Thánh Cha vui sướng đi gặp người trẻ, vì nó là điểm tới của nhiều chuẩn bị tinh thần với cuộc hành hương của Thánh Giá giới trẻ và ảnh Đức Mẹ giúp các bạn trẻ sống kinh nghiệm cầu nguyện. Do đó Ngày Quốc Tế Giới Trẻ không chỉ giản lược nơi cuộc gặp gỡ với Giáo Hoàng, nhưng nó là kinh nghiệm sâu xa, đa diện và phong phú hơn nhiều.

Câu hỏi thứ hai của một nhà báo Australia liên quan tới sự bi quan hay lạc quan của Đức Thánh Cha đối với tương lai của Giáo Hội Công Giáo Australia trong một xã hội tục hóa. Đức Thánh Cha nói kinh nghiệm về Thiên Chúa tồn tại và giá trị trong các hoàn cảnh khác nhau, vì thế cần phải tìm ra cách thức khơi dậy và làm cho con người ngày nay hiểu kinh nghiệm đó cả trong một xã hội tục hóa.

Câu hỏi thứ ba cũng của một nhà báo Australia liên quan tới các vụ lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Đức Thánh Cha trả lời là ngài đã trình bầy rõ ràng lập trường của Giáo Hội trong chuyên công du Hoa Kỳ. Giáo Hội tuyệt đối không chấp nhập các lạm dụng này từ phía hàng giáo sĩ, tầm quan trọng của sự rõ ràng trong giáo huấn của Giáo Hội, của việc dấn thân đào tạo hàng giáo sĩ để tuyệt đối tránh tái xuất hiện các sự kiện đó, cũng như dấn thân mục vụ chữa lành các tâm hồn bị thương tích và giúp đỡ các nạn nhân cũng như gia đình họ.

Một câu hỏi khác liên quan tới các thay đổi khí hậu và các nguy cơ của chúng, là vấn đề Australia gặp phải với nạn hạn hán trầm trọng. Đức Thánh Cha nói khi đề cập đến vấn đề trách nhiêm của ngừơi trẻ đối với thiên nhiên, ngài cũng nói tới các thay đổi này. Dĩ nhiên nhiệm vụ đưa ra các biện pháp kỹ thuật là của các nhà khoa học và các chính quyền, Đức Thánh Cha chỉ trình bầy vấn đề trên bình diện luân lý và tinh thần.

Câu hỏi sau cùng liên quan tới hội nghị Lambeth của Anh giáo sẽ khai diễn trong các ngày tới với nguy cơ làm cho khối Anh giáo tan rã vì các vấn đề nội bộ, Đức Thánh Cha nói ngài sẽ cầu nguyện nhiều cho hội nghị này để cho các vị lãnh đạo Anh giáo tìm ra phương thế tốt nhất để trung thành với Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới ngày nay.
 
Công Giáo Trung Quốc: Chuyện quen quá! đòi đất, chẳng hồi âm còn bị ngược đãi.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:28 12/07/2008
Phồn Trĩ, Sơn Tây, Trung Quốc (AsiaNews/UCAN) - Một linh mục bị thương nặng do bị đánh từ phía sau; hai phụ nữ gãy tay; và một số tín hữu khác bị thương nhẹ chỉ vì cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé ở huyện Phồn Trĩ, tỉnh Sơn Tây này muốn đòi lại tài sản của mình. Bị cảnh báo không được thực hiện các chức năng tôn giáo nữa, cộng đoàn hiện diện không có chỗ thờ phượng và muốn nhà chức trách trả lại tài sản bị chiếm đoạt từ những năm 1950.

Theo quy định hiện hành, tài sản đã bị sung công phải được trả về cho chủ đích thực của nó nếu nó không sử dụng để phục vụ cho mục đích xã hội. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương đã bán phần đất đang tranh chấp cho cộng đồng Phật giáo địa phương đang bắt đầu mở rộng ngôi chùa của họ, vốn nằm cạnh phần đất có các công trình xây dựng của Công Giáo trước đây tọa lạc.

Người Công Giáo Phồn Trĩ đã kêu gọi chính quyền địa phương và huyện trả lại tài sản và dừng những công trình đang xây dựng trên đó nhưng họ không nhận được bất kỳ hồi âm nào. Hôm 02 tháng Sáu, một linh mục và một số thành viên của cộng đoàn đến công trường xây dựng để thương lượng với những người chịu trách nhiệm dự án nhưng tức thì họ bị một số người tấn công một cách dã man.

Sau đó, họ còn nhận được những cuộc điện thoại đe dọa, nói với họ rằng họ sẽ bị tước quyền gặp gỡ cầu nguyện nếu công trình xây dựng bị đình trệ.

Tài sản tranh chấp là một khu vực rộng khoảng 2.000 mét vuông bao gồm khu nhà của linh mục, khu giáo lý và một trại ngựa.

Sau khi chính quyền sung công, nó trở thành một nhà máy. Năm 2005, chính quyền huyện phá dỡ nó đi và bán đi mọi thứ mà không cần sự đồng thuận của chủ cũ tài sản như yêu cầu của quy định hiện hành.

Đầu năm 2007, cộng đồng Phật giáo Phồn Trĩ đã mua đất này. Khi công trình bắt đầu xây dựng thì bị đình lại do người Công Giáo khiếu nại. Mặc dầu nhà chức trách đồng ý rằng dự án xây chùa không được khởi động trước khi tranh chấp được giải quyết nhưng công việc xây dựng vẫn cứ khôi phục. Chính quyền nại rằng cộng đoàn Công Giáo không có gấy tờ chứng thực quyền sở hữu để chứng tỏ rằng tài sản kia là của mình, nhưng trái lại các thành viên nói rằng giấy tờ mất là hậu quả của việc chiếm đoạt và phá hủy trong các thập kỷ trước.

Hiện tại, cộng đoàn Phồn Trĩ có khoảng 80 người, gặp gỡ cầu nguyện nơi nhà của một người trong số họ. Trước 1949, có khoảng 3.000 người Công Giáo ở thị trấn Phồn Trĩ và các làng kế cận.

Những gì diễn ra ở Phồn Trĩ đang diễn ra ở khắp Trung Quốc. Các chính quyền địa phương từ chối thực thi chỉ thị của trung ương yêu cầu trả lại tài sản sung công. Trong các năm trước, các nữ tu ở Tây An và các linh mục, nữ tu ở Thiên Tân cũng bị đánh đập khi cố bảo vệ tài sản của Giáo Hội gây chấn động dư luận.

Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần của Hồng Kông, giá trị tài sản bị sung công của Giáo Hội ước lượng khoảng 20 tỉ Mỹ kim.

Câu chuyện trên đây cũng na ná những gì đã diễn ra và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Hóa ra, chỉ có thể chế chính trị chuyên chế mới có những chuyện như thế xảy ra làm đau khổ người dân thấp cổ bé miệng.
 
Giới Trẻ sùng đạo hơn người ta nghĩ
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:30 12/07/2008
Gutersloh, Đức (ZENIT) - Theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu ở Đức thì trái với suy nghĩ trong công chúng, thiếu niên và người trẻ trưởng thành quan tâm tới tôn giáo.

Tổ chức Bertelsmann của Đức công bố hôm Thứ Tư một nghiên cứu tôn giáo và thực hành tôn giáo trên toàn thế giới cho thấy rằng 85 phần trăm giới trẻ trưởng thành trong độ tuổi 18 đến 29 sùng đạo và 44 phần trăm rất sùng đạo. Chỉ có 13 phần trăm không có nhận thức về Thiên Chúa hay đức tin nói chung.

Tiến sĩ Martin Rieger, Lãnh đạo đồ án Quan sát Tôn giáo của Tổ chức Bertelsmann đã kết luận trong thông cáo báo chí rằng: “Giả sử rằng đức tin tôn giáo đang giảm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác thì rõ ràng điều đó đã bị nghiên cứu toàn cầu của chúng tôi bác bỏ, ngay cả trong các quốc gia công nghiệp hóa”.

Cuộc nghiên cứu khảo sát 21.000 người thuộc 21 quốc gia chỉ ra mức độ quan trọng khác nhau giữa các nền văn hóa. Chẳng hạn, giới trẻ ở các nước Hồi giáo và các nước đang phát triển thì hết sức sùng đạo trong khi Kitô hữu trẻ ở Âu Châu thì tương đối không quan tâm tôn giáo.

Đối với Công Giáo, tỷ lệ người Công Giáo hết sức sùng đạo ở Âu Châu là 25 phần trăm. Trong khi ngoài Âu Châu là 68 phần trăm. Hầu hết giới trẻ ở Đông Âu và Nga không được Rửa tội, và hầu hết giới trẻ không có mối liên hệ nào với đức tin và Giáo Hội, chỉ có 13% thực sự sùng đạo.

Cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra một ngoại lệ trong các nước công nghiệp hóa Phương Tây là Hoa Kỳ, nơi 54 phần trăm giới trẻ được thăm dò nói rằng họ xem mình là người hết sức sùng đạo.

Cuộc nghiên cứu cũng tiết lộ rằng 35 phần trăm người trẻ được thăm dò trên khắp thế giới cho rằng mình không thuộc một giáo phái nào, tuy rằng họ được xem như người thuộc về một tôn giáo.

Việc thực thi niềm tin tôn giáo cũng khác nhau giữa các nền văn hóa. Đối với giới trẻ ở các nước đang phát triển như Nigiêria, Guatemala, 90 phần trăm cho hay cầu nguyện ít nhất một lần một ngày và 75 phần trăm trả lời tương tự từ các nước như Ấn Độ, Môrốccô và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, việc cầu nguyện hằng ngày không còn phổ biến trong giới trẻ Âu Châu. Ở Pháp, chỉ 9 phần trăm giới trẻ cầu nguyện hằng ngày, ở Nga con số này là 8 phần trăm và ở Áo là 7 phần trăm. Ở Hoa Kỳ, 57 phần trăm giới trẻ nói rằng họ cầu nguyện hằng ngày.
 
Đưa tinh thần Ngày Giới Trẻ vào cuộc sống
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:31 12/07/2008
SYDNEY, Australia (ZENIT) - Mọi con mắt đang hướng về Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney diễn ra trong tháng này. Văn phòng Quốc gia Hội đồng Giám Mục Úc về Loan báo Tin Mừng đã nghĩ đến đời sống sau đêm canh thức và Thánh Lễ kết thúc.

Văn phòng đã phát triển một chương trình gọi là Rewired (Tái hòa nhập) nhằm mục đích tạo nên sự nhộn nhịp về Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đã được tổ chứ từ ngày 15-20 tháng Sáu ở Sydney, bằng cách giúp giới trẻ liên kết thâm sâu hơn với Chúa Giêsu Kitô và cộng đoàn giáo xứ họ.

Marita Winters, Giám đốc Văn phòng quốc gia về Loan báo Tin Mừng, và là người kỳ cựu với ba lần Ngày Giới Trẻ Thế Giới nói: “Tất cả chúng tôi muốn tác động vào mức độ của sự nhộn nhịp và gia tăng nhận thức về mặt tinh thần để nó luôn là nét đặc trưng của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, và biến nó thành mối liên kết thâm sâu và lâu dài với đời sống của Giáo Hội”.

Cô giải thích rằng văn phòng cô phát triển Rewired nhằm mục đích chào đón “người trẻ trong giai đoạn ngay sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới và trong tương lai”.

Chương trình Rewired có thể được các lãnh đạo giới trẻ thực hiện qua sáu phần và tạo môi trường cho giới trẻ suy ngẫm, chia sẻ và phát triển đức tin.

Cô Marita cho biết thêm: “Rewired nhằm làm cho giới trẻ suy tư thâm sâu về đức tin của họ cũng như dành cho những người chưa gắn bó nhiều với Giáo Hội. Đó là cơ hội cho giới trẻ trong giáo xứ, trường học hoặc trường đại học mời gọi bạn cùng trang lứa ngắm nhìn đức tin và truyền thống của họ trong một môi trường tiếp đón ân cần. Đó cũng là một công cụ hữu dụng để một giáo xứ bắt đầu hình thành nhóm giới trẻ”.
 
Đến tận cùng biên giới
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:45 12/07/2008
Đến tận cùng biên giới

Ngày hôm nay, hầu như việc toàn cầu hóa đang trở thành nếp sống thời đại ăn sâu đậm trong mọi lãnh vực.

Thời đại ngày nay, nếp sống toàn cầu hóa đặt ra những thử thách chao đảo cho đời sống không chỉ trong cấu trúc đời sống xã hội, mà còn cho từng con người nữa.

Thời đại ngày nay, đà phát triển của việc toàn cầu hóa vượt qua mọi biên cương ranh giới xã hội đất nước. Không chỉ hàng hóa đồ dùng chế biến lan tràn từ lục địa này sang lục địa khác, từ nước này sang thị trường nước khác. Nhưng còn cả về lãnh vực văn hóa, văn minh cùng ngôn ngữ không còn dành riêng cho một lớp người chuyên môn, một xứ sở nào nữa.

Còn trong lãnh vực đời sống đức tin Công giáo thì thế nào? Mức độ toàn cầu hóa trong lãnh vực này tiến triển ra sao?

1. Sáng tạo cho toàn cầu

Trong bài tường thuật về sáng tạo thiên nhiên ( Sáng Thế ký 1,1-31) Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, sự sống, cây cỏ, súc vật, con người không riêng cho một dân nước nào, cho một giai đoạn không gian cùng thời gian nào. Nhưng cho toàn cầu, cho mọi thế hệ, cho mọi không gian, cho hôm đó, cho hôm nay và cho ngày mai.

Công trình sáng tạo Thiên Chúa không chỉ sáng tạo một lần, sau đó nếu nó hư cũ phế thải, thì làm lại cái khác. Không, trong công trình đó có sẵn mầm sức sống phát triển đổi mới.

Như Nước là của châu báu cùng là yếu tố căn bản cho mọi sự sống phát triển trong thiên nhiên. Nước từ trên nguồn đổ xuống uốn khúc chảy qua ghềnh thác, sông ngòi, khe suối con lạch bị vẩn đục biến thành dơ bẩn. Nhưng nguồn nước không bị cạn, cùng không dừng ở chỗ đó, trái lại tiếp tục chảy ra ngoài biển. Chất muối mặn ngoài biển hòa tan khử trừ chất dơ bẩn trong nước thành nước sạch. Ánh sáng mặt trời chiếu xuống, gặp sức nóng nước lại bốc thành hơi bay lên trời cao, tụ lại thành nước mưa trong lành đổ xuống núi đồi nguồn suối dưới khắp mặt đất toàn cầu.

Trí khôn con người là bằng chứng về sáng tạo toàn cầu. Nhà bác học Pasteur là người sinh ra sống ở Pháp. Nhà nghiên cứu chữa trị vi trùng bệnh lao phổi Koch là người Đức. Nhưng trí khôn của hai ông không hạn hẹp trong biên cương ranh giới nước Pháp cùng nước Đức. Trái lại, sự suy nghĩ phát minh về y học của hai Ông đã vượt biên giới qua các châu lục, các quốc gia, lan tỏa mang lại hiệu qủa ích lợi cho mọi người ở mọi nơi trên toàn cầu vượt thời gian.

Sự phát minh chế biến ra thuốc Aspirin, viên thuốc ký ninh chống cảm thương hàn sốt rét trở nên thông dụng mọi người đều biết, đều dùng trên toàn cầu.

Ánh sáng, nước uống, súc vật, cây cỏ, thời gian, không gian, sự sống, con người là sáng tạo tòan cầu hóa. Sáng tạo này có mầm sức phát triển, biến đổi sáng tạo tiếp tục luôn mãi.

2. Lời Chúa cho toàn cầu

Xuống trần gian làm người, tuy Chúa Giêsu sinh trưởng trong đất nước Do Thái cách đây hơn hai nghìn năm. Nhưng Lời rao giảng của Ngài được viết lại trong bốn Phúc âm cho mọi người, mọi dân nước trên hoàn cầu.

Bài giảng Tám mối Phúc thật của Chúa Giêsu ( Mt 5,1-12 ), Bí tích phép Thánh Thể, Bí tích ơn tha tội, bí tích phép Rửa tội, bí tích chức Linh Mục, bí tích phép Hôn phối, Giáo Hội Ngài thành lập, sự hy sinh cùng sống lại của Ngài trên thánh gía, Đức Chúa Thánh Thần…không giới hạn cho riêng một ai, một cho thời đại nào, cho vị trí lãnh thổ đất nước châu lục nào. Trái lại luôn có gía trị cho mọi người, mọi nơi vào mọi thời đại hòan cảnh đời sống con người.

Những Kinh thờ phượng Chúa, mà chúng ta vẫn đọc hằng ngày, hay cả những bài hát trong thánh đường dùng để ca tụng cám ơn Chúa, là những điều phổ thông cho toàn thể Giáo hội hoàn vũ xưa nay có căn bản trong Kinh Thánh. Như Kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện, Kinh Kính mừng Maria là lời của Thiên Thần chào mừng Đức Mẹ khi truyền tin, Kinh Vinh Danh là lời ca mừng của các Thiên Thần trong đêm Chúa Giêsu sinh xuống làm người, Kinh Tin kính là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa do Giáo Hội Chúa ấn định trong toàn thể Giáo Hội hoàn hoàn vũ, Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa là lời giới thiệu của Thánh Gioan Tẩy gỉa về Chúa Giêsu cho mọi người, dấu Thánh gía là công thức lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa ba ngôi do chính Chúa Giêsu dạy, 150 Thánh Vịnh là những lời cầu nguyện làm nền cho những bài thánh ca trong thánh đường xưa nay.

Tất cả những Kinh đọc, bài hát này từ hơn hai nghìn năm nay người tín hữu Chúa Giêsu ở bất cứ nơi đâu, thời đại nào cũng đọc, cũng ca hát bằng những ngôn ngữ khác nhau cùng cách thế diễn tả khác nhau thôi.

Dù là Giáo Hội Công giáo bên Ý, bên Pháp, bên Hoa Kỳ, bên Đức, bên Nhật Bản, bên Trung Hoa, bên Đại Hàn, bên Nga, bên Úc, bên Tansania, bên Mexico, bên Argentina bên Brasilia… tất cả đề cùng thờ phượng kính mến Một Đức Chúa Trời, đều cùng kêu khấn lời bầu cử của Đức Mẹ Maria, của các Thánh trên trời, đều cùng tưởng nhớ cầu nguyện xin Thiên Chúa nguồn ơn cứu rỗi ban sự sống lại cho các linh hồn đã qua đời, đều cùng sống cổ võ lòng yêu thương bác ái tình liên đới con người với nhau.

Không dám nói theo kiểu thương mại kỹ thuật ngày hôm nay „đức tin vào Chúa đã toàn cầu hóa“, hay ngược lại. Nhưng đức tin vào Thiên Chúa là cung cách sống từ xưa nay của người tín hữu trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu.

3. Giáo Hội cho toàn cầu

Khi Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội đã trao quyền cho Thánh Tông đồ Phero đứng đầu toàn thể Giáo Hội lo việc rao giảng Lời Chúa trên toàn cầu: Con hãy chăn dắt chiên của Thầy (Ga 21,16)

Rồi trước khi trở về trời, Chúa Giêsu nói với các Thánh Tông đồ về sứ vụ của Giáo Hội: Anh em hãy đi rao giảng cho muôn dân nước. Làm phép Rửa cho họ nhân Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tận thế. ( Mt 28,18-20 ).

Căn cứ vào sứ mệnh truyền giáo hoàn vũ đó, các Thánh Tông đồ đã bôn ba đi khắp mọi nơi sống rao giảng làm chứng về Chúa cho con người. Thánh Phero từ nước Do Thái sang tận Roma, Thánh Gioan sang miền đảo Patmos, Thánh Tôma sang Ấn Độ, Thánh Giacobe sang Santiago de Compostela bên Tây ban Nha, Thánh Phaolo đi khắp miền Trung đông sang tận các đất nước miền Balkan, miền Địa trung Hải.

Từ hơn hai nghìn năm nay Giáo lý cùng đời sống Giáo Hội Công giáo của Chúa lan rộng khắp cùng bờ cõi trái đất. Mỗi khi đức Giáo Hoàng nào qua đời, toàn thể các vị Hồng Y trong Gíao Hội ở khắp nơi trên hoàn cầu tụ tập về Roma bầu vị Giáo Hoàng mới, như ngày 18.19. tháng Năm năm 2005 vừa qua đã diễn ra việc bầu Đức giáo Hoàng Benedictô XI. ở Roma.

Các đức Giám Mục đứng đầu các Giáo phận trên toàn thế giới về đời sống đức tin trong Giáo Hội là những cộng tác viên trực tiếp cùng cố vấn của Đức Giáo Hoàng về cách sống rao giảng Tin mừng giáo lý của Chúa tại mỗi địa phương.

Trong đức tin của Giáo Hội Công giáo vào Thiên Chúa có điều căn bản là cùng thông công hiệp nhất với nhau: cùng Tin vào Một Thiên Chúa, cùng hiệp nhất với Giáo Hội của Chúa, giữ mối dây cùng thông công với nhau, với các Thánh trên trời và nhất là với những người đã qua đời.

4. Đến tận cùng biên giới trái đất

Ngày nay người ta đang đưa ra những giả thuyết có thể còn có nhiều không gian vũ trụ hành tinh khác nữa ngoài trái đất chúng ta đang sống. Người ta cũng nêu ra những dự đoán có thể còn có những con người khác nữa ở những hành tinh vũ trụ đó.

Và như thế đặt ra thắc mắc về sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1,8).

Vậy phải hiểu thế nào về Lời Chúa đến tận cùng trái đất?

Tận cùng trái đất Chúa Giêsu nói đến không chỉ hạn hẹp về không gian ranh giới địa lý, về biên cương thời gian, nhưng còn sâu xa hơn nữa về dấu chỉ thời đại, về tâm lý, về văn hóa, phát triển kỹ thuật cùng tính tình hoàn cảnh sống của con người.

Đức Chúa Thánh Thần là sức sống của con người. Người Công Giáo tin nhận sự sống con người, khả năng sức sống phát triển thân xác cũng như tinh thần mỗi người là ân đức của Đức Chúa Thánh Thần ký thác ban cho.

Khả năng của con người có giới hạn trong mọi lãnh vực. Và con người cũng không tự tạo làm ra khả năng của chính mình được. Những nghiên cứu học hỏi bồi dưỡng chỉ giúp phát triển khả năng sẵn có mở rộng thêm ra thôi. Vì thế không chỉ riêng từng con người, mà cả toàn thể Giáo Hội hoàn vũ cũng đều khấn nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần ban ân đức trợ giúp cho việc sống làm chứng cho Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XI. đã chọn Lời Chúa “làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất” là khẩu hiệu cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23., từ ngày 15. – 20. Tháng Bảy ở tận vùng Châu lục xa xôi trên thế giới: Úc Châu.

Giáo Hội, con người cần Đức Chúa Thánh Thần ban ân đức sức mạnh củng cố đức tin tâm hồn sống làm nhân chứng cho nước Chúa trong đời sống.

Con người xin Ngài ban ơn khôn ngoan cho tinh thần. Nhờ đó biết nhận ra thánh ý Chúa qua những dấu chỉ thời đại ở khắp mọi nơi trong thế giới.

Con người cần ơn hiểu biết cho trí khôn của mình. Qua đó biết cách sống theo văn hóa, gìn giữ nề nếp gia đình, tình liên đới con người với nhau, bảo vệ gía trị sự sống cùng môi trường xung quanh, biết sử dụng phát triển kỹ thuật trong đời sống làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về biên giới hình thể địa lý.

Con người cần sự chân thật. Sự chân thật giúp sống bình an, xứng đáng là con người công chính trong vũ trụ, trong tương quan với Thiên Chúa và con người với nhau. Sống theo sự chân thật ngay chính là làm chứng cho Thiên Chúa trong mọi lúc đến tận cùng các ranh giới về thời gian, năm tháng, tuần lễ, ngày giờ phút giây.

Con người hằng khao khát nguồn an ủi cho đời sống. Nguồn an ủi giúp tâm hồn phấn khởi biết sống chia sẻ với thân phận con người trong đời sống lo toan cơm ăn áo mặc, chăm lo việc gìn giữ sức khoẻ, trong việc giáo dục đào tạo con người, với tầng lớp các người chịu đau khổ sống trong nghèo túng, cô đơn, bị khinh dể thiệt thòi trong đời sống.

Con người mong đợi cần ân đức tình yêu mến. Thần khí tình yêu mến nâng đỡ tâm hồn cuộc sống con người, đồng thời gây niềm hào hứng phấn khởi cùng đồng hành với mọi người trong đời sống về tinh thần tâm lý, nhất là tầng sâu thẳm nội tâm con người, như tính tình, tiềm thức và vô thức.

Con người cần niềm vui, sự hy vọng trong đời sống. Làn gió niềm vui, sự hy vọng khác nào như ánh sáng ngọn lửa bừng lên sức sống nồng ấm cho tâm hồn niềm tin.

***

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ánh sáng đức tin vào Thiên Chúa được ghi khắc trong tâm hồn mỗi người tín hữu Chúa Giêsu.

Ánh sáng đó không cho riêng một ai. Nhưng ánh sáng đó cho mọi người, cho mọi thời đại, cho mọi nền văn hóa, cho mọi không gian biên cương trên toàn cầu trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ánh sáng đức tin đó không chỉ chiếu tỏa trong tâm hồn đời sống người lãnh nhận. Nhưng ánh sáng đó chiếu tỏa lan tới khắp không gian đời sống, xuyên qua thời gian đi sâu vào cuộc sống sức khoẻ, cơm ăn áo mặc hằng ngày, phát triển nếp sống văn minh và hoàn cảnh sống cùng tâm lý mọi con người.

Ánh sáng sự sống làm chứng cho Chúa tình yêu hôm qua, hôm nay và ngày mai: Anh em là ánh sáng cho trần gian!

Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ 23 từ 15. – 20. 07. 2008
 
Lịch sử Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:36 12/07/2008
Lịch sử Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới

1984 Khởi đầu vào năm 1984, Cuộc gặp gỡ Bạn Trẻ quốc tế ngày Chúa Nhật Lễ Lá ở Roma nhân dịp Năm Thánh ơn Cứu Độ của Chúa. Ngày lễ Chúa nhật Phục sinh đức Thánh Cha trao cho các Bạn Trẻ cây Thánh Gía ngày Đại Hội giới trẻ trong tương lai.

1985 Cuộc gặp gỡ các Bạn Trẻ quốc tế ngày Chúa Nhật lễ lá, nhân dịp Năm dành cho người Trẻ ở Roma. Đức Thánh Cha gửi tới gìới trẻ hoàn cầu ngày 31.03.1983 tông thư của Ngài. Ngày 20.12.1985 ngài loan báo quyết định thành lập tổ chức Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới.

1986 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ nhất được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 23.03.1986 với chủ đề: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.“ ( 1 Phero 3,15).

1987 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ hai ở Buenos Aires, Argentina tứ 11.-12.tháng Tư.1987 với chủ đề: “ Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa giữa chúng ta.“ (1 Gioan4,16).

1988 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ ba được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 27.03.1988 với chủ đề: Anh em hãy làm những gì Ngài bảo“ (Gioan2,5)

1989 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ tư ở Santiago de Compostela, Spanien, từ 15. – 20. tháng Tám 1989 với chủ đề: Thầy là thân cây nho, anh em là cành nho. (Gioan 15,5)

1990 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ năm được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 08.04.1990 với chủ đề: Thầy là thân cây nho, anh em là cành nho. (Gioan 15,5)

1991 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ sáu ở Czestochawa, Polen từ 10.- 15. tháng Tám 1991, với chủ đề: Anh em đã tiếp nhận Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho anh em nên con cái Thiên Chúa.( Roma 8,15)

1992 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ bảy được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 12.04.1992, với chủ đề: Anh em hãy đi đến khắp mọi nơi trên thế giới và loan truyền Tin Mừng của Thầy. (Mc 16,15)

1993 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ tám được tổ chức ở Denver, USA, từ 10.-15. tháng tám, với chủ đề: Thầy đến, để anh em có được sự sống dồi dào. (Goan10,10)

1994 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ chín được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 27.03.1994, với chủ đề:Như Cha thầy đã sai thầy, Thầy cũng sai các con như vậy. (Gioan20,21)

1995 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười ở Manila, Philuật tân từ 10.- 15. tháng Giệng với chủ đề: Như Cha thầy đã sai thầy, Thầy cũng sai các con như vậy. (Gioan20,21)

1996. Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười một được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 31.03.1996, với chủ đề: Thưa Thầy, ngoài Thầy chúng con biết theo ai? Thầy có Lời hằng sống. ( Gioan 6,68)

1997 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười hai ở Paris, Pháp từ 19.- 24. tháng tám, với chủ đề: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Hãy đến và xem!( Gioan 1,38-39)

1998 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười ba được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 05.04.1998, với chủ đề: Đức Chúa Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều. (Gioan14,26)

1999 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười bốn được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 28.03.1999, với chủ đề:Đức Chúa Cha yêu mến các con! ( Gioan 16, 27)

2000 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười lămở Roma, Ý từ 15.-20. tháng Tám, với chủ đề: Ngôi Lời đã làm người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta. ( Gioan 1, 14)

2001 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười sáu được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 08.04.2001, với chủ đề: Ai muốn làm môn đệ Thầy hãy từ bỏ chính mình, vác thập gía hằng ngày và theo Thầy! (Lc 9,23)

2002 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười bảy ở Toronto, Canada, với chủ đề: Anh em là muối đất, là ánh sáng trần gian. (Mt 5,13-14)

2003 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười tám được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 13.04.2003, với chủ đề: Đây là Mẹ con. (Gioan 19,27)

2004 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ mười chín được tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 04.04.2004, với chủ đề: Chúng tôi muốn nhìn gặp Chúa Giêsu. (Gioan 12,21)

2005 Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ hai mươi ở các Colonia (Koeln), Đức quốc, từ 16. -21. Tháng Tám, với chủ đề: Chúng tôi đến thờ lạy Người ( Mt 2, 2)

2006 Ngày chúa nhật Lễ Lá 09.04.2006 Đại hội giới trẻ lần thứ hai mươi mốt được tổ chức ở các Giáo phận với chủ đề: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi“ ( Tv 119, 105)

2007 Chúa nhật lễ Lá 01.04.2007 Ð?i hội giới trẻ lần thứ hai mươi hai được tổ chức ở các giáo phận với chủ đề: “ Như Thầy đã yêu thương anh em, an hem cũng hãy yêu thương nhau.“ Ga 13,34)

2008 Ngày Đại hội giới trẻ thế giới lần thứ hai mươi ba từ 15.- 20. tháng bảy 2008, ở Tổng giáo phận Sydney bên Úc châu với chủ đề: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi người ngự xuống trên an hem. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giudê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.“ ( Cv 1,8).
 
Lịch Trình Chuyến Tông Du của ĐGH Benedict XVI đến Sydney trong dịp ĐHGTTG Kỳ 23
Mỹ Hạnh
12:38 12/07/2008
Lịch Trình Chuyến Tông Du của ĐGH Benedict XVI đến Sydney trong dịp ĐHGTTG Kỳ 23

Thứ Bảy, 12/07/2008 Fiumicino (Rome)

10.00 Khởi hành từ Phi Trường Quốc Tế Leonardo da Vinci tại Fiumicino (Rome), trực chỉ Phi Trường Darwin / Căn Cứ Quân Sự của Không Lực Hoàng Gia Úc

Chúa Nhật, 13/07/2008 Darwin

9.15 Đáp xuống Phi Trường Darwin / Căn Cứ Quân Sự của Không Lực Hoàng Gia Úc / Tạm dừng để bảo trì và tiếp nhiên liệu
10.30 Khởi hành từ Phi Trường Darwin / Căn Cứ Quân Sự của Không Lực Hoàng Gia Úc, trực chỉ Phi Trường Richmond Sydney / Căn Cứ Quân Sự của Không Lực Hoàng Gia Úc
15.00 Đáp xuống Phi Trường Richmond Sydney / Căn Cứ Quân Sự của Không Lực Hoàng Gia Úc
15.15 Di chuyển bằng xe hơi từ Phi Trường Richmond Sydney / Căn Cứ Quân Sự của Không Lực Hoàng Gia Úc đến Nhà Nghỉ Riêng
Chương trình cá nhân cho đến sáng Thứ Năm 17/7

Thứ Năm, 17/07/2008 Sydney

7.30 Thánh Lễ Riêng tại Nguyện Đường trong Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary, Sydney
9.00 Nghi Thức chào mừng tại Dinh Thống Đốc, Sydney Diễn từ của Đức Thánh Cha
9.30 Di chuyển bằng xe hơi từ Dinh Thống Đốc đến Trung Tâm Mary MacKillop, Sydney
9.45 Cầu nguyện tại Nguyện Đường Mary MacKillop
10.00 Di chuyển bằng xe hơi từ Trung Tâm Mary MacKillop đến Dinh Tổng Toàn Quyền, Sydney
10.05 Thăm viếng xã giao vị Tổng Toàn Quyền Úc-đại-lợi tại Dinh Tổng Toàn Quyền / Gặp gỡ Thủ Tướng Úc-đại-lợi tại Dinh Tổng Toàn Quyền
11.05 Di chuyển bằng xe hơi từ Dinh Tổng Toàn Quyền đến Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary
11.30 Về tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary
14.20 Di chuyển bằng xe hơi từ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary đến Bến Tàu Rose Bay, Sydney / Nghi lễ chào mừng ngắn gọn với các vũ điệu và ca khúc dân tộc do Thổ Dân Úc-đại-lợi trình diễn tại Bến Tàu Rose Bay
14.45 Đức Thánh Cha lên du thuyền Sydney 2000, trực chỉ bến tàu Barangaroo ở phía Đông Cảng Darling
15.30 Cập bến Barangaroo, phía Đông Cảng Darling / Nghi thức chào mừng của giới trẻ tại Barangaroo, phía Đông Cảng Darling Diễn từ của Đức Thánh Cha
16.45 Di chuyển bằng Giáo Hoàng Xa từ Barangaroo đến Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary, Sydney (Xem lộ trình)

Friday, 18 July 2008

7.30 Thánh Lễ Riêng tại Nguyện Đường trong Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary, Sydney
9.30 Các cuộc tiếp kiến riêng với Thống Đốc tiểu bang New South Wales, Thủ Hiến tiểu bang New South Wales, và Thị Trưởng thành phố Sydney cùng với gia đình họ tại Phòng Tiếp Tân của Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
10.25 Đi bộ từ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary đến Khu Hầm Mộ trong Nhà Thờ Chính Tòa St Mary
10.30 Gặp gỡ đại kết giữa các Kitô-giáo tại Khu Hầm Mộ trong Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary Diễn từ của Đức Thánh Cha
11.15 Đi bộ từ Khu Hầm Mộ đến Chapter Hall trong Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
11.20 Gặp gỡ đại diện các tôn giáo khác tại Chapter Hall trong Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary Diễn từ của Đức Thánh Cha
12.00 Đi bộ từ Chapter Hall đến Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
12.30 Dùng bữa trưa với đại diện giới trẻ tại Phòng Tiếp Tân thuộc Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary
14.55 Đi bộ từ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary đến Nhà Thờ Chính Tòa St Mary
15.00 Chủ sự cầu nguyện lúc khởi đầu chương trình Chặng Đàng Thánh Giá tại quảng trường ở mặt tiền đường Nhà Thờ Chính Tòa St Mary/ Đức Thánh Cha sẽ đọc lời nguyện kết thúc Chặng Thứ Nhất, sau đó ngài sẽ đi đến Khu Hầm Mộ trong Nhà Thờ Chính Tòa để theo dõi những chặng kế tiếp qua màn ảnh TV
18.30 Di chuyển bằng xe hơi từ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary đến Nhà Thờ Thánh Tâm tại viện Đại Học Công Giáo Notre Dame
18.45 Gặp gỡ các bạn trẻ kém may mắn thuộc trung tâm cai nghiện của Đại Học Notre Dame trong Nhà Thờ Thánh Tâm Diễn từ của Đức Thánh Cha
19.45 Di chuyển bằng xe hơi từ Nhà Thờ Thánh Tâm thuộc Đại Học Notre Dame đến Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary
20.00 Về tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary

Thứ Bảy, 19/07/2008

9.00 Đi bộ từ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary đến Nhà Thờ Chính Tòa
9.30 Thánh Lễ với các Giám Mục Úc Châu, các chủng sinh, các tập sinh (bao gồm nghi thức cung hiến bàn thánh mới) tại Nhà Thờ Chính Tòa Bài giảng của Đức Thánh Cha
11.30 Trở về Phòng Thánh
11.45 Đi bộ từ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary đến Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
12.15 Dùng bữa trưa với các Giám Mục Úc Châu và Đoàn Tùy Tùng Giáo Hoàng tại Phòng Tiếp Tân của Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
18.30 Di chuyển bằng xe hơi từ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary đến Trường Đua Randwick, Sydney
19.00 Đêm Canh Thức với giới trẻ tại Trường Đua Randwick Diễn từ của Đức Thánh Cha
21.00 Di chuyển bằng xe hơi từ Trường Đua Randwick đến Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
21.30 Về tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary

Chúa Nhật, 20/07/2008

8.30 Di chuyển bằng xe hơi từ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary đến bãi trực thăng trong khu quân sự Victoria Barracks, Sydney
8.45 Đến bãi trực thăng Victoria Barracks / Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng bay trên vòm trời khu Trung Tâm Chòm Sao Nam Thập Tự (bao gồm Công Viên Centennial và Trường Đua Randwick)
9.15 Di chuyển bằng Giáo Hoàng Xa từ bãi trực thăng Victoria Barracks tiến về Trường Đua Randwick/ Đức Thánh Cha dùng Giáo Hoàng Xa dạo quanh Trung Tâm Chòm Sao Nam Thập Tự (Công Viên Centennial và Trường Đua Randwick) nơi giới trẻ đang tụ tập nghinh đón ngài.
9.45 Đến Phòng Thánh được thiết lập tại Trường Đua Randwick
10.00 Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Thế Giới Trẻ kỳ 23 tại Trường Đua Randwick Bài giảng của Đức Thánh Cha / Kinh Truyền Tin / Diễn từ của Đức Thánh Cha
12.15 Trở về Phòng Thánh
12.30 Di chuyển bằng xe hơi từ Trường Đua Randwick đến Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
13.00 Về đến Nhà Xứ, Dùng bữa trưa với Đoàn Tùy Tùng
18.00 Gặp gỡ Mạnh Thường Quân và Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23 tại Phòng Tiếp Tân của Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary và tại Chapter Hall thuộc Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary Diễn từ của Đức Thánh Cha
19.00 Đi bộ từ Chapter Hall thuộc Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary trở về Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa

Thứ Hai, 21/07/2008

7.00 Thánh Lễ Riêng tại Nguyện Đường trong Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St Mary, Sydney
8.35 Nghi thức từ giã tại Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary
8.45 Di chuyển bằng Giáo Hoàng Xa từ Nhà Xứ Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary đến Công Viên Domain
8.50 Gặp gỡ các thiện nguyện viên của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23 tại Công Viên Domain / Diễn từ của Đức Thánh Cha
9.10 Di chuyển bằng xe hơi từ Công Viên Domain đến Phi Trường Quốc Tế Sydney
9.30 Nghi lễ tiễn đưa tại Phi Trường Quốc Tế Sydney Diễn từ của Đức Thánh Cha
10.00 Đáp chuyến bay rời Phi Trường Quốc Tế Sydney, trực chỉ Phi Trường Darwin
13.50 Tới Phi Trường Darwin, Tạm dừng để bảo trì và tiếp nhiên liệu
15.05 Đáp chuyến bay rời Phi Trường Darwin, trực chỉ Phi Trường Ciampino, Rome
23.00 Về tới Phi Trường Ciampino, Rome.
 
Hơn Mười Ngàn Người Tân Tây Lan tham dự ĐHGTTG
Mai Tá
12:42 12/07/2008
ROAM (CNA).- Có hơn mười ngàn người Tân Tây Lan (tức “kiwis” như họ vẫn tự gọi) sẽ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, diễn ra từ ngày 15 đến 20 tháng Bẩy tại Sydney - Úc.

Theo cơ quan thông tấn Fides, đây là con số chưa từng thấy đối với Giáo hội ở Tân Tây Lan, bởi vì vào các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần trước chỉ có chừng vài trăm người trẻ từ đất nước này có khả năng tham gia, mà thôi. Lần này, số người trẻ tham dự Đại Hội gia tăng là nhờ lòng hưng phấn và quyết tâm của người trẻ đã khuyến khích bạn bè người thân, cùng đến dự.

Đức Giám mục Anthony Fisher, Điều Hợp Viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, tuần qua có nói: “Giới trẻ ở vùng Thái Bình Dương đã phấn kích nhộn nhịp với ý tưởng họ là lớp người trẻ trong vùng dám đăng cai Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, lần đầu.”

Mỗi Giáo phận ở Tân Tây Lan tập họp thành nhóm trẻ để phục vụ theo tư cách “Sứ Thần Đại Hội” qua vai trò chủ động đại diện cho nước mình.
 
Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 82
Linh Tiến Khải
14:22 12/07/2008
VATICAN - Sáng 12-7-2008 Đức Thánh Cha đã cho công bố sứ điệp gửi Ngày Thế Giới Truyền Giáo 19 tháng 10 tựa đề ”được mời gọi là tôi tớ và tông đồ của Chúa Giêsu Kitô vào đầu ngàn năm mới”, trong đó Đức Thánh Cha tái khẳng định truyền giáo là bổn phận cấp thiết của mọi thành phần dân Chúa.

Năm Thánh Phaolô cống hiến cho mọi người noi gương thánh nhân thi hành lệnh truyền của Chúa Kitô. Vì ”truyền giáo là thánh sủng, là ơn gọi riêng và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Evangelii nuntiandi, 14). Nhân loại ngày nay cần được giải thoát và cứu rỗi. Hiện tình thế giới ngày nay minh xác cho sự thật này. Một đàng có các viễn tượng phát triển kinh tế xã hội hứa hẹn, đàng khác nó cũng cho thấy nhiều âu lo liên quan tới tương lai con người. Trong nhiều trường hợp bạo lực ghi đậm dấu trên các tương quan giữa các cá nhân và các dân tộc; nghèo đói áp bức hàng triệu người trên trái đất; các kỳ thị đôi khi đi tới chỗ bách hại vì các lý do chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, thúc đẩy biết bao nhiêu người trốn chạy quê hương mình để tìm nơi trú ẩn và chở che; tiến bộ kỹ thuật khi không phục vụ phẩm giá và thiện ích của con người và không được dùng cho tình liên đới, thì nó mất đi khả năng trao ban hy vọng, và có nguy cơ khiến cho các tình trạng mất quân bình và bất công vốn có sẵn trở thành tồi tệ thêm. Thế rồi còn có sự đe dọa thường xuyên đối với môi sinh, vì việc sử dụng các tài nguyên một cách không đúng đắn. Tất cả khiến cho tương lai con người bị đe dọa và mưu sát mạng sống con người dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đức Thánh Cha viết tiếp trong sứ điệp: Chỉ có Tin Mừng của Chúa mới đưa ra câu trả lời và trao ban hy vọng cho chúng ta. Và thánh Phaolô đã hiểu điều đó khi khuyến khích Timoteo ”loan báo lời hứa trao ban sự sống nơi Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 1,1) ”niềm hy vọng của chúng ta” (1 Tm 1,1). Như thế truyền giáo là vấn đề của tình yêu thương và là một bổn phận của mọi tín hữu. Nó cấp thiết tại những nơi chưa được nghe nói tới Thiên Chúa, và cũng khẩn trương tại những nơi đã được truyền giáo, nhưng lòng tin đã nguội lạnh đi.

Tiếp đến Đức Thánh Cha kêu mời gọi các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân đừng sợ hãi, nhưng hãy noi gương thánh Phaolô tươi vui hăng hái ra khơi và dấn thân loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi dân nước, vì nhân loại và thế giới cần được giải thoát và cứu độ hơn bao giờ hết.
 
Đuốc Thế Vận ĐHGTTG sẽ được rước quanh Sydney trong cuộc bộ hành 15 ngày
Mỹ Hạnh
14:25 12/07/2008
SYDNEY - “Đuốc Thế Vận” của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới – một cây Thánh Giá cao 3,8m, được tháp tùng bởi một bức ảnh Đức Mẹ và một chiếc Gậy Truyền Tin của Thổ Dân – đã về đến Sydney vào ngày 1/7 để bắt đầu chuyến bộ hành kéo dài 15 ngày qua các thị trấn Sydney.

Cuộc Bộ Hành được bắt đầu tại Wollongong vào ngày 1/7 và sẽ kết thúc tại Barangaroo, phía Tây bến cảng Darling vào ngày 15/7 với một cuộc rước long trọng tiến vào địa điểm cử hành Thánh Lễ Khai Mạc do Đức Hồng Y George Pell chủ tế.

Chương trình Cuộc Bộ Hành 15 ngày đã được công bố trên internet và các nhà tổ chức ĐHGTTG08 đang kêu gọi dân chúng Sydney ghi danh tham dự chuyến bộ hành này – được xem là một trong những cuộc rước dài nhất qua các đường phố Sydney.

Điều Hợp Viên ĐHGTTG08, Đức Giám Mục Anthony Fisher OP cho biết: “Mục đích của Thánh Giá, Ảnh Đức Mẹ và Gậy Truyền Tin là mời gọi giới trẻ đến tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và loan truyền sứ điệp hòa bình, hy vọng và tình yêu của Đức Kitô cho nhân loại.”

“Sau khi đã chu du vòng quanh Úc Châu kể từ ngày 1/7/2007, Thánh Giá, Ảnh Đức Mẹ và Gậy Truyền Tin sẽ về lại Sydney để bắt đầu một cuộc bộ hành khởi động đại hội qua các phố xá địa phương, các công viên và các địa điểm nổi tiếng.

“Cư dân Sydney lại một lần nữa sẽ cảm nhận được niềm vui náo nức của một lễ hội cấp quốc tế, cũng như họ đã từng cảm nhận như vậy trong kỳ Thế Vận Hội 2000.”

“Các biểu tượng đơn giản của Đại Hội đã có một tác động thật sâu sắc đến cả 400.000 người – những người đã chứng kiến chuyến hành trình của các biểu tượng vòng quanh đất nước bao la của họ.”

“Các biểu tượng đã thăm viếng tất cả các ngõ ngách trên nước Úc, từ những đô thị sầm uất đến những cộng đồng thổ dân và các nông trại hẻo lánh. Giới trẻ đã vác Thánh Giá đến những nơi quan trọng về mặt tâm linh, như các vương cung thánh đường, các nhà thờ tại giáo xứ, trường học và bệnh viện, mộ phần của Chân Phước Mary MacKillop; đến những nơi quan trọng về mặt địa lý, như các bãi biển, các tuyến sông và các miền thôn dã, lên đỉnh núi Kosciusko, đến dãy núi Uluru, bãi san hô Great Barrier Reef, vùng vịnh 12 Thánh Tông Đồ; và đến những nơi quan trọng về mặt lịch sử, như vùng La Perouse, các đài tưởng niệm tử sĩ, các trại tạm giam, các nhà tù, và Viện Quốc Hội Liên Bang.”

“Các biểu tượng cũng đã được rước đến các điểm giao lưu xã hội như các vận động trường, trung tâm thương mại, câu lạc bộ giới trẻ, và ngay cả đến tuần lễ schoolies”.

Cuộc Bộ Hành 15 Ngày sẽ tiếp tục chuyến hành trình đặc biệt này tại Sydney với những đoạn băng rừng ở khoảng gần Horsley Park, băng qua xa lộ M7, vượt cầu cảng Sydney và qua phà Manly.

Thánh Giá, Ảnh Đức Mẹ và Gậy Truyền Tin Thổ Dân sẽ được rước qua các thị trấn Sydney, sẽ thăm viếng Liverpool, Rooty Hill, Sutherland, Auburn, Parramatta, Dural, Chatswood và North Sydney trước khi dừng chân qua đêm tại viện Đại Học Sydney vào hôm 14/7 – đêm trước ngày khai mạc đại hội.

Trong tuần lễ đại hội, Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ sẽ được đặt tại Hyde Park nơi mà tất cả mọi người được mời gọi đến kính viếng và suy niệm.

Toàn bộ chương trình Bộ Hành 15 Ngày đã được đăng tại đây.

Sydney sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23 từ ngày 15-20 tháng 7. Do Giáo Hội Công Giáo tổ chức nhưng mở rộng cho tất cả mọi người, đại hội cũng sẽ đánh dấu chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đến Úc Châu.
 
Top Stories
Australia denies visas to Iraqi WYD pilgrims
Catholic News Agency
14:35 12/07/2008
ROME (CNA).- The Australian government has denied visas to dozens of World Youth Day pilgrims from Iraq, citing concerns that participants will not return home and instead will seek asylum in Australia. One Chaldean Catholic priest called the decision “a slap at young people who wanted to go to witness to the faith and the joy of the church’s living in Iraq despite sufferings.”

Bishop Phillip Najim
Initially the Australian government denied visas for nearly 170 pilgrims, allowing only ten visas to aspiring World Youth Day participants, the SIR News Agency says. According to the website Baghdadhope, there are now only about 30 total visas available that will be granted “in extremis.”

Father Rayan P. Atto, parish priest of Mar Qardagh Church in Erbil, told SIR News Agency that the concerns about asylum seekers were unfounded, arguing that, “for young Christian Iraqis, taking part in the WYD in Sydney was not a way to leave their country.”

“Most of the group members come from northern Iraq, a quiet area,” he continued. “They have no reason to escape and they would certainly not do it on an occasion related to faith.”

Before it was reported that 30 visas would be available for pilgrims, Father Atto said the Australian Embassy in Amman, Jordan had approved only ten visas. “How can one reduce a group of almost 170 people down to just ten?” he asked.

The news of the 30 total visas did not satisfy Bishop Philip Najim, Chaldean Procurator to the Holy See.

“This is a real scandal, a slap at young people who wanted to go to witness to the faith and the joy of the church’s living in Iraq despite sufferings,” Bishop Najim said, speaking to MISNA news agency. “The dream of young Iraqis to participate in World Youth Day in Sydney shatters against the wall of mistrust and of bureaucracy, after the Australian embassy in Amman completely denied the visas in the beginning and then, today, granted 30 entry visas to the country… just 30, of which 12 are for religious and only 18 for young boys and girls, on a list of 170 people delivered since last year."

"What makes the refusal bitter is their inference that young people could take advantage of this opportunity to remain as applicants for asylum. According to them there would be no sufficient guarantees that they will return home,” the monsignor continued.

“The refusal of the entry visas to the young Iraqis who wished to attend the World Youth Day makes us very sad,” said Chaldean Bishop Jibrail Kassab of the Eparchy of Oceania and New Zealand.

“It would have been a great opportunity for sharing faith,” the bishop told SIR, “which would have been beneficial to so many young people, and not only Iraqis. Unfortunately, presumably political reasons prevented this.”

The Australian Embassy said that political, not economic reasons motivated their decision. The embassy said that in most cases the documents concerning the employment and financial situation of the pilgrims are missing.

However, the embassy had reportedly been informed that the Church would guarantee the visa applicants’ expenses.

According to Baghdadhope, the Iraqi World Youth Day delegation of 30 will include ten priests. The Most Rev. Mikha P. Maqdassi, the Chaldean Bishop of Al Qosh, will also be part of the delegation along with a nun, ten young people active in parish youth groups, and eight people designated to carry the cross in Sydney.

About 700 Iraqi emigrants living in Australia, the United States, and Europe will reportedly attend World Youth Day in Sydney next week.
 
6000 Catholics in march through city of Brisbane
Brisbane Times
14:44 12/07/2008
BISBANE - July 12, 2008 - ABOUT 6000 Catholic pilgrims marched through Brisbane today as part of the city's World Youth Day celebrations.

Youth came from East Timor
They marched from St Stephen's Cathedral to the Roma Street Parklands, where up to 20,000 Catholics are expected for day-long celebrations.

A spokesman for the Catholic church in Brisbane said that after years of planning it was wonderful that the big event had finally arrived.

He said young Catholics from around the world now in Brisbane would be heading for Sydney where Pope Benedict XVI will lead week-long celebrations.

The 81-year-old pontiff will touch down at Richmond RAAF base, northwest of Sydney, at 3pm (AEST) tomorrow.

Queensland Premier Anna Bligh and Brisbane Archbishop John Bathersby will address the Brisbane celebrations later today.

The streets of Brisbane city were awash with colour this morning, as thousands of World Youth Day pilgrims made their way to Roma Street Parklands.

More than 6000 Catholic pilgrims have descended upon the city streets for Brisbane's own mini-World Youth Day, ahead of the main event in Sydney this week.

The pilgrims from more than 40 countries, waving flags and banners, can be heard singing national songs as they march.

Shouts from the Australian contingent could be heard above most.

"Aussie, Aussie, Aussie - Oi, Oi, Oi!"

Bongo drums from the Congo are leading the Brisbane diocese, alongside East Timorese pilgrims, whose chanting resounded down Adelaide Street.

They departed from five inner-city churches this morning, where they were officially welcomed to the Sunshine State ahead of Brisbane's festival called Heart of the City at Roma Street Parklands.

It was a rare sight inside St Stephen's Catholic Cathedral on Elizabeth Street, where the congregation partook in a mass Mexican wave.

Brisbane families and parishes will host 5000 pilgrims from more than 40 countries over the weekend.

One of the biggest groups, comprising 800 pilgrims, is staying at Nudgee College, Boondall, on Brisbane's northside.

Event organiser Issac Moody said Brisbane's mini-World Youth Day would show off the city's Christian and Catholic communities.

Along with Brisbane's international guests, more than 3000 pilgrims from southeast Queensland will board buses, trains and planes to Sydney from tomorrow - on route to the world's largest international gathering of Catholic youth.

The highlight of the week-long Catholic gathering will be an open-air Mass with Pope Benedict at Randwick Racecourse on July 20, which is expected to attract 500,000 people.

Today's celebrations in Brisbane will culminate in the city's parklands, where the multi-cultural fiesta of song and dance will continue.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cử hành Năm Thánh Phaolô tại giáo phận Thái Bình
VP Thái Bình
08:11 12/07/2008
VỀ VIỆC CỬ HÀNH NĂM THÁNH PHAO-LÔ TẠI GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

Chúng tôi vừ nhận được Thông cáo (số 2) của Tòa Giám Mục Thái Bình như sau:

1 - Trong thông cáo số 1, Tòa Giám Mục đã đề ra một số việc phải làm trong Năm Thánh để lĩnh ơn Toàn xá, bắt đầu từ 28/6/2008 đến 29/6/2009. Thông cáo đã phổ biến sắc lệnh của Tòa thánh về các điều kiện để lĩnh ơn Toàn xá, xin các cha và anh chị em đọc lại để thi hành cho đúng. Đồng thời thông cáo cũng chỉ định một số nhà thờ được viếng để lĩnh ơn Toàn xá khi có cử hành các lễ kính Thánh Phao-lô, còn những lúc khác thì không được lĩnh ơn Toàn xá.

2 - Thông cáo cũng khuyên mọi người truy tìm các tài liệu để hiểu biết hơn về Thánh Phao-lô. Sau đây là một bài vắn tắt cho mọi thành phần dân Chúa có thể đọc và hiểu, ước mong được đưa vào các bài giáo lý của các xứ họ trong toàn giáo phận:

a) Phao-lô là tên gọi theo tiếng Hy-lạp, còn tên chính thức bằng tiếng Do thái là Saoul (Sao-lê), sinh vào năm 10 ở thành Tarse (Thổ Nhĩ Kỳ). Sử gia Eusèbe nói Thánh nhân thuộc một gia đình xứ Ga-li-lê. Còn theo Thánh Lu-ca: người sinh ra đã là công dân La-mã, một đặc quyền cho người “tỉnh lẻ”. Thánh nhân thuộc thành phần những người Do thái “di cư” - Diaspora, danh từ chỉ những người Do thái tản mác trong các lương dân. Ngài học ở Giê-ru-sa-lem với một vị tiến sĩ trứ danh là Gamaniel. Ngài nói thông thạo tiếng Do thái, Araméen và tiếng Hy-lạp. Cũng như một người Biệt phái, ngài có một nghề thủ công, đó là dệt thảm, có thể ngài đã mở một xí nghiệp nhỏ. Điều đó đem lại cho ngài đôi chút tiền bạc cần thiết cho các chuyến đi. Bởi vì như ngài đã tuyên bố không muốn nên gánh nặng cho các anh em đồng đạo.

b) Chúng ta có hai nguồn để biết về Thánh Phao-lô, đó là các thư của ngài và sách Tông đồ công vụ. Ngài tự định nghĩa mình: “chịu cắt bì ngày thứ tám, là dòng giống Israel, bộ tộc Benjamin, con của người Do thái, phụng sự lề luật như người Do thái, nhiệt thành và bắt bớ Giáo Hội” (Pl 3,5-6). Ngài là một người say mê cuồng nhiệt bắt bớ Hội Thánh cũng như nhiệt thành đem Tin Mừng sau khi đã trở lại.

CUỘC TRỞ LẠI

Thánh Phao-lô lấy làm vấp phạm khi thấy những người Ki-tô tự hào là môn đệ của Đấng Thiên Sai bị đóng đanh (Đnl 21,23). Chính ngài đã chứng kiến cuộc tử đạo của Thánh Stê-pha-nô và đứng lên chống đối người Ki-tô như sách Tông đồ công vụ thuật lại “người tàn phá Giáo Hội, vào các nhà bắt bớ đàn ông đàn bà và tống họ vào ngục” (Cv 8,3). Không những bách hại các Ki-tô ở Giê-ru-sa-lem, ngài còn được các nhà cầm quyền trí thức bắt đi lùng bắt các người Ki-tô ở Damas. Nhưng trên đường đi, trong luồng sáng đã làm cho ngài bị mù, Chúa Giê-su đã hiện ra và phán: “Sao-lê, Sao-lê, tại sao ngươi bắt ta …?” (Cv 9,4-5.20). Chúa Giê-su đã gửi ông đến thành Damas, nơi ông được chịu phép Rửa tội do thầy cả Ananie và lại được sáng mắt. Từ đó ngài đem hết nhiệt thành công bố Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa.

NHỮNG CUỘC HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

Bar-na-bê giới thiệu ngài với các Tông đồ ở Giê-ru-sa-lam. Ngài rút lui vào sa mạc Ả-rập trong nhiều năm. Rồi người ta lại thấy ngài trong cộng đoàn An-ti-ô-ki-a ở Sy-ri. Ở đó thánh linh truyền ngài với Bar-na-bê được “tách ra để làm công việc mà Ta sẽ sai họ phải làm” (Cv 13,2). Công việc đó là đem Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo mà thánh Phao-lô dành trót cuộc đời còn lại để đi với Bar-na-bê. Lúc đó ngài dự định làm nhiều cuộc viễn du truyền giáo: lần thứ nhất đưa ngài tới đảo Sýp, rồi tới nước Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ. Theo đúng kế hoạch tuần tự, ngài bắt đầu nói chuyện với những người Do thái tại chỗ. Sau lần đón tiếp nồng nhiệt ban đầu, ngoại trừ một số ít thường từ chối đón nhận việc ngài rao giảng về Chúa Giê-su chịu nạn và sống lại. Từ lúc đó ngài quay về dân ngoại. Ở An-ti-ô-ki-a, Thánh Phao-lô đối đầu mạnh mẽ với Thánh Phê-rô và những người Do thái cải đạo, họ muốn người ngoại giáo buộc phải giữ lề luật cũ. Ngài được sai về Giê-ru-sa-lem để giải quyết vấn đề với các môn đệ và tông đồ khác. Công đồng đầu tiên của các tông đồ quyết định không được bắt buộc chịu cắt bì đối với người Ki-tô gốc ngoại giáo.

Thư của Thánh nhân gửi người Ga-lát cũng đã đề cập đến vấn đề này một cách hết sức mạnh mẽ.

Cuộc hành trình thứ hai đưa ngài tới các cộng đoàn đã được thành lập. Ngài nằm mộng được mời gọi tới Ma-xê-đoan. Ở đó ngài đem Tin Mừng cho các thành phố thuộc Phi-lip-phê (người gửi tới đó một bức thư, gửi Thê-xa-lô-ni-ca hai thư; người gặp thất bại ở thành phố A-then-thủ đô nước Hy-lạp, rồi ngài gửi tới Cô-rin-tô nhiều thư). Tại đây ngài bị đưa ra tòa tổng trấn Ga-li-ô.

Cuộc hành trình thứ ba đưa ngài tới Ê-phê-sô, ngài ở đó hai năm. Nhưng cộng đoàn Do thái gây nên một cuộc bạo loạn và Thánh Phao-lô phải chạy trốn. Ngài quay trở lại Hy-lạp rồi về Troas (ở Thổ Nhĩ Kỳ) rồi đến Milles, nơi ngài có cuộc từ giã cảm động với các kỳ lão thành Ê-phê-sô. Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng ngài vẫn trở về Giê-ru-sa-lem để thực hiện một cuộc khấn hứa. Ngài bị bắt tại đền thờ và bị đưa ra trước tòa viên tổng trấn Rô-ma. Sau một dãy những diễn biến để thoát khỏi tay người Do thái dọa giết chết, ngài bị giải tới hoàng đế Rô-ma để xét xử (vì ngài là công dân La-mã). Sau mấy năm bị tù ở Xê-da-rê, ngài được gửi về Rô-ma và sống một thời gian bị cầm cố tại nhà. Ngài bị chém đầu vào năm 64 hay 67.

“TIN MỪNG” CỦA THÁNH PHAO-LÔ

Cuộc ngã ngựa ở Damas gây ấn tượng sâu sắc tới Thánh Phao-lô, đó là nguồn suối thần học của ngài về nhiệm thể Chúa Ki-tô gồm tất cả mọi Ki-tô hữu.

Quả vậy, ngài không còn bách hại Chúa Giê-su đã chết mà bách hại các môn đệ. Bởi vì Chúa Giê-su đã nói với ngài “tại sao ngươi bắt bớ ta?”. Người Kitô và Chúa Ki-tô chỉ là một: “anh em là thân thể của Chúa Ki-tô mà mỗi người tùy theo bộ phận của mình, là một trong những chi thể của Người” (1 Cr 12,27).

Sau khi đã rao giảng thất bại ở Athen, Thánh Phao-lô không còn muốn biết điều gì khác ngoài Chúa Ki-tô, Đấng Thiên Sai bị đóng đinh: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Thiên Sai bị đóng đinh, là vấp phạm đối với người Do thái, là điên dại đối với dân ngoại. Song đối với người được gọi, là sức mạnh của Thiên Chúa”. (1 Cr 2,13-14).

Một trung tâm nữa trong “Tin Mừng” của Thánh Phao-lô là con người không thể được cứu độ do nỗ lực riêng nhưng do ân huệ của Thiên Chúa nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Cứu Độ trong sự chết và sự sống lại của Người. Đó là tại sao ngài từ chối phép cắt bì vì từ đây chỉ có Phép Thánh Tẩy mới đưa ta vào thân thể Chúa Ki-tô. “Nhờ phép Thánh Tẩy trong cái chết của Người, chúng ta đã được mai táng với Người, để như Đức Ki-tô từ trong kẻ chết sống lại nhờ vào vinh quang của Thiên Chúa, chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6,4). Người Ki-tô sống một đời sống tốt lành không phải là được cứu độ vì chưng họ đã được cứu độ rồi.

Trên đây là những điều sơ yếu phải học hỏi về Thánh Phao-lô, còn các linh mục và tu sĩ nam nữ còn được kêu mời nghiên cứu sâu sắc hơn về ngài. Tòa Giám mục Thái Bình giới thiệu tập bài giảng của Đức cha giáo phận đã dùng để làm tĩnh tâm năm 2001-2002 tại Thái Bình với tựa đề “Con đường giác ngộ” có in trong Giáo Huấn Mục Vụ nói với các linh mục và nam nữ tu sĩ (trang 467-636) hoặc hai tập in rời 1 và 2 cùng tựa đề “Con đường giác ngộ” (có ở nhà sách Tòa Giám mục).

Đến đây, một lần nữa Tòa Giám mục khuyên mọi đấng bậc và mọi người trong cộng đoàn chú trọng Năm Thánh Phao-lô để canh tân chính mình, nhất là đem lại sự hiệp nhất cho toàn thể Giáo Hội toàn cầu, cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo phận Thái Bình nói riêng như mục đích của Đức thánh cha đã đề ra. Nên tham dự các lễ nghi ở các xứ họ đã được chỉ định để lĩnh Ơn Toàn xá. Sau này sẽ có các Thông cáo để giúp mọi người sốt sáng sống đạo.

Thái Bình, ngày 12 tháng 7 năm 2008
 
Hình ảnh 2 Đức Giám Mục Việt Nam cử hành thánh lễ cho các Đoàn Giới Trẻ Việt Nam qui tụ tại Melbourne
Trần Văn Minh
10:38 12/07/2008
 
Thẻ (tickets) Tham Dự ĐHGTTG 2008
WYD4VN TGP Sydney
14:30 12/07/2008
SYDNEY - Kính thông báo đến quý vị tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008, với các nhóm sau đây:

  • 701 - Vietnamese Catholic Community Sydney - Package C
  • 2828 - Vietnamese Catholic Community Sydney - Package B
  • 2286 - Vietnamese Catholic Community Sydney - Ca Doan (Package B)
  • 2126 - Vietnamese Catholic Community Sydney - Thanh Nien (Package B)
  • 2310 - Vietnamese Catholic Community Sydney - Thieu Nhi (Package B)
BTC WYD4VN TGP Sydney đã có THẺ (tickets) THAM DỰ ĐẠI HỘI cho những ai có GHI DANH và ĐÓNG TIỀN trước ngày 8/7/2008, ngoại trừ Thẻ Vào Cổng Randwick cho Package C (nhom 701), hy vọng BTC Trung Ương sẽ gởi thẻ (tickets) cho anh Lộc trễ nhất là sáng ngày mai. Hy vọng sáng thứ Bảy, tất cả mọi người ghi danh với nhóm 701 cũng sẽ có thẻ giống như các nhóm khác.

BTC WYD4VN đã dựa vào danh sách sau cùng ngày 8/7/2008 trên hệ thống Egeria để nhận thẻ (tickets). Những quý vị chưa ghi danh hay chưa đóng tiền, xin đừng đến, vì BTC sẽ không giải quyết những trường hợp này.

Ngày trao thẻ (tickets) tham dự Đại Hội cho các nhóm:
Thứ Bảy (12/7), Chúa Nhật (13/7), Thứ Hai (14/7) là 3 ngày duy nhất để BTC WYD4VN trao thẻ (tickets) đến cho mọi người.
Địa điểm: Văn phòng Mục Vụ Revesby - 92 The River Rd, Revesby. Từ 10am - 4pm.

(BTC WYD4VN sẽ không có làm việc ngoài ngày và giờ nêu trên)
* Mọi vấn đề về thẻ tham dự Đại Hội, xin liên lạc với anh Bùi Thanh Thế: 0402 987 671.

Xin quý vị giúp BTC WYD4VN nhắc nhở và loan tin này rộng rãi đến những người mà quý vị biết đã có ghi danh (và đã có đóng tiền) tham dự Đại Hội, vì chúng ta có một số người ghi danh nhưng không có email để BTC liên lạc.
 
Người trẻ 117 vác Thánh Giá cùng anh chị em bất hạnh trên đường về wyd 2008
Nhóm 117
21:40 12/07/2008
SAIGÒN - Gần 20 Sinh Viên Công Giáo thuộc giáo phận Orange và các bạn Nhóm Trẻ 117 đã có mặt tại Việt Nam trong ba tuần, trên đoạn đường hành hương tiến về Đại Hội Giới Trẻ tại Úc Châu, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và vị tiền nhiệm của ngài là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Vừa đến Sai Gòn, sau hơn 20 giờ bay từ Hoa Kỳ, các bạn trẻ này đã chia ra làm nhiều nhóm nhỏ theo chân những người linh hướng của nhóm. Nhóm một – theo chân linh mục Nguyễn Hoài Chương về Cần Thơ và Vĩnh Long kết hợp với các thiện nguyện viên của Bút Nhóm Lửa Việt để khám bệnh và phát thuốc trong 3 ngày làm việc tại giáo xứ Thông Lưu và Tịnh Xá Ngọc Hiệp.

Phái đoàn Giới Trẻ Việt Nam từ Hoa Kỳ nhận được sự liên kết rất nhiệt tình của các y bác sĩ tại Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ và hơn 30 sinh viên của học bổng Dấn Thân Nguyễn Văn Thuận. Gần 1.000 bệnh nhân nghèo và neo đơn đã được khám bệnh và phát thuốc. Hơn 150 trẻ em và người lớn được các nha sĩ tận tâm giúp đỡ. Nhóm hai theo chân linh mục Trần Công Danh ra Hà Nội thăm Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt và tới Hải Phòng thăm Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên.

Trong dịp này Cha Danh đã đại diện giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ kính tặng các Giám Mục 2 bức tranh “Gương Tiền Nhân Tử Đạo” nhân kỷ niệm 20 năm ngày phong thánh của 117 Anh hùng tử đạo Việt Nam.

Phái đoàn được dịp thăm một vài linh địa xưa đã chứng kiến các thánh tử đạo tuyên xưng Đức Tin bằng chính dòng máu và mạng sống của mình. Nhóm ba theo chân chị Dương Hồng thăm viếng, phát tặng phẩm cho các em khuyết tật tại Sàigòn. Các bạn sinh viên cũng không quên tìm đến những quán ăn để được dịp thưởng thức các món ăn dân tộc để cảm nhận rõ hơn cội nguồn của mình trong thời gian chờ đợi cha Bill Cao, tuyên úy của Sinh Viên Công Giáo Địa phận Orange đang trên đường về Việt Nam.

Vào tuần thứ hai của chặng đường hành hương, đại diện của đoàn được tiếp kiến và nhận được sự khích lệ và phép lành của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Đà Lạt kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Các anh chị em sinh viên công giáo đã theo chân cha Bill Cao đi Hàm Tân sinh hoạt với các trẻ em dân tộc thiểu số. Phái đoàn do Cha Nguyễn Hoài Chương đi Pleiku và Kontum thăm các làng người dân tộc bị bệnh phong và trao tặng những đôi dép đã được các thiện nguyện viên đo, cắt và thiết kế riêng cho những con người đã bị chứng bệnh tật lấy mất đi những ngón chân hay cả nửa bàn chân nhưng không lấy mất nhân phẩm của họ. Một vài anh chị trong phái đoàn đã không cầm được nước mắt khi tay mình chạm vào đôi dép một chiếc to, một chiếc nhỏ không đều nhau của các bệnh nhân. Trong những phút đầu tiên các anh chị có thể ái ngại hay e dè trước sự tàn phế của những người bệnh, nhưng chính nụ cười, ánh mắt nhân từ và sự hy sinh của các anh chị thiện nguyện viên đã đánh tan đi sự lo sợ và rụt rè của họ.

Mọi người đều nhận thấy niềm vui rạng rỡ trên những gương mặt tràn đầy lòng biết ơn và những đôi môi mấp máy tiếng “bê nê” (cám ơn) thật cảm động. Các bạn trẻ thực sự cảm nghiệm được sức mạnh của tình người và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần qua những hy sinh âm thầm của các anh chị em với đôi dép, viên thuốc trở thành “nhân chứng của Thầy Chí Thánh” trong những buôn làng trên vùng đồi núi này. Những mảnh đời bất hạnh này đang được chăm sóc và vết thương của họ được chữa lành những bằng tình Yêu Thương.

Ở Huế, phái đoàn của cha Trần Công Danh đã ghé thăm Thành Nội và Chùa Thiên Mụ. Tại Quảng Trị, anh chị em đã quỳ dưới chân Mẹ La Vang cầu nguyện cho quê hương và dân tộc Việt Nam, cũng như cho sự bình an và ân sủng tràn đầy cho hàng trăm nghìn bạn trẻ đang trên đường hành hương đến Úc Châu tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Từ Huế về lại Sài gòn, phái đoàn đã ghé Củ Chi thăm lớp học tình thương do các nữ tu Dòng Đức Bà Truyền Giáo coi sóc. Tại đây, 6 máy vi tính vừa được trang bị từ ngân quỹ của anh chị sinh viên Công Giáo và Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo biết cách sử dụng máy vi tính.

Chiều thứ sáu, ngày 4 tháng 7, gần 50 bạn trẻ từ Việt Nam và Hoà Kỳ đã có mặt trong một căn phòng nhỏ gần nhà thờ Con Gà (Đà Lạt) để chuẩn bị cho hai ngày làm việc sắp tới. Điều lo lắng cho các sinh viên Công Giáo từ Hoa Kỳ là vấn đề bất đồng ngôn ngữ, nhất là để tiếp xúc với các em người dân tộc K’ho. Trước khi kết thúc cuộc họp cha Bill Cao đã gợi cho các anh chị em trong đoàn nhớ lại sự hy sinh và đoàn kết của dân tộc Hoa Kỳ khi họ đánh lên tiếng chuông tự do của hơn 200 năm trước để đòi Độc Lập, cha xin mọi người cầu nguyện nhiều cho quê hương Việt Nam.

Sáng sớm hôm sau, bong bóng, mũi đỏ, trò chơi, tiếng cười của hơn 400 trẻ em quây quần tại trường tiểu học Ka Đơn qua sự hướng dẫn của các bạn sinh viên tạo điều kiện cho các em có thể vui chơi trong khi bố mẹ đi khám bệnh. Những lo lắng của các bạn sinh viên tối hôm trước nhanh chóng tan biến như sương mù miền cao nguyên trong nắng sớm nhờ những tiếng cười vang và tiếng hò hét của lũ trẻ. Các anh chị em trong Bút Nhóm Lửa Việt đã chuẩn bị chu đáo và dùng kinh nghiệm của nhiều năm làm việc tại Việt Nam để đóng góp cho những thành quả của một ngày sinh họat và phục vụ đồng bào. Mồ hôi và nước mắt của các bạn sinh viên đã được đền bù xứng đáng với tiếng cười đùa của trẻ thơ và niềm vui của các đồng bào dân tộc.

Hơn 500 bệnh nhân đã được các bác sĩ từ Sài gòn tận tình chăm sóc. Ngôn ngữ bất đồng đã được xóa tan bằng tình yêu thương chân thật. Những bàn tay cầm chặt bong bóng, tập vở và những con búpbê, teddy bear vẫy chào mãi khi các anh chị sinh viên Công Giáo rời Ka Đơn để chuẩn bị cho những việc làm từ thiện tại Tây Ninh, Cần Thơ. Những sinh viên của học bổng Nguyễn Văn Thuận và các thiện nguyện viên Bút Nhóm Lửa Việt không dám đứng vẫy tay lâu vì sợ những tình cảm đơn sơ của các em thơ níu kéo và vì còn rất nhiều những bệnh nhân ở Đạ Ròn đang mong chờ họ.

Đêm cuối cùng tại Đà Lạt, những cơn mưa rơi xuống thật lớn hòa cùng với những giọt nước mắt của các anh em trong đoàn. Cha Trần Công Danh mong trời sáng để đến nguyện đường Dòng Don Bosco, không phải để giúp lễ như 20 năm về trước, mà để dâng thánh lễ Tạ Ơn trong ngôi nhà nguyện cha đã từng giúp lễ năm xưa, nơi mà cậu bé Công Danh đã được anh em tu sĩ Don Bosco khuyến khích bước vào hành trình dấn thân và phục vụ.

Nhóm chị Khánh Trân và các anh chị em thiện nguyện viên của Lửa Vịêt tiếp tục nhảy bước dưới cơn mưa trong tiếng hát “Hành Trang Người Trẻ.” Họ sẽ ở lại và làm “nhân chứng” trong tình yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh tại Việt Nam.

Trong lúc các bạn trẻ trong nước tiếp tục phục vụ trong môi trường của mình, các anh em linh mục Đồng Minh Quang, Nguyễn Truyền, Ngô Thông, Vũ Hải Đăng, Nguyễn Trí, Nguyễn Hoài Chương và 6 nữ tu của các dòng chuẩn bị cùng với hơn 70 anh chị em trẻ gốc Việt từ nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ, các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Sinh Công, Sinh Viên Công Giáo... đang trên đường tiến về Melbourne và Sydney, Úc Châu. Người trẻ 117 đã và đang mang “Thánh Giá ĐHGT” trên những nẻo đường của quê hương, họ không ngần ngại đến làng phong, trung tâm khuyết tật, trẻ em HIV, các buôn, làng người dân tộc, và không quên ghé đến nhưng linh địa mà giòng máu Tử Đạo đã được đổ xuống hoà với lịch sử của quê hương.

Cuộc hành trình nay sẽ không dừng lại nơi đây mà sẽ tiếp tục chia sẻ nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm tin với giới trẻ công giáo từ khắp thế giới đang tiếng bước về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Họ sẽ hò, họ sẽ hát và họ lắng nghe người cha già yêu quý, ĐTC Bênêđictô XVI, Vị Đại diện Chúa Kitô và cùng Ngài cầu xin Chúa Thánh Thần đến thay đổi mặt địa cầu, để ngọn Lửa của Chúa Thánh Thân sẽ thánh hoá và biến đổi họ thành những nhân chứng tình yêu trong cuộc sống hôm nay và ngày mai. Với ân sủng Chúa Thánh Thần, người trẻ sẽ tịếp tục vác thập giá làm chứng nhân cho Thầy Chí Thánh (Công vụ 1:8,)

July 7, 2009, Đêm cuối cùng tại Đơn Dương
 
Ngày hội ngộ Giới Trẻ Việt Nam tại Melbourne
LM Nguyẽn Hữu An
22:02 12/07/2008
NGÀY HỘI NGỘ GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO VI ỆT NAM TẠI MELBOURNE

MELBOURNE - Những ngày tiền đại hội giới trẻ taị Melbourne được kết thúc bằng thánh lễ sai đi tại Tels Dome Melbourne với sự hiện diện cuả 7 Hồng y, 70 Giám mục, 130O Linh mục và 70.000 bạn trẻ khắp nơi trên thế giới. Các đoàn hành hương đã lên đường tiến về Sydney. Riêng cácđoàn Việt Nam khắp thế giới lại hội tụ về địa điểm trường đại học Monas, Clayton, tham dự ngày hội ngộ Giới trẻ Công giáo Việt nam với chủ đề “Ngàn nhân chứng, một niềm tin”.Một ngày gặp gỡ đặc biệt với sự hiện diện cuả Đức cha Bùi văn Đọc, Đức cha Giuse Vũ văn Thi ên, 120 linh mục và khoảng 2000 người tham d ự.

Hai MC Quang Minh - Phượng Chi duyên dáng dẫn chương trình, giới thiệu về Nước Úc, một đất nước thanh bình, tự do, hiếu khách và nhiều bơ sữa.

Hoạt cảnh các thánh tử đạo VN mở đầu ngày gặp gỡ. Lần lượt các đoàn bạn tr ẻ 26 giáo phận VN, cùng các đoàn bạn trẻ VN khắp thế giới diễu hành với sự cổ vũ nồng nhiệt cuả khán giả.

Sau những tâm tình chia sẽ cuả Cha Bar Huỳnh San, tuyên uý trung tâm Công giáo Hoan Thiện, cha Vinct Nguyễn văn Long, Giám tỉnh OFM, Đức cha Phaolô Bùi vă n Đọc thuyết giảng 2 đề t ài “được kêu gọi làm chứng nhân” và “làm chứng bằng phục vụ”. Là giáo sư thần học tín lý về Chúa Ba Ngôi, ngài mời gọi các bạn trẻ hãy làm chứng cho Thiên Chúa chân thiện mỹ, làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng xót thương.Chúa Kitô Phục sinh là niềm hy vọng của chúng ta. Giáo hội có Tin mừng Phục sinh của Chúa Ki ô, đó là tin vui lớn nh ất cho nhân loại. Chuá Phục sinh, Đấng Hằng Sống và đang sống giữa chúng ta. Hay nhận lãnh sức mạnh Thánh Thần để làm chứng cho Chúa Phục sinh.

Sau baì ca “chứng nhân tình yêu” mọi người dùng bưã trưa, hàn huyên trao đổi.

Ban chiều là chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc của các bạn trẻ Melbourne, bạn trẻ Việt nam, bạn trẻ Lasan giáo xứ VN, San José, Califonia – Hoa kỳ.

Các bạn trẻ đến từ Hoa kỳ mang theo 38 cái trống, đồng phục để biễu diễn “tiếng trống về nguồn VN mến yêu”. Đây là tiết mục hay nhất, hoành tráng, cảm động, ý nghiã sâu sắc như một lời mời gọi mọi người Việt hãy luôn nhớ về cội nguồn “con rồng cháu tiên”, hãy tự hào là con cháu các“anh hùng tử đạo”.

Tiết mục “thời trang tu sĩ” cuả các thiếu nhi Giáo xứ Saint Joseh Springvale, giới thiệu 30 linh mục, 10 Chủng sinh và 30 nữ tu Việt nam đang phục vụ ại Melbourne đã khép lại ngày sinh hoạt, chuẩn bị thánh lễ tạ ơn.

Đức cha Giuse Vũ văn Thiên, giám mục Hải phòng, đặc trách giới trẻ VN, chủ tế. Đức cha Phaolô Bùi văn Đọc, Giám mục Mỹ tho, Đức cha phụ tá giáo phận Melbourne cùng 120 cha và hơn 2000 bạn trẻ cù ng chung lời tạ ơn Chúa.

Bài ca chính thức của Đại Hội Giới trẻ lần thứ XXIII “Hãy lãnh nhận Thánh Thần” được hát vang mãi trong niềm vui phấn khởi. Ban tổ chức đãi tiệc đặc sản Úc “Papikiu”giúp chúng tôi thêm sức lực để đi xe Buyt với một hành trình dài 1000km đến Sydney.

Đại hội giới trẻ là một cuộc hành hương đức tin làm trẻ hóa Giáo hội. Hiệp nhất trong Chúa Kitô là sức mạnh Thánh Thần. Mọi người nói chung một ngôn ngữ của Thánh Thần là ngôn ngữ yêu thương. Dân Chúa chọn là Israel nhiều lần bị lưu đày, họ tưởng là Chúa đã bỏ họ. Nhưng thực tế là Chúa dùng họ làm nhân chứng cho Ngài. Có thể so sánh, người Việt nam Công giáo giống như như dân Chúa chọn, sau nhiều biến cố thăng trầm, họ trở nên chứng nhân cho Thiên Chúa khắp mọi nơi, trên khắp mọi nẻo đường phục vụ yêu thương.Hạnh phúc của Thiên Chúa là yêu th ư ơng. Làm ch ứng cho Thiên Chúa tình yêu là sứ vụ và là hạnh phúc cuả mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Melbourne ngày 12.7.2008
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Thổ Dân trong tư duy thần học Úc
Vũ Văn An
19:17 12/07/2008
Người Thổ Dân trong tư duy thần học Úc

Catherine Smibert của Zenit.org cho hay các truyền thống đặc thù của người Thổ Dân sẽ được trưng bầy cho các khách hành hương và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhânn dịp họ tới Sydney trong những ngày WYD. Các chủ đề, biểu tượng và tranh ảnh của Thổ Dân sẽ hiện diện trong mọi biến cố của lễ hội WYD để vinh danh và biết ơn những cư dân nguyên thủy của lục địa Úc Châu và giới thiệu văn hóa thổ dân cho người hành hương. Tuy nhiên ở một bình diện sâu sắc hơn, tư duy thần học Kitô Giáo Úc nói chung và tư duy thần học Công Giáo Úc nói riêng đã từng cố gắng đi tìm những phương thức thầnhọc có thể tạo nên một lối giải thích Kitô giáo theo cái nhìn độc đáo của chính người thổ dân. Hơn thế nữa, còn coi phương thức này như bản sắc cho một nềnthần học Úc Châu nữa. Một trong các cố gắng đó là của linh mục John Wilcken S.J., hiện dạy Thần Học Hệ Thống tại Viện Thần Học Dòng Tên, Melbourne:

I. Kitô học và các truyền thống tôn giáo Thổ Dân

Kitô giáo được các người định cư từ Âu Châu mang tới Úc. Một cách tổng quát những cư dân này tự coi họ cao hơn những người dân bản địa của xứ này hầu như về mọi mặt, nhất là về hai phương diện tôn giáo và luân lý. Tất nhiên không tránh được hiện tượng khi người Úc gốc Âu Châu bàn đến các công trình thần học, tư tưởng của họ phản ảnh tư tưởng nơi các trường phái thần học của Âu Châu và Bắc Mỹ. Đến lúc phải nhấn mạnh tới các chủ đề có tính Úc châu đi chăng nữa, thì những chủ đề cũng chỉ phản ảnh lối sống của cư dân gốc Âu Châu trên xứ sở này mà thôi (1). Cho đến tận nay, người ta vẫn thấy rất ít ảnh hưởng từ các truyền thống tôn giáo thổ dân trên các suy nghĩ thần học của Úc (2).

Các nhà nhân chủng học, trong hơn thế kỷ qua, tất nhiên đã chú ý nhiều đến vấn đề tôn giáo của người Thổ Dân. Các Kitô hữu có quan hệ với việc truyền giáo nơi người Thổ Dân cũng đã viết nhiều về đề tài này, như Martin Wilson và E.A. Worms (3). Và cũng đã có những công trình thần học do các giáo sư và sinh viên tại Học Viện Nungalinya tại Darwin thực hiện cũng như các biên khảo của các nhà thần học Kitô giáo người Thổ Dân như Anne Pattel-Gray và Djiniyini Gandarra (4). Dù vậy, nếu người ta xét đến nền thần học đang được giảng dạy tại các học viện chính của Úc, họ phải kết luận rằng nền thần học ấy vẫn còn là nền thần học nằm vững vàng và không nhầm lẫn trong hai truyền thống Âu Châu và Bắc Mỹ.

Điều ấy có thể đúng. Nhưng nếu cứ tiếp tục lối này thì có thể ta đang lỡ một cơ hội tốt. Vì các truyền thống tôn giáo của Thổ dân chắc chắn có thể đóng góp một cách quan trọng vào nền thần học Úc Châu. Ít nhất chúng cũng có thể cung cấp cho ta một thách đố đối với khuynh hướng muốn đồng nhất thần học Kitô giáo với những gì đang được giảng dạy tại Âu Châu, Bắc Mỹ, và cả tại Châu Mỹ Latinh nữa. Thách thức này xem ra còn có tính nền tảng hơn nữa. Điều gì sẽ xẩy ra khi những người mà truyền thống tôn giáo đã khai triển trong bối cảnh một xã hội săn bắn và thu lượm, vâng điều gì sẽ xẩy ra khi những người ấy trở thành Kitô hữu, và đến lúc cần, họ phải diễn tả đức tin của họ theo gia tài văn hóa và tôn giáo riêng của mình?

Câu trả lời cho vấn nạn trên có thể gây chú ý và đưa lại nhiều ngạc nhiên. Đó là vấn đề tác giả muốn thảo luận trong bài này, ít nhất ở mức độ khởi thảo và hạn chế.

1. Vấn Đề Bản Thân

Tác giả sẽ trình bày vấn đề một cách riêng tư hơn, có tính tự thuật hơn một chút. Chuyên môn của tác giả, như hiện nay, là về thần học Kitô giáo thuộc các trường phái của Âu Châu và Bắc Mỹ; và tác giảcũng có đọc một ít các nhà thần học Giải Phóng của Châu Mỹ Latinh. Song song với điều ấy, tác giả có nghiên cứu đôi chút các tín ngưỡng và tập tục cổ truyền của người Thổ Dân Úc, phần lớn qua sách vở của các nhà nhân chủng học da trắng. Và cuối cùng, tác giả cũng đã có nhiều giao tiếp với các Kitô hữu Thổ Dân.

Kết quả của những điều trên là tác giả có một vấn nạn lớn. Ông thấy khó tưởng tượng được người Thổ Dân nghĩ ra sao về Đức Giêsu khi họ còn trung thành với những điều căn bản trong nền văn hóa riêng và thế giới quan có tính tôn giáo cổ truyền của họ. Do đó, khó có thể diễn tả được một Kitô học của Thổ Dân một cách chân thực, tức một Kitô học người ta có thể nhận ra từ nền giáo dục theo Âu Châu và Mỹ Châu, một Kitô học duy trì được những điều chủ yếu của đức tin Kitô giáo.

Đến đây, có thể có người sẽ bảo ‘đưa ra một Kitô học Thổ Dân đâu phải việc ông; quả là kiêu căng, khi ông nghĩ ông có thể làm được điều đó. Các Kitô hữu Thổ Dân sẽ làm việc ấy khi đến lúc và theo cách riêng của họ’. Nói như thế có thể có lý; nhưng điều ấy không làm ta thỏa mãn. Ở đây, xin có hai nhận xét. Trước nhất, từ nền giáo dục của mình, có khi ta có thể giúp được người Thổ Dân trong trách nhiệm của họ. Thứ đến, và là điều quan trọng hơn, đây là một vấn đề thần học không phải chỉ dành cho các Kitô hữu Thổ Dân mà thôi, mà cũng còn dành cho cả ta nữa.

Ta hãy trình bầy vấn đề như thế này. Ta tin rằng Đức Giêsu Nagiarét là khuôn mặt chính của lịch sử nhân loại, theo một phương cách hết sức mầu nhiệm. Người mang ý nghĩa nền tảng đối với toàn bộ gia đình nhân loại, đối với mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, mọi văn hóa và mọi lối sống. Do đó, ta tin rằng Người cũng rất quan trọng đối với người Thổ Dân. Như thế vấn đề của ta là: nếu ta buộc phải kết luận rằng người Thổ Dân chỉ có thể có một đức tin chính thống vào Chúa Giêsu nếu họ chịu từ bỏ nền văn hóa riêng và gia tài tôn giáo riêng của họ, để thay thế vào đó nền văn hóa và gia tài tôn giáo của Âu Châu và Bắc Mỹ, thì hiển nhiên ta phải bác khước đặc tính phổ quát hay công giáo của Kitô giáo.

Tình trạng ấy giống như tình trạng Thánh Phaolô và các nhà truyền giáo cho dân ngoại khác phải đối diện thời Giáo hội sơ khai. Đối với họ, điều sinh tử là cộng đoàn Giêrusalem phải nhìn nhận tư cách Kitô hữu đầy đủ của các cộng đoàn dân ngoại và không được áp đặt trên họ tập tục cắt bì và việc tuân giữ Luật Môisen. Thánh Phaolô và các vị khác quả đã tranh đấu cho đặc tính phổ quát thực sự của Kitô giáo. Chắc chắn tình trạng ngày nay tại Úc có hơi khác, vì cộng đoàn ngoại giáo của thế giới Địa Trung Hải không do các sắc dân thừa hưởng truyền thống của một xã hội săn bắn và hái lượm. Dù thế, vẫn có sự tương tự căn bản. Vì ở cả hai trường hợp, vấn đề cần giải quyết đều là đặc tính công giáo của Kitô giáo.

2. Vatican II

Trong nhiều tài liệu khác nhau, Công Đồng Vatican II, đã mạnh mẽ nhấn mạnh đến đặc tính công giáo này. Thí dụ, trong Hiến chế Về Giáo hội, Công đồng xác định: “Bởi các cố gắng của mình, Giáo hội đảm bảo rằng bất cứ hạt giống sự thiện nào tìm thấy trong tâm trí con người hoặc trong phong tục và văn hóa của người ta, không những không bị hủy diệt, trái lại còn được chữa lành, nâng cao và làm cho hoàn thiện, để vinh danh Chúa, khiến ma quỉ khiếp sợ và con người được hạnh phúc “ (Số 17).

Trước đó, trong cùng tài liệu trên, Công đồng cho hay: “Đấng quan phòng cũng không từ chối sự trợ giúp cần thiết để được cứu rỗi đối với những người, dù không do lỗi riêng, nhưng chưa đạt đến sự hiểu biết minh nhiên về Chúa, trái lại luôn cố gắng, nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, mà sống cuộc sống ngay thẳng. Vì bất cứ điều tốt hoặc điều đúng nào có trong họ đều được Giáo Hội coi như những chuẩn bị đối với Phúc Âm, do Đấng soi sáng muôn người ban tặng, ngõ hầu cuối cùng họ có được sự sống đời đời” (Số 16) (5).

Thuật ngữ ‘chuẩn bị cho Phúc âm’ (preparatio evangelica) là một thuật ngữ có ý nghĩa. ‘Điều tốt và điều đúng’, được miêu tả ở đây như dọn đường cho Phúc Âm, chắc chắn bao hàm không những ‘những hạt giống của sự thiện... tìm thấy trong tâm trí con người’ mà còn tìm thấy ‘trong phong tục và văn hóa của người ta’ theo thuật ngữ của đoạn trích trước đó. Nếu thế, ‘các phong tục và văn hóa’ của người Thổ Dân hiển nhiên nối kết chặt chẽ với các niềm tin tôn giáo của họ. Vậy điều gì trong nền văn hóa và tôn giáo cổ truyền của Thổ Dân dọn đường cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng có ý nghĩa phổ quát đối với toàn thể gia đình nhân loại? Người Thổ dân có thể nghĩ về Người cách nào, hay cách nghĩ nào có ý nghĩa đối với họ dưới ánh sáng các truyền thống tôn giáo và thế giới quan của riêng họ?(6)

3. Những Khác Biệt?

Đến đây, quả là hữu ích nếu ta chịu chỉ rõ đâu là những khác biệt chính giữa thế giới quan truyền thống của Thổ Dân và thế giới quan do những người lập cư từ Âu Châu mang tới. Ta nhận thấy rằng nếu phải diễn tiến theo lối biểu đồ, chắc chắn ta sẽ không trung thực đối với thực tại đầy đủ của điều đang xem sét. Trước nhất, ta thấy không hề có một thứ văn hóa và tôn giáo độc dạng (uniform) nơi Thổ Dân: trái lại có hàng loạt những biến thái về phong tục và truyền thống phát khởi từ nhiều khu vực khác nhau, cũng như hàng loạt các ngôn ngữ khác nhau nữa. Tuy vậy, người ta vẫn thấy một số nét căn bản giống nhau, và vì những nét giống nhau này, ta có thể nói đến một thứ thế giới quan của Thổ Dân. (Giống như đối với Âu Châu, dù có nhiều biến thái, người ta vẫn có thể nói về một thế giới quan của Âu Châu được). Vậy thì khi so sánh giữa hai thế giới quan kia, các khác biệt sẽ được nhấn mạnh – và dường như đã từng bị quá nhấn mạnh. Ta không muốn ám chỉ là không có những nét tương tự, hoặc không có chỗ đứng cho việc đối thoại và tăng gia hiểu biết lẫn nhau. Nhưng muốn cho cuộc đối thoại chân chính và gia tăng hiểu biết nhau thực sự có thể xẩy ra, ta phải để ý đến những khác biệt có ý nghĩa đang hiện diện thực sự.

(i) Điểm khác biệt căn bản là sự khác biệt giữa một bên là săn bắn và hái lượm, một bên là văn minh thị thành. Điều ấy đem lại các thế giới quan hoàn toàn khác nhau. Trong vấn đề tổ chức xã hội, ta chỉ đưa ra một so sánh hết sức tổng quát. Trong văn hóa Thổ Dân, hệ thống họ hàng là một hình thức phát triển rất cao của tổ chức xã hội. Thực vậy, nó là một trong những thành quả kỳ diệu của văn hóa Thổ Dân. Liên hệ ra sao giữa người này với người kia là điều sinh tử đối với đời sống người Thổ Dân. Mặt khác, những ai thuộc văn minh thị thành thì thường lại dành tầm quan trọng đặc biệt cho vai trò của chính phủ, cho những chức vụ chính thức vốn là thành tố trong cơ cấu công quyền, như vua chúa, công hầu, chủ tịch, thủ tướng v.v... Các chức vụ ấy rất xa lạ đối với đời sống Thổ Dân.

(ii) Đối với Thổ Dân, nơi chốn có tầm quan trọng chính yếu, trong khi thời gian lại chẳng quan trọng gì (7). Căn tính Thổ Dân dính liền với mảnh đất của họ, và các địa điểm đặc thù rất có ý nghĩa. Ngược lại, thời gian không hề là một phạm trù quan trọng đối với họ. Trái lại, đối với người Âu Châu, chiếc đồng hồ tường hay đồng hồ đeo tay là một phần chủ yếu của cuộc sống văn minh; và, dù nơi chốn không hẳn vô nghĩa, nhưng, nói một cách chung chung, chúng không phải là điều chính yếu đối với cuộc sống của họ.

(iii) Mọi người đều thấy Mộng Thế (Dreaming) quan trọng ra sao đối với Thổ Dân. Nó là một loại vĩnh hằng, cùng một lúc có mặt với hiện tại. Trong Mộng Thế, những nét chính yếu của cuộc sống được thiết dựng trên cõi đời này. Con người phải sống phù hợp với những gì đã được đặt định trong Mộng Thế. Ngược lại, đối với người Âu Châu, lịch sử là một phạm trù chính yếu của cuộc sống. Hiện tại khai triển từ quá khứ và dẫn đến tương lai. Người Do Thái và Hy-Lạp cả hai đều xuất chúng về lịch sử. Lịch sử là ý niệm căn bản đối với người Âu Châu.

(iv) Kitô giáo là một tôn giáo cánh chung luận, hướng tới một thứ viên mãn (culmination) của lịch sử. Trái lại, người ta có thể nói thế giới quan Thổ Dân là một thế giới quan sáng thế luận (protological), nghĩa là, điều được thiết dựng trong Mộng Thế sẽ quyết định toàn bộ cuộc sống.

(v) Kitô hữu (và người Do Thái) nhấn mạnh tới tính siêu việt của Chúa. Ta xin nói thêm một chút về điều này. Tôn giáo của Thánh Kinh có nhìn nhận tính nội tại của Chúa (divine immanence) như sự hiện hữu của Thánh Linh trong lòng thế giới. Thế nhưng, ta có thể vững bụng quả quyết rằng truyền thống Do Thái và Kitô giáo vẫn hiểu Chúa như tách biệt (distinct) khỏi thế giới này, hay nói cách khác truyền thống ấy xác quyết tính siêu việt của Người. Trái lại, người Thổ Dân thực sự không có một ý niệm gì về một Thiên Chúa siêu việt. ‘Thần linh’ nội tại ngay trong mảnh đất và các đặc điểm của nó, nhất là tại những nơi thánh thiêng. Các anh thư của Mộng Thế hiện diện trong các nghi lễ trong đó các kỳ công của họ được nhắc lại và diễn lại. ‘Thần linh’ ở ngay trong lòng thế giới và trong lòng cuộc đời.

4. Sứ Vụ Của Chúa Giêsu

Bốn Phúc âm, tức các sách thuật lại sứ vụ của Chúa Giêsu Nagiarét, là sản phẩm của văn minh thành thị, giống như chính Chúa Giêsu, mặc dù Người lớn lên trong một ngôi làng không quan trọng và phần lớn giảng dạy tại các thị trấn nhỏ và các vùng thôn quê. Trọng điểm sứ điệp của Người là việc công bố nước Thiên Chúa đã đến. Sứ điệp ấy có ý nghĩa ra sao đối với một người Thổ Dân sống một đời sống theo truyền thống? Hạn từ ‘nước’ hàm nghĩa vua, và một hình thức tổ chức xã hội hoàn toàn xa lạ đối với lối sống Thổ Dân. Chữ ‘Thiên Chúa’ có ý ám chỉ ý niệm Do Thái chỉ về đấng thần linh siêu việt, một ý niệm hoàn toàn khác biệt với tín ngưỡng tôn giáo của Thổ Dân. Việc Nước Chúa đến, do Chúa Giêsu loan báo, hẳn sẽ thay đổi căn để xã hội con người và cục diện thế giới, một điều chắc chắn phải xẩy ra nếu lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha ‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’ được nhậm lời. Thế nhưng, đối với những người Thổ Dân của truyền thống, cục diện thế giới cũng như số phận cuộc đời đã được xác định từ thuở đời đời trong Mộng Thời. Hơn nữa, Chúa Giêsu rõ ràng được nhiều người đương thời coi như một tiên tri (Mc 6:15; Lc 7:16; Ga 6:14; Ga 9:17). Tiên tri là người nói một cách đầy thế gía nhân danh Chúa và thường kêu gọi người ta ăn năn thống hối và thay đổi lối sống. Tiên tri là một khuôn mặt công, được Thiên Chúa chỉ định và nhiệm vụ của tiên tri phần lớn là thách thức xã hội đương thời. Nhưng cái vai trò tiên tri như thế xem ra chẳng ăn nhằm gì đối với xã hội cổ truyền của Thổ Dân.

Thời Giáo hội sơ khai, Kitô giáo có hai tín điều lớn là ‘Chúa Giêsu là Chúa’ và ‘Chúa Giêsu là Đấng Kitô’. Thế nhưng xã hội Thổ Dân đâu có Chúa (cả chúa nhân bản lẫn chúa thần linh); và theo hiểu biết của ta, họ cũng không chờ mong một lãnh tụ vĩ đại nào sẽ ra đời để cứu dân. Vì một quan niệm như thế đòi phải có một thế giới quan lịch sử, điều mà người Thổ Dân cổ truyền không có.

Như thế, phần lớn những điều Tân Ước nói về Chúa Giêsu không có ý nghĩa bao nhiêu đối với người Thổ Dân truyền thống.

Tuy nhiên, ta hãy nhìn cẩn thận hơn vào đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu. Tại sao người thời của Người lại chú ý đến Người và bị Người ấn tượng đến như thế? Một trong những câu trả lời có thể là: vì Người có tài chữa lành, và nhiều người đến với Người chỉ vì muốn được Người chữa bệnh cho. Hiển nhiên đây là một lý do tại sao người ta bị lôi cuốn đến với Chúa Giêsu. Lý do khác rất có thể là niềm tin cho rằng Người sẽ lãnh đạo dân Do-Thái cách nào đó chống lại các ông chúa La-Mã và đẩy bọn ngoại bang ra khỏi xứ sở. Thế nhưng Chúa Giêsu đâu có khích lệ người ta có cái nhìn như thế về sứ vụ của mình. Hay có người còn dám gợi ý rằng Chúa Giêsu lợi dụng sự bất mãn về xã hội của thời Người để tuyên truyền cho mình và giành lấy quyền lực. Thế nhưng trọn bộ sứ điệp của Người đi ngược lại lối giải thích ấy.

Dù có thể bị coi là quá giản lược, nhưng ta vẫn xin đưa ra ba lý do tại sao người ta đã bị Chúa Giêsu lôi cuốn.

(i) Lý do thứ nhất, hết sức đơn giản, vì Người là một người tốt và rất có tài. Lòng tốt của Người lôi kéo mọi người đến với Người, và Người có khả năng làm người ta tự tin và tự phát triển các tài năng của mình. Lòng tốt mà ta nói ở đây có ý chỉ hoặc ít nhất cũng bao gồm việc thể hiện tiềm năng nhân bản. Qua lòng trắc ẩn, tình yêu, lòng can đảm, sự quan tâm đến công lý, sự chính trực v.v.. Chúa Giêsu tỏ ra hết sức nhân bản. Và Người giúp người khác tiến bộ trong việc tự thể hiện nhân tính của mình. Rõ ràng, ở đây, ta đang tuyên xưng đức tin; nhưng những tuyên xưng này đối với ta hoàn toàn nhất quán với những gì ta đọc được từ các trình thuật về Chúa Giêsu trong Phúc Âm (8). Ở đây, người ta có quyền nhắc đến sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu, một sứ vụ hết sức nổi bật trong các trình thuật Phúc Âm. Việc chữa lành các rối loạn thể lý và tinh thần là một phần quan trọng trong việc phục hồi con người trở lại nhân tính tròn đầy của họ và giúp họ có năng lực hành sử các năng khiếu của họ (9).

(ii) Lý do quan trọng thứ hai tại sao Chúa Giêsu đã lôi cuốn được người ta là dù thế nào Người cũng đã chạm tới khát mong tôn giáo của họ. Hay nói cách khác, Người giúp họ đạt tới cái ý nghĩa và giá trị sau cùng của đời họ. Điều này có nghĩa là họ tự động liên kết Người với Đấng Thiên Chúa của chính lịch sử Do-Thái. Đoạn Phúc âm trong đó Chúa Giêsu hỏi các môn đệ ‘Người ta bảo thầy là ai?’ (Mc 8:27) luôn gợi óc tò mò nơi ta. Câu các ông trả lời cho thấy rất nhiều: ‘có người nói thầy là Gioan Tẩy Giả, có người cho thầy là Ê-li-a, lại có người cho thầy là một trong các tiên tri’. Rõ ràng, người ta đã đến để coi Chúa Giêsu như một khuôn mặt tôn giáo, một người do Chúa gửi đến với họ. Đây có lẽ là lý do quan trọng tại sao nhiều người Do-Thái đã bị lôi cuốn đến với Người. Nói vắn tắt, họ nhìn nhận Người là người của Thiên Chúa.

(iii) Lý do thứ ba là, nhờ quyền năng Thiên Chúa, Người đã có thể chế ngự được sự dữ. Điều này được chứng tỏ trong nhiều trình thuật của Phúc Âm qua việc xua đuối ma quỉ. Cảm thấy sự dữ đe doạ là một kinh nghiệm nhân bản khá thông thường. Chúa Giêsu đã can đảm đối chất với quyền lực sự dữ và đã có khả năng thắng vượt nó. Điều ấy khiến người ta tin tưởng rất mạnh và họ chạy tới với Người (10).

Mặc dù bài báo này chủ yếu bàn đến Kitô học nghĩa là trả lời câu hỏi: ’Chúa Giêsu là ai?’, nhưng trong điều vừa nói trên đây, ta quả đã bước vào phạm vi Cứu Thế Học, nghĩa là ta đã bắt đầu trả lời câu hỏi ‘Chúa Giêsu đã cứu ta cách nào?’ Ta muốn nói Chúa Giêsu được các Môn Đệ và người đương thời coi như đấng cứu vớt: Người cưú họ khỏi cuộc sống mất nhân phẩm, vô nghĩa, vô giá trị, khỏi quyền lực sự dữ. Đó chính là những vấn đề cứu thế học.

5. Các Kitô Hữu Thổ Dân

Bây giờ ta hãy xét đến quan điểm của những người Thổ Dân truyền thống tự quyết định trở thành Kitô hữu, do đó khẳng nhận ý nghĩa trung tâm của Chúa Giêsu Nagiarét trong đời họ. Ta hãy tạm để sang bên bất cứ lý do thực tiễn hay lợi lộc nào họ có thể có. Vậy thì tại sao họ lại đặt niềm tin nơi Chúa Giêsu? Ta cho rằng ba lý do viện dẫn trên kia cũng đúng đối với họ: Chúa Giêsu là một người tốt bụng và hết sức nhân bản, một con người có thể khiến cho lòng tốt và nhân tính nở rộ nơi người khác; Chúa Giêsu, một cách nào đó, đem đến cho con người sự bảo đảm chắc chắn về giá trị và ý nghĩa cuối cùng của đời họ; và Chúa Giêsu có khả năng vượt thắng quyền lực sự dữ.

Và bởi thế ta cho rằng người Thổ Dân cũng coi Chúa Giêsu như đấng cứu vớt mình. Bởi vì, như mọi dân tộc khác, họ cũng khát mong được sống trọn cuộc sống nhân bản của họ, họ cần nhìn thấy ý nghĩa trong đời và giá trị trong cuộc sống riêng của họ, và như mọi người thuộc các sắc dân và văn hóa khác, đôi lúc họ cũng cảm thấy sự dữ đe dọa họ. Thực vậy, sợ các uy lực siêu tự nhiên hay phi tự nhiên (preternatural) vốn là một sức mạnh tiềm ẩn trong đời sống truyền thống của Thổ Dân. Nếu Chúa Giêsu mạnh hơn các uy lực đó, và quan tâm chăm sóc những ai tin tưởng chạy đến với Người, thì đây là một lý do quan trọng để tin Người.

Vậy thì nhờ đâu người Thổ Dân đã nhìn thấy Chúa Giêsu dưới ánh sáng trên? Có thể họ đã nghe các trình thuật của Phúc Âm về Người; và quan trọng hơn, cũng có thể vì họ đã nhận ra các đức tính của Chúa Giêsu trong những con người đang nói với họ về Người. Như thế, cuộc sống của những Kitô hữu đến với người Thổ Dân cần phải biểu tỏ, cách nào đó, lòng tốt và nhân tính phong phú của Đức Giêsu; đức tin nơi những Kitô hữu này cần phải cho người ta niềm tin chắc chắn vào giá trị của con người và vào ý nghĩa cuối cùng của kiếp nhân sinh; và lòng can đảm của các Kitô hữu này cần phải biểu lộ sự tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Giêsu trong việc chiến thắng sự dữ.

6. Trách Vụ Thần Học

Đến với đức tin là bước căn bản trong đời người. Sau khi đã thực hiện bước ấy, các tân tín hữu sẽ đương đầu với các vấn nạn thần học (dù họ ý thức được điều đó hay không). Đối với các Thổ Dân, một trong những vấn nạn thần học là: họ phải suy nghĩ và nói về Chúa Giêsu ra sao dưới ánh sáng nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo riêng của họ? Trong bối cảnh riêng của họ, nói về Chúa Giêsu như đấng đến để công bố Nước Thiên Chúa hay gọi Người là Chúa hay Kitô (Đấng Thiên Sai) dường như chả có nghĩa lý chi. Đó chỉ là những từ ngữ và quan niệm xa lạ đối với họ. Tuy nhiên, cái hậu cảnh tôn giáo riêng của họ vẫn có thể cung cấp cho họ những phương cách thích đáng giúp họ khẳng nhận ý nghĩa độc đáo của Chúa Giêsu.

Vatican II nhắc đến những ‘chuẩn bị cho Phúc âm’. Đức Gioan Phaolô II khi đến Alice Springs đã nói với các thính giả của Ngài rằng Phúc Âm ‘ngày nay mời các bạn trở nên Kitô hữu Thổ Dân trăm phần trăm’. Như thế, họ phải tiến hành ra sao để đưa ra một Kitô học của Thổ Dân, nghĩa là một Kitô học cho thấy ít nhất cũng là một thứ liên tục tính nào đó với các truyền thống văn hóa và tôn giáo của họ?

Câu trả lời của ta cho câu hỏi trên chỉ là một câu trả lời khiêm tốn và mò mẫm. Tuy thế điều quan trọng đối với ta là phải đưa ra được ít nhất cũng là những nét chính của câu trả lời. Ba yếu tố then chốt của tôn giáo Thổ dân xem ra khá có liên quan đến vấn đề ta đang bàn.

(i) Yếu tố thứ nhất, hiển nhiên là Mộng Thời, một yếu tố hết sức nền tảng đối với cuộc sống và tư tưởng Thổ Dân. Những câu truyện về Mộng Thời nhắc đến các kỳ tích của các vĩ nhân trong Mộng Thời (ta có thể gọi họ như thế). Dưới nhiều góc cạnh, những truyện kể ấy là những yếu tố quyết định đối với cuộc sống Thổ Dân mọi thời. Thế giới được quan niệm dựa trên các biến cố xẩy ra trong Mộng Thời và các hành động của các vĩ nhân kia.

Như thế thì Chúa Giêsu có thể được coi như một vĩ nhân của Mộng Thế. Và dưới ánh sáng đức tin vào ý nghĩa độc đáo của Chúa Giêsu đối với toàn thể gia đình nhân loại, có thể coi Người như vĩ nhân tối thượng của Mộng Thế. Những điều Người nói và làm đều có ý nghĩa trường tồn cho mọi kiếp nhân sinh. Những truyện ký về Người là nguồn vô tận dạy người ta phải sống cuộc sống của họ ra sao.

Hơn nữa, các vĩ nhân của Mộng Thế là những nhân vật sáng tạo: chính nhờ hành động của họ, mà cảnh giới đã được lên khuôn thành các hình dạng hiện nay, với núi với sông, vân vân. Vĩ nhân của Mộng Thế Giêsu có thể được coi như nhân vật sáng tạo tối cao. (Điều này rất thích hợp với các đoạn Tân Ước nói về Đấng Kitô vũ trụ {the cosmic Christ}, như Côlôxê 1:15-17 và Ga 1:1-3).

(ii) Yếu tố then chốt thứ hai trong cuộc sống và tư tưởng Thổ Dân là sự quan trọng của đất. Đất là thành phần tạo ra chính căn tính của người Thổ Dân. Con người được liên kết với những khu vực đặc thù; và các biến cố trong Mộng Thời, như các kỳ tích của các vĩ nhân chẳng hạn, đều được liên kết với những nơi chốn đặc biệt. Phong trào hiện nay đòi hỏi chủ quyền đất đai cho Thổ Dân không phải chỉ phản ảnh các vấn đề kinh tế mà thôi, như khả năng cung cấp lương thực của đất đai, nhưng còn phản ảnh điều gì đó quan trọng hơn nhiều. Những câu nói như ‘ta thuộc đất này’ hay ‘đất này là mẹ ta’ đủ diễn tả tầm quan trọng triệt để của đất đai đối với người Thổ Dân.

Các trình thuật trong Phúc Âm trình bày Chúa Giêsu như một người Do-Thái vùng Palestine, lớn lên và thi hành sứ vụ của mình đặc biệt tại Galilê. Như thế, Người đã được liên kết một cách đặc biệt với khu vực đất đai ấy. Nhưng nếu người ta nghĩ về Người không phải chỉ như một vĩ nhân của Mộng Thời, nhưng như vĩ nhân tối cao của nó, họ sẽ có thể thấy Người nối kết với mọi đất đai, mọi nơi chốn. Và lúc đó mọi người khắp mọi nơi, bất kể khu vực địa dư, đều tìm thấy biểu hiệu của Chúa Giêsu trong mảnh đất vốn là phần trong căn tính họ.

(iii) Yếu tố then chốt thứ ba của cuộc sống Thổ Dân là việc cử hành các nghi lễ tôn giáo, trong đó, các kỳ tích của các vĩ nhân của Mộng Thời được diễn hoạt lại. Trong các nghi lễ này, các vĩ nhân kia trở thành hiện diện trong các diễn viên đang đóng các trò của họ. Như thế, người Thổ Dân làm mới lại các tiếp xúc của họ với Mộng Thời. Rõ ràng, đây là phương thức hành động có tính bí tích, và là một phương thức trong đó ý niệm hiện diện rất quan trọng.

Nếu Chúa Giêsu được coi như vĩ nhân của Mộng Thời, thì việc chấp nhận Người hiện diện bất cứ ở đâu khi các biến cố của đời Người được cử hành quả là điều không khó. Và nếu Người là vĩ nhân tối cao của Mộng Thời, thì người ta có thể chấp nhận rằng Người hiện diện trong bất cứ cuộc tập họp nghi lễ nào.

Ta nhận ra rằng điều ta gợi ý ở đây đã bẻ gẫy các khuôn khổ trong tôn giáo cổ truyền Thổ Dân. Nhưng đối với ta, xem ra sự bẻ gẫy ấy, một cách nào đó, vẫn phù hợp với lối suy nghĩ cổ truyền. Vì ta thấy có sự khác nhau giữa, một đàng, thay thế tư tưởng tôn giáo Thổ Dân bằng một cái gì hoàn toàn mới và, đàng khác, nới rộng tư tưởng ấy vượt quá các giới hạn vốn có trong quá khứ. Việc thứ hai, điều mà ta muốn can dự vào, xem ra phù hợp hơn với giáo huấn của Vatica II về tính công giáo văn hóa (cultural catholicity).

Vậy điều ta muốn gợi ý là: ta có thể coi Chúa Giêsu Nagiarét không phải chỉ là một vĩ nhân của Mộng Thời, mà là Đấng Vĩ Nhân Của Mộng Thế (The Dreaming Hero). Thứ hai, Người không phải chỉ liên kết với mảnh đất Palestine mà thôi mà một cách sâu xa với mọi mảnh đất; thứ ba, Người hiện diện không phải chỉ trong các nghi lễ minh nhiên nhằm cử hành Người, mà trong mọi nghi lễ nhằm diễn tả hoài mong của con người muốn vươn tới suối nguồn sự sống và sự tốt lành. Một Kitô học Thổ Dân có thể được khai triển theo các gợi ý ấy.

7. Nhập Thể? Vậy phải nói thế nào về học lý Nhập Thể của Kitô giáo? Câu trả lời của ta cho câu hỏi này phần lớn là câu trả lời của một nhà thần học theo truyền thống Âu Châu; và ở đây các Kitô hữu Thổ Dân chắc chắn sẽ thách thức ta. Đối với ta, dường như học lý Nhập Thể liên quan đến hai ý niệm chưa được khai triển đầy đủ trong tư tưởng Thổ Dân: đó là ý niệm siêu việt tính nơi Thiện chúa và ý niệm lịch sử. Theo ta, nếu không có hai ý niệm này, người ta không thể khai triển được một học lý về nhập thể theo kiểu mẫu Lời Nói Đầu của Phúc Âm Thứ Tư. Bởi thế, có thể hiểu sứ điệp Kitô giáo như lời mời gọi người Thổ Dân hãy phát triển văn hóa theo đường hướng này. 8. Cứu Chuộc? Trong bài này, ta không bàn đến mầu nhiệm vượt qua của sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như không bàn đến học lý về cứu chuộc. Các chủ đề ấy sẽ được một bài nói về cứu thế học và các truyền thống tôn giáo Thổ Dân đề cập đến.

Phụ Chú

Sau khi viết xong bài này, tác giả tình cờ đọc được bài tựa đề “Giáo hội và Thổ Dân” của Boniface Perdjert, một Phó tế Công giáo quê ở Port Keats, Northern Territory (11). Bài báo này có một số đoạn nhằm phác thảo ra một Kitô học Thổ Dân. Boniface thấy có những tương tự giữa Đức Kitô của Phúc Âm và lối sống của Thổ Dân: Đức Kitô không quan tâm đến các sự vật vật chất, sinh ra tại một chiếc hang, chu du thiên hạ và không có chỗ gối đầu, chết trắng tay. Người tụ tập các bạn đồng hành quanh mình, và nhấn mạnh đến việc chia sẻ của cải. Người thích nơi thôn dã và thường xử dụng những cảnh thiên nhiên để giảng dạy. Rồi Boniface tiếp tục nói đến Đức Kitô như Nhân Vật của Mộng Thời (The Dreamtime figure), đấng ban Lề Luật, Nghi Lễ và những trung tâm sự sống, và chỉ cho ta con đường về quê hương đích thực. Đức Kitô hiện diện trong các sự vật của thiên nhiên. Hơn nữa, chúng ta sống bằng sự sống của Người; thực thế, có thể nói ta đồng nhất với Người. Và những gì ta làm cho nhau là làm cho chính Người.

Những đoạn viết ngắn ngủi ấy đã cung cấp cho ta một Kitô học thật phong phú, một Kitô học hoà hợp với đời sống và văn hóa Thổ Dân.

Năm nay (1997), một cuốn sách có ý nghĩa về thần học Kitô giáo Thổ Dân được xuất bản duới tựa đề Thần Học Thần Khí Cầu Vồng (Rainbow Spirit Theology) (12). Trong lời Mở Đầu, tác phẩm này được miêu tả như ‘một thần học còn đang diễn tiến’, và là kết quả của hai cuộc hội học được tổ chức tại Townsville, Queensland, trong đó một nhóm đại kết gồm các nhà lãnh đạo Kitô giáo người Thổ Dân gặp nhau để thảo luận và cùng nhau đưa ra một thần học Kitô giáo thực sự có tính Thổ Dân. Các cuộc thảo luận ấy đã được Robert Bos và Norman Habel điều hợp, chính hai ông đã đúc kết và viết thành sách.

Cuốn sách trên rất mạnh mẽ và cảm động, vì đã nhấn mạnh đặc biệt đến các chủ đề văn hóa Thổ Dân, như tầm quan trọng của đất chẳng hạn.

Tuy nhiên, người ta không được thoả mãn lắm về một vài khía cạnh thần học của cuốn sách. Nhiều người cho rằng hình như một số ý niệm của Âu Châu đã được chấp nhận một cách quá ư dễ dãi vào nền thần học của sách. Bởi thế, ý niệm Thần Khí Sáng Tạo phổ quát được coi là chuyện đương nhiên chẳng cần bàn cãi chi, và xem ra sách đã chuyển qua ý niệm nhập thể một cách cũng qúa ư dễ dàng nữa. Theo thiển nghĩ, tư tưởng tôn giáo truyền thống của Thổ Dân cần phải khai triển nhiều hơn nữa mới có thể hội nhập được các ý niệm trên.

Như thế, dù có công rất lớn, nhưng cuốn sách không giúp ta nhiều trong việc khai triển một Kitô học của Thổ Dân cho bằng những đoạn viết ngắn ngủi của Boniface Perdjert mà ta đã nhắc trên đây.

Chú Thích:

1. Có thể xem Toward Theology in an Australian Context, do V.C. Hayes chủ biên, AASR Publications, Adelaide, 1979; A. Hamilton, ‘200 years of Austrtalian Theology’ trong Compass, vol 22, Thu/Đông 1988, tr. 32-38.

2. Trong bài này, từ ‘Thổ Dân’ bao gồm cả người thuộc ‘Torres Strait Islander’.

3. M. Wilson, New, Old and Timeless, Nelen Yubu Missionary, series no.1, Chevalier Press, Sydney, 1978; E.A. Worms, Australian Aboriginal Religions, Nelen Yubu, 1986.

4. Anne Pattel-Gray, Through Aborinal Eyes, WCC Publications, Geneva, 1991; Djininyini Gandara, Series of Reflections of Aboriginal Theology, Bethel Presbytery, Northern Synod of UCA, Darwin, 1986.

5. Quả thực Công Đồng đã lập tức cảnh cáo rằng đôi khi con người bị ‘Ma Quỉ lừa dối’ và kết cục ‘đã phục vụ tạo vật hơn là phục vụ Đấng Hóa Công’. Tuy nhiên, sự dè dặt này không vô hiệu hóa lời phát biểu tích cực đã có trước đó. Về vấn đề ‘tính công giáo văn hóa’, xin xem ‘Giáo Hội Trong Thế giới Hiện đại’ số 58 và ‘Truyền Giáo’ số 22.

6. Cũng nên xem bài diễn văn Đức Gioan Phaolo II nói với Thổ Dân tại Alice Springs, ngày 29 tháng 11 năm 1986: ‘Phúc âm ấy nay mời gọi các bạn hãy trở nên những Kitô hữu Thổ Dân trăm phần trăm. Nó thoả mãn các khát mong sâu xa nhất của các bạn. Các bạn không cần phải là những con người bị phân sẻ thành hai, như thể người Thổ Dân phải vay mượn đức tin và đời sống Kitô giáo, như đi vay chiếc nón hay đôi giầy, từ một người khác đang sở hữu chúng. Chúa Giêsu mời gọi các bạn chấp nhận đem lời nói và các giá trị của Người vào chính nền văn hóa riêng của các bạn. Phát triển theo lối này sẽ làm các bạn trở thành Thổ Dân chân chính hơn bao giờ hết’. Ngài còn tiếp: ‘Khắp thế giới, người ta thờ phượng Chúa và tuyên đọc lời Người bằng tiếng nói riêng của họ, và điểm xuyết những dấu chỉ và biểu tượng vĩ đại của tôn giáo bằng những nét chấm phá lấy từ chính truyền thống của họ.Tại sao các bạn lại phải khác họ trong phạm vi này, tại sao các bạn lại không được phép được hạnh phúc sống với Chúa và với tha nhân theo cách thức người Thổ Dân?’ (trích lại trong F. Brennan (chủ biên), Reconciling Our Difference, Aurora Books, Melbourne, 1992, tr.93-101).

7. Xem Tony Swain, A Place for Stranger, Cambridge Uni. Press, 1993.

8. Ta nhận thấy có vấn đề lớn ở đây: người ta có ý nói gì qua từ ‘nhân bản’ hay ‘tiềm năng nhân bản’? Các ý niệm này há không bị ảnh hưởng bởi văn hóa đó sao? Dĩ nhiên có, đến một mức nào đó. Và há chúng không bao hàm các phán đoán vế giá trị đấy ư? Một lần nữa, lẽ dĩ nhiên là có. Tuy thế, theo thiển ý, trên thực tế ta vẫn có thể phân biệt tính phổ quát cả ở trong các ý niệm lẫn trong các phán đoán về gía trị nữa. Nếu không như vậy, thì mối liên hệ giữa các quốc gia và văn hóa của ghế giới không thể nào có được, ít nhất là các liên hệ bên ngoài lãnh vực thực tiễn và thực dụng.

9. Cha Robin Koning, S.J. đã dựa vào các kinh nghiệm riêng của Ngài tại Kimberleys và nhấn mạnh đến việc các truyện kể về chữa lành trong Phúc Âm đã quan trọng xiết bao đối với người Thổ Dân, và nói về phụng vụ, họ thấy các sứ vụ chữa lành đã mang lại lợi ích cho họ biết là chừng nào.

10. Điểm này rõ ràng cũng có liên hệ đến sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu. Các truyện kể của Phúc Âm đôi khi liên kết bệnh tật phần xác với việc bị quỉ ám, thí dụ Mt 12:22-24, Mc 9:14-29; Lc 13:10-13.

11. Xem A Spirituality of Catholic Aborigines and the Struggle for Justice, do J. Hendricks và G. Hefferan chủ biên, Aboriginal and Torres Strait Islander Apostolate, Tổng địa phận Brisbane, 1993, tr.3840

12. Rainbow Spirit Theology. Toward an Australian Aboriginal Theology, do Raibow Spirit Elders, Harper Collins Religious, Melbourne, 1997.
 
Văn Hóa
Hạt giống
Sa Mạc Hồng
08:07 12/07/2008
Hạt giống.

Trong lòng ích kỷ có mầm sự dữ
Trong sự ganh tỵ đã ươm hạt hằn thù
Trong tính tham lam nảy chồi chiếm đoạt
Trong cách sống sa đoạ hồn rợp bóng âm u!

Con người sinh ra giữa nguồn hạnh phúc
Bên suối hồng ân Thượng Đế cao vời
Theo ngày tháng giữa cuộc đời
Với những suy tư điều lành, dữ
Hạt giống nước Trời
Nằm khô khan trên nắng hạn
Và mầm kiêu căng tự mãn,
Lớn lên theo nhịp thở hẹp hòi
Mọc rễ giữa lòng người!

Hoa dại ngoài đồng ruộng
Từng ngày giữa bùn đất thiên nhiên
Vẫn thoảng mùi tinh khiết hương thơm
Chim trời tung bay trong nắng sớm
Ríu rít đùa vui không vỗ cánh bon chen
Và vô tư chẳng vướng chút lo buồn!

Chúa ơi! Giữ gìn con,
Đừng để lòng con chiều theo cám dỗ
Xin dẫn con ra khỏi sự dữ!
Và cho con, người con từ nguyên thuỷ
Được sinh ra ra với lớp áo trắng tinh
Lớn lên trong lời nguyện câu kinh
Và hạt giống nước Trời
Nảy mầm sinh sôi
Đâm chồi yêu thương, nẩy lộc thánh đức
Trong lòng, giữa cuộc đời.
 
Hạt Giống Từ Trời
Tuyết Mai
08:25 12/07/2008
Hạt Giống Từ Trời

Ai muốn mua hạt giống tôi bán rao? Hạt giống Trời cho chẳng tốn một đồng? Hạt giống chỉ đòi ra sức gieo trồng. Hạt giống chỉ cần đòi hỏi ta có lòng yêu mến mọi người. Ta càng có lòng thì hạt giống sẽ tha hồ mà ra trái cho ta hưởng dùng?

Tuần này Chúa dùng dụ ngôn để dậy chúng ta về Nước Trời cho những kẻ nghe mà không hiểu, nhìn mà chẳng thấy, trong đó có tôi.

"Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi" (Mt 13, 1-9 hoặc 1-23).

Tôi không biết một tí ti gì về trồng trọt nhưng rất thích nhìn cây trái nhà ai mà ra hoa ra trái. Hoa thì tôi thích ngắm theo hoa, rau thì tôi thích ngửi để tưởng tượng ăn được với gì? Và trái cây ư!? Còn phải nói, ra về là nhất định xin với chủ nhà cho tôi xin mỗi thứ một ít chứ chẳng chịu về tay không. Nhiều người quả họ có tay trồng trọt (green thumb), đất thì ít có một dúm chút xíu phía trước nhà và một dúm độ vài gang tay phía sau nhà thế mà sao họ trồng khéo thế!? Rau gì cũng xanh um và mướt một màu. Trái thì cũng thế, được trồng trong chậu đấy, ấy vậy mà sai trái ơi là sai.

Công việc trồng trọt và vườn tược không phải ta thấy vườn nhà người ta có cây ra thật sai trái rồi nghĩ rằng dễ dàng lắm đâu! Vất vả lắm đấy! Cực khổ vì phải bỏ rất nhiều công sức và tiền của để mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu bọ, cái cuốc, cái cào, cái xúc, cái xẻng, và còn nhiều cái cần thiết khác nữa!. Có phải trước khi gieo hạt xuống lòng đất ta phải chuẩn bị và tốn thật nhiều thời gian từ khi gieo hạt cho đến khi có hoa rồi có trái? Nào là phải chuẩn bị cho đất loại nào để trồng gì cho đúng? Vì đất trồng rau thì loại đất khác, còn đất trồng cây ăn trái thì là phải dùng loại đất và phân bón khác, chứ không ta sẽ trồng trật lất mà chẳng được ích gì, tốn tiền tốn của tốn công vô ích.

Sở dĩ tôi học được điều này là vì tôi có bắt chước trồng thử. Có cây ta phải chờ đến cả mấy năm trời mới có được trái mà ăn. Còn cây rau và cây hoa thì nhanh chóng hơn, nhưng tóm lại trồng gì thì cũng đòi hỏi nơi ta tánh kiên nhẫn, cần cù, và siêng năng, mới có ngày gặt hái và ăn được? Rồi thì khi ta làm tất cả mọi việc từ lúc chuẩn bị đất, gieo hạt, hay bỏ cây xuống lòng đất, ngày ngày vẫn đòi hỏi nơi ta sự chăm nom, bón phân, tỉa, bắt sâu bắt ốc, và tưới cây không? Nhưng quan trọng nhất là ta cần ơn lộc từ Trời xuống như nắng như mưa, cầu cho gặp được mưa thuận gió hòa.

Dân nhà nông không gì cần thiết và khẩn thiết bằng cầu Trời cho đủ nắng đủ mưa để cho lúa mạ ngày được tươi tốt và vui mừng khi bông lúa bát ngát đầy trên cánh đồng. Từ người nông phu cho đến dân thị thành sẽ hy vọng gặp được mùa gặt thành công và nhà nhà ngập tràn hạnh phúc. Còn trong 4 mùa mà nắng quá gắt, đất nứt nẻ, cạn cả nước, đất không còn một giọt nước, thì năm ấy dân sẽ bị đói vì thất mùa. Có phải nắng nhiều đất đai sẽ trở nên khô cằn và rạn nứt? Còn mưa nhiều thì khỏi phải nói, chẳng những đất cũng không còn một loại cây cối gì sống cho được mà còn trôi cả nhà cửa vì cảnh lụt lội và nước ngập khắp cả mọi nơi?

Hy vọng tất cả anh chị em chúng ta đều là những hạt giống tốt được Chúa gieo vào lòng đất, để hạt giống được chết đi, nẩy mầm và sống tốt đẹp trong tình yêu và sự chăm lo của Chúa. Tôi nghĩ hạt giống của Chúa gieo thì quả hạt nào cũng tốt đẹp cả! Tuy có khác chăng là từng hạt giống của chúng ta, được Chúa gieo ở nơi nào mà thôi! Nhưng dù là nơi nào đi chăng nữa mà ta cứ cố gắng bám víu vào Chúa thì sau một thời gian thử thách có qua đi ta cũng có thể trổ bông và kết trái được. Dù là hạt cho ta 30, 60, hay 100, thì tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Vì có phải tất cả từ trời cho đến trái đất, hiện hữu và sinh sống được đều là do bàn tay của Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta nhưng không hay không?

Việc của ta xem ra chẳng có gì đáng để ta phải than thở cả! Vì không việc gì ta làm, suy nghĩ, và ước mong mà Chúa không biết. Cuộc sống của ta có phải phấn đấu cực nhọc, khổ sở, và bần cùng như thế nào đi chăng nữa thì Chúa cũng sẽ trả công và trao ban phần thưởng cho ta thật nhiều qua sự cố gắng của ta hay không? Đã khó khăn trong cuộc sống của mình mà lại còn biết chia sẻ cho anh chị em bất hạnh hơn mình, thì quả thật chẳng những một mình ta được thưởng mà Chúa cũng sẽ thưởng cho ta tất cả anh chị em cùng được hưởng hạnh phúc muôn đời ở đời sau?

Quan trọng nhất là chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu trong sự kiên nhẫn và chờ đợi. Vì yêu thương nhân loại mà công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện nơi trần gian này. Suốt bao nhiêu thế kỷ Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ, tất cả mọi sinh linh, và loài người trong đó! Yêu thương nhau là điều Chúa dậy cho ta phải làm và thực thi trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chỉ vì yêu mà Chúa Cha đã kiên nhẫn với loài người tội lỗi. Từ đời cha ông của chúng ta cho đến đời ta bây giờ và cả thế hệ con cháu sau này. Chỉ vì yêu mà Con Chúa đã xuống trần kiên nhẫn sống với loài người tội lỗi suốt 33 năm dài đằng đẵng trong nghèo khổ để rao giảng, chờ đợi, dậy dỗ, chữa trị, và làm nhiều phép lạ cho biết bao nhiêu người phong được lành lặn; Người chết được sống lại, và người bị quỷ ám được bình an.

Chúa cũng cho ta thấy việc Chúa nuôi dưỡng cha ông chúng ta như thế nào!? Từ 2 con cá và bánh hóa ra nhiều; Từ nước, Chúa đã biến phép cho thành rượu ngon. Rồi Ngôi Ba Thiên Chúa cũng được Chúa Cha sai xuống trần (sau khi Chúa Giêsu trở về Trời cùng với Chúa Cha) để cùng ở với chúng ta an ủi và đỡ nâng chúng ta mọi ngày cho đến mãi mãi.

Sở dĩ tôi phải dài dòng trong vấn đề trồng trọt là vì chính tôi đây cũng như cái hạt tốt nhưng vì Ý Chúa, hạt của tôi đã rớt vào mảnh đất xấu, tự lớn lên trong vất vả, trong muôn ngàn thiếu thốn so với những người khác. Thật Chúa đã để cho hạt của tôi có lúc thì như: "Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời với lòng hời hợt, vì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường". Đây là thời gian tôi còn ở tuổi vị thành niên rất vất vả với cơm áo. Chúa lúc này vắng bóng trong cuộc đời tôi vì tôi chưa biết Ngài. Có thời gian cuộc đời thăng trầm trôi nổi của tôi cũng như: "Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã". Đây là khoảng thời gian tôi còn bôn ba và rất vất vả để tự lực cánh sinh lo cho thân phận của tôi để đi vào đời trong cùng những lạc lõng, bơ vơ, vật vã lo toan cho hiện tại và tương lai của mình. Thời gian này tôi có cảm nhận được có Chúa trong đời nhưng tôi không có thời giờ dành cho Chúa. Còn "Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi". Cách đây được vài năm cho đến bây giờ mới là khoảng thời gian mà thân tôi mới thôi bớt vất vả nhờ ơn của Chúa đã cho tôi trải qua suốt một cuộc đời thật vất vả và gian truân. Giờ thì cây tôi cũng ở được nửa đoạn đời và cũng bao mùa có cống hiến được cho đời trái ngon trái ngọt tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ để dâng lên cho Chúa tôi làm của Lễ Tạ Ơn.

Nhìn lại quãng đời của tôi so với nhiều người thì tôi thua kém nhiều lắm! Nhưng so với anh chị em khuyết tật và nghèo khổ thì tôi thấy tuy dù có sóng gió bão tố đó, tôi cũng vẫn còn hạnh phúc hơn họ nhiều lắm! Và nhờ vào phần lớn là Chúa đã tôi luyện cho tôi được cứng cáp khi chống gió bão, thoát được những loài sâu bọ, và có những lúc thân tôi ra xác xơ tàn úa, nhưng nhờ vào ơn Chúa đã tắm gội cho tôi. Ngài đã không bỏ rơi tôi, vì ý Ngài muốn tôi được tôi luyện để Ngài chọn tôi trong công việc phụ giúp Ngài một tay trong công trình tại thế của Ngài, dù tôi chẳng biết điều tôi làm sẽ được gì và hữu ích cho ai?

Tóm lại cuộc sống của chúng ta có mặt trên trái đất này đều được Chúa sắp đặt và định đoạt sẵn. Tùy ở nơi ta có thấy được Thiên Đàng đang ở ngay trần gian này hay không? Và tùy ở ta chọn có muốn được đến Thiên Đàng là Nước Hằng Sống Vĩnh Cửu Muôn Đời hay không?

Cuộc đời của con người thật cũng phức tạp không ai giống ai, nên có những khi ta cảm thấy chán chường như chẳng thấy Chúa nơi đâu khi ta cần, và quãng đời những lúc này như dài vô tận? Đau khổ ngút ngàn? Và cuộc đời mỗi ngày như một mầu đen? Có phải cuộc đời ai ai cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn như những con sóng. Khi thì ta gặp sóng to phủ đầu? Khi thì ta gặp những con sóng lăn tăn, và có phải ta cũng vẫn bình an trong Chúa dù ta đã có đối diện với tất cả loại sóng nào? Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta an bình sau tất cả nhưng cơn thử thách. Tạ ơn Chúa đã luôn ở cùng, bên cạnh, và đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống, và hãy kiên nhẫn đợi chờ ngày Hạnh Phúc Chúa dành cho mỗi một người chúng ta ở Nước Vĩnh Hằng.

Lậy Chúa đôi khi chúng con cảm thấy bất lực do đau bệnh, lao lực, nghèo khổ, tật nguyền, già nua, đã làm cho chúng con ra thất chí và không còn thiết tha gì và chẳng muốn sống? Có phải vì chúng con yếu hèn nên đã làm thân xác và tinh thần chúng con ra yếu kém và luôn chán chường hay không? Như cây đang tươi tốt mà bị sâu ăn từ bên trong, không biết sẽ gẫy lúc nào?. Xin Chúa giúp chúng con bám víu vào Chúa chặt hơn nữa như cây luôn cần nước.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con đem Lời của Chúa thấm nhuần sâu trong tâm hồn và trái tim khô cằn tội lỗi của chúng con, để đức tin đang sống trong chúng con, ngày càng sinh nhiều hoa trái. Rồi thì hạt giống từ cây tốt lành ngon ngọt của chúng con sẽ được gieo vãi chung quanh và sẽ trở thành cánh đồng hoa mầu tươi tốt được như ý Chúa muốn. Và này lậy Chúa, có phải khi đến mùa, Chúa sẽ sai thợ gặt của Chúa đến mà thu góp chúng con về Lẫm của Chúa không? Nếu quả đúng như thế thì còn hạnh phúc nào hơn, còn vui sướng nào bằng. Cảm Tạ Thiên Chúa đã kiên nhẫn và chờ đợi tất cả chúng con để ngày sau cùng Chúa sẽ đem tất cả chúng con về Trời, không trừ và sót một ai?

Nguyện xin cho chúng con biết sống từng ngày một và như hạt giống tốt cứ gieo vãi khắp mặt đất qua từng công việc thật nhỏ nhoi trong sự cư xử tốt đẹp với anh chị em của chúng con. Xin cho chúng con luôn gieo vào đời hạt nụ cười thân thiện này! Gieo vào lòng người hạt an ủi này! Gieo vào tâm hồn anh chị em hạt thông cảm và yêu thương nhau này! Gieo trong tâm tưởng anh chị em lòng tin tưởng và đoàn kết này! Xin cho chúng con bắt chước Chúa tánh kiên nhẫn, chịu đựng, và nhịn nhục, để một ngày rất gần chúng con sẽ gặt hái được những gì tốt lành nhất do những gì chúng con cố gắng gieo. Amen.
 
Tản mạn về hội chợ cưới
AnMai
18:58 12/07/2008
Tản mạn về hội chợ cưới

Vốn có chút tình thân với gia đình photo Đạt Đức, nhân dịp tham gia hội chợ cưới nên anh chị ngỏ ý mời tôi ghé vào tham quan một chút gian hàng của gia đình. Bởi lẽ là người tu nên khi nghe lời mời ấy tôi cũng băn khoăn không biết có nên đi hay không. Sau khi thu xếp thời gian, tôi đến trung tâm triển lãm để xem cách tổ chức lễ tiệc của các bạn trẻ như thế nào. Dẫu ở trong bốn bức tường của tu viện nhưng lâu lâu phải “xuống núi” để xem “nhân tình thế thái một chút”.

Thật choáng ngợp trước các gian hàng trưng bày của các tiệm lo cho ngày cưới. Từ khâu quay phim, chụp ảnh, tổ chức tiệc tùng như thế nào đã được nhiều nhóm thợ, nhiều tiệm, nhiều công ty có tên tuổi hẳn hoi đứng ra lo cho các đôi tân hôn từ a cho đến z.

Với kỹ thuật hiện đại, anh chị Đạt – Hương (chủ nhân photo Đạt Đức) đã cho tôi xem tất cả các album, các video về ngày cưới của các đôi bạn trẻ. Tiêu chí mà anh chị mang đến cho khách hàng là “tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên”. Đúng như thế khi xem qua các album ảnh đã chụp cho khách, vẻ đẹp tự nhiên của con người vốn là hình ảnh Thiên Chúa nhờ bàn tay khéo léo của con người đã được tôn vinh với một giá trị nhất định. Đặc biệt, trong hàng loạt album được trưng bày, tôi và nhiều khách hàng bị cuốn hút với quyển album chụp ảnh gia đình trẻ Đức Thịnh và Thanh Thúy. Nhìn Đức Thịnh và Thanh Thúy thật dễ thương từ trên chiếc xuồng giữa đầm sen đến hình ảnh hai người đang lắc lư trên chiếc xe ngựa để đưa “nàng về dinh” sao mà ấn tượng quá. Bên cạnh đầm sen, bên cạnh chiếc xe ngựa thật dễ thương đấy còn không biết bao nhiêu phong cảnh thật nên thơ từ đồng bằng lên đồi núi được anh Đạt bố trí và chụp thật sắc nét. Thanh Thúy - Đức Thịnh trong album ảnh đẹp hơn nhờ bàn tay tài nghệ của chị Kim Hương qua 20 năm gắn bó với công việc “tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên”.

Sau khi thưởng lãm gian hàng Đạt Đức, tôi lại dạo một vòng các gian hàng xung quanh. Phải nói rằng xã hội ngày hôm nay phát triển đến mức chóng mặt. Nhớ lại những tấm hình cưới trắng đen loang lỗ của ba mẹ ngày xưa và tối tối mờ mờ của anh chị sao mà thấy thương quá. Giá như mà ba mẹ, anh chị có được những tấm hình lưu niệm ngày hạnh phúc nhất đời như ngày nay thì hay biết mấy.

Thật ra, không ai phủ nhận vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp thiên nhiên mà Thiên Chúa với sự cộng tác của con người đã tôn vinh. Thế nhưng, tôi trộm nghĩ rằng vẻ đẹp tự nhiên rất cần cho đời sống con người, cho đời sống lứa đôi nhưng nó chỉ mới là điều kiện cần mà thôi. Còn một điều kiện đủ rất quan trọng mà con người, các bạn trẻ ngày hôm nay vô tình hay cố ý đánh mất đó chính là cái tình, cái nghĩa của chồng, của vợ, của con cái dành cho cha mẹ và ngược lại.

Đành biết rằng tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên mà Thiên Chúa ban là chuyện cần nhưng chuyện căn cốt hơn đó là phải biết tôn vinh sự thuỷ chung mà Thiên Chúa đặt để cho con người tự thuở ban đầu. Cái âu lo, sự lo lắng ngày hôm nay về đời sống hôn nhân gia đình hầu như ai cũng biết nhưng khổ một cái là biết đấy nhưng hình như ít có người quan tâm cũng như ít có ai dám nhìn thẳng vấn đề của gia đình để vun đắp gia đình mình được hạnh phúc.

Trên con đường về lại tu viện, nghĩ về hội chợ cưới tôi cũng nghĩ về sự bền chặt, sự chung thuỷ của các đôi bạn trẻ. Chỉ biết cầu nguyện và góp một chút gì đó cho những đôi hôn phối mình có dịp gặp gỡ, có dịp dạy giáo lý, có dịp chứng hôn để mong họ sống hạnh phúc hơn, họ sống chung thủy hơn giữa cuộc sống đầy thay đổi và man trá này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Niệm
Lê Trị
00:12 12/07/2008

NIỆM



Ảnh của Lê Trị

Trong đơn lẻ, con chung lời suy niệm,

Dâng thân này như của lễ toàn thiêu.

Nhân sinh, ôi nhân sinh mê muội

Có cảnh nào mỹ hảo toàn chân

Đa vọng tưởng, mãi trầm luân.

Từ u tối, ta tìm về Cõi Giác

Tại Thánh Linh, ta vượt bước Thời Không.

(Trích thơ Cõi Giác của Bảo Trâm)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền