Ngày 11-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 15 Quanh Năm C 14.7.2019
Lm Francis Lý văn Ca
03:28 11/07/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Có lẽ một lúc nào đó trong cuộc đời của bạn, của tôi, chúng ta cũng sẽ lặp lại câu hỏi mà người luật sĩ hỏi Chúa Giêsu hôm nay: "Những ai là anh em tôi?"

Sống trong thế giới tự do, tư bản chủ nghĩa, con người thường rút vào phòng ốc của mình, như loài sên ốc thu mình vào vỏ trước biển cả mênh mông. Mọi người dường như lo cho mình ăn ngon mặc đẹp, có nhà cao cửa rộng, nói chung những nhu cầu của chính mình nhiều hơn tha nhân.

Đã có nhiều trường hợp: sống trong một chung cư, một khu phố, cùng một con đường, quỳ bên nhau trong một ngôi thánh đường, thờ chung một Chúa, nói cùng một ngôn ngữ, nếu có ai vô tình hỏi tôi về người hàng xóm bên cạnh, có thể chúng ta chỉ trả lời bằng cách lắc đầu dửng dưng.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy ra khỏi vỏ ốc ích kỷ cá nhân, để cùng với Giáo Hội xoa dịu những nổi khổ đau phần hồn và phần xác anh chị em đồng loại. Nếu chúng ta thực hiện được điều đó một cách cụ thể, nơi cộng đoàn xứ đạo của chúng ta mà thôi thì chúng ta đã giải đáp được câu hỏi của người luật sĩ hôm nay: "Ai là anh em của tôi?"

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Môisen đã đưa những huấn dụ cho người Dothái, trong thời gian hồi hương, phải sống trung thành với Thiên Chúa Giavê. Cho dù cuộc đời họ sẽ trải qua nhiều gian khổ.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Côlôsê đã xác quyết mạnh mẽ về vai trò của Đức Kitô, Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, là Trưởng Tử của toàn thể tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Câu chuyện đáng thương của người lữ hành bị sa vào tay bọn cướp trên đường từ thành Giêricô xuống Giêrusalem: Bao kẻ qua lại đã trông thấy nạn nhân... Ai đã đoái đến người hoạn nạn? Tâm hồn của người tín hữu chúng ta có giao động trước những nổi thống khổ của anh em đồng loại phần hồn cũng như phần xác không?

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin cho những nhu cầu phần hồn và phần xác của anh chị em đồng loại sau đây:

1. Xin cho Giáo Hội luôn thể hiện lòng từ bi, tha thứ của Chúa, để thế gian nhận ra bộ mặt thực của Đấng Cứu Thế, vị Cứu Chúa của chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những trẻ em mồ côi, thiếu dinh dưỡng ở các đệ tam quốc gia: được những quốc giàu lòng nhân đạo đón nhận, chia sẻ và giúp đỡ cơm ăn áo mặc trong tình nhân loại. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho cộng đoàn xứ đạo nhỏ bé của chúng ta, luôn thể hiện tinh thần yêu thương đùm bọc: trong sự thăm viếng những người già nua, bệnh tật.... Họ là những lữ hành sa cơ thất thế trong xã hội mới nầy, cần chúng ta thăm viếng ủi an. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Trong ít giây thinh lặng, chúng ta dâng lên Chúa những ý nguyện riêng tư của cá nhân cũng như gia đình... Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.
* Sau ít giây thinh lặng đọc câu sau đây như thường lệ.

5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta phải nhớ đến trong các thánh lễ tuần nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, Cha đã ban cho chúng con Ngôi Hai. Ngài đã chỉ cho chúng con một con đường để lên thiên quốc: Đó là phục vụ anh chị em đồng loại. Xin Chúa giúp chúng con trong đời sống hằng ngày, nhận ra chân dung của Chúa nơi anh chị em, đặc biệt là những người kém may mắn và đau khổ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Chúa Nhật 15 TNC : Hãy đi và làm như vậy.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:48 11/07/2019
"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37), đó là lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta "Hãy đi và làm như vậy".

Có người hỏi : Hãy đi và làm như vậy là thế nào ? Là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không. Nhưng hãy đi và làm như người Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.

Xem video và nghe bài giảng

Người Samaritanô đối xử với nạn nhân bằng tình thương thật sự : ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10, 34). Mở đầu dụ ngôn, thầy tư tế và thầy Lêvi là người thân cận với kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn, người Samaritanô đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp người khác để xem ai là thân cận ai không. Hãy trở thành người thân cận của bất cứ ai ta gặp trong lúc cần thiết, và ta sẽ là người thân cận, nếu trong tim ta có sự cảm thương, nghĩa là nếu ta có khả năng đau khổ với người khác.

Ngày 11 tháng 2 năm 1984, thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: "Salvifici doloris" nói về "ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo" để toàn thể Giáo hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ. Ngài đã nhắc lại dụ ngôn "người Samaritanô nhân hậu", không phải chỉ để gửi tới các bệnh nhân, những người chịu đau khổ, mà còn gửi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ "bỏ đi qua" một cách dửng dưng. Sự dửng dưng này là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn "Người Samari nhân hậu" đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúa Giêsu bảo luật sĩ: "Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy".

Vị tư tế và thầy Lêvi thấy người bị hại và bỏ đi, có thể họ có lý do, tư tế bận cử hành lễ vì giờ đã điểm, thầy Lêvi cũng có thể vì sợ ô uế, bởi cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thời. Đức Phanxicô nói : Họ không có phụng tự thật, vì không thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông này, bà kia, và em đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.

Yêu mến Chúa trong nhà thờ thôi thì chưa đủ, cần phải yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm". Ngài còn nói: "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối" (1Ga 2,9-11). Tình yêu đòi thể hiện bằng việc làm cụ thể. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh không dừng lại ở tình cảm suông. Anh đã thể hiện tình thương qua hành động.

Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng: yêu thương là hành xử như người Samaritanô nhân hậu. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Người Samaritanô tuyệt vời là chính Chúa Giêsu: mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình làm người và hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta.

Như thế, tình thương là "con tim" của đời sống kitô; chỉ có tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta, mới làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Kitô. Giới luật yêu thương của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải thể hiện tình thương với mọi người.

Câu hỏi: "Tôi là anh em của ai? ", mỗi người chúng ta tự đặt ra cho mình, không phải là câu hỏi cho người khác, nhưng cho chính mỗi chúng ta. Những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta đang tìm kiếm sự cảm thông, chút thanh thản và an bình của tình người. Nhưng biết bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới!

Chúng ta nhìn thấy một người, trên bờ vực của cái chết, nằm trên đường phố và chúng ta nghĩ "tội nghiệp quá". Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục với công việc hàng ngày của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng: Đó không phải là trách nhiệm của tôi ... và cho rằng mình có lý. Có người thờ ơ, hết biết rơi nước mắt, trước những cảnh huống đau khổ của tha nhân. Chúa bảo mỗi chúng ta : "Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37).

Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn làm theo lời Chúa dạy. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
Tình yêu, cốt lõi của Kitô Giáo
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:27 11/07/2019
Chúa Nhật XV Mùa Thường Niên C

Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37

Trong tác phẩm Quo Vadis của nhà văn Henry Sienkiewicz kể lại rằng: Một này nọ, một người ngoại giáo đến hỏi Thánh Phêrô khi ngài vừa tới Rôma: “Người Hy Lạp đem đến cho chúng tôi sự khôn ngoan, người La Mã chúng tôi có lề luật và quyền lực, còn tôn giáo của ông đem lại điều gì?” Thánh Phêrô không ngần ngại trả lời: “Tình yêu! Kitô giáo mang đến cho thế giới tình yêu.”

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XV giới thiệu với chúng ta một chủ đề đáng suy nghĩ, đó là: “Mến Chúa và yêu người.” Đây là luật mới và là cốt lõi của đời sống người Kitô hữu.

1. Mến Chúa trên hết mọi sự

Trong bài đọc I, trích từ sách Đệ Nhị Luật, qua môi miệng của Môsê, Thiên Chúa mời gọi dân Chúa hãy tuân giữ các giới răn và huấn lệnh của Người. Luật này không phải ở đâu xa xôi, nhưng là ở bên cạnh các ngươi, trên môi miệng và khắc ghi trong lòng các ngươi. Luật này đạt tới sự viên mãn nhờ và trong Đức Kitô (bài đọc II).

Cốt lõi của lề luật được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn người, và hãy yêu thương anh em như chính mình” (Lc 10,27). Chúa Giêsu xác nhận đó là con đường dẫn tới sự sống đời đời.

Vậy, “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi” có nghĩa là gì? Xin thưa: có nghĩa là chúng ta phải đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất trong bậc thang giá trị của cuộc sống. Theo đó, Thiên Chúa là ưu tiên số một, là quan trọng nhất trong mỗi suy nghĩ, phán đoán và hành động của đời ta, còn những thứ khác là thứ yếu. Và mỗi ngày ta sống theo chọn lựa đó, trong khi có những người bên cạnh có thể chọn tiền bạc, danh dự, quyền lực, hưởng lạc là chỗ nhất cho cuộc đời của họ.

2. Yêu người như chính mình

Nhưng chỉ mến Chúa thôi thì chưa đủ, mới chỉ được một nửa, chúng ta còn phải “yêu thương anh em như chính mình.” Ở đây, chúng ta để ý chữ “như chính mình” trở thành chuẩn mực: Đơn giản là chúng ta hãy xem mình đối xử với chính mình như thế nào thì cũng phải đối xử với người khác như vậy. Đức Khổng Tử dạy: “Đừng làm cho người khác những gì mà bạn không muốn làm cho mình.” Đức Giêsu còn đi xa hơn: “Hãy làm cho người khác những gì mà bạn muốn làm cho mình,” nhất là đối với những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Vì thế, theo tinh thần của Tin Mừng, chúng ta không được phép tìm mọi cách để đạp đổ và hạ bệ những người khác khi họ thành công, cũng không được phép vui mừng khi thấy họ gặp thất bại. Trái lại, chúng ta phải vui với người vui, khóc với người khóc!

Cũng cần chú giải thêm dụ ngôn: Vị tư tế và Lêvi đã không giúp đỡ người gặp nạn trên đường. Tại sao? Xét theo luật của Cựu Ước, thì họ không sai, họ đang giữ luật. Vì theo luật Do Thái, khi lên Đền Thờ thì mọi người, nhất là tư tế, luật sỹ phải giữ mình khỏi ô uế và phải sạch. Nên họ không được đụng đến máu, xác chết, không được vào nhà gặp gỡ người ngoại. Vì vậy khi làm như thế, hai vị này đang trung thành tuân giữ lề luật của Do Thái Giáo. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một sự mới mẻ. Đó là luật bác ái vượt trên mọi lề luật khác. Ai yêu thương là chu toàn lề luật. Và mến Chúa và yêu người là cốt lõi của Kitô giáo.

3. Hãy đi và làm như vậy

Như thế, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho Kark Marx, ông tổ của học thuyết cộng sản vô thần, khi ông nói rằng tôn giáo của chúng ta chỉ lo cho sự sống mai hậu nhưng lại sao nhãng bổn phận xây dựng cuộc sống trần thế. Có thể Marx đã có lý trên bình diện thực tiễn, khi ông không thấy có những Kitô hữu thực sự sống Tin Mừng vào thời ông, hay nói như triết gia Jacques Maritain rằng “nỗi đau của thế kỷ XIX là không phải có Marx, mà là không có những Kitô hữu giống như Marx.” Bởi lẽ, cốt lõi của Kitô giáo dạy chúng ta là yêu mến Thiên Chúa và từ đó hướng tới tha nhân, không phân biệt ai, hướng tới xây dựng xã hội bình đẳng, công bình và bác ái. Việc đến nhà thờ là để giúp chúng ta sống tốt hơn trong gia đình, nơi công sở, trong công việc chúng ta. Việc đọc kinh xem lễ không phải là để ẩn náu, thoát đời một cách ích kỷ, nhưng là để tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn mình, từ đó chúng ta mang bình an về trong gia đình và lan tỏa bình an đó ngoài xã hội.

Hãy đi và làm như vậy!” (Lc 10,37). Lời đó Chúa nói với người thông luật và hôm nay Người cũng nói với mỗi người chúng ta. Như người Samaritanô nhân hậu đã ưu tiên chọn bác ái là trên hết, tất cả chúng ta cũng được mời gọi thực hành luật bác ái bằng việc làm cụ thể cho tha nhân. Bằng cách đó, chúng ta đang yêu mến Chúa, đang giữ luật và đang xây dựng thế giới này theo nền văn minh tình thương do Chúa Giêsu gợi hứng cho chúng ta hôm nay. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nỗi sầu tê tái và bẽ bàng của một linh mục Đức trước phản ứng của giáo dân và Tòa Giám Mục
Đặng Tự Do
07:09 11/07/2019
Một linh mục ở Đức đã rơi vào một tình cảnh hết sức ê chề và bẽ bàng khi phải đối mặt với những phản ứng dữ dội đối với một bài giảng của ngài kêu gọi anh chị em giáo dân tha thứ cho các linh mục ấu dâm.

Khoảng 70 giáo dân đã vùng vằng bỏ ra khỏi Nhà thờ Chúa Thánh Thần thuộc giáo phận Münster ở miền tây bắc nước Đức vào hôm Chúa Nhật 7 tháng Bẩy vừa qua, sau khi nhận ra chính xác lời thỉnh cầu của cha Ulrich Zurkuhlen đối với họ, Deutsche Welle cho biết như trên.

Trong bài giảng Chúa Nhật Thứ 14 mùa Thường Niên, vị linh mục 79 tuổi, đã nghỉ hưu, rõ ràng đang cố gắng giảng về tầm quan trọng của sự tha thứ trong Kitô giáo. Ngài đã sử dụng các ví dụ từ Kinh Thánh để khẳng định rằng chúng ta cũng phải tha thứ cho các linh mục phạm vào tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ em.

Nhưng những lời nói của cha Zurkuhlen đã vấp phải những phản ứng dữ dội cuả giáo dân, một số người được tường thuật từng là nạn nhân tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Họ đứng dậy la hét và tranh cãi với cha Zurkuhlen khi ngài đang trên bục giảng. Tình hình bùng nổ nhanh chóng, và ít nhất 70 giáo dân đã giận dữ bước ra khỏi nhà thờ, vừa đi vừa hét toáng lên.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kirche-und-Leben (Giáo Hội và Cuộc sống), là trang tin tức chính thức của Giáo phận Münster, cha Zurkuhlen đã phàn nàn việc anh chị em giáo dân la hét không cho ngài bày tỏ hết quan điểm của ngài.

Theo cha Zurkuhlen, lý do ngài đưa ra vấn đề này là vì ngài không hài lòng trước việc các giám mục coi các linh mục phạm vào tội lỗi lạm dụng tính dục như những bọn tội phạm, bất kể các thành tích của họ trong việc mục vụ.

“Không ai là một tên ác quỷ đến tận cùng,” cha Zurkuhlen nói với Kirche-und-Leben. “Sự thánh thiện và tội lỗi nơi một con người thường đan quyện với nhau hoặc sát cánh bên nhau.”

Ngài nói thêm rằng phản ứng của cộng đoàn là một cú sốc thực sự đối với một linh mục cao niên như ngài.

Chưa hết ê chề trước phản ứng của anh chị em giáo dân, trong một diễn biến mới nhất cha sở họ đạo Stefan Rau tuyên bố với Kirche-und-Leben rằng ngài lấy làm tiếc trước lời bình luận của cha Zurkuhlen và thêm rằng “Tha thứ không phải là nghĩa vụ của những người bị lạm dụng.”

Theo tin mới nhất, Đức Cha Felix Genn ra lệnh cho cha Zurkuhlen từ nay không được giảng nữa.


Source:Patheos
 
Hết khôn dồn tới dại, chủ tịch Ủy Ban Phụ nữ Chính Thống Giáo Nga chê đàn bà không thông minh bằng đàn ông
Đặng Tự Do
07:39 11/07/2019
Thần khẩu hại xác phàm. Cha Dmitry Smirnov, linh mục trưởng, người đứng đầu ủy ban về Phụ Nữ và Gia đình của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói với đài phát thanh Chính thống giáo Christian Radonezh trong một cuộc phỏng vấn ngày 7 tháng 7 rằng những người phụ nữ thông minh “vẫn còn rất hiếm.”

“Phụ nữ thường không thông minh. Tất nhiên, cũng có những người phụ nữ thông minh như bà Marie Curie là người Pháp gốc Ba Lan từng đoạt giải Nobel, nhưng hiếm lắm,” cha Smirnov nói.

Nhận xét của cha Smirnov đã vấp phải những chống đối gay gắt trên nhiều phương tiện truyền thông tại Nga.

Tờ Novaya Gazeta, có trụ sở tại Mạc Tư Khoa đã xuất bản một bức thư ngỏ thách thức những nhận định của cha Smirnov, xem đó như một lời xúc phạm nặng nề đến trí thông minh của phụ nữ được thực hiện bởi một quan chức hàng đầu trong Giáo hội Chính thống Nga.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho Đức Thượng Phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, tờ Novaya Gazeta cho rằng tuyên bố của cha Smirnov “thậm chí còn khó hiểu hơn vì nhiệm vụ chính của ủy ban do ngài phụ trách là bảo vệ các phụ nữ.”

Tờ Novaya Gazeta viết tiếp:

“Có lẽ, ngài Dmitry Smirnov quá bận rộn đến mức không biết rằng bạo lực đối với phụ nữ ở nước ta đã đến mức đáng báo động.”

“Thưa ngài, có hàng ngàn, hàng chục ngàn vụ bạo lực gia đình như vậy trên khắp nước Nga. Trong phần lớn các vụ án, những người đàn ông 'thông minh hơn' đã gây ra tổn hại cả về thể chất và đạo đức cho những 'phụ nữ kém thông minh',” tờ báo viết.

“Tuy nhiên, khi cho rằng khả năng trí tuệ của một số người vượt trội so với những người khác chỉ vì giới tính của họ, ngài linh mục trưởng không chỉ thể hiện trình độ hiểu biết thấp kém về sinh học của con người, mà trên thực tế đã chứng thực một chế độ độc tài của 'nam giới' ở một quốc gia nơi nhân quyền của phụ nữ tiếp tục bị vi phạm một cách thường xuyên.”

Bức thư ngỏ cũng yêu cầu Đức Thượng Phụ Kirill xác định rõ xem quan điểm của cha Smirnov có phải cũng là quan điểm chính thức của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

“Nếu tuyên bố của cha Dmitry Smirnov nói rằng phụ nữ 'không thông minh' mâu thuẫn với quan điểm chính thức của Giáo hội Chính thống Nga, Đức Thượng Phụ có cho rằng tuyên bố đó gây khó chịu và nhục nhã không?”


Source:Radio Free Europe
 
Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về việc anh Vincent Lambert bị buộc phải chết đói
Đặng Tự Do
17:27 11/07/2019
Ngày 11 tháng Bẩy, Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã ra thông báo sau:

“Chúng tôi đã nhận được với nỗi buồn về cái chết của anh Vincent Lambert. Chúng tôi cầu nguyện xin Thiên Chúa đón nhận anh vào nhà của Người và bày tỏ sự gần gũi với những người thân yêu của anh và những người, cho đến phút cuối cùng, đã dấn thân giúp đỡ anh với tình yêu và sự tận tụy.

Chúng tôi nhắc nhớ và lặp lại những lời của Đức Thánh Cha liên quan đến câu chuyện đau đớn này: Thiên Chúa là chủ nhân duy nhất của cuộc sống từ lúc đầu cho đến cái chết tự nhiên, và nghĩa vụ của chúng ta là phải luôn luôn bảo vệ cuộc sống, chứ không phải chiều theo nền văn hóa vứt bỏ.”

Anh Vincent Lambert, sinh ngày 20 tháng Chín, 1976, năm nay gần 43 tuổi, bị chấn thương não vì tai nạn lưu thông vào ngày 29 tháng Chín, 2008. Ngoài ra, anh bị tàn tật nặng nề, tứ chi bị liệt. Sau khi được cấp cứu ở Berck-sur-Mer, từ năm 2009, anh đã được điều trị tại bệnh viện Reims.

Tình trạng của anh gần giống với trường hợp nhà vô địch Michael Schumacher, bị chấn thương não, rơi vào tình trạng giảm thiểu trí năng.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của Schumacher là người vẫn được hưởng trị liệu chuyên môn trong một bệnh viện tư, anh Vincent Lambert chịu nhiều áp lực, và cuộc sống của anh tùy thuộc các quyết định vượt quá khả năng của chính mình. Cách nay mấy năm, anh đã bị buộc ngưng ăn uống nhưng lạ thay vẫn sống.

Theo ghi nhận y học, hai mắt anh vẫn còn mở, hít thở bình thường, tình trạng ổn định, hoàn toàn không phải là giai đoạn cuối đời.Anh chỉ cần một y tá và y công chăm sóc, thay đổi vị trí chỗ nằm, một chuyên viên trị liệu vật lý để tránh tế bào khỏi bị chết. Việc nuôi dưỡng và hydrat hóa được thực hiện thông qua ống dẫn qua mũi.

Nhưng tòa án Pháp đã nhiều lần buộc anh phải chết. Từ hôm Chúa Nhật 7 tháng Bẩy, việc nuôi dưỡng và hydrat hóa cho anh bị ngưng hoàn toàn.

Anh đã qua đời lúc 8g24 ngày thứ Năm 11 tháng Bẩy, theo giờ địa phương Reims.


Source:Holy See Press Office
 
Thông báo của Tòa Thánh về kết quả quá sửng sốt khi khai quật 2 ngôi mộ tại nghĩa trang Vatican
Đặng Tự Do
18:34 11/07/2019
“Không có hài cốt, không có quan tài, không có bình và xương trong hai ngôi mộ được xây cất từ thế kỷ 19 trong nghĩa trang Teutonic bên trong Vatican, nơi các chuyên gia pháp y đang tìm kiếm hài cốt của Emanuela Orlandi.”

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm 11 tháng Bẩy, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết các hoạt động khai quật tại nghĩa trang Teutonic để xác minh giả thuyết cho rằng Emanuela Orlandi được chôn cất trong đó kết thúc lúc 11:15 sáng đã mang lại kết quả hoàn toàn ngoài dự đoán.

Tuyên bố nói rằng các cuộc điều tra đã được thực hiện bởi các nhân viên Fabbrica di San Pietro trước sự chứng kiến của luật sư gia đình và anh trai của Emanuela Orlandi.

Các viên chức tư pháp và hiến binh Vatican cũng có mặt tại hiện trường.

Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết

“Một cuộc kiểm tra cẩn thận ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe đã mở ra một không gian ngầm rộng lớn dưới lòng đất rộng khoảng 4 mét chiều dài, 3.70 mét chiều rộng hoàn toàn trống rỗng. Sau đó, ngôi mộ thứ hai, của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg cũng đã được khai quật. Không có thi hài nào được tìm thấy bên trong. Người thân của hai Công Chúa đã được thông báo về kết quả của cuộc tìm kiếm này”.

Giám đốc Văn phòng Báo chí đã thông báo với báo chí rằng các cuộc điều tra đang được tiến hành liên quan đến các can thiệp về cấu trúc diễn ra trong khu vực nghĩa trang ở hai thời kỳ khác nhau: vào cuối thế kỷ 19 và giữa thập niên 60 và 70 trong thế kỷ 20.

Ông Gisotti nhấn mạnh đến việc Tòa Thánh luôn thể hiện sự nhạy cảm và gần gũi với sự đau khổ của gia đình Orlandi, đặc biệt là với bà mẹ của Emanuela. Sự nhạy cảm này, theo ông, được thể hiện một lần nữa trong dịp này, bằng cách chấp nhận yêu cầu cụ thể của gia đình muốn khai quật hai ngôi mộ trong nghĩa trang Teutonic của Vatican.

Ba mươi sáu năm trước, cô con gái tuổi 15 của một nhân viên làm việc tại quốc gia Thành Vatican đã biến mất trên đường phố Rôma khi đang trên đường về nhà, bắt đầu một trong những bí ẩn lâu dài nhất của Ý: Trong nhiều năm, các báo cáo đã liên kết số phận của cô với bọn Mafia ở Sicilia, mạng lưới tình báo K.G.B của Nga và âm mưu ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là một bước ngoặt kỳ lạ khác đối với một gia đình đã phải chịu những chỉ dẫn sai lầm, và sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi cô gái, Emanuela Orlandi, biến mất ở tuổi 15 vào ngày 22 tháng 6 năm 1983. Mong muốn tìm ra số phận của cô đã đưa họ xuống nhiều khúc quanh bất ngờ, các thư nặc danh và các báo cáo cho rằng đã nhìn thấy cô ở chỗ này chỗ nọ.

Con đường dẫn đến các ngôi mộ vừa được khai quật bắt đầu vào cuối năm 2017, khi anh trai của Emanuela, là ông Pietro Orlandi nhận được thư nặc danh cho rằng Emanuela có thể đã được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic, là nơi an nghỉ cuối cùng trong nhiều thế kỷ qua cho người gốc Đức.

Các nguồn tin bảo ông hãy tìm kiếm nơi mà một thiên thần đang chỉ xuống trong nghĩa trang.

Điều đó đã dẫn ông Orlandi đến ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836; và ngôi mộ của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840.

Giovanni Arcudi, giáo sư pháp y tại Đại học Rome Tor Vergata, đã lãnh đạo nhóm khai quật các ngôi mộ vào hôm thứ Năm.

Thông qua luật sư của gia đình, tháng Hai năm nay, ông Orlandi đã chính thức yêu cầu Vatican mở lăng mộ của hai Công chúa. Gia đình đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh vào tháng trước.

Sau khi các ngôi mộ bị phát hiện trống rỗng, ông Orlandi nói với chi nhánh Sky News của Ý, rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Emanuela không ở đó và biết ơn Tòa Thánh đã nhanh chóng nhận lời thỉnh cầu của gia đình.


Source:Vatican News
 
Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon
Vũ Văn An
19:20 11/07/2019
TÀI LIỆU LÀM VIỆC

VÙNG AMAZON: CÁC NẺO ĐƯỜNG MỚI CHO GIÁO HỘI VÀ NỀN SINH THÁI TOÀN DIỆN




THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

PHIÊN ĐẶC BIỆT DÀNH CHO VÙNG TOÀN AMAZON




Các chữ viết tắt
AG Sắc lệnh Ad Gentes, Vatican Council II, 1965.
AL Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia, Francis, 016.
CIMI Hội đồng Truyền Giáo Bản địa, Hội Đồng Giám Mục Ba Tây
CNBB Hội Đồng Giám Mục Ba Tây
CV Thông điệp Caritas in Veritate, Benedict XVI, 2009.
DAp. Tài liệu của Hội Nghị Toàn thể Thứ V của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribbean (CELAM), Aparecida, Brazil, 2007.
DM Tài liệu Hội Nghị Toàn Thể thứ II của CELAM, Medellín, Colombia, 1968.
Doc. Bolivia Tài liệu Bolivia: Informe país: consulta pre-sinodal, Bolivia 2019.
Doc. Eje de Fronteras Tài liệu Eje de Fronteras, Preparação ao Sinodo para a Amazônia. Tabatinga, Brasil, 11 a 13 de fevereiro de 2019
Doc. Manaus Documento da Assembleia dos Regionais Norte 1 e 2 da CNBB, “A Igreja e faz carne e arma sua tenda na Amazônia”, Manaus, 1997, en: CONFERÊNCIA NACIONAL DOS BISPOS DO BRASIL, Desafio missionário, Documentos da Igreja na Amazônia, Coletânea, Ed. CNBB, Brasília, 2014, 67-84.
Doc. Preparatorio. Tài liệu Chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về Vùng Amazon: Những nẻo đường mới cho Giáo Hội và Nền Dinh thái Tòan diện, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng giám mục, 2018.
Doc. Venezuela Tài liệu Venezuela. CEV. Respuestas asambleas (2019).
DP Tài liệu của Hội Nghị Toàn thể Thứ III của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribbean (CELAM), Puebla, Mexico, 1979.
DSD Tài liệu của Hội Nghị Toàn thể Thứ IV của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribbean (CELAM), Santo Domingo, Dominican Republic, 1992.
DV Hiến chế Tín lý Dei Verbum, Vatican Council II, 1965.
EC Tông hiến Episcopalis Communio, Francis, 2018.
EG Tông huấn Evangelii Gaudium, Francis, 2013.
Fr.PM Đức Phanxicô, Diễn văn với “Cuộc Gặp gỡ của Người vùng Amazon”, Coliseo Regional Madre de Dios (Puerto Maldonado), 19 tháng Giêng 2018.
IBGE Viện Địa dư và Thống ke Ba Tây
LS Thông điệp Laudato Si’, Francis, 2015.
NMI Tông thư Novo Millennio Ineunte, John Paul II, 2001.
OA Tông thư Octogesima Adveniens, Paul VI, 1971.
PIAV Các Dân tộc Bản địa Tự nguyện Cô lập
RM Thông điệp Redemptoris Missio, John Paul II, 1990.
RP Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Reconciliatio et Paenitentia, John Paul II, 1984.
SC Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Vatican Council II, 1963.
Sint. REPAM AA.VV., “Sistematización de aportes esenciales desde las voces de los actores territoriales”, en: REPAM, Amazonía: Nuevos Caminos para la Iglesia y para la Ecología Integral. Síntesis general de la Red Eclesial Panamazónica – REPAM – Asambleas Territoriales, Foros Temáticos, Contribuciones especiales y escuchas sobre el Sínodo,Secretaría Ejecutiva de la REPAM, Quito, 2019.
SRS Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, John Paul II, 1987.
VG Tông hiến Veritatis Gaudium, Francis, 2017.






Dẫn Nhập

Thượng Hội Đồng Giám mục ngày càng trở thành một dụng cụ ưu tuyển để lắng nghe dân Chúa: ‘Cho các Nghị phụ Thượng Hội Đồng, trước hết, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban ơn biết lắng nghe: lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Người chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu than của người ta; lắng nghe người ta cho đến khi hít được lòng khao khát mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tới” (EC 6)

1.Ngày 15 tháng 10 năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố việc triệu tập Thượng Hội Đồng Đặc biệt cho vùng Amazon, khởi diễn một diễn trình lắng nghe của Thượng Hội Đồng bắt đầu tại Vùng Amazon với cuộc viếng thăm của ngài tại Puerto Maldonado (19/01/2018). Tài liệu Làm việc này là thành quả của một diễn trình dài bao gồm việc soạn thảo Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng vào tháng 6 năm 2018; và một cuộc thăm dò sâu rộng các cộng đồng Amazon [1].

2. Ngày nay, Giáo hội lại có cơ hội trở thành người lắng nghe, và đặc biệt tại khu vực này, nơi có rất nhiều điều đang gặp khó khăn. Lắng nghe ngụ ý nhìn nhận sự xuất hiện đầy cảm kích của Amazon như một chủ thể mới. Vì nhận được sự xem xét chưa đầy đủ trong bối cảnh quốc gia hoặc thế giới hoặc trong đời sống Giáo hội, chủ thể mới này hiện là một người đối thoại ưu tuyển.

3. Nhưng lắng nghe không phải là chuyện dễ. Một mặt, việc tổng hợp các câu trả lời cho bản câu hỏi của các Hội đồng Giám mục và cộng đồng vẫn luôn có tính tạm thời và không đầy đủ. Mặt khác, sự cấp thiết phải xác nhận các nội dung và đề nghị phải được dung hòa bởi một diễn trình hóan cải sinh thái và mục vụ cho phép nó được thách thức nghiêm túc bởi các khu ngoại vi về địa dư và hiện sinh (xem EG 20). Và diễn trình này phải tiếp tục trong và sau Thượng Hội Đồng như một yếu tố chính của đời sống tương lai của Giáo hội. Amazon đang kêu nài một đáp ứng cụ thể và có tính hòa giải.

4. Tài liệu Làm việc bao gồm ba phần. Phần đầu tiên liên quan đến việc nhìn - nghe và có tựa đề là “Tiếng nói Amazon”; mục đích của nó là trình bày thực tại lãnh thổ và các dân tộc của nó. Phần thứ hai, “Sinh thái toàn diên”: tiếng kêu than của trái đất và của người nghèo”, nêu ra các vấn đề sinh thái và mục vụ, trong khi phần thứ ba, “Một Giáo hội Tiên tri ở Amazon: các thách thức và hy vọng”, được dành cho các vấn đề giáo hội học và mục vụ.

5. Do đó, một Giáo hội được mời gọi ngày một có tính đồng nghị hơn bắt đầu bằng cách lắng nghe các dân tộc và trái đất nhờ việc tiếp xúc với thực tại phong phú của một Amazon đầy sức sống và khôn ngoan nhưng cũng đầy tương phản. Nó tiếp tục với tiếng kêu được kích thích bởi các hoạt động phá rừng và khai khoáng có tính phá hoại và đòi phải có một sự hóan cải sinh thái toàn diện. Và nó kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa biết linh hứng cho những nẻo đường, thách thức và hy vọng mới của một Giáo hội, khi chủ trương hóan cải mục vụ, ước muốn trở thành người Samaria nhân hậu và có tính tiên tri. Theo đề nghị của Mạng lưới Giáo hội Toàn-Amazon (REPAM), tài liệu này được cấu trúc trên cơ sở ba hóan cải mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta thực hiện: hóan cải mục vụ mà ngài gọi chúng ta trong Tông huấn Evangelii Gaudium (xem - nghe); hóan cải sinh thái mà Thông điệp Laudato si’ thúc giục, thiết lập ra lộ trình (phán đoán - hành động); và hóan cải sang tính đồng nghị Giáo Hội được chi tiết hóa trong Tông hiến Episcopalis Communio, 1 tông hiến hướng dẫn việc cùng nhau bước đi (phán đoán - hành động). Tất cả những điều này diễn ra trong một diễn trình năng động lắng nghe và biện phân những nẻo đường mới, theo đó, Giáo hội tại Amazon sẽ công bố Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô trong những năm tới.

Kỳ tới: PHẦN I. TIẾNG NÓI AMAZON
 
Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bị ung thư, xin cầu nguyện
Đặng Tự Do
19:30 11/07/2019
Hôm thứ Tư 10 tháng Bẩy, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết ngài đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang và sẽ sớm được điều trị. Đức Tổng Giám Mục cho biết thêm ngài sẽ phải rời khỏi tổng giáo phận trong vòng ba tháng trong khi được điều trị tại bệnh viện.

“Tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô đường tiết niệu ở bàng quang và tuyến tiền liệt và sẽ tham gia vào một kế hoạch điều trị bao gồm liệu pháp miễn dịch và hóa trị trong ít nhất 12 tuần,” Đức Tổng Giám Mục Kurtz nói.

Các bác sĩ cho biết sau khi trải qua hóa trị, họ sẽ phẫu thuật cắt bỏ bàng quang và tuyến tiền liệt của ngài. Chẩn đoán này được đưa ra sau vài tháng Đức Tổng Giám Mục gặp vấn đề về sức khỏe và đã trải qua nhiều xét nghiệm y tế.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz từng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ từ năm 2013 đến 2016. Đức Cha nói ngài rất biết ơn bác sĩ ung thư của mình, bác sĩ Dan George, và các nhân viên y tế tại Viện Ung thư Đại học Duke, là những người nói ngài còn nhiều lý do tốt để lạc quan.

Ngài nói: “Tôi cảm thấy an tâm, và với sự khuyến khích của bác sĩ George, tôi đã duy trì các hoạt động thường lệ trong thời gian này.”

Tuy nhiên, trong thời gian tới ngài sẽ phải ở lại Bắc Carolina trong suốt quá trình điều trị. Ngài sẽ cố gắng liên lạc với các viên chức của tổng giáo phận khi ngài đi vắng.

Đức Cha Kurtz nói thêm rằng Đức Tổng Giám Mục Christoph Pierre, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã được thông báo về bệnh tình của ngài và sự vắng mặt sắp xảy ra tại tổng giáo phận. Đức Sứ Thần Tòa Thánh ủng hộ kế hoạch điều trị của Đức Tổng Giám Mục Kurtz.

“Không cần phải nói, tôi sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội được đến thăm các giáo xứ và nói chuyện với rất nhiều anh chị em trong các sự kiện sắp tới vào mùa hè và mùa thu này. Xin anh chị em nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện. Tôi cũng sẽ nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện của mình.”

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư biểu mô tiết niệu là dạng ung thư bàng quang phổ biến nhất. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm cho tất cả các giai đoạn của ung thư bàng quang là 77 phần trăm.


Source:Catholic News Agency

 
Chuyện không tin cũng xảy ra: Chính Thống Giáo Nga tranh cãi gay gắt về việc làm phép các vũ khí hạt nhân
Đặng Tự Do
21:13 11/07/2019
Trong một diễn biến gây bàng hoàng cho nhiều người, Religion News Service cho biết Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đang tranh cãi về việc có nên tiếp tục thực hiện việc làm phép các vũ khí giết người hàng loạt, bao gồm cả các tên lửa hạt nhân. Tin tức này thật sự gây chóng mặt và kinh hoàng cho nhiều người: làm sao lại có thể làm phép cho những thứ kinh khủng như thế vì nó đối kháng triệt để với giới răn cấm giết người.

Một ủy ban về giáo luật đã họp tại Mạc Tư Khoa và đề nghị chấm dứt thực hành ban phép lành cho các hỏa tiễn và các đầu đạn hạt nhân, và đề nghị các linh mục chỉ nên ban phép lành cho từng binh sĩ và cùng lắm là vũ khí cá nhân của họ.

Đức Cha Savva Tutunov, chủ tịch ủy ban giáo luật của Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa nói rằng sẽ phù hợp hơn khi các linh mục chỉ ban phép lành cho các chiến binh đang bảo vệ đất nước và vũ khí cá nhân của họ.

“Ta có thể nói về việc ban phép lành cho một chiến binh đang thi hành quân dịch nhằm bảo vệ tổ quốc,” Đức Cha Tutunov nói.

“Vào cuối nghi thức tương ứng, vũ khí cá nhân cũng có thể được làm phép - chính xác là vì nó được liên kết với cá nhân người đang nhận được phép lành. Còn những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt thì không nên được thánh hóa,” ngài nhấn mạnh.

Đề nghị chấm dứt việc ban phép lành cho những thứ vũ khí giết người hàng loạt vẫn chưa được Đức Thượng Phụ Kirill chấp thuận.

Các hệ thống vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol, thường được các giáo sĩ Chính thống Nga ban phép lành trong các cuộc diễn hành quân sự và các sự kiện khác. Những phép lành này được coi là một cách bảo vệ đất nước một cách siêu nhiên.

Vào năm 2007, vũ khí hạt nhân của Nga đã được thánh hiến trong một buổi lễ tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Mạc Tư Khoa. Trong Chính thống giáo Nga, người ta còn đặt Thánh Seraphim là vị thánh bảo trợ các vũ khí hạt nhân của Nga.

Quan điểm của Đức Cha Tutunov không được tán thành rộng rãi trong Giáo hội Chính thống. Linh mục Vsevolod Chaplain, nguyên phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nói rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga giống như các “thiên thần hộ mệnh” của đất nước và là cần thiết để bảo vệ Chính thống giáo.

“Vũ khí hạt nhân là phương thế duy nhất bảo vệ Nga khỏi sự nô lệ phương Tây,” linh mục Chaplin nói với một tờ báo Nga.

Ngược lại với quan điểm này, Giáo Hội Công Giáo mạnh mẽ phản đối vũ khí hạt nhân, và hỗ trợ các quốc gia tháo dỡ kho vũ khí của họ.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII từng kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân. Trong thông điệp Pacem In Tetris, nghĩa là Hòa Bình Tại Thế, được công bố năm 1963, ngài viết rằng, “một thỏa thuận chung phải đạt được trong một chương trình giải giáp phù hợp, với một hệ thống kiểm soát lẫn nhau có hiệu quả.”

Giáo lý Giáo Hội Công Giáo mô tả các hành động chiến tranh nhằm phá hủy bừa bãi toàn bộ một thành phố hoặc các khu vực rộng lớn như một tội ác chống lại Thiên Chúa và con người.

“Một mối nguy hiểm của chiến tranh hiện đại là nó mang đến cơ hội cho những người sở hữu các vũ khí hiện đại - đặc biệt là vũ khí nguyên tử, sinh học hoặc hóa học – khả năng thực hiện những tội ác đó.”

Tháng 11 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đến Nagasaki và Hiroshima – là hai thành phố đã gánh chịu hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Tại đó, ngài sẽ đưa ra các thông điệp chống chiến tranh.


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Các anh chị dự tòng đón nhận bí tích Khai Tâm
Văn Minh
18:21 11/07/2019
“Hôm nay, các anh chị Dự tòng sẽ chính thức trở thành công dân Nước Trời”

Đó là lời chia sẻ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, cho các anh chị Tân tòng đã theo khóa học lớp Giáo lý dự tòng tại giáo xứ Vĩnh Hòa, được lãnh nhận bí tích Khai tâm Kitô giáo để chính thức trở thành người Kitô hữu.

Đúng 17g00, thứ Tư ngày 10.07.2019, cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, đã cử hành nghi thức tiếp nhận 13 anh chị Dự tòng khóa I-2019, trước tiền sảnh nhà thờ.

Sau phần nghi thức tiếp nhận, các anh chị Dự tòng cùng bố mẹ đỡ đầu tiến vào ngôi thánh đường trong sự vui mừng chào đón của cộng đoàn giáo xứ.

Đầu lễ, cha xứ Gioakim mời gọi cộng đoàn hiệp ý dâng lời cầu nguyện cho các anh chị Dự tòng được nhiều hồng ân và luôn biết đặt trọn niềm tin của mình vào quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Xem Hình

Trong phần giảng lễ, cha xứ Gioakim chia sẻ: Hôm nay, các anh chị Dự tòng sẽ chính thức trở thành công dân Nước Trời, kể từ đây các anh chị có một quốc tịch mới trên nơi thiên quốc, và được cùng nhau gọi Thiên Chúa là Cha. Thật vậy, mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha là lúc chúng ta hãnh diện làm cho Danh Cha cả sáng, Nước cha trị đến, ý Cha được thể hiện…và đó cũng là sự thể hiện sự hiếu thảo của người con đối với Cha của mình. Vì vậy, mỗi khi chúng ta làm đẹp lòng cha mẹ mình nơi trần gian, là chúng ta cũng đang hiếu thảo với Cha trên trời. Quả thật, như Lời Chúa đã hứa “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng”.

Sau bài giảng; cha chủ tế cử hành nghi thức Rửa Tội và Thêm Sức cho các anh chị Dự tòng ngay trên cung thánh. Đồng thời, ca đoàn thầm hát bài “Chỉ có một Chúa”.

Rửa Tội: Khi anh chị lãnh nhận nước này, từ đây anh chị trở nên một với Đức Kitô, chịu nạn, chịu chết, mai táng và phục sinh với Ngài.

Trao áo trắng: Áo trắng này anh chị hãy mặc và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trình diện trước mặt Đức Kitô.

Trao nến Phục sinh: Anh chị hãy giữ ngọn lửa đức tin luôn cháy sáng trong lòng, để khi Đức Kitô đến, anh chị ra đón rước Ngài.

Bí tích Thêm Sức: Anh chị lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho anh chị thêm sức mạnh trong đức tin, ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, lòng can đảm và biết kính sợ Thiên Chúa.

Kết thúc nghi thức Rửa Tội và Thêm Sức, cha xứ cử hành nghi thức Hôn Phối cho anh Phêrô Nguyễn Tuấn Linh, và chị Maria Đặng Thị Thu Hằng, đã kết hôn với nhau theo luật xã hội được gần một năm.

Tiếp nối Thánh lễ là phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau phần hiệp lễ, một anh Tân tòng đại diện lên cảm ơn cha xứ Gioakim, quý chức HĐMVGX, các ban ngành, bố mẹ đỡ đầu, quý thầy dạy giáo lý cùng mọi thành phần dân Chúa đã tổ chức Thánh lễ và góp phần giúp đỡ vào ngày vui hôm nay. Sau đó, bó hoa tươi thắm được dâng lên cha xứ Gioakim để tỏ lòng cảm mến và biết ơn. Đáp từ, ngài một lần nữa chúc mừng các anh chị Tân tòng và cảm ơn bố mẹ đỡ đầu, những người đã dìu dắt giúp đỡ cách âm thầm, và những người dạy giáo lý để cho các anh chị có được niềm vui trọng đại hôm nay.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g15, sau đó cha xứ và các anh chị Tân tòng cùng chụp chung tấm hình kỷ niệm, và trao chứng chỉ Giáo lý hôn nhân và Dự tòng cho các thành viên
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thù đã ở trước mặt, Đảng làm gì ?
Phạm Trần
08:02 11/07/2019
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đang lo tối mặt vì “mạng xã hội” và “xã hội dân sự” đã thúc đẩy tình trạng “suy thoái tư tưởng, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng đến hố chôn vùi chế độ.

Quan ngại và cảnh giác khúc quanh nội bộ này đã công khai phơi bầy trên các phương tiện truyền thông của Đảng và Bộ Quốc phòng trong khi công tác quy hoạch trên 200 cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ đảng Khóa XIII 2021-2026 được Bộ Chính trị phê duyệt ngày 21/06/2019.

Bằng chứng đe dọa chế độ của “mạng xã hội” đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng tiết lộ trong bài viết “ Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” , ngày 17/06/2019.

Ông Thưởng tố cáo rằng:” Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, “nuôi” nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân.”

Sau đó 19 ngày (05/07/2019), ông Võ Văn Thưởng lại xác quyết ” tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay” nhằm chống điều ông gọi là “các quan điểm sai trái, thù địch”. (theo báo Thanh Niên, ngày 07/07/2019)

Nhưng tại sao lại khẩn trương như thế, vào lúc tưởng như tư tưởng đảng viên đã vững như bàn thạch để bước vào Đại hội đảng khóa XIII, dự trù diễn ra vào tháng 01 năm 2021 ?

Thì ra, theo ông Thưởng, đảng CSVN đang phải đối phó với “Thủ đoạn chống phá muôn hình vạn trạng.”

BA NHÓM CHỐNG ĐẢNG

Người đứng đầu ngành tuyên truyền quy kết hành động muốn hạ bệ đảng tập trung vào 3 nhóm, theo báo Thanh Niên:“ Nhóm 1 bao gồm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Nhóm thứ 2 là lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài kết hợp với số chống đối, bất mãn trong nước để lập ra các tổ chức mà chúng ta hay nghe như Việt Tân, Việt Nam phục quốc…

Nhóm “thế lực thù địch” thứ 3, theo ông Thưởng, là lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá.”

Như thế rõ ràng đã có sự liên hoàn tự nhiên và nhịp nhàng giữa trong và ngoài nước trong sứ mệnh chống đảng CSVN, dù không có ai tổ chức. Sự liên kết hành động, trong trường hợp này, chỉ có thể đến từ những con người Việt Nam có trái tim yêu chuộng tự do, dân chủ và đoàn kết đấu tranh muốn chấm dứt chế độ độc tài, đảng trị Cộng sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Quan trọng nhất là giữa hai nhóm 2 và 3. Nhưng nguyên nhân hình thành của thành phần “chống đối, bất mãn trong nước” đến từ đâu ? Đó là hậu quả của hơn 30 năm gọi là “Đổ mới”, từ 1986, vì đảng và nhà nước CSVN chỉ muốn “đổi mới kinh tế” để làm giầu cho đảng và cho các nhóm lợi ích đảng viên để duy trì quyền lực và ăn chia độc quyền. Lãnh đạo đảng đã nhiều lần từ chối “đổi mới chính trị”, không cho dân ra báo, lập đảng đối lập, hay trực tiếp bầu ra một chính quyền thật sự “của dân, do dân và vì dân”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ngụy biện chữ nghĩa khi nói rằng:”Tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế." Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.” (trích Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 10/Khóa đảng XI ngày 12/01/2015)

Đó là lý do tại sao đã có “chống đối và bất mãn trong nước”. Có đối lập vì đảng chỉ lo bảo vệ đặc quyền và đặc lợi cho đảng để duy trì quyền cai trị và quyền được thu vén công sức lao động bằng mồ hôi và nước mắt của của nhân dân. Nhưng đảng lại để cho cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức và có quyền, tự do tham nhũng và hành dân trên mọi lĩnh vực và trong mọi cơ hội.

Trong nhiều trường hợp, đảng lại che chở và bảo vệ những kẻ đã cướp miếng cơm và manh áo của dân, nhưng lại không dám quyết liệt lấy lại tài sản chúng đã ăn cắp hay nhờ tham nhũng mà có như màn kịch kê khai tài sản đã chứng minh trong Luật phòng, chống tham nhũng mới, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Ngoài ra, lý do có “chống đối và bất mãn” trong dân vì dân đã thấy, trong khi đảng chèn ép , bịt miệng dân và tước bỏ các quyền tự do cơ bản của dân, dù đã được quy định trong Hiến pháp 2013, thì đảng lại đàn áp dân khi họ đứng lên chống quân Tầu đàn áp ngư dân, đâm chìm tầu đánh cá và chiếm đóng biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Đảng cũng không dám tổ chức truy niệm những chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh trong các cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược ở Hoàng Sa 1974, biên giới phía Bắc 1979-1989 và ở Gạc Ma tháng 3/1988(Trường Sa), nhưng lại ngăn cấm dân tổ chức tri ân và tưởng nhớ những anh hùng, liệt sỹ đã đổ máu bảo vệ giang sơn.

Thử hỏi những hành động khiếp nhược và thuần phục Tầu xâm lược như thế thì làm sao dân không căm phẫn?

VIỆT KIỀU-SUY THOÁI TƯ TƯỞNG

Ngoài ra, trong bài phát biểu dài hơn giờ đồng hồ tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương ngày 05/07/2019, ông Võ Văn Thưởng, người cầm đầu ngành tuyên truyền còn cáo buộc “lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài” đã tham gia chống đảng qua Internet. Việc này không mới vì từ hơn 40 năm qua, nhưng chưa khi nào đảng CSVN có thật lòng muốn nói chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc với người Việt tị nạn ở nước ngoài.

Ngược lại, các mánh khóe chiêu dụ “Việt kiều” và tìm cách “đầu độc chính trị” các thế hệ con cháu lớp “Việt kiều” tiền bối đã phản ảnh trong Nghị quyết 36 “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, ban hành năm 2004.

Để đạt các mục tiêu thu hút “Việt kiều”, nhà nước CSVN đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bac để vận động và mua chuộc, nhưng vẫn thất bại ở mọi nơi có đông người Việt tị nạn định cư. Bằng chứng chỉ có rất ít, đếm trên đầu ngón tay, trong số trên 300,000 trí thức, chuyên viên “Việt kiều” mà Hà Nội từng mơ mộng sẽ chiêu dụ được, đã trở về giúp nước. Một số khác chỉ về giúp không thường xuyên vào mỗi dịp Hè.

Ngoài ra, lá Cờ Vàng 3 Sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục tung bay ở mọi nơi mọi chốn có người Việt tị nạn, trong khi cờ Đỏ Sao Vàng của CSVN chỉ có thể ngóc đầu hạn chế trong một ít dịp do các cơ quan ngoại giao của Hà Nội tổ chức.

Tuy vậy, ông Võ Văn Thưởng đã có lần nói nghênh ngang:”Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. (theo báo Pháp luật Online,phát biểu ngày 18-5-2017).

Ngày ấy Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết “đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”

Nhưng nay đã hơn 2 năm, võ miệng của ông Thưởng đã đi vào quên lãng. Có lẽ vì vậy, cộng với những thiệt thòi và bất công mà lớp cán bộ, đảng viên thấp cổ bé miệng phải gánh chịu trước sự giầu sang bí ẩn “bất chiến tự nhiên thành” của lãnh đạo, nên một lực lượng chống đảng mới,nằm ngay trong lòng chế độ, đã xuất hiện.

Đó là những người, theo cách vạch lá tìm sâu của ông Thưởng thuộc ”Thế lực thù địch” thứ 3” gồm “cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị.”

Những đảng viên này đã bị ông Thưởng nhận diện có “suy thoái tư tưởng” , “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang làm cho đảng mất ăn mất ngủ.

Nguy cơ này, nói ngắn , là những đảng viên đã chán đảng, nhạt đoàn và công khai phủ nhận Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin-Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của đảng. Họ cũng không chịu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như đảng yêu cầu.

Báo Thanh Niên viết tiếp:”Về phương thức, thủ đoạn chống phá của các đối tượng này, theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, là muôn hình vạn trạng, trong đó đặc biệt là sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá.

Ông Thưởng nói:”Cái kẻ chống mình, mọi thủ đoạn, mọi phương thức, thấy cái gì cũng chống. Một cái băng rôn sai chính tả, một băng rôn sai ngày tháng năm cũng thành câu chuyện để đả phá và tấn công vào đội ngũ của chúng ta. Nhưng người đấu tranh bảo vệ và phản bác lại thụ động hơn, lại phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ chính sách…”

Cán bộ tuyên giáo mà rệu rã như thế thì hèn chi đảng không lâm nguy, nhưng còn nguy hơn khi hấy báo Thanh Niên ghi lời ông Thưởng tiết lộ:”Nhiều câu chuyện tiếu lâm chính trị mang tác dụng xấu không xuất phát ở các quán nước vỉa hè mà xuất phát từ chính những giảng viên chính trị, do đó, ông yêu cầu phải tăng cường bồi dưỡng, cập nhập kiến thức, xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu.”

Ít năm qua, bộ máy tuyên truyền của đảng đã luống cuống không giải thích được phải mất bao nhiêu năm nữa thì lộ trình gọi là “qúa độ lên xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam mới hoàn thành. Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo cũng tối tăm hoa mắt trước thắc mắc tại sao Việt Nam đã chủ trương làm kinh tế thị trường của Tư bản mà còn móc thêm cái đuôi “theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” để làm gì ?

Vì vậy, những thứ lấn cấn này, nhiều khi đã biến thành chuyện tiếu lâm tại các quán bia hơi, qúan nhậu vỉa hè hay trên các mạng xã hội khiến ông Thưởng nhức nhối.

Nhưng mỉa mai đảng cũng có lý do vì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói vào ngày 23/10/2013 rằng :”Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Có lẽ vì mất định hướng và mơ hồ như thế mà ông Thưởng đã trấn an cán bộ tuyên truyền rằng:“Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 làn hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta. Đừng lo tự do internet là ảnh hưởng nhân quyền, tự do ngôn luận gì hết. Cả thế giới đều lo lắng trước sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông xã hội.”

Rồi ông đề nghị:” Từ nay tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mỗi địa phương chắt lọc đối tượng trên địa bàn, xử lý một vài đảng viên vi phạm, xử lý một vài cá nhân, công dân sử dụng internet, mạng xã hội vi phạm luật An ninh mạng, thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.”

XÃ HỘI DÂN SỰ

Ông Thưởng nói có vẻ tự tin như người điếc không sợ súng, nhưng ngoài “mạng xã hội”, đảng CSVN còn phải đối mặt với “xã hội dân sự”.

Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của Trung ương đảng CSVN viết ngày 11/06/2019 rằng:” Hiện nay, vấn đề “xã hội dân sự” (XHDS) đã và đang được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Sau thất bại trong hoạt động chống phá Việt Nam ở các giai đoạn trước, hiện nay, các thế lực thù địch xem việc củng cố, thúc đẩy “XHDS” theo mô hình phương Tây là một hướng đi mới, là một trong những phương thức tác động cơ bản của chiến lược “diễn biến hòa bình” với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “XHDS” là tìm cách thúc đẩy sự xuất hiện các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch cho rằng, hình thành “XHDS độc lập về chính trị” là một “lối thoát” cho sự ra đời công khai, hợp pháp của các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng ra sức cổ vũ cho hình thành ở Việt Nam một mô hình “XHDS độc lập về chính trị” kiểu phương Tây, nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước.”

Viết như thế là nói lấy được, theo lối cả vú lấp miệng em, một chiều và có ác ý muốn xúi bẩy người đọc vào hùa với đảng phủ nhận các quyền tự do của dân đã được Hiến pháp năm 2013 thừa nhận.

Theo Điều 25 thì :”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Nhưng đảng CSVN đã tự cho mình quyền vi phạm điều này khi cấm tư nhân ra báo; ra Luật an ninh mạng để kiểm soát dư luận; không ra luật lập hội và luật biểu tình để tước bỏ các quyền hiến định của dân. Hai dự luật Lập hội và Biểu tình đã trình hay dự trù trình ra Quốc hội rồi rút lại nhiều lần với lý do “còn nhiều ý kiến khác biệt cần bổ sung”.

Bằng chứng chà đạp quyền lập hội đã được chứng minh tiếp theo trong bài của Tạp chí Cộng sản:”Hòng thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng tính chất chính trị, xã hội phức tạp của “XHDS” để tác động vào hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều phương thức khác nhau, từ tuyên truyền lừa bịp, thổi phồng, cường điệu hóa vai trò của XHDS, cung cấp tài chính, phương tiện hoạt động đến gây sức ép với Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ đối ngoại. Các đối tượng chống đối nhân danh chiêu bài “XHDS”, “dân chủ”, “nhân quyền”... để tập hợp lực lượng, lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây “ấn tượng” với thị hiếu của từng nhóm xã hội nhất định, như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”,...

ĐẢNG SỢ BỊ LÔI KÉO

Tất nhiên khi viết ra như thế thì phải dính thêm các “âm mưu” để bêu rếu hại người, do đó không lạ khi bài báo kể tiếp rằng:”Thủ đoạn mà các đối tượng chống đối sử dụng phổ biến hiện nay là thông qua các trang web, diễn đàn trực tuyến, nhất là mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia; sử dụng các phần mềm bảo mật để liên lạc, tổ chức huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho thành viên; công khai viết “đơn kiến nghị” đòi thành lập đảng chính trị đối lập, tự do thành lập hội mà không tuân theo quy định pháp luật, đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự... Ngoài ra, các đối tượng này còn tìm cách chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, lợi dụng các khuyết điểm trong quản lý đất đai, môi trường... để kích động khiếu kiện, tụ tập đông người, biểu tình, xuyên tạc tình hình, hạ uy tín cán bộ; thông qua các hoạt động này để tập hợp lực lượng, gây thanh thế, từng bước nhen nhóm và thành lập tổ chức chính trị đối lập... Tại các địa bàn chiến lược, các đối tượng chống đối đẩy mạnh xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo; kích động tư tưởng ly khai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khơi gợi, khoét sâu mâu thuẫn dân tộc, tuyên truyền phát triển các tổ chức tôn giáo phi pháp, tụ tập “xưng vua”...

“Bên cạnh đó”, Tạp chí Cộng sản viết tiếp, “dưới danh nghĩa đại diện các tổ chức “XHDS”, một số đối tượng chống đối đã tham gia các buổi điều trần ở nước ngoài, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đề nghị can thiệp trả tự do cho các đối tượng chống đối trong nước bị bắt do vi phạm pháp luật... Đặc biệt, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra trong một bộ phận đảng viên, tình trạng yếu kém, sai phạm của một số cán bộ để thổi phồng, cường điệu hóa khuyết điểm, “hạ bệ” uy tín chính trị của Đảng, lôi kéo người dân tham gia các tổ chức mang danh nghĩa “XHDS” để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Thực tế những năm qua cho thấy, một số tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội ở nước ta và tìm cách xâm nhập, tác động, hướng lái hoạt động, chuyển hóa dần các tổ chức này khi chưa đủ điều kiện, thời cơ thành lập tổ chức đối lập. Thông qua các hoạt động, như triển khai dự án, tài trợ tài chính, tổ chức hội thảo với các NGO Việt Nam, một số tổ chức nước ngoài đã đi sâu xâm nhập, tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của các NGO Việt Nam, kích động các tổ chức này thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý của Nhà nước, cổ vũ quyền “tự do lập hội” theo tiêu chí phương Tây. Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn hỗ trợ tài chính cho một số NGO Việt Nam để xuất bản, phát hành tài liệu nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật phương Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai.”

Cuối cùng, Tạp chí Cộng sản cảnh báo:” Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, ý thức công dân, ý thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, quản lý của chính quyền còn nhiều lỗ hổng; lại có những đặc điểm phức tạp, đa dạng về tôn giáo, dân tộc, di tồn lịch sử của chế độ thực dân... Do đó, sự hình thành và phát triển các yếu tố của XHDS luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng dẫn đến chia rẽ, xung đột, hỗn loạn, vô chính phủ, mất ổn định chính trị, xã hội của đất nước….. Thực tế cho thấy, tuyệt đối hóa vai trò các tổ chức của XHDS, xem nhẹ quản lý của Nhà nước, chỉ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, tiền đề cho rối loạn, bất ổn. Do tính chất đa dạng và phức tạp này mà XHDS luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng, tổ chức thù địch cả trong và ngoài nước mua chuộc, chi phối, lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối.”

KIÊN QUYẾT CHỐNG

Để chống lại XHDS, tác giả bài viết trên Tạp chí Cộng sản mách nước:”Phải thẳng thắn bác bỏ và phê phán, đấu tranh kiên quyết với các quan điểm khuyến khích, cổ vũ XHDS với ý đồ thúc đẩy hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Hiện nay, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến XHDS chưa được nghiên cứu thấu đáo, hiệu lực và công cụ quản lý của Nhà nước, ý thức pháp luật của người dân còn có những hạn chế. Do đó, nếu chúng ta buông lỏng, thả nổi cho sự hình thành, phát triển “XHDS” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, khó kiểm soát, nhất là dưới góc độ quản lý nhà nước, cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ an ninh quốc gia.”

Bài viết kêu gọi nhân dân làm “chỉ điểm viên” cho nhà nước với những câu chữ thúc giục hãy :”Kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách, biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực của XHDS mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam.”

Để hoàn thành nhiệm vụ, bài báo yêu cầu:” Cần tổ chức nghiên cứu bài bản, có hệ thống về XHDS, các yếu tố của XHDS, nhất là làm rõ khái niệm, bản chất của XHDS; XHDS và các yếu tố cấu thành, biểu hiện cụ thể của XHDS; các hình thức của XHDS gắn với điều kiện lịch sử - cụ thể, nhất là chế độ chính trị, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; cấu trúc của XHDS và quan hệ của XHDS với nhà nước, thị trường, tôn giáo, mạng xã hội, gia đình; vai trò, ưu thế và giới hạn, mặt tiêu cực của XHDS; yếu tố ngoại sinh và nội sinh của XHDS; các hình thức lợi dụng XHDS của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị. Từ những kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước chủ động có chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm quản lý các tổ chức xã hội, các NGO, vừa phát huy mặt tích cực, vừa định hướng hoạt động lành mạnh phù hợp với thể chế chính trị, đặc điểm về kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, triệt tiêu các yếu tố có thể bị lợi dụng để hình thành lực lượng chính trị đối lập, gây bất ổn chính trị - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân không bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo thông qua danh nghĩa tổ chức XHDS.”

Như vậy, rõ ràng tình hình nội bộ đảng CSVN đang rối như canh hẹ trước thềm Đại hội đảng XIII. Dù “mạng xã hội” hay “Xã hội dân sự”, hoặc “suy thoái tư tưởng” để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho đến tình trạng cán bộ, đảng viên ngày một “suy thoái đạo đức”, “không nhúc nhích” để cứ ì ra cho “trên nóng dưới lạnh” thì đâu phải tại vì “diễn biến hòa bình”, hay do “các thế lực thù địch” gây ra.

Tất cả đều là của đảng, do đảng và vì đảng chứ nhân dân có ăn nhậu gì đền mấy chuyện nội bộ này mà bắt phải nghe ngóng, học tập để làm tay sai không công cho nhà nước ? -/-

Phạm Trần

(07/019)
 
Văn Hóa
Kính tặng các nữ tu Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương nhân dịp Khấn Lần Đầu và Khấn Trọn
Sơn Ca Linh
07:52 11/07/2019
XIN ĐỪNG CHẠM ĐẾN TÔI
(TOUCH-ME-NOT) (1)

Bên cội sao già,
Lây lất mấy cành cây “mắc cỡ”,
Cũng lá màu xanh chen mấy nụ tím hồng,
Nhưng rất lạ,
Chỉ cần chạm nhẹ một giọt sương rung,
Từng ngấn lá bỗng “giật mình e thẹn” !

Chẳng biết thuở nào,
Loài cây hiện hữu với một “lời ước hẹn”,
Dâng cuộc đời làm “một đoá trinh nguyên”.
“không để ai chạm đến” như một lời nguyền,
Nên cứ mãi nhọc nhằn “giấu thân mắc cỡ” !

Làm kiếp hoa nên mang cuộc tình duyên nợ,
Phải đẹp cho đời giữa vũ trụ bao la.
Phủ màu xanh lên cằn cỗi những cội sao già,
Thêm hoa hồng tím điểm mùa lên hy vọng…

Nên,
“XIN ĐỪNG CHẠM ĐẾN TÔI”, một “loài cây khiêm nhượng”,
Để cành lá tươi xanh dưới ánh mặt trời,
Để sắc hồng tình yêu luôn rực rỡ sáng ngời,
Và giữ trọn cuộc đời mãi là loài “hoa trinh nữ”.

Sơn Ca Linh

GHI CHÚ :

(1) “Touch-me-not” (XIN ĐỪNG CHẠM ĐẾN TÔI) là loài cây có danh từ khoa học là MIMOSA PUDICA, tiếng Việt mang nhiều tên : cây TRINH NỮ (PUDICA), MẮC CỠ, E THẸN, XẤU HỖ (SHAMEPLANT), KHIÊM NHƯỜNG (HUMBLE PLANT)…

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cà Chua Vườn Nhà
Joseph Ngọc Phạm
21:16 11/07/2019
CÀ CHUA VƯỜN NHÀ
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Nhìn cà chua hái vườn nhà
Nhớ nồi canh-cá-thì-là mẹ xưa
(nđc)
 
VietCatholic TV
Tin vui - Notre Dame De Paris bắt đầu được trùng tu dù mới chỉ nhận được 38 triệu euro ủng hộ.
Giáo Hội Năm Châu
16:56 11/07/2019
Hôm 8 tháng 7 năm 2019, Ðức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris cho biết rằng việc khởi công trùng tu Notre Dame De Paris đã bắt đầu dù số tiền thật sự mà các tổ chức chịu trách nhiệm quyên góp được để tài trợ cho việc tu sửa nhà thờ Ðức Bà Paris nhận được chỉ mới lên đến 38 triệu euro.

Hồi giữa tháng 5 năm 2019, Bộ trưởng Văn hóa Franck Riester đã ước lượng số tiền được hứa quyên tặng cho nhà thờ sau vụ hỏa hoạn hôm 15 tháng 4 năm 2019 là khoảng 850 triệu euro.

Ðức Tổng Giám Mục Aupetit nói với đài RTL (Radio Télevision Luxembourg) rằng: “Cho đến nay, số tiền nhận được thực sự trị giá 38 triệu Euro. Ðiều này tương đương với 10% tổng số tiền người ta hứa giúp cho 4 Tổ chức”. Ðức Tổng Giám Mục không nói rõ số tiền người ta đã hứa giúp là bao nhiêu.

Bốn tổ chức phụ trách quyên góp cho việc tu sửa nhà thờ Ðức Bà là Trung tâm Di tích Quốc gia, Ngân quỹ Notre-Dame, Ngân quỹ Di sản và Ngân quỹ nước Pháp.

Tuy thế, Ðức cha Aupetit tin tưởng rằng sẽ nhận được số tiền tài trợ nhiều hơn. Ngài nghĩ rằng phải cần một thời gian để nhận được tiền từ các nhà tài trợ lớn. Ngài cũng cho biết rằng vì công việc sửa chữa cấp thời và trả lương cho công nhân, Hiệp hội “Friends of Notre-Dame” - Bạn Nhà Thờ Ðức Bà - đã cung cấp ngân khoản bốn triệu euro.