Ngày 11-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:48 11/07/2015
TRỪNG TỬ TÌM ÁO
Trừng Tử người nước Tống làm mất tiêu cái áo màu đen, bèn đi tìm trên đường.
Đột nhiên nhìn thấy một người đàn bà mặc áo màu đen, bèn đuổi theo kéo lại không buông ra, kêu lên:
- “Hôm nay tôi mới mất một cái áo màu đen.”
Người đàn bà nổi giận nói:
- “Ông mất cái áo màu đen, nhưng cái áo mà tôi đang mặc đây là do tôi tự may lấy.”
Trừng tử nói:
- “Bà nên nhanh chóng trả lại cái áo cho tôi, cái áo mà tôi làm mất là áo kép, mà bà bây giờ lại mặc áo đơn, lấy áo đơn đổi áo kép, lẽ nào bà không chiếm phần bở hơn tôi sao?”
(Lữ thị xuân thu)

Suy tư:
Thời nay người ta rất cẩn thận không để áo mình bị mất trộm, nhưng có những người Ki-tô hữu đem áo kép của mình đi đổi lấy vài thú vui chóng qua, người ta đem áo của mình bán đi để mua lại những thứ không dùng được lâu dài. Áo kép đây chính là chiếc áo trắng mà họ đã lãnh là bí tích Rửa Tội.
Chiếc áo trắng ngày Rửa Tội không phải chỉ đơn thuần là chiếc áo màu trắng nho nhỏ, xinh xinh, nhưng cái quý giá của nó chính là đã được Máu Thánh Đức Chúa Ki-tô rửa sạch để họ được trở thành con cái Thiên Chúa, đem bán nó đi tức là bán mình làm nô lệ cho ma quỷ, cho của cái vật chất và cho tội lỗi.
Thường thì cái gì mất rồi khó mà tìm lại được, hoặc đồ quý mà bán đi rồi thì khó mà chuộc lại. Nhưng nhờ cái chết của Đức Chúa Giê-su trên thập giá mà chúng ta được chuộc lại những gì mà chúng ta đã bán cho ma quỷ, cho thế gian, đó là ân sủng của bí tích Rửa Tội và bí tích Giải Tội, và chỉ có bí tích Giải Tội mới làm cho chúng ta chuộc lại chiếc áo trắng của ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:50 11/07/2015
N2T

29. Chúng ta tìm kiếm thánh sủng thì nên nhờ Đức Mẹ Ma-ri-a tìm kiếm.

(Thánh Albert the Great)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một cuộc hội thoại với Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc
Lã Thụ Nhân
15:57 11/07/2015
Một cuộc hội thoại với Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc

Từ Sydney, Úc, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher là một trong số 46 Tổng Giám mục chính tòa nhận dây pallium từ Đức Thánh Cha Phanxicô... Đó là một biểu tượng mạnh mẽ được trao cho các vị tổng giám mục chính tòa được bổ nhiệm trong năm vừa qua.

Trên chuyến bay kéo dài 22 giờ cất cánh từ Úc. .. anh chị em của ngài và cha mẹ ngài đã đến Rôma cho ngày trọng đại.

Thực vậy, người cha 81 tuổi của Đức Tổng Giám mục Fisher quyết định sẽ lên Cầu Thang Thánh 'Scala Santa' tại Rôma bằng đầu gối của mình. Theo truyền thống, cầu thang tương tự được Chúa Giêsu bước lên trên đường đến nơi xét xử ngài ở dinh Phôngxiô Philatô.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc cho biết: "Tôi rất tự hào về cha tôi và rất xúc động bởi điều đó. Khi chúng tôi lên đến đỉnh, ông cụ nói, Anthony, lần trước cha thực hiện điều này cách đây 60 năm và không như nhiều cầu thang có dịp trở lại sau đó."

Đức Tổng Giám Fisher hiện dẫn dắt Tổng Giáo phận với khoảng 575.000 tín hữu. Gần đây, ngài được bổ nhiệm là thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Và là một thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống, ông đã theo dõi các vấn đề xã hội liên quan đến đạo đức sinh học, sự sống và gia đình khá chặt chẽ.

Với Đại hội Gia đình Thế giới sắp tới tại Hoa Kỳ và với hôn nhân đồng tính Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thông qua, ngài đã nói về vai trò và sứ điệp của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta có một nhiệm vụ to lớn trong việc giải thích ngay cả với các tín hữu của chúng ta, tại sao chúng ta nghĩ rằng hôn nhân là rất quý giá, tại sao nó rất quan trọng và tại sao nó là thực tại giữa một người nam và một người nữ. Đó là thực tại cho đời sống. Đó là thực tại về gia đình, bởi vì tất cả những điều đó không gì thay thế trong văn hóa của chúng ta, không chỉ là vấn đề đồng tính".

Một vấn đề nữa là an tử. Đức Tổng Giám Mục Sydney nói nó có liên quan đến việc nâng đỡ những bệnh nhân già yếu.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher nói thêm: "Nếu ai đó đang đau đớn, chắc chắn chúng ta có thể nghĩ cách tích cực hơn trong việc nâng đỡ đau đớn của họ về thể lý, sự cô đơn, cảm giác vô nghĩa của họ. Chắc chắn chúng ta có thể tìm thấy những cách thức sáng tạo hơn, cách tích cực hơn trong việc nâng đỡ mọi người vượt qua những điều đó hơn là giết chết họ".

Mặc dù dây pallium đã được trao cho các vị tổng giám mục chính tòa, như vậy nghi lễ ‘gánh vác’ sẽ được tổ chức khi họ trở về nhà, trong các cộng đoàn của các vị tổng giám mục mới được bổ nhiệm.

Lã Thụ Nhân
 
Tường trình nhanh ngày thứ sáu chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh của Đức Phanxicô
Vũ Van An
01:37 11/07/2015
Sau đây là ghi nhanh của Hãng Associated Press về ngày thứ sáu trong chuyến viếng thăm Mỹ Châu La Tinh, lần này ở Paraguay, chặng chót, của Đức Phanxicô:

9:45 giờ sáng: Đức GH đã dâng lên Đức Mẹ hai kỷ vật danh dự mà Tổng Thống Bolivia Evo Morales đã tặng ngài hôm mới tới La Paz.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, nói rằng Đức Phanxicô làm việc trên vào sáng thứ Sáu sau khi cử hành Thánh Lễ. Xét chung, Đức Phanxicô không nhận các huy chương hay bằng tưởng lệ, nên các kỷ vật của ông Morales khiến Tòa Thánh ngạc nhiên.
Một trong các huy chương được đặt tên theo Cha Luis Espinal, nhà tranh đấu Dòng Tên bị sát hại bởi lực lượng bán quân sự Bolivia năm 1980. Tòa Thánh không cho biết Đức Phanxicô làm gì với tượng chịu nạn này.

Sáng nay, Đức Giáo Hoàng đang viếng một nhà tù ở bên ngoài Santa Cruz, Bolivia.

10.00 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đã tới nhà tù khét tiếng Palmasola của Bolivia, đang chào hỏi một số người trước khi đọc sứ điệp mà người ta cho là sẽ tập chú vào việc khích lệ.

Đám đông người đang đứng chật ních tại công viên trung tâm của quần thể nhà tù, vẫy các bong bóng mầu vàng trắng, là mầu cờ của Tòa Thánh.

Palmasola là nhà tù khét tiếng nhất trong số 32 nhà tù của Bolivia, xây dựng để giam giữ khoảng 800 người nhưng thực ra chứa tới 5,000 người, mà hơn 4 phần 5 còn đang đợi được xử. Hai năm trước đây, 36 người chết trong một cuộc đánh nhau dữ dội giữa các phe du đãng thù nghịch nhau.

Đức Phanxicô thường hay nói về thân phận các tù nhân, tố cáo việc lạm dụng phổ biến của việc giam giữ trước khi được xử và gọi án chung thân là “án tử hình dấu mặt”.

10:50 giờ sáng: Hai tù nhân đang kể cho Đức GH Phanxicô về nỗi tuyệt vọng bên trong nhà tù khét tiếng nhất Bolivia này và nền tư pháp thối nát và bất lực từng giam nhiều người vô tội vào Nhà Tù Palmasola.

Một tù nhân nói đến việc một bạn tù của anh bị giết. Tù nhân kia mô tả sự ngỡ ngàng của anh khi mới tới thấy “quá nhiều người ngủ trên nền nhà như súc vật”.

Một nữ tù nhân mô tả điều cô gọi là khủng bố tư pháp: những người không thể mua chuộc công lý thì bị kết án chịu khổ. Cô nói rằng hệ thống tư pháp của Bolivia dựa trên láo khóet, lừa đảo và lạm quyền.

Các tù nhân khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng giúp đỡ và nói rằng rất ít cải thiện đã được thực hiện kể từ lúc 36 người bị giết trong cuộc ẩu đả hồi tháng Tám, năm 2013 giữa các nhóm du đãng trong nhà tù.

Một người đòi “dinh dưỡng xứng đáng” cho những người mới đến. Ông nói rằng nhà tù tiêu chưa tới 1 dollar 1 ngày cho thực phẩm của một tù nhân.

10:55 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đang khuyên các tù nhân của nhà tù Palmasola khét tiếng bạo động của Bolivia đừng thất vọng, để lại cho họ một sứ điệp hy vọng và liên đới.

Trong các nhận định của ngài, Đức Phanxicô nhìn nhận điều kiện tồi tệ mà các tù nhân đang phải chịu: quá đông người, nhịp độ thi hành công lý quá chậm, bạo động và ít có cơ hội được giáo dục hay cải tạo. Ngài nói: những việc này cần được các định chế của Bolivia giải quyết.

Nhưng ngài khuyên các tù nhân đừng thất vọng và đừng để nỗi đau khổ của họ dẫn tới bạo động.

11:40 giờ sáng: Cảnh sát Bolivia nói rằng họ đã giam giữ 3 người Chile tính trao cho Đức Giáo Hoàng một lá thư. Những người này muốn phản đối Đức Giáo Hoàng về việc bổ nhiệm một giám mục tại miền nam Chile, người mà họ tố cáo là che đậy một linh mục ấu dâm.

Cảnh sát giam giữ các người trên 14 tiếng đồng hồ tại thành phố Santa Cruz. Họ cho hay: họ mất cơ hội xin Đức Giáo Hoàng nghĩ lại việc bổ nhiệm Cha Juan Barros làm giám mục giáo phận Osorno.

Cha Barros bị tố cáo che đậy các lạm dụng tình dục của Cha Fernando Karadima, người mà Tòa Thánh đã ra kỷ luật vì lạm dụng các trẻ trai.

Việc Đức Phanxicô bổ nhiệm Cha Barros đã dẫn tới lời phê phán chưa từng có của các nạn nhân bị lạm dụng và các tín hữu Công Giáo ở Chile.

Cuộc điều tra của Tòa Thánh năm 2011 thấy Cha Karadima có tội và lên án vị linh mục nay đã 84 tuổi này phải lưu về cuộc sống ẩn dật “sám hối và cầu nguyện”. Trường hợp này nay vẫn còn là trường hợp duy nhất một linh mục lạm dụng tại Chile.

11:45 giờ sáng: Cánh đồng ở Paraguay, nơi Đức GH Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ cuối cùng trong chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh, nổi tiếng nhiều rắn.

Ít nhất thì đó cũng là lời cảnh giác của bộ y tế Paraguay.

Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật tại địa điểm Nu Guasu trong một cánh rừng hạ nhiệt đới tại Paraguay.

Bộ Trưởng Y Tế Antonio Barrios nói rằng khu vực này là nơi sinh sống tự nhiên của các loài bò sát. Ông cho hay: các nhà cầm quyền có thuốc chống nọc độc, nhưng dù sao, các tín hữu nên mang ủng.

Đức Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh Lễ tại cùng địa điểm này năm 1988 dưới trời mưa như thác.

1.00 giờ chiều: Hàng giờ trước khi Đức Giáo Hoàng lên đường tới nơi, hàng chục ngàn người đã xếp hàng dọc theo giải đường dài 13 kilô mét dẫn từ phi trường vào trung tâm Asuncion. Đức Giáo Hoàng sẽ lưu lại đây 3 ngày trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ.

Chính phủ Paraguay tuyên bố ngày thứ Sáu và ngày thứ Bẩy là ngày nghỉ cả nước để tôn vinh cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Khi ở Paraguay, ngài sẽ cử hành hai Thánh Lễ, một tại Caacupe, trung tâm linh đạo của Paraguay. Ngài cũng sẽ gặp Tổng Thống Horacio Cartes vào ngày thứ Sáu và với hàng trăm các nhóm địa phương vào hôm thứ Bẩy.

2:50 giờ chiều: Ông Evo Morales, Tổng Thống Bolivia, nói rằng ông cảm thấy như ông có được một người bạn và một đồng minh tốt trong cuộc đấu tranh của ông cho việc thay đổi xã hội có tính cách mạng và hãm đà hâm nóng hoàn cầu: đó là Đức GH Phanxicô.

Tổng Thống Bolivia nói ông nghĩ rằng điều Đức Giáo Hoàng giảng dạy có thể coi là xã hội chủ nghĩa, dù chính Đức Giáo Hoàng thì nhấn mạnh ngài không giảng dạy bất cứ lý thuyết chính trị nào.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với hãng Associated Press, ông Morales nhắc tới Đức Giáo Hoàng như là “nhà chính trị thứ nhất và tốt nhất trên thế giới”.

Đức Phanxicô nhiều lần nói rằng quan tâm tới người nghèo và người bị hất hủi nằm ở tâm điểm Tin Mừng, nhưng ngài nói thêm rằng chủ nghĩa Mác sai lầm.

3.00 giờ chiều: Tổng Thống Bolivia Evo Morales giải quyết câu hỏi liệu Đức Phanxicô 78 tuổi có nhai lá coca hay không trong chuyến viếng thăm để đương đầu với độ cao lúc dừng lại 4 tiếng đồng hồ ở thủ đô với độ cao 4, 000 mét.

Lá này là nguyên liệu thô để chế ra cocaine và ông Morales đang cố gắng để quốc tế loại nó ra khỏi danh sách ma túy vì nó được nhai rộng rãi tại vùng núi Andes như một chất kích thích nhẹ.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với Hãng Associated Press, ông Morales nói rằng ông có trao cho Đức Giáo Hoàng một chiếc túi với lá coca bên trong nhưng dường như ngài không dùng tới.

Nhưng theo ông, ngài có uống hai tách trà coca tại dinh chính phủ.

3.00 giờ chiều: Đức GH Phanxicô hiện đang có mặt tại Paraguay, nơi ngài sẽ lưu lại 3 ngày trong phần chót chuyến viếng thăm Nam Mỹ của ngài.

3:30 giờ chiều: Đức Giáo Hoàng đang chứng kiến một màn trình diễn tại sân bay phi trường Asuncion, Paraguay.

Vừa ra khỏi máy bay, Đức Phanxicô tới ngồi bên cạnh Tổng Thống Horacio Cartes. Hai vị lắng nghe một ca đoàn nữ hát tiếng Tây Ban Nha, cùng với các ngôn ngữ của thổ dân Guarani và Ache. Một nhóm vũ công cũng tiêu khiển cho Đức Giáo Hoàng; ngài vừa coi vừa mỉm cười.

Khi ngài đứng lên, mấy bé gái chạy tới và ôm lấy ngài. Ngài tiếp các em bằng đôi tay mở rộng rồi chúc lành cho các em.

4:00 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đang dừng lại ít phút tại nhà tù Buen Pastor dành cho phụ nữ ở Paraguay, lắng nghe ca đoàn của nhà tù hát một ca khúc được soạn đặc biệt cho ngài.

Cuộc viếng thăm này không có trong chương trình chính thức của Đức Giáo Hoàng và ca đoàn trình diễn bên ngoài cơ sở của họ. Nhà tù này chứa 500 nữ tù nhân, nhiều người bị giam giữ vì án ma túy.

Đức Phanxicô dự định nghỉ ngơi chút đỉnh sau cuộc viếng thăm này rồi sẽ vào dinh tổng thống để gặp Tổng Thống Horacio Cartes.

5:50 giờ chiều: Đám đông cuốc bộ từ phi trường trở lại trung tâm Asuncion rất lên tinh thần sau khi được thấy Đức Giáo Hoàng, vừa đi họ vừa hát và hô “vạn tuế Đức Giáo Hoàng”. Nhiều người cho hay họ hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ giúp cải thiện cuộc sống của những người bị hất hủi.

Vivian Nunez, một nhà tâm lý 26 tuổi, nói rằng cô rất xúc động và hy vọng sẽ có những biến đổi lớn. “Có lẽ sẽ không có biến đổi về chính trị, nhưng biến đổi con người, trong mỗi người”.

Bà nội trợ Eladia Olmedo cho biết Đức Giáo Hoàng đã thay đổi Paraguay rồi: “Họ đã tu sửa đường phố, họ đã quét dọn nhiều nơi. Họ đã làm đẹp thành phố”.

6:45 giờ tối: Lời Đức GH Phanxicô xin lỗi về “các tội nặng” mà Giáo Hội Công Giáo đã phạm đối với các dân tộc bản địa ở Mỹ Châu thời Âu Châu chinh phục đã được nhiều sắc dân bản địa khắp lục địa đón nhận tốt đẹp.

Nhưng đối với nhà tranh đấu thuộc sắc dân Maya, là Andrea Ixchiu ở Guatemala, lời ấy chỉ đơn thuần là lời tiếp thị cho Giáo Hội mà thôi, diễn ra sau sự kiện quá nhiều năm. Cô cho rằng nó nhằm ngăn cản người Công Giáo khỏi từ bỏ đức tin để theo các giáo phái Thệ Phản.

Ixchiu nói rằng Giáo Hội nên trả lại các dân tộc bản địa đất đai đã chiếm của họ.

7:05 giờ tối: Nhiều nước mắt đã tuôn ra trên gương mặt các nữ tù nhân ở nhà tù Buen Pastor nơi Đức Phanxicô dừng lại trong chốc lát để nghe ca đoàn của nhà tù hát.

Năm mươi phụ nữ trong ca đoàn, trong khi hát một bài ca soạn riêng cho Đức Phanxicô, đã bật khóc khi ngài chúc lành cho họ.

Tuy nhiên, các phụ nữ bị kẹt bên trong thì khóc vì một lý do khác, lý do thất vọng. Giám đốc nhà tù Ana Coronel nói với Hãng Associated Press rằng các phụ nữ này vốn hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ vào nơi trước đây là một tu viện và viếng thăm họ.

Bà nói bà đã bảo họ sau này rằng văn phòng toà tổng giám mục chưa bao giờ trả lời đơn của bà xin Đức Giáo Hoàng vào bên trong.

7:10 giờ tối: Trong các nhận định mở đầu của ngài ở Paraguay, Đức GH Phanxicô đặc biệt ca ngợi phụ nữ Paraguay.

Đức Phanxicô gặp Tổng Thống Horacio Cartes tại dinh tổng thống và bày tỏ “sự ngưỡng phục sâu xa của ngài đối với vai trò do các phụ nữ Paraguay đảm nhiệm trong các giờ khắc lịch sử đầy bi thảm. Là những người mẹ, những người vợ và những bà góa, họ đã gánh những gánh nặng nặng nề nhất”.

Đức Phanxicô nhắc tới cuộc chiến tranh trong thập niên 1860 chống lại Ba Tây, Á Căn Đình và Uruguay. Trong cuộc Chiến Tranh Liên Minh Tay Ba, ước lượng có đến 60 phần trăm dân số đã bị quét sạch. Các mất mát này bao gồm đại đa số đàn ông, lên đường đi chiến đấu, để các phụ nữ ở nhà đẩy Paraguay tiếp tục tiến bước.

Khi ngài còn là tổng giám mục ở Buenos Aires, Cha Jorge Bergoglio, như tên gọi lúc ấy của ngài, thường nói lên lời ngưỡng phục này đối với phụ nữ Paraguay.

9:50 giờ đêm: Đức GH Phanxicô tếp nhận từ Tổng Thống Paraguay Horacio Cartes chiếc áo thung của đội túc cầu quốc gia với tên "Papa Francisco" và một áo choàng không tay bằng len trắng dệt tại vùng các nhà truyền giáo Dòng Tên từng làm việc thời thực dân.

"Những món quà không gây vấn đề”, phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi mỉm cười nói vậy.

Nhận xét của Cha Lombardi có ý vui đùa nhắc tới “tượng chịu nạn Cộng Sản” tạc vào cây búa liềm do Tổng Thống Bolivia Evo Morales tặng Đức Phanxicô. Món quà đó rõ ràng khiến Đức Giáo Hoàng ngỡ ngàng và nhéo lông mày, dù các viên chức Bolivia nhấn mạnh món quà không phải là một trò chính trị. Nó từng được một nhà đấu tranh Dòng Tên vẽ kiểu.

10:20 giờ đêm: Một số người Paraguay than phiền rằng tài xế giáo hoàng xa đạp ga hơi mạnh.

Các nhận định phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội viết rằng giáo hoàng xa chạy quá nhanh, khiến người Paraguay đợi cả mấy tiếng đồng hồ trên các đường phố Asuncion để được thấy Đức GH Phanxicô, nhưng chỉ xoẹt thấy ngài mấy giây khi ngài phóng qua.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, nói rằng chiếc xe phải chạy với tốc độ đó để tránh khỏi lặp lại sự trễ nải đã diễn ra tại Ecuador và Bolivia, vả lại phi trường Asuncion cũng cách xa dinh tổng thống hơn ở các đô thị khác.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền Paraguay
Lm. Trần Đức Anh OP
08:46 11/07/2015
ASUNCIÓN. ĐTC cổ võ nước Paraguay tiếp tục củng cố nền dân chủ và ngài kêu gọi nhân dân nước này bảo tồn ký ức lịch sử đau thương.

Lập trường này được ngài trình bày trong cuộc gặp gỡ chính quyền dân sự của Paraguay.

Sau nghi thức tiếp đón tại phi trường Asunción, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Dọc đường 15 cây số, rất đông tác tín hữu đứng hai bên đường nồng nhiệt chào mừng ngài, một cảnh tượng như đã diễn ra tại Ecuador trước đó.

Sau đó, ngài đến dinh Lopez cách tòa Sứ thần 4 cây số rưỡi để thăm Tổng thống, và gặp gỡ chính quyền dân sự cùng với ngoại giao đoàn tại khuôn viên dinh Tổng thống.

Tổng thống Horacio Cartes của Paraguay năm nay 59 tuổi, nguyên là một doanh nhân, chủ của công ty hợp doanh ”Grupo Cartes” gồm 12 xí nghiệp khác nhau. Ông cũng là chủ tịch của đội bóng đá Libertad và được bầu làm tổng thống cách đây 2 năm.

Đến dinh Lopez vào lúc 6 giờ chiều, ĐTC đã hội kiến với Tổng thống, trong khi ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức TGM Phụ tá Angelo Becciu cùng với Đức Sứ Thần Tòa Thánh gặp gỡ thủ tướng và các quan chức chính phủ. Sau đó tất cả các vị đều tiến ra khuôn viên của dinh Lopez để tiến hành cuộc gặp chính thức, với sự hiện diện của các vị Bộ trưởng, quốc hội, tòa án tối cao và ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Paraguay.

Trong lời chào mừng ĐTC, Tổng thống Cartes đã ca ngợi thông điệp ”Laudato sì” của ngài về việc bảo vệ môi trường và nhận xét rằng văn kiện phải ánh nền văn hóa của các thổ dân Guananí ở Paraguay. Ông nói: ”Thông điệp của ĐTC là một lời kêu gọi bảo tồn trái đất, tương ứng với những thỉnh đề của nền văn hóa guaraní về tầm quan trọng của ”tekoha guasu”, là căn nhà lớn của tất cả mọi người”.

Tổng thống nhận xét rằng văn kiện của ĐGH là một công trình chống lại sự dửng dưng và nhắc nhớ món nợ của tiến bộ đối với môi trường và sự cần thiết phải theo đuổi một sự phát triển dài hạn.

Diễn văn của ĐTC

Về phần ĐTC, lên tiếng trong dịp này, ngài đề cập đến trọng tâm các vấn đề của đất nước Paraguay như một xã hội dân sự. Ngài nói:

”Ngay từ những bước đầu tiên như một quốc gia độc lập, Paraguay đã trải qua những đau thương của cuộc chiến huynh đệ tương tàn, thiếu tự do và những vi phạm nhân quyền, Vì thế, thật là một điều đáng ngưỡng mộ sự kiên trì và tinh thần phản ứng của nhân dân Paraguay để vượt thắng bao nhiêu nghịch cảnh và tiếp tục những cố gắng để kiến tạo một quốc gia thịnh vượng và an bình.”

ĐTC cũng ca ngợi những người dân thường, tên của họ không được ghi trong sử sách, nhưng thực tế họ đã giữ những vai trò lớn trong đời sống dân chúng. Đặc biệt ngài nhắc đến các gia đình, các phụ nữ, các góa phụ đã giúp gia đình và đất nước tiến bước, mang lại hy vọng một ngày mai tốt đẹp hơn.

ĐTC nhấn mạnh rằng một dân tộc quên quá khứ của mình, quên lịch sử và căn cội của mình thì không có tương lai. Ký ức giúp giải thoát khỏi những tâm tình oán thù và biến quá khứ thành nguồn hứng để xây dựng một tương lai sống chung hòa hợp, làm cho chúng ta ý thức về thảm trạng và sự vô lý của chiến tranh. Cả hòa bình trong đời sống thường nhật cũng quan trọng, tránh những cử chỉ hách dịch, những lời làm phật lòng, xúc phạm, những thái độ cường quyền, và thăng tiến sự cảm thông, đối thoại và cộng tác.

ĐTC nhận xét rằng từ vài năm nay Paraguay dấn thân trong việc xây dựng một dự phóng dân chủ vững chắc và bền vững, và ngài khích lệ củng cố những cơ cấu và tổ chức dân chủ đáp ứng những khát vọng chính đáng của các công dân. Ngài nói: ”Trong hoạt động công cộng, cần tăng cường đối thoại như phương thế ưu tiên để thăng tiến công ích, dựa trên căn bản một nền văn hóa gặp gỡ, tôn trọng và nhìn nhận những khác biệt hợp pháp và những ý kiến của người khác. Trong việc phục vụ và hoạt động cho công ích, những người nghèo và túng theo phải chiếm một chỗ ưu tiên. Đừng ngưng các cố gắng của mọi tác nhân xã hội, cho đến khi không còn những trẻ em không được giáo dục, các gia đình không nhà ở, các công nhân không có công ăn việc làm xứng đáng, các nông dân không có đất đai để canh tác và bao nhiêu buộc lòng phải di cư hướng về một tương lai bất định; cho đến khi không còn những nạn nhân bạo lực, tham nhũng hoặc của nạn buôn bán ma túy nữa. Khuôn mẫu cho nền kinh tế phải là phẩm giá trọn vẹn của con người, nhất là những người dễ bị tổn thương và vô phương thế tự vệ.”

Sau cùng, ĐTC cam đoan sự dấn thân và cộng tác của Giáo Hội Công Giáo trong nỗ lực chung xây dựng một xã hội công bằng và bao gồm mọi người, trong đó ta có thể cùng nhau sống trong an bình và hòa hợp.

Trong cuộc gặp gỡ tổng thống Paraguay, ĐTC đã tặng ông bức tranh khảm sao lại ảnh mà thánh Gioan Phaolô 2, sau vụ mưu sát ngày 13-5-1981, đã muốn đặt tại một tường trong dinh Tông Tòa, mà người ta có thể thấy từ Quảng trường thánh Phêrô nhìn lên. Bức ảnh được coi là chứng tá và bảo chứng sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria trên Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội.

Trong số các quà mà Tổng thống Cartes cũng có chiếc áo cầu thủ bóng đá màu đỏ mang số 10 và có thêu tên Phanxicô, đáp ứng sở thích của Ngài đối với bóng đá.

Trong cuộc viếng thăm của ĐTC, chính phủ Paraguay đã động viên 17 ngàn nhân viên cảnh sát và quân đội để giữ an ninh và trật tự.
 
Đức Thánh Cha viếng thăm bệnh viện nhi đồng ở Paraguay
Lm. Trần Đức Anh OP
08:47 11/07/2015
ASUNCIÓN. Sáng thứ bẩy, 11-7-2015, ĐTC đã viếng thăm Tổng bệnh viện nhi đồng ”Ninos de Acosta Nu” cách tòa Sứ Thần 20 cây số, một nhà thương toàn khoa có khoảng 100 giường.

Tên của nhà thương có nghĩa là ”Chiến trường lớn”, nhắc nhớ biến cố rất nhiều trẻ em bị thiệt mạng trong trận chiến hồi tháng 8-1869.

Đến nơi vào lúc 8 giờ rưỡi, ĐTC đã được đông đảo tín hữu đứng chờ từ bên ngoài đón tiếp. Liền đó ngài được bác sĩ giám đốc bệnh viện hướng dẫn viếng thăm các em bệnh nhân tại các khu trại khác nhau, đặc biệt là khu hồi sinh và khu dành cho các em bị ung thư. Các ký giả thu hình không được đi theo, do ý muốn của ĐTC, để các trẻ em được tự nhiên hơn trong cuộc viếng thăm. Ngài đã lắng nghe các em và nhận những lá thư do các em viết, những hình hoặc đồ thủ công do các em làm.

Sau đó ngài tiến vào hội trường bệnh viện để gặp gỡ hàng trăm bác sĩ và nhân viên các cấp của nhà thương,

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc nhở rằng các trẻ em thuộc vào số những người được Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương. Không phải vì Chúa không thương người lớn, nhưng Chúa cảm thấy hạnh phúc khi có thể được ở với các em, vui mừng vì tình bạn của các em tháp tùng và Chúa trưng dẫn các em như gương mẫu, đến độ Chúa nói với các môn đệ: ”Nếu các con không trở nên như trẻ thơ thì các con không thể vào nước trời' (Mt 18,3).

Ngỏ lời với các em trong nhà thương, ĐTC cám ơn các em vì sự dịu dàng thơ ngây, vì sự gần gũi và khả năng kháng cự của các em. Ngài nói: ”Nhìn các con, người ta cảm thấy được sức mạnh để tín thác và tiến bước”.

ĐTC không quên cám ơn các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên nhà thương. Sau cùng, ngài mời gọi các em bệnh nhân hãy cầu nguyện, nói chuyện với Chúa Giêsu, chia sẻ với Chúa những thắc mắc, những đau đớn của mình. ”Chúa Giêsu luôn gần gũi chúng ta. Nơi nào có Chúa Giêsu thì có Mẹ Maria, Đức Mẹ Caacupè”.

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại Nhà thương nhi đồng kéo dài 45 phút và liền đó ngài lên đường đến Đền thánh Đức Mẹ Caacupé cách đó 40 cây số để cử hành thánh lễ cho các tín hữu, theo chương trình vào lúc 4 giờ rưỡi giờ địa phương.
 
Đức Thánh Cha dâng lễ trước Đền Đức Mẹ Caacupé, Paraguay
Lm. Trần Đức Anh OP
12:27 11/07/2015
ASUNCIÓN. Hằng trăm ngàn tín hữu đã tham dự Thánh Lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại Quảng trường trước Đền Thánh Đức Mẹ Caacupé, bổn mạng của Paraguay sáng ngày 11-7-2015.

Caacupé trong thổ ngữ guaraní của dân địa phương có nghĩa là ”đằng sau núi”. Đây là một thị trấn có hơn 19 ngàn dân cư, chung quanh là những ngọn đồi cây xanh, từ đó người ta có thể thấy hồ Ypacaraí. Caacupé được coi là thủ đô tinh thần của Paraguay và nổi tiếng với đại lễ hàng năm, 8-12, lễ kính Đức Mẹ Phép lạ. Tượng ảnh Đức Mẹ tại đây do một tín hữu thổ dân tân tòng tên là José tạc hồi thế kỷ 16 và tượng được cứu thoát lạ lùng khỏi một trận lụt lớn, và nhiều tín hữu được ơn lạ nhờ cầu nguyện trước tượng ảnh, kể cả phép lạ thổ dân José được cứu thoát khỏi sự bách hại của các bộ lạc thù nghịch với Kitô giáo.

Ở trung tâm thành Caacupé có Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm và hằng năm có hơn 200 ngàn tín hữu đến hành hương nhân lễ kính Đức Mẹ. Cạnh thánh đường có một nhà nguyện cổ kính nguyên thủy và một giếng Đức Mẹ, theo lưu truyền, nước giếng có năng lực chữa bệnh.

ĐTC từ bệnh viện ở khu phố San Lorenzo, Asunción đến Đền thánh lúc qua 10 giờ sáng. Gần Đền Thánh có đông đảo các tín hữu đứng hai bên đường chào đón ngài.

Đến nơi, ĐTC đã vào bên trong thánh đường để viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện trong thinh lặng trước tượng Đức Mẹ. Ngài dâng tặng Đức Mẹ một đóa hoa hồng mầu trắng. Hiện diện trong thánh đường có hàng ngàn tín hữu, trong đó có một số nữ tu chiêm niệm.

Tại quảng trường trước Đền thánh có hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập để dự lễ với ĐTC, không kể đông đảo các tín hữu ở khu vực gần đó. Có nhiều thổ dân thuộc các bộ lạc xa xăm chèo thuyền về đây để tham dự thánh lễ và gặp gỡ ĐTC trong dịp hiếm có này. Nhiều người đến từ hôm trước và ngủ lại để dự lễ, do ĐTC cử hành bắt đầu từ lúc 10 giờ 35, và kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Ngoài ra cũng có hàng chục ngàn tín hữu từ Argentina láng giềng đến dự lễ.

Tại lễ đài bên ngoài, cạnh bàn thờ cũng có một bản sao tượng Đức Mẹ Caacupè.

Đồng tế với ĐTC có 23 GM Paraguay và hơn 20 GM khách, 24 LM của giáo phận Caacupé và nhiều linh mục thuộc các giáo phận khác.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu rằng Đền thánh này là nhà của tất cả các tín hữu. Đây là nơi lễ hội, gặp gỡ, gia đình, là nơi ta đến xin ơn tha thứ để bắt đầu lại. Tại đó ta mang cuộc sống cụ thể và đổi mới năng lực để sống niềm vui Phúc Âm. Đền thánh Đức Mẹ Caacupé là thành phần sinh tử của dân tộc Paraguay. Mẹ Maria đã thưa ”xin vâng” đối với chương trình, đối với thánh ý Thiên Chúa. Đó là một lời thưa ”xin vâng” không dễ dàng, vì không làm cho Mẹ đầy đặc ân, nhưng như cụ già Simeon nói với Mẹ, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ.

ĐTC nhận xét rằng: ”Chúng ta tìm thấy nơi Đức Maria là một người Mẹ đích thực, giúp chúng ta giữ cho niềm tin và hy vọng được sinh động giữa những hoàn cảnh phức tạp. Mẹ là một phụ nữ đầy tin tưởng, là Mẹ Giáo Hội, là người đã tin. Cuộc sống của Mẹ là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không làm cho chúng ta thất vọng, không bỏ rơi Dân của Chúa, cả khi có những lúc hoặc tình trạng dường như Chúa vắng bóng.

ĐTC nhắc lại 3 giai đoạn khó khăn trong cuộc đời của Mẹ Maria.

1. Trước tiên là khi Chúa Giêsu sinh ra. ”Không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2.7). Họ không có nhà, không có nơi để đón tiếp người con sinh ra. Và cũng có gia đình nào thân cận, thật là lẻ loi. Nơi duy nhất họ tìm được là hang súc vật.

2. Thứ hai là cuộc chạy trốn sang Ai Cập. Thánh gia phải ra đi, phải lưu lạc. Tại đó, các ngài không những chẳng có chỗ, chẳng có gia đình, nhưng cả sinh mạng của các ngài cũng bị lâm nguy. Thánh gia phải lên đường, đến một miền đất lạ. Các ngài phải chạy trốn vì vị ghen tương và ham hố quyền lực của bạo chúa.

3. Sau cùng là cái chết của Chúa Con trên thập giá. Không có tình trạng nào khó khăn hơn đối với một bà mẹ tháp tùng cái chết của một người con. Chúng ta thấy Mẹ Maria dưới chân thập giá, như mọi người mẹ, nhưng kiên vững, tháp tùng con cho đến cái chết tột cùng, cái chết trên thập giá. Và Mẹ liên kết và nâng đỡ tất cả các môn đệ.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhấn mạnh rằng Mẹ Maria đã muốn ở lại giữa dân của Mẹ, ở lại với con cái, với gia đình mình, luôn bước theo Chúa Giêsu, từ phía đám đông. Mẹ không có chương trình riêng, không đến để nói với chúng ta điều gì mới, ngoại trừ niềm tin của Mẹ tháp tùng niềm tin của chúng ta. Chính Mẹ đã và đang ở lại trong các nhà thương, các trường học, các gia cư của chúng ta. Mẹ đã và đang ở lại với chúng ta trong công việc và trong hành trình. Mẹ đã và đang ở lại nơi bàn ăn của mỗi gia đình. Mẹ đã và đang ở lại trong sự hình thành tổ quốc, biến chúng ta thành một dân nước. Luôn luôn với một sự hiện diện kín đáo và âm thầm: trong cái nhìn của một tượng ảnh, một tấm ảnh nhỏ, một ảnh đeo. Dưới dấu hiệu của một xâu chuỗi mân côi, chúng ta biết mình không lẻ loi.

Từ những ý tưởng trên đây, ĐTC đặc biệt nhắc đến các phụ nữ và các bà mẹ Paraguay, với lòng can đảm và xả thân, họ đã biết phục hồi đất nước bị tàn phá, bị sụp đổ vì chiến tranh. Ngài nói:

”Chị em có ký ức, có gia sản được lưu truyền của những bà mẹ đã tái tạo cuộc sống, niềm tin, phẩm giá của dân tộc chị em. Như Mẹ Maria, chị em đã sống những những hoàn cảnh rất khó khăn, mà cứ theo lý luận thông thường, nó trái ngược với mọi niềm tin. Như Mẹ Maria, chị em được thúc đẩy và nâng đỡ nhờ tấm gương của Mẹ, chị em đã tiếp tục tin, cả khi không có gì để hy vọng nữa (Rm 4,18). ”Chị em đã và đang tìm được sức mạnh để không bỏ mặc đất nước này trong sự hỗn độn”.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi dân chúng đừng mất ký ức, đừng mất căn cội, và bao nhiêu chứng ta, hãy sống niềm tin sinh động, niềm tin trở thành sự sống, và một cuộc sống trở thành hy vọng, niềm hy vọng đưa chúng ta tiến bước trong tình bác ái.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã đọc kinh tái phó thác dân nước Paraguay cho sự bảo trợ của Đức Mẹ. Ngày 18-5 năm 1988, khi viếng thăm Paraguay và cử hành thánh lễ tại đây, thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng cũng đã chủ sự nghi thức phó thác Paraguay cho Đức Mẹ.
 
Paraguay tưng bừng đón Đức Thánh Cha Phanxicô
VietCatholic Network
22:27 11/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 3 giờ chiều ngày 10-7-2015, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu chương trình viếng thăm tại Paraguay, chặng thứ 3 và là chặng chót trong chuyến viếng thăm mục vụ dài 8 ngày của ngài tại 3 nước Nam Mỹ: Ecuador, Bolivia và Paraguay.

Paraguay rộng 406 ngàn cây số vuông, nhưng dân số chỉ có 6 triệu 700 ngàn người, trong đó tỷ lệ Công Giáo lên tới 93,2%, gồm 6 triệu 320 ngàn người Công Giáo, thuộc 15 giáo phận, nhưng chỉ có 372 giáo xứ và 1.450 trung tâm mục vụ khác.

Paraguay có 23 GM và 800 LM, trong đó quá một nửa là các linh mục dòng, gồm 416 vị. Ngoài ra có gần 1.500 nữ tu và 207 tu huynh. Bình quân tại nước này cứ 7.860 giáo dân Công Giáo thì mới có 1 LM, tỷ lệ quá cao. Tại Paraguay, Giáo Hội đảm trách 19 trường cao đẳng và đại học, 665 trường học các cấp.

Paraguay đã phải trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ châu la tinh, từ năm 1865 đến 1870: 3 nước Argentina, Brazil và Uruguay đã liên minh với nhau, và với 200 ngàn quân, họ đánh 150 ngàn quân Paraguay, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, làm cho 300 ngàn người Paraguay thiệt mạng, cả binh sĩ lẫn thường dân. Phía liên minh có khoảng 100 ngàn người chết. Lãnh thổ của Paraguay bị 3 nước chiếm phần lớn, trong đó có 140 ngàn cây số vuông dành cho Argentina và Brazil.

Sau 2 giờ bay, vượt qua hơn 1 ngàn cây số, ĐTC đến phi trường thủ đô Asunción vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương. Trời mưa rào giống như khi Đức Gioan Phaolô 2 đến đây 27 năm về trước.

Tại Phi trường Silviio Pettirossi, trước sự hiện diện của Tổng thống Horacio Cartes, các quan chức chính quyền và các GM, ĐTC đã được đón tiếp nồng nhiệt với các vũ điệu, ca đoàn thiếu niên ”Los Nazarenos” và hoạt cảnh với sự hiện diện của các diễn viên diễn tả thánh Roco Gonzalez tử đạo tại Paraguay, Chúa Giêsu và Mẹ Maria (Đức Mẹ Caacupé), giống như các tượng được rước đi trong các ngày lễ.

ĐTC và mọi người cũng xem lại đoạn phim 2 phút chiếu cảnh đón tiếp thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng dưới trời mưa, rồi ngài rảy nước thánh làm phép bia kỷ niệm cuộc viếng thăm của thánh nhân tại Paraguay từ ngày 16 đến 18-5 năm 1988. Hồi đó nước này còn ở dưới chế độ độc tài của tướng Alfredo Stroessner, cai trị Paraguay trong 35 năm (1954-1989). Trong cuộc viếng thăm bấy giờ, Đức Gioan Phaolô 2 nói rằng: Giáo Hội không thể bị đóng khung trong các nơi thờ phượng, và Giáo Hội dấn thân thăng tiến tự do và sự liêm chính trong các lãnh vực công cộng và riêng tư, bảo vệ sự sống, bênh vực các dân quyền. Ngài nói thẳng rằng: ”Tôn trọng nhân quyền không phải là một vấn đề chính trị tùy tiện, nhưng đúng hơn, đó là điều xuất phát từ phẩm giá con người, trong tư cách là một thụ tạo của Thiên Chúa được kêu gọi tiến về một vận mạng siêu việt”.

Một năm sau cuộc viếng thăm ấy, tướng Stroessner đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh và Paraguay dần dần tiến sang chế độ dân chủ.
 
Diễn Văn của Đức GH Phanxicô khi tới Paraguay
Vũ Van An
16:03 11/07/2015
Tới Paraguay, Đức GH Phanxicô liền kêu gọi cho việc phát huy ích chung và khuyến khích các cố gắng để củng cố hòa bình và dân chủ trong quốc gia. Ngài cũng nói rằng nên dành cho việc giúp đỡ người nghèo và người túng thiếu một chỗ ưu tiên . Đức Giáo Hoàng nói những lời trên trong bài diễn văn với các nhà cầm quyền chính phủ Paraguay và các thành viên ngoại giao đoàn tại dinh tổng thống, không lâu sau khi tới Asuncion hôm thứ Sáu (10 tháng 7) trong chặng cuối cùng của chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh. Sau đây là bản văn soạn sẵn của bài diễn văn:

Kính thưa tổng thống
Kính thưa các nhà cầm quyền chính phủ cao quí
Kính thưa các thành viên của ngoại giao đoàn
Kính thưa quí bà và quí ông,

Tôi xin ngỏ lời thân chào tới ngài, thưa tổng thống, và tôi cám ơn ngài về những lời chào mừng trân trọng và thân ái nhân danh chính phủ, các nhà cầm quyền dân sự và nhân dân Paraguay thân yêu. Tôi cũng xin chào thăm các thành viên cao qúi của ngoại giao đoàn, và qua các vị, tôi muốn ngỏ lòng kính trọng và quí mến của tôi tới các nước mà quí vị đại diện.

Lời cám ơn đặc biệt cũng xin ngỏ cùng mọi cá nhân và định chế đã làm việc cực nhọc để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này và để làm cho tôi cảm nhận như mình đang ở nhà. Cảm thấy mình như đang ở nhà là điều không khó khăn gì khi hiện diện tại một lãnh thổ chào đón mình nồng hậu. Paraguay được biết như là trái tim của Mỹ Châu, không những vì địa điểm địa dư của nó, mà còn vì sự nồng ấm trong tình hiếu khách của nó và tình bằng hữu của nhân dân nó.

Từ những ngày đầu tiên giành được độc lập của xứ sở cho tới tận những ngày gần đây, Paraguay đã trải nghiệm nhiều đau khổ khủng khiếp do chiến tranh, tranh chấp huynh đệ tương tàn, thiếu tự do và khinh miệt nhân quyền. Biết bao đau khổ và chết chóc! Ấy thế nhưng nhân dân Paraguay cũng đã chứng tỏ một tinh thần kiên vững đáng ca ngợi trong việc vượt qua các nghịch cảnh và trong cố gằng xây dựng một quốc gia thịnh vượng và hòa bình. Tại đây, trong khuôn viên dinh này, một khuôn viên từng mục kích phần lớn lịch sử của đất nước, từ thời nó mới chỉ là một bờ sông được người Guaraní sử dụng, cho tới tận ngày nay, tôi muốn tỏ lòng kính trọng đối với nhiều thường dân Paraguay, mà tên tuổi không được ghi trong sách sử nhưng đã là và vẫn tiếp tục là những người chủ đạo thực sự trong đời sống quốc gia. Tôi cũng muốn nhìn nhận với lòng ngưỡng mộ sâu xa vai trò do các phụ nữ Paraguay thủ diễn trong các giờ khắc lịch sử bi thảm. Là những người mẹ, những người vợ và quả phụ, họ đã gánh vác những gánh nặng nặng nề nhất; họ đã tìm được cách thúc đẩy gia đình và đất nước của họ tiến tới, truyền dẫn nơi các thế hệ mới niềm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp hơn.

Dân tộc nào quên dĩ vãng của mình, quên lịch sử và gốc rễ của mình, đều không có tương lai. Ký ức, nếu được đặt căn bản vững chắc trên công lý và bác bỏ hận thù và mọi ước muốn trả đũa, sẽ biến dĩ vãng thành một nguồn linh hứng cho việc xây dựng một tương lai chung sống thanh thản. Nó cũng làm chúng ta hiểu được thảm kịch và sự vô nghĩa của chiến tranh. Hãy chấm dứt các cuộc chiến tranh giữa anh em với nhau! Chúng ta hãy luôn xây dựng hòa bình! Một nền hòa bình mỗi ngày mỗi mạnh mẽ hơn, một nền hòa bình tự làm cho mình được cảm nhận trong cuộc sống hàng ngày, một nền hòa bình mà mọi người góp phần vào bằng việc tìm cách tránh mọi dấu hiệu ngạo mạn, lời nói mếch lòng, khinh thường, và thay vào đó cố gắng phát huy việc hiểu biết nhau, đối thoại và hợp tác.

Mấy năm nay, Paraguay đã tìm cách xây dựng một nền dân chủ vững chắc và ổn định. Quả là thích đáng khi hài lòng nhìn nhận các tiến bộ thực hiện được theo chiều hướng này, nhờ các cố gắng của mọi người, dù giữa nhiều khó khăn to lớn và bất trắc. Tôi khuyến khích quí vị tiếp tục cố gắng để củng cố các cơ cấu và định chế dân chủ, để chúng đáp ứng được các nguyện vọng hợp pháp của nhân dân quốc gia. Hình thức cai trị mà hiến pháp của qúi vị chấp nhận, “một nền dân chủ đại diện, có tính tham gia và đa nguyên” đặt căn bản trên việc phát huy và tôn trọng nhân quyền, cần phải loại bỏ cơn cám dỗ muốn thỏa mãn với một nền dân chủ chỉ có hình thức, một nền dân chủ, như Văn Kiện Aparecida đã viết, tự bằng lòng với việc được “xây dựng trên các thủ tục bầu cử công bằng” (Văn Kiện Aparecida, 74).

Tại mỗi khu vực của xã hội, nhưng trên hết tại nền công vụ, cần thiết phải tái khẳng định rằng đối thoại là phương thế tốt nhất để phát huy ích chung, đặt căn bản trên nền văn hóa gặp gỡ, tôn trọng và nhìn nhận các dị biệt và ý kiến hợp pháp của người khác. Trong cố gắng thắng vượt tinh thần tranh chấp không ngừng, các xác tín phát sinh từ ý thức hệ hay quyền lợi phe phái phải hòa lẫn một cách thuận lợi với tình yêu đất nước và nhân dân của nó. Tình yêu này phải thúc đẩy việc gia tăng tính trong sáng trong hành chánh và các cố gắng không ngừng để chống tham nhũng.

Các bạn thân mến, trong ước muốn phục vụ và phát huy ích chung, người nghèo và người túng thiếu phải được dành chỗ ưu tiên. Paraguay đã làm khá nhiều để tiến theo con đường phát triển kinh tế. Các biện pháp quan trọng đã được chấp nhận trong các khu vực giáo dục và chăm sóc y tế. Ước mong sao mọi nhóm xã hội cố gắng bảo đảm điều này: sẽ không bao giờ còn có các trẻ em không thể đến trường, các gia đình không có nhà ở, các công nhân không có việc làm xứng đáng, các tiểu nông gia không có đất canh tác, hay các nông dân buộc phải rời khỏi đất đai của họ đổi lấy một tương lai không chắc chắn. Ước mong sao không còn bạo lực, tham nhũng và buôn bán ma túy. Cuộc phát triển kinh tế nào không thèm đếm xỉa gì tới những người yếu đuối nhất và những người kém thế thì không phải là cuộc phát triển chân chính. Tiến bộ kinh tế phải được đo lường bằng phẩm giá toàn diện của con người nhân bản, nhất là những người yếu thế và bất lực nhất.

Kính thưa tổng thống, các bạn thân mến, nhân danh các hiền huynh của tôi, tức các giám mục Paraguay, tôi muốn bảo đảm với quí vị về sự cam kết và hợp tác của Giáo Hội Công Giáo vào cố gắng chung nhằm xây dựng một xã hội công bình và bao gồm mọi người trong đó, mỗi người có thể sống trong hòa bình và hoà hợp. Tất cả chúng ta, kể cả các mục tử của Giáo Hội, đều được mời gọi quan tâm tới việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn (xem Niềm Vui Tin Mừng, 183). Đức tin vững chắc của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng tự ý muốn trở thành người, sống gữa chúng ta và chia sẻ số phận của ta, thúc giục chúng ta tiến lên phía trước. Chúa Kitô mở ra cho chúng ta con đường từ bi, một con đường, nhờ xây dựng trên công lý, đã vượt qua công lý để linh hứng các công trình bác ái, để không một ai còn tiếp tục ở lại bên lề gia đình vĩ đại này là Paraguay nữa, lãnh thổ mà qúi vị yêu mến và muốn phục vụ.

Với niềm vui lớn lao được tới đất nước vốn đã được dâng kính Nữ Trinh Caacupé này, tôi khẩn cầu Chúa chúc phúc trên mỗi người trong qúi vị, trên gia đình qúi vị và mọi người dân thân yêu của Paraguay. Cầu mong đất nước này sinh nhiều hoa trái, như đã được biểu tượng bằng hoa pasiflora trên tà áo Đức Mẹ, và cầu mong các sắc mầu quốc gia, vốn trang trí ảnh thánh ngài, lôi kéo mọi người dân Paraguay tới việc sùng kính Mẹ Caacupé.

Xin cám ơn qúi vị rất nhiều.
 
Đức Phanxicô với tuổi trẻ Paraguay: hạnh phúc và lạc thú không là một
Vũ Van An
21:43 11/07/2015
Theo tin CNA/EWTN ngày 11 tháng 7, gặp gỡ các đại diện của xã hội Paraguay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ lời đặc biệt với giới trẻ, rằng họ nên hiểu rõ: hạnh phúc là kết quả của việc làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn.

Thực vậy, tại vận động trường Leon Condou ở Asuncion, ngài nói: “tuổi trẻ là thời của những lý tưởng cao đẹp. Điều quan trọng là các con, giới trẻ, nên hiểu rằng hạnh phúc chân thực phát sinh từ việc làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn… Nó phát sinh từ việc hiểu ra rằng hạnh phúc và lạc thú không đồng nghĩa với nhau. Hạnh phúc khá đòi hỏi, nó đòi phải có dấn thân và cố gắng. Các con quá quan trọng để có thể tự thỏa mãn với việc sống cuộc sống dưới một thứ thuốc gây mê!”

Ngài nói thêm: trong khi lạc thú phù du, thì “hạnh phúc là một giấc mơ xây dựng, kiến thiết”.

Trước khi Đức Giáo Hoàng nói chuyện, ngài được nghinh đón bởi Đức Cha Adalberto Martinez Flores thuộc Tòa Bản Quyền Quân Đội Paraguay. Đức Cha nói rằng Paraguay “khẩn trương cần phải củng cố cấu trúc xã hội và luân lý của quốc gia, và cũng cần phải xây dựng và củng cố hòa bình xã hội”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã trả lời 5 câu hỏi được nêu ra bởi một người trẻ, một người bản địa, một phụ nữ nông dân, một phụ nữ kinh doanh và bộ trưởng phát triển quốc gia.

Người trẻ, vốn là người Công Giáo, ghi nhận sự bất bình đẳng ở Paraguay, các định chế yếu kém của chính phủ, tỷ lệ nghèo khổ cao, và nạn tham nhũng, nhưng bất chấp những điều này, đất nước vẫn được hưởng tự do dân sự, củng cố dân chủ và một tuổi trẻ mạnh mẽ. Anh hỏi: tình thế kê cạnh nhau này có nghĩa gì đối với triều đại huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá mà Đức Giáo Hoàng đã viết trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng năm 2013.

Trong câu trả lời, Đức Giáo Hoàng ghi nhận chủ nghĩa lý tưởng của người trẻ, và số lượng đông đảo người trẻ ở Paraguay, gọi tuổi trẻ là “nguồn phong phú hóa vĩ đại của quốc gia… Cha nghĩ rằng việc đầu tiên phải làm là bảo đảm rằng mọi năng lực kia, mọi ánh sáng kia, đừng lụi tàn dần trong trái tim các con, và phải chống lại cái não trạng đang gia tăng coi việc khát mong những điều đòi hỏi cố gắng là vô ích và phi lý. Các con hãy dấn thân vào một điều gì đó, dấn thân đối với một ai đó. Các con đừng sợ chấp nhận rủi ro. Các con đừng sợ phải cho đi điều tốt nhất của chính chúng con… các con đừng đi tìm những cửa nhỏ dễ dãi, để tránh khỏi phải làm những việc có thực chất, khó nhọc”.

Ngài cảnh giác: “Nhưng các con đừng làm một mình. Các con hãy ráng nói về những điều này giữa các con với nhau: thuận lợi từ các cuộc sống, những câu truyện và sự khôn ngoan của người cao niên, của ông bà các con. ‘Hãy phí’ nhiều thì giờ vào để lắng nghe mọi điều tốt lành các vị cần dạy các con. Các vị là những người trông coi di sản thiêng liêng của đức tin và các giá trị vốn xác định ra một dân tộc và soi sáng đường đi của dân tộc này. Các con cũng hãy tìm an ủi trong sức mạnh của cầu nguyện, trong Chúa Giêsu. Các con hãy duy trì vệc cầu nguyện hàng ngày. Người sẽ không làm các con thất vọng”.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Chúa Kitô “là bí quyết để giữ được một trái tim vui tươi trong lúc các con mưu tìm tình huynh đệ, công lý, hoà bình và phẩm giá cho mọi người… đúng, Thiên Chúa quả đảm bảo phẩm giá con người”.

Ngài bảo: tình huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá có nguy cơ “trở thành lời nói xuông. Nhưng công lý, hòa bình, tình liên đới, là những điều cụ thể… Ta cần phải làm việc trên chúng hàng ngày. Thành thử cha xin chúng con, các người trẻ, hãy làm việc trên chúng, mỗi ngày, cho dù các con có sai lầm. Nếu sai lầm, thì sửa lại và tiếp tục tiến bước”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng trả lời câu hỏi của người bản địa liên quan tới vai trò của đối thoại trong việc xây đắp xã hội. Ngài khẳng định rằng đối thoại “không dễ. Có những khó khăn phải vượt qua, và đôi lúc, xem ra các cố gắng của ta chỉ tổ làm sự việc ra khó khăn thêm”.
Ngài cho rằng đối thoại đích thực bao hàm “một dấn thân nghiêm túc” vì “cũng có những thứ như đối thoại kiểu đóng kịch, ta đóng kịch, ta đùa dỡn với việc đối thoại, rồi ta quên khuấy nói. Chỉ nói mà thôi chẳng ích lợi gì”.

Ngài nói thêm: đối thoại “giả thiết và đòi hỏi một nền văn hóa gặp gỡ… một nền văn hóa biết nhìn nhận rằng tính đa dạng không những tốt mà còn cần thiết nữa”.

“Do đó, ta không thể bắt đầu bằng cách nghĩ rằng người khác kia sai lầm. Phải tìm ích chung bằng cách bắt đầu từ các dị biệt của chúng ta, không ngừng dành chỗ cho các giải pháp mới… hãy thảo luận, suy nghĩ, và cùng nhau khám phá ra một giải pháp tốt đẹp hơn cho mọi người. Nhiều khi, nền văn hóa gặp gỡ này có thể liên lụy tới tranh chấp. Điều này hợp luận lý, thậm chí đáng ước ao nữa. Đó không phải là điều ta nên sợ sệt hay làm ngơ. Đúng hơn, ta được mời gọi giải quyết nó”.

Đức Phanxicô thêm rằng sự hợp nhất không nên “triệt tiêu các dị biệt, nhưng trải nghiệm chúng trong hiệp thông nhờ liên đới và hiểu biết nhau. Nhờ cố gắng hiểu ý nghĩ của những người khác, các trải nghiệm của họ, các hy vọng của họ, ta sẽ có khả năng thấy rõ hơn các hoài vọng chung. Đây là căn bản để gặp gỡ: tất cả chúng ta đều là anh chị em, con cùng một Cha trên trời, và mỗi người trong chúng ta, với những nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống riêng, đều có nhiều điều để đóng góp cho cộng đồng”.

“Các nền văn hóa đích thực không khép kín vào chính mình, nhưng được mời gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và sáng tạo ra các thực tại mới mẻ. Không có tiền giả thiết chủ yếu này, không có cái căn bản huynh đệ này, quả rất khó có thể tới được đối thoại. Nếu ai đó nghĩ rằng có những dân tộc, những nền văn hóa hay tình thế thuộc giai cấp hai, ba hay bốn… thì chắc chắn sự việc sẽ ra tồi tệ, vì cái tối thiểu là việc thừa nhận phẩm giá người khác không có”.

Câu hỏi thứ ba liên quan tới nghèo đói và sự bao gồm mọi người được Đức Phanxicô trả lời như sau: “phần nền tảng của việc giúp đỡ người nghèo hệ ở cung cách ta nhìn họ”. Rồi ngài thảo luận vấn đề nhìn người khác qua lăng kính ý thức hệ “các ý thức hệ luôn kết cục một cách thảm hại, chúng vô dụng. Các ý thức hệ có mối liên hệ bệnh hoạn và xấu xa, bất tương hợp với người ta… chắc chắn, các ý thức hệ và những ai theo các ý thứ hệ có ý tốt, nhưng họ kết cục ở chỗ chẳng làm nên điều gì, và nhiên hậu không chăm sóc được gì, cho người ta”.

“Phương thức có tính ý thức hệ là điều vô ích: kết cục, nó sử dụng người nghèo để phục vụ các quyền lợi chính trị hay bản thân khác. Muốn giúp họ thực sự, điều đầu tiên đối với chúng ta là thực sự quan tâm cho con người của họ, đánh giá họ vì các điều tốt của họ. Tuy nhiên, đánh giá họ cũng có nghĩa là sẵn sàng học hỏi từ nơi họ. Người nghèo có nhiều điều để dạy dỗ ta về lòng nhân, lòng tốt và sự hy sinh”.

“Là các Kitô hữu, chúng ta có thêm lý do để yêu thương và phục vụ người nghèo; vì nơi họ, ta thấy gương mặt và thịt da Chúa Kitô, Đấng đã làm cho mình ra nghèo để giúp chúng ta nên giầu có bằng chính sự nghèo khó của Người”.

Theo Đức Phanxicô, mỗi quốc gia đều cần tăng trưởng về kinh tế và phân phối sự giầu có này cho mỗi công dân của nó. Ngài thêm: “việc tạo ra sự giầu có này phải luôn luôn phục vụ ích chung, chứ không chỉ phục vụ lợi ích của một thiểu số… những người được ủy nhiệm việc phát huy phát triển kinh tế có trách nhiệm phải bảo đảm điều này: nó sẽ luôn có một bộ mặt người. Họ có trong tay họ khả thể cung cấp việc làm cho nhiều người và nhờ thế đem hy vọng lại cho nhiều gia đình”.

Nhắc đến truyền thống giáo huấn xã hội Công Giáo, Đức Phanxicô nói rằng “việc làm là một quyền lợi và nó đem lại phẩm giá. Đặt cơm bánh lên bàn ăn, dựng mái nhà che đầu cho con cái, đem lại cho chúng sức khỏe và giáo dục, toàn là những điều chủ yếu của nhân phẩm, nên các nhà kinh doanh nam nữ, các chính trị gia, các nhà kinh tế học, phải cảm nhận mình được thách thức về phương diện này. Tôi xin họ đừng chiều theo mô thức kinh tế ngẫu thần, là mô thức cần hy sinh sự sống nhân bản trên bàn thờ tiền bạc và lợi nhuận”.

“Trong kinh tế học, trong kinh doanh và trong chính trị, điều đáng kể đầu tiên và trên hết là con người nhân bản và môi trường nơi họ sinh sống”.

Rồi Đức Phanxicô đề cập tới các khu gọi là “reducciones”, tức các khu gom cư dành cho người bản địa được các nhà truyền giáo Dòng Tên thiết lập đầu tiên tại Paraguay thế kỷ 17. Ngài gọi trải nghiệm reducciones là một “trong các trải nghiệm có ý nghĩa nhất của việc phúc âm hóa và tổ chức xã hội trong lịch sử. Ở đấy Tin Mừng là linh hồn và là sự sống của các cộng đồng; các cộng đồng này không hề biết đói khát, thất nghiệp, mù chữ hay áp chế”.

“Trải nghiệm lịch sử trên cho ta thấy: cả ngày nay nữa, một xã hội nhân ái hơn vẫn là điều có thể. Ở đâu có lòng yêu người và việc sẵn lòng phục vụ họ, ở đấy có thể tạo ra các điều kiện cần thiết để mọi người có thể có những thiện ích căn bản, khiến không một ai thiếu thốn cả”.

Đức Phanxicô kết luận bằng cách nói rằng: “Quả là một niềm sảng khoái lớn lao được thấy con số và sự đa dạng của nhiều hiệp hội cùng nhau góp phần vào việc tạo ra một Paraguay mỗi ngày mỗi thịnh vượng hơn. Tôi coi anh chị em như một hợp xướng vĩ đại, mỗi người có tính chuyên biệt và sự phong phú riêng, nhưng tất cả cùng làm việc với nhau hướng về một mục tiêu hòa hợp. Đó mới là điều đáng kể”.

Rồi ngài lại nói tới công lý, và cho rằng “một điều nữa lấy mất tự do và giới hạn khả năng xây dựng một xã hội thực chất của người ta, là bệnh tống tiền văn hóa, tham nhũng, đe doạ… không có đối thoại, không ai có thể đi tới đâu. Và nếu có tống tiền, tham nhũng, đe dọa, thì ăn miếng trả miếng, sẽ có trì trệ, và đất nước sẽ chẳng đi tới đâu”.

Ngài khuyên họ : “anh chị em hãy yêu đất nước của anh chị em, yêu đồng bào của anh chị em, và trên hết, anh chị em hãy yêu người nghèo. Bằng cách này, anh chị em sẽ làm chứng trước mặt thế giới rằng một mô thức phát triển khác là điều có thể”.

“Tôi cầu xin Đức Bà Caacupé trông nom anh chị em và che chở anh chị em, cùng khuyến khích anh chị em trong mọi cố gắng của anh chị em. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Hưng Hóa và công cuộc loan báo Tin Mừng
+GM Anphong Nguyễn Hữu Long
07:19 11/07/2015
GIÁO PHẬN HƯNG HÓA VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

Đức Mẹ H'Mong
Năm 2015 này, Giáo Hội kỷ niệm 50 năm ban hành sắc lệnh truyền giáo “Ad Gentes” của công đồng Vatican II. Đây là dịp để toàn thể Giáo Hội nhìn lại việc thực thi sứ mệnh tối quan trọng này. Ủy ban Loan báo Tin Mừng thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Truyền giáo toàn quốc vào đầu tháng 9 năm 2015. Tại đại hội này, ngoài việc điểm lại thành quả 5 năm qua, xem xét hiện tình, đại hội sẽ đề ra phương hướng cho 5 năm tới.

Từ khi nhập cuộc tại giáo phận Hưng Hóa, tính đến nay đã gần hai năm, tôi học được nhiều điều nơi giáo phận rộng lớn nhất nước này (58.000 km2 trong 331.210 km2), địa bàn bao trùm 10 tỉnh thị miền Tây Bắc, giáo dân ít ỏi so với tổng số dân (235.000 giáo dân trên 6.500.000 người). Trong bài viết này, tôi muốn điểm qua những đặc trưng, những thách đố mà giáo phận này đang trải qua, cũng như hướng đi trong tương lai, đặc biệt về phương diện loan báo Tin Mừng.

1. Đặc trưng:

- Giáo phận Hưng Hóa là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số nhất: 28 trên 54 dân tộc. Sự đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, làm cho giáo phận vùng Tây Bắc này thật phong phú, muôn màu muôn vẻ. Tại mỗi tỉnh, ta có thể gặp các dân tộc trong trang phục sặc sỡ khác nhau, thấy những nếp nhà đặc thù tùy theo sắc tộc. Ta cũng thấy sự hài hòa giữa nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống trên một mảnh đất. Thật là một vườn hoa đua nở.

- Giáo phận Hưng Hóa trải dài ở cả ba địa thế: đồng bằng, trung du và thượng du. Núi đồi chiếm nhiều diện tích hơn đồng ruộng. Thượng du với dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp ở Lào Cai, Lai Châu, cho ta cảm giác mình đang gần với thiên đàng ! Tại Sapa, ta có thể trèo lên “nóc nhà Đông Dương” để nhìn xuống từ độ cao trên 3.000 mét. Đến với Hà Giang, ta như mê hồn với cao nguyên đá Đồng Văn, với Cổng Trời và Cột cờ Lũng Cú. Tại Mù Cang Chải, ruộng bậc thang thu hút không biết bao nhiêu du khách mỗi năm. Qua miền trung du, ta lại được nhìn thấy bao la bạt ngàn đồi chè và cây cọ, cây quế, cây keo lá tràm. Xuống miền đồng bằng Bắc bộ, hai giòng sông Hồng và sông Đà uốn khúc giữa những cánh đồng trồng ngô lúa đậu xanh rì. Địa thế khác biệt đã tạo cho giáo phận Hưng Hóa một vẻ đẹp nên thơ, quyến rũ.

- Cái nôi của nền văn hóa và lịch sử Việt Nam cũng nằm trong giáo phận Hưng Hóa. Từ núi Tản Viên với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, đến làng cổ Đường Lâm, nơi còn tồn tại những căn nhà từ thế kỷ 17, 18, đồng thời là một làng mà có hai vua; từ đền Âu Cơ đến đền thờ Hai Bà Trưng, nổi bật nhất là Đền Hùng ở Phú Thọ. Giáo phận Hưng Hóa cũng là nơi đón nhận Tin Mừng khá sớm, do các thừa sai đi dọc sông Hồng để giảng đạo. Đây cũng là nơi có pháp trường Năm Mẫu mà chứng tá tử đạo vẫn còn sống động với những trang sử oai hùng của các thánh Cornay Tân, Néron Bắc, Schoeffler Đông, Phaolô Mỹ, Phêrô Đường, Phêrô Truật…

2. Thách đố:

- Khi nhiều dân tộc cùng sống chung một mảnh đất nhưng ngôn ngữ, tập tục, bản sắc văn hóa lại khác nhau thì việc loan báo Tin Mừng cho họ quả là thách đố lớn. Cho đến nay, chỉ mới có bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng H’Mông do một thừa sai Pháp dịch từ lâu lắm rồi, bản dịch này cần phải nhuận chính lại vì có nhiều sai sót. Có những dân tộc thích sống trên núi cao, cách biệt với mọi dân tộc khác. Đến với họ không dễ dàng chút nào. Giáo xứ Mỹ Hưng (Yên Bái) có một họ đạo H’Mông tên là Làng Lao. Để đến với họ, phải đi bộ suốt từ sáng đến chiều tối, vì đường đi trắc trở, lên dốc xuống đồi… Việc loan báo Tin Mừng cho anh em dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh, thời cuộc. Cho đến nay, tại giáo phận Hưng Hóa chỉ mới có người H’Mông và Mường theo đạo, con số cũng ít ỏi; còn các dân tộc khác chưa hề được nghe nói về Chúa suốt bao thế kỷ nay. Phải làm sao để đem Tin Mừng đến với họ đây ?

- Giáo phận Hưng Hóa hiện chỉ mới có 80 linh mục để lo cho 235.000 giáo dân. Địa bàn giáo phận rộng mênh mông, các linh mục phải đi xa, có khi trên 100 cây số để làm mục vụ. Giáo phận cần đến 100 linh mục nữa để phục vụ nhu cầu tôn giáo cho bà con. Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa là dòng của giáo phận, được thành lập vào năm 1943, và chỉ ít năm sau đã gặp sóng gió tơi bời, cho đến gần đây mới hồi sinh. Số nhân sự lo việc truyền giáo còn ít oi, làm sao đáp lại lệnh lên đường: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta ?” (Ys 6,8).

- Từ năm 1945, đạo Công Giáo tại giáo phận Hưng Hóa gặp vô vàn khó khăn. Đây là giáo phận bị mất toàn bộ cơ sở tòa giám mục, nhà chung, trường thử, nhà thờ chính tòa tại Hưng Hóa (nay là thị trấn thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Tòa giám mục phải dời về Sơn Tây cho đến nay. Việc đào tạo linh mục bị gián đoạn lâu năm. Giáo phận bị “trống tòa”, tức không có giám mục, trong hơn 11 năm.

- Do hoàn cảnh thời thế, kéo dài rất lâu, có nơi đến 50 năm không có linh mục chăm sóc mục vụ, nên rất nhiều tín hữu đã phai lạt đức tin hoặc đánh mất đức tin. Ước đoán con số tín hữu lơ là nguội lạnh phải trên trăm ngàn. Vì thế, công cuộc tái truyền giáo tại Hưng Hóa cũng bức thiết như công cuộc truyền giáo cho muôn dân.

- Thời gian gần đây, nhờ sinh hoạt tôn giáo có phần cởi mở, trong tổng số 115 giáo xứ và hơn 500 giáo họ trong toàn giáo phận rộ lên nhu cầu xây mới, sửa chữa, nới rộng nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ, nhà mục vụ…, nhưng giáo phận quá nghèo, khó có thể đáp ứng được tài chánh, đây cũng là một thách đố cho giáo phận. Nhiều nơi giáo dân dự lễ phải ngồi ngoài sân, nắng mưa, nóng lạnh đều khốn khổ, nhiều họ đạo chưa có nhà nguyện, phải mượn nhà giáo dân để họp nhau dâng lễ.

c. Hướng tới tương lai:

- Giáo phận Hưng Hóa may mắn vẫn còn nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ. Hiện tại, giáo phận có trên 100 chủng sinh đang được đào tạo tại các chủng viện. Tuy nhiên, phải 10 năm nữa, số linh mục mới khả dĩ đáp ứng nhu cầu mục vụ. Hai giám mục giáo phận hết lòng xin các giáo phận tương trợ bằng cách “cho mượn” các linh mục trong thời hạn 5 năm; cũng như mời gọi các hội dòng gửi người đến làm việc trong cánh đồng truyền giáo bao la của giáo phận. Nhưng hiện tại, chỉ mới có một vài hội dòng đáp lại tiếng kêu mời thống thiết của giáo phận.

- Một trong những kế sách của giáo phận là quyết tâm loan báo Tin Mừng cho người dân tộc. Bốn cha Vinh Sơn đã tình nguyện đến ở các họ đạo thuần H’Mông. Cũng đã có một số chủng sinh và nữ tu H’Mông đang được đào tạo. Hiện nay mỗi kỳ hè, các chủng sinh giáo phận dành nửa tháng để học tiếng, nửa tháng sau đến các bản làng để tiếp xúc thực tế, nhờ đó gần gũi với anh em dân tộc này. Nhưng còn những dân tộc khác chưa được biết đến Tin Mừng, cả những người này cũng có quyền được trở nên con Chúa và Hội Thánh.

- Đọc lại các văn kiện của công đồng, nhất là sắc lệnh Truyền giáo và Tông đồ giáo dân, giáo phận thấy cần phải huấn luyện giáo dân tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Để làm việc này, người tín hữu cần được trang bị giáo lý cho vững vàng, điều mà do hoàn cảnh xã hội trước đây, đại đa số tín hữu không được học hỏi kỹ lưỡng. Tâm lý chung là chỉ mới giữ đạo cho mình, chưa tích cực dấn thân vào các hoạt động tông đồ. Các linh mục cũng mới chỉ lo mục vụ cho người đang giữ đạo chứ chưa lưu tâm đến người lơ là nguội lạnh. Trong chiều hướng đó, giáo phận đã đề ra kế hoạch thúc đẩy các linh mục làm mục vụ chiều sâu cho các tín hữu, và huấn luyện tông đồ giáo dân. Trung tâm mục vụ của giáo phận hàng năm tổ chức nhiều khóa đào tạo giáo lý viên và các hội đoàn Công Giáo tiến hành.

- Đạo Công Giáo trong bối cảnh xã hội tại Hưng Hóa vẫn như đang đứng bên lề, chưa hội nhập vào cuộc sống chung. Đạo vẫn còn xa lạ với rất nhiều đồng bào, chưa kể còn bị coi là thù nghịch. Người kitô hữu cần sống thế nào để mọi anh em lương dân có thể nhận ra cái đẹp, cái hay, cái đúng của đạo, nhờ đó kết tình thân ái và sánh bước với nhau.

- Ở góc nhìn lạc quan, việc loan báo Tin Mừng hay tân Phúc-Âm-hóa không phải là một điều vô vọng và không kết quả. Trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ, nhiều nơi trong giáo phận đã đề ra kế hoạch mỗi người có đạo kết thân với một người chưa biết đạo hay đang lơ là, mỗi gia đình Công Giáo kết thân với một gia đình chưa
Các em thiếu nhi ở Giàng La Pán
biết Chúa hoặc đang nguội lạnh thờ ơ, và kết quả không phải là không đáng kể.

Trong dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc (cf. Mc 4,26-29), Chúa Giêsu đã gieo niềm hy vọng về sự phát triển Nước Trời tuy chậm mà chắc, âm thầm mà mạnh mẽ, không ồn ào mà hữu hiệu, chẳng gì có thể ngăn cản bước phát triển. Giáo phận Hưng Hóa là hình ảnh hạt lúa vùi trong thửa đất sỏi đá, mục nát và nay đang vươn lên, bất chấp mọi thách đố. Chúa mời gọi mọi người tham gia vào công trình của Ngài bằng sự cộng tác nhỏ bé, từ người giáo dân tầm thường, từ những đồng tiền ít ỏi như của bà góa. Phần còn lại, chính Chúa sẽ làm, bởi “đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21,42). Các em thiếu nhi ở Giàng La Pán

+Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
 
Lớp bồi dưỡng Ban Hành Giáo hạt Hòa Thành - Hố Nai
Truyền Thông Hố Nai
09:16 11/07/2015
LỚP BỒI DƯỠNG BAN HÀNH GIÁO HẠT HÒA THANH - HỐ NAI NĂM 2015

Sáng thứ Bảy 11.7.2015, gần 800 Quý chức Ban Hành Giáo thuộc 2 hạt Hòa Thanh và Hố Nai (cụm 3), Giáo phận Xuân Lộc tập trung về nhà thờ giáo xứ Bắc Hải cha Quản hạt Hố Nai để tham dự lớp bồi dưỡng năm 2015 cũng như hành hương Năm Thánh Mừng Kim Khánh Giáo Phận.

Xem Hình

Đến dự lễ khai mạc và giảng dạy có Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Tổng Đại Diện giáo phận. Cha Giuse Nguyễn Ý Định, phó Ban Giáo Dân giáo phận. Cha Đaminh Vũ Kim Khanh, phó Ban Giáo Dân giáo phận và Cha Gioan Bt Phan Trịnh Long, thơ ký Ban Giáo Dân giáo phận.

Ngoài ra còn có 4 Chủng sinh thuộc Ban Thần học Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc đến làm MC giúp lớp học sinh động qua những bài hát điệu múa.

Đúng 8 giờ lớp học nguyện kinh khai mạc. Và tiếp đến là quý cha chia sẻ hai đề tài “Loan Báo Tin Mừng Trong Bối Cảnh Việt Nam Hôm Nay” và đề tài “Nhiệm Vụ Của Kito Hữu Giáo Dân Trong Giáo Hội Dưới Ánh Sáng Của Công Đồng Vatican II”.

Sau bữa cơm trưa tại khuôn viên nhà thờ. Đầu giờ chiều, mọi người tiếp tục lên nhà thờ nghe quý cha chia sẻ đề tài hai, cũng như đặt câu hỏi thảo luận.

Buổi học được kết thúc bằng những lời cảm ơn đến quý cha và mọi người, tiếp đến là chầu Thánh Thể, hát tạ ơn Mẹ và mọi người ra về trong niềm vui.

Việc huấn luyện BHG trong toàn giáo phận Xuân Lộc năm nay được Ban Giáo Dân tổ chức từ ngày thứ Bảy 11.7.2015 đến ngày 01.8.2015. Khóa học được chia ra làm 6 cụm, mỗi cụm có 2 giáo hạt và hạt Xuân Lộc.
Truyền Thông Hố Nai
 
Lễ Khấn Dòng tại đan viện Châu Sơn - Đơn Dương
Mai Thi
09:28 11/07/2015
ĐAN VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG: HỒNG ÂN KHẤN DÒNG

Bầu không khí tĩnh lặng của Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương đã có chút thay đổi khi hân hoan chào đón các thân nhân, ân nhân và bạn hữu của của các tân khấn sinh từ nhiều miền khác nhau về dự thánh lễ khấn dòng, được cử hành tại nhà nguyện Đan Viện lúc 9 giờ sáng ngày 11 tháng 7 năm 2015.

Xem Hình

Thánh lễ khấn dòng được tổ chức vào ngày cuối của dịp tĩnh tâm thường niên của Đan viện, nhằm ngày lễ mừng thánh tổ phụ Biển Đức - Đấng khai sáng nền tu trào đan tu tại Tây Phương vào cuối thế kỷ thứ V và tiền bán thế kỷ thứ VI. Năm nay số khấn sinh của Đan viện khá khiêm tốn: 1 thầy khấn trọng và 2 thầy khấn sơ khởi.

Về dự lễ có khỏang gần 300 khách bao gồm thân nhân, ân nhân và bạn hữu của các tân khấn sinh cũng như của Đan viện; trong đó một số nữ tu đại diện các cộng đoàn thuộc các hội dòng đang phục vụ tại hạt Đơn Dương và anh chị em giáo hữu ở lân cận nhà dòng.

Viện Phụ Maria Gioan Vianney chủ sự thánh lễ với nghi thức nhận lời khấn của các thành viên trong Đan viện. Cùng đồng tế với Viện Phụ Vianney có 20 linh mục thuộc cộng đoàn Đan Viện và một số cha khách trong hạt Đơn Dương.

Ngỏ lời với cộng đoàn phụng vụ trong phần đầu lễ, Viện Phụ giới thiệu sơ lược tiểu sử và con người thánh Biển Đức: Mặc dù sống xa chúng ta về địa lý cũng như lịch sử nhưng hành trình thực hiện ước muốn "chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa" của thánh nhân đã trở thành mẫu mực cho mọi người, đặc biệt các đan sĩ khắp nơi muốn tiếp bước theo lý tưởng ngài đã vạch ra. Trên thế giới suốt bao nhiêu thế kỷ, số các đan sĩ là môn sinh của ngài thuộc hai hội dòng Biển Đức và Xitô luôn duy trì ở mức khá phong phú.

Trong bài giảng lễ và phần huấn từ các khấn sinh tiếp sau đó, Viện Phụ nhắn nhủ các khấn sinh một khi đã can đảm và quyết tâm bước thêm một bước nữa trong giai đoạn mới qua lời khấn dòng, các thầy cần noi gương thánh tổ phụ Biển Đức qua nếp sống đan tu một cách quảng đại hơn nữa. Từ việc nghe tiếng Chúa mời gọi, sẵn sàng đáp lại bằng cuộc sống dấn thân, để mưu cầu hạnh phúc nước trời, không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người, là cả một nghệ thuật và cố gắng không ngừng. Vì đã quyết tâm bỏ lại tất cả để theo Chúa Kitô, các thầy sẽ cùng sống và cùng chết với các anh em của mình ngang qua tình huynh đệ cộng đoàn trong gia đình Đan viện. Các tân khấn sinh được mời gọi thêm can đảm để thực hiện "bước nhảy" một cách mạnh mẽ nếu muốn chiếm đọat được Thiên Chúa và hưởng phần thưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Niềm vui trong ngày thánh hiến toát lên không chỉ nơi các khấn sinh mà còn được nhân rộng ra mọi người tới chung chia niềm vui thánh thiêng trong thánh lễ khấn dòng hồng phúc. Mọi người rất cảm động khi chứng kiến nghi thức khấn dòng khép lại với việc đón nhận tân đan sĩ. Các cha anh đan sĩ trong cộng đoàn và Hội dòng rất đông đảo hân hoan tiến lên giữa gian cung thánh nguyện đường để trao hôn bình an người anh em vừa khấn trọng như một của cử chỉ của tình huynh đệ chân thành để đón nhận tân đan sĩ vào thành viên thực thụ của cộng đoàn đang lúc ca đoàn các thầy hát bài ca bác ái.

Thánh lễ kết thúc với kinh Te Deum - Tạ ơn Chúa sau đúng 2 giờ cử hành thật khoan thai và sốt sắng. Sau đó là tiệc mừng được tổ chức ở sân trước học viện Thần học.

Một ngày mùa hè thật đẹp trời và cũng là ngày hồng ân đặc biệt cho Đan Viện cũng như 3 tân khấn sinh: Với hồng ân tuyên khấn này ghi dấu đậm nét một giai đoạn mới của cuộc đời theo Chúa được diễn ra đúng trong năm thánh của Giáo Hội về đời sống thánh hiến.

Mai Thi
 
Giáo xứ Tân Việt mừng Bổn mạng Hội các bà mẹ công Giáo
Vinh sơn Trần văn Đẩu
21:48 11/07/2015
Giáo xứ Tân Việt mừng Bổn mạng Hội các bà mẹ Công Giáo

Hôm nay thứ bảy 11 tháng 7 năm 2015. Giáo xứ Tân việt mừng kính thánh Inê Lê Thị Thành Bổn mạng Hội các bà mẹ Công Giáo và mừng kỷ niệm 15 năm thành lập.

Xem Hình

Thánh lễ bắt đầu lúc 17g30 do Cha Chánh xứ Đaminh chủ tế.

Trong bài giảng, Cha chủ tế nói đến vấn đề sai đi ngày xưa và ngày nay. Chúa cũng sai chúng ta ra đi rao giảng và hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa

Cha chú tế cũng nhắc các bà mẹ Công Giáo hãy làm gương cho con cháu mình bằng việc tích cực tham gia các đoàn thể Công Giáo tiến hành, hầu cộng tác một cách tích cực và việc rao giảng tin mừng cho mọi người

Thánh lễ kết thức lúc 18g30. Trong tiếng vỗ tay chúc mừng Hội các bà mẹ nhân ngày mừng bổn mạng và kỷ niệm 15 năm ngày thành lập

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên Thánh Thể có thể cất Mình Thánh qua đêm ở nhà mình không?
Nguyễn Trọng Đa
21:30 11/07/2015
Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên Thánh Thể có thể cất Mình Thánh qua đêm ở nhà mình không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sau khi tôi trả lời ngày 13-6 về việc có thể cho một người Rước hai Mỉnh Thánh trong trường hợp khẩn cấp, một độc giả hỏi thêm: "Một nữ thừa tác viên ngoại thường được một cha xứ nói cho biết rằng sau khi đưa Mình Thánh cho các bệnh nhân mà còn dư Mình Thánh, cô có thể đưa Mình Thánh về nhà và cất vào nơi an toàn, bởi vì cô không có chìa khóa nhà thờ, vốn bị khóa lại vào thời gian cô đi đến nhà bệnh nhân. Liệu điều này được phép không, thưa cha?"


Đáp: Câu trả lời ngắn gọn là không. Bộ Giáo Luật 1983 là khá cụ thể về điểm này:

" Ðiều 934: §1. Thánh Thể:

1. phải được lưu trữ trong nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ tương tự, trong nhà thờ giáo xứ, trong nhà thờ hay nhà nguyện của một tu viện hoặc của tu đoàn tông đồ;

2. có thể được lưu trữ trong phòng nguyện của Giám Mục, và nếu có phép của Bản Quyền sở tại, trong các nhà thờ, nhà nguyện và phòng nguyện khác.

§2. Tại những nơi lưu trữ Thánh Thể, luôn luôn phải có người chăm nom và, trong mức độ có thể, một tư tế phải cử hành Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng hai lần.

Ðiều 935: Không ai được phép giữ Thánh Thể trong mình, hoặc đem đi đường với mình; trừ khi nhu cầu mục vụ khẩn trương đòi hỏi, và phải giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận.

" Ðiều 938: §1. Thánh Thể thường chỉ được lưu trữ trong một nhà tạm của nhà thờ hay nhà nguyện.

§2. Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể được đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc cầu nguyện.

§3. Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thường xuyên phải bất di dịch, làm bằng chất liệu vững chắc, không nhìn qua được, và phải khóa cẩn thận để tránh tối đa nguy cơ xúc phạm.

§4. Vì lý do quan trọng, được phép lưu trữ Thánh Thể, nhất là ban đêm, trong một nơi khác xứng đáng và an toàn hơn.

§5. Người coi sóc nhà thờ hay nhà nguyện phải liệu giữ chìa khóa nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thật chu đáo" (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Mặc dầu Điều 935, khi nói về "nhu cầu mục vụ khẩn trương", và Điều 938 §4, hình như đưa ra sự cố gắng khắc phục thời gian chậm trễ, và có lẽ đây là điều mà cha xứ nghĩ đến, tôi có thể nói rằng đây thực sự không phải là một giải pháp tốt. Trong trường hợp này, không có nhu cầu mục vụ khẩn trương, vốn đòi hỏi cất Mình Thánh ngoài Nhà Tạm qua đêm, và nơi an toàn được nhắc đến trong điểu luật kia có nghĩa là một an toàn và xứng đáng hơn chính Nhà Tạm, và tình hình này dường như không dễ có được trong một nhà riêng.

Do đó, có một số giải pháp cần thiết khác, hoặc là đảm bảo rằng tất cả Mình Thánh đều được cho rước hết, như được nói trong phần trả lời lần trước, hoặc là bảo đảm rằng có người chờ mở cửa nhà thờ và Nhà tạm, sau khi thừa tác viên ngoại thường cho bệnh nhân rước lễ trở về lại nhà thờ.

(Zenit.org 7-7-2015)

Nguyễn Trọng Đa