Ngày 09-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thực thi lòng thương xót cụ thể
Lm Đan Vinh
05:07 09/07/2019
Chúa Nhật 15 Thường Niên C
Đnl 30,10-14 ; Cl 1,15-20 ; Lc 10,25-37

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 10,25-37

(25) Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (26) Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” (27) Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình” (28) Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. (29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (30) Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy lê-vi đi tới chỗ ấy cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (33) Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy, và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.(36) Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (37) Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay gồm hai phần:
- Phần một Đức Giê-su đã đồng ý với một nhà thông luật phải giữ Luật Mô-sê là “mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như yêu mình” như điều kiện để được sống đời đời.
- Phần hai là dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân hậu, qua đó Người dạy ông phải vượt qua điều tùy phụ của Luật để thực hiện điều quan trọng hơn là thực thi bác ái phục vụ tha nhân.

3. CHÚ THÍCH:

- C 25-28: + Người thông luật: Từ này ám chỉ các Kinh sư Do thái, là những nhà thông thái hiểu biết về Luật Mô-sê và có nhiệm vụ giải thích Lề luật cho dân chúng tại các hội đường Do thái. + Đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người: Các người thông luật thường tự cao, nghĩ mình là giỏi và không cần phải hỏi ai cả. Ở đây họ hỏi Đức Giê-su chỉ nhằm thử thách và gài bẫy để có dịp bắt bẻ Người mà thôi.+ Làm gì để được sống đời đời?: Người thông luật thuộc phái Pha-ri-sêu, là phái tin có đời sau và có sự kẻ chết sống lại, nên ông đã đặt ra câu hỏi này, trái với các người phái Sa-đu-xê-ô không tin kẻ chết sống lại (x. Cv 23,6-8).+ Trong Luật đã viết gì?: Người Do thái gọi 5 cuốn sách đầu trong bộ Thánh kinh Cựu ước là các sách Luật Mô-sê vì do chính Mô-sê và các đồ đệ của ông đã viết ra. 5 cuốn sách đó là: Sáng thế ký, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật. + Ông đọc thế nào?: Đức Giê-su trả lời bằng một câu hỏi, buộc người đối thoại phải tỏ rõ lập trường của mình ra trước. + Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa...: Người thông luật đã đọc kinh Shê-ma là lời cầu nguyện hằng ngày của dân Do thái. Kinh này gồm hai câu rút ra từ 2 sách Luật là Đệ nhị luật (Đnl 6,5) và Lê-vi (Lv 19,18). Điều đó cho thấy Cựu ước đã chuẩn bị trước cho Tân ước. + Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm...”: Để được sống đời đời thì phải sống yêu thương. Lòng mến Thiên Chúa và yêu người thân cận luôn phải đi đôi với nhau.
- C 29-30: + Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý: Người thông luật muốn chứng tỏ mình thực tâm muốn tìm hiểu. Ông ta mở rộng vấn đề bằng một câu hỏi khác bên ngoài bộ Luật và độ khó nhiều hơn so với câu hỏi trước đã có sẵn đáp án trong Luật. + “Ai là người thân cận của tôi?”: Câu hỏi này mở đường cho Đức Giê-su bày tỏ quan điểm mang tính cách mạng của Người, khác với quan niệm cổ truyền hẹp hòi của các nhà thông luật của dân Do thái về đối tượng phải yêu mến. Đó là phải yêu cả kẻ thù của mình nữa! + Con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô: Con đường này dài gần 25 cây số, băng ngang hoang địa Giu-đa, thời đó có nhiều băng trộm cướp ẩn núp hoạt động.
- C 31-33: + Thầy tư tế đi xuống: Tư tế là người thuộc dòng dõi A-ha-ron có nhiệm vụ dâng chiên bò sát tế trong Đền thờ. Vị này đi xuống Giê-ri-khô vì thành này dành cho gia đình các tư tế ở. + Thầy Lê-vi¬: hay trợ tế, thuộc dòng dõi Ghéc-sôn, là một trong ba ngành lớn của dòng họ Lê-vi (x. St 46,11). Các thầy trợ tế Lê-vi có nhiệm vụ đàn hát trong các buổi thờ phượng tại Đền thờ. + Một người Sa-ma-ri kia: Sa-ma-ri là một miền đất nằm ở giữa hai miền là Ga-li-lê phía Bắc và Giuđê phía Nam của nươc Do thái. Dân miền này bị người Do thái coi là dân lai căng và khinh thường họ. Vì trong cuộc lưu đày vào năm 721, một số người Do thái ở miền này đã không bị đi lưu đày. Họ ở lại và dựng vợ gả chồng lẫn lộn với dân Ni-ni-vê từ Ba-tư kéo xuống. Dân Sa-ma-ri này thờ Đức Chúa tại núi Ga-ri-dim, và không hành hương lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem như người Do thái. Họ cũng có thái độ thiếu thân thiện như không cho những người Do thái đi hành hương Giê-ru-sa-lem vào ở trọ trong làng của họ (x. Lc 9,53).
- C 34-35: + Lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương: Người Sa-ma-ri này đã làm động tác sơ cấp cứu theo y học sơ đẳng thời bấy giơ, là dùng dầu để làm giảm đau và dùng rượu để rửa sạch vết thương. + Hai quan tiền: Tương đương 2 ngày công lao động thời đó (x Mt 20,9).
- C 36-37: + “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”: Như vậy, chúng ta sẽ trở thành thân cận của người gặp nạn kia nếu chúng ta yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ họ. + Hãy làm như vậy: Đức Giê-su chấp nhận lối xử thế của người Sa-ma-ri. Người đề nghị nhà thông luật hãy làm như người Sa-ma-ri. Tình thương Ki-tô giáo không biên giới, không cần biết người cần giúp đỡ có cùng chủng tộc, tôn giáo với mình hay không.

4. CÂU HỎI:
1) Lòng tin về mầu nhiệm kẻ chết sống lại của hai phái tôn giáo thời Đức Giê-su là Pha-ri-sêu và Sá-đu-xê-ô khác nhau thế nào ?
2) Sách Luật Mô-sê gồm có mấy cuốn và là những sách mào ?
3) Hằng ngày người Do thái ngoan đạo phải cầu nguyện bằng việc đọc kinh Shê-ma, kinh này được rút ra từ sách nào ? Lời kinh ấy nêu ra hai bổn phận nào người Do thái phải làm ?
4) Đức Giê-su dạy người Pha-ri-sêu hãy làm theo gương của ai trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy”.

2. CÂU CHUYỆN:

1) TỨ HẢI GIAI HUYNH ĐỆ:

Một đạo sĩ Ấn giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau
-"Làm thế nào để xác định lúc nào đêm cũ qua đi nhường chỗ cho ngày mới bắt đầu?"
Sau vài phút suy nghĩ, một đệ tử giơ tay xin trả lời:
-"Thưa thầy, đó là khi ta phân biệt được một con thú từ xa là con bò hay là con ngựa".
Câu trả lời đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý. một đệ tử khác lên tiếng:
-"Là khi từ đàng xa ta phân biệt được cây xoài hay cây mít".
Vị đạo sĩ lại lắc đầu. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết đáp án của thầy, ông mới ôn tồn nói:
-"Đó là khi ta nhìn vào mặt của bất cứ ai mà nhận ra đó là anh em của ta. Vì nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi".

2) TRÁNH THÁI ĐỘ THỜ Ơ TRƯỚC NỖI ĐAU CỦA THA NHÂN :

Cách đây ít lâu trang mạng Te-le-graph và các trang mạng khác ở Trung Quốc và trên thế giới đều đồng lọat phát đi một đọan video clip và bình luận về tai nạn tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông mà nan nhân là một bé gái 2 tuổi tên Duyệt Duyệt (Yue Yue) đang đi ngòai đường tại khu chợ ổ gần nhà, và đã bị một chiếc xe tải nhỏ đụng phải. Đoạn video clip từ một máy quay bảo vệ an ninh tại hiện trường cho thấy viên tài xế xe tải sau khi đụng bé Duyệt Duyệt ngã ra đường, đã chỉ dừng lai một chút rồi lại tiếp tục chạy khiến bánh sau chiếc xe cán qua người bé lần thứ 2. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở hành động phi nhân tính của gã tài xế. Chính thái độ thờ ơ của những người qua đường sau đó mới khiến người Trung Quốc băn khoăn tự hỏi không biết tương lai đất nước của họ sẽ đi về đâu ?

Thực vậy: trong suốt 7 phút từ lúc bé Duyệt Duyệt gặp nạn, lần lượt đã có tới 18 người đi ngang qua nơi cô bé bị nạn nằm trên đường, nhưng chẳng một ai quan tâm giúp đỡ. Người đầu tiên là một thanh niên mặc áo phông trắng và quần thể thao, đi qua bé gái nằm sõng soài trên đường, máu tuôn ra trên mặt, nhưng anh ta đã ngó lơ. Tiếp theo là một người đi xe đạp nhìn thấy em đã chạy vòng qua tiếp tục đi. Anh ta đã ngóai lại xem có phải một người bị nạn đang nằm ở đó hay không, rồi lại thản nhiên đạp xe đi tiếp. Khi máu tuôn ra nhiều hơn, một người đi xe đạp nữa xuất hiện. Người này không chút quan tâm tới số phận của đứa trẻ. Ba con người vô cảm vừa nói đã không giúp đỡ bé Duyệt Duyệt đáng thương, dù chỉ làm một việc đơn giản là kéo cô bé vào bên vệ đường. Sự thờ ơ của họ đã dẫn tới sự kiện một tài xế xe tải khác đi tới, do đang nói chuyện diện thọai không nhìn thấy bé Duyệt Duyệt trên đường nên đã cán xe lên người em. Sau lần bị xe đè này, bé Duyệt Duyệt đã không còn cử động nữa. Liên tiếp sau đó, rất nhiều người đi xe đạp và cả một số người đi xe chở hàng qua khu vực nạn nhân nằm vẫn không hề quan tâm tới bé Duyệt Duyệt. Cũng có một người phụ nữ dắt theo đứa con đi qua, thấy bé Duyệt Duyệt bị nạn lại rảo chân bước nhanh hơn ngang qua em...

Chỉ tới khi một nữ lao công quét đường 58 tuổi đi tới, thì bé Duyệt Duyệt mới được cứu giúp. Bà này vội hạ túi đồ xuống và lôi đứa trẻ sang một bên đường để tránh cho bé khỏi bị xe cán tiếp. Rồi bà tri hô lên yêu cầu được trợ giúp. Bấy giờ mẹ đứa trẻ nghe thấy hớt hải từ trong nhà chạy ra và vội mang con đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, sự can thiệp đã quá muộn. Các bác sĩ nói rằng bé Duyệt Duyệt do bị chảy máu nhiều nên bị suy hô hấp và còn bị chấn thương sọ não nghiêm trọng không được cấp thời cứu chữa nên khó có cơ hội hồi phục lại được và cuối cùng đã chết trong nỗi tiếc thương của cha mẹ và người thân của em.

Chính thái độ thờ ơ của nhiều người khi tai nạn xảy ra khiến bé Duyệt Duyệt đã bị chết thảm vì không được kịp thời giúp đỡ. Người cuối cùng ra tay cứu em lại là một người nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái. Còn chúng ta sẽ làm gì nếu chứng kiến cảnh bé gái bị tai nạn nói trên ?

3) CON NGƯỜI CHỈ ĐƯỢC HẠNH PHÚC KHI BIẾT QUẢNG ĐẠI CHO ĐI :

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao đặt giữa thành phố và đặt tên bức tượng là “Ông Hoàng Hạnh Phúc”, như biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc cho người dân trong thành.

Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên hỏi rằng:
- Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!
- Ông hoàng trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?
- Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương Bắc.
- Hãy làm ơn giúp ta một đêm nay thôi.
- Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì?
- Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì đứa con trai bệnh nặng mà bà lại không tiền mời bác sĩ đến chữa. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
- Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo được cho con trai khỏi bệnh.
- Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo gần đó. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác. Cứ thế hết ngày này sang ngày khác, con chim én lần lượt lấy các đồ trang sức quý giá của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã trở lạnh rất nhiều.

Vào một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én nằm chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và chim én nhỏ bé kia mang lại.

4) PHẦN THƯỞNG CỦA HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI LÀ NIỀM VUI TÂM HỒN:

Một lần kia, một người Mỹ lái xe đưa gia đình đi du lịch đến Alaska trong một nhà xe di động. Bỗng nhiên trục xe bị gãy khiến ông rơi vào tình huống khó khăn ngay ở nơi đồng trống. Ông cho vợ con xuống xe và một mình đi bộ tìm người giúp đỡ, vì lúc bấy giờ chưa có điện thoại di động như ngày nay.

Sau khi đi được một dặm thì đến một nông trại, ông vào gặp và trình bày cho chủ nông trại biết hoàn cảnh khó khăn đang gặp phải. Chủ nông trại tỏ ra thông cảm, ông ta lái xe công nông đến kéo chiếc xe và nhà xe di động về nông trại để sửa chữa hàn lại cái trục bị gãy. Khi công việc hoàn tất, người du khách nói:
- Tôi phải trả ông bao nhiêu?
- Ông không phải trả gì cả.
- Nhưng tôi nghĩ tôi phải trả công cho ông theo phép công bằng.
- Thì ông đã trả công cho tôi rồi đó.
- Ông nói gì tôi không hiểu.
- Ông đã cho tôi cảm giác hạnh phúc khi giúp được gia đình ông vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Người du khách ngạc nhiên vì đã gặp được một người tốt bụng có lòng quảng đại như vậy. Còn chúng ta sẽ làm gì để cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ không công người lâm cảnh khốn khó?

3. THẢO LUẬN:

1) Bài Tin mừng mời chúng ta hãy xét mình: “Tôi thường cư xử thế nào đối với những kẻ đang gặp hòan cảnh khó khăn?
2) Tôi cần làm gì khi gặp một người bị tai nạn trên đường để vừa thi hành được đức bác ái, lại vừa khôn ngoan phòng tránh bị hiểu lầm là chính mình đã gây ra tai nạn?

4. SUY NIỆM:

1) “Cứ làm như vậy là ông sẽ được sống đời đời” :

Người thông luật đã hỏi Đức Giê-su và sau đó ông đã tự tìm ra đáp án trong Luật Mô-sê: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như yêu chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là ông sẽ được sống”.

2) “Ai là người thân cận của tôi?” :

Người thông luật lại hỏi Đức Giê-su: “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về người Sa-ma-ri tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Đang khi hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Sa-ma-ri ngoại đạo dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc và sẵn sàng trả thêm tốn phí săn sóc nạn nhân cho chủ quán. Qua đó cho thấy người thân cận của chúng ta là mọi người đang cần được trợ giúp. Người thân cận có thể không phải ai khác mà là chính những người cùng sống chung một nhà, cùng sinh họat trong nhóm, là một bà hàng xóm, là cô bạn đang ở chung phòng, là người thân mà chúng ta đang phải chịu đựng thói hư… Tóm lại là tất cả những ai đã và đang gây ra đau khổ cho chúng ta… Tất cả đều có thể được chúng ta yêu thương và sẽ trở nên người thân của chúng ta. Chỉ cần dừng lại, cúi xuống phục vụ là họ đang từ một người xa lạ hay đáng ghét lập tức trở thành thân quen, từ kẻ thù hóa thành bạn hữu của chúng ta.

3) “Kẻ đã thực thi lòng thương xót”:

Yêu thương không chỉ là cho đi một cái gì, nhưng còn là cho đi chính bản thân, là quên mình để hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibram đã nói chí lý: "Bạn cho đi quá ít khi mới cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi". Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng muốn được yên thân, con người càng bị vong thân. Các tín hữu chúng ta chỉ trở thành con Thiên Chúa khi dám chịu thiệt thòi vì người khác như mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã phát biểu: "Ki-tô hữu là người trao ban chính thân mình cho tha nhân".
Thánh Au-gút-ti-nô dạy: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Quả thực, khi yêu rồi thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì trong bất kỳ tình huống nào. Bấy giờ chúng ta sẽ có sáng kiến để phục vụ tha nhân là những người nghèo khổ bất hạnh đang sống gần bên chúng ta cách hữu hiệu. Khi đã yêu, chúng ta sẽ biết cách làm cho một kẻ xa lạ trở thành người thân, kẻ thù địch trở nên bạn hữu theo gương người Sa-ma-ri trong Tin Mừng.

4) “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”:

Qua dụ ngôn này Đức Giê-su muốn dạy nhà thông luật và các tín hữu chúng ta bài học: hãy yêu thương bằng hành động cụ thể. Sở dĩ hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi” là vì sợ: sợ bị ô uế theo Luật khi đụng vào xác chết; Sợ bị bọn cướp quay lại; sợ bị phiền hà... Nhiều người trong chúng ta cũng không dám giúp đỡ tha nhân gặp nạn là do chúng ta cũng sợ bị tốn nhiều công sức, tiền bạc và thời giờ... Đang khi người Sa-ma-ri trong dụ ngôn đã vượt qua những nỗi sợ hãi ấy. Tông đồ Gio-an đã khuyên các tín hữu: "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm" (1 Ga 3,18).

Tình yêu thực sự đòi thể hiện bằng các hành động cụ thể cá nhân và tập thể như sau: Thực hành yêu thương hôm nay là phải biết “nghĩ đến người khác”: Sẵn sàng bị lấm lem chân tay quần áo, sẵn sàng đối mặt với những rắc rối có thể xảy ra cho mình. Vặn âm thanh vừa đủ nghe lúc ban đêm để tôn trọng láng giềng đang cần được nghỉ ngơi; Không đổ rác thải ra đường hay vứt xuống sông lạch để tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra nên có những hoạt động bác ái tập thể như chia sẻ quà Tết quà Giáng Sinh cho người nghèo, mở lớp học tình thương cho trẻ bụi đời, chăm sóc người già neo đơn… Tránh làm những gì gây phiền hà cho tha nhân. Chẳng hạn: Khi rước kiệu Thánh Thể ra đường lộ, chúng ta vừa đi vừa đọc kinh ca hát, tưởng rằng đang làm sáng danh Chúa. Nhưng có biết đâu rằng các tài xế xe hơi, xe máy và bao hành khách sợ trễ giờ hẹn lại đang bức xúc và thêm lòng thù ghét Chúa và Hội thánh...

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho mắt chúng con nhìn thấy được nỗi đau trong ánh mắt kẻ khác, đặc biệt là của các người thân trong gia đình chúng con. Xin cho tai chúng con biết lắng nghe tiếng khóc của kẻ khác, nhất là của những người cùng chung huyết thống với chúng con. Xin cho chúng con biết thương xót những ai đang lâm cảnh khốn cùng, cho chúng con đừng bao giờ phớt lờ bỏ đi vì ngại vất vả cực nhọc hay sợ bị họ lừa dối... Xin cho chúng con biết nói với họ: “Này anh, tôi có thể giúp gì được cho anh không?” rồi giúp đỡ phục vụ họ hết khả năng.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Hãy đi và hãy làm như vậy
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:11 09/07/2019
Chúa Nhật XV Thường Niên C

Ngày Chúa Nhật 10/07/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô có bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin cho những tín hữu đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: Chúng ta đừng hỏi người khác: “Ai là người thân cận của tôi ?”, nhưng hãy tự hỏi chính bản thân mình: “Tôi là người thân cận của ai ?”, khi đó Chúa Giêsu sẽ trả lời cho chúng ta: “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”, tức là hãy thực thi lòng thương xót đối với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, bằng hành động cụ thể chứ không chỉ bằng những lời nói suông; vì chưng,“bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn mới thật là bạn”.

Vào ngày thứ Hai 09/10/2017, trong bài giảng Lễ sáng tại Nguyện Đường Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy tư về thái độ của nhiều nhân vật trong dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu”.

Vị tư tế vốn là “một người của Thiên Chúa”, Thầy Lêvi một người “gần gũi với lề luật”, tất cả những người này đã đi qua người bị thương đang dở sống dở chết. Đức Giáo Hoàng nói đây là một thói quen rất phổ biến ở nơi chúng ta. Chúng ta thấy một thảm họa tồi tệ và đi qua và sau đó đọc tin về nó, đau đớn với một chút “cớ vấp phạp và tình cảm”, trong các tờ báo.

Người Samari, một người dân ngoại “đã thấy và đã không đi qua”, “ông chạnh lòng thương”. Làm cho người bị thương thành người thân cận của mình, người Samari đã đến gần nạn nhân, đã băng bó vết thương cho người ấy và đổ dầu và rượu vào vết thương. Ông đã mang theo người bị thương trên con lừa của mình đến quán trọ, rồi trả tiền cho chủ quán trọ để chăm sóc người bị thương và hứa sẽ trả thêm khoản phí thêm khi ông trở lại.

Đức Giáo Hoàng nói: Đây là mầu nhiệm về Đức Kitô là Đấng đã trở nên tôi tớ, khiêm nhường và tự hạ, chính Ngài và chết vì chúng ta. Chúa Giêsu là Người Samari Nhân Hậu, là Đấng đã mời gọi vị tiến sĩ luật hãy làm như vậy. Dụ ngôn cho thấy chiều sâu và chiều rộng của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương. Người Samari nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem xuống Giêricô, giữa đường bị bọn cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân. Họ “tránh qua” một bên để đi, thật lạnh lùng, thờ ơ!

Một người ngoại đạo Samari đi ngang, thấy người lâm nạn, chạnh lòng thương liền băng bó, đặt lên lưng lừa đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn. Người Samari “tới gần” nạn nhân nửa sống nửa chết. Ông “chạnh lòng thương” nên đã đi vào nếm cảm cảnh khốn cùng “bị tước đoạt, bị cướp bóc” như nạn nhân; chạnh lòng thương là cùng đớn đau nỗi khổ ải bất lực “nửa sống nửa chết” của người ấy. Đây chính là điều bất ngờ và làm thành ý nghĩa độc đáo của dụ ngôn.

Thầy Tư Tế, Thầy Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa họ còn là kẻ rao giảng về đạo. Họ ở trong đạo nhưng không sống đạo. Người Samari, kẻ sống đạo lại là người không có đạo.

Như thế kẻ vác đỡ thập giá cho Chúa trên con đường dài với những bước chân xiêu té cuối đời là người ngoại đạo. Kẻ tỏ lòng biết ơn khi được Chúa chữa lành là người ngoại đạo. Kẻ thể hiện lòng bác ái xót thương không phải là Tư Tế, là Lêvi, các chức sắc trong đạo mà là người Samari, người ngoại đạo.

Khi băn khoăn tự hỏi: thế nào là người bên ngoài, thế nào là người bên trong? Thế nào là có đạo, thế nào ngoại đạo?, tôi thấy trong Phúc Âm có lần Chúa Giêsu nói: Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ từ Phương Đông, Phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời, còn chính con dân trong nước lại sẽ bị đuổi ra ngoài tối tăm.

Vậy thì có một khoảng cách rất lớn giữa hiểu biết về đạo và sống đạo. Đạo thì mênh mông vô bờ bến như đất trời, làm sao có thể đem đạo vào một định nghĩa chật hẹp được? Làm sao có thể nhốt đạo vào nhà thờ? Làm sao vẽ chân dung đạo bằng tờ giấy rửa tội được? Bởi lẽ “Đạo khả đạo phi thường Đạo” ( Lão Tử).

Hiểu biết về đạo được thể hiện qua đời sống đạo. Có người nói rằng: tôi tin đạo chứ tôi không tin người có đạo. Đạo thì tốt, nhưng nhiều người có đạo lại xấu. Có nhiều người ngoại đạo lại tốt hơn người có đạo. Họ nói như thế vì họ thấy nhiều người có đạo mà lại không sống đạo của mình. Quả thật, con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay. Giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm, giữa hiểu biết và cuộc sống có một khoảng cách thật lớn.

Đức Khổng Tử đã nói chí lý: Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Nghĩa là: đạo không xa cái bản tính của người ta, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người ta thì không phải là đạo.

Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên Chúa làm người, rất gần gũi với con người. Vì con người là con đường của Giáo hội (Thánh Gioan Phaolô II). Người Đông Phương lấy chữ nhân mà định nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là lòng thương người. Ai không biết thương người khác là kẻ không xứng danh là người. Nhân bản và nhân ái có quan hệ mật thiết với nhau.

Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Thấy người bị nạn, người Samari tốt lành đã động lòng xót thương. Lương tâm và tình thương đồng loại thúc đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu Ước dạy rằng, Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không được phục vụ trong đền thờ. Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ lựa chọn lề luật. Sách luật (Lv 21) ghi rõ điều khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và người chết. Người Samari lựa chọn bác ái. Ông không ngại chạm đến người dở sống dở chết này. Ông chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân như người thân và đã vượt quá giới hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái, người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các ràng buộc của lề luật. Người ấy không bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn lề luật.

Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Ai là người thân cận của nạn nhân đã sa vào tay kẻ cướp?”. Người ấy đáp: “Người đã đem lòng từ bi thương nạn nhân”. Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ câu hỏi người thông luật: ai là người thân cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành người thân cận với tôi. Ai cũng có thể trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương yêu tôi. Chúa Giêsu nói với người thông luật: “Ông hãy đi và hãy làm như vậy”. Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.

Tiêu chuẩn để đánh giá một tôn giáo đích thực: lòng xót thương dành cho người thân cận. Tiêu chuẩn này đảo lộn lối suy nghĩ “tránh xa”. Bởi vì khi “tránh xa” con người, thì cùng lúc cũng “tránh xa” Thiên Chúa. Hóa ra, các Lêvi và Tư tế chỉ thực thi Lề Luật theo mặt chữ, tức là chỉ dừng lại ở những gì quy định của Lề Luật chứ chưa đi tới hồn của Lề Luật; họ chưa gặp gỡ Tác Giả của Lề Luật, Đấng “chạnh lòng thương”. Cách thực hành đạo như thế có nguy cơ đóng Thiên Chúa vào trong khung chật hẹp suy nghĩ của con người. Để phá tan cơn cám dỗ muốn mọi thứ phải được hệ thống hóa, kể cả Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã ví mình như người Samari. Chúa Giêsu cũng ví mình như người thân cận, Đấng chạnh lòng thương tới gần con người, khi con người bị tước đoạt đến độ “dở sống dở chết” và Ngài mời gọi chúng ta “Hãy đi và cũng hãy làm” cho mình trở thành người thân cận của Thiên Chúa và con người.

Càng hiểu biết về đạo càng phải sống đạo. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy”. Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa, Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người. Thánh Gioan viết: “Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối”. Đối với Thánh Phaolô: “Yêu thương là giữ trọn lề luật”. Lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết ta phải làm gì.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con rằng: “không phải những người cứ kêu lên Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha mới được vào mà thôi”. Xin cho Lời ấy in vào lòng trí giúp chúng con luôn biết thể hiện trong đời sống đạo hàng ngày. Amen.
 
Hàng Xóm
Lm Vũđình Tường
22:05 09/07/2019
Nói đến hàng xóm, ai cũng có câu chuyện kể về hàng xóm. Người may mắn là người có hàng xóm tốt bụng. Hàng xóm tốt coi sóc nhà hàng xóm như của chính mình. Hàng xóm tốt giả hình là người ngày đêm rình rập nhà người với mục đích riêng. Sau năm 1975 có nhiều chuyện kể về người hàng xóm. Sống nơi xóm làng chuyện đôi co giữa hàng xóm nhỏ bằng con gà, lớn hơn là con lợn và đôi khi to bằng con trâu. Gà nhà bà sang vườn nhà tôi. Lợn nhà bác ủi sạch luống rau sau nhà. Trâu nhà bác ăn lúa nhà tôi. Tất cả đều là những chuyện nhỏ được nuôi dưỡng trở thành chuyện lớn.

Hàng xóm cũng là người đầu tiên đến giúp đỡ, ủi an khi gia đình gặp tai biến. Hàng xóm cũng là người khiêng người thân mình ra nghĩa trang. Thông thường chúng ta coi hàng xóm là những người sống gần nhà mình, cùng trong xóm ngõ. Theo đó í nghĩa hàng xóm giới hạn đến độ người chung chuyến xe với mình từ quê ra tỉnh không phải là hàng xóm, người ngồi đợi đến lượt hớt tóc không phải là hàng xóm. Dụ ngôn người Samaritanô cho biết Đức Kitô muốn thay đổi quan niệm giới hạn về hàng xóm. Theo Ngài, mọi người đều là hàng xóm. Đã là con người, dù xấu tốt, cùng lí tưởng hay khác chính kiến, người đó cũng là hàng xóm. Đức Kitô dậy: 'Yêu Chúa hết sức mình... và yêu tha nhân như chính mình' Lc 10,27. Nghe thế có người luật gia hỏi Đức Kitô, xin Ngài nói rõ hơn 'Ai là người hàng xóm? c.29'.

Đức Kitô kể dụ ngôn một người đi đường bị cướp, còn bị đánh đập gần chết, để nằm dọc đường. Thầy Tư Tế đi qua lối đó, ông tránh sang một bên. Thầy Lêvi cũng trông thấy nhưng cũng tránh sang một bên. Cả hai đều không giúp nạn nhân. Người thương buôn thành Samaritanô trông thấy, ông ta xuống băng bó và gởi vào nhà trọ gần bên. Ông trả tiền cho chủ nhà trọ và hứa khi xong việc nếu còn thiếu ông sẽ trả thêm. Đức Kitô hỏi người luật gia, trong ba người ấy ai là người hàng xóm? (c.37). Người luật gia đáp người Samaritanô. Đức Kitô bảo ông. Đúng thế anh hãy đi và làm như vậy. Dụ ngôn cho biết người Samaritanô lần đầu tiên gặp nạn nhân và ông động lòng thương ra tay giúp đỡ, coi người đó như hàng xóm, bất kể người đó xấu tốt ra sao. Lòng nhân ái, thương người của ông vượt qua ngôn ngữ, màu da, phái tính và ngay cả quá khứ của nạn nhân. Câu chuyện cho biết tất cả đều là hàng xóm. Thầy Tư Tế, thầy Lêvi, và ngay cả bọn cướp đều là người hàng xóm. Thầy Tư Tế và thầy Lêvi là những người hàng xóm coi trọng luật, Họ cố gắng giữ mình khỏi bị ô uế khi chạm vào bệnh nhân mình mẩy bê bết máu. Vì lí do đó mà cả hai đều tránh sang một bên không giúp đỡ nạn nhân. Bọn cướp là hàng xóm rình rập, chỉ biết đến lợi nhuận, coi tiền bạc trọng hơn mạng sống người khác. Người Samaritanô là người có lòng thương tha nhân như chính mình và ông ta là mẫu người hàng xóm mà Đức Kitô kêu gọi mọi người sống theo hành động bác ái đó. 'Yêu người như yêu ta'.

Dụ ngôn người Samaritanô còn dậy khôn về cách xử dụng tiền bạc, của cải. Không đủ tiền để sống chính mình là nạn nhân; khi tiền bạc dư giả người khác là nạn nhân. Nhan nhản trong xã hội khi thành công gia đình tan rã, ăn chơi, lên mặt dậy đời, ra lệnh cho người này, sai bảo kẻ nọ làm điều sai trái. Dùng tiền bạc hối lộ xuyên tạc sự thật, dùng quyền thế bao che hành vị tội ác. Người Samaritanô hành xử hoàn toàn khác, ông dùng tiền bạc của mình để cứu người. Ông không mong nạn nhân trả lại. Ông không mong chủ nhà trọ giảm giá. Ông ước mong nạn nhân được chăm sóc chu đáo vì thế ông hứa khi xong việc nếu cần phải trả thêm phí tổn ông sẵn sàng. Điều này chứng tỏ ông coi mạng sống con người trọng hơn tiền bạc. Ông dùng tiền một cách khôn ngoan, dùng tiền bảo vệ sự sống. Chúng ta xin ơn khôn ngoan biết cách xử dụng của cải Chúa ban cách khôn ngoan.

Trên phương diện lớn hơn, phương diện quốc gia. Nếu lãnh tụ các quốc gia trên thế giới học được bài học này, sống theo phong cách của người thành Samaritanô, chắc chắn sẽ không có chiến tranh biên giới, sẽ không có tranh chấp Biển Đông, sẽ không có đặc khu kinh tế, sẽ không có chạy đua vũ khí. Như thế tiền thay vì dùng vào việc chế tạo, chạy đua vũ khí, hoả tiễn đầu đạn nguyên tử, tầu ngầm, máy bay tàng hình, được chuyển vào quĩ giáo dục, bệnh viện và cứu đói sẽ dồi dào, do đó đời sống dân nghèo sẽ thoải mái, thảnh thơi hơn cuộc sống hiện tại.

TiengChuong.org

Neighbours

When talking about neighbours, everyone has a story to tell. It is a blessing to have a good neighbour, because your house is secured better than any commercial security company can provide. Others know very little about their next door neighbours. Others again, lament something like: 'it is horrible to know that my next door neighbour is a criminal or a terrorist and I knew nothing about it'. It is the benefit of the unknown, otherwise they'd live in fear all the time. The common understanding of neighbours includes people who live on our right or left, and at the back or opposite of our property. We may extend it to people either seated next to us at public places or public events. When we see victims on a road side we may show some concern for them, but certainly we don't count them as our neighbours.

Our concept of neighbouring is very limited. The biblical teaching about neighbouring is for everyone: 'Love your God with all your heart .... and your neighbour as yourself'. Lk 10,27 . When a lawyer asked Jesus 'who is our neighbour?(v.29). Jesus gave a concrete example; He told the parable of a man, who happened to be beaten by the bandits, who left him half-dead on the road. Both the priest and the Levite saw the victim, but neither of them helped the man. A Samaritan saw him. He anointed and bandaged the victim, and entrusted the man to the inn keeper nearby. He covered the expenses, and promised to give extra on his way back from business. After telling the parable, Jesus asked the lawyer: 'Which of these three, do you think, proved himself a neighbour to the man who fell into the brigands' hands?'(v.37). The Samaritan proved to be a neighbour of the victim. In this context, a neighbour is a stranger, a victim, whom the Samaritan met for the first time on his way to do business. He made no distinction of personal background, occupation or race. The lawyer's answer identified the Samaritan. It didn't mean the priest, the Levite, and even the bandits, weren't qualified to be neighbours of the victim. They were all neighbours, but the Samaritan was best suited to the concept of neighbouring Jesus was teaching: 'love your neighbour as yourself'. The Samaritan loved the victim as himself. The others loved themselves more and loved the neighbour less. The Samaritan was a good neighbour who showed his compassion for those in need; the bandits were criminal (or bad neighbours) and they loved money more than life, and had no trouble in violating the rights of others just because of their greed for money. The priest and Levite were neighbours who showed more concern for keeping the law of purity than for the life of the victim on the road.

There is wisdom in learning about the use of money. When we have little money, we are in trouble; when we have too much of it, others are in trouble. The Samaritan showed that money couldn't control him, but rather he was in control of his money. We pray for that wisdom.

At the national level, we have problems with our neighbouring countries. The Arms race means we strive constantly to protect our borders from invasion by neighbouring countries. If world leaders took heed of Jesus' teaching about the concept of neighbouring, there would be plenty of extra money for spending on education, and hospital services.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm các thành viên của Bộ Tu Hội Thánh hiến và Tu Đoàn Tông đồ
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
09:07 09/07/2019
Ngày 8.7.2019, Văn phòng Báo chí Tòa thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm các thành viên của Bộ Tu Hội Thánh hiến và Tu Đoàn Tông đồ như sau:

ĐHY Angelo De Donatis, Tổng Đại diện của ĐTC tại Giáo phận Roma; ĐHY Kevin Joseph Farrell, Bộ trường Giáo dân, Gia đình và Đời sống và Chấp chính của Giáo hội Roma; ĐHY Luis Francisco Ladaria Ferrer, S.I., Bộ trường Giáo lý Đức tin; các Đức Cha Ricardo Blázquez Pérez, TGM Valladolid (Tây Ban Nha); Amilton Manoel da Silva, C.P., Giám Mục Phụ Tá Curitiba (Ba tây); Paolo Bizzeti, S.I., Đại diện Tông tòa Anatolia (Thổ nhĩ kỳ); Sebastian Francis Shaw, O.F.M., Tổng Giám Mục Lahore (Pakistan); Paskalis Bruno Syukur, O.F.M., Giám mục Bogor (Indonesia); José de Jesús González Hernández, O.F.M., Phủ doãn Jesús María (Mễ tây cơ); các Bề Trên Tổng Quyền Nam: Arturo Sosa Abascal, S.I., BT Dòng Tên; Guillermo Leon Arboleda Tamayo, O.S.B., Viện phụ Chủ tịch Hội Dòng Sublacense Cassinese thuộc Dòng Biển Đức; Saverio Cannistrà del Sacro Cuore, O.C.D., BT Carmelitani Scalzi; Robert Irvin Schieler, F.S.C., BT Dòng Lasan; Alejandro Moral Antón, O.S.A., BT Dòng thánh Augustinô; Roberto Genuin, O.F.M. Cap., BT Dòng Anh em Hèn mọn Cappuccini; Leonir Mario Chiarello, C.S., BT Truyền giáo thánh Carlo (Scalabriniani); các Bề Trên Tổng Quyền Nữ Kathleen Appler, F.d.C., BT Dòng Nữ tử Bác ái thánh Vinh sơn de Paul; Yvonne Reungoat, F.M.A., BT Tu hội Con Đức Mẹ phù hộ (Salesiane di Don Bosco); Françoise Massy, F.M.M., BT Tu hội Nữ tu Phan sinh Truyền giáo Mẹ Maria; Luigia Coccia, S.M.C., BT Tu hội Nữ tu Truyền giáo của các Mẹ đạo đức Nigrizia (Comboniane); Simona Brambilla, M.C, BT Tu hội Nữ tu Truyền giáo Mẹ an ủi; M. Rita Calvo Sanz, O.D.N., BT Tu hội Mẹ Maria; Chị Olga Krizova, Chủ tịch Tu hội đời Những thiện nguyện viên của Cha Bosco.

Đây là lần đầu tiên ĐTC bổ nhiệm 7 Bề Trên Tổng Quyền Nữ làm thành viên cùng với 7 Bề Trên Tổng Quyền Nam tại Bộ Tu Hội Thánh hiến và Tu Đoàn Tông đồ. Sự hiện diện của các Nữ tu thành viên trong các Bộ thuộc Giáo triều Roma là một trong những dấu chi nói lên ước muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô trao trách nhiệm lớn hơn cho các phụ nữ trong Giáo hội.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tác dụng tích cực của Chú Dẫn về Ấn Tích Bí Tích
Vũ Văn An
19:10 09/07/2019


Có thể quả quyết: Chú Dẫn của Tông Tòa Xá Giải về ấn tín bí tích, công bố ngày 1 tháng 7 năm 2019 (xem http://www.vietcatholic.net/News/Html/251249.htm), đã có tác dụng tích cực, ít nhất tại California, Hoa Kỳ.

Thực vậy, theo các trang mạng Công Giáo hôm nay, dự luật gọi là S.B. 360 được thượng viện tiểu bang California thông qua, nhưng trong khi đưa ra tòan thể quốc hội tiểu bang biểu quyết, đã được các nhà đề xướng thu hồi.

Điều ấy chứng tỏ: trước thái độ rõ ràng dứt khoát của Tòa Thánh, những người thử gân cốt Giáo Hội Công Giáo đành phải rút lui. Độc tại duy tương đối chỉ chịu dừng tay, khi ta đương đầu với nó thẳng thừng và cương quyết.

Theo Catholic News Service, trong một lật ngược bất ngờ, dự luật ở California đòi các linh mục phải vi phạm ấn tín bí tích xưng tội đã được các nhà bảo trợ rút lại. Thông tấn xã này nói là do chiến dịch hạ tầng phát động bởi các người Công Giáo ở tiểu bang, thành viên các nhóm tín ngưỡng khác, và các người cổ động cho tự do tôn giáo khắp nước.

Dự luật trên được thu hồi một ngày trước khi được dự tính đem ra điều trần tại Ủy Ban An Toàn Công Cộng của Quốc Hội California, với hiệu quả là sẽ không còn được xem xét nữa.

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, người đứng đầu các Giám Mục California trong chiến dịch chống đối dự luật, cho hay “S.B. 360 là một dự luật nguy hiểm. Nếu bất cứ ngành lập pháp nào cũng có thể buộc các tín hữu phải tiết lộ các suy nghĩ và tâm tư thầm kín nhất của họ chia sẻ với Thiên Chúa trong lúc xưng tội, thì thực sự không còn phạm vi nào trong cuộc sống nhân bản được tự do và an toàn khỏi chính phủ”.

Tác giả dự luật, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jerry Hill của San Mateo quyết định thu hồi dự luật sau khi được biết nó sẽ không đủ số phiếu để được Ủy Ban thông qua.

Quyết định của Ông Hill được đưa ra cùng ngày với việc Ủy Ban An Toàn Công Cộng công bố một tường trình của nhân viên nêu ra các lo ngại nghiêm trọng về Tu Chính Án Thứ Nhất và việc khả chấp pháp liên quan đến dự luật, trong khi ghi nhận rằng không một tiểu bang nào khác đã có cách tiếp cận như thế đối với bí tích.

Trong hình thức nguyên thủy của nó, dự luật S.B. 360 ra lệnh cho các linh mục phải tiết lộ bất cứ thông tin nào các ngài nghe được trong lúc xưng tội liên quan đến việc lạm dụng tình dục vị thành niên.

Một phiên bản đã tu chính, cũng vẫn bác bỏ các việc xưng tội bảo mật đối với các linh mục và các nhân viên Giáo Hội làm việc với các ngài, đã được Thượng Viện California thông qua với số phiếu 30-2 vào tháng 5, 2019.

Đức Tổng Giám Mục Gomez, trước đó, đã gọi dự luật là “một đe dọa giết chết tự do tôn giáo của mọi người Công Giáo” trong một cột báo ngày 17 tháng 5 và ngài được sự tham gia của mọi Giám Mục tiểu bang trong việc yêu cầu tín hữu thúc giục các dân biểu tiểu bang chống lại dự luật.

Bản phân tích của Ủy Ban An Toàn gi chú rằng hơn 125,000 người đã bày tỏ sự chống đối dự luật của họ cho các nhà lập pháp. Nhưng các phân tích gia Công Giáo cho rằng con số ấy thấp. Chiến dịch #KeepTheSeal (Hãy Duy Trì Ấn Tín) phát động trong tổng giáo phận Los Angeles đã thành công phân phối hơn 140,000 lá thư tới Tòa Nhà Quốc Hội ở Sacramento tính đến ngày 8 tháng 7. Ngoài ra, 16,700 điện thư của các người Công Giáo quan tâm ở Los Angeles đã được gửi cho các dân biểu.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã yêu cầu dọc lá thư đó tại mọi giáo xứ trong mọi Thánh Lễ trong các ngày cuối tuần 15-16 tháng 6.

Trong lá thư đó, ngài viết “Chúng ta không thể để chính phủ bước vào các tòa giải tội của chúng ta để áp đặt các điều khoản cho mối liên hệ đích thân của chúng ta với Chúa Giêsu”. Ngài kêu gọi các tín hữu chống đối dự luật.

Tổng giáo phận cũng lập một trang mạng, tên là KeepTheSeal.com, để các tín hữu viết cho các dân biểu của họ và học hỏi nhiều hơn về bí tích hòa giải.

Các nhà bình luận nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào được trình bầy trong dự luật cho thấy việc xưng tội đã được sử dụng để che đậy việc lạm dụng tình dục vị thành niên. Đồng thời, các lo ngại ngày càng nhiều đối với dự luật đã được gióng lên từ nhiều người Công Giáo khắp Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác.

Việc rầm rộ tường trình của các phương tiện truyền thông quốc gia và Công Giáo đã thúc đẩy phản ứng của nhiều tiếng nói Công Giáo từ nhà báo kỳ cựu John L. Allen Jr. của tờ Crux tới Bill Donahue của Catholic League. Sự rầm rộ này lên đến đỉnh cao ngày 1 tháng 7, khi Tòa Thánh ban hành một văn kiện từ vị đứng đầu Tòa án cao nhất của mình, tái xác nhận tầm quan trọng và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích.

Trong chiến dịch chống đối dự luật lần này, ngày 8 tháng 7, một bản tuyên bố, ký bởi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, Chính Thống Giáo, phái Luthêrô, Anh Giáo và Baptist cũng như đại diện các Giáo Hội Đông phương và các nhà thờ Da Đen, đã được gửi tới các thành viên của ủy ban Quốc Hội; bản tuyên bố nói rằng “chúng tôi một lòng với người Công Giáo Rôma Hoa Kỳ trong việc lên án việc tấn công vào tự do tôn giáo đại diện bởi phiên bản hiện thời của dự luật 360 của Thượng Viện California”.
 
Trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha: Đời sống tâm linh tại Nhật
Đặng Tự Do
20:05 09/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhật Bản là một quốc gia tuyệt đẹp. Quý vị và anh chị em nào chưa đến thăm quốc gia này nên đến đây du lịch. Cảnh trí thật thơ mộng và rất an ninh.

Tuy nhiên, trong các nước trên thế giới, Nhật Bản được kể là quốc gia nơi người ta sống với những hy vọng mong manh nhất, và là nơi chủ nghĩa thế tục được coi là khủng khiếp nhất. Đa số người dân Nhật không có bất cứ một niềm tin tôn giáo nào. Theo tin tưởng chung, xã hội Nhật có thể coi là một xã hội duy vật chất thậm chí nói được là vô đạo.

Hội Bach Collegium nhận xét rằng Nhật Bản là quốc gia vô thần thực tiễn. Các nước cộng sản thường áp đặt ý thức hệ vô thần lên toàn xã hội. Ở Nhật, nơi truyền thống hiếu hòa, tôn trọng khác biệt, được coi là một tiêu chuẩn ứng xử trong cuộc sống, người ta không áp đặt tư tưởng của mình lên người khác, nhưng lặng lẽ sống vô thần trong thực tiễn.

Cuộc điều tra của viện Gallop vào năm 2006 cho thấy 70% dân số Nhật không tin vào bất kỳ tôn giáo nào. Trong 30% còn lại, 15% xưng mình theo Thần Đạo (Shinto), 75% xưng mình là tín hữu Phật Giáo nhưng trong thực tế niềm tin tôn giáo không có mấy ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Điều này thể hiện rõ trong xu hướng tự tử tăng mạnh trong thanh niên và những người già cả, phá thai được dùng như cách thức kiểm soát sinh sản, và trên các xe điện đông chật ních hành khách, người ta thản nhiên xem các sách báo khiêu dâm. Đó là vài nét về tình trạng tổng quát của một cuộc sống không chút hy vọng.

Bill McKay, giám đốc cuộc điều tra về tôn giáo tại Nhật vào năm 2006 cho biết: “Có một mức độ nào đó của chủ nghĩa định mệnh trong thái độ u uất của người dân Nhật”.

Quan điểm sống của thanh niên Nhật có khuynh hướng gần với chủ nghĩa hư vô một cách đáng báo động. Trong những câu trả lời dành cho những câu hỏi của viện Gallop, tình trạng tuyệt vọng, chán chường thể hiện rõ.

Có rất ít dấu hiệu của hy vọng đời sau mặc dù xã hội Nhật, cũng như các xã hội Á Châu khác, vẫn có những dạng thức nào đó của niềm tin vào kiếp sau. Masaaki Suzuki, người sáng lập Hội Bach Collegium tại Nhật cho biết tiếng Nhật “không có một từ nào diễn tả hy vọng. Chúng tôi chỉ dùng từ ibo, nghĩa là khát vọng, hay từ nozomi - ảo vọng – để chỉ một điều gì đó không vươn tới được”.

Người dân Nhật tỏ ra cởi mở trước những truyền thống Kitô Giáo nhưng không chú ý gì đến ý nghĩa sâu xa của những truyền thống ấy. Lễ Giáng Sinh là một ví dụ điển hình. Đa số người dân Nhật mừng Giáng Sinh rất “trọng thể”. Tuy nhiên, đối đa số người dân Nhật, lễ Giáng Sinh bao gồm một cuộc hò hẹn với người tình, gà chiên, bánh Giáng Sinh và những quà tặng. Thay vì cung kính thờ lạy Chúa Hài Nhi, đa số người dân Nhật khấu đầu trước chủ nghĩa vật chất và hoàn toàn làm ngơ trước nguồn gốc và những hệ quả của biến cố Giáng Sinh.

Một thí dụ khác là ngày nay 90% các đám cưới của người Nhật diễn ra theo nghi thức Kitô Giáo với cô dâu trong áo dài trắng tiến lên bàn thờ với thánh giá nến cao đi trước, với nghi thức trao nhẫn và lời hứa chung thủy trong hôn nhân dù thịnh vượng cũng như lúc gian truân, với Thánh Ca và những đoạn Thánh Kinh, và một “thừa tác viên” bí tích hôn phối thông thường là một thầy giáo dạy Anh ngữ đến từ miền Caucase; dù cả chú rể lẫn cô dâu không một ai có đạo.

Những cử chỉ bề ngoài này dẫu sao cũng có những tác động cụ thể bên trong tâm khảm con người. Những báo cáo mới nhất cho thấy ngày nay, con số Kitô hữu tại Nhật đã nhích lên chút đỉnh và những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo tại Nhật đang tạo ra những thay đổi đáng kể.

Nam Hàn, một quốc gia kỹ nghệ với những sắc thái gần với xã hội Nhật giờ đây cũng đã có 26.3% dân số theo Công Giáo.


Source:Christian Examiner
 
Đức Thánh Cha Phanxicô vừa chấp nhận một phép lạ Y khoa không thể giải thích được
Đặng Tự Do
22:07 09/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10 giờ sáng thứ Hai 01 tháng Bẩy, trong buổi đọc kinh giờ Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự Công nghị Hồng Y tại sảnh đường Clementine trong dinh Tông Tòa về việc tuyên thánh cho các Chân Phước.

Nổi bật là Chân Phước John Henry Newman, Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo, đấng sáng lập dòng thuyết giảng thánh Philiphê Neri tại Anh.

Việc tuyên thánh cho Chân Phước John Henry Newman đã diễn ra sau khi Tòa Thánh chính thức nhìn nhận một phép lạ do lời cầu bầu của thánh nhân.

Phép lạ được công nhận liên quan đến một phụ nữ trẻ đã tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa tại Chicago và vừa kết hôn trong một cuộc hôn nhân thật mỹ mãn với người mà cô rất thương mến. Trước viễn ảnh của một sự nghiệp tươi sáng, và một mái gia đình hạnh phúc, năm 2013, cô rơi vào một tình cảnh đáng âu lo khi bác sĩ báo cho cô biết cái thai của cô có vấn đề rất nghiêm trọng đến tính mạng.

Người phụ nữ đang cười thật tươi mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là Cô Melissa Villalobos, 42 tuổi, cư ngụ tại Chicago, là người đã nhận được phép lạ này.

Trong tuần qua, cô đã lên tiếng trên tờ Chicago Catholic về phép lạ kỳ diệu vừa nêu. Bài viết của cô, và các cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã lập tức thu hút sự chú ý rất lớn tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý.

Villalobos cho biết: “Vào năm 2011, chồng tôi đã mang về nhà một vài tấm hình Đức Hồng Y Newman. Tôi đặt một cái trong phòng gia đình và một cái trong phòng ngủ chính của chúng tôi.”

“Tôi thường mang những hình ảnh này đi khắp mọi nơi trong nhà và thầm thì thưa với ngài về nhu cầu của gia đình chúng tôi - những đứa trẻ, chồng tôi, chính tôi. Dần dà, tôi phát triển thành một thói quen đối thoại rất thường xuyên với ngài,” Villalobos, bà mẹ trẻ nhưng đã có bảy đứa con, nói.

Những lời cầu nguyện của cô đã có một kết quả kỳ diệu vào năm 2013 khi cô bắt đầu chảy máu trong ba tháng đầu của thai kỳ. Vào thời điểm đó, cô có bốn đứa con - 6 tuổi, 5, 3 và 1 - và một lần mang thai trước đó đã kết thúc vì sảy thai.

“Khi tôi đi khám bác sĩ, kết quả siêu âm cho thấy nhau thai đã bị tách ra một phần từ thành tử cung, vì vậy có một lỗ thủng của nhau thai và máu thoát ra ngoài từ đó,” cô nói.

Villalobos cũng bị một khối máu tụ trong tử cung. Đó là cục máu đông to gấp hai lần rưỡi em bé.

Ngày 10 tháng 5 năm 2013, cô bị xuất huyết nặng phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi qua cơn nguy hiểm, các bác sĩ khuyên cô nên phá thai vì mang thai trong hoàn cảnh như thế quá nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ cũng cảnh cáo rằng cô có nhiều khả năng sảy thai và nếu cháu bé có thể chào đời, nó sẽ là đứa bé sinh non.

Là người Công Giáo, Villalobos nói với các bác sĩ thà chết nhất định không phá thai. Không thuyết phục được cô phá thai, họ khuyên cô nằm nghỉ ngơi nhiều ngày tại bệnh viện để đề phòng các biến chứng. Cô cũng từ chối đề nghị này vì chồng cô phải đi công tác tại Atlanta, không có ai chăm sóc cho các cháu nhỏ ở nhà nếu cô nằm nghỉ lâu tại bệnh viện.

Hai ngày sau khi từ bệnh viện về nhà, khi chồng cô đang trên máy bay đi Atlanta, Villalobos thức giấc thấy mình đang nằm trên một vũng máu. Cô đã định gọi 911 để kêu xe cứu thương nhưng chần chừ vì không biết ai có thể chăm sóc cho các cháu nhỏ nếu cô vào nhà thương. Cô rán lết vào trong phòng tắm nhưng ngã quỵ xuống sàn nhà.

Cô muốn hét lên cầu cứu nhưng e rằng các cháu không thể nghe tiếng cô vì cô đang ở trên lầu và các cháu đang ở dưới nhà.

Cô hy vọng một trong những đứa con của mình sẽ lang thang lên lầu để cô có thể cầu cứu, nhưng chẳng có đứa nào bước lên.

Cô lo mình sẽ mất đi đứa con chưa chào đời, và tự hỏi liệu cô có chết không. Trong lúc bối rối đó, Villalobos đã thốt lên lời cầu nguyện định mệnh của mình.

Villalobos nói: “Xin Đức Hồng Y Newman, cứu con. Xin làm cho máu ngừng chảy. Đó là chính xác những lời cầu nguyện của tôi vào thời khắc đó. Ngay sau đó, ngay khi tôi nói xong câu đó, máu đã ngừng chảy.”

“Ngay lúc đó, mùi hương của hoa hồng tràn ngập phòng tắm,” Villobos nói. “Mùi hương mạnh nhất của hoa hồng tôi đã từng ngửi thấy đã kích thích và tôi cảm thấy có đủ sức lực đứng dậy. Khi nhận ra không còn chảy máu nữa, tôi nói ‘Cảm ơn, Đức Hồng Y Newman. Cảm ơn ngài’”.

Các bác sĩ đang điều trị cho cô nhận thấy cô hoàn toàn hồi phục và báo cáo rằng họ không có lời giải thích nào về mặt y khoa trước sự phục hồi đột ngột và kỳ diệu của cô.

Bé Gemma chào đời ngày 27 tháng 12 năm 2013, sau khi mang thai đầy đủ, nặng 3.64kg. Cả mẹ lẫn con đều hoàn toàn khoẻ mạnh.

Các viên chức từ Tổng giáo phận Chicago đã điều tra nghiêm ngặt những lời khai của Villalobos và trình lên Tòa Thánh. Hội Đồng Y Khoa của Bộ Tuyên Thánh đã cứu xét trường hợp này trong gần 5 năm.

Tháng 12 năm ngoái 2108, Tổng Giáo Phận Chicago và Bộ Tuyên Thánh đã công nhận đây là một phép lạ do lời cầu bầu của Chân Phước Hồng Y John Henry Newman. Biến cố này dọn đường cho việc tuyên thánh dành cho ngài như vừa xảy ra trong Công Nghị ngày 1 tháng Bẩy.


Source:Chicago Catholic
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
120 Bạn Tham Gia Ngày Hội Ơn Gọi Dòng Đa Minh Rosa Lima
Nữ tu Giang Thy
08:47 09/07/2019
Ngay từ sáng sớm ngày 7 tháng 7 năm 2019, không khí tu viện Martino, nơi có các em Thỉnh Sinh của Dòng Đa Minh Rosa Lima nhộn nhịp hẳn lên: Nhóm dưới sân lo hoàn tất khâu trang trí, nhóm nhà cơm lo phần chăm sóc các chị em mới đến từ tối hôm trước, nhóm ngoài cổng cũng tất bật lo tiếp đón các bạn mới. Mỗi người mỗi việc, tiếng nói cười vang lên rộn rã một góc trời. Đến với ngày tìm hiểu ơn gọi có khoảng 120 em trong đó có hơn 60 mới tham gia. Đây là lần tổ chức thứ hai trong mùa hè năm nay với chủ đề Nguyện Theo Ngài.

Xem Hình

Sau phần đón tiếp là các trò chơi tạo tình thân. Tuy mục đích là vậy, nhưng khó để xác định bạn mới bạn cũ, nơi các em như đã có sự quen biết từ trước. Âu cũng là cái duyên của những người cùng tìm hiểu một lý tưởng. Dì Trưởng ban Đào tạo Thúy Phượng có chút tâm tình nhắn gởi với các em, Dì bộc lộ niềm vui của Hội dòng khi được đón các em tìm hiểu ơn gọi, nhân đây Dì cũng chính thức khai mạc ngày hội và trao quyền điều hành cho Dì Minh Du- Trưởng ban Ơn Gọi của Hội Dòng. Dì Gíao Thỉnh Sinh Thanh Thúy nhẹ nhàng trao gởi đến các em các việc cần thực hiện khi sống chung.

Phần sinh hoạt vòng tròn như phần khởi động làm nóng lên những tâm hồn trẻ trung sôi động. Song song với hoạt động này là việc kết cỗ tràng hạt bằng chính những ước mong của các em khi đến với Hội dòng. Bất cứ ai cũng cảm động khi cỗ tràng hạt được hoàn tất từ những mơ ước rất thánh thiện và trong sáng ấy, tựu trung là ý hướng muốn nhận ra tiếng Chúa- một tiếng gọi nhẹ giữa vô vàn tiếng nói giữa cuộc đời.

Tiếp theo là phần trò chơi vận động. Đây được đánh giá là là phần náo động nhất trong ngày. Bởi các trò chơi mang tính tập thể, sự phối hợp ăn ý và thêm phần mạo hiểm. Trải qua năm trò chơi là sự đúc kết của một hành trình ơn gọi: Lắng nghe tiếng Chúa, trung thành bước theo Thầy Chí Thánh, sống sứ vụ, trải qua thử thách vẫn không từ nan và hoa trái của Tình yêu. Điểm nổi bật không thể không nhắc tới là chính các bạn thanh nữ nói lên ý nghĩa của các trò chơi và ban tổ chức rất hài lòng về điều này. Sự nhạy bén và cảm nhận của các em khiến các trò chơi mang màu sắc tâm linh và giáo dục sâu sắc. Điều đó chứng tỏ qua thái độ của các em khi ban tổ chức công bố kết quả trò chơi, cho dẫu điểm số như thế nào thì phần cỗ vũ và vui mừng đều không dừng lại. Tất cả các bạn ấy đều chiến thắng. Từ chỗ xa lạ chưa từng gặp mặt mà chỉ qua vài tiếng đồng hồ các bạn ấy đã vượt lên chính mình và hòa nhập với sự trẻ trung, năng động, sáng tạo và hiểu nhau cũng như dần dần nghe được tiếng Chúa nói với mình qua các hoạt động và những chị em mà các bạn gặp gỡ.

Sau ít phút giải lao và chụp hình lưu niệm là bữa cơm thắm tình gia đình. Đây cũng là cơ hội để chị em lo lắng, chăm sóc nhau dễ thương nhất. Những câu thăm hỏi, tìm hiểu về người chị em được các em tận dụng tối đa. Ngay đến giờ nghỉ trưa tạm dùng để bọc lộ tài sáng tạo và tinh thần đồng đội thể hiện qua các tờ báo tường đặc sắc của các em.

Nhân dịp này, các chị em Tập viện cũng đóng góp các điệu múa uyển chuyển mềm mại và tiết mục kịch về sự kiên nhẫn để đáp lại tiếng Chúa. Tuy là diễn viên nghiệp dư nhưng đã lấy bao nước mắc của khán giả. Tiếng nấc nghẹn ngào đâu đó trong khán phòng nói lên sự rung động của trái tim trước sự giằng co mãnh liệt và liên lỉ.

Đây cũng là lần đầu tiên các em được nhìn tận mắt, nghe tận nơi một người mẹ, người chị đã trải qua những thăng trầm của Hội dòng. Đó là Dì nguyên Bề Trên Tổng Quyền Agnes Nguyễn Thị Thịnh. Dì giới thiệu về Hội dòng với những thay đổi theo thời cuộc, năm cột trụ kết nên tinh thần của người nữ tu Đaminh. Qua mỗi ý tưởng, Dì lấy ví dụ từ chính các chị em trong Hội dòng, đó là những nhân chứng sống động và gần gũi hơn bao giờ hết.

Đánh động tâm hồn của các em hơn cả có thể là bài chia sẻ của Cha giáo Vinh dòng Don Bosco. Bài chia sẻ vui nhộn với những kinh nghiệm tâm linh từ bản thân được đan kết nhẹ nhàng bằng các câu chuyện dí dỏm khiến nội dung thật hấp dẫn: Sống ý hướng ngay lành, sống đơn giản lành thánh từ trong ánh mắt, lời nói, suy nghĩ về chị em. Điều này cũng được kéo dài đến bài giảng lễ: Bình an bắt đầu từ Chúa, khi ta có Chúa, ta sẽ có bình an, ta trao bình an cho người chị em. Qủa là không dễ để có được bình an đích thực nhưng cũng không phải là bế tắt đối với người đang muốn thực hiện lời Chúa trong cuộc đời mình.

Kết thúc thánh lễ là bữa tối thanh đạm nhưng tràn ngập hạnh phúc. Đâu đây vang lên một số câu nói của Cha giảng lễ, một số khác lại tấm tắc cho các ý lực sống được thu nhặt suốt ngày sinh hoạt. Ước mong sao tâm tình của các em mãi còn tươi mới như ngày hôm nay, tiếng cười của các em thêm giòn giã như buổi đầu gặp nhau này, và nguyện ước của các em mỗi ngày thêm rõ nét từ chính những kết tạo đơn sơ thuở nào.

Ngày thứ hai, các bạn thanh nữ được đi tham quan và làm quen các sinh hoạt thường nhật trong tu viện: Thánh lễ, nguyện kinh, dạy trẻ, nhà thuốc, làm bếp, sắp bàn và thăm các Dì cao niên. Các bạn cũng trải qua một kỳ thi về giáo lý, nhân bản và viết một bài văn. Buổi chiều các bạn được lắng nghe và xem những hình ảnh hoạt động của Hội Dòng tại các cộng đoàn. Nhiều ánh mắt rạng rỡ, đăm chiêu, tươi sáng, những mái đầu gật gù... như thể tiếng lòng các bạn đang dấy nhiều câu hỏi hoặc như đã tìm ra lời giải đáp cho Ơn gọi của mình

Hy vọng những ấn tượng ban đầu sẽ còn mãi trong các em. Với sự hiện diện của các em đã là dấu chỉ cho những hoa trái ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Hội dòng. Thương chúc các em tìm được nơi đây bao tâm tình đón đợi, Em nhé!

Nữ tu Giang Thy
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Trả lời một số thắc mắc phụng vụ
Nguyễn Trọn Đa
09:11 09/07/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liên quan đến một số thay đổi được thực hiện sau khi ban hành Novus Ordo (Lễ quy mới) của Đức Thánh Cha Phaolô VI, liệu các điều sau đây là "tùy chọn" cho chủ tế không? Tất cả đều được thực hành tại giáo xứ truyền thống của con, nhưng con tự hỏi liệu chúng có là đúng không. - J. D., Detroit, Michigan, Hoa Kỳ.

Đáp: Do bạn đọc này đưa ra một danh sách, chúng tôi sẽ cố gắng trả lời từng thắc mắc một. Bởi sự cần thiết, các câu trả lời sẽ có phần ngắn gọn mà không nêu ra các nguồn, và để lại một số cân nhắc mục vụ, vốn có thể làm dịu đi các câu trả lời

- "Xưng tội mặt đối mặt được không?"

Điều này nằm trong quyền của linh mục, là người có thể khăng khăng sử dụng tòa giải tội ngay cả khi hối nhân yêu cầu xưng tội mặt đối mặt. Hầu hết các linh mục thực hiện uyển chuyển điểm này, nhưng một số linh mục có lý do mạnh để không tham gia vào việc giải tội mặt đối mặt. Hối nhân cũng nên linh hoạt điểm này khi tôn trọng lương tâm của linh mục.

- "Việc rước lễ chỉ được thực hiện bằng cách chấm bánh (do đó, không có rước lễ trên tay); quỳ khi rước lễ (có thể đứng để rước lễ nếu cần".

Thông thường, chính cá nhân người Công Giáo quyết định cách rước lễ tại các dất nước, mà việc rước lễ trên tay là được phép. Tuy nhiên, nếu linh mục chọn cách cho rước lễ bằng chấm bánh, thì tùy chọn rước lễ bằng tay của tín hữu là không thể thực hiện được. Nếu, vì một lý do tốt lành, một thành viên đặc biệt của tín hữu không muốn rước Máu Thánh, thì người ấy phải được phép rước Mình Thánh hoặc trên tay hoặc trên lưỡi.

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã quyết định rằng cách thức thông thường của việc Rước lễ là đứng và tiếp cận bàn thờ trong đoàn rước. Thay vì một luật thật vững chắc, quy định này mô tả sự thực hành phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Các tín hữu có thể quỳ nếu đó là thói tục ở địa phương, và việc sử dụng hàng rào chấn song là không bị cấm.

- "Không "chúc hôn bình an” ngay cả trong ngày Chúa Nhật ('Anh chị em chúc bình an cho nhau’ là không còn nữa".

Tôi thật ngạc nhiên về điều này, vì đối với nhiều người, đây thực sự là một cử chỉ tùy chọn ngay cả vào ngày Chúa Nhật.

- "Không có người nữ giúp lễ…. Không có thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ".

Như được các tài liệu khác nhau của Tòa Thánh trình bày, Đức Giám Mục có thể cho phép, nhưng không bắt buộc, cha xứ cho phép người nữ giúp lễ. Nếu cha xứ không muốn thực hiện tùy chọn này, thì đó là quyền của ngài. Tương tự như vậy, nếu cha xứ cho rằng giáo xứ chưa cần "các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ" bởi vì đã có đủ linh mục, thì ngài chưa cần có thừa tác viên này.

- "Không có người nữ đọc bài đọc"

Nếu tất cả các người đọc bài đọc là độc viên được chính thức thiết định bởi Giám mục (một thừa tác chỉ dành cho người nam), thì phụ nữ sẽ bị loại trừ theo mặc định. Đây sẽ là một tình huống rất khó xảy ra trong một giáo xứ, và do đó các độc viên đều là nam giới. Nếu đúng như vậy, thì sẽ là không đúng để loại trừ phụ nữ khỏi việc đọc sách, vì luật phụng vụ không có sự phân biệt nào về việc ai có thể thực hiện thừa tác đọc sách không được thiết định.

- "Đọc kinh kính Tổng lãnh thiên thần Micae trước khi chúc lành".

Việc đọc kinh này không còn là một phần của phụng vụ Thánh Lễ, và bây giờ được xếp loại vào việc đạo đức. Như vậy, nó có thể được đọc như là một tập tục lâu đời, nhưng tốt nhất là sau Thánh lễ, và không được đưa vào chính phụng vụ.

- “Đặt Mình Thánh và Chầu Thánh Thể ngay sau Thánh lễ Chúa Nhật. (Việc này thay cho lời chúc lành cuối Thánh lễ, và rất ngắn: Đặt Mình Thánh, đọc Kinh chúc tụng Thiên Chúa, phép lành với Mình Thánh, đưa Mình Thánh vào nhà tạm”.

Đây chắc chắn là một sai lỗi. Các quy định phụng vụ cấm cách minh nhiên đặt Mình Thánh để ban phép lành. Phải luôn cần có một thời gian ngắn nhưng vừa đủ để chầu Thánh Thể. Mặc dù tôi không biết về thời gian yêu cầu tối thiểu cho việc chầu Thánh Thể, tôi nghĩ khoảng 20 đến 30 phút là vừa đủ.

- "Linh mục dâng lễ về hướng đông ở bàn thờ chính cũ (bàn thờ theo Lễ Quy Novus Ordo mới vẫn ở giữa cung thánh nhưng không được sử dụng)".

Trong khi chữ đỏ của Sách lễ Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tiên liệu khả năng cử hành Thánh lễ về hướng đông, chữ đỏ yêu cầu chỉ có một bàn thờ chính, và bàn thờ đó có thể ở yên một chỗ, để nó có thể được xông hương chung quanh.

Linh mục vẫn có thể cử hành Thánh lễ về hướng đông, nhưng sẽ là chính xác hơn khi cử hành nghi lễ Rôma hiện tại, và sử dụng bàn thờ mới, chứ không phải bàn thờ cũ trước đây. (Zenit.org 8-1-2008)

Nguyễn Trọng Đa

http://www.ewtn.com/library/liturgy/zlitur204.htm
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Paris Một Ngày Đẹp
Dominic Đức Nguyễn
21:28 09/07/2019
PARIS MỘT NGÀY ĐẸP
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Paris ngày đẹp thật vui
Trời xanh mây trắng, dập dìu giai nhân
(bt)