Ngày 09-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
18:51 09/07/2011

Chuyện Phiếm Đạo Đời:
“Đừng trách người ơi, tội thân em!”
“làm sao bắt con tim vâng lời,
làm khổ đời nhau, gì vui đâu,
một khi thế gian này điên đảo.”
(Lê Hựu Hà – Đừng Trách Người Ơi)
( 1P 4: 12-14)
Đi vào đời, đôi lúc bần đạo cũng nghĩ như thế. Tức, không dông dài kể lể những chuyện trách móc, “tội thân em”. Cả chuyện “làm khổ đời nhau, (có) gì vui đâu”? Bởi, “một khi thế gian này (đã) điên đảo”, thì chuyện trách và móc chỉ lao xao. Ồn ào. Nhiều lý sự. Thứ lý sự, dẫn đến cãi tranh/biện luận để rồi tối tối ngồi nghĩ lại, thấy mình cũng hơi quá. Quá trớn. Quá lời. Và, quá đáng chăng?
Hôm nay, nhớ lại bài hát của nghệ sĩ nhà họ Lê đã bao gồm nhiều ca từ làm ta suy nghĩ:

“Có những điều mà con tim,
Vì say đắm hóa ra yếu mềm
Để bây giờ dù thương đau
Đành im tiếng ...”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Những điều khiến con tim hoá “ra yếu mềm”? Phải chăng vì: say đắm? Để rồi đành im hơi, lặng tiếng? Phải chăng, nghệ sĩ mình cũng có nỗi sầu riêng bóng, nên mới nhủ:

“Nỗi đau này, nào riêng ai
Tình kia đã khát khao tháng ngày
Để bây giờ nhìn ngoảnh lại
Chẳng ai còn đây…”
(Lệ Hựu Hà – bđd)

À thì ra, những sự và việc khiến người/khiến mình “nhìn ngoảnh lại” thấy “chẳng ai còn đây”! Chẳng còn ai” và “chẳng ai còn…”, phải chăng là đoạn đường dài đời đi Đạo, người cũng thấy ít hăng say tỏ bày nỗi bất đồng với Hội (rất) thánh trên cao tít, ở Giáo triều? Hoặc, các “Đấng” nay bị chiếu cố. Tố khổ, thế cũng tội!?
Quả là, ở với đời tưởng chừng chiêm bao, vẫn nhiều “cay đắng lẫn ngọt ngào”, và “con tim dại khờ (cứ) nung nấu!” Những tim con hôm nay không chắc đã dại khờ, nhưng vẫn nung nấu một tình thơ, người đều ghi tạc:

“Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách:
đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em.
Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu,
anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện,
anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.”
(1P 4: 12-13)

Nghe thánh nhân chịu nhiều chê trách/tố khổ, phải chăng đó cũng là thân phận của đấng bậc ở trên cao, vẫn được gọi là Đầy-Tớ-của-các-đầy-tớ-Chúa? Phải chăng đó còn là ý nghĩa của câu hát:

“Đừng hỏi vì sao mình yêu nhau
Nào ai biết đâu mây xanh mầu
Đừng hỏi tại sao mình xa nhau
Làm sao giữ được làn hư ảo.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Nói gần nói xa chẳng qua nói… liền. Nói lập tức. Tức, nói về sự kiện gây khúc mắc xảy đến với giáo phận Toowoomba, ở Úc. Trước nhất, hãy nói về một tin tức như sau:

“ĐGM Bill Morris, chủ quản giáo phận Toowoomba có ra một thông báo bảo rằng: ngài phải đệ đơn từ chức là vì sức ép của La Mã từng tạo nghiệt ngã cho giáo phận ở đây...
Bày tỏ về tai tiếng trong các vụ ấu dâm và cung cách giải quyết vấn đề không nghiêm túc, khiến Hội thánh Úc bị tê bại, ĐGM Morris cũng đã làm động tác giống nơi khác, tức: làm gương sáng cho nhiều người. Khi xảy ra các vụ phàn nàn về hành xử của một số linh mục ở Úc đã sai trái, GM Morris rất cương nghị. Ngài là một trong các giám mục đầu tiên ở Úc chấp nhận trách nhiệm pháp lý về các “xách nhiễu tình dục” trong giáo hội sở tại.

Rõ ràng là, việc cách chức ĐGM Morris tạo nên những mất mát không nhỏ, không chỉ cho cộng đoàn TooWoomba thôi, mà còn gây “mất đoàn kết” trong Hội thánh nữa…” (x. Lm Andrew Hamilton sj, www.eurekastreet.com.au 02/05/2011)

Hai ngày sau, cũng vị giáo sư thần học nổi tiếng Dòng Tên ở Úc, lại có thêm một giòng chảy:

“Việc ĐGM Morris bị áp lực phải hồi hưu tạo nhiều vấn đề, khá khúc mắc. Rất khó giải. Bởi, chứng cứ đưa ra để chống lại ngài và các ước định xuất phát từ đó, không được phổ biến công khai để mọi người biết.

Thư luân lưu ĐGM Morris gửi cộng đoàn giáo phận Toowoomba trước khi ngài về hưu, đề cập đến vấn đề khá bức bách. Trong tư có đoạn viết: “Tôi chưa được đọc bản cáo trạng cũng như thủ tục tố tụng lẽ đáng ra phải được vị Kinh Lược là TGM Charles Chaput trao cho tôi, nên sự việc này không những không giải quyết được gì mà còn chối bỏ quyền pháp định thông thường khả dĩ cho phép tôi có được người bào chữa chính đáng để biện hộ. Đức Giáo Hoàng cũng xác nhận điều ấy khi ngài nói với tôi: “Giáo luật không trù liệu thủ tục pháp lý nào dành cho giám mục được Đấng Kế vị thánh Phêrô đề cử hoặc cách chức, cả.”

Người ngoài cuộc, thường qui chiếu hệ thống pháp lý của Anh để thấy rằng vụ việc kể trên chừng như vẫn thiếu xót thủ tục pháp lý và công lý rất cần; do đó, có thể coi đây như một vụ tai tiếng khác. Dĩ nhiên, hệ thống pháp lý của Hội thánh không dựa trên luật của Anh, trái lại còn đi xa và đi ngược lại. Cũng có thể, hệ thống này đưa ra một bảo đảm về luật pháp mà người ngoại cuộc không nắm bắt, chăng?

Sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp lý trên vẫn khiến cho các quan sát viên Công giáo có thắc mắc: sao Đức Giáo Hoàng lại chối từ một thủ tục pháp lý như thế, cho đúng với cương vị của ngài? Có vị còn nghĩ: có thể mọi người cho là: ở cương vị tối cao của ngài, Đức Giáo Hoàng được miễn không cần theo thủ tục pháp lý thường có, đối với hệ thống pháp luật khác.

Muốn hiểu được quan điểm của Đức Giáo Hoàng, có lẽ cũng nên ngược giòng về với Tin Mừng, để thấy được là vị trí của Đức Giáo Hoàng là dựa trên chức năng của thánh Phêrô đối với 12 Tông đồ, được Chúa chọn. Theo đó, mọi người hiểu là: Đức Giám Mục thành La Mã có quan hệ với các giám mục địa phương cũng tương tự như quan hệ giữa thánh Phêrô và các thánh Tông đồ. Thánh Phêrô là một trong nhóm 12 Tông đồ Chúa, nhưng ngài lại được Chúa chọn làm thủ lãnh các vị ấy. Thánh nhân có trách vụ củng cố anh em đồng môn để chung sống và rao giảng Tin Mừng.

Điểm tương đồng giữa vai trò của Đức Giáo Hoàng và thánh Phêrô đề ra một điều là quyền hạn Đức Giáo Hoàng là quyền riêng của ngài, không cần có sự đồng thuận của các giám mục, khi ngài quyết định việc gì. Qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn tìm cách hạn chế quyền của Đức Giáo Hoàng bằng cách đặt quyền hạn ngài dưới quyền của Hoàng Đế và các Hội đồng/Ủy Ban trong Hội thánh, có được sự đồng thuận từ các giám mục. Các hạn chế như thế đã không thành công trong việc đặt nền tảng giảm thiểu tầm mức quan trọng của Đức Kitô trao ban quyền cho thánh Phêrô; và qua đó, cho Đức Giáo Hoàng, để ngài củng cố sự hiệp nhất niềm tin của Hội thánh, trên hoàn vũ.

Việc ĐGH Bênêđíchtô XVI tuyên bố ngài có quyền bổ nhiệm cũng như cách chức bất cứ giám mục nào dưới trướng, mà không qua thủ tục pháp lý, phản ánh sự việc lâu nay Giáo hội Phương Tây cố bảo vệ quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng. Đặc trưng về quyền mà thánh Phêrô có, tức: Đức Giáo Hoàng không lệ thuộc vào luật Hội thánh khi ngài sử dụng quyền tài phán. Quan điểm này, quả cũng cứng như kim cương.

Tuy nhiên, dù Đức Giáo Hoàng có quyền cách chức các giám mục trong các trường hợp có thể, cũng vì ích lợi cho ngài và cho Hội thánh do ngài phục vụ. Làm như thế, là để khuyến khích sự hiệp nhất trong lòng tin. Việc khuyến khích, có gia tăng hoặc giảm bớt quyền bính là tuỳ tâm trạng người Công giáo có tin là ngài sử dụng quyền bính một cách khôn ngoan và có trách nhiệm không.” (x. Lm Andrew Hamilton sj 04/05/2011)

Nên chăng, ta hát thêm lời ca làm nhẹ bớt tình trạng gay go/khốn khó, với nghệ sĩ:

“Xin trả lại từng trăng sao
Từng câu nói yêu thương ban đầu
Mơ đã tàn, mộng đã tan
Chẳng ... nợ ... gì ... nhau.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Hát, là hát câu “trả lại trăng sao”, “chẳng nợ gì nhau” như thế. Nhưng thực tế, sự việc đâu nào giản đơn. Chí ít, về “hiệp nhất trong niềm tin”, khi sự tin tưởng bị sứt mẻ, như đấng bậc trên còn viết:

“Phản ứng trước việc toà thánh La Mã thúc ép ĐGM Morris về hưu non, các giám mục ở Úc đã hành xử khá đẹp như mọi người trông chờ. Các vị khẳng định: Đức Giáo Hoàng có quyền cách chức giám mục và nói lên cung cách tư riêng và phẩm chất mục vụ của vị ĐGM Morris. Các ngài đã báo cáo tình trạng xảy đến sau việc cách chức và hứa sẽ nêu vấn đề thủ tục pháp lý với Đức Giáo Hoàng.

Chất giọng trong báo cáo cũng đem lại hy vọng là các Giám mục Úc hứa duy trì quan hệ cá nhân với ĐGM Morris vẫn cần thiết hơn ngôn từ qua lại. Tuy nhiên, trên hết mọi sự, điều quan trọng là nên coi xem giáo phận Toowoomba đặt tin tưởng thế nào vào việc quản cai giáo phận. Một điều ai cũng thấy, là: những đổi thay về văn hoá nói chung, đã ảnh hưởng lên thể chế, cả giới cầm quyền trần thế lẫn giáo hội.

Thực tế cho thấy nhà cầm quyền nào cũng dựa vào sự âm thầm tin tưởng của dân chúng nếu việc quản cai vẫn trôi chảy. Thông suốt. Không có được sự tin tưởng, hẳn là sẽ chẳng ai tuân thủ luật pháp. Một khi không còn ai tin tưởng nữa, thì xã hội sẽ bị đình trệ. Mất ý thức về lợi ích chung. Người người sống lệch hướng và giới cầm quyền sẽ cai trị bằng ức chế. Đàn áp. Thống trị. Và quan chức có trọng trách quản cai lớp người ở dưới sẽ biến chất và mất hứng quản trị.

Vì mất sự tin tưởng, mà các thể chế ở Đông Âu khi trước, và bây giờ là các nước ở Trung Đông, đang bị lật đổ. Lãnh tụ chế độ phải nại vào phương tiện truyền thông tối tân để khai phóng hình ảnh mình và các giá trị mình tiêu biểu. Nhân cách đã trở thành diện mạo của chế độ; và từ đó, đảm bảo có được sự cai trị tốt đẹp.

Trường hợp ĐGM Morris bị ép buộc về hưu non sẽ nhận rõ hơn, nếu ta nhìn vào bối cảnh rộng lớn. Giáo hội Công giáo chịu ảnh hưởng từ các đổi thay về truyền thông. Cách riêng, vào triều đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, khi giới chức cầm cân nảy mực đã nhịp nhàng cân nhắc tổ chức các chuyến đi ra nước ngoài cho Đức Giáo Hoàng cốt để thăng hoa hình ảnh của vị Giáo Hoàng đương đại, cũng như đẩy mạnh giá trị lãnh đạo Giáo hội, bằng vào tập trung nhấn mạnh lên nhân cách của ngài.

Tập trung như thế, đương nhiên kéo theo những suy luận và đồn đoán sẽ có sự ăn khớp giữa hình ảnh về Đức Giáo Hoàng và các giám mục. Và làm thế, có thể sẽ nói lên quyết tâm của các ngài về việc trở với giá trị Tin Mừng mình rao truyền? Và từ đó, hình ảnh giáo hoàng của ngài đã trở nên không thể kềm chế được nữa. Chất xúc tác từng tạo ra cái nhìn trải rộng khắp nơi, cho thấy: hình ảnh về Giáo hội và thực tại cuộc sống đúng Tin Mừng, không còn ăn khớp với nhau nữa. Điều này lại được truyền thông/báo chí khai thác tối đa, qua các vụ tai tiếng liên quan đến “xách nhiễu tình dục” trong Giáo hội, mà một số Giám mục đã xử lý không đúng cách, trong đó phải kể cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nữa. Chừng như, hôm nay, Giáo hội đặt trọng tâm khá nhiều không còn vào con người nữa, mà vào lợi ích của thể chế, thì đúng hơn.

Việc Toà thánh La Mã đối xử với ĐGM Morris như vừa kể, đã dẫn đến nguy cơ làm mờ nhạt hình ảnh tốt đẹp mà Giáo hội muốn có. Bởi lẽ, câu chuyện về đấng bậc nhân hiền ở giáo phận quyết tâm khuyến khích Giáo hội hành xử cho đúng đắn và kiên định khi phải đối đầu với tai tiếng, lại bị cấp trên của mình cách chức bằng một thủ tục hành chánh, thiếu trong sáng. Những thứ đó cộng lại, càng làm cho nhiều người mất tin tưởng vào Giáo hội. Và, càng làm cho những người này đi đến kết luận là: Giáo hội nay chọn lựa cung cách đối xử theo kiểu của nhà độc tài, toàn trị.

Rõ ràng là, với phần đông người Công giáo hôm nay, Đức Giáo Hoàng và các giám mục vẫn là trọng tâm để họ đặt tin tưởng. Mọi người vẫn gắn bó với Giáo hội, vì họ đã gặp Chúa khi nối kết thiết thân với Kitô-hữu khác. Những vị như thế, dám có ý nghĩ là toà thánh La Mã và các giám mục địa phương vẫn có cái nhìn tốt về Hội thánh, nhưng họ ít quan tâm đến quan hệ của các đấng bậc ở trên.

Tuy thế, với nhiều người, chí ít là các vị sống tại giáo phận Toowoomba, nhất là những vị có tâm thức cao, thì việc cách chức ĐGM Morris đã và đang xói mòn dần sự tin tưởng vào Đức Giáo Hoàng và các giám mục.

Thật ra, thì các ngài vẫn là hình ảnh của Hội thánh và vẫn quyết tâm gắn bó với Tin Mừng. Nhưng, vấn đề là giá trị của Tin Mừng và của xã hội ta đang sống có phản ánh qua cung cách của những người ở trong đó, đối xử tốt với nhau không? Và, vấn đề còn lại, là: làm sao ta có thể tuyên dương Tin Mừng cũng như đề cao giá trị tốt đẹp của Lời Chúa, khi xã hội ta đang sống vẫn đầy những nghi kỵ. Đã mất tin tưởng về nhiều thứ? (x. Lm Andrew Hamilton www.eurekastreet.com.au 15/5/2011)

Thế đó, là nhận định của đấng bậc giảng dạy thần học tại Đại Học Liên Dòng ở Melbourne, Úc. Ở đây, có lẽ cũng nên thêm đôi điều từ một thông tin về thư mục vụ của ĐGM Morris gửi cộng đoàn trong giáo phận Toowoomba, Úc:

“Thư mục vụ Mùa Vọng 2006 được coi như bước khởi đầu cho cuộc tranh cãi về việc cách chức ĐGM William Morris, trước nhất đề cập đến kế hoạch cung cấp lãnh đạo cho tương lai giáo phận trong tình hình các thánh lễ và số linh mục hiện đang giảm sút.

Qua thư gửi cộng đoàn kẻ tin trong giáo phận, ĐGM Morris thông báo rằng đến năm 2014, giáo phận Toowoomba sẽ chỉ còn 6 linh mục ở độ tuổi 65 hoặc trẻ hơn có địa bàn làm việc ở giáo xứ, và hiện nay chỉ có 3 linh mục tuổi từ 61-65 và tám vị ở độ tuổi 66-70. ĐGM Morris dự kiến đến năm 2014, sẽ chỉ có hai linh mục ở tuổi 65 và trẻ hơn, hai linh mục ở tuổi 66-70 và một giám mục ở độ tuổi 70-75 thôi.

Khi thông báo tình hình khá bi đát như thế, ĐGM Morris đã viết một đoạn thư ngắn, và có lẽ đoạn này đã làm ngài mất chức. Đoạn ấy như sau: “Tuy chúng ta vẫn tin vào tính ưu việt của Tiệc Thánh Thể cũng như sự liên tục và sống còn của cộng đoàn giáo xứ, có lẽ ta cũng nên cởi mở hơn, với các giải pháp chọn lựa khác, để đảm bảo rằng Tiệc Thánh vẫn được tiếp tục cử hành như xưa. Ý kiến mà cộng đoàn thế giới cũng như trong nước và tại khu vực đã đề cập, có thể ta cũng nên nghĩ đến việc: phong chức cho các nam nhân nào đã có gia đình, còn độc thân hay goá vợ, đã được cộng đoàn giáo xứ tuyển chọn và xác chứng. Cũng nên tiếp nhận các cựu linh mục hồi tục, đã có vợ hoặc còn độc thân, để họ quay về làm mục vụ. Nên phong chức cho phụ nữ đã lập gia đình hoặc còn độc thân; và cũng nên công nhận các dòng tu của Giáo hội Anh giáo, Thệ phản Luther và Giáo hội Hiệp nhất. Ta nên đẩy mạnh một cách chủ động việc đề cao bậc độc thân của chức linh mục; và mở rộng tay mời đón các linh mục từ nước ngoài đến công tác mục vụ, ở giáo phận.”

Trong buổi phỏng vấn khác có thu hình, ĐGM Morris công nhận là thư Mục vụ 2006 của ngài nói hơi mạnh như thể ngài “ôm đồm nhiều quá”, khi đề nghị Toà thánh nên phong chức cho phụ nữ và nam nhân nào đã có vợ, mới có lợi. Nhưng, ngài vẫn cương quyết nói: “dù sao, ta vẫn phải sống trung thực với chính mình.”

Ngoài ra, khi được hỏi có thể nào Toà thánh sẽ dành cho ngài một thủ tục pháp lý để khiếu kiện chuyện thúc ép về hưu non chăng? thì ĐGM Morris trả lời: “Đến lúc này, đa số các giám mục chúng tôi mới được bảo cho biết là không có thủ tục nào như thế cho các giám mục. Trước đây, chúng tôi không hề tưởng tượng có những chuyện như thế hết.” Và, ĐGM Morris cũng cho biết là ngài cũng đã có buổi gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI trong vòng riêng tư, nhưng không kết quả. Đại để, câu nói của ngài là thế này: “Mình cũng chẳng tranh luận được gì. ĐGH có lập trường của ngài, mình lại có lập trường của mình. Cũng như thể, lập trường của ai người nấy giữ.” Trong một lần khác, ngày 3/5/2011, ĐGM Morris có nói với phóng viên báo chí rằng: Toà thánh có điều tra việc ngài “quá cởi mở” và “ôm đồm nhiều thứ” khi viết thư luân lưu cho giáo phận mình. Và ngài có nói là: ngài cũng không quá gắn bó với các đề nghị ghi trong thư luân lưu, mà chỉ muốn bà con lưu ý về các tranh luận diễn ra trong Hội thánh, thôi.” (x. Tom Roberts & Joshua J. McElwee, GM Morris: Sống Trung Thực Với Chính Mình www.ncronline 05/05/2011)

Quả là, thế giới bao giờ cũng có lời ra tiếng vào về những quyết định hoặc hành xử của Toà thánh. Trong số các điều tiếng ấy, phải kể đến ý kiến của đấng bậc khác cũng trên báo điện NCR ngày 06/06/2011, như sau:

“Trên thế giới, nhiều nguời Công giáo vẫn cứ tin là Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI, với tư cách là Giám Mục thành La Mã, đã được Chúa trao cho quyền được phép không chỉ đề cử thôi mà còn có quyền cách chức các giám mục trong Giáo hội La Mã nữa. Đây là nhận định sai. Việc cách chức GM Morris cho ta cơ hội để tìm hiểu thêm về cơ chế của Hội thánh. Ngay từ buổi đầu lịch sử Giáo hội, các giám mục là đấng chủ quản do hàng giáo sĩ và giáo dân bầu ra, cho giáo phận. Trong đó, phải kể cả Giám mục thành La Mã, tức Đức Giáo Hoàng. Thế kỷ thứ 3, thánh Cyprianô lúc ấy là Giám mục thành Carthage miền Bắc Phi Châu, đã làm chứng cho việc bầu cử như thế.

Năm 325, Công Đồng đại kết đầu tiên họp tại Nicê, đã thấy có khác biệt giữa Giáo hội Đông Phương và phuơng Tây. Ở phương Tây, tiếng nói và ước muốn của hàng giáo sĩ và giáo dân mang tính qui tắc, đúng luật. Nhưng càng về sau, các giám mục ở địa phận kế cận, lại đưa thêm vào đó, nhiều dự liệu. Ở phương Đông, từ ngày Hoàng đế Constantine đưa giáo đô La Mã về lại Constantinople, thì quyền lực của giáo sĩ và giáo dân được chuyển qua cho giám mục. Nhất là các vị tổng giám mục chính toà.

Giữa thế kỷ thứ 5, ĐGH Lêô Cả, có đề ra nguyên tắc sau đây: “Đấng bậc nào quản cai mọi người đều phải do mọi người bầu lên.” Nhưng, vì lý do chính trị, vai trò của hàng giáo sĩ và giáo dân trong việc bầu giám mục sở tại, đã chấm dứt, cuối ngàn năm thứ I.

Đến thế kỷ 11, là thời có cuộc Cải cách do ĐGH Grêgôriô Cả thiết lập, đó là lúc mọi quyền lực đều tập trung vào Giáo hoàng. Lúc ấy, cũng có nhiều vận động nhằm tái tạo thực quyền của giáo dân như khi trước, nhưng không thành. Đằng khác, thời bấy giờ các giám mục chung quanh đóng vai trò khá trọng yếu trong việc bầu giám mục. Và thực tế, quyền hành đã chuyển về Giáo Hoàng và vua quan hoặc các ông hoàng, rồi.

Kịp đến đầu thế kỷ 19, theo giao ước được ký kết giữa Hoàng đế Napôlêon của Pháp và ĐGH Piô VII, thì chỉ Đức Giáo hoàng mới có trọn quyền đề cử hoặc cách chức giám mục thuộc Hội thánh Công giáo, mà thôi. Hệ thống này vẫn tồn tại đến hôm nay, nhất là từ niên biểu 1917, năm Hội thánh ban hành Bộ Giáo Luật (x. Gl 329, điều 2).

Ngoại trừ một số ngoại lệ, còn thì các giám mục đều được chỉ định, do các giám mục địa phương đề nghị đưa tên tuổi cho Sứ thần Toà thánh để rồi vị này chuyển về Giám-mục-đoàn kèm theo đề nghị cuối của vị ấy, mà trình lên Đức Giáo Hoàng để ngài có quyết định chung cuộc. Nói cho cùng, nhiều vị nghĩ rằng: thể thức chỉ định và cách chức giám mục trong Giáo hội là do ý Chúa. Nhưng thực sự không phải thế. Sự việc cách chức ĐGM Morris ở Úc, phần lớn là sản phẩm của giao ước đạo ký vào năm 1801 giữa Hoàng đế Napolêon và ĐGH Piô VII. Chúa không nhúng tay vào các chuyện này.

Có lần ĐHY Leo-Jozef Suenens, là vị Giám mục tên tuổi rất sáng chói thời Công đồng Vatican II có viết: “Xin mọi người nhớ cho rằng Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện không sai sót trong Hội thánh, qua sự lần mò, yếu kém của con người. Và Ngài vẫn tạo sinh khí cho con người ngay trong Giáo hội, để Giáo hội nhận được luồng gió mát Ngài thổi, nhân lễ Ngũ Tuần, ngay từ đầu.” Và đó cũng là lời nguyện ước của mọi người: “Lạy Thần Khí Chúa xin hãy đến!” (x. Lm Richard McBrien www.ncronline.org 06/06/2011)

Nói chung, thì đúng là Thần Khí vẫn làm việc. Và, việc Ngài làm, nhiều lúc con người khó cảm thông, hoặc đồng ý. Vấn đề còn lại, là: tôi và bạn có tin thế không mà thôi. Cuối cùng, có lẽ cũng nên qui về lời của vị thánh cả của Hội thánh, vẫn dặn dò:

“Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc,
bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền,
là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.”
(1P 4: 14)

Xem thế thì, cả ĐGM Bill Morris lẫn Hội thánh ta đều “có phúc có phần, chẳng cần gì lo”. Chí ít, là “lo con bò trắng răng”! Vẫn muôn năm.

Trần Ngọc Mười Hai
Hằng tâm niệm
một điều
ra như thế.
 
Hạt giống gieo vào bụi gai
LM Nguyễn Hồng Phúc
20:15 09/07/2011
Dụ ngôn “Gieo Giống”(Mt 13,1-23) là một hình ảnh rất bình dân, đến nỗi tất cả mọi người khi nghe kể đều thấy gần gũi, thân thuộc. Một hạt giống gieo xuống đất, nảy nở, vươn lên thành cây và sinh hoa trái. Và ở mỗi nơi, hạt giống sinh hoa trái còn tùy thuộc vào địa lý, khí hậu và sự chăm sóc của con người. Tất cả những tiến trình đó đều quen thuộc với nhà nông. Thế nhưng điều phi thường của dụ ngôn Gieo Giống là ở chỗ bình dân đến thế, dễ hiểu đến vậy mà các tiến sĩ giải thích vẫn không hết nghĩa. Các nhà thần học bơi trải theo dòng thời gian mà không bao giờ khám phá hết độ sâu của dụ ngôn Gieo Giống.

Hạt giống được tượng trưng cho Lời Chúa. Hạt giống thì không khó hiểu, nhưng Lời Chúa mới là điều làm nên mầu nhiệm đó. Lời Chúa và hạt giống đều có mẫu số chung là sức sống. Bất kỳ ở đâu hạt giống cũng mọc lên. Lời Chúa và hạt giống giống nhau ở chỗ là đều sinh hoa kết trái. Hạt giống và Lời Chúa cũng còn giống nhau ở chỗ tùy thuộc vào địa hình, thời tiết và sự chăm sóc của con người. Thế nhưng sâu sa hơn nữa, đó là sự biến đổi lòng người từ bụi gai có thể trở nên đất tốt. Điều lạ lùng của Lời Chúa chính là khi được gieo vào bất cứ ở đâu thì hạt giống Lời Chúa cũng mọc lên và trao ban sức sống. Thế nhưng khi mà con người thiếu thiện chí, thiếu cộng tác thì những lo lắng trần đời, ham mê của cải như bụi gai bóp nghẹt Lời Chúa, hoặc là chim trời đến ăn mất vì nông nổi và thiếu giáo lý; hoặc là bị cháy rễ vì bách hại, vì xu thời, vì tính toán khôn ngoan kiểu loài người, sợ thiệt, sợ ảnh hưởng vì đạo Chúa...

Hạt giống thì dừng lại ở đó nhưng Lời Chúa thì có tác động sâu hơn. Có những mảnh đất khô cằn nắng cháy và đã chết đến tận cổ như là người trộm bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu, nhưng chỉ trong một giây lát, anh ta sám hối, anh ta tin tưởng xin Chúa Giêsu cứu chữa. Thì lập tức Lời Chúa ban cho anh ta sự sống ngay: “Thật, hôm nay Ta cho ngươi được vui vẻ cùng Ta”(x.Lc 23,39-43). Hạt giống Lời Chúa có thể biến đổi Matthêu từ đang ngồi bên đống tiền mà có thể bỏ đấy mà đi theo Thầy (x.Mt 9,9). Là Giakêu – trưởng thu thuế – dám chia nửa gia tài cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mà mình làm thiệt hại (x.Lc 19,1-10). Lời Chúa có sức mầu nhiệm mở toang cánh cửa lòng và trao ban sức sống thần linh cho họ. Vì vậy, chúng ta rất khó mà nhận ra mình ở trong điều kiện nào. Ai cũng thích mình ở đất tốt, nhưng nhiều lúc bụi gai bóp nghẹt, khiến cho mình chẳng thể ngóc đầu lên được. Rồi lại thấy, có lúc mình vươn lên thẳng tắp, nhưng rồi bỗng đâu nắng lên lại cháy xém ngay lập tức lúc nào không hay. Có những lúc mình không muốn mà chim trời cứ mổ lúa công đi vì bạn bè cám dỗ vì những yếu đuối và vì bao nhiêu những ngoại cảnh tác động... Thật khó mà có thể chọn lựa cho mình ở hạng nào. Có thể nói là hạng nào mình cũng có một chút. Nhưng Chúa không muốn chúng ta làm một dạng tổng hợp như vậy. Chúa không muốn chúng ta ở trong tình trạng “Gió chiều nào che chiều ấy”. Chúa muốn chúng ta hôm nay đón nhận Lời Chúa và quyết tâm biến đổi: -
- Nếu chúng ta là bụi gai, hãy biến đổi để bụi gai ấy trở thành sức sống của Lời Chúa;
- Nếu chúng ta là hạt giống rơi trên đá sỏi, hãy mau mau để xin ơn trời tưới xuống cho mềm lòng chúng ta;
Đối với hạt giống và địa hình khi mà không dễ dàng cải tạo nhưng với Lời Chúa và mảnh đất tâm hồn chúng ta có thể cải tạo bất cứ lúc nào. Đó là sự khác nhau, mầu nhiệm của sức mạnh sức sống Lời Chúa với mảnh đất tâm hồn của chúng ta;
- Nếu chúng ta là mảnh đất, thì hãy tin rằng, mảnh đất cũng sẽ hóa tâm hồn, nhưng chỉ sợ chúng ta là bụi gai.
- Trong ngày hôm nay, suy niệm Tin Mừng về bụi gai, từ Cựu Ước với Môisê nhìn thấy bụi gai bốc cháy - lửa cháy mà không thiêu rụi bụi gai - cho đến ngày hôm nay Chúa lại nhắc đến hạt giống rơi vào bụi gai khiến cho tôi có cảm giác mình chính là bụi gai đó. Và trong suy tư đó, xin được chia sẻ mấy vần thơ về bụi gai này:

Con như bụi gai
Lạc loài ghềnh núi,
Lửa trời đã tới
đốt cháy trong tim.
Im lìm,
Không tiêu tán,
Không phát sáng, gai vẫn là gai !

Chúa gọi lần hai
Tỉnh lay, xuyên thấu,
Đưa những tâm hồn như Môisê yêu dấu
Tới gần Chúa hơn.
Con vẫn ngạnh ương, gai không biến mất!
Lửa tình nơi phát xuất,
Biến đất thành linh thiêng.
Gai vẫn trơ nguyên, um tùm choán đất.
Môisê phủ sấp
Lãnh sứ mệnh ra đi
Gậy trong tay làm bao dấu lạ kỳ.
Gai ở lại, lợm lỳ đeo bám!

Trải dài năm tháng
Gai vẫn là gai,
Thần trí kêu nài
Lửa sao không huỷ ?
Đức Kitô đến
Gai vẫn um tùm.
Hạt giống Tin Mừng
Bị gai bóp nghẹt.
Chúa ra đi hiến thân chịu chết
Mão đội đầu lại cũng kết bằng gai.
Con còn biết ngỏ cùng ai
Chúa sao không huỷ bụi gai bạc tình?

Chúa đã dạy con từ bỏ mình
Con còn tiếc nuối những nhục vinh
Bụi gai nhờ đó càng thêm rậm
Con hiểu từ đây phải hành trình.

Con như bụi gai,
Lạc loài ghềnh núi.
Chúa không xử tội
Con nguyện THEO NGÀI.

Vâng, theo Chúa, đó là tâm tình tốt nhất để chúng ta có thể chiến thắng bụi gai và hy vọng là trở thành mảnh đất tốt cho Lời Chúa sinh hoa kết trái, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm.
Xin Chúa nhận lời chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục nói những lá thư gửi cho cựu tỉnh trưởng có mục đích riêng tư
Bùi Hữu Thư
05:36 09/07/2011
MEXICO CITY (CNS) -- Đại diện của hai giám mục Công Giáo nói các lá thư gửi cho cựu tỉnh trưởng Tijuana có mục đích bầy tỏ sự yểm trợ riêng tư cho ông sau khi ông bị bắt giữ và đã được thả ra về tội tàng trữ vũ khí.

Linh mục Yoshio Chao Soto, phát ngôn viên của Giáo Phận Mexicali, nói một lá thư do Giám Mục Jose Guerrero Macias viết không hề có ý là để được phổ biến trong quần chúng, và nội dung trình bầy việc yểm trợ cho cựu tỉnh trưởng Tijuana là ông Jorge Hank Rhon, đã bị các cơ quan truyền thông điạ phương và quốc gia lạm dụng.

Cha Chao nói: "Cách thức các cơ quan truyền thông hành xử vấn đề này không được tế nhị." Cha tiếp: "Đây là một lá thư có mục đích nâng đỡ tinh thần ông Hank. Còn về vấn đề tổ chức các sòng bạc của ông Hank -- hàng loạt các phòng cá độ và một trường đua chó greyhound tại Tijuana -- "Chúng tôi muốn được đứng bên ngoài lề. Chúng tôi không có cương vị để phán đoán."

Tổng Giáo Phận Tijuana cũng khẳng định là một lá thư do Tổng Giám Mục Rafael Romo Munoz viết để yểm trợ cho ông Hank cũng có tính cách cá nhân, nhưng linh mục Antonio Beltran từ chối giải thích thêm.

Tổng Thống Mễ Tây Cơ đã công khai phản đối các giám mục, cùng với Giám Mục Onesimo Cepeda Silva ở Ecatepec, vì đã cầu nguyện và bầy tỏ việc yểm trợ cho ông Hank sau khi binh sĩ đã lục xoát tư gia của ông ngày 4 tháng 6 và tìm được 88 vũ khí -- kể cả những loại súng đặc biệt chỉ được sử dụng cho mục đích chiến tranh.

Các công tố viên của tiểu bang Baja California cho hay có hai khẩu súng trong số các vũ khí này đã được dùng trong hai vụ ám sát. Một vụ năm 2010 ám sát một người bán xe cũ và năm 2009 giết một nhân viên an ninh canh gác.

Các thẩm phán đã hủy bỏ tội hình về vũ khí và sau đó còn cố gắng huỷ bỏ các tội giết người. Chánh án Blanca Evelia Parra Meza phán quyết chiều ngày thứ hai là chính phủ đã không có đủ bằng chứng để buộc tội ông Hank Rhon về các vụ ám sát. Ông đã bị giam không được nộp tiền bảo lãnh, và bà Meza đã ra lệnh thả ông ra cùng với 10 người khác cùng bị bắt tại tư gia của ông, có lẽ là các nhân viên an ninh của ông.

Văn phòng bộ Tư pháp cho hay sẽ chống án lệnh này.

Ông Hank Rhon, làm tỉnh trưởng từ năm 2004 đến 2007, và đã thất bại trong vụ tranh cử chức thống đốc tiểu bang.

Tổng thống Calderon nói với đài truyền hình Mileno ngày 27 tháng 6: "Tôi mong muốn được thấy các giám mục cam kết nhiều hơn cho sự thật và công lý thay vì cho các mục đích chính trị và kinh tế."
 
Phái đoàn Vatican ban phép lành cho tân quốc gia Nam Sudan
Tiền Hô
17:55 09/07/2011
Rôma, 8 Tháng Bảy 2011 (Zenit) - Hôm nay, khi mà chỉ còn vài giờ là đến thời khắc độc lập của Nam Sudan, phát ngôn viên Vatican đã công bố rằng: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã gửi một phái đoàn chính thức đến Juba để mang "lời chúc tốt đẹp nhất cho nền hòa bình và thịnh vượng" của Nam Sudan.

Nước này sẽ chính thức độc lập vào nửa khuya ngày hôm nay. Cha Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican lưu ý rằng: nhiều công dân của tân quốc gia này là người Công Giáo.

Phái đoàn của Đức Giáo Hoàng sẽ do Đức Hồng Y John Njue - Tổng Giám Mục Nairobi, kiêm chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya dẫn đầu, và có cả Đức Tổng Giám Mục Leo Boccardi - Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan, và Đức ông Javier Herrera Corona - thư ký của Tòa Sứ Thần Kenya.

Phát ngôn viên Vatican nhắc lại một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti (ngoại trưởng Tòa Thánh) khi ngài tiếp một phái đoàn quốc hội Sudan do ông Ahmed Ibrahim Elthair, Chủ tịch Quốc hội Sudan dẫn đầu vào hôm Thứ Năm. Rằng: "Hòa bình, hòa giải và tôn trọng những quyền phổ quát - đặc biệt là quyền tự do tôn giáo - là những trụ cột cơ bản để kiến tạo nên trạng thái chính trị - xã hội mới của khu vực, và là điều kiện quan trọng để có thể tìm đến một tương lai hy vọng", Cha Lombardi nói.

Cha Lombardi nhấn mạnh về mối "quan hệ ngoại giao ổn định" của Tòa Thánh với Sudan kể từ năm 1972, và đảm bảo sẽ xem xét "bất kỳ lời đề nghị nào từ chính phủ miền Nam Sudan" khi họ đưa ra.

Vị linh mục dòng Tên cũng mời gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho cả hai đất nước: Sudan và Nam Sudan, "để thông qua đối thoại thẳng thắn, hòa bình và mang tính xây dựng, họ có thể tìm ra các giải pháp và sự công bình cho các vấn đề nổi cộm". Ngài nói thêm: "Đồng thời, Tòa Thánh bày tỏ sự hy vọng rằng người dân sẽ được hưởng một cuộc hành trình của tự do, hòa bình và phát triển".

Sudan đã trở thành quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Nam Sudan. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết cho quốc gia láng giềng, đặc biệt là vấn đề dầu mỏ, chủ yếu có ở miền Nam nhưng lại xuất khẩu qua miền bắc, và các vấn đề của những người dân sống ở hai miền cũng như hai khu vực dọc theo biên giới mới.
 
Trung Quốc: lại căng thẳng về việc tấn phong giám mục
Tiền Hô
17:56 09/07/2011
Thẩm Dương (Trung Quốc), 8 Tháng Bảy 2011 (AsiaNews) - Hôm nay, các linh mục thuộc Giáo phận Liêu Ninh đã tập trung về Tòa Giám Mục ở Thẩm Dương để bảo vệ Đức Giám Mục khỏi bị chính quyền bắt đi. Đức Cha Phaolô Pei Junmin bị ép buộc phải tấn phong cho linh mục Giuse Huang Bingzhang làm giám mục Sán Đầu vào ngày 14 Tháng Bảy tới đây mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Đức Cha Pei rất có thể sẽ bị lực lượng chính quyền bắt đi tham dự buổi tấn phong.

Một số nguồn tin cũng cho biết, lễ tấn phong có thể xảy ra trong ngày 15 hoặc 17 Tháng Bảy. Nếu vụ này xảy ra, đó sẽ là trường hợp đầu tiên sau khi Tòa Thánh ra bản tuyên bố mới nhất về vạ tuyệt thông liên quan đến vụ tấn phong ở Lạc Sơn hôm 29 Tháng Sáu vừa qua.

Đức Giám Mục Pei (giám mục Liêu Ninh) vẫn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và cũng được chính phủ công nhận. Ngài từng bị ép buộc tham gia tấn phong bất hợp thức ở Thừa Đức vào Tháng Mười Một năm 2010.

Áp lực của chính phủ Trung Quốc đè lên các vị giám mục là rất mạnh. Một vị giám mục trẻ tuổi, xin ẩn danh nói với AsiaNews rằng ngài cảm thấy mệt mỏi, như "có một tảng đá đè trên ngực mình vậy", đặc biệt là ngày càng phải đối diện với việc tấn phong bất hợp thức. "Tôi lo âu và bối rối mỗi ngày, sợ hãi khi phải nhận tham gia tấn phong. Tôi thực sự kiệt sức rồi".

Hôm nay, các linh mục ở Liêu Ninh đã loan truyền lời thông báo kêu gọi cầu nguyện cho giáo phận khi phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, bao gồm một thực tế là vị giám mục của họ bị ép buộc phải tham gia tấn phong bất hợp thức cho linh mục Huang, người vừa được bầu chọn hồi cuối Tháng Mười Một.

Tất cả các linh mục của giáo phận đã tập trung tại tòa giám mục để họp khẩn cấp và thảo luận về các vấn đề. Họ đã ký một tuyên bố chung chỉ trích chính quyền Trung Quốc vì đã ép buộc họ phải tham dự lễ tấn phong giám mục Sán Đầu.

Tại thời điểm này, các ngài đang bảo vệ Đức Giám Mục của mình khi bị chính quyền dùng vũ lực kéo đi để thực hiện tấn phong. Tuyên bố này cũng giải thích rằng, các linh mục hy vọng Thiên Chúa sẽ ban ơn đủ để làm cho chính quyền nhận ra sự thật.

Sẽ là một kết quả phức tạp nếu vụ tấn phong ở Sán Đầu xảy ra, lí do là Giáo phận Sán Đầu đã có một vị giám mục là Đức Cha. Zhuang Jianjian, được Tòa Thánh cho tấn phong bí mật vào năm 2006. Nhưng Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc không công nhận ngài là một giám mục và ngài luôn bị hạn chế thực thi các việc mục vụ. Kể từ cuối Tháng Mười Hai 2011, ngài luôn chịu sự kiểm soát của cảnh sát. Tuần Thánh vừa qua, ngài cũng bị ngăn cản thực hiện sứ vụ của mình.

Một nguồn tin mà AsiaNews xác nhận được rằng, linh mục Giuse Huang Bingzhang rất tham vọng và có mối liên hệ với giới chính trị, linh mục này đã đề nghị nhiều lần nhưng Tòa Thánh không chấp thuận.
 
Vatican: Tân Tổng trưởng về Tu sĩ nhấn mạnh việc xây dựng lại lòng tin
Phạm Kim An
20:07 09/07/2011
Vatican - Đức Tổng Giám Mục Joao Braz de Aviz, tân Tổng trưởng Thánh bộ lo về Đời sống Tận Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, nói rằng công việc chính của Ngài là "xây dựng lại một mối quan hệ của lòng tin" với các Dòng Tu hội - một tình hình mà Ngài dường như qui trách cho vị tiền nhiệm của mình.

Đức Tổng Giám Mục Joao Braz de Aviz nói trong số báo mới nhất của tạp chí công giáo Ý 30 Giorni (‘30 ngày’): "Chúng tôi đã phải đối đầu với nhiều khó khăn. Có sự mất lòng tin về phía các tu sĩ, do một số lập trường trước đây. Bây giờ, mục tiêu công việc chúng tôi là xây dựng lại một mối quan hệ của lòng tin".

Vị Tổng Giám Mục Brazil 64 tuổi cầm đầu Thánh bộ lo về Đời sống Tận Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ vào tháng Giêng qua, sau khi Đức Hồng Y Franc Rode nghỉ hưu. Trong thời gian còn tại chức, Hồng y người Slovenia đã thường xuyên nhắc đến một "cuộc khủng hoảng" trong đời sống tu trì, mà Ngài nói là bắt nguồn từ khi kết thúc Công Đồng chung Vatican II vào năm 1965.

Đáng chú ý là trong năm 2008, Đức Hồng Y Rode tiến hành một cuộc tông tra các Dòng tu nữ ở Mỹ. Đức Tổng Giám Mục Braz cũng có vẻ hoài nghi về cách tiếp cận ban đầu của cuộc tông tra này.

Ngài nói: “Có sự mất lòng tin và sự chống đối. Chúng tôi đã nói chuyện với họ, đại diện của họ cũng đến Roma".

"Chúng tôi đã bắt đầu lắng nghe. Không phải là không có vấn đề tồn tại. Nhưng, chúng ta phải đối đầu chúng bằng cách khác. Không cần sự kết án răn đe. Cần lắng nghe các lý do”.

Đức Tổng Giám Mục Braz lớn lên trong một gia đình nghèo ở thị trấn Mafra, miền nam Brazil. Ngài được truyền chức linh mục cho Giáo phận Apucarana vào năm 1974. Ngài nhìn nhận đã chịu ảnh hưởng của "Thần học Giải phóng" trong thời gian đầu.

"Chúng tôi đã quá lý tưởng, chúng tôi muốn trao cuộc sống cho một điều gì lớn lao. Việc chọn lựa người nghèo đã cho chúng tôi niềm hy vọng lớn, đặc biệt là đối với những người chúng tôi sinh ra từ các gia đình nghèo".

Di sản này rời Ngài với cảm xúc lẫn lộn, khi nhiều nhóm Công giáo đã cổ vũ ý tưởng – thường được mô tả như là một sự lai giữa chủ nghĩa Mác xít và Kitô giáo – giờ đây hoạt động như các tổ chức phi chính phủ thế tục.

Ngài nói với 30 Giorni: "Họ nói rằng họ muốn thay đổi Giáo Hội, nhưng lòng tin đã thất bại và cái còn lại là xã hội học. Điều này chỉ có thể khơi dậy nỗi buồn".

"Tuy nhiên, tôi vẫn xác tín rằng trong thời gian này một cái gì đó lớn lao đã xảy ra cho toàn thể Giáo Hội. Một sự suy nghĩ rằng tội lỗi con người tạo ra cấu trúc của tội. Ngoài ra, ưu tiên cho người nghèo là sự lựa chọn của Thiên Chúa, như đã thấy trong Tin Mừng”.

Trong phần kết cuộc trả lời phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Braz nói thẳng thắn về thái độ hoài nghi của mình đối với Dòng Đạo binh Chúa Kitô (LC). Tương lai của Dòng này hiện đang được Vatican xem xét, tiếp sau sự phát hiện rằng vị sáng lập Dòng, Linh mục Marcial Maciel, đã lạm dụng tình dục các chủng sinh trong nhiều năm, và có con với nhiều phụ nữ.

Đức Tổng Giám Mục Braz nói thêm: “Dù Dòng này sẽ ra sao chăng nữa, tôi không bao giờ bị thuyết phục bởi sự thiếu lòng tin vào tự do cá nhân, mà tôi đã thấy trong cơ cấu của Dòng".

"Đó là một thuyết độc tài tìm cách thống trị tất cả mọi thứ với kỷ luật. Tôi đã rút các chủng sinh người Brazil ra khỏi các chủng viện của họ, bởi vì tôi thấy rằng mọi việc không thể đi trên con đường ấy". (CNA/EWTN News 8-7-2011)
 
ĐTC gửi đoàn đại biểu mừng ngày Nam Sudan độc lập
Nguyễn Trọng Đa
20:08 09/07/2011
Vatican – Ngày 8-7, ĐTC Biển Đức XVI gửi một phái đoàn Tòa thánh đến nước Cộng hòa Nam Sudan, để mừng đất nước miền Đông Phi này được độc lập vào ngày 9-7. Phái đoàn do Đức Hồng Y John Njue, tổng giáo phận Nairobi, Kenya, cầm đầu.

Phát ngôn viên Tòa thánh, Linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên (SJ), nói trong tuyên bố ngày 8-7: “Tòa thánh ... mời gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Nam Sudan và Nhà nước độc lập mới".

Tuyên bố kêu gọi người dân miền Bắc và người dân miền Nam Sudan hãy tham gia vào "sự đối thoại thẳng thắn, hòa bình và xây dựng", để đạt được "các giải pháp chính đáng và công bằng" cho mọi vấn đề, chung quanh sự ly khai lịch sử của Nam Sudan. Giáo Hội cũng hy vọng rằng quá trình sẽ cho kết quả trong "hòa bình, tự do, và phát triển".

Nền độc lập của Cộng hòa Nam Sudan là kết quả cuối cùng của một thỏa thuận hòa bình năm 2005, vốn kết thúc hơn hai thập kỷ nội chiến giữa miền Bắc đông người Ả Rập Hồi giáo và miền Nam đông Kitô hữu và người thờ vật linh. Sự phân chia đã được phê chuẩn đầu năm nay trong một cuộc trưng cầu ý dân, vốn cho thấy hơn 98% người dân miền nam Sudan đồng ý ly khai.

Đức Hồng Y Gabriel Zubeir Wako, tổng giáo phận Khartoum, Bắc Sudan, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 8-7 của Đài phát thanh Vatican: "Với việc mừng ngày độc lập này, chúng tôi đang nói lời tạm biệt với quá khứ, và theo đuổi một điều mới, mà không cần chiến đấu, một tương lai mới của sự hòa giải, tình đoàn kết, và sự tha thứ".

Đức Hồng Y Wako giải thích cách thức tối 8-7 người dân miền Bắc và người dân miền Nam Sudan tụ tập ở các thị trấn và làng mạc để làm các đống củi, và dự các buổi canh thức cầu nguyện và ăn chay. Lúc bình minh các đống lửa sẽ được đốt sáng, và việc an chay chấm dứt.

Đức Hồng Y nói: "Hội đồng Giám mục đã lên kế hoạch cho một buổi lễ tôn giáo - không nhất thiết phải trong cùng ngày 9-7. Nhưng trong tất cả các giáo phận, sẽ có các lễ mừng với các điệu nhảy và ca hát tạ ơn Thiên Chúa, và nhìn nhận điều tốt lành mà những người đã làm việc cho hòa bình đã đạt được trong đất nước".

Giáo Hội Công Giáo giữ một vai trò quan trọng trong việc mang lại hòa bình cho khu vực bị chiến tranh tàn phá. Điều này bao gồm nỗ lực môi giới đối thoại ở cấp cao nhất, và hỗ trợ người dân thường trên lãnh thổ.

Đức Hồng Y Wako nói: “Giáo hội đã làm rất nhiều để thuyết phục mọi người rằng không có giải pháp nào có thể dựa vào bạo lực và xung đột".

Các nỗ lực này liên quan đến việc cố gắng làm cho những người chiến đấu phải suy nghĩ lại hành vi đạo đức của họ, trong khi cũng đoan chắc rằng những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến tranh cũng được bảo vệ, nuôi dưỡng và giáo dục. "Chúng tôi đã mở nhiều trường học trong chiến tranh, vốn giành một phần lớn những người trẻ tuổi, hơn là để cho họ cầm súng”.

Đức Hồng Y Wako nói, nhưng ngoài những gì Giáo Hội đã làm, phụ nữ đóng vai trò quan trọng nhất. Ngài giải thích: "Chúng tôi tuyển dụng phụ nữ để nói chuyện và thuyết phục mọi người trong các làng mạc về sự cần thiết cho hòa bình".

"Và chúng tôi cũng khuyến khích phụ nữ tham gia học hành, chúng tôi thách thức họ làm một điều gì đó có tính xây dựng, với tư cách là người mẹ và chị em để giúp đỡ nam giới phát triển và trở thành các khối xây dựng của xã hội tương lai ở Sudan".

Trong cùng một cách Giáo Hội Công Giáo đã giúp chấm dứt cuộc chiến, hiện nay Giáo hội đang được yêu cầu đóng một vai trò trung tâm trong việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài.

Ông Rob Rees, thuộc Cơ quan cứu trợ Công giáo Anh CAFOD, nói với Đài phát thanh Vatican: “Các Giáo Hội là các định chế duy nhất thực sự xóa bỏ được sự chia rẽ bộ tộc và sắc tộc, cũng như chia rẽ xã hội”.

“Chẳng hạn nếu bạn lấy Hội đồng Giám mục Công giáo làm thí dụ, có chín nhóm sắc tộc được đại diện bởi các Giám mục".

"Các Giám mục hòa thuận với mỗi sắc tộc dĩ nhiên. Các ngài có thể chứng minh rằng sự hiệp nhất giữa các nhóm sắc tộc khác nhau là có thể được". (CNA/EWTN News 8-7-2011)
 
Ireland: Tuần hành phò sự sống thu hút hàng ngàn người tham dự
Phạm Kim An
20:11 09/07/2011
Dublin - Hàng ngàn người đã tham dự một cuộc tuần hành lớn phò sự sống ở Dublin, để phản đối các nỗ lực ép buộc phá thai ở Ireland bằng cách thay đổi luật.

Ban tổ chức cuộc tuần hành nói rằng cuộc tuần hành ngày 2-7 với chủ đề "Ireland đoàn kết vì sự sống” là "cực kỳ thành công", và phục vụ như một lời cảnh báo cho chính đảng Fine Gael rằng, các kế hoạch của Công Đảng nhằm hợp pháp hoá việc phá thai ở Ireland là "không thể chấp nhận được cho đa số người dân Ireland”.

Các người phát biểu kêu gọi Thủ tướng Ireland Enda Kenny giữ lời hứa của ông rằng chính đảng của ông sẽ chống đối việc hợp pháp hoá phá thai, theo tổ chức “Bảo vệ thanh niên” (Youth Defence) đồng tài trợ cho cuộc tuần hành.

Hồi tháng 12-2010, Tòa án Nhân quyền Châu Âu phán quyết rằng lệnh cấm phá thai của Ireland vi phạm quyền của một phụ nữ, làm cho người này phải đã rời khỏi đất nước để bảo vệ việc phá thai của mình. Đảng Fine Gael đã thành lập một nhóm chuyên gia để xem xét bản án.

Bà Niamh Uí Bhriain, của Viện bảo vệ Sự sống, phát biểu với đoàn tuần hành về sự ‘vội vã’ của Công Đảng Ireland khi kêu gọi luật phá thai, sau khi phán quyết của Tòa án châu Âu làm tổn thương kết quả của họ trong cuộc bầu cử năm 2011.

Bà nói rằng các người phò sự sống sẽ không chấp nhận một ủy ban cứu xét lại, vốn "xếp chồng chất các trẻ chưa ra đời” hoặc không biết "bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng phá thai là không bao giờ cần thiết về mặt y tế".

Bà Carolyn Johnston, thuộc tổ chức “Bảo vệ thanh niên” nói những người Ireland phò sự sống đòi hỏi rằng chính phủ "cần lắng nghe đa số phò sự sống nói ‘Có với Sự Sống’ và nói ‘Không với Phá Thai’”.

Bà phát biểu: "Thủ tướng Enda Kenny cần phải nói với Tòa án Châu Âu không can thiệp vào quyền của người dân có chủ quyền, để họ quyết định luật phò sự sống của Ireland".

Bà Bernadette Smyth, giám đốc của tổ chức “Sự sống quý giá” (Precious Life) đồng tổ chức cuộc tuần hành, nói rằng việc bảo vệ sự sống của Ireland là một ánh sáng cho thế giới, và rằng những người phò sự sống đã hiệp nhất để đảm bảo rằng các chính trị gia phản đối việc hợp pháp hoá phá thai.

Bà Dana Rosemary Scallon, ca sĩ và cựu nghị sĩ, cũng phát biểu với đoàn tuần hành.

Theo tờ Irish Times, bà nói: “Hiến pháp của chúng tôi thuộc về nhân dân. Nó không thuộc về Dáil (Hạ viện Ireland) - đa số người dân ở đất nước này không muốn hợp pháp hóa phá thai ở Ireland".

"Châu Âu không có quyền buộc phá thai đối với người dân của đất nước này".

Những người tham gia cuộc tuần hành, trong đó có Đức Giám mục Seamus Hegarty giáo phận Derry, bắt đầu diễu hành từ Khu vườn Tưởng niệm và kết thúc tại Dáil Éireann, tức Hạ viện Ireland. Họ mang các bảng hiệu nói rằng "Hãy giữ Ireland khỏi nạn phá thai” và "Hãy Bảo vệ sự sống". Một số bảng hiệu có ảnh em bé với chú thích "Phá thai ư? Chúng tôi có thể sống không cần nó!”.

Cảnh sát cho biết khoảng 8.000 người đã tham dự cuộc tuần hành, theo Hội Bảo vệ trẻ em chưa sinh ra. Vài trăm người ủng hộ phá thai đã tụ tập phản đối cuộc tuần hành trên. (CNA 7-7-2011)