Ngày 08-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:24 08/07/2011
TUẦN ĐÊM
N2T

Một võ sĩ đi tuần ban đêm, đột nhiên gặp một người phạm tội cấm đi ban đêm nói mình là học trò, bởi vì đi học nên khi về nhà thì bị nhầm đường. Võ sĩ nói:
- “Mày nói mày là học trò, vậy thì để ta thử mày xem sao ?
Anh học trò bèn mời võ sĩ ra đề thử, võ sĩ trầm ngâm rất lâu, cuối cùng cũng nói:
- “Rẽ cho mày, đêm nay đều tốt không có đề mục !”

Suy tư:
Ngày xưa thời vua chúa phân biệt rõ quan văn và quan võ, ai muốn làm quan văn thì lo dùi mài kinh sử, tứ thư; ai muốn làm quan võ thì lo thao luyện thân thể võ thuật, chiến thuật, binh pháp.v.v… rất ít người văn võ song toàn. Vì là võ sĩ cho nên người tuần đêm không đưa ra được để cho học trò làm câu đối, cũng là chuyện bình thường mà thôi, nhưng cái không bình thường mà những quan tuần tra thường hay mắc phải, đó là hách dịch với người khác.
Tận lực làm tròn bổn phận của mình, không vì sĩ diện mà quàng qua công việc của người khác khi mình không có khả năng, cũng như không phải trách nhiệm của mình, bởi vì con người ta không ai thích người khác xía vào công việc của họ, nhất là những người hay khoe khoang hợm mình.
Võ sĩ đi tuần ban đêm là điều rất hợp lý, nhưng hạch hỏi kiểm tra về trình độ của người đi ban đêm là điều không hợp lý.
Thời nay người có chút quyền uy địa vị thì thích làm những điều phi lý, gây phiền não cho người khác.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 15 TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:29 08/07/2011
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 13, 1-23

“Người gieo giống ra đi gieo giống”.


Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe…”

Cuộc sống của con người, không gì hạnh phúc cho bằng được đi đây đi đó để nhìn những kỳ tích, những danh lam thắng cảnh của năm châu bốn bể, cũng tương tự như vậy, người không bị điếc thì nghe được những bài hát, nghe được những lời nói yêu thương của người thân, của bạn bè…

Người Ki-tô hữu là người có phúc vì được thấy những điều mà người khác không thấy, đó là thấy được Chúa Giê-su đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, thấy Chúa Giê-su đang đồng hành với mình trong cuộc sống làm người, thấy Chúa Giê-su đang chia sẻ với mình những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống đời thường, và còn thấy rất nhiều những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa làm cho con người. Tất cả những cái thấy ấy, được thấy bằng con mắt xác thịt và xác tín bằng con mắt đức tin mà Thiên Chúa –vì tình yêu- đã ban cho những kẻ tin vào Chúa Giê-su là Con Một và là Đấng cứu độ của loài người...

Người Ki-tô hữu là người có phúc vì họ được nghe những lời hằng sống nói ra từ miệng Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su trong các sách Tin Mừng, họ nghe được lời của Thiên Chúa trong mọi biến cố xảy ra cho họ cũng như cho thế giới chung quanh họ.

Lời Chúa thì thầm trong tâm hồn khi họ vui hoặc khi họ buồn: họ nghe được.

Lời Chúa rên siết nơi người đau khổ: họ nghe được.

Lời Chúa vang vọng trong thánh lễ: họ nghe được.

Lời Chúa đang mời gọi mọi người hãy sống bác ái với nhau và phục vụ nhau: họ nghe được.

Lời Chúa kêu mời họ hy sinh, vác thập giá để theo Ngài: họ nghe được...


Người Ki-tô hữu luôn nghe được Lời Hằng Sống mà những người khác không thể nghe được, đó là một hạnh phúc lớn lao và là một điều vinh dự cho chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Ai cũng có hai con mắt để nhìn và hai lổ tai để nghe, nhưng không phải ai cũng thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, không phải ai cũng nghe được Lời của Thiên Chúa nói với họ. Chúng ta là những Ki-tô hữu vì thế chúng ta là những người có phúc nhất, vì chúng ta thấy được Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, và chúng ta vui sướng nghe được lời của Ngài dạy dỗ chúng ta mỗi ngày, qua bài Tin Mừng và qua cuộc sống vui buồn nơi mỗi biến cố xảy ra.

Nhưng, thấy mà không tin và không cảm nhận được điều mà Thiên Chúa đã làm cho mình thì là vô phúc; nghe mà không thực hành, không sống cho đúng lời dạy của Ngài thì là một đại họa...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 08/07/2011
N2T

19. Linh hồn của người trọn lành, thì không lìa khỏi Giáo Hội.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:28 08/07/2011
CHA DÒNG HAY CHA TRIỀU
Cha khách vừa dâng lễ xong, thì có một vài giáo dân nam đứng tuổi, vây quanh ngài và hỏi:
- “Xin lỗi cha, cha là cha dòng hay cha triều ?”
Cha khách trả lời:
- “Tôi là linh mục dòng”.
Mấy giáo dân cùng “ồ” lên một tiếng và nói:
- “Hèn gì cha dâng lễ có khác”.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Học thuyết Công Giáo về vũ khí hạch nhân
Vũ Văn An
04:02 08/07/2011
Một thế giới không vũ khí hạch nhân không những là điều có thể có mà ngày nay còn là điều khẩn trương cần phải có nữa. Đó là lời phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Tuy nhiên, ngài không phát biểu tại New York, mà tại Kansas City, nơi ngài được mời nói chuyện tại Văn Phòng Nhân Quyền của giáo phận về giáo huấn của Giáo Hội đối với các vũ khí hạch nhân. Buổi nói chuyện nhằm giáo dục công chúng như một cố gắng mời gọi họ tỏ thái độ đối với đề nghị thiết lập một nhà máy chế tạo bộ phận rời của vũ khí hạch nhân tại thành phố này.

Nhân dịp này, Đức TGM Chullikatt đề cập tới lịch sử hình thành chủ trương của Giáo Hội về vấn đề vũ khí hạch nhân. Ngài cho rằng “Hiện đang có sự chú ý mới đối với vấn đề chưa được giải quyết của 20,000 vũ khí hạch nhân được đặt tại 14 quốc gia. Hơn nửa dân số thế giới hiện đang sống tại một nước có vũ khí hạch nhân. Hàng năm, các quốc gia này chi 100 tỉ dollars để duy trì và tối tân hóa kho vũ khí hạch nhân của họ”. Ngài nói thêm: “Việc sử dụng bừa bãi và các hậu quả tàn hại của vũ khí hạch nhân đã khiến Giáo Hội phản đối bất cứ việc sử dụng vũ khí hạch nhân nào".

Gián chỉ

Đức TGM Chullikatt thoạt đầu xem sét chính sách chủ trương phải tích lũy vũ khí hạch nhân để làm nản các cuộc tấn công có thể có. Về vấn đề này, Vị TGM 58 tuổi người Ấn Độ nói rằng các nghị phụ của Công Đồng Vatican II, dù cổ vũ việc ngăn cấm nói chung đối với chiến tranh, “nhưng vì cái hiểu vào lúc đó, nên các ngài xem ra đã miễn cưỡng chấp nhận chiến lược gián chỉ của vũ khí hạch nhân. Các ngài cho rằng có thể tích lũy vũ khí làm ‘phương thế gián chỉ chống lại một cuộc tấn công có thể có của kẻ thù’”.

Trong diễn văn năm 1982 tại Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II minh xác rằng “người ta vẫn có thể chấp nhận về phương diện luân lý ‘sự gián chỉ’ đặt căn bản trên sự cân bằng, không phải như một cùng đích tự tại nhưng như một bước tiến tới việc tiệm tiến giải giới”. Đức TGM Chullikatt cho rằng lời tuyên bố này cho thấy rõ chính sách gián chỉ hạch nhân thời Chiến Tranh Lạnh chỉ có thể chấp nhận được nếu nó dẫn tới việc giải giới từ từ. Bởi thế, điều nhắm tới không phải là coi gián chỉ hạch nhân như một chính sách đơn nhất và vĩnh viễn. Vấn đề chính yếu của gián chỉ hệ ở chỗ này: việc Giáo Hội chấp nhận gián chỉ hạch nhân về luân lý luôn có điều kiện phải tiến đến chỗ loại bỏ nó.

Sau thời Chiến Tranh Lạnh

Sau thời Chiến Tranh Lạnh, áp lực quốc tế càng ngày càng đòi hỏi phải chấm dứt việc lan tràn vũ khí hạch nhân. Các cố gắng của Giáo Hội cũng tập chú nhiều hơn “vào việc thách thức điều ta gọi là việc định chế hóa sự gián chỉ. Gián chỉ không còn được coi là biện pháp tạm thời nữa. Đúng hơn, các quốc gia có vũ khí hạch nhân bắt đầu theo đuổi thế thượng phong hạch nhân vì chủ trương rằng vũ khí hạch nhân là nền tảng đối với học thuyết về an ninh của họ”.

Đó chính là tình hình khiến năm 2005 một số quốc gia phải họp nhau lại để tái duyệt Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân, một hiệp ước có nguy cơ sụp đổ. Vì các cam kết giải giới hầu như bị coi thường và chính ý niệm loại trừ vũ khí hạch nhân cũng bị các nước có vũ khí hạch nhân gạt bỏ.

Tòa Thánh nhắc mọi người nhớ rằng gián chỉ chưa bao giờ được chấp nhận là biện pháp vĩnh viễn. Nó chỉ được dung thứ như một bước tiến tới việc tiệm tiến giải giới vũ khí hạch nhân. Chính vì thế một năm sau, Đức Bênêđíctô XVI, trong thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, đã nhắc nhở rằng “trong chiến tranh hạch nhân, không hề có người chiến thắng, chỉ có các nạn nhân”.

Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng số tiền phí phạm vào việc duy trì và phát triển các kho vũ khí hạch nhân đã vượt xa số tiền dành cho việc trợ giúp người ta. Đức TGM Chullikatt cho rằng: “Trong hoàn cảnh các nhu cầu phát triển khắp nơi trên thế giới vượt quá các tài nguyên dành để giải quyết chúng, ý tưởng đổ thêm hàng trăm tỉ dollars vào các kho vũ khí hạch nhân nguyên tuyền chỉ là điều tội lỗi. Nó là việc đặt sai ưu tiên một cách khủng khiếp và quả tình là một việc ‘ăn cướp người nghèo’ mà Công Đồng Vatican II từng lên án nhiều năm trước đây”.

Vị giáo phẩm của Giáo Triều này tiếp tục trưng dẫn lời Đức Thánh Cha kêu gọi phải có “những cuộc thương thảo để tiệm tiến và hỗ tương nhất trí phá bỏ các vũ khí hạch nhân hiện có”. Năm ngoái, Đức Thánh Cha đã yêu cầu các đại biểu tham dự Hội Nghị Tái Duyệt Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân hãy cùng nhau “vượt qua các gánh nặng của lịch sử”.

Đức Tổng Giám Mục Chullikatt giải thích thêm: “Từ các giáo huấn trên, Giáo Hội cho người ta thấy rõ sự ghê tởm càng ngày càng lớn của mình đối với vũ khí hạch nhân. Luật quốc tế và các nguyên tắc chiến tranh chính nghĩa của Giáo Hội luôn nhìn nhận rằng trong các vấn đề chiến tranh, việc giới hạn và tính tương xứng phải luôn được tôn trọng. Nhưng đối với vũ khí hạch nhân, điểm quan trọng là nó giết người hàng loạt; việc sát hại và phóng xạ gây độc của nó không thể nào kìm hãm được: Hiroshima, Nagasaki, Chernobyl là những nhắc nhớ vĩnh viễn đầy khiếp đảm. Các hậu quả xã hội và kinh tế do vũ khí hạch nhân gây ra trên thế giới, nơi các hệ thống trợ sinh luôn nối kết với nhau một cách mật thiết, sẽ vô cùng thảm hại”.

Không đi đến đâu

Đức TGM Chullikatt, sau đó, kêu gọi phải gia tăng các cố gắng nhằm loại bỏ vũ khí hạch nhân. Ngài cho rằng “những cuộc thương thảo toàn diện được Tòa Án Quốc Tế kêu gọi vẫn chưa được bắt đầu. Hiệp ước song phương START giữa Hoa Kỳ và Nga chỉ thực hiện được những giảm bớt nhỏ và hiện để nguyên vẹn những kho hạch nhân khổng lồ ở mỗi phía, với nhiều vũ khí hiện đang trong tình trạng báo động thường xuyên”.

Vị giáo phẩm này cho hay hiện Tổng Thư Ký LHQ đang kêu gọi phải có một qui ước mới hay một số văn kiện có hiệu lực đa phương để loại trừ vũ khí hạch nhân, được kiểm nghiệm đàng hoàng. Sáng kiến này được Tòa Thánh hoàn toàn ủng hộ. Tòa Thánh cũng mạnh mẽ cổ vũ một cuộc giải giới vũ khí hạch nhân “trong sáng, có tính hoàn cầu và không thể đảo ngược” cũng như việc phải nghiêm chỉnh giải quyết các vấn đề vũ khí hạch nhân chiến lược, vấn đề vũ khí hạch nhân chiến thuật và các phương thế để phóng chúng. Giáo Hội vẫn hoàn toàn ủng hộ các cố gắng vừa nhằm ngăn cấm việc lan tràn vừa nhằm việc thương thảo để có được những hiệp ước quốc tế có tính bó buộc hòng loại bỏ các kho vũ khí hiện có dưới sự kiểm nghiệm hữu hiệu của quốc tế”.

Theo nhận định của Đức TGM, từ quan điểm luật pháp, chính trị, an ninh và nhất là luân lý, hiện nay người ta thấy không có lý do gì biện minh cho việc tiếp tục duy trì vũ khí hạch nhân. Đây là lúc phải giải quyết một cách có hệ thống các đòi hỏi có tính luật pháp, chính trị và kỹ thuật để có được một thế giới phi vũ khí hạch nhân. Vị đại diện của Tòa Thánh cho rằng nay là lúc khẩn trương phải bắt đầu chuẩn bị để có được một qui ước hay một khung khổ thỏa hiệp dẫn đến việc từ từ loại bỏ các vũ khí hạch nhân.

Không thể chấp nhận được

Đức TGM Chullikatt đưa ra sự thật đơn giản sau đây về vũ khí hạch nhân: “Vì từ bản chất, vốn là vũ khí giết người hàng loạt, chúng không thể phù hợp với các qui định căn bản của luật nhân đạo quốc tế là luật ngăn cấm việc gây hại một cách không phân biệt và bất tương xứng. Mà việc sử dụng chúng cũng không thỏa mãn các tiêu chuẩn khắt khe trong nguyên tắc chiến tranh chính nghĩa về việc lượng giá việc sử dụng võ lực về phương diện luân lý”.

Ngài còn nói thêm: không phải luật pháp chỉ ngăn cấm việc sử dụng vũ khí hạch nhân, mà còn ngăn cấm luôn cả việc đe dọa sẽ sử dụng nó nữa. “Đe đọa tấn công sẽ bất hợp pháp nếu chính cuộc tấn công ấy bất hợp pháp. Qui luật này khiến bất cứ dấu hiệu chuyên biệt nào cho thấy ý định sử dụng vũ khí hạch nhân khi các đòi hỏi của mình không được thỏa mãn đều trở thành bất hợp pháp. Nó cũng khiến các chính sách tổng quát về điều vốn được gọi là gián chỉ khi tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạch nhân nếu các quyền lợi sinh tử của mình bị đe doạ trở thành bất hợp pháp luôn.

Vì cả việc đe dọa sử dụng lẫn việc sử dụng vũ khí hạch nhân đều bất hợp pháp, nên tính hợp pháp của chính việc sở hữu chúng cũng đáng bị nghi vấn. Đức TGM nói rằng: “Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân cấm đại đa số các quốc gia không được thủ đắc các vũ khí hạch nhân. Muốn phù hợp với nguyên tắc đó một cách thành tâm, người ta không thể coi là hợp pháp khi tiếp diễn vô hạn việc sở hữu các vũ khí vốn không được phép sử dụng hay đe dọa sử dụng, hay đã bị cấm đối với đại đa số các quốc gia và bị đặt vào việc buộc phải loại trừ”.

Phương thức toàn bộ

Vị đại diện của Tòa Thánh nhận định thêm rằng càng ngày người ta càng thấy rõ: cần phải có một phương thức toàn bộ để giải quyết việc giải giới hạch nhân. Tòa Thánh tin rằng hiện đang có nhu cầu phải tổng hợp các biện pháp khác nhau vào một cam kết có tính gắn bó để loại trừ vũ khí hạch nhân qua từng giai đọan được ấn định rõ ràng nhằm việc giải giới từ từ. Điều cần là người ta phải cho biết cụ thể ý định muốn xây dựng một căn bản pháp lý hoàn cầu cho việc loại bỏ một cách có hệ thống tất cả các vũ khí hạch nhân. Không thể coi là đủ về phương diện luân lý việc người ta chỉ giảm bớt kho vũ khí dư thừa không cần thiết trong khi vẫn hiện đại hóa các kho vũ khí hạch nhân và đầu tư những món tiền không lồ vào việc sản xuất chúng và bảo trì chúng. Việc ấy chỉ vĩnh viễn hóa các vũ khí này vô thời hạn.

Đức TGM Chullikatt nhắc lại tuyên bố năm 1997 của Tòa Thánh: “Nếu vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, và nay mìn bẫy có thể bị loại trừ, thì không bao lâu nữa, cả vũ khí hạch nhân cũng có thể bị loại trừ. Điều này hiện đang là thách đố đối với cộng đồng quốc tế. Nó cũng là thách đối đối với Giáo Hội, và là thách đố đối với mọi người có thiện chí ngày nay, dù có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng”.

Zenit 6 tháng 7, 2011
 
Mùa hè của Đức Thánh Cha Benedict XVI tại Castel Gandolfo, Madrid, và Đức
Bùi Hữu Thư
07:05 08/07/2011
Và tuyển tập thứ ba "Giêsu thành Nazareth"

ROME, 7 tháng 6, 2011 (Le Monde vu de Rome)– Đức Thánh Cha Benedict XVI đã đến Castel Gandolfo nghỉ hè: ngài sẽ ở đây cho tới tháng 9, ngoại trừ chuyến đi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid (18-21 tháng 8, 2011) và chuyến viếng thăm quê hương của ngài (Berlin, Erfurt và Fribourg-en-Brisgau, 22-25 tháng 9, 2011).

Trong tháng 7 không có các buổi triều kiến chung, nhưng sẽ được tiếp tục ngày 3 tháng 8. Các cuộc tiếp kiến khác đều vào ngày Chúa Nhật trong Kinh Truyền Tin. Chỉ có một cuộc tiếp kiến chính thức Thủ Tướng xứ Mali được dự trù vào ngày 18 tháng 7.

Buổi sáng ngày 15 tháng 8, Đức Thánh Cha sẽ chủ tế Thánh Lễ tại nhà thờ giáo xứ Castel Gandolfo, được cung hiến cho Thánh Thomas de Villeneuve.

Đức Thánh Cha sẽ nghỉ ngơi - cầu nguyện, chơi nhạc, và dạo chơi - trong khi soạn các diễn từ cho các chuyến đi Madrid và Đức, và viết tuyển tập thứ ba về Giêsu Thành Nazareth, dành đặc biệt cho các bài đọc về Phúc Âm của Thời Thơ Ấu.

Ngài có thể nghĩ đến việc ban hành tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục về việc hòa giải tại Phi Châu và chuyến tông du tại Bénin (18-20 tháng 11, 2011).

Cũng vào cuối tháng 8, cũng như đã được thông báo vài tuần trước đây, Đức Thánh Cha sẽ tiếp kiến các cựu sinh viên của ngài trong nhóm Ratzinger Schülerkreis và các nhóm sinh viên mới.

Các sinh viên của giáo sư Ratzinger sẽ được nghe về đề tài Tân Phúc Âm Hóa mùa hè này. Một nữ thần học gia, bà Hanna-Barbara Gerl-Falkowitz, và một thành viên của cộng đồng Emmanuel đã được mời tới để dự kiến tại Gastel Gandolfo mùa hè này.

Linh mục Horn đã khẳng định với Zenit là chương trình hội thảo này sẽ được tổ chức vào cuối tuần lễ thứ tư của tháng 8 (26-28 tháng 8): Đức Thánh Cha sẽ chủ tế Thánh Lễ Chúa Nhật 28. Chủ đề sẽ là Tân Phúc Âm Hóa.

Có hai vị khách được mời: một phụ nữ, Bà Hanna-Barbara Gerl-Falkowitz, tác giả cuốn tiểu sử linh mục Romano Guardini (1885-1986: một người đã gợi hứng cho Ratzinger bằng tư tưởng của cha), và các tương quan giữa triết học và văn hóa, giáo sư tại Dresde – xưa kia là Đông Đức - và quen thuộc với các môi trường trần thế (xem Zenit ngày 21 tháng 7, 2010 về bài phỏng vấn bà), và một giáo dân, thành viên người nước Áo của cộng đồng Emmanuel, là ông Otto Neubauer.

Trong số các sinh viên thuộc nhóm "vòng trong" của giáo sư Ratzinger – từ Bonn, Münster, Tübingen, Ratisbonne -, mang tên "Ratzingerschülerkreis" mới đây lại có thêm một nhóm "vòng ngoài" gồm có các sinh viên không trực tiếp là môn đồ của giáo sư Ratzinger (như một trong những người trúng giải Ratzinger, là linh mục Heim), và các thần học gia đã nổi tiếng vì đã học hỏi và nghiên cứu thần học của ngài. Họ sẽ gia nhập với nhóm "vòng trong" được Hồng Y Ratzinger thành lập, để tham dự các buổi hội thảo mùa hè tại Castel Gandolfo.
 
Ireland: Tuần hành phò sự sống thu hút hàng ngàn người tham dự
Phạm Kim An
07:33 08/07/2011
Ireland: Tuần hành phò sự sống thu hút hàng ngàn người tham dự

Dublin - Hàng ngàn người đã tham dự một cuộc tuần hành lớn phò sự sống ở Dublin, để phản đối các nỗ lực ép buộc phá thai ở Ireland bằng cách thay đổi luật.

Ban tổ chức cuộc tuần hành nói rằng cuộc tuần hành ngày 2-7 với chủ đề "Ireland đoàn kết vì sự sống” là "cực kỳ thành công", và phục vụ như một lời cảnh báo cho chính đảng Fine Gael rằng, các kế hoạch của Công Đảng nhằm hợp pháp hoá việc phá thai ở Ireland là "không thể chấp nhận được cho đa số người dân Ireland”.

Các người phát biểu kêu gọi Thủ tướng Ireland Enda Kenny giữ lời hứa của ông rằng chính đảng của ông sẽ chống đối việc hợp pháp hoá phá thai, theo tổ chức “Bảo vệ thanh niên” (Youth Defence) đồng tài trợ cho cuộc tuần hành.

Hồi tháng 12-2010, Tòa án Nhân quyền Châu Âu phán quyết rằng lệnh cấm phá thai của Ireland vi phạm quyền của một phụ nữ, làm cho người này phải đã rời khỏi đất nước để bảo vệ việc phá thai của mình. Đảng Fine Gael đã thành lập một nhóm chuyên gia để xem xét bản án.

Bà Niamh Uí Bhriain, của Viện bảo vệ Sự sống, phát biểu với đoàn tuần hành về sự ‘vội vã’ của Công Đảng Ireland khi kêu gọi luật phá thai, sau khi phán quyết của Tòa án châu Âu làm tổn thương kết quả của họ trong cuộc bầu cử năm 2011.

Bà nói rằng các người phò sự sống sẽ không chấp nhận một ủy ban cứu xét lại, vốn "xếp chồng chất các trẻ chưa ra đời” hoặc không biết "bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng phá thai là không bao giờ cần thiết về mặt y tế".

Bà Carolyn Johnston, thuộc tổ chức “Bảo vệ thanh niên” nói những người Ireland phò sự sống đòi hỏi rằng chính phủ "cần lắng nghe đa số phò sự sống nói ‘Có với Sự Sống’ và nói ‘Không với Phá Thai’”.

Bà phát biểu: "Thủ tướng Enda Kenny cần phải nói với Tòa án Châu Âu không can thiệp vào quyền của người dân có chủ quyền, để họ quyết định luật phò sự sống của Ireland".

Bà Bernadette Smyth, giám đốc của tổ chức “Sự sống quý giá” (Precious Life) đồng tổ chức cuộc tuần hành, nói rằng việc bảo vệ sự sống của Ireland là một ánh sáng cho thế giới, và rằng những người phò sự sống đã hiệp nhất để đảm bảo rằng các chính trị gia phản đối việc hợp pháp hoá phá thai.

Bà Dana Rosemary Scallon, ca sĩ và cựu nghị sĩ, cũng phát biểu với đoàn tuần hành.

Theo tờ Irish Times, bà nói: “Hiến pháp của chúng tôi thuộc về nhân dân. Nó không thuộc về Dáil (Hạ viện Ireland) - đa số người dân ở đất nước này không muốn hợp pháp hóa phá thai ở Ireland".

"Châu Âu không có quyền buộc phá thai đối với người dân của đất nước này".

Những người tham gia cuộc tuần hành, trong đó có Đức Giám mục Seamus Hegarty giáo phận Derry, bắt đầu diễu hành từ Khu vườn Tưởng niệm và kết thúc tại Dáil Éireann, tức Hạ viện Ireland. Họ mang các bảng hiệu nói rằng "Hãy giữ Ireland khỏi nạn phá thai” và "Hãy Bảo vệ sự sống". Một số bảng hiệu có ảnh em bé với chú thích "Phá thai ư? Chúng tôi có thể sống không cần nó!”.

Cảnh sát cho biết khoảng 8.000 người đã tham dự cuộc tuần hành, theo Hội Bảo vệ trẻ em chưa sinh ra. Vài trăm người ủng hộ phá thai đã tụ tập phản đối cuộc tuần hành trên. (CNA 7-7-2011)

Phạm Kim An
 
Nước Ý thống nhất và Thánh Phanxicô thành Átxidi
Nguyễn Trọng Đa
07:34 08/07/2011
Nước Ý thống nhất và Thánh Phanxicô thành Átxidi

Từ 23 đến 25-9, một lễ hội mừng kính thánh bổn mạng của dân Ý

ROMA – Nhân dịp mừng 150 năm ngày thống nhất nước Ý, miền Reggio Emilia sẽ tổ chức từ ngày 23 đến 25-9 phiên bản thứ ba của lễ hội dành kính Thánh Phanxicô thành Átxidi. Lễ hội được tổ chức bởi phong trào Phan sinh miền Emilia-Romagna, miền bắc nước Ý.

Các hội nghị, chương trình và hoạt động dành cho thiếu nhi sẽ linh hoạt các ngày này, mà năm ngoái đã thu hút hơn 25.000 khán giả.

Nhiều nhân vật dân sự Ý sẽ phát biểu về "tình huynh đệ, sự phục vụ và đối thoại". Trong số đó, có Ernesto Olivero, nhiều lần ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình, Marco Impagliazzo, chủ tịch Cộng đoàn Sant'Egidio, và nhiều nhân vật của thế giới chính trị, đại học, báo chí và văn học.

Một cuộc triển lãm về Guido Reni (1575-1642), sẽ làm phong phú thêm lễ hội, trong khi một thánh tích quý giá của Thánh Phanxicô, một mảnh áo dính máu chảy ra từ năm dấu thánh của Ngài, sẽ được chuyển dời long trọng từ đền thánh La Verna đến Reggio Emilia. (Zenit 7-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Mùa hè của ĐTC Biển Đức XVI: Castel Gandolfo, Madrid, Đức
Phạm Kim An
07:36 08/07/2011
Mùa hè của ĐTC Biển Đức XVI: Castel Gandolfo, Madrid, Đức

Và tập ba của cuốn sách "Chúa Giêsu thành Nazareth"

ROMA – ĐTC Biển Đức XVI đã đến Castel Gandolfo cho mùa hè này: Ngài sẽ ở lại đây cho đến tháng Chín, ngoại trừ thời gian tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Madrid (từ ngày 18 đến 21-8-2011) và chuyến về thăm quê hương (Berlin, Erfurt, và Freiburg im Breisgau, từ ngày 22 đến 25-9-2011).

Trong tháng Bảy, không có các cuộc tiếp kiến chung, nhưng Ngài sẽ tiếp kiến lại vào ngày thứ tư 3-8. Các cuộc tiếp kiến chung sẽ diễn ra vào ngày chủ nhật trước giờ đọc Kinh Truyền tin. Một cuộc tiếp kiến chính thức duy nhất được dự kiến vào ngày 18-7 cho Thủ tướng của Mali.

Sáng ngày 15-8, ĐTC Biển Đức XVI sẽ chủ sự Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Castel Gandolfo, kính dâng thánh Tôma Villanova.

ĐTC sẽ lưu lại đó, với các việc cầu nguyện, chơi âm nhạc, đi dạo, soạn các diễn văn sẽ đọc tại Madrid và Đức, và soạn tập thứ ba của Ngài về cuốn sách Chúa Giêsu thành Nazareth dành nói về việc đọc các Tin mừng thời Thơ Ấu của Chúa.

Ngài có thể đã nghĩ đến việc công bố tông huấn hậu thượng hội đồng về việc hòa giải ở châu Phi, và chuyến tông du đến Benin (từ ngày 18 đến 20-11-2011).

Cuối tháng Tám, như chúng ta đã được loan báo cách đây vài tuần lễ, ĐTC Biển Đức XVI sẽ tiếp các cựu sinh viên của ‘Câu lạc bộ sinh viên của Ratzinger’ (Ratzinger Schülerkreis), và các thành viên của câu lạc bộ sinh viên mới.

Kỳ hè này, các sinh viên của giáo sư Ratzinger sẽ nghiên cứu về Tân Phúc âm hóa. Một nữ thần học gia, Hanna-Barbara Gerl-Falkowitz, và một thành viên của Cộng đoàn Emmanuel được mời đến nêu chứng tá tại Gastel Gandolfo.

Linh mục Horn nới với hãng tin Zenit rằng khóa học sẽ được tổ chức vào ngày cuối tuần cuối cùng của tháng Tám (từ ngày 26 đến 28-8): ĐTC Biển Đức XVI sẽ chủ sự Thánh Lễ vào ngày Chủ nhật 28-8. Chủ đề sẽ là Tân Phúc âm hóa.

Hai khách mời: một nữ giáo dân, bà Hanna-Barbara Gerl-Falkowitz, chuyên viên về Romano Guardini, và về các mối quan hệ giữa triết học và văn hóa, giáo sư ở Dresden - Đông Đức cũ - và quen thuộc với các môi trường thế tục, và giáo dân Otto Neubauer, thành viên người Áo của Cộng đoàn Emmanuel.

Ngoài câu lạc bộ các cựu sinh viên của Giáo sư Ratzinger - ở Bonn, Münster, Tübingen, Regensburg - "Ratzinger schülerkreis", còn có thêm một câu lạc bộ mới gồm các sinh viên không trực tiếp học với giáo sư Ratzinger (chẳng hạn một trong ba vị đoạt Giải Ratzinger mới đây, linh mục Heim), mà là các nhà thần học được nổi tiếng nhờ nghiên cứu thần học của Ngài. Các vị tham gia với ‘câu lạc bộ’ thứ nhất – vốn được Đức Hồng Y Ratzinger thành lập – gồm các sinh viên trực tiếp, cho các khóa học kỳ hè tại Castel Gandolfo. (Zenit 7-7-2011)

Phạm Kim An
 
Tháng 8: kính Mẫu Tâm Vô Nhiễm
Trầm Thiên Thu
07:50 08/07/2011
Tháng 8 được dành để kính Mẫu Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Tháng 8 nằm trong phụng vụ màu thường niên, màu phụng vụ là màu xanh. Biểu tượng hy vọng này là màu của hạt mầm và muốn đánh thức tín hữu biết hy vọng thu hoạch vụ mùa Nước Trời vĩnh cửu, đặc biệt hy vọng được sống lại vinh quang. Phụng vụ mùa thường niên nhắc chúng ta đang lữ hành về Quê Trời, nơi mà chúng ta hy vọng được lãnh nhận phần thưởng đời đời.

Ý cầu nguyện của tháng 8-2011:

Ý chung: Cầu cho Ngày Giới Trẻ tổ chức tại Madrid có thể khuyến khích những người trẻ trên thế giới sống và bám rễ sâu vào Chúa Kitô.

Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu Tây phương tiếp nhận tác động của Chúa Thánh Thần có thể gặp được sự đổi mới và lòng nhiệt thành trong đức tin của họ.

Mẫu tâm Vô nhiễm còn quen gọi là Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ. Người Công giáo cần có Đức Mẹ chở che và hướng dẫn, muốn vậy thì hãy tôn sùng Mẫu Tâm.

Trong mầu nhiệm Vui thứ nhất, Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai, chúng ta thấy cách Thiên Chúa muốn giao tiếp với nhân loại thế nào. Thiên Chúa chọn Đức Mẹ là phụ nữ của đức tin vì Đức Mẹ là người “đầy ơn phúc”. Nhờ Đức Mẹ, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và làm người để giao tiếp với chúng ta theo cách của nhân loại.

Chắc chắn vì Mẫu tâm Vô nhiễm mà Đức Mẹ có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa như vậy, để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Điều này dạy chúng ta điều gì về tầm quan trọng của việc giữ lòng thanh khiết? Phúc cho ai có lòng thanh sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8).

Theo đuổi sự khiết tịnh và ước muốn nên thánh là Ý Chúa muốn nơi tất cả chúng ta. Trong 1 Tx 4:3-8, thánh Phaolô nói: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người”.

Như vậy Đức Maria phải làm gì để phát triển sự thánh thiện? Thánh Louis M. De Montfort nói về điều này trong một bài giảng của ngài về “Bí quyết của Đức Mẹ”:

“Chúng ta phải tìm ra một phương tiện đơn giản để đạt được hồng ân Thiên Chúa cần thiết để trở nên thánh thiện. Chính xác điều này là tôi muốn truyền dạy anh chị em. Luận điểm của tôi là trước tiên anh chị em phải khám phá Đức Maria nếu anh chị em muốn nhận được hồng ân Thiên Chúa” (#6).

Có thể lý thuyết này là lý do để diễn đạt trong lời cầu nguyện dâng ngày buổi sáng: “Lạy Chúa Giêsu, qua Mẫu tâm Vô nhiễm Mẹ Maria, con xin dâng Chúa…”. Ngay cả chân phước Teresa Calcutta cũng thích nói: “Qua Mẹ Maria, hãy là duy nhất và tất cả cho Chúa Giêsu”. Thật vậy, hồng ân và phước lành hằng ngày của chúng ta từ nơi Chúa Giêsu, và đó là Ý Chúa trao cho chúng ta chính Con Một Ngài qua Mẹ Maria. Chắc chắn Đức Mẹ vẫn giữ vai trò chính trong đời sống hồng ân và sự thánh thiện ngày nay.

Đức Mẹ, trong sự thuần khiết của Mẫu Tâm và đầy tràn ân sủng cũng dạy chúng ta bài học về lòng bác ái vị tha. Khi Đức Mẹ đi thăm người chị họ Elizabeth, chúng ta thấy cách Đức Mẹ chia sẻ món quà này của Đức Kitô trong việc phục vụ người khác vì yêu thương. Đức Mẹ dạy chúng ta biết tầm quan trọng của việc yêu thương người khác, giao tiếp với người khác. Chúng ta không thể sống chỉ vì mình, sống hoàn toàn biệt lập với người khác. Sự viên mãn của cuộc sống được tìm thấy trong việc trao tặng chính mình vì yêu thương và phục vụ người khác.

Một bài học thú vị khác về văn hóa ngày nay là phải hành động với Đức Mẹ như vị Hiền thê của Thánh cả Giuse. Mặc dù Thiên Chúa trong mầu nhiệm và quan phòng của Ngài đã chọn Đức Mẹ là người mang thai Con Thiên Chúa mà không có sự “nhúng tay” của loài người, tuy nhiên Thiên Chúa muốn Đức Giêsu được nuôi dưỡng trong một gia đình hoàn toàn nhân loại. Vì thế, Thánh Giuse được trao cho cả Đức Mẹ và Chúa Giêsu để hoàn tất mối quan hệ quan trọng này theo định dạng nhân loại và yêu thương. Qua Mẹ Maria, kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình được rõ ràng minh bạch.

Mong sao mỗi chúng ta càng ngày càng yêu mến Đức Mẹ và biết tận hiến cho Đức Mẹ! Mong sao dân Chúa biết khám phá Đức Mẹ! Bởi vì chính Đức Mẹ giữ vai trò thông ban ân sủng cần thiết để chúng ta nên thánh, và đó là công việc của Thiên Chúa. Tuy đòi hỏi chúng ta phải lưu tâm và hợp tác, nhưng Thiên Chúa luôn hành động trong chúng ta. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, càng ngày chúng ta càng có thể ước muốn nên thánh ngay tại trần gian này!

Lạy Mẫu tâm Vô nhiễm Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con, xin hướng dẫn và che chở chúng con trọn cuộc lữ hành trần gian này. Chúng con cầu xin nhờ Thánh Tử Giêsu, Chúa chúng con. Amen.
 
Đại diện Vatican tại Liên Hiệp Quốc trình bày quan điểm của Tòa Thánh về 'nghị quyết đồng tính.'
Trần Mạnh Trác
11:12 08/07/2011
Vị đại diện của Vatican tại Ủy Ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc ở Geneva cảnh báo nghị quyết "định hướng tình dục và bản sắc giới tính" mới đây tại LHQ là một phần trong chương trình nghị sự nhằm hạn chế tự do Tôn Giáo.

"Nghị quyết này đánh dấu một sự thay đổi. Đó là sự bắt đầu của một phong trào trong cộng đồng quốc tế và LHQ để lồng quyền đồng tính vào các chương trình nghị sự toàn cầu về nhân quyền," Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, người đứng đầu văn phòng thường trực của Tòa Thánh của Liên Hợp Quốc tại Geneva, cho biết như vậy.

Đức Tổng giám mục lưu ý rằng một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã mô tả nghị quyết là "một khởi đầu của một tiêu chuẩn quốc tế sẽ được thực hiện dần dần." "Nếu tiêu chuẩn đó được chấp nhận," Đức Tổng Giám Mục Tomasi tự hỏi, "thì phải quy định làm sao về sự tự do ngôn luận của các nhà lãnh đạo tôn giáo? "

Ngài "quan tâm sâu sắc" rằng định chế hôn nhân và nền tảng gia đình tự nhiên sẽ bị xã hội hạ thấp xuống bởi những đạo luật nâng việc "hôn nhân đồng tính" ngang hàng với hôn nhân giữa một người đàn ông và một phụ nữ ". Vị Đại diện của Tòa thánh cũng cho biết định chế hôn nhân có thể bị đe dọa vì nhiều biện pháp liên hệ như cho phép người đồng tính nhận con nuôi và "giáo dục giới tính đi ngược với các giá trị Kitô giáo bị bắt buộc phải dậy ở trường học."

Nhắc lại sự kiện ngày 27 tháng 6 trong một buổi liên hoan tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Mỹ và những nhân viên đồng tính, ngoại trưởng Hilary Clinton đã ghi nhận có một "nỗ lực lớn lao của những nhà ngoại giao Mỹ" trong việc thông qua nghị quyết ngày 17 tháng 6, mà bà mô tả là " nghị quyết đầu tiên của Liên Hiệp Quốc công nhận nhân quyền của những người LGBT (Đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới) trên toàn thế giới. "

Bà Clinton gọi nghị quyết trên là một "bước nhảy vọt về phía trước", và nói rằng "Đối với Hoa Kỳ, đối với chính sách đối ngoại, và đối với các giá trị của chúng ta ...thì quyền đồng tính là nhân quyền và nhân quyền là quyền đồng tính."

Được biết nghị quyết nói trên chính yếu là để bày tỏ "sự quan ngại nghiêm trọng đối với các hành vi bạo lực và phân biệt đối xử ... đối với các cá nhân bởi vì khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính của họ," tuy không có hiệu lực ngay lập tức trên các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng nó chính thức yêu cầu Cao ủy Nhân quyền thực hiện một cuộc điều tra về những hành vi như vậy, để chuẩn bị cho cuộc bàn cãi tại đại hội đồng trong năm 2012.

Mặc dù Nghị quyết không có tác dụng gì trong ngắn hạn, bà ngoại trưởng Clinton đã mô tả việc thông qua này là một trong những "thành tựu quan trọng" của những vấn đề có "ưu tiên cao ".

Cũng được biết nghị quyết đã bị phản đối bởi khối các quốc gia Ả Rập và châu Phi, cũng như bởi Nga và Moldova.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi nhắc lại rằng Giáo Hội không hỗ trợ bạo lực chống lại những người có hành vi đồng tính, hoặc hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào của nhà nước để trừng phạt một cá nhân đơn giản chỉ vì "cảm xúc và suy nghĩ."

"Tôi nghĩ rằng bạo lực đối với người đồng tính luyến ái là không thể chấp nhận được và phải bị lên án, mặc dù điều lên án này không hàm ý tán thành các hành vi của họ."

"Khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính là các điều không có định nghĩa trong luật quốc tế", ĐGM lưu ý. Phạm vi liên quan đến họ không phải là những hành động bên ngoài, nhưng là cảm xúc và suy nghĩ, do đó họ không thể bị luật pháp trừng phạt. "

Khai triển thêm quan điểm mà ngài đã trình bày trước Ủy Ban Nhân quyền, Đức Tổng giám mục đưa ra quan sát rằng tất cả mọi xã hội đều hạn chế hành vi tình dục đến một mức độ nào đó để phục vụ cho lợi ích chung, chẳng hạn như cấm loạn luân, cấm tình dục với trẻ em, hoặc cấm hiếp dâm.

Ngài mô tả những thuật ngữ được dùng trong bản nghị quyết như "định hướng tình dục" và " bản sắc giới tính" là mơ hồ giả tạo, tương phản với ' thông điệp rõ ràng' của Tạo Hóa, nhấn mạnh đến sự bổ sung cho nhau giữa hai giới tính.

"Thay vì từ 'bản sắc giới tính' (gender)" Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói, "chúng ta nên sử dụng từ 'giống tính, giới tính' (sex), là một từ ngữ phổ quát tự nhiên đề cập đến nam và nữ."

"Trong thực tế, những thuật ngữ như "bản sắc giới tính "hay" định hướng tình dục "đã được đưa ra với mục đích để tách rời vấn đề ra khỏi thực tế khách quan và để thích ứng với một loạt các cảm xúc và đòi hỏi, rồi sau đó vấn đề được chuyển đổi ra thành một quyền."

Việc sử dụng ngôn ngữ "quyền" để biện minh cho các hoạt động như "hôn nhân đồng tính", bề ngoài có vẻ vô hại, miễn là các quyền đó được giới hạn trong cuộc sống riêng tư. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Tomasi cảnh báo rằng những đòi hỏi về "quyền" này tạo ra xung đột với những quyền đích thực như tự do tôn giáo, và giáo dục trẻ em.

Ngài đưa ra một "nước truyền thống Công Giáo" là Tây Ban Nha làm ví dụ của hậu quả mà xu hướng hiện tại có thể dẫn tới.

Trong quốc gia đó, pháp luật "ủng hộ hôn nhân đồng tính đã được thông qua từ bốn hoặc năm năm qua , cho phép phá thai miễn phí trong 22 tuần đầu của thai kỳ, giáo dục về các vấn đề như thủ dâm, hôn nhân đồng tính, ngừa thai và phá thai là bắt buộc ngay cả đối với trẻ em tuổi từ 8 đến 12 "

Việc thực hành chính sách này chiếm ưu thế ở Tây Ban Nha ", mặc dù trên thực tế có hàng ngàn phụ huynh đang chống lại chính sách này vì nó phủ nhận quyền cơ bản của cha mẹ để quyết định về việc giáo dục con cái của họ."

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đề nghị rằng người Công giáo ngày nay có một trách nhiệm "để làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý và đạo đức của nền văn hóa hiện nay" bằng cách phác họa ra sự khác biệt giữa mong muốn và quyền lợi, người Công Giáo phải thúc đẩy những ý niệm về sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí, và phải rõ ràng rằng một phán quyết chống lại đồng tính luyến ái không phải là để lên án người đồng tính.

Ngài nhận định thêm rằng "Với một số người thì thật là khó khăn...khi phải kết hợp sự tôn trọng và bảo vệ một cách thích đáng tất cả mọi người - bao gồm cả người đồng tính - với việc hỗ trợ các vai trò không thể thiếu của một gia đình, quyền của cha mẹ để giáo dục con cái, sự hỗ trợ cho gia đình tự nhiên nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích chung. "

Nến văn hóa phương Tây có vẻ coi đặc tính này (việc kết hợp khó khăn trên) là không thể hiểu nối, nhưng Giáo hội sẽ tiếp tục thúc đẩy nó. Giáo huấncủa Giáo Hội không phải là điều kiện đồng thuận chính trị, đức tổng giám mục lưu ý. "Đôi khi, Giáo Hội bị hiểu lầm và thậm chí còn trở thành mục tiêu của trả thù và khủng bố."

"Tuy nhiên, lý trí và luật tự nhiên sẽ hỗ trợ cho các quan điểm lấy cảm hứng từ đức tin đó", Đức TGM nói, "và chính sự hội tụ của đức tin và lý trí mới đưa tới hiệu quả đặc biệt cho sự tiến bộ và hạnh phúc của gia đình nhân loại."
 
Top Stories
Vietnam: Trop élevés, les frais de voyage empêcheront beaucoup de jeunes catholiques vietnamiens de participer aux Journées mondiales de la jeunesse
Eglises d'Asie
06:17 08/07/2011
Eglises d'Asie, 8 juillet 2011 - Alors que l’on annonce que plus d’un million de jeunes participeront aux Journées mondiales de la jeunesse (JMJ) 2011, à Madrid, que des pays comme le Brésil seront représentés à ce rassemblement par 10 000 jeunes, il est probable que le Vietnam ne pourra envoyer qu’une poignée de représentants à ce rendez-vous de la jeunesse catholique du monde.

Les jeunes Vietnamiens ne pourront pas se joindre à leurs amis du monde routier à cause des dépenses que supposent le voyage et le séjour en Espagne. La remarque a été faite par l’évêque du diocèse de Hai Phong (1), Joseph Vu Van Thiên, qui est aussi responsable de la Commission épiscopale pour la jeunesse.

L’évêque a déclaré : « Nous sommes très inquiets pour les jeunes dirigeants catholiques de notre pays. Ils ne seront pas en mesure d’aller en Espagne pour les Journées mondiales de la jeunesse qui vont se dérouler à Madrid du 16 au 21 août prochains. » La grande majorité d’entre eux n’a pas les ressources financières suffisantes pour s’acquitter des frais élevés entraînés par leur participation à cet événement mondial. Les 13 jours de voyage et de séjour en Espagne devraient leur coûter entre 2 200 et 2 500 euros, ce qui représente une somme astronomique dans la monnaie locale : entre 65 et 74 millions de dongs. L’évêque a ajouté qu’il était triste de constater que les diverses associations d’Eglise étaient trop pauvres pour aider les jeunes dirigeants locaux à recueillir la somme nécessaire à leur voyage.

Par ailleurs, les jeunes catholiques vietnamiens se heurtent à un autre obstacle. L’ambassadeur espagnol au Vietnam se refuse à accorder le visa aux personnes qui n’ont pas envoyé la somme d’argent nécessaire aux organisateurs des JMJ en Espagne. Or, la population vietnamienne n’est pas autorisée par le gouvernement à envoyer de l’argent à l’étranger. Jusqu’à présent, 50 jeunes gens désireux de participer aux JMJ ont demandé à l’évêque d’intervenir auprès de l’ambassade d’Espagne pour l’obtention d’un visa. Quarante autres, en majorité des prêtres, se sont inscrits dans une agence de voyages locale pour effectuer une visite de l’Espagne à cette période et, ainsi, participer au rassemblement de Madrid.

Un certain nombre de responsables d’Eglise se désolent de constater que seuls les prêtres et certaines personnes aisées auront la possibilité d’être présents à cet événement alors que la plupart des responsables des associations de jeunesse qui se sont dévouées au service de leurs frères au cours de l’année seront tenus à l’écart de ce rassemblement mondial.

(1) Les remarques du responsable de la Commission épiscopale de la jeunesse ont été recueillies par Ucanews, dépêche du 1er juillet 2011.

(Source: Eglises d'Asie, 8 juillet 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một ngày cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam tại Đan viện Ottilien
Nguyễn Quý Đại
10:35 08/07/2011
ĐỨC QUỐC - Đan viện St. Ottilien chào đời hơn một thế kỷ, do Cha Dòng Biển Đức Schweizer Andreas Amrhein (1884-1895) thành lập năm 1884 tại Reichenbach. Năm 1887 nhà Dòng được dời về làng Emming, nay là làng St. Ottilien. Thuộc tiểu bang Bavaria cách Munich 40 km. Diện tích rộng hơn 200 mẫu Anh, trên đồi cao yên tĩnh, tháp nhà thờ cao 75 m, bao quanh là đồng cỏ xanh mược, ruộng lúa mì trĩu hạt vàng bên cánh rừng nhỏ. Nhà Mẹ của Dòng hơn 110 Đan sĩ, sống chiêm niệm, cầu nguyện, truyền giáo, lao động với đủ mọi ngành nghề.

Đan Viện biệt lập như một ngôi làng (Klosterdorf/làng tu) Đan sĩ phải tự túc canh tác, các khu vườn như nông trại trồng rau, trái cây, nuôi gia súc: bò, heo, gà…. Đời sống tu viện không phụ thuộc nhiều vào trợ giúp bên ngoài, còn có những nhà xuất bản EOS và nhà in, thư viện, bảo tàn viện, nhà tĩnh tâm, nhà khách (60 phòng, 90 giường) và khu vườn bia… khu nội trú cho 250 học sinh và bán nội trú cho 140 HS. Trường trung học Rhabanus Maurus Gymnasium có 780 HS và 60 thầy giáo…Tu Viện lớn nỗi tiếng tại tiểu bang Bavaria, dòng tu nầy có hơn 1100 Đan sĩ hoạt động truyền giáo 19 Quốc gia trên thế giới. Người Việt Nam duy nhất và đầu tiên đến tu ở Đan viện là Lm. Phạm Sơn Hà. Đời sống trong tu viện bận rộn nhưng ngài luôn quan tâm đến Quê hương Việt Nam và Giáo Hội, luôn hổ trợ các phong trào đòi dân chủ tự do, công lý và hoà bình cho Việt Nam

Vì yêu chuộng Công Lý - Hoà bình nên ngài đã tổ chức „Một ngày cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam". Thơ kêu gọi phổ biến rộng rãi trên các trang báo điện tử Online được nhiều người truy cập như: Thongtinberlin.com, lyhuong.net, Nguoivietboston.com, và các diễn đàn… Lm. Phạm Sơn Hà đã nhận được nhiều e.mail khắp nơi trên thế giới gởi đến ngưỡng mộ, khích lệ và hợp ý cầu nguyện. Cụ Lê Quang Liêm trên 80 tuổi, Đại diện GHPG Hòa Hảo tại Việt Nam viết: “Đọc Lời kêu gọi của Lm. Phạm Sơn Hà, lòng tôi cảm thấy vô cùng xúc động trước tấm lòng yêu mến quê hương của Lm.Sơn Hà và đồng hương Việt Nam ở hải ngoại là những người đã rời khỏi đất nước VN, đã thoát khỏi kiếp sống đọa đày dưới chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN, một kiếp sống làm người mà không có quyền con người… „

Ngày 02.7 vừa qua Cộng Đồng Việt Nam từ các nơi xa từ: Mönchenglachbach Düsseldorf, Köln, Frankfurt, Stuttgart, và München đã về Đan Viện tham dự ngày cầu nguyện.

15g00- 16g 00: Thánh lễ đồng tế do Lm. Augustinô Phạm Sơn Hà OSB chủ sự, đồng tế với các Linh mục Đan viện St. Ottilien: Lm.Viện phó Claudius Bals, Lm. Johannes Neudeck. Lm. Varghese Binoy (người Ấn Độ), Lm. Ðinh xuân Minh, Lm. Nguyễn văn Khải dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, và cha cố Giuse Nguyễn văn Tịnh.

Trong thời gian nầy các Giáo xứ như München đi HÀNH HƯƠNG TÔN VINH ĐỨC MẸ TẠI MARIENFRIED NĂM 2011 tại Neu Ulm có Thánh Lễ cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam tại Đài Đức Mẹ Fatima. Nhưng tại Đan Viện tham dự thánh lễ hơn 200 Kitô hữu và nhiều người thuộc các tôn giáo khác, cũng như Đại Diện Các Đoàn Thể, Đại Diện Tinh Thần các Tôn Giáo và một số giáo dân người Đức. Trong nghi thức Thánh lễ có phần song ngữ Đức Việt. Cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam được sống trong tự do, hòa bình và mọi nguời cùng góp sức để xây dựng quê hương. Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng công lý và nhân phẩm con người. Tâm nguyện qua lời nguyện tín hữu: lạy Chúa, Quê hương VN đang bị bạo quyền phương Bắc đe doạ xâm chiếm. Nhân quyền của người dân luôn bị tước đoạt. Nhân phẩm bị chà đạp, con người sống gian dối, thiếu chân thật và thiếu tình người. Xin Chúa cho chúng con nhận ra được tình yêu chân thật của Chúa để chúng con biết thương yêu tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, và cùng nhau đoàn kết tạo nên sức mạnh mà gìn giữ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước thân yêu.

Lạy Chúa, trên quê hương VN thân yêu của chúng con còn biết bao nhiêu người dân không cơm ăn áo mặc, không cửa không nhà, Trẻ thơ phải lang thang đi ăn xin trên hè phố, không có cơ hội cắp sách đến trường, thiếu nữ phải bán thân đi làm nô lệ tình dục, người thấp cổ bé miệng bị đàn áp bóc lột, bị cướp đất đai tài sản. Xin Chúa đoái thương an ủi giúp họ trong cơn khốn khó. Xin giúp chúng con biết can đảm lên tiếng bênh vực người bị áp bức, bóc lột. Chúng con cầu xin Chúa.

Lm. Viện trưởng Jeremias Schröder ngài đã cố gắng đến với Cộng Đoàn Việt Nam trong phần cuối thánh lễ, ngài chào mừng và góp lời cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam có tự do tôn giáo và nhân quyền phải được tôn trọng. Đại diện Cộng Đoàn ông Nguyễn Văn Rị trao qùa lưu niệm chiếc khăn quàng có cờ vàng ba sọc đỏ, là biểu tượng cho tự do của Người Việt tỵ nạn CS khắp nơi trên thế giới, đã rời bỏ quê hương khi cộng sản chiếm miền Nam ngày 30.4.1975.

Thánh lễ xong mọi cùng người đến phòng hội thảo, qua sân rộng một số anh chị em cùng phất cao ngọn cờ vàng đồng ca nhạc phẩm “Đáp lời sông Núi” và hô to Hoàng Sa & Trường sa là của Việt Nam.

16g30 -18g00: Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải dòng Chúa Cứu Thế, thuộc Giáo Xứ Thái Hà, Hà Nội, hiện đang ở Roma. Tại Hà Nội ngài đã đấu tranh bất bạo động, chống lại áp bức từ mọi phiá cùng giáo dân bảo vệ Giáo Xứ Thái Hà tồn tại. Ngài là diễn giả sinh động nói về “tự do tôn giáo tại VN”, hoàn cảnh đời sống tu hành dưới nhà cầm quyền CSVN trước và sau 1954 tại miền Bắc. Cộng sản chủ trương tiêu diệt tôn giáo, hay biến tôn giào trở thành công cụ cho đảng. Tìm cách gây chia rẽ hoặc xen vào nội bộ của các tôn giáo như đi tu phải xin phép, “tốt đời đẹp đạo” mọi công việc của Giáo Hội bị kiểm soát thật chặt chẽ, khuyến khích các linh mục thân nhà nước chấp nhận thỏa hiệp, cộng tác với nhà cầm quyền để hưởng lộc, cúi đầu im lặng trước những điều ác hay bất công…Biến các tôn giáo thành những “tôn giáo lễ hội”. CSVN đàn áp thẳng tay các tôn giáo hay những chức sắc tôn giáo nào dám nói sự thật về chế độ, dám lên tiếng chống điều ác, chống bất công, đòi công lý.

Cha Khải tường thuật từ 1954 nhiều Xứ đạo đã di cư vào Nam, chỉ còn lại một thiểu số giáo dân ở lại quê nhà, không được phép đi lễ, nhà thờ bỏ trống, nhà cầm quyền cho người ngoại đạo chiếm nhà, biến nhà thờ trang nghiêm thành nơi buôn bán.. nơi để làm thịt bò heo để bán…Giáo dân còn ở lại phải âm thần giữ đạo đi nhà thờ cũng đi chui, con cháu học hỏi giáo lý cũng chui, muốn đi tu vào tiểu viện, rồi đến đại chủng viện cũng chui, được thụ phong linh mục cũng chui, ở dòng Chúa cứu thế Thái Hà thì không có “hộ khẩu” gọi là ở chui. Không có sự bình đẳng với những người có niềm tin tôn giáo, họ thường bị đẩy ra ngoài xã hội và thường bị công an theo dõi từng lời nói, từng hoạt động. Những nơi có đông người theo đạo thì họ không làm gì được nên cho phép hoạt động tôn giáo, nhưng gây những khó dễ như đi ruớc kiệu, cầu nguyện phải xin phép. v.v ngược lại những nơi vùng xa ít giáo dân thì họ ngăn cấm. Nhà nước không cho phép sửa chữa nhà thờ, sửa chữa những nơi thờ phượng. Mặc khác họ luôn tuyên truyền là ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Cuộc sống tại các vùng quê cũng còn rất khổ vì nhiều nơi không đủ ăn. Tình trạng bọn cầm quyền địa phương thực hiện những đòn phép biến hóa đất đai, cơ sở trong diện họ quản lý nhằm trục lợi cá nhân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện dai dẳng của người dân lâu nay. Từ khi chính phủ Mỹ rút Việt Nam khỏi danh sách CPC “các nước đàn áp tôn giáo” tháng 11/2006". Nhà cần quyền đã có những hành động đàn áp và khủng bố. Đập phá tượng Đức Mẹ Sầu Bi, đàn áp xứ Đồng Chiêm, Tam Tòa, Thái Hà, Cồn Dầu, Cầu Rầm, Tòa Khâm Sứ…Buổi hội thảo thật súc tích, những chuyện có thật trong đời, CSVN càng cấm đạo, đạo càng phát triển và cắm rễ đức tin càng sâu…. Từ đầu Thánh và buổi hội thảo nhóm Diễn đàn Paltalk của anh Ngô Gia đã trực tiếp truyền đi sinh hoạt khắp nơi trên thế giới nghe buổi cầu nguyện..

18g00 - 19g45 Thời tiết đẹp không mưa, buổi ăn tối nướng thịt ngoài vườn vui vẽ trong bầu không khí thật ấm cúng và thân mật. Cha Khải tiếp xúc với mọi người và trả lời những câu hỏi về đời sống thật tại Việt Nam.

20g00 - 21g15: Sau bữa ăn tối là buổi là rước nến kiệu Đức Mẹ, trên đường đến nhà nguyện vang tiếng hát “Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Khi tàn màu nắng chiều, và khi sương đêm nặng gieo, con say sưa lời ca chào…Ave Maria dịu dàng xin nghe con cầu khẩn cho nhân dân Việt Nam được thoát ách quỷ thần……”,

Thánh lễ có kinh Dâng Nước Việt Nam cho trái Tim Mẹ và dâng nến cầu nguyện xếp trên bản đồ Việt Nam. Cầu xin Chúa và Mẹ ban phước lành cho mọi gia đình Giáo hội, quê hương Việt Nam. Hy vọng quê hương Việt Nam thật sự có tự do và dân chủ. Dư âm ngày cầu nguyện cho quê hương Việt Nam vẫn vang vọng với Đan viện St. Ottilien và trong lòng mọi người.

“Hy vọng đã vươn lên trong mộ sâu quên ưu sầu
Hy vọng đã vươn lên dưới mặt trời thêm phơi phới
Hy vọng đã vươn lên trong cuộc tình toàn thế giới
Hy vọng đã vươn dậy trong ngày qua sang ngày nay cho ngày mai..."
 
Thông Báo
Khoá học về Thánh Lễ Tạ Ơn & Nghi Lễ Phụng Vụ tại Los Angeles
Mục vụ Los Angeles
07:57 08/07/2011
Thánh Lễ (Lễ Misa)

Bí tích Thánh Thể, Lễ Tạ Ơn, Bữa ăn tối của Chúa, Việc Bẻ Bánh, Cộng đoàn Thánh Thể, Việc Tưởng Niệm, Hy tế thánh, Hy tế Thánh lễ, Bí Tích Cực Thánh... tất cả đều nói về hành động chúng ta cử hành mỗi tuần

Bí Tích Thánh Thể được gọi là “Thánh Lễ (Lễ Misa), bởi vì phụng vụ trong đó mầu nhiệm cứu độ được hoàn tất, được kết thúc bằng việc sai các tín hữu ra đi (missio), để họ chu toàn thánh ý Chúa trong đời sống hằng ngày của họ.” (GLCG 1332)

“Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo.... Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta.” (GLCG 1324)

Để hiểu biết và nhận thức thêm về hành động đức tin mà ta chúng ta làm mỗi tuần, xin kính mời toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa đến tham dự ngày học hỏi về Thánh Lễ Tạ Ơn & Nghi Lễ Phụng Tự (Sách Lễ Rôma mới) tại các địa điểm sau đây:

CN 24 tháng 7, 2011 tại Cộng Đoàn La Vang, St. Joseph the Worker, Winnetka (Carnoga Park)
CN 31 tháng 7, 2011 tại Cộng Đoàn Thánh Phêrô, St. Pius X, Santa Fe Springs (Norwalk) (cho những ai không tham dự được ngày I)

Khoá học về Thánh Lễ Tạ Ơn & Nghi Lễ Phụng Vụ sẽ được hướng dẫn bởi Linh mục Bartolomeo Phạm Đức Thịnh, hiện đang du học tại Rôma.

Lưu Ý: Chi tiết về giờ hội họp, xin coi TTMV tuần tới. Cơm trưa sẽ do cộng đồng khoản đãi.

Hội Đồng Linh Mục & Hội Đồng Mục Vụ
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Los Angeles xin kính mời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Về Bên Nhau
Joseph Nguyễn Tro Bụi
21:41 08/07/2011
CHIỀU VỀ BÊN NHAU
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Vai mớm vai nhau một buồi chiều
Hoàng hôn nắng hạ rớt liêu xiêu
Tay đan tay kết chiều mộng ước
Trong mành tơ ả quyện gió yêu.
(NTB)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
VietCatholic phỏng vấn Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt về tình hình giáo phận Bắc Ninh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:43 08/07/2011
Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tham dự lễ tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Melbourne hôm 23/06/2011.

Đức Cha Cosma đã nhân dịp này thăm viếng các linh mục và các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên đất Úc.

Ngày 4/8/2008, đang lúc diễn ra những căng thẳng giữa tổng giáo phận Hà Nội và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục giáo phận Bắc Ninh. Thánh lễ tấn phong được cử hành vào ngày 7/10/2008.

Gần 3 năm đã trôi qua, trong buổi gặp gỡ với các phóng viên VietCatholic, ngài đã chia sẻ một số tâm tình và ưu tư của ngài về tình hình của giáo phận mà Đức Cha đã được giao trọng trách cai quản. Xin mời quý cha và anh chị em theo dõi qua đoạn video sau: