Ngày 07-07-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gặp gỡ sáu nạn nhân bị lạm dụng tình dục
Đặng Tự Do
12:24 07/07/2014
Trong cuộc họp báo trưa thứ Hai 7 tháng 7, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói vào ban sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ trong hơn ba giờ với sáu nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục gồm ba người đàn ông và ba phụ nữ, từ Vương quốc Anh, Ireland và Đức.

Đức Thánh Cha đã gặp riêng với từng người trong khoảng nửa giờ, lắng nghe những câu chuyện và kinh nghiệm của họ.

Cha Federico Lombardi nói:

"Đó không phải là một cuộc họp hời hợt, ngay cả chiều dài của cuộc họp này cũng đã cho thấy cam kết và ý định để lắng nghe, để thấu hiểu sự việc. Nếu đó chỉ là một họp hình thức, nó đã ngắn hơn rất nhiều."

Phát ngôn viên Vatican giải thích rằng mỗi cuộc họp với từng cá nhân rất cảm động, không chỉ với các nạn nhân, mà cả Đức Giáo Hoàng cũng rất cảm động.

Cha Federico Lombardi nói với các ký giả:

"Tôi có thể cho các bạn biết rằng cảm giác chủ yếu là sâu lắng, tích cực và thanh thản. Chúng tôi thấy những người rất cảm động, hạnh phúc và biết ơn trước cơ hội để sống thời điểm này, cuộc họp này. Cuối cùng, tôi thấy Đức Giáo Hoàng rất xúc động. Bất kỳ người nào, bất cứ linh mục, hay vị mục tử nào đã kinh qua một cuộc họp về vấn đề này, với những người đã bị đau khổ rất nhiều vì những vết thương mà họ đã trải qua, thì nó luôn luôn là một cuộc gặp gỡ đặc biệt nặng nề. "

Sáu nạn nhân bắt đầu đến Santa Marta vào ngày Chúa Nhật. Một số có gia đình tháp tùng. Trong bữa ăn tối, Đức Giáo Hoàng đã chào đón họ. Sáng thứ Hai, họ đã tham dự Thánh Lễ buổi sáng tại nhà nguyện Santa Marta, cùng với các thành viên của Ủy ban Bảo vệ Trẻ Vị Thành Niên.

Cuộc gặp gỡ với các nạn nhân hôm thứ Hai đã được Đức Thánh Cha công bố trước trên chuyến bay trở về từ Thánh Địa. Đức Thánh Cha cho biết:

"Sắp tới, chúng tôi sẽ có một Thánh Lễ tại tại nhà nguyện Santa Marta, với một vài người bị lạm dụng, và sau đó sẽ có cuộc gặp gỡ giữa tôi với họ"

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tất cả các nạn nhân đều là những người ở châu Âu.

"Hai người là từ Đức, hai người từ Anh hay Ai-len, tôi không chắc chắn. Tổng cộng là tám người, phải không?” Ngài hỏi Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Có cả Đức Hồng Y O'Malley, cũng là một người trong ủy ban. Chúng ta cần phải tiến lên phía trước trong chuyện này với chính sách Zero tolerance” (tức là hoàn toàn không khoan nhượng).

Trước buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và nhóm các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, Đức Hồng Y Sean O'Malley đã có một buổi họp hôm Chúa Nhật 6 tháng 7 với Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên.

Ủy Ban đang soạn thảo một quy chế mới, hướng đến một cấu trúc tổ chức nhằm mục đích giúp chữa lành các vết thương của lạm dụng, ngăn chặn tình trạng lạm dụng và làm mọi cách để việc giải quyết vấn đề lạm dụng trở thành một ưu tiên của toàn thể Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

"Một linh mục gây ra điều này là phản bội lại Nhiệm Thể Chúa, bởi vì các linh mục cần phải dẫn cậu bé này, cô gái này, người thanh niên này, người phụ nữ trẻ này, nên thánh. Và cậu bé này, cô gái này tin tưởng nơi vị linh mục. Thế mà thay vì đưa họ đến sự thánh thiện, lại lạm dụng họ. Thật là một tội lỗi rất nghiêm trọng. "

Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên cũng đang xem xét bổ sung thêm các thành viên từ các nước Á, Phi, mà hiện nay chưa có đại diện.

Đây không phải là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã từng có những cuộc gặp gỡ như thế cũng với sự hiện diện của Đức Hồng Y Sean O'Malley của tổng giáo phận Boston, Hoa Kỳ.

Trong một diễn biến khác, hôm 4 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Geneva nói rằng “việc huyền chức Józef Wesolowski là dấu chỉ cho thấy Tòa Thánh rất nghiêm chỉnh trong việc giải quyến vấn đề lạm dụng”.

Trong thông cáo đưa ra hôm 27 tháng 6, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Józef Wesolowski, cựu sứ thần ở Cộng hòa Dominica, đã bị huyền chức, nghĩa là bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ và từ nay chỉ là một giáo dân bình thường.

Józef Wesolowski, 66 tuổi, đã là sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dominica từ ngày 24 tháng Giêng năm 2008 cho đến khi bị triệu hồi về Tòa Thánh vào tháng 8 năm 2013 vì bị cáo buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên tại Cộng hòa Dominica.

Sau tiến trình xét xử giáo luật, tiến trình tố tụng hình sự sẽ tiếp tục tại các tòa án dân sự của Tòa Thánh Vatican.

Vatican đã triệu hồi Józef Wesolowski vào tháng Tám năm ngoái và đã mở một cuộc điều tra sau khi Đức Hồng Y Nicolás López Rodríguez, tổng giám mục của Santo Domingo, thông báo cho Đức Giáo Hoàng về những cáo buộc chống lại Józef Wesolowski.

Józef Wesolowski được thụ phong linh mục ngày 21 tháng 5 năm 1972 và đã từng là sứ thần hay khâm sứ Tòa Thánh tại các nước Trung Á như Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgzystan và Uzbekistan trước khi được bổ nhiệm đến Cộng hòa Dominica.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao tính nhân văn trong lao động
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
18:52 07/07/2014
ROMA - Hôm thứ Bảy, 05/07/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô có chuyến thăm mục vụ tại tổng giáo phận Campobasso và giáo phận Isernia thuộc vùng Molise, nằm theo hướng Nam của Italia.

Ban sáng, Đức Thánh Cha rời Vatican bằng trực thăng lúc 07h45 và đáp xuống Đại Học Molise lúc 8h30. Tại đây ngài gặp gỡ giới lao động và công nghệ, đồng thời lắng nghe hai nhân chứng, một là nữ công nhân của hãng xe hơi Fiat, và người còn lại là một nhà nông trẻ tuổi, nói về sự dung hòa giữa công việc và gia đình.

Ngỏ lời với giới lao động, Đức Thánh Cha mời gọi họ ưu tiên cho chiều kích nhân văn, mối quan hệ gia đình và bạn hữu, chứ không đơn thuần làm việc vì kinh tế. Có thể dung hòa giữa công việc và gia đình. Đây là điểm mốc giúp lượng giá chất lượng nhân đạo của hệ thống kinh tế, nhất là việc tôn trọng ngày nghỉ Chúa Nhật.

« Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những bất ngờ. Ngài phá vỡ những gì là các dự thảo », Đức Thánh Cha nhắc nhở đồng thời khích lệ giới lao động « cần có can đảm trong năng lực sáng tạo cho tương lai ». Lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô được đáp lại bằng những tràng vỗ tay tán thành.

Riêng với ngành nông nghiệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự đối thoại phong phú giữa con người và đất đai nhằm hướng đến việc trổ sinh hoa trái chứ không phải là bị khai thác. Sự phát triển đòi hỏi gắn liền với sự tôn trọng công trình sáng tạo luôn là một trong những thách đố lớn trong thời đại của chúng ta.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha coi trọng việc dung hòa giữa lao động và gia đình, bao hàm vấn đề lao động ngày Chúa Nhật, vì nó không chỉ liên quan đến các tín hữu, mà còn đối với tất cả mọi người, như là một sự chọn lựa đạo đức.

« Chúng ta muốn ưu tiên cho cái gì ?, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. Nghỉ ngày Chúa Nhật, trừ những dịch vụ thật cần thiết, khẳng định rằng việc ưu tiên không trở lại từ nền kinh tế, nhưng là cho nhân loại, cho sự cho đi nhưng không, cho những mối quan hệ phi thương mại, đặc biệt là cho gia đình và bạn hữu… Đó là lúc tự hỏi xem việc lao động ngày Chúa Nhật có phải là một sự tự do đích thực ».

Sự cho đi nhưng không này được Đức Thánh Cha liên hệ với những mối quan hệ gia đình bằng cách mời gọi các bậc cha mẹ « mất thời gian cho con cái mình », « chơi với chúng một cách hoàn toàn cho không ».

Cuối cùng Đức Thánh Cha kết luận bằng cách biện hộ cho quyền lao động, bởi lẽ lao động không phải vì đói khát, nhưng là để hướng tới phẩm giá.

Với những tràng vỗ tay nồng nhiệt, Đức Thánh Cha rời Đại Học để đến cử hành thánh lễ tại sân vận động cũ Romagnoli của thành phố Campobasso.

Đức Thánh Cha cũng dành thời gian chào thăm một nhóm bệnh nhân trong nhà thờ chính tòa Campobasso trước khi dùng bữa trưa với người nghèo do trung tâm Caritas tổ chức. Buổi chiều cùng ngày, ngài gặp gặp gỡ các bạn trẻ thuộc hai giáo phận Abruzzes và Molise tại tiền sảnh đền thánh Castelpetroso.

Đến thành phố Isernia, Đức Thánh Cha cũng gặp các người bị giam cầm tại nhà tù địa phương và các bệnh nhân tại nhà thờ chính tòa. Chặng sau cùng của chuyến viếng thăm mục vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức công bố năm thánh nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của thánh giáo hoàng Célestin V, trước khi lên đường trở về Vatican bằng trực thăng vào lúc 20h15.
 
Top Stories
Vietnam: A propos de l’excommunication d’un prêtre du diocèse de Vinh Long
Eglises d'Asie
15:19 07/07/2014
Le 23 mai dernier, un communiqué de l’administrateur apostolique du diocèse de Vinh Long annonçait l’excommunication d’un jeune prêtre du diocèse. Ce fait, rarissime au Vietnam, a provoqué une grande émotion dans le diocèse et dans l’ensemble de l’Eglise du Vietnam, informée à ce sujet par les sites et blogs indépendants (1).

Le comportement et les enseignements du prêtre sanctionné étaient jusqu’ici mal connus. Un article paru dans Vietcatholic News le 3 juillet 2014 rapporte l’affaire tout entière et éclaire certains points restés obscurs jusque-là.

Au début de cette affaire, il y a un certain nombre d’homélies au contenu « hétérodoxe » diffusées sur Internet par un jeune prêtre du diocèse. Ces textes ont attiré l’attention et provoqué l’inquiétude des responsables du diocèse (celui-ci est géré par un administrateur apostolique depuis la nomination de son ancien évêque, Mgr Paul Bui Van Doc, à l’archidiocèse de Saigon). Par ailleurs, les propos de ce prêtre entretenaient chez les fidèles une certaine animosité à l’égard de l’autorité diocésaine.

L’ordinaire du diocèse l’avait déjà fait appeler pour le mettre en garde. Mais l’affaire s’aggrava encore lorsque le prêtre incita ses fidèles à mettre en cause et à critiquer la hiérarchie. Les vidéos de ce type de manifestations furent diffusées sur Internet.

Il devint alors impossible à l’administrateur apostolique du diocèse de ne pas réagir. Le 15 mai, il convoquait une réunion à laquelle assistaient des représentants de l’ensemble du clergé du diocèse. Le prêtre contesté y était présent. C’est lui-même qui s’exprima devant les prêtres et exposa les lignes essentielles de son enseignement aux diverses communautés catholiques dont il avait la charge.

L’administrateur apostolique du diocèse de Vinh Long et l’ensemble des prêtres ont longuement délibéré avant de faire connaître la sentence. Les griefs retenus concernent le contenu des homélies diffusées sur Internet. On lui reproche de minimiser les pouvoirs délégués par le Christ à saint Pierre en matière de pardon des péchés, de s’écarter de la doctrine de l’Eglise en ce qui concerne la rédemption, d’obliger les catholiques à s’abstenir de viande animale.

A l’issue de la réunion, fut prononcée contre le prêtre une sentence d’excommunication « latae sentenciae » (excommunication encourue ipso facto). Elle a été rendue publique dans un communiqué publié le 23 mai.

Selon le compte rendu de Vietcatholic News, le jeune prêtre a réagi avec une certaine amertume à la sanction portée contre lui. Dans un texte intitulé « De mon cas personnel », il écrit : « Notre époque est celle de la liberté religieuse. Nous la demandons à l’Etat qui nous l’accorde aussitôt. Notre hiérarchie nous la refuse ! » En outre, des vidéos diffusées sur Internet montrent le prêtre exprimant son mécontentement et dénonçant la hiérarchie. (eda/jm)

(1) Voir VietCatholic News, 23 mai 2014.

(Source: Eglises d'Asie, le 7 juillet 2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ ra mắt ban hành giáo giáo xứ Bến Sắn nhiệm kỳ 2014-2017
PV. Bến Sắn
09:27 07/07/2014
THÁNH LỄ RA MẮT BAN HÀNH GIÁO MỚI NHIỆM KỲ 2014-2017

Vào 5 giờ 00 sáng Chúa Nhật 06/7/2014 Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Phú Cường, đã về Giáo xứ Bến Sắn dâng thánh lễ và làm phép 14 chặng đàng Thánh Giá ngoài trời và trong nhà thờ, nhận lời tuyên hứa và trao Ủy Nhiệm Thư cho 23 vị trong HĐGX nhiệm kỳ 2014-2017.

Xem Hình

Trong bài giảng Đức cha đã nhắn nhủ các thành viên HĐGX hãy học sự khiêm nhu và hiền từ của Chúa, và dùng hình ảnh chiếc khăn rửa chân của Chúa trong lễ Tiệc ly, chiếc khăn có bẩn đi thì chân của môn đệ mới được sạch, thành viên HĐGX cũng hãy làm như thế để phục vụ cộng đoàn giáo xứ.

Bổn mạng của HĐGX là Thánh Phan xi cô Xavie, vị tồng đồ đã nhiệt huyết truyền giáo, ước ao tất cả các thành viên biết cộng tác với cha xứ để cánh đồng truyền giáo tại Bến Sắn được phát triển không ngừng, mặc dầu Giáo xứ Bến Sắn đã hiện diện trên mảnh đất này 160 năm, nhưng việc truyền giáo cũng là một thách đố mà mọi người phải dấn thân, và trong tinh thần uống nước nhớ nguồn Đức cha Giuse cũng trao Bằng Tưởng Lệ cho các cựu quí chức HĐGX các khóa trước nay còn sống. ( truyền thông Bến Sắn)
 
Đại hội hành hương tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon
Lê-Quang-Uyên
09:31 07/07/2014
ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG TẠI GIÁO XỨ ĐỨC MẸ LA VANG PORTLAND, OREGON

PORTLAND, OR. Hằng năm vào những ngày cuối tuần đầu tháng 7 toàn đất nước Hoa Kỳ mừng lễ Độc Lập July,4 thì Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon đều tổ chức 3 ngày Đại Hội Hành Hương tại đồi núi Grotto hay còn gọi là núi Đức Mẹ Sầu Bi. quy tụ cùng các Cộng Đoàn Công Giáo Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, Bắc California và Vancouver BC Canada về tham dự. Năm nay là năm thứ 39 được tổ chức vào thứ Sáu ngày 4 đến Chúa Nhật ngày 6 tháng 7 năm 2014

Xem Hình

Với Chủ Đề: "GIA ĐÌNH SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG MẸ MARIA"

Đặc biệt năm nay phần giảng thuyết cho các ngày đại hội đều do quý Cha thuộc con cái của giáo xứ hướng dẫn như: Cha Đaminh Đinh văn Nghị,OP đang phục vụ từ Thái Lan về, Cha Giuse Nguyễn Thiết Thắng, OSB đang du học tại Rome về cũng như Cha Trần Tiến Đạt, SJ, giáo dân lần lựợc nghe chia sẻ qua các đề tài sống và noi gương Đức Mẹ Maria trên hành trình đức tin trong đời sống gia đình, như chủ đề của Đại Hội mà Ban Tổ Chức đã đề ra, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay đối với các bạn trẻ do Cha Trần Tiến Đạt phụ trách.

Ngày thứ Sáu 4-7-2014. Trước khi Thánh Lễ Khai Mạc lúc 7:00 PM là lời mở đầu và giới thiệu chương trình Đại Hội Hành Hương Năm 2014 của Cha Chánh Xứ Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, S.D.D, sau lời khai mạc là buổi trình diển hoạt cảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại khán đài do anh em huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể của giáo xứ Đức Mẹ La Vang phụ trách, kết thúc hoạt cảnh là nghi thức kiệu hài cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ nhà nguyện ra khán đài, và Thánh Lễ Khai Mạc "Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam" do Đức Ông Giacôbê Phạm Văn Ninh nguyên chánh xứ chủ tế cùng đông đảo quý Cha về tham dự Đại Hội đồng tế, cuối cùng trong ngày là kiệu trọng thể Thánh Thể trên các đường phố quanh khuôn viên giáo xứ, kết thúc trong ngày là giờ chầu Thánh Thể tại nhà thờ lớn đến 12:00 AM

Bước qua ngày thứ Bảy 5-7-2014 quý Cha giảng thuyết lần lược chia sẻ tiếp các đề tài còn lại và đúng 5:30 PM là buổi dâng hoa kính Đức Mẹ do các em thiếu nhi Cộng Đoàn Thánh Anrê Dũng Lạc Beaverton,OR phụ trách và Thánh Lễ "Kính Đức Mẹ La Vang" tại khán đài do cựu Đức Tổng Địa Phận Portland, OR Jonh G Vlazny Chủ tế và đông đảo quý Cha đồng tế, kết thúc trong ngày là buổi trình diễn văn nghệ giúp vui do ca sĩ Thầy Gia Ân &Y Phương đến từ California và các ca sĩ địa phương của giáo xứ phụ trách.

Từ sáng sớm Chúa Nhật ngày 6 tháng 7 năm 2014, giáo dân bắt đầu quy tụ về Núi Grotto càng lúc càng đông, ngoài các giáo dân thuộc Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland ra, còn có các Cộng Đoàn Công Giáo Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, Bắc California và Vancouver BC Canada hằng năm đều về bên Mẹ, cũng như các Cộng Đoàn các nước bạn như: Ban Lan, Lào H-Mong, Phi Luật Tân, Ấn Độ v.v... hằng năm đều tham dự, ước chừng khoản 8000 giáo dân sáng nay quy tụ về dự Đại Hội. Đúng 10:00 AM bắt đầu nghi thức chào Quốc Kỳ Việt-Mỹ, sau đó là nghi thức thắp nhan trước bàn thờ Tổ Quốc do Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang chủ sự và 3 phút mật niệm để tưởng nhớ các anh linh tử sĩ và đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do.

Nghi thức cung nghinh kiệu Đức Mẹ quanh đồi núi Grotto, hằng năm đều cử hành một cách trang nghiêm với đông đảo quý Cha, quý Sơ và các cộng đoàn đi theo bên Mẹ như cùng được tỏ lòng tạ ơn, nhờ qua Mẹ mà Chúa đã ban cho cộng đoàn con cái Mẹ vược qua bao nhiêu khó nhăn gian khổ, để có được cuộc sống ngày hôm nay.

Thánh Lễ Đại Trào bắt đầu lúc 12:00 PM do Đức Tổng Giám Mục Điạ Phận Portland, Oregon Alexender King Sample Chủ Tế và đông đảo quý Cha, quý Thầy Phó Tế cùng Đồng Tế.

Trong bài chia sẻ Đức Tổng Giám Mục đã ngỏ lời cám ơn cộng đoàn vì đây là lần thứ hai Ngài đến với công đoàn sau khi về nhận chức Tổng Giám Mục Địa Phận, đông đảo cộng đoàn về đây không riêng gì Việt Nam mà còn có cả các dân tộc khác nữa, đều về đây cùng một mục đích là tạ ơn, cùng với đất nước Hoa Kỳ để kỷ niệm ngày Lễ Độc Lập July, 4 muốn có được sự tự do, đất nước Hoa Kỳ cũng đã trả một cái giá rất đắt, vậy hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Đức Mẹ đã ban cho anh chị em được sống trên mảnh đất tràn đầy tự do, vì hai chữ tự do mà quý anh chị em đã trải qua những thử thách và gian khổ, thế nên, quý anh chị em phải biết dùng sự tự do đó cho đúng cách, đúng nghĩa, không nên dùng theo ý nghĩa cá nhân mà đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội. Cuối cùng, xin Chúa hãy giúp đỡ chúng ta sống đúng theo giáo huấn của Giáo Hội và phục vụ Giáo Hội theo đường lối của Chúa.

Thánh Lễ chấm dứt lúc 2:00 PM, trước khi Đức Tổng Giám Mục Chủ Tế Ban Phép Lành là lời cám ơn của Cha Chánh Xứ Bathôlômêô PHẠM HỮU ĐẠT, S.D.D đến Đức Tổng, Đức Ông, quý Cha quý Sơ quý Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả các Cộng Đoàn khắp nơi đã về đây tham dự Đại Hội 3 ngày qua, và tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Đức Mẹ đã cho 3 ngày Đại Hội thành công tốt đẹp, đồng thời xin hẹn gặp lại Đại Hội năm sau ngày 3,4,5 tháng 7 năm 2015.

Lê Quang Uyên
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phân tích tài liệu của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế về Cảm Thức Đức Tin
Vũ Văn An
19:25 07/07/2014
Nhân dịp Ủy Ban Thần Học Quốc Tế công bố văn kiện Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội, tuần báo bán chính thức của Tòa Thánh L’Osservatore Romano cho đăng tải ba bài phân tích văn kiện này của ba nhà thần học thành viên của Ủy Ban là linh mục Serge-Thomas Bonino, O.P., Sara Butler, MSBT và Paul L McPartlan. Cha Bonino, tổng thư ký Ủy Ban, viết lời giới thiệu tổng quát. Sara Butler phân tích chương một và chương hai. McPartlan phân tích chương ba và chương bốn.

Giới thiệu tổng quát

Tại Assisi ngày 4 tháng 10 năm 2013, Đức Phanxicô mời gọi các mục tử đi với đoàn chiên, “lúc thì ở đàng trước, lúc thỉ ờ giữa, và đôi lúc ở đàng sau: ở đàng trước để hướng dẫn cộng đồng, ở giữa để khuyến khích” và ở đàng sau “vì người ta thường có ‘mũi’! Họ ngửi thấy mùi, khám phá ra những con đường mới phải theo; họ có cảm thức đức tin, như cách nói của các nhà thần học”. Đức Thánh Cha thích nhắc tới cái bản năng siêu nhiên này, một bản năng mà dân Chúa vốn có. Qúy bạn tìm thấy ở đấy một nguồn tài nguyên nền tảng cho việc công bố Tin Mừng. Do đó, về chủ đề này, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã cho công bố, nhân dịp bế mạc hội nghị năm năm một lần lần thứ tám, một văn kiện tựa là Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội, một văn kiện được phổ biến bằng nhiều ngôn ngữ trên trang nhà của Ủy Ban thuộc trang mạng Tòa Thánh (www.vatican.va) .

Văn kiện này có hai mục tiêu. Trước nhất, nó đưa ra một quan điểm thần học về ý niệm truyền thống vốn được Vatican II lặp lại, giữa giao điểm một bên là Giáo Hội học cải tiến của Lumen Gentium và bên kia là thần học căn bản của Dei Verbum. Nhờ xác nhận vai trò không thể thay thế của huấn quyền trong việc chuyển giao đức tin, Công Đồng muốn khắc phục thứ nhị phân quá đơn giản giữa Giáo Hội giảng dạy (phẩm trật) và Giáo Hội thụ động tiếp nhận giáo huấn (tín hữu). Nó nhắc ta nhớ rằng: với sự thúc đẩy của Thánh Thần Chân Lý, toàn thể dân Chúa đều tham dự vào vai trò tiên tri của Chúa Giêsu Kitô và đều được hưởng một thứ vô ngộ khi tin (in credendo), đến nỗi sự đồng thuận của mọi tín hữu đủ để tạo nên một chứng từ cho đức tin tông truyền.

Việc tham khảo gần đây với các Giáo Hội đặc thù cho Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình đã dựa vào niềm xác tín này rằng dân Chúa như một toàn thể, nhờ cảm thức đức tin, có khả năng biện phân được các đường lối của Tin Mừng là gì đối với thời ta. Tuy nhiên không phải mọi ý kiến đang lưu hành nơi người đã rửa tội đều được dẫn khởi từ cảm thức tín hữu, và do đó, mục tiêu thứ hai của văn kiện là đề xuất các tiêu chuẩn để biện phân được cảm thức tín hữu chân chính khỏi cảm thức sai lạc và bác bỏ thứ cảm thức này.

Để đạt được hai mục tiêu này, văn kiện được chia làm 4 chương. Chương một trình bày các nguồn trong Thán Kinh và giở lại lịch sử ý niệm cảm thức đức tin. Hai chương tiếp theo bàn đến bản chất và các biểu hiện của ý niệm này một cách có hệ thống. Cảm thức đức tin là bản năng đức tin, trước nhất của cộng đồng (sensus fidei fidelium) và rồi của mọi tín hữu đặc thù bao lâu họ tham dự vào đời sống Giáo Hội (sensus fidei fidelis). Hai khía cạnh bản thân và Giáo Hội này luôn đi liền với nhau. Do dó, chương hai được dành nói đến bản năng đức tin của mọi tín hữu và chương ba được dành để nói đến vai trò của cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, tập trung vào hai vấn đề: giá trị trong tương lai của nó và sự tương tác lành mạnh giữa ba thực tại: cảm thức đức tin, huấn quyền và thần học.

Chương bốn là cao điểm của văn kiện vì nó cố gắng trả lời câu hỏi: giữa nhiều ý kiến ồn ào, làm sao ta biện phân được cảm thức đức tin thực sự? Cảm thức đức tin thường được nại ra để biện minh cho việc chống lại một số giáo huấn nào đó của huấn quyền ; nhưng ta không thể coi bất cứ ý kiến nào là cảm thức đức tin chỉ vì ý kiến này là đa số theo toán học, vì “trong thế giới tâm trí hiện thực của tín hữu, các trực giác đúng đắn của cảm thức đức tin rất có thể bị lẫn lộn với các ý kiến chỉ hoàn toàn là của con người” (xem số 55).

Phải quyết định ra sao? Có hai tiêu chuẩn. Một tiêu chuẩn có tính khách quan: tuân theo truyền thống tông truyền. Xác tín nào không khai triển đồng nhất đức tin tông truyền thì không thể nói lên cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium). Nhưng văn kiện nhấn mạnh hơn tới tiêu chuẩn chủ quan: cần có những đức tính gì để các tín hữu thực sự là “các chủ thể” của cảm thức tín hữu?

Có thể tóm tắt các tiêu chuẩn trên bằng một chữ duy nhất, đó là tính Giáo Hội (ecclesiality), nghĩa là, tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội. Các tiêu chuẩn biện phân này phải được áp dụng đối với hai trường hợp quan trọng sau đây. Trước nhất, văn kiện nhấn mạnh rằng lòng đạo đức bình dân, dù luôn cần được phúc âm hóa để trở thành có tính Giáo Hội nhiều hơn, vẫn là một biểu thức ưu tuyển của cảm thức đức tin. Rồi sau đó, văn kiện quan tâm tới mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và công luận. Chắc chắn, công luận là điều chủ yếu đối với việc vận hành dân chủ của xã hội, được xây dựng trên chủ quyền toàn dân. Dù Giáo Hội luôn nhìn nhận các giá trị của dân chủ, nhưng điều rõ ràng là không một mô thức chính trị thế tục nào có thể xác định ra cơ cấu cũng như đời sống bên trong của Giáo Hội. Do đó, dù có chỗ đứng riêng trong Giáo Hội, công luận không thể đóng vai trò mà nó vốn đóng trong các xã hội thế trần. Hơn nữa, lịch sử vốn chứng tỏ rằng cảm thức đức tin chân chính thường chỉ được duy trì bởi “đàn chiên nhỏ bé” biết trung thành với giáo huấn Tin Mừng. Dù sao, theo kiểu nói quen thuộc của chân phúc Henry Newman, “tham khảo tín hữu” vẫn là một thực hành lành mạnh và hợp truyền thống, một thực hành đóng góp rất nhiều vào sinh khí của một Giáo Hội luôn công bố Tin Mừng.

Bản năng thiêng liêng hướng dẫn Kitô hữu

Kiểu nói cảm thức đức tin không có cả trong Thánh Kinh lẫn giáo huấn chính thức của Giáo Hội thời trước Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, nhiều nguồn Kitô Giáo rất sớm đã chứng thực rằng tín hữu, nhờ được xức dầu đặc biệt đã có khả năng biết và tuyên xưng sự thật của Tin Mừng (1Ga 2:20,27) và Giáo Hội, như một toàn thể, nhờ được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, không thể lầm lẫn trong các vấn đề thuộc đức tin (xem Ga 16:13; 1Tm 3:15). Cảm thức đức tin là một ý niệm quen thuộc đối với các nhà thần học trước khi nó trở thành đối tượng cho suy tư có hệ thống. Nhiều người Công Giáo khi nhắc tới cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium) bèn liên tưởng tới khảo luận nổi tiếng của Chân Phúc John Henry Newman “Về Việc Tham Khảo Tín Hữu trong Các Vấn Đề Tín Lý” (1859) và có lẽ tới cả cuốn sách có tính đột phá của Yves Congar “Giáo Dân trong Giáo Hội” (Jalons pour une Théologie du Laicat, 1953). Có người nhớ tới người từng trình bày về nó trong thế kỷ 16 là Melchior Cano. Lại có người nhớ tới “quy tắc” của nhà hộ giáo thế kỷ thứ năm là Thánh Vincent thành Lérins, liên quan tới đức tin, quy tắc đó là "được duy trì ở mọi nơi, ở mọi thời và do mọi người (“quod ubique, quod sem-per, quod ab omnibus creditum est”).

Trên thực tế, cảm thức đức tin là một chủ đề tiếp tục được các nhà thần học ngày nay lưu ý, nhưng họ có nhiều phương thức khác nhau và không nhìn nhận một lối định nghĩa nào chung nhất cả. Vì xác tín rằng điều quan trọng là phải cố gắng có được một cái hiểu chung về học lý này, nhất là vì Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã soạn thảo văn kiện Cảm Thức Đức Tin trong Đời Sống Giáo Hội.

Văn kiện này đưa ra một giải thích thần học và minh giải một số khía cạnh của cảm thức đức tin đồng thời đề xuất một số tiêu chuẩn để biện phân các biểu hiện chân chính của nó. Chương một truy tầm nguồn gốc cảm thức đức tin của các tín hữu (sensus fidei fidelium) nơi Thánh Kinh, đưa ra một cái nhìn tổng lược về cách nó hành động trong lịch sử và trong truyền thống Giáo Hội và trình bày giáo huấn về nó của Công Đồng Vatican II cũng như huấn quyền sau Công Đồng. Chương hai đề cập tới bản chất và các biểu hiện của cảm thức đức tin trong cuộc sống bản thân của tín hữu (sensus fidei fidelis). Chương này trình bày dưới ánh sáng cái hiểu cổ điển cho rằng cảm thức đức tin là một phẩm tính của nhân đức đối thần tin.

Dĩ nhiên, cảm thức đức tin liên quan tới đức tin. Chương một mở đầu bằng việc trình bày giáo huấn phong phú của Thánh Kinh về đức tin như là một đáp ứng tự do và dứt khoát bằng trọn con người của tín hữu (Mc 12:30) với Lời Thiên Chúa, và với chính Chúa Giêsu Kitô, việc này sở dĩ có thể làm được là ơn Chúa Thánh Thần (1 Cor 12:3). Đức tin liên hệ tới việc gắn bó với sứ điệp Tin Mừng của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại (1 Cor 15:1-2) và vững lòng tín thác vào lời Thiên Chúa hứa (St 15:6; xem Rm 4:11,17). Đức tin vừa có tính bản thân vừa có tính Giáo Hội, vì mọi tín hữu đều lãnh nhận và tuyên xưng đức tin của Giáo Hội và sống thực một “đức tin duy nhất” ấy trong cộng đồng tín hữu (Eph 4:4-6). Ý niệm đức tin trong Thánh Kinh không chỉ liên hệ tới việc tín phục các sự thật của mạc khải Thiên Chúa về phương diện tri thức. Nó bao hàm việc thống hối và tái sinh vào đời sống mới trong Chúa Kitô, cầu nguyện và thờ phượng, hiểu biết sự thật của Tin Mừng Thiên Chúa, tuyên xưng sự thật này trước mặt người khác, tin tưởng Thiên Chúa, một niềm tin tưởng sẽ điều hướng trọn cuộc đời ta, phục vụ người khác, và làm việc bác ái. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần hứa ban (Ga 14:16,26; 15:26; 16:1-17), các tín hữu có khả năng biết và làm chứng cho sự thật (Cv 2:17; xem Ge 3:1). Dưới sự lãnh đạo của các tông đồ và các trưởng thượng, họ có khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng tông truyền (Cv 6:1-6; Cv 15:7-22).

Phần thứ hai của chương một thuật lại việc xác tín liên quan tới cảm thức đức tin của các tín hữu, tức khả năng của toàn bộ Giáo Hội trong việc gìn giữ và thông truyền Truyền Thống Tông Đồ một cách không sai lầm, đã tiến hành ra sao trong các cuộc tranh luận thời các giáo phụ và thời trung cổ. Đối diện với các đổi mới về học lý và thực hành, các giáo phụ và các nhà thần học thời ấy đã nại tới việc đồng thuận phổ quát của toàn bộ Giáo Hội (consensus fidelium, đồng thuận của các tín hữu) làm điểm qui chiếu chắc chắn. Việc này có tính quyết định, như trong việc xác định ra qui điển Thánh Kinh, bênh vực thần tính của Chúa Kitô, việc trọn đời đồng trinh và chức mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, và việc tôn kính và khẩn cầu các thánh. Chân phúc Newman cho rằng chứng từ của các giáo dân đã đóng một vai trò chủ yếu trong các cuộc tranh cãi thời hậu công đồng Nixêa với phái Ariô và trong các cuộc tranh luận thời trung cổ về Sự Hiện Diện Thực Sự và về việc Hưởng Vinh Phúc.

Thế kỷ thứ 16 là thế kỷ đầu tiên đã khai triển một cách có hệ thống và trong chi tiết ý nghĩa của cảm thức đức tin của các tín hữu. Để trả lời cho các vấn nạn do phái Cải Cách nêu ra, các nhà thần học như Melchior Cano và Robert Bellarmine đã nhận diện được nhiều nguồn trong Thánh Kinh và Thánh Truyền có thể khẳng định được tính vô ngộ của toàn thể Giáo Hội khi tin và thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng và của các công đồng khi giảng dạy. Công Đồng Trent đã nại tới “cảm thức phổ quát của Giáo Hội” (“universum Ecclesiae sensum”), nhưng các nhà thần học sau Công Đồng Trent bắt đầu phân biệt một cách sắc cạnh các vai trò giảng dạy và học hỏi trong Giáo Hội, và một số nhà thần học coi vai trò giảng dạy là tích cực, còn vai trò học hỏi là thụ động.

Tuy nhiên, học lý cảm thức của các tín hữu được sự lưu ý mới và được coi là một “locus theologicus” (chủ đề thần học) trong tác phẩm của các nhà thần học thế kỷ 19 như Johann Adam Möhler, John Henry New-man, và Giovanni Perrone, là những người quan tâm cả tới Thánh Truyền lẫn việc khai triển học lý. Perrone làm nổi bật sự đóng góp tích cực của tín hữu giáo dân trong việc giữ gìn và lưu truyền đức tin tông truyền, như trong việc định nghĩa mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai. Ngài cho rằng việc đồng thanh nhất trí, hay conspiratio (cùng một linh hứng), của tín hữu và các mục tử của họ đối với hoc lý này đủ để thiết lập ra nguồn gốc tông truyền của nó. Chân phúc Newman cũng nhấn mạnh tới vai trò tích cực của tín hữu giáo dân, hiểu như khác biệt với các mục tử của họ, và đã minh giải luận đề của ngài trong cuốn Về Việc Tham Khảo Giáo Dân bằng nhiều chứng từ rất nổi bật từ Thánh Truyền. Đức GH Piô IX và nhiều nhà thần học khác thì nhấn mạnh hơn tới tầm quan trọng của chứng từ đồng thanh nhất trí của cả giáo dân và các mục tử của họ. Khi dạy rằng các định nghĩa tín điều chính thức (ex cathedra) liên quan tới đức tin và luân lý của Đức Giáo Hoàng đều không thể bị sửa đổi “do chính chúng chứ không do sự đồng thuận của Giáo Hội” (Pastor aeternus, DH 3074), Công Đồng Vatican I có ý loại bỏ không phải việc tham khảo, mà là chủ trương “Pháp” (Gallican) hồi ấy cho rằng sự đồng thuận này, bất kể đi trước hay đến sau, buộc phải có như là một điều kiện đối với uy thế thẩm quyền của giáo huấn giáo hoàng.

Qua thế kỷ 20, cảm thức đức tin xuất hiện như một chủ đề trong nền thần học về Thánh Truyền, vốn là một Giáo Hội học canh tân, và trong nền thần học về giáo dân. Ta thấy nó trong việc Đức Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và trong các tác phẩm của các nhà thần học như Yves Congar, và được Công Đồng Vatican II xác nhận cách minh nhiên. Công Đồng này dạy rằng Chúa Thánh Thần khơi dậy và duy trì nơi tín hữu một “cảm thức siêu nhiên về đức tin” (supernaturali sensu fidei), thấy rõ khi toàn thể dân Chúa “biểu lộ một đồng thuận phổ quát trong các vấn đề thuộc đức tin và luân lý” (Lumen Gentium, 12). Cảm thức đức tin là một khả năng tích cực trong việc nắm bắt và qui phục đức tin. Nó là một phương thế nhờ đó, toàn thể Giáo Hội, trong đó, có tín hữu giáo dân, tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô (Lumen Gentium, 35). Tuy không dùng kiểu nói này, nhưng Dei Verbum 8 cũng nói tới cảm thức đức tin liên quan tới việc phát triển học lý. Huấn quyền hậu công đồng thường xuyên tái khẳng định học lý này, nhưng thận trọng cảnh báo chống lại việc đồng hóa nó với công luận.

Chương hai đề cập tới cảm thức đức tin trong đời sống tín hữu (sensus fidei fidelis). Chiều kích cảm thức đức tin này đã được các nhà thần học thời giáo phụ và thời trung cổ nhìn nhận. Nhưng Thánh Tôma Aquinô được coi là nhà khảo luận cổ điển đã bàn chi tiết về bản chất và các biểu hiện của nó. Ngài khảo sát nó trong tương quan với nhân đức đối thần tin. Như một phẩm tính của đức tin và như một thứ bản năng thiêng liêng, nó xuất phát từ một đồng cảm tính (affective connaturality) hay một ái lực (affinity) giữa người Kitô hữu biết và yêu đức tin của mình và các sự thật của đức tin. Có thể so sánh ái lực này với khả năng của bạn bè, những người, nhờ biết và thương yêu nhau thắm thiết, ai cũng có khả năng dự ứng điều làm người kia hân hoan hay buồn tủi. Gần như cùng cách này, ai được phú bẩm đức tin đều có ái lực đối với đối tượng của nó là sự thật đức tin. Như một nhân đức, đức tin là một thói quen thiêng liêng, và như một “bản tính thứ hai”, nó hướng tín hữu tự nhiên nghiêng về việc nhìn nhận điều đúng và bác bỏ điều sai, không qua diễn trình lý luận , mà hết sức tự phát. Hiểu như thế, cảm thức đức tin đòi ta phải “sống đức tin”, một đức tin được đức ái lên sinh khí. Hành động của nó cân xứng với đời sống thánh thiện của tín hữu, nghĩa là với việc họ biết các thực tại thiêng liêng bằng cảm nghiệm và việc họ sẵn sàng tiếp nhân các ơn phúc của Chúa Thánh Thần, nhất là ơn khôn ngoan và ơn thông hiểu. Việc này sau đó sẽ có nhiều hệ quả đối với việc nhận diện các tiêu chuẩn.

Một tài nguyên sinh tử đối với Giáo Hội

Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII từng cầu nguyện rằng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Công Đồng Vatican II sẽ là ‘một lễ Hiện Xuống mới’ cho Giáo Hội, linh hứng và trang bị để Giáo Hội công bố Tin Mừng với một sinh lực mới trong thế giới hiện đại. Công Đồng quả rất đúng khi dạy rằng dân Chúa như một toàn thể tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô (Lumen Gentium, 12). Kết hợp với nhau trong hiệp thông nhờ cùng một Chúa Thánh Thần, mọi tín hữu đều tích cực làm chứng cho Chúa Kitô theo cách riêng của họ; không ai thụ động cả. Thần Khí ban cho mọi người một “lượng giá siêu nhiên về Đức Tin”, một bản năng nghiêng về những điều thưc sự thuộc Tin Mừng, nghĩa là, cảm thức đức tin, nhờ đó, tín hữu như một toàn thể không những qui phuc đức tin, mà còn thấu đạt nó nhờ suy tư và cầu nguyện cũng như áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày (LG, 12).

Cảm thức đức tin, do đó, cần được hiểu không chỉ theo cách thụ động (reactively) nghĩa là như một phương thế nhờ đó, tín hữu nhận ra chân lý của Thiên Chúa khi được giảng giải cho họ, mà còn theo cách chủ động (proactively) nghĩa là giúp họ dò tìm và hiểu rõ Tin Mừng đang sống trong lòng họ và thúc đẩy họ làm chứng cho nó bằng lời nói và hành động. Như Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã quả quyết trong văn kiện mới, tựa là Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội, cảm thức này “lên sinh khí cho đời sống đức tin và hướng dẫn hành động Kitô Giáo chân chính” (số 70). Hiểu cho đúng, đây là một tài nguyên sinh tử đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

Chương ba của văn kiện khảo sát một số khía cạnh khác nhau của cảm thức đức tin của các tín hữu trong đời sống Giáo Hôi, đồng thời cũng nhắc lại giáo huấn của Vatican II trong Dei Verbum rằng Thánh Kinh và Thánh Truyền tạo thành “kho thánh duy nhất của Lời Chúa”; kho thánh này được ủy thác cho Giáo Hội, tức cho “toàn bộ dân thánh, hợp nhất với các mục tử của họ” (số 67; xem DV, số 10). Điều đặc biệt quan trọng là phải hiểu bản chất của mối liên hệ giữa các mục tử và tín hữu trong tương quan với đức tin và giáo huấn của Giáo Hội (không bao giờ quên rằng các mục tử cũng là thành phần của tín hữu). Văn kiện ghi nhận rằng “tín hữu nói chung, các mục tử và các nhà thần học, tất cả đều có vai trò riêng phải đóng” khi Giáo Hội còn đang lữ thứ trên trần gian, cố gắng công bố lời cứu rỗi của Thiên Chúa cho từng thế hệ mới với một biện phân cần thiết, và “cần phải có kiên nhẫn và tôn trọng trong hành động hỗ tương qua lại nếu muốn làm sáng tỏ cảm thức đức tin và đạt được một “đồng linh hứng thực sự giữa mục tử và tín hữu” (“conspiratio pastorum et fidelium”) (số 71).

Liên quan tới mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và huấn quyền, văn kiện làm nổi bật hai khía cạnh của nó. Trước hết, vì mọi tín hữu đều được Chúa Thánh Thần phú ban nhiều ơn phúc để xây đắp Giáo Hội, và vì mọi tín hữu với nhau cùng là những người chuyển tải đức tin tông truyền, nên huấn quyền “phải lưu ý tới cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium), tức tiếng nói sống động của Dân Chúa (số 74). Thứ hai, do ơn phúc và ơn gọi đặc thù giữa lòng Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng và các vị giám mục thực sự là những người có thẩm quyền trong việc dưỡng nuôi, giáo dục, biện phân và phán xử tính chân chính của cảm thức nơi các tín hữu, nghĩa là xét xem liệu các ý kiến hiện có trong hàng ngũ tín hữu có phản ảnh cảm thức của các tín hữu một cách chân chính hay không và có phù hợp với Thánh Truyền Tông Đồ hay không (các số 76-77).

Cảm thức của các tín hữu được đặc biệt lên khuôn và thành hình trong cử hành Thánh Thể. Các giám mục chủ trì như các thầy cả thượng phẩm và như các thầy dậy, và mọi người cử hành mầu nhiệm đức tin. Cũng ở đó, từ thời cổ xưa của Kitô Giáo, giáo huấn của các giám mục và của các công đồng trong các kinh tin kính và trong các công thức, cuối cùng, đã được các tín hữu tiếp nhận (số 75). Văn kiện đặc biệt chú ý tới vấn đề then chốt là việc tiếp nhận, qua đó, tín hữu thừa nhận và chấp nhận giáo huấn của huấn quyền; văn kiện cũng xem sét các cố gắng cần có của cả hai bên khi xẩy ra các khó khăn cho việc tiếp nhận (các số 78-80).

Mối tương quan giữa cảm thức đức tin và thần học cũng có hai khía cạnh. Cảm thức đức tin quả là một “locus”, một chủ đề đối với thần học; các nhà thần học tùy thuộc vào cảm thức của các tín hữu, vì đức tin mà thần học nghiên cứu vốn sống trong lòng dân Chúa. Tuy nhiên, các nhà thần học cũng phục vụ cảm thức của các tín hữu bằng cách đề xuất các tiêu chuẩn (như trong văn kiện này) để họ biện phân được nó, và bằng cách giúp tín hữu nhiều cách để họ biết, hiểu và áp dụng đức tin của họ (các số 81-84). Chương ba kết thúc bằng cách ghi nhận một số tham khảo có ý nghĩa đối với cảm thức đức tin trong các tuyên bố đại kết đã được thỏa thuận trong mấy thập niên vừa qua (các số 85-86).

Thừa nhận rằng cảm thức đức tin hết sức chủ yếu đối với đời sống Giáo Hội, chương bốn và là chương cuối cùng của văn kiện xét xem phải làm cách nào để biện phân được các biểu hiện chân chính của cảm thức đức tin, nhất là khi có những căng thẳng loại này loại nọ và ta “cần phân biệt cảm thức đức tin chân chính với các biểu thức chỉ có tính công luận, nhất là các quan tâm hay tinh thần thời đại” (số 87). Văn kiện tiếp nhận một phương pháp luận hết sức đặc thù.

Vì cảm thức đức tin trước nhất là một thực tại Giáo Hội, nghĩa là một bản năng nhờ đó Giáo Hội nhận ra Chúa của mình và sống phù hợp với Tin Mừng trong cả lời nói lẫn hành động, nên nó nhận diện sáu tiêu chuẩn mà mỗi thành viên tín hữu cần phải có mới mong tham dự vào hiệp thông Giáo Hội và qua đó, vào cảm thức đức tin. Tiêu chuẩn “đầu hết và nền tảng nhất” là tham dự tích cực vào đời sống Giáo Hội, tức là, vào phụng vụ, sứ điệp và việc phục vụ của Giáo Hội. Các thành viên của Giáo Hội phải cùng nhau tiến bước, với một thái độ mà cổ điển vốn phát biểu là “sentire cum ecclesia” (cảm nhận cùng với Giáo Hội) (các số 89-91). Các tiêu chuẩn khác là: chú ý lắng nghe lời Thiên Chúa với một tinh thần biết ơn và cảm tạ (các số 92-94); cởi mở với lý trí coi nó như bạn đồng hành chủ yếu của đức tin (các số 95-96); và ân cần đối với giáo huấn của huấn quyền Giáo Hội (các số 97-98). Về tiêu chuẩn thứ năm, văn kiện nhấn mạnh tới sự thánh thiện và đặc tính chủ chốt của thánh thiện là khiêm nhường, tự do, hân hoan và bình an; ở đây, văn kiện đề cao các thánh, nhất là Đức Maria, như những người “mang đuốc sáng của cảm thức đức tin” (các số 99-103). Tiêu chuẩn thứ sáu là việc xây dựng Giáo Hội, bồi đắp người khác và tránh những gì gây chia rẽ (các số 104-105).

Nhiều vấn đề có tính thực tiễn và mục vụ xuất hiện liên quan tới cảm thức đức tin, nên văn kiện bổ túc bản liệt kê các tiêu chuẩn của mình bằng việc khảo sát có chất lượng ba vấn đề chuyên biệt: mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và lòng đạo đức bình dân; mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và công luận; và các cách tham khảo tín hữu. Nhắc lại cách Đức Phanxicô mô tả lòng đạo đức bình dân như là một “biểu lộ sinh hoạt thần học được hành động của Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng, Đấng được đổ đầy trong tâm hồn ta”, văn kiện quả quyết rằng “lòng đạo đức bình dân phát sinh từ cảm thức đức tin và làm cảm thức này hiển hiện và cần được kính trọng và phát huy” (các số 109-110; xem Niềm Vui Tin Mừng, số 125). Văn kiện giải thích giáo huấn của Đức Phanxicô như sau: “nằm bên dưới lòng đạo bình dân”, là “một sức mạnh phúc âm hóa tích cực mà ta không nên đánh giá thấp vì nó là “công trình của Chúa Thánh Thần” (số 112; xem Niềm Vui Tin Mừng, số 126). Sự quan trọng của cảm thức đức tin đối với việc tân phúc âm hóa quả là một trong các chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong văn kiện của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

Đầu tiên, cảm thức đức tin khác công luận như sau: trong khi công luận là một thực tại xã hội học có tầm quan trọng nội tại đối với sinh hoạt chính trị dân chủ, thì cảm thức đức tin là một thực tại thần học có liên hệ mật thiết với hồng ân đức tin và với đời sống Giáo Hội như một mầu nhiệm hiệp thông, một hiệp thông nhận được hiến chế của nó từ chính Chúa Kitô (các số 113-114). Do đó, ta cần thận trọng phân biệt hai thực tại này. Dứt khoát phải tôn trọng tiếng nói giáo dân, vì lịch sử Giáo Hội nhiều lần cho thấy chính giáo dân chứ không hẳn đa số các giám mục hay các nhà thần học duy trì được đức tin đích thực (số 119). Tuy nhiên, trong lịch sử dân Chúa, thường xẩy ra việc này: chính thiểu số chứ không hẳn đa số đã duy trì đức tin (số 118). Vì, như Chân Phúc Newman từng nói, “đoàn ngũ tín hữu là đoàn ngũ làm chứng cho sự kiện chuyển giao tín lý mạc khải”, nên điều đúng và thích đáng đối với Giáo Hội là “tham khảo” các tín hữu, theo nghĩa, tìm hiểu xem niềm tin thực sự của họ ra sao. Văn kiện kết thúc bằng cách khuyến khích việc tham khảo như thế và bằng cách tán thành “công luận” theo nghĩa công khai trao đổi tư duy trong yêu thương và kính trọng giữa mọi thành viên trong Giáo Hội. Sự trao đổi này là phương thế hàng đầu nhờ thế ta đánh giá được cảm thức của các tín hữu, và đưa ra được các cơ cấu tham khảo thích đáng giúp Giáo Hội “sống và sống linh hoạt” (các số 125-126).
 
Thông Báo
Cáo phó: Linh mục Phanxicô Xaviê Trần Hòa qua đời tại Long Khánh
Lm. Giuse Phạm Bá Lãm
09:44 07/07/2014
CÁO PHÓ

Cha Cố PHANXICÔ XAVIÊ TRẦN HOÀ
Linh mục gốc Phát Diệm, nhập Qui Nhơn
Sinh ngày 18.12.1932 tại Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình
được Chúa gọi về lúc 7g00 thứ hai 07.07.2014 tại Bv. Long Khánh
hưởng thọ 82 tuổi với 52 năm Linh mục

Chương trình lễ tang:
2g30 chiều thứ ba 08.07.2014: Nhập quan và Lễ đưa chân tại Nhà thờ Kim Thượng, Gia Kiệm.
4g00 chiều thứ ba 08.07.2014: Di quan về Nhà Vãng Lai Phát Diệm Phú Nhuận.
8g00 thứ năm 10.07.2014: Di quan ra Nhà thờ Phát Diệm Phú Nhuận.
9g00 thứ năm 10.07.2014: Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Phát Diệm Phú Nhuận, Saigòn
do Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục Qui Nhơn, chủ tế.

TIỂU SỬ CỦA CHA CỐ PHANXICÔ XAVIÊ TRẦN HOÀ:
Sinh ngày 18.12.1934 tại Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình
Năm 1945: Đi học trường Thầy Giảng tại Trì Chính, được Cha Giuse Huyên đỡ đầu
1946-1954: Học Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc
1954-1955: Học TCV Phát Diệm Phú Nhuận, được cha Nicơla Ðinh Quang Ðiện đỡ đầu.
1955-1956: Giúp xứ và làm giáo sư tại trường tiểu học Trí Đức gồm hai xứ: Thánh Tâm và Thánh Mẫu ở Bảo Lộc
1956-1961: Học Triết học và Thần học tại Đại Chủng Viện Phát Diệm Chi Lăng
1961-1962: Học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse số 6 Cường Để
Ngày 23.04.1962: Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình phong chức linh mục tại Vương cung Thánh Đường Sài Gòn
1962-1963: Xung phong đi truyền giáo tại xứ Đông Mỹ, làm phó xứ Đông Mỹ.
1963-1975: Chánh xứ Đông Mỹ và làm Giám đốc trường Trung-Tiểu Học Đông Mỹ, Hoà Vinh, Phú Yên, kiêm họ nhánh Phú Lâm
1975-2007: Chánh xứ Hoa Châu, kiêm họ nhánh Sơn Giang
2007-2012: Hưu tại Nhà Vãng Lai Phát Diệm – Phú Nhuận
2012-2014: Dưỡng bệnh tại Nhà thờ Kim Thượng, Gia Kiệm.

Xin Quý Cha gốc Phát Diệm dâng lễ, Quý Tu Sĩ và Anh chị em giáo dân cầu nguyện cho cha cố Phanxicô Xaviê Trần Hoà.

Đồng kính báo
Lm. Giuse Lê Vinh Hiến, nghĩa tử của cha cố
Lm. Nicôla Đinh Quang Điện, nghĩa phụ của cha cố
Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Đại Diện LM gốc Phát Diệm
 
Văn Hóa
Giáo dân Mân Côi ở Claremont thăm Catalina dịp cuối tuần Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
Lưu Hùng
19:55 07/07/2014
CATALINA - Dịp lễ cuối tuần mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4th of July, một phái đoàn mấy chục người thuộc Cộng đoàn Mân Côi ở Claremont do anh chị chủ tịch Thái hướng dẫn đã ra thăm Cha cựu quản nhiệm Trần Công Nghị nhân dịp lễ nghỉ ở Catalina. Đây là lần thứ 3 theo truyền thống mỗi năm các giáo dân cũ ở Claremont ra nghỉ cuối tuần, mừng ngày độc lập, cho gia đình và con cái vui chơi, nấu ăn, đi tour du lịch và xem bắn pháo bông buổi tối.

Hình ảnh

Để sửa soạn cho chuyến đi, các gia đình đã tỉ mỉ lên chương trình sắp mua vé tầu sớm và sắp xếp chuyến đi, vì thường vào dịp lễ Độc Lập tuy dù có nhiều chuyến tầu hơn, nhưng vẫn không đáp ứng được với lượng khách du lịch ra Catalina mỗi ngày có đến 8 ngàn người. Chẳng những phải mua vé sớm mà các chị còn phải lên thực đơn ăn gì và nấu nướng gì trong mấy ngày. Lại phải lo đủ thứ lỉnh kỉnh cho con cái nữa.

Vì đã có kinh nghiệm trước nên chuyến đi của chúng tôi rất là thú vị. Ngay dù đã mua vé sớm nhưng anh chị em vẫn phải chia nhau ra đi bằng hai chuyến Catalina Express vào giờ khác nhau. Khi tới nơi Cha chính xứ Calalina đã đợi sẵn với xe truck chổ hành lý và xe golf cart để dón anh chị em về giáo xứ. Một số thanh niên biết đường nên đã mau mắn đi bộ quãng đường từ bến tầu về nhà xứ mất chừng 7 phút.

Về đến nhà xứ sau khi viếng Nhà thờ và Mình Thánh Chúa, anh chị em đã chia nhau các khu vực đề ngủ nghỉ và ăn ưống: bọn trẻ ở nhà khách, một số ở các phòng trong nhà xứ, một số khác ở hội trường.

Anh chị Thái mau mắn vào bếp của hội trường bắt đầu nấu món phở cho 50 phần ăn. Vừa bắt đầu nấu phở và đang định làm các món khác thì cha xứ bất ngờ đưa tặng 20 con cá bass tươi cho anh em làm gỏi ăn (cha nói: "hôm qua chính tôi lên hồ trên núi cao câu cá nay đãi anh chị em"). Thế là mấy tay gỏi cá chuyên gia túm vào trận cá liền.

Bữa ăn rất là đầm ấm thú vị, nào là gỏi cá, thịt dê nướng, các thứ bánh đặc biệt kiều Huế, phở truyền thống Mân Côi và cả một kiệu lá đủ thứ... lại cũng không thiếu mấy "thằng thắt cổ Cognac Frapin VSOP" và Remi 'đồ rê mí' mấy bợm mang đến... Nhưng không gì thú vị bằng những câu chuyện vui và những kỉ niệm được ôn lại qua nhiều quãng thời gian.

Sau bữa ăn, các đấng mày râu xúm vào xem 2 trận World Cup đang đấu bên Brazil với màn hình digital cùng những lời bình luận gay cấn ngang ngửa không thua gì các tay giang hồ đang đấu đá trên sân cỏ... Các nàng công chúa thì đi bát phố mua đồ, chụp hình, đám con nít vớ được các xe golf cart lái đi thăm phố phường rất là thú vị, rồi đi tắm biển.

Đúng sáng ngày hôm sau mùng 4/7 một số anh chị em đã ra đi tản bộ gần bãi biển: hưởng không khí trong lành, ngắm mặt mọc thật đẹp và thơ mộng và đi trên con đường "Tình yêu mộng ước" với một không gian trầm lắng yên bình... Sau đó đợi giờ xem điễn hành với các xe hoa tí nheo cũng có cả ban nhạc và đủ các quan chức trong thành phố cà các hội đoàn...

Tối đến mọi người cùng với cả thành phố ra bãi biển xem bắn pháo bông. Xem hội Pháo Bông ở Catalina trở thành một truyền thống vì có lẽ đây là một trong những nơi xem bắn pháo bông đẹp nhất trên trên thế giới. Dân chúng ngồi trên bãi biển vòng cung và trước mặt là bến tầu được xắp xếp các ổ pháo, khi nhìn pháo bông bay lên trời vở nổ trên cao, ta có cảm tưởng rất thân thiết và gần gũi vì không có gì án ngữ trước mặt -- thêm vào đó, các hoa pháo bông được phản ánh dưới mặt biển và trên không trung -- tạo thành cảnh thần tiên thơ mộng giữa những tiếng nổ ngút trời cộng thêm các tràng pháo tay rộn rã hay các tiếng kêu oh ôh ngưỡng mộ khi có những lát pháo bông đẹp.

Ngày thứ Bảy một số nghe tin là hồ nhiều cá, nên các anh đã lên hồ câu cá với 7 chiếu cần câu mà Cha xứ đã soạn sẵn cho anh em... Không gì vui bằng bắt được cá!

Tuy vậy số trời đã định, người không chuyên môn lại câu được đến cả mười con cá, còn có người chuyên môn bắt mãi mới được 1 con lại phải con cá chột mắt!... Ý Chúa rất nhiệm mầu nào ai thấu hiểu. Tuy nhiên ai cũng hả hê vì câu được cả đến ba mươi mấy con cá và sẽ đưa về nhà ở Claremont làm bằng chứng kẻo sợ có kẻ 'vu oan là nói xạo". Trên đường đi còn hên hơn nữa là đã gặp được đàn bison (còn gọi là buffalo trâu rừng) cả mấy chục con, và anh em đã chụp hình lưu niệm.

Trong số hảo hán chúng tôi lại có một anh đã mang đi sẵn cần câu chuyên môn mà 6 giờ sáng sớm thức dậy đi ra bến đò câu cá. Thật trời thương anh cũng đã câu được con cá barracuda dài trên 25 inches (dưới 22 inches phải thả trở lại biển)... Đang khi đó bà xã sợ khi anh câu không được con cá nào sẽ "mất mặt cho đấng lang quân" lên đã bí mật cho chúng tôi biết là chị cũng đi xin mấy người Mỹ đang câu gần đó được mấy con cá barracuda nữa... Do đó khi mang về cả 6 con cá barracuda không biết con nào thật con nào giả. Nhưng tóm lại ai cũng vui mừng cười ngất ngây.

Trong dịp này, trước đó vài ngày gia đình anh Châu - Kim Thúy cũng đã có mặt nơi đây tận hưởng mấy ngày nghĩ thật ấm cúng và ý nghĩa. Rồi hôm nay cha xứ cũng cho biết trên chuyến tầu Carnival Immagination có anh chị Bảy đến thăm.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sen Hồng
Vũ đình Huyến, Lm CMC
21:25 07/07/2014
SEN HỒNG
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Bùn nhơ nước đục lánh tâm hèn
Tơ hồng lúc chết còn vương ngó
nhuỵ thắm sinh thời chẳng nhuốm đen
Nắng gội lòng trong sâu tựa bể
Mưa chan dạ thảo sáng hơn đèn
Không màng sân hận dòng đen bạc
Mãi ngát hương thầm nức tiếng khen
(Trích thơ của Liên Hương)
 
VietCatholic TV
Đất nước và Giáo Hội Công Giáo tại Iraq
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:01 07/07/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong điện văn gởi thông tấn xã Công Giáo Fides hôm 12 tháng 6 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng:

“Người Công Giáo cuối cùng đã phải bỏ chạy khỏi khu vực bình nguyên Ninivê”.

Như vậy, là đến ngày 12 tháng 6 vừa qua, cộng đoàn Kitô kỳ cựu đã được hình thành từ thời các thánh tông đồ tại khu vực được nhắc đến rất nhiều trong Cựu Ước đã bị xóa sổ hoàn toàn. Hơn 300 nhà thờ bị bỏ lại sau lưng, nhiều nhà thờ bị cướp phá và đốt cháy.

Nhân biến cố bi thảm này, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em tìm hiểu sơ lược về Giáo Hội Công Giáo tại Iraq.

Cái nôi của văn minh thế giới

Vùng đất ngày nay gọi là Iraq trước đây gọi là Mesopotamia - dịch ra tiếng Việt là Lưỡng Hà Địa – nói nôm na là vùng đất giữa hai con sông, là sông Tigris và sông Euphrates. Vùng đất này có thể coi là cái nôi văn minh của thế giới. Vườn Địa Đàng nơi ông Adong và bà Evà ăn trái cấm thuộc khu vực này. Đây cũng là quê hương Ur của tổ phụ Abraham với Vườn Treo Babylon, một trong bẩy kỳ quan của thế giới.

Iraq là nơi mà những dạng chữ viết đã được phát minh ra vào khoảng 3000 năm trước Chúa giáng sinh. Người dân tại đây đã được công nhận là những người đầu tiên phát minh ra bánh xe.

Iraq cũng là nơi bộ luật đầu tiên của thế giới đã được giới thiệu bởi nhà lập pháp đầu tiên của nhân loại là Hamurabi. Vùng Lưỡng Hà Địa cổ xưa cũng đã cống hiến cho thế giới những nguyên tắc của Toán Học, của 60 phút trong một giờ và của 360o trong một vòng quay.

Đây cũng là cái nôi phát sinh ra tiếng Aramic, ngôn ngữ của Đức Kitô và của Tân Ước, với 22 vần chữ cái. Ngôn ngữ này đã được hình thành và phát triển và từ thế kỷ thứ 7 trước khi Chúa xuống thế làm người và đã là ngôn ngữ chính trong vùng Trung Đông. Tiếng Hêbrơ và tiếng ẢRập cũng từ tiếng Aramic mà ra.

Vùng đất của Kitô Giáo

Trong khi các Thánh Phêrô, Anrê và Phaolô đi truyền giáo về phía Tây của đế quốc La Mã, Thánh Tôma, vị tông đồ đã đòi phải xỏ ngón tay vào cạnh sườn Chúa mới tin Ngài đã sống lại từ trong cõi chết, đã cùng với các Thánh Giuđê, và Barthôlômêô đi về phía Đông và đã rất thành công. Từ thế kỷ thứ Hai, Kitô Giáo đã phát triển mạnh mẽ trong hai quốc gia lớn nhất và cổ nhất của vùng Lưỡng Hà Địa là Assyria và Chaldea. Cả hai nước đều coi Kitô Giáo là quốc giáo. Từ vùng Lưỡng Hà Địa này, Giáo Hội Công Giáo phát triển mạnh mẽ sang cả các nước lân bang như Ba Tư, Ả Rập, Ấn Độ, Mông Cổ và vào tận đến Trung Hoa.

Chính vì thế mà thánh tích của Thánh Tôma đã được chôn cất dưới bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Madras, Ấn Độ

Giáo Hội đã được phát triển mạnh mẽ nhờ các Thánh Tông Đồ và các đệ tử của các ngài như Mar Addai và Mar Mari.

Trong 5 thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội Công Giáo Lưỡng Hà Địa hiệp thông với Tòa Thánh Rôma. Nhưng đến năm 489, Giáo Hội Công Giáo Lưỡng Hà Địa quay sang theo bè rối Nestoria đã cắt đứt sự hiệp thông với Tòa Thánh để lập Giáo Hội tự trị. Lãnh đạo của Giáo Hội tân lập này được gọi là "Katholikos", cư ngụ tại Seleucia-Cteisphon, gần Baghdad.

Trong thế kỷ thứ 7, khu vực Lưỡng Hà Địa rơi vào tay quân Hồi Giáo. Năm 780, Catholikos Timetheos I di chuyển tòa thượng phụ về thủ đô mới là Baghdad.

Năm 1445, Đức Giáo Hoàng Eugene IV dùng từ "Công Giáo theo nghi lễ Chaldea" để chỉ những người Công Giáo đã theo bè rối Nestoria nay quay lại hiệp nhất với Tòa Thánh.

Cố gắng chính thức đầu tiên để tái hiệp nhất với Tòa Thánh của Giáo Hội Lưỡng Hà Địa được ghi nhận vào năm 1553 khi thượng phụ Gioan Sulaka đến Rôma và tuyên xưng đức tin Công Giáo trước mặt Đức Thánh Cha Giuliô III.

Thượng phụ Gioan Sulaka đã đổi tên Giáo Hội của ngài là Giáo Hội Athura và Mosul để phù hợp với tình trạng cụ thể là giờ đây sau nhiều năm dài bị người Hồi Giáo bách hại, Giáo Hội tại Iraq co cụm chủ yếu vào hai thành phố Athura và Mosul.

Năm 1683, Tòa Thánh lại đổi lại danh xưng là Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Chaldea.

Ngoài người Công Giáo theo nghi lễ Chandea, ở Iraq cũng có một nhóm nhỏ người Công Giáo theo nghi lễ La Tinh như chúng ta. Bên cạnh đó cũng có người Công Giáo theo nghi lễ Armenia và nghi lễ Syria.

Làn sóng bỏ chạy ra nước ngoài

Ngày 12 tháng 9 năm 2006, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đọc diễn từ có tựa đề “Đức Tin, Lý Trí và Đại Học – Hồi Ức và Suy Tư” tại trường Đại Học Regensburg bên Đức nơi ngài đã từng là giáo sư Thần Học trong nhiều năm, trong đó ngài trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Đại Đế Manuel Đệ Nhị “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohamét đã mang lại điều gì mới hay ở đó người ta chỉ thấy toàn là những sự gian ác và bất nhân, như lệnh truyền của ông ta là hãy dùng gươm giáo để loan truyền những điều ông ta rao giảng”.

Sự bách hại dai dẳng của người Hồi Giáo chống lại các tín hữu Kitô là một thực tế tại Iraq cũng như tại những vùng mà người Hồi Giáo chiếm đa số. Chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo phát triển mạnh vào đầu thế kỷ thứ 18 đã dẫn đến những vụ tàn sát các tín hữu Kitô tại tu viện Rabban Hormizd và thành phố Alqosh. Một thế kỷ trước, ngày 4 tháng 11 năm 1914, bộ trưởng chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ là Enver Pasha lại phát động thánh chiến trong vùng. Cái nôi Kitô Giáo Iraq tại Mosul bị tấn công, hàng chục ngàn người bị giết. Năm 1933, quân đội Iraq lại mở một cuộc tàn sát nữa giết chết hàng ngàn người.

Để giữ đạo, người Công Giáo Chanđê bỏ chạy dần ra nước ngoài, thành lập các cộng đoàn hải ngoại.

Những cơ cực trầm trọng khi Hoa Kỳ cấm vận Iraq gia tốc thêm làn sóng bỏ chạy của các tín hữu Kitô trong vùng.

Khi Hoa Kỳ dự định tấn công vào Iraq năm 1991 và năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tìm mọi cách để ngăn cản vì ngài thấy trước cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq không đem lại chút tự do, hạnh phúc nào cho người dân. Ngược lại, nó sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực và những mảnh đất phì nhiêu cho các loại Hồi Giáo cực đoan phát triển dẫn đến những cuộc chiến tàn khốc, những con số thương vong to lớn, những thiệt hại nặng nề về người và của và tình trạng vắng bóng dần các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

Hôm 23 tháng Tư năm 2003, Đức Tổng Giám Mục Jean Sleiman thuộc lễ nghi Chanđê của Baghdad nói với nhật báo Annenire của Ý rằng, "cuộc chiến này giống như một quả đấm vào người dân Iraq. Trận động đất này có thể làm cho các nhóm cực đoan gây được nhiều ảnh hưởng hơn và tiếp theo đó là một sự tràn ngập niềm đau khổ, không chỉ cho những người Kitô nhưng còn cho tất cả mọi người."

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Đất nước nơi Kitô Giáo đã từng có thời là quốc giáo thì đến năm 2003 người Công Giáo chỉ còn khoảng 175,000 tín hữu (chiếm chỉ 1% dân số) với 114 linh mục triều, 20 linh mục dòng, 7 phó tế vĩnh viễn, 28 nam tu sĩ, 283 nữ tu.

11 năm sau chiến thắng của Hoa Kỳ, không còn một tín hữu Kitô nào tại Mosul, thủ phủ sầm uất nhất của Kitô Giáo.