Ngày 06-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 14 Mùa Thường Niên 7/7/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:54 06/07/2019
Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

"Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).

Xướng: Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa.

Xướng: Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!

Xướng: Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.

Xướng: Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.

Bài Ðọc II: Gl 6, 14-18

"Tôi mang trong mình tôi những dấu thánh của Chúa Giêsu".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Ðức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu.

Anh em thân mến, nguyện ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9 {hoặc Lc 1-12. 17-20}

"Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.

{"Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: 'Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".}

Ðó là lời Chúa.
 
Mang Tin Vui Với “Tấm Lòng Bà Goá”
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:32 06/07/2019
Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 14 thường niên C 2019

Hơn 40 năm về trước, khi đất nước Việt nam chìm ngập trong chiến tranh lửa đạn, ngày nào cũng đầy ắp “tin buồn”, nhất là tin buồn “ngày mai đi nhận xác chồng” như lời thơ của nữ thi sĩ Lê Thị Ý :

Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình…

Chính vì thế, chỉ cần có tin “cuộc trở về của người lính chiến”, cho dù anh trở về như cách diễn tả của cố nhạc sĩ Phạm Duy trong bài hát “Kỷ vật cho em”, thì vẫn là tin vui ngút ngàn, dạt dào cho những người thân yêu đang đêm ngày ngóng đợi !:

Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ

Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân…

Từ câu chuyện “tin vui” của đời thường cuộc sống, Lời Chúa của Chúa Nhật 14 thường niên năm C lại hướng chúng ta tới “tin vui của Thiên Chúa”, “tin vui của mầu nhiệm Nước Trời”.

Trước hết là “tin vui” giải thoát “khỏi kiếp lưu đày”, khỏi thân phận nô lệ, “tha phương cầu thực”, khỏi cuộc đời lưu vong mất nước… mà đoàn dân Ít-ra-en bao năm tháng buồn tênh gánh chịu, để được về lại Giêrusalem, tìm lại được niềm hạnh phúc và chan hoà bình an; đó chính là “tin vui” đích thực từ chính Chúa (trên nền tảng Giao Ước), do sứ ngôn Isaia loan báo vào khoảng 6 thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh mà chúng ta vừa được nghe lại trong Bài đọc 1 hôm nay :

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối…”

Người ta cho rằng : chính nhờ niềm xác tín vào những “tin vui” của “Giao ước” mà dân Do Thái đã kiên cường giữ vững cái “hồn dân tộc”, kiên định với niềm hy vọng vững chắc “có ngày hồi hương, có thời đại hoà bình”, cho dù phải trải qua bao ngàn năm mất nước, lưu đày, âm mưu tận diệt…của bao thế lực xung quanh[1].

Cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay, trong một ý nghĩa nào đó, cũng là một cuộc “lưu đày” với bao nỗi xót xa, cay đắng. Giữa cuộc sống đầy “bất an và thử thách” đó, chúng ta luôn biết “ngẩng đầu lên”, lắng tai để lắng nghe “Tin Mừng bình an” của Thiên Chúa, “tin vui đích thực” mà Thiên Chúa gởi đến.

Nhưng làm sao nhận ra “tin vui đích thực”, “bình an đích thực” của Thiên Chúa ?

Chắc chắn đây không phải là thứ vui mừng, bình an của sự “thoả hiệp, ích kỷ hay chào thua” theo kiểu tính toán vô trách nhiệm, tìm chox yên thân như Philatô : “Ta vô can trong vụ đổ máu người nầy. Mặc các ngươi liệu lấy” (Mt 27,24) ; hoặc sự bình an dựa trên những giá trị vật chất : tiền tài, sắc đẹp, danh vọng và những sự bảo đảm nhờ chỗ dựa nơi quyền lực (kinh tế, chính trị) của người phú hộ : “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,18-19)

Cách đây 2000 năm, nhiều người Do Thái, sau khi chứng kiến các dấu lạ : nào được ăn no nê trong hoang mạc, nào kẻ què đi, kẻ điếc nghe, phung cùi được lành sạch, kẻ chết được hoàn sinh, ma quỷ bị trục xuất…đã chắc mẩm : hạnh phúc đây rồi, bình an đây rồi, đế quốc Rôma hết thời rồi, vương quyền Ít-ra-en được phục hồi rồi…Đấng Mêsia đã trở về trong uy quyền và chiến thắng….

Và rồi, tất cả “tin vui” hừng hực đó đã đổ sập, nhường chỗ cho một thất vọng lênh láng với tin buồn lan ra khắp nẻo Giêrusalem : Giêsu Na-da-rét bị đóng đinh thập giá.

Vâng, họ tìm kiếm nơi Đức Kitô một thứ “tin vui”, một thứ “bình an”, một niềm hy vọng mang đầy chất trần tục.

Thế nhưng, theo những chỉ dẫn của Lời Chúa :

- Chúng ta chỉ thực sự gặp được bình an của Thiên Chúa trong “thinh lặng của tôn thờ và lắng nghe” như Samuel trong đền thánh, như Đức Trinh Nữ Maria trước “sứ điệp Truyền Tin”, như Thánh Giuse trong “im lặng thực hành Thiên ý”…

- Chúng ta chỉ thực sự có được niềm vui bình an đến từ Thiên Chúa trong khiêm hạ đổi đời của Giakê, trong dứt khoát “bỏ bàn tiền thu thuế của Matthêu”, trong “niềm trông cậy vững vàng của người trộm lành” vào Vương quốc phục sinh của Đấng đang bị đóng đinh !…

- Chúng ta chỉ có được niềm vui và bình an đích thực khi ta tìm gặp Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện (trong khoang thuyền Hội Thánh dẫu phong ba bão táp…) qua các cử hành Phụng vụ Bí tích, qua những kẻ nghèo hèn được ta rửa chân, qua những người anh em là thù địch được ta khoan dung tha thứ…

Nói cách khác, niềm vui đích thực, sự bình an đích thực mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta phải nhờ và qua chính Con Một của Ngài; điều đó đồng thời cũng có nghĩa là phải đi qua “nẻo đường thập giá”, phải được trổ sinh từ “mảnh đất của khổ nạn”.

Đó chính là sự “bình an” được trao ban từ Đấng sống lại từ cõi chết, là Tin Mừng được loan báo bởi những kẻ đã sống và trải nghiệm chính “con đường thập giá của Đức Kitô”, như chứng từ của Tông Đồ Phaolô để lại cho chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Galata nơi bài đọc 2 hôm nay :

“Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới”.

Và mọt khi có được sự bình an của Thiên Chúa, người Ki-tô hữu phải trở thành tông đồ của tin vui, của sự bình an. Đó chính là sứ mệnh mà Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ, cho 72 môn đệ mà trích đoạn Tin mừng Luca hôm nay nhắc lại cho cộng đoàn chúng ta :

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'.

Lời chào chúc đó gói ghém tất cả sứ vụ tông đồ của người Ki-tô hữu : Vâng chúng ta phải là tông đồ của sự bình an, và sự giải thoát, là những chứng nhân cho niềm hy vọng về một thế giới mới, một triều đại mới của tình yêu, chân lý và ân sủng; và hành trang mang theo cũng chính là những giá trị ngàn đời của Phúc âm : niềm tin yêu phó thác, sự đơn giản khó nghèo, lòng can đảm nhiệt thành cho sứ vụ, và liên kết mật thiết với Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự sống…

Đó cũng chính là “mệnh lệnh và hành trang” cần thiết cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá hôm nay. Bởi vì, thật ra Chúa nào có đòi chúng ta phải làm những chuyện chọc trời khuấy nước, những chiến tích lừng danh, những đóng góp phải thật to, thật nhiều…thì mới kể là có giá trị, mới hiệu quả trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Không, chính Chúa đã xác quyết với nhân vật bà góa trong Tin mừng Mác-cô 12,41-44 : “Thầy bảo thật anh em : bà góa nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết…” dù chỉ với “hai đồng tiền kẻm”.

Như thế, không phải chúng ta không có những đồng xu ten để cho đi, mà vì chúng ta đánh mất “tấm lòng của bà góa” !

Thánh lễ hôm nay là “Bàn tiệc của hiệp thông và an bình”, bởi vì chúng ta được chia sẻ một Chén và một Bánh chính là Đức Ki-tô, Ngôi Lời Hằng sống. Và khi Thánh lễ kết thúc, chúng ta lại nhận lãnh sứ vụ “ra đi” để loan truyền “Tin Vui” và xây dựng an bình cho muôn người nhân thế bằng chính thứ “hành trang” khó nghèo và phó thác, hay cụ thể, đó chính là “tấm lòng của bà góa” !

Trương Đình Hiền.

[1] Vũ Văn An, bài viết : “Nhân ngày 30 tháng Tư, đọc lại cuộc lưu đầy và hồi hương của Do Thái” : “Họ đã đứng vững trước nhiều rủi ro khôn lường, các cố gắng nhằm cải đạo họ, các lưu đày phát vãng và trục xuất, và ngay cả các âm mưu tận diệt họ. Không những chỉ sống sót, họ còn giữ cho hoài niệm Giêrusalem luôn sống động và với một phép lạ lớn lao nhất trong hế kỷ 20, họ đã lại trở về cố hương xưa một lần nữa.”. Nguồn :

http://vietcatholic.net/News/Html/97553.htm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:51 06/07/2019

27. Tất cả những cái tốt mà con có là Thiên Chúa ban cho, tại sao con lấy cái tôn quý của Thiên Chúa ban cho để khinh dễ người khác. Con nên biết, con được ân điển càng nhiều thì trách nhiệm càng nặng, ngày phán xét càng nghiêm khắc. Nếu con tự mình khoe khoang khinh mạn người khác, thì giống như là khoe trách nhiệm nặng nề của con, nên phán xét nghiêm nhặt; khinh mạn trách nhiệm của người khác ít, nên phán xét cũng nhẹ như vậy.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:57 06/07/2019
65. KHÔNG THỂ LẠI Ở DƯỚI THẤP

Có một tổ phụ qua đời rất sớm, về sau đứa con làm nghề đào giếng và đứa cháu cũng thay nhau trước sau đều chết, diêm vương cho hai đứa con và cháu xây nhà, thế là tổ phụ mặt mày tỏ vẻ không vui, tự nói với mình:

- “Tôi đã xây cung điện cho ngọc hoàng đã ba mươi ba năm rồi, cao hết đường đi, tại sao trong này ra lệnh chỉ chú ý đến con và cháu tôi mà thôi chứ ?”

Diêm vương đổi lệnh lại sai đứa con xuống dưới mười tám tầng địa ngục đào giếng.

Đứa con thở dài nói:

- “Nhớ lại các việc mà trưởng bối tôi đã làm qua, thì hôm nay chúng tôi ở quá thấp không có đường đi !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 65:

Cha làm con chịu đó là quan niệm của nhân gian theo luật quả báo của nhà Phật, mà xét cho cùng thì cũng đúng thật đấy, cho nên mới có thêm câu ca dao “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, và còn có thêm một câu nữa “cha mẹ hiền để đức cho con”, như thế thì đủ biết: việc làm tốt xấu của cha mẹ rất có ảnh hưởng đến với con cháu hai phương diện sau đây:

Sức khỏe:

Cha mẹ nghiện rượu thì con cái sẽ bệnh hoạn, cha mẹ xì ke ma túy thì sinh con cái có di tật xấu xa...

Tâm linh:

Cha mẹ làm biếng đi lễ đọc kinh thì con cái sẽ lạnh nhạt với nhà thờ, cha mẹ mê cờ bạc thì con cái thành kẻ nghiện ngập chuyên nghiệp, cha mẹ sống gian ác thì con cái sẽ là kẻ dối gia...

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là ở đó vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 14 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:00 06/07/2019
Chúa Nhật 14 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 10, 11-12; 17-20.

“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy”.


Bạn thân mến,

“Lúa chín đấy đồng, mà thợ gặt thì ít”, câu nói này của Đức Chúa Giê-su chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong cuộc sống, và theo thói quen tốt lành của mỗi nơi, mà chúng ta dành ngày thứ năm mỗi tuần để cầu nguyện cách riêng cho các “thợ gặt” truyền giáo, là các linh mục, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ trong Giáo Hội.

Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến, và vì chúng ta bấy lâu nay chỉ hiểu thợ gặt chính là các linh mục và các tu sĩ nam nữ mà thôi, nên chúng ta quên mất có rất nhiều thợ gặt khác đang âm thầm hoặc công khai làm việc trên cánh đồng truyền giáo, đó chính là bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác, họ là những thợ gặt của thời hiện đại, trong tâm tình đó tôi xin chia sẻ với bạn mấy vấn đề sau đây:

1. Cha mẹ cũng là thợ gặt truyền giáo.

Trước hết, có một vấn đề mà chúng ta phải công nhận: gia đình là cánh đồng nhỏ mà thợ gặt không ai khác hơn chính là cha mẹ, nhưng thời hiện đại này thì gia đình không còn nhỏ nữa mà chúng đã biến thành lớn với một vài đứa con trong gia đình, bởi vì cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho chúng nó mất đi phương hướng về tôn giáo và tín ngưỡng mà chúng nó đã lãnh nhận, do đó cha mẹ phải chính là người thợ gặt nhiệt thành lo lắng cho con cái mình, biết dạy dỗ chúng nó trở thành những “hạt lúa béo đầy ắp sữa ân sủng” của Chúa.

Hiện tượng chỉ có những người già, những người lớn tuổi mới đi tham dự thánh lễ nơi các nước văn minh và phát triển là bức tranh rất thực tế, bởi vì các bạn trẻ và ngay cả các trẻ em cũng ít đi lễ nhà thờ, nguyên nhân khách quan thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan thì nằm ngay trong gia đình của các em như: bận học hành vui chơi mà không có thời gian đi thờ, và đời sống tâm linh của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn trên con cái, như cha mẹ ít nhắc nhở con cái sống đạo, cha mẹ không mặn nồng với giáo xứ, không thiết tha đi tham dự thánh lễ…

Cha mẹ sẽ là thợ gặt lành nghề trên “cánh đồng” truyền giáo của mình khi họ có đời sống đạo đức tốt lành và kiên trì, đức tin của cha mẹ là công cụ gặt hái hiện đại và hiệu quả nhất trong gia đình của mình, với tinh thần hy sinh và cầu nguyện, cha mẹ sẽ trở nên những thợ gặt mẫu mực cho con cái của mình. Do đó, khi mà chúng ta ngồi buồn bực vì con cái không nghe lời mình để đến tham gia các sinh hoạt của nhà thờ, chi bằng chúng ta quyết tâm trở nên những thợ gặt nhiệt thành nhất trong gia đình của chúng ta, bằng cách làm gương sáng cho chúng nó…

2. Mỗi giáo dân là một thợ gặt.

Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đương nhiên là những thợ gặt chuyên môn trên cánh đồng truyền giáo, các vị ấy với những năm tháng được huấn luyện để trở thành những thợ gặt chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn quá ít và thiếu trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la, cho nên, mỗi giáo dân là mỗi thợ gặt trong hoàn cảnh cuộc sống của mình, đó là một đòi hỏi của Đức Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay.

Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu đã trở thành một chi thể của Giáo Hội, một công dân của Nước Trời và là một thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, không một giáo dân nào trong thời đại ngày nay nói rằng: truyền giáo là bổn phận của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ nữa, nhưng đa số giáo dân đều hiểu rằng, mình cũng có bổn phận rao giảng Lời Chúa cho mọi người và sống Tin Mừng giữa tha nhân.

Đức Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, có nghĩa là ngoài mười hai vị tông đồ ra, Ngài còn chọn thêm cho mình những môn đệ khác để cùng với các tông đồ rao giảng về nước Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ này đại diện cho các cộng đoàn dân Thiên Chúa trên khắp thế giới, mà mỗi Ki-tô hữu là những thợ gặt trong thế giới hiện đại hôm nay.

Bạn thân mến,

Tuy không chuyên nghiệp như các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng đã là bổn phận thì phải tìm cách để chu toàn, do đó mà chúng ta –người Ki-tô hữu- trước hết phải sống đạo tốt lành, biết noi gương phục vụ và biết cộng tác với cha sở của mình trong việc xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.

Chỉ có những ai biết khiêm tốn đón nhận sứ mạng mà không chút kêu ca hay tự mãn, thì mới có thể trở thành thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

Có những người Ki-tô hữu thao thức tìm cho mình một hướng đi như các linh mục và tu sĩ nam nữ, gọi nôm na là linh đạo giáo dân, một ý tưởng rất tốt, nhưng linh đạo giáo dân là gì nếu không phải là sống đạo giữa trần thế dựa trên Lời Chúa, linh đạo giáo dân trước hết chính là chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, và khi đã làm tốt việc đó, thì đã trở thành những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay rồi vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiết lộ kinh ngạc: Nga quyết định xây dựng “Vatican của Chính Thống Giáo”
Đặng Tự Do
00:08 06/07/2019
Trong một quyết định gây kinh ngạc cho nhiều người Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã quyết định xây dựng một “Vatican của Chính Thống Giáo” tại khu vực Sergiyev Posad.

Nhật báo Vedomosti cho biết các quan chức Giáo Hội Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã có những tiếp xúc với chính quyền địa phương tỉnh Sergiyev Posad từ năm 2017 và phương án cuối cùng đã được chính phủ Nga thông qua.

Sergiyev Posad là nơi có tu viện Chúa Ba Ngôi Lavra do thánh Sergius xây dựng, và từ lâu đã được coi là trung tâm tâm linh của Chính Thống Giáo Nga.

Tu viện này được thành lập vào năm 1345 bởi Thánh Sergius thành Radonezh, là người đã từng xây dựng một nhà thờ bằng gỗ trên đồi Makovets để tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Tu viện này đã được ban cấp tư cách Lavra nghĩa là tu viện cổ kính vào năm 1744.

Theo kế hoạch, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga sẽ coi tu viện hiện nay như một kiểu Đền Thờ Thánh Phêrô và lên kế hoạch xây dựng các tòa nhà lớn bao quanh tu viện, theo mô hình của Vatican, nhưng có thêm một vài nét cảm hứng từ Giêrusalem của Do Thái Giáo và Mecca của Hồi Giáo.

Phương án này đòi hỏi tái cấu trúc lại thành phố Sergiyev Posad, chia nó thành các khu vực tâm linh, dân cư và hành chính.

Thị trưởng Mikhail Tokarev ước tính dự án sẽ tiêu tốn khoảng 140 tỷ rúp, tức là khoảng 2 tỷ đô la, và sẽ chiếm một phần ba trung tâm thành phố.


Source:Romfea News
 
Tổng Thống Putin nước Nga gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
15:21 06/07/2019
Ngày 4 tháng 7, Tổng Thống Putin cùng với đoàn tùy tùng được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đón tại dinh Tông Tòa. Sau đó, hai vị nói chuyện riêng với nhau khoảng gần một tiếng tại Thư viện Tòa Thánh. Chủ đề của cuộc nói chuyện: sự bất ổn của quan hệ quốc tế, khủng hoảng ở Trung Đông, số phận của Syria, vấn đề giải trừ hạt nhân, tình hình ở Iran.

Sau hai chuyến thăm vào năm 2013 và 2015, chuyến thăm thứ ba này của Putin tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt thân mật và "thoải mái", không bị áp lực quá mức do các vấn đề quốc tế và không biểu hiện bất kỳ cử chỉ nổi bật nào trong mối quan hệ Nga-Vatican. Đó chính là "một giai đoạn xác nhận" của một sự hòa hợp quy mô lớn.

Trở về Nga sau chuyến thăm chớp nhoáng tại Rome vào ngày 4 tháng 7, Tổng Thống Putin nói với các nhà báo rằng lập trường của Nga và Vatican trùng hợp trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống và trong sự phát triển của các cuộc đối thoại và các nền văn minh. "Chúng tôi cũng đã nói về các vấn đề bảo vệ dân Kitô giáo ở Trung Đông và viện trợ nhân đạo ở Syria"

Một số khía cạnh của mối quan hệ song phương giữa Liên bang Nga và Tòa thánh đã được xem xét: "Chúng tôi đồng ý chú ý đặc biệt đến sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe", nhà lãnh đạo Nga nói thêm. Trong chuyến thăm, một bản ghi nhớ đã được ký kết về các hành động chung trong lĩnh vực y tế, củng cố quy mô quốc tế của bệnh viện “Bambino Gesù” (Chúa Giêsu Hài Nhi) ở Rome, cũng được xác nhận bởi thông cáo báo chí do Văn phòng Báo chí Vatican. Thỏa thuận được ký bởi Bộ trưởng Y tế Nga, Veronika Skortsova và bởi Đức ông Paolo Borgia, Trợ lý Phân bộ Hành chánh thuộc Quốc Vụ Vatican, thiết lập một chương trình hợp tác giữa "Bambino Gesù" và các cơ sở y tế của Liên bang Nga.

Cũng theo báo cáo của Putin với các nhà báo, ông cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô bàn đến những vấn đề chính trị quốc tế cấp bách nhất, đặc biệt là tình hình ở Syria, Ukraina và Venezuela, cùng với các vấn đề liên quan đến sinh thái học và "một số vấn đề quan trọng đối với cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo ở Nga”. Ngay cả trong cuộc họp chính thức cuối cùng ở Nga vào năm 2017 với Hồng Y Quốc Vụ Pietro Parolin, tình trạng pháp lý của các nhà truyền giáo Công Giáo ở Nga đã được thảo luận.

Putin đảm bảo rằng cuộc gặp diễn ra "ấm áp" và cảm ơn Đức Thánh Cha "vì thời gian ngài dành riêng cho tôi và cho cuộc trò chuyện thú vị và mang tính xây dựng, một cuộc trò chuyện đầy điều tốt". Đức Giáo Hoàng bày tỏ "sự hài lòng chân thành và không thể đo lường" của mình với Putin, cũng được Vatican loan tin.

Kết thúc cuộc họp, Đức Giáo Hoàng có lời chào đến phái đoàn Nga và trao đổi quà tặng. Đức Giáo Hoàng tặng Tổng Thống Nga một mề đay kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất và năm thứ sáu của triều đại Giáo hoàng. ĐTC tặng cho Tổng Thống một bản sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 01/01/19, Tông huấn Gaudete et Exultate về ơn gọi nên thánh trên thế giới và Tông huấn Christus Vivit gửi giới trẻ, một bản Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự chung sống và cuối cùng là bức tranh khảm đền thờ và quảng trường thánh Phêrô.Tổng Thống Putin tặng cho ĐTC một bức hình Icon thánh Phêrô và Phaolô, một cuốn sách và một bản sao của một cuốn phim “Tội lỗi” của nhà sản xuất Nga là Andrej Konchalovskij.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Ogonek của Nga, Đại sứ Nga tại Tòa thánh Alexanderr Avdeev, cựu bộ trưởng văn hóa của chính phủ Nga, nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng là người hướng dẫn tinh thần của một tỷ ba trăm triệu người Công Giáo, nên lời của vị Giáo Hoàng quan trọng hơn các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia khác nhau: lãnh thổ nhỏ bé của Vatican tỷ lệ nghịch với khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Giáo hội Syro-Malabar họp khẩn cấp vì 250 linh mục chống lại một quyết định của Đức Thánh Cha.
Đặng Tự Do
15:42 06/07/2019
Một hội nghị khẩn cấp của Giáo hội Syro-Malabar, do Đức Hồng Y George Alencherry chủ trì, đã diễn ra vào hôm thứ Sáu 5 tháng Bẩy tại Kochi, Ấn Độ để đối phó với một tình hình nghiêm trọng phát sinh sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phục hồi hoàn toàn quyền hạn của Đức Hồng Y George Alencherry.

Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Cha Paul Thelakat đã trình lên Đức Cha Jacob Manathodath các tài liệu cho rằng Đức Hồng Y đã chuyển ngân những khoản tiền lớn cho hai tổ chức ngoài Công Giáo.

Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra, ngày 28 tháng 4, cảnh sát đã khẳng định các tài liệu dùng để cáo gian Đức Hồng Y là ngụy tạo và đã bắt giữ Adithya Valavi, một kỹ sư điện toán người Công Giáo, với tội danh ngụy tạo ra các hồ sơ giả. Trong tiến trình thẩm vấn Valavi đã khai rằng hai linh mục Paul Thelakat và Antony Kallookaran đã buộc anh ta phải làm các giấy tờ giả này để cáo gian Đức Hồng Y George Alencherry.

Ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ ra thông báo ủng hộ Đức Hồng Y George Alencherry và lên án những kẻ cáo gian ngài.

Trước các kết quả điều tra khách quan của cảnh sát, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.

Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha.

Đó là lý do tại sao Giáo hội Syro-Malabar phải họp khẩn cấp.


Source:Mathrubhumi
 
Biểu tình dữ dội trước tòa án Mexico City đòi trả tự do cho linh mục bị cáo buộc giết người
Đặng Tự Do
15:52 06/07/2019
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc biểu tình dữ dội của anh chị em giáo dân Công Giáo tại thủ đô Mexico City tại trước tòa án hình sự của thành phố này, yêu cầu trả tự do tức khắc cho Cha Francisco Javier Bautista.

Trong một diễn biến gây quan ngại sâu xa tại Mễ Tây Cơ và trên thế giới, cha Bautista đã bị cáo buộc tội giết người.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Cha Francisco Javier Bautista, 58 tuổi, cha sở giáo xứ Cristo Salvador, và cũng là nhà trừ quỷ của tổng giáo phận Mexico City, đã bị bắt vì tội giết người vào ngày 19 tháng Sáu. Năm ngày trước đó, cha Bautista đã cử hành thánh lễ an táng cho nạn nhân là anh Leonardo Avendano Chavez, 29 tuổi, vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học Công Giáo.

Chiều ngày 11 tháng Sáu, anh Avendano đã đến giáo xứ Cristo Salvador, nghĩa là Chúa Kitô Đấng Cứu Độ, để gặp cha Bautista trong một chương trình tìm hiểu về đời sống thánh hiến.

Hai ngày sau đó, anh Avendano được tìm thấy đã chết trong chiếc xe hơi của mình.

Trong cuộc họp báo, công tố viện giải thích rằng nhà chức trách tình nghi cha Bautista là hung thủ giết người vì những lời khai của ngài với cảnh sát thiếu nhất quán.

Người đứng giải thích với đám đông trong đoạn video này là ông Josué Vicente Avendaño, là anh ruột của nạn nhân. Ông nói với mọi người rằng trên người của em ông có rất nhiều vết bầm tím cho thấy nạn nhân đã bị tra tấn và đánh đập dã man trước khi chết.

Ông không tin rằng cha Bautista có đủ sức mạnh và lòng nhẫn tâm gây ra những vết thương và cái chết này cho em ông. Ngài có lẽ đã là con dê tế thần cho cảnh sát và nhà cầm quyền để khỏa lấp thực tế là họ không đủ khả năng đem lại trật tự trị an cho đất nước.

Hơn 6,000 anh chị em giáo dân tại giáo xứ Cristo Salvador, đã ký vào một thỉnh nguyện thư kêu gọi bà Claudia Sheinbaum, là Đô Trưởng thủ đô Mexico City trả tự do ngay lập tức cho cha sở của họ.

Các buổi canh thức cầu nguyện cũng đã được tổ chức tại giáo xứ Cristo Salvador để cầu nguyện cho vị linh mục.

Cha Bautista chắc chắn đã bị bắt vì nhà cầm quyền muốn tìm một con dê tế thần. Anh chị em giáo dân tố cáo như trên trong các cuộc biểu tình.

Từ năm 2012 cho đến nay, ít nhất 24 linh mục đã bị giết ở Mễ Tây Cơ. Điều lạ lùng là cho đến nay chưa có ai bị bắt trong các vụ sát hại này. Phần lớn các vị bị giết vì lên tiếng tố cáo các băng đảng mua bán ma túy. Các băng đảng này coi Giáo Hội Công Giáo là một trở ngại cho công việc kinh doanh của họ.


Source:Expansión Política
 
Ngược với các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô ở lại Vatican trong tháng 7 và gây nhiều ngạc nhiên
Vũ Văn An
19:29 06/07/2019


Theo John Allen, tháng 7 tại Rôma là tháng nóng bức nhất, nên các vị Giáo Hoàng thường ngưng các buổi yết kiến và rời thành phố để tránh cái nóng nung người của Mùa Hè.

Chuyện nổi tiếng là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho xây một hồ tắm tại dinh mùa hè Castel Gandolfo để dìm mình trong những ngày nóng bức của tháng 7 và tháng 8. Đức Bênêđíctô XVI thì nổi tiếng vì việc đầu tiên khi vừa được bầu năm 2005 là tổ chức nghỉ hè ở Les Combes thuộc Valle d’Aosta, miền Bắc Ý cạnh dãy núi Alps ngay tháng 7 năm đó.

Đến thời Đức Phanxicô thì tình hình ra khác, ngài không chịu phí phạm thì giờ trong tháng nóng bức này, trái lại, còn thực hiện nhiều chuyện rất đáng lưu ý.

Tháng 7 năm 2013: đi Lampedusa như dấu chỉ tình liên đới với các di dân; Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Tây, trong đó có câu nổi tiếng “tôi là ai mà dám phê phán?”; và chấp thuận một phép lạ dọn đường cho việc phong thánh Đức Gioan Phaolô II.

Tháng 7 năm 2014: Gặp lần đầu các nạn nhân của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục; cho Eugenio Scalfari phỏng vấn lần thứ hai, sau đó, nhà báo ở tuổi 90 này nói rằng Đức Giáo Hoàng nói với ông: luật độc thân linh mục sẽ không còn; vị Giáo Hoàng đầu tiên tới thăm một nhà thờ của Phái Ngũ Tuần do một mục sư bạn người Á Căn Đình coi sóc.

Tháng 7 năm 2015: Thăm 3 nước Châu Mỹ La Tinh: Bolivia, Ecuador và Paraguay, trong đó, ngài cực lực lên án chủ nghĩa tư bản với câu nói thời danh tiền bạc là đống phân của ma qủy.

Tháng 7 năm 2016: Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, trong đó, có chuyến viếng thăm Auschwitz, nơi ngài cố tình giữ im lặng; bổ nhiệm nhà báo Mỹ kỳ cựu Greg Burke làm phát ngôn viên; gọi việc ISIS ám sát linh mục già yếu người Pháp Jacques Hamel là “phi lý”.

Tháng 7 năm 2017: Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự ủng hộ đối với cha mẹ của bé Charlie Gard, những người yêu cầu phải giữ cho đứa con của họ bị chứng bệnh hiếm hoi được sống bất chấp lệnh tòa cho phép ngưng việc điều trị; không tiếp tục bổ nhiệm Đức Hồng Y người Đức Gerhard Müller đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin; và bài báo gây tranh cãi bởi 2 cộng tác viên thân tín của Đức Giáo Hoàng, Cha Dòng Tên Antonio Spadaro và Mục sự Thệ Phản người Á Căn Đình Marcelo Figueroa, những người cho rằng có thứ “đại kết thù hận” tại Hoa Kỳ giữa các người Công Giáo bảo thủ và người Tin Lành.

Tháng 7 năm 2018: Loại Theodore McCarrick khỏi Hồng Y đoàn vì các cáo buộc lạm dụng tình dục (sau đó, ông này còn bị loại khỏi hàng giáo sĩ); và chuyến viếng thăm đại kết thành phố Ý Bari.

John Allen tự hỏi: còn tháng 7 năm 2019 này thì sao? Ai cũng biết, ngày 4 tháng 7 vừa qua, đúng vào ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, Đức Phanxicô đã gặp Putin, lãnh tụ của địch thủ lớn nhất trong Chiến Tranh Lạnh của Hoa Kỳ, trong một buổi gặp gỡ được Vatican mô tả là “những cuộc thảo luận thân tình”.

Ta cũng biết ngày 8 tháng 7 sắp tới, Đức Phanxicô sẽ cử hành một Thánh Lễ đặc biệt cho di dân tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Cử chỉ này có thể để nói lên quan điểm của Đức Giáo Hoàng đối với điều cuộc thăm dò của CNN cho là ba phần tư người Hoa Kỳ gọi việc di dân là một “cuộc khủng hoảng” vì người Dân Chủ cho rằng khủng hoảng vì đối xử tàn tệ với di dân, trong khi người Cộng Hoà thì cho tại nhiều người tràn qua biên giới.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề Đức Phanxicô có thể gây ngạc nhiên trong tháng 7. John Allen kể ra 3 trường hợp khả hữu sau đây:

Cải tổ Giáo Triều: Một dự thảo tông hiến tựa là Praedicate Evangelium đã hoàn tất nhằm cải tổ Giáo Triều Rôma, vốn là dự án hàng đầu của triều Giáo Hoàng này. Hiện đang được Đức Phanxicô duyệt xét và trên lý thuyết, ngài có thể phê chuẩn và công bố bất cứ lúc nào.

Các kế hoạch du hành: Có tin đồn Đức Phanxicô sẽ viếng Nhật Bản, trở về gốc rễ công cuộc truyền giáo hàng đầu của Dòng Tên, nhưng kế hoạch chưa chính thức được xác nhận. Cũng có tin đồn trên đường đi hay trên đường về, ngài sẽ dừng chân ở Thái Lan, cả việc này cũng chưa được chính thức xác nhận. Các việc xác nhận này có thể xẩy ra trong tháng 7 này.

Thay đổi nhân sự của Giáo Triều: Lúc này, 5 vị đứng đầu các bộ của Tòa Thánh đến tuồi về hưu (75), có nghĩa là đơn từ chức của các vị đang nằm trên bàn giấy của Đức Giáo Hoàng: Đức Hồng Y Marc Ouellet, Bộ Giám Mục; Đức Hồng Y Luis Ladaria, Bộ Giáo Lý Đức Tin; Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi, Bộ Giáo Dục Công Giáo; Đức Hồng Y Beniamino Stella, Bộ Giáo Sĩ; Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Bộ Các Giáo Hội Đông Phương; và Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa. Ngoài ra còn Văn Phòng Kinh Tế hiện trống vị bộ trưởng vì Đức Hồng Y Pell đã quá tuổi 75 và hiện đang kháng án vụ Tòa sơ thẩm Melbourne kết tội ngài. Tháng 7 cũng là tháng Đức Phanxicô có thể bổ nhiệm các chức vụ này.

Theo John Allen, rất có thể những điều trên sẽ xẩy ra mà cũng có thể là nhiều điều khác. Vì Đức Phanxicô vốn là Giáo Hoàng của những điều ngạc nhiên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ủy Ban Trợ giúp Người Thượng Cùi và Cô Nhi Việt Nam Melbourne tổ chức Thánh Lễ Lạc Quyên
Trần Văn Minh
04:46 06/07/2019
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy Ngày 6/7/2019. Tại Nhà thờ Thánh Monica vùng Footscray. Ủy Ban Trợ Giúp Người Thượng Cùi và Cô Nhi Việt Nam, đã tổ chức thánh lễ tạ ơn và lạc quyên gây quỹ cho sinh hoạt của hội thuộc niên khóa 2019-2020.
Thánh lễ đồng tế

Xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Vũ Nhật Thăng chủ tế cùng với quý Linh mục Lê Văn Sơn chánh xứ Giáo xứ Thánh Monica, Linh mục Vũ Phước Hiến và Linh mục Vũ Quốc Khánh đồng tế. Ca đoàn Cecillia luôn đồng hành cùng hội trong nhiều năm trong phần phụng vụ thánh ca giúp cho buổi lễ thêm long trọng và sốt sắng hơn.

Mở đầu Thánh lễ, linh mục chủ tế đã nói trong ngôi thánh đường nhỏ bé nhưng rất ấp áp, nhờ vào sự hiện diện và tỏa nhiệt từ những trái tim yêu thương của mọi người, đã xua tan đi cái lạnh giá của thời tiết mùa Đông Melbourne. Phần đông những người hiện diện đều là thân hữu của hội trong nhiều năm qua.

Trong phần chia sẻ, Linh mục Vũ Phước Hiến chia sẻ về những chuyến đi làm từ thiện của Cha, và những câu chuyện trên đường đi và nhận thấy những người không cùng tôn giáo, họ sợ “nhân quả” để cũng biết làm việc lành như khi Cha Hiến được Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt giới thiệu cho một chị dẫn đường đi, chị là một nhân vật nổi tiếng mà mấy anh giao thông gặp chị đều kiêng nể. Khi xe bị chận lại, chị chỉ cần nói: đây là ông Cha đi làm từ thiện, nếu mấy anh làm hỏng công việc của cha, thì tội đó sẽ giáng lên đầu con cháu các anh, và xe của cha Hiến không bị làm khó dễ gì.” Chúng ta làm từ thiện cho chúng ta, và tích lũy công đức cho con cháu chúng ta. Người Công Giáo vào mùa Chay, chúng ta ăn chay, hãm minh và làm việc bố thí. Do đó, khi mỗi Thứ Tư lễ tro mùa chay, nhiều nhà thờ gửi đến mọi người một cái hộp hoặc phong bì, để mọi người cho những đồng tiền tiết kiệm trong suốt mùa Chay, và sẽ nộp lại cho nhà thờ chuyển về cho Caritas chuyển đến những nơi cần giúp đỡ. Giúp người để lại gia tài thiêng liêng cho con cháu mình được hưởng.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha Lê Văn Sơn, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Monica và cũng là Tuyên úy của Ủy Ban Trợ giúp Người Thượng Cùi và Cô Nhi Việt Nam nói về khả năng phục vụ của Ngài trong cương vị tuyên úy sẽ không thể tiếp tục, vì Cha đã tới tuổi hưu trong vài năm tới. Cha xin ủy ban mời một hay hai cha để phụ trách thay Cha trong cương vị tuyên úy để tiếp tục giúp hội hoạt động.

Trong lời cám ơn, Ông Nguyễn Mạnh Thăng, chủ tịch ủy ban đã cám ơn quý cha và mọi thân hữu đã đồng hành cùng ủy ban trong nhiều năm qua. Nói về nhân sự, ông cũng kêu gọi sự hợp tác của quý thân hữu, giúp cho ủy ban có thêm nhân sự để hoạt động hữu hiệu hơn.

Cuối cùng, một buổi tiệc nhỏ có phần văn nghệ với đủ các bộ môn ca, vũ, để giúp mọi người vừa thưởng thức văn nghệ, vừa thưởng thức các món ăn và cũng vừa để tham dự mua xổ số đóng góp vào quỹ từ thiện của hội. Món ăn ngon, văn nghệ đặc sắc và một không khí thân thiện với một mục đích đầy tình thương yêu, giúp cho mọi người có cơ hội đóng góp cho những người kém may mắn nơi quê nhà.

 
Văn Hóa
Thánh Bernadette : Nguồn Suối Ân Đức
Lê Đình Thông
15:25 06/07/2019
Lộ Đức: 路德

2 giờ sáng, tháng Hai, Lộ Đức
Mấy trăm người túc trực quanh đây
Bernade quỳ gối chắp tay (1)
Ngước trông lên Mẹ đắm say dạt dào.

Vâng lời Mẹ tay cào bùn đất
Bỗng tuôn lên suối mát ơn thiêng
Nơi đây Lộ Đức thần tiên
Thập phương lữ khách tật nguyền khấn xin.

‘‘Aquèro’’ đức tin da diết
‘‘Que sòi era’’ nào biết chi đâu:
‘‘Ta là vô nhiễm tội đầu’’ (2)
Tinh tuyền suốt mát bắc cầu phước ân.

14 tuổi quàng khăn tóc vấn
Nhặt củi khô tả ngạn sông Gave
Chợt nghe có tiếng chốn xa (3)
Từ trong hang đá thiết tha nhu mì

‘‘Pétió damizéló’’ (4)
Xuất thần hồn (5) tỏ lộ tấm thân
Nữ Trinh phán bảo ân cần:
Đọc kinh lần hạt ăn năn hãm mình.

Vào ngày lễ Truyền Tin sáng sớm
Đóa hoa thiêng vừa chớm hương thơm
Mẹ truyền giữa chốn núi non
Xây ngôi đền thánh ơn tràn phước tuôn

Ngày mồng bốn khai trương thánh tượng (6)
Mẹ trinh nguyên mở lượng từ nhân
Từ nay thôn nữ hiến dâng
Nữ tu Bác ái tu dòng Nevers.

Nào cùng nhau hướng về Lộ Đức
Lần hạt chung, chầu chực suối thiêng
Tâm hồn đổi mới tinh tuyền
Thật lòng thống hối lệnh truyền Nữ Vương.

Lê Đình Thông

(1) Marie-Bernarde Soubirous, quen gọi là Bernadette
(2) Que sòi era Immaculada Concepcion.
(3) Coumo u cop de bén.
(4) Uo pétito damizélo: Thiếu Nữ Trắng Tinh.
(5) Extase
(6) Ngày 04/04/1864
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Trên Sa Mạc Sỏi Đá
Lê Trị
08:20 06/07/2019
HOA TRÊN SA MẠC SỎI ĐÁ
Ảnh của Lê Trị

Nhờ ơn mưa nắng hài hòa
Sa mạc sỏi đá nở hoa. tràn trề
(bt)