Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ.
Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Đó là lời Chúa
Chuyện BÁC Chuyện EM: Sóng Biển Galilê - Matt 8:23-27
https://www.youtube.com/watch?v=_7yU0k-FmtQ
Đức Giêsu và các môn đệ chèo thuyền ra Biển Galilê. Sóng gió nổi lên khiến thuyền đánh cá tưởng chìm. Nhưng Đức Giêsu vẫn cứ ngủ say. Các môn đệ hốt hoảng đánh thức Ngài dậy,
— Thầy ơi, xin cứu chúng con.
Đức Giêsu thức dậy, Ngài la mắng sóng gió. Bốn phiá Biển Galilê (bỗng dưng) trở nên yên lặng như tờ (Matt 8:23-27).
Cuộc đời nào chẳng có sóng gió. Bao nhiêu lần rồi, sóng đời cuồn cuộn dâng cao như muốn nhận chìm như muốn đập nát mảnh thuyền hồn sâu một thước hai nhỏ bé.
Thuyền hồn nào chẳng mỏng manh dễ vỡ như thủy tinh.
Đau xé nát một lời nói.
Buồn hằn khóe mắt một chuyện tình.
Sầu tủi duyên kiếp số phận hẩm hiu.
Hờn giận người không giữa lời hứa thủy chung.
Thất bại trong đời. Giờ lại tay trắng.
Bệnh tật. Ung thư. Chạy chemotherapy, tóc rụng sói sọi.
Bao nhiêu lần rồi con muốn buông xuôi bỏ cuộc. Sóng nước biển đời tiếp tục dâng cao. Mình con bơ vơ trơ trụi như chiếc lá khô giữa mặt biển đang cuồn cuộn nổi cơn ba đào.
— Thầy ơi...
Lời Nguyện
Chúa ơi, giữa cơn sóng gió trần gian, con cần Chúa!
— Thầy ơi, cứu con...
34. Lấy tình cảm con người mà nói thì từ bỏ cha mẹ đương nhiên là ngỗ nghịch bất hiếu, nhưng vì Đức Chúa Giê-su mà từ bỏ cha mẹ thì thật là đại hiếu.
(Thánh Bernardus)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Nửa đêm, Mã Kim len lén trèo qua vườn của một ngôi biệt thự, ăn cắp hai bao trái cây, dự tính là mang một bao đi về nhà trước.
Nó đi ven bức tường, bất thình lình đồng hồ trong cái tháp đổ lên mười hai tiếng, gió lạnh như cắt từ trên cây cao thổi xuống phát ra âm thanh đáng sợ. Đột nhiên, Mã Kim phát hiện một bóng đen bước theo nó, nó đi thì bóng đen cũng đi, nó dừng thì bóng đen cũng dừng, trên lưng giống như cũng vác một cái bao lớn.
Mã Kim sợ hãi, hét lên một tiếng quăng cái bao và chạy thục mạng, yêu quái cũng chạy theo nó cho đến đầu bức tường rồi bống nhiên biến mất.
Ngày hôm sau, Mã Kim đem chuyện ma quái này nói vởi mọi người, nhưng tuyệt đối không nói đến mình. Cùng ngày đó, thị trưởng kêu nó đến, nói với nó:
- “Tối hôm qua mày ăn cắp trái cây trong ngôi biệt thự, bởi vì trên cái bao có đề tên cha của mày, cho nên chúng ta mới biết chính mày ăn cắp, mày sẽ bị phạt giam trong cái tháp. Thật ra tối hôm qua mày nhìn thấy cái bóng đen, nó không phải là ma quái gì cả, chỉ là mày nhìn thấy cái bóng của mày mà thôi, ánh trăng rất sáng nên phản chiếu lại cái bóng của mày in rất rõ trên bức tường.”
Thị trưởng lại nói tiếp:
- “Người đi trong bóng tối thì luôn luôn thấp thỏm lo âu, ngay cả tiếng gió thổi lá cây bay cũng làm họ sợ hãi, đối với cái bóng của mình cũng chạy trốn, đó chính là tình hình của mày tối hôm qua vậy.”
Suy tư ngắn 92:
Chỉ cần kính sợ Thiên Chúa thì mãi mãi chúng ta sẽ không sợ bất cứ người nào. Ơn kính sợ Thiên Chúa là một trong bảy ơn của Đức Chúa Thánh Thần, ơn kính sợ này dạy chúng ta một điều là ngoài Thiên Chúa ra chúng ta sẽ không sợ bất cứ ai, kể cả ma quỷ, bởi vì không một ai trên thế gian này có thể giết cả linh hồn và thân xác của chúng ta.
Chỉ có Thiên Chúa mới giết cả hồn và xác của chúng ta mà thôi.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
“Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!”.
Trong cuốn “In The Eye of the Storm”, “Giữa Mắt Bão”, Max Lucado viết, “Hãy cầu nguyện gấp hai lần khi bạn sợ hãi! Hãy lắng nghe gấp hai lần khi bạn khẩn xin!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Như vậy, giữa cơn bão, bạn và tôi đừng tìm trú ẩn nơi đâu khác, ‘cứ ở trong thuyền!’; “Đừng nhìn vào những con sóng; hãy nhìn vào Chúa, ‘Cảng Bình An’ đã có ở đó! Thật thú vị, câu chuyện Tin Mừng hôm nay diễn dịch những lời khuyên của Max Lucado. Các môn đệ gặp bão tố giữa biển khơi. Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội; trong đó, có chúng ta. Và trước bất cứ nghịch cảnh nào, để tồn tại, chúng ta ‘cứ ở trong thuyền!’.
Mỗi người trong thuyền đại diện cho tất cả chúng ta, các Kitô hữu. Cơn bão dữ dội là hình ảnh những cuộc đấu tranh cá nhân mà mỗi người phải trải qua trong cuộc sống, cũng như những cuộc bách hại mà Giáo Hội phải chịu đựng và sẽ tiếp tục chịu đựng cho đến tận thế. Nhìn vào lịch sử nhân loại, đặc biệt, lịch sử Giáo Hội, không ít lần, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa dường như vắng mặt hoặc “ngủ quên” đang khi bao hỗn loạn xảy ra. Nhiều người, nếu không nói là tất cả, đã từng có những trải nghiệm tương tự lúc này lúc khác trong đời.
Trải qua cơn bão, các môn đệ dạy chúng ta bài học đầu tiên là ‘cứ ở trong thuyền’; vì lẽ, Chúa Giêsu đang ở đó, dù Ngài ngủ! Bài học thứ hai, thiết thực hơn, họ tìm đến Ngài, van xin “Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!”. Đây là khởi đầu của đức tin! Chúng ta nhận ra rằng, một mình tôi không thể vượt qua; rằng, tôi cần Chúa như những thuỷ thủ cần ngọn hải đăng hoặc những ngôi sao dẫn đường. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng, tôi không đủ cho chính mình, tôi cần Chúa. Khi vượt qua cám dỗ khép mình lại, hoặc khi chiến thắng cám dỗ bỏ thuyền mà chạy; hay khi vượt qua lòng mộ đạo sai lầm không muốn làm phiền Thiên Chúa, để bắt đầu kêu cầu Ngài, thì Ngài có thể làm những điều kỳ diệu.
Trong bài đọc Sáng Thế hôm nay, Lót và gia đình gặp một ‘cơn bão’ tương tự, Chúa sắp huỷ diệt Sôđôma. Thiên thần Chúa giục Lót, “Ngươi muốn sống thì hãy chạy đi, đừng nhìn lại phía sau; cũng đừng dừng lại nơi nào cả!”. Điều mà Lót, các môn đệ và cả chúng ta là hãy chạy về phía trước, về phía Chúa, nơi an toàn nhất. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, con nhìn xem tình thương Ngài trước mắt!”.
Anh Chị em,
“Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!”. Bạn và tôi có thể tự hỏi! Ngọn gió nào đang ‘thổi thốc’ cuộc đời tôi? Đâu là những con sóng cản trở định hướng của tôi khiến tôi hoảng loạn? Hãy giải bày tất cả với Chúa Giêsu; hãy để linh hồn nói với Ngài mọi thứ! Chúa Giêsu muốn điều này. Ngài muốn bạn và tôi ‘cứ ở trong thuyền’, chọn Ngài làm nơi trú ẩn trước sóng gió; Ngài muốn chúng ta tập trung vào Ngài, nhìn vào Ngài! Đừng tập trung vào những con sóng, đừng nhìn chúng! Bởi lẽ, chúng ta thường cứ mải mê giải quyết các vấn đề hơn là đến với Chúa để trao gửi những lắng lo cho Ngài. Như các môn đệ, chúng ta kêu cầu Chúa, và Ngài sẽ “chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ!”. Đó là sức mạnh nhẹ nhàng và phi thường của lời cầu nguyện, nó làm nên những điều kỳ vĩ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi khi ‘gặp bão’, con những muốn bỏ thuyền mà chạy. Dạy con khôn ngoan ‘cứ ở trong thuyền’; cầu xin với Đấng đang ở giữa lòng thuyền; không quan trọng, Đấng ấy thức hay ngủ!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Thực vậy, những người đồng tổ chức biến cố với Hàn lâm viện Khoa học Xã hội gồm kinh tế gia Hoa Kỳ Jeffrey Sachs, kinh tế gia Úc Steve Howard, và triết gia Ý Riccardo Pozzo.
Howard nằm trong số các diễn giả tại hội nghị thượng đỉnh Kinh tế và Kỹ thuật Trung Hoa Hoàn cầu [Global Chinese Economic and Technology] tổ chức tại Mã Lai tháng 12, năm 2022. Tựa đề bài nói chuyện của ông là “Trung hoa và thế giới trong nền kinh tế hoàn cầu sau đại dịch – Hướng tới một tương lai chung và sự thịnh vượng lâu dài”. Quỹ ông làm chủ tịch, Global Foundation, tổ chức biến cố “Sứ mệnh Bắc Kinh” từ 28 tới 29 tháng 4 vừa qua. Trang mạng của Qũy có lá thư ủng hộ của của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, người được coi là kiến trúc sư của thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các Giám Mục, về một biến cố khác tổ chức vào năm ngoái.
Sachs, vốn là một người ủng hộ Trung Hoa, có nhiều liên hệ với các định chế của nước này, vốn cố vấn cho Qũy Trung hoa Phát triển Nghiên cứu, một qũy nghiên cứu có bản doanh tại Bắc Kinh, nhằm cổ vũ việc cai trị và chính sách công cộng tốt đẹp để trợ giúp việc phát triển kinh tế và xã hội.
Mục đích đã được công bố của hội nghị này là lượng giá các thách thứ hoàn cầu theo viễn ảnh Trung Hoa và Ấn Độ như những cường quốc hoàn cầu đang vươn lên.
Triết gia Pozzo nói AsiaNews rằng, mục đích đó “giúp hiểu Trung Hoa và Ấn Độ theo quan điểm của họ”.
Có người sợ rằng hiểu Trung Hoa theo viễn ảnh của Trung Hoa có phải là hiểu Trung Hoa thật sự hay không. Thực vậy, Odd Arne Westad trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 13 tháng 6, 2023, đặt câu hỏi: “What Does the West Really Know About Xi’s China? Why Outsiders Struggle to Understand Beijing’s Decision-Making?”[Tây phương thực sự biết gì về Trung Hoa của Tập? Tại sao người ngoại cuộc lao đao trong việc hiểu diễn trình ra quyết định của Bắc Kinh?] (https://www.foreignaffairs.com/china/what-does-west-really-know-about-xis-china)
Tìm hiểu việc các quyết định chính sách được đưa ra như thế nào trong các chế độ độc tài luôn luôn khó khăn. Winston Churchill có một câu nói nổi tiếng về việc hoạch định chính sách của Liên Xô là “một bí ẩn được bọc trong một bí ẩn bên trong một bí ẩn” – và ông đã không sai bao nhiêu. Các nhà quan sát ở phương Tây có thể thấy kết quả chính sách của Liên Xô, dưới thời Joseph Stalin hay Leonid Brezhnev, qua những gì các nhà lãnh đạo này nói công khai và cách họ hành động. Nhưng không dễ để tìm ra điều gì đang diễn ra bên trong chế độ của họ, bởi vì khả năng tiếp cận thông tin quá hạn chế và nỗi sợ hãi đã ngăn cản những người trong cuộc truyền đạt ngay cả những gì họ nghĩ rằng người bên ngoài nên biết. Mặc dù thỉnh thoảng có những đột phá về tình báo, nhưng việc hoạch định chính sách của Hoa Kỳ vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu hiểu biết về cách chính sách được thực hiện ở phía bên kia.
Một tình huống tương tự hiện đang hình thành đối với Trung Quốc. Những hiểu biết sâu sắc về quá trình ra quyết định ở Bắc Kinh khó có được hơn so với 50 năm trước. Lý do chính cho điều này là Đảng Cộng sản Trung Quốc độc đoán hơn và ít cởi mở hơn so với bất cứ thời điểm nào kể từ khi Mao Trạch Đông nắm quyền. Những người gần gũi với quyền lực sợ hãi hơn, và khả năng tiếp cận thông tin ít phổ biến hơn, ngay cả trong các cấp cao hơn của chế độ. Do đó, các nhà quan sát bên ngoài biết ít hơn nhiều so với những thập niên trước về cách các nhà lãnh đạo đảng đưa ra kết luận của họ liên quan đến chính sách đối ngoại. Người dân Trung Quốc vẫn chưa trải nghiệm được mức độ sợ hãi và bí mật như dưới thời Mao, nhưng họ đang tiến tới tình huống đó.
Vấn đề lớn đối với các nhà phân tích chính sách đối ngoại là tìm ra những gì họ có thể biết một cách chắc chắn về quá trình ra quyết định của Trung Quốc và những gì họ không thể biết. Và khi thiết lập nhận thức này, họ cần chú ý đến các lỗi phân tích thông thường, bao gồm các hình thức “phụ thuộc quá khứ” và hình ảnh phản chiếu. Điều trước liên quan đến niềm tin rằng các mô hình của quá khứ bằng cách nào đó sẽ được lặp lại trong hiện tại. Điều sau giả định rằng tất cả các chính phủ và tất cả các nền chính trị có xu hướng hoạt động theo cùng một cách, mặc dù trong các bối cảnh khác nhau. Một số tổng thống Hoa Kỳ đã giả định rằng quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về thế giới sẽ thay đổi rất ít và do đó họ sẽ đưa ra các quyết định nhất quán với những quyết định trong quá khứ. Các nhà lãnh đạo khác của Hoa Kỳ đã cố gắng đối xử với đối tác Trung Quốc của họ như thể họ là thượng nghị sĩ của đảng chính trị đối lập hoặc đối tác kinh doanh miễn cưỡng. Những cách tiếp cận như vậy nói chung đã kết thúc rất tồi tệ.
QUYỀN LỰC CÓ MỤC ĐÍCH
Các nhà phân tích ở phương Tây biết gì về việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình? Họ biết rằng ở Trung Quốc, cũng như ở tất cả các nước lớn, chính sách đối ngoại trước hết là sự phản ảnh các ưu tiên trong nước. Tập đã dành thời gian tại vị của mình để cố gắng phá hủy tất cả các cơ sở quyền lực nội bộ ngoại trừ của chính ông ta. Ông ta muốn tập trung quyền lực xung quanh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quét sạch các phe phái trong đảng, các nhóm cấp tỉnh và các ông trùm kinh doanh có thể cản đường ông ta. Tập Cận Bình tin rằng ông ta cần những quyền lực như vậy vì một số lý do có liên quan với nhau. Ông tin vào chế độ độc tài và tin chắc rằng đó là một hình thức chính phủ ưu việt hơn chế độ dân chủ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã kết luận rằng những người tiền nhiệm của ông đã yếu kém và chính sự yếu kém của họ đã làm nảy sinh tình trạng hỗn loạn và tham nhũng trong nước, cũng như việc không sẵn sàng đứng lên bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Và ông coi Trung Quốc dưới sự cai trị của mình đã bước vào một kỷ nguyên mới đầy thắng lợi, những thành công của kỷ nguyên này đã khiến phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, cảnh cáo rằng những quốc gia này, vốn có bản chất thù địch với Trung Quốc, sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục gia tăng.
Hoa Kỳ đã cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lý do để sợ hãi sức mạnh của Hoa Kỳ và không tin tưởng vào ý định của Hoa Kỳ. Nhưng không chắc gì những hành động như vậy, dù được cố vấn không tốt, đã khiến Tập trở thành một người độc tài lên đường thay đổi sâu sắc con đường phát triển của đất nước mình. Tập đã khảo sát con đường xuyên suốt thời kỳ cải cách của Trung Quốc kể từ những năm 1970 và nhận thấy nhiều điều mà ông không thích, đặc biệt là sự phân tán quyền lực về kinh tế, địa lý và định chế. Tất nhiên, ông không phàn nàn về tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội của Trung Quốc, nhưng ông muốn sự tăng trưởng đó phục vụ một mục đích chứ không chỉ đơn thuần là làm giàu cho một số người. Mục tiêu của Tập trong thập niên qua là ban hành một mục đích như vậy, mục đích được ông tin rằng nằm trong quá trình tái tập trung hóa, củng cố quyền lực của đảng và đối đầu với Hoa Kỳ. Tất cả các sáng kiến quan trọng của ông, chẳng hạn như Vành đai và Con đường, Giấc mơ Trung Hoa và Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, đều được thực hiện để phục vụ mục tiêu này.
Rất khó để nói mục đích của Tập trùng khớp với quan điểm của giới tinh hoa Đảng Cộng sản Trung Quốc như thế nào, chưa kể đến toàn bộ dân chúng. Có chút nghi ngờ rằng những lo ngại của ông về tham nhũng và quản lý lỏng lẻo đã được nhiều người Trung Quốc chia sẻ vào đầu những năm 2010. Sự khinh miệt mà những người Trung Quốc mới giàu có đối xử với các quan chức cũng như người dân thường chắc chắn sẽ tạo ra sự oán giận và cay đắng. Hình ảnh “Xi Dada” (đại khái là “Bố Tập vĩ đại”) trong vai một vị hoàng đế nhân dân sẵn sàng trừng phạt tham nhũng và làm cho các nhà lãnh đạo kinh doanh cao ngạo phải khiêm tốn là một hình ảnh thực sự phổ biến, ít nhất là trong một thời gian. Mãi cho đến khi ông Tập phản ứng thái quá với đại dịch COVID-19, công chúng mới bắt đầu đặt ra những câu hỏi hóc búa hơn về ý định của ông. Tuy nhiên, lúc đó đã quá muộn; Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đảng đã mở rộng phạm vi hoạt động ra xã hội sâu rộng hơn bất cứ thời điểm nào kể từ thời đại Mao. Đàn áp và giám sát hiện đang diễn ra ở khắp mọi nơi, mặc dù ít người mong đợi sự quay trở lại các trại lao động và hành quyết hàng loạt của những năm 1950 và 1960. Nhưng các điều kiện hiện tại khác xa so với kỷ nguyên tương đối tự do kéo dài từ cái chết của Mao vào năm 1976 cho đến khi Tập trỗi dậy.
AI LÀ AI CỦA BẮC KINH
Lý do tại sao Tập có thể tiến hành việc đánh giá lại toàn bộ các chính sách của mình và đặt ra các mục đích mới mà không cần bất cứ hình thức thảo luận nào, ngoại trừ ở các cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thiếu đa nguyên chính trị và thiếu dân chủ ở bên trong đảng. Tập, trong tư cách tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có quyền lực vô hạn đối với tổ chức của đảng vì nguyên tắc “tập trung dân chủ” kế thừa từ Lenin và Stalin, qua Mao. Khi một quyết định được đưa ra ở trung ương đảng—về lý thuyết là do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng trên thực tế là do Tập và những người thân cận chặt chẽ của ông ta thực hiện—các đảng viên ở tất cả các cấp có một nhiệm vụ: tuân theo chỉ thị và thực hiện chúng. Trong những năm 1990 và thập niên đầu tiên của thế kỷ này, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng không cần phải thay đổi những cấu trúc này, bởi vì những thực hành tự do hơn đã ăn sâu vào lòng những người trung thành với đảng. Họ đã không nhận ra, hoặc từ chối suy nghĩ về sự thật hiển nhiên rằng một tổng bí thư có thể sử dụng toàn bộ quyền hạn của vị trí đó để xóa bỏ bất cứ dấu vết nào của chủ nghĩa tự do trong đảng. Phong cách ra quyết định của Tập Cận Bình là một trong những hậu quả của sự thất bại trong trí tưởng tượng này.
Trong gần 40 năm qua, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã muốn cân bằng quyền lực của bộ máy đảng với quyền lực của các cơ quan chính phủ, vốn đại diện cho cả nước, bao gồm 93% dân số không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ít nhất là trên lý thuyết. Đảng luôn là trung tâm quyền lực. Nhưng việc đa dạng hóa các cách thức trong đó những người dân bình thường tiếp xúc với nhà nước đã giúp tạo ra cảm thức công bằng và cân bằng. Nó cũng làm tăng tính hợp pháp của đảng. Người ta có thể làm cho người ngoài cuộc tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc gần giống như một đảng chính trị đặc trưng cầm quyền hơn là một tổ chức cách mạng chinh phục được đất nước bằng vũ lực. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuất hiện trước công chúng không chỉ với tư cách là nhân vật của đảng mà còn với tư cách là quan chức chính phủ. Và các nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu thảo luận về vai trò hạn chế hơn và được xác định rõ ràng hơn của đảng trong hệ thống chính quyền Trung Quốc, bao gồm các thử nghiệm về sự tham gia chính trị ở cấp cơ sở và các cuộc bầu cử không chính thức [straw vote] cho các vị trí lãnh đạo cấp thấp hơn.
Tập đã đảo ngược tất cả những điều trên. Giờ đây, các tổ chức đảng và các ủy ban của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được ưu tiên hơn các tổ chức đại diện cho chính phủ. Một số hội đồng cấp cao nhất về chính sách kinh tế, kế hoạch, quân sự và các vấn đề chiến lược đã thay đổi từ chủ yếu phục vụ Hội đồng Nhà nước, chính quyền trung ương của Trung Quốc, sang hầu như chỉ làm việc cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quân ủy Trung ương, cơ quan chỉ đạo tất cả các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, luôn được lãnh đạo cao cấp nhất của đảng đứng đầu. Nhưng bây giờ nó được gọi một cách công khai là “Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc” thường xuyên hơn nhiều so với “Ủy ban Quân sự Trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Đôi khi, các quy ước đặt tên kiểu chính phủ trước đó được giữ lại để sử dụng bên ngoài. Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc, một tổ chức chính phủ, trên thực tế là “Ủy ban các vấn đề về không gian mạng trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Và các văn phòng của Quốc vụ viện Đài Loan và Hồng Kông giống hệt với “văn phòng làm việc” của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc xử lý với cùng những khu vực này.
Các nhà lãnh đạo đảng cho thấy rõ rệt sự kết hợp giữa ngạo mạn và sợ hãi.
Xu hướng nhấn mạnh quyền lực của đảng này có lẽ dễ thấy nhất trong các vấn đề an ninh quốc gia. Dưới thời Tập Cận Bình, Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành cơ quan chủ chốt giải quyết mọi vấn đề đối ngoại và an ninh, thường đưa ra Bộ Chính trị các đề xuất sẵn sàng cho các quyết định. Trong một số trường hợp, ủy ban đề xuất các chính sách trực tiếp với Tập, thông qua văn phòng tổng bí thư, mà không thông qua Bộ Chính trị. Mặc dù các ủy ban trung ương đảng khác giải quyết các vấn đề quốc tế vẫn giữ một số ảnh hưởng của họ, nhưng giờ đây họ rõ ràng là cấp dưới của ủy ban về các vấn đề hàng ngày. Ủy ban Đối ngoại Trung ương, do cựu Bộ trưởng Ngoại giao và đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Vương Nghị, đứng đầu, chủ yếu giải quyết chính sách đối ngoại ở cấp chiến lược và không họp, kể cả ở cấp đại biểu, với bất cứ điều gì như tần suất của ủy ban an ninh.
Điểm nổi bật mới của Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia của đảng, một phần, là phản ứng đối với danh sách phức tạp và khó hiểu của các tổ chức đảng và chính phủ góp phần vào việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Những người trong cuộc ở Bắc Kinh vẫn liệt kê 18 hoặc 19 tổ chức khác nhau, ít nhất là trên giấy tờ, có quyền đề xuất các chính sách với Bộ Chính trị (với Bộ Ngoại giao ở giữa danh sách đó về mặt ảnh hưởng). Nhưng mặc dù một số tập trung hóa có thể không thể tránh khỏi, nhưng đây là tập trung hóa với các đặc điểm của Tập Cận Bình. Mục đích dường như là khiến tất cả các cơ quan an ninh quốc gia khác phải phục tùng một ủy ban, qua đó Tập có thể thực thi quyền lực của mình.
Do đó, biết ai phục vụ trong Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia là vô cùng quan trọng để hiểu cách hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Thành phần đầy đủ của ủy ban và các nhân viên chủ chốt của nó là một điều bí mật. Nhưng hình ảnh một phần thì có sẵn. Không ngạc nhiên khi Tập làm chủ tịch Ủy ban, với Thủ tướng Lý Cường và Chủ tịch Quốc hội Zhao Leji là các phó chủ tịch của ông. Lãnh đạo cấp thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh, cũng là một thành viên, và theo các nguồn tin ở Bắc Kinh, Vương – người khởi nghiệp là một chuyên gia đối ngoại – có lẽ là nhân vật có ảnh hưởng nhất sau chính ông Tập. Cai Qi, chánh văn phòng của Tập, người đã phục vụ trong Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia kể từ khi thành lập, điều phối công việc hàng ngày của nó, với sự hỗ trợ của cấp phó Liu Haixing. Liu là con trai của Liu Shuqing, một nhà ngoại giao và sĩ quan tình báo, người đã thành lập tổ chức tiền thân của Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia vào những năm 1990. Liu Jianchao, giám đốc Ban Liên lạc Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và phó của ông ta là Guo Yezhou là những thành viên có ảnh hưởng, vì ban của họ đã cung cấp nhiều nhân viên cho ban. Dưới thời Tập Cận Bình, các thành viên Bộ Chính trị Vương Nghị, Trần Văn Thanh và Tướng Trương Hữu Hà lần lượt phục vụ trong ủy ban với tư cách là các nhà lãnh đạo cấp cao về đối ngoại, an ninh và tình báo quốc gia, và các nhà lãnh đạo quân sự. Mặc dù họ xếp hạng thấp hơn các cơ quan quan trọng nhất trong lĩnh vực của họ, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Li Shangfu được biết đến là những người được ông Tập lắng nghe và họ có thể có nhiều ảnh hưởng đến Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia hơn những người tiền nhiệm của họ khi họ giữ các chức vụ này. Thật đáng lưu ý, về các ưu tiên, chuyên môn của Tần là làm thế nào để trình bày chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở nước ngoài. Và Li, được đào tạo như một kỹ sư hàng không vũ trụ, có sự nghiệp giải quyết các vấn đề về không gian và mạng.
ĐÓ LÀ THẾ GIỚI CỦA TẬP
Tập Cận Bình từng áp dụng một khái niệm an ninh quốc gia rộng lớn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của ông. Ủy ban Trung ương An ninh Quốc gia có các nhóm làm việc về an ninh hạt nhân, an ninh mạng và an ninh sinh học. Nhưng nó cũng có các nhóm nhỏ thiết lập chính sách cho các mối đe dọa khủng bố và an ninh nội bộ. Các lĩnh vực tập trung mới của nó là điều được nó gọi là “an ninh ý thức hệ” và “an ninh danh tính”. An ninh ý thức hệ đề cập đến nỗi sợ hãi của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về những gì họ coi là “các cuộc cách mạng màu” do Hoa Kỳ xúi giục ở các quốc gia khác. An ninh danh tính rộng hơn nhiều. Nó bao gồm việc làm thế nào để xây dựng một hình ảnh yêu nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc và làm thế nào để người dân Trung Quốc đánh đồng những lời chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc với những lời chỉ trích Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa. Nói cách khác, an ninh quốc gia liên quan nhiều đến chính trị trong nước cũng như liên quan đến các vấn đề quốc tế và liên quan đến trái tim và khối óc của người dân Trung Quốc cũng như về sự sẵn sàng quân sự và các loại vũ khí mới.
Người ta ít nghi ngờ việc Tập sử dụng khái niệm quốc gia mở rộng, giống như ông đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của mình, để kiểm soát những gì các nhà lãnh đạo đảng khác nói và làm. Ông thường đưa ra những lời chỉ trích kín đáo đối với các cựu lãnh đạo, bao gồm cả Đặng Tiểu Bình và các nhà cải cách ban đầu khác, vì đã không làm đủ để đảm bảo an toàn cho Trung Quốc và vì đã không đứng lên bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Thông điệp, rất rõ ràng trong cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ của Tập vào nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, là chỉ Tập mới có thể đánh bại các mối đe dọa mà Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối đầu.
Khi nhìn thấy các mối đe dọa an ninh ở khắp mọi nơi, các nhà lãnh đạo đảng đã bộc lộ rõ ràng sự kết hợp giữa ngạo mạn và sợ hãi. Mặc dù họ tin rằng tương lai thuộc về họ, nhưng họ sợ bị lật đổ trong nước. Phong cách hiếu chiến và đối đầu của Tập hoàn toàn phù hợp với tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Tập Cận Bình đã trở thành người bảo đảm an ninh cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như cho nhiều người Trung Quốc coi thế giới bên ngoài là mối đe dọa. Hầu hết các quan chức đang cố gắng áp dụng phong cách của ông và hướng tới những gì họ hiểu—không phải lúc nào cũng rõ ràng—như mục tiêu của ông.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của chính Tập chắc hẳn là việc ông ta đang lãnh đạo sự suy thoái đang xuất hiện của đất nước mình.
Lời nói rất quan trọng trong chính trị Trung Quốc. Sự nhấn mạnh đặc biệt vào vai trò cá nhân của Tập, chưa từng thấy kể từ khi Mao được sùng bái như thần thánh, không chỉ cho thấy mức độ quyền lực của ông ta mà còn cả mức độ mà đảng bám vào sự lãnh đạo của ông ta nữa. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nói suông về “địa vị của Đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi của Ban Chấp hành Trung ương đảng và của toàn đảng” hoặc về “vai trò chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình,” thì nó đã phơi bày một số sự không chắc chắn và bất an của chính nó. Ngày nay, ngay cả tăng trưởng kinh tế cũng không quan trọng bằng quyền lực của đảng. Thí dụ, kiểm soát các công ty lớn là cần thiết ngay cả khi nó dẫn đến việc các công ty này làm việc ít năng suất và lợi nhuận hơn. Không có gì ngạc nhiên khi một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu coi thời kỳ cải cách là một trò lừa bịp khổng lồ theo mô hình Chính sách kinh tế mới của Lénin ở Liên Xô: đối với họ, có vẻ như đảng đã cho phép doanh nghiệp tạo ra của cải chỉ để tịch thu nó. Nhiều người giàu muốn rời khỏi Trung Quốc, ít nhất là vào lúc này.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của chính Tập chắc hẳn là thay vì chủ trì sự thăng tiến không thể tránh khỏi của Trung Quốc, ông ta đang chủ trì sự suy thoái đang xuất đầu lộ diện của đất nước mình. Nền kinh tế đang hoạt động không tốt dưới tác động gấp ba lần của sự can thiệp không cần thiết và không thể đoán trước của chính phủ, hậu quả của COVID-19 và tỷ lệ đầu tư giảm, cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã góp phần gây ra xung đột ngoại giao nghiêm trọng với tất cả các thị trường chính của Trung Quốc ở Úc, Nhật Bản, Châu Âu và Bắc Mỹ. Và đất nước đang phải đối mặt với sự suy giảm nhân khẩu học ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy trước đây trong kỷ nguyên hiện đại. Tất cả những điều này hẳn khiến Tập lo sợ rằng thay vì trở thành một Stalin hay Mao của thế kỷ 21, ông có thể trở thành Brezhnev của Trung Quốc, xúc tác cho sự xói mòn dần dần các giá trị mà ông yêu quý.
Những người quan sát chỉ có thể nhìn thấy những đường nét bên ngoài trong tư duy của Tập. Nhiều thứ khác là không thể biết được. Chẳng hạn, không thể nói Tập chắc chắn đến mức nào trong các đánh giá của ông về chính trị quốc tế. Người ngoài cuộc không biết chắc quân đội và các cơ quan tình báo có ảnh hưởng như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhiều người ở phương Tây cho rằng phong cách hiếu chiến của các nhà ngoại giao Bắc Kinh xuất phát từ nhu cầu thể hiện sức mạnh và mục đích mới hình thành của Trung Quốc cũng như sự vượt trội của tài lãnh đạo của Tập Cận Bình. Nhưng vẫn chưa rõ chủ nghĩa dân tộc cực đoan quan trọng như thế nào đối với phong cách này, và do đó liệu nó có nhất thiết phải là một yếu tố lâu dài trong quá trình ra quyết định của Trung Quốc hay không. Và quan trọng nhất đối với chính sách của Hoa Kỳ, các nhà phân tích ở phương Tây không biết thời biểu của Tập dành cho các mục tiêu có vẻ bề ngoài của ông ta, chẳng hạn như sáp nhập Đài Loan hoặc đạt được ưu thế quân sự ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương.
Tập được cho là thích trích dẫn hai câu nói nổi tiếng nhất của Mao, cả hai đều được tìm thấy trong Sách Đỏ Nhỏ. Câu thứ nhất nói: “Mọi quan điểm đánh giá quá cao sức mạnh của kẻ thù và đánh giá thấp sức mạnh của nhân dân đều sai lầm. Trích dẫn thứ hai thậm chí còn rõ ràng hơn. “Có hai luồng gió trên thế giới ngày nay, gió đông và gió tây,” Mao nói với Liên Xô vào năm 1957. “Hoặc là gió đông thắng gió tây hoặc gió tây thắng gió đông. Tôi tin rằng đặc điểm của tình hình ngày nay là gió đông đang thịnh hành hơn gió tây”. Tập có vẻ đồng ý. Nhưng rõ ràng ông ta cần một đội quân dự báo thời tiết đông đảo để cho ông ta biết chính xác hướng gió thổi.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo 'Al-Ittihad' của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô đau buồn về việc đốt sách Kinh Qur'an, cuốn sách linh thiêng nhất của Hồi giáo, ở Thụy Điển, đồng thời thúc giục mọi người ghi nhớ những giá trị được đề cao trong Tông thư “Tình huynh đệ Nhân loại”.
(Tin Vatican)
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ với Hamad Al-Kaabi, biên tập viên nhật báo Al-Ittihad của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, về việc đốt sách Kinh Qur'an ở Thụy Điển trong những ngày gần đây như sau: “Tôi cảm thấy buồn và kinh hãi trước hành động này!”
“Bất kỳ cuốn sách nào được các tác giả của nó coi là thiêng liêng phải được tôn trọng, hơn nữa vì sự tôn trọng của các tín đồ và quyền tự do ngôn luận không bao giờ được xử dụng nó như một cái cớ để coi thường người khác, và cho phép điều này xảy ra thay vì phải từ chối và lên án.”
Al-Itthad là một tờ báo tiếng Ả Rập được xuất bản hàng ngày tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nó là một phần của nhóm Truyền thông Abu Dhabi, một tổ chức chính phủ.
Sức khỏe của ĐTC sau cuộc giải phẫu
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về tình trạng sức khỏe của ngài sau ca phẫu thuật vùng bụng vừa qua như sau: “Thật khó khăn, nhưng bây giờ, nhờ ơn Chúa, tôi đã vượt qua nhờ sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ và nhân viên điều dưỡng, những người mà tôi chân thành cảm ơn nhiều. Tôi cầu nguyện cho họ và gia đình họ, cũng như cho tất cả những người đã viết thư và cầu nguyện cho tôi trong những ngày qua.”
Nhắc lại chuyến viếng thăm Abu Dhabi năm 2019, Đức Thánh Cha đánh giá cao về sự Cam kết của UAE và Sheikh Mohamed bin Zayed đối với con đường cổ súy tình huynh đệ, hòa bình và lòng khoan dung, đồng thời kêu gọi những người trẻ đừng để cho người lớn ảnh hưởng họ trước những ảo ảnh và xung đột của các nền văn minh.
Bảo vệ giới trẻ
"Theo tôi, cách duy nhất để bảo vệ những người trẻ khỏi những thông điệp tiêu cực và những tin tức sai trái và bịa đặt, khỏi những cám dỗ của chủ nghĩa vật chất, hận thù và định kiến, thì hãy đừng để họ một mình trong cuộc chiến này, hãy cung cấp cho họ những công cụ cần thiết, đó là tự do, sáng suốt và trách nhiệm.
ĐTC tiếp tục: "Tự do là điều làm nên sự khác biệt của một con người. Chúa đã sáng tạo chúng ta, ban cho tự do ngay cả khi chúng ta từ chối Ngài, tự do suy nghĩ và bày tỏ là điều cần thiết để giúp chúng ta trưởng thành và thăng tiến."
“Chúng ta đừng bao giờ rơi vào cám dỗ đối xử với những người trẻ như những em bé không có khả năng lựa chọn và quyết định,” Đức Thánh Cha tiếp tục, “họ sống hiện tại nên hãy đầu tư cho họ, là chúng ta đang bảo đảm cho tương lai.” Hãy luôn tuân thủ theo nguyên tắc vàng này là hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn.
Trả lời câu hỏi về Tông thư “Tình huynh đệ Nhân loại”, Đức Thánh Cha cho hay ngài luôn tặng nó cho các phái đoàn ngài tiếp tại Vatican 'bởi vì ĐTC tin rằng đây là một Tông thư quan trọng không chỉ cho việc đối thoại giữa các tôn giáo, mà còn cho sự chung sống hòa bình giữa tất cả mọi người.
Sẽ có nền văn minh của tình huynh đệ hoặc sự thù địch, chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai hoặc sẽ không có tương lai.'
Cần những người kiến tạo hòa bình
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài hài lòng trước sự đón nhận của cộng đồng thế giới trước thông thư và mục tiêu của thông thư. "Tình huynh đệ của con người là liều thuốc giải độc mà thế giới cần để chữa lành chất độc của những vết thương. Tương lai của sự hợp tác liên tôn dựa trên nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng người khác và sự thật'.
“Nhiệm vụ của chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm, “là biến ý thức tôn giáo thành sự hợp tác, thành tình huynh đệ, thành những việc làm tốt cụ thể.
“Ngày nay chúng ta cần những người xây dựng hòa bình, chứ không cần những người chế tạo vũ khí; ngày nay chúng ta cần những người xây dựng hòa bình, chứ không phải những kẻ kích động xung đột; chúng ta cần những người lính cứu hỏa, chứ không phải những kẻ đốt phá; chúng ta cần những người ủng hộ hòa giải, chứ không phải những người đe dọa hủy diệt'.”
Những cam kết cụ thể
Liên quan đến những cam kết cụ thể về vấn đề này, Đức Thánh Cha khuyến khích các sáng kiến bác ái được đưa ra sau khi Tông thư được công bố.
Đức Thánh Cha nói: “Thật dễ dàng để nói về tình huynh đệ, nhưng thước đo thực sự của tình huynh đệ là những gì chúng ta thực sự hành động một cách cụ thể để giúp đỡ, hỗ trợ, nuôi dưỡng và chào đón anh chị em của mình trong thế giới.
"Mọi điều tốt tự bản chất nó phải dành cho mọi người một cách không phân biệt. Nếu tôi chỉ làm điều tốt cho những người suy nghĩ hoặc có niềm tin như tôi, thì điều tốt của tôi là đạo đức giả, bởi vì điều tốt không được phân biệt đối xử hay loại trừ."
Liên quan đến sự gia tăng các mối đe dọa khủng bố, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời bằng lời lẽ của tông thư, lên án “tất cả các hành vi đe dọa sự sống như diệt chủng, hành động khủng bố, buộc phải di dời, buôn bán nội tạng, phá thai và trợ tử, cũng như các chính sách hỗ trợ các hành vi này."
Ngôi nhà của Tổ phụ Áp-ra-ham ở Abu Dhabi
Đức Thánh Cha bày tỏ sự đánh giá cao của Ngài đối với Ngôi nhà của Abraham ở Abu Dhabi, không gian bao gồm một Nhà thờ kính Thánh Phanxicô, một Nhà thờ Hồi giáo và một Giáo đường Do Thái, được xây dựng để nói lên sự hài hòa “Tình huynh đệ” của Con người.
Nhấn mạnh đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường, Đức Thánh Cha kêu gọi: "Cách hiệu quả duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng này là tìm ra các giải pháp thực tế cho các vấn đề thực sự của cuộc khủng hoảng sinh thái. Chúng ta phải biến các tuyên bố thành hành động trước khi quá muộn."
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện trong tháng Bảy, tháng dành riêng cho Bí tích Thánh Thể, và mong muốn chúng ta hãy đặt Bí tích Thánh Thể làm trung tâm cuộc sống.
(Tin Vatican - Francesca Merlo)
Ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 7 là sống Bí tích Thánh Thể.
Đức Thánh Cha mời gọi hãy đặt việc cử hành Thánh Thể làm trung tâm cuộc sống của chúng ta, ĐTC mời gọi toàn thể Giáo hội cùng thông công qua Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu ý lực này.
Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu video của tháng này bằng câu nói, “nếu bạn từ đầu lễ cho đến cuối lễ mà vẫn cảm thấy như cũ thì có điều gì đó không ổn.”
Trong ý cầu nguyện mới, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đừng coi việc cử hành Thánh Thể như là một nghi thức bắt buộc, mà là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh, vì “Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Giêsu,” là điều “có sức biến đổi sâu xa.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong video này rằng “chính Chúa Kitô là Đấng tự hiến, Đấng hiến mình cho chúng ta,” điều này dẫn đến “cuộc sống của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Ngài, để nuôi dưỡng cuộc sống của anh chị em chúng ta.”
Đi ra khỏi chính mình, mở ra cho người khác
Trong video, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích “luận lý của Bí tích Thánh Thể,” vốn “cho chúng ta can đảm để gặp gỡ người khác, ra khỏi chính mình và mở lòng ra với người khác bằng tình yêu”.
Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, bởi vì đó là nơi chúng ta nhận được khả năng yêu thương người khác và để cho mình được biến đổi bởi Ngài.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta cầu nguyện để “Người Công Giáo đặt việc cử hành Thánh Thể vào trung tâm cuộc sống của họ, một cử hành biến đổi các mối quan hệ của con người và mở ra một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và anh chị em của họ.”
1. Một chỉ huy Ukraine tuyên bố xe chiến đấu bộ binh AMX-10 RC cơ động cao của Pháp - đôi khi được mô tả là xe tăng hạng nhẹ - là “không thực tế” cho các cuộc tấn công tiền tuyến, tuyên bố rằng một tổ lái 4 người đã thiệt mạng vì lớp giáp mỏng của phương tiện.
Tổng thống Zelenskiy của Ukraine cảm ơn Tổng thống Pháp Macron đã gửi xe tăng chiến đấu hạng nhẹ tới Kyiv, và Oleksiy Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, đã được quay phim đi trên một chiếc xe tăng này.
Kyiv cho biết vào tháng 4 rằng các phương tiện của Pháp - được thiết kế để trinh sát vũ trang và tấn công xe tăng địch - đã được đưa vào sử dụng.
Nhưng AFP đưa tin rằng một chỉ huy tiểu đoàn 34 tuổi thuộc Lữ đoàn 37 Thủy Quân Lục Chiến, cho biết “lớp giáp mỏng” của xe tăng có nghĩa là chúng có thể được sử dụng hỗ trợ hỏa lực, nhưng không phải trong các cuộc tấn công tiền tuyến.
“Thật không may, đã có một trường hợp tổ lái đã thiệt mạng trong xe,” thiếu tá nói với AFP.
“Có tiếng pháo và một quả đạn phát nổ gần chiếc xe, các mảnh vỡ xuyên qua áo giáp và hộp đạn trong xe phát nổ.” Ông cho biết 4 thủy thủ đoàn bên trong đều thiệt mạng.
“Súng tốt, thiết bị quan sát rất tốt. Nhưng tiếc là lớp giáp mỏng và việc sử dụng chúng ở tiền tuyến trong các cuộc tấn công là không thực tế”, anh nói.
Chỉ huy tiểu đoàn được cho là đã so sánh các phương tiện do Pháp chế tạo không thuận lợi với các phương tiện bọc thép loại MRAP như Oshkosh của Mỹ và Husky của Anh, những loại xe mà ông cho rằng có thể chống lại đòn tấn công trực tiếp bằng các loại hỏa tiễn.
2. Trong bối cảnh dồn dập các tin đồn đảo chính, Nga hủy bỏ cuộc triển lãm hàng không quốc tế Maks 2023
Theo báo cáo tình báo mới nhất từ Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã hủy bỏ cuộc triển lãm hàng không quốc tế Maks 2023, có thể là do lo ngại về an ninh sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây bên trong nước này, cũng như cuộc binh biến vừa qua và dồn dập các tin đồn đảo chính liên quan đến Tướng Sergei Surovikin.
Nga đã hủy bỏ lần lặp lại năm 2023 của Maks, là cuộc triển lãm hàng không quốc tế hàng đầu của nước này. Được lên lịch hai năm một lần, Maks diễn ra gần Mạc Tư Khoa và giới thiệu các lĩnh vực hàng không vũ trụ dân sự và quân sự của Nga và đã trở thành chìa khóa để bảo đảm khách hàng xuất khẩu.
Buổi biểu diễn có lẽ đã bị hủy phần lớn do những lo ngại thực sự về an ninh, sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần đây bên trong nước Nga. Các nhà tổ chức rất có thể cũng nhận thức được khả năng thiệt hại về uy tín nếu có ít phái đoàn quốc tế tham dự hơn.
Cuộc chiến đã đặc biệt thách thức đối với cộng đồng hàng không vũ trụ của Nga. Lĩnh vực này đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế; các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu đang được khuyến khích phục vụ như bộ binh trong lực lượng dân quân của cơ quan vũ trụ Roscosmos. Trong khi đó, Tổng tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ, Tướng Sergei Surovikin, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc binh biến thất bại của Tập đoàn Wagner, người mà ông từng là đầu mối liên lạc với Bộ Quốc phòng Nga.
3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga có thể cho nổ tung nhà máy hạt nhân sau khi trao nó cho Ukraine
Giám đốc Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, Thiếu Tướng Kyrylo Budanov cho biết Mạc Tư Khoa đã thông qua kế hoạch cho nổ tung nhà máy và đã gài mìn 4 trong số 6 tổ máy điện, cũng như một hồ nước làm mát.
Tướng Budanov cho biết các nhân viên của cơ quan năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đã rời đi. Các nhân viên người Ukraine ở lại nhà máy và ký hợp đồng với Rosatom đã được yêu cầu di tản vào hôm thứ Hai 3 Tháng Bẩy.
Giáo sĩ Do Thái trưởng của Ukraine, Moshe Azman đã cảnh báo “toàn bộ cộng đồng thế giới” hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn một thảm họa có thể xảy ra. Tuần này, Nga đã nói với hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc rằng họ không có kế hoạch cho nổ tung nhà máy. Tuy nhiên, trước đây Nga cũng đã bảo đảm với hội đồng bảo an rằng nó sẽ không xâm lược Ukraine.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Could Blow Up Nuclear Plant After Handing It to Ukraine: Zelensky”, nghĩa là “Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga có thể cho nổ tung nhà máy hạt nhân sau khi trao nó cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo Nga có thể cho nổ tung nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi bàn giao lại cho Kyiv.
Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, từ lâu đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến Nga-Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động hồi tháng 2 vừa qua. Cả lực lượng Ukraine và Nga đã chiến đấu để giành quyền kiểm soát nhà máy, và cuộc chiến xung quanh nó đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra vụ nổ hạt nhân, sẽ gây hậu quả tàn khốc cho khu vực xung quanh. Tháng trước, Ukraine đã phát động một cuộc phản công nhằm giành lại lãnh thổ bị tạm chiếm ở khu vực Zaporizhzhia. Cảnh báo của chính quyền Ukraine đã liên tục được đưa ra về khả năng Nga sẽ cho nổ tung cơ sở này.
Zelenskiy hôm thứ Bảy đã đưa ra một cảnh báo mới về “mối đe dọa nghiêm trọng” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
“Chúng tôi biết chắc chắn rằng điều này được Liên bang Nga coi là một trong những kế hoạch, để sau này, khi trạm được bàn giao cho chúng tôi, sẽ kích nổ từ xa, và điều này rất nguy hiểm”, ông Zelenskiy nói.
Ông kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, kiểm tra “kỹ lưỡng” nhà máy điện nếu Nga quyết định bàn giao nhà máy cho Ukraine.
Cảnh báo của Zelenskiy được đưa ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tổng thống Ukraine tháng trước cho biết các báo cáo tình báo chỉ ra rằng Putin đang cân nhắc tiến hành một cuộc tấn công khủng bố tại nhà máy hạt nhân thông qua rò rỉ phóng xạ. Ukraine từ lâu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nhà máy điện trong “cuộc xâm lược” của họ.
“Chúng tôi rất coi trọng tất cả các báo cáo như vậy và tôi đã chỉ đạo các chuyên gia của chúng tôi tại địa điểm xem xét vấn đề này và yêu cầu quyền truy cập mà họ cần để thực hiện công việc của mình. Cho đến bây giờ họ vẫn chưa quan sát thấy bất kỳ quả mìn hay chất nổ nào khác. Vẫn cần tiếp cận thêm,” Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết trên trang web của IAEA vào hôm thứ Sáu.
Mạc Tư Khoa đã bác bỏ cáo buộc của Zelenskiy về một cuộc tấn công tiềm năng bằng cách sử dụng nhà máy điện gây ra rò rỉ phóng xạ, chỉ ra điều mà họ gọi là “đánh giá cao” từ IAEA.
Thực ra, Grossi cho biết hôm thứ Tư, rằng “Tình hình an ninh và an toàn hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là vô cùng mong manh.” Ông đã đến thăm nhà máy vào tháng trước. “Hơn bao giờ hết, tất cả các bên phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của IAEA được thiết kế để ngăn ngừa tai nạn hạt nhân. Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để giúp bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, đồng thời cung cấp hỗ trợ cho khu vực bị ảnh hưởng theo những cách khác.”
Newsweek đã liên hệ với văn phòng của Zelenskiy để nhận xét qua email.
Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga đã dần dần cắt giảm số lượng nhân viên tại nhà máy, Reuters đưa tin và ba nhân viên của Rosatom, một công ty hạt nhân nhà nước của Nga, là một trong những người đầu tiên rời khỏi nhà máy.
Ngoài ra, hãng tin AP đã đưa tin hôm thứ Năm rằng Ukraine đã tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực để chuẩn bị cho một vụ rò rỉ phóng xạ tiềm tàng.
4. Zelenskiy thăm thành phố cảng Odesa của Ukraine và gặp gỡ các thương binh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có chuyến đi tới Odesa, một trung tâm cảng biển lớn ở phía tây nam Ukraine trên bờ Hắc Hải, nơi ông gặp các chỉ huy quân sự và thăm những người lính bị thương trong bệnh viện vào Chúa Nhật.
“Hôm nay tôi ở Odesa, trước hết, để chúc mừng những người lính Hải quân Ukraine của chúng ta trong ngày lễ Hải Quân. Chúc mừng họ và cảm ơn họ vì lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng và những kết quả phi thường mà họ đã đạt được và vẫn đang đạt được cho Ukraine”, Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng ngày.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết ông đã nghe báo cáo từ Tư lệnh Hải quân Ukraine, Oleksiy Neizhpapa, và Chỉ huy Lực lượng tác chiến chung Odesa, Tướng Eduard Moskaliov.
Báo cáo đề cập đến tình hình hoạt động ở Hắc Hải, khả năng phòng thủ của Hải quân và các chiến lược phát triển của họ cho cả trong chiến tranh và khi chiến tranh kết thúc, theo Phủ Tổng Thống.
“Đối phương chắc chắn sẽ không thể ra lệnh cho các điều kiện ở Hắc Hải, và quân xâm lược sẽ phải lo sợ khi tiếp cận Crimea của Ukraine và bờ biển Azov của chúng ta như các tàu Nga đã sợ hãi khi tiếp cận bờ biển Hắc Hải của chúng ta,” nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Ông Zelenskiy cũng đến thăm những người lính bị thương trong bệnh viện và trao tặng họ giải thưởng nhà nước, ông nói.
5. Ba Lan tăng cường an ninh ở biên giới Belarus
Ba Lan sẽ gửi 500 sĩ quan cảnh sát để tăng cường an ninh dọc biên giới với Belarus, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan cho biết hôm Chúa Nhật.
“Do tình hình căng thẳng ở biên giới với Belarus, tôi đã quyết định tăng cường lực lượng của chúng ta với 500 nhân viên cảnh sát Ba Lan từ các đơn vị phòng ngừa và chống khủng bố,” Mariusz Kamiński viết trên Twitter, đồng thời cho biết thêm các sĩ quan này sẽ tham gia cùng lực lượng biên phòng đang bảo vệ biên giới.
Thông báo này được đưa ra sau khi lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết 187 người đã cố gắng vượt biên trái phép vào Ba Lan từ Belarus hôm thứ Bảy. Lực lượng biên phòng cũng cho biết một công dân Ukraine đã bị tạm giữ vì giúp 5 người Ethiopia vượt biên.
Tình hình ở biên giới đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây khi những người di cư hy vọng đi sâu hơn vào Âu Châu từ Ba Lan đã cố gắng vượt qua, và đã trở nên phức tạp bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Một cuộc khủng hoảng nổ ra vào cuối năm 2021 khi hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt ở phía Belarus của cửa khẩu Kuznica trong nhiều tháng trong điều kiện khắc nghiệt.
Một số bối cảnh: Belarus là đồng minh thân cận của Nga cả trước và kể từ cuộc xâm lược Ukraine năm ngoái, và đã đồng ý với kế hoạch của Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại quốc gia này. Hôm thứ Ba, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng hầu hết trong số họ đã đến.
Belarus trước đây không có vũ khí hạt nhân kể từ đầu những năm 1990, khi nước này đồng ý chuyển giao toàn bộ số vũ khí này cho Nga sau khi giành được độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô.
6. Phòng không Ukraine bắn hạ 8 máy bay không người lái Shahed và 3 hỏa tiễn hành trình
Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 8 máy bay không người lái Shahed và 3 hỏa tiễn hành trình Kalibr do Nga phóng từ đêm thứ Bảy đến Chúa Nhật, lực lượng không quân cho biết trong một tuyên bố.
Lực lượng Không quân Ukraine cho biết các máy bay không người lái do Iran sản xuất đã được phóng từ phía đông nam và các hỏa tiễn hành trình được phóng từ Hắc Hải, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả các mục tiêu đã bị phá hủy.
Lực lượng phòng không đang hoạt động ở các Bộ Tư lệnh Không quân Nam, Đông và Trung tâm.
Tháng trước chứng kiến một loạt các cuộc không kích vào Ukraine. Theo người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự của thành phố, trong một cuộc không kích vào thủ đô Kyiv, hàng chục máy bay không người lái do Iran sản xuất tiến vào “theo từng đợt”, khiến báo động không kích vang lên trong hơn ba giờ. Tất cả đã được xác định và tiêu hủy, ông nói.
7. Nga phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed vào Kyiv
Nga đã tiến hành một cuộc không kích vào thủ đô Kyiv của Ukraine từ đêm thứ Bảy đến Chúa Nhật, sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất lần đầu tiên sau 12 ngày, theo người đứng đầu chính quyền quân sự của thành phố.
Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã phát hiện và tiêu diệt tất cả các mục tiêu trong không phận xung quanh Kyiv.
Ông cho biết ba ngôi nhà đã bị hư hại do các mảnh vỡ rơi xuống ở hai quận của Kyiv.
Kravchenko cho biết một trong những ngôi nhà bốc cháy và bị hư hại trần và tường, trong khi hai ngôi nhà khác bị hư hại nhẹ.
Một cư dân của một trong những ngôi nhà bị thương, ông nói thêm.
8. Các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến dần vào hai bên sườn của Bakhmut ở tỉnh Donetsk
Phát ngôn nhân Bộ Tư lệnh miền Đông Serhii Cherevatyi nói với đài truyền hình quốc gia rằng các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến dần về hai bên sườn của Bakhmut ở tỉnh Donetsk.
Ông nói, các lực lượng Ukraine đang “gây sức ép” với quân đội Nga và giải phóng các vùng lãnh thổ, mặc dù không đề cập đến việc quân đội đã tiến xa đến đâu, và nói rằng ông sẽ tiết lộ điều đó sau khi phân tích thực địa.
Các lực lượng Ukraine đang tấn công các vị trí của Nga ở sườn phía nam và phía bắc, với một thành công gần Klishchiivka và Kurdiumivka phía nam Bakhmut.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết trong phân tích mới nhất của mình rằng các hoạt động tấn công của Ukraine gần Bakhmut có thể buộc Nga phải đưa ra quyết định khó khăn về việc có nên rút lực lượng phòng thủ khỏi các khu vực khác của Ukraine hay không.
Theo báo cáo, Nga đã triển khai quân tiếp viện tới khu vực Bakhmut, nơi người Ukraine cho biết đã đạt được tiến bộ trong việc giành lại lãnh thổ đã chiếm được.
9. Putin chưa yên với trùm Wagner Yevgeny Prigozhin. Cầu Crimea bị đe dọa cho nổ tung giữa dồn dập các tin đảo chính.
Trong bối cảnh có các nguồn tin cho rằng Putin đã ra lệnh cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, truy sát trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, các bloggers quân sự Nga loan tin rằng anh ta sẽ không ngồi yên chờ chết. Một số lớn tiền mặt và các tài khoản của Prigozhin cũng bị phong tỏa đến các đồn đoán ngày càng lan rộng cho rằng anh ta không thể không ra tay hạ gục Putin.
Hai ký giả Arthur Parashar và Will Stewart của tờ The Daily Mail có trụ sở ở Luân Đôn vừa có bài tường trình nhan đề “Russia has fears that Wagner fighters are plotting an attack on the £3billion Crimean Bridge, it has been claimed as tourists flocking to the Black Sea peninsula faced queues of up to seven hours while guards search every car for explosives”, nghĩa là “Nga lo ngại rằng các chiến binh Wagner đang âm mưu tấn công cây cầu Crimean trị giá 3 tỷ bảng Anh, điều này đã được tuyên bố khi khách du lịch đổ xô đến bán đảo Hắc Hải phải đối mặt với hàng chờ đợi kéo dài tới bảy giờ trong khi lính canh lục soát mọi chiếc xe để tìm chất nổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.
Các cuộc kiểm tra an ninh gắt gao đã được áp đặt từ cuối tuần qua khi các hành khách cố gắng đi qua cây cầu dài 10 dặm nối liền Crimea với đất liền Nga.
Cây cầu Kerch - được ca ngợi là 'công trình của thế kỷ' khi được khánh thành vào năm 2018 - đã bị hư hại nặng nề trong một vụ nổ bom bí ẩn vào tháng 10.
Cây cầu có cả giao thông đường bộ và đường sắt bắc qua eo biển Kerch giữa Nga và Crimea - nơi Mạc Tư Khoa sáp nhập năm 2014. Ba người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom xe tải - mà Nga cho là hành động khủng bố của Ukraine.
Mạc Tư Khoa được tường trình đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trong bối cảnh lo ngại rằng phiến quân Wagner bất mãn có thể âm mưu tấn công sau khi đội quân đánh thuê của họ bị Vladimir Putin giải tán sau cuộc binh biến của họ.
Giờ đây, mối lo ngại là các chiến binh Wagner có thể tổ chức một cuộc tấn công do họ tức giận vì Putin từ bỏ thỏa thuận với lãnh đạo quân đội tư nhân Yevgeny Prigozhin để đổi lấy việc ngăn chặn cuộc nổi dậy vũ trang của họ hôm 24 Tháng Sáu vừa qua.
Kênh Telegram InformNapalm cho biết: “Rõ ràng, những kẻ phá hoại được mong chờ ở Crimea.”
'Lần này, những kẻ phá hoại có thể là đến từ Nga. Và ai là kẻ phá hoại khủng khiếp nhất ở Nga bây giờ? Còn ai vào đây ngào phiến quân của công ty quân sự tư nhân Wagner.”
“FSB có thông tin cho rằng các Wagnerites đang chuẩn bị mang chất nổ và đạn dược đến Crimea, bởi vì các thỏa thuận về phía Điện Cẩm Linh chưa được thực hiện đầy đủ.”
Các cuộc lục soát gắt gao trên cầu gắt gao đến mức trẻ em cũng phải trải qua chụp X-quang và xe hơi bị kiểm tra mọi ngóc ngách.”
Sau âm mưu đảo chính của Prigozhin, một số chiến binh Wagner của ông ta dự kiến sẽ cùng ông ta lưu vong ở Belarus, trong khi một số ít sẽ gia nhập quân đội nhà nước Nga.
Các quan chức Nga vẫn hốt hoảng trước viễn tượng một cuộc tấn công mới vào cây cầu mười dặm được xây dựng như một dự án phù phiếm của Vladimir Putin, trong bối cảnh có các tin đồn đảo chính.
Hôm qua, những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Prigozhin đã xây dựng một căn cứ mới cho 8.000 chiến binh Wagner của mình ở Belarus.
Chuyển đến Belarus là một phần trong thỏa thuận mà Điện Cẩm Linh đã thương thảo với Prigozhin nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy vào cuối tuần trước, tiêu biểu cho mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền của Putin kể từ khi ông nhậm chức hơn 20 năm trước và khiến nhà độc tài Nga dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến.
Prigozhin và các chiến binh của ông đã thoát khỏi sự truy tố và được Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko cho tị nạn ở Belarus. Nhà độc tài Belarus nói rằng đất nước của ông có thể trọng dụng kinh nghiệm và chuyên môn của họ, đồng thời cung cấp cho nhóm bán quân sự một mảnh đất bị bỏ hoang để dựng trại.
Giờ đây, chỉ vài ngày sau khi họ đến, những hình ảnh do Planet Labs PLC cung cấp cho thấy hàng chục chiếc lều đã được dựng lên trong vòng hai tuần qua tại căn cứ quân sự cũ bên ngoài Osipovichi, một thị trấn của Belarus cách biên giới Ukraine 142 dặm về phía bắc.
Diễn biến này xảy ra khi nhiều chiến binh Wagner được cho là không hài lòng với những lựa chọn mà họ đã được đưa ra và sự kết thúc của nhóm lính đánh thuê tư nhân.
Quan chức do Putin bổ nhiệm phụ trách giao thông vận tải ở Crimea Nikolai Lukashenko cho biết đã giải quyết tình trạng hỗn loạn trên eo biển Kerch. Ông cho biết: 'Số lượng nhân viên trên các tuyến kiểm tra đã được tăng lên và thời lượng kiểm soát của họ đã được kéo dài.”
'Chúng tôi xin lỗi công dân vì sự bất tiện này.'
Một khách du lịch đang chờ đợi tức giận nói: 'Tình hình này là một cơn ác mộng. Chúng tôi đã không ngủ vào ban đêm…chúng tôi gần như không có nước, thức ăn và chúng tôi có hai đứa con nhỏ….Hệ thống hoàn toàn rối loạn.”
Một người khác phàn nàn: 'Chúng tôi kẹt cứng suốt ba tiếng đồng hồ mà không di chuyển.'
Nhiều người Nga không thể đi du lịch đến các điểm đến ở Địa Trung Hải vào mùa hè này vì hạn chế thị thực và lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến dữ dội của Putin chống lại Ukraine.
Thành ra, họ đang đổ xô đến Crimea, mặc dù nó có khả năng là mục tiêu chiến tranh.
Đồng rúp của Nga cũng đã giảm mạnh do cuộc chiến của Putin khiến hàng triệu người không thể đi du lịch nước ngoài, khiến họ mạo hiểm đi nghỉ hè trong khu vực căng thẳng này.
Crimea hiện nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp, nhưng khách du lịch vẫn đang đổ xô đến bán đảo tuyệt đẹp này.
Điều này xảy ra mặc dù nhiều bãi biển đã được đào với các chiến hào để đề phòng trường hợp Ukraine tổ chức một cuộc phản công để giành lại lãnh thổ của mình.
Các báo cáo cũng cho thấy một số bãi biển đã được người Nga gài mìn.
Trong một diễn biến khác, tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy đã cảnh báo rằng “mối đe dọa nghiêm trọng” vẫn còn ở nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia trong bối cảnh lo ngại quân đội của Putin đang chuẩn bị cho nổ tung cơ sở này.
Ông cho biết Nga đã “sẵn sàng về mặt kỹ thuật” để kích động một vụ nổ cục bộ tại cơ sở, trích dẫn nguồn tin tình báo Ukraine.
Diễn biến này xảy ra sau khi Nga tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm vào Kyiv và khu vực xung quanh sau 12 ngày tạm dừng.
10. Bốn mươi nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Nga tại Bucharest đã được lên kế hoạch rời Rumani vào thứ hôm Bảy theo yêu cầu của chính phủ, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, AFP đưa tin.
Bộ Ngoại giao Rumani cho biết 11 nhà ngoại giao và 29 nhân viên kỹ thuật và hành chính, cùng với gia đình của họ, “sẽ rời Rumani trên một chiếc máy bay dân dụng của một hãng hàng không Nga”.
Đài truyền hình Rumani chiếu cảnh một chiếc máy bay Ilyushin Il-96 hạ cánh xuống sân bay Bucharest. Theo nguồn tin từ sân bay được báo chí địa phương trích dẫn, AFP đưa tin chuyến bay dự định cất cánh muộn hơn vào ngày thứ Bảy.
Bộ Ngoại giao Rumani cho biết quyết định này “phản ánh mức độ hiện tại của quan hệ song phương... sau khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine”.
11. Ukraine cho biết Nga mất 26 hệ thống pháo binh, 20 xe thiết giáp chuyển quân trong một ngày
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 26 Artillery Systems, 20 APVs in a Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất 26 hệ thống pháo binh, 20 xe thiết giáp chuyển quân trong một ngày”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Nga đã mất tổng cộng hơn 790 binh sĩ, 10 xe tăng, 20 xe bọc thép chuyển quân và 26 hệ thống pháo trong 24 giờ từ thứ Bảy ngày 1 tháng 7 đến Chúa Nhật ngày 2 tháng 7, theo chính quyền Ukraine.
Các ước tính hàng ngày từ Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, chưa được chính quyền Nga xác nhận, đã được công bố vào hôm Chúa Nhật.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, chính quyền Ukraine ước tính rằng Nga đã mất hơn 200.000 quân, hơn 4.000 xe tăng, hơn 7.800 xe thiết giáp và hơn 4.000 hệ thống pháo.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết “Quân xâm lược phải chịu tổn thất đáng kể mỗi ngày, điều mà họ cố gắng che giấu.”
Cuộc phản công của Ukraine tiếp tục mạnh mẽ vào hôm thứ Bảy. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley nói rằng chiến dịch có thể kéo dài lâu hơn nhiều so với dự đoán của một số nhà quan sát phương Tây.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng quân đội Nga đã đẩy lùi các hoạt động phản công của lực lượng Ukraine ở khu vực Bakhmut và dọc theo mặt trận Thành phố Avdiivka-Donetsk, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW.
Theo các nguồn tin của Nga, nhiều hoạt động phản công của Ukraine đã được tiến hành ở hai khu vực khác của chiến tuyến ở miền nam Ukraine, nơi họ cho biết quân đội đã đạt được những thành tựu nhỏ.
Cùng ngày, các quan chức và nguồn tin Nga đã ăn mừng tuyên bố về chiến thắng trong cuộc đổ bộ quy mô nhỏ của Ukraine ở phía đông khu vực Kherson, một “lời khen ngợi phóng đại” cho thấy “hoặc là bộ chỉ huy quân sự Nga thực sự lo sợ một cuộc tấn công của Ukraine vào bờ đông Kherson hoặc họ đang khao khát một chiến thắng thông tin sau cuộc nổi dậy vũ trang của Tập đoàn Wagner hoặc cả hai.
Các nguồn tin của Nga cho rằng các chiến dịch hiện tại của Ukraine đang được tiến hành với các nhóm bộ binh nhỏ hơn và ít xe bọc thép hơn so với các chiến dịch trước đó, ISW cho biết, điều này cho thấy rằng Ukraine hiện không cố gắng thực hiện một chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm nhanh chóng chiếm lại các vùng lãnh thổ từ Nga.
Theo các chuyên gia, ước tính của Ukraine về tổn thất của Nga trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 7 cho thấy Nga đã chịu tổn thất lớn kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược và tiếp tục để mất thiết bị cho người Ukraine.
Theo Oryx, một trang web theo dõi tổn thất quân sự ở đất nước bị chiến tranh tàn phá và thu thập bằng chứng hình ảnh về những tổn thất đó, Nga đã mất hơn 2.000 xe tăng, tổng cộng hơn 1.200 xe thiết giáp bao gồm 319 xe thiết giáp chuyển quân và 898 xe chiến đấu bọc thép kể từ tháng 2 năm 2022.
Trang web cũng báo cáo việc mất 103 phương tiện và thiết bị hỗ trợ pháo binh, 248 pháo kéo và 431 pháo tự hành.
12. Video cho thấy HIMARS hạ gục nhóm trọng pháo của Nga ở Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows HIMARS Take Out Battery of Russian Howitzers In Ukraine”, nghĩa là “Video cho thấy HIMARS hạ gục nhóm trọng pháo của Nga ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Các lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố đoạn phim mà họ cho là cho thấy các cuộc tấn công sử dụng bệ phóng hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp nhằm vào các mục tiêu của Nga.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã chia sẻ một đoạn clip dài một phút trên phương tiện truyền thông xã hội, bắt đầu bằng một cảnh quay bằng máy bay không người lái, từ xa, về các địa điểm cho thấy bốn khẩu pháo tự hành Msta-S đã được bố trí trên một cánh đồng.
Sau đó, video phân tách thành các góc khác nhau của Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Lockhead thiết kế bắn lên không trung. Không rõ liệu có nhiều bệ phóng hay chỉ là những phát bắn khác nhau của một hệ thống đã phát huy hiệu quả trong nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Cảnh quay bằng máy bay không người lái cho thấy các vụ nổ và khói bốc lên không trung tại các vị trí được cho là của các phương tiện và những gì dường như là quân đội đang chạy trốn.
Đầu tháng, lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố đoạn phim cho thấy các binh sĩ Ukraine đã sử dụng HIMARS để phá hủy một khẩu đội lựu pháo của Nga ở khu vực Donetsk.
Các cảnh quay khác được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội vào thứ Bảy cũng có mục đích cho thấy các cuộc tấn công của Ukraine. Một đoạn clip do tài khoản Ukraine Weapons Tracker đăng trên Twitter cho thấy một phương tiện cơ động bộ binh Tigr-M của Nga bị phá hủy ở tả ngạn sông Dnipro, ngay bên ngoài Oeshky ở tỉnh Kherson
Một đoạn clip khác được cho là quay cảnh trên không các phương tiện quân sự của Nga bị đơn vị tình báo quân đội Ukraine 130 ORB tấn công từ trên không.
Nó diễn ra khi các quan chức Anh cho biết hôm thứ Bảy rằng Ukraine “gần như chắc chắn” đã khởi động lại việc triển khai các binh sĩ tới bờ đông sông Dnipro gần cầu Antonovskiy đổ nát, nơi giao tranh đang gia tăng.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết chiến đấu xung quanh đầu cầu đã trở nên khó khăn do lũ lụt và sự tàn phá do sự việc vỡ đập Kakhovka hồi tháng 6.
Bản cập nhật tình báo của Anh cho biết thêm rằng các lực lượng Nga đang trấn giữ bờ đông Dnieper bao gồm các thành phần của Sư đoàn Dù cận vệ số 7, một bộ phận của Nhóm Lực lượng Dnipro. Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết “rất có khả năng” các bộ phận của Nhóm Lực lượng Dnipro đã được phân bổ lại để củng cố khu vực Zaporizhzhia.
1. Đức Tổng Giám Mục Gänswein rời Vatican trở về Freiburg “rất cay đắng”: “Tôi im lặng và tuân theo”
Tờ Il Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều cho biết “Cuộc chia tay của Đức Tổng Giám Mục với Vatican thật buồn bã, những người thân của ngài mô tả ngài cảm thấy rất cay đắng”. Tờ báo cho biết như trên khi mô tả việc Đức Tổng Giám Mục rời Rôma 28 năm sau khi đến Thành phố vĩnh cửu
Hôm nay, ngày đầu tiên trong cuộc đời mới của mình, ngài đã dành nó để đồng tế trong thánh lễ phong chức linh mục trên Hồ Constance, ở Bregenz, Áo, gần biên giới Đức, cách điểm đến của ngài là thành phố Freiburg chưa đầy hai trăm cây số, nơi ngài sẽ đến vào đầu tuần này.
“Tôi phải rời Vatican vào ngày 1 tháng 7 và tôi đã làm thế, thế thôi: tôi im lặng và tôi tuân theo”. Đây là những lời Đức Tổng Giám Mục diễn đạt một cách “khô khan” với tờ Il Corriere della Sera. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người từng là thư ký của Đức Bênêđíctô XVI cho biết, “trong thời điểm này”, ngài đã được gửi trở lại giáo phận Freiburg, quê hương của mình, vì trong bốn lần ngài được Đức Phanxicô tiếp kiến kể từ khi vị giáo hoàng danh dự qua đời, vào ngày 31 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục đã không chấp nhận lời đề nghị của Giáo hoàng bổ nhiệm ngài làm một Tổng Giám Mục ở Đức.
Đó là hành trình chậm chạp trước khi đến Collegium Borromaeum, nơi ngài đã từng sống khi còn là một chủng sinh trẻ. Tất nhiên bây giờ ngài sẽ không ở cùng một căn phòng như trước. Theo thông tin được công bố bởi Gian Guido Vecchi, là người bạn tâm giao và là người bảo vệ tất cả những bí mật của Đức Bênêđictô XVI, cho đến khi ông quyết định tiết lộ một số bí mật trong cuốn hồi ký gây tranh cãi nhan đề Không gì ngoài sự thật. Một căn hộ rộng 150 mét vuông đã được chuẩn bị cho vị Tổng Giám Mục trong chủng viện giáo phận bên cạnh Nhà thờ Chính tòa Freiburg, không xa nơi vị tổng giám mục hiệu tòa đang sống.
2. Đặc phái viên của Giáo hoàng nói chuyến thăm Mạc Tư Khoa chỉ có thể tập trung vào các vấn đề nhân đạo, không có kế hoạch hòa bình nào
Đặc phái viên của Giáo hoàng, Hồng Y Matteo Zuppi, cho biết hôm Chúa Nhật, sứ mệnh của ngài tới Mạc Tư Khoa về cuộc chiến Ukraine chỉ có thể tập trung vào các vấn đề nhân đạo và không liên quan đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về kế hoạch hòa bình.
Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Zuppi, người đứng đầu hội đồng giám mục Ý, thực hiện một sứ mệnh hòa bình để cố gắng giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Đức Hồng Y Zuppi đã gặp một trong những cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin, Yuri Ushakov, và người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, tại Mạc Tư Khoa trong tuần này. Đầu tháng 6, ông cũng đã đến Kyiv để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.
Tất cả các cuộc họp “đều quan trọng, đặc biệt là về khía cạnh nhân đạo, đó là những gì chúng tôi đã tập trung vào. Không có kế hoạch hòa bình, không có hòa giải”, Đức Hồng Y Zuppi nói với đài truyền hình nhà nước RAI.
“Có một nguyện vọng lớn là bạo lực sẽ chấm dứt và cuộc sống con người có thể được bảo tồn, bắt đầu bằng việc bảo vệ những đứa trẻ nhỏ”, ngài nói và cho biết thêm rằng ngài sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong những ngày tới để thảo luận về kết quả của các cuộc gặp gỡ mà ngài đã tham dự.
Phát biểu trước một phái đoàn tôn giáo từ Thượng phụ Constantinople hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc rõ ràng khi đặc phái viên hòa bình của ngài kết thúc hai ngày đàm phán tại Mạc Tư Khoa.
Cùng ngày, một tuyên bố của Vatican cho biết chuyến thăm “nhằm xác định các sáng kiến nhân đạo, có thể mở ra con đường dẫn tới hòa bình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã phá hủy các làng mạc và thị trấn của Ukraine, gây ra cái chết của hàng chục ngàn người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 Tháng Bẩy, Đức Phanxicô kêu gọi những người hành hương tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, “ngay cả trong thời gian mùa hè và đặc biệt là cho người dân Ukraine”.
3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 Tháng Bẩy
Chúa Nhật 2 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 13 Mùa Quanh Năm.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10,41). Từ ngữ “ngôn sứ” xuất hiện ba lần. Nhưng loại ngôn sứ nào? Có một số người tưởng tượng một ngôn sứ là một loại pháp sư nói trước tương lai. Nhưng đây là một ý tưởng mê tín dị đoan và Kitô hữu không thể tin vào những điều mê tín, chẳng hạn như ma thuật, bài tarot, lá số tử vi và những thứ tương tự khác. Trong ngoặc đơn, nhiều, rất nhiều Kitô hữu đi xem chỉ tay. Xin vui lòng, đừng làm như thế. Những người khác mô tả một ngôn sứ như những nhân vật chỉ có trong quá khứ, là những người tồn tại trước Chúa Kitô để báo trước sự xuất hiện của Ngài. Tuy nhiên, hôm nay chính Chúa Giêsu nói về sự cần thiết phải chào đón các ngôn sứ. Do đó, họ vẫn hiện hữu. Nhưng họ là ai? Ngôn sứ là gì?
Thưa anh chị em, mỗi người chúng ta đều là một vị ngôn sứ;. Thật vậy, với Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sứ vụ ngôn sứ (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1268). Ngôn sứ là người, nhờ Phép Rửa, giúp người khác đọc hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này rất quan trọng: đọc hiện tại không giống như tin tức, không phải như thế. Chúng ta phải đọc nó như được soi sáng và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp hiểu các kế hoạch của Thiên Chúa và đáp lại những kế hoạch ấy. Nói cách khác, ngôn sứ là người chỉ Chúa Giêsu cho người khác, là người làm chứng cho Người, là người giúp sống hôm nay và xây dựng tương lai theo ý định của Người. Vì vậy, tất cả chúng ta đều là những ngôn sứ, những chứng nhân của Chúa Giêsu, để “sức mạnh của Tin Mừng được chiếu tỏa trong đời sống xã hội và gia đình hàng ngày” (Lumen Gentium, 35). Ngôn sứ là một dấu chỉ sống động, người chỉ ra Chúa cho người khác. Ngôn sứ là phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường của anh chị em. Và như vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi, -- mỗi người chúng ta, có phải là “ngôn sứ được tuyển chọn” nhờ Bí Tích Rửa Tội, tôi có nói, và trên hết, tôi có sống như một chứng nhân của Chúa Giêsu không? Tôi có mang một chút ánh sáng của Ngài vào cuộc sống của người khác không? Tôi có tự đánh giá mình về điều này không? Tôi tự hỏi: Tôi làm chứng như thế nào, lời tiên tri của tôi như thế nào?
Trong Tin Mừng, Chúa cũng yêu cầu chúng ta đón tiếp các ngôn sứ. Vì vậy, điều quan trọng là phải chào đón nhau như những người mang sứ điệp của Thiên Chúa, mỗi người tùy theo bậc và ơn gọi của mình, và thực hiện điều đó ngay tại nơi chúng ta sống – nghĩa là trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn tu trì., ở những nơi khác trong Giáo hội và ngoài xã hội. Thánh Thần đã phân phát các ơn tiên tri trong Dân thánh của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao thật tốt khi lắng nghe mọi người. Ví dụ, khi cần đưa ra một quyết định quan trọng – chúng ta hãy nghĩ về điều này – điều tốt trước hết là cầu nguyện, kêu cầu Chúa Thánh Thần, nhưng sau đó phải lắng nghe và đối thoại với niềm tin tưởng rằng mỗi người, dù là người nhỏ nhất, bởi vì họ có điều gì đó quan trọng để nói, một món quà tiên tri để chia sẻ. Do đó, sự thật được tìm kiếm và bầu không khí lắng nghe Chúa và anh chị em của chúng ta lan rộng, nơi mọi người không cảm thấy chỉ được chào đón khi họ nói những gì tôi thích, nhưng họ cảm thấy được chấp nhận và đánh giá cao như những món quà mà họ đang có.
Chúng ta hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu xung đột có thể tránh được và giải quyết được theo cách này, khi chúng ta lắng nghe người khác với mong muốn chân thành để hiểu nhau! Vì vậy, cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có biết đón nhận anh chị em của mình như những món quà mang tính ngôn sứ không? Tôi có tin rằng tôi cần họ không? Tôi có lắng nghe họ một cách tôn trọng, với mong muốn học hỏi không? Bởi vì mỗi chúng ta cần phải học hỏi từ những người khác. Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta cần phải học hỏi từ những người khác.
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các Ngôn sứ, giúp chúng ta nhìn thấy và đón nhận điều tốt lành mà Thần Khí đã gieo vào người khác.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Ngay cả trong mùa hè, chúng ta đừng mệt mỏi cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là cho người dân Ukraine đang bị bao vây. Và chúng ta đừng thờ ơ với những cuộc chiến khác thường bị lãng quên một cách đáng tiếc, và vô số các cuộc xung đột đã làm vấy máu nhiều nơi trên thế giới. Có rất nhiều cuộc chiến ngày nay. Chúng ta hãy quan tâm đến những gì đang xảy ra, chúng ta hãy giúp đỡ những người đau khổ và chúng ta hãy cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện là sức mạnh nhẹ nhàng bảo vệ và nâng đỡ thế giới.
Tôi chào tất cả anh chị em, những tín hữu đến từ Rôma và từ nhiều quốc gia và từ những nơi khác nhau ở Ý; đặc biệt là các Sơ của Thánh Giuse Bênêđictô Cottolengo, các em trẻ chịu phép Thêm Sức từ Ibiza và Formentera, các em từ cộng đoàn Tremignon và Vaccarino ở Vicenza. Tôi cũng chào “Nhóm Thánh Mauro” từ Cavarzere và trường mẫu giáo “Đức Mẹ Olmo” từ Verdellino. Và tôi chào các thành viên của nhóm Immaculata.
Tôi hy vọng tất cả anh chị em có một ngày Chúa nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
1. Nga đối mặt với vấn đề lớn về thuyền Kherson sau khi công việc 'thất bại'
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Facing Major Kherson Boat Problem After 'Failed' Work”, nghĩa là “Nga đối mặt với vấn đề lớn về thuyền Kherson sau khi công việc 'thất bại'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ chiến tranh và blogger quân sự người Nga, Igor Girkin, hôm thứ Bảy tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đang thiếu phương tiện đường thủy quan trọng trong khu vực Kherson ở miền đông Ukraine, gọi tình hình trên thực địa là “nguy cấp”.
Viết trên Telegram, Girkin—một cựu chỉ huy người Nga còn được gọi là Igor Strelkov—nói rằng chính quyền Nga tại các khu vực bị tạm chiếm của vùng Kherson đã bắt đầu tịch thu phương tiện đường thủy của tư nhân—bao gồm thuyền và các phương tiện di chuyển trên sông khác—vào mùa xuân này “vì nhu cầu của lực lượng an ninh.”
Theo Girkin, động thái này là cần thiết do tình trạng thiếu phương tiện đường thủy trầm trọng, là điều đã không được giải quyết bằng một giải pháp thất bại một năm trước đó, vào mùa xuân năm 2022, khi “một số nhà sản xuất thuyền và thuyền đặc biệt trong nước” đề nghị cung cấp cho họ các sản phẩm “để bảo đảm an toàn cho vùng biển của vùng Kherson: cả Hắc Hải và sông Dnipro”.
Girkin nói rằng “một số nhà máy đã sẵn sàng cung cấp miễn phí những chiếc thuyền đầu tiên. Nhưng vô ích,” mặc dù ông không giải thích lý do tại sao các nhà máy không giao thuyền như đã hứa, hoặc tại sao lời đề nghị của họ không được chính quyền Nga chấp nhận.
“Bây giờ vấn đề cung cấp phương tiện đường thủy cho các đơn vị không chỉ là 'cấp bách', mà điều quan trọng là: công việc này dường như đã thất bại,” Girkin nói.
Mặc dù ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Girkin ngày càng chỉ trích giới lãnh đạo quân sự Nga và đường lối của nước này đối với cuộc xung đột, thậm chí gần đây còn tuyên bố rằng Vladimir Putin sẽ không thể chiến thắng trong cuộc chiến.
Trong khi Nga duy trì một hạm đội lớn ở khu vực xung quanh Đảo Rắn có vị trí chiến lược của Ukraine, vốn đã bị chiếm lại trong một cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái, Kyiv dường như chiếm thế thượng phong ở sông Dnipro, như CNN đưa tin gần đây.
Ukraine đã phát triển đội tàu của riêng mình trên sông, với các thiết bị cũ của Liên Xô và các tàu dân sự được sửa đổi cho mục đích chiến đấu và các tàu bổ sung do Mỹ và các đồng minh khác gửi đến. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Mỹ đã đóng góp “62 tàu tuần tra ven biển và ven sông” cho hạm đội Ukraine.
Theo Girkin, Nga cần một “hạm đội nhỏ” khoảng 100 chiếc để bảo vệ tả ngạn sông Dnipro, với những chiếc thuyền có chiều dài từ 6 đến 8 mét. “Một chiếc thuyền như vậy phải nhanh, lướt được, và được bảo vệ và có thể được trang bị vũ khí hạng nặng. Một chiếc thuyền như vậy có thể có giá từ 50 đến 100 triệu rúp,” Girkin viết. Năm mươi triệu rúp tương đương với khoảng 569.000 USD.
Girkin đang kêu gọi tăng cường trang bị thủy phi cơ để cho phép các lực lượng Nga “kiểm soát vùng biển, ngăn chặn các cuộc đổ bộ của đối phương, đồng thời giúp cuộc đổ bộ của chúng ta an toàn hơn”. Anh ta nói thêm: “Mọi thứ dường như rất rõ ràng, phải không?”
Trong một bài đăng tiếp theo trên Telegram, Girkin trở nên chỉ trích các thiết bị quân sự của Nga, nói rằng lực lượng Mạc Tư Khoa ở vùng Kherson “sử dụng những chiếc thuyền cổ do Liên Xô chế tạo hoặc những chiếc thuyền đánh cá không được chuẩn bị với động cơ cũ và bị rò rỉ, trong khi các loại thuyền khác được mua với tiền của quân đội hoặc nhờ sự giúp đỡ của những người tình nguyện.”
Bóng gió về tình trạng tham nhũng ở Bộ Quốc Phòng Nga, Girkin cho biết các lực lượng Nga đang “tích cực” cố gắng củng cố “các hạm đội nhỏ” của họ, đặt mua hàng trăm tàu thủy “với giá hàng tỷ rúp”.
2. Cựu đại sứ tại Nga cảnh báo: Putin 'Có lẽ vẫn chưa xong' với Prigozhin,
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin 'Probably Not Done' With Prigozhin Yet, Ex-Ambassador Warns”, nghĩa là “Cựu đại sứ cảnh báo: Putin 'Có lẽ vẫn chưa xong' với Prigozhin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga Michael McFaul gần đây đã dự đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “có lẽ vẫn chưa xong việc” với người sáng lập và lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, người đã lãnh đạo một cuộc binh biến kéo dài 24 giờ trong nước vào cuối tuần trước.
Prigozhin, người từng là đồng minh của Putin, đã nổi dậy chống lại tổng thống Nga và bộ quốc phòng sau khi chỉ trích họ trong nhiều tháng về hoạt động quân sự của Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến ở Ukraine. Tập đoàn Wagner đã hỗ trợ các lực lượng Nga trong các hoạt động quân sự kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, nhưng Prigozhin gần đây đã thẳng thắn nói về những thất bại của Bộ Quốc phòng Nga.
Anh ta đã cố gắng lãnh đạo một cuộc nổi dậy của lính đánh thuê chống lại chính phủ Nga bằng cách đưa quân tiến về Mạc Tư Khoa, nhưng những nỗ lực đó đã bị khựng lại ngay sau đó và quân đội của anh ta quay trở lại trại dã chiến của họ sau khi đồng minh hàng đầu của Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đàm phán các bước giảm căng thẳng.
Trong một bài xã luận vào tháng 6 do Tạp chí Dân chủ xuất bản, McFaul đã viết rằng mặc dù cuộc binh biến đã kết thúc và lực lượng Wagner cuối cùng quay trở lại trại dã chiến của họ thay vì tiến vào bên trong nước Nga, cuộc đối đầu giữa Putin và Prigozhin vẫn chưa kết thúc.
“Mặc dù cuộc đối đầu giữa Putin và Prigozhin đã tạm dừng, nhưng nó vẫn chưa kết thúc. Với hồ sơ theo dõi của Putin về việc tìm cách trả thù những kẻ bị cáo buộc phản bội, bao gồm cả những người sống lưu vong ở nước ngoài (như vụ ám sát Sergey Litvinenko ở London và âm mưu ám sát Sergey Skripal ở Salisbury, Vương quốc Anh và Aleksandr Poteyev ở Miami), Putin có lẽ vẫn chưa xong việc. Prigozhin cũng chưa xong việc với Putin. Nếu Prigozhin chết một cách bí ẩn, điều đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ âm mưu đảo chính khác,” cựu đại sứ viết.
McFaul chỉ ra rằng Putin vẫn kiểm soát nước Nga và chế độ của ông ta không sụp đổ, nhưng cuộc binh biến đã “làm suy yếu” hình ảnh của ông ta với tư cách là một “nhà lãnh đạo hùng mạnh”. Cựu đại sứ đã đưa ra một tuyên bố tương tự vào cuối tuần trước, nói rằng Putin chỉ đơn giản là “chấp nhận sự sỉ nhục” thay vì dập tắt cuộc nổi dậy của Tập đoàn Wagner.
“Trong khi tăng gấp đôi việc dán nhãn cho các chỉ huy Wagner là những kẻ phản bội, Putin đã ca ngợi những người lính Wagner là những người yêu nước và anh hùng. Trong một dấu hiệu khác của sự yếu đuối, Putin đã cầu xin những người lính này gia nhập phe của mình và từ bỏ các nhà lãnh đạo của họ,” McFaul viết trong bài xã luận hồi tháng Sáu.
Anh ấy nói tiếp: “Putin đang cố gắng xoa dịu chính những chiến binh mà chỉ vài ngày trước đó đã tổ chức một cuộc binh biến chống lại quân đội của ông ta. Thông điệp công khai của Putin lặp lại một cách kỳ lạ điều mà Prigozhin đã cố gắng làm với các lực lượng thông thường của Nga trong thông điệp của ông ấy những ngày trước đó—là tách các tướng lĩnh khỏi binh nhì bằng cách gán cho các chỉ huy là tội phạm.”
Theo các chuyên gia, cuộc nổi dậy của Tập đoàn Wagner đã bộc lộ một số điểm yếu trong giới lãnh đạo quân sự Nga và Điện Cẩm Linh khi Putin đang trực tiếp bị Prigozhin thách thức.
Putin cho biết hôm thứ Ba rằng Nga đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc nội chiến nổ ra và ca ngợi các hành động của các cơ quan thực thi pháp luật mà ông ghi nhận là “đã cứu quê hương của chúng ta khỏi tình trạng hỗn loạn và thực sự đã ngăn chặn nội chiến”, theo một báo cáo từ thông tấn xã Tass của nhà nước.
Nhà lãnh đạo Nga nói với các nhân viên thực thi pháp luật rằng “các bạn đã bảo vệ trật tự hiến pháp, cuộc sống, an ninh và tự do của công dân chúng tôi. Các bạn đã cứu quê hương của chúng tôi khỏi hỗn loạn, và thực sự chấm dứt nội chiến. Trong một tình huống kịch tính, các bạn đã hành động rõ ràng và mạch lạc, chứng tỏ lòng trung thành với người dân Nga và lời thề quân sự, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với số phận của Tổ quốc và tương lai của nó”.
Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Ngoại giao Nga để bình luận
3. Để làm mất uy tín Prigozhin, Putin tuyên bố rằng Nga tài trợ cho nhóm Wagner. Nhưng điều này sẽ rất là bất lợi cho chính Putin.
Trong khi phát biểu trước các sĩ quan an ninh tham gia chiến đấu với âm mưu nổi dậy của Wagner vào cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhà nước và Bộ Quốc phòng Nga “đã tài trợ đầy đủ” cho công ty quân sự tư nhân.
Putin cho biết nhà nước đã trả cho Wagner khoảng 86 tỷ rúp hay khoảng 1 tỷ Mỹ Kim cho “các khoản thanh toán bảo trì và khuyến khích” chỉ riêng từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023.
Ông cũng tuyên bố công ty Concord, tập đoàn lớn mạnh do Yevgeny Prigozhin đứng đầu, cũng đã nhận được 80 tỷ rúp, tức là khoảng 938 triệu Mỹ Kim, từ ngân sách nhà nước.
Tờ Moscow Times nhận định rằng ông Putin đang cố gắng làm mất uy tín của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, khi tiết lộ những số tiền khổng lồ trên để cho người Nga thấy rằng Prigozhin không chiến đấu vì yêu nước, nhưng vì yêu đô la.
Nhìn vấn đề theo một hướng khác, ký giả Emma Graham-Harrison của Tờ The Guardian có bài tường thuật nhan đề “Putin claim that Russia funds Wagner group may make it easier to try him for war crimes”, nghĩa là “Putin tuyên bố rằng Nga tài trợ cho nhóm Wagner. Điều này giúp Tòa án Hình sự Quốc tế dễ dàng xét xử tội ác chiến tranh của ông ta hơn”.
Theo các chuyên gia luật quốc tế, những nỗ lực của Vladimir Putin nhằm chấm dứt một cuộc đảo chính của nhóm Wagner có thể đã giúp tòa án quốc tế truy tố ông và nhà nước Nga dễ dàng hơn vì tội ác chiến tranh do các chiến binh đánh thuê gây ra.
Sau cuộc binh biến do Yevgeny Prigozhin lãnh đạo, Putin cho biết những người lính đánh thuê đã được chính quyền Nga “tài trợ đầy đủ”. Ông nói thêm, chỉ riêng trong năm qua, tính đến tháng 5 năm 2023, họ đã nhận được hơn 86 tỷ rúp từ ngân sách nhà nước, tương đương hơn một tỷ đô la.
Philippe Sands, giáo sư luật tại Đại Học Quốc Tế Luân Đôn cho biết: “Những lời nói đó có khả năng gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng trong việc khiến nhà nước Nga, và Putin với tư cách cá nhân và với tư cách là nhà lãnh đạo của nhà nước Nga, phải chịu trách nhiệm về các hành vi của Wagner”. Philippe Sands, tác giả của East West Street, một cuốn sách về nguồn gốc của luật nhân đạo quốc tế, đã đưa ra lập trường trên.
Theo luật phổ biến của tất cả các quốc gia trên thế giới, khi anh mướn một tên sát thủ giết người, anh cũng phạm cùng một tội với tên sát thủ.
Trong nhiều năm, nhà lãnh đạo Nga đã tránh xa Wagner, được thành lập vào năm 2014, khi các cáo buộc về tội ác chiến tranh chống lại các chiến binh được đưa ra quốc tế, bao gồm cả trong một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về sự hiện diện của họ ở Cộng hòa Trung Phi.
Trong trận chiến ở Syria với quân đội Mỹ năm 2018, Mạc Tư Khoa đã phủ nhận mọi quyền kiểm soát đối với lực lượng Wagner và phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh cùng năm đó cho biết không hề có một công ty quân sự tư nhân nào ở Nga.
Trả tiền cho Wagner sẽ không khiến Putin - hay Nga - tự động chịu trách nhiệm pháp lý về tội ác của Wagner, Dapo Akande, giáo sư luật quốc tế công tại Trường Chính phủ Blavatnik, Oxford, cho biết. Nhưng nó có thể là một phần quan trọng của một trường hợp rộng lớn hơn.
“Đó là một sự thừa nhận quan trọng,” anh nói. “Bản thân kinh phí không đủ để nói rằng ai đó phải chịu trách nhiệm về một tội phạm quốc tế… nhưng càng khó để nói rằng 'những điều này không liên quan gì đến chúng tôi'.”
“Bạn nói rằng bạn đang thực sự tài trợ cho nhóm này, vì vậy điều đó có nghĩa là theo một nghĩa nào đó, bạn đang đóng góp cho những gì nhóm này đang làm. Bây giờ, cơ quan công tố có thể cần phải trình bày nhiều hơn, hoặc tòa án có thể cần phải tìm thêm, nhưng ít nhất yếu tố đầu tiên đã có mặt.”
Chính quyền Ukraine và các nhóm nhân quyền đã tập trung vào việc tìm kiếm công lý cho những tội ác do lực lượng Nga gây ra ở đó.
Các nhà nghiên cứu tội phạm chiến tranh đã phân tán khắp đất nước, thu thập bằng chứng để sử dụng trước tòa. Một trong những người nổi bật nhất, tác giả Victoria Amelina, đã bị thương nặng vào tuần trước trong một cuộc tấn công vào một nhà hàng, mà các đồng nghiệp của cô nói rằng bản thân vụ pháo kích đó là một tội ác chiến tranh.
Nhưng những hành động tàn ác của Wagner, ở Ukraine và những nơi khác, có khả năng khó quy trách nhiệm cho nhà nước Nga hơn so với các cuộc tấn công do binh lính thực hiện.
Đã có tiền lệ theo đó việc phát hiện các lực lượng bán quân sự phạm tội ác chiến tranh, nhưng quốc gia liên kết thì không. Lực lượng dân quân Serbia bị kết tội trong một tòa án quốc tế về vụ thảm sát người Hồi giáo Bosnia ở Srebrenica năm 1995 nhưng Serbia chỉ bị kết tội không ngăn chặn được nạn diệt chủng. Ở Belgrade, phán quyết đó đã bị một số người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia biến thành một sự miễn trừ.
“Tòa án không thể chứng minh rằng lực lượng bán quân sự nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền Serbia,” Sands nói. “Sự khác biệt đó đã được công nhận ở Belgrade vào ngày hôm sau, và các tờ báo ủng hộ chính phủ hoặc do chính phủ điều hành chạy với những dòng tiêu đề như 'Chúng tôi vô tội'.”
Điều đó làm cho những bình luận của Putin có khả năng dẫn đến một kết quả khác trong các phiên tòa trong tương lai, Sands nói thêm.
Gerry Simpson, giáo sư luật quốc tế công tại LSE, cho biết ngay cả khi không có phiên tòa xét xử, cuộc tranh luận về trách nhiệm đối với tội ác của Wagner có thể khiến cộng đồng luật pháp quốc tế phải suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm giải trình trong một thế giới ngày càng gia tăng các lực lượng dân quân.
Ông nói: “Với sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các quốc gia và việc sử dụng các công ty quân sự tư nhân, đây sẽ là một vấn đề ngày càng lớn hơn đối với các tòa án, theo thời gian.
“Bỏ qua một bên câu hỏi khá lớn về việc liệu các tòa án có nên đóng vai trò như vậy trong bối cảnh tình hình chính trị và quân sự rất tế nhị hay không, rõ ràng là sẽ rất quan trọng và khó khăn để các tòa án xác định ai chịu trách nhiệm cho một số vụ việc cụ thể khi những hành động diễn ra trong sương mù chiến tranh vừa mới trở nên dày đặc hơn,” Simpson nói.
4. Quân đội Nga đối mặt với thanh trừng và trừng phạt, có thể dẫn đến binh biến một lần nữa
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Face Purge and Punishment”, nghĩa là “Quân đội Nga đối mặt với thanh trừng và trừng phạt.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Một cuộc “thanh trừng” quy mô lớn đang được tiến hành ở Nga sau nỗ lực nổi loạn của ông chủ Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin vào ngày 24 tháng 6, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết.
Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết trong bản cập nhật mới nhất về cuộc chiến của Nga ở Ukraine rằng cuộc nổi dậy ngắn ngủi của Prigozhin đã có tác động lan rộng đến cơ cấu chỉ huy của Nga. Một báo cáo từ Nga cho biết ít nhất một quan chức quân sự cấp cao đã bị chính quyền bắt giữ.
Các chiến binh của Tập đoàn Wagner, do Prigozhin lãnh đạo, đã chiếm giữ thành phố Rostov-on-Don của Nga hôm thứ Bảy và hành quân đến phạm vi 120 dặm từ Mạc Tư Khoa. Cuộc binh biến kéo dài chưa đầy 24 giờ, với việc Prigozhin rút quân sau khi Điện Cẩm Linh cho biết nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã làm trung gian cho một thỏa thuận để tránh đổ máu.
Tổ chức tư vấn đã trích dẫn một blogger nổi tiếng của Nga nói rằng cuộc binh biến đã thúc đẩy “các cuộc thanh trừng quy mô lớn” trong giới chỉ huy của các lực lượng vũ trang Nga và rằng Bộ Quốc phòng Nga hiện đang trải qua một “bài kiểm tra” về lòng trung thành.
Cơ quan Bảo vệ Liên bang, gọi tắt là FSO, là cơ quan bảo đảm an ninh cho tổng thống và các quan chức nhà nước khác, đang tiến hành rà soát đối với lãnh đạo quân đội Nga và chỉ huy các đơn vị riêng lẻ.
“Các blogger quân sự Nga tuyên bố rằng các quan chức Nga đang sử dụng 'sự thiếu quyết đoán' của Bộ Quốc phòng Nga trong việc trấn áp cuộc nổi dậy và 'sự hỗ trợ cho các công ty bán quân sự Wagner làm cái cớ để loại bỏ những nhân viên 'có ý kiến phản đối' khỏi vị trí của họ.”
Đáng chú ý, Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov có thể đã bị tước bỏ trách nhiệm đối với các hoạt động của Nga ở Ukraine, trong khi vẫn giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng của ông ta.
Khi Tập đoàn Wagner hành quân đến Mạc Tư Khoa trong cuộc binh biến ngắn ngủi của Prigozhin, nhà tài phiệt Nga tuyên bố rằng mục tiêu của ông ta là khiến những người lãnh đạo cuộc chiến của Nga ở Ukraine – bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Gerasimov – phải từ chức.
ISW cho biết Tư Lệnh Binh Chủng Nhảy dù Nga, được đồn đại là phó chỉ huy chiến trường, Thượng Tướng Mikhail Teplinsky có khả năng đảm nhận trách nhiệm với tư cách là chỉ huy chiến trường chung ở Ukraine sau cuộc nổi dậy của Prigozhin.
Cơ quan cố vấn trích dẫn một nguồn tin khác của Nga nói rằng “bầu không khí nghi ngờ đã bao trùm Bộ Tổng tham mưu” và các thuộc cấp của Gerasimov đang bị cáo buộc là “thiếu quyết đoán và thất bại”.
Trong khi đó, các cộng sự của phó chỉ huy lực lượng chung trong quân đội Ukraine, Tướng Sergei Surovikin, bị cáo buộc “đồng lõa” trong cuộc binh biến của Prigozhin.
“Các nguồn công bố những suy đoán này phần lớn là chính xác trong các báo cáo trước đây về những thay đổi chỉ huy của Nga, mặc dù những thay đổi liên tục về nhân sự và những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn liên quan đến cuộc nổi dậy vũ trang của Prigozhin có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của những nguồn tin này,” nhóm chuyên gia cố vấn cho biết thêm.
Theo tờ Moscow Times, Surovikin đã bị chính quyền giam giữ, mặc dù điều này vẫn chưa được các quan chức Nga xác nhận. Reuters đưa tin tình báo Mỹ cho biết Surovikin có thiện cảm với cuộc nổi dậy của Wagner, nhưng không rõ liệu anh ta có tích cực ủng hộ nó hay không.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để xin bình luận.
5. Thăm dò ý kiến cho thấy: Prigozhin được người Nga ủng hộ mạnh mẽ bất chấp cuộc binh biến
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin Has Strong Support Among Russians Despite Mutiny: Poll”, nghĩa là “Thăm dò ý kiến cho thấy: Prigozhin được người Nga ủng hộ mạnh mẽ bất chấp cuộc binh biến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada của Nga công bố, sự ủng hộ của công chúng Nga dành cho người đứng đầu Tập đoàn Wagner lưu vong Yevgeny Prigozhin không suy giảm mặc dù cuộc nổi dậy ngắn ngủi của anh ta đã thất bại.
Cuộc khảo sát, được tiến hành từ ngày 22 đến ngày 28 tháng 6, kéo dài một tuần đầy sóng gió, trong đó Prigozhin dẫn đầu các chiến binh Wagner của mình chiếm giữ một thời gian ngắn thành phố Rostov-on-Don phía tây nước Nga và tung ra một cuộc tấn công bị hủy bỏ nửa chừng vào Mạc Tư Khoa nhằm tìm cách lật đổ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, là những người mà Prigozhin có mối thù từ lâu.
Prigozhin và các chiến binh Wagner của ông ta hiện đã được đề nghị ân xá để đổi lấy việc họ chuyển đến Belarus, dưới sự giám sát của Tổng thống Alexander Lukashenko. Điện Cẩm Linh có kế hoạch kết hợp các chiến binh Wagner còn lại vào quân đội chính quy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả nỗ lực binh biến của Prigozhin là “sự phản bội” và thề sẽ trừng phạt. Việc ông không thực hiện lời đe dọa này đã làm dấy lên suy đoán rằng vị thế của Putin yếu hơn so với những gì người bên ngoài bức tường của Điện Cẩm Linh vẫn hằng tin tưởng. Và trong số công chúng Nga, một thiểu số đáng kể vẫn ủng hộ nhà tài chính Wagner.
Prigozhin đã nhận được sự ủng hộ của 58% trong số 1.643 người được hỏi hai ngày trước cuộc nổi dậy, theo Levada. Cơ quan thăm dò ý kiến cho biết những người được khảo sát coi “đầu bếp của Putin”—biệt danh được đặt cho Prigozhin do khối tài sản ông kiếm được từ các hợp đồng cung cấp thực phẩm cho nhà nước—như một “người yêu nước” và một “vị tướng chiến thắng”, một hình ảnh nổi bật nhờ thành công tương đối trên chiến trường của ông. Chiến binh Wagner thường được đánh giá cao hơn so với các chiến binh thông thường của Nga, bất kể họ thường là các tù hình sự đã từng cướp của, giết người, hiếp dâm hay đâm thuê chém mướn.
Levada báo cáo rằng sự ủng hộ của những người được hỏi dành cho Prigozhin đã giảm xuống 31% trong cuộc binh biến và sau khi nó kết thúc không thành công, tỷ lệ này vẫn ở mức 29%.
Số người nói rằng họ sẵn sàng bỏ phiếu cho Prigozhin trong một cuộc bầu cử tổng thống giả định trong tương lai đã giảm một nửa do cuộc nổi dậy; từ 18 đến 9 phần trăm trong tuần.
Thái độ của những người được hỏi ý kiến về Shoigu - người mà Prigozhin đã cáo buộc là cố gắng tiêu diệt Wagner - cũng giảm sút trong quá trình hỗn loạn. Sự tán thành đối với Shoigu, từ lâu đã được coi là một trong những quan chức hàng đầu của Putin được ưa chuộng và làm việc hiệu quả, đã giảm từ 60% trước cuộc nổi dậy xuống còn 48% sau đó.
Bản thân Putin dường như đã tránh được một cuộc thăm dò dư luận, mặc dù sự vắng mặt dễ thấy của ông trong cuộc nổi dậy của Wagner và các báo cáo - bị Điện Cẩm Linh kịch liệt phủ nhận - rằng tổng thống đã chạy trốn khỏi Mạc Tư Khoa khi các đơn vị tiên phong của Prigozhin tiến vào thủ đô.
81% số người được hỏi ủng hộ Putin trước cuộc nổi dậy, giảm xuống 79 vào lúc cao điểm. Đến ngày 28 tháng 6 khi Prigozhin từ bỏ cuộc binh biến của mình, sự tán thành của Putin đã tăng lên 82%.
Nhưng tất cả không phải là màu hồng cho tổng thống. Cuộc thăm dò của Levada cho thấy ngày càng có nhiều người Nga lo ngại về định hướng tương lai của một đất nước sa lầy trong một cuộc chiến tranh tốn kém, ngày càng bị cô lập khỏi nền kinh tế và công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đồng thời đối mặt với chế độ độc tài ngày càng sâu rộng.
67% số người được hỏi đã nói với Levada vào tháng 5 rằng họ tin rằng Nga đang đi đúng hướng. Vào đỉnh điểm của cuộc binh biến Wagner, con số này giảm xuống còn 53%. Tâm lý đã phục hồi phần nào sau khi tình hình ổn định, tuy nhiên, hiện chỉ có 61% có thái độ tích cực về quỹ đạo của đất nước. Con số này thấp hơn mức trung bình 66% kể từ đầu năm 2023.
Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh qua email để bình luận.
6. Hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin, Đảng Dân chủ Tự do theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga đang soạn thảo một dự luật tạm thời cấm việc đi lại của những người thân của các quan chức cấp cao tới “các quốc gia không thân thiện”.
Nga coi tất cả các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cuộc xâm lược Ukraine là “không thân thiện”.
Các hạn chế cũng có thể ảnh hưởng đến các quan chức thực thi pháp luật, thẩm phán, các nhà quản lý hàng đầu của các tập đoàn nhà nước và ban giám đốc của Ngân hàng Trung ương.
Một thành viên của Hạ viện Nga, ông Sergei Karginov cho biết các chuyến đi đến các nước phương Tây đó “không những không được chấp nhận mà còn nguy hiểm”.
7. Các kỹ sư chiến đấu của Ukraine đang lái những chiếc xe tăng rà phá bom mìn đặc biệt vào trận chiến
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s Combat Engineers Are Riding Special Mineclearing Tanks Into Battle”, nghĩa là “Các kỹ sư chiến đấu của Ukraine đang lái những chiếc xe tăng rà phá bom mìn đặc biệt vào trận chiến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Dự đoán được một cuộc phản công của Ukraine, quân đội Nga vào mùa thu năm ngoái đã bắt đầu đào sâu dọc theo các trục tiến công khả thi nhất ở miền nam và miền đông Ukraine.
Biết trước quân Nga sẽ đón đầu cuộc tấn công của mình, quân đội Ukraine đã chuẩn bị sẵn một lực lượng lớn các phương tiện công binh đặc chủng với nhiệm vụ chính là chọc thủng tuyến phòng thủ của đối phương.
Trong số những phương tiện hiếm nhất có xe tăng rà phá bom mìn BMR-64 độc nhất của Ukraine. Lực lượng nhỏ BMR-64 đã trải qua một cuộc chiến khó khăn. Người Nga cho đến nay đã hạ gục hoặc bắt giữ ít nhất hai chiếc, bao gồm một chiếc vào tuần trước.
Chạy đua để vượt lên dẫn trước cuộc phản công sắp tới, các công nhân Nga đã đào chiến hào, đắp các gờ bằng đất, đặt các chướng ngại vật chống xe tăng bằng bê tông và—quan trọng nhất—gài mìn vào mặt đất xung quanh các công sự này. Hàng ngàn quả mìn.
Khi cuộc phản công cuối cùng bắt đầu hơn ba tuần trước, những quả mìn đó nhanh chóng chứng tỏ là một trong những trở ngại nghiêm trọng nhất đối với bước tiến của quân Ukraine. Đáng chú ý nhất, một cuộc tấn công mạnh mẽ của Lữ đoàn 33 và 47 của quân đội Ukraine đã kết thúc trong thảm họa vào ngày 8 tháng 6 khi các lữ đoàn lao vào một bãi mìn ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine.
Mật độ dày đặc của mìn Nga có nghĩa là các kỹ sư chiến đấu của Ukraine phải dẫn đường. Trên những chiếc xe chuyên dụng của mình, các công binh cố gắng cuộn hoặc cày một lượng mìn vừa đủ để dọn làn đường cho xe tăng, xe chiến đấu di chuyển an toàn qua bãi mìn.
Đó là công việc cực kỳ nguy hiểm. Máy đào và máy cày không phải lúc nào cũng hoạt động hoàn hảo. Và điều đó giải thích những tổn thất nặng nề mà các kỹ sư Ukraine phải gánh chịu trong vài tuần đầu tiên của cuộc phản công.
Cuộc tấn công của Lữ đoàn 33 và 47 ở phía nam Mala Tokmachka đã khiến Lữ đoàn 47 phải trả giá bằng ba trong số sáu phương tiện rà phá bom mìn Leopard 2R cũ của Phần Lan. Lực lượng tấn công cũng mất một trong số khoảng 40 máy rà phá mìn Wisent do Đức sản xuất cùng với một chiếc BMR-2 cũ của Liên Xô.
Dọc theo các trục khác của cuộc phản công, người Ukraine gần đây đã mất một số phương tiện công binh khác có khả năng rà phá bom mìn, bao gồm một cặp IMR-2 cổ điển của Liên Xô và một trong những chiếc BMR-64 hiếm.
Một đoạn video được lan truyền trực tuyến trong tuần này mô tả một chiếc BMR-64 bị hư hỏng và bị bỏ hoang ở Zaporizhzhia—có vẻ như là nạn nhân của chính những quả mìn mà tổ lái của nó dường như đang cố gắng rà phá.
Không rõ quân đội Ukraine còn lại bao nhiêu chiếc BMR-64 sau khi mất một chiếc vào năm ngoái và chiếc thứ hai vào tuần này. Nhà máy xe tăng Malyshev ở Kharkiv đã chế tạo vài chiếc BMR-64 đầu tiên vào năm 2018. Có thể nhà máy này đã hoàn thành thêm vài chiếc nữa kể từ đó.
Một chiếc BMR-64 nặng 40 tấn kết hợp thân xe bọc thép và tháp pháo của xe tăng T-64A cổ điển những năm 1970 với máy rải mìn KMT-7 — đồng thời loại bỏ súng 125 ly của xe tăng để tiết kiệm trọng lượng và thu gọn tổ lái từ ba xuống còn hai.
Có khả năng vấn đề lớn nhất với BMR-64 là một vấn đề phổ biến đối với nhiều phương tiện rà phá bom mìn kiểu Liên Xô. Máy rải mìn sê-ri KMT kích nổ mìn ở hai rãnh hẹp ngay trước đường ray của xe cộ. Điều đó có nguy cơ để lại những quả mìn còn nguyên vẹn ở giữa làn đường tấn công.
Dự kiến các kỹ sư chiến đấu của Ukraine sẽ mất nhiều phương tiện kỹ thuật hơn khi cuộc phản công bước sang tháng thứ hai. Đừng hy vọng những tổn thất này sẽ ngăn chặn cuộc phản công. Người Ukraine có thể đã hết Leopard 2R và BMR-64 vốn chỉ tồn tại với số lượng nhỏ, nhưng họ vẫn có nhiều Wisent, BMR, IMR và các phương tiện công binh khác
1. Đức Hồng Y Zuppi cử hành thánh lễ với cộng đoàn Công Giáo Mạc Tư Khoa
Chiều thứ Năm, ngày 29 tháng Sáu năm 2023, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Giáo phận Bologna, Phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha, đã kết thúc chuyến đi tại Mạc Tư Khoa, với thánh lễ với cộng đoàn Công Giáo tại thủ đô Nga. Trong bài giảng, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Đức Thánh Cha không cam chịu và tìm cách làm tất cả những gì có thể cho hòa bình”.
Bài giảng của Đức Hồng Y Zuppi hoàn toàn nói về hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Ngài nhận xét về tính tình khác nhau của hai đại tông đồ, và khẳng định rằng: “Giáo hội không làm cho bình đẳng, liên kết, khác biệt nhưng cùng nhau. Thiên Chúa dựng nên chúng ta mỗi người là duy nhất, không thể lập lại, với một khả năng đặc sắc nơi mỗi người, với linh hồn”.
Đức Hồng Y Tổng giám mục Bologna cũng nói về sự hiệp nhất: đây là điều không do quyền bính trao ban, nhưng từ sự phục vụ nhau. Nó không đến từ liên hệ máu mủ, nhưng từ liên kết do Chúa sinh ra, làm cho chúng ta trở nên con cái Chúa, thành phần trong gia đình của Chúa. Vì thế không bao giờ chúng ta được ngưng tìm kiếm hiệp nhất, vì sự chia rẽ gia tăng trong sự dửng dưng. Chia rẽ luôn là một điều xìcăngđan đối với Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện cho các con cái của Chúa được hiệp nhất”.
Từ những tiền đề trên đây, Đức Hồng Y Zuppi tái kêu gọi hòa bình: “Như một người mẹ, Giáo hội không ngừng cầu xin ơn hòa bình, tìm kiếm hòa bình không biết mệt mỏi, vì đau khổ của mỗi người cũng là đau khổ của Giáo hội. Giáo hội luôn là người mẹ, vì thế “động lực duy nhất của sứ mạng chúng ta đang sống trong những ngày này, do ý muốn của Đấng kế vị thánh Phêrô, là không cam chịu, nhưng tìm cách làm tất cả những gì có thể để sự chờ đợi hòa bình từ trái đất sớm được mãn nguyện”.
Chiều ngày 30 tháng Sáu, Đức Hồng Y Zuppi đã rời Mạc Tư Khoa để trở về Roma.
2. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chiến tranh Ukraine dường như 'không có hồi kết'
Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc rõ ràng khi đặc phái viên hòa bình của ngài kết thúc hai ngày đàm phán tại Mạc Tư Khoa, Reuters đưa tin.
“Thực tế bi thảm của cuộc chiến dường như không hồi kết này đòi hỏi mọi người phải có một nỗ lực sáng tạo chung để hình dung và tạo ra những con đường hòa bình,” Đức Thánh Cha nói với một phái đoàn từ Tòa Thượng phụ Constantinople đến chúc mừng nhân ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
Vatican cho biết trong một tuyên bố sau đó rằng đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đã hoàn thành các cuộc tham vấn của mình tại Mạc Tư Khoa, nơi ông đã gặp Yuri Ushakov, một trong những cố vấn của Tổng thống Putin, và Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga.
“Chuyến thăm nhằm mục đích xác định các sáng kiến nhân đạo, có thể mở ra con đường dẫn tới hòa bình,” tuyên bố cho biết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Vào tháng 5, Tổng thống Zelenskiy đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ kế hoạch hòa bình của Kyiv, và Đức Thánh Cha cho biết Vatican sẽ giúp hồi hương những trẻ em Ukraine bị người Nga bắt đi.
Trong cuộc gặp gỡ với Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, Đức Hồng Y Zuppi, nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất muốn nghe trực tiếp quan điểm của Kirill về tình hình Ukraine.
Quan điểm của Thượng Phụ Kirill được trình bày trong cuộc gặp gỡ là hòa bình sẽ được lặp lại một khi các quốc gia phương Tây ngưng tức khắc các viện trợ khí tài chiến tranh cho Ukraine. Với tất cả sự tôn trọng cần thiết, cần phải nói thẳng rằng Thượng Phụ Kirill nói chuyện như một thằng trẻ con. Người Ukraine đã nhiều lần nói thẳng rằng nếu không có viện trợ của phương Tây, họ sẽ mất nước trước một quốc gia xâm lược mà tất cả mọi chỉ số từ nhân lực đến các khí tài chiến tranh đều ít nhất là gấp 10 lần họ. Tuy nhiên, sau khi mất nước họ sẽ tiếp tục đánh chiến tranh du kích. Nền hòa bình mà Thượng Phụ Kirill đề cập đến không phải là một nền hòa bình công chính và cũng chẳng lâu dài. Bản thân Thượng Phụ Kirill cũng nhiều lần nhấn mạnh đến cái gọi là Russian Mir hay thế giới Nga. Nói cho dễ hiểu là mơ ước tái lập lại Liên Bang Xô Viết. Sau Ukraine, chắc chắn sẽ đến các nước khác, Nga không dừng lại ở đó.
Nếu nói chuyện như một người lớn trưởng thành, Thượng Phụ Kirill phải nói rằng quân đội của Putin phải rút hết về nước. Hòa bình sẽ đến ngay ngày hôm nay.
3. Đức Thánh Cha chủ sự Đại lễ kính thánh Phêrô và Phaolô
Lúc gần 9 giờ 30 sáng, thứ Năm, ngày 29 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolxe hơing đồ, tại Đền thờ thánh Phêrô, đồng thời làm phép dây Pallium để trao cho ba mươi hai vị Tổng giám mục chính tòa được bổ nhiệm trong những tháng qua, ít hơn năm trước đây mười vị.
Dây Pallium làm bằng lông chiên màu trắng, có sáu hình thánh giá màu đen, vị Tổng giám mục chính tòa đeo ở cổ, tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai. Dây này cũng biểu tượng quyền bính của vị Tổng giám mục chính tòa và sự hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.
Ba mươi hai vị Tổng giám mục thuộc mười chín quốc tịch và có ba vị từ Á châu, trong đó hai vị người Philippines và một vị người Hàn Quốc là Đức Cha Simon Ngọc Hiền Tiến - Ok Hyun-Jin-, Tổng giám mục Giáo phận Quang Châu (Gwangju).
Đồng tế thánh lễ, có khoảng bảy mươi lăm Hồng Y và giám mục, bốn trăm năm mươi linh mục, tất cả trong phẩm phục màu đỏ.
Vì Đức Thánh Cha đau đầu gối, đi lại khó khăn, nên Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, thay ngài cử hành các việc tại bàn thờ, như xông hương bàn thánh và phần Kinh nguyện Thánh Thể.
Hiện diện trong thánh lễ, có hơn 6.000 tín hữu và đặc biệt có đoàn đại biểu của Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ, do Đức Tổng Giám Mục Telmissos Job, Đại diện Đức Thượng phụ Bartolomaios làm trưởng đoàn, cùng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.
Nghi thức làm phép dây Pallium diễn ra vào đầu thánh lễ. Sau khi được giới thiệu lên Đức Thánh Cha, các vị Tổng giám mục đã đọc lời tuyên thệ luôn luôn trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha đương nhiệm cũng như các Đấng kế vị, rồi ngài đọc lời nguyện và làm phép các dây Pallium, được đưa từ bàn thờ trước mộ thánh Phêrô.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đi từ hai chi tiết trong các bài đọc để nêu bật hai nét đặc thù của hai vị đại tông đồ, trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Đáp câu hỏi đó, ông Phêrô nói: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Đức Thánh Cha nhận xét: “Câu trả lời này là kết quả của một hành trình: chỉ sau khi sống cuộc phiêu lưu kỳ thú theo Chúa, sau khi bước đi cùng với và theo Chúa trong lâu dài, ông Phêrô mới đi tới sự trưởng thành tinh thần, đưa tới một sự tuyên xưng đức tin rõ ràng như vậy”.
Và thánh sử Matthêu còn cho biết ban đầu, một hôm Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilea, ngài đã kêu gọi Phêrô cùng với Anrê, và họ đã bỏ lưới ngay để theo Chúa (Xc 4,20). Ông Phêrô đã không viện cớ nào để thoái thác. Và Đức Thánh Cha nhận xét: “Ông Phêrô nói với chúng ta rằng đối với câu hỏi “Ai là Đức Giêsu đối với tôi?”, nếu chỉ trả lời bằng một công thức đạo lý hoàn hảo thì không đủ. Trái lại, chính nhờ đi theo Chúa mà mỗi ngày chúng ta biết Chúa nhiều hơn, chính nhờ trở thành các môn đệ và đón nhận lời Chúa mà chúng ta trở thành bạn hữu và cảm nghiệm tình thương của Chúa biến đổi chúng ta... Tuy chúng ta có thể hoãn lại bao nhiêu điều trong cuộc sống, nhưng việc theo Chúa không thể hoãn lại; đối với việc này, ta không thể do dự, không thể viện cớ thoái thác. Cần chú ý, vì một số cớ thoái thác được ngụy tạo bằng linh đạo, như khi chúng ta nói “Tôi không xứng đáng”, “Tôi không có khả năng”, “tôi có thể làm gì được?”. Đó là một mưu chước tinh quái của ma quỷ. Hắn cướp mất của chúng ta sự tín thác nơi ơn thánh của Chúa, làm cho chúng ta tưởng rằng mọi sự đều tùy thuộc khả năng của chúng ta”.
“Chúng ta hãy từ bỏ những an ninh trần thế của chúng ta, ngay lập tức, và theo Chúa Giêsu mỗi ngày: đó chính là mệnh lệnh mà thánh Phêrô trao cho chúng ta hôm nay, mời gọi chúng ta hãy là một Giáo hội đang theo Chúa, Giáo hội muốn là môn đệ của Chúa và là một nữ tỳ khiêm hạ của Tin mừng...”.
Sang đến thánh Phaolxe hơing đồ dân ngoại, Đức Thánh Cha nhận xét rằng câu trả lời của thánh nhân là việc loan báo Tin mừng. Tất cả bắt đầu bằng ơn thánh: trên đường đi Damasco, ông Phaolô vốn “bị khép kín trong sự kiêu ngạo do việc giữ luật cứng nhắc, đã khám phá nơi Chúa Giêsu sự viên mãn của mầu nhiệm cứu độ... Nhờ đó, Phaolô tận hiến cả đời rong ruổi khắp các nơi, bất kể những đau khổ và bách hại, miễn là để loan báo Chúa Giêsu Kitô.
“Sự loan báo Lời Chúa cho người khác cũng giúp thánh nhân đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng đối với câu hỏi “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” ta không thể trả lời bằng một lối sống đạo duy thân mật, thứ sống đạo để chúng ta được yên hàn, không thao thức mang Tin mừng cho tha nhân. Thánh Tông đồ dạy chúng ta rằng chúng ta tăng trưởng trong đức tin và trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, khi chúng ta càng trở thành những người loan báo và làm chứng nhân. Điều này luôn xảy ra khi loan báo Tin mừng, chúng ta được Tin mừng hóa. Lời Chúa mà chúng ta mang cho người khác, trở về cùng chúng ta, thì theo mức độ chúng ta cho đi mà chúng ta nhận lại được nhiều hơn (Xc Lc 6,38). Đó là điều cần thiết cho cả Giáo hội ngày nay, đó là: đặt việc loan báo ở trung tâm. Là một Giáo hội không mệt mỏi lập lại: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” và “khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng”.
Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ kết thúc lúc 10 giờ 50 phút.