Ngày 29-06-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:00 29/06/2013
THẦY PHÙ THỦY TRẢ LẠI CÂY GẠY GIẢ
N2T

Có một người tên là Trần Mẫn, ông ta nghe nói thần trong miếu rất là linh, thế là đi cầu cứu thần miếu bảo hộ cho mình được bình an trong chức quan mới, ông ta còn hứa là sẽ dâng cho thần miếu một cây gậy bằng bạc.
Đang khi Trần Mẫn cùng gia quyến ngồi thuyền đi đến nơi nhiệm sở, trên đường đi đột nhiên gặp phải sóng to gió lớn, nhưng ông ta phát hiện là thuyền của mình vẫn êm đềm lướt đi trong phong ba bão táp, thì biết rằng đó chính là do thần miếu phù hộ.
Nhưng khi đến miếu thì Trần Mẫn vì tiếc rẻ nên không muốn đem cây gậy bằng bạc thật ra để dâng cúng cho thần, mà là dâng một cây gậy giả. Thần miếu bèn giận dữ nên sai phù thủy đem cây gậy bỏ vào trong nước và để nó nhảy lên trên thuyền đánh rất mạnh vào mông của Trần Mẫn, phù thủy núp dưới mạn thuyền nói:
- “Thần miếu chú ý nhất là lòng tin, nhưng mày lại lừa dối ông ta !”
Trần Mẫn bây giờ mới lấy cây gậy bằng bạc thật ra để cáo lỗi.
(Tấn, Can Bảo “Sưu thần ký”)

Suy tư:
Có người trong việc lớn thì giữ lời hứa, nhưng trong việc nhỏ thì lại thất hứa, bởi vì họ cho rằng chuyện nhỏ chẳng có gì phải giữ lời hứa, thế là họ dần dần mất đi những người bạn chân thành vì sự khinh suất lời hứa của mình.
Có người chỉ giữ lời hứa với cấp trên nhưng lại không giữ lời hứa với cấp dưới, vì họ cho rằng cần gì phải trung tín với lời hứa của mình với thuộc hạ chứ, thế là họ có những cấp dưới hay lừa dối mình.
Có những người không hề coi trọng lời hứa với trẻ em (và có khi với con cái của mình), bởi vì họ cho rằng, tụi nhỏ nói đâu quên đó, nó còn nhỏ giữ lời hứa với nó làm gì, thế là có những cô giáo ngạc nhiên vì học trò hay nói dối, cha sở ngạc nhiên vì có nhiều trẻ em trong giáo xứ nói dối.v.v...
Đã hứa với ai là phải giữ lời, đó mới là người trung tín, Đức Chúa Giê-su đã dạy: ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn. Và đó là sự thật, trung tín trong việc nhò thì khó hơn trung tín trong việc lớn, bởi vì tính kiêu ngạo của con người coi việc nhỏ hay người thấp kém mình thì không là gì cả, nên dễ dàng bỏ qua và mất uy tín.
Thiên Chúa là Đấng trung tín, Ngài yêu mến những kẻ tin vào Ngài và giữ lời hứa với Ngài.
Người Ki-tô hữu đã hứa với Thiên Chúa trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội: thề hứa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những cám dỗ của ma quỷ.v.v...Nhưng trong thực tế của cuộc sống, chúng ta có trung tín giữ lời đã hứa với Thiên Chúa hay không ?
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô Tông Đồ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:05 29/06/2013
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Tin mừng : Mt 16, 13-19
“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.


Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.

1. Nhiệt tình với sứ mệnh.
Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.

Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.

Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su mới thành lập, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái trong con người của thánh Phao-lô.

Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…

Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, đó là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

2. Yêu mến Chúa Giê-su hết lòng.
Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Đức Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”

Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su. Và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…

Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su…

Bạn thân mến,
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.

Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:07 29/06/2013
Chúa Nhật 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 9, 51-62.
“Đức Giê-su nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem. Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”.


Bạn thân mến,
Có rất nhiều người xin đi theo làm môn đệ Đức Chúa Giê-su, nhưng họ vẫn còn xin trở về để giải quyết việc riêng tư của mình cũng như của gia đình, đây không phải là việc xấu nhưng là việc của những người thế gian, đây không phải là việc đáng trách nhưng là cái tâm lo lắng của con người, với đoạn Tin Mừng này, tôi chia sẻ với anh chị em về kinh nghiệm theo Đức Chúa Giê-su của mình:

1. Đức Chúa Giê-su mời gọi tôi đi làm môn đệ của Ngài, Ngài gọi tôi và tôi đã xác định đó là tiếng nói của Ngài trong cuộc sống của tôi nên tôi đã đi theo, nhưng trên đường đi tôi gặp rất nhiều tiếng gọi khác đó là tiếng gọi của bạn bè kêu tôi đi với họ để ăn chơi hưởng lạc; đó là tiếng gọi của tiền bạc kêu tôi đi theo nó để được sung sướng no ấm thân xác; đó là tiếng gọi tình cảm tự nhiên của con người mà lắm lúc tưởng chừng tôi đã nghe theo. Tất cả những tiếng gọi ấy đã át mất tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su trong lòng tôi, thế nhưng Ngài vẫn đợi chờ và thỉnh thoảng gọi lớn tiếng để thức tỉnh tôi đang phân vân với những tiếng gọi khác, thế là tôi phải chọn lựa giữa hai tiếng gọi: tiếng gọi của thế gian và tiếng gọi của Đức Chúa Giê-su.

2. Nhiều tháng ngày tôi thao thức giữa hai tiếng gọi này và lắm lúc tôi tự biện hộ rằng, theo Chúa cũng được mà theo thế gian cũng được, miễn là tôi sống đạo tốt lành giữa đời. Ý nghĩ biện hộ này như con dao hai lưỡi làm tôi sực tỉnh: theo thế gian nhưng sống đạo tốt lành thì chưa thấy vì nó đang ở trong thì tương lai, nhưng ơn gọi tu trì vẫn cứ thôi thúc mỗi ngày một lớn, thế là tôi phớt lờ tiếng gọi của bạn bè, tiền bạc vật chất và của tình cảm mà bước theo Chúa…

Đi theo Đức Chúa Giê-su là một cuộc chiến đấu lâu dài với những ham muốn của cá nhân, nhưng cuộc chiến đấu này hứa hẹn một cuộc toàn thắng rất hạnh phúc, mà chỉ có những ai quyết tâm theo Ngài mới cảm nghiệm được.

Bạn thân mến,
Tôi theo Đức Chúa Giê-su để làm môn đệ của Ngài trong thiên chức linh mục, bạn được Đức Chúa Giê-su mời gọi làm môn đệ của Ngài trong đời sống tín hữu, tuy khác nhau về ơn gọi nhưng tôi và bạn có một điểm chung, đó là chúng ta đều được Đức Chúa Giê-su kêu gọi để làm chứng nhân cho Ngài ở trần gian này.

Mỗi ngày trong cuộc sống, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng cho tình thương của Ngài đối với nhân loại. Ngài đã chọn tôi, chọn bạn để loan báo sứ điệp yêu thương này giữa thế gian, bằng chính cuộc sống bác ái và phục vụ của mình.

Xin Thiên Chúa đừng để một ai trong chúng ta viện nhiều lý do để từ chối lời kêu gọi của Ngài, dù lý do ấy rất hợp lý, nhưng xin Chúa ban cho chúng ta hiểu được rằng, lời kêu gọi của Ngài càng hợp lý hơn và có ích hơn cho bạn và tôi và tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:09 29/06/2013
N2T

8. Dùng con mắt lãnh đạm để đọc Phúc Âm thì giống như vào chỗ rất lạnh, nếu con tiếp xúc chín chắn thì sẽ biến thành nóng như lửa.

(Thánh Jerome)
-----------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 29/06/2013
NGỦ GẬT

Đang dâng lễ, cha sở thấy ông trùm cú một cái thật mạnh trên đầu của em bé trai đang ngủ gật trong nhà thờ.

Lễ xong ngài nói với ông trùm:

- “Con nít ngủ trong nhà thờ, ông cứ để cho nó ngủ vì nó không làm ồn ào, Chúa cũng không phạt nó đâu, nhưng ông đánh nó thì làm cho mọi người chia trí lo ra khi dự thánh lễ...”

Nói xong ngài cảm thấy vui vui, vì ngài biết làm cho giáo dân lo ra chia trí khi tham dự thánh lễ chính là các ông trong ban trật tự, các ông bà trùm, chứ không phải là các em bé ngủ gật.v.v...

------------

http://jmtaiby.blogspot.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thiên chức linh mục, trọn cuộc đời chỉ một lời đáp trả
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:20 29/06/2013
Chúa Nhật vừa rồi, 23/06/2013, tôi có dịp về lại xứ cũ để tham dự thánh lễ mừng kỷ niệm kim khánh và ngân khánh linh mục của 2 cha đang phục vụ tại đây. Có thể nói trong đời linh mục hai biến cố này đóng một vai trò quan trọng giúp nhìn lại bước đường theo Chúa phục vụ Tin Mừng và Giáo Hội. Ơn gọi linh mục là đời đời, tuy nhiên cũng cần những thời gian nhất định ở những thời điểm như vậy để ôn lại từng chặng đường khác nhau trong cuộc đời. Những dịp này cũng là cần thiết để hâm nóng lại cuộc đời theo Chúa và lặp lại lời đáp trả trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Đáp trả tiếng gọi không thể chỉ dừng lại ở lần đầu tiên là đủ, nhưng còn phải lặp đi lặp lại mỗi ngày cho đến trọn cả cuộc đời.

Cho dù con người bất xứng, hồng ân linh mục là quà tặng quý giá và nhưng không Thiên Chúa ban để phục vụ cộng đoàn. Chính vì vậy, thánh lễ đặc biệt như thế với sự hiện diện của thành phần dân Chúa nói lên được tâm tình tạ ơn bao gồm chiều kích của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Bỏ qua hình thức lộng lẫy bề ngoài, buổi cử hành phụng vụ được diễn ra trong trang nghiêm và sốt sắng. Không kể nhóm linh mục gồm 4 cha và một phó tế đang phục vụ tại giáo xứ đây ( cha xứ 68 tuổi, và 3 phụ tá lần lượt 58, 74 và 79 tuổi ; trong đó vị phụ tá trẻ nhất mừng ngân khánh và vị cao niên nhất mừng kim khánh), thánh lễ còn có thêm sự hiện diện của hai cha già đồng tế khác và một phó tế người Việt mà sẽ được truyền chức vào Chúa Nhật tới đây, và tất nhiên cũng tính đến cả sự tham dự của bản thân người viết nữa.

Vị chủ tế chính là cha xứ và người giảng thuyết là cha già mừng kim khánh. Phần cuối bài giảng còn được kết thúc bởi vài tâm tình của cha trẻ mừng ngân khánh. Kể cả hai cha là nhân vật chính của ngày lễ và cha xứ chủ tế đều không mang trên mình áo lễ mà chỉ đeo dây étole bình thường. Thế nhưng không vì thế mà thánh lễ thiếu đi phần trang nghiêm sốt sắng. Trái lại chính toàn bộ cuộc đời đi theo tiếng gọi của người kỷ niệm ngày lễ tự nó đã là lời chứng sống động có sức lay động tâm hồn người tham dự. Dựa vào câu hỏi mà Giêsu đặt ra cho các môn đệ trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ XII Thường Niên Năm C: « Người ta bảo Thầy là ai ? », vị linh mục mừng kim khánh lần lượt chia sẻ về lời chứng trong việc đáp trả của mình trải dài suốt quãng đường đời từ thời trẻ trung cho đến tận bây giờ khi mà cuộc hành trình dương thế sắp kết thúc. Lời chứng này được gửi đến cho cộng đoàn để giúp họ ý thức được sự hiện diện của Đức Giêsu nơi cuộc đời của họ cũng như vị trí ưu tiên số một của Người trong cuộc toàn bộ cuộc đời. Điều đánh động nhất vẫn là sự cảm nghiệm về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho người Ngài chọn trong thiên chức linh mục cho dù bản thân họ chẳng là gì cao cả, cũng như khát vọng đáp trả tiếng gọi kéo dài trong suốt cả cuộc đời, cho dù biển đời không hoàn toàn phẳng lặng.

Lời chứng của hai linh mục mừng ngân khánh và kim khánh cũng là món quà thật giá trị cho thầy phó tế sắp lãnh nhận thánh chức linh mục thừa tác với bước đi chập chững đầu tiên trong sứ vụ tư tế. Những ai đang bắt đầu, hay những người đã đi được một quãng đường tương đối dài, và cả những người đang ở phần cuối đoạn đường ơn gọi linh mục thì tất cả đều có chung lời đáp trả trước sự kêu mời của Thiên Chúa. Trước sau, bản chất của lời đáp trả là không thay đổi so với sự đổi thay của thời gian và thời cuộc. Không phải chỉ khi còn trai trẻ với sức dài vai rộng thì tiếng đáp trả mới hết sức nhanh nhẹn không chút tính toán đầy tính chứng từ thuyết phục, mà ngay cả khi sức vóc cạn kiệt lời đáp trả vẫn được cất lên và tiếp tục bước theo Đấng đã gọi bước theo Ngài.

Thiên Chúa ưu ái kêu mời một số người cộng tác với Người với tư các là thừa tác viên của các bí tích và rao giảng Lời Chúa để hiện thực hóa tình yêu của Ngài đối với cộng đồng Dân Chúa. Trong khi mừng kỷ niệm những người đã nhiều năm thi hành thiên chức linh mục, chúng ta không quên nhớ đến những những người thanh niên sau một thời gian dài tu học đang tiến đến lãnh nhận tác vụ phó tế và linh mục và cả những ai đang được đào tạo trong các chủng viện, cũng như những tâm hồn quảng đại là những tu sĩ nam nữ trong các dòng tu với những đặc sủng khác nhau. Họ sẵn sàng đáp lại tiếng gọi tình yêu và suốt cả cuộc đời trở nên chứng tá cho Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch bình an, hoan lạc và tốt lành thánh thiện.
 
Nóng giận: Trái bom nổ chậm trong gia đình
Lm. Đaminh Hương Quất
20:42 29/06/2013
Suy niệm CN.13 TN – C:

NÓNG GIẬN: TRÁI BOM NỔ CHẬM TRONG GIA ĐÌNH

(Lc 9, 51-62)

Từ cuộc sống: Đôi vợ chồng được xã quyền công nhân ‘gia đình văn hoá’ cãi nhau ầm ĩ, xem ra mức độ ngày càng tăng. Họ không chỉ lôi xa chuyện quá khứ, mà ngay cả ông ba cha mẹ đã mồ yên mả đẹp cũng bị quật dậy nghe chửi…

Chuyện gì kinh khủng thế?

Thử tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đên vợ chồng gây gỗ thật lãng nhắt, nếu không muốn nói, vô lý. Tất cả bắt đầu từ… con chuột.

Thỉ ra vọ chồng đang ăm cơm vui vẻ, bất chọt con chuột nhát chạy ra vợ sợ qua hét lên… Ông chồng càu nhàu: Dạo này nhà ta sạch sẽ quá lên chuột thích vào trú ngụ… Thế là lời qua tiếng lại, ban đầu chỉ là những câu khích bác nhau, rồi chửi nhau… Câu chuyện trở nên trầm trọng khi chồng bạc tai vợ…

Có lẻ cảnh vợ la chồng mắng con, hay chồng chửi vợ quát con, hoặc vợ chồng cãi nhau nhiều khi khởi xuất từ chuyện con chuột, nhỏ hơn con chuột. Chuyện như thế, xem ra hơi trẻ con và vô lý song vẫn cứ thường gặp trong cuộc sống, có khi trong ngay cả gia đình mình.

Vậy nguyên nhân tại sao từ chuyện con kiến biến thành chuyện con voi, chuyện bé xé to?

Trở về bài Tin Mừng.

Tin mừng Chúa Nhật 13TN- C cho biết, Chúa Giêsu bắt đầu hành trình lên Giêrusalem để hoàn tất ơn Cứu độ theo ý Cha. Trên hành trình ấy, dân làng Samaria từ khước tiếp đón Chúa Giêsu, các môn đệ cảm thấy bị xúc phạm. Hai môn đệ anh em ruột Giacôbê và Gioan đã tỏ ra thái độ giận dữ đầy bồng bột: đòi xin lửa từ trời xuốn thiêu rụi cho chết rũ lũ người vô ơn bội nghĩa, vuốt mặt không nể mũi, thư tai điếc mát đui đui.Danh tiếng Thầy Giêsu nổi tiếng khắp nơi ai cũng biết, ai cũng ngưỡng mộ, tthees mà…

Nói cách khác: trước sự trái ý, hai môn đệ thuộc hàng trụ cột nhóm 12 này đã bộc lộ theo phản ứng tự nhiên, với những thói xấu tầm thường mà ai trong chúng ta cũng dễ rơi vào.

Cụ thể:

1. Tính nóng nảy, cả giận : hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt, nổi tam bành;

2. Óc bè phái: phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù;

3. Lạm dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.

Chung quy lại, mẫu chốt của mọi vấn đề bởi ta kiêu ngạo, coi mình hơn người khác, coi mình đúng, người sai.

Và chúng ta cũng dễ rơi vào tâm trạng tầm thường, nông nổi như thế khi la mắng, chửi bới người khác, mà ‘người khác’ ở đây chính là thịt thân của mình: cha mẹ- vợ chồng- con cái- anh chị em.

Khi biết chuyện, Chúa Giêsu đã trách thẳng: “Các con không biêt thần trí nào xúi dục mình. Con Người đến không phải để giết nhưng để cứu chữa”.

Thánh Gioan Vianey Cha sở họ Ar nói cho ta biết rõ thần trí nào xúi dục ta nổi loạn, giận dữ. Ngài nói: Giận dữ đến từ ma quỷ. Khi ta giận dữ, điều đó cho biết ta đang ở trong tay ma quỷ, bị chúng điều khiển. Người giận dữ giống như một con dối, họ không biết mình nói gì làm gì, bởi ma quỷ đã khống chế hoàn toàn.

Tại sao ta lại cho phép mình ở trong tình trạng như thế? Bởi vì chúng ta không yêu mến Chúa. Lòng trí chúng ta thuộc về thằng quỷ kiêu ngạo, lúc nào cũng giận dữ vì nghĩ mình bị coi thường; thuộc về thằng quỷ tham lam, lúc nào cũng gắt ngỏng vì bị mất mát điều gì; thuộc về thẳng quỷ trụy lạc lúc nào cũng căm phẫn vì bị người khác cản trở con đường bất chính của minh” .

Và không nói đâu xa, ông bà ta vẫn cảnh cáo giận mất khôn. Vì mất khôn, nên từ chuyện chăng đáng gì thành chuyện có vấn đề, thành thù hận, ly tán … cứ thế nó kéo theo nhiều thư tội ác khác. Với những người với thế có quyền chỉ vì nòng giận, thù riêng hay ‘lợi ích nhóm’ gây lên thảm cảnh cho bao người vô tội…

Khi đã sa vào tội ác khởi di từ nóng giận thì vấn đề trở thành nghiêm trọng, vì ảnh hưởng đến ơn cứu độ đời đời.

Chính vì thế, Thánh Phaolô khuyến cáo: “Anh Em đừng phạm tội: chớ để mặt tròi lạnh mà cơn giận vã còn, đừng để ma quỷ thừa cơ lọi dụng’ (Ep 4, 26-27)

Vì thấy rõ sự nguy hiểm của kiêu ngạo- giận dữ nên Chúa Giêsu minh nhiên đòi hỏi các môn đệ học nơi Người hai điều: Hiền lành và khiêm nhường: Hãy học nơi ta vì ta hiền làng và khiêm nhường (x.Mt 11, 29)

Năm Sống Đức tin, Gia đình giáo phận Xuân Lộc mời gọi mỗi chúng ta sống cụ trong Hiệp thông và Bác ái, bởi đó ta cố tránh và loại bỏ những gì có thể gây tổn hại đến tình hiệp thông và yêu thương, trong đó điều dặt nên hàng đầu là sự nóng giận, la mắng.

Chẳng ai muốn gia đình mình bất hoà, bầu khí căng thẳng bởi sự nóng giận và những triếng la mắng. Không muốn mà vẫn cứ thường xảy ra…

Tôi coi việc nóng giận, la mắng chồng vợ con trong gia đình nguy hiểm như những trái bom nổ chậm. Nếu chúng ta không biết tháo ngòi nổ, cứ để tích tụ, chắc chắn một lúc nào đó chúng ta phải trả giá rất đắt khi bom nổ làm cả gia đình đổ vỡ, tan hoang.

Minh hoạ: Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau : “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau : “Để sáng mai rồi hãy gây gỗ”. Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình.

Lạy Chúa Giêsu Chúa đến đến không phải để giết nhưng để cứu sống, xin cho chúng con biết Hiền làng và Khiêm nhường theo chân Chúa để góp phần vun chăm sự sống, làm cho đời sống đáng sống, làm cho gia đình thức sự là mái ấm yêu thương.

Lm. Đaminh Hương Quất
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô: Không ai là con người hoàn hảo
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:43 29/06/2013
Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô: Không ai là con người hoàn hảo

Hằng năm vào ngày 29.06. hai vị Thánh Tông đồ cột trụ của Hội Thánh Chúa ở trần gian được mừng kính không chỉ trọng thể, nhưng còn chung vào một ngày: Thánh Tông đồ giáo hoàng Phero và Thánh Tông đồ truyền giáo Phaolô.

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: Tôi tin Hội Thánh Công Giáo, thánh thiện và tông truyền. Nhưng Trải qua thời gian năm tháng trong dòng lịch sử của Hội Thánh Công Giáo, người ta khám phá ra nhiều điều xảy ra không tốt đẹp, có những điểm, có những thời gian chao đảo yếu kém có nhiều bóng đen che rợp, đôi khi còn mang chiều kích xì căng đan nữa...

Vậy đời sống của hai vị Thánh Tông đồ cột trụ của Hội Thánh Chúa nói gì với chúng ta ?

Hai đời sống thiên nhiên khác nhau

Hai vị là tông đồ của Chúa Giêsu, nhưng họ là những con người do Chúa tạo thành, nên có những khác biệt nhau.

Về nghề nghiệp hai vị có hai nghề sinh sống khác nhau. Thánh Phero là người nông dân làm nghề chài lưới đánh cà ở biển hồ, ở Galilea. Còn Thánh Phaolo là một nhà trí thức học cao làm nghề may đan lều trại ở Tarsus.

Thánh Phero được Chúa Giêsu trực tiếp kêu gọi làm Tônbg đồ đầu tiên, và được chính Chúa bổ nhiệm là vị đứng đầu các Thánh Tông đồ, là vị Giáo hoàng tiên khởi của Hội Thánh trên trần gian.

Còn Phaolo không được Chúa Giêsu trực tiếp kêu gọi làm tông đồ như 12 vị khác. Nhưng như chính Phaolo đã tự nhận mình là vị Tông đồ „sinh sau đẻ muộn“ trong hành ngũ các Tông đồ của Chúa Giêsu.

Phero là người theo Chúa Giêsu ngay từ giờ phút đầu tiên. Còn Phaolo là người ghét đi truy lùng bắt bớ những người tin theo Chúa Giêsu.

Phero là người hùng hổ nói năng bộc trực mạnh mẽ. Nhưng lại thích quay ngược trở lại, khi thấy có gío thổi ngược chiều và nguy cơ xảy đến.

Còn Phaolo là người suy xét cẩn trọng, làm việc trung thành với tôn chỉ đặt ra không dễ để bị lôi kéo nghiêng ngả. Ông không chấp nhận dễ dàng thỏa thuận.

Phero là người có chức quyền của một vị niên trưởng Tông đồ đoàn, là vị Giáo Hoàng của Hội Thánh. Còn Phaolo là người có trí óc học rộng hiểu nhiều, có nhiều ý tưởng sáng kiến , nhất là những đặc sủng của một người trí thức hùng biện cùng lòng nhiệt thành đạo đức.

Trên hình vẽ hoặc tượng khắc chạm, nơi tay của Thánh Phero có chiếc chìa khóa nước trời do Chúa trao cho, còn nơi ty của Thánh Phaolo có cuốn sách Phúc âm và chiếc gươm.

Tuy vậy hai Vị cũng có những điểm chung

Cả hai vị đều là những người đã gặp gỡ Chúa Giêsu, người thiết lập Hội Thánh Chúa ở trần gian. Mẫu số chung này đã giúp hai vị rất nhiều, không biết mệt mỏi cùng không nghĩ gì đến đời sống riêng của mình để cùng dấn thân hy sinh cho Hội Thánh.

Một điểm chung của hai vị Thánh Tông đồ Phero và Phaolo: hai vị không bao giờ là những người siêu việt, siêu đẳng. Hai vị là con người đều có những sở đoản và sở trường, điểm yếu và điểm mạnh., bóng tối và mặt sáng, tội lỗi và ăn năn thống hối trong đời sống mình.

Phero, người chối thầy

Phero là người có nhiệt huyết của một tâm hồn đầy lòng hăng hái theo Chúa Giêsu trên suốt dọc con đường truyền giáo Chúa đi khắp các nơi trên đất nước Do Thái. Ông đã được nghe Chúa Giêsu giảng, tận mắt nhìn Chúa Giêsu chữa lành mọi bệnh nhân, được nói chuyện trực tiếp trong không khí thầy trò với Chúa Giêsu. `ng được cùng ăn cùng sống chung ngay bên cạnh Chúa Giêsu suốt ba năm trường.

Nhưng Phero lại không muốn những điều Chúa muốn. Khi Ông nghe Chúa Giêsu nói đến sự đau khổ ngài sẽ phải chịu, đến thập gía, Ông phản đối, can ngăn liền, đến nỗi Chúa Giêsu phải dùng chữ „Satan“ khiển trách nói với ông. Rồi trong sân Chúa Giêsu bị xử án, Ông đã chối Thầy Giêsu của mình ba lần và bỏ trốn chạy: Tôi không biết người đó là ai. Nhưng sau đó Ông ăn năn hối tội và rao giảng đức tin vào Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết là nền tảng của đức tin Công Giáo.

Truyện tiểu thuyết „ Quo vadis“, được viết dàn dựng thành phim, truyện mãi sau này hằng 10 thế kỷ sau mới viết, thuật lại sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Phero đến thành Roma giảng đạo thành lập Giáo đoàn Kito hữu, nhưng bị hoàng đế Nero theo dõi bắt bớ thảm khốc. Thánh Phero buồn sầu thất vọng. Ông cùng với đệ tử bỏ đi trốn. Khi ra đến ngoài cổng thành Roma, Ông gặp Chúa Giêsu hiện ra. Ông hỏi Chúa „ Quo vadis ?- Lạy Chúa, Chúa đi đâu? „. Chúa Giesu tra6 lời: „Ta trở lại Roma để chịu bị đóng đinh vào thập gía!“. Nghe vậy, thánh nhân nhận ra ngay ý Chúa, và Ông quay trở lại Roma, để sau đó bị bắt và bị tử đạo đóng đinh vào thập gía.

Thánh Phero hầu như luôn luôn sợ hãi, khi đức tin vào Chúa Giêsu gặp nguy hiểm bị đe dọa. Sự sợ hãi không thay đổi gì nơi con người của Thánh nhân trước và sau biến cố phục sinh của Chúa Giêsu.

Nhưng sau cùng Thánh Phero đã can đảm theo Chúa đến cùng chịu chết tử vì đạo.

Phaolo, người truy lùng bắt đạo

Phaolo trái lại là người nhiệt thành hăng say không biết sợ hãi là gì. Ông nhiệt thành như điên cuồng theo dõi bách hại những người tin theo Chúa Giêsu tới tận cùng không sợ gì nguy hiểm. Ông xác tín rằng, tin theo Chúa Giêsu thành Nayareth là theo một giáo phái nguy hiểm không theo đúng truyền thống Do Thái. Nên cần phải ngăn chặn tiêu diệt.

Trên đường đến Damascus theo dõi bắt tín hữu Chúa Kito Ông đã gặp được Chúa Giêsu hiện ra lúc bị ngã ngựa. Sau đó Ông mới thay đổi tư tưởng về Chúa Giêsu và các tín hữu Chúa Kito. Từ đó Ông trở thành người rất hăng haắi nhiệt thành rao giảng đức tin vào Chúa Giêsu Kito. Ông là nhà truyền giáo quan trọng thời Hội Thánh Chúa Giesu còn trong thời kỳ mới sáng lập ở trần gian. Lòng nhiệt thành hăng say của Thánh nhân trước sau vẫn không thay đổi: trước kia hăng hái đi bắt bớ tín hữu Chúa Giêsu thế nào, thì bây giờ hăng hái không biết mệt mỏi đi bênh vực, rao gỉang làm chứng cho Chúa Giêsu.

Thánh Phaolo tuy không có chức vị gì trong Hội Thánh như Thánh Phero.Nhưng Phaolo là người qua các thư gửi cho các Giáo đoàn Kito hữu tiên khởi luôn ca tụng nói về lòng thương xót của Chúa. Thánh nhân là người đi rao giảng đức tin vào Chúa, và tuy nhận mình là Tông đồ của Chúa, nhưng thánh nhân xác nhận rõ ràng mình không phải là chủ của đức tin, mà chỉ là người phụ giúp cùng đồng hành cho niền vui của mọi người trong đức tin vào Chúa thôi.

Hai vị Thánh Tông đồ Phero và Phaolo không chỉ cùng chia sẻ thông phần vào Chúa Giêsu như trung tâm điểm và cùng đích của đời sống. Nhưng hai vị dẫu vậy, sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu cũng vẫn nguyên là những con người với những khuyết điểm, điểm yếu điểm mạnh, với mặt bóng tối và mặt sáng cho tới ngày sau cùng của đời sống.

Vì thế các Ngài là tấm gương, hình ảnh mẫu mực nói lên khía cạnh: con người không ai là người hoàn hảo.

Lễ hai Thánh Phero và Phaolo, 29.06.2013
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục chính tòa
LM. Trần Đức Anh OP
08:47 29/06/2013
VATICAN. Sáng 29-6-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và trao dây Pallium cho 34 vị TGM chính tòa.

Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô.

34 vị TGM thuộc 21 quốc tịch, trong đó đông nhất là 4 vị người Mỹ (San Francisco, Indianapolis, Oregon, Dubuque) và 3 vị người Italia; tiếp đến Brazil, Ấn độ và Ba Lan mỗi nước có 2 vị. Trong số các TGM, có 7 vị thuộc các dòng tu: gồm 2 vị dòng Don Bosco, 2 vị dòng Thừa Sai Chúa Thánh Thần, các vị còn lại thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu (S.C.I), dòng Camêlô nhặt phép, và một vị nguyên là Bề trên Tổng Quyền dòng Chúa Cứu Thế, Joseph Tobin, từng làm Tổng thư ký Bộ các dòng tu, và nay là TGM giáo phận Indianapolis, Hoa Kỳ.
Hiện diện trong thánh lễ có 50 HY và hơn 60 GM, cùng với trên 8 ngàn tín hữu. Đặc biệt ở chỗ danh dự có phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Ioannis Zizioulas hướng dẫn. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn ca đoàn Nhà thờ thánh Tôma ở thành phố Leipzig của Giáo Hội Tin Lành Luther.

Nghi thức trao dây Pallium thật đơn sơ và diễn ra vào đầu thánh lễ. ĐHY Jean Louis Tauran, Trưởng Đẳng Phó Tế, giới thiệu các vị TGM chính tòa lên Đức Thánh Cha và xin ngài trao dây Pallium cho các vị. ĐHY cũng nhắc đến các vị TGM không thể đến Roma được và xin được nhận dây Pallium này trong giáo phận thuộc quyền, từ vị Đại diện Tòa Thánh. Đây là trường hợp Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, TGM chính tòa giáo phận Huế.
Kế đến các TGM tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Đấng Kế vị hợp pháp.

Tiếp đến Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium và lần lượt trao vào cổ của các vị TGM tiến lên quì trước ngài.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào các bài đọc của ngày lễ, Đức Thánh Cha quảng diễn sứ vụ Phêrô là củng cố các anh em trong đức tin, trong đức mến và trong tình hiệp nhất.

Nhắc đến sự kiện thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ít lâu sau đó, khi Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn của Người, thì thánh Phêrô lại theo lối suy tư trần tục, muốn cản trở Người. Và Đức Thánh Cha nói rằng: ”Khi chúng ta để cho những tư tưởng, tình cảm, tiêu chuẩn quyền bính nhân trần trổi vượt, và khi chúng ta không để cho đức tin, cho Thiên Chúa giáo huấn và hướng dẫn, thì chúng ta trở thành viên đá vấp phạm. Đức tin nơi Chúa Kitô là ánh sáng cho đời sống các tín hữu Kitô và các thừa tác viên của Giáo Hội”.

Về sứ vụ của thánh Phêrô củng cố trong tình hiệp nhất, Đức Thánh Cha giải thích dây Pallium như biểu tượng tình hiệp nhất với Người Kế Vị Thánh Phêrô, là ”nguyên lý và là nền tảng trường cửu và hữu hình của sự hiệp nhất đức tin và tình hiệp thông, LG 18). Ngài nói với các vị TGM:

”Anh em GM thân mến, sự hiện diện của anh em hôm nay là dấu chỉ tình hiệp thông của Giáo Hội không có nghĩa là sự đồng nhất... Trong Giáo Hội, sự khác biệt là một sự phong phú cao độ, luôn dựa trên sự hòa hợp của hiệp nhất, như một bức tranh khảm lớn trong đó mọi mảnh đều góp phần hợp thành một đại kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa. Điều này phải thúc đẩy chúng ta luôn khắc phục mọi xung đột làm thương tổn thân mình của Giáo Hội. Hiệp nhất trong sự khác biệt chính là con đường của Chúa Giêsu! Dây Pallium, nếu là dấu chỉ sự hiệp thông với GM Roma, với Giáo Hội hoàn vũ, cũng là một quyết tâm đối với mỗi người anh em trở thành dụng cụ của sự hiệp thông”.

Kinh Truyền Tin

Sau thánh lễ, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 35 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nói đến ”Thánh Phêrô là vị đầu tiên đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Còn Thánh Phaolô đã phổ biến Tin Mừng trong thế giới Hy lạp La Mã. Và Chúa Quan Phòng đã muốn hai vị đến Roma này đổ máu vào vì đức tin. Vì thế, Giáo Hội Roma đã tự nhiên trở thành điểm tham chiếu cho tất cả các Giáo Hội rải rác trên thế giới. Không phải vì quyền lực của Đế Quốc, nhưng do sức mạnh cuộc tử đạo của hai vị, do chứng tá của hai vị về Chúa Kitô. Xét cho cùng, luôn luôn và chỉ có tình yêu của Chúa Kitô sinh ra đức tin và làm cho Giáo Hội tiến bước”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến một truyền thống tốt đẹp, đó là sự hiện diện của Phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, có vị bổn mạng là thánh Anrê Tông đồ. ”Tất cả chúng ta hãy gửi lời chào thân ái đến Đức Thượng Phụ Bartolomaios I và cầu nguyện cho Người và Giáo Hội tại Constantinople. Đức Thánh Cha cũng mời gọi người đọc một kinh Kính Mừng để cầu cho Đức Thượng Phụ.”

Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành, Đức Thánh Cha xin các tín hữu cầu nguyện cho các vị TGM chính tòa mới nhận dây Pallium, biểu tượng tình hiệp thông. Ngài nói: ”Trong số các vị có Đức TGM Diedonné Nzapalainga, của giáo phận Bangui, thủ đô cộng hòa Trung Phi. Chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho cộng đồng dân chúng ở Trung Phi, bị thử thách cam go, để họ tiến bước trong niềm tin và hy vọng”.

Quốc gia này đã bị tàn phá vì bạo lực do phiến quân Séléka, sau cuộc đảo chánh ngày 24-3 năm nay, đưa thủ lãnh phiến quân là Michel Djotodia lên cầm quyền. Nhiều thánh đường cũng như nhà dân chúng đã bị cướp bóc (SD 29-6-2013)
 
Nhìn lại 100 ngày đầu của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
22:56 29/06/2013
Một trăm ngày đầu của các vị thủ tướng hay tổng thống thường được người ta chú ý. Đối với một định chế lâu đời như Vatican, hình như 100 ngày không phải là một thước đo bất cứ phương diện nào trong sinh hoạt của nó. Bởi thế, 100 ngày đầu của Đức Phanxicô lặng lẽ qua đi, ít được ai nhắc đến. Tuy thế, nó vẫn được hai nhà bỉnh bút Hoa Kỳ xem xét.

Cha xứ của thế giới

John L. Allen Jr của NCR ngày 17 tháng 6 vừa qua gọi 100 ngày đầu của Đức Phanxicô là 100 ngày đầu của một cha xứ giáo xứ thế giới. Theo nhà bỉnh bút này, các tâm lý gia cho rằng khi kinh nghiệm đi ngược lại mô thức của ta về thế giới, nó sẽ phát sinh ra hiện tượng rối loạn về nhận thức (cognitive dissonance). Lúc ấy, một là ta phải mài dũa lại sự kiện để nó phù hợp với mô thức hai là ta phải từ bỏ mô thức của ta đi, để khỏi phải sống trong cảnh mù mờ triền miên. Ông cho rằng ngã ba đường đó đang là ngã ba đường của thế giới Công Giáo sau 100 ngày đầu của triều giáo hoàng Phanxicô.

Cứ chiếu theo lệ thường, thì mặt tiền Vatican hiện hết sức êm lặng. Cho đến nay, Đức Phanxicô mới chỉ công bố một động thái mạnh bạo về chính sách, đó là việc cử nhiệm, vào tháng Tư, tám vị Hồng Y khắp thế giới làm “nội các nấu nướng” cho ngài. Tuy nhiên, phiên họp đầu tiên của “nội các” này đến mãi tháng Mười mới diễn ra. Nếu kể cả công bố vào ngày 24 tháng 6 về việc thành lập Ủy Ban Tham Chiếu Giáo Hoàng Về Viện Các Công Trình Tôn Giáo mà người ta thường gọi là Ngân Hàng Vatican nữa, thì cũng chỉ là động thái thứ hai.

Ngoài ra, cho tới nay, Đức Phanxicô đã cử nhiệm 48 tân giám mục và một số các viên chức hạng nhì của Vatican, nhưng phần đông là do những sắp xếp trước khi ngài lên ngôi giáo hoàng. Ngài cũng đã chấp thuận một số án phong thánh, thiết lập một số giáo phận mới, gặp gỡ một số quốc trưởng, nhưng không có gì ngoại thường. Ngài chưa công bố bất cứ văn kiện quan trọng nào về giáo huấn, và trừ Ủy Ban Tham Chiếu mới nhằm cải tổ, nếu cần, Ngân Hàng Vatican ra, chưa có quyết định nào về hướng cải tổ Giáo Triều, một điều được thiên hạ đồn thổi lâu nay.

Và cũng vì chưa có hành động nào “ngoạn mục” nên cũng chưa có gì tranh cãi lớn. Vào lúc này, Đức Phanxicô đang chuẩn bị cho chuyến đi Rio de Janeiro để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Sau đó, Vatican bước vào cảnh lặng gió của mùa hè. Thành thử phải đến tháng Chín, họa may mới có động thái ngoạn mục như việc bổ nhiệm tân quốc vụ khanh chẳng hạn.

Allen bảo rằng, đối với thói thường, cho đến nay xem ra chỉ mới có sèo sèo chứ chưa có thịt nướng thực sự. Ấy thế nhưng xét cho tường tận, một cái gì đầy chấn động đang sắp sửa diễn ra. Đức Phanxicô đang lôi cuốn một quần chúng đông đảo khiến cảnh sát phải cấm xe cộ tại khu vực quanh Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô như trong các lễ phong thánh cho Mẹ Têrêxa hay cho Padre Pio. Các người bán buôn khắp Rôma đang tường trình những thu nhập lớn lao nhờ các món hàng kỷ niệm về Đức Phanxicô.

Khắp thế giới, có những tường trình đã thành dã sử về việc gia tăng số người tham dự Thánh Lễ và chạy tới tòa giải tội. Một thứ “hiệu quả Phanxicô” trông thấy. Các cuộc thăm dò, như cuộc thăm dò hồi giữa tháng Tư của Diễn Đàn Pew, cho thấy con số áp đảo những lời khen ngợi ngài và truyền thông hoàn cầu vẫn còn rất say mê vượt quá cả thời hạn trăng mật thông thường. Tất cả những định mức ấy cho thấy biến cố Janeiro vào tháng Bẩy này sẽ là một biến cố nổ bùng nhất xưa nay của “tiệc vui Công Giáo” trong thế kỷ 21.

Nói cách khác, với Allen, ngành Vatican học và tiếng dân (vox populi) hình như không đi đôi với nhau. Chìa khóa để giải quyết hiện tượng không đi đôi này có lẽ là đây: Đức Phanxicô xem ra cương quyết hành xử như một mục tử khiến cho mô thức đúng không phải là mô thức người ta quen dùng để đánh giá một nhà hành pháp cầm đầu. Đúng hơn, đó là cách người Công Giáo quen dùng để nghĩ về một cha xứ. Câu hỏi chính vì thế không phải là chính sách của ngài ra sao, mà liệu ngài có gợi hứng hay không.

Phong cách và bản chất

Allen cũng cho rằng 100 ngày đầu của Đức Phanxicô cho ta thấy rõ, khi đụng tới việc lãnh đạo thiêng liêng, phong cách đôi khi là chính bản chất thực sự. Đức Cha Jorge Eduardo Lozano của Gualeguaychú, Argentina, cho rằng quả là lầm lẫn khi người ta trông mong một giáo hoàng thực sự sẽ xuất hiện từ bên dưới những biểu hiệu lúc ban đầu của triều đại ngài. Thực ra, những biểu hiệu ấy chính là vị giáo hoàng thực sự rồi. Đức Cha Lozano vốn là bạn của Đức HY Jorge Mario Bergoglio, vì Đức HY là giám mục phụ tá của ngài tại Buenos Aires trong 6 năm.

Hồi giữa tháng Tư vừa qua, Đức Cha Loranzo cho hay: các biểu hiệu đó “nói lên huấn quyền của ngài”. Huấn quyền ấy là “Hãy vươn tới người khác, đừng đợi họ tới với mình”. Đối với Allen, sứ điệp này được biểu hiện qua bốn đặc điểm trong phong cách lãnh đạo của Đức Phanxicô: tính đơn giản, lòng khiêm nhường, đứng ngoài chính trị và rất dễ lui tới với người dân thường.

Tính đơn giản

Trước khi được bầu làm giáo hoàng, một trong những điều ít ỏi người ta biết về Đức HY Bergoglio là ngài thường dùng xe điện để đi làm chứ không dùng xe hơi có tài xế, sống trong một căn hộ chứ không sống trong tòa giám mục lộng lẫy. Khi lên ngôi giáo hoàng, ngài vẫn duy trì lối sống đơn giản ấy: cuốc bộ trong Vatican, không dùng xe có bảng số đặc biệt SCV-1, sống tại Domus Sanctae Marthae chứ không tại Tông Điện.

Sự đơn giản ấy thường đi đôi với việc đặc biệt quan tâm tới cảnh nghèo và người nghèo. Ngày 16 tháng 3, ngài nói với một nhà báo tới Rôma theo dõi cơ mật viện bầu giáo hoàng rằng Giáo Hội phải là “Giáo Hội nghèo cho người nghèo”. Ngài biến tinh thần liên đới với người nghèo này thành chính sách. Ngày 16 tháng Năm tại buổi trình ủy nhiệm thư của 4 đại sứ bên cạnh Tòa Thánh, ngài cảnh cáo rằng “trong khi thu nhập của một thiểu số người gia tăng theo cấp số nhân, thì thu nhập của đại đa số đang tuột dốc. Sự mất cân bằng này phát sinh từ các ý thức hệ cổ vũ tính tự lập tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chánh, và do đó bác bỏ quyền kiểm soát của nhà nước, là định chế có nhiệm vụ chăm lo công ích”

Một tuần lễ sau, nhân viếng một nhà bếp cung cấp cháo cho người nghèo do Dòng Truyền Giáo Bác Ái điều hành, ngài kết án “chủ nghĩa tư bản tàn ác chuyên giảng dạy thứ luận lý học lợi lộc bất chấp điều gì… chuyên khai thác không hề nghĩ tới những con người”.

Tính đơn giản cũng biểu lộ qua việc Đức Phanxicô thích dùng cử chỉ thay vì những tuyên bố cầu kỳ. Thay vì thuyết giảng về chức linh mục trong phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, ngài đi rửa chân cho các tù nhân trẻ tại Casa del Marmo, trong đó có cả phụ nữ và người Hồi Giáo.

Việc bao gồm cả phụ nữ vào nghi thức rửa chân xem ra đi ngược với chỉ thị năm 1988 của Bộ Phụng Tự. Nhưng theo cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, việc đó được tính đơn giản biện minh: “cộng đoàn này (Casa del Marmo) chỉ hiểu những điều đơn giản và chủ yếu; họ không phải là các học giả phụng vụ. Rửa chân là điều quan trọng ở chỗ cho thấy tinh thần phục vụ và yêu thương của Chúa Kitô”.

Lòng khiêm nhường

Nếu được thăm dò về các nhân đức của Dòng Tên, phần lớn người Công Giáo sẽ nhắc đến rất nhiều đức tính như thông thái, nhiệt thành, khả năng suy nghĩ rộng rãi, không chật hẹp, hăng say trong cánh đồng truyền giáo… Ít ai nghĩ tới lòng khiêm nhường của họ, vì họ vốn tự hào về các tài năng của mình.

Oái oăm thay, Đức Phanxicô lại là vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên nhấn mạnh tới lòng khiêm nhường như đức tính xác định ra tư cách lãnh đạo trong Giáo Hội. Hôm ra mắt công chúng sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài yêu cầu công chúng cầu xin ơn lành của Chúa xuống trên ngài trước khi ngài ban phép lành cho họ. Điều này được giải thích như là lời yêu cầu họ chúc lành cho ngài trước, một cử chỉ đầy ý nghĩa cho tương lai.

Quả tình sau đó, Đức Phanxicô đã chối từ rất nhiều cách thức thông thường vốn tách biệt các vị giáo honàg ra khỏi quần chúng. Ngài tự gọi điện thoại cho ông chủ sạp báo ở Buenos Aires để hủy bỏ đơn mua báo, điện thoại cho người đóng giầy để đặt đôi giầy mới, bắt đầu điện đàm bằng cách tự giới thiệu “Jorge đây!”. Ngài không cử nhiệm thư ký riêng, những người hành xử như người canh cửa và thông dịch viên, nhưng không thiếu những vị hành xử như các “phó giáo hoàng”.

Một phần, các việc trên phản ảnh phong cách quản trị trực tiếp của ngài. Nhưng rõ ràng chúng cũng nói lên lòng khiêm nhường, muốn tự làm lấy những việc mà ngài thông thường vẫn làm. Khi tiếp ai đó tại Vatican, ngài có thói quen không ngồi trên ngai, đợi họ đến, mà rời khỏi bục, gặp khách ngang tầm mắt và chào đón họ như người ngang hàng.

Lòng khiêm nhường cũng trở thành nét xác định ra triều giáo hoàng trên bình diện thần học và Giáo Hội học. Thí dụ, nhiều quan sát viên cho rằng việc ngài quyết định thành lập nhóm 8 vị Hồng Y giúp ngài quản trị cho thấy quyết tâm của ngài muốn có một phương cách thi hành thẩm quyền một cách có tính hợp đoàn và hợp tác hơn.

Không hẳn ai ai cũng đồng ý phương thức ấy. Người chuyên viết về phụng vụ người Ý là Mattia Rossi từng cho rằng đó là bước tiến nhằm “tiêu hủy ngôi vị giáo hoàng” vì nó thay thế ý niệm thẩm quyền do Chúa thiết lập bằng ý niệm hợp đoàn tính đầy mờ nhạt, và do đó, đã biến vị giáo hoàng từ người thứ nhất trên các người cùng hàng thành người thứ nhất giữa những người cùng hàng.

Đó có lẽ chính là ý hướng của Đức Phanxicô khi ngài ít xưng mình là giáo hoàng, nhưng là “giám mục Rôma”, vừa tránh âm hưởng vua chúa, vừa đi sâu đi sát nguồn gốc lịch sử hơn. Nhiều chuyên viên đại kết tin rằng lòng khiêm nhường của Đức Phanxicô sẽ dọn đường tạo tiến bộ cho việc hợp nhất Kitô Giáo, vì điều mà họ cho là sự ngạo mạn của giáo hoàng vốn là viên đá chặn đường đại kết.

Linh mục Dòng Capuchin William Henn, một nhà đại kết học nổi danh hiện giảng dạy tại Đại Học Gregorian ở Rôma, nhận định rằng “với Đức Phanxicô, tôi nghĩ các Kitô hữu khác sẽ thấy rõ hơn việc thừa tác vụ giám mục là để phục vụ hiệp thông, và sẽ cởi mở hơn đối với nó”.

Đứng ngoài chính trị

Dù cố gắng bao nhiêu, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng khó có thể đứng trên chính trị. Nhất là các vị giáo hoàng, vì Giáo Hội Công Giáo vốn có một giáo huấn xã hội hết sức bao quát với nhiều hậu quả chính trị. Chính Đức Phanxicô cũng đã nói nhiều điều liên quan tới chính trị. Ngoài các nhận định về kinh tế ra, ngài còn nói về việc bảo vệ môi sinh, gọi chiến tranh là “cuộc tự sát của nhân loại”…

Hiện không có dấu chỉ nào cho thấy Đức Phanxicô sẽ dẫn Giáo Hội ra khỏi các quan tâm truyền thống về chính trị. Ấy thế nhưng, các quan sát viên đều tin rằng đây không phải là vị giáo hoàng hễ tỉnh ngủ là nghĩ tới chính trị. Sau cuộc bỏ phiếu ngày 10 tháng Tư vừa qua tại Uruguay nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, không một nhận định nào của Đức Phanxicô hay của các phụ tá cao cấp đã được nói ra, dù Uruguay là nước thứ ba của Châu Mỹ La Tinh nhìn nhận loại “hôn nhân” này, một sự kiện mà các quan sát viên tin rằng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác trong vùng mô phỏng, vùng vốn là quê hương của ngài.

Điển hình hơn là tại Ý, nơi người ta vẫn nghĩ về các giám mục như những người nặng ký về chính trị. Nhưng trong diễn văn với Hội Đồng Giám Mục của nước này vào ngày 23 tháng Năm, ngài không nói một chữ về chính trị hay bất cứ việc gì liên quan tới quốc hội Ý.

Thái độ trên làm cho Đức TGM Luigi Negri của giáo phận Ferrara-Comacchio, một ủng hộ viên tích cực của Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng, một phong trào được coi như có truyền thống hoạt động mạnh nhất trong chính trường Ý, phải nói rằng “tôi không tin ta cần phải tự chế trong việc lên tiếng khi các giá trị của ta bị đe dọa” tuy nhiên, vì phong thái mới của Đức Phanxicô, “có lẽ chúng ta cần thay đổi phương thức hành động của ta”. Theo ngài, điều ấy có nghĩa các giám mục nên đứng ngoài để các giáo dân hành động. “Sự tự lập của giáo dân cần được kính trọng”.

Dễ dàng lui tới

Trong các ngày đầu triều đại của Đức Phanxicô, người ta thường nói đùa với nhau rằng những người duy nhất ở Rôma không bị vị tân giáo hoàng “mê hoặc” là các nhân viên an ninh, những người khốn khổ lắm mới bảo vệ được ngài. Một nhân viên an ninh nói với tờ La Stampa ngày 18 tháng Ba: “chúng tôi hy vọng sau những ngày đầu tiên này, mọi sự sẽ trở thành bình thường. Nếu không, ngài sắp làm mọi người điên lên được!”

Ông ta nói thế nhân dịp Đức Phanxicô tới cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Thánh Anna vào ngày 17 tháng Ba. Sau Thánh Lễ, ngài ra ngoài nhà thờ gặp dân chúng, bế trẻ em, bắt tay, chuyện trò, cười nói thật thỏai mái với mọi người. Chính hôm đó, báo chí Ý gọi ngài là “cha xứ của thế giới”.

Ý muốn không tách mình ra khỏi các kinh nghiệm thường ngày là một đặc điểm nổi bật trong các ngày đầu tiên của Đức Phanxicô. Ngài điện thoại nói chuyện với bạn bè và các nguồn khác để biết tình hình của Giáo Hội ngay tại các khu vực của họ. Tính dễ lui tới nơi ngài cũng bao gồm việc sử dụng ngôn từ tự do, không soạn sẵn, khiến nhiều nhà thần học vụ tinh ròng (purist) lo ngại. Họ muốn thà nhiều lời còn hơn chỉ một chút thiếu chính xác.

Ngài cũng ưa sử dụng các ngôn từ bình dân để chuyên chở chủ điểm của mình. Thí dụ, ngày 10 tháng Năm, ngài so sánh các Kitô hữu ủ rũ như những “trái ớt ngâm dấm”. Ngày 18 tháng Năm, ngài bảo thói bép xép trong Giáo Hội giống như ăn mật ong: bắt đầu thì ngọt ngào nhưng ăn nhiều sẽ đau bụng.

Các bài giảng hàng ngày của ngài tại Domus Sanctae Marthae không hề là những tiểu luận có hệ thống, nên được nhiều người giải thích rất khác nhau. Người bảo thủ mừng vui khi ngài sử dụng các thuật ngữ truyền thống như việc ngài năng nhắc tới ma quỉ. Nhưng họ không hài lòng bao nhiêu, khi ngài bảo người vô thần cũng được Chúa Kitô cứu chuộc. Người cấp tiến mừng vui khi ngài chỉ trích “những người muốn vặn ngược đồng hồ” đối với các cải cách của Vatican II.

Dù thế nào, ngài cũng nhất quyết không để cho mối lo bị giải thích sai làm ngài ngưng việc tiếp tục hành xử như một mục tử. Và vì thế, các viên chức Vatican mỗi sáng thức dậy đều tự hỏi không biết hôm nay họ sẽ gặp được ngạc nhiên gì từ vị giáo hoàng ưa ứng khẩu này.

Một cuộc hành trình đầy hấp dẫn

Tiến sĩ John Thavis (www.johnthavis.com) cho rằng 100 ngày đầu của một vị giáo hoàng khác với 100 của các nhà lãnh đạo quốc gia, vì ngài suy nghĩ dài hạn, ít bị áp lực phải đưa ra các chương trình ngắn hạn. Chính vì thế ta chưa thấy một văn kiện, một bổ nhiệm hay một cải cách ngoạn mục nào trong 100 ngày đầu của Đức Phanxicô.

Tuy nhiên, ta vẫn có được một lượng suy nghĩ và truyền giảng lành mạnh từ vị giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Tên này về đủ mọi chủ đề, từ chủ nghĩa duy nghề nghiệp của giáo sĩ tới việc làm tay chân nặng nhọc. Vả lại, cũng như Allen, Thavis cho rằng nơi Đức Phanxicô, biểu tượng cũng là bản chất, vì các cử chỉ của ngài nói lên rất nhiều, đối với bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Ông nhận diện một số định hướng sau đây:

1. Đức Phanxicô định vị triều đại giáo hoàng bên ngoài Giáo Triều

Thứ nhất, ngài chọn sống tại một nhà khách ít trịnh trọng hơn của Vatican, thay vì tại tông điện. Điều này rõ ràng có ý nghĩa vì địa dư rất quan trọng tại Vatican. Tông điện được bao quanh bởi các bộ sở của Giáo Triều; sống ở đó, ngài thấy mình bị cô lập hơn. Dù sao, ngài cũng là người của quần chúng.

Thứ hai, Đức Phanxicô đã thiết lập nhóm 8 Hồng Y (nay đã tăng lên 9) để góp ý với ngài về các vấn đề quản trị Giáo Hội và cải tổ Giáo Triều, trong đó, chỉ có một thành viên hiện thuộc Giáo Triều. Xem ra, ngài ít dựa vào các chức sắc bên trong Vatican, mà dựa nhiều hơn vào các giám mục thế giới để quản trị Giáo Hội.

Thứ ba, phần lớn các lời giảng dạy của Đức Phanxicô phát xuất từ các bài giảng lễ hàng ngày tại nhà khách của Vatican trong các bài giảng phần lớn ứng khẩu. Các viên chức Vatican không coi các bài giảng này là huấn quyền, nhưng vẫn cho công bố trọn bản văn. Có thể nói, những bài giảng nhiều ứng khẩu này không đi qua bộ máy bàn giấy thông thường, nên ít bị Giáo Triều kiểm soát.

2. Đức Phanxicô đã khởi sự cuộc “cải tổ” Vatican của ngài rồi bằng cách phúc âm hóa

Người tham dự các Thánh Lễ hàng ngày của Đức Phanxicô đều là các nhóm viên chức và nhân viên của Vatican, nên lời giảng của ngài đặc biệt nhắm vào họ. Theo chiều hướng này, cuộc cải tổ Vatican của Đức Phanxicô thực sự đã bắt đầu rồi. Không theo cách người đời mong đợi, qua việc bổ nhiệm các viên chức đứng đầu các bộ sở, dù việc này thế nào cũng xẩy ra trong những ngày sắp tới. Thay vào đó, Đức Phanxicô đang phúc âm hóa Tòa Thánh. Ngài đặt cơ sở tâm linh cho cuộc cải tổ, bằng cách rao giảng Tin Mừng ngay trong “nhà mình”.

3. Viễn kiến của Đức Phanxicô ít chú tâm tới căn tính nội bộ mà ngiêng nhiều về ảnh hưởng bên ngoài.

Ngài muốn Giáo Hội hiện diện trong cuộc sống của người ta. Đối với các linh mục, điều này có nghĩa phải đi gặp gỡ giáo dân, chia sẻ các vấn đề của họ. Đức Phanxicô mô tả điều ấy bằng một hình ảnh bất hủ: mục tử phải có “mùi của chiên”. Đối với các giám mục, điều này có nghĩa phải chấm dứt chủ nghĩa duy nghề nghiệp. Ngài nói với các sứ thần tòa thánh: khi chọn ứng viên giám mục, nên tránh những người có tham vọng, mà chọn các mục tử gần gũi dân.

Đối với giáo dân, nó có nghĩa cương quyết sống Tin Mừng và công bố nó cách hân hoan bằng lời lẽ và bằng việc làm, nhất là đối với những ai đang đau khổ. Dù cần can đảm mới làm được, nhưng phúc âm hóa không hề là một gánh nặng.

4. Nghị trình công bình xã hội của Đức Phanxicô đang dần dần lên hàng ưu tiên

Những lời nặng nề thách thức nền kinh tế hoàn cầu hiện nay của ngài “ta đang sống trong một thế giới nơi tiền bạc thống trị… Tiền bạc không phải là hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa” cho thấy thông điệp “Phúc Cho Người Nghèo” mà ngài dự tính ban hành sẽ khó nhá đối với những người bênh vực nền kinh tế vô hạn chế của thị trường tự do.

Nhưng Tin Mừng kinh tế của ngài không chỉ nhắm các cơ quan quốc tế và các mối lái quyền lực. Ngài muốn Giáo Hội nhập thân mối quan tâm đối với người nghèo và người đau khổ. Ngài cũng cảnh giác các linh mục và giám mục phải chống lại sức cám dỗ của mô thức kinh doanh. “Công bố Tin Mừng phải đi theo đường nghèo khó”. Ngài cho rằng thực hành điều mình rao giảng là chìa khóa để con người thời nay nhìn ra tính khả tín của Giáo Hội.

Tiến sĩ Thavis nghĩ rằng, ta đã vượt qua thời kỳ “trăng mật” thường tình, để bước vào một cuộc hành trình đầy hấp dẫn.
 
Một chức sắc từng làm việc cho ngân qũy Vatican đã bị bắt giữ
Jos. Tú Nạc, NMS
22:42 29/06/2013
ROME – Các giới chức Ý cho biết một viên chức trước đây từng làm kế toán tại Vatican là đức ông Nunzio Scarano đã bị bắt giữ hôm 28 tháng 6.

Nhà chức trách Italia cho biết, còn có một thành viên của cơ quan tình báo Italia và một nhà tài phiệt cũng bị bắt trong khuôn khổ của cuộc điều tra với vai trò của các đương sự trong âm mưu chuyển lậu 26 triệu Mỹ kim từ Thụy Sỹ vào nước Italia.

Đức Ông Scarano đã bị tước chức vụ ở Vatican một thánh trước đây vì đang bị điều tra trong một vụ khác tại thành phố Salerno miền nam nước Ý vì bị cáo buộc tầy tiền.
 
Top Stories
Pope Francis: Mass and Angelus on Sts Peter and Paul
Vatican Radio
10:12 29/06/2013
VATICAN June 30, 2013 - Pope Francis marked the Solemnity of Saints Peter and Paul with Mass in St Peter’s Basilica, during which he imposed the pallium on thirty-four of the metropolitan archbishops installed over the past year. The pallium is the white, shawl-like woolen liturgical vestment worn over the shoulders of a metropolitan archbishop, which is the peculiar sign of a metropolitan’s office: it specifically symbolizes authority and union with the Holy See. Each year on the feast, the Metropolitan archbishops installed during the course of the preceding year travel to Rome to receive the vestment. The solemnity is also one of the two days in the liturgical year in which the ancient bronze statue of St Peter in the basilica is symbolically vested in an ornate red silk cope and crowned with the triple tiara. Listen to our report:

After processing into the basilica with the thirty-four new metropolitans and hearing the readings, Pope Francis delivered a homily in which he focused on the mystery of the Petrine ministry as one particularly ordered to confirming all Christians everywhere in faith, love and unity. “Faith in Christ,” said Pope Francis, “is the light of our life as Christians.“ Addressing himself to the new metropolitans, the Pope said, “To confess the Lord by letting oneself be taught by God; to be consumed by love for Christ and his Gospel; to be servants of unity. These, dear brother bishops, are the tasks which the holy apostles Peter and Paul entrust to each of us, so that they can be lived by every Christian.”

This was a theme to which the Holy Father returned after Mass, in remarks to the faithful gathered in St Peter's square for the Angelus prayer. “What a joy it is to believe in a God who is all Love, all Grace,” he said. Also at the Angelus, Pope Francis also greeted the delegation from the Ecumenical Patriarchate of Constantinople, led by Metropolitan Ioannis Zizoulas. “Let us not forget that Peter had a brother, Andrew,” said Pope Francis, “who met Jesus first, spoke of Him to Peter and took Peter to meet [the Lord].”

Then Pope Francis asked all the gathered faithful to join him in praying a Hail Mary for Patriarch Bartholomew.

In conclusion, the Holy Father greeted all the pilgrim faithful who, from every part of the world, were come to celebrate the feast in Rome.

Below, please find a list of the thirty-four metropolitans to receive the pallium:

Patriarch Manuel Jose Macario do Nascimento Clemente of Lisbon, Portugal;
Archbishop Dieudonne Nzapalainga of Bangui, Central African Republic; Archbishop Carlo Roberto Maria Redaelli of Gorizia, Italy;
Archbishop Claudio Dalla Zuanna of Beira, Mozambique; Archbishop Prakash Mallavarapu of Visakhapatnam, India;
Archbishop Antonio Carlos Altieri of Passo Fundo, Rio Grande do Sul, Brazil; Archbishop Marek Jedraszewski of Lodz, Poland;
Archbishop Philip Tartaglia of Glasgow, Scotland; Archbishop Salvatore Joseph Cordileone of San Francisco, California;
Archbishop Rolando Joven Tria Tirona of Caceres, Philippines; Archbishop Rogelio Cabrera Lopez of Monterrey, Mexico;
Archbishop Joseph William Tobin of Indianapolis, Indiana; Archbishop Carlos Maria Franzini of Mendoza, Argentina;
Archbishop Lorenzo Ghizzoni of Ravenna-Cervia, Italy; Archbishop George Antonysamy of Madras and Mylapore, India;
Archbishop Anil Joseph Thomas Couto of Delhi, India;Archbishop John Wong Soo Kau of Kota Kinabalu, Malaysia;
Archbishop Murray Chatlain of Keewatin-Le Pas, Manitoba; Archbishop Sérgio Eduardo Castriani of Manaus, Brazil;
Archbishop Peter Loy Chong of Suva, Fiji Islands; Archbishop Alfonso Cortes Contreras of Leon, Mexico;
Archbishop Alexander King Sample of Portland, Oregon; Archbishop Joseph Effiong Ekuwem of Calabar, Nigeria;
Archbishop Jesus Juarez Parraga of Sucre, Bolivia; Archbishop Fabio Martinez Castilla of Tuxtla Gutierrez, Mexico;
Archbishop Ramon Alfredo Dus of Resistencia, Argentina; Archbishop Mario Aurelio Poli of Buenos Aires, Argentina;
Archbishop Gintaras Linas Grusas of Vilnius, Lithuania; Archbishop Michael Owen Jackels of Dubuque, Iowa;
Archbishop Duro Hranic of Dakovo-Osijek, Croatia; Archbishop Moacir Silva of Ribeirao Preto, Brazil;
Archbishop Jozef Piotr Kupny of Wroclaw, Poland; Archbishop Sergio Alfredo Gualberti Calandrina of Santa Cruz de la Sierra, Bolivia;
Archbishop Giuseppe Petrocchi of L’Aquila, Italy.
In addition, Archbishop Francois Xavier Le Van Hong of Hue, in Vietnam, was unable to make the trip. He is to receive the pallium in his archdiocese. Below, please find the English text of his homily.

Homily of the Holy Father
Solemnity of Saints Peter and Paul, Apostles(Saturday, 29 June 2013)

Your Eminences,My Brother Bishops and Priests,
Dear Brothers and Sisters,

We are celebrating the Solemnity of Saints Peter and Paul, Apostles, principal patrons of the Church of Rome: a celebration made all the more joyful by the presence of bishops from throughout the world. A great wealth, which makes us in some sense relive the event of Pentecost. Today, as then, the faith of the Church speaks in every tongue and desire to unite all peoples in one family.

I offer a heartfelt and grateful greeting to the Delegation of the Patriarchate of Constantinople, led by Metropolitan Ioannis. I thank Ecumenical Patriarch Bartholomaios I for this renewed gesture of fraternity. I greet the distinguished ambassadors and civil authorities. And in a special way I thank the Thomanerchor, the Choir of the Thomaskirche of Leipzig – Bach’s own church – which is contributing to today’s liturgical celebration and represents an additional ecumenical presence.

I would like to offer three thoughts on the Petrine ministry, guided by the word “confirm”. What has the Bishop of Rome been called to confirm?

1. First, to confirm in faith. The Gospel speaks of the confession of Peter: “You are Christ, the Son of the living God” (Mt 16:16), a confession which does not come from him but from our Father in heaven. Because of this confession, Jesus replies: “You are Peter, and on this rock I will build my Church” (v. 18). The role, the ecclesial service of Peter, is founded upon his confession of faith in Jesus, the Son of the living God, made possible by a grace granted from on high. In the second part of today’s Gospel we see the peril of thinking in worldly terms. When Jesus speaks of his death and resurrection, of the path of God which does not correspond to the human path of power, flesh and blood re-emerge in Peter: “He took Jesus aside and began to rebuke him ... This must never happen to you” (16:22). Jesus’ response is harsh: “Get behind me, Satan! You are a hindrance to me” (v. 23). Whenever we let our thoughts, our feelings or the logic of human power prevail, and we do not let ourselves be taught and guided by faith, by God, we become stumbling blocks. Faith in Christ is the light of our life as Christians and as ministers in the Church!

2. To confirm in love. In the second reading we heard the moving words of Saint Paul: “I have fought the good fight, I have finished the race, I have kept the faith” (2 Tm 4:7). But what is this fight? It is not one of those fights fought with human weapons which sadly continue to cause bloodshed throughout the world; rather, it is the fight of martyrdom. Saint Paul has but one weapon: the message of Christ and the gift of his entire life for Christ and for others. It is precisely this readiness to lay himself open, personally, to be consumed for the sake of the Gospel, to make himself all things to all people, unstintingly, that gives him credibility and builds up the Church. The Bishop of Rome is called himself to live and to confirm his brothers and sisters in this love for Christ and for all others, without distinction, limits or barriers.

3. To confirm in unity. Here I would like to reflect for a moment on the rite which we have carried out. The pallium is a symbol of communion with the Successor of Peter, “the lasting and visible source and foundation of the unity both of faith and of communion” (Lumen Gentium, 18). And your presence today, dear brothers, is the sign that the Church’s communion does not mean uniformity. The Second Vatican Council, in speaking of the hierarchical structure of the Church, states that the Lord “established the apostles as college or permanent assembly, at the head of which he placed Peter, chosen from their number” (ibid., 19). And it continues, “this college, in so far as it is composed of many members, is the expression of the variety and universality of the people of God” (ibid., 22). In the Church, variety, which is itself a great treasure, is always grounded in the harmony of unity, like a great mosaic in which every small piece joins with others as part of God’s one great plan. This should inspire us to work always to overcome every conflict which wounds the body of the Church. United in our differences: this is the way of Jesus! The pallium, while being a sign of communion with the Bishop of Rome and with the universal church, also commits each of you to being a servant of communion.

To confess the Lord by letting oneself be taught by God; to be consumed by love for Christ and his Gospel; to be servants of unity. These, dear brother bishops, are the tasks which the holy apostles Peter and Paul entrust to each of us, so that they can be lived by every Christian. May the holy Mother of God guide us and accompany us always with her intercession. Queen of Apostles, pray for us! Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin thêm về bệnh tình ĐHY Phạm Minh Mẫn
Lm Peter Võ Sơn
08:16 29/06/2013
Sáng hôm Thứ Bảy, ngày 29 tháng 6, 2013 (theo giờ Việt Nam) Đức Hồng Y Gioanbaotixita Phạm Minh Mẫn đã trở về Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn sau 6 ngày điều trị bệnh tai biến mạch máu não tại Bệnh Viện Việt-Pháp, Phú Mỹ Hưng - Sài Gòn.

Sức khỏe của Ngài khá hơn. Xin Quý Đức Cha, Quý Đức Ông và Quý Cha tiếp tục cầu nguyện cho Đức Hồng Y Gioan Baotixita.
 
Cảnh sống đạo chốn tha hương: Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Trần Mạnh Trác & Phạm Thái Hùng
17:57 29/06/2013
Sau 38 năm tha hương, những cộng đoàn VN tại Hoa Kỳ vẫn duy trì thành công những truyền thống và mầu sắc dân tộc. Riêng tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Garland Texas, người ta vẫn thấy các hội đoàn có xuất xứ từ VN như đoàn Liên Minh Thánh Tâm, hội các Bà Mẹ Công Giáo, hội Đạo Binh Đức Mẹ, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Riêng hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mới được thành lập năm 2008 dựa theo khuôn mẫu do nhà dòng Chúa Cứu Thế tổ chức, và với thành phần hội viên tiên khởi chỉ có 15 người, ngày nay hội đã tăng lên tới 450 người.

Mục đích là cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và sinh hoạt chính là tổ chức giờ khấn Đức Mẹ mỗi tuần.

Riêng năm nay, số hội viên mới tăng thêm được 45 người trong đó có tới 25 người ở ngoài giáo xứ cũng xin tham gia.

Xem hình ảnh lễ tuyên hứa và tiệc liên hoan
 
Văn Hóa
Chúa làm những việc lạ lùng: Kính thánh Phêrô và Phaolô
Trầm Hương Thơ
19:24 29/06/2013
CHÚA LÀM... "KÍNH THÁNH PHÊRÔ & PHAOLÔ"

Chúa làm những việc lạ lùng
Phaolô bắt đạo lại dùng truyền rao.

Chúa làm những sự tào lao
Phêrô đánh cá Ngài trao vương quyền.

Chúa làm toán kiểu điên điên
Bỏ trăm tìm một con chiên lạc đàn.

Chúa làm những việc ngang ngang
Trong ngày Sabát dám mang chữa người.

Chúa làm những cái nực cười
Bảo người chết đã có mùi dậy mau.

Chúa làm ảo thuật như sau
Sáu chum nước lạnh đổi màu rượu ngon.

Chúa làm mỗi việc cỏn con
Ngồi vẽ xuống đất chẳng còn một ai

Chúa hù mấy chú thuyền chài
Đi trên mặt nước khoan thai đến thuyền

Chúa làm việc qúa hóa ghiền
Vác cậy Thật Tự lên triền núi cao

Chết rồi còn làm đảo chao
Ba hôm sống lại đến chào "bình an"

Còn sai đi khắp thế gian
Rao truyền rửa tội trao ban khắp cùng.

Phaolô giết đạo như khùng!
Phêrô thì có anh hùng chi đâu?

Chúa mang đặt làm đầu tầu
Dẫn đưa Giáo Hội nhiệm mầu lạ thay!

Hai ngài mừng kính hôm nay
Con xin viết mấy lời này kính dâng.

Trầm Hương Thơ 29.06.2013